Ngày 01-01-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nếp sống đức Mẹ Maria: suy niệm , gìn giữ và thực hành
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
11:06 01/01/2014
Nếp sống đức Mẹ Maria: suy niệm , gìn giữ và thực hành

Ngày 01.01. Dương lịch hằng năm theo phong tục nếp sống văn hóa trong tôn giáo và nơi phần đời là ngày linh thiêng. Ngày này mang dấu tích linh thiêng, vì đó là ngày thứ nhất của năm mới. Năm cũ đã đi vào thời gian qúa khứ, và ngày thứ nhất bắt đầu ở ngưỡng cửa năm mới, thời gian tương lai đang bắt đầu.

Vui mừng đón năm mới đến. Nhưng tâm tình đón mừng năm mới không dừng lại nơi đó. Con người với lý trí và tầng trực gíac cũng như thần kinh cảm giác còn có cách thế khác đón mừng năm mới nữa, nhất là với nười có niềm tin đạo gíao.

Người Công Giáo chúng ta hướng tâm trí, tình cảm của mình về đức mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa trong dịp sang biến cố năm mới này. Hướng về đức mẹ không hẳn chỉ để ca ngợi. Nhưng còn muốn học hỏi soi gương đời sống đức mẹ Maria đã sống những biến cố mới trong đời sống như thế nào.

Phúc âm ngày đầu năm mới thuật lại: Đức mẹ Maria sau biến cố hạ Chúa Giêsu với những tủi thân, đau buồn cùng những niềm vui mừng thần thánh, mà tâm trí không sao hiểu thấu được, chỉ còn biết gìn giữ tất cả trong tâm hồn và suy niệm trong lòng. Lk 2,16-21.

Đức mẹ Maria không chỉ gìn giữ cùng suy nghĩ về biến cố hạ sinh Chúa Giêsu trong hang chuồng xúc vật ngoài cánh đồng, nhưng còn tất cả những biến cố khác nữa đã xảy đến cho đời đức mẹ trong qúa khứ và trong tương lai nữa. Những biến cố ngạc nhiên bỡ ngỡ, vâng xa lạ khó hiểu nữa, như được Thiên Thần hiện đến truyền tin Chúa Giêsu xuống làm người trong cung lòng mình, như cùng với Thánh Giuse vượt đường xa về Bethlehem tìm qúan trọ dọc đường hạ sinh hài nhi Giêsu trong hang chuồng xúc vật, biến cố đi tỵ nạn sang Ai Cập, biến cố lạc mất con trong đền thờ, biến cố Chúa Giêsu con mình bị bắt chịu sỉ vả làm nhục, sau cùng bị kết án đóng đinh vào thập gía, và sau cùng biến cố Chúa Giêsu sống lại về trời.

Không sao hiểu được, và đức mẹ gìn giữ tất cả những điều đó trong lòng mình suy nghĩ cùng thực thi tuân theo ý Chúa..

Nếp sống như thế của đức mẹ Maria, theo với cung cách sống trong đời vật lộn chiến đấu xem ra xa lạ. Đúng vậy, nhưng với nếp sống tinh thần lại là chỉ dẫn tốt hữu ích, nhất là cho đời sống đức tin vào Chúa dịp khởi đầu bước vào thời gian năm mới.

Trong đời sống ai cũng đã đang cùng sẽ trải qua những biến cố bất ngờ không sao có thể lấy lý trí hiểu ra được. Gìn giữ, suy nghĩ với lòng tin tưởng là cung cách sống giúp đời sống không dừng dậm chân lại tạo chỗ, trái lại có đà sức chiến đấu vươn lên.

Người đặt niềm tin vào Thiên Chúa xác tín rằng, Thiên Chúa là nguyên ủy và cùng đích của đời sống con người trong mọi ngày. Tình yêu thương của Ngài chăm sóc hướng dẫn con người qua nhiều cách thế, cũng như Ngài ban ơn trợ giúp cho có sức mạnh thực hành theo ý Chúa trong đời sống.

Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa tỏ hiện trong các Bí Tích, trong Lời của Ngài nơi kinh thánh, trong gia đình, trong Hội Thánh.

Với niềm tin tưởng như khi xưa đức mẹ Maria đã sống, chúng ta bước vào thời gian tương lai năm mới, cho dù không hiểu biết được sự gì sẽ đến cũng như có thể xảy đến với sự bỡ ngỡ xa lạ.

Ngày đầu năm mới, mừng kính Đức Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, người tín hữu Chúa Kito với lòng vui mừng biết ơn cùng tin tưởng trong chúc phúc lành của Thiên Chúa.

Chúc mừng Năm mới 2014
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long














 
Một bông hồng cho Dân Chúa
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
11:08 01/01/2014
Một bông hồng cho Dân Chúa

(Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa 2014)

Trong cuộc đời của mỗi người, ai ai cũng phải trải qua không ít những lần mất mát khổ đau ; nhưng có lẽ nổi đau to lớn nhất, nỗi mất mát kinh khủng nhất là nổi đau mất mẹ, như cách diễn tả của bài thơ sau :

Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời!

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận kẻ mồ côi.

……………………….

Hoàng hôn phủ trên mộ,

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Mất cả một bầu trời.

Về phương diện Giáo Hội cũng thế. Quả thật, nếu Giáo Hội không đặt đúng vai trò của Đức Mẹ trong trật tự niềm tin của mình, hay, nếu hình ảnh của Đức Mẹ lu mờ đi trong cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa, thì buồn tẽ biết bao, khô khan biết bao, thiếu vắng biết bao.

Thật là may mắn ! Thật là hạnh phúc ! Chúng ta vẫn còn Mẹ, Giáo Hội vẫn còn Mẹ, Dân Chúa vẫn luôn có Mẹ đồng hành trên muôn nẻo đường dương thế, trong “nơi lũng đầy nước mắt” nầy. Và chân lý Đức Maria Mẹ Thiên Chúa mà Hội Thánh cử hành hôm nay, thêm một lần nữa khẳng định với chúng ta rằng : Mẹ đang giang tay che chở đoàn con trên biển đời dậy sóng. Nếu dùng ngôn ngữ của bài ca “Bông Hồng cài áo” của ns Phạm Thế Mỹ để hát về người mẹ, thì chúng ta cũng có thể lên rằng : Một bông hồng cho Giáo Hội, cho Dân Chúa, vì “chúng ta vẫn còn mẹ”.

Chúng ta thử tìm lại đôi dòng ký ức về Mẹ của Dân Chúa.

1. Một thoáng “hành hương cùng tín điều Mẹ Thiên Chúa” :

Cách đây hơn 15 thế kỷ, dân thành Êphêsô đã có một đêm rước đuốc tưng bừng, đêm 22.06.431, đêm mà Dân Chúa hân hoan vì sự vinh thắng của đức tin truyền thống về mầu nhiệm Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa được Công Đồng Êphêsô tuyên tín bằng những từ ngữ mạnh mẽ và trang trọng : “Nếu ai không tuyên xưng Đấng Emmanuel là Thiên Chúa thật, và do đó, Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra xác phàm của Ngôi Lời nhập thể, thì mắc vạ tuyệt thông”. Và cũng từ cái “đêm không ngủ rực sáng tưng bừng Êphêsô” ấy, một làn gió xuân tươi mát dịu dàng của “Tình Mẹ”, của “Đấng Đầy ơn phước”, của lời chào thân thương “Ave Maria”…đã men theo dọc bờ Địa Trung hải, đã vượt qua núi rừng Tiểu Á, sa mạc Châu Phi để tràn vào các cộng đoàn Alexandria, Constantinopoli, Antiokia, sang tận Rôma và sau đó lan ra khắp Âu Châu và toàn thể địa cầu. Và rồi, sau hơn 15 thế kỷ từ biến cố Công đồng Êphêsô, tín điều “Mẹ Thiên Chúa”, sau những chặng đường dài được kiện toàn và củng cố trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa , cách đây 50 năm đã được Công Đồng chung Vatican II xác định một cách thâm thúy và nhẹ nhàng hơn trong Hiến chế về hội Thánh : “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa…Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội…Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Đức Kitô” (GH 61,63).

Niềm tin của Dân Chúa về Mẹ, quả thật, càng lúc càng thâm thúy hơn, sâu sắc hơn, chứ không hề suy giảm hay lệch lạc. Kinh Kính Mừng nếu ngày xưa chỉ được một mình Bà Isave đọc lên trong biến cố Thăm Viếng, thì ngày hôm nay, đã được hàng triệu triệu môi miệng vang lên trên khắp mọi nẻo đường thế giới.

Tuy nhiên, cũng sẽ có người đặt vấn đề :

2. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa : Tước hiệu nầy hợp lý không ?

Quá hợp lý. Khi Hội thánh tuyên xưng tín điều Mẹ Thiên Chúa là Hội Thánh càng đào sâu và củng cố chính mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Tước Vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria chẳng những không làm lu mờ mà đã làm rực sáng lên huyền nhiệm Em-ma-nu-en.

Thật vậy, Khi xuống thế làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy bản tính của nhân loại. Nếu Ngài đã không từ chối sinh ra trong lòng một dân tộc cứng đầu và phản loạn, đã không chọn cho mình một gia đình quí tộc đế vương, nhưng lại chấp nhận thuộc dòng con cháu Áp-ra-ham mà trong thứ tự gia phả (Mt 1,1-16) đã có ít nhất 4 người phụ nữ không ra gì : Ta-Ma loạn luân (St 38, 1-30), Ra-kháp mãi dâm (Gs 2, 1-21), Rút ngoại đạo (R 3-4), Bát-sê-ba ngoại tình (2 Sm 11,12), thì việc Ngài làm con Đức Maria, một Trinh nữ thánh thiện, không nhiễm tội truyền, có gì là không chấp nhận đươc ! Cũng thế, nếu Đấng Kitô của Thiên Chúa lại chấp nhận chen lẫn với đoàn người tội lỗi lội xuống dòng sông Gio-đan để Gioan Tẩy Giả thanh tẩy, nếu “Đấng Thánh của Thiên Chúa” sẵn sàng đàn đúm với bọn người thu thuế tội lỗi như Matthêô, như Maria Mađalêna…, nếu “Con Chiên vẹn tuyền của Thiên Chúa”, lại chấp nhận bị kết án, bị lột trần, bị đánh tan nát và bị đóng đinh chết giữa hai tên trộm cướp…, thì việc Ngài chấp nhận làm Con của một người Trinh Nữ thánh thiện có gì là bất hợp lý đâu !

Chẳng những đã không bất hợp lý mà lại rất cần thiết ; vì Đức Trinh Nữ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn để cọng tác với Ngài trong công cuộc thực hiện chương trình cứu rỗi mà thư thánh Phaolô gởi giáo đoàn Galát vừa khẳng định trong Bài đọc 2 : “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”

3. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa để Hội Thánh lớn lên và không ngừng tươi trẻ

Ở giữa lòng Hội Thánh Công Giáo hôm nay, Mẹ Maria đã đang và mãi mãi đồng hành với Hiền Thê của Con Mẹ, để làm cho Hội thánh lớn lên và không ngừng tươi trẻ. Từ Lộ Đức tới La Vang, từ Trà Kiệu tới Fatima…Mẹ luôn dõi theo từng bước chân của Hội Thánh để chăm sóc giữ gìn, để động viên an ủi, để dạy bảo răn đe. Nói cách khác, Mẹ không ngừng đem cho Giáo Hội những làn gió mát của Thánh Thần để chiếc sáo Giáo Hội rung lên những giai điệu tuyệt vời hầu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho muôn dân tộc, như cách diễn tả của thi sĩ Xuấn Diệu, một người ngoại giáo, đã cảm nhận sâu sắc về Mẹ Trà Kiệu qua mấy vầng thơ mượt mà thanh thoát :

Nên hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ,

Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng.

Con là sáo mẹ là ngàn vạn gió,

Mẹ là trời con là hạt sương rung.

4. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Nữ vương của hòa bình.

Ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, ngày Đầu Năm hôm nay cũng là ngày cầu cho hòa bình thế giới.

Nhận định tình hình của thế giới trong một năm, ĐTC Phanxicô đã nêu bật thực trạng nầy trong Sứ điệp ngày Hòa Bình thế giới đầu tiên của ngài như sau :

“Trong năm qua, nhiều anh chị em của chúng ta tiếp tục phải gánh chịu kinh nghiệm hủy hoại của chiến tranh, gây nên một vết thương sâu và nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình huynh đệ. Nhiều cuộc xung đột đang diễn ra giữa sự thờ ơ chung.” Và ngài nhấn mạnh tới sứ mạng của Giáo Hội khi đối diện với thực trạng ấy :

“Với những anh chị em đang sống trong những vùng đất nơi đó vũ khí áp đặt khủng bố và sự hủy diệt, tôi đảm bảo sự gần gũi cá nhân tôi và sự gần gũi của toàn thể Giáo Hội, sứ mạng của Giáo Hội là mang tình yêu của Chúa Ki-tô đến với những nạn nhân không có khả năng tự vệ, bị lãng quên bởi chiến tranh thông qua lời cầu nguyện cho sự hòa bình, qua sự phục vụ cho những người bị thương tích, đói kém, di dân, những người phải thay đổi nơi ở và tất cả những người đang sống trong sợ hãi. Giáo Hội cũng sẽ lên tiếng để giúp các vị lãnh đạo lắng nghe được tiếng khóc than của những người đang gặp đau khổ và đặt một dấu chấm hết cho mọi hình thức của hận thù, lạm dụng và bạo lực đối với các quyền nền tảng của con người.[15]

Thật đúng lúc và thích hợp khi Đức Maria Mẹ Thiên Chúa được chọn như “Người Mẹ của Hòa Bình” để ngày hôm nay, đầu năm Dương Lịch, cả Hội Thánh dâng lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Đã đến lúc, không chỉ cầu nguyện cho hòa bình mà mỗi người chúng ta phải là những tác nhân đi xây dựng hòa bình, phải là những tông đồ mang “Hoàng Tử Bình An” đến cho nhân loại. Bài học sâu xa nhất, cụ thể nhất mà chúng ta có thể học được nơi Đức Mẹ để trở nên tác nhân của hòa bình đó chính là biết “Xin vâng”, một thái độ cần thiết, một tiếng nói quyết định, đem lại niềm hy vọng cho loài người, ơn cứu độ cho thế giới, như ước nguyện của ĐTC Phanxicô trong lời nguyện kết thúc sứ điệp hòa bình :

“Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giê-su, xin giúp chúng con hiểu và sống mỗi ngày tình huynh đệ xuất phát từ trái tim Con Mẹ, để chúng con mang bình an đến với mỗi người trên trái đất thân yêu của chúng con.”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày hòa bình thế giới - Bạo lực Hồi Giáo: những nẻo đường chông gai
Đặng Tự Do
16:41 01/01/2014
“Chúng ta sẽ không cam chịu một Trung Đông không còn tín hữu Kitô”

Hôm 21 Tháng 11 năm 2013 là lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương tự trị trong tình hiệp thông trọn vẹn với Rôma.

Đức Thánh Cha đã khích lệ các vị Thượng Phụ và Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương hãy gia tăng tình hiệp thông trong các Giáo Hội thuộc quyền và làm sao để chứng tá của mình luôn đáng tin cậy. Dịp này, Đức Thánh Cha cũng nêu bật những suy tư của ngài trước làn sóng khủng bố nhắm vào các tín hữu Kitô tại Trung Đông.

Đức Thánh Cha nói:

“Chúng ta sẽ không cam chịu một Trung Đông không còn tín hữu Kitô”.

“Chúng ta sẽ không cam chịu một Trung Đông không còn tín hữu Kitô”
Câu nói của Đức Thánh Cha nêu bật quyết tâm duy trì sự hiện diện của các Kitô hữu nơi vùng đất lịch sử của Kitô Giáo. Tuy nhiên, qua câu nói ấy, ta cũng có thể hình dung ra được tình trạng của các tín hữu Kitô trong vùng đã bi đát đến mức nào.

Tàn sát, bắt cóc, tra tấn, tù đầy, ngược đãi các tín hữu Kitô đã là chủ trương không chỉ của các nhóm phiến quân thánh chiến Hồi Giáo, hay của một vài thầy giảng Kinh Qur’an lẻ tẻ - thể hiện trên những Fatwa sắt máu của họ, nhưng ngày nay nó còn là chủ trương của các nhà nước Hồi Giáo - được công khai thể hiện nơi những sắc lệnh cấp nhà nước.

Ngày 23 tháng 12, 2013, Bộ Tư Pháp và Tôn Giáo Sự Vụ của Somalia đã thông báo lệnh cấm bất cứ cử hành nào liên quan đến Giáng Sinh ở quốc gia Hồi giáo Sunni này.

Tổng giám đốc thông tin của Bộ này cho biết rằng "tất cả các cơ quan an ninh và các lực lượng thực thi pháp luật đã được hướng dẫn để phản ứng mạnh chống lại bất kỳ cử hành nào liên quan đến Lễ Giáng Sinh", Đài Truyền Hình Kenya Broadcasting Corporation cho biết như trên.

Đứng trước bạo lực kinh hoàng của những thành phần Hồi Giáo cực đoan, Giáo Hội qua các triều Giáo Hoàng đều theo đuổi một đường lối chung là đối thoại và cổ vũ sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tín hữu Hồi Giáo và các tín hữu Kitô.

Trước khi Mỹ xua quân vào Iraq ngày 19 tháng Ba năm 2003, nước này có 1,5 triệu Kitô hữu. Ngày nay, chúng ta chỉ còn 200, 000 tín hữu Kitô tại đây và làn sóng di cư ra nước ngoài vẫn tiếp diễn trước những cuộc đặt bom, ném lựu đạn vào nhà thờ, bắt cóc, tra tấn.. Trước thực trạng là tình hình của các tín hữu Kitô ở toàn vùng Trung Đông rõ ràng là càng ngày càng xấu đi nhanh chóng như thế, không ít người tự hỏi liệu con đường đối thoại có “work” không?

Trả lời câu hỏi trên chắc chắn là không dễ dàng gì.

Bài học của Putin

Nhà ga trung ương Volgograd bị tấn công
Xe bus bị tấn công
Công dân bị khám xét bất ngờ
Một giờ trưa ngày Chúa Nhật 29 tháng 12, một phụ nữ đeo bom tự sát bị chặn lại tại máy dò kim loại ở cổng vào nhà ga trung ương Volgograd, nơi trong 6 tuần lễ nữa sẽ diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông ở thị trấn Sochi. Bà ta cho nổ quả bom ước tính tới 10kg TNT trên người giết chết 17 người và làm 35 người khác bị thương.

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, lúc 8h10 sáng thứ Hai 30 tháng 12, giữa giờ cao điểm, đường xá tập nập người và xe, một người đàn ông cho nổ một quả bom khác trên xe bus. Cuộc tấn công giết chết 10 người và làm 15 người khác bị thương.

Thế giới đã quá quen với các vụ tấn công đồng loạt ở nhiều nơi và không cần biết nạn nhân là ai, chỉ cốt gây được tiếng vang. Tuy thế, sự khủng khiếp của hai cuộc tấn công liên tiếp trong vòng chưa đến 24 giờ tại thành phố Volgograd vẫn gây sốc vì chúng có tổ chức, tàn nhẫn và vì sự tự tin lạnh lùng của những kẻ khủng bố.

Những cuộc tấn công khủng bố ở Volgograd có thể so sánh với những vụ khủng bố trong suốt hơn một tuần hồi Tháng Chín năm 1999 phá hủy các tòa nhà ở Mạc Tư Khoa và thành phố Volgodonsk, giết chết hàng trăm người. Dưới mắt dân chúng thời đó, các quan chức Nga đã tỏ ra bất lực và thường hoảng sợ.

Thủ tướng Nga lúc bấy giờ là Vladimir Putin, một quan chức tình báo của KGB ít được biết đến dưới thời chiến tranh lạnh, lập tức đổ lỗi cho Chechnya - mặc cho Chechnya chối bai bải - và lập tức gửi quân đội sang đánh. Nghiền nát quân đội của một nhà nước mong manh tự tuyên bố độc lập là trận đầu tiên trong một chiến dịch lâu dài của Putin nhằm khôi phục lại uy thế thê thảm của Nga sau sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, được ghi dấu cụ thể nhất bằng thất bại nhục nhã của Boris Yeltsin trong cuộc chiến với người Hồi giáo ly khai Chechnya.

Putin đã trở thành tổng thống trong vòng một năm và đã không bỏ lỡ cơ hội nào để áp dụng chủ trương ra đòn thẳng tay và tàn bạo trong sách lược đối phó với khủng bố Hồi Giáo. Pháo binh của ông ta san bằng Grozny để ngăn chặn phiến quân sử dụng nó như một thành trì. Tòa án Âu Châu về Nhân Quyền liên tục tố cáo Nga về những tội ác họ gây ra với những phiến quân bị bắt. Không cần tòa án xét xử, đàn ông thì bị tra tấn, bị giết; phụ nữ thì bị hãm hiếp trong khi pháo binh cầy nát sườn núi Caucasus.

Đánh tàn bạo, không ngưng nghỉ và đánh toàn diện là đặc điểm trong sách lược đối phó với khủng bố Hồi Giáo. Không chỉ đánh trên chiến trường, ông ta bỏ tù những người giàu nhất bị nghi là tài trợ cho phiến quân - Mikhail Khodorkovsky là một thí dụ. Ông ta đã bị giam cầm và Putin đã cướp đi công ty dầu của ông này. Trò này dằn mặt được khá nhiều những người khác.

Kỹ thuật đánh toàn diện được nới rộng cả sang các nghệ sĩ biểu diễn, là những người tham gia vào cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tại Chechnya tại nhà thờ chánh tòa Mạc Tư Khoa, cả trên những nhà đấu tranh bảo vệ môi trường.

Nhờ Putin, nước Nga đã biến đổi từ một gã đàn ông bệnh hoạn của châu Âu, thành một nhân vật sáng giá trên chính trường quốc tế, khệnh khạng trong các cuộc thương thuyết khó khăn như thể đang chuẩn bị điều mà một số người gọi là cuộc chiến tranh lạnh mới.

Ông ta đã rất chắc chắn về sự tiến bộ của Nga dưới sự lãnh đạo của mình đến mức năm 2007, ông đã cố gắng vận động cho Thế vận hội Mùa Đông, và đã giành được quyền tổ chức ngày hội trọng đại này của thế giới tại khu nghỉ mát Biển Đen Sochi vào năm 2014. Còn cách nào tốt hơn để cho thế giới thấy nước Nga đã trở lại oai hùng như thời Liên Sô?

Nhưng trên những dãy núi ở Sochi, mọi sự không diễn ra như lòng mong muốn. Putin có thể đã giết chết nhà lãnh đạo của phiến quân, nhưng quân nổi dậy vẫn còn. Một nhà nước Hồi Giáo độc lập là ngoài tầm với của họ, do đó, những thanh niên Hồi giáo đã ngừng chiến đấu cho lý tưởng đó, hoặc cho bất cứ điều gì cụ thể. Họ chiến đấu cho sự trả thù, thông qua những cơn cuồng nộ, hoặc đang thực hiện theo những giáo lý của một tôn giáo đã bị bóp méo trong ngọn lửa của chiến tranh.

Kể từ khi Putin "bình định" được Chechnya, các vụ đánh bom tự sát vẫn xảy ra tại các sân bay, trên các máy bay, tại các nhà ga và trên các chuyến xe lửa, trên đường phố và trên xe buýt, ở những buổi hòa nhạc và các ngôi chợ.

Các cuộc tấn công không đạt được gì, chẳng nhắm vào điều gì ngoài đau khổ và những cái chết.

Putin đã thắt chặt luật lệ và trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan an ninh và tình báo của mình. Điệp viên được phân công theo dõi bất cứ thanh niên Hồi giáo nào bị nghi ngờ là những kẻ khủng bố, nhưng điều đó đã khiến hàng chục ngàn thanh niên trẻ chạy trốn khỏi Nga, và đem bạo lực theo với họ. Có những người Chechnya chiến đấu ở Syria. Và có cả hai người tị nạn đánh bom vào cuộc chạy marathon ở Boston, Hoa Kỳ.

Cuộc chiến đấu tràn qua cả các khu vực lân cận của Nga, và các kẻ đeo bom khủng bố hiện nay chủ yếu đến từ nước láng giềng Dagestan, một đất nước đa sắc tộc mà Nga chưa bao giờ nắm được dù đã bơm không biết bao nhiêu tiền vào đấy.

Quân khủng bố từ lâu chẳng còn có một chính nghĩa nào, một đòi hỏi cụ thể nào ngoài trả thù.

Putin yên tâm rằng Thế vận hội Mùa Đông này sẽ diễn ra suôn sẻ đến mức tuần trước ông ta tuyên bố trả tự do cho Khodorkovsky và một nhóm Greenpeace đã từng phản đối việc khai thác dầu mỏ của Nga ở Bắc Cực.

Nhưng giờ đây ông vẫn phải đối mặt với kẻ thù lâu đời nhất của mình - những kẻ cuồng tín giết người bằng bom - và họ đang quyết tâm phá hỏng ngày hội thế giới này của ông.

Ông chỉ biết một phương pháp và đó là ra đòn thẳng tay và tàn bạo. Để đối phó với tình hình ở Volgograd, ông đã ra sắc lệnh phạt ba năm tù cho bất cứ ai tán thành ly khai. Một số đồng minh của ông tại Nga còn đi xa hơn khi đề xuất khôi phục lại hình phạt tử hình, là điều những kẻ ôm bom tự sát kia có lẽ chả coi ra gì.

Ra đòn thẳng tay và tàn bạo đã không “work” như trước đây, và không có lý do gì để tin rằng bây giờ nó sẽ “work”. Với Thế vận hội đang gần kề, Putin không có cả thời gian lẫn ý hướng thay đổi sách lược. Khi cả điện Kremlin lẫn các thành phần khủng bố của nó vẫn tiếp tục mưu cầu hòa bình thông qua các cuộc chiến tranh, có lẽ chúng ta còn phải thấy nhiều ngày đen tối như thế này trong tương lai.
 
Thánh lễ đầu Năm Mới tại Vatican
Đặng Tự Do
16:37 01/01/2014
Lúc 10h sáng thứ Tư 1 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón năm mới với thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hoà Bình thế giới tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Ngài kêu gọi các tín hữu nhìn lên Đức Maria như một người Mẹ cho tất cả chúng ta và như một sứ giả của niềm hy vọng.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có đông đảo các vị trong giáo triều Rôma. Đặc biệt, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, và Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đứng hai bên Đức Thánh Cha trên bàn thờ. Tham dự thánh lễ có các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn và đông đảo các tín hữu ngồi chật bên trong đền thờ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong năm Phụng Vụ "không có thời điểm nào có ý nghĩa hơn là ngày đầu một năm mới" để lắng nghe phúc lành của Thiên Chúa.

"Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!
Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!
Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!"
(Dân Số 6:24-26)

Những lời đầy sức mạnh, lòng can đảm và hy vọng này sẽ đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình trong Năm Mới. Đây không phải là một niềm hy vọng đầy ảo tưởng dựa trên những lời hứa yếu đuối của con người, hay một hy vọng ngây ngô giả định rằng tương lai sẽ tốt hơn hiện tại đơn giản chỉ vì nó là tương lai. Nhưng niềm hy vọng này có lý do của nó bắt nguồn từ phúc lành của Thiên Chúa, một phúc lành chứa đựng lời cầu chúc lớn nhất, lời cầu chúc của Giáo Hội gửi đến từng người trong chúng ta, tràn đầy tất cả sự chở che yêu thương của Chúa và sự trợ giúp quan phòng của Ngài.

Thông điệp của hy vọng trong phúc lành của Thiên Chúa, đã được thực hiện đầy đủ trong một người phụ nữ là Đức Maria, người được chỉ định để trở thành Mẹ Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu phó thác cho Mẹ "hành trình đức tin, những khao khát trong con tim chúng ta, nhu cầu của chúng ta và của toàn thế giới, đặc biệt là của những ai đói khát công lý và hòa bình,"

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng "qua gương khiêm nhường và sự cởi mở của Mẹ Maria với Thánh Ý Chúa, Mẹ sẽ giúp chúng ta truyền đạt đức tin với lòng hân hoan công bố Tin Mừng cho tất cả mọi người ". Hướng về phía bức tượng Đức Mẹ gần bàn thờ chính Đức Thánh Cha đã lặp đi lặp lại một cách mạnh mẽ ba lần "Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con"

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin chung với 140,000 tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có hàng trăm nhóm tham dự cuộc tuần hành cho hòa bình do cộng đoàn thánh Egidio, các hiệp hội và phong trào kitô và hòa bình tổ chức ngày mùng 1 tháng Giêng hàng năm. Năm nay cuộc tuần hành cho hòa bình đã được tổ chức trong 700 thành phố trên toàn thế giới.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã chúc mọi người được hòa bình và mọi điều thiện hảo trong năm mới 2014, Ngài nói: Lời chúc này của Giáo Hội dựa trên biến cố chính của lịch sử: Đức Giêsu Kitô đã nhập thể làm người, đã chết và sống lại. Lời chúc ấy có một đích điểm là Vương quốc Thiên Chúa, nước của hòa bình, công lý và tự do trong tình yêu; và có sức mạnh hướng tới đích điểm ấy nơi Chúa Thánh Thần.

Sứ điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha về ngày hòa bình thế giới 1.1.2014 có chủ đề là “Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn tới hòa bình”

Sứ điệp này của Đức Thánh Cha bao gồm 10 số, trong đó Ngài bàn đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, mà tâm điểm là tình huynh đệ. Ngài đã dựa vào câu chuyện của ông Cain và Aben trong sách Sáng Thế để nhận định rằng tình huynh đệ là ơn gọi và cũng là khao khát cháy bỏng của mọi con người. Nhưng con người đã vì những ích kỷ của mình mà phản bội lại ơn gọi này khi nỡ ra tay sát hại đồng loại, gây ra biết bao tai ương cho nhau.

Ngài cũng trích dẫn một số Thông Điệp của các vị tiền nhiệm để gợi nhắc lại ý nghĩa của chữ “hòa bình”. Để có thể có được bình an, nhất thiết, con người không thể xem nhau như người đối nghịch nhưng như những anh chị em thân cận để quan tâm và chăm sóc.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng con người sẽ không thể có được tình huynh đệ thực sự với nhau nếu không quy chiếu đến một tình Phụ tử chung là tình yêu của Thiên Chúa.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã cám ơn Tổng Thống Italia là ông Napolitano về các lời cầu chúc trong sứ điệp cuối năm. Ngài xin Chúa tuôn đổ phúc lành trên tổng thống và toàn dân Italia, để với sự đóng góp có trách nhiệm và liên đới của mọi người, đất nước Italia có thể nhìn về tương lai với sự tin tưởng và niềm hy vọng. Ngài cũng cám ơn tất cả các sáng kiến dấn thân cho hòa bình tại khắp nơi trong ngày Hòa Bình thế giới, đặc biệt là cuộc tuần hành toàn quốc tại Campobasso do Hội Đồng Giám Muc Italia cùng phát động chiều ngày 31 tháng 12 cùng với tổ chức Caritas và Hòa Bình Chúa Kitô; cũng như các cuộc biểu tình “Hòa bình trong mọi vùng đất” do cộng đoàn thánh Egidio tổ chức tại Roma và nhiều nơi khác trên thế giới.
 
Ngày Hòa Bình: đã đến lúc phải chấm dứt bạo lực!
Bùi Hữu Thư
18:03 01/01/2014
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Kinh Truyền Tin

ROME, 1 tháng 1, 2014 (Zenit.org) – “Đã đến lúc phải chấm dứt bạo lực!” đây là ước nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô dưới hình thức một huấn dụ, vào ngày thứ tư 1 tháng 1, 2014, là Ngày Hòa Bình Thế Giới.

Đức Thánh Cha đã chủ tọa buồi đọc kinh Truyền Tin cầu nguyện với Đức Mẹ vào lúc trưa tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đã nhắc lại sứ điệp của ngài cho Ngày Hòa Bình Thế Giới: “Tình huynh đệ là nền tảng và con đường đi tới hòa bình.”

Trước đám đông đến Vatican từ khắp nơi trên thế giới vào ngày đầu năm Dương Lịch, Đức Thánh Cha đã nói lên tiếng nói từ trong đáy tim của ngài: “Những gì đang xẩy ra trong trái tim con người? Những gì đang xẩy ra trong trái tim nhân loại? Đã đến lúc phải chấm dứt!, “để dừng chân trên con đường bạo tàn này”, và “để tìm kiếm hòa bình.”

Ngài nhắc rằng tất cả mọi người “đều là con cái của một Cha duy nhất trên trời”, “cùng thuộc về một gia đình”, và “cùng chia xẻ một định mệnh chung. Ngài nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi người là phải “hoạt động để cho thế giới trở nên giống như một cộng đồng của các huynh đệ, biết tôn trọng nhau, chấp nhận nhau trong sự đa dạng, và biết chăm sóc lẫn nhau.”

Mỗi người đều được mời gọi “để vạch ra các hành động bạo tàn và bất công hiện diện trong thế giới, và không được thờ ơ và bất động”. Ngài nhấn mạnh: “phải có sự tham gia của tất cả mọi người để xây dựng một xã hội thực sự công chính và liên đới hơn.”

Đức Thánh Cha đã khuyến khích mọi người “tiến bước với lòng quyết tâm trên những con đường công chính và hòa bình.” Công chính và hòa bình phải “bắt đầu ngay trong gia đình” và “sau đó lan tràn trong tất cả nhân loại.”

Ngài đã mời gọi mọi người dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, mà chúng ta mừng kính hôm nay dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, “tiếng kêu của những dân nước bị áp bức bởi chiến tranh, và bạo lực”, để cho “niềm can đảm của việc đối thoại và hòa giải có thể vượt thắng những cám dỗ của sự trả thù, lạm dụng, và tham nhũng.”

Để kết luận, ngài đã cầu chúc rằng “Phúc Âm của tình huynh đệ, được Giáo Hội loan báo và làm chứng tá, có thể khuất phục tất cả mọi lương tâm và phá đổ những bức tường ngăn không cho các kẻ thù nghịch nhận biết nhau như những người anh em.”

Sau kinh TruyềnTin, Đức Thánh Cha đã chào mừng “rất nhiều dự án hòa bình” nhân danh Ngày Hòa Bình này, ngài đã nêu tên: “Diễn Hành Quốc Tế do Hội Đồng Giám Mục Ý tổ chức (CEI), Caritas và Pax Christi tại Campobasso”, phong trào quốc tế “Bình An trên mọi miền đất” của Cộng Đồng Sant’Egidio và đêm canh thức cầu nguyện của Phong Trào “Tình yêu gia đình” vào ngày 31 tháng 12 tại quảng trường Thánh Phêrô.
 
Năm 2013: 10 câu Thánh Kinh được đọc nhiều nhất
Vũ Văn An
23:04 01/01/2014
Ứng dụng YouVersion Bible app vừa công bố bản phân tích cuối năm 2013 của họ. Bản phân tích này cho thấy cách những người dùng ứng dụng này “cư xử” với Thánh Kinh trong năm qua ra sao: họ đã chia sẻ tất cả 68 triệu câu Thánh Kinh qua ứng dụng này.

Nhưng câu Thánh Kinh nào được họ chia sẻ nhiều hơn cả? Đó là câu 4:13 trong Thư Philíphê: “Tôi có thể làm mọi sự nhờ Chúa Kitô, Đấng tăng sức mạnh cho tôi”.

Điều cũng đáng lưu ý, là chương Thánh Kinh được đọc nhiều hơn cả là chương 8 thư Rôma là chương được YouVersion cho hay “được đọc 4 lần mỗi giây đồng hồ trong năm 2013”. Các chương khác có hạng tiếp theo là Thư Rôma 12, Tin Mừng Mátthêu 5, thư 1Gioan 4, và thư Do Thái 12.

I. Các câu được đọc nhiều hơn hết

* Câu của năm 2013: Thư Philíphê 4:13: Tôi có thể làm mọi sự nhờ Chúa Kitô, Đấng tăng sức mạnh cho tôi.
* Mười câu được chia sẻ nhiều hơn cả:

1. Thánh vịnh 118:24: Ðây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
2. Thư thứ nhất của Thánh Phêrô 5:6: Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để người cất nhắc anh em khi đến thời người đã định.
3. Tiên tri Isaia 41:10: Ðừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi. Ðừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta.
4. Tin Mừng Mátthêu 7:7: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho.
5. Tiên tri Isaia 40:31: Nhưng những người cậy trông Ðức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.
6. Thư Do Thái 4:15: Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Ðấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi.
7. Thư Êphêsô 5:25-26: Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống.
8. Giosuê 1:9: Mạnh bạo lên, can đảm lên! Ðó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Ðừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới.
9. Thư 2 Timôtê 1:7: Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.
10. Thánh vịnh 18:2 : Con yêu mến Ngài, lạy Chúa, là sức mạnh của con.

II. Cách chương được đọc nhiều hơn cả:

1. Chương 8 thư Rôma:

Thánh Phaolô đại để nói tới việc người tín hữu sống theo Thần Khí, chứ không sống theo xác thịt. Hướng đi của xác thịt là sự chết, hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an. Thần khí “làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: ‘Ápba! Cha ơi!’"… “Đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Ðức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người”.

… “Người đã cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”.

Thánh Phaolô, nhân dịp này, ca tụng tình yêu của Thiên Chúa: “Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”... Do đó, “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”. Không. Vì “tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta’.

2. Chương 12 Thư Rôma: Gồm nhiều lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô:

a) Cách thức xứng hợp để thờ phượng Thiên Chúa: là “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”

b) Sống khiêm nhường và bác ái trong cộng đoàn: “đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức” như một bộ phận trong cùng một thân thể, “ai nấy liên đới với nhau” … “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ… thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình... hãy chia sẻ với các thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà...

c) Bác ái đối với mọi người kể cả thù địch: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với nguòi khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Ðức Chúa Phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Ðừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác”.

3. Chương 5, Tin Mừng Mátthêu: Trọng điểm là Bài Giảng Trên Núi:

a) Tám mối phúc: nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khát khao nên người công chính, biết xót thương, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì sống công chính, vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống.

b) Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian: “muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?”… “chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà”.

c) Chúa Giêsu kiện toàn Luật Môsê : “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn… trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được”.

d) Đức công chính của người môn đệ: “nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

e) Đừng giận ghét: “nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

f) Chớ ngoại tình: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”.

g) Đừng ly dị: "Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

h) Đừng thề thốt: "Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Ðức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả”…hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.

i) Chớ trả thù: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa”.

j) Phải yêu kẻ thù: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.

Tóm lại “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện”.

4. Chương 4 Thư 1 Gioan: Trong các lời khuyên sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa, Thánh Gioan nêu ra ba điều kiện. Điều kiện đầu tiên: đoạn tuyệt với tội lỗi (3:3-10), điều kiện thứ hai: tuân giữ các điều răn, nhất là điều răn bác ái (3;11-24), và điều kiện thứ ba:

a) Đề phòng thế gian và những ngôn sứ giả (4:1-6): “hãy cân nhắc các thần khí… thần khí nào tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Ðấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Ðức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên phản Kitô”.

b) Nguồn mạch đức ái: “tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa... Vì Thiên Chúa là tình yêu… Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau”.

… “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy… Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”.

5. Chương 12 thư Do Thái: Trong chương này, Thánh Phaolô đề cập đến 4 vấn đề: Gương sáng của Chúa Kitô, Thiên Chúa lấy tình Cha mà giáo dục, trừng phạt tội bất trung và hai giao ước.

a) Gương sáng của Chúa Kitô: “Ðức Giêsu là Ðấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”.

b) Thiên Chúa lấy tình Cha mà giáo dục: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt… Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức”.

c) Trừng phạt tội bất trung: “không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa… Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa”

d) Hai giao ước: “Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa… , cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Môsê phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy. Nhưng anh em đã tới núi Xion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời”.

Tóm lại, “vì chúng ta được lãnh nhận một vương quốc vững bền không lay chuyển, chúng ta phải trân trọng ơn Thiên Chúa. Ðể nhờ ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Người”.

III. Các con số khác

YouVersion cũng ghi nhận thêm các con số sau đây trong năm 2013:

* Con số cài đặt ứng dụng này: 49,000,000
* Con số lần mở ứng dụng: 1,000,000,000 (mỗi giây 31 lần mở)
* Con số bookmarks được tạo ra: 120,000,000 (308 mỗi giây, tăng 133%)
* Con số “highlights” được tạo ra: 300,000,000 (9.5 câu được highlighted mỗi giây, tăng 161%).
* Con số chương “audio” được nghe: 595,000,000 (18 chương mỗi giây, tăng 140%)
* Các câu được chia sẻ: 68,000,000 (2.1 câu mỗi giây, tăng 137%)

Nguồn: Christianity Today
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ tạ ơn thành lập giáo xứ Martinô
Anmai. CSsR
11:35 01/01/2014
Những dấu ấn về giáo họ Martino:

- Nhà Thờ Martino được xây dựng vào năm 1972 do cố Linh Mục Đa Minh Đinh Xuân Hải và gài đặt tên là Nhà Thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

- Sau năm 1975 là Cha Cố Đaminh Vũ Nguyên Thiều làm Chánh Xứ Tân Phú, Ngài quản nhiêm và đổi tên là Nhà Thờ Martino.

Xem hình

- Đến năm 1978 Cha Chánh Xứ Vũ Nguyên Thiều ủy nhiệm Linh Mục Giuse Đinh Quang Thịnh coi sóc Nhà thờ Martino cho đến tháng 10 năm 1980.

- Vì nhu cầu Mục vụ Cha Đinh Quang Thịnh được Tòa Tổng Giám Mục điều về Xứ Tân Sa Châu.

- Từ khi Cha Thịnh đi Cha Thiều tiếp tục quản nhiệm đến năm 2005

- Từ năm 2005 đến nay Cha Giuse Lê Đình Quế Minh làm Chánh Xứ Tân Phú, quản nhiệm Giáo Họ.

Và rồi, ngày hôm nay, 1.1.2014, giáo họ Martino được nâng lên hàng giáo xứ.

Từ nhiều ngày nay, mỗi người một việc cùng bắt tay nhau để chuẩn bị cho ngày trọng đại này. Từ đàng xa, tiếng kèn của đội kèn giáo xứ Tân Thái Sơn vang lên như hòa niềm vui của giáo xứ Martino.

Cùng với đội kèn, đông đảo thiếu nhi, giới trẻ và cả quý nữ tu hàng ngũ chỉnh tề chào đón quý cha và quý khách. Những tràng pháo tay nồng nhiệt và nụ cười thật tươi trên môi chào đón quý cha tiến vào nhà xứ.

9 giờ 00, đoàn rước và đồng tế cất bước từ nhà xứ.

Khi cộng đoàn an vị, Cha chủ sự - cha Giuse Vũ Minh Nghiệp - Đại diện Giám mục đặc trách linh mục giáo phận Sài Gòn - nói lên niềm vui cũng như ý nghĩa của thánh lễ Tạ ơn thành lập giáo xứ Martino và đón cha xứ tiên khởi hôm nay.

Cha dẫn lễ mời cộng đoàn an tọa và mời cha Giuse Lê Đình Quế Minh - Chánh Xứ Tân Phú có đôi lời phát biểu.

Cha Giuse chia sẻ với cộng đoàn tâm tình của ngài ngày hôm nay rằng ngài vừa vui và vừa buồn. Vui vì Martino được nâng lên hàng xứ, hội đồng mục vụ vui, cộng đoàn dân Chúa vui. .. nhưng Tân Phú buồn vì xa cách với Martino. ..

Sau lời phát biểu của cha Giuse, cha dẫn lễ mời cha quản hạt Tân Sơn Nhì đọc quyết định thành lập giáo xứ Martino của Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn. Kế đến, cha Giuse Vũ Minh Nghiệp đọc chứng thư bổ nhiệm linh mục Giuse Phạm Hoàng Lương làm chánh xứ giáo xứ Martino.

Trước khi bước vào thánh lễ là nghi thức nhận chức chánh xứ.

Cha tân chánh xứ Giuse Phạm Hoàng Lương đã tuyên xưng đức tin cũng như tuyên thệ trung thành

Tôi: Giuse Phạm Hoàng Lương khi lãnh nhận nhiệm vụ cha sở giáo xứ Martino này,

hứa sẽ luôn bảo vệ sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, bằng lời nói và việc làm của tôi.

Tôi sẽ hết sức cẩn thận và trung thành chu toàn các trách vụ đối với Giáo Hội, toàn cầu cũng như địa phương, mà tôi được kêu gọi để phục vụ tại đó, theo Giáo Luật quy định.

Khi chu toàn nhiệm vụ ủy thác cho tôi nhân danh Giáo Hội, tôi sẽ giữ gìn nguyên vẹn, truyền đạt và làm sáng tỏ cách trung thành kho tàng đức tin. Vì thế, tôi sẽ tránh xa bất cứ giáo lý nào trái nghịch lại. Tôi sẽ tuân hành, cổ võ kỷ luật chung của Giáo Hội toàn cầu và sẽ tuân thủ tất cả luật lệ của Giáo Hội, nhất là những điều được ghi trong Bộ Giáo Luật.

Trong tinh thần vâng phục kitô hữu, tôi sê tuân theo những điều các chủ chăn khả kính công bô", với tư cách tiến sĩ và thày dạy chính thức về đức tin, hoặc quyết định với tư cách lãnh đạo Giáo Hội. Tôi sẽ trung thành hỗ trợ Giám Mục giáo phận, đế công việc tông đồ được thực hiện, nhân danh và do ủy nhiệm của Giáo Hội, trong sự hiệp thông với Giáo Hội.

Sau lời tuyên xưng và tuyên thệ, cha tân chánh xứ được Cha Đại diện Giám mục đặc trách linh mục đại diện Đức HY G.B Phạm Minh Mẫn, giám mục Sài Gòn dẫn cha tân chánh xứ mở cửa nhà thờ, giật chuông, ngồi tòa giải tội, ngồi ghế chủ tọa, mở cửa nhà tạm nhận quyền cử hành bí tích Thánh Thể.

Thánh Lễ tạ ơn bắt đầu bằng lời ca tụng vinh danh Chúa.

Trong bài chia sẻ, cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng - chánh xứ Phú Trung, tổng thư ký UB Công Lý và Hòa Bình - nói lên niềm vui của giáo xứ Martino. Cha Giuse Maria mời gọi cộng đoàn cùng nhìn lại niềm tin vào tín điều Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa. Với tín điều này, Giáo Hội chống lại những bè rối lạc giáo nhằm chối bỏ thiên tính của Thiên Chúa. .. Thiên Chúa ở trong gia đình của Giáo Hội. .. Giáo xứ của chúng ta là một gia đình và rồi gia đình sống bầu khí hiệp nhất, yêu thương. .. Cha chánh xứ với nhiệm vụ là phải cầu nguyện cho giáo xứ được hiệp nhất và yêu thương cùng với sứ vụ loan báo Tin Mừng. ..

Một tràng pháo tay thật to vang lên khi cha giảng nói về tình thương mà Cha xứ Tân Phú sẽ dành cho đứa con mới ra riêng là giáo xứ Martino.

Để kết, cha giảng nói rằng còn đó những khó khăn nhưng tin rằng Mẹ Maria sẽ đồng hành, sẽ nâng đỡ cha xứ cũng như cộng đoàn giáo xứ Martino này.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, cộng đoàn cùng nghe lời chúc mừng cha tân chánh xứ từ vị đại diện cộng đoàn giáo dân.

Cha tân chánh xứ có đôi lời cảm ơn cha Đại diện linh mục, quý cha quản hạt Sài Gòn, Tân Sơn Nhì, Thủ Thiêm, quý cha Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đa Minh, quý cha đồng tế, quý sơ và cộng đoàn. .. Cha Giuse nhớ lại hình ảnh và tâm tình của ông cố. Ông cố chia sẻ về ơn lành của thánh Martino đã chữa lành cho ông cố để mắt ông cố được sáng. .. và cha chánh xứ cũng trao phó vào vị thánh làm nhiều phép lạ này cho giáo xứ nhận ngài làm bổn mạng.

Cha Giuse Đại diện giám mục ngỏ đôi lời về ý nghĩa việc thành lập giáo xứ Martino này.

Cha tân chánh xứ bùi ngùi, cha mời mọi người trong xứ hiệp nhất yêu thương để xây dựng giáo xứ mới Martino này. Cha xin phép ôm hôn thắm thiết cha Giuse chánh xứ Tân Phú để tỏ tình thương mến với cha xứ Tân Phú.

Lời ca tạ ơn được cất lên và những tấm hình lưu niệm được lưu lại.

Bữa cơm thân mật sau Thánh Lễ nói lên sự hiệp thông, sẻ chia cùng với cha tân chánh xứ và giáo xứ Martino.

Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, thánh Martino ban nhiều ơn lành cho cha tân chánh xứ và cộng đoàn dân Chúa để ngày mỗi ngày giáo xứ Martino sống chứng nhân Tin Mừng như lòng Chúa mong muốn hơn.

Anmai, CSsR
 
Legio Mariae xứ Bà Điểm Sàigòn : Mừng kỷ niệm 1 năm hoạt động
Lê Tân – Nguyễn Đức
20:21 01/01/2014
Vào chiều ngày 01/01/2013, trong không khí vui tươi rộn ràng của mùa Giáng sinh, tại nhà thờ giáo xứ Bà Điểm, giáo hạt Hóc Môn, TGP. Sài Gòn đã hân hoan mừng lễ kính trọng thể Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, đồng thời kỷ niệm 1 năm hoạt động (01/01/2013 – 01/01/2014). Cha Gio-an M. Vi-a-nê Chu Minh Tân, Tân Linh Giám Hội đồng Curia Hóc Môn kiêm nhiệm chính xứ Bà Điểm chủ tế thánh lễ, đồng tế với ngài có Cha phụ tá Giu-se Trịnh Thanh Hoàng và đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ cùng tham dự thánh lễ.

Xem Hình

Hiện diện trong thánh lễ còn có quý Dì Hội Dòng Trinh Vương, đại diện Hội đồng Comitium Sài Gòn III, quý anh chị Legio ủy viên thuộc Ban quản trị Hội đồng Curia Hóc Môn và đại diện Præsidia của các giáo xứ lân cận.

Các hội viên Legio và quý khách mời đã xếp hàng ở sân nhà xứ để rước quý cha đồng tế vào thánh đường, đi đầu đoàn rước là Thánh Giá, nến cao và Vaxilium có tượng Đức Mẹ. Đầu thánh lễ, cha chủ tế đã gởi lời chúc đầu năm đến toàn thể cộng đoàn và mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình và hiệp nhất để sống xứng đáng là con cái Chúa và con cái Mẹ Ma-ri-a.

Thánh lễ diễn ra trang nghiêm, sốt sắng. Qua những lời kinh, những câu ca tiếng hát, cùng với bài giảng sâu sắc của Cha Linh Giám Gio-an M. Vi-a-nê nói về các đặc ân của Đức Mẹ Ma-ri-a và niềm vui khi có Mẹ đồng hành. Cha nói:

“Các họa sĩ và tác giả điêu khắc đã phác họa nên hình ảnh Mẹ ẵm Chúa Giê-su Hài Đồng và đưa ra phía trước, Mẹ muốn giới thiệu Thiên Chúa hòa bình cho nhân loại, muốn ban tặng bình an cho nhân loại, Mẹ trao tặng con của Mẹ cho mọi người chúng ta. Kế hoạch cứu độ nhân loại đã có từ ngàn đời, Thiên Chúa xuống thế làm người, nhập thể qua cung lòng Đức Nữ Trinh Ma-ri-a bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế đồng thời là Mẹ của mỗi người chúng ta, Đức Mẹ đã cưu mang Chúa Con như thế nào thì cũng cưu mang Hội Thánh và cưu mang chúng ta như vậy, cưu mang trong ân sủng của Đức Ki-tô Giê-su. Hẳn Mẹ rất vui mừng khi đoàn con cái Mẹ biết sống hiếu thảo và thương yêu nhau. Nhiều người đọc chuỗi Mân Côi mà không để ý suy niệm lời kinh, trong kinh Kính Mừng có lời truyền tin trang trọng và hân hoan của sứ thần, có lời tuyên xưng và nhờ “Đức Mẹ Chúa Trời” cầu thay nguyện giúp cho chúng ta..”

Cuối bài giảng, ngài cầu chúc cho mọi người có được ơn bình an và niềm vui mừng của Thiên Chúa Giáng Sinh để ra đi đem niềm vui đó kiến tạo hòa bình cho trần thế.

Trước khi quý cha ban Phép Lành cuối lễ, chị An-na Nguyễn Thị Cần, Trưởng Præsidium Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa giáo xứ Bà Điểm, đã thay mặt cho Legio giáo xứ cảm ơn quý cha đã dâng thành lễ đầu năm hết sức trang trọng và sốt sáng, cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của quý cha và sự cộng tác của toàn thể cộng đoàn trong giáo xứ đã dành cho Legio trong suốt năm qua. Cảm ơn quý Dì, anh phó Hội đồng Comitium Sài Gòn III và đại diện các đội bạn..

Trong phần đáp từ, Cha Linh Giám Gio-an M. Vi-a-nê cho biết giáo xứ đang cố gắng phục hồi và củng cố các Hội đoàn Công Giáo Tiến hành, cha cảm ơn sự cộng tác của Præsidium Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa. Tuy chỉ mới thành lập lại được 1 năm, nhưng đã có nhiều cố gắng trong công tác truyền giáo qua linh đạo của Legio Mariæ: “PER MARIAM AD JESUM” - nhờ Mẹ Ma-ri-a đem các linh hồn về cho Chúa.

Đội Legio của giáo xứ đã quy tụ được Præsidium Junior khoảng 20 em, hầu hết các em đều sinh hoạt trong Ca đoàn và Lễ sinh.

Sau bài hát tạ lễ, quý cha và cộng đoàn đã cùng ở lại với các hội viên Legio đọc lời nguyện bế mạc trong bản kinh Tessera.

Được biết, thời gian tới Hội đồng Curia Hóc Môn sẽ thành lập thêm 1 Præsidium Senior và 1 Præsidium Junior ở giáo xứ Bà Điểm trên cơ sở tách từ hai đội cũ ra, hiện nay số giáo dân nhập cư tại giáo xứ đang tăng khá nhanh.

Bữa ăn tối đầm ấm của Præsidium Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa giáo xứ Bà Điểm tràn ngập tiếng vui cười hạnh phúc trong ngày mừng lễ Mẹ Thiên Chúa và mừng Năm Mới Dương lịch 2014.

Bài & ảnh: Ant. Lê Tân – Ga. Nguyễn Đức
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hoàng sa - Trường sa có còn của Việt Nam ?
Phạm Trần
11:51 01/01/2014
Ngày 19/01/2014 đánh dấu 40 năm Trung Cộng chiếm Hòang Sa của Việt Nam và đến ngày 14/03/2014 lính Trung Cộng vẫn tiếp tục chiếm giữ 8 đảo đá ngầm ở Trường Sa trong 26 năm nhưng Nhà nước và Quân đội Cộng sản Việt Nam chưa có bất cứ hành động nào để đòi lại, ngay cả việc kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế cũng không dám làm thì chủ quyền lãnh thổ có còn không ?

Tìm câu trả lời không khó. Sau đây là những bằng chứng Nhà nước CSVN đã thuần phục Trung Cộng theo phương châm 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” :

-Thứ nhất, Nhà nước cấm dân không được tổ chức tưởng niệm các chiến sỹ và đồng bào đã bỏ mình trong 2 trận chiến chống quân Trung Cộng xâm lăng và giết hại trên 40,000 quân và dân trong cuộc chiến tranh biên giới thứ nhất từ 17-02 đến 18-03-1979 và cuộc chiến thứ 2 từ 1984 đến 1986 ở Vị Xuyên (Hà Tuyên), nay là Tỉnh Hà Giang.

Nhưng tại sao học trò Việt Nam không được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học về cuộc chiến này ?

Trong sách giáo khoa môn Sử lớp 12, họ chỉ viết 10 dòng về cuộc chiến đẫm máu năm 1979 mà không nói gì đến cuộc chiến thứ hai ở Vị Xuyên.

Cuốn sách có đến 11 Tác gỉa, đứng đầu bởi ông Phan Ngọc Liên, Tổng Chủ biên chỉ ghi lại có vỏn vẹn như sau:

“Bảo vệ biên giới phiá Bắc: Hành động thù nghịch chống Việt Nam của tập đòan Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như: cho quân khiêu khích diọc biên giới, dựng lên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia. Nghiêm trọng hơn sáng 17-2-1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đòan mở cuộc tiến quân dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Qủang Ninh ) đến Phong Thổ (Lai Châu).

Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta.” (Trang 207, Lịch sử 12, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, tháng 01 năm 2012)

Thương vong nhân mạng và thiệt hại vật chất của phía Việt Nam trong cuộc chiến này như thế nào ? Tại sao giấu đi, với mục đích gì ?

Và tại sao lại không nói gì đến cuộc chiến đẫm máu từ 1984 đến 1990 buộc quân Việt Nam phải rút khỏi tại cao điểm 1.502 ( Núi Đất hay Lão Sơn) ở huyện Vị Xuyên (Tỉnh Hà Giang).

- Thứ hai, Việt Nam đã bị ép nhượng đất cho Trung Cộng như thế nào trong các cuộc đàm phán phân định ranh giới lãnh thổ hai nước.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ của CSVN tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1989 nói : ““Đánh ta năm 1979 một mặt gạt bỏ sự hàm ơn của ta đối với những giúp đỡ trước đây của nhân dân Trung Quốc, mặt khác tự phơi bày ý đồ vụ lợi trong sự viện trợ cho ta. Khi không đạt được thì trở mặt….Năm 1984, Trung Quốc huy động một Trung đoàn với hỏa lực mạnh liên tục tấn công bắn giết phân đội quân ta đóng giữ cao điểm 1.502 ( Núi Đất hay Lão Sơn) ở huyện Vị Xuyên, cuối cùng chiếm lấy cao điểm ấy làm điểm quan sát từ xa, nhòm vào nội địa ta. Ở biên giới phía Bắc nước ta từ trước đến nay, dân hai bên đã có những việc xâm canh, xâm cư, dân ta cũng có một số điểm xâm canh sang đất Trung Quốc, diện tích không đáng kể, dân Trung Quốc xâm canh, xâm cư sang nước ta tại rất nhiều điểm, tổng diện tích khá lớn. Trong đàm phán phân định biên giới, Trung Quốc luôn nêu lên “phân định theo hiện trạng”, tranh luận qua lại, Trung Quốc luôn nêu “nhân nhượng lẫn nhau vì đại cục (?), cuối cùng Trung Quốc vẫn ăn hơn thì mới chịu. Thác Bản Giốc vốn của ta nay họ chiếm đứt được một nửa. Xưa Nguyễn Trãi tiễn cha đến tận ải Nam Quan, trước nay ta vẫn nói đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, sau đàm phán, biên giới nước ta tụt lùi xuống mãi đến chợ Tân Thanh, đối diện đã là trụ sở hải quan của Trung Quốc….” (17-03-2010, Bauxite Viet Nam).

Như vậy rõ ràng Việt Nam đã mất một phần đất “không nhỏ” về tay Trung Cộng, rõ rệt là phần đẹp nhất của Thác Bản Giốc.

Thứ ba, đảng CSVN đã âm thầm chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của quân đội Trung Cộng trên 8 đảo đá ngầm họ chiếm của Việt Nam trong trận chiến ở quần đảo Trường Sa ngày 14/03/1988, quan trọng nhất là các bãi Colin, Len Đao và Gạc Ma. Có 64 binh sỹ Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống quân xâm lược này.

Nhà nước Việt Nam đã không có bất cứ hành động nào chiếm lại mà còn để cho Trung Cộng tự do đưa tầu võ trang của Hải Quân đến kiểm soát an ninh trong khu vực. Các tầu Hải giám và Kiểm ngư của Trung Cộng còn tự do bảo vệ hàng trăm tầu đánh cá của ngư dân Trung Cộng đền đánh bắt tự do trên vùng biển Trường Sa. Trung Cộng còn thiết lập các khu vực nuôi cá ở Trường Sa mà Việt Nam không dám phản đối hay phá bỏ.

Trung Cộng còn ngang ngược đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông mỗi năm khỏang 3 tháng, bắt đầu từ tháng Năm. Năm 2013, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm đánh bắt từ ngày 16/5 đến 01/8/2013 gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam và công khai vi phạm vào vùng biển của Việt Nam.

Wu Zhuang, Giám đốc Cục Thủy sản Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã của Trung Cộng rằng: “Việc thúc đẩy tuần tra ngư nghiệp thường xuyên xung quanh quần đảo Trường Sa là ưu tiên hàng đầu trong việc thực thi luật ngư nghiệp.”

Việt Nam, như thường lệ chỉ biết “phản đối bằng nước bọt” cho có lệ.

CÁC ANH HÙNG HÒANG SA LÀ AI ?

Thứ bốn, vì sợ mất lòng Trung Cộng, Nhà nước CSVN không dám nhìn nhận và ghi ơn 74 Quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Hòang Sa từ ngày 17/01 đến 19/01/1974.

Trung Cộng đã từ chối không nói chuyện về Quần đảo Hòang Sa với Việt Nam mà lãnh đạo Việt Nam không dám phản đối để tiếp tục theo đuổi phương châm “vừa là đồng chí vừa là anh em” với Trung Cộng.

Ngay đối với 64 chiến sỹ Quân đội Nhân dân hy sinh ở Trường Sa, nhà nước không dám tổ chức lễ tưởng niệm trong phạm vi lớn cả nước mà chỉ để cho Hải Quân tổ chức hạn chế và không dám nói thẳng lính và tầu chiến của Trung Cộng đã tấn công chiếm đảo của Việt Nam.

Mãi đến ngày 31/12/2013, Hải quân Việt Nam mới dám nói đích danh Trung Cộng đã đem quân chiếm một số bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa.

Báo Tuổi trẻ Online tường thuật: “ Tàu Hải quân Việt Nam khi qua khu vực các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam luôn tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện 14.3.1988 - chống Trung Quốc xâm chiếm quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam..

..Trong diễn văn của mình, thượng tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Trường Sa, Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: “Ở vùng biển này, cách đây gần 26 năm đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146-Trường Sa anh hùng, của các tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505, Trung đoàn công binh 83 chống lại cuộc tấn công trắng trợn, bất ngờ của Hải quân Trung Quốc… Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta trên biển Đông nhưng đối phương đã đưa lực lượng lớn xuống quần đảo Trường Sa, ngang nhiên dùng vũ lực chiếm giữ trái phép một số bãi đá ngầm của ta, gây nên sự kiện 14.3.1988, làm cho tình hình càng thêm căng thẳng, phức tạp”.

Ai cũng biết tình hình phức tạp và có nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Biển Đông là do Trung Cộng gây ra nhưng phía đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam thì vẫn cổ võ việc dùng “biện pháp hòa bình” để giải quyết xung đột.

Câu sáo ngữ này, từ 40 năm qua đối với Hòang Sa và 26 năm đối với Trường Sa chỉ như “đàn gẩy tai trâu” vì Trung Cộng đã tăng cường binh lính và tầu chiến để thi hành “chiến lược biển” của Chủ tịch nước Tập Cận Bình ở Biển Đông. Trung Cộng cũng “chủ quyền hoá” vùng biển “đường Lưỡi Bò” chiếm 85% diện tích Biển Đông bằng cách tổ chức chính quyền cơ sở ở Tam Sa (Hoàng Sa (của Việt Nam), Trung Sa (gồm bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough cùng vùng biển xung quanh tranh chấp giữa Trung Cộng và Phi Luật Tân) và Trường Sa (của Việt Nam).

“Thiện chí hòa bình” của nhà nước Việt Nam đối với tranh chấp biển đảo với Trung Cộng, chỉ phản ảnh tính “nhu nhược” của một nhà nước có chủ quyền bởi vì Việt Nam có thể kiện Trung Cộng ra trước Tòa án Quốc tế như Phi Luật Tân đã làm ngày 22/01/2013 theo Luật Biển năm 1982.

Nhưng việc Việt Nam không dám kiện Trung Cộng như Phi Luật Tân là một bằng chứng khác chứng minh Lãnh đạo Việt Nam rất sợ hãi Bắc Kinh như đã chứng minh trong thỏa hiệp “hợp tác cùng phát triển” ở Biển Đông sau chuyến thăm Hà Nội 2 ngày (13-15/10/2013) của Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang).

Tuyên bố chung Hà Nội đã đem thắng lợi cho Trung Cộng vì thực tế đã xác nhận chính sách nhất qúan từ xưa đến nay của Trung Cộng vẫn là làm theo chỉ đạo của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) đưa ra từ năm 1979, đó là:“chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”

Lập trường này, một lần nữa đã được Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình lập lại với Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Cộng trong phiên họp ngày 30/7/2013 tại Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình lưu ý các Ủy viên Bộ Chính trị rằng “ Trung Quốc phải kiên trì phương châm "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác" để thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị cùng có lợi (trên các vùng biển tranh chấp, tức Biển Đông và Biển Hoa Đông).” (Theo Báo Giáo dục Việt Nam, 01/08/2013)

Thứ Năm, Nhà nước Cộng sản Việt Nam tìm mọi cách ngăn chận không cho người dân biểu tình phản đối Trung Cộng đàn áp, bắn giết ngư dân Việt Nam trên Biển Đông; xâm chiếm biển đảo của Việt Nam và còn lùng bắt những ai viết bài chống Trung Cộng là những việc làm phản tuyên truyền và chỉ có lợi cho Bắc Kinh.

Nếu đảng và chính phủ Việt Nam tin rằng chống Trung Cộng chỉ là cái cớ để người dân và các “thế lực thù địch” lợi dụng chống đảng và chống nhà nước nhằm gây mất ổn định để lật đổ chính quyền, xóa đảng thì việc đảng bị nhân dân xa lánh là điều tất yếu.

Tư duy xuyên tạc và chụp mũ này của đội ngũ những người làm công tác tư tưởng và bảo vệ an ninh cho đảng đã chia rẽ thay vì đòan kết và gây thêm hận thù thay vì hòa giải với nhân dân là một sai lầm chính trị chỉ làm lợi cho kẻ thù.

ĐẢNG CSVN HÃY TRẢ LỜI

Vì vậy, lãnh đạo đảng và nhà nước hãy can đảm trả lời cho dân biết:

-Tại sao Đảng không dám suy tôn 74 anh hùng liệt sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã đổ máu hy sinh bảo vệ lãnh thổ của Tổ Quốc tại Hoàng Sa tháng 01/1974 ?

-Phải chăng đảng và nhà nước, sau 38 năm thống nhất đất nước, vẫn còn hận thù 74 liệt sỹ Việt Nam Cộng hòa để gia đình họ bị vô ơn, bạc nghĩa chỉ vì 40 năm trước đây họ không phải là lính Cộng sản ?

Cuộc sống cô quạnh, thiếu thốn không có chỗ ở của Bà Huỳnh Thị Sinh, goá phụ Trung tá VNCH Ngụy Văn Thà, chỉ huy Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đã hy sinh tại Hòang Sa là một bằng chứng của sự vô ơn này.

-Tại sao hàng năm Nhà nước không dám tổ chức lớn các buổi tưởng nhớ đến công lao của 64 liệt sỹ Quân đội Nhân dân bỏ mình tại Trường Sa tháng 03/1988 ?

-Tại sao Nhà nước lại cấm dân không được tổ chức truy điệu đồng bào và chiến sỹ đã hy sinh trong 2 cuộc chiến biên giơi chống Trung Cộng xâm lăng từ 1979 đến 1990 ?

-Tại sao dân biểu tình chống các hành động chiếm đóng lãnh thổ Việt Nam của Trung Cộng lại bị công an đàn áp dã man ?

-Tại sao, cho đến năm 2013, lịch sử “bây giờ” về hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa vẫn chưa được viết vào sách giáo khoa để dậy cho học sinh và sinh viên ?

-Tại sao lại có những sách dậy trẻ mầm non xuất bản có cờ Trung Cộng và có hình Việt Nam với hình “lưỡi bò” ở Biển Đông mà lại không có, hoặc có nhưng rất nhỏ về 2 Quần đảo Hòang Sa và Trường Sa ?

-Tại sao nhiều khu đất “bờ xôi ruộng mật”, nhiều vùng đất chiến lược quốc phòng và nhiều vùng biển “hái ra bạc khạc ra tiền” đã “rơi” vào tay người Hoa ?

-Tại sao lại có nhiều Phố Tầu và Làng Tầu được phép mọc lên giữa làng xóm hiền hòa Việt Nam ?

-Tại sao các Công trường, Nhà máy do người Hoa làm chủ lại là những “mật khu” bất khả xâm phạm đối với người Việt Nam ngay trên lãnh thổ của tổ tiên mình ?

-Tại sao hàng triệu người Việt không có công ăn việc làm mà nhiều chục ngàn người Hoa lại được thong dong đưa vào Việt Nam lấy mất công việc của công nhân bản xứ ?

-Tại sao Nhà nước có dư Công an và Côn đồ đi bảo vệ các Nhóm lợi ích và Chủ đầu tư để đàn áp dân chống cưỡng chế đất đai hay đi khiếu kiện đòi công bằng thì lại thiếu lực lượng an ninh đi lùng bắt số người Hoa cự ngụ bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, và để cho Thương lái người Hoa tiếp tay phá họai nền Nông nghiệp của Việt Nam ?

-Và sau cùng, tại sao Việt Nam lại để cho Trung Cộng “ăn sâu, bám rễ” vào dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên để bây giờ thua lỗ đã trông thấy trước mắt mà tương lai vẫn còn mù mịt tăm hơi ?

Tất cả những thắc mắc này đều có liên quan đến chủ quyền và quyền tự hào dân tộc. Chúng cũng chứa tiền lẫn mồ hôi, nước mắt của người dân mà Đảng và Nhà nước có hay ?

Trước những nỗi đau ấy của dân thì ai là người có bản lĩnh trong Lãnh đạo Việt Nam có thể cho dân biết đến bao giờ mới có ngày trở về với Tổ quốc của Hòang Sa và những phần đảo Trường Sa bị Trung Cộng chiếm đóng, hay sẽ chẳng bao giờ ?

Phạm Trần

(01/014)

Ngày 22/01/2013, Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong đơn khởi kiện Philippines nêu 13 yêu sách cụ thể, trong đó nội dung quan trọng nhất là Philippines yêu cầu Toà ra phán quyết yêu sách “đường lưỡi bò” vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không có giá trị. Trung Quốc tìm mọi cách phản đối, ngăn cản vụ kiện; chĩa mũi nhọn công kích Philippines cả trên mặt trận ngoại giao lẫn trong tuyên truyền và trên thực địa, hòng gây sức ép buộc Philippines phải từ bỏ vụ kiện. Mặc dù vậy, Philippines vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện và tiến trình của Toà Trọng tài vẫn diễn ra theo đúng các trình tự được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Toà Trọng tài đã được thành lập với 5 Trọng tài viên do ông Ghana là chủ tịch Toà Trọng tài. Toà Trọng tài cũng đã tiến hành cuộc họp đầu tiên thông qua Quy tắc tố tụng của Toà và ấn định thời gian biểu cho Philippines nộp bản Biện hộ. Nhiều nước như Ấn Độ, Nhật, EU, Mỹ… đã lên tiếng công khai ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp Biển Đông tại các cơ quan tài phán quốc tế, bao gồm Toà Trọng tài, ủng hộ vụ kiện của Philippines; phản đối việc Trung Quốc gây sức ép đối với Philippines trên vấn đề vụ kiện. Nhiều học giả, luật sư, nhà nghiên cứu cũng đã lên tiếng ủng hộ cho việc giải quyết tranh chấp thông qua Toà Trọng tài. Vụ kiện đã mở ra một cục diện mới cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng pháp lý. Các nước liên quan cần có sự hỗ trợ tích cực cho vụ kiện của Philippines thành công và không thể đứng ngoài.

Trong năm 2013, Malaysia tỏ ra kiên quyết hơn trên vấn đề Biển Đông; không chấp nhận yêu sách “đường lưỡi bò” và không chấp nhận “cùng khai thác” trên thềm lục địa của Malaysia; tăng cường đầu tư vào lĩnh vực an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực của hải quân; nâng cấp và mở rộng căn cứ quân sự tại Bintulu Sarawak, nằm gần bãi ngầm Tăng Mẫu; chủ động đề nghị tiến hành cuộc gặp 4 nước ASEAN liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông (Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei) để thống nhất lập trường trên vấn để Biển Đông.
 
Văn Hóa
Chuyện Peter, Michelle, Andy: Giao Thừa! Count Down!
Nguyễn Trung Tây, SVD
01:05 01/01/2014
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Chuyện Peter, Michelle, Andy: Giao Thừa! Count Down!


□ Peter, Michelle, Andy ba anh em. Andy sinh ra và lớn lên bên Mỹ. Michelle tham gia ca đoàn giáo xứ...


Andy đề nghị,

— Sư tỷ, năm nay đón Giao Thừa, mình chơi binh 25 cents đi.

Michelle lắc đầu,

— Tao không rành binh xập xám. Thôi, tụi mình chơi xì dách đi. Xì dách 21 dễ chơi.

Andy nói nhảm,

— Số you xui, chơi chi cũng xui!

Michelle ký đầu Andy một cái cốp,

— Mi cà chớn! Chưa chơi đã trù ẻo.

Andy nổi hung,

— Heh, bà đừng có ỷ làm chị rồi ăn hiếp tui đó nghen.

Michelle ôm bụng phá ra cười sặc sụa,

— Thôi! Tau lạy mi. Ăn thôi, không có cái vụ kia đâu. Bơ sữa như mi, to như con trâu cui như thế kia, ai mà dám…

Andy ngơ ngác,

— Nghĩa là làm sao, tui không hiểu.

Michelle cau mày, cự nự,

— Mi lười học tiếng Việt. Tiếng Việt mi dở òm…

Peter đứng ngoài, ngứa ngay tay chân chen vào,

— Hey Michelle, chơi lôtô hay nhất. Chơi lôtô, ai cũng chơi được. Lôtô nhiều lá, mạ cũng chơi được... Chơi lôtô hay hơn.

Michelle khua tay,

— Chơi chi cũng được. Xui cũng không sao! Cứ chơi đi để tui có dịp sả xui. Hy vọng sau khi count down, sang năm mới, tui làm ăn khá hơn...

Peter vỗ tay vào trán,

— Yeah! You’re right! Tới giờ count down, mình đếm 10 xui, 9 xui, rồi 8 xui, 7 xui, sau cùng là 0 xui. Như vậy sang năm mới, không còn xui nữa.

Michelle gật đầu,

— Hay đó, đề nghị hay đó. Cứ vậy đi...

Michelle quay sang Andy,

— Andy, mình xuống phố Việt, kiếm mua lôtô. Đại ca đi không? Đi chung với tụi tui cho dzui. Tiện ghé vào ăn Bún Bò Huế... Tui trả tiền... Chu choa ơi, lâu quá rồi tui chưa ăn Bún Bò. Nghĩ tới đã thấy thèm...



Suy Niệm

Cuối năm, trước ngưỡng cửa năm mới, vào giây phút Giao Thừa, tôi đếm count down mười con số...

10 lần tôi đã vấp ngã trên con đường hành hương, bởi đã từng cúi xuống nhặt đá ném vu vơ vào thiên hạ. Nhiều người dính đá tôi chọi, về nhà bầm tím tay chân... Có người ăn nguyên cục đá vào đầu, tối về mất ngủ. Cũng có người bởi đá tôi chọi, tên tuổi của họ bị hoen ố...

9 lần tôi sống không trọn vẹn với lời khấn linh mục, tu sĩ. Tôi đặt quyền lợi của tôi lên trước quyền lợi nhà thờ. Tôi hay làm sáng danh tôi hơn là sáng danh Chúa. Cái này thì thiệt tình là mệt đa...

8 lần tôi nhắm mắt làm ngơ trong khi tha nhân đang cần một bàn tay nâng đỡ… Ơi, hơi sức đâu mà lo được hết cho mọi người. Đèn nhà ai nhà đó sáng, tiền nhà ai người đó sài. Cá nhân chủ nghĩa! Hơi ích kỷ! Nhưng thiên hạ ai cũng sống dzậy. Thôi, ai sao tui dzậy... What can I do?

Cứ thế tôi đếm xuống, count down...

Khi âm vang con số 0 bật ra nơi cửa miệng, khi đó, tôi khoát lên người tà áo mới tinh chưa hoen ố bụi trần đầu năm dương lịch.

Vào giây phút pháo bông bắn cháy rực sáng bến cảng Sydney, thánh đô Roma, thủ đô Paris, và phố cảng New York, mời bạn khui sâm-banh, uống chúc mừng,

— Happy New Year!

Yup, Happy New Year bởi 365 ngày mới tinh khôi lại vừa được Thiên Chúa gửi tặng trao ban...

Hân hoan!



Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin Chúa tiếp tục tuôn đổ ơn trời để con nhận thức ra được đời sống là món quà quý giá Chúa trao ban..

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Biển Chiều Chớm Đông
Đặng Đức Cương
22:08 01/01/2014
BIỂN CHIỀU CHỚM ĐÔNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Biển chiều Đông, sương khói
Giăng mờ dãy đảo xa
Cánh thuyền neo mom đá
Em trong giấc chiều tà .
(Trích thơ của Thi Ngẫu)