Ngày 23-01-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sám hối vì nước trời đã gần đến
Lm. Phêrô Hồng Phúc
09:27 23/01/2011
SÁM HỒI VÌ NƯỚC TRỜI ĐÃ GẦN ĐẾN

Tiên tri Isaia đã nói tiên tri trước về sự lớn mạnh không ngừng của dân riêng của Chúa và đặc biệt là nói về triều đại hưng thịnh của Đấng Mesia ngự đến. Đó là thời vàng son lịch sử, chó sói sống chung với chiên con và trẻ con thôi bú thọc tay vào hang rắn lục. Một thời vàng son lịch sử đã được tiên báo trước khi Đấng Mesia ngự đến. Thế nhưng những lời ứng nghiệm của Isaia vẫn còn thiếu. Thánh Gioan tông đồ đã thêm vào những dòng sự thật, mà là sự thật cay đắng:

“Ngôi Lời là ánh sáng thật
Ánh sáng đã đến trong thế gian
và chiếu soi mọi người.
Người ở giữa thế gian
và thế gian nhờ Người mà có
nhưng lại không nhận biết Người
Ngài đã đến nhà gia nhân Ngài
Nhưng các gia nhân Ngài không muốn đón tiếp Ngài”(Ga 1,9-11).


Vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng Cứu Độ thì điều đầu tiên trong những lời Ngài loan báo là “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”(Mt 4,17). Đúng là Chúa đến và Nước Chúa đã được thiết lập từ trên trái đất này. Nhưng Chúa Giêsu dùng công thức “Nước Trời đã gần đến”. Bởi vì, muốn đón nhận Nước Trời, con người phải mở rộng lòng. Con người phải thành tâm thiện chí kiếm tìm. Nước Trời không hiện ra cho người ta quan sát mà Nước Trời sẽ hiện ra khi người ta thực hành Lời Chúa dạy “Ở đâu có hai ba người họp lại thì Ta ở giữa họ” (Mt 18,20); Ở đâu có đức bác ái thì ở đó có Chúa hiện diện. Nước Trời đến để đem lại hạnh phúc, tình yêu thương cho tất cả những ai đón nhận, cho những người đơn sơ bé mọn, cho những người lao động khổ đau vui nghe Lời Chúa kêu cầu Chúa thương. Nhưng ngược lại, Nước Trời trở nên cớ vấp phạm cho những người là giới chức lãnh đạo nước Do Thái. Lý do là vì những người này vẫn vẽ lên một Đấng Mesia là một nhà giải phóng, nhưng mang đậm màu sắc chính trị, không phải giải phóng con người khỏi ách nô lệ satan, mà họ mong giải phóng khỏi ách nô lệ thống trị của ngoại bang là đế quốc Roma. Chính vì vậy, họ quan niệm một Đấng Cứu Thế oai hùng, cao sang và những phép lạ của Ngài phải qui chiếu về việc giải phóng dân tộc. Khi họ thấy Đức Giêsu sống âm thầm trong xưởng thợ ba mươi năm, họ không bao giờ lại nhìn nhận một Đức Kitô – Đấng Mesia – Đấng Cứu Thế. Và vì vậy, khi Đức Giê su loan báo Tin Mừng làm phép lạ thì họ lại nói là dùng quyền của Benzebus, tướng của quỉ để trừ quỉ, và khi Đức Giêsu ăn uống với những người tội lỗi, họ không nhìn nhận ra lòng thương xót của Chúa mà họ lại cho là Chúa cùng một ruộc với họ. Đức Giêsu đã luôn bị những thành kiến và những hoang tưởng của giới chức lãnh đạo Do Thái bóp méo.

Cho nên, muốn đón nhận Nước Trời thì cần phải sám hối, cần phải ra khỏi chính mình, ra khỏi những quan niệm đời thường và ra khỏi những ốc đảo của tính kiêu căng, ích kỷ. Chúa Giê su đã lớn tiếng loan báo rằng: “Ai yêu mình thì sẽ mất. Còn ai đánh mất mình thì lại nhận lại được cho sự sống đời đời”(Ga 12,25). Đó là một nguyên lý Phúc Âm rất ngắn gọn nhưng tất cả các danh nhân trên thế giới, các triết gia của mọi thời đại không thể nói được và nếu có bắt chước nói thì không có quyền ban. Đức Giêsu đến trong thế gian này là để kiện toàn lề luật của Môi sê, đem lại cho con người một chân lý tuyệt đối, một tình yêu vĩnh cửu, một Nước Trời xây dựng trên công bằng và bác ái. Chúng ta hôm nay không nói rằng chúng ta sẽ làm được những gì Chúa làm nhưng theo sát vết chân của Chúa, chúng ta hưởng những gì Chúa đã kiến tạo. Hằng ngày, khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến” là chúng ta đang xin cho Nước Tình Yêu của Chúa ngự trị trong gia đình của chúng ta, trong tâm hồn của chúng ta để chúng ta được hưởng bình an và hạnh phúc. Chúng ta xin cho Nước Cha trị đến để kiến tạo hòa bình cho các dân tộc. Muốn được như vậy, chúng ta phải xây dựng trên đức công bằng. Nhưng đức công bằng không phải như ở thời Cựu Ước là “mắt đền mắt, răng đền răng”(Đnl 19,21), nhưng là “đền gấp bốn những gì mà mình thiệt hại cho người khác và chia nửa gia tài cho những người nghèo khó” như Gia kêu đã thốt lên khi được Chúa Giê su vào nhà mình (x.Lc 19,8). Đó là đức công bằng trong bao dung, độ lượng và đức bác ái trong sự hiến thân vô vị lợi theo gương Chúa Kitô. Như vậy, Nước Trời phải là một quan niệm mới, một tình yêu rộng toả bao dung, tha thứ đến bảy mươi lần bảy và hiến thân vì anh em, một tình yêu thực tế như Đức Giê su đã yêu thương và hiến mạng sống vì ta. Để được như vậy, mỗi người phải cố gắng hơn nữa, canh tân hơn nữa, sám hối hơn nữa. Đó chính là điều kiện để chúng ta nhìn thấy Nước Trời. Có bao nhiêu người bị đau mắt nên không muốn mở mắt nhìn ánh sáng vì ánh sáng làm cho mắt họ bị đau. Cũng vậy, những người hôm nay sống trong ốc đảo của mình. Họ không muốn đón nhận chân lý tuyệt đối của Đức Kitô và vì vậy Nước Trời không hiện ra để cho người ta quan sát.

Nước Trời đòi hỏi phải xây dựng ngày này qua ngày khác trên chính sự hiến thân yêu thương của mình, ra đi phục vụ vì một nhân loại mới. Rượu mới phải đổ vào bầu da mới vì nếu rượu mới mà đổ vào bầu da cũ thì bầu nứt mà rượu hư mất. Bầu da cũ của Cựu Ước, bầu da cũ trong những quan niệm trần tục không thể chứa đựng được chân lý và tình yêu thương của Tân Ước. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải ra khỏi bầu da cũ và mở rộng tâm hồn đón nhận Nước Chúa.

Lạy Chúa Giê su Ki tô,
Chúa đã đến trong trần gian này
nhưng những ai ngồi trong bóng tối
không muốn tiếp nhận Chúa là sự sáng.
Những người gia nhân muốn ở lỳ
trong những gia tốc tự do rơi của mình xuống vực thẳm
mà không muốn đón nhận Chúa đến để giải cứu.
Chúng con xin Chúa,
xin cho Nước Cha trị đến,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
trong gia đình con,
trong tâm hồn con
để chúng con được ơn cứu độ và hạnh phúc Nước Trời. Amen.
 
Về lại mái nhà xưa
+GM Giuse Vũ Duy Thống
10:05 23/01/2011
Về lại mái nhà xưa (Mc 3, 20-21)
(Bài giảng của ĐC Giuse Vũ Duy Thống cho Tu Sĩ và Ban Thường Vụ HĐMVGX GP Phan Thiết mùng Lễ Tất Niên ngày 21.1.2011)

Bài Phúc Âm hôm nay rất ngắn, chỉ một câu thôi, kể chuyện Chúa Giêsu và các môn đệ trở lại mái nhà của Người. Không mảy may nhắc đến địa danh hay tên miền tọa lạc. Nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho thấy ý nghĩa chuyến về nhà năm xưa của Chúa Giêsu và gợi ý cho việc Giáo Phận chúng ta trở về nhà thờ chính tòa để cử hành thánh lễ tất niên hôm nay.

1. Giáo Hội như một mái ấm

Chuyến về nhà của Chúa Giêsu có mục đích trước hết là để cho các tông đồ hiểu rằng Giáo Hội được xây dựng như một mái ấm, một mái nhà ấm áp tình yêu, một gia đình kết liên bền chặt có Chúa Kitô là trung điểm. Theo Phúc Âm thánh Marcô, chuyến về nhà tiếp liền ngay sau việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ và chọn ra nhóm Mười Hai gọi là tông đồ. Nếu xa xưa thời Cựu Ước, Môsê triệu tập 12 chi tộc Israel để hình thành dân thánh, thì với việc chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu khai mở một tổ chức mới sau này mang tên Giáo Hội. Chuyến về lại mái nhà xưa cùng với các tông đồ như thế chính là dịp quy tụ gia đình, dù với dáng dấp của nề nếp cũ, đã hoàn toàn mới mẻ với những thành viên đến từ nhiều nơi khác nhau, dòng họ khác nhau, tính tình khác nhau, ngành nghề khác nhau, nhưng liên kết với nhau làm thành Giáo Hội. Có lẽ chuyến về nhà của Chúa Giêsu đã vui lắm, không chỉ theo cách nghĩ Việt Nam “không đâu vui bằng ở nhà”, mà còn theo hướng thể hiện của Nước Trời: về lại mái nhà xưa nhưng thực ra là bước đến một mái nhà mới thênh thang rộng mở cho hết mọi người.

Thánh lễ tất niên hôm nay dưới mái nhà thờ chính tòa với sự tham dự của các đại biểu linh mục, tu sĩ, hội đồng mục vụ giáo xứ và các giới cũng được hình dung như một cuộc trở về mái nhà chung. Nhà thờ chính tòa là nhà thờ mẹ của mọi nhà thờ trong Giáo Phận. Về với nhà thờ này cũng chính là về với lòng mẹ của mình. Về đâu thì có thể ngượng nghịu vì xa lạ, chứ về lại nhà mẹ mình thì tất cả đã thành thân quen. Tạ ơn Chúa đã quy tụ và chúc lành. Xin cho mọi người luôn nhận được những diệu cảm mới khi về lại mái nhà thân thương của Giáo Phận, nơi mình có vị trí phù hợp với bậc sống và với vai trò đảm nhận giữa cộng đoàn. Một bài hát về công ơn cha mẹ có câu: “Ai đi là bao chốn xa thấy đâu vui cho bằng mái nhà”. Hy vọng đó cũng là tâm tình chung của mọi người trong phút này.

2. Sứ mạng rao giảng Tin Mừng

Chuyến về nhà của Chúa Giêsu có mục đích tiếp theo là để cho các tông đồ nhận ra sứ mạng muôn đời của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Phúc Âm kể: khi Chúa Giêsu về đến nhà thì đám đông dân chúng từ khắp nơi ùn ùn kéo đến, tay bắt mặt mừng, nhưng trên hết vẫn là muốn nghe lời chân lý đem lại sự sống. Bầu khí nơi nhà Chúa Giêsu thật yên ả khác với những lần rao giảng tại hội đường Capharnaum, tại thành phố hay những miền phụ cận, nơi bãi biển hoặc trên núi, mà ở những nơi đó luôn có vài khuôn mặt biệt phái và luật sĩ rình rập trong bóng tối xì xầm với nhau tìm cách loại trừ Đấng giảng giải có uy quyền. Không có lời nào của đám đông được ghi lại cho phép chẩn đoán rằng đám đông thính giả đã chăm chú lắng nghe và đón nhận lời hằng sống. Không có sự can thiệp nào của các tông đồ vào lời giảng của Thầy mình hay vào việc ổn định trật tự trong nhà cũng cho phép chẩn đoán rằng họ đã hòa mình vào bầu khí chung để đón lấy lời dạy và nhất là để ghi tâm khắc cốt rằng: tông đồ là kẻ được sai đi (apostolus). Như vậy, về trong nhà của Chúa Giêsu không phải để nhàn tản rong chơi, mà là để sẵn sàng được sai đi loan báo Tin Mừng.

Chuyến về lại mái nhà chung giáo phận hôm nay thật vui. Trong bài chào mừng, vị đại diện cho biết “còn gặp gỡ là còn vui”. Nhưng niềm vui ấy đã nhanh chóng hòa tan trong biển lớn mừng vui chính là sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Năm nay con số tín hữu của Giáo phận Phan Thiết tăng thêm 4.000 so với năm ngoái, từ 162.000 lên 166.000. Vừa vui lại vừa lo. Vui vì thành quả thực thi sứ vụ của mọi thành phần dân Chúa, nhưng cũng lo vì làm sao có thể chu toàn nhiệm vụ chăm sóc những tín hữu mới gia tăng khi mà số mục tử cho tới hôm nay vẫn còn thiếu. Năm trước Giáo Phận có 9 nhà thờ xây dựng dang dở, năm nay đã xong 2, vẫn còn 7 và nhà thờ hải đảo Phú Quý có thể sẽ được đặt viên đá đầu tiên nay mai. Về lại mái nhà chung cho mọi người thấy nhu cầu chung, để trên bước đường sứ vụ, cùng chung sức chung lòng góp phần làm cho Giáo Hội địa phương thêm phong phú.

3. Hy sinh thi hành sứ vụ

Chuyến về nhà của Chúa Giêsu còn có mục đích nữa là để cho các tông đồ nhận thức được giá trị của hy sinh gian khổ ngay trong khi thi hành sứ vụ. Kết thúc câu Phúc Âm là một thoáng xung đột giữa nhiều nhu cầu: giữa nhu cầu thể xác và nhu cầu tinh thần; giữa nhu cầu cá nhân và nhu cầu tập thể; giữa nhu cầu khoan giãn nhân danh sự bình ổn và nhu cầu cấp bách dẫu phải chấp nhận rối loạn nhịp sống đời thường. Chúa Giêsu đã ưu tiên thỏa đáp nhu cầu tinh thần của đám đông dân chúng tìm đến với Người, cho dù phải bận bịu đến nỗi chẳng còn giờ cho bữa ăn gia đình thân tình chính đáng. Trời đánh còn tránh bữa ăn, nhưng khi sứ vụ rao giảng thúc bách thì không còn kiêng kỵ tránh né gì nữa. Cần ưu tiên thi hành. Thảo nào những người thân trong nhà đã phải ngao ngán thốt lên: “Người mất trí rồi”. Tuy nhiên qua đó các tông đồ bỗng hiểu ra: theo Chúa không phải để vinh thân mà để hiến thân; không phải để ăn trên ngồi trốc mà để phục vụ đến nỗi chấp nhận hao mòn thân mình một cách nào đó, miễn là sứ vụ rao giảng Tin Mừng được vuông tròn. Vả chăng, gian khó trong sứ vụ không phải là một phạm trù riêng rẽ mà đúng ra đã thuộc về bản chất của sứ vụ. Gian khó đối với sứ vụ giống như gió đối với lửa, nó thổi tắt đi những đốm lửa yếu tàn nhưng lại làm bùng cháy những mảng lửa mạnh mẽ.

Về đây dưới mái nhà chung, cùng với niềm vui, chúng ta cũng có cơ hội ôn lại tháng ngày qua và kể cho nhau nghe những nỗi khó mình gặp trong đời phục vụ, để chia sẻ cảm thông và cũng để hun đúc chí bền làm chứng cho Tin Mừng trong hoàn cảnh cụ thể. Năm nay, nối tiếp hoa trái năm thánh 2010, Giáo Phận Phan Thiết tập trung thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng việc chăm chút cho các giáo lý viên và việc huấn giáo tại các giáo xứ. Có một số anh chị em phụ trách giáo lý cấp Giáo Phận sẵn sàng đến các giáo hạt vào những thời điểm thuận lợi để xúc tiến chương trình này. Ngoài ra, nhóm “Gia đình tác viên Tin Mừng” trong Giáo Phận mới được thành lập, sẽ đồng hành với ban Loan báo Tin Mừng trong sứ vụ “đến với muôn dân”. Xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho công việc chung của Giáo Phận, dù có nhiều khó khăn, cũng sớm được thi hành và được hoàn thành.

Tóm lại, về dưới mái nhà chung dịp tất niên, trong tinh thần của những người con một nhà, chúng ta sống lại những cảm thức đức tin đi liền với sự hiệp thông và đường sứ vụ. Cùng với niềm tạ ơn cũng như dưới sự che chở của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo Phận, chúc mọi người năm mới và tuổi mới trong hồng ân luôn luôn mới của Thiên Chúa.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:07 23/01/2011
KHÔNG KHÓC

N2T


Một cô gái xuất giá, khi lên kiệu hoa thì cứ khóc mãi, khóc rất thê thảm, khóc đến nỗi các người khiêng kiệu cũng cảm thương. Do đó, kiệu phu bèn nói:

- “Cô vẫn cứ khóc như thế, hay là chúng tôi khiêng cô trở về lại nhà ?”

Cô gái ấy từ trong kiệu hoa nói vọng ra:

- “Không cần, tôi không khóc là được rồi”.

Suy tư:

Con gái đi lấy chồng là phải bỏ cha mẹ để ở với chồng, và coi cha mẹ anh chị em bà con bên nhà chồng như cha mẹ và anh chị em bà của của mình, do đó không lạ gì mà các cô gái khi lên xe hoa thì khóc như đám ma...

Con gái đi lấy chồng thì bị ràng buộc bởi tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử; nghĩa là khi còn ở nhà thì theo cha mẹ, khi lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Tam tòng này dù người con gái không học hành cũng hiểu được đạo lý của nó, do đó mà khi lên xe hoa về nhà chồng cảm thấy vừa vui vừa buồn mà khóc rồi cười chăng ?

Hôn nhân là việc quan trọng cả đời người, do đó lên xe hoa mà khóc hay cười là chuyện không đáng nói, cái đáng nói là trong đời sống hôn nhân của họ có trọn vẹn nụ cười không, hay chỉ là ngậm nước mắt mà cười !

--------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:10 23/01/2011
N2T


13. Mặc dù tôi chỉ phạm một tội nhỏ, nhưng lại có lý do lớn nhất là vì nó mà suốt đời thống hối.

(Thánh Francis of Assisi)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: cầu nguyện hiệp nhất
LM Trần Đức Anh OP
12:50 23/01/2011
VATICAN -. Trưa chúa nhật 23-1-2011, ĐTC Biển Đức 16 tái kêu gọi các tín hữu cầu nguyện và hoạt động cho sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của các tín hữu Kitô.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc kinh truyền tin chung với 50 ngàn tín hữu hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, dưới bầu trời gió lạnh và nhiều mây. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa và tầm quan trọng của tuần cầu nguyện cho các tín hữu Kitô được hiệp nhất trọn vẹn với nhau. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

”Trong những ngày này, từ 18 đến 25-1, đang diễn ra tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Năm nay có đề tài là một đoạn trích từ sách Tông Đồ công vụ, tóm tắt trong vài lời cuộc sống của cộng đoàn Kitô tiên khởi ở Jerusalem như sau: ”Họ kiên trì trong giáo huấn của các Tông đồ, trong tình hiệp thông, trong sự bẻ bánh và cầu nguyện” (Cv 2,42). Thật là ý nghĩa vì đề tài này được các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô tại Jerusalem, họp nhau trong tinh thần đại kết, đề nghị ra. Chúng ta biết anh chị em ở Thánh Địa và Trung Đông phải đương đầu với bao nhiêu thử thách. Vì thế, việc phục vụ của họ càng quí giá, được tăng cường giá trị nhờ chứng tá của họ nhiều khi đến độ hy sinh mạng sống. Do đó, trong khi vui mừng đón nhận những gợi ý suy tư do các Cộng đoàn sống tại Jerusalem cống hiến, chúng ta xiết chặt hàng ngũ xung quanh họ và điều này càng thêm một nhân tố hiệp thông cho tất cả mọi người.

”Ngày nay cũng vậy, để trở thành dấu chỉ và phương thế kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa trong thế giới, các tín hữu Kitô chúng ta phải xây dựng cuộc sống trên 4 cột trụ, đó là: cuộc sống trên nền tảng đức tin của các Tông Đồ được chuyển lại trong Truyền Thống sinh động của Giáo Hội, tình hiệp thông huynh đệ, Thánh Thể và kinh nguyện. Chỉ như thế, Giáo Hội mới được kết hiệp kiên vững với Chúa Kitô và có thể chu toàn sứ mạng của mình một cách hữu hiệu, dù có những chia rẽ mà Thánh Phaolô Tông Đồ đã phải đương đầu trong Cộng đoàn Corintô, như bài đọc thứ hai của Chúa nhật hôm nay đã nói đến: ”Hỡi anh em, tôi khuyên nhủ anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý trong lời nói, để không có sự chia rẽ nơi anh em, nhưng hãy kết hiệp trọn vẹn trong tư tưởng và cảm thức” (1,10). Thực vậy Thánh Tông đồ đã biết rằng trong cộng đoàn Kitô ở Corinto, đã nảy sinh những bất thuận và chia rẽ; vì vậy, ngài nghiêm nghị viết thêm rằng: ”Phải chăng Chúa Kitô bị chia rẽ sao?” (1,13). Như thế, ngài quả quyết mọi chia rẽ trong Giáo hội là làm xúc phạm đến Chúa Kitô; và đồng thời, trong Chúa là Thủ Lãnh duy nhất và là Chúa, chúng ta luôn luôn có thể tái hiệp nhất, nhờ sức mạnh vô tận của ơn thánh Chúa.

Và đây là lời kêu gọi luôn có tính chất thời sự của Tin Mừng hôm nay: ”Anh chị em hãy hoán cải, vì Nước Trời đã gần kề” (Mt 4,17). Sự quyết tâm hoán cải, trở về cùng Chúa Kitô là con đường dẫn đưa Giáo Hội đến sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn vào thời kỳ Thiên Chúa thiết định. Các cuộc gặp gỡ đại kết trong những ngày này được gia tăng trên thế giới là một dấu chỉ chứng tỏ điều đó. Ở Roma này, ngoài sự hiện diện của các phái đoàn đại kết, ngày mai sẽ bắt đầu một khóa gặp gỡ giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Đông Phương kỳ cựu. Và ngày kia, sẽ bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô với việc cử hành kinh chiều trọng thể của lễ Thánh Phaolô trở lại. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội luôn tháp tùng chúng con trên con đường này.

Sau kinh truyền tin và phép lành, ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng và không quên tóm tắt ý chính của bài huấn dụ trên đây. Bằng tiếng Pháp, ngài đặc biệt chào thăm các vị trách nhiệm của Cộng đồng thánh Egidio, nhất là các vị đến từ Phi châu và Mỹ châu la tinh, có các thành phần đang can đảm hoạt động để loan báo Tin Mừng. Thứ ba tới đây là ngày bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất. Theo giáo huấn của thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi loại bỏ gương mù chia rẽ nơi chúng ta để mang sứ điệp của Chúa Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho sớm đến ngày Giáo Hội được hoàn toàn hiệp nhất.

Với các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay và nói rằng: ”Việc loan báo của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa, qua lời nói và hành động, được mô tả như ánh sáng đang nảy sinh, một ánh sáng sinh động cho nhân loại đang sống trong tối tăm của sự xa lìa Thiên Chúa. Chúa muốn rằng ánh sáng ấy đạt tới tất cả mọi người; vì thế Chúa đã chọn các môn đệ như những người phụ tá, để làm cho họ trở thành những người đánh cá người, như chính ngài đã nói. Ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta mang vào thế giới sứ điệp sự thật và tình thương của Ngài. Chúng ta hãy sẵn sàng tham gia vào sứ mạng này và nhất là cầu nguyện xin Chúa đừng để những chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu Kitô làm lu mờ khả năng chiếu tỏa của Tin Mừng. Xin ơn thánh của Thiên CHúa luôn tháp tùng anh chị em!

Bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC chào thăm các học sinh và giáo viên Học viên Maestro Domingo ở thành Badajoz. Ngài cũng chào thăm các tín hữu Sloveni, đặc biệt những người đến từ Giáo Xứ Nhà thờ chính tòa thủ đô Lubliana và thành Brazovica.

Bằng tiếng Ba Lan, ĐTC cầu mong rằng sự hoán cải, theo Chúa kitô và làm chứng về nước Chúa được liên tục thực hiện trong đời sống chúng ta. Ngài cầu chúc tất cả mọi người được phúc lành của Chúa và một chúa nhật tốt đẹp.
 
Đức Thánh Cha làm phép hai con chiên vào ngày lễ Thánh Anê
Bùi Hữu Thư
16:57 23/01/2011
VATICAN, ngày 21 tháng 1, 2011 (Zenit.org).- Theo truyền thống của ngày Lễ Thánh Anê hôm nay, Đức Thánh Cha Benedict XVI làm phép hai con chiên để lấy len dệt các sợi giây pallium.

Đức Thánh Cha làm phép hai con chiên sáng nay tại Vatican. Các giây pallium được dệt bằng len lấy từ hai con chiên này sẽ được ban cho các tổng giám mục các đô thị lớn mới được tấn phong vào ngày 29 tháng 6 là ngày Lễ Trọng Thánh Phêrô và Phaolô.

Giây pallium là một giải len trắng được thêu lên sáu thập giá mầu đen và mang trên vai. Có hai mảnh mặt trước và mặt sau.

Giây được Đức Thánh Cha và các tổng giám mục các đô thị lớn. Giây pallium biểu tượng cho quyền bính và bầy tỏ mối liên kết đặc biệt giữa các giám mục và Đức Giáo Hoàng tại Rôma.

Hai con chiên, thường là qùa tặng của các nữ tu phục vụ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Anê Ngoại Thành, được các nữ tu nuôi dưỡng tại Dòng Thánh Lôrensô ở Panisperna.

Sau khi cắt lông,việc dệt các giây pallium là trách nhiệm của các nữ tu Dòng Biển Đức ở Trastevere.
 
Top Stories
Pope: Priests’ counseling key to successful marriage
AP
09:58 23/01/2011
VATICAN CITY — Pope Benedict XVI told priests Saturday to do a better job counseling would-be spouses to ensure their marriages last and said no one has an absolute right to a wedding.

Benedict made the comments in his annual speech to the Roman Rota, the Vatican tribunal that decides marriage annulments. An annulment is the process by which the church effectively declares that a marriage never took place.

Benedict acknowledged that the problems that would allow for a marriage to be annulled cannot always be identified beforehand. But he said better pre-marriage counseling, which the Catholic Church requires of the faithful, could help avoid a "vicious circle" of invalid marriages.

He said the right to a church wedding requires that the bride and groom intend to celebrate and live the marriage truthfully and authentically.

"No one can make a claim to the right to a nuptial ceremony," he said.

Benedict has used his annual speech to the Rota to impress on its members the indissolubility of marriage and that they should avoid the temptation of granting annulments on a whim. Last year, he urged the tribunal to work harder to encourage couples to stay together and not confuse "pastoral charity" with the need to uphold church law.

On Saturday, Benedict said priests had an important pastoral job to discern whether would-be spouses are prepared and able to enter into a valid marriage.

"The church and society at large place too much importance on the good of marriage and the family founded on it to not make a profound commitment to it pastorally," Benedict said.

The Vatican’s concern about marriage annulments is largely directed at the United States, which in 2006 had more annulment cases launched than the rest of the world combined.

(Source: http://www.bostonherald.com/news/international/general/view.bg?articleid=1311284&srvc=rss)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chuyến thăm trại phong Di Linh của quỹ Bác Ái Du Sinh dịp tết Tân Mão
Agnes Thành
09:36 23/01/2011
CHUYẾN THĂM TRẠI PHONG DI LINH DỊP TẾT TÂN MÃO

“Quỹ Bác Ái Du Sinh” được Lm. Giuse Đinh Huy Hưởng, một linh mục đang nghỉ bệnh, thành lập với mục đích nhận những sẻ chia nơi những tấm lòng quảng đại, và trực tiếp giúp đỡ những con người nghèo, khổ trong xã hội Việt Nam hôm nay, không phân biệt dân tộc, tôn giáo… Thật là kỳ diệu, vì một linh mục vẫn thường chống chọi với cơn bệnh tim hiểm nghèo, lại trải lòng mình ra với những con người cùng khổ, bệnh tật bằng những nhiệt huyết còn lại của lòng yêu mến, của Đức Bác Ái Chúa Kitô. Thiết tưởng, cha đã thẩm thấu tinh thần của lời Chúa: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,40).

Xem hình dịp tết qũy bác ái Du Sinh tham trại phong Di Linh

Quán Cơm Phục Vụ Người Nghèo ngay giữa lòng thành phố (tại 212, Lê Đức Thọ, P 16. Q. Gò Vấp) được giao cho nhóm Mac-ta, là một phần công việc của Quỹ Bác Ái Du Sinh, vẫn được tiến hành đều đặn đem lại niềm vui cho nhiều người nghèo thật nghèo, giúp họ những bữa cơm qua ngày, kết nối họ trong tình thân, và họ có thể tích lũy một phần chi tiêu cho việc cải thiện đời sống gia đình.

Bên cạnh đó, Lm Giuse còn thực hiện những chuyến đi xa, đến với những con người bất hạnh đang ở vùng sâu vùng xa, những nơi tập trung cô nhi, trường khuyết tật, trại phong …

Cuối đông năm nay trời trở rét đậm. Cảm cái rét của Sài gòn, mà nghĩ đến cái rét của vùng cao nguyên cha quyết định chọn trại Phong Di Linh làm điểm đến và ngày 9-1-2011,cha cùng 15 anh chị em trong nhóm Mac-ta đã lên đường trong sương sớm.

Trên đường vẫn chưa thấy mùa xuân. Bởi khí lạnh càng cao nguyên càng lạnh. Ở phía xa, mặt trời lên óng ánh. Mà Di Linh chìm ngập dưới sương mù!

10g00 chúng tôi đến trại Di Linh. Các Soeurs phục vụ trại phong cùng anh chị em tiếp đón, thật cảm động. 380 người mắc bệnh đang ở đây là những người đang thực sự rất cần tình thương, niềm ủi an và sự chia sẻ. Tình thương của các soeurs có thể đã đủ hâm ấm cuộc đời bất hạnh của họ, nhưng điều kiện vật chất thì các soeurs chắc chắn phải cần đến lòng quảng đại của nhiều người.

Cha Giuse viếng thăm những người bệnh già yếu. Có một soeur hỏi cha “Cha ơi, hôm nay sao ốm quá?”. Không thấy Cha trả lời. Cha lại tiến vào thăm hỏi những người bệnh ngay. Tay cầm tay ân cần. Các anh chị trong nhóm Mac-ta cũng chia nhau chuyện trò với các bệnh nhân. Mỗi cái nắm tay không ngại ngùng, mỗi nụ cười cảm thông, mỗi lời an ủi bằng lòng cậy trông kiên vững, mỗi chút hỏi han và lắng nghe… đều làm cho những bệnh nhân phong vui mừng đến rơi lệ.

“Con đã ở đây 4 năm rồi, các soeurs tận tình lắm. Thương chúng con lắm. Chúng con thương nhau lắm…”, một bệnh nhân tâm sự.

Thời gian không còn ràng buộc ai cả. Chuyện trò, thăm hỏi, ủi an. Cha Giuse và anh chị em chia nhau phần quà mang tới tận tay những bệnh nhân, thêm một ít tiền lì xì năm mới. Những phần quà bé nhỏ, nhưng gói cả tấm lòng quảng đại của biết bao người đã đóng góp. Thiết tưởng, những người quảng đại ấy, đang ở đây, tại trại phong Di Linh nầy. Họ nhìn thấy những niềm vui, những nụ cười của từng bệnh nhân. Họ đang nghe rất rõ những lời cảm ơn chân thành của những bệnh nhân vừa cảm ơn, vừa cười, vừa khóc.

Vâng, những con người rất bé nhỏ, có cảnh ngộ đáng thương, tội nghiệp, ngày đêm chiến đấu với bệnh tật và chiến đấu với nỗi thất vọng cứ dâng tràn. Họ không được lành lặn nhưng họ đang cố gắng hết sức mình để vượt lên số phận. Họ cần có niềm tin, tình thương chia sẻ để có niềm hy vọng tương lai.

Đã đến lúc đoàn chúng tôi phải ra về. Ngậm ngùi chia tay, trong lòng tràn niềm thương nỗi nhớ, lẫn với lòng thán phục những con người vác thập giá ngày đêm.

Ước gì sự hiện diện của chúng tôi thể hiện tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, của Chúa Kitô, Đấng đã đến sẻ chia thân phận con người cùng khốn.

Để nguyện ước được Chúa nhậm lời, trên chuyến xe về lại thành phố, chúng tôi thầm nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành cho họ, cho Cha Giuse, cho quí soeurs, cho tất cả những ân nhân quảng đại của Quỹ Bác Ái Du Sinh, ân nhân của những người đau khổ, bạn chí thiết của Chúa Giêsu Kitô.

Agnes Thành
 
Thánh lễ bổn mạng nhóm Sinh viên Công giáo Lạng Sơn Cao Bằng
Giuse Trần ngọc Huấn
10:11 23/01/2011
HÀ NỘI – “Mỗi bạn trẻ sinh viên Công giáo phải trở nên như những ngọn đèn cháy sáng, như những khí cụ để đem Tình Yêu của Chúa đến với mọi người”. Đó là sự nhấn mạnh của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng trong huấn từ dành cho các bạn trẻ sinh viên Công giáo của giáo phận nhân ngày mừng kính thánh Tôma Aquinô bổn mạng.

Xem hình ảnh

Nhóm sinh viên Công giáo Lạng Sơn – Cao Bằng thuộc Hội sinh viên Công giáo Tổng Giáo phận Hà Nội. Nhóm được thành lập ngày 28 tháng 11 năm 2006. Nhóm sinh viên Công giáo Lạng Sơn – Cao Bằng được thành lập với các mục đích thật đáng trân trọng:

- Mời gọi các bạn sinh viên nhiệt tâm mong muốn chia sẻ với nhau trách nhiệm học tập, sống có ích trong môi trường xã hội hôm nay và đặc biệt trong môi trường đại học.

- Thông qua các hoạt động của Nhóm, các bạn sinh viên giúp nhau hoàn thiện bản thân, cùng nhau trao đổi kiến thức làm hành trang cho cuộc sống.

- Đặc biệt thông qua các hoạt động xã hội, các người bạn sinh viên được mời gọi đến với những người cùng khổ trong xã hội để thấu hiểu và đồng cảm với những cảnh đời thiếu thốn về vật chất và tinh thần.

Ban đầu chỉ có khoảng 8 bạn trẻ, là sinh viên của các giáo xứ trong giáo phận, đang sinh sống và học tập tại thủ đô Hà Nội. Tuy chỉ là một nhóm với số thành viên thật khiêm tốn, nhưng nhóm luôn nhận được sự quan tâm, nâng đỡ và động viên khích lệ của các Đấng bậc trong giáo phận và của các bạn trong Hội sinh viên Tổng giáo phận.

Ý thức được vai trò, trách nhiệm của người trẻ sinh viên Công giáo trong hoàn cảnh hiện tại, các bạn sinh viên thuộc nhóm Lạng Sơn Cao Bằng đã nhiệt tình tham gia vào các phong trào, hoạt động của Hội sinh viên Tổng giáo phận. Với số lượng thành viên thật khiêm tốn, nhưng đó không hẳn là một nhược điểm làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt của Nhóm. Vào mỗi Chúa nhật thứ hai trong tháng, các bạn trẻ lại quy tụ về với nhau, để gặp gỡ, để chia sẻ và xây dựng tình nghĩa gia đình thật gắn bó. Những chương trình tiếp sức mùa thi, thăm viếng người nghèo, giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống sinh viên và động viên nhau học tập, tu thân… đã được các bạn thực hiện khá sôi nổi, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp.

Một điều đặc biệt mỗi khi nhắc tới nhóm sinh viên Lạng Sơn Cao Bằng, đó là về sự góp mặt của các thành viên không chỉ là con em trong giáo phận truyền giáo miền sơn cước này, nhưng còn là các sinh viên thuộc nhiều vùng miền khác nhau: Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ,… Tất cả làm nên một nhóm sinh viên thật đặc biệt, mang trong mình những tâm tình gắn bó, yêu mến vùng đất nơi giáo phận truyền giáo. Cho đến ngày hôm nay, khi nhóm mừng kính thánh Bổn mạng, con số thành viên chính thức đã lên tới trên 40 bạn.

Buổi sáng Chúa nhật, ngày 23 tháng 01 năm 2011, tại nhà nguyện Fatima Hà Nội, các bạn trẻ thuộc nhóm sinh viên Công giáo Lạng Sơn Cao Bằng đã quy tụ để gặp gỡ, chia sẻ và mừng kính thánh Tôma Aquinô là bổn mạng của mình. Nhóm đã vui mừng chào đón sự hiện diện của Đức cha Giuse giáo phận và cha Gioan Baotixita Nguyễn Anh Tuấn đặc trách sinh viên giới trẻ của giáo phận.

Từ khoảng 8h00 sáng, các bạn trẻ đã tề tựu trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục Hà Nội để chuẩn bị bước vào những chương trình của ngày gặp mặt và thánh lễ. Từ Tòa Giám mục giáo phận, Đức cha Giuse đã khởi hành từ lúc 5h00 để đến nhà nguyện Fatima với các bạn sinh viên vào lúc 8h00. Cha con gặp nhau trong niềm vui của tình nghĩa gia đình thật sâu đậm và ấm áp. Đức cha Giuse đã ân cần hỏi thăm hoàn cảnh sống cũng như học tập của mỗi bạn sinh viên. Trong sự chân thành và quý mến, mỗi bạn nói lên những khó khăn, thuận lợi hay những thao thức của mình trong cuộc sống sinh viên, nhất là sinh viên Công giáo trong hoàn cảnh hiện nay.

Trong nhà nguyện Fatima, các bạn sinh viên đã có những giờ phút quy tụ bên nhau, không chỉ có những bài hát hay những vũ khúc đầy sức trẻ, nhưng còn có những giây phút lắng đọng hồi tâm để lãnh bí tích Hòa Giải, những giây phút cùng tìm hiểu và chia sẻ cho nhau thông tin về tiểu sử cũng như gương sáng vị thánh Tôma Aquinô mà nhóm đã tôn nhận làm bổn mạng của mình.

Đặc biệt, các bạn đã được lắng nghe bài chia sẻ của Đức cha Giuse về thánh Tôma Aquinô. Khởi đi từ cuộc đời của vị thánh, Đức cha Giuse đã quảng diễn về những giá trị đức tin, giá trị niềm hy vọng và giá trị chứng nhân Tin Mừng mà mỗi người trẻ, nhất là các bạn sinh viên hôm nay, phải nâng niu, trân trọng và thực hiện. Trong một xã hội mà những giá trị căn bản của luân lý, của sự thật và yêu thương ngày một bị xáo trộn, mỗi người trẻ Công giáo phải trở nên những ngọn đèn Đức Tin cháy sáng, trở nên những khí cụ để đem Chân Lý, Sự Thật và Tình Yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người xung quanh mình. Không phải làm chứng chỉ bằng lời rao giảng đơn sơ, nhưng bằng chính cuộc sống thường nhật của mình. Làm sao để qua mỗi hành vi, mỗi cử chỉ, lời nói hay việc làm đều phải phản ánh theo sự thật, yêu mến và lòng chân thành. Noi gương Tôma Aquinô đã dứt khoát chọn lựa chính Chúa, sống theo thánh ý Chúa, mỗi người trẻ Công giáo cũng phải biết chọn lựa đời sống mình theo thánh ý Chúa. Lắng nghe tiếng Chúa. Thực thi Lời Chúa. Đó phải là trọng tâm của cuộc sống mỗi người kitô hôm nay.

Vào lúc 10h30, Đức cha Giuse đã chủ sự thánh lễ Chúa nhật III mùa thường niên, cũng là mừng kính thánh Tôma Aquinô là bổn mạng của các sinh viên Công giáo nhóm Lạng Sơn Cao Bằng. Đồng tế với ngài có cha Gioan Baotixita Nguyễn Anh Tuấn, đặc trách sinh viên giới trẻ của giáo phận. Trong ngôi nhà nguyện nhỏ nhắn ấm cúng, 40 thành viên của nhóm sinh viên Lạng Sơn Cao Bằng đã hiệp ý với vị chủ chăn của giáo phận, dâng thánh lễ thật sốt sắng, trang nghiêm.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, bạn Maria Nguyễn thị hoa Huệ, trưởng nhóm, đã đại diện cho các bạn sinh viên tham dự Thánh lễ hôm nay, bày tỏ niềm tri ân sâu nặng tới Đức cha Giuse vì những quan tâm ưu ái đặc biệt mà ngài luôn dành cho sinh viên, giới trẻ của giáo phận; cảm ơn cha Gioan Baotixita, quý Thầy, quý ân nhân và mọi người đã đồng hành, nâng đỡ và khích lệ trong mọi hoạt động của nhóm. Lời cầu chúc năm mới bình an, mạnh khỏe, thánh đức được nói lên với tất cả sự chân thành, yêu mến.

Đức cha Giuse bày tỏ niềm vui khi gặp gỡ các bạn trẻ là sinh viên Công giáo của giáo phận. Ngài mời gọi mỗi người cùng cộng tác để xây dựng tình hiệp nhất, mối dây liên đới với nhau và với mọi người, trở nên những khí cụ tình yêu và an bình của Chúa. Đức cha Giuse cầu chúc các bạn sinh viên và gia đình một năm mới khang an, hạnh phúc, dồi dào phúc lành của Chúa Xuân.

Thánh lễ kết thúc với phép lành của Đức cha Giuse. Sau đó, Đức cha Giuse, quý Cha, quý Thầy và các bạn trong nhóm sinh viên đã chụp hình lưu niệm và cùng chia sẻ niềm vui trong bữa cơm thân mật ấm tình gia đình. Những món quà của Đức cha Giuse được trao tặng cho các bạn sinh viên như một lời chúc tốt đẹp chất chứa cả tấm lòng, sự quan tâm và niềm hy vọng của ngài dành cho mỗi người.

Buổi gặp gỡ đã để lại trong mỗi người những cảm xúc thật đẹp. Đó là cái đẹp của sự gặp gỡ. Đó là cái đẹp của sự sẻ chia, của tình liên đới và tình nghĩa gia đình. Với ơn Chúa, với sự bảo trợ của thánh bổn mạng Tôma Aquinô, với sự quan tâm nâng đỡ của mọi người và sự phấn dấu liên lỉ của bản thân, hy vọng mỗi bạn sinh viên sẽ có những thăng tiến không ngừng về học hành, về đạo đức và niềm tin Công giáo. Trong tâm tình của những ngày chuẩn bị đón năm mới, thiết nghĩ, những sự gặp gỡ và lời cầu chúc đó càng mang nhiều ý nghĩa.
 
Sa mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng tại Giáo xứ Thánh Cẩm Sài Gòn
TNTT Anrê Phú Yên
12:15 23/01/2011
SAIGÒN - Những ngày cuối năm, mọi người tất bật chuẩn bị đón xuân. Ai nấy đều vội vã, khẩn trương với hàng ngàn công việc phải giải quyết cho xong trước thềm năm mới. Vậy mà các bạn trẻ Giáo lý Viên của hai Hiệp Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể hạt Phú Thọ và hạt Thủ Thiêm đã dành trọn hai ngày cuối tuần cho Chúa khi cùng nhau vào Sa mạc để lắng nghe, gặp gỡ Chúa, gặp gỡ nhau, cùng nhau học tập để trở thành các Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể.

Xem hình ảnh

Với sự ưu ái của Cha Chánh xứ Gioankim Nguyễn Văn San, Giáo xứ Thánh Cẩm thuộc Giáo hạt Thủ Thiêm (Đường Nguyễn Văn Tăng, Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9) đã trở thành một sa mạc trường quen thuộc của TNTT, là điểm hẹn của các Sa Mạc huấn luyện Huynh Trưởng. Trong hai ngày 22-23 / 01 / 11 Sa Mạc huấn luyện Huynh Trưởng cấp 1 được tổ chức tại đây. Sa Mạc lần này có nhiều điểm thú vị. Sa Mạc Vươn Lên 45 quy tụ 99 Sa Mạc Sinh của hai Hiệp Đoàn (toàn những con số 9), một sự kết hợp tuyệt vời trong Chúa Giêsu Thánh Thể, sự hiệp nhất, giao lưu giữa những người trẻ từ hai đầu thành phố: Phú Thọ - Thủ Thiêm vào hai ngày cuối cùng của tuần lễ cầu cho sự Hiệp Nhất.

Nghi thức khai mạc thật trang trọng với sự hiện diện của 4 Cha tuyên úy: Cha Gioan Maria Vaney đặc trách ngành Ấu TNTT Giáo phận, Cha Sa Mạc Trưởng Phêrô Phan Khắc Triển, Cha tuyên úy sa mạc Giuse Huỳnh Thanh Phương và Cha Giuse Chánh xứ Thánh Cẩm.

Với Phương Pháp Giáo dục siêu nhiên của TNTT, khung cảnh và bầu khí Thánh Kinh bao trùm trong mọi hoạt động. Chủ đề Hiệp Nhất yêu thương được xuyên suốt trong mọi sinh hoạt của hai ngày Sa Mạc. Sau một ngày học tập, sinh hoạt, đêm Lửa Thiêng Thánh Thể thật ấm cúng nhưng cũng không kém phần sinh động, vui tươi. Tất cả các SMS cùng hoà mình trong các tiết mục diễn nguyện.Từ việc cùng nhau xây tháp Babel cao ngất, thật ấn tượng của 3 đội nhưng đã bị sụp đổ vì sự kiêu ngạo của con người trước tình yêu của Thiên Chúa (St 11, 1-9), ơn hiệp nhất của Chúa Thánh Thần trao ban cho Giáo hội qua việc ra đi rao giảng Tin Mừng của các Tông Đồ cho mọi dân nước (Cv2, 1-12), ơn hiệp nhất trong gia đình ( St 33, 1-11); hiệp nhất trong bạn bè đồng nghiệp ( Mc 9, 30-37) anh em sống chung một nhà như cộng đoàn tín hữu đầu tiên (Cv 4,32-34)…. Kết thúc ngày Sa Mạc bằng việc anh em cùng quây quần sưởi ấm bên Chúa Giêsu Thánh Thể để có thể cùng Dấn Thân theo Chúa.

Đỉnh cao của ngày thứ hai là thánh lễ giữa khung cảnh thiên nhiên của Sa Mạc. Cha Tuyên úy Sa Mạc giúp anh em nhận ra sự cần thiết của việc hiệp nhất yêu thương và các bạn đã thể hiện quyết tâm hiệp nhất của mình qua việc lập đi lập lại lời cầu nguyện qua lời ca tiếng hát: “Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha..” Để kiểm tra các kiến thức đã học trong 3 tháng trước đó. Hành Trình Sa Mạc “Hiệp Nhất Yêu thương” thật sôi nổi hăng say và đoàn kết của các thành viên trong các đội bất chấp cả trời mưa.. Các bạn SMS khám phá được những điều thú vị qua các trạm vâng phục, yêu thương, tha thứ và Thiên Đàng thế gian: Hiệp nhất.

Sa mạc được khép lại với nghi thức sai đi và trao khăn Huynh Trưởng. Với khăn quàng đỏ thắm và Thánh giá vàng trên vai, các bạn Tân Huynh Trưởng chính thức nhận nhiệm vụ mới là cánh tay nối dài dẫn đưa các em thiếu nhi của mình đến gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể để biết, cảm nhận, yêu mến và sống Lời Chúa. Cầu chúc các Huynh Trưởng luôn giữ nóng bầu nhiễt huyêt của người trẻ.., luôn hăng say trong sứ mạng tông đồ “Người trẻ phải làm tông đồ đầu tiên và trước hết cho giới trẻ.”
 
Thăm Tết giáo xứ Bình Hòa và giáo họ Châu Ro, GP Xuân Lộc
Cao Huy Hoàng
12:23 23/01/2011
XUÂN LỘC - Chúng tôi đến thăm GX Bình Hòa sáng Chúa Nhật ngày 23-1-2011, trong đó có em Thầy Phạm Tất Hanh, Sơ Vân, thuộc dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, có Anh Chị Nghĩa Hậu, em chị Maria Phạm Thị Phúc, mấy chị Bác Ái và mấy em Junior Thiên An.

Xem hình ảnh

Cha Giuse Trần Quốc Thắng dẫn chúng tôi xem công trình Nhà Thờ Bình Hòa đã hoàn thành phần cơ bản, và đang giai đoạn cực kỳ khó để hoàn thành phần trang trí và nội thất.

Ấn tượng ban đầu đáng ghi nhận là nhà thờ kiên cố và tổ chức Giáo lý chặt chẻ. Các em học Giáo lý chung quanh nhà thờ đang xây dựng, trong nhà thờ, dưới gầm cầu thang, phía sau cung thánh, trong kho vật liệu, trước tượng đài Đức Mẹ, sau góc nhà vuông, dưới bóng cây…. Khắp nơi. Chỉ có ghế vuông nhỏ, hoặc vài ghế đá trước Đài Đức Mẹ….Điều đáng mừng hơn cả là các em ở lớp tuổi vào đời vần tiếp tục học Giáo lý, trong khi hầu như ở tất cả các giáo xứ, giai đoạn tuổi nầy khó tập trung để tiếp tục dạy và học.

Cơn mưa sớm cuối đông nhẹ dần thành hơi sương bay lành lạnh. Khoảng 60 người Cha sỏ đã thông tin, đang đến nhà thờ. Họ là những người nghèo cái ăn cái mặc, khổ cái bệnh cái tật, và cũng có những người khổ vì thiếu niềm an ủi trong cảnh già chiếc bóng. Họ đến nhận quà tết: một nụ cười, một cái bắt tay, mấy lời thăm hỏi, một chút sẻ chia, mấy niềm hy vọng, mấy giọt lệ thương cảm, một lời chúc bình an và cuối cùng là một gói quà nhỏ mọn.

Chút gạo, chút mì tôm, chút dầu ăn, chút bánh, chút đường, chút sữa…mỗi chút chút là một niềm thương của của Cha sở, của những tấm lòng các ân nhân xa gần, như Thân Hữu của Thầy Phạm Tất Hanh, Thân Hữu của chị Maria Phạm Thị Phúc… và của cả những người cho và người nhận chưa hề quen biết. Họ đã nhận quà trong niềm vui, cảm động.

Cha Sở GX Bình Hòa vẫn luôn trăn trở để bà con Giáo dân có một cuộc sống tương đối, nhưng, điều đó vẫn luôn luôn là ngoài tầm tay các linh mục.

Tuy nhiên, được biết, Ngài rất ưu ái với làng Dân Tộc Châu Ro có hơn 215 hộ, trong đó, có hơn 50 hộ đã gia nhập đạo công giáo, làm thành một Giáo Họ Châu Ro: có đài Đức Mẹ riêng, có mái che, có ghế ngồi tạm, làm nơi sinh hoạt Giáo lý, kinh nguyện và dâng Thánh Lễ. Người dân Châu-Ro vẫn đơn giản nếu không nói là nghèo khổ dưới mức trung bình. Nếu từ ngoài quốc lộ của Xã Bình Hòa có đôi nếp nhà cao cửa rộng khang trang một chút, thì chỉ cần đi vào làng khoảng 500m đã thấy rõ cảnh người, nhà, vật, chuồng còn sống chen chúc nhau như năm bảy thập kỷ trước. Chúng tôi thấy được một vài căn nhà nhỏ của người Châu-Ro xây bằng gạch, không tô và được biết đó là mấy căn nhà tình thương của các Hội Từ Thiện Công Giáo cho xây, qua nhiệt tình của Cha sở, của quí Sơ…

Chúng tôi theo Cha sở đến Giáo Họ Châu Ro. Các em đang học Giáo lý sáng Chúa Nhật. Hoan nghênh tinh thần của các Giáo Lý Viên GX Bình Hòa, khi thấy học viên Giáo Lý là những em Châu Ro bé tí hồn nhiên chị ẵm trên tay đi học, là những em đơn sơ có cái quần, thiếu cái áo, và ngược lại, vẫn đang múa hát ngây thơ trước Ảnh Thánh Mẹ Maria Vô Nhiễm Châu Ro.

Thăm hỏi các em, hát múa với các em, và xếp hàng các em lại để phát cho các em chút quà tết: “con trai hả, quà con đây, đồ chơi của con trai đó”. Cũng vậy, các em gái có đồ chơi của em gái và một ít bánh quà. Mừng quá… Mỗi em một phần quà vui cười sung sướng… Phía xa xa kia, các anh các chị các cha mẹ của các em cũng đang nhìn các em, sung sướng. Bất ngờ, chúng tôi được cho biết có một em lưỡng tính từ bé, không biết nhận quà con trai hay con gái đây! Bố Mẹ em biết điều ấy, nhưng chưa biết phải chữa cho em cách nào. Cha sở cũng “pó tay”. Đành tín thác và giao phó cho Chúa.

Các em Châu-Ro cầm trong tay những món quà, đứng trước Tượng Đài Mẹ Thánh Maria Vô Nhiễm Châu-Ro đọc ba kinh kính mừng và hát một bài thật sốt sắng. Nghe có lời nguyện của một GLV rằng: “Chúng con ước ao trong số các em đang đứng trước mặt Mẹ đây, sẽ có em được chọn làm Linh Mục Châu-Ro, làm Nữ Tu Châu-ro sau nầy. Xin Đức Mẹ nguyện giúp cho chúng con”. Cảm động quá. Tâm tình Truyền Giáo cho Châu Ro!

Chia tay với các em Giáo Họ Châu ro, chỉ đi 700m, chúng tôi đến xóm Lương Dân Châu Ro. Nơi đây, đã có 3 hộ người Châu Ro Công giáo đang sống nhiệt tình tinh thần công giáo trong 150 hộ lương dân sống san sát nhau. Họ sống san sát nhau là vì nghèo khổ, đành phải bán đất to, bán vườn lớn, chung nhau mua lại một khoảnh vừa đủ để có chỗ ra chỗ vào, chỗ ăn chỗ ngủ. Và vì cuộc sống quá thấp về điều kiện và môi trường như thế, nên có nhiều người đang sống trong tình trạng bệnh nặng mà vẫn nằm ở nhà cho qua ngày. Một ông xơ gan, một bà thấp khớp, một chị liệt bán thân, một chị ung thư vú. Nhà là bệnh viện, bệnh viện là nhà! Chúng tôi gặp quá nhiều bất ngờ thương tâm.

Phát quà cho các em lương dân Châu Ro, đông quá, hơn 200 phần quà không đủ vào đâu. Các em càng vui mừng, chúng tôi càng xót xa!

Cảm ơn Cha sở Bình Hòa, cảm ơn Quí ân nhân, những người đã hy sinh chút tiền chút gạo, đã cho chúng tôi một cơ hội quí giá đến với GX Bình Hòa đang mong ngóng ngày hoàn tất ngôi thánh đường, đang ước ao một ngôi trường giáo lý và nhất là đang nỗ lực đem Tin Mừng Tình Thương và Niềm Hy Vọng đến cho Người Dân Tộc Châu Ro nghèo khổ.
 
Thánh quan Don Bosco đi đến Giáo xứ Salesian Don Bosco Đức Huy Gia Kiệm
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc
12:30 23/01/2011
Dốc Mơ – Gia Kiệm, sáng nay vào lúc 05h00 Chúa nhật ngày 23 tháng 01 năm 2011, tại Giáo xứ Phước Lộc Giáo Phận Bà Rịa, có diễn ra thánh lễ đồng tế và Cha Giám đốc Giuse Ngô Văn Quang đã long trọng chủ sự nghi thức tiễn Thánh quan Don Bosco đi đến Giáo xứ Salesian Don Bosco Đức Huy, Giáo hạt Gia Kiệm, Giáo Phận Xuân Lộc (số 170/4 Gia Tân 1, Thống Nhất, Đồng Nai).

Xem hình ảnh

Đoàn xe chở Thánh quan Don Bosco khởi hành vào lúc 06h30, từ Quốc lộ 25 đến ngã ba Giầu Dây Quốc lộ 20 hướng đi Đà Lạt, đoạn đường từ Giáo xứ Phước Lộc đi đến Giáo xứ Đức Huy khoảng 85 km.

Đúng 08h30, đoàn xe chở Thánh Quan Don Bosco đến Giáo xứ Đức Huy. Cha Giám Đốc Giuse Phạm Sĩ Sản, Cha Chánh xứ, các Bà Mẹ Công Giáo, quý HĐMV, GLV – Huynh Trưởng, hân hoan chào đón Thánh Quan Don Bosco ngay đường lộ và trong khuôn viên nhà thờ. Cha Giám đốc đã chủ sự nghi thức đón tiếp Thánh quan. Và sau đó, chuyển Thánh quan Cha Thánh Don Bosco vào nhà thờ. Kế tiếp, cộng đoàn Giáo xứ Đức Huy xếp hai hàng trong trật tự và trang nghiêm để kính viếng và xin ơn với Ngài.

10h00, Đức Cha Phụ tá Tôma Vũ Đình Hiệu Giáo phận Xuân Lộc đã chủ tế thánh lễ đồng tế, cùng quý Cha hai Hạt Gia Kiệm và Túc Trưng. Ngoài ra còn có sự hiện quý tu sĩ nam nữ Giáo xứ Tân Cang và Đức Huy, và toàn thể cộng đoàn Giáo xứ Đức Huy và các Giáo xứ lân cận trong Giáo Phận Xuân Lộc.

Sau thánh lễ, là các giờ của các Giáo Họ, các Giới, Hội Đoàn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư của Ts Cù Huy Hà Vũ gửi từ trong tù
Cù Huy Hà Vũ
08:00 23/01/2011
 
Thông Báo
Cáo Phó: Ông Giuse Trịnh Văn Trữ qua đời tại Nam California
LM Trịnh Tuấn Hoàng
12:36 23/01/2011
CÁO PHÓ
Trong niềm tin yêu và cậy trông vào lòng nhân từ của Thiên Chúa,
chúng tôi thành kính báo tin cùng quý Đức Cha, quý Đức Ông, quý Cha Bề Trên, quý Cha,
quý Soeur Bề Trên, quý Soeurs, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý Đoàn Thể, và Thân Bằng Quyến Thuộc:
Người rất thân yêu của chúng tôi là:

Ông Cố GIUSE TRỊNH VĂN TRỮ
Sinh ngày 3 tháng 8 năm 1943 tại làng Đông Quang, Thanh Hóa, Việt Nam.
Đã được Chúa gọi về ngày 20 tháng 1 năm 2011 tại Fountain Valley, California, Hoa Kỳ.
Đã được lãnh nhận đủ các Phép Bí Tích; Hưởng thọ 67 tuổi; Linh cữu được quàn tại Saddleback (USA).

*Nghi thức phát tang, Chương trình thăm viếng và cầu nguyện chung dành cho các hội đoàn và thân bằng quyến
lúc 1:00 – 9:00 giờ chiều thứ Sáu ngày 28/1/ 2011 tại Nhà Thờ Thánh Linh,
Fountain Valley, California: 17270 Ward Street, Fountain Valley, CA - (714) 963-1811
*Thánh Lễ An Táng vào lúc 7:00 giờ sáng thứ Bảy ngày 29 tháng 1 năm 2011 tại Nhà Thờ Thánh Linh.
Sau đó linh cữu sẽ được di chuyển đến nơi an nghĩ cuối cùng tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành
The Good Shepperd (8301 Talbert Ave., Huntington Beach, CA 92646)

Xin quý Đức Cha, quý Đức Ông, quý Cha Bề Trên, quý Cha, quý Soeur Bề Trên, quý Soeurs, quý Tu Sĩ Nam Nữ,
quý Đoàn Thể, và Thân Bằng Quyến Thuộc xin hợp ý cầu nguyện cho Linh Hồn Giuse sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.

TANG GIA ĐỒNG KÍNH BÁO
Bà quả phụ Nguyễn Thị Huy và Gia Đình
Con: Trưởng Nữ: Trịnh Thị Kim Hương, chồng Nguyễn Mạnh Hiếu, và các con (USA)
Trưởng Nam: Linh Mục Phanxicô Trịnh TuấnHoàng, Dòng Thánh Phanxicô NghèoKhó, USA
Thứ Nữ: Trịnh Thị Xuân Lan, chồng Đặng Phùng Richard, và các con (USA)
Thứ Nữ: Trịnh Tuyết Vân (qua đời năm 1972, tại Việt Nam)
Thứ Nam: Linh Mục Phaolô Trịnh Minh Thái, Giáo xứ St Nicholas, Laguna Hills, USA
Thứ Nữ: Trịnh Thị Cẩm Hạnh, chồng Đặng Minh Hoàng, và các con (USA)
Thứ Nam: Trịnh Quốc Thắng (Fountain Valley, USA)

Chị Em: Chị: Trịnh Thị Tho (đã qua đời) và chồng (đã qua đời); các con, cháu, và chắt ở Việt Nam.
Chị: Trịnh Thị Thu (Việt Nam), chồng (đã qua đời); các con, cháu, và chắt ở Việt Nam
Chị: Trịnh Thị Tích, chồng và các con, cháu, chắt ở Hoa Kỳ.
Em: Soeur Ivon Trịnh Thị Hồng, Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ, Việt Nam
 
Văn Hóa
Xuân êm đềm
Jos. Tú Nạc, NMS
12:40 23/01/2011
Đông giá rồi đi qua,
Xuân nồng rồi trở lại,
Ta tìm nơi vắng lặng
Chốn chim hót trên cao.
Đó trong bụi mận gai
Họa mi nào đang hát,
Hòa âm tiếng chào mào
Du dương bụi nhựa ruỗi.
Bao cảnh vật xanh tươi
Cành đơm hoa trổ lá
Lả lơi giữa mây trời
Một mái nhà xanh mát.
Bao cảnh vật ngọt ngào
Đang thì thầm trong gió
Lời tình tự mượt mà:
“Ta trang trải bao la;”
“Nơi ẩn náu an lành,
Nơi một mình nương náu,
Một dòng xuối trong xanh
Và phiến đá xanh rêu.”
“Nơi mặt trời xua đuổi
Tan biến những tối tăm;
Nơi dư âm vọng lại
Của sóng biển mênh mang,
Cho dù xa tít mãi.”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Suối Tuyết
Joseph Ngọc Phạm
21:56 23/01/2011
SUỐI TUYẾT

Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Tuyết đóng nhiều trên những nhánh thông

Chảy dài như thác, tựa giòng sông

Lạ chưa riêng biệt cây trong góc

Tuyết phủ trên cành đôi cánh cong..

(Trích thơ của Nguyên Đỗ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News