Ngày 25-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Nhật Thứ Ba Quanh Năm 26/1/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:13 25/01/2020
Bài Ðọc I: Is 9, 1- 4 (Hr 8, 23b - 9, 3)

"Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Lúc đầu, đất Giabulon và Nephthali rất hèn hạ, trong tương lai dần dần trở thành đường biển, bên kia sông Giođan trở thành Galilêa các dân tộc. Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết. Người đã gia tăng dân số, đã ban một nguồn vui lớn; thiên hạ hân hoan trước mặt Người, như hân hoan khi được mùa, nhảy mừng như khi phân chia chiến lợi phẩm. Vì ách đã đè trên họ, đòn ngang nằm trên vai họ, và gậy của kẻ lạm thu họ, Người đã bẻ gẫy tất cả như trong ngày Mađian.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ; tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?

Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người.

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 10-13. 17

"Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình. Anh em thân mến, tôi đã được các người nhà Khloê cho hay rằng: giữa anh em đang có những sự bất đồng. Tôi có ý nói điều này, là mỗi người trong anh em nói: "Tôi, tôi thuộc về Phaolô; - "Tôi về phe Apollô"; - "Còn tôi, tôi về phe Kêpha"; - "Và tôi thuộc về phe Chúa Kitô". Chúa Kitô bị phân chia rồi sao? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vì anh em đâu? Hay là nhân danh Phaolô mà anh em chịu phép rửa? Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 4, 12-23 (bài dài)

"Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết".

Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!"

Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Ðó là lời Chúa.
 
Thánh Lễ Mùng Hai Tết Canh Tý dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
06:17 25/01/2020
Bài Ðọc I: Hc 44,1.10-15

"Chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ."

Bài trích sách Huấn Ca.

Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.

Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc II: Ep 6,1-4.18.23.24

"Hãy tôn kính cha mẹ. Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này".

Bài trích thư của Thánh Phaolô Tông Ðồ các gửi tín hữu thành Êphêsô.

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Ðể được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể các thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin. Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta bằng một tình yêu bất diệt.

Ðó là lời Chúa.

Câu xướng trước Phúc Âm

Hạnh phúc thay người nào kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương chúc phúc.

Phúc Âm: Mc 7,1-2. 5-13a

"Hãy thảo kính cha mẹ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước.

Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?"

Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Chúng sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì chúng dạy những giáo lý và những luật lệ loài người". Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy".

Và Người bảo: "Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: "Hãy thảo kính cha mẹ", và "ai rủa cha mẹ, người đó phải chết". Còn các ngươi thì lại bảo: "Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được, nay tôi muốn nó trở thành Corban (nghĩa là của dâng cúng)", rồi các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau".

Ðó là lời Chúa.
 
Về Nhà
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:46 25/01/2020


Mồng 2 Tết

Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Miền Bắc được tổ chức tại Giáo Phận Bùi Chu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi Thông điệp với chủ đề: “Hãy về với thân nhân” (Mc 5,19). Toàn văn thông điệp được quảng diễn xoay quanh một chữ “nhà”.

Trong phần khởi đầu của thông điệp, chữ “nhà” được phân tích cách độc đáo dựa trên tâm thức và văn hoá của người Việt. Đức Giáo Hoàng nhận ra rằng “nhà” là từ đẹp nhất trong kho tàng văn hoá Việt Nam, vì “gói ghém” trọn vẹn những gì là thân thương nhất trong trái tim của một con người, bao hàm cả gia đình, họ hàng và quê hương xứ sở. Ngài chỉ ra rằng những nét đẹp đặc trưng trong văn hoá của Người Việt như truyền thống gia đình, việc thảo kính cha mẹ, tôn trọng người già… đều được sinh ra từ chữ “nhà”. Từ đó, Ngài đọc câu chủ đề của ngày Đại Hội Giới Trẻ như một câu châm ngôn thôi thúc các bạn trẻ trở về đào sâu và khám phá di sản văn hoá quý giá của truyền thống và văn hoá dân tộc mình. Ngài nhấn giọng: “Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy.”

Tết là dịp mọi người về nhà để sum họp bên mái ấm tình thương. Con cháu sum vầy bên cha mẹ và anh chị em hòa hợp bên nhau. Anh chị em công nhân đi chuyến xe cuối năm chấp nhận bị nhồi nhét miễn là về đến nhà.
“Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình”. Về với mẹ cha nguồn cội gia đình hay về nhà tự thắp nén hương bày tỏ tấm lòng thành của con cháu với ông bà tổ tiên.

Tết là lễ hội của gia đình. Nhà cha mẹ trở nên ấm cúng thân thương. Con cháu quy tụ về vui mừng nói cười rộn rã. Con cháu thắp nén hương trước bàn thờ tiên tổ với tâm tình thành kính tri ân rồi thì thầm với các ngài những điều nguyện ước. Quây quần quanh ông bà cha mẹ để chúc thọ tỏ lòng thảo kính và đón nhận lời giáo huấn đầu năm.Tết còn liên kết người sống với người chết, hiệp thông con cháu với tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời. Nhiều người có thói quen đi tảo mộ những ngày trước Tết. Nhiều giáo xứ tổ chức Thánh lễ tại nghĩa trang để cầu nguyện cho những người thân yêu đã an nghĩ. Người ta tin rằng dịp đầu năm ông bà tổ tiên về sum họp với con cháu. Niềm tin đó có tác dụng tích cực giúp người sống luôn nhớ tới cội nguồn, sống hiếu thảo, ăn ở xứng đáng với dòng tộc của mình. Đạo lý ngày Tết tuyệt đẹp: “Uống nước nhớ nguồn”, con cháu tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Người Việt rất trọng lễ giáo, coi trọng sự bền vững gia đình với những tôn ti trật tự.Trong lễ giáo thì ân nghĩa là đầu tiên.Tôn kính tổ tiên là cách tỏ ân nghĩa đối với các vị tiên nhân,ông bà cha mẹ.Lúc các ngài còn sống,con cháu phải kính mến phụng dưỡng,vâng lời chiều ăn ở sao cho các ngài hài lòng. Khi các ngài qua đời, lo an táng tử tế, con cháu thờ kính, giỗ chạp hàng năm.Việc thờ cúng tổ tiên là mạch nước ngầm trong mát vẫn mãi nuôi sống và nối kết những tâm hồn Việt giàu tình trọng nghĩa.

Mỗi người Việt đều có một đạo rất gần gũi. Đó là Đạo Ông Bà hay Đạo Hiếu.

Đạo Hiếu là cốt tuỷ của nền văn hoá Việt Nam. Hiếu là gốc của Đức. Người ta có một trăm nết nhưng hàng đầu vẫn là Hiếu.Chưa từng có người nào hiếu thảo lại bất trung,cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.

Cốt lõi của Hiếu bắt đầu bằng: tôn kính cha mẹ lúc còn sống, thờ phượng cha mẹ lúc qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng giỗ chạp.Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người.

Việc hiếu lễ từ ngàn xưa đã in sâu vào tâm linh mỗi người. Dân tộc Việt từ Nam chí Bắc, dù ai theo tín ngưỡng nào, dù có bài bác thần linh nhưng với ý niệm “Cây có cội,nước có nguồn”, đều coi trọng gia lễ.

Ca dao đã đúc kết lòng hiếu nghĩa ấy:
Cây có gốc mới nở ngành sanh ngọn.
Nước có nguốn mới bể rộng sông sâu.
Người ta có gốc từ đâu.
Có cha có mẹ rồi sau có mình.

Biết ơn là sống tâm tình tri ân tình cha nghĩa mẹ. Cha mẹ đã hy sinh cả đời mưa nắng cho con. Cha mẹ đã sống vì hạnh phúc của con. Lòng hiếu thảo hơn mọi lễ vật mà con cái dâng cho các ngài.

Đạo Hiếu chính là đạo của lòng biết ơn.Biết ơn trời đất,biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ.Ơn cha nghĩa mẹ sinh thành, ơn chín chữ, đức cù lao, ơn võng cực biển trời “Ai ai phụ, mẫu sinh ngã cù lao,dục báo chi đức,hạo thiên võng cực”. Cha mẹ sinh ra ta, nâng đỡ ta từ cung lòng,vỗ về âu yếm, nuôi dưỡng bú mớm, bồi bổ cho lớn khôn, dạy ta điều hay lẽ phải, dõi theo mỗi bước đường đời của ta, tuỳ tính tình mỗi đứa con mà khuyên dạy, che chở bảo vệ con. Ơn đức cha mẹ như trời biển : “Công cha như núi thái sơn,nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Đạo Hiếu là nền tảng văn hoá gia đình. Người Việt yêu chuộng những gì là tình, là nghĩa, coi tình nghĩa hơn lý sự “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”; chấp nhận “bán anh em xa mua láng giềng gần”; thích “dĩ hoà vi quý”, độ lượng “chín bỏ làm mười”; quý trọng con người, không tôn thờ của cải “người là vàng, của là ngãi; người làm ra của chứ của không làm ra người”; mong muốn anh em bốn biển một nhà “tứ hải giai huynh đệ”; đề cao tinh thần khoan dung “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”. Đỉnh cao của lòng nhân ái là “thương người như thể thương thân”.

Gia đình Việt Nam có nhiều thế hệ sống với nhau “tứ đại đồng đường”. Cha mẹ già không còn lo việc đồng áng, ở nhà chăm nom giữ cháu. Bầu khí gia đình luôn ấm cúng.Tuổi thơ con trẻ được ươm đầy tiếng ầu ơ của bà, câu chuyện cổ tích của ông.Từ lúc chưa rời vành nôi, trẻ thơ đã được trau dồi cái nhân cái nghĩa. Khi lớn lên, con cái lập gia thất, cha mẹ cho miếng đất dựng căn nhà, con cháu sum vầy bên ông bà cha mẹ, tối lửa tắt đèn có nhau. Chính gia sản tinh thần gia đình là chất keo nối kết tầm hồn con người lại để rồi ai ai cũng cảm thấy “quê hương mỗi người chỉ một ….đi đâu cũng phải nhớ về” (Quê hương, Đỗ Trung Quân). Dù đi học xa, đi làm xa, đi đâu xa cũng phải về với gia đình sum họp những ngày cuối năm, ngày đầu năm.Tết là những ngày thiêng liêng ấm áp tình gia đình.

Gia đình là môi trường đào tạo con người toàn diện, tỉ mỉ và hiệu lực nhất. Dưới mái trường này, con người được đào tạo cả về kiến thức, tâm hồn, tư duy, nhân cách, lối sống để rồi có đủ bản lãnh và khả năng bước vào đời sống xã hội.Gia đình là nơi đào tạo căn bản nhất lòng đạo đức, giúp phát triển cái tài, nhân rộng cái đức cho con cái vào đời.

Đạo Hiếu chính là sợi chỉ vàng nối kết mọi người, mọi sinh hoạt gia đình. Đạo Hiếu làm nên bản sắc văn hoá người Việt. Như thế, tâm thức dân Việt rất gần với Tin mừng Đạo Chúa.

Điều răn thứ bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa đủ nói lên tính cách quan trọng của lòng hiếu thảo.

Sách Giảng Viên dạy: “Thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa,tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa”.

Sách Huấn ca dạy : “Hỡi các con hãy nghe cha đây.Hãy xử sự sao để được độ sinh.Vì Chúa đặt vinh quang cha trên con cái,quyền lợi mẹ, Ngài củng cố nơi đàn con.
Kẻ tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm và trọng kính mẹ khác gì tích trữ kho tàng.Kẻ tôn kính cha sẽ hoan lạc nơi con cái, khi khẩn nguyện, sẽ được nhậm lời.Kẻ tôn vinh cha sẽ được trường thọ, người an ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa.Kẻ kính sợ Chúa sẽ tôn kính cha,nó sẽ phục vụ các bậc sinh thành như chủ của mình.
Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, ngõ hầu mọi phúc lành đổ xuống trên con, vì chúc lành của cha làm cho rễ chắc, còn chúc dữ của mẹ thì nhổ cả cây.
Con đừng vênh vang về việc cha con bị nhục,vì vẻ vang gì cho con, cái nhục của cha con!
Quả thế, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính, và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh bỉ.
Con ơi! Hãy săn sóc cha con lúc tuổi già. Sinh thời người, chớ làm người sầu tủi. Trí khôn người có suy giảm, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.Vì lòng hiếu thảo đối với cha sẽ không bị quên lãng, nó sẽ đền bù tội lỗi cho con.
Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan, như sương muối biến ta lúc đẹp trời.Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, Kẻ khinh rể mẹ, chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3,1-16).

Thiên Chúa muốn con cái phải hết lòng tôn kính và thảo hiếu, đặc biệt nhấn mạnh đến công ơn sinh thành của người mẹ: “Hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra. Làm sao con báo đền được điều họ cho con?” (Hc 7,27-28).

Sách Tôbia cũng dạy rằng :“Hãy thảo kính mẹ con. Đừng bỏ người ngày nào trong suốt đời người. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Hỡi con, con hãy nhớ là người đã phải trải qua bao nỗi gian lao hiểm nguy vì con khi con còn trong lòng dạ người” (Tob 4,3-4).

Thánh Phaolô khẳng định, hiếu thảo là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự, vì là điều đẹp lòng Thiên Chúa” (Col 3,20).

Chính Chúa Giêsu là mẫu mực hiếu thảo với Cha, yêu mến Cha, vâng ý Cha, luôn làm đẹp lòng Cha. Là Ngôi Hai Thiên Chúa và với thân phận con người, trong vai trò làm con, Ngài đã thực hành đạo hiếu qua đời sống vâng phục cha mẹ của mình. Thánh Kinh ghi lại rằng sau khi hoàn tất công việc của Thiên Chúa tại đền thờ Giêrusalem: “Ngài theo ông bà trở về Nazareth, và vâng phục các ngài” (Lc 2,51).

Đạo Chúa cũng là Đạo Hiếu. Hiếu với cha mẹ, đấng bậc sinh thành dưỡng dục. Hiếu với Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, Đấng sáng tạo muôn loài, dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Như vậy Đạo Chúa cũng chỉ gồm chữ Hiếu.Thờ lạy Thiên Chúa là chân nhận Ngài chủ tể muôn loài, con người có bổn phận tôn vinh thờ phượng tỏ bày lòng hiếu thảo. Đối với tha nhân, Đạo Chúa dạy phải sống hiếu, phải thể hiện hiếu. Điều răn trọng nhất “kính Chúa,yêu người” là điều răn của Đạo Hiếu. Không một tôn giáo nào khai triển Đạo Hiếu cho bằng Đạo Chúa. Hiếu với Chúa, hiếu với tha nhân, đặc biệt hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ.Vì hiếu với Chúa nên phải tu thân tích đức để làm vui lòng Chúa, xứng đáng làm con cái của Ngài.Vì hiếu với ông bà cha mẹ nên phải sống đạo làm con, giữ nề nếp gia phong lễ nghĩa, làm vinh dự cho gia đình, gia tộc. Nếu một người con không thảo kính cha mẹ, người đó không phải là một Kitô hữu đúng nghĩa. Bởi lẽ, người ấy đã không giữ luật Thiên Chúa. Giới luật Thứ Tư còn được gọi là giới răn hiếu thảo: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ.”. Mỗi Kitô hữu đều biết hiểu và thực hành giới răn này.

Chính từ tổ tiên ông bà cha mẹ mà người Việt có thể tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Đạo Hiếu là một điểm tựa, một bước đi khởi đầu thuận lợi, một lối đi dễ dàng, gần gũi, một mãnh đất phì nhiêu để đưa con người vào Đạo Chúa. Loan báo Tin mừng của Đạo Chúa chính là làm sáng lên những nét tinh tuý tiềm tàng trong mỗi nền văn hoá. Đối với môi trường gia đình Việt Nam, đó chính là “minh minh đức”, làm sáng cái đức sáng trong môi trường gia đình. Tin Mừng chính là nguồn nước thẩm thấu qua mọi lớp ngăn văn hóa và tôn giáo. Tin Mừng là ánh sáng cho các dân tộc (LG). Tin Mừng là ánh sáng trần gian (Ga 8,12). Tin Mừng và văn hóa giao thoa và hoà điệu với nhau.

Phụng vụ Giáo hội dành ngày Mồng Hai Tết để cầu cho tổ tiên. Hằng ngày trong mọi thánh lễ, Giáo hội đều có lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Đạo Chúa dạy, có một Cha trên trời mà con người phải tôn kính hiếu thảo; dạy yêu thương nhau : “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”; dạy sống chan hoà, bình dị : “anh em hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, dạy yêu quý sự sống : “Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào”.Tin Mừng làm sáng lên những giá trị sáng ngời có sẵn trong môi trường văn hoá Việt Nam, mang đến cho các giá trị văn hoá ấy chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ.

Tinh thần hiếu hoà, lòng thảo hiếu của người Việt là điểm son đậm đà bản sắc dân tộc.Tin Mừng bén rễ sâu vào nền văn hoá ấy làm xanh lên chồi lộc sự sống tình yêu rồi kết thành hoa trái tốt lành cho con người và cuộc đời.

Dưới ánh sáng đức tin, Đạo Hiếu không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội mà còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Người Công Giáo thảo hiếu, kính trọng cha mẹ không chỉ theo ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, tâm lý, mà còn đặt trên niềm tin tôn giáo. Thảo kính cha mẹ là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.






 
Ánh sáng cứu độ
Lm Vũđình Tường
06:58 25/01/2020
Sáng và tối là hai trạng thái của tâm hồn. Chúng hướng dẫn trái tim và tâm trí con người. Sáng và tối hiểu theo nghĩa trên không điều khiển bởi đôi mắt. Người có mắt sáng có thể đi theo con đường tối tăm, lìa xa chân lí; trong khi người ngồi trong bóng tối, bị tù đầy có thể nhìn thấy ánh sáng chân lí. Trái tim và tâm trí con người đóng vai trò quan trọng trong việc nhận ra đường lối Chúa. Lối sống mới Đức Kitô kêu gọi sống, dẫn nhân loại tiến tới sự thật, hạnh phúc thật, và cuộc sống trường sinh. Cả hai thế lực ánh sáng và bóng tối đều dùng niềm vui và hạnh phúc khuyến dụ con người. Thực ra có sự khác biệt giữa hạnh phúc thật và hoan lạc trong đời. Hạnh phúc thật đến từ bên trong, xuất phát từ tâm can con người, và làm cho nguồn vui tràn ra bên ngoài, như nguồn suối từ trong tâm hồn phát ra nguồn vui. Hoan lạc và niềm vui sức mạnh bóng tối mang đến dựa vào vật chất, địa vị, và chất men. Chúng cần thế lực đồng tiền mua vui, và niềm vui đó tác hại đến sức khoẻ người tiêu thụ chúng. Đức Kitô kêu gọi con người thống hối, từ bỏ bóng tối, đi theo con đường sáng Ngài vạch ra cho nhân loại. Con đưòng sáng dẫn đến hạnh phúc thật, niềm vui thật, niềm vui vĩnh cửu và sự sống trường sinh, một mình Đức Kitô có ban cho những ai bước trên con đường ánh sáng chân lí.

Đức Kitô kêu gọi hai nhóm, mỗi nhóm có anh em đi theo Ngài, đó hai anh em ông Phêrô và Anrê và hai anh em con ông Zebeđê là James and John. Các ngư phủ này sống nghề chài lưới, cuộc sống ổn dịnh nhưng không bảo đảm, bởi ngày có mẻ cá lớn thì vui, ngày khác đi không lại cũng về không. Đức Kitô kêu gọi các ông theo Ngài, cuộc sống chắc chắn, bảo đảm đầy niềm vui đời này và hạnh phúc thật đời sau. Các ông đi làm chứng cho điều Đức Kitô rao giảng là sự thật và là sự sống, và sống lối sống Ngài cổ võ là điều ai thành tâm đều có thể thực hiện được.
Đức Kitô khởi đầu cuộc đời công khai nơi thành Capernaum, mang ánh sáng lại cho toàn dân. Ánh sáng này chắc chắn sẽ gặp phải sức mạnh, quấy phá của bóng tối sự chết, do thần dữ hành động. Thần dữ hoành hành khởi đầu bằng cuộc giam cầm Gioan trong ngục tối. Trong rất nhiều trường hợp dường như bóng tối thắng thế ánh sáng. Chúng tác oai, tác quái trên con người. Trận chiến quyết liệt cuối cùng Đức Kitô tiêu diệt thần dữ, Ngài sống lại từ cõi chết, đánh tan nỗi lo sợ chúng mang lại cho con người. Đức Kitô không những đã tiêu diệt võ khí cuối cùng của ma quỉ là thần chết, Ngài còn ban sự sống trường sinh cho những ai trung thành bước theo con đường Ngài vạch ra.

Khởi đầu Israel là một dân tộc nhưng từ khi vua cha Salomon qua đời, con ông là Jeroboam lên thay, làm vua. Ông bị thách thức dẫn đến phân quyền. Từ đó một nước chia hai thành Bắc và Nam. Assyria chiếm Nuớc Bắc làm thuộc địa và mấy trăm năm sau Nước Nam rơi vào quân Babilon. Cuối cùng cả hai bị quân Roma xâm chiếm. Capernaum là thành phố thương mại, người tứ phương đi lại và là nơi con người dễ dàng đón nhận tư tưởng mới. Đức Kitô trong thời gian ngắn, ba năm rao giảng, muốn chọn nơi đây khởi đầu sứ mạng để điều Ngài rao giảng, nhờ con buôn khắp xứ loan truyền nhanh chóng về quê hương họ.

Tiên tri Isaiah gọi vùng đất Zebulin và Napthali là vùng đất tràn đầy bóng tối và sự chết vì nhiều lí do. Trước hết, giới lãnh đạo từ trên xuống dưới tôn thờ chức tước, tranh nhau cộng tác với giới đô hộ. Họ quí trọng vật chất, của cải hơn mạng sống con người. Thứ hai dân chúng phải làm việc cực nhọc. Không những đã thiếu ăn, còn thiếu ngủ. Nhà ở mùa hè không thoả chống nắng, giột nát khi trời mưa và mùa đông ngủ trong nhà lạnh ngnag với ngoài trời. Hơn nữa điều kiện vệ sinh là con số không, nước sạch để uống bị giới hạn, nói chi đến tắm rửa giữ thân thể sạch xẽ, từ đó sinh đủ thứ bệnh tật. Họ tôn thờ tà thần, tin bói toán và mê tín dị đoan. Vì những lí do đó mà Isaiah nói là họ đi trong bóng tối của sự chết. Đức Kitô đến rao giảng, mang ánh sáng tin yêu đến toàn dân và chữa bệnh cho họ. Điều này cho biết tôn thờ Thiên Chúa không những mang lại hạnh phúc đời này mà còn sống trong tin yêu của hạnh phúc đới sau. Chúng ta cầu xin luôn trung thành bước theo ánh sáng nhận khi lãnh nhận bí tích Thanh Thẩy.

TiengChuong.org

Light and Salvation

Light and darkness are the two states of a human life. A person's mind and heart dictate our life: walk in the Light, or follow darkness. Light and darkness have nothing to do with our physical eye sight. A person with good eye sight may walk in darkness, while a person who is being locked up in a dark cell can see the truth. The eyes of a person's mind and heart play a vital role in seeing Jesus' new way of life. His new way of life will secure happiness in this life, and thereafter, in everlasting life. Both the power of the Light and of darkness attract a person by giving joy and happiness to life. The difference is that true joy and happiness originate from within, from a human heart, flowing out like a well- spring, that makes a person content; while the other depends on substances. Consequently it costs a person financially, and causes harm to their well being. Jesus called us to repent, to turn away from the power of darkness. He called us to embrace the true joy, happiness, and everlasting joy, that last long in this world and in the world to come.

Jesus called the two sets of brothers: Peter and his brother Andrew, and James and John, to follow him. It is the call to a different way of life. Enjoyment of their present life depends on the catch of each day. It is a life without security; some days they labour in vain, catching nothing. The new life Jesus offered would secure their happiness. He called them to show the world, that his teaching, the new way of life, gives true everlasting joy and happiness He alone has to offer. John's arrest means that the power of darkness can play an upper hand over the power of the Light. Jesus moved to Capernaum. He who is the Light, would confront the powers of darkness and lock them up in their place. He would do it at the cost of his life.

Seven hundred years earlier, Assyria took the land of Zebulin and Napthali, and scattered the ten tribes of the Northern kingdom. Jesus' ministry is about to restore the ten lost tribes that Ezekiel 34 talked about. Choosing Capernaum for his public ministry was a strategic move, because this boom town was a commercial hub with traders coming from all over the world. With the short period of time Jesus had, his message would spread wide and far. Commercial people often embrace a new idea and they would quickly grab the opportunity of the new way of life Jesus proposed. Being occupied by the Assyrians, and later on, the Roman, both gentile rulers, Zebulun and Naphtali from the land of darkness and death. Darkness of a human mind and heart can darken the land, but not the other way round. It may weaken the light of a human mind and heart, but it could never extinguish it. Strict rules applied to the land conquerors occupied, leaving the majority of people to labour in poverty. Having not enough food to eat or clean water to drink was the cause of diseases and sickness. Jesus healed their sickness to show God's compassion and love. He fulfilled what Isaiah envisaged, that people will enjoy an abundant life, (Is 25, 6-10). God's light and salvation reached those who dwelt in darkness and death.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:23 25/01/2020

5. Trong tất cả mọi việc, các anh em cần phải hiền lành, vui vẻ, bởi vì người ta đang nhìn anh em biểu hiện sự hiền lành.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:29 25/01/2020
26. HỌC TRÒ PHONG LƯU

Giải Tấn đi thăm phò mã, gặp lúc phò mã không có nhà.

Công chúa nghe đại danh Giải học sĩ đã lâu, bèn muốn tận mắt nhìn dáng vẻ, bèn đứng sau rèm cửa kêu người lưu Giải Tấn ở lại uống trà.

Giải Tấn tìm bút viết đề thơ:

“Áo bông công tử chưa trả về nhà,

phấn hồng giai nhân gọi thưởng trà.

Trong sân thầm lặng người không thấy,

cách rèm lại ngửi một bông hoa”.


Công chúa nổi giận tấu báo phụ thân là Minh Thành Tổ Chu Đệ, phụ thân cừơi nói:

- “Đấy là học trò phong lưu, trách anh ta làm quái gì chứ?”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 26:

Tuổi học trò là tuổi dễ thương, hồn nhiên và nghịch ngợm, tuổi học trò cũng là tuổi thần tiên, nhưng cũng sẽ là tuổi của tiểu ma tiểu quỷ nếu chúng ta không đặt vấn đề giáo dục lên hàng đầu.

Thời nay có nhiều học trò không biết viết văn nhưng thích coi những phim ảnh bạo lực và đồi truỵ, đó không phải là học trò hồn nhiên nhưng là mầm móng của tội ác ngày mai; đó không phải là sự ham hiểu biết về cuộc sống qua màn ảnh, nhưng là phản ảnh của một nền giáo dục quá chú trong đến thành tích mà không có thành tích “tích đức” trong nhà trường, và đó cũng là những lỗ hổng để cho sâu đục thân cây con là ma quỷ chen vào trong tâm hồn của học trò...

Học trò phong lưu và công tử phong lưu thì không giống nhau, bởi vì phong lưu của học trò thì ăn nói phun châu nhả ngọc, xuất khẩu thành thơ, mặt mày đoan chính, còn công tử phong lưu thì tiêu tiền như đốt giấy, ăn chơi trác táng, hại cửa hại nhà và mặt mày thì đĩ thoã.v.v...

Người học trò Ki-tô hữu thì luôn nỗ lực học hành vì đó là bổn phận phải làm của người làm con Thiên Chúa, hơn nữa, các học trò Ki-tô hữu đều biết noi gương Đức Chúa Giê-su, chăm chú nghe giảng Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống thời học trò của mình, cũng như trong bất cứ môi trường sinh hoạt nào...

Hạnh phúc thay cho xã hội có những người học trò như thế.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 3 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:31 25/01/2020
Chúa Nhật 3 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 4, 12-23.

“Đức Chúa Giê-su đến ở Ca-pha-na-um, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a”.


Anh chị em thân mến,

Nội dung toàn bộ sách Tin Mừng đều nói lên tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi, và Đức Chúa Giê-su –Thiên Chúa làm người- đã cho chúng ta thấy được tình yêu ấy nơi chính con người của Ngài, khi Ngài rao giảng tin mừng về Nước Trời và mời gọi nhân loại hối cải để được sống. Trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với anh chị em một điểm duy nhất sau đây, đó là: hối cải.

Hối cải để thấy mình rõ hơn.

Ai đã từng sống trong tội mà được ơn hối cải, thì mới thấy sự hối cải là một hồng ân rất lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho họ, và suốt đời họ sẽ không bao giờ quên được hồng ân ấy do lòng thương xót của Thiên Chúa.

Hối cải là nhận ra mình thật yếu đuối và đầy tội lỗi, để thông cảm và chấp nhận những thiếu sót và những khuyết điểm của anh chị em; là nhìn thấy những bất toàn của tha nhân hôm nay, cũng chính là những bất toàn của mình ngày hôm qua và ngày mai.

Hối cải là một hành vi từ bóng tối qua ánh sáng, từ lỗi lầm qua hoàn lương, từ sự ác qua sự thiện của một tâm hồn biết nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, khiến cho họ cũng nhìn thấy sự sáng nơi mỗi anh chị em khi họ lỗi lầm, bởi vì thế lực của tội lỗi không thể mạnh hơn hồng ân của Thiên Chúa, ngoại trừ khi họ cương quyết chối từ hồng ân của Ngài.

Hối cải để được tha thứ.

Không một ai được tha thứ lỗi lầm nếu họ không biết hối cải, bởi vì hối cải là sự trở về nhà Cha của đứa con hoang đàng; bởi vì hối cải không chỉ là một sự trở về mà thôi, nhưng còn là một sự thay đổi toàn diện cuộc sống của mình.

Thiên Chúa là Đấng hay thương xót những người tội lỗi, và vì lòng thương xót ấy mà Đức Chúa Giê-su –Con Một của Ngài- đã giáng trần mặc lấy thân phận con người để cứu chuộc nhân loại, do đó khi có một người hối cải thì cả thiên đàng vui mừng, vui mừng là bởi vì máu của Đức Chúa Giê-su đã không đổ ra cách vô ích, vui mừng là vì sự hối cải này làm cho nhân loại nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ.

Anh chị em thân mến,

Như đứa con ngỗ nghịch trở về nhà sau những năm tháng đi bụi, cha mẹ rất vui mừng và tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của nó.

“Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”, là lời của Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy hối cải.

Nước Trời chính là Ngài –Đức Chúa Giê-su- Ngài đã đến để kêu gọi tất cả mọi người hối cải để được thứ tha và được sống. Ngài đã đến, Ngài đã giảng dạy, và Ngài đã chữa lành, chúng ta hãy mau mau đón nhận lời của Ngài và đem thực hành trong cuộc sống, bằng không thì chính lời của Ngài sẽ phán xét chúng ta trong ngày tận thế.

Gợi ý suy tư:

- Bạn đã có lần nào cảm nghiệm sự hối cải là một hồng ân của Thiên Chúa dành cho bạn?

- Sau khi phạm tội thì tâm hồn thường bất an, bạn nghĩ thế nào nếu bạn chết khi chưa được làm hòa với Thiên Chúa?


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tản mạn những ngày cuối năm Kỷ Hợi
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:33 25/01/2020
TẢN MẠN

NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM KỶ HỢI


1. Những điều trông thấy…

Những ngày cuối năm Kỷ Hợi người ta đang chạy đua với thời gian, bắt đầu từ 23 tháng chạp, ngoài đường xe cộ ngược xuôi hối hả, các điểm bán hoa trong thành phố Sài Gòn đã bắt đầu có những loại hoa truyền thống cho mùa xuân -mùa của vui tươi, hạnh phúc và bình an- đó là hoa mai, hoa cúc, hoa mồng gà, hoa thược dược, hoa đào.v.v… trăm hoa đua nở ở nơi những tụ điểm bán hoa tết: công viên 23 tháng 9 Sài Gòn 1, Phú Mỹ Hưng Sài Gòn 7, đường sông Bình Đông Sài Gòn 8.v.v…và rất nhiều nơi trên thành phố Sài Gòn năng động và đầy sức sống này.

Một Sài Gòn nắng rực trong những ngày giáp tết, dưới ánh nắng chói chan của mùa xuân, ngoài đường phố người và người, xe và xe chen chúc nhau giành nhau từng mi li mét đường phố để hối hả vội vàng như sợ không kịp đón xuân về với mình và với gia đình.

Từ nhà văn hóa Thanh Niên nơi có Phố Ông Đồ được trang trí bằng những cành hoa mai vàng rực sáng cả một góc phố với những bạn trẻ áo quần đủ mọi màu sắc tranh nhau chụp hình, tạo nên nét sinh động và vui tươi của những ngày sắp tết. Có những ông đồ trẻ mặc áo thụng khan đóng ngồi sau những cái bàn thấp để viết những câu đối bằng chữ Việt nét chữ kiểu thư pháp rất đẹp, cho đến vườn Tao Đàn với những vườn hoa nghệ thuật bắt mắt, với những cụm trang trí như hút hồn khách du xuân thả hồn theo những cánh hoa mai vàng và những giò phong lan tươi đẹp, thu hút rất đông người đi thưởng lãm hoa xuân với những thanh niên nam nữ mặc áo dài phong cách thuần túy Việt Nam, với nhiều màu sặc sỡ tạo nên nét duyên dáng của mùa xuân và của Sài Gòn riêng biệt…

Các siêu thị lớn nhỏ, các chợ truyền thống và những nơi buôn bán, hình như người ta rất hào phóng khi ăn uống, mua sắm, nhưng người ta lại ít hào phóng với chợ hoa: người bán kêu giá trên trời, người mua trả giá dưới đất cho nên chợ hoa vẫn cứ đông người đi ngắm hoa nhưng ít người mua hoa, rồi đợi ngày 30 tết thì đổ xô ra chợ hoa mua lại với giá rẻ…

2. Nỗi buồn thất đức bởi 2 câu chuyện:

a. Chạy xe cán rỗ bán hoa quả của người nghèo.


Mấy ngày nay trên mạng xã hội người ta bình luận nhiều về bức ảnh và câu chuyện của bà chủ cửa hàng bán áo quần, chạy xe cán lên rỗ bán hoa quả trong dịp gần tết của người đàn bà tuổi đáng mẹ mình. Một hành động thất đức của người ỷ vào đồng tiền và sự giàu có của mình mà khinh dễ người nghèo; hành động này trái với đạo lý của người Việt Nam nói chung và sự giáo dục nhân bản nói riêng, bởi vì đạo làm người không cho phép làm như thế với những anh chị em của chúng ta.

Hành động của bà chủ hàng bán áo quần này được gọi là thất đức và là đề tài của những người ngồi uống cà phê với smartphone trên tay, đa phần người ta đổ tội cho nền giáo dục và sự kiêu căng hợm hĩnh mất dạy của bà chủ cửa hàng, người ta bình luận đến sự mất cả lương tâm và mất đi sự cảm thông giữa người với nhau.

Những ngày giáp têt người ta thường thông cảm lẫn nhau, bởi vì ai cũng vội vàng hối hả giải quyết công việc trong năm cũ để thảnh thơi nhẹ nhàng trong năm mới. Không giúp được người khác vì mình không mướn giúp thì thôi, cớ sao lại hành xử như kẻ võ biền giữa một xã hội cầu tiến và văn minh?

b. Đốt nhà chết 5 người.

Một hành động thất đức thứ hai mà trong những ngày giáp tết này người ta bàn tán và nguyền rủa nhiều, đó là vì ích kỷ vì tham lam mà người hàng xóm đã châm lửa đốt cháy nhà hàng xóm, lửa thiêu đốt chết 5 người trong nhà. Sự thất đức này đã làm cho mọi ngưởi nghĩ đến con người thời nay còn có lương tâm không? Sự ích kỷ và lòng tham lam đã che mất lương tâm của họ, khi mà người người nhà nhà chuẩn bị đón tết mừng xuân mới, thì tai họa ập đến không phải tai họa từ trời, nhưng là do sự thù hận ích kỷ của người hàng xóm.

“Tội ác thì thầm trong thâm tâm kẻ dữ; hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa Trời” (Tv 36, 2) Vì không kính sợ Chúa Trời nên sự ác đã bắt đầu từ lòng tham và sự kiệu ngạo của con người, ngay cả khi mọi người nô nức phấn khởi chào đón năm mới thì tội ác đến thì thầm trng thâm tâm kẻ kiêu ngạo: đốt nhà nó đi không có Chúa Trời đâu, đốt cháy giết chết chúng nó đi chẳng ai biết được hành động ác độc của ngươi đâu.v.v…

Những ngày cuối năm không ai ngờ đó lại là ngày cuối của gia đình 5 người, không ai ngờ người đàn bà chủ tiệm lại có thái độ hành xử mất cả đạo đức với người bán hoa quả kiếm từng đồng để chuẩn bị tết đến cho cả gia đình…

3. Bệnh dịch corona – bệnh dịch Trung Quốc.

Cũng trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi này, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bắt đầu từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đang bộc phát dữ dội, đến nỗi chính phủ cộng sản Trung Quốc ra lệnh đóng cửa tất cả ngõ ra vào thành phố Vũ Hán.

Nguyên nhân căn bệnh hiểm nghèo này được các nhà nghiên cứu cho biết là vì ăn thịt rắn và thịt dơi, và lây lan qua đường hô hấp, dùng chung đồ vật.v.v…đều trờ nên nguy hiểm với con người. Và theo cộng đồng mạng đưa tin là hiện tại đã có 2 người Trung Quốc nhiễm bệnh corona và đang điều trị cách ly ở bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng không khí đón xuân trong những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi rất náo nhiệt, và người ta coi bệnh corona cũng như bao bệnh càm mạo nhức đầu khác nên không cần để ý, và người ta cắt đứt dòng tư tưởng bệnh của con bệnhcorona để hòa cùng với niềm vui dân tộc; vẫn tấp nập lo toan vui mừng đón xuân.

Bất kể bệnh dịch corona như thế nào, người Ki-tô hữu luôn tin rằng, đây chính là lời cảnh cáo của Chúa cho chúng ta: nếu các ngươi không ăn năn sám hối thì các ngươi cũng sẽ chết.

4. Niềm vui nho nhỏ.

Bên cạnh những hành động không mấy nhân văn của bà chủ của hàng bán áo quần, và hành động mất nhân tính của tên đốt nhà đã gây ra cái chết cho 5 người. Thì bên cạnh đó vẫn có những tâm hồn đầy tràn bác ái vì người nghèo mà chia sẻ niềm vui tết cho họ.

Tôi biết có giáo xứ nọ ở trung tâm Sài Gòn, cha sở đã làm bánh tét bánh chưng và giao cho các huynh trưởng trong giáo xứ đem đi tặng cho những người nghèo ở dưới gầm cầu, ở bên lề đường.

Những ngày trước tết, các anh chị huynh trưởng đã đem mùa xuân đến cho người nghèo bất hạnh, tuy không nhiều nhưng ngập tràn đức ái của Đức Chúa Giê-su được lan tỏa đến với những người chung quanh; đành rằng một con én không làm được mùa xuân, nhưng ít nữa nó cũng là dấu hiệu báo mùa xuân đang đến.

Niềm vui nho nhỏ này được xuất phát từ tâm hồn yêu thương và lây lan qua các tâm hồn khác, để tình yêu của Đức Chúa Giê-su được mọi người đón nhận.

5. Kết.

Trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi, bên cạnh niềm vui chung của mọi người thì cũng có những câu chuyện buồn nên niềm vui chưa trọn vẹn.

Năm cũ sắp qua đi, hãy đem sự tham lam ích kỷ và kiệu ngạo tống đi khỏi tâm hồn của mỗi người, để trong năm mới mọi người biết cảm thông với nhau hơn, gần gủi nhau hơn và yêu thương nhau hơn, như lời thánh Phao-lô tông đồ đã khuyên bào chúng ta trong bài đọc thánh lễ giao thừa:

“Hãy vui mừng luôn, hãy cầu nguyện không ngừng…hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện…”

Xin Thiên Chúa là chúa xuân chúc lành cho chúng ta qua năm mới được mọi sự bằng an và hạnh phúc.

Saigon, ngày 30 tháng chạp Kỷ Hợi 2020

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Kinh Chiều bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo.
J.B. Đặng Minh An dịch
16:55 25/01/2020
Lúc 5g30 chiều thứ Bẩy 25 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Kinh Chiều tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo năm nay, được trích từ Sách Tông Đồ Công Vụ “Họ đã đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có”, tường thuật câu chuyện Thánh Phaolô được cứu khỏi tai nạn đắm tàu tại Malta.

Năm ngoái, 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi kinh chiều trọng thể khai mạc tuần lễ này vì sau đó ngài phải tông du Panama nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Tuy nhiên, thông thường theo truyền thống của các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự buổi kinh chiều trọng thể bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô vào chiều ngày 25 tháng Giêng.

Tham dự buổi lễ có khoảng 20 vị Hồng Y, và các Giám Mục trong giáo triều Rôma, cùng đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Bên cạnh đó, còn có đại diện của các Giáo hội Kitô và các Cộng đồng Giáo hội khác hiện diện tại Rôma; đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Gennadios, đại diện của Tòa Thượng Phụ Đại Kết; Đức Cha Ian Ernest, tân đại diện tại Rôma cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo. Ngoài ra, còn có phái đoàn Đại Kết Phần Lan; các sinh viên của Viện Đại kết Bossey, đang trong chuyến thăm Rôma để đào sâu kiến thức của họ về Giáo Hội Công Giáo; và các sinh viên Chính Thống đang theo học tại Rôma.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Trên khoang con tàu đưa tù nhân Phaolô đến Rôma có ba nhóm người khác nhau. Quyền thế nhất là nhóm được tạo thành từ những người lính, dưới quyền của một viên đội trưởng. Sau đó, là nhóm các thủy thủ, tất nhiên mọi người phải phụ thuộc vào họ trong chuyến hải hành dài này. Cuối cùng, là nhóm những người yếu thế nhất và dễ bị tổn thương nhất: đó là các tù nhân.

Khi con tàu mắc cạn gần bờ biển Malta, sau khi đã phải trải qua cơn bão trong nhiều ngày, những người lính dự định giết hết các tù nhân để bảo đảm không ai trốn thoát được, nhưng họ bị viên đội trưởng ngăn cản vì ông muốn cứu Thánh Phaolô. Trên thực tế, dù chỉ là một trong những người yếu thế nhất, Phaolô đã đem lại một điều quan trọng đối với những người bạn đồng hành của mình. Trong khi mọi người đang mất hết hy vọng sống sót, Tông đồ Phaolô đã mang đến cho họ một thông điệp hy vọng bất ngờ. Một thiên thần đã nói thế này để trấn an ngài: “Đừng sợ, Phaolô: Thiên Chúa muốn cho tất cả những người cùng đi tàu với anh được sống” (Cv 27:24).

Sự tin tưởng của Phaolô được chứng tỏ là có cơ sở và cuối cùng tất cả hành khách đều được cứu và, một khi họ đến Malta, họ trải nghiệm sự hiếu khách của cư dân trên đảo, cũng như lòng tốt và tình người của họ. Chủ đề của Tuần lễ Cầu nguyện này, được kết thúc ngày hôm nay, đã được chọn từ chi tiết quan trọng đó.

Anh chị em thân mến, trình thuật này của Sách Tông Đồ Công Vụ cũng nói lên hành trình đại kết của chúng ta, hướng đến sự hiệp nhất mà Thiên Chúa hằng mong mỏi. Đầu tiên, câu chuyện này cho chúng ta biết rằng những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, những người có ít vật chất để trao ra lại là những người tìm thấy sự giàu có của họ trong Chúa, và có thể đưa ra những thông điệp quý giá vì thiện ích của tất cả mọi người. Chúng ta hãy nghĩ về các cộng đồng Kitô giáo: ngay cả những cộng đồng nhỏ nhất và chẳng có ý nghĩa bao nhiêu trong mắt thế gian, nếu họ được Chúa Thánh Thần linh hứng, nếu họ sống tình yêu dành cho Thiên Chúa và người lân cận, họ sẽ có một thông điệp để trao ban cho toàn thể gia đình Kitô hữu. Chúng ta hãy nghĩ đến các cộng đồng Kitô giáo bị gạt ra ngoài lề và bị bách hại. Như trong câu chuyện về vụ đắm tàu của Thánh Phaolô, thường người yếu nhất lại là người mang thông điệp cứu rỗi quan trọng nhất. Bởi vì Thiên Chúa thích làm theo cách này: Ngài muốn cứu chúng ta không phải bằng sức mạnh của thế gian, nhưng bằng sự yếu đuối của thập tự giá (x. 1Cr 1,20-25). Do đó, là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải cẩn thận đừng để mình bị cuốn hút bởi luận lý của thế gian, nhưng phải biết lắng nghe những người bé mọn và người nghèo, bởi vì Thiên Chúa thích gửi thông điệp của Người qua những người ấy, là những người rất giống với Người Con đã hoá thành nhục thể của Người.

Trình thuật của Sách Tông Đồ Công Vụ nhắc nhở chúng ta về một khía cạnh thứ hai: đó là ưu tiên của Thiên Chúa là ơn cứu rỗi của tất cả mọi người như thiên thần đã nói với Thánh Phaolô: “Thiên Chúa muốn cho tất cả những người cùng đi tàu với anh được sống”. Đó là điểm mà Thánh Phaolô nhấn mạnh. Chúng ta cũng cần phải lặp lại điều đó: nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện mong muốn ưu tiên của Thiên Chúa, Đấng, như Thánh Phaolô viết, “muốn cho mọi người được cứu độ” (1 Tm 2: 4).

Đó là một lời mời gọi chúng ta không chỉ cống hiến cho riêng cộng đồng của mình mà thôi, nhưng phải mở rộng lòng chúng ta ra cho thiện ích của mọi người, với cái nhìn phổ quát của Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể để ôm lấy toàn thể loài người, đã chết và phục sinh để cứu rỗi tất cả mọi người. Nếu, với ân sủng của Ngài, chúng ta biết đồng hóa tầm nhìn của chúng ta với viễn kiến của Ngài, thì chúng ta có thể vượt qua sự chia rẽ giữa nhau. Trong vụ đắm tàu của Thánh Phaolô, mỗi người đều đóng góp để tất cả cùng được cứu: viên đội trưởng đưa ra các quyết định quan trọng, các thủy thủ đưa kiến thức và kỹ năng của họ ra cho mọi người áp dụng, Thánh Phaolô khuyến khích những người tuyệt vọng. Các Kitô hữu ngày nay cũng thế, mỗi cộng đồng đều có một đặc sủng để trao ban cho những người khác. Càng nhìn xa hơn những lợi ích phe phái và càng cố vượt thắng những di sản của quá khứ với mong muốn tiến tới một bờ bến chung, chúng ta sẽ càng tự phát nhận ra, chào đón và chia sẻ những món quà này.

Và chúng ta đi đến một khía cạnh thứ ba, là trung tâm của tuần cầu nguyện này: đó là lòng hiếu khách. Thánh Luca, trong chương cuối cùng của Sách Tông Đồ Công Vụ, nói về người dân Malta như sau: “Họ đối xử với chúng tôi với sự tử tế”, hoặc: “với tình người hiếm có” (câu 2). Ngọn lửa thắp sáng trên bờ để sưởi ấm những người bị mắc cạn là một biểu tượng đẹp đẽ cho sự ấm áp của tình người bất ngờ bao quanh họ. Ngay cả vị thống đốc của hòn đảo cũng tỏ ra thân thiện và hiếu khách với Phaolô, và thánh nhân đã đáp lại bằng cách chữa lành cho cha ông ta và sau đó cho nhiều bệnh nhân khác (xem câu 7-9). Cuối cùng, khi Thánh Phaolô và những người đi cùng với ngài khởi hành đến Ý, người dân Malta đã hào phóng trao tặng cho họ những thứ cần thiết (câu 10).

Từ tuần cầu nguyện này, chúng ta muốn học cách trở nên hiếu khách hơn, trước hết là trong vòng các Kitô hữu với nhau, ngay cả trong số các anh em của những hệ phái khác nhau. Lòng hiếu khách là một trong các truyền thống của các cộng đồng và gia đình Kitô giáo. Những người cao niên của chúng ta đã dạy chúng ta qua tấm gương là trên bàn của một ngôi nhà Kitô hữu luôn có một đĩa súp cho người bạn đi qua hoặc những người gõ cửa cần giúp đỡ. Và trong các tu viện, vị khách được đối xử rất tôn trọng, như thể người ấy là Chúa Kitô. Chúng ta đừng đánh mất, nhưng hãy làm sống lại những phong tục hiểu biết Tin Mừng này!

Anh chị em thân mến, với những tình cảm này, tôi gửi lời chào thân ái và tình huynh đệ tới Đức Tổng Giám Mục Gennadios, đại diện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết; Đức Cha Ian Ernest, đặc sứ tại Rôma của Đức Tổng Giám Mục thành Canterbury, và tất cả các đại diện của nhiều giáo hội và cộng đồng giáo hội đã tập trung tại đây. Tôi cũng chào các sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, đang viếng thăm Rôma để đào sâu kiến thức về Giáo Hội Công Giáo, và giới trẻ Chính Thống Đông phương và Chính Thống Giáo đang học ở đây với học bổng của Ủy ban Hợp tác Văn hóa với các Giáo hội Chính thống, được điều hành bởi Hội đồng Giáo Hoàng cổ vũ hiệp nhất Kitô giáo, mà tôi xin gởi chào và cảm ơn. Cùng nhau, không bao giờ mệt mỏi, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng hiệp nhất trọn vẹn với nhau.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tại Vatican
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
20:56 25/01/2020
Phó Tổng thóng Mike Pence tặng Đức Giáo Hoàng một cây thánh giá bằng gỗ làm từ cây tại dinh thự của Phó Tổng thống. Sau đó, ĐGH Phanxicô và PTT Hoa Kỳ Mike Pence gặp riêng trong gần một giờ tại Vatican, Pence nói với ĐGH rằng mẹ Công Giáo La Mã của ông sẽ hài lòng với chuyến thăm này. “Cảm ơn ĐTC. ĐTC đã biến tôi thành một anh hùng” Pence là người Công Giáo nhưng đã trở thành một người theo đạo Tin lành Phúc m. Phó Tổng thống, cùng với vợ Karen và con dâu Sarah, đến sớm 10 phút cho cuộc gặp với Đức Giáo Hoàng vào ngày 24 tháng 1. Họ được chào đón bởi Đức Ông Leonardo Sapienza, nhiếp chính của Phủ Giáo Hoàng. Sau khi Đức Giáo Hoàng và Pence ngồi xuống trong thư viện giáo hoàng của Cung điện Giáo hoàng, Phó Tổng thống đã chuyển lời chào từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã gặp Đức Giáo Hoàng vào năm 2017. “Tôi muốn gửi lời chào nồng nhiệt nhất thay mặt cho Tổng thống Donald Trump, người rất thích chuyến thăm của ông ở đây”, ông Pence đã nói với Đức Giáo Hoàng trước khi các phóng viên ra khỏi phòng.

Sau khi nói chuyện với Pence trong 59 phút, với thông dịch viên có mặt, Đức Giáo Hoàng đã chào đón những người đi cùng Phó Tổng thống trong chuyến thăm của ông, bao gồm Callista Gingrich, đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh; chồng bà, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich; và Trung tướng Keith Kellogg, cố vấn an ninh quốc gia của Pence. Sau đó, Pence tặng Đức Giáo Hoàng một cây thánh giá bằng gỗ được làm từ một cây tại dinh thự của Phó Tổng thống.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trao tặng ông một huy chương, mô tả nó như “một thiên thần của hòa bình”, chinh phục “con quỷ chiến tranh.” Ngoài ra, ngài còn đưa cho Pence những bản sao của một số tài liệu của ngài mà ngài gọi đùa là “Thư viện Vatican.” Những tài liệu bao gồm “Niềm vui Tin mừng” về loan báo Tin mừng và “Niềm vui Tìn yêu” về gia đình, và “Laudato Si’” về môi trường. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đưa cho Phó Tổng thống một bản sao thông điệp của mình cho Ngày Hòa bình Thế giới 2020. “Ở đây, tôi đã chuẩn bị cho ông thông điệp hòa bình,” Đức Giáo Hoàng nói. “Tôi đã ký riêng cho ông.” Văn phòng Vatican và văn phòng Phó Tổng thống đều không mong muốn đưa ra tuyên bố về các vấn đề được thảo luận trong cuộc họp riêng của họ.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Đức Hồng Y Giovanni Battista Re được bầu làm Niên Trưởng Hồng Y đoàn
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
20:58 25/01/2020
Ngày 25 tháng 1 năm 2020, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re đã được bầu làm Niên Trưởng Hồng Y đoàn và Đức Hồng Y Leonardo Sandri làm Phó Niên Trưởng Hồng Y đoàn.

ĐHY Re, 85 tuổi, sẽ phục vụ nhiệm kỳ 5 năm, theo nhiệm kỳ mới được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn trong một tự sắc ban hành ngày 21 tháng 12. Trước đó, Niên Trưởng Hồng Y đoàn được coi là người đứng đầu trong số những người bình đẳng” và chức vụ này kéo dài suốt đời.

Niên Trưởng Hồng Y đoàn chủ trì tại mật nghị cho cuộc bầu cử của Giáo hoàng và đại diện cho Tòa thánh trong thời gian trống ngôi. Bởi vì Hồng Y Re đã ngoài 80 tuổi, ngài không đủ điều kiện để tham gia vào một mật nghị. Do đó, trách nhiệm chủ trì mật nghị sẽ thuộc về Phó Niên Trưởng Hồng Y đoàn 76 tuổi, Hồng Y Sandri. Cả hai cuộc bầu cử ĐHY Re và ĐHY Sandri, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn vào ngày 18 tháng 1 và 24 tháng 1.

Hồng Y đoàn được cấu trúc theo ba đẳng hoặc ba cấp: Hồng Y phó tế, Hồng Y linh mục và Hồng Y giám mục. Niên Trưởng Hồng Y đoàn được bầu từ nhóm các Hồng Y thuộc cấp cao nhất là hồng y giám mục. Ngài có trách nhiệm thông tin về việc Đức Giáo Hoàng qua đời với ngoại giáo đoàn có liên quan đến Tòa Thánh và các nguyên thủy quốc gia, và ngài sẽ hỏi Đức Giáo Hoàng được trúng cử rằng ngài có nhận kết quả cuộc bầu cử không và ngài chọn tên là gì.

Cuộc bầu cử ĐHY Re xảy ra sau sự từ chức của Đức Hồng Y Angelo Sodano, 92 tuổi, người được bầu làm Niên Trưởng Hồng Y đoàn năm 2005. Kể từ năm 2017, ĐHY Re giữ chức Phó Niên Trưởng Hồng Y đoàn dưới quyền ĐHY Sodano, người hiện đảm nhận chức Niên Trưởng danh dự.

Trong tự sắc ngày 21 tháng 12, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài đã đưa ra quyết định một nhiệm kỳ 5 năm, có thể được tái bầu, liên quan đến thực tế là với sự gia tăng số lượng Hồng Y, các cam kết lớn hơn sẽ đè nặng lên người Niên Trưởng Hồng Y đoàn.

Niên Trưởng và Niên Trưởng Hồng Y đoàn, được bầu trong số các Hồng Y giám mục, được gọi “để thực thi trong số các Hồng Y tinh thần lãnh đạo huynh đệ và hiệu quả giữa những người bình bằng” ĐGH tuyên bố.

HY Re từ chức Tổng trưởng Bộ Giám mục năm 2010 sau khi lãnh đạo Bộ này trong thời gian 10 năm. Ngài làm việc sách bên ĐGH Gioan Phaolô II trong tư cách là Thứ trưởng Quốc vụ khanh từ năm 1989-2000 trước khi được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục.

ĐHY Re là người gốc ở Lombardy, Ý, được thụ phong linh mục vào năm 1957 và được đưa vào phục vụ Ngành ngoại giao Tòa thánh. Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục và tổng thư ký của Bộ Giám mục năm 1987 và là Hồng Y vào năm 2000. ĐHY Re đã giữ chức Niên Trưởng Hồng Y đoàn từ năm 2017,

ĐHY Sandri hiện là Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương từ năm 2007 và ĐGH Benedict 16 nâng ngài lên hàng Hồng Y. Sinh tại Buenos Aires vào năm 1943, HY Sandri được thụ phong linh mục vào năm 1967. Sau một thời gian ngắn, ngài trở thanh nhà ngoại giao tòa thánh, và tiếp tục phục vụ trong tòa khâm sứ tòa thánh ở Madagascar và Mauritius. Thánh Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm nhiếp chính của Phủ Giáo hoàng năm 1991, và năm sau ngài được thăng chức thứ trưởng về Tổng Vụ trong phủ Quốc Vụ. HY Sandri tiếp tục được bổ nhiệm làm tổng giám mục và sứ thần tại Venezuela năm 1997, và sứ thần tại Mexico năm 2000. Chỉ sau vài tháng, ngài được gọi trở lại Vatican để đảm nhận chức thứ trưởng Quốc Vụ khanh.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gx. Vĩnh Hòa Sàigon: Thánh lễ Giao thừa 2020
Văn Minh
09:21 25/01/2020
“Phúc cho ai xót thương người, vì sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,3).

Câu Lời Chúa trên đây đã được Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, chia sẻ cho cộng đoàn trong Thánh lễ Giao thừa diễn ra lúc 20g00 thứ Sáu, ngày 24.01.2020, do ngài chủ sự. Tham dự Thánh lễ, có quý thầy ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, quý soeur, là những người con của giáo xứ nhân dịp được nghỉ Tết về bên gia đình cùng đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ cùng đến hiệp dâng.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, đại diện quý vị trong Hội đồng Mục vụ cùng các em Ban Lễ sinh rước Lm chủ tế từ ngoài sân vào trong ngôi thánh đường trong niềm hân hoan của cộng đoàn Gx.

Trong phần giảng lễ, Lm Gioakim chia sẻ: Trong giờ phút thiêng liêng sắp bước sang năm mới, chúng ta cùng nhau quy tụ về ngôi thánh đường thân thương này để tạ ơn Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không gian, cùng muôn loài vạn vật. Đồng thời, chúng ta cũngcầu nguyện cho nhau và cùng nhau xây dựng một gia đình luôn sống trong đức tin đức cậy và đức mến. Tiếp đó, ngài diễn giảng về “Tám mối Phúc thật”và mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy ngẫm và mỗi người lựa chọn cho mình một trong tám câu đức tính căn bản để áp dụng trong đời sống.

Đúc kết bài giảng, Lm Gioakim ước mong mỗi ngườitrong năm mới này hãy biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa truyền dạy.“Phúc cho ai xót thương người, vì sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông cố Giuse Phạm Văn An - Chủ tịch, thay mặt HĐMV Gx lên cảm ơnLm chánh xứ đã về mục vụ và xây dựng Gx trong tình hiệp nhất và yêu thương trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Tiếp nối lời cảm ơn của ông cố Giuse, Lm chánh xứ bày tỏ lòng cảm ơn cộng đoàn đã cộng tác cùng ngài trong năm tháng qua, và ước mong Gx Vĩnh Hòa ngày một phát triển hơn nữa. Đặc biệt là sớm có được ngôi nhà để cho các em thiếu nhi học giáo lý cũng như những sinh hoạt khác của Gx được tốt hơn. Ngoài ra, ngài cũng chia sẻ về năm giai đoạn phát triển của một giáo xứ.

Một giáo xứ được bao cấp của Lm chánh xứ

Một giáo xứ của Hội đồng Mục vụ

Một giáo xứ với mọi thành phần tham gia

Một giáo xứ với những tập thể năng động

Một giáo xứ với Mầu nhiệm hiệp thông giữa các cộng đoàn

Thánh lễ khép lại lúc 21g, cộng đoàn lãnh nhận ơn bình an từ Lm chủ tế với sứ vụ ra đi loan báo Tin Mừng đến cho muôn người.
 
Lễ Đón Giao Thừa tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Oregon.
Lê Quang Uyên
20:53 25/01/2020
Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2020 tức ngày 30 Tết m Lịch Việt Nam vào lúc 7:00 tối tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Thành Phố Portland Oregon, như hằng năm tổ chức trọng thể Thánh Lễ Giao Thừa và Mừng Xuân Mới Năm Canh Tý 2020 tại Thánh Đường của Giáo Xứ. Với sự hiện diện và chủ tế của Đức Cha Peter Smith Phụ Tá Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Portland và Cha Chánh Xứ Đaminh Phạm Tĩnh, SDD cùng quý Cha Phó Xứ, quý Cha thuộc Tu Đoàn Giáo Sỹ Nhà Chúa, Thầy Sáu Vĩnh Viễn và quý Tu Sĩ Nam Nữ cùng quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt / Portland OR cũng như khá đông giáo dân giáo xứ tham dự.

Xem Hình

Trước khi bước vào Thánh Lễ là nghi thức kính nhớ tổ tiên trước Bàn Thờ Tổ Quốc được đặc ngay ngắn dưới Bàn Thánh, lễ nghi do Cha Chánh Xứ, ông Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ và Huynh Trưởng Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể cử hành thật trang nghiêm, xen lẫn ba hồi chiêng trống vang lên theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc. “Ly Hương Bất Ly Tổ” cùng hòa nhịp với tất cả các cộng đồng và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tỵ nạn trên toàn thế giới đều nhớ về quê cha đất tổ với ba ngày đại lễ của dân tộc, đó là Tết Nguyên Đán, rìêng đối với Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland OR nghĩa cử cao đẹp nầy đã có từ lúc mới hình thành giáo xứ và vẫn tiếp diễn mãi cho đến ngày nay dù đã trải qua bao nhiêu vị Chánh Xứ cai quản giáo xứ… Nhưng có một điều đặc biệt là: Năm nay có lẽ là năm cuối cùng được tổ chức Lễ Mừng Xuân Mới
tại cơ sở của giáo xứ nơi mãnh đất thân yêu và nhiều kỷ niệm thăng trầm nầy trong suốt hơn 40 năm qua. Nhưng tất cả Hồng n rồi sẽ tiếp nối Hồng n... Bởi vì, với mức độ phát triển lớn mạnh về đức tin và cơ sở cũng như giáo dân trong hơn 40 năm qua của giáo xứ, đáp ứng theo nhu cầu cần thiết thêm ở ba lĩnh vực trên, nên giáo xứ đã vất vã tìm kiếm trong thời gian khá dài, cộng thêm sự quan tâm và ưu ái của Tổng Giáo Phân Portland, nên giáo xứ đã tìm mua lại được một cơ sở mới của một Hội Thánh Tin Lành toạ lạc tại Thành Phố Happy Valley OR một thành phố lân cận của Portland, với một diện tích rộng lớn và khang trang đủ phục vụ cho lượng giáo dân của giáo xứ đã lên đến trên 1600 gia đình, so với cơ sở hiện tại thì qúa chật hẹp không đủ phục vụ cho lượng giáo dân qúa đông và sự phát triển thêm trong tương lai của con cháu…Nếu mọi sự diễn tiến tốt đẹp như ý Chúa muốn thì Thánh Lễ Tất Niên năm đến 2021 giáo xứ sẽ có nơi mới để tổ chức rộng rãi và khang trang hơn.

Như chia sẻ lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, Đức Cha chủ tế đã tỏ bày sự vui mừng cùng chung với giáo xứ về việc thay đổi cần thiết nầy, và Ngài khuyên giáo dân nên biết hy sinh những tiện lợi cá nhân mà phải biết nắm tay nhau chung sức xây dựng với cộng đoàn giáo xứ, vì đối với giáo xứ Ngài rất ngưỡng mộ mọi sinh hoạt mà giáo xứ đã dày công xây dựng trong thời gian khá dài tại đây, khi Ngài còn làm chánh xứ cho một giáo xứ chỉ bên kia đường trước khi Ngài được phong Giám Mục và về phục vụ tại Giáo Phận.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ là lời cám ơn và chúc tết của Cha Chánh Xứ đại diện cho quý Cha Phó Xứ và giáo xứ đến Đức Cha, quý Cha và qúy Tu Sĩ Nam Nữ cùng giáo dân, tiếp theo là những lời chúc tết dí dõm đễ thương của các cháu thiếu nhi đến Đức Cha, Cha Chánh Xứ quý Cha, quý Thầy Sáu Vĩnh Viển, quý Sơ và tòan thể cộng đoàn giáo xứ bằng hai ngôn ngữ Việt-Mỹ, sau lời chúc tết của các cháu là phần lì xì mừng tuổi cho các cháu thiếu nhi do Đức Cha và quý Cha trao tặng, còn riêng giáo dân thì như hằng năm có mục hái lộc đầu năm luôn là một câu Kinh Thánh đưọc trang trọng in trên mãnh giấy màu đẹp mắt.

Cuối cùng là tiệc mừng Tất Niên tại Hội Trưòng Giáo Xứ với sự hiện diện của Đức Cha Phụ Tá Giáo Phận, Cha Chánh Xứ, quý Cha, quý Sơ và khá đông giáo dân ở lại để chung vui cùng giáo xứ với món ăn thuần tuý là bánh chưng, đồng thời được thưởng thức màn Múa Lân độc đáo của đoàn Việt Hùng và các em Thiếu Nhi Thánh Thể trong những bài múa xuân thật hồn nhiên và vui nhộn./.

Lê Quang Uyên
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
52 Năm Chuột máy tính
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
23:07 25/01/2020


TẾT CANH TÝ

Năm 2020, CHUỘT MÁY TÍNH tròn 52 tuổi. Càng “già” chuột càng đẹp, càng tiện ích hơn. Càng ngày “công nghệ chuột” được cải thiện về chất lượng và tính năng như: nhẹ, đẹp, rẻ, hình dáng nhỏ gọn vừa lòng bàn tay, có loại đặc biệt cho người thuận tay trái, độc đáo theo sở thích và thời trang, nhạy hơn, chính xác hơn.

Cha đẻ của chuột

Sau 2 năm nghiên cứu, chuột máy tính chào đời vào một ngày cuối năm 1968. Nhà phát minh người Mỹ, Tiến sĩ Douglas Engelbart nhận Giấy Chứng Nhận Bằng Sáng Chế số: 3.541.541, cấp ngày 17.11.1970, ghi rõ tên đầu tiên của chuột là “bộ định vị x-y”.

Douglas Engelbart chào đời năm 1925, tại bang Oregon, Mỹ. Năm 1942, ông theo học ngành kỹ sư điện tử tại trường đại học bang Oregon, sau hai năm gián đoạn để gia nhập quân đội, ông tốt nghiệp loại xuất sắc vào năm 1948. Ra trường, ông làm việc tại phòng thí nghiệm NACA Ames, tiền thân của viện NASA ngày nay. Chính từ đây, ông bắt đầu hình thành khái niệm “phát triển ý tưởng nhân loại”.

Cụm từ “phát triển ý tưởng nhân loại” của ông mang ý nghĩa làm sao cho mọi người có cơ hội để được nâng cao và phát huy khả năng của mình, để có thể giải quyết được những tình huống phức tạp trong đời sống, vừa đạt tới sự hiểu biết đủ để đáp ứng cả những nhu cầu rất riêng tư. Ông đã đơn giản hoá cách vận dụng máy vi tính, biến nó từ một loại “siêu máy móc”, chỉ những nhà khoa học cao siêu mới sử dụng được, trở thành một công cụ gần gũi với tất cả mọi người!

Năm 1964, “con chuột” đầu tiên ra đời chỉ với mục đích phục vụ những người thiết kế đồ hoạ trên máy tính. Năm 1968, Douglas Engelbart đã có một buổi thuyết trình trước công chúng dài 90 phút về hệ thống máy tính “mạng lưới” (net-work) tại trung tâm nghiên cứu mở rộng đại học Stanford, và đây là lần đầu tiên “các đứa con” của ông đã ra mắt mọi người: “con chuột” và hệ điều hành Windows.

Năm 1970, Douglas Engelbart nhận được bằng sáng chế cho mẫu “con chuột”có vỏ hộp bằng gỗ gắn hai bánh xe nhỏ bằng kim loại nối với máy tính bằng một đoạn dây. Ông miêu tả nó như một sáng chế mang tính ứng dụng cao, một “vật chỉ thị vị trí trên màn hình vi tính”, nó cho biết bạn “đang ở đâu”! Douglas Engelbart bật mí: tôi đặt tên nó là “con chuột” ví nó có một “cái đuôi” dài thò lò ra đấy thôi.

Tiến sĩ Douglas Engelbart đã được vinh dự nhận được giải thưởng Lemeson – MIT năm 1997 cùng số tiền thưởng 500.000USD. Đây là giải thưởng lớn nhất dành cho các phát minh mang tính đổi mới trên toàn thế giới. Năm 1998, tên của ông được đưa vào toà nhà kỷ niệm những nhà phát minh quốc gia Hoa Kỳ. Năm 2000, Douglas Engelbart được Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton tặng thưởng Huy chương Công nghệ quốc gia, huy chương cao nhất trong lĩnh vực công nghệ.

Cha đẻ của chuột máy tính qua đời vào năm 2013 ở tuổi 88.

Chuột không ngừng tiến hóa

Chuột được Tiến sĩ Douglas Engelbart và các cộng sự thai nghén năm 1963. Mẫu đầu tiên của nó được tạo ra để sử dụng với giao diện người dùng đồ hoạ (GUI, graphical user interface). Lúc đó, chuột là một khối gỗ vuông với một nút bấm màu đỏ và hai bánh xe kim loại đựơc bố trí vuông góc với nhau.

Ngày 9.12.1968, chuột chính thức chào đời khi được đưa ra trình diễn trong một buổi giới thiệu kéo dài 90 phút trước khoảng một ngàn chuyên gia máy tính tại một hội nghị tổ chức ở California (Mỹ). Tiến sĩ Douglas Engelbart khiến các đồng nghiệp của ông phải kinh ngạc khi dùng chuột để điều khiển con trỏ trên màn hình từ khoảng cách trên 40m.

Chuột còn có một người anh em sinh đôi là bàn phím có 5 phím bấm. Ý tưởng của Engelbart là để tương tác với màn hình máy tính, người dùng chỉ cần một tay cầm chuột, còn tay kia cầm bàn phím số, và sẽ chẳng cần đến cái bàn phím như hiện nay. Thế nhưng qua gần 4 thập kỷ thì chỉ một mình chuột trở thành một trang bị tiêu chuẩn của máy tính cá nhân, việc mà ông Engelbart cho là “điều bất ngờ ngọt ngào”. Trong trong khi đó thì cái bàn phím 5 phím bấm chẳng biết đi về nơi đâu. Có lẽ vì nếu muốn thay thế bàn phím đánh chữ bằng 5 phím bấm đó, người sử dụng máy tính buộc phải nhớ đến 512 kiểu đánh phối hợp. Ngược lại để sử dụng chuột, người ta chỉ cần cầm nó di chuyển vòng vòng, kéo tới kéo lui trên miếng lót.

Ban đầu để sử dụng đựơc chuột “thuỷ tổ” phải mất vài… tháng để làm quen. Đến năm 1973, Bill English, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của Douglas Engelbart, thực hiện những cải tiến lớn đầu tiên. Bill English “giải phẫu thẩm mỹ” chuột bằng việc đặt bên dưới chuột một hòn bi lớn bằng thép có khả năng ghi nhận các chuyển động của tay để thay thế cho hai bánh xe kim loại bên trong như thiết kế cũ, lại gắn thêm 2 nút bấm thành 3 nút. Chuột bi này của Bill English được Xerox PARC (Trung tâm Nghiên cứu Xerox tại Palo Alto) tung ra cùng với chiếc máy tính đầu tiên sử dụng GUI.

Ý tưởng chuột bi của Bill English được tiếp tục phát triển qua những tiến hoá: từ 3 nút còn lại 2 nút, rồi thêm bánh lăn… Thế rồi đến năm 1981, Richard Lyon của Xerox và Steve Kirsh của tập đoàn Mouse Systems cùng lúc phát minh mẫu chuột quang đầu tiên, nhận dạng chuyển động bằng vi cảm biến ánh sáng đặt dưới thân chuột, giải quyết chuyện bi bị bám bụi. Năm 1983, Apple tung ra mẫu máy tính cá nhân thương mại đầu tiên là Apple Lisa được trang bị GUI và chuột. Apple Lisa không thành công, nhưng chuột Apple vẫn được giữ lại để dùng với máy Apple Macintosh sau đó. Trong những năm cuối thập niên 20, người dùng máy tính quen liên tưởng mẫu chuột có phím cuộn kèm với cái tên Microsoft, nhưng thực ra Genius đã đi trước Microsoft một năm, với mẫu chuột Genius EasyScroll được tung ra thị trường năm 1995. Đến năm 2004, Logitech tung ra mẫu chuột laser đầu tiên, thay thế toàn bộ đèn LED bên trong chuột quang.

Trong quá trình “tiến hoá”, chuột cũng được cải thiện về chất lượng: nhẹ, đẹp, rẻ; hình dáng nhỏ gọn vừa lòng bàn tay, thậm chí có loại đặc biệt cho người thuận tay trái, hoặc độc đáo theo sở thích và thời trang. Về tính năng chuột cũng nhạy hơn, chính xác hơn, thậm chí có chuột 2 trỏ. Về sự thuận lợi, từ chuột có dây, chuột rút dây cho đến chuột không dây, chuột sóng radio; từ chuột dễ bị bám bụi và “chết” nếu không biết làm vệ sinh bi đến chuột quang, chuột laser…

Thuật ngữ "chuột" (mouse) trở thành một phần của từ vựng hiện đại cho đến khi Apple biến thiết bị này thành tiêu chuẩn của hệ thống máy tính Macintosh ra mắt lần đầu tiên vào năm 1984. Sau đó, sự xuất hiện của Microsoft cùng hệ điều hành Windows và trình duyệt web đã khiến cho con chuột dần trở nên phổ biến trong những năm 90 của thế kỷ trước.

Ngày nay chẳng còn ai gọi bằng cái tên cúng cơm đầy tính công nghệ “bộ định vị x-y”, mà chỉ gọi bằng cái nickname chuột. Cho dù một số mẫu chuột mới sử dụng công nghệ không dây, không còn “đuôi” nhưng chuột vẫn là … chuột. Dẫu vậy, các nhà phát minh vẫn tiếp tục tìm kiếm những kiểu áo mới, và cả gắn cho chuột thêm những chức năng hiện đại khác.

Hiện nay, người ta đã bắt đầu tính đến một số giải pháp thay thế hoàn hảo chuột máy tính như cảm biến chuyển động của cơ thể (Kinect) hay các công nghệ "sóng não" như trong phim viễn tưởng của thế kỷ trước. Không biết trong tương lai gần, chuột còn tồn tại không? Nhà phân tích Steve Prentice của Gartner cho biết: "chuột là một phần không thể thiếu trong giao diện đồ họa dành cho người dùng". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng chuột không phải là tương lai mà thay vào đó là màn hình cảm ứng trên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, touchpad và bộ điều khiển video nhúng. Thậm chí ông còn tiên đoán một tương lai không xa, chỗ dành cho chuột máy tính sẽ là ở viện bảo tàng công nghệ.

Lòng biết ơn.

Tiến sĩ Douglas Engelbart luôn được xem là người “đi trước thời đại”. Thoạt tiên, khi ông đưa ra những ý tưởng… hơi bị “hoang đường” nhiều người cười ông, nhưng về sau khi chính ông hoặc người khác biến chúng thành hiện thực thì mọi người lại mang ơn ông!

Douglas Engelbart từng nói: “thật là tuyệt vời khi có thể thôi thúc được các người khác miệt mài theo đuổi, phấn đấu để đạt được ước mơ của mình!”. Phát minh ra “con chuột” vi tính và hệ điều hành Windows là những điều tuyệt vời mà ông đã làm để thực hiện câu nói này.

Khi Douglas Engelbart hình dung “con người đang ngồi trước máy vi tính, vô số… vô số những thông tin hiển thị, lướt rất nhanh và ngày càng nhanh hơn cứ như “bay bay” trong không gian màn hình, sẽ giúp người ta trình bày và thiết lập các ý tưởng của mình một cách linh hoạt, với tốc độ… “không thể nào tưởng tượng được”!

Năm Mới Canh Tý – Năm Con Chuột, khi bạn đang bay lượn lướt web hay đang làm việc trên máy vi tính qua những thao tác nhẹ nhàng nhấp chuột, xin nhớ đến Tiến sĩ Douglas Engelbart với tất cả lòng biết ơn.



 
VietCatholic TV
Tấm hình gây tai tiếng tại Đức: Giáo dân bỏ đạo nhiều vì chính các Giám Mục đã xa lìa đức tin
Giáo Hội Năm Châu
15:14 25/01/2020
Tờ Die Tagespost số 24 tháng Giêng đã đưa ra nhận định đáng lo âu về tình trạng của Giáo Hội tại quốc gia này.

Ngay trước khi bắt đầu phiên khoáng đại đầu tiên của tiến trình công nghị tại Đức, dự trù diễn ra vào ngày 30 tháng Giêng tới đây, Đức Cha Gregor Maria Hanke, Giám mục giáo phận Eichstätter lên tiếng kêu gọi anh chị em thực hiện một hành trình tâm linh, đổi mới và hoán cải. Trong dịp chào đón hội đồng giáo dân trong giáo phận Eichstätt nhân dịp hội đồng quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ cuối năm, Đức Cha Hanke cảnh giác rằng Giáo Hội tại Đức chỉ có thể phát triển nếu chúng ta sống Phúc Âm tốt hơn, khám phá sự mới mẻ của Phúc Âm, trong xác tín rằng con đường theo Chúa không dễ dàng, và thông điệp cũng như đường lối của Chúa Giêsu luôn luôn là một cái gì đó xa lạ và khiêu khích đối với xã hội đương đại.

Theo Đức Cha Hanke, các linh mục và Giám Mục là những người lãnh đạo dân Chúa nhân danh và dựa trên quyền bính của Chúa Kitô. Các ngài không được nói những gì khác hơn là những điều thiện, và chân thật đã được Phúc Âm, Hội Thánh và Truyền thống của Giáo Hội xác nhận. Vì qua môi miệng của các ngài, Chúa Kitô nói với dân Ngài, và thánh hóa các tín hữu trong các bí tích.

Đức Cha nhận xét thêm rằng trong các thế kỷ trước những bè rối trong Giáo Hội thông thường phát sinh từ các thần học gia kiêu ngạo. Nhiệm vụ của các Giám Mục là ủng hộ đạo lý của Giáo Hội, giữ gìn đức tin tông truyền. Ngày nay đáng âu lo là có một số các Giám Mục lại chính là những người khiến cho anh chị em giáo dân xao xuyến qua những lời dạy và các cử chỉ đối kháng triệt để với đức tin của Giáo Hội.

Ngài không nói cụ thể Giám Mục nào. Tuy nhiên, quý vị và anh chị em có thể biết là những ai. Chẳng hạn, vị có mặt trong tấm hình này, một tấm hình đang gây ra tai tiếng lớn tại Đức, là Đức Tổng Giám Mục Heiner Kock của tổng giáo phận Berlin.

Tổng Giám Mục Heiner Kock là chủ tịch Ủy ban Hôn nhân và Gia đình của Hội Đồng Giám Mục Đức cho biết các giám mục đồng ý rằng đồng tính luyến ái là một “hình thái bình thường” của căn tính tình dục con người.

“Sở thích tình dục của con người thể hiện ra ở tuổi dậy thì và chấp nhận một khuynh hướng dị tính hoặc đồng tính luyến ái,” Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch của Berlin đã khẳng định như trên trong một tuyên bố được Hội Đồng Giám Mục nước này công bố.

“Cả hai đều thuộc về các dạng thức bình thường trong khuynh hướng tình dục, không thể và không nên thay đổi với sự trợ giúp của một hình thái xã hội hóa cụ thể”.

Tuyên bố của Đức Cha Koch đối kháng triệt để với sách giáo lý Công Giáo. Sách giáo lý Công Giáo số 2357 cho biết:

Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng, truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’. Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên.

Nghĩa vụ của Tổng Giám Mục Heiner Kock, công việc được Giáo Hội ủy thác cho ngài là giảng dạy đức tin tinh tuyền. Không phải là chiến đấu dưới ngọn cờ đồng tính. Đó là một sự phản bội trâng tráo.
 
Sứ điệp hy vọng chiều Mùng Một Tết của Đức Thánh Cha khi bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô Giáo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:23 25/01/2020
Lúc 5g30 chiều thứ Bẩy 25 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Kinh Chiều tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo năm nay, được trích từ Sách Tông Đồ Công Vụ “Họ đã đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có”, tường thuật câu chuyện Thánh Phaolô được cứu khỏi tai nạn đắm tàu tại Malta.

Năm ngoái, 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi kinh chiều trọng thể khai mạc tuần lễ này vì sau đó ngài phải tông du Panama nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Tuy nhiên, theo thông thường truyền thống của các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự buổi kinh chiều trọng thể bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô vào chiều ngày 25 tháng Giêng.

Tham dự buổi lễ có khoảng 20 vị Hồng Y, và các Giám Mục trong giáo triều Rôma, cùng đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Bên cạnh đó, còn có đại diện của các Giáo hội Kitô và các Cộng đồng Giáo hội khác hiện diện tại Rôma; đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Gennadios, đại diện của Tòa Thượng Phụ Đại Kết; Đức Cha Ian Ernest, đại diện tại Rôma cho Đức Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo. Ngoài ra, còn có phái đoàn Đại Kết Phần Lan; các sinh viên của Viện Đại kết Bossey, đang trong chuyến thăm Rôma để đào sâu kiến thức của họ về Giáo Hội Công Giáo; và các sinh viên Chính Thống đang theo học tại Rôma.

Lịch sử tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo.

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Vào đầu buổi lễ, Đức Thánh Cha đã cùng cầu nguyện với các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác tại trước mộ Thánh Phaolô Tông Đồ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trên khoang con tàu đưa tù nhân Phaolô đến Rôma có ba nhóm người khác nhau. Quyền thế nhất là nhóm được tạo thành từ những người lính, dưới quyền của một viên đội trưởng. Sau đó, là nhóm các thủy thủ, tất nhiên mọi người phải phụ thuộc vào họ trong chuyến hải hành dài này. Cuối cùng, là nhóm những người yếu thế nhất và dễ bị tổn thương nhất: đó là các tù nhân.

Khi con tàu mắc cạn gần bờ biển Malta, sau khi đã phải trải qua cơn bão trong nhiều ngày, những người lính dự định giết hết các tù nhân để bảo đảm không ai trốn thoát được, nhưng họ bị viên đội trưởng ngăn cản vì ông muốn cứu Thánh Phaolô. Trên thực tế, dù chỉ là một trong những người yếu thế nhất, Phaolô đã đem lại một điều quan trọng đối với những người bạn đồng hành của mình. Trong khi mọi người đang mất hết hy vọng sống sót, Tông đồ Phaolô đã mang đến cho họ một thông điệp hy vọng bất ngờ. Một thiên thần đã nói thế này để trấn an ngài: “Đừng sợ, Phaolô: Thiên Chúa muốn cho tất cả những người cùng đi tàu với anh được sống” (Cv 27:24).

Sự tin tưởng của Phaolô được chứng tỏ là có cơ sở và cuối cùng tất cả hành khách đều được cứu và, một khi họ đến Malta, họ trải nghiệm sự hiếu khách của cư dân trên đảo, cũng như lòng tốt và tình người của họ. Chủ đề của Tuần lễ Cầu nguyện này, được kết thúc ngày hôm nay, đã được chọn từ chi tiết quan trọng đó.

Anh chị em thân mến, trình thuật này của Sách Tông Đồ Công Vụ cũng nói lên hành trình đại kết của chúng ta, hướng đến sự hiệp nhất mà Thiên Chúa hằng mong mỏi. Đầu tiên, câu chuyện này cho chúng ta biết rằng những người yếu đuối và dễ bị tổn thương, những người có ít vật chất để trao ra lại là những người tìm thấy sự giàu có của họ trong Chúa, và có thể đưa ra những thông điệp quý giá vì thiện ích của tất cả mọi người. Chúng ta hãy nghĩ về các cộng đồng Kitô giáo: ngay cả những cộng đồng nhỏ nhất và chẳng có ý nghĩa bao nhiêu trong mắt thế gian, nếu họ được Chúa Thánh Thần linh hứng, nếu họ sống tình yêu dành cho Thiên Chúa và người lân cận, họ sẽ có một thông điệp để trao ban cho toàn thể gia đình Kitô hữu. Chúng ta hãy nghĩ đến các cộng đồng Kitô giáo bị gạt ra ngoài lề và bị bách hại. Như trong câu chuyện về vụ đắm tàu của Thánh Phaolô, thường người yếu nhất lại là người mang thông điệp cứu rỗi quan trọng nhất. Bởi vì Thiên Chúa thích làm theo cách này: Ngài muốn cứu chúng ta không phải bằng sức mạnh của thế gian, nhưng bằng sự yếu đuối của thập tự giá (x. 1Cr 1,20-25). Do đó, là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải cẩn thận đừng để mình bị cuốn hút bởi luận lý của thế gian, nhưng phải biết lắng nghe những người bé mọn và người nghèo, bởi vì Thiên Chúa thích gửi thông điệp của Người qua những người ấy, là những người rất giống với Người Con đã hoá thành nhục thể của Người.

Trình thuật của Sách Tông Đồ Công Vụ nhắc nhở chúng ta về một khía cạnh thứ hai: đó là ưu tiên của Thiên Chúa là ơn cứu rỗi của tất cả mọi người như thiên thần đã nói với Thánh Phaolô: “Thiên Chúa muốn cho tất cả những người cùng đi tàu với anh được sống”. Đó là điểm mà Thánh Phaolô nhấn mạnh. Chúng ta cũng cần phải lặp lại điều đó: nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện mong muốn ưu tiên của Thiên Chúa, Đấng, như Thánh Phaolô viết, “muốn cho mọi người được cứu độ” (1 Tm 2: 4).

Đó là một lời mời gọi chúng ta không chỉ cống hiến cho riêng cộng đồng của mình mà thôi, nhưng phải mở rộng lòng chúng ta ra cho thiện ích của mọi người, với cái nhìn phổ quát của Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể để ôm lấy toàn thể loài người, đã chết và phục sinh để cứu rỗi tất cả mọi người. Nếu, với ân sủng của Ngài, chúng ta biết đồng hóa tầm nhìn của chúng ta với viễn kiến của Ngài, thì chúng ta có thể vượt qua sự chia rẽ giữa nhau. Trong vụ đắm tàu của Thánh Phaolô, mỗi người đều đóng góp để tất cả cùng được cứu: viên đội trưởng đưa ra các quyết định quan trọng, các thủy thủ đưa kiến thức và kỹ năng của họ ra cho mọi người áp dụng, Thánh Phaolô khuyến khích những người tuyệt vọng. Các Kitô hữu ngày nay cũng thế, mỗi cộng đồng đều có một đặc sủng để trao ban cho những người khác. Càng nhìn xa hơn những lợi ích phe phái và càng cố vượt thắng những di sản của quá khứ với mong muốn tiến tới một bờ bến chung, chúng ta sẽ càng tự phát nhận ra, chào đón và chia sẻ những món quà này.

Và chúng ta đi đến một khía cạnh thứ ba, là trung tâm của tuần cầu nguyện này: đó là lòng hiếu khách. Thánh Luca, trong chương cuối cùng của Sách Tông Đồ Công Vụ, nói về người dân Malta như sau: “Họ đối xử với chúng tôi với sự tử tế”, hoặc: “với tình người hiếm có” (câu 2). Ngọn lửa thắp sáng trên bờ để sưởi ấm những người bị mắc cạn là một biểu tượng đẹp đẽ cho sự ấm áp của tình người bất ngờ bao quanh họ. Ngay cả vị thống đốc của hòn đảo cũng tỏ ra thân thiện và hiếu khách với Phaolô, và thánh nhân đã đáp lại bằng cách chữa lành cho cha ông ta và sau đó cho nhiều bệnh nhân khác (xem câu 7-9). Cuối cùng, khi Thánh Phaolô và những người đi cùng với ngài khởi hành đến Ý, người dân Malta đã hào phóng trao tặng cho họ những thứ cần thiết (câu 10).

Từ tuần cầu nguyện này, chúng ta muốn học cách trở nên hiếu khách hơn, trước hết là trong vòng các Kitô hữu với nhau, ngay cả trong số các anh em của những hệ phái khác nhau. Lòng hiếu khách là một trong các truyền thống của các cộng đồng và gia đình Kitô giáo. Những người cao niên của chúng ta đã dạy chúng ta qua tấm gương là trên bàn của một ngôi nhà Kitô hữu luôn có một đĩa súp cho người bạn đi qua hoặc những người gõ cửa cần giúp đỡ. Và trong các tu viện, vị khách được đối xử rất tôn trọng, như thể người ấy là Chúa Kitô. Chúng ta đừng đánh mất, nhưng hãy làm sống lại những phong tục hiểu biết Tin Mừng này!

Anh chị em thân mến, với những tình cảm này, tôi gửi lời chào thân ái và tình huynh đệ tới Đức Tổng Giám Mục Gennadios, đại diện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết; Đức Cha Ian Ernest, đặc sứ tại Rôma của Đức Tổng Giám Mục thành Canterbury, và tất cả các đại diện của nhiều giáo hội và cộng đồng giáo hội đã tập trung tại đây. Tôi cũng chào các sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, đang viếng thăm Rôma để đào sâu kiến thức về Giáo Hội Công Giáo, và giới trẻ Chính Thống Đông phương và Chính Thống Giáo đang học ở đây với học bổng của Ủy ban Hợp tác Văn hóa với các Giáo hội Chính thống, được điều hành bởi Hội đồng Giáo Hoàng cổ vũ hiệp nhất Kitô giáo, mà tôi xin gởi chào và cảm ơn. Cùng nhau, không bao giờ mệt mỏi, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng hiệp nhất trọn vẹn với nhau.

Vào cuối buổi lễ, trước khi Đức Thánh Cha ban Phép Lành Tòa Thánh, Đức Hồng Y Kurt Kurt Koch, Chủ Tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Đại kết Kitô giáo, đã gửi lời chào tới Đức Thánh Cha nhân danh các vị tham dự.


Source:Libreria Editrice Vaticana