Ngày 05-02-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 06/02: Nhận ra chính mình và dám thay đổi – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:16 05/02/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng :

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!’ Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘co-ban’ nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”

Đó là lời Chúa
 
Lễ Minh Niên Giáp Thìn
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
02:28 05/02/2024

LỄ MINH NIÊN (Giáp Thìn)
(Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48)

Buổi sáng Minh Niên, một thời điểm thánh thiêng của dòng thời gian. Năm Quý Mão đã qua, năm mới Giáp Thìn vừa tới. Một thời gian mới với nhiều mộng ước. Tốt đẹp, cao cả có, quảng đại xả kỷ có thể nhiều và ích kỷ vụ lợi cũng không thiếu. Nhưng dù gì đi nữa thì một vài ngày đầu xuân rất cần phải là những ngày của sự may lành, ít là trong nguyện ước, dành cho nhau và cho chính bản thân mình. Hết đi tết tạ các ân nhân, các đấng bậc sinh thành hay đấng vị vọng trong đạo lẫn ngoài đời, thì lại đi chúc tuổi, mừng xuân nhau. Nhà thơ Tú Xương, một thi nhân nhiều tài và cũng không thiếu tật đã cất lời:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau.
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối.

Thiên hạ khối đứa thích ăn trầu. Thi nhân hứng chí tiếp:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang, chúc giàu…

Phúc, lộc, thọ, quả là những điều thường tình mà con người vốn khao khát kiếm tìm, bất kể già trẻ, lớn bé, hay sang hèn. Và đó cũng là nội dung lời Chúa qua hai bài đọc thứ nhất và thứ hai ngày Lễ Minh Niên (mẫu B). Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia: “Vì Giêrusalem, Ta sẽ hoan hỉ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. Nơi đây sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu, và người già tuổi thọ không tròn. Vì trăm tuổi mà chết là vẫn còn chết trẻ”. Ý định của Thiên Chúa qua bài đọc thứ hai đó là: Thiên Chúa đến ở với nhân loại và Người sẽ lau sạch nước mắt chúng ta. Sẽ không còn sự chết, không còn cảnh tang tóc, đau khổ.

Thánh ý của Chúa thế là đã rõ. Người muốn từng người, từng gia đình, từng tập thể quốc gia, dân tộc được an vui hạnh phúc, được sống và sống dồi dào. Thánh ý Thiên Chúa dành cho loài thọ tạo, cách riêng cho con người thì ba chữ phúc- lộc- thọ, hẳn chưa đủ đong đầy. Một trong những quan niệm tương đối phổ biến trong dân gian xưa lẫn nay đó là: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Con người khao khát, mơ ước, toan tính đủ cách, đủ bề nhưng sự việc có thành tựu hay không là phải do ý trời. Bôn ba vất vả không qua mệnh trời. Tuy nhiên với sự mạc khải tròn đầy qua cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô thì ta phải nói rằng: Mưu sự tại Thiên mà thành sự là tại nhân.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga.3,16). Vấn đề còn lại là ở chúng ta, tạo vật có ý thức và tự do. Thành sự hay không là tại nhân loại chúng ta, là do bởi chính mỗi người chúng ta như lời thánh giáo phụ Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu độ tôi mà không cần có tôi”.

Những lời Tin mừng chúng ta vừa nghe trong Thánh Lễ Minh Niên này chính là chìa khóa để chúng ta xây dựng hạnh phúc cho bản thân và tha nhân. Và điều này lại hiển lộ cách rõ nét qua cung cách sống của chúng ta trong ba ngày đầu xuân mới.

Nếu nhìn dưới khía cạnh tiêu cực tức là tránh, kiêng thì ba ngày đầu xuân người ta thường tránh gây những điều xúi quẩy cho nhau. Dù có bực mình lắm những vẫn nín nhịn. Dù có khó chịu những vẫn không để sự gì chẳng hay xảy ra. Có thể có một vài sự kiêng kỵ mang nét mê tín nhưng dẫu sao nó cũng nhắc nhớ chúng ta lời của Khổng Phu Tử và Lời trích sách Tobia là: “Kỷ sở bất dục vật ư thi nhân”. Điều gì ta không muốn kẻ khác làm cho mình thì đừng làm cho tha nhân.

Chúa Kitô lại dẫn chúng ta đến chiều kích tích cực đó là điều gì anh em muốn người ta làm cho mình thì hãy làm điều ấy cho tha nhân (x.Mt 7,12). Tích cực làm cho nhau những điều tốt đẹp mà lòng mong người khác làm cho mình. Chúng ta rất có thể thực hiện điều này trong ba ngày đầu xuân. Tuy nhiên, sự thường chúng ta chỉ thực hiện những điều ấy cho người mình thương, cho người mình thân hay cho người mình dễ gần hay thích gần vì họ quyền cao chức trọng. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải đi xa hơn thế. Phải nên trọn lành như Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, Đấng cho mưa rơi đều xuống trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời lên soi sáng người lành thánh lẫn tội nhân.

Mưu sự tại thiên – Thành sự tại nhân. Ước gì những tâm tình tốt đẹp trong các ngày đầu xuân cứ mãi kéo dài suốt cả năm. Đó là không chỉ kiêng tránh những điều không hay, không may cho tha nhân mà còn tích cực dệt xây những điều tốt đẹp cho nhau, cho những người kém may mắn, cho cả những người đang thù hận chúng ta, bách hại chúng ta.

Chúng ta đã bước vào năm mới Âm lịch, năm Giáp Thìn, một con linh vật xem ra rất tương phản theo cái nhìn của con người phương Đông và phương Tây. Thìn đứng thứ năm trong chu kỳ mười hai con giáp (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ…). Giờ Thìn từ 7 đến 9 giờ sáng trong ngày. Năm Âm lịch được tính vào ngày Đông chí mà ngày Đông chí thường rơi vào tháng 11, nên tháng 11 là tháng Tí, như thế tháng Thìn là tháng ba âm lịch.

Rồng hay còn được gọi là Long. Trong phong thủy, Rồng được coi là một trong bốn linh vật mang may mắn: Long, Lân, Quy, Phượng. Trong văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam, thì rồng là linh vật mang trên mình sức mạnh thiên nhiên đại diện cho 4 yếu tố cấu tạo nên vũ trụ: nước, lửa, đất, gió. Dù rằng là con vật của huyền thoại, nhưng con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Với truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, rồng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt.

Trong văn hóa phương Tây, rồng được mô tả giống như một con rắn hay con thằn lằn khổng lồ, có cánh như dơi và biết phun lửa, là biểu tượng của cái ác và thần dữ.

Con rồng, một con vật thường được gắn liền với vị đứng đầu một quốc gia theo chế độ quân chủ: long ngai, long bào, long thể...Thế nhưng trong thực tiển lịch sử số vị minh quân lấy “dân vi quý- xã tắc thứ chi” thì xem ra quá ít so với số hôn quân, bạo chúa. Điều này khiến chúng ta, các Kitô hữu dưới ánh sáng lời mạc khải cần cẩn trọng với con mảng xà, con rồng đỏ vốn là hình ảnh của thần dữ, ma quỷ. Thánh tông đồ cả Phêrô đã từng cảnh báo rằng ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta để rình chờ cắn xé (x.1P 5,8).

Bước vào năm mới, năm con rồng, để cho con linh vật này này thực sự là rồng vàng, rồng bay (thăng long) thì có đó nhiều nỗ lực gắng công về mọi phương diện. “Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng”. Để vươn lên, để hướng thượng thì chắc chắn cần phải vượt thắng nhiều lực cản, cởi bỏ nhiều gánh ách nặng nề đó là những điều xấu xa tồi tệ và cả một vài thiện hảo nào đó khiến chúng ta không thể bay lên cao.

Xin cùng chúc nhau một năm mới khang an thánh đức với quyết tâm làm cho ý Chúa được viên thành, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời bằng nỗ lực của chúng ta, những tạo vật có ý thức và tự do, biết sống yêu thương nhau trong tình liên đới và tinh thần trách nhiệm. Xin mượn lời thi sĩ Tế Xương để kết những dòng chia sẻ đầu năm mới:

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời,
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.

Dĩ nhiên là chúc nhau sống sao cho ra cái giống người được tạo thành vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Tình yêu được hiện thực nơi những con người biết sống yêu thương, liên đới với nhau bằng cả tinh thần lẫn vật chất, bằng cả tâm hồn lẫn thể xác; yêu thương chia sẻ cho nhau không chỉ những thiện hảo đời này mà cả hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời mai sau.

Ban Mê Thuột
 
Tạ ơn và hy vọng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
03:39 05/02/2024

SUY NIỆM THÁNH LỄ TẤT NIÊN 2024
(Is 63 7-9, 1Cr 1, 3-9, Lc 1, 39-55)

Tạ ơn và hy vọng

Một năm với tháng ngày dần trôi, giờ chúng ta đang sống là thời khắc cuối cùng của năm cũ, giờ phút thật linh thiêng. Chúng ta để lại năm cũ và bước vào năm mới với tâm tình tạ ơn và hy vọng.

Năm 2023 qua đi, và có lẽ với nhiều người đây là một năm với nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Thế giới năm 2023 nhìn chung bất ổn hơn những năm trước đó về chính trị an ninh, điển hình là chiến sự giữa Nga và Ucraina không những tiếp tục dai dẳng, mà còn gia tăng không khoan nhượng. Tiếp đó tháng 10 lại bùng phát thêm cuộc xung đột mới ở khu vực Trung Đông giữa Hamas và Israel. Cả hai cuộc chiến này hiện nay vẫn vô cùng căng thẳng, và hiện vẫn chưa biết đến khi nào mới chấm dứt.

Sáng 6/2, khu vực miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria rung chuyển dữ dội trong trận động đất 7,8 độ, khiến hơn 59.000 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương.

Các cựu tổng thống Mỹ sau khi rời Nhà Trắng thường rút khỏi chính trị, tận hưởng cuộc sống yên bình, nhưng Donald Trump trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị truy tố trong lịch sử Mỹ

Năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống, chỉ tăng 3%, thấp hơn 3,5% năm ngoái và dưới trung bình giai đoạn 2000 - 2019 là 3,8%.

Trí tuệ nhân tạo bùng nổ với công cụ ChatGPT được công ty OpenAI tung ra, mở màn cho làn sóng bùng nổ của AI trong năm qua. Sự xuất hiện của AI tạo sinh giúp xóa bỏ hình ảnh về các trợ lý trí tuệ nhân tạo tẻ nhạt, kém linh hoạt tồn tại hàng chục năm qua.

Ở vào thời điểm cuối năm nhìn lại, năm 2023 là một năm đáng quên, chúng ta đang hy vọng một năm 2024 với nhiều khởi sắc.

Tạ ơn và hy vọng là điều mọi người đều làm dù tin hay không tin. Giáo Hội gợi ý rằng chúng ta không nên kết thúc năm cũ mà không bày tỏ lời cảm tạ Chúa, vì những ơn lành Chúa đã thương ban. Để tạ ơn, Isaia đã nhắc lại ân nghĩa Thiên Chúa đã làm cho Israel và ông dâng lời tạ ơn Chúa vì lòng nhân hậu Chúa (x. Is 63, 7). "Chúa là vị cứu tinh, trong mọi cơn quẫn bách" (Is 63,8). Tạ ơn và hy vọng là điều hiển nhiên.

Kết thúc một năm, người kitô hữu chúng ta dựa trên Thánh Kinh thấy thời gian không mang tính tuần hoàn mà là một đường thẳng, thời gian là con đường dẫn đến chung cuộc, nên một năm trôi qua là một bước đi hướng đến sự hoàn tất của lịch sử, đến cứu cánh của nhân loại là hy vọng và vui mừng được gặp Chúa, thì việc tạ ơn này thật là ý nghĩa.

Tạ ơn Chúa vì tất cả những dấu chỉ hào phóng Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử nhân loại. Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì con người có đều là hồng ân của Chúa.

Trong giờ phút linh thiêng này, thật là đẹp, khi giờ đây chúng ta mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria lòng biết ơn và hy vọng, hiệp ý cùng với Mẹ hát lên bài ca tạ ơn : "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài… đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng… đã và còn đang hạ xuống người quyền thế… đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung… đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát… đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không… đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người" (x.Lc 1,39-55). Ðó là bảy hành động của Thiên Chúa là Chúa của lịch sử cứu độ.

Mẹ tràn đầy tình thương và ân sủng, nên Mẹ cũng chứa chan niềm tin và hy vọng. Niềm tin và hy vọng của Mẹ là tin vào Thiên Chúa tín trung với những lời hứa : "Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót danh cho tổ phụ Apbraham và cho con cháu đến muôn đời"(Lc 1,55). Tin vào lời hứa nghĩa là đức tin mang niềm hy vọng trong thời gian. Chúng ta giống như Mẹ, người lữ hành của niềm hy vọng. Chúng ta tự mình đặt câu hỏi : Trong Năm Mới sắp tới, mỗi chúng ta có thế trở thành niềm hy vọng cho mọi người quanh tôi không?

Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta rằng: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18). Cảm tạ Chúa và xin Chúa thứ tha, kèm theo lòng phó thác cho Chúa năm mới sắp tới.

Năm cùng tháng hết, cùng với việc tạ ơn, Đức Thánh Cha Phanxicô còn thức tỉnh con cái mình: “Chúng ta được kêu gọi kiểm điểm xem những thế sự có được thực hiện theo ý Thiên Chúa hay là chúng ta chỉ ưu tiên lắng nghe những dự án của con người, nhiều khi đầy những tư lợi, lòng khao khát quyền lực vô độ và bạo lực vô cớ” (Bài giảng Kinh Chiều cuối năm 2015). Nên chúng ta phải tạ lỗi với Chúa và với mọi người. Tạ lỗi để nói lên lòng sám hối, ăn năn. Tạ lỗi về những điều thiếu sót, điều chưa tốt, chưa chu toàn, hoặc lỗi bác ái với tha nhân. Xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm trong năm qua. Tương lai tùy thuộc ở Chúa, chúng ta phải có tinh thần phó thác.

Nhìn lại một năm đã qua, chúng ta thấy các biến cố lần lượt diễn ra, đến giờ phút này đây, chúng ta phải khẳng định rằng, Thiên Chúa là chủ lịch sử, Ngài hướng dẫn các biến cố nhân loại, đồng thời phó thác vận mệnh tương lai cho Chúa.

Chúng ta hãy đặt mình vào trường học của Mẹ: chúng ta hãy học nơi Mẹ cách sống mọi ngày, mọi lúc, mọi ơn gọi với cái nhìn nội tâm hướng về Chúa với lòng biết ơn và hy vọng. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:00 05/02/2024

25. Trong bí tích Thánh Thể thần ân được ban rất nhiều, linh hồn mất sức mạnh có thể bù đắp. Nhưng khi phạm tội thì mất tất cả vẻ đẹp có thể hồi phục.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:03 05/02/2024
71. MỘT CƯỚC ĐỊCH QUAN TRIỀU

Cuối đời nhà Đường có thi nhân tên là La Ẩn rất thích giễu cợt chuyện đời.

Lần nọ ông ta ngồi chung thuyền với đại thần Vi Di Phạm, trên thuyền có người có lòng tốt nói nhỏ với La Ẩn:

- “Lúc nói chuyện nhớ để ý chút xíu, trên thuyền có quan viên của triều đình đấy”.

La Ẩn không thèm để ý lại còn lớn tiếng nói:

- “Cái gì là quan triều đình ! Ta dùng chân kẹp bút có thể địch được bọn họ đấy !”

Vỉ Di Phạm bị nhục thì ôm mối hận, cố ý đem chuyện này nói ra giữa triều đình, La Ẩn liền không được trọng dụng.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 71:

Thích giễu cợt chuyện đời mà không có cái tâm khiêm tốn, thì không những mang họa vào thân mà còn bị người khác coi thường...

Trước mặt quan triều đình mà nói chỉ dùng một chân với một cây viết là có thể địch lại các quan thì lếu láo thật, đây không phải là ngạo đời mà là ngạo mạn đến triều đình, bởi vì ngạo đời và cười nhạo người thì không giống nhau.

Thờii nay cũng có những người cười nhạo Thiên Chúa như thế khi tuyên bố: “Chỉ cần vắt óc suy nghĩ là có thể thay trời làm được mọi việc”, và thế là họ vắt óc suy nghĩ cho đến khi xuống huyệt mộ mà vẫn tìm không ra cái gì để thay thế Thiên Chúa; thời nay cũng có một vài người Ki-tô hữu tuy không cười nhạo Thiên Chúa, nhưng oán trách Ngài cứ để cho tội ác xảy ra tràn ngập mặt đất mà không tiêu diệt...

Ở đời không có gì để cho chúng ta ngạo mạn cười nhạo, bởi vì tất cả đều là công trình yêu thương của Thiên Chúa, chỉ có những ai cứ tưởng mình là hay là giỏi hơn Thiên Chúa và là người thông minh nhất thế gian mới ngạo đời nhạo người mà thôi, nguyên nhân hại mình hại người là từ đó mà ra cả vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Vĩ đại hơn bất cứ điều gì
Lm. Minh Anh
14:30 05/02/2024

VĨ ĐẠI HƠN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ
“Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống!”.

Trong tác phẩm của mình, “Surprised by the Power of the Spirit”, “Ngạc Nhiên Trước Sức Mạnh của Thần Khí”, Jack Deere viết, “Tất cả chúng ta là những người thụ hưởng các truyền thống tốt đẹp, khôn ngoan và đúng đắn; tuy nhiên, cũng là nạn nhân của những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và không vững chắc!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúng ta là nạn nhân của những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và không vững chắc”. Jack Deere thật chí lý! Lời Chúa hôm nay nói đến truyền thống; qua đó, một sự thật được tiết lộ, Thiên Chúa ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’ dẫu đó là một truyền thống tôn giáo lâu đời!

Trong Tin Mừng hôm nay, các biệt phái và kinh sư lên án các môn đệ Chúa Giêsu “không theo đúng truyền thống của tiền nhân”, vì họ không rửa tay trước khi ăn. Dẫu không chống lại việc rửa tay, Chúa Giêsu vẫn lên tiếng chống lại chủ nghĩa pháp lý; nghĩa là chỉ cần tuân thủ một số hành động bên ngoài, con người sẽ được gọi là công chính! Ngài tuyên bố, “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống!”. Thiên Chúa ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, Ngài không thể bị trói buộc trong bất kỳ truyền thống nào, cho dẫu truyền thống đó lâu đời đến đâu. Truyền thống có ra là để giúp con người sống giới răn yêu thương; vì thế, một khi trở nên “kém cỏi, thiếu khôn ngoan và không vững chắc”, một khi nó khiến “con người trở thành nạn nhân”, truyền thống đó cần được đổi mới.

Cũng thế, truyền thống Do Thái coi đền thờ Giêrusalem nguy nga là niềm tự hào của đất nước; được Salômon, một vị vua khôn ngoan và giàu có nhất trần gian khởi xướng xây dựng. Thánh Vịnh đáp ca biểu lộ sự phấn chấn của vua, “Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái!”. Vậy mà, trước Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, Salômon vẫn cảm thấy nhỏ bé, yếu hèn, mỏng giòn và tội lỗi, “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel! Trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, phương chi ngôi nhà con xây cất đây!” - bài đọc một.

Anh Chị em,

“Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống!”. Thế nhưng, không phải mọi truyền thống đều đáng để giữ lấy. Chúng phải được đo lường bằng Lời Chúa. Đó là lý do tại sao việc lắng nghe Lời Chúa là một điều không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu. Đức Phanxicô rất mực quan tâm; ngài đặc biệt nhắc nhở chúng ta phải đọc và học biết Lời Chúa thường xuyên, “Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, đã bày tỏ khuôn mặt đích thực của Ngài một cách độc đáo và trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của Chúa Cha mà chúng ta đang tìm kiếm, đã tìm kiếm và phải tìm kiếm mỗi ngày. Hãy quay về với Chúa Giêsu, lấy Ngài làm chuẩn mực cho mọi đối chiếu; hãy để Lời ngài soi sáng tâm trí, bổ sức linh hồn; và như thế, chúng ta sẽ được bổ trợ để thấy rõ hơn điều gì là của Thiên Chúa và điều gì không thuộc về Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứu Giáo Hội và cứu cả con khỏi những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và không vững chắc; đừng để Lời Chúa trở nên vô hiệu nơi chúng con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hai khoảnh khắc khó đoán kiểu Downton Abbey của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
14:16 05/02/2024

John L. Allen Jr., ngày 4 tháng 2 năm 2024, có bài nhận định về hai động thái gần đây của Bộ Giáo Lý Đức Tin và của Đức Phanxicô. Ông viết:

Hình ảnh này do Focus Features công bố cho thấy Penelope Wilton trong vai Isobel Merton và Maggie Smith trong vai Violet Grantham trong một cảnh của Downton Abbey:A New Era. (Nguồn: Ben Blackall/Tính năng Focus qua AP.)


Những người hâm mộ bộ phim truyền hình nổi tiếng của Anh “Downton Abbey” chắc nhớ rằng trong phần cuối của loạt phim, có lúc Gladys Denker, người hầu gái của phu nhân Violet Crawley, âm mưu phá hoại đối thủ chính của cô, quản gia Spratt, bằng cách tiết lộ rằng anh ta làm thêm công việc phụ trách chuyên mục tư vấn cho một tạp chí dành cho phụ nữ với hy vọng rằng anh ta sẽ bị sa thải. Thay vào đó, phu nhân tuyên bố bà rất thích thú và việc làm của Spratt vẫn được bảo đảm.

Sau đó, Spratt nói với Denker rằng cô đã phạm sai lầm nghiêm trọng liên quan đến người chủ của họ khi vội vàng loại bỏ anh ta. Khi Denker hỏi đó là gì, câu trả lời rất ngắn gọn.

Spratt nói: “Bà ấy không bao giờ thích bị đoán trước”.

Bất cứ ai chú ý tới thập niên qua đều biết rằng bên trong Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng có một chút gì đó của vị phu nhân này, người dường như cũng phản đối ý niệm cho rằng ai đó đã có thể phát hiện ra ngài. Ngay khi bạn mong đợi ngài đi ngả này, thì, thay vào đó ngài lại đi ngả khác, dường như có một niềm vui gần như đồi trụy trong việc làm lạc hướng kỳ vọng của người khác.

Hôm qua đã mang đến một vài khoảnh khắc thuộc loại này, dưới hình thức một thông tri mới của Bộ Giáo lý Đức tin về công thức được sử dụng trong việc cử hành các bí tích, và một lá thư cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho người Do Thái ở Israel.

Bắt đầu với thông tri về các bí tích, có tiêu đề tiếng Latinh Gestis Verbisque, hay “hành động và lời nói”, về mặt kỹ thuật, đây không phải là một tài liệu của Đức Giáo Hoàng mà đúng hơn là kết quả của các cuộc thảo luận trong phiên họp toàn thể gần đây của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Tuy nhiên, vào ngày 31 tháng 1, nó đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận, người đã ra lệnh công bố nó, vì vậy nó mang theo sự chúc phúc trực tiếp của ngài, và người ta tưởng tượng rằng Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández người Á Căn Đình sẽ không công bố nó nếu đó không phải là điều Đức Giáo Hoàng mong muốn.

Đây là điều đáng ngạc nhiên: Đối với một vị giáo hoàng đã dành phần lớn thời gian trị vì của mình để chỉ trích chủ nghĩa luật pháp phức tạp và chủ nghĩa nghiêm ngặt, Gestis Verbisque có một lập trường mang tính pháp lý đáng chú ý đối với công thức bí tích, nhấn mạnh rằng nếu chúng không được tuân theo từng chữ thì việc ban các bí tích không hợp lệ và phải được lặp lại.

Trong căn bản, thông tri mới xác nhận quan điểm của Bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 8 năm 2020, khi Bộ này ra lệnh rằng phép rửa tội sử dụng công thức “Chúng tôi rửa tội cho bạn” thay vì “Tôi rửa tội cho bạn” là không hợp lệ, trên cơ sở thần học cho rằng thừa tác viên của bí tích không phải là “chúng tôi” của cộng đồng mà là “tôi” của Chúa Kitô hành động thông qua linh mục.

Các trường hợp điển hình về phương diện này đã xuất hiện ở Mỹ, ở Detroit vào năm 2020 và ở Phoenix vào năm 2022.

Tại Detroit, Cha Matthew Hood đã ra công khai sau khi tài liệu Vatican năm 2020 xuất hiện để thông báo rằng phó tế cử hành lễ rửa tội năm 1990 của ngài, vốn được ghi lại trên video, đã sử dụng công thức “Chúng tôi rửa tội”, do đó khiến bí tích trở nên vô hiệu, cùng với việc phong chức linh mục của Hood vào năm 2017 và mọi bí tích ngài đã thực hiện trong những năm kể từ đó. Hood đã được Đức Tổng Giám Mục Allen Vigneron truyền chức lại, và những người đã nhận các bí tích từ ngài trước đây đều được mời lặp lại các bí tích đó.

Tại Phoenix, người ta biết rằng một linh mục địa phương tên là Cha Andrés Arango đã sử dụng công thức “Chúng tôi rửa tội” trong 26 năm, khiến hàng nghìn lễ rửa tội mà ngài đã thực hiện trong thời gian đó trở nên vô hiệu. Ngài đã bị cách chức và giáo phận đã dành một phần đặc biệt trên trang web của mình giúp mọi người sắp xếp để được rửa tội lại.

Khi những câu chuyện đó vỡ lở, nhiều nhà phê bình lập luận rằng Giáo Hội quá khắc nghiệt và mang tính nghi lễ, rằng điều nhân ái hơn nên làm là nói rằng mặc dù các lễ rửa tội được đề cập là bất hợp pháp, nghĩa là được tiến hành mà không đúng phép và do đó phải chịu sự chế tài đối với thừa tác viên, tuy nhiên chúng vẫn thành sự, vì những người chịu phép rửa có ý định chân thành trong việc lãnh nhận bí tích.

Có thể cho rằng, việc tạo ra sự khác biệt như vậy là một động thái rất Phanxicô. Điều đáng chú ý là Gestis Verbisque xuất hiện ngay sau khi Fiducia Supplicans tạo ra một cơn bão lửa chính bằng cách lật ngược phán quyết trước đó của Bộ Giáo lý Đức tin vào năm 2021, vốn cho rằng Giáo hội không thể ban phước cho các cặp đồng tính.

Trong bối cảnh đó, đáng lẽ hoàn toàn hợp lý nếu mong đợi Bộ, với sự khuyến khích của Đức Giáo Hoàng, đưa ra kết luận tương tự về các bí tích, nghĩa là lật ngược phán quyết trước đó. Thay vào đó, họ đi theo hướng khác, củng cố quan điểm bảo thủ.

Cuối ngày thứ Bảy, Vatican cũng công bố một bức thư mà Đức Giáo Hoàng đã gửi một ngày trước đó cho người Do Thái ở Israel, gửi cho Karma Ben Johanan, một giáo sư 41 tuổi dạy về Kitô giáo và các mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo tại Đại học Do Thái ở Giêrusalem, đồng thời cũng tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Đại Học Gregoriana do Dòng Tên tài trợ ở Rome.

Yếu tố không thể đoán trước ở đây là Đức Phanxicô là một vị giáo hoàng thường không muốn thừa nhận, chứ đừng nói đến việc xoa dịu những người chỉ trích mình. Nhân tiện, đây cũng là một điểm liên hệ khác với Lady Violet, người đã từng phát biểu phương châm nổi tiếng của mình là “không bao giờ phàn nàn, không bao giờ giải thích”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cố gắng tiếp cận những người gièm pha, cố gắng xoa dịu những căng thẳng đã phát triển trong mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo do phản ứng của ngài đối với cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Đức Giáo Hoàng viết: “Cuộc chiến này cũng đã tạo ra những thái độ chia rẽ trong dư luận hoàn cầu và các lập trường gây chia rẽ, đôi khi diễn ra dưới hình thức bài Do Thái và chống Do Thái giáo”.

“Con đường mà Giáo hội đã đi cùng với các bạn, những dân tộc cổ xưa của giao ước, bác bỏ mọi hình thức chống Do Thái giáo và chủ nghĩa bài Do Thái, lên án một cách dứt khoát những biểu hiện thù hận đối với người Do Thái và Do Thái giáo là một tội chống lại Thiên Chúa”, Đức Phanxicô nói.

Ngài viết: “Cùng với các bạn, chúng tôi, những người Công Giáo, rất quan ngại về sự gia tăng khủng khiếp các cuộc tấn công chống lại người Do Thái trên khắp thế giới. Chúng tôi từng hy vọng rằng ‘không bao giờ nữa’ sẽ là điệp khúc được các thế hệ mới lắng nghe, nhưng giờ đây chúng tôi thấy rằng con đường phía trước đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết để xóa bỏ những hiện tượng này.”

Những dòng đó được đưa ra sau khi nhiều nhà lãnh đạo Do Thái phản đối điều mà họ coi là sự đánh đồng đáng lo ngại về mặt đạo đức của Giáo hoàng liên quan đến cuộc chiến ở Gaza, than thở về bạo lực ở tất cả các bên mà không xác định rõ ràng Hamas là kẻ xâm lược và Israel tham gia vào hoạt động tự vệ hợp pháp. Nhiều nhà lãnh đạo Do Thái đã trở nên đặc biệt tức giận vào tháng 11 sau khi một phái đoàn Palestine báo cáo rằng Đức Phanxicô đã dùng từ “diệt chủng” để mô tả cuộc tấn công của Israel, một tuyên bố mà một phát ngôn viên của Vatican đã cố gắng bác bỏ nhưng không thành công.

Trong bối cảnh đó, bức thư mới rõ ràng dường như là một nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm hàn gắn những rào cản.

Liệu những người bảo thủ thần học Công Giáo có được yên tâm trước sắc lệnh mới về các bí tích hay không, hay liệu những người Do Thái thất vọng về Vatican sẽ được an ủi bởi bức thư mới hay không, vẫn còn phải xem. Tuy nhiên, điều chắc chắn là cả hai diễn biến này đều cho chúng ta thấy rằng giáo hoàng vẫn có khả năng gây bất ngờ.
 
Đức Thánh Cha chủ trì cuộc họp của Hội đồng Hồng Y
Thanh Quảng sdb
17:05 05/02/2024
Đức Thánh Cha chủ trì cuộc họp của Hội đồng Hồng Y

Phiên họp mới của Hội đồng Hồng Y (C9) đang diễn ra tại Vatican, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô.

(Tin Vatican)

Cuộc họp tháng Hai của Hội đồng Hồng Y (C9) đã bắt đầu vào thứ Hai, ngày 5 tháng Hai, tại Vatican.

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đưa ra một tuyên bố cho biết tất cả các thành viên của nhóm được gọi là Hội đồng Hồng Y (C9) đều có mặt cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hội đồng Hồng Y họp lần cuối vào ngày 4 và 5 tháng 12 năm 2023 tại Nhà trọ thánh Marta, cũng có sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Cuộc họp tháng 12

Chủ đề chính của cuộc họp tháng 12 là “vai trò của phụ nữ trong Giáo hội”, cũng nhờ sự can thiệp của sơ Linda Pocher, Lucia Vantini và Cha Luca Castiglion, tất cả đều là giáo sư và nhà thần học.

Theo một tuyên bố của Tòa Thánh, nhân dịp đó “nhu cầu lắng nghe, và trên hết là trong các cộng đồng Kitô hữu cá nhân, về khía cạnh nữ tính của Giáo hội, để các quá trình suy tư và quyết định có thể bao trùm những đóng góp không thể thiếu của phụ nữ” được lặp lại.

Trọng tâm của cuộc họp đó cũng là các cuộc xung đột ở Ukraine và Thánh địa, về công việc của Đại hội về Khí hậu toàn cầu (COP280 đang được tiến hành ở Dubai, cũng như về các sáng kiến nhằm ngăn chặn việc lạm dụng trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương.

Cuộc họp kéo dài hai ngày cũng mang đến cơ hội thảo luận về những gì đã được đề nghị từ Thượng Hội đồng vào tháng 10 và việc ‘thực thi’ Tông Hiến Truyền giảng Tin mừng (Praedicate Evangelium) trong các giáo phận.

Hội đồng Hồng Y (C9) mới

Hội đồng Hồng Y, sau khi Đức Thánh Cha đổi mới cơ quan vào ngày 7 tháng 3 năm 2023, bao gồm các Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh; Fernando Vérgez Alzaga, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Vương quốc Vatican và Chính quyền Vương quốc Vatican; Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục Kinshasa; Oswald Gracias, Tổng Giám mục Bombay; Seán Patrick O'Malley, Tổng Giám mục Boston; Juan José Omella Omella, Tổng Giám mục Barcelona; Gérald Lacroix, Tổng Giám mục Québec; Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg; Sérgio da Rocha, Tổng Giám mục San Salvador de Bahia. Thư ký là Đức ông Marco Mellino, giám mục hiệu tòa Cresima. Cuộc họp đầu tiên của C9 mới diễn ra vào ngày 24/4.

Hội đồng Hồng Y

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập Công đồng theo lịch ngày 28 tháng 9 năm 2013 với nhiệm vụ hỗ trợ ngài trong việc điều hành Giáo hội hoàn vũ và nghiên cứu một dự án sửa đổi Giáo triều Rôma, dự án sau này được thực hiện bằng Tông hiến Praedicate Evangelium được công bố vào ngày 28 tháng 9 năm 2013. Ngày 19 tháng 3 năm 2022. Cuộc họp C9 đầu tiên diễn ra vào ngày 1 tháng 10 năm 2013.
 
Don Bosco và giấc mơ bảy ngọn núi đồi
Thanh Quảng sdb
18:38 05/02/2024
Don Bosco và giấc mơ bảy ngọn núi đồi

(ANS – Rome) – Don Bosco mơ thấy mình vượt qua một con đường gập ghềnh sỏi đá một cách mệt mỏi, nhiều cố gắng nhiệt huyết, vượt qua nhiều khó khăn, nhưng cũng có âm vang khúc nhạc thiên đường và những thị kiến huy hoàng: tất cả những điều này có thể tìm thấy trong giấc mơ thứ ba của Don Bosco mà chúng ta khám phá lại theo quan điểm của lễ phụng vụ kính Cha thánh và kỷ niệm năm thứ hai trăm năm về giấc mơ nổi tiếng nhất của ngài lúc chín tuổi.

Hôm nay giấc mơ được gọi là “mười ngọn núi đồi” được trình bày trong Hồi ký tiểu sử VII, các trang 466-471. Trong trình thuật này, Don Bosco cống hiến cho giới trẻ của mình nhiều giáo huấn quan trọng khác nhau: tầm quan trọng của việc giữ gìn tâm hồn trong sạch và tuân theo những giáo huấn của đời sống Kitô hữu; giá trị của sự kiên trì và trung thành trên con đường mình đã chọn; và cuối cùng là chiều kích cơ bản của việc chăm sóc nâng đỡ lẫn nhau trên con đường chung của cuộc sống.

Vào tối ngày 22 tháng 10 năm 1864, Don Bosco đã kể giấc mơ này cho các bạn trẻ ở Nguyện xá, trong đó ngài tiết lộ rằng người vô tội dễ dàng vượt qua những trở ngại trên con đường cứu rỗi dù có nhiều khó khăn hơn so với người khác.

Cha thấy dường như cha đang ở trong một thung lũng rộng lớn có hàng ngàn thanh thiếu niên, nhiều người trong số họ, cha nhận ra là học trò của Khánh lễ viện của cha. Một bờ sông cao ngất đóng kín một đầu thung lũng.

“Cha có thấy nhiều triền núi đồi kia không?” Người Hướng Dẫn hỏi cha. “Chà, cha và các thiếu niên của cha phải tiến đạt đỉnh cao nhất đó.”

Nghe lời Don Bosco, tất cả thanh niên đều lao về phía các triền đồi núi. Các linh mục cũng chạy lên dốc, thúc đẩy các thanh thiếu niên tiến về phía trước, đỡ nâng những em bị ngã đứng lên và vác lên vai những em quá mệt mỏi không thể leo thêm được. Cha Rua xắn tay áo lên, tiếp tục làm việc chăm chỉ nhất, cha chụp lấy hai cậu bé cùng một lúc và đẩy chúng lên đỉnh núi, nơi chúng được an toàn và vui vẻ chạy nhảy. Cha Cagliero (vị Hồng Y tương lai) và Cha Francesia chạy tới chạy lui khuyến khích các em kiên trì leo núi. Cố lên, cố lên, cố lên!"

Không mất nhiều thời gian, tất cả đã đạt tới đỉnh một ngọn núi. “Bây giờ chúng ta sẽ làm gì?” Don Bosco hỏi. “Tất cả các bạn phải trèo qua từng triền núi của mười ngọn núi trước mặt mình,” người lạ trả lời.

“Hỡi các bạn trẻ,” Don Bosco người hướng đạo nói to “Chúng ta cùng nhau phải vượt qua mười ngọn núi này.”

"Không thể nào! Rất nhiều thiếu niên yếu sẽ không có sức để vượt qua được!”


“Những ai không thể leo thì sẽ được cõng lên” giọng nói cha đầy cương nghị. Đúng lúc này, ở phía xa triền núi, xuất hiện một chiếc xe ngựa hình tam giác lộng lẫy, đẹp đến không thể diễn tả được. Ba bánh xe của nó xoay theo mọi hướng. Ba trục nhô lên từ các góc và nối với nhau để đỡ một biểu ngữ được thêu dệt lộng lẫy, mang dòng chữ Vô tội (Innocence) thật lớn. Lấp lánh vàng và đá quý, chiếc xe ngựa dừng lại ngay giữa bọn trẻ. Theo mệnh lệnh nhất định, năm trăm em nhỏ đã leo được vào xe. Don Bosco dừng lại, buồn bã bình luận: “Trong số hàng ngàn ngàn em, chỉ có vài trăm em được coi là vô tội.”

Đột nhiên cũng xuất hiện sáu cựu học sinh mặc áo trắng đã chết tại Khánh lễ viện. Giơ cao một biểu ngữ lộng lẫy khác có dòng chữ Xám hối. Họ đứng đầu đám đông để cùng vượt qua chặng đường. Khi có tín hiệu di chuyển, nhiều linh mục nắm lấy mũi xe và dẫn đường, theo sau là sáu cậu bé mặc áo trắng và phần còn lại là đám đông. Những chàng trai trong xe bắt đầu hát Laudate pueri Dominum [Hỡi các bạn, hãy ca ngợi Chúa – Thánh vịnh 112, 1] với điệu đàn du dương khôn tả.

Don Bosco tiếp tục tiến lên phía trước, bị mê hoặc bởi giai điệu thiên đường, nhưng trong âu lo, Cha vẫn quay lại để xem các con cái cha có đi theo không? Và một cảnh tượng đau thương! Cha vô cùng đau khổ khi nhận thấy nhiều em đã ở lại thung lũng, và cũng có nhiều em đang quay trở lại. Đau lòng, cha muốn trở lại để thuyết phục các con cái cha hãy bước đi theo cha và giúp đỡ họ, nhưng cha bị cấm quay trở lại! Cha la lên “Những con cái tội nghiệp đó sẽ bị mất linh hồn!” và cha phản kháng!...

Người lạ trả lời: “Điều tồi tệ hơn đối với các em còn rất nhiều”. “Chúng cũng nhận được lời mời gọi nhưng chúng đã từ khước mà đi theo chúng bạn. Chúng đã nhìn thấy con đường chúng phải đi. Chúng đã có cơ hội của chúng.” Don Bosco năn nỉ, nài van và cầu xin nhưng vô ích. Cha buộc phải tiến bước. Trong lúc cha vẫn còn đang nhức nhối với nỗi đau này thì cha nhận ra một sự thật đáng buồn khác: một số đông những em ngồi trên xe bị té ra ngoài... Chỉ có một trăm năm mươi em vẫn đứng vững dưới lá cờ vô tội. Lòng cha đau nhói một nỗi đau khôn tả. Cha hy vọng đó chỉ là một giấc mơ và cố gắng tỉnh lại nhưng đáng tiếc tất cả vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, tiếng hát trong xe vẫn tiếp tục, du dương ngọt ngào làm vơi đi nỗi buồn của Don Bosco.

Bảy ngọn đồi đã được vượt qua. Khi các em đến ngọn thứ tám, tất cả thấy mình đang ở một ngôi làng tuyệt đẹp, họ dừng lại nghỉ ngơi một lát. Những ngôi nhà đẹp và sang trọng không thể tả. Những cánh đồng rải rác những hàng cây trĩu nặng hoa, nụ và trái. Cảnh trí đó không thấy trên thế giới này! Các chàng trai tản ra khắp nơi, háo hức ngắm nhìn mọi sự và nếm thử trái cây. Ở đây một sự ngạc nhiên khác đang chờ đợi Don Bosco. Các con của cha bỗng chốc biến thành những người già nua: không còn răng, nhăn nheo, tóc bạc trắng, còng lưng, khập khiễng, chống gậy. Cha thật sửng sốt, nhưng giọng nói của người lạ vang lên, “Cha đừng ngạc nhiên, đã nhiều năm rồi kể từ khi cha và các con cái rời bỏ thung lũng... Âm nhạc làm cho chuyến đi của cha và các con cái cha được rút ngắn lại. Nếu cha muốn bằng chứng, hãy nhìn mình trong gương và cha sẽ thấy rằng tôi nói sự thật.”

Don Bosco được trao một tấm gương. Bản thân cha cũng đã già, mặt nhăn nheo và vài chiếc răng còn lại đã bị sâu.

Cuộc hành trình lại được tiếp tục. Xa xa, trên ngọn đồi thứ mười, hiện ra một luồng sáng ngày càng lớn hơn và rực sáng hơn, như thể tuôn ra từ một ô cửa khổng lồ (Thiên đường?). Tiếng hát lại tiếp tục, huyền hoặc đến nỗi giống như chỉ có thể được nghe và thưởng thức ở thiên đường. Don Bosco vui mừng khôn xiết khi tỉnh dậy và thấy mình đang nằm trên giường.

Cha kết luận bằng chia sẻ rằng cha sẵn sàng kể bí mật cho một số bạn trẻ biết họ đã làm gì trong giấc mơ: liệu họ còn ở lại thung lũng hay bị té ra khỏi xe!...

Sau đó cha giải thích giấc mơ như sau: “Thung lũng là thế giới này; những triền đồi núi tượng trưng cho những trở ngại mà chúng ta phải vượt qua để gìn giữ mình khỏi những quyến rũ trần thế; toa xe là ơn thánh. Những người trẻ phải đi bộ là những người đã làm mất đi sự trong trắng nhưng đã biết ăn năn hoán cải.”
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
*Sầu Xuân Viễn Xứ*
Đinh văn Tiến Hùng
02:33 05/02/2024

*Sầu Xuân Viễn Xứ*

Xuân Kỷ Dậu Quang Trung phá giặc,
Vạn quân Thanh khiếp sợ chạy tan tành,
Dũng khí ấy đã hòa vào Sông Núi,
Để Dân tộc luôn được sống an lành,
Bài học đó luôn còn đang vang vọng,
Trường Xuân Ca muôn thuở vẫn còn đây.

Ôi từ độ ta xa rời Tổ quốc,
Đất chuyển mình cùng non nước vần xoay,
Hồn ta dâng bao thổn thức vơi đầy,
Khi Xuân đến với chuỗi ngày viễn xứ.
Đáy lòng ta còn chất đầy quá khứ,
Của những ngày khi Sông Núi reo ca,
Bao Mùa Xuân Hy vọng nơi Quê nhà,
Ta giã biệt theo bước chân vội vã.

Trước mặt ta giờ Mùa Xuân băng giá,
Thân mỏi mòn bóp nghẹt cả con tim,
Kiếp mộng du ta khắc khoải kiếm tìm,
Mong thấy lại bao Mùa Xuân dĩ vãng,
Tâm hồn ta mang khung trời ảm đạm,
Khúc ca nào đang réo gọi Xuân về,
Cõi lòng ta chợt lúc tỉnh lúc mê,
Những tháng năm dài mỏi mòn chờ đợi.

Giờ Xuân đến nghe âm vang réo gọi,
Mau trở về xây dựng lại Quê Hương,
Tổ Quôc nay đâu có là thiên đường,
Khi quỉ đỏ đang gieo rắc tang tóc,
Chỉ còn nghe tràn đầy bao tiếng khóc.
Đất nước nay ngạo mạn lũ sài lang,
Bọn Tàu cộng chiếm đất biển ào sang,
Còn đâu non sông một thời rực rỡ !

Tổ tiên xưa đã khổ công gìn giữ,
Vùng lên khí thế quật khởi hiên ngang,
Quyết tiêu diệt quân cướp bóc gian tham,
Không muốn cúi đầu trở thành thái thú,
Chối bỏ vinh hoa khước từ ô nhục,
Gương anh hùng nữ kiệt rạng sử thi,
Để cháu con muôn dời phải khắc ghi,
Những di chúc không thể nào chối bỏ,

Trang Sử Việt bao hào hùng còn đó,
Toàn dân vùng dậy chống giặc xâm lăng,
Giữ yên bờ cõi Giang sơn Lạc Hồng,
Để đem lại những Mùa Xuân tuyệt mỹ.
Nhưng nay việt cộng tà quyền ma quỉ,
Bán biển đất qua mật ước Thành Đô,
Hòng xóa bỏ Đất Việt trên bản đồ,
Ôi còn Mùa Xuân nào cho ta nhỉ?

*Xuân Quê Hương giờ đây

*Xuân này kém hẳn những Xuân qua,
Bầu trời tang tóc khắp nước nhà,
Đón Tết, vui Xuân không còn nữa,
Dân đen đói khổ mắt lệ nhòa ! (1)

*Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau,
‘Mất mùa là do tại thiên tai
Được mùa bởi thiên tài đảng ta’
Đói nghèo đâu tại bọn ta,
Bởi dân lười biếng hóa ra đói nghèo !

Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau, (2)
Bán dân bán nước cho thằng Tàu,
Thành Đô đã tới còn gì nữa,
Thái thủ hiên ngang dân cúi đầu.

Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau,
Tích lũy túi tham chóng làm giầu,
Đảng có tan tành ta đâu sợ,
Vác đầy túi bạc chạy cho mau.

Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau,
Đất nước nghèo khổ có chi đâu,
Bão lụt cuốn trôi do trời đấy,
Mặc kệ dân đen kiếp ngựa trâu.

Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau,
Kỷ niệm Hoàng Sa một bọn ngu,
Biển đảo đã bán sao đòi lại?
Phen này bắt bọn đó đi tù.

Lẳng lặng mà nghe chúng bảo nhau,
Học thuyết dối trá phải đứng đầu,
Nếu nói một lần dân bất tín,
Nói hoài sẽ thấm chẳng bao lâu.

*Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Quan to quan bé chạy đi đâu,
Cá chết ngập tràn ngoài bờ biển,
Đất khô nứt nẻ chẳng hoa mầu.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Người dân kiếm sống bạc cả đầu,
Tượng đài lão Hồ hàng ngàn tỉ,
Học sinh vượt sông chẳng có cầu.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Công ty ngoại quốc chia đấu thầu,
Chiếm lĩnh hoàn toàn nguồn kinh tế,
Hủy diệt môi sinh chẳng bao lâu.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Thứ nhì xuất gạo bán đi đâu,
Bây giờ lũ lụt dân chết đói,
Dân đòi cộng đảng tiếp gạo mau.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Tà quyền Việt cộng tội ngập đầu,
Dân đen da bọc xương đói khổ,
Lại bắt hiến máu sống khổ đau.

Lẵng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Cô-vit truyền bệnh quá thương đau,
Quan to quan bé ngơ như điếc,
Mặc kệ thằng dân có sao đâu !

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Tiền vật cứu trợ biến đi đâu?
Tà quyền tranh nhau nhét đầy túi,
Con cháu chạy trốn khắp năm châu.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Phải giữ đất nước để mai sau,
Con cái lớn lên còn hãnh diện,
Ngẩng mặt hiên ngang với hoàn cầu.

Lẳng lặng mà nghe dân bảo nhau,
Toàn dân nước Việt phải diệt Tàu,
Cũng lũ giặc cộng đang thống trị,
Để còn đứng thẳng với năm châu.

*Xuân này nhớ mãi những xuân xưa,
Nuối tiếc khôn nguôi mấy cho vừa,
Tiệc vui pháo nổ, mai đào nở,
Quây quần con cháu đón giao thừa.


ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

*Ghi chú : (1) Nhái thơ ông Hồ chúc nhân dân miền Bắc Tết Mậu Thân 1968.
(2) Giao cảm cùng bài thơ ‘Chúc Tết’ của nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương
 
VietCatholic TV
Hạm đội Hắc Hải của Nga tê liệt. NATO cảnh cáo họa TQ. Quá kém cỏi: Xe tăng Nga đâm vào xe tăng
VietCatholic Media
02:46 05/02/2024


1. Hạm đội Hắc Hải của Nga gần như 'tê liệt' sau tổn thất nặng nề

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Black Sea Fleet Almost 'Paralyzed' After Damaging Losses: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Hạm đội Hắc Hải của Nga gần như 'tê liệt' sau tổn thất nặng nề.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong chỉ số mới nhất về thiệt hại gây ra cho các tài sản hải quân của Nga gần Ukraine, hải quân Ukraine cho biết các hoạt động ở Hắc Hải của Nga đã “rất phức tạp, nếu không muốn nói là bị tê liệt” do gần hai năm chiến tranh tổng lực giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv..

Nga đã mất tới 25 trong số khoảng 80 tàu hải quân thuộc nhiều loại khác nhau mà nước này triển khai trong giai đoạn đầu cuộc xâm lược của Điện Cẩm Linh vào năm 2022, Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân của hải quân Ukraine, nói với truyền hình trong bài phát biểu được một số cơ quan báo chí đưa tin.

Pletenchuk cho biết có tới 35 tàu trong số này đã gây ra “mối đe dọa thực sự” đối với Ukraine, mang lại cho Nga khả năng tấn công tầm xa và tạo điều kiện cho Nga hoạt động xung quanh bán đảo Crimea bị sáp nhập và ở miền nam Ukraine.

Pletenchuk cho biết: “Hiện 25 đơn vị khác nhau đã bị phá hủy và 15 đơn vị hiện đang được sửa chữa”.

Ngay sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Hắc Hải nổi lên như một chiến trường quan trọng. Ukraine tuyên bố sẽ đòi lại Crimea, nằm ở phía nam đất liền trên Hắc Hải, nhưng đã được lực lượng Điện Cẩm Linh kiểm soát kể từ khi sáp nhập vào năm 2014.

Ukraine đã giảm bớt tài sản hải quân của Nga ở Hắc Hải, thực hiện thành công các cuộc tấn công kịch tính được coi là khiến Mạc Tư Khoa vô cùng xấu hổ. Các chiến dịch thắng lợi của Kyiv chống lại hạm đội Hắc Hải đã tỏ ra hiệu quả hơn so với hy vọng bị đình trệ của Ukraine trong việc giành lại quyền kiểm soát của Nga ở phía đông và phía nam đất liền.

Vào cuối tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết Nga đã mất 20% hạm đội Hắc Hải trong 4 tháng trước đó.

Ukraine được biết là đã phá hủy một tàu ngầm lớp Kilo của Nga cũng như làm hư hại một số tàu đổ bộ của Mạc Tư Khoa như Minsk, Saratov và Olenegorsky Gornyak. Trong những tháng đầu của cuộc chiến, tàu Moskva, soái hạm của Hắc Hải của Nga, bị chìm dưới sóng, Ukraine tuyên bố hỏa tiễn Neptune của họ phải chịu trách nhiệm.

Đầu tháng này, Ukraine cho biết cơ quan tình báo quân sự của họ đã phá hủy tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn Ivanovets của Nga cùng với một số máy bay không người lái trên biển. Kyiv cho biết, con tàu đã phải hứng chịu “một số cú va chạm trực tiếp vào thân tàu” trước khi chìm, được định giá lên tới 70 triệu Mỹ Kim.

Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái mặt nước MAGURA V5 của nước này trong cuộc tấn công, Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, nói với The War Zone.

Điện Cẩm Linh đã di dời một số tài sản ở Hắc Hải từ bán đảo đến căn cứ Novorossiysk, ở khu vực Krasnodar của Nga, cách xa bờ biển Ukraine.

Nga cũng được cho là đang thiết lập một căn cứ khác ở Hắc Hải ở Abkhazia, một khu vực ly khai được quốc tế công nhận là một phần của Georgia. Điều này sẽ đẩy các nguồn tài nguyên của Nga ở Hắc Hải ra xa tầm với của Ukraine hơn nữa.

Ukraine không có lực lượng hải quân mạnh nhưng đã sử dụng các phương tiện không người lái và hỏa tiễn do phương Tây cung cấp để đạt hiệu quả cao. Vào tháng 12, Anh và Na Uy cho biết họ sẽ tặng các tàu rà phá bom mìn, gần 20 tàu đột kích và 20 phương tiện lội nước cho hải quân Ukraine thuộc Liên minh Năng lực Hàng hải mới.

Chính phủ Anh cho biết vào thời điểm đó, các khoản quyên góp từ các đồng minh NATO của Kyiv sẽ giúp Ukraine “chuyển đổi lực lượng hải quân của mình”, đưa lực lượng này phù hợp với liên minh và tăng cường an ninh ở Hắc Hải.

2. Tổng thống Zelenskiy đã đến thăm quân đội Ukraine ở mặt trận phía đông nam và trao huân chương

Phủ tổng thống Ukraine hôm Chúa Nhật cho biết Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm quân đội Ukraine ở mặt trận phía đông nam và trao huân chương.

Reuters đưa tin rằng động thái này diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng vị tư lệnh quân đội nổi tiếng của ông có thể sớm bị cách chức.

“Thật vinh dự khi được có mặt ở đây ngày hôm nay. Để hỗ trợ các chiến binh và trao giải cho họ. Họ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn và quan trọng là đẩy lùi đối phương và bảo vệ Ukraine”, ông Zelenskiy nói trong một tuyên bố sau khi đến thăm vùng Zaporizhzhia.

Theo bản cập nhật qua đêm của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine, hơn 800 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh 24 giờ trước đó.

Các số liệu cho thấy tổng thiệt hại của Nga trong cuộc chiến là 388.750 quân.

Theo báo cáo, Nga cũng mất 13 xe thiết giáp, 2 xe tăng, 31 hệ thống pháo binh và 41 phương tiện và thùng nhiên liệu trong các cuộc giao tranh hôm thứ Bảy.

3. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh cáo về các bước đi của Tập Cận Bình sau cuộc xâm lược Ukraine của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “After Putin's War, China's Xi Could Move Next, Warns NATO Chief”, nghĩa là “Người đứng đầu NATO cảnh báo: Sau cuộc chiến của Putin, ông Tập của Trung Quốc có thể có động thái tiếp theo.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp kỷ niệm hai năm, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo Đài Loan có thể là nạn nhân tiếp theo.

Trong khi Nga hiện đang đặt ra thách thức “trước mắt nhất” đối với trật tự thế giới, thì Trung Quốc là “thách thức lâu dài lớn nhất mà các đồng minh NATO phải đối mặt, và do đó chúng ta cần phải giải quyết nó”, cựu thủ tướng Na Uy nói trong bài phát biểu tại tổ chức nghiên cứu bảo thủ Quỹ Di sản ở Washington, DC

Chuyến thăm Washington của ông Stoltenberg diễn ra trong bối cảnh xung đột ở nhiều khu vực khác nhau, từ Ukraine đến Trung Đông cho đến Miến Điện. Tại eo biển Đài Loan, đồng minh của Điện Cẩm Linh là Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực quân sự, chính trị và kinh tế lên Đài Bắc, nơi mà họ coi là một tỉnh bất hảo và thề sẽ thống nhất bằng mọi biện pháp cần thiết.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ Ukraine, ông cảnh báo rằng nếu hành động gây hấn của Nga không được kiểm soát, “những người khác sẽ học được bài học rằng sử dụng vũ lực chống lại lợi ích của Mỹ sẽ có hiệu quả”.

“Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ,” ông cảnh báo. “Ukraine ngày nay, Đài Loan có thể là ngày mai.”

Stoltenberg chỉ ra sự hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, sự thiếu minh bạch, bị cáo buộc là các hoạt động thương mại không công bằng, gây hấn với các nước láng giềng, “đặc biệt là Đài Loan” và nỗ lực thống trị Biển Đông.

Ông nói, Washington không thể giải quyết “thách thức Trung Quốc một mình” nhưng nói thêm: “Và bạn không cần phải làm vậy”.

Nhấn mạnh sức mạnh tập thể của liên minh quân sự gồm 31 thành viên, ông trích dẫn mạng lưới tình báo rộng khắp của NATO, lực lượng vũ trang hiện đại và sức mạnh kinh tế tổng hợp. Ông cũng chỉ ra rằng trong vài năm qua, hầu hết các quốc gia thành viên đều đáp ứng hoặc gần đáp ứng yêu cầu của NATO rằng họ chi tiêu tương đương 2% GDP cho quốc phòng.

“Chỉ riêng nước Mỹ đã đại diện cho 1/4 nền kinh tế thế giới. Nhưng cùng với các đồng minh NATO, chúng ta đại diện cho một nửa sức mạnh kinh tế của thế giới. Và một nửa sức mạnh quân sự của thế giới,” ông nói.

Stoltenberg sau đó khuyến khích Mỹ công nhận giá trị của NATO, hiện đã bước sang năm thứ 75.

Trong một nhận xét dường như dành cho những người ở Mỹ hoài nghi về NATO, ông đã trích dẫn những đóng góp đáng kể của liên minh này cho ngành công nghiệp quốc phòng và việc làm của Mỹ. Ông cho biết, các thành viên NATO đã đặt mua vũ khí trị giá 120 tỷ USD trong hai năm qua, bao gồm hàng nghìn hỏa tiễn, hàng trăm xe tăng Abrams và hàng trăm máy bay chiến đấu F-35.

Ông nói: Trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc, sự thống nhất của NATO mang lại cho Mỹ lợi thế chiến lược mà Trung Quốc và Nga thiếu.

Cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 nhanh chóng được so sánh với Đài Loan, khi cả hai nước đều sống dưới cái bóng của các cường quốc phục thù.

Đài Loan được hưởng lợi từ việc bảo vệ eo biển Đài Loan, nơi mà điều kiện thường xuyên khắc nghiệt có thể chỉ tạo ra hai cơ hội ngắn ngủi mỗi năm cho một cuộc xâm lược đổ bộ. Tuy nhiên, việc bị bao quanh bởi biển cả cũng sẽ khiến việc tiếp tế trong xung đột trở nên khó khăn hơn so với Ukraine.

Washington là nhà cung cấp vũ khí chính của Đài Loan và là nước ủng hộ quốc tế mạnh mẽ nhất cho Đài Loan.

Mặc dù Mỹ, giống như hầu hết các nước, không công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao nhưng nước này vẫn là người bảo đảm an ninh quan trọng nhất của Đài Bắc. Chính sách lâu dài về “sự mơ hồ về chiến lược” của Washington nhằm mục đích để ngỏ khả năng đáp trả quân sự của Mỹ đối với một cuộc tấn công trong tương lai vào Đài Loan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

4. Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu vào cuối tuần này về gói viện trợ riêng trị giá 17,6 tỷ Mỹ Kim cho Israel, không bao gồm đề xuất tài trợ quân sự cho Ukraine.

Nhiều thành viên Quốc Hội đã từ chối hỗ trợ gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine trừ khi viện trợ gắn liền với cải cách biên giới Hoa Kỳ với Mễ Tây Cơ.

Trong chuyến đi tới Washington vào tháng 12, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã thất bại trong việc thuyết phục các thành viên Quốc Hội về vấn đề này. Các thành viên Quốc Hội chủ chốt lặp lại rằng họ muốn thấy một cuộc đàn áp nhập cư giữa Mỹ và Mễ Tây Cơ để đổi lấy việc hỗ trợ gói này.

5. Quân đội Ukraine gặp phải một vấn đề lớn là 'đói đạn pháo'

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Ukraine’s army is suffering artillery ‘shell hunger’”, nghĩa là “Quân đội Ukraine đang 'đói đạn pháo'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Ukraine gặp phải một vấn đề lớn: Họ nhận được quá ít đạn pháo để bảo vệ tốt tiền tuyến dài 1.000 km trước các cuộc tấn công của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov mô tả tình hình là “đói đạn pháo” đối với liên minh pháo binh - nhóm quốc tế do Pháp dẫn đầu để gửi đạn dược tới Ukraine - vào đầu tháng này.

Ukraine đang tăng cường sản xuất đạn pháo trong nước, dù con số vẫn là bí mật nhưng vẫn dựa vào các đồng minh để cung cấp phần lớn đạn dược cho mình.

Liên minh Âu Châu đã hứa sẽ gửi một triệu quả đạn pháo vào tháng 3 nhưng sẽ không đạt được mục tiêu đó. Nhà lãnh đạo đối ngoại Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết trong tuần này rằng khối sẽ chỉ vận chuyển 524.000 quả đạn pháo vào thời điểm đó, đồng thời hứa hẹn sẽ xuất xưởng 1,1 triệu quả vào cuối năm nay.

Trong khi đó, bế tắc chính trị ở Washington đã ngăn chặn mọi dòng viện trợ quân sự.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng NATO: “Chúng tôi hiện đã ngừng hỗ trợ quân sự mà chúng tôi đã cung cấp cho Ukraine và chúng tôi thậm chí đã thấy một số bằng chứng về ý nghĩa của điều đó trên chiến trường”.

Việc ngừng hoạt động đang có tác động thực sự đến lực lượng quân đội đang đào chiến hào ở miền nam và miền đông Ukraine.

Một lính pháo binh Ukraine đang chiến đấu gần Avdiivka, một trong những điểm nóng nhất ở mặt trận, nói với POLITICO: “Chúng tôi chưa bao giờ có đủ đạn pháo cỡ nòng 122 ly… chúng tôi lấy chúng ngay từ nhà máy”. Ông nói với điều kiện được giấu tên vì ông không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

“Trung bình chúng tôi bắn 15 phát súng mỗi ngày. Nhưng có những ngày chúng tôi phải bắn hơn 100 quả và có những ngày không quả nào cả. Bây giờ sự thù địch ngày càng gia tăng theo hướng của chúng tôi, nhưng chúng tôi có ít đạn pháo hơn trước đây”, người lính nói thêm.

Phát biểu trước liên minh pháo binh, Umerov thừa nhận: “Nga đông hơn chúng tôi rất nhiều trong các cuộc tấn công bằng pháo binh hàng ngày. Tại các khu vực khác nhau của mặt trận và các giai đoạn chiến sự, họ bắn số đạn pháo nhiều gấp 5 đến 10 lần so với lực lượng Ukraine.”

Ông nói thêm: “Ngành công nghiệp quân sự của Nga cho phép quân đội của họ bắn hàng chục ngàn quả đạn vào các vị trí của Ukraine. Tình hình chiến trường cho thấy, pháo binh hiện đại không có gì thay thế được”.

Tuy nhiên, việc đạt được sự gia tăng lớn về nguồn cung cấp đạn dược cho Ukraine không phải là điều dễ dàng.

“ Ngày nay chúng ta đang có một cuộc chiến tranh quy mô đến mức toàn bộ năng lực của thế giới tự do không đủ để hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng của chúng ta. Chúng tôi chắc chắn không thể làm được điều này nếu không có sự giúp đỡ”, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin nói với POLITICO.

Việc thiếu đạn pháo là một trong những lý do chính khiến quân đội Ukraine phải chuyển sang thế phòng thủ trên toàn mặt trận sau cuộc phản công đáng thất vọng vào mùa hè năm nay.

Ít có khả năng dựa vào pháo binh để ngăn chặn làn sóng tấn công của quân Nga, người Ukraine đang chuyển sang sử dụng máy bay không người lái FPV - hay góc nhìn thứ nhất - để tấn công xe tăng, xe thiết giáp và quân đội của Nga. Máy bay không người lái, thường là mẫu máy bay được điều chỉnh theo sở thích và được trang bị bom, có camera tích hợp cho phép người vận hành hướng chúng đến mục tiêu với độ chính xác cao.

Điều đó mang lại cho Ukraine một lợi thế hiếm có trước Nga. Theo số liệu của cơ quan tiếp thị Top Lead có trụ sở tại Kyiv, lực lượng của nước này đã tiến hành 3.806 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ tháng 9 đến Tháng Giêng trong khi Nga chỉ tiến hành 2.886 cuộc.

Một sĩ quan quân đội cao cấp Ukraine, phát biểu với điều kiện giấu tên, nói với POLITICO rằng người Nga thống trị chiến trường bằng pháo binh của họ. “Và hiện nay, ở một số hướng, con số này đôi khi vượt quá khả năng phản pháo của chúng tôi nhiều lần. Đó là lý do tại sao việc sử dụng máy bay không người lái FPV là một trong những phương án gây sát thương hỏa lực cho đối phương, khá hiệu quả “.

Ông nói thêm rằng hiện tại, Ukraine vẫn có đủ đạn pháo để đánh trả bất kỳ bước đột phá nào của Nga.

“Hiện tại, chúng tôi có đủ đạn pháo để tự vệ, nhưng để tiếp tục các hoạt động tấn công, chúng tôi cần hỗ trợ về đạn dược. Suy cho cùng, trong một cuộc tấn công, cần phải có nhiều đạn pháo hơn đối phương của bạn hoặc ít nhất là bằng số lượng đó”, viên sĩ quan nói.

Mykola Bielieskov, nhà phân tích quân sự cao cấp của Tổ chức bác ái Come Back Alive, tổ chức giúp quân đội Ukraine cung cấp thiết bị, cho biết, mặc dù máy bay không người lái đang giúp ngăn chặn người Nga nhưng điều đó không có nghĩa là không cần thêm đạn dược.

Ông nói: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ khó chiến đấu chỉ bằng FPV mà không có các loại pháo cổ điển như pháo hoặc hệ thống phóng nhiều hỏa tiễn cộng với ít nhất 2.000 đến 4.000 quả đạn mỗi ngày”. “Chúng ta cần duy trì quan điểm hiện có. Và làm thế nào để làm được điều đó trong điều kiện thiếu đạn pháo đương nhiên là một thách thức.”

Nga có nhiều vũ khí và đạn dược hơn Ukraine nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc duy trì tốc độ sử dụng đạn dược ở mức độ khủng khiếp.

Mạc Tư Khoa đã chuyển đổi nền kinh tế sang trạng thái chiến tranh một cách hiệu quả và sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài. Các nhà máy của nước này đang sản xuất máy bay không người lái, xe tăng và đạn pháo, đồng thời ngân sách quốc phòng ở mức cao nhất trong lịch sử hậu Xô Viết của Nga.

Trong cuộc trò chuyện trên truyền hình với Tổng thống Vladimir Putin, nhà lãnh đạo tập đoàn quốc phòng Rostec Sergei Chemezov cho biết vào cuối tháng 12 rằng việc sản xuất đạn dược đã tăng gấp 50 lần kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

Tuy nhiên vẫn có những cảnh báo.

Yury Fyodorov, một chuyên gia quân sự độc lập ở Praha, cho biết quân đội Nga đã sử dụng kho pháo binh cũ của Liên Xô, nhưng chúng đang cạn kiệt.

Đó là nơi các đồng minh địa chính trị của họ là Bắc Hàn và Iran xuất hiện. Theo các quan chức và tình báo phương Tây, họ đang cung cấp cho Nga công nghệ, đạn pháo và có thể cả hỏa tiễn đạn đạo - mặc dù tất cả các bên liên quan đều phủ nhận điều đó.

Fyodorov ước tính Nga đang bắn khoảng 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày, nhiều hơn Ukraine nhưng vẫn ít hơn con số hàng chục ngàn quả mỗi ngày vào thời điểm bắt đầu cuộc xâm lược.

Sự sụt giảm đó đã buộc quân đội Nga phải dựa vào “các cuộc tấn công thịt” – là các đợt biển người để áp đảo lực lượng phòng thủ Ukraine – trong cuộc chiến kéo dài nhằm giành thị trấn Avdiivka ở miền đông Ukraine.

“Theo quan điểm của tôi, tình hình ở Ukraine rất nguy hiểm nhưng không đến mức thảm khốc”, Fyodorov nói.

Ở Avdiivka, phía bên kia mặt trận, binh sĩ Ukraine đã phải thích nghi và học hỏi những thủ thuật mới để đối phó với tình trạng thiếu đạn dược. Các đơn vị pháo binh đang hợp tác chặt chẽ với các phi công lái máy bay không người lái, những người giúp họ tấn công vào những quả đạn pháo ít ỏi của mình một cách chính xác hơn.

Lính pháo binh chiến đấu ở ngoại ô thành phố cho biết, độ chính xác của pháo binh tăng 250% khi kết hợp với máy bay không người lái.

“Vì thiếu đạn liên tục nên chúng tôi buộc phải học cách bắn tốt hơn mức bình thường. Và chúng tôi đã học được,” người lính nói.

6. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh ngày 4 Tháng Hai

Trong bản tin tình báo ngày 4 Tháng Hai, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến quân Wagner.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Rất có thể chỉ còn chưa đến 1.000 lính đánh thuê Wagner của Nga ở Belarus. Họ đã có mặt ở nước này từ tháng 6 năm 2023, lúc đó có 8.000 lính đánh thuê Wagner. Wagner gần như chắc chắn sẽ tiếp tục cung cấp đào tạo cho lực lượng an ninh và quân sự Belarus.

Khó có khả năng Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko sẽ sử dụng lính đánh thuê Wagner ngoài phạm vi quyền hạn hiện tại của họ. Họ tham gia huấn luyện quân đội của Bộ Nội vụ nhưng rất ít khả năng tham gia trực tiếp vào việc duy trì an ninh nội địa hoặc biên giới ở Belarus. Sự hiện diện liên tục của lính đánh thuê Wagner ở Belarus gần như chắc chắn cũng mang lại lợi ích cho nỗ lực chiến tranh của Nga bằng cách buộc Ukraine duy trì các vị trí phòng thủ và nhân sự dọc biên giới phía bắc với Belarus để bảo vệ khỏi các cuộc xâm lược tiềm tàng trong tương lai.

7. HBO loại bỏ diễn viên ủng hộ Điện Cẩm Linh khỏi White Lotus sau vụ náo động

Vai diễn trong bộ phim truyền hình ăn khách sẽ được điều chỉnh lại sau khi Kyiv phản đối việc lựa chọn Miloš Biković, người ủng hộ Putin.

Miloš Biković được cho là sẽ đóng vai chính trong phần mới của bộ phim truyền hình ăn khách The White Lotus của HBO. Nhưng đó là trước khi việc nam diễn viên người Serbia ủng hộ Nga và việc nước này xâm lược Ukraine gây ra làn sóng phản đối quốc tế về vai diễn của anh.

Phát ngôn nhân của HBO cho biết trong một tuyên bố với POLITICO vào cuối ngày thứ Bảy: “Chúng tôi đã quyết định chia tay với Miloš Biković và vai diễn này sẽ được chọn lại”. Biković gọi quyết định này là “một tiền lệ đáng lo ngại”.

Bộ ngoại giao Ukraine đã công khai chỉ trích HBO vào tháng trước vì đã chọn Biković cho mùa tiếp theo của The White Lotus - một bộ phim hài đen tối về sự bất bình đẳng giai cấp được kể qua câu chuyện của những vị khách giàu có tại khu nghỉ dưỡng White Lotus. Việc quay phim bắt đầu vào tháng Hai.

“HBO, bạn có được làm việc với một người ủng hộ nạn diệt chủng và vi phạm luật pháp quốc tế không?” Bộ Ngoại giao Ukraine đã yêu cầu trong một bài đăng ngày 24 Tháng Giêng trên X.

Biković hôm thứ Bảy đã cáo buộc rằng “một chiến dịch thông tin có mục tiêu” đang được tiến hành chống lại anh ta. Anh nói : “Hoàn cảnh bên ngoài đang bắt đầu ảnh hưởng đến các quyết định sáng tạo, tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại làm mất đi bản chất của quyền tự do sáng tạo”.

Nam diễn viên cho biết việc tham gia The White Lotus “không thể thực hiện được vì những lý do ngoài khả năng sáng tạo, vì tôi chưa sẵn sàng thay đổi các nguyên tắc của mình”, theo bài đăng.

Biković, người có quốc tịch Nga, đã trở nên nổi tiếng ở Nga. Trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Nga và các blogger YouTube, anh ta đã ủng hộ việc Putin xâm lược Crimea và cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Năm 2018, Biković đóng vai chính trong một bộ phim quay ở Crimea bị Nga tạm chiếm, một bán đảo của Ukraine đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế kể từ khi Điện Cẩm Linh sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.
 
Sứ điệp Mùa Chay của ĐTC. Tòa Thánh đưa ra chỉ dẫn về việc phân định giá trị thành sự của các bí tích
VietCatholic Media
05:19 05/02/2024


1. Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha: Hãy tập trung vào ‘sinh thái toàn diện’

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Thông điệp Mùa Chay năm 2024: “Nếu việc cử hành Mùa Chay của chúng ta phải cụ thể, thì bước đầu tiên là mong muốn mở rộng tầm mắt nhìn vào thực tế”.

Thông điệp của Đức Thánh Cha, có tựa đề “Xuyên qua sa mạc, Thiên Chúa dẫn chúng ta đến tự do”, được công bố vào ngày 1 tháng 2, với một cuộc họp báo ở Vatican giới thiệu tài liệu và thảo luận về các chủ đề chính của nó.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô ví Mùa Chay sám hối – bắt đầu vào Thứ Tư Lễ Tro, ngày 14 tháng 2 – với cuộc hành trình của người Do Thái băng qua sa mạc, từ sự áp bức ở Ai Cập đến tự do ở Thánh Địa. Ngài nói với các tín hữu rằng “ngay cả ngày nay chúng ta vẫn ở dưới sự cai trị của Pharaoh”.

Đức Thánh Cha tiếp tục, quy tắc đó là “một mô hình tăng trưởng gây chia rẽ và cướp đi tương lai của chúng ta. Đất, không khí và nước bị ô nhiễm, nhưng tâm hồn chúng ta cũng vậy.” Sự cai trị của Pharaoh, như ngài giải thích, cũng mở rộng đến một “vị vua bị thu hút bởi sự an toàn của những thứ quen thuộc, gây phương hại đến sự tự do của chúng ta”.

Để thoát khỏi quy luật này, Đức Giáo Hoàng nói, Mùa Chay đưa các tín hữu băng qua sa mạc. Ngài đưa ra tuyên bố nghịch lý: “Đã đến lúc phải hành động, và trong Mùa Chay, hành động cũng có nghĩa là tạm dừng. Dừng lại để cầu nguyện.”

Đức Thánh Cha Phanxicô không tập trung vào việc đền tội trong thông điệp của mình, ngoại trừ việc lên án việc đền tội công khai của những kẻ đạo đức giả – “loại đền tội đã khiến Chúa Giêsu thất vọng”. Tuy nhiên, ngài khuyến khích các Kitô hữu “suy nghĩ lại về lối sống của mình”.

Mùa Chay cũng là thời gian của những quyết định mang tính cộng đồng, những quyết định lớn nhỏ trái ngược nhau. Những quyết định có khả năng thay đổi cuộc sống hàng ngày của các cá nhân và toàn bộ khu vực lân cận, chẳng hạn như cách chúng ta có được hàng hóa, chăm sóc tạo vật và cố gắng thu hút những người không được nhìn thấy hoặc bị coi thường.

Để thể hiện sự tập trung của Đức Thánh Cha vào hành động xã hội, cuộc họp báo tại Vatican giới thiệu thông điệp của Đức Thánh Cha được dẫn dắt bởi Đức Hồng Y Michael Czerny, SJ, Bộ trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện. Đức Hồng Y nhận xét rằng Thông điệp Mùa Chay lặp lại các chủ đề trong các thông điệp xã hội của Đức Thánh Cha, Laudato Si’ và Fratelli Tutti. Ngài nói: “Ở đây chúng ta thấy các mô hình mục vụ về sinh thái toàn diện, tình huynh đệ và tình bạn xã hội đang định hình lại việc truyền giáo”.

Emilia Palladino, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Grêgôriô, tiếp tục trích dẫn số liệu thống kê về số người trên thế giới không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, số thanh niên bị bóc lột, lao động trẻ em và số người bị cuốn vào nạn buôn người..

Mauro Pallotta, một nghệ sĩ được biết đến với tên gọi “Maupal,” đã kết thúc buổi thuyết trình ở Vatican bằng cách nói rằng ông sẽ thực hiện một bức vẽ hàng tuần để minh họa một thông điệp trong thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Ông nhận xét rằng thông điệp Mùa Chay là “một cách ưu tiên để vươn xa, phá bỏ các rào cản và bằng cách nào đó đồng hành cùng mọi người vượt qua sa mạc để đạt được mục tiêu tự do mong muốn”.

2. Bộ Giáo Lý Đức Tin đưa ra chỉ dẫn về việc phân định giá trị thành sự của các bí tích

Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã đưa ra một chỉ dẫn vào hôm thứ Bảy về việc biện phân giá trị pháp lý của các bí tích.

Tài liệu mới được Đức Thánh Cha Phanxicô và Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin Victor Fernández ký có tựa đề “Gestis Verbisque” hay “Việc làm và Lời nói”.

Fernández đã viết trong phần giới thiệu bản văn rằng ghi chú về các bí tích được viết “để giúp các giám mục trong nhiệm vụ của các ngài với tư cách là người thúc đẩy và giám sát đời sống phụng vụ của các Giáo hội cụ thể được ủy thác cho các vị”.

Ngài viết: “Bộ Giáo lý Đức tin có ý định đưa ra trong Bản ghi chú này một số yếu tố có tính chất giáo lý liên quan đến việc phân định tính thành sự của việc cử hành các Bí tích, đồng thời chú ý đến một số hàm ý kỷ luật và mục vụ”.

Văn bản dài 11 trang chỉ được xuất bản bằng tiếng Ý vào ngày 3 tháng 2 nhắc lại rằng đối với tất cả các bí tích trong Giáo Hội Công Giáo, “việc tuân giữ cả vật chất và hình thức luôn được yêu cầu để việc cử hành được thành sự”.

“Cả vấn đề và hình thức, được tóm tắt trong Bộ Giáo luật, đều được thiết lập trong các sách phụng vụ do cơ quan có thẩm quyền ban hành, do đó phải tuân thủ một cách trung thành, không 'thêm, bớt hay thay đổi bất cứ điều gì'“.

Tài liệu cho biết thêm rằng những thay đổi tùy tiện về chất liệu hoặc hình thức “gây nguy hiểm cho việc ban ân sủng bí tích một cách hiệu quả, gây bất lợi rõ ràng cho các tín hữu” và “mức độ nghiêm trọng và sức mạnh gây vô hiệu của những thay đổi đó phải được xác định tùy theo từng trường hợp.”

“Gestis Verbisque” thường đề cập đến ghi chú giáo lý năm 2020 của Bộ về việc sửa đổi công thức bí tích của phép rửa, trong đó làm rõ rằng việc thay đổi các từ ngữ trong công thức rửa tội “Ta rửa tội cho con” thành “Chúng tôi rửa tội cho con” sẽ làm vô hiệu phép rửa tội, và bất kỳ ai đã được rửa tội bằng công thức này đều được coi là chưa lãnh nhận bí tích.

Hồng Y Fernández viết rằng vào năm 2022, các Hồng Y và giám mục tham gia hội nghị toàn thể vào Tháng Giêng của Bộ Giáo Lý Đức Tin đã bày tỏ lo ngại về “sự gia tăng của các tình huống mà họ buộc phải lưu ý đến tính vô hiệu của các Bí tích được cử hành”.

Các ví dụ cụ thể, được Đức Hồng Y liệt kê, bao gồm việc sử dụng “Ta rửa tội cho con nhân danh Đấng Tạo Hóa…” hoặc “Nhân danh cha mẹ bạn … chúng tôi rửa tội cho con,” thay vì công thức rửa tội đã được thiết lập.

Vị Hồng Y Tổng trưởng nói: “Trong khi ở các lĩnh vực khác của hoạt động mục vụ của Giáo hội có rất nhiều chỗ cho sự sáng tạo, thì sự sáng tạo như vậy trong bối cảnh cử hành các Bí tích lại biến thành một ‘ý chí lôi kéo’ và do đó không thể được viện dẫn”.

Hồng Y Fernández nói thêm: “Do đó, chúng ta được yêu cầu phải có sức mạnh để vượt qua cám dỗ muốn cảm thấy mình là chủ sở hữu của Giáo hội”.

Đức Hồng Y sau đó nhận xét rằng khi linh mục hành động “in Persona Christi capitis”, điều đó không có nghĩa là linh mục là “ông chủ” với khả năng thực thi quyền lực tùy tiện, nhưng chỉ có Chúa Kitô là “'đầu của thân thể, Hội Thánh,” trích dẫn Côlôsê 1:18.

Hồng Y Fernández nói: “Dường như ngày càng cấp bách phải trưởng thành một nghệ thuật cử hành, trong đó vừa tránh xa những chữ đỏ cứng nhắc cũng như tránh xa trí tưởng tượng không kiềm chế, dẫn đến một kỷ luật phải được tôn trọng, chính xác là để trở thành những môn đệ đích thực”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn văn bản của ghi chú Bộ Giáo Lý Đức Tin trong buổi tiếp kiến riêng với Hồng Y Fernández vào ngày 31 Tháng Giêng sau khi ghi chú này được thảo luận và đồng thanh phê chuẩn bởi các Hồng Y và giám mục tham dự phiên họp toàn thể gần đây của thánh bộ vào Tháng Giêng.

Hồng Y Fernández và Đức ông Armando Matteo, thư ký phụ trách bộ phận giáo lý của thánh bộ, đã ký vào bản hướng dẫn vào ngày 2 tháng 2, ngày Lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh.

Bản hướng dẫn cho biết: “Chính bằng cách thiết lập Giáo hội như Nhiệm thể của Ngài, Chúa Kitô làm cho các tín hữu trở nên những người tham dự vào sự sống của chính Ngài, kết hợp họ với cái chết và sự phục sinh của Ngài một cách thực sự và huyền nhiệm thông qua các bí tích”.

“Thật vậy, quyền năng thánh hóa của Chúa Thánh Thần tác động nơi các tín hữu qua các dấu chỉ bí tích, biến họ thành những viên đá sống động của một tòa nhà thiêng liêng, được xây dựng trên đá tảng góc tường là Chúa Kitô, và biến họ thành một dân tư tế, những người tham gia vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô.”
 
Ukraine loại được sĩ quan Nga nguy hiểm nhất ở Krynky. TQ hục hặc với NATO. Tiệp lo Kyiv sắp hết đạn
VietCatholic Media
15:10 05/02/2024


1. Quân đội Ukraine đã loại khỏi vòng chiến người đàn ông Nga nguy hiểm nhất ở Krynky

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Troops Killed The Most Dangerous Man In Krynky, A Russian Drone Commander. It Was Their Cue To Go On The Attack.”, nghĩa là “Quân đội Ukraine đã giết chết người đàn ông nguy hiểm nhất ở Krynky, một chỉ huy máy bay không người lái của Nga. Đó là gợi ý cho thấy họ sẽ tiếp tục tấn công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trận chiến giành Krynky, nơi thủy quân lục chiến Ukraine bám trụ trên đầu cầu hẹp bên tả ngạn sông Dnipro rộng lớn ở Kherson, miền nam Ukraine, phần lớn là một trận chiến bằng máy bay không người lái.

Cả người Nga và người Ukraine đều giám sát và tấn công lẫn nhau bằng máy bay không người lái nhỏ góc nhìn thứ nhất, vào một số ngày, họ lấp đầy không trung bằng rất nhiều chiếc FPV.

Vì vậy, thật là một vấn đề lớn khi một đội máy bay không người lái của Ukraine đã truy lùng và giết chết một người điều khiển lái máy bay không người lái xuất sắc của Nga với biệt danh “Moisey”. Viết tắt của “Moses”.

Hạ gục Moses đã làm thay đổi động lực trong trận chiến Krynky. “Sau khi nhóm của Moisey bị vô hiệu hóa, đối phương tiến hành luân chuyển vào khu định cư mà không gặp vấn đề gì,” một phóng viên Nga phàn nàn trong một bức thư do @wartranslation dịch.

Trong nhiều tháng sau chuyến đi đầu tiên qua Dnipro vào giữa tháng 10, Thủy Quân Lục Chiến Ukraine thuộc Lữ đoàn 35 đã phải vật lộn để mở rộng đầu cầu của họ.

Chắc chắn, pháo binh và máy bay không người lái đã bao vây lực lượng thủy quân lục chiến từ bờ phải, đẩy lùi các cuộc phản công gần như hàng ngày của Nga. Nhưng lực lượng thủy quân lục chiến không thể xây dựng đủ số lượng cho các cuộc tấn công thành công của riêng họ.

Moses là lý do chính tại sao. Bay những chiếc máy bay không người lái FPV nặng 2 pound, chứa đầy chất nổ từ một ngôi nhà hai tầng chỉ cách tiền tuyến ở Krynky 500 feet về phía tây, Moses săn lùng một cách tàn nhẫn những chiếc thuyền nhỏ và máy kéo đổ bộ mà người Ukraine trông cậy vào để tiếp tế và củng cố đầu cầu của họ.

Moses và các đồng đội của anh được cho là đã bắn trúng 31 thuyền Ukraine và giết chết hoặc làm bị thương gần 400 binh sĩ Ukraine. Vụ thảm sát thuyền đã khiến một số Thủy Quân Lục Chiến Krynky tuyệt vọng — và truyền cảm hứng cho một số báo cáo về sự diệt vong từ The New York Times và các phương tiện truyền thông khác. Tờ Times vào tháng 12 dẫn lời một Thủy Quân Lục Chiến Ukraine gọi trận chiến Krynky là một “nhiệm vụ tự sát”.

Việc tìm kiếm và tiêu diệt Moses đã trở thành ưu tiên hàng đầu của những người điều hành máy bay không người lái Ukraine ở hữu ngạn sông Dnipro. Có vẻ như trong hai tuần đầu tiên của tháng Giêng, họ đã có cơ hội thành công.

Một máy bay không người lái của Ukraine đã phát hiện ra đội của Moses đang phóng máy bay không người lái của chính họ từ nơi ẩn náu Krynky. Một chiếc FPV của Ukraine lao vào ngôi nhà và cho nổ tung. “Món quà nhỏ dành cho Moisey,” một phi công lái máy bay không người lái người Ukraine châm biếm với biển hiệu “Balu”.

Việc vô hiệu hóa Moses không chấm dứt mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga trong và xung quanh Krynky, nhưng cú đánh đã làm giảm mối đe dọa. Đột nhiên có thêm nhiều thuyền Ukraine băng qua Dnipro.

Được tăng cường và tiếp tế, Thủy Quân Lục Chiến của Lữ đoàn 35 ở Krynky đã tấn công — và được cho là đã tiến hàng trăm feet về phía tây, trớ trêu thay lại đến được chính tòa nhà nơi Moses chết.

Cuộc chiến giành Krynky không phải là một “nhiệm vụ tự sát”. Hầu hết, đó là một cái bẫy tiêu hao quân đội Nga ở Kherson.

Liên tục cố gắng nhưng thất bại trong việc đánh bật quân Ukraine ở Krynky, quân Nga đã mất ít nhất 157 xe tăng, xe chiến đấu, pháo và có thể là hàng ngàn binh sĩ, trong khi chỉ phá hủy được 24 vũ khí của Ukraine - chủ yếu là pháo binh - và giết chết hoặc gây thương tật cho khoảng vài trăm Thủy Quân Lục Chiến và các thuyền viên.

Nhưng điều đó không có nghĩa là trận chiến hoàn toàn mang tính thế trận, không bên nào giành được ưu thế. Sau khi giết chết người Nga nguy hiểm nhất ở Krynky, một chỉ huy máy bay không người lái, người Ukraine đã có động lực và họ đang tiến lên.

2. Bí ẩn vẫn còn xung quanh vụ tai nạn máy bay IL-76 ở Belgorod

Samantha de Bendern, cộng tác viên của Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House, xem xét bí ẩn vẫn còn xung quanh vụ tai nạn Belgorod. Trong một bài báo dành cho chúng tôi hôm nay, cô ấy lập luận rằng chỉ có một cuộc điều tra độc lập mới có thể xác định được sự thật - nhưng khả năng được phép điều tra là rất mong manh.

Vào ngày 24 Tháng Giêng, một máy bay vận tải chiến lược IL-76 của Nga đã bị rơi cách thành phố Belgorod của Nga 44 dặm, gần biên giới Ukraine. Nhiều câu hỏi xoay quanh hoàn cảnh xảy ra vụ tai nạn cũng như danh tính của những người thiệt mạng. Nga tuyên bố có 65 tù nhân chiến tranh Ukraine trên tàu. Cả Ukraine và bất kỳ cơ quan quốc gia hay quốc tế nào đều không thể xác nhận hay phủ nhận điều này.

Vladimir Putin kể từ đó tuyên bố rằng ông ta có bằng chứng cho thấy hỏa tiễn phòng không Patriot của Mỹ đã bắn rơi máy bay. Trong khi đó, cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã mở một cuộc điều tra về hành vi “vi phạm luật pháp và phong tục chiến tranh”. Trong khi cả hai bên đang cáo buộc nhau hành động trái pháp luật, bí ẩn về ai có mặt trên máy bay và điều gì thực sự đã xảy ra vẫn chưa được giải đáp một tuần sau vụ tai nạn.

Các bên tham chiến, cũng như hầu hết các nhà báo, chuyên gia đạn đạo và hàng không cũng như các nhà phân tích chính trị đang cố gắng hiểu những gì đã xảy ra, đều đồng ý về hai vấn đề: máy bay bị hỏa tiễn bắn hạ và cuộc trao đổi tù binh chiến tranh dự kiến diễn ra cùng ngày đã bị hủy bỏ.

3. Đồng minh của Nga có thể bị yêu cầu bắt giữ Putin nếu ông ta đến thăm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Ally Could Be Required to Arrest Putin if He Visits”, nghĩa là “Đồng minh của Nga có thể bị yêu cầu bắt giữ Putin nếu ông ta đến thăm”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Putin có thể bị bắt nếu ông chọn thăm Armenia, đồng minh truyền thống của Nga.

Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, quốc gia có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Mạc Tư Khoa trong những tháng gần đây, đã tuyên bố chính thức gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC vào hôm thứ Tư 31 Tháng Giêng. Putin đã bị ICC ban hành lệnh bắt giữ vào năm ngoái vì cáo buộc tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt cóc bất hợp pháp trẻ em Ukraine sang Nga.

Yeghishe Kirakosyan, đại diện các vấn đề pháp lý quốc tế của Armenia, chỉ ra rằng Armenia đã công nhận thẩm quyền của ICC để truy tố các tội ác chiến tranh, diệt chủng, tội ác xâm lược và tội ác chống lại loài người kể từ hôm thứ Năm mùng 1 Tháng Hai

Kirakosyan cũng nói rằng quyền tài phán của ICC sẽ được công nhận có hiệu lực từ ngày 10 tháng 5 năm 2021, khoảng 8 tháng trước khi Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine và gần 2 năm trước khi lệnh bắt giữ được ban hành.

Quốc hội Armenia đã bỏ phiếu gia nhập ICC vào tháng 10, với việc Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đang tìm cách trấn an Nga vào thời điểm đó rằng quyết định này không “nhằm chống lại” Putin.

Tuy nhiên, công nhận quyền tài phán của tòa án có nghĩa là Armenia hiện có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng lệnh của ICC bằng cách bắt giữ tổng thống Nga nếu ông ta đặt chân trên đất Armenia.

Thư ký Báo chí của Putin, Dmitry Peskov, đã hạ thấp diễn biến này trong các bình luận với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, nhấn mạnh rằng “không có gì để bình luận ở đây” và chỉ ra rằng việc gia nhập ICC là “quyền thuộc chủ quyền của Armenia nói chung”.

“Nhưng mặt khác, điều quan trọng đối với chúng tôi là những quyết định như vậy không ảnh hưởng đến cả mối quan hệ song phương về mặt pháp lý và trên thực tế mà chúng tôi đánh giá cao và hy vọng sẽ phát triển hơn nữa”, ông Peskov nói thêm.

Mối quan hệ giữa Nga và Armenia ngày càng trở nên bất ổn kể từ khi Azerbaijan giành toàn quyền kiểm soát quân sự đối với lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh vào tháng 9.

Các nhà lãnh đạo Armenia nổi giận trước việc Nga từ chối hỗ trợ các nỗ lực ngăn cản việc tiếp quản. Pashinyan nói rằng liên minh của Armenia với Nga “không hiệu quả khi nói đến việc bảo vệ an ninh của chúng tôi và lợi ích quốc gia của Armenia”.

Putin đã củng cố mối quan hệ của Nga với Azerbaijan bằng cách ký một thỏa thuận chính trị-quân sự với nước này chỉ vài ngày trước khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, bất chấp mối quan hệ chặt chẽ truyền thống của Mạc Tư Khoa với Yerevan.

Một dấu hiệu khác cho thấy mối quan hệ đang xấu đi giữa các quốc gia xuất hiện vào tháng 12 khi Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan tổ chức cuộc gặp với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Brussels để thảo luận về “sự tiến triển” của quan hệ Ukraine-Armenia.

Trong cuộc gặp, Mirzoyan cho biết Armenia cũng “nồng nhiệt” hoan nghênh Ukraine và nước láng giềng Moldova tiến tới tiến trình trở thành thành viên của Liên minh Âu Châu vốn bị chính phủ Putin phản đối mạnh mẽ.

4. Ukraine sắp hết đạn pháo, Tiệp đề nghị mua khẩn cấp ở nước ngoài

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Czechs want EU to shop abroad for Ukraine shells”, nghĩa là “Tiệp muốn Liên Hiệp Âu Châu mua đạn pháo cho Ukraine ở nước ngoài.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lời hứa cung cấp đạn dược của Liên Hiệp Âu Châu đang không còn hiệu lực, vì vậy Praha cho biết đã đến lúc phải tìm kiếm đạn dược bên ngoài khối này.

Âu Châu đang không thực hiện được cam kết gửi 1 triệu quả đạn pháo tới Ukraine vào tháng 3, và người Tiệp cho rằng đã đến lúc phải nhìn ra ngoài biên giới Liên Hiệp Âu Châu để tìm nguồn cung.

Các lực lượng Ukraine ở tiền tuyến đang cảnh báo rằng họ sắp hết đạn dược để đối đầu với quân xâm lược Nga trong một cuộc chiến chủ yếu là các cuộc oanh tạc bằng pháo binh.

Liên Hiệp Âu Châu ban đầu cam kết cung cấp 1 triệu quả đạn pháo vào tháng 3, và Pháp dẫn đầu kêu gọi Âu Châu xây dựng năng lực công nghiệp cây nhà lá vườn của mình để cung cấp đạn dược cho Kyiv. Tuy nhiên, Liên Hiệp Âu Châu hiện cho biết 524.000 quả đạn pháo sẽ đến Ukraine trước thời hạn tháng 3, với 1,1 triệu quả chỉ được hứa hẹn vào cuối năm nay.

Thất vọng vì sự thiếu hụt này, Praha đang thúc đẩy các nước Liên Hiệp Âu Châu tài trợ cho việc mua số lượng ước tính là 450.000 viên đạn pháo có sẵn bên ngoài khối, bốn nhà ngoại giao và một người quen thuộc với các cuộc đàm phán nói với POLITICO.

Khi Liên Hiệp Âu Châu điều chỉnh các cam kết viện trợ quân sự của mình vào đầu năm 2023, Pháp - quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp quốc phòng của khối - đã nỗ lực bảo đảm rằng các khoản trợ cấp chỉ tập trung vào sản xuất trong nước, thay vì chuyển ra nước ngoài.

Nhưng lời kêu gọi của Tiệp làm tăng nguy cơ là Âu Châu sẽ phải chuyển hướng sang các công ty vũ khí ở Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Theo quan chức này, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell đã đề cập cụ thể rằng Nam Hàn - một nhà sản xuất vũ khí lớn - có thể cung cấp thêm đạn pháo.

Kế hoạch chi tiết của Liên Hiệp Âu Châu nhằm tăng cường nguồn cung cấp đạn dược bao gồm việc hoàn trả cho các quốc gia hàng tỷ euro thông qua Cơ sở Hòa bình Âu Châu để gửi đạn từ kho dự trữ hiện có. Khoản tiền này sẽ tồn tại cùng với 1 tỷ euro để thúc đẩy việc mua sắm chung đạn dược của Cơ quan Quốc phòng Âu Châu và 500 triệu euro để hỗ trợ các dự án sản xuất đạn dược.

Giờ đây, với việc Kyiv đang quay cuồng vì sự tiêu hao liên tục của cuộc tấn công của Nga dọc theo tiền tuyến dài 1.000 km, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov nói rằng có “nạn đói đạn pháo “, khiến các thủ đô thân thiện phải xem xét lại chiến lược viện trợ quân sự của họ.

Một nhà ngoại giao cho biết con số 450.000 được đưa ra trong cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels hôm thứ Tư. Thủ tướng Tiệp Petr Fiala sau đó đã nói với những người đồng cấp của mình trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu hôm thứ Năm rằng đạn pháo có thể được lấy từ bên ngoài Liên Hiệp Âu Châu để giúp khối này thực hiện lời hứa của mình, theo một quan chức khác thông báo về cuộc đàm phán.

Liên Hiệp Âu Châu không phải là đồng minh duy nhất không thực hiện được điều này. Sự bế tắc chính trị ở Washington cũng đã ngăn chặn dòng vũ khí của Mỹ sang Ukraine.

Trong chuyến thăm Washington hôm thứ Tư, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói với khán giả tại Quỹ Di sản liên kết với Đảng Cộng hòa rằng việc có thêm đạn dược là rất quan trọng đối với sự thành công của Ukraine trên chiến trường.

“ Cuộc chiến ở Ukraine ngày càng là một cuộc chiến tiêu hao sinh lực. Và một cuộc chiến tiêu hao sẽ trở thành một cuộc chiến hậu cần. Đó là việc sản xuất vũ khí, đạn dược… cần thiết để duy trì nỗ lực chiến tranh. Và điều đó chứng tỏ sự cần thiết phải sản xuất đạn dược vì cho đến nay, chúng tôi chủ yếu đào kho để cung cấp cho Ukraine. Điều đó không thể tiếp tục, điều đó không bền vững.”

5. Đại Sứ Nga tại Hán Thành bị triệu tập để phản đối

Đại Sứ Nga tại Hán Thành đã bị Bộ Ngoại giao Nam Hàn triệu tập hôm thứ Bảy để khiếu nại về việc Mạc Tư Khoa chỉ trích bình luận của Tổng thống Nam Hàn Doãn Tích Duyệt (Yoon Suk-yeol) về việc Bắc Hàn theo đuổi kho vũ khí hạt nhân.

Theo Reuters, Trịnh Bính Nguyên (Chung Byung-won), Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị của Nam Hàn, đã triệu tập Đại sứ Nga Georgy Zinoviev vào chiều thứ Bảy để nhấn mạnh rằng việc Mạc Tư Khoa chỉ trích những nhận xét của Tổng thống Doãn sẽ chỉ có tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa hai nước.

Lệnh triệu tập được đưa ra sau bình luận của Tổng thống Doãn vào ngày 31 Tháng Giêng, khi ông lên án Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân để duy trì chế độ hiện tại. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó gọi hành động này là “thiên vị” và “đáng ghét” trong một tuyên bố đưa ra vài ngày sau đó.

“Thứ trưởng Trịnh Bính Nguyên nói rằng rất đáng tiếc khi Nga phớt lờ sự thật và bảo vệ Bắc Hàn vô điều kiện trong khi chỉ trích phát biểu của nhà lãnh đạo bằng ngôn ngữ cực kỳ thô lỗ, đồng thời nhấn mạnh rằng điều này sẽ chỉ làm xấu đi mối quan hệ Hàn-Nga”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.

6. Trung Quốc cảnh báo về Chiến tranh thế giới với NATO

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Chinese State Media Issues Ominous Warning About 'World War' With NATO”, nghĩa là “Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa ra cảnh báo đáng lo ngại về 'Chiến tranh thế giới' với NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra, một tờ báo Trung Quốc hôm Chúa Nhật cảnh báo rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, có thể mở rộng cuộc xung đột thành một “cuộc chiến tranh thế giới”.

Căng thẳng cao độ giữa Nga và NATO dường như đã leo thang trong những tuần gần đây sau khi liên minh quân sự này công bố vào tháng trước về cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong hơn 35 năm. Được mệnh danh là “Người bảo vệ kiên định 2024”, hoạt động này được triển khai vào cuối Tháng Giêng và sẽ kéo dài đến tháng 5. Cuối cùng, nó sẽ có sự tham gia của khoảng 90.000 quân nhân từ 31 đồng minh NATO và Thụy Điển.

Các quan chức NATO cho biết cuộc tập trận sẽ kiểm tra khả năng của các đồng minh trong việc nhanh chóng triển khai lực lượng và thử nghiệm các kế hoạch phòng thủ mới. Các nhà phân tích quân sự suy đoán Steadfast Defender nhằm mục đích chuẩn bị cho các thành viên liên minh về khả năng Nga xâm lược lãnh thổ NATO trong tương lai.

Thông báo của liên minh quân sự về hoạt động này không đề cập đích danh Nga, mặc dù dựa trên các tài liệu từ liên minh quân sự mà Reuters có được, Nga được coi là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với các quốc gia thành viên. Một trong những mục tiêu chính của cuộc tập trận sẽ là “chứng minh khả năng của NATO trong việc nhanh chóng triển khai lực lượng từ Bắc Mỹ và các khu vực khác của liên minh nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Âu Châu”.

Trong một bài xã luận hôm Chúa Nhật có tựa đề, “NATO đang đẩy xung đột Nga-Ukraine tới một 'chiến tranh thế giới'“, được xuất bản bởi Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo bằng tiếng Anh theo chủ nghĩa dân tộc do bộ phận tuyên truyền của Đảng Cộng sản cầm quyền xuất bản, Trung Quốc lưu ý rằng nhà lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Hoa Kỳ gần đây, đã nói về “sự sẵn sàng” của NATO cùng với việc đầu tư vào viện trợ và quốc phòng.

“Rõ ràng, đây không chỉ là việc NATO tìm kiếm nguồn tài trợ. Đây là sự chuẩn bị rõ ràng của dư luận nhằm mở rộng xung đột Nga-Ukraine thành một cuộc chiến tranh thế giới”, Hoàn cầu Thời báo viết.

Theo trang web của NATO, Stoltenberg đã cảnh báo về những thách thức trong cuộc chiến ở Ukraine trong một bài phát biểu ở Tampa, Florida hôm thứ Năm, đồng thời nói thêm rằng “NATO đã thực hiện sự thích ứng lớn nhất, sự thay đổi lớn nhất đối với Liên minh của chúng ta, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh với nhiều lực lượng hơn với mức độ sẵn sàng cao hơn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có quân đội sẵn sàng chiến đấu ở phần phía đông của Liên minh. Và quân Đồng minh hiện đang thực sự đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng.”

Tuy nhiên, bài viết trên tờ Hoàn cầu Thời báo cảnh báo về những tác động mà NATO có thể gây ra vì nó có thể dẫn đến “sự chia rẽ và đối đầu” trên quy mô toàn cầu.

Tờ báo viết: “Sự điều chỉnh chiến lược này của NATO có thể tăng cường sự gắn kết nội bộ trong thời gian ngắn và tiếp tục duy trì vị thế là lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới do Mỹ và phương Tây nắm giữ. Tuy nhiên, về lâu dài, nó có thể dẫn đến nhiều chia rẽ và đối đầu hơn trên toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ quốc tế và môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc”.

“Nguy cơ chiến tranh chắc chắn sẽ gia tăng khi NATO tiến bộ và mở rộng trên toàn cầu, và những người bị ảnh hưởng sẽ không chỉ giới hạn ở Á Châu”

Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và là đồng minh trung thành của Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin, cảnh báo trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm thứ Sáu về khả năng xảy ra một “cuộc chiến lớn” với NATO.

Viết trong một bài đăng trên mạng xã hội mở rộng hôm thứ Sáu trên VKontakte, một mạng xã hội của Nga, Medvedev, người hiện giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã chỉ trích những người tổ chức “Người bảo vệ kiên định 2024” là “các chính trị gia phương Tây đã sợ đến mức té đái trong quần của họ và những vị tướng tầm thường của họ trong NATO một lần nữa quyết định dọa chúng ta”.

Ông cũng tuyên bố rằng Nga sẽ không bao giờ tiến hành cuộc tấn công đầu tiên chống lại một quốc gia thành viên NATO, nhưng tuyên bố rằng họ sẽ đáp trả bất kỳ hành động xâm lược tiềm ẩn nào chống lại “sự toàn vẹn” của chính họ hoặc sự liên kết ngày càng tăng của NATO với Ukraine, đồng thời cảnh báo về một “cuộc chiến tranh lớn” sẽ xảy ra sau đó..

Rumani hôm thứ Năm đã gia nhập danh sách ngày càng tăng các quốc gia NATO đã có cảnh báo chính thức nổi bật về khả năng xảy ra chiến tranh với Nga.

Tướng Gheorghiță Vlad, Bộ trưởng Quốc phòng Rumani, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Europa Liberă România—một dịch vụ tin tức của Radio Free Europe/Radio Liberty—rằng đất nước của ông hiện chưa chuẩn bị cho viễn cảnh chiến tranh với Nga và cảnh báo rằng họ cần phải chuẩn bị sẵn sàng. một mối đe dọa nghiêm trọng như vậy.

Lời cảnh báo của Vlad tiếp theo những nhận xét được đưa ra vào tuần trước bởi Tướng Patrick Sanders, tư lệnh quân đội Vương quốc Anh, trong đó ông kêu gọi chính quyền Anh chuẩn bị cho một cuộc huy động quần chúng do khả năng cuộc xung đột hiện tại của Nga ở Ukraine lan sang các nước khác.

7. Lữ đoàn 'Biên giới thép' Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukrainian 'Border of Steel' Brigade Shows Off Successful Drone Strike”, nghĩa là “Lữ đoàn 'Biên giới thép' Ukraine trình diễn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thành công”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các máy bay không người lái tấn công của Ukraine đã tấn công vào một hầm đào của Nga dọc theo chiến tuyến của đất nước bị chiến tranh tàn phá này, đoạn phim mới xuất hiện cho thấy như trên, khi cuộc chiến tranh tiêu hao mệt mỏi không có dấu hiệu kết thúc trước lễ kỷ niệm 2 năm của nó.

Trong một đoạn clip ngắn do Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine đăng hôm Chúa Nhật, được quay bằng máy bay không người lái, có vẻ như cho thấy vụ ném bom vào các vị trí của Nga tại một điểm không xác định dọc theo tiền tuyến. Lực lượng biên phòng cho biết các máy bay không người lái đã phá hủy một phương tiện của Nga.

Theo Reuters, đoạn video này được cho là của lữ đoàn “Biên giới thép” của đất nước, được thành lập như một phần trong nỗ lực của Kyiv nhằm tuyển mộ binh sĩ mới vào những tháng đầu năm 2023. Biên giới thép là một phần tám trong số các lữ đoàn mới, bao gồm khoảng 40.000 binh sĩ, mà Ukraine đã huấn luyện vào đầu năm ngoái.

Ukraine thường xuyên công bố các cảnh quay chiến đấu cho thấy đội máy bay không người lái của họ đang hoạt động chống lại quân đội Nga tại các điểm nóng dọc tiền tuyến.

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022, Ukraine đã tích lũy một “đội quân máy bay không người lái”, phát triển các phương tiện bay mới và gây quỹ nhiều hơn. Máy bay không người lái bao quát hầu hết mọi khía cạnh của cuộc chiến, từ trinh sát đến tấn công liều chết bằng máy bay không người lái và dẫn đường cho pháo binh.

Chiến binh của Kyiv thường xuyên triển khai máy bay không người lái kamikaze để nhắm vào xe thiết giáp và thậm chí cả xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng của Nga. Máy bay không người lái có chất nổ không đắt tiền, thường sử dụng các bộ phận được mua thương mại và có thể tấn công phương tiện hoặc binh sĩ của đối phương.

Nga cũng đã nỗ lực tăng cường kho dự trữ máy bay không người lái, duy trì các cuộc tấn công trên không bằng cách sử dụng đạn lảng vảng Shahed do Iran thiết kế. Máy bay không người lái đã được triển khai rộng rãi trong gần 24 tháng chiến tranh, thường nhằm vào các mục tiêu như mạng lưới năng lượng của Ukraine.

Hôm thứ Hai, lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng 14 máy bay không người lái tấn công Shahed vào Ukraine, chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở khu vực Dnipropetrovsk phía đông nam nước này.

Kyiv cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 9 trong số các máy bay không người lái đang lao tới.

Ukrenergo, nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukraine, cho biết trong một tuyên bố rằng các thiết bị năng lượng đã bị hư hỏng, bao gồm cả ở thành phố Kryvyi Rih. Ukrenergo cho biết một trạm biến áp và hai đường dây điện cao thế đã bị ảnh hưởng do pháo kích và các mảnh vỡ từ máy bay không người lái rơi xuống.

Serhii Lysak, Thống đốc khu vực Ukraine ở vùng Dnipropetrovsk, cho biết hôm Chúa Nhật rằng điện đã được khôi phục ở Kryvyi Rih và các khu vực lân cận.

“ Thái độ của tôi đối với Nga không thay đổi tùy thuộc vào mức độ bài Nga và sự cuồng loạn chống lại Nga. Thái độ của tôi đối với Nga không dựa trên các sự kiện chính trị trước mắt mà dựa trên cấp độ văn hóa, tinh thần”, Biković nói vào năm 2022.

8. Làm thế nào Ukraine có thể chiếm lại Crimea, theo cựu tướng Mỹ Ben Hodges

Tướng Ben Hodges - cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở Âu Châu - tin rằng cuộc tổng phản công của Ukraine sẽ theo đuổi các tham vọng lớn hơn nhiều so với chiến thắng trong trận chiến ở Bakhmut. Ông nói với The Sun Online: “Cho dù Ukraine có thể giết mọi binh sĩ Nga trong vòng 200 dặm xung quanh Bakhmut thì điều đó cũng sẽ không thay đổi tình hình chiến lược”.

“Chìa khóa là giành được Crimea - đó sẽ là địa hình quyết định. Một khi Crimea được giải phóng, tất cả sẽ kết thúc, nó sẽ thay đổi mọi thứ.

“Ukraine biết rằng sẽ không bao giờ an toàn nếu không lấy lại Crimea”.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How Ukraine Can Retake Crimea, Per Ex-U.S. General Ben Hodges”, nghĩa là “Làm thế nào Ukraine có thể chiếm lại Crimea, theo cựu tướng Mỹ Ben Hodges.”

“Cuộc xâm lược này bắt đầu với Crimea, nó sẽ kết thúc với Crimea,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố vào năm 2022 khi thảo luận về sự phản kháng đang diễn ra của đất nước ông trước cuộc chiến tranh xâm lược mới nhất của Nga.

Giành lại bán đảo—do các lực lượng của Mạc Tư Khoa xâm lược với sự hỗ trợ của các cộng tác viên địa phương từ năm 2014—có lẽ là mục tiêu chiến tranh đầy tham vọng nhất của Kyiv. Nhô ra Hắc Hải và giáp một bên Biển Azov, Crimea là một phần quan trọng trong bài toán chiến lược khu vực và là chìa khóa trong việc bảo vệ các tuyến vận tải thương mại quan yếu của nó.

Nhưng Ukraine sẽ phải chiến đấu hết mình để giành được giải thưởng như vậy. Các lực lượng Nga được cho là đang chuẩn bị bán đảo và các hướng tiếp cận từ miền nam Ukraine trước một cuộc phản công. Những thách thức địa lý độc đáo của Crimea gây ra nhiều mối nguy hiểm cho những kẻ tấn công, và tầm quan trọng chính trị của nó đối với Tổng thống Vladimir Putin có nghĩa là quân đội Nga ở đó—và những người dân địa phương có cảm tình với Nga—có thể được kỳ vọng sẽ triển khai một cuộc phòng thủ kiên quyết.

Trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek, Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges - người trước đây từng là tướng chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu - đã đưa ra ba giai đoạn mà quân đội Kyiv có thể chiếm được Crimea, bắt đầu bằng cuộc phản công mùa xuân được chờ đợi từ lâu của Ukraine.

Tướng Hodges giải thích rằng: “Có nhiều cách mà người Ukraine đang nghĩ về điều này. “Rõ ràng là họ biết địa lý, họ biết lịch sử, thời tiết, họ biết người Nga có gì ở đó. Tôi cho rằng họ có thông tin tình báo gần như hoàn hảo về những gì đang xảy ra bên trong Crimea. Và tôi chắc chắn hy vọng rằng chúng ta đang giúp đỡ—Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.”

Một giải thưởng có giá trị

Ukraine đã bị tàn phá bởi 14 tháng chiến tranh. Nền kinh tế của đất nước bị thu hẹp chỉ còn một phần ba vào năm ngoái và cuộc xâm lược của Nga đã ăn mòn lực lượng lao động trong khi bóp nghẹt các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp và công nghiệp quan trọng bằng đường biển vốn có truyền thống là trung tâm cho sự thịnh vượng của Ukraine.

Tướng Hodges cho biết Kyiv sẽ không thể bảo đảm an ninh cho hoạt động vận chuyển thương mại ở Hắc Hải trừ khi giải phóng được bán đảo này.

Ông nói: “Nếu người Nga tiếp tục kiểm soát Crimea, vì họ đánh bại được người Ukraine hoặc vì một số giải pháp hòa bình, thì Ukraine sẽ không bao giờ có thể xây dựng lại nền kinh tế của mình vì Crimea chặn đường ra vào Biển Azov.

Tướng Hodges cho biết, ngay cả các cảng lớn Odesa và Mykolaiv - cả hai đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ukraine - vẫn sẽ bị quân Nga ở Crimea đe dọa.

“Bạn có thể lùi lại và không tập trung vào Crimea, nhưng hãy nhìn vào Hắc Hải, rõ ràng là Nga có thể chặn, bất cứ khi nào họ muốn, các tàu ra vào bất kỳ loại cảng nào của Ukraine. “

“Đó là một phần quan trọng của điều này, không chỉ bởi vì chúng ta nghĩ đến kinh tế của Ukraine mà còn nghĩ đến kinh tế của Liên minh Âu Châu và toàn Âu Châu,” Tướng Hodges nói. “Nếu Ukraine không thể xây dựng lại nền kinh tế của mình, thì bạn sẽ có hàng triệu người tị nạn Ukraine vẫn đang ở trên khắp Âu Châu… Đây là một vấn đề thực sự đối với toàn Âu Châu nếu Ukraine không thể xây dựng lại nền kinh tế của mình.”

Vì vậy, Tướng Hodges nói Crimea do Nga nắm giữ là “con dao găm chĩa vào bụng Ukraine.”

Kyiv có thể làm gì để cải thiện mối đe dọa của Nga từ Crimea?

“Đầu tiên bạn cô lập bán đảo,” Hodges nói. “Khi bạn nhìn vào bản đồ, nó bắt đầu trông ngày càng giống một cái bẫy, hoặc có thể là ngõ cụt đối với người Nga. Và bạn có thể cô lập nó bằng cách cắt cây cầu đất đầu tiên.”

Cây cầu trên bộ - chạy từ biên giới tây nam Nga ở phía tây Rostov-on-Don, qua Donetsk, Mariupol, Berdyansk, Melitopol bị xâm lược và tới sông Dnipro - là thành tựu lớn nhất của Mạc Tư Khoa sau hơn một năm chiến tranh.

Hành lang này cho phép Nga cung cấp tốt hơn cho Bán đảo Crimea, nơi cho đến tháng 2 năm 2022 phụ thuộc vào Cầu Eo biển Kerch được tăng cường bởi các tuyến vận chuyển hỏa xa.

Quân Ukraine tấn công về phía nam từ Zaporizhzhia và phía đông từ Kherson sẽ gây nguy hiểm cho hành lang quan trọng này.

“Tôi không biết điều này, nhưng tôi nghĩ đó là một trong những mục tiêu chính của cuộc tấn công sắp tới của Ukraine,” Hodges nói. “Phá vỡ cây cầu trên đất liền đó, và khi bạn đã hoàn thành việc đó thì giai đoạn hai bắt đầu.”

Giai đoạn thứ hai là bắn phá

Nếu các lực lượng Ukraine có thể tiếp cận ngưỡng cửa của Crimea, phần lớn các mục tiêu cơ sở hạ tầng và quân sự nhạy cảm nhất của bán đảo sẽ nằm trong tầm ngắm.

Quân đội Ukraine đã tỏ ra thành thạo trong việc sử dụng các loại vũ khí tầm xa của phương Tây—cũng như công nghệ bản địa—để tấn công vào các sở chỉ huy, nơi tập trung quân và các trung tâm tiếp tế của Nga. Crimea có nhiều mục tiêu, bao gồm căn cứ hải quân Sevastopol và căn cứ không quân Saky, cả hai đều đã bị tấn công.

Tướng Hodges nói về giai đoạn thứ hai của cuộc tấn công: “Bạn bắt đầu tấn công các mục tiêu để khiến bán đảo trở nên không thể ở nổi đối với các lực lượng Nga. Bạn tấn công Sevastopol và Hạm đội Hắc Hải bắt buộc phải rời đi, họ không thể ngồi đó trong khi vũ khí chính xác trút xuống tàu, hoặc các cơ sở bến cảng, nhiên liệu, đạn dược, v.v. Căn cứ không quân ở Saky cũng vậy.”

Tướng Christopher Cavoli—chỉ huy hiện tại của các lực lượng Hoa Kỳ tại Âu Châu—đã nói rằng “độ chính xác có thể đánh bại hàng loạt” nếu có đủ thời gian.

Tướng Hodges cho biết đường lối này có thể phù hợp ở Crimea, nơi Mạc Tư Khoa đã triển khai lực lượng đáng kể do lo ngại các hoạt động của Ukraine.

Ông nói: “Với một đội quân phụ thuộc vào lực lượng bộ binh đông đảo, nó phải có sở chỉ huy và pháo binh. Và như vậy, với độ chính xác, bạn bắt đầu đánh sập sở chỉ huy, bạn bắt đầu đánh sập kho đạn dược và bạn đánh sập các trung tâm vận tải.”

“Tôi nghĩ đó là giai đoạn hai, theo đuổi những loại mục tiêu đó để khiến Nga không thể ở lại và chiến đấu hiệu quả ở Crimea.”

Tướng Hodges nói thêm vũ khí của phương Tây có thể mang lại cho Ukraine lợi thế cần thiết để làm điều này. Kyiv đã có các Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao do Mỹ sản xuất được trang bị các loại đạn của Hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt có hướng dẫn, có tầm bắn 56 dặm hay 90km. Nhưng bất chấp các yêu cầu lặp đi lặp lại từ Ukraine, Washington đã từ chối cung cấp các loại đạn HIMARS tầm xa nhất; đó là hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội MGM-140 có tầm bắn 190 dặm hay 305km vì e ngại quân Ukraine sẽ tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga.

“Ví dụ, nếu người Ukraine có ATACMS, thì Hạm đội Hắc Hải đã phải rời Sevastopol từ lâu rồi, vì người Ukraine đã tấn công nơi đó rồi,” Hodges nói. “Điều tương tự với căn cứ không quân của họ ở Saky và một số mục tiêu khác.”

Hodges cho biết ATACMS, máy bay không người lái Grey Eagle và các hệ thống tầm xa khác “sẽ tạo ra sự khác biệt lớn”.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ điều này bắt nguồn từ việc chính quyền, các chính phủ Đức, Anh và Pháp đã không hoàn toàn cam kết giúp Ukraine giành chiến thắng. Họ lo ngại, tôi nghĩ một cách không cần thiết, rằng bằng cách nào đó điều này có thể dẫn đến leo thang hạt nhân. Hoặc cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Nga và người Trung Quốc không muốn điều đó. Hoặc có thể người Âu Châu không. Nhưng điểm mấu chốt là, họ không sẵn sàng nói rằng chúng ta muốn Ukraine giành chiến thắng.”

Giải phóng

Chiến đấu ở bán đảo—ở những nơi đầm lầy và những nơi khác có núi non—sẽ rất khó khăn. Quân đội Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với hàng trăm nghìn cư dân gốc Nga, hoặc ít nhất là những người chưa bỏ trốn.

Năm 2014, dân số gốc Ukraine ở Crimea ít hơn so với người Nga nếu so sánh với phần còn lại của đất nước, bằng chứng là kết quả bầu cử và trưng cầu dân ý. Khi quân đội Nga chiếm giữ bán đảo, hàng nghìn binh sĩ và quan chức Ukraine được cho là đã đào tẩu.

Với gần một thập kỷ hội nhập với Nga và những nhồi nhét ý thức hệ không ngừng, quân đội Ukraine đang tiến lên có thể phải đối phó với những người dân địa phương thù địch.

“Bạn phải vào đó dọn sạch và chiếm giữ nó,” Hodges nói. “Làm thế nào điều đó xảy ra, tôi vẫn chưa chắc chắn chính xác. Đó sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đó là điều chắc chắn. Nhưng tôi nghĩ người Ukraine sẽ suy nghĩ về cách họ làm điều đó.”

Kyiv sẽ phải đưa ra quyết định về việc phải làm gì với Cầu Eo biển Kerch, vốn là mục tiêu tấn công của người Ukraine vào năm ngoái.

“Họ sẽ không đánh sập cây cầu đó ngay tức khắc. Tôi nghĩ họ sẽ để yên để mọi người có thể rời đi, vì vậy họ thực sự cần có một cây cầu để ra khỏi đó nếu họ thấy những gì đang xảy ra và họ không muốn tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.”

“Tôi nghĩ rằng đến một lúc nào đó người Ukraine sẽ phá hủy nó, nhưng tôi nghĩ trong thời gian tới, họ có thể sẽ giữ nó, trừ khi người Nga tập trung sử dụng cây cầu này sau khi cây cầu trên bộ đã bị cắt. Nếu Nga đổ nhiều khả năng hơn nữa qua Cầu Kerch, thì người Ukraine có thể quyết định phải phá hủy nó.”

Tướng Hodges gợi ý rằng việc mất Crimea có thể đẩy nhanh sự kết thúc của cuộc chiến rộng lớn hơn, vốn đã hoành hành ở các cường độ khác nhau trong hơn chín năm qua.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng một khi Crimea đã được giải phóng, Điện Cẩm Linh sẽ bớt nhiệt tình hơn rất nhiều trong việc bám víu vào những khu vực bị tàn phá thực sự nghèo nàn này ở miền đông Ukraine. Điều thực sự quan trọng đối với họ về Donbas là có cây cầu trên đất liền tới Crimea.”

“Tôi không nghĩ rằng họ thực sự quan tâm nhiều đến những ngôi làng nhỏ ở Donetsk và Luhansk, mặc dù họ đã mất hàng ngàn binh sĩ ở đó.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.
 
Hồng Y Panama bị bắt cóc để dằn mặt. Lời kêu gọi các Hồng Y và Giám Mục bác bỏ Tuyên ngôn Fiducia
VietCatholic Media
20:10 05/02/2024


1. Hồng Y Panama đã tìm thấy sau khi mất tích không rõ nguyên nhân

Theo một thông cáo báo chí từ hội đồng giám mục Panama, Đức Hồng Y José Luis Lacunza Maestrojuán người Panama được tìm thấy vào khoảng chiều ngày 1 tháng 2 sau khi được thông báo mất tích vào ngày 30 Tháng Giêng.

“Văn phòng Truyền thông của Hội đồng Giám mục Panama thông báo rằng Đức Hồng Y José Luis Lacunza Maestrojuán, giám mục Giáo phận David, đã được tìm thấy, theo một báo cáo từ chính quyền,” thông báo của Hội Đồng Giám Mục được công bố vào khoảng 4 giờ chiều theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ ngày 1 tháng Hai.

Tuyên bố được xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha và được dịch bởi Crux. Tuyên bố không cung cấp bất kỳ thông tin nào về tình trạng của Đức Hồng Y Lacunza, nơi anh ta được tìm thấy hoặc hoàn cảnh khiến anh ta mất tích.

Một tuyên bố ngắn gọn từ cảnh sát địa phương cũng cho biết rằng Đức Hồng Y Lacunza đã được tìm thấy “an toàn và bình yên” ở Boquete, một khu vực phía tây Panama gần giáo phận của ông. Một đoạn video được đăng trên X, nền tảng truyền thông xã hội trước đây gọi là Twitter, cho thấy một đặc vụ cảnh sát nói chuyện với Đức Hồng Y Lacunza, 79 tuổi qua cửa sổ một chiếc xe hơi, với tuyên bố của cảnh sát nói rằng Đức Hồng Y Lacunza có vẻ “mất phương hướng” nhưng khỏe mạnh.

Giáo phận David lần đầu tiên công bố rằng Đức Hồng Y Lacunza mất tích vào giữa buổi sáng ngày 1 tháng 2, thông báo rằng họ đã báo cáo sự mất tích của ngài cho chính quyền và một cuộc điều tra đang được tiến hành. Báo động lần đầu tiên vang lên khi Đức Hồng Y Lacunza không đến tham dự Thánh lễ dự kiến vào ngày 31 tháng 1 nhân lễ Thánh Gioan Bosco, người sáng lập dòng Salêdiêng, và những nỗ lực liên lạc với ngài qua điện thoại di động đều không thành công.

Càng ngày, các lãnh đạo Giáo Hội ở Panama và dòng của ngài ở Rôma đã xin cầu nguyện.

Đức Hồng Y Lacunza, người sẽ tròn 80 tuổi vào ngày 24 tháng 2, là người gốc Pamplona, Tây Ban Nha. Được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào năm 2015, ngài là vị Hồng Y đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Panama. Được mệnh danh là “giám mục đối thoại”, Đức Hồng Y Lacunza là một nhân vật nổi bật ở Panama nhờ sự bảo vệ nhiệt thành của ngài đối với người bản địa, cũng như những người di cư Cuba và Trung Mỹ.

Đức Hồng Y Lacunza cũng được biết đến với vai trò chống lại chế độ độc tài của Manuel Noriega vào những năm 1980, khi vị Hồng Y tương lai giữ chức Giám Mục Phụ Tá của Thành phố Panama.

Là thành viên của Dòng Hồi ức Augustinô ở Tây Ban Nha, Đức Hồng Y Lacunza được thụ phong linh mục năm 1969 tại Pamplona. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức Hồng Y Lacunza làm Giám Mục Phụ Tá của Panama vào năm 1985, với hiệu tòa Partenia, và ngài được tấn phong giám mục vào ngày 18 Tháng Giêng năm 1986.

Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chitré vào năm 1994. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Đavít vào năm 1999.

Đức Hồng Y Lacunza đã phục vụ hai nhiệm kỳ với tư cách là chủ tịch Hội đồng Giám mục Panamá, từ 2000-2004 và từ 2007-2013. Từ năm 2015, ngài cũng là chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Hội đồng Giám mục Mỹ Châu Latinh, gọi tắt là CELAM.

Đức Hồng Y Lacunza cũng được Đức Phanxicô bổ nhiệm tham gia Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình năm 2015. Tại Rôma, ngài là thành viên của Bộ Văn hóa và Giáo dục và Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh.

Mặc dù các mối đe dọa chống lại các giáo sĩ Công Giáo, bao gồm cả bắt cóc đòi tiền chuộc, không phải là không được biết đến ở Trung Mỹ, nhưng Panama phần lớn được coi là một ngoại lệ so với thông lệ trong khu vực, với mức độ tội phạm bạo lực tương đối thấp và sự hiện diện khá thưa thớt của các băng nhóm tội phạm.


Source:Catholic News Agency

2. Lời kêu gọi hiếu thảo tới tất cả các Hồng Y và Giám mục của Giáo Hội Công Giáo

Hàng trăm linh mục, học giả và tác giả Công Giáo đã ký tên trong một lời kêu gọi yêu cầu tất cả các Hồng Y và Giám mục của Giáo Hội Công Giáo cấm áp dụng Tuyên ngôn Fiducia Supplicans trong giáo phận của các ngài.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn lá thư sang Việt Ngữ.

Thưa các Hồng Y và Giám mục:

Chúng tôi, những linh mục, học giả và tác giả Công Giáo ký tên dưới đây, viết thư cho các vị nhân dịp tài liệu mới nhất được xuất bản bởi Bộ Giáo lý Đức tin, Fiducia Supplicans, vốn đã gây ra rất nhiều tai tiếng trong Giáo hội trong mùa Giáng Sinh vừa qua.

Như được biết rộng rãi, một bộ phận có liên quan của giám mục thế giới trên thực tế đã bác bỏ nó, do nó rõ ràng vi phạm Kinh thánh và Truyền thống của Giáo hội. Hai mươi hội đồng giám mục, hàng chục cá nhân các vị giám mục, và thậm chí cả các Hồng Y được bổ nhiệm vào các chức vụ cao nhất, chẳng hạn như Hồng Y Müller và Hồng Y Sarah, đã bày tỏ phán quyết lên án rõ ràng. Hiệp hội Giáo sĩ Công Giáo Anh, Mỹ và Australia cũng vậy. Chưa bao giờ trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, một văn kiện của Huấn quyền Rôma lại bị bác bỏ mạnh mẽ như thế.

Thật vậy, bất chấp sự tái khẳng định rõ ràng về giáo lý truyền thống của Giáo hội về Hôn nhân, hóa ra việc thực hành mục vụ mà văn kiện cho phép lại trực tiếp đi ngược lại giáo lý đó. Thật thế, tài liệu này chỉ được đón nhận một cách tích cực bởi một số ít Hội Đồng Giám Mục và các giám mục, là những người trong nhiều thập kỷ đã công khai ủng hộ việc thay đổi giáo lý về luân lý tình dục. Rõ ràng là thông điệp thực tế mà Tuyên ngôn mới này truyền tải phù hợp hơn nhiều với chương trình và ý tưởng của những người muốn thay đổi giáo lý, hơn là với chính giáo lý mà tài liệu tuyên bố sẽ giữ nguyên.

Tài liệu cố gắng giới thiệu một sự tách biệt trên thực tế giữa một bên là giáo lý và phụng vụ, và một bên là thực hành mục vụ. Nhưng điều này là không thể: trên thực tế, việc chăm sóc mục vụ, giống như mọi hành động, luôn giả định trước một lý thuyết, và do đó, nếu việc chăm sóc mục vụ thực hiện điều gì đó không phù hợp với giáo lý, thì điều thực sự được đề xuất là một thứ giáo thuyết khác.

Có thể nói, việc chúc lành một cặp (dù là “phụng vụ” hay “mục vụ”) là một dấu chỉ tự nhiên. Cử chỉ cụ thể này nói lên điều gì đó một cách tự nhiên và do đó có tác dụng giao tiếp tự nhiên, ngay lập tức, không thể thay đổi một cách giả tạo bởi những cảnh báo bằng lời nói của tài liệu. Một lời chúc phúc như vậy, theo ngôn ngữ phổ quát của nhân loại, luôn hàm ý sự chấp nhận những gì đang được ban phước.

Do đó, dấu hiệu cụ thể được ban tặng với phúc lành như vậy, trước toàn thế giới, đó là,theo Giáo Hội Công Giáo, “các cặp vợ chồng bất hợp pháp” cả những người ngoài hôn nhân và đồng tính luyến ái, giờ đây sẽ được Thiên Chúa chấp nhận, chính xác là theo kiểu kết hợp đã cấu hình một cách cụ thể họ như một cặp. Cũng không có ý nghĩa gì khi tách “cặp” khỏi “kết hiệp” như Hồng Y Fernández đã cố gắng làm điều đó, vì một cặp là một cặp vì sự kết hợp đã tạo nên sự tồn tại cho nó.

Việc loại trừ những hoàn cảnh quan trọng và ngẫu nhiên khác như thời gian, địa điểm hoặc đồ trang trí như hoa và quần áo cưới khỏi hành động này không làm thay đổi bản chất của hành vi, vì cử chỉ trung tâm và thiết yếu vẫn còn. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều biết qua kinh nghiệm những “hạn chế” như vậy có giá trị như thế nào và chúng kéo dài được bao lâu.

Thực tế là một linh mục đang ban phép lành cho hai người tự nhận mình là một cặp, theo nghĩa tình dục, và chính xác là một cặp được xác định bởi mối quan hệ tội lỗi khách quan của họ. Vì vậy – bất kể ý định và cách giải thích của tài liệu, hoặc những lời giải thích mà linh mục có thể cố gắng đưa ra – hành động này sẽ là dấu hiệu hữu hình của một thứ giáo thuyết khác, vốn mâu thuẫn với giáo lý truyền thống.

Chúng ta hãy nhớ rằng giáo lý truyền thống về chủ đề này phải được coi là không thể sai lầm, vì nó được Kinh thánh và Truyền thống xác nhận một cách rõ ràng, một truyền thống phổ quát và không gián đoạn, ubique et semper. Và phải nhớ rằng đây là một giáo lý về luật tự nhiên, không cho phép bất kỳ thay đổi nào.

Trên thực tế, các tín hữu thậm chí sẽ không nhận thức được những biện minh lý thuyết tinh tế được đưa ra bởi Tuyên ngôn, càng không nhận thức được những biện minh đã được thêm vào trong bản minh xác gần đây về Tuyên ngôn. Trên thực tế, thông điệp được tung ra bởi Tuyên ngôn này mà dân Chúa cũng như toàn thế giới chắc chắn sẽ hiểu là: Giáo Hội Công Giáo cuối cùng đã thay đổi và hiện nay chấp nhận các kết hợp đồng tính luyến ái, và nói chung hơn, các kết hợp ngoài hôn nhân.

Tình trạng này hoàn toàn biện minh cho việc kiên quyết bác bỏ của rất nhiều hội đồng giám mục, rất nhiều giám mục, rất nhiều học giả và rất nhiều giáo dân bình thường. Trong bối cảnh này, chắc chắn là không chính đáng, đặc biệt là đối với một Hồng Y hay một giám mục, khi giữ im lặng, vì tai tiếng đã xảy ra là nghiêm trọng và công khai, và nếu nó không được ngăn chặn, nó chắc chắn sẽ ngày càng bị khuếch đại. Mối đe dọa không trở nên nhỏ hơn mà còn nghiêm trọng hơn, vì sai lầm đến từ Tòa thánh Rôma, và có mục đích gây gương mù cho tất cả các tín hữu, và trên hết là những người nhỏ bé, những tín hữu đơn sơ không có cách nào định hướng và tự bảo vệ mình trong tình trạng hỗn loạn này: “Ai xúc phạm đến một trong những kẻ bé mọn đã tin Thầy, thì thà buộc cối đá lừa vào cổ mà ném xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18,6).

Các mục tử và tất cả những người có trách nhiệm nào đó trong Hội thánh đều được coi là lính canh: “Nếu người canh gác thấy gươm đến mà không thổi kèn, khiến dân không được báo, và gươm đến làm cho người nào phải thiệt mạng, thì dù kẻ ấy chết vì tội của mình, máu người ấy, Ta sẽ đòi người canh phải trả.” (Ez. 33,6).

Trước những điều trên, chúng tôi tha thiết cầu xin các vị:

(1) Hãy noi gương dũng cảm của rất nhiều anh em giám mục trên khắp thế giới: xin hãy cấm ngay việc áp dụng văn kiện này trong giáo phận của các vị.

(2) Hãy trực tiếp yêu cầu Đức Thánh Cha khẩn trương rút lại tài liệu đáng tiếc này, một tài liệu mâu thuẫn với cả Kinh thánh lẫn Truyền thống phổ quát và không gián đoạn của Giáo hội và rõ ràng đã tạo ra một vụ tai tiếng nghiêm trọng.

Trong thời điểm khó khăn này, một lời nói chân thật rõ ràng sẽ là mẫu gương tốt nhất về sự cống hiến trung thành và can đảm của các vị đối với dân Chúa được ủy thác cho các vị, một dấu chỉ của lòng trung thành với sứ mệnh thực sự của Đức Giáo Hoàng và đồng thời là sự trợ giúp tốt nhất cho chính Đức Giáo Hoàng, một “sự sửa sai huynh đệ” hùng hồn mà ngài rất cần trong giai đoạn cuối cùng và quan trọng nhất của triều đại giáo hoàng và có lẽ là của cuộc đời ngài. Nếu các vị hành động kịp thời, vẫn còn một số hy vọng rằng ngài có thể giải cứu triều đại giáo hoàng và con người của mình khỏi một vết nhơ có thể đè nặng lên ngài không thể xóa nhòa, không chỉ trong lịch sử mà còn trong cõi vĩnh hằng.


Source:Crisis Magazine

3. Các giám mục Á Căn Đình từ bỏ tiền trợ cấp do chính phủ tài trợ

Tại quê hương Á Căn Đình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, những thách thức tài chính thông thường mà Giáo Hội Công Giáo trên khắp thế giới phải đối mặt đang trở nên phức tạp hơn bởi một quyết định mang tính lịch sử của các giám mục nước này nhằm bác bỏ các khoản trợ cấp mà chính phủ quốc gia đã trả cho các giáo sĩ và chủng sinh Công Giáo kể từ năm 1979.

Quyết định ngừng nhận tiền trợ cấp đã được Hội đồng Giám mục Á Căn Đình đưa ra vào năm 2018, sau nhiều thập kỷ tranh luận, và thông báo rằng việc rút tiền đã hoàn tất kể từ ngày 31 tháng 12.

Quyết định ngừng nhận trợ cấp không có nghĩa là Giáo hội ở Á Căn Đình đã từ bỏ mọi hỗ trợ của nhà nước, vì các trường Công Giáo tiếp tục nhận được trợ cấp của nhà nước và các chương trình bác ái và nhân đạo khác nhau do nhà thờ tài trợ, chẳng hạn như nhà ở cho người nghiện ma túy, cũng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của công chúng.

Mặc dù số tiền liên quan đến khoản trợ cấp này phần lớn chỉ là danh nghĩa, lên tới khoảng 70 đô la một tháng sau khi bị xói mòn bởi nhiều năm siêu lạm phát mà không được điều chỉnh và đóng góp ít hơn 10% vào ngân sách hàng năm của Giáo hội, tuy nhiên, tính biểu tượng của các khoản thanh toán luôn là một nguồn của sự tranh cãi.

Nhà xã hội học Juan Cruz Esquivel, một chuyên gia về mối quan hệ giữa giáo hội và nhà nước ở Á Căn Đình, cho biết chính cố Tổng Giám mục Carmelo Giaquinta của Resistencia là người đầu tiên lập luận rằng các giám mục nên từ bỏ khoản lương này vào năm 1996, và động lực đó đã được xây dựng dần dần trong những năm kể từ đó, với một số vị Giám Mục quyết định từ bỏ các khoản thanh toán cá nhân của các ngài ngay cả trước khi Hội Đồng Giám Mục đưa ra quyết định tập thể.

Cha Maximo Jurcinovic, một viên chức truyền thông của hội đồng giám mục ở Á Căn Đình, nói rằng hầu hết các giám mục trong nước đã sử dụng tiền trợ cấp cho các công việc mục vụ, chẳng hạn như phương tiện di chuyển đến các địa điểm nhà thờ, thay vì bổ sung thu nhập của các ngài. Ngài cho biết quyết định từ chối các khoản thanh toán đó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với đạo Công Giáo Á Căn Đình.

Ngài nói: “Đó là sự hiểu biết rằng Giáo hội phải được tài trợ bởi chính các thành viên của mình”.

Cruz Esquivel lập luận rằng các khoản trợ cấp có thể khiến Giáo hội phải trả giá nhiều hơn giá trị của chúng xét về tác động đối với nhận thức của công chúng về Công Giáo.

Ngài nói: “Trong trí tưởng tượng chung, luôn có ý tưởng rằng Giáo hội được nhà nước duy trì. Trong bối cảnh của một cuộc khủng hoảng về quyền đại diện và cảm giác chung là bác bỏ nhà nước, Giáo hội cuối cùng cũng bị ảnh hưởng”.

Cruz Esquivel mô tả quyết định từ bỏ các khoản trợ cấp gần như là một động thái mang tính biểu tượng, “một nỗ lực để nói: 'Chúng tôi độc lập với nhà nước.'“

Để giúp điều hướng quá trình chuyển đổi, vào năm 2020, các giám mục đã đưa ra chương trình được gọi là Chương trình Tài trợ Giáo hội (được gọi bằng từ viết tắt tiếng Tây Ban Nha là FE), có nền tảng kỹ thuật số mà qua đó các nhà tài trợ có thể đóng góp để hỗ trợ các giáo xứ, giáo phận và các chương trình xã hội do nhà thờ tài trợ.

Jurcinovic cho biết chương trình FE hiện có mặt tại ít nhất một giáo xứ trong tất cả các giáo phận của Á Căn Đình và tăng trưởng ở mức 200% vào năm 2023, mặc dù thu nhập của nó vẫn chưa tương đương với số tiền do nhà nước cấp.

Jurcinovic cho biết, một phần nào đó, sáng kiến này phải vượt qua những nhận thức rằng Giáo hội vốn đã giàu có.

“Nhiều người dường như nghĩ rằng chúng tôi không cần giúp đỡ hoặc Vatican gửi tiền cho chúng tôi. Chúng tôi đã nỗ lực chống lại sự xuyên tạc như vậy trong công chúng”.

Jurcinovic cho biết mô hình gây quỹ độc lập mới đòi hỏi sự minh bạch cao hơn từ Giáo Hội, bao gồm cả nhu cầu về tính chuyên nghiệp khi giải quyết các khoản quyên góp.

“Tất cả phải đi kèm với nỗ lực dạy giáo lý. Các cộng đồng Công Giáo cần hiểu vai trò trung tâm của họ trong tiến trình đó”, ngài nói.

Mặc dù quyết định ngừng cấp tiền được đưa ra bởi Giáo hội, nhưng cũng có mối lo ngại trong một số giới Công Giáo rằng các nguồn tài trợ khác của nhà nước có thể bị chính phủ dưới thời Tổng thống theo chủ nghĩa tự do Javier Milei, người vận động tranh cử với lời thề giảm chi tiêu công, cắt giảm hoặc hủy bỏ.

Chẳng hạn, đó là trường hợp của Hogares de Cristo hay “Những ngôi nhà của Chúa Kitô”, một chương trình toàn quốc của Giáo Hội Á Căn Đình nhằm hỗ trợ những người sử dụng ma túy.

Cha Mariano Oberlin phụ trách một chi nhánh Hogares, tọa lạc tại khu phố Muller ở Cordoba. Ông nói với Crux rằng ông lo ngại chính phủ có thể đình chỉ hoàn toàn việc tài trợ cho sáng kiến này kể từ khi Milei nhậm chức.

Ông nói: “Trong chiến dịch tranh cử, nhiều điều đã được nói đến về việc giảm bớt vai trò của nhà nước.

Cha Oberlin cho biết ngài cảm thấy yên tâm trước quyết định gần đây của Milei về việc tái bổ nhiệm Roberto Moro, quan chức đứng đầu cơ quan chính phủ về phòng chống nghiện ma túy dưới thời cựu Tổng thống bảo thủ Mauricio Macri, và là người đã ủng hộ chương trình Hogares.

Tuy nhiên, ngài nói, có một mối lo ngại chung là số tiền hàng tháng mà chính phủ gửi cho Hogares sẽ không được điều chỉnh phù hợp theo lạm phát.

Cha Oberlin cho biết: “Chúng tôi đã điều chỉnh danh nghĩa 100% vào năm ngoái, nhưng lạm phát tương ứng với 140% từ Tháng Giêng đến tháng 11 và tăng ở mức 25% chỉ trong tháng 12,” Cha Oberlin cho biết thêm rằng một số chi phí quan trọng nhất của chương trình thậm chí còn tăng cao hơn như nhiên liệu và thực phẩm.

Các linh mục làm việc với người nghèo như Cha Oberlin nói rằng tình trạng nghèo đói đang gia tăng rõ rệt, với số lượng người tìm kiếm sự giúp đỡ của Giáo hội ngày càng tăng, kể từ khi Milei phá giá đồng peso của Á Căn Đình như một trong những biện pháp kinh tế đầu tiên của ông để chống lạm phát.

“Trong giáo xứ của tôi có bốn nhà ăn công cộng được tài trợ bằng tiền của chính phủ. Tôi hy vọng những khoản tiền đó cũng không bị cắt”, Oberlin nói.

Ngài cũng lo lắng về những người làm việc trong Hogar de Cristo, một nhóm gồm hơn 30 người cũng sống trong cùng khu dân cư nghèo với những người nghiện mà họ giúp đỡ.

“Chúng tôi không thể chăm sóc ai nếu không có họ. Và họ cũng là những người nghèo cần kiếm sống”
 
Thánh Ca
Ngày Xuân Dâng Gia Đình
Phạm Trung
14:55 05/02/2024