Ngày 07-02-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 08/02: Lòng Tin của Dân Ngoại – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
04:12 07/02/2024
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Khi ấy, Đức Giê-su đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ.” Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường, và quỷ đã xuất khỏi.

Đó là lời Chúa
 
Thiên Chúa trước đau khổ của con người
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
05:49 07/02/2024

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 1,40-45

Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch !” Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh : “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm bằng chứng cho người ta biết”.

Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.




THIÊN CHÚA TRƯỚC ĐAU KHỔ CỦA CON NGƯỜI

Theo một phương pháp văn chương Do-thái cổ điển, mà người ta gọi là “bao gồm”, trang Tin Mừng này của Mác-cô được đóng khung bởi hai công thức tương tự: “Có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su”… “Dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”. Đầu trình thuật, đó là một hành động cá nhân. Cuối trình thuật, đó là một thái độ tập thể. Đức Giê-su là Thiên-Chúa-đến-gặp-gỡ-con-người. Nhưng con người cũng phải đến gặp gỡ Đấng đã “tới để làm việc đó” (Mc 1,39).

1. Rung động tâm hồn

Người phong “quỳ xuống van rằng : Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Chúng ta chớ quên rằng mình đang ở đầu Tin Mừng Mác-cô (chương I, câu 40) : con người này thật táo bạo… hoặc anh ta có một đức tin phi thường. Anh làm một cử chỉ, anh nói đôi ba lời… mà người ta chỉ có thể làm và nói với Thiên Chúa.

Bệnh phong, đặc biệt vào thời ấy, gần như là một bệnh bất khả điều trị. Việc chữa lành người phong là một loại kỳ công sánh ngang với việc hồi sinh một kẻ chết. Đấy là một trong những “dấu chỉ” cho thấy Triều đại Thiên Chúa đã đến rồi (x. Mt 11,2-5; Lc 7,18-22). Lời van xin khiêm tốn của người phong cho thấy anh tin vào Đức Giê-su biết bao. Vâng, có những hoàn cảnh mà phương sách duy nhất là kêu lên như thế với Thiên Chúa, Đấng duy nhất làm được điều bất khả : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!” Một lời cầu nguyện cần lặp đi lặp lại.

“Đức Giê-su chạnh lòng thương…”. Ở đây, các thủ sao Hy-lạp ghi một trong hai từ : “splagknisteis”, động lòng thương, hoặc “orgisteis”, động lòng tức (nổi giận). Có nhiều cơ may để từ đích thực, được Mác-cô sử dụng, phải là “nổi giận”, vì khó giải thích hơn : thấy bực bội trước thành ngữ này, một ký lục hẳn đã làm dịu nó. Vì cả hai “truyền bản” đều có trong các thủ sao, nên chẳng vô ích khi suy niệm cả hai nghĩa. Tại sao Thánh Thần, Đấng linh hứng Kinh Thánh, lại chẳng đi đến đó? đến chỗ sử dụng những sai lầm của những người sao chép để nói với chúng ta? Dẫu sao, trong hai từ này, chúng ta thấy có một “phản ứng rất người” ! Việc nhập thể của Thiên Chúa là “thật” và đi đến tận những tình cảm nhân loài rất khiêm tốn : xót thương, giận dữ.

“Nổi giận…” Điều ấy có ý nghĩa như thế nào? Thiết tưởng đó là phản ứng rất tự nhiên của Thiên Chúa trước “sự dữ con người gánh chịu”. Đức Giê-su thấy trước mình một khuôn mặt khốn khổ, bị các vết thương nung mủ tàn phá, và điều đó “không thể chịu đựng” đối với Người, khiến Người phẫn nộ. Chúng ta chớ quên Đức Giê-su là “Thiên Chúa đã hóa nên hữu hình”. Qua cơn bực bội này, Người nói với chúng ta rằng Thiên Chúa kết án cái thân phận khủng khiếp (bị bệnh tật tác hại trong xác thịt) của phàm nhân như thế. Cơn nổi loạn này giống cơn nổi loạn của biết bao người coi “vấn đề sự ác” là vấn nạn mạnh mẽ nhất chống lại việc Thiên Chúa hiện hữu.

“Động lòng/Chạnh lòng…”. Thành ngữ này dễ hiểu ngay hơn. Không, chúng ta không có một Thiên Chúa vô cảm, dửng dưng… song là một Thiên Chúa dễ thương tổn, một Thiên Chúa khổ đau với những người đau khổ, một Thiên Chúa mang trên bản thân các vết thương của nhân loài (x. Is 53,5). Đấng “hữu hình hóa” Thiên Chúa bày tỏ với chúng ta tất cả lòng âu yếm của Người đối với kẻ bệnh tật. Bao giờ thì chúng ta rốt cục công nhận thế giới này, như đang thấy “lúc này”, là bất “hoàn hảo”? Chỉ mình Thiên Chúa là Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa hoàn hảo. Vũ trụ đâu phải là “thần thánh”, nên làm sao hoàn hảo được ! Thiên Chúa đã chẳng có thể làm cái gì khác ngoài một thế giới “phi-thần”, nếu không thì Người chẳng làm gì cả và sẽ mãi mãi cô đơn. Thành thử Người đã quyết định dựng nên một đối tác thật sự là con người, bắt buộc in dấu “hữu hạn”, bắt buộc mang tính “phi thần”, và thành thử phải chịu một sức khỏe bấp bênh, có khả năng khủng khiếp là thành si ngốc hay phong hủi, khi các nhiễm sắc thể hoạt động không hữu hiệu : phải dám nhìn thẳng “thế giới” này như thế. Nhưng nếu Thiên Chúa đã làm nên một tạo vật in dấu hữu hạn và bất toàn… thì cũng chỉ trong dự tính ban cho nó sự Sống thần linh của Người một ngày kia. Đối với Thiên Chúa, con người chưa hoàn thành, bao lâu chưa phục sinh, bao lâu chưa được thần hóa ! Và sự ác động tới nó đã “khiến Người nổi giận” và “gợi nhớ lòng Người xót thương” : do đó, Đức Giê-su mới chữa một số bệnh nhân, như “dấu chỉ” tiên báo Ngày cuối cùng, khi mọi sự “sẽ hoàn tất” (Rm 8,18).

2. Ra tay cứu chữa

“Người giơ tay đụng vào anh…”. Đối với một bệnh nhân phong hủi, vốn là kẻ “không được chạm đến”, cử chỉ này mặc một ý nghĩa đặc biệt. Đã chẳng bao giờ có ai đụng chạm, ôm ẵm, ve vuốt anh ta. Việc đó bị Lề luật cấm hẳn. Khi một ai đó đến quá gần anh, anh phải kêu lên : “Nhơ uế ! Nhơ uế !” để đương sự lánh xa. Nhưng này Đức Giê-su lại dám phá vỡ cấm kỵ khủng khiếp đó : Người đụng đến kẻ phong cùi. Rồi bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Người cứu bằng một “cử chỉ” và bằng một “lời nói” : đây là chính nguyên tắc của mỗi bí tích. Là những hữu thể có thân xác, chúng ta cần những cử chỉ của xác thân. Do đó, có nước chảy trên trán chúng ta khi chịu phép rửa, đang lúc một lời nói giải thích ý nghĩa của sự tiếp xúc này. Có bánh sự sống chạm đến tay, đi vào mình chúng ta trong bí tích Thánh Thể, đang khi một lời nói giải thích ý nghĩa : “Này là Mình Chúa Ki-tô”.

“Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch”. Thành ngữ biểu lộ bối cảnh văn hóa thời Mác-cô viết. Đối với người Do-thái, phong hủi là một “hình phạt” Thiên Chúa từng giáng xuống Mi-ri-am, chị của ông Mô-sê (Ds 12,9), Giê-kha-di, đầy tớ của Ê-li-sa (2V 5,27), Út-di-gia-hu, ông vua tự cao tự đại (2Sb 26,16). Phong hủi từng là bệnh gây sợ hãi, thậm chí người ta cũng kinh hoảng khi thấy nấm mốc trên tường. Vì thế sách Lê-vi đã dành cho nó đến hai chương. Sự thối rữa khuôn mặt và bàn tay nói lên tất cả tính khủng khiếp của sự dữ này, mà người ta xem như là do ma quỷ : nói thật nghiêm chỉnh, người hủi là kẻ bị trục xuất, bị loại khỏi cộng đoàn (x. Lv 13,1.46). Sự dữ tàn phá kẻ xấu số này bị người xưa coi là “biểu tượng” của tội lỗi. Nhưng nếu vậy, ai mà không bị hủi? Và ai sẽ chữa chúng ta khỏi một bệnh hủi như thế? Chính Đức Giê-su qua “bàn tay đụng chạm” và “lời nói truyền phán” của Người ! Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ Thân thể Chúa, xin chữa trái tim con người hôm nay. Tuy bệnh hủi đã biến mất nhiều nơi song vẫn còn hàng triệu kẻ phong hủi trong các nước nghèo. Và ngay giữa các xã hội tân tiến sang giàu, vẫn còn có nhiều người cần được Đức Giê-su chữa lành qua những bàn tay và trái tim nhân ái : đó là hết thảy những ai chẳng có vẻ bề ngoài lôi kéo, những ai bị khai trừ khỏi xã hội, những em bé tật nguyền, những bệnh nhân nan y.

3. Che giấu hành tung

“Nhưng Người nghiêm giọng… bảo anh ta : Coi chừng, đừng nói gì với ai cả”. Như đã buộc ma quỷ lặng im, Đức Giê-su cũng nghiêm giọng buộc kẻ được chữa lành phải im lặng. Thành ngữ thật hùng hồn : “Đừng nói gì với ai cả”… Đấy là “bí mật Mê-si-a” nổi tiếng, 10 lần lặp lại trong Mác-cô. Như thể là Đức Giê-su tránh làm nhiều phép lạ, mà rất thường bị hiểu sai lạc ! Người Do-thái (và cả chúng ta !) từng chờ một Mê-si-a trần thế. Đám đông đổ xô tới với niềm hy vọng Đức Giê-su sẽ mang lại cho họ hạnh phúc đời này, sẽ giải quyết cho họ các vấn đề sức khỏe, sẽ khôi phục độc lập chính trị cho Ít-ra-en. Vâng, các phép lạ quả là nguy hiểm đối với Đức Giê-su, vì chúng có thể làm thất bại hay trệch hướng sứ vụ của Người trọn vẹn : chúng có thể khiến nghĩ rằng Triều đại Thiên Chúa hệ tại một hạnh phúc tầm thường. “Ơn rỗi” đích thực, sự cứu thoát triệt để mà Đức Giê-su đề nghị, sẽ chỉ có thể hiểu rõ dưới ánh sáng cuộc tử nạn và phục sinh của Người : phải chờ tới lúc đó mới thôi lầm lẫn về bản chất cuộc “giải phóng” con người do Đức Giê-su thực hiện ! Các lần chữa lành đều là những lời loan báo cuộc Phục sinh.

Nhưng dù cấm không được nói cho đám đông, Đức Giê-su vẫn giao cho kẻ hưởng phép lạ sứ mạng bên cạnh các tư tế. Vả lại đây là điều cần thiết, để anh ta có thể được tái nhập vào xã hội. Nhưng hơn nữa, Đức Giê-su thử mở mắt các tư tế Giê-ru-sa-lem này, vốn sẽ chống đối Người dữ dội, khi cho họ thấy dấu chỉ Mê-si-a là việc chữa lành kẻ phong hủi : họ sẽ không thể chạy tội khi lên án Người về sau (x. Ga 15,22).

“Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”. Đối với Mác-cô, chữ “tin” ở đây là một từ chuyên môn, sử dụng 11 lần trong sách của ông : đó là Tin Mừng. Bất chấp lệnh cấm của Đức Giê-su, ta thấy “người được cứu” đến lượt mình trở nên “người giải cứu”. Phần ta thế nào? Có công bố Lời Chúa không? Một lần nữa, ta lại thấy Đức Giê-su yêu thích sự cô độc, “nơi vắng vẻ” : Người thật là hình ảnh của Thiên Chúa, vị Thiên Chúa kín đáo, vị Thiên Chúa không ồn ào, vị “Thiên Chúa mai ẩn”…

Thánh Blasiô tử đạo (+316) là Giám mục thành Sébaste bên Armênia (mừng 3/2). Truyền thuyết trình bày ngài như một vị thánh rất bình dân. Ngài đã học nghề thuốc để cứu giúp người nghèo, nhưng chẳng bao giờ chữa bệnh cho ai mà không xin Chúa giúp trước đã, như thể vị y sĩ vĩ đại này muốn nói : “Tôi băng bó cho anh em nhưng chính Thiên Chúa chữa lành”. Năm 315, một cuộc bách hại bùng ra dưới triều hoàng đế Rô-ma Valêriô Lixiniô (308-324) khiến vị Giám mục phải ẩn mình ở hang núi Agêa, sống bằng rễ cây và nước lã. Thú rừng thân tình bao quanh ngài và ngài chữa lành những con bệnh tật. Chúng tuôn đến với ngài mỗi ngày một nhiều. Nhưng nếu thấy ngài đang cầu nguyện, chúng lặng lẽ không ngăn cản và đợi cho đến khi ngài cầu nguyện xong. Lúc đó thánh nhân mới quay lại với đoàn vật, chúc lành cho chúng và đoàn vật mãn nguyện trở lại với sa mạc, núi rừng.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:52 07/02/2024

27. Bởi vì chúng ta thường phạm tội, nên linh hồn của chúng ta cần phải uống thuốc luôn luôn.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:55 07/02/2024
73. ÉP “LIỄU LIỄU CHÂU”

Tang Duyệt có tài khí nên khi mới mười chín tuổi đã đậu cử nhân.

Năm nọ, thượng phủ ra lệnh điều ông ta qua Liễu Châu làm việc, Tang Duyệt không muốn đi.

Có người hỏi ông ta nguyên nhân tại sao, ông ta thái độ rất ngạo khí nói:

- “Liễu Tông Nguyên đã đến Liễu Châu làm việc, người ta gọi là “Liễu Liễu Châu”, bây giờ lại để tôi đi, không phải là họ kiên quyết để tôi dùng thanh danh mình mà ép ông ta sao? Việc này, xin lỗi Liễu Tông Nguyên, tôi không làm !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 73:

Người kế nhiệm mà giỏi hơn người tiền nhiệm thì dân bớt khổ và bản thân mình cũng phải nổ lực nhiều hơn, bởi vì không một thành quả nào do sự lười biếng và hưởng thụ đem lại, chỉ có những ai tận tụy với công việc của mình mới có thể thành công và được mọi người tín nhiệm...

Có những cha sở thấy cha phó hay cha phụ tá năng nổ giỏi giang hơn mình thì tìm cách này hay cách khác ngăn lại; cũng có những cha phó hay cha phụ tá được giáo dân yêu mến hơn cha sở nên không mấy...vui vẻ, đó là những chuyện ngược đời và ngược với phong cách của một linh mục là nâng đỡ và yêu mến đàn em của mình, bởi vì cha sở không nâng đỡ và tạo điều kiện cho cha phó hay cha phụ tá học hỏi là một điều không mấy tốt đẹp.

Hôm nay mình làm cha sở thì hãy nhớ lại mấy năm trước mình làm cha phó hoặc làm thầy giúp xứ để yêu mến và nâng đỡ đàn em của mình hơn, đó cũng chính là “tình huynh đệ linh mục” vậy.

Được sai đến nhiệm sở mới thì cứ vui vẻ mà đi, dù cho cha sở trước làm không tốt, nhưng hãy làm tốt hơn để danh Thiên Chúa được cả sáng, và giáo dân cũng thấy được tình yêu của Thiên Chúa nơi việc làm của cha sở mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chẳng ai xứng đáng
Lm. Minh Anh
14:17 07/02/2024
CHẲNG AI XỨNG ĐÁNG

“Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con!”.

Trong “Rock of Ages”, “Đá Tảng Của Các Thế Hệ”, Toplady viết, “Những an ủi Chúa dành cho một kẻ khốn nạn như tôi quả là vượt quá tưởng tượng, đến nỗi tôi không phải cầu xin một điều gì, ngoài sự tiếp nối của những ủi an. Tôi tận hưởng thiên đàng trong linh hồn mình!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như một kẻ khốn nạn được xót thương, Toplady cảm nhận sâu sắc sự bất xứng của mình. Lời Chúa hôm nay xác định một sự thật: trước Thiên Chúa, ‘chẳng ai xứng đáng!’.

Tin Mừng hôm nay cho biết, Chúa Giêsu, một người ‘rất Do Thái’, đang đứng trên phần đất của dân ngoại. Ở đó, Ngài ‘mạo hiểm’ thử thách đức tin của một người mẹ lương dân, người vừa đến ném mình dưới chân Ngài để xin chữa lành cho đứa con gái. Ngài nói, “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con!”. Tại sao Chúa Giêsu lại dùng những lời lẽ khô khốc lạnh lùng đến thế khi đáp lại một người mẹ ngoại giáo? Ngài có thực sự nói những lời đó không? Tại sao Ngài nói như vậy? Có! Ngài đã nói như thế!

Trước hết, đừng quên, bất cứ điều gì Chúa Giêsu nói và làm, luôn luôn là một hành vi yêu thương! Đó là một hành vi nhân ái ‘độc đáo’ của Ngài! Vậy làm thế nào để dung hoà sự mâu thuẫn rất ‘thanh thiên bạch nhật’ này? Đâu là chìa khoá để hiểu cuộc đối thoại ‘kỳ cục’ ấy? Hãy nhìn vào kết quả cuối cùng! Hãy xem câu trả lời của người mẹ và kết thúc của cuộc gặp gỡ! Vâng, cô đã đáp lại với một lòng khiêm hạ thẳm sâu kèm theo một đức tin đáng kinh ngạc. Chúa Giêsu chiều cô, con cô được lành! Điều Ngài nói là đúng. Ngài muốn nói, “‘Chẳng ai xứng đáng’ để đương nhiên có quyền hưởng nhận ân điển và lòng thương xót của Thiên Chúa. Không ai! Cả cô, con cô, hoặc bất cứ ai, kể cả một vị thánh!”.

Cũng thế, sự bất xứng đó được gặp thấy trong bài đọc các Vua. Salômon được Chúa ban cho khôn ngoan và giàu có, đến nỗi trước ông, sau ông, chẳng ai sánh tày; ấy thế, vị vua này đã thay lòng đổi dạ! “Khi vua đã về già, các bà vợ của vua đã làm cho lòng vua ngả theo các thần ngoại”. Chúa nổi cơn thịnh nộ, Ngài phân vương quốc của ông thành nhiều mảnh. May thay, nhớ lại lời của Đavít, phụ vương ông, “Lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, bởi lòng thương dân Ngài!” - Thánh Vịnh đáp ca, Thiên Chúa đã nương tay và tỏ lòng xót thương vị vua bất xứng, Ngài giữ lại cho con của Salômon một chi tộc.

Anh Chị em,

“Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con!”. Con gái của người mẹ khốn cùng kia được chữa khỏi. Cô “tận hưởng thiên đàng trong linh hồn mình”. Chúa Giêsu đã cho cô một cơ hội tuyệt vời để bày tỏ một niềm tin sâu sắc. Ngài cho phép cô toả sáng như một hải đăng của lòng tin, hy vọng và tín thác giữa một ‘vùng vịnh’ dân ngoại! Đây là ‘mục tiêu lớn’ Ngài nhắm đến và Ngài đã thành công, dẫu không ít ‘mạo hiểm!’. Ngài đã tận dụng cơ hội để khích lệ những con người thuộc “những vùng ngoại biên” tin nhận. Phần chúng ta, mỗi khi gặp thử thách, bạn và tôi có biết đó là cơ hội để chúng ta lớn lên trong đức tin? Và quan trọng hơn, bạn và tôi trở nên những ngọn hải đăng ‘tin yêu’ Thiên Chúa cho anh chị em mình?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dẫu là một tội nhân, cho con dám để Chúa ‘mạo hiểm’ cho một ‘mục tiêu lớn’; và con cũng toả sáng như một hải đăng giữa ‘vùng vịnh’ của một thế giới chối nhận Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Toàn văn Bản Chú giải Gestis Verbisque của Bộ Giáo Lý Đức Tin về Tính Thành sự của các Bí tích
Vũ Văn An
00:45 07/02/2024

Trình Bày

Nhân dịp Đại hội toàn thể của Bộ vào tháng 1 năm 2022, các Hồng Y và Giám mục Thành viên đã bày tỏ mối quan ngại của họ về việc ngày càng có nhiều tình huống mà họ buộc phải xác định tính vô hiệu của các Bí tích được cử hành. Những thay đổi nghiêm trọng về nội dung hoặc hình thức của các Bí tích, khiến cho việc cử hành các Bí tích trở nên vô hiệu, sau đó đã dẫn đến nhu cầu truy tìm những người có liên quan để lặp lại nghi thức Rửa tội hoặc Thêm sức và một số lượng đáng kể các tín hữu đã bày tỏ một cách đúng đắn các bận tâm của họ. Chẳng hạn, thay vì sử dụng công thức được thiết lập cho Bí tích Rửa tội, các công thức như sau đã được sử dụng: "Tôi rửa tội cho bạn nhân danh Đấng Tạo Hóa..." và "Nhân danh cha mẹ bạn... chúng tôi rửa tội cho bạn" ". Các linh mục cũng rơi vào hoàn cảnh nghiêm trọng như vậy. Các vị này, sau khi được rửa tội bằng những công thức thuộc loại này, đã đau đớn khám phá ra sự vô hiệu của việc truyền chức cho họ và các bí tích được cử hành cho đến thời điểm đó.



Trong khi trong các lĩnh vực khác của hoạt động mục vụ của Giáo hội có nhiều chỗ cho óc sáng tạo, thì sự sáng tạo như vậy trong bối cảnh cử hành các Bí tích khá biến thành một “ý chí thao túng” và do đó không thể được viện dẫn.[1] Do đó, việc thay đổi hình thức của Bí tích hoặc nội dung của Bí tích luôn là một hành vi bất hợp pháp nghiêm trọng và đáng phải chịu một hình phạt mẫu mực, chính vì những cử chỉ võ đoán tương tự có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho dân Chúa tín trung.

Trong bài phát biểu trước Bộ của chúng tôi, nhân dịp Đại hội toàn thể gần đây, vào ngày 26 tháng 1 năm 2024, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “qua các Bí tích, các tín hữu trở nên có khả năng nói tiên tri và làm chứng. Và thời đại chúng ta đặc biệt cần đến những vị tiên tri của sự sống mới và những chứng nhân của đức ái: do đó chúng ta hãy yêu mến và trân trọng vẻ đẹp cũng như quyền năng cứu độ của các Bí tích!”. Trong bối cảnh này, ngài cũng chỉ ra rằng “các thừa tác viên cần có sự quan tâm đặc biệt trong việc ban phát chúng và mở cho các tín hữu những kho tàng ân sủng mà chúng truyền đạt”.[2]

Đây là cách, một mặt, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hành động sao cho các tín hữu có thể tiếp cận các Bí tích một cách hiệu quả, mặt khác, ngài nhấn mạnh lời kêu gọi “chăm sóc đặc biệt” trong việc ban phát chúng.

Do đó, các thừa tác viên chúng ta phải có sức mạnh để vượt qua cám dỗ muốn cảm thấy mình là chủ nhân của Giáo hội. Ngược lại, chúng ta phải trở nên sẵn sàng tiếp nhận hồng phúc có trước chúng ta: không những hồng phúc sự sống hay ân sủng, mà còn cả kho tàng các Bí tích đã được Mẹ Giáo hội giao phó cho chúng ta. Chúng không phải là của chúng ta! Và, ngược lại, các tín hữu có quyền lãnh nhận chúng theo sự sắp xếp của Giáo hội: bằng cách này việc cử hành chúng mới phù hợp với ý định của Chúa Giêsu và làm cho biến cố Phục Sinh trở nên hiện hành và hữu hiệu.

Với sự tôn trọng tôn giáo của chúng ta như các thừa tác viên đối với những gì Giáo hội đã thiết lập liên quan đến chất thể và mô thức của mỗi Bí tích, chúng ta bày tỏ trước cộng đồng sự thật này “Chỉ một mình Chúa Kitô là Đầu của Giáo hội, và do đó, là vị chủ trì đích thực của việc cử hành”. [ 3]

Do đó, Bản Chú giải mà chúng tôi trình bày ở đây không đề cập đến một vấn đề thuần túy mang tính kỹ thuật hay thậm chí là "duy nghiêm ngặt". Bằng cách công bố nó, Bộ chủ yếu có ý định phát biểu một cách rõ ràng ưu tiên hành động của Thiên Chúa và bảo vệ một cách khiêm nhường sự hiệp nhất của Thân Thể Chúa Kitô vốn là Giáo Hội trong những cử chỉ thánh thiêng nhất của nó.

Mong rằng Văn kiện này, được nhất trí thông qua vào ngày 25 tháng 1 năm 2024 bởi các Thành viên của Thánh Bộ tập hợp trong Phiên họp Toàn thể và sau đó bởi chính Đức Thánh Cha Phanxicô, đổi mới nơi tất cả các thừa tác viên của Giáo hội nhận thức đầy đủ về những gì Chúa Kitô đã nói với chúng ta: «Các con không chọn Thầy nhưng Thầy đã chọn các con” (Ga 15:16).

Víctor Manuel Card. FERNÁNDEZ

Bộ trưởng

Dẫn nhập

1. Bằng những sự kiện và lời nói được kết nối mật thiết với nhau, Thiên Chúa đã mặc khải và thực hiện kế hoạch cứu rỗi của Người cho mọi người nam nữ vốn được thiết định hiệp thông với Người.[4] Mối quan hệ cứu độ này được thực hiện một cách hiệu quả trong hành động phụng vụ, trong đó việc loan báo ơn cứu độ, vang vọng trong Lời được công bố, được thực thi trong các cử chỉ bí tích. Thực vậy, những điều này làm cho hành động cứu độ của Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử nhân loại, mà đỉnh cao là Lễ Phục Sinh của Chúa Kitô. Sức mạnh cứu chuộc của những cử chỉ đó mang lại sự tiếp nối cho lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đang thể hiện qua thời gian.

Do đó, được Chúa Kitô thiết lập, các bí tích là những hành động được chúng thực hiện, bằng những dấu chỉ khả giác, kinh nghiệm sống động về mầu nhiệm cứu độ, giúp con người có thể tham gia vào đời sống thần linh. Chúng là những “kiệt tác của Thiên Chúa” trong Giao Ước Mới và vĩnh cửu, những sức mạnh xuất phát từ thân thể Chúa Kitô, những hành động của Thánh Thần hoạt động trong thân thể Người là Giáo Hội.[5]

Vì lý do này, trong Phụng vụ, Giáo hội cử hành với lòng yêu mến và tôn kính trung thành các bí tích mà chính Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội để Giáo Hội có thể bảo vệ chúng như một di sản quý giá và là nguồn sống và sứ mạng của Giáo Hội.

2. Thật không may, cần lưu ý rằng việc cử hành phụng vụ, đặc biệt là các Bí tích, không phải lúc nào cũng diễn ra hoàn toàn trung thành với các nghi thức do Giáo hội quy định. Bộ này đã nhiều lần can thiệp để giải quyết những nghi ngờ về tính thành sự của các Bí tích được cử hành, trong Nghi thức Rôma, trong việc không tuân thủ các quy tắc phụng vụ, đôi khi phải kết thúc bằng một phản ứng tiêu cực đau đớn, lưu ý rằng, trong những trường hợp đó, các tín hữu đã bị cướp đoạt những gì thuộc về họ, “tức là mầu nhiệm vượt qua được cử hành theo thể thức nghi lễ mà Giáo hội đã thiết lập”.[6] Xin đơn cử một thí dụ, chúng ta có thể nhắc đến việc cử hành bí tích trong đó công thức bí tích đã được sửa đổi ở một trong những yếu tố thiết yếu của nó, khiến bí tích trở nên vô hiệu và do đó làm tổn hại đến hành trình bí tích trong tương lai của những tín hữu mà, với sự bất tiện nghiêm trọng, đã phải tiến hành việc cử hành lại không những Bí tích Rửa tội mà còn cả các bí tích được lãnh nhận sau đó.[7]

3. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể nhận thấy thiện chí của một số thừa tác viên, những người vô tình hoặc bị thúc đẩy bởi những động cơ mục vụ chân thành, cử hành các Bí tích bằng cách sửa đổi các công thức và nghi thức thiết yếu do Giáo hội thiết lập, có lẽ để làm cho chúng, theo ý kiến của họ, phù hợp và dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, “việc sử dụng động cơ mục vụ che đậy, thậm chí một cách vô thức, sự trôi dạt chủ quan và một ý chí thao túng”. [8] Bằng cách này, một khoảng cách về đào tạo cũng được biểu lộ, đặc biệt là liên quan đến nhận thức về giá trị của hành động tượng trưng, một đặc điểm thiết yếu của hành vi phụng vụ-bí tích.

4. Để giúp các giám mục trong nhiệm vụ cổ vũ và giám sát đời sống phụng vụ của các Giáo hội địa phương được ủy thác cho các ngài, Bộ Giáo lý Đức tin có ý đưa ra trong Bản Chú giải này một số yếu tố có tính tín lý liên quan đến việc phân định tính thành sự của việc cử hành các Bí tích, cũng chú ý đến một số hệ luận kỷ luật và mục vụ.

5. Hơn nữa, mục đích của văn kiện này áp dụng cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, các lập luận thần học truyền cảm hứng cho nó đôi khi sử dụng các phạm trù đặc trưng của truyền thống Latinh. Do đó, Thượng Hội đồng hoặc hội đồng các Giáo chủ của mỗi Giáo Hội Công Giáo Đông phương được giao phó việc điều chỉnh hợp lý các chỉ dẫn của tài liệu này, bằng cách sử dụng ngôn ngữ thần học của riêng họ, nếu nó khác với ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản. Do đó, kết quả phải được đệ trình trước khi công bố để được Bộ Giáo lý Đức tin phê duyệt.

I. Giáo hội tự tiếp nhận và phát biểu mình trong các Bí tích

6. Công đồng Vatican II đề cập một cách loại suy khái niệm Bí tích cho toàn thể Giáo hội. Đặc biệt, khi trong Hiến chế về Phụng vụ Thánh nói rằng “từ cạnh sườn Chúa Kitô đang ngủ trên thập giá đã xuất hiện Bí tích tuyệt vời của toàn thể Giáo hội”,[9] nó được liên kết với cách đọc tiên trưng (typological), vốn được các Giáo phụ yêu quý, về mối tương quan giữa Chúa Kitô và Ađam.[10] Văn bản công đồng gợi nhớ câu nói nổi tiếng của Thánh Augustinô,[11], ngài giải thích: «Ađam ngủ để Eva được hình thành; Chúa Kitô chết để Giáo Hội được hình thành. Eva được hình thành từ cạnh sướn Ađam đang ngủ; từ cạnh sườn của Chúa Kitô, Đấng đã chết trên thập giá, bị đâm bởi ngọn giáo, các Bí tích mà với chúng Người đến hình thành nên Giáo hội”[12]

7. Hiến chế Tín lý về Giáo hội nhắc lại rằng Giáo hội “ở trong Chúa Kitô như một Bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”.[13] Và điều này thể hiện được chủ yếu thông qua các Bí tích, trong mỗi Bí tích, theo cách riêng, bản chất bí tích của Giáo hội, Thân thể Chúa Kitô, đã được thể hiện. Ý nghĩa sâu xa của Giáo hội như một bí tích cứu độ phổ quát “cho thấy nhiệm cục bí tích cuối cùng xác định cách thức trong đó Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất, thông qua Chúa Thánh Thần, vươn tới hiện sinh của chúng ta trong những hoàn cảnh cụ thể của nó. Giáo hội tự đón nhận và đồng thời phát biểu mình trong bảy Bí tích, qua đó ân sủng của Thiên Chúa ảnh hưởng một cách cụ thể đến sự hiện hữu của các tín hữu để mọi sự sống, được Chúa Kitô cứu chuộc, trở thành việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa”.[14]

8. Chính bằng cách thiết lập Giáo hội như Thân thể mầu nhiệm của Người, Chúa Kitô làm cho các tín hữu tham gia vào sự sống của chính Người, kết hợp họ với cái chết và sự phục sinh của Người một cách thực sự và bí ẩn qua các Bí tích.[15] Trên thực tế, sức mạnh thánh hóa của Chúa Thánh Thần tác động nơi các tín hữu qua các dấu chỉ bí tích, [16] biến họ thành những viên đá sống động của một tòa nhà thiêng liêng, được đặt trên đá góc là Chúa Kitô, [17] và biến họ thành một dân tư tế, những người tham gia vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô.[18]

9. Bảy cử chỉ quan trọng mà Công đồng Trent đã long trọng tuyên bố là do Thiên Chúa thiết lập,[ 19] do đó tạo thành một nơi đặc biệt để gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng ban ân sủng và là Đấng, bằng những lời nói và hành vi nghi lễ của Giáo hội, nuôi dưỡng và củng cố đức tin.[20] Chính trong Bí tích Thánh Thể và trong tất cả các Bí tích khác mà “chúng ta được đảm bảo khả thể gặp gỡ Chúa Giêsu và được quyền năng Phục Sinh của Người chạm tới”.[21]

10. Ý thức được điều này, Giáo hội, ngay từ nguồn gốc, đã đặc biệt quan tâm đến những nguồn mạch từ đó huyết mạch cho sự hiện hữu và chứng tá của nó: Lời Chúa, được Thánh Kinh và Truyền thống thánh, và các Bí tích chứng thực, được cử hành trong phụng vụ, qua đó nó liên tục được đem trở lại với mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô.[22]

Sự can thiệp của Huấn quyền vào các vấn đề bí tích luôn được thúc đẩy bởi mối quan tâm căn bản về lòng trung thành với mầu nhiệm được cử hành. Thật vậy, Giáo hội có nhiệm vụ bảo đảm tính ưu tiên của hành động Thiên Chúa và bảo vệ sự hiệp nhất của Thân thể Chúa Kitô trong những hành động không có gì sánh bằng vì chúng là thánh thiêng “tuyệt vời” với một tính hữu hiệu được bảo đảm bởi hành động của linh mục Chúa Kitô.[23]

II. Giáo hội canh giữ và được canh giữ bởi các Bí tích

11. Giáo hội là “thừa tác viên” của các Bí tích, không phải là chủ nhân của nó.[24] Bằng cách cử hành chúng, chính Giáo Hoàng nhận được ân sủng, canh giữ chúng và đến lượt mình được chúng canh giữ. Quyền năng mà Giáo Hội có thể thực thi liên quan đến các Bí tích cũng tương tự như những gì Giáo Hội có đối với Kinh Thánh. Trong Kinh thánh, Giáo hội nhận ra Lời Thiên Chúa, được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, thiết lập quy điển cho các sách thánh. Tuy nhiên, đồng thời, Giáo Hội tuân phục Lời này, là Lời mà “Giáo Hội sốt sắng lắng nghe, canh giữ và giải thích một cách trung thành”.[25] Tương tự như vậy, Giáo hội, được Chúa Thánh Thần trợ giúp, nhận ra các dấu chỉ thánh thiêng qua đó Chúa Kitô ban ân sủng phát xuất từ Lễ Phục sinh, xác định số lượng của chúng và ấn định những yếu tố thiết yếu cho mỗi dấu chỉ đó.

Khi làm như thế, Giáo hội ý thức rằng việc ban phát ân sủng của Thiên Chúa không có nghĩa là chiếm đoạt nó, nhưng trở thành một công cụ của Chúa Thánh Thần trong việc truyền đạt hồng ân Chúa Kitô Vượt Qua. Đặc biệt, Giáo Hội biết rằng quyền năng của mình đối với các Bí tích dừng lại trước bản chất của chúng.[26] Cũng như khi rao giảng, Giáo hội phải luôn trung thành loan báo Tin Mừng về Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, thì trong các cử chỉ bí tích, Giáo hội cũng phải canh giữ những cử chỉ cứu độ mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo hội.

12. Cũng đúng là Giáo hội không phải lúc nào cũng ấn định các cử chỉ và lời nói mà định chế thần linh này vốn bao gồm. Dù sao, đối với tất cả các Bí tích, có những yếu tố nền tảng mà Huấn quyền của Giáo hội, nhờ lắng nghe cảm thức đức tin của dân Chúa và trong cuộc đối thoại với thần học, đã gọi là chất thể mô thức, thêm vào đó là ý định của thừa tác viên.

13. Chất thể của Bí tích hệ ở hành động nhân bản qua đó Chúa Kitô hành động. Trong đó đôi khi có yếu tố vật chất (nước, bánh, rượu, dầu), đôi khi là một cử chỉ đặc biệt hùng hồn (làm dấu thánh giá, đặt tay, dìm mình, truyền nước, ưng thuận, xức dầu). Tính thể xác này dường như không thể thiếu được vì nó bắt nguồn Bí tích không những trong lịch sử con người, mà còn, một cách cơ bản hơn, trong trật tự biểu tượng của Sáng thế và dẫn nó trở lại với mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời và Ơn Cứu chuộc do Người thực hiện.[27]

14. Mô thức của Bí tích là lời nói, mang lại ý nghĩa siêu việt cho chất thể, hiển dung ý nghĩa thông thường của yếu tố vật chất và ý nghĩa thuần túy nhân bản của hành động được thực hiện. Lời nói này luôn được gợi hứng ở nhiều mức độ khác nhau từ Kinh thánh, [28] có nguồn gốc từ Truyền thống sống động của Giáo hội và đã được Huấn quyền của Giáo hội xác định một cách có thẩm quyền thông qua việc phân định cẩn thận.[29]

15. Chất thể và mô thức, do bắt nguồn từ Kinh thánh và Truyền thống, nên không bao giờ phụ thuộc và không thể phụ thuộc vào ý chí của một cá nhân hay một cộng đồng nào. Thực thế, đối với các Bí tích, nhiệm vụ của Giáo hội không phải là xác định chúng tùy ý hay tùy ý một ai đó, mà là bảo vệ bản chất của các Bí tích (save illorum substantia)”,[30] để ấn định chúng một cách có thẩm quyền, trong sự ngoan ngoãn đối với hành động của Chúa Thánh Thần.

Đối với một số Bí tích, chất thể và mô thức dường như được xác định một cách căn bản ngay từ đầu, do đó nền tảng của chúng là từ Chúa Kitô cách trực tiếp; đối với những bí tích khác, việc xác định các yếu tố thiết yếu chỉ trở nên rõ ràng hơn qua quá trình lịch sử phức tạp, đôi khi không phải là không có sự tiến hóa đáng kể.

16. Về phương diện này, không thể bỏ qua điều này: khi can thiệp vào việc xác định các yếu tố cấu thành Bí tích, Giáo hội luôn hành động bắt nguồn từ Truyền thống, để phát biểu tốt hơn ân sủng được Bí tích thông ban.

Chính trong bối cảnh này mà cuộc cải cách phụng vụ các bí tích, diễn ra theo các nguyên tắc của Công đồng Vatican II, kêu gọi việc sửa đổi các nghi thức để chúng diễn đạt rõ ràng hơn những thực tại thánh thiện mà chúng biểu thị và sản sinh ra.[31] bằng huấn quyền của mình về các vấn đề bí tích, Giáo hội thực thi quyền năng của mình theo Truyền thống sống động “vốn xuất phát từ các Tông đồ và tiến triển trong Giáo hội với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần”.[32]

Do đó, nhận ra, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đặc tính bí tích của một số nghi lễ, Giáo hội coi chúng tương ứng với ý định của Chúa Giêsu là làm cho biến cố Phục Sinh trở nên hiện hành và có tính tham gia được.[33]

17. Dù sao, đối với mọi Bí tích, việc tôn trọng chất thể và mô thức luôn luôn được đòi hỏi để việc cử hành được thành sự, với ý thức rằng các sửa đổi tùy tiện đối với bí tích này và/hoặc bí tích kia - mà tính nghiêm trọng và sức mạnh vô hiệu hóa của chúng đôi khi phải được xác minh - gây nguy hiểm cho việc ban ân sủng bí tích một cách hữu hiệu, gây thiệt hại rõ ràng cho các tín hữu.[34] Cả chất thể lẫn mô thức, được tóm tắt trong Bộ Giáo luật,[35] đều được thiết định trong các sách phụng vụ do thẩm quyền có năng quyền ban hành, do đó phải được trung thành tuân giữ, không được “thêm, bớt hay thay đổi bất cứ điều gì”.[36]

18. Ý định của thừa tác viên cử hành Bí tích được liên kết với chất thể và mô thức. Rõ ràng là ở đây chủ đề về ý định phải được phân biệt rõ ràng với chủ đề đức tin bản thân và điều kiện luân lý của thừa tác viên, những điều không ảnh hưởng đến giá trị thành sự của ân sủng. [37] Thật vậy, họ phải có “ý định ít nhất làm điều được Giáo hội làm”,[38] biến hành động bí tích thành một hành vi nhân bản thực sự, thoát khỏi bất cứ chủ nghĩa tự động nào, và là một hành vi hoàn toàn mang tính giáo hội, thoát khỏi sự tùy ý của một cá nhân. Hơn nữa, vì những gì Giáo hội làm không gì khác hơn là những gì Chúa Kitô đã thiết lập, [39], ý định, cùng với chất thể và mô thức, cũng góp phần làm cho hành động bí tích trở thành việc mở rộng công cuộc cứu độ của Chúa.

Chất thể, mô thức và ý định liên kết với nhau một cách nội tại: chúng tích nhập vào hành động bí tích theo cách ý định trở thành nguyên lý hợp nhất chất thể và mô thức, biến chúng thành một dấu chỉ thánh thiêng qua đó ân sủng được ban phát ex opere operato (khi hành động được thực hiện).[ 40]

19. Không giống như chất thể và mô thức vốn tượng trưng cho yếu tố khả giác và khách quan của Bí tích, ý hướng của thừa tác viên - cùng với ý định của người lãnh nhận - tượng trưng cho yếu tố nội tại và chủ quan của Bí tích. Tuy nhiên, về bản chất, nó có xu hướng biểu lộ ra bên ngoài qua việc tuân theo nghi thức do Giáo hội thiết lập, đến nỗi việc sửa đổi nghiêm trọng các yếu tố thiết yếu cũng gây ra sự nghi ngờ về ý định thực sự của thừa tác viên, làm vô hiệu tính thành sự của Bí tích được cử hành. [41] Thực vậy, theo nguyên tắc, ý định thực hiện những gì Giáo hội làm tự phát biểu qua việc sử dụng chất thể và mô thức mà Giáo hội đã thiết lập.[42]

20. Chất thể, mô thức và ý định luôn luôn được lồng vào bối cảnh của việc cử hành phụng vụ, không phải là một trang trí các Bí tích theo nghi lễ, thậm chí cũng không phải là một dẫn nhập mang tính giáo huấn về thực tại đang diễn ra, nhưng xét về tổng thể là sự kiện trong đó cuộc gặp gỡ bản thân và cộng đồng giữa Thiên Chúa và chúng ta, trong Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ trong đó, qua sự trung gian của các dấu hiệu khả giác, “vinh quang hoàn hảo được dành cho Thiên Chúa và con người được thánh hóa” [43]

Do đó, mối quan tâm cần thiết đối với các yếu tố thiết yếu của Bí tích, mà tính thành sự của chúng phụ thuộc vào, phải phù hợp với sự quan tâm và tôn trọng của toàn bộ buổi cử hành, trong đó ý nghĩa và hiệu quả của các Bí tích được làm cho khả niệm hoàn toàn bằng nhiều cử chỉ và lời nói khác nhau, do đó khuyến khích sự tham gia tích cực của các tín hữu.[44]

21. Chính phụng vụ giúp sự đa dạng đó bảo vệ Giáo hội khỏi “sự độc dạng cứng ngắc”.[45] Vì lý do này, Công đồng Vatican II đã thiết định rằng, “không phương hại đến tính thống nhất thực chất của nghi thức Rôma, ngay trong việc duyệt lại các sách phụng vụ, cần phải dành chỗ cho tính đa dạng hợp pháp và những thích ứng hợp pháp đối với các nhóm sắc tộc, khu vực, dân tộc khác nhau”, đặc biệt trong các xứ truyền giáo”. [46]

Nhờ đó, cuộc cải cách phụng vụ mà Công đồng Vatican II mong muốn không những cho phép các Hội đồng Giám mục đưa ra những điều chỉnh tổng quát cho ấn bản mẫu (editio typica) bằng tiếng Latinh, mà còn dự ứng khả thể để thừa tác viên cử hành có thể thực hiện các thích ứng đặc thù, với mục đích duy nhất nhằm đáp ứng các nhu cầu mục vụ và thiêng liêng của tín hữu.

22. Tuy nhiên, để sự đa dạng đó “không làm tổn hại đến sự hiệp nhất mà trái lại phục vụ sự hiệp nhất”, [47] điều vẫn rõ ràng là, ngoài những trường hợp được nêu rõ trong các sách phụng vụ, “việc qui định Phụng vụ thánh duy nhất thuộc năng quyền của Giáo hội »,[48] vốn, tùy theo hoàn cảnh, nằm nơi Giám mục, nơi hội đồng giám mục tòng thổ, nơi Tòa Thánh.

Thực thế, điều rõ ràng là “việc tự ý sửa đổi mô thức cử hành Bí tích không cấu thành một sự lạm dụng phụng vụ đơn thuần, như một sự vi phạm một quy tắc thực định, nhưng là một sự vi phạm đồng thời đối với sự hiệp thông trong Giáo Hội và đối với khả năng nhận biết hành động của Chúa Kitô, một điều, trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, làm cho chính Bí tích trở nên vô hiệu, bởi vì bản chất của hoạt động thừa tác đòi hỏi phải trung thành truyền đạt những gì đã nhận lãnh (xem 1 Cr 15:3)".[49]

III. Việc chủ trì phụng vụ và nghệ thuật cử hành

23. Công đồng Vatican II và Huấn quyền hậu công đồng cho phép chúng ta định hình thừa tác vụ chủ trì phụng vụ theo đúng ý nghĩa thần học của nó. Giám mục và các linh mục cộng tác của ngài chủ trì các buổi cử hành phụng vụ, đỉnh cao là Bí tích Thánh Thể, “nguồn mạch và chóp đỉnh của mọi đời sống Kitô hữu”,[50] trong ngôi vị Chúa Kitô (Đầu) và nhân danh Giáo Hội [in persona Christi (Capitis) e nomine Ecclesiae]. Trong cả hai trường hợp, có ý nói đến các công thức – bất kể một số biến thể - đã được Truyền thống chứng thực rõ ràng.[51]

24. Công thức “trong ngôi vị Chúa Kitô” [in Persona Christi] [52] có nghĩa là linh mục đại diện chính Chúa Kitô trong cử hành. Điều này lên đến tuyệt đỉnh khi, trong việc truyền phép Thánh Thể, ngài đọc những lời của Chúa với cùng một hiệu quả, nhờ Chúa Thánh Thần, đồng hóa bản ngã của ngài với bản ngã của Chúa Kitô. Khi Công đồng quy định rằng các linh mục chủ trì Bí tích Thánh Thể trong ngôi vị Chúa Kitô là Đầu, [53] thì Công đồng không có ý cảnh cáo quan niệm theo đó thừa tác viên, trong tư cách “người đứng đầu”, có quyền thực thi một cách tùy tiện. Đầu của Giáo hội, và do đó, vị chủ trì thực sự của buổi cử hành, chỉ là Chúa Kitô. Người là “Đầu của Thân Thể, tức là của Giáo Hội” (Cl 1:18), khi Người làm cho nó lớn lên từ cạnh sườn Người, nuôi dưỡng và chăm sóc nó, yêu thương nó đến độ hiến thân vì nó (xem Eph 5: 25,29; Ga 10:11). Quyền năng của thừa tác viên là một diakonia [phục vụ], như chính Chúa Kitô dạy các môn đệ trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly (x. Lc 22:25-27; Ga 13:1-20). Do đó, những ai, nhờ ân sủng bí tích, được đồng hình đồng dạng với Người, tham gia vào thẩm quyền mà với nó, Người hướng dẫn và thánh hóa dân Người, được kêu gọi, trong Phụng vụ và trong toàn bộ thừa tác mục vụ, tuân theo cùng một luận lý, sau khi được thiết lập làm mục tử không phải để làm chủ đàn chiên nhưng để phục vụ đàn chiên theo mẫu mực của Chúa Kitô, Mục Tử Nhân Lành của đàn chiên (xem 1Pr 5:3; Ga 10:11.14).[54]

25. Đồng thời, thừa tác viên chủ trì việc cử hành hành động nhân danh Giáo Hội [in nomine Ecclesiae], [55] một công thức làm sáng tỏ điều này: trong khi ngài trình diện Chúa Kitô là Đầu trước Thân Thể Người là Giáo Hội, thì ngài cũng làm cho Thân Thể này hiện diện trước Đầu của chính nó, thực ra là Quân Phu, như chủ thể không thể thiếu của buổi cử hành, một Dân hoàn toàn mang tính tư tế, mà nhân danh Người, thừa tác viên nói và hành động.[56] Hơn nữa, nếu đúng là “khi ai đó rửa tội thì chính Chúa Kitô rửa tội”,[57] thì cũng đúng là “Giáo hội, khi cử hành một Bí tích, hành động như một Thân thể hoạt động không thể tách rời khỏi Đầu của nó, vì Người là Chúa Kitô - Đầu, Đấng hành động trong Thân Thể Giáo Hội được Người sinh ra trong mầu nhiệm Vượt qua".[58] Điều này làm nổi bật việc truyền chức hỗ tương giữa chức linh mục phép rửa và chức linh mục thừa tác,[59] cho phép chúng ta hiểu rằng chức linh mục thừa tác hiện hữu để phục vụ chức linh mục phép rửa, và chính vì lý do này - như chúng ta đã thấy - thừa tác viên cử hành các Bí tích không bao giờ có thể thiếu ý định làm những gì Giáo hội làm.

26. Chức năng kép và kết hợp được phát biểu bằng các công thức “in Persona Christi” [trong ngôi vị Chúa Kitô] – “nomine Ecclesiae” [nhân danh Giáo Hội], và mối quan hệ phong phú hỗ tương giữa chức linh mục phép rửa và chức linh mục thừa tác, kết hợp với ý thức rằng các yếu tố thiết yếu cho tính thành hiệu của các Bí tích phải được xem xét trong Bối cảnh thích hợp của chúng, tức là hành động phụng vụ, sẽ làm cho thừa tác viên ngày càng ý thức rằng “các hoạt động phụng vụ không phải là hành động riêng tư mà là việc cử hành của Giáo hội”, những hành động, mặc dù “có sự đa dạng về tình trạng, chức vụ và sự tham gia tích cực, vẫn thuộc về Thân Thể là toàn bộ Giáo hội, được chúng biểu lộ và hàm ngụ”.[60] Chính vì lý do này, thừa tác viên phải hiểu rằng “nghệ thuật cử hành” (ars celebrandi) đích thực là biết tôn trọng và đề cao tính ưu việt của Chúa Kitô và sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đoàn phụng vụ, cũng như qua việc khiêm nhường vâng phục các quy tắc phụng vụ.[61]

27. Xem ra việc ngày càng cấp bách phải khai triển một nghệ thuật cử hành, một nghệ thuật cùng một lúc tránh xa những qui luật cứng ngắc cũng như trí tưởng tượng ngang ngược, dẫn đến một kỷ luật phải được tôn trọng, chính là để trở thành những môn đệ đích thực: «Không phải vấn đề phải tuân theo một nghi thức phụng vụ: đúng hơn phải là một “kỷ luật” - theo nghĩa được Guardini sử dụng – một kỷ luật, nếu được tuân giữ một cách chân chính, sẽ uốn nắn chúng ta: chúng là những cử chỉ và lời nói mang lại trật tự cho thế giới nội tâm trong ta bằng cách làm cho chúng ta cảm nghiệm được các cảm xúc, các thái độ, các tác phong. Chúng không phải là việc nói lên một lý tưởng mà chúng ta cố gắng truyền cảm hứng cho bản thân, nhưng chúng là một hành động ngụ hàm cơ thể trong tính tổng thể của nó, nghĩa là trong hữu thể của nó, có sự hợp nhất giữa linh hồn và thân xác”.[62]

Kết luận

28. “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4:`7). Phản đề được Thánh Tông đồ sử dụng để nhấn mạnh sự cao cả của quyền năng Thiên Chúa được bộc lộ như thế nào qua sự yếu kém trong thừa tác vụ của ngài như người phát ngôn cũng mô tả rõ ràng những gì diễn ra trong các Bí tích. Toàn thể Giáo hội được mời gọi bảo vệ sự phong phú chứa đựng trong đó, để tính ưu việt của hành động cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử không bao giờ bị lu mờ, ngay cả trong sự trung gian mong manh của các dấu hiệu và cử chỉ điển hình của bản chất con người.

29. Sức mạnh (virtus) hoạt động trong các Bí tích định hình khuôn mặt của Giáo hội, giúp Giáo hội truyền đạt hồng ân cứu độ mà Chúa Kitô đã chết và phục sinh, trong Thánh Thần của Người, muốn chia sẻ với mọi người. Trong Giáo hội, kho tàng vĩ đại này được giao phó đặc biệt cho các thừa tác viên của Giáo Hội, để với tư cách “những tôi tớ chăm chú” của dân Chúa, họ nuôi dưỡng dân Chúa bằng sự phong phú của Lời Chúa và thánh hóa nó bằng ân sủng của các Bí tích. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là bảo đảm rằng “vẻ đẹp của việc cử hành Kitô giáo” được duy trì và không bị “làm biến dạng bởi sự hiểu biết hời hợt và giản lược về giá trị của nó, hoặc thậm chí tệ hơn, bởi việc khai thác nó để phục vụ một tầm nhìn ý thức hệ nào đó, bất kể là điều gì” có thể là như vậy".[63]

Chỉ bằng cách này, Giáo hội mới có thể, từng ngày, “tăng trưởng trong sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô, đắm chìm […] cuộc sống của mình vào mầu nhiệm Phục sinh của Người, chờ đợi sự trở lại của Người”.[64]

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến dành cho Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin ký tên dưới đây vào ngày 31 tháng 1 năm 2024, đã phê chuẩn Bản Chú giải này, đã được biểu quyết trong Phiên họp toàn thể của Bộ này, và ra lệnh công bố nó.

Ban hành tại Rôma, tại trụ sở của Bộ Giáo lý Đức tin, vào ngày 2 tháng 2 năm 2024, nhân lễ Dâng Chúa vào Đền Thờ.

Víctor Manuel Card. Fernández
Bộ trưởng

Đức ông Armando Matteo
Thư ký Phân bộ Giáo Lý

Trong buổi yết kiến ngày 31-1-2024
FRANCISCUS

Ghi Chú

[1] Bộ Giáo lý Đức tin, Ghi chú giáo lý về việc sửa đổi công thức bí tích Rửa tội (24 tháng 6 năm 2020), ghi chú 2: L'Osservatore Romano, 7 tháng 8 năm 2020, 8.

[2] Đức Phanxicô, Bài phát biểu với những người tham gia Phiên họp toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin, Sala Clementina (26 tháng 1 năm 2024): L'Osservatore Romano, 26 tháng 1 năm 2024, 7.

[3] Bộ Giáo lý Đức tin, Bản chú giải Gestis verbisque về tính thành sự của các Bí tích (2 tháng 2 năm 2024), n. 24.

[4] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum (18 tháng 11 năm 1965), n. 2: AAS 58 (1966) 818.

[5] Xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, n. 1116.

[6] Đức Phanxicô, Tông Thư Desiderio desideravi (29 tháng 6 năm 2022), n. 23: L'Osservatore Romano, ngày 30 tháng 6 năm 2022, 9.

[7] Một số linh mục đã phải ghi nhận tính vô hiệu của việc truyền chức cho họ và các hành vi bí tích mà họ cử hành chính do thiếu Bí tích Rửa tội thành sự (xem điều 842), do sự sơ suất của những người đã ban Bí tích cho họ một cách tùy tiện.

[8] Bộ Giáo lý Đức tin, Ghi chú giáo lý về việc sửa đổi công thức bí tích Rửa tội (24 tháng 6 năm 2020), ghi chú 2: L'Osservatore Romano, 7 tháng 8 năm 2020, 8.

[9] Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4/12/1963), nn. 5, 26: AAS 56 (1964) 99, 107.

[10] Đức Giáo Hoàng Phanxicô bình luận: «Sự song hành giữa Ađam đầu tiên và Ađam mới thật đáng kinh ngạc: cũng như việc từ cạnh sườn Ađam đầu tiên, sau khi làm cho ông hôn mê, Thiên Chúa đã kéo Evà ra, thì cũng thế từ cạnh sườn của Ađam mới, đang ngủ trong giấc ngủ của cái chết, Evà mới, Giáo hội, đã được sinh ra. Ngạc nhiên là vì những lời mà chúng ta có thể nghĩ đến của Ađam mới khi nhìn vào Giáo hội: “Đây là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi” (St 2:23). Nhờ tin vào Lời và đã bước vào nước Rửa tội, chúng ta đã trở nên xương từ xương Người, thịt từ thịt Người”: Francis, Tông thư Desiderio desideravi (29 tháng 6 năm 2022), n. 14: L'Osservatore Romano, ngày 30 tháng 6 năm 2022, 9.

[11] X. Thánh Augustinô, Enarrationes in Psalmos 138, 2: CCL 40, 1991: «Evà được sinh ra từ cạnh sườn [Ađam] đang ngủ, Giáo hội từ cạnh sườn [của Chúa Kitô] đau khổ”.

[12] Đã dẫn, Trong Johannis Evangelium tractatus 9, 10: PL 35, 1463.

[13] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium (21 tháng 11 năm 1964), n. 1: AAS 57 (1965) 5. Xem cùng nguồn, nn. 9, 48: AAS 57 (1965) 12-14, 53-54; Id., Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes (7 tháng 12 năm 1965), nos. 5, 26: AAS 58 (1966) 1028-1029, 1046-1047.

[14] Đức Bênêđíctô XVI, Tông huấn hậu thượng hội đồng Sacramentum caritatis (22 tháng 2 năm 2007), n. 16: AAS 99 (2007) 118.

[15] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen gentium (21 tháng 11 năm 1964), n. 7: AAS 57 (1965) 9-11.

[16] Xem như trên. N. 50: AAS 57 (1965) 55-57.

[17] X. 1Pr 2: 5; Eph 2:20; Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium (21 tháng 11 1964), n. 6: AAS 57 (1965) 8-9.

[18] X. 1Pr 2: 9; Kh 1:6; 5:10; Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium (21-11-1964), nn. 7-11: AAS 57 (1965) 9-16.

[19] Xem Công đồng Trent, Decretum de Sacramentis, can. 1: ĐH 1601.

[20] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 59: AAS 56 (1964) 116.

[21] Thánh Phanxicô, Tông thư Desiderio desideravi (29 tháng 6 năm 2022), n. 11: L'Osservatore Romano, ngày 30 tháng 6 năm 2022, 8.

[22] Xem Công Đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum (18 tháng 11 năm 1965), n. 9: AAS 58 (1966) 821.

[23] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 5, 7: AAS 56 (1964) 99, 100-101.

[24] Xem 1Cr 4:1.

[25] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum (18 tháng 11 năm 1965), n. 10: AAS 58 (1966) 822.

[26] Xem Công đồng Trent, Khóa XXI, chương. 2: DH 1728: «Công đồng cũng tuyên bố rằng Giáo hội luôn có quyền thiết lập và sửa đổi trong việc ban phát các Bí tích, mà không ảnh hưởng đến bản chất của chúng, những yếu tố mà Giáo hội cho là hữu ích nhất cho những người lãnh nhận chúng hoặc cho việc tôn kính của cùng một Bí tích, tùy theo sự đa dạng của hoàn cảnh, thời gian và địa điểm"; Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 21: AAS 56 (1964) 105-106.

[27] X. Đức Phanxicô, Thông điệp Laudato si' (24 tháng 5 năm 2015), nn. 235-236: AAS 107 (2015) 939-940; Id., Desiderio desideravi, n. 46: L'Osservatore Romano, ngày 30 tháng 6 năm 2022, 10; Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, n. 1152.

[28] Chính trong các Bí tích và trên hết là trong Bí tích Thánh Thể mà Lời Chúa đạt được hiệu quả tối đa.

[29] X. Ga 14:26; 16:13.

[30] Công đồng Trent, Khóa XXI, chương. 2: DH 1728. Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 38: AAS 56 (1964) 110.

[31] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 21: AAS 56 (1964) 105-106. Giáo hội luôn quan tâm đến việc bảo tồn truyền thống lành mạnh, mở đường cho sự tiến bộ chính đáng. Vì lý do này, trong việc cải cách các nghi thức, Giáo Hội đã tuân theo quy tắc này “các hình thức mới, một cách nào đó, phát sinh một cách hữu cơ từ những hình thức đã tồn tại”: Ibid., n. 23: AAS 56 (1964) 106. Để chứng minh điều này, xem: Phaolô VI, Tông hiến Pontificalis Romani (18 tháng 6 năm 1968): AAS 60 (1968) 369-373; Id., tông hiến Missale Romanum (3 tháng 4 năm 1969): AAS 61 (1969) 217-222; Id., Tông hiến Divinae consortium naturae (15 tháng 8 năm 1971): AAS 63 (1971) 657-664; Id., Tông hiến Sacram unctionem infirmorum (30 tháng 11 năm 1972): AAS 65 (1973) 5-9.

[32] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum (18 tháng 11 năm 1965), n. 8: AAS 58 (1966) 821.

[33] Xem Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn hậu thượng hội đồng Sacramentum caritatis (22 tháng 2 năm 2007), n. 12: AAS 99 (2007) 113; Bộ Giáo luật, có thể số 841.

[34] Sự khác biệt giữa tính hợp thức [liceity) và tính thành sự phải được nhắc lại, cũng như phải nhớ rằng bất cứ sự sửa đổi nào đối với công thức của Bí tích luôn là một hành vi bất hợp thức nghiêm trọng.

Ngay cả khi chúng ta cho rằng một sửa đổi nhỏ không làm thay đổi ý nghĩa ban đầu của Bí tích và do đó không làm cho nó thành vô hiệu, thì nó vẫn là bất hợp thức.

Trong những trường hợp nghi ngờ, khi có sự thay đổi về hình thức hoặc nội dung của một Bí tích, việc phân định tính thành sự của nó thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo lý Đức tin này.

[35] Xin đơn cử một thí dụ, xem: Bộ Giáo luật, điều 849 cho Bí tích Rửa tội; điều 880 § 1-2 cho BT Thêm sức; các điều 900 § 1, 924 và 928 cho Bí tích Thánh Thể; các điều 960, 962 § 1, 965 và 987 cho BT Sám hối; điều 998 cho BTxức dầu bệnh nhân; Các điều 1009 § 2, 1012 và 1024 cho BT Truyền chức thánh; các điều 1055 và 1057 cho BT hôn nhân; điều 847 § 1 về việc sử dụng các dầu thánh.

[36] Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 22: AAS 56 (1964) 106. Xem CIC, can. 846 § 1.

[37] Xem Công đồng Trent, Decretum de Sacramentis, can. 12: ĐH 1612; Canones de Sacramento Baptisti, can. 4: DH 1617. Viết cho hoàng đế vào năm 496, Đức Giáo Hoàng Anastasiô II nói: «Nếu những tia sáng của mặt trời hữu hình này, dù chúng đi qua những nơi rất hôi hám, không hề bị ô nhiễm bởi bất cứ ô nhiễm nào do tiếp xúc, huống chi quyền năng của [mặt trời] này có thể làm cho điều này hiển hiện, không hề bị hạn chế bởi bất cứ sự bất xứng nào của thừa tác viên": DH 356.

[38] Công đồng Trent, Decretum de Sacramentis, can. 11: DH 1611. Xem công đồng Constance, Sắc chỉ Inter cunctas, 22: DH 1262; Công đồng Florence, Sắc chỉ Exsultate Deo: DH 1312; Bộ Giáo Luật, các điều 861 § 2; 869 § 2; Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, n. 1256.

[39] Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, III, q. 64, A. số 8; Bênêđíctô XIV, De Synodo dioecesana, lib. VII, chương. 6, số 9, 204.

[40] Công đồng Trent, Decretum de Sacramentis, can. 8: DH 1608.

[41] X. Leo XIII, Tông thư Apostolicae curae: DH 3318.

[42] Tuy nhiên, có thể là ngay cả khi nghi thức quy định được tuân giữ bên ngoài, ý định của thừa tác viên khác với Giáo Hội. Đây là những gì xảy ra trong các Cộng đồng Giáo hội, sau khi đã thay đổi đức tin của Giáo hội trong một số yếu tố thiết yếu, do đó làm hỏng ý định của các thừa tác viên của chúng, ngăn cản họ có ý định làm những gì Giáo hội làm - chứ không phải Cộng đồng của họ - khi cử hành các Bí tích. Chẳng hạn, đây là lý do cho sự vô hiệu của Bí tích Rửa tội do người Mặc Môn (Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô của các Thánh Ngày sau hết): vì đối với họ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần khác biệt về trong yếu tính với những gì được Giáo hội tuyên xưng, Bí tích Rửa tội do họ thực hiện, mặc dù được ban cho với cùng một công thức Ba Ngôi, đã bị vô hiệu hóa do một sai lầm về đức tin lan sang ý định của thừa tác viên. Xem Bộ Giáo lý Đức tin, Resp. ad propositum dubium de validate Baptistatis [phúc đáp thắc mắc về tin1h thành sự của Phép Rửa] (5 tháng 6 năm 2001): AAS 93 (2001) 476.

[43]Công Đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 7: AAS 56 (1964) 101.

[44] Về phương diện này, Công đồng Vatican II khuyến khích các mục tử lo sao “cho trong hành động phụng vụ không những tuân thủ các luật lệ về việc cử hành thành sự và hợp thức, mà các tín hữu còn tham gia vào đó một cách có ý thức, tích cực và hiệu quả”: Công đồng Vatican II, Hiến phung vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 11: AAS 56 (1964) 103.

[45] Như trên, n. 37: AAS 56 (1964) 110.

[46] Như trên, n. 38: AAS 56 (1964) 110.

[47] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium (21 tháng 11 năm 1964), n. 13: AAS 57 (1965) 18.

[48] Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 22 § 1: AAS 56 (1964) 106.

[49] Bộ Giáo lý Đức tin, Ghi chú giáo lý về việc sửa đổi công thức bí tích Rửa tội (6 tháng 8 năm 2020): L'Osservatore Romano, 7 tháng 8 năm 2020, 8.

[50] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium (21 tháng 11 năm 1964), n. 11: AAS 57 (1965) 15.

[51] Đặc biệt, hãy xem công thức “in Persona Christi” (hoặc “ex Persona Christi”), Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, III, q. 22c; q. 78, a. 1c; a. 4c; q. 82, a. 1c; đối với công thức “in Persona Ecclesiae” (sau này có xu hướng được thay thế bằng công thức “[in] nomine Ecclesiae)”, Id., Summa Theologiae, III, q. 64, a. 8; ad. 2; a. 9, a. 1; q. 82, a. 6 c. Trong Summa Theologiae, III, q. 82, a. 7, ad. 3, Thánh Tôma cẩn thận kết nối hai cách diễn đạt: «… sacerdos in missa in orationibus quidem loquitur in Persona Ecclesiae in cuius unitate consistit. Sed in consecratione Sacramenti loquitur in Persona Christi cuius vicem in hoc gerit per ordinis potestatem ».

[52] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 33: AAS 56 (1964) 108-109; Id., Hiến chế tín lý Lumen gentium (21-11-1964), nn. 10, 21, 28: AAS 57 (1965) 14-15, 24-25, 33-36; Phaolô VI, Thông điệp Sacerdotalis caelibatus (24 tháng 6 năm 1967), n. 29: AAS 59 (1967) 668-669; Id., Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8 tháng 12 năm 1965), n. 68: AAS 68 (1976) 57-58; Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Dominicae Cenae (24 tháng 2 năm 1980), n. 8: AAS 72 (1980) 127-130; Id., Tông huấn hậu thượng hội đồng Reconciliatio et paenitentia (2/12/1984), nn. 8, 29: AAS 77 (1985) 200-202, 252-256; Id., Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17 tháng 4 năm 2003), n. 29: AAS 95 (2003) 452-453; Id., Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores Gregis (16 tháng 10 năm 2003), nos. 7, 10, 16: AAS 96 (2004) 832-833, 837-839, 848; Bộ Giáo luật các điều 899 § 2; 900 § 1.

[53] Xem Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (7 tháng 12 năm 1965), n. 2: AAS 58 (1966) 991-993. Xem thêm Thánh Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu thượng hội đồng Christifideles laici (30 tháng 12 năm 1988), n. 22: AAS 81 (1989) 428-429; Id., Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores dabo vobis (25 tháng 3 năm 1992), nn. 3, 12, 15-18, 21-27, 29-31, 35, 61, 70, 72: AAS 84 (1992) 660-662, 675-677, 679-686, 688-701, 703-709, 714 -715, 765-766, 778-782, 783-787; Bộ Giáo luật, có thể điều 1009 § 3; Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, nn. 875; 1548-1550; 1581; 1591.

[54] Đây cũng là điều mà Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, n. Số 93 nói: «Do đó, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, [linh mục] phải phục vụ Thiên Chúa và Dân một cách xứng đáng và khiêm nhường, đồng thời làm cho các tín hữu nhận thức được sự hiện diện sống động của Chúa Kitô’.

[55] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 33: AAS 56 (1964) 108-109; Id., Hiến chế tín lý Lumen gentium (21 tháng 11 năm 1964), n. 10: AAS 57 (1965) 14-15; Id., Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (7 tháng 12 năm 1965), n. 2: AAS 58 (1966) 991-993.

[56] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen gentium (21 tháng 11 năm 1964), n. 10: AAS 57 (1965) 14-15.

[57] Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 7: AAS 56 (1964) 101.

[58] Bộ Giáo lý Đức tin, Ghi chú giáo lý về việc sửa đổi công thức bí tích Rửa tội (6 tháng 8 năm 2000): L'Osservatore Romano, 7 tháng 8 năm 2000, 8.

[59] Xem Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen gentium (21 tháng 11 năm 1964), n. 10: AAS 57 (1965) 14-15.

[60] Công đồng Vatican II, Hiến chế phụng vụ Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963), n. 26: AAS 56 (1964) 107. Xem thêm ibid., n. 7: AAS 56 (1964) 100-101; Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, nn. 1140-1141.

[61] Xem Quy tắc Tổng quát Sách Lễ Rôma, n. 24.

[62] Đức Phanxicô, Tông thư Desiderio desideravi (29 tháng 6 năm 2022), n. 51: L'Osservatore Romano, ngày 30 tháng 6 năm 2022, 11.

[63] Như trên, n. 16: L'Osservatore Romano, ngày 30 tháng 6 năm 2022, 9.

[64] Đã dẫn., n. 64: L'Osservatore Romano, ngày 30 tháng 6 năm 2022, 12.
 
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 7. Buồn phiền
Vũ Văn An
13:38 07/02/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại thính Đường Phaolô VI, Thứ tư, 7 tháng 2 năm 2024, Đức Phan-xicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về sự buồn phiền.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong hành trình giáo lý về các thói hư và nhân đức, hôm nay chúng ta sẽ nhìn vào một thói hư khá xấu xí, nỗi buồn phiền, được hiểu như một sự chán nản của tâm hồn, một nỗi đau khổ thường xuyên ngăn cản con người cảm thấy vui mừng trước sự hiện hữu của chính mình.

Đầu tiên và quan trọng nhất, cần phải lưu ý rằng, liên quan đến nỗi buồn phiền, các Giáo phụ đã đưa ra một sự phân biệt quan trọng: đó là điều này. Thực vậy, có một nỗi buồn thích hợp với đời sống Kitô hữu, và với ân sủng của Thiên Chúa, nó có thể biến thành niềm vui: rõ ràng, điều này không thể bị bác bỏ và nó là một phần của con đường hoán cải. Nhưng có một loại buồn phiền thứ hai len lỏi vào tâm hồn và bắt nó phủ phục trong trạng thái chán nản: chính loại đau buồn thứ hai này cần phải chiến đấu, một cách kiên quyết và bằng mọi sức lực, vì nó phát xuất từ ma quỷ. Sự khác biệt này cũng được tìm thấy nơi Thánh Phaolô, người đã viết cho giáo đoàn Côrintô: “Sự đau buồn của Thiên Chúa tạo ra sự sám hối dẫn đến sự cứu rỗi và không mang lại sự hối tiếc, nhưng nỗi buồn trần thế dẫn đến cái chết” (2 Cr 7:10).

Vì vậy, có một nỗi buồn thân thiện dẫn chúng ta đến sự cứu rỗi. Anh chị em hãy nghĩ đến người con hoang đàng trong dụ ngôn: khi rơi xuống vực sâu của sự suy đồi, anh ta cảm thấy vô cùng cay đắng, và điều này thúc đẩy anh ta tỉnh táo lại và quyết định trở về nhà với cha mình (x. Lc 15:11-20). Thật là một ân sủng để than tiếc về tội lỗi của mình, nhớ lại tình trạng ân sủng mà chúng ta đã sa ngã, khóc lóc vì chúng ta đã đánh mất sự trong sạch mà Thiên Chúa mơ ước về chúng ta.

Nhưng còn có nỗi buồn thứ hai, thay vào đó là một căn bệnh của tâm hồn. Nó nảy sinh trong trái tim con người khi một ước muốn hay hy vọng tan biến. Ở đây chúng ta có thể đề cập đến trình thuật về các môn đệ đi Emmau trong Tin Mừng Thánh Luca. Hai môn đệ này rời Giêrusalem với tấm lòng thất vọng, và họ tâm sự với người khách lạ từng đi cùng họ: “Chúng tôi đã hy vọng rằng Người – Chúa Giêsu – là Đấng sẽ cứu chuộc dân Israel” (Lc 24:21). Động lực của nỗi buồn gắn liền với trải nghiệm mất mát, trải nghiệm mất mát. Trong trái tim con người nảy sinh những hy vọng nhưng đôi khi bị tiêu tan. Đó có thể là mong muốn sở hữu một thứ gì đó mà chúng ta không thể có được; nhưng nó cũng có thể là một điều gì đó quan trọng, chẳng hạn như sự mất mát về mặt cảm xúc. Khi điều này xảy ra, dường như trái tim con người rơi xuống vực thẳm, và những cảm xúc mà họ cảm thấy chỉ là chán nản, yếu đuối về tinh thần, chán nản và thống khổ. Tất cả chúng ta đều trải qua những thử thách tạo nên nỗi buồn trong lòng, bởi cuộc sống khiến chúng ta ấp ủ những giấc mơ rồi tan vỡ. Trong hoàn cảnh này, một số người sau một thời gian hỗn loạn đã trông cậy vào lòng hy vọng; nhưng những người khác lại chìm đắm trong nỗi u sầu, để nó mưng mủ trong lòng. Người ta có vui thú trong việc này không? Anh chị em hãy xem: nỗi buồn phiền giống như niềm vui không vui vẻ; giống như ăn một viên kẹo đắng, đắng ngét, không đường, khó chịu, mà phải mút viên kẹo đó. Nỗi buồn phiền là niềm vui trong sự không vui.

Đan sĩ Evagrius kể lại rằng mọi thói hư đều nhằm mục đích đạt được khoái cảm, dù nó có thể phù du đến đâu, trong khi nỗi buồn lại có tác dụng ngược lại: ru mình vào nỗi buồn phiền vô tận. Một số nỗi đau buồn kéo dài, khi người ta tiếp tục mở rộng khoảng trống của một nỗi buồn không còn ở đó, không phù hợp với cuộc sống trong Thánh Thần. Một số nỗi cay đắng phẫn nộ nào đó, nơi người ta luôn có một yêu sách trong đầu khiến họ đội lốt nạn nhân, không tạo ra một cuộc sống lành mạnh trong chúng ta, chứ đừng nói đến một cuộc sống Kitô hữu. Có điều gì đó trong quá khứ của mỗi người cần được chữa lành. Nỗi buồn phiền, từ một cảm xúc tự nhiên, có thể biến thành một trạng thái tâm trí xấu xa.

Đó là một con quỷ quỷ quyệt, con qủy của nỗi buồn phiền. Các giáo phụ sa mạc mô tả nó giống như một con sâu trong trái tim, ăn mòn và làm rỗng chủ nhà của nó. Đây là một hình ảnh tốt: nó cho phép chúng ta hiểu được. Một con sâu trong trái tim tiêu hao và làm rỗng chủ nhà của nó. Chúng ta phải đề phòng nỗi buồn phiền này và nghĩ rằng Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm vui phục sinh. Nhưng tôi phải làm gì khi tôi buồn? Anh chị em hãy dừng lại và nhìn xem: đây có phải là một nỗi buồn tốt đẹp không? Có phải nỗi buồn không tốt lắm không? Và phản ứng tùy theo bản chất của nỗi buồn. Anh chị em đừng quên rằng nỗi buồn có thể là một điều rất xấu, khiến chúng ta bi quan, dẫn chúng ta đến sự ích kỷ khó chữa.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải đề phòng nỗi buồn phiền này và nghĩ rằng Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm vui phục sinh. Dù cuộc sống trọn vẹn có thể có những mâu thuẫn, những ham muốn bị đánh bại, những ước mơ không thành hiện thực, những tình bạn đã mất, nhưng nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể tin rằng tất cả sẽ được cứu vớt. Chúa Giêsu đã sống lại không những cho chính Người mà còn cho chúng ta, để chuộc lại mọi hạnh phúc còn dang dở trong cuộc đời chúng ta. Đức tin xua tan sợ hãi, và sự phục sinh của Chúa Kitô cất đi nỗi buồn như tảng đá khỏi mồ. Mỗi ngày của Kitô hữu là một ngày thực tập về sự phục sinh. Georges Bernanos, trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nhật ký của một Linh mục đồng quê, đã để cha xứ Torcy nói thế này: “Giáo hội có niềm vui, tất cả niềm vui đó chỉ dành cho thế giới buồn bã này. Những gì bạn đã làm chống lại Giáo Hội, bạn đã làm chống lại niềm vui”. Và một nhà văn người Pháp khác, León Bloy, đã để lại cho chúng ta câu nói tuyệt vời đó: “Chỉ có một nỗi buồn, […] đó là không nên thánh”. Xin Thánh Thần của Chúa Giêsu phục sinh giúp chúng ta đánh bại nỗi buồn phiền bằng sự thánh thiện.
 
Hãng tin Reuters:Đức Giáo Hoàng lên án ‘sự đạo đức giả’ của những người chỉ trích việc chúc phúc người LGBT
Vũ Văn An
14:03 07/02/2024

Theo Alvise Armellini, trong bản tin ngày 07 tháng 2 năm 2024 của hãng tin Reuters, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài thấy “sự đạo đức giả” trong các lời chỉ trích quyết định của ngài cho phép các linh mục ban phước cho các cặp đồng tính. Đây có thể là lời lẽ bảo vệ mạnh mẽ nhất của ngài đối với động thái này.



Các phước lành cho người LGBT đã được cho phép vào tháng trước bởi một tài liệu của Vatican có tên là Fiducia Supplicans (Tin tưởng cầu xin), nhưng điều đó đã vấp phải sự phản đối đáng kể trong Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là từ các giám mục châu Phi.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với tạp chí Công Giáo Ý Credere: “Không ai bị xúc phạm nếu tôi ban phép lành cho một doanh nhân có lẽ bóc lột người khác, và đây là một tội rất nặng. Nhưng họ bị xúc phạm nếu tôi ban phép lành cho một người đồng tính”.

"Đây là đạo đức giả," ngài nói.

Credere đã công bố đoạn trích của cuộc phỏng vấn vào thứ Tư, một ngày trước khi công bố.

Đức Phanxicô, người có câu nói nổi tiếng "Tôi là ai mà có thể phán xét?" khi được hỏi về vấn đề đồng tính luyến ái vào thời kỳ đầu của triều đại giáo hoàng, ngài đã coi đó là một trong những sứ mệnh của mình nhằm thúc đẩy một Giáo Hội Công Giáo thân thiện hơn và ít phán xét hơn.

Những người bảo thủ cho rằng điều này có nguy cơ làm xói mòn những giáo huấn đạo đức của Giáo hội.

Đức Phanxicô đã nhiều lần bảo vệ Fiducia Supplicans, nhưng thừa nhận sự phản đối chống lại nó, chẳng hạn như nói rằng các phước lành không có nghĩa là sự chấp thuận chính thức của Giáo hội đối với các kết hợp đồng tính.

Ngài nói hôm 26/1: “Khi một cặp vợ chồng tự phát tiến tới yêu cầu chúng, người ta không chúc phúc cho sự kết hợp mà chỉ chúc phúc cho những người cùng nhau yêu cầu. Không phải sự kết hợp, mà là những con người”.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng tình dục đồng tính là tội lỗi và rối loạn, và những người có sự hấp dẫn đồng tính, vốn không bị coi là tội lỗi, nên cố gắng sống trong sạch.

Trong một cuộc phỏng vấn khác được công bố vào tuần trước, Đức Phanxicô cho biết ngài hy vọng những người chỉ trích các phước lành cho người LGBT cuối cùng sẽ hiểu chúng, nhưng người châu Phi là một “trường hợp đặc biệt” trong việc họ phản đối đồng tính luyến ái.

Các giám mục ở Châu Phi đã bác bỏ Fiducia Supplicans một cách hữu hiệu. Ở một số nước châu Phi, đồng tính luyến ái bị trừng phạt nghiêm khắc, có thể bị phạt tù hoặc thậm chí tử hình.
 
Đức Thánh Cha chia sẻ với Nhóm Hồng Y : Giáo hội chưa lắng nghe đủ tiếng nói của phụ nữ
Thanh Quảng sdb
17:03 07/02/2024
Đức Thánh Cha chia sẻ với Nhóm Hồng Y (C9): Giáo hội chưa lắng nghe đủ tiếng nói của phụ nữ

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với nhóm Hồng Y cố vấn (C9) ngay từ buổi đầu cuộc họp rằng: Chúng ta đã cố “làm giảm bớt nam tính trong Giáo hội chưa?” ('Smaschilizzare la Chiesa'?). Đối lại với các phê bình về “Nguyên tắc” 'Principi' của nhà Thần học H.U. Von Balthasar” trước vấn nạn (Làm cho Giáo hội bớt nam tính hơn? Một đánh giá quan trọng về 'các nguyên tắc' của Hans Urs von Balthasar), bao gồm sự đóng góp của các nhà thần học Linda Pocher, Lucia Vantini và Luca Castiglioni, những người đã tham gia cuộc họp gần đây của Hội đồng Hồng Y về vai trò phụ nữ trong Giáo hội.

(Tin Vatican)

Sự hiện diện và đóng góp của phụ nữ vào đời sống và sự phát triển của các cộng đồng Giáo hội thông qua cầu nguyện, suy tư và hành động là những thực thể làm phong phú Giáo hội và thực sự tạo nên căn tính của Giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta nhìn nhận ra, đặc biệt trong quá trình chuẩn bị và cử hành Thượng Hội đồng, thấy rằng chúng ta chưa lắng nghe đủ tiếng nói của phụ nữ trong Giáo hội và Giáo hội vẫn còn nhiều điều phải học hỏi từ họ.

Cần phải lắng nghe nhau để làm cho Giáo hội bớt nam tính hơn [tiếng Ý: “'smaschilizzare' la chiesa", nghĩa đen là "'phi nam tính hóa' Giáo hội"], bởi vì Giáo hội là một thực thể hiệp thông giữa những người nam và nữ, những người chia sẻ cùng một đức tin và cùng phẩm giá của Bí tích rửa tội. Bằng cách thực sự lắng nghe phụ nữ, người nam chúng tôi lắng nghe một người có nhìn thực tế từ một góc độ khác và do đó, chúng ta buộc phải xem xét lại các kế hoạch và ưu tiên của mình. Đôi khi, chúng ta có hoang mang. Đôi khi những gì chúng ta nghe quá mới, quá khác với cách chúng ta suy nghĩ và thấy nó có vẻ vô lý, khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi. Nhưng sự hoang mang này thì lành mạnh; nó làm cho chúng ta phát triển.

Cần có sự kiên nhẫn, tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe và cởi mở để thực sự học hỏi lẫn nhau và tiến về phía trước như một Công đồng dân Chúa, giàu có những khác biệt nhưng cùng nhau tiến bước.

Đây chính là lý do tại sao tôi muốn xin một phụ nữ, một nhà thần học, cống hiến cho Hội đồng Hồng Y một con đường suy tư về sự hiện diện và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Điểm khởi đầu cho con đường này là suy tư của nhà thần học Hans Urs von Balthasar về các nguyên lý Thánh Mẫu học và Phêrô học trong Giáo hội, một suy tư đã truyền cảm hứng cho huấn quyền của các triều đại giáo hoàng gần đây trong nỗ lực tìm hiểu và đánh giá cao sự hiện diện khác nhau trong Giáo hội bao gồm cả nam giới và nữ giới.

Tuy nhiên, đích đến cuối cùng lại nằm trong tay Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và giúp chúng ta hiểu, tìm ra ngôn ngữ và cách suy nghĩ hiệu quả để thu hút những người nam nữ ngày nay, trong Giáo hội và trên thế giới, để nhận thức được tính hỗ tương và việc thực thi hợp tác giữa nam và nữ để có thể cùng nhau phát triển.

Tôi hài lòng rằng thông qua ấn phẩm này, những suy tư mà các người nữ: Lucia Vantini, Luca Castiglioni và Linda Pocher đã đề ra cho Hội đồng Hồng Y có thể được truyền tải cho những ai muốn tham gia vào cuộc đối thoại Thượng hội đồng và đào sâu chủ đề về mối quan hệ Giáo hội giữa con người với nhau; và phụ nữ, những điều rất quan tâm của tâm trí tôi. Đây là những phản ánh có xu hướng mở ra hơn là đóng lại; kích động suy tư, mời gọi tìm kiếm và hỗ trợ trong việc cầu nguyện.

Đây là điều tôi mong muốn vào thời điểm này trong tiến trình Thượng Hội đồng: chúng ta không mệt mỏi khi cùng bước đi, bởi vì chỉ khi chúng ta cùng nhau tiến bước, chúng ta mới là thực thể chúng ta phải là – thân thể sống động của Đấng Phục Sinh đang di chuyển, tiến bước, gặp gỡ chúng ta. Anh chị em đừng sợ hãi tiến bước trên các đường phố thế giới. Xin Mẹ Maria, Mẹ của niềm tin, đồng hành cùng chúng ta trên hành trình này!

Vatican ngày 8 tháng 12 năm 2023

Giáo hoàng Phanxicô
 
Nửa triệu người Công Giáo Ấn ký vào thỉnh nguyện thư đệ lên chính phủ về điều kiện sinh sống.
Thanh Quảng sdb
18:35 07/02/2024
Nửa triệu người Công Giáo Ấn ký vào thỉnh nguyện thư đệ lên chính phủ về điều kiện sinh sống.



Bản kiến nghị “Hành trình sinh tồn” do Đại hội Công Giáo Kerala tổ chức, kêu gọi chính quyền chú ý đến một số vấn đề ảnh hưởng đến người dân địa phương, từ các cuộc tấn công của động vật hoang dã đến tình trạng thất nghiệp.

(Tin Vatican - Joseph Tulloch)

Khoảng nửa triệu người Công Giáo ở bang Kerala phía tây nam Ấn Độ đã ký một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ hành động hầu thăng tiến điều kiện sinh sống của dân chúng.

Bản kiến nghị, được đài Á Châu (UCA) đưa tin, được tổ chức bởi Công đoàn Công Giáo, một hiệp hội giáo dân Công Giáo liên đới với Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar của bang Kerala.

Những cuộc đấu tranh hàng ngày

Những người tổ chức bản kiến nghị mang tựa đề "Hành trình sinh tồn", muốn chính quyền Bang Kerala - hiện nằm dưới sự kiểm soát của Mặt trận Dân chủ Cánh tả do đang cộng sản chiếm đa số - giải quyết các vấn đề mà theo họ, đang gây khó khăn cho cuộc sống của dân chúng.

Bao gồm việc không trả lương hưu đúng thời hạn, cung cấp hỗ trợ tài chính đầy đủ cho nông dân, ngăn chặn các cuộc tấn công động vật hoang dã và đảm bảo việc làm trong Bang.

Ông Biju Parayannilam, Chủ tịch Công đoàn Công Giáo, phát biểu với Đài Á châu (UCA): “Chúng tôi đã trao một danh sách các yêu sách cải thiện cuộc sống của dân chúng, được nửa triệu người Công Giáo ký tên, cho ngài Bộ trưởng Pinarayi Vijayan”. Và ông Bộ trưởng chia sẻ: “Ông tỏ ra quan tâm và trấn an sẽ xem xét các yêu cầu của chúng tôi.”

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Công Giáo cho hay quan ngại, và lưu ý rằng, về vấn đề tấn công các động vật hoang dã, tình hình càng ngày càng tệ “từ xấu đến tồi tệ hơn” kể từ khi chính quyền Tiểu bang đưa ra những đảm bảo.

Các Kitô hữu Thánh Thomas

Bang Kerala, một dải đất hẹp trên bờ biển phía tây nam Ấn Độ, là nơi sinh sống của một số lượng lớn người theo đạo Thiên Chúa từ thời cổ đại: các nhà thờ ở đó có nguồn gốc từ thời Thánh Thomas Tông đồ tới rao giảng Tin mừng.

Ngày nay, người theo đạo Thiên chúa chiếm khoảng 20% dân số địa phương, mà phần lớn là người theo Ấn giáo (Hindu). Nhiều người thuộc Giáo hội Syro-Malabar, một Giáo hội Đông phương hiệp thông với Giáo hội Rôma.

Trong các cuộc bầu cử gần đây, Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo hội Syro-Malabar đã bổ nhiệm Giám mục Raphael Thattil, trước đây là Giám mục của Shamshabad, làm Giáo chủ mới.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mùa Xuân Quê Hương tôi đó!
Đinh văn Tiến Hùng
14:24 07/02/2024

Mùa Xuân Quê Hương tôi đó!

* Mùa Xuân đã đến đây rồi,
Nhưng sao dân Việt quê tôi ơ hờ!
Bới vì một lũ giặc Hồ,
Phá tan Đất Nước cơ đồ tổ tiên!

Ai về Tổ quốc xa xôi,
Cho tôi nhắn gởi ngàn lời nhớ thương,
Xuân về cách biệt Quê hương,
Hồn tôi trĩu nặng tha phương mối sầu.

Xuân Quê hương tôi đó!
Với tháng ngày tăm tối,
Với gông cùm xiềng xích
Với đồng ruộng xác xơ,
Với thôn xóm điêu tàn,
Với hơn chín mươi triệu người trong một nhà tù vĩ đại,
Dưới bầu trời nghẹt thở,
Thiếu áo cơm và không cả tự do,
Đang dâng lên bao nỗi kinh hoàng,
Bày Qui đỏ ngông cuồng và say máu.

Xuân Quê hương tôi đó!
Người mẹ già mắt rưng rưng dòng lệ,
Chất chồng năm tháng tủi nhục còng lưng,
Giờ lầm lũi chống gậy chờ trông,
Ngày trở lại những đứa con phiêu bạt.

Xuân Quê hương tôi đó!
Với bao trẻ thơ bất hạnh,
Không được cắp sách đến trường,
Không tương lai và mất cả tình thương,
Ngày ngày đổi miếng cơm bên đống rác.

Xuân Quê hương tôi đó!
Còn đâu người phụ nữ dịu hiền,
Còn đâu những trẻ thơ trong trắng,
Khi loài ác quỉ buôn người
Biến tất cả thành trò chơi tình dục.

Xuân Quê hương tôi đó!
Mảnh đất để nuôi thân, mái nhà là tổ ấm,
Tôn giáo là lẽ sống tinh thần,
Nhưng lũ dã nhân từ rừng rú kéo về
Xâm chiếm phá tan hoang hết cả.

Xuân Quê hương tôi đó!
Bao thanh niên, thiếu nữ thân gầy,
Bị ức hiếp, đánh đập, đọa đầy với đồng lương không đủ sống
Vì "chính quyền" tham nhũng tiếp tay cho bọn ngoại quốc dã man.

Xuân Quê Hương tôi đó!
Nhiều Chiến sĩ Dân chủ đã hiên ngang quật khởi vùng dậy tranh đấu cho cuộc sống tự do, nhưng họ bị bọn công an côn đồ đe doa, trù dập, hành hung, bắt bớ, giam cầm với bản án bất công qua những phiên tòa man rợ luật rừng.

Xuân Quê Hương tôi đó!
Với Bau-xit Tây Nguyên, với "Đông đô Bình Dương", với cửa biển chiến lược Vũng Áng, với ngọn đèo yết hầu Hải Vân…nơi ẩn núp của giặc Tàu dưới lớp áo công nhân đã biến Thỏa ước Thành Đô thành sự thực.

Xuân Quê hương tôi đó!
Mảnh đất Tổ tiên bao công lao tô bồi gìn giữ.
Chống giặc xâm lăng đổ biết bao mồ hôi xương máu.
Nay chúng khiếp nhược cắt đất, dâng biển đảo cho Cộng Tàu làm móm quà Thái thú.

Xuân Quê Hương tôi đó!
Có nhiều tên tư bản đỏ giàu bạc tỉ,
Xây lâu đài, sắm "siêu xe", cho vợ con xuất ngoại huênh hoang ăn chơi du hí.
Chẳng khác nào những con thú người đã biến thành loài khỉ,
Nhưng chúng không được xếp vào danh sách các tỉ phú hoàn cầu,
Bởi chúng có tự mình vất vả tạo ra đâu?
Chỉ là những tên côn đồ thi nhau ăn cướp.

Ôi Xuân Quê hương tôi đó!
Với tháng năm mỏi mòn đợi chờ,
Những đứa con phiêu bạt trở về,
Mang niềm tin và dựng lại Quê hương
Cho em thơ nao nức đến trường,
Cho mẹ già ngưng dòng lệ xót xa,
Cho thiếu nữ mắt ngời lên hạnh phúc,
Cho chàng trai lòng ngập tràn hy vọng,
Cho giáo đường, chùa chiền vang vọng tiếng chuông ngân.
Cho muôn người say nắng ấm bình minh,
Nhìn ngạo nghễ Cờ Vàng bay trong gió….

Ai về Tổ quốc xa xôi,
Cho tôi nhắn gởi ngàn lời nhớ thương,
Xuân về cách biệt sầu vương,
Mong ngày dựng lại Quê hương thanh bình

*****

*Ghi chú : Theo chính quyền VN nhận xét

Top 10 tỉnh thành nghèo nhất Việt Nam hiện nay
• Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.
• Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống.
• Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.
• Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.

Xuân Giáp Thìn 2024
 
Hình ảnh Con Rồng trong văn hóa và trong Kinh Thánh
Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long
16:46 07/02/2024

Hình ảnh Con Rồng trong văn hóa và trong Kinh Thánh

Theo Dương lịch năm mới có niên hiệu năm 2024 sau Chúa Gíang sinh. Nhưng theo Âm lịch năm mới có tên là Giáp Thìn. Ngày đầu Năm mới âm lịch 01. tháng Giêng, Tết Nguyên Đán Giáp Thìn sẽ vào ngày 10.02.2024.

Thìn – còn có tên gọi là Rồng - là tên của một con vật theo như truyền thuyết trong cổ tích thần thoại diễn tả xưa nay, có nhiều chân mình uốn khúc như con rắn, có cánh bay được, có đuôi dài, miệng phun nước và lửa ra xa, bộ dạng dữ tợn kinh dị. Nó là một con vật có hình dạng của nhiều con vật hợp lại giữa loài rắn rết, loài cá sấu, loài chim khủng long độc dữ thời xa xưa cách đây hàng triệu thế kỷ, loài thú dữ ăn thịt như cọp beo sư tử...

Con Rồng được nói diễn tả trong các truyện thần thoại cổ tích theo như suy nghĩ cùng lòng tin tưởng của dân gian nhiều hơn. Và theo đó ngày nay người ta với kỹ thuật dựng đóng phim làm con Rồng như là một con vật sống động có thật.

Bên vùng các nước Đông Nam châu Á với ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, cứ 12 năm lại mừng hay nhận con Rồng thần thọai này đứng làm chủ cho thời gian một năm.

Hình ảnh con vật này là gì? Nó có liên quan gì tới đời sống con người, nhất là đời sống tinh thần không?

Theo thần thoại bên Đông phương và Tây phương, con Rồng là hình ảnh của sự lộn xộn mất trật tự chao đảo, là hình ảnh của con quái vật thù địch với Thượng Đế và con người. Vì con vật này hút nước phun lửa cho khô cạn làm tê liệt sự sống phát triển, cùng đe dọa ăn nuốt trửng mặt trời và mặt trăng. Một vị anh hùng nào đó hay chỉ Thiên Chúa mới có thể trị thắng con vật này được.

Trái lại bên vùng Đông Nam châu Á, con Rồng tuy là con vật không có hình dạng rõ rệt, nhưng là con vật có những đặc điểm tốt tích cực. Con vật này mang đến điều may mắn, là hình ảnh dấu hiệu của sự sinh sản phát triển phì nhiêu, và là hình ảnh chỉ sức mạnh của vua chúa hoàng đế.

Theo quan niệm thời cổ xưa, con Rồng tạo nên một hình ảnh ghê sợ rùng rợn, cùng là dấu hiệu của sự thống trị. Vì thế vua chúa thời xưa, hay thêu vẽ hình con rồng trên lá cờ, trên mũ áo khi đi đâu ra mắt công chúng, ăn mừng chiến thắng, hay khi ra quân đánh trận. Nhiều vua chúa thời xa xưa cũng cho thêu hay in vẽ trên huy hiệu hình con rồng như biểu dương sức mạnh oai hùng của mình.

Vào giai đoạn cao điểm thời Trung cổ chủ đề vượt trổi nổi bật là hình ảnh trình bày trận chiến chống con rồng, một biểu trưng chống sự dữ xấu xa tội lỗi, tội nguyên tổ. Vì con rồng là hình ảnh con rắn đã cám dỗ Bà Evà phạm tội chống lại Thiên Chúa gây ra hậu qủa tội nguyên tổ cho cả nhân loại. Hình ảnh vẽ về ngày tận thế cũng có cái hang động hỏa ngục nhốt con rồng vào trong đó. Con rồng là hình ảnh của thần qủy dữ.

Ngay ở bên vùng Đông Nam Châu Á cũng có nhiều hình dạng về con rồng tùy theo mầu sắc và số móng chân. Hình con rồng mầu vàng với năm móng chân chỉ dành để thêu trên áo mũ của vua chúa, như các vị vua thuộc triều đại nhà Minh bên Trung Hoa ngày xưa thường mặc.

Theo niềm tin Ấn giáo và Lão giáo con rồng biểu hiệu của bản thể tinh thần có thể biểu hiện sự trường sinh bất tử.

Bên Trung Hoa và Nhật bản, con Rồng mang đến điều may mắn hạnh phúc và được tôn thờ như chống lại qủy thần. Con Rồng biểu hiệu sự sinh sôi nẩy nở phát triển, mùa xuân và nước mưa. Nó có sức mạnh như dòng thác nước chảy, cùng được xếp vào nguyên lý Yang- một nguyên lý chỉ về tích cực, dương tính, nam tính, trong sáng, trời, sự họat động, đường thẳng kéo dài không bị đứt khúc –

Theo văn hóa cùng tập tục với chút niềm tin dân gian, con Rồng trong âm lịch bên vùng Đông Nam Châu Á, là con vật biểu trưng đứng chủ trì một năm trong vòng chu kỳ 12 năm một lần.

Cũng theo sự tin tưởng trong dân gian, năm con Rồng (Thìn) là một năm tốt cho sinh sản và cho lập gia đình.

Theo nhà phân tâm C. Jung trận chiến con Rồng trong các truyện thần thoại dân gian là hình ảnh sự chiến đấu tranh giành giữa bản thể cái tôi và sức lực hung hãn nằm tiềm ẩn trong mỗi người.

Hình ảnh con Rồng trong Kinh Thánh được trình bày với tính chất dữ tợn xấu xa, một con vật to lớn quái dị dưới nhiều dạng hình thù khác nhau. Nó là con vật gây đảo lộn mất trật tự, sát hại mạng sống con người và thù địch với Yaweh Thượng Đế

Ngôn Sứ Isaia diễn tả nó là một con vật bay được: “Hỡi toàn cõi Phi-li-tinh, chớ vội vui mừng, vì cây gậy đánh ngươi đã bị bẻ gãy; bởi chưng từ dòng dõi rắn sẽ vọt ra một con rắn hổ mang, và con của nó sẽ là một con rồng bay.” ( Isaia 14,29)

Ngôn sứ Daniel đã thuật lại tập tục :“ Bấy giờ có một con rồng lớn được dân Ba-by-lon sùng bái” ( Daniel 14,23). Nhưng Daniel đã chứng minh ngược lại là con rồng không phải là thần thánh phải sùng bái. Ông đã giết chết con rồng này. (Daniel 14. 24-27).

Ngôn sứ Giêremia diễn tả ví vua Babylon như con rồng đầy sức mạnh tranh giành nuốt trôi tất cả: “ Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, đã xâu xé, đã loại trừ tôi, gạt tôi ra như chiếc bình rỗng; tựa con rồng, nó đã nuốt trửng tôi,các miếng ngon của tôi, nó nhét đầy bụng, rồi xua đuổi tôi đi.” ( Geremia 51,34)

Con Rồng như một con thuồng luồng sống ở dưới nước: ”Xin thức dậy, xin Ngài thức dậy đi, lạy Ðức Chúa, xin vung mạnh cánh tay của Ngài! Xin thức dậy như những thời trước, như những ngày xưa. Chẳng phải chính Ngài đã phanh thây thủy thần Ra-háp, đã xé xác thuồng luồng đó sao?” ( Isaia 51,9)

“Chính Ngài đã ra oai xẻ đôi lòng biển,
trên làn nước biếc, Ngài đập vỡ sọ thuồng luồng;
chính Ngài đã nghiền nát bảy đầu con giao long,
vứt nó làm mồi cho thủy quái;” ( Thánh vịnh 74, 13-14)

Con Rồng hiện hình như con rắn tinh quái bò chui luồn dưới đất: “Người thở hơi làm trong sáng bầu trời, và đưa tay xả thây con rắn chui nhủi” (Sách Ông Gióp 26,13)

Thánh Giaon Tông đồ trong sách Khải huyền đã ví con rồng như con mãng xà, con rắn thần dữ ma qủy ngày xưa đã đường mật dụ dỗ bà nguyên tổ Eva phạm tội lỗi luật Thiên Chúa. Con rồng rắn ma qủy này đã bị Tổng lãnh Thiên Thần Michael trong một trận giao chiến trên trời đè bẹp đuổi khỏi thiên đàng.

“Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Micaen và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. (8) Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không có chỗ trên trời nữa. (9) Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xatan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.” ( Khải huyền 12, 7-9).

Dù bị tống xuống khỏi thiên đàng, con mãng xà là con rắn ma qủy hằng theo dõi dụ dỗ sát hại con người trong hình ảnh một người phụ nữ sinh con, và dòng dõi hậu duệ của bà từ bỏ sống xa Thiên Chúa. Hình ảnh này là hình ảnh Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội mình mặc áo xanh da trời, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao vàng sáng chói ánh mặt trời, chân đạp mặt trăng hình lưỡi liềm đạp trên đầu con rắn.

“Khi Con Mãng Xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người Phụ Nữ đã sinh con trai. (14) Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà, tại đó bà được nuôi dưỡng một thời, hai thời và nửa thời, ở xa Con Rắn. (15) Từ miệng, Con Rắn phun nước ra đàng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi. (16) Nhưng đất cứu giúp bà: đất há miệng ra uống cạn dòng sông từ miệng Con Mãng Xà phun ra. (17) Con Mãng Xà nỗi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Ðức Giêsu.” ( Khải huyền 12,13-17)

Trong nghệ thuật hình ảnh con rồng là thần qủy dữ Lucife bị Tổng lãnh ThiênThần Michael chiến thắng cầm đao kiếm đâm đứng đạp trên nó rất thịnh hành ở thời Trung cổ bên Âu châu.

Sau này có hình ảnh Thánh Georg chiến thắng cưỡi ngựa, tay cầm đao nhọn đâm đè bẹp con rồng ma qủy đang phun lửa nằm dưới mặt đất.

Và Đức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội cũng được vẽ trình bày là người chiến thắng đứng đạp trên đầu con rồng rắn ma qủy cám dỗ phạm tội chống lại Thiên Chúa.

Nghệ thuật này dựa theo lời kinh thánh trong sách Khải huyền “ et proiectus est draco ille magnus serpens antiquus qui vocatur Diabolus et Satanas qui seduit universum orbem proiectus est in terram et angeli eius cum illo missi sunt- Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xatan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.”. ( KH 12, 9).

Theo sự tin tưởng trong dân gian người nào sinh vào năm con Rồng ( Thìn) có những đức tính tích cực như quảng đại, chân thành, óc sáng tạo biến báo, thích mạo hiểm, ngay thẳng… Nhưng ngược lại cũng có những đức tính tiêu cực như bồng bột không suy nghĩ chín chắn, quá lạc quan, hoang phí, ít thiếu mềm dẻo… Đây chỉ là suy đoán theo cảm tính tin tưởng bình dân hay theo tập tục tử vi bói toán đoán vận mạng xưa nay trong dân gian thôi.

Với người Công Giáo năm tháng ngày giờ do Thiên Chúa tạo dựng nên. Trong dòng thời gian năm tháng ngày giờ nào cũng có những lúc may mắn hạnh thông xuôi chẩy, và những thách đố thử thách, những thử luyện mà con người phải sống trải qua.

Những thách đố thử thách không là những bước gây hoang mang đổ vỡ chao đảo. Nhưng trái lại giúp tinh thần con người sống vững chắc có thêm kinh nghiệm trưởng thành hơn vào ngày mai.

“ Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” ( Thánh vịnh 90,12)

Chúc mừng Năm Mới Giáp Thìn
 
VietCatholic TV
Ukraine kháng cự anh dũng, Nga mất 1020 quân, 17 xe tăng, 35 thiết giáp nhưng Avdiivka sắp thất thủ
VietCatholic Media
04:17 07/02/2024


1. Avdiivka sắp thất thủ vì thiếu đạn pháo

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Avdiivka Is About to Fall”, nghĩa là “Avdiivka sắp thất thủ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Kênh Telegram của Ukraine cảnh báo quân đội Nga đang giành được nhiều lợi thế ở Avdiivka, đặt ra tình thế “nghiêm trọng” cho lực lượng Kyiv, trong bối cảnh có khả năng thị trấn Avdiivka trong vùng Donetsk có thể là khu định cư đầu tiên bị Mạc Tư Khoa chiếm được sau 8 tháng.

Tháng 10 năm ngoái, Nga đã phát động một cuộc tấn công vào khu định cư được coi là cửa ngõ vào thành phố Donetsk bị Nga tạm chiếm gần đó và là trụ cột trong mục tiêu của Điện Cẩm Linh nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Nam Donbas.

Nga đã chịu tổn thất lớn về trang thiết bị và quân đội trong điều được Kyiv mô tả là “các cuộc tấn công bằng thịt”, nhưng các kênh Telegram của Ukraine đã đưa ra những đánh giá bi quan về khả năng lực lượng của Kyiv có thể giữ vững thị trấn.

Kênh Telegram Ukraine Fights đăng hôm Chúa Nhật rằng “tình hình trong thành phố đã trở nên nguy kịch”, nói thêm rằng quân Nga đã tiến vào thành phố từ phía đông bắc và quân đội Nga đã vượt qua các đơn vị chiến đấu của Ukraine và giành được chỗ đứng trong các tòa nhà.

Theo một bản dịch, bài viết cho biết: “Điều này có nghĩa là họ cách huyết mạch hậu cần chính của quân phòng thủ Ukraine chỉ vài trăm mét”. “Số phận của Avdiivka đang được quyết định.”

Kênh Telegram Butusov Plus cho biết đã xảy ra các trận chiến trên đường phố ở vùng ngoại ô phía bắc Avdiivka, nơi các đơn vị Nga đã cố thủ cách lối vào thị trấn chưa đầy một dặm. Lữ đoàn cơ giới 110 của Ukraine và các đơn vị trực thuộc đang chiến đấu với số lượng quân Nga đông hơn và liên tục được tăng cường.

“Avdiivka rất cần lực lượng dự trữ mới và luân chuyển các đơn vị từ Lữ đoàn 110 anh hùng,” bài đăng cho biết, đồng thời lưu ý rằng đạn dược cũng cần thiết và nói thêm rằng “tình hình rất nguy cấp”.

Phóng viên Yaroslav Trofimov của Wall Street Journal đã đề cập đến các bài đăng trên X,, viết vào Chúa Nhật rằng Avdiivka “ngày càng có khả năng trở thành thành phố đầu tiên của Ukraine thất thủ kể từ khi Bakhmut bị chiếm vào tháng 5 năm ngoái”.

Ông nói thêm rằng tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng là do Quốc hội Mỹ từ chối viện trợ quân sự thêm cho Ukraine.

Leon Hartwell, cộng tác viên cao cấp tại Trường Kinh tế Luân Đôn, tổ chức tư vấn LSE IDEAS, nói rằng việc Nga chiếm được Avdiivka có thể củng cố quan điểm của những người phương Tây hoài nghi, là những người ủng hộ việc giảm hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine.

Nó cũng sẽ cho phép các lực lượng Nga củng cố các vị trí xung quanh Bakhmut, tạo điều kiện thuận lợi cho họ kiểm soát đường cao tốc giữa Donetsk và Kramatorsk, đồng thời nâng cao tổng thể khả năng hậu cần của Mạc Tư Khoa ở Donetsk.

Hartwell nói với Newsweek: “Việc mất Avdiivka sẽ hạn chế khả năng Ukraine tiến hành các hoạt động phản công chống lại Nga ở Donbas, và việc giành lại thành phố này, với những công sự vững chắc, sẽ đặt ra một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn”.

“Nga đã đầu tư rất nhiều vào việc chiếm giữ Avdiivka, triển khai nhiều binh sĩ và thiết bị quân sự tới thành phố”. “Việc chiếm giữ Avdiivka có tầm quan trọng chính trị đáng kể đối với Putin, được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp thiết để thể hiện những chiến thắng cho Nga trước cuộc bầu cử tổng thống và một làn sóng huy động binh lính mới tiềm tàng.”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, hôm Chúa Nhật cho biết lực lượng Nga đã tiến về phía đông Avdiivka với các đoạn phim được định vị địa lý từ ngày hôm trước cho thấy những bước tiến dọc theo đường cao tốc H-20 ở phía đông thị trấn.

Michael Kofman, thành viên cao cấp của Chương trình Nga và Á-Âu tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói với podcast War on the Rocks vào ngày 30 Tháng Giêng rằng tình hình xung quanh Avdiivka là “ổn định” nhưng “có xu hướng tồi tệ hơn theo nghĩa là người Nga đang tạo ra những lợi ích gia tăng.”

Kofman nói: “Rất có khả năng Avdiivka cuối cùng sẽ thất thủ.”

Čedomir Nestorović, giáo sư địa chính trị và kinh doanh Hồi giáo tại Trường Kinh doanh ESSEC ở Singapore, cho biết sự sụt giảm tài trợ, đạn dược và vũ khí cho Kyiv, cũng như các vấn đề mà thành phố gặp phải trong việc huy động, có nghĩa là “có nguy cơ lớn Avdiivka sẽ sớm thất thủ”.

“Putin dường như không gặp phải những vấn đề này nên khả năng xảy ra là rất cao”, ông nói với Newsweek, đồng thời cho biết thêm rằng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã muốn bảo vệ Avdiivka “bằng bất cứ giá nào” không giống như tổng tư lệnh của ông, Valerii Zaluzhny.

Ông nói: “Nếu Avdiivka thất thủ, điều này sẽ làm thay đổi căng thẳng giữa Tổng thống và nhà lãnh đạo quân đội – theo hướng có lợi cho vị Tướng”.

2. Thị trưởng Thủ đô Kyiv chỉ trích khả năng thay thế Tư Lệnh quân đội Ukraine

Thị trưởng Kyiv, Vitalii Klitschko, chỉ trích khả năng sa thải Tướng Valerii Zaluzhnyi, tổng tư lệnh nổi tiếng của lực lượng vũ trang Ukraine, nói rằng chính nhờ sự lãnh đạo của vị tướng này mà “nhiều người Ukraine thực sự tin tưởng vào lực lượng vũ trang”.

Klitschko nói: “Hôm nay là thời điểm mà chính trị có thể chiếm ưu thế hơn lý trí và lợi ích của đất nước”.

Thị trưởng thủ đô Ukraine đã lớn tiếng chỉ trích tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy. Đến lượt mình, tổng thống lại cáo buộc văn phòng của Klitschko hoạt động kém hiệu quả.

3. Ukraine đưa ra bản cập nhật hỏa tiễn F-16

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Issues F-16s Missile Update”, nghĩa là “Ukraine đưa ra bản cập nhật hỏa tiễn F-16”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine dự kiến sẽ sử dụng hỏa tiễn có tầm bắn hơn 300 dặm trên các máy bay phản lực F-16 đã được chờ đợi từ lâu, một khi chúng đến nước này, một chỉ huy quân sự cao cấp của Ukraine cho biết.

“Trong các gói viện trợ quân sự tiếp theo, Ukraine mong đợi máy bay F-16 và hỏa tiễn có tầm bắn từ 300 đến 500 km, điều này sẽ cho phép Lực lượng Phòng vệ Ukraine đạt được thành công lớn hơn nữa trên chiến trường và giải phóng lãnh thổ của chúng ta khỏi đối phương”, Trung tướng Serhii Naiev, chỉ huy lực lượng chung của Ukraine cho biết.

Hỏa tiễn có tầm bắn khoảng 190 đến 300 dặm đã được sử dụng để đạt hiệu quả đáng kể ở Ukraine, nhờ sự ủng hộ của phương Tây ở Kyiv.

Ukraine đã nhiều lần sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp và hỏa tiễn phóng từ trên không SCALP do Pháp tài trợ để tấn công các mục tiêu của Nga trong và xung quanh bán đảo Crimea do Mạc Tư Khoa kiểm soát. Nhà sản xuất cho biết tầm bắn của hỏa tiễn hiện được phóng từ máy bay phản lực Ukraine là hơn 155 dặm, và các chuyên gia cho biết chúng có thể đạt tầm bắn khoảng 250 dặm.

Ukraine cũng đã sử dụng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, có thể có tầm bắn lên tới khoảng 190 dặm. Tuy nhiên, ATACMS mà Ukraine nhận được có tầm bắn ngắn hơn khoảng một nửa khoảng cách này.

Hỏa tiễn tầm xa cho phép Ukraine tấn công các tài sản có giá trị cao của Nga ở xa tiền tuyến.

Kyiv đã kêu gọi mua máy bay phản lực F-16, loại máy bay được thiết kế để phóng các loại vũ khí tiêu chuẩn NATO mà Ukraine đang sử dụng trên các máy bay phản lực cũ thời Liên Xô.

Ukraine có thể sẽ nhận được những chiếc F-16 hoạt động đầu tiên từ các đồng minh phương Tây trong vài tháng tới, trang bị cho lực lượng không quân Kyiv hệ thống điện tử hàng không hiện đại hơn và radar tốt hơn.

Với các máy bay phản lực do Lockheed Martin sản xuất, Ukraine sẽ có thể hoạt động từ khoảng cách xa hơn, tiêu diệt các hệ thống phòng thủ trên mặt đất của Nga dễ dàng hơn và ngăn chặn các máy bay phản lực của Mạc Tư Khoa. Mặc dù không phải là viên đạn bạc, nhưng chiếc máy bay này được cho là sẽ khiến các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine trở nên khó thực hiện hơn, gây nguy hiểm cho tài sản của Nga và chống lại bất kỳ ưu thế nào của Nga trên không.

Một liên minh quốc tế hiện đang đào tạo phi công Ukraine vận hành F-16. Đầu tháng 11, một số chiếc F-16 đã đến cơ sở của Rumani được thiết kế để đào tạo phi công Ukraine, trong khi những chiếc khác đang được huấn luyện tại căn cứ không quân ở Arizona.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào cuối tháng 12 rằng “đội quân đầu tiên” gồm các phi công Ukraine được quân đội Anh huấn luyện đã hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản ở nước này và “hiện đang học lái chiến đấu cơ F-16 ở Đan Mạch”.

Ngày 22/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết chính phủ Hà Lan đang bắt đầu chuẩn bị giao lô 18 máy bay phản lực F-16 đầu tiên cho Ukraine.

Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết riêng rằng nhân viên của Ukraine phải được đào tạo bài bản trước khi chuyển giao máy bay phản lực, cũng như phải có “cơ sở hạ tầng phù hợp”. Chính phủ Hà Lan cho biết các máy bay phản lực có thể được sửa đổi và “một số máy bay cần được đại tu”.

Vào đầu Tháng Giêng, Bộ Quốc phòng Đan Mạch, quốc gia đã cam kết cung cấp 19 chiếc F-16 cho Ukraine, cho biết lô 6 máy bay phản lực đầu tiên sẽ được giao cho Ukraine trong “quý 2 năm 2024”, thay vì đầu năm mới như ban đầu dự kiến.

4. Điện Cẩm Linh cảnh báo phương Tây rằng bất kỳ nỗ lực nào sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp để gây quỹ cho Ukraine sẽ là bất hợp pháp

Tờ Financial Times hôm thứ Bảy đưa tin rằng G7 đã vạch ra kế hoạch sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga làm tài sản thế chấp cho khoản nợ để giúp đỡ Ukraine. Bloomberg cũng đưa tin về kế hoạch này.

“Chúng tôi vẫn chưa biết những cơ quan truyền thông này phù hợp với thực tế đến mức nào. Có thực sự có kế hoạch như vậy không? Điều quan trọng là phải chờ đợi những tuyên bố chính thức về vấn đề này”, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Ba.

“Thật không may, chúng tôi biết rằng ngay cả những cơ quan truyền thông nghiêm chỉnh nhất hiện nay, dù cố ý hay vô tình, cũng mắc rất nhiều sai sót.”

Sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã cấm các giao dịch với ngân hàng trung ương và bộ tài chính của Nga, phong tỏa khoảng 300 tỷ Mỹ Kim tài sản có chủ quyền của Nga ở phía Tây.

5. Ukraine muốn 83.000 hỏa tiễn mà Canada có kế hoạch phá hủy

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Wants 83,000 Rockets Canada Plans to Demolish”, nghĩa là “Ukraine muốn 83.000 hỏa tiễn mà Canada có kế hoạch phá hủy.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Ukraine đang thúc giục Canada bàn giao hàng chục ngàn quả hỏa tiễn đã ngừng hoạt động và chuẩn bị bị phá hủy khi cuộc chiến với Nga sắp bước sang mốc hai năm.

Canada đang lên kế hoạch sớm phá hủy hơn 83.000 đơn vị CRV7 đã ngừng hoạt động vào năm 2005, trong khi quân đội Ukraine đang nỗ lực tìm kiếm thêm vũ khí và thiết bị, một phần nhờ vào dòng viện trợ quân sự quốc tế ổn định một thời nhưng chậm lại đáng kể trong năm nay.

Trung tướng Ukraine Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Kyiv, cho biết trong một cuộc phỏng vấn do mạng Global News của Canada đăng tải hôm thứ Hai rằng việc trao hỏa tiễn cho Ukraine thay vì phá hủy chúng sẽ là “tình thế đôi bên cùng có lợi” cho cả hai quốc gia.

Một số quan chức Canada được cho là đã bày tỏ sự dè dặt trong việc thực hiện yêu cầu vì lo ngại rằng hỏa tiễn có thể không ổn định trong nhiều năm kể từ khi ngừng hoạt động, có khả năng khiến việc vận chuyển vũ khí và sử dụng chúng trở thành một đề xuất đặc biệt rủi ro.

“Chúng tôi không có mối lo ngại nào,” Budanov nói với Global News. “Chúng tôi cần rất nhiều thiết bị, cả đạn dược, đạn dược nói chung, và đặc biệt là đạn pháo — rất nhiều loại thiết bị.”

Budanov nói tiếp rằng Ukraine tin rằng khoảng 8.000 hỏa tiễn đang ở tình trạng tốt, trong khi tất cả vũ khí có thể sẽ được tháo rời các bộ phận và sử dụng cho máy bay không người lái.

Đảng Bảo thủ Canada đã ra tuyên bố chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Đảng Tự do Justin Trudeau về vấn đề này, cho rằng việc tặng hỏa tiễn sẽ là “lẽ thường tình” là việc nên làm.

Tuyên bố viết: “Lực lượng Vũ trang Canada đang có trong kho dự trữ 83.000 hỏa tiễn CRV7 mà chính phủ Trudeau đã lên kế hoạch tiêu hủy. Ukraine đã yêu cầu Chính phủ Canada cung cấp cho họ số vũ khí dư thừa này”.

“Thay vì bắt người Canada phải trả hàng triệu đô la để phá hủy những vũ khí này, những người Bảo thủ thông thường đang kêu gọi chính phủ Trudeau trao những vũ khí này cho Ukraine để Ukraine có thể sử dụng chúng để bảo vệ chủ quyền của mình”.

Kate McKenna, cố vấn Canada cho quân đội Ukraine, nói với Global News rằng bà “hơi tức tối” khi Canada đã không tặng những hỏa tiễn “cực kỳ có giá trị”. Vào tháng 12, cô đã đưa ra một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ gửi vũ khí cho Ukraine “ngay lập tức”.

Chính phủ Úc gần đây đã từ chối yêu cầu của Kyiv về việc tặng một phi đội gồm 45 máy bay trực thăng MRH-90 “Taipan” để đưa đến bãi rác, cho rằng động thái này sẽ không “khả thi” do “cần có chi phí, thời gian và nguồn lực kỹ thuật” để đưa máy bay trở lại trạng thái hoạt động đầy đủ,” theo Nine News của Australia.

Mặc dù viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine gần đây đã cạn kiệt hoàn toàn trong bối cảnh tranh chấp đảng phái tại Quốc hội, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng trước đã cáo buộc chính phủ của Tổng thống Joe Biden gửi “đồ cũ cũ” đến Kyiv như một phần trong kế hoạch bổ sung kho dự trữ của Mỹ và sản xuất vũ khí chiến tranh như một “dự án kinh doanh có lợi nhuận.”

6. Nga đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào 9 khu vực của Ukraine trong ngày qua

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 6 Tháng Hai, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết Nga đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào 9 khu vực của Ukraine trong ngày qua, khiến ít nhất một dân thường thiệt mạng và ít nhất 5 người bị thương.

Lực lượng Nga đã tiến hành 36 cuộc tấn công nhằm vào tỉnh Kherson trong ngày qua, làm một người bị thương và gây thiệt hại cho các khu dân cư cũng như một bảo tàng ở thành phố Kherson.

Tại khu vực Donetsk, Nga đã tấn công Toretsk, khiến 1 thường dân thiệt mạng và 4 người bị thương trên toàn khu vực.

Quân đội Nga cũng được cho là đã pháo kích vào thành phố Avdiivka ở miền đông Ukraine, làm hai người bị thương.

Quân xâm lược Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo và súng cối vào khoảng 18 khu định cư ở tỉnh Kharkiv. Không có thương vong nào được báo cáo. Các cuộc tấn công của Nga đã làm hư hại một trạm biến áp điện, nhiều ngôi nhà, kính và mặt tiền của một tòa nhà hành chính, một nhà kho và thiết bị nông nghiệp trong khu vực.

7. Chỉ trong 24 giờ, Nga mất 1020 quân, 17 xe tăng, 35 xe thiết giáp

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Loses 1020 Soldiers, 17 Tanks, 35 APVs in a Day: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho biết Nga mất 1020 binh sĩ, 17 xe tăng, 35 xe thiết giáp trong một ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Quân đội Kyiv hôm thứ Ba cho biết lực lượng Nga ở Ukraine đã mất hơn 1.000 binh sĩ, 17 xe tăng và 35 xe thiết giáp trong ngày hôm qua. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy chi phí nhân lực và vật chất ngày càng tăng trong gần hai năm chiến tranh.

Theo quân đội Ukraine, Mạc Tư Khoa đã mất khoảng 390.580 chiến binh kể từ ngày 24/2/2022. Tổng số cập nhật được Ukraine công bố hôm thứ Ba cũng cho biết Nga đã mất 6.365 xe tăng và hơn 11.850 xe thiết giáp chở quân.

Không thể có được bức tranh chính xác về quy mô thiệt hại thực sự của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia và chính phủ phương Tây đều đồng thanh rộng rãi rằng hơn 300.000 binh sĩ Mạc Tư Khoa đã thiệt mạng hoặc bị thương tính đến những tháng cuối năm 2023, và con số đó giờ đây sẽ tăng lên.

Cả Mạc Tư Khoa và Kyiv đều kín tiếng về những tổn thất của mình, hiếm khi gật đầu về con số thương vong hoặc bao nhiêu thiết bị đã bị phá hủy.

Vào cuối tháng 12, Bộ Quốc phòng Anh cho biết số thương vong trung bình của Nga mỗi ngày đã tăng gần 300 người mỗi ngày trong suốt năm 2023 so với năm trước.

Chính phủ Anh cho biết, nếu con số thương vong của Nga không thay đổi trong suốt năm 2024 thì Mạc Tư Khoa sẽ phải hứng chịu hơn 500.000 thương vong trong cuộc chiến vào năm 2025.

Luân Đôn liên kết sự gia tăng thương vong được báo cáo với “sự suy thoái của lực lượng Nga và quá trình chuyển đổi sang quân đội số lượng lớn, phẩm chất thấp hơn kể từ khi 'huy động một phần' lực lượng dự bị,” vào tháng 9 năm 2022.

Vào cuối Tháng Giêng, ban tiếng Nga của BBC cùng với hãng truyền thông độc lập Mediazona đưa tin rằng những tân binh dân sự đã gia nhập quân đội Nga kể từ tháng 2 năm 2022 chiếm gần một nửa tổn thất chiến đấu hiện tại của Nga. Hai cơ quan này đưa tin, họ thường bị gọi nhập ngũ ra trận với trang bị lỗi thời.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov nói với các quốc gia ủng hộ các nỗ lực quân sự của Ukraine vào tháng 1 rằng Nga mất “trung bình 400 binh sĩ để đổi lấy một km vuông đất” dọc theo tiền tuyến.

Thương vong đã tăng vọt kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công vào thị trấn Avdiivka của Donetsk, phía tây bắc thủ đô khu vực, Thành phố Donetsk, vào đầu tháng 10. Avdiivka được mệnh danh là “máy xay thịt”, nhãn hiệu ám chỉ những cuộc giao tranh gay gắt kéo dài với số thương vong nặng nề.

8. Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ cho rằng dự thảo luật bảo đảm viện trợ cho Ukraine 'sẽ chết khi đến nơi' nếu đến được với Hạ viện

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Mike Johnson, cho biết thỏa thuận được công bố gần đây về viện trợ cho Ukraine và an ninh biên giới là “tồi tệ hơn dự kiến” và rằng nó “sẽ chết ngay khi đến được” Hạ Viện Hoa Kỳ.

Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã công bố thông tin chi tiết về gói trị giá 118 tỷ đô la rất được mong đợi vào tối Chúa Nhật, kết hợp chính sách thực thi liên bang ở biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ với viện trợ thời chiến cho Ukraine, Israel và các quốc gia khác, khởi động một nỗ lực lâu dài nhằm đẩy dự luật vượt qua những hoài nghi tại Hạ viện.

Tuy nhiên, Ông Johnson nói “Tôi đã thấy đủ rồi. Dự luật này thậm chí còn tồi tệ hơn chúng tôi mong đợi và sẽ không tiến gần đến việc chấm dứt thảm họa biên giới mà tổng thống đã tạo ra.”

Như nhà đàm phán chính của Đảng Dân chủ đã tuyên bố: Theo luật này, “biên giới không bao giờ đóng cửa”. Nếu dự luật này đến Hạ Viện, nó sẽ chết khi đến nơi.

Với việc Quốc hội trì hoãn phê duyệt 60 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Ukraine, Mỹ đã tạm dừng các chuyến hàng đạn dược và hỏa tiễn tới Kyiv, khiến binh sĩ Ukraine bị thiệt hại nặng khi họ cố gắng vượt qua tình trạng bế tắc với quân đội Nga.

9. Zelenskiy yêu cầu quốc hội Ukraine gia hạn thiết quân luật và tổng động viên

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đệ trình lên quốc hội Ukraine đề xuất gia hạn thiết quân luật và tổng động viên thêm 90 ngày nữa.

Tờ Kyiv Independent đưa tin:

Tổng thống lần đầu tiên tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Biện pháp này đã được gia hạn nhiều lần kể từ đó.

Quốc hội Ukraine trước đó đã gia hạn thiết quân luật và huy động quân từ tháng 11 năm 2023 đến ngày 14 tháng 2 năm 2024.

Đề xuất của Zelenskiy sẽ gia hạn hai biện pháp này cho đến ngày 14 tháng 5.

Nghị sĩ Yaroslav Zhelezniak cho biết đây sẽ là cuộc bỏ phiếu thứ 10 của quốc hội về thiết quân luật kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Theo thiết quân luật, nam giới Ukraine từ 18 đến 60 tuổi, trừ một số trường hợp ngoại lệ, không được phép rời khỏi đất nước vì họ có thể bị gọi đi nghĩa vụ quân sự.

10. Thủ tướng Vương quốc Anh, Rishi Sunak, khẳng định Vương quốc Anh sẽ có thể tự bảo vệ mình một cách hợp lý nếu Nga có ý định tấn công.

Khi được hỏi liệu nước Anh có đủ khả năng trong một cuộc phỏng vấn với Piers Morgan Uncensored hay không, ông nói:

Có, và công việc đầu tiên của tôi là giữ an toàn cho mọi người. Thật không may, thế giới đang trở nên kém an toàn hơn và chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua tình hình ở Nga và Ukraine.

Thật ra, thật trùng hợp, tôi đã ở Ukraine vào cùng thời điểm chúng tôi đang cùng Mỹ tham gia vào các cuộc tấn công tự vệ chống lại nhóm Houthi và điều đó chứng tỏ thế giới chúng ta đang sống hỗn loạn ra sao.

Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng ta đã tăng cường đầu tư vào chi tiêu quốc phòng và đó là điều mà tôi ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho nó.

Sunak cho biết công việc của ông là “đầu tư đúng mức – là điều mà tôi đã làm. Tôi đã làm điều đó trước hết với tư cách là thủ tướng, nơi chúng tôi đã tăng nguồn tài trợ lớn nhất cho Bộ Quốc phòng kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.”

Thủ tướng Anh nói thêm:

Bây giờ điều đó được phân chia như thế nào giữa tất cả những thứ khác nhau mà các lực lượng vũ trang nghĩ rằng họ cần, cho dù đó là công nghệ mới, thiết bị, nhân sự, thì chức năng của họ là nhiều hơn và những gì họ nghĩ là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và làm những gì chúng ta cần làm.

Nhưng nhìn chung, tôi có nghĩ chúng ta được bảo vệ tốt, được đầu tư tốt không? Có. Chúng ta là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai ở NATO.

Bình luận của thủ tướng được đưa ra sau khi các nghị sĩ được thông báo rằng khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực của Vương quốc Anh sẽ bị ảnh hưởng bởi năng lực của lực lượng vũ trang, tình trạng thiếu kho dự trữ và khủng hoảng tuyển dụng.

11. Bộ trưởng Nội Vụ Ukraine cho biết: Cuộc tấn công của Nga vào Kherson làm thiệt mạng bốn người

Nga đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào thành phố Kherson ở phía nam, khiến ít nhất 4 người dân thiệt mạng và một người bị thương, Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko cho biết như trên hôm thứ Ba 6 Tháng Hai,.

Được biết, hỏa lực pháo binh đã tấn công Kherson vào khoảng giữa trưa.

Ông cho biết hai người đàn ông ở độ tuổi 45 và 50 đã thiệt mạng khi đang ngồi trong xe hơi.
 
Phi Châu tố thêm: Tuyên ngôn Fiducia làm mất uy tín THĐ GM. Fiducia và chính sách thực dân văn hóa
VietCatholic Media
05:49 07/02/2024


1. Ngoại trưởng Tòa Thánh: Hai quốc gia là giải pháp duy nhất cho Thánh địa

Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, tái khẳng định lập trường của Tòa Thánh, theo đó hai quốc gia cho hai dân tộc là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột vô tận tại Thánh địa, để người Israel và Palestine có thể sống trong hòa bình và an ninh.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher bày tỏ lập trường trên đây, hôm mùng 02 tháng Hai vừa qua, tại thành phố Marseille bên Pháp, trong một cuộc gặp gỡ đoàn lãnh sự, cùng với các đại diện các cộng đồng Đông phương và Giáo hội địa phương.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ canh giữ. Hiện diện trong dịp này cũng có Đức Hồng Y Jean-Marc Aveline, Tổng giám mục sở tại, cùng với các linh mục, phó tế và các vị trách nhiệm của các dịch vụ của tổng giáo phận địa phương.

Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng đã trình bày về tình hình ngoại giao Tòa Thánh trong bối cảnh hiện nay và trả lời các câu hỏi được nêu lên. Ngài cũng nhắc đến mối quan tâm nhiều lần được Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ về Trung Đông bị xâu xé vì những chia rẽ, những đau khổ của nhân dân Iraq và Syria, những người tị nạn tại Giordani va Liban; sự kéo dài cuộc xung đột từ hai năm nay của Nga tại Ukraine, với hàng trăm ngàn nạn nhân vô tội; những tương quan căng thẳng giữa Armeni và Azerbaijan ở vùng nam Caucase, với thảm trạng những người di tản từ Nagorno-Karabakh; những căng thẳng lớn tại Mỹ châu, đặc biệt giữa Venezuela và Guyana, tại Perù và Nicaragua, tuy rằng không có cuộc chiến công khai. Ngoài ra, có những hiện tượng cực đoan làm suy yếu các thể chế dân chủ, và tại Phi châu có nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo vì nạn khủng bố quốc tế, đặc biệt tại vùng Sahel, những vấn đề phức tạp về xã hội-chính trị, cũng như hậu quả tàn hại của cuộc thay đổi khí hậu, về những vụ đảo chánh của quân đội, một số kết quả bầu cử do tham nhũng, hăm dọa và bạo lực, với hậu quả là hiện tượng di cư.

Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng cũng nói đến ngành ngoại giao Tòa Thánh, duy trì quan hệ với 184 quốc gia, một trong những nước đầu tiên trong đó là nước Pháp hồi thế kỷ XIV. Ngài cũng liệt kê những thành tựu và diễn tiến trong các hoạt động ngoại giao Tòa Thánh, đặc biệt trong những tháng gần đây, trong đó có việc bổ nhiệm đại diện thường trú đầu tiên của Tòa Thánh tại Việt Nam, nhờ sự cộng tác của Giáo hội tại nước này, và sự phê chuẩn mới đây một hiệp định bổ túc giữa Tòa Thánh và Kazachstan, tạo điều kiện dễ dàng cho sự hiện diện của các nhân viên mục vụ của Giáo hội tại quốc gia Trung Á này.

2. Fiducia Supplicans và chính sách thực dân văn hóa

Anne Hendershott trên Catholic World Report, nhận định rằng: Nỗ lực áp đặt quan niệm của phương Tây về mối quan hệ đồng tính đã diễn ra được một thời gian và Vatican hiện là một phần của vấn đề.

Thực vậy, tuyên bố Fiducia Supplicans của Vatican “mâu thuẫn trực tiếp với đặc tính văn hóa của các cộng đồng Phi Châu”, các giám mục Phi Châu đã chính thức đưa ra một tuyên bố phản đối mạnh mẽ như thế vào ngày 11 tháng 1 với tựa đề “Không ban phúc lành cho các cặp đồng tính trong các Giáo hội Phi Châu”.

Được ký bởi Đức Hồng Y Congo Fridolin Ambongo Besungu, chủ tịch Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar (SECAM), tuyên bố thừa nhận “làn sóng chấn động” mà Fiducia Supplicans đã gây ra, đồng thời tuyên bố rằng “nó đã gieo rắc những quan niệm sai lầm và tình trạng bất ổn trong tâm trí của nhiều tín hữu giáo dân, những người thánh hiến và thậm chí cả các mục tử và đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ.”

Mặc dù tuyên bố của Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar minh nhiên phủ nhận việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô cố gắng áp đặt “bất cứ hình thức thuộc địa hóa văn hóa nào ở Phi Châu”, nhưng thật khó để ủng hộ một tuyên bố như vậy khi chính Fiducia Supplicans cũng có những dấu chỉ của một việc thuộc địa hóa văn hóa—một nỗ lực nhằm áp đặt quyền lực nhà nước thuộc địa của Vatican thông qua sự phụ thuộc văn hóa của một khuôn khổ khái niệm hoặc một bản sắc văn hóa này lên một khuôn khổ khái niệm hoặc bản sắc văn hóa khác ở Phi Châu.

Và dù Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar thừa nhận rằng tuyên bố của Vatican về các phước lành đồng tính “không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về tình dục và hôn nhân của con người”, tuyên bố của các giám mục Phi Châu vẫn đã phàn nàn rằng “ngôn ngữ mà nó sử dụng vẫn quá tinh tế để những người bình thường có thể hiểu được”.

Có thể lập luận rằng sự mơ hồ phức tạp của Fiducia Supplicans tự nó là một dấu ấn của chủ nghĩa thực dân văn hóa bởi vì tuyên bố này có thể được định nghĩa khác nhau bởi những người có quyền áp đặt cách giải thích của riêng họ về giá trị của các mối quan hệ đồng tính lên người khác bằng những cách giải thích rất khác nhau. Đó chính là ý nghĩa của chủ nghĩa thực dân văn hóa. Khái niệm chủ nghĩa thực dân văn hóa thừa nhận tầm quan trọng của văn hóa như một phương tiện để thực hiện quyền lực chính trị và kinh tế. Ở đây, chúng ta đã thấy ở đất nước của chúng ta rằng không cần thiết phải có các hành động quân sự để thay đổi đáng kể luật pháp về các vấn đề như quyền sinh sản—bao gồm cả phá thai—và chuyển đổi giới tính. Thay đổi văn hóa có thể có tác động mạnh mẽ như chiến tranh về hậu quả của nó.

Giáo hội từ lâu đã cảnh cáo về hậu quả của việc áp đặt những thay đổi văn hóa mạnh mẽ lên nhiều tập tục, bao gồm cả đạo đức tình dục và các vấn đề cuộc sống. Giáo Hội luôn khuyên người Công Giáo nên “phản văn hóa” trong các vấn đề sự sống và hôn nhân bằng cách bác bỏ việc chấp nhận quyền sinh sản của văn hóa phương Tây bằng cách tôn trọng mọi sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, và bảo vệ hôn nhân như sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Nhưng bây giờ, theo một cách nào đó, Vatican rõ ràng đang cố gắng yêu cầu tất cả chúng ta xác nhận một số giá trị văn hóa suy đồi nhất của nền văn hóa chính thống.

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, khi giải thích việc Phi Châu từ chối việc chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái, đã lưu ý rằng phương Tây đã đánh mất ý nghĩa của hôn nhân và văn hóa như thế nào, điều mà ngài nói “là trong suy giảm…” “Từng chút một chúng sẽ biến mất. Chúng sẽ biến mất. Chúng tôi cầu chúc cho chúng một cái chết tốt đẹp…” Về bản chất, đây là một lời khiển trách rõ ràng đối với chủ nghĩa thực dân văn hóa.

Không chỉ các giám mục Phi Châu mới bác bỏ Fiducia Supplicans và việc nó khuyến khích việc ban phúc lành cho các cặp đồng tính. Hội đồng Giám mục Công Giáo Hung Gia Lợi đã cùng với các giám mục ở một số quốc gia Đông và Trung Âu khác bác bỏ việc áp đặt chủ nghĩa thực dân văn hóa phương Tây trong những phúc lành này. Trong tuyên bố của mình, các giám mục Hung Gia Lợi đã viết: “Chúng ta có thể ban phép lành cho tất cả các cá nhân bất kể bản dạng giới tính hay khuynh hướng tình dục của họ, nhưng chúng ta phải luôn tránh ban phép lành chung cho các cặp vợ chồng chỉ sống với nhau trong mối quan hệ đơn thuần hoặc những người không có hôn nhân hợp pháp, hoặc mối quan hệ đồng tính.”

Ở một khía cạnh nào đó, các giám mục Hung Gia Lợi – những người không phụ thuộc về kinh tế vào sự rộng lượng của Vatican – thậm chí còn mạnh mẽ hơn các giám mục Phi Châu trong việc bác bỏ chủ nghĩa thực dân văn hóa mà Vatican đang cố gắng áp đặt. Trong khi các giám mục Phi Châu ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tập trung chủ yếu vào “đặc tính văn hóa của các cộng đồng Phi Châu” khi bác bỏ Fiducia Supplicans, thì các giám mục Hung Gia Lợi và Đông Âu đã nói rõ rằng ý tưởng về phước lành đồng tính là mâu thuẫn trực tiếp với Lời Chúa Kitô.

Giám mục người Hung Gia Lợi Janos Szekely của Giáo phận Szombathely tuyên bố rằng lý do họ không bao giờ có thể thực hiện Fiducia Supplicans là vì “nếu chúng tôi phải ban phép lành cho hai người trong trường hợp như vậy, là chúng tôi làm sai lệch Tin Mừng của Chúa Kitô và không làm điều chúng tôi nên làm trong tư cách mục tử đối với một cặp như vậy.”

Có những điểm tương đồng giữa chủ nghĩa thực dân văn hóa do Vatican áp đặt thông qua Fiducia Supplicans với chủ nghĩa thực dân văn hóa đang tiếp diễn mà Liên minh Âu Châu và Liên Hiệp Quốc đã cố gắng áp đặt lên Phi Châu, Hung Gia Lợi và các nước Đông và Trung Âu khác trong nhiều năm. Gần đây nhất, vấn đề đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2019, các cuộc đàm phán giữa Liên minh Âu Châu và cộng đồng Phi Châu, Caribe và Thái Bình Dương (ACP) trong nỗ lực tìm kiếm người kế thừa cho một hiệp ước được gọi là Thỏa thuận Cotonou năm 2000. Hiệp ước Phi Châu, Caribe và Thái Bình Dương - Liên minh Âu Châu được đề xuất, được thiết kế để định hướng mối quan hệ giữa 27 quốc gia của Liên minh Âu Châu và 79 quốc gia Phi Châu, Caribe và Thái Bình Dương trong hai thập niên tới, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ vì nhiều lý do tương tự như những lý do phản đối Fiducia Supplicans.

35 quốc gia Phi Châu, Caribe và Thái Bình Dương, cùng với Hung Gia Lợi và Ba Lan, đã từ chối ký thỏa thuận. Mô tả chúng là những “bác bỏ” (holdouts), báo cáo của phương tiện truyền thông đã kết luận rằng ngôn ngữ của hiệp ước cổ vũ quyền sinh sản—bao gồm cả phá thai—cũng như quyền của người LGBT và giáo dục giới tính toàn diện cho trẻ em: “Một số quốc gia Phi Châu trước đây đã bày tỏ sự miễn cưỡng của họ trong việc phê chuẩn hiệp ước về các dự khoản của nó về việc không phân biệt đối xử mà họ cho là khuyến khích đồng tính luyến ái.”

Những nước từ chối ký thỏa thuận mới của Liên minh Âu Châu – bao gồm Nigeria, Rwanda và Senegal – sẽ mất khả năng tiếp cận các khoản vay từ Ngân hàng Đầu tư Âu Châu, vốn dựa vào thỏa thuận này để có thể hoạt động hợp pháp bên ngoài Liên minh Âu Châu. Đây là một hình thức trắng trợn của chủ nghĩa thực dân văn hóa vì nó dùng sức mạnh kinh tế để thay đổi văn hóa. Tổng thống Obama đã cố gắng thực hiện một kiểu chủ nghĩa thực dân văn hóa tương tự ở Phi Châu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông khi viện trợ bắt đầu gắn liền với việc chấp nhận các mối quan hệ đồng tính và phá thai. Nhiệm kỳ tổng thống của Obama là đỉnh cao của chủ nghĩa thực dân văn hóa của Mỹ ở Phi Châu, nhưng dường như nó đã được hồi sinh dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Politico đưa tin Tổng thống Biden không chỉ lên án luật chống kê gian của Uganda vào tháng 5 năm ngoái, ông còn đề xuất khả năng thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Người ta không thể bỏ lỡ sự tương đồng giữa áp lực được nhận thấy từ Vatican về việc ban phước cho các cặp đồng tính và áp lực tài chính rất thực tế từ Liên minh Âu Châu đối với những quốc gia từ chối thay đổi văn hóa của họ về các vấn đề cuộc sống và hôn nhân để phù hợp với các giá trị tiến bộ phương Tây của Liên minh Âu Châu. Tuy nhiên, rất khó để dự đoán các chính phủ Phi Châu, Caribe và Thái Bình Dương và những “người phản đối” khác sẽ ứng phó như thế nào trước áp lực kinh tế nhằm tuân thủ các yêu cầu của Liên minh Âu Châu và Liên hiệp quốc về sức khỏe sinh sản bao gồm phá thai, quan hệ đồng tính và giáo dục giới tính toàn diện cho trẻ em. Nhưng cho dù đó là một số ít các quan chức tiến bộ nhưng đầy quyền lực tại Vatican hay giới tinh hoa ở Liên minh Âu Châu hay Liên hiệp quốc đang cố gắng áp đặt một ý thức hệ văn hóa mới, thì điều quan trọng là cuộc tấn công vào chủ quyền văn hóa và quốc gia của tất cả các tiểu bang và quốc gia phải được bác bỏ mạnh mẽ.

3. Phi Châu tố thêm: ‘Fiducia’ đã làm mất uy tín của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị

Ngala Killian Chimtom, ký giả của Crux tại Phi Châu, ngày 30 tháng 1 năm 2024, tường trình rằng vị Hồng Y người Phi Châu gần đây đã lãnh đạo các giám mục của lục địa này trong việc từ chối ban phước lành cho các cặp đồng tính, giờ đây đã chỉ trích thời điểm đưa ra văn kiện của Vatican mở cửa cho một động thái “gây tổn hại” cho tiến trình đồng nghị do Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập.

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo của Kinshasa ở Cộng hòa Dân chủ Congo nói rằng vì việc công bố Fiducia Supplicans vào ngày 18 tháng 12, cho phép ban phép lành phi phụng vụ cho những người liên quan đến các mối quan hệ đồng tính, nằm giữa hai Thượng Hội đồng Giám mục về tính đồng nghị, nên nó đã tạo ra quan niệm sai lầm rằng tài liệu này là kết quả của các cuộc thảo luận tại thượng hội đồng.

“Thời điểm, lúc tài liệu này được công bố, đã gây tổn hại cho tiến trình đồng nghị,” Đức Hồng Y Ambongo nói vào ngày 25 tháng 1.

Đức Hồng Y Ambongo, 64 tuổi, người cũng là chủ tịch của Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar (SECAM), cho biết thời điểm phát hành tài liệu “đã làm mất uy tín của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị”.

Đức Hồng Y Ambongo nói: “Trong phiên họp đầu tiên, thượng hội đồng đã bàn đến tất cả những vấn đề này, nhưng đã không quyết định. Vì vậy, việc công bố tài liệu này, giữa hai phiên họp của Thượng Hội đồng, được hầu hết mọi người coi như thể đó là thành quả của Thượng hội đồng, trong khi nó không liên quan gì đến Thượng hội đồng cả”.

Bình luận của Đức Hồng Y Ambongo được đưa ra trong một cuộc họp báo trong cuộc họp chung từ ngày 24 đến 26 tháng 1 giữa đại diện của SECAM và Hội đồng Giám mục Âu Châu (CCEE) được tổ chức tại Nairobi, Kenya.

Đức Hồng Y Ambongo nói rằng nhiều người đã coi phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng ít nhất là gián tiếp biểu thị “việc chấp nhận các cặp đồng tính và đồng tính luyến ái”, theo ngài, điều này đi ngược lại cả văn hóa Phi Châu và những giáo lý cơ bản của đức tin Công Giáo.

Kể từ khi xuất hiện, Fiducia Supplicans đã tạo ra những phản ứng trái ngược nhau. Chẳng hạn, các giám mục Công Giáo ở các vùng Tây Âu đã hoan nghênh quyết định này, mô tả đây là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực đưa các tín hữu LGBTQ+ vào đời sống của Giáo hội.

Đức Giám Mục Peter Kohlgraf của Mainz cho biết: “Tôi rất vui mừng vì bản văn này sẽ chấm dứt một số vụ từ chối mạnh mẽ và sẽ trở nên rõ ràng rằng việc ban phúc lành có tính Công Giáo thực sự”.

Tuy nhiên, ở Phi Châu, việc phản bác chống lại việc chúc phúc cho các cặp đồng tính là rất cô đọng và áp đảo. Trong một tuyên bố tập thể ban hành ngày 11 tháng 1, các thành viên của SCAM, do Đức Hồng Y Ambongo đứng đầu, đã bác bỏ ngay ý tưởng này.

Họ nói: “Chúng tôi, các giám mục Phi Châu, không coi việc Phi Châu ban phước cho các cuộc kết hợp đồng tính hoặc các cặp đồng tính là phù hợp, bởi vì điều này sẽ gây ra sự nhầm lẫn”.

Điểm mấu chốt, theo tuyên bố, là “sẽ không có phước lành nào cho các cặp đồng tính trong các nhà thờ ở Phi Châu”.

Vào thời điểm đó, Đức Hồng Y Ambongo lập luận rằng các mối quan hệ đồng tính là trái với cả quy luật tự nhiên lẫn văn hóa và truyền thống Phi Châu, ngay cả khi ngài nhấn mạnh sự cần thiết của việc không phân biệt đối xử với mọi người dựa trên giới tính của họ.

“Các Hội đồng Giám mục Phi Châu nhấn mạnh rằng những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái phải được đối xử tôn trọng và có phẩm giá, đồng thời nhắc nhở họ rằng sự kết hợp của những người đồng tính là trái với ý muốn của Thiên Chúa và do đó không thể nhận được sự chúc lành của Giáo hội,” tuyên bố cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ báo La Stampa của Ý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng nhìn chung sự phản đối Fiducia Supplicans phát xuất từ “các nhóm ý thức hệ nhỏ”, đồng thời cho phép Phi Châu là một “trường hợp đặc biệt”.

Đức Giáo Hoàng nói: “Đối với họ, đồng tính luyến ái là một điều gì đó ‘xấu’ từ quan điểm văn hóa, họ không chấp nhận điều đó”.

“Nhưng nói chung, tôi tin tưởng rằng dần dần mọi người sẽ được trấn an bởi tinh thần của tuyên bố Fiducia Supplicans của Bộ Giáo lý Đức tin: nó nhằm mục đích bao gồm chứ không phải chia rẽ. Nó mời gọi chúng ta chào đón mọi người và phó thác họ, như chúng ta phó thác chính mình cho Thiên Chúa,” ngài nói.

Đức Hồng Y Ambongo cho biết trong cuộc họp báo ngày 25 tháng 1 tại Nairobi rằng tuyên bố ngày 11 tháng 1 của SECAM bác bỏ chỉ thị của Vatican đã làm dịu đi những lo lắng của các Kitô hữu ở Phi Châu.

Ngài nói: “Tôi vui mừng nhận thấy rằng kể từ khi thông điệp của tôi được công bố vào ngày 11 tháng 1, sự bình yên đã trở lại với Phi Châu và sự hiệp thông đã trở lại với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Trong cuộc họp chung với các đối tác Âu Châu, một số giám mục từ Phi Châu đã nói rõ rằng, theo quan điểm của họ, tiến trình đồng nghị không nên cho phép Giáo hội hoàn vũ sửa đổi giáo lý nhằm “dành chỗ cho tất cả mọi người”, theo điều mà hầu hết các nhà quan sát coi là có ý nhắc đến cuộc tranh cãi về mối quan hệ đồng tính.

Cha Rafael Simbine, Tổng thư ký SECAM, cho biết: “Chúa Giêsu Kitô của chúng ta gửi lời mời làm môn đệ đến tất cả mọi người. Tuy nhiên, tất cả những ai muốn trở thành môn đồ của Người đều phải theo Người không phải theo điều kiện riêng của họ mà theo điều kiện và tiêu chuẩn của Chúa. Lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu liên quan đến thách đố liên tục hoán cải để từ bỏ cuộc sống tội lỗi để ôm lấy một cuộc sống thánh thiện.”

Các vị giáo phẩm Phi Châu cũng nhấn mạnh rằng tiến trình đồng nghị cần chứng kiến sự bao gồm phụ nữ và giới trẻ vào hành trình đức tin.

Các thành viên SECAM cho biết: “Tương lai của Giáo hội nằm trong tay giới trẻ và để giới trẻ tham gia hữu hiệu vào Giáo hội, các chương trình và hoạt động của họ phải được ưu tiên”.

“Phụ nữ cùng nhau gắn kết Giáo hội; họ là đa số. Họ là xương sống của Giáo Hội. Phụ nữ là một món quà cho Giáo hội”, các giám mục nói thêm.
 
Kyiv phá hủy mạng lưới gián điệp FSB. Nga pháo kích tàn bạo vào Ukraine, NATO tung máy bay ứng chiến
VietCatholic Media
15:06 07/02/2024


1. Ukraine phá hủy được một mạng lưới gián điệp Nga hoạt động trong các bộ cao nhất của chính phủ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Dismantles Russian Spy Network Inside Top Ministries”, nghĩa là “Ukraine phá hủy mạng lưới gián điệp Nga trong các bộ cao nhất của chính phủ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết họ đã triệt phá một mạng lưới tình báo Nga đang hoạt động ở một số khu vực của Ukraine.

Phát ngôn nhân của SBU, Artem Dekhtiarenko, cho biết mạng lưới gián điệp đang làm việc cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, bao gồm các quan chức cũ và hiện tại của cơ quan an ninh Ukraine, SBU cho biết như trên hôm thứ Ba.

“Cơ quan An ninh đã vô hiệu hóa một mạng lưới gián điệp quân sự mạnh mẽ của FSB hoạt động ở Ukraine”, cơ quan này cho biết. “Kết quả của một chiến dịch đặc biệt gồm nhiều giai đoạn, 5 thành viên của nhóm gián điệp NGa đã bị giam giữ ở các khu vực khác nhau.”

Hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda đưa tin mạng lưới này hoạt động ở các khu vực Odesa, Zaporizhzhia và Donetsk của Ukraine.

SBU cho biết: “Bọn tội phạm đang tiến hành trinh sát tại các địa điểm tập trung nhiều nhân viên và thiết bị Ukraine ở khu vực tiền tuyến”.

Mạng lưới này được giao nhiệm vụ chuyển cho FSB các thông tin tình báo liên quan đến quân đội Ukraine và thông tin về “các cơ sở năng lượng quan trọng chiến lược” ở Ukraine, SBU cho biết.

Cơ quan an ninh cho biết thông tin về vị trí các căn cứ quân sự của Ukraine đã được thu thập ngay cả trước khi Nga xâm chiếm toàn diện đất nước này vào ngày 24/2/2022. Sau đó, mạng lưới này đã thu thập thông tin tình báo về “các kênh vận chuyển vũ khí nước ngoài đến Ukraine”.

Một trong những điệp viên “đã truyền thông tin đặc biệt nhạy cảm trên ổ đĩa flash thông qua những kẻ buôn lậu từ khu vực biên giới Ukraine”.

Diễn biến này xảy ra vài tháng sau một hoạt động khác của SBU “vô hiệu hóa” mạng lưới gián điệp của Nga ở thành phố Mykolayiv phía nam Ukraine sau một hoạt động đặc biệt “quy mô lớn”.

Mạng lưới này được cho là bao gồm 13 cư dân địa phương làm việc cho FSB và thu thập thông tin tình báo về vị trí của các căn cứ quân sự, cũng như các hoạt động di chuyển của lực lượng quân đội Kyiv ở Mykolayiv.

Các thành viên của mạng lưới gián điệp cũng cung cấp thông tin hỗ trợ các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào dân thường và cơ sở hạ tầng ở Mykolayiv, SBU cho biết vào tháng 10 năm ngoái.

“Dưới sự hướng dẫn của họ, quân xâm lược Nga đã tấn công một tòa nhà cao tầng ở Mykolaiv bằng hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 vào mùa thu năm 2022. Vào thời điểm đó, 7 thường dân, trong đó có một trẻ vị thành niên, đã thiệt mạng vì cuộc pháo kích của đối phương”, cơ quan an ninh cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng những người cung cấp thông tin Nga đã chuyển tọa độ của các mục tiêu Ukraine cho FSB thông qua một “đầu mối liên lạc”.

2. Cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Tư 7 Tháng Hai, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine vào sáng thứ Tư, khiến một người thiệt mạng ở miền nam và kích hoạt hệ thống phòng không ở thủ đô, nơi người ta có thể nghe thấy một số vụ nổ.

Tờ Kyiv Post đưa tin, hai tiếng nổ lớn đã được nghe thấy ở trung tâm thành phố vào khoảng 7h sáng và ít nhất hai tiếng nổ nữa xảy ra sau đó 45 phút. Một trong những phóng viên của họ đã nghe thấy lực lượng phòng không đang tấn công nhiều hỏa tiễn và máy bay không người lái và nhìn thấy một vụ nổ trên không.

Tư lệnh quân đội Ukraine cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 29 hỏa tiễn và 15 máy bay không người lái do Nga phóng trong cuộc tấn công quy mô lớn hôm thứ Tư.

Tổng Tư Lệnh Valeriy Zaluzhnyi cho biết lực lượng Nga đã phóng 64 hỏa tiễn và máy bay không người lái trong nhiều đợt tấn công.

Ông cho biết thêm tổng cộng có 44 hỏa tiễn và máy bay không người lái đã bị bắn hạ.

Zelenskiy nói hai người thiệt mạng ở Kyiv trong vụ tấn công hỏa tiễn của Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hai người đã thiệt mạng ở thủ đô Kyiv hôm thứ Tư trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga.

“Ở Kyiv, hơn 10 người bị thương. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi biết có khoảng hai người chết. Có thể còn nhiều người hơn dưới đống đổ nát”, Tổng thống Zelenskiy nói trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối thứ Tư 7 tháng 2.

Thị trưởng Kyiv cho biết mất điện ở nhiều nơi

Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết nhiều khu vực của thủ đô Kyiv đã không có điện hôm thứ Tư sau khi một hỏa tiễn Nga bị bắn hạ làm hư hỏng đường dây điện.

Kyiv và phần còn lại của đất nước đang hứng chịu một cuộc tấn công lớn của Nga, với cảnh báo trên không kéo dài hơn hai giờ.

3. Đồng minh NATO của Ukraine điều chiến đấu cơ sau cảnh báo hỏa tiễn của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's NATO Ally Scrambles Fighter Jets after Russian Missile Warning”, nghĩa là “Đồng minh NATO của Ukraine điều chiến đấu cơ sau cảnh báo hỏa tiễn của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Các quan chức cho biết, đồng minh NATO của Ukraine, là Ba Lan, đã triển khai chiến đấu cơ sau khi một hỏa tiễn mà Nga phóng nhằm vào Ukraine vào sáng thứ Tư hướng tới biên giới Ba Lan trước khi đổi hướng.

Bộ Tư Lệnh Lực lượng vũ trang Ba Lan cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền đang quan sát “hoạt động hàng không tầm xa chuyên sâu… của Nga liên quan đến các cuộc tấn công hỏa tiễn vào lãnh thổ Ukraine”.

“Tất cả các thủ tục cần thiết để bảo đảm an toàn cho không phận Ba Lan đã được triển khai”, thông báo cho biết. “Chúng tôi cảnh báo rằng máy bay của Ba Lan và đồng minh đã được kích hoạt, điều này có thể dẫn đến mức độ tiếng ồn tăng lên, đặc biệt là ở khu vực đông nam đất nước.”

Maksim Kozicki, thống đốc vùng Lviv của Ukraine, cho biết trên kênh Telegram của mình rằng một hỏa tiễn Nga bay về phía biên giới với Ba Lan đã đổi hướng và “đâm thẳng vào trung tâm khu vực”.

Chính quyền Ukraine báo cáo các vụ nổ ở thủ đô Kyiv, khu vực Kharkiv, thành phố Drohobych ở Lviv và ở thành phố phía nam Mykolaiv.

Theo Thượng Tướng Serhiy Popko, Thống Đốc Biệt khu Thủ đô Kyiv, khoảng 20 hỏa tiễn của Nga đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ gần Kyiv.

Lần gần đây nhất Ba Lan điều động chiến đấu cơ của mình là vào ngày 2 Tháng Giêng “để bảo đảm an toàn cho không phận Ba Lan” trước hỏa tiễn của Nga nhắm vào Ukraine trong một cuộc tấn công quy mô lớn khác.

“Chúng tôi muốn thông báo cho các bạn rằng hoạt động hàng không tầm xa chuyên sâu của Liên bang Nga đang được quan sát, có liên quan đến việc thực hiện các cuộc tấn công trên lãnh thổ Ukraine”, Bộ Tư lệnh Tác chiến Ba Lan cho biết vào tháng trước sau khi Nga tiến hành các cuộc tấn công vào Kyiv và Kharkiv.

Vài ngày trước vụ việc đó, vào ngày 29 tháng 12, nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang Ba Lan, Tướng Wiesław Kukuła cho biết “mọi thứ đều chỉ ra” rằng một hỏa tiễn của Nga đã “xâm nhập không phận Ba Lan”.

“Nó đã được chúng tôi theo dõi trên radar và rời khỏi không phận. Chúng tôi đã xác nhận điều này trên radar và từ các đồng minh trong NATO”, ông nói.

4. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đề cập đến mối đe dọa từ Nga: 'Phải sẵn sàng cho mọi thứ'

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz nói rằng Ba Lan sẵn sàng tự vệ trước sự xâm lược của quân đội Nga trong “mọi tình huống”.

Kosiniak-Kamysz, người cũng giữ chức phó thủ tướng Ba Lan, đã thừa nhận trong cuộc phỏng vấn được tờ Super Express của Ba Lan đăng hôm thứ Ba rằng Mạc Tư Khoa có thể tấn công Ba Lan, khi sự thù địch của Nga với nước này và các quốc gia thành viên NATO khác dọc biên giới phía đông của Nga leo thang trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra. chiến tranh ở Ukraine.

“Tôi nghĩ tất cả các kịch bản đều có thể xảy ra và tôi rất coi trọng những kịch bản tồi tệ nhất,” Kosiniak-Kamysz nói, theo bản dịch từ Ukrainska Pravda. “Đó chính là vai trò của một bộ trưởng quốc phòng trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta.... Chúng ta phải chuẩn bị cho mọi thứ.”

Ông nói thêm: “Vì vậy, chúng tôi đang xem xét tình hình, đưa ra kết luận và lấp đầy những khoảng trống, bao gồm cả vấn đề vũ khí và đạn dược”. “Những nỗ lực mua sắm [vũ khí] lớn là quan trọng, nhưng trang bị cá nhân của binh lính cũng rất quan trọng.”

Kosiniak-Kamysz không phải là quan chức quốc phòng hàng đầu duy nhất của một quốc gia NATO gần đây bày tỏ lo ngại về cuộc chiến của Nga với Ukraine mở rộng ra ngoài biên giới của liên minh chiến lược.

Tướng Gheorghiță Vlad, Bộ trưởng Quốc phòng Rumani, tuần trước cảnh báo rằng “chính sách” chiến tranh của Putin sẽ “leo thang trong tương lai gần”. Ông cho rằng thành công trong cuộc chiến tranh Ukraine sẽ dẫn đến việc Putin nhanh chóng chuyển hướng sang Moldova trước khi có thể nhắm vào các nước NATO.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng một cuộc tấn công của Nga vào NATO có thể xảy ra trong vòng “5 đến 8 năm tới”, trong khi Đô đốc Hà Lan Rob Bauer nói rằng NATO đang “chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Nga” và cần phải “mong đợi những điều bất ngờ”.

Nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, một đồng minh thân cận của Putin, người dẫn chương trình nổi tiếng trên truyền hình nhà nước Nga, đã đề xuất trong một chương trình phát sóng gần đây rằng Mạc Tư Khoa nên tấn công NATO bằng cách tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào Berlin từ vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga.

Một đồng minh khác của Putin, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm thứ Sáu rằng “tất cả những người có lý trí ở phương Tây đều hiểu Nga sẽ không tiến hành cuộc tấn công đầu tiên vào một quốc gia NATO”.

Tuy nhiên, ông Medvedev cảnh báo rằng “một cuộc chiến tranh lớn mà NATO sẽ không còn quay lưng” sẽ bắt đầu nếu các thành viên liên minh “chơi quá mạnh và xâm phạm sự toàn vẹn của đất nước chúng ta”, đề cập đến các cuộc tập trận gần đây của NATO dọc biên giới với Nga..

Putin khẳng định ông “quan tâm đến việc phát triển quan hệ” với các thành viên NATO và “không có lý do” cũng như “không có lợi ích địa chính trị” để “chiến đấu với” các quốc gia thành viên.

Tổng thống Nga viện dẫn những lo ngại về việc NATO mở rộng là lý do chính khiến Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Dù vậy, liên minh này vẫn tiếp tục phát triển trong suốt cuộc chiến, với việc Phần Lan gia nhập vào năm ngoái và nước láng giềng Thụy Điển được thành lập. dọc theo cùng một con đường.

Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ hoàn tất quá trình biến Biển Baltic thành nơi mà một số người gọi là “hồ NATO”, với gần như tất cả các quốc gia khác trên bờ biển Baltic – Phần Lan, Latvia, Lithuania, Estonia và Ba Lan – đều là thành viên của liên minh. Kaliningrad, giữa Lithuania và Ba Lan, là ngoại lệ duy nhất

5. Các quân nhân Nga đau yếu bị sĩ quan sử dụng như 'bia đỡ đạn'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldier Describes Commanders Using Sick Troops as 'Cannon Fodder'“, nghĩa là “Lính Nga mô tả các chỉ huy sử dụng các quân nhân đau yếu như 'bia đỡ đạn'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tình báo quân đội Ukraine gần đây đã công bố đoạn ghi âm về những gì họ nói là một cuộc điện thoại bị chặn, trong đó một người lính Nga cáo buộc chỉ huy của anh ta đã đưa những đội quân ốm yếu từ đơn vị của anh ta đến tiền tuyến của Ukraine để làm “bia đỡ đạn”.

Đoạn ghi âm được ban giám đốc tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, đăng trên kênh Telegram vào ngày 30 Tháng Giêng, và Kyiv Post đã dịch cuộc trò chuyện cho một bài báo hôm thứ Ba.

GUR thường xuyên đăng tải đoạn ghi âm về những gì họ cho là các thông tin liên lạc bị chặn liên quan đến quân đội Nga. Các cuộc gọi này thường là ví dụ về tinh thần xuống thấp của lực lượng của Putin ở Ukraine. Vào tháng 12, GUR đã chia sẻ một đoạn clip như vậy về hai người lính Nga bày tỏ sự thất vọng về cuộc chiến bằng cách nói về việc lãnh đạo một cuộc binh biến chống lại Điện Cẩm Linh.

Trong phần mô tả của bài đăng GUR về đoạn clip gần đây, cơ quan tình báo xác định người lính đang phát biểu là thành viên của Lữ đoàn súng trường cơ giới hóa riêng biệt số 5 của Nga.

Theo bản dịch của Kyiv Post, người quân nhân này cho biết những người lính trong đơn vị của anh ta đang mắc các bệnh như bệnh lao và HIV được lệnh chiến đấu trước những người đàn ông khỏe mạnh hơn.

Nói chuyện với một người khác không xác định danh tính, người lính nói rằng các chỉ huy “tung cả một đại đội vào tuyến đầu một cách ngu ngốc như thịt, làm bia đỡ đạn”.

Người nói chuyện cũng cho biết ông bị nhiễm HIV, đồng thời cho biết nhiều quân nhân được kêu gọi chiến đấu từ Quân khu phía Nam của Nga ở Rostov-on-Don đang bị bệnh nặng.

Ông nói với Kyiv Post: “Đơn vị chúng tôi có 16 người bị viêm gan, nghi mắc bệnh lao, bệnh phổi, khối u ở đầu, và HIV.”

Sau đó, người lính cho biết sự thay đổi nhiệt độ khiến hệ thống miễn dịch của anh ta “đi lạc hướng” vì virus.

Anh cho biết thêm những người lính đã chiến đấu ở tiền tuyến và sống sót sau đó sẽ được đưa vào lực lượng dự bị mà không nhận được hỗ trợ tài chính.

“Hai ngày sau, một anh chàng ngẫu nhiên nào đó đến, tôi chưa từng gặp anh ta trước đây. Anh ta nói: 'Các bạn, nếu bây giờ các bạn viết báo cáo rằng các bạn không có lời phàn nàn nào đối với lãnh đạo cao nhất của tiểu đoàn mới này, thì các bạn sẽ về nhà ngay bây giờ. Nhưng hãy nhớ rằng, các bạn sẽ không thấy mức lương trong Tháng Giêng đâu'“, anh ta nói.

“Bất kể tôi đã viết báo cáo nói tốt cho lãnh đạo đến mức nào. Họ đã hét vào mặt tôi ở làng Novotroitske của Ukraine rằng tôi sẽ bị phạt và sẽ bị ném trở lại phía trước.”

6. Ngoại trưởng Thụy Sĩ hy vọng Trung Quốc giúp đàm phán hòa bình ở Ukraine

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis hôm thứ Tư cho biết ông hy vọng Trung Quốc sẽ “giúp một tay” cho chúng tôi trong các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine, sau khi Thụy Sĩ vào tháng trước đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine.

Khi được hỏi tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh về việc liệu Trung Quốc có đáp lại lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh hay không, Cassis nói:

Đây là một hội nghị cao cấp, chúng ta không thể mong đợi câu trả lời ngay lập tức.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nếu không có sự tham gia của Nga thì sẽ không thể có hòa bình.

Reuters đưa tin Cassis đã ở Trung Quốc từ thứ Ba đến thứ Tư để tham dự vòng thứ ba của Đối thoại chiến lược giữa các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc-Thụy Sĩ.

7. Tuyên bố của công tố viên dẫn đầu cuộc điều tra của Thụy Điển

Văn phòng của công tố viên dẫn đầu cuộc điều tra của Thụy Điển hôm thứ Ba cho biết cuộc điều tra của Thụy Điển về vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream ở Biển Baltic vào năm 2022 đã kết thúc, và công tố viên có kế hoạch công bố quyết định trong tuần này về việc có nên hủy vụ án, buộc tội hay yêu cầu bắt giữ ai đó hay không.

Vẫn còn tranh cãi ai là người thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 và Nord Stream 2 ở Biển Baltic giữa Nga và Đức.

Nhiều chính phủ Âu Châu đã nghi ngờ Nga, trong khi Vladimir Putin lại đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh. Ukraine đã kịch liệt phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với các cuộc tấn công.

8. Zelenskiy ký sắc lệnh thành lập Lực lượng các Hệ thống Không người lái

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine đã ký sắc lệnh khởi xướng thành lập một nhánh lực lượng riêng biệt – Lực lượng các Hệ thống Không người lái.

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối thứ Ba 6 tháng Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói như sau:

“Thưa đồng bào Ukraine, tôi chúc các bạn sức khỏe!

Tôi đã tổ chức một cuộc họp về các hoạt động quốc tế của nước ta vào tháng 2 – cả tháng đã được lên kế hoạch rất chi tiết, về cơ bản là hàng ngày. Sẽ có nhiều cuộc đàm phán, hội họp và thỏa thuận mới dành cho Ukraine nhằm tăng cường sức mạnh cho các chiến binh của chúng ta.

Hôm nay, tôi cũng triệu tập một cuộc họp về các thỏa thuận cam kết an ninh mới cho Ukraine – hiện tại chúng tôi đang làm việc với một số quốc gia. Những thỏa thuận này có khả năng khá tham vọng và có nội dung thực chất. Và tôi biết ơn các đội ngoại giao có liên quan. Trong những tháng tới, chúng ta cần thể hiện kết quả trong việc xây dựng cấu trúc các thỏa thuận an ninh sẽ truyền tải những tín hiệu tích cực cần thiết cho cả năm – những tín hiệu hỗ trợ hiệu quả cho Ukraine, hỗ trợ lâu dài. Tín hiệu cho thấy các đối tác của chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào khả năng tự vệ của Ukraine trước sự xâm lược của Nga. Thế giới chỉ sẵn sàng giúp đỡ những người có sức mạnh rõ ràng.

Hôm nay tôi đã có một số cuộc họp quốc tế. Lần đầu tiên là với Bồ Đào Nha. Bộ trưởng Ngoại giao và Giáo dục Bồ Đào Nha thăm Ukraine. Tôi đã gặp họ để bày tỏ lòng biết ơn về mức độ hợp tác đạt được giữa hai nước chúng ta, vì sự tin tưởng của họ đối với Ukraine và người dân chúng ta. Một trong những vấn đề được thảo luận là sự tham gia của Bồ Đào Nha vào quá trình phục hồi của Ukraine. Đặc biệt, trong việc tái thiết các cơ sở giáo dục ở vùng Zhytomyr. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng những dự án tái thiết như vậy sẽ được triển khai sớm nhất có thể.

Cuộc họp thứ hai hôm nay là với Giám đốc IAEA Grossi. Anh ta dự định đến thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về tình hình tại nhà máy và những thách thức an ninh hiện tại: sự xâm lược nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Nga phải chấm dứt, vì đây là điều kiện hàng đầu để khôi phục an toàn bức xạ trên toàn bộ khu vực của chúng tôi. Tôi cảm ơn ông Grossi vì đã ủng hộ Công thức Hòa bình và sự tham gia của đại diện IAEA trong công việc của các cố vấn về Công thức Hòa bình. Điều rất quan trọng là Ukraine đã được bầu vào Hội đồng Thống đốc IAEA. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy thế giới thừa nhận khả năng của chúng ta trong việc khôi phục sự ổn định và đóng góp cho các nỗ lực an ninh.

Cuộc họp thứ ba hôm nay có sự tham gia của Tổng thư ký OECD, một trong những tổ chức quốc tế uy tín nhất bao gồm các nước phát triển nhất thế giới. Tôi bày tỏ lòng biết ơn vì đã hỗ trợ nhà nước của chúng tôi và mở văn phòng của Tổ chức tại Ukraine. Chúng tôi liên tục làm phong phú thêm sự hợp tác của mình và đang hướng tới việc trở thành thành viên chính thức của câu lạc bộ này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Hôm nay chúng ta cũng thảo luận về việc gây quỹ để phục hồi Ukraine.

Một điều nữa. Một vấn đề chiến lược. Tôi vừa ký sắc lệnh khởi xướng việc thành lập một nhánh riêng của Lực lượng Phòng vệ của chúng ta - Lực lượng các Hệ thống Không người lái. Đây không phải là vấn đề của tương lai mà là điều sẽ sớm mang lại kết quả rất cụ thể. Năm nay sẽ là năm then chốt về nhiều mặt. Và tất nhiên, trên chiến trường cũng vậy. Máy bay không người lái – hệ thống không người lái – đã chứng minh tính hiệu quả của chúng trong các trận chiến trên bộ, trên bầu trời và trên biển. Ukraine đã thực sự thay đổi tình hình an ninh ở Hắc Hải với sự trợ giúp của máy bay không người lái. Đẩy lùi các cuộc tấn công mặt đất chủ yếu là nhiệm vụ của máy bay không người lái. Việc phá hủy quy mô lớn của quân xâm lược Nga và thiết bị của họ cũng là lĩnh vực của máy bay không người lái. Danh sách nhiệm vụ hiện tại rất rõ ràng: các vị trí nhân viên đặc biệt cho hoạt động bay không người lái, các đơn vị đặc biệt, đào tạo hiệu quả, hệ thống hóa kinh nghiệm, mở rộng quy mô sản xuất liên tục và thu hút những ý tưởng hay nhất cũng như các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Đây là nhiệm vụ của quân đội, Bộ Quốc phòng và chính phủ nói chung. Và để bảo đảm sự phối hợp cần thiết trong Lực lượng Phòng vệ, để bảo đảm mức độ lập kế hoạch và phẩm chất hậu cần phù hợp, Lực lượng các Hệ thống Không người lái sẽ được thành lập trong quân đội Ukraine. Các đề xuất liên quan sẽ được trình NSDC xem xét.

Chúng tôi tiếp tục khởi động lại hệ thống nhà nước – những yếu tố cần thiết để Ukraine đạt được mục tiêu của mình. Mục tiêu hoàn toàn công bằng. Ukraine có thể thắng Ukraine phải thắng Và chúng ta phải làm mọi thứ vì điều này! Tôi cảm ơn mọi người đã giúp đỡ! Vinh quang cho tất cả những người chiến đấu và làm việc cho đất nước chúng ta!

Niềm tự hào cho Ukraine!”

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến vụ đánh chìm hộ tống hạm IVANOVETS của Nga.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Vào ngày 1 tháng 2 năm 2024, Tổng cục Tình báo Ukraine tuyên bố đã đánh chìm tàu hộ tống hỏa tiễn IVANOVETS lớp TARANTUL-III của Nga. Đoạn video nguồn mở từ nhiều góc độ khác nhau cho thấy nhiều phương tiện mặt nước không người lái sử dụng chiến thuật bầy đàn để tấn công thành công con tàu, dẫn đến một vụ nổ lớn, gần như chắc chắn khiến con tàu bị chìm.

IVANOVETS đang tuần tra bờ biển phía tây Crimea để hỗ trợ việc Nga tiếp tục xâm lược Ukraine. 'Bóng đèn' liên kết trên không phức tạp của nó cho phép nó gửi và nhận dữ liệu tấn công đến và đi từ các tàu, trực thăng và máy bay tuần tra tầm xa khác.

Thành công mới nhất này của Ukraine làm nổi bật tính dễ bị tổn thương liên tục của các tàu chiến Nga hoạt động ở Hắc Hải. Nó rất có thể sẽ tác động đến các đơn vị chỉ huy và kiểm soát của Hạm đội Hắc Hải, có thể buộc họ phải đánh giá lại khả năng cơ động của mình gần phía tây Crimea. Tuy nhiên, Hải quân Nga gần như chắc chắn vẫn có thể thực hiện 3 nhiệm vụ chính ở Hắc Hải: tấn công tầm xa, tuần tra và hỗ trợ.

10. 'Một câu chuyện vui đã xảy ra.' Làm thế nào một nhóm máy bay không người lái Ukraine phá hủy 21 phương tiện của Nga trong một cuộc đột kích.

Chiến đấu với lực lượng phòng thủ cơ động trong và xung quanh tàn tích Avdiivka, ở miền đông Ukraine, ngay phía bắc Donetsk, các lữ đoàn Ukraine đang tiêu diệt quân dã chiến của Nga trên mỗi thước họ tiến lên.

Những tổn thất của Nga thật đáng kinh ngạc. Trong 700 ngày đầu tiên của cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga ở Ukraine, người Nga mất trung bình 19 xe tăng, phương tiện chiến đấu và vũ khí hạng nặng khác mỗi ngày. Vào hôm Chúa Nhật, 4 Tháng Hai, vừa qua, nhà phân tích Andrew Perpetua đã ghi nhận 54 tổn thất chỉ trong một ngày.

Trên vùng đất đầy đạn pháo ở miền đông Ukraine lạnh lẽo, những con số đó không chỉ là những con số. Mỗi chiếc xe tăng hoặc phương tiện chiến đấu của Nga bị phá hủy là kết quả của quá trình huấn luyện, lập kế hoạch, và rủi ro từ phía quân đội Ukraine đã phá hủy nó.

Một người điều khiển máy bay không người lái Ukraine, người có tên “Kriegsforscher” trên mạng xã hội, kể chi tiết về cuộc giao tranh với quân đội Nga, có lẽ từ Lữ đoàn súng trường cơ giới hóa vệ binh biệt lập số 35 hoặc một đơn vị lân cận, tiến sâu nhất là 1.200 feet về phía ngoại ô Avdiivka từ Vodyane, ba dặm về phía tây nam.

Theo Kriegsforscher, cuộc tiến công khiến họ thiệt hại 9 xe tăng, hàng chục phương tiện chiến đấu, 23 người chết và 46 người bị thương.

Nhóm tấn công của Nga là sự kết hợp của các thiết bị mới, cũ và thậm chí cũ hơn: xe tăng T-62M, được chế tạo vào những năm 1960 và được nâng cấp vào những năm 80 và một lần nữa vào năm 2022; T-80BV tua-bin khí từ những năm 80; T-72B3M mới chế tạo; những chiếc BMP-1 60 tuổi; những chiếc BMP-2 40 tuổi; và máy kéo bọc thép MT-LB từ những năm 1960 hoặc 70. Ngoài ra, một chiếc xe kỹ thuật BAT-2 rất hiếm.

Tuổi của thiết bị không có gì khác biệt khi người Ukraine tấn công quân xâm lược theo cách thông thường: đó là săn lùng nhóm này bằng máy bay không người lái và pháo nổ góc nhìn thứ nhất, và buộc những người sống sót phải bỏ lại phương tiện của họ.

Máy gây nhiễu sóng vô tuyến của Nga, nếu có, đã không thể hạ cánh máy bay không người lái.

Kriegsforscher giải thích: “Việc phá hủy áo giáp bên trái là rất quan trọng. Nếu không, các kỹ sư có thể quay trở lại chiến trường và kéo những chiếc xe bị hư hỏng đi sửa chữa - như đã xảy ra với một trong những chiếc T-62 mà quân Ukraine đã bắt được vào ngày tháng 12 năm ngoái.

Cuối cùng, toàn bộ đại đội cơ giới hóa của Nga đã biến mất. Vào hôm Chúa Nhật, Perpetua đã đếm xác tàu bao gồm cả một tiểu đoàn. Đó là ba đại đội mà người Nga đã mất chỉ trong một ngày.
 
Hội Đồng Giám Mục Belarus bác bỏ Tuyên ngôn Fiducia Supplicans. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo
VietCatholic Media
16:41 07/02/2024


1. Hội Đồng Giám Mục Belarus bác bỏ Tuyên ngôn Fiducia Supplicans

Các giám mục Belarus đã thông báo chung cho Vatican và Đức Thánh Cha Phanxicô rằng các ngài sẽ không tuân theo tài liệu Fiducia Supplicans gây nhiều tranh cãi. “Chúng tôi sẽ không chúc phúc cho bất kỳ cặp đồng tính nào”. Trong một tuyên bố được đưa ra những ngày này và được công bố trên trang web chính thức, những lý do khiến các giám mục Belarus phản đối Tuyên ngôn Fiducia Supplicans đã được giải thích.

Trong tuyên bố, trước tiên các ngài giải thích rằng Tuyên ngôn được Đức Giáo Hoàng ký xác nhận rằng “không có sự thay đổi nào trong đạo lý Công Giáo truyền thống về hôn nhân giữa một người nam và một người nữ” và rằng không có phép thánh hóa các cuộc kết hợp đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, họ nói thêm rằng văn bản do Bộ Đức tin ban hành, mặc dù không thay đổi “giáo huấn vĩnh cửu của Giáo hội về hôn nhân và luân lý tình dục” sẽ không được đưa vào thực hành “trong phần liên quan đến khả năng chúc phúc cho các cặp vợ chồng sống trong một kết hợp bất hợp pháp và các cặp đồng giới như Tuyên bố đề xuất”.

Sau đó, Hội Đồng Giám Mục Belarus nhắc nhở các linh mục và phó tế rằng một phép lành ngoài phụng vụ chắc chắn có thể được ban cho tất cả những người yêu cầu. Ngay cả với những người đồng tính Tuy nhiên, cần tránh ban phép lành đặc biệt cho các cặp sống cái gọi là hôn nhân dân sự, cũng như cho những người đang sống một cuộc hôn nhân vô hiệu theo giáo luật hoặc các cặp đồng tính. Một phước lành như vậy có thể được các tín hữu khác coi là sự đồng ý với tội lỗi.

Các giám mục nhấn mạnh rằng tất nhiên, những người đồng tính có quyền được đối xử nhân từ và tôn trọng với hy vọng rằng họ sẽ ăn năn và có thể dấn thân vào con đường nên thánh.

Ở Âu Châu, các hội đồng giám mục đã lùi một bước, ngoài các giám mục Belarus, còn có một số bắt đầu từ Ba Lan, Pháp, Hungary và Hy Lạp. Trước đây chưa bao giờ có một tài liệu nào giống như Fiducia Supplicans có khả năng chia rẽ và chia rẽ Giáo hội theo cách này.

2. Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền giáo Lần thứ 98

Hôm mùng 02 tháng Hai năm 2024, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô về Ngày Thế giới Truyền giáo Lần thứ 98, sẽ được cử hành vào Chúa nhật, ngày 20 tháng Mười năm nay, với chủ đề: “Anh em hãy đi và mời tất cả mọi người vào dự tiệc” (Xc Mt 22,9).

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đi từ dụ ngôn một vua kia tổ chức lễ cưới cho con và sau khi những người được mời đều từ chối, vua sai đầy tớ ra các ngã tư đường mời tất cả những người họ gặp vào dự tiệc (v.9). Đức Thánh Cha nhận định rằng dụ ngôn này “thật là thời sự đối với tất cả chúng ta, những môn đệ thừa sai của Chúa Kitô, trong giai đoạn chót của hành trình Thượng Hội đồng, theo khẩu hiệu “Hiệp thông, tham gia và sứ mạng”, nhắm tái đẩy mạnh Giáo hội tiến đến quyết tâm ưu tiên, nghĩa là loan báo Tin mừng cho thế giới ngày nay”.

“Anh em hãy đi và mời!” Sứ mạng không biết mệt mỏi của các môn đệ Chúa Kitô là ra đi và mời gọi mọi người đến dự lễ của Chúa, đi tới toàn thể nhân loại để mời họ gặp gỡ và hiệp thông với Thiên Chúa!”

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha ngỏ lời cám ơn các thừa sai nam nữ, đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô, đã từ bỏ mọi sự để tới những nơi ở xa quê hương, mang Tin mừng cho những người chưa nhận được hoặc chỉ mới đón nhận. Ngài viết: “Anh chị em rất thân mến, lòng tận tụy quảng đại của anh chị em biểu hiện cụ thể quyết tâm truyền giáo cho dân ngoại mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho các môn đệ: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28.10). Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn gọi thừa sai mới mẻ và đông đảo để thi hành công cuộc loan báo Tin mừng cho đến tận bờ cõi trái đất”.

Trong chiều hướng trên đây, Đức Thánh Cha nhắn nhủ tất cả các tín hữu, theo bậc sống của mình, hãy khởi động một phong trào truyền giáo mới, như bình minh của Kitô giáo!”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha cũng giải thích về tiệc cưới, đó là hình ảnh ơn cứu độ chung kết trong Nước Thiên Chúa, được thực hiện ngay từ bây giờ với sự giáng lâm của Chúa Giêsu, Đức Messia và là Con Thiên Chúa, Người ban cho chúng ta một đời sống sung mãn (Xc Ga 10,10).

Đức Thánh Cha viết: “Trong khi thế giới đề nghị nhiều thứ “tiệc” khác nhau, tiệc duy tiêu thụ, an sinh ích kỷ, tích trữ, chủ nghĩa cá nhân, thì Tin mừng kêu gọi tất mọi người đến dự tiệc của Chúa, trong đó có vui mừng, chia sẻ, công lý, tình huynh đệ và trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân”.

“Đời sống sung mãn mà chúng ta hướng tới, như hồng ân của Chúa Kitô, được thể hiện trước ngay từ bây giờ trong bàn tiệc Thánh Thể mà Giáo hội cử hành theo mệnh lệnh của Chúa để tưởng niệm Ngài. Vì thế, lời mời dự tiệc mai hậu mang lại cho tất cả mọi người trong sứ mạng loan báo Tin mừng, có liên hệ mật thiết với lời mời đến bàn tiệc Thánh Thể, nơi Chúa nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời và Mình Máu Ngài”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới từ “Tất cả mọi người”. Sứ mạng phổ quát của các môn đệ Chúa Kitô và Giáo hội hoàn toàn là hiệp hành - thừa sai.

Ngài viết: “Ngày nay, trong một thế giới bị xâu xé vì những chia rẽ và xung đột, Tin mừng của Chúa Kitô là tiếng nói dịu dàng và mạnh mẽ kêu gọi con người hãy gặp gỡ nhau, nhìn nhận nhau là anh chị em và vui hưởng sự hòa hợp giữa những khác biệt. Thiên Chúa muốn rằng “Tất cả mọi người được cứu vớt và được nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Vì thế, chúng ta không bao giờ được quên rằng, trong các hoạt động truyền giáo, chúng ta được mời gọi loan báo Tin mừng cho tất cả mọi người, và “không như một kẻ áp đặt một bó buộc mới, nhưng như người chia sẻ niềm vui, chỉ dẫn một chân trời đẹp đẽ, cống hiến một bàn tiệc đáng mong ước” (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 14).

“Sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi người đòi sự dấn thân của mọi người. Vì thế, cần tiếp tục hành trình tiến về một Giáo hội hoàn toàn là đồng hành-thừa sai phục vụ cho Tin mừng. Đặc tính đồng hành hay hiệp hành tự nó là truyền giáo, và đối lại, sứ mạng truyền giáo luôn luôn là hiệp hành. Vì vậy, một sự cộng tác chặt chẽ để truyền giáo ngày nay là điều cấp thiết nhất trong Giáo hội hoàn vũ cũng như trong các Giáo hội địa phương”.

Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo

Đức Thánh Cha không quên nhắc nhở các giáo phận trên thế giới về sự phục vụ của các Hội Giáo hoàng truyền giáo, như những phương thế hàng đầu để “truyền bá nơi các tín hữu, ngay từ tuổi nhỏ, một tinh thần thực sự là hoàn vũ và truyền giáo, cũng như để giúp lạc quyên các tài trợ giúp tất cả các xứ truyền giáo và theo các nhu cầu của xứ thuộc miền này” (Ad gentes 39). Vì thế, các cuộc lạc quyên vào Ngày Thế giới Truyền giáo trong tất cả các Giáo hội đia phương hoàn toàn dành cho Quỹ liên đới chung mà Hội truyền bá Đức tin, nhân danh Đức Giáo Hoàng, phân phát theo nhu cầu của các xứ truyền giáo của Giáo hội”.