Ngày 15-02-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:58 15/02/2010
CẦN DẤU CHỈ (2)

N2T


Có người muốn xuất bản một tập sách nhi đồng, nội dung bao gồm các dụ ngôn của Chúa Giê-su, kèm vào mấy câu Kinh Thánh và vài tấm hình, ngoài ra không có chữ gì khác. Anh ta xin phép đức giám mục cho in tập sách này.

Giám mục đã phê chuẩn, nhưng vẫn cứ theo lệ thường viết rõ thêm: “Cho phép in, nhưng hoàn toàn không bày tỏ ý kiến đồng ý của bản thân giám mục về quyển sách này.”

(Lắng nghe của loài ếch)

Suy tư:

Mỗi giáo phận thì chỉ có một giám mục coi sóc, nên không thể đọc để duyệt tất cả các tác phẩm của các tác giả trong giáo phận của mình, cho nên ngài mới ủy quyền cho một ban kiểm duyệt, ban này có bổn phận đọc và duyệt các tác phẩm có liên quan đến vấn đề công giáo, coi có sai lạc về tín lý, luân lý, bí tích hay không ?

Cho nên, nếu ban kiểm duyệt này “làm ăn đàng hoàng” thì giám mục khỏi lo, nhưng nếu làm tắc trách thì mọi trách nhiệm đổ trên đầu của ngài, bởi vì ngài ấn ký và cho phép in bằng giấy trắng mực đen, chứ không phải ban kiểm duyệt...

Tin tưởng người cộng tác với mình là điều cần thiết, nhưng đã tin tưởng mà còn thêm câu “cho phép in, nhưng hoàn toàn không bày tỏ ý kiến đồng ý của bản thân giám mục về quyển sách này,” thì buồn thật.

Chúa Giê-su đã chọn thánh Phê-rô làm đầu Hội Thánh, nhưng Ngài không nói với Phê-rô là mọi quyết định của ông thì không phải là của Ngài, nhưng Ngài nói với thánh Phê-rô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 19-20)

Đó chính là dấu chỉ của tin tưởng và yêu thương vậy.

----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Thứ Tư Lễ Tro
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:00 15/02/2010
THỨ TƯ LỄ TRO

( Năm C )

Tin Mừng: Mt 6, 1-6. 16-18

“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”


Bạn thân mến,

Theo truyền thống của Giáo Hội, hôm nay Thứ Tư Lễ Tro ngày khai mạc mùa chay thánh của toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên khắp thế giới, ngày mà trong thánh lễ mỗi người đều được rắc tro trên đầu để nói lên ý nghĩa: con người là tro bụi và một ngày kia sẽ trở về với bụi tro.

Mùa chay là cơ hội lớn để mỗi người trong chúng ta làm hòa với Thiên Chúa và với tha nhân, là mùa mà có thể nói, ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ dạt dào trên thế gian, như lời thánh Phao-lô tông đồ nói: ở đâu tội lỗi đầy tràn thì ở đó hồng ân càng chan chứa, nhưng hồng ân sẽ chan chứa cho những ai thành tâm thiện chí cải thiện đổi mới con người cũ của mình để quay về với Thiên Chúa tình yêu mà thôi. Do đó mà Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng hôm nay với chủ đề cầu nguyện và chay tịnh hết sức rõ nét: “Khi anh em cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả... Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả...”.

Có nhiều lúc bạn và tôi cầu nguyện thật lâu trong nhà thờ sau khi thánh lễ xong, mà không biết rằng ông từ đang sốt ruột đợi chúng ta ra về để đóng cửa nhà thờ, chúng ta chỉ biết mình mà không biết người, đó là lỗi đức bác ái; có những lúc chúng ta đến nhờ cha sở chỉ dạy cho cách cầu nguyện, nhưng đợi lúc cha sở chuẩn bị dâng lễ rồi mới đến nhờ, làm cha sở phải tấn thối lưỡng nan: chỉ bảo cho thì không còn thời giờ vì sắp dâng lễ, không chỉ bảo thì lương tâm áy náy và có khi còn bị chúng ta hiểu lầm, thế là chúng ta lỗi đức bác ái.

Thiên Chúa không muốn chúng ta phải cầu nguyện lâu giờ như thế, và Ngài cũng không muốn chúng ta “học giáo lí” trong những giây phút ấy nơi cha sở...

Mùa chay là thời cơ thuận tiện để chúng ta sửa đổi con người cũ của mình, con người cũ ngày hôm qua của chúng ta là kiêu ngạo với anh chị em, ngày hôm nay nhờ ơn Chúa giúp chúng ta sẽ sống khiêm tốn hơn; con người cũ ngày hôm qua của chúng ta là thích nổi giận nếu người khác không chiều theo ý của mình, ngày hôm nay chúng ta sẽ vui vẻ nói lời hòa nhã với tha nhân nếu họ không làm theo ý của chúng ta...

Bạn thân mến,

Cầu nguyện và hối cải phải đi đôi với nhau trong mùa chay và trong suốt cuộc sống của người Ki-tô hữu, cầu nguyện mà không hối cải thì giống như người làm công đòi ông chủ trả tiền công thật nhiều mà làm biếng làm việc, cũng vậy muốn hối cải con người cũ của mình mà không chịu cầu nguyện thì không thể hối cải được, bởi vì chỉ có cầu nguyện chúng ta mới biết ý Chúa muốn chúng ta hối cải như thế nào, bằng không thì hôm nay hối cải nhưng ngày mai càng sa đà hơn trong thói hư tật xấu của mình.

Xin Thiên Chúa là Cha của chúng ta, là Đấng biết tất cả mọi sự kín nhiệm trong tâm hồn của mỗi người, chúc lành và ban ơn cho chúng ta trong mùa chay thánh này, để chúng ta biết luôn ý thức mình là con người tội lỗi để sống đẹp lòng Chúa và anh chị em hơn.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:01 15/02/2010
N2T


27. Con bố thí cho người nghèo chính là bố thí cho Chúa Giê-su Ki-tô.

(Thánh Albert)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:03 15/02/2010
N2T


368. Nếu không có cách gì để khống chế tinh thần của mình, thì cũng không có cách gì khống chế hoàn cảnh chung quanh mình.

 
Bụi Tro
Lm An Phong Trần Đức Phương
09:41 15/02/2010
BỤI TRO

(THỨ TƯ LỄ TRO và CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, NĂM C)

Mùa Chay là thời gian 40 ngày ăn năn sám hối, thanh tẩy tâm hồn, canh tân cuộc sống, để chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh. Mùa Chay cũng là thời gian để chúng ta dành nhiều thì giờ cầu nguyện, xin Chúa soi sáng cho chúng ta nhìn rõ hơn con người của chúng ta; nhìn rõ hơn những khuyết điểm để sửa đổi và biến cải cuộc đời chúng ta nên tốt đẹp hơn trước mặt Chúa và mọi người; làm cho tình yêu của chúng ta đối với Chúa và tha nhân được mạnh mẽ hơn (Bài Đọc I Thứ Tư Lễ Tro: Sách Tiên Tri Gio-en 2: 12-18).

Chúng ta bắt đầu vào Mùa Chay Thánh với ngày Thứ Tư Lễ Tro. Trong Thánh Lễ (sau Bài Giảng), chúng ta được dự nghi thức làm phép tro. Sau đó, chúng ta được xức tro trên trán theo hình Thánh Giá với lới mời gọi “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” và chúng ta nghe ca đoàn hát bài “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro…” Tất cả đều nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đã được dựng nên bằng tro bụi và có ngày thân xác chúng ta sẽ trở thành tro bụi sau cái chết. Điều đó không phải để hù dọa chúng ta, nhưng là để nhắc chúng ta rằng cuộc sống trần gian này chỉ là tạm bợ trong một thời gian, rồi chúng ta sẽ qua cuộc đời này để bước sang cuộc sống vĩnh cửu (Sinh Ký Tử Quy: Sống Gửi Thác Về). Chúng ta sẽ được hưỏng phúc trên Nước Chúa, nếu chúng ta biết ăn năn sám hối lỗi lầm, từ bỏ thói hư tật xấu, sống đạo đức, lương thiện theo tinh thần Tin Mừng Chúa Giêsu đã rao giảng. Chúng ta đã được dựng nên khác với mọi loài; chúng ta được “dựng nên theo hình ảnh của Chúa” (Sách Khởi Nguyên 1: 27), có hồn và xác, có trí khôn, có tự do; chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình trước mặt Chúa là Đấng đã dựng nên chúng ta.

Mùa Chay cũng là “thời gian thuận tiện” (Bài Đọc II Thứ Tư Lễ Tro: 2Corintô 5:20-6:2) để chúng ta ý thức về sự yếu đuối của con người. Là con người, chúng ta luôn luôn bị cám dỗ sống theo dục vọng, danh, lợi, sự giầu có mà bỏ rơi lề luật Chúa và gây tác hại cho người khác vì tính “ích kỷ hại nhân.”Trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay (Luca 4: 1-13), Chúa Giêsu cũng để cho ma qủy cám dỗ, để cho chúng ta thấy con người chúng ta luôn bị cám dỗ nên phải luôn đề phòng và thắng vượt cám dỗ.

Để thắng vượt cám dỗ, chúng ta phải dựa vào ơn Chúa qua việc cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Chúng ta làm những điều đó không phải để khoe mình là người đạo đức như các người Pharisiêu khi xưa, nhưng làm với lòng mến Chúa, yêu người (Bài Phúc Âm Thứ Tư Lễ Tro: Matthêu 6: 1-6, 16-18).

Việc giúp đỡ những người nghèo túng, bệnh tật cũng là một trong những điều rất quan trọng trong việc sống đạo của chúng ta. Đó là việc từ thiện mà ngày xưa thường được gọi là “làm phúc bố thí”. Danh từ này không được thích hợp, vì chúng ta giúp người khác là chúng ta dâng cho Chúa (Bài Đọc I Chúa Nhật Mùa Chay: Sách Thứ Luật 26: 4-10), giúp chính Chúa (Matthêu 25: 31-46). Sự giúp đỡ những người hoạn nạn không phải là một sự “thí bỏ”, nhưng là một sự chia sẻ tình thương với người khác đang cần sự giúp đỡ. Hơn nữa, điều quan trọng là: chúng ta làm không phải để khoe khoang, không làm cách trịch thượng, nhưng làm với tinh thần khiêm tốn, thầm lặng, không cần ai biết đến, “tay phải làm mà tay trái không biết” (Bài Phúc Âm Thứ Tư Lễ Tro: Matthêu 6: 1-6, 16-18).

Trong Mùa Chay, chúng ta sẽ Ăn Chay và Kiêng Thịt ngày Thứ Tư Lễ Tro và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh; kiêng thịt các ngày Thứ Sáu Mùa Chay. Tuổi ăn chay là từ 18 đến 60. Tuổi kiêng thịt là từ 14 trở lên.

Vậy, chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau để trong Mùa Chay, chúng ta biết dành nhiều thì giờ hơn để cầu nguyện, dâng Thánh Lễ sốt sáng, làm nhiều việc hy sinh, hãm mình, xa tránh các dịp tội, như cờ bạc, ăn uống say sưa, xem phim ảnh, báo chí xấu… Tránh hoang phí trong việc mua sắm, tiệc tùng, nhưng để dành tiền của cho việc từ thiện, bác ái, xã hội.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta, gia đình chúng ta, để chúng ta sống hoà hợp yêu thương và cùng chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh và chúng ta cũng được đổi mới, được “phục sinh” thật với Chúa. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu cho chúng ta. Xin tiếp tục cầu nguyện cho Quê Hương và Gíao Hội Việt Nam, cũng như Gíao Hội ở các nơi đang bị bách hại.
 
Thư mục vụ Mùa Chay của ĐGM Lạng Sơn
+GM. Đặng Đức Ngân
19:37 15/02/2010
Photo' cellpadding=10 cellspacing=0 border=0 align=left>class=BORDER align=center>
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH: Đạo đức sinh học cần đến luật tự nhiên
Phụng Nghi
09:39 15/02/2010
Đạo đức sinh học (bioethics, người Tầu dịch là sinh vật luân lý học 生物倫理學) với tất cả những phát triển khoa học liên hệ, cần đến các nguyên tắc của luật tự nhiên mới có thể duy trì được phẩm giá con người.

Đó là lời khẳng định của ĐGH Benedict XVI thứ Bẩy tuần qua trong buổi triều yết dành cho các thành viên thuộc Viện Giáo hoàng về Cuộc sống, qui tụ tại Rome trong một hội nghị khoáng đại về đề tài đạo đức sinh học và luật tự nhiên.

Dưới đây là tóm lược những ý tưởng chính ngài đã phát biểu:

Mối liên hệ giữa đạo đức sinh học và luật luân lý tự nhiên rõ rệt là thích đáng hơn trong bối cảnh hiện tại bởi vì đã có những tiến triển còn đang tiếp diễn trong lãnh vực khoa học.

Những vấn đề xoay quanh đề tài đạo đức sinh học cho phép chúng ta xác định xem những câu hỏi tiềm tàng này đặt “vấn đề liên quan đến nhân loại học” vào vị trí hàng đầu như thế nào.

Cần phải tạo nên một dự án chính luận và theo phương pháp sư phạm, cho phép chúng ta đương đầu với những vấn đề này bằng một nhãn quan tích cực, quân bình và xây dựng, nhất là bằng sự liên hệ giữa đức tin và lý trí.

Những vấn nạn về đạo đức sinh học thường đặt việc nhắc nhở chúng ta nhớ đến phẩm giá của con người lên hàng đầu.

Phẩm giá này là một nguyên lý căn bản cho rằng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh và sống lại đã luôn luôn được bảo vệ, nhất là khi niềm tin này không được đếm xỉa tới đối với những người hèn kém nhất và dễ bị thương tổn nhất: “Thiên Chúa yêu thương mọi người, một tình thương độc nhất và sâu thẳm.”

Đạo đức sinh học, cũng như mọi thứ kỷ luật, cần phải nhắc nhở để khả dĩ bảo đảm được hiểu biết thường xuyên những vấn đề đạo đức nào có thể xuất hiện những xung đột trong lời giải thích. Điều này chắc không tránh khỏi.

Nhân phẩm

Trong một không gian như thế, sẽ xuất hiện một lời kêu gọi tiêu chuẩn nhắc nhở ta phải trở về với luật tự nhiên. Thực vậy, việc công nhận phẩm giá con người là quyền lợi bất khả xâm phạm, có căn bản ngay đầu tiên trong luật tự nhiên, không phải được viết nên do bàn tay người nào, những được Thiên Chúa là đấng Sáng tạo ghi khắc trong trái tim con người.

Kết hợp đạo đức sinh học với luật luân lý tự nhiên cho phép xác nhận một cách tốt đẹp nhất sự nhắc nhở cần thiết và không thể tránh né về phẩm giá mà sinh mạng con người sở hữu được do bản chất, từ giây phút hiện hữu đầu tiên cho đến lúc kết thúc tự nhiên.

Nhiệm vụ cần bảo đảm là sinh mạng con người luôn luôn phải được coi là chủ thể bất khả xâm phạm của các quyền lợi chứ không bao giờ là vật thể bị khuất phục bởi ý muốn của kẻ mạnh nhất.

Lịch sử đã chứng tỏ cho chúng ta thấy mối nguy hiểm và độc hại như thế nào nếu như một quốc gia, trong lúc ban hành luật lệ về những vấn đề liên quan đến con người và xã hội, mà lại coi mình như là nguồn mạch và nguyên tắc của đạo đức.

Nếu không có những nguyên tắc phổ quát dùng làm mẫu số chung cho toàn thể nhân loại, thì hiểm họa bị nghiêng ngả theo thuyết tương đối ở lãnh vực tư pháp, chắc chắn không phải là điều ta nên coi thường.

Luật luân lý tự nhiên, mạnh mẽ vì có đặc tính phổ quát, cho phép chúng ta tránh đi mối hiểm họa như thế, và trên hết cả, cung ứng cho người làm luật lệ sự bảo đảm sẽ tôn trọng đích thực cả con người lẫn toàn bộ trật tự đã được sáng tạo.

Toàn văn lời phát biểu bằng Anh ngữ của Đức thánh cha có thể đọc tại:

http://zenit.org/article-28354?l=english
 
Từng ngồi tù Cộng Sản, ĐGM Dominik Duka sẽ cai quản TGP thủ đô Tiệp Khắc
Nguyễn Long Thao
10:27 15/02/2010
Từng ngồi tù Cộng Sản, ĐGM Dominik Duka sẽ cai quản TGP thủ đô Tiệp Khắc

VATICAN CITY 14/02/10 - Thông tấn xã AP loan tin Đức Thánh Cha Benedict XVI đã bổ nhiệm một vị Giám Mực từng ngồi tù dưới chế độ cộng sản lên cai quản tổng giáo phận thủ đô Prague của Tiệp Khắc.

Vào hôm thứ Bảy 13/02/10 Tòa Thánh Vatican loan tin Đức Giám Mục Dominik Duka sẽ thay thế Đức Hồng Y Miloslav Vlk về hưu.

Vào năm 1975, chính quyền cộng sản Tiệp đã cấm Linh Mục Daka không được thi hành công tác mục vụ, phải đi làm người vẽ kiểu áo quần trong 15 năm ở một xưởng may vùng Plzen.

Linh Mục Duka thuộc dòng Đa Minh đã bí mật thi hành công tác mục vụ của một Linh Mục, huấn luyện các tu sinh và dậy thần học. Ngài bị cộng sản Tiệp bỏ tù năm 1981-1982.

ĐGH Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm cha Duka làm Giám Mục cai quản giáo phận Hradec Kralove vào năm 1998.

Nay ĐGM Duka 66 tuổi, trở thành Tổng Giám Mục thủ đô Prague của Tiệp Khắc. Theo truyền thống người giữ chức vụ này thường là bậc Hồng Y.
 
Đời sống con người là vấn đề nhân quyền bất khả xâm phạm
Bùi Hữu Thư
17:27 15/02/2010
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Giáo Hoàng Học Viện cho Đời Sống

Rôma, ngày thứ hai 15 tháng 2, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định: Đời sống con người phải “luôn luôn được công nhận là một vấn đề nhân quyền bất khả xâm phạm và không bao giờ được cho là một vấn đề phụ thuộc vào sự phân xử của những kẻ mạnh hơn,”

Đức Thánh Cha đã tiếp kiếp buổi sáng thứ bẩy 13 tháng 2, tại Vatican, các tham dự viên của hội nghị khoáng đại lần thứ XVI của Giáo Hoàng Học Viện cho Đời Sống, được triệu tập với chủ đề về đạo đức sinh học và luật thiên nhiên.

Vì tầm quan trọng “thiết yếu” của vấn đề, Đức Thánh Cha mời gọi “việc xúc tiến một dự án giáo dục toàn vẹn, để cho phép chống lại các chủ đề như vậy với một viễn cảnh tích cực, thăng bằng và xây dựng, nhất là trong mối tương quan giữa đức tin và luận lý.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết phải “nhắc lại một cách cương quyết rằng: không có một sự hiểu biết về phẩm giá con người chỉ dinh líu đến các yếu tố ngoại lai như sự phát triển của khoa học, sự phát triển tuần tự của đời sống con người, hay những xót thương dễ dàng trong những trường hợp giới hạn.”

Ngược lại, Đức Thánh Cha khẳng định: “khi người ta gợi đến sự tôn kính phẩm giá con người, điều căn bản là phải hoàn toàn, trọn vẹn, và không có sự ép buộc nào cả, ngoại trừ sự kiện là người ta luôn luôn đối diện với một đời sống con người.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI nhận xét: “các khoa học gia không bao giờ có thể cho rằng họ đang chỉ cầm trong tay những vật chất bất động và có thể được nhào nặn,” khi đó là một đời sống con người.

Ngài xác định rằng “ngày từ lúc khởi đầu, đời sống con người được cá biệt bởi sự kiện đây là một con người, và vì lý do này, luôn luôn, mãi mãi và bất kể điều gì vẫn mang một phẩm giá riêng.”

Đức Thánh Cha tiên đoán hiểm nguy của sự “phân xử khách quan”, “kỳ thị” và “tìm lợi ích kinh tế của kẻ mạnh hơn.”

Đức Thánh Cha than rằng các nhân quyền “không luôn luôn được công nhận bởi đới sống con người qua sự phát triển tự nhiên trong các giai đoạn yếu đuối nhất.”

Ngược lại, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “đời sống con người phải luôn luôn được công nhận như một vấn đề nhân quyền bất khả xâm phạm và không bao giờ như một điều phụ thuộc vào sự phân xử của những kẻ mạnh hơn.”

Ngài nhắc lại các bài học trong lịch sử: “lịch sử đã chứng minh rằng một quốc gia có thể trở nên hết sức nguy hại và khủng khiếp nếu có các đạo luật về các vấn đề chạm đến con người và xã hội trong khi vẫn tự cho họ là nguồn gốc và nguyên tắc của đạo lý.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của các “nguyên lý hoàn vũ cho phép kiểm xoát một mẫu số chung cho toàn thể nhân loại,” và cho phép thực hiện “một sự đồng ý giữa các dân tộc có văn hóa và tôn giáo khác nhau,” và để “vượt thắng các sự cá biệt vì khẳng định sự hiện hữu của một trật tự đã được thiết lập trong thiên nhiên bởi Đấng Tạo Hóa và công nhận một trường hợp có sự phán đoán chân thực về đạo đức để tìm kiếm sự lành và xa tránh sự dữ.”

Ngài trích dẫn Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, là người cho rằng luật thiên nhiên “trực thuộc vào tiền đồ cao cả của sự khôn Ngoan của nhân loại được Mặc Khải, soi sáng đã đóng góp cho việc thanh tẩy và phát triển nhiều hơn.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh Lễ Giao Thừa tại Gx Thánh Marcô Inala Úc Châu
Hoàng Đức
06:22 15/02/2010
Một số hình ảnh thánh lễ Giao Thừa và hái lộc thánh tại Giáo xứ Thánh Marcô Inala Úc Châu.

Xem hình ảnh xin bấm vào đây

 
Đức Thánh Cha nói đến chân trời mới công lý và chúc Tết cho Việt Nam, Trung Quốc
Nguyễn Hoàng Thương
09:55 15/02/2010
Đức Thánh Cha nói đến chân trời mới công lý và chúc Tết cho Việt Nam, Trung Quốc

Vatican (Agenzia Fides) – Nơi nào người nghèo được an ủi và được nhận vào bàn tiệc cuộc sống, thì nơi đó công lý của Thiên Chúa được tỏ hiện. Đây là nhiệm vụ mà người môn đệ của Chúa được mời gọi thực hiện ngay cả trong xã hội ngày nay", đây là huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trước khi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 14/02.

Vừa trở về từ nhà trọ bác ái "Caritas" của Rôma ở Ga Termini, Đức Thánh Cha cho hay: "Từ tận con tim, tôi cổ vũ cho những người làm việc trong các tổ chức đáng được kính trọng như thế và cả những người, nơi mỗi phần của thế giới, tự nguyện dấn thân vào các hoạt động tương tự vì công lý và tình yêu".

Giảng về đoạn Tin Mừng nói về Các Mối Phúc trong phụng vụ Chúa Nhật, Đức Thánh Cha cho hay "Các Mối Phúc dựa trên sự tồn tại của công lý thiêng liêng, vốn nâng lên những ai bị làm nhục cách bất công và kéo xuống những ai được tâng bốc... bởi vì, như Chúa Giêsu đã tuyên bố, mọi thứ sẽ bị đảo ngược, người sau chót sẽ thành người đứng đầu và người ở đầu sẽ thành sau chót. Công lý và mối phúc này sẽ được thực hiện trong 'Vương quốc Thiên Đàng' hay 'Vương quốc Thiên Chúa', sẽ được làm trọn vào thời tận cùng nhưng cũng đã hiện diện trong lịch sử".

Sau đó, Đức Thánh Cha tỏ ý muốn trình bày về Sứ Điệp Mùa Chay của ngài, giờ đã gần kề đối với tất cả mọi người. Sứ điệp cũng tập trung vào chủ đề công lý: "Phúc Âm của Chúa Kitô đáp ứng cách tích cực những khát vọng con người về công lý, nhưng bằng cách thế bất ngờ và gây kinh ngạc. Ngài không đưa ra một cuộc cách mạng xã hội và chính trị, nhưng một cuộc cách mạng của tình thương, mà Ngài đã thực hiện qua Thập Giá và sự Phục Sinh của Ngài. Những điều này có nền tảng đựa trên các mối phúc, vốn đề ra một chân trời mới của công lý, khởi đầu bằng Lễ Phục Sinh, do đó chúng ta có thể trở nên công chính và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn".

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha gửi lời chúc mừng đến tất cả những người trên thế giới ăn mừng Tết Âm Lịch: "Hôm nay ở nhiều nước khác nhau ở Á Châu - Tôi nghĩ đến Trung Quốc và Việt Nam - và trong nhiều cộng đồng rải rác khắp thế giới, Tết âm lịch được ăn mừng. Đây là những ngày đại lễ, những người mừng Tết có cơ hội đặc biệt để tái củng cố mối liên kết trong gia đình và giữa các thế hệ. Tôi cầu chúc tất cả mọi người sẽ duy trì và không ngừng nuôi dưỡng gia sản phong phú về các giá trị đạo đức và tinh thần được đâm rễ vững chắc trong nền văn hóa của các dân tộc".
 
Giáo xứ Việt Nam Paris mừng Tết Canh Dần
Trần Văn Cảnh
17:56 15/02/2010
Paris. Mồng một Tết Canh Dần, 14/02/2010, Giáo xứ Việt Nam được hân hạnh đón tiếp Đức Cha Phaolô BÙI VĂN ĐỌC, Giám Mục Chính Tòa Địa phận Mỹ Tho và Chủ Tịch Ủy Ban Giáo lý Đức Tin, được Ngài chia sẻ Lời Chúa mừng TẾT CANH DẦN 2010. Nhưng trước đó, chiều tối 13/02/2010, Giáo Xứ đã đón GIAO THỪA CANH DẦN với Đức ông và Ban Giám Đốc.

Đón Giao thừa Canh Dần 2010, giáo xứ dâng lời cám tạ Chúa, nhớ tới tiền nhân

Cũng như bất cứ người việt nam nào khác, người việt nam công giáo Paris, hàng năm hội họp lại để mừng Tết Nguyên Đán. Hai lần họp để mừng Tết: Đón giao thừa vào chiều 30 tết và mừng tết vào mồng một tết. Tất cả các tục lệ việt nam đều được cử hành một cách nghiêm trang, đặc biệt là thánh lễ giao thừa.

20 giờ, tối thứ bảy 13.02.2010, tất cả các giáo hữu tụ họp tại giáo xứ, cử hành thánh lễ canh thức đón giao thừa và cám tạ Ơn Chúa, nhớ tới tiền nhân. Nói là giao thừa, chứ thực ra không đúng là giao thừa, vì bắt đầu khoảng 20 giờ. Lễ nghi công giáo về ngày Tết đã hoàn toàn hội nhập và thăng hoa văn hóa độc đáo gia đình việt nam. Sáu điểm nổi đã thành tập quán, được thực hiện trong lễ giao thừa hàng năm ở giáo xứ:

Mớ đầu thánh lễ, do toàn Ban Giám Đốc đồng tế, Đức Ông nhắc nhớ mọi người cùng hiệp lòng dâng lễ tạ ơn Chúa và nhớ tới tiên nhân.

Rồi qua bài giảng, như là gia trưởng trong đại gia đình giáo xứ, Ðức Ông Giám Ðốc, vì thường là Ðức Ông Giám Ðốc chủ tế lễ này, nhắn nhủ cộng đoàn giáo xứ một cách rất khiêm tốn, nhưng không thiếu phần uy quyền về những vấn đề cộng đoàn, dân tộc. Đồng thời ngài cũng gởi những lời chúc cho mọi người trong cộng đoàn. Năm nay, đón Tết Canh Dần, ngài đặc biệt « chúc mỗi người khoẻ manh như cọp, nhanh nhẹn tháo vát như cọp, can đảm dũng mãnh như cọp ».

Đến phần lời nguyện, tất cả những lời nguyện đều hướng về tổ quốc, đều đượm tình dân tộc, như cầu cho quốc gia được bình an, cầu cho các nhà lãnh đạo biết lấy công ích quốc gia làm chuẩn đích thay vì tư lợi, cầu cho dân tộc được đoàn kết, thương yêu nhau...

Sau rước lễ, đại diện giáo dân, ông chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ chúc tuổi các cha, các tu sĩ, các bô lão quan viên và toàn thể cộng đoàn. Rồi lời đáp từ của Đức ông giám đốc. Tiếp theo là phần lì xì: lì xì tiền bạc. Trong một bao giấy đỏ, một món tiền nho nhỏ được Hội Đồng Mục Vụ trao tặng cho các hội đoàn thanh thiếu niên. Và lì xì Lời Chúa. Cũng trong một bao giấy đỏ, một lời Kinh Thánh được các linh mục trong Ban Giám Đốc trao cho từng người trong cộng đoàn. Bao lì xì Lời Chúa mà tôi nhận được ghi câu thánh vịnh 39, 9 như sau: « Xin giải thoát con khỏi vòng tội lỗi, đừng để kẻ ngu đần thóa mạ con ».

Thánh lễ kết thúc, mọi người được mời ra ‘ăn tết’. Trên một bàn dọn sẵn nào bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, nào kẹo mứt, nào trái cây, nào rượu nước, mọi người nâng ly uống với nhau một ly đầu xuân.

Cũng lúc này, nhiều người trao cho nhau những gói quà được chuẩn bị từ trước, với lời lẽ và nghi lễ rất ư là tết ‘Xin biếu anh chị chút quà tết’ ! Bạn bè, con cháu, thân thuộc lợi dụng dịp này chúc tuổi nhau. Đôi khi cảm động đến khóc được.

Tết Canh Dần 2010, giáo xứ nghe Đức cha Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin chia sẻ Tin Mừng

Sáng trưa mồng một tết, nhiều giáo dân lại họp mặt tại Giáo Xứ để mừng Tết. Đặc biệt Tết Canh Dần 2010 năm nay, Giáo Xứ được hân hạnh tiếp đón Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục địa phận Mỹ Tho, Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục Giáo lý Đức Tin. Đức cha Phaolô được cơ quan MISEREOR, cơ quan trợ giúp phát triển của Hội Đồng Giám Mục Đức, mời tham dự mục vụ tại Đức. Trên đường đi, vừa từ Việt Nam đến Paris sáng nay, mồng một Tết Canh Dần, Đức cha Phaolô đã không quản nhọc mệt, đáp lời mời của Đức Ông Mai Đức Vinh, đến chủ sự thánh lễ, chia sẽ Lời Chúa và mừng Tết Canh Dần với giáo dân Việt Nam Paris.

Chia sẻ Lời Chúa trong chúa nhật VI thường niên, năm C, 14/02/2010, đặc biệt là Thơ thứ 1 Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô 15, 16-20 và Phúc Âm thánh Luca 17, 20-26, Đức cha Phaolô gởi đến giáo đoàn Paris hai lời chúc và hai lời khuyên. (Xin Đức cha Phaolô thứ lỗi, nếu có gì sai, thiếu)

Lời chúc thứ nhất là lập lại lời chúc của Thánh Phaolô cho giáo đoàn Côrintô: « Chúc anh em một mùa xuân hạnh phúc, đầy tràn niềm vui tươi của Chúa ». Chúa là Đấng hạnh phúc đời đời. Ngài muốn chia sẻ niềm vui đời đời, niềm vui đích thực, niềm vui cứu rỗi đời đời. Và có niềm vui của Chúa, anh em có sứ mạng mang chia sẻ niềm vui của Chúa đến cho người chung quang, trong xã hội Pháp mà anh em đang sống. Anh em là sứ giả niềm vui của Chúa.

Lời chúc thứ hai của Đức cha Phaolô là « Chúc anh em một mùa xuân bình an tâm hồn, không bị chia rẽ, mà trở thành sứ giả bình an ». Trên thế giới hôm nay, người ta gieo mầm sự chia rẽ khắp nơi: trong gia đình, ngoài làng xóm, trong giáo họ, trong xí nghiệp, trong giáo phận, … Nhưng anh em, chúc anh em đừng bao giờ gieo vãi hạt chia rẽ, nhưng hãy gieo vãi bình an, bình an mà Chúa đã ban cho anh em, như Chúa đã nói « Thầy ban bình an của Thầy cho anh em ». Có bình an của Chúa, anh em sẽ được vui tươi, sẽ được hạnh phúc.

Sau hai lời chúc «vui tươi và bình an », Đức cha Phao lô gởi đến giáo dân Paris hai lời khuyên. Lời thứ nhất « Khuyên anh em hãy sống hiền hòa rộng lượng ». Thế giới hôm nay nhiều lo phiền, căng thẳng, nhiều tranh chấp, gây tang thương, đau khổ cho người khác. Tin vào phúc thật của Chúa, anh em hãy quảng đại, nhân từ với mọi người. Để được vậy, chúng ta cần phải tiếp xúc luôn với Chúa, trao cho Ngài mọi ưu lo, buồn phiền. Những khó khăn, không tránh được. Nhưng đừng lo lắng quá. Hãy trao phó mọi lo âu cho Chúa. « Hãy tìm Nước Trời trước đã, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho ».

Lới khuyên thứ hai là « Khuyên anh em hãy đi tìm Chúa, vì Chúa là Chân, Thiện, Mỹ ». Chân lý, sự thật, đó là tư duy cột trụ của giáo hội. Chúa là Sự Thật. Xin Chúa cho ta được sống gần với Chúa, sống sự thật, đón nhận mạc khải, đón nhận sự thật, đón nhận mọi điều Chúa ban. Chúa là điều Tốt, hãy làm điều tốt để gần với Chúa hơn. Hãy tìm cái thiện hảo để tìm gặp được Chúa. Chúa là sự Đẹp. Hãy làm cho cuộc đời ta đẹp, và đẹp hơn để gần Chúa hơn. Hãy gieo vãi Lời Chúa vào cái đẹp, vào nghệ thuật, văn hóa. Hãy nên giống Chúa là Chân, Thiện, Mỹ. Để được vậy, hãy phó thác, tin tưởng, cầu nguyện, để Chúa chúc phúc và gìn giữ chúng ta trong NĂM MỚI CANH DẦN 2010, năm mà Giáo Hội Việt Nam cử hành NĂM THÁNH, kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong, và kỷ niệm 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo hội Công giáo tại Việt Nam với 3 Giáo tỉnh Hà Nội - Huế - Saigòn.

Sau thánh lễ, đại diện cộng đoàn, ông chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ chúc tuổi Đức cha Phao Lô, cám ơn Ngài đã đáp lời mời của Đức Ông Giám Đốc, đến mừng Tết và chia sẻ Lời Chúa với Cộng đoàn. Đồng thời ông cũng dâng biếu Đức cha Phaolô công trình tu thư mới nhất của Giáo Xứ, hai tập sách « 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1947-2007 ». Đức cha Phaolô đã dùng tiệc Tết và trò truyện với Ban Giám Đốc và đại diện Hội Đồng Mục Vụ.

Paris, ngày 15 tháng 02 năm 2010

Trần Văn Cảnh
 
Thánh lễ mừng thọ chúc tuổi qúy ông bà tại giáo xứ Tân Lộc
GX Tân Lộc
18:35 15/02/2010
THÁNH LỄ MỪNG THỌ CHÚC TUỔI QUÝ ÔNG BÀ TẠI GIÁO XỨ TÂN LỘC NGÀY MÙNG 2 TẾT

Ngày mùng 2 tết, con cháu cả giáo hội Công giáo ngiêng mình tưởng nhớ và dành ngày tết đầu xuân này để dâng thánh lễ cầu nguyện cho Quý tổ tiên ông bà, cha mẹ và những người đã khuất núi, hơn thế, ngày mùng 2 tết nhắc cho con cháu trách nhiệm sống và thực hiện chữ hiếu của mình đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, những người còn sống và đã qua đời.

Hình ảnh lễ mừng thọ tại gx Tân Lộc

Đúng 7h ngày mùng hai tết, chuông nhà thờ giáo xứ Tân Lộc, hạt Cửa Lò dòn giã vang lên báo hiệu một ngày báo hiếu của đoàn con cháu giáo xứ. Trên nét mặt, cử chỉ mọi người toát lên sự ngiêm trang, kính trọng hiếu thảo với các bậc bề trên. “Tổ tiên rồi đến ông bà, dưới là cha mẹ, sau là cháu con”



Trong thánh đường hôm nay, Ban tổ chức dành trọn một gian trên cùng để kính Quý ông bà, cha mẹ an toạ. Ngoài mục đích dâng lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, cha mẹ và những người bề trên đã khuất núi, cha xứ còn tổ chức mừng thọ cho một số Quý cụ bước vào tuổi 70 và mừng tuổi, chúc thọ cho Quý cụ trên 70 tuổi trở lên thêm một tuổi xuân mới. Gần 100 cụ ông, cụ bà hớn hở vui mừng đón nhận cử chỉ “ uống nước nhớ nguồn” của đoàn con cháu.



Đầu thánh lễ cha quản xứ rước Quý cụ từ cửa chính phía dưới nhà thờ đi lên, vì hôm nay có mưa phùn nhẹ và để đảm bảo sức khoẻ cho một số Quý cụ cao niên nên không thể rước nhập lễ như đã dự định. Khai lễ Cha Quản xứ Martinô Nguyễn Xuân Hoàng Chúc tuổi Quý cụ, Ngài đã mượn những câu thơ để làm toát lên công sinh thành dưỡng dục ơn sâu nghĩa dày của các bậc sinh thành: “ Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tiên” hoặc “ Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ nhớ mà khắc ghi... một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn đạo hiếu nhớ mà ghi tâm” rồi Ngài đã chúc thọ và chúc tuổi các cụ bằng những lời tốt đẹp nhất. Ngài nói “ Quý cụ là những cây đại thụ của giáo xứ, là điểm tựa cho đoàn con cháu, tuy có cụ không làm ra kinh tế nữa, nhưng cái quý nhất đó là những lời cầu nguyện liên lỉ dâng lên Thiên Chúa của Quý cụ cho con cháu và quê hương xứ sở, Ngài chúc Quý cụ an khang trường thọ vui vẻ trong tuổi già”. Tiếp đến là vị đại diện Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ chúc tuổi Quý cụ. Sau đó đại diện cho đoàn con cháu, chắt mượn bài thơ bốn chữ lên kính chúc Quý cụ Ông

Bà như sau:



“Năm cũ vừa qua

Bước sang năm mới

Hôm nay thánh lễ

Mừng thọ Ông Bà

Đại diện gần xa

Cháu con một nhà

Kính chúc Ông Bà

Sống lâu sức khoẻ

Trẻ mãi không già

Yêu thương thuận hoà

Cửa nhà sung túc

Hạnh phúc khang an

Ơn trên thương ban

Suốt năm may mắn.

Riêng đoàn con cháu

Nhiều lúc nhiều nơi

Xúc phạm bằng lời

Cũng như hành động

Ông bà mở rộng

Đại lượng thứ tha

Đoàn con ghi dạ

Giữ nghĩa ân tình

Hạnh phúc tươi xinh

Ông bà hưởng trọn

Đôi lời con mọn

Xin kính dâng lên

Ông bà vui liền

Con xin cảm tạ”.




Những tràng pháo tay vang dội chúc mừng liên tục, những gói quà xinh xinh được đại diện Quý cụ đón nhận, trên khuôn mặt các cụ tuy nhăn nheo theo thời gian tuổi tác nhưng ai cũng thật vui tươi rạng rỡ, những nụ cười ấm áp toại nguyện nở trên môi Quý cụ, đặc biệt những cụ có hoàn cảnh con cháu eo le, thường ngày các cụ này khi nào cũng buồn buồn, song giờ đây nó biến đi đâu hết, nhường chỗ cho những nụ cười hạnh phúc, rạng rỡ dâng trào.



Thánh lễ diễn tiến trong tâm tình tri ân cảm tạ, sâu nặng ân tình con thảo dâng lên Chúa, và cầu xin Ngài ban cho phúc lộc hồng ân. Sau thánh lễ Quý cụ lên chụp ảnh lưu niệm với cha xứ, HĐ Mục vụ và đại diện con cháu trong giáo xứ. Bữa tiệc vui chúc mừng được Cha tổ chức sau nhà trường giáo lý đầy ấm cúng của ngày xuân.

Cám tạ Hồng ân Thiên chúa, cám tạ giáo hội, cám tạ tri ân các bậc tiền bối cha ông đã cho chúng con có một ngày xuân mùng 2 tết đầy ý nghĩa trong tình yêu con thảo.

Giáo xứ Tân Lộc
 
Xuân Canh Dần tại Cộng Đồng Công Giáo VN tại Đan Mạch
Tham Dự Viên
18:45 15/02/2010
XUÂN CANH DẦN 2010 TẠI SJÆLLAND ĐAN MẠCH

Đại Hội Mừng Xuân truyền thống của người Việt được tổ chức Thứ Bảy ngày 6.02.2010 tại Hội Trường Kongsholm centret, Albertslund, nhằm ngày 23 tháng chạpnăm Kỷ Sửu, ngày các ông Táo về chầu Trời. Đại Hội Xuân là sinh hoạt văn hoá truyền thống hằng năm của Cộng Đoàn CGVN/Sjælland. Tuy nhiên đại hội xuân luôn là ngày họp mặt đại gia đình trong tình tự dân tộc Việt, bao gồm mọi người không phân biệt tôn giáo, giới tính hay già trẻ; ngay cả dân Âu Mỹ cũng có thể tham dự để giao lưu về phong tục tập quán và văn hóa Á Đông. Thời tiết vào cuối tuần bớt khắc nghiệt sau những trận bão tuyết đầu tuần. Vì vậy, đồng hương có dịp quây quân đông đủ trong ngày hội ngộ.

Chương trình:15 giờ 00Thánh Lễ cầu nguyện cho Tổ Tiên Ông Bà

16 giờ 30Tiệc xuân

17 giò 30Nghi Lễ Chào Quốc Kỳ& Lễ Bái Tổ Tiên

18 giờ 00Văn Nghệ Mừng Xuân, Múa Lân và Xổ số

Đúng 15 giờ 00 tín hữu VN hiện diện đông đủ tham dự nghi thức hiệp thông Năm Thánh, CĐ khởi đầu bài ca ‟Đây Mùa Hồng Ân” và đọc ‟Kinh Năm Thánh” của HĐGMVN. Tiếp theo là Thánh Lễ do cha tuyên úy Chu Huy Châu cử hành. Trong thánh lễ ca đoàn hát những bài thánh ca xuân gây nhiều ấn tượng tạo bầu khí thánh thiêng, giúp tâm hồn thanh thoát tham dự lễ đầu xuân thật sốt sắng.

Ngay sau Thánh Lễ là phần CĐ Sjælland hiệp thông với giáo xứ Đồng Chiêm.

Điểm nổi bật làm mọi người yên lặng suy gẫm: ‟Người đời coi thập giá là điên rồ, yếu đuối”. Nhưng theo Thánh Phaolô: ‟Đó chính là sức mạnh của Thiên Chúa.” Đó là bí quyết sức mạnh của các anh hùng tử đạo. Đó cũng chính là bí quyết tạo ra lịch sử thần thánh của GHVN. Đáp trả lại việc đập phá và triệt hạ Thánh Giá, biểu tượng của Thiên Chúa giáo, cũng là tội phạm thánh của ‟tà quyền ”, và hướng về hiệp thông với giáo dân Đồng Chiêm, CĐ hợp lòng sốt sắng cầu nguyện qua tiếng hát

‟Kinh Hoà Bình” của Thánh Phanxicô.

Trong bầu khí trang nghiêm, qui tụ đông đủ hầu hết các tín hữu trong Cộng Đoàn, BTC đã chúc tuổi và dâng lên cha tuyên úy những món quà xuân truyền thống. BTC cũng không quên cám ơn những hỗ trợ tích cực từ phía giới trẻ, kể cả các phụ huynhđã luôn nêu gương và nuôi dưỡng tinh thần phục vụ để sinh hoạt hằng tuần cho các em thêm sống động và ngày một thăng tiền. Gửi lời tới quí cụ, quí ông bà và tất cả anh chị em, BTC kính chúc toàn quí vị năm mới Canh Dần khang an, hạnh phúc và vạn sự như ý.

Tiệc xuân với những món đặc biệt trưng bày trên các quầy hàng phục vụ, phản ảnh những nét văn hóa đặc trưng của người Việt khi đón Tết, làm ta rộn lên niềm lưu luyến với quá khứ.Khi sống tại quê nhà ta vẫn thường nhắc tới:

‟Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh,

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.

Dẫu có một chút phải kiên nhẫn chờ đợi theo thứ tự lần lượt, các thực khách cũng được đáp ứng dồi dào đầy đủ từ phòng lễ tân của Ban Phục vụ. Anh Lê Quốc Tuấn thật hài lòng hoan hỉ về sự chiếu cố tận tình của bà con.

17 giờ 30Chào quốc kỳ&Lễ Bái Tổ Tiên

Chào quốc kỳ VNCH, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, chính là thái độ kính trọng và biết ơn các anh hùng liệt nữ đã vị quốc vong thân. Đó cũng là thái độ dứt khoát rõ ràng của tập thể người Việt tị nạn đối với bạo quyền độc tài toàn trị.

Lễ Bái Tổ Tiên do các cụ trong Ban Phụng Tế thực hiện, nói lên mỹ tục đầu năm giúp con cháu tỏ lòng tri ân công đức của Tổ Tiên Ông Bà, như ca dao tục ngữ vẫn thường nhắc nhở:

‟Cây có cội, nước có nguồn,

Ăn quả thì phải nhớ kẻ trồng cây”.

Tỏ lòng tôn kính tri ân Tổ Tiên cần thể hiện cụ thể qua quyết tâm bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải và những di sản ngàn đời Tổ Tiên đã để lại cho con cháu. Các thế hệ con cháu bằng thái độ khiếp sợ ươn hèn, để mất đất, mất biển về tay ngoại bang là một trọng tội, không xứng đáng là hậu duệ của các bậc Tiên Tổ.

Ngay sau các nghi thức truyền thống là phần khai mạc chương trình văn nghệ xuân do giới trẻ thực hiện, xen kẽ bằng những màn múa lân và các đợt mở sổ số đầu năm. Được hướng dẫn bởi các huynh trưởng kinh nghiệm, các em tỏ ra điệu nghệ xuât sắc trong các màn hoạt cảnh, trong các vũ điệu xuân … Hai Ban nhạc trẻ tăng cường những bản nhạc sống đã làm cho chương trình văn nghệ thêm dồi dào phong phú.

Điểm qua những tiết mục do các em trình diễn, ta cũng cần nêu một số nhận định sau đây để khích lệ tuổi trẻ. Nói chung động lực lôi cuốn được con số 65 em nghiệp dư cùng tham gia một cách tích cực trong các hoạt cảnh thật hài hòa hoành tráng, quả là tài tình. Hơn nữa trong các em cũng thấy xuất hiện những tài năng trẻ, điển hình như Nikolaj Trung Dung rất có bản lãnh ‟một vũ sư năng động, nhà đạo diễn non trẻ” tự dàn dựng những hoạt cảnh mang nhiều ý nghĩa như‟Tống Cựu Nghinh Tân” ( Từ giã Trâu, đón Hổ tới), ‟Sự Tích Bánh Chưng và Bánh Dày”, một huyền thoại dân gian. Ngoài ra, qua một số những màn vũ đẹp mắt, điêu luyện từ các em nữ làm mọi người ngỡ ngàng về những tìm tòi, học hỏi và sáng tạo của chính các em. Nhận định về phần giới trẻ đóng góp văn nghệ CĐ, cụm từ ‟Hậu Sinh Khả Úy” quả là thích hợp.

Cha tuyên úy và BTC tuyên dương những đóng góp tích cực của giới trẻ trong CĐ. Các Đấng Bề Trên vẫn thường nhắc nhở: ‟Tuổi trẻ là mùa xuân của Giáo Hội, của Cộng Đoàn.” Phải chăng giới trẻ chủ động trong Sinh Hoạt mừng Giáng Sinh cũng như Đại Hội Xuân là một tín hiệu đáng mừng. Xin cám ơn các phụ huynh đã tác động mạnh mẽ và thúc đẩy con em dấn thân cho việc chung. Hơn lúc nào hết chúng ta cần chung tay phụng sự Thiên Chúa và phục vụ CĐ.

Tham Dự Viên
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thư của Đức TGM Toronto, Canada phản đối chính quyền VN đã xử tàn bạo giáo dân Đồng Chiêm
+ TGM Thomas Collins / David Tran (dịch)
14:27 15/02/2010
Most Rev. Thomas Collins
Tổng Giám Mục Toronto
1155 Yonge Street, ONTARIO, M4T 1W2
Tel: (416) 934- 0606 Fax: (416) 934-3452



Kính gởi Ông Nguyễn Đức Hùng

Đại Sứ Đặc mệnh Toàn quyền
Toà Đại Sứ CHXNCN Việt Nam tại Canada
479 Wilbrod Street, Ottawa, ON K1N 6M8


Thưa Ông Đại Sứ;

Tôi quan tâm một sách sâu sắc về việc gia tăng bách hại người công dân công giáo tại qúy quốc
và cách riêng các vụ bạo hành xảy ra gần đây tại Giáo Xứ Đồng Chiêm.

Hình ảnh tuyệt vời của dân tộc Việt Nam đã bị hoen ố trong con mắt mọi người trên thế giới khi
mà những công dân Việt Nam hiền hoà đã bị sách nhiễu và thậm chí bị tấn công bằng bạo lực chỉ
vì Đức Tin của họ. Hành động này rất đáng tiếc và thật không cần thiết. Người tín hữu Công giáo
là những công dân tốt của các quốc gia trên toàn thế giới, và việc tự do thực thi Đức Tin cũng như
việc tôn sùng Thánh Giá của họ không phải là những mối đe dọa cho bất kỳ một quốc gia hay
chính phủ nào. Thật vậy, người công dân Công giáo Việt Nam là một nguồn sức mạnh và sinh lực
sống còn cho đất nước tuyệt vời của qúy quốc. Thật là điều hổ thẹn khi họ không được tôn trọng.

Tôi thúc dục Ông Đại Sứ khuyến khích chính phủ của Ông cùng làm việc trong một tinh thần hợp
tác với người tín hữu Công giáo của Việt Nam, hỗ trợ họ trong việc thực thi Đức Tin, và qua đó
mang lại thêm sự thịnh vượng cho qúy quốc và tăng thêm uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Kính thư;

+ Thomas Collins
Tổng Giám Mục Toronto

 
Tản mạn cùng Tết: Thời gian có thật là “vàng bạc”?
Alf. Hoàng Gia Bảo
16:07 15/02/2010
Tản mạn cùng Tết: Thời gian có thật là “vàng bạc”?

“Thời giờ là vàng bạc” câu nói đi vào lòng mỗi người Việt Nam ngay từ lúc chúng ta mới tập tễnh bước chân đi học. Cộng thêm sự thông minh, cần cù sẵn có, một dân tộc như vậy lẽ ra từ lâu đã phải chiếm giữ những thứ hạng cao trong khu vực về các mặt. Nếu chưa thể bằng Nhật Bản chí ít nhất cũng phải ngang hàng cỡ Đài Loan, Hàn Quốc v.v... ấy vậy mà …. chẳng hiểu vì sao... ???

Ngẫm nghĩ sự thua kém thiên hạ của VN mình, sau khi hào phóng ‘xí xóa’ hết các lý do ‘khách quan’ (cứ tạm cho là vậy), như chiến tranh kéo dài và cả những sai lầm của nhà cầm quyền Csvn khi chọn XHCN làm con đường phát triển mà họ chưa bao giờ dám nhận, trong lúc băn khoăn chưa tìm ra đáp số nào hợp lý hơn, tôi chợt nhớ có lần nghe anh một bạn giáo sư bảo anh ta thường cố ‘sửa sai’ suy nghĩ cho nhiều thế hệ sinh viên, rằng “các em chớ bao giờ tự hào mình là học sinh nghèo học giỏi, mà hãy tự vấn xem vì sao mình giỏi mà vẫn cứ nghèo?”

Lời bảo ban này nghe thật chí lý! Vì từ đó suy ra cái cách mà chúng ta vẫn thường ‘bo bo’ tự hào về lịch sử 4.000 năm văn hiến của mình trước các cường quốc lâu nay (thậm chí còn lấy đó để đòi khinh thường họ) xem ra cũng chẳng khác gì việc một bác nhà nông vì thương con trâu ruột già nua lâu năm gắn bó với đồng ruộng nhà mình mà lại nỡ đi chê bai chiếc máy cày của hàng xóm! (cứ xem kiểu Hà Nội đang cố ‘gồng mình’ tổ chức 1.000 năm Thăng Long ra sao mới thấy đúng là “nền văn hóa đà điểu rúc đầu vào trong cát”)

Người Việt chúng ta ai nấy vốn được tiếng là “chăm chỉ”. Thế nhưng thỉnh thoảng phải ‘đối mặt’ với những ngày nghỉ kéo dài lê thê. Như Tết năm nay thủ tướng VN cho công chức được ‘off work’ luôn ngày thứ 6 (19/2), cộng thêm 2 ngày nghỉ thứ 7, CN mặc định vào nữa thế là mọi người tha hồ ăn Tết ‘xả láng’ cho ‘hết...tuần hết nghĩa’ luôn!!! (có ‘ông nhà nước’ nào mà lại chẳng biết cho hàng triệu CNV nghỉ làm kéo dài như vậy ít nhiều gì cũng sẽ gây ra những sự trì trệ nhất định trong một nền kinh tế chưa phải đã là ‘ngon lành’ gì cho lắm?)

Điều này càng có thêm lý do chính đáng để chúng ta có quyền nghi ngờ về cái thiện chí muốn dân ‘chăm chỉ’ làm việc của lãnh đạo nước mình. Mà nếu để ý thêm, có thể nhiều người cũng còn phát hiện ra rằng, trước nay các cụ nhà ta thường chỉ nói “cháu nó chăm chỉ làm lụng lắm!” mà chẳng khi nào nghe các cụ bảo ‘cháu nó chăm chỉ làm việc’ như một lời khen đích thực dành cho ai đó biết làm một việc có khoa học, ngăn nắp v.v…

Vậy, phải chăng từ lâu các cụ nhà ta cũng đã nhận ra cái sự “chăm chỉ, chịu thương chịu khó làm lụng” của người Việt mình là ‘có vấn đề’ trầm trọng? Dám lắm chứ chẳng đùa đâu!

Đụng chạm đến cái ‘quyền lợi’ nghỉ làm của hàng triệu ‘đầy tớ’ vào ngày Mùng Hai Tết này quả là làm chuyện…. ‘khôn nhà dại chợ’, dễ bị thiên hạ cho ‘ăn đòn’ lắm chứ chẳng chơi, thế nhưng liệu có ai dám chắc với người viết là không hề có bất kỳ sự liên quan nào giữa việc nước Nhật can đảm dứt bỏ khỏi tập tục ăn Tết ‘lề mề’ kéo dài theo Âm Lịch (mà thực chất là chịu ảnh hưởng bởi văn hóa TQ vì là Chinese lunar calendar) để chuyển sang ăn Tết theo lịch phương Tây kể từ năm 1873, dưới thời Minh Trị Duy Tân (Meiji Restoration) và việc họ sớm chiếm giữ vị trị cường quốc số một của Châu Á suốt hơn 100 năm qua?

Sở dĩ cần phải nêu, vì mấy chữ ‘dân giàu nước mạnh’ vẫn luôn là mơ ước của mọi người VN, trong lúc làm sao để sớm đi đến đích ấy, thì một Nhật Bản giàu mạnh cách ta không xa lắm đã từng trải qua. Vậy chẳng lẽ họ không có gì đáng để học hỏi?

Về tập tục ăn Tết của người Nhật, mặc dù dân chúng nước này vẫn duy trì các nghi thức cổ truyền được biết dưới tên gọi ‘Oshogatsu’, nhưng nay chủ yếu chỉ còn diễn ra vào ba ngày đầu của tháng Giêng dương lịch hằng năm. Kể từ ngày 4/1 mọi sinh hoạt đều trở lại bình thường.

“Nhìn người lại ngẫm đến ta”…

Ngẫm nghĩ cảnh cả một quốc gia “nghỉ xả hơi” nguyên tuần (đó là chưa kể cảnh làm việc ‘ngáp ruồi’ trước và sau tết), rồi lại nghe văng vẳng đâu đó câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi”… người viết bất giác ‘giật mình’!

Chỉ riêng sự khác biệt về cách ‘chi tiêu’ thời gian ăn Tết giữa Nhật và VN thôi cũng đã có thể lý giải được phần nào, vì sao cái ‘vòng kim cô’ nghèo đói đang bao trùm dân tộc cả nước vật vã với nó suốt mấy thập niên mà vẫn không ai biết chắc đến ngày nào mới thoát ra khỏi nó?

Sàigòn, Mùng Hai Tết Canh Dần
 
Cộng Đoàn Công Giáo VN tại Vermont đón tết Canh Dần và cầu nguyện cho GH Việt Nam
Lại Thế Lãng
16:16 15/02/2010
CỘNG ĐOÀN CGVN TẠI VERMONT ĐÓN TẾT CANH DẦN- CẦU NGUYỆN CHO GIÁO HỘI VÀ QUÊ HƯƠNG

Hôm Chúa nhật 14/2/2010 Cộng đoàn CGVN tại Vermont đã tề tựu đông đủ tại nhà thờ Đồng Chính tòa Saint Joeph ở thành phố Burlington để đón mừng năm mới Canh Dần. Đồng thời hưởng ứng lời mời gọi của Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo, giáo dân trong Cộng đoàn đã sốt sắng hiệp thông với người Công giáo Việt Nam ở khắp nơi cầu nguyện cho Giáo hội và quê hương Việt Nam.

Những ai có ít nhiều quan tâm đến tình hình ở quê nhà đều nhận thấy trong thời gian qua nhà cầm quyền CSVN đã luôn tìm cách chèn ép, đối xử bất công đối với tín đồ của các tôn gíao, nhất là đối với Giáo hội Công giáo.

* Trong vụ Tòa Khâm sứ nhà cầm quyền tìm đủ cách và bằng mọi phương tiện đã xuyên tạc, vu khống, đe dọa Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trong mưu toan đẩy Ngài ra khỏi địa bàn Hà Nội.

* Tại Thái Hà nhà cầm quyền đã thẳng tay đàn áp giáo dân chỉ vì giáo xứ đòi lại khu đất đã bị chiếm dụng bất hợp pháp.

* Tại Tam Tòa nhà cầm quyền đã mượn tay kẻ khác đánh đập gây thương tích trầm trọng cho nhiều giáo dân và hai linh mục.

* Tại Bầu Sen họ đem xe cần cẩu để triệt hạ tương Đức Mẹ trên núi.

* Tại Loan Lý nhà cầm quyền dùng lực lượng đông đảo để khống chế giáo dân và cưỡng chiếm ngôi trường vốn là nơi dạy giáo lý cho trẻ em trong giáo xứ.

* Tại Đồng Chiêm họ dùng lực lượng trang bị hùng hậu để đàn áp giáo dân và dùng chất nổ phá tung Thánh gía trên núi Thờ.

* Gần đây nhất tại Cồn Dầu nhà cầm quyền đem lực lượng công an đến thúc ép giáo dân phải dời đi nơi khác, bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn, với khoản bồi thường không tương xứng.

Trước những hành động qúa đáng của nhà cầm quyền CSVN, hôm 4/2 vừa qua Giáo hội Ba Lan đã đứng ra tổ chức "Ngày toàn quốc Ba Lan cầu nguyện cho những người bị bách hại tại Việt Nam".

Cử chỉ cao đẹp của Giáo hội Ba Lan đã là một nhắc nhở đối với mọi người Giáo dân Việt Nam. Vì vậy Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo đã gửi tâm thư kêu gọi giáo dân VN ở khắp nơi dành ngày đầu năm Canh Dần, ngày linh thiêng nhất trong môt năm để hiệp thông cầu nguyện cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam.

Trong ý hướng ấy hôm nay Cộng đoàn hiệp dâng thánh lễ đầu năm để tạ ơn Chúa về những ơn Chúa đã ban cho trong năm qua và xin Chúa tiếp tục ban ơn lành cho mọi người trong Cộng đoàn trong năm mới. Đồng thời Cộng đoàn cũng hướng về quê hương cầu nguyện cho Giáo hội quê nhà, cho các vị chủ chăn, cách riêng cho Đức Tổng Giuse để Ngài có đủ khôn ngoan và nghị lực mà chu toàn trách nhiệm của Ngài. Cầu nguyện cho những anh chị em đang chịu những khốn khó được luôn can đảm và giữ vững niềm tin. Lời cầu nguyện cũng hướng đến nhà cầm quyền VN, xin Chúa ban ơn soi sáng để họ nhận ra những nguyện vọng chính đáng của người dân và chấm dứt những hành động bất công, qúa đáng để mọi người được sống trong tự do, hạnh phúc.

Trong phần Lời nguyện giáo dân, mọi người dự lễ đã đồng thanh van nài tha thiết “Xin Chúa nhận lời chúng con” sau từng lời nguyện:

1/ Chúng con dâng lên Chúa lời cầu xin cho Giáo hội Việt Nam, cho các vị chủ chăn, cách riêng cho Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Xin Chúa ban cho các Ngài ơn khôn ngoan và nghị lực cần thiết để dẫn dắt Giáo hội trong việc mở mang nước Chúa.

2/ Chúng con cầu xin Chúa cho những anh chị em đang gặp khó khăn thử thách tại quê nhà. Xin cho họ luôn can đảm để vượt qua mọi thử thách và luôn vững tin vào đường lối của Chúa.

3/ Chúng con cầu xin Chúa cho người dân trên quê hương Việt Nam được sống trong tự do, công bằng và được sống ấm no. Cho những người lãnh đạo đất nước được sáng suốt hầu dẫn đưa dân tộc đến hạnh phúc, phú cường.

Trước khi ban phép lành cuối lễ linh mục chủ tế cùng với Cộng đoàn qùi gối và sốt sắng đọc kinh Dâng Nước Việt Nam Cho Trái Tim Mẹ:

“ Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con toàn thể giáo hữu Việt Nam hết lòng trông cậy chạy đến cùng Mẹ.

Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ chúng con. Mẹ là Nữ vương toàn năng, là Đấng Bầu Cử cho chúng con trước tòa Chúạ Biết bao lần Mẹ cứu vãn Giáo hội và các dân tộc trong cơn nguy biến. Chúng con hết lòng thành kính hiến dâng Giáo Hội và tổ quốc Việt Nam cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Me, để thực hành mệnh lệnh của Mẹ và đê/ nhờ Mẹ che chở phù trì ngày nay và mãi mãi!

Xin Mẹ gìn giữ Giáo Hội Việt Nam. Xin Mẹ soi sáng hàng giáo phẩm, dìu dắt và thánh hóa các linh mục. Xin Me giúp sức cho toàn thể giáo dân được trung thành giữ luật Chúa, và sốt sắng làm việc tông đồ. Xin Mẹ nâng đỡ và ủi an những anh em của chúng con đang phải khốn khó vì Đạo Chúa.

Xin Mẹ chúc lành cho Tổ Quốc Việt Nam. Xin Mẹ hướng dẫn các nhà lãnh đạo dân tộc. Xin Mẹ đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần tất cả các cơ cấu quốc giạ Xin Mẹ cho toàn thể dân Việt biết đoàn kết để cùng nhau xây dựng lại giang sơn. Nhất là xin Mẹ cứu chúng con thoát nạn Cộng Sản vô thần, để mọi người được sống trong tự do hòa bình, ngõ hầu Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.

Chúng con nguyện muôn đời ghi nhớ ơn Mẹ và cùng nhau xây dựng một đền thờ hay một công tác nào khác dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để lưu truyền cho hậu thế ơn che chở đặc biệt của Mẹ.

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con thành k ẩn kêu đến Mẹ, vì chúng con biết Mẹ sẽ nhận lời chúng con, và mặc dầu mọi nỗi khó khăn hiện tại, chúng con tin chắc Trái Tim Mẹ sẽ thắng. Amen.”

Sau thánh lễ mọi người kéo sang hội trường ở phía đối diện với nhà thờ để dự buổi họp mặt đầu năm. Chương trình văn nghệ giúp vui cho buổi họp mặt hầu hết do các cháu học sinh của trường Việt ngữ đảm trách.

Mở đầu là lễ chào quốc kỳ Hoa Kỳ và VNCH. Cả hai bản quốc ca đều được các cháu trình bày nghe rất cảm động. Sau lễ chào quốc kỳ ba vị đại diện Cộng đoàn tiến lên làm lễ dâng hương trước bàn thờ tổ tiên. Trong lúc hương trầm từ một lư hương bay lên ngào ngạt, các vị với những nén hương trên tay cùng cung kính vái lạy trước vong linh của các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc qua bao thế hệ.

Tiếp đến vị Đại diện Ban Tổ chức ngỏ lời trước cử tọa khoảng trên 300 người. Ông chúc Tết đồng hương và cám ơn mọi người đã đến tham dự. Đặc biệt ông cám ơn về tất cả những đóng góp cho việc tổ chức buổi họp mặt năm nay trong đó các thầy, cô và học sinh của trưòng Việt ngữ đã bỏ ra nhiều công lao nhất. Ông cũng giới thiệu với khán thính gỉa hai MC duyên dáng sẽ cùng điều khiển chương trình.

Chương trình văn nghệ đã được được bắt đầu sau màn múa lân luôn được mọi người thích thú đón nhận. Ngoài những màn trình diễn song ca và vọng cổ, học sinh mỗi lớp đều có những tiết mục riêng để trình diễn nhưng đặc biệt nhất là phần trình diễn của các cháu ở lớp lớn nhất trong màn vũ “Chiếc áo bà ba” được mọi người nhiệt liệt cổ võ.

Sau phần văn nghệ là phần thưởng thức các món ăn được các gia đình đem tới. Các món ăn muôn màu muôn vẻ được bày la liệt trên dẫy bàn chạy dài gần hết bề ngang của hội trường. Sau khi cha Đaminh Nguyễn làm phép, mọi người nối đuôi nhau thành hai hàng dài tha hồ lựa chọn món ăn nào thấy hợp nhãn rồi trở về bàn cùng thưởng thức với thân nhân.

Cộng đoàn CGVN Vermont đã đón mừng Tết Canh Dần với nhiều ý nghĩa. Vừa cùng gặp gỡ nhau trong ngày lễ hội cổ truyền, vừa hiệp thông cầu nguyện cho Giáo hội và quê hương Việt Nam lại vừa là dịp để các cháu của trường Việt ngữ gây qũy giúp người mẹ đang mắc bệnh hiểm nghèo của hai bạn học sinh cùng trường.

Vermont 15/2/2010

Lại Thế Lãng
 
Ngày xuân tản mản chuyện cúi đầu
Gioan Lê Quang Vinh
18:17 15/02/2010
NGÀY XUÂN TẢN MẠN CHUYỆN CÚI ĐẦU

Xin bắt đầu bằng việc nói chuyện xưa một chút. Năm tốt nghiệp đại học tôi thất nghiệp, nhưng nhờ mấy truyện ngắn đăng báo, tôi được mời đi dự trại sáng tác Hội Nhà văn thành phố. Trong trại sáng tác năm ấy, tôi chỉ còn nhớ mỗi bài nói chuyện của tác giả Hương Rừng Cà Mau, nhà văn Sơn Nam. Ông bảo: “Văn hoá chúng ta ảnh hưởng Kytô giáo rất nhiều. Đan cử cái ghế dựa. Người Á đông ngồi trước mặt vua quan thì phải ngồi thẳng lưng nên ghế không có dựa. Kytô giáo dạy con người bình đẳng, cho nên đã ngồi ghế thì dựa người ra, không phải dựa thẳng đứng mà là ngã người ra sau”. Tôi nhớ Sơn Nam nhiều là vì thế. Mà Sơn Nam đã nói về văn hoá thì có ai dám phản đối.

Ngày đầu năm đi lễ minh niên với gia đình, tôi chú ý cha chủ tế cúi đầu rất sâu khi hát kinh Vinh Danh đến đoạn “Chúa Giêsu Kytô”. Tôi nhớ lời Thánh Phaolô: “Để khi nghe Danh Giêsu thì mọi loài trên Trời dưới đất và cả trong hoả ngục đều phải quỳ xuống mà thờ lạy Người”. Vậy mà nhiều người giáo dân lại không để ý.

Cũng thế, trong Thánh Lễ khi đọc Kinh Tin Kính đến đoạn nhắc về Mầu Nhiệm Nhập Thể: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần…” thì giáo dân phải cúi mình, bởi vì con người phải ca ngợi thán phục và thờ lạy mầu nhiệm cao cả ấy, nhưng nhiều khi thấy giáo dân mình đọc mà không quan tâm cho lắm.

Vậy có gì trái ngược giữa sự bình đẳng mà giáo lý Công giáo đề cao với việc cúi mình thờ lạy Đấng Tối Cao? Không những chẳng có gì trái ngược, mà phải nói rằng chính sự cao sang của Thiên Chúa đã làm cho con người được nâng lên cao.

Những năm tháng theo học và nghiên cứu Học Thuyết Xã Hội Công Giáo với một nhóm anh em trí thức Công giáo đã giúp tôi nhớ thuộc lòng rằng “Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người”.

Nói cách khác, Thiên Chúa cao sang mà con người phải cúi mình và quỳ gối thờ lạy ấy đã hoá thân làm người để con người vốn phải khom lưng uốn gối thì nay có thể đứng thẳng mà kêu lên rằng “Abba, Cha ơi.” Ôi sự bình đẳng lạ lùng quá.

Giữa Đấng Tạo Hoá cao cả quyền năng với con người tội lỗi đã có mối giao hảo kỳ diệu như thế, mà con người hèn kém với nhau lại cư xử y như chúa và tôi, nghĩa là làm sao? Gần đây xã hội Việt nam xôn xao tự hào vì có một chủ chăn uy dũng lên tiếng cho quyền con người, ấy là Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt. Ngài bảo tự do tôn giáo là cái đương nhiên, không phải chuyện xin cho. Nói cách khác, ngài muốn cho xã hội dân sự có một chỗ đứng xứng hợp với phẩm giá làm người.

Đức Tổng kính yêu muốn nói lên rằng con người có phẩm giá nên không cần chuyện xin xỏ. Tiếng Việt hay ở chỗ là hễ có xin là có xỏ. Anh xin tôi là tôi xỏ mũi anh. Xỏ rồi thì đứng hay ngồi hoặc quỳ thì cũng giống nhau. Nếu nhà văn Sơn Nam bảo văn hoá Việt ảnh hưởng bởi văn hoá Kytô giáo, sớm nhìn thấy bình đẳng, thì không ai có thể tin rằng chuyện xin-cho lại được đề nghị bởi chính người có đạo.

Nhưng mà thôi, không nói gì đến chuyện con người với nhau. Có nhiều điều phải nói về chuyện con người cúi đầu trước Thiên Chúa. Có khi người ta sẵn sàng quỳ gối trước mặt người đời mà lại e dè khi cúi mình trước Đấng Tối Cao. Người ta sẵn sàng quỳ xin chuyện này chuyện nọ, mà lại không chịu cúi đầu khi đọc đến Danh Thánh Đấng Cứu Thế hay không chịu cúi mình khi tuyên xưng mầu nhiệm Nhập Thể trong kinh Tin Kính.

Chuyện Thánh Giá Chúa bị những con người xấu xa, tay sai của quỷ hoả ngục đập phá làm cho thế giới rúng động. Khi anh vào nhà người ta đập cái cục gạch ở góc vườn, có thể anh cũng bị tóm và bị bắt đền bồi. Mấy vị giáo dân can trường đập bỏ vài viên gạch tường khu đất nhà Dòng cũng là của mình, cũng bị nhà cầm quyền bắt phải đền tiền triệu. Vậy mà người ta dám đập phá Thánh Giá cứu độ muôn dân. Kiêu ngạo và bất lương đến thế là cùng.

Lịch sử đã có những con người nói hăng, làm dữ để chống đối Đấng Tạo Hoá. Nhưng lịch sử cũng cho thấy những kẻ ngạo mạn ấy chết thê thảm trước khi đụng đến Thánh Giá Chúa uy quyền. Có điều lạ là ở Việt nam có những kẻ “làm nên lịch sử” cho hoả ngục. Satan ghi vào cuốn “Sa triều lịch sử biên niên” rằng vào năm thứ hai ngàn lẻ mấy… sau khi Herôđê băng hà, có người tên là Nguyễn X, Phạm Y… đã hung hãn đập nát Thánh Giá của Giêsu” (nhưng khi ghi và đọc đến Danh Thánh Chúa Giêsu, toàn thể hoả ngục phải quỳ xuống thờ lạy).

Chuyện đó chưa phải là lạ lùng. Chuyện lạ là có nhiều người không nhận ra rằng đập phá Thánh Giá Chúa là tội ác ghê rợn nhất của lịch sử loài người. Các vua quan triều Nguyễn chỉ nghĩ đến chuyện quá khoá, bắt người có đạo bước qua Thánh Giá là ghê lắm rồi. Các ông ấy còn lương tri để nhận ra rằng “đập phá Thánh giá chính là xây nhà cho tử thần”.

Vậy mà có người còn cả nghĩ “ấy là chuyện đất đai, là tranh chấp dân sự”. Khi người ta nhào vô nhà anh, đánh cha mẹ anh tan nát, anh vẫn bảo là chuyện tranh chấp dân sự, thì thiên hạ nghĩ gì về anh?

Nhà văn Sơn Nam đã đi xa. Có lẽ trước Toà Chúa ông vui vì đã từng nói lên tiếng nói của văn hoá Công giáo dù ông không Công giáo. Cuộc đời người Kytô hữu xét cho cùng là cuộc đời của con người được bình đẳng với nhau vì cùng được Thiên Chúa nâng lên cao và cùng hướng về siêu việt. Khi biết ơn Đấng đã đưa mình lên, thì việc cúi đầu trước Ngài là hành vi tri ân và khiêm hạ.

Ngày Xuân chúng con xin được cúi mình trước Thánh Giá Chúa. Chúng con cúi mình ăn năn vì chính chúng con đã làm Chúa phải chịu treo lên Thánh giá. Nhưng chúng con cũng vui mừng cảm tạ Chúa vì nhờ Thánh Giá Chúa mà chúng con được kéo lên cùng Chúa. Xin cho chúng con ngẩng đầu chờ ngày Chúa vinh hiển quang lâm.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Quá trình phương bắc xâm lăng nước ta
Dương Bỉnh
22:25 15/02/2010
Quá Trình Phương Bắc Xâm Lăng Nước Ta

(Nhân kỷ niệm mồng 5 Tết, vua Quang Trung đại phá quân Thanh)
Theo Việt sử, từ buổi đầu thời đại đồng thau, có khoảng 15 bộ lạc Lạc Việt dưới đây đã định cư ở Bắc bộ và bắc Trung bộ:

1- Văn lang (Bạch hạc, tỉnh Vĩnh yên)
2- Châu diên (Sơn tây)
3- Phúc lộc (Sơn tây)
4- Tân hưng (Hưng hóa-Tuyên quang)
5- Vũ định (Thái nguyên-Cao bằng)
6- Vũ ninh (Bắc ninh)
7- Lục hải (Lạng sơn)
8- Ninh hải (Quảng yên)
9- Dương tuyền (Hải dương)
10-Giao chỉ (Hà nội, Hưng yên, Nam định, Ninh bình)
11-Cửu chân (Thanh hóa)
12-Hoài an (Nghệ an)
13-Cửu đức (Hà tĩnh)
14-Việt thường (Quảng bình, Quảng trị)
15-Bình văn

Trong số các bộ lạc Lạc Việt, bộ lạc Văn lang hùng mạnh hơn cả. Lãnh thổ của bộ lạc nầy trải rộng từ chân núi Ba vì đến sườn Tam đảo, có sông Hồng chảy xuyên giữa.

Thủ lãnh bộ lạc Văn lang đứng ra thống nhất tất cả bộ lạc Lạc Việt, dựng lên nước Văn lang. Ông xưng vua, sử gọi là Hùng vương, đóng đô ở Văn lang, hiệu nước là Văn lang truyền được 18 đời Hùng vương, cai trị một nước có núi rừng trùng điệp, biển rộng sông dài, ruộng đồng bát ngát, cây cối bốn mùa xanh tươi, sinh vật phong phú.

Triều đại Hùng vương 18, vị vua cuối cùng, chấm dứt vào khoảng năm quí mão (258 trước TL), lúc đó cục diện ở Phương Bắc đang biến chuyển. Thời Chiến quốc (481-221 trước TL) kết thúc, nhà Tần thống nhất Trung quốc, Tần Doanh Chính xưng hoàng đế (Tần Thủy Hoàng) với ý tưởng “Bình Thiên Hạ”, tham vọng bành trướng bắt đầu với ý đồ xâm lược phương nam.

Nhà Tần đã phát 50 vạn quân tràn xuống phía nam, chiếm một số đất đai ở phía nam sông Trường giang như Phúc kiến, Quảng đông, Quế lâm, Quảng tây. Nhưng khi đi vào đất Việt, quân Tần bị người Việt anh dũng chống lại, ban đêm phục kích quân Tần. Người Việt kiên trì chiến đấu cả chục năm, hàng vạn quân Tần với chủ tướng là Đồ Thư bị giết.

Theo truyền thuyết thì chính Thục Phán dựng nước Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến mười năm chống quân xâm lược Tần

Năm 207 (trước TL), Triệu Đà, một quan lại của Tần đánh thắng An Dương Vương rồi tự xưng vua, tức Vũ Vương, sáp nhập nước Âu lạc vào quận Nam hải, lập thành một nước gọi là Nam Việt, chia Âu lạc thành hai quận: Giao chỉ (Bắc bộ), Cửu chân (bắc Trung bộ), cử quan lại cai trị và cho quân lính đóng đồn lũy tại hai quận.

Năm 111 (trước TL), sau khi xưng vương được ít lâu, họ Triệu qui phục Bắc triều. Lúc bấy giờ triều Hán đã thay triều Tần, quân Hán đánh chiếm Nam Việt, tiêu diệt nhà Triệu, bọn sứ giả nhà Triệu đem hàng trăm trâu bò, hàng ngàn hũ rượu và sổ hộ khẩu của hai quận Giao chỉ và Cửu chân nộp cho tướng tá nhà Hán và xin hàng. Nước Nam Việt bị diệt. Đất Âu lạc được nhà Hán lập thành bộ Giao chỉ, bổ nhiệm một viên thứ sử trông coi chín quận: -Giao chỉ (Bắc bộ), -Cửu chân (bắc Trung bộ), -Nhật nam (trung Trung bộ). Dân số ba quận gồm 143.643 hộ với 981.735 nhân khẩu. Sáu quận còn lại ngoài phạm vi nước ta là Đạm nhĩ, Chu nhai (đảo Hải nam), Nam hải, Hợp phố (Quảng đông), Uất lâm, Thương ngô (Quảng tây). Đứng đầu mỗi quận là một viên thái thú coi việc hành chánh và một viên đô úy chỉ huy quân đội. Từ đây nước ta khởi đầu bị Bắc thuộc lần thứ nhất (111TTL-39STL).

Việc cai trị rất hà khắc với Tích Quang, thái thú Giao chỉ và Nhâm Diên,thái thú Cửu chân. Nhân dân ta phải cống nạp của quý vật lạ như sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi, vàng bạc......

Bọn thống trị còn chiếm đất tư nhân để lập trang trại, độc quyền sản xuất và mua bán muối ăn, đánh thuế nông nghiệp rất nặng nề. Thái thú Tô Định, thay Tích Quang, là kẻ tham lam tàn bạo khủng khiếp, người Giao chỉ rất oán giận. Vì thế,toàn dân cả nước nổi dậy chống bọn cai trị Bắc Phương với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Theo truyền thuyết thì mẹ Hai Bà là cháu chắt bên ngoại Hùng Vương. Hai Bà là con gái Lạc tướng huyện Mê linh (miền Sơn tây-Vĩnh phú), chồng Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu diên (Hà tây-Nam hà). Hai gia đình Lạc tướng đang mưu toan khởi nghĩa chống bọn xâm lược Phương Bắc thì Thi Sách bị thái thú Tô Định giết. Trưng Trắc và em là Trưng Nhị quyết tâm tiến hành cuộc khởi nghĩa tiêu diệt bọn xâm lăng tàn bạo và giành độc lập cho đất nước.

Tháng 3 năm 40 (sau TL), Hai Bà phát động cuộc khởi nghĩa ở sông Hát, tụ nghĩa ở Mê linh. Nhiều cuộc hưởng ứng khởi nghĩa nhất tề nổ ra khắp bốn quận Giao chỉ (Bắc bộ), Cửu chân (bắc Trung bộ), Nhật nam (trung Trung bộ) và Hợp phố (nay thuộc Quảng đông).

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng dấy lên phong trào cứu nước, chống ngoại xâm, giành độc lập. Việc Trưng Trắc xưng vương xóa bỏ ý tưởng “Bình Thiên Hạ” của nhà Hán.

Tháng 4 năm 42 (sau TL), vua Hán sai Mã Viện đem đại binh thuỷ bộ, tập trung ở Hợp phố (Quảng đông) rồi tiến vào miền Lãng bạc (Tiên sơn, Hà bắc).

Trưng vương phát quân từ Mê linh tiến xuống Lãng bạc đánh địch. Quân Trưng vương chiến đấu rất anh dũng nhưng vì thế yếu nên rút về Cẩm khê (Vĩnh phú). Sau gần một năm cự địch, quân ta tan vỡ, Hai Bà về Hát Môn gieo mình xuống Hát giang tự tận vào tháng 5 năm 43.

Sau ba năm kháng chiến gian khổ giành độc lập, nhân dân ta lại phải lầm than bởi chính sách nô dịch, bóc lột và đồng hóa của nhà Đông Hán Phương Bắc đô hộ.

Sau khi Đông Hán sụp đổ, cục diện Tam Quốc tranh quyền giữa Ngụy, Thục, Ngô (220-280), Lưu Bị xưng đế, thành lập nước Thục Hán, Tôn Quyền xưng đế thành lập nước Ngô. Nhà Ngô tách châu Giao cũ làm hai: Nam hải, Uất lâm và Thương ngô lập thành Quảng châu; Giao chỉ, Cửu chân và Nhật nam (Bắc và trung Trung bộ Việt nam) lập thành Giao châu. Các thế lực thời Tam Quốc gây chiến tranh triền miên làm cho dân Việt khốn khổ vô cùng với nạn bắt lính, chết trận, dân công, sưu cao thuế nặng, bóc lột, hà hiếp, tham lam, tàn bạo.

Năm 248, nước ta bùng nổ cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, tên là Triệu thị Trinh, người con gái 19 tuổi có chí lớn, giàu mưu trí, đầy khí phách, quê ở núi Nưa huyện Triệu sơn tỉnh Thanh hóa, đã cùng anh là Triệu quốc Đạt, tập hợp nghĩa quân, mài gươm luyện võ, lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa tiến công bọn quan lại nhà Ngô. Nghĩa quân đánh thắng quân Ngô, giết viên thứ sử châu Giao. Khắp hai quận Giao chỉ và Cửu chân đều nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu.

Nhà Ngô phái danh tướng Lục Dận dẫn tám vạn quân sang nước ta đàn áp phong trào khởi nghĩa. Bị bao vây ráo riệt, Bà Triệu đã hy sinh trên núi Tùng (Thanh hóa)

Sau khi Bà Triệu mất, nhà Ngô tăng cường áp bức và bóc lột, bắt hàng ngàn thợ thủ công giỏi người Việt đi xây dựng kinh đô Kiến nghiệp (Nam kinh), bắt trói thanh niên ta đem sang Ngô đi lính đánh giặc, bắt nhân dân ta nộp ba ngàn chim cuông và nhiều heo thịt. Nhân dân ta lại nổi dậy khởi nghĩa giết Tôn Tư và Đặng Tuân là hai viên thái thú nổi tiếng tham lam tàn bạo. Cuộc chống xâm lược tiếp tục, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, âm ỉ, kiên nhẫn và bền bỉ lan tràn khắp ba châu Giao chỉ, Cửu chân và Nhật nam suốt thời kỳ thống trị của nhà Tấn (265-420), nhà Tống và nhà Tề (420-588). Cuối đời Tề tiếp đến nhà Lương, Tiêu Tư làm thứ sử Giao châu là một người tàn bạo, lòng người ai cũng oán giận. Bởi vậy Lý Bôn có cơ hội nổi lên lập ra nhà Tiền Lý.

Lý Bôn cũng gọi là Lý Bí, vốn dòng dõi người Tàu, lánh nạn chạy sang Giao chỉ đã bảy đời thành người bản xứ ở Long hưng (huyện Thái bình tỉnh Sơn tây) lãnh chức giám quận ở Châu đức (Hà tĩnh), thương dân, căm ghét bọn đô hộ, ông từ quan về quê chiêu tập hiền tài, tụ họp nghĩa binh. Mùa xuân năm 542, đại khởi nghĩa toàn dân do Lý Bôn lãnh đạo với khí thế tiến công khắp nơi quét sạch bọn đô hộ nhà Lương.

Tháng giêng năm 544, Lý Bôn tuyên bố dựng nước, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Nam Đế (Lý Nam Đế), niên hiệu là Thiên Đức, ban sắc thần phong cho Bà Triệu để nhớ ơn vị nữ anh hùng tiền bối.

Đầu năm 545, nhà Lương cho quân sang xâm lược nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc. Năm 548, Lý Nam Đế qua đời, các quan văn võ vẫn tiếp tục cuộc chống xâm lăng. Năm 571, Lý Phật Tử, thuộc hàng thân tộc Lý Nam Đế, xưng đế hiệu, đóng đô ở Phong châu (tỉnh Vĩnh yên). Năm 602, vua nhà Tùy sai tướng Lưu Phương sang đánh nước ta, vây thành Cổ loa, bức Lý Phật Tử đầu hàng và bắt giải về Tàu. Từ đây đất nước ta lại rơi vào ách thống trị của nhà Tùy, nước Tàu thêm 336 năm Bắc thuộc nữa.

Nhà Tùy cải đơn vị hành chánh thành quận: quận Giao chỉ (Bắc bộ), quận Cửu chân (Thanh hóa), quận Nhật nam (Nghệ an-Hà tĩnh) với 56.106 hộ và thêm đất mới chiếm được của Chiêm thành (Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên) gồm 4.135 hộ, bổ nhiệm Khâu Hoa làm thái thú Giao chỉ, một tên bóc lột dữ dội và khét tiếng.

Năm 618 vua Tùy chết, nhà Đường kế nghiệp làm vua nước Tàu. Nền cai trị của vua quan nhà Đường trên đất nước ta vô cùng xảo quyệt và thâm độc, nên thái thú Cửu chân (Thanh hóa) là Lê Ngọc, vợ là người Việt, cùng các con chia binh lập đồn lũy chống cự nhà Đường, sau bị quân Đường đánh bại.

Năm 679, nhà Đường chia nước ta thành 12 châu gồm 56 huyện, dưới huyện là hương và xã, đặt An Nam Đô Hộ Phủ. Nước ta gọi là An Nam khởi đầu từ đây.

Trong gần ba thế kỷ (289 năm) bị nhà Đường (618-907) thống trị, nhân dân ta đã nhiều lần nổi lên chống áp bức bóc lột, sự cai trị khắt khe và tàn bạo của vua quan nhà Đường:

*Lý Tự Tiên phát động khởi nghĩa năm 687, nghĩa quân vây thành Tống bình (Hà nội) giết viên đô hộ Lưu diên Hựu, nhưng bị viện binh nhà Đường đánh bại.

*Mai Thúc Loan, quê ở Mai phụ (Hà tĩnh), như mọi người dân Việt, Mai thúc Loan phải đi phu, quanh năm phục dịch vất vả cho bọn quan lại nhà Đường. Năm 722, Mai thúc Loan kêu gọi dân phu nổi dậy khởi nghĩa, nhân tài và quần chúng hưởng ứng rất đông, lập căn cứ ở vùng núi rừng hiểm trở cạnh sông Lam. Mai Thúc Loan xưng đế, đóng đô ở Vạn an (vùng rú Đụn cạnh sông Lam). Vì mặt mũi đen sì nên còn gọi là Mai Hắc Đế. Ít lâu sau, nhà Đường cử Dương tư Húc đem 10 vạn quân đàn áp cuộc khởi nghĩa, Mai hắc Đế thua, ít lâu sau thì mất, nghĩa quân tan vỡ.

*Phùng Hưng ở Sơn tây nổi lên chống sưu thuế quá nặng, năm 766 đem quân về vây phá phủ đô hộ ở Tống bình, phát động cuộc khởi nghĩa chống Tàu. Sau 7 năm, Phùng Hưng mất, con là Phùng An nối ngôi, suy tôn cha làm Bố Cái Đại Vương. Phùng An làm chủ đất nước được hai năm thì nhà Đường cho Triệu Xương sang làm đô hộ An Nam, dụ Phùng An ra hàng. Năm 791, Phùng An đầu hàng nhà Đường.

*Năm 803, một tướng lãnh người Việt là Vương quý Nguyên nổi dậy, nhưng cuộc binh biến bị Triệu Xương dập tắt.

*Dương Thanh, một thủ lãnh người Việt căm phẩn vì sự khắc nghiệt và hung bạo của bọn phong kiến Phương Bắc, đã cùng con là Chí Liệt lãnh đạo binh lính dưới quyền tập kích thành đô hộ giết Lý tương Cổ thuộc tôn thất nhà Đường giữ chức đô hộ. Sau đó nhà Đường cất đại quân tiến công thành Tống bình, Dương Thanh bị giết, con là Chí Liệt rút về mạn Yên mô-Ninh bình cầm cự đến tháng 7 năm 820 thì thất bại.

*Nhân cơ hội triều đình nhà Đường đổ nát, Khúc Thừa Dụ, quê ở Hải dương, được nhân dân ủng hộ, tự xưng là tiết độ sứ, tuy mang tước hiệu quan chức của nhà Đường, nhưng Khúc Thừa Dụ đã xây dựng một chính quyền tự chủ, loại trừ được bọn quan lại phong kiến thống trị nước ta. Ông qua đời năm 907, con là Khúc Hạo nối nghiệp cha, tiếp tục sự nghiệp xây dựng nền độc lập của dân tộc, Ông mất năm 917, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay.

Năm 930, nhà Nam Hán sai tướng Lương khắc Trinh đem quân sang đánh nước ta, Khúc thừa Mỹ bị bắt giải về Quảng châu, quan quân của Nam Hán chiếm đóng Tống bình (Hà nội) nhưng không dám ra khỏi thành bởi các tướng cũ của họ Khúc và các hào trưởng địa phương giữ quyền cai trị nhân dân mình.

Một trong các tướng cũ của họ Khúc là Dương đình Nghệ, người châu Ái (Thanh hóa) quyết chí giành độc lập cho dân tộc. Ông tự xưng là tiết độ sứ, nuôi và luyện tập ba ngàn quân rồi mở cuộc tiến quân ra châu Giao đánh bọn Lý Tiến, quan quân nhà Hán tháo chạy về nước. Năm 931, đất nước ta lại giành được quyền tự chủ. Năm 937, Dương đình Nghệ bị viên tướng của mình là Kiều công Tiển giết chết để đoạt chức tiết độ sứ.

Tháng 11 năm 938, Ngô Quyền, viên tướng giỏi và là con rể của Dương đình Nghệ hay tin nhạc phụ bị giết, liền kéo quân từ châu Ái ra trị tội tên phản bội. Cùng thời điểm nầy (năm 938) vua Nam Hán phong con là Hoàng Thao làm Giao Vương, đem thủy quân sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền (899-944) cùng con là Ngô Mân, được quân sĩ và nhân dân ủng hộ đã hạ thành Đại la, giết tên phản bội Kiều công Tiển để trừ nội gián, nội ứng, rồi gấp rút tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược.

Nắm vững đường tiến quân của địch từ biển vào, Ngô Quyền lệnh cho quân dân chặt cây đẽo cọc, đầu bịt sắt nhọn, cắm ngầm xuống lòng sông Bạch đằng rồi cho quân mai phục sẵn sàng chờ giặc. Đang lúc thủy triều lên, Ngô Quyền cho quân ra khiêu chiến,quân Nam Hán đuổi theo, lúc thủy triều vừa xuống, Ngô Quyền hồi quân đánh quật lại, thuyền giặc bị cọc nhọn đâm thủng bị vỡ và đắm rất nhiều. Hoằng Thao, viên chỉ huy thủy binh của địch cũng bị giết tại đây.

Chiến thắng oanh liệt tại sông Bạch đằng cuối năm 938, dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền đã kết thúc hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc hơn một ngàn năm (111 TTL-931 STL), mở đầu thời kỳ độc lập lâu dài qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần. ..

Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương. Cổ loa là kinh đô cũ của nước Âu lạc thời An dương vương được Ngô Quyền chọn làm kinh đô của vương quốc độc lập. Ông mất năm 944 nhưng đến năm 965 chính quyền trung ương mới bị tan rã bởi loạn 12 sứ quân tranh giành nhau quyền hành và lãnh thổ, mỗi sứ quân chiếm cứ một vùng, xây thành đắp lũy đánh giết nhau làm cho nhân dân khổ sở vô cùng.

Sự sống còn của dân tộc và nền độc lập của đất nước là bức thiết nhất, đòi hỏi chấm dứt nội loạn 12 sứ quân để đem lại đoàn kết nhân dân và thống nhất nước nhà, người nêu cao ngọn cờ chính nghĩa trong giai đoạn lịch sử nầy là ông Đinh Bộ Lĩnh.

Đinh Bộ Lĩnh người ở động Hoa lư (Ninh bình), được sứ quân Trần minh Công cho giữ quyền bính. Khi Trần minh Công chết, Đinh Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa lư, chiêu mộ anh hùng hào kiệt, hùng cứ một phương, lần lượt đánh bại các sứ quân khác, đến năm 967, loạn 12 sứ quân bị dẹp tan, đất nước được thống nhất. Năm 968 Ông lên ngôi hoàng đế gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa lư nơi núi non hiểm trở để đóng đô với công trình phòng ngự rất kiên cố. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị Đổ Thích ám hại. Triều đình trị tội Đổ Thích và tôn Vệ Vương mới 6 tuổi lên làm vua, quyền chính do thập đạo tướng quân Lê Hoàn nắm giữ.

Trong lúc đó ở Phương Bắc, nhà Tống tự coi mình là «thiên triều» thống trị các nước lân bang, nghe tin Đinh Tiên Hoàng bị ám hại, tự quân còn nhỏ dại, nước ta bị nội loạn, bèn hội đại binh gần biên giới chuẩn bị xâm chiếm nước ta.

Trước vận nước sắp bị ngoại xâm, quân sĩ và quan lại suy tôn Lê Hoàn lên làm vua, hiệu Lê Đại Hành, sử gọi là nhà Tiền Lê, gấp rút tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Ông áp dụng chiến thuật của Ngô Quyền hơn 40 năm trước, sai quân sĩ đóng cọc nhọn ở sông Bạch đằng để chống chiến thuyền địch và phục kích sẳn tại các địa điểm trên đường tiến quân của địch.

Đầu năm 981, quân Tống theo hai đường thủy bộ ào ạt tấn công nước ta. Lê Hoàn trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến, đánh bại quân xâm lược Tống trên sông Bạch đằng rồi thừa thắng truy kích tiêu diệt quân Tống, khiến cho nhà Tống phải ra lệnh bãi binh, thừa nhận sự thất bại của đạo quân viễn chinh. Tuy vậy nhà Tống vẫn không từ bỏ tham vọng xâm lăng nước ta.

Nhà Tiền Lê làm vua được ba đời, khi Long Đĩnh mất rồi, con còn bé, đình thần tôn Lý Công Uẩn lên làm vua vào năm1010, lập nên triều Lý, dời đô từ Hoa lư về Đại la, đổi tên là Thăng long (Hà nội), đổi tên nước là Đại Việt.

Năm 1072, vua Lý thánh Tông từ trần, Lý nhân Tông lên nối ngôi mới 7 tuổi. Nhà Tống coi đó là một cơ hội để tái xâm lược nước ta, quân Tống tập trung ở thành Ung châu gần biên giới nước ta. Lý thường Kiệt tổ chức một cuộc tập kích sang đất Tống nhằm tiêu diệt căn cứ của quân xâm lược Tống. Sau 42 ngày công phá, quân ta chiếm được thành Ung châu, phá thành, tiêu hủy kho tàng,..v.v.... rồi rút về nước.

Năm 1075, quân Tống phục hồi lại doanh trại Ung châu và cuối năm 1076, bộ binh và kỵ mã Tống vượt biên giới tiến về phía Thăng long bị quân ta đập tan với các trận đánh ác liệt, địch bị thảm bại. Sau hơn ba tháng tiến quân vào nước ta, số lính Tàu và phu vận chuyển đã bị chết hơn phân nửa, quan lính mệt mỏi, tinh thần sa sút, tiến thì không đủ sức, lui thì mất mặt thiên triều, đóng quân lại thì có nguy cơ bị tiêu diệt. Lý Thường Kiệt bèn đặt vấn đề điều đình để mở lối thoát cho địch mà ta khỏi tốn xương máu. Tháng 3 năm 1077, quân Tống rút chạy về nước trong hỗn lọan, đạp lên nhau. Mộng xâm lược của Tống đến đây bị tiêu tan.

Trong khí thế chiến thắng quân Phương Bắc xâm lược, Lý Thường Kiệt đã sáng tác một bài thơ bất hủ để cổ võ quân sĩ, khiến ai nấy đều nức lòng đánh giặc:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
.

Bài thơ tuy ngắn, nhưng có giá trị như một bản tuyên ngôn độc lập, đã nói lên khí phách anh hùng và nghiêm khắc cảnh cáo quân xâm lược.

Chống xâm lược Mông cổ (1258):

Trong khi nhà Lý mất ngôi về tay nhà Trần, thì bên Tàu, nhà Tống bị người Mông cổ đánh phá. Người Mông cổ hung hăng, hiếu chiến, cưỡi ngựa giỏi, bắn cung hay, binh lính đều là quân kỵ, là đoàn quân viễn chinh khét tiếng tàn bạo của Thành Cát Tư Hãn (hiệu là Nguyên Thái Tổ), từng hoành hành trên lục địa Á-Âu, lập thành một đế quốc rộng lớn từ bờ Thái bình dương đến bờ biển Hắc hải. Năm 1252, Hốt thất Liệt đánh chiếm Vân nam (Trung quốc). Năm 1257, Hốt thất Liệt cho sứ sang dụ vua Trần Thái Tông đầu hàng. Nhà vua không ngần ngại tống giam sứ giả Mông cổ rồi sai Trần quốc Tuấn đem binh lên giữ biên cương phía bắc. Cả nước được lệnh sẵn sàng chống giặc. Tháng 1 năm 1258, quân địch theo lưu vực sông Hồng tiến đến Vĩnh phú. Quân thủy bộ do vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy, sau nhiều trận chiến ác liệt phải rút về Thăng long. Địch tiếp tục tiến công ào ạt, triều đình bỏ kinh thành Thăng long rút về vùng Hải hưng. Trước tình thế nguy ngập, vua Trần Thái Tông hỏi thái sư Trần Thủ Độ, được ông Độ đáp: «Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo». Nghe lời đanh thép ấy, nhà vua cảm thấy an tâm.

Ngày 29-1-1258, quân ta ngược dòng sông Hồng, mở cuộc tiến công quyết liệt, quân địch bị đánh bật khỏi kinh thành, theo dòng sông Hồng tháo chạy về Vân nam. Âm mưu xâm lược Đại Việt của Mông cổ đã bị thất bại, cuộc kháng chiến lần thứ nhất, quân dân ta đã dành được thắng lợi.

Sau thời gian hòa hoản (1258-1284), năm 1282 nhà Nguyên sai Thoát Hoan, Toa Đô và Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn quân, lấy cớ mượn đường đi qua nước ta để đánh Chiêm thành. Vua Trần Nhân Tông hội bách quan bàn kế chống giữ. Phần đông đồng ý cho quân Nguyên mượn đường, duy chỉ có Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư không đồng ý và quyết xin đem quân phòng giữ. Nhà vua chấp thuận, phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thống lĩnh mọi quân đi chống quân Nguyên, đồng thời cho sứ sang Tàu thương lượng xin hoản binh.

Việc thương lượng không thành, biết rõ ý đồ xâm lăng của địch, vua Trần Nhân Tông triệu tập các bô lão dân gian tại điện Diên Hồng để bàn xem nên hòa hay nên đánh. Các bô lão đều đồng thanh «Xin Đánh». Thấy dân gian đoàn kết một lòng, vua cũng quyết chí chống giặc cứu nước. Theo lệnh của Trần Quốc Tuấn: «Tất cả quận huyện trong nước, nếu có giặc đến, phải liều chết mà đánh, nếu không địch nổi thì cho phép lẫn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng. ..»

Cuối tháng giêng năm 1285, quân Nguyên vượt biên giới với một lực lượng viễn chinh rất lớn, từ ba mặt đánh vào nước ta. Đạo quân Toa Đô đóng ở vùng Việt lý, Ô lý (Quảng trị,Thừa thiên) phía bắc Chiêm thành tiến công lên phía nam nước ta, đạo quân Thoát Hoan từ Quảng tây tiến vào Lạng sơn, đạo quân Nạp tốc lạt Binh từ Vân nam tiến sang nước ta theo lưu vực sông Chảy. Quân ta tạm thời rút lui. Vua Trần Nhân Tông tỏ ý lo sợ mới bảo Hưng Đạo Vương rằng: «Thế giặc to như vậy mà chống nó thì dân sự tàn hại hay là trẫm hãy chịu hàng để cứu muôn dân ». Hưng Đạo Vương tâu rằng: « Xin bệ hạ hãy chém đầu tôi rồi sau sẽ hàng ». Vua nghe lời trung liệt như vậy mới an tâm. Trên chiến trường, một số chiến sĩ bị giặc bắt,trong đó có tướng Trần Bình Trọng bị nộp cho Thoát Hoan. Thoát Hoan nói rằng: «Nếu đầu hàng, ta sẽ cho ngươi làm vua đất Bắc». Trần Bình Trọng quát lên: «Ta thà làm quỉ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì chỉ có chết mà thôi, can gì mà hỏi lôi thôi!». Thoát Hoan thấy không dụ được, sai quân đem chém.

Quân địch truy kích, triều đình phải rút về Thiên Trường (Nam hà),Trường yên (Ninh bình). Từ Thăng long, Thoát Hoan đánh xuống Thiên trường, từ Thanh hóa, Toa Đô đánh thốc lên Trường yên. Quân địch tiến công thế gọng kềm bao vây quân ta. Trong khi đạo quân Toa Đô vượt qua Thanh hóa tiến ra Trường yên thí quân của Trần Quốc Tuấn từ Hải phòng quay vào chiếm Thanh hóa làm căn cứ. Quân Toa Đô vừa đến Trường yên lại phải quay ngược lại để đánh vào Thanh hóa.

Tháng 5 năm 1285, Trần quốc Tuấn tiến quân ra Bắc, đánh mạnh vào các căn cứ của địch ở phía nam Thăng long. Hệ thống phòng thủ của địch trên sông Hồng bị vỡ, quân ta thừa thắng xông lên tiến công dữ dội vào thành Thăng long. Thoát Hoan rút quân ra khỏi thành Thăng long và trên đường thoát chạy về nước, bị quân ta truy kích ráo riết, quân Thoát Hoan chạy đến Vạn kiếp bị quân ta mai phục tiêu diệt vô số quân giặc, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân lính khiêng mới thoát chết và về đến biên giới Tàu. Còn đạo quân Toa Đô từ Thanh hóa định tiến lên Thăng long, khi đến Tây kết bị tiêu diệt, Toa Đô bị chém đầu tại trận.

Cuộc kháng chiến lần thứ hai rất gay go và ác liệt, đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, quân địch thất bại nhục nhã làm Hốt Thất Liệt mất mặt tức tối và nuôi ý chí phục thù rửa nhục cho nhà Nguyên.

Tháng 12 năm 1287, quân Nguyên từ ba mặt tiến đánh nước ta. Đạo quân Thoát Hoan tiến vào Lạng sơn, đạo quân Ái Lỗ từ Vân nam tiến theo sông Hồng, đạo thủy binh của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp vượt biển tiến vào sông Bạch đằng. Thủy binh địch do Ô mã Nhi và Phàn Tiếp bị thủy binh ta do tướng Trần Khánh Dư chỉ huy mai phục ở Văn đồn chận đánh tiêu diệt toàn bộ thuyền tải lương của địch. Tháng 2 năm 1288, quân Nguyên vượt sông Hồng đánh vào thành Thăng long. Triều đình rút về hạ lưu sông Hồng rồi phối hợp dân quân khắp nơi tập kích các căn cứ và chận đánh các cuộc hành quân của địch, làm cho địch ngày đêm lo sợ. Tháng 3 năm 1288, Thoát Hoan ra lệnh đốt kinh thành Thăng long rồi rút về Vạn kiếp và chia quân thành hai đạo theo đường thủy bộ rút về nước. Quân ta bám riết quân thù và chôn vùi đạo thủy quân của Ô mã Nhi tại sông Bạch đằng, Ô mã Nhi và Phàn Tiếp bị bắt sống. Đạo quân bộ của Thoát Hoan rút qua vùng Lạng sơn bị quân ta chận đánh liên tục, truy kích, tập kích liên tiếp, Thoát Hoan phải mở đường máu chạy thoát về nước.

Trong vòng 30 năm (1258-1288) dân tộc ta đã chiến đấu anh dũng kiên cường chiến thắng quân xâm lược Mông cổ, một đế quốc đã từng chiến thắng khắp vùng Âu-Á, nhưng đã bị thảm bại trước sức phản công đầy mưu lược và anh dũng của quân dân ta với những chiến công oanh liệt làm cho kẻ thù không dám tái xâm phạm nước ta.

Hai vua cuối đời Trần, Dụ Tông thì ham chơi, Nghệ Tông thì không biết phân biệt hiền, gian nên bị Lê quý Ly mưu sự thoán đoạt rồi lập ra nhà Hồ (Hồ quý Ly). Tại Trung quốc, năm 1368, triều Nguyên bị đánh đổ; triều Minh, một triều đại của dân tộc Hán, được thiết lập với tham vọng «thu phục cả thiên hạ» dưới quyền nhà Minh.

Ngày 19-11-1406, quân Minh vượt biên giới vào nước ta với một lực lượng 215.000 lính bộ binh, chưa kể hàng vạn phu phục dịch. Ngày 22-01-1407, quân Minh tràn xuống chiếm kinh thành Thăng long. Quân nhà Hồ phản công thất bại rồi rút xuống mạn hạ lưu sông Hồng, quân địch truy kích tiếp, quân Hồ rút vào Thanh hóa và đến tháng 6 năm 1407 thì Hồ quý Ly bị giặc bắt. Nguyễn Trải, từng làm quan với nhà Hồ, đã phê phán chính sách của vương triều nầy như sau: « Họ Hồ. .. lấy gian trí để hiếp dân chúng... kẻ thân yêu được tôn hiển, người xu nịnh được tin dùng...người trung trực phải khóa miệng, kẻ lương thiện đều ngậm oan »

Sau khi đánh bại triều Hồ, quân Minh xóa bỏ nền độc lập của dân tộc ta. Tháng 4 năm 1407, nhà Minh đổi nước ta thành quận Giao chỉ và bổ nhiệm các quan lại người Tàu sang cai trị nước ta từ cấp quận đến các phủ, châu, huyện. Vùng địch chiếm đóng thì nhân dân ngấm ngầm chống lại chính qưyền đô hộ và chính sách bóc lột. Thỉnh thoảng có các cuộc bạo động lẻ tẻ xuất hiện.

Đến năm 1416, tại núi Lam sơn tỉnh Thanh hóa, Lê Lợi cùng 18 bạn chiến đấu tuyên thệ tại Lam sơn, thề sống chết vì sự nghiệp đuổi giặc cứu nước. Các anh hùng hào kiệt và những người yêu nước ở Thanh hóa và khắp nơi lần lượt về Lam sơn để tụ nghĩa. Nguyễn Trải bị quân Minh giam lỏng ở Đông quan cũng tìm cách về Lam sơn để cùng với Lê Lợi tổ chức cuộc khởi nghĩa.

Ngày 7-2-1418 (mồng 2 Tết Mậu Tuất), trong bầu khí Tết Nguyên đán, Lê Lợi và nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa ở Lam sơn. Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi toàn dân nhất tề vùng lên đuổi giặc cứu nước, dùng vùng núi Lam sơn làm căn cứ địa.

Nhà Minh huy động 10 vạn quân bao vây núi Chí linh (Thanh hóa) và Khôi nguyên (Ninh bình). Nghĩa quân cạn lương thực, Lê Lai xin cải trang làm Lê Lợi, dẫn 500 quân ra đánh, làm lạc hướng quân địch để Lê Lợi trốn thoát. Sau đó Lê Lợi và nghĩa quân bỏ Thanh hóa và Ninh bình tiến vào giải phóng Nghệ an.

Tháng 6 năm 1425, nghĩa quân giải phóng phủ Diễn châu (bắc Nghệ an) rồi tiến công ra Thanh hóa, quân địch phải rút vào thành Tây đô cố thủ, bị nghĩa quân bao vây. Tháng 8 năm 1425, một bộ phận nghĩa quân giải phóng vùng Quảng bình, Quảng trị vá bắc Thừa thiên. Từ đây binh thế của Bình Định Vương Lê Lợi ngày càng mạnh.

Tháng 10 năm 1427, viện binh địch chia làm hai đạo tiến sang nước ta, Liễu Thăng dẫn 10 vạn quân từ Quảng tây sang, Mộc Thạch 5 vạn từ Vân nam vào. Ngày 10 tháng 10, đội quân tiên phong của địch lọt vào trận địa bị quân ta tiêu diệt gọn, Liễu Thăng bị chém tại trận, phó tướng Lương Minh lên nắm quyền chỉ huy cũng bị giết với hàng vạn quân địch. Nghe tin Liễu Thăng chết, đạo quân Mộc Thạch đang cầm cự ở vùng biên giới cũng tháo chạy.Tướng quân Vương Thông của nhà Minh thấy viện binh bị diệt, trong hoàn cảnh tuyệt vọng, phải điều đình để rút quân về nước. Lê Lợi và Nguyễn Trải thuận cho địch rút về nước an toàn và cấp cho quân địch lương thực, hàng trăm thuyền và ngựa để đi đường. Ngày 3-1-1428, tên địch cuối cùng ra khỏi bờ cõi nước ta.

Bình Định Vương Lê Lợi dẹp xong giặc Minh, sai ông Nguyễn Trải làm tờ bá cáo cho thiên hạ biết, gọi là « Bình Ngô Đại Cáo », được xem như bản Tuyên Ngôn Độc Lập lần thứ hai của dân tộc ta.

Bình Ngô Đại Cáo (Trích đoạn mở đầu)

Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Cõi bờ sông núi đã riêng,
Phong tục Bắc – Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu.

. ..............................................

Quân xâm lược Mãn Thanh (1788-1789)

Lê Mẫn Đế, hiệu Chiêu Thống bị quân Tây sơn đánh thua đã cùng bà Hoàng thái hậu chạy sang Tàu cầu cứu. Nước Tàu lúc nầy triều Minh đã sụp đổ, triều Thanh đang thống trị Trung quốc. Với danh nghĩa cứu vua Lê, nhà Thanh, dưới triều vua Càn Long, sai Tôn sĩ Nghị dẫn 20 vạn quân tiến vào nước ta vào tháng 11 năm 1788. Quân Thanh chia làm 4 đạo: đạo quân Tôn sĩ Nghị qua Lạng sơn tiến xuống Thăng long (Hà nội); đạo quân Sầm nghi Đống từ Cao bằng tiến xuống; đạo quân Ô đại Kinh qua Tuyên quang; đạo quân thứ tư theo đường Quảng ninh tiến vào. Quân Tây sơn từ Thăng long rút về Thanh hóa và Ninh bình. Ngày 17 tháng 12, quân Thanh tiến đến Bắc ninh, vua Lê Chiêu Thống ra chào mừng rồi đem quân Tàu về Thăng long. Tôn sĩ Nghị ngạo nghễ tự đắc, xử sự với vua rất khinh bạc, đôi khi ông ta không cho vua vào « yết kiến ». Thời bấy giờ bàn tán rằng: « Nước Nam ta từ khi có đế vương tới bây giờ, không thấy vua nào hèn hạ đến thế..., việc gì cũng bẩm lên quan tổng đốc (TSNghị), thế thì có khác gì đã bị nội thuộc rồi không ? ».

Trong lúc quân Thanh tự đắc tự mãn với những thắng lợi, thì tại Phú xuân (Huế), ngày 21 tháng 12 năm 1788, Nguyễn Huệ nhận được tin báo khẩn cấp. Ngày hôm sau Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi hoàng đế, hiệu Quang Trung, rồi lập tức thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc. Quân Tây sơn dừng lại ở Nghệ an 10 ngày để bổ sung lực lượng, quân số được tăng lên 10 vạn. Quang Trung tổ chức một cuộc duyệt binh lớn và đọc lời hiệu triệu quân sĩ:

« Quân Thanh sang xâm lăng nước ta, hiện ở Thăng long, các người đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, trời nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam phương Bắc chia nhau mà cai trị...Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng nữ vương, đời Tống có Đinh Tiên hoàng, Lê Đại hành, đời Nguyên có Trần Hưng đạo, đời Minh có Lê Thái tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa binh, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Minh đến đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi hại, được mất ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng... »

Trước khi xuất phát, Quang Trung mở tiệc khao quân và tuyên bố: « Nay ta hãy ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang xuân, ngày 7 vào thành Thăng long sẽ mở tiệc lớn... ».

Đêm 25-1-1789 (tức đêm 30 tết) đạo quân chủ lực của Nguyễn Huệ vượt sông Đáy, vây đồn Hà hồi, mở đầu cuộc tiến công đại phá quân Thanh. Sáng ngày 30-1, tức mồng 5 Tết, quân ta bước vào trận quyết chiến với địch, đồn Ngọc hồi bị san bằng, tiêu diệt toàn bộ quân Thanh ở đó. Cùng thời điểm nầy, quân ta tiêu diệt đồn Khương thương (Đống đa, Hà nội), Sầm nghi Đống khiếp sợ, thắt cổ tự tử. Tôn sĩ Nghị không kịp mặc áo giáp và đóng yên ngựa, bỏ cả ấn tín, vội vàng cùng toán hầu cận vượt cầu phao tháo chạy. Vua Chiêu Thống và bà Hoàng thái hậu cũng chạy theo. Khi đã qua cầu, Tôn sĩ Nghị ra lệnh cắt cầu phao để cản đường truy kích của quân Tây sơn, do hành động tàn nhẫn nầy, hàng vạn quân Thanh bỏ xác dưới sông Hồng.

Chiến công rực rỡ Xuân Kỷ Dậu 1789, quét sạch 20 vạn quân Thanh, giải phóng kinh đô Thăng long, giữ vững nền độc lập của nước nhà, Quang Trung Nguyễn Huệ đã trở thành anh hùng vĩ đại của dân tộc ta.

*****

Trung hoa là một quốc gia rộng lớn, đông dân, từ xưa đã đô hộ nước ta. Khi dân tộc ta tranh thủ được độc lập thì người Tàu lại mang mộng bá chủ, ý tưởng bành trướng lãnh thổ, uy hiếp nước yếu. Nước ta tuy đã độc lập nhưng các triều đại muốn cầu hòa, nể nang nước lớn, nên hể ông nào lên làm vua cũng sai sứ sang Tàu xin cầu phong và giữ lệ triều cống mỗi ba năm.

Nhưng đến năm 1840, tình thế nước Tàu suy sụp. Việc cấm thuốc phiện ở Quảng đông (Trung hoa) dẫn đến chiến tranh với Anh, nhường Hương cảng cho nước nầy. Sau đó quân Anh, Pháp đánh chiếm hải khẩu rồi kéo lên đánh Bắc kinh. Trong các cuộc chiến tranh Trung-Pháp, chiến tranh Trung-Nhật và chiến tranh liên quân 8 nước xâm lược Trung hoa, Từ Hy Thái Hậu đã ký kết hàng loạt điều ước mất quyền nhục nước, nhượng nhiều đất đai vào tay ngoại bang. Năm 1911, cách mạng Tân Hợi lật đổ vương triều Thanh, chấm dứt chế độ phong kiến quân chủ hàng ngàn năm cai trị Trung hoa.

Tuy vậy Trung hoa không từ bỏ chủ trương bành trướng mỗi khi đất nước họ phục hồi sức mạnh. Nạn nhân mãn ở Trung quốc với trên một tỉ ba trăm triệu người phát triển nhanh hơn các thức nuôi sống dân họ, đã thúc đẩy họ tìm đất sống bằng cách bành trướng xâm lấn đất đai các nước láng giềng. Họ không thể bành trướng lên phía bắc bởi bị Liên bang Nga lớn mạnh; phía tây gặp Ấn độ, một nước cũng đất rộng người đông và có vũ khí nguyên tử; phía đông gặp hai nước Nam Bắc Triều tiên, xưa kia là An Đông Đô Hộ Phủ của nhà Đường, nhưng nay đã có quân đội Hoa kỳ án ngữ và Nhật bản hổ trợ; chỉ còn Việt nam ở phía nam, đã từng bị thống trị dưới các triều Hán, Tống, Nguyên, Minh... Chính sách bành trướng xuống phía nam tạm ngưng một thời gian khi Trung hoa lâm cảnh suy yếu, nay họ là cường quốc kinh tế, có vũ khí hạt nhân và đang hiện đại hóa quân đội, chính sách bành trướng được tái thể hiện khởi đầu với vụ hải chiến năm 1974 giữa Hải quân Việt nam Cộng hòa giữ đảo Trường sa Hoàng sa và Hải quân Trung cộng chiếm đảo. Thời gian gần đây, báo đảng Cộng sản Trung quốc đòi giải quyết vấn đề biển Đông bằng vũ lực.

Trung quốc là một nước lớn mạnh, tham lam và có nhiều mưu lược, quỉ kế. Từ xưa họ đã có tam thập lục kế hay thất thập nhị kế, ngày nay họ có hàng trăm kế sách xảo quyệt, nham hiểm, thâm độc, gián điệp của họ đang trở nên ráo riết và tinh vi hơn, cái vòi bạch tuộc của họ đang vươn dài ra thế giới. Trong ý đồ xâm lược nước ta, cách thức lấn đất, giành biển, chiếm đảo, xâm nhập vào guồng máy quản lý và nền kinh tế nước ta hàm ẩn nhiều thủ đoạn, phương pháp, mánh khóe lừa lọc. Đối với Trung quốc, nhà cầm quyền Việt Nam cần cảnh giác cao độ về vấn đề an ninh, nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà./-

Sách tham khảo:

-Việt nam Sử lược của Trần Trọng Kim
-Lịch sử Việt nam của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt nam
-Lịch sử Trung hoa của Trần văn Chánh...







 
Văn Hóa
Đầu năm nói chuyện Hạnh Phúc
Trần Trung Lương
09:37 15/02/2010
Đầu năm nói chuyện Hạnh Phúc

Mục đích cuộc đời là đi tìm hạnh phúc và hưởng hạnh phúc.Nhưng thế nào là hạnh phúc ?

Hạnh phúc có rất nhiều định nghĩa:

- Phúc tốt lành ( Việt Nam Tự Điển, Hội Khai Trí Tiến Đức )
- Phước lành, điều may mắn cho đời mình ( Viêt Nam Tự Điển, Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ)
- Vận may phúc tốt ( Hán Việt Tự Điển, Đào Duy Anh )
- Được khoẻ mạnh, vừa lòng, đẹp ý ( Webster’s New |Colligiate Dictionary)
- Tâm trí thoải mái, cõi lòng vui vẻ ( Webster Universal Dictionary )
-. . .
Tác giả Lê Bình trong Nguyệt San ‘ Người Việt Montréal Canada’ số 5, tháng 8, 2009 viết: Hạnh Phúc thật là thế nào ? Xin chịu. Sách có nói: Nước mắt khổ đau của thế gian còn nhiều hơn nước biển. Thôi, đành niệm câu tâm kinh trong Pháp Bảo Vương Tam Muội:

- Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật, vì không bệnh tật thì tham dục dễ sinh.
- Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu sa nổi dậy.
- Cứu xét tâm tính thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thành
- Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường.
- Làm việc đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì sinh lòng kiêu ngạo.
- Giao tiếp với người đừng mong lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.
- Với người thì đừng mong thuận chiều ý mình, vì được thuận ý mình thì lòng tất tự kiêu
- Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp trả là có mưu cầu.
- Thấy lợi đừng nhúng tay, vì nhúng tay thì hắc ám tâm trí.
- Oan ức không cần bày tỏ, vì bầy tỏ là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài.

Chúa Giêsu trong bài giảng đầu tiên khi ra hành đạo ( Matthêu 5:3-12) đã chỉ cho ta con đường Hạnh Phúc Thật như sau:

- Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
- Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
- Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được an ủi.
- Phúc thay ai khao khát sự công chính vì họ sẽ được thỏa lòng.
- Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được thương xót.
- Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
- Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
- Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính vì Nước Trời là của họ.
- Phúc thay cho anh em khi vì Thày mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh hem hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Trên đây là lời Phật lời Chúa trong sách đạo.

Trong sách đời, tôi thấy một bài trong internet luận về hạnh phúc cũng hay thấm thía. Tôi không thấy tên tác giả. Đây là kinh nghiệm của một vị có vẻ trọng tuổi luận về hạnh phúc cuộc đời, như sau:

- Hạnh phúc là do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng đời người. Niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là cảm nhận.
- Tiền không phải là tất cả, nhưng không phải không là gì. Đừng qúa coi trọng đồng tiền. Nó là thứ ngoại thận, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang theo. Nếu dùng tiền mà mua được sức khỏe thì tại sao không bỏ ra mà mua. Nều dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ. Nhưng hãy làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ nó.
- Người già nên thay đổi quan niệm cũ đi. Cần ăn thì ăn, can mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao phẩm chất cuộc sống.
- Tiền bạc là của con cháu, địa vị là tạm thời, vẻ vang là qúa khứ, sức khoẻ là của mình.
- Cha mẹ yêu con là vô hạn, con yêu cha mẹ là hữu hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo, cha mẹ ốm thì con nhìn cha mẹ một chút và hỏi thăm vài câu là đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ. Nhà cha mẹ là nhà con, nhà con không phải là nhà cha mẹ. Nước mắt chảy xuôi là thế. Cha mẹ lo cho con thì coi là nghĩa vụ là niềm vui, không mong báo đáp. Cha mẹ chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
- Người hiểu đời thì rất qúy trọng và biết thưởng thou`c những gì mình đã có và đang có. Tr6ng lean thì ta chẳng bằng ai, nhưng trông xuống thì chẳng ai bằng mình. Biết đủ thì được đủ.
- Hãy tốt bụng với mọi người, lấy việc giúp đỡ tha nhân làm niềm vui.
- Nên dành những name tháng tuổi gìa cho mình, quan tâm đến bản thân, sống thế nào cho vui. Ai nói sao thì mace kệ, mình đâu sống vì ý thích của kẻ khác, nên sống that với chính mình
- Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già. Tuổi không già mà tâm già, thế là không gìa mà gìa. Khi giải quyết một vấn đề thì nên nghe già.
- Sống phải năng hoạt động nhưng đừng qúa mức. Mọi thứ đều nên vừa phải: ăn uống qúa thanh đạm thì không đủ chất bổ dưỡng, còn quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Qúa nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu.
- Người ngu thì tự gây bệnh như hút thuốc uống rượu. Người dốt thì chờ bệnh đến rồi mới chữa. Người khôn thì biết phòng bệnh.
- Tư duy tiêu cực, sống với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.
- Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp. Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung. Người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.
- Người già mà chỉ có một hai người bạn thì chưa đủ. Nên có một nhóm bạn già, vì tình bạn làm đẹp thêm tuổi già, làm tuổi già thêm hương vị
- Sinh lão bệnh tử là quy luật của Trời, không chống lại được. Hãy sống sao cho ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm. Người hạnh phúc là người mỉm cười khi bước vào cõi khác.

Người tiêu biểu có cuộc sống hạnh phúc, theo báo chí, đó là ôngWarren Buffet. Đây là một ông già người Hoa Kỳ giàu có đứng hàng thứ hai trên thế giới sau tỷ phú Bill Gates. Ông Buffet quê ở bang Nebraska Hoa Kỳ. Tuy trong túi có 40 tỷ mỹ kim, ông sống rất xuề xòa bình dân. Năm nay, 2010, ông 80 tuổi. Ông bảo ông rất hạnh phúc với nếp sống đơn sơ và bình dân này. Ông vẫn ở căn nhà 3 phòng ngủ, đã hơn 50 năm, từ khi lấy vợ. Ông tự lái xe. Ông không giao du với giới quyền qúy. Lúc rảnh rỗi ông tự làm món bắp rang rồi vừa ngồi ăn vừa xem TV. Vua tỷ phú Bill Gates cách nay mấy năm đã tới thăm ông. Ban đầu ông Gates dự định sẽ thăm xã giao trong vòng nửa giờ. Nhưng rồi ông Gates đã bị ông Buffet bỏ bùa mê. Hai bên đã mê nhau. Ông tỷ phú Buffet đã tặng ông tỷ phú Gates 35 tỷ mỹ kim để làm các việc bác ái.
Báo chí đã phỏng vấn Ông Buffet xin ông chỉ dẫn cho hậu thế biết thế nào là sống hạnh phúc. Ông trả lời ngay như đã có sẵn trong đầu:

- Đừng dùng thẻ tín dụng và vay mượn ngân hàng.
- Con người làm ra tiền chứ không phải tiền làm ra con người.
- Hãy sống cuộc đời bình dị và đơn giản.
- Đừng làm cái mà thiên hạ nói. Hãy lắng nghe cái thiên hạ nói, nhưng hãy làm cái mà bạn nghĩ là tốt.
- Đừng mặc quần áo theo thời trang và thương nhãn, hãy mặc loại quần áo nào mà bạn thấy thoải mái.
- Đừng mua sắm những cái không cần thiết, chỉ mua những cái mà bạn thấy thật cần.
- Đây là cuộc sống của bạn, sao bạn lại để người khác chỉ huy đời bạn ?
- Người hạnh phúc nhất là người không cần có những thứ tốt nhất, nhưng là người biết thưởng thức và qúy những thứ đang có.

Giáo Sư Tề Quốc Lực, người Trung Quốc, nhân viên của Tổ Chức Y tế Liên Hiệp Quốc, khi bàn về vấn đề hạnh phúc, đã nhấn mạnh tới mấy điều này:

- Quên tuổi tác
- Quên tiền tài
- Quên buồn phiền
- Có thân thể khỏe mạnh
- Được vui thú khi đọc sách
- Có bạn bè tri kỷ
- Biết thế nào là đủ
- Ít thịt, nhiều rau
- Ít mặn, nhiều chua
- Ít đường, nhiều trái cây
- Ăn ít, nhai nhiều
- Ít áo, tắm nhiều
- Ít nói, làm nhiều
- Ít muốn, bố thí nhiều
- Ít ưu tư, ngủ nhiều
- Ít đi xe, đi bộ nhiều
- Ít nóng giận, cười nhiều hơn

Đặc biệt ông nhắc những thứ tốt lành mà chúng ta thường có và thường làm thì nên có thêm chút xíu nữa, làm thêm một chút xíu nữa, như sau:

- Miệng ngọt ngào thêm chút nữa
- Đầu óc hoạt động thêm chút nữa
- Nóng giận ít đi một chút nữa
- Độ lượng nhiều hơn một chút nữa
- Lòng rộng rãi hơn một chút nữa
- Làm việc nhiều thêm một chút nữa
- Nói năng nhẹ nhàng thêm một chút nữa
- Mỉm cười nhiều thêm một chút nữa

Trên đây là những con đường dẫn tới Hạnh Phúc.Có vẻ đã nhiều quá.
Nếu phải cô đọng lại, xin mượn lời một cụ già đã 92 tuổi vàng mà tôi đọc thấy trên mạng lưới toàn cầu, như sau:

- Không hận thù
- Không lo sợ
- Sống đơn giản
- Rộng tay làm phước nhiều hơn nữa
- Giảm bớt tham vọng

Kính chúc độc giả Năm Mới Hạnh Phúc đích thực.

Trần Trung Lương
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Khấn Đầu Năm
Lm. Tâm Duy
23:11 15/02/2010

KHẤN ĐẦU NĂM



Ảnh của Lm. Tâm Duy.

Cả ngoại đạo, cùng con chiên hiện diện

Trước linh đài, đã quỳ gối chấp tay

Để xin Mẹ, ban ơn nước Việt này

Đang cầu nguyện, mang nỗi lòng tâm sự. ..

(Trích thơ của Nguyễn Dzân Thương)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền