Ngày 21-02-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy tư Tin Mừng Chúa nhật thứ 7 thường niên năm A 23.02.2014
Mai Tá
00:09 21/02/2014
Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 7 thường niên năm A 23.02.2014

“Ta lủi thủi đi sâu vào cõi mất”
“Hồn rã rời, thể chất hoá sương băng.”
(Dẫn từ thơ Tế Hanh)
Mat 5: 38-48
Nhà thơ, xưa nay lủi thủi đi vào cõi mất, rất rã rời. Nhà Đạo bây giờ hiên ngang tiến bước chốn vui mừng, dù tháng ngày mình sống rất miên man.
Miên man sống như trình thuật hôm nay thay đổi toàn bộ cuộc đời của nhiều người. Lời Chúa mặc khải đã trở thành cuộc cách mạng đối với nhiều người, và riêng tôi từng nhớ lại Lời Chúa nói: “Hãy trở nên toàn thiện như Cha các người trên trời là Đấng Toàn Thiện”. Tôi nhận ra đây là lời khích lệ hơn là luận cứ cứng ngắc, không sai sót. Cũng không hẳn là yêu cầu, hoặc mời gọi.
Một hôm ngồi trong căn phòng nhỏ ở Oxford, tôi nhận ra rằng ở tiếng Hy Lạp, cụm từ ‘teleios’ vẫn được các dịch giả Kinh thánh chuyển thành hình-dung-từ ”toàn hảo/toàn thiện”, để áp dụng cho con người. Điều này có nghĩa: người ấy thật sự chín chắn. Tức, có khả năng thành đạt mọi thứ, trong mọi chuyện.
Chúa đem đến cho ta một hình ảnh Thiên Chúa là tất cả. Ngài là Đấng khả năng làm tất cả. Nói thế không có ý bảo rằng Ngài vô cảm hoặc cứng ngắc! Tin Mừng có chỗ nói: “Cha các ngươi trên trời đã cho mặt trời mọc trên kẻ xấu cũng như người lành; và Ngài đổ mưa xuống cho người luơng thiện lẫn kẻ bất lương.” Và Chúa dạy ta sống toàn thiện như đáng ra ta phải sống như thế để mọi người tôn trọng.
Và, điều này đã nổ bùng trong tôi, như quả bom. Chúng ta là tông đồ chín chắn, rất trưởng thành bằng cách bắt chước Chúa là không cầm giữ lại ánh sáng mặt trời ban sự sống và làn mưa đổ xuống trên đầu trên cổ người xấu xa, tồi tệ, bất lương. Chúa không làm tắt ngúm cuộc sống của con người chỉ vì họ là kẻ xấu hoặc địch thù của Ngài. Và, ta trở nên giống hình ảnh của Ngài, ở điểm này. Và, đó là lý do ta được dạy phải yêu mến kẻ thù mình.
Nói tóm lại, tôi trở thành người Công Giáo chủ trương hoà bình, đã từ lâu. Tôi tôn kính Hội thánh vào ba thế kỷ đầu đời. Đó, là Hội thánh của các vị tử đạo dám chối từ mọi nai nịt bằng súng ống. Trước đây, tôi rất khâm phục Martin Luther King và coi ông như vị anh hùng của riêng tôi. Bởi, ông dám có những hoạt động bất bạo động, theo tinh thần của Bài Giảng Trên Núi. Ông là người hoán cải được nước Mỹ đầy những rẽ chia, kỳ thị. Lúc bấy giờ, tôi cũng như nhiều người tìm mua bức ảnh đen trắng chụp hình mục sư King để treo tường, đặt ở trên cao nơi bàn làm việc.
Về lại Úc, tôi tham gia một số hoạt động chính trị, nhằm làm áp lực nhà cầm quyền Úc rút quân khỏi Việt Nam. Còn lại, là chuyện lịch sử khá dài dòng. Lúc ấy, là lúc tôi được bầu vào Thượng viện làm Bộ trưởng Tư Pháp suốt sáu năm. Mọi việc thông suốt như một giòng chảy hài hoà. Và, tôi hài lòng được ở trên cao, rất quyền thế. Lúc ấy tôi hiểu thế nào là người thực sự theo Chúa.
Và tôi như ở trong cơn mê. Và, giấc mơ này đã tiêu tan vào tháng Giêng năm 1991, khi ấy Thủ tướng đang cần phiếu ở Thượng viện để hỗ trợ cho việc bố trí lực lượng hải quân được Liên Hiệp Quốc chấp thuận cho sử dụng quân đội nhằm đuổi quân lính của Saddam Hussein khỏi Kuwait, là nơi quân đội ông ta tràn qua để chiếm đóng.
Nói tóm, sau một buổi cuối tuần đầy suy tư âu lo, tôi đã kết luận rằng mọi tiêu chuẩn để đạt một cuộc chiến có chính nghĩa là phải bảo vệ người vô tội chống lại mọi cuộc tấn kích và tôi bỏ phiếu thuận cho việc chủ trương này. Lúc ấy và cả bây giờ tôi vẫn đoan chắc rằng chiến tranh Irak có được chính nghĩa là nhờ vào giáo huấn của Hội thánh trong suốt 16 thế kỷ qua. Nhưng tim tôi vỡ đổ.
Bởi, tôi nhận ra rằng tôi đã phản lại Lời Thày Chí Ái nói ở Bài Giảng Trên Núi. Và từ đó, tôi đặt ảnh Martin Luther King quay vào tường, bởi tôi không thể chịu nổi ánh mắt của ông cứ như đang trách móc tôi một điều gì, đến tận phần sâu lắng trong tâm can. Tôi cũng chẳng dám mở Tin Mừng thánh Mát-thêu ra mà đọc, sợ gặp phải đoạn Lời Chúa nói, như hôm nay.
Tôi vẫn không tài nào tìm được sự bình yên trọn vẹn. Tôi tự an ủi mình bằng sự kiện thấy rằng chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ II, bình thường vẫn là vị Giáo hoàng rất cương quyết, vẫn có những cảm nghiệm, những giao-động ở tâm can và đầu óc, vì từng vật lộn với những vấn đề tương tự. Không ai có thể đọc Hiến chế Sự Sống Tin Mừng mà không phấn đấu (x. Hiến chế Evangelium Vitae #55)
Tôi mong hai chuyện xảy đến. Thứ nhất, toàn thể Hội thánh phải phấn đấu với lời dạy của Chúa khi Ngài bảo: “Các ngươi phải…” mà chữ “ngươi” kia là ở số nhiều, tức cộng đoàn và toàn xã hội. Các nhà bình luận bảo thủ ở Hoa Kỳ vẫn cứ coi lời khuyên bảo của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về chiến tranh và xung đột như sự sai lầm chỉ do cung cách, ý thức hệ.
Không phải thế. Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động nơi Hội thánh như cộng đoàn của các kẻ tin vào Đức Kitô theo chiều hướng không như đã cảm nghiệm từ ba thế kỷ đầu. Thứ hai nữa, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa nhấn mạnh đến điều đòi buộc ta phải cầu nguyện cho những người đang làm hại ta. Nếu họ là người xấu, hoặc kẻ công kích chỉ muốn làm hại kẻ vô tội, thì họ vẫn cần đến lời nguyện cầu của ta.
Ta vẫn phải cầu cho họ để họ được cứu khỏi tình trạng xấu xa, đầy bất nhẫn. Họ được cứu khỏi ý thức hệ rất độc hại vẫn vùi họ dưới bùn đen của ác thần. Chính đó là ý nghĩa tích cực của lời Chúa khuyên ta rất hôm nay, ở Tin Mừng.
Trong tâm tình đó, ta cứ đọc lại lời thơ còn dang dở để thấy là nhà thơ kia đã từng than thở:

“Ta lủi thủi đi sâu vào cõi mất,
Hồn rã rời, thể-chất hoá sương băng.
Cho đến lúc bómng đêm tràn mặt đất,
Người mới hay nhân-loại thiếu tình Trăng.”
(Tế Hanh – Trăng Tàn)

Hôm nay, dù trăng có tàn, nhân-loại có thiếu tình trăng đi nữa, vẫn còn đó tình Chúa thương-yêu hết mọi người. Ngài vẫn đồng hành với mỗi người” để mọi người nhớ mãi rằng: dù “bóng đêm có tràn mặt đất” như nhà thơ viết, nhưng sẽ không tràn với những ai vẫn cứ tin Thiên-Chúa-là-Tình-Thương, với mọi người. Suốt mọi thời.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:48 21/02/2014
VỢ CỦA NGƯỜI MÙ
N2T

Nhà nọ có một đứa con gái rất là xấu, bởi vì không ai muốn lấy cô ta làm vợ cho nên chỉ có cách là gả cho một người mù.
Khi bác sĩ đến chữa mắt cho người mù để phục hồi thị giác, thì gặp phải bố vợ của người mù phản đối, bởi vì ông ta sợ người mù khi nhìn thấy được thì sẽ bỏ con gái của ông ta.

Suy tư:
Dạy dỗ người ý chí chưa trưởng thành thì chỉ có hại mà không có ích gì cả, nhưng chỉ bảo người cố chấp thì tệ hại hơn nhiều, bởi vì sự cố chấp đã như con vi trùng thấm nhập vào trong máu trong tủy của họ rồi.
Khi một người bệnh được chữa lành thì ai cũng vui mừng, nhất là những người thân yêu của họ, huống chi người mù được chữa lành sáng mắt.
Khi người tội lỗi đi trong tối tăm thì mắt tâm hồn họ giống như bị mù, họ không nhìn thấy được ánh sáng của Lời Chúa, không cảm nhận được sự vui tươi hạnh phúc trên khuôn mặt của tha nhân, họ chỉ biết đến hạnh phúc của mình mà quên mất hạnh phúc của người khác, cho nên họ trở thành kẻ ích kỷ và cô đơn dù họ sống dư thừa vật chất, dù họ sống trong danh vọng...
Cố chấp sinh ra ích kỷ, ích kỷ sinh ra hẹp hòi, hẹp hòi làm cho con người ta trở thành bần tiện trong con mắt người khác...
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:51 21/02/2014
N2T

2. Chăm lo đi gieo hạt, rồi sẽ có người vì anh mà đi thu hoạch.

(Cha Vincent Lebbe)
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Nhật ký 3 ngày tết Giáp Ngọ - 2014
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:03 21/02/2014
NHẬT KÝ BA NGÀY TẾT GIÁP NGỌ 2014

Ngày mồng Một tết.

Theo truyền thống của giáo xứ, bởi vì ngày 30 tết, người Hoa gọi là “tết nhỏ” nhà nhà đều lo việc nhà, nhất là gia đình ăn cơm tối ngày 30 tết rất là quan trọng, gọi là bữa ăn sum họp gia đình (團圓), và đón giao thừa, cho nên không có thánh lễ tất niên, mà chỉ có thánh lễ Tân Niên sáng mồng một tết bắt đầu lúc 10.00h sáng.

Vì là giáo xứ ở thủ đô Taipei, nên giáo dân đa phần phải trở về quê nhà ăn tết, người về miền trung, kẻ về miền nam, có người thì về tận miền đông xa xôi để sum họp với gia đình trong những ngày tết, lại có những gia đình đã chuẩn bị đi nghỉ trong dịp tết, cho nên mình nghĩ thánh lễ Tân Niên chắc sẽ rất ít giáo dân tham dự. Nhưng không ngờ, giáo dân đi lễ đông như ngày Chúa Nhật, ai ai cũng mặc áo mới, phần nhiều là màu đỏ là màu may mắn và là truyền thống của họ, nét vui vẻ trên khuôn mặt của mỗi người, vào cửa nhà thờ là ai ai cũng chào nhau bằng câu: “chúc mừng năm mới”, hoặc “vạn sự như ý” hoặc “ân sủng tràn đầy”.v.v...mọi người đều chúc mình “năm mới chúc cha vui vẻ”, hoặc là “năm mơi chúc cha mạnh khỏe”, lại có những giáo dân lớn tuổi lì xì cho cha sở gọi là lộc đầu năm.

Trong thánh lễ ngoài việc chia sẻ nội dung của bài Tin Mừng “đừng lo âu về ngay mai, vì ngày mai có việc của ngày mai, nhưng trước hết phải tìm Nước Thiên Chúa và đức công chính của nó...” của thánh lễ tân niên, mình nhắc nhở cộng đoàn trong những ngày vui tết đừng uống rượu đến say không biết đường lái xe về nhà (giáo dân cười vui vẻ), đừng đánh bạc ăn thua đủ và cố gắng đi chúc tết bà con bạn bè. Trước khi ban phép lành trọng thể đầu năm mới, mình đề nghị giáo dân ba điểm:

- Một là khi vui tết thì đừng quên Thiên Chúa.

- Hai là khi vui tết thì đừng quên những người nghèo khó.

- Ba là khi vui tết thì đừng quên giữ gìn sức khỏe.

Ở Taiwan có truyền thống là sau thánh lễ tân niên thì có nghi thức kính nhớ tổ tiên, tức là kính nhớ ông bà cha mẹ và những người đã qua đời, giáo dân rất coi trọng việc kính nhớ này, bàn thờ tổ tiên được thiết kế bên đài thánh Giu-se, trước khi đọc bài sách Huấn Ca thì đốt pháo, tiếng pháo nổ vang rền làm mình càng nhớ nhà thêm, tiếng pháo vừa dứt thì nghi thức kính tổ tiên bắt đầu, với một bài đọc sách Huấn ca, đọc ba kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng danh, sau đó là phần lời nguyện cầu cho ông bà tổ tiên, kết thúc bằng việc niệm hương, dâng hoa, dâng rượu và dâng quả.

Nghi thức kính bái tổ tiên xong thì mọi người sắp hai hàng lên hái lộc xuân, lộc xuân là các bao màu đỏ bên trong là một câu Lời Chúa với đồng bạc bằng kẹo sô cô la bọc giấy vàng rất đẹp, mọi người ai cũng vui vẻ lên hái lộc của Chúa và họ rất trang trọng với câu Lời Chúa mà họ hái được.

Thánh lễ kết thúc, mọi người ai nấy ra về vui tết với gia đình, có giáo dân hỏi tết này cha có đi chơi đâu không, mình cười cười nói không đi đâu cả, bởi vì là linh mục truyền giáo, giáo xứ là nhà của mình, thấy giáo dân vui tết với gia đình là mình vui rồi.

Một này tết qua đi trong tiếng pháo đì đùng, ngoài đường xe cộ vắng tanh, bởi vì những người ở Taipei đều về quê ăn tết với gia đình hoặc đi chơi xa. Nhưng đến chiều thì quảng đường từ nhà thờ qua sở thú thì kẹt xe, xe đâu mà nhiều thế, chắc là những người ở quê lên đi chơi sở thú, rồi đi dạo ở hai phố cổ cách nhà thờ khoảng vài phút lái xe hơi, đúng là “dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước, áo quần như nêm.”...

Mồng Hai Tết

Sáng mồng hai tết thì thánh lễ như ngày thường, nghĩa là cử hành vào lúc 7 giờ sáng, giáo dân khoảng ba bốn chục người, đây là những người thích tham dự thánh lễ ngày thường buổi sáng. Ở Việt Nam, ngày mồng hai tết là ngày lễ cầu cho ông bà tổ tiên, một truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội Việt Nam để nói lên tình yêu của con cháu đối với những bậc sinh thành là ông bà tổ tiên cha mẹ.

Ngày mồng hai tết mình cũng không đi đâu, lễ xong là ngồi trước máy vi tính viết bài, đọc sách, đó là việc “thường ngày” của mình và cũng là niềm vui của đời linh mục.

Đến 10.30 giờ sáng thì tự nhiên mình nổi hứng muốn vào sở thú chụp hình chơi, vì trong sở thú có rất nhiều hoa đẹp. Thế là mang ba lô với hai cái máy chụp hình, sở thú gần nhà thờ, đi bộ thì khoảng nửa giờ, nhưng mang ba lô với hai cái máy thì hơi nặng, hơn nữa trời qua nóng, nắng chang chang, thế là mình quyết định lái xe jeep đi sở thú, đến nơi bảng điện tử bãi đậu xe báo là chỉ còn 12 chỗ trống, nhưng tìm được chỗ trống đó cũng mệt phờ người vì bãi đậu xe quá rộng có thể đậu gần cả ngàn chiếc xe hơi (chính xác là 978 chiếc), trước cổng sở thú là cả một sân rất rộng, nhưng toàn người là người, người đi sở thú, người sắp hàng rồng rắn dài hơn cả cây số chờ mua vé ngồi “xe treo” lên Maokong đi dạo và thưởng thức hoa đào hoặc nhâm nhi trà ô long nổi tiếng của xứ Đài.

Vì trời nắng chang chang, người đông như kiến nên khi vào trong sở thú rồi mà không chụp được tấm hình nào là hoa cả, ở đây người ta cũng xếp hàng dài để đợi vào coi gấu trúc, chỉ thấy người với người, do đó mà mình lại trở về nhà, dù chỉ mới vào được năm mười phút.

Về nhà định bụng là viết những bài viết đang dở dang, dịch những câu chuyện hay từ tiếng Hoa qua tiếng Việt, và đọc báo. Ngày tết mà làm như thế thì hơi phí cuộc đời, tết mà không đi đâu cả thì tết làm gì, nhưng cái mình thích nhất là trong mấy ngày tết là nhà thờ vắng người, yên tĩnh và một mình ta với ta.

Đang viết bài thì điện thoại reo, có nhóm các thầy và các anh chị em công nhân ở Fuda (gọi là Fuda, vì những anh chị em này thường đến viện thần học trường đại học Phụ Nhân để dự lễ bằng tiếng Việt vào chiều Chúa Nhật, do các cha Việt nam của dòng Tên phụ trách, và có các thầy dòng Tên, dòng Đa Minh và dòng Phan-xi-cô người Việt Nam giúp phụ trách giáo lý, tập hát...) đến chúc tết mình. Đúng 1.30h chiều thì các thầy và các công nhân và các cô dâu đến, như năm ngoái các thầy và các anh chị em vào thẳng nhà thờ hái lộc, chụp hình kỷ niệm và cầu nguyện, sau đó mới lên phòng khách của mình.

Rút kinh nghiệm năm ngoái đến giáo xứ mình thì chỉ có ăn mì gói (vì không ai nhóm chợ, các tiệm ăn cũng không mở, bởi vì mình ăn tết một mình nên không chuẩn bị gì cả, (dù giáo dân nói sẽ đem thức ăn đến để mình ăn trong mấy ngày tết nhưng mình không bằng lòng, bởi vì ăn uống ít và không điều độ, đói mới ăn, nên có khí cả hai ngày mà không ăn gì cả, chỉ ăn trái cây và uống nước, đó là “phép” dưỡng sinh của mình), nên các thầy và anh chị em công nhân và cô dâu (17 người) đem theo đồ ăn đến để nấu ăn, bởi vì mọi người đều biết mình không biết nấu ăn, chỉ ăn mì gói, trái cây và uống cà phê...

Vì có nhóm Fuda đến nên phòng khách và nhà bếp của mình náo nhiệt hẳn lên, vui vẻ và ấm cúng, mấy cô thì nấu bếp, các anh thì chơi cờ domino hoặc phụ bếp với các cô, mình thì ra quán mua bia và rượu để đãi nhóm, mỗi người một công việc rất vui vẻ...Ai cũng ăn tết xa nhà nên mọi người đều rất hòa đồng vui vẻ, hai thầy dòng Đa Minh thì qua học thần học và triết học tại viện thần học Fuda, các anh chị công nhân thì qua Taiwan làm việc, tết được nghỉ nên cũng nhớ nhà, các cô dâu thì dù lấy chồng người Đài, nhưng lòng đạo của họ đáng phục, có lẽ vì sự giáo dục đức tin ở quê nhà làm cho họ sống đức tin ở nơi quê người cách đáng nể.

“Tết” là một chữ ngắn gọn nhưng hàm rất nhiều ý nghĩa thân thương làm cho những người Việt Nam xa nhà gợi nhớ quê hương, tết làm ấm lại những tâm hồn nơi những người xa quê, tết làm cho tình yêu đơm hoa kết trái, tết làm chạnh lòng những người ta phương cầu thực. Bất kỳ bạn là ai và dù bạn ở đâu trên trái đất này, thì tết vẫn là một chữ thân thương gợi nhớ hồi tưởng những ngày tết trên quê hương của mình, làm cho mình bồi hồi nhớ nhà, nhớ những ngày trước tết đi chợ hoa, cùng bạn bè vui trong những chén rượu xuân nồng, cùng với những lời chúc tết quen thuộc nhưng trang trọng. Vì ngày mồng hai tết nhằm ngày thứ bảy nên buổi tối có thánh lễ ngày Chúa Nhật, thế là mọi người dọn dẹp rửa chén rồi chia tay, trả lại sự im lặng ngày thường cho phòng khách và nhà bếp của mình.

Mồng hai tết được kết thúc bởi thánh lễ tối, giáo dân đi lễ ít hơn, thánh lễ xong thì mọi người ra về, mình lại lên phòng tiếp tục làm việc cho trọn vẹn ngày mồng hai tết.

Mồng Ba Tết

Mồng Ba Tết nhằm ngày Chúa Nhật, không khí tết vẫn còn bay lượn trong không gian, ngoài đường xe cộ ồn ào, đây đó có những tiếng pháo nổ dòn của những người khai trương cửa hàng đầu năm mới, thỉnh thoảng lại nghe tiếng hú dồn dập của xe cứu thương chạy qua. Giáo dân vẫn đến nhà thờ dâng lễ như các ngày Chúa Nhật khác, nhà thờ vẫn có hai thánh lễ như mọi ngày Chúa Nhật, nhà thờ vẫn chật kín và ai cũng vui vẻ phấn khởi khi tiến vào nhà Chúa để tán tụng ca ngợi Ngài.

Trong bài giảng mình đã chia sẻ với giáo dân rằng: mồng ba tết là ngày thánh hóa công việc làm ăn của Giáo Hội Việt Nam, các cửa tiệm khia trương đều có đốt pháo để cầu may mắn, người ki-tô hữu chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa và thực hành lời dạy của Ngài là phải làm cho vũ trụ ngày càng đẹp thêm. Trong ngày đầu năm mới, chúng ta đem công việc làm ăn của mình dâng lên Chúa để xin Ngài thánh hóa và chúc lành, đó chính là một thái độ không những biết ơn, mà còn là một cử chỉ đầy sự phó thác cho Thiên Chúa quan phòng, bởi vì chúng ta đổ mồ hôi lao nhọc để làm việc, nhưng thành quả chính là bởi Thiên Chúa ban cho...

Sau thánh lễ mọi người lại chúc nhau năm mới an khang –mình ngạc nhiên là giáo dân ít chúc nhau “năm mới phát tài” như những người khác hoặc như ở Việt Nam chúng ta thường chúc nhau năm mới phát tài, còn ở đây giáo dân chúc nhau năm mới an khang, mạnh khỏe hoặc là ân sủng Chúa tràn đầy. Có giáo dân nói với mình là ngày mồng Ba têt thánh hóa công việc làm ăn thật có ý nghĩa, lần đầu tiên họ mới nghe nói đến (thực ra năm nào mình cũng nhắc nhở và lưu ý giáo dân ngày mồng ba tết là thánh lễ thánh hóa công việc làm ăn), có lẽ họ không nhớ hoặc là giáo dân mới đến giáo xứ mà thôi.

Hôm nay lớp giáo lý dự tòng liên hoan mừng năm mới, đó là những nét sinh hoạt mà những người phụ trách đã đề ra, để cho các dự tòng và những người giúp họ tìm hiểu về giáo lý của Giáo Hội được thân mật liên kết với nhau hơn. Chương trình học giáo lý là một năm, ngoài việc học giáo lý căn bản ra, thì các giáo lý viên còn co những buổi để cho các dự tòng chia sẻ tâm linh của mình tại sao đến với đạo Công Giáo, hoặc là tại sao họ lại có thiện cảm với Giáo Hội.v.v... cùng với nhiều chương trình khác mà người phụ trách và các giáo lý viên lên chương trình để những người dự tòng cảm thấy thoải mái khi đến với Chúa.

Mồng Ba tết cũng như mọi ngày Chúa Nhật khác, lễ xong thì mọi người rộn ràng tay bắt mặt mừng, khoảng một giờ sau thì trả lại sự yên tĩnh cho nhà thờ.

Ngoài đường xe cộ đông hơn mọi năm, vì tết năm nay thời tiết rất đẹp, phải nói là đặc biệt hiếm có, trời nắng ấm, có khi chói chang như mùa hè, dù đang là mùa đông, cho nên mọi người đều đổ ra đường đi du xuân, nhất là những điểm vui chơi tham quan: nào là sở thú, các phố cổ, vườn hoa và các chùa chiền đều đông nghẹt người là người. Trên truyền hình, chính phủ cũng yêu cầu dân chúng ra khỏi nhà đi vui tết cho giản gân cốt, lưu ý cha mẹ nên dẫn con cái đi chơi, đừng để chúng nó cắm cúi vào vi tính hoặc ipad, hoặc những trò chơi điện tử nhiều...

Tết đến hoặc tết đi, thì công việc của một linh mục truyền giáo như mình thì vẫn như mọi ngày: lễ xong lên phòng làm việc, suy tư, viết lách, thỉnh thoảng đi lui đi tới trong phòng để thư giản và tìm ý. Thiên Chúa đã đặt mình ở đây hoặc bất kỳ ở đâu là để mình thực hiện thánh ý của Ngài, như lời trong thánh vịnh nói: “Lạy Thiên Chúa của con, xin hãy nhìn, này con đã đến để thi hành ý Chúa cách vui tươi” (Tv 39). Thi hành ý Chúa chính là chu toàn bổn phận của mình cách vui vẻ; thi hành ý của Chúa chính là ý thức bổn phận của mình trong cuộc sống, và nhất là ý thức mình là một đầy tớ vô dụng được Chúa sai đi để làm công việc của Ngài.

Rồi ba ngày tết cũng qua đi, đường phố lại ồn ào vì tiếng xe cộ, người ta lại ùn ùn trở về thành phố chuẩn bị cho công việc làm ăn, đâu đó cũng còn vài tiếng pháp nổ và truyền hình thì nhạc xuân vẫn vang lên vui nhộn...

Người linh mục truyền giáo thì một ngày vẫn như mọi ngày ở trong nhà Chúa, ăn cơm nhà Chúa và làm việc cho Chúa như một đầy tớ vô dụng: làm hết sức mình và phó thác cho Chúa...

-------------

http://nhantai.info

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Nhân sinh – 8 điều không hiểu
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:01 21/02/2014
NHÂN SINH - 8 ĐIỀU KHÔNG HIỂU

1. Không hiểu sự tiếc nuối, dù cho giữ cả núi vàng thì cũng sẽ không vui.

2. Không hiểu sự khoan dung, dù cho có nhiều bạn bè thì cuối cùng (họ) cũng sẽ bỏ đi.

3. Không hiểu sự cám ơn, dù là người ưu tú thì cũng khó thành công.

4. Không hiểu sự hành động, dù là thông minh thì mộng ước cũng khó mà thành.

5. Không hiểu sự hợp tác, dù có hợp lại thì cũng khó thành đại sự.

6. Không hiểu sự tích lũy, dù kiếm được nhiều tiền thì cũng khó mà làm giàu.

7. Không hiểu sự thỏa mãn, dù là giàu có thì cũng khó mà hạnh phúc.

8. Không hiểu sự dưỡng sinh, dù có trị liệu thì cũng khó mà mạnh khỏe.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Dịch từ tiếng Hoa


---------

http://nhantai.info

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com

http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Thánh Thể trong đời sống thánh hiến
Jos. Vinc. Ngọc Biển
20:14 21/02/2014
THÁNH THỂ TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm của Giáo Hội, là trọng tâm trong đời sống tu trì. Thánh Thể cũng là “nguồn mạch” của mọi sinh hoạt trong đời sống Giáo Hội, bởi vì Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đây cũng chính là cứu cánh mọi công việc khác của Giáo Hội (x. PV

Vì thế, không có kinh nào, nghi thức nào và tổ chức nào cao trọng và quý mến cho bằng Thánh Lễ, bởi vì trong Thánh Lễ sẽ diễn ra một cuộc trao đổi kỳ diệu dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, làm cho bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Chúa Giêsu qua lời truyền phép của linh mục. Bí tích Thánh Thể nói lên sự hiện diện thực sự và trọn vẹn của Chúa Giêsu. Cũng qua Thánh Lễ, cùng với của lễ tuyệt hảo là Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, dâng lên Thiên Chúa Cha lời chúc tụng, tạ ơn và cầu xin.

Thật vậy, nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả tình yêu trọn vẹn khi trao hiến Mình và Máu của mình làm của ăn cho nhân loại.

Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích cao trọng này. Hơn nữa chúng ta cũng được mời gọi để trở nên giống Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Sống “linh đạo Thánh Thể” trong đời sống thường ngày. Mặt khác, chúng ta cũng có bổn phận loan truyền mầu nhiệm này trong cuộc đời chứng nhân trong đời tu của chúng ta.

1. Sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể

Nếu Bí tích Thánh Tẩy là Bí tích quan trọng hơn cả trong Bẩy Bí tích, thì Bí tích Thánh Thể chính là Bí tích cao trọng nhất trong những Bí tích ấy. Qua Bí tích Cực Thánh này, Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh, hình rượu để trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta, làm cho đời sống tinh thần của chúng ta được lớn mạnh không ngừng.

Bí tích Thánh Thể chính là sự tiếp diễn của Hy Tế Thập Giá, là đỉnh cao và tuyệt đỉnh của mọi cử hành phụng vụ cũng như các việc đạo đức khác trong đời sống của người kitô hữu nói chung và đời sống người thánh hiến nói riêng.

Nơi Bí tích Thánh Thể, khi hiệp thông với chính Hy Tế Thập Giá của Chúa Giêsu, chúng ta cũng dâng tất cả vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại, và dâng chính bản thân, gồm linh hồn và thân xác của ta làm của lễ để hiệp cùng Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha hầu đem lại ơn cứu độ cho chính bản thân và thế giới. Thật thế: khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa Giêsu, nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Ngài và với nhau: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17), vì hết thảy chúng ta cùng thông phần vào một tấm bánh, thế nên, tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân Thể ấy (x. 1Cr 12, 27), và mỗi người là chi thể của nhau (x. Rm 12, 5).

Nơi Thánh Lễ và qua việc Hiệp Lễ, chúng ta, những người sống đời thánh hiến được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, được Mình và Máu Thánh Ngài nuôi dưỡng, được ngụp lặn trong ân sủng và lớn lên trong tình yêu của Ngài.

Thánh Thể được ví như nguồn sống nơi người tận hiến, thế nên: như cá không nước, cây không nhựa, đèn không dầu, xe không xăng, đời tu mà không năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể thì tâm hồn sẽ suy yếu và chết yểu dần dần, vì: nếu chúng ta không ăn Thịt và uống Máu Con Người, chúng ta không có sự sống nơi mình (x. Ga 6, 53). Còn “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 56-57).

Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đến và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngài tình nguyện ở lại như thế làm gì nếu không phải vì con người và mong cho nhân loại được hạnh phúc, được sống dồi dào và tồn tại muôn đời.

Khi chiêm ngắm Bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ cảm nghiệm rất rõ tình yêu của Thiên Chúa Cha trong việc trao ban chính Con Một là Chúa Giêsu cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đến lượt Chúa Giêsu, chúng ta thấy và cảm nghiệm được tình yêu tự hiến của Ngài: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Tình yêu này được thánh Phaolô diễn tả: Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha, đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân như chúng ta. Ngài còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và là cái chết ô nhục trên thập giá (x Pl 2,6-11).

Chúa Giêsu đã chấp nhận tất cả để những người thuộc về Ngài được sống và sống dồi dào.

Nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta kín múc được nguồn suối tình yêu đến với tâm hồn chúng ta, làm cho mảnh đất tâm hồn được dạt dào và tốt tươi; đồng thời chúng ta cũng được mời gọi diễn tả hay làm cho dòng chảy đó đến với những tâm hồn sa mạc đang cần đến dòng suối tình yêu tuôn chảy đến mọi ngõ ngách khô cằn của tâm hồn.

Thật vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài nơi Bí tích Thánh Thể, để qua đó ta được hạnh phúc và sẽ trao ban niềm vui, hạnh phúc đó cho anh chị em chúng ta: “Hãy đến hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11, 28).

Nơi Bí tích cao trọng này, chúng ta được mời gọi sống sự hiệp thông bằng việc sống với nhau trong tình yêu của Chúa: “Thánh Thể làm cho ta hiệp nhất trong Nhiệm Thể. Dâng lễ, dự lễ mà không yêu thương là mâu thuẫn, quái gở” (x. ĐHV 362). Bởi vì: “Đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua” (PV, số 47).

2. Bí tích Thánh Thể và đời sống thánh hiến

Khi chiêm ngắm và sống “linh đạo tình yêu” nơi Thánh Thể, người sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên dấu chỉ của sự hiệp thông, xây dựng và gìn giữ mối dây bác ái với anh chị em cùng sống đời tu cũng như sống đời gia đình, bởi vì: khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa Giêsu, nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Ngài và với nhau. Thế nên, tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân thể ấy (x. 1Cr 12,27), và “mỗi người là chi thể của nhau” (Rm 12,5).

Trong lời nguyện tiến lễ, lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô đã diễn tả sự hiệp thông đó thật sâu xa: “Lạy Chúa, bao hạt lúa mới làm nên tấm bánh này, bao trái nho mới ép thành chén rượu đây, tượng trưng sự đoàn kết giữa con cái Chúa”.

Như vậy, khi gắn bó với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập vào trong đại dương tình yêu bao la của Chúa, và được liên kết với anh chị em đồng loại như cành cây gắn liền với thân cây: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

Khi hướng tâm hồn chúng ta và kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cũng sẽ trở nên quà tặng để hiến dâng lên cho Thiên Chúa: “Mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô hợp nhất với Người trong cuộc hiến dâng mạng sống lên cho Chúa Cha nhờ Thánh Thần” (ĐSTH số 95).

Đời tu của chúng ta sẽ rất hạnh phúc nếu chúng ta kết hiệp với mầu nhiệm Thánh Thể và sống mầu nhiệm ấy trong đời sống thường ngày. Sống sự kết hiệp đó, ta có thể gọi nó là: “linh đạo Thánh Thể”.

Thật vậy, đi tu để làm gì nếu không coi đây như là niềm hạnh phúc nhất của mình!

3. Sống “linh đạo Thánh Thể” trong đời thánh hiến

Nói đến linh đạo, là người ta nói đến một cái gì đó làm nên bản chất. Khi nói đến “linh đạo Thánh Thể”, ấy là chúng ta nói đến bản chất của Bí tích này. Thật vậy, linh đạo của Bí tích Thánh Thể chính là tình yêu, hiệp nhất, hiệp thông do mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu đem lại.

Khi sống mầu nhiệm tự hủy này, thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã cảm nghiệm: “Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi bị nghiền nát bởi nanh vuốt của thú dữ để trở thành bánh tinh tuyền của Chúa Kitô”. Thánh nhân đã sống tinh thần ấy và ngài đã thốt lên: “Cho đi tất cả để tìm lại được tất cả”; “Tôi là hạt lúa mì của Chúa Kitô”.

Những người sống đời thánh hiến cũng phải trở nên như hạt lúa mì bị nghiền nát ra để hòa nên một với Chúa Giêsu hầu trở nên tấm bánh cho người khác. Tinh thần này được khởi đi từ chính Chúa Giêsu, Ngài đã vâng lời Thiên Chúa Cha, chấp nhận nhập thể và nhập thế, rồi cuối cùng chết cho nhân loại (x. Pl 2, 6-9). Ngài cũng chấp nhận trở nên của ăn, của uống cho nhân loại nơi Bí tích Thánh Thể.

Như vậy, vì vâng lời, Chúa Giêsu đã chấp nhận thân phận tự hủy liên lỉ để thánh ý Thiên Chúa Cha được thực hiện là cứu độ con người qua cái chết của Chúa Giêsu.

Đến lượt chúng ta, những người sống đời thánh hiến, chúng ta cũng phải hy sinh, trở nên như hạt lúa mì bị nghiền nát nhờ những hy sinh hằng ngày của mình, để qua đó trở nên tấm bánh tinh tuyền thắm đượm hương vị của tình yêu trao tặng cho người khác.

Thật vậy, cũng như hạt lúa mì, nếu không bị nghiền nát ra thì mãi vẫn là hạt lúa trơ trọi và không có ích. Nếu Chúa Giêsu chỉ chấp nhận nhập thể và nhập thế mà không chấp nhận cái chết để cứu độ thì thánh ý Thiên Chúa Cha không được thực hiện. Vì thế, đời tu, chúng ta đi theo Chúa Giêsu trên chính con đường mà Ngài đã đi, thì không có con đường nào khác ngoài con đường của hạt lúa mì mục nát và hy tế thập giá.

Thập giá ấy chính là bổn phận, thiếu thốn, bệnh tật, bị hiểu lầm, xúc phạm, nhạo báng, khinh bỉ, cô đơn... những thứ đó như là chất xúc tác để làm nên cuộc đời dâng hiến nếu biết cậy dựa vào ân sủng và sự quan phòng của Chúa.

Hay nói cách khác, khi sống “linh đạo Thánh Thể”, cuộc đời của chúng ta phải là một cuộc đời hy sinh liên lỉ cách trung thành và hoàn toàn sống trong sự phó thác, tin tưởng nơi Thiên Chúa.

Điểm cốt lõi của “linh đạo Thánh Thể” chính là tự hủy, hòa tan và sống đức ái. Thật vậy, người ta không khen một linh mục hay một tu sĩ thánh thiện, đạo đức và tốt lành chỉ dựa trên việc giữ luật cách tỉ mỉ, bởi lẽ nếu chỉ chú tâm đến luật mà không có đức ái hay phạm đến đức ái thì không thể gọi là thánh thiện được. Nói như thế, chúng ta không có chủ trương coi thường luật, nhưng điều muốn nói ở đây là: chúng ta nhìn đến cốt lõi của luật. Cốt lõi đó là gì nếu không phải là xây dựng và bảo vệ đức ái vẹn toàn.

4. Sống đức ái cụ thể trong cộng đoàn thánh hiến

Sống đức ái cụ thể trong cộng đoàn thánh hiến là biết tha thứ và yêu thương nhau. Tha thứ cho những xúc phạm của người khác với mình.

Khi có tha thứ, là có sự bình an trong tâm hồn, xây dựng sự hiệp nhất nơi cộng đoàn mà mình được mời gọi sống với nhau.

Trong đời tu, khi còn sống chung trong Chủng Viện, nếu là tu triều, và đời sống cộng đoàn nếu là tu dòng, thì đời tu của chúng ta không sớm thì muộn, chúng ta chắc chắn có nhiều lúc bị cám dỗ sống ích kỷ, chỉ biết lo cho mình. Sống “co cụm trong vỏ ốc” và không muốn quan tâm đến ai. Sống theo kiểu chủ nghĩa “hạt nhân”, tức là “ai có thân thì người ấy lo”, hay “mạnh ai nấy thắng”. Đây là những khó khăn, cám dỗ nội tại. Tuy nhiên, đôi khi thử thách đó đến từ ngoại cảnh, tức là chúng ta bị người khác đối xử không tốt, sống ích kỷ và làm cho chúng ta cũng ích kỷ theo khi lựa chọn lối sống “ăn miếng trả miếng”; “mắt đền mắt, răng đền răng”; “ai sao tôi vậy”.

Nhưng khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta thấy lòng nhân hậu của Chúa Giêsu được lộ hiện rất rõ trong cuộc đời của Ngài qua những mối tương quan như: Chúa Giêsu đã tha thứ cho Phêrô, Phaolô, người phụ nữ ngoại tình, và ngay cả Giuđa và những người gây nên cái chết bất công cho Ngài... Cuối cùng, vì yêu thương, nên Ngài sẵn lòng ngự vào lòng ta cho dù không một ai xứng đáng để đón nhận Ngài vào trong tâm hồn qua Bí tích Thánh Thể.

Người sống đời thánh hiến cũng vậy. Khi kết hiệp nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống yêu thương nếu không muốn nói là bắt buộc, bởi vì: khi đón nhận Mình và Máu Chúa Giêsu vào trong lòng mà không sống yêu thương thì thật là quái gở, mẫu thuẫn nội tại, không bình thường.

Như vậy, tha thứ, xây dựng sự hiệp nhất và sống mầu nhiệm hiệp thông phải là điển căn bản trong đời tu của chúng ta.

Không tha thứ thì không trở nên giống Chúa Giêsu được, và cũng không phải là môn đệ của Chúa. Nếu nuôi hận thù là đồ đệ cho Ma Quỷ. Không tha thứ, chúng ta có chầu Thánh Thể cả ngày lẫn đêm, có rước lễ hằng ngày và làm các việc đạo đức khác liên miên đi nữa, cũng không thể làm cho chúng ta được hạnh phúc thật và Chúa sẽ buồn vì cách thức thi hành giả tạo theo kiểu “mồ mả” của chúng ta.

Thật thế, chu toàn bổn phận là điều rất cần trong đời sống thánh hiến, vì đây là điểm căn bản để chúng ta sống trong mọi chiều kích của đời tu. Tuy nhiên, đạo đức thật không nếu không yêu thương anh em mình? Đạo đức thật không nếu không tha thứ cho nhau? Đạo đức thật không nếu chỉ có tương quan hàng dọc với Thiên Chúa mà không có hàng ngang là anh chị em mình? Nên nhớ rằng, thập giá chỉ là Thánh Giá khi được kết hợp cả thanh ngang và thanh dọc. Nếu chỉ có thanh ngang hoặc thanh dọc thôi thì nó là khúc gỗ không hơn không kém.

Sống “linh đạo Thánh Thể”, tức là người sống đời thánh hiến sống đức ái và ham muốn được thực hiện nó mỗi ngày trong đời sống. Khi thực hiện được điều đó, đời tu của chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài đến trần gian, rao giảng và cứu độ con người vì muốn con người được hạnh phúc trọn vẹn. Khi chấp nhận hy sinh cá nhân vì ích lợi của người khác, người sống đời thánh hiến trở thành như hạt lúa mì bị nghiền nát, được Chúa Giêsu nhào nắn để trở nên tấm bánh thơm tho dâng lên Thiên Chúa Cha và trao tặng cho mọi người.

Khi chúng ta chấp nhận thân phận tự hủy ra không như thế vì người khác, ấy là lúc chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Lúc đó là Chúa ở trong ta, ta ở trong Chúa và như một sự triển nở, ta có nhau là anh chị em.

Như vậy, Bí tích thánh Thể rất cao trọng trong đời tu. Bí tích Thánh Thể làm cho đời tu được thăng tiến và đảm bảo. Bí tích Thánh Thể còn là một nền linh đạo tuyệt với về đức ái cho đời tu.

Mong sao mỗi người chúng ta, khi sống linh đạo Thánh Thể trong đời sống, chúng ta được hạnh phúc, và những người sống cùng cũng như những nơi ta đến vì sứ vụ, họ cũng được hạnh phúc như chúng ta.

Thật vậy, mọi người chỉ có thể được hạnh phúc khi cùng nắm tay nhau hướng tha và vì cuộc sống của anh chị em chung quanh chúng ta.
 
Vạn nẻo yêu thương để nên hoàn thiện
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:19 21/02/2014
VẠN NẺO YÊU THƯƠNG ĐỂ NÊN HOÀN THIỆN

(Chúa Nhật VII TN A – Mt 5,38-48)

“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Vì được nhận làm con cái nên Chúa Kitô truyền dạy chúng ta phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Một nét hoàn thiện của Cha trên trời mà Chúa Kitô mạc khải đó là giàu lòng từ bi, chậm bất bình và hết sức khoan dung, là luôn cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương. Quả thật nếu chúng ta chỉ biết yêu thương những người dễ thương và thi ân cho những người thân thích thì có khác gì đâu nhiều anh em chưa biết Thiên Chúa và có khi còn chưa hơn gì những người được xem là tội lỗi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vượt qua mức công bình giao hoán kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng…”, để sống yêu thương một cách quảng đại, vô điều kiện và đến cùng như Chúa Kitô mời gọi với kiểu nói “ngoa ngữ” là nếu bị vả má bên phải thì đưa cả má bên trái hoặc giả có ai muốn lấy áo trong của mình thì đưa luôn cho họ cả áo ngoài?

Trước hết cần phải hiểu rõ lối nói ngoa ngữ là kiểu nói phóng đại đến mức tột cùng chỉ nhằm muốn nhấn mạnh nội dung nói chứ không phải là dạy hình thức cách thế diễn tả. Khi bị bắt và bị điệu đến trước mặt Thượng tế Caipha, Chúa Giêsu đã bị một thuộc hạ ngài Caipha vả vào mặt thì Người đâu có đưa má bên kia cho anh ta vả thêm nhưng lại nghiêm giọng: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23). Với kiểu nói “má này, má kia; áo trong, áo ngoài, một dặm, hai dặm”, Chúa Kitô nhấn mạnh rằng nếu đã là yêu thì phải vô điền kiện, đã là yêu thì phải quảng đại và đi đến cùng. Và Người cho biết cái lý do duy nhất mà chúng ta được mời gọi sống yêu thương như trên đó là vì chúng ta đã được nhận làm con của Đấng là Cha của tất cả mọi người.

Nếu chúng ta tin nhận Đấng Toàn Năng là Cha của mình thì hệ quả tất yếu đương nhiên đến đó là phải nhận nhau và sống với nhau như anh chị em ruột thịt cùng chung một mái nhà. Cụm từ cùng chung một mái nhà muốn nói đến nghĩa tình huynh đệ, tỉ muội, khi còn ở trong vòng tay mẹ cha. Bởi chưng đã có đó chuyện lúc còn nhỏ thì anh bên em, khi có bánh anh lại chia còn lớn lên có gia đình riêng thì ai giàu nấy ăn; lúc còn nhỏ thì chị ngã em nâng nhưng khi đã lấy chồng thì có thể có trường hợp chị ngã, em lại đạp dìm luôn!

Thiết nghĩ rằng để có thể sống yêu thương nhau như lời truyền dạy của Chúa Kitô thì không gì hơn phải có niềm tin sâu sắc vào Đấng dựng nên chúng ta là Cha Toàn Năng chí ái và tiếp bước theo chân người Anh Cả Giêsu. Xin đừng quên những lời thắm thiết của Người đêm Tiệc ly: “Thầy truyền cho anh em giới răn mới là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13,34).

Yêu thương các môn đệ Chúa Kitô không chỉ bao bọc, chở che các ngài mà còn thẳng thắn răn bảo, sửa dạy các ngài và đã có khi quở mắng là Satan. Yêu thương người đương thời thì Chúa Giêsu không chỉ chữa lành bệnh tật mà còn xua trừ ma quỷ, Người không chỉ khoan dung tha thứ cho người tội lỗi hối cải mà còn lên án, cánh báo những người cố chấp chai lì trong tội; Người không chỉ hoá bánh ra nhiều nuôi ăn dân chúng mà còn bện dây thừng thành roi đánh đuổi những người đã biến Nhà Chúa thành hang trôm cướp hay thành nơi buôn bán… Như thế yêu thương nhau không phải chỉ là bao bọc chở che nhau mà còn phải sửa bảo nhau khi cần phải sửa dạy. Thương người có 14 mối, thế mà nhiều khi chúng ta chỉ thương nhau cách bất cập, nghĩa là còn nhiều thiếu sót có khi là đáng trách. Chỉ biết trao cho nhau cơm áo gạo tiền thì cũng chưa hẳn đã là yêu nếu không biết can đảm sửa dạy kẻ mê muội, không biết răn bảo kẻ có tội.

Lời Chúa trong sách Lêvi mà Giáo Hội trích đọc Chúa Nhật này có câu: “Người không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.” (Lv 19,17). Một sự thật mà lắm khi chúng ta vô tình hay hữu ý không dám trực diện, đó là khi người anh em lỗi phạm mà chúng ta không can đảm quở trách thì chúng ta một cách nào đó chúng ta đang “ghét” người anh em mình. Rất có thể chúng ta không minh nhiên ghét người anh em lỗi phạm nhưng chúng ta lại không dám thương họ như lời Chúa dạy vì sợ bị bách hại, sợ phải vác thập giá.

Dõi theo chân Chúa Kitô để sống yêu thương thì luôn có đó thập giá phải gánh vác. Ai không can đảm vác thập giá mình thì không xứng đáng làm môn đệ của Chúa Kitô. Yêu kẻ thù không phải là nhắm mắt làm ngơ hay tự bó tay chịu trận để kẻ thù mãi đắm chìm trong tội mà phải nỗ lực làm cho kẻ thù hoán cải, đổi thay. Cầu nguyện cho những người ngược đãi chúng ta không chỉ dừng lại ở động thái “lâm râm khấn vái” mà còn phải nắm tay lại giúp họ sửa đổi cung cách hành xử tàn nhẫn, bất công của họ. Tin mừng cho chúng ta hay rằng sau khi cầu nguyện thì Chúa Giêsu không ngồi đó mà chờ đợi nhưng mau mắn thực thi thánh ý Chúa Cha bằng cả mọi nỗ lực gắng công của mình, có khi sau đó lênh đênh trên thuyền giữa sóng biển mà vẫn ngủ thiếp say li bì, có khi phải toát cả mồ hôi pha lẫn máu và đến cả khi thân thể chẳng còn hình tượng người ta nữa với trái tim bầm dập nát tan.

Biên giới của tình yêu là một tình yêu không biên giới. Đã tin nhận Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Cha Toàn Năng thì phải nên hoàn thiện ngày mỗi hơn cho xứng với phận làm con.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện
Lm Jude Siciliano OP
20:31 21/02/2014
Chúa Nhật VII Thường Niên A
Lêvi 19 1-2, 17-18;Tvịnh 102;1Côrintô 3:16-23; Matthêu 5: 38-48

HÃY NÊN HOÀN THIỆN NHƯ CHA TRÊN TRỜI LÀ ĐẤNG HOÀN THIỆN

Quý vị không nghĩ rằng hôm nay Đức Giêsu đi hơi quá xa trong sự lựa chọn từ Bài giảng trên núi đó sao? Trong bài Tin Mừng tuần trước, Người dạy rằng: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi.” Điều này nghe có vẻ cực đoan, nhưng chúng ta biết rằng thói quen cường điệu của vùng Địa Trung Hải như thế là nhằm nhấn mạnh ý muốn nói. Phải chăng đó là điều hôm nay Đức Giêsu cũng đang thực hiện khi Người khuyên: giơ cả má bên trái ra nữa, tình nguyện đi hai dặm khi bị buộc phải đi một dặm, hay có ai hỏi thì cho vay mượn?

Nếu những điều trên còn chưa thực hiện được, thì nói chi đến việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi? Vì yêu thương vẫn còn nhiều khó khăn hơn, nên sự chọn lựa của chúng ta cần sát với giáo huấn của Đức Giêsu, đó là: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Phải chăng những người đang ngồi trên những hàng ghế trong nhà thờ chỉ biết nhún vai tỏ vẻ hoài nghi, và cho rằng Đức Giêsu không thực tế chút nào, hoặc những gì Người nói chỉ có thể áp dụng trong “thời cổ đại”, chứ không thể áp dụng được trong thế kỷ 21 này chăng? Là một nhà giảng thuyết, tôi phải thừa nhận rằng tôi thích giảng từ câu chuyện phép lạ hoặc từ dụ ngôn hơn. Tôi nhận thấy trí tưởng tượng của tôi dễ tiếp cận hơn với câu chuyện phép lạ và dụ ngôn. Nhưng bài giảng hôm nay dường như đi thẳng vào nội dung chính, chứ không thể hiểu cách nào khác được. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, bài giảng này lại kích thích trí tưởng tượng.

Trước hết, chúng ta phải nhận ra rằng Đấng đang nói là chính Đức Giêsu, Người không như bất cứ vị thầy đạo đức nào khác đang quy định một kiểu mệnh lệnh luân lý duy nhất. Người còn đưa ra nhiều mệnh lệnh hơn thế nữa. Những giáo huấn của Người phát xuất từ mối tương quan duy nhất với Thiên Chúa. Trước hết, Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng chúng ta ngoảnh mặt đi và chọn theo đường lối riêng cho mình. Điều này khiến chúng ta rơi vào tình trạng rối loạn mà không thể chọn lựa cho mình theo cách riêng. Đức Giêsu trao ban chúng ta niềm hy vọng để xây dựng một thế giới mới, và cho chúng ta nhìn thấy thế giới mới đó qua việc Người chữa bệnh, rao giảng và trong những giáo huấn rất cụ thể mà chúng ta nghe trong Bài giảng.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta biến những xung đột thành những cơ hội để tha thứ. Người đang hướng dẫn chúng ta để cùng với Thiên Chúa tạo nên một thế giới không bạo lực. “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” Khi giáp mặt với kẻ thù, chúng ta dễ có khuynh hướng xung đột - nếu không động thủ thì cũng động khẩu. Đức Giêsu đang chỉ dẫn chúng ta thay đổi thế giới của mình bằng cách chuyển thù thành bạn. Đây là một công việc mạo hiểm và khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, việc sử dụng sức mạnh và sự áp bức sẽ chẳng bao giờ đạt tới vương quốc mà Đức Giêsu mong muốn khi Người nói về sự hiện diện của Nước trời đang ở giữa chúng ta.

Chỉ cần đọc lướt qua bài đọc thứ nhất, chúng ta cũng thấy được mẫu gương về những gì Đức Giêsu đã nói trước đó về việc “kiện toàn Luật Môsê” (Tin Mừng tuần trước). Qua tuyên phán với ông Môsê, Thiên Chúa chỉ dẫn cộng đồng rằng: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Còn Đức Giêsu dạy các môn đệ mình: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Vậy, ai có thể trở nên hoàn thiện? Tự sức mình thì chúng ta không thể làm được, nhưng có một lời mời gọi trong những giáo huấn từ sách Lêvi và từ Đức Giêsu để phó thác đời mình vào tay Thiên Chúa, và để cho sức sống của Thiên Chúa tuôn trào trên chúng ta, nên: Thiên Chúa hằng yêu thương kẻ thù và luôn tha thứ. Những gì chúng ta không thể thực hiện được thì Thiên Chúa có thể thực hiện qua chúng ta.

Tôi đã nghe một cuộc phỏng vấn với một vị thầy Do Thái giáo. Cuộc thảo luận bàn về ông Cain và Aben. Người phỏng vấn hỏi: “Tại sao Thiên Chúa không giết Cain vì điều Cain đã gây ra?” Vị thầy đó trả lời rằng: “Vì Thiên Chúa đã ngăn chặn vòng luẩn quẩn bạo lực.” (Tôi nghe nói rằng ở Texas, Mỹ có hành hình một phụ nữ. Liệu điều đó có phải là ý định mà Thiên Chúa muốn ngăn chặn vòng luẩn quẩn bạo lực hay không?) “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Đức Giêsu đang đòi hỏi chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa tình yêu, như vị thầy đã nói: Người muốn ngăn chặn vòng luẩn quẩn bạo lực thông qua chúng ta.

Đức Giêsu cũng dạy rằng: đưa cả má bên trái ra nữa, đi thêm một dặm, đưa cả áo ngoài cho ai muốn kiện anh để lấy áo trong. Đúng ra, chẳng ai mong được cư xử như thế “trong thế giới hiện thực.” Có lẽ đó chính là điểm nhấn của Đức Giêsu – quý vị hãy dùng sự sáng tạo của mình mà thực hiện điều bất ngờ để phá bỏ xung đột, và tạo điều kiện thuận lợi cho mối tương quan.

Có giả thiết được đặt ra thế này: Một người lính Rôma ép buộc một người nông dân mang vũ khí cho anh ta đi một dặm. Người lính đó xem ra có toàn quyền, còn người nông dân thì chẳng có sự lựa chọn nào vì không có phẩm vị. Giả sử nếu người nông dân đó quyết định không mang vũ khí thêm một dặm. Lúc bấy giờ nếu người lính không dùng sức mạnh thì quyền lực căn bản của ông ta sẽ bị sụp đổ. Do đó, người lính đã tấn công và trừng phạt người nông dân. Tuy nhiên, nếu lúc này hai người có vị trí ngang nhau thì mối tương quan có thể xảy ra, và người nông dân lấy lại được phẩm vị của mình mà đã bị những kẻ áp bức chối bỏ.

Cứ cho là việc đưa cả má bên trái và đi thêm một dặm nữa không phải là những chiến lược luôn mang lại hiệu quả. Đức Giêsu đề ra những chiến lược này như những cách thức chọn lựa để đối phó khi một người gặp cảnh bạo lực hay bị áp bức. Người cho rằng làm điều bất ngờ sẽ phá vỡ vòng luẩn quẩn bạo lực giữa người đang tấn công và người bị tấn công. Có nhiều cách thức để đối phó trong những tình huống xung đột. Chúng ta có thể đáp lại bằng nhiều bạo lực hơn, hoặc dùng sự sáng tạo của mình để kiên nhẫn với tha nhân, cũng có thể tạo ra nhiều mối tương quan hơn – nghĩa là biết xây dựng trong khả năng của mình.

Vì Đức Giêsu đang ám chỉ đến người nghèo, là những người bị hạ nhục, nên sự khích lệ của Người đối với cách trả lời sáng tạo cũng sẽ giúp giải phóng con người khỏi não trạng nô lệ, và cho họ một phẩm vị mà họ chưa bao giờ có được. Với phẩm vị và sự tự do, con người có thể hành động như thể một kỷ nguyên mới đã đến, và kỷ nguyên mới đã đến cùng với Đức Giêsu. Hãy nhớ rằng Người đã gọi “phúc” thay cho những ai chẳng có của cải gì.

Như đã nói, tôi thích giảng về những dụ ngôn hay những câu chuyện phép lạ hơn, vì chúng thu hút trí tưởng tượng của tôi. Khi Đức Giêsu kể những dụ ngôn thì Người đang nói với trí tưởng tượng của những thính giả. Đó là những điều Người đang thực hiện trong Bài giảng trên Núi, nhưng theo một cách thức khác. Người đề nghị chúng ta hình dung ra một thế giới không bạo lực. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ ngồi đó mà mong ước một thế giới như thế, nhưng phải bắt tay làm điều gì đó để cho thế giới ấy trở nên hiện thực. Đức Giêsu đang mời gọi chúng ta bước vào thế giới của Thiên Chúa; Người mời gọi chúng ta trở nên “hoàn thiện” như Thiên Chúa, qua việc cùng với Người tạo nên một thế giới không bạo lực.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tin tức về bạo lực xảy ra mỗi ngày. Đức Giêsu không khuyên chúng ta đừng làm gì cả, nhưng khuyên phải nói và làm điều gì đó, chẳng hạn như: đáp trả một lời mời gọi, tác động làm xoa dịu vấn đề bạo lực. Qua việc hình dung ra một thế giới không bạo lực rồi đưa những giáo huấn của Đức Giêsu vào hành động, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy như bị lưu đày trong chính quê hương của mình. Từ những thời điểm Kinh thánh, các tín hữu đã thường trải nghiệm những giá trị của họ đối lập với giá trị của thế gian. Sách Lêvi kêu gọi hãy nỗ lực để sống niềm tin mà cộng đoàn tuyên xưng nơi một Thiên Chúa thánh thiện bằng cách yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương ta vậy, đó là bỏ đi sự căm ghét, quan tâm đến nhau và thoát khỏi những hận thù. Và sách Lêvi nói rất rõ rằng, yêu thương chứa đựng uy quyền của Thiên Chúa, và uy quyền đó ẩn sau những mệnh lệnh của yêu thương: “Ta là Đức Chúa.”

Ngay ở đầu bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã loan báo nước trời đang đến gần. Ân huệ hay ân sủng của vương quốc giúp cho những đòi hỏi của Bài giảng trở nên hiện thực, không phải trong cách thức nặng nề, nhưng với niềm vui thâm sâu. Đức Giêsu được gọi là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu và trong câu cuối của Tin Mừng, Người nói với chúng ta: “Hãy biết rằng Thầy luôn ở cùng anh em mọi ngày cho đến ngày tận thế.” Đức Kitô phục sinh có thể thực hiện điều đó cho chúng ta, để chúng ta sống trong lời và hành động yêu thương mà chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua Đức Kitô.

Chuyển ngữ : A.E. Học viện Đaminh Gòvấp


7th SUNDAY IN ORDINARY TIME(A)
Leviticus 19 1-2, 17-18;Psalm 103;1Corinthians 3:16-23; Matthew 5: 38-48


Don’t you think that Jesus is going a bit too far in today’s selection from the Sermon on the Mount? Last week he said, "If your right eye causes you to sin, tear it out and throw it away." That sounded pretty extreme, but we know about the Mediterranean custom of exaggeration to make a point. Is that what he is also doing today when he advises turning the other cheek; volunteering to go the extra mile when pressed to one; or lending to anyone who asks?

If that weren’t enough, what about loving enemies and praying for persecutors? Then, to make it still more difficult, our selection closes with, "So be perfect, just as your heavenly Father is perfect." Will people in the pews just shrug their shoulders and figure Jesus is wildly impractical, or that what he says must have been applicable "back then" – but not in the 21st century? As a preacher I must admit I’d rather preach from a miracle story or a parable. I find them more accessible to my imagination. But the Sermon seems blunt and doesn’t leave much wiggle room. But, as we shall see, it does stir up the imagination.

First, we have to recognize that the one who is speaking, Jesus, is not just another ethical teacher prescribing a unique kind of moral dictates. He is much more than that. His teachings flow from his unique relationship with God. God first created humanity in God’s image and likeness, but we turned away and chose our own path. Which had gotten us into messes we can’t fix on our own. Jesus offers us a hope of building a new world and gives us his vision of that new world – through his healings, preaching and in the very specific teachings we hear in the Sermon.

In today’s passage Jesus invites us to change conflicts into opportunities for forgiveness. He is guiding us to co-create with God a world without violence. "But I say to you, love your enemies and pray for those who persecute you...." When we face an opponent we ready ourselves for conflict – if not physical, then oral. Jesus is instructing us to change our world by turning an enemy into a friend. That’s risky business and leaves us vulnerable. But using force and coercion will never accomplish the realm Jesus has in mind when he speaks of the presence of the kingdom of heaven in our midst.

A glance to the first reading gives us an example of what Jesus said previously about "fulfilling the Law" (last week’s gospel reading). God, speaking to Moses, instructs the community, "Be holy, for I, the Lord your God, am holy." Jesus says, "Be perfect, just as your heavenly Father is perfect." Well, who can do that? We can’t on our own, but there is an invitation in the instructions from Leviticus and Jesus to surrender ourselves into God’s hands and let God’s life flow through us: the God who loves enemies and forgives over and over. What we can’t do, God can do through us.

I heard an interview with a rabbi. The discussion was about Cain and Abel. The interviewer asked, "Why didn’t God kill Cain for what he did?" The rabbi answered, "Because God stopped the cycle of violence." (I heard that on the day we in Texas executed a woman. Is that what God had in mind as a way to stop the cycle of violence?) "So, be perfect, just as your heavenly Father is perfect." Jesus is asking us to be children of our loving God who wants, as the rabbi said, to stop the cycle of violence – through us.

Jesus also says: turn the other cheek, go the extra mile, give your cloak to the one who wants to take you to court for your tunic. Well, no one expects that kind of behavior "in the real world." Maybe that’s Jesus’ point – use your imaginations, do the unexpected to break down conflict and create the possibilities for a relationship.

Some background. A Roman soldier could force a peasant to carry his weapons a mile. The soldier would seem to have all the power and the peasant no dignity. But not if the peasant decides to carry the weapons an extra mile. If he can’t use force the soldier’s base of power is upset. He might take offense at the peasant and punish him. But, with the two now on the same level, a relationship is possible and the peasant has the dignity the oppressors denied their subjects.

Granted that turning the other cheek and going the extra mile are not strategies that always work. Jesus is offering these as alternative ways to respond when one meets force or coercion. He suggests that doing the unexpected just might break the cycle of violence between one doing the offense and the offended. There is more than one way to respond in conflict situations. We can reciprocate with more violence, or use our imaginations to try other, more relationship-building possibilities.

Since Jesus was addressing the poor, who were subjected to humiliation, his encouragement to a kind of creative response would also help free people from a servile mentality and give them a dignity they might never have had. With dignity and freedom people could act as if a new age had arrived – and with Jesus it had. Remember, he called "blessed" those who had nothing.

I said I would rather preach from parables or miracles stories because they engage my imagination. When Jesus told parables he was addressing the imagination of his hearers. That is what he may be doing in the Sermon on the Mount — but in a different way. He is suggesting we imagine a world without violence. But not just wishing such a world were possible, but actually doing something to make it a reality. He is inviting us into God’s world; inviting us to be as "perfect" as God, by creating with God a new violence-free world.

We are living in a world where news of violence comes to us each day. Jesus is not advising us to do nothing, but to say and do something: make a response, take action to defuse violence. By imagining a non-violent world and then putting his teachings into action, we will probably feel like exiles in our own land. From biblical times believers have often experienced their values conflicting with the world’s. Leviticus calls for efforts to live the faith the community professes in a holy God by loving as God loves – forgoing hatred, caring for one another and releasing grudges. And Leviticus makes it very clear that it has the authority of God behind its dictates: "I am the Lord."

Earlier in the gospel Jesus proclaimed the arrival of the kingdom of heaven. The gift, or grace, of the kingdom makes living the demands of the Sermon possible, not merely in a servile way, but with deep joy. Jesus is called Emmanuel, "God with us, in Matthew’s gospel and, in the last verse of the gospel he tells us, "Know that I am with you always, until the end of the world." The resurrected Christ makes it possible for us to live in word and action the love we have received from our God through Christ.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn từ của ĐTC trong buổi lễ khai mạc Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường sáng thứ Năm 20 tháng 2
Đặng Tự Do
08:33 21/02/2014
Lúc 9h30 sáng thứ Năm 20 tháng Hai, Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường đã bắt đầu tại Hội trường mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới ở Nội thành Vatican.

Tham dự Công Nghị Hồng Y này có tất cả các Hồng Y trên thế giới đang có mặt tại Rôma kể cả 19 vị sẽ được tấn phong vào thứ Bẩy 22 tháng Hai.

Sau kinh giờ Ba, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng Y đoàn đã chào đón Đức Thánh Cha và các vị Hồng Y về Rôma họp bàn về các thách đố của gia đình, trong viễn tượng Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới khóa đặc biệt tháng 10 năm nay về gia đình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc diễn từ sau:

“Anh em thân mến, tôi xin gởi lời chào nồng nhiệt đến tất cả anh em, và cùng với anh em, tôi cảm tạ Chúa là Đấng đã ban cho chúng ta những ngày gặp gỡ và làm việc cùng nhau. Chúng ta đặc biệt hoan nghênh những anh em của chúng ta sẽ được tấn phong Hồng Y vào thứ Bảy này và chúng ta đồng hành với những anh em này trong lời cầu nguyện và trong tình huynh đệ.

Trong những ngày này, chúng ta sẽ suy tư đặc biệt về gia đình, là tế bào cơ bản của xã hội. Từ thuở ban đầu Tọa Hóa đã chúc phúc cho những người nam nữ để họ có thể là sinh sôi nẩy nở, và vì vậy gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thế giới này. Suy tư của chúng ta trước hết phải giữ cho được vẻ đẹp của gia đình và hôn nhân. Sự cao cả của thực tại nhân loại này tuy đơn giản nhưng rất phong phú, bao gồm niềm vui và hy vọng, đấu tranh và đau khổ, như là toàn bộ của cuộc sống. Chúng ta sẽ tìm cách đào sâu hơn thần học về gia đình và phân định xem những thực hành mục vụ nào tình hình hiện nay đang đòi hỏi.

Cầu xin cho chúng ta có thể làm như vậy một cách chu đáo nhưng không rơi vào "tranh biện phức tạp" bởi vì chắc chắn điều này sẽ làm giảm chất lượng công việc của chúng ta. Ngày hôm nay gia đình bị xem nhẹ và khinh thường. Chúng ta được mời gọi để xác nhận thật là đẹp, thật là đúng đắn và tốt đẹp để bắt đầu một gia đình, để là một gia đình ngày hôm nay, và gia đình là điều thật thiết yếu cho cuộc sống của thế giới và cho tương lai của nhân loại.

Chúng ta được mời gọi để loan báo kế hoạch tuyệt vời mà Thiên Chúa dành cho gia đình và giúp những đôi vợ chồng cảm nghiệm cách hân hoan kế hoạch này trong cuộc sống của họ, trong khi chúng ta đồng hành với họ giữa vô vàn những khó khăn .

Chúng ta cảm ơn Đức Hồng Y Walter Kasper vì những đóng góp rất giá trị của ngài sẽ đưa ra cho chúng ta trong lời mở đầu. Cảm ơn tất cả anh em, và chúc anh em một ngày tốt lành!”
 
Đức Thánh Cha không muốn từ bỏ quốc tịch Á Căn Đình
Đặng Tự Do
12:23 21/02/2014
Đức Giáo Hoàng là một công dân Vatican ngay chính tại thời điểm được bầu làm Giáo Hoàng. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn giữ lại quốc tịch Á Căn Đình. Do đó, ngài vừa gia hạn căn cước và hộ chiếu Á Căn Đình của ngài.

Cũng như bất kỳ người Á Căn Đình nào khác đang sống ở nước ngoài, Đức Giáo Hoàng sẽ phải đợi cho đến khi những văn bản mới được đưa đến, trong trường hợp của ngài, là tại nhà trọ Santa Marta của Vatican. Ngài yêu cầu không nên có bất kỳ đặc quyền nào để làm cho tiến trình gia hạn này nhanh hơn hoặc dễ dàng hơn.

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chuẩn bị sẵn sàng để tông du các nước trong chiếc cặp của ngài thường có một cuốn sách cầu nguyện, một cuốn sách của Thánh Têrêsa thành Lisieux, một cuốn nhật ký và một dao cạo râu. Giờ đây, ngài sẽ sớm có thêm căn cước và hộ chiếu Á Căn Đình mới.
 
Đức Phanxicô nói với Thừa Tác Vụ Truyền Hình Thệ Phản Kenneth Copeland
Vũ Văn An
08:34 21/02/2014
Từ một nghệ sĩ chuyên thâu dĩa nhạc, Kenneth Copeland, sau khi trở lại Kitô Giáo, đã trở thành người truyền giảng Tin Mừng nổi tiếng trên truyền hình Mỹ qua Thừa Tác Vụ Kenneth Copeland (KCM), suốt 47 năm qua. Về phương diện hệ phái, người ta xếp ông vào “Word of Faith, Neo-Charismatic Churches”. Như thế, có thể coi ông thuộc hệ phái Ngũ Tuần. Lời giảng của ông nhấn mạnh tới thịnh vượng và sung túc, đến độ có người gọi nó là Tin Mừng Thịnh Vượng. Quả thế, Thừa Tác Vụ Kenneth Copeland dạy rằng tín hữu có thể trở nên thịnh vượng qua việc hiến 10 phần trăm lợi tức (tithing), qua việc dâng hiến, qua việc có đức tin, và sử dụng các phương pháp tài chánh đúng đắn. Giáo huấn này dựa vào Thánh Kinh, nhưng tập chú vào đức tin, tình yêu, sự chữa lành, thịnh vượng và phục chế…

Ngoài trụ sở chính của họ tại Fort Worth, Texas, thừa tác vụ này thường sử dụng hình thức đại hội (convention) kéo dài từ ba tới sáu ngày để truyền giảng. Đại hội năm nay có sự tham dự của giám mục Tony Palmer, thuộc Hiệp Thông Giám Chức Anh Giáo, theo truyền thống Ái-nhĩ-lan Pháp (Celtic Anglican), và là Viên Chức Đại Kết Quốc Tế của Hiệp Thông này. Trong tư cách này, ngài cũng là một thành viên chính thức của Phái Đoàn Đại Kết Công Giáo Rôma chuyên về Hợp Nhất và Hòa Giải Kitô Giáo. Ngài cũng là đồng sáng lập viên và là Giám Đốc Linh Hướng của Cộng Đoàn Ark (The Ark Community), một Cộng Đoàn Hội Tụ Liên Phái Kitô Giáo Quốc Tế, thành lập năm 2003.

Điều đáng nói là nhờ người vợ Ý thuộc Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo, Tony Palmer trở thành gạch nối với Giáo Hội Công Giáo và làm việc với nhiều giới chức Công Giáo tại Rôma. Đặc biệt nhất là trong giai đoạn hoạt động tại Argentina, ngài quen biết với Đức TGM Bergolio, nhận Đức TGM làm linh hướng. Theo lời ngài trình bày trước Đại Hội của KCM, thì giữa tháng Mười Hai vừa qua, bỗng nhiên ngài nhận được cú điện thoại từ Đức Phanxicô ngỏ ý muốn gặp ngài. Khỏi nói cũng đủ biết cú điện thoại này làm Tony Palmer hết sức xúc động, được gặp lại người thày thông thái (mentor) của mình. Nhưng điều xúc động hơn nữa là Đức Phanxicô để Tony quyết định ngày và giờ gặp nhau. Còn nghị trình? Làm gì có nghị trình! Tony Palmer cũng được quyết định luôn: ngài cho Đức Phanxicô hay mình sắp sửa tham dự đại hội của KCM, nếu Đức Phanxicô có mấy lời nhắn với Đại Hội thì hay biết mấy. Ngài đâu có ngờ Đức Phanxicô còn đi xa hơn nữa bằng cách đề nghị làm một Video gửi tới đại hội. Và thế là có sứ điệp lịch sử gửi Thừa Tác Vụ Kenneth Copeland.

Trước khi cho trình chiếu video trên, Tony Palmer nói với Đại Hội KCM rằng: kể từ năm 1999, cuộc phản đối của Thệ Phản đã được vượt qua. Vì lần đầu tiên, Giáo Hội Công Giáo chính thức tuyên bố rằng: chỉ một mình ơn thánh dẫn ta tới cứu rỗi qua việc lành phúc đức. Từ nay, tất cả chúng ta cùng tuyên xưng một đức tin hay như lời Đức Phanxicô: chúng ta hết thẩy đều là anh chị em.

Người tường thuật biến cố này cho rằng: “Đây chính là hình dạng của sự hợp nhất Kitô Giáo. Nó không bỏ qua các khác biệt mà chúng ta vốn có với các anh chị em không Công Giáo của ta. Nó không có tính hãnh tiến. Nó không phải là vấn đề ta và họ. Đúng hơn, nó là tình yêu Chúa Kitô dành cho mọi người. Chúa Giêsu từng cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô Giáo và hết thẩy chúng ta phải thừa nhận sự kiện này: việc chia rẽ trong Kitô Giáo vừa là gương mù vừa là dấu chỉ phản lại sự đơn nhất của Thiên Chúa, phản lại một thế giới đang cần tới Người”.

Sau khi cho trình chiếu sứ điệp của Đức Phanxicô, Copeland cho hay “Trời cũng phải hứng khởi vì việc này… Các bạn có biết điều gì làm tôi hết sức hứng khởi không? Bốn mươi bẩy năm trước đây, khi ta bắt đầu thừa tác vụ của chúng ta, điều này không thể nào có được!”.

Như Đức GH Phanxicô nói trong Video, tội lỗi của ta là nguyên nhân khiến ta chia rẽ, chứ thực ra ta là anh chị em với nhau và luôn nên hành xử như thế. Ngài cho hay:

“Có hai qui luật: Yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu người khác, vì họ là anh chị em bạn. Với hai qui luật này, ta có thể tiến lên phía trước. Tôi đang có mặt tại đây với người em của tôi, người em giám mục của tôi, là Tony Palmer. Chúng tôi từng là bạn hữu của nhau trong nhiều năm.

Ông cho tôi hay về đại hội của qúi bạn, về cuộc gặp gỡ của qúi bạn. Và tôi rất vui mừng được thân chào qúi bạn. Một lời thân chào vừa hân hoan vừa luyến nhớ (nostalgic). Hân hoan, vì nó mang lại cho tôi niềm vui thấy các bạn tụ họp nhau để thờ phượng Chúa Giêsu Kitô, Chúa độc nhất. Và để cầu nguyện cùng Chúa Cha và tiếp nhận Chúa Thánh Thần. Điều đó đem hân hoan đến cho tôi vì ta có thể thấy được rằng Thiên Chúa đang làm việc trên khắp thế giới. Luyến nhớ vì, nhưng … ngay trong các khu xóm của ta, cũng diễn ra điều này. Tại các khu xóm của ta, có những gia đình yêu thương nhau mà cũng có những gia đình không thương yêu nhau. Có những gia đình kết hợp với nhau và có những gia đình ly tán với nhau. Cho phép tôi nói rằng chúng ta phần nào… đang phân rẽ nhau.

Phân rẽ nhau vì, chính tội lỗi đã phân rẽ chúng ta, chỉ vì tội lỗi của chúng ta. Sự hiểu lầm trong suốt dòng lịch sử. Nó là con đường dài tội lỗi mà tất cả chúng ta đều có phần trách nhiệm. Ai phải chịu phần lỗi đây? Tất cả chúng ta đều chịu phần lỗi. Tất cả chúng ta đều phạm tội. Chỉ có một người không phải chịu lỗi là Chúa mà thôi. Tôi luyến nhớ, luyến nhớ cái ôm hôn mà Thánh Kinh từng nói tới khi các anh em của Giuse bắt đầu đói lả, phải trẩy đi Ai Cập, để mua (thực phẩm) mà ăn.

Họ trẩy đi để mua. Họ có tiền. Nhưng làm sao mà ăn tiền cho được. Tuy nhiên, tại đó, họ tìm được điều còn quí giá hơn thực phẩm nhiều, họ tìm thấy người em của họ. Mọi người chúng ta đều có tiền. Tiền văn hóa. Tiền lịch sử. Ta có hàng lô các kho lẫm văn hóa, các kho lẫm tôn giáo. Và chúng ta có những truyền thống khác nhau. Nhưng chúng ta phải gặp gỡ nhau như anh chị em. Chúng ta phải khóc lên với nhau như Giuse từng khóc. Những nước mắt này sẽ hợp nhất chúng ta. Những giọt nước mắt của tình yêu.

Tôi nói với qúi bạn như một người anh em. Tôi nói với qúi bạn một cách đơn sơ. Một cách yêu thương và luyến nhớ. Chúng ta hãy để niềm luyến nhớ này lớn lên, vì nó sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm nhau, ôm lấy nhau. Và cùng nhau, chúng ta sẽ thờ phượng Chúa Giêsu Kitô, Chúa duy nhất của lịch sử.

Tôi xin hết lòng cám ơn qúi bạn vì qúi bạn đã lắng nghe tôi. Tôi hết lòng cám ơn qúi bạn đã cho phép tôi nói tiếng nói của con tim. Và tôi cũng xin qúi bạn một ơn huệ. Xin qúi bạn cầu nguyện cho tôi, vì tôi cần lời cầu nguyện của qúi bạn. Phần tôi, tôi sẽ cầu nguyện cho qúi bạn, tôi sẽ cầu nguyện như thế, nhưng tôi cần lời cầu nguyện của qúi bạn. Và chúng ta hãy cầu xin Chúa để Người hợp nhất chúng ta. Cố gắng lên, chúng ta đều là anh chị em. Chúng ta hãy ôm nhau cách thiêng liêng và để Thiên Chúa hoàn thành công trình Người đã bắt đầu. Và đó là một phép lạ; phép lạ hợp nhất đã bắt đầu rồi.

Một tác giả thời danh của Ý tên là Manzoni, có lần đã viết trong tiểu thuyết của ông, về một người đàn ông đơn sơ giữa lòng dân chúng, người từng cho rằng 'Tôi chưa bao giờ thấy Thiên Chúa bắt đầu một phép lạ mà Người lại không hoàn thành nó cách tốt đẹp'. Người sẽ hoàn thành phép lạ hợp nhất. Tôi xin qúi bạn chúc lành cho tôi, và tôi xin chúc lành cho qúi bạn. Từ một người anh em đối với một người anh em, tôi ôm hôn qúi bạn. Cám ơn qúi bạn”.

Điều duyên dáng trong video này là Đức Phanxicô khởi đầu bài nói bằng tiếng Anh để xin lỗi cử tọa về việc ngài không nói được tiếng Anh, mà sẽ nói tiếng Ý. Nhưng theo ngài, không hẳn ngài nói tiếng Anh hay tiếng Ý, mà là nói “ngôn ngữ trái tim”. Ngôn ngữ ấy kèm theo nét mặt thật bình thản hân hoan, qua cái nhìn trực tiếp vào cử tọa, như họ đang hiện diện trước mặt ngài, không phân cách dù là bằng cặp kính mắt: ngài bỏ cả cặp kính mắt qua một bên! Nguyên tuyền chỉ có ngài và anh chị em ngài trong Chúa Kitô.
 
Đức Thánh Cha: Hãy hân hoan bước đi như chiên của Chúa .
Pt Huỳnh Mai Trác
12:38 21/02/2014

(Radio Vatican) Người Kitô hữu chân chính là một người bước đi trong hân hoan vui mừng như chiên của Chúa ở giữa trần thế . Đó là lời giảng của Đức Giáo Hòang Phanxicô trong Thánh Lễ sáng thứ sáu tại Nhà Nguyện Thánh MarTa .

Giải thích bài đọc 1 trích từ sách Công Vụ Tông Đồ . Đức Giáo Hòang Phanxicô nói về bản chất của người Kitô hữu, nhắc nhở là người được “sai đi” : Chúa gởi các môn đệ đi vào thế giới để rao truyền Tin Mừng, như vậy người Kitô hữu là môn đệ, luôn phải tiến bước . Người Kitô hữu mà ngừng lại là một kẻ “đau ốm”, bởi vì bản chất của người Kitô hữu là tiến bước dù gặp trở ngại khó khăn và phải vượt qua những khó khăn đó .

Bản chất thứ hai của người Kitô hữu là “con chiên và phải luôn giữ bản chất đó” : Chúa gởi chúng ta đi như chiên giữa đàn sói . Có người cho ý kiến là phải có sức mạnh chống lại bọn lang sói đó, Đức Giáo Hòang nhắc nhở là khi Đa vít chiến đấu với quân Philistin quân lính muốn Davit trang phuc như vua Saul, và khi mang bộ giáp của vua Saul vào thì Davit không thể bước đi được, vì lúc ấy không còn là Davit nữa vì Đavit không còn là một kẻ khiêm tốn nữa , và cuối cùng đã mang y phục thường ngày và chiếc ná chăn chiên của mình và đã thắng trận . Nhiều lúc sự cám dổ lôi cuốn chúng ta suy nghĩ : “ Bọn lang sói này rất tinh tế chúng ta cần phải ma lanh hơn chúng . Nhưng khi các bạn là những con chiên thì Chúa sẽ che chở và bênh đỡ các bạn, còn nếu các bạn là những con sói thì Chúa không còn giúp các bạn nữa .

Bản chất thứ ba của người Kitô hữu là lối hành xử của người Kitô hữu là luôn vui vẻ . Ngài nói là người Kitô hữu luôn vui vẻ vì được biết Chúa Kitô và mang Chúa Kitô trong tâm hồn của mình . Vì vậy không thể là người Kitô hữu mà bước đi không mang theo niềm vui, bước đi như con chiên không vui vẻ . Dù là phải bước đi trong những thử thách, và đối diện với những khó khăn, đôi diện với lỗi lầm và tội lỗi của chính mình, “ bởi vì luôn có niềm vui của Chúa Kitô là luôn được thương yêu tha thứ và giúp đỡ” .Những người Kitô hữu mà thái độ luôn than phiền thì cũng chẳng giúp ích gì cho Chúa và Giáo Hội và Đức Giáo Hòang nói : Đó không phải là phong cách của người môn đệ .

Vào ngày lễ kính hai người môn đệ Kitô hữu, Cyrill và Methodius, chúng ta cần làm sáng tỏ bản chất của người Kitô hữu : Người Kitô hữu là người nam hoặc người nữ luôn không đứng yên một chổ nhưng luôn tiến bước, bước đi như con chiên và bước đi trong niềm hân hoan . Qua lời cầu bàu của các thánh, Đấng Thánh Bảo Trợ của Châu Âu, xin Chúa giúp chúng ta sống như những chiên của Chúa với niềm hân hoan .
 
Dòng Salediêng Don Bosco mở Tổng Tu Nghị 27
L.M. Hoàng Xuân Viện, SDB
13:19 21/02/2014
DÒNG SALÊDIÊNG DON BOSCO MỞ TỔNG TU NGHỊ 27

Cứ mỗi sau sáu năm, Dòng Salêdiêng Don Bosco lại mở Tổng Tu Nghị để duyệt xét những thành quả, những thách đố của dòng trong sáu năm qua và đồng thời lưu nhiệm hoặc tuyển chọn vị tân Bề Trên Tổng Quyền cùng toàn bộ ban cố vấn cho sáu năm kế tiếp.

Tổng Tu Nghị thứ 27 năm nay sẽ được chính thức khai mạc vào sáng thứ Bảy ngày 22 tháng Hai tại Valdocco, Tôrinô, nơi Cha Thánh Bosco khởi đầu công việc mục vụ cho giới trẻ nghèo, giới trẻ lang thang hè phố của ngài.

Tại đây, các vị đại biểu của Tổng Tu Nghị 27 sẽ chia sẻ đường hướng linh đạo của Thánh Bosco ngay trước mặt quan tài của ngài và kết thúc với Thánh Lễ trọng thể tại Ðền Thờ Ðức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu do chính Don Bosco xây cất. Trong hai ngày kế tiếp, các vị đại biểu tiếp tục chia sẻ đường hường linh đạo của Thánh Bosco tại Becchi, nơi sinh trưởng của ngài, và tại những địa điểm khác nhau có liên quan tới cuộc đời Don Bosco trong thành phố Tôrinô. Sau ba ngày cầu nguyện sửa soạn tâm hồn và thể xác, chiều ngày 24, các vị đại biểu sẽ trở về trụ sở trung ương của dòng tại Rôma để chính thức bước vào Tổng Tu Nghị 27.

Ðề tài bàn thảo cho Tổng Tu Nghị kỳ này là: “Chứng Nhân Cho Lối Sống Triệt Ðể Theo Tin Mừng” (Witnesses To The Radical Approach Of The Gospel). Cha Bề Trên Tổng Quyền cho biết, đề tài này được tìm thấy trong câu châm ngôn “Làm Việc và Tiết Ðộ”, đồng thời cũng là lời đúc kết thực tiễn về kế hoạch đời sống của Don Bosco: “Xin Cho Tôi Các Linh Hồn, Còn Các Sự Khác, Xin Cứ Lấy Ði” (Da Mihi Animas, Cetera Tolle). Ðề tài này được chọn nhằm giúp các tu sỹ Salêdiêng đào sâu căn tính đoàn sủng, hầu giúp họ ý thức rõ ràng họ được gọi để sống theo kế hoạch tông đồ của Don Bosco cách trung thành.

Tham dự Tổng Tu Nghị năm nay có 220 vị đại biểu đến từ 58 quốc gia. Ðược biết Dòng Salêdiêng Don Bosco Việt Nam có 3 vị đại biểu: Cha Giám Tỉnh Giuse Trần Hòa Hưng, cha Giuse Nguyễn Thịnh Phước và cha Giuse Nguyễn Ngọc Vinh. Riêng Hoa Kỳ và Canada có 4 đại biểu. Các vị đại biểu này sẽ phải làm việc, thảo luận trong bảy tuần lễ và sẽ kết thúc vào ngày 12 tháng Bốn. Một trong những trách nhiệm quan trọng các đại biểu phải làm là lựa chọn một tân Bề Trên Tổng Quyền và ban cố vấn của ngài vào những ngày từ 24 tới 28 tháng Ba. Trong thời gian làm việc và thảo luận chung với nhau, các vị đại biểu sẽ dùng 5 thứ tiếng chính thức: Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ đào Nha.

Dòng Salêdiêng do Thánh Bosco thành lập vào năm 1859 tại Valdocco, Tôrinô. Sau 155 năm, dòng đã phát triển nhanh chóng và hiện nay con số Salêdiêng là 15,373 tu sỹ (kể cả 480 tập sinh) và làm việc trên 132 quốc gia. Thánh Bosco, với sực cộng tác của Thánh Maria Mazzarello cũng thành lập Dòng Con Ðức Mẹ Phù Hộ, còn gọi là dòng nữ Salêdiêng. Hiện nay con số nữ Salêdiêng có 15,074 tu sỹ và làm việc trên 90 quốc gia.

Xin Thánh Thần Chúa luôn ngự trị trong Tổng Tu Nghị 27 và giúp các vị đại biểu đạt được những thành quả hữu ích cho đời sống dấn thân phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội qua giới trẻ nghèo, giới trẻ hè phố cũng như giới trẻ kém may mắn trong xã hội.
 
Đức Thánh Cha và Hồng Y đoàn liên đới với các tín hữu bị bách hại
LM. Trần Đức Anh OP
13:33 21/02/2014
VATICAN. ĐTC và Hồng Y đoàn cầu nguyện và liên đới với các tín hữu Kitô bị bách hại và nhân dân các nước đang chịu đau khổ vì bạo lực và xung đột.

Trong tuyên ngôn công bố hôm 21-2-2014, với sự chấp thuận của ĐTC và ĐHY Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng:

”Trong công nghị ngoại thường, ĐTC và Hồng Y đoàn đã dâng lên Chúa lời khẩn nguyện đặc biệt cho đông đảo các tín hữu Kitô tại nhiều nơi trên thế giới, ngày càng trở thành nạn nhân của những hành động bất bao dung và bách hại. ĐTC và các Hồng Y muốn tái bày tỏ lời cam đoan cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ vì Tin Mừng, đồng thời khuyến khích họ tiếp ục kiên vững trong đức tin và thành tâm tha thứ cho những kẻ bách hại mình, noi gương Chúa Giêsu.

”ĐTC và các Hồng Y cũng nghĩ đến những quốc gia, trong giai đoạn này, đang bị xâu xé vì những xung đột nội bộ, hoặc bị những căng thẳng trầm trọng làm thương tổn sự sống chung bình thường giữa dân chúng, như tại Nam Sudan hoặc tại Nigeria, nơi liên tục có những vụ khủng bố giết người, làm cho nhiều nạn nhân vô tội thiệt mạng, trong một bầu không khí càng càng bị dư luận dửng dưng. Trong giờ phút này, thảm trạng diện ra tại Ucraine làm cho người ta lo âu đặc biệt, ĐTC và các Hồng Y cầu mong mọi hành vi bạo lực sớm chấm dứt và tái lập hòa hợp và hòa bình.

”Cũng vậy, tình trạng xung đột kéo dài ở Siria tiếp tục gây lo âu rất nhiều, dường như người ta chưa tìm được một giải pháp hòa bình lâu dài, cũng như cuộc xung đột tại Cộng hòa Trung Phi, ngày càng lan rộng hơn. Sáng kiến của Cộng đồng quốc tế ngày càng trở thành điều cấp thiết để cổ võ hòa bình và hòa giải nội bộ, bảo đảm sự tái lập an ninh và nhà nước pháp quyền, để cho việc cứu trợ nhân đạo không thể thiếu được có thể đi đến với dân chúng.
”Rất tiếc là người ta nhận thấy nhiều cuộc xung đột hiện nay, được mô tả như những cuộc xung đột tôn giáo, nhiều khi người ta bảo đó là cuộc xung đột giữa người Kitô và Hồi giáo, trong thực tế đó là những cuộc xung đột trước tiên có tính chất bộ tộc, chính trị hoặc kinh tế.

”Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo lên án mọi hình vi bạo lực được thực thi nhân danh việc thuộc về một tôn giáo, và Giáo Hội sẽ không quên tiếp tục dấn thân cho hòa bình và hòa giải, qua cuộc đối thoại liên tôn và nhiều hoạt động từ thiện bác ái, hằng ngày mang lại sự trợ giúp và an ủi cho những người đau khổ ở các nơi trên thế giới. (SD 21-2-2014)
 
Kết thúc Công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn
LM. Trần Đức Anh OP
13:34 21/02/2014
VATICAN. Chiều tối ngày 21-2-2014, Hồng Y đoàn với 150 vị hiện diện, đã kết thúc Công nghị ngoại thường với 4 phiên họp về các vấn đề của gia đình.

Trong cuộc họp báo vào đầu chiều ngày 21-1-2014, Cha Lombardi cho biết trong phiên họp ban sáng cùng ngày, ĐTC đã tuyên bố bổ nhiệm 3 vị Hồng Y Chủ tịch thay phiên nhau chủ tọa các phiên họp của Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19-10 năm nay ở Roma, đó là:

- ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, Pháp
- ĐHY Antonio Luis Tagle, TGM Manila, Philippines
- ĐHY Damasceno Assis, TGM Aparecida, Brazil

Cũng nên nhắc lại rằng hồi tháng 10 năm ngoái, 2013, ĐTC đã bổ nhiệm vị Tổng tường trình viên của THĐGM về gia đình là ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom-Budapest, Hungari, và Đức TGM Bruno Forte, TGM Chieti, Italia là Tổng thư ký đặc biệt.

Cha Lombardi cho biết tính đến trưa ngày 21-2-2014 có 43 Hồng Y lên tiếng phát biểu ý kiến về các vấn đề của gia đình. Còn nhiều vị khác đăng ký phát biểu trong phiên họp cuối cùng vào ban chiều, nhưng người ta không biết có đủ thời giờ cho các vị nói hay không. Nhiều Hồng Y góp ý bằng giấy tờ.

Cha Lombardi không đi vào nội dung chi tiết các bài phát biểu, nhưng nói rằng các bài đó xoay quanh các khía cạnh rất khác nhau liên quan đến gia đình, từ nhân loại học Kitô về gia đình, quan điểm này trong bối cảnh văn hóa bị tục hóa ngày nay, vấn đề tính dục, những tình trạng khó khăn của gia đình; việc mục vụ gia đình, các nhóm linh đạo, các giáo xứ, việc chuẩn bị hôn nhân, linh đạo hôn nhân và gia đình. Có một loạt các bài phát biểu về vấn đề những tín hữu ly dị tái hôn, về phương diện pháp lý và giáo luật, các vụ án xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, việc nhận cho các cặp ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích, v.v..

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng không có quyết định nào được đề ra, nhưng người ta thấy có một cố gắng lớn làm sao dung hòa sự trung thành với Lời Chúa Kitô và sự từ bi trong đời sống Giáo Hội. Cha kết luận rằng: ”Không nên chờ đợi nơi Công nghị Hồng Y này một kết luận hoặc một hướng đi thống nhất, nhưng các bài phát biểu là một sự dẫn nhập đầy khích lệ vào hành trình của Thượng HĐGM về gia đình vào tháng 10 năm nay. Vì nếu Thượng HĐGM làm việc được với tinh thần này, với một chân trời rộng ở và với chiều sâu như vậy, thì Giáo Hội đang ở trên con đường đứng để đáp ứng những thách đố của ngày nay, để ý tới sự trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô và sự quan tâm mục vụ đối với con người và những hoàn cảnh khác nhau.

Trong cuộc họp báo, Phó giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Angelo Scelzo, cho biết có 298 ký giả đăng ký ngoại thường để tham dự công nghị của Hồng đoàn, và lễ tấn phong các Hồng Y mới, không kể hơn 300 ký giả đăng ký thường xuyên.

Trong số 298 người vừa nói, có 54 người thuộc các hãng tin hình ảnh, 74 báo chí, 51 đài truyền hình, 153 ký giả và phóng viên thuộc các đài vừa nói.
 
Ngày thứ Hai của Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường
Đặng Tự Do
17:32 21/02/2014
Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường đã diễn ra tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới thuộc nội thành Vatican trong hai ngày thứ Năm 20 và thứ Sáu 21 tháng Hai. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi bộ từ nhà trọ Santa Marta đến địa điểm họp.

Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã bắt đầu ngày họp thứ hai với những nhận xét về bài thuyết trình dẫn nhập của Đức Hồng Y Walter Kasper.

Ngài nói:

"Hôm qua, trước khi ngủ, không phải là ngủ gật, tôi đã đọc đi đọc lại những nhận xét của Đức Hồng Y Kasper. Tôi muốn cảm ơn ngài, vì tôi tìm thấy một thần học sâu sắc, và những tư tưởng thanh thản trong thần học. Thật tốt đẹp khi đọc thần học thanh thản. Nó đã làm tôi phấn chấn và nảy sinh ra ý tưởng này, xin Đức Hồng Y tha thứ nếu tôi nếu tôi làm ngài xấu hổ, nhưng ý nghĩ của tôi là: đây được gọi là suy tư thần học trong khi quỳ trong gối - Cảm ơn Đức Hồng Y rất nhiều."

Các vị Hồng Y đã suy tư trên chính những nhận xét của Đức Hồng Y Walter Kaster. Trọng tâm là tìm một sự cân bằng giữa sự trung thành với Tin Mừng và đạo lý về lòng thương xót khi đề cập đến các vấn đề gai góc như việc rước lễ của người Công Giáo đã ly dị và tái hôn.

Sau phiên họp buổi sáng, cha Lombardi đã tổ chức một cuộc họp báo giải thích những gì các vị Hồng Y đã thảo luận. Ngài đã nêu bật một lần nữa rằng Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường là bước đầu tiên hướng tới Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình, vì vậy sẽ không có bất kỳ kết luận dứt khoát nào được đưa ra trong giai đoạn này.

Với rất nhiều bất ổn và bạo lực đang xảy ra ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, cha Lombardi đã đọc một tuyên bố của Đức Thánh Cha và các vị Hồng Y về tình trạng thế giới trong những ngày này:

"Những suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng và các Hồng Y đã hướng đến những quốc gia vào thời điểm này đang trải qua những xung đột nội bộ, hoặc những căng thẳng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của thường dân như ở Nam Sudan hoặc Nigeria, nơi mà các cuộc tấn công thường xuyên đã gây ra bao nhiêu những nạn nhân vô tội, giữa bối cảnh một sự thờ ơ ngày càng tăng trên thế giới. "

Các Hồng Y cũng đề cập đến các cuộc chiến đang diễn ra tại Syria, và bạo lực ngày càng tăng ở Ukraine và Cộng hòa Trung Phi.

Tuyên bố không đề cập đến những gì đang diễn ra tại Venezuela. Tuy nhiên, một số Hồng Y đã đề cập đến quốc gia này.

Đức Hồng Y Raymundo Damasceno nói:

"Chúng tôi đang cầu nguyện cho Ukraine, và Venezuela cầu mong cho họ sớm tìm được một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại."

Đức Hồng Y Carlos Amigo Vallejo nói:

"Có những tình huống rất khó khăn đang diễn ra. Đặc biệt tôi nhớ đến Venezuela, nơi tôi đã từng là giám tỉnh trong một thời gian. Đó là một đất nước tôi yêu mến rất nhiều, với nhiều nguồn tài nguyên to lớn về mọi phương diện. Tôi tin tưỏng rằng người dân Venezuela sẽ tìm được phương pháp tốt nhất để tái lập trật tự cho quốc gia của họ."

Hôm thứ Ba 18 tháng Hai, tổng thống Yanukovych nói có âm mưu đảo chính. Cảnh sát được lệnh tấn công vào quảng trường Maidan để dẹp những người biểu tình. Trong khi đó những người biểu tình cũng tấn công quyết liệt hơn vào cảnh sát và nổi lửa trước tòa nhà quốc hội vì tin rằng Yanukovych đã bí mật thương thảo với Nga. Một ngày trước đó, hôm thứ Hai 17 tháng Hai, Nga đã trao cho Ukraine 2 tỷ Mỹ Kim trong tổng số 15 tỷ Mỹ Kim là tiền viện trợ Nga dành cho Ukraine để đổi lấy việc Ukraine từ chối các hợp đồng mậu dịch với Liên Hiệp Âu Châu, là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình gần đây.

26 người chết trong cuộc giao tranh đẫm máu tại quảng trường Maidan, trong đó có 10 cảnh sát viên và một ký giả quốc tế. Nhiều đồn bót cảnh sát tại Lviv bị cướp phá.

Liên Hiệp Âu Châu dọa đưa ra những cấm vận đối với Ukraine và làn sóng bạo loạn gia tăng đã khiến Yanukovych đồng ý với các phe đối lập về một thoả thuận hòa bình. Tuy nhiên, giao tranh lại bùng lên ác liệt hơn vào hôm thứ Năm chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận này được công bố.

Các báo cáo cho rằng có ít nhất là 75 người bị giết chỉ trong ngày thứ Năm 20 tháng Hai, phần lớn là bị cảnh sát bắn tỉa.

Đức Hồng Y Peter Scherer Odilo nói:

"Chúng tôi rất lo buồn. Vâng, Đức Giáo Hoàng, thay mặt cho tất cả chúng tôi gửi một thông điệp tới các giám mục Ukraine."

Trước khi kết thúc phiên họp ban sáng ngày thứ Sáu 21 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã tuyên bố bổ nhiệm 3 vị Hồng Y Chủ tịch thay phiên nhau chủ tọa các phiên họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19 tháng 10 năm nay ở Roma, đó là:

- Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, Pháp

- Đức Hồng Y Antonio Luis Tagle, Tổng Giám Mục Manila, Phi Luật Tân

- Đức Hồng Y Damasceno Assis, Tổng Giám Mục Aparecida, Brazil
 
Đức Thánh Cha: Đức tin không đem lại hành động cụ thể thì không phải là đức tin
Đặng Tự Do
19:10 21/02/2014
"Một đức tin không sinh hoa kết quả nơi các hành động thì không phải là đức tin." Đây là lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu 21 tháng Hai tại nhà nguyện Santa Marta trong thánh lễ đồng tế với các vị Hồng Y đang tham dự Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường. Ý chỉ trong thánh lễ này là mừng sinh nhật thứ 90 của Đức Hồng Y Silvano Piovanelli, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Florence. Đức Thánh Cha đã cảm ơn Đức Hồng Y Piovanelli vì "công việc của ngài, chứng tá và lòng nhân hậu của ngài."

Thế giới này đầy dẫy các Kitô hữu đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính, nhưng rất ít khi đưa những lời kinh này vào thực hành - và cũng có các học giả uyên bác giản lược thần học vào một loạt những lý thuyết gọn gàng ngăn nắp, trong khi loại bỏ triệt để bất kỳ ảnh hưởng nào của thần học trên cuộc sống thực. Đó là mối nguy hiểm mà Thánh Giacôbê lo sợ từ cả hai ngàn năm trước, và đó cũng là chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đưa ra với các tín hữu sau đọc bài đọc trích từ thư Thánh Giacôbê trong đó có những đoạn như: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? ...Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết...Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi.”

Đức Thánh Cha nói:

"Chúng ta cũng phạm sai lầm khi nói: ‘Nhưng tôi có rất nhiều niềm tin, và tôi tin tất cả mọi thứ, tất cả mọi thứ - nhưng người nói như thế lại có một cuộc sống thờ ơ, yếu ớt. Đức tin của người ấy là một thứ lý thuyết, không sống động trong cuộc đời. Thánh Tông Đồ Giacôbê khi nói về đức tin, đã nói chính xác về đạo lý, về những gì hình thành nội dung của đức tin. Một người dù có thể thuộc tất cả các điều răn, tất cả những lời tiên tri, tất cả các chân lý đức tin, nhưng nếu không đưa vào thực hành, thể hiện nơi hành động cụ thể thì chỉ là vô ích. Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể đọc Kinh Tin Kính, thậm chí ngay cả khi không có đức tin, và có rất nhiều người làm như vậy - ngay cả ma quỷ. Ma quỷ biết rất rõ những gì được đề cập trong Kinh Tin Kính và chúng biết đó là sự thật."

Những lời của Đức Thánh Cha vang vọng khẳng định của Thánh Giacôbê: "Anh chị em tin có một Thiên Chúa duy nhất phải không? Đúng lắm. Ma quỷ cũng tin, và run sợ".

Đức Thánh Cha nói thêm rằng sự khác biệt là ma quỷ không có “đức tin đích thực”, chúng chỉ có “kiến thức”. Đức tin chân thực có nghĩa là đón nhận thông điệp của Thiên Chúa từ Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha nói tiếp là Tin Mừng đã đề cập đến hai dấu chỉ rõ rệt của những người “biết điều gì đáng tin, nhưng lại không có đức tin” Dấu hiệu đầu tiên là xu hướng “luật sĩ” đại diện bởi những người hỏi Chúa Giêsu có nên nộp thuế cho Cêsarê hay không, và những kẻ thắc mắc về câu chuyện người phụ nữ góa chồng đã lần lượt kết hôn với bảy anh em. Dấu chỉ thứ hai là xem đức tin như một thứ “ý thức hệ”. Đó là những Kitô hữu xem đức tin như một hệ thống các ý tưởng có tính lý thuyết. Ngay vào thời của Chúa Giêsu cũng có những kẻ như thế. Thánh Tông Đồ Gioan nói họ là những phản Kitô, những kẻ uốn nắn đức tin theo những dấu ấn ý thức hệ mà họ đã từng theo đuổi. Vào thời điểm đó, có những kẻ theo phái Ngộ Đạo, nhưng sẽ luôn có và có rất nhiều những Kitô hữu rơi vào nhóm “luật sĩ” hay nhóm ý thức hệ, là những kẻ biết đến đạo lý Kitô, nhưng không có đức tin, y hệt như ma quỷ. Cái khác biệt là ma quỷ còn biết run sợ chứ các Kitô hữu này thì không, họ cứ tỉnh bơ sống an nhiên tự tại.

Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ đến những ví dụ trong các sách Tin Mừng về "những người không biết đạo lý, nhưng có rất nhiều niềm tin." Ngài đề cập đến câu chuyện của người phụ nữ xứ Canaan, đã làm Chúa xúc động trước đức tin của bà và Ngài đã chữa lành cho đứa con gái bị quỷ ám của bà; và người phụ nữ Samaria là người mở lòng ra bởi vì, "cô ấy đã không gặp gỡ với những chân lý trừu tượng", nhưng chính là gặp gỡ "Chúa Giêsu Kitô. " Sau đó, là người mù được Chúa Giêsu chữa lành đã phải đối diện với sự thẩm vấn dai dẳng của những người Biệt Phái và các luật sĩ cho đến khi ông quỳ xuống với sự khiêm nhường và tôn vinh người đã chữa lành cho ông. Ba người này cho thấy đức tin và chứng tá là không thể tách rời.

Đức tin là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, với Thiên Chúa, từ đó đức tin được sinh ra, và từ đó đưa ta đến với chứng tá. Đó chính là những gì thánh Tông Đồ Giacôbê muốn nói Đức tin không có hành động, một đức tin không lôi cuốn toàn con người ta, thì không phải là đức tin. Đó là những từ ngữ - và chỉ là những từ ngữ.
 
Top Stories
Vietnam: Informations supplémentaires sur une réforme de la religion traditionnelle des H’mongs et sur son promoteur Duong Van Minh
Eglises d'Asie
15:27 21/02/2014
La réforme introduite par Duong Van Minh dans la religion traditionnelle (chamanisme) de certains H’mongs des provinces du nord-ouest vietnamien date de 1989. Ce n’est pourtant que récemment qu’il a été publiquement question de cette nouvelle religion. Elle avait d’abord été la cible de plus en plus fréquente de la critique et des attaques virulentes de la presse officielle, en particulier des divers organes de la Sécurité publique (Công An, An Ninh Thu Dô), qui lui ont attribué des visées politiques et indépendantistes.

Cette réforme religieuse ne fut vraiment connue du grand public, il y a quelques mois, que lorsqu’une importante délégation de H’mongs venant des provinces montagneuses du nord-ouest s’est rendue dans la capitale pour y faire connaître ses plaintes en matière religieuse. Les délégués H’mongs ont campé dans un jardin public de Hanoi et ont diffusé pour un large public le récit de la persécution subie par eux. Deux récents articles d’Eglises d’Asie s’étaient fait l’écho de la plainte des H’mongs et de la répression menée par les autorités à leur endroit.

Si la religion traditionnelle des H’mongs (chamanisme) est bien connue et a fait l’objet d’une copieuse littérature en diverses langues (1), on ne savait en revanche que très peu de choses de la nouvelle religion et de la réforme religieuse accomplie par Duong Van Minh, sinon qu’elle avait remplacé les anciennes coutumes funéraires, qui se déroulaient autrefois à l’intérieur des maisons, par des cérémonies célébrées dans des lieux de culte extérieurs, systématiquement détruits aujourd’hui par les pouvoirs publics, comme le montrent certaines vidéos.

Un journaliste indépendant, Jean-Baptiste Nguyên Huu Vinh, originaire du diocèse catholique de Vinh, a remédié à cette lacune. Il connaît bien la situation religieuse des H’mongs du nord-ouest, auxquels il s’intéresse depuis longtemps. Il a réussi à rencontrer Duong Van Minh, le fondateur de cette religion, aujourd’hui très malade. L’ensemble de ses recherches ont paru sur le blog « Bôn Phuong », le 11 et 12 février 2014, sous le titre de « Rencontre avec Duong Van Minh » (2 et 3).

Dans son entretien, Duong Van Minh décrit ainsi la situation religieuse des H’mongs avant qu’il ne leur propose la réforme religieuse décrite sous le nom de « Bo Ma », le renoncement aux esprits : « Avant 1989, mes compatriotes et moi-même étions fort attardés. Nous croyions aux esprits, nous les vénérions et leur offrions des sacrifices. Les porcs, les buffles et les bœufs sacrifiés aux esprits, ainsi que les funérailles étaient pour nous quelque chose de très pesant. Le fils du défunt, qu’il soit riche ou pauvre, devait suspendre la dépouille de son père dans la maison pendant neuf jours et neuf nuits (au minimum sept jours et sept nuits) pour qu’il devienne un esprit. Chacun des enfants devait abattre un buffle, un bœuf. »

Dans son introduction au récit de la rencontre, le journaliste Jean-Baptiste Nguyên Huu Vinh parlant de l’emprise des esprits sur la vie des H’mongs avait écrit que « les esprits tyrannisaient les H’mongs tout au long de leur vie, depuis bien avant leur naissance jusqu’à très longtemps après leur mort ».

Duong Van Minh a ensuite ainsi résumé la réforme religieuse effectuée : « En 1989, à l’issue d’un rêve, j’ai annoncé à tout le monde qu’il fallait renoncer aux esprits et croire au Ciel. Dans la langue h’mông, on l’appelle ‘Vang Chu’ et dans la langue commune (le vietnamien) ‘Ông Troi’ (‘Monsieur le Ciel’). Selon cette nouvelle religion, il ne faut faire du tort à personne, ne pas dépenser le bien d’autrui, ne pas porter tort à la santé des autres, n’obliger personne à verser une goutte de sueur ou une simple larme… »

Selon Duong Van Minh, cette réforme religieuse s’est effectuée dans un laps de temps très réduit. La transformation des coutumes a pris trois jours pour certaines et trois mois pour d’autres. Elle s’est accomplie avec une grande facilité : « Au début, je me suis contenté de déclarer : ‘Je renonce’… Je ne force personne à me croire ou à me suivre. »

Si la transformation des coutumes religieuses se déroulait sans grosses difficultés au sein des populations montagnardes, cela n’a pas été le cas pour les autorités civiles, qui, dès le début, se sont dressées pour faire obstacle à ce nouveau mouvement religieux. Pour le promoteur de la nouvelle religion, ce fut le début d’une vie d’épreuves. Il dut subir une surveillance de tous les instants, des interrogatoires, des arrestations, la détention ou encore la clandestinité. Lorsque Jean-Baptiste Nguyên Huu Vinh l’a rencontré en février 2014, Duong van Minh était un homme malade, très fatigué et alité sur un grabat. Il a raconté longuement la persécution qu’il a subie : « (…) Dès que le projet de réforme fut connu, immédiatement les autorités de la commune, du district, de la province s’y sont opposé… Le 30 avril 1989, je fus arrêté pour avoir propagé des superstitions et trompé mes compatriotes en vue de les dépouiller de leurs biens. Je fus interné pendant cinq ans (…). »

Le récit de ces vingt-cinq années de vie raconté par le promoteur de la religion nouvelle n’est qu’une suite d’arrestations, d’interrogatoires très souvent musclés, de périodes de clandestinité, de surveillance incessante par la police.

Gravement malade depuis une dizaine d’années, il a d’abord été soigné à l’hôpital Bach Mai de Hanoi, puis transporté à l’hôpital de la Sécurité publique, où l’on alternait pour lui soins et interrogatoires. Depuis le mois de septembre 2013, il a été replacé en cellule. Au moment de l’entretien avec le journaliste, il avait été provisoirement autorisé à quitter cette cellule (4). (eda/jm)

(1) Voir par exemple Hmong Studies Bibliographies à l’adresse : http://www.hmongstudies.com/HmongBibliographies.html
(2) Rencontre avec Duong Van Minh (1ère partie) : http://bon-phuong.blogspot.fr/2014/02/gap-duong-van-minh-toi-nhan-hay-benh.html
(3) Rencontre avec Duong Van Minh (2ème partie) : http://bon-phuong.blogspot.fr/2014/02/gap-duong-van-minh-toi-nhan-hay-benh_13.html
(4) Plusieurs émissions de Radio Free Asia en langue vietnamienne ont abordé ce sujet, la dernière en date est du 14 février 2014.

(Source: Eglises d'Asie, le 22 février 2014)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hoạt động truyền giáo và bác ái của Hội Dòng Đa Minh Lạng Sơn vùng địa đầu giới tuyến
VietCatholic Network
04:52 21/02/2014
Thất Khê là một thị trấn nhỏ sát biên giới Trung Hoa, cách thị xã Lạng Sơn khoảng 70 cây số về hướng tây bắc giữa một vùng đường núi hiểm trở. Cũng như những vùng sâu, và hẻo lánh trên đất nước ta, người dân ở đây sống chủ yếu nhờ nông nghiệp. Nhưng họ phải đối diện với những khó khăn chập chùng. Sườn đồi là nương đồng trồng bắp, đậu, khoai, mì. Khe núi lởm chởm sỏi đá là ruộng lúa. Khí hậu lại khắc nghiệt. Mùa hè nóng bức khô ráo. Mùa đông lại rét buốt vì gió lạnh đông bắc thổi luồn qua các khe núi.

Năm 1979, giặc Tầu từ phương Bắc xâm lược nước ta, toàn vùng Lạng Sơn Cao Bằng đã trở nên hoang tàn. Người chạy thoát sống sót trở về chẳng còn gì. Người ở lại hoặc tan xương nát thịt hoặc bơ vơ thương tật và bệnh hoạn. Nhà cửa ruộng đồng thiêu rụi. Rừng xanh gỗ qúi nay chỉ còn là đồi trọc không chồi non.

Trên bước đường truyền giáo, các Nữ tu Đa Minh Lạng Sơn đã chứng kiến bao cảnh đáng thương của những gia đình nghèo thê thảm lại phải chăm sóc cho những trẻ em và người lớn bại liệt và tật nguyền.

Chạnh lòng thương, các nữ tu đã trải qua bao đêm trằn trọc thao thức ấp ủ một ước mơ làm sao xây dựng được một mái ấm cho những người bất hạnh này. Giữa chập chùng những trở ngại, đặc biệt là những khó khăn đến từ nhà cầm quyền địa phương, các sơ vẫn giữ một niềm tin sắt son và ơn quan phòng của Thiên Chúa. Nhờ thế, Mái Ấm Vinh Sơn Thất Khê cuối cùng cũng được khởi công và hoàn thành để đón nhận và săn sóc các trẻ em tật nguyền, cô nhi và người già neo đơn.
 
Giáo xứ Bột Đà Nghệ An khai mạc Tuần chầu đền tạ
Phạm Anh
19:32 21/02/2014
Trong khí ấm áp của những ngày đầu xuân năm mới, thời khắc mà mỗi người trong chúng ta nhìn lại những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong một năm qua và xin Thiên Chúa nâng đỡ gìn giữ ta trong năm mới, nhất là xin Chúa Giê su Thánh Thể luôn đồng hành với mỗi gia đình trong Năm Tân Phúc Âm Hóa gia đình. Còn gì thích hợp hơn để sống tâm tình đó trong tuần đền tạ Chúa Giêsu Thánh thể? Và hồng ân đó đến với giáo xứ Bột Đà.

Hình ảnh

Tuần đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể của giáo xứ Bột Đà khai mạc bằng thánh lễ long trọng sáng thứ sáu, ngày 21 tháng 02 năm 2014, do cha Antôn Nguyễn Văn Đính quản Hạt Thuận Nghĩa làm chủ tế và cùng đồng tế với ngài là đông đảo các cha trong và ngoài giáo hạt. Với thông điệp tình yêu của Đức Kitô được thể hiện nơi mỗi người trong mỗi gia đình, ngài kêu gọi mỗi người hãy luôn sống trong tâm tình yêu thương và cảm tạ để xây dựng và làm chứng cho tình yêu Đức Kitô ngay tại gia đình mình và trong đời sống trần thế này.

Chặng đường gần một trăm năm lịch sử kể từ khi thành lập xứ đến nay, là cả một hành trình dài được đan dệt bởi những ân huệ lớn lao của Thiên Chúa và những hy sinh, công khó của các bậc tiền nhân, để làm nên một xứ đạo và là sở hạt của vùng truyền giáo Miền Tây Nghệ An, với chiều sâu đạo hạnh và giàu sức sống như hôm nay. Nơi mảnh đất thấm đượm tình Chúa và tình người này là chiếc nôi dưỡng nuôi nhiều mầm ơn gọi cho Giáo phận nhà và cho cả Giáo Hội. Cộng đoàn Bột Đà hiện với hơn 2886 tín hữu đã sản sinh cho Giáo Hội 3 linh mục và hơn 100 tu sỹ. Trong đó có nhiều gia đình có 5- 6 người con đi tu. Đó là một niềm tự hào và là một bằng chứng rõ nét về đời sống đức tin trong gia đình. Đây chính là điểm tựa đức tin cho những người con của giáo xứ nhất là các bạn trẻ tiếp tục tiếp nối truyền thống của các bậc cha anh làm chứng cho Tin Mừng giữa cuộc đời đầy những bon chen và xô bồ này.

Chia sẻ trong lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cha Giuse Ngô Văn Hậu quản xứ Quan Lãng đã làm nổi bật tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại. Một tình yêu cho đi nhưng không và trao ban tất cả để đem lại ơn cứu độ cho con người. Tình yêu đó gọi mời và thúc bách chúng ta sống tương quan tình yêu với tha nhân, là anh em của chúng ta trong tư cách là con Chúa. Thánh Gioan đã khẳng định: “Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối" (1Ga 4,20). Chính vì thế, tương quan của chúng ta với tha nhân sẽ chứng tỏ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Ngài cũng chia sẻ về vai trò của gia đình trong đời sống của xã hội và Giáo Hội hôm nay. Ngài nhấn mạnh: gia đình chính là nền tảng của xã hội và Giáo Hội, gia đình chính là trường học đức tin đầu tiên, gia đình chính là chủng viện đầu tiên, là đan viện đầu tiên. Người cha, người mẹ chính là những người thầy, người cô đầu tiên, những nhà truyền giáo đầu tiên cho con cái. Chính vì thế, mỗi bậc cha mẹ phải làm gương phải có trách nhiệm giáo dục con cái trong tình yêu của Đức Kitô. Ngài cũng kêu gọi mỗi người nhất là các thành viên trong gia đình phải sống đúng với vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình, để làm sao mỗi gia đình mình là một Thánh Gia nơi trần thế.

Ước mong rằng, tuần Đền tạ thực sự là một cơ hội để mỗi người con giáo xứ Bột Đà tìm về với nguồn tình thương đích thực, kín múc được nhiều ơn lành của Chúa Giêsu Thánh Thể, để tuần đền tạ này là bước đệm cho mỗi người và mỗi gia đình sống đúng tinh thần Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình.
 
Caritas Phan Thiết bàn giao 3 nhà tình thương tại Sông Phan
Hồng Hương
10:45 21/02/2014
Ngày 19/02/2014, Caritas Phan Thiết đã đến bàn giao chính thức 3 căn nhà tình thương cho họ nghèo tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. “An cư lạc nghiệp”, ước mong với căn nhà mới khang trang ấm áp này sẽ là động lực cho các gia đình cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Sông Phan cách Thành phố Phan Thiết 55 km, là vùng kinh tế mới, dân số khoảng 4500 người, trong đó đồng bào dân tộc thiệu số khoảng 1600 người. Đời sống của bà con rất khó khăn, thiếu chăm sóc y tế, trình độ dân trí thấp, trẻ em nghỉ học sớm đi làm mướn kiếm sống. Phần lớn người dân không có đất canh tác, chủ yếu đi làm thuê cho các lò gạch, làm rẫy, trồng mì, vựa thanh long. v.v thu nhập không ổn định.

Anh Huỳnh Đức Huệ, một trong số 3 gia đình được Caritas Phan Thiết trao nhà tình thương lần này tâm sự: Cha mẹ hai bên đều nghèo, vợ chồng anh chị ra riêng chỉ có hai bàn tay trắng với miếng đất rẫy vừa đủ nền nhà. Hai vợ chồng đều đi làm mướn, không có tiền làm nhà nên phải xin ở ké chái nhà của người quen. Tằn tiện chi tiêu cũng không đủ tiền lo cho đứa con đau bệnh suốt nên ước mơ dựng được căn nhà vẫn là mơ ước. Vậy mà giờ đây, đứng trước ngôi nhà mới từ sự hỗ trợ và đóng góp của Caritas Phan Thiết, quý ân nhân và bà con họ hàng, vợ chồng anh Huệ chỉ biết lấy nước mắt để diễn tả sự vui mừng và lòng biết ơn đến tất cả mọi người.

Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, giám đốc Caritas Phan Thiết cho biết: “Dự án xây dựng mái ấm tình thương của Caritas Phan Thiết vẫn tiếp tục đến với các gia đình nghèo trong giáo phận Phan Thiết. Chúng tôi chân thành cám ơn Cha Đaminh Bùi Quyền – Căn nhà Nazareth, Hội Liên Đới Hòa Lan, quý Ân Nhân xa gần đã quảng đại giúp đỡ để Caritas Phan Thiết có điều kiện làm nhà cho người nghèo. Chúng tôi ước mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Quý Vị bởi hồ sơ xin giúp nhà tình thương trong năm 2014 còn rất nhiều”.
 
Linh mục Việt Nam tại Hoa Kỳ hành hương Thánh Địa Israel
Liên Đoàn
10:44 21/02/2014
NAZARETH, DO THÁI - Sau những ngày chờ đợi trong lo âu bão tuyết miền Đông Hoa Kỳ, sáng Thứ Ba, ngày 17 tháng 2, 2014, Phái đoàn 35 Linh mục Việt Nam đến từ 14 Tiểu Bang Hoa Kỳ tụ họp tại Phi Trường Newark, New Jersey, lên đường hành hương Thánh Địa Do Thái. Chuyến hành hương của quý linh mục do Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức. Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch, làm trưởng đoàn; Lm Gioan Vianny Nguyễn Ngọc Thụ, chủ Tịch Miền Nam hướng dẫn phái đoàn.

Đoàn hành hương của quý Linh mục đến phi trường Ben Gurion, Do Thái lúc 9:30 sáng hôm sau Thứ Tư. Tiếp tục hành trình tiến lên Miền Bắc, qua vùng Caesarea, Haifa, dừng chân trên sườn núi Carmel. Quý Cha dâng thánh Lễ đầu tiên tại Nhà Thờ Đức Mẹ Sao Biển - Stella Maris - trên Núi Carmelo. Sau đó, phái đoàn về Hotel Plaza tại phố Nazareth. Dùng com và nghỉ ngơi.

Quý Cha gặp nhau thật vui, tiếng nói tiếng cười cứ vang rộn khắp chốn. Có nhiều Cha mới gặp nhưng như quen nhau đã lâu. Thật là tốt đẹp, quý Cha đang có những ngày bình an cùng đồng hành với nhau theo con đường Chúa đã đi xưa. Xin Chúa ban bình an trên mọi nẻo đường. Đây là ngày thứ nhất của chương trình Hành Hương Thánh Địa.

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lễ hội Quốc-Vũ-Vong-Nô!
lykhách
20:04 21/02/2014
Mừng Đảng - Mừng Xuân, nay đất nước có thêm Lễ Hội mới
Tạm đặt tên là lễ hội Quốc-Vũ-Vong-Nô
Sân khấu được chọn là vườn hoa thủ đô dưới tượng đài Vua Lý-Thái-Tổ
Diễn viên gồm có: đảng-đoàn viên, cùng công an phối hợp chặt chẽ với côn đồ!

Vặn hết âm thanh, nhạc-Tàu-lời-Việt xập xình mời các đồng chí ra sàn nhảy
Đú đởn đong đưa, ngực lắc, mông hẩy… hân hoan kỷ niệm tháng Hai, ngày Mười Bảy
Mừng Đảng ta đã được đồng chí Đặng-Tiểu-Bình cho một bài học gọi là để…dạy
Bằng cách xua hơn 60 vạn quân bình địa biên giới đánh đấm thẳng tay!

Mở lớn nữa, lớn hết cỡ cho át hết gào của đám dân phản động biểu tình
Nhảy hăng nữa, hăng hết cỡ cho tượng đài Vua Lý-Thái-Tổ rung rinh
Khoảng sáu vạn mạng người chết có là bao? cộng cả thường dân với lính
So với tình đồng chí gắn bó keo sơn giữa Bác Mao với chủ tịch Hồ Chí Minh?

Hãy đục bỏ hết tượng đài để chẳng còn ai tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ
Đập nát bia căm hờn ghi tội ác Trung Quốc để chẳng đứa nào xem
Trước ta vì Trung-Quốc cùng Liên-Xô mà đánh Mỹ
Nay dại gì mà vứt đi hữu nghị 16-chữ-vàng với 4-tốt giữa hai đảng anh em!

Năm nay ta sẽ dâng cho Bắc thiên triều một quà xuân mới lạ
Một món quà độc đáo phát huy đầy sáng kiến của đảng ta
Mời quý bô lão cùng thanh niên ra sàn nhảy với tâm tình nô tài khoái trá
Lễ hội Vũ-Quốc-Vong-Nô kỷ niệm cuộc chiến “được-dạy và mất-dạy” giữa đồng chí trong nhà!

Cứ bắt hết và…lén đập chết đám dân biểu tình phản kháng
Hoặc bỏ tù hoặc trù dập cho nhừ tử dã man
Ngay cả Vua Lý, Lê, Trần, Bà Triệu, Bà Trưng… giờ sống dậy cũng phải hiểu rằng chống Tàu nghĩa là chống Đảng
Cũng cứ đem đi cải tạo cho bỏ thói ngàn năm bất khuất ngang tàng!

Từ nay cứ mỗi ngày Mười-Bảy, tháng Hai
Ta sẽ phát động liên hoan cả nước dưới chân mỗi tượng đài
Để dân dần làm quen với lễ hội Vong-Nô-Quốc-Vũ
Sớm muộn gì đảng cũng sẽ được tấn phong hàm Đệ-Nhứt-Tay-Sai!

Vặn hết âm thanh mời… rững-mỡ, nhục-quen cùng ra sàn nhảy
Muốn tạo khí thế nô tài phải ra nhảy nhót bầy bầy
Cứ để các đồng chí công an phối hợp với côn đồ đánh-đuổi-đẩy…
Đám biểu tình – còn chúng ta cứ nhộn nhịp điệu khỉ: ngực lắc - mông xoay!
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Ơn cứu-chuộc nơi Ngài chan chứa!
Mai Tá
00:13 21/02/2014
Ơn cứu-chuộc nơi Ngài chan chứa!
Lm Kevin O’Shea, CSsR


Chương Một
Đặt vấn đề Cứu-chuộc

Ơn Cứu-chuộc, và hiện-tình tôn-giáo qua phân-tích


Phân tích hiện-tình tôn-giáo với thế-giới “đã phát-triển” cho thấy: hiện có yêu-cầu đòi mọi người phải được ưu-tiên cứu-vớt khỏi tôn-giáo. Ưu-tiên đây, là ngôn-từ được một số người thường dùng. Nhưng, nếu nhìn cung-cách mọi người đặt ưu-tiên vào nhiều thứ, ta thấy được là có đổi-thay trong thái-độ xưa về “Ơn cứu-chuộc”, rất đặc-trưng. Đặc trưng, hiểu theo nghĩa biến-cải quan-điểm xưa nay vẫn thấy nơi một số đạo giáo hoặc giáo phái ở Đạo Chúa.

Hôm nay, tôi nghĩ ta cũng nên nhắc lại lập-trường rút từ cuốn “The Religious Situation in America” do Joseph C. Hough Jr, Khoa Trưởng Phân-khoa Thần-học Hiệp-nhất Đại học Columbia, New York City mà ông từng tỏ-bày lập-trường của ông gửi đến Hội-Đồng Hòa-Bình Thế-giới hồi tháng 9/2005 có lưu-trữ trên trang mạng có tên là www.uts.columbia.edu.


Sự việc các giáo phái cũng như tôn-giáo khác nhau nay đã đổi thái-độ nhắm vào những điểm được mọi người biện-luận như:


1. Trước hết, có thể nói: phần đông nhiều người đã và đang đầu-tư mạnh vào đạo-giáo ngõ hầu đảm-bảo cho bản thân mình có được “Ơn cứu-chuộc” cách chắc chắn ngõ hầu cuộc sống đời này và đời sau của mỗi người được bảo-đảm. Cả lúc con người tỏ ra ù-lỳ, chậm đưa ý-kiến cho đấng bậc nào đó để cải-tổ lề-lối đối-thoại ngõ hầu vị đó chấp-nhận mình vào với nhóm/hội có quyền lợi, chí ít là các vị đề ra công-trình này khác cho đạo-giáo.

Ở đây, tôi cũng xin mở thêm một dấu ngoặc nhỏ để nhấn mạnh rằng: điều này phản-ánh thứ văn-hóa kiểu “Narcisse”, tức chủ-nghĩa cá-nhân, tận-tình, triệt-để. Với kinh-tế thị-trường chuyên đặt nặng vào chuyện tiêu-thụ hoặc mua sắm, thì người người ở đời vẫn hay loanh quanh lo mua sắm hoặc đổi chác, tức làm điều gì có lợi cho chính mình mà thôi. Ngày nay, mọi người mua sắm/đổi chác nhiều hơn thời xưa/cũ là để chắc chắn rằng: mình đã có được Ơn cứu-chuộc, rất an toàn.

Xem thế thì, “Ơn cứu-chuộc” mang nghĩa diễn-tả điều gì đó cá-biệt cho cả đời này lẫn đời sau, tức: như thứ hàng-hoá gì đó rất đặc-trưng, khả dĩ bảo-đảm sẽ không còn rủi-ro nào chui vào thân-phận “bọt bèo” của mình hết. Xem ra, ở đây cũng thấy hiện rõ một cải-tiến khá lớn nơi quan-niệm về Ơn cứu-chuộc dù không theo cách tốt lành, hạnh đạo.

2. Thứ hai: sở dĩ nhiều vị tin chắc là mình được bảo-đảm có “Ơn cứu-chuộc”, là do lâu nay mình đã bỏ công tìm-kiếm ơn mưa-móc như thế để đời sau có chỗ tốt trên thiên-đàng. Điều này, xem ra phù-hợp với giá trị luân-lý mà hầu hết các tôn-giáo và xã hội từng chủ-trương.

Ở đây nữa, lại cũng thấy ít có các vụ tranh-cãi giữa các giáo-phái, ý-thức-hệ hoặc giáo-hội này khác. Ngày nay, ai cũng chú tâm đặt nặng vào những gì mà mọi người đồng ý, trên căn-bản, về Ơn cứu-chuộc.

Đa phần những điều mà mọi người đồng ý, là: phải lo chuyện luân-lý/đạo đức cách công khai như: phá thai, tái-tạo quyền công dân, vv. Phần đông nhiều người vẫn hay để tâm đến những gì cho phép họ có quyền làm nhiều thứ, với tư cách là công-dân ở xã-hội ngoài đời. Nói cho cùng, đây là lối thực-thi luân-lý mà nhiều người vẫn muốn làm, ngay đến các cụ chuyên-chăm lo đi nhà thờ/nhà thánh, cũng đều thế.


Xem như thế, thì: Ơn cứu-chuộc mang ý-nghĩa của một thứ luân-lý phù-hợp với đạo làm người ở ngoài đời, mà thôi.


3. Điểm thứ ba, là: khát-vọng có được bảo-đảm rằng: Ơn cứu-chuộc đem đến cho ta tư-thế chính-trị mới khá thích-thú, chí ít là việc tạo cho mình một địa-vị vững chãi đối với tôn-giáo này khác.


3.1. Trước nhất, là việc “định-vị” cho người có khuynh-hướng duy-trì truyền-thống tôn-giáo của thời trước; thời mà họ được dưỡng-dục hoặc giáo-huấn rất kỹ, hầu đưa họ vào với nhóm hội/đoàn thể nào có nhiều lợi-lộc. Lại cũng có những người khát-khao được Ơn cứu-chuộc theo kiểu nào đó, mạnh đến độ họ không chịu đổi thay điều gì dù cần thiết. Nói thế có ý bảo rằng: các vị có quyền-chức danh-vọng ở chốn cao-sang quyền-quí đều bị một số đấng bậc nào đó nhân-danh “Ơn cứu-chuộc” của Chúa ở trên cao từng “phỗng tay trên”, hoặc giành trước. Tương tự như: việc giành quyền quyết-định những chuyện có liên-quan đến các sự việc, như: hiện-tượng đồng tính luyến-ái trong Giáo-hội, vai-trò của phụ-nữ trong công-tác mục-vụ, thực-thi công-cuộc từ-thiện giúp người nghèo/khổ, hoặc những việc khó nói, như: Hội-thánh Công-giáo mình vẫn muốn “ăn trên/ngồi chốc” đối với giáo-phái hoặc giáo-hội khác với mình, hoặc có động-thái “hơn hẳn” xã-hội ngoài đời...

Những vấn-đề như thế, tự nó, không là chuyện to tát, đáng ta tập-trung quan-tâm. Nhưng, các hiện-tượng như thế, là dấu-hiệu cho thấy con người ngày nay muốn tạo cho chính mình, hoặc gia-đình mình một địa-vị nào đó với tổ-chức hoặc thể-chế nào mà mình ưa thích, thôi.


3.2. Thứ đến, đã thấy có sự xuất đầu lộ-diện của cái-gọi-là “Siêu-Hội-thánh" –một sự-kiện có thật song-song với sự xuất-hiện của các Siêu-thị, Siêu-lộ, Siêu tạp-hoá/bán lẻ hoặc trung-tâm thương-mại vĩ-đại. Siêu Hội-thánh, tuy mang tính rao-truyền Lời Chúa rất mạnh, cũng hỗ-trợ để Ơn cứu-chuộc đến với ta và ngang qua ta, nhưng lại muốn tạo ảnh-hưởng lên mọi người về chính-trị. Ai có lý-lịch sạch lại cho rằng mình có thể đại-diện cho dân-chúng, vẫn có thể dành phần cho mình khi phục-vụ loại “Siêu-Giáo-hội” như thế.

Ví dụ cụ-thể như: nhóm “HillSong”, ở mạn Bắc Sydney. Nhóm này vẫn hân hoan vui hát lời ca, đại để như sau:

“Máu Ngài rửa sạch người tôi, nên tôi tin thế, tin như thế.
Lỗi tội của tôi được tẩy sạch và tôi tin thế, tin như thế.
Ai cần cứu-rỗi hôm nay, ai cần Chúa cứu-vớt hãy tiến về phía trước.
Chúa đến, không để phán xét một ai, nhưng để cứu-vớt ta và mọi người.”


Lối hát hò phụng-vụ như thế, là hành-xử theo kiểu tư-riêng của giáo-phái rất nhiệt-thành, đã nhấn mạnh đến khía-cạnh “trở về nguồn” từng có thị-kiến lưỡng-nguyên, như chuyện: xấu/tốt, bẩn/sạch. Cung-cách mà nhóm này muốn, là chối-bỏ tính hiện-đại của thời-đại và cũng khước-từ cả chuyện “đại-kết” mà Giáo-hội Công-giáo từng đề ra. Nhưng đường-lối họ theo lại mang tính “cánh-chung” vẫn từng bảo: Chúa sẽ quang-lâm, thật rất sớm. Nhưng, vấn đề ở đây là: nhóm này thấy phần lớn các Giáo-hội tự cho mình là Đạo chính lại chỉ dựa nhiều vào lý-luận, mà thôi.

3.3. Điểm thứ ba, là: hiện đang có chủ-thuyết đa-nguyên lảng vảng quanh ta, nó khác với hình-thức sống đạo ta vẫn có, vào thời trước. Và, đường-lối này cũng mở rộng vòng tay cho phép nhiều người đến với họ nhưng chẳng có cụ nào được phép “trụ” ở trên cao hoặc có quyền-lực trên ai hết. Hiện, có nhiều người vẫn nghĩ rằng: các thành viên thuộc nhóm hội/đoàn thể khác không thuộc Đạo Chúa cũng được Ơn cứu-chuộc, giống như ta. Và, hiện cũng có những vị lại cứ coi người khác, giáo-hội khác thấp kém hơn Đạo của “ta”, thua hẳn “ta”, đó mới là vấn đề. Và, một điểm nữa, là: nay đã thấy xuất-hiện nhiều động-thái cũng do-dự về nỗ-lực muốn họ “trở lại” với Đạo Công-giáo của mình nữa. Nói tóm lại, hiện đang có các buổi hội-luận nhằm bàn-thảo về lối-đường khác biệt giữa “ta” và “họ” quyết dẫn-đưa ta về với Ơn cứu-chuộc, đại để như thế. Đồng thời, lại cũng có đề nghị từng nhắn rằng: “ta” nên học hỏi nhiều điều nơi các “vị” thuộc nhóm hội/đoàn thể khác với ta, chí ít là giáo-hội bạn tựa như thế.

Xem thế thì, Ơn cứu-chuộc không nối-kết chặt-chẽ với thể-chế tôn-giáo cách đặc-biệt như từng xảy ra hồi thời trước.


4. Hiện, đang có sự-kiện liên-quan đến giá-trị mới cũng hơi khác về cung-cách ta sinh-hoạt và giao-dịch với người nghèo khó.


4.1. Trước nhất, mọi người đều đồng ý, là: hiện đang có nhu-cầu dành cho mọi nhóm/hội đoàn-thể không những của Đạo Chúa mà cả các giáo-phái, hoặc giáo-hội khác. Sự thể ra như thế, là để ta có khả-năng giúp người nghèo trải qua nhiều biến-đổi. Không nhóm hội/đoàn-thể của tôn-giáo nào lại có được nguồn tài-nguyên khả dĩ giúp họ hoàn-thành mục-tiêu mình nhắm đến. Các nhóm hội/đoàn-thể, vì thế, tùy thuộc rất nhiều vào các khoản tài-trợ của chính-phủ ở đời. Tuỳ thuộc cả vào sự thể trong đó các chính-phủ phải ra tay dính-dự vào sinh-hoạt nội bộ của Đạo-giáo, nữa.

Tài-trợ của chính-phủ dành cho người nghèo khó, thất-nghiệp và những người có nhu-cầu bức-thiết cách đặc-biệt, hiện cũng gia-tăng rất nhiều. Sự việc này, vẫn được coi là chuyện ngày thường ở huyện. Và, công-tác chính của các vị này vẫn là tập-trung giúp-đỡ người nghèo, tựa như thế. Các tài-trợ từ chính-phủ phải mang tính “trung-lập” đối với tôn-giáo và chỉ dành cho đạo nào đó, mà thôi. Các khoản tiền lớn bé, phải được tính-toán sao cho phù-hợp với mục đích chính-đáng do nhóm hội/đoàn thể mình đề ra; phù-hợp với luật-pháp cho minh-bạch và trong sáng bao lâu mà ban/ngành hành-chánh phụ-trách được công-nhận là cơ-quan thực-hiện rất rõ tính minh-bạch và khách-quan trong mọi giao-dịch giữa thần-quyền và thế-quyền.

4.2. Tiếp đến, điều không may, là: hiện đang có động-thái rất mới được định ra cho người nghèo khó và sự việc này lại cứ gia tăng. Những việc như thế, chừng như đang tạo khó khăn cho chính cơ-quan cũng như các vị phụ-trách, tỉ như: vấn đề ma tuý, tội-phạm và cung-cách hành-xử tồi-tệ với chúng-dân. Điều này thấy rõ ở các trại giam, nhiều hơn ở người được giúp đỡ. Thực tế cho thấy: có người lại tự cho mình là nghèo khó là do họ chọn cho mình, như thế. Và, họ được coi là tự mình muốn sống khó nghèo để được giúp-đỡ. Như thế, tức là: họ chẳng muốn lao-động hoặc làm-việc gì để kiếm sống. Họ bị coi là những người kém thông-minh, ít học và chịu trách-nhiệm về tình cảnh khó-nghèo của chính mình. Gia đình gãy đổ lâu nay cũng bị nối-kết sai lạc vào cái nghèo về kinh-tế hoặc nối-kết vào với chốn mình sinh sống, nữa.

Ví dụ: tại Sydney, những người sống ở vùng cận-duyên phiá Bắc, các quận-lỵ ở mạn Đông, các “khu nhà giàu” vẫn gọi đám người này là “dân Miền Tây”, giống như người Việt thường gọi họ là đám “nhà quê” hoặc “dân bụi” đã chọn lầm vùng để sống.


4.3. Trong bầu khí như thế, lại thấy nổi lên một thứ “kỳ thị chủng-tộc” rất mới. Quả là, điều này dựa trên sự phân-biệt kéo dài về sắc mầu làn da; hoặc trên “bản gốc” của người di dân, nhưng nay thấy nảy sinh nhiều yếu-tố còn hơn thế. Rõ ràng là, người nghèo đói/thiếu thốn nay vẫn bị coi như “sắc dân mới” tức: lớp người ít ai thích bén mảng đến, hoặc gần gũi. Nước nào duy trì lối suy-nghĩ như thế, cũng nên tự thấy xấu hổ, mới đúng.


“Ơn cứu-chuộc”, nếu nới rộng vào cuộc sống ở đây, hôm nay hoặc mai ngày về sau, chính là ân-huệ để trở thành người không nghèo và cũng không hèn. Họ không là sắc dân đến từ nơi khác, nhưng phải công-nhận họ là người thực-tế mới đúng vì họ biết chọn làm việc cho chính-phủ hầu kiếm được đồng tiền và vị-trí vững-chắc trong xã hội.

Ơn cứu-chuộc, nay phải hiểu theo nghĩa: quyết-tâm làm cho người khác (tức các chính-phủ) biết rằng họ có bổn-phận phải làm cái gì đó có lợi cho người nghèo, hơn là làm cho mình hoặc đảng của mình, thôi.


5. Những điều nói trên, lâu nay được cánh hữu chủ-tâm đeo đuổi ở chính-trường. Với Giáo-hội, thì nhóm bảo-thủ trong Đạo, các nhóm chủ-trương rao truyền Lời Chúa, các cộng-đoàn mới thành-lập đều bị trào-lưu chính-thống trấn-át cách sâu xa, nặng nề. Các phe-phái chính-trị tựa hồ như thế, thật ra, lâu nay vẫn hiện-hữu dù chúng-dân có phê-bình hoặc chụp-mũ họ là người thế nào đi nữa, họ cũng cứ mặc. Sự việc này vẫn gia-tăng dồn-dập để rồi ảnh-hưởng chính-trị sẽ đè nặng lên hệ-thống pháp-luật, lên chính-phủ và lên cả dư-luận quần-chúng nữa. Thường thì, động-thái này xảy ra có nghĩa là:những người như thế, nay thay-thế/chiếm-lĩnh mọi hoạt-động của nhóm cực-hữu trên chính-trường lôi kéo quảng-đại quần chúng về phe mình. Ở Úc, đó là chủ-trương của Liên-đảng Tự do - Quốc gia. Còn ở Hoa kỳ, thì đó là đường lối của Đảng Cộng-Hoà. Làm thế, các đảng này sử-dụng mọi nhóm/hội là nhằm cắt giảm thuế má chỉ có lợi cho giới giàu có mà thôi, thay vì phải lo cho người nghèo, mới đúng lý. Kết cuộc là: sự việc này càng tạo ra nhiều người nghèo/khổ hơn nữa. Quanh chuyện này, lại thấy nảy sinh nhiều nhóm/hội, đôi lúc rất kín đáo, cốt triển-khai loại ảnh-hưởng tai hại đến là thế. Cụ thể hơn, ở Mỹ, có các nhóm như: Giáo-hội Kế-thừa, nhóm Số Đông Lo Việc Đạo, nhóm Đặt Nặng Chuyện Gia Đình, Quỹ Tài trợ Mahattan và Hội đồng thành-lập Chính Sách cho Cả Nước, là các nhóm chủ trương những chuyện đại loại như thế.

Ơn cứu-chuộc, như thế có nghĩa là: chấp-nhận sự thể là ta không tài nào thay đổi được sự việc có liên-quan đến công-chúng trong khi vẫn phải sống hài-hoà với họ cùng một lúc. Bởi thế nên, phải nắm chắc rằng: mỗi người phải “trung thực” với chính mình.
Một trong các trò chơi mà giới khoa-bảng ngày nay cũng như phần đông các người khác hiện đang đùa giỡn với trò chơi gọi là trò “Tương lai Tạm Thay thế”. Một trong các phân nhóm nhỏ của trò chơi giống thế cũng gọi được là “Đạo Chúa Tạm Đổi Thay”. Điều này, là do sự thể: tại nhiều nước “đã phát-triển”, đặc biệt tại Châu Âu, phần lớn các giáo-đường đều trống vắng không người đến, thi thoảng mới thấy vài ba người đến nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, còn thì đa số đều dửng dưng, lãnh đạm và nhiều người còn khinh khi không thèm “lo” gì chuyện Hội-thánh nữa. Chừng như, sau tiến-trình suy sụp kéo dài ngày và chầm chậm, nay như có sự kiện “quay trở lại”, thì phải. Tại sao thế? Phải chăng như thế là do các chuyện bê bối nơi hàng giáo sĩ? Hoặc, do chúng dân nay “ăn nên làm ra”? Hoặc, vì thấy thiên hạ ở đời quá chủ trương chuyện vật-chất đến vô lý? Hoặc, do bởi chủ nghĩa chỉ biết có mua sắm, đổi chác? Hoặc, do có sự việc là các cộng đoàn dòng tu suy giảm quá đột ngột, nên mới thế? Hay, do các cuộc vận-động của các nhóm cực hữu chính-thống nay ra tay cổ võ?

Có tác-giả thuộc trường-phái giống như thế, là Steve Bruce gọi sự kiện này là “Sự dẫy chết của Đạo Chúa ở bên Anh”. Ngày nay, số người đi nhà thờ mỗi tháng một lần, vào ngày của Chúa, đã trở thành chuyện hiếm hoi, ít thấy. Việc dạy giáo-lý tại các trường công-lập hoặc các tổ-chức giáo-dục tương-tự ngày càng trở thành chuyện viển vông, không tưởng. Dân số thế giới ngày một gia tăng, trong khi đó thì thành viên Hội thánh cứ thế giảm dần đến mức độ khủng khiếp hơn trước.

Bằng vào những chuyện như thế, ta có thể nói: hiện đang có một hình-thái Giáo-hội khác Kitô-giáo, đã xuất-hiện tại các giáo xứ, nói chung. Có hình-thái giáo-phái tựa như thế, và các cộng-đoàn dân Chúa mới thành-lập, như: nhóm Opus Dei (tức: Công-trình của Chúa), nhóm Dự Tòng Mới vv... Lại cũng thấy xuất-hiện nhiều hình-thức giữ Đạo lạ lùng như: nhóm Linh Đạo Thời đại Mới, hoặc ở Úc có nhóm mà mọi người quen gọi là nhóm “Hillsong”, vv... Một số vị lại nghĩ: Giáo-hội sẽ chẳng khi nào trở về lại với các hình-thái có sức sống mạnh mẽ như thời xưa/cũ. Họ cứ cho rằng: hình thức của các giáo-phái cũng tựa như loại “sao xẹt” cứ vừa đến rồi đi đã biến dạng ngay tức thì; và: hình thức giữ Đạo kiểu mới này ngày càng trở nên như một ý-tưởng nhỏ nảy ra trong đầu rồi phân tán; bởi thế nên, ta không tài nào phát-hiện ra được nó.
Có người lại sẽ hỏi: liệu Kitô-giáo ở các quốc gia đã phát-triển (như Úc chẳng hạn) có thật là sẽ biến dạng không? Càng ngày ta càng thấy nhiều quan-niệm về Giáo-hội cũng rất mạnh, lại quay hướng về chuyện này!

Thế nên, vấn đề đặt ra hôm nay là hỏi rằng: Ta làm gì với Ơn cứu-chuộc?
Thật ra, rất nhiều việc liên-quan đến Ơn cứu-chuộc ta có thể làm được. Có những người hằng nghĩ rằng: có lẽ, lâu nay ta để luột mất ý-nghĩa của tội-lỗi và việc đền tội -tức: hiểu theo nghĩa: đó là nhu-cầu thiết-yếu để có được Ơn cứu-chuộc cho con người- là một trong các nguyên-do tạo nên tình-hình rắc rối như hôm nay.
Trong khi đó, có vị khác lại cứ rối lên khiến tình-hình thêm rối-rắm bằng cách bảo rằng: trừ phi ta quay trở về với vấn-đề xưa/cũ về Ơn cứu-chuộc vẫn đề ra cho Đạo mình, bằng không ta cũng trở nên hư-luống, thôi. Có vị khác lại bảo: hẳn vẫn có ý-nghĩa nào đó rất đúng về tội-lỗi và chuyện đền tội tuy không hẳn là câu giải đáp rất đúng cho sự việc đang xảy ra trong Đạo, nhưng đó là nguyên nhân chính của tình-trạng rắc-rối đối với Hội-thánh. Bàn dân thiên-hạ đâu nghĩ thế! Và có thể, họ cũng chẳng bao giờ có ý-nghĩ giống như thế, đâu?
Vậy thì, nói cho đúng, ta nên đặt vào đâu những chuyện, như: hồi hướng trở về, sám hối, thứ tha và/hoặc những việc ta từng dựng ra như những chuyện ta làm khi trước? Nói cho cùng, ta nên định-nghĩa thế nào cho đúng, khi đặt vấn-đề như thế? Có chăng một giải-pháp thoả-đáng cho vấn đề đang được đặt ra, không?
Một lần nữa, Ơn cứu-chuộc ở đây, chính là vấn-đề ta cần đặt trên bàn để cân nhắc và mổ xẻ.

-------------------------------
(còn tiếp)
Lm Kevin O’Shea, CSsR
Mai Tá lược dịch
 
Thông Báo
Thư Mời Tham Dự Đại Hội Thánh Mẫu La Vang Tại Houston, Texas
JB Nguyễn Đức Vượng
20:11 21/02/2014
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Houston ngày 20/02/2014

Kính gửi quý Đức Cha, quý Đức Ông, quý Cha, quý Thầy Sáu, quý Tu Sĩ Nam Nữ cùng toàn thể quý Cộng Đoàn Dân Chúa.

Chúng con là linh mục JB Nguyễn Đức Vượng, hiện là chính xứ giáo xứ Đức Mẹ La Vang. Qua thư này chúng con muốn trình bày đôi điều về Đại Hội Thánh Mẫu La Vang hàng năm tại Giáo Xứ chúng con.

Giáo xứ Đức Mẹ La Vang chúng con rất vui mừng vì được Đức Hồng Y Daniel, Tổng Giáo Phận Galveston, Houston, chấp thuận qua quý Cha Tiền Nhiệm việc xây dựng một Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong khu vực 24 mẫu đất của giáo xứ chúng con.

Linh Đài Đức Mẹ La Vang là một mô hình họa lại Linh Địa Đức Mẹ La Vang tại Quảng Trị mà giáo xứ chúng con đã chọn Mẹ La Vang làm bổn mạng của Giáo Xứ ngay khi bắt đầu có Cộng Đoàn từ năm 1985.

Vâng, đây là một Linh Đài có một không hai và cũng là một giáo xứ Việt Nam mang tên Đức Mẹ La Vang lâu nhất trên đất nước Hoa Kỳ (Cộng Đoàn được nâng lên thành Giáo Xứ vào năm 1986).

Với lòng mộ mến Đức Mẹ của mọi người, nhất là con dân Việt Nam tỵ nạn tại Hải Ngoại, qua thư này chúng con xin:

Kính mời quý Đức Cha, quý Đức Ông, quý Cha đến với Đại hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ Ba này với chủ đề:: Gia Đình Chúng Con Về Bên Mẹ La Vang”; Phù hợp với chủ đề về Gia Đình mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn cho năm nay.

Nếu quý Cha đến tham dự, xin cho chúng con biết trước để chúng con tiếp đón và tiện việc sắp xếp. Trong Đại Hội này chúng con mời quý Cha giúp cho một số việc sau đây và xin quý Cha đánh dấu, gửi về cho chúng qua đường bưu điện hay địa chỉ email lavangchurch@yahoo.com

1. Dâng lễ _________ đồng tế các thánh lễ____________

2. Giải tội ___________

3. Xức dầu chữa lành______________

4. Chủ sự một buổi rước hay giờ chầu___________

5. Tham dự buổi thăm viếng Trung tâm Naza vào sáng thứ sáu ngày 02/05/2014________

6. Ở lại tham dự bữa cơm tối chung với Ban Tổ Chức và quý khách từ xa đến vào tối Chúa Nhật ngày 04/05/2014_____________

Địa chỉ email và số phôn liên lạc để có sự tiếp đón chu đáo: Thầy Sáu Michael Nguyễn Kim Khánh ptmnkk@hotmail.com. Số phôn (713) 319-8606.

Kính mời quý Tu Sĩ Nam Nữ và quý Giáo Dân:

Chúng con kính mời quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý thành phần Giáo Dân trong Giáo Xứ hoặc Cộng Đoàn có được cơ hội đến với Trung Tâm Linh Đài Đức Mẹ La Vang nơi chúng con tổ chức Đại Hội.

1. Tham dự buổi thăm viếng Trung tâm Naza vào sáng thứ sáu ngày 02/05/2014________

2. Một bữa trưa thứ Sáu ngày 02/05 tại Tiệm Phở An 2, gần Đại Hội_______

3. Ở lại tham dự bữa cơm tối chung với Ban Tổ Chức và quý khách từ xa đến vào tối Chúa Nhật ngày 04/05/2014_____________

4. Về nơi ăn trong 3 ngày Đại Hội, chúng con có quý Hội Đoàn bán tại chỗ với giá bình dân.

5. Về nơi ở (miễn phí): Chúng con có khoảng 40 phòng học và có giường “Bố” được chuẩn bị khi quý Vị ghi danh trước ngày Đại Hội.

6. Nơi tắm rửa và vệ sinh: Có các phòng tắm bình dân cùng các nhà vệ sinh gần khu Đại Hội.

7. Nếu cần đón rước tại Phi Trường Internation Geoge Bush, chúng con sẽ ra tận nơi.

8. Nếu quý Vị muốn liên lạc bằng phôn Văn Phòng trong giờ hành chánh (281) 999-1672 hoặc bất cứ lúc nào: Anh Võ Thiên Ty (713) 459-2539. Nếu quý Vị muốn gửi thư bằng email xin viết lavangchurch@yahoo.org

9. Những chi tiết của Đại Hội sẽ đăng lên trang Web lavangchurch@org hay trên Vietcatholic, Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Houston.

10. Tham gia hát trong Ca Đoàn Tổng Hợp hay CHương trình Văn Nghệ

Chúng con tin chắc rằng, những hy sinh qua sự hiện diện của quý Vị đến tham dự, sẽ kín múc rất nhiều ơn thánh về gia đình và nơi quý Vị đang cư ngụ. Mặt khác, khi được biết bất cứ ai từ xa đến. chúng con ân cần đón tiếp và cùng nhau cầu nguyện cho những nhu cầu quý Vị mong muốn.

Một lần nữa nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria xuống muôn phúc lành trên quý ĐứcCha, quý Đức Ông, quý Cha, quý Phó Tế, quý Tu Sĩ Nam Nữ và toàn thể thành phần Dân Chúa khắp nơi.

Tất cả để tôn vinh Mẹ La Vang. Chúng con, người tôi trung của Mẹ, kính mời.

JB Nguyễn Đức Vượng
 
Phân Ưu: Thân phụ Linh mục Anthony Phạm sĩ Hanh qua đời tại Hà Tĩnh
Đức ông Trịnh Minh Trí
12:16 21/02/2014

PHÂN ƯU:
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
vừa nhận được tin:

Ông Cố Giuse Phạm Công Hân
(thân phụ Linh mục M. Anthony Phạm Sĩ Hanh, O. Cist)
sinh năm 1927,
vừa qua đời ngày 20.2.2014 tại Hà Tĩnh Việt Nam.

Thánh lễ an táng:
Ngày 22 tháng 2 năm 2014
8:00 giờ sáng tại Hà Tĩnh.

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
xin hiệp thông cầu nguyện với Cha Anthony và Tang Quyến
Xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn Bà Ông Cố Giuse Maria
vào chốn bình an và hạnh phúc muôn đời.

Thành Kính Phân Ưu
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Đường Chúa Kitô/The Christ Cathedral
Nguyễn Ngọc Liên
22:20 21/02/2014
THÁNH ĐƯỜNG CHÚA KITÔ/THE CHRIST CATHEDRAL
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
(Hình chụp tại O.C)

Giáo đường vang vọng lời ca thánh
Có tiếng chuông lơi điểm giữa đời.
(Trích thơ của Nguyễn Khánh Chân)