Ngày 08-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hoa trái của thinh lặng
Lm. Minh Anh
02:05 08/03/2022

HOA TRÁI CỦA THINH LẶNG
“Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất!”.

Trong cuốn “Thoughts in Solitude”, được người viết dịch ra tiếng Việt, “Hoa Trái Thinh Lặng”, Thomas Merton viết, “Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo! Lắng nghe và đáp trả là việc của con; nhờ đó, con được cứu độ. Vì thế, đời con phải lặng thinh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo!”. Cùng với cảm nhận của Thomas Merton, Lời Chúa hôm nay nói đến sự tĩnh lặng và hoa trái của nó từ một chuyển động kép! Một từ trời xuống, Lời Thiên Chúa; một từ đất lên, lời con người! Lời ân sủng của Thiên Chúa lặng lẽ thấm xuống đất, mạnh mẽ và hiệu năng; “Kinh Lạy Cha” con người thì thầm dâng lên, hiệu năng và mạnh mẽ. Đó chính là ‘hoa trái của thinh lặng!’.

Qua bài đọc thứ nhất, chỉ vỏn vẹn hai câu, Isaia mô tả tuyệt vời Lời kỳ vĩ của trời, “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống, không trở lên trời nữa…; cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả”. Lời Thiên Chúa là Lời biến đổi, Lời nuôi sống, Lời củng cố hy vọng! Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Chúa cứu người hiền đức khỏi mọi nỗi âu lo”.

Với “Kinh Lạy Cha”, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, không ồn ào, lải nhải. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Kinh Lạy Cha là ‘ma trận’ của mọi lời cầu nguyện Kitô giáo, tất cả lời cầu của con người đều được thể hiện trong Kinh Lạy Cha. Một mặt, nó như chiêm ngưỡng Thiên Chúa, chiêm ngưỡng sự huyền bí, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài; mặt khác, nó như một lời khẩn xin chân thành, can đảm, về những gì chúng ta cần cho cuộc sống, để sống đúng đắn. Chúng ta có một sự chắc chắn rằng, Thiên Chúa yêu tôi; Chúa Giêsu hiến mạng sống cho tôi; Chúa Thánh Thần ở trong tôi. Đó là một bảo đảm tuyệt vời!”.

Cầu nguyện là ‘hoa trái của thinh lặng’; vậy mà, xem ra không ít người coi thường những hoa trái đó! Họ thích nói chuyện, muốn được lắng nghe, nhưng không có cùng sở thích lắng nghe. Chúng ta thường không thể lắng nghe, vì không quen im lặng! Mẹ Têrêxa từng viết, “Cầu nguyện là ‘hoa trái của thinh lặng’”. Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, cầu nguyện là để lắng nghe hơn là để nói. Khi ở cùng một người hiểu biết về một chủ đề mà bạn quan tâm, bạn hạn chế đặt câu hỏi và dành bản thân để lắng nghe. Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, điều đó có nghĩa là, mối quan tâm chính của chúng ta trong cầu nguyện là nên hỏi Ngài về Chúa Cha; và sau đó, chuyên tâm lắng nghe!

Chúa Giêsu nói với chúng ta, Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin; tuy nhiên, chúng ta cần hỏi, bởi khi hỏi, chúng ta ý thức rằng, có những nhu cầu mà chỉ một mình Thiên Chúa, Cha của chúng ta, mới có thể ban mỗi người. Hãy học cách thức hỏi Chúa Giêsu về điều gì chúng ta cần nhất cho sự cứu rỗi của mình! Đó là lý do tại sao Ngài dạy “Kinh Lạy Cha”. Cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi người; và do đó, mọi người thực sự là anh em của nhau.

Anh Chị em,

“Cuộc sống của con là lắng nghe, Cuộc Sống của Chúa là dạy bảo!”. Thiên Chúa không ngừng nói với chúng ta qua Lời của Ngài, qua những con người, cũng như qua các biến cố. Ngài ước mong mỗi sứ điệp của Ngài như mưa tuyết từ trời thấm vào lòng chúng ta và trổ sinh hoa trái. Hoa trái đầu tiên Thiên Chúa chờ mong có lẽ là con người biết lặng thinh để lắng nghe Ngài; lắng nghe từ đôi tai của trái tim trong giây phút hiện tại, để sau đó, vượt lên chính mình, và làm theo tiếng nói ấy! Đây là một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ; làm theo tiếng nói ấy chính là biến đổi! Cầu nguyện là lắng nghe và cầu nguyện còn là biến đổi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, nhiều lúc kinh nguyện của con rộn ràng nhưng hời hợt, ồn ào nhưng vô hồn; xin dạy con yêu quý ‘hoa trái của thinh lặng’, khi con là một người con, trước Chúa là Cha!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tính triệt để trong lời kêu mời của Đức Ki-tô
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.
03:30 08/03/2022
Tính triệt để trong lời kêu mời của Đức Ki-tô

Tính này hiện rõ ngay trong câu : “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 26) Rồi một câu tiếp theo cũng không kém phần gắt gao : “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi,thì không thể làm môn đệ tôi đươc.” (Lc 14, 27)

Những lời nói trên bao hàm hai đòi hỏi căn bản của Đức Ki-tô đối với những ai muốn di theo làm môn đệ Người, đó là dứt bỏ những gì mình có : tình nghĩa gia đình, thậm chí cả đến mạng sống của mình nữa. Những đòi hỏi này thật quá đòi hỏi, dường như không kham nổi đôí với phần đông loài người.

Thật vậy, tự nhiên ai cũng muốn có tiền, có quyền và nhiều thứ khác, nay phải dứt bỏ tất cả để đi theo một bậc thầy như Đức Ki-tô thì quả thật là gay go và quá khó.

Vậy. tại sao Đức Giê-su lại đòi hỏi những điều xem ra ngược đời và trái với tự nhỉên như thế? Thưa vì tính mới mẻ trong giáo huấn của Người, cũng như sức cuốn hút lạ lùng của Người và nhất là sứ mệnh Người nhận được từ nơi Chúa Cha xuống trần gian để cứu chuộc loài người. Những ai đi theo Người vẫn biết là khó và đòi hỏi, nhung vẫn bằng lòng chấp nhận và tin theo vì sự mới mẻ và hấp dẫn đó.

Có những thời kỳ suy đồi trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, nhưng tính triệt để trong lời kêu mời của Đức Ki-tô không hề suy giảm hay biến chất. Chúa vẫn đòi hỏi, nhiều người không đếm xỉa gì tới, nhưng qua các thời đại vẫn có những người đáp ứng một cách anh hùng.

Ngày chịu Phép Rửa là ngày các tín hữu tuyên xưng từ bỏ ma quỉ và các sự dối trá nó bày đặt và tin tưởng tuyệt đối vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời tuyên xưng đó đòi buộc ai nấy phải trung thành.

Muốn làm môn đệ của Người. tín hữu phải dứt bỏ những gì ngăn trở mình đi theo Người và cụ thể là dành ưu vị cho Người trong đời sống, nghĩa là không đặt vật gì hay ai khác ngang hàng với Người, dù là danh vọng, tiền bạc, địa vị, ngay cả mạng sống của mình nữa. Đó chính là điều bảo đảm cho ai nấy muốn được sống trong vương quốc của Người.

Ngoài ra, Nguời cũng còn dạy rằng được lời lãi cả gian mà mất mạng sống nào được ích gì : “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26). Câu này đã biền dổi cuộc đời của thánh Y-Nhã thành Loi-ô-la, từ địa vị là một sĩ quan đã dứt bỏ tất cả để đi theo Chúa Ki-tô rồi thành lập Dòng Tên lấy câu “Làm cho danh Thiên Chúa được “cả sáng” hơn (Ad Dei majorem gloriam) làm tôn chỉ phục vụ Chúa và Hội thánh.

Ngoài thánh Y-nhã ra, còn biết bao vị thánh khác cũng vì Nước Trời mà dứt bỏ tất cả theo lời mời gọi của Chúa Giê-su. Lời kêu mời này không phải chỉ dành cho các vị thánh mà là cho tất cả mọi Ki-tô hữu : “Trong những hình thức và trách vụ đa dạng của cuộc sống, sự thánh thiện duy nhất được được vun trồng bởi tất cả những ai biết hành động nhờ Thần Khí Thiên Chúa, và khi biết vâng phục tiếng nói của Chúa Cha và thờ phượng Người trong tinh thần và chân lý, họ bước theo Đức Ki-tô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá, để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người”. (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân VI, 40)

Vậy, thiết tưởng chúng ta không nên nghĩ rầng lời kêu mời của Chúa Ki-tô chỉ dành cho những con người siêu đẳng, có khả năng thắng vượt các trở ngại và sức sống kiên trì vượt bậc, nhưng là cho mọi tín hữu. Thánh nữ Tê-rê-xa Giê-su Hài Đồng đã không nghĩ như vậy, khi bà thấy mình không thể ăn chay hãm mình phạt xác như các vị thành khác. Bà xưng mình là bé nhỏ và chỉ có thể làm được những vịệc nhỏ bé. Thế mà bà đã trở nên một vị thánh ngang hàng với các thánh lớn trong Giáo Hội. Điều cần là chúng ta nhận biết mình là bé nhỏ trước mặt Chúa và khiêm nhường trông cậy Người ban ơn trợ giúp, vì Người vốn ưu ái những người tội lỗi và đơn sơ bé nhỏ.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.
 
Ngày 09/03: Thích nghe chuyện giật gân hơn nghe giảng - Suy Niệm: Lm. Giuse Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
05:02 08/03/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa".

Đó là lời Chúa
 
Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Tại Ukraine
Giáo Hội Năm Châu
05:04 08/03/2022

BÀI ĐỌC 1

Bài trích sách Isaia.

Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.

Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.

Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi.

Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA,

lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp,

để Người dạy ta biết lối của Người,

và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.

Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống,

từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền.

Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia

và phân xử cho muôn dân tộc.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,

rèn giáo mác nên liềm nên hái.

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,

và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi,

ta cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường!

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con

TIN MỪNG Lc 6:20-23

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Hòa bình là kho tàng quí giá, là ước mơ qúi báu mà chúng ta khát khao. Với ước mong thế giới được hòa bình, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho cuộc xâm lược và chiến tranh tại Ukraine.

1. Lạy Cha, là Đấng Khôn Ngoan Thượng trí, Cha đã ban cho Vua Salomon sự khôn ngoan để ông cai trị và điều hành đất nước theo đường lối công chính của Chúa. Xin Chúa cũng ban cho Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị chủ chăn trong Giáo Hội và thế giới được sự khôn ngoan, để các ngài coi sóc Hội Thánh trên khắp hoàn cầu. Xin Cha cũng ban ơn cho các nhà lãnh đạo các quốc gia để họ luôn biết tìm kiếm sự khôn ngoan nơi Chúa hầu điều hành đất nước trong: công lý, công bình, bác ái và tự do. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

2. Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người. Chúng ta cùng hiệp lòng cầu xin cho hòa bình tại Ukraine, xin Chúa giúp những ai đang nỗ lực tranh đấu cho công lý và hòa bình tại Ukraine, đừng nản chí trong những gian nan thử thách, đừng sợ hãi trước những bất công bạo quyền; nhưng luôn biết kiên trì trong những đau thương thử thách và vững tin vào cuộc chiến thắng cuối cùng, ở đó Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho họ vòng hoa dành cho người công chính. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

3. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi Kitô hữu, biết khôn ngoan tìm kiếm giá trị vĩnh cửu là Nước trời. Nước trời như kho tàng, như viên ngọc quý để chiếm được nó đòi hỏi nhiều hy sinh, cố gắng và từ bỏ. Xin cho chúng con biết chấp nhận bỏ đi những giá tri tạm bợ là: danh, lợi, thú, biết từ bỏ tội lỗi và những quyến luyến vật chất, biết chuyên chăm tìm kiếm giá trị vĩnh cửu là Nước trời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

4. Hiệp lời cùng Đức Thánh Cha, chúng con cầu xin cho cuộc chiến tại Ukraine sớm chấm dứt. Xin cho các nhà lãnh đạo biết chung tay cùng nhau kiến tạo một nền hòa bình thật sự tại đây. Xin cho họ biết đặt nhân quyền và phẩm giá con người lên trên những tham vọng, để không còn ai phải chết vì cuộc chiến đau thương này. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

5. Chúng con cũng phó dâng những người di cư Ukraine vào tình thương quan phòng của Cha, xin cho các quốc gia lân bang rộng mở vòng tay tiếp nhận họ và xin Cha cũng đón nhận những nạn nhân của cuộc chiến này được vào quê hương vĩnh cửu trên trời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con được phúc làm con Chúa, được Hội thánh là Mẹ chăm sóc, được Tin Mừng Chúa hướng dẫn trong cuộc sống hằng ngày. Xin cho cuộc đời chúng con luôn là một lời cảm tạ Chúa không ngừng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng con. Amen
 
Mùa Chay đổi mới đời sống
Lm. Đan Vinh
06:33 08/03/2022

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY C
St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36
MÙA CHAY ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG : Lc 9,28b-36.

(28b) Hôm ấy Đức Giê-su lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. (29) Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. (30) Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. (31) Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc Xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. (32) Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su và hai nhân vật đứng bên Người. (33) Đang lúc hai vị này rời xa Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Ê-li-a, và một cái cho ông Mô-sê”. Ông không biết mình đang nói gì. (34) Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. (35) Và từ đám mây có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” (36) Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh. Và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

2. Ý CHÍNH : CHÚA HIỂN DUNG TRƯỚC MẶT MÔN ĐỆ.

Cuộc hiển dung của Đức Giê-su xảy ra vào khỏang tám ngày sau khi Người tiên báo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sắp trải qua. Ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an được theo Đức Giê-su đi lên núi. Đã được chứng kiến Thầy Giê-su biểu lộ dung nhan Thần Tính và đàm đạo với Mô-sê và Ê-li-a về “cuộc Xuất hành” mà Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (c.31). Các ông cũng được nghe lời Chúa Cha tuyên phán : “Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người”.

3. CHÚ THÍCH :

- C 28b-29 : + Đức Giê-su lên núi : Đây có thể là núi Héc-mon, cao 2.795 mét ở gần thành Xê-da-rê Phi-líp. Nhưng ngày nay đa số các nhà chú giải cho núi đó là Tha-bo, cao 562 mét, cách thành Xê-da-rê Phi-líp một đoạn đường, đi bộ mất từ 6 đến 8 ngày. + Cầu nguyện : Tin mừng Lu-ca đã ghi lại nhiều lần Đức Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha (x. Lc 10,21; 22,41-42; 33,34.46). + Đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê : Đây là ba môn đệ thân tín nhất, sau này ba ông cũng sẽ được chứng kiến giờ đau khổ tột cùng của Thầy trong vườn Cây dầu trước khi bị bắt (x. Mt 26,37). Vì thế hôm nay Đức Giê-su cho các ông thấy trước vinh quang của Người, hầu có thể vượt qua thử thách ấy.
- C 30-31 : + Ông Mô-sê và ông Ê-li-a : Mô-sê là một vị mục tử tài ba, sống vào thế kỷ XII trước công nguyên. Ông có công cứu con cháu Gia-cóp thóat ách nô lệ cho dân Ai cập, biến dòng tộc Gia-cóp trở thành một dân tộc có luật pháp, tôn giáo và quân đội... Cuối cùng Mô-sê đã thành công trong việc đưa dân tộc Ít-ra-en về tới hứa địa là xứ Ca-na-an. Mô-sê là tiền ảnh của Đức Giê-su sau này.- Ê-li-a : là một ngôn sứ sống vào thế kỷ IX trước Công nguyên vào thời các Vua. Ông có công chấn hưng tôn giáo, giải thóat dân Ít-ra-en khỏi sự tôn thờ thần tượng của dân ngoại. Ông là tiền ảnh của Gio-an Tiền sứ, có sứ vụ đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai sau này (x Ga 1,21; Mc 9,11).- Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển : Vì được tham phần vào công trình cứu độ, nên Mô-sê và Ê-li-a cũng được tham phần vào vinh quang của Đức Giê-su.- Nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem : Cuộc “Xuất hành” của Đức Giê-su gồm mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, sắp được Người hoàn tất tại Giê-ru-sa-lem.
- C 32-33 : + Ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt : Sự kiện các môn đệ ngủ mê cho thấy cuộc biến hình xảy ra vào ban đêm. Sự kiện này tương tự như sau này, ba ông cũng ngủ mê khi Đức Giê-su cầu nguyện trước khi bị bắt trong vườn cây Dầu (x Mt 26,40.43.45). + Chúng con xin dựng ba cái lều : một cái cho Thầy, một cái cho ông Mô-sê và một cái cho ông Ê-li-a : Câu này cho thấy người Do thái đang mừng lễ Lều trại tại Giê-ru-sa-lem (x. Lv 23,33-34; Ds 29,12-38).
- C 34-36 : + Có một đám mây bao phủ các ông : Nhắc lại đám mây bao phủ dân Ít-ra-en trong thời kỳ Xuất hành (x. Xh 40,35). Khi truyền tin, sứ thần cũng đề cập tới quyền năng Thiên Chúa sẽ bang trợ cho Ma-ri-a như sau : “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). + “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn” : Chúa Cha từ trong đám mây xác nhận Đức Giê-su là Con, và là “Người Tôi Trung được Thiên Chúa tuyển chọn” (x. Is 49,7). Trong cuộc khổ nạn, các thủ lãnh Do thái cũng nói rằng : “Nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, Người được tuyển chọn” (Lc 23,35). + “Hãy vâng nghe lời Người!” : Đức Giê-su là Ngôi Lời nhập thể (x. Ga 1,14). Người luôn nói Lời của Thiên Chúa cho loài người (x. Ga 3,34) và Lời Người cần phải được đón nhận. + Tiếng phán vừa dứt thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su : Cuộc hiển dung chấm dứt sau lời tuyên phán của Chúa Cha. Các môn đệ im lặng, chờ ngày các mặc khải kia được ứng nghiệm.

4. CÂU HỎI :
1) Đức Giê-su đã biến hình trên núi cao là núi nào?
2) Tại sao Đức Giê-su cho ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an được chứng kiến việc biến hình vinh quang của Người?
3) Hai nhân vật nào của Cựu ước đã hiện ra khi Đức Giê-su hiển dung và ba vị đã nói chuyện nội dung về vấn đề gì?
4) Cuộc biến hình xảy ra vào ban ngày hay ban đêm? Bằng chứng?
5) Đám mây bao phủ ba môn đệ nói lên điều gì? 6) Chúa Cha đã giới thiệu Đức Giê-su là ai?

I. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA : “Đang lúc cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác” (Lc 9,29).

2. CÂU CHUYỆN :

1) ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG LÀ BẰNG CHỨNG CỦA MỘT ĐỨC TIN THỰC SỰ :
Tân là một thanh niên chuyên bán thịt bò tại một cửa hàng thịt trong chợ An Đông. Anh nổi tiếng là người bán hàng gian dối khi thỉnh thoảng lại bán thịt heo giả làm thịt bò và còn thường hay cân thiếu cho khách hàng. Một ngày nọ, có người thấy anh theo học khóa giáo lý dự tòng để chuẩn bị kết hôn với một cô gái Công Giáo và sáu tháng sau anh đã được lãnh ba bí tích khai tâm gia nhập đạo. Nghe tin anh theo đạo, nhiều người quen biết tỏ vẻ không tin vì cho rằng anh chỉ giả bộ theo đạo để lấy vợ như câu người đời thường mỉa mai : “Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi. Cho tôi được vợ tôi thôi nhà thờ !”. Nhưng sau nhiều ngày thấy anh cùng vợ thường xuyên đi dự lễ Chúa Nhật và luôn tỏ thái độ vui vẻ thân thiện với mọi người, nhất là sau khi kiểm tra thấy việc buôn bán của anh không còn cảnh cân thiếu hay lừa đảo như trước thì họ mới tin anh đã thực tâm tin theo Chúa.
Lời Chúa Giê-su : "Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,15-20).

2) SÁM HỐI NHẬN LỖI VÀ QUYẾT TÂM TRỞ THÀNH NGƯỜI TỐT :
LISZT là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng khắp nước Hungary vào cuối thế kỷ 19. Nhưng càng nổi danh ông lại càng bị nhiều người mạo danh lợi dụng.
Một hôm tại một thành phố bên Đức, một thiếu nữ đã quảng cáo sẽ trình diễn một buổi độc tấu dương cầm và cô ta tự xưng mình là học trò của nhạc sĩ Liszt nổi danh. Nhưng một ngày trước buổi biểu diễn, cô rất lo lắng khi nghe tin nhạc sĩ đại tài đó sẽ có mặt tại nơi cô sắp biểu diễn. Như thế sự mạo danh học trò của nhạc sĩ Liszt của cô sẽ bị mọi người hay biết và một tương lai đen tối đang chờ đón cô. Nhưng thay vì bỏ cuộc, cô gái này đã can đảm đến xin gặp nhạc sĩ và thú nhận tội đã mạo danh học trò nhạc sĩ của cô. Sau khi nghe xong, nhạc sĩ thay vì nổi giận, đã ôn tồn nói như sau :
– Cháu đã phạm lỗi mạo danh học trò của ta. Nhưng trên đời mấy ai mà không phạm phải sai lầm. Hôm nay cháu đã khiêm tốn nhận lỗi và xin tha. Như vậy là tốt lắm rồi. Bây giờ cháu hãy biểu diễn thử cho bác xem tài năng của cháu đến đâu.
Cô liền ngồi lên dương cầm, đánh các bài sắp biểu diễn vào ngày mai cho nhạc sĩ kiểm tra. Sau khi nghe xong, nhạc sĩ đã sửa lại một ít sai sót của cô rồi cuối cùng ông nói với cô như sau :
– Dù bác mới chỉ dạy cho cháu một thời gian ngắn, nhưng bác vẫn công nhận cháu chính là học trò của bác. Ngày mai cháu cứ tiếp tục trình diễn và loan báo cho mọi người như sau : Chính nhạc sĩ LISZT sẽ đích thân trình tấu bản nhạc cuối cùng.
Cách ứng xử khoan dung nhân hậu của nhạc sĩ Liszt nói trên minh hoạ phần nào về lòng nhân hậu bao dung của Thiên Chúa đối với những sai lỗi của chúng ta. Mùa Chay chính là thời gian thuận tiện để chúng ta hồi tâm sám hối và quyết tâm sửa đổi trở nên người mới đẹp lòng Thiên Chúa noi gương Chúa Giê-su.

3) ƯỚC MUỐN TẨY TRẮNG LÀN DA :
Trên một khu đất ven rừng có một gia đình người da đen sinh sống. Gia đình gồm hai vợ chồng và một cậu bé trai 9 tuổi. Cậu bé được đi học tại một trường tiểu học cách nhà không xa. Giữa đám học sinh da trắng, chỉ mình cậu là da đen. Cậu bé da đen thường bị bạn học trêu chọc bắt nạt nên cảm thấy rất khó chịu và muốn cho da mình trở thành da trắng như các bạn khác.
Một hôm, đầu giờ học thầy giáo điểm danh thấy vắng mặt cậu học sinh da đen. Một em cho biết đã thấy trò da đen bên bờ suối nước gần trường. Thầy giáo liền cùng mấy em khác đi tìm và đã thấy cậu bé da đen đang ngồi bên dòng suối, lấy tay xúc cát ướt và ra sức kỳ cọ lên hai cánh tay da đen của mình. Thỉnh thoảng cậu lại dừng lại kiểm tra xem da đã bớt đen chưa. Nhưng dù đã cố gắng, cậu vẫn không sao tẩy sạch đi mầu đen trên làn da được. Bấy giờ thầy giáo liền đến gần hỏi : “Em đang làm gì vậy?” Cậu giật mình thưa : “Con đang cố kỳ sạch hết màu đen trên da của con, để nên giống chúng bạn. Nhưng từ sáng đến giờ con cố kỳ cọ mà vẫn không sao tẩy trắng được làn da đen của con !
Cậu bé da đen muốn tẩy đi mầu đen trên da để dễ hòa nhập với chúng bạn nhưng không thể được. Còn đối với các tội nhân chúng ta nếu muốn tẩy sạch các vết nhơ trong tâm hồn lại có thể làm được dễ dàng nhờ lòng ăn năn sám hối tội lỗi và thành tâm xưng thú nơi tòa giải tội.

4) TÔN KÍNH VÀ VÂNG LỆNH ĐỨC VUA :
Có một nhà vua kia, một hôm cho triệu tập các cận thần lại. Vua đưa cho quan Tể Tướng một viên ngọc trai lóng lánh và hỏi :
- Ông hãy nói viên ngọc này đáng giá bao nhiêu?
- Muôn tâu, nó đáng giá còn hơn số lượng vàng khối mà 100 con lừa có thể chở.
- Ông hãy đập bể nó ra cho ta !
- Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao hạ thần có thể đang tâm phá nát một báu vật như thế ạ!
Nhà vua thưởng cho quan Tể Tướng một chiếc áo danh dự và lấy lại viên ngọc.
Kế đó vua đưa viên ngọc cho quan Thị Vệ, và cũng hỏi :
- Theo ông, nó đáng giá bao nhiêu?
- Bằng nửa vương quốc.
- Hãy đập bể nó ra cho ta !
- Đập vỡ viên ngọc này ư? Muôn tâu Bệ Hạ, tay thần không thể làm được việc đó.
Nhà vua cũng thưởng cho ông này một chiếc áo danh dự, lại còn tăng lương cho ông.
Sau cùng nhà vua đưa viên ngọc cho ÁP-ĐUN (Abdul) là một tên cận vệ tầm thường.
- Ngươi có biết viên ngọc này đẹp đến mức nào không?
- Muôn tâu, đẹp không thể nói được.
- Hãy đập nát nó ra cho ta.
Lập tức ÁP-ĐUN lấy hai viên đá đập vỡ viên ngọc ra và nghiền nát nó thành bụi. Quần thần thét lên sợ hãi vì sự bạo gan của anh ta.
Họ hỏi :
- Tại sao nhà ngươi dám làm như thế?
ÁP-ĐUN bình tĩnh đáp :
- Lệnh của Hoàng Thượng đáng giá hơn bất kỳ viên ngọc quý nào. Tôi tôn kính Hoàng Thượng chứ không tôn kính viên ngọc.
Nhà vua khen ngợi thái độ kính trọng tôn kính ngài của ÁP-ĐUN và thưởng chàng còn trọng hậu hơn hai vị quan kia.
Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta nói : "Sự thánh thiện không hệ tại làm được những công việc phi thường, nhưng là vui vẻ đón nhận những gì Chúa gửi tới. Trọng tâm của cuộc đời thánh thiện là chấp nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa".

3. THẢO LUẬN:
Cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ cơm bánh cho người nghèo là 3 việc cần làm trong mùa chay này để được ơn biến đổi. Vậy mỗi người chúng ta sẽ làm ba việc đó thế nào trong những ngày Mùa Chay này?

4. SUY NIỆM:

1) Hai cuộc biến hình của Đức Giê-su :
Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã hiển dung trước mắt ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trên núi cao (x. Lc 9,28b-29). Về sau cũng ba ông này sẽ được chứng kiến Đức Giê-su thay đổi hình dạng trong Vườn núi Cây Dầu vào đêm trước cuộc khổ nạn (x. Mc 14,33). Ở trên núi cao hôm nay, trước mặt ba môn đệ thân tín, Đức Giê-su lại hiển dung và được Chúa Cha xác nhận là Con yêu dấu và là người được tuyển chọn. Sau này trong vườn núi Cây Dầu Người sẽ lại thay đổi hình dạng trở nên buồn sầu và nói với các môn đệ : “Linh hồn Thầy buồn sầu đến chết được” (Mc 14,34).

2) Ý nghĩa hai cuộc biến hình của Đức Giê-su :
- Đức Giê-su hiển dung trên núi để cho thấy thân xác loài người chúng ta sau này cũng sẽ được biến đổi trở nên sáng láng, cho dù hiện tại thân xác ấy có mỏng dòn yếu đuối và dễ sa ngã phạm tội. Rồi khi chịu chết đau thương trên cây thập giá, toàn thân Đức Giê-su bị biến dạng với đầy nhứng vết thương do bị hành hạ trong cuộc thương khó. Nhưng sau khi phục sinh thân xác của Người sẽ biến đổi trở nên tốt đẹp đến nỗi Ma-ri-a Ma-đa-len-na đã không nhận ra Người vào sáng sớm ngày Phục Sinh (x. Ga 20,14-16), hoặc như hai môn đệ làng Em-mau đã không nhận ra Người khi cùng đi đường đàm đạo với Người (x. Lc 24,14-16).
- Đức Giê-su sau Phục Sinh và Đức Giê-su trước cuộc Tử Nạn vẫn là một nhưng mang hai khuôn mặt khác nhau. Điều này cho thấy : Thân xác con người ở trần gian và sau khi sống lại trong ngày Tận Thế chính là một, nhưng khác biệt nhờ sự biến đổi như thánh Phao-lô đã nói : “Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này : không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; Còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1 Cr 15,51-53).

3) Bài học từ câu chuyện Chúa biến hình :
Các cuộc biến đổi từ xấu xa tội lỗi nên tốt lành thánh thiện đều nhờ sự cầu nguyện và vâng nghe Lời Chúa :
* Nhờ sự cầu nguyện : Cũng như Đức Giê-su đã thay hình đổi dạng khi đang cầu nguyện, thì các tín hữu cũng chỉ được biến đổi nếu ý thức về tình trạng tội lỗi của mình và xin Chúa ban ơn trợ giúp như lời Đức Giê-su : “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được !” (Ga 15,5).
* Nhờ sự vâng nghe Lời Chúa : Trong cuộc hiển dung, Chúa Cha từ trong đám mây đã xác nhận Đức Giê-su là Người Con yêu dấu được tuyển chọn, và dạy môn đệ : “Hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Lời Chúa như thanh gươm sắc bén sẽ tỉa sạch các thói hư và biến chúng ta nên tạo vật mới của Thiên Chúa (x. Ga 15,2).

4) Chúng tôi phải làm gì? :
Trong Mùa Chay, chúng ta cần gặp gỡ Chúa để được ơn biến đổi nên tốt lành thánh thiện hơn.
- Cần tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay để thêm lòng ăn năn sám hối tội lỗi và quyết tâm tu sửa thói hư bằng việc thực hành nhân đức đối lập như kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức” dạy…
- Cần năng dâng lời nguyện tắt lên Chúa như người thu thuế trong Đền thờ : “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).– Như ông Si-mon Phê-rô : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” (Lc 5,8).- Hay như người trộm lành trên thập giá : “Lạy ông Giê-su khi nào về Nước của Ngài, xin nhớ đến con cùng” (Lc 23,42).
- Mỗi ngày hãy làm một việc hãm mình đền tội như : nhịn uống một tách cà-phê, một ly rượu bia, nhịn hút một điếu thuốc lá; Nở nụ cười hoặc bắt chuyện trước với một người bạn đang giận mình; Cho một người bạn gặp khó khăn vay số tiền theo khả năng của mình; Đi thăm một người già neo đơn quen biết hay tại viện dưỡng lão để lắng nghe và động viên an ủi họ…

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU.
Xin biến đổi con nên con người mới nhờ năng suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày :
Xin biến đổi cái nhìn của con nên nhân từ bao dung sau mỗi lần con chiêm ngắm Chúa;
Xin thanh tẩy môi miệng con tránh nói những lời xấu xa lỗi bác ái sau mỗi lần rước Chúa;
Xin biến đổi đôi tai con sau mỗi lần con lắng nghe Lời Chúa phán dạy;
Xin làm cho khuôn mặt của con rạng ngời ánh sáng tin yêu mỗi lần con được gặp gỡ Chúa.
Ước gì mọi người chung quanh nhìn thấy niềm vui của Chúa qua nụ cười rạng rỡ của con; Thấy sự ân cần cảm thông của Chúa qua lời ăn tiếng nói và cách ứng xử của con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Thiên Chúa bày tỏ vinh quang
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:46 08/03/2022

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY
THIÊN CHÚA BÀY TỎ VINH QUANG
St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36

Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay kể lại biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi, trước sự chứng kiến của ba môn đệ thân tín là “Phêrô, Giacôbê và Gioan” (Lc 9,28). Đây là lần duy nhất Chúa Giêsu biến hình trước mặt các môn đệ: “Dung mạo người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9,29).

1- Ý nghĩa của biến cố biến hình

Quả thế, biến cố biến hình có một ý nghĩa thần học liên hệ tới mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Biến hình xác nhận biến cố nhập thể. Khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người, vinh quang của thiên tính bị ẩn dấu. Việc Chúa Giêsu biến hình là hé mở phần nào vinh quang của thiên tính cho các môn đệ. Biến hình giúp họ chuẩn bị đón nhận cuộc tử nạn sắp diễn ra. Biến hình còn báo trước vinh quang phục sinh và minh chứng rằng Chúa Giêsu hoàn tất lề luật (Môsê) và lời các tiên tri (Êlia).

Nhưng không chỉ dừng lại những điều này, biến cố này còn là một kinh nghiệm tuyệt vời về niềm vui và hạnh phúc khi vinh quang huy hoàng của Thiên Chúa được tỏ lộ. Trong ngày đó, Chúa Giêsu tràn đầy niềm hạnh phúc, Người xuất thần. Ánh sáng là dấu chỉ của tất cả điều này. Ánh sáng phát xuất từ chính Người. Chúa Giêsu tỏa sáng như một luồng sáng. Niềm vui tình yêu Ba Ngôi lan tỏa trong Người. Lời Chúa Cha xác nhận: “Đây là Con Ta yêu dấu.” Đám mây bao phủ trên núi là biểu tượng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần vốn là “niềm vui thỏa” trong Ba Ngôi.

2- Ý nghĩa của thân xác

Cũng như tất cả những biến cố trong đời Chúa Giêsu, biến hình là một mầu nhiệm liên quan đến vận mệnh của chúng ta. Thánh Phaolô trong bài đọc II cung cấp cho chúng ta chìa khóa để áp dụng biến cố này với chúng ta. Ngài nói: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,2-21).

Theo ý nghĩa này, biến cố biến hình là một cửa sổ mở ra cho tương lai chúng ta; nó báo trước cho chúng ta biết rằng một ngày kia thân xác hay hư nát của chúng ta sẽ được biến đổi thành ánh sáng vinh hiển nên giống với thân xác vinh hiển của Chúa; nó còn là một luồng sáng chiếu vào đời sống hiện tại, giúp chúng ta hiểu rằng thân xác này là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự. Vì thế, biến hình cũng là cơ hội để suy tư về giá trị của thân xác.

Đối với Kinh Thánh, thân xác không phải là một yếu tố tùy phụ hay tách biệt nơi con người; thân xác là toàn bộ con người. Thân xác được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng, được Người biến đổi (x. St 1,17tt); thân xác được Ngôi Lời đảm nhận trong mầu nhiệm nhập thể và được Chúa Thánh Thần thánh hóa trong bí tích Rửa Tội.

Theo Kinh Thánh, con người lộng lẫy và rạng ngời nhờ thân xác. Thánh vịnh gia cảm tác: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!” (Tv 139,13-14). Quả thật, trong tất cả công trình của Thiên Chúa, không có gì đẹp hơn thân xác con người. Thân xác được tiền định để chia sẻ vinh quang đời đời với linh hồn. Charles Péguy cho rằng: “Thân xác và linh hồn cùng chia sẻ vinh quang đời đời hoặc phải chịu cảnh giam cầm vĩnh cửu.” Không như lạc giáo Manikê và Ngộ Đạo thuyết cho rằng cứu độ là loại bỏ thân xác để chỉ lấy linh hồn, Kitô giáo loan báo ơn cứu độ bao gồm cả thân xác và linh hồn.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội bị thống trị bởi nền văn hóa tôn thờ thân xác. Thân xác con người, đặc biệt thân xác phụ nữ bị coi như một món hàng, như trò chơi tình dục. Người ta không còn tôn trọng thân xác trong mối liên hệ với linh hồn, với nhân vị và phẩm giá con người. Cả những ý tưởng về cái đẹp cũng được quan niệm rất nghèo nàn. Người ta chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài, mà ít chú ý và trau dồi vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp của tâm hồn.

3- Tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác chúng ta

Biến hình còn là thông điệp về cái đẹp. Nhà thần học Chính Thống, Pavel Evdokimov viết một cuốn sách có tựa đề “Thần học về cái đẹp,” khi phân tích bức Icôna Chúa biến hình trên núi Tabor và lời các môn đệ: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là tốt!” Ông cho rằng Chúa Giêsu chiếu tỏa vẻ đẹp của Người. Vẻ đẹp đó đến từ bên trong, được diễn tả ra bên ngoài nhờ thân xác.

Biến hình theo ý nghĩa này là một thông điệp đặc biệt gửi tới mọi người hôm nay. Như thánh Phaolô yêu cầu các Kitô hữu sơ khai: “Vậy anh em hãy vinh danh Thiên Chúa trong thân xác của anh em” (1 Cr 6,19).

Đối với những ai sống ơn gọi hôn nhân, anh chị em hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác mình khi chúng ta biết làm cho thân xác trở nên quà tặng tình yêu cho nhau và là phương tiện để kết hợp nên một với người phối ngẫu trong hôn nhân.

Đối với những ai sống đời tu trì, anh chị em hãy vinh danh Thiên Chúa trong thân xác mình khi biến thân xác thành quà tặng trực tiếp và “hy lễ sống động” cho Thiên Chúa để phục vụ anh chị em đồng loại.

Đối với mọi người nói chung, chúng ta vinh danh Thiên Chúa trong thân xác mình cả trong lĩnh vực nghệ thuật, lao động và tất cả mọi hoạt động con người.

Đối với các bạn trẻ, các bạn hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác của mình. Một cách thế để vinh danh Thiên Chúa trong thân xác mình là sống đoan trang, tiết hạnh. Đó là chọn lựa sống theo Tin Mừng, can đảm đi ngược lại với não trạng và lối sống chỉ biết dùng thân xác để thỏa mãn thú vui, quyến rũ người khác.

Khi gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện, chúng ta sẽ được biến đổi nên giống Người. Như Môsê sau khi tiếp xúc với Thiên Chúa, mặt ông trở nên sáng chói. Như Đức Giêsu khi cầu nguyện và gặp gỡ với Chúa Cha, dung nhan Người trở nên chói sáng. Nhiều vị thánh cũng trải qua những kinh nghiệm như thế. Nếu chúng ta biết dìm mình trong cầu nguyện, chúng ta sẽ được biến đổi.

Chúa Giêsu tiếp tục biến hình cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Sau khi truyền phép, bánh và rượu biến hình thành Mình và Máu Người. Thay vì làm ba lều, chúng ta hãy biến tâm hồn chúng ta thành một lều cho Chúa Giêsu Thánh Thể cư ngụ, nhờ đó chúng ta sẽ được biến đổi và tràn ngập niềm vui. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mong Điềm Lạ
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:02 08/03/2022
Mong Điềm Lạ

(x.Gn 3,1-10; Lc 11,29-32)

Thế giới càng văn minh, nhân loại càng tiến bộ với khoa học công nghệ hiện đại thì dường như nỗi lo, sự e ngại càng không giảm đi mà có phần tăng lên thêm và mang nhiều sắc thái khác nhau. Khi càng đầy đủ tiện nghi thì càng chất thêm nhiều nỗi lo sợ. Người ta lo sợ vì có thể mất đi những gì đang có. Do đó các hãng bảo hiểm luôn ăn nên làm ra. Hơn nữa, chính khi cuộc sống vật chất xem chừng được bảo đảm thì đời sống tinh thần lại bấp bênh, vì sự phát triển của đời sống tinh thần dường như không theo kịp với tốc độ phát triển quá nhanh, kiểu chóng mặt của đời sống kinh tế ngày càng hiện đại như hôm nay. Sống trong tình trạng bấp bênh thì người ta luôn khao khát “sự đột biến”. Không lạ gì những khi mất chủ quyền, bị nô lệ thì dân Israel lại khát khao Đấng Thiên sai xuất hiện cách mãnh liệt. Càng không ổn định thì ta càng thích những chuyện “giật gân”, “chuyện lạ”. Các phương tiện truyền thông, các báo, đài không ngại ngần khai thác tâm lý này để thu lợi. Chuyện tình đổ vỡ giữa công nương Diana và hoàng tử Charles vương quốc Anh đã từng một thời trở thành món hàng kinh doanh của nhiều toà soạn, ký giả, phóng viên. Sự phong lưu đa tình của một nguyên thủ nước cờ hoa cũng đã là chuyện lạ đó đây. Có được mấy ai không thích chuyện lạ? Chuyện lạ nào lại không gợi tính tò mò, gây sự chú ý? Dân Việt cũng đã hăm hở lên màn ảnh nhỏ với tiết mục“những chuyện lạ Việt Nam”. Thú thực, bản thân tôi cũng đã từng không kìm được sự hiếu kỳ, một sự hiếu kỳ rất chi là “dân tộc tính”.

Ngài hãy làm một điềm lạ từ trời xem nào! Hỡi dòng giống ác độc, sẽ chẳng cho các ngươi điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Đức Giêsu vô tình hay hữu ý kéo chuyện bà hoàng phương Nam vào đây. Đến ngày tận thế Nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên tố cáo dòng giống này vì bà đã từ tận cùng trái đất đến để nghe lời khôn ngoan của vua Salômon. Và dân Ninivê cũng sẽ tố cáo dân này vì họ đã nghe lời tiên tri Giona. Ở đây còn có người hơn cả Giona, Salômon nữa (x.Lc 11,29-32).

ĐIỀM LẠ GIONA :

Hẳn nhiên thoạt nghe điềm lạ của tiên tri Giona, ta dễ liên tưởng đến chuyện Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày. Các tác giả Tin Mừng, đặc biệt Matthêu sau này khi viết cũng liên tưởng điều này, vì nhớ đến việc Đức Giêsu ở trong mộ ba ngày qua cuộc khổ nạn. Dù rằng chuyện tiên tri Giona chỉ là một chuyện thuộc loại hình văn chương dụ ngôn, thế nhưng chuyện một người ở trong bụng cá ba đêm ngày mà vẫn còn sống thì quả là rất lạ. Cái sự lạ này nếu có thì chỉ với số người ở ngay bờ biển. Ninivê, một thành phố lớn, thủ phủ của đế quốc Assyri, phía Đông Bắc nước Israel, bên con sông Tigre, con sông đổ về vịnh Batư, chắc hẳn theo luận lý bình thường thì dân thành Ninivê sẽ khó lòng biết chuyện Giona ở trong bụng cá. Thế thì Tiên tri Giona đã trở nên điềm lạ cho dân thành Ninivê ở điểm nào?

Ta sẽ nhận ra cái nét lạ, khi chịu khó tìm hiểu lịch sử một chút. Đế quốc Assyri thời bấy giờ là một đế quốc lớn đang thôn tính hay đô hộ nhiều nước nhỏ khác trong đó có nước Israel (khi ấy nước Do Thái đang bị phân chia thành hai, đó là Israel ở phia Bắc và Giuđêa ở phía Nam). Hôm nay, bỗng có một anh là con dân nước bị trị, ngang nhiên đến thủ đô của đế quốc tuyên bố những điều chướng tai, khó nghe. “Còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị phá đổ”(Gn 3,4). Quả là to gan, đáng chém đầu. Giả như tôi là một trong những con dân thành Ninivê, tôi sẽ cùng với một vài người xách cổ Giona ra, cho vài bạt tai, đá vài cái vào “mông” rồi đuổi về nước. Chắc hẳn Tiên tri Giona thừa hiểu điều này. Thay vì đi về hướng Ninivê, Giona đã muốn qua mặt Giavê mà về hướng Tacxê. Sự việc ông làm trái lời Giavê phán dạy không chỉ vì không muốn cho dân Ninivê, một thứ “dân ngoại” được khỏi tai hoạ mà cũng có phần lo sợ cho số phận mình. Sao lại không lo lắng khi to gan liều mình đi nói một điều xúi quẩy, cho dù đó là sự thật, mà lại nói với những người trên đầu trên cổ của mình xét về mặt xã hội. Kinh thánh không nói rõ nhưng ta có thể suy đoán những lời lẽ của Giona. Ngoài câu còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị phá đổ thì phải có những lý chứng kèm theo đó là vì vua quan lẫn dân chúng thành ấy đang sa đoạ trong tội lỗi. Thánh kinh Cựu ước cho ta hay rằng hễ Giavê đoán phạt ai là vì tội lỗi của họ hoặc có thể là vì tội lỗi của các đấng bậc ở bên trên như hàng vua chúa quan quyền chẳng hạn.

“Sẽ chỉ cho dân này điềm lạ của Tiên tri Giona… và ở đây còn có Đấng hơn cả Giona”. Cái điều hơn cả Giona ở đây, mới nghe ta dễ liên tưởng đến phẩm vị. Chúa Giêsu thì hơn Giona chứ. Ngài là Con Thiên Chúa. Đúng vậy, nhưng chỉ đúng với người có niềm tin sau này. Với các Tông đồ thì cũng chỉ đúng cách chắc chắn sau biến cố Chúa phục sinh. Còn với các khán thính giả của Chúa Giêsu lúc bấy giờ thì sao? Đây có một người hơn cả Giona về sự to gan, về sự liều lĩnh. Đây là Giêsu thành Nazaret. Nazaret nào có gì hay chứ? Nathanaen đã không một lần thẳng thừng với Philipphê đấy ư? Ông ta chỉ là người thợ mộc bình thường nếu không muốn nói là tầm thường. Thế mà ông ta to gan vạch trần sự giả dối của các vị đạo đức, tự tách riêng khỏi đám đông tội lỗi (biệt phái). Họ như những thứ mồ mả tô vôi mà bên trong đầy sự tanh hôi (x.Lc 11,44)…. Các ngài tiến sĩ luật, ông cũng không chừa. Ông tố cáo họ dùng sự thông thái của mình để vẽ vời nhiều sự. Họ tạo nên nhiều tập tục, nghi tiết chất nặng trên vai trên cổ đám dân đen còn họ thì không buồn giơ một ngón tay lay thử (x.Lc11,46)… Các Thượng tế, những đấng bậc thay dân để tế lễ Giavê vẫn bị tấn công. Ông mạnh mẽ lên án họ đã biến Đền thờ thành sào huyệt của phường trộm cướp (x.Mc 11,17). Cả đến vua Hêrôđê, ông cũng đã đặt tên là con cáo già (x Lc 13,32).

Vẫn là ông, Giêsu Nazaret, một người to gan hơn cả Giona. Sự thật thường dễ mất lòng. Nói những sự thật không hay, không tốt của các đấng vị vọng, của những người có quyền có chức không chỉ dễ mất lòng mà ngay cả đầu cũng khó lòng giữ nguyên với cổ. To gan, phạm thượng, cái tội đáng tru di cửu tộc. Bài học lịch sử các nước thời quân chủ chuyên chế không hiếm những mẫu gương phạm thượng, to gan sẵn sàng can ngăn vua chúa khi các vị ấy hành động sai lầm hoặc vạch mặt chỉ tên những nịnh thần hại dân hại nước.

Thấy điềm lạ là sở thích của con người vì ai ai cũng mong có sự đổi thay khi mà tình thế hôm nay không mấy đẹp, không được ổn. Dễ thôi, sở thích ấy có thể được thoả mãn bằng các hình ảnh sống động, nhưng là trên màn ảnh nhỏ hay trong các băng hình. Xưa thì có một Bao công liêm chính, nay sẽ có nhiều nhân vật quan toà, hay viện kiểm soát “hư cấu”. Dẫu sao cũng là một cách làm thoả mãn đôi mắt dân chúng và dĩ nhiên lòng của họ sẽ thấy an ủi phần nào. Bánh vẽ tuy không thể làm no lòng được nhưng lắm khi tạo cảm giác “nê nê”. Xin chớ ngủ mê! Điềm lạ vẫn rất cần cho hôm nay. Thế giới này, xã hội này và cả Hội thánh ta hôm nay vẫn rất cần có điềm lạ. Chắc chắn như xưa Chúa Giêsu sẽ chẳng cho điềm lạ nào ngoài điềm lạ của Giona, một “tiện dân” to gan vì chân lý. Chân lý sẽ giải thoát chúng ta (x.Ga 8,32).

ĐIỀM LẠ HƠN CẢ GIONA:

Cái điềm lạ hơn cả Giona trong chuyện tích Giona đó là Vua quan và toàn dân thành Ninivê. Trước những lời lẽ chướng tai của một kẻ vô danh, đúng hơn là của một người dân một nước nhược tiểu, bị trị, thế mà từ vua đến quan đến dân chúng của thủ đô một đế quốc đã khiêm tốn đón nhận. Không chỉ đón nhận kiểu hoà hoãn cho qua chuyện mà tất cả đã biến sứ điệp ấy thành hành động cụ thể. “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác vải thô và ngồi trên tro. Vua cho rao sắc chỉ:….Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình…”(Gn 3,5-10). Đọc đi đọc lại những dòng này, quả thật ta phải nghiêng mình trước sự khiêm tốn của vua lẫn dân thành Ninivê. Một điềm lạ hơn cả Tiên tri Giona.

Dễ thường người ta hay chú ý xem ai nói, ai làm hơn là nói điều gì, làm việc gì. Miệng của quan có gang có thép. Lời lẽ từ người có quyền có chức ta thường xem là đúng và hữu lý. Thậm chí một lời đơn sơ, lắm khi không cần nói trẻ thơ đã hiểu, thế mà nếu nó được một nguyên thủ quốc gia hay một bậc vị vọng thốt lên thì sẽ trở thành khuôn vàng thước ngọc. Một số biểu bảng, panô đó đây cho ta sự thật này. Chưa kể đến những cái lưng luôn khúm núm cong cong thì bất cứ lời nào của bề trên, của bậc có quyền đều là “bệ hạ sáng suốt, bệ hạ sáng suốt”. Đón nhận sự thật, điều khôn ngoan, đặc biệt khi chúng có dính dáng cách nào đó liên quan đến những sự không hay của ta, bất kể nó khởi đi từ đâu, là một thái độ khiêm nhu chân thành. Dễ mấy ai sẵn sàng đón nhận chúng, nhất là khi chúng do những người cấp dưới, những người thấp cổ, bé phận. Thỉnh thoảng có một đôi dòng tâm tình với chủ chăn ở báo này báo kia thì đã không thiếu quý ngài la toáng lên. Cũng may, ở xứ ta, tâm tình tôn kính bề trên dẫu sao vẫn còn đó. Bản thân tôi chưa nghe và chưa thấy những lời lẽ kiểu ngang ngược, kiểu “bình đẳng” như bên Tây, Mỹ. Chưa nghe nhưng thiết nghĩ ta cần phải sẵn sàng đón nhận.

Hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ. Câu nói này khiến ta hổ thẹn với Nữ Hoàng phương Nam. Cũng phận đứng đầu một quốc gia, thế mà Nữ hoàng đã khiêm tốn đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômon. Một giáo dân có đôi suy tư ý vị lẫn sâu sắc thì thế nào cũng sẽ dễ bị coi thường vì chỉ là hàng giáo dân. Một tu sĩ giảng dạy thu hút nhưng vẫn có thể ít được các nhà dòng mời dạy, mời giảng tỉnh tâm chỉ vì không có thánh chức. Đã là tỉnh tâm năm của hàng linh mục thì phải mời cho được giám mục giảng dù vị ấy không chuyên môn trong việc giảng tỉnh tâm. Muốn nói cho giáo dân nghe, ít nữa phải là tu sĩ. Muốn nói cho tu sĩ nghe, ít nữa phải là linh mục. Muốn nói cho linh mục nghe thì phải là giám mục. Quả đúng là những chuyện bình thường của kiếp người. Vì thế chuyện Nữ hoàng phương Nam đúng là chuyện lạ.

Hội Thánh chúng ta, Nước Việt chúng ta rất cần có điềm lạ như Giona, như Nữ hoàng phương Nam, như Vua quan và dân thành Ninivê. Đã và đang xuất hiện nhiều Giona cho nước nhà chúng ta, những Giona chấp nhận cả việc bị khai trừ ra khỏi đảng cầm quyền, những Giona chấp nhận bị trù dập, mất quyền lợi để nói lên sự thật, có những sự thật rất dễ mất lòng như là bỏ sự độc quyền, bỏ cái tư duy “mục đích biện minh cho phương tiện” kiểu cách lý luận tương tự như ông Đặng Tiểu Bình: “mèo trắng hay mèo đen thì bất kể, miễn là bắt được chuột” hoặc đề nghị bỏ cả tư duy cũ không phù hợp với đà phát triển của lịch sử. Đã và đang xuất hiện đó đây trong Hội thánh những Giona dám to gan góp ý với các Đấng bậc “làm thầy” dù rằng có thể bị hiểu lầm là “rối đạo”, là “thiếu vâng phục”… Điềm lạ Giona đã xảy ra còn điềm lạ vua quan Ninivê thì sao? Xin các đấng, các vị có quyền, có chức, đang nắm vận mệnh đất nước, đang điều khiển con thuyền Hội thánh hãy can đảm khiêm nhu để trở nên điềm lạ như vua quan Ninivê và Nữ hoàng phương Nam: Lắng nghe và đón nhận sự thật bất kể chúng khởi đi từ đâu. Lắng nghe và đón nhận mới chỉ là bước khởi đầu. Điềm lạ thực sự là ở động thái biết hoán cải, biết đổi thay.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Xin Thì Sẽ Được
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:03 08/03/2022
Xin Thì Sẽ Được

(Thứ Năm sau CN I Mùa Chay – Et 14,1.3-5.12-14; Mt 7,7-12)

‘Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7).

Kitô hữu chúng ta tin vào lời khẳng định của Chúa Giêsu về hiệu quả của lời cầu xin. Tuy nhiên thực tế vẫn có đó khoảng cách giữa lòng tin và sự xác tín. Biết bao lời cầu dâng lên Thiên Chúa thế mà hiệu quả ơn ban như chưa thấy. Phần Phụng vụ Lời Chúa giáo hội cho trích đọc trong ngày thứ Năm sau Chúa Nhật I Mùa Chay (Sách Ester và Tin Mừng Matthêu) cho chúng ta thấy một vài yếu tố như là điều kiện ắt có để lời cầu của chúng ta được Thiên Chúa nhậm lời.

1.Điều chúng ta xin phải là điều tốt và liên hệ đến điều tốt nhất là sự sống, sự sống đời đời. “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11). Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng nên Người không thể ban những sự xấu vì đó là điều nghịch với bản tính của Người. Và khi điều chúng ta xin xem ra là tốt nhưng lại ảnh hưởng đến sự tốt nhất của chúng ta là sự sống đời đời thì Thiên Chúa sẽ chẳng ban cho.

2.Điều chúng ta cầu xin phải là điều tốt, tốt nhất cho chúng ta và trong sự liên đới với hạnh phúc vĩnh cửu của tha nhân. “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế” (Mt 7,12). Không ai có thể lên trời một mình. Hạnh phúc vĩnh cửu là không dành riêng cho một ai. Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Cha của hết mọi người. Lời kinh duy nhất Chúa Giêsu truyền dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (x.Mt 6,9-12). Lời cầu xin của hoàng hậu Ester không chỉ nhằm cứu vớt sinh mạng của bà mà còn liên hệ đến sự sống của toàn dân tộc Do Thái trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

3.Phải nỗ lực thực hiện tất cả những gì có thể trong khả năng và hoàn cảnh của mình liên quan đến nội hàm của lời cầu xin. Để Thiên Chúa đoái thương nhậm lời cầu xin thì tiên vàn chúng ta phải góp phần của mình hết sức có thể, dù cho phải trả giá đắt. Hoàng hậu Ester đã thể hiện điều này bằng việc chấp nhận bị đức vua trừng phạt khi cố tình tìm cách diện kiến đức vua mà chưa có lệnh vua triệu hầu, vì đó là trái với luật hoàng gia. “Aide toi, le ciel t’aidera”. Để trời xanh thương giúp thì bản thân chúng ta phải nỗ lực gắng công trước đã.

4.Khiêm nhu nhìn nhận rằng lời cầu xin của chúng ta nếu có được nhậm lời thì tất cả là do quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Hoàng hậu Ester biểu lộ động thái khiêm nhu này qua việc chay tịnh hai ngày trước khi đi diện kiến đức vua để cứu sống mình và dân tộc mình. Và lời cầu nguyện tha thiết của hoàng hậu dâng lên Thiên Chúa cũng nói lên chân lý này: “Lạy Chúa con, chỉ mình Chúa là Vua chúng con, ngoài Chúa không có ai khác giúp đỡ con. Con đang lâm cơn nguy biến…”. “Tout est grâce”. Tất cả đều là hồng ân, nhất là hạnh phúc vĩnh cửu.

Xin thì sẽ được, nhưng hãy xem xét lại nội dung lời cầu của chúng ta cũng như cách thế chúng ta cầu xin như thế nào.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Sự Chính Trực Của Đường Lối Thiên Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:58 08/03/2022
Sự Chính Trực Của Đường Lối Thiên Chúa

(Thứ Sáu sau CN I Mùa Chay – Ed 18,21-28; Mt 5,20-26)

Đã từng có đó nhiều trường hợp quan chức vi phạm pháp luật đứng trước vành móng ngựa khẩn xin Tòa án xem xét công trạng trước đây (có công với cách mạng), để xin khoan hồng hay giảm nhẹ án. “Pháp bất vị thân”. Lối hành xử của công đường thời xa xưa xem ra khá rõ ràng. Hoàng thân quốc thích hay tiện dân khi có tội đều xử như nhau. “Pháp bất vị công”. Nếu công minh thì các vị trên công đường cũng phài hành xử rõ ràng công ra công, tội ra tội. Dư luận xem ra bất bình khi Tòa án trong nhiều trường hợp đã xem xét công trạng phạm nhân để giảm nhẹ hình phạt kiểu dân xử nhặt, quan xử tình!

“Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”(Is 55,8-9). Lời Chúa ngày thứ Sáu sau Chúa Nhật I Mùa Chay cho chúng ta thấy sự chính trực của đường lối Thiên Chúa khi xét xử đó là căn cứ vào thái độ sống của chúng ta trong thời điểm hiện tại và trong sự liên đới với tha nhân như thế nào.

Thiên Chúa đã khẳng định qua lời ngôn sứ Êdêkien rằng: “Hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại, đường lối của các người không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống” (Ed 18,25-28). Sự công minh của đường lối Thiên Chúa khiến chúng ta không được phép cậy dựa và ỉ lại vào “công trạng” của quá khứ. Và sự chính trực của đường lối Thiên Chúa chính là cơ sở của niềm hy vọng cho bất cứ ai dù trong hoàn cảnh nào đều có thể lại bắt đầu đổi thay bằng sự hoán cải và canh tân. Thiên Chúa nhìn chúng ta luôn trong giây phút hiện tại. Tác giả Thánh Vịnh xác tín: “Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư?” (Tv 129,3).

Bài Tin Mừng thánh sử Matthêu tường thuật một nét công minh chính trực trong đường lối của Thiên Chúa là xem xét thái độ liên đới của chúng ta với tha nhân. Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta theo cách sống của chúng ta với nhau. Theo luật xưa thì không một ai được phép loại bỏ tha nhân ra khỏi cuộc sống này bằng sự giết người. Nhưng Chúa Giêsu lại còn dạy chúng ta không được phép loại bỏ tha nhân ra khỏi lòng trí của mình bằng “sự phẫn nộ”, “rủa xả”, “khinh thường”. Không chỉ thế, Người đòi hỏi chúng ta phải biết sống liên đới với tha nhân và xem đó như là một điều kiện để khỏi bị xét xử nghiêm nhặt.

“Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ” (Mt 5,23-24). Nếu sự bất bình xảy ra là do lỗi của chúng ta thì việc đi làm hòa trước khi dâng của lễ thì đúng là việc phải làm. Thế nhưng nếu đó là do lỗi của người anh em thì việc sống tình liên đới đòi hỏi chúng ta cũng phải đi bước trước để làm hòa, giúp người anh em khỏi phải bị xét xử. Những ai chủ trương sống theo “chủ nghĩa mặc kệ nó”, “hồn ai nấy giữ”, “đèn nhà ai nấy rạng”, thì hầu chắc không xứng đáng dâng lời kinh: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,9-13).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Gądecki yêu cầu Thượng phụ Kirill kêu gọi Putin dừng ngay lại
Đặng Tự Do
05:11 08/03/2022


Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gądecki đã yêu cầu Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngừng chiến tranh ở Ukraine.

“Chiến tranh luôn là một thất bại đối với nhân loại,” Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan viết trong bức thư ngày 2 tháng 3 năm 2022. “Tôi yêu cầu ngài, Đức Thượng Phụ, hãy kêu gọi Vladimir Putin dừng ngay cuộc chiến vô nghĩa chống lại người dân Ukraine, trong đó những người vô tội đang bị giết; và đau khổ đang ảnh hưởng không chỉ đến binh lính mà còn cả dân thường - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.”

“Tôi yêu cầu ngài một cách khiêm tốn nhất hãy kêu gọi rút quân Nga khỏi quốc gia có chủ quyền là Ukraine,” Đức Tổng Giám Mục viết. Ngài nói thêm rằng “không có lý do, chẳng có lý do nào có thể biện minh cho quyết định tiến hành một cuộc xâm lược quân sự vào một quốc gia độc lập, ném bom các khu dân cư, trường học hoặc nhà trẻ.”

Đức Tổng Giám Mục, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, nhấn mạnh rằng chiến tranh luôn là sự thất bại đối với nhân loại. “Cuộc chiến này - như tôi đã viết trong bức thư trước - thậm chí còn vô nghĩa hơn vì sự gần gũi của hai quốc gia và nguồn gốc Kitô của họ. Có được phép phá hủy cái nôi của Kitô Giáo trên đất Slav, nơi mà người Nga đã được rửa tội không?”

Đức Tổng Giám Mục Gądecki cũng yêu cầu Thượng Phụ Kirill kêu gọi những người lính Nga “đừng tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa này, từ chối thực hiện những mệnh lệnh mà như chúng ta đã thấy, dẫn đến nhiều tội ác chiến tranh”. Ngài lưu ý trong lá thư “Từ chối tuân theo mệnh lệnh trong tình huống như vậy là một nghĩa vụ đạo đức”. Đồng thời, ngài cũng viết thư yêu cầu Thượng Phụ Kirill kêu gọi tất cả các anh em Chính thống giáo ở Nga ăn chay và cầu nguyện cho “việc thiết lập một nền hòa bình công chính ở Ukraine.”

Đây là lần thứ hai Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói chuyện với Thượng Phụ Kirill. Bức thư trước đó, được gửi vào ngày 14 tháng 2, được gửi tới các giám mục Chính thống giáo và Công Giáo của Nga và Ukraine. Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Gądecki đã kêu gọi tham gia “những nỗ lực tinh thần của những người theo Chúa Kitô thuộc nhiều giáo phái khác nhau ở Nga, Ukraine và Ba Lan để ngăn chặn bóng ma của một cuộc chiến khác trong khu vực của chúng ta.”

Sau đây là toàn bộ bức thư do Văn phòng Báo chí của Hội đồng Giám mục Ba Lan công bố:

Warsaw, ngày 2 tháng 3 năm 2022

Thưa Đức Thượng Phụ,

Tôi chân thành cảm ơn ngài vì những lời được truyền đạt trong lá thư của Đức Tổng Giám Mục Hilarion ngày hôm qua. Tôi chia sẻ quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng sự thù địch đối với bất kỳ quốc gia nào không bao giờ có thể chấp nhận được. Tất cả chúng ta đều là anh em, đó là lý do tại sao chúng tôi coi mọi bất hạnh của người dân Ukraine hoặc người Nga như của chính chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi hết lòng cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine.

Tuy nhiên, để lời cầu nguyện của chúng ta có thể không bị coi là biểu hiện của thói đạo đức giả, nó phải đi kèm với hành động. Tôi tin rằng, thưa Đức Thượng Phụ, ngài là một con người của hòa bình. Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô đã dạy: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5: 9). Vì vậy, tôi yêu cầu ngài, thưa Đức Thượng Phụ, xin hãy kêu gọi Vladimir Putin dừng ngay cuộc chiến vô nghĩa chống lại người dân Ukraine, trong đó những người vô tội đang bị giết; và đau khổ đang ảnh hưởng không chỉ đến binh lính mà còn cả dân thường - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Một người có thể ngăn chặn sự đau khổ của hàng ngàn người bằng một từ - người đó là Tổng thống Liên bang Nga. Tôi yêu cầu ngài một cách khiêm tốn nhất hãy kêu gọi rút quân Nga khỏi quốc gia có chủ quyền là Ukraine.

Không có lý do, chẳng có lý do nào có thể biện minh cho quyết định tiến hành một cuộc xâm lược quân sự vào một quốc gia độc lập, ném bom các khu dân cư, trường học hoặc nhà trẻ. Chiến tranh luôn là thất bại của nhân loại. Cuộc chiến này - như tôi đã viết trong bức thư trước - thậm chí còn vô nghĩa hơn vì sự gần gũi của hai quốc gia và nguồn gốc Kitô của họ. Có được phép phá hủy cái nôi của Kitô giáo trên đất Slavic, nơi mà người Nga đã được rửa tội không?

Tôi cũng yêu cầu ngài kêu gọi những người lính Nga không tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa này, từ chối thực hiện các mệnh lệnh mà như chúng ta đã thấy, dẫn đến nhiều tội ác chiến tranh. Từ chối làm theo mệnh lệnh trong tình huống như vậy là một nghĩa vụ đạo đức. Sẽ đến lúc phải giải quyết những tội ác này, kể cả trước tòa án quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả khi ai đó cố gắng tránh được công lý loài người này, thì vẫn có một đại án không thể tránh khỏi. “Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:10).

Tôi tin rằng nhiều người Nga bị đẩy vào chiến tranh là những người đàn ông cao quý. “Chúng tôi không biết phải bắn vào ai; Tất cả họ đều giống chúng tôi… một trong những người lính của ngài nói. Vì vậy, tôi yêu cầu ngài kêu gọi họ hãy về nhà càng sớm càng tốt, đừng làm vấy máu bàn tay vô tội của họ”.

Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng vũ khí tinh thần là công cụ chiến tranh chính của Hội Thánh. Chúng ta đọc được trong Thánh Matthêô (Mt 17:21; Mc 9:29): “Loại ác thần này chỉ được diệt trừ bằng cầu nguyện và kiêng ăn”. Tại Ba Lan, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, hôm nay chúng tôi đã tuyên bố một ngày cầu nguyện và ăn chay để thiết lập một nền hòa bình công chính ở Ukraine. Tôi yêu cầu ngài, thưa Đức Thượng Phụ, xin hãy kêu gọi tất cả anh chị em Chính thống giáo ở Nga tham gia vào công việc tâm linh tương tự. Tôi tin rằng Chúa là Thiên Chúa sẽ không thờ ơ với những lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta. Tôi tin rằng chay tịnh và cầu nguyện sẽ thay đổi trái tim của con người.

Trong Chúa Cứu Thế,

+ Stanisław Gądecki

Tổng Giám Mục Poznan

Source:exaudi
 
Đức Hồng Y Bo lo ngại kịch bản ác mộng về thảm họa hạt nhân toàn cầu
Đặng Tự Do
05:12 08/03/2022


Hôm thứ Sáu Đức Hồng Y Charles Maung Bo cho biết “kịch bản ác mộng” về một vụ thảm sát hạt nhân toàn cầu đang “trở thành một khả năng có thể xảy ra” sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo ở Miến Điện, nơi cũng đang xảy ra xung đột, cho biết trong một thông điệp ngày 4 tháng 3 rằng thế giới đang trên bờ vực của “sự tự hủy diệt”.

“Thế giới đứng ở ngã tư hiện sinh. Kịch bản ác mộng về một vụ thảm sát hạt nhân toàn cầu đang trở thành một khả năng có thể xảy ra một cách đáng sợ”, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, gọi tắt là FABC, đã đưa ra lập trường trên.

“Các cuộc tấn công lớn vào Ukraine và mối đe dọa sắp xảy ra về việc sử dụng Vũ khí hủy diệt hàng loạt đã đưa thế giới đến ngưỡng cửa tự hủy diệt.”

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc ngày 3 tháng 3 báo cáo rằng hơn 1,164,000 người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24 tháng 2. Hơn 55% trong số họ đã tìm thấy nơi ẩn náu ở Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 332 dặm với Ukraine.

Giám đốc nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet hôm 3 tháng 3 cho biết văn phòng của bà đã “ghi nhận và xác nhận 752 thương vong dân sự, trong đó có 227 người thiệt mạng – gồm cả 15 trẻ em”.

Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay, Hà Lan, ngày 2 tháng 3 thông báo đang mở cuộc điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga.

Trước những thất bại của quân đội, sự lên án của quốc tế và các lệnh trừng phạt, ông Putin đã nói với các quan chức quốc phòng vào ngày 27 tháng 2 rằng hãy đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng “báo động đặc biệt”.

Đức Hồng Y Bo, tổng giám mục Yangon, thủ đô cũ của Miến Điện, nói rằng cuộc xung đột Ukraine phải kết thúc.

Ngài viết: “Chúng tôi tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc kêu gọi các nhà cầm quyền của Nga - và tất cả những người khác tin vào sức mạnh của bạo lực – hãy giải quyết các vấn đề thế giới thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại tại Liên Hiệp Quốc.

“Chúng tôi rất vui mừng trước phản ứng thống nhất của cộng đồng thế giới tại Liên Hiệp Quốc, nơi hơn 140 quốc gia đã bỏ phiếu chống lại cuộc chiến tranh tiêu hao có nguy cơ hủy hoại an ninh con người, sự tôn trọng đối với các thể chế toàn cầu”.

Quốc gia của vị Hồng Y 73 tuổi, có tên chính thức là Myanmar, rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quân đội tổ chức một cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2 năm 2021.

Theo nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tính đến ngày 3 tháng 3, gần 1,600 người đã thiệt mạng và hơn 12,000 người bị bắt trong chiến dịch trấn áp người biểu tình ở quốc gia Đông Nam Á này.

Đức Hồng Y Bo nói: “Đừng để lịch sử lặp lại trong thế kỷ 21. Thế giới đã phải chịu đựng rất nhiều, phải đối mặt với khủng hoảng đa chiều của một đại dịch giết chết hàng triệu người, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế, khiến hàng triệu người nghèo khổ. Đây là thời gian để hàn gắn toàn cầu, không phải để gây tổn thương”.

Khi trực tiếp kêu gọi Putin, Đức Hồng Y Bo lưu ý rằng Nga là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có nhiệm vụ “thúc đẩy hòa bình thế giới và bảo đảm quyền của mọi quốc gia”.

Ngài viết: “Chúng tôi kêu gọi Nga ngừng các cuộc tấn công vào Ukraine và quay trở lại Liên Hiệp Quốc để giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình”. “Hòa bình luôn luôn có thể, hòa bình là con đường duy nhất cho tương lai của nhân loại.”
Source:Catholic News Agency
 
ĐHY Ngoại Trưởng Vatican điện đàm với Ngoại Trưởng Nga
Nguyễn Long Thao
11:12 08/03/2022
Vatican City.- Tòa thánh Vatican loan tin trong cuộc điện đàm với ngoại trưởng Nga vào ngày thứ Ba, 8 tháng 3, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Ngoại Trưởng Vatican đã kêu gọi Nga chấm dứt các cuộc tấn công vũ trang ở Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại Trưởng Nga là Sergei Lavrov vào sáng ngày 8 tháng 3, ĐHY Ngoại trưởng đã “chuyển tải mối quan tâm sâu sắc của Đức Giáo Hoàng Francis về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine”

Người phát ngôn của Vatican, Matteo Bruni cho biết ĐHY Parolin đã tái khẳng định thông điệp của Giáo Hoàng Phanxicô trong ngày Chủ nhật vừa qua, theo đó Ngài lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine và bày tỏ tình đoàn kết với đất nước Ukraine.

Phát ngôn viên Tòa Thánh nhắc lại lời ĐGH phát biểu trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào ngày Chúa Nhật 6 tháng Ba:

“Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine”, “Đây không chỉ là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, hủy diệt và đau khổ.”

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Lavrov, ĐHY Parolin kêu gọi “chấm dứt các cuộc tấn công vũ trang, đảm bảo hành lang nhân đạo cho dân thường và lực lượng cứu hộ, và thay thế bạo lực súng bằng thương lượng”.

Đức Hồng Y Ngoại Trưởng cũng tái khẳng định Tòa Thánh sẵn sàng làm mọi thứ để phục vụ hòa bình.

Bộ Ngoại giao Nga cũng xác nhận có cuộc điện đàm ngày 8/3 giữa Bộ trưởng Lavrov và Hồng Y Parolin.

Trong cuộc trò chuyện, Ngoại trưởng Lavrov đã “nêu quan điểm chính của Nga về nguyên nhân và mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt đang được thực hiện ở Ukraine.”

Phía Nga cũng cho biết cả hai bên bày tỏ hy vọng một vòng đàm phán khác giữa Nga và các nhà lãnh đạo Ukraine sẽ sớm diễn ra để “tìm ra một thỏa thuận về các vấn đề chính gây ra cuộc khủng hoảng nhằm giải quyết và ngăn chặn các hành động thù địch”.

Nguyễn Long Thao
 
Đức Tổng Giám Mục Ukraine kêu gọi Chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta
Đặng Tự Do
16:15 08/03/2022


Trong khi thương tiếc cái chết của những người vô tội, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã yêu cầu người Ukraine cầu nguyện cho sự biến đổi của nước Nga, “như Đức Mẹ Fatima đã yêu cầu chúng ta”.

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông Phương kêu gọi người dân Ukraine cầu nguyện cho kẻ thù của họ, đồng thời lên án việc quân Nga gây ra cái chết của phụ nữ và trẻ em trong cuộc xâm lược Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã công bố một thông điệp video, trong đó ngài lên án những thiệt hại về người và của, đồng thời khen ngợi người dân Ukraine đã bảo vệ đất nước của họ.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine là giáo hội lớn nhất trong số các Giáo Hội Công Giáo phương Đông, và bao gồm khoảng 4.1 triệu thành viên. Giáo Hội này đã được hiệp thông với Tòa Thánh kể từ sau biến cố hiệp nhất ở Brest-Litovsk vào năm 1596.

Đức Tổng Giám Mục cho biết: “Chúng tôi thấy các trường học, nhà trẻ, rạp chiếu phim, viện bảo tàng bị phá hủy và vào lúc mặt trời mọc gần Kiev, một tên lửa đã tấn công khu phụ sản của một bệnh viện”.

“Cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta”

Trong thông điệp của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, kêu gọi người dân Ukraine cầu nguyện cho kẻ thù của họ.

“Tôi chân thành cầu xin anh chị em: chúng ta không chỉ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, mà chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta, cho sự hoán cải của họ, cho sự biến đổi của nước Nga, như Đức Mẹ Fatima đã yêu cầu chúng ta”.

Năm 1917, ba trẻ chăn cừu ở Fatima, Bồ Đào Nha, báo cáo rằng đã được Đức Trinh Nữ Maria viếng thăm. Họ nói rằng Mẹ đã truyền đạt ba “bí mật” cho họ, bí mật thứ hai liên quan đến việc hoán cải nước Nga:

Chiến tranh sắp kết thúc: nhưng nếu mọi người không ngừng xúc phạm Thiên Chúa, một cuộc chiến tồi tệ hơn sẽ nổ ra trong triều đại Giáo hoàng của Đức Piô XI. Khi các con nhìn thấy một đêm được chiếu sáng bởi một ánh sáng không rõ, hãy biết rằng đây là dấu hiệu tuyệt vời mà Chúa ban cho các con rằng Ngài sắp trừng phạt thế giới vì những tội ác của nó, bằng chiến tranh, nạn đói và những cuộc đàn áp Giáo hội và Đức Thánh Cha. Để ngăn chặn điều này, Mẹ đến để xin hiến dâng nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ, và Rước lễ đền tạ vào các ngày thứ Bảy đầu tháng.

Tôn vinh chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Ukraine

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã hoan nghênh “chủ nghĩa anh hùng của những người dân giản dị của chúng ta”, chống lại những người lính Nga được trang bị vũ khí hùng mạnh.

“Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích tất cả chúng ta: chúng ta hãy học cách yêu thương trong thời điểm bi thảm này. Chúng ta không thể bị giam cầm bởi sự thù hận. Chúng ta đừng sử dụng ngôn ngữ của hận thù, cũng như từ ngữ của nó. Như sự khôn ngoan cổ xưa nói, kẻ ghét kẻ thù đã bị hắn khuất phục”.

Vị tổng giám mục đã công bố một đoạn video cho thấy cảnh bác sĩ cố gắng hồi sinh những đứa trẻ đã bị giết trong cuộc xâm lược.
Source:Aleteia
 
Trong trường hợp xảy ra mật nghị bầu Giáo Hoàng, Đức Hồng Y người Mỹ sẽ tuyên bố Habemus Papam
Đặng Tự Do
16:15 08/03/2022


Các Hồng Y được chia làm ba đẳng: Hồng Y Phó Tế, Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Giám Mục. Thông thường, các vị đang coi sóc các giáo phận và tổng giáo phận khi được tấn phong Hồng Y thì thuộc đẳng Hồng Y Linh Mục. Nói thí dụ, trong một công nghị tấn phong Hồng Y sắp tới, khi Đức Thánh Cha quyết định phong Hồng Y cho các Đức Tổng Giám Mục ở Hà Nội, Huế hay Sàigòn thì ngài thuộc đẳng Hồng Y Linh Mục. Trong khi các vị đang làm việc tại giáo triều Rôma thì thuộc đẳng Phó Tế, sau đó một vài năm mới lên Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Giám Mục. Mặc dù sự phân biệt chủ yếu có tính nghi lễ, các Hồng Y Giám Mục là những vị sẽ tham gia cùng Niên trưởng Hồng Y Đoàn, là người sẽ chủ trì Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Trong công nghị ngày 4 tháng 3 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăng 9 Hồng Y phó tế, bao gồm cả Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, lên hàng Hồng Y linh mục. Với quyết định này, Đức Thánh Cha Phanxicô trên thực tế đã giao phó vai trò phó tế trong trường hợp có mật nghị bầu Giáo Hoàng cho giám mục người Mỹ James Michael Harvey, năm nay 72 tuổi.

Protodeacon, hay Hồng Y trưởng đẳng phó tế, là vị Hồng Y lớn tuổi nhất trong số các vị Hồng Y phó tế. Trong số những việc khác của ngài, có một nhiệm vụ quan trọng là công bố công thức Latinh nổi tiếng giới thiệu một vị giáo hoàng mới được bầu: “Annuntio vobis gaudium magnum; habemus Papam”, nghĩa là “Tôi thông báo với các bạn một niềm vui lớn, chúng ta vừa có một vị giáo hoàng.”

Hồng Y trưởng đẳng phó tế hiện tại của Hồng Y Đoàn là Hồng Y người Ý Renato Raffaele Martino, chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Tuy nhiên, ngài đã 89 tuổi và do đó không thể tham gia mật nghị, vì bất kỳ Hồng Y nào trên 80 tuổi đều không được phép, theo một quy tắc được đưa ra vào năm 1970 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Do đó, hiện nay Hồng Y phó tế cao cấp nhất, là Hồng Y Harvey, chứ không phải Đức Hồng Y Bertello.

Ngoài ra còn có một “Protopriest”, tức là Hồng Y trưởng đẳng linh mục, và “dean of cardinals,” tức là Hồng Y Niên trưởng được bầu mỗi năm năm và đứng đầu các Hồng Y đẳng giám mục và toàn bộ Hồng Y Đoàn.

Hiện tại, Hồng Y trưởng đẳng linh mục là Hồng Y Michael Michai Kitbunchu (93 tuổi) của Thái Lan - người sẽ được Đức Hồng Y Vinko Puljić (76 tuổi) của Croatia thay thế trong trường hợp có mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Niên trưởng Hồng Y Đoàn là vị Hồng Y người Ý Giovanni Battista Re (88 tuổi), người sẽ phụ trách triệu tập mật nghị trong trường hợp Giáo hoàng Phanxicô qua đời hoặc từ chức. Trong mật nghị, ngài sẽ được thay thế bởi phó niên trưởng Hồng Y Đoàn, là Đức Hồng Y người Á Căn Đình Leonardo Sandri (78 tuổi), là người sẽ có nhiệm vụ chủ trì mật nghị và hỏi vị Hồng Y được bầu xem ngài có chấp nhận sự bầu cử của mình hay không và ngài dự định mang tên gì.
Source:Aleteia
 
Các giám mục Công Giáo của Belarus lên án chiến tranh ở Ukraine
Đặng Tự Do
16:18 08/03/2022


Khi các quốc gia và các tổ chức quốc tế tiếp tục trừng phạt Belarus vì đã hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, các giám mục của Belarus đã đưa ra một tuyên bố nói rằng “chiến tranh là tội ác chống lại Thiên Chúa và con người; và đáng bị lên án ngay lập tức”.

Các giám mục Belarus viết: “Để các bên có thể nghe thấy nhau, cần phải tắt tiếng vũ khí”.

“Chúng tôi, các giám mục Công Giáo của Belarus, cùng với các tín hữu của chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng cuộc xung đột chính trị kéo dài giữa Nga và Ukraine đã bước vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt tương tàn,” tuyên bố được công bố trên trang web của hội đồng giám mục. “Kết quả là, mọi người chết, các thành phố, khu định cư và cơ sở hạ tầng bị phá hủy, hàng trăm nghìn người di tản buộc phải đi tị nạn ở nước ngoài”.

Các giám mục Belarus nói rằng họ “thông cảm” với nước láng giềng Ukraine, “đang trải qua thảm kịch,” và họ ủng hộ những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về ngoại giao và đàm phán, lưu ý rằng các cuộc đàm phán được thực hiện trên đất Belarus, trong hy vọng về “sự chấm dứt ngay lập tức của sự thù địch” và tìm kiếm sự hòa giải.

Belarus có biên giới với cả Nga và Ukraine.

Các giám mục cũng bày tỏ lo ngại về “cuộc chiến thông tin”, mà theo các ngài là gây ra “thiệt hại không nhỏ” và gây ra sự thù hận giữa các dân tộc và các quốc gia.

“Hôm nay, khi tương lai của không chỉ Ukraine đang được quyết định, mọi thứ có thể phải được thực hiện để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột”

Cuối cùng, các ngài yêu cầu các tín hữu tiếp tục cầu nguyện và ăn chay trong tình đoàn kết với Ukraine, nhưng cũng vì hòa bình ở Belarus, để đất nước của các ngài không tham gia vào cuộc giao tranh: “Chúng tôi cầu nguyện và yêu cầu những người mà điều này phụ thuộc vào đừng cho phép đất nước của chúng tôi tham gia vào cuộc chiến này”.

Hôm thứ Tư, Ngân hàng Thế giới cho biết họ đã ngừng tất cả các chương trình ở cả Nga và Belarus có hiệu lực ngay lập tức, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và “các hành động thù địch chống lại người dân Ukraine.”

Ủy ban Olympic Quốc tế cũng thông báo rằng các vận động viên đến từ Nga và Belarus sẽ bị cấm tham dự Thế vận hội mùa đông.
Source:Crux
 
Đức Thượng Phụ Alexandria nhận định Putin đang coi mình là hoàng đế của thời đại chúng ta
Đặng Tự Do
16:19 08/03/2022


“Putin nghĩ rằng ông ấy là hoàng đế của thời đại chúng ta. Quyền lực có thể khiến bạn say. Và quyền lực độc tài vĩ đại làm mù mắt và bạn quên rằng bạn là con người. Không thể nào vừa làm dấu thánh giá, cầu xin Thiên Chúa, lại đồng thời giết hại trẻ em và dân chúng”.

Đức Thượng Phụ Theodore II của Alexandria và Toàn châu Phi, người có quen biết cá nhân tổng thống Nga, đã phát biểu như thế trên đài phát thanh nhà nước của Hy Lạp.

“Đúng là, có một lòng đạo đức bình dân làm thỏa mãn tâm hồn –‘Vâng, lạy Chúa, con yêu Chúa, con cầu nguyện’, nhưng mặt khác, khi nắm được quyền lực to lớn thì người ấy nói ‘Cầu nguyện là tốt, khiêm tốn là tốt, nhưng tôi có quyền thế và tôi muốn áp đặt quan điểm của mình rằng tôi là hoàng đế mới’. Và vì vậy, ân sủng của Thiên Chúa bỏ rơi bạn và bạn tin rằng bạn là siêu phàm, mà không cảm thấy rằng chân của bạn vẫn đang chạm đất.”

“Putin là một Kitô Hữu, chúng tôi biết nhau về phương diện cá nhân. Tôi biết anh ấy rất coi trọng tôi. Trước khi xảy ra các vấn đề về giáo hội, khi Giáo Hội Nga xâm nhập vào Giáo Hội truyền giáo nghèo nàn của chúng tôi, chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần. Bởi vì tôi nói tiếng Nga, chúng tôi có thể trao đổi quan điểm. Và ở Cairo, chúng tôi đã gặp nhau và nói chuyện trong một tiếng rưỡi. Tôi biết anh ấy có lòng mộ đạo đối với Giáo hội, đối với Chính thống giáo. Nhưng tất cả những điều này đã biến mất và chỉ còn lợi ích và sự táo bạo ở những phía trước những con người này, và sẽ không đi đến kết thúc tốt đẹp. Bạn không thể nói rằng bạn yêu Chúa và giết người”, Đức Thượng Phụ Theodore nhấn mạnh.

Đức Thượng Phụ nói ngài đoán trước được cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine, bởi vì Putin quá tự hào về “sức mạnh. Khi bạn rất khỏe, bạn say sưa với quyền lực, điều đó khiến bạn quên rằng bạn là con người và cuối cùng, tất cả những gì người ta nhận được chỉ là một tấc đất và một mảnh vải liệm để bắt đầu cuộc hành trình mới.”

Đức Thượng Phụ cho biết Tòa Thượng Phụ Alexandria ngay lập tức lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. “Chúng tôi đã có một trải nghiệm tồi tệ khác về sự xâm nhập của Giáo hội Nga vào lãnh thổ của Tòa Thượng phụ Alexandria và thậm chí ở các giáo xứ nghèo ở Phi Châu. Đối với những người nghèo này, họ đã đến để gieo ‘cỏ lùng’ quen thuộc của họ và xâm nhập một giáo hội nghèo, ở một nơi mà trong 2,000 năm chúng tôi đã chiến đấu với rất nhiều tài nguyên khiêm tốn và nghèo đói, để giúp đỡ hàng trăm nghìn người ở Phi Châu rộng lớn.”

Đức Thượng Phụ kể lại rằng ngài đã sống 10 năm ở Ukraine, Odessa, từ năm 1985 đến 1995. “Tôi học ngôn ngữ của họ, tôi học ở đó, tôi đại diện cho Tòa Thượng phụ và tôi biết họ rất rõ và tôi yêu mến họ rất nhiều. Chính vì vậy mà nỗi đau của tôi nhân đôi. Tôi đã đi bao nhiêu lần từ Odessa đến Kharkiv và Kiev /ki-ép/? Và vì tôi biết rõ họ là người tốt như thế nào, tình cảm đẹp đẽ trong họ là gì, tôi đã lên án ngay từ giây phút đầu tiên cuộc chiến giữa hai dân tộc cùng chí hướng. Cả người dân Nga và người dân Ukraine đều theo Chính thống giáo. Thật đáng buồn khi lợi ích của những kẻ cầm quyền, những tên đầu sỏ đã đưa hàng ngàn người vào hoàn cảnh này, đặc biệt là những ánh mắt sợ hãi của các em nhỏ. Và những khu phố mà tôi đã đi bộ, tôi đã gặp, mà tôi yêu thích, và có thể nhiều người trong số họ không còn sống đến bây giờ”

Khi được hỏi về cuộc kháng chiến của người Ukraine, Đức Thượng Phụ Alexandria nói rằng họ là một dân tộc rất dũng cảm. “Lịch sử của người dân Ukraine trong Thế chiến thứ hai thật khủng khiếp. Họ là một dân tộc rất anh hùng, với tình yêu thương rộng lớn không bao giờ làm tổn thương bất cứ ai. Họ đang cố gắng sống sót. Sau đó, tôi đã trải qua sự thay đổi lớn từ Liên Xô sang Nga, sự nghèo đói, đói kém mà chúng tôi đã trải qua trong 2-3 năm. Và họ là những người tự hào, tử tế, họ sẽ không bao giờ cho bạn thấy sự nghèo khó. Họ là những người yêu nước và họ sẽ bảo vệ tổ quốc của mình ngay cả khi người Ukraine cuối cùng phải đổ cả máu của mình”, Đức Thượng phụ nói.

Đức Thượng Phụ cũng nói về “một ngõ cụt cho cả hai bên”, điều này “sẽ thấy rằng Chiến tranh thế giới thứ ba không phải là lợi ích của nhân loại. Chúng ta sẽ có một cuộc Chiến tranh Lạnh tồi tệ mới và nó sẽ rất khó khăn và hàng nghìn người sẽ phải trả giá cho nó”.

Ngài đặc biệt đề cập đến thảm cảnh người tị nạn, nhắc nhớ lại rằng có rất nhiều người tị nạn từ Phi Châu đang cố gắng vượt qua Âu Châu, từ Libya, là những người mà ngài đang cố gắng nhấn mạnh trong các bài giảng của mình, rằng “nơi họ muốn đến khi vượt biển tại Libya, băng qua Địa Trung Hải, họ sẽ không tìm thấy thiên đường”, nhằm thuyết phục họ ở lại vị trí của mình.

Khi được hỏi làm cách nào mà Thượng phụ có thể giúp đỡ người Ukraine, Đức Thượng Phụ Theodore nói rằng ngài giao tiếp với nhiều người và làm những gì có thể. “Tôi sẽ gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo của Phi Châu, lục địa của tương lai mà nhiều người không chú ý đến, nhưng đó là một người khổng lồ đang ngủ yên sẽ thức dậy và một ngày nào đó trung tâm thế giới sẽ là Phi Châu. Chúng tôi đương nhiên là một các quốc gia nghèo, không có nhiều tiềm năng, nhưng chúng tôi đã gửi những khoản viện trợ nhân đạo nho nhỏ cho những người tôi đã từng sống cùng rồi”. Theo ngài, có một nỗ lực để vận chuyển các container thực phẩm, thuốc men đến Ukraine, với nhiều mặt hàng đã được gửi như là viện trợ nhân đạo cho Phi Châu.
Source:Orthodox Times
 
Đức Hồng Y Ngoại trưởng Tòa Thánh Parolin đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Lavrov, kêu gọi hãy chấm dứt chiến tranh
Thanh Quảng sdb
17:48 08/03/2022
Đức Hồng Y Ngoại trưởng Tòa Thánh Parolin đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Lavrov, kêu gọi hãy chấm dứt chiến tranh

Tin Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã điện đàm hôm qua thứ Ba (8/3/2022), Đức Hồng Y Parolin nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về hòa bình và chia sẻ Tòa Thánh sẵn sàng đứng ra hòa giải đôi bên.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, ông Matteo Bruni, xác nhận cuộc điện đàm của Đức Hồng Y Parolin với Sergei Lavrov.

"Đức Hồng Y chuyển tải mối quan tâm sâu sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô trước cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và tái khẳng định những gì Đức Thánh Cha đã nói trong buổi Triều yết trưa Chủ nhật tại buổi đọc kinh “Truyền Tin”. Đặc biệt, ngài nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vũ trang, bảo đảm các hành lang nhân đạo cho thường dân và những người cứu hộ, và ngồi lại đối thoại thay vì bạo lực vũ trang."

Kết thúc cuộc điện đàm, Đức Hồng Y Parolin tái khẳng định sự sẵn sàng của Tòa Thánh "làm mọi thứ có thể để phục vụ cho nền hòa bình này."

Các cuộc đàm phán đang diễn ra

Tin tức về cuộc hội đàm cũng được hãng thông tấn Interfax đưa tin theo như Bộ Ngoại giao Liên bang Nga cho hay. Theo đó thì Nga cho biết: “Các bên bày tỏ hy vọng vòng đàm phán tiếp theo giữa Moscow và Kyiv sẽ sớm diễn ra và thâu đạt được thỏa thuận về các vấn đề quan trọng”.

Đoàn tùy tùng của Bộ trưởng Lavrov giải thích rằng Bộ trưởng đã thông báo cho Đức Hồng Y Parolin "về động cơ của Nga liên quan đến nguyên nhân và mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt đang được tiến hành ở Ukraine."

Trong buổi đọc kinh “Truyền Tin” hôm Chủ nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ rằng cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine không phải là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao kết luận: "Nhấn mạnh các vấn đề nhân đạo liên quan đến xung đột, bao gồm các biện pháp bảo vệ dân thường, các tổ chức và thực hiện các hành lang nhân đạo, nhằm hỗ trợ người tị nạn."
 
Wall Street Journal: Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga tạo ra cuộc chuyển giao vũ khí lớn nhất và nhanh nhất lịch sử
Vũ Văn An
19:26 08/03/2022

Các nước phương Tây huy động máy bay, xe lửa, xe hơi giúp Ukraine có thêm hỏa tiễn, rocket để chống đỡ lực lượng Nga.

Đó là tường trình của Matthew Luxmoore, Drew Hinshaw và Nancy A. Youssef, thuộc Wall Street Journal ngày 8 tháng 3 năm 2022



Ba ký giả trên cho hay: Trong khoảng thời gian hai tuần, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã tạo ra một trong những vụ chuyển giao vũ khí lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử.

Bằng đường bộ và đường sắt, chỉ riêng tuần trước, Cộng hòa Séc đã gửi 10,000 lựu đạn phóng tên lửa cho quân trú phòng Ukraine. Ở Ba Lan, sân bay tỉnh Rzeszow nằm cách biên giới Ukraine khoảng 60 km đã tập trung rất nhiều máy bay vận tải quân sự đến nỗi vào thứ Bảy, một số chuyến bay đã phải chuyển hướng một thời gian ngắn cho đến khi có chỗ đáp tại sân bay.

Trên các xa lộ của đất nước, các xe cảnh sát đang hộ tống các xe tải vận tải quân sự đến biên giới, với các đoàn xe khác tiến vào Ukraine qua những con đường nhỏ ít lưu thông phủ đầy tuyết xuyên qua các dãy núi.

Cuộc chạy đua cung cấp vũ khí cho Ukraine đang diễn ra như một hoạt động cung ứng ít có tương đồng trong lịch sử. Các đồng minh phương Tây, sau khi loại trừ việc bố trí quân đội trên bộ ở Ukraine, đã cố gắng trang bị cho lực lượng quân sự triển khai rất mỏng và bất cân xứng với địch của đất nước, một số binh sĩ của họ chiến đấu mà không có ủng bao chân.

Với việc các tàu chiến của Nga đang trấn giữ bờ Black Sea và không phận của Ukraine đang có tranh chấp, Mỹ đang gấp rút vận chuyển vũ khí vào đất liền trước khi Nga chặn cả đường bộ. Các viên chức Ngũ Giác Đài cho biết hầu hết tổng số 350 triệu USD vũ khí và hỗ trợ mà chính quyền Biden cam kết vào cuối tháng trước đã được chuyển giao. Quốc hội đang xem xét việc cấp thêm hàng tỷ đô la. Bộ Quốc phòng đã mô tả những nỗ lực của họ là chưa từng có.

Các chính phủ từng miễn cưỡng chuyển giao vũ khí và chống lại Nga đang tham gia vào cuộc chiến. Thụy Điển, mặc dù trong lịch sử vốn phi liên kết, đã cam kết cung cấp 5,000 vũ khí chống xe tăng. Berlin - nơi chỉ cách đây 3 tuần đã ngăn chặn Estonia chuyển các bích kích pháo do Đức sản xuất cho Ukraine - hiện đang gửi hơn 2,000 vũ khí chống xe tăng và phòng không. Ý, từ lâu là một thành viên thụ động trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, cũng đã hứa hẹn về vũ khí, và Tây Ban Nha đã cung cấp súng phóng lựu đạn.

Nỗ lực của đồng minh được ủng hộ bởi các công dân bình thường ở châu Âu và Hoa Kỳ, những người nói rằng họ đang mua thiết bị săn bắn trực tuyến — để qua mặt các quy tắc chống lại việc vận chuyển thiết bị quân sự — và chuyển nó cho những người bạn đang tiến vào Ukraine. Ở Warsaw, một phụ nữ 67 tuổi phụ trách buôn lậu kính nhìn đêm cho những người bảo vệ đất nước. Các khách sạn đông người gần biên giới Ba Lan-Ukraine phục vụ cho những người đàn ông hỏi nhau làm thế nào họ có thể vận chuyển áo giáp đến các thành phố lớn, trước khi quân đội Nga chiếm giữ các con đường.

Tuy nhiên, người Ukraine nói rằng như vậy vẫn chưa đủ. Trong các video được đăng tải lên mạng xã hội từ văn phòng của ông ở Kyiv, với thủ đô Ukraine gần như bị bao vây bởi các lực lượng Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thúc giục phương Tây gửi thêm vũ khí và thực thi vùng cấm bay để ngăn Nga tiến hành thêm các cuộc không kích vào thường dân. Cuối tuần trước, ông đã nài nỉ các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp máy bay chiến đấu và hỏa tiễn.

Những lời kêu gọi như vậy không chỉ đến từ phía giới lãnh đạo chóp bu. Các chiến binh tiền tuyến trong các đơn vị Phòng thủ Lãnh thổ của Ukraine đã sử dụng mạng xã hội để đưa ra danh sách các nhu cầu của họ, bao gồm mũ an toàn, ống nhòm, máy dò tầm bắn cùng với các nhu cầu cơ bản hơn như mì gói hoặc Q-Tips.

Andriy Malets, một doanh nhân 53 tuổi, người đã đăng ký để giúp bảo vệ thị trấn Kryvyi Rih, nói: “Chúng tôi cần nhiều hơn nữa”, nhưng anh buộc phải đợi vì đơn vị địa phương của anh có 5 tình nguyện viên cho mỗi khẩu súng hiện có. Thay vào đó, anh nói, người dân ở Kryvyi Rih giờ đây dành thời gian để chế bom Molotov.



Filip Bryjka, một nhà phân tích an ninh tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, cho biết việc chuyển hàng trăm triệu đô la vũ khí ít có tiền lệ trong thời hiện đại. Ông Bryjka, người đã viết một bài phân tích gần đây về vai trò của Ba Lan trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cho biết: Chưa có một cuộc chuyển giao vũ khí nào của phương Tây với tốc độ và quy mô như vậy ở châu Âu kể từ khi Tổng thống Harry S. Truman yêu cầu Quốc hội gửi 400 triệu đô la hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng đầu tiên của Chiến tranh Lạnh”.

Các viên chức Mỹ và đồng minh nói rằng giá trị bằng đồng đô la gần như chắc chắn sẽ tăng nếu chiến tranh tiếp tục. Trên Đồi Capitol, các nhà lập pháp đang xem xét một dự luật khi 350 triệu đô la dành cho Ukraine đã được chi tiêu hết. Đạo luật lần này cung cấp 12 tỷ USD cho Ukraine và các đồng minh Đông Âu, gần một nửa trong số đó sẽ được dành để hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự.

Các viên chức Ukraine, trong các cuộc đàm phán với Ba Lan và Mỹ, đã thúc đẩy các đồng minh NATO cung cấp máy bay chiến đấu phản lực thời Liên Xô mà các phi công Ukraine có thể bay, cùng với nhiều hỏa tiễn chống xe tăng, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và tên lửa tầm nhiệt có khả năng bắn hạ trực thăng hoặc máy bay chiến đấu.

Một viên chức cao cấp của Ukraine cho biết: “Chúng tôi rất vui nhưng chúng tôi không hài lòng. Những gì chúng tôi có không phải là đủ vì quân đội Nga vẫn ở Ukraine ”.

Các viên chức Mỹ cảnh báo rằng tốc độ tiếp tế có thể sẽ chậm lại nếu các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát các xa lộ và thành phố ở miền tây Ukraine, nơi vũ khí được nhận từ các đoàn xe đổ bộ từ Ba Lan, Slovakia và Romania. Tuy nhiên, khó có thể đánh giá được tốc độ tiến bộ của Nga và thời điểm các đường cung cấp có thể bị cắt giảm, các viên chức quốc phòng cho biết như thế.

Một lượng lớn thiết bị được chuyển tới Ukraine đến từ các thành viên NATO ở Trung Âu từng là một phần của Liên Xô cũ hoặc đồng minh với nó. Mỹ nói rằng Washington và các đồng minh NATO của họ đã gửi 17,000 vũ khí chống xe tăng vào Ukraine, phần lớn do quân đội Séc cung cấp.

Một số nỗ lực đã được tài trợ bởi một chiến dịch gây quỹ cộng đồng, quyên góp được 20 triệu đô la từ các nhà tài trợ cá nhân ở Cộng hòa Séc. Chính phủ nước này chi thêm 30 triệu đô la để mua vũ khí hầu như đã được gửi đi.

“Mọi thứ mà các đồng minh của Ukraine yêu cầu chúng tôi làm, chúng tôi sẽ làm càng sớm càng tốt,” Thứ trưởng Quốc phòng Séc Tomas Kopecny cho biết. “Khi nó được sử dụng ở Ukraine, điều đó có nghĩa là nó không được sử dụng ở quốc gia của chúng tôi.”

Mặc dù máy bay vận tải và xe tải rất dễ nhìn thấy, hoạt động cung cấp cho Ukraine ở nhiều quốc gia vẫn được tiến hành trong bí mật. Một số quốc gia Trung và Đông Âu lo ngại các chuyến hàng lộ liễu có thể chọc tức Nga. Ông Bryjka nói: “Hầu hết các nước không muốn chia sẻ chi tiết vì họ sợ cách Nga có thể phản ứng. Và họ không muốn làm cho công việc tình báo của Nga dễ dàng hơn".

Các chuyến hàng cũng đang hoạt động thông qua một khu vực mà Washington không mong đợi sẽ mở cửa lâu hơn nữa. Kyiv, mà các viên chức Mỹ cho rằng sẽ sụp đổ sớm trong cuộc chiến, đã cản được bước tiến của Nga, cho phép quân đội phương Tây vận chuyển thiết bị dễ dàng hơn họ mong đợi.

Những người Ukraine sống bên ngoài đất nước đang sử dụng cùng một con đường tương tự để đưa vào các thiết bị quân sự được mua bằng tiền riêng của họ cho những người lính chiến đấu. Trong khi Tổng thống Biden đang đọc Bài Diễn văn Tình trạng Liên Bang của ông vào tuần trước, hứa hẹn viện trợ cho Ukraine, Oksana Prysyazhnyuk, một tổng giám đốc năng lượng của Ukraine ở tiểu bang New York, vừa theo dõi, vừa nhắn tin cho bạn bè. “Có lẽ bạn có thể tìm được ai đó có thể cung cấp mũ an toàn và áo chống đạn vì nhu cầu về chúng hết sức lớn,” một người Ukraine đóng quân gần chiến tuyến nhắn tin cho cô như vậy.

Cô Prysyazhnyuk nói: “Họ tham chiến bằng tay không. Thậm chí không có cả ủng mùa đông".

Một viên chức quân sự cao cấp của Ukraine, người đã phát biểu hôm thứ Ba từ căn cứ của mình bên ngoài Kyiv, không đồng ý với quan điểm này. Ông cho biết hiện tại không có sự thiếu hụt thiết bị nghiêm trọng nào trong đội quân của ông. Khi được hỏi ông muốn được loại hỗ trợ nào từ phương Tây, ông cho hay: ông ủng hộ lời kêu gọi của ông Zelensky về một vùng cấm bay trên Ukraine và nói thêm: “Tôi muốn thấy nhiều người Nga hơn trong những ngôi mộ”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tiêm Chủng Vaccine Ngừa Covid 19 Cho Tu Sĩ Và Giáo Dân Tại Giáo Phận Quy Nhơn
Trương Trí
10:12 08/03/2022
Đại dịch Covid 19 lan tràn khốc liệt trên khắp toàn thế giới. Tại Việt Nam cũng đã và đang gánh chịu nặng nề trên các tỉnh thành trong cả nước. Mọi sinh hoạt trong xã hội và cả trong các sinh hoạt tôn giáo đều phải ngưng trệ, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến đời sống Đức Tin của người tín hữu. Cho đến nay, người dân hầu như đã được tiêm chủng vaccine ngừa Covid để tiến đến việc trở lại sinh hoạt bình thường.

Xem Hình

Tuy nhiên, nhận thấy một số linh mục và tu sĩ nam nữ, nhất là những người già yếu khó có điều kiện để đi tiêm chủng, Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh đã đề nghị Chính phủ cấp một số lượng vaccine PFIZER của Mỹ để tiêm chủng cho các linh mục và tu sĩ nam nữ già yếu cũng như một số nhà sư tại các chùa.

Trong chuỗi hoạt động tiêm chủng, nhất là trong thời gian dịch bệnh nguy hiểm nhất, Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh đã phối hợp với Bệnh viện Quốc tế Đa khoa Nam Sài Gòn do ông Đặng Văn Thanh làm Tổng Giám đốc điều hành, để đến tận nơi tổ chức tiêm chủng cho các linh mục và tu sĩ thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột, Dòng Nữ vương Hòa Bình, Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, Hội Dòng Mến Thánh giá Khiết Tâm, Tịnh xá Ngọc Thạnh v.v…

Ngày 7 tháng 3 vừa qua, Đoàn lại tiếp tục đến Thành phố Quy Nhơn và huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định để tiếp tục tiêm 700 liều vaccine PFIZER cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân mũi thứ 3.

Tại Nhà thờ Chính tòa Quy Nhơn, ngay từ sáng sớm, các linh mục, các nữ tu Dòng Mến Thánh giá Quy Nhơn, Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu và bà con gióa dân đã đến làm thủ tục khai báo để tiêm chủng mũi thứ 2 và thứ 3. Được sự hướng dẫn tận tình của các y bác sĩ của Bệnh viện Quốc tế Đa khoa Nam Sài Gòn và các y bác sĩ thuộc giáo xứ Chính tòa, nhưng do các y bác sĩ đã phải hết sức cẩn thận trong việc khám sàng lọc để tránh một số người mắc các bệnh nền nguy hiểm sẽ dẫn đến sự cố phản ứng thuốc, do đó việc tiêm chủng phải trải qua suốt một ngày ròng. Ông Nguyễn Cho, Chủ tịch HĐGX Chính tòa thay mặt cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân cảm ơn Hiệp sĩ và Đoàn Y Bác sĩ thiện nguyện thuộc Bệnh viện Quốc tế Đa khoa Nam Sài Gòn đã quan tâm đến việc tiêm chủng cho Giáo phận Quy Nhơn, để mọi người được yên tâm tham dự Thánh lễ và các sinh hoạt của Giáo hội.

Bà Nguyễn thị Phong Vũ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Định và đại diện Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng đã đến thăm và chia sẻ với Đoàn. Cảm ơn Hiệp sĩ Đại Thánh giá và Ban Giám đốc cũng như các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đã không quản ngại xa xôi để đến tiêm chủng cho các chức sắc và bà con giáo dân.

Hiệp sĩ cũng đã đến thăm Đức Cha Mattheu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn, Ngài đã nói lời cảm ơn Hiệp sĩ và Đoàn y bác sĩ thiện nguyện thuộc Bệnh viện Nam Sài Gòn.

Trương Trí
 
VietCatholic TV
Không tin cũng xảy ra: Tướng tá tham ô xài đồ Tầu, tử sĩ Nga thác oan vì lốp xe TQ.
VietCatholic Media
05:07 08/03/2022


1. Ngũ Giác Đài cho rằng các lực lượng Nga đang dậm chân tại chỗ ở phía bắc

Trong cuộc họp báo vào chiều thứ Hai theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ, tức là sáng thứ Ba theo giờ Việt Nam, Ngũ Giác Đài cho biết họ tin rằng các lực lượng Nga đang trong tình trạng dậm chân tại chỗ ở phía bắc và đông bắc của Ukraine trong vài ngày qua,

Người phát ngôn Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết quân đội Nga đã chiếm thành phố Kherson và đang cố gắng bao vây Mariupol, ở phía nam, nhưng không kiểm soát được. Kherson là thành phố duy nhất quân Nga chiếm được của Ukraine cho đến nay, nhưng có các bằng chứng cho thấy họ vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine nên không thực sự kiểm soát được thành phố này.

Theo đánh giá của Ngũ Giác Đài, chênh lệch về sức mạnh quân sự của Ukraine và Nga là rất lớn nhưng người Ukraine có tinh thần chiến đấu cao hơn người Nga.

Trong 140 quốc gia, Nga xếp thứ hai về sức mạnh quân sự. Trong khi Ukraine xếp thứ 22.

Tổng dân số Nga là 142,320,000 trong khi Ukraine chỉ coó 43,750,000 dân.

Nga có 850,000 quân hiện dịch và 250,000 quân trừ bị. Ukraine có 200,000 quân hiện dịch và 250,000 quân trừ bị.

Ngân sách quốc phòng của Nga là 154 tỷ Mỹ Kim. Ukraine chỉ có 11.8 tỷ Mỹ Kim.

Trong khi Nga có 4,173 máy bay; Ukraine chỉ có 318 chiếc. Nhiều chiếc quá cũ, cho nên hôm 24 tháng Hai khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, những chiếc này được lệnh di tản sang Rumani để bảo toàn lực lượng.

Trong tổng số 4,173 máy bay của Nga, 772 chiếc là máy bay chiến đấu. Số còn lại là máy bay vận tải chuyên chở lính tráng, và khí tài chiến tranh. Ukraine chỉ có 69 máy bay chiến đấu.

Trong khi Nga có 544 trực thăng tấn công, Ukraine chỉ có 34 chiếc.

Nga có 12,420 xe tăng. Ukraine chỉ có 2,596 chiếc.

Nga có 30,122 xe bọc thép, Ukraine chỉ có 12,303 chiếc.

Nga có 6,574 khẩu pháo trên xe di động, và 7,571 khẩu pháo dùng xe kéo; các con số này của Ukraine là 1,067 và 2,040.

Nga có tới 3,391 dàn hỏa tiễn di động; Ukraine chỉ có 490.

Quan chức này cho biết Nga đã bắn hơn 625 hỏa tiễn vào các mục tiêu của Ukraine.

Theo Reuters, Nga đã tung vào Ukraine ít nhất 150,000 quân. Tuy nhiên, đoàn xe dài tới 64km của Nga đang có những dấu hiệu xa lầy.

Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine các Stingers, tức là các hệ thống phòng không di động hoạt động như một hỏa tiễn đất đối không phóng tia hồng ngoại. Nó có thể được điều chỉnh để bắn từ nhiều loại phương tiện mặt đất và trực thăng. Máy bay chiến đấu của Nga thường bay rất cao, các Stingers do Mỹ cung cấp bắn không đến. Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã có thể dùng để bắn vào các trực thăng bảo vệ đoàn xe này. Họ cũng bắn vào cả đoàn xe, chia cắt ra thành từng đoạn. Tình trạng hiện nay của đoàn xe này hiện nay là dậm chân tại chỗ.

Theo tờ Forbes, người dùng Twitter @TrentTelenko, tự xưng là một sĩ quan Nga hồi hưu giải thích sự dậm chân tại chỗ của quân Nga là do hai yếu tố. Thứ nhất, là tình trạng tham nhũng trong quân đội Nga khi sử dụng các lốp xe làm từ Trung Quốc kém phẩm chất. Hàng loạt xe bị xẹp lốp. Từ chỗ đoàn xe này đến căn cứ tiếp liệu gần nhất của Nga ở Kursk là 263 dặm, hay 423km. Yếu tố thứ hai, mùa này người Nga gọi là Rasputitsa, nghĩa là “mùa đường xá tồi tệ”, nhiều chiếc trong đoàn xe sa lầy trong các con đường sình lầy ở Ukraine.

Hôm thứ Sáu, tờ Bloomberg cho rằng quân đội Nga có khả năng đang tìm cách chiếm giữ các tuyến đường sắt của Ukraine để cải thiện hỗ trợ hậu cần của họ. Không giống như phần còn lại của Âu Châu, Ukraine sử dụng cùng một đường ray khổ lớn hơn về chiều rộng như Nga làm.

2. Các quan chức Ukraine cho biết Nga đã tăng cường pháo kích vào một số thành phố lớn

Tại Kiev, binh lính và tình nguyện viên đã xây dựng hàng trăm trạm kiểm soát để bảo vệ thành phố gần 4 triệu dân, thường sử dụng bao cát, lốp xe xếp chồng lên nhau và dây cáp có gai.

Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết: “Mỗi ngôi nhà, mỗi con phố, mỗi trạm kiểm soát, chúng tôi sẽ chiến đấu đến chết nếu cần thiết.”

Ông nói thêm rằng các trận chiến ác liệt tiếp tục diễn ra ở vùng Kiev, đặc biệt là xung quanh Bucha, Hostomel, Vorzel và Irpin.

Các quan chức Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đã tiến hành hàng trăm cuộc tấn công hỏa tiễn và pháo binh, thả những quả bom cực mạnh vào các khu dân cư ở Chernihiv, một thành phố phía bắc Kiev.

Mykolaiv ở phía nam và Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của đất nước, cũng bị pháo kích. Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich cho biết: Các lực lượng Ukraine cũng đang bảo vệ Odesa, thành phố cảng lớn nhất của Ukraine, trước sức tấn công của các tàu chiến Nga.

3. Thiệt hại đối với thành phố phía đông Kharkiv

Các vùng đất ở thành phố Kharkiv, miền đông Ukraine của Ukraine đã bị biến thành đống đổ nát vào hôm thứ Hai sau các cuộc không kích dữ dội vào thành phố này. Nga đã thay đổi chiến thuật, họ không dám cận chiến với quân đội Ukraine nhưng đứng từ xa pháo kích bừa bãi vào các khu vực đông dân cư.

Tại Kharkiv, cảnh sát cho biết thêm 10 người đã thiệt mạng trong ngày qua, nâng tổng số người chết ở đó do bị Nga bắn phá lên 143 người kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Người đứng đầu UNICEF nhận xét rằng 'Những gì đang xảy ra với trẻ em ở Ukraine là một sự chà đạp đạo đức một cách trắng trợn'.

UNICEF vừa đưa ra tuyên bố kêu gọi tạo không gian an toàn cho trẻ em và gia đình đang chạy trốn khỏi Ukraine, và những người có liên quan đến hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia.

Tuyên bố cho biết hàng trăm nghìn trẻ em nằm trong số hơn 1 triệu người tị nạn - và nhiều trẻ em không có người đi kèm hoặc bị tách khỏi gia đình.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết bà “phẫn nộ” trước việc gia tăng các báo cáo về các cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa gây hại cho dân thường Ukraine, và đã kêu gọi tạm dừng các hành động thù địch để cho phép những người dân muốn rời khỏi khu vực xung đột có thể ra đi an toàn.

Linda Thomas-Greenfield, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, kêu gọi “cam kết chắc chắn, rõ ràng, công khai và dứt khoát” của Nga để cho phép và tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo ngay lập tức, không bị cản trở cho các đối tác nhân đạo ở Ukraine.

4. Những người bảo vệ văn hóa của Ukraine di chuyển kho báu đến các địa điểm bí mật

Những người quản lý ở thành phố Lviv tin rằng những bộ sưu tập mà họ bảo vệ trong Bảo tàng Quốc gia Ukraine sẽ trở thành mục tiêu trong cuộc chiến của Vladimir Putin và vì vậy họ đã tìm mọi cách bảo vệ chúng.

Tòa nhà bảo tàng có từ thời Đế chế Áo-Hung và từng chứng kiến người Liên Xô đến và đi. Trong những năm 1950, người Liên Xô đã phá hủy hơn 1,700 tác phẩm có ý nghĩa văn hóa và các nhân viên ở đây đang phải tận dụng các cơ hội ngày nay.

Angelina Zabytivska, 50 tuổi, là thư ký văn hóa tại bảo tàng nói:

“Chúng tôi phải bảo tồn văn hóa của mình, phải bảo tồn những tác phẩm mà đời cha, đời ông chúng tôi, và các thế hệ trước nữa để lại cho chúng tôi vì chúng phải tồn tại. Trong bộ sưu tập này, chúng tôi giới thiệu ký ức dân tộc của chúng tôi - đó là hồn dân tộc của chúng tôi được ký thác trong từng món đồ,”cô nói.

“Chúng tôi phải bảo tồn nó. Ukraine phải tồn tại và văn hóa là cơ sở hoặc nền tảng chính mà bất kỳ quốc gia nào tồn tại.”

Các bộ sưu tập sẽ được phân chia và cất giữ ở những địa điểm bí mật và có kế hoạch dự phòng để di chuyển chúng ra xa hơn nếu viện bảo tàng cảm thấy các tác phẩm này có thể bị tổn thương.

Trong video này quý vị và anh chị em có thể xem thấy bức tranh Bohorodchany Iconostasis - có từ thế kỷ 16 và các tác phẩm khác đang dựa vào tường trong hành lang, chờ được đóng gói và cất giữ.

Các nhân viên ở đây đã không ngủ kể từ khi chiến tranh nổ ra, lên kế hoạch một cách có phương pháp để di chuyển và cất giữ những món đồ quan trọng như vậy, và trong vài ngày qua, dọn sạch các phòng trưng bày của bảo tàng.

Angelina tin rằng bảo tàng và thành phố Lviv đại diện cho mọi thứ mà Putin muốn phá hủy.

“Lviv luôn là thủ đô văn hóa của Ukraine, cũng như Kiev. Và điều rất quan trọng là yếu tố dân tộc và yếu tố yêu nước rất mạnh mẽ ở Lviv,” cô nói.

“Những bức tranh này sẽ là một mục tiêu. Cuộc chiến này man rợ, quá sức man rợ.”

5. Tình hình tại Lviv

Những người chạy loạn từ khắp Ukraine đến Lviv đang đổ dồn đến thành phố này nhanh hơn nhiều so với khả năng chuyên chở của các chuyến tàu và xe buýt, đang hối hả đưa những người tị nạn sang Ba Lan.

Dòng người chờ đợi ngày càng đông hơn và dài hơn trong ngày, và khi giờ giới nghiêm kéo đến và nhiệt độ giảm xuống dưới 0, hàng nghìn người vẫn không có chỗ để đi.

Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi.

Những người đến Lviv thường đã phải du hành nhiều ngày để đến đây vì vậy họ kiệt sức và khi các tình nguyện viên phục vụ mang đồ ăn đến, họ rất mừng, sau nhiều ngày đói lả.

Hôm thứ Hai, thị trưởng của Lviv cho biết thành phố của ông đã đạt đến mức giới hạn của nó.

Thực tế khó khăn của tuyên bố đó là hàng ngàn người đổ xô đến đây đang không có lựa chọn nào khác hơn là chờ đợi. Các cửa nhà thờ và các trung tâm sinh hoạt mở tung cửa cho họ trong khi chờ đợi các chuyến xe lửa và các xe buýt đưa họ sang Ba Lan lánh nạn.

Thành phố vẫn còn là một thành phố an ninh và là cửa ngõ dẫn đến an toàn, người Ukraine cần Lviv khi họ cố gắng giữ lấy mạng sống của mình.

Thị trưởng Lviv cho biết thành phố phía tây Ukraine đã đạt đến giới hạn khả năng của mình trong việc giúp đỡ những người phải di dời do Nga tấn công Ukraine và kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp đỡ.

Thị trưởng Andriy Sadoviy cho biết hàng trăm nghìn người đã đi qua Lviv khi họ đi về phía tây để tìm kiếm sự an toàn. Khoảng 200.000 người di dời trong nước hiện đang ở lại Lviv và 50.000 người đi qua ga đường sắt Lviv hàng ngày.

“Chúng tôi hiểu rằng sẽ có một làn sóng khác những người tị nạn và kêu gọi các tổ chức nhân đạo quốc tế đến đây và giúp đỡ,” ông nói.

6. 'Tôi rất vui khi được chiến đấu bên cạnh họ': Các chiến binh nước ngoài ở Lviv

Ukraine đã thành lập một quân đoàn “quốc tế” cho những người từ nước ngoài và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã công khai kêu gọi người nước ngoài “sát cánh chiến đấu với người Ukraine chống lại bọn tội phạm chiến tranh Nga” để thể hiện sự ủng hộ đối với đất nước của ông.

Đứng bên ngoài phòng soát vé của ga Lviv ngày hôm qua là một nhóm người Anh mặc quân phục, đang chờ một chuyến tàu đến Kiev. Họ có tinh thần cao, thường trao nhau những cái nắm tay và bắt tay với những người tị nạn Ukraine, những người cảm ơn họ đã chiến đấu vì đất nước Ukraine.

Nhóm các chiến binh Anh được dẫn đầu bởi Ben Grant đến từ Essex ở Anh, người cho biết anh từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh và vừa hoàn thành nhiệm vụ cố vấn an ninh ở Iraq.

Ông không rõ liệu nhóm người Anh của mình sẽ được triển khai độc lập hay là một phần của đơn vị Ukraine.

Về những người lính Ukraine, ông nói thêm: “Họ có vẻ mạnh mẽ - thực sự mạnh mẽ. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi chiến đấu bên cạnh họ “.

https://www.abc.net.au/news/2022-03-08/russia-ukraine-war-invasion-updates-march-8/100890252
 
Putin tỉnh táo hay tâm thần? ĐHY Bo lo ngại thảm họa hạt nhân toàn cầu do bất cẩn hay điên loạn
VietCatholic Media
05:10 08/03/2022


1. Đức Thánh Cha giúp người tị nạn Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi các vật dụng y tế và thực phẩm, cũng như các phẩm vật cứu trợ khác, giúp người tị nạn Ukraine, qua trung gian Sở từ thiện của ngài.

Các đồ cứu trợ trên đây được chuyển tới Vương cung thánh đường Santa Sofia của cộng đoàn Công Giáo Ukraine ở Roma. Các thùng đồ cứu trợ gồm đồ hộp, quần áo, đồ chơi cho trẻ em, và các phẩm vật khác, biểu lộ sự gần gũi bộc phát, sau khi chiến tranh bùng nổ giữa Nga và Ukraine.

Vương cung thánh đường thánh Sofia ở đường Boccea được coi là điểm hội tụ của cộng đoàn người Ukraine, nơi mà nhiều người dân nước này đến gặp gỡ nhau và tham gia các việc phụng tự.

Sáng ngày 02 tháng Ba vừa qua, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, người Ba Lan, quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, đã đích thân thu xếp để chở các đồ cứu trợ đến khuôn viên thánh đường nói trên. Trong các thùng đồ, cũng có các dụng cụ y tế. Kế tiếp đây, các thuốc men cũng sẽ được gửi đến rồi sẽ được chuyển sang thành phố Lvov, là nơi rất gần biên giới Ba Lan.

Trong khi đó, nhiều người Ukraine lái xe tải đã sẵn sàng dùng các xe này để chuyên chở các phẩm vật cứu trợ người đồng hương đang đau khổ. Tòa Thánh cũng gửi các ngân khoản đến các vị Sứ thần Tòa Thánh ở những vùng khó khăn để giúp đỡ dân chúng. Ví dụ, một ngân khoản được chuyển tới Đức Sứ thần Tòa Thánh ở Rumani, để hỗ trợ những người tị nạn Ukraine chạy tới nước này và đang tá túc trong nhiều cơ sở của Giáo Hội Công Giáo địa phương.

2. Đức Tổng Giám Mục Gądecki yêu cầu Thượng phụ Kirill kêu gọi Putin dừng ngay lại

Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gądecki đã yêu cầu Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngừng chiến tranh ở Ukraine.

“Chiến tranh luôn là một thất bại đối với nhân loại,” Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan viết trong bức thư ngày 2 tháng 3 năm 2022. “Tôi yêu cầu ngài, Đức Thượng Phụ, hãy kêu gọi Vladimir Putin dừng ngay cuộc chiến vô nghĩa chống lại người dân Ukraine, trong đó những người vô tội đang bị giết; và đau khổ đang ảnh hưởng không chỉ đến binh lính mà còn cả dân thường - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.”

“Tôi yêu cầu ngài một cách khiêm tốn nhất hãy kêu gọi rút quân Nga khỏi quốc gia có chủ quyền là Ukraine,” Đức Tổng Giám Mục viết. Ngài nói thêm rằng “không có lý do, chẳng có lý do nào có thể biện minh cho quyết định tiến hành một cuộc xâm lược quân sự vào một quốc gia độc lập, ném bom các khu dân cư, trường học hoặc nhà trẻ.”

Đức Tổng Giám Mục, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, nhấn mạnh rằng chiến tranh luôn là sự thất bại đối với nhân loại. “Cuộc chiến này - như tôi đã viết trong bức thư trước - thậm chí còn vô nghĩa hơn vì sự gần gũi của hai quốc gia và nguồn gốc Kitô của họ. Có được phép phá hủy cái nôi của Kitô Giáo trên đất Slav, nơi mà người Nga đã được rửa tội không?”

Đức Tổng Giám Mục Gądecki cũng yêu cầu Thượng Phụ Kirill kêu gọi những người lính Nga “đừng tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa này, từ chối thực hiện những mệnh lệnh mà như chúng ta đã thấy, dẫn đến nhiều tội ác chiến tranh”. Ngài lưu ý trong lá thư “Từ chối tuân theo mệnh lệnh trong tình huống như vậy là một nghĩa vụ đạo đức”. Đồng thời, ngài cũng viết thư yêu cầu Thượng Phụ Kirill kêu gọi tất cả các anh em Chính thống giáo ở Nga ăn chay và cầu nguyện cho “việc thiết lập một nền hòa bình công chính ở Ukraine.”

Đây là lần thứ hai Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nói chuyện với Thượng Phụ Kirill. Bức thư trước đó, được gửi vào ngày 14 tháng 2, được gửi tới các giám mục Chính thống giáo và Công Giáo của Nga và Ukraine. Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Gądecki đã kêu gọi tham gia “những nỗ lực tinh thần của những người theo Chúa Kitô thuộc nhiều giáo phái khác nhau ở Nga, Ukraine và Ba Lan để ngăn chặn bóng ma của một cuộc chiến khác trong khu vực của chúng ta.”

Sau đây là toàn bộ bức thư do Văn phòng Báo chí của Hội đồng Giám mục Ba Lan công bố:

Warsaw, ngày 2 tháng 3 năm 2022

Thưa Đức Thượng Phụ,

Tôi chân thành cảm ơn ngài vì những lời được truyền đạt trong lá thư của Đức Tổng Giám Mục Hilarion ngày hôm qua. Tôi chia sẻ quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng sự thù địch đối với bất kỳ quốc gia nào không bao giờ có thể chấp nhận được. Tất cả chúng ta đều là anh em, đó là lý do tại sao chúng tôi coi mọi bất hạnh của người dân Ukraine hoặc người Nga như của chính chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi hết lòng cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine.

Tuy nhiên, để lời cầu nguyện của chúng ta có thể không bị coi là biểu hiện của thói đạo đức giả, nó phải đi kèm với hành động. Tôi tin rằng, thưa Đức Thượng Phụ, ngài là một con người của hòa bình. Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô đã dạy: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5: 9). Vì vậy, tôi yêu cầu ngài, thưa Đức Thượng Phụ, xin hãy kêu gọi Vladimir Putin dừng ngay cuộc chiến vô nghĩa chống lại người dân Ukraine, trong đó những người vô tội đang bị giết; và đau khổ đang ảnh hưởng không chỉ đến binh lính mà còn cả dân thường - đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Một người có thể ngăn chặn sự đau khổ của hàng ngàn người bằng một từ - người đó là Tổng thống Liên bang Nga. Tôi yêu cầu ngài một cách khiêm tốn nhất hãy kêu gọi rút quân Nga khỏi quốc gia có chủ quyền là Ukraine.

Không có lý do, chẳng có lý do nào có thể biện minh cho quyết định tiến hành một cuộc xâm lược quân sự vào một quốc gia độc lập, ném bom các khu dân cư, trường học hoặc nhà trẻ. Chiến tranh luôn là thất bại của nhân loại. Cuộc chiến này - như tôi đã viết trong bức thư trước - thậm chí còn vô nghĩa hơn vì sự gần gũi của hai quốc gia và nguồn gốc Kitô của họ. Có được phép phá hủy cái nôi của Kitô giáo trên đất Slavic, nơi mà người Nga đã được rửa tội không?

Tôi cũng yêu cầu ngài kêu gọi những người lính Nga không tham gia vào cuộc chiến phi nghĩa này, từ chối thực hiện các mệnh lệnh mà như chúng ta đã thấy, dẫn đến nhiều tội ác chiến tranh. Từ chối làm theo mệnh lệnh trong tình huống như vậy là một nghĩa vụ đạo đức. Sẽ đến lúc phải giải quyết những tội ác này, kể cả trước tòa án quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả khi ai đó cố gắng tránh được công lý loài người này, thì vẫn có một đại án không thể tránh khỏi. “Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:10).

Tôi tin rằng nhiều người Nga bị đẩy vào chiến tranh là những người đàn ông cao quý. “Chúng tôi không biết phải bắn vào ai; Tất cả họ đều giống chúng tôi… một trong những người lính của ngài nói. Vì vậy, tôi yêu cầu ngài kêu gọi họ hãy về nhà càng sớm càng tốt, đừng làm vấy máu bàn tay vô tội của họ”.

Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta biết rằng vũ khí tinh thần là công cụ chiến tranh chính của Hội Thánh. Chúng ta đọc được trong Thánh Matthêô (Mt 17:21; Mc 9:29): “Loại ác thần này chỉ được diệt trừ bằng cầu nguyện và kiêng ăn”. Tại Ba Lan, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, hôm nay chúng tôi đã tuyên bố một ngày cầu nguyện và ăn chay để thiết lập một nền hòa bình công chính ở Ukraine. Tôi yêu cầu ngài, thưa Đức Thượng Phụ, xin hãy kêu gọi tất cả anh chị em Chính thống giáo ở Nga tham gia vào công việc tâm linh tương tự. Tôi tin rằng Chúa là Thiên Chúa sẽ không thờ ơ với những lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta. Tôi tin rằng chay tịnh và cầu nguyện sẽ thay đổi trái tim của con người.

Trong Chúa Cứu Thế,

+ Stanisław Gądecki

Tổng Giám Mục Poznan



Source:exaudi

3. Xung đột Ukraine: Đức Hồng Y Bo lo ngại 'kịch bản ác mộng' về 'thảm họa hạt nhân toàn cầu'

Hôm thứ Sáu Đức Hồng Y Charles Maung Bo cho biết “kịch bản ác mộng” về một vụ thảm sát hạt nhân toàn cầu đang “trở thành một khả năng có thể xảy ra” sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo ở Miến Điện, nơi cũng đang xảy ra xung đột, cho biết trong một thông điệp ngày 4 tháng 3 rằng thế giới đang trên bờ vực của “sự tự hủy diệt”.

“Thế giới đứng ở ngã tư hiện sinh. Kịch bản ác mộng về một vụ thảm sát hạt nhân toàn cầu đang trở thành một khả năng có thể xảy ra một cách đáng sợ”, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, gọi tắt là FABC, đã đưa ra lập trường trên.

“Các cuộc tấn công lớn vào Ukraine và mối đe dọa sắp xảy ra về việc sử dụng Vũ khí hủy diệt hàng loạt đã đưa thế giới đến ngưỡng cửa tự hủy diệt.”

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc ngày 3 tháng 3 báo cáo rằng hơn 1,164,000 người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công toàn diện vào ngày 24 tháng 2. Hơn 55% trong số họ đã tìm thấy nơi ẩn náu ở Ba Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 332 dặm với Ukraine.

Giám đốc nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet hôm 3 tháng 3 cho biết văn phòng của bà đã “ghi nhận và xác nhận 752 thương vong dân sự, trong đó có 227 người thiệt mạng – gồm cả 15 trẻ em”.

Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay, Hà Lan, ngày 2 tháng 3 thông báo đang mở cuộc điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga.

Trước những thất bại của quân đội, sự lên án của quốc tế và các lệnh trừng phạt, ông Putin đã nói với các quan chức quốc phòng vào ngày 27 tháng 2 rằng hãy đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng “báo động đặc biệt”.

Đức Hồng Y Bo, tổng giám mục Yangon, thủ đô cũ của Miến Điện, nói rằng cuộc xung đột Ukraine phải kết thúc.

Ngài viết: “Chúng tôi tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc kêu gọi các nhà cầm quyền của Nga - và tất cả những người khác tin vào sức mạnh của bạo lực – hãy giải quyết các vấn đề thế giới thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại tại Liên Hiệp Quốc.

“Chúng tôi rất vui mừng trước phản ứng thống nhất của cộng đồng thế giới tại Liên Hiệp Quốc, nơi hơn 140 quốc gia đã bỏ phiếu chống lại cuộc chiến tranh tiêu hao có nguy cơ hủy hoại an ninh con người, sự tôn trọng đối với các thể chế toàn cầu”.

Quốc gia của vị Hồng Y 73 tuổi, có tên chính thức là Myanmar, rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quân đội tổ chức một cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2 năm 2021.

Theo nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tính đến ngày 3 tháng 3, gần 1,600 người đã thiệt mạng và hơn 12,000 người bị bắt trong chiến dịch trấn áp người biểu tình ở quốc gia Đông Nam Á này.

Đức Hồng Y Bo nói: “Đừng để lịch sử lặp lại trong thế kỷ 21. Thế giới đã phải chịu đựng rất nhiều, phải đối mặt với khủng hoảng đa chiều của một đại dịch giết chết hàng triệu người, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế, khiến hàng triệu người nghèo khổ. Đây là thời gian để hàn gắn toàn cầu, không phải để gây tổn thương”.

Khi trực tiếp kêu gọi Putin, Đức Hồng Y Bo lưu ý rằng Nga là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có nhiệm vụ “thúc đẩy hòa bình thế giới và bảo đảm quyền của mọi quốc gia”.

Ngài viết: “Chúng tôi kêu gọi Nga ngừng các cuộc tấn công vào Ukraine và quay trở lại Liên Hiệp Quốc để giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình”. “Hòa bình luôn luôn có thể, hòa bình là con đường duy nhất cho tương lai của nhân loại.”
Source:Catholic News Agency
 
Nghẹn ngào, và cảm động: Tổng thống Ukraine nói quá hay, thuyết phục hoàn toàn Quốc Hội Anh.
VietCatholic Media
15:46 08/03/2022



1. Tổng thống Ukraine đọc 'bài diễn văn lịch sử' trước Quốc hội Anh

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy đã phát biểu trước các nhà lập pháp Anh thông qua liên kết video tại Hạ viện, đây là lần đầu tiên một tổng thống của một quốc gia khác phát biểu tại phòng họp chính của điện Westminster.

Tổng thống Zelenskyy đã nói chuyện với Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiều lần kể từ khi Nga xâm lược đất nước của ông, đã có một số bài phát biểu đầy xúc động với các nhà lãnh đạo phương Tây trong tuần trước, để yêu cầu tiếp tế và hỗ trợ quân sự.

Ông Zelenskyy đã phát biểu trước phòng họp lúc 5:00 chiều GMT, tức là 0 giờ theo giờ Việt Nam khuya thứ Ba mùng 8, rạng sáng thứ Tư mùng 9, khi hoạt động chính thức của quốc hội bị đình chỉ cho biến cố này.

“Mọi nghị sĩ đều muốn nghe trực tiếp từ tổng thống, người nói chuyện với chúng tôi trực tiếp từ Ukraine, đây là một cơ hội quan trọng cho Hạ viện,” Chủ tịch Lindsay Hoyle cho biết trong một tuyên bố.

“Một lần nữa, xin cảm ơn đội ngũ nhân viên đáng kinh ngạc của chúng tôi vì đã làm việc với tốc độ nhanh chóng để biến bài diễn văn lịch sử này thành hiện thực.”

Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, nói với Sky News rằng diễn văn này là “vô cùng mạnh mẽ”.

Ông nói: “Tổng thống Zelenskiy là tinh thần của Ukraine, đó là sự trẻ trung, là tư duy tự do, hướng ra bên ngoài, là người Âu Châu, và đó là điều mà Nga hay Tổng thống (Vladimir) Putin không hiểu”.

2. Cựu giám đốc MI6 nói rằng Nga không thể thắng trong cuộc xâm lược Ukraine

Một cựu lãnh đạo cơ quan gián điệp MI6 của Anh nói rằng Nga không thể thắng trong cuộc xâm lược Ukraine.

Lord Richard Dearlove nói với 7.30 “Không có cách nào mà Nga, theo thời gian, có thể duy trì một cuộc chiến ở một quốc gia có quy mô tương đương Pháp và một phần của Đức, với dân số ngang với Tây Ban Nha”.

“Ngay cả khi Putin bắn phá các thành phố để người Nga sau đó nắm được quyền kiểm soát, ông ta sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy, có thể sẽ được tiếp tế từ phía tây”.

“Ngay cả một đội quân - ước tính khoảng 600,000 người - cũng không thể giữ được đất nước này. Vì vậy, thật khó để thấy điều này sẽ đi đến đâu ngoại trừ việc trở thành một khu vực hủy diệt tuyệt đối và một vòng xoáy đi xuống, cho cả Ukraine và cuối cùng là cho cả Nga”.

Hôm nay Reuters đưa tin, ông Putin đã nói trên truyền hình rằng Nga sẽ không sử dụng bất kỳ binh lính nghĩa vụ quân sự nào ở Ukraine “và sẽ không có lệnh triệu tập bổ sung nào đối với những người dự bị”.

Lord Richard cho biết cuộc chiến “có thể kéo dài nhiều tuần, nếu không phải vài tháng, và sẽ rất khó cho Putin có thể duy trì cuộc xâm lược này”.

“Chúng tôi đã chứng kiến việc chiếm được thành phố đầu tiên Kherson... Người Nga đang kiểm soát nó một cách vất vả,” ông nói.

“Không có bất kỳ sự phục tùng nào, và nó có thể đi từ tệ đến tệ hơn.”

3. Cư dân Kharkiv không thể ra đi an toàn và thành phố đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực

Kharkiv ở miền đông Ukraine đã phải đối mặt với các cuộc pháo kích liên tục từ các lực lượng Nga kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu. (Reuters: Oleksandr Lapshyn)

Maria Adveeva, cư dân Kharkiv, nói rằng các cuộc bắn phá liên tục đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người dân trong thành phố của cô.

Phát biểu với các thành viên Quốc Hội, chuyên gia an ninh quốc tế và Giám đốc nghiên cứu tại Hiệp hội chuyên gia Âu Châu, cô cho biết trong khi các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra hàng đêm, Ukraine vẫn giữ được thành phố nhưng cuộc sống hàng ngày rất khó khăn.

“Rất khó để sống ở thành phố này vì Nga liên tục bắn phá các khu dân cư một cách có hệ thống vào buổi tối và điều đó có nghĩa là mọi người phải trốn trong các hầm trú ẩn... và trẻ em ở đó cả đêm mà không có cơ hội ngủ bình thường,” cô nói..

“Nhiều người hiện muốn rời khỏi Kharkiv vì nguồn cung cấp thực phẩm bị thiếu hụt, và nhiều ngôi nhà không có điện - và sau đó với những đợt bắn phá liên tục này, mọi người rất lo sợ và mong muốn được ra đi”.

“Nhưng không có khả năng rời thành phố an toàn vì hiện tại không có hành lang an toàn để dân thường rời thành phố và không trở thành mục tiêu cho một trong các hỏa tiễn của Nga.”

Adveeva đã bác bỏ suy đoán về bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc phương Tây chuẩn bị cho một chính phủ Ukraine lưu vong.

Bà nói: “Đã 11 ngày trôi qua và Putin đã không thể kiểm soát được bất kỳ thành phố lớn nào của Ukraine, đặc biệt là ở Kiev và đó là lý do tại sao những kịch bản như vậy không đáng được xem xét.

Nhưng cô ấy nói rằng các cuộc bắn phá hàng ngày đã gây ra thiệt hại nặng.

“Nói chung, mọi người sẽ ra ngoài trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó hầu hết thời gian lui vào nơi ẩn náu, điều đó rất căng thẳng và đặc biệt là đối với trẻ em hiện đang bị tổn thương vì cuộc chiến đang diễn ra này,” cô nói.

Các quan chức Ukraine cho biết việc di tản dân thường đang được tiến hành ở Sumy, Irpin

Một quan chức trong phủ tổng thống Ukraine cho biết dân thường hiện đang được di tản khỏi các thành phố Sumy của Ukraine, ở phía đông bắc đất nước và Irpin, gần thủ đô Kiev.

Trước đó, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng Nga đã ngưng bắn từ 7 giờ sáng giờ địa phương để mở các hành lang nhân đạo.

4. LHQ cho biết làn sóng thứ hai của người tị nạn Ukraine sẽ dễ bị tổn thương hơn

Người đứng đầu cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết có thể sẽ có một làn sóng thứ hai với những người tị nạn dễ bị tổn thương hơn sau làn sóng đầu tiên.

“Nếu chiến tranh tiếp tục, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy những người không có nguồn lực và không có mối liên hệ nào,” người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi nói.

“Đó sẽ là một tình huống phức tạp hơn đối với các quốc gia Âu Châu trong tương lai, và sẽ cần phải có sự đoàn kết hơn nữa của tất cả mọi người ở Âu Châu và hơn thế nữa.”

5. 1.2 triệu người nhập cảnh Ba Lan từ Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2

Lực lượng bảo vệ biên giới của Ba Lan cho biết khoảng 1.2 triệu người đã vượt qua biên giới của nước này từ Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào tháng trước.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn.Kể từ ngày 24 tháng 2, hơn 1.7 triệu người đã rời khỏi Ukraine.

Những người chạy loạn từ khắp Ukraine đang đổ dồn đến thành phố Lviv nhanh hơn nhiều so với khả năng chuyên chở của các chuyến tàu và xe buýt, đang hối hả đưa những người tị nạn sang Ba Lan.

Dòng người chờ đợi ngày càng đông hơn và dài hơn trong ngày, và khi giờ giới nghiêm kéo đến và nhiệt độ giảm xuống dưới 0, hàng nghìn người vẫn không có chỗ để đi.

Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi.

Những người đến Lviv thường đã phải du hành nhiều ngày để đến đây vì vậy họ kiệt sức và khi các tình nguyện viên phục vụ mang đồ ăn đến, họ rất mừng, sau nhiều ngày đói lả.

Hôm thứ Hai, thị trưởng của Lviv cho biết thành phố của ông đã đạt đến mức giới hạn của nó.

Thực tế khó khăn của tuyên bố đó là hàng ngàn người đổ xô đến đây đang không có lựa chọn nào khác hơn là chờ đợi. Các cửa nhà thờ và các trung tâm sinh hoạt mở tung cửa cho họ trong khi chờ đợi các chuyến xe lửa và các xe buýt đưa họ sang Ba Lan lánh nạn.

Thành phố vẫn còn là một thành phố an ninh và là cửa ngõ dẫn đến an toàn, người Ukraine cần Lviv khi họ cố gắng giữ lấy mạng sống của mình.

Thị trưởng Lviv cho biết thành phố phía tây Ukraine đã đạt đến giới hạn khả năng của mình trong việc giúp đỡ những người phải di dời do Nga tấn công Ukraine và kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp đỡ.

Thị trưởng Andriy Sadoviy cho biết hàng trăm nghìn người đã đi qua Lviv khi họ đi về phía tây để tìm kiếm sự an toàn. Khoảng 200.000 người di dời trong nước hiện đang ở lại Lviv và 50.000 người đi qua ga đường sắt Lviv hàng ngày.

“Chúng tôi hiểu rằng sẽ có một làn sóng khác những người tị nạn và kêu gọi các tổ chức nhân đạo quốc tế đến đây và giúp đỡ,” ông nói.

6. Estee Lauder đình chỉ mọi hoạt động thương mại ở Nga

Estee Lauder Companies Inc sẽ đình chỉ mọi hoạt động thương mại tại Nga, bao gồm cả việc đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình tại nước này.

Công ty sản xuất mỹ phẩm và chăm sóc da cũng sẽ đình chỉ các trang web của thương hiệu và các chuyến hàng đến các nhà bán lẻ của họ ở Nga.

Tuần trước, công ty đã đình chỉ các khoản đầu tư kinh doanh tại Nga và đã cam kết 1 triệu Mỹ Kim để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ ở Ukraine.

7. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc kêu gọi tạm dừng chiến tranh để người Ukraine di tản an toàn

Nga cho biết họ muốn thiết lập các hành lang nhân đạo để cho phép dân thường rời khỏi các thành phố của Ukraine từ tối hôm qua thứ Ba 8 tháng Ba. Tuy nhiên, người tị nạn buộc phải quá cảnh sang Nga hay Belarus. Đây là điều mà chính quyền Ukraine đã bác bỏ trong quá khứ, và hầu hết người dân Ukraine có lẽ cũng không muốn.

Ole Solvang từ Hội đồng Người tị nạn Na Uy nói rằng mọi người phải có thể di tản đến những nơi mà họ cảm thấy rằng họ sẽ an toàn nhất.

“Cho dù đó là ở Ukraine hay ở Nga hay ở Belarus, thực sự mọi người nên có sự lựa chọn về nơi để chạy trốn và họ không nên bị buộc phải chạy trốn đến những nơi mà họ có thể cảm thấy không an toàn,” ông nói.

Phát biểu với Patricia Karvelas trên RN Breakfast từ Paris, ông Solvang cho biết cần phải tạm dừng nhân đạo toàn diện trong và xung quanh các khu vực chiến sự để dân thường có thể di chuyển an toàn đến các khu vực khác của Ukraine hoặc các nước láng giềng.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu ở những nơi này là rất lớn, rất ít người dân có thể di tản”

Ông cũng cho biết việc tạm dừng chiến tranh này sẽ cho phép các nhóm nhân đạo như nhóm của ông có thể cung cấp hỗ trợ quan trọng khi cần thiết.

Hội đồng Người tị nạn Na Uy đã có mặt tại Ukraine từ năm 2014 và đã chứng kiến những người Ukraine chạy trốn từ đông sang tây và giờ đã sang các nước láng giềng.

“Điều thực sự quan trọng là chúng tôi không mất hy vọng và chúng tôi tiếp tục gây sức ép và tiếp tục gây áp lực ngoại giao tối đa lên những người đang chiến đấu… nếu không, chúng tôi sẽ thấy… đau khổ hơn nhiều”.
 
Nếu bầu Tân Giáo Hoàng, HY Mỹ sẽ tuyên bố Habemus Papam. ĐTGM Ukraine kêu gọi cầu cho kẻ thù
VietCatholic Media
16:13 08/03/2022


1. Đức Tổng Giám Mục Ukraine kêu gọi “Chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta”

Trong khi thương tiếc cái chết của những người vô tội, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã yêu cầu người Ukraine cầu nguyện cho sự biến đổi của nước Nga, “như Đức Mẹ Fatima đã yêu cầu chúng ta”.

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông Phương kêu gọi người dân Ukraine cầu nguyện cho kẻ thù của họ, đồng thời lên án việc quân Nga gây ra cái chết của phụ nữ và trẻ em trong cuộc xâm lược Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã công bố một thông điệp video, trong đó ngài lên án những thiệt hại về người và của, đồng thời khen ngợi người dân Ukraine đã bảo vệ đất nước của họ.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine là giáo hội lớn nhất trong số các Giáo Hội Công Giáo phương Đông, và bao gồm khoảng 4.1 triệu thành viên. Giáo Hội này đã được hiệp thông với Tòa Thánh kể từ sau biến cố hiệp nhất ở Brest-Litovsk vào năm 1596.

Đức Tổng Giám Mục cho biết: “Chúng tôi thấy các trường học, nhà trẻ, rạp chiếu phim, viện bảo tàng bị phá hủy và vào lúc mặt trời mọc gần Kiev, một tên lửa đã tấn công khu phụ sản của một bệnh viện”.

“Cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta”

Trong thông điệp của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, kêu gọi người dân Ukraine cầu nguyện cho kẻ thù của họ.

“Tôi chân thành cầu xin anh chị em: chúng ta không chỉ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine, mà chúng ta hãy cầu nguyện cho kẻ thù của chúng ta, cho sự hoán cải của họ, cho sự biến đổi của nước Nga, như Đức Mẹ Fatima đã yêu cầu chúng ta”.

Năm 1917, ba trẻ chăn cừu ở Fatima, Bồ Đào Nha, báo cáo rằng đã được Đức Trinh Nữ Maria viếng thăm. Họ nói rằng Mẹ đã truyền đạt ba “bí mật” cho họ, bí mật thứ hai liên quan đến việc hoán cải nước Nga:

Chiến tranh sắp kết thúc: nhưng nếu mọi người không ngừng xúc phạm Thiên Chúa, một cuộc chiến tồi tệ hơn sẽ nổ ra trong triều đại Giáo hoàng của Đức Piô XI. Khi các con nhìn thấy một đêm được chiếu sáng bởi một ánh sáng không rõ, hãy biết rằng đây là dấu hiệu tuyệt vời mà Chúa ban cho các con rằng Ngài sắp trừng phạt thế giới vì những tội ác của nó, bằng chiến tranh, nạn đói và những cuộc đàn áp Giáo hội và Đức Thánh Cha. Để ngăn chặn điều này, Mẹ đến để xin hiến dâng nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ, và Rước lễ đền tạ vào các ngày thứ Bảy đầu tháng.

Tôn vinh chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Ukraine

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã hoan nghênh “chủ nghĩa anh hùng của những người dân giản dị của chúng ta”, chống lại những người lính Nga được trang bị vũ khí hùng mạnh.

“Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích tất cả chúng ta: chúng ta hãy học cách yêu thương trong thời điểm bi thảm này. Chúng ta không thể bị giam cầm bởi sự thù hận. Chúng ta đừng sử dụng ngôn ngữ của hận thù, cũng như từ ngữ của nó. Như sự khôn ngoan cổ xưa nói, kẻ ghét kẻ thù đã bị hắn khuất phục”.

Vị tổng giám mục đã công bố một đoạn video cho thấy cảnh bác sĩ cố gắng hồi sinh những đứa trẻ đã bị giết trong cuộc xâm lược.
Source:Aleteia

2. Trong trường hợp xảy ra mật nghị bầu Giáo Hoàng, Đức Hồng Y người Mỹ sẽ tuyên bố 'Habemus Papam'

Các Hồng Y được chia làm ba đẳng: Hồng Y Phó Tế, Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Giám Mục. Thông thường, các vị đang coi sóc các giáo phận và tổng giáo phận khi được tấn phong Hồng Y thì thuộc đẳng Hồng Y Linh Mục. Nói thí dụ, trong một công nghị tấn phong Hồng Y sắp tới, khi Đức Thánh Cha quyết định phong Hồng Y cho các Đức Tổng Giám Mục ở Hà Nội, Huế hay Sàigòn thì ngài thuộc đẳng Hồng Y Linh Mục. Trong khi các vị đang làm việc tại giáo triều Rôma thì thuộc đẳng Phó Tế, sau đó một vài năm mới lên Hồng Y Linh Mục và Hồng Y Giám Mục. Mặc dù sự phân biệt chủ yếu có tính nghi lễ, các Hồng Y Giám Mục là những vị sẽ tham gia cùng Niên trưởng Hồng Y Đoàn, là người sẽ chủ trì Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Trong công nghị ngày 4 tháng 3 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăng 9 Hồng Y phó tế, bao gồm cả Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, lên hàng Hồng Y linh mục. Với quyết định này, Đức Thánh Cha Phanxicô trên thực tế đã giao phó vai trò phó tế trong trường hợp có mật nghị bầu Giáo Hoàng cho giám mục người Mỹ James Michael Harvey, năm nay 72 tuổi.

Protodeacon, hay Hồng Y trưởng đẳng phó tế, là vị Hồng Y lớn tuổi nhất trong số các vị Hồng Y phó tế. Trong số những việc khác của ngài, có một nhiệm vụ quan trọng là công bố công thức Latinh nổi tiếng giới thiệu một vị giáo hoàng mới được bầu: “Annuntio vobis gaudium magnum; habemus Papam”, nghĩa là “Tôi thông báo với các bạn một niềm vui lớn, chúng ta vừa có một vị giáo hoàng.”

Hồng Y trưởng đẳng phó tế hiện tại của Hồng Y Đoàn là Hồng Y người Ý Renato Raffaele Martino, chủ tịch danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Tuy nhiên, ngài đã 89 tuổi và do đó không thể tham gia mật nghị, vì bất kỳ Hồng Y nào trên 80 tuổi đều không được phép, theo một quy tắc được đưa ra vào năm 1970 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Do đó, hiện nay Hồng Y phó tế cao cấp nhất, là Hồng Y Harvey, chứ không phải Đức Hồng Y Bertello.

Ngoài ra còn có một “Protopriest”, tức là Hồng Y trưởng đẳng linh mục, và “dean of cardinals,” tức là Hồng Y Niên trưởng được bầu mỗi năm năm và đứng đầu các Hồng Y đẳng giám mục và toàn bộ Hồng Y Đoàn.

Hiện tại, Hồng Y trưởng đẳng linh mục là Hồng Y Michael Michai Kitbunchu (93 tuổi) của Thái Lan - người sẽ được Đức Hồng Y Vinko Puljić (76 tuổi) của Croatia thay thế trong trường hợp có mật nghị bầu Giáo Hoàng.

Niên trưởng Hồng Y Đoàn là vị Hồng Y người Ý Giovanni Battista Re (88 tuổi), người sẽ phụ trách triệu tập mật nghị trong trường hợp Giáo hoàng Phanxicô qua đời hoặc từ chức. Trong mật nghị, ngài sẽ được thay thế bởi phó niên trưởng Hồng Y Đoàn, là Đức Hồng Y người Á Căn Đình Leonardo Sandri (78 tuổi), là người sẽ có nhiệm vụ chủ trì mật nghị và hỏi vị Hồng Y được bầu xem ngài có chấp nhận sự bầu cử của mình hay không và ngài dự định mang tên gì.
Source:Aleteia

3. Các giám mục Công Giáo của Belarus lên án chiến tranh ở Ukraine

Khi các quốc gia và các tổ chức quốc tế tiếp tục trừng phạt Belarus vì đã hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, các giám mục của Belarus đã đưa ra một tuyên bố nói rằng “chiến tranh là tội ác chống lại Thiên Chúa và con người; và đáng bị lên án ngay lập tức”.

Các giám mục Belarus viết: “Để các bên có thể nghe thấy nhau, cần phải tắt tiếng vũ khí”.

“Chúng tôi, các giám mục Công Giáo của Belarus, cùng với các tín hữu của chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng cuộc xung đột chính trị kéo dài giữa Nga và Ukraine đã bước vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt tương tàn,” tuyên bố được công bố trên trang web của hội đồng giám mục. “Kết quả là, mọi người chết, các thành phố, khu định cư và cơ sở hạ tầng bị phá hủy, hàng trăm nghìn người di tản buộc phải đi tị nạn ở nước ngoài”.

Các giám mục Belarus nói rằng họ “thông cảm” với nước láng giềng Ukraine, “đang trải qua thảm kịch,” và họ ủng hộ những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về ngoại giao và đàm phán, lưu ý rằng các cuộc đàm phán được thực hiện trên đất Belarus, trong hy vọng về “sự chấm dứt ngay lập tức của sự thù địch” và tìm kiếm sự hòa giải.

Belarus có biên giới với cả Nga và Ukraine.

Các giám mục cũng bày tỏ lo ngại về “cuộc chiến thông tin”, mà theo các ngài là gây ra “thiệt hại không nhỏ” và gây ra sự thù hận giữa các dân tộc và các quốc gia.

“Hôm nay, khi tương lai của không chỉ Ukraine đang được quyết định, mọi thứ có thể phải được thực hiện để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột”

Cuối cùng, các ngài yêu cầu các tín hữu tiếp tục cầu nguyện và ăn chay trong tình đoàn kết với Ukraine, nhưng cũng vì hòa bình ở Belarus, để đất nước của các ngài không tham gia vào cuộc giao tranh: “Chúng tôi cầu nguyện và yêu cầu những người mà điều này phụ thuộc vào đừng cho phép đất nước của chúng tôi tham gia vào cuộc chiến này”.

Hôm thứ Tư, Ngân hàng Thế giới cho biết họ đã ngừng tất cả các chương trình ở cả Nga và Belarus có hiệu lực ngay lập tức, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và “các hành động thù địch chống lại người dân Ukraine.”

Ủy ban Olympic Quốc tế cũng thông báo rằng các vận động viên đến từ Nga và Belarus sẽ bị cấm tham dự Thế vận hội mùa đông.
Source:Crux

4. Đức Thượng Phụ Alexandria nhận định Putin đang coi mình là hoàng đế của thời đại chúng ta

“Putin nghĩ rằng ông ấy là hoàng đế của thời đại chúng ta. Quyền lực có thể khiến bạn say. Và quyền lực độc tài vĩ đại làm mù mắt và bạn quên rằng bạn là con người. Không thể nào vừa làm dấu thánh giá, cầu xin Thiên Chúa, lại đồng thời giết hại trẻ em và dân chúng”.

Đức Thượng Phụ Theodore II của Alexandria và Toàn châu Phi, người có quen biết cá nhân tổng thống Nga, đã phát biểu như thế trên đài phát thanh nhà nước của Hy Lạp.

“Đúng là, có một lòng đạo đức bình dân làm thỏa mãn tâm hồn –‘Vâng, lạy Chúa, con yêu Chúa, con cầu nguyện’, nhưng mặt khác, khi nắm được quyền lực to lớn thì người ấy nói ‘Cầu nguyện là tốt, khiêm tốn là tốt, nhưng tôi có quyền thế và tôi muốn áp đặt quan điểm của mình rằng tôi là hoàng đế mới’. Và vì vậy, ân sủng của Thiên Chúa bỏ rơi bạn và bạn tin rằng bạn là siêu phàm, mà không cảm thấy rằng chân của bạn vẫn đang chạm đất.”

“Putin là một Kitô Hữu, chúng tôi biết nhau về phương diện cá nhân. Tôi biết anh ấy rất coi trọng tôi. Trước khi xảy ra các vấn đề về giáo hội, khi Giáo Hội Nga xâm nhập vào Giáo Hội truyền giáo nghèo nàn của chúng tôi, chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần. Bởi vì tôi nói tiếng Nga, chúng tôi có thể trao đổi quan điểm. Và ở Cairo, chúng tôi đã gặp nhau và nói chuyện trong một tiếng rưỡi. Tôi biết anh ấy có lòng mộ đạo đối với Giáo hội, đối với Chính thống giáo. Nhưng tất cả những điều này đã biến mất và chỉ còn lợi ích và sự táo bạo ở những phía trước những con người này, và sẽ không đi đến kết thúc tốt đẹp. Bạn không thể nói rằng bạn yêu Chúa và giết người”, Đức Thượng Phụ Theodore nhấn mạnh.

Đức Thượng Phụ nói ngài đoán trước được cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine, bởi vì Putin quá tự hào về “sức mạnh. Khi bạn rất khỏe, bạn say sưa với quyền lực, điều đó khiến bạn quên rằng bạn là con người và cuối cùng, tất cả những gì người ta nhận được chỉ là một tấc đất và một mảnh vải liệm để bắt đầu cuộc hành trình mới.”

Đức Thượng Phụ cho biết Tòa Thượng Phụ Alexandria ngay lập tức lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. “Chúng tôi đã có một trải nghiệm tồi tệ khác về sự xâm nhập của Giáo hội Nga vào lãnh thổ của Tòa Thượng phụ Alexandria và thậm chí ở các giáo xứ nghèo ở Phi Châu. Đối với những người nghèo này, họ đã đến để gieo ‘cỏ lùng’ quen thuộc của họ và xâm nhập một giáo hội nghèo, ở một nơi mà trong 2,000 năm chúng tôi đã chiến đấu với rất nhiều tài nguyên khiêm tốn và nghèo đói, để giúp đỡ hàng trăm nghìn người ở Phi Châu rộng lớn.”

Đức Thượng Phụ kể lại rằng ngài đã sống 10 năm ở Ukraine, Odessa, từ năm 1985 đến 1995. “Tôi học ngôn ngữ của họ, tôi học ở đó, tôi đại diện cho Tòa Thượng phụ và tôi biết họ rất rõ và tôi yêu mến họ rất nhiều. Chính vì vậy mà nỗi đau của tôi nhân đôi. Tôi đã đi bao nhiêu lần từ Odessa đến Kharkiv và Kiev /ki-ép/? Và vì tôi biết rõ họ là người tốt như thế nào, tình cảm đẹp đẽ trong họ là gì, tôi đã lên án ngay từ giây phút đầu tiên cuộc chiến giữa hai dân tộc cùng chí hướng. Cả người dân Nga và người dân Ukraine đều theo Chính thống giáo. Thật đáng buồn khi lợi ích của những kẻ cầm quyền, những tên đầu sỏ đã đưa hàng ngàn người vào hoàn cảnh này, đặc biệt là những ánh mắt sợ hãi của các em nhỏ. Và những khu phố mà tôi đã đi bộ, tôi đã gặp, mà tôi yêu thích, và có thể nhiều người trong số họ không còn sống đến bây giờ”

Khi được hỏi về cuộc kháng chiến của người Ukraine, Đức Thượng Phụ Alexandria nói rằng họ là một dân tộc rất dũng cảm. “Lịch sử của người dân Ukraine trong Thế chiến thứ hai thật khủng khiếp. Họ là một dân tộc rất anh hùng, với tình yêu thương rộng lớn không bao giờ làm tổn thương bất cứ ai. Họ đang cố gắng sống sót. Sau đó, tôi đã trải qua sự thay đổi lớn từ Liên Xô sang Nga, sự nghèo đói, đói kém mà chúng tôi đã trải qua trong 2-3 năm. Và họ là những người tự hào, tử tế, họ sẽ không bao giờ cho bạn thấy sự nghèo khó. Họ là những người yêu nước và họ sẽ bảo vệ tổ quốc của mình ngay cả khi người Ukraine cuối cùng phải đổ cả máu của mình”, Đức Thượng phụ nói.

Đức Thượng Phụ cũng nói về “một ngõ cụt cho cả hai bên”, điều này “sẽ thấy rằng Chiến tranh thế giới thứ ba không phải là lợi ích của nhân loại. Chúng ta sẽ có một cuộc Chiến tranh Lạnh tồi tệ mới và nó sẽ rất khó khăn và hàng nghìn người sẽ phải trả giá cho nó”.

Ngài đặc biệt đề cập đến thảm cảnh người tị nạn, nhắc nhớ lại rằng có rất nhiều người tị nạn từ Phi Châu đang cố gắng vượt qua Âu Châu, từ Libya, là những người mà ngài đang cố gắng nhấn mạnh trong các bài giảng của mình, rằng “nơi họ muốn đến khi vượt biển tại Libya, băng qua Địa Trung Hải, họ sẽ không tìm thấy thiên đường”, nhằm thuyết phục họ ở lại vị trí của mình.

Khi được hỏi làm cách nào mà Thượng phụ có thể giúp đỡ người Ukraine, Đức Thượng Phụ Theodore nói rằng ngài giao tiếp với nhiều người và làm những gì có thể. “Tôi sẽ gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo của Phi Châu, lục địa của tương lai mà nhiều người không chú ý đến, nhưng đó là một người khổng lồ đang ngủ yên sẽ thức dậy và một ngày nào đó trung tâm thế giới sẽ là Phi Châu. Chúng tôi đương nhiên là một các quốc gia nghèo, không có nhiều tiềm năng, nhưng chúng tôi đã gửi những khoản viện trợ nhân đạo nho nhỏ cho những người tôi đã từng sống cùng rồi”. Theo ngài, có một nỗ lực để vận chuyển các container thực phẩm, thuốc men đến Ukraine, với nhiều mặt hàng đã được gửi như là viện trợ nhân đạo cho Phi Châu.
Source:Orthodox Times
 
Biến cố lịch sử: Nội dung diễn từ nghẹn ngào của Tổng thống Zelenskiy trước Quốc Hội Anh
VietCatholic Media
23:00 08/03/2022


1. Volodymyr Zelenskiy nói với Quốc Hội Vương quốc Anh: Ukraine sẽ chiến đấu 'trong rừng, trên cánh đồng, trên đường phố' - như đã từng xảy ra

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 0g giờ Việt Nam ngày thứ Tư 9 tháng Ba, Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy đã có một bài diễn văn trước Quốc Hội Anh. Nhiều người đã nhanh chóng so sánh bài diễn văn này với bài diễn văn của Thủ tướng Churchill khi Hitler tấn công Anh. Tổng thống Ukraine nói:

Thưa ngài chủ tịch Quốc Hội, thưa tất cả các thành viên quốc hội, thưa quý vị, tôi xin gửi lời chào tới tất cả người dân Vương quốc Anh và tất cả những người dân từ đất nước có lịch sử thật vĩ đại.

Tôi đang nói với bạn với tư cách là một công dân, với tư cách là một tổng thống, của một đất nước lớn, với một ước mơ và những nỗ lực to lớn.

Tôi muốn kể cho các bạn nghe về 13 ngày chiến tranh, cuộc chiến mà chúng tôi không bắt đầu và chúng tôi không mong muốn. Tuy nhiên chúng tôi phải tiến hành cuộc chiến này, chúng tôi không muốn mất những gì chúng tôi có, những gì là của chúng tôi, đất nước Ukraine của chúng tôi.

Khi Đức Quốc xã bắt đầu gây chiến với đất nước của các bạn và các bạn phải chiến đấu cho nước Anh vì không muốn mất đất nước của mình. Chúng tôi cũng phải làm như các bạn đã từng làm.

Ukraine không muốn xảy ra cuộc chiến này. Ukraine không muốn trở thành vĩ đại nhưng đành phải trở thành vĩ đại trong những ngày diễn ra cuộc chiến này. Chúng tôi là đất nước đang cứu mọi người mặc dù phải chiến đấu với một trong những đội quân lớn nhất trên thế giới. Chúng tôi phải chiến đấu với những trực thăng, hỏa tiễn...

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là tồn tại hay biến mất. Đó là câu hỏi của Shakespeare. Trong 13 ngày câu hỏi này có thể đã được hỏi nhưng bây giờ tôi có thể trả lời dứt khoát cho các bạn. Chắc chắn là tồn tại, chắc chắn là như vậy.

Và tôi muốn nhắc lại những lời mà Vương quốc Anh đã nghe, một lần nữa rất quan trọng. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc và chúng tôi sẽ không thua.

Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến cùng, trên biển, trên không. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì đất đai của mình, bất kể giá nào. Chúng tôi sẽ chiến đấu trong rừng, trên cánh đồng, trên bờ biển, trên đường phố.

Chúng tôi đang tìm kiếm sự giúp đỡ của các bạn, sự giúp đỡ của các quốc gia phương Tây.

Chúng tôi rất biết ơn vì sự giúp đỡ này và tôi biết ơn Thủ tướng Boris.

Xin hãy gia tăng áp lực trừng phạt đối với Nga và vui lòng công nhận quốc gia này là một quốc gia khủng bố.

Xin hãy bảo đảm rằng bầu trời Ukraine của chúng tôi được an toàn.

Xin hãy bảo đảm rằng các bạn làm những gì cần phải làm và những gì được quy định bởi sự vĩ đại của đất nước các bạn.

Vinh quang cho Ukraine và vinh quang cho Vương quốc Anh.

2. Đáp từ của Thủ tướng Boris Johnson cho Tổng thống Zelenskiyy.

Sau phát biểu của tổng thống Zelenskiyy, Thủ tướng Boris Johnson nói:

Thưa ông chủ tịch Quốc Hội, tôi có thể nói rằng chưa bao giờ, trong tất cả các thế kỷ dân chủ nghị viện của chúng ta, cả Quốc Hội lại lắng nghe một bài phát biểu như vậy.

Tại một thủ đô vĩ đại của Âu Châu, giờ đây đã nằm trong tầm bắn của Nga, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đang đứng vững cho nền dân chủ và tự do, với sự tự vệ chính nghĩa của mình, tôi tin rằng ông ấy đã làm rung động trái tim của tất cả mọi người trong Quốc Hội này.

Tại thời điểm này, những người dân Ukraine bình thường đang bảo vệ ngôi nhà và gia đình của họ trước một cuộc tấn công tàn bạo, và họ đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người bằng lòng dũng cảm và sự hy sinh của họ.

Và tôi nghĩ ngày nay, một trong những điều tự hào nhất trong thế giới tự do là: ‘Ya Ukrainets’– “Tôi là người Ukraine”.

Vì vậy, đây là thời điểm để chúng ta gạt sự khác biệt chính trị của mình sang một bên, thưa ông chủ tịch.

Tôi biết tôi nói thay cho Quốc Hội khi tôi nói rằng Anh và các đồng minh của chúng ta quyết tâm tiếp tục gây sức ép, tiếp tục gây sức ép để cung cấp cho những người bạn Ukraine của chúng ta những vũ khí mà họ cần để bảo vệ quê hương của họ như những gì họ đáng có.

Để gây sức ép trong việc thắt chặt các vấn đề kinh tế xung quanh Vladimir Putin chúng ta sẽ ngừng nhập khẩu dầu của Nga. Thưa Ông chủ tịch, Tổng trưởng Thương Mại sẽ cập nhật với Hạ viện vào ngày mai.

Và chúng ta sẽ sử dụng mọi phương pháp - về ngoại giao, nhân đạo và kinh tế - cho đến khi Vladimir Putin thất bại trong cuộc mạo hiểm thảm hại này và Ukraine được tự do một lần nữa.

https://www.theguardian.com/politics/live/2022/mar/08/uk-politics-ukraine-war-energy-prices-boris-johnson

3. Nga tiếp tục bắn phá bừa bãi

Các quan chức Ukraine cho biết máy bay Nga đã ném bom các thành phố ở miền đông và miền trung Ukraine trong đêm, với các cuộc pháo kích đánh vào các vùng ngoại ô xung quanh thủ đô Kiev.

Tại Sumy và Okhtyrka, về phía đông của Kiev gần biên giới Nga, bom đã rơi xuống các tòa nhà dân cư và phá hủy một nhà máy điện, lãnh đạo khu vực Dmytro Zhivitsky cho biết.

Ông cho biết có người chết và bị thương nhưng không đưa ra số liệu.

Bom cũng đánh trúng các kho dầu ở Zhytomyr và thị trấn lân cận Cherniakhiv, nằm ở phía tây Kiev.

Tại Bucha, một vùng ngoại ô của Kiev, thị trưởng đã báo cáo về một trận pháo hạng nặng.

Thị trưởng Anatol Fedoruk cho biết: “Chúng tôi thậm chí không thể thu thập các thi thể vì các cuộc pháo kích từ vũ khí hạng nặng không ngừng ngày hay đêm,” Thị trưởng Anatol Fedoruk nói.

“Những con chó hoang đói khát đang xé xác các thi thể trên đường phố. Nó thực sự là một cơn ác mộng.”

Chính phủ Ukraine đang yêu cầu mở các hành lang nhân đạo cho phép người dân rời khỏi Sumy, Zhytomyr, Kharkiv, Mariupol và các vùng ngoại ô của Kiev, bao gồm cả Bucha một cách an toàn.

4. Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, cấm xuất khẩu thiết bị lọc dầu

Bộ Tài chính Nhật Bản đã phong tỏa tài sản của thêm 32 quan chức và nhà tài phiệt Nga và Belarus sau cuộc xâm lược Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 20 người Nga, bao gồm Phó Chánh văn phòng của chính quyền Tổng thống Vladamir Putin, Phó Chủ tịch Quốc hội, người đứng đầu Cộng hòa Chechnya và giám đốc điều hành của các công ty có quan hệ mật thiết với chính phủ bao gồm Volga Group, Transneft và Wagner.

Nó cũng bao gồm 12 quan chức chính phủ Belarus và doanh nhân, cũng như 12 tổ chức ở Nga và Belarus.

Nhật Bản cũng đang cấm xuất khẩu thiết bị lọc dầu của Nga và các mặt hàng có mục đích chung của Belarus có thể được sử dụng cho quân đội nước này.

Nhật sẽ cấm xuất khẩu sang Bộ Quốc phòng Belarus, các lực lượng vũ trang và các tổ chức cảnh sát, và một công ty có trụ sở tại Minsk là JSC Integral.

5. Bỏ qua thực đơn ở Pháp và Canada vì cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin

Một nhà hàng Pháp phục vụ món poutine, một món ăn nhanh nổi tiếng của Canada, đã buộc phải loại bỏ món này khỏi thực đơn của mình sau phản ứng dữ dội về tên gọi của nó.

Món ăn gồm một bát khoai tây chiên nóng hổi, sữa đông phô mai và nước thịt, có chung tên gọi theo cách viết tiếng Pháp của Tổng thống Nga Putin.

Maison de la Poutine, một nhà hàng đặc sản trên khắp nước Pháp, đã loại bỏ hoàn toàn món ăn này khỏi thực đơn của mình, sau khi trở thành đối tượng bị đe dọa.

“Maison de la Poutine đã làm việc kể từ ngày đầu tiên để duy trì những giá trị này và hôm nay mang đến sự ủng hộ chân thành nhất cho người dân Ukraine, những người đang can đảm đấu tranh cho tự do của họ chống lại chế độ độc tài của Nga,” công ty Pháp viết trên Twitter.

Le Roy Jucep có trụ sở tại Quebec, nơi món poutine được cho là lần đầu tiên được tạo ra vào những năm 1960, gần đây đã tuyên bố đổi tên món ăn thành “khoai tây chiên-nước thịt pho mát” như một lập trường chống lại cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin.