Ngày 14-03-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gặp gỡ Chúa Giêsu
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
07:29 14/03/2017
Chúa Nhật 3 Chay A

Gặp gỡ Chúa Giêsu

“Niềm Vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu, những người để cho mình được Người cứu độ và giải thoát khỏi tội lỗi, sầu khổ, trống rỗng nội tâm và cô lập” (Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, số 1).

Trong cuộc sống hàng ngày, ai ai cũng có những cuộc gặp gỡ khác nhau. Có những lần gặp gỡ như gió thoảng mây trôi…thoáng qua không để lại dấu ấn nào. Và cũng có những lần gặp gỡ đã làm thay đổi cả một đời người.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên giếng nước Giacop. Nhân việc xin nước uống, Chúa đã hứa ban nước trường sinh cho chị.

1. “Cho tôi xin nước uống." (Ga 4,7).

Bài Tin Mừng kể lại một cuộc gặp gỡ nhìn qua rất bình thường giữa một khách bộ hành khát nước và một phụ nữ đi múc nước. Người phụ nữ Samaria mỗi ngày ra giếng kín nước. Tổ phụ Giacóp đã phát hiện ra giếng nước, nơi mà sau này người ta đặt tên là giếng Giacóp, như một tài sản quý giá cho con cháu ông đến đây lấy nước để uống và sinh hoạt. Giếng Giacóp sâu 39m nên việc múc nước cho người và gia súc uống rất khó nhọc. Tại Palestina, một đất nước khô khan, cằn cỗi thì nước cũng quý hóa như lúa, như gạo, nước là nguồn sống cơ bản của con người. Dân Israel ngày xưa đi trong sa mạc, không có nước uống, đã cảm thấy cái nguy sắp phải chết, nên kêu trách ông Môsê, bài đọc 1 kể lời trách móc đó: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai cập để làm gì? Có phải là để chúng tôi, con cái chúng tôi và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?”.

Thế nhưng, cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Giacóp thật lạ lùng. Sau một cuộc hành trình xa dưới nắng nóng, mệt mỏi, Chúa Giêsu khát nước, đến giếng nước và gặp người kín nước. Giếng nước có liên hệ tới vài câu chuyện trong Cựu ước. Ở miền Cận Đông thời xưa, giếng nước là nơi tốt nhất để gặp gỡ. Sách Sáng Thế cho hai ví dụ xảy ra ở giếng nước đều đánh dấu một biến cố quan trọng trong lịch sử dân Israel: người lão bộc của ông Abraham gặp cô Rêbêca vào trao nhẫn cưới, hỏi vợ cho Isaac (St 24,10-27); Ông Giacóp và cô Rakhen gặp nhau tại giếng nước và nên duyên vợ chồng (St 29,1-14).

Chúa Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng một lời nài xin. Xin nước uống là tạo dịp gặp gỡ, là bắc một nhịp cầu qua vực sâu ngăn cách hai dân tộc Samaria và Do thái vốn dĩ đã thù ghét và xa lánh nhau từ ngàn xưa. Chẳng ai hiểu nổi một bậc thầy như Chúa Giêsu lại nói chuyện và xin nước một phụ nữ Samaria. Chúa Giêsu đã phá bỏ những hàng rào ngăn cách để xây dựng một cuộc đối thoại đích thực và bình đẳng.

Khát nước và xin nước uống là một điều tự nhiên bình thường. Nhưng ở đây không phải Chúa khát nên xin nước uống mà chỉ là dịp để Ngài đề cập đến một vấn đề quan trọng hơn. Chúa muốn nói cho người phụ nữ biết: chính chị là người đang khát, và Chúa cũng muốn nói cho chị biết: Ngài là ai, là người sẽ làm cho chị hết khát: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”.
Từ việc xin nước uống, Chúa Giêsu đã cho người phụ nữ Samaria biết Ngài là Đấng Cứu Thế khao khát nhân loại “Ngài là người đến tìm chúng ta trước. Ngài xin ta cho Ngài nước uống, vì Thiên Chúa khao khát chúng ta” (GLCG # 2560).

2. “Nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Những cuộc gặp gỡ đối thoại với Nicôđêmô, Matta và Maria, Lêvi, Giakêu… Chúa Giêsu đều giúp họ thay đổi cuộc đời.

Bài tường thuật cho thấy một quá trình thay đổi nhận thức của người phụ nữ về Chúa Giêsu. Trước hết chị ta nhận thấy Ngài là một khách bộ hành lạ mặt, một người Do Thái (câu 9). Nhưng khi Chúa Giêsu tỏ ra thấu hiểu cuộc đời riêng tư của chị, thì chị nhận ra đó là một vị Ngôn Sứ (câu 19). Cuối câu chuyện, chị được biết thêm Ngài là Đấng Kitô (c.25–26). Sau đó dân làng Samaria tuyên xưng “Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (c.42). Người phụ nữ Samaria cũng thay đổi trong ngôn ngữ khi nói chuyện với Chúa. Lúc đầu chị gọi Chúa Giêsu là Ông, kế đó là Thưa Ngài, rồi từ việc nhận thức Ngài là một tiên tri đến Đấng Thiên Sai.

Khi đã khám phá được con người của Chúa Giêsu, người phụ nữ Samaria cũng khám phá ra được thứ nước mà Ngài muốn ban tặng. Lúc đầu, khi nghe nói đến nước, người phụ nữ nghĩ tới thứ nước trong giếng Giacóp. Nhưng rồi, từ thứ nước bên ngoài ấy, Chúa Giêsu đã dẫn người phụ nữ đi tìm thứ nước nằm ngay trong lòng con người, thứ nước đem lại sự sống đời đời. Thứ nước ấy chính là Thần khí và Sự thật.

Giống như Philipphê khi đã gặp được Chúa Giêsu liền đi tìm Nathanaen để loan báo Tin Mừng; bà Maria Mađalêna đã vội vã đi tìm các môn đệ và loan báo là đã gặp thấy Chúa; người phụ nữ Samaria không còn quan tâm đến giếng nước và vò nước nữa, chị chạy một mạch về làng, thông báo về nước hằng sống vừa khám phá: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”. Mọi người tin lời chị, họ đến gặp Chúa Giêsu và họ cũng tin Ngài. Sau khi gặp Chúa, người phụ nữ đã tin và làm chứng cho Ngài giữa những người Samaria trong làng. Chị đã dẫn đưa bà con trong làng đến gặp Đức Kitô, nguồn nước hằng sống. Dân làng sau khi gặp Chúa, đã xin Ngài ở lại với họ, và hân hoan tuyên xưng rằng: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.

Giếng nước Giacóp là nơi gặp gỡ kỳ diệu làm biến đổi dân chúng cả làng Samaria. Giếng nước đã là nguồn gợi hứng cho một phương pháp truyền giáo rất hiệu quả. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII dùng hình ảnh xứ đạo với giếng nước đầu làng, từ nơi ấy mọi người có thể giải khát, tìm được sự tươi mát của Tin Mừng.

Sứ điệp Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tháng 10 năm 2012, có đề nghị mô hình giếng nước đầu làng. Các nghị phụ đã liên hệ hình ảnh Chúa Giêsu bên bờ giếng Giacóp để nói về trách nhiệm của Giáo Hội hôm nay trước một thế giới đang khát khao chân lý. Giáo Hội có sứ mạng hướng dẫn và giới thiệu Chúa Giêsu là nguồn nước hằng sống. Chỉ có Ngài mới có thể lấp đầy cơn khát của nhân loại.“Như Chúa Giêsu bên giếng nước Xykha, Giáo Hội cũng cảm thấy phải ngồi cạnh những người nam nữ thời nay, để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ, nhờ đó họ có thể gặp Chúa, vì chỉ mình Ngài mới là nước ban sự sống vĩnh cửu đích thực” (số 1). Trong thánh lễ ngày 18-5-2003, tại Đại chủng viện thánh Giuse Sài gòn, Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn ban huấn từ cho các vị đang phục vụ trong các Hội đồng mục vụ Giáo xứ toàn Giáo phận, ngài mong muốn giáo xứ cũng phải trở nên như một giếng nước đầu làng.


3. “Thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23).

Trong bài đọc II, thánh Phaolô so sánh ơn Chúa Thánh Thần với một thứ nước kỳ diệu mà Thiên Chúa đổ vào lòng các tín hữu. Đó là Thánh Thần tình yêu. Thánh nhân viết: “trông đợi như thế (nghĩa là trông đợi hưởng vinh quang với Chúa), ta sẽ không thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần Người ban cho ta”.

Nước Hằng Sống mà Chúa Giêsu ban tặng chính là Thánh Thần tình yêu. Từ nay nhân loại thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật. Để giải thích điều này, Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Nếu Thiên Chúa là thần khí, thì để gặp Ngài, con người cũng phải dùng thần khí của mình tức tâm hồn mình để gặp Ngài. Vì chỉ có thần khí mới gặp được và hòa nhập được với thần khí. Như vậy nghĩa là phải gặp Ngài trong chính tâm hồn mình. Thật vậy, nơi dễ gặp gỡ Thiên Chúa nhất, chính là cung lòng của mỗi người chúng ta. Không gì linh thánh bằng con người, hay tâm hồn con người, vì “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,26-27; 9,6; Kn 2,23). Và cũng không nơi nào linh thiêng bằng cung lòng con người: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,17; 6,19). Có gặp được Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình, thì mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong Thánh Thể, trong nhà thờ, trong tha nhân, trong thiên nhiên. Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình mà mình không gặp được, thì mong gì gặp được Thiên Chúa ở bên ngoài. Thánh Augustinô đã từng than thở: “Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp được Chúa của lòng con”. Muốn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, còn phải gặp Ngài trong sự thật. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự thật, vì thế, người gian dối, không thành thật thì không thể gặp được Ngài.

Lời mạc khải của Chúa Giêsu bên giếng Giacóp mời gọi chúng ta hãy tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Thờ phượng “trong thần khí” là thờ phượng theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; thờ phượng “trong sự thật” là thờ phượng với tâm tình kết hợp với Chúa Giêsu, Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Thờ phượng Chúa Cha, dưới tác động của Chúa Thánh Thần và được nuôi dưỡng bằng mọi chân lý đến từ Chúa Giêsu. Khi tụ họp với nhau hay khi làm việc thờ phượng cách riêng rẽ, chúng ta đều được Thánh Thần trợ giúp để có thể cầu nguyện, ngợi khen, thờ phượng, cảm tạ, tuyên xưng Chúa Kitô và Thiên Chúa.(x. Ep 5,18-20; 6,18; Rm 8,26-27; Cl 3,16-17).

Hãy tin vào Chúa Giêsu để lãnh nhận nước hằng sống, hầu mang lại sự sống đời đời là chính là Thánh Thần tình yêu của Thiên Chúa. Tin là gặp gỡ Chúa Giêsu như người phụ nữ Samaria và những người đồng hương của chị đã gặp và đã khám phá ra nguồn nước trường sinh. Niềm tin vào Chúa Giêsu là điều kiện cần thiết để được ơn cứu độ, và niềm tin ấy là hoa quả của Thánh Thần (x. Ga 5,22; 1Cor 1,9). Con người có niềm tin viên mãn cũng là con người đầy Thánh Thần (Cv 6,5; 11,24). Sứ vụ của Thánh Thần là củng cố, làm cho niềm tin phát triển và trở nên viên mãn. Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Con Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết khao khát, tìm kiếm và sống các mầu nhiệm đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Amen.


 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:32 14/03/2017
27. MƯA ĐÁ THÀNH MƯA CỨNG

Ngày mồng năm tháng giêng năm Thiệu Hưng Tống Cao Tông thứ mười bảy, ở Lâm An xảy ra nạn mưa rất lớn và có mưa đá, mái ngói trên nhà Thái Học phủ cao nhất của kinh thành bị mưa đá làm vỡ nát.
Các quan chức viên trong học phủ xin triều đình cho sửa chữa lại, khổ một nỗi là không dám viết chữ “mưa đá” vì sợ trùng âm mà phạm thượng, bèn đem chữ “mưa đá” viết thành “mưa cứng”.
(Hiên Cứ lục)

Suy tư 27:
Mưa thì lúc nào cũng ở thể lỏng, chỉ có mưa đá mới ở dạng thể cứng, như thế là tai hoạ, tai hoạ mưa đá thì chỉ làm bể mái ngói của học phủ, nhưng tai hoạ về việc viết tên trùng âm với tên của nhà vua hay một vị nào đó hét ra lửa trong triều đình thì khủng khiếp hơn đó là phải bị tử hình.
Đời sống của người Ki-tô hữu tự nó là một cuộc sống đầy lý tưởng, lý tưởng phục vụ và đem tình yêu của Chúa cho tha nhân, như thế nó ở thể dạng hạnh phúc: hạnh phúc vì biết mình đang phục vụ Chúa trong mọi người, nhưng nó sẽ ở thể dạng không hạnh phúc khi chúng ta làm trái ngược hẳn với lời giáo huấn của Đức Chúa Giê-su là “Yêu thương người thân cận như chính mình”.
Có những người Ki-tô hữu bị loé mắt vì màu vàng sáng chói của vàng bạc của cải, nên không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đang túng thiếu đói ăn nơi người thân cận của mình; có những người Ki-tô hữu nghĩ rằng mình cũng đói khổ túng thiếu như ai, nên họ luôn dửng dưng trước người bất hạnh hơn mình, đến nỗi một nụ cười cũng không có.
Những người giàu có không ngó ngàng gì đến người thân cận thì chính họ đã bị án phạt công bằng, nhưng những người cố tình sống dửng dưng trước nỗi bất hạnh của người khác thì án phạt nặng nề hơn, bởi vì “cố tình dửng dưng” chính là những nỗi nhục nhằn đau khổ rơi xuống trên đầu người anh em chị em bất hạnh, đã trở thành “mưa đá” đè chết linh hồn của chính người cố tình dửng dưng ấy.
Thảm hại thay !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:37 14/03/2017

41. Khi suy niệm mà tạp niệm đến, thì phải thật bình an đem tâm hồn của mình đặt trước tòa Thiên Chúa.

(Thánh Teresa of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Gặp Gỡ Đức Kitô Biến Đổi Cuộc Đời Mình
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:01 14/03/2017
Gặp Gỡ Đức Kitô Biến Đổi Cuộc Đời Mình

Suy niệm Chúa Nhật III Mùa Chay – năm A

(Ga 4, 5 - 42)

Bước vào Chúa Nhật III Mùa Chay, chúng ta nghe lại cuộc đối thoại nổi tiếng của Ðức Giêsu với người thiếu phụ Samaria, được tường thuật bởi Thánh Sử Gioan. Người thiếu phụ hằng ngày đi lấy nước từ một giếng nước cổ xưa, có từ thời của tổ phụ Giacóp. Và ngày hôm ấy, chị gặp Ðức Giêsu đang ngồi trên bờ giếng, mệt mỏi sau một chặng hành trình đường xa (x. Ga 4,5-42). Chúa Giêsu chính là Nước Hằng Sống, Người đến làm cho con người khỏi khát nước Thánh Thần.

Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống

Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Các Giáo phụ đã sớm nhận ra nới « nước hằng sống » biểu tưởng của phép Rửa tội, mà Đức Kitô là chính Nguồn Nước ấy (9). Chúa Giêsu xin người đàn bà xứ Samaria nước uống, không phải lý do khát về thể lý cho bằng khát đức tin, khát sự sống đời đời, khát một linh hồn khô héo. Đấng Cứu Thế giả vờ khát nước đến xin người đàn bà nước để trao ban thứ nước ân sủng khỏi khát đời đời. Đó chính là nguồn nước mà Tin Mừng nói tới khi Người xin nước của người đàn bà xứ Samaria… Thực ra, nguồn nước ấy không bao giờ cạn, Đấng là Nước Hằng Sống không thể uống nước bị ô nhiễm ở vùng đất này. Câu hỏi được đặt ra :

Phải chăng Đức Kitô khát nước ?

Thưa, Người khát, nhưng không khát nước trên mặt đất này, hay khát thức uống của con người, mà khát các linh hồn, khát sự cứu chuộc nhân loại. Thánh Ephrem viết : “Khi khát nước, Chúa chúng ta đã ngó đầu vào miệng giếng; Ngài xin người đàn bà nước uống. Từ giếng nước, Ngài đã câu được một tâm hồn. Nhưng tâm hồn ấy đã lại câu tiếp được cả dân trong thành” (Thánh Thi Giáng sinh số 4, 43-44).

Tại sao Chúa Giêsu lại xin người đàn bà xứ Samaria nước uống khi bà đến kín đầy vò nước, không những thế, Người còn khẳng định mình có thể trao ban mạch nước dồi dào hơn từ giếng thiêng liêng nếu ai đến xin Người ?

Thưa, vì dân Samaria thờ ngẫu tượng, tâm trí họ hướng về địa giới, nên Chúa khát đức tin không chỉ của người đàn này mà cả và nhân loại. Chúa Giêsu nói : “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà : ‘xin cho toi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống (...) Tất cả những ai uống nước này sẽ còn khát : nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa ; vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời” (Ga 4, 10-14). Đúng như lời Kinh Tiền Tụng thánh lễ hôm nay diễn tả : “Lạy Chúa là Cha chí thánh ... Khi người phụ nữ xứ Samari cho nước uống, Người đã ban cho bà đức tin. Vì Người tha thiết ước mong bà tin vững mạnh, nên đã đốt lên trong lòng bà ngọn lửa yêu mến Chúa…”

Hình ảnh người tân tòng

Người đàn bà xứ Samaria là hình ảnh của người tân tòng, còn đang chịu sự ràng buộc của ma quỷ, năm đời chồng bà đã từ bỏ, người đàn ông thứ sáu đang sống với bà là tượng trưng. Giếng nước Giacóp thể hiện tiệc cưới của tâm hồn bà cử hành với Thiên Chúa đã được thanh tẩy bằng nước Rửa tội. Theo M. Dulaey thì : “Giữa thế kỷ thứ III, Origène giải thích rằng, giếng nước này là dấu chỉ giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người và hiệp nhất tâm hồn với Thiên Chúa.” Từ nay, bà tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người và đi loan báo Đức Kitô cho dân làng bà, kết quả là : “Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng : Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm” (Ga 4, 39). Theo Origène “Vị Hôn Phu đích thực là Chúa Kitô (Ga 13, 181). Một khi người đàn bà này tìm thấy Ngài, bà liền chạy về loan báo cho dân làng biết; người đàn bà này là hình ảnh của người kitô hữu tuyên xưng đức tin của mình.”

Nguồn suối cứu độ là chính Đức Kitô

Đức Kitô, Đấng ngồi nghỉ trên miệng giếng chính là nguồn nước, từ cạnh sườn bên phải Ngài, tuôn trào suối nước trường sinh; một phụ nữ có sáu đời chồng đã được tẩy sạch bằng dòng nước hằng sống ấy. Thật ngưỡng mộ biết bao : một người phụ nữ nhẹ nhàng đến giếng Samaria kín nước, bà múc nước từ giếng Giêsu ! Tìm được nước, bà ra đi với sự tiết hạnh. Ngay lập tức bà xưng thú các lỗi mà Đức Giêsu ám chỉ, bà nhận ra Đức Mêssia và loan báo Đấng Cứu Thế. Bà để vò nước xuống, mang ơn sủng vào thành ; vai nhẹ bớt tội lỗi, nhưng tràn đầy sự thánh thiện… Đúng là ai đến trong tội lỗi sẽ trở về với sứ mạng tiên tri.

Nước hằng sống này đối với chúng ta là nguồn suối dâng trào sự sống đời đời. Nước này không phải là nước hòa với Máu Chúa Kitô, đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu trên cây Thánh giá đó sao ? Đây không phải là các bí tích của Giáo Hội mà Phép rửa trình bầy mầu nhiệm của nước ấy, để ám chỉ rằng nước đó phát sinh từ cái chết cứu độ của Đấng Cứu Thế đó hay sao? Trong mọi trường hợp, các Giáo phụ thấy nước tuôn chảy từ tảng đá do Môisen đập ra (Xh 17, 3-7) là hình ảnh tiên trưng của nước chẩy ra từ cạnh sườn Đấng Cứu Thế bị đóng đinh.

Mỗi người chúng ta đều có thể nhìn thấy chính mình nơi hình ảnh của người thiếu phụ Samari: Ðức Giêsu chờ đợi chúng ta, nhất là trong thời điểm của Mùa Chay, để đối thoại với chúng ta, nói với con tim của chúng ta. Người thiếu phụ Samari gặp được Chúa, bà xin Chúa, “Xin cho tôi nước ấy để tôi chẳng còn khát” (Mt 4, 15). Chúa đã cho bà, nhưng nước ấy, vò của bà không thể chứa được, bà phải để vò nước lại, đi loan báo cho dân làng, những người vẫn khước từ bà vì cái vò cũ (đời sống tội lỗi) nay bỏ vò đi họ liền đón nhận lời bà loan báo.

Phần chúng ta, để tiếp tục hành trình trong Mùa Chay Thánh, chúng ta cũng phải bỏ lại vò thói quen tội lỗi, chúng ta mới kín múc từ giếng Giêsu, Nước Hằng Sống, đựng vào trong tâm hồn trong sạch (vò đã được hoán cải), có thế, chúng ta mới kính múc được ân sủng của Thiên Chúa toàn năng. Như người đàn bà xứ Samria, chúng ta được mời gọi làm chứng cho người thời nay về niềm vui gặp gỡ Chúa, một cuộc gặp gỡ linh thiêng và cứu chuộc.

Lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, xin giúp chúng con biết tận dụng cơ hội gặp gỡ này, là nơi chúng con có thể kín múc nguồn hạnh phúc đích thực cho cuộc đời chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô: kỷ niệm năm thứ tư, tạp chí Rolling Stone và thế hệ thiên niên kỷ
Vũ Văn An
00:10 14/03/2017
Với Đức Phanxicô, dĩ nhiên vui bao giờ cũng nhiều hơn buồn, đối với cả ngài lẫn các tín hữu và thế giới nói chung. Nhưng nhất là thế hệ những người mà người ta vốn gọi là thiên niên kỷ. Claire Giangravè của tạp chí Crux, ngày 10 tháng Ba vừa qua, quả quyết như thế, nhân dịp Tạp Chí Rolling Stone của Ý đăng hình ngài ở trang bìa, một vinh dự mà vị tiền nhiệm có tiếng được lòng truyền thông của ngài là Đức Gioan Phaolô II cũng không có.

"Pop Pope" của Tạp Chí Rolling Stone

Tập chí trên đặt tựa cho tờ bìa là FRANCIS, POP POPE (Đức Phanxicô, Vị Giáo Hoàng Được Người Ta Ưa Thích). Thực ra chữ “pop”, theo Từ Điển Cambridge, có nghĩa đầy đủ là “người được nhiều người ưa thích và được họ hiểu dễ dàng”. Định nghĩa này rất thích hợp với Đức Phanxicô nhất là đối với thế hệ thiên niên kỷ, một thế hệ vốn có đặc điểm ngờ vực quyền lực và các định chế nói chung, nhất là Đạo Công Giáo.

Cũng nên biết, tạp chí Rolling Stone của Hoa Kỳ vốn đã đăng hình Đức Phanxicô năm 2013, lúc ngài mới lên ngôi giáo hoàng. Thành thử, có thể kết luận độc giả của tạp chí này vốn có cảm tình với vị giáo hoàng độc đáo theo quan điểm của họ.

Theo một cuộc thăm dò năm 2016 của chính tạp chí này, gần 50% độc giả của họ thuộc lứa tuổi từ 18 tới 34. Đây chính là thế hệ thiên niên kỷ, những người sinh ra giữa đầu thập niên 1980 và đầu thập niên 2000, thế hệ mà cha mẹ họ không để lại cho họ điều gì để tin. Người ta gọi họ là thế hệ “bông tuyết” (snowflakes). Họ đưọc dưỡng dục để tin rằng mình độc đáo, cực kỳ nhậy cảm và đi tìm an ủi nơi các màn hình sáng loáng và được nối kết với nhau.

Chỉ có thời gian mới nói được thực ra thế hệ thiên niên kỷ là ai. Tuy nhiên, theo Giangravè, ít người có thể nói chuyện với thế hệ này một cách có khả năng bằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Theo cuộc Nghiên Cứu của Trung Tâm Pew năm 2016, thế hệ thiên niên kỷ ít cầu nguyện hơn, ít tham dự Thánh Lễ hơn và nói chung ít tin hơn các thế hệ trước. Tuy nhiên, họ tin cuộc sống đời sau và thiên đàng, hỏa ngục và phép lạ, giống như các thế hệ đàn anh.

Phương pháp thông đạt độc đáo của Đức Phanxicô nói với thế hệ thiên niên kỷ một cách rất đặc biệt qua tính “có thật” (realness) của ngài, qua con người bất chấp những gì đã được thiết lập (anti-establishment) của ngài, qua việc ngài tập chú vào lòng thương xót hiểu như một thực hành bao trùm mọi người, và qua việc ngài sử dụng kỹ thuật một cách thành thạo.

Một con người bình thường

Theo Giangravè, thực ra, ngay từ lúc Đức Phanxicô, lần đầu tiên, từ mật nghị hội bầu giáo hoàng bước ra ban-công nhà thờ Thánh Phêrô ngày 13 tháng Ba, năm 2013 và lên tiếng chào đám đông đang tụ tập dưới quảng trường “Fratelli e sorelle, buonasera!” (chào mừng anh chị em một buổi tối tốt lành), thì không những đám đông hân hoan đến như điên như dại mà cả báo chí và các cơ sở truyền thông khắp thế giới đều phải giới thiệu ngài như là Vị Giáo Hoàng của Dân.

Chính ngài, năm 2014, đã nói với tờ báo Ý Corriere della Sera rằng: “Giáo hoàng là người biết cười, biết khóc, biết ngủ an lành và có bằng hữu y như mọi người khác, một con người bình thường”.

Hồi còn trẻ, ngài vốn là một nhân viên an ninh (bouncer) trong một quán ba ở Á Căn Đình, có bạn gái, thưởng thức âm nhạc và thể thao. Tất cả những điều này làm ngài trở thành người dễ bắt liên lạc (relatable), “người có thật”. Ngài chụp hình tự xướng, sống tại một khách sạn tệ nhất ở Vatican và dễ dàng nhận giải “giáo hoàng lôi thôi nhất”.

Nhưng những điều trên chưa đủ đối với thế hệ thiên niên kỷ, một thế hệ quá quen thuộc với các thủ thuật quảng bá các nhân vật công cộng và thù nghịch các định chế, nhất là Giáo Hội Công Giáo.

Biến những điều không mấy liên hệ trở thành liên hệ

Điều thực sự làm Đức Phanxicô trở thành “pop pope” chính là khả năng “minh tinh truyền hình sống” (reality TV star) của ngài: một khả năng biến cả các hoàn cảnh ít liên hệ nhất trở thành có liên hệ, một điều khiến một số người Công Giáo cao niên cảm thấy bối rối nhưng thế hệ thiên niên kỷ thì chỉ mong sao được thấy nhiều hơn.

Theo một cuộc nghiên cứu của Morley Winograd và Michael Hais, hơn 80% người thiên niên kỷ tin rằng quá nhiều quyền lực đã bị tập trung trong tay một số ít công ty vĩ đại. Và Bernie Sanders, người đấu tranh cho 99%, đã chiếm được 2 triệu phiếu của những người dưới 30 tuổi, hơn cả Clinton và Trump cộng lại.

Thế hệ này làm mọi người thấy rõ: họ không có một chút niềm tin nào vào các công ty, chính phủ và Giáo Hội. Nếu để ý đến việc thế hệ thiên niên kỷ gia nhập lực lượng lao động vào khoảng năm 2008, trong các hoàn cảnh giống hệt các hoàn cảnh của thời Đại Suy Thoái năm 1930, thì điều vừa nói không gây ngạc nhiên chi.

Đức Phanxicô, như mọi người đều biết, rất lưu tâm tới những người không có việc làm. Trương mục Tweeter @Pontifex năm 2013 của ngài từng viết rằng “Tâm tư tôi hướng về tất cả những ai không có việc làm, thường là kết quả của một não trạng tự lấy mình làm tâm điểm chỉ biết lợi nhuận bằng bất cứ giá nào”.

Ngài nói đến tiền bạc như “phân thối của ma qủi” và từng nặng nề chỉ trích thị trường tự do, chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế nhỏ giọt.

Lên tiếng chỉ trích con người mà vẫn dễ bắt liên lạc, Đức Phanxicô quả đã trở thành “kẻ phản loạn” mà người thiên niên kỷ thích được yêu mến.

Rồi tới sự kiện trên chuyến bay từ Brazil trở lại Rôma năm 2013, câu nói “Nếu một người nào đó là đồng tính nhưng biết tìm kiếm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà dám phê phán họ?” của Đức Phanxicô đã để lại một sứ điệp lâu dài, cho thấy sự cởi mở của ngài đối với đồng tính luyến ái trong Giáo Hội Công Giáo, nhất là nơi người thiên niên kỷ.
Theo một cuộc thăm dò về tôn giáo năm 2007, so với các thế hệ đi trước, con số người thiên niên kỷ ủng hộ hôn nhân đồng tính đã tăng gấp đôi.

Bảo vệ môi trường

Chưa hết. Một cuộc thăm dò năm 2016 của Nghị Hội Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum), từng phỏng vấn hơn 26,000 người thiên niên kỷ của 181 nước, cho thấy 45.2% những người trả lời nói rằng thay đổi khí hậu và việc hủy hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên là các quan tâm hàng đầu của họ.

Trong thông điệp Laudato Si và trong nhiều lần xuất hiện trước công chúng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng về việc bảo vệ địa cầu và nhiệm vụ của chúng ta phải che chở nó.

Về các vấn đề xã hội khác rất thân thiết đối với sự nhậy cảm của thế hệ thiên niên kỷ như di dân, sự bài ngoại và bất bình đẳng phái tính, Đức Phanxico cũng vốn là một tác nhân đáng tin cậy và lớn tiếng cho sự thay đổi.

Sử dụng kỹ thuật

Trong một tuyên bố vào năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi Internet là một “ơn phúc của Thiên Chúa” và tiến xa hơn bằng cách mời gọi tín hữu “mạnh dạn trở thành công dân của thế giới kỹ thuật số”.

Dù không phải là vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng Twitter, vì Đức Bênêđíctô XVI chính là vị này, Đức Phanxicô là vị đầu tiên dấn thân vào thế giới Instagram, hiện có 3 triệu 6 trăm ngàn người theo dõi.

Nhưng trong một cuộc nghiên cứu gần đây của Tập San Y Khoa Phòng Ngừa Hoa Kỳ, các nhà tìm tòi của Đại Học Pittsburgh thấy rằng những người trẻ nào năng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội có nguy cơ 3 lần cảm thấy bị cô lập về phương diện xã hội nhiều hơn.

Thành thử chính Đức Phanxicô cũng đã lớn tiếng đề cập tới sự quan trọng của việc đừng đi tìm tình yêu hay hạnh phúc trong các dụng cụ hay thiết bị của ta; thậm chí, ngài còn đặt câu hỏi không biết chúng ta có lưu ý đến việc cũng mang theo Thánh Kinh như mang theo điện thoại di động hay không.

Người ta cũng cần phải nhớ rằng phần lớn những người thiên niên kỷ không theo dõi sinh hoạt nội bộ của Tòa Thánh và các năng động tính phức tạp của Giáo Triều. Thành thử khi Đức Phanxicô thu hút được cảm tình của họ, thì hẳn là nhờ khả năng thông đạt của ngài.

Theo một cuộc nghiên cứu của Viện Giuseppe Toniolo, 90 phần trăm người Ý thuộc thế hệ thiên niên kỷ tin rằng ngài có các kỹ năng thông đạt vĩ đại, 80% thích ngài và 70% cho rằng ngài gợi hứng cho họ. Không lạ gì, tạp chí Rolling Stone của họ đã cùng lên toa tầu hợp lòng họ.
 
Các nhà lãnh đạo tôn giáo Triều Tiên kêu gọi tránh xung đột sau quyết định của Toà án truất phế bà Park.
Bích Thủy
18:43 14/03/2017


Seoul (AsiaNews) - Các nhà lãnh đạo Công Giáo, Tin Lành và Phật giáo đang yêu cầu dân chúng Triều Tiên đoàn kết và tôn trọng bản án của Toà án Hiến pháp về việc biểu quyết buộc tội Tổng thống Park Geun-hye.

Bà Park đã bị Quốc hội tố cáo vào tháng 12 năm ngoái, vì cho phép bạn của bà ta là Choi Soon-sil, can thiệp vào công việc của quốc gia để quyết định các chính sách và bổ nhiệm các viên chức, nhận hối lộ hàng triệu đô la đút lót từ các công ty Triều Tiên để họ được quyền lợi về mặt pháp luật.

Toà đã tuyên án và bà Park bị truất quyền Tổng thống, trong vòng hai tháng quốc gia sẽ chuẩn bị cho cuộc bầu cử mới. Nhưng cũng có thể cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng Mười Hai.

Trong những tháng gần đây đã có những cuộc biểu tình của hàng triệu người kêu gọi Tổng thống Park từ chức, cũng như hàng chục ngàn người đã tụ họp để lên tiếng ủng hộ bà ta. Điều đáng quan tâm là bản cáo buộc dẫn tới xung đột giữa 2 phe và sự đối nghịch gay gắt này có thể làm suy giảm việc phát triển của Triều Tiên.

Chính vì lý do này, Đức Cha Iginus Kim Hee-joong, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Triều Tiên đã đưa ra một thông cáo trong đó Ngài tuyên bố rằng "Bản án của Tối Cao Pháp Viện không thể làm thỏa mãn mọi người. Xung đột, chia rẽ và bất tuân quyết định của toà án sẽ dẫn tới tai họa mà thôi."

Hội đồng Kitô giáo (Tin Lành) của Trièu tiên (Christian Council of Korea) đã yêu cầu tất cả người dân chấp nhận kết quả của Toà án. Mục sư Lee Young Hoon, chủ tịch của Hội đồng, bày tỏ hy vọng rằng Toà án quyết định "theo nguyên tắc và nghĩa vụ của mình" với một biểu hiện cho sự "trong sạch", là một đức tính cần thiết vì những xung đột dữ dội mà Quốc gia đang gánh chịu. Ông Kim nói: "Tôi hy vọng người dân có thể đạt được sự hoàn hảo về mặt xã hội, người công dân trưởng thành sẽ đóng góp phát triển một nước Triều Tiên tốt đẹp hơn."

Thiền phái Jogye, tông phái Phật giáo lớn nhất ở Triều Tiên, kêu gọi tất cả dân Triều Tiên xem bản án là một cơ hội để "phục hồi hòa bình" và yêu cầu mọi người bày tỏ quan điểm một cách đúng đắn và hòa bình.

Thiền sư Dobeob của thiền đường Jogye ở Seoul cho biết phán quyết của toà án, dù thế nào đi chăng nữa, "có thể được xem như một cơ hội để hoàn thiện xã hội của chúng ta." Nhưng điều này đòi hỏi mọi người phải tôn trọng và lắng nghe nhau, dù chúng ta có những quan điểm đối nghịch nhau.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhóm gia đình trẻ GXVN Paris tìm hiểu linh đạo niềm vui hôn nhân
Trần Văn Cảnh
10:09 14/03/2017
NHÓM GIA ĐÌNH TRẺ GXVN PARIS TÌM HIỂU VÀ THỰC TẬP

LINH ĐẠO NIỀM VUI TÌNH YÊU HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

THEO TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU

Theo thói quen liên tục từ năm 2001, Nhóm Gia Đình Trẻ đã tổ chức “Ngày Gia Đình lần thứ 16” vào chiều Chúa Nhật 12.03.2017 hôm nay tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. Đề tài để chia sẻ được chọn là một vấn đề thời cuộc nóng bỏng về “Linh Đạo Niềm Vui Tình Yêu Hôn Nhân Gia Đình theo tông huấn Niềm Vui Của Tình Yêu” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Số người tham dự là 20. Để mở đầu, Anh trưởng nhóm Giang Minh Đức đã giới thiệu người hướng dẫn là Gs Trần Văn Cảnh.

Một chương trình làm việc đã được đưa ra, dựa vào ý nghĩa của từ “linh đạo”. Gs Cảnh đề nghị sẽ chỉ gợi ý mở đầu về “Linh Đạo Niềm vui Tình Yêu Hôn Nhân Gia Đình” một cách vắn tắt, khoảng 20-30 phút để tìm hiểu “Lời chỉ giáo phương thức sống niềm vui tình yêu hôn nhân” của ĐGH Phanxicô. Rồi dành thời giờ để thực tập và áp dụng linh đạo ấy vào đời sống thực tế của mình, bằng cách chia sẻ nhắc nhớ lại về Bí Tích Hôn Phối mà mỗi người đã cử hành, hầu tìm ra hướng đi linh thiêng do Chúa Thánh Thần soi sáng. Và để kết thúc, dưới hình thức thanh đàm, mỗi người sẽ nói ra cái phương châm, cái lối sống, cái linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân mà Chúa Thánh Linh đã soi sáng cho mình.

Cuộc học hỏi, trao đổi và chia sẻ đã kéo dài 4 giờ, khởi đầu hồi 14g30 và kết thúc hồi 18g30. Cuộc họp đã đạt được 3 kết quả.

1. TÌM HIỂU LINH ĐẠO NIỀM VUI TÌNH YÊU HÔN NHÂN GIA ĐÌNH THEO TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU CỦA Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ

Linh đạo hôn nhân gia đình là gì? Theo linh mục Felipe bez, SJ, từ “Linh Đạo” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau [1]. Linh đạo là “Hướng dẫn về mặt thiêng liêng, là chỉ giáo phương thức sống”. Đó là điều mà ĐGH Phanxicô đã làm khi viết thông điệp “Niềm vui của tình yêu” để giúp giáo dân chúng ta hiểu hơn và có phương thức sống tốt hơn niềm vui tình yêu hôn nhân gia đình.

Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng về Niềm Vui của Tình Yêu của Đức Thánh Cha PHANXICÔ gửi các Giám mục, các linh mục và các phó tế, các người sống đời thánh hiến, các cặp vợ chồng kitô hữu và tất cả mọi tín hữu giáo dân đã được viết xong ngày 19/03/2016, dài 268 trang và được công bố ngày 08.04.2016. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dịch và phổ biến ngày 15.06.2016.

11. Tông huấn trình bày một nội dung phong phú qua 9 điều quan trọng về niềm vui của tình yêu trong hôn nhân gia đình. Ở số 6, ĐTC Phanxicô đã giới thiệu nội dung của tông huấn như sau : “Để triển khai bản văn, tôi sẽ bắt đầu với một chương dẫn nhập được gợi hứng từ Thánh Kinh, để mang một cung giọng phù hợp. Từ đó, tôi sẽ xem xét hoàn cảnh hiện nay của các gia đình nhằm bám sát thực tế. Tiếp đến, tôi sẽ nhắc lại một số yếu tố cốt yếu theo giáo huấn của Hội thánh về hôn nhân và gia đình, từ đó triển khai hai chương trung tâm, dành để nói về tình yêu. Để tiếp tục, tôi sẽ nêu rõ một số đường lối mục vụ hướng chúng ta đến việc xây dựng gia đình bền vững và phong nhiêu theo kế hoạch của Thiên Chúa, và tôi sẽ dành một chương nói về việc giáo dục con cái. Cuối cùng, tôi sẽ đưa ra lời mời gọi thực thi lòng thương xót và phân định mục vụ khi đối diện với những hoàn cảnh không đáp ứng đầy đủ những gì Chúa đề nghị, và sau cùng tôi sẽ đưa ra vài nét phác họa về linh đạo gia đình”.

Qua nội dung trên đây, 9 chương quan trọng đã được phân tích trong tông huấn : 1- Dưới ánh sáng Lời Chúa; 2- Thực trạng và những thách đố của gia đình; 3- Nhìn ngắm Đức Kitô: Ơn gọi gia đình; 4- Tình yêu trong hôn nhân ; 5- Tình yêu trở nên phong nhiêu; 6- Một số viễn ảnh mục vụ; 7- Củng cố việc giáo dục con cái; 8- Việc đồng hành, phân định và hội nhập những hoàn cảnh chông chênh; 9- Linh đạo hôn nhân và gia đình.

12. Linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân và gia đình đã được trình bày trong chương 9 và cuối cùng của tông huấn. Theo bản tóm lược của Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM [2] phổ biến ngày 08.04.2016, thì linh đạo này đã được hình thành bằng “hàng ngàn cử chỉ thực tế và cụ thể” và có thể thu gọn vào bốn nhóm chính yếu :

Một linh đạo của tình yêu tự do và độc hữu (319-320). Linh đạo tình yêu loại trừ người thứ ba, và tự do trong thách đố và khát vọng sống với nhau cho đến ”đầu bạc răng long”, phản ánh lòng trung tín của Thiên Chúa (Xc AL 319).

Một linh đạo hiệp thông siêu nhiên (314-316) Tất cả, ”những lúc vui mừng, an nghỉ hoặc lễ hội, và cả tính dục, được cảm nghiệm như một sự tham gia sự sống sung mãn của sự phục sinh của Chúa” (AL 317).

Một linh đạo họp nhau cùng cầu nguyện trong ánh sáng Phục sinh (317-318). ĐGH khẳng định rõ ràng rằng “những người có những ước muốn linh đạo sâu xa không được cảm thấy gia đình làm cho họ xa rời sự tăng trưởng trong đời sống Tinh Thần, nhưng gia đình là một con đường Chúa dùng để đưa họ đến tột đỉnh sự kết hiệp thần bí” (AL 316).

Một linh đạo chăm sóc, an ủi và khích lệ (321-325). Và sau cùng linh đạo ”chăm sóc, an ủi và khích lệ”. ”Trọn cuộc sống gia đình là một đồng cỏ từ bi. ĐTC viết: Mỗi người, kỹ lưỡng vẽ và viết lên trong cuộc sống của người khác” (AL 322). Thật là một ”kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa khi chiêm ngắm mỗi người yêu quí với đôi mắt của Thiên Chúa và nhận ra Chúa Kitô nơi người ấy” (AL 323)

Trong đoạn kết luận, ĐTC quả quyết: “Không có gia đình nào là một thực tại hoàn hảo và được kết thành một lần cho tất cả, nhưng đòi một sự tiến triển từ khả năng yêu thương của mình (...). Tất cả chúng ta được kêu gọi luôn cố gắng đi xa hơn chính mình, những giới hạn của mình và mỗi gia đình phải sống trong sự khích lệ liên tục như thế. Các gia đình chúng ta hãy tiến bước, chúng ta hãy tiếp tục bước đi! (...). Chúng ta đừng đánh mất hy vọng vì những giới hạn của mình, nhưng cũng đừng từ bỏ không tìm kiếm tình yêu và sự hiệp thông sung mãn đã được hứa cho chúng ta” (AL 325).

2. NGẪM LẠI BÍ TÍCH HÔN PHỐI MÌNH ĐÃ CỬ HÀNH [3]

Theo linh mục Felipe bez, SJ, linh đạo còn có thể được hiểu một cách cụ thể hơn. “ Linh đạo là sức vận động thần nhân, có khả năng linh hoạt cuộc đời, mở rộng chân trời thiêng liêng và thúc dục hướng lòng lên cùng Thiên Chúa và về với tha nhân. Có tác giả khác lại viết: “Linh đạo là sức sống nội tâm của con người, qua đó con người có khả năng nắm được thực tại và biểu đạt chính mình qua những hình thái và biểu tượng phức tạp của văn hoá”.

Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại bí tích hôn phối mà mình đã cử hành để tìm ra ý nghĩa của những lời mình đã công bố và ước nguyện, làm tăng thêm sức sồng nội tâm của mình về ý nghĩa và sức mạnh của bí tích hôn phối mình đã lãnh nhận.

Hai người làm chứng tiến lên hai bên "cô dâu chú rể" (cùng đứng trước vị linh mục chủ sự).

Linh mục chủ sự hỏi:

- Anh chị thân mến, anh chị đưa nhau tới đây, để trước mặt người đại diện Hội Thánh, cũng như toàn thể cộng đoàn, mối tình của anh chị được công nhận và mặc lấy một giá trị thiêng liêng, được ơn trên làm cho trở nên cao đẹp vững bền. Nhờ vậy, anh chị có thể vẹn nghĩa thủy chung và đảm nhận những trách nhiệm khác của cuộc đời đôi bạn. Bởi đó, trước mặt Hội Thánh, tôi xin hỏi anh chị:

- Anh T và chị T, anh chị sắp kết hôn với nhau, anh chị có thật sự tự do, hay là bị ép buộc?

* Thưa thật sự tự do. (cô dâu và chú rể lần lượt trả lời)

- Một khi đã thành hôn, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?

* Thưa sẵn sàng. (cô dâu và chú rể lần lượt trả lời)

(Có thể bỏ câu hỏi sau đây, nếu thấy không thích hợp, thí dụ: trường hợp hai người đã quá tuổi).

- Anh chị có sẵn sàng âu yếm đón nhận con cái Chúa ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh không?

* Thưa sẵn sàng. (cô dâu và chú rể lần lượt trả lời)

Lời ưng thuận

Chủ sự mời cô dâu chú rể nói lên sự ưng thuận:

Anh chị đã ưng thuận kết hôn với nhau, thì giờ đây, trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, anh chị hãy cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận ấy.

Cô dâu và chủ rể nắm tay phải của nhau.

Chú rể nói: * Anh là T, nhận em T làm vợ, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh.

Cô dâu nói:* Em là T, nhận anh T làm chồng, và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh suốt đời em.

Sau khi nghe đôi bên nói lên sự ưng thuận, chủ sự nói:

Trước mặt Hội Thánh, anh chị vừa nói lên sự ưng thuận kết hôn với nhau. Xin Chúa thương xác nhận lời ưng thuận ấy, và xin Người tuôn đổ hồng phúc trên anh chị.

Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.

* Thưa: Amen

Qua nghi thức của Bí Tích Hôn Phối mà ta vừa xem qua trên đây, đâu là những ý nghĩa căn bản có thể đưa ra một « Linh Đạo Niềm vui Tình Yêu Vợ Chồng » ? Thưa có 3 ý nghĩa căn bản ;

1. Một tình yêu nhân vị, bình đẳng và tự do

2. Một tình yêu giao ước, bác ái và phong nhiêu

3. Một tình yêu con người toàn diện

Ba yếu tố này rõ rệt đã được ĐGH Phanxicô liệt kê vào những yếu tố nền tảng của « Linh Đạo Niềm vui Tình Yêu Vợ Chồng » mà Ngài đã đề xuất trong thông điệp Niềm Vui của Tình Yêu, mà chúng ta vừa xem trên đây.

3. MỖI NGƯỜI NÓI RA QUAN NIỆM VÀ LỀ LỐI THỰC HÀNH LINH ĐẠO NIỀM VUI TÌNH YÊU HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CỦA MÌNH

Cũng theo linh mục Felipe bez, SJ, linh đạo còn có thể được hiểu như là một cách quan niệm và một lề lối thực hành trong cuộc sống riêng tư của mỗi người. Gợi ra hướng đi tiếp theo như vậy rồi, Gs Cảnh đã mời mọi người rằng “Ngồi chung quanh bàn thảo luận này, tất cả chúng ta đều là những người đã lập gia đình và đã sống nhiều kinh nghiệm linh đạo riêng của mình về tình yêu hôn nhân gia đình. Xin mỗi người hãy nói ra quan niệm và lề lối thực hành linh đạo ấy, để cùng nhau chia sẻ và thăng tiến hơn”. Không kể Đức Ông Giám Đốc Mai Đức Vinh vừa phải bỏ họp với Nhóm Gia Đình để đến họp với Nhóm Cursillo, tất cả mọi người, đều đã chia sẻ về quan niệm và lề lối thực hành linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân và gia đình của mình.

1. Chị Thọ : Hồng ân Chúa vẫn nhiều hơn thử thách giúp mình duy trì được hạnh phúc gia đình.

2. Anh Đức : Biện pháp duy nhất, cụ thể và thực tế có thể giúp mình duy trì hạnh phúc gia đình là đặt Chúa giữa hai vợ chồng.

3. Chị Phượng : Hiểu biết nhau và tha thứ cho nhau

4. Chị Phượng (Đức) : Nhịn nhau, cầu nguyện cho nhau và tìm hiểu nhau nhiều hơn.

5. Chị Huyền : Im lặng, chịu đụng, và cầu nguyện.

6. Chị Agnes Đỉnh : Cầu nguyện và thương chiều nhau hơn; Dâng con cho Chúa và Mẹ; Giáo dục con.

7. Anh Đỉnh: Chấp nhận, tôn trọng, bình đẳng, cẩn trọng trong lời nói với mọi người, mà nhất là với bạn đời.

8. Chị Hiền : Ơn Chúa, chấp nhận, làm bổn phận hết mình và vui vẻ.

9. Chị Chi : Cư xử với nhau như bạn, chân thành, đối thoại, chia sẻ hết mọi vấn đề.

10. Anh Thành : Vợ nói đủ rồi.

11. Chị Hồng : Phân chia công việc theo khả năng; Khi bất đồng ý kiến, không cãi, nhưng vẫn làm theo ý mình.

12. Anh Thơ : Nhẫn nhục, từ từ giải quyết sau.

13. Anh Đại : Nói ra điều không bằng lòng, chấp nhận sự thật.

14. Anh Huy : Chia sẻ, tôn trọng và cầu nguyện; Giáo dục con cái theo truyền thống gia đình.

15. Anh Cảnh : Sống tự nhiên thoải mái trong ơn nghĩa Chúa và cái gì cũng bàn hỏi nhau với lòng thành.

16. Chị Châu : Học được nhiều ở bạn đời; Coi nhau như bạn tri kỷ; Cầu nguyện và phó thác vào Chúa; Tìm được ơn gọi làm tín hữu, làm vợ và làm mẹ.

17. Chị Hương : Khi bất đồng ý kiến, nước mắt là vũ khí.

18. Chị Catherine : Khi bất đồng ý kiến, chịu đựng, cầu nguyện, ra nước mắt, đi ra ngoài, tránh tranh chấp và cầu nguyện tiếp.

19. Chị Thủy Tiên : Đức tin, ý thức, trách nhiệm, tôn trọng tự do cá nhân, đoàn kết và tha thứ.

20. Chị Thúy : Cầu nguyện.

LỚI KẾT

Đọc qua tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu của Đức Thánh Cha PHANXICÔ, đặc biệt là chương 9 về linh đạo niềm vui của tình yêu, chúng ta đã được hướng dẫn về mặt thiêng liêng, hiểu hơn và có phương thức sống tốt hơn linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân gia đình. Linh đạo này, theo Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô, gồm những nguyên tắc chính yếu sau đây :

• Một linh đạo của tình yêu tự do và độc hữu

• Một linh đạo của tình yêu (giao ước) hợp thông siêu nhiên,

• Một linh đạo họp nhau cùng cầu nguyện trong ánh sáng phục sinh

• Một linh đạo của tình yêu chăm sóc, an ủi khích lệ và mở ra

Ngẫm lại « Nghi thức Hôn Phối, phần nghi thức Bí Tích », chúng ta đã nhận ra và hiểu rõ hơn 3 lời công bố và 1 lời nguyện hứa quan trọng mà mỗi người đã công khai nói ra trước sự chứng giám của giáo sĩ đại diện Giáo Hội, của gia đình, họ hàng và bạn bè đôi bên để công khai tình yêu vợ chồng của mình.

• Lời công bố thật sự tự do kết hôn

• Lời công bố sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời

• Lời công bố sẵn sàng âu yếm đón nhận con cái Chúa ban, và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh

• Lời nguyện hứa : Anh là T, nhận em T làm vợ, và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh.

• Lời nguyện hứa : Em là T, nhận anh T làm chồng, và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh suốt đời em.

Những lời công bố và nguyện hứa này rõ rệt chứa đựng một số những đặc tính thiết yếu của tình yêu vợ chồng :

• Một tình yêu nhân vị, bình đẳng và tự do

• Một tình yêu giao ước

• Một tình yêu con người toàn diện

Biết được linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân gia đình của Đức Giáo Hoàng, chúng ta rất mừng, vì học được những cách ứng xử mới. Nhưng niềm vui lớn nhất của chúng ta, những người cùng họp nhau hôm nay tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, là có dịp ngẫm lại và hiểu hơn bí tích hôn phối mà mình đã cử hành, nhất là thấy rằng, nhiều ít, chúng ta, mỗi người đều đã tìm ra và thực hiện cho mình một linh đạo niềm vui tình yêu hôn nhân gia đình bao chứa những lề lối mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu ra trong thông điệp NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU.

Paris, ngày 12 tháng 03 năm 2017

Trần Văn Cảnh

Ghi chú

1.Linh mục Felipe bez, SJ, http://www.htth.org/so32/linh dao truyen giao.htm

2.Tông Huấn mới của Đức Thánh Cha: ”Amoris laetitia” - Đài Vatican

3.http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/335-cu-hanh-bi-tich-h0n-ph0i.html
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tính danh học Việt Nam : Tên Đạo Giáo - Tên nguời Phật Giáo
Nguyễn Long Thao
22:09 14/03/2017
DANH XƯNG ĐẶC BIỆT CỦA THƯỜNG DÂN VIỆT NAM

10 :  TÊN ĐẠO GIÁO : TÊN NGƯỜI  PHẬT GIÁO

Nếu các Chư Tăng và đồng bào Phật tử có pháp danh, pháp hiệu, pháp tự thì đồng bào Công Giáo có tên thánh. Chúng tôi gọi những loại tên này là tên đạo giáo. Trong tiết này, chúng tôi nghiên cứu tên của người theo Phật Giáo Ðại Thừa, Phật Giáo Tiểu Thừa, tên của tín hữu Công Giáo, tên của các vị chức sắc trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

10.1. Tên Của Người Theo Phật Giáo Đại Thừa: Những người theo Phật Giáo, ngoài những tên thông thường như tên chính, tên hiệu còn có thể có pháp danh, pháp tự, hay pháp hiệu.

a. Pháp danh: Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn: Pháp danh là tên đạo lý, phàm người được thế độ làm tăng chẳng còn dùng tên họ theo đời mà phải lấy tên theo đạo do vị tôn sư đặt cho mình. Người thọ tam quy, ngũ giới, tu tại gia cũng được mang pháp danh, cũng kêu là pháp hiệu [1].

Vào năm 1973, chúng tôi được tiếp kiến vị cao tăng tại chùa Long Thiên Tự, xóm Bến Đò, Biên Hòa. Ngài đã giải thích pháp danh như sau: Muốn thành Phật tử, phải quy y tam bảo, thọ ngũ giới. Vị bổn sư truyền giới sẽ đặt cho người đó một pháp danh, dựa theo bài kệ được truyền trong môn phái của vị bổn sư ấy. Vị cao tăng nói trên thuộc Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Lục Hòa Tăng, môn phái Lâm Tế, có tổ đình Long Thiên Tự ở Biên Hòa, đã đọc cho chúng tôi bài kệ sau đây để dùng trong việc đặt pháp danh cho các đệ tử:

             Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên

            Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Nguyên

            Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Thổ

            Chiếu Thế Sơn Đăng Vạn Cổ Truyền.


Mỗi vị tổ sẽ lần lượt lấy một chữ trong bài kệ trên làm chữ đứng đầu của pháp danh. Chữ đứng sau, vị bổn sư truyền giới tự chọn, nhưng lấy chữ có nghĩa gần giống với tên riêng. Thượng Tọa Thích Nguyên Thanh, trụ trì tại xã Tân Sơn Hòa Gia Định, thuộc môn phái Lâm Tế, đã đặt pháp danh cho một đệ tử của mình là Quảng Dũng. Thầy giải thích như sau: chữ Quảng lấy trong bài kệ của tổ đình, chữ Dũng được chọn vì Phật tử đó có tên là Hùng. Mục đích cách đặt pháp danh này là để phân biệt các đệ tử trong cùng một tổ đình, thuộc thế hệ khác nhau.

Đọc tiểu sử cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu[2],  ta được biết ngài thuộc thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán. Vị tổ khai sơn Thanh Ninh Tâm Tịnh đặt pháp danh cho các đệ tử là Trừng Nguyên, Trừng Văn, Trừng Thùy, Trừng Huệ, Trừng Thông. Đọc các pháp danh này, ta biết các vị ấy thuộc cùng thế hệ vì có chữ Trừng đứng đầu. Ngài Trừng Nguyên tức Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Ngài Trừng Văn tức Hòa Thượng Thích Giác Nguyên. Ngài Trừng Thùy tức Hòa Thượng Thích Giác Nhiên. Ngài Trừng Huệ tức Thượng Tọa Thích Giác Viên. Và Ngài Trừng Thông tức Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết.

Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy[3], cách đặt pháp danh của Phật Giáo Đại Thừa Việt Nam giống lối đặt tên trong hệ thống tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo Trung Quốc. Xin nêu các ví dụ điển hình: Nếu đọc tác phẩm Cô Gái Đồ Long, ta thấy các vị sư có vai vế cao nhất của phái Thiếu Lâm lúc bấy giờ có các pháp danh là Độ Ách, Độ Kiếp, Độ Nạn. Dưới thế hệ này là các vị Không Kiến, Không Trí, Không Vân, Không Tướng, Không Như. Dưới nữa là các vị Viên Âm, Viên Nghiệp, Viên Chân, và thấp nhất là các vị sư Tuệ Phong, Tuệ Thông, Tuệ Quang, Tuệ Hiền.

Các Phật tử Việt Nam thường lấy pháp danh với các từ ngữ khởi đầu như: Huệ, Diệu, Tâm, Trí, Tuệ, như Diệu Lan, Diệu Hạnh, Diệu Tâm, Trí Siêu, Tuệ Sĩ, Tuệ Quang. Các từ ngữ trong pháp danh hàm chứa ý nghĩa rất sâu sắc. Ví dụ chữ Diệu và Tuệ có ý nghĩa cao đẹp, phù hợp với tinh thần Phật Giáo. Tác giả Đoàn Trung Còn giải thích hai chữ Diệu và Tuệ  theo quan điểm Phật Giáo như sau:

Diệu: Tốt đẹp, sáng láng, ngon ngọt, sạch sẽ tinh tế, nhiệm mầu. Những đức ấy nói không xiết, nghĩ không cùng. Tức là cái lý thật tướng vậy. Diệu trái với thô, trược. Diệu tức là thoát khỏi phiền não, ngũ dục của phàm phu, nhơn đó được ngũ diệu của thánh giả [4].

Huệ hay Tuệ: Ðức sáng suốt, thông hiểu sự và lý, dứt điều lầm lạc và mê muội, có lòng quyết định, diệt hết sở nghi [5].

Pháp danh được đặt trong buổi lễ Quy Y rất trang trọng, đầy ý nghĩa. Quy y nghĩa là hướng về và sống theo Phật, Pháp, Tăng nên trọng tâm của buổi lễ là lúc Phật tử qùy trước Tam Bảo, ba lần phát nguyện xin trọn đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Những lời phát nguyện này được một hay nhiều thầy chứng giám. Trong buổi lễ, người quy y xác nhận sự hướng dẫn về các đấng giác ngộ, sống theo đạo lý giác ngộ và sống hòa hợp với các người cùng lý tưởng. Chính vì yếu tố này mà các pháp danh của những người cùng lý tưởng, cùng do một thầy truyền giới, có đặc điểm chung như đã nói ở trên.

b. Pháp hiệu: Khi một Phật tử xuất gia đi tu và được thế độ làm tăng, vị bổn sư sẽ đặt cho vị ấy một pháp hiệu, đôi khi còn gọi là pháp tự. Pháp hiệu là tên chính thức của vị tu sĩ trong suốt cuộc đời hành đạo. Pháp hiệu có ba từ ngữ. Đối với nam tu sĩ, từ ngữ khởi đầu là Thích, với nữ tu sĩ là Thích Nữ. Chọn từ ngữ Thích trong pháp hiệu có nghĩa là cuộc đời vị tu sĩ ấy đã trọn vẹn dâng hiến và theo đạo pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni là đấng đã sáng lập ra Phật Giáo. Hai từ ngữ sau trong pháp hiệu do tôn ý của vị trụ trì chùa đó đặt theo môn phái của mình. Ví dụ Ðại Lão Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu khi thọ sa di giới tại giới đàn Thuyền Tôn ở Huế, được vị bổn sư đặt cho pháp danh là Trừng Nguyên và pháp hiệu là Ðôn Hậu. Còn thế danh của ngài là Diệp Trương Thuần. Ở đây ta thấy giữa thế danh Thuần và pháp hiệu Ðôn Hậu có sự liên hệ về ý nghĩa. Thuần và Hậu, theo từ điển của Ðào Duy Anh, đều có nghĩa là thực thà dầy dặn. Do kiểu cách đặt pháp hiệu này mà người ta biết được mối liên hệ  giữa các đệ tử trong cùng tổ đình. Đọc các pháp hiệu của các Thượng Toạ như Thích Thiện Thông, Thích Thiện Đạo, Thích Thiện Hào, Thích Thiện Minh là ta biết các vị này cùng thuộc một tổ đình, một thế hệ vì có chung từ ngữ Thiện. Hoặc đọc tên các Hòa Thượng Thích Giác Nguyên, Thích Giác Viên, Thích Giác Tiên, Thích Giác Nhiên, ta biết các ngài thuộc một tổ đình ở chùa Tây Thiên, Huế, thuộc thế hệ thứ 8 của pháp Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán[6].

Nghiên cứu tên của các chư tăng, ta thấy có lối gọi toàn xưng bao gồm Chức Vị + Pháp Danh + Pháp Hiệu. Xin kể  một số ví dụ: Đại Lão Hòa Thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu, tức ngài Thích Đôn Hậu. Hòa Thượng Trừng Thùy Giác Nhiên, tức ngài Thích Giác Nhiên.Thượng Tọa Tâm Phát Trí Siêu, tức ngài Thích Trí siêu.Sư Bà Tâm Hảo Diệu Không, tức ngài Thích Nữ Diệu Không.

Đọc tên một vị tu sĩ Phật Giáo, ta không biết được vị đó thuộc tông phái nào và thứ cấp trong tông phái ra sao. Sở dĩ như vậy vì mỗi tông phái có một bài kệ riêng và các bài kệ đó nhiều khi có những chữ giống nhau.

10.2. Tên Người Phật Giáo Tiểu Thừa: Pháp danh không quan trọng trong Phật Giáo Tiểu Thừa. Người cư sĩ và giáo sĩ cấp sa di vẫn giữ nguyên tục danh. Pháp danh của các tu sĩ Phật Giáo Tiểu Thừa là tiếng Phạn, nhưng các ngài phiên âm ra tiếng Hán Việt có ý nghĩa như tiếng Phạn. Ví dụ Hòa Thượng Buddhapala gọi là Hộ Giác. Hòa Thượng Supanno là Thiên Tuệ[7]. Hòa Thượng Vansarakkhita là Hộ Tông. 

 

[1] Ðoàn Trung Còn. Phật Học Từ Ðiển.Tập 2. Nhà xuất bảnT.P. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 560-561.

[2] www.Tongvuhoangphap.org.

[3] Nguyễn Ngọc Huy. Tên…Sđd. Tr. 96.

[4] Ðoàn Trung Còn. Phật Học…Tập 1.  Sđd. Tr. 439

[5] Ðoàn Trung Còn. Phật Học…Tập 2.  Sđd. Tr. 50.

[6] www. Tongvuhoangphap.org

[7] Nguyễn Ngọc Huy. Tên…Sđd. Tr. 99.
 
Thông Báo
Cáo phó: LM Gioan Phạm Đình Nhu qua đời tại Gò Vấp, Việt Nam
Gia đình Linh tông
02:55 14/03/2017
CÁO PHÓ
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
chúng con xin thông báo đến Qúy Đức Cha, Qúy Cha, Qúy Tu Sĩ Nam Nữ,
Qúy Cựu Chủng Sinh TCV Xuân Lộc, Qúy Giáo Dân ở Kim Thượng, Túc Trưng, Gia Yên, Văn Hải

CHA CỐ GIOAN PHẠM ĐÌNH NHU
Sinh năm 1928 tại Hướng Đạo, Kim Sơn, Ninh Bình
Thụ phong Linh mục ngày 07 - 03 - 1959 tại Sàigòn
Về với Chúa vào 5g45 sáng Thứ Hai 13 - 3 - 2017
tại An Dưỡng Viện Phát Diệm Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh
hưởng thọ 89 tuổi.

Nghi thức tẩm liệm cử hành lúc 15g00 Thứ Hai 13 - 3 - 2017
tại An Dưỡng Viện Phát Diệm, số 212 Lê Đức Thọ, Gò Vấp, Tp. HCM.

Thứ Ba, 14 - 3 - 2017, lúc 15g00, sẽ đưa linh cữu Cha Cố Gioan
về Nhà Hưu Dưỡng Linh mục Gp. Xuân Lộc, tại Giáo Xứ Gia Viên - Biên Hoà

Sau Thánh lễ 8g00 sáng thứ Năm, 16.03.2017,
thi hài Cha Cố sẽ được đưa về Nhà thờ Chính Tòa để cầu nguyện và kính viếng.

Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào lúc 8g30 sáng thứ Sáu, 17 - 3 - 2017
tại Nhà thờ Chính Tòa Giáo Phận Xuân Lộc.

Gia Đình Linh Tông Kính Báo
 
Văn Hóa
Tiễn biệt cha Giám Đốc TCV Xuân Lộc Gioan Phạm Đình Nhu
Học trò xứ Kim Thượng
10:08 14/03/2017
TIỄN BIỆT CHA GIÁM ĐỐC GIOAN PHẠM ĐÌNH NHU
28-7-1928 / 13-3-2017

Kính thưa Bố Qúy mến,

Chúng con sắp sửa xa Bố mãi mãi. Đây là giây phút của kẻ ở người đi nên không thể không có những cảm xúc bồi hồi. Những học trò của Bố nơi Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô Xuân Lộc đang đứng đây, ai cũng có những kỷ niệm về Bố. Ít nhất từ 1975. Kỷ Niệm của 42, 43, 44, 45, 49 năm trước. Riêng Con ở với Bố từ năm 1963, khi Bố làm Phó Xứ Kim Thượng. Mới đó đã qua 54 năm.

Chiến tranh, loạn lạc đưa đẩy con được ở gần Bố. Lúc đó con là cậu bé giúp lễ 10 tuổi ở Kim Thượng. Bố là mẫu gương tuyệt vời cho con, những học trò của Bố nói riêng và cho cộng đồng dân Chúa nói chung. Năm Mươi Tám Năm (58) Linh Mục của Bố là khoảng thời gian dài với bao nhiêu chắt chiu bằng con tim, khối óc để làm việc Chúa dưới những chức vụ khác nhau: Cha Phó, Cha Chính, Cha Giám Đốc Tiểu Chủng Viện, rồi Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện. Những năm tháng tù đày Bố vẫn làm chứng tá cho Chúa. Ra khỏi tù, không "bài sai" về một nơi ẩn mình trong hiu quạnh. Vẫn âm thầm lặng lẽ, vẫn quen thuộc với Toà Giải Tội mỗi chiều hay Thánh Lễ mỗi sáng. Bố vẫn luôn nhắc nhở chúng con: "Phải tươi đời, dù trong hoàn cảnh nào vẫn gắn bó với Chúa". Chỉ có thương yêu mới mang đến cho cuộc sống hiến thân sự trung thành vượt cả thời gian. Lòng can đảm, không nề hà vất vả cũng như nỗ lực làm việc để thăng hoa cuộc sống.

Hôm nay chúng con quây quần bên Bố không vui như 8 năm trước khi chúng con Mừng Kim Khánh 50 Năm Linh Mục của Bố. Trong Nhà Thờ Chính Toà Xuân Lộc sáng nay, cũng có Giám Mục Địa Phận, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, các học trò thân yêu của Bố ở Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô và Đại Chủng Viện Gia Yên cùng với giáo dân Kim Thượng, Túc Trưng, Gia Yên, Văn Hải nhưng ai cũng ngậm ngùi, sầu não. Chúng con từ khắp nơi trên thế giới đến đây để tiễn đưa Bố về với Cha trên Trời. Nhân cơ hội này, chúng con trở ngược thời gian tìm về dĩ vãng với mẫu gương sống đạo, vâng lời và phục vụ là những nhân cách, chuẩn mực của một Linh Mục.

Bố chào đời vào ngày 28 tháng 7 năm 1928 trong một gia đình đạo hạnh, gồm 5 chị em, với 1 chị cả, 2 anh và 1 em trai, ở giáo xứ mang tên Hướng Đạo, thuộc giáo phận Phát Diệm, Miền Bắc Việt Nam. Năm chị em đang học hành, vui đùa trong lứa tuổi hoa niên, dưới sự chăm sóc của cha mẹ thì bất hạnh đến. Mới mười một tuổi Bố đã phải ngậm ngùi mang tang Cha và từ đó người Mẹ thay Cha tần tảo nuôi nấng đàn con khi đất nước có chiến tranh với Pháp, với Nhật. Chắc chắn vào khoảng thời gian đó, những bữa rau cháo qua ngày không phải dễ dàng kiếm được khi bom đạn lửa khói ngút trời và lòng người ly tán. Thiếu thốn, nghèo đói, mồ côi cha từ tấm bé đã hun đúc ý chí của Bố quyết dâng mình cho Chúa để trở thành Linh Mục.

Cha xứ Hướng Đạo lúc bấy giờ là cha già Liễu đã sớm nhận ra chí tu của Bố nên cho vào ở trong nhà xứ. Kéo chuông nhà thờ, giúp lễ, hầu cơm... là những việc làm quen thuộc của cậu bé 11 tuổi này. Với sự nâng đỡ của cha gìa Liễu, 13 tuổi vào Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc. Ý Chúa nhiệm mầu, theo thời gian, Bố đã sống sót trong năm đói Ất Dậu 1945 khi biến cố này đã cướp đi mạng sống của hai triệu người Miền Bắc lúc Bố vừa hoàn tất những năm học ở Trường La Tinh Phúc Nhạc.

Hiệp Định Genève 1954 chia đôi nước Việt khi Bố bước vào những năm Thần Học. Các cha, các thầy trong chủng viện Phát Diệm lần lượt xuôi Nam. Nơi miền đất trù phú "cá lội đầy đồng" của đồng bằng sông Cửu Long, Bố tiếp tục học Đại Chủng Viện Xuân Bích ở Vĩnh Long để rồi 5 năm sau được thụ phong Linh Mục vào ngày 7 tháng 3 năm 1959 khi vừa tròn 30 tuổi 8 tháng 9 ngày.

Có lẽ Chúa Giêsu khi rời Cha Mẹ đi giảng đạo cũng vào độ tuổi ấy. Độ tuổi thanh niên của "tam thập nhi lập", của tràn đầy sức sống, của dấn thân không đắn đo, của yêu thương không tính toán. Vì nhiệt tâm Nhà Chúa nên đã có những khắc khoải, nhiệt tình trong bài " Như Một Ngọn Nến" mà Bố sáng tác để thể hiện tâm hồn của một linh mục nhạc sĩ với những lời thiết tha mà mỗi lần Họp Mặt cuối năm chúng con thường hát: "Như Một Ngọn Nến cháy sáng trong lòng thế hệ và luôn tiêu hao cho linh hồn của người dương thế. Con nguyện tận hiến cho Chúa tất cả cuộc đời. Để được hiến tế, sáng soi cho đời tối tăm".

Nhiệm sở đầu tiên làm Cha Phó Giáo Xứ Tân Thủy - Bến Tre mà Cha Bernado Phạm Văn Quy, Chính Xứ là Cha Cố của Bố. Giáo Xứ Tân Thủy là vùng duyên hải, nơi tập trung đồng bào di cư từ Bắc vào Nam lập nghiệp. Nơi đây có biển mênh mông với cá tôm đầy thuyền mỗi ngày hay những cánh đồng lúa vàng đơm bông nặng chĩu đã cho người dân di cư cuộc sống mới ấm no nhưng chỉ vài năm sau, những căn nhà mới dựng đơn sơ tạm đủ che nắng Miền Nam hiền hoà đã chìm trong lửa khói chiến tranh. Sau mùa Gíang Sinh 1960 Giáo Xứ Tân Thủy vĩnh viễn không còn nữa.

Năm 1961 về làm Cha Phó Giáo Xứ Kim Thượng, nơi đây Cha Phó Nhu đã có tư tưởng thực hiện ước mơ giáo dục thanh thiếu niên trở thành người của năm 2000. Tinh thần giáo dục theo đường hướng của Thánh Don Bosco đã giúp Bố dẫn dắt các thiếu nhi trở thành người hữu dụng cho xã hội trong bốn năm làm Phó Xứ ở đây.

Với tinh thần đó, những em thiếu nhi 10 - 15 tuổi ở Giáo Xứ Túc Trưng lúc bấy giờ, nay đã trên dưới 60, cũng được hưởng nền giáo tốt đẹp này khi Cha Phó Nhu đổi về đây làm Phó Cha Đoàn Như Bách (khi con vừa thi đậu vào lớp đầu tiên Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc Mùa Hè 1966). Giáo Xứ Túc Trưng này được gọi là Giáo Xứ Túc Trưng Di Cư để phân biệt với Túc Trưng Đồn Điền Cao Su nay gọi là Giáo Xứ Tam Phú. Vùng này được gọi là vùng "xôi đậu", tiếp giáp với Đồn Điền Cây Gáo và Chiến Khu D nên không tránh khỏi đêm đại bác, ngày napal. Mỗi Mùa Hè ở với Bố, nhiều lần Bố hớt hải gọi con xách "Túi Kẻ Liệt" theo Bố đi làm phép xác cho giáo dân mới bị đâm chết, bị ám sát ở Tam Bung hay bìa rừng với bản án "phản động" ghim trên ngực. Túc Trưng không xa Gia Kiệm bao nhiêu, chỉ vài cây số nhưng không tuần nào không có đắp mô với cây chặn ngang đường hay ụ đất có gài lựu đạn. Túc Trưng là nơi đón nhận dân tị nạn Campuchia hồi hương tạo thành giáo xứ Tam Bung sau này. Đây cũng là nơi đón nhận những người trong Đồn Điền Cao Su Cây Gáo bỏ nhà cửa ruộng vườn ra đây tránh đạn bom.

Mới làm Phó Xứ Túc Trưng được ba năm, Cha Phó Nhu được Đức Cha gọi về làm Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi. Bảy năm làm Giám Đốc Tiểu Chủng Viện rồi biến cố năm 1975 Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc phải đóng cửa. Cha Nhu về làm Chính Xứ Gia Yên và kiêm luôn Giám Đốc Đại Chủng Viện. Bố đã đào tạo những học trò thành người hữu dụng cho xã hội. Trong số học trò đã có hai Giám Mục, mấy chục Linh Mục ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo vận nước nổi trôi, thiếu 9 ngày nữa Bố làm Linh Muc được 58 năm. Chúa vẫn gìn giữ Bố sống 89 năm để các con cái, học trò cùng giáo dân, nơi Tân Thủy, Bến Tre ngày xưa hay Kim Thượng, Túc Trưng thuở nào hoặc những anh chị em ở Gia Yên, Văn Hải, Suối Quít, Long Thành ... đang sống rải rác đó đây hôm nay ngậm ngùi tiễn biệt Bố về lòng đất.

Nơi vùng Bắc Mỹ đang Mùa Đông tuyết phủ mù trời, hay California chan hoà nắng ấm, các học trò báo tin cho nhau Cha Giám Đốc vừa qua đời. Dù hơn 40 năm xa người Thầy, người Cha luôn tận tụy dậy dỗ, uốn nắn con cái, học trò bằng tình thương yêu bằng lời an ủi. Lớp bụi thời gian đã phủ mờ ký ức nhưng nhiều anh em chia sẻ cảm nghĩ chân thành trong Diễn Đàn TCV Thánh Phaolô Xuân Lộc như sau:

· Cha giám đốc Gioan rất đáng kính !
Chúng con, những anh em lớp Út Đaminh, lớp được Cha đặt tên Thánh hiệu là Đaminh trong niên học cuối cùng trước biến cố không mong đợi 1975. Chúng con vô cùng thương nhớ Cha.
Chúng con cám tạ ơn Chúa và hãnh diện vì Cha. Cha “Như Một Ngọn Nến cháy sáng trong lòng thế hệ" và trong lòng từng người chúng con.
Tinh thần và đức độ của Cha còn cháy mãi, còn sáng mãi trong lòng chúng con (Đặng Minh Khanh).

· Cha tôi về với Thiên Chúa, tôi cần phải sống theo gương Cha tôi. Cha tên Nhu nhưng không yếu hèn, Cha chỉ mềm mỏng, nhỏ nhẹ như cái tên của Cha. Có một điều mà tôi tin chắc là Cha tôi sống thánh thiện, đạo đức và tôi phải sống như Cha tôi từng dạy: Sống Thánh Giây Phút Hiện Tại.
Toronto CANADA - 13/3/2017
Ngày tôi mất một người cha. (Hoàng Văn).

· Chân tình kính mến một người Cha
Ân huệ bao năm khiến lệ nhòa
Cuộc thế nhân sinh nay giã biệt
Hương lòng một nén, phương trời xa.
(LM. Trần Văn Tân)

· Con nhớ ơn Cha. Không bao giờ con quên những điều Cha đã yêu thương, dạy dỗ chúng con. (Trần Ngọc Cư)
Về bên Chúa xin Bố luôn phù hộ cho chúng con: Những người con, những học trò, những giáo dân của Bố. Chúng con xin từ giã Bố.

Xuân Lộc 14/ 3/ 2017
Trần Phi Hùng
(Lớp Toma)
 
19 tháng 3: Thư gửi thánh Giuse
Phạm đình Ngọc. SJ
12:17 14/03/2017
Thư gửi Thánh Giuse (19-3)

Thánh Giuse kính mến,

Chúng con hằng cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã thực thi bao điều điều kỳ diệu trên gia đình của Ngài. Giữa biết bao sóng gió của cuộc đời, lòng chung thủy và tín trung vào Chúa của các Ngài đã giúp các Ngài vượt qua biết bao cơn thử thách. Chắc hẳn Mẹ Maria thật hạnh phúc khi có một người bạn trăm năm tuyệt vời như Ngài. Nhờ Ngài mà cuộc đời của Mẹ được thành toàn trong kế hoạch của Thiên Chúa. Hay đúng hơn, nhờ Giêsu đã nối kết các Ngài nên những thụ tạo tuyệt vời trong công trình cứu độ của Người. Hôm nay đây cả Giáo Hội hướng về Thánh Giuse với lòng kính tôn và ngưỡng mộ. Ai cũng muốn bắt chước nhân đức sáng ngời của vị thánh âm thầm trung tín.

Ngài biết không, sau cuộc truyền tin của sứ thần, Đức Mẹ vô cùng hồi hộp lắng lo. Mẹ không biết phải giải thích làm sao cho Ngài hiểu. Mẹ hiểu rõ Ngài không phải là tác giả của bào thai ấy. Mẹ cũng không biết hài nhi mà Mẹ cưu mang như lời sứ thần nói sẽ như thế nào. Nếu như Ngài nhất mực chối bỏ Mẹ Maria cùng bào thai này, chắc chắn hai mẹ con sẽ không biết phải đối diện ra sao với thực tế. Nếu người con này không có cha, thì theo lẽ thường tình, người ta sẽ ném đá để cướp đi sinh mạng của hai mẹ con. Nhưng Chúa đã lo liệu tất cả. Ngài cũng đã mau mắn thưa tiếng “xin vâng” với Người. Ngài đồng ý đảm nhận trọng trách là người cha nuôi của con trẻ Giêsu. Là một người chồng chung thủy, một người cha nuôi mẫu mực, Ngài đã giúp Thánh gia vượt qua những chặng đường chông gai.

Thách đố đầu tiên phải kể đến là đoạn đường dài mà các Ngài đi xuống miền Giuđê để khai tên tuổi. Ngài đã vất vả nhiều vì phải hộ tống một thai phụ sắp tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Trên hành trình ấy, Mẹ Maria lấy làm lạ vì Ngài chẳng càm ràm, than trách. Bởi Ngài đã xem vị hiền thê và đứa con trong bụng kia cũng chính là mạng sống của Ngài rồi. Ôi, thật đầm ấm biết bao khi chúng con thấy cảnh một người chồng ân cần chăm sóc, quan tâm và lo lắng cho hai mẹ con. Dù đường xá ngập nghềnh xa tít, lòng Ngài vẫn an vui, nhẫn nại để đón nhận tất cả. Điều này đã nâng đỡ Mẹ nhiều biết bao nhiêu.

Còn nhớ chiều hôm ấy, Ngài hối hả, vất vả đến luống cuống để hỏi từng chủ quán trọ. Ngài quýnh lên vì trời gần tối mà chưa tìm được chỗ nương thân. Nếu Mẹ Maria lo một, chắc Ngài lo đến mười. Ngài thì nằm nghỉ ở đâu cũng được, thân trai tráng dặm trường, nằm gai nếm mật có xá gì! Nhưng vì Ngài lo cho hai mẹ con, nên lòng Ngài rối bời biết mấy! Cũng vì kiếp nghèo nên không một chủ nhà trọ nào chào đón các Ngài. Thay vào đó, một chuồng bò ngoài đồng lại trở nên chỗ cư ngụ cho gia đình khách lạ. Rồi chính nơi đây, các Ngài đã hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời. Chiêm ngắm Con nằm trong máng cỏ, lòng các Ngài đã ngập tràn niềm vui hạnh phúc.

Vui mừng chẳng được bao lâu, Ngài lại phải hối hả đưa hai mẹ con trốn sang Ai cập giữa đêm hôm khuya khoắt. Bao nhiêu ngày qua, Ngài đã vất vả khá nhiều. Nằm chợp mắt một tí, Ngài cũng chẳng thể nghỉ yên. Vì vợ và vì con, Ngài chẳng màng chi mệt mỏi. Mạng sống và sự an toàn của Hài Nhi là quan trọng hơn hết, quan trọng hơn cả phút an nhàn và thoải mái của chính mình. Thật hạnh phúc cho hai mẹ con vì có được một người chồng và người cha tuyệt vời như thế.

Rồi ở bên Ai Cập, Ngài cũng phải vất vả tìm chỗ ở, rồi hành nghề để lo cho gia đình. Khi nghe tin nhà vua tìm giết Hài Nhi đã băng hà, Ngài lại đưa gia đình về sống êm đềm nơi xóm nghèo Nazarét. Chính nơi ấy Ngài đã cần lao trong âm thầm và khiêm tốn. Bác thợ mộc cố gắng làm mọi sự để chăm sóc cho vợ trẻ con thơ. Những công việc nặng trong nhà một tay Ngài gánh vác. Kinh tế thiếu trước hụt sau, Ngài là người trăn trở, và tìm cách vượt qua. Gian khổ là thế, túng nghèo là vậy, nhưng chẳng khi nào Ngài một lời than thở, thoái lui. Ngược lại, Ngài càng nỗ lực làm việc nhiều hơn. Cần cù và nhẫn nại là sở trường của Ngài mà! Bởi lẽ, Ngài tin rằng làm việc cũng là cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Do đó, sau này Giêsu, con bác thợ mộc, đã nhiệt tâm lao tác để loan báo Tin Mừng Nước Trời, vất vả từ sáng tới đêm. Đúng là “xem quả thì biết cây”, thánh Giuse nhỉ!

Tuy đời sống trăm bề thiếu thốn, nhưng chính đời sống thiêng liêng, gắn kết với Thiên Chúa đã giúp Thánh Gia có được như ngày hôm nay. Chúng con chẳng quên được biến cố các Ngài trẩy hội đền Giêrusalem khi Giêsu lên 12 tuổi. Sau kỳ lễ, Giêsu ở lại Đền thờ. Các Ngài khổ tâm vất vả đi tìm. Là người có trách nhiệm và là trụ cột gia đình, hẳn là Ngài đã lo lắng nhiều lắm vì chăm sóc cho Chúa Giêsu là sứ mạng Chúa Cha giao cho Ngài mà. Tuy Ngài không diễn tả ra, nhưng chúng con biết là lòng Ngài bừng bừng lửa đốt khi lạc mất con. Ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì cho cả nhà được đoàn viên sau ba ngày xa cách!

Từ ngày ấy trở về sau là chuỗi thời gian các Ngài chứng kiến Hài nhi lớn khôn trước mặt Thiên Chúa và người ta. Dưới mái nhà Nazarét, Ngài khiêm nhu hoàn thành nhiệm vụ của mình trong niềm vui của một người chồng và người cha. Chắc hẳn Ngài dạy cho Giêsu nhiều bài học làm người. Ngày qua ngày, Giêsu lớn lên cũng là thánh Giuse dần dần nhỏ lại. Một đời Ngài hy sinh cho Con, mong chờ đến ngày Con thực thi sứ mạng cứu thế. Nhưng chờ hoài, chờ mãi, chờ đến khi nhắm mắt xuôi tay, Giêsu vẫn là chàng thanh niên hành nghề mộc giản dị nơi thôn quê. Được sống và được chết cho Giêsu, Ngài xem đó là phúc phần to lớn hơn bất cứ điều gì trên cõi đời này rồi. Được Chúa Tể muôn loài gọi mình một tiếng “cha”, liệu có niềm vui sướng nào to lớn hơn thế? Sau khi hoàn thành trách vụ cao cả của mình, Ngài mỉm cười lìa thế. Giêsu cũng lên đường thực thi sứ mạng.

Nơi dương thế hôm nay, Giáo Hội đặt Thánh Giuse là Đấng quan thầy bảo trợ. Ước gì các gia trưởng, những người lao động vất vả mưu sinh, luôn biết noi gương Ngài để chúng con có được nguồn sức mạnh mà vượt thắng những thách đố của cuộc đời. Xin Ngài chúc phúc cho người cha, người chồng, cho từng người trong gia đình chúng con nhé!

Lễ mừng kính Thánh Giuse 19.3

Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sa Mạc
Tấn Đạt
18:08 14/03/2017
SA MẠC
Ảnh của Tấn Đạt
Sa mạc đời con Chúa biết rồi,
Xác hồn tội lỗi bị cuốn trôi,
Cát bụi trần gian trùm phủ kín,
Dắt con khỏi lạc, Lạy Chúa tôi !
(Trích thơ của Đinh Văn Tieến Hùng)