Ngày 19-03-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nên Thánh Theo Gương Thánh Giuse
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
02:30 19/03/2017
Nên Thánh Theo Gương Thánh Giuse

Trong các loài hoa, có một loài không những thân luôn mọc về phía ánh sáng mà hoa còn luôn quay về phía mặt trời. Đó là Hoa hướng dương.Hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời với cánh hoa mở rộng đón nhận ánh sáng và sức sống để toả hương khoe sắc.

Thánh Giuse như hoa hướng dương luôn hướng về Thánh Ý Thiên Chúa.Ngài hằng hướng mắt, hướng lòng về Thiên Chúa để nhận ra và làm tròn Thiên Ý.Thánh Giuse được sách Tin mừng gọi là “người công chính”. Theo Kinh thánh, “Người công chính sống bởi đức tin” (Hab 2,4; Rm 1,17; Gal 3,11). Sống đức tin là sống công chính, là hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa như tổ phụ Abraham. Người công chính, nói đơn giản là người tốt, ngay thẳng, trung tín, có trách nhiệm. Là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, luôn thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa. Là con người luôn biết kính trọng và yêu thương tha nhân.

Thánh Giuse tuyệt đối tin tưởng vào lời Thiên Chúa. Ngài đã luôn sống trong thái độ hoàn toàn phó thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hễ biết là Ý Chúa, Thánh Giuse vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành.

-Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nỗi đau riêng mình với một quyết định : “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác “vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt 1,20). Nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa “Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về” (Mt 1,24).

- Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả,đường dài vạn dặm mà vợ yếu con thơ, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14).

- Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên Ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Israel”(Mt 2,21).

Trước Thánh Ý Thiên Chúa, Giuse vâng phục và chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy,đúng thời gian,đúng địa điểm mà không thắc mắc,không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc 1,38).

Thánh Ý Thiên Chúa bao giờ cũng hoàn hảo, không những cho cá nhân mà còn cho toàn thể nhân loại. Thánh Giuse người công chính đã thực hiện lời mời gọi “nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo” (Mt 5, 48) bằng cách thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Công đồng Vatican II dạy: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tuỳ theo con đường của mỗi người” (GH 11,3). Nên thánh theo con đường của Thánh Giuse là một con đường cho nhiều người. Không quan trọng mình là ai, địa vị nào trong xã hội, làm việc cao quý hay tầm thường.Trước nhan Thiên Chúa, mọi địa vị và công việc đều có giá trị. Điều quan trọng là hãy thực thi thánh ý Chúa, đáp lại tiếng Người mời gọi trong cuộc sống. Địa vị và công việc lao động chân tay của Thánh Giuse chỉ ở mức tầm thường; thế nhưng, ngài vẫn có khả năng biến đổi nó trở thành phi thường. Thánh Giuse nên thánh trong nghề nghiệp của mình nên ngài là Thánh bổn mạng của những người lao động.
Anh em Gia trưởng thân mến.

Thánh Giuse làm cha. Con của ngài vừa là con người vừa là Con Thiên Chúa - Đấng Cứu Độ. Con cái của anh em được làm con Thiên Chúa. Cho nên nhiệm vụ nuôi nấng dưỡng dục con cái là sứ vụ cao cả và là hồng ân quý giá Thiên Chúa ban cho bậc cha mẹ. Anh em hãy yêu thương và tôn trọng con cái mình. Hãy trở nên gương mẫu đạo đức thánh thiện cho con cháu. Hãy tránh mọi thứ gương mù gương xấu. Từ lời nói đến thái độ sống xấu sẽ là đại họa cho con cháu. Tuổi thơ các em đơn sơ như tờ giấy trắng, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của cha mẹ đều ghi đậm nét trên tờ giấy trắng tâm hồn và in dấu suốt cuộc đời các em. Người cha lãnh trách nhiệm che chắn cho mọi thành viên trong gia đình, với tư cách gia trưởng, anh em quyết định về tổ chức, sinh hoạt và kỷ cương trong gia đình. Do đó, anh em có vai trò thật quan trọng trong việc dưỡng dục con cái : thúc đẩy việc học hành và phát huy năng khiếu, chỗ dựa tinh thần, giúp con cái định hướng tương lai, cũng như tự tin hơn khi dấn thân vào đời.

Làm Gia trưởng, anh em là "cây cao bóng mát" cho con cái, không chỉ trong lãnh vực vật chất, tinh thần, mà còn trong lãnh vực tâm linh và nên thánh giữa đời. Chắc chắn con cái chịu ảnh hưởng nơi người cha, chúng giống cha từ tính tình, ngôn ngữ, đến quan điểm và lý tưởng sống. Vì thế, người gia trưởng phải là mẫu gương cho con cái noi theo.

Hãy truyền lại cho con cái tình yêu với gia đình, những kinh nghiệm cuộc sống, những giá trị nhân bản và đạo đức. Hãy dạy con biết mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Và vì “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, đừng hành động ngược với giáo huấn của mình, đừng để xảy ra cảnh "nhà dột từ nóc". Noi gương thánh Giuse xưa đã cứu gia đình khỏi thảm họa vua Hêrôđê, hãy giúp con cái tránh xa các tệ nạn xã hội, cũng như những quyết định nông nổi nhất thời.

“Trong gia đình mồ côi, vắng bóng người cha”. Đó là ngôn ngữ Đức Phanxicô sử dụng trong huấn từ ngày 28.1.2015. Theo ngài, cần tránh hai thái cực về người cha. Đừng là người cha kiểu gia trưởng, độc đoán, mệnh lệnh và kiểm soát con cái như những đầy tớ; cũng đừng trốn trách nhiệm làm cha, để mặc con cái bị lôi cuốn theo hoàn cảnh. Ngài nói “Giới trẻ ngày nay mồ côi ngay trong gia đình, vì các người cha thường vắng nhà, hoặc khi ở nhà, lại không hành xử như là cha, không chu toàn nhiệm vụ giáo dục, không trao ban cho con cái các nguyên tắc, các giá trị, các luật sống mà chúng cần như cơm bánh, với gương sống đi kèm lời nói của mình ... Gương mặt và sự hiện diện của người cha trong gia đình rất quan trọng đối với sự quân bình của con cái". Hãy dành thời gian cho con cái, tôn trọng sự trưởng thành của chúng; trợ giúp con cái bước đi với tinh thần tự do và trách nhiệm về tương lai của chính chúng và của xã hội.(x.daminh.net, thư tháng 3).

Thánh Giuse, mẫu mực của đường nên thánh giữa đời, luôn hướng tâm hồn về Chúa như hóa hướng dương hướng về phía mặt trời.

Thánh Giuse là con người thầm lặng, ít nói, khiêm tốn, sống theo Ý Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”. Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống ấy đã làm nên một con đường tu đức hướng đến trọn lành. Thánh Giuse là bậc thầy dạy con người sống an vui và nên thánh trong địa vị của mình. Thánh Giuse là mẫu gương cho mọi người, đặc biệt là anh em gia trưởng nên thánh trong cuộc sống thường ngày.


 
Lễ Truyền Tin: Theo chân Mẹ cất tiếng xin vâng
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:53 19/03/2017
Theo Chân Mẹ Cất Tiếng Xin Vâng

Suy niệm lễ Truyền Tin Thiên Chúa Nhập Thể

( Lc 1, 26-38 )

Lễ Truyền Tin là cơ hội để chúng ta nhìn vào Nagiaret hầu cảm nhận được sự hiện diện của một trinh nữ mà muôn đời khen là có phúc (x. Lc 1, 48). Thánh Augustinô viết : " Ngài đã chọn một người mẹ mà Ngài đã tạo dựng, Ngài đã tạo dựng người mẹ mà Ngài đã chọn "(x. Bài giảng 69, 3, 4).

Hôm nay, chúng ta cử hành mầu nhiệm cao cả tuyệt vời đã hoàn tất cách đây hơn hai ngàn năm. Sự kiện ấy diễn ra trong không gian và thời gian : " Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là Maria "(Lc 1 , 26-27 ). Tuy nhiên, để hiểu được những gì đã xảy ra tại Nagiaret hơn ngàn năm về trước, chúng ta lần dở lại Thư gửi tín hữu Do thái. Bản văn này thuật lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Cha và Chúa Con về kế hoạch đời đời của Thiên Chúa. " Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội ". Nên tôi nói : " Lạy Chúa, này tôi đến để thi hành thánh ý Chúa " (Dt 10, 5-7). Như thế, vì vâng ý Chúa Cha, Ngôi Lời đến đã đến cư ngụ giữa chúng ta, dâng chính thân mình làm của lễ hy sinh vượt trên mọi hy lễ đã dâng trong Cựu Ước. Lễ hy sinh của Chúa Giêsu là lễ vĩnh viễn và hoàn hảo cứu chuộc thế gian.

Kế hoạch của Thiên Chúa dần dần được thể hiện trong Cựu Ước, lời tiên tri Isaia là bằng chứng : " Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu, này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Immanuel " (Is 7, 14). Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi thời gian tới hồi viên mãn như đã báo trước, những lời trên được thực hiện, ngày hôm nay chúng ta cử hành với hạnh phúc và niềm vui.

Từ Abraham đến Đức Maria

Hành trình truyền tin khởi đi từ Abraham " cha chúng ta trong đức tin" (x. Rm 11, 12 ). Đưa chúng ta về Nagiaret, gặp Đức Maria nữ tử Sion thuộc dòng dõi Abraham. Hơn ai hết, Đức Maria là người có thể dạy cho chúng ta sống đức tin với " Cha chúng ta."

Abraham và Đức Maria, cả hai đều nhận được từ Thiên Chúa lời hứa tuyệt hảo. Abraham sẽ trở thành cha một cậu con trai, sinh ra một quốc gia vĩ đại. Đức Maria sẽ trở thành Mẹ Đấng Thiên Sai, Đấng Được Xức Dầu của Chúa. Sứ thần Gabriel nói , "Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai [...] Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người [...] và triều đại Người sẽ vô tận " (Lc 1, 31-33) .

Lời hứa của Thiên Chúa đến với Abraham và Đức Maria thật bất ngờ, làm thay đổi cuộc sống hàng ngày và đảo lộn những trật tự bình thường của hai đấng. Lời hứa ấy là hoàn toàn khổng thể đối với Abraham và Đức Maria. Sara vợ của Abraham đã lão, Maria còn trinh nữ nên đã thưa với Thiên Thần : " Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam " (Lc 1, 34).

Lời "xin vâng" của Abraham và Đức Maria

Cả Abraham và Đức Maria đều được yêu cầu trả lời "xin vâng " cho một điều mà từ trước tới nay chưa từng thấy thế bao giờ. Sara, người đàn bà son sẻ đầu tiên trong Kinh Thánh thụ thai bởi ân sủng quyền năng của Thiên Chúa, giống như người phụ nữ sau cùng là bà Isave. Thiên Thần Gabriel nói về Isave để trấn an Đức Maria : "Này Isave, chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già " (Lc 1, 36).

Như Abraham, Đức Maria cũng phải bước đi trong đêm tối, tin tưởng vào Đấng đã kêu gọi Maria. Tuy nhiên, câu hỏi " việc đó xảy ra thế nào được ? " chứng tỏ Đức Maria đã sẵn sàng thưa " xin vâng " bất chấp mọi hoàn cảnh. Maria không đặt câu hỏi liệu lời hứa có được thực hiện hay không, nhưng chỉ hỏi việc đó xảy ra thế nào và đã thưa : "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền" (Lc 1, 38). Với những lời trên, Đức Maria chứng tỏ mình là nữ tử thuộc dòng dõi Abraham đã trở thành Mẹ Chúa Kitô và Mẹ của tất cả các những người tin.

Để hiểu rõ hơn mầu nhiệm này, chúng ta nhìn lại hành trình của Abraham khi đón ba vị khách lạ vào nhà mình (x. St 18, 1-5) ông đã nhận được lời hứa. Cuộc gặp gỡ nhiệm mầu ấy báo trước buổi Truyền Tin cho Đức Maria. Sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần lôi kéo Mẹ. Nhờ lời thưa "xin vâng" của Đức Maria tại Nagiaret mà mầu nhiệm Nhập Thể hoàn tất cuộc gặp gỡ của Abraham với Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta hát mừng người nữ " đem vầng hồng rực rỡ xuống trần gian" ( Hymne Ave Regina Caelorum ).

Chúng ta xin gì cùng Mẹ Thiên Chúa ?

Chúng ta nhờ Mẹ xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta, để chúng ta ý thức và can đảm tuyên xưng như vẫn đọc trong Kinh Tin Kính : "Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người ".

Tại Nagiaret, Chúa Giêsu " đã ngày càng tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta" ( Lc 2 , 52 ). Chúng ta xin Thánh Gia để bảo vệ tất cả các gia đình khỏi các mối đe dọa hiện nay đang đè nặng trên các gia đình. Chúng ta phó thác cho Thánh Gia tất cả những ai đang nỗ lực bảo vệ sự sống và cổ võ việc tôn trọng phẩm giá con người. Chúng ta phó dâng cách riêng các gia đình trẻ, những đôi bạn chuẩn bị kết hôn trên thế giới cho Mẹ Maria.

Tại Nagiaret, nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai, chúng ta xin Đức Maria giúp Hội Thánh rao giảng "Tin Mừng " khắp mọi nơi. Chúng ta xin Mẹ dạy chúng ta khiêm tốn, vâng phục và niềm vui Phúc Âm để phục vụ anh chị em.

Nhờ lời " xin vâng " của Mẹ lúc Truyền Tin, cánh cửa ơn cứu rỗi đã mở ra cho nhân loại. Xin Mẹ giúp chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thưa " xin vâng " với Chúa như Mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Lễ Thánh Giuse 2017: Thánh Giuse Ngủ
+TGM Ngô Quang Kiệt
20:08 19/03/2017
Lễ Thánh Giuse 2017: Thánh Giuse Ngủ

2S 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-22; Mt 1,16.18-21.24a

Năm nay tôi được tặng hai tượng thánh Giuse nằm ngủ. Tượng có xuất xứ từ Philippines. Nghe nói Đức Thánh Cha Phanxico cũng có một tượng để trên bàn làm việc của ngài. Thực ra tượng thánh Giuse nằm ngủ có nền tảng Kinh Thánh. Hầu hết những lần Chúa phán bảo ngài đều thông qua giấc ngủ. Như bài Tin Mừng hôm nay kể lại: “Ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông”.

Pho tượng nói lên thân phận lữ hành. Ngài ngủ mà còn nguyên quần áo. Đầu gối trên chiếc tay nải. Khiến ta nhớ lại đêm Vượt Qua, dân Do thái mặc quần áo, thắt lưng sẵn sàng để lên đường. Quả thật cuộc đời thánh Giuse là cuộc lữ hành. Ngài đi từ Nazareth về Bethlem để khai hộ khẩu. Ngài đi từ Do thái sang Ai cập để đem Chúa Giêsu trốn Herode tìm giết. Người đi từ Ai cập trở lại Do thái khi Herode băng hà. Lữ hành là người sẵn sàng lên đường, không gắn bó vào nơi chốn nào. Thư Roma so sánh thánh Giuse với tổ phụ Abraham. Abraham là người lữ hành của Chúa. Chúa mời gọi và ngài sẵn sàng từ bỏ tất cả để lên đường đi đến nơi Chúa chỉ. Đến miền Đất Hứa. Nhưng tổ phụ Abraham đi suốt cuộc đời vẫn chưa có được mảnh đất nào. Ngài đi không ngừng. Ngài chỉ ngừng đi khi lên trời. Người lữ hành như vậy phải có đức tin lớn lao.

Pho tượng diễn tả đức tin. Thư Rôma so sánh đức tin của thánh Giuse với đức tin của tổ phụ Abraham. Abraham tuyệt đối tin vào lời Chúa hứa. Chúa hứa cho ngài một miền đất chảy sữa và mật. Nhưng cho đến cuối đời ngài chẳng có mảnh đất nào. Sách Sáng thế chương 23 thuật lại: Khi bà Sarah qua đời, ngài phải thương thuyết với Hebron con ông Khết mua thửa đất Macpela để chôn cất vợ mình. Chúa hứa cho ngài mộg dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển. Nhưng khi đã ngoài chín mươi tuổi ngài vẫn chưa có con. Và khi Isaac được mười hai tuổi, Chúa lại truyền phải sát tế dâng cho Chúa. Thế mà ngài vẫn vâng lời. Thư Roma kết luận: “Mặc dù không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin”.

Thánh cả Giuse cũng thế. Thánh Cả tuyệt đối tin vào lời Chúa. Nên ngài tin cả những điều khó tin nhất. Làm sao người trinh nữ có thể sinh con? Làm sao con bác thợ mộc có thể lên ngôi thừa kế ngai vàng vua David? Nhưng ngài vững tin vào lời Chúa, nên mau mắn thi hành lệnh Chúa truyền. Tin cả lời Chúa dạy trong giấc ngủ. Vì thế ngài có lòng phó thác vô biên.

Pho tượng diễn tả niềm phó thác. Người lữ hành sao có thể ngủ ngon như thế? Người ra đi trong buồn khổ vì bạn mình có thai mà chẳng biết xuất xứ. Người ra đi trong lo âu vì bạo vương Herode đang tìm Hài nhi để tiêu diệt, sao có thể ngủ đến mê say như thế? Đó là vì ngài có lòng phó thác vô biên. Phó thác cũng nói lên tâm tình dâng hiến. Mọi sự là của Chúa. Mọi việc không ngoài thánh ý Chúa. Tất cả nằm trong bàn tay Chúa Quan Phòng. Ngài chẳng làm gì khác hơn là để Chúa làm việc. Ngài phó thác mọi việc trong tay Chúa. Ngài sống đúng lời Thánh Vịnh 4,9: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ. Vì chỉ mình Ngài cho con sống yên hàn”. Vì thế ngài vẫn ngủ ngon giữa muôn vàn lo âu buồn khổ. Đó là vì ngài thấy ánh sáng giữa đêm tối.

Pho tượng cũng diễn tả đêm tối. Đêm tối nên phải ngủ. Nhưng chính khi ngủ ngài được Chúa hướng dẫn. Ngài thấy ánh sáng trong đêm tối. Sigmund Freud khi thiết lập khoa Phân tâm học đã tìm ra bóng tối trong con người. Theo ông phần ánh sáng ý thức trong con người rất bé nhỏ. Trong khi phần bóng tối tiềm thức và vô thức mênh mông và dày đặc. Chính bóng tối quyết định số phận con người. Tiềm thức và vô thức bị phần ý thức dồn ép, vùi lấp. Chỉ hiện lên trong những giấc mơ. Nói nôm na là ngày nghĩ gì đêm mơ thấy điều ấy.

Nếu giấc mơ nói lên chiều sâu của tâm hồn, thì trong sâu thẳm tâm hồn của thánh Giuse có Chúa luôn ngự trị. Thánh Giuse luôn nghĩ về Chúa. Luôn tìm thánh ý Chúa. Nên Chúa đã soi sáng cho ngài trong giấc mơ. Ngài đi giữa đêm tối trần gian, nhưng được ánh sáng của Chúa soi dẫn. Ngài đi giữa đêm tối giác quan nhưng được ánh sáng Thánh Thần chỉ lối. Ngài đi giữa đêm tối mầu nhiệm, nhưng lại được ánh sáng Lời Chúa dẫn đường. Chỉ đi theo Lời Chúa. Như lời Thánh Vinh 119, 105: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi”.

Lạy Thánh Cả Giuse xưa thánh cả đã đi trong đêm đen. Nhưng đã tìm được ánh sáng Lời Chúa, đã có ngọn đèn đức tin soi đường. Ngài vẫn ngủ ngon vì luôn phó thác vào bàn tay Chúa Quan Phòng. Xin thương nâng đỡ chở che chúng con. Để dù đêm tối dày đặc và phong ba bão táp dập vùi, chúng con luôn hướng về quê trời. Và đi đến nơi bình an. Amen.

+ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chút cảm nhận về đêm văn nghệ mừng Thánh Giuse 19/3/2017 tại chủng viện Qui Nhơn
Sơn Ca Linh
11:00 19/03/2017
CHUYỆN ĐÊM NẦY CHỢT NHỚ ĐÊM XƯA !

(Chút cảm nhận về đêm văn nghệ mừng Thánh Giuse 19/3/2017 tại chủng viện Qui Nhơn)

Mới đó mà đã 42 năm !

Chuyện gì mà lâu dữ vậy ? Thì chuyện của đêm nay, chuyện đêm văn nghệ mừng lễ Thánh Giuse, Bổn mạng của của chủng viện Qui Nhơn !

Sở dĩ lâu tới 42 năm, vì đêm văn nghệ 19/3/2017 này đã làm cho ký ức “đổ bộ” về vùng trời kỷ niệm của 42 năm về trước, những ngày giữa tháng 3 xôn xao, náo loạn, khi chiến dịch “cưởng chiếm miền Nam” đã khởi sự nơi vùng Tây nguyên đất đỏ Ban Mê Thuột.

Xem Hình

Theo truyền thống hằng năm, mỗi độ Bổn Mạng Thánh Giuse trở về, chủng viện Qui Nhơn ai nấy đều tất bật, từ các chú nhỏ lớp đệ thất, đệ lục (lớp 6, lớp 7 ngày nay) cho đến các anh lớp lớn đệ nhị, đệ nhất (lớp 11,12 ngày nay). Kẻ thì lo hoàn chỉnh những trang cuối cùng của cuốn kỷ yếu (hoặc những tờ bích báo), người thì tìm mọi thời gian rãnh rỗi để tập hát, tập vũ, tập kịch…Bầu khí chủng viện nôn nao sôi động hẳn lên cùng với những căng thẳng trí óc của thời điểm chuẩn bị bài vở ôn tập thi tổng kết cuối năm ! Đó là không kể những cái “trề môi” nhức nhối hay những “ánh mắt mang hình viên đạn” của những vị giáo sư khó tính, chỉ muốn chỉ tiêu là điểm học hành cho cao, còn văn nghệ văn gừng thì “đi chơi chỗ khác” !

Và đêm văn nghệ mừng Thánh Giuse Bổn mạng chủng viện của niên khóa 74-75 vẫn được tiến hành, trong bầu khí nơm nớp lo sợ bị “ăn lựu đạn”, bởi vì những tin quá xấu từ Ban Mê dội xuống…

Nhưng các chú chủng viện cũng thật cắc cớ. Đang trong cái thời buổi “dầu sôi lửa bỏng” như thế, mà trên sân khấu cứ điềm nhiên hát, vũ, hài…như chẳng có chuyện gì xảy ra. Riêng có lớp đệ lục (lớp 7 ngày nay) chơi luôn màn vũ “Nỗi buồn Châu Pha”, mà giai điệu bài hát qua giọng ca ăn khách Thái Châu cùng với sắc màu thôn nữ Tây nguyên rực rỡ, đã mang tới cảm giác chiến tranh chỉ là chuyện huyền thoại đầy nên thơ lãng mạn, như chuyện tình của nàng Châu Pha huyền hoặc nào đó…!

Nhưng đó lại là đêm văn nghệ cuối cùng của một thời Tiểu chủng Qui Nhơn nơi đất mẹ “Miền Nam vang bóng”. Bởi vì sau đêm văn nghệ mừng Thánh Giuse của tháng 3/75, Tiểu chủng viện Qui Nhơn bế giảng sớm liền sau đó, để rồi trôi theo vận nước, cho đến hôm nay sau 42 năm, cái vóc dáng hình hài “nguyên mẫu” của Tiểu chủng viện ngày xưa chẳng biết bao giờ mới trở lại !

Mà đang trở lại đấy thôi ! Cho dù không “mang hình hài nguyên mẫu”, nhưng bên trong cơ sở đồ sộ chủng viện mà năm nay đã tròn 49 năm (1968-2017), bóng dáng các chú vẫn hiện diện, tiếng ca kinh vẫn vang vọng sáng trưa chiều tối…và nhất là, dịp bổn mạng 19/3 kính Thánh Cả Giuse, vẫn diễn ra đêm văn nghệ sinh động hào hứng ; mà không hào hứng sao được, khi đây là đêm văn nghệ không riêng của “các chú” mà còn có sự góp mặt của “các thím” bên các hội dòng : Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Phaolô Đà Nẵng và Nữ Tỳ Chúa Giêsu tình thương !

Năm nay, chủ đề của đêm văn nghệ cũng chính là chủ đề của “năm bản lề” giáo phận chuẩn bị bước vào Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng : YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ.

Cùng với điệu vũ tươi vui mang âm hưởng lên đường, dấn thân cho ơn gọi, đến kịch vui lẫn vũ hài xoay quanh “mầu nhiệm Giuse” nhưng được chuyển tải bằng những diễn xuất và lời thoại hồn nhiên, dí dỏm, đã tạo cho đêm văn nghệ bầu khí nhẹ nhàng, thân tình, dễ thương…

Sau hết, để khép lại chương trình, từ ý tưởng cuộc “cách mạng của sự dịu dàng” trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” của ĐTC Phanxicô, Đức Cha Matthêô kêu gọi mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận, đặc biệt các chủng sinh-tu sĩ, hãy cùng nhau dấn thân năng động, hết mình để lên đường “yêu thương-phục vụ” theo con đường vâng phục, khiêm tốn của Thánh Cả Giuse.

Chuyện đêm nầy chợt nhớ đêm xưa chỉ có vậy mà thôi !

Sơn Ca Linh



 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cầu nguyện
LM. Martin Trần Minh Quân, S.J
20:55 19/03/2017
CẦU NGUYỆN (Mt 17, 1-8)

Biến cố Chúa biến hình cho chúng ta một hình ảnh sinh động về Thiên Chúa. Có một cái gì đó liên hệ giữa Đức Giêsu của hôm qua và chúng ta hôm nay. Bạn và tôi, thật khó mà tưởng tượng nổi sự ‘biến hình’ của bản thân, nhưng một lẽ nào đó, chúng ta ước mơ nó xảy đến, phải không? Ta muốn nhìn, muốn cảm thấy, và trở nên một con người khác hơn cái tôi của hiện hữu. Vô số những tín hiệu ta nhận được từ thế giới quanh ta đã như là nguồn thôi thúc sự đổi thay, sự biến dạng. Dáng vẻ bề ngoài, những gì ta có, và nhất là kẻ bàng quang nghĩ gì về ta, thấy gì nơi ta.

Nỗi ám ảnh về việc thiên hạ nhìn ta dưới nhãn quang nào đã thậm chí đưa chúng ta tới nghĩ suy: hình dạng ta sẽ ra sao trước mặt Thiên Chúa. Đây thật là điều nực cười vì ta cứ làm như thể Chúa chẳng thấu rõ ta là ai: trong lẫn ngoài.

Có phải đó cũng chính là nguyên nhân làm ta không muốn cầu nguyện bởi vì ta sợ rằng một khi ta tâm tình với Chúa, Ngài sẽ hiểu nết xấu của ta rõ hơn; hoặc như là ta chưa ở trong sự tuyệt hảo cần thiết? Ta nghĩ là ta cần phải sẵn sàng khi Chúa đến, điều này đúng thôi. Nhưng có đôi khi ta đi xa hơn đến độ tưởng rằng ta có thể tiên đoán ngày và giờ ấy. Và rất có thể ta cũng tưởng mình sẵn sàng được theo kiểu của Phêrô, Giacôbê, Gioan hôm nay: “Chúng con sẵn sàng, xin cho chúng con lập ba lều . . .”

Tôi còn nhớ những câu chuyện của 30 ngày tĩnh tâm dài. Trong khi chiêm niệm, tôi luôn tưởng đời tôi cũng như một căn nhà ấm cúng. Tôi cứ mải miết dọn dẹp, lau rửa mỗi ngày. Cửa trước được trang hoàng kỹ lưỡng chờ Ngài đến. Mà thật, tôi chờ và khao khát Ngài. Thế nhưng hình bóng của Giêsu chưa bao giờ xuất hiện từ ngưỡng cửa đầy hoa và thảm đỏ. Ngài đã đến trong đời tôi mà không qua ngưỡng cửa ấy, bởi lúc thì Ngài vào cửa sau, khi thì chui qua ống khói, và thậm chí có lần Ngài trèo cửa sổ mà vào.

Trong lúc ta bận rộn tô vẽ cho đời mình trông cho đẹp mắt, gọn ghẽ và tuyệt hảo trước Nhan Thánh, thì lời nhắn gửi của Chúa Giêsu hôm nay lại là sự quan trọng của những biến đổi đích thực rất người. Biến đổi là công việc của Thiên Chúa, không phải là việc của ta. Thường lắm khi ta cứ bỏ lỡ một chi tiết quan trọng (như các Tông Đồ ngày xưa cũng phạm phải) là viễn tượng của sự đẹp đẽ, sự tuyệt hảo luôn được theo sau bằng những tiên đoán của Chúa Giêsu về chính những đau khổ và sự chết.

Vậy thì làm sao chúng ta có thể thực thi những điều này? Tôi muốn đề nghị hôm nay về nhiệm vụ của ta trong sự ‘biến hình’ cho bản thân: mở lòng ra cho quyền năng của Thiên Chúa được thực thi. Và theo kinh nghiện truyền thống thì còn gì có giá trị hơn khi ta để cho năng lực của Ngài tràn vào qua việc cầu nguyện?

Bởi đó, trong giây phút này đây, tôi muốn chia xẻ với các bạn về đời cầu nguyện, về sự quan trọng trong cách nhìn Thiên Chúa của ta, về những lý do khiến ta bỏ lơ nguyện ngắm, những nguy cơ gặp phải khi cầu nguyện, về sự thực hành cầu nguyện trong đời sống và những hoa trái tiềm ẩn từ nó.

Trong quyển sách “Clinging,” Emilie Griffin đã nói rằng cầu nguyện chẳng phải là những chi ta làm, mà là chính Chúa Kitô làm trong ta. Theo bà, cầu nguyện giúp ta ‘cling’ (bám chặt) vào Thiên Chúa, và giải phóng ta khỏi tư tưởng ‘tự làm lấy,’ ‘không lệ thuộc’—những tư tưởng đẩy ta xa Ngài.

Clinging không phải là những tư tưởng hay phương thức của cầu nguyện mà chỉ là những bước dọ dẫm, những kinh nghiệm của nó mà thôi. Bởi thế mà ngay cả Thiên Chúa khi muốn phá tan khỏi ta những bức tường ngăn cách, thì Ngài cũng đi rất từ tốn, nhẹ nhàng vì Ngài chẳng muốn làm ta sợ hãi hay thậm chí đe dọa sự tự do của ta.

Karl Rahner đã viết: “Chẳng phải con vồ lấy Cha, nhưng chính Cha chộp lấy con.” Mà Thiên Chúa này là ai mà lại chộp lấy ta trong cầu nguyện? Ta nhìn Chúa dưới nhãn quang nào? Ta đã cầu nguyện với một Thiên Chúa, Đấng chỉ dùng quyền năng để cho đi hay giữ lại những điều tốt, để cân đo đong đếm sự thưởng phạt, hay để gửi đến ta bao khó khăn, đau khổ hầu thử thách ta xem ta có xứng đáng vào hưởng cuộc sống thần thánh mai hậu? Hay ta cầu nguyện với một Thiên Chúa, Đấng dắt ta ra khỏi những khó khăn do chính ta và anh em tạo nên?

Chúng ta cần xét lại về cách nhìn Thiên Chúa thật cẩn thận để xem xem nó có thực sự giống với Thiên Chúa của Tạo Thành, của xuất hành, của Đức Giêsu cứu đời, của Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống, của sự huyền nhiệm, của các tiên tri những kẻ rao giảng công bình qua các thời đại – một Thiên Chúa luôn yêu thương. Nói theo kiểu Griffin: “Chúng ta được Ngài yêu chẳng phải vì ta đạo đức mà vì qua tình yêu ấy, Ngài sẽ làm ta nên đạo đức hơn.”

Những lý do khiến ta ngại cầu nguyện. Khi tôi cầu nguyện, tôi chẳng có cảm giác gì hết. Sự vô cảm này lắm khi lại do chính sự thờ ơ, tự thu mình trong hệ thống phòng thủ tiềm ẩn trong lòng tôi – những thứ bảo vệ tôi khỏi cái mà tôi sợ nhất: sự chối từ. Hơn nữa, nếu tôi cầu nguyện mà không có cảm giác gì hết thì điều này đã nói gì cho tôi hay về cảm giác của Thiên Chúa lúc đó đối với tôi?

Lý do khác: khi tôi cầu nguyện, tôi không tập trung vào cái mà Chúa ban cho nhưng mà vào thứ mà Ngài còn cất dấu cứ như thể Ngài là Thiên Chúa kiểu ông già Noel, mang trong mình một danh sách dài và xét năm lần bẩy lượt xem ta làm tốt hay xấu.

Lý do thứ ba: cầu nguyện là một việc quá hiển nhiên, tìm một lối về, một ngã rẽ khi tôi chạm trán với tham vọng của đời thường. Griffin đã gọi “cầu nguyện là một manh mối còn ẩn nấp trong đồng cỏ bao la.” Hay nói khác đi, cầu hoài mà chả được. Sự nhận xét này thường khởi phát từ những con người chả bao giờ cầu nguyện hoặc từ kẻ muốn biết muốn tìm một khởi phát cho những lối thoát. Điều cần nhớ là Thiên Chúa biết cách đáp trả lời cầu của ta hơn ta tưởng ta suy. Đã từ lâu tôi bỏ đi việc cầu nguyện cho người khác một cách chi tiết mà thay vào đó là xin Chúa ban cho họ những chi mà họ thực sự cần. Dĩ nhiên, khi họ gặp hoạn nạn, khổ đau về tinh thần, vật chất hay tâm lý, tôi đã xin Ngài an ủi, thêm sức và ban cho họ cảm nhận về sự hiện hữu của Ngài trong những đau khổ ấy.

Lý do kế: ta cầu nguyện mà lòng thấy khô khan vô tả. Tôi đề nghị một cách nhìn khác hơn cho cảm giác khô khan và trống rỗng của ta. Đó là thay vì nhìn thấy sự trống rỗng, ta nhận ra cái mênh mang của lòng ta đang khao khát chờ Ngài đong đầy và dằn lắc. Há chẳng phải khi đói và lúc khát thì thức ăn và nước uống trở nên ngon hơn sao? Đây cũng chính là một trong những lý do của chay tịnh hầu giúp ta gọt dũa cho sắc khao khát được có Ngài. Thông thường tim ta cũng giống như đầu, tay và bao tử cứ đầy ắp những thứ đẩu đâu làm ta chẳng còn chỗ chứa. Qua cầu nguyện, ta có cơ hội trỗng rỗng đủ để Ngài thực sự được chào đón.

Có lẽ ngáng trở lớn nhất khi cầu nguyện là sự sợ phải im lặng. Thứ im lặng mà qua nó, ta cảm thấy cái ham muốn gần gũi, nhưng đồng thời cũng là những dằn vặt của tiến hay lui, khao khát hay chối từ. Nói một cách khác đi, cầu nguyện là nguy cơ, mà nó là nguy cơ thật bạn ạ. Nguy cơ rằng Thiên Chúa sẽ biến đổi ta, thay cách nhìn của ta, sự hiểu biết của ta, giá trị, ưu tiên... và tệ hơn nữa biến ta thành một kẻ mà ta chẳng thể chấp nhận. Rồi chúng ta có thể sẽ bắt đầu quan tâm đến giá trị khác hay anh em đồng loại theo cách làm ta không mấy thoải mái; hoặc ta ngừng quan tâm đến một số giá trị ưu tiên của riêng mình.

Hồi còn trong nhà tập, một lần ngồi nói chuyện với Cha Giám Tập, Cha đã hỏi tôi: “Phải chăng con sợ Chúa biến đổi mình vì rất có thể Ngài sẽ đưa con đến một mẫu người mà con không chấp nhận?” Có lẽ Cha nói đúng.

Mặt khác, qua cầu nguyện, ta có cơ may cảnh giác với những ấn tượng sai, những mặt nạ của đời ta và thậm chí ta có thể quên đi mà dâng hiến cái ưu tư, sợ hãi, và phiền muộn của ta cho Ngài. Như Griffin nói: “Đồng bạc duy nhất mà ta có thể dâng là chính con người của ta.” Và nếu như ta keo kiệt ở điểm này thì ta chỉ cách ly mình ra khỏi cái tôi thật của ta mà thôi. Thậm chí nếu ta miễn cưỡng với Thiên Chúa thì như một bài thơ nào đã viết: “ Nếu bạn chẳng thành tâm khi cầu nguyện Mà chỉ dâng Chúa những tâm tư khô cạn, hay những kiêu căng và hồ nghi, Thì trong tình yêu bao la của Ngài, Nhận được đồng bạc xấu xí làm phần thưởng là bạn đã may lắm thay!”

Các bạn mến, khi chúng ta dâng Ngài thời giờ quý báu, khi tất cả những kiểu cách, kế hoạch, phương thức được quét sạch đi thì lúc ấy, ta sẽ nghe Ngài nói với ta trong chỗ lặng lẽ nhất của trái tim. Và điều Chúa nói là tên gọi của chính ta. Chỉ trong tiếng gọi và lắng nghe ấy, ta biết rằng ta thuộc về Người.

Nhìn một người bạn, ta có thể nói người đó có đời sống cầu nguyện sâu sắc. Bởi họ sống rất nhân hậu, vị tha, khiêm tốn, nhẫn nại, cởi mở, và bình tĩnh trước khó khăn. Có lẽ là qua cầu nguyện, đời sống nội tâm của họ đã phủ lấp cái ngoại hình ồn ào đáng ghét.

Thế nên bạn ơi, khi cầu nguyện, đừng lo lắng cho việc nên đứng hay ngồi, quỳ hay nằm. Đừng ưu tư về việc nên đọc kinh Lạy Cha cách chậm rãi, hay đọc một đoạn Phúc Âm, cầu nguyện với nét nhạc, với Thánh Tích hay dùng Kinh Mân Côi. Phương thức luôn thay đổi mà đề tài thường dễ thương thuyết.

Cầu nguyện thực sự là im lặng trước Thánh Nhan và thả hồn trong tình yêu của Thượng Đế. Cầu nguyện tự nó không phải là thành công hay thất bại mà là đưa cái tôi của ta vào lòng Ngài, vì Thiên Chúa luôn luôn yêu ta, nhất là lúc ta trở về từ những vấp ngã: “Con muốn ở nơi những bước chân Ngài đi, bởi trước khi bước đi, Ngài đã nhìn xuống lòng đất, Và qua đó Ngài thấy con mà chúc lành cho”.

Vâng, hãy cầu nguyện luôn vì Thiên Chúa muốn chúc lành và biến đổi con người yếu đuối của ta.

LM Martin Trần Minh Quân, S.J

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Trên Đồi Xuân
Nguyễn Đức Cung
18:40 19/03/2017
NẮNG TRÊN ĐỒI XUÂN
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Đâu cần rực rỡ đồi hoa
Cỏ non lá biếc thế là mùa xuân.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 14-20/03/2017: Giáo hội là hy vọng duy nhất đối với người dân Nam Sudan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:21 19/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Parolin nói về những ưu tiên của Đức Giáo Hoàng.

Phát biểu với Đài phát thanh Vatican vào ngày kỷ niệm lần thứ 4 cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng Đức Thánh Cha tiếp tục tập trung vào sự cần thiết là Giáo Hội phải giúp mọi người tìm thấy lòng thương xót của Chúa và sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Đức Hồng Y Parolin nói:

Đức Giáo Hoàng hướng dẫn chúng ta đến với tình yêu của Thiên Chúa và bảo đảm Giáo Hội có thể hoạt động như một kênh thông truyền tình yêu đó và là nơi gặp gỡ lòng thương xót và nhân từ của Chúa giữa những niềm vui và nỗi buồn cụ thể của cuộc sống dương thế.

Đức Hồng Y nhận xét rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót đã mang lại những kết quả quan trọng, đặc biệt là trong việc “tái khám phá” Bí Tích Hòa Giải và nhu cầu giúp đỡ người nghèo. Nhưng ngay cả sau năm Thánh, lòng thương xót vẫn là chủ đề then chốt của triều đại Giáo Hoàng này.

Bình luận về những lời chỉ trích Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Parolin nói rằng “trong Giáo Hội luôn luôn có những lời chỉ trích”, điều quan trọng là những lời chỉ trích phải “chân thành và xây dựng”.

Về kế hoạch cải cách giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng mục tiêu không phải là thay đổi Giáo triều Rôma thông qua “các tiêu chuẩn hành chính”, nhưng là đạt được “sự trở lại chân thực với Thiên Chúa”. Ngài nói rằng “Giáo Hội phải phấn đấu để nên chân thực hơn, thoát khỏi những vỏ bọc được tích lũy qua các thế kỷ của lịch sử để có thể chiếu sáng với sự minh bạch của Tin Mừng.”

2. Kinh Chiều của Anh Giáo được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Hai tuần sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm viếng một giáo xứ Anh giáo ở Rôma, một buổi kinh chiều của Anh giáo, tiếng Anh gọi là Evensong bao gồm những lời nguyện, thánh vịnh và các bài thánh ca, đã được cử hành lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 3 tại nhà thờ Thánh Phêrô.

Âm nhạc được trình tấu bởi dàn hợp xướng của Đại Học Merton, Oxford.

Linh mục David Hamid thuộc Giáo phận Anglican ở Châu Âu nhận xét rằng:

“Lời cầu nguyện hằng ngày của Giáo Hội là một điều có thể hiệp nhất chúng ta, nó đưa chúng ta trở lại cội nguồn Bênêđíctô chung của chúng ta, và chúng tôi trong Giáo Hội Anh biết ơn các nhà truyền giáo dòng Bênêđíctô đã được Đức Giáo Hoàng Gregôriô gởi sang Anh”

3. Giáo Hội là hy vọng duy nhất đối với nhiều người ở Nam Sudan

Giáo Hội Công Giáo là “cơ quan chức năng duy nhất còn hoạt động trong xã hội dân sự” ở Nam Sudan, ông Neil Corkery, chủ tịch Quỹ cứu trợ Sudan, nói với Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Ông Corkery báo cáo rằng 4.5 triệu người, tức là gần một nửa dân số của châu Phi, đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, và con số đó có thể sẽ gia tăng trong mùa hè. Xung đột liên tục đã ảnh hưởng đến việc sản xuất và phân phối lương thực, và khoảng 2.5 triệu người đã phải lánh nạn.

Ông Corkery cho biết thêm, trong nhiều miền, đặc biệt ở những vùng xa xôi của đất nước, Giáo Hội Công Giáo là cơ quan duy nhất đem lại chút hy vọng cho những người đang tuyệt vọng.

4. Quốc Hội Anh Quốc trên đà tự do hóa luật phá thai

Một dự luật cho phép tự do phá thai đang được Quốc Hội Anh bàn cãi. Các nhà lãnh đạo Công Giáo và Anh Giáo âu lo rằng Quốc Hội Anh sẽ thông qua một dự luật về “Sức khoẻ Sinh sản” trong đó loại bỏ mọi hạn chế về phá thai trong 28 tuần đầu của thai kỳ.

Trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ số khít khao 174 trên 142, các nhà lập pháp tại Hạ Viện Anh đã thông qua dự luật này hôm thứ Hai 13 tháng Ba.

Dự luật này sẽ được Thượng Viện Anh bàn thảo trong những ngày tới.

5. Giáo xứ Công Giáo ở Mosul bị biến thành văn phòng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS

Các lực lượng Iraq giải phóng một khu phố của Mosul và phát hiện rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã biến một giáo xứ Công Giáo nghi lễ Chalđê thành một văn phòng; từ văn phòng này chúng ban hành các chỉ thị bắt dân dân chúng phải thực hiện.

Một báo cáo của tờ báo Ả Rập Iraq News cho biết: “Không một biểu tượng Kitô nào còn tồn tại trong nhà thờ này ngoài một bàn thờ bằng đá cẩm thạch màu xám.”

Hiện nay, quân Iraq đã giải phóng được toàn bộ phần phía Đông Mosul nhưng chưa nhà thờ nào dám mở cửa trở lại. Lý do thứ nhất là quân khủng bố nằm vùng vẫn còn sót lại và một vài hoạt động khủng bố và ám sát vẫn còn diễn ra. Thứ hai là nhiều nhà thờ đã bị phá tan hoang. Một vài nhà thờ thậm chí còn bị gài bom khi quân khủng bố Hồi Giáo IS rút chạy.

6. Giáo xứ Công Giáo ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức các nghi thức phụng vụ chính thống

Một giáo xứ Công Giáo ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, đã mời cộng đồng Chính thống giáo địa phương tổ chức các nghi thức Phụng Vụ Thánh trong nhà thờ của mình. Tòa Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinople đã ra tuyên bố hoan nghênh cử chỉ đại kết này.

Các Giám Mục Chính Thống Giáo sẽ tổ chức các buổi lễ phụng vụ chính thống mỗi tháng một lần tại nhà thờ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Tòa Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinople có trụ sở chính tại Istanbul và có Vương Cung Thánh Đường Thánh George rất lớn ở đó. Tuy nhiên, do chính sách đàn áp Kitô Giáo của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, các tín hữu Chính thống ở Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, không xin được phép xây dựng nhà thờ tại đây. Họ phải thờ phượng bên trong các tòa đại sứ.

7. Vị tử đạo đầu tiên sinh tại Hoa Kỳ được phong Chân Phước vào tháng Chín tới

Cha Stanley Rother, người bản xứ Oklahoma đã bị giết trong khi phục vụ như một nhà truyền giáo ở Guatemala năm 1981, sẽ được phong chân phước vào tháng Chín.

Việc tử đạo của Cha Rother đã được Bộ Phong Thánh chính thức nhìn nhận hồi tháng Mười Hai năm ngoái. Trong tuyên bố đưa ra hôm 13 tháng Ba, tổng giáo phận Oklahoma cho biết lễ tuyên phong chân phước cho ngài được dự trù diễn ra vào ngày 23 tháng 9, tại Oklahoma City vì Cha Rother là linh mục của tổng giáo phận Oklahoma City.

Trong thời gian phục vụ tại một giáo xứ ở Guatemala, Cha Rother thừa nhận cuộc nội chiến của Guatemala khiến cho công việc truyền giáo của ngài tại đó trở nên rất nguy hiểm. Tuy nhiên, ngài thường nói: “Nhưng nếu định mệnh của tôi là phải hy sinh mạng sống mình ở đây, thì tôi đành chấp nhận. Tôi không muốn từ bỏ những người này.” Ngài bị bắn chết vào ngày 28 tháng 7 năm 1981.

8. Khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp ảnh hưởng mạnh đến trẻ em và các gia đình

Mối dây liên hệ gắn bó truyền thống trong gia đình người Hy Lạp đang bị phá vỡ khi các tàn phá của cuộc khủng hoảng tài chính càng ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Một phần tư trẻ em Hy Lạp giờ đây sống trong nghèo khổ cùng cực.

Viện dục anh này được thành lập hàng trăm năm qua để nuôi dưỡng các trẻ mố côi trong chiến tranh, nhưng giờ đây cơ sở này còn phải cánh đáng thêm những trẻ em mà gia đình chúng phải vật lộn trong việc nuôi sống con em mình.

Iro Zervaki của viện dục anh này cho biết:

“Đó có thể là những gia đình không có cha, và người mẹ phải đi làm ca và không có những thân nhân giúp mình. Đó cũng có thể là các gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều mất công ăn việc làm và bất ngờ thấy mình không đứng vững nổi nữa.”

Nhiều cha mẹ trao phó các em cho viện dục anh suốt cả tuần trong khi hàng chục em khác được đưa đến mỗi ngày.

Các em này tuổi từ 2 đến 5. Trung tâm này hoạt động được nhờ vào sự giúp đỡ lương thực và quần áo của các mạnh thường quân. Trước cuộc khủng hoảng tài chính, trung tâm chủ yếu chỉ là nơi tạm trú cho các trẻ em bị ngược đãi.
 
Thánh Ca
Thánh Ca Mùa Chay - Canvê Chiều Buồn - Trình bày: Đình Trinh
Khanh Lai
05:38 19/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Thánh Ca Mùa Chay – Đừng bỏ con Chúa ơi – Trình bày: Sr. Thùy Linh
Khắc Thái
05:49 19/03/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây