Ngày 24-03-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:19 24/03/2019

118. Nếu anh muốn đi con đường cực đoan, thì nên cực đoan về phương diện ôn hòa, nhẫn nại, khiêm tốn và đức ái nhé.

(Thánh Philip Neri)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:20 24/03/2019
67. KHIÊNG KIỆU ĐI ĐÂU

Có một cô gái nọ xuất giá (đi lấy chồng), vì cảm thấy thương tâm nên khóc, đang khóc thì nghe kiệu phu hỏi:

- “Khiêng kiệu đi đâu ?”

Cô dâu vừa khóc vừa nói:

- “Má ơi là má ơi, khiêng kiệu đến cửa sông Triết Giang.”

(Tiếu phủ)

Suy tư 67:

Bối rối thường xảy ra trong hai trường hợp: một là khi có chuyện buồn xảy ra, hai là khi có chuyện vui bất ngờ xảy đến, cả hai đều làm cho tâm sinh lý của con người “rối loạn” không được bình tĩnh...

Ma quỷ thường hay lợi dụng lúc chúng ta bối rối để cám dỗ, thay vì kháng cự với những lời ngon ngọt của ma quỷ thì chúng ta lại khẩn cầu nó giúp đưa chúng ta đến cửa hỏa ngục, chẳng khác gì cô dâu trong lúc bối rối nói với kiệu phu khiêng mình đến cửa sông Triết Giang vậy...

Bối rối là một cơn bệnh phần hồn của người Ki-tô hữu, thường thường người có bệnh bối rối thì không tự mình quyết định được điều gì, do đó họ cần phải có người (các linh mục) hướng dẫn giúp họ trong đời sống thiêng liêng, nếu họ không nhờ ai giúp thì ma quỷ sẽ giúp họ vậy...

Trong vườn cây dầu, Đức Chúa Giê-su đã rất bối rối khi nghĩ đến những đau khổ mà mình sẽ phải chịu, nhưng cuối cùng Ngài đã có các thiên thần an ủi và luôn trông cậy vào Chúa Cha, nên Ngài đã can đảm chu toàn bổn phận cứu chuộc nhân loại cách hoàn hảo nhất vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Truyền Tin 25/3/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
09:47 24/03/2019
Bài Ðọc I: Is 7, 10-14

"Này trinh nữ sẽ thụ thai".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!" Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa". Và Isaia nói: "Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 11

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa

Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến".

Xướng: Như trong cuốn sách đã chép về con, lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và luật pháp của Chúa ghi tận đáy lòng con.

Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Xướng: Con chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng con; con đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa; con đã không giấu giếm gì với đại hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa.

Bài Ðọc II: Dt 10, 4-10

"Ở đoạn đầu cuốn sách đã viết về tôi là, lạy Chúa, tôi thi hành thánh ý Chúa".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, máu bò và dê đực không thể xoá được tội lỗi. Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: "Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật". Ðoạn Người nói tiếp: "Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa". Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta, và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người. -Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

"Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".

Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà.

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Hà Nội giáo phận Xuân Lộc kỷ niệm 65 năm thành lập
Hoàng Bá Qúy
09:05 24/03/2019
Chiều ngày 20 tháng 3 năm 2019, vào hồi 16g30, giáo xứ Hà Nội, hạt Hố Nai, giáo phận Xuân Lộc hân hoan chào đón Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo-Giám mục giáo phận đến viếng thăm và dâng thánh lễ tạ ơn mừng kính Thánh Giuse- bổn mạng giáo xứ, kỷ niệm 65 năm thành lập và 50 xây dựng thánh đường. Dịp này, giáo xứ cũng được hân hạnh đón tiếp Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám mục Giáo Phận Phú Cường, người con ưu tú của giáo xứ, quý cha, quý tu sĩ, quý khách đến mừng Lễ Kính Thánh Giuse Bổn Mạng, kỷ niệm 65 năm ngày thành lập và 50 ngày xây dựng thánh đường.

Xem Hình

Đúng 17g00, đoàn rước gồm đại diện các đoàn thể, quý chức ban hành giáo, quý tu sĩ, quý cha và quý đức cha kiệu cung nghinh tượng Thánh Giuse từ nhà xứ tiến lên thánh đường dâng thánh lễ trong tiếng kèn vang trang trọng.

Trước khi bước vào thánh lễ, cha chánh xứ giáo xứ Hà nội Giuse Phạm Sơn Lâm thay mặt cộng đoàn dân xứ dâng lời lên Đức Cha Giuse, vị cha chung của giáo phận đã viếng thăm, chúc lành và mời gọi dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa. Cha Giuse cũng dâng lời cảm ơn Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám mục Phú Cường, quý cha quản hạt, quý cha xứ trong và ngoài hạt, quý bề trên các dòng tu, quý dì, quý thày, quý chức ban hành giáo giáo phận, giáo hạt và khách quý đã cùng hiện diện với cộng đoàn dân xứ Hà Nội dâng lời cảm tạ Hồng Ân Thiên Chúa trong thánh lễ mừng kính thánh Giuse -bổn mạng giáo xứ, kỷ niệm 65 năm thành lập và 50 xây dựng thánh đường. Ngài cũng kính xin quý đức cha và mọi người hợp dâng lễ tạ ơn với cộng đoàn và xin Chúa tiếp tục chúc lành cho giáo xứ Hà Nội bước qua năm thứ 66: Thánh Thiện, Hiệp Nhất và Yêu Thương.

Tiếp đến, cha Giuse đã xin phép quý đức cha long trọng công bố Phép Lành Tòa Thánh do Đức Giáo Hoàng Phanxico ký đã ân ban cho cộng đoàn giáo xứ Hà nội trong dịp trọng đại này

Trong phần giảng lễ, Đức cha Giuse chia sẻ với cộng đoàn về muôn vàn hồng ân Thiên Chúa đã ban các thế hệ qua các vị mục tử của giáo xứ suốt chặng đường 65 năm hình thành và 50 năm quy tụ trong ngôi thánh đường này Đặc biệt, Đức cha mời mọi người nhìn lên gương thánh Giuse bổn mạng luôn tin tưởng, phó thác cuộc đời cho Chúa và luôn hướng lòng bao dung đến với tha nhân. Đức cha cầu chúc cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ Hà Nội luôn nhìn những người lầm lỗi với cái nhìn bao dung, sẵn sàng tha thứ và hướng đến tha nhân với lòng thương xót cùng một trái tim nhân hậu.

Thánh lễ được cử hành nghiêm trang và sốt mến.

Trước khi Đức Cha Giuse ban phép cuối lễ, vị đại diện cộng đoàn dâng lời tạ ơn Đức Cha Giuse, Đức cha Phê rô, quý cha, quý tu sĩ, quý chức và quý khách. Những lẵng hoa tươi thắm dâng lên hai đức cha nói lên tấm lòng tri ân của cộng đoàn với tâm tình của những người con thảo.

Dịp này, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, người con của giáo xứ Hà Nội cũng chia sẻ tâm tình đến cộng đoàn. Ngài ao ước cộng đoàn sống tâm tình tạ ơn cách trọn vẹn là tích cực phát triển về những gì tiền nhân để lại, là làm cho mọi người ngày đoàn kết và hiệp nhất với nhau, cùng nhau mở mang nước Chúa, cùng nhau mang Chúa đến cho mọi người.

Sau thánh lễ, mọi người cùng nhau chia sẻ bữa ăn đượm tình yêu thương và đoàn kết trong Chúa.

Xin chúc mừng và chung vui cùng quý cha và cộng đoàn giáo xứ Hà Nội trong ngày lễ mừng kính Thánh Giuse, kỷ niệm 65 năm hình thành và phát triển và kỷ niệm 50 năm ngày xây dựng ngôi thánh đường thân yêu. Xin Chúa, mẹ Maria và Thánh Cả Giuse Bổn mạng ban nhiều ơn lành xuống trên mọi người giúp giáo xứ ngày càng phát triển về cơ sở vật chất, lòng đạo đức và lòng yêu thương với những người đau khổ, khó khăn để thành gương lành lôi cuốn nhiều người khác nhận biết Chúa.

Lược sử Giáo xứ Hà Nội, hạt Hố Nai:

Quá trình hình thành và phát triển.

Năm 1954, một số giáo dân dưới sự hướng dẫn của Cha Phanxicô Xaviê Vũ Kim Loan di cư đến xã Hố Nai, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa sinh sống và thành lập Giáo xứ Hà Nội. Thời gian đầu, Cha Phanxicô Xaviê và cộng đoàn đã dựng một nhà nguyện tạm bằng gỗ với kích thước 6m x 12m để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện. Hai năm sau, năm 1956, Cha Phaolô Nguyễn Quang Hiền kế nhiệm Cha Phanxicô Xaviê phụ trách Giáo xứ Hà Nội. Trong những năm đầu phụ trách Giáo xứ, Cha Phaolô từng bước ổn định các sinh hoạt mục vụ. Năm 1969, Cha và cộng đoàn thể hiện tinh thần hiệp thông trong việc xây nhà thờ mới với kích thước 24m x 64m bằng vật liệu kiên cố và hoàn thành hai năm sau đó.

Năm 1975, Cha Đaminh Trần Xuân Thảo thay thế Cha Phaolô coi sóc Giáo xứ. Từ đó Cha Đaminh phát triển thêm những thành quả đã có qua các thời quý Cha quản xứ, đồng thời, hoàn thiện các sinh hoạt của Giáo xứ và tu sửa chỉnh chu các cơ sở vật chất để làm nên Giáo xứ Hà Nội tốt đẹp như ngày nay.

Năm 2015, cha Giuse Tạ Duy Tuyền nhận bài sai chính xứ thay thế cha Đaminh nghỉ hưu.

Năm 2017, cha Giuse Phạm Sơn Lâm thay cha Giuse Tạ Duy Tuyền trông coi giáo xứ cho đến hiện nay.

Địa dư: Đông giáp xứ Thánh Tâm; Tây giáp xứ Kẻ Sặt; Nam giáp khu Long Bình; Bắc giáp xứ Gò Xoài.

Diện tích: 2,3 km2

Dân số: 17.243 người

- 3.955 gia đình Công Giáo, gồm 15.487 giáo dân

- Tỷ lệ: 89,9%

Linh mục quản xứ:

- Phanxicô Xaviê Vũ Kim Loan (1954 - 1956)

- Phaolô Nguyễn Quang Hiền (1956 - 1975)

- Đaminh Trần xuân Thảo (1975-2015)

- Giuse Tạ Duy Tuyền (2015-2017)

Linh mục đương nhiệm:

-Giuse Phạm Sơn Lâm - Chánh xứ

-Giuse Vũ Xuân Thực - Phó xứ

-Giuse Lê Thái Văn - Phó xứ

(nguồn giaophanxuanloc.net)

Ban Truyền Thông Hố Nai
 
Khóa Tĩnh Huấn của Legio Maria Melbourne 2019
Trần Văn Minh
21:57 24/03/2019
Sau ba ngày học tập, với ba cha và một thầy phó tế giảng thuyết và ba hội viên kỳ cựu chia sẻ. Khóa Tĩnh Huấn của Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Flemington, trực thuộc Senatus Melbourne, đã kết thúc khóa tĩnh huấn sau Thánh Lễ Chúa Nhật vào lúc 12 giờ trưa, Ngày 24/3/2019.

Xem hình

Các hội viên Legio Mariae, chia tay nhau ra về với nhiều lưu luyến, giữa vùng đồi núi, nơi cây cao bóng cả xanh tươi, và nhất là không khí trong lành của Briars Outdoor Ed Camp vì nơi này gần với biển, cách nơi chúng tôi sinh sống, tùy theo vùng từ khoảng 60 cho tới hơn 100 km.

Không kể thời gian sửa soạn, chúng tôi rời khỏi nhà lúc 3:30 chiều Thứ Sáu Ngày 22/3/2019 để đến địa điểm tập trung tại ba nơi: Nhà thờ Saint Bernadette, Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm khu vực Miền Tây và Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang vùng miền Đông Melbourne.

Chuyển được hành lý lên xe và xe khởi hành lúc 4 giờ để kịp đến nơi trước giờ khai mạc theo chương trình lúc 6 giờ chiều. Mọi người từ khắp các Praesidia, các Curiae có dịp gặp nhau vui chuyện trò như pháo nổ, thôi thì “chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện bạn bè, chuyện công tác kể hết.” Mọi người ngưng kể chuyện khi có hiệu lệnh “đọc kinh.”

Vì là ngày cuối tuần, xe cộ trong giờ tan sở về nhà, đường xá coi như thiếu chỗ cho xe chạy. Đường trong thành phố hay Free Way cũng đều như nhau cứ nhích từng bước, chỉ khi xe chúng tôi chui qua hầm để nối Eastern Freeway với Easternlink. Xe ghé vào Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang đón thêm một số hội viên của Curia Tô Ma Thiện, gặp Cha Vũ Ngọc Tuyển Linh giám của Curia tiễn hội viên đi tĩnh huấn lên xe chào mọi người và chúc chuyến đi an bình.

Đến được trại, trễ giờ khai mạc hơn một tiếng. Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng thay Cha Linh giám của Comitium đã đến trước ra chào đón mọi người. Sau khi ổn định chỗ ở, mọi người lên hội trường để cùng dâng lễ khai mạc. Anh Trưởng Lê Văn Miện chào mừng mọi hội viên trong Comitium về dự, chào mừng Cha Anthony đã không ngại đường xá xa xôi, và phải về vào giờ khuya để mai còn nhiều việc phải lo cho giáo xứ. Ca đoàn Tin Yêu với áo trắng khoác thêm giải khăn tím của mùa chay cũng đặc biệt hơn mọi ngày. Sau thánh lễ, mọi người được mời ăn cơm tối, để sau đó nghe giảng thuyết.

Với chủ đề: Legio sống theo gương Mẹ. Linh mục Nguyễn Hữu Quảng đã nói về Lễ Truyền Tin với một vài hoạt cảnh có tính cách giúp cho mọi người ôn lại tin mừng. Nhưng những ai được mời với tính cách đột xuất, mấy vị dù là quân binh của Mẹ, dù già hay còn trẻ, nhưng xem ra không ai diễn đúng được các lời đối thoại trong cảnh Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Isave, và hoạt cảnh truyền tin. Với kinh nghiệm giảng thuyết, và một đề tài rất hợp với đời sống của người quân binh Legio. Linh mục Anthony đã giúp mọi người có những giây phút đầu thoải mái sau cuộc hành trình tuy không đến nỗi vất vả, nhưng do đoàn quân của Mẹ nhiều anh chị lớn tuổi nên có chút hơi mệt. Những hoạt cảnh và những nụ cười đã xua tan đi mọi phiền não để về bên Mẹ để học tập và sống theo gương Mẹ. Chương trình ngày đầu được tiếp tục với Chầu Thánh Thể và kinh tối kết thúc vào lúc trời đã về khuya.

Ngày Thứ Bảy, sau giờ kinh sáng, điểm tâm khóa tĩnh huấn có những giờ giảng thuyết với ba đề tài: Legio trong đời sống gia đình và cộng đoàn, Legio đồng hành với giáo hội, Những thách đố và hướng đi của người chiến sỹ Legio. Hai đề tài, một do Linh mục Trần Minh Hiếu và một do Phó tế Nguyễn Văn Bổn trình bày căn cứ theo Thủ bản của Legio. Kết thúc các đề tài là thánh lễ lúc ba giờ để cho Cha Hiếu về dâng lễ cùng cộng đoàn.

Đề tài thứ Tư: Những thách đố và hướng đi của người chiến sỹ Legio được anh trưởng cùng các anh đã sinh hoạt trong Comitium Legio Mariae lâu đời, phải nói là những người chiến sỹ Legio tiên khởi của Comitium tại Melbourne trong khoảng thời gian trên dưới 40 năm qua.

Anh Trưởng luôn là người phụ trách để nói về đời người chiến sỹ Legio, những bí mật mà người chiến sỹ Legio luôn phải tuân giữ, cầu nguyện cho mọi người và mang Chúa đến với người khác.

Anh Nguyễn Hồng Sơn cũng là một chiến sỹ Legio kỳ cựu cũng chia sẻ đến mọi người về đời hoạt động những kinh nghiệm trong thời gia hoạt động tông đồ của người chiến sỹ Legio.

Anh Nguyễn Văn Thống cũng kể lại và xác tín dù có Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria vị Nữ tướng đi cùng, nhưng anh cũng nói đến ma quỷ luôn rình rập để cám dỗ, cản đường. Anh cũng nói là dù chúng ta ở tuổi nào, trẻ hay già ma quỷ cũng vẫn bám theo ta để cám dỗ. Anh cũng kể đến những kinh nghiệm vượt qua để thắng được trong những ngày đi công tác. Đến cứu được các linh hồn trong sự ngăn cản của chính thân nhân gia đình người sắp qua đời. Anh cũng kể đến sự cám dỗ của ma quỷ làm cho anh buồn chán không muốn đi công tác. Và Chúa cùng Mẹ đã nâng đỡ, vực dậy để hoàn thành công tác.

Nghe anh kể, người viết có cảm tưởng người chiến sỹ Legio như những người lính biệt kích được thả xuống lòng địch để cứu đồng đội, để cứu những người đang cần đến chúng ta, với biết bao nhiêu những rình rập bủa vây, anh phải chiến đấu để cứu được họ mà an toàn trở về.

Anh Đỗ Quang Vĩnh, một chiến sỹ thâm niên và hoạt động cùng giới trẻ hơn nhằm mục đích tuyển mộ, sinh hoạt cùng các em. Anh kể các chiến sỹ trẻ, năng động, sống trong thời buổi mà vật chất bao bọc cám dỗ, mà họ đã dám hy sinh thời gian dành cho học tập, sinh hoạt gia đình, bạn bè và cả công việc để đến ngồi họp với nhau cũng cả là một sự đáng ngợi khen.

Các chia sẻ rất hữu ích, rất tiếc, người viết không nhớ và kể ra hết các sinh hoạt trong các ngày tĩnh huấn với nhiêu chi tiết các bài chia sẻ và giảng thuyết được.

Trời chiều, những vạt nắng còn chiếu soi qua những ngọn cây cao. Nhân mùa Chay, Comitium tổ chức đi 14 nơi Thánh Giá để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa năm xưa. Những bài hát, lời kinh và suy niệm được mọi người đi theo Thánh giá trên đồi cao, nơi thanh vắng cất lên dễ đưa tâm hồn mọi người hướng về cùng Chúa và được cảm nỗi đau đớn sâu sa trong lòng Đức Mẹ.

Ngày cuối của khóa tĩnh huấn, cũng là sáng Chúa Nhật và chủ đề ngày cuối là: Hội viên Legio với Thánh Thể. Sau giờ kinh sáng, điểm tâm là giờ thuyết giảng của Cha Nguyễn Trọng Thiên, một linh mục giảng thuyết có tiếng ở Melbourne. Mở đầu bằng một bài hát kèm theo cử chỉ yêu thương, mọi người giúp nhau thư giãn bằng những nụ cười và những hành động mát sa cho nhau, vì chỉ có yêu thương chúng ta mới trở nên Thánh Thể Chúa.

Từ kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm mục vụ, Cha Thiên đã giảng để mọi người biết về sự yêu thương mà chúng ta có thể trở thành Thánh Thể của Chúa. Những hành động cho đi là học theo gương Chúa Giê Su trao thân chịu chết cho nhân loại. Nhiều những mẫu chuyện thực tế trong đời thường của một Dòng Ngôi Lời, đã mang lại nhiều yêu thương cho các học viên legio để buông bỏ những điều không cần thiết cho cuộc sống ý nghĩa hơn, ít lệ thuộc hơn.

Cha Thiên cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc của một số hội viên của khóa tĩnh huấn về đời sống gia đình, về đời sống đối với con cái, ít nhiều cũng cất nhắc đi những lo âu, những khổ tâm của con cái thời nay.

Mọi người cùng dâng lễ, dự tiệc Thánh. Những người đi dự tĩnh huấn lần đầu được Cha chủ tế mời lên bàn thờ Đức Mẹ, được mọi người giơ tay chúc lành. Những người đã đi dự nhiều lần cũng xin tuyên hứa để được sống tốt hơn nữa để xứng đáng với Thánh Thể Chúa và cũng xin cho mình trở thành Thánh Thể.

Bữa cơm trưa gọn nhẹ đã kết thúc khóa Tĩnh Tâm 2019 của Comitium 2019. Những của ăn thiêng liêng mang về tràn ngập tâm hồn mọi người trong niềm vui. Xe lăn bánh, mọi người cũng chờ đợi đúng 3 giờ chiều để cùng nhau lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót để cảm tạ Chúa. Khóa Tĩnh Huấn rất thành công nhờ kết hợp cùng Mẹ và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, giúp cho Comitium có được sự nhiệt thành của ban kỹ thuật anh chị Thi Liên, anh Phạm Hiếu, Ca đoàn Tin Yêu, anh Thân Âm thanh và ban ẩm thực của Comitium hai chị Vân (Nhị Vân), quý chị Thanh, Phúc, ba chi tên Lan, chị Ngọc, chị Dậu và toàn thể quý chị đã khéo tay nấu nướng giúp đỡ để mọi người được phục vụ thật chu đáo từ ly cà phê đầu ngày lúc trời còn chưa sáng tỏ, cho đến tô cháo khuya lúc đêm đã chuyển qua ngày mới. Tất cả đều là hồng ân và xin cảm tạ ơn Chúa và Mẹ Maria.

Ghi nhanh sau khóa tĩnh huấn 25/3/2019.
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 25/3/2019: Đức Thánh Cha kêu gọi các bạn trẻ đừng chùn bước trước khó khăn
VietCatholic Network
16:23 24/03/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật, 24/3/2019.

2- Đức Thánh Cha kêu gọi các bạn trẻ đừng chùn bước trước khó khăn.

3- Đức Thánh Cha tiếp đoàn Đại biểu Quốc hội Tiệp Khắc và Slovak.

4- Đức Thánh Cha giúp 3 nước Phi Châu bị thiệt hại vì lũ lụt.

5- Đức Thánh Cha phát động chương trình hòa bình của giới trẻ.

6- Đức Thánh Cha không nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Berbarin.

7- 7 Giám mục tử đạo tại Rumani dưới thời cộng sản được phong chân phước.

8- Ngày tưởng nhớ các nhà truyền giáo tử đạo.

9- Quốc hội tiểu bang Victoria, nước Úc, dự định bãi bỏ việc đọc Kinh Lạy Cha.

10- Hai Linh mục Phi châu bị sát hại trong vòng một tuần.

11- Tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ ý thức hơn về cuộc bách hại Kitô hữu trên toàn cầu.

12- Một Linh mục bị vu cáo lạm dụng tính dục được minh oan sau 8 năm.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Trở Về.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Giáo Hội Năm Châu 25/3/2019: Bài giảng đầu Mùa Chay của giáo triều Rôma
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:50 24/03/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm thứ Sáu 15 tháng Ba, cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng đã trình bày trước giáo triều Rôma bài giảng tĩnh tâm đầu Mùa Chay 2019 với chủ đề “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”.

Mùa Vọng năm ngoái chúng ta đã bắt đầu suy niệm một câu từ Thánh Vịnh: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.” (Tv 42: 2). Trong bài giảng Mùa Chay đầu tiên này, tôi muốn suy tư với các bạn về điều kiện cần thiết để “nhìn thấy” Thiên Chúa. Theo Chúa Giêsu, đó là sự thanh sạch trong tâm hồn: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5: 8).

Chúng ta biết rằng trong Kinh Thánh những chữ “thanh sạch” và “sự thuần khiết”, như trong ngôn ngữ hàng ngày, có ý nghĩa rất rộng. Phúc âm nhấn mạnh đến hai lĩnh vực cụ thể: sự công chính trong ý định và sự thuần khiết trong đạo đức. Đối lập với sự công chính trong ý định là đạo đức giả; và ngược lại với sự thuần khiết trong đạo đức là lạm dụng tình dục.

Trong lĩnh vực đạo đức, từ “tinh khiết” thường được dùng để chỉ một hành vi nhất định trong lĩnh vực tính dục, phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hóa và mục đích nội tại của tính dục. Chúng ta không thể tiếp xúc với Thiên Chúa, Đấng là tinh thần, bằng phương thế nào khác hơn là tinh thần của chính chúng ta. Nhưng rối loạn hay tệ hơn là những biến thái trong lĩnh vực tính dục này có tác dụng, mà mọi người đều có thể thấy được, là làm tăm tối tâm trí. Nó giống như lấy chân khuấy bùn trong ao: bùn ở phía dưới bị khuấy lên và làm vấy bẩn tất cả nước. Thiên Chúa là ánh sáng và một người chọn cách hoạt động như thế “ghét ánh sáng.”

Tội ô uế ngăn chúng ta nhìn thấy thiên nhan Chúa, hoặc, nếu có thấy đi nữa, thì cũng chỉ là một hình ảnh đã bị biến dạng hoàn toàn. Thiên Chúa trở thành không phải là một người bạn, một đồng minh, và một người cha mà là một đối thủ, một kẻ thù. Con người xác thịt đầy những dục vọng và những ao ước của cải cũng như những thứ đi kèm khác. Trong tình huống này, Thiên Chúa dường như là một người cản đường cản lối ngăn chặn con đường dẫn đến những ham muốn xấu xa với các lệnh truyền quyết liệt của Người: “Ngươi phải!” và “Ngươi không được!” Tội lỗi khơi dậy một sự cay đắng thầm kín đối với Chúa trong lòng mọi người đến mức nếu để cho họ quyết định, họ sẽ ước rằng trên thực tế Chúa không hề tồn tại thì hơn.

Tuy nhiên, trong dịp này, tôi muốn tập trung chủ yếu vào ý nghĩa thứ hai của “sự thanh sạch trong tâm hồn” hơn là ý nghĩa thứ nhất - sự thuần khiết trong đạo đức. Tôi sẽ đề cập đến sự công chính trong ý định, mà trong thực tế đối lập với đạo đức giả. Mùa phụng vụ chúng ta đang sống lúc này cũng định hướng chúng ta theo chiều hướng đó. Chúng ta đã bắt đầu Mùa Chay hôm Thứ Tư Lễ Tro với việc nghe lại những lời khuyên răn được liên tục lặp đi lặp lại của Chúa Giêsu:

“Khi làm việc lành phúc đức, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường làm…Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả…Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả” (Mt 6: 1-18) Thật đáng ngạc nhiên khi thấy tội đạo đức giả nặng nề như thế, đến mức là tội lỗi mà Chúa Giêsu đã tố cáo nhiều nhất trong Tin mừng, nhưng tội ấy lại rất ít khi được đưa vào các công thức tự vấn lương tâm thông thường của chúng ta. Nếu không tìm thấy câu hỏi: “Tôi có từng là một kẻ đạo đức giả không?” trong bản xét mình, ta phải tự mình thêm câu hỏi ấy vào, và hiếm khi nào ta có thể bước qua câu hỏi tiếp theo mà không cảm thấy mình có tội. Hành động đạo đức giả lớn nhất là che giấu thói đạo đức giả của chính mình, che giấu nó khỏi chính chúng ta và những người khác, nhưng không thể che giấu tội ấy trước Thiên Chúa. Đạo đức giả phần lớn gây sững sờ vào thời điểm nó bị nhận ra. Và đây là những gì tôi đề xuất trong bài suy niệm này: đó là nhận ra phần đạo đức giả, ít nhiều có ý thức, trong các hành động của chúng ta.

Blaise Pascal viết rằng một người có hai cuộc sống: Một là cuộc sống thực sự của anh ta và cái thứ hai là cuộc sống tưởng tượng mà anh ta sống trong tâm trí của chính mình và trong tâm trí của những người khác. Chúng ta làm việc chăm chỉ để tôn tạo và bảo tồn con người tưởng tượng của mình đến mức bỏ bê thực thể của chúng ta. Nếu chúng ta có một số đức tính hoặc công đức, chúng ta cẩn thận làm cho chúng được người đời biết đến cách này cách khác ngõ hầu có thể gắn chúng vào cái hiện sinh tưởng tượng của mình. Chúng ta thậm chí tách biệt một đức tính khỏi cuộc sống thực của mình và gắn nó vào cuộc sống tưởng tượng, chẳng hạn, để được người đời ca tụng, chúng ta sẵn sàng trở thành những kẻ hèn nhát để có được danh tiếng là dũng cảm đến mức dám liều mất mạng.

Chúng ta hãy cố gắng khám phá nguồn gốc và ý nghĩa của từ “hypocrisy” - “đạo đức giả”. Nó xuất phát từ ngôn ngữ của kịch nghệ. Lúc đầu, nó chỉ đơn giản có nghĩa là “đóng kịch, diễn xuất trên sân khấu.” Yếu tố nội tại của sự giả dối xảy ra ở tất cả các giai đoạn sản xuất của sân khấu đã không thu hút được sự chú ý của những người thời xưa mặc dù người ta thừa nhận giá trị đạo đức và nghệ thuật cao của nó. Đây là nguồn gốc của sự phán xét tiêu cực đối với nghề diễn xuất, là ngành nghề bị hạn chế trong những thời kỳ nhất định. Có những thời kỳ, nghề này chỉ dành cho những người nô lệ, và thậm chí bị trực tiếp cấm chỉ bởi những nhà hộ giáo Kitô. Nỗi buồn và niềm vui được trình bày và nhấn mạnh không phải là nỗi buồn và niềm vui thực sự mà chỉ là bề ngoài, chỉ là một hư cấu. Các ngôn từ và thái độ bên ngoài không tương ứng với thực tế bên trong của tâm hồn. Những gì xuất hiện trên khuôn mặt của một người không phải là những gì trong trái tim của người đó.

Chúng tôi sử dụng từ “hư cấu” với một nghĩa trung tính hoặc thậm chí là tích cực. (Nó đề cập đến một thể loại văn học và giải trí rất phổ biến ngày nay!) Người xưa đã cho nó ý nghĩa mà nó thực sự có: “làm bộ”. Đâu là sự tiêu cực trong giai đoạn “hypocrisy” – “hư cấu kịch nghệ” - được chuyển sang từ “hypocrisy” - “đạo đức giả”. Sau một thời gian là một thuật ngữ trung tính vào thuở ban đầu, nó đã trở thành một trong số ít những từ có ý nghĩa hoàn toàn tiêu cực. Có những người dám hãnh hiện mình là người quá kiêu ngạo, hay là kẻ bất cần đời, nhưng không ai hãnh hiện mình là một kẻ giả hình.

Nguồn gốc của từ này đưa chúng ta đi đúng hướng để khám phá bản chất của đạo đức giả. Nó biến cuộc sống thành một sân khấu nơi chúng ta biểu diễn cho công chúng xem; nó có nghĩa là đeo mặt nạ để không còn là một người thật nhưng trở thành một nhân vật. Một nhân vật hư cấu không có gì khác hơn là một sự biến thái của một con người thực. Người thực thì có diện mạo cụ thể; trái lại một nhân vật thì đeo mặt nạ. Con người thực thì hoàn toàn trần trụi; còn nhân vật thì được phủ hoàn toàn trong những lớp áo quần. Con người thực thì yêu thích sự chân thực và thực tại; còn nhân vật lại sống một cuộc đời hư cấu và giả tạo. Con người thực thì tuân theo niềm tin của chính mình; còn nhân vật lại sống theo một kịch bản. Con người thực thì khiêm tốn và hiền lành; còn nhân vật thì phức tạp khôn lường.

Xu hướng bẩm sinh này ở con người đã được nhân lên đáng kể bởi văn hóa hiện tại bị chi phối bởi hình ảnh. Phim, truyền hình và Internet, tất cả chúng chủ yếu dựa trên hình ảnh. René Descartes nói: “Cogito, ergo sum” “Tôi nghĩ, vì thế tôi là”, nhưng ngày nay có xu hướng được thay thế bằng “Tôi xuất hiện, vì thế tôi là”. Một nhà đạo đức học nổi tiếng định nghĩa đạo đức giả như “một lòng tôn kính nửa vời trước nhân đức” [La Rochefoucauld: “hypocrisy is a tribute vice pays to virtue” - Điều này thường được hiểu là người đạo đức giả nói một đàng nhưng làm một nẻo, anh ta nói những điều anh ta biết điều là đúng nhưng không sống với xác tín của mình. Kẻ giả hình nhận thức được rằng hành vi của anh ta là sai trái hoặc tội lỗi, và vì vậy anh ta nói lên sự thật với một lòng tôn kính. Đó là một lòng tôn kính nửa vời cốt để che đậy lối sống thực của mình - chú thích của người dịch]. Nó đặt ra những cái bẫy cách riêng cho những người có lòng đạo đức và hàng giáo sĩ. Một thầy rabbi trong thời Chúa Kitô nói rằng 90 phần trăm những kẻ đạo đức giả trên thế giới này có thể được tìm thấy ở Giêrusalem. Lý do rất đơn giản: bất cứ nơi nào các giá trị tinh thần, lòng đạo đức và các nhân đức được đánh giá cao nhất, nơi đó cám dỗ sống giả hình là mạnh nhất để người ta không nghĩ mình không có những điều đó.

Một mối nguy hiểm khác đến từ vô số các nghi lễ mà những người ngoan đạo được giả định phải thực hiện; và từ cơ man các quy tắc mà họ phải tuân thủ. Nếu những nghi thức này không đi kèm với một nỗ lực liên tục để thiết lập chúng trong tâm hồn của một người vì tình yêu đối với Thiên Chúa và người lân cận, thì chúng trở thành những cái vỏ rỗng. Thánh Phaolô, khi nói về những nghi thức bên ngoài và giới luật, nói: “Những điều ấy có vẻ khôn ngoan: nào là ‘sùng đạo tự ý’, nào là ‘khiêm nhường’, nào là ‘khổ hạnh’, nhưng không có giá trị gì nếu cứ sống trong ham muốn xác thịt lăng loàn.”(Côl 2:23). Trong trường hợp này, vị Tông đồ nói rằng mọi người đang “giữ hình thức tôn giáo nhưng phủ nhận sức mạnh của nó” (2 Tim 3: 5).

Khi đạo đức giả trở thành mãn tính, nó tạo ra, cả trong đời sống hôn nhân và đời sống tận hiến, một “cuộc sống hai mặt”: một là công khai và nổi tiếng trong khi mặt kia thường được che dấu – một cuộc sống ban ngày và một cuộc sống ban đêm. Đó là trạng thái tâm linh nguy hiểm nhất đối với một linh hồn, và việc thoát ra khỏi nó trở nên vô cùng khó khăn trừ khi có thứ gì đó từ bên ngoài can thiệp và phá vỡ bức tường đang phong tỏa một người phía sau. Đó là tình trạng mà Chúa Giêsu mô tả với hình ảnh của những mồ mả tô vôi:

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23: 27-28) Nếu chúng ta tự hỏi tại sao đạo đức giả lại là một điều kinh tởm đối với Thiên Chúa như thế, thì câu trả lời đã rõ ràng. Đạo đức giả là một lời nói dối. Nó che khuất sự thật. Thêm vào đó, đạo đức giả hạ bệ Thiên Chúa và đưa Ngài xuống vị trí thứ hai trong khi đưa các tạo vật – là công chúng – lên vị trí thứ nhất. Như thể ai đó trước sự chứng kiến của một vị vua lại dám quay lưng lại với nhà vua để chỉ tập trung vào những người hầu. “Con người chỉ trông vào vẻ bề ngoài, nhưng ĐỨC CHÚA nhìn thấu tâm can” (1 Sam 16: 7). Trau chuốt vẻ bề ngoài hơn là tâm hồn tự động có nghĩa là đặt con người trọng hơn Thiên Chúa.

Như thế, đạo đức giả, về cơ bản là thiếu đức tin, là một hình thức thờ ngẫu tượng trong đó các tạo vật được đặt ở vị trí của Đấng Tạo hóa. Chúa Giêsu giải thích việc các kẻ thù của Ngài không tin vào Ngài như sau: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5:44). Đạo đức giả cũng là một sự thiếu lòng bác ái đối với những người lân cận vì nó có xu hướng hạ thấp những người khác thành những người ngưỡng mộ mình. Nó không nhận ra phẩm giá đúng của họ, bởi vì nó chỉ nhìn thấy những người khác trong mối tương quan với hình ảnh của chính mình. Điều quan trọng là quy mô của khán giả, ngoài ra không còn gì khác.

Một hình thái đạo đức giả là thói hai lòng hoặc không trung thực. Khi sống giả hình, người ta nhắm đến việc nói dối với Thiên Chúa, nhưng với thói hai lòng trong suy nghĩ và lời nói, người ta có ý muốn nói dối người khác. Thói hai lòng là nói một đàng và suy nghĩ một nẻo, nói tốt trước mặt một người rồi sau đó nói xấu người đó ngay khi người ấy quay lưng đi.

Phán xét của Chúa Kitô trên những người giả hình giống như một thanh kiếm rực lửa: “Receperunt mercedem suam” “Chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6: 2). Họ đã có một biên lai được ký nhận, vì vậy họ không thể mong đợi gì hơn. Tuy nhiên, đó là một phần thưởng hão huyền và phản tác dụng ngay cả trên bình diện con người vì có một câu nói rất đúng là “vinh quang bỏ trốn những ai theo đuổi nó và chạy theo những ai đang chạy trốn nó.”

Rõ ràng là chiến thắng của chúng ta đối với thói đạo đức giả sẽ không bao giờ là một chiến thắng ngay từ đầu. Trừ khi chúng ta đạt đến mức độ hoàn hảo rất cao, chúng ta không thể tránh khỏi cảm giác muốn xuất hiện dưới ánh hào quang, tạo ấn tượng tốt và làm hài lòng người khác. Vũ khí của chúng ta là sự điều chỉnh những ý định của chúng ta. Ý định chính đáng được thực hiện thông qua việc điều chỉnh liên tục, hàng ngày các ý định của chúng ta. Ý định của ý chí, chứ không phải cảm giác bên trong, là điều tạo nên sự khác biệt trong đôi mắt Chúa.

Nếu đạo đức giả bao gồm việc phô trương những điều tốt đẹp mà ta không thực sự làm, thì một biện pháp hiệu quả để chống lại xu hướng này là che giấu đi những điều tốt đẹp mà ta thực sự làm, để tạo điều kiện cho những cử chỉ thầm lặng không bị hư hỏng bởi bất kỳ ánh mắt trần thế nào và giữ được tất cả hương thơm của những việc lành phúc đức ấy cho Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Thiên Chúa hài lòng hơn trước một công việc, dù nhỏ đến đâu, được thực hiện trong thầm lặng, không mong người ta biết đến, hơn cả ngàn công việc được thực hiện với lòng ao ước người ta biết đến chúng.” Thánh nhân nói tiếp rằng: “Ai thực hiện một việc thuần túy và hoàn toàn cho Thiên Chúa đáng được hưởng Nước Trời.”

Chúa Giêsu liên tục khích lệ thực hành này: “Hãy cầu nguyện kín đáo, ăn chay kín đáo, bố thí kín đáo, và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (xem Mt 6: 4-18). Những hành động tinh tế này trước mặt Thiên Chúa tăng thêm sinh lực cho linh hồn. Tuy nhiên, vấn đề không phải là làm cho điều này trở nên một quy tắc cứng nhắc bởi vì Chúa Giêsu cũng nói: “ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5:16 ). Vấn đề là sáng suốt phân định khi nào là tốt cho người khác thấy và khi nào tốt hơn là đừng cho họ thấy.

Điều tồi tệ nhất mà người ta có thể làm sau khi nghe hoặc đọc một mô tả về đạo đức giả là sử dụng nó mà phán xét người khác và tố cáo sự giả hình xung quanh chúng ta. Chính những người này là những người Chúa Giêsu đã gọi đích danh là những kẻ giả hình: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.” (Mt 7: 5) Đây đúng là trường hợp “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8: 7). Có ai có thể nói rằng họ hoàn toàn miễn dịch với mọi hình thái đạo đức giả không? Có ai dám nói mình không có một chút nào giống như mồ mả tô vôi, bên trong khác với vẻ bên ngoài không? Có thể chỉ có Chúa Giêsu và Đức Mẹ của chúng ta được miễn trừ, một cách vĩnh viễn và tuyệt đối, khỏi mọi hình thái đạo đức giả. Có một sự thật an ủi là ngay sau khi nói: “Tôi đã là một kẻ đạo đức giả,” thói đạo đức giả của người ấy được khắc phục.

“Nếu mắt anh sáng”

Lời Chúa không giới hạn trong việc lên án sự xấu xa của thói đạo đức giả: Lời Chúa cũng thúc giục con người tu luyện nhân đức ngược lại, đó là đức đơn sơ. “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng.” (xem Mt 6:22). Từ “đơn sơ” có thể có – và cho đến nay vẫn có - một ý nghĩa tiêu cực của sự cả tin, ngây thơ, hời hợt, và ngu ngốc. Chúa Giêsu đã cẩn thận để loại trừ ý nghĩa này: khi Ngài khuyên các môn đệ hãy “đơn sơ và ngây thơ như chim bồ câu”, nhưng Ngài cũng đưa ra thêm lời mời gọi hãy “khôn khéo như rắn” (xem Mt 10:16).

Thánh Phaolô tiếp nhận và áp dụng giáo huấn phúc âm về đức đơn sơ vào đời sống của cộng đồng Kitô giáo. Trong Thư gửi tín hữu Rôma, ngài viết: “Ai đóng góp, thì hãy làm như thế với đức đơn sơ và chân thành.” (xem Rm 12: 8). Trước tiên, ngài đề cập đến những người trong cộng đồng chịu trách nhiệm cho các công việc bác ái, nhưng lời khuyên này được áp dụng cho tất cả, không chỉ cho những người đóng góp tiền của mà còn cho những ai trao ban ra thời gian và công việc của họ. Điều này có nghĩa là đừng nhấn mạnh điều thiện ta làm cho người khác hoặc thiện ích từ chức vụ của ta. Alessandro Manzoni trong cuốn tiểu thuyết “The Betrothed” [Tiếng Ý “I promessi sposi” – “Người đã hứa hôn” là tiểu thuyết lịch sử của Alessandro Manzoni xuất bản năm 1827. Đây là cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Ý được đọc nhiều nhất trong văn học Italia. Tháng Năm, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các cặp hứa hôn đọc cuốn tiểu thuyết gồm 3 tập này – chú thích của người dịch] - đã thể hiện tinh thần phúc âm rất tốt và có một cảnh rất cảm động về vấn đề này liên quan đến người thợ may giỏi của làng:

“Anh tự ngắt lời mình, như thể bị kiểm tra bởi một số suy nghĩ. Anh ngập ngừng giây lát; sau đó bỏ một vài món ăn trên bàn vào một cái dĩa, và thêm vào một ổ bánh mì, anh đặt nó vào một miếng vải, và cột bốn góc lại, rồi nói với cô con gái lớn của mình: ‘Đây, cầm lấy đi’. Rồi anh đặt vào tay kia của cô một bình rượu nhỏ, và nói thêm: ‘Con đi xuống nhà góa phụ Maria, trao cho bà ấy những thứ này, và nói với bà ấy làm chút gì đó đãi mấy đứa con của bà. Nhưng con hãy làm điều đó thật dịu dàng và tế nhị, để bà ấy đừng nghĩ con đang làm một việc bác ái cho bà.’”

Tông đồ Phaolô cũng nói về đức đơn sơ trong một bối cảnh khác mà chúng ta đặc biệt chú ý vì nó có liên quan đến Lễ Vượt Qua. Khi viết thư cho các tín hữu Côrinhtô, thánh nhân nói: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ.” (1 Cô 5: 7-8) Lễ mà vị Tông đồ mời mọi người ăn mừng không chỉ là bất kỳ bữa tiệc nào nhưng là bữa tiệc tuyệt vời, bữa tiệc độc đáo mà Kitô giáo đã quen thuộc và được tổ chức trong ba thế kỷ đầu tiên của lịch sử, là Lễ Vượt qua. Vào đêm trước lễ Vượt qua, ngày thứ 13 của tháng Nisan [tháng đầu tiên theo lịch Do Thái - chú thích của người dịch], nghi lễ của người Do Thái đòi buộc các bà nội trợ phải dùng ánh nến soi sáng để quét sạch toàn bộ ngôi nhà, dọn dẹp mọi ngóc ngách để loại bỏ ngay cả những vết tích nhỏ nhất của bánh có men để mừng ngày lễ Vượt qua vào ngày hôm sau với toàn bộ bánh không men. Đối với với người Do Thái, men thực sự đồng nghĩa với băng hoại, và bánh không men là biểu tượng của sự tinh khiết, mới mẻ và toàn vẹn. Chính trong ý nghĩa này mà Chúa Giêsu gọi những kẻ đạo đức giả là “men” khi đề cập đến “men của người Pharisêu” (Lc 12: 1).

Thánh Phaolô xem thực hành nghi lễ này của người Do Thái như một ẩn dụ quan trọng cho đời sống Kitô hữu. Chúa Kitô đã bị hy sinh; Ngài là Lễ Vượt Qua đích thực, mà Lễ Vượt Qua cổ xưa đã tiên báo. Như thế, chúng ta cần soi sáng nội thất ngôi nhà chúng ta – là tâm hồn mình – và loại bỏ tất cả những gì là cũ kỹ và băng hoại để trở thành “một ngọn đèn mới”, để làm một cuộc tổng vệ sinh đón mùa xuân mới trong chính chúng ta. Từ “heilikrineia” trong tiếng Hy Lạp được dịch là “chân thành” chứa đựng ý tưởng về sự chói sáng của ánh mặt trời (helios), cũng như sự thử nghiệm và phán xét (krino), vì vậy nó có nghĩa là tính minh bạch rạng rỡ, là cái gì đó đã được thử nghiệm trong ánh sáng và đã được tìm thấy là tinh khiết.

Đức đơn sơ có mô hình siêu phàm nhất mà bất cứ ai cũng có thể nghĩ đến: chính là Thiên Chúa. Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa là Ba Ngôi, nhưng Ngài không phải là ba.” Ngài chính là đức đơn sơ. Ba Ngôi không phá hủy đức đơn sơ của Thiên Chúa, bởi vì đức đơn sơ liên quan đến bản tính, và bản tính của Thiên Chúa là một và đơn nhất. Thánh Thomas trung thành giữ lại di sản này khi nói rằng đức đơn sơ là thuộc tính đầu tiên của Thiên Chúa.

Kinh Thánh bày tỏ sự thật này một cách rất cụ thể thông qua hình ảnh: “Thiên Chúa là ánh sáng và trong Ngài chẳng hề có sự tối tăm” (1 Ga 1: 5). Sự vắng mặt của bất kỳ hình thái hỗn hợp nào cũng là một trong nhiều ý nghĩa của danh hiệu thần thánh Qadosh, Holy. Sự viên mãn thuần khiết, đức đơn sơ thuần khiết. Thánh Catherine, nhà thần bí vĩ đại thành Genoa chỉ vào khía cạnh này của bản tính Thiên Chúa, mà thánh nữ đã say mê, với những từ như “toàn bộ”, và “trọn vẹn”, là những từ cùng nhau cho thấy sự tinh khiết và đầy đủ, viên mãn tuyệt đối và đồng nhất. Thiên Chúa là “tất cả của một mảnh. Đức đơn sơ của Thiên Chúa là “sự viên mãn thuần khiết”. Kinh Thánh nói về Ngài: “Không có gì có thể được thêm vào hoặc lấy đi” (Sir 42:21). Thiên Chúa là sự viên mãn tối cao, vì thế, không gì có thể thêm vào Ngài; Thiên Chúa là sự thuần khiết tối cao, không có gì được lấy đi khỏi Ngài. Hai điều đó không bao giờ hợp nhất trong chúng ta; cái này mâu thuẫn với cái kia. Sự thuần khiết của chúng ta luôn luôn có được bằng cách loại bỏ một cái gì đó, bằng sự thanh tẩy chính mình, bằng cách “loại bỏ cái ác trong những hành động của chúng ta” (xem Is 1:16).

Bất kỳ loại hành động nào, dù nhỏ đi chăng nữa, nếu được thực hiện với một ý định thuần khiết và đơn sơ, đều khiến chúng ta được “giống hình ảnh và giống như Thiên Chúa”. Một ý định thuần khiết và đơn sơ tập trung năng lượng phân tán trong linh hồn, chuẩn bị tinh thần, và kết hợp nó với Thiên Chúa. Đây là sự khởi đầu, kết thúc và là sự tô điểm cho tất cả các nhân đức. Khi chỉ nghiêng về Thiên Chúa và phán xét mọi thứ liên quan đến Ngài, đức đơn sơ đẩy xa và khước từ tính khoe khoang, đạo đức giả và thói hai lòng. Ý định thuần khiết và công chính là “mắt sáng”, mà Chúa Giêsu đề cập đến trong Tin Mừng, cho phép toàn thân được sáng, nghĩa là, sáng soi tất cả các cuộc sống và hành động của một người, và giữ cho người ấy được miễn dịch đối với tội lỗi.

Đức đơn sơ là một trong những thành tựu gian khổ và tuyệt vời nhất của hành trình tâm linh. Đức đơn sơ thuộc về người đã được thanh luyện bằng một lòng ăn năn thật sự, bởi vì đó là hoa trái của việc tách rời hoàn toàn khỏi chính mình, và là kết quả của tình yêu bất vụ lợi dành cho Chúa Kitô. Người ta đạt được nó từng chút một, không bị nản lòng bởi những cú trượt ngã, nhưng với một quyết tâm vững chắc để tìm kiếm Chúa vì Chúa chứ không phải vì chúng ta.

Nếu tôi có thể được phép đưa ra một gợi ý vào cuối buổi tĩnh tâm này, thì tôi sẽ đề nghị chúng ta tìm trong Thánh Vịnh 139 trong Sách Thánh Vịnh hay trong Sách Các Giờ Kinh Phụng vụ và đọc chậm rãi, lặp đi lặp lại như thể chúng ta đang đọc lần đầu tiên trong đời, thậm chí như thể chúng ta đang tự sáng tác ra bài thi thiên ấy và là người đầu tiên nói ra bài này. Nếu đạo đức giả và thói hai lòng bao gồm việc tìm kiếm ánh mắt của người ta hơn là ánh mắt của Thiên Chúa, thì ở đây chúng ta tìm thấy phương dược hiệu quả nhất. Đọc lại thánh vịnh này giống như trải qua một hình thức soi X quang, giống như phơi mình trước những tia X. Ta cảm nhận được ánh mắt của Chúa vượt qua mọi phần của chúng ta. Tôi luôn nhớ ấn tượng tôi có khi lần đầu tiên đọc thánh vịnh này theo cách tôi đang mô tả. Amen.


Source:Cantalamessa