Ngày 30-03-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Quên kiểm điểm
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:36 30/03/2016
QUÊN KIỂM ĐIỂM

(Thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Ga 21,1-14)

Câu chuyện Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với một số môn đệ trên biển hồ Tibêria được tác giả Tin Mưng ghi “đây là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết” (Ga 21,14). Vậy có thể xác định hai lần trước đó theo Tin Mừng thánh Gioan tường thuật là tại căn phòng Tiệc Ly vào ngày đầu tuần, một lần không có mặt ngài Tôma và sau tám ngày thì có Tôma hiện diện (x.Ga 20,19-29).

Cả hai lần hiện ra trước đó thì không thấy Chúa Giêsu nói gì đến lỗi lầm của các môn đệ. Khi đã thành công bất cứ chuyện gì thì người ta cũng thường ngồi lại kiểm điểm rút kinh nghiệm một vài sai lầm hay thiếu sót. Thế mà Đấng Phục Sinh hình như quên mất những chuyện không hay của các môn đệ trong quá khứ, đặc biệt trong cuộc khổ nạn của vừa qua: kẻ thì nộp bán Thầy, người thì chối và cả nhóm đều hèn nhát trốn chạy lấy thân.

Khác với đường kinh doanh hay hành trình chiến sự, con đường tình yêu thì dường như chỉ biết có hiện tại và luôn hướng về tương lai. “Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi, thì nào ai chịu nổi được ư ?”(Tv 130,3). Việc sẵn sàng khép lại cánh cửa quá khứ lỗi lầm của người mình yêu chính là động lực giúp nhau chỗi dậy và vươn lên, nhất là giúp nhau mạnh dạn xích lại gần và nên một trong sự hiệp thông.

Cách đây ba năm khi được Thầy Giêsu tặng một mẽ cá lạ lùng chất đầy hai thuyền nặng gần chìm thì khi vào bờ Phêrô đã sụp lạy dưới chân Thầy và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” (Lc 5,8). Và hôm nay, khi được ban một mẽ cá lạ lùng nữa mà Tin Mừng tường thuật là 153 con cá lớn thì Phêrô không còn như xưa là ngần muốn tránh xa, nhưng đã mạnh dạn hân hoan nhảy vội xuống biển để bơi vào với Thầy, sau khi nghe người môn đệ Chúa yêu nhận ra Thầy và nói với ông “Chúa đó !”.

Trước uy quyền thì người ta có thể sợ hãi và tìm cách xa lánh nhưng trong tình yêu thì người ta sẽ dễ mạnh dạn xích lại gần nhau. Khi yêu thương nhau thật lòng và hết lòng thì không chỉ sẵn sàng chôn lấp hay xóa bỏ quá khứ lỗi lầm của nhau mà còn giúp nhau can đảm chỗi dậy, tiến về phía trước.

Đã yêu thì nhiều lúc cũng cần có cái bệnh hay quên, quên kiểm điểm nhau một cách nào đó, một sự quên có ý thức chứ không phải vô tình.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
 
Tha Thứ Là Bản Chất của Lòng Thương Xót
Lm. Anthony Trung Thành
08:37 30/03/2016
Suy Niệm Chúa Nhật II PHỤC SINH

Tha Thứ Là Bản Chất của Lòng Thương Xót

Trong Tông Thư “Khuôn Mặt Xót Thương”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót”.

Thật vậy, tha thứ là bản chất của Thiên Chúa. Trong thời Cựu Ước, biết bao lần dân Chúa phản bội, chạy theo các thần của dân ngoại, nhưng mỗi khi dân biết sám hối quay trở về thì Ngài sẵn sàng tha thứ. Sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu luôn dạy về sự tha thứ. Khi Phêrô hỏi Chúa phải tha thứ bao nhiêu lần, có phải bảy lần không? Chúa trả lời “Không phải là bảy lần nhưng bảy mươi lần bảy”(Mt 18,22).

Không những Chúa Giêsu dạy sự tha thứ mà chính Ngài đã thực hành sự tha thứ. Ngài tha thứ cho Phêrô qua cái nhìn đầy trìu mến yêu thương sau khi Phêrô chối Ngài ba lần. Ngài tha thứ cho kẻ trộm lành. Ngài tha thứ cho những người đóng đinh Ngài “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34).

Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu không hề nhắc tới tội của Phêrô, tội bỏ trốn của các Tông đồ. Sự nghi ngờ của ông Tôma. Ngài tha thứ cho họ tất cả. Ngài tha thứ cho Phaolô khi ông trên đường đi lùng bắt các kitô hữu. Nếu Giuđa có lòng thống hối, chắc chắn Chúa cũng sẽ tha luôn. Ngài đã lập Bí tích Giao Hoà để tha thứ tội lỗi cho con người mỗi khi con người phạm tội và biết thống hối ăn năn. Chính trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã ban cho các Tông đồ quyền tha tội : “Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”(Ga 20,23).

Giáo Hội qua mọi thời đại không những thi hành sự tha thứ cho các tội nhân qua bí tích Giao Hoà mà còn thực hành sự tha thứ trong cuộc sống. Sách Công Vụ Tông đồ cho biết, chính Thánh Phêrô đã sống tinh thần tha thứ của Chúa Giêsu trên Thánh giá khi coi hành động của những người Do Thái và cả của các thủ lãnh của họ như “do không hiểu biết” (Cv 27,25). Thánh Stêphanô đã cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho Phaolô (x. Cv 7,60). Muôn vàn gương tha thứ khác của Giáo Hội và các thành viên trong Giáo Hội mà chúng ta không thể kể hết ra đây. Trong thời đại chúng ta có gương tha thứ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Ngày 13 tháng 05 năm 1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhỉ Kỳ, đã cố ý giết Đức Thánh Cha Gioan Phalô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma. Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Ngài đã đích thân vào phòng giam thăm tên khủng bố Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là tha thứ cho y.

Trong cuộc sống chung, không thể tránh khỏi những va chạm, có những va chạm gây ra đổ máu, chết chóc: Giữa các thành viên trong gia đình; giữa những người làng xóm làng giềng với nhau; giữa bạn bè; giữa những người trong cộng đoàn; giữa những người không quen biết; có những va chạm đến từ những người không cùng quan điểm, tôn giáo với chúng ta, họ ghen ghét vì chúng ta là người kitô hữu...Nhưng trong mọi trường hợp, Chúa và Giáo Hội luôn mong muốn chúng ta phải thể hiện tinh thần tha thứ.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 04 tháng 11 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các gia đình sống tinh thần tha thứ cho nhau, Ngài nói: “Gia đình là một thao trường lớn để tập luyện sự trao ban và tha thứ cho nhau, chẳng vậy không có tình yêu nào có thể trường tồn. Trong kinh nguyện mà chính Ngài đã dạy chúng ta, kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa với Chúa Cha: ‘Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’. Vào cuối kinh, Chúa bình luận: ‘Thực vậy, nếu các con tha thứ những lỗi lầm của người khác, thì Cha các con trên trời cũng tha thứ cho các con; nhưng nếu các con không tha thứ cho tha nhân, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ những lỗi lầm của các con’(Mt 6,12.14-15). Ta không thể sống mà không tha thứ, hoặc ít là không thể sống tốt đẹp, nhất là trong gia đình. Mỗi ngày chúng ta làm những điều lầm lỗi đối với nhau. Chúng ta phải để ý đến những sai lầm ấy, do sự yếu đuối và ích kỷ của chúng ta. Nhưng điều mà chúng ta được yêu cầu là chữa lành ngay những vết thương chúng ta gây ra cho nhau, nối lại tức khắc những mối dây đã bị đứt đoạn. Nếu chúng ta chờ đợi quá lâu, thì tất cả trở nên khó khăn hơn. Và có một bí quyết đơn giản để chữa lành những vết thương và giải tỏa những lời cáo buộc, đó là đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không xin lỗi, không làm hòa giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, giữa mẹ chồng và nàng dâu! Nếu chúng ta học cách xin lỗi và tha thứ ngay cho nhau, thì chúng ta chữa lành những vết thương và hôn nhân được củng cố, gia đình trở thành căn nhà vững chắc hơn, chống lại được những chấn động do những thói xấu lớn nhỏ của chúng ta gây ra”.

Đối với những người khác, Đức Thánh Cha Phanxicô nói : “Nếu chúng ta học cách sống như thế trong gia đình, thì chúng ta cũng làm như vậy ở bên ngoài, bất kỳ nơi nào chúng ta sống. Nghi ngờ về điều này là điều dễ dàng. Nhiều người, kể cả các tín hữu Kitô nghĩ rằng đó là một điều thái quá. Họ nói: nói thì dễ, thì đẹp, nhưng không thể thực hành được. Nhưng cám ơn Chúa, không phải như vậy. Thực thế, chính khi lãnh nhận ơn tha thứ từ Chúa, mà chúng ta có khả năng tha thứ cho người khác. Vì thế, Chúa Giêsu đã yêu cầu lập lại những lời này mỗi khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi ngày. Và điều không thể thiếu được, đó là một xã hội nhiều khi tàn ác, có những nơi, như gia đình, trong đó chúng ta phải học tha thứ cho nhau”.

Chúa Nhật kính lòng thương xót Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy cảm nghiệm lòng thương xót tha thứ của Chúa. Qua Bí tích Giao hoà, biết bao lần Chúa đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Từ đó, chúng ta đừng hẹp hòi khi cần phải tha thứ cho anh chị em mình. Bởi vì: Nếu chúng ta không tha thứ lỗi lầm cho người khác, thì Cha chúng ta trên trời cũng sẽ không tha thứ tội lỗi cho chúng ta” (x. Mt 6,15). Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Lòng Thương Xót Chúa Tồn Tại Đến Muôn Đời
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:38 30/03/2016
Lòng Thương Xót Chúa Tồn Tại Đến Muôn Đời

SUY NIỆM Chúa Nhật LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

(Ga 20, 19-31)

Nhân dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho Chúa Nhật tiếp liền sau Đại Lễ Phục Sinh là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo Hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.

Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: " Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.

Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa!

Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, Giáo Hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.

Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian mà theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3, 5; 4, 14).

Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, Ðấng cứu độ duy nhất của chúng ta! Những tia sáng của lòng từ bi Chúa mang lại niềm hy vọng cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi. Chúa Giêsu Kitô là Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhập thể. Vậy, chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Ðấng luôn chờ đợi và yêu thương chúng ta, đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn yêu thương, dịu hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Cả khi chúng ta xa rời, Thiên Chúa vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giang tay ra ôm ấp chúng ta vào lòng, nếu chúng ta trở về với Chúa.

Năm Thánh Lòng Thương Xót chúng ta đang sống, theo Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (Kinh Truyền Tin, 17-03-2013).

Giờ kinh Truyền Tin ngày 11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Để sống tốt Mùa Chay Năm Thánh, đặc biệt cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa và thực thi lòng thương xót đối với tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta xóa bỏ sự thờ ơ, ngài viết: “Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm … đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc…” (x.Misericordiae Vultus số 15).

Ngài xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28-3-2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả lời Phỏng Vấn 04-12-2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngày 18-10-2014).

Lạy Mẹ maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con duy trì lòng tin vào Con Mẹ. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Faustina, xin trợ giúp chúng con, để chúng con được cùng với các thánh hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:46 30/03/2016
20. KHÓ MÀ GẶP GIAI NHÂN.
Bắc Tế Cao Dương đối với mọi người rất là tàn bạo. Quý phi họ Tiết chỉ phạm một lỗi nhỏ, ông ta bèn bắt bà ta giết và phanh thây.
Đột nhiên, người có tính dữ dằn ấy mở rộng lòng từ bi, ôm cái chân bị phanh thây của Tiết thị rồi đánh đàn tì bà và hát rằng:
- “Khó mà gặp lại giai nhân, khó mà gặp lại giai nhân !”
(Độc Dị chí)

Suy tư 20:
Sách tướng học của Hy Trương nói rằng: “Người bản tính dữ dằn tàn bạo mà đột nhiên đổi lòng từ bi thì hãy coi chừng, bởi vì một âm mưu tàn bạo khác đang thành hình trong tâm hồn của họ”, chỉ một lỗi nhỏ mà giết người ta, rồi lại ôm cái chân bị phanh thây mà bày tỏ sự thương tiếc, thì không những tàn bạo đầy thú tính mà còn là hành vi của kẻ điên cuồng.
Lòng từ bi không phải ở tại việc rơi nước mắt, bởi vì cũng có nhiều loại nước mắt: nước mắt cá sấu, nước mắt khóc thuê, nước mắt căm hờn, nước mắt tủi nhục, nước mắt vui mừng, nước mắt hối hận.v.v...
Chúng ta thường hay cầu nguyện cùng Thiên Chúa với câu mở đầu: “Lạy Cha là Đấng từ bi nhân hậu...” chỉ có Thiên Chúa mới có lòng từ bi đúng nghĩa của nó, lòng từ bi này không những chỉ dành riêng cho con cái của Ngài mà thôi, nhưng cũng dành cho những người chống đối Ngài, thù hằn Ngài và quyết tâm loại bỏ Ngài ra ngoài cuộc sống của họ. Do đó, người Ki-tô hữu cũng phải có lòng từ bi như Cha của mình là Đấng ngự trên trời: từ bi với người thù hằn mình, từ bi với người không thích mình, từ bi với người yêu mình và cả với người ghét mình...
Người có lòng từ bi là người không gắt gỏng, thóa mạ, ghen tương với một ai, nhưng hiền hòa, cảm thông và bao dung với hết mọi người.
Ra lệnh giết người rồi ôm xác chết mà thương tiếc, thì chỉ có những kẻ có lòng tàn độc mới làm như thế mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:49 30/03/2016

12. Thánh Thần nói với chúng ta: cái bẩn thỉu không sạch đã che đậy toàn bộ khuôn mặt của thế gian.

(Thánh Ioannes Maria Vianney)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Từ cứng lòng đến vững lòng tin
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:36 30/03/2016
TỪ CỨNG LÒNG ĐẾN VỮNG LÒNG TIN

(Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh –Mc 16,9-15)

Đoạn Tin Mừng được trích đọc trong ngày Thứ Bảy của Tuần Bát Nhật Phục Sinh thoạt nghe có cái gì đó sống sượng cho dù là hiện thực. Đây đúng là văn phong của ngài Maccô. Chỉ một đoạn ngắn mà thánh sử Maccô dùng đến ba lần hạn từ “không tin”. Một lần trong dữ kiện các tông đồ không tin lời bà Mađalêna kể lại việc gặp Chúa Phục sinh và một lần các ngài không tin lời của hai môn đệ đi làng Emmau trở về tường thuật việc nhận ra Chúa Phục Sinh trong lúc Người bẻ bánh. Lần thứ ba là về việc Chúa hiện ra khiển trách các vị “không tin” và cứng lòng.

Như thế chúng ta có thể khẳng định rằng các tông đồ không phải là hạng người nhẹ dạ và cả tin. Vậy nhờ đâu mà các tông đồ có thể đổi thay thái độ, từ chỗ cứng lòng đến tình trạng vững tin khiến các ngài dám xả thân vì Tin Mừng ?

Dù rằng theo thánh Phaolô người ta tin là nhờ nghe rao giảng Tin Mừng, tuy nhiên việc nghe lời rao giảng hay việc thấy các chứng từ đức tin không thể thay thế cho việc gặp gỡ cá vị giữa người tin với Đấng Phục Sinh.

Đêm Tiệc Ly dù có tiên báo về sự yếu hèn của các môn sinh nhưng Thầy Chí Thánh vẫn tin tưởng sai các ngài ra đi, như Cha trên trời đã sai Người, hầu các ngài gặt hái nhiều hoa trái tốt đẹp và tồn tại bền lâu. Giờ đây các tông đồ lại gặp Đấng dù khiển trách mình cứng lòng tin nhưng vẫn tín nhiệm giao phó trách nhiệm đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Các Tông đồ vững tin là nhờ đã gặp gỡ Đấng yêu thương, tín nhiệm, trao phó trách nhiệm lớn lao cho mình, dẫu cho mình còn nhiều bất xứng.

Yêu thương và tín nhiệm nhau là một cách thế dệt xây và củng cố niềm tin vào nhau hữu hiệu vậy. Dĩ nhiên sự tín nhiệm cần được biểu lộ qua việc trao phó trách nhiệm trong sự liên đới. Một thực tế của xã hội Việt Nam và cũng có thể là của Giáo Hội Việt Nam: Cấp trên thường đợi cấp dưới (người trẻ tuổi) trưởng thành rồi mới tin tưởng trao phó trách nhiệm. Thế mà người ta chỉ dần trưởng thành lên nhờ đón nhận trách nhiệm. Thành bại là chuyện đương nhiên của phận người. Ai nên khôn mà không dại một đôi lần. Xin đừng quên ngạn ngữ “thất bại là mẹ thành công”. Ngại ngần trao phó trách nhiệm là một dấu chỉ của sự phai nhạt niềm tin. Chúa Giêsu cũng đã từng không thể làm nhiều phép lạ cả thể tại Nagiaret vì người đồng hương của Người thiếu lòng tin (x.Mc 6,1-6).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
 
Suy niệm: Chúa Nhật kính lòng Chúa Thương Xót
Lm. Anthony Trung Thành
18:38 30/03/2016
Suy Niệm Chúa Nhật KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
Thương Xót Nên Quan Tâm Tìm Kiếm

Có một người đàn ông nọ khao khát đi tìm gặp gỡ Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền, ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm nhưng vẫn không tìm được Chúa. Ngày nọ, ông đến ngồi thơ thẩn bên một dòng sông nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông nhìn thấy một con vịt mẹ và một đàn con đang bơi lội. Đàn vịt con tinh nghịch muốn rời mẹ để ra đi kiếm ăn riêng. Để tìm con này đến con nọ, vịt mẹ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay thất vọng. Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương. Ông chợt khám phá ra một chân lý và ông thốt lên: Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Thiên Chúa đang đi tìm tôi (Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia).
Thật vậy, trong suốt lịch sử dân Do Thái, Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm và gặp gỡ con người. Tiên tri Isaia đã diễn tả một cách đầy đủ điều đó khi nói: “Những kẻ không hỏi Ta thì Ta đã cho gặp; những kẻ không tìm Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy. Với một dân chẳng biết kêu cầu Ta, Ta đã phán: ‘Ta đây, Ta đây này !’” (Is 60,1). Ngài tìm kiếm, gặp gỡ con người để giải thoát họ. Ngài giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-cập. Qua Môsê, Ngài dẫn dắt họ qua 40 năm hành trình trong sa mạc để về đất hứa. Biết bao lần dân chúng phản bội bỏ Ngài đi thờ các thần của dân ngoại, nhưng khi họ biết sám hối ăn năn trở về thì Ngài lại thứ tha và ôm ấp họ vào lòng.
Tin Mừng kể lại nhiều dụ ngôn nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đáng lưu ý nhất là ba dụ ngôn: Đồng bạc bị đánh mất, con chiên bị lạc và người cha nhân hậu mà Thánh Luca kể lại. Qua ba dụ ngôn này chúng ta thấy, Thiên Chúa luôn khắc khoải, quan tâm, tìm kiếm con người, nhất là mỗi khi con người sa ngã phạm tội.
“Chúa Giêsu là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha, qua lời nói, hành động, và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa” (x. Tông Thư Khuôn mặt xót thương, số 1). Tin mừng cho chúng ta biết, chính Ngài đã đích thân đến với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài tìm kiếm, gặp gỡ để tha thứ và đưa họ về nẻo chính đường ngay. Ngài đến với Giakêu khi ông đang còn ở trên cây sung, tới nhà ông và biến đổi cuộc đời ông. Ngài đến với Lêvi khi ông đang ngồi ở bàn thu thuế và mời gọi ông bỏ nghề thu thuế tội lỗi để đi theo làm môn đệ Ngài. Ngài đưa mắt nhìn Phêrô với cái nhìn tha thứ thông cảm khi ông đứng xa xa không dám tới gần Ngài. Vì lòng xót thương, Ngài đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để cứu đói cho dân chúng khi họ đang ở trong sa mạc không có gì ăn. Vì lòng xót thương: Ngài đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 14,14); Ngài chữa lành cho người phụ nữ bị bệnh loạn huyết mười hai năm (x. Mt 9, 20-22); Ngài đã chữa bệnh cho người đầy tớ của ông đại đội trưởng (x. Lc 7,1-10); Ngài đã chữa lành người mù từ thuở mới sinh (x. 9,1-41); Ngài đã cho con của bà goá thành Naim (x. Lc 7, 11-17) và anh Lazarô (x. Ga 11,1-44) đã chết được sống lại…
Sau Phục Sinh, Ngài còn quan tâm đến các Tông đồ và những người theo Chúa bấy lâu nay. Ngài đã hiện ra nhiều lần nhiều nơi để củng cố lòng tin của họ. Ngài đã hiện ra và gọi tên bà Mađalêna khi bà từ ngôi mộ trống trở về. Ngài hiện ra với hai môn đệ làng Emmau giải thích Kinh thánh và giúp họ nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh. Ngài hiện ra với các Tông đồ khi họ đang ở trong phòng đóng kín cửa lại vì sợ người Do thái, để an ủi và ban bình an cho họ. Ngài hiện ra với Phaolô đang lúc ông đi lùng bắt các Kitô hữu, để giúp ông từ bỏ con đường sai lệch của mình và biến đổi ông trở thành Tông Đồ dân ngoại. Đặc biệt, bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa quan tâm đến Tôma, Ngài hiện ra để đáp ứng yêu sách của ông: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xót vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm chứng minh cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Thương xót nên quan tâm đi tìm. Tìm kiếm để trao ban, an ủi, tha thứ và đáp ứng các yêu sách chính đáng.

Về phần các môn đệ, sau khi gặp được Đức Kitô Phục Sinh, họ rời bỏ sự sợ hãi co cụm bấy lâu nay của mình để dấn thân loan báo Tin mừng Phục Sinh không biết mệt mỏi, bất chấp những khó khăn trở ngại. Ngày đầu tiên nghe Thánh Phêrô rao giảng đã có tới khoảng 3000 người xin được rửa tội. Dầu bị cấm cách, bắt bớ, nhưng các ngài không chùn bước. Các ngài còn cảm thấy vui mừng vì hân hoan vì thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Kitô (x. Cv ). Thánh Phêrô đã nói một cách mạnh mẽ rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Còn Thánh Phaolô, hiểu rõ rao giảng Tin mừng là việc bắt buộc Ngài phải làm, nên Ngài nói: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không loan báo Tin mừng”(1 Cr 9,16). Riêng thánh Tôma, sau khi gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh, Ngài đã hăng say loan báo Tin mừng. Tương truyền rằng, Ngài đã đi truyền giáo tận Ấn Độ và chịu chết tử đạo ở đó.

Mỗi người kitô hữu chúng ta ngày hôm nay cũng có trách nhiệm tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu và các Tông đồ: Hãy quan tâm đi tìm kiếm. Thư mục vụ Mùa Chay 2016 của Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh gợi ý cho chúng ta quan tâm, tìm kiếm những thành phần sau đây:
Thứ nhất, quan tâm đến những người chưa được rửa tội. Đó là sứ mạng loan báo Tin mừng cho dân ngoại và cũng là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Đó cũng là sứ mạng của Giáo Hội và của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Có nhiều cách để loan báo Tin mừng trong thời đại hôm nay, nhưng làm chứng bằng đời sống vẫn là cách thế có hiệu quả nhất. Đó là sống công bằng, bác ái yêu thương, thuỷ chung... Vào dịp Mùa Chay vừa qua, khi đang đi thăm một số các gia đình trong Giáo xứ. Một người giáo dân nói với tôi: “Thưa cha, có hai gia đình lương dân ở bên cạnh đây, họ rất có thiện cảm với người Công Giáo chúng ta. Cha nên vào thăm họ. Con nghĩ, một lần thăm viếng như vậy, có lẽ bằng mấy bài giảng của Cha ở nhà thờ”. Tôi đã vào thăm hai gia đình đó. Gặp tôi. Họ rất vui mừng. Họ ca ngợi tinh thần sống đạo của các gia đình Công Giáo bên cạnh, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau... Họ rất thích làm người Kitô hữu ! Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói rất chí lý rằng: "Con người thời đại thích nghe các chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy thì cũng bởi vì những thầy dạy này là các chứng nhân".

Thứ hai, quan tâm đến các tân tòng. Tại Việt Nam chúng ta, đa số những người lớn theo đạo chỉ để lấy vợ lấy chồng. Cho nên, người ta thường mỉa mai rằng: “Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con lấy được vợ con thôi nhà thờ”. Thực tế đúng như vậy. Phần đông trong số họ, chỉ đến nhà thờ một lần duy nhất, đó là ngày lễ cưới. Nhưng đó không phải là tất cả. Một số người sau khi lấy vợ lấy chồng vẫn giữ đạo, sống đạo rất tốt. Nhờ đâu? Nhờ gương sáng của người chồng, người vợ có đạo; nhờ sự quan tâm chỉ dạy của cha mẹ đỡ đầu; nhờ sự hướng dẫn của cha xứ và cộng đoàn. Chính vì vậy, cũng trong lá thư mục vụ Mùa Chay 2016, Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh nói: “Các cộng đoàn, nhất là các cha xứ phải có chương trình mục vụ cho họ; giúp họ học hỏi, thực hành niềm tin một cách ổn định và lâu dài sau khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Vào những dịp đặc biệt, hãy tổ chức những cuộc tĩnh tâm, hội thảo dành riêng cho họ”.

Thứ ba, quan tâm những người khô khan nguội lạnh. Họ là những thành phần đã được rửa tội nhưng vì hoàn cảnh nào đó cho nên họ không còn giữ đạo nữa. Có thể họ là những người đang sinh hoạt trong giáo xứ nhưng thường sa vào các tệ nạn cờ bạc, rượu chè, trai gái. Có thể họ là những người vẫn đi lễ đi nhà thờ nhưng lại bỏ xưng tội rước lễ vì một lý do nào đó. Tất cả đều cần sự quan tâm của cha xứ và mọi thành phần trong giáo xứ. Trong tuần thánh vừa qua, tôi rất cảm động khi thấy những bậc cha mẹ dẫn một số thanh niên là con cái của họ đến nhà thờ để xưng tội. Ước gì tinh thần của các bậc cha mẹ trên đây cũng là tinh thần của mỗi người chúng ta, luôn biết quan tâm đến những người khô khan nguội lạnh.

Lạy Thiên Chúa là Cha giàu Lòng Thương Xót, trong suốt lịch sử cứu độ, Chúa luôn quan tâm tìm kiếm con người để tha thứ và ban ơn. Xin giúp mỗi người chúng con luôn biết tiếp tục sứ vụ đó của Chúa để qua chúng con nhiều người được hưởng ơn cứu độ. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phản ứng của Đức Bênêđíctô thứ 16 trước cái chết của Mẹ Angelica
Đặng Tự Do
03:02 30/03/2016
Đề cập đến di sản to lớn của Mẹ Angelica để lại cho Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nói: “Đó là một ân sủng”.

Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein, thư ký riêng của ngài, nói với Catholic News Agency như trên hôm 28 tháng Ba sau khi được biết về cái chết của Mẹ Angelica đúng vào Chúa Nhật Phục sinh.

Năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã trao huân chương “Pro Ecclesia et Pontifice” - “Vì Giáo Hội và Ðức Giáo Hoàng”, nhìn nhận sự trung thành và việc phục vụ phi thường của mẹ cho Giáo Hội Công Giáo. Huân chương này có hình một Thánh giá, là vinh dự cao nhất Ðức Giáo Hoàng dành cho giáo dân hay giáo sĩ.

Mẹ Mary Angelica, nữ tu dòng chiêm niệm thánh Clara, người phụ nữ kiệt xuất của Giáo Hội là người đã sáng lập mạng lưới truyền hình Công Giáo Lời Vĩnh Cửu (EWTN) lớn nhất toàn cầu tại Alabama vào năm 1981 với số vốn ban đầu là 200 Mỹ Kim.

Ngày nay, EWTN là hệ thống truyền thông lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo với 11 kênh truyền hình bằng nhiều thứ tiếng, phát sóng đến hơn 145 quốc gia và các vùng lãnh thổ.

Nhiều lời khen ngợi từ khắp nơi trên thế giới đã được đưa ra sau cái chết của Mẹ Angelica,

Tại Roma, Đức Ông Dario Viganò, viện trưởng viện Truyền Thông Tòa Thánh, hứa cầu nguyện linh hồn Mẹ Angelica được nghỉ ngơi đời đời. Nhiều linh mục, nữ tu và giáo dân ở Rome cũng đang cầu nguyện cho Mẹ.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cho biết Mẹ Angelica là một “người phụ nữ phi thường, đạo đức và tiên phong trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để truyền giáo.”

Đức Cha Robert Barron, Giám mục Los Angeles, nhận xét rằng Mẹ Angelica là “một trong những nhân vật quan trọng nhất trong thời hậu công đồng đối với Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.” Mẹ Angelica, với một năng khiếu hài hước độc đáo, “được người ta xem nhiều nhất và có hiệu quả nhất trong việc truyền giáo trong năm mươi năm qua.”
 
Người Công Giáo Mosul đón Phục sinh trong âu lo khi theo dõi chiến dịch giải phóng Mosul
Đặng Tự Do
07:13 30/03/2016
Những người vừa thoát khỏi tay IS
Quân Iraq tại Nasr
Cầu nguyện cho ngày về Mosul
Hôm thứ Năm Tuần Thánh, chính quyền Iraq bất ngờ loan báo mở chiến dịch giải phóng Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, cũng là thủ phủ của người Công Giáo nước này.

Trong giai đoạn một, mục tiêu của quân Iraq là giải phóng các ngôi làng trong khu vực Nasr, cách Mosul 70km về phía Nam, để có thể vượt qua sông Tigris giải phóng Qayyara, là nơi có nhiều mỏ dầu và có một sân bay quân sự. Đây sẽ được coi là bàn đạp chiến lược để giải phóng Mosul.

Cho đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, quân Iraq giải phóng được 6 ngôi làng. Khoảng 2000 người dân chạy thoát được tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS và được đưa vào một nhà thể thao tại Makhmour là nơi đặt bộ tư lệnh chiến dịch giải phóng. Những người tị nạn cho biết bọn khủng bố Hồi Giáo IS sẵn sàng bắn chết bất cứ ai bỏ chạy về phía quân chính phủ. Ít nhất một bé gái đã bị bọn chúng bắn chết.

Tại làng Nassrash, bọn khủng bố Hồi Giáo IS chống trả quyết liệt và dùng những tay bắn tỉa để cầm chân quân Iraq. Thời tiết xấu trong những ngày sau đó đã ngăn cản khả năng không kích của Hoa Kỳ và liên quân vào các vị trí bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Thương vong cao đã khiến nhiều đơn vị quân Iraq tháo chạy và tình trạng đào ngũ ngày càng phổ biến nhất là sau khi xảy ra trường hợp cảm tử quân IS nổ bom tự sát giết chết ít nhất 7 binh sĩ Iraq.

Thiếu tá Mahdi Younis, chỉ huy quân Kurd trong vùng cho biết:

“Sau ngày đầu tiên, quân đội Iraq đã không thể chiếm được một mét lãnh thổ nào từ tay bọn Daesh. Chẳng ai dám mong đợi sự thành công tối thiểu từ quân đội Iraq. Họ không có ý chí chiến đấu.”

Tháng 6 năm 2014, khi quân Iraq bỏ chạy khỏi Mosul, quân Kurd đã chiếm Nasr và cầm chân bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại đây. Chính quyền tự trị của người Kurd tại Erbil nhiều lần tuyên bố chủ quyền ở vùng này vì thế tuy quân Kurd thiện chiến hơn quân Iraq, họ không được tham gia trực tiếp vào cuộc tấn công.

Trong khi đó, tại thủ phủ Erbil, gần hai năm sau sự sụp đổ của Mosul vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS, hầu hết các tín hữu Công Giáo của thành phố này đã tổ chức lễ Phục sinh lưu vong lần thứ tại khu tự trị mà họ ẩn náu sau khi chạy khỏi Mosul. Chỉ có một số rất ít người Công Giáo Mosul có khả năng chạy sang các nước Tây Âu và Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám mục Youhanna Boutros Moshe, của tổng giáo phận Erbil cho biết hiện nay giáo phận của ngài có 60,000 tín hữu so với khoảng 30,000 tín hữu trước khi Mosul thất thủ. Hầu hết các giáo xứ đều phải tái tổ chức lại để có chỗ cho anh chị em tị nạn lưu trú.

Cha George Jahola, một linh mục Mosul tị nạn tại đây, nhận xét rằng các tín hữu ở Mosul có truyền thống giữ đạo rất nhiệm nhặt nhờ thế họ duy trì được “sự trung thành với truyền thống và đức tin được truyền từ đời này sang đời khác”

Cha cho biết thêm về hoàn cảnh cộng đoàn mình như sau:

“Chúng tôi đã bỏ nhà thờ, trường học của chúng tôi, các di sản văn hóa và nghệ thuật có niên đại hàng nhiều thế kỷ, các thư viện, các ảnh tượng thiêng liêng, kinh sách..Chúng tôi đã đi với hai bàn tay trắng. Ở đây, chúng tôi đang bắt đầu lại từ số không.”
 
Triều Yết Đức Thánh Cha 30/03/2016: Chúng ta tất cả đều cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa
VietCatholic Network
23:24 30/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ truyền chức Linh Mục và Phó Tế tại nhà thờ chính tòa Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn – BTT.ĐCV
09:38 30/03/2016
THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA HÀ NỘI

Trong bầu khí tràn ngập niềm vui của tuần Bát nhật Phục Sinh, sáng thứ Tư, ngày 30 tháng 3 năm 2016, tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội, đã long trọng cử hành Thánh lễ Truyền chức Linh mục và Phó tế cho 14 tiến chức. Cùng đồng tế với Đức Hồng Y có Đức Cha phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh, quý Đức ông và quý Cha trong Ban Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Gioan tại Tổng Giáo phận Boston (Hoa Kỳ) là nơi đã đào tạo 4 trong số 6 tiến chức Linh mục hôm nay, cùng đông đảo quý cha trong và ngoài giáo phận.

Xem Hình

Các tiến chức hôm nay phong phú về tuổi đời, về hành trình đời tu và ơn gọi dâng hiến. Sáu tiến chức Linh mục đã có thời gian tu học tại các Đại Chủng viện ở ngoại quốc và một thầy thuộc Tu đoàn Truyền Tin. Tám tiến chức Phó tế là những chủng sinh đã tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.Mỗi người một quê hương, một xứ sở khác nhau. Có tiến chức thuộc giáo phận, có những tiến chức nhập tịch có gốc từ các giáo phận khác, tất cả cùng chung nhịp đập với Dân Chúa, với đời sống Tổng Giáo phận Hà Nội trong hành trình hiến dâng và phục vụ.

Ngay từ sáng sớm, những đoàn người đông đảo đã đổ về khuôn viên Toà Tổng Giám mục và Nhà thờ Chính Toà.Tham dự Thánh lễ đặc biệt này có quý vị ân nhân, thân nhân của các tiến chức, quý nam nữ tu sỹ, chủng sinh và đông đảo anh chị em đến từ khắp các giáo xứ trong và ngoài giáo phận. Khuôn viên trở nên chật chội và nóng bức hơn, nhưng không vì thế mà làm lòng người nao núng, không vì thế mà làm vơi đi niềm hân hoan đang tràn ngập tâm hồn mỗi người hiện diện nơi đây. Bên ngoài Nhà thờ Chính Toà cũng có đông đảo bà con giáo dân hiệp dâng Thánh lễ qua những màn hình lớn truyền trực tiếp.

Bước vào Thánh lễ, Đức Hồng Y chào mừng quý Cha, cách riêng quý Cha trong Ban Giám đốc Đại Chủng viện tại Boston, quý Phó tế, Chủng sinh, đông đảo quý tu sỹ nam nữ và thân nhân bạn hữu của các tiến chức cùng mọi thành phần Dân Chúa đã hiện diện trong ngôi thánh đường để tham dự vào Thánh lễ truyền chức long trọng hôm nay. Ngài nói: Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và cũng vừa qua một Mùa Chay tràn đầy ơn Chúa để cử hành Đại lễ Phục Sinh. Hôm nay Chúa cũng lại thương ban cho Tổng Giáo phận Hà Nội thêm 6 tiến chức Linh mục và 8 tiến chức Phó Tế để dân của Chúa luôn có mục tử chăm sóc theo Thánh ý Chúa. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cảm ơn Hội Thánh. Chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện cho các tiến chức luôn sống trung thành với Thánh Chức của mình, và cộng tác với các tân chức để phục vụ Hội Thánh và toàn thể mọi người. Kế đó, Đức Hồng Y bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổng Giáo phận Boston đã giúp đỡ đào luyện các tiến chức để có ngày lãnh chức thánh hôm nay, điều đó nói lên sự gần gũi của hai Giáo phận và sự hiệp nhất sâu xa trong gia đình Hội Thánh Chúa trong việc cùng nhau thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Sau các bài đọc Lời Chúa trong Thánh lễ, nghi thức truyền chức Linh mục và Phó tế bắt đầu. Cha Tô-ma Aquinô Nguyễn Xuân Thủy, đặc trách ơn gọi của Tổng Giáo phận Hà Nội, xướng tên các tiến chức và thỉnh cầu Đức Hồng Y phong chức cho các ứng viên lên hàng Phó tế và Linh mục. Đức Hồng Y chấp thuận, cộng đoàn hiện diện vui mừng tung hôTạ ơn Chúa.

Danh sách các thầy Phó tế tiến chức Linh mục:

• Đaminh Trần Văn Đà

• Giuse Nguyễn Văn Hinh

• Phêrô Nguyễn Văn Huy

• Antôn Trần Văn Phú

• Giuse Kiều Văn Tụ

• Antôn Trần Văn Mạnh

Danh sách các thầy tiến chức Phó tế:

• Giuse Đỗ Văn Đức

• Phêrô Nguyễn Văn Khích

• Vicent Phạm Văn Thắng

• Giuse Đào Trọng Thành

• Gioan Nguyễn Văn Toàn

• Phêrô Tạ Văn Tuân

• Đaminh Nguyễn Văn Tuân

• Giuse Nguyễn Văn Tuấn

Đức Hồng Y, trong bài giảng của mình, đã quảng diễn về những sứ vụ mà các tân chức Phó tế hay Linh mục sẽ được trao phó, trong việc phục vụ và hướng dẫn đoàn chiên của Thiên Chúa, khởi đi từ trình thuật sách Công vụ Tông đồ về biến cố Thánh Phê-rô chữa lành cho một bệnh nhân. Người môn đệ không có tiền bạc, địa vị hay cả sự khôn ngoan hơn người, nhưng họ có sự quý trọng nhất mà chính vì điều đó mà họ được phong chức và sai đi, đó chính là mang Chúa Giê-su Ki-tô đến với người anh em của mình, đó là dùng Lời Chúa để giảng dạy, hướng dẫn và thánh hóa Dân Chúa.

Với các tiến chức Phó tế, Đức Hồng Y nhấn mạnh: Phó tế là người phục vụ Lời Chúa, Bàn thờ và Bác ái. Giáo Hội tin tưởng nơi các Phó tế, như khi xưa đã tuyển chọn các Phó tế đầu tiên của Giáo Hội sơ khai: có tiếng tốt, có hiểu biết với dấu hiệu quan trọng để chứng tỏ Phó tế là người được Chúa chọn và sai đi chính là sự độc độc thân.

Với các tiến chức Linh mục, Đức Hồng Y nói: Anh em cần làm ba việc trọng yếu chính là giảng huấn, thánh hóa và mục tử. Khi giảng huấn, anh em cần tin (tin vào Lời Chúa, vào Hội Thánh và chính Chúa), rao giảng và thi hành. Mọi sự trong đời sống của Linh mục là nhằm thánh hóa chính mình và mọi người được trao phó. Thánh lễ là cao điểm của đời sống Linh mục, nên hãy ý thức mỗi khi anh em cử hành Thánh lễ, mang lấy tâm tình chết và sống lại với Đức Ki-tô. Linh mục phải luôn làm mới lại chính mình trong ân sủng. Linh mục là thủ lãnh, là mục tử nhưng đến không phải để cho người ta phục vụ nhưng mình phải nên người phục vụ Dân Chúa và mọi người. Làm sao để những người mình được gửi đến phục vụ trở nên một gia đình, chan hòa yêu thương, gắn bó và tha thứ nâng đỡ nhau. Trong Năm Thánh Lòng Thương xót, Đức Hồng Y mời gọi anh em tiến chức hãy lắng nghe lời của Đức Thánh Cha Phanxicô là tìm kiếm và cứu rỗi. Hãy ra khỏi con người ích kỷ đóng khung và giới hạn phe nhóm của mình để đi đến với người khác hầu cứu rỗi họ bằng ân sủng của Thiên Chúa. Xin anh em hãy ghi nhớ để suốt đời trung thành với sứ vụ đã nhận hôm nay.

Sau bài giảng, Đức Hồng Y thẩm vấn các tiến chức Phó tế và Linh mục liên quan đến thánh chức sắp lãnh nhận và sự vâng phục đấng bản quyền. Phút giây linh thiêng và cảm động nhất là lúc kinh cầu các Thánh được hát lên, trong khi đó, các tiến chức nằm phủ phục trước bàn thánh.

Các phần trong lễ nghi phong chức Phó tế và Linh mục được cử hành một cách trang trọng và thiêng thánh. Kết thúc nghi thức, Đức Hồng Y trao bình an cho các tân chức. Cộng đoàn Phụng vụ tham dự các nghi thức trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và với niềm xúc động sâu xa.

Sau nghi thức phong chức, các tân Linh mục tiến lên cung thánh để lần đầu tiên được cử hành Phụng vụ Thánh Thể, các tân Phó tế tiến lên để phục vụ Bàn Thánh.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ 35 với Phép lành trọng thể của Đức Hồng Y chủ sự, trong niềm vui hân hoan tạ ơn của mọi thành phần Dân Chúa hiện diện. Các tân Phó tế, tân Linh mục cùng đoàn đồng tế rước về nhà nguyện Fatima trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục, giữa lời thánh ca tạ ơn và lời chúc mừng của toàn thể cộng đoàn. Những bó hoa tươi thắm, những cái bắt tay thật chặt cùng những nụ cười rạng rỡ đã diễn tả tâm trạng vui mừng của tất cả mọi người.

Vào lúc 11 giờ 45, các tân Linh mục tiến ra Nhà thờ Chính Tòa để chào và ban Phép lành đầu tay cho toàn thể cộng đoàn hiện diện. Niềm vui như vỡ òa, mọi ngừơi cùng tiến tới chúc mừng các tân Linh mục, tân Phó tế và hiệp ý cầu nguyện, nâng đỡ họ trên chặng đường mới của hành trình ơn gọi linh mục.

Được biết, vào sáng ngày mai, thứ Năm 31 tháng 3, các tân Linh mục sẽ dâng Thánh lễ Tạ ơn tại quê hương xứ họ của mình. Với Thánh lễ Phong chức hôm nay, linh mục đoàn của Tổng Giáo phận Hà Nội là 140 vị.

Giuse Trần Ngọc Huấn – BTT.ĐCV
 
Phỏng vấn Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Tân Giám mục Giáo phận Đà Nẵng
Gioan Lê Quang Vinh
20:39 30/03/2016
PHỎNG VẤN Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Tân Giám mục Giáo phận Đà Nẵng

PV. Trọng kính Đức Cha, Ban Giám đốc, cộng tác viên và độc giả Thông tấn xã Công Giáo Vietcatholic xin chúc mừng Đức Cha vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Giáo phận mới: Giám mục Chính tòa Giáo phận Đà Nẵng, xin Đức Cha cho chúng con biết vài tâm tình khi Đức Cha nhận được quyết định bổ nhiệm này.

Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn Ban Giám đốc, các Cộng tác viên và độc giả Thông tấn xã Công Giáo Vietcatholic chúc mừng tôi nhân dịp tôi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm tân Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. Đây thực sự là những ngày mà bản thân tôi thấy được huyền nhiệm của Thiên Chúa qua Giáo Hội. Tôi luôn ghi nhớ rằng cuộc đời mục tử với ơn gọi tông đồ luôn sẵn sàng vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa qua Đại Diện của Ngài là Đức Thánh Cha và Tòa Thánh, cho nên ngày thứ Bẩy, 12/03/2016 vừa qua khi Tòa Thánh công bố Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm tôi làm Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, tôi đã đón nhận sự bổ nhiệm đó trong vâng phục với bâng khuâng và xúc cảm. Nhớ lại năm 2007, ngày 12 tháng 10, Tòa Thánh công bố Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm tôi làm Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng, lúc đó tôi cũng đã đón nhận với biết bao bỡ ngỡ cảm xúc xốn xang. Là người sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội với 20 năm làm linh mục trong Tổng Giáo phận Hà Nội, khi được bổ nhiệm làm mục tử Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng tôi đã đón nhận với biết bao bỡ ngỡ, trăn trở với những khó khăn lúc khởi đầu; nhưng nhờ Ơn Chúa, với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, sự đỡ nâng của các Đấng bậc và toàn thể gia đình giáo phận, dần dần Giáo phận đã trở nên một gia đình thật đặc biệt trong đó mọi người cùng phục vụ trong tin mến, cộng tác, hiệp nhất để góp phần phát triển Giáo phận. Giờ đây, sau hơn 8 năm làm mục tử nơi một Giáo phận có “Rừng núi” phía Bắc, tôi lại bắt một sự khởi đầu mới với Giáo phận Đà Nẵng – một nơi có “Biển cả” miền Trung. Tin tưởng vào thánh ý Chúa và chương trình của Thiên Chúa nơi Tòa Thánh, tôi đã đón nhận sứ vụ mới trong tinh thần vâng phục, nguyện cầu và phó thác.

PV. Đức Cha là linh mục ở Hà Nội về làm Giám mục Lạng Sơn-Cao Bằng trong Giáo tỉnh Hà Nội, bây giờ Đức Cha đến giáo phận xa hơn ở miền Trung, đâu là những thuận lợi và những thử thách trong công việc mục vụ ?

Đang là mục tử của một Giáo phận rất rộng lớn về diện tích gồm 3 tỉnh Lạng Sơn-Cao Bằng và phía đông Sông Lô tỉnh Hà Giang, nhưng con số giáo dân lại rất khiêm tốn sấp sỉ 6.000; với 13 giáo xứ đang hoạt động, còn một số giáo xứ và nhiều giáo điểm đang cố gắng trở lại đời sống đức tin với sự đỡ nâng của 22 linh mục (14 linh mục Triều, 8 linh mục Dòng), 3 phó tế và 37 nữ tu, chưa kể chủng sinh và ứng sinh trong giáo phận cùng mọi thành phần Dân Chúa đang nỗ lực dấn thân truyền giáo, giờ đây, được Đức Thánh Cha bổ nhiệm về với một giáo phận nằm ở giữa miền Trung, nơi có bề dày lịch sử của đạo Công Giáo tại Việt Nam, một nơi đã từng đón bước chân của các vị thừa sai dòng Tên người Ý Francesco Buzomi và Diego Carvalho cùng 2 tu sĩ Nhật Bản vào ngày 16.01.1615 đến Cửa Hàn, một Giáo phận với hơn 50 năm thành lập (18/01/1963) và phát triển với con số gần 70 ngàn giáo dân, 50 giáo xứ và 3 giáo họ biệt lập được 105 linh mục mục vụ, chưa kể Phó tế, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, ứng sinh, nếu so sánh với Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng nơi tôi từng coi sóc, chắc chắn sẽ có rất nhiều sự khác biệt về mọi phương diện, tôi chỉ biết với niềm tin và lòng phó thác cậy dựa vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, sự đỡ nâng của Hội Thánh và sự đón nhận quảng đại, giúp đỡ của toàn thể Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng. Tôi nghĩ mình phải cố gắng để thay đổi mình mỗi ngày cho phù hợp với tiếng gọi của Chúa qua Hội Thánh, và kỳ vọng của Dân Chúa nơi miền đất mà tôi được kêu gọi phục vụ. Chắc chắn những thao thức mong chờ tôi tiếp bước hành trình đã qua của các Vị Mục tử tiền bối của Giáo phận Đà Nẵng để thực hiện tại đây, đó là:

Tại thành phố Đà nẵng và tỉnh Quảng Nam, tổng số dân là 2.500.000 người, trong khi số giáo dân Công Giáo gần 70.000 người, chiếm tỷ lệ 2,8% dân số. Đây là một con số đáng để chúng ta suy nghĩ và đó cũng vẫn luôn là lời mời gọi Giáo Hội cần đẩy mạnh công cuộc Loan báo Tin Mừng “Truyền giáo”. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời Hội Thánh ra đi, đặc biệt tới những “vùng ngoại biên”, nơi có nhiều anh chị em dân tộc thiểu số, những nơi đang cần sự hiện diện của các Kitô hữu, tôi hy vọng được cùng mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng sẵn sàng sống, ra đi loan báo và làm chứng cho Tin Mừng Tình yêu thương của Thiên Chúa. Hành trình phục vụ trong Hiệp nhất cũng là điều rất quan trọng đối với các môn đệ của Chúa. Hy vọng mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận đã sống hiệp nhất, yêu thương thì tiếp tục làm triển nở những giá trị tốt đẹp đó, làm nên sức mạnh và sự phát triển của Hội Thánh. Điều mong ước của tôi là xây dựng Giáo phận là Gia đình của Thiên Chúa và Hội Thánh. Thật đẹp đẽ khi Giáo phận kết thành một gia đình mà Thiên Chúa là Cha, tất cả mọi thành phần trong đó là anh chị em với nhau. Như hình ảnh gia đình Thánh Gia xưa kia, thánh Giuse là Cha nuôi đã chăm sóc gia đình Nadarét, và nay tiếp tục chăm sóc Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh Việt Nam. Vì thế, xin cùng Thánh Cả Giuse cũng là Đấng Bổn mạng của tôi cầu xin cùng Chúa cho tôi và mọi thành phần Dân Chúa của Giáo phận Đà Nẵng sống tinh thần của Gia đình Thánh Gia mà xây dựng Gia đình giáo phận trong tin mến, hiệp nhất, yêu thương và phục vụ.

PV. Đức Cha đã từng nhắc các chủng sinh của Giáo tỉnh Hà nội” không ngừng làm thắm lại tương quan cá vị và gần gũi với Đức Kitô, xây dựng tình hiệp thông huynh đệ và nâng đỡ trong việc trau dồi tri thức và mục vụ”.

Khi gặp gỡ các chủng sinh của Đại Chủng viện Hà Nội, tôi đã trích dẫn lời khuyên nhủ mà Thánh Phaolô nói với Timôthê: “Cha kêu mời con khơi thắm lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đổ xuống trên con”. 2Tm 6. Trong tông huấn Pastores Dabo Vobis về đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay, thì “Khơi thắm lại” ân huệ thần thiêng không chỉ là chu toàn một bổn phận được uỷ thác cho trách nhiệm cá nhân, cũng không chỉ là hiệu suất do nỗ lực của ký ức và của ý chí mang lại. Đó là thành quả do sự năng động ân sủng chỉ thuộc về ân huệ của Thiên Chúa. Thật ra, chính Thiên Chúa khơi thắm lại chính ân huệ của Ngài, hay nói đúng hơn, giải thoát nguồn phong phú phi thường của ân sủng và của trách nhiệm mà ân huệ Ngài ẩn chứa.

Khi chia sẻ với anh em chủng sinh của Đại Chủng Viện Hà Nội, tôi cũng như tự nhắc với chính mình nơi ơn gọi và sứ mệnh của mình nơi Hội Thánh, đó là cần phải làm thắm lại tương quan cá vị với Đức Kitô, để với sự đồng hành yêu thương, đỡ nâng của Ngài mà đem lại cho tôi nghị lực trong các mối tương quan của tình huynh đệ đỡ nâng của linh mục đoàn, của các thành phần Dân của Chúa trong Giáo phận mà tôi được phục vụ.

Với mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng: Như khẩu hiệu của đời Giám mục mà tôi đã chọn “Đến với muôn dân”, tôi rất mong được các linh mục trong Giáo phận cùng đón nhận mục tử mới dù còn khác biệt, nhưng trong tinh thần huynh đệ chân thành giúp đỡ, cùng nhau hoạch định những kế hoạch thực tiễn để phục vụ hữu hiệu; để như những cầu nối, các linh mục giúp đưa Đức Giám Mục tới gần Dân Chúa và giúp Dân Chúa hiểu Vị Mục tử của mình. Rất mong sự tin tưởng, cảm thông và cộng tác của các Phó tế, Tu sĩ, chủng sinh, ứng sinh và giáo dân trong giáo phận.

PV. Thưa Đức Cha, xin Đức Cha cho chúng con biết Đức Cha đã chuẩn bị thế nào cho cuộc hành trình Tông đồ mới này?

Có thể đây là lần đầu tiên sự kiện Tòa Thánh hoán chuyển Giám mục hai giáo phận tại Giáo Hội Việt Nam. Cá nhân tôi đã từng du học tại Roma, và trong thời gian làm Mục tử cũng đã thấy sự hoán chuyển này tại nhiều nước, chỉ riêng Việt Nam mới thấy lần đầu. Phần tôi, là người sinh ra tại thủ đô Hà Nội, đã từng làm Mục tử tại Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng, vùng Núi phía Bắc Việt Nam, giờ đây Đức Thánh Cha lại muốn tôi tới một miền đất mới khác biệt, vùng Biển miền Trung, còn Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri sinh ra tại Quảng Nam, miền Trung. Giờ đây được mời gọi ra Giáo phận miền núi phía Bắc của Giáo tỉnh Hà Nội. Khi đón nhận sự bổ nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô, anh em chúng tôi lại nhớ tới Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội (Christus Dominus) Chương I, 6: “Các Giám Mục, là những người kế vị hợp pháp các Tông Ðồ và là thành phần của Cộng Ðoàn Giám Mục, phải luôn luôn ý thức mình liên kết với nhau và cùng nhau lo lắng cho tất cả các Giáo Hội, vì được Thiên Chúa thiết lập và do mệnh lệnh của nhiệm vụ tông đồ”.

Trong tinh thần hiệp nhất giúp đỡ lẫn nhau, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri cùng 7 linh mục trong Ban tư vấn, 1 nữ tu và 1 giáo dân của Giáo phận Đà Nẵng đã ra thăm Tòa Giám mục Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng; và Tôi cùng 6 Cha trong Ban tư vấn và Văn phòng của Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng đi cùng chuyến bay vào thăm Tòa Giám mục Giáo phận Đà Nẵng; cuộc hành trình là niềm vui, bình an và hiệp nhất. Tại Tòa Giám mục Đà Nẵng, hai Đức Cha và quý Cha trong Ban Tư vấn của Hai Giáo phận đã bàn họp việc chuẩn bị ngày Nhận Giáo phận của Hai Đức Giám Mục. Cuộc họp đã quyết định ngày Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri nhận Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng vào hồi 10h00 sáng thứ Bẩy, ngày 09 tháng 04 năm 2016 tại Nhà thờ Chính tòa Lạng sơn, sau khi kết thúc kỳ họp Thường niên của Hội Đồng Giám mục Việt Nam tại Tòa Giám mục Thái Bình. Còn Tôi, Giuse Đặng Đức Ngân sẽ nhận Giáo phận Đà Nẵng vào hồi 10h00 sáng thứ Ba, ngày 12 tháng 04 năm 2016, tại Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng.

Một hành trình mới đã khởi sự và tôi rất mong mỏi và hy vọng trong tin mến được mọi thành phần Dân Chúa của Giáo phận Đà Nẵng mở rộng vòng tay đón nhận, yêu thương, giúp đỡ và cộng tác chân thành, để xây dựng giáo phận thành Gia đình yêu thương như lòng Chúa mong ước. Khi trở nên Mục tử của giáo phận Đà Nẵng, tôi cũng trở nên người con của giáo phận, là thành phần của gia đình giáo phận, từ nay tôi nguyện sẽ đem hết tâm huyết và khả năng để phục vụ trong yêu mến và phó thác.

Xin các Đấng bậc và mọi thành phần Dân Chúa trong hai Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng và Đà Nẵng trong tinh thần đức tin và hiệp nhất, cầu xin cùng Thiên Chúa ban sức phù trợ cho hai anh em giáo mục chúng tôi trong hành trình sống ơn gọi và sứ vụ mới của mình.

Xin kính chúc Ban Giám đốc, các Cộng tác viên và độc giả Thông tấn xã Công Giáo Vietcatholic luôn tràn đầy Hồng ân của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, luôn mạnh khỏe, bình an với niềm vui là chứng nhân của LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tiễn
lykhách
09:51 30/03/2016
Ừ, kính chúc Thủ-tướng về vườn “ráng LÀM người tử tế”
Há dễ đâu thời buổi đầy nhiễu nhương chính thể côn đồ!
Mấy chục năm dài bác, đảng ta thời nào cũng thế
Hễ lên cầm quyền vẫn một kiểu thủ đoạn gian ác, mưu mô

Kể cũng đủ xài sau gần mười năm làm thủ tướng
Con thảy làm quan và tài sản ki-cóp cũng hơn bình thường
Đồ tể buông dao cũng hóa phật
Huống hồ gì đứa thôi tham nhũng ráng sống tử tế chỉ nhận hưu lương?

Cũng kính tiễn Chủ-tịch-nước về vườn
Nghỉ cho khỏe, khỏi bận tâm chuyện công-hầu-khanh-tướng
Mà thử nghĩ bao năm ngài làm chủ tịch một nước
Đổi được chi đâu một chế độ ngày càng bất lương?

Ừ, tiễn luôn ngài chủ tịch Quốc-hội lên đường
Quốc nhục trước mặt không nói chẳng phải kẻ tầm thường
Một là kẻ hèn quen nhục (mà không thấy nhục) để tận thụ hưởng
Hai là đứa bất bình thường để chẳng thấy cái nhục của quê hương!

“Tứ Trụ” tiêu tam sao sót lại chi một Tổng-Lú?
Than ôi! Nên đổi tên là: Cộng-Hòa-Xã-Hội-Chủ-Nghĩa-Đại-Ngu!
Đến cuối thể kỷ này ta có tiến được lên đại đồng bố ai biết?
Nhưng ngài nhất quyết làm thằng chột dẫn đám đồng chí mù!

Có ai biết long mạch nước ta nằm ở đâu?
Còn trấn non sông hay đã chuyển qua Tàu?
Sao lãnh đạo ta toàn lũ bất tài, ngu đần, đù lú
Sao vận nước ta mấy chục năm cứ vận mạt tối hù?!

Ừ, đổi thay mà chẳng có gì thay đổi
Chính thể vẫn kiểu côn đồ, quan quyền vẫn nhũng nhiễu tham ô
Điều bất hạnh là dân ta dần quen sống cam chịu khốn khổ
Điều khốn nạn là độc đảng cầm quyền vẫn ác với dân và hèn hạ đám Tàu nô!
 
Sợ đổi mới chính trị sẽ tan hàng rã đám
Phạm Trần
20:34 30/03/2016
SỢ ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ SẼ TAN HÀNG RÃ ĐÁM

Vấn đề có cần đổi mới chính trị thì đổi mới kinh tế mới thành công đang là chuyện nhức đầu của đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam.

Nhiều trí thức trong và ngoài đảng và chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã khẳng định “đổi mới chính trị là nhu cầu cấp bách”, nhưng Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và những cái đầu cực kỳ bảo thủ và giáo điều trong Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo quyết chống, vì sợ sẽ tan hàng rã đám.

Ông Trọng thì nói:”Chúng ta phải tiếp tục đổi mới, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, nhưng đổi mới phải đúng hướng, không được lạc đường, từ cực này nhảy sang cực kia. Các thế lực xấu, thù địch đang rất muốn chúng ta thay đổi chế độ chính trị. Tại một số hội nghị Trung ương và Bộ Chính trị tôi đã nói, đổi mới chính trị không có nghĩa là thay đổi chế độ chính trị, không có nghĩa là làm thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta. Đường lối phải đi đúng phương hướng của Cương lĩnh và Hiến pháp mới được thông qua. Tiếp tục phát huy dân chủ nhưng phải có kỷ cương, kỷ luật.”

(Diễn văn tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, tổ chức tại Hà Nội ngày 26/03/2016)

Ông Tổng Bí thư đảng CSVN không nói cho dân biết “đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ” là đổi mới những gì và làm ra sao, hay có cần những con người mới và việc mới hay không ?

Nhưng nếu phải “đúng phương hướng của Cương lĩnh và Hiến pháp mới được thông qua” thì nói “đổi mới” làm gì cho vô nghĩa ? Bởi vì cả Cương lĩnh “xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” lẫn Hiến pháp năm 2013 đều cho phép đảng tự ý nhân danh dân để chiếm độc quyền cai trị, dù dân chưa hề bao giờ bỏ phiếu hay trao quyền này cho đảng.

Cương lĩnh 2011 đã tự chép lại những gì ghi trong Cương lĩnh thông qua hồi tháng 6-1991 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII:”Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”

Đến khi sửa và bổ sung Hiến pháp 1992 thì Quốc hội do “đảng cử” cho “dân bầu” lại chép lại và bổ túc Điều 4 trong Hiến pháp 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Họ cũng đã thêm mắm thêm muối cho mặn mà trong Điều 4 mới rằng: “ Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.”

Và: “ Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Tuy đảng nói thế nhưng chưa bao giờ đảng chịu làm đấy tớ của nhân dân là chủ nhân thật sự của đất nước như ông Hồ Chí Minh giáo dục. Ngược lại, đảng chỉ muốn cai trị dân và đòi dân phải lao động đầu tắt mặt tối nôi đảng và phải làm theo điều đảng muốn. Không một ai dám cãi đảng dù biết nhiều điều đảng bắt dân làm là vô lý, trái pháp luật và chà đạp quyền con người.

Nhiều khi đi ngược lại cả Hiến pháp như vẫn không chịu để cho Quốc hội thảo luận Dự luật Biểu tình, đáng nhẽ phải trình ra Quốc hội tại kỳ họp 11, phiên cuối cùng của Khóa Quốc hội 13.

Lấy lý do Văn phòng Chính phủ đưa ra vì còn có những ý kiến khác nhau nên xin hoãn trình Dự Luật Biểu tình lần nữa. Sự thật là trong Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (cơ quan soạn Luật biểu tình) vẫn có những phần tử chống Luật Biểu tình. Họ cho rằng nếu có Luật Biểu tình là “đổi mới chính trị”, đi ngược lại chủ trương của đảng. Mà “đảng” thì quyền quyết định lại nằm gọn trong Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong cầm đầu nên nói ngược, nói xuôi đến đâu cũng chỉ quy vào một mối mà thôi.

Vì vậy, mà đảng đã tự viết Hiến pháp để luật hóa Cương lĩnh và hợp thức hóa vai trò cầm quyền tự biên và tự diễn của mình khiến cho Bộ Luật cao nhất của Quốc gia thành lãng nhách.

BỨC XÚC HAY HOANG MANG ?

Nhưng tại sao chỉ trong vòng 14 tháng mà ông Trọng đã phải nói lại quan điểm được gọi là “đổi mới chính trị”, theo cách nghĩ và làm phi truyền thống của lãnh đạo CSVN ?

Giản dị là vì tại Hội nghị Trung ương 10 khóa đảng XI, từ 05 đến ngày 12-01-2015, các Ủy viên Trung ương đã thảo luận đề xuất cần "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế" nhưng không cho biết kết quả.

Chỉ thấy báo đảng đưa tin ông Trọng nói trong diễn văn bế mạc:” Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.” (VietNamNet, 12/01/2015)

Đề xuất được gọi là “đổi mới” của ông Trọng là không được thay thế hay làm sút giảm vai trò lãnh đạo và chính sách cai trị độc tôn của đảng Cộng sản. Ông chỉ muốn thay đổi cơ cấu tổ chức của của nhà nước sao cho tinh gọn và hiệu lực và nâng cao khả năng chuyên môn và tinh thần phục vụ của cán bộ, đảng viên trong tất cả mọi lĩnh vực.

Vì vậy mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã can đảm nói thẳng đề nghị “đổi mới chính trị” tại Đại hội Đảng lần thứ 12, sáng 22/1/2016.

Ông Vinh, người sẽ nghỉ hưu sau khi bàn giao cho người kế nhiệm trong Chính phủ mới vào tháng 7 (2016) là chậm nhất, nói:”Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa, đặc biệt là nền kinh tế trong thời kỳ chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí trở thành rào cản. Vì vậy, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất, cần chủ động và nghiêm khắc đánh giá lại chính mình, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định. Kiên quyết đổi mới tổ chức, chức năng nhiệm vụ của tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị...”.

Ông Vinh cũng không dám nói hết ý nghĩ phải “đổi mới hệ thống chính trị” thì cần phải thay đổi như thế nào, nhưng ông đã thẳng thắn nói bộ máy cầm quyền và tư duy lãnh đạo của thời bao cấp khi còn chiến tranh không còn phù hợp với thời đại hội nhập vào nền kinh tế thị trường ngày nay.

Ông nói:”Trọng tâm là hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội.”

Từ trước Đại hội đảng XII, từ ông Nguyễn Phú Trọng xuống cho đến cấp Ủy địa phương và trong Chính phủ, chưa có cấp lãnh đạo cao nào dám đề xướng “mở rộng dân chủ trong xã hội” song song với “mở rộng dân chủ trong đảng”.

Các lãnh đạo đảng từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khóa VI cho đến thời Nguyễn Phú Trọng khóa XII không ông nào dám hé răng nói đến mấy chữ “mở rộng dân chủ trong xã hội”. Tất cả chỉ biết đề cao “dân chủ trong đảng” như phương thức sinh hoạt nội bộ.

Có nghĩa anh muốn nói gì trong phòng họp cũng được, nhưng khi ra khỏi phòng thì miệng anh phải khóa lại. Và khi biểu quyết thì thiều số phải phục tùng đa số nên đảng gọi hoa mỹ là “tập trung dân chủ” !

Cũng giống như sinh hoạt của Quốc Hội trong mấy năm gần đây xem ra dân chủ hơn trước, nhưng hiếm thấy có Đại biểu nào dám đòi quyền làm chủ đất nước cho dân hay đòi Quốc Hội phải có những Đại biểu không chỉ biết gật mỗi khi đảng muốn.

Vì vậy bài tham luận của ông Vinh được báo chí và nhiều giới rong và ngoài đảng hoan nghênh là thẳng thắn vì đáp ứng nhu cầu đổi mới của xã hội. Riêng ông Trọng và lãnh đạo bảo thủ trong đảng thì đã lạnh lùng với ý kiến táo bạo này.

KINH TẾ VÀ CHÍNH TRỊ

Việt Nam đã đổi mới kinh tế để khỏi chết từ Hội nghị Trung ương VI năm 1986, nhưng không chịu đổi mới chính trị cho nhân dân được trực tiếp tham gia việc nước theo thể thức bầu cử dân chủ và đa đảng chính trị.

Trong hệ thống cai trị hiện nay, người dân Việt Nam không dám phê bình chính sách của nhà nước và chủ trương của đảng. Lại càng không được chạm đến lãnh đạo vì họ là thành phần tự cho mình có quyền bất khả xâm phạm.

Báo chí mang danh ”báo chí cách mạng” nhưng toàn làm những chuyện phản cách mạng và đi ngược lại quyền lợi của dân. Chẳng hạn như khi Công an tấn công người dân đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì báo chí quay mặt làm ngơ. Ngược lại, họ lại đề cao đám công an đội lốt côn đồ hay dư luận viên đánh đập dân oan xuống đường đòi công bằng, tố cáo quan tham.

Báo chí cũng chưa bao giờ dám đụng đến “lỗ chân lông” lãnh đạo, dù biết họ có lỗi với dân hay tham nhũng, thối nát.

Trong phát triển kinh tế, sự thiếu công bằng trong đối xử giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, cộng thêm với tình trạng phải trao phong bì tiền “bôi trơn” để không bị trù dập hay chậm thủ tục là một trong những nguyên nhân làm mất cân bằng trong phát triển.

Lại có vô số Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), dù tiếp tục làm ăn thua lỗ năm này quan năm khác mà vẫn được ưu tiên vay vốn, hưởng giá thuê mặt bằng nhẹ hơn doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài thì làm sao mà gánh nặng không đổ lên đầu người dân tiêu thụ và công nhân ?

Ngoài ra còn phải kể đến khoản nợ công của Việt Nam, chia cho mỗi đầu người trong số 90 triệu dân là trên 1,000 US Dollars và tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng như đảng đã nhìn nhận thì làm sao đất nước khá lên được ?

Vì vậy, Thủ tướng mãn nhiệm Nguyễn Tấn Dũng đã phải nói:” Chống tham nhũng, tiêu cực không có cách nào khác là phải phát huy đầy đủ quyền làm chủ, quyền dân chủ của người dân gắn với công khai, minh bạch. Đây là giải pháp căn cơ nhất để chống tiêu cực, tham nhũng.”

Ông Dũng nói như thế sáng 30/03 (2016) tại trụ sở Chính phủ trong khi cùng với Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị đánh giá hợp tác giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông nói thêm:”Nghe được nhiều luồng ý kiến, trí tuệ của toàn dân để mục đích cuối cùng là đưa ra được chủ trương, chính sách đúng, từ đó thì mới tạo được đồng thuận. Đối với Chính phủ, công tác vận động quần chúng rất quan trọng. Anh đưa ra chủ trương chính sách mà không đúng, không phù hợp thì không thể vận động được nhân dân. Phải đề cao phối hợp làm tốt công tác phản biện, giám sát cũng chính là phát huy quyền làm chủ của người dân, quyền dân chủ của người dân …”.

Đó là cách thực hành “dân chủ trong dân và trong xã hội”, thay vì chỉ biết thực hành dân chủ dành riêng cho đảng viên tại các cuộc họp của đảng mà ông Trọng vẫn đề cao từ trước tới nay.

Nhưng tại sao bây giờ, khi không còn quyền hành và sắp nghỉ hưu thì ông Dũng mới nói những câu nghe “mát tai” đến thế ? Không biết gần 10 năm giữ chức Thủ tướng và 7 năm làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng ông đã làm gì mà tham nhũng “vẫn còn nghiêm trọng” cho đến ngày nay ?

Nhưng cũng chính vì dân chưa có dân chủ và xã hội vẫn còn bị đảng kiểm soát nên đảng đã mất hết “liên hệ máu thịt” với dân và không được dân hợp tác trong công tác làm sạch đảng như đề ra Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.”

Có lẽ vì thế mà ông Trọng đã khá thẳng thắn trong Diễn văn hôm 26/3 (2016) khi ông nói với Cán bộ Xây dựng đảng:”Hiện nay, trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển... Tại Hội nghị lần này, tôi đề nghị các đồng chí thẳng thắn thảo luận xem có chuyện ấy hay không, mức độ thế nào, để cho rõ ràng, minh bạch. Nếu có thì ta phải sửa, phải rút kinh nghiệm; nếu không có thì cũng phải trả lời, cho rõ ràng, sòng phẳng, xem ai chạy, chạy ai? Phải giải toả được tâm tư, tâm trạng đó; phải khắc phục cho được tình trạng này. Muốn thế, phải bằng luật pháp, bằng quy chế, quy định, rồi kiểm tra, đôn đốc ráo riết. Và trước hết là những người làm công tác cán bộ phải liêm chính, trong sáng, công tâm. Có phải không? Nhìn thẳng vào sự thật đi.”

Nhưng ông Trọng, người còn là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống Tham nhũng và có bằng Tiến sỹ về môn Xây dựng Đảng mà không biết những chuyện bê bối này thì tại sao ông không đi “thăm dân cho biết sự tình” để tìm hiểu đến nơi đến chốn ?

Tôi tin nếu ông chịu xuất hành đến với dân thì nhiều người sẽ không ngại nói với ông:”Bác Trọng ơi, Bác có cho ăn vàng chúng tôi cũng không dám nói cho Bác nghe, vì có ai bảo vệ miếng cơm manh áo cho chúng tôi đâu. Hơn nữa quyền sinh sát nằm gọn trọng tay Bác mà Bác còn chưa biết, huống chi bọn dân đen thấp cổ bé miệng như chúng tôi. Nếu Bác không sợ tan hàng rã đám thì cứ trả quyền làm chủ đất nước cho chúng tôi và tôn trọng các quyền dân chủ và tự do đã ghi trong Hiến pháp thì chúng tôi tin Bác sẽ dược nghe dân nói cho biết đầy lỗ tai.”

Phạm Trần

(03/016)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Những ai không được Rước lễ?
Nguyễn Trọng Đa
09:50 30/03/2016
Giải đáp phụng vụ: Những ai không được Rước lễ?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đã dự một lễ cưới, mà trong đó linh mục chỉ cho đôi tân hôn Rước lễ mà thôi. Sau đó, con được biết rằng linh mục làm như thế vì ngài lo sợ một cộng đoàn hỗn hợp - một số người có thể là không Công Giáo, hoặc một số người có thể ở trong tình trạng tội trọng - và không muốn liều mình trao Mình Thánh cho các người không xứng đáng như vậy. Tuy nhiên, đã có nhiều tín hữu cảm thấy bị tổn thương và bị xúc phạm khi họ không được Rước lễ. Liệu hành động ấy là có thích hợp về phía linh mục không, thưa cha? - J. S., St. Louis, Missouri, Mỹ.


Đáp: Trong khi vị linh mục đã cho thấy sự tôn trọng đáng quý và tôn kính đối với phép Thánh Thể, tôi không tin rằng cha đã hành động một cách chính xác trong trường hợp này.

Trong các xã hội đa dạng như Mỹ, việc cử hành Thánh lễ cưới và Thánh lễ an táng hầu như luôn có đông người thuộc các sắc tộc và tín ngưỡng khác nhau tham dự. Do đó sự nguy hiểm của một người nào đó Rước Lễ không xứng đáng là có thực.

Nhưng đây không phải là một vấn đề mới, và các giáo xứ khắp nơi đã tìm ra được nhiều giải pháp khả thi.

Trong một số trường hợp, cha xứ hoặc một người khác nói lời thông báo thích hợp, hoặc là trước Thánh Lễ hoặc trước khi Rước lễ. Thông báo này khéo léo giải thích rằng, bởi vì đây là trung tâm của đức tin chúng tôi, việc Rước lễ chỉ được dành riêng cho người Công Giáo trong tình trạng ân sủng mà thôi.

Một cách thức khác là in rõ các điều kiện cho việc Rước lễ, và phân phối cho những người có mặt, hoặc thậm chí kẹp nó vào trong cuốn sách nhỏ, vốn thường được chuẩn bị trong dịp lễ cưới.

Nếu linh mục đã có các bước thích hợp để thông báo cho những người hiện diện về tầm quan trọng của việc Rước lễ trong tình trạng ân sủng, thì trách nhiệm cho một việc Rước lễ không xứng đáng rơi vào lương tâm của người lên Rước lễ.

Nhiệm vụ của linh mục là không có hành động phủ đầu chống lại hành vi có thể xúc phạm đến phép Thánh Thể, bằng cách hạn chế việc cho Rước lễ.

Ngoài ra, linh mục không nên tước đi nơi các tín hữu đang ở trong tình trạng ân sủng cơ hội tham gia đầy đủ vào Hy Tế Thánh Lễ bằng việc Rước lễ. Khi làm như vậy, ngài bất công tước đi nơi họ quyền lợi của mình là người Công Giáo đã rửa tội.

Để kết luận, tôi xin cung cấp một đoạn trích từ một văn bản mẫu được in trong sách hướng dẫn việc tham dự Thánh lễ. Tài liệu rất hữu ích này được công bố bởi Ủy ban Phụng vụ thuộc Hội Đồng Giám Mục Mỹ, với nhan đề “Hướng dẫn việc Rước lễ” (Guidelines for the Reception of Communion).

"Đối với người Công Giáo" Là người Công Giáo, chúng ta tham gia đầy đủ vào việc cử hành Thánh Thể khi chúng ta Rước Mình Thánh Chúa. Chúng ta được khuyến khích Rước lễ sốt sắng và thường xuyên. Để sẵn sàng cho việc Rước lễ, người tham dự ý thức mình không phạm tội trọng, và thường đã nhịn ăn trong một giờ trước đó. Ai biết mình đang có tội trọng thì đừng Rước Mình và Máu Thánh Chúa, trừ phi đã xưng tội trước đó, ngoại trừ một lý do nghiêm trọng là không có cơ hội xưng tội. Trong trường hợp này, người ấy phải ý thức và thực hiện việc ăn năn tội cách trọn, kể cả ý định đi xưng tội càng sớm càng tốt (Giáo luật điều 916). Một việc lãnh bí tích Hòa Giải là được khuyến khích cho mọi người.

"Đối với các Kitô hữu khác" Chúng ta hoan nghênh các Kitô hữu đồng đạo của chúng ta tham dự Thánh lễ như là anh chị em của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện rằng phép rửa chung của chúng ta và tác động của Chúa Thánh Thần trong phép Thánh Thể này sẽ lôi kéo chúng ta gần gũi nhau hơn, và bắt đầu xua tan các chia rẽ buồn sầu, vốn tách rời chúng ta. Chúng ta cầu nguyện rằng các chia rẽ này sẽ giảm bớt và cuối cùng sẽ biến mất, phù hợp với lời cầu nguyện của Chúa Kitô cho chúng ta là "xin cho tất cả họ được nên một" (Ga 17, 21).

"Bởi vì người Công Giáo tin rằng việc cử hành Thánh Lễ là một dấu hiệu của thực tại của sự hiệp nhất đức tin, đời sống và việc thờ phượng, nên các thành viên của các Giáo Hội này, mà chúng ta chưa hiệp nhất đầy đủ với họ, thường không thể Rước lễ được. Việc Rước lễ trong trường hợp đặc biệt của các Kitô hữu khác đòi hỏi phải có sự cho phép, theo các chỉ thị của Giám mục Giáo phận và các điều của Bộ Giáo luật (Điều 844 § 4). Các thành viên của Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Assyria phương Đông, và Giáo Hội Công Giáo Quốc gia Ba Lan được yêu cầu tôn trọng kỷ luật của các Giáo Hội riêng của họ. Theo kỷ luật Công Giáo Rôma, Bộ Giáo Luật không phản đối việc Rước lễ của các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội này (Điều 844 § 3).

"Đối với những người không Rước lễ" Tất cả những ai không Rước lễ được khuyến khích thể hiện trong tâm hồn của họ sự ước muốn cầu nguyện cho sự kết hiệp với Chúa Giêsu và với nhau.

"Đối với người ngoài Kitô hữu" Chúng ta cũng hoan nghênh việc tham dự Thánh lễ của các người không chia sẻ đức tin của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Trong khi chúng ta không thể chấp nhận cho họ Rước lễ, chúng ta xin họ dâng lời nguyện cho hòa bình và sự thống nhất của gia đình nhân loại".

Hỏi: Liệu sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu vẫn còn trong Mình Thánh, khi một người không tín ngưỡng Rước Mình Thánh ấy không? - Một linh mục, Yangon, Myanmar.

Đáp: Cần phải có sự phân biệt: sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Mình Thánh bắt nguồn từ việc truyền phép, và không phụ thuộc vào niềm tin cá nhân của người nhận lãnh.

Do đó, sự hiện điện thật sự vẫn ở một thời gian ngắn trong bất kỳ người nào Rước lễ.

Một yếu tố khác là sự gia tăng ơn thánh hóa, vốn đi kèm với việc Rước Lễ. Trong trường hợp này, chỉ có tín hữu đã được rửa tội nhận được lợi ích tinh thần; người chưa được rửa tội thiếu ân sủng ban đầu của ơn thánh hóa, vốn được phát triển bởi các hành vi thánh thiện, như việc Rước Lễ chẳng hạn.

Nếu người không tín ngưỡng Rước lễ với lòng thành của mình, Thiên Chúa có thể tự do ban cho người ấy các hiện sủng đặc biệt tùy theo sự chân thành của các ý định, khi người ấy Rước lễ.

Trong số các ân sủng này, có sự quan tâm đánh thức trong ý nghĩa của cử chỉ ấy cho người Công Giáo, và sự ước muốn hiểu biết thêm về đức tin Kitô giáo nói chung, cuối cùng dẫn đến việc người ấy có thể đón nhận đức tin.

Lẽ tất nhiên, điều này sẽ tùy vào lòng từ bi của Chúa, và một khả năng xa như vậy có thể không bao giờ được sử dụng để coi thường các qui định của Giáo Hội về việc Rước lễ. Theo các qui định này, người chưa rửa tội không được phép Rước lễ. (Zenit.org ngày 12 và 26-9-2006)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tỏ Tình
Lê Trị
18:02 30/03/2016
TỎ TÌNH
Ảnh của Lê Trị
Xuân về chim liệng khắp miền
Thênh thang vùng vẫy trao duyên đưa tình!
(Lê Trị)
 
Thánh Ca
Chúa Giầu Lòng Xót Thương - Trình bày: Ca Sĩ Lý Mai Trang
VietCatholic Network
23:05 30/03/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây