Ngày 04-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Hai 5/4: Ngôi mộ trống? - Suy Niệm của Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
01:08 04/04/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 04-April-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Mt 28, 8-15

“Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”.

Đang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.

Đó là lời Chúa.
 
Vọng phục sinh mà đã là phục sinh
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh
09:44 04/04/2021
Vọng phục sinh mà đã là phục sinh

(Lễ Vọng Phục Sinh)

Tối nay lễ Vọng Phục Sinh. Chưa phải là lễ Phục Sinh.

Thực ra, chẳng biết Chúa sống lại lúc nào. Nhưng sáng sớm ngày thứ nhất, ra mộ, thấy “đã” sống lại. Cho nên chắc ăn, ngày mai mới mừng Chúa Sống Lại.

Nhưng tối nay, Vọng, mà như đã Phục Sinh. Không tin cứ xem phụng vụ : Chúa là Ánh Sáng, ca tụng Ánh Sáng, nếu còn nằm trong mồ làm sao có ánh sáng; các bài đọc, xướng Alleluia long trọng, bài Tin Mừng tường thuật sống lại; chuông đổ vang hồi với Gloria.

Trong khi đó, thì niềm tin của chúng ta là “ngày thứ ba sống lại,” chứ không phải ngày thứ hai ! (chết 3g chiều qua, thứ sáu, hôm nay mới thứ bảy, tức “ngày thứ hai” !)

Vậy dẫu sao hôm nay cũng cứ còn trong mộ, đang chết, nhưng lại như đã sống.

Ve sầu hỏi Chúa Tạo Vật:

“Có thứ gì vừa có đầy đủ sức sống, nhưng đồng thời cũng có đủ sự chết không?”

“Có chứ,” Chúa Tạo Vật trả lời tiếp: “Hạt giống của lúa, lúa mì và tất cả các hạt, chúng nó đều là vừa sống vừa chết; vừa chết vừa sống”.

Đúng là hạt lúa mì nếu không chết đi (chôn trong đất) thì cũng không sống lại (trỗi dậy) nảy sinh nhiều bông hạt khác. Hạt lúa : nếu phơi khô – ướp lạnh – cất kỹ – vẫn là hạt lúa. Nhưng nếu, chôn dưới đất, cho thối đi, rã đi, chết đi, sẽ sinh ra cây lúa tốt tươi.

Hình ảnh hạt lúa này chính Chúa Giêsu đã dùng: nếu hạt lúa mì gieo…. Và thánh Phaolô đã nói tới khi trả lời trong thư 1Corinto 15. 35-38: “Nhưng có người sẽ nói : kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc ! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý Người muốn : giống nào hình thể nấy.”

Nếu Chúa Giêsu là nhà sinh vật, chắc hẳn Ngài sẽ lấy một hình ảnh khác ghê sợ nhưng thơ mộng để chỉ -“Có thứ gì vừa có đầy sức sống, nhưng đồng thời cũng có đủ sự chết không?” Đó là hình con sâu bò dưới đất.

Khi nhìn một con bướm ngày đẹp đẽ, có ai lại nghĩ rằng nó thoát xác từ một con sâu róm lông lá xấu xí, phải bò phải chui dưới lá cây đất đá? Sâu nào ra bướm đó. Sâu càng xấu càng ra bướm đẹp. Sâu phải chết mới thành bướm bay. Nơi con sâu có màu sự chết và có mầm sự sống.

Bởi thế Đêm nay, Chúa còn đang chết, nhưng Chúa đã sống lại. Đêm Vọng Phục Sinh, mà đã là Ngày Phục Sinh.

Chúa Giêsu là hạt giống Nước Trời được gieo vào thế gian vừa có đủ sự chết nên Ngài đã chết, vừa có đủ Sự Sống nên Ngài đã sống lại.

Mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng ta đều có sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu : đó là khi chúng ta hy sinh, khi chúng ta hãm mình là chúng ta chết cho tội và sống trong ân sủng của Thiên Chúa; khi chúng ta nhịn nhục, khi chúng ta phục vụ là chúng ta chết cho cái tôi và sống lại trong Thần Khí của Chúa Giêsu...

Không phải chỉ đúng Đêm Vọng Phục Sinh, ngày lễ Phục Sinh chúng ta mới “sống lại”, nhưng tình yêu của Chúa Giêsu thôi thúc chúng ta chết và sống lại mỗi ngày, bởi vì mỗi người trong chúng ta là những mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa nẩy mầm và phát triển đến môi trường chung quanh chúng ta.

Sẽ không ai biết Chúa Giêsu chết như thế nào và sống lại ra sao, nếu mỗi người trong chúng ta không đem đời sống của mình ra để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, mà chứng cớ sống động nhất chính là chúng ta sống như Chúa Giêsu đã sống : yêu thương, phục vụ và tha thứ. Cứ thử phục vụ và nhất là tha thứ đi là biết thế nào là chết đi và sống lại - Alleluia.

Anphong Nguyễn Công Minh

(lấy câu chuyện ve sầu từ lm Nhân Tài)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 04/04/2021

67. Chỉ cần có thể cứu một linh hồn, thì tôi có thể khẳng định là linh hồn mình nhất định sẽ được cứu.

(Thánh Đa minh)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:13 04/04/2021
7. NHẬN CHUỘT LÀM TRƯỞNG BỐI

Chuột và ong kết bái làm anh em, mời tú tài đến để cùng kết nghĩa, tú tài bất đắc dĩ phải đi, xếp hàng thứ ba.

Có người hỏi tú tài:

- “Ông có tài có đức, tại sao lại nhận hàng dưới của chuột?”

Tú tài trả lời:

- “Họ có hai, một biết chui và một biết chích, tôi chỉ có cách là nhường chúng nó mà thôi !”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 7:

Một sự nhịn là chín sự lành, đó là một kinh nghiệm và là một lời nói hay của người xưa để lại cho hậu thế.

Nhịn một chút thì tránh được cải cọ vô ích.

Nhịn một chút thì tránh được sự hiềm thù.

Nhịn một chút thì sẽ thấy lòng êm dịu.

Nhịn một chút thì sẽ thấy đời vui hơn.

Nhịn một chút thì sẽ thấy được sức mạnh của ôn hòa.

Nhịn một chút thì sẽ đem lại bình an cho mọi người.

Nhịn một chút thì sẽ không thấy hối hận.

Nhịn một chút, nhường một bước thì sẽ an toàn hơn…

Nhịn một chút để vui lâu dài, nhường một bước để tiến tới nhiều bước mà tâm hồn vẫn cứ thấy bình an, đó là những người thấu hiểu nhân tình thế thái vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và thế giới ngày 4/4/2021
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
07:25 04/04/2021


Lúc 12 giờ, bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp Phục sinh và ban phép lành cho thành Roma và toàn thế giới.

Mở đầu sứ điệp Phục sinh, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chúc một Lễ Phục sinh tốt lành, hạnh phúc và an bình!

Hôm nay, khắp thế giới, lời công bố của Giáo hội vang lên: “Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại như lời Người đã phán hứa. Alleluia!”

Thông điệp Phục sinh không đưa ra cho chúng ta một ảo vọng hoặc tiết lộ một công thức ma thuật. Thông điệp không chỉ ra một lối thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta đang trải qua. Đại dịch vẫn đang lan rộng, trong khi khủng hoảng kinh tế và xã hội vẫn còn gay gắt, đặc biệt là đối với người nghèo. Tuy nhiên - và điều này mới thật là tai tiếng - các cuộc xung đột vũ trang vẫn chưa kết thúc và các kho vũ khí quân sự đang được tăng cường. Đó là tai tiếng của ngày hôm nay.

Trước thực tế phức tạp này, hay nói đúng hơn, giữa thực tại phức tạp này, thông điệp Phục sinh nói lên một cách súc tích về sự kiện mang lại cho chúng ta niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng: “Chúa Giêsu bị đóng đinh đã sống lại”. Thông điệp Phục sinh không nói với chúng ta về thiên thần hay bóng ma, mà là về một con người, một con người bằng xương bằng thịt, có khuôn mặt và cái tên là Chúa Giêsu. Phúc âm làm chứng rằng Chúa Giêsu, đã bị đóng đinh dưới tay quan Phongxiô Philatô vì tuyên bố Ngài là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa; và Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba theo lời Kinh thánh, như Ngài đã báo trước cho các môn đệ.

Chúa Giêsu bị đóng đinh, không ai khác, đã sống lại từ trong cõi chết. Chúa Cha đã nâng Chúa Giêsu, Con Ngài sống lại, vì Ngài đã hoàn thành ý muốn cứu độ của Người. Chúa Giêsu đã mặc lấy sự yếu đuối của chúng ta, sự mỏng dòn của chúng ta, thậm chí cái chết của chúng ta. Ngài đã chịu đựng những đau khổ của chúng ta và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Bởi thế, Chúa Cha đã siêu tôn Người và bây giờ Chúa Giêsu Kitô sống mãi mãi; Ngài là Chúa.

Các nhân chứng thuật lại một chi tiết quan trọng: Chúa Giêsu Phục sinh mang dấu vết của các vết thương ở tay, chân và cạnh sườn. Những vết thương này là dấu ấn vĩnh cửu của tình yêu Người dành cho chúng ta. Tất cả những ai trải qua thử thách đau đớn về thể xác hay tinh thần đều có thể tìm thấy nơi nương tựa trong những vết thương này và qua các vết thương ấy, nhận được ân sủng của niềm hy vọng không làm thất vọng.

Chúa Kitô Phục Sinh là niềm hy vọng cho tất cả những ai đang tiếp tục phải chịu đựng đại dịch, cả những bệnh nhân và những người đã mất người thân yêu. Xin Chúa ban cho họ sự an ủi, và nâng đỡ những nỗ lực dũng cảm của các bác sĩ và y tá. Tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, cần được hỗ trợ và có quyền được tiếp cận với sự chăm sóc cần thiết. Điều này càng rõ ràng hơn trong những thời điểm mà tất cả chúng ta được kêu gọi để chống lại đại dịch. Vắc xin là một công cụ cần thiết trong cuộc chiến này. Tôi kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế, với tinh thần trách nhiệm toàn cầu, cam kết khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc phân phối vắc xin và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối vắc xin, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất.

Chúa bị đóng đinh và phục sinh là niềm an ủi cho những người bị mất việc làm hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế và thiếu an sinh xã hội cần thiết. Cầu mong Ngài truyền cảm hứng cho các cơ quan công quyền hành động để tất cả mọi người, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, sẽ được cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để có một mức sống đúng phẩm giá. Đáng buồn thay, đại dịch đã làm gia tăng đáng kể số người nghèo và sự tuyệt vọng của hàng ngàn người.

“Người nghèo thuộc mọi loại phải bắt đầu hy vọng một lần nữa”. Thánh Gioan Phaolô II đã nói những lời này trong chuyến thăm Haiti. Suy nghĩ của tôi cũng hướng đến những người Haiti yêu quý trong những ngày này. Tôi kêu gọi họ đừng để mình bị đè bẹp trước các khó khăn nhưng hãy tự tin và nhìn về tương lai với hy vọng. Và suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng đến các bạn, anh chị em Haiti thân yêu của tôi. Tôi gần gũi với anh chị em và tôi muốn có một giải pháp dứt điểm cho các vấn đề của anh chị em. Tôi đang cầu nguyện cho điều này, anh chị em Haiti thân mến.

Chúa Giêsu Phục Sinh cũng là niềm hy vọng cho tất cả những người trẻ bị buộc phải trải qua một thời gian dài không thể đến trường, hoặc dành thời gian cho bạn bè của họ. Trải nghiệm những mối quan hệ thật của con người chứ không chỉ là những mối quan hệ ảo là điều mà ai cũng cần, nhất là ở lứa tuổi đang hình thành bản lĩnh và nhân cách của con người. Chúng ta đã nhận ra điều này một cách rõ ràng vào ngày thứ Sáu tuần trước, trong các chặng Đàng Thánh Giá do các em biên soạn. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với những người trẻ tuổi trên toàn thế giới và trong những ngày này, đặc biệt là những người trẻ tuổi ở Miến Điện đang dấn thân cho dân chủ và làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe một cách hòa bình, với hiểu biết rằng chỉ có tình yêu mới có thể xua tan hận thù.

Ước gì ánh sáng của Chúa Giêsu Phục sinh là nguồn tái sinh cho những người di cư chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói cùng cực. Chúng ta hãy nhận ra trên khuôn mặt của họ khuôn mặt đau khổ và hoen ố của Chúa khi Người lê bước trên con đường dẫn đến đồi Canvê. Cầu mong họ không bao giờ thiếu những dấu chỉ cụ thể của tình liên đới và tình huynh đệ nhân loại, không bao giờ thiếu dấn thân cho sự chiến thắng của sự sống trước cái chết mà chúng ta cử hành vào ngày hôm nay. Tôi cảm ơn các quốc gia đã hào phóng tiếp nhận những người đang đau khổ và tìm kiếm nơi nương tựa. Đặc biệt là Li Băng và Jordan đang tiếp nhận nhiều người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria.

Cầu chúc cho người dân Li Băng, những người đang trải qua thời kỳ khó khăn và bấp bênh, cảm nhận được sự an ủi của Chúa Phục Sinh và tìm được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong ơn gọi trở thành vùng đất gặp gỡ, chung sống và đa nguyên.

Xin Chúa Kitô, là hòa bình của chúng ta, chấm dứt cuộc đụng độ vũ trang ở Syria thân yêu đã bị chiến tranh tàn phá, nơi hàng triệu người hiện đang sống trong những điều kiện vô nhân đạo. Xin Chúa chấm dứt chiến tranh tại Yemen, nơi tình hình tại đó đã bị chìm vào quên lãng đầy tai tiếng trước những lỗ tai điếc; và tại Libya, nơi cuối cùng hy vọng đang được nhen nhúm cho sự chấm dứt một thập kỷ xung đột và đụng độ đẫm máu. Cầu mong tất cả các bên liên quan cam kết một cách hiệu quả trong việc chấm dứt xung đột và cho phép các dân tộc chịu đựng chiến tranh được sống trong hòa bình và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước của họ.

Biến cố Phục sinh đương nhiên đưa chúng ta đến Giêrusalem. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho hòa bình và an ninh (x. Tv 122) trên miền đất Giêrusalem, để miền đất này có thể đón nhận lời kêu gọi trở thành một nơi gặp gỡ, nơi tất cả mọi người có thể coi nhau như anh chị em với nhau, và nơi người Israel và người Palestine sẽ khám phá lại sức mạnh của đối thoại để đạt được một giải pháp ổn định cho phép hai nhà nước song hành tồn tại trong hòa bình và thịnh vượng.

Vào ngày lễ hội này, suy nghĩ của tôi cũng quay trở lại Iraq, nơi mà tôi đã có được niềm vui khi đến thăm vào tháng trước. Tôi cầu nguyện rằng quốc gia này có thể tiếp tục tiến bước theo con đường hòa bình và do đó thực hiện ước mơ của Thiên Chúa về một gia đình nhân loại hiếu khách và chào đón tất cả con cái của Ngài. [1]

Cầu xin quyền năng của Chúa Phục sinh nâng đỡ các dân tộc ở Châu Phi đang nhìn thấy tương lai của họ bị tổn hại bởi bạo lực nội bộ và chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là ở Sahel và Nigeria, cũng như ở Tigray và vùng Cabo Delgado. Cầu mong cho tiếp tục có các nỗ lực giải quyết xung đột một cách hòa bình, tôn trọng quyền con người và sự thánh thiêng của sự sống, thông qua đối thoại huynh đệ và mang tính xây dựng trong tinh thần hòa giải và đoàn kết thực sự.

Vẫn còn quá nhiều chiến tranh và quá nhiều bạo lực trên thế giới! Xin Chúa, Đấng là hòa bình của chúng ta, giúp chúng ta vượt qua não trạng chiến tranh. Xin Chúa cho các tù nhân của các cuộc xung đột, đặc biệt là ở miền đông Ukraine và Nagorno-Karabakh, có thể trở về nhà một cách an toàn và Ngài có thể truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo thế giới kiềm chế cuộc chạy đua tìm kiếm vũ khí mới. Hôm nay, ngày 4 tháng 4, đánh dấu Ngày quốc tế nâng cao nhận thức chống lại bom mìn, những thiết bị quỷ quyệt và khủng khiếp giết chết hoặc làm bị thương nhiều người vô tội mỗi năm và cản trở nhân loại “cùng nhau bước trên con đường của sự sống mà không phải lo lắng trước các mối đe dọa hủy diệt và chết chóc!” [2] Thế giới của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu không có những công cụ chết chóc này!

Anh chị em thân mến, một lần nữa trong năm nay, ở nhiều nơi khác nhau, nhiều Kitô hữu đã phải cử hành Lễ Phục sinh dưới những hạn chế nghiêm nhặt và đôi khi không thể tham dự các cử hành phụng vụ. Chúng ta cầu nguyện rằng những hạn chế đó, cũng như tất cả những hạn chế về quyền tự do thờ phượng và tôn giáo trên toàn thế giới, có thể được dỡ bỏ và mọi người được phép tự do cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa.

Giữa muôn vàn gian khổ mà chúng ta đang chịu đựng, chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta đã được chữa lành bởi những vết thương của Chúa Kitô (xem 1 Phi 2:24). Dưới ánh sáng của Chúa Phục Sinh, những đau khổ của chúng ta giờ đây đã được biến đổi. Nơi từng có cái chết, giờ đây ở đó có sự sống. Nơi từng có tang thương, giờ đây có niềm an ủi. Khi ôm lấy thập tự giá, Chúa Giêsu đã ban tặng ý nghĩa cho những đau khổ của chúng ta và bây giờ chúng ta cầu nguyện rằng thiện ích của việc chữa lành đó sẽ lan rộng khắp thế giới. Cầu chúc một lễ Phục sinh tốt lành, hạnh phúc và thanh thản cho tất cả anh chị em!

[1] Diễn văn tại Cuộc họp Liên tôn tại Ur, ngày 6 tháng 3 năm 2021.

[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, huấn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28 tháng 2 năm 1999.
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
‘Như một phép lạ’: Phục sinh đông đảo ở Jerusalem
Vũ Văn An
19:40 04/04/2021

Ngày 3 tháng 4, 2021, New York Times cho đăng bài ký sự sau đây về Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay tại Jerusalem. Nguyên văn xin xem tại https://dnyuz.com/2021/04/03/like-a-miracle-israels-vaccine-success-allows-easter-crowds-in-jerusalem



JERUSALEM - Vào sáng thứ Sáu, tại Cổ Thành Jerusalem, trong những con hẻm đá vôi của khu Kitô giáo, khung cảnh trông như thể đại dịch chưa từng xảy ra.

Những lối đi quanh co tạo thành Via Dolorosa (Đàng Thánh Giá), nơi những người theo Kitô giáo tin rằng Chúa Giêsu vác thập giá lên nơi bị đóng đinh, chật ních hơn 1,000 người thờ phượng. Tại khu chợ có mái che, không khí nồng mùi hương và vang vọng những bài thánh ca Kitô giáo. Cuộc rước Thứ Sáu Tuần Thánh, trong đó các tín hữu lần tìm lại con đường mà Chúa Giêsu được cho là đã đi qua, nay đã trở lại.

“Nó giống như một phép lạ”, Linh mục Amjad Sabbara, một linh mục Công Giáo Rôma, người đã giúp dẫn đầu đoàn rước, cho biết như thế. “Chúng ta không làm việc này trực tuyến nữa. Chúng ta đang nhìn thấy những người ở phía trước chúng ta".

Những hạn chế do đại dịch buộc phải hủy bỏ buổi lễ năm ngoái và đòi các linh mục phải tổ chức các buổi lễ không có sự hiện diện của tín hữu. Nay, nhờ vào đợt triển khai vắc xin dẫn đầu thế giới của Israel, đời sống tôn giáo ở Jerusalem đang trở lại bình thường. Và vào thứ Sáu, điều đó đã đưa đám đông một lần nữa đến các đường phố của thành phố và làm nhẹ nhõm ngay cả một trong những lễ kỷ niệm long trọng nhất của Kitô giáo: cuộc rước Thứ Sáu Tuần Thánh.

May Bathish, một ca trưởng 40 tuổi tại nhà thờ của Cha Sabbara ở Cổ Thành, cho biết: “Chúng tôi thật may mắn khi được ở đây. Khi được bước những bước Chúa Giêsu đã bước, quả là đặc ân cao qúy nhất".

Trong phần lớn thời gian của năm ngoái, đại dịch khiến Cổ Thành trống rỗng một cách kỳ lạ. Các cửa hàng, hội đường và nhà thờ của nó thường bị đóng cửa, các con hẻm vắng bóng khách du lịch và người hành hương. Nhưng với gần 60% cư dân Israel được chích ngừa đầy đủ, đường phố của thành phố lại một lần nữa nhộn nhịp, ngay cả khi khách du lịch nước ngoài vẫn vắng bóng.

Bà Bathish nói: “Khi trống không, nó giống như một thành phố ma”. Bây giờ, bà nói thêm, "đó là một thành phố sống".

Tại điểm tập trung để rước kiệu vào thứ Sáu, rất hiếm có chỗ để đứng. Các nhân viên cảnh sát đã chặn không cho những người đến muộn vào từ các con phố bên cạnh. Các thành viên của một nhóm thanh niên Công Giáo đã tạo thành một vòng tròn xung quanh những người mang một cây thánh giá lớn, trọng tâm của đoàn rước, để bảo vệ họ khỏi sự chen lấn của một biển người thờ phượng.

Nhiều người trong số những người trong đoàn rước là người Palestine, những người đã trở thành cư dân Israel sau khi Israel chiếm được Cổ Thành vào năm 1967, cùng với phần còn lại của Đông Jerusalem. Khoảng 6,000 Kitô hữu sống trong Cổ Thành, cùng với người Hồi giáo và người Do Thái giáo.

"Đi sau thánh giá!" một viên chức nhà thờ hô to. "Phía sau thánh giá, mọi người!"

Át sự huyên náo ấy, Cha Amjad kêu gọi giáo đoàn của mình đi thành từng hai người. “Từng hai người một” ngài nói to qua loa phóng thanh. "Không phải từng người một!"

Sau đó, đám đông di chuyển từ từ, hát những bài thánh ca tang chế khi họ tiến bước theo điều các Kitô hữu coi là diễn lại những bước đi cuối cùng của Chúa Giêsu.

Họ bước đi không đều đặn và bắt đầu đi xuống Via Dolorosa, qua địa điểm mà truyền thống cho rằng Chúa Giêsu đã bị Pontius Pilate xét xử, băng qua nơi Người bị xỉ vả và chế giễu, băng qua các cửa hàng bán các ảnh tượng và thánh giá Kitô giáo, kem và áo thung.
Họ rẽ trái rồi rẽ phải, qua những nơi mà các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu đã vấp ngã - một lần, hai lần, ba lần - dưới sức nặng của cây thánh giá.

Trong con hẻm bên ngoài nhà nguyện Thánh Simon thành Cyrene, những người tham dự đoàn rước lướt ngón tay trên một tảng đá vôi màu đất son trên tường nhà nguyện. Theo truyền thống, Chúa Giêsu đã đứng thẳng người lên tựa vào tảng đá sau một lần vấp ngã. Và rất nhiều khách hành hương, trong nhiều thế kỷ, đã rờ mó viên đá này đến nỗi bề mặt của nó bây giờ nhẵn bóng khi chạm vào.

Cuối cùng, họ đến được Nhà thờ Mộ Thánh, nơi mà các tín hữu nghĩ là nơi Chúa Kitô bị đóng đinh, chôn cất và cuối cùng phục sinh.

Đối với một số người, đám rước Thứ Sáu Tuần Thánh thậm chí gây được tiếng vang hơn bình thường - các chủ đề của nó về đau khổ, cứu chuộc và đổi mới dường như mang tính biểu tượng đặc biệt khi việc kết thúc đại dịch chết người cuối cùng đã xuất hiện trong tầm mắt.

George Halis, 24 tuổi, đang học để trở thành linh mục và sống ở Cổ Thành, cho biết: “Chúng ta lại có hy vọng một lần nữa. Năm ngoái giống như một bóng tối bao trùm khắp trái đất".

Đối với những người khác, có một tầm quan trọng về thần học, cũng như về tình cảm, khi được tập hợp lại với nhau.

Đức Ông Vincenzo Peroni nói: “Mọi Kitô hữu đều là một phần trong nhiệm thể Chúa Kitô. Có thể ăn mừng cùng nhau làm cho điều đó hiển thị rõ ràng hơn". Đức Ông là một linh mục Công Giáo có trụ sở tại Jerusalem, người thường xuyên dẫn đầu các cuộc hành hương tại Đất Thánh.

Nhưng vào lúc này, việc được tụ họp với nhau đó vẫn còn nhiều giới hạn. Vẫn có những hạn chế về số lượng người thờ phượng trong các buổi cử hành lễ Phục sinh. Mặt nạ vẫn là một đòi hỏi pháp lý. Và người nước ngoài vẫn cần được miễn trừ để vào Israel – khiến hàng nghìn người hành hương vắng mặt, gây thiệt hại cho các chủ cửa hàng địa phương, những người phụ thuộc vào việc giao dịch của họ.

Hagop Karakashian, chủ một cửa hàng gốm nổi tiếng ở Cổ Thành, mà gia đình vốn thiết kế các bảng hiệu đường phố của khu phố, cho biết: “Vẫn có cảm giác như không bình thường. Người dân địa phương có thể ăn mừng, đúng. Nhưng vẫn còn thiếu một điều gì đó”.

Tâm trạng nơi các Kitô hữu cách đó một vài dặm, ở các thành phố Bethlehem và Ramallah của Palestine, thậm chí còn ít hân hoan hơn. Các Kitô hữu ở các lãnh thổ bị chiếm đóng chỉ có thể đến thăm Jerusalem khi có giấy phép đặc biệt, phép này càng trở nên khó kiếm trong thời kỳ đại dịch. Mặc dù hầu hết người Israel hiện đã được chích ngừa, nhưng phần lớn người Palestine vẫn chưa được chích ngừa.
Israel đã cung cấp vắc-xin cho hơn 100,000 người Palestine sống ở Bờ Tây bị chiếm đóng, hầu hết họ đều làm việc tại Israel hoặc các khu định cư ở Bờ Tây. Các quan chức Palestine đã thu được khoảng 150,000 liều chích.

Nhưng Israel cho biết họ không có nghĩa vụ phải chích ngừa cho phần còn lại của người dân Palestine, viện dẫn một điều khoản của hiệp định hòa bình Oslo những năm 1990, trong đó chuyển giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các viên chức Palestine. Những người chỉ trích nói rằng Israel vẫn có trách nhiệm giúp đỡ, trích dẫn luật quốc tế đòi quyền lực chiếm đóng giám sát việc chăm sóc sức khỏe cho những người dân bị chiếm đóng, cũng như một điều khoản riêng của hiệp định Oslo nói rằng Israel phải làm việc với người Palestine trong thời gian có dịch bệnh.

Dù cách nào, tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và tỷ lệ chích ngừa thấp - và đã hạn chế số lượng người Kitô giáo Palestine được cấp phép vào Jerusalem trong dịp lễ Phục sinh năm nay. Người phát ngôn của chính phủ Israel từ chối tiết lộ con số cuối cùng.

“Nếu không có giấy phép, chúng tôi không thể đến,” Linh mục Jamal Khader, linh mục giáo xứ Công Giáo Rôma ở Ramallah cho biết. "Đó là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện liên tục của việc chiếm đóng và hạn chế di chuyển".

Nhưng việc Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh vẫn cung cấp nguồn dinh dưỡng tinh thần cho một dân số nản lòng, Cha Khader cho biết, người được phép vào Jerusalem thông qua việc làm của ngài với nhà thờ.

Ngài nói: “Chúng tôi đồng nhất với những đau khổ của Chúa Kitô vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngài nói thêm, "Sau đó, chúng tôi tìm được chút hy vọng vào Chúa nhật Phục sinh."
/
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thánh Jeanne dArc Sài Gòn :Tam Nhật Thánh 2021
Martinô Lê Hoàng Vũ
09:27 04/04/2021
“Niềm tin vào Đức Kitô mang lại cho chúng ta niềm vui và sự sống mới, có thể thắng vượt mọi sợ hãi và bất an “Đó là những chia sẻ của Linh mục Giuse Bùi Văn Quyền chánh xứ Thánh Jeanne d'Arc, Giáo hạt Sài Gòn Chợ Quán trong thánh lễ Đêm Vọng Phục sinh,được cử hành vào lúc 20g30 thứ bảy 3.4.2021.

Cùng với toàn thể Giáo Hội,tại giáo xứ thánh Jeanne d'Arc đã bước vào Tam Nhật Thánh cử hành mầu nhiệm Đức Kitô chết và sống lại.Các buổi sáng vào lúc 5g,cộng đoàn giáo xứ tham dự buổi “gẫm lễ đèn”. Đây là truyền thống đạo đức được lưu truyền lâu đời có tính văn hóa dân tộc,suy gẫm về những đau khổ của Chúa Giêsu theo cung giọng miền Nam.

Xem Hình

1.Thứ Năm Tuần Thánh

Ban chiều trong các ngày Tam Nhật Thánh,giáo xứ Thánh Jeanne d'Arc đều có 2 nghi thức Phụng vụ, một buổi cử hành Phụng vụ dành cho thiếu nhi và cử hành Phụng vụ cho cộng đoàn.Các cử hành phụng vụ và thánh lễ thiếu nhi trong Tam Nhật Thánh do Linh mục phó xứ Tôma A. Nguyễn Đức Khôi chủ sự.

Vào lúc 17g 30 Thứ Năm Tuần Thánh ngày 1.4.2021,Linh mục chánh xứ chủ sự Thánh lễ Tiệc Ly, ngài làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu rửa chân cho quý ông đại diện cộng đoàn.Qua bài chia sẻ,Linh mục mời gọi cộng đoàn chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.Tình yêu đó vượt quá sự hiểu biết và tính toán của con người.Ý nghĩa của Thánh lễ Tiệc Ly là kỷ niệm Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, chính Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đón rước Ngài vào tâm hồn.Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người vượt lên trên tất cả,Chúa đón nhận những người tội lỗi,hèn mọn,bất xứng,thậm chí Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả chúng ta từ chối Thiên Chúa.

Trong bí tích Thánh Thể,Chúa Giêsu đến với từng người chúng ta,trở nên thân thiết gắn bó chúng ta. Như vậy,tình yêu Thiên Chúacúi xuống với nhân loại.Hôm nay,Chúa Giêsu còn thiết lập chức Linh mục,để các ngài dâng hy lễ lên Thiên Chúa,các ngài cũng từ cộng đoàn dân Chúa.Vì thế,cộng đoàn chúng ta được mời gọi yêu thương,cộng tác với các Linh mục.

Sau thánh lễ thiếu nhi của Thứ Năm tuần thánh,Linh mục phó xứ kiệu Mình Thánh Chúa sang nhà tạm phụ và các đoàn thể luân phiên làm giờ canh thức với Chúa Giêsu Thánh Thể,diễn tả Chúa Giêsu đi vào vườn Cây Dầu trước cuộc thương khó.

2. Thứ Sáu Tuần Thánh

Thứ sáu Tuần Thánh,cộng đoàn đi đàng thánh giá trọng thể vào lúc 15g.Sau đó,trong bầu khí trầm buồn sâu lắng,lúc 17g 30 phút,Linh mục chánh xứ chủ sự Nghi Thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu qua cử hành Phụng Vụ Lời Chúa,công bố Tin Mừng theo Thánh Gioan kể lại việc Đức Giêsu bị kết án,những đau khổ Ngài chịu và Chúa chịu chết trên thánh giá.Kế đến là các lời cầu nguyện cho mọi thành phần trong Giáo hội.Nghi Thức kính thờ Thánh giá,Linh mục chủ sự đưa thánh giá Chúa lên cao cho mọi người thờ lạy.Phần tiếp theo là hiệp lễ.Buổi cử hành ngày thứ sáu Tuần Thánh kết thúc bằng phép lành của Linh mục chủ sự.

3. Thứ Bảy Tuần Thánh

Trong suốt ngày Thứ bảy Tuần Thánh,Thánh giá Chúa Giêsu được đặt giữa cung thánh để cộng đoàn đến kính viếng thờ lạy,suy niệm Chúa Giêsu ở trong mồ,thinh lặng chờ đón Tin Mừng Phục Sinh.

Vào lúc 20g30phút,Thứ Bảy Tuần Thánh ngày 3.4.2021,giáo xứ Thánh Jeanne d'Arc khai mạc buổi Canh Thức Đêm Vọng mừng Chúa Phục sinh.Linh mục chánh xứ chủ tế cùng với một Linh mục khách mời đồng tế.

Nghi thức đêm nay gồm có;nghi thức làm phép lửa mới,thắp nến,rước kiệu Nến Phục Sinh và công bố Tin Mừng Phục Sinh.

Các bài đọc trong phần Phụng Vụ Lời Chúa gồm các bản văn Kinh Thánh trình bày lịch sử ơn cứu độ. Linh mục chánh xứ chia sẻ:Đức Kitô Phục sinh là trung tâm điểm niềm tin Kitô giáo,chúng ta xác tín vào Đức Giêsu đã chết và sống lại.Chúng ta sống như con người mới trong Đức Kitô,không còn nô lệ cho tội lỗi và sự dữ,nhưng sống theo những giá trị của Tin Mừng.Chính nơi Đức Kitô Phục sinh,chúng ta mới có được bình an và niềm vui thật sự,không còn những hoang mang sợ hãi,nhưng cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.”

Tiếp theo thánh lễ là Phụng Vụ Phép Rửa,Linh mục làm phép nước rửa tội,cộng đoàn cùng tuyên xưng Đức Tin với nến Phục sinh cằm trên tay,cam kết bước theo Đức Kitô Phục sinh.

Thánh lễ được tiếp nối qua Phần Phụng Vụ Thánh Thể.Sau cùng,trước khi ban phép lành,Linh mục chánh xứ chúc mừng Phục sinh đến quý sr,quý HĐMVGX và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đang hiện diện.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh Dâng Thánh Lễ Mừng Chúa Phục Sinh Năm 2021 Tại Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam Huế
Minh Phương
09:36 04/04/2021
Sáng Chúa nhật Phục sinh, tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam Huế, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế đã dâng Thánh lễ Đại triều mừng Chúa Kitô Phục sinh. Trước sân Nhà thờ, mỗi Hội đoàn mỗi sắc màu đồng phục đã chỉnh tề trong đoàn rước Đoàn Đồng tế tiến vào nhà thờ.

Xem Hình

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục nói lời chào mừng Cộng đoàn dân Chúa: “Đại Gia đình Tổng Giáo phận chúng ta tề tựu trong ngôi nhà thờ thân thương này, để chúng ta tuyên xưng niềm tin Chúa sống lại. Chúng ta ý thức rằng chúng ta con cái của Chúa Phục sinh, cùng chía sẻ tình liên đới của Đại Gia đình Giáo hội. Ngài mời gọi mọi người hãy kính chào Đức Kitô Phục sinh và cũng chào nhau bằng một tràng pháo tay. Ngài cũng gửi lời chào đến những người không cùng tôn giáo hiện diện trong Thánh lễ này, đồng thời cũng chào những người xa quê không thuộc Tổng Giáo phận Huế đang sinh sống và làm việc tại Huế đang hiện diện nơi đây. Chúng ta cầu xin Chúa ban bình an xuống cho toàn thể thế giới đang phải trải qua đại dịch Covid 19 và chiến tranh. Xin Chúa chiếu dãi ánh sáng tình yêu xuống trên tâm hồn mỗi người chúng ta để sức mạnh Chúa Phục sinh cải thiện tình hình của thế giới và cả mỗi người chúng ta.

Chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám Mục nêu lên lời quả quyết của Thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì đức Tin của tôi là vô ích.” Ngài dẫn chứng về cuốn sách của Mao Trạch Đông có số lương xuất bản có thể nói là đứng đầu trên thế giới vơi trên 800 triệu cuốn. Nhưng nếu đem so sánh với trên 4 tỷ cuốn Kinh Thánh đã được in ra, và hằng năm vẫn có thêm hằng trăm triệu cuốn Thánh kinh vẫn tiếp tục được in thêm. Mà điều kỳ diệu hơn hết là quốc gia in nhiều số lượng Kinh Thánh nhất lại là Trung quốc, một quốc gia bài Kitô giáo, một quốc gia ngoại đạo. Đơn giản là vì in ấn tại Trung quốc có gia sthanhf rẻ hơn các quốc gia khác. Vô tình từ một đất nước bài Kitô giáo, Thiên Chúa lại an bài để trở thành công cụ truyền giáo. Qua hiện tượng đó, chúng ta thấy rằng đa số nhân loại đều tin vào việc Chúa Kitô đã sống lại. Vì Kinh Thánh là cuốn sách ghi lại những bài viết về việc Chúa Kitô sinh ra rồi đi giảng đạo và Người đã chết trên Thập giá và Người đã sống lại. Cho nên chúng ta tin vào Kinh Thánh ngĩa là chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Kitô.

Trong phần Phụng vụ, khi đọc kinh Lạy Cha…, Đức Tổng Giám Mục mời gọi mọi người cùng giang tay ra để cầu xin Chúa ban cho toàn thể thế giới và nhất là Việt Nam chúng ta được bình an và vượt qua được sự ảm đạm của đại dịch Covid.

Sau Thánh lễ, trước khi ban Phép lành của Chúa Phục sinh, Đức Tổng Giám Mục đặc biệt nhấn mạnh lại việc ngày thứ Tư mùng 7 tháng 4 này, Giáo xứ Chính tòa sẽ tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho việc khởi công trùng tu lại ngôi nhà thờ. Ngài mời gọi cộng đoàn dân Chúa hãy rộng tay để làm cho ngôi nhà thờ mẹ của Tổng Giáo phận được hoàn thiện.

Minh Phương
 
Mừng Lễ Phục Sinh, Tân Tòng Sydney Gia Nhập Giáo Hội
Diệp Hải Dung.
19:23 04/04/2021
Chúa Nhật Phục Sinh 04/04/2021, sau những tháng ngày học hiểu về Giáo Lý, Kinh Thánh 34 Anh Chị Em Tân Tòng thuộc Giáo Đoàn Revesby và các Giáo Đoàn khác đã đến nhà thờ St. Luke Revesby Sydney tham dự Đại Lễ Phục Sinh và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Bí tích Thánh Thể để chính thức gia nhập vào đoàn chiên của Chúa.

Xem Hình

Trước khi khai mạc Thánh lễ, Cha Paul Văn Chi Tuyên úy Đặc trách Ban Truyền Giáo TGP Sydney chúc mừng Phục Sinh đến với tất cả mọi người trong Giáo đoàn, đồng thời Cha cũng chúc mừng 34 anh chị em Tân Tòng hôm nay đón nhận Bí tích Khai Tâm để gia nhập vào Giáo Hội.

Trong bài giảng, Cha Paul Văn Chi nóí về con đường Phục Sinh chính là con đường Tình Yêu có Đức Giêsu Kitô của chúng ta đã chết trên cây thập tự giá vì yêu chúng ta và đã sống lại để cứu độ chúng ta. Ngày hôm nay các anh chị em Tân Tòng được Rửa Tội để làm chứng cho Đức Kitô và là chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa. Con đường tình yêu Phục Sinh đã biến đổi những sầu muộn, những đau thương thành những niềm hy vọng những niềm hạnh phúc của yêu thương. Đó chính là con đường Tình Yêu Phục Sinh mà các anh chị em Tân Tòng đã tin vào Chúa Kitô sống lại và là nhân chứng cho Ngài…Alleluia Alleluia…

Sau bài giảng, ông Hoàng Văn Long Ban Truyền Giáo đọc danh sách các anh chị em Tân Tòng lên trước bàn thờ tuyên xưng Đức Tin và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, đồng thời nhận Khăn Trắng và Ánh Nến Phục Sinh của Chúa Kitô, sau đó các anh chị em đón nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức. Cha Paul Văn Chi Đặc trách Ban Truyền Giáo chúc mừng 34 anh chị em Tân Tòng và mọi người cùng vỗ tay chúc mừng.

4 giờ chiều cùng ngày tại Giáo đoàn Mt. Pritchard có 12 anh chị em Tân Tòng cũng nhận lãnh Bí tích Rửa Tội gia nhập vào Giáo Hội của Chúa. Ông Nguyễn Văn Hóa, Trưởng Ban Truyền Giáo đã giới thiệu tên của 12 anh chị em tân tong này.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Nguyễn Ngọc Thảnh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn ngỏ lời chúc mừng Phục Sinh đến Cha Chủ tế Paul Văn Chi và tất cả mọi người. Đặc biệt chúc mừng 12 anh chị em Tân Tòng đã được Giáo Hội đón nhận nhân ngày mừng Chúa Phục Sinh

Thánh lễ kết thúc Cha Paul Văn Chi và Ban Mục Vụ Giáo đoàn phát quà Trứng Phục Sinh - Easter Eggs, để hân hoan mừng Phục Sinh cho các anh chị em Tân Tòng và tất cả mọi người.

Diệp Hải Dung.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Không Biết Liêm Sỉ Mới Là Thấp Hèn!
Nguyễn Văn Nghệ
09:48 04/04/2021
Sách Vi lô dạ thoại của Vương Vĩnh Bân (Nhà Thanh- Trung Quốc) ghi: “Vô tài phi bần, vô học nãi vi bần; Vô vị phi tiện,vô sỉ nãi vi tiện; Vô niên phi yểu, vô thuật nãi vi yểu; Vô tử phi cô, vô đức nãi vi cô”

Nghĩa là: Không có tiền bạc, không phải là nghèo, mà không có học mới là nghèo; Không có địa vị, không phải là thấp hèn, mà không có liêm sỉ mới là thấp hèn; Không được sống lâu, không phải là yểu mệnh, mà không để lại cho đời những việc đáng kể mới là yểu mệnh; Không có con không phải là cô độc, không có đức mới là cô độc.

Hiện nay nhiều người than phiền: Tôi thấp hèn là do không có địa vị trong xã hội! Nhưng sự thật “vô sỉ” mới là thấp hèn. “Sỉ” là một trong bốn giềng mối chính của xã hội. Sách Quản tử ghi: “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn cái giềng để giữ vững quốc gia. Bốn cái giềng ấy nếu không căng lên được, nghĩa là trong nước mà vô lễ, vô nghĩa, vô liêm, vô sỉ thì quốc gia sụp đổ và diệt vong”.

Người xưa nhận xét: Liêm, sỉ là tính rất hay của loài người, vì người không liêm thì cái gì cũng lấy (ăn không từ một thứ gì), không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật.

Sáng ngày 29/3/2021, Quốc hội Việt Nam dành trọn một ngày để thảo luận cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của chủ tịch nước, Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Trung ương (Hà Nội) đã có bài phát biểu với những câu nịnh hết sức trơ trẽn như: “Cảm động vô cùng với một vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước ‘có mái đầu bạc trắng hiên ngang’, với ‘gánh sơn hà nặng trĩu hai vai’ là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc. Nhân dân đã vô cùng cảm kích khi nghe báo cáo và biết được những công việc đối nội và đối ngoại mà Chủ tịch nước đã làm trong thời gian qua”.

Sau khi đọc các bài viết liên quan đến bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Anh Trí trên các trang báo “lề trái” nhiều độc giả viết bình luận cho đại biểu Nguyễn Anh Trí là con người vô liêm sỉ.

Lâu lắm rồi tôi có nghe kể một câu chuyện và người ta bảo câu chuyện ấy là của nhà văn Nguyễn Tuân kể để đả kích các văn nô, thi nô: Trong một buổi thiết triều, có đông đủ bá quan văn võ, bổng nhiên nhà vua đánh rắm và mùi rắm lan tỏa ra. Một quan cận thần khi nghe tiếng đánh rắm và mùi rắm liền đứng lên tâu: Dạ muôn tâu bệ hạ thoang thoảng nghe như mùi thơm của lan huệ. Nghe xong mặt nhà vua thừ ra, làm các quan lo sợ. Sau một chốc, nhà vua mới phán: Thông thường thì đánh rắm phải có mùi hôi, mùi thối, ngược lại trẫm đánh rắm mà có mùi thơm của lan huệ, e rằng long thể của trẫm bất an! Nhà vua phán xong thì cũng chính quan cận thận ấy tâu: Dạ muôn tâu bệ hạ bây giờ chẳng những thối mà còn thối lắm ạ!!!

Độc giả Võ Ngọc Danh đã viết bình luận dưới bài viết “Đại biểu Quốc hội nịnh, chỉ là chuyện nhỏ” đăng trên Facebook Tiếng Dân: “Trên đời ai cũng thích được nịnh, càng làm lớn càng thích. Nhưng phải ‘hãm’ bớt đà nịnh của đám em út mình lại, để tụi nhỏ làm quá, coi không được!”.

Chu Văn An đã dâng sớ xin chém đầu 7 tên nịnh thần nhưng nhà vua đã không nghe, từ đó nhà Trần đã bắt đầu suy vi.

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh – Khánh Hòa
 
Văn Hóa
Phục Sinh Cá Nhân
Lm Nguyễn Trung Tây
10:45 04/04/2021
Lm Nguyễn Trung Tây
Phục Sinh Cá Nhân


Sau 40 ngày ăn chay trong sa mạc, khóc buồn theo những bước chân với Đức Giêsu của tam nhật thánh, người tín hữu cuối cùng cũng hân hoan hát vang Alleluah, chào mừng biến cố Đức Giêsu chết trên cây thập giá, chôn trong ngôi mộ đá, nhưng đã sống lại. Đức Giêsu sống lại từ trong cõi chết, bởi Ngài chiến thắng Thần chết. Sự chết đã không còn uy quyền tuyệt đối trên con người nữa. Và khi sự chết bị đánh bại, nhân loại không còn quay theo vòng tròn “sinh, bệnh, lão, tử” gây ra bởi lỗi lầm của Adam nữa. Nhưng bắt đầu từ người-chiến-thắng Đức Giêsu Phục Sinh, con người đi theo một vòng quay mới, “sinh, bệnh, lão, tử, và phục sinh.” Và đây là Tin Mừng của ngày Phục Sinh. Và đây cũng là Tin Mừng cho và tới tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo. Giấc mơ sống đời đời của nhân loại giờ này trở thành hiện thực. Biến cố phục sinh của Đức Giêsu đã khai mở một mùa mới tinh khôi: MÙA PHỤC SINH của nhân loại.

Gần 2000 năm trước, Đức Giêsu đã sống lại. Mừng biến cố sống lại của Ngài mời gọi mọi người sống với một biến cố phục sinh khác. Tôi muốn nói tới phục sinh của ngày hôm nay và thời bây giờ. Đó là sự phục sinh của cá nhân.

Hạt lúa nếu không chết đi trong lòng đất, mầm sống mới không nảy sinh. Con người cũng vậy. Nếu không chết đi một tính xấu, người đó không bao giờ thay đổi, cá nhân đó không có mầm sống mới nứt vỏ vươn cao. Nhưng nếu có can đảm định dạng một nét tiêu cực cá nhân, sẵn sàng để nét xấu này chết đi, cá nhân đó sẽ cảm nghiệm được cảm nghiệm phục sinh cá nhân.

Mùa Covid-19 kéo dài hơn một năm rồi. Người viết có dịp gặp và lắng nghe những chia sẻ của nhiều người về những khó khăn hay là khủng hoảng gây ra bởi đại dịch tới từng cá nhân. Bởi Covid, con cái không được rời khỏi nhà. Bởi Covid, bố mẹ cũng bị hạn chế quẩn quanh trong bốn vách tường. Bình thường những căng thẳng giữa vợ và chồng và con cái đã không phải là một con số ít. Mùa này, đại dịch dẫn tới tình trạng bố mẹ con cái bị hạn chế trong phạm vi gia đình. Căng thẳng trong gia đình cứ thế nhân lên, đến nỗi bố mẹ con cái có những lời nói và hành động tổn thương nhau nặng nề. Có những trường hợp bố mẹ cho tặng nhau và tặng cho con cái những ngôn từ và hành động rất đáng tiếc, đúng ra không nên nói, đúng ra không nên xảy ra. Tổn thương giữa bố mẹ con cái trong mùa Covid cứ thế nhân lên 70 lần 7.

Khi nhận ra mình có những lời nói và hành động tổn thương tới những người thân, cá nhân cất tiếng chân thành xin lỗi chồng, xin lỗi vợ, và ngay cả xin lỗi con. Khi mở miệng xin lỗi, cá nhân đó đang bước ra khỏi ngôi mộ đá của mình. Nói một cách khác, người đó đang trải qua kinh nghiệm phục sinh cá nhân. Khi mở miệng xin lỗi, cá nhân đó đang mang lại một đời sống mới cho mình, cho người được nhận lời xin lỗi, và cho tất cả những người có liên hệ đến cá nhân bắt đầu sống đời phục sinh cá nhân.

Thế thôi, phục sinh cá nhân xảy ra khi chúng ta biết xin lỗi nhau. Phục sinh cá nhân đó xảy ra ngày hôm nay và ngay bây giờ.

Kính chúc tất cả niềm vui rộn ràng của một Mùa Mới Tinh Khôi: PHỤC SINH, phục sinh của Đức Giêsu, và hy vọng sẽ là một khởi đầu của mùa phục sinh cá nhân của riêng mình.

Lm Nguyễn Trung Tây
 
VietCatholic TV
Đón nhận Phép lành trọng thể của Đức Thánh Cha và Ơn Toàn Xá – Sứ điệp Phục sinh Urbi et Orbi 2021
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:52 04/04/2021

Lúc 12 giờ, bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp Phục sinh và ban phép lành cho thành Roma và toàn thế giới.

Mở đầu sứ điệp Phục sinh, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chúc một Lễ Phục sinh tốt lành, hạnh phúc và an bình!

Hôm nay, khắp thế giới, lời công bố của Giáo hội vang lên: “Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại như lời Người đã phán hứa. Alleluia!”

Thông điệp Phục sinh không đưa ra cho chúng ta một ảo vọng hoặc tiết lộ một công thức ma thuật. Thông điệp không chỉ ra một lối thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta đang trải qua. Đại dịch vẫn đang lan rộng, trong khi khủng hoảng kinh tế và xã hội vẫn còn gay gắt, đặc biệt là đối với người nghèo. Tuy nhiên - và điều này mới thật là tai tiếng - các cuộc xung đột vũ trang vẫn chưa kết thúc và các kho vũ khí quân sự đang được tăng cường. Đó là tai tiếng của ngày hôm nay.

Trước thực tế phức tạp này, hay nói đúng hơn, giữa thực tại phức tạp này, thông điệp Phục sinh nói lên một cách súc tích về sự kiện mang lại cho chúng ta niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng: “Chúa Giêsu bị đóng đinh đã sống lại”. Thông điệp Phục sinh không nói với chúng ta về thiên thần hay bóng ma, mà là về một con người, một con người bằng xương bằng thịt, có khuôn mặt và cái tên là Chúa Giêsu. Phúc âm làm chứng rằng Chúa Giêsu, đã bị đóng đinh dưới tay quan Phongxiô Philatô vì tuyên bố Ngài là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa; và Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba theo lời Kinh thánh, như Ngài đã báo trước cho các môn đệ.

Chúa Giêsu bị đóng đinh, không ai khác, đã sống lại từ trong cõi chết. Chúa Cha đã nâng Chúa Giêsu, Con Ngài sống lại, vì Ngài đã hoàn thành ý muốn cứu độ của Người. Chúa Giêsu đã mặc lấy sự yếu đuối của chúng ta, sự mỏng dòn của chúng ta, thậm chí cái chết của chúng ta. Ngài đã chịu đựng những đau khổ của chúng ta và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Bởi thế, Chúa Cha đã siêu tôn Người và bây giờ Chúa Giêsu Kitô sống mãi mãi; Ngài là Chúa.

Các nhân chứng thuật lại một chi tiết quan trọng: Chúa Giêsu Phục sinh mang dấu vết của các vết thương ở tay, chân và cạnh sườn. Những vết thương này là dấu ấn vĩnh cửu của tình yêu Người dành cho chúng ta. Tất cả những ai trải qua thử thách đau đớn về thể xác hay tinh thần đều có thể tìm thấy nơi nương tựa trong những vết thương này và qua các vết thương ấy, nhận được ân sủng của niềm hy vọng không làm thất vọng.

Chúa Kitô Phục Sinh là niềm hy vọng cho tất cả những ai đang tiếp tục phải chịu đựng đại dịch, cả những bệnh nhân và những người đã mất người thân yêu. Xin Chúa ban cho họ sự an ủi, và nâng đỡ những nỗ lực dũng cảm của các bác sĩ và y tá. Tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, cần được hỗ trợ và có quyền được tiếp cận với sự chăm sóc cần thiết. Điều này càng rõ ràng hơn trong những thời điểm mà tất cả chúng ta được kêu gọi để chống lại đại dịch. Vắc xin là một công cụ cần thiết trong cuộc chiến này. Tôi kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế, với tinh thần trách nhiệm toàn cầu, cam kết khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc phân phối vắc xin và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối vắc xin, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất.

Chúa bị đóng đinh và phục sinh là niềm an ủi cho những người bị mất việc làm hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế và thiếu an sinh xã hội cần thiết. Cầu mong Ngài truyền cảm hứng cho các cơ quan công quyền hành động để tất cả mọi người, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, sẽ được cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để có một mức sống đúng phẩm giá. Đáng buồn thay, đại dịch đã làm gia tăng đáng kể số người nghèo và sự tuyệt vọng của hàng ngàn người.

“Người nghèo thuộc mọi loại phải bắt đầu hy vọng một lần nữa”. Thánh Gioan Phaolô II đã nói những lời này trong chuyến thăm Haiti. Suy nghĩ của tôi cũng hướng đến những người Haiti yêu quý trong những ngày này. Tôi kêu gọi họ đừng để mình bị đè bẹp trước các khó khăn nhưng hãy tự tin và nhìn về tương lai với hy vọng. Và suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng đến các bạn, anh chị em Haiti thân yêu của tôi. Tôi gần gũi với anh chị em và tôi muốn có một giải pháp dứt điểm cho các vấn đề của anh chị em. Tôi đang cầu nguyện cho điều này, anh chị em Haiti thân mến.

Chúa Giêsu Phục Sinh cũng là niềm hy vọng cho tất cả những người trẻ bị buộc phải trải qua một thời gian dài không thể đến trường, hoặc dành thời gian cho bạn bè của họ. Trải nghiệm những mối quan hệ thật của con người chứ không chỉ là những mối quan hệ ảo là điều mà ai cũng cần, nhất là ở lứa tuổi đang hình thành bản lĩnh và nhân cách của con người. Chúng ta đã nhận ra điều này một cách rõ ràng vào ngày thứ Sáu tuần trước, trong các chặng Đàng Thánh Giá do các em biên soạn. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với những người trẻ tuổi trên toàn thế giới và trong những ngày này, đặc biệt là những người trẻ tuổi ở Miến Điện đang dấn thân cho dân chủ và làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe một cách hòa bình, với hiểu biết rằng chỉ có tình yêu mới có thể xua tan hận thù.

Ước gì ánh sáng của Chúa Giêsu Phục sinh là nguồn tái sinh cho những người di cư chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói cùng cực. Chúng ta hãy nhận ra trên khuôn mặt của họ khuôn mặt đau khổ và hoen ố của Chúa khi Người lê bước trên con đường dẫn đến đồi Canvê. Cầu mong họ không bao giờ thiếu những dấu chỉ cụ thể của tình liên đới và tình huynh đệ nhân loại, không bao giờ thiếu dấn thân cho sự chiến thắng của sự sống trước cái chết mà chúng ta cử hành vào ngày hôm nay. Tôi cảm ơn các quốc gia đã hào phóng tiếp nhận những người đang đau khổ và tìm kiếm nơi nương tựa. Đặc biệt là Li Băng và Jordan đang tiếp nhận nhiều người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria.

Cầu chúc cho người dân Li Băng, những người đang trải qua thời kỳ khó khăn và bấp bênh, cảm nhận được sự an ủi của Chúa Phục Sinh và tìm được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong ơn gọi trở thành vùng đất gặp gỡ, chung sống và đa nguyên.

Xin Chúa Kitô, là hòa bình của chúng ta, chấm dứt cuộc đụng độ vũ trang ở Syria thân yêu đã bị chiến tranh tàn phá, nơi hàng triệu người hiện đang sống trong những điều kiện vô nhân đạo. Xin Chúa chấm dứt chiến tranh tại Yemen, nơi tình hình tại đó đã bị chìm vào quên lãng đầy tai tiếng trước những lỗ tai điếc; và tại Libya, nơi cuối cùng hy vọng đang được nhen nhúm cho sự chấm dứt một thập kỷ xung đột và đụng độ đẫm máu. Cầu mong tất cả các bên liên quan cam kết một cách hiệu quả trong việc chấm dứt xung đột và cho phép các dân tộc chịu đựng chiến tranh được sống trong hòa bình và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước của họ.

Biến cố Phục sinh đương nhiên đưa chúng ta đến Giêrusalem. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho hòa bình và an ninh (x. Tv 122) trên miền đất Giêrusalem, để miền đất này có thể đón nhận lời kêu gọi trở thành một nơi gặp gỡ, nơi tất cả mọi người có thể coi nhau như anh chị em với nhau, và nơi người Israel và người Palestine sẽ khám phá lại sức mạnh của đối thoại để đạt được một giải pháp ổn định cho phép hai nhà nước song hành tồn tại trong hòa bình và thịnh vượng.

Vào ngày lễ hội này, suy nghĩ của tôi cũng quay trở lại Iraq, nơi mà tôi đã có được niềm vui khi đến thăm vào tháng trước. Tôi cầu nguyện rằng quốc gia này có thể tiếp tục tiến bước theo con đường hòa bình và do đó thực hiện ước mơ của Thiên Chúa về một gia đình nhân loại hiếu khách và chào đón tất cả con cái của Ngài. [1]

Cầu xin quyền năng của Chúa Phục sinh nâng đỡ các dân tộc ở Châu Phi đang nhìn thấy tương lai của họ bị tổn hại bởi bạo lực nội bộ và chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là ở Sahel và Nigeria, cũng như ở Tigray và vùng Cabo Delgado. Cầu mong cho tiếp tục có các nỗ lực giải quyết xung đột một cách hòa bình, tôn trọng quyền con người và sự thánh thiêng của sự sống, thông qua đối thoại huynh đệ và mang tính xây dựng trong tinh thần hòa giải và đoàn kết thực sự.

Vẫn còn quá nhiều chiến tranh và quá nhiều bạo lực trên thế giới! Xin Chúa, Đấng là hòa bình của chúng ta, giúp chúng ta vượt qua não trạng chiến tranh. Xin Chúa cho các tù nhân của các cuộc xung đột, đặc biệt là ở miền đông Ukraine và Nagorno-Karabakh, có thể trở về nhà một cách an toàn và Ngài có thể truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo thế giới kiềm chế cuộc chạy đua tìm kiếm vũ khí mới. Hôm nay, ngày 4 tháng 4, đánh dấu Ngày quốc tế nâng cao nhận thức chống lại bom mìn, những thiết bị quỷ quyệt và khủng khiếp giết chết hoặc làm bị thương nhiều người vô tội mỗi năm và cản trở nhân loại “cùng nhau bước trên con đường của sự sống mà không phải lo lắng trước các mối đe dọa hủy diệt và chết chóc!” [2] Thế giới của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu không có những công cụ chết chóc này!

Anh chị em thân mến, một lần nữa trong năm nay, ở nhiều nơi khác nhau, nhiều Kitô hữu đã phải cử hành Lễ Phục sinh dưới những hạn chế nghiêm nhặt và đôi khi không thể tham dự các cử hành phụng vụ. Chúng ta cầu nguyện rằng những hạn chế đó, cũng như tất cả những hạn chế về quyền tự do thờ phượng và tôn giáo trên toàn thế giới, có thể được dỡ bỏ và mọi người được phép tự do cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa.

Giữa muôn vàn gian khổ mà chúng ta đang chịu đựng, chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta đã được chữa lành bởi những vết thương của Chúa Kitô (xem 1 Phi 2:24). Dưới ánh sáng của Chúa Phục Sinh, những đau khổ của chúng ta giờ đây đã được biến đổi. Nơi từng có cái chết, giờ đây ở đó có sự sống. Nơi từng có tang thương, giờ đây có niềm an ủi. Khi ôm lấy thập tự giá, Chúa Giêsu đã ban tặng ý nghĩa cho những đau khổ của chúng ta và bây giờ chúng ta cầu nguyện rằng thiện ích của việc chữa lành đó sẽ lan rộng khắp thế giới. Cầu chúc một lễ Phục sinh tốt lành, hạnh phúc và thanh thản cho tất cả anh chị em!

[1] Diễn văn tại Cuộc họp Liên tôn tại Ur, ngày 6 tháng 3 năm 2021.

[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, huấn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28 tháng 2 năm 1999.
Source:Libreria Editrice Vaticana