Ngày 09-04-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chủ chiên và con chiên
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
08:27 09/04/2008
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH A

Ga 10,1-10


Một trong những hình ảnh gây ấn tượng và mãi ghi khắc trong tâm hồn của tôi là hình ảnh Chúa Chiên Lành. Tôi đã thấy hình này trên một bức tranh khá lớn lúc tôi còn nhỏ bé. Tuy nhiên, bức tranh Chúa Chiên Tốt đã làm cho tôi xúc động, đáng yêu và giữ mãi trong tâm trí. Bây giờ lớn lên là linh mục tôi càng cảm thấy hình ảnh Chúa Chiên Lành thật đáng quí, đáng yêu biết bao.

CHÚA YÊU CHÚNG TA:

Chúa yêu thương nhân loại, yêu thương con người, yêu thương mỗi người chúng ta. Điều kỳ diệu vẫn là Chúa yêu thương chúng ta trước, Chúa đi bước trước đến với chúng ta trái ngược với ý nghĩ chúng ta tưởng mình yêu thương Chúa trước. Chúa yêu thương con người vô điều kiện, yêu thương vô bờ bến. Tình yêu của Ngài đối với chúng ta là tình yêu vô vị lợi, tình yêu tự hiến:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu mến”( Ga 15, 13 ). Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, Người biết chiên của Người và chiên của Người biết Người ( Ga 10, 14 ). Người yêu thương đàn chiên và yêu thương từng con chiên một. Đọc Thánh Vịnh 22 ( 23 ), Thánh Vịnh “ Chúa Chiên Lành “, chúng ta như được ấm áp lên vì Chúa yêu thương chiên của Người, dẫn chiên đến các cánh đồng cỏ xanh tươi và những dòng suối mát trong lành. Chúa hiểu biết đàn chiên và từng nhu cầu của mỗi con chiên. Người biết những gì con người cần cho linh hồn cũng như thể xác của họ. Do đó, con người không sợ sệt, không lo âu, không xao xuyến, con người phải tin tưởng nơi Người. Chúa muốn mỗi người, mọi người chỉ nghe tiếng gọi yêu thương duy nhất của Người, tiếng gọi cứu độ và ơn giải thoát của Người. Chúa luôn yêu cầu con người, mỗi người hãy đặt sinh mạng, cuộc đời của mình trong bàn tay nhân từ của Người, đừng nghe theo bất cứ tiếng gọi nào vì có thể đó là tiếng gọi của tiền tài, danh vọng, tình dục, thế gian và ma quỷ.Chúa nói:” Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”( Ga 10, 10 ). Chúa muốn chiên của Người được sống tràn trề bên dòng suối Lời của Chúa và được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh của Người. Chúa là cửa ràn chiên, Chúa quả quyết Người là Đấng cứu thế đến cứu chuộc mọi người, ai muốn được cứu độ phải đến với Người, tin vào Người và sống theo lời Người dạy.

NGÀY CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI :

Hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ. Vâng, Chúa cũng đã đến trong một gia đình có cha có mẹ để dạy cho nhân loại hiểu rằng con người phải phát xuất từ một gia đình trân thế. Chúa đã đến từ trời, từ gia đình của Thiên Chúa ngang qua một gia đình được Thiên Chúa Cha tuyển chọn từ đời đời. Người đã lớn lên, rồi tới giờ Chúa Cha định, Người đã mời gọi các môn đệ, các tông đồ đi theo Người. Chính vì thế, công cuộc cứu chuộc của Người cần được nhiều người cộng tác. Chúa mời gọi có nhiều tâm hồn quảng đại, tự nguyện đi theo Người để góp tay vào công việc cứu thế của Người. Nhân loại và đặc biệt mỗi người chúng ta cần cầu nguyện để cho có nhiều thanh niên nam, nữ dấn thân vô điều kiện, vô vị lợi để phục vụ đàn chiên của Chúa, bởi vì chiên không thể nào thiếu chủ chiên được. Mọi Kitô hữu phải siêng năng cầu nguyện, cổ vũ ơn gọi linh mục và tu sĩ, khích lệ, động viên tinh thần và góp tài chánh để các Chủng Viện, các Đại Chủng Viện, các Nhà Dòng có thêm vật chất để nuôi dưỡng và đào tạo ơn gọi. Đặc biệt các giáo xứ, giáo họ phải nâng đỡ ơn gọi và góp phần vào công việc đào tạo linh mục và tu sĩ cho giáo phận, cho nhà dòng. Giáo xứ, giáo họ và từng gia đình cần gây nên bầu khí đạo đức, đặc biệt từng gia đình cần khơi lên lòng ước ao cho con mình biết dâng mình cho Chúa bằng chính đời sống gương mẫu của gia đình mình. Nhờ đời sống gương mẫu, nhờ sự khuyến khích động viên của từng gia đình, ơn gọi sẽ nẩy sinh từ những gia đình đạo đức và biết cổ vũ ơn gọi. Chúa là cửa Chuồng Chiên và Chuồng Chiên là Giáo Hội, cửa đi vào Hội Thánh là tin vào Chúa Giêsu. Chuồng Chiên cũng là Nước Trời mà cửa chính phải qua cũng là Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho có nhiều thanh niên nam nữ biết dấn thân làm linh mục và trở nên tu sĩ thánh thiện nhiệt thành để nhiều người được nhận biết Chúa là Mục Tử Tốt Lành, là Chuồng Chiên, là Nước Trời. Amen.
 
Dưới tác động Thánh Thần
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
09:29 09/04/2008

DƯỚI TÁC ĐỘNG THÁNH THẦN



Suốt các Chúa Nhật Phục Sinh, các bài đọc 1 được trích trong sách Công Vụ Tông Đồ. Một nhà chú giải Thánh Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông Đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giê-su, còn Công Vụ Tông Đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.

Sách Công Vụ Tông Đồ là một trong những tài liệu lịch sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Đó là lịch sử hiện hữu duy nhất của Ki-tô giáo được viết ra trước thế kỷ thứ III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn dậy của Ki-tô giáo ở Palestina hay về công cuộc Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hy-lạp và Rô-ma. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló dạng.

Giáo Hội đã sống tuổi thanh xuân của mình giữa lòng Đế quốc Rô-ma, phải đối diện với ba thách đố lớn là Do-thái giáo, chính trị Rô-ma và triết học Hy-lạp. Giáo Hội phải bung ra khỏi Do-thái giáo, hội nhập vào triết học Hy-lạp để lan rộng trên toàn đế quốc Rô-ma. Chỉ với những người dân chài Ga-li-lê ít học, chỉ với một Phao-lô nhiệt thành, thế mà Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao thử thách thời đại.

Chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Đúng như lời Thánh I-rê-nê đã nói: “Ở đâu có Thánh Linh của Đức Ki-tô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân sủng”

Sách Công Vụ Tông Đồ trình bày lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Sau khi Phó tế Stê-pha-nô bị ném đá thì khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn chống Giáo Hội ở Giê-ru-sa-lem. Cộng đoàn Ki-tô hữu ở đây bị phân tán, nhiều tín hữu thoát khỏi đô thị đi tìm nơi ẩn náu. Họ đi tới đâu là rao giảng Tin Mừng tại đó. Chính đây là lúc câu nói thời danh của văn hào Tertuliano được ứng nghiệm “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Ki-tô hữu”.

Các cộng đoàn Diaspora được thành lập. Họ hội nhập vào văn hoá địa phương để rao giảng Tin Mừng. Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ của Chúa Nhật hôm nay kể lại vị sứ giả đầu tiên đã mang Tin Mừng đến cho người ngoại giáo, đó là người Do-thái nói tiếng Hy-lạp, phó tế Phi-lip-phê. Ngài tới thủ đô Sa-ma-ri rao giảng làm phép lạ, chữa lành nhiều bệnh tật. Người ta vui mừng đón nhận và xin theo Đạo ( Cv 8, 5 - 8 ). Sau khi xứ Sa-ma-ri được đón nhận Tin Mừng, các Tông Đồ đã cử Phê-rô và Gio-an đến cũng cố Niềm Tin cho các tân tòng ( Cv 8, 14 - 24).

Kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn tín hữu sơ khai là bài học quý giá cho chúng ta. Họ bị nhận chìm trong gian truân thử thách, nhưng chính lúc ấy họ cảm nhận sự hiện diện và hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần. Như ngọn gió cuốn bay những hạt giống để rồi hạt giống lại gieo mầm sống mới ở nơi khác, ngọn gió Chúa Thánh Thần qua những cơn bách hại cũng mang lại những hiệu qủa lạ lùng. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, càng bị bách hại Giáo Hội càng lớn mạnh không ngừng.

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Ki-tô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất mới, rừng thiêng nước độc, họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.

Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh, những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần, trong mọi thử thách Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần nâng đỡ, trong mọi biến cố đau thương luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.

Ngày nay, có lẽ không còn những cơn bắt bớ và bách hại như xưa, thế nhưng những gian nan, những thử thách vẫn không thiếu trong đời sống đức tin. Thời đại hôm nay là thời đại xẻ núi lấp sông, vượt trùng dương, chinh phục không gian, bùng nổ thông tin, toàn cầu hoá... Nhưng xã hội hôm nay đang bị tục hoá với muôn ngàn cám dỗ ngọt ngào tinh vi của ma quỹ, xã hội đang đánh mất chiều kích siêu hình, không còn cảm thức về tội lỗi. Giáo Hội phải đối diện với một xã hội mà như triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã nói: “Thiên Chúa phải chết để cho con người được tự do”.

Người ta đang xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, tôn giáo bị tách ra khỏi xã hội. Con người mãi mê chạy theo lối sống hưởng thụ thực dụng, cá nhân chủ nghĩa. Như thế người Ki-tô hữu phải sống và diễn tả niềm tin của mình như thế nào đây ? Bài Phúc Âm chiếu ánh sáng soi đường. Chúa Giê-su đã loan báo: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” ( Ga 14, 26 ).

Khi người tín hữu chúng ta được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, chúng ta sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giê-su ngự đến trong tâm hồn ( Ga 14, 21 ), được Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng ( Ga, 14, 27 ). Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Ki-tô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, người tín hữu làm được mọi sự trong ân sủng Đức Ki-tô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.

Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gio-an Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ” Đức Ma-ri-a hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bê-lem. CácTông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân cho tình yêu, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
 
Lễ Chúa Chiên Lành: Ơn gọi phục vụ
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
09:32 09/04/2008

Ơn gọi phục vụ



Chúa Nhật 4 Phục Sinh

Chúa nhật IV Phục Sinh, Lễ Chúa Chăn Chiên Lành, ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Chúa Giêsu Mục tử nhân lành chính là mẫu gương tuyệt hảo cho mọi Ơn Gọi Phục Vụ.

1. Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành

Từ Abraham cho đến Môisen, Đavit, biết bao Tổ phụ Do thái đã từng là những người chăn chiên. Từ kinh nghiệm của nghề chăn chiên, họ đứng ra lãnh đạo dân tộc. Quan niệm của họ về Thiên Chúa cũng dựa trên kinh nghiệm đó nên họ gọi Thiên Chúa là Mục tử và coi mình là đoàn chiên của Ngài.

Các Ngôn sứ thường dùng hình ảnh này để nói về tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và dân của Người. Nhất là trong Ed 34, Sách Giôna chương cuối và TV 23.

Đặc biệt chương 10 Phúc âm Thánh Gioan: Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, là Cửa chuồng chiên.

Mục tử và đàn chiên là một hình ảnh rất đẹp gắn liền với dân du mục. Khác với hình ảnh những đứa trẻ chăn trâu, chăn bò ở làng quê Việt nam, chúng đi sau đàn vật. Người mục tử đi trước đàn chiên, dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, tìm suối mát cho chiên, dẫn về đàn những con chiên lạc, bảo vệ chiên khỏi thú dữ, biết từng con chiên một.

Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, mọi Kitô hữu là đàn chiên của Chúa. Chúa ban cho đàn chiên sự sống cách dồi dào, đó là sự sống đời đời. Mỗi con chiên đều quý giá vô ngần đối với Chúa. Người hy sinh mạng sống vì chiên. Mối tương giao này giống như tương giao Chúa Cha và Chúa Con, dựa trên sự hiểu biết riêng tư về nhau tức là trên tình yêu.

Trong bài Tin Mừng ( Ga 10, 1 - 18 ), Chúa Giêsu mô tả Mục Tử Nhân Lành.

Mục Tử Nhân Lành thì: "hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên", "tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi... chúng sẽ nghe tiếng tôi". Ngài tự nhận mình chính là mục tử nhân lành.

Trong Thánh Kinh có rất nhiều câu mô tả những đức tính tốt của những Mục Tử Nhân Lành, mà chính Thiên Chúa là mô hình gương mẫu nhất:

- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" ( Is 40, 11 ).

- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" ( Mt 18, 12-13 ).

- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" ( Ed 34, 14 ).

- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" ( Tv 23, 1 ); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" ( 23, 4 ).

- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" ( Ed 34, 16 ).

- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" ( Dc 9, 16 ).

Biết chiên:

Khi dùng từ “biết” ở đây, Chúa Giêsu không chỉ muốn nói đến cái biết ở bên ngoài, nhưng là cái biết theo nghĩa Kinh Thánh, nghĩa là cái biết tận bên trong, một cái biết thân mật, thắm thiết, như vợ chồng biết nhau theo lời sách Sáng Thế: “Ađam biết Eva, vợ ông, và bà đã có thai” (St 4, 1). Hơn nữa đối với thánh Gioan, “biết” ở đây còn là cái biết của tình yêu, nghĩa là cái biết kết hợp cả hai nên một như lời cha ông chúng ta vẫn thường nói: “Mình với ta tuy hai mà một”. Còn Chúa Giêsu thì nói: “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha”. Ðó là “Cái biết” khiến cho Ba Ngôi trở nên Một.

Quả thật, là Mục Tử tốt, Chúa Giêsu thấu rõ tất cả con người của chúng ta như lời tác giả Thánh vịnh: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, … Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con... Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?” (Tv 139, 1-7). Cùng chung một cảm nghiệm đó, thánh Augustin trong tác phẩm “Tự thú”, cũng đã thốt lên: “Lạy Chúa, con là người thế nào, thì Chúa đã thấu tỏ”.

Thí mạng vì chiên:

Dấu chỉ thứ hai của người Mục Tử tốt lành là sẵn sàng “thí mạng sống vì chiên”. Chúa Giêsu đã hết lòng yêu thương, chăm sóc đàn chiên là chúng ta đến độ sẵn sàng thí mạng mình cho đàn chiên. Sự thí mạng này là kết quả của một tình yêu tự hiến hoàn toàn cho người mình yêu: “Không ai cất mạng sống Ta được nhưng chính Ta tự mình thí mạng sống Ta; Ta có quyền thí mạng sống Ta”. Việc Chúa Giêsu chịu chết để đền tội cho nhân loại là thánh ý Chúa Cha, nhưng đồng thời, cũng là ý của Chúa Giêsu. Chính tình yêu đã làm cho ý muốn của Chúa Giêsu trở nên một với ý muốn của Chúa Cha. Chính vì thế, thánh Gioan, vị tông đồ của tình yêu đã mời gọi chúng ta: “Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta là thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và sự thật là thế ”. Chúa Giêsu Mục Tử đã chết và Phục Sinh để cho tất cả chúng ta, những kẻ đã cùng chết với Ngài nhờ bí tích Rửa tội, trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi!” (x. Rm 8, 15-17).

Chúa Giêsu chính là Người Mục Tử tốt lành đã thí mạng mình để cứu chiên khỏi sói dữ, để cho chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Điều này đã được thánh Phêrô mạnh mẽ làm chứng trước toà Công Nghị của người Do thái, sau khi các ngài đã chữa lành cho một người què nhân danh Đức Giêsu: “Chính nhờ Danh Đức Giêsu Kitô Nazareth, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ Danh Người mà anh nầy được lành mạnh như chư vị thấy đây”.

Người Mục Tử tốt lành thật sự yêu thương đàn chiên, sẵn sàng hy sinh cho sự an nguy và hạnh phúc của đàn chiên. Chúa Giêsu Mục Tử tuyệt vời nhất, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình: coi sự sống còn của đàn chiên quý hơn cả sự sống mình.

2. Chúa Giêsu vị Mục tử hết mình phục vụ đoàn chiên

Cả cuộc đời Chúa Giêsu từ khi nhập thể làm người đến tử nạn phục sinh có thể tóm tắt cách đơn giản là phục vụ đoàn chiên vì yêu thương. Đỉnh cao phục vụ là thí mạng vì đoàn chiên. Việc gặp gỡ Người, kết hợp với Người sẽ dần dần biến đổi chúng ta trở nên những người phục vụ. Mỗi người Kitô hữu đều có trách nhiệm phục vụ anh chị em mình trong tư cách tham dự vào trách nhiệm Mục tử của Chúa Giêsu.

Trong sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu lần thứ 36, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn chủ đề Ơn Gọi Phục Vụ.Khởi đi từ Đức Kitô: Người không đến để phục vụ,” nhưng để phục vụ và trao ban mạng sống để cứu chuộc nhiều người” ( Mt 20,28). Người đã rửa chân cho các môn đệ và tuân phục chương trình của Chúa Cha cho đến chết, chết trên thánh giá ( x.Pl 2,8). Vì thế, Chúa Cha đã tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu mới và đặt Người làm Chúa trên trời dưới đất ( x Pl 2,9-11). Đức Thánh Cha xác định: Một cách huyền nhiệm, ơn gọi phục vụ luôn là một ơn gọi thông phần một cách rất riêng tư vào trong sứ vụ cứu độ” ( số 2). ”Ơn gọi linh mục hoặc ơn gọi tu trì, bởi chính bản chất của nó, luôn là những ơn gọi để quãng đại phục vụ Thiên Chúa và người lân cận”(số 3).

Đức Thánh Cha đã từng nói rằng ”Trong thời đại chúng ta, một thời đại tuy đã bị tục hoá, giải thiêng nhưng vẫn được thúc đẩy đi tìm sự thánh thiện;một thời đại rất cần có những vị thánh làm sáng tỏ sự hiện diện đầy yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa.Nhân loại đang cần có những linh mục thánh thiện và những tâm hồn được thánh hiến,họ là những người ngày ngày sống hết mình cho Thiên Chúa, cho tha nhân,họ là những bậc cha mẹ sống chứng nhân ngay trong bầu khí gia đình nhờ ân sủng của bí tích hôn nhân,họ là những người trẻ có kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô và được Người thu hút để hướng dẫn anh chị em đồng loại tới cội nguồn tin mừng”( Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu lần thứ 36).

Ngài gởi lời mời gọi thiết tha đến các bạn trẻ “ cha hy vọng các con có thể biết cách lắng nghe tiếng Thiên Chúa mời gọi các con phục vụ.Đó là con đường mở ra biết bao hình thức của sứ vụ vì lợi ích của cộng đoàn:từ các tác vụ được phong cho đến các tác vụ khác nhau được thiết lập và được nhìn nhận là những thừa tác vụ,như dạy giáo lý,linh hoạt phụng vụ,giáo dục giới trẻ và những diễn tả khác nhau về đức ái” ( Số 4)

3. Ai phục vụ Thầy,người ấy phải theo Thầy

Một xã hội thiếu bóng dáng những người sống đời tận hiến là một xã hội thiếu lòng quãng đại,một xã hội bị khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống.Chính sự có mặt của những người sống đời tận hiến phục vụ như là một nhắc nhở rằng, con người có khả năng sống yêu thương,phục vụ như Đức Kitô và sống quãng đại hy sinh dấn thân cho người khác.

Những người trẻ lớn lên thường lập gia đình,điều đó thật tốt đẹp.Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn một số người trẻ dâng hiến đời mình cho Chúa,ở bên Chúa cách đặc biệt để được sai đi.Vì thế Đức Thánh Cha nhắn nhủ những người trẻ ”Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng ngày hôm nay “Nếu ai phục vụ Thầy,người ấy phải theo Thầy” (Ga 12,26).Đừng e ngại đón nhận lời mời gọi này.Chắc chắn các con sẽ gặp phải những khó khăn hy sinh,nhưng các con sẽ hạnh phúc khi phục vụ,các con sẽ là chứng nhân của niềm vui mà thế gian không thể ban tặng.Các con sẽ là những ngọn lửa sống động của một tình yêu vô biên và vĩnh cửu.Các con sẽ nhận biết những phong phú thiêng liêng của chức vụ linh mục, quà tặng và mầu nhiệm thần linh” (Số 5).

Người sống đời tận hiến chấp nhận hy sinh quyền được lập một tổ ấm.Họ dâng tình yêu lứa đôi cho một tình yêu cao hơn trong ơn gọi tu trì để có thể yêu mãnh liệt và bao la hơn.Đức Thánh Cha khẳng định “Họ không tìm kiếm những lợi lộc vị kỷ,nhưng hiến mình cho kẻ khác,khi cảm nghiệm niềm vui của tính nhưng không qua việc hiến tặng bản thân” (số 4).

Người đi tu là người muốn nên trọn lành,muốn đạt đến đỉnh cao của sự toàn thiện. Đó cũng tựa như người leo núi.Muốn có ánh sáng thì phải lên cao.Để lên cao phải vất vả,nhiều khi phải leo lên những sườn dốc cheo leo.Leo núi là một cuộc mạo hiểm.Đó không phải là một cuộc dạo chơi nhàn hạ.Nó đòi hỏi sức khoẻ,sức chịu đựng dẻo dai,tài khéo léo và nhất là sự can đảm.Đời sống tu trì cũng vậy.Nó đòi hỏi một sức khoẻ tinh thần, thể xác,sự khôn ngoan, nhẫn nại, lòng can đảm, sức chịu đựng bền bỉ.Nếu không người ta sẽ sợ hãi chóng mặt,dừng lại và rút lui.Đổi lại,người leo núi được hưởng những niềm vui mà người khác không biết đến.Đó là,được ở trong ánh sáng không bao giờ tắt,được chiêm ngưỡng cảnh trời đát bao la hùng vĩ,cảnh mây bay lững lờ tận dưới xa chân mình,càng leo những núi cao càng khám phá ra muôn vàn những đỉnh núi khác.

4. Cầu nguyện cho những người Mẹ

Ơn gọi tu trì là ân huệ đến từ Thiên Chúa.Gia đình là chủng viện đầu tiên,dòng tu đầu tiên ươm mầm ơn gọi phát triển.Các bậc cha mẹ là những người phát hiện và vun trồng cho ơn gọi lớn lên,trổ sinh hoa trái.

Giống như người mục tử,giống như Chúa Giêsu,một bà mẹ luôn có mối tương giao gần gũi sâu sắc với đàn con cái.Người Mẹ yêu thương chăm sóc từng đứa con,tuỳ tính tình mỗi đứa để có cach giáo dục thích hợp.Không gì mà người Mẹ không làm để bảo vệ con khỏi nguy hiểm.Bà sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để tìm kiếm đứa con lầm đường lạc lối trở về.

Ơn gọi tu trì thường do người Mẹ phát hiện và dìu dắt từng bước.Hầu như linh mục nào cũng giống Mẹ và rất kính yêu Mẹ của mình.Tấm lòng người Mẹ bao la như biển cả.Trái tim người Mẹ nhân hậu bao dung như đất trời.Bởi vậy ngày thế giới cầu cho ơn thiên triệu cũng cần dành lời cầu nguyện đặc biệt cho mọi người Mẹ trên thế giới.Xin cho mọi người Mẹ luôn sống vai trò mục tử nhân lành với con cái và luôn biết quãng đại dâng con mình cho Chúa,cho giáo hội trong Ơn Gọi Phục Vụ.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 
Chúa Giêsu Vị Mục Tử Tốt Lành của chúng ta
Tuyết Mai
12:01 09/04/2008
Chúa Giêsu Vị Mục Tử Tốt Lành của chúng ta

Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta".

Vị Mục Tử Tốt Lành của chúng con ơi! Sáng nay thức dậy nhìn lên trời cao quả chúng con thấy bầu trời thật đẹp và thật trong, không có một dấu hiệu gì cho biết là trời sẽ chuyển mưa cả! Tất cả chúng con được Ngài thả chúng con trên Cánh Đồng Cỏ Xanh bao la bát ngát. Khí trời thật trong thơm và tốt lành cho sức khoẻ của chúng con lắm lắm! Thức ăn của chúng con là những cọng cỏ xanh thật xanh, tươi thật tươi, và nhiều nước còn đọng lại của những giọt sương mai của buổi sáng bình minh.

Mắt chúng con có thể dõi tầm nhìn thật xa trên một bầu trời xanh xanh, mát dịu con mắt. Loáng thoáng vài cụm mây trắng giăng giăng trên nền trời, được những con gió thổi nhẹ nhẹ lướt trôi trông rất nhẹ nhàng rất nên thơ. Xa xa có những đàn chim tung bay xoải cánh thật sung sướng và thật an bình vì chúng được bay lượn trên cao. Gần đây chúng con có nghe được tiếng róc rách của giòng suối mát trong, tha hồ uống khi khát nước. Mặt trời trên đỉnh đầu của chúng con cũng có lúc khuất lúc hiện do cụm mây chơi đùa cùng với gió. Ôi, cảnh vật thiên nhiên thật hữu tình đã cho chúng con bao điều hạnh phúc, nhưng sao bằng có Ngài Mục Tử Tốt Lành luôn hiện hữu bên chúng con.

Ngài Nhân Từ và Lòng Lành Vô Cùng lắm! Dù cánh đồng có rộng lớn bao la và chim bay xoải cánh cỡ nào thì Ngài cũng luôn chăm sóc chúng con và Ngài đã không để cho một con nào thất thoát và lạc được, ngoài những con chiên ngỗ nghịch như con đây!. Con cố tình muốn tìm kiếm những gì mờ mịt không tương lai phía trước mặt. Muốn thách đố chính mình và các bạn bằng cách đem mạng sống mình để đối địch với thú dữ là những kẻ thù luôn chực chờ và rình rập để ăn tươi nuốt sống chúng con khi có thể và nhất là khi chúng con ở một mình.

Cậy vào sức mạnh và tài riêng của mình, nghĩ rằng một mình có thể chống chỏi được với những phong ba, bão táp, cạm bẫy, và sự dữ ngoài kia, miễn là mình sẽ được tự do mà tha hồ tự tung tự tác, không cần đến ai, và nhất là được ở ngoài vòng kiểm soát không có Ngài Mục Tử lúc nào cũng gần bên, sẽ được tự do hơn. Muốn làm gì thì làm. Ăn uống và ngủ nghỉ bất kỳ lúc nào, đi chơi đâu, không phải bị lệ thuộc vào ai, thế là sung sướng nhất trần đời rồi! Phải không các bạn của tôi ơi! Có ai muốn đi theo tôi không?

Các bạn chết nhát quá! Ai đời các bạn lại chỉ muốn sống cả một đời của mình với cái ông Mục Tử này ư!? Giới hạn quá! Cuồng chân quá! Con mắt hiểu biết của các bạn không được mở dài rộng thêm ra. Trong khi chúng ta có thể làm những chuyến phiêu lưu và mạo hiểm thật cực kỳ thích thú với nhau ở một chân trời xa hơn và lạ hơn. Có thể cuối chân núi bên kia, cỏ sẽ xanh hơn, suối sẽ ngon ngọt hơn, và còn bao nhiêu thứ tốt hơn đẹp đẽ hơn mà chúng ta chưa có cơ hội được bước chân đến. Thế có phải phí một đời làm chiên vì chúng ta chẳng và sẽ không bao giờ biết đến một thế giới phía bên kia của chân núi không? Các bạn có nghe là đi một ngày đàng thì sẽ học một sàng khôn không? Ở mãi với ông Mục Tử này thì biết đến ngày nào khôn??

Thôi tôi chào các bạn nhé! tôi sẽ lên đường đây và các bạn hãy xem tôi tự do và sung sướng hơn các bạn nhiều! đừng nói gì với ông Mục Tử ấy nhé! Ổng sẽ không biết tôi rời đây đâu! Chào các bạn.

Vài năm sau. ...

Này các bạn ơi! lại đây mà xem Ngài Mục Tử Tốt Lành của chúng ta đang cõng ai trên đôi vai của ổng kìa!?? Từ trên đầu cho đến chân máu me tùm lum, đang được Ngài vỗ về, nâng niu, xoa dịu, và ủi an. Nghe Ngài nói chuyện với hắn có vẻ yêu thương, độ lượng, khoan dung, và bao che hắn lắm! Các bạn có nhận thấy hắn quen quen hay không? Rõ khổ nghe nói hắn đã bị một cú thập tử nhất sinh và may mắn được Ngài Mục Tử cứu hắn kịp thời mà mang về băng bó và chữa lành đấy các bạn ạ! Nhìn thấy hắn mà hãi hùng cho thân phận mỏng dòn của loài chiên chúng mình quá!. Chớ có ai mà thành dại khờ ngu ngơ như hắn nhé! Đang sống trong Thiên Đàng mà không biết mình được đang sống trong Thiên Đàng, cứ ngu ngu dại dại để đi tìm kiếm những thứ không cần thiết cho cuộc đời làm chiên ngắn ngủi và Linh Hồn Đời Đời của chúng ta.

Sau thời gian tịnh dưỡng:

Các bạn thân thương của tôi ơi! Không gì hạnh phúc cho bằng tôi đã được trở về và gặp tất cả anh chị em. Tôi những tưởng ra đi là không bao giờ có ngày trở lại. Từ lúc tôi rời khỏi nơi này, trái tim và tâm hồn của tôi đã cảm thấy bất an. Bởi khi ra ngoài kia tôi mới được nghe những tiếng âm thanh thật quái đản, kinh dị, rùng rợn, và thật sợ hãi vì tôi chưa từng bao giờ được nghe. Mắt tôi đã nhìn thấy những cái chết mà chỉ vì sơ hở nên đã nạp mạng cho loài thú dữ độc ác không một chút tình. Tôi rất muốn quay trở về các bạn ạ! nhưng không hiểu sao trong đầu tôi có một thứ áp lực và ma lực nào đó đã bắt tôi cứ đi tiếp và đi tới tới mãi. Càng đi xa thì tôi biết tôi sẽ không có ngày trở về.

Các bạn biết không, ngay khi tôi rời khỏi đây đã có một Cáo Già hình như đã biết và chờ sẵn, đến làm quen với tôi liền. Nhìn dung mạo của y thì tôi thấy sợ lắm nhưng y này đã rất tốt với tôi ngay lúc đầu. Y đã giới thiệu cho tôi cùng đi với y thật xa để mạo hiểm, thám thính, thử qua tất cả mọi thứ ngon ngọt, và mọi thứ lạ trên đời mà cả cuộc đời tôi chưa từng được nếm và thử qua. Những thứ này thật đã làm cho tôi mê mẩn, mờ con mắt, đau khổ, và ghiền đến độ không ngày nào mà tôi có thể thiếu chúng được. Y lợi dụng đợi khi tôi đã ghiền mọi thứ độc hại mà y đã cố tình nài ép tôi thử qua tuy dù tôi có đồng ý hay không đồng ý. Y bắt đầu đặt điều kiện với tôi, nếu tôi không nghe lời thì tôi sẽ phải nạp mạng cho y.

Hồi đầu tôi thấy y tử tế với tôi lắm nhất là trước mặt thuộc hạ của y. Y cưng tôi ra mặt nên tôi đã không ngần ngại và vui vẻ ký kết với những điều kiện của y đặt ra. Tôi không cần ngay cả biết tôi đã ký những gì. Sau này chính mắt tôi đã chứng kiến y đối xử với những thuộc hạ của y ra sao nếu không chấp hành và tuân lệnh những đòi hỏi của y và tôi đã hiểu thân phận của tôi cũng không khác được và tôi đã biết Sợ.

Trong suốt thời gian tôi ốm yếu vì bệnh hoạn do những cơn thèm khát và ghiền mà tôi không thỏa mãn được. Đã hoành hành và vật vã thân xác yếu hèn của tôi. Chính y muốn hành hạ tôi và tất cả thuộc hạ của y một cách dã man như vậy để dễ bề sai khiến!. Y nghĩ rằng tôi đã ngoan cố, có tư tưởng phản bội, và không còn dùng tôi được nữa! Y đã vắt sạch sinh lực thân xác của tôi và bỏ rơi tôi như là cỏ rác. Lúc đó tôi đã nhớ đến Thầy Mục Tử Tốt Lành của tôi và các bạn vô cùng!. Trong tôi lúc bấy giờ đã có sự sám hối và tìm cách để trốn tên khốn nạn lường gạt đó! Tôi đã bao lần tự hỏi không biết Thầy có độ lượng mà tha thứ cho tôi hay không khi tôi đã bất tuân lời Thầy dậy dỗ. Vì tôi đã nghiệm ra cuộc đời không có Thầy quả là vô vọng và luôn bất an. Luôn mệt mỏi và thất vọng. Tôi càng đi tìm thỏa mãn thú tính, càng thỏa mãn những của ngon vật lạ thì trong tôi lại càng cảm thấy trống vắng, vô nghĩa, mà chỉ muốn tìm đến cái chết. Đối với tôi lúc bấy giờ, cuộc đời chẳng còn đáng sống nữa vì tất cả đã bỏ tôi.

Rồi thì vào một buổi sáng đẹp trời theo sẵn kế hoạch, tôi chờ cho y vừa đi khỏi, tôi đã cố gắng hết sức của cái thân bệnh hoạn và ốm yếu của tôi, phóng thật nhanh và nhắm thẳng đến hướng núi để trở về. Tôi nghĩ đằng nào cũng chết nhưng dẫu sao được chết nơi chôn nhau cắt rốn vẫn hạnh phúc hơn và hy vọng được gặp Thầy lần cuối cùng để cúi xin Thầy tha thứ tội lỗi cho tôi rồi tôi sẽ vui lòng mà nhắm mắt. Nhờ nghĩ vậy mà tôi đã chạy thoát được một đoạn khá xa mà không nghe có tiếng theo sau. Không may cho tôi vì sức yếu nên không chạy được bao cao lên phía chân núi thì kìa y đã ở phía đằng sau tôi, khoảng cách chỉ bằng một cú phóng. Lần sau cùng tôi còn nhớ là tôi lấy hết sức tàn của mình mà phóng lên mõm đá thật cao để tránh nanh vuốt của y, rồi sau đó tôi không còn nhớ và biết gì nữa!

Khi tôi mở mắt và tỉnh lại là lúc tôi nhận ra đang được nằm trên đôi vai thân thương của Thầy Mục Tử Tốt Lành của chúng ta. Giữa những lúc mơ mơ màng màng tôi đã được nghe Thầy nói với tôi những lời thật dịu dàng thật thiết tha và Trái Tim tôi đã cảm thấy ấm lên trong Hạnh Phúc thật thương yêu vì được kề cận bên Thầy.

Lậy Ngài Mục Tử Tốt Lành của chúng con ơi!
Ước gì cuộc sống của tất cả chúng con, luôn được An Bình và Hạnh Phúc, giống như những con chiên ngoan hiền được sống kề cận bên Chúa trên cánh đồng hiền hòa, luôn được sự bao che, săn sóc, thương yêu, vỗ về, và an ủi của Ngài cả ngày lẫn đêm. Amen.


**::* Vui Trên Đồng Cỏ Xanh *::**
**~* Tuyết Mai(25) 10-08-03 *~**

Trời cao mênh mông bao la.
Đàn chim tung bay phương xa.
Đồi non xanh um mây trắng giăng.
Hồ hởi với những bước chân nhịp nhàng.
Đưa ta đến đồng cỏ xanh non.
Sống thanh bình chỉ cần Chúa mà thôi!
Sống bên Ngài hạnh phúc nhất trần đời.

Ngài chăn nuôi tôi hôm nay.
Ngài lo cho tôi hôm mai.
Một tương lai không lo lắng chi.
Vậy bạn hỡi hãy sống cho trọn tình!
Luôn tha thiết hòa với anh em.
Đem tình Ngài vào cuộc sống bon chen.
Tới muôn người cần được biết tình Ngài.

ĐK:
Vì yêu Chúa đã hy sinh.
Bỏ thân cứu lấy dân chiên.
Ngài đã chuốc lấy bao muộn sầu.
Trên Thánh Giá trên Thập Tự khổ đau.
Cho chiên Ngài được mãi mãi bình an.

Về đây dâng muôn câu ca.
Ngài ơi, thương con xin tha.
Vì con, chiên hoang nay trở về.
Vì đã chán ngán thú vui thế trần.
Hôm nay đến đồng cỏ xanh non.
Hứa trọn đời chỉ gần Chúa mà thôi!
Sống bên Ngài hạnh phúc nhất trần đời.
 
Linh mục hình ảnh niềm vui Thiên quốc
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
15:45 09/04/2008
LINH MỤC HÌNH ẢNH NIỀM VUI THIÊN QUỐC

Cách đây 60 năm, ngày 21-7-1948, trước Hang Đá Massabielle ở Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ-Đức, Cha Giacomo Filon êm ái trút hơi thở cuối cùng, dưới ánh mắt dịu hiền của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA. Hôm ấy cũng kỷ niệm đúng 19 năm thụ phong Linh Mục của Cha trong dòng Phanxicô Cappuccino.

Thật là đại lễ tuyệt vời, trở về Nhà Cha trong ngày kỷ niệm hồng ân Linh Mục, để mãi mãi chúc tụng ngợi khen THIÊN CHÚA Nhân Từ! Cha kết thúc cuộc đời hơn 20 năm gắn liền với cuộc khổ nạn của Thầy Chí Thánh GIÊSU KITÔ, trong an bình thánh thiện và nhất là trong tươi vui. Một niềm vui đến từ Trời Cao luôn giải sáng rạng-ngời trên khuôn mặt Cha, mặc cho bao đau đớn thể xác hoành hành.

Cha Giacomo Filon chào đời ngày 2-8-1900 tại Balduina thuộc tỉnh Rovigo (Bắc Ý) trong gia đình Công Giáo đạo đức có 8 người con. Sau thời gian thơ ấu tràn đầy hạnh phúc, Giacomo xin gia nhập dòng Phanxicô Cappuccino.

Trong thời gian học thần học chuẩn bị tiến lên chức linh mục, thầy Giacomo bắt đầu cảm thấy nhiều dấu hiệu không lành trong cơ thể. Tâm trí thầy hoàn toàn tỉnh táo nhưng khả năng diễn tả tư tưởng bằng lời nói bị thu hẹp rất nhiều, kể cả việc đi đứng. Nhưng các đau đớn và bệnh hoạn thể xác không làm lung lạc ý chí can cường. Thầy tiếp tục việc học và thụ phong Linh Mục ngày 21-7-1929.

3 năm sau - 1932 - Cha Giacomo Filon được chỉ định làm Linh Mục Giải Tội nơi nhà nguyện của dòng tại Udine (Bắc Ý). Từ nay cho đến khi trút hơi thở cuối cùng - ròng rã 16 năm - Cha Giacomo chu toàn sứ mệnh cách tuyệt hảo.

Mỗi ngày từ sáng sớm đến chiều tối, nơi tòa giải tội tối thui, Cha Giacomo kiên nhẫn ngồi đợi các hối nhân đến xưng thú lỗi lầm. Cha trao ban ơn tha thứ, nói lời an ủi và khuyến khích cho hàng ngàn, hàng ngàn hối nhân, đặc biệt là các Linh Mục. Tín hữu Công Giáo trong vùng nhẫn nại xếp hàng để xưng tội với Cha. Những năm cuối đời khi Cha Giacomo không còn đủ sức lê bước xuống Nhà Thờ ngồi tòa giải tội thì các tín hữu xếp hàng trước phòng Cha để tiếp tục xưng tội với Cha.

Lý do nào lôi kéo các tín hữu đến với Cha Giacomo??? Mọi người nhất loạt làm chứng:

- Đôi mắt vừa đẹp vừa kín đáo của Cha như gieo rắc lòng tin tưởng vào tâm hồn hối nhân.

- Nụ cười tế nhị của Cha như một nhắc nhở cho hối nhân nhớ về niềm vui thiên quốc.

Mặc dầu không nói được nhiều, nhưng những lời khuyên ít-ỏi vắn-gọn của Cha trở thành dầu ô-liu có sức chữa trị cách tuyệt vời các vết thương lòng. Cha Giacomo là hình ảnh người Samaritano nhân hậu trong Phúc Âm cúi xuống nhẹ nhàng săn sóc người bị thương nằm bên vệ đường.

Năm 1948, khi lâm trọng bệnh và phải nằm liệt giường, Cha Giacomo Filon bày tỏ ước nguyện tham dự chuyến hành hương Lộ-Đức. Nhưng Bề Trên không chấp thuận vì thấy Cha quá yếu, sợ Cha chết dọc đường. Tuy nhiên, có vài tín hữu Công Giáo tốt lành trong thành Udine động lòng trắc ẩn. Họ tình nguyện chịu trách nhiệm đưa Cha đi hành hương Lộ-Đức. Thế là Cha được toại nguyện.

Cuộc hành trình thật cam go ròng rã 36 tiếng đồng hồ trên xe lửa. Khi đến Lộ-Đức, Cha Giacomo Filon thật sự kiệt sức. Vì thế, thay vì tham dự Cuộc Rước Kiệu Mình Thánh Chúa, Cha xin đưa đến trước Hang Đá Lộ-Đức. Cha tiên báo mình sẽ chết tại đây và bày tỏ ước nguyện nếu Cha chết thì xin được an táng tại Lộ-Đức. Và đã xảy ra y như lời Cha nói. Cha Giacomo Filon êm ái trút hơi thở cuối cùng trước Hang Đá Đức Mẹ và được chôn cất tại nghĩa trang Lộ-Đức.

Hai tháng sau ngày Cha Giacomo Filon qua đời, một phụ nữ Công Giáo sống tại Lộ-Đức tên Madeleine Marty mang hoa đến đặt trên mộ hiền phu quá cố. Khi đi ngang mộ Cha Giacomo Filon, bà nghe trong lòng có tiếng nói:

- Nếu con mang hoa cho chồng, sao con không mang cho Cha nữa? Nếu con mang hoa cho Cha thì Cha hứa với con rất nhiều ơn lành, gấp một, hai, ba lần!

Người phụ nữ tin lời hứa và đã mang hoa đến đặt trên mộ Cha Giacomo.

Ân phúc bắt đầu tuôn đổ như lời Cha Giacomo hứa. Ân lành nhận lãnh nhiều đến độ người ta viết thư đến Tu Viện Các Linh Mục dòng Phanxicô Cappuccino ở Ý để xin tiểu sử cuộc đời Cha Giacomo Filon. Vì thế mà cuộc đời Cha được phổ biến rộng rãi trong toàn miền Nam nước Pháp.

Năm 1985 bà Madeleine Marty qua đời. Bà xin khắc trên mộ mình câu viết:

- Madeleine Marty, người nữ chăm sóc phần mộ Cha Giacomo.

Án phong Chân phước cho Cha Giacomo Filon khởi sự từ hơn 10 năm qua ở cấp giáo phận. Hiện hồ sơ được Bộ Phong Thánh cứu xét.

... ”Quả thế, người ta được THIÊN CHÚA làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang THIÊN CHÚA, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ THIÊN CHÚA ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Chúa GIÊSU KITÔ. THIÊN CHÚA đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ Máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, THIÊN CHÚA cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời THIÊN CHÚA nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ được nên công chính” (Thư gửi tín hữu Roma 3,22-26).

(”LOURDES Magazine”, n.6, Settembre-Ottobre/2005, trang 41)
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:58 09/04/2008
KHỈ NHỎ TRỒNG RAU

N2T


Mùa xuân đến rồi, các thú vật nhỏ cùng nhau thương lượng, nói: “Kế hoạch của một năm thì ở mùa xuân, chúng ta không thể bỏ qua một cách vô ích, phải nắm vững thời gian trồng trọt, để đến mùa thu thì chúng ta nhất định sẽ được thu hoạch lớn.”

Thế là, thỏ con quyết định trồng cà rốt, dê con quyết định trồng cải bẹ, ngựa con thì quyết định trồng bí ngô, chỉ có khỉ con là không có chủ ý, lề mề không hạ quyết tâm nên trồng thứ gì. Nó đi bàn hỏi với thỏ con, thỏ nói: “Trồng cà rốt nhé, vừa ngọt lại vừa giòn, ăn được nhiều”, khỉ con sau nghi nghe xong thì cảm thấy có lý, thế là trở về nhà quyết định trồng cà rốt.

Hai ngày sau, cây cà rốt đâm ra những chồi non mới, khỉ con nhìn thấy chồi non xanh mướt thì trong bụng rất vui. Sau đó nó đi thăm dê con, dê con nghe tin khỉ nhỏ trồng cà rốt thì nói: “Trồng cải bẹ thì tốt hơn, vừa tươi lại vừa mềm, cà rốt ấy làm gì bằng cải bẹ chứ !” khỉ con nghe xong thì cảm thấy có lý, thế là về nhà nhổ cà rốt vừa có chồi non lên để trồng cải bẹ.

Mấy ngày sau, cải bẹ mọc ra chồi non, khỉ nhỏ trong lòng rất vui, nó nghĩ đến bí ngô của ngựa con nên quyết định đi coi thế nào. Đến nhà của ngựa con, ngựa con nghe nói khỉ nhỏ trồng cải bẹ thì nói: “Tại sao trồng cải bẹ, bí ngô vừa ngọt vừa thơm, ăn nhiều được, chi bằng đổi qua trồng bí ngô đi !” Khỉ nhỏ vừa nghe xong thì cảm thấy có lý, thế là về nhà nhổ hết cải bẹ vừa mọc chồi non lên, đổi qua trồng bí ngô.

Thời gian ngày lại ngày đi qua, mùa thu vậy mà đã đến rồi. Thỏ con thu hoạch được một xe cà rốt, thu hoạch của dê con là một xe cải bẹ, thu hoạch của ngựa con là một xe bí ngô. Còn khỉ nhỏ thì sao ? Chỉ một trận mưa lớn làm ngập chết những luống bí ngô chưa kịp lớn, khỉ nhỏ bận cả năm trời, rốt cuộc cái gì cũng không đạt được.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Con khỉ nhỏ không có chủ ý cho mình, tức là nó không có kế hoạch làm việc cho bản thân, nó không tuân theo quy luật “mùa xuân trồng mùa thu gặt”, để rồi đi hỏi ý kiến của người khác, kết quả là nó bỏ lỡ thu hoạch thời vụ.

Đi hỏi ý kiến của người khác khi mà họ cùng với mình không giống nhau về cách sinh hoạt, mà con người ta ai cũng muốn người khác bắt chước mình, dù cái sở trường của mình không hợp với người ta.

Chúng ta là người Ki-tô hữu, cho nên để sống đạo tốt hơn và có kết quả hơn, thì các em nên hỏi ý kiến của cha sở, của bố mẹ, của anh chị và của những người có trách nhiệm dạy dỗ mình, như các dì phước, các anh chị huynh trưởng, để đời sống linh thiêng của mình ngày càng nên thánh thiện hơn.

Các em thực hành:

- Tập thói quen đọc kinh cám ơn Chúa sáng và tối.

- Tập thói quen đi dâng thánh lễ ngày thường.

- Thập thói quen biết phân chia thời khóa biểu trong ngày để học hành, cầu nguyện, giải trí.v.v...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:59 09/04/2008
N2T


18. Một người rước lễ mỗi ngày, thì ngay cả những tội nhẹ họ cũng nhất định thoát khỏi, và sẽ không có bất cứ liên hệ nào với chúng nó (tội nhẹ).

(Thánh Pius X)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp ĐTC Benedictô XVI gửi nhân dân Hoa Kỳ
LM Trần Đức Anh OP
09:03 09/04/2008
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 sẽ mang sứ điệp Hy Vọng đến Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc trong cuộc viếng thăm từ ngày 15 đến 20-4 tới đây.

Trong sứ điệp Video được công bố hôm 8-4-2008, tại Roma và Hoa Kỳ, ĐTC nói: ”Như anh chị em đã biết, tôi chỉ có thể viếng thăm hai thành phố Washington và New York, nhưng ý hướng cuộc viếng thăm của tôi là hướng đến tất cả các tín hữu Công Giáo tại Hoa Kỳ. Đồng thời tôi cũng thành tâm hy vọng sự hiện diện của tôi nơi anh chị em sẽ được coi như một cử chỉ huynh đệ đối với mọi cộng đoàn Giáo Hội, và như một dấu chỉ thân hữu đối với mọi thành phần các truyền thống tôn giáo khác cũng như mọi người thiện chí. Chúa Phục sinh đã ủy thác cho các Tông Đồ và Giáo Hội Tin Mừng yêu thương và an bình của Ngài, và chủ ý của Ngài là làm sao để sứ điệp này được chuyển đến mọi dân tộc”.

Sau khi cám ơn tất cả những người đang cộng tác vào việc chuẩn bị và cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài, ĐTC nhắc đến chủ đề cuộc viếng thăm và nói: ”Cùng với các GM của anh chị em, tôi đã chọn chủ đề cuộc viếng thăm của tôi là 3 chữ đơn sơ nhưng thiết yếu ”Christ our hope”, ”Chúa Kitô niềm hy vọng của chúng ta”. Theo vết chân các vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2, tôi sẽ đến Hoa Kỳ lần đầu tiên trong tư cách là Giáo Hoàng, để công bố sự thật cao cả này: Chúa Kitô là niềm hy vọng của mọi người nam nữ thuộc mọi ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa và hoàn cảnh xã hội. Đúng vậy Chúa Kitô là tôn nhan của Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta. Nhờ Ngài, cuộc sống chúng ta đạt được sung mãn, và cùng nhau, với tư cách cá nhân và dân tộc, chúng ta có thể trở thành một gia đình hiệp nhất nhờ tình yêu thương huynh đệ, theo kế hoạch ngàn đời của Thiên Chúa Cha”. Tôi biết rõ sứ điệp Tin Mừng này ăn rễ sâu nơi đất nước của anh chị em. Tôi đến để chia sẻ sứ điệp ấy với anh chị em, trong một loạt các buổi lễ và gặp gỡ. Tôi cũng sẽ mang sứ điệp Hy vọng Kitô tới đại hội đồng LHQ, tới các đại diện của mọi dân tộc trên thế giới. Thực vậy, thế giới đang cần hy vọng hơn bao giờ hết: hy vọng hòa bình, công lý, tự do, nhưng hy vọng này không bao giờ có thể được mãn nguyện nếu không tuân theo luật của Thiên Chúa, luật mà Chúa Kitô đã cho viên mãn trong giới răn yêu thương lẫn nhau. Hãy làm cho người khác điều mà bạn muốn họ làm cho bạn, và hãy tránh làm điều bản không muốn họ làm cho bạn. ”Khuôn vàng thước ngọc” này được trình bày trong Kinh Thánh, nhưng cũng có giá trị đối với mọi dân tộc, kể cả những người không tín ngưỡng. Đó là luật được ghi khắc trong tâm hồn con người; tất cả chúng ta đều có thể đồng ý về điều đó, đến độ khi chúng ta đề cập tới các vấn đề khác, chúng ta có thể hoạt động một cách tích cực và xây xưng cho toàn thể cộng đoàn nhân loại”.

Trong sứ điệp, ĐTC cũng ngỏ lời bằng tiếng Tây Ban Nha, để chào thăm các tín hữu thuộc ngôn ngữ này, và đặc biệt bày tỏ sự gần gũi của ngài với các bạn trẻ, các bệnh nhân, người già và những người đang ở trong tình cảnh khó khăn”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, các bạn tại Hoa Kỳ quí mến, tôi đang mong được ở cùng anh chị em. Tôi muốn anh chị em biết rằng, tuy lộ trình của tôi ngắn ngủi, chỉ có một số ít sinh hoạt, nhưng tâm hồn tôi gần gũi với tất cả anh chị em, đặc biệt là những người yếu đau và lẻ loi. Một lần nữa tôi cám ơn anh chị em vì lời cầu nguyện nâng đỡ sứ vụ của tôi. Tôi thân ái gởi đến mỗi người trong anh chị em lòng quí mến và khẩn cầu sự phù trợ hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria trên anh chị em”. (SD 8-4-2008)
 
Đức Thánh Cha viếng thăm Đền tưởng niệm các chứng nhân đức tin
LM Trần Đức Anh OP
09:05 09/04/2008
ROMA. Chiều 7-4-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã đến viếng Đền kỷ niệm các chứng nhân đức tin thế kỷ 20 và 21. Ngài đề cao các vị tử đạo và mời gọi các tín hữu noi gương các anh hùng đức tin và lòng kiên trì của các vị trong việc phục vụ Tin Mừng.

Đền kỷ niệm này được bố trí trong Vương cung thánh đường Thánh Bartolomeo tại đảo Tiberina giữa sông Tevere ở Roma, và được Đức Gioan Phaolô 2 giao cho Cộng đồng thánh Egidio thành lập và bảo quản từ sau năm 2000. Cuộc viếng thăm của ĐTC trùng vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Cộng đồng thánh Egidio, một tổ chức giáo dân hiện dó 50 ngàn thành viên chuyên hoạt động bác ái, đại kết, liên tôn và xây dựng hòa bình tại hơn 70 nước trên thế giới.

Đến Thánh đường vào lúc 5 giờ rưỡi chiều, ĐTC viếng Mình Thánh Chúa và cầu nguyện trước hài cốt thánh Bartolomeo và ảnh các vị tử đạo mới, rồi chủ sự buổi phụng vụ Lời Chúa với Cộng đồng thánh Egidio và các tín hữu. Hiện diện trong buổi cầu nguyện đặc biệt có ĐHY Camillo Ruini, Giám quản Roma, 10 Hồng y và 16 GM khác, đặc biệt là Đức Cha Vincenzo Paglia, GM giáo phận Terni là người đã xuất thân từ Cộng đồng thánh Egidio.

Thánh đường chỉ có 500 chỗ nên 7.500 người phải tham dự buổi Phụng vụ từ quảng trường bên ngoài qua 4 màn hình khổng lồ và loa phóng thanh. Trong số những người hiện diện có nhiều người di dân, người già, trẻ em, người tàn tật và người du mục.

Trong bài giảng, ĐTC đề cao ngọn lửa tình yêu đã thúc đẩy Chúa Kitô đổ máu đào vì chúng ta, nhờ đó chúng ta được thanh đẩy. Cả các vị tử đạo cũng được nâng đỡ bằng ngọn lửa ấy, đã đổ máu đào và được thanh đẩy trong tình yêu: trong tình yêu của Chúa Kitô, các vị đã có khả năng hy sinh mạng sống vì tình yêu”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Khi dừng lại trước 6 bàn thờ nhắc nhớ các tín hữu Kitô đã ngã gục dưới bạo lực độc tài của chế độ cộng sản, Đức quốc xã, những vị bị sát hại tại Mỹ châu, Á châu, Úc châu, tại Tây Ban Nha, Mêhicô, Phi châu, chúng ta hồi tưởng lại bao nhiêu biến cố đau thương trong thế kỷ 20. Bao nhiêu vị đã ngã gục trong lúc thi hành sứ mạng truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Máu đào của các vị pha trộn máu đào của các tín hữu Kitô bản xứ là những người đã được các vị thông truyền đức tin. Nhiều vị khác, trong thân phận thiểu số, bị sát hại vì người ta oán ghét đức tin. Sau cùng, nhiều vị khác bị sát tế vì không muốn bỏ rơi những người túng thiếu, nghèo khổ và những tín hữu đã được ủy thác cho các vị, bất chấp đe dọa và nguy hiểm. Các vị là những GM, LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân”.

ĐTC nêu nhận xét: ”Bề ngoài dường như bạo lực, các chế độ độc đoán, bách hại, tàn bạo mù quáng tỏ ra là kẻ mạnh hơn, làm im bặt tiếng nói của các nhân chứng đức tin. Nhưng Chúa Giêsu Phục Sinh soi chiếu chứng tá của các vị tử đạo và chúng ta hiểu ý nghĩa chứng tá của các vị.. Trong sự thất bại và tủi nhục của bao nhiêu người chịu đau khổ vì Tin Mừng, có một sức mạnh đang hoạt động mà thế gian không biết: đó là sức mạnh của tình yêu, yếu thế, nhưng chiến thắng cả khi bề ngoài có vẻ là thật bại. Đó chính là sức mạnh thách thức và chiến thắng sự chết”.

Sau buổi phụng vụ Lời Chúa trong thánh đường, ĐTC đã tiến ra quảng trường bên ngoài. Ngài chào tham và chúc mừng tất cả các thành viên Cộng đồng thánh Egidio trên thế giới và nói rằng: ”Ước gì tấm gương của các vị tử đạo mà chúng ta đã tưởng niệm, tiếp tục hướng dẫn bước đường của anh chị em, để anh chị em trở thành những người bạn đích thực của Thiên Chúa, và của nhân loại. Anh chị em đừng sợ những khó khăn và đau khổ đi kèm hoạt động truyền giáo. Đó chính là điều ở trong ”lô-gíc” của chứng tá can đảm về tình yêu Kitô”.

Sau cùng, ĐTC không quên gửi lời chào thăm các tu sĩ dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa và các bệnh nhân cũng như các nhân viên y tế tại Bệnh viện của dòng tại đảo Tiberina (SD 7-4-2008)
 
Phỏng vấn về án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo II
LM Trần Đức Anh OP
09:08 09/04/2008
Phỏng vấn Đức Ông Slawomir Oder, về án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo II

VATICAN - Trong các ngày vừa qua nhân dịp kỷ niệm 3 năm Đức Gioan Phaolô II qua đời, trên toàn nước Ba Lan đã có các buổi cử hành tưởng niệm, Thánh Lễ cầu hồn và các buổi canh thức. Đặc biệt là tại Cracovia thành phố của Đức Karol Wojtila, thánh lễ cầu hồn đã do Đức Cha Ian Skodon, Giám Mục Phụ tá giáo phận chủ sự tại nhà thờ hai thánh Pherô

Phaolô là ngôi nhà thờ kiểu barocco cổ xưa nhất Cracovia. Trong nhà thờ này từ 3 năm nay, vào mỗi ngày thứ bẩy đầu tháng đều có thánh lễ tưởng niệm Đức Gioan Phaolô II. Tại quảng trường chính của thành phố Cracovia cũng đã có buổi hòa nhạc tưởng niệm Đức Cố Giáo Hoàng. Và lúc 9 giờ tối giới trẻ thành phố đã tham dự buổi canh thức tưởng niệm tại tòa tổng giám mục, ngay dưới bao lơn và ”cửa sổ của Đức Giáo Hoàng”, nơi Đức Gioan Phaolô II ra chào người trẻ và dân chúng mỗi khi ngài về Ba Lan. Buổi canh thức đã được nối trực tiếp qua màn truyền hình với hầm đền thờ thánh Phêrô, nơi Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, hướng dẫn buổi lần hạt Mân Côi trước mộ Đức Gioan Phaolô II.

Tại Roma chiều ngày mùng 1-4-2008 đã có buổi lễ giới thiệu cuốn sách ”Một đời với Karol” do Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz viết cùng với nhà báo chuyên viên về các vấn đề Vatican Franco Svidercoschi, ấn bản bỏ túi tiếng Ý. Ấn bản đầu tiên gồm 2 triệu cuốn đã được bán tại 15 quốc gia. Buổi giới thiệu đã diễn ra tại nhà thờ Đức Bà Trastevere với sự tham dự của nhiều Hồng Y và giới chức chính trị văn hóa cũng mhư các nhà báo. Ngoài Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Tổng Trưởng Bộ Giám Mục và Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, còn có ông Carlo Azelio Ciampi, nguyên Tổng Thống Italia, ông Francesco Rutelli, Phó Thủ Tướng và thượng nghị sĩ Giulio Andreotti.

Trong số những người phát biểu có Đức Hồng Y tác giả Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, Đức Hồng Y Camillo Ruini, Giám Quản Roma, ông Francesco, nhân viên quét dọn phòng cho Đức Gioan Phaolô II và là người cuối cùng Đức Thánh Cha muốn gặp trước khi qua đời, sử gia Andrea Riccardi sáng lập viên cộng đồng thánh Egidio, cũng như nhà báo Svidercoschi và Đức Ông Slawomir Oder, thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II.

Phát biểu trước cử tọa Đức Hồng Y Ruini nêu bật rằng toàn cuộc sống của Đức Cố Giáo Hoàng được hướng tới Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II là con người có khả năng cầu nguyện sâu xa và tỏa rạng sự thánh thiện cùng với sự khôn ngoan và trí thông minh. Đồng thời ngài cũng là người có lòng tin đơn sơ của một em bé và sự vững vàng như đá tảng của lòng tin của dân ngài. Bí quyết của Đức Gioan Phaolô II là sự thống nhất trong cuộc sống, nảy sinh từ tương quan cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài cầu nguyện trước mỗi một cuộc găp gỡ hay quyết định quan trọng. Đức Hồng Y Ruini còn nhớ có lần được Đức Gioan Phaolo II mời dùng bữa trưa, khi Đức Hồng Y đến thì thấy Đức Thánh Cha đang cầu nguyện vì ngài đang đợi một cú điện thoại của Tổng Thống Bush.

Lên tiếng trong buổi giới thiệu cuốn sách ”Một đời với Karol” Đức Ông Slawomir Oder cho biết án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II đã làm nổi bật chiều kích đại đồng những lời giảng dậy của người và làm nảy sinh ra nhiều nơi cầu nguyện mang tên Gioan Phaolo II kể cả bên Qatar, Irak, Nga, Marốc và Thụy Điển.

Trước đó ngày 31-3-2008 trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng Đức ông Slawomir Oder đã cho biết tập hồ sơ đúc kết ”positio” bán chính thức của án phong chân phước đã được hoàn tất và chuyển tới vị tường trình viên án phong là cha Daniel Ols.

Tập hồ sơ này dầy hơn 2.000 trang liên quan tới việc thực hành các nhân đức của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được cha Daniel Ols duyệt lại, trước khi chấp nhận để trở thành tập hồ sơ chính thức chung kết. Sau đó hồ sơ sẽ được gửi tới 9 vị cố vấn của Bộ Phong Thanh cứu xét và cho ý kiến. Nếu hầu hết các ý kiến của các vị cố vấn đều thuận, thì hồ sơ sẽ được đệ trình lên Hội Đồng Hồng Y của Bộ Phong Thánh cứu xét. Nếu được Hội Đồng này chấp thuận, thì Đức Thánh Cha sẽ cho phép công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của vị Tôi Tớ Chúa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Ông Oder về án phong chân phước cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Hỏi: Thưa Đức Ông, án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II đã tiến hành tới đâu rồi?

Đáp: Trong những ngày vừa qua tôi đã nộp bản thảo hồ sơ đúc kết bán chính thức gọi là ”Positio”. Đây là tập hồ sơ thu góp tất cả các tài liệu, được sắp xếp theo thứ tự có hệ thống, liên quan tới Đức Gioan Phaolô II. Còn có một số khiá cạnh ”kỹ thuật” cần xác định. Cha Daniel Ols, tường trình viên án phong chân phước cạnh Bộ Phong Thánh đã theo dõi việc soạn thảo, sẽ duyệt xét lại và thêm phần trình bày của ngài vào nữa. Sau cùng thì hồ sơ sẽ gồm khoảng 2.500 trang tất cả.

Hỏi: Sau đó thì lộ trình án phong sẽ tiếp tục như thế nào thưa Đức Ông?

Đáp: Việc đệ trình tài liệu đúc kết mở ra một chặng mới trong tiến trình án phong chân phước. Đó là việc thừa nhận giá trị của giai đoạn giáo phận của tiến trình án phong chân phước, từ phía Bộ Phong Thánh với việc đệ trình một tài liệu khác, lần này thì liên quan tới phép lạ đã xảy ra nhờ lời chuyển cầu của Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II.

Hỏi: Thưa Đức Ông đã có bao nhiêu phép lạ do lời bầu cử của Đức Gioan Phaolo II được báo cáo, và có bao nhiêu phép lạ được đệ trình để Bộ Phong Thánh cứu xét?

Đáp: Trước hết cần phải xác định một điều: đó là chúng tôi không nói tới ”phép lạ”, nhưng nói tới các ”ơn” nhận được và giáo dân cho rằng đó là do lời bầu cử của Vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II. Nếu đó có phải là các phép lạ hay không là tùy thuộc Bộ Phong Thánh xác định qua tiến trình án phong chân phước. Chúng tôi đã đặc biệt nhận được 4000-5000 trường hợp các ơn nhận được nhờ lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II. Nhưng chúng tôi đã chỉ đệ trình lên một trường hợp mà mọi người đều đã biết: đó là một nữ tu người Pháp được khỏi bệnh Parkinson nhờ lời cầu cử của Đức Gioan Phaolô II.

Hỏi: Thưa Đức Ông, trong giai đoạn điều tra cấp giáo phận, Đức Ông cũng đã nói tới một trường hợp xảy ra tại Trung Quốc. Câu chuyện đã ra sao rồi thưa Đức Ông?

Đáp: Vâng, đúng thế. Người ta có đệ trình một trường hợp xảy ra tại Trung Quốc và xem ra rất là hay. Chúng tôi đã yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ liên quan tới ơn lạ nhận được, nhưng sau đó chúng tôi đã không nhận được câu trả lời nào, vì thế nên trường hợp này đã không được cứu xét sâu hơn.

Hỏi: Từ nay trở đi thì Đức Ông sẽ có nhiệm vụ gì, thưa Đức Ông?

Đáp: Cần phải soạn thảo tài liệu liên quan tới phép lạ. Nhưng trong mọi trường hợp vị thỉnh nguyện viên hành động giống như viện biện lý tư pháp, chú ý tới tất cả các khía cạnh của án phong chân phước, kể cả các khía cạnh bàn giấy nữa.

Hỏi: Đức Ông có tiên liệu điều gì liên quan tới án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II không?

Đáp: Không thể tiên liệu trước được. Nhưng tôi chỉ có thể lập lại là tôi hy vọng rằng án phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II kết thúc sớm hết sức chừng nào có thể, và tôi biết rằng có rất nhiều người trên toàn thế giới cầu nguyện cho án phong chân phước sớm kết thúc.

Hỏi: Trong giai đoạn điều tra cấp giáo phận đã có hàng ngàn lá thư từ khắp nơi trên thế giới được gửi tới ủy ban phong thánh ở Roma. Hiện nay tín hữu có còn tiếp tục gửi thư nữa hay không thưa Đức Ông?

Đáp: Chúng tôi nhận được thư mỗi ngày. Dòng sông này đã không ngưng nghỉ trong ba năm qua. Dĩ nhiên tôi không chỉ nói tới các ”ơn” mà tín hữu nhận được do lời cầu bầu của Đức Gioan Phaolô II, rất thường khi các thư kể lại tương quan tín hữu đã có với Đức Gioan Phaolô II, các tâm tình của họ, các kinh nghiệm mà họ đã sống. Chẳng hạn sáng nay tôi cũng đã nhận được một lá thư của một cặp vơ chồng người Ba Lan. Trước đây họ đã viết thư và kể lại thảm cảnh của họ là không có con, nhưng lần này họ báo tin cho tôi biết là họ mới sinh con trai.

(Avvenire 2-4-2008)

Linh Tiến Khải
 
Tại Liên Hiệp Quốc, Đức thánh cha sẽ đọc diễn từ về Nhân Quyền
Phụng Nghi
09:50 09/04/2008
Vatican (Zenit) -Theo phát ngôn viên của Tòa thánh cho biết, trong cuộc viếng thăm LHQ tại New York, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI dự trù sẽ nói về căn bản của nhân quyền.

Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh đưa ra các chi tiết về cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng tại văn phòng các tổ chức quốc tế; ngài đã được mời tới nơi đây do vị cựu tổng thư ký LHQ cũng như vị tổng thư ký đương nhiệm.

Cuộc viếng thăm LHQ của Đức thánh cha vào buổi sáng ngày thứ Sáu, 18 tháng 4, lâu chừng 3 giờ, sẽ đánh dấu ngày kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.

Theo cha Lombardi cho biết: “Điều người ta trông đợi là bài diễn văn sẽ đặt trọng tâm vào các quyền của con người, về căn bản, sự hiệp nhất và tính chất không thể chia cắt [của các quyền này]. Đó là những chủ đề rất gần gũi trái tim của Đức thánh cha Bênêđictô XVI.”

Khi từ Washington đến LHQ, Đức giáo hoàng sẽ được chính thức chào mừng và sau đó lên lầu 38 để có cuộc họp riêng với Tổng thư ký Ban Ki-moon.

Sau đó ngài sẽ tới sảnh đường đại hội nghị để đọc diễn từ trước một cử tọa khoảng 3000 thính giả, đại diện của 192 quốc gia thành viên LHQ.
Trụ sở LHQ tại New York


Tiếp theo, Đức thánh cha sẽ chào mừng đại diện của các phái đoàn, rồi có một cuộc họp riêng với ông chủ tịch, chủ tịch Hội đồng Bảo an, và 60 viên chức LHQ. Trong lúc đó, 3000 thính giả đã nghe Đức giáo hoàng đọc diễn từ sẽ rời sảnh đường để nhường chỗ cho 3000 nhân viên làm việc tại LHQ đi vào nghe Đức thánh cha nói chuyện với họ.

Cuối cùng, Đức thánh cha sẽ thăm Thiền Phòng (Meditation Room); nơi đây các vị giáo hoàng tiền nhiệm là Phaolô VI và Gioan Phaolô II đã dừng chân ngồi thinh lặng trong một khoảng thời gian.

Tòa thánh có quy chế là quan sát viên thường trực tại LHQ.

Quy chế này cho Tòa thánh có quyền được tham dự các buổi tranh luận chung của Đại hội đồng LHQ; quyền được phúc đáp, quyền được có các thông tri phát hành và phân phối trực tiếp tới các đại diện như một văn bản chính thức của hội đồng, và quyền được đồng bảo trợ các nghị quyết và quyết định được dự thảo có liên quan đến Tòa thánh.

Tại New York, Đức thánh cha sẽ ngụ tại trú sở của Tổng giám mục người Ý Celestino Migliore, là quan sát viên thường trực của Tòa thánh cạnh LHQ.
 
Thánh Biển Đức, ông tổ của phong trào viện tu Tây Phương và thuyết nhân bản đích thật
Linh Tiến Khải
15:44 09/04/2008
VATICAN - Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 9-4-2008 đã có 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ hằng tuần với Đức Thánh Cha. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Biển Đức, ông tổ phong trào Viện Tu bên Tây Phương.

Chúng ta biết được cuộc đời thánh nhân nhờ quyển II trong tác phẩm ”Đối thoại” của thánh Giáo Hoàng Gregorio Cả viết năm 592, tức 50 năm sau khi thánh Biển Đức qua đời. Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả ca tụng thánh Biển Đức là người của Thiên Chúa rạng rỡ trên trái đất này nhờ các phép lạ và ngời sáng trong tài hùng biện khi trình bầy giáo lý của Chúa (Dial. II,36). Cuộc đời và công trình của thánh Biển Đức thành Norcia đã có ảnh hưởng nền tảng đối với sự phát triển của nền văn minh và văn hóa âu châu.

Đức Gregorio Cả kể lại cuộc đời thánh Biển Đức để cho thấy gương cụ thể của một người đã đạt đỉnh cao của sự chiêm niệm nhờ tín thác nơi Thiên Chúa. Người cũng kể lại rất nhiều phép lạ thánh Biển Đức đã làm để cho thấy Thiên Chúa không phải là một Đấng sống xa cách thế giới và loài người, nhưng can thiệp vào những tình trạng cụ thể của cuộc sống con người. Thời đại của thánh Biển Đức giữa thế kỷ thứ V thế kỷ thứ VI là thời đại khủng hoảng các giá trị và cơ cấu gây ra bởi sự sụp đổ của đế quốc Roma, bởi cuộc xâm lăng của các dân tộc mới và sự suy đồi phong hóa. Khi giới thiệu gương mặt của thánh Biển Đức như ”tinh đẩu rạng ngời”, Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả muốn cho thấy lối thoát khỏi đêm đen của lịch sử. Thật thế, công trình của thánh Biển Đức và đặc biệt là Luật Dòng của người cho thấy một hiện tượng tinh thần thay đổi bộ mặt của Âu châu, khơi dậy một sự hiệp nhất tinh thần và văn hóa mới là lòng tin Kitô được các dân tộc của đại lục này chia sẻ, sau khi sự hiệp nhất của đế quốc Roma sụp đổ. Thực tại Âu châu nảy sinh từ đó. Đề cập tới tiểu sử của thánh Biển Đức Đức Thánh Cha nói:

Thánh Gregorio cho biết thánh Biển Đức sinh vào khoảng năm 480 thuộc vùng Norcia. Cha mẹ người khá giả nên gửi người về Roma học. Nhưng người không ở Roma lâu, vì như Đức Gregorio cho biết, thiếu niên Biển Đức chán ngấy kiểu sống trác táng của các bạn đồng trang lứa, và không muốn phạm cùng các lỗi lầm ấy. Người chỉ muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi. Vì thế trước khi kết thúc chương trình học, Biển Đức rời Roma và lui vào sống trong vùng núi tĩnh mịch ở mạn đông Roma. Sau khi dừng chân tại làng Effide, nơi thánh nhân sống chung với một cộng đoàn tu sĩ, người sống đời ẩn tu tại Subiaco 3 năm, hoàn toàn một mình trong một hang đá. Từ thời Trung Cổ trở đi nơi này trở thành con tim của một tu viện biển đức, được gọi là ”Hang thánh”. Thời gian sống cô tịch một mình với Chúa tại Subiaco đã là thời gian trưởng thành. Thánh nhân chịu và thắng vượt được ba thử thách là tự mãn coi mình là trung tâm, tình dục, và giận dữ báo thù. Thánh nhân xác tín rằng chỉ khi thắng vượt được ba chước cám dỗ đó, người mới có thể nói lời hữu ích cho những ai cần trợ giúp. Thánh nhân đã hoàn toàn kiểm soát được cái tôi của mình, và là người tạo dựng hòa bình chung quanh. Chỉ khi đó người mới quyết định thành lập các tu viện đầu tiên trong thung lũng Anio, gần Subiaco.

Tiếp tục kể lại cuộc đời thánh Biển Đức Đức Thánh Cha nói: vào năm 529 thánh nhân bỏ Subiaco để đến sống tại Montecassino nam Italia. Nhiều người giải thích sự di chuyển này như là việc chạy trốn một âm mưu đen tối của giáo sĩ địa phương, nhưng thật ra nó ghi dấu một giai đoạn trưởng thành nội tâm và kinh nghiệm viện tu mới. Thánh Gregorio Cả giải thích rằng đời sống kín ẩn trong viện tu có lý do của nó, nhưng tu viện cũng có một nhiệm vụ công cộng trong cuộc sống Giáo Hội và xã hội: nó phải cho thấy lòng tin như là sức mạnh của cuộc sống. Thật thế ngày 21 tháng 3 năm 547 khi thánh Biển Đức qua đời, với Luật Lệ và gia đình Biển Đức người đã để lại một gia tài với rất nhiều hoa trái trên toàn thế giới trong các thế kỷ qua.

Trong cuốn hai của tác phẩm ”Đối Thoại” thánh Gregorio Cả cho chúng ta biết cuộc sống của thánh Biển Đức chìm đắm trong lời cầu nguyện, là nền tảng cuộc sống của người. Không có lời cầu nguyện, thì không có kinh nghiệm với Thiên Chúa. Nhưng nền tu đức của thánh Biển Đức không phải là sự nội tâm ngoài thực tế. Thánh nhân không bao giờ rời ánh mắt khỏi cuộc sống thường ngày và con người với các nhu cầu của nó. Đối với thánh nhân cuộc sống viện tu là ”trường học phục vụ Chúa” (Prol. 45). Người xin các đan sĩ đặt để Chúa ở trên hết (43,3) và nhấn mạnh rằng cầu nguyện trước hết là cử chỉ lắng nghe (Prol.9-11), và việc lắng nghe đó phải được diễn tả ra bằng hoạt động cụ thể: ”Chúa chờ đợi chúng ta đáp trả lại các giáo huấn của Người mỗi ngày với các sự kiện”. Như thế cuộc sống viện tu trở thành biểu tượng phong phú giữa hoạt động và chiêm niệm, ”để Thiên Chúa được vinh danh trong tất cả mọi sự” (57,9). Thay việc tự khẳng định và ích kỷ người môn đệ của thánh Biển Đức phải chân thành kiếm tìm Thiên Chúa (58,7), theo gương Chúa Kitô khiêm nhường và vâng lời (5,13), không được đặt để bất cứ gì trước Thiên Chúa (4,21; 72,11), và chính như thế mà khi phục vụ tha nhân họ trở thành người phục vụ hòa bình. Khi vâng lời với lòng tin được linh hoạt bởi tình yêu thương, người đan sĩ chiếm hữu được sự khiêm nhường (5,1). Và như thế con người ngày càng trở thành giống Chúa Kitô hơn.

Luật cũng đề cập tới gương mặt của Đức Viện Phụ là người thay thế Thiên Chúa. Viện phụ phải là người cha hiền từ và thầy dậy nghiêm nghị (2,24) và nhà giáo dục đích thật, phản ánh gương mặt của Mục tử Nhân Lành, trợ giúp chứ không thống trị (64,8), nêu bật với sự kiện hơn là lời nói tất cả những gì là tốt lành thánh thiện và minh giải các giới răn của Chúa với gương sáng (2,12). Để có thể quyết định viện phụ cũng phải là người biết lắng nghe lời khuyên của các anh em khác (3,2), vì ”Thiên Chúa thường vén mở cho người trẻ nhất giải pháp tốt nhất” (3.3). Tất cả những thiết định này khiến cho Luật lệ Biển Đức có từ 15 thế kỷ qua vẫn luôn còn thời sự. Người có trách nhiệm công cộng, cả trong các lãnh vực bé nhỏ, cũng phải là người biết lắng nghe và học hỏi nơi những gì mình lắng nghe. Đề cập tới sự hữu ích của Luật Dòng Biển Đức Đức Thánh Cha nói:

Thánh Biển Đức định tính Luật của người là ”bé nhỏ tối thiểu, chỉ được vạch ra cho thuở ban đầu” (73,8), nhưng thật ra nó cống hiến các chỉ dẫn không chỉ hữu hiệu đối với các đan sĩ, mà cũng hữu ích cho tất cả những người kiếm tìm một sự hướng dẫn trên con đường tiến đến với Thiên Chúa. Vì sự quân bình, tính cách nhân bản và sự phân định đơn sơ giữa điều chính yếu với điều phụ thuộc trong cuộc sống tinh thần, nó đã có thể duy trì sức mạnh soi sáng cho tới ngày nay. Ngày 24 tháng 10 năm 1964 khi tuyên bố thánh Biển Đức là Bổn mạng Âu châu, Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã thừa nhận công trình tuyệt diệu mà thánh nhân đã thực hiện qua Luật dòng Biển Đức đối với việc đào tạo nền văn minh và văn hóa Âu châu. Ngày nay vừa mới ra khỏi một thế kỷ bị tổn thương sâu rộng vì hai thế chiến và sau biến cố các ý thức hệ ảo tưởng sụp đổ thê thảm, Âu châu cũng đang kiếm tìm căn tính của mình. Để tạo ra sự hiệp nhất mới và lâu bền cần có các dụng cụ chính trị, kinh tế và pháp lý, nhưng cũng phải khơi dậy một cuộc canh tân luân lý và tinh thần kín múc nơi gốc rễ Kitô của đại lục này, nếu không thì không thể xây dựng được Âu châu. Không có nhựa sống này, con người có nguy cơ ngã qụy dưới cám dỗ xưa là muốn tự cứu rỗi chính mình: đó là ảo tưởng, trong nhiều cách thế khác nhau đã tạo ra một sự thụt lùi chưa từng thấy trong lịch sử chao đảo của nhân loại. Trong khi kiếm tìm sự tiến bộ đích thật, chúng ta hãy lắng nghe Luật của thánh Biển Đức như ánh sáng soi đường. Vị đan sĩ lớn lao này là bậc thầy đích thật mà chúng ta có thể theo học nơi trường của người nghệ thuật sống nền nhân bản đích thực.

Sau khi chào các nhóm hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người..
 
Tuần Lễ Người Già (2)
Vũ Văn An
19:54 09/04/2008

Tuần Lễ Người Già (2)



Thách Đố Của Tuổi Già: Tuyên Bố Của Ủy Ban Công Lý Xã Hội Thuộc Hội Đồng Giám Mục Úc Châu



Hàng Ngũ Ưu Tú theo Thánh Kinh

Từ những suy nghĩ trên, ta có thể có một vài khái niệm về nội dung cuốn "Sách Tuổi Già" mà ta tưởng tượng có thể có trong Bộ Tân Ước. Trước nhất, Sách này nhìn nhận người già, cũng như mọi người khác, là những phản chiếu thực tại vô cùng phong phú và đa dạng của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Sách còn thấy người già đáng qúy vì họ thuộc lớp người ưu tú (elite) theo nghĩa thánh kinh, tức những người nghèo khổ và yếu đuối. Nhiều người già còn được coi như thuộc về nhóm những người ưu tú khác vì những đóng góp giá trị của họ cho gia đình, cho chức nghiệp hoặc cho cộng đoàn. Nhưng chỗ đứng của họ giữa những người bị đặt ra bên lề xã hội, dù vốn được coi như những người ưu tú theo nghĩa Thánh kinh, thách thức ta phải dành chỗ danh dự cho họ giữa lòng xã hội như họ đã được chỗ vinh dự trong Nước Thiên Chúa, và mời gọi ta phải thiết dựng cho bằng được một xã hội thực sự biết "làm người chót hết thành người trước nhất." Sau cùng, "Sách Tuổi Già" cũng trọng kính sự khôn ngoan mà nhiều người già đã đạt được, một sự khôn ngoan giúp thấy ra bàn tay của Chúa trong những nơi bất ngờ nhất và thấy ra khuôn mặt của Đức Kitô ở nơi người khác không nhìn ra ai hết.

VẤN ĐỀ THÁI ĐỘ

"Ở xứ này, các đơn vị gia đình đang xuống dốc một cách nhanh chóng, lòng kính trọng tuổì già cũng vậy." "Trong thời gian ở ViệtNam, tôi được người ta tặng hoa hồng đỏ hai lần, vì trọng tuổi già của tôi. Ở Úc này, ai được tặng hồng đỏ? Hoạ chăng mấy cô gái đẹp!" Cái nhìn của xã hội nói chung về người già thật khác xa với cái nhìn được trình bầy ở phần trên. Chính vì đã quên, đã không ý thức được hoặc đã chọn làm ngơ cái nhìn của thánh kinh và thần học về tuổi già, nên ta đã nghĩ về người già như hiện nay, nghĩa là loại bỏ họ, đặt họ ra ngoài lề, biến họ thành vô hình, coi họ như vô dụng, không sản xuất, thiếu hiểu biết và không thể sử dụng được, không thể suy nghĩ đúng nghĩa và hết còn cảm xúc. Sự bất công căn để đối với người già do chính thái độ trên tạo ra.

Nhìn Người Già Một Cách Nghiêm Chỉnh

Có thể nói rằng như một xã hội, chúng ta chưa nhìn người già một cách nghiêm chỉnh. Điều đó không có nghĩa ta không săn sóc họ hoặc không cảm mến và cảm phục họ cũng như các thành quả của họ. Nhưng người trẻ dường như muốn xếp loại người già như là những người "ở ngoài kia", nghĩa là không còn ăn nhằm gì với những sinh hoạt phức hợp và đa dạng vốn làm nên cuộc sống của đại đa số người Úc. Chúng ta giữ họ ở một khỏang xa hẳn ta và cho rằng họ không còn hiểu hoàn cảnh sống của ta nữa, chứ đừng nói là đóng góp vào hoàn cảnh ấy. Thái độ ấy không hẳn là thái độ ý thức. Thực thế, nhiều người hành động như thế nhưng vẫn chối là họ không chủ trương một thái độ như vậy. Nhưng lối hành động không suy nghĩ cho thấy rằng những thái độ trên không những có đó mà còn ăn rễ khá xâu trong tiểm thức ta: "Tôi vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 76. Con trai và cháu gái tới sống với tôi vào ngày cuối tuần. Đúng ngày kỷ niệm, cháu gái bẩy tuổi của tôi nói với bố: Ba à, sao không có bánh sinh nhật cho Bà Nội? Con trai tôi trả lời con gái: Con à, khi người ta già như Nội, họ chẳng quan tâm gì đến những thứ như vậy nữa! Tôi bèn lên tiếng: Lầm rồi Mích ạ! Ngược lại thì có. Người già cũng có khả năng thích những cái đặc biệt y hệt như lúc họ còn trẻ. Tôi không buồn lòng, nhưng tôi muốn cháu gái hiểu điều ấy." "Khi các con đến thăm chúng tôi, lần nào tôi cũng ngạc nhiên thấy chúng... đặt cha chúng và tôi ra bên lề ra sao... dù cả hai chúng tôi đã từng có nghề nghiệp cao trong xã hội.... Khi chúng ngồi lại với nhau, câu chuyện của chúng rất ít khi bao gồm chúng tôi vì cuộc sống của chúng khác quá. Nếu biết điều đó hẳn chúng xửng sốt lắm, nhưng dĩ nhiên đó là điều đang làm cho người già trở thành cô lập." "Chỉ vì già mà thôi thì điều đó không có nghĩa là chúng tôi đã mất hết khả năng suy nghĩ."

Nguồn Gốc Các Thái Độ Tiêu Cực

Phải chăng chính các thái độ tiêu cực trên, hơn là sự tàn tạ về sức khỏe và năng lực, đã làm cho tuổi già trở thành điều không thể chịu đựng được đối với chính người già? Chắc chắn các thái độ trên hoàn toàn bất công, hạ thấp chính nhân vị người già và mở đường cho người ta đối xử với người già như vậy. Một trong các nguồn gốc của các thái độ trên có thể là vì người già không còn có mặt trong lực lượng lao động nữa. Họ thuộc con số ngày một gia tăng những người bị loại ra ngoài cái mà Comfort gọi là "quyền công dân vốn được truyền thống đặt căn bản trên việc làm". Nói cách khác, nếu bạn không làm việc, bạn không còn thuộc về xã hội nữa và do đó có thể bị lãng quên cho tiện việc. Nếu bạn không có chân ở chợ, bạn trở thành ngoại cuộc, chẳng ăn nhậu gì với ai nữa. Một xã hội mà chiều kích kinh tế đã trở thành quan trọng như vậy tất sẽ bôi đen những người xem ra ít còn dự phần vào các sinh hoạt kinh tế. Đó quả là điều đáng lo ngại khi sự phát triển kinh tế xem ra ngày càng tách khỏi việc gia tăng nhân dụng, làm gia tăng số lớn những người được coi đơn thuần thặng dư đối với các đòi hỏi kinh tế (nhưng không thặng dư đối với các đòi hỏi của xứ sở). Một nguồn gốc khác có thể là việc quá tôn vinh tuổi trẻ. Người già không những đang tiến gần đến đoạn cuối của chuỗi liên tục trẻ già, mà còn như những hình ảnh sống động cho thấy tuổi trẻ, cũng như chính cuộc đời, chỉ là cái gì đang qua đi. Người già, do đó, là lời phê bình sống động về cái bản chất phù phiếm của lòng tôn sùng tuổi trẻ, và cũng như bất cứ lực lượng phá hoại nào, tầm quan trọng của họ thường là bị bác khước hoặc làm ngơ bởi những người chủ trương tôn sùng tuổi trẻ.

Hình Ảnh Trên Truyền Thông

Việc trình bày về người già trên truyền thông là những thí dụ điển hình cho các thái độ trên. Các cuộc nghiên cứu tại Úc và quốc tế xác nhận rằng cái nhìn tổng quát của truyền thông về người già thường khá giật gân và tiêu cực. Thí dụ, tuổi già được trình bầy như thời kỳ xuống dốc, người già thì thụ động và lệ thuộc, hoặc nếu có ai không phải như vậy thì đó chỉ là hoạ hiếm bất bình thường. Điểm cuối cùng thấy rất rõ qua những tin tức sốt dẻo dành cho những người thực hiện những việc, đối với lớp tuổi của họ, được coi là phi thường thí dụ một cụ 70 lãnh văn bằng tiến sĩ hoặc một cụ 80 xuất bản một cuốn sách. Không có lý do gì khiến một người già không làm những chuyện như thế nếu họ có thể thấy thích thú. Nhưng người ta vốn coi những công việc như trên là của tuổi trẻ. Có những thách đố khác, cũng khó khăn như vậy, mà người già phải đương đầu, như sự yếu đuối thể lý, nỗi hối tiếc và thất vọng hoặc việc gần kề sự chết. Đó là những thực tại của tuổi già. Nhiều vị cao niên đã đương đầu với chúng một cách can đảm và khôn ngoan. Nhưng sự khôn ngoan và can đảm ấy cùng với những người thực hiện chúng thuờng rất bị làm mờ nhạt đi do những biến cố giật gân như những biến cố bao quanh một cụ ông chạy marathon!

AI SĂN SÓC NGƯỜI GIÀ?

"Điều chính yếu đối với người già là được yêu mến, nhưng nhiều vị đã không được yêu mến chút nào. Các vị ấy thật cô đơn, không được ai thăm viếng. Các vị có nhiều khó khăn tài chánh, nhưng nào có ai quan tâm đến họ?" "Về thái độ của nước Úc đối với tuổi già, tôi có ý kiến đó là một trong những thái độ tốt nhất trên thế giới, và tôi nghĩ rằng điều đó là do cách người Úc chăm sóc người lân cận một cách chân thành." Thời kỳ đầu mới khẩn hoang Nước Úc, trách nhiệm đối với người già thuộc về gia đình, đôi khi được các cơ quan từ thiện nâng đỡ. Vào khỏang cuối thế kỷ 19, phản ảnh qua Thông Điệp Tân Sự (Rerum Novarum), thông điệp vĩ đại đầu tiên của Giáo hội về các vấn đề xã hội, người ta càng ngày càng ý thức ra rằng cảnh nghèo không luôn luôn là lỗi của chính người nghèo, trái lại chính phủ có trách nhiệm phải chăm sóc những người cao niên túng thiếu. Ý thức ấy dẫn đến việc thiết lập ra tiền hưu về già do chính phủ Liên Bang đảm trách từ năm 1909. Sau Thế chiến Hai, vai trò của Liên Bang được mở rộng, không những chỉ duy trì mức sống mà còn bao gồm nhiều dịch vụ và chương trình khác được coi là cần thiết. Vai trò của Tiểu bang cũng như của các chính quyền địa phương, và cả các dịch vụ do các cơ quan tư, trong đó có các giáo hội nữa, cũng được mở rộng.

Tiền Hưu Về Già

Tiền hưu về già tại Úc không giống như các nước khác ở chỗ nó không bao giờ đòi người thụ hưởng phải đóng góp chi cả. Tuy nhiên, nó được cứu xét căn cứ trên cả tiền thu nhập (income) lẫn tài sản (assets) của người thụ hưởng và được cấp cho đàn ông tuổi 65 và đàn bà tuổi 61 trở lên. Một triêụ rưỡi người hiện đang lãnh tiên hưu này, trong đó đàn bà đông gấp hai đàn ông. Mức tiền hưu gia tăng theo chỉ số giá sinh hoạt (CPI), và giả thiết không dưới 25% mức thu nhập trung bình hàng tuần của đàn ông (AMWE), tuy nhiên giả thiết này đã không được tôn trọng nhiều lần trong những năm gần đây. Vào tháng Năm 1998, mức tiền hưu dành cho người độc thân là $354.60 mỗi hai tuần, và $295.80 cho mỗi người trong hai vợ chồng. Tổng số chi toàn quốc một năm là 13.6 tỉ dollars. Các người già về hưu còn nhận được nhiều trợ giúp khác như phụ cấp thuốc men và nhiều phụ cấp khác. Họ cũng có thể được hưởng trợ cấp thuê nhà. Cùng với tiền hưu về già, ta còn thấy một loạt những phúc lợi khác dành cho các cựu chiến binh và thân nhân họ, bao gồm tiền hưu trí được lãnh 5 năm sớm hơn tiền hưu về già. Dự phóng về hiện tượng dân số về già của Úc ngày càng gia tăng và những áp lực do hiện tượng ấy đưa lại cho ngân sách quốc gia, nhiều chính sách đã được chính phủ đưa ra. Trong số đó, có chính sách khuyến khích việc tự lo lấy tiền hưu lúc về già, và việc bắt buộc giới chủ nhân phải đảm bảo có tiền hưu cho công nhân.

Chỗ Ở và Việc Chăm sóc trong Cộng Đồng

Song song với tiền hưu lúc về già, còn có hệ thống chăm sóc người già theo ba cấp: các viện dưỡng lão (nursing homes), các ký túc xá (hostels) và một loạt các dịch vụ khác giúp người già sống ngay trong cộng đoàn. Con số các viện dưỡng lão và ký túc xá hiện nay vào khoảng 3,000 và cung cấp chổ ở cho khoảng 137,000 người cao niên. Phần lớn các cơ sở này do các tổ chức tư nhân (thương mại) hoặc các hội từ thiện và cộng đồng không vụ lợi điều hành. Ngân khoản do tài trợ của Chính phủ Liên bang và do lệ phí đánh trên người thụ hưởng. Đáng lưu ý một điều là 27% tổng số chỗ tại các cơ sở được Liên Bang trợ cấp phải dành riêng cho người có lợi tức thấp.Tuy nhiên 95% người 65 tuổi trở lên sống ngay trong cộng đồng. Nhiều người sống tự lập, tuy nhiên nhiều dịch vụ sẵn sàng dành cho họ khi họ cần đến. Hơn 9,800 tặng khỏan (packages) thuộc chương trình chăm sóc người già trong cộng đồng được dành sẵn cho những ai chọn sống tại nhà nhưng cần sự chăm sóc giống như ở ký túc xá. Chương Trình Chăm Sóc Tại Gia và Tại Cộng Đồng cung cấp những dịch vụ có quy mô nhỏ hơn cho người cao niên sống tại gia cũng như một số người trẻ bị tàn tật. Các trung tâm điều trị ban ngày cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, như vật lý trị liệu hoặc điều trị nghề nghiệp, cho những ai sống tại nhà hoặc tại các ký túc xá. Sự chăm sóc kiểu viện dưỡng lão cũng được cung cấp cho những ai cần đến, và còn có những dịch vụ đa dạng đang hoạt động tại những cộng đồng nhỏ ở nông thôn và cung cấp hàng loạt những dịch vụ dành cho người cao niên. Các dịch vụ trên do hơn 2,000 tổ chức điều hành. Đại đa số là những cơ quan bác ái trong cộng đồng, thiểu số còn lại là những cơ quan của các chính quyền tiểu bang và địa phương. Các tỗ chức giáo hội chiếm phần đa số. Các chương trình trên được tài trợ một phần do trợ cấp của các Chính phủ Tiểu và Liên Bang, một phần do lệ phí thu từ người thụ hưởng. Ở Úc, mọi người đều thừa nhận một điều là các thành viên gia đình đóng góp phần lớn lao nhất vào việc đứng ra chăm sóc người già. Sự trợ giúp dành cho những người đứng ra chăm sóc người già tại gia đã gia tăng nhiều trong những năm gần đây dưới hình thức được người khác tạm thay thế để nghỉ xả hơi (respite care), trợ giúp tài chánh, thông tín cố vấn...

Chăm Sóc Sức Khỏe

Chăm sóc sức khỏe chiếm phần lớn hơn cả trong các dịch vụ dành cho người già. Người già chiếm 12% dân số, nhưng có đến 35% tài nguyên y tế, lên đến 11 tỉ dollars trong tài khóa 1993-1994, dành cho họ. Ngân khoản trên bao gồm chi phí bệnh viện và bác sĩ, thuốc men, nhà dưỡng lão và các chi phí sức khỏe khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chi phí sức khỏe dành cho người già gia tăng chậm hơn so với chi phí dành cho công chúng nói chung. Những giòng trên đã phác họa ra các dịch vụ chính dành cho người già. Chúng bao gồm cả ba cấp chính quyền, khu vực tư, hàng ngàn tổ chức cộng đồng, cả tôn giáo lẫn thế tục, hàng ngàn cá nhân đứng ra đảm trách vai trò chăm sóc, và hàng tỉ dollars hàng năm.

Những Ngắt quãng trong Hệ thống

Nhưng liệu đã đủ chưa? Nhiều người cho hay họ cảm thấy hài lòng và thoải mái với việc chăm sóc. Nhưng không thiếu người vẫn cảm nhận có những đứt đoạn trong phương thức xã hội Úc đáp ứng các nhu cầu và hoài vọng của người già. Một vài đứt đoạn ấy xin được phác họa dưới đây.

* Tiền Hưu: Cuối năm 1997, tiền hưu già dành cho các cặp vợ chồng có cao hơn mức nghèo (poverty line) chút đỉnh, nhưng cũng tiền ấy dành cho người độc thân thì lại thấp hơn. Những người có nhà (đa số người già thuộc loại này) có thu nhập cao hơn mức nghèo một cách đáng kể. Còn những người, tuy không có nhà, nhưng đủ tiêu chuẩn để lãnh phụ cấp thuê nhà, thì thu nhập chỉ cao hơn mức nghèo chút đỉnh. Sự khác biệt về hoàn cảnh ấy khiến những người được tài liệu này phỏng vấn đã đưa ra những câu trả lời khá khác nhau. Nhiều người cho là có thể sống được, nhưng hơi lo âu và chật vật. Một thiểu số chỉ có thể sống còn nhờ phải sống trong những căn nhà thiếu tiện nghi. Những ưu tư trên được một cuộc nghiên cứu gần đây do Mạng Lưới Các Phụ Nữ Già (Older Women's Network, tắt là OWN) công bố củng cố. Trong cuộc nghiên cứu này, 84% những người lệ thuộc tiền hưu này như nguồn thu nhập duy nhất cảm thấy họ phải chật vật lắm mới sống còn được. Những người này cho hay có những chi phí phải vất vả lắm mới thanh toán được đặc biệt là tiền bảo quản nhà, chi phí chuyên chở và điện thoại, dù đã được phụ cấp và giảm giá.

* Những người già độc thân thuê nhà tư nhân: như các nhà trọ có ăn hay không có ăn, là nhóm có nhiều khó khăn lớn. Con số những người như vậy khá khó ước lượng và các nghiên cứu trong phạm vi này rất hiếm hoi. Nhưng các nhân viên cộng đồng cho hay rằng nhiều người phải sống trong những căn nhà thiếu tiêu chuẩn, đôi khi thiếu vệ sinh và an toàn. Mặt khác môt số lớn lại bị những các xáo trộn về tâm lý và tri thức. Một số đông gần như không nhà ở và hầu như không được ai nâng đỡ. Chỉ cần một bất hạnh nhỏ như tiền thuê nhà tăng, nhà được dùng để khuếch trương địa ốc, hay một người từng giúp đỡ họ nay không còn nữa, cũng đủ đưa họ ra hè phố.

* Người già Thổ dân: Duy trì một sức khỏe tốt là chìa khóa giúp người ta hưởng một tuổi già hoạt động và thoải mái. Nhưng tình trạng y tế của người Thổ Dân lại được nhiều tài liệu chứng minh là rất tồi tệ. Thêm vào đó, phúc trình của Uỷ Ban Cơ Hội Đồng Đều (Equal Opportunity Commission) về "các thế hệ bị cướp mang đi" (stolen generations) đã đưa ra nhiều đau đớn người Thổ dân, trong đó có nhiều người lón tuổi, đã phải trải qua. Chỉ nguyên hai yếu tố trên mà thôi cũng đủ cho thấy người già Thổ dân gặp nhiều khó khăn hơn những người Thổ Dân khác. Mặc dầu vậy, xã hỗi lại đã dành rất ít dịch vụ cho họ.

* Những Người Di Dân Già Xuất Thân Từ Các Xứ Không Nói Tiếng Anh: Một nghiên cứu năm 1991 cho thấy tỷ lệ khá cao những người di dân già sống dưới mức nghèo. Nhưng những người già không nói tiếng Anh nghèo túng hơn những người già nói tiếng Anh. Nhiều yếu tố góp phần khiến họ lâm hoàn cảnh đó. Không thông thạo tiếng Anh có nghĩa là họ chỉ làm được những công việc ít lợi nhuận, hoặc không kiếm ra việc làm. Mạng lưới gia đình thì giới hạn do đó dễ có nguy cơ bị cô lập. Họ ít biết đến các dịch vụ do cộng đồng cung cấp. Những người chăm sóc người già di dân ít có khả năng chia sẻ được các dịch vụ trợ giúp của công cũng như của tư.

TRIỀU THIÊN CỦA TUỔI GIÀ

" Bây giờ, vào lúc cuối đời, tôi cảm thấy mình có thể nghỉ ngơi trong sự cao cả của Chúa... và tìm thấy Chúa ở mỗi bông hoa đang nở, những ngọn núi hùng vĩ và từng trời mênh mông." Sách Huấn ca (25:6) nói rằng khôn ngoan là triều thiên của tuổi già. Nó thực sự là một triều thiên rất khó đạt được và không phải ai ai trong chúng ta cũng đạt tới nó. Nhưng đối với những người đạt được, đối với thế giới họ đang sống hoặc đối với các thế hệ tương lai, đó quả là điều vô cùng giá trị.

Thái độ Chấp nhận

Sự khôn ngoan mà nhiều người già chiếm hữu được này thật ra nhìn nhận thì dễ hơn là diễn tả hoặc phân tích. Nó có thể có nhiều chiều kích: từ những điều đơn giản như tính hài hước đến những cái xâu sắc hơn như sự thanh thản (serenity) trước cái chết. Dường như có thể gọi nó là thái độ chấp nhận, một khả năng biết ý thức cái đa dạng và khác biệt mà không bị bối rối vì nó, một khả năng biết chào đón việc không thể tránh được các đổi thay trong khi nhìn nhận rằng mình có thể không đủ khả năng cỡi lên sóng gió của nó, một khả năng biết chấp nhận chính tình trạng mỏng dòn hay chết của mình, không phải chỉ chính thực tại sự chết giữa dòng đời, nhưng còn là thực tại yếu đuối bệnh hoạn giữa lúc đang mạnh khoẻ, thực tại thất bại giữa lúc đang thành đạt, thực tại ân hận giữa lúc đang thỏa mãn. Chiều kích căn bản của khôn ngoan chính là khả năng chấp nhận rằng sự tổng hợp đầy phức tạp giữa tích cực và tiêu cực, giữa ánh sáng và bóng tối này là chính bản sắc của chúng ta, và biết ra rằng chính sự phối hợp này tạo nên cuộc sống ta.

Biết Buông Ra

Một mặt của thái độ chấp nhận là phải biết bằng lòng để sự vật rời khỏi tay mình. Thực ra việc để sự vật rời khỏi tay không phải là nét đặc thù của riêng tuổi già. Từ lúc lọt lòng mẹ, chúng ta đã bước vào diễn trình chuyển động từ cái quen thuộc đến cái không quen thuộc rồi. Diễn trình đó tiếp diễn xuyên suốt đời sống ta, chuyển động từ nhà đến trường, từ trường đến sở, đến việc lập gia đình, đến công việc mới. Cao tuổi hơn chút nữa, ta phải để con cái rời khỏi bàn tay và cái buông tay sự chết cũng chẳng còn bao xa. Ta cảm nghiệm sự chết của chính cha mẹ ta, rồi, chẳng bao lâu sau, cái chết của những người cùng lứa tuổi với ta. Ta có thể sẽ phải đau đớn vì cái chết của người bạn đời. Đôi khi vì sức khỏe tồi tệ, ta phải buông tay cả quyền kiểm soát chính cuộc sống mình và cảm thấy đầy lo âu xao xuyến. Cuối cùng, ta sẽ hiểu ra rằng nhiên hậu chính ta cũng sẽ được yêu cầu để sự sống mình ra đi. Đối với nhiều người, sự nâng đỡ của niềm tin Kitô giáo là điều cần thiết để có thể đương đầu với các đòi hỏi của tuổi già. Ý thức rằng Đức Kitô chia sẻ thân phận làm người với ta, cũng như biết rằng với việc phục sinh, Ngài đã vượt thắng sự chết và hứa cho những ai yêu mến Ngài cũng sẽ vượt thắng như vậy, là một nguồn sức mạnh to lớn cho ta.Tuy nhiên, đa số, có thể là đa số tuyệt đối hiện nay, đang đương đầu với tuổi già mà không có niềm tin tôn giáo. Đôi khi, với môt lòng can dảm và thanh thản vượt bực. Có thể vì những người có khả năng này đã tích dẫn vào đời họ những mẫu sống đã đề cập ở trên. Họ ý thức ra rằng diễn trình tăng trưởng nhân bản chỉ có thể xẩy ra qua diễn trình để những cái quen thuộc ra đi và tiếp tục bước tới cái chưa biết. Bước lớn sau cùng vào cõi vô minh chính là sự chết và điều này, như Elizabeth Kubler-Ross đề nghị, có thể được coi như "giai đoạn tăng trưởng sau cùng", một cái gì không hẳn đi ngược lại sự sống, nhưng là thành phần của chính cấu trúc sự sống.

Nguồn Hy Vọng và Tự Hào

Dù có tôn giáo hay không, tuổi già là lúc nhất định ta sẽ duyệt lại đời ta, làm sống lại trong trí ta những biến cố không thể quên được của dĩ vãng. Có lẽ ta đang tìm kiếm nơi đó những dấu chỉ giúp ta quả quyết rằng đời ta quả có giá trị. Trong thế giới ngày nay, đối với những người cao tuổi, có nhiều điều đáng tự hào. Nhiều người được phỏng vấn để chuẩn bị tài liệu này đã nói về điểm đó. Dù họ đã sống những thời điểm cực kỳ nhiễu nhương của lịch sử thế giới: Đại khủng hoảng Kinh tế, Thế chiến Hai, trong đó, họ mất cha mẹ, thân nhân, bạn bè. Họ gầy dựng gia đình, làm việc cho đến lúc về hưu rồi hiến mình cho những công tác cộng đồng vào những lúc có những thay đổi xã hội chưa từng có. Điều quan trọng là nhìn những công việc ấy trong điều mà Kitô hữu vốn gọi là viễn tượng chân thực của nó. Chúng ta vẫn thường gọi công việc gầy dựng một gia đình là hành vi phụ tạo (procreation), chia sẻ quyền năng sáng tạo của chính Chúa. Và việc làm của chúng ta cũng có một giá trị cao cả như vậy. Công đồng Vatican II nói rằng: "Trong khi cấp dưỡng cho mình và cho gia đình mình, những người đàn ông đàn bà thực sự.... đang biểu hiện công trình của Tạo Hóa" Con người đã được dựng nên giống hình ảnh Chúa Hóa Công. Chính sự sống họ chủ yếu mang tính sáng tạo. Ngay cả những người đảm nhận những công việc thấp hèn nhất, trong gia đình, nơi làm việc, trong cộng đoàn, cũng vẫn là những hùn hạp viên của Chúa. Sống, yêu thương và lao nhọc trên đời không những là một thành tích đầy ý nghĩa mà còn thánh thiêng nữa. Nó phải được coi là nguồn tự hào và hy vọng. Khá nhiều người cao niên đóng góp tư tưởng vào tập tài liệu này đã nhắc đến sự hài lòng họ cảm thấy chỉ vì đã có giờ và có khuynh hướng suy tư về cuộc đời và thế giới bao quanh mình. Một vài vị đề cập đến việc đó như một hình thức chiêm niệm trong đó càng ngày họ càng ý thức hơn về sự huyền nhiệm của Chúa trong thế giới và trong đời họ. Việc ấy sản sinh trong họ cảm thức tin tưởng vào tương lai và vào sự quan phòng của Chúa, một cảm nhận rằng mình đang nằm trong "bàn tay nhân hậu". Người ta cũng thường ví đời ta như hình ảnh bốn mùa quanh năm. Tuổi trẻ như mùa xuân, trưởng thành và trung niên như mùa hạ, và tuổi già như mùa thu. Thường thì hình ảnh mùa thu đem vào trí ta những lá vàng rơi và cái chết đến gần của mùa đông. Nhưng mùa thu cũng là mùa gặt hái và thu lượm hoa trái đã chín mọng dưới nắng hạ."Khi vào thu trong đời, những sự việc xẩy ra trong quá khứ, hoặc những kinh nghiệm được gieo trong thửa đất trái tim, gần như bạn không biết đến, nay đã mang hoa trái. Mùa thu trong đời là mùa thu hoạch lớn. Là lúc gặt hái những hoa quả kinh nghiệm đời bạn" (John O'Donoghue, Anam Cara, Bantam Press, London 1996, tr.167).

Việc gặt hái khôn ngoan và tu đức này có thể có giá trị vô song đối với thế giới và các thế hệ tương lai. Chúng ta, với tư cách là một cộng đồng, đang cần rất nhiều những giá trị từ mùa gặt kia. Thái độ bất khoan dung với những dị biệt, bất kể vì lý do chủng tộc, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, chính kiến, quốc tịch, giai cấp hoặc văn hóa, thường là mồi lửa châm ngòi cho bạo hành và áp bức. Tinh thần chấp nhận, vốn được coi là đặc điểm của người già, sẽ là một thách đố đối với thái độ bất khoan dung kia. Não trạng tích góp (acquisitiveness), hay nói trắng là lòng tham lam, đã được giáo huấn của Giáo Hội về xã hội nhận dạng như là nguồn sinh ra tranh chấp, bất bình đẳng vá áp bức. Não trạng này sẽ bị khả năng biết buông ra nói trên thách thức, vì ý thức rằng hiện hữu quan yếu hơn là chiếm hữu. Xã hội ta đang mang sắc thái của một thái độ, gần như một thứ cuồng tín (cult), gọi bằng bận bịu làm ăn (busy-ness). Nó hiện được coi như một nhân đức, và thường nơi làm việc đòi bạn phải làm việc lâu giờ, quên cả nghĩ ngơi nhàn tản, làm cả trong những lúc nghỉ ngơi. Thói quen chiêm niệm, mà nhiều người già thấy thích thú, có thể đặt vấn nạn cho cái lối sống quá ư ngược xuôi trên. Thói quen này nhấn mạnh giá trị của khả năng biết thinh lặng, khả năng dành thì giờ đi tìm ý nghĩa đời mình hơn là cảm thức phải tộng vào nó đây ứ những khích động.

Các phẩm tính vốn dồi dào nơi người già ấy hiện xã hội đang rất cần. Chúng quan trọng không những đối với thế hệ này, nhưng còn cho các thế hệ tương lai, vì những thói hư mà chúng chống đối nếu không bị thách thức sẽ phát sinh ra một thế giới trong đó các giá trị nhân bản sẽ mất đi. Hy vọng rằng tập tài liệu này sẽ khuyến khích người cao niên nhìn thấy từ lối sống thinh lặng, nhiều suy tư hơn của mình một đóng góp không thể do ai khác làm được. Chắc chắn họ có nhiều điều phải học từ lớp trẻ, nhưng họ cũng có nhiều điều để dạy người khác. Chúng tôi khích lệ người trẻ biết mở rộng tâm tư nhận ra giá trị việc tìm hiểu người già và ý thức được rằng trong các ngài các bạn sẽ tìm thấy túi khôn xâu sắc không đâu có được. Người trẻ đôi lúc có khuynh hướng trách cứ dĩ vãng và khước từ tương lai. Tặng phẩm lớn nhất mà người già mang tới cho thế giới của lớp trẻ có thể là việc càng ngày càng biết tự hào một cách chính đáng về dĩ vãng và một thái độ cởi mở và hy vọng về tương lai.
 
Top Stories
Nepal: Une femme catholique se présente aux élections du 10 avril prochain
Eglises d’Asie
11:49 09/04/2008
Nepal: Une femme catholique se présente aux élections du 10 avril prochain

C’est une première dans l’histoire politique du pays: une femme catholique, Eliza Pradhan, se présente aux élections du 10 avril prochain. Le scrutin de jeudi doit permettre d’élire une Assemblée chargée de rédiger une nouvelle Constitution qui mettra officiellement fin à la monarchie et transformera le pays en république. Candidate au sein d’un nouveau parti politique, le Parti de la famille du Népal, Eliza Pradhan souhaite donner une représentativité plus équitable aux femmes, aux basses castes ainsi qu’aux minorités marginalisées.

« Je suis sûre que Dieu fera en sorte qu’un chrétien soit élu afin de représenter la communauté chrétienne à l’Assemblée et aussi, pour qu’à travers lui, Il puisse agir dans le pays », a-t-elle déclaré à l’agence Ucanews, le 1er avril dernier. Des protestants se sont aussi présentés à ces élections, espérant ainsi devenir la voix de la minorité chrétienne, qui, jusqu’en 1991, a souffert de nombreuses restrictions dans ce royaume himalayen très majoritairement hindou (1).

Pour des catholiques de la région est du Népal, où leur nombre est relativement élevé, la candidature d’Eliza Pradhan est une bonne nouvelle en ce sens qu’elle permet d’ouvrir le monde politique à d’autres catholiques qui, à leur tour, seront à même de relayer la voix des catholiques et des plus démunis de la société.

Nombre de maoïstes népalais expliquent, pour leur part, leur engagement politique par une volonté de lutter contre l’arriération imposé aux tribus et aux castes inférieures. « Sous l’hindouisme et le féodalisme, le peuple ne peut se développer d’un point de vue social, économique et politique. Il n’y aura pas de changements sans un travail révolutionnaire », a déclaré Tej Bahadur Nijar, ancien commissaire politique de la troisième division de l’Armée de libéralisation du peuple (ALP) et candidat pour les maoïstes aux élections du 10 avril.

Une fois les élections passées et l’Assemblée constituée, cette dernière sera chargée de formaliser, dans la nouvelle Constitution, les décisions prises par le Parlement après les manifestations pro-démocratiques d’avril 2006 (2), notamment celle concernant l’abolition de la monarchie hindoue et l’instauration d’une république laïque. A l’époque, le roi Gyanendra, dont la dynastie remonte à 1769, avait été contraint de réunir le Parlement qu’il avait dissous en 2002, ce dernier s’étant alors empressé de lui retirer l’essentiel de ses pouvoirs. En novembre 2006, un accord de paix historique entre le gouvernement et les ex-rebelles maoïstes avait été signé, mettant fin à dix ans de guerre civile. Des élections pour l’Assemblée constituante, prévues en 2007, avaient toutefois dû être reportées à deux reprises, du fait de tensions récurrentes entre le gouvernement et les maoïstes.

Des violences préélectorales ont toutefois déjà entaché les élections du 10 avril. Les autorités ont fait savoir que, le 8 avril, au moins sept personnes – toutes maoïstes – avaient été tuées lors d’« échauffourées entre des militants de la Ligue des jeunes communistes [maoïstes] et des membres du Parti du Congrès népalais » du Premier ministre, Girija Koirala. Le chef des maoïstes du Népal a, pour sa part, appelé au calme: « Nous devons faire preuve de retenue et organiser des élections libres et équitables, mais nous exigeons que le gouvernement punisse les coupables de ces assassinats. »

Le Népal compte 103 ethnies s’exprimant dans 93 langues et dialectes (3). Sur les 26 millions d’habitants, on compte 89 % d’hindous, 6 % de bouddhistes, en majorité lamaïstes, 3 % de musulmans et un million de chrétiens (chiffre difficilement vérifiable), majoritairement protestants. Les catholiques sont au nombre de 7 500.

(1) Avant 1991, les changements de religion étaient interdits. Se convertir ou tenter de convertir quelqu’un était un crime passible de prison ferme. Ceux qui souhaitaient être baptisés dans la religion chrétienne devaient se rendre en Inde.

(2) A ce sujet, voir EDA 445 et 453.

(3) Voir EDA 471 (Dossier: « Un royaume à la croisée des chemins »).

(Source: Eglises d’Asie - Dépêche du 9 AVRIL 2008)
 
Bush presents posthumous Medal of Honor to Catholic Navy SEAL
Catholic News Service
14:46 09/04/2008
WASHINGTON (CNS) -- A tearful U.S. President George W. Bush presented the parents of Petty Officer 2nd Class Michael Monsoor with a posthumous Medal of Honor for saving the lives of two Navy SEAL teammates by sacrificing his own in Ramadi, Iraq.

Monsoor was 25 when a hand grenade tossed by Iraqi insurgents hit his chest and landed on the ground in front of him. Monsoor immediately threw himself on the grenade, smothering its blow. He died less than 30 minutes later.

At the April 8 ceremony at the White House, Bush said this highest military medal was "awarded for an act of such courage that no one could rightly be expected to undertake it. Yet those who knew Michael Monsoor were not surprised when he did."

Father Paul Halladay, former chaplain of the 1st Battalion, 506th Infantry Regiment, was at the ceremony and knew Monsoor when he was a chaplain stationed in Ramadi.

Though the circumstances in which Monsoor died were a very outward sign of his heroism, Father Halladay described Monsoor as being "very soft-spoken, low-key, unassuming."

Michael Monsoor
He was not unlike others his age, Father Halladay told Catholic News Service April 7, noting that like the saying "still waters run deep" Monsoor "was a man with a depth of courage and spirituality."

Father Halladay, a priest of the Archdiocese of Mobile, Ala., currently stationed with the 58th Transportation Battalion at Fort Leonard Wood, Mo., told CNS he knew Monsoor "was well loved by his team" and said Monsoor had a "quick smile."

The first time Monsoor met Father Halladay, he asked the priest to hear his confession. Father Halladay said that, to him, this was a sign that Monsoor was concerned with and cared about his spiritual life.

"I do know that (his faith) was important to him, while that didn't keep him from being a normal 25-year-old man," he said. But his faith "just made him the best 25-year-old man he could be," added the priest.

Father Halladay said Monsoor's faith life allowed him to instinctively save the lives of his teammates.

"So when it came down to laying down his life for his friends, his faith life allowed him to be able to do that without a moment's hesitation," he said.

Father Halladay, who was with Monsoor before he was officially pronounced dead, noted that Monsoor died Sept. 29, 2006, the feast of St. Michael and two other archangels.

At the White House ceremony, Bush said that Monsoor, who was from Garden Grove, Calif., "showed the strength of his own convictions" as a youth. The president told a lighter story of the young, resolute Monsoor who refused to put on nice clothes for school, instead wearing plaid with stripes.

"And years later, there would be no stopping an even more determined young man from donning a uniform of Navy blue," Bush told the solemn audience, including Monsoor's siblings, Navy SEALS, Vice President Dick Cheney, Secretary of Defense Robert Gates, Sen. John McCain, R-Ariz., and others.

The president added that Monsoor, who had asthma as a child, strengthened himself into an athlete who excelled in sports such as football and snowboarding.

"His teammates liked to laugh about the way his shiny Corvette would leave everybody in the dust. But deep down, they always knew Mike would never leave anybody behind when it counted," said Bush.

Bush explained that Monsoor had a chance to escape the grenade, but decided to save his two friends.

"For Mike, this was no choice at all. He threw himself onto the grenade and absorbed the blast with his body," said Bush, who quoted one of the survivors as saying: "Mikey looked death in the face that day and said, 'You cannot take my brothers. I will go in their stead.'"

Bush's lips quivered and a tear streamed down his face as he called Monsoor's parents forward and stood by them as they received the medal.

Monsoor received the Silver Star Medal posthumously for his heroic actions in May 2006 when he pulled a wounded teammate to safety while under enemy fire. He also was honored with the Bronze Star Medal, the Purple Heart and the Combat Action Ribbon.

Monsoor became the third Medal of Honor recipient from the Iraq War.

(Source: Regina Linskey/ Catholic News Service)
 
Pope Benedict XVI: St. Benedict and the key to European unity
Catholic World News
14:49 09/04/2008
Vatican, Apr. 9, 2008 (CWNews.com) - At his regular weekly public audience on April 9, Pope Benedict XVI (bio - news) spoke about the enormous influence of his namesake, St. Benedict.

Speaking to about 22,000 people gathered in St. Peter's Square, the Holy Father resumed his series of talks on the Church fathers, which he had interrupted during the past two weeks to focus on the liturgical events of Holy Week and the Easter vigil.

St. Benedict, the Pope said, is "the father of western monasticism, who with his life and work exercised a fundamental influence on the development of European civilization and culture." His life and work-- recounted in a biography that was written by Pope Gregory the Great-- helped Europe to emerge from the "dark night of history" that followed the fall of the Roman empire.

The influence of St. Benedict produced "a true spiritual ferment" in Europe, and over the coming decades his followers-- the fast-growing Benedictine order-- spread across the continent to establish a new cultural unity based on Christian faith.

The Pope said that St. Benedict's decision to found an abbey at Monte Cassino was symbolically important because although the site was remote from nearby towns it was very visible on the mountain. The location sent a message, the Pope observed: "monastic life has its raison d'etre in withdrawal and concealment, but a monastery also has a public role in the life of the Church and of society."

The followers of St. Benedict, following his famous Rule, combined prayer and reflection with active work, because "Benedict's spirituality was not an interior life divorced from reality," the Pope said. Carefully distinguishing between what is important and what is unimportant, the Rule "maintains its illuminating power up to today," he said.

In 1964, Paul VI named St. Benedict as patron saint of Europe. Today a recognition of his influence is even more important to a European society that is "searching for its own identity," Pope Benedict said. He closed with the observation that the "vital lifeblood" of European unity is the Christian heritage to which St. Benedict made such an enormous contribution.
 
Hanoi vows to take extreme actions against Catholic protestors
J.B. An Dang
18:25 09/04/2008
Praying after evening Mass
Hundreds gather at the site after evening Mass
Praying at the site after Mass
daily sit-in protests
While a standoff between demonstrators and police at Hanoi Redemptorist monastery continues, state-run media have begun to carry a series of negative reports of protestors urging the government to take “extreme actions” to terminate daily protests lasting for more than three months now.

Since Monday, Hanoi television has produced a TV series broadcasted in Morning News and Night News programs falsely accusing Hanoi Catholics of occupying state-owned land, gathering and praying illegally in public areas, erecting illegally crucifixes and icons of Our Lady icons on the fences standing on the land in dispute, and disturbing public order.

The New Hanoi newspaper went further charging the protestors of taking advantages of religious freedom to stir up protests against the government.

The media campaign has led to fears that a police crackdown is imminent.

In the latest episode, local government has sent an order to Fr. Vu Khoi Phung the superior of Redemptorist religious order in Hanoi, asking him to present at the People’s Committee of Dong Da District.

Hanoi Redemptorists have been charged with challenging the jurisdiction of the committee to halt demonstrations and sit-ins at the site before Monday. At the time of the deadline, when hundreds of police came to the site, the Redemptorists and their parishioners gathered more and more people at the demonstration.

Currently, hundreds of protestors are camping at the site. After each Mass in the morning and evening, Redemptorist priests, and their associates, carrying a large cross, lead a procession to the site. There they pray, chant, and sing for hours before hundreds of crosses and icons of Our Mother of Perpetual Help hanging on the fences. Some Westerners also come to the site to show their solidarity with protestors.

Plain clothes and uniformed police officers can be seen in mass resorting to previously used intimidation tactics involving photographing and videotaping the protestors.
 
政府令教友离开同大堂最后通牒到期
Asia-News
18:39 09/04/2008
若翰 鄧明安

当局旨在结束始于今年一月六日的要求收回教会财产的抗议活动。一九二八年,赎主会士们购买下了这块土地。一九五四年,越南共产党当局执政、越南南北分裂后,将这座圣堂收为国有。传教士们被关押或者流放。教会建筑总面积达六万平方米,目前只剩下了2,700平方米

河内(亚洲新闻)—越南政府当局要求天主教徒撤离河内总主教区永援圣母堂的最后通牒已经到期。根据这项命令,教友们必须停止要求政府归还教产的祈祷聚会。

四月六日,圣堂所在地同大区政府人大发表声明,指示威者正在进行“非法活动”;威胁一旦从一月六日开始的静坐示威祈祷不在昨天当地时间十二点前结束,将采取“极端行动”。

天主教徒们要求收回的教产,是赎主会士们于一九二八年购买的。当时,传教士在这片总面积达六万平方米的土地上建造了圣堂、会院和修道院。一九五四年,越共执政、越南南北分裂后,传教士们全部被捕入狱或者被流放。今天,这片总面积达六万平方米的教产仅剩下了2,700平方米。

后来,天主教会多次要求收回教产。而在这段时间里,当局在这片土地上建造了医院、兜售给了国有公司企业和政府官员。今年,甚至将部分土地卖给了一家包装公司。此举,是引发天主教徒抗议的导火索。一月六日,教友们在这里矗立起了十字架、圣母像、组织了祈祷和示威(见照片)、长期静坐。一名示威者表示,“我们别无选择,只能聚集在这里和平祈祷,从而引起政府对这一问题的关注”。

最后通牒到期后,仍有百余名教友和会士坚守在那里,继续祈祷。许多身着警服和便衣的警察在周围拍照、录像。
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Một nén hương kính nhớ LM Antôn Tiến Dũng
LM Kim Long
11:54 09/04/2008
MỘT NÉN HƯƠNG KÍNH NHỚ LINH MỤC ANTÔN TIẾN DŨNG

(nhân ngày qua đời của LM Antôn Tiến Dũng 8/8/2005)

Đang làm việc với Ban Phụng Tự, được Đức Giám mục Nha Trang báo tin: Cha Tiến Dũng đã qua đời, tôi bàng hoàng và câm nín!

Chúa ơi! Việc con sợ và mong đừng đến… đã đến.

Tôi ứa lệ vĩnh biệt một đàn anh, một bậc Thầy, một người bạn vừa ra đi…

- Là đàn anh vì cha Tiến Dũng hơn tôi hơn mười tuổi, bước vào lãnh vực thánh nhạc trước tôi gần mười năm.

- Là bậc Thầy vì kiến thức và học vị của ngài hơn tôi nhiều! Tuy chưa được thụ giáo trực tiếp với ngài, nhưng những giáo án, những tác phẩm của ngài còn chất chứa nhiều điều tôi phải học hỏi.

- Là người bạn, vì tôi được hân hạnh cộng tác với ngài nhiều năm: cùng là thành viên Ban Thánh Nhạc từ năm 1973-1975, và từ năm 1992, khi Ủy ban Thánh nhạc Việt Nam được hình thành, trong cương vị Tổng Thư ký, hằng tháng tôi luôn đến bàn thảo với vị Phó Ban Thánh nhạc (mà Trưởng Ban là Giám mục đặc trách Thánh nhạc của Hội đồng Giám mục VN: Phaolô Nguyễn Văn Hoà).

Ngài đã từng viết cho tôi: “Ông Kim Long ơi, tôi với ông tuy có nhiều khác biệt… nhưng phải dẹp đi tất cả để lo cho Thánh nhạc Việt Nam”.

Bàng hoàng tiếc nhớ và tâm tư xao động bởi những kỷ niệm về ngài, tôi tạm dừng công việc ở Ban Phụng Tự vào buổi sáng 10.08.2005 để viết mấy dòng tâm tình này.

Tôi nhớ khi mình mới chập chững vào Tiểu chủng viện, ở những năm 1952-1954, tôi đã say sưa hát thật nhiều bài ký tên Tiến Dũng in trong những tập Minh Nhạc (Đa Minh Thiện Bản) bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như Huyền Linh, Hương Phong, Liên Thắng… mà ba bài làm tôi cảm kích nhất, cho đến nay tôi vn có thể hát thuộc lòng:

Ngàn lần yêu: Mẹ ơi, con yêu Mẹ thiết tha…

Con linh mục: Lạy Chúa Giêsu, con nay xin hứa…

Mẹ Việt Nam: Mẹ ơi, Việt Nam lâm cảnh điêu tàn…

Khi di cư vào Nam, từ năm 1954, tôi không được hát thêm những bài của Tiến Dũng… Hỏi ra mới biết: Thầy Tiến Dũng đã đi du học và đang học ở trường Truyền giáo. Sau khi thụ phong linh mục, cha Tiến Dũng chuyển qua học ở Giáo hoàng Học viện về thánh nhạc (Rôma). Sau này, khi đến học tại đây, tôi được biết ngài là người Việt Nam học lâu năm nhất (8 năm) và có học vị cao quý nhất (tốt nghiệp Nhạc sư sáng tác) ở Học viện này.

Trong thời gian học Thánh nhạc, ngài đã liên hệ với một số nhạc sĩ quen biết ở ngoại quốc như Hoàng Kim, Đinh Quang Tịnh, Nguyễn Văn Hoà, Thiện Cẩm và những người làm thơ như Nguyễn Văn Tuyên, Đỗ Xuân Quế… để hiệp sức và ấn hành hai tập Thánh ca: Hát lên bài ca mơí, Trăm triệu lời ca, và thêm một và nhạc sĩ ở Việt Nam (như Gioan Minh) để xuất bản tập Bài ca suy tôn.

Khi đã về Việt Nam, ngài có nhờ tôi chép nhạc và và in cho ngài các tập: Bài ca vô tận, Missa quarta, Missa quinta.

Cùng thời gian ở Rôma, ngài đã cho nhà xuất bản ở Ý phát hành hai tập Oremus cum organo và Missa tertia.

Tại Việt Nam ngài đã tích cực hoạt động cho thánh nhạc:

- Làm Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc của Hội đồng Giám mục (miền Nam). Trong cương vị này, ngài đã tổ chức các khoá học hỏi, các cuộc hội thảo về Thánh nhạc… và mở trường Suối Nhạc để giảng dạy về Thánh nhạc và các môn âm nhạc khác như pianô, hoà âm, đối âm, tẩu pháp, sáng tác… mà cho đến nay số môn sinh của ngài có mặt khắp nơi. Đồng thời làm khoa trưởng âm nhạc cho Đại học Minh Đức.

- Biên soạn các sách giáo khoa về âm nhạc được phổ biến rộng rãi: Nhạc lý, Hoà âm thực tập và dẫn giải, Đối âm, Tẩu pháp, Tôi viết ca khúc tiếng Việt, Hoà âm tân thời, Trên phím đàn… rất nhiều người đã thành đạt nhờ những sách giáo khoa của ngài.

- Làm Phó ban Thánh nhạc Việt Nam, trực thuộc Hôi đồng Giám mục, trong cương vị mới này ngài luôn trăn trở và tìm mọi cách để thành lập cho được một “Trung Tâm Thánh Nhạc” hầu đào tạo cho Giáo hội Việt Nam những nhạc sĩ sáng tác, những ca trưởng, những người đệm đàn phụng vụ… ước vọng này tuy chưa thành vì gặp trở ngại về địa điểm xây dựng… nhưng vẫn sống mãi trong tâm thức ngài.

- Ngài đã gợi ý để tổ chức các cuộc hội thảo về Thánh nhạc và phát hành nội san Hương Trầm để phổ biến kiến thức về Thánh nhạc (dưới thời Phó Ban của ngài, đã tổ chức ba cuộc hội thảo và phát hành ba số Hương Trầm).

Còn nhiều… nhiều lắm… trong tâm trạng ngẩn ngơ tiếc nhớ… tôi vội thắp một nén hương… hy vọng khi mọi việc đã ổn định, sẽ còn phải viết về ngài thêm nữa. Một điều tôi nuối tiếc là cho đến lúc nhắm mắt ngài chưa nhìn thấy tập Thánh ca Tiến Dũng: ngàn lần yêu mà tôi và cha Dao Kim đã gom góp sắp xếp và định ấn hành… nhưng các môn sinh của ngài xin tiếp nhận để thực hiện… mà cho đến nay vẫn còn dang dở…

Xin Chúa trao phần thưởng của bậc tông đồ (theo các nói của Đức Piô XII) cho một người đã suốt đời dâng lời ca tiếng hát để tôn vinh Chúa và giúp các tín hữu cầu nguyện và được thánh hoá.
 
Cộng Đoàn Thánh Tâm Việt Nam Houston dâng lễ Tạ Ơn thánh đường đồng chính tòa mới
Joseph Nguyễn Kỳ
14:35 09/04/2008
HOUSTON, TX – Ngày Chúa Nhật 6/4/2008 vừa qua, giáo xứ và Cộng Đồng Thánh Tâm Việt Nam tại Houston đã tổ chức lễ Tạ Ơn Thiên Chúa về ngôi thánh đường mới: Co-Cathedral of Sacred Heart (Đồng Chánh Tòa Thánh Tâm) vừa xây xong.

Thánh đường này đã được ĐHY Daniel DiNardo, Tổng giám mục giáo phận Galveston-Houston xức dầu thánh hiến vào ngày 2/4/2008.

Giáo xứ Chánh Tòa Thánh Tâm có khoàng 2,400 gia đình, trong đó gồm chừng 40% người da trắng, 30% người Mễ Tây Cơ và 20% người Á châu và 10% người gốc Phi châu.

Só người Việt Nam trong giáo xứ có khoảng 350 gia đình. Ngoài việc đóng góp để xây dựng như kế hoạch Hội đồng Mục vụ đề ra, nhiều gia đình Việt Nam đã đóng góp nhiều hơn số yêu cầu. Có gia đình dâng cúng $20,000 và Cộng đồng Việt Nam trong vùng Houston còn dâng cúng một chặng đường Thánh giá trị giá $50,000 mỹ kim.

Giáo xứ Thánh Tâm được một số các linh mục Việt Nam phục vụ như Đức ông Philippe Lê Xuân Thượng, chánh xứ (1990-1998); LM Huỳnh Ngọc Trân, chánh xứ (1998-1999). Hiện tại Chánh xứ là LM Troy Gately, và có Cha phó sứ là LM Nguyễn Ngọc Thụ. Giáo xứ có thánh lễ bằng tiếng Việt vào chiều thứ Bảy lúc 7:00PM và Chúa Nhật vào lúc 8:00AM và 1:00PM. Sinh hoạt của người Việt Nam trong giáo xứ rất đa dạng và sinh động.

Nguyên thủy giáo xứ Thánh Tâm do người Công giáo Ái Nhĩ Lan thành lập vào năm 1896, và hiện nay giáo xứ phục vụ giáo dân trong giáo xứ gồm các người Cộng đoàn gốc Ý, CĐ gốc Đức, gốc Mễ Tây Cơ, gốc Phi châu và Cộng đoàn Việt nam.

Thánh đường Thánh Tâm có những đặc điểm sau đây:

  • Thánh đường được thiết kế theo hình Thập giá.
  • Có 1.820 chổ ngồi và nếu cần có thêm 200 ghế xếp
  • Tháp chuông cao 140 feet xây biệt lập khỏi thánh đường
  • Tháp Vòm Tròn cao 117 feet với 12 kính mầu với hình 12 Tông đồ
  • Nó thánh đường cao 140 ft với các cửa hình mầu hình các Thiên thần
  • Bàn thờ là tảng đá hồng ngọc nguyên khối rất đẹp
  • Thánh giá Chúa cao 20ft
  • Phía bên trái có Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm, quan thầy TGP Houston bằng đá cẩm thạch trắng
  • Bên phải là Tương Thánh Tâm Chúa, cả 2 tượng này do điêu khắc Roberto Pedrini của ý thực hiện.
  • Ngoài ra còn có 6 bàn thơ nhỏ chung quanh với kính các Thánh.
Một vài con số về xây cất Thánh đường như sau:

  • Xây thánh đường tốn 39 triệu mỹ kim
  • Trang trí tượng ảnh bên trong tốn 10 triệu
  • Tháp chuông tốn 1.5 triệu
  • Đàn organ tốn 2.1 triệu
  • Thời gian xây cất 3 năm
  • Thánh đường dài 233 ft và rộng 200 ft
Đức TGM Joseph A. Fiorenza, nay đã hồi hưu là người đã khỏi công xây dựng thánh đường này. Kiểu mẫu thánh đường được thiết kế đơn sơ, thanh lịch, trong sáng, tôn nghiêm, tân tiến. Nếu có dịp thăm thánh đường này, bạn sẽ thấy kiến trúc thánh đường toàn là đường thẳng, mặt tường phẳng và sử dụng ánh sáng tự nhiên qua các cửa sổ.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chính quyền Hà Nội với chiến dịch thông tin sai lệch về hiện tình tranh chấp tại Thái Hà
Xuân Thành
13:38 09/04/2008
THÁI HÀ - Mấy ngày nay, thông tin chính quyền sẽ cưỡng chế các căn lều tạm mà giáo xứ Thái hà dựng tạm dùng để canh “cho công lý được thực thi”, khiến chúng tôi chạy bở hơi tai.

Chiều qua, lúc hai giờ chiều, giờ được báo là sẽ có cưỡng chế, có khoảng ba trăm giáo dân đã tới hiện trường. Họ ngồi, đứng la liệt khắp con phố. Nhóm thì đọc kinh, nhóm thì trầm tư trong cầu nguyện. Bầu khí ngột ngạt của những ngày đầu hạ càng làm cho bầu khí oi nồng. Phố Đức Bà trở thành nhà cầu nguyện. Tiếng hát, lời kinh cứ réo rắt vang xa.

Đồng chí công an Sơn (dấu X)
Như thường lệ, đồng chí công an Sơn – Phòng PA38, vẫn là người “sốt sáng nhất” trong những việc liên quan tới tôn giáo. Vị cán bộ công an tôn giáo này luôn có mặt khắp nơi. Khuôn mặt vô cảm, lộ rõ nét ưu tư…

Trong số những người có mặt tại hiện trường chiều qua, chúng tôi nhận thấy ngoài số giáo dân, còn có sự hiện diện của một số anh chị em lương dân đến chứng kiến việc giải toả phố Đức Bà. Những người này cho biết, họ không phải người dân tại khu vực. Sở dĩ họ tới đây hôm nay là vì mấy ngày này Đài Truyền hình Hà Nội đã loan tin rộng rãi về sự kiện xảy ra tại phố Đức Bà. Họ muốn biết thực hư thế nào, bởi như họ nói: “Nhà nước Việt Nam hay lừa bịp dân lành. Thông tin một chiều, gây mất đoàn kết lương giáo.” Họ còn nói: “Chúng tôi không tin nhà nước nên về đây và khi về đây, chúng tôi thấy mình đã không lầm”.

Chiều qua, đài truyền hình Hà Nội tiếp tục cử cán bộ đến hiện trường thao tác nghiệp vụ. Trong chương trình tối qua và nhất là sáng nay (9/4/2008), Đài truyền hình Hà Nội tiếp tục có những thông tin không chính xác về sự kiện ‘cầu nguyện cho công lý’ suốt ba tháng qua tại phố Đức Bà. Nào là “mấy ngày qua” một số giáo dân lấn đất công dựng lều… Nào là dùng ô tô phóng thanh gây mất trật tự trị an trong khu phố… Nào là lấn chiếm lòng lề đường khiến những người già không có chỗ tập thể dục… Nào là lấn lòng đường khiến các cháu nhỏ không có đường đến trường… Toàn những thông tin sai sự thật. Họ cố tình không nhắc tới những căn nhà xây kiên cố lấn hết cả con đường, không nhắc tới những bãi giữ xe tự phát của một số công ty tư nhân suốt dọc con đường và giả bộ quên rằng những căn lều này đã tồn tại suốt ba tháng qua.

Tất cả những sự kiện ấy khiến những người đã từng trải và kinh qua những kinh nghiệm đau thương khi sống dưới thời cộng sản đều có chung nhận xét: “Chính quyền đang chuẩn bị tấn công phố Đức Bà. Vấn đề chỉ còn là thời gian, bởi sau vụ rối ren Toà Khâm sứ nay đã lắng xuống, phố Đức Bà trở thành cái gai trong con mắt của cộng quyền. Chắc chắn, họ không để mãi như thế được. Họ phải tìm cách dẹp nốt phố Đức Bà. Việc Đài truyền hình và báo Hà Nội Mới liên tục phát đi những thông tin sai lệch, kết án giáo xứ và giáo dân, là để trấn an dư luận và lái dư luận sang một hướng khác.”

Chúng tôi không biết nhận xét ấy chắc chắn tới mức độ nào, nhưng những gì diễn ra mấy ngày qua tại giáo xứ Thái Hà cho thấy nhận xét ấy không phải là không có lý, bởi mấy ngày qua, ngoài việc Đài Truyền Hình Hà Nội và Báo Hà Nội Mới thông tin sai lệch, thì chính quyền cũng đang tung ra một chiêu bài khác, đó là dùng những người dân lung lạc ý chí của giáo dân. Một số giáo dân cho biết, những ngày qua, có một số người tự xưng là đồng đội của các cụ già canh đất đến tìm đồng đội cũ của mình. Những người này cho biết, họ được chính quyền cấp báo đang có một số đồng đội cũ của họ bỏ nhà, ngủ bờ bụi ba tháng nay và yêu cầu họ đến đón các đồng đội cũ trở về. Tuy nhiên, sau khi được giải thích cặn kẽ về việc đòi công lý cho Đất Nước, cho Giáo Hội… thì những đồng đội cũ của các cụ già lại lên tiếng ủng hộ các cụ. Những người này nói: “Nếu đúng như thế thì chúng tôi ủng hộ bạn. Chúc bạn mạnh khoẻ và kiên trì đấu tranh để đất nước bớt đi nạn tham nhũng”.

Những sự kiện như vậy chắc chắn làm cho mọi người suy nghĩ. Tuy nhiên, chuyện dỡ bỏ các căn lều có hay không, chúng tôi không biết; chỉ biết rằng, tối nay, cùng với bà con giáo dân Thái Hà ra phố Đức Bà cầu nguyện cho công lý và hoà bình, chúng tôi thấy các căn lều vẫn còn đấy.

Ánh sáng đèn điện từ các căn lều hắt ra khiến con phố đẹp hơn.

Các bức hình Mẹ sau ba tháng dầm mưa dãi nắng vẫn còn đấy nét tươi xinh.

Năm sáu trăm cây thánh giá treo trên các sợi thép gai kéo sợi thép oằn xuống như nhắc bảo thập giá nào thì bao giờ cũng nặng.

Mấy cụ già ngồi đó tán chuyện, lâu lâu lại nhìn lên ảnh Mẹ.

Và chúng tôi giật mình khi nghe được câu này từ một cụ cao niên: “Các bà có nhớ Đức Tổng có lần đã nói với chúng ta: “Đừng thay đổi trước khi người ta thay đổi” hay không?”

Hà Nội, tối 9/4/2008
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Petrus Abaelard và sự hoài nghi theo phương pháp
Lm Nguyễn Hữu Thy
08:56 09/04/2008
Petrus Abaelard và sự hoài nghi theo phương pháp

(Petrus Abaelard: Sic et non)


Vào tiền bán thế kỷ XII, ba nhà tư tưởng vĩ đại của thời trung cổ đã gặp nhau:

• Bernard Clairvaux, đại diện cho phái Thần bí học;

• Petrus Venerabilis, Viện Phụ Tu viện thời danh Cluny, người từng có những xung đột thần học với Hồi Giáo;

• và sau cùng là triết gia và thần học gia Petrus Abaelard, sinh năm 1079 tại Le Pallet thuộc miền Nantes.

Petrus Abaelard

Ở đây chúng ta thử tìm hiểu quan điểm triết học và thần học của nhà đại tư tưởng người Pháp vào thời trung cổ này. Trước hết, Abaelard theo học môn triết học, nhưng sau đó vì bất mãn với giáo sư của mình là nhà biện chứng học Wilhelm de Champeaux, ông đã bắt đầu theo học thần học khi ông đã 33 tuổi. Nhưng trong lãnh vực thần học, khả năng xuất sắc về biện chứng pháp của ông lại gây nên những va chạm và bất đồng giữa ông với Anselm de Laon.

Triết- thần học gia Petrus Abaelard
Ngoài ra, cuộc đời của Abaelard còn phải đối mặt với đủ thứ bất ổn khác nữa. Đặc biệt nhất là sự quan hệ rắc rối của ông với cô học trò tên Heloise (1101-1164) mới xấp xỉ 20 tuổi vào lúc bấy giờ và hai lần liên tiếp ông bị kết án vì có tư tưởng lạc đạo, vào các năm 1121 và 1140. Trong một hoàn cảnh đầy sóng gió và thử thách như thế, Abaelard đã chạy đến tìm an ủi nơi Petrus Venerabilis, Viện Phụ Tu viện Cluny. Chính nhờ sự can thiệp của Viện Phụ Petrus Venerabilis mà Petrus Abaelard - một vài tháng trước khi ông qua đời vào ngày 21.4.1142 - đã làm hòa với Viện Phụ Bernard de Clairveaux, nhất là được Đức Giáo Hoàng Innocent II tha cho các án phạt mà Toà Thánh đã ra.

Một điều làm người ta không khỏi ngạc nhiên là mặc dù phải đứng trước một cuộc sống đầy thử thách đau khổ như thế, các tư tưởng của ông đã gây nên được một ảnh hưởng rất lớn, mãi cho tới khi ông qua đời. Trước hết ở Paris, ngay từ đầu khi dạy thần học và biện chứng pháp, Abaelard đã luôn đề cao địa vị ưu tiên của lý trí. Ngoài ra, ngay khi tái khám phá ra nền triết học cổ đại về những triết gia duy lý Hồi Giáo, thì phương pháp biện chứng lại càng trở nên tâm điểm cho tư tưởng Tây phương. Vì thế, Abaelard cũng bị vẻ hấp dẫn của biện chứng pháp lôi cuốn. Nhưng rồi lần hồi cả khoa thần học nữa cũng đã trở thành trọng tâm của mọi tư duy và hành động của ông. Tuy nhiên, nơi Abaelard – lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng Kitô giáo - chính khoa thần học cũng đặt định hướng theo lý trí, nghĩa là cần phải hành động theo những luật lệ của luận lý.

Bởi vậy, trong tác phẩm chính của ông là cuốn «Sic et Non» (Có và Không) - một trong các tác phẩm trọng yếu nhất về biện chứng, được viết ra trong thời gian từ năm 1121 đến 1140 - biện chứng pháp là tâm điểm. Sự hình thành của tác phẩm phải kéo dài trong một thời gian lâu ngoại thường như thế đã cho thấy rằng công việc soạn thảo tác phẩm đã phải trải qua ít nhất bốn giai đoạn. Ba gia đoạn sáng tác đầu tiếp nối trong các năm thứ hai mươi của thế kỷ XII, trong khi đó giai đoạn thứ bốn (và có lẽ giai đoạn thứ năm) chỉ được hoàn thành vào khoảng từ năm 1135-1140.

Abaelard dẫn chứng sự tương quan giữa luận lý học và khoa chú giải và qua đó ông cho thấy rằng, nhờ vào sự hoài nghi theo phương pháp người ta có thể giải quyết được những mâu thuẫn như thế nào. Qua 158 Quaestiones (những vấn đề tranh cãi thuộc lãnh vực thần học), những lời phát biểu của Kinh Thánh, của các Giáo Phụ và của các Công Đồng, được đối chiếu với nhau dưới hình thức những mâu thuẩn (adversa). Abaelard cho thấy rằng chỉ duy một vấn nạn về thần học mà các tác giả lúc thì trả lời đồng thuận (sic) lúc lại trả lời bất đồng (non). Tuy nhận định như thế, nhưng chính Abaelard cũng không đưa ra lập trường riêng. Trái lại, ông để chính các độc giả tự tìm ra lối giải quyết; và trong phần mở đầu, ông chỉ giới thiệu phương pháp giải quyết, tức trình bày những quy luật tương hợp khả dĩ qua ratio.

Những chủ đề cơ bản, như sự tương quan giữa đức tin và lý trí, thần luận (hay thần lí học) và Kitô học, thì được tranh luận liên tục trong các Quaestiones, tương tự như việc nêu lên các vấn nạn về nhân chủng học hay vấn đề sự tự do của ý chí, vì vấn đề đó liên quan tới vấn nạn luân lý.

Cho đến thời điểm đó, cách thức tiếp cận vấn đề của Abaelard đã làm cho độc giả lưu tâm một cách đặc biệt khi ông công nhận quyền ưu tiên của lý trí đối với tất cả mọi người, chứ không chỉ đối với những Kitô hữu mà thôi, mà theo nguyên tắc thì đó là phương pháp để nhận thức Thiên Chúa một cách hợp lý, và qua đó ông đã mở ra một không gian mới mẻ cho việc thực hành đức tin cá nhân. Như thế, Abaelard đã đương nhiên loại bỏ quan niệm truyền thống của một Anselm Canterbury hay của một Augustinô, những vị - trong sự tranh chấp giữa quyền bính (auctoritas) và lý trí (ratio) - đã đặt quyền bính lên trên; hay nói cách khác: đã đặt nặng quyền bính hơn lý trí. Chính Augustinô đã có lần nói rằng nếu như quyền bính Giáo Hội không dạy bảo thì ông đã không tin vào Phúc Âm.

Chắc chắn rằng một sự duyệt xét lại có tính cách phê bình đối với các giáo huấn về đức tin Kitô giáo như đã được trình bày trong tác phẩm «Sic et Non» sẽ gây ra trước hết một sự hoang mang về đức tin nơi các tín hữu. Do đó, nhà đại tư tưởng Abaelard đã phải đối mặt với những phê bình chỉ trích là đã gây ra bất ổn cho đức tin Kitô giáo và chống lại giáo huấn của Giáo Hội.

Quả vậy, nếu người ta chỉ đọc qua Abaelard, người ta sẽ rất dễ dàng cắt nghĩa hoàn toàn sai về ông. Thực ra Abaelard chỉ muốn nói lên rằng nguyên nhân của những mâu thuẫn trong các văn tự chính thức của Giáo Hội (kanonische Schriften) – Kinh Thánh, các Giáo Phụ, các Công Đồng - là do sự bất toàn và sự giới hạn của khả năng tinh thần con người tạo ra, chứ không phải do chính các bản văn đó. Trong bài nhập đề của tác phẩm «Sic et Non», Abaelard đã viết như sau: «Chúng ta nên suy tư về khả năng yếu kém hạn hẹp của mình và xác tín rằng mình không có được ơn hiểu biết đầy đủ, chứ không phải những văn tự đó không có được ơn linh ứng viết cho đúng.»

Cách hoài nghi theo phương pháp này nhắc lại trong nhiều trạng huống về phương pháp chú giải của ngôn ngữ triết học tân thời. Hiện tượng: trong một ý niệm mà lại chứa đựng nhiều ý nghĩa khác nhau như thế đã khiến Abaelard kết luận rằng, sự đa phức của các ngôn từ và của các văn tự chính thức của Giáo Hội là dịp đưa tới sự sai lạc về ý nghĩa, một điều mà người ta có thể tránh được khi biết diễn tả một cách rõ ràng minh bạch. Nhưng đàng khác, Abaelard lại cho rằng – ví dụ: Kinh Thánh – nếu được cắt nghĩa một cách độc điệu thì sự nhất trí quá đơn giản và dễ dàng sẽ dẫn tới sự nhàm chán.

«Sự hoài nghi theo phương pháp được biểu lộ qua việc thường xuyên cật vấn về ý nghĩa bản văn, thì đối với Abaelard không gì khác hơn là việc con người thường xuyên biết mở rộng lòng mình đón nhận chân lý của Thiên Chúa.»

Mặc dù chính Abaelard không tự coi mình là người sáng lập nên phương pháp biện chứng – trong thực tế, công trình nghiên cứu của ông về tất cả các vấn đề được coi như là sách gối đầu của các học trò của ông – nhưng ông đã quảng bá sự sử dụng phương pháp biện chứng một cách sâu rộng, đến nỗi giờ đây nó đã có thể được đem sử dụng trong việc trình bày các chân lý thuộc lãnh vực thần học. Đó là một phương pháp đã làm cho ông trở thành một trong những cha đẻ của phái Kinh Viện và được các nhà tư tưởng thời danh lúc bấy giờ như Johannes von Salisbury hoặc Petrus Lombardus đón nhận, cũng như được các nhà thần học như Tôma d’Aquinô kiện toàn thêm.

Qua các bản sao chép tác phẩm của ông cũng như qua các lập trường chống đối của các đối thủ của ông, người ta nhận thấy rằng các tác phẩm của ông đã gây được ảnh hưởng rất rộng rãi, đến nỗi khoa phương pháp học của ông đã vượt ra khỏi biên giới Kinh Viện để trở thành nguyên tắc cho nền khoa học Tây phương.

Thật ra, Abaelard đã không hề đặt lại vấn đề quyền bính Giáo Hội theo đúng nghĩa, cũng như ông cũng không hề chủ trương cần phải duyệt xét lại tính cách trung thực của các văn tự chính thức của Giáo Hội. Theo Abaelard, các văn tự đó phải được coi là hoàn toàn đúng, còn các sai sót trong các bản văn là do lỗi của người viết. Trái lại, những phát biểu của các Giáo Phụ không thuộc các văn tự chính thức của Giáo Hội (nicht-kanonische Schriften) thì có thể bị đưa ra phê bình mổ xẻ trong toàn bộ của chúng. Ngoài ra, Abaelard cũng quan niệm rằng ngay cả một số văn tự chính thức của Giáo Hội đã được viết ra trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó, thì chỉ có thể được coi như những ý kiến hay những đề nghị, chứ không thể là những chân lý khách quan có tính cách bó buộc. Trong khi đó, một bản văn thuộc những văn tự không chính thức thì đương nhiên chứa đựng đầy cả cái đúng và cái sai. Nếu thế, phương thức tìm hiểu mổ xẻ có tính cách phê bình như thế là một điều được chính Thiên Chúa đòi hỏi: «Các ngươi hãy tìm thì các người sẽ gặp. Các ngươi gõ cửa thì cửa sẽ mở ra cho các ngươi.»

Nói tóm lại, đối với Abaelard, sự hoài nghi theo phương pháp được biểu lộ qua việc thường xuyên tìm hiểu mổ xẻ bản văn không gì khác hơn là thái độ con người thường xuyên biết mở rộng tâm hồn mình đón nhận chân lý của thiên Chúa.

________________

Sách tham khảo:

Petrus Abaelardus: «Sic et Non». Minerva Verlag, Frankfurt 1981, 464 Seiten.
 
Hành hương Thánh Địa: Đền Hồi giáo và Nhà Thờ Mồ Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
12:36 09/04/2008
HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH (IV)

Đền thờ Hồi giáo.

Ngược dòng lịch sử hồi năm 638, người Hồi giáo đánh chiếm Giêrusalem, và xây đền thờ ngay trên nền cũ của đền thờ Do Thái ngày xưa, vì đền thờ Do Thái đã bị quân La Mã thiêu hủy năm 70 sau CN. Giữa bầu trời trong xanh rực rỡ một vòm khổng lồ bằng vàng ròng. Đó là vòm tảng đá (the dome of the rock),
Đền thờ, nơi người Hồi tin rằng Mahomet thăng thiên.
một trong những đền thờ đẹp nhất trong thế giới Hồi giáo được xây dựng từ năm 691 do Umayyad Caliph. Người Hồi giáo tin rằng Đại Tiên tri Maohomét đã thăng thiêng từ địa điểm đó…Chúng tôi chỉ đứng nhìn vào bên trong Đền thờ qua vài ô nhỏ vì cửa đóng kín mít.

Đền thờ xây trên nền hoàng cung của Salômon
Người Hồi giáo còn xây thêm một đền thờ khác trên nền hoàng cung của Salômon. Từ đó người Dothái chỉ có thể đến cầu nguyện tại bức tường phía tây do vua Hêrôđê xây, khi ông mở mang và tái thiết đền thờ. Họ đến than khóc cho ngôi đền vua Đavit và người con là vua Salômon đã bị phá hủy sau cuộc vây hãm khủng khiếp của đoàn quân La Mã do đại tướng Titô dẫn đầu. Theo sử gia Joseph Flavius, khi tiến vào thành, quân La Mã đã tàn sát không thương tiếc bất luận đàn ông, đàn bà hay trẻ em. Quân lính đã nổi lửa lên đốt phá thành kể cả đền thờ, đến nỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào như lời Đấng Cứu Thế đã tiên báo. Vì thế bức tường phía tây, phần còn sót lại được gọi là bức tường than khóc (Wailing Wall). Nó trở thành nơi hành hương, cầu nguyện cũng như tổ chức các lễ hội công cộng thiêng liêng của người Do Thái ngày nay. Họ đến than khóc, kêu gào nuối tiếc hình ảnh quá khứ của đền thờ và cầu mong đấng Mêssia mau đến.

Thỏa hiệp tại trại Đavít, Hoa Kỳ, năm 2000, xác định khu vực bên trên với sân, và hai đền thờ hồi giáo thuộc quyền kiểm soát của người Palestine. Người Do Thái sở hữu Bức Tường Than Khóc và vùng đất phía dưới, tức móng của đền thờ Do Thái cổ xưa.

Bức tường than khóc (The Western Wall)
Sau khi thăm 2 đền thờ Hồi giáo, phái đoàn chúng tôi đến thăm bức tường lịch sử. Đông nghẹt khách hành hương. Sân chia làm hai phần rõ rệt: một bên dành cho các ông, một bên dành cho các bà. Các quân nhân phụ trách an ninh được trang bị súng ống như thời chiến.

Đây là nơi cực thánh đối với người Do Thái, bức tường này là một phần của bức tường do Herođê xây xung quanh Đền Thờ thứ hai vào năm 20 trước CN. Bức tường này cũng là bức tường cầu nguyện. Trên bức tường giữa các kẻ đá đầy kín những giấy xin ơn.

Đặt tay trên Bức Tường Khóc
Theo luật do thị trưởng Giêrusalem đặt ra, bất cứ du khách nào đến đây, đều phải ăn mặc chỉnh tề, không được mặc quần soọc và áo không cổ, phải đội mũ. Nếu ai không có mũ thì ít ra phải đội mũ chõm (Kippa) có để sẵn ở lối vào. Người Do Thái thì phải khoác thêm áo choàng ngoài màu trắng có sọc đen. Tôi lần vào hành lang bên trong, áo choàng la liệt trong các tủ đứng để tùy nghi sử dụng. Ngoài sân, người đến càng đông, chỗ thì tụ họp cầu nguyện bên các cuốn Thánh Kinh có các Rabbi hướng dẫn; chỗ thì đám đông đọc Thánh Vịnh cầu nguyện hai tay ngữa ra, tha thiết trầm buồn! Chỗ vui nhộn do các bé gái Do thái nhảy múa. Ai cũng thích ngắm nhìn các em bé, chúng dễ thương làm sao.Tôi cùng cha Quang, Cha Hội cố len vào gần bức tường, đặt tay lên tảng đá, chụp vài tấm hình lưu niệm.

Bức tường lịch sử này đã trở nên biểu tượng cho cuộc sống trở về Đất Hứa của dân tộc Israel. Một biểu tượng đầy bi thảm! Một vết thương không bao giờ lành!

14 chặng đàng thánh giá.

Rời khỏi bức tường phía Tây chúng tôi tiến vào Cổ Thành Giêrusalem.Tên cổ là Moriah. Tương truyền ông Abraham đã sát tế Isaac ở đây.

Đây là “Thành của các Tiên Tri”, “Thành Hòa Bình”. Đối với người Hồi giáo, Giêrusalem là miền Đất Thánh thứ ba, sau Mecca và Medina. Người Do thái giáo thì coi Giêrusalem là nơi khai nguồn tôn giáo của họ. Còn với người Kitô hữu, Giêrusalem gắn liền với những ngày cuối cùng của Đấng Cứu Thế, nơi Chúa đã từng được tôn vinh khi tiến vào thành, chịu khổ hình thập giá và đã sống lại.

Với thập giá trên vai, Chúa Giêsu ra khỏi dinh Philatô; vì Chúa kiệt sức nên họ đã phải bắt ông Simon Cyrênê giúp Chúa. Một đội trưởng và 4 người lính Rôma dẫn Chúa với hai tội nhân đến nơi xử, Golgôtha, một đồi nhỏ ở ngoài thành mạn tây bắc và không cách xa thành lắm. Lúc đó vào khoảng trưa. Chúa phải đóng đinh giữa hai người trộm cướp, một tên hùa với những người Do thái xỉ nhục Chúa, còn tên kia hối hận và tin tưởng vào Chúa, đã được Chúa hứa cho vào nước Thiên đàng (Lc 23,43). Khi quân lính chia nhau áo Chúa và các Thượng tế cùng với những người qua lại chế nhạo Chúa, một số những bạn trung thành tới bên thánh giá: Đức Maria Mẹ Chúa, Gioan môn đệ yêu quí, và những người nữ đạo đức. Họ được nghe những lời sau cùng của Chúa và lời Chúa kêu lên (lúc 3 giờ chiều) khi Chúa thở hơi cuối cùng dưới một bầu trời tối tăm và đất động, như thiên nhiên cũng muốn dự phần vào cái chết của Đấng Thiên Chúa tạo thành.

Hôm đó là ngày thứ sáu 14 Nisan, tức là ngày 7 tháng tư dương lịch năm 30.

Về ngày Chúa chịu Tử nạn, chúng ta biết chắc chắn đó là ngày thứ sáu vì các Phúc Âm đều ghi hôm đó là ngày vọng ngày Sabbat (parasceve) (Mt 27,62; Mc 15,42; Lc 23,54; Ga 19,31). Theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã chịu chết ngày người Do-thái ăn tiệc chiên, tức là ngày 14 tháng Nisan (Ga 13,1; 19,14; cf. I Cor 5,7). Vì thế ngày thứ sáu năm đó cũng là ngày vọng lễ Vượt qua. Chúa Giêsu chịu chết ngày 14 tháng Nisan và là ngày thứ sáu trong tuần. Năm Chúa Giêsu chịu chết phải hội đủ những điều kiện sau đây: dưới thời Philatô làm Tổng trấn xứ Giuđêa (từ năm 26 đến năm 36), ngày thứ sáu và ngày 14 Nisan. Chỉ có những năm 27, 30, 33 hội đủ 3 điều kiện đó. Theo những điều đã nói ở trên về năm thứ 15 triều Hoàng đế Tibêriô, về khởi điểm và thời gian đời công khai của Chúa Giêsu, những năm 27 và 33 không thể chấp nhận được vì vào dịp lễ Vượt qua năm 27 Chúa Giêsu chưa bắt đầu hoạt động; năm 33 lại muộn quá. Trái lại, năm 30 chính là năm mà những tính toán tóm tắt ở trên đều quy lại. Trong năm 30, ngày 7 tháng tư dương lịch là ngày thứ sáu và là ngày 14 Nisan. Những chứng lý xác định niên hiệu này rất có giá trị và ta có thể coi đó là niên hiệu cuộc Tử nạn của Chúa. Khi chịu chết, Chúa được từ 34 đến 36 tuổi. Số tuổi tùy theo niên hiệu Giáng sinh được chấp nhận.

Vì là ngày vọng Sabbat, năm đó trùng ngày với đại lễ “Vượt qua” do đó phải cất xác trước khi mặt trời lặn. Giuse Arimathia, thuộc Hội đồng Tối cao, một phú hộ bí mật theo Chúa, đã xin Philatô cho phép cất xác Chúa đã bị đâm thủng cạnh sườn. Với sự giúp đỡ của Nicôđêmô và các gia nhân, ông đỡ xác Chúa xuống khỏi thập giá, và sau khi đã rửa xác theo tục lệ, quấn xác Chúa bằng băng vải có tẩm mộc dược và thuốc thơm và lấy khăn bọc xác Chúa, Giuse Arimathia đã an táng Chúa vào huyệt mà ông làm sẵn cho mình trong một thửa vườn gần núi Sọ.

Đi Đàng thánh giá là đỉnh điểm cuộc hành hương. Đoàn Philippin mượn một cây thánh giá lớn hai người vác. Họ sốt sắng suốt hành trình thương khó. Chúng tôi chuẩn bị các bài hát, bài suy niệm để đi trên con đường khổ nạn, từng bước sống lại con đường Chúa đã đi qua. Con đường khổ ải có 14 chặng theo truyền thống, dài khoảng 500m từ dinh Philatô đến đồi Golgotha. Phần đầu qua khu Hồi giáo, phần còn lại đi qua khu Kitô giáo. Bài ca "Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn sâu trên trán? Lạy Chúa thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư? Đường tình đó Ngài dành cho con.." được hát lên với tất cả xúc động trào dâng.

Chặng thứ I khởi đầu từ pháo đài Antonia. Nơi Chúa bị lên án tử hình, bây giờ là trường Hồi giáo Omarya. Có một nhà nguyện nhỏ ghi lại sự kiện này... Chúa rời dinh quan Philatô phỏng 12 giờ trưa Ngài phải vác lấy giá gỗ của mình. Cổ đeo lủng lẳng tấm bảng sơn trắng nêu rõ tội danh. Đi trước mở đường là đoàn kỵ binh. Hai bên là đội binh đầy đủ vũ khí gươm đao. Cùng bị điệu đi xử tử với Chúa là hai tên trộm cướp đúng như Phúc âm mô tả. Dân chúng ùa theo sau, người nguyền rủa, kẻ chửi bới, thù hằn hoặc chỉ đơn giản vì tò mò. Con đường qua các phố xá chật hẹp, nếu tính thẳng như chim bay thì phỏng chừng 200 mét, nhưng thực tế ngoằn ngoèo lên đồi xuống dốc khoảng 500 mét. Đoàn diễu hành tiến ra ngoại thành bằng cổng Ephraim, bình dân gọi là cổng vuông, vì cổng xây vuông góc với tường thành phố Giêrusalem, sau này cổng được gọi là chợ Roma (Forum Roman). Cổng Ephraim hình cái răng cày nhọn hoắt, nhô ra phía ngoài, người ta chỉ có thể vào cổng từ phía bắc xuống phía nam và ra cổng từ hướng đông sang hướng tây.

Chặng thứ II trên đường phố.
Đi qua Vòm “Đây là Người!”, chúng tôi đến từng chặng thứ thứ II, III.

Chặng thứ IV Chúa gặp Đức Mẹ, nơi hiện nay là nhà nguyện của Hội Thánh Công giáo Armenia… rồi đến các chặng khác chỉ có con số La Mã ghi trên tường VI, VII, VIII, IX. Đi qua những khu phố chật chội, lát đá, gập ghềnh lên xuống, người qua kẻ lại ồn ào mua bán đủ thứ những vật kỷ niệm, những sản phẩm địa phương v.v. những người đi đàng thánh giá, vẫn âm thầm nhìn lại từng chặng của cuộc khổ nạn. Cảnh đi đường thánh giá quá quen thuộc đến mức như một thứ sinh hoạt thường ngày ở đây, chẳng gây ngạc nhiên hay chú ý của bất cứ ai! Kẻ buôn người bán trả giá náo nhiệt, tiếng chuông lắt rao hàng inh ỏi, những người khuân vác chen vào cả khách hành hương đang suy niệm, những tay chụp ảnh ra dấu mời gọi v.v... coi như hồn ai nấy giữ, việc ai nấy làm… Tôi liên tưởng đến cảnh hỗn loạn mà Chúa phải dùng roi để xua đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ ngày xưa…

Chúng tôi dừng lại mỗi chặng ít phút, gợi một ý tưởng để suy niệm, để thông phần thống khổ với Đấng đã yêu thương cho đến cùng. Cuối cùng chúng tôi đến khu vực Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh. Năm chặng cuối cùng đều ở trong khu vực này. Nơi Chúa chịu lột áo, nơi Chúa chịu đóng đinh, tắt thở trên thập giá, hạ xác xuống và chịu mai táng trong mồ. Địa điểm Chúa chịu treo trên thập giá, dưới gầm bàn thờ, có một cái lỗ mà ai đến cũng muốn đặt tay vào và quỳ gối hôn kính vì tương truyền vì đó là nơi cắm thánh giá Chúa.

Khu vực này thật đông người. Bầu khí cầu nguyện trang nghiêm. Nhiều người quỳ gồi trên nền đá cầu nguyện sốt mến.Mọi người xếp hàng dài chờ đến lượt hôn kính chặng thứ 11 và 12. Thời gian dài chờ đợi là lúc để tâm suy gẫm về cây thập giá.

Cây thập tự là khổ giá của người Roma ưa dùng để hành quyết các tội phạm nguy hiểm, ngõ hầu nêu gương cho kẻ khác. Chúa Giêsu đã ám chỉ tới nó khi tuyên bố: “Khi nào bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12, 32). Điều mà loài người chủ ý dùng để hạ nhục Ngài, thì Ngài sử dụng như khí cụ vinh quang. Nó là một cây gỗ dài chừng hơn ba mét, được bào vuông. Chiều dài và sức nặng được tính toán để phạm nhân có thể vác bổng lên vai đi ra pháp trường. Không có chuyện kéo lê thân cây dọc theo đường phố. Đòn ngang bên trên cũng phải được tính toán hợp lý. Như vậy cây khổ giá có hình chữ thập, di chuyển dễ dàng, nhưng phải đủ cứng cáp để có thể chịu đựng một thân xác vài chục kilô và đứng vững lâu dài.

Còn gỗ thì thuộc loại cây nào? Có rất nhiều truyền thuyết hoang đường. Có người lý luận phải là loại quí báu, để mang lại hoa quả tốt lành cho nhân loại. Khả năng đúng nhất là loại gỗ thông, thường mọc đầy trong vùng ấy. Thông vùng Palestine có nhiều chủng loại, người ta vô phương xác định giá gỗ Chúa Giêsu thuộc chủng loại nào? Có chuyện còn nói rằng cây đó được đốn ở thung lũng phía nam thành phố Giêrusalem, bây giờ thuộc phạm vi tài sản của tu viện Hy lạp gần đấy gọi là tu viện Thánh Giá. Có hàng lô sưu tập thập giá ở Giêrusalem, nhưng không có chỉ dẫn chúng ở đâu tới. Phụng vụ Hội Thánh đặt bài ca đầy ý nghĩa thiêng liêng cho thập giá Chúa Giêsu: Ta tin thật muôn rừng cây chẳng thấy, Một cây nào cành, hao, lá, như ngươi. Mấy mũ đinh nhẹ quá thập tự ơi, Sao mang nổi tấm hình hài vô giá. Rủ cành xuống hỡi cây cao bóng cả. Giãn thớ ra cho thân cứng hóa mềm. Như chiếc giường vừa trải mệm ấm êm, Cho vua cả đến đặt mình nằm xuống. (Kinh sáng, thứ sáu tuần thánh). Phía cao, trên tấm bảng viết mấy chữ nội dung bản án. Trường hợp Chúa Giêsu là: Giêsu người Nazareth, vua dân Do thái, bằng ba ngôn ngữ: Do thái, Latinh, Hy lạp. Ngày nay chúng ta thấy chữ Latinh viết tắt: INRI: Jesus Nazareth rex Judeorum. Trước khi đóng đinh, lý hình thường lột hết quần áo của phạm nhân, trói chặt vào khổ giá, rồi mới đóng đinh. Đầu Chúa Giêsu vẫn đội mão gai để thêm phần sỉ nhục. Nhưng sự thực, là biểu tượng được tôn vinh làm vua vũ trụ, vua yêu thương mọi linh hồn.

Đóng đinh Chúa Giêsu xong, quân lính kéo thập giá lên. Giá gỗ rớt xuống hố, đụng mạnh vào mặt đất làm rung chuyển thân xác đã bị nhừ đòn đêm qua không thương xót. Của lễ hiến tế đã được treo lên giá, đợi lửa toàn thiêu, tức cái chết. Vì cú sốc của giá gỗ, thân xác rung động chùng xuống, máu ở các vết thương xối ra, nhất là từ các lỗ đinh chân tay. Máu cũng xối trào từ chân các gai nhọn thấu vào da đầu. Các vết cắt trên thân thể lộ rõ vì dòng máu mới. Vầng trán và mặt mũi vấy đầy máu khô. Sách Isaia mô tả rất đúng: “Người chẳng còn hình dạng như trước nữa”. Tuy nhiên nạn nhân không thể cử động hay giẫy dụa vì chân tay đã bị ghim chặt vào giá gỗ. Thật quá đau đớn. Tại sao loài người lại có thể tàn nhẫn với nhau như vậy được? Sau cái lắc mạnh, thập giá lọt vào vị trí, thân thể nạn nhân quặn đau mà không thể cựa quậy, là giây phút hấp hối. Trời đất ảm đạm như sắp tới cơn mưa bão, nhưng nắng vẫn chói chang trên triền núi. Chẳng bao lâu nữa cái chết sẽ ập tới.

Cuối cùng chúng tôi đi xuống tấm phiến đá màu huyết dụ là nơi đặt xác Chúa sau khi hạ xuống khỏi thập giá. Mọi người quỳ xuống hôn kính. Các bà hôn rất lâu, hôn nhiều lần, khóc nghẹn ngào, thương Chúa quá đỗi.

Hôn kính tảng đá, nơi đặt xác Chúa
Đã 12 giờ trưa, chúng tôi xếp hàng hơn một tiếng đồng hồ để vào nhà mồ nơi Chúa đã được chôn cất và sống lại. Đoàn Phi châu đông hơn trăm người. Họ hát những bài thánh ca trầm buồn. Mồ Thánh lấy ánh sáng tự nhiên từ trên cao toả xuống.Từng người một đi vào mộ do một tu sĩ Chính thống giáo hướng dẫn. Mộ huyệt tối tăm, tôi chỉ được vào một phút, chỉ kịp sờ và hôn phiến đá của mộ huyệt, bên trái có một bức tranh bằng đồng diễn tả cảnh Chúa sống lại… Quá đông người chờ đợi đến lượt nên không thể cầu nguyện lâu hơn, thật đáng tiếc !

HÔn tảng đá mai táng Chúa
Ngôi mộ của Chúa Giêsu chỉ cách Thánh giá chừng vài chục mét. Đau khổ và sự chết là hai mặt của thực tại con người. Đau khổ hạ thấp con người. Sự chết tàn phá họ. Nhưng nơi Đức Kitô, hai mặt đó liên kết để nâng phẩm giá người ta lên. Để lên trời con người phải qua ba giai đoạn: Thập giá, nấm mồ và thiên đàng.

So sánh các chi tiết trong Phúc âm với khảo cổ, họa đồ, người ta có khả năng hình thành ý niệm chính xác về ngôi mộ Chúa Giêsu mà Giuse Arimathia đã đào, và tình trạng nguyên thuỷ của nó ra sao.

Đường đi xuống mộ là một rãnh hào, khá dài vì thế đất thấp dần. Chiều dài dần dần ngắn hơn khi chiều sâu gia tăng. Từ ngưỡng cửa mộ cho tới tiền đường thế đất thấp hơn, người ta lập những bước bậc thang. Phía trước mặt là cánh cửa thấp dẫn đến phòng tẩm niệm. Nghi thức này gồm: tắm rửa xác, xức thuốc thơm và cầu nguyện. Lui xa hơn là một cánh cửa khác cũng thấp mở vào lỗ an táng. Lỗ là một cái hang vòm khung đục vào tường bên phải để đặt xác. Mọi chuẩn bị nói trong Phúc âm về việc chôn táng Đức Giêsu là được làm đồng thời chiều thứ sáu vì ngày mai là Sabbat, mọi việc phần xác đều bị cấm. Thánh Gioan cho biết là họ buộc phải mau chóng vì ngày thứ bảy cận kề và ngôi mộ lại gần (Ga 19,42).

Như vậy ông Giuse Arimathia được diễm phúc biết bao! Ong hân hạnh giống như Simon người Cyrênê. Simon vác thập giá giúp Chúa còn Giuse mai táng. Mấy năm trước Nicôđêmô đã đến phỏng vấn Chúa vào ban đêm (Ga 3,11) nay mua 100 cân dầu thơm và hương liệu xức hang đá. Như thế ông lại được gặp Chúa nhưng là lần cuối cùng.

Xếp hàng chờ đợi viếng Mồ Thánh
Tuy nhiên, việc xức xác chiều thứ sáu là vội vàng. Cần một cuộc xức trọng thể hơn theo tục lệ do những bàn tay đạo đức. Đến sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần các phụ nữ ra mộ thì gặp thiên thần xuất hiện báo cho họ biết về phép lạ phục sinh.

Mồ Thánh nhận ánh sáng trời chan hoà
Trong tâm trí Đức Giêsu trên thập hình những điều này rõ ràng và trái tim Ngài xúc động biết bao. Lúc này Ngài không thấy ngôi mộ. Nhưng cảm nhận nó rất gần và Ngài biết rõ điều đó. Ngài suy nghĩ về tầm quan trọng của nó đối với công trình cứu chuộc. Ngài cần nó để nghỉ ngơi như một công nhân mệt nhọc và dự kiến cho các biến cố vào sáng thứ nhất của tuần lễ mới. Ở ngôi mộ này Ngài ban tặng sự sống để rồi lấy lại. Ngài đặt gánh nặng tình yêu xuống đó trong giây lát.

Khi phán “mọi sự đã hoàn tất”, Đức Giêsu nghĩ ngay đến ngôi mộ. Lời ấy là bình luận về hiệu quả của thập giá, về chính thập giá và về con đường của nó trong tương lai. Con đường cho chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Vì chiếc hang bằng đá này là chứng tá cho biến cố thuyết phục nhất, dấu chỉ rõ ràng nhất của biến cố phục sinh. Nó vừa là bằng cớ vừa là tặng phẩm cuối cùng của Ngài. Việc mai táng là kết thúc cuộc khổ nạn. Đối với kẻ thù, nó là việc săn đuổi cuối cùng. Đối với Đức Giêsu nó là hy sinh sau hết, là hoàn thành nhân đức hạ mình ra không. Khi chết chúng ta chẳng còn sự sống. Đó là cú ngã cuối cùng của một đời người. Nhưng nơi Đức Giêsu, Ngài vẫn giữ sự sống và quyền năng vì Ngài là Thiên Chúa.

Trước mồ thánh
Ngài niêm dấu ấn trên công nghiệp của mình bằng ngôi mộ. Và bất chấp thù ghét, hội đường Sanhedrin Do thái đã vô tình giúp đỡ Ngài làm điều ấy. Ngôi mộ này là biểu trưng cuối cùng của Phúc âm đầy màu sắc, là hình ảnh cuối cùng liên quan đến thực tế cao siêu của ơn cứu vớt. Với hình ảnh này lời rao giảng của Con Loài Người trở thành bất tử. Y nghĩa vĩnh hằng của sứ điệp Ngài không tranh cãi được nữa. Lúc này và mãi mãi về sau các môn đồ của Nước Trời chẳng thể ngủ yên, kể cả lịch sử loài người. Mầm sống phục sinh đã được cấy vào nhân loại. Cây sự sống lại trổ hoa lần nữa. Từ đó, chỉ còn một biến cố vĩ đại duy nhất trong dòng chảy của các thời đại, là biến cố khởi sự và kết thúc ở ngôi mộ đá thiêng liêng.

Biến cố này không chỉ liên quan đến loài người, tuy khổ nạn nhằm mục tiêu cứu rỗi, nhưng còn là một nền thờ phượng đúng nghĩa, Đức Giêsu đạt đến cực điểm của việc thờ phụng Thiên Chúa khi người ta tháo xác Ngài khỏi giá gỗ, đặt vào lòng Đức Maria và đem đi mai táng.

Ngài phải hạ mình xuống sâu đến mức độ ấy để tôn vinh Thiên Chúa Cha, nêu gương cho nhân loại. Ngài đi đến tận cùng của khiêm tốn để ban tặng vinh hiển cao siêu nhất mà tình yêu có khả năng thực hiện. Đây là chân lý không ai chối cãi được. Việc hạ mình xuống tận đáy của hư vô để ngợi khen Thiên Chúa Cha, Ngài hiến dâng lên Cha công việc cao quí nhất của tạo dựng là công trình cứu độ.

Ban sáng phục sinh giãi bày quyền năng của Đấng “ làm mau lẹ kẻ chết và kêu gọi những chi chưa hiện hữu”. Sự khôn ngoan của kế hoạch Đức Kitô được tỏ rõ rực rỡ. Tình yêu thúc bách khôn ngoan sẽ được đáp trả bằng yêu mến tương xứng. Nó sẽ biểu lộ mình thực chất là chi? Là một tình yêu ở đỉnh cao nhất của thực tại: Tình yêu thần linh là mẫu mực cho mọi thứ tình yêu – tình yêu cứu vớt. Ý niệm “lễ tế hy sinh” không được làm chúng ta bỏ qua mong đợi vinh quang. Trái lại, trong tâm khảm Đức Kitô chính niềm mong chờ này ban ý nghĩa đích thực cho ngôi mộ của Ngài và hết thảy ngôi mộ khác.

Vì Đức Kitô là Thiên Chúa của mọi thời đại, trên thập tự Ngài đã trông thấy từng diễn biến của thời gian. Ngài kinh nghiệm vui thích của tương lai, mà các tiên tri reo mừng, Ngài thấy rõ các việc xẩy ra trong “ngày mai”. Tất cả qua nội dung của cuốn “sách hằng sống”.

Ngài chết và được mai táng trong mồ, dầu thơm và hương liệu khuếch tán vị ngọt ngào ra khắp vũ trụ, các phụ nữ im lặng canh thức, các thiên thần đứng gác mộ. Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh đạo Do Thái có khả năng thách thức được quyền phép Đức Giêsu. Nhưng sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá cửa mồ vỡ nát ra. Mặt trời công chính đã phục sinh. Những lời thì thầm kín đáo truyền đi từ cửa miệng này đến lỗ tai người khác, trước hết từ thiên thần nhanh băng qua con đường còn hoang vắng buổi sáng sớm, vừa sợ vừa run. Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát quá to lớn, đã lau khô đôi mắt họ. Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương. Hai môn đồ đi làng Emmaus vào lúc chiều tà hôm ấy, chiếc thuyền câu sau cùng còn chòng chành ở bến cảng. Các thiên thần cúi xuống nhìn lỗ huyệt trống, dây các phép thắt chéo ngang trứơc ngực, buồn thảm đang cuốn gói nhường chỗ cho niềm vui đến. Bảy lời trăn trối không thể dập tắt hoan hỷ, Giáo Hội được hình thành. Chẳng bao lâu nữa tin mừng được công bố long trọng trong Giáo Hội ấy. Hai cánh tay giang rộng trên đà ngang giá gỗ sẽ biểu trưng cho cử chỉ Ngài sai các môn đệ đi rao giảng khắp tứ phương thiên hạ. Còn niềm vui nào bằng? Còn an ủi nào lớn hơn?

Mồ Thánh, nơi Chúa sống lại.
Surrexit Christus, Spes mea: niềm hy vọng của tôi là Đức Kitô phục sinh. Nấm mồ là hy vọng của thế giới và đặc biệt của Đức Giêsu trên ngọn đồi Calvario. Vậy thì hãy suy tưởng đến Ngài, Đấng chẳng hề quên nhân tính nơi mình, mặc dầu loài người có lẽ quên. Ngài bằng lòng chịu đựng đau khổ và chẳng bao giờ không ước ao khổ đau. Ngài tình nguyện ẵm lấy cái chết, nhưng không xao lãng tương lai. Khi khổ đau chấm dứt là lúc kết thúc công trình cứu độ. Thánh vịnh 29 ca hát: “Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vang tiếng hò reo” (29,6). Chiều tà băng qua màn đêm để gặp gỡ ngày mới.

Đối với nhân loại, mộ chí là ngục tù tăm tối, ở đó con người bị bỏ quên cho đến thiên thu. Tuy linh hồn bay đi chốn khác, nhưng thân xác thối rữa tại chỗ, và chẳng ai nhớ đến chúng ta nữa, coi như chưa hề tồn tại trên trái đất. Về phần Đức Kitô thì không phải vậy. Ngôi mộ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang. Ngài dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi thiên thu, nhờ Đức Giêsu từ đây về sau nấm mồ giam giữ chúng ta một thời gian và Ngài sẽ thỏa mãn khát vọng sống muôn đời của mỗi người vì Ngài đã an nghỉ trong mồ chỉ là khoảng khắc.

Hai ngày nữa nấm mồ bằng đá nặng nề của Ngài sẽ vỡ tan như vỏ trứng. Hai ngày nữa chiếc hang lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm sẽ mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an: Sự sống thần linh xuất hiện.

Pascal nhận xét rằng: “Đức Giêsu không thực hiện phép lạ nào trong mồ”. Điều đó đúng, nhưng phép lạ xẩy ra ngay sau mồ. Nó là phục sinh và đời sống diệu kỳ sau cái chết. Thần khí Ngài trối lại cho nhân loại là căn nguyên của phép lạ ấy. Nó sẽ hoạt động khắp vũ trụ: Cờ vua cả tung bay phất phới.

Thánh giá Ngài chói lọi oai phong.
Phải chăng đây là sự kiện: ”Người gánh vác quyền bính trên vai?” (Is 9,5). Phải chăng: “Vương quyền” trên đôi vai nặng trĩu thánh giá? Thập tự đã cất cánh bay cao như chim phượng hoàng tung hoành từ đông sang tây, từ nam chí bắc? Nơi đâu nó chiếu sáng, nơi ấy linh hồn được nghỉ ngơi và Đức Kitô nhận lấy vương quốc của mình.

Nếu lịch sử là khoa học các biến cố có tương lai, thì Đức Kitô phải được quyền thống trị toàn bộ lịch sử. Ngay khi Ngài trỗi dậy từ cõi chết thì các điều kỳ diệu nối tiếp nhau xuất hiện trong lịch sử. Sau trình thuật thương khó thì đến Công vụ các tông đồ. Sau phục sinh thì đến nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng của các phụ nữ nhân chứng và các tông đồ, cùng với đức tin của những kẻ làm được điềm thiêng dấu lạ và của những kẻ thụ ơn. Bóng của Phêrô trải trên các bệnh nhân có năng lực chữa lành. Các tầng trời mở ra trên đầu Stephanô khi ông chịu ném đá. Tiếng sét kinh hồn khiến Saolô trở lại trên đường đi Đamát. Cuộc chinh phục tín hữu khởi sự chậm chạp nhưng vĩ đại, dần dần lan rộng ra và được Thần Khí củng cố. Các cộng đồng tôn thờ Đức Kitô được thiết lập và hiệp thông khăng khít với nhau. Sự hiệp nhất lòng tin được làm giầu có bởi giáo lý tông truyền và củng cố nhờ ơn thánh. Quyền bính dân sự nổi giận phản ứng lại, bách hại và nhường bước. Thế giới qui phục đức tin Kitô giáo cho đến thế kỷ thứ tư thì chậm lại. Nhưng các nền văn minh đã được gọi là Kitô giáo.

Theo sau là nhiều cuộc thăng trầm do chia rẽ nội bộ. Bởi tự do của con người là bất khả kiềm chế. Ngươì ta từng chứng kiến tự do ấy có thể đảo ngược hiệu quả của công trình cứu độ, bất chấp ước nguyện hiệp nhất của Đức Kitô. Tuy nhiên nếu xét về mặt tích cực thì phải nói sự phát triển bao giờ cũng mạnh mẽ hơn thay vì than van về khía cạnh tiêu cực, điều do tội lỗi gây ra.

Và cũng không nên quên rằng dưới con mắt quan sát không thành kiến thì Kitô giáo và văn minh nhân loại là đồng nghĩa. Ở đâu có ánh sáng Đức Kitô soi rọi ở đấy man rợ đẩy lùi. Ở đâu Đức Kitô bị khinh chê ở đấy văn minh tàn lụi đi. Văn minh và ánh sáng tiến bước cùng với Đức Giêsu. Lịch sử chứng minh rõ ràng như thế. Nhưng lịch sử vẫn có hai mặt: Ân sủng và tội lỗi. Trong vườn cây Dầu, Đức Giêsu đã trông thấy hai mặt đó. Lúc ấy Ngài chỉ kinh nghiệm mặt đen tối, còn trên thập tự, nhìn qua nắm mồ, Ngài thấy bộ mặt vui tươi của ân sủng. Lòng độc ác dai dẳng của những kẻ bách hại Ngài, việc can thiệp bỉ ổi với Philatô để cắt đặt vệ binh canh gác nghiêm ngặt nấm mồ Ngài, sự hối lộ trắng trợn khi vệ binh báo tin biến cố sống lại và lừa đảo khôn khéo nhà cầm quyền cùng quần chúng là những điều sau cùng Đức Giêsu xem thấy trên thập tự. Chúng là những hình dạng khác của nấm mồ. Đức Giêsu trông thấy trước tất cả. Tuy chúng đều qua đi sau ngày Sabbat. Nhưng chúng ta ưa thích giới hạn ý nghĩ của Ngài vào những kẻ Ngài mến yêu. Ngài chẳng hề quên những khốn cùng, đau buồn, thất vọng, nghi nan, lưỡng lự của họ. Đặc biệt Ngài nhìn thấy trước niềm vui mừng lớn lao mà họ sắp được hưởng.

Các người thân yêu của Đức Giêsu nghĩ rằng họ mất Ngài mãi mãi, như Đức Maria và thánh Giuse mất trong đền thờ, rồi lại tìm thấy ngồi giữa các tiến sĩ luật trò chuyện. Ngài cũng đặt ra một kết thúc cho cuộc chuyện trò với tử thần. Và Ngài sẽ hội ngộ mầu nhiệm với các người thân yêu.

Trên đồi Golgotha Ngài có rất ít bạn hữu và đa số là phụ nữ. Nơi ngôi mộ cũng chẳng được bao nhiêu nhân chứng và cũng lại là đàn bà. Trước khi rời nghĩa trang các phụ nữ đã có ý nhìn xem nơi người ta đặt xác Đức Kitô, Thầy dấu yêu của họ, hầu hết ngày hưu lễ trở lại xức dầu thơm theo đúng nghi lễ. Họ im lặng canh thức và mua hương liệu chuẩn bị. Khi ngày Sabbat chấm dứt vào rạng sáng đầu tuần họ vội vã chạy ra mộ để thi hành cử chỉ thương yêu cuối cùng đối với Thầy, thay cho loài người.

Họ hết sức sững sờ khi thấy cửa mộ mở toang, hai thiên sứ mặc áo trắng canh gác mồ, một phía đầu, một phía chân, nhưng không thấy xác Thầy nằm đấy. Họ nghĩ lại mất Thầy lần nữa. Họ hối hả chạy về báo tin cho nhóm Mười hai. Tuy tư tưởng phép lạ không mới mẻ gì đối với họ, nó luôn phảng phất trong tâm trí và hy vọng của nhóm Mười hai, nhưng lúc này vì bối rối nên không nhớ đến nữa. Mãi đến lúc Thầy hiện ra nhiều lần họ mới dám tin là thật. Anh sáng huy hoàng của sự phục sinh chiếu rãi rực rỡ trong tâm trí mỗi người.

Đến đây ta phải nghĩ đến Maria Magđala nhiều nhất. Vì câu truyện này liên quan đến người em của cô: Ong Lazarô và bữa tiệc ở nhà ông biệt phái Simon. Mới đây là trên ngọn đồi Calvario.

Cùng với các phụ nữ khác, Maria Magđala hiện diện ở đó. Những Maria khác trùng tên với cô đều được dấu kín trong trái tim cực thánh của Thầy. Mặc dù ánh sáng thiên sứ, mặc dù lời loan báo của họ, thì sự việc khá rõ ràng đôí với trái tim đang lo âu. Nếu như sự việc xẩy ra với những người khác thì họ ít bồn chồn hơn, nhưng đối với cô thiếu nữ thôn dã đa cảm này thì chỉ rõ có một điều: “ Người ta đã lấy mất xác của Đức Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Thày ở đâu?” (Ga 20,13).

Các nhà phân tâm giải thích như sau: hiện thời cô ta như một cái xác vô hồn, đang phải đối mặt với một tội ác thứ hai. Tội ác thứ nhất là giết Thầy. Tội ác thứ hai là tước đoạt thân xác Thầy mà cô coi như kho tàng tình yêu, trái tim cô hằng ấp ủ. Cô nhìn sự cố nhưng không thấy chi cả, có nghe nhưng không hiểu, hiện diện nhưng lòng trí không ở đấy. Trái tim cô đang bám sát vào Thầy Chí Thánh, Thiên Chúa của cô. Đó là tâm trạng khi cất tiếng hỏi người làm vườn: “Xin ông cho biết ông đã để Người ở đâu?”

Giọng cô xem ra có chút bẳn gắt pha chua xót. Cô bật lên những lời nóng nẩy lòng không chút sợ hãi. Người ta chỉ sợ sệt khi yêu mến. Nhưng lúc này tình yêu của cô bị thu hút vào đối tượng mà người ta mang đi rồi, nên cô không cần chi nữa. Đối với Magđala trên mặt đất này chẳng còn chi ngoài người yêu mến mà cô đã mất.

Vì thế Đức Giêsu mạc khải sự hiện diện của mình bằng cách gọi tên cô: Maria. Giọng nói quen thuộc làm cô nhận ra liền. Cô đã từng nghe giọng nói ấy nhiều lần. Nó ngọt ngào và êm dịu như bạn hữu thường gọi tên nhau. Cô không thể nhầm lẫn với ai được nữa. Đây là tâm lý thông thường, giữa đám đông người, chúng ta vẫn không thể nhầm giọng nói của bạn bè với giọng nói người lạ. Vậy khi nghe người làm vườn cất tiếng gọi tên Maria cô nhận ra đích thị là Thầy dù hình dạng có khác. Nhiều lần Thầy gọi cô bằng giọng ấy làm sao cô có thể nhầm lẫn. Ngài gọi không những bằng môi miệng, nhưng cả bằng trái tim. Đức Giêsu mạc khải chính mình theo cách ấy, trường hợp của Gioan bên bờ hồ Tiberia cũng vậy. Cho nên, Magđala chẳng thể làm gì khác ngoài tiếng đáp lại: Rabboni – Lạy Thầy.

Lòng đầy háo hức và mừng rỡ cô muốn chạy ngay lại ôm chân người làm vườn. Nhưng Ngài giơ tay ngăn cản. Ngài dè dặt trong giây phút linh thiêng, bởi vì nó ở giữa sự sống và sự chết, trái đất và thiên đàng. Tình yêu đã hiện hình nguyên dạng, lời vĩnh hằng đã được trao đổi, nhưng thực tại còn vướng mắc. Đấng kêu gọi mọi sinh linh vào cõi đời đời, đã gọi tên cô là kẻ Ngài yêu thương. Nhưng cô chỉ dám đáp lại: Rabboni. Tại sao?

Đây là bài suy gẫm cho các tín hữu. Maria Magđala dạy chúng ta rằng: Nước mắt và tình yêu có sức mạnh vô song. Nước mắt của cô mang lại ơn tha thứ. Tình yêu lòng khiêm tốn. Nước mắt đem lại sự sống cho người em, tham dự thẳm sâu vào cuộc khổ nạn của Chúa, niềm vui khôn tả của vinh hiển nấm mồ. Tình yêu khiến cô thấu triệt ý nghĩa công việc của Thầy. Cô trở nên người đầu tiên đón nhận sứ vụ loan báo tin vui, là tông đồ của các tông đồ. Đặc ân của tình yêu là như vậy. Chân lý này sẽ mãi mãi trong dòng chảy của lịch sử giáo hội. Tình yêu giữ vai trò độc tôn trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, quan trọng hơn quyền bính, năng lực và học vấn.

Tuỳ theo mức độ, những chi Maria Magđala kinh nghiệm, thì tất cả những ai đồng chí hướng với cô đều được chia sẻ, kể cả sứ vụ của cô. Như vậy, các phụ nữ trong nhóm cũng mật thiết liên hệ với vô. Nhưng qua các Tin Mừng người ta khó mà xác định những nội dung nào riêng cho Magđala, những điều chi chung cho cả nhóm đạo đức. Dĩ nhiên, các tông đồ có vai trò đặc biệt: “Phêrô con có yêu mến Thầy không?” Như người ta dự đoán, các ông nổi bật trong các biến cố quyết định và quan trọng. Tuy nhiên tất cả đều có phần nhiệm vụ phải chu toàn. Bởi lẽ, các con tim đều trỗi dậy cùng với Thầy. Tuy nhiên chúng ta vẫn chứng kiến các môn đệ đều cảm thâý ngỡ ngàng, là lạ, do dự vì sự bất toàn của đức tin còn dao động.

Liệu trong nhóm có ai hoàn thiện tuyệt đối? Có đấy và chỉ một. Đó là trinh nữ Maria, mẹ Đức Giêsu. Mẹ đã nếm trải niềm vui được lại người con yêu dấu, đến mức độ tràn đầy màu nhiệm, sau khi đã can đảm nêu gương nhẫn nhục vâng theo thánh ý Thiên Chúa Cha suốt thời kỳ thử thách. Mẹ đã trỗi dậy trong sự nghiệp đồng công, như Con Mẹ trong khổ nạn, như Maria Magđala trong đau buồn, như các tông đồ trong sợ hãi và hy vọng.

Nếu Tin Mừng im lặng về Đức Maria, thì không phải là lãng quên Mẹ nhưng là chẳng biết nói làm sao cho cân xứng. Một cảm xúc tinh tế sẽ khiến chúng ta choáng váng trước mầu nhiệm qúa dịu dàng. Lời nói chẳng thể mô tả hết vẻ diệu kỳ của nó. Sự im lặng của các sách Tin Mừng về Đức Maria không có nghĩa lãng quên Mẹ Chúa Giêsu, nhưng chỉ có dụng ý nhấn mạnh về sự vĩ đại của Ngài.

Từ ngôi mộ trống, ánh sáng Phục sinh bừng toả. Từ đây các môn đệ bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.

Sau khi viếng mộ Chúa, chúng tôi đến nhà nguyện dâng thánh lễ. Đây là một trong năm ngôi nhà nguyện vây quanh mồ thánh.

Dâng lễ tại Nhà nguyện bên Mộ Thánh
Thật hạnh phúc khi được dâng Thánh Lễ và suy niệm bên Mồ Chúa. Chính nơi đây, sáng tinh sương hôm Chúa nhật, những người nữ đạo đức trong số đó có Maria Mađalêna đã đem thuốc thơm tới viếng mộ. Khi tới nơi, các bà thấy tảng đá to đóng cửa mồ đã được lăn ra một bên. Những quân canh của Hội đồng Tối cao không còn ở đó nữa. Trong khi Maria Mađalêna chạy về báo tin cho Tông đồ Phêrô và Gioan, các bà khác vào trong mộ đã được thiên thần báo tin cho biết Chúa Giêsu đã sống lại. Các bà đã trở về Giêrusalem trong khâm phục và sợ hãi (Mc 16,8). Đến lượt Phêrô và Gioan chạy tới mộ và thấy mộ trống; những băng vải ở trên đất, khăn phủ mặt để riêng một nơi (Ga 20,7). Maria Mađalêna còn nấn ná ở lại. Bà cúi xuống nhìn vào nơi để xác Chúa, thấy hai thiên thần ở hai đầu tấm đá trên đó đã để xác Chúa. Rồi quay lại đằng sau, bà thấy một người mà bà tưởng là người coi vườn. Khi người đó gọi: “Mariam !”, Maria nhận ra Chúa Giêsu và sấp mình dưới chân Ngài (Ga 20,16).Bà Maria Mađalêna kể lại việc Chúa hiện ra cho các môn đệ, nhưng các ông không tin. Sau lần hiện ra đó, Chúa còn hiện ra nhiều lần ở Giuđêa và Galilêa. Chính ngày sống lại, Chúa đã hiện ra với Phêrô (Lc 24,34; I Cor 15,5), với hai môn đệ trên đường đi Emmaus (Lc 24,13-35), với các Tông đồ và các môn đệ hợp nhau ban chiều trong một ngôi nhà ở Giêrusalem (Lc 24,36-39; Ga 20,19-23). Tám ngày sau Chúa lại hiện ra với các môn đệ ở Giêrusalem để thuyết phục Tôma vắng mặt trong khi Chúa hiện ra lần trước (Ga 20,24-29). Sau tuần lễ Vượt qua, các Tông đồ trở (Ga 20,24-29). Sau tuần lễ Vượt qua, các Tông đồ trở về xứ Galilêa, Chúa Giêsu lại hiện ra với 7 môn đệ, trong đó có Simon, Phêrô và Gioan trên bờ hồ Tibêriađê. Chúa xác nhận quyền chủ chăn tối cao của Phêrô (Ga 21,15-18). Trong lần hiện ra trên một ngọn núi xứ Galilêa, Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ sứ mệnh giảng dạy các dân tộc và hứa sẽ ở với các Tông đồ cho đến ngày tận thế (Mt 28,18-20).

Bốn mươi ngày sau khi sống lại, lần sau hết Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ đang họp nhau ở Giêrusalem để đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa dẫn các môn đệ lên núi Cây dầu, về hướng Bêthania. Ở đó Chúa đã lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha (Mc 16,19).

Rời Giêruselam lòng bồi hồi xúc động, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Bêlem, Giêricô, Núi cám dỗ, Qumran,Biển chết, xuôi về Ain Karim thăm nơi Gioan Tẩy giả sinh ra rồi viếng lăng mộ Vua Đavit…nhiều địa danh hấp dẫn khác đang chờ đợi.

(Còn tiếp)
 
Tin Đáng Chú Ý
Ngọn Lửa Thế Vận Olympia 2008 chập chờn trong gió bão tại phương Tây
Hà Long
12:50 09/04/2008
Ngọn Lửa Thế Vận Olympia 2008 chập chờn trong gió bão tại phương Tây

Chú Tàu cộng sản đã tốn bao nhiêu lao nhọc và công quỹ cho việc chuẩn bị Olympia 2008 Peking từ năm 1990 khi bắt đầu đệ đơn lên Tổng Cục Thế Vận Quốc Tế (IOC). Hàng tỉ người Tàu ăn ngon ngủ yên với giấc mộng vàng Olympia Peking vì mọi sự đều thuận trời thuận đất trong suốt quá trình chuẩn bị và xây dựng. Song song đấy với bộ máy tuyên truyền mở công suất tối đa nói tốt về cộng sản Tàu cũng như họ ban nhiều đặc ân về giao thương kinh tế cho khối tự do phương Tây và coi đấy như là quà tặng ban phát cho giới tư bản. Họ ngỡ rằng vườn cây Olympia 2008 đang tươi tốt chỉ cần hơn 4 tháng nữa vừa chín tới và cuối cùng chỉ cần đưa tay ra hái thu lợi nhuận dễ dàng.

Olympia là cơ may ngàn năm từ trên trời rơi xuống đúng lúc chú Tàu khổng lồ đang chuyển mình trong cơn lốc phát triển kinh tế và kỹ thuật. Nhưng Olympia cũng là cơ hội “trời cho” để dân tộc Tây Tạng ngóc đầu vùng dậy sau hơn nửa thế kỷ bị Tàu đô hộ và đàn áp. Những cuộc nổi dậy của người Tây Tạng vẫn xảy ra lẻ tẻ và cách quãng, nhưng họ đều bị đè bẹp ngay từ trứng nước. Giới báo chí ước lượng khoảng 1,3 triệu người Tây Tạng đã bị Tàu cộng sản giết từ năm 1950, khi tên khát máu Mao Trạch Đông xua bộ đội xâm lăng nước này.

Chú Tàu cộng sản vẫn dùng cảnh sát - quân đội như “bổn cũ soạn lại” để đàn áp thẳng tay khi người Tây Tạng biểu tình ngay tại thủ đô Lhasa vào ngày 14, 15/3/2008. Lần này do tức nước vỡ bờ những người trẻ Tây Tạng bạo động đốt đồn cảnh sát, phá tan các cửa hàng hóa của người Tàu và với tay không chống trả lại công an bộ đội, cho dù biết là cái chết sẽ đến rất gần với họ. Cuộc bạo động lần này giống như là “giọt nước tràn ly” làm lan tỏa nhanh chóng đến các miền đông Tây Tạng và một số vùng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải, các vùng ở Tàu có dân cư gốc Tây Tạng đông đảo. Không dấu kín được sự thật, hãng tin Tân Hoa Xã của Tàu cộng vào ngày 20/3/008 lần đầu tiên đã thú thực là quân đội đã nổ súng xả đạn vào đoàn người biểu tình Tây Tạng tại quận Aba thuộc vùng Sichuan. Tân Hoa Xã cho biết có 22 người chết, nhưng văn phòng chính phủ lưu vong Tây Tạng cho biết 140 người đã bị giết chết tại nhiều nơi khác nhau. Chính phủ lưu vong đã thu thập được danh sách của 40 người dân bị giết. Ngoài ra 1.300 người Tây Tạng đang bị tù tội trong chiến dịch càn quét của giặc Tàu. Và cũng từ ngày 20/3/2008 cánh cửa sắt đã bao trùm kín mít Tibet khi 2 người phóng viên cuối cùng của phương Tây là anh người Đức Georg Blume và chị người Áo Kristin Kupfer bị trục xuất ra khỏi Tibet.

Nếu kể lại quá trình nổi dậy đấu tranh từ ngày 10/3/2008 nơi người Tây Tạng, thì dân tộc này chưa đầy 1 tháng đã đạt được quá nhiều thiện cảm và lôi kéo được sự chú ý của phương Tây. Ngược lại bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản Tàu đang trên đường dẫn đến sự phá sản và làm cho bộ mặt Olympia Peking 2008 thật lem luốc.

Việc tự bôi nhọ được bắt đầu vào dịp khai mạc Lễ Thắp Ngọn Lửa Olympia vào buổi trưa ngày 24/3/2008 tại đền thờ thần Hera trong sân vận động Olympia cổ đại Hy Lạp. Đúng lúc ấy một thanh niên thuộc tổ chức „Phóng viên Không biên giới“ đã lọt qua được hàng rào an ninh để mang lá cờ đen và „5 chiếc còng Olympia“ phất cao qua trưởng đoàn Liu Qi, chủ tịch Ủy Ban tổ chức Olympia của cộng sản Bắc Kinh, khi ông ta đang đọc diễn văn khai mạc. Hình ảnh này đã được truyền thông thế giới trực tiếp và gây cảnh náo nhiệt cho toàn cầu, nhất là một thiếu nữ Tây Tạng bôi màu máu trên mặt và ngực nằm dài trên con đường nhằm ngăn cản cuộc rước đuốc Olympia đầu tiên. Kể từ lúc này Bắc Kinh lâm vào cảnh bối rối và phải đối phó đủ mọi mặt với phương Tây, là giới quan sát hay nhạy cảm về vấn đề nhân quyền.

Hy Lạp đã thở phào nhẹ nhõm khi đã trao “LỬA” vào tay cộng sản Tàu trong vòng đai kiểm soát an ninh nghiêm ngặt tại thủ đô Athens vào ngày 30/3/2008, tại sân vận động Panathinaiko, nơi thi đấu được xây dựng đặc biệt cho thế vận hội năm 1896. Ngọn lửa thế vận Olympia về đến Bắc Kinh vào ngày 31/3/2008 thì công trường Thiên An Môn cũng được phong tỏa kỹ lưỡng. Tàu cộng sản “gian trá” khi làm sai lệch 40 giây trong lúc truyền hình trực tiếp để tránh trường hợp cảnh cờ đen với 5 chiếc còng đã phất phới trước mặt đồng chí Liu Qi tại vận động trường Olympia bên Hy Lạp. Hành động đánh lận con đen này nhằm mục đích, nếu sự cố xảy ra họ vẫn có đủ thời gian của 40 giây để cắt phim loại bỏ.

Chương trình rước Lửa Thế Vận trong suốt 130 ngày đã bắt đầu vào ngày 02/4/2008 từ điểm khởi hành Bắc Kinh và sẽ vượt qua một chặng đường kỷ lục dài 137.000 cây số, qua 21 thành phố lớn như: London, Paris, San Francisco, Buenos Aires, Kuala Lumpur, Jakarta, Canberra, Bangkok, Seul, Ho-Chi-Minh-City (29/4/2008)… và xuyên qua 113 thành phố nội địa cộng sản Tàu trước khi về Bắc Kinh vào ngày 6/8/2008.

Khi lửa thế vận mới đến Âu Châu là gặp gió bão lớn của các làn sóng “Phò Tây Tạng” và các tổ chức của người Tây Tạng hải ngoại biểu tình chống đối với nhiều hình thức. Chủ đích không phải chống “ngọn lửa của sự thuận hòa”, nhưng là chống lại chính quyền Bắc Kinh đàn áp, giết người Tây Tạng trên quê hương của họ. Thế giới truyền thanh, truyền hình, internet hình như cũng bị lôi cuốn hút vào trong cơn gió bão này để chạy tin.

06/4/2008, Chặng đường London lắm chông gai: Cuộc chơi thật ngoạn mục như “mèo vờn chuột” trở nên thú vị cho những người Phò Tây Tạng để dành lấy cây đuốc thế vận. Đôi lúc cuộc chơi hào hứng quá đã gây nên xô xát với công an cảnh sát. Đội ngũ an ninh phải chạy bộ và đi xe đạp để bảo vệ tối đa không cho người dân đến gần ngọn đuốc. Tuy vậy hai người vẫn xâm nhập được vòng an ninh để muốn dập tắt ngọn đuốc nhưng họ bị giữ lại kịp thời. Một người khác lọt vào vòng bên trong suýt chút nữa là cướp giật được ngọn đuốc. Anh ta bị vật ngã và bị bắt lại. Tại một đoạn lại có người cầm bình chữa lửa phụt trắng xóa khu đường khi ngọn đuốc đi qua. Như một trò hề cụt cỡn của Tàu cộng đến nỗi đại sứ của họ tại Anh quốc là bà Fu Ying cũng dấu diếm kỹ lộ trình cầm đuốc của bà vì sợ sẽ được phủ khăn đen với 5 chiếc còng. Khoảng 2.000 công an cảnh sát dàn quân bảo vệ ngọn đuốc trước một ngàn người biểu tình. Tất nhiên không thể thiếu cờ quạt, biểu ngữ chống Tàu cộng và tiếng hò hét “Free Tibet” vang dội khắp nơi. Tại một quãng đường có vài người Tàu cầm cờ đỏ ủng hộ cuộc rước đuốc. Nước Anh đang đứng trước ngã ba đường và bị kẹt cứng trong thế chủ động cho chính kiến riêng của mình vì London sẽ là nơi tổ chức Olympia 2012. Ông thủ tướng Gordon Brown không có cách nào hơn là phải đón nhận ngọn đuốc ngay trước nơi làm việc ở đường Downing Street số 10. Tuy vậy trước đó, ông Gordon Brown quyết định sẽ tiếp kiến Đức Dalai Lama vào tháng 5 tại London. Cuối cùng tổng kết có 35 người bị giam giữ trong các cuộc giằng co với cảnh sát, tuy vậy cuộc biểu tình tại London chống lại Tàu cộng là chất xúc tác gây niềm cảm hứng cho những chặng đường kế tiếp.

08/4/2008, Chặng đường Paris đầy bão tố: Đúng là lửa thế vận gặp phải bão tố nơi kinh thành ánh sáng Paris, đã vậy còn gặp phải giá lạnh buốt giá mùa đông. Bắc Kinh càng kinh hoàng hơn nữa khi 40 dân biểu Pháp vai đeo cờ Pháp cầm biểu ngữ lớn màu trắng có chữ đỏ đứng trước Quốc Hội Pháp: “Hãy tôn trọng nhân quyền tại nước Tàu”. Thị trưởng thành phố Paris, ông Bertrand Delanoe đã cho treo biểu ngữ khổ thật lớn 20x5 mét với nền trắng và dòng chữ màu xanh “Paris bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới” ngay trên cao mặt tiền tòa thị trưởng. Cũng tại tòa thị trưởng một lá cờ Tây Tạng được một người leo lên treo cao và từ đó không lạ gì khi cộng sản Bắc Kinh đã phải hủy bỏ trạm ngừng nơi đây. Điểm nổi bật về chiến lược không thể bỏ qua là tháp cao Effel, trên đấy đã treo cờ đen với 5 chiếc còng và dòng chữ màu đỏ Pékin 2008

Chưa bao giờ ngọn lửa thế vận mới đi được vài cây số đã phải dụi tắt đến 3 lần và phải dấu kín trong chiếc xe bus với nhiều người bảo vệ. Dọc đường hàng vạn người hò reo cũng như phản đối. Nhóm người Phò Tây Tạng có mặt trên mọi lộ trình từ dưới sông Seine, đường bộ cho đến trên tháp cao Effel. Quãng đường đã dự định kéo dài 20 km từ tháp Effel qua đại lộ Chams-Elysées, sau đấy chạy qua tòa thị trưởng và tòa quốc hội cho đến đích điểm vận động trường Charléty-Stadion nằm về hướng nam Paris. Ban an ninh thủ đô Paris đã huy động 3.000 công an cảnh sát bảo vệ ngọn đuốc. Học kinh nghiệm tại London ban an ninh được trang bị chu đáo hơn, ngoài xe đạp, chạy bộ còn có cả người đi giày trượt pa-tin nữa để dễ dàng di chuyển. Các vệ sĩ chuyên nghiệp Tàu cộng càng đông hơn với quần áo thể thao màu xanh và trắng. Có thể nói chung quanh cây đuốc một người lạ không thể lọt vào trong vòng kính 200 mét. Tuy vậy trước sức mạnh reo hò của hàng ngàn người biểu tình, cuối cùng ban an ninh đã quyết định hủy bỏ chương trình rước đuốc vào buổi chiều.

Tại công trường Trocadéro, ngay bên cạnh tháp Effel, một địa điểm phát xuất cuộc rước đuốc đã tụ họp được đoàn biểu tình đông đảo với rừng cờ Tây Tạng và có cả những lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa. Một nhóm du học sinh Việt Nam tại Paris cũng mang cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ lớn nền màu trắng viết bằng tiếng Anh màu đỏ và xanh: “Tây Tạng của người Tây Tạng, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tàu cộng hãy chấm dứt xâm lăng!”

Ngọn đuốc chưa rước được 200 mét thì phải tắt đuốc lần thứ nhất và cũng là những màn ngoạn mục được tái diễn gây xáo trộn như đã xảy ra tại London khi một thành viên của Đảng Xanh, Sylvain Garel đã nhào đến cướp đuốc nơi tay lực sĩ Stephane Diagana, lực sĩ vô địch chạy 400 mét và là người cầm đuốc đầu tiên tại Paris. Tuy nhiên người bảo vệ kịp thời kéo ông Sylvain Garel trở lại. Bão tố của làn sóng biểu tình tại Paris càng lúc càng gia tăng đã làm cho ban tổ chức hoảng sợ phải tắt đuốc đến 3 lần. Hình ảnh chiến bại của ngày rước đuốc được biểu lộ rõ ràng trên khuôn mặt của nhà thể thao quần vợt Arnaud di Pasquale khi anh ta thả lòng cây đuốc không còn ánh lửa chúi xuống dưới đất. Hình ảnh trông thật não nùng của kẻ thất bại xuôi tay. Đó cũng là hình ảnh không vui cho chú Tàu cộng sản. Ngọn đuốc di chuyển về Paris làm cho bộ mặt lem luốc Bắc Kinh càng lem luốc hơn.

Nơi đây được nhắc lại là tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, một nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên cân nhắc đến danh từ „Olympia-Boykott“ đã tuyên bố ngày 24/3/2008: „Tôi không loại bỏ giải pháp tẩy chay Olympia 2008.”

Chỉ trong vòng 2 ngày ngọn đuốc thế vận di chuyển về Anh và Pháp thay vì sẽ là một cuộc quảng cáo rầm rộ có một không hai để tô vẽ vẻ đẹp huy hoàng của Bắc Kinh nhưng đã gặp phải bao nhiêu chông gai và gió bão. Chắc chắn lộ trình dẫn tới Hoa Kỳ còn nhiều náo động, hấp dẫn và đầy tính bi kịch hơn.

09/4/2008, Lộ trình San Francisco có thể trở thành huyền thoại và cũng có thể là ngày bức tử lửa thế vận: Hôm nay nghe các bình luận báo chí là cho chúng ta phải phì cười: “Olympia nên thiết lập thêm một bộ môn mới để tranh tài tại thế vận hội là môn cướp đuốc.” Và một bình luận gia viết thêm: “Đuốc chưa đến San Francisco thì các nhà Phò Tây Tạng đã nhanh chóng có mặt tại đấy rồi.” Sáng ngày 08/4/2008 các truyền hình Âu Châu cho người xem tin tức hằng giờ từ Kim Môn Cầu Golden Gate với những người can đảm lủng lẳng đu đưa dọc theo dây cáp trên cao của cây cầu. Hàng chữ thật to và rõ ràng được treo thật đẹp trên nền trời màu xanh: “One World One Dream” – “ Free Tibet”. Ý tưởng thực hiện này quá tuyệt vời do sự can đảm đu đưa trên cao của những người Phò Tây Tạng, cho dù 3 thanh niên người Tàu sau đó bị cảnh sát giam giữ vì vi phạm trật tự công cộng nhưng sự việc này đã làm náo động thế giới. Hành động chớp nhoáng này sẽ là một điểm son ghi dấu đặc biệt cho lịch sử Olympia.

Những người Phò Tây Tạng không thể kiên nhẫn đợi chờ ngọn lửa Olympia cho nên đã tổ chức một cuộc rước đuốc giữa thành phố vào ngày 08/4/2008 ngay trước tòa lãnh sự cộng sản Tàu tại San Francisco. Đó là lễ hội của dân tộc Tây Tạng, chưa bao giờ họ có được cảm giác thế giới nâng đỡ họ và thông cảm họ cho bằng lúc này. Chắc chắn các cứ điểm quan trọng mà ngọn đuốc đi qua thì sẽ được dàn chào bằng những đoàn người biểu tình. Thành phố San Francisco đang lên cơn sốt chống Tàu cộng sản do ngọn nửa Olympia nung nấu. Thị trưởng San Francisco, Gavin Newsom quyết định cắt ngắn lộ trình 10 km dọc theo hải cảng. 500 cảnh sát gìn giữ an ninh và hàng chục nhân viên an ninh bảo vệ tòa lãnh sự cộng sản Tàu.

Những ghi chú quan trọng trong 2 ngày qua được tạm tổng kết như sau:

• Thành phố San Francisco đã quyết định cắt ngắn lộ trình rước đuốc Olympia và họ dấu kỹ lộ trình như là “mèo dấu c…”

• Giám mục Desmond Tutu, người lãnh giải Nobel hòa bình và tài tử đóng phim Richard Gere đã tham gia vào đoàn biểu tình tại San Francisco, một dấu hiệu đoàn kết và sẽ làm gương cho những người khác noi theo.

• Ấn Độ đã quyết định cắt ngắn lộ trình rước đuốc Olympia vì sợ các nhà hoạt động Phò Tây Tạng có thể làm náo động như ở London và Paris.

• Tổng cục thế vận IOC ra thông báo sẽ họp mặt vào thứ sáu, 11/4/2008 để cân nhắc có nên chấm dứt chương trình rước đuốc thế vận hay không?

• Các nhà chính trị phương Tây đang tạo sức ép với IOC là không được trừng phạt các lực sĩ khi họ phát biểu chính kiến riêng tại Olympia, một điều tối kỵ và cấm đoán nghiêm khắc cho đến nay.

• Các lực sĩ phương Tây đang có chiều hướng ngả qua Phò Tây Tạng và sẽ sẵn sàng thực hiện trong tầm tay (chẳng hạn lúc nhận huy chương trên bục cao) về việc bảo vệ nhân quyền cho người Tây Tạng.

• Tại Sàigòn đang có dự định tạo ngạc nhiên khi đuốc Olympia đến Việt Nam vào ngày 29/4/2008. Một lá thư của người rước đuốc Lê Minh Phiếu, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Tư liệu và Nghiên cứu Châu Âu và Quốc tế Trường Cao học Luật, Đại học Montesquieu – Bordeaux IV đã được gửi đến Bá tước Jacques Rogge (IOC) phản đối việc Tàu cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mong rằng điều này gợi lòng yêu nước của dân Việt Nam chống lại Tàu cộng tại quốc nội. Trong thư ông Phiếu viết: “… Trung Quốc chẳng những ngang nhiên không trao trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam, mà càng ngày càng có những hành động thách thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này …”

• Lần đầu tiên Tổng cục thế vận IOC lên tiếng khiển trách Bắc Kinh về nhân quyền.

• Ứng cử viên Hillary Clinton và 15 thượng nghị sĩ yêu cầu tổng thống Georg Bush không đến tham dự ngày khai mạc Olympia Bắc Kinh.

• Lần đầu tiên quốc hội Đức bàn thảo công khai tại quốc hội vào sáng 09/4/2008 về vấn đề Tây Tạng.

• Tổng cục thế vận IOC chính thức từ chối lời đề nghị “gian trá” của Tàu cộng sản là sẽ truyền hình trực tiếp Olympia 2008 với 40 giây chậm lại so với thời gian trực tiếp, để họ kịp thời kiểm soát các lời nói phản động và các hành động Phò Tây Tạng của các lực sĩ thi đấu.

• Sáng 09/4/2008 lại xảy ra cuộc biểu tình chớp nhoáng ngay tại thủ đô Lhasa của các tăng sĩ Tây Tạng trước một phái đoàn phóng viên quốc tế. Các vị tăng sĩ trẻ đã gào to nguyện vọng xin Đức Dalai Lama trờ về Tây Tạng.

Từ biến cố Thiên An Môn 1989 chưa bao giờ Bắc Kinh bối rối và bất an như trong các ngày qua. Olympia 2008 đã trở thành công tác quan trọng hàng đầu của cộng sản Tàu và cũng có thể là trò chơi “Bumerang” sẽ bị phản ngược tác dụng gây hại uy tín của chú Tàu trên toàn thế giới. Có thể tạm nói giấc mơ Olympia Bắc Kinh 2008 đang trở thành cơn ác mộng cho 1,3 tỉ người Tàu.
 
Quyết không cho ngọn đuốc xâm lược nghênh ngang trên đường phố Saigòn!
Bs Vũ Linh Huy
15:29 09/04/2008
Tâm Sự Cùng Sài-gòn:
Quyết không cho ngọn đuốc xâm lược
nghênh ngang trên đường phố Sài-gòn!


Sài Gòn ơi, đừng mang vết nhục,
Mà cúi đầu nhận đuốc xâm lăng,
Giặc Hồ có xấu hổ chăng?
Hay Hồ Chủ Tịch trong lăng mỉm cười?

Thành phố mang tên “Người” cơ đấy,
Đón đuốc Tàu chẳng thấy xót xa?
Chẳng thương tiếc Hoàng, Trường Sa,
Chỉ thương Tàu cộng “ruột rà”,“anh em”?

Quyết không để đuốc êm một mạch,
Quyết cho Tàu phải cạch mặt luôn,
Vạch trần bộ mặt cúi luồn,
Cuả phường Việt cộng là quân ngu, hèn!

Tuổi trẻ hãy vùng lên, hành động!
Phải làm cho Tàu cộng luốc lem,
Cho toàn thế giới nhìn xem,
Thanh Niên Nước Việt viết thêm sử vàng:

Là trang sử ngăn đàng Tầu cộng,
Không cho Tàu vui mộng bá quyền,
Không cho ngọn đuốc tuyên truyền,
Nghênh ngang ngạo mạn chạy trên nước này!

Hãy tìm cách giật ngay ngọn đuốc,
Hoặc tìm phương làm đuốc tắt đi,
Như Luân-đôn với Ba-lê,
Để quân xâm lược ê chề một phen!

Còn dân chúng: cài then, đóng cưả,
Khi đuốc qua không ngưả mặt nhìn,
Sài-gòn tự trọng, tự tin,
Quyết không làm chuyện xấu tên giống nòi.

Không mừng đuốc, không coi rước đuốc,
Ta, Sài-gòn, không chuốc tiếng nhơ,
Dù tên áp đặt “Thành Hồ”
Nhưng Sài-gòn vẫn tôn thờ Tự Do!

Boston, ngày 9 tháng 4 năm 2009,
Ngày San Francisco biểu tình
chống đuốc Thế Vận Bắc Kinh cuả Tàu cộng.
 
Văn Hóa
Ba Người Cựu Chiến Binh “Homeless” và Cuốn Phim “Inside the Vietnam War”
Nguyễn Duy-An
23:02 09/04/2008

Ba Người Cựu Chiến Binh “Homeless” và Cuốn Phim “Inside the Vietnam War”



Tôi rất ngạc nhiên khi bà thư ký dẫn vị sĩ quan an ninh của sở vào văn phòng với nét mặt hoảng hốt và rụt rè lên tiếng:

- Duy à... Có chuyện rồi! Đại uý Morrow cần gặp riêng Duy.

Bà ta vội vã quay lưng, với tay đóng cửa và bước nhanh ra ngoài. Tôi vừa bắt tay đại uý Morrow vừa hỏi:

- Mời đại uý ngồi. Anh tìm tôi có việc gì quan trọng hả?

- Xin lỗi anh Duy nhé. Ở dưới nhà có 3 người “homeless” (vô gia cư), cứ nằng nặc đòi gặp anh cho bằng được. Nhân viên an ninh đã giữ họ lại và báo cáo cho tôi tìm gặp anh để thảo luận. Những người này có vẻ không đàng hoàng... nhưng có một người tên Norman khai rằng anh là bạn của hắn ta.

- Ồ... Đó là anh chàng thỉnh thoảng vẫn thổi kèn Saxophone kiếm tiền ở trạm xe điện ngầm Farragut West đó mà. Anh ta đàng hoàng lắm. Không sao đâu. Để tôi xuống gặp họ.

- Anh chờ chút. Chúng tôi muốn sắp xếp để canh chừng vì hai anh chàng kia trông có vẻ “ngầu” lắm. Mấy tay này cứ luôn miệng chửi thề và “càm ràm” với giọng điệu rất hung hăng về cuộc chiến Việt Nam. Tôi đoán chắc họ thuộc nhóm cựu chiến binh Việt Nam mắc bệnh tâm thần... Anh tính sao?

- Tôi nghĩ không cần thiết lắm đâu. Tôi biết tôi không thể dẫn họ lên văn phòng, nhưng có thể mời họ vào “cafeteria” uống ly nước, chắc không sao chứ?

- Cũng được, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Để tôi bảo nhân viên để ý trông chừng trong lúc anh gặp họ ở “cafeteria”. Anh không ngại chứ?

- Cám ơn các anh, nhưng đừng lộ liễu quá, họ tủi thân.

Trong lúc theo đại uý Morrow xuống nhà gặp “khách”, tôi nghĩ về kỷ niệm quen biết Norman từ gần 10 năm trước.

Hồi đó, tôi mới về làm cho National Geographic, vì chưa quen đường sá ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn nên thường đi làm bằng xe điện ngầm. Một buổi sáng Thứ Sáu, tôi đi trễ hơn bình thường vì phải ghé qua trường học để ký một số giấy tờ cho các con trước ngày tựu trường. Vừa ra khỏi xe điện ngầm ở trạm Farragut West, tôi nghe vọng lại tiếng kèn Saxophone rất điêu luyện đang “rên rỉ” bài Hạ Trắng:

Gọi nắng... trên vai em gầy đường xa áo bay

Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say

Lối em đi về... trời không có mây

Ðường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy...

Lên khỏi cầu thang ở trạm xe điện, tôi sững sờ khi trông thấy một một người Mỹ “homeless” đang “ngất ngưởng” thả hồn vào một cõi xa xăm vô định, miệt mài thổi Saxophone. Bài hát vừa dứt, đám đông vây quanh vừa vỗ tay tán thưởng, vừa bỏ một vài đồng bạc lẻ vào cái mũ vải bên cạnh... Tôi tiến đến gần hơn, móc ví lấy tờ giấy bạc $10 bỏ vào mũ biếu anh ta, một người Mỹ có lẽ là cựu chiến binh Việt Nam vì anh ta đang mặc chiếc áo khoác quân nhân, với bảng tên Norman Walker trên túi áo và bên cạnh còn treo lủng lẳng một số huy chương. Tôi chưa kịp bỏ tiền vào mũ, anh ta đã hỏi bằng tiếng Việt:

- Mày Việt Nam hả? Biết bài hát vừa rồi không?

- Đương nhiên rồi. Ông thổi kèn rất hay và có hồn. Ông nói tiếng Việt cũng giỏi.

- Đại khái thôi. Kêu mày tao được rồi. Tao đã từng “đấm đá” gần 8 năm trời trên quê hương của mày, nhưng khi trở về bị quê hương tao ruồng bỏ. Nản bỏ mẹ. Tao nhớ Việt Nam nên tập thổi nhạc Trịnh, thỉnh thoảng ra đây biểu diễn kiếm thêm ít đồng mua cơm mua cháo sống qua ngày với đám bạn không nhà không cửa trở về từ cuộc chiến.

- Ông...

- Lại ông nữa. Mày tao cho thân tình. Không phải người Việt tụi mày vẫn nói thế sao?

- Tôi không quen gọi người lạ như thế. Hay gọi nhau là “anh tôi” được không?

- Tuỳ mày. Tiếng Việt tụi mày rắc rối lắm. Mày có cần phải đi làm chưa? Tao phải tiếp tục thổi thêm vài tiếng nữa mới đủ sở hụi. Tao nghỉ lúc 11 giờ, mày có thể tới nói chuyện. Nếu bận thì thôi. Thứ Sáu nào tao cũng làm ăn tại đây. Nếu không chê, mày có thể trở lại.

- Tôi sẽ trở lại trước 11 giờ. Văn phòng tôi làm việc cũng chỉ cách đây một quãng đường ngắn.

- Mày không sợ hả?

- Sợ gì?

- Tụi tao là loại người bị ruồng bỏ và khinh chê.

- Không có đâu. Tôi sẽ trở lại.

- Đi đi. Hẹn gặp lại.

Tôi đã trở lại gặp Norman và mời anh ta cùng ăn trưa hôm đó. Anh ta rất cảm động, và chúng tôi trở thành “bạn” từ dạo đó.

Tôi thắc mắc tự hỏi không hiểu tại sao hôm nay Norman không gọi điện thoại cho tôi mà lại dẫn theo hai người bạn tới văn phòng tìm tôi, gây xáo trộn cho thêm rắc rối. Tôi chỉ sợ Norman và bạn của anh ta sẽ buồn và mất cảm tình với National Geographic cũng như cá nhân tôi vì bị những nhân viên an ninh của sở “hạch hỏi”. Đã từ lâu lắm rồi, tôi cảm nhận được nội tâm đơn thuần và tính tình chân thật của những cựu chiến binh không nhà không cửa lang thang khắp đường phố thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Có những người đã từ bỏ tất cả, sống kiếp lang thang tại vùng thủ đô để thỉnh thoảng có dịp ghé thăm và tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến được khắc tên trên bức tường cẩm thạch mầu đen ở đài tưởng niệm Binh Sĩ Hoa Kỳ Trong Cuộc Chiến Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial). Những cựu chiến binh râu ria xồm xoàm, quần áo rách nát và bẩn thỉu, thân thể xâm đầy những bức hình ngổ ngáo hay những dòng chữ ngang tàng để che dấu một nội tâm lúc nào cũng khắc khoải trong đau thương tủi nhục và nhức nhối từng đêm vì những ám ảnh từ cuộc chiến Việt Nam. Tôi cảm thương với hoàn cảnh của họ và trân quý những hy sinh họ đã dành cho Quê Hương Yêu Dấu Việt Nam của chúng ta.

Vừa gặp mặt, Norman siết chặt tay tôi cười lớn, rồi lên giọng:

- Gặp mày còn khó hơn gặp sĩ quan cao cấp ngoài mặt trận nữa. Hôm nay nói tiếng Anh nhé. Bạn tao không biết tiếng Việt và tao cũng không muốn đám “cớm dổm” ở đây nghi ngờ, gây thêm phiền phức cho thằng bạn người Việt rất thân của tao.

Norman đổi giọng, nói tiếng Anh:

- Đây là thằng Duy rất thân của tao. Nó là người Việt tỵ nạn nhưng đang làm lớn ở đây. Chắc nó giúp được tụi mình. Còn đây là Bernie và Bob, hai thằng bạn thân “homeless” của tao.

Norman vẫn không buông tay nên tôi đành bắt tay trái với Bernie và Bob, rồi lên tiếng mời:

- Mời các bạn xuống “cafeteria” uống nước và nói chuyện.

- Có tiện không? Hay tụi tao chờ mày ở ngoài kia, lúc nào rảnh ra nói chuyện.

- Không sao đâu. Tuy nhiên, Norman đừng đòi cà phê sữa đá, ở đây không có đâu.

Norman cười ha hả trả lời bằng tiếng Việt:

- Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi! Đúng không?

- Rất đúng. Nghe giống hệt “một ông già Bắc kỳ” thứ thiệt.

Chúng tôi vui vẻ bước vào gọi cà phê, cùng tiến về một bàn trống phía trong cùng trước bao nhiêu con mắt kinh ngạc của những người đang có mặt trong “cafeteria” sáng hôm đó. Vừa ngồi xuống bàn, Norman vội vàng lên tiếng:

- Để khỏi mất thì giờ của mày, tao vào đề ngay nhé. Hôm qua Bernie đọc thấy ở đâu đó nói tuần này National Geographic sẽ có “preview” (xuất chiếu xem trước) cuốn phim “Inside the Vietnam War” trước khi trình chiếu vào dịp kỷ niệm 40 năm biến cố Tết Mậu Thân. Đúng không?

- Đúng rồi. Chúng tôi sẽ bắt đầu chiếu trên đài National Geographic từ ngày 18 tháng 2 này.

- Đài của tụi mày chỉ có trên “Cable” (truyền-hình-dây-cáp) và Direct-TV (truyền-hình-qua-vệ-tinh) thôi. Dân “homeless” tụi tao làm sao xem được. Tao biết họ vẫn mời mày 2 vé “preview” mỗi khi có phim mới. Mày kiếm thêm vé cho 3 đứa tao đi xem với. Được không?

- Chắc được. Mấy lần trước tôi đưa vé cho bạn nhưng có bao giờ xuất hiện đâu!

- Lần này khác... vì họ nói về tụi tao và những bạn bè từng “đấm đá” trên Quê Hương của mày.

* * *

Để giữ sĩ diện cho tôi, cả 3 người “bạn” cựu chiến binh đều ăn mặc quần áo tươm tất, đầu tóc chải gọn gàng đứng chờ ngoài hành lang “Explorer Hall” cả giờ đồng hồ trước khi tôi xuống dẫn vào xem phim trong hội trường chính của National Geographic. Sau khi cầm trong tay 4 tấm vé “preview”, tôi đã liên lạc nhờ mấy người trong nhóm “Audio & Video” của sở sắp xếp để chúng tôi ngồi trong góc cuối của hội trường, tránh xa những vị “tai to mặt lớn” trong sở cũng như những vị khách từ Bộ Quốc Phòng, Bộ Cựu Chiến Binh, Quốc Hội, và viên chức Chính Phủ Mỹ.

Sau những lời giới thiệu, những bài diễn văn theo thủ tuc, cuộn phim bắt đầu chiếu. Mấy người bạn cựu chiến binh Mỹ của tôi chăm chú lắng nghe, mắt người nào cũng long lanh ngấn lệ, cùng siết chặt tay nhau để nén lại những cảm xúc đang cuồn cuộn trào dâng trong tim của mỗi người.

Thỉnh thoảng tôi nghe loáng thoáng đâu đó một vài tiếng sụt sùi nho nhỏ vang lên khắp hội trường. Ba người bạn của tôi vẫn “án binh bất động” dõi mắt đăm chiêu theo từng tấm hình, từng tiếng súng, từng bước đi, từng câu nói, từng tiếng khóc... trên màn ảnh. Tới đoạn phim chiếu lại cảnh những cựu chiến binh trở về từ Việt Nam bị “dân Mỹ” và có lúc cả gia đình và bạn bè miệt thị, Bob bật tiếng khóc thật lớn, rồi Bernie, rồi Norman và một vài người chung quanh cùng khóc theo!

Ai đó đã ra lệnh tạm ngưng. Đèn hội trường bật sáng. Tôi vội vã xin lỗi những người chung quanh rồi vội vàng “kéo” ba người bạn cựu chiến binh ra khỏi hội trường. Cả ba vừa đi vừa khóc, lững thững lê gót “khật khưỡng” bước theo tôi như ba cái xác không hồn!

* * *

Mấy ngày sau, tôi nhận được một cú điện thoại từ nhóm thực hiện cuộn phim tài liệu “Inside the VietNam War” nhờ tôi sắp xếp một cuộc gặp gỡ với 3 người bạn cựu chiến binh “homeless” đã cùng tôi đi xem “preview” hôm đó, và cũng nhờ họ mời thêm những bạn bè khác vì Bộ Quốc Phòng và Bộ Cựu Chiến Binh cùng một vài viên chức trong chính phủ muốn gặp gỡ và giúp đỡ họ.

Có lẽ đã tới lúc người Mỹ nhận thức được “món nợ phải trả” cho sự hy sinh của những cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam.

Lòng tôi chợt nhói lên một niềm đau khi nghĩ tới số phận của những cựu quân nhân và công chức của Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ai còn? Ai mất?

Nguyễn Duy-An
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nhụy Ngọt
Diệp Hải Dung
11:40 09/04/2008

NHỤY NGỌT



Ảnh của Diệp Hải Dung – Australia.

Tôi loài ong

một đường bay hút nhụy

thai nghén ba vạn sáu ngàn ngày

lạc giữa dị thảo kỳ hoa.

(Trích thơ Lưu Văn Vịnh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Từ Điển Thuật Ngữ Công Giáo
Góp ý cho Từ Điển Công Giáo: Scandal Of The Weak - Secretariat For Christian Unity
VietCatholic News Dictionary
18:58 09/04/2008
Scandal Of The Weak
Gương mù, cớ vấp phạm cho những người yếu đuối. Là cớ làm sa ngã cho những người yếu đuối, làm tổn hại về mặt đạo đức đối với những người yếu đuối bằng tư cách đạo đức. Những hoàn cảnh quyết định bổn phận trong đức mến là phải tránh làm cớ sa ngã cho người yếu đuối. Bổn phận này đã được nói rõ ngay từ trong lời dạy dỗ của Thánh Phao-lô, người sẽ không ăn thịt nếu thịt đó đã được dâng cúng cho những ngẫu tượng kẻo làm cớ cho những người anh em yếu đuối hơn sa ngã. Ngài đã căn dặn các Ki-tô hữu tiên khởi không được giải thích một cách duy lý tư cách đạo đức của mình nhưng phải học theo gương của Ngài, kẻo “như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Ki-tô” (1 Cô-rin-tô 8:12). Nghĩa vụ này trong đức mến là mình có thể phải cố kiềm chế một cách đúng luật một giới luật rất quan trọng mà không cần thiết cho sự cứu rỗi để tránh làm cớ vấp phạm nghiêm trọng cho người yếu đuối. Đằng sau nghĩa vụ này là sự uỷ thác của tình yêu vô vị kỷ không chỉ tìm giúp người khác khi cần mà còn bằng sự tự chế ngự bản thân để bảo vệ người khác khỏi sự xâm hại phần hồn

Scandalous
Làm cớ sa ngã. Là sự chỉ trích của giáo hội về một quan điểm được bày tỏ vốn là có thể gây hại phần hồn khi dẫn con người đến chỗ phạm tội hoặc kéo họ ra khỏi những việc lành phúc đức. Sự chỉ trích thường áp dụng đối với việc dạy dỗ không đúng trong trật tự đạo đức.

Scapular
Khăn choàng vai, băng choàng vai, Aó Đức Bà (Sca-pu-la). Là một tấm áo ngoài gồm hai mảnh vải nối với nhau qua vai được mặc bởi các thành viên của một số dòng tu nhất định. Khởi đầu khăn choàng vai (áo sca-pu-la) được dùng như áo khoác làm việc của các thầy tu dòng Biển Đức, sau được một số dòng tu khác sử dụng và hiện được coi là một phần để phân biệt tu phục của tu sỹ. Khăn choàng vai tượng trưng cho ách của Chúa Ki-tô. Áo sca-pu-la được mặc bên trong áo thường, được làm ngắn gọn và mặc bởi những hội viên các dòng ba. Khăn choàng vai dòng Ba khác nhau về kích cỡ và hình thức; màu sắc áo phù hợp với màu sắc của dòng tu. Sau khi phát triển lên, Giáo hội đã phê chuẩn khoảng 18 loại áo dòng sca-pu-la được làm phép. Các áo này có hai mảnh vải nhỏ nối với nhau bằng những sợi dây và được quàng quanh cổ bên dưới áo. Có năm áo dòng nổi tiếng nhất bao gồm Áo Đức Bà của Dòng Đức Mẹ núi Các-men (màu nâu), áo Sca-pu-la cuộc Khổ nạn Chúa Giê-su (mầu đỏ), Áo Đức Bà 7 sự thương khó (màu đen), Áo Đức Bà Vô nhiễm (màu xanh), và áo Sca-pu-la Chúa Ba Ngôi (màu trắng). (Từ nguyên latinh scapulare, Áo sca-pu-la, "Áo vai," từ chữ Latinh scapula, vai.)

Scapular Medal
Ảnh bộ áo Đức Bà. Ảnh bộ Áo Đức Bà là một tấm ảnh được làm phép (giống như huy hiệu) được đeo hoặc mang theo người thay cho một hoặc nhiều Áo Đức bà nhỏ. Ảnh được Đức Thánh Pi-ô X ban phép đeo ảnh thay Áo năm 1910. Một mặt của ảnh có hình Thánh tâm Chúa Giê-su và mặt kia có ảnh Đức Mẹ Ma-ria. Ảnh thay cho bất kỳ những Áo Đức bà nhỏ mà người đó được ban cho. Khi mặc áo Đức Bà cần phải đăng ký nhưng không phải đăng ký khi đeo ảnh thay Áo Đức Bà. Ảnh được làm phép bởi một linh mục có quyền làm phép áo này.

S.C.C.
Thánh Bộ Giáo sỹ

S.C.C.S.
Thánh Bộ Phong Thánh

S.C.D.F.
Thánh Bộ Giáo lý Đức tin

S.C.E.
Thánh Bộ Giám mục

S.E.Ee.Rr.
Thánh bộ Giám mục và Giáo sỹ

S.C.E.O.
Thánh Bộ các Giáo hội Đông phương

S.C.G.E. (S.C.P.F.)
Thánh bộ Rao giảng Phúc âm cho các Dân tộc (Thánh bộ Truyền bá Đức tin)

Schism
Ly giáo, ly khai, đại ly khai. Là sự chủ tâm chia rẽ sự hiệp nhất của Giáo hội Ki-tô giáo. Mặc dầu Thánh Phao-lô đã sử dụng thuật ngữ này để lên án các bè phái ở Cô-rin-tô, những bè phái này không phải là sự ly giáo thật sự, mà là những nhóm nhỏ thiên vị Tông đồ này hoặc Tông đồ khác. Một thế hệ sau đó, Đức Clê-men-tê I đã bài xích sự ly giáo đích thực đầu tiên còn có tư liệu. Lời khuyên của Thánh Phao-lô đối với các tín hữu Cô-rin-tô cũng mô tả chính xác khái niệm này. “Tại sao chúng ta lại xuyên tạc và chia rẽ các thành phần của Chúa Ki-tô,” Ngài hỏi, “và nổi dậy chống lại chính thân thể mình và đi đến chỗ điên rồ như vậy dường như quên rằng chúng ta là những chi thể của nhau hay sao?” Trong khi Giáo hội sơ khai thường bị quấy rầy bởi dị giáo và ly giáo, quan hệ chính xác giữa hai yêu tố chia rẽ đã không được làm rõ cho tới thời kỳ các giáo phụ. Thánh Au-gus-ti-nô đã tuyên bố “Với những học thuyết sai lầm về Thiên Chúa, những người dị giáo làm thương tổn đức tin; bằng sự chia rẽ sai trái, những kẻ ly giáo xa rời tình huynh đệ, mặc dù họ cũng tin những gì chúng ta tin.” Vì thế, lạc giáo theo bản chất có liên quan tới lý trí và đối nghịch với niềm tin tôn giáo, trong khi ly giáo về cơ bản là ý chí và chống lại sự hiệp nhất của tình mến Ki-tô giáo. (Từ nguyên Latinh schisma; từ chữ Hi Lạp skhisma, tách rời, chia rẽ, từ chữ skhizein, xé rách.)

Schismatic
Kẻ ly giáo, kẻ ly khai.Theo luật Giáo hội là người sau khi được rửa tội và trong khi vẫn giữ tên Thánh, ngoan cố từ chối việc tuân phục Đức Giáo hoàng hoặc từ chối liên kết với những người dưới quyền mình. Hai nhân tố, tuân phục Đức Giáo hoàng và liên đới với những người dưới quyền mình, phải được xem xét một cách phân biệt. Hoặc việc chống lại quyền bính của Giáo hoàng, hoặc sự từ chối tham gia vào đời sống và thờ phượng Công giáo là gây ra ly giáo, ngay cả khi không gia nhập vào một tổ chức tôn giáo khác. Giống như lạc giáo, ly giáo được coi là chính thức và có tộI, chỉ khi các nghĩa vụ được thực hiện trọn vẹn.

Schola Cantorum
Trường dạy hát cho các ca sỹ nhà thờ. Là nơi dạy và đào tạo về thánh ca, hoặc là một đội các ca sỹ tập trung lại vì mục đích biểu diễn âm nhạc ở nhà thờ. Thánh Giáo hoàng Hilary (461-68) có lẽ đã mở trường dạy hát đầu tiên cho ca sỹ nhà thờ, nhưng Thánh Giáo hoàng Gregory Cả là người thành lập trường này trên cơ sở lâu dài. Từ Rô-ma, việc thành lập trường này đã lan sang những nơi khác của Giáo hội.


Schola Cantoru, Monastic
Ban đồng ca của các tu sĩ. Là một nhóm các tu sĩ được lựa chọn để hát những phần thánh nhạc phức tạp hơn. Người phụ trách được gọi là người lĩnh xướng.

School
Trường học, trường phái, học phái. Là bất cứ một cơ sở nào dành tâm huyết chủ yếu vào việc truyền đạt kiến thức hoặc phát triển các kỹ năng hoặc những năng khiếu đặc biệt; vì thế gọi là cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, thuật ngữ này cũng được sử dụng cho một hệ thống tư duy đặc biệt, như trong triết học hoặc thần học, hoặc là một dạng đặc biệt của linh đạo, như trong các dòng tu khác nhau.

S.C.I.
Thánh Bộ lập thư mục Sách cấm.

S.C.I.C.
Thánh Bộ Giáo dục Công giáo

Science Of Faith
Khoa học Đức tin. Là tên gọi khác của thần học. Khoa học này liên quan tới đức tin theo nghĩa khách quan về “điều được tin” và theo nghĩa chủ quan về điều “qua đó người ta tin”. Thần học chấp nhận Kinh Thánh và truyền thống như là luật lệ từ xa của đức tin và những học thuyết của Giáo hội như là luật lệ gần của đức. Nhưng như là một khoa học về đức tin, nó tìm cách dùng lý trí của con người để thiết lập những nền tảng của đức tin, để thâm nhập vào ý nghĩa của những mầu nhiệm đức tin, đề chỉ ra rằng đức tin phù hợp với lý trí và để bảo vệ đức tin trước những kẻ phủ nhận sự thật của Ki-tô giáo.

Sciosophy
Niềm tin dựa vào thực nghiệm. Là bất kỳ niềm tin tôn giáo hoặc gần như tôn giáo đòi hỏi có sự hỗ trợ từ các dữ liệu và thực nghiệm khoa học, chẳng hạn chiêm tinh học.

Scotism
Học thuyết Duns Scotus. Là hệ thống triết học kinh viện được diễn giải bởi triết gia dòng Phanxicô Duns Scotus (1264-1308). Sự khác biệt căn bản giữa Học thuyết Scotus và triết học của Thánh Tô-ma A-qui-nô (1225-74) là trong khi triết học của Thánh Tô-ma đưa tri thức và lý trí vào vị trí đầu tiên trong hệ thống của mình, Scotus đưa (đua) tình yêu và ý chí lên vị trí đứng đầu. Vì thế, trong học thuyết Scotus luật tự nhiên phụ thuộc vào ý chí của Thiên Chúa và không phải vào lý trí thần thánh/siêu phàm. Chính vì vậy, nói một cách tuyệt đối, nó là bất di bất dịch. Hơn nữa, trong hệ thống của học thuyết Scotus, bản chất của vẻ đẹp thiên đường không phải trong thị giác mà là tình yêu của Thiên Chúa. Lập trường của Scotus về một số học thuyết đức tin đã được một số nhà phê bình nghĩ gần giống với tiêu chuẩn kép về chân lý của triết gia Hồi giáo Averroes (1126-98), cụ thể là điều đúng trong thần học có thể lại sai trong triết học.

S.C.P.F.
Thánh bộ truyền bá đức tin

Scr
Kinh Thánh

Scribes
Các Luật sỹ/Kinh sư. Là một tầng lớp những người Do thái có học thức chuyên nghiên cứu và giải thích về luật. Đôi khi họ được nói tới như những luật sỹ hoặc rap-bi (Mát-thêu 23:7). Họ không phải là tư tế. Một số là thành viên của Thượng hội đồng (Mát-thêu 26:57). Vì họ được hiến thân để bảo vệ và duy trì luật lệ nên họ coi Chúa Giê-su như là sự đe doạ cho an toàn của họ. Họ đã thử thách và cài bẫy Người (Mác-cô 2:16) trong nhiều trường hợp và cuối cùng đã tham gia vào âm mưu giết chết Người (Lu-ca 22:1-2). (Từ nguyên Latinh scriba, người viết, nhân viên ký lục, từ chữ scribere, viết.) (Lu-ca 22:1-2)

Scriptorium
Phòng chép sách trong tu viện. Là một phòng trong tu viện dành riêng cho việc sao chép sách và tài liệu, tô màu các bản viết tay và các việc tương tự. Ánh sáng nhân tạo bị cấm vì sợ sẽ làm tổn hại tới các bản viết.

Scriptures
Kinh Thánh

S.C.R.I.S.
Thánh Bộ các Dòng tu và Tu hội đời

Scroll
Cuộn giấy da, sách cuộn. Là một loại sách cổ theo kiểu cuộn ống. Chữ được viết lên giấy cói, da thú, hoặc giấy da, mỗi tấm rộng khoảng 6 inch và dài khoảng 10 inch. Các tấm giấy được khâu lại với nhau và cuộn tròn vào một cái lõi. Người đọc sẽ mở bản viết ra đến lõi và chuyển sang cuộn khác. Thường một cuộn có thể dài hơn một trăm foot. Một số lượng lớn Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước cũng như các tài liệu văn học và khoa học được viết trên các cuộn sách như vậy. Tiêu đề sách đôi khi được viết vào mép ngoài của cuộn sách. (Từ nguyên Anh Trung cổ scrowle; từ chữ Pháp cổ escroe, cuộn da; từ chữ Frankish skroda, miếng, mảnh vụn.)

Scroll (Symbol)
Biểu tượng Sách cuộn. Là một biểu tượng của sự khôn ngoan và là biểu tượng ban đầu của các Thánh Tông đồ. Mặc dù hình những chiếc chìa khoá đặt chéo nhau là đặc thù của Thánh Phê-rô và thanh kiếm là của thánh Phao-lô, nhưng cả hai cũng như những tác giả viết Phúc âm thường được thể hiện với Biểu tượng sách cuộn (một dấu trang trí dạng cuộn). Đây là biểu tượng của chức vụ giảng dạy của các vị. Tiên tri Ê-li-a, người xuất hiện cùng Chúa Giê-su khi trong cuộc biến hình cũng được miêu tả với một biểu tượng Sách cuộn.

Scruple
Bối rối, lo âu, ngại ngùng. Là sự nghi ngờ vô lý về tính luân lý của một hành động đã làm hoặc sẽ làm. Cơ sở của nó là một lương tâm sai lầm kết hợp sự thiếu kiểm soát của sự xúc cảm sợ hãi.

Scrupulosity
Bối rối, ngại ngùng, thận trọng, đắn đo, lo âu. Là thói quen tưởng tượng ra tội lỗi khi nó không tồn tạI, hoặc xem là tội trọng khi đáng ra là tội nhẹ. Để vượt qua sự bối rối lo âu này, người ta cần được hướng dẫn đúng đắn để có một lương tâm đúng, và trong những trường hợp thái quá liệu pháp duy nhất là tuyệt đối vâng lời cha giải tội trong lúc đó.

Scrupulous Conscience
Lương tâm bối rối. Là một lương tâm sai lầm khi lý trí bị lung lay quá mức bởi sự sợ hãi, và nhận định một điều là sai lầm trong khi thực ra điều đó là hợp luật.

Scrutiny
Điều tra, xét kỹ, kiểm tra. Là việc xem xét hoặc nghiên cứu thật chặt chẽ và cẩn thận. Thuật ngữ này được áp dụng đối với cách thức bầu chọn một vị Giáo hoàng qua việc bỏ phiếu kín trong đó cần có sự cẩn trọng hết sức của con người để tránh sai lầm hoặc gian dối. Việc cứu xét chính thức các ứng viên cho các chức thánh cũng được gọi là sự điều tra.

Scs
Thánh

S.C.S.C.D.
Thánh Bộ Bí tích và Phụng tự

S.C.U.F.
Văn phòng Cổ vũ sự Hiệp nhất Ki-tô hữu

S.D.
Tôi tớ của Thiên Chúa

Seal
Con dấu, triện, ấn tín. Là một mẫu thiết kế được đóng vào miếng sáp hoặc vật liệu tương tự. Ban đầu con dấu được sử dụng để bảo mật cho tài liệu, nhưng sau đó nó được gắn vào mặt tài liệu như dấu hiệu về giá trị pháp lý/hợp lệ. Khi quyền bính được chuyển cho người khác, con dấu cũ được huỷ đi và một con dấu mới được làm. Đó là lý do tại sao chiến nhẫn Ngư phủ, hay ấn tín của Giáo hoàng, bị đập vỡ ngay lập tức bởi Đức Hồng y Thị thần khi Đức Giáo hoàng qua đời.

Sealing
Đóng ấn. Là Bí tích thêm sức được xem như là sự hoàn chỉnh của bí tích rửa tội, trong đó người chịu phép nhận đặc tính hoặc dấu ấn không thể tẩy xoá của một chiến binh của Chúa Ki-tô, sẵn sàng chịu đựng gian khổ để gìn giữ và tuyên xưng đức tin của mình.

Seal Of Confession
Ấn tích giải tội, Ấn toà giải tội. Là bổn phận quan trọng về giữ kín hoàn toàn mọi tội lỗi xưng trong bí tích hoà giải và những điều khác do hối nhân nói liên quan tới việc xưng tội. Điều này là một nghĩa vụ ràng buộc trong luật tự nhiên, thần luật của Chúa Ki-tô và trong luật Giáo hội. Luật này ràng buộc cha giải tội và bất cứ người nào khác, đã nghe các tội xưng ra bằng bất cứ cách nào. Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được tiết lộ bất kỳ thông tin, trừ phi hối nhân tự do cho phép.

Seal Of Confirmation
Ấn tín Thêm sức. Đây là ấn tín nhằm thiết lập hoặc quyết định một cách không thể huỷ bỏ, trong bí tích thêm sức, khi Giám mục xức dầu với dấu thánh giá trên trán người chịu phép và nói, “hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần.” Vì vậy bằng bí tích thêm sức, Ki-tô hữu được rửa tội được đánh dấu vĩnh viễn như là nhân chứng của Chúa Ki-tô và có khả năng gìn giữ, tuyên xưng và nói lên niềm tin ngay cả bằng giá máu của mình.

Second Adam
Adam thứ hai. Là danh hiệu đặt cho Chúa Ki-tô, dựa trên sự giảng dạy của Thánh Phao-lô rằng do tội lỗi xâm nhập vào thế gian bởi sự bất tuân của Adam thứ nhất, ân sủng cũng đã tới nhờ sự tuân phục của một người, là Đức Ki-tô Adam thứ hai (Thư gửi tín hữu Rô-ma 5:12-21).

Secondary Cause
Nguyên nhân Thứ hai, nguyên nhân phụ, nguyên nhân thứ yếu. Là nguyên nhân được sáng tạo hoàn toàn phụ thuộc vào Nguyên nhân Đầu tiên là Thiên Chúa. Đây là một nguyên nhân có thể làm ra một số kết quả nhất định, nhưng không thể làm ra bản thể hoặc sự hiện hữu của kết quả đó.

Second Coming Of Christ
Đức Kitô tái lâm, Đức Kitô phục lâm, Đức Kitô tái giáng, Sự trở lại của Đức Kitô trong ngày sau hết “Bây giờ Thầy đi dọn chỗ cho anh em và sau khi Thầy đã đi và dọn chỗ cho anh em, thầy sẽ trở lại và đem anh em đi cùng với Thầy” (Gio-an 12:3). Lời hứa này Chúa Giê-su với các Tông đồ trong đêm trước ngày chịu nạn, sẽ là đỉnh điểm công cuộc nhập thể và cứu độ của Người. Các thiên thần đã nhắc lại lời hứa này trong dịp Chúa Lên trời. “Chính Đức Giê-su sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Công vụ tông đồ 1:11). Không ai biết khi nào Chúa Giê-su sẽ trở lại vào ngày sau hết. Một số tín hữu sốt sắng đã sai lầm khi nghĩ rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại trong một thời gian ngắn, có thể trong khi họ còn sống. Tuy nhiên, lời hứa đó là cơ sở niềm cậy trông của người Ki-tô hữu. Như Thánh Phao-lô đã viết trong thư gửi Ti-tô: “Chúng ta phải sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này trong khi chúng ta trông chờ trong hy vọng về ngày hồng phúc, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu độ chúng ta xuất hiện trong vinh quang.” (Ti-tô 2:13).

Second Crusade
Cuộc thập tự chinh thứ hai. Là cuộc viễn chinh chống lại người Hồi giáo (1147-49) được Giáo hoàng Eugenius III khích lệ và Thánh Bernard chủ trương. Cuộc thập tự chinh này đã bị thất bại.

Second Order
Dòng nhì. Là một thuật ngữ thường dùng để chỉ các dòng tu nữ mà các vị sáng lập các dòng này đã thiết lập một dòng tu nam trước đó, đáng chú ý như Dòng nhì Phan-sinh và dòng nhì Đa-minh.

Second Plank
Tấm ván thứ hai. Là một thuật ngữ dùng để miêu tả Bí tích Hoà giải như là cơ hội thứ hai mà tội nhân có thể bám vào để cứu vớt phần linh hồn của mình, nếu như người ấy làm mất tình bằng hữu với Thiên Chúa sau khi được rửa tội.

Second Vatican Council
Công đồng chung Va-ti-căng II. Là công đồng chung lần thứ 21 của Giáo hội Công giáo, được Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII loan báo lần đầu tiên vào ngày 25 tháng 1 năm 1959. Ngài khai mạc công đồng vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 và khóa (phiên) họp đầu tiên kết thúc vào ngày 8 tháng 12 cùng năm. Sau khi Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII qua đời, ngày 3 tháng 6 năm 1963, Đức Giáo hoàng Phao-lô VI triệu tập Công đồng họp ba khóa tiếp theo từ ngày 29 tháng 9 đến 4 tháng 12 năm 1963; 14 tháng 9 đến 21 tháng 11 năm 1964; 14 tháng 9 đến 8 tháng 12 năm 1965. Tổng cộng có 2.865 giám mục và giám chức tham dự các buổi làm việc của Công đồng, mặc dù 264 vị không thể tham gia, chủ yếu là từ các nước Cộng sản. Trong số 16 văn kiện được Công đồng phát hành, có bốn Hiến chế - về Mặc khải, Phụng vụ và hai Hiến chế về Giáo hội - là cơ sở của các văn kiện còn lại.

Secret
Điều bí mật, điều bí ẩn, thầm kín. Là sự thật hoặc sự việc, chỉ có một số ít người biết, và được giữ kín đối với những người khác. Những điều bí mật có thể tự nhiên, được hứa hoặc được giao phó. Nghĩa vụ giữ bí mật được ràng buộc bởi luật tự nhiên hoặc luật được mặc khải. (Từ nguyên Latinh secretus, tách rời, bí mật, từ chữ secernere, đặt riêng, tách rời.)

Secretariat For Christian Unity
Văn phòng cổ vũ sự hiệp nhất các Ki-tô hữu. Văn phòng này được Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII thiết lập năm 1960 như là một trong những uỷ ban chuẩn bị cho Công đồng Chung Vaticăng II. Văn phòng được Đức Giáo hoàng Phaolô VI tổ chức lại vào năm 1967, và được giao cho mục đích cụ thể là có thẩm quyền và nhiệm vụ cổ vũ sự hiệp nhất các Ki-tô hữu. Văn phòng cũng có nhiệm vụ giải quyết các khía cạnh tôn giáo của Do thái giáo.

 
Góp ý cho Từ Điển Công Giáo: Secretariat For Non-Believers - Septuag
VietCatholic News Dictionary
19:40 09/04/2008
Secretariat For Non-Believers
Văn phòng liên lạc với những người không tín ngưỡng. Văn phòng được Đức Giáo hoàng Phao-lô VI thành lập năm 1965 có chức năng đối phó với thuyết vô thần trong thế giới hiện đại. Bên cạnh việc nghiên cứu những nguyên nhân của thuyết vô thần và những phương thế ứng xử với chúng, văn phòng còn chịu trách nhiệm cổ vũ (cho hoạt động) đối thoại mang tính xây dựng với những người vô thần. Cũng chính Đức Giáo hoàng Phao-lô VI trong năm 1967 đã làm rõ và định rõ thêm vai trò của văn phòng này trong ánh sáng của Hiến Chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại.

Secretariat Of Central America And Panama (Secretariato Episcopale Dell'America Centrale, S.E.D.A.C.)
Văn phòng Giám mục Trung Mỹ và Panama (S.E.D.A.C). Là một tổ chức của các giám mục Công giáo vùng Trung Mỹ và Panama được thành lập năm 1970 theo sắc lệnh Christus Dominus về nhiệm vụ Mục vụ của các giám mục trong Giáo hội và Tự sắc Hội Thánh (motu proprio Ecclesiae Sanctae) của Đức Giáo hoàng Phao-lô VI. Chức năng của tổ chức này là trao đổi tài liệu và các thông tin khác, và khi có dịp, tổ chức sẽ khởi xướng các chương trình có sự quan tâm chung. Tổ chức này thông thường họp hai năm một lần.

Secret Prayer
Lời nguyện thầm trên lễ vật, lời nguyện thầm. Là một hoặc nhiều lời cầu nguyện trước đây được linh mục đọc thấp giọng sau khi đọc “Anh chị em hãy cầu nguyện” khi dâng bánh và rượu (Orate Fratres) và ngay trước Kinh Tiền tụng (the Preface of the Mass). Lời cầu nguyện thông thường chỉ nói một lần, hiện giờ được lặp lại rõ tiếng và được gọi là Lời nguyện tiến lễ (Super Oblatio).

Secret Society
Hội kín. Là một tổ chức mà thành viên có thể không tiết lộ mục đích, nội dung hoặc những hoạt động trong hội của họ cho các giới chức có thẩm quyền của chính quyền hoặc giáo hội. Bởi vì sự bí mật của các hội kín thường gây sự bất lợi cho những người không phải là hội viên thông qua sự kiểm soát đáng ngờ và cũng gây phương hại đối với đức tin Công giáo, hàng thế kỷ qua Giáo hội đã cấm các tín hữu Công giáo tham gia vào các hội kín, và thường áp dụng những hình phạt khắt khe theo giáo luật đối với những người bất phục tùng. Trong một số điều kiện có giới hạn, người Công giáo có thể vẫn giữ sự liên hệ hạn chế với những tổ chức này. Những hội kín bị cấm thường tài trợ cho những công tác từ thiện và bác ái nhưng họ bị cấm chủ yếu là do chủ nghĩa tự nhiên của họ là mối nguy hiểm đối với đức tin chân chính. Trong số những mật hội bị Giáo luật cấm có Các hiệp sỹ Pythias (the Knights of Pythias), Odd Fellows, Sons of Temperance, và Tam điểm (the Freemansons).

Sect, Religious
Giáo phái, bè phái. Là một hội đoàn có tổ chức của những người tách ra khỏi một hình thức đức tin đã được hình thành hoặc đã có từ lâu, thường áp dụng đối với tất cả các hội đoàn tôn giáo ở đó giáo hội nhà nước được thành lập. Trong những nước có nhiều giáo hội được pháp luật công nhận, các giáo phái thường được coi như là những nhóm tôn giáo thiếu tổ chức hoặc cơ cấu chặt chẽ và có thể không tồn tại lâu dài.

Secular
Thế tục, trần thế. Là thứ thuộc về cuộc sống đời này, đối ngược với tính thiêng liêng gắn với cuộc sống đời sau. Vì vậy thế tục là trần tục và không phải là thiên giới; là phàm nhân và không phải là thần thánh; là thụ tạo mà không phải là tự bản thân mà có; là hữu hạn mà không phải là vĩnh cửu; là hữu hình mà không phải là thiêng liêng; là dựa trên lý trí con người và có thể giải thích được mà không phải là huyền bí và không lý giải được; là tương đối, vì vậy có thể thay đổi theo thời gian, địa điểm và tình huống mà không phải là tuyệt đối, vốn là bất biến bởi vì nó liên quan tới Thiên Chúa không thay đổi.

Secular Arm
Cánh tay phần đời, thế quyền. Trong luật giáo hội, đó là Quốc gia hay nhà cầm quyền thế tục khi can thiệp vào những trường hợp thuộc thẩm quyền hợp pháp của Giáo hội. Sự can thiệp nói chung là không được yêu cầu, và trên thực tế là sự xâm phạm, vốn can thiệp nghiêm trọng vào quyền của Giáo hội trong việc cai quản những công việc của mình. Tuy nhiên, vào thời Trung cổ, đôi khi sự giúp đỡ của bàn tay thế tục được yêu cầu, đặc biệt tại các phiên toà xử dị giáo hoặc sự phi luân nghiêm trọng khi các giới chức Giáo hội cảm thấy hình phạt cứng rắn hơn phạm vi xử lý của mình là xứng đáng.

Secular Clergy
Giáo sỹ triều. Là các giáo sỹ tham gia vào hầu hết các công việc mục vụ và không phải là thành viên của một dòng tu. Họ không bị ràng buộc bởi lời khấn khó nghèo hay đời sống cộng đoàn. Nhưng đời sống độc thân của họ, trong Giáo hội La Mã, được tuyên thệ chính thức và họ hứa vâng lời Đức Giám mục như là bề trên trực tiếp dưới Đức Giáo hoàng.

Secular Institute
Tu hội đời. Là một tổ chức, hoặc của giáo sỹ hoặc giáo dân, mà các thành viên tuyên xưng sống các lời khuyên Phúc âm trong thế giới. Mục đích của họ là làm cho các thành viên đạt tới sự trọn lành Ki-tô hữu và thực hiện đầy đủ sứ vụ tông đồ. Theo giáo luật họ được phân biệt với các hội đoàn bình thường của tín hữu (thông thường). Lần đầu tiên họ được Đức Giáo hoàng Pi-ô XII phê chuẩn ngày 2 tháng 2 năm 1947 trong Tông hiến Provida Mater (Mẹ Giáo hội ân cần), vốn chứa đựng những tiêu chí hướng dẫn đường lối của họ. Các tu hội đời khác với các dòng tu chính thức hoặc các hội đoàn đời thường bởi vì trong khi các thành viên của họ tuyên khấn hoặc tuyên hứa, những lời khấn hứa đó không phải là các lời khấn tu trì (công) xét về mặt kỹ thuật, và các thành viên cũng không sống đời bình thường. Tuy vậy, các tu hội đời là những trạng thái hoàn thiện của Kitô hữu, mà sứ vụ tông đồ của họ là ở giữa thế gian. Các thành viên phải làm việc để mở rộng vương quốc của Chúa Giê-su Ki-tô ở những nơi chốn và trong những hoàn cảnh phù hợp với mọi người trong thế giới thế tục.

Secularism
Chủ nghĩa thế tục, trào lưu tục hoá. Về ngữ nghĩa đây là một triết lý của chủ nghĩa tự nhiên được chủ trương từ thế kỷ 19, khởi đầu ở Anh Quốc và sau đó là những nơi khác. Là một hệ thống bảo thủ khẳng định rằng sự tồn tại và số phận của con người là hoàn toàn có thể giải thích được theo từ ngữ của trần thế, mà không cần nại đến tính vĩnh cửu. Về mặt xã hội, chủ nghĩa thế tục cổ vũ sự thăng tiến của số phận con người trong cuộc sống tại thế và cáo buộc Ki-tô giáo thờ ơ với sự đói nghèo và đau khổ, bởi vì viện cớ là Ki-tô giáo chỉ bận tâm tới Thiên Chúa và cuộc sống đời sau.

Secularity
Tính thế tục là mối quan tâm chính đáng đối với những lợi ích hữu hạn và trần tục này mà không phủ nhận sự lệ thuộc của những mối lợi đó vào những giá trị vĩnh cửu và tâm linh.

Secularization
Sự hoàn tục, thế tục hoá. Là hành động của các người nam hoặc nữ tách rời vĩnh viễn với những bổn phận đời tu trì. Họ được giải thoát khỏi những lời tuyên hứa của họ và có thể trở về đời sống thế tục. Một hình thức khác nữa là sự thế tục hoá, điều này xảy ra khi chính quyền dân sự buộc Giáo hội từ bỏ quyền sở hữu và quyền sử dụng các trường học, bệnh viện, cơ sở phúc lợi của mình, như đã xảy ra trong các nước Cộng sản.

Secundum Quid
“Tuỳ diện”. Nghĩ đen là “theo điều gì đó”, tức là phải hiểu đến một mức độ nào, theo phương diện nào, hoặc tôn trọng đến đâu, hoặc chỉ theo nghĩa đã được đưa ra. Là một cụm từ tiêu chuẩn để giải thích tính chất hoặc sự điều chỉnh một nguyên tắc chung.

Sede Vacante
Trống toà. Là thời kỳ trong đó Toà giám mục hoặc Giáo phận trống ngôi, nghĩa là không có Giám mục. Nói chung câu này được áp dụng đối với Toà Thánh. Các thủ tục trong thời gian này tuân theo những quy tắc được đặt ra bởi Đức Giáo hoàng Phao-lô VI trong Tông hiến về Bầu cử Giáo hoàng Rô-ma (Romano Pontifici Eligendo) ban hành năm 1975, thay thế cho các sắc lệnh của Đức Giáo hoàng Pi-ô XII năm 1945 và Đức Giáo hoàng Gio-an XXIII năm 1962.

Sedia Gestatoria
Ghế kiệu. Là chiếc ghế được trang trí dùng như chiếc ngai di động của Giáo hoàng. Chiếc kiệu này được buộc vào một giá nhỏ và được khiêng trên vai 6 người đàn ông trong những nghi lễ trang trọng có Đức Giáo hoàng làm lễ, đặc biệt là tại nhà thờ Thánh Phê-rô ở Rôma.

Sedilia
Ghế cho các người hành lễ. Là những chiếc ghế ban đầu để ở phía Nam Cung Thánh dành cho giáo sỹ làm lễ trong (khi) phụng vụ Thánh thể. Những chiếc ghế này đã được tìm thấy trong các hầm mộ, nơi một chiếc ghế đá được đặt ở bên cạnh bàn thờ. Nghi thức Thánh lễ mới quy định: “ Ghế của chủ tế phải thu hút sự chú ý khi chủ toạ và hướng dẫn sự cầu nguyện của cộng đoàn. Vì thế vị trí đặt ghế nên ở đầu Cung Thánh nhìn xuống giáo dân.... Những ghế cho những người khác có nhiệm vụ đặc biệt trên Cung Thánh nên được đặt ở những chỗ thuận tiện cho công việc của họ” (Ordo Missae, IV, 271). (Từ nguyên Latinh sedilia, ghế ngồi, từ chữ sedere, ngồi).

Seditious
Xúi giục nổi loạn. Là sự phê phán của giáo hội về một ý kiến được tuyên bố, (mà) có thể phá hoại học thuyết chân chính. Vì vậy, nó không chỉ sai lầm mà còn có tính chất phá hoại đức tin hoặc luân lý.

Seduction
Sự cám dỗ, quyến rủ. Là lôi kéo người khác tham gia vào hành động tình dục trái phép. Điều này là sự ngăn trở làm mất hiệu lực của hôn nhân mà Giáo hội có thể ban phép chuẩn. (Từ nguyên Latinh seducere, dẫn đi: se, rời riêng + ducere, dẫn.)

See
Toà. Là nơi đặt quyền bính giáo hoàng hoặc giám mục của Gíao hội, được trao cho Giám mục Rô-ma đối với Giáo hội hoàn vũ và cho giám mục địa phương đối với từng giáo phận. Các toà giám mục có một vùng lãnh thổ xác định được quy định bởi Đức Giáo hoàng.

Segnatura Apostolica
Tối cao pháp viện Toà thánh. Là Toà án cao nhất của Toà Thánh; khởi nguyên của toà án này có từ thời Đức Giáo hoàng Eugenius IV (trị vì từ 1431-47). Sau khi được tổ chức lại bởi Đức Giáo hoàng Phao-lô VI năm 1967, Toà án này có hai thẩm quyền xét xử, cụ thể là: 1. có thẩm quyền trên các toà án đã được thành lập, các cuộc hành hương tới Rô-ma, các vụ (việc về) hôn nhân vô hiệu, việc thiết lập các toà án khu vực và liên khu vực, xử lý các vụ việc liên quan tới các thoả ước giữa các quốc gia khác nhau với Toà Thánh; 2. Giải quyết những tranh chấp phát sinh từ những đạo luật về quyền lực hành chính của giáo hội như toà phúc thẩm, quyết định về những cuộc tranh luận hành chính được gửi tới toà án bởi các thánh bộ của Giáo Triều Rô-ma, và phân xử những tranh cãi do Đức Giáo hoàng gửi tới.

Seleucianism
Thuyết Seleucianism. Là một dạng của thuyết ngộ đạo phát triển rất mạnh ở Galatia trong thế kỷ thứ 3. Xét qua, đây là thuyết nhị nguyên quả quyết rằng Thiên Chúa và vật chất cùng là vĩnh viễn, rằng Thiên Chúa là tác giả của tội lỗi, rằng linh hồn con người do các thiên thần làm ra từ các yếu tố vật chất, rằng địa ngục là thế giới hiện tại, rằng sự sống lại chỉ là sự sinh hạ con cái. Những ý tưởng của thuyết Seleucianism gia nhập vào dòng của những dị giáo khác, cố gắng lý giải vấn đề sự dữ khỏi sự ác ý chủ tâm trong một thế giới thụ tạo.

Self
Ngã, bản ngã, cái tôi, bản thân. Tức là con người được coi như là một đối tượng nhận thức của chính mình và là chủ thể các hành động của chính mình, hoặc tổng quát hơn là bất kể hữu thể nào kể cả Thiên Chúa liên quan tới căn tính của chính mình.

Self-Control
Sự tự chủ. Là hành động, khả năng hoặc thói quen lấy ý chí kiểm soát những khao khát của mình. Ý chí đó được khai sáng bởi lý trí đúng đắn hoặc đức tin.

Self-Criticism
Sự tự phê bình. Là sự nhận ra rằng những thành tựu mình đạt được không hoàn toàn tương xứng với khả năng đạo đức của minh. Điều này ngụ ý sự chân thật trong việc nhận ra những yếu đuối, thất bại và giới hạn của mình.

Self-Deception
Sự tự dối mình. Là không có khả năng đạo đức để nhận ra những giới hạn và thất bại của bản thân hoặc thấy được những lý do thật sự đối với ứng xử của mình.

Self-Defense
Sự tự vệ. Là quyền được sử dụng sức mạnh chống lại một kẻ gây sự bất công. Những cơ sở đạo đức mà dựa vào đó được coi như là sự tự vệ chính đáng là thực tế mà việc làm chủ cuộc sống kể cả quyền sử dụng những phương tiện cần thiết để bảo vệ sự sống của mình, với điều kiện những phương tiện đó không vi phạm quyền lợi của những người khác. Trong trường hợp gây sự bất công, việc sử dụng vũ lực và thậm chí là một đòn đánh chết ngưồi có thể là phương tiện duy nhất để cứu sống mình. Quyền của những người khác không vì thế mà bị xâm phạm, vì quyền sống của người tấn công bị treo lơ lửng trong khi tấn công trái lẽ. Hơn thế nữa, người tấn công có thể dễ dàng bảo vệ được cuộc sống của mình chỉ bằng cách chấm dứt sự tấn công đó.

Self-Denial
Sự từ bỏ mình. Là hành động hoặc việc thực hành từ bỏ sự thoả mãn chính đáng nào đó vì một động cơ nào đó cao hơn.

Self-Determination
Sự tự quyết. Là khả năng điều chỉnh cuộc sống của chính bản thân mình từ những động cơ được điều khiển tự thân hơn là từ sự phản ứng thụ động, mặc dù là tự nguyện trước sức ép xã hội.

Self-Fulfillment
Tự kỷ thành tựu. Là việc hiện thực hoá những tiềm năng của mình như là một con người.

Self-Love
Lòng tự yêu mình. Là sự quan tâm quá mức tới bản thân mình tới mức thờ ơ với những người khác và lãnh đạm đối với những nhu cầu của họ. Trong tính tự yêu mình, sự chú ý tập trung vào cơ thể đặc biệt là sự tự thoả mãn về tình dục.

Semi-Arianism
Học thuyết dạng Ariô. Là lời giáo huấn của một số nhà thần học, những người sau Công đồng Nicea (năm 325), tìm kiếm một sự thoả hiệp giữa Học thuyết Arian và học thuyết về tính đồng bản thể của Chúa Giê-su Ki-tô với Chúa Cha. Những nhà thần học này được lãnh đạo bởi Basil, Giám mục của Ancyra, và sự cảm thông của họ được thể hiện đối với tính chất chính thống, mặc dù họ thay thế đồng bảnthể tương tự như với Chúa Cha. Thánh Athansius đã đối xử khoan dung với họ và ảnh hưởng của họ được cảm nhận trong lời tái xác nhận của Kinh Tin kính Nicea tại Công đồng Chung Constantinople năm 381.

Semid
Lễ bậc bán kép. Lễ kính từ trên xuống theo mức độ quan trọng theo 8 bậc: từ Đại lễ, đại lễ bậc nhì, lễ trọng kép, lễ trọng, lễ bậc bán kép, lễ thường, lễ vọng, và lễ ngày thường.

Seminal Principle
Nguyên lý hạt giống. Đây là nguyên lý trong thuyết thần học của Augustin, hạt giống hoặc gốc được Thiên Chúa cấy vào tất cả các sinh vật, chờ đợi cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của sinh vật đó. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của Thánh Tô-ma A-qui-na, lấy từ thuyết của Aristotle, rằng mọi sinh vật có khả năng sinh sản mà được thúc đẩy trong mọi sự thay đổi.

Seminary
Chủng viện. Là một trường học được thành lập để đào tạo về học thuật và tôn giáo cho các ứng viên chuẩn bị cho sứ vụ linh mục. Công đồng Trent, ngày 15-7-1563 đã chỉ thị thành lập trong mỗi giáo phận một chủng viện. Các chủng viện không phải là các trường học cho các giáo sỹ dòng tu thì có nhiều loại tuỳ thuộc vào nó được thành lập do cấp nào và đặt dưới thẩm quyền của ai. Vì vậy có thể có các chủng viện của giáo phận, của khu vực, của liên giáo phận, của giáo tỉnh và của Toà thánh. Sắc lệnh Đào tạo linh mục (Optatam Totius) của Công đồng chung Vaticăng II, ban hành năm 1965, đề cập đầy đủ chi tiết về chương trình giảng dạy và quản trị chủng sinh. Năm 1979 Đức Giáo honàg Gio-an Phao-lô II đã ban hành Tông hiến Sự khôn ngoan Kitô về các trường đại học và phân khoa của giáo hội. Văn kiện này có ảnh hưởng ngay lập tức tới tất cả các đại học, bao gồm các chủng viện, mà được thiết lập hoặc phê chuẩn hợp với quy tắc giáo hội bởi Toà Thánh với quyền trao các chứng chỉ học thuật bởi nhà chức trách có t hẩm quyền của Toà Thánh. Một cách gián tiếp, Tông hiến này ảnh hưởng tới tất các các chủng viện Công giáo. Trong những quy định chi tiết khác, Tông hiến yêu cầu rằng “ Tất cả giáo viên, trước khi được giao một chức vụ chính thức... phải nhận được một tuyên bố không có gì ngăn trở từ Toà Thánh.” (Phần 1, III, 27).

Semi-Pelagianism
Học thuyết dạng Pelagiô. Học thuyết này thịnh hành ở miền Nam nước Pháp, đặc biệt là ở các tu viện. Thuyết này đã chính thức bị lên án bởi Công đồng Orange năm 529. Nhưng thuật ngữ Semi-Pelagian (dạng Bán Pelagiô) sau này được sử dụng bởi những người chỉ trích thuyết Mô-li-na về ân sủng và ý chí tự do, buộc tội những tu sỹ dòng Tên quá đề cao tự do của con người, đến nỗi phủ nhận thật sự ưu thế của ân sủng.

Semi-Public Oratory
Nhà nguyện bán công khai. Là một nơi dành riêng để thờ phượng vì lợi ích của một cộng đồng hoặc một nhóm tín hữu, nhưng không cho phép bất kỳ ai khác được quyền vào tự do.

Semites
Người Xê-mít. Là một chủng tộc có tổ tiên sống ở châu Á và châu Phi, và được cho là những hậu duệ của ông Shem, con trai của ông Noah. Trong thời lịch sử tất cả vùng Tây Á, trừ Tiểu Á, là của người Xê-mít và các nhà ngữ văn chia chủng người này thành bốn nhóm chính: người Babylon - Átxiri, người Chanaanite, người Aramê, và người Ả-rập. Xứ sở gốc của họ có thể là Arabia.

Sempiternity
Tính vĩnh hằng, sự vĩnh cửu. Tính vĩnh hằng được coi như không có bắt đầu và không có kết thúc; vì thế chỉ có Thiên Chúa là làm chủ vì không như các loài thụ tạo, Ngài không bao giờ có lúc bắt đầu. Hơn thế nữa, Thiên Chúa luôn luôn hằng hữu bởi vì Ngài không thể không có, không như các loài thụ tạo có thể tiếp tục vĩnh viễn nhưng không bởi quy luật tất yếu của sự tồn tại.

Sensation
Cảm giác. Là ý thức về một vật cụ thể thông qua các phương tiện của một trong các chức năng hoặc cơ quan cảm giác theo cách thức vật chất. Vì vậy trong con người, cảm giác khác với tư duy trong hai cách: cảm giác chỉ có với vật chất, trong khi tư duy có thể có về những điều về tinh thần, chẳng hạn như Thiên Chúa, tình yêu và tự do; cảm giác luôn là cách thức vật chất để nhận biết, trong khi tư duy có thể hướng về những thực tại vật chất, như mặt trời, viên đá hoặc cây cối, nhưng đó là nhận thức bằng tinh thần. (Từ nguyên Latinh sensatio, biết nhờ giác quan, sentire, cảm nhận.)

Sense Of Sin
Ý thức về tội lỗi. Là một sự sợ hãi hữu ích được gây ra trong tâm hồn tín hữu thông qua sự thông hiểu rõ ràng về bản chất và sự ác độc của tội lỗi. Tính mãnh liệt của cảm giác này phụ thuộc vào sự thánh thiện của người đó, và nó nhạy cảm nhất nơi các thánh. Đặc trưng của nó là nhận thức về sự thánh thiện của Thiên Chúa trong sự tương phản với yếu đuối của bản thân, và vì vậy là một ý thức phụ thuộc không ngừng vào ân huệ thiêng liêng của Thiên Chúa.

Sensism
Thuyết duy cảm. Là một triết lý gỉam thiểu mọi tri thức con người vào kinh nghiệm giác quan, và giảm thiểu mọi ước muốn của con người vào sự ham muốn của thể xác. Theo đó, nó phủ nhận những ý tưởng phổ quát, tự do nội tại, sự khác biệt luân lý giữa cảm giác và trí tuệ, và sự duy linh của linh hồn. (Từ nguyên Latinh sensus, cảm giác, nhận thức; khả năng nhận thức của cơ thể.)

Sensualism
Chủ nghĩa nhục dục, thuyết duy cảm. Là sự say mê/nghiện những khoái cảm nhục dục, đặc biệt là sự thoả mãn xác thịt. Đây cũng là một thuyết cho rằng mọi thoả mãn của con người chủ yếu dựa vào ham muốn giác quan. Thuyết này tương tự về mặt tâm lý với học thuyết của chủ nghĩa duy vật trong triết học.

Sentences, Book Of
Cuốn Luận đề thần học. Là một công trình cổ điển của nhà thần học Peter Lombard (1100-62). Ông viết Luận đề thần học gồm bốn cuốn (1145-52) và được gọi là Bậc Thầy của Luận đề, hoặc Sư phụ. Công trình này là sách giáo khoa tiêu chuẩn về thần học trong bốn thế kỷ và có ảnh hưởng to lớn tới Thánh Tô-ma A-qui-nô. Phần đầu tiên của cuốn sách đề cập tới Thiên Chúa và Chúa Ba ngôi, Chúa Quan phòng, tiền định và sự dữ; Phần Hai bàn về sự sáng tạo, các thiên thần, sự sa ngã, ân sủng, và tội lỗi; Phần Ba nói về mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Cứu chuộc, các nhân đức và các điều răn; Phần Bốn nói về các Sự sau. Cuốn sách này dẫn đầu tất cả thần học Công giáo trong thời sau đó, bởi kết hợp sự tôn trọng quyền bính của Giáo hội với sự phân tích sâu sắc thông qua việc sử dụng đúng đắn lý trí.

Sentiment
Tình cảm, cảm thức, cảm nghĩ. Là một hành vi ý chí của con người, vốn thích hoặc không thích một ai đó hoặc một vật gì đó một cách có ý thức. Tình cảm khác với cảm nghĩ đơn thuần, vốn chỉ hoàn toàn là cảm nhận bằng giác quan, và cũng khác với xúc cảm, vốn thường là cảm giác mãnh liệt hơn. Tình cảm đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh như là một kiểu thôi thúc siêu nhiên, hướng tới những điều tốt đẹp và tránh xa những điều xấu xa về phương diện đạo đức. (Từ nguyên Latinh sentimentum, từ chữ sentire, cảm nhận.)

Separated Brethren
Những anh em ly khai. Là tất cả tín hữu Ki-tô giáo đã được thanh tẩy và tin vào Chúa Giê-su Ki-tô nhưng không phải là tín hữu Công giáo. Thông thường, thuật ngữ này dùng để chỉ các tín hữu Tin lành.

Separation, Marital
Sự ly thân trong hôn nhân. Là sự phân cách tạm thời hoặc thậm chí là vĩnh viễn giữa vợ và chồng, mà không có quyền tái hôn cho tới khi một trong hai người qua đời. Sự ly thân được Giáo hội cho phép vì những lý do như ngoại tình, mất đức tin hoặc những lý do quan trọng khác. Mặc dù không cùng chung sống nhưng mối dây vợ chồng vẫn còn ràng buộc.

Separatism
Chủ nghĩa phân lập, chính sách ly khai. Là chủ trương ủng hộ sự ly khai khỏi một giáo hội đã được thiết lập. Thuật ngữ này được sử dụng đặc biệt cho những người theo phái Giáo đoàn và những người khác tách ra khỏi Giáo hội Anh giáo.

Septuag
Chúa nhật Bảy mươi theo niên lịch phụng vụ cũ. Là Chúa nhật vào 70 ngày trước lễ Phục Sinh.

 
Góp ý cho Từ Điển Công Giáo: Original Sin - Pan-Satanism
VietCatholic News Dictionary
20:51 09/04/2008
Original Sin
Tội Tổ Tông, Nguyên tội - Là tội do Adong, tổ phụ của nhân loại mắc phạm, hay là tội do ngài chuyển tiếp cho hậu thế khiến cho tất cả mọi con người đều phải lãnh chịu khi thụ thai và sanh ra, ngoại trừ Chúa Kitô và Mẹ Người. Tội của Adong được gọi là tội nguyên thủy originale originans; tội của con cháu ngài là tội xuất phát từ tội nguyên thủy originale originatum. Tội của Adong là tội cá nhân và tội trọng, và có ảnh hưởng đến bản chất của nhân loại. Đó là một tội cá nhân vì ngài đã tự ý mắc phạm; đó là tội trọng vì Thiên Chúa đã ấn định một bổn phận quan trọng; tội này có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại vì ngăn không cho con cháu có được đời sống siêu nhiên và những ơn ngoại nhiên đáng lý họ phải có khi vào đời, nếu Adong đã không phạm tội. Tội tổ tông trong con cháu chỉ có tính cách cá nhân theo nghĩa các con cháu của Adong đều chịu ảnh hưởng, nhưng không có tính cách cá nhân vì họ tự ý phạm tội này; tội này cũng là tội trọng vì ngăn không cho con người có được thị kiến thiêng liêng, nhưng không nặng đến độ phải sa vào hỏa ngục; và chỉ có tính cách tự nhiên vì là nhân tính con người, ngoại trừ khi có sự can thiệp bởi ơn trên, mới có thể được loại trừ bằng các phương tiện siêu nhiên.

Oropa
Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ gần Turin, Ý. Thánh Eusebius, trên đường về từ Đất Thánh sau khi bị biệt xứ vì nạn Lạc Giáo Ariô, đã mang về nhà nguyện ẩn tu Oropa một bức tượng Đức Mẹ. Sau đó ngài qua đời tại đây. Đức Mẹ của thánh đường này được gọi là Đức Mẹ Đen vì Đức Mẹ và Chúa Hài Nhi trong bức tượng cao 3 bộ có mặt và tay được nhà điêu khắc tô mầu đen sậm. Khi thành phố Biella thoát nạn dịch bệnh năm 1599, khiến cho toàn miền bị tiêu diệt, cộng đồng quyết định xây một thánh đường lớn hơn. Nhà thờ chính phải có một sân trong và sân ngoài để bao trọn nhà nguyện nguyên thủy. Một nghi thức gắn Vương Miện thứ hai cho Đức Mẹ Đen được Đức Giáo Hoàng Clement XI cử hành năm 1720, là năm kỷ niệm Bách Chu Niên lần cung hiến thứ nhất. Các toà nhà ngày nay vẫn y như xưa, Oropa đã trở nên một thị trấn có nhiều nhà nguyện, khách sạn, bệnh viện, cửa tiệm, văn phòng, rạp hát và viện bảo tàng được xây cất gần thánh đường. Bức tượng cho thấy Đức Mẹ đứng, với Chúa Hài Đồng ngồi trên cánh tay trái. Đầu Đức Mẹ mang ba vương miện của năm 1620, 1720 và 1820, bao quanh bởi một cái vòng vàng có gắn 12 ngôi sao kim cương, biểu tượng cho vương miện thứ tư được Đức Thánh Cha gắn năm 1920. Danh sách các phép lạ xẩy ra tại đây thật đáng kinh ngạc. Năm 1918 Dòng Chúa Cưú Thế được Toà Thánh yêu cầu trông nom thánh đường.

Orphrey
Dải thêu vàng, dải thêu trên áo lễ - Các biểu tượng hoặc hình ảnh được thêu hoặc vẽ phía trước và sau áo lễ, và viền quanh cổ của áo lễ các linh mục. Khởi đầu được dùng để che chỗ nối, và mặc dầu không cần thiết, đã trở nên một thành phần nổi bật của áo lễ.

Or. Orat.
Nhà Giảng Thuyết, Thánh Nhạc – Người cầu xin, Nơi Cầu Nguyện

Orthodoxy
Chính Thống – Là Đức tin đúng đắn so với Dị Giáo hay Lạc Giáo. Danh từ này được dùng ở Đông Phương để chỉ các giáo hội nhưng chấp nhận các Công Đồng xưa cổ như Êphêsô và Can Đê, và tự xưng là “Giáo Hội Đông Phương thánh thiện, chính thống và công giáo.” Bên Tây Phương, danh từ này đôi khi được dùng để mô tả một ưu tư có thể biện hộ về học thuyết vững mạnh trong đức tin Công Giáo. (Từ nguyên Hi Lạp orthos, đúng + doksa, ý kiến: orthodoksa, có ý kiến đúng.)

Orthogenesis
Trực Biến, trực sinh - Lý thuyết cho rằng tất cả mọi xã hội nhân loại đang trong quá trình tiến hóa, đi theo cùng một chiều hướng và trải qua các giai đoạn như nhau ở khắp mọi nơi, bất kể những dị biệt về văn hóa.

Orthology
Chính Từ - Một từ ngữ được những người bất đồng ý với giáo huấn Công Giáo sử dụng. Họ cho rằng hoc thuyết đúng nhất thiết chỉ là một kinh nghiệm chủ quan. Do đó, không được nhận định với bất cứ một công thức tín điều nào. Người ta nói rằng, các công thức giáo điều bằng ngôn từ có thể thay đổi và không quan trọng.

Orthophony
Chính Ngôn

Orthopraxis
Chính Hành, hành động đúng - Cũng được dùng bởi những người giảm thiểu tầm quan trọng của học thuyết đúng chính thống, cho rằng hành động thay vì đức tin mới là chính yếu trong Kitô Giáo. (Từ nguyên Hi Lạp orthos, đúng + praxis, hành động.)

O.S.
Kiểu Cổ

Osservatore Romano, L'
Tờ báo Quan Sát Viên Rôma, tờ báo chính thức của Vatican, được phát hành lần đầu năm 1861, lúc đầu chưa chính thức, rồi bán chính thức dưới triều Giáo Hoàng Lêo XIII. Biên tập viên là giáo dân. Báo được xuất bản hàng ngày, và mới đây cũng có ấn bản đặc biệt ngày Chủ Nhật. Ngoài các tin tức có tính cách tôn giáo, báo cũng phổ biến các tài liệu, bài giảng của Đức Giáo Hoàng, các phúc trình và bình luận về các biến cố chính trị và xã hội. Ngoài ra cũng có các ấn bản hàng tuần bằng các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Ý.

Ossuary
Tiểu Sành - Một quan tài nhỏ chứa xương, đặc biệt của một người Cận Đông trong Thế Kỷ thứ nhất. Tiểu sành có khắc tên thông thường được người Do Thái dùng vào thời Chúa Giêsu, cùng với các tên hiếm có khác. Tiểu sành chứng minh được sự chính xác về lịch sử của các danh xưng dùng trong Phúc Âm, cũng như các danh hiệu như “Sư Phụ” hay “Thầy” didaskalos, mặc dầu trước đây từ này đã được nêu lên như một chứng tích của thế kỷ thứ hai. (Từ nguyên Latinh ossuarium, bình đựng xương cốt.)

Ostensorium
Mặt Nhật, hào quang Mình Thánh Chúa - Một bình chứa bằng kim loại, thường là mạ vàng hay bạc, có một phần trong suốt, trong đó Mình Thánh được bầy khi chầu Thánh Thể hay rước kiệu Thánh Thể. Mặt nhật có nhiều hình thức và trang trí khác nhau, các mẫu thông dụng có hình như cái tháp hay hình tròn; một vòng kim loại bao quanh bởi các tia hay thanh kim loại gắn trên một cái thân đặt trên một cái đế nặng, nhiều mặt nhật được trang hoàng bằng ngọc quý. Mặt nhật của Nhà Thờ Chánh Tỏa Toledo phải mất một trăm năm mới chế tạo được, và nổi tiếng vì làm bằng vàng do Kha Luân Bố mang về từ Mỹ Châu.

Ostiarius
Chức giữ cửa - Một người gác cổng hay giữ cửa, là một trong các chức nhỏ, và là chức (vụ) thấp nhất. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chức vụ này được huỷ bỏ và sát nhập vào hai thừa tác vụ thay thế các chức nhỏ, đó là chức Đọc Sách Thánh và chức Giúp Lễ. (Từ nguyên Latinh ostium, cửa, cửa vào.)

O.T.
Cựu Ước

Our Father
Kinh Lạy Cha - Kinh Lạy Cha được Chúa Kitô dạy để đáp lại lời yêu cầu của các môn đệ xin Người dạy họ cầu nguyện. Kinh này được đọc trong Giáo Hội Công Giáo như sau:”Lạy Cha chúng con ở trên Trời. Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.” Kinh này gồm có bẩy lời cầu xin, trong đó ba lời đầu liên quan đến ý chỉ của Thiên Chúa, và bốn lời sau cầu cho có sự trợ giúp thiêng liêng cho con người. Đây là những lời trong Phúc Âm được bình luận nhiều nhất, Kinh Lạy Cha cũng là di sản chung của tất cả mọi kitô hữu, vì tóm lược niềm tin chung của họ vào Thiên Chúa là Cha, Đấng có điạ vị tối cao trên con người, nhu cầu phải cầu nguyện để được ban ơn, gốc rễ của đạo đức là làm theo Thánh Ý Chúa, và việc tranh đấu với sự dữ để được cứu rỗi. Câu kết dài hơn với giòng chữ này “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang của Người,” được bên Tin Lành sử dụng, là một ngôn từ phụng vụ được thêm vào trong một vài cuốn sách chép tay Tân Ước, nhưng không có trong bản văn gốc của Kinh thánh, hoặc trong Phúc Âm Mát Thêu (6:9-13) hay Luca (12:2-4).

Our Lady
Đức Mẹ - Danh hiệu phổ thông nhất cho Đức Nữ Đồng Trinh trong việc sùng kính và văn chương Công Giáo. Lần đầu tiên được ghi nhận sử dụng trong tiếng Anh bởi thi sĩ Anglo-Sazon Cynewulf Khoảng năm 750 và thường được liên kết với đặc quyền hoặc tác vụ của Đức Nữ Đồng Trinh, như Đức Mẹ Giá Chuộc, Đức Mẹ Quan Phòng, Đức Mẹ Là Đường. Danh hiệu này trong tiếng Ý là Madona, và tiếng Latinh là Domina.

Our Lady Of Ransom Scapular
Áo Đức Bà Giá Chuộc - Huy hiệu của một phụng hội thuộc Dòng Đức Mẹ Xót Thương. Huy hiệu mầu trắng và có hình Đức Mẹ Giá Chuộc

Our Lord
Chúa Chúng Ta - Hình thức ngắn gọn của cụm từ “Chúa Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta”, như được thấy trong các kinh phụng vụ xưa cổ. Được dùng với chữ “Chúng Ta”, từ ngữ có nghĩa là Đức Kitô, nhưng khi đứng một mình có nghĩa là “Chúa” và đồng nghĩa với Thiên Chúa.

Overpopulation
Nạn Nhân Mãn - Một lý thuyết của một vài nhà dân số học nói rằng các tài nguyên của trái đất đang bị suy giảm không đủ để cung ứng cho nhu cầu của một dân số thế giới ngày càng gia tăng. Quan điểm của Giáo Hội là “nạn nhân mãn” chỉ là một điều do con người bầy vẽ ra; và cùng một sự quan phòng thiêng liêng đã gợi hứng cho những tiến bộ về khoa học để gia tăng tuổi thọ của con người, sẽ cũng bảo đảm cho các phương tiện để nuôi dưỡng gia đình nhân loại ngày càng gia tăng.

Ownership
Chủ Quyền - Độc quyền sử dụng những gì mình sở hữu. Đây là một quyền vì sở hữu không chỉ có nghĩa là nắm giữ những gì mình có. Sử dụng có nghĩa là làm bất cứ cái gì mình muốn với những gì mình có, như, gìn giữ, thay đổi, cho đi, bán, tiêu thụ hay phá hủy; tuy nhiên, mặc dầu quyền sở hữu vô hạn, việc sử dụng có thể bị hạn chế bởi một giới chức khác, chẳng hạn quyền của chức quyền cao hơn hay là vì lòng bác ái đối với láng giềng. Quyền sở hữu có nghĩa là có tự do hành xử với những gì mình có, để phân biệt với quyền thừa hành được trao phó. Và việc tự do sử dụng những gì mình có là một độc quyền vì người khác không được dùng các sở hữu cuả mình, điều này cũng được áp dụng ngay cho cả các sở hữu có tính cách công ty. Bất kể đến số lượng của cổ phần, bất cứ ai nằm bên ngoài các sở hữu chủ không có quyền gì trên các sở hữu đó. Độc quyền sử dụng một cái gì là một đặc tính cá biệt của quyền sở hữu.

Ox
Con Bò - Một biểu tượng trong Nghệ Thuật Thánh được gán cho Thánh Luca. Hình con bò cũng biểu tượng cho cái chết của Chúa Kitô trên thập giá.

Oxford Movement
Phong Trào Oxford - Một nỗ lực tập thể phát xuất vào năm 1833 tại Đại Học Oxford nhắm phục hồi cho Giáo Hội Anh Quốc một số những nguyên tắc Tiền - Cải Cách, đã bị mất đi vì quán tính và thờ ơ. Sự phục hồi đức tin và phụng tự với một sự nhấn mạnh về tính chất Công Giáo nhưng không đề cập đến việc kết hợp với Giáo Hội Rôma, là đặc điểm của phong trào này. Phong trào này được TS Kelbe khởi xướng tại Oxford, và được nối tiếp bởi John Henry Newman, Edward Pusey, Richard Froude, Frederick Faber, Isaac Willaims, Charles Marriott, Bernard Dalgairns, và William Ward. Các Truyền Đơn của Thời Đại, được các vị lãnh đạo phong trào viết, là một chuỗi các luận án về hoc thuyết đề ra các mục tiêu và giáo huấn của phong trào. Nhiều bài bị kiểm duyệt và bị lên án bởi Giáo Hội Hiện Hành, và truyền đơn của Ward khiến cho ông bị mất vị thế trong Đại Học. Nhiều vị lãnh đão trở thành người Công Giáo, trong đó có Newman và Ward. Phong trào dường như đã chìm lắng, nhưng ảnh hưởng vẫn còn tiếp tục. Giáo Hội Anh Quốc đã cải cách, và sự kết hợp giữa Anh Giáo và Công Giáo đã được thiết lập vĩnh viễn, và cả Nước Anh trở nên quen thuộc hơn với học thuyết và thực hành Công Giáo

Oxon
Thần Học Gia hay Học Giả Oxford

P
Cha – Linh Mục; Đức Thánh Cha – Giáo Hoàng

Pa
Đức Thánh Cha – Giáo Hoàng

P.A., Pref. Ap.
Giám Quản Tông Tòa

Pachomius, Rule Of St
Luật Sống Thánh Pachomius - Luật sống có quy tắc đầu tiên cho một dòng tu được Thánh Pachomius (290-346), là người Ai Cập sáng lập Dòng Ẩn Tu, soạn thảo. Luật sống này dành cho một cộng đoàn có nhiều tu sĩ dưới quyền một người đứng đầu. Có ba đẳng cấp bề trên: Viện Trưởng coi sóc toàn bộ nhà dòng, một phụ tá (praepositus) cho mỗi cộng đồng, và một vị tuần trưởng hebdomadarius được bầu ra hàng tuần để kêu gọi các tu sĩ cầu nguyện, để hướng dẫn Giờ Kinh Phụng Vụ, và chuyển tiếp các chỉ thị từ viện trưởng xuống. Khi Pachomius qua đời, có tất cả chín dòng nam và hai dòng nữ dưới quyền của ngài. Ngài đứng đầu bẩy ngàn tu sĩ, trong đó có 1.300 tu sĩ cư ngụ tại Tabennesi trên bờ sông Nile, và các nhóm khác từ hai đến ba trăm người cư ngụ trong các cơ sở nhỏ hơn.

Pacifism
Chủ Nghĩa Hoà Bình, chủ nghĩa hiếu hoà - Chủ thuyết cho rằng tất cả mọi chiến tranh đều tất yếu sai lầm, và giữa các Kitô hữu, chiến tranh bị Phúc Âm ngăn cấm. Theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo chiến tranh thực sự là điều không mong muốn, và những say mê tội lỗi dẫn đưa tới chiến tranh cũng là điều không mong muốn, nhưng không phải là cuộc chiến nào cũng có tội và kitô hữu có thể tham dự vào một cuộc chiến chính đáng. (Từ nguyên Latinh pacificare, tạo hoà bình.)

Pact
Thỏa Hiệp

Padroado
Chế độ bảo trợ – Là đặc quyền bảo trợ do Đức Giáo Hoàng trao cho Vua Bồ Đào Nha trên ba giáo phận Ấn Độ kể từ năm 1534, gây nên nhiều sự tranh chấp giữa Giáo Hội và Chính Quyền. Thoả hiệp này được huỷ bỏ vào năm 1928.

Padua (Shrine Of St. Anthony)
Pađua (Đền thánh Antôn thành Pađua) - Trong thời kỳ từ năm 1232 đền năm 1300 nhà thờ thứ nhất được các linh mục Phanxicô xây cất như một nhà mồ và phỏng theo nhà thờ Thánh Mác cô ở Venice. Kiểu kiến trúc La Mã nhưng nhiều nhà nguyện bên cạnh có ảnh hưởng Gô-tích. Sáu vòm trên đỉnh với hai tháp chuông và hai chòi canh. Bên trong hết sức giản dị, với hàng trăm nấm mộ của các chiến sĩ và trên sáu mươi ảnh tượng Đức Mẹ. Bên trong Vương Cung Thánh Đường hiện đại là một bức tượng Đức Mẹ đặt trong nhà nguyện cổ, đây là tất cả những gì còn lại của nhà thờ cổ Santa Maria được xây cho thánh Antôn vào năm 1229. Tại đây vị thánh dâng thánh lễ, cầu nguyện, và giải tội. Gần nhà nguyện Thánh Thể là tòa giảng giản dị của nhà giảng thuyết nổi danh dòng Phanxicô, được hoàn tất vào cuối thế kỷ mười sáu bởi rất nhiều nghệ nhân thành Venice. Bức tường phía sau và hai bên có những bức họa khắc trên đá cẩm thạch trình bầy chín biến cố trong đời sống thánh Antôn. Nấm mồ của vị thánh thành Padua được đặt ở giữa. Bên trái bàn thờ là một cây giá nến khổng lồ được coi là một trong các cây đèn đẹp nhất thế giới. Tượng chịu nạn bằng đồng nổi tiếng của Donatello được treo trên bàn thờ. Bên cạnh mộ thánh Antôn, là di tích quý báu nhất của vị thánh. Đó là cái lưỡi của ngài được cất giữ trong một cái hộp được trang hoàng lộng lẫy.

Paenitemini
Paenitemini - Tông Hiến của Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành năm 1966, trong đó các tiêu chuẩn về ăn chay và hãm mình được thay đổi. Trong khi thay đổi các tiêu chuẩn, Đức Thánh Cha nói rõ rằng luật Chúa đòi hỏi tất cả mọi tín hữu phải sám hối. Do đó, mục đích của quy luật mới không phải là để làm suy yếu việc thực hành sám hối, nhưng là để làm cho hữu hiệu hơn. Vì thế Giáo Hội, “trong khi duy trì – ở nơi có thể tuân giữ dễ dàng – phong tục về việc sám hối bằng cách hãm mình không ăn thịt và chay tịnh, cũng có ý định thông qua các hình thức sám (thống) hối khác nữa, miễn là các Hội Đồng Giám Mục xét khi nào thuận tiện để thay thế việc ăn chay hãm mình bằng cầu nguyện và làm việc bác ái.”

Pagan
Lương dân, người ngoại giáo - Thông thường là một người thờ ngẫu tượng. Trước đây được dùng để chỉ bất cứ ai không tuyên xưng độc thần giáo, và vẫn còn được dùng bởi người Kitô Giáo, Do Thái và Hồi Giáo để chỉ một người không tin vào một Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất. Đúng hơn từ ngữ lương dân dùng để chỉ một người đã từ bỏ tất cả mọi tín ngưỡng tôn giáo, nghĩa là một người vô tôn giáo. (Từ nguyên Latinh paganus, dân làng, thường dân; từ chữ pagus, tỉnh, làng.)

Pain
Đau Khổ, hình phạt, Kinh nghiệm đau đớn - Đau khổ có thể là thể lý, khi nỗi đau đớn gây ra bởi cơ thể bị ngăn chặn không nhận được những gì cần thiết; hay tâm thần, khi trí óc bị ám ảnh bởi một cái gì mơ hồ hay đáng nghi; hay tình cảm, khi cảm giác bị xáo trộn bởi lo âu và sợ hãi; hay ý chí, khi ước muốn không được thỏa mãn; hay xã hội, khi một người bị chối bỏ hay không được người khác chấp nhận; và tâm linh, khi linh hồn bị dầy vò một cách bí nhiệm bởi tuyệt vọng hay khi có cảm tưởng bị Thiên Chúa bỏ rơi. (Từ nguyên Latinh poena, sự trừng phạt, đau đớn).

Pain Of Loss
Án phạt trầm luân, Đau Khổ vì Mất Mát - Sự đau khổ vĩnh viễn trong hỏa ngục vì không được thị kiến Thiên Chua trên Thiên Đàng. Đươc gọi là poena damni, đây là hình phạt đầu tiên của những thần dữ và các linh hồn qua đời trong khi chối bỏ Thiên Chúa.

Pain Of Sense
Đau Khổ Cảm Quan - Sự đau khổ trong hỏa ngục gây nên bởi một tác nhân mệnh danh là “lửa” trong Kinh thánh, từ bên ngoài con người và là thứ yếu sau hình phạt chính, đó là sự đánh mất Thiên Chúa.

Palestine
Palestine - Tên được người Philítin từ đầu đặt cho quốc gia nằm ở bờ biển phía đông của Địa Trung Hải. Trong Kinh thánh, Palestine được gọi là Canaan trước khi Joshua xâm chiếm. Đây là Đất Thánh của người Israel xưa vì được Thiên Chúa hứa cho, và trở thành Đất Thánh của người kitô vì đó là quê hương của Chúa Kitô. Ranh giới Palestine thay đổi nhiều lần, nhưng nói chung bao gồm miền đất nằm giữa Địa Trung Hải và sông Jordan, và có ranh giới phía tây nam là Ai Cập. Vào thế kỷ thứ Tư trước Công nguyên Palestine bị Alexandre Đại Đế xâm chiếm. Năm 141 trước Công nguyên, người Do Thái nổi dậy dưới thời Maccabe và thiết lập một quốc gia mới, nhưng Rôma chiếm lại trên 70 năm sau. Trong thời Chúa Kitô, Palestine được cai trị bởi vua Herod bù nhìn. Việc nổi loạn của người Do Thái thúc đẩy người Rôma phá hủy đền thờ và tiêu diệt hay đánh đuổi người Do Thái ra khỏi Palestine. Rồi kế theo là ngươi kitô giáo chiếm đóng cho tới thế kỷ thứ 7, khi bị người Hồi Giáo chiếm lại. Trong cuộc Thánh Chiến, Palestine tạm thời nằm trong tay người Kitô hữu nhưng lại rơi vào tay người Hồi giáo vào thế kỷ 13. Người Do Thái bắt đầu đô hộ khoảng 1870, và chủ nghĩa phục quốc Do Thái khởi sự vào đầu thế kỷ 20. Năm 1920 người Anh được chia cắt khu vực này trong Thế Chiến Thứ Hai, chỉ định Palestine là quê hương của người Do Thái, trong khi bảo vệ quyền lợi của những người không phải là Do Thái. Sau nhiều cuộc tranh chấp giữa Do Thái và Ả Rập, Palestine trở nên quốc gia Israel kể từ năm 1948.

Pall
Tấm Đậy Chén Thánh, khăn phủ quan tài, mạng che cô dâu chú rể, khăn phủ nữ tu - Thông thường nhất là miếng bià cứng vuông được bọc bằng vải dùng để đậy trên chén thánh trong Thánh Lễ; cũng là khăn phủ quan tài trong thánh lễ an táng và trên cái hòm giả trong thánh lễ cầu hồn; một tấm khăn che đậy trên cô dâu và chú rể trong lễ hôn phối theo lễ điển Môzarab tại Tây Ban Nha; một tấm khăn phủ trên nữ tu trong nghi thức tuyên hứa tại một số dòng chiêm niệm. (Từ nguyên Latinh pallium, khăn.)

Pallium
Dây pallium, Phù Hiệu Bằng dây len - Một biểu tượng trong phẩm phục của quyền bính Giám Mục. Dây là một dây bằng len trắng rộng 2,5 phân được trang hoàng bằng sáu thập giá nhỏ và một giải treo phiá trước cũng như một giải treo phía sau, được đeo quanh cổ, ngực và vai của Đức Giáo Hoàng và các Tổng Giám Mục. Được làm bằng len của hai con cừu đã làm phép tại nhà thờ Thánh Anê tại Rôma. Khi được ban cho một giám mục, phù hiệu này chỉ có tính cách trang sức. Trong nghi lễ Đông Phương, chỉ có các thượng phụ được đeo phù hiệu này. Đây là một dấu chỉ bên ngoài của sự hiệp thông với Tòa Thánh. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I được chính thức đăng quang ngày 3-9-1978 với phù hiệu này thay vì một vương miện Giáo Hoàng trong một thánh lễ ngài đồng tế với các thành viên của Hồng Y Đoàn. Người kế vị là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đăng quang bằng phù hiệu pallium.

Pallottines
Tu sĩ Hội truyền giáo (Pallottini) - Tu sĩ của hiệp hội tông đồ hội được thánh Vincent Pallotti (1795-1850) sáng lập năm 1835 tại Rôma. Mục đích là thuyết giảng và giáo huấn đức tin cho người kitô và ngoài kitô giáo, và phối hợp giữa các tín hữu trong sứ vụ tông đồ Công Giáo. Theo Đức Giáo Hoàng Piô XI, các tu sĩ này là các vị tiên phong trong phong trào Công Giáo Tiến Hành mới. Cũng có các nữ tu Pallotin, được thánh Vincent thành lập năm 1843 như một dòng riêng biệt. Một trong những sứ vụ của họ là cổ võ sự hiệp nhất của các giáo hữu ly khai Đông Phương với Rôma.

Palm
Lá, cành cọ, Cành Thiên Tuế - Một biểu tượng của chiến thắng. Khi tìm thấy trong các hang toại đạo, cành lá này đánh dấu nấm mộ của một vị tử đạo. Đây cũng là biểu hiệu của nhiều vị thánh chịu đau khổ dưới thời Roma bách hại đạo. Khi nói về Ngày Chung Thẩm, đây là biểu tượng của chiến thắng cuối cùng (Khải Huyền 7-9). Cành Thiên Tuế đánh dấu việc Chúa Kitô vinh quang tiến vào thành Giêrusalem.

Palms, Blessed
Lá Làm Phép - Một á bí tích của Giáo Hội. Lá được làm phép và phân phát cho tín hữu vào chủ nhật lễ lá, tưởng niệm việc đám đông mang cành lá rước Chúa Kitô vào thành Giêrusalem. Cành lá được dùng ngay từ thời Thánh Bede Khả Kính (673-735). Lá Chà Là Đông Phương, khi có thể kiếm được, là loại lá được ưa thích nhất. Nhưng bất cứ cành hay que nhỏ nào cũng thích hợp. Nghi thức Chủ Nhật Lễ Lá chỉ đề cập đến những cành cây. Trong kinh nguyện làm phép, linh mục đọc, “Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, xin làm phép các cành cây này và làm cho chúng trở nên thánh thiêng.” Trong cuộc rước lá, dân chúng đi trong hân hoan để bầy tỏ lòng trung thành với Đức kitô.

Palm Sunday
Chúa Nhật Lễ Lá - Chúa Nhật trước Phục Sinh và là Chúa Nhật thứ sáu và cuối cùng của Mùa Chay, và khởi đầu cho Tuần Thánh. Vào ngày này Giáo Hội kỷ niệm ngày Chúa Kitô khải hoàn vào Giêrusalem, khi các cành ô liu và chà là được trải trên lối đi của Người. Trong phụng vụ, việc tưởng niệm biến cố này được thực hiện trong tất cả các thánh lễ, với cuộc rước hay tiến vào trọng thể trước thánh lễ chính, và với cuộc rước giản dị trước các thánh lễ khác trong Chúa Nhật Lễ Lá.

Panaya Kapulu (Shrine)
Đền Thánh Panaya Kapulu - Nhà của Đức Mẹ gần Selchuk, Thổ Nhĩ Kỳ, cách Constantinople hai trăm dặm tại miền tây Tiểu Á. Căn nhà (này) nổi tiếng là nơi trú ngụ của Đức Mẹ những năm cuối cùng trên trần thế. Êphêsô hầu như hoàn toàn tàn phế, nhưng cách thành phố cổ này khoảng mười dặm có nhà của Đức Mẹ. Đây là một nơi hành hương tiếp nhận trên năm ngàn khách hành hương mỗi tháng. Có một linh mục Công Giáo túc trực tại đây. Người Hồi giáo cũng như Thiên Chúa giáo đã đến đây từ năm 1691 để kính viếng Đức Mẹ. Căn nhà nhỏ được xây lại vào năm 1951 sau bao nhiêu năm bị vết chân của khách hành hương làm hư hại. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đến hành hương tại đền thánh này vào tháng 7 năm 1967.

Panegyric
Bài Suy Tôn, bài tán tụng - Một bài khen tặng một người hay một biến cố trước công chúng, một bài điếu văn tụng thể. Bài nổi tiếng nhất là bài do các giáo phụ viết, như bài của Thánh Gioan Chrysostm giảng về các thánh Lucian và Romanus năm 387. (Từ nguyên Hi lạp pan_gyrikos, lễ hội công cộng.)

Panentheism
Thuyết Bán Phiếm Thần, thuyết phiếm tại - Thuyết cho rằng thế gian là một thành phần của Thiên Chúa, mặc dầu không là toàn phần. Thuyết này khác với thuyết phiếm thần, vốn minh định thế gian là Thiên Chúa, bằng cách nói một phần của Thiên Chúa là vũ trụ, và một phần chỉ là Thiên Chúa.

Pange Lingua
Thánh ca Pange Lingua - Thánh ca “Miệng lưỡi tôi hãy hát lên vinh quang của Đấng Cứu Chuộc,” trong Kinh Chiều của Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Thánh ca này được dùng làm bài ca khi rước kiệu Thánh Thể vào Thứ Năm Tuần Thánh, Lễ Mình Máu Thánh Chúa, trong Bốn Mươi Giờ Chầu, và thông thường được dùng để tôn vinh Thánh Thể. Hai đoạn cuối, Tantum Ergo, đã từ lâu được hát lúc chầu Mình Thánh Chúa. Bài này được thánh Tôma Aquina viết, và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng.

Panpsychism
Thuyết phiếm tâm linh - Thuyết cho rằng mọi sự trên thế gian đều sống động. Tất cả mọi sự đều được cho là đang sống hay có ý thức. Trong số những người nổi tiếng nhất ủng hộ thuyết này có Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716). (Từ nguyên Hi Lạp pan, tất cả + psyche, linh hồn.)

Pan-Satanism
Thuyết Phiếm Satan - Danh từ được gán cho một vài hình thức của thuyết phiếm thần, hay một thứ triết lý bi quan, như của Arthur Schopenhauer (1788-1860). Đó là niềm tin rằng thế giới được đồng hóa với tà thần, và coi tà thần là “Ông Hoàng của thế giới này” (Gioan 12:31). (Từ nguyên Hi Lạp pan, tất cả + chữ Do thái cổ satan, kẻ thù, kẻ địch.)

 
Góp ý cho Từ Điển Công Giáo: Midrash - Molinism
VietCatholic News Dictionary
22:50 09/04/2008
Midrash
Phương pháp Midrash (chú giải Kinh Thánh), cách chú giải Midrash. Là lối diễn giải Kinh Thánh do các bậc thầy Do Thái thực hiện từ đầu thế kỷ thứ ba, một yếu tố quan trọng trong khoa chú giải Thánh Kinh Công Giáo. Lối diễn giải này được áp dụng cho nhiều phần trong Kinh Thánh, nhằm khám phá ý nghĩa sâu xa ẩn tàng dưới mặt chữ, tương tự lối “giải thích thiêng liêng” trong Kinh Thánh của Kitô giáo.

Migne Patrologia
Bộ Giáo Phụ Học Migne, Tuyển Tập Giáo Phụ Học Migne. Ấn bản đầy đủ nhất cho đến nay về các Giáo Phụ và văn sĩ của Giáo Hội. Cha Jacques Paul Migne (1800-1875) là cha xứ ở Orléans, Pháp, mãi cho đến năm 1844, khi ngài bắt đầu xuất bản Bộ Tuyển Tập về các tác giả Latinh từ thời đầu đến thời Đức Innocentê III (217 tập, 1844-1855). Sau đó ngài xuất bản tiếp Bộ Tuyển Tập về các văn sĩ Hi Lạp từ thời đầu đến năm 1439 TCN (162 tập, với bản dịch Latin, 1855-1866). Hai tuyển tập, Giáo Phụ Học Latinh (P.L.) và Giáo Phụ Học Hy Lạp (P.G.), mặc dù còn thiếu sự chú thích hoàn thiện hơn của các học giả hiện đại, vẫn là nguồn tài liệu chuẩn mực để tham khảo và trích dẫn.

Mildness
Hiền hòa, ôn hòa, hiền dịu. Hiền lành trong tính cách và hành xử. Như là hoa trái của Thánh Thần, hiền hòa là sự trọn lành của đức ái, hướng dẫn đức công bằng qua việc tránh né bất cứ hành động không cần thiết nào mà có thể khơi lên dận giữ hoặc oán hờn.

Military Vicariate
Giáo Hạt Quân Đội. Địa hạt được đặt dưới sự coi sóc của một vị đặc trách về đời sống tâm linh cho các nhân viên quân đội trong vùng ấy. Giáo hạt có quyền hạn pháp lý trên các vị tuyên úy, nhân viên quân đội và các gia đình sống chung với họ. Quyền hạn pháp lý này được xác lập theo Giáo Luật bởi Tòa Thánh.

Millennium
Thuyết một ngàn năm, Thiên niên kỷ thuyết. Một ngàn năm Chúa Kitô thống trị trên trái đất, trước khi xảy ra ngày tận thế, dựa trên sách Khải Huyền 20, 1-5. Được một số Giáo Phụ như Giustinô (A.D. 100-165) và Irênê (130-200) đồng thuận, thuyết một ngàn năm hiện vẫn được tin nhận nơi một số giáo phái Tin Lành. Giáo Hội Công Giáo giải thích rằng đoạn Kinh Thánh này được áp dụng cho vương triều thiêng liêng của Chúa Kitô trong Giáo Hội và hiểu “một ngàn năm” chỉ có ý nghĩa là một thời gian lâu dài bất định mà thôi.

Mina
Đơn vị đo lường trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, tương đương với một trăm gam Hy Lạp (drachma), hoặc tương đương với một cân Anh (pound, khoảng 450 gram). Đồng xu tiền cổ tương đương với 1/60 đơn vị tiền tệ (talent) Hy Lạp.

Mind
Tâm, tâm trí, tinh thần. Bất cứ một trạng thái hoặc hoạt động nào thuộc lãnh vực tri thức luận lý. Cũng là danh xưng chung để chỉ tất cả năng lực, trạng thái và hoạt động có lý tính và ý thức. Trong triết học, tâm trí thường được dùng đồng nghĩa với trí năng, tức khả năng đón nhận tri thức.

Mind Dust
Tâm bụi, hạt tâm bụi. Mệnh đề giả định của chủ nghĩa duy vật cho rằng tinh thần con người phát sinh từ sự kết hợp giữa những phân tử của trí óc vốn đã hiện hữu trong sự liên đới với các nguyên tử vật chất. Ngược lại với chủ trương trên là sự xuất hiện của thuyết tiến hóa (ví dụ, Teilhard de Chardin, 1881-1955), tuyên bố rằng tinh thần là kết quả tự nhiên của tiến trình tiến hóa sinh học.

Mind Of The Church
Tinh thần của Giáo Hội. Thái độ hoặc đường lối của Giáo Hội trong những vấn đề đức tin hay luân lý vốn đã không được giảng dạy cách minh nhiên trong các tuyên ngôn chính thức. Trong những vấn đề nào mà giáo lý hoặc huấn thị của Giáo Hội không đề cập đến, thì ý hướng của Giáo Hội được trình bày qua những giáo huấn hoặc quy luật. Hành động “theo tinh thần của Giáo Hội” là dấu hiệu của sự trung thành Công Giáo và là điều rất hay được các Đức Giáo Hoàng mới đây thúc đẩy nơi các tín hữu.

Minims
Tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô Paola. Dòng Anh Em Bé Nhỏ (Tiểu Đệ), được thành lập năm 1435 bởi thánh Phanxicô Phaola (1416-1507). Danh xưng của Dòng biểu tượng cho ước nguyện của các thành viên muốn sống cuộc đời khiêm hạ. Bản quy luật đầu tiên được phê chuẩn bởi Đức Giáo Hoàng Alexandre VI năm 1493, căn bản dựa trên Quy Luật của Thánh Phanxicô Assisi. Bản luật sau đó được sửa đổi và Bản Quy Luật thứ hai có tính độc sáng hơn, được chính Đức Alexandre VI phê chuẩn vào năm 1501. Một nét đặc biệt của Luật Dòng này là lời khấn thứ tư: kiêng cữ tuyệt đối thịt, cá, trứng và những sản phẩm chế biến từ bơ sữa. Các bề trên thì mang danh xưng là “những người sửa dạy”. Mục đích của Dòng là chiêm niệm và hoạt động tông đồ qua thừa tác vụ, thuyết giảng và giảng dạy tại các giáo xứ. Cộng đoàn nữ, cũng mang danh xưng “Bé Nhỏ” (Tiểu Muội, Minims), thường được biết đến như là các Nữ tu Dòng Thánh Phanxicô Paola (Miniams), Dòng Chị Em Bác Ái Đức Mẹ Sầu Bi.

Minister
Thừa tác viên, vị phục vụ. Danh hiệu dành cho nhiều thành viên trong Giáo Hội Công Giáo. Đó là những người cử hành các bí tích, tức là các thừa tác viên cử hành bí tích. Đó là những người phụ giúp trong cử hành Thánh Lễ, ví dụ, thừa tác viên đọc sách và giúp lễ. Vị phục vụ là danh hiệu dành cho các bề trên trong một số các dòng tu, ví dụ bề trên tổng quyền của các tu sĩ Dòng Phanxicô được gọi là “tổng phục vụ” (ministers general), trong Dòng Tên, người đóng vai trò thứ nhì của một cộng đoàn địa phương được gọi là “vị phục vụ” (minister). Cách mặc nhiên tước hiệu này bao hàm khái niệm phục vụ. Từ sau phong trào cải cách Thệ Phản, các tông phái Tinh Lành thường gọi những giáo sỹ được tấn phong của họ là thừa tác viên (minister), để phân biệt họ với bậc tư tế (priesthood). (Nguyên ngữ Latinh: minister, người phục vụ).

Ministerial Priesthood
Chức tư tế/linh mục thừa tác. Bí tích truyền chức thánh và bậc sống cố định của một người được thụ phong linh mục, phân biệt với chức tư tế phổ quát của tất cả các tín hữu, được dành chung cho hết mọi người đã lãnh bí tích rửa tội. Điểm thiết yếu dành cho chức tư tế thừa tác là được trao ban năng quyền của chức tư tế độc nhất để thánh hiến và tiến dâng Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong Thánh Lễ và năng quyền tha các tội đã phạm sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội, thông qua bí tích thống hối (giải tội) và xức dầu bệnh nhân.

Ministeria Quaedam
Tông thư Ministeria Quaedam của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, bãi bỏ chức cắt tóc, các chức nhỏ và chức phụ phó tế (chức năm) trong nghi lễ Latinh của Giáo Hội Công Giáo (ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1972).

Ministeriorum Disciplina
Sắc lệnh Ministeriorum Disciplina (Quy luật về các Thừa tác vụ). Sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự, ban hành năm 1972, đưa ra những quy tắc và nghi thức dành cho các thừa tác viên đọc sách và giúp lễ, việc tiếp nhận ứng viên phó tế, và việc tuyên hứa dấn thân vào đời sống độc thân (ngày 3 tháng 12 năm 1972).

Ministries
Tác vụ. Danh hiệu này trước đây được dùng để gọi các chức nhỏ trong Giáo Hội Công Giáo, như chức đọc sách, chức giúp lễ. Những tác vụ này ngày nay có thể được giao phó cho các tín hữu và không còn được coi như là những chức vụ dành riêng cho các ứng viên chức thánh nữa.

Ministry
Thừa tác vụ. Một tác vụ được ủy thác để phụng sự Thiên Chúa trong việc phục vụ tha nhân, theo như các quy luật được mặc khải bởi Chúa Kitô và được Giáo Hội xác định. Trong truyền thống Công Giáo các thừa tác vụ đa dạng này cần bao gồm những đặc tính sau: 1. Phụng sự Thiên Chúa, tôn vinh Ngài qua việc yêu thương phục vụ tha nhân; 2. Được quyền bính Giáo Hội cho phép, qua Đức Giáo Hoàng hoặc đấng bản quyền địa phương; sự cho phép này có thể phải kèm theo việc phong chức, chẳng hạn trong trường hợp thừa tác vụ linh mục, hoặc sự thánh hiến, như trường hợp đời sống tu dòng, hoặc nghi thức chúc lành trong phụng vụ, như trường hợp của các thừa tác viên đọc sách và thừa tác viên ngoại thường trao Mình Thánh Chúa; 3. Đặt nền trảng trên giáo huấn của Chúa Kitô, Đấng đã nêu gương qua lời nói và hành động của Ngài về cách thức phục vụ những nhu cầu thiêng liêng cũng như trần thế của dân chúng; và 4. Theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, phù hợp với các chỉ thị và điều lệnh do Giáo Hội ban hành.

Minor Basilica
Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Tước hiệu Đức Giáo Hoàng phong cho một số thánh đường có tầm vóc nổi bật về sự cổ kính, về những tổ chức hiệp hội có bề dày lịch sử, về tầm quan trọng, chẳng hạn như các trung tâm phụng tự, nhưng chưa đủ tiêu chuẩn là Đại Vương Cung Thánh Đường. Ví dụ: Tiểu vương cung thánh đường thánh Laurenxô ở Rôma, Mission Dolores ở San Francisco, Thánh Anne de Beaupré ở Quebec.

Minor Orders
Các chức nhỏ. “Các chức nhỏ” là danh xưng được dùng qua nhiều thế kỷ để chỉ các phận vụ mà ngày nay gọi là tác vụ đọc sách và giúp lễ. Các tác vụ này chưa bao giờ được xem như là thành phần thuộc về bí tích truyền chức và đã được giản lược thành các thừa tác vụ Giáo Hội để trao cho những ai được chỉ định qua một nghi thức phụng vụ do một giám mục hoặc do một bề trên cả dòng tu chủ sự.

Miracle
Phép lạ. Một hiệu quả có thể xác nhận được một cách hợp lý, siêu vượt ít là những năng lực tự nhiên hữu hình, được Thiên Chúa thực hiện để minh chứng một sự thật nào đó hoặc chứng thực sự thánh thiện của một người nào đó. (Nguyên ngữ Latinh: miraculum, phép lạ, phép mầu, kỳ công; bởi động từ mirari: kinh ngạc, thán phục).

Miracle Of Grace
Phép lạ của Ơn Sủng – Ơn biến đổi/hoán cải. Sự hoán cải đột ngột tới bất ngờ từ chỗ không biết đổi thành kính tin, từ chỗ nghi ngờ biến thành xác quyết, từ người tội lỗi trở nên thánh thiện. Điều này xảy ra không do nhữnng nguyên nhân thông thường mà do một ân sủng đặc biệt được Thiên Chúa ban không. Đó là một tác động linh thánh vượt qua khuôn khổ những tác động thông thường của Đấng Quan Phòng.

Miraculous Medal
Ảnh phép lạ. Huy hiệu hình bầu dục có hình Đức Trinh Nữ Maria. Mẫu mã ảnh đeo này được mặc khải vào năm 1830 cho bà thánh Catherine Labouré (hiển thánh năm 1947), thuộc Dòng Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh Sơn Phaolô, trong những lần thánh nữ được thị kiến Đức Mẹ. Mặt trước của mẫu ảnh mang hình Đức Mẹ dang tay với dòng chữ: “ Ôi Maria vô nhiễm thai, xin cầu cho chúng con đang cậy nhờ nơi Mẹ”, và mặt sau có chữ M với thánh giá và 12 ngôi sao trên đó cùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Con số những phép lạ liên quan tới những người đeo mẫu ảnh này đã khiến dân chúng gọi đó là “ảnh phép lạ”. Vì thế mẫu ảnh này cũng được mến chuộng và phổ biến như Ảnh Áo Đức Bà vậy. Mẫu ảnh này trở thành huy hiệu biểu tượng của Hội Con Đức Mẹ. Có nhiều đền thánh hành hương và việc sùng kính được đặc biệt dâng tiến Đức Mẹ Mẫu Ảnh Phép Lạ và việc sùng kính hàng tuần dành cho tước hiệu này được ghi trên lịch của hàng ngàn thánh đường Công Giáo trên thế giới.

Miraculous Medal (Shrine)
Đền Mẫu Ảnh Phép Lạ. Ở trong nguyện đường của nhà mẹ Dòng Bác Ái Thánh Vinh Sơn Phaolô tại đường Rue de Bac, Paris. Năm 1830, Đức Trinh Nữ đã hiện ra ba lần với tập sinh Catherine Laboué. Mẹ ngự trên một chiếc ngai, yêu cầu chị phổ biến lòng tôn kính sự Thụ Thai Vô Nhiễm của Mẹ. Chiếc ngai này nay còn được gìn giữ như thánh tích ở đó. Mẹ Maria đã nói với Catherine về những điều khủng khiếp có thể xảy đến nếu lòng nhiệt thành đạo đức chân thật của dân chúng không được hồi sinh. Nỗ lực đầu tiên của chị Catherine để làm theo chỉ thị của Đức Mẹ đã không thành công, nhưng sau đó, mẫu ảnh đã được họa thêm Đức Trinh Nữ. Catherine Laboué đã được phong hiển thánh năm 1947 bởi đức giáo hoàng Piô XII, và thân xác không bị hư hoại của thánh nữ đặt trong nhà mẹ đã làm cho linh địa này thành một trong những nơi hành hương nổi tiếng nhất. Bản sao của đền thánh cũng thu hút hàng ngàn khách hành hương làm tuần cửu nhật tại Germantown, Pennsylvania, Hoa Kỳ để tôn sùng Mẹ Thiên Chúa và tôn kính vị Nữ Tử Bác Ái khiêm cung, người đã được Mẹ hiện ra với mình tại Pháp.

Mirae Caritatis
Thông điệp Mirae Caritatis (Đức Ái Cao VờI). Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Lêo XIII về Thánh Thể (23 tháng 5 năm 1902). Đây là một trong những nguồn giáo huấn hiện đại chính yếu của Giáo Hội về Bí Tích Cực Trọng này, được tiếp nối với thông điệp Mediator Dei (Đấng Trung Gian Thiên Chúa) của Đức Piô và Mysterium Fidei (Mầu Nhiệm Đức Tin) của Đức Phaolô VI. Đề tài chính của các thông điệp này là nói về những hiệu quả tuyệt diệu của việc tôn sùng Thánh Thể trong đời sống đạo đức và tâm linh của tín hữu. Nguyên do chính yếu của những rối rắm trong thời đại hôm nay, theo thông điệp Mirae Caritatis, là thiếu tình bác ái giữa con người với nhau, một hậu quả của việc giảm sút tình yêu đối với Thiên Chúa. Trong bối cảnh đó, Bí Tích Thánh Thể là một phương cách hiệu quả nhất để thăng hoa tiến triển tình yêu quyên mình, vị tha.

Miriam
Bà Miriam. Chị của ông Môsê và Aharon. Khi sinh ông Môsê, mẹ của ông đã đặt ông trong một chiếc thúng và đem thả trôi sông, bởi vì vua Pharaôn có chỉ dụ sát hại các bé trai Do Thái (Xh 1,22). Chính Miriam đã khéo léo xoay xở để đem Mô sê về lại với người mẹ ruột của mình là bà Jochebed, để bà chăm sóc bú mớm cho em (Xh 2, 2-10). Nhưng về cuối đời Miriam lại không được thuận lợi mà cũng mất cả khôn ngoan. Khi Môsê cưới Zipporah, cả Miriam lẫn Aharon đều cho rằng ông đã tự hạ thấp mình khi đi cưới một người Mađian làm vợ. Khi họ phê phán chỉ trích ông thì Đức Chúa đã đến cứu giúp ông và phạt bà Miriam bị cùi hủi. Trong suốt một tuần bà bị đuổi ra khỏi trại, mãi tới khi ông Môsê bầu cử nài van Đức Chúa chữa lành cho bà mới thôi (Ds 12, 1-15). Những năm sau đó bà qua đời và được an tang tại Kades (Ds 20,1).

Mirror
Gương, Gương soi, Phản ảnh. Là biểu tượng của Đức Trinh Nữ, Đấng là hình ảnh trung thực của Người Con Chí Thánh, là “phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hiện thân lòng nhân hậu của Người.” (Kn 7,26). Trong Kinh Cầu Đức Bà, Đức Maria được ca tụng: “Đức Bà là Gương Nhân Đức”.

Miserere
Xin thương xót. Một trong ba Thánh Vịnh: 50, 55 và 56 (Bản Vulgata), mỗi Thánh Vịnh này trong bản Latinh đều bắt đầu bằng lời khẩn cầu: “Miserere” (Xin thương xót), nhưng nhìn chung tựa đề này chỉ quy vào Thánh Vịnh 50 vốn là lời cầu thông dụng nhất về lòng thương xót trong phụng vụ Kitô giáo. (Nguyên ngữ Latinh, Miserere, xin hãy thương xót [mệnh lệnh cách]).

Misericorde
Lòng thương xót, nhân từ, tha thứ. Thanh gỗ nhỏ gắn ở mép mặt dưới của loại ghế gấp tự động trong nhà thờ để giúp người ta trong lúc đứng có thể tựa vào một khi chiếc ghế đã gập lên.

Miss
Viết tắt của từ Latinh: Missa (Thánh lễ, lễ Misa), hoặc missionarius (nhà truyền giáo, nhà thừa sai).

Missal
Sách Lễ. Cuốn sách chứa đựng những lời kinh nguyện mà linh mục đọc tại bàn thờ trong khi cử hành Thánh Lễ. Từ Công Đồng Vatican II, Sách Lễ bao gồm cả Nghi Thức Bí Tích (tức là phần nghi lễ của Thánh Lễ) dành riêng cho chủ tế, và phần Bài Đọc (gồm các bài đọc Sách Thánh) dành cho chủ tế và thừa tác viên giúp lễ. (Nguyên ngữ Latinh: missalis, thuộc về Thánh Lễ).

Miss. Apost., M.A.
Viết tắt của cụm từ Latinh: Missionarius apostolicus (Tông đồ thừa sai, tông đồ truyền giáo)

Missale Romanum
Sách Lễ Rôma. Tông hiến Missale Romanum, Tông hiến do Đức Phaolô VI nhằm công bố Sách Lễ Rôma mới. Những yếu tố có ý nghĩa nhất của sách lễ mới này là việc thêm vào ba kinh nguyện Thánh Thể mới và sửa đổi phần nghi thức Thánh Lễ. Tuy nhiên, trong mỗi một kinh nguyện Thánh Thể, Đức Thánh Cha chỉ thị rằng phải dùng chung một công thức thánh hiến (hay lời truyền phép) giống nhau như sau: "Chúng tôi muốn rằng những lời sau đây cần được đọc cách rõ ràng: lời đọc trên bánh là ‘Accipite et manducate ex hoc omnes; Hoc est enim corpus meum, quod pro vobis tradetur' (Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con); và lời đọc trên chén rượu là 'Hic est enim calix sanguinis mei, novi et aeterni testamenti, qui pro vobis et pro multis effundetur in remissionem peccatorum. Hoc facite in meam commemorationem’ (Đây là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và cho nhiều người để được ơn tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy). Những lời 'Mysterium fidei' (Đây là mầu nhiệm đức tin), được trích dẫn từ trong khung cảnh những lời của Chúa Kitô và được linh mục tuyên đọc, sẽ được sử dụng như là khởi xướng cho lời tung hô của các tín hữu (sau truyền phép)” (mồng 3 tháng Tư năm 1969). Hai năm sau khi ban hành Sách Lễ Rôma, Đức Phaolô VI đã cho phép sử dụng ngôn ngữ bản xứ “ngay cả trong Lễ Quy” (mồng 4 tháng Năm, 1967).

Missiology
Truyền giáo học, thần học về truyền giáo. Một ngành của thần học nghiên cứu về những nguyên lý và thực hành trong công việc truyền giáo. Đó là khoa học về truyền giảng Tin Mừng và giảng dạy giáo lý trong các vùng miền và nơi những dân tộc mà Giáo Hội đang được hình thành.


Mission
Sứ mạng/ Sứ vụ, Truyền giáo/Thừa sai, Điểm truyền giáo. Hạn từ dịch sát có nghĩa là “sai đi” và bao hàm nhiều nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung đều diễn tả ý tưởng ra đi, đến với tha nhân để mang lại một sự biến đổi tốt lành nào đó cho thiện ích của họ. Ở mức độ cao vời nhất là những sứ mạng thừa sai của Ba Ngôi: sứ mạng hữu hình của Ngôi Hai, được sai đi bổ Chúa Cha trong nhân vị Giêsu Kitô, và sứ mạng vô hình của Chúa Thánh Thần, được sai đi bởi Chúa Cha và Chúa Con. Rồi Chúa Kitô sai các Tông Đồ đi giảng dạy muôn dân. Sứ mạng thừa sai của họ là rao giảng Tin Mừng, làm phép rửa, và dạy dỗ dân chúng “giữ các điều răn Thầy đã truyền” (Mt 28, 19-20). Đến lượt mình, chính các Tông Đồ và qua các người kế vị các ngài, đã sai các tín hữu ra đi tiếp tục công trình của Thầy Chí Thánh để rao giảng Tin Mừng cho nhân loại. Sứ mạng thừa sai hay truyền giáo, vì thế, là mục đích của ơn gọi. Tất cả những ai được kêu gọi bước theo Chúa Kitô là đều được Chúa Kitô sai đi, qua chính thân mình là Giáo Hội Ngài, để mở rộng Triều Đại Nước Thiên Chúa (Nguyên ngữ Latinh missio, sự sai đi).

Missionary
Nhà truyền giáo / Nhà thừa sai. Người được quyền bính Giáo Hội sai đi để rao giảng Tin Mừng, hoặc loan truyền đức tin đã lãnh nhận, giữa các dân tộc tại một địa điểm hay một vùng miền được ủy thác cho họ. Điểm chính yếu trong đời sống nhà truyền giáo, dù tại bản xứ hay ở ngoại quốc, là lòng nhiệt thành mở mang Vương Quốc Chúa Kitô qua việc rao giảng, giáo huấn, hoặc qua các phương tiện giáo lý và truyền giáo khác nữa.

Miter
Mũ “mítra”, Mũ lễ (mũ gầu, mũ giám mục). Là chiếc mũ các đức giáo hoàng, hồng y, viện phụ và giám mục thuộc nghi lễ Latinh đội khi cử hành phụng vụ. Đó là một chiếc mũ gồm hai mảnh cứng ghép lại, được làm bằng chất liệu vải lụa hoặc vải len, thường được trang trí cầu kỳ bằng những đường riềm vàng, gắn lại với nhau bằng một mảnh vải mềm mại, để có thể xếp gấp lại với nhau. Chiếc mũ này thường được gắn bằng hai dây vải nhỏ rủ xuống phía sau lưng. Người ta cũng dỡ bỏ mũ ra khi chủ tế cầu nguyện. Có ba loại mũ mítra để thay đổi tùy theo mức độ long trọng của dịp lễ và mùa phụng vụ: loại vàng kim, loại cầu kỳ và loại đơn giản. Loại đơn giản thường chỉ là màu trắng trơn và được dùng trong thứ Sáu Tuần Thánh và trong các lễ tang. Các giám chức thông thường cũng chỉ giới hạn trong việc mang loại mũ mitra màu trắng này. (Nguyên ngữ Hy Lạp Mitr_, dây đai, thắt lưng, dải băng đầu, khăn xếp).

Mitigated Tutiorism
Chủ nghĩa giảm khinh. Hệ thống luân lý để giải quyết những nghi vấn thực tiễn. Theo chủ thuyết này, một người sẽ được miễn trách nhiệm nếu lý lẽ bênh vực quyền tự do có thể đạt đến mức độ cao nhất.

Mixed Contemplation
Chiêm niệm hỗn hợp (pha trộn/sơ khởi). Cảm nghiệm xen kẽ giữa chiêm niệm thụ động và chủ động, nghĩa là việc cầu nguyện đơn giản thủ đắc bởi cố gắng của con người và sự thần hiệp thiên phú ban không bởi Thiên Chúa. Đôi khi tình trạng này được gọi là cấp độ thứ nhất của chiêm niệm thiên phú. Sự thần hiệp có thể kéo dài ngắn ngủi, hoặc có thể tồn tại lâu hơn, phần nào tùy thuộc vào khả năng duy trì của đương sự, nhưng chủ yếu là tùy thuộc vào đặc ân ban không của Chúa quan phòng.

Mixed Marriage
Hôn nhân hỗn hợp. Hôn nhân giữa một thành viên thuộc Giáo Hội Công Giáo và một người không Công Giáo. Chủ đích của truyền thống Giáo Hội Công Giáo Rôma về vấn đề hôn nhân hỗn hợp là phải khích lệ họ, trong khi nhìn nhận rằng kiểu hôn nhân này là không thể tránh né được trong một xã hội đa dạng. Hai lý do xa xưa khiến cho Giáo Hội không khuyến khích kiểu hôn nhân này là nguy cơ rủi ro cho đức tin của phía Công Giáo và mối hiểm nghèo xảy ra khi con cải của họ không được giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo. Từ Công Đồng Vatican II, Giáo Hội đã kỹ càng xét lại tính hợp pháp liên quan đến hôn nhân hỗn hợp, nhất là từ năm 1966 đến năm 1970. Có sự khoan dung hơn trong việc cho phép kiểu hôn nhân này nhưng không thay đổi mối quan tâm căn bản trong việc gìn giữ đức tin của phía Công Giáo và việc bảo đảm rằng mọi con cái của họ được rửa tội và giáo dưỡng trong Giáo Hội Công Giáo.

Mixed Marriage Promises
Cam kết trong hôn nhân hỗn hợp. Lời cam kết trong hôn nhân hỗn hợp được phía Công Giáo đề nghị đối với phía không Công Giáo. Như đã được đề cập đến trong Tông Thư cúa ĐỨc Phaolô VI năm 1970, lời cam kết này gồm hai điểm: “Phía Công Giáo phải bày tỏ rằng họ phải sẵn sàng loại bỏ mọi nguy cơ đánh mất đức tin. Họ cũng buộc phải thành thật tuyên hứa làm hết khả năng của mình để cho tất cả các con cái của họ được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo (Tông Thư “Hôn nhân hỗn hợp” [Matrimonia Mixta], điều 4). Tại nhiều quốc gia, chẳng hạn tại Hoa Kỳ, Hội Đồng Giám Mục chỉ thị rõ rằng để được hưởng phép chuẩn hôn nhân hỗn hợp, người ta phải được thực hiện bằng ngôn từ và văn bản như Giáo Hội Công Giáo đã đề ra.

M.H.
Giờ (Kinh) Trưa (Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín).

Mina
Đơn vị đo lường trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, tương đương với một trăm gam Hy Lạp (drachma), hoặc tương đương với một cân Anh (pound, khoảng 450 gram). Đồng xu tiền cổ tương đương với 1/60 đơn vị tiền tệ (talent) Hy Lạp.

Modalism
Lạc thuyết hình thái, Thuyết Mô Thức, Phái Hình Thức. Nhóm lạc giáo liên quan đến Tín Điều Ba Ngôi vào thế kỷ II và III chủ trương rằng chỉ có một ngôi vị nơi Thiên Chúa, nhưng một ngôi vị duy nhất này lại tỏ mình dưới ba hình thái hay cách thức khác nhau, chẳng hạn, như là đấng tạo hóa (Cha), đấng cứu chuộc (Con), và đấng thánh hóa (Thánh Thần). (Nguyên ngữ Latinh “modus”: đường lối, cách thức, hình thái).

Modality
Hình thái, dạng thức, hình thể, thể thức. Hình thái hay mô thức quan đó một vật hiện hữu, hoặc là bất cứ sự biến thái nào của một vật gì. Trong triết lý Kitô giáo, theo thánh Tôma Aquinô, những mô thức có tính trừu tượng, nghĩa là, có những đặc tính chung cho tất cả mọi hữu thể, như tính đơn nhất, tính chân thực và thiện hảo. Theo tư tưởng của trường phái Descastes, những mô thức là những tùy thể bất khả tách biệt khỏi bản thể, như là tư tưởng đối với tinh thần, ngoại trương hiện thực đối với thân thể. Theo phiếm thần thuyết, những mô thức là hiện thân của thần linh trong vũ trụ vật chất nơi mà xem ra các thụ tạo có hiện hữu biệt lập tự thân, nhưng kỳ thực chỉ là những hình thức hiển hiện khác nhau của một thực thể Tuyệt Đối duy nhất. (Từ nguyên Latinh modalis, từ chữ modus, hình thái, phương pháp.)

Model
Khuôn mẫu, kiểu mẫu, người mẫu, thần tượng. Một nhân vật, một vật thể hoặc ý tưởng làm khuôn mẫu cho sự hình thành một người hay một vật nào đó. Theo nghĩa này, Chúa Kitô và các thánh là những khuôn mẫu tuyệt hảo cho sự trọn lành Kitô giáo. Còn xét theo nghĩa mô phạm, “model” là một hình thức kiểu mẫu mà một người chú tâm để tìm cách bắt chước noi theo.

Moderation
Sự tiết chế, điều độ. Việc sử dụng một cách quân bình những gì vốn tự nhiên là thích hợp với thân xác hay tinh thần. Đó chính là sự kiểm soát có ý thức trên các ước muốn của mình để sử dụng các năng lượng nhân bản nào đó sao cho mang lại lợi ích lớn nhất cho mình hoặc cho tha nhân.

Modernism
Chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa tân thời. Chủ thuyết về nguồn gốc và bản chất của Kitô giáo, được phát triển thành hệ thống trước hết bởi George Tyrrell (1861-1909), Lucien Laberthonnière (1860-1932), và Alfred Loisy (1857-1940). Theo thuyết Chủ Nghĩa Hiện Đại, tôn giáo chủ yếu là vấn đề kinh nghiệm, kinh nghiệm cá nhân và tập thể. Không có sự mặc khải khách quan của Thiên Chúa dành cho nhân loại, để có thể làm nền tảng cho Kitô giáo; cũng chẳng có bất cứ nền tảng hợp lý nào cho sự khả tín của đức tin Kitô giáo, dựa trên các phép lạ hay chứng cứ lịch sử. Đức tin, vì thế, chỉ có thể bắt nguồn từ bên trong nội tâm. Quả thực, đó là một phần của nhân tính, “một dạng cử động của con tim”, ẩn khuất và vô thức. Theo cách nói của chú nghĩa hiện đại, đó là bản năng tự nhiên thuộc về thế giới cảm tính, một “cảm nghiệm linh thiêng” không thể diễn tả bằng lời hoặc bằng các điều khoản tín lý, một thái độ tinh thần mà mọi người đương nhiên đắc thủ nhưng chỉ một số người ý thức là mình có. Chủ nghĩa hiện đại bị lên án bởi thánh giáo hoàng Pius X trong hai tài liệu chính thức, Lamentabili và Pascendi, đều ban hành năm 1907. (Nguyên ngữ Latinh: modernus, thuộc về thời trang hiện hành).


Modern World
Thế giới hiện đại. Hạn từ được dùng với nhiều nghĩa, nhưng cách đặc biệt, được dùng trong Khoa Phê Bình Văn Thể Tin Mừng, để làm rõ sự tương phản giữa xã hội hôm nay với thế kỷ thứ nhất, hay là thời đại Chúa Kitô. Thế giới hiện đại được cho là trí thức, thông thái, vì thế, trở nên hoài nghi và đòi hỏi bằng chứng khoa học cho mọi vấn đề, ngay cả khi đã tạm thời chấp nhận đó là chân lý.

Mokameh (Shrine)
Đền Mokameh. Đền Thánh Đức Mẹ Đầy Ơn Thánh Sủng (Our Mother of Divine Grace), một ngôi thánh đường được xây dựng vào năm 1947, bên dòng sông Hằng, cách Calcutta khoảng 200 dặm. Thánh đường có kiểu kiến trúc Ấn giáo (Hindu), và có đặt một bức tượng Đức Maria mặc áo sari với cặp mắt chìm sâu trong thiền nguyện. Trung tâm được tố chức bởi các nhóm hành hương, trong đó có những người là Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn giáo đến từ xa xôi.

Molech
Thần Molech, thần ô nhục. Vị thần ngoại của một vài sắc dân Sêmít. Việc thờ thần Molech có kéo theo việc tế lễ trẻ em bằng cách đem thiêu lửa hoặc nung trong lò, một tập tục được nhắc tới trong trình thuật về Abraham và Isaac và trình thuật về Jephthah và con gái của ông. Nghi lễ tàn ác này bị cấm bởi luật Do Thái (Lv 18, 21), và chỉ rõ hình phạt thích ứng là bị ném đá tới chết. Vị vua khét tiếng Manasseh đã phải chịu trách nhiệm trong việc du nhập việc thờ cúng Molech vào thế kỷ VII TCN, khi ông đem tế thần chính đứa con trai của mình (2 V 21, 6). Một trong những cải tổ mà vua Josiah đã làm là hủy bỏ lò lửa tế thần ở tại thung lũng Ben-hinnom để chấm dứt thói tục khủng khiếp này (2 V 23, 10). Vị thần này cũng còn được kêu tên là Moloch.

Molinism
Thuyết Molina. Học thuyết liên quan đến ơn sủng và ý chí tự do con người do nhà thần học Dòng Tên người Tây Ban Nha Louis Molina (1535-1600) chủ xướng. Học thuyết chủ trương rằng không có sự khác biệt nội tại, nhưng chỉ có những khác biệt ngoại tại có tính tùy thể giữa ân sủng toàn túc (túc sủng) và ân sủng hữu hiệu (hiệu sủng). Thiên Chúa ban cho mọi người ơn túc sủng để họ hoàn thành mọi hành động siêu nhiên. Nếu họ tự do chấp nhận và cộng tác với ân sủng Chúa ban thì công việc cứu độ được thực hiện; sự cộng tác này tự khắc biến ơn túc sủng thành ơn hiệu sủng. Nếu ý chí tự do từ khước sự cộng tác, ơn sủng vẫn chỉ là ơn túc sủng mà thôi. Thiên Chúa từ ngàn xưa đã thấy trước sự ưng thuận tự do cúa ý chí con người bởi sự tiền kiến bất khả ngộ của Ngài về điều mà một người có thể thực hiện với bất cứ một ơn sủng nào mà họ đã lãnh nhận. Lý do tại sao Thiên Chúa vẫn chọn lựa để ban cho một người ân sủng sung mãn để họ thực hiện, trong khi đã biết trước là họ sẽ chấp nhận hay từ chối ân sủng này, được coi như là một mầu nhiệm bởi Thiên Chúa.