Ngày 09-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:44 09/04/2009
CẢI CÁCH

N2T


Lời nói của đại sư thực tế là mập mờ khó hiểu, ông ta thường nói, người cải cách chân chính có thể nhìn ra ý nghĩa viên mãn trên mỗi sự việc, vả lại có thể tùy ý theo nhân duyên.

- “Vậy thì tại sao họ vẫn hy vọng có cải thiện chứ ?” các đệ tử của ông ta phản bác lại.

- “Có rất nhiều loại người cải cách: có loại người tự mình không làm gì cả, nhưng có thể dẫn ra một loại phát triển theo chiều hướng, những người này chỉ khơi mở dòng nước chảy mà thôi; một loại người khác có ý đồ phát triển chí lớn, họ hết sức làm cho sông ngòi ẩm ướt.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Cải cách thì có hai loại, một loại hô hào cải cách mà không làm gì cả, loại người khác thì dùng hành động để cải cách, cả hai loại đều có ý cải cách cục diện.

Người hô hào cải cách mà không làm gì cả là người chỉ nói suông, nên ít khi nhận tội và không có can đảm nhận những gì mình đã làm. Trái lại người dùng hành động để cải cách thì dám làm dám chịu, bởi vì họ dám đem danh dự và tài sản và có khi mạng sống của mình để đổi lấy việc mình làm.

Chúa Giê-su đã làm một cuộc cải cách quan trọng: đem giới luật yêu thương của Ngài từ trời xuống cho nhân loại, tình yêu mà Ngài rao giảng ấy thật mới lạ: yêu người lân cận như yêu chính mình, yêu kẻ ghét mình và làm ơn cho những kẻ bắt hại mình. Và hậu quả của lời rao giảng ấy là Ngài bị kết án cách bất công và chết trên thập giá.

Nhưng lời rao giảng “hãy yêu thương nhau...” của Ngài đã vang đến mọi ngõ ngách của thế giới hôm nay.
 
Thú Sáu Tuần Thánh (B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:45 09/04/2009
THỨ SÁU TUẦN THÁNH (B)

Tin Mừng: Ga 18, 1 – 19, 42.

“Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.”


Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới tưởng niệm cuộc khổ nạn và chết trên thập giá của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu chuộc nhân loại khỏi ách tội lỗi và tử thần. Hôm nay, mỗi giáo dân theo luật định của Giáo Hội phải ăn chay kiêng thịt, để chia sẻ những đau khổ với Chúa Giê-su và với những anh chị em bất hạnh trong xã hội, trong tâm tình ấy, tôi xin chia sẻ với bạn hai cảm nghiệm trong cuộc sống sau đây:

1. Chia sẻ đau khổ với Chúa Giê-su Ki-tô.

Chia sẻ những đau khổ với Chúa Giê-su chịu đóng đinh là bổn phận của chúng ta, và việc chia sẻ này luôn xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, bởi vì Chúa Giê-su đã dùng sự đau khổ và sự chết để cứu chuộc chúng ta.

Chúa Giê-su là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là người tôi trung của Thiên Chúa, ngày hôm nay của hơn hai ngàn năm trước đang đứng trước mặt quan tòa Phi-la-tô để bị chính những người mà Ngài đã dạy dỗ, thi ân giáng phúc đang vu khống kết án Ngài; ngày hôm nay của hơn hai ngàn năm trước Chúa Giê-su bị án phạt vác cây thập giá đi lên đồi Golgotha để chịu đóng đinh chân tay vào thập giá; và ngày hôm nay của hơn hai ngàn năm trước, Chúa Giê-su chịu chết trên cây thập giá và hoàn tất việc cứu chuộc nhân loại của Ngài.

Không còn hình ảnh nào đau khổ hơn cho bằng thân xác quằn quại đau đớn trên thập giá đợi thần chết đến từng giây phút, không có sự đau khổ nào cho bằng người mẹ đứng dưới chân thập giá của con mình, để nhìn thấy con một giọt máu cũng không còn đang phơi nắng đợi chết, tất cả những hình ảnh đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của những người Ki-tô hữu, của bạn và tôi, và chính những đau khổ ấy đem lại ơn cứu độ cho nhân loại...

Hãy chia sẻ những đau khổ với Chúa Giê-su trong cuộc sống hằng ngày của mình, những đau khổ đó chính là bình thuốc thơm của bà Maria lau sạch và làm giảm đau nơi vết thương của Chúa Giê-su...

2. Chia sẻ đau khổ với tha nhân.

Ngày hôm nay, những đau khổ ấy của Chúa Giê-su vẫn còn diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta nơi những người anh em chị em bất hạnh, họ chính là hình ảnh đau khổ của Chúa Giê-su trên thập giá, họ chính là những Giê-su đang vác những cây thập giá quá sức mình do những bất công của người đời chất lên vai họ, họ đang bị quất từng ngọn roi vu khống cáo gian vào tâm hồn do những người anh em chị em đồng loại của họ, họ đang cất bước mệt nhọc làm thêm giờ, lao động nặng nhọc và bị coi rẽ vì những ông chủ bất công và tàn ác...

Ngày hôm nay, chúng ta hãy mang trong mình quả tim đau khổ của Đức Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá của Chúa Giê-su, nhìn thấy những đau khổ của người bất hạnh để an ủi, cảm thông và giúp đỡ họ; ngày hôm nay chúng ta hãy mang trong mình quả tim của những người phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem biết cảm thông trước những đau khổ của tha nhân, để được sự an ủi của Chúa Giê-su trong cuộc sống của mình...

Bạn thân mến,

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày đau khổ của Chúa Giê-su ngày xưa, nhưng là ngày cứu thoát của chúng ta ngày hôm nay, do đó, khi bạn và tôi tham dự những nghi lễ của ngày hôm nay, từng câu từng chữ của bài Thương Khó của Chúa Giê-su mà bạn đang nghe, bạn hãy đặt mình vào những nhân vật trong bài Tin Mừng, để coi tâm tình của mình, cuộc sống của mình là ai trong năm hạng người đang kết án Chúa Giê-su: các thầy thượng tế, người biệt phái Pha-ri-siêu, các kinh sư, các thầy thông luật và dân chúng.

Chia sẻ những đau khổ với tha nhân là chia sẻ những đau khổ với Chúa Giê-su, bởi vì họ là hình ảnh đau khổ của Ngài trên thập giá vào ngày thứ sáu buồn thảm năm xưa ấy trên đồi Golgotha...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

-------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:49 09/04/2009
N2T


134. Vong ân phụ nghĩa thì như gió nóng đem nguồn suối nhân ái thiện lương, mưa rào tử ái và giòng sông ân sủng thổi khô cạn.

(Thánh Bernardus)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:50 09/04/2009
N2T


79. Được sự vui vẻ dù không dễ dàng, nhưng vẫn là phải nỗ lực tranh thủ.

 
Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô (5)
Vũ Văn An
06:24 09/04/2009
V. Hình Phạt Khủng Khiếp (Mc 15:21-47)

Ngay trung tâm Hạ Uy Di là đảo Molokai. Ngày nay nó là một thiên đàng, nhưng trong thập niên 1800, nó là đảo kinh hoàng: đảo hủi! Năm 1848, một dịch hủi, có lẽ từ Trung Hoa tràn tới, đã xẩy ra tại Hạ Uy Di và đến thập niên 1860, dịch hủi trở thành một đại họa, không phương ngăn chặn. Chính phủ Hạ Uy Di ruồng bố những ai mắc bệnh, phân ly cha con chồng vợ, đem họ nhốt tại Molokai, tại bán đảo Kalaupapa, tách biệt với các phần khác của Molokai bằng một ngọn núi thẳng đứng cao 1,600 bộ. Các bệnh nhân phải bơi qua eo biển mà lên bờ. Nhiều người chết đuối hay chết nắng sau đó. Chính phủ không cung cấp nhà ở, nước uống cũng như bất cứ phương tiện gì. Ai sống sót phải ở trong hang hốc hay những chòi tự dựng lấy. Thỉnh thoảng lắm mới có một tầu tiếp tế đến ngoài khơi, liệng những thùng đồ xuống biển, trôi dạt theo nước thủy triều. May thì tới bờ. Không may thì muốn đi đâu thì đi.Số phận những người hủi này tệ hơn số phận những người hủi trong Thánh Kinh. Họ là những người bị kết án và không còn một chút hy vọng. Nhưng một con người đã cuơng quyết đem lại cho họ niềm hy vọng, đó là Cha Damien de Veuster, một linh mục Công Giáo người Bỉ, mới 33 tuổi đời, lên đảo năm 1873, tình nguyện đến với họ. Ngài biết làm mộc (làm nhà, làm nhà thờ, và làm hòm) và y khoa (chữa các vết thương, băng bó các vết sưng, và cưa những chân tay ung thối). Ngài sống giữa họ, dạy họ tay nghề, dựng nhà cửa, săn sóc người sống, chôn cất người chết, khích lệ họ qua cầu nguyện và giảng giải. Một ngày kia, quên pha nước lạnh, ngài để thẳng chân vào nước sôi, nhưng không thấy đau. Bệnh cùi bắt đầu hủy diệt thần kinh và 1ấy đi cảm giác đau khỏi ngài. Đó là năm 1885, sau khi cha sống 12 năm với người cùi. Chúa nhật sau đó, ngài bắt đầu bài giảng của mình với câu “chúng ta, những người cùi” (We lepers). Bốn năm sau, ngài qua đời, mới 49 tuổi.

Cuộc đời cha Đamiêng nhắc ta nhớ đến cuộc đời Đấng đến giữa chúng ta khi ta bị cách li kết án vì tội, bị đầy ải hết đường hy vọng. Người đến như thợ mộc, như thầy lang chữa bệnh, và như thầy dạy dỗ. Người khích lệ ta bằng cầu nguyện và giảng giải. Và cuối cùng, Người mang lấy bệnh tật của ta vào thân, hy sinh mạng sống mình vì ta. Người là Đấng Isaia (53: 4-6) đã viết về như sau:

“Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta”.

Những lời trên quả đã ứng nghiệm từng nét nơi Chúa Giêsu. Ước mong ta đọc đoạn phúc âm Máccô sau với lòng tôn kính tột độ trước sự thánh thiêng của việc Người chịu hy sinh cho chúng ta.

1. Rồi Họ Đóng Đinh Người

Trình thuật đóng đinh trong Phúc âm Máccô khác về cung giọng và chi tiết so với các phúc âm khác. Máccô bỏ qua khá nhiều chi tiết. Thí dụ Máccô chỉ ghi lại một lời duy nhất Chúa nói, trong khi các phúc âm khác ghi lại tổng số 7 lời. Máccô cũng chỉ kể lại các hành vi và lời nói của Chúa trong 3 đoạn ngắn.

1.1 Đoạn đầu tiên là Mc 15:22-24: Chúa Giêsu được đem tới Gôngôta, nghĩa là Núi Sọ. Ở đấy họ đưa cho người rượu nho pha mộc dược, nhưng Người không uống. Rồi họ đóng đinh Người. Có dịp tới Giêrusalem, bạn sẽ thấy ngoài cổng Damascus của tường phía bắc cổ thành, có một ngọn đồi trông giống như sọ người. Các học giả tin rằng đó là nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Trước khi đóng đinh, binh lính đưa cho Người rượu nho pha với mộc dược (myrrh). Mt 27:34 thì nói là rượu nho pha mật đắng. Thực ra nguyên bản Hy Lạp gọi mật đắng là chole, chỉ bất cứ chất đắng nào. Chất đấng ấy được Máccô cho là mộc dược, một thứ nhựa cây đăng đắng, có hiệu quả như thuốc mê (narcotic), mà người La Mã quen dùng giúp các nạn nhân bị đóng đinh giảm cơn đau khi bị đinh đóng thâu qua bàn chân và bàn tay. Chúa Giêsu từ chối không uống để chứng tỏ là Người không có ý định làm trở ngại công việc của các người thi hành bản án. Đây là điều chứng tỏ cho thấy Người sẵn sàng chấp nhận hình phạt và hiến mạng sống Người cho ta. Rồi soạn giả vỏn vẹn thêm 5 chữ: Rồi họ đóng đinh Người. Các tác giả phúc âm rất dè dặt khi diễn tả việc đóng đinh. Họ tránh không nói đến việc nện những chiếc đinh vào chân tay Chúa cũng như cái thống khổ Chúa phải chịu. Cái kinh hãi không thể tưởng tượng nổi của hình phạt này được tóm gọn vỏn vẹn 5 chữ trên. Máccô bỏ qua gần hết 3 giờ thống khổ trên thánh giá.

1.2 Đoạn thứ hai là đoạn Mc 15:33-34: giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ. Giờ thứ chín, Chúa la lớn: Eloi, Eloi, lama sabachthani (lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?).

1.3 Và đọan ba, đoạn cuối cùng. Xem Mc 15: 37-38: Chúa thở hơi cuối cùng. Màn trong đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới.

Một trình thuật đơn giản và ngắn gọn. Thiển nghĩ vì thánh Máccô không muốn nói nhiều đến những điều đám đông thấy khi ngước trông lên thánh giá, mà là điều Chúa Giêsu thấy khi từ thánh giá nhìn xuống đám đông. Ta sẽ xem sét cái nhìn ấy.

2. Nhìn Từ Thánh Giá

Dưới chân thánh giá, có khá nhiều cá nhân và nhóm. Máccô chú ý đến từng người, cho thấy phản ứng của họ đối với việc đóng đinh Chúa Giêsu. Ngài muốn đặt tương phản giữa việc làm mầu nhiệm của Thiên Chúa và lối suy nghĩ phàm nhân. Nếu Chúa Giêsu bị đóng đinh ngày nay, cái đám đông tụ tập quanh thánh giá chắc cũng y hệt với từng ấy tính tình, nhân cách, thái độ, hành vi, lời nói.

2.1 Ta nên duyệt lại từ đầu, sau khi Chúa bị Philatô xử án. Trên đường lên Núi Sọ, Chúa bị té nhiều lần. Nên lính La Mã bắt một người từ đám đông vác đỡ thánh giá Chúa. Xem Mc 15:21. Ông ta người Xi-rê-nê, tên Simong, cha của Alexander và Rufus, đang trên đường từ miền quê lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua. Ông ta đâu ngờ gặp cảnh đóng đinh này. Chỉ vì tò mò mà lách đám đông vào coi con người tả tơi dưới sức nặng của đòn vọt và thập giá. Nhưng rồi bỗng thánh giá trên lưng, ông bị buộc bước ra khỏi thành. Không thấy dấu hiệu gì là ông bực tức hay phản đối. Nhưng chắc ông chả vui tí nào vì việc này phá ngang thời khóa biểu cũng như dự tính của ông. Về điều này, ta thấy ta giống ông ta: nhiều khi thánh giá bỗng từ đâu “rơi xuống” làm đảo lộn mọi sự khiến ta không vui.

Nhưng chắc một điều, biến cố này thay đổi trọn cuộc đời người Xirênê này. Như thấy ám chỉ trong Tông đồ Công Vụ (2:10). Thánh Máccô ghi chú rõ ông là cha Alexander và Rufus, những người chắc chắn rất quen thuộc với người tân tòng gốc dân ngoại, những người Thánh Máccô viết phúc âm này cho. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma (16:13) cũng nhắc đến một người tên Rufus mà ngài rất quen biết. Có thể đó cũng chính là Rufus, con ông Simong. Bởi thế có dấu chỉ cho thấy ông trở nên một Kitô hữu nhờ biến cố bất ngờ trên.

2.2 Binh Lính và Trộm Cướp: Binh lính La Mã rất quen thuộc với cảnh đóng đinh. Lịch sử kể lại, trước khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, họ từng lùng bắt 2,000 người Do Thái chống đối và đem đóng đinh hết. Bởi thế họ khá nhẫn tâm. Vừa đóng đinh Chúa và dựng thánh giá lên, là họ tụ tập nhau dưới chân thánh giá ấy và mở cuộc đỏ đen chia áo sống Người. Đau khổ của nạn nhân nằm ngoài tâm tư họ. Sự nhửng nhưng truớc đau khổ của con người ấy đối với chúng ta ngày nay là điều không tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, ngày nay vẫn có những người chỉ biết vui chơi bài bạc mà quên khuấy cả ý nghĩa thánh giá cuộc đời… Sau đó, Thánh Máccô cho ta nghe truyện hai tên trộm cướp cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Xem Mc 15: 27. Một tên bên trái, một tên bên phải.

Dưới chút nữa (câu 32), Thánh Máccô cho hay hai tên trộm cũng xỉ vả Chúa. Tất nhiên họ không ưa con người trước đây mấy ngày được chào đón như vị cứu tinh, nay cũng ủ rũ trên thập giá như họ! Chả làm gì thay đổi số phận của họ. Phúc âm Máccô không ghi sự kiện kế tiếp như phúc âm Luca (Lc 23:39-43), là phúc âm kể lại việc một trong hai tên trộm ấy, cuối cùng, đã ăn năn hối lỗi về sự nhục mạ của mình với Chúa Giêsu. Và qua đó, đã tìm ra chân lý: Chúa Giêsu quả là Vua sắp bước vào vương quốc với đầy đủ uy và thẩm quyền. Nhờ đâu anh ta tìm ra như thế? Phúc âm không nói rõ. Nhưng nhìn cách Chúa Giêsu đối diện với cái chết đã đủ sức thay đổi tâm hồn tên cướp này. Hơn thế nữa, nó còn khiến anh trở lại, ngay trên thánh giá, cạnh Chúa Giêsu. Ta bảo thật, hôm nay, anh sẽ cùng ta trên Thiên Đàng!

2.3 Những Kẻ Nhạo Báng, Các Tư Tế và Những Người Hiếu Kỳ. Xem Mc 15: 29-30. Người qua đường nhục mạ Người: phá đổ đền thờ rồi xây lại trong ba ngày, thì xuống khỏi thập giá đi, tự cứu lấy mình đi. Trong đó, hình như có cái gì chua chát, có thể vì thất vọng khi nhớ lại cách đó mấy hôm, ông này có vẻ “người lớn”. Thánh Máccô cho thấy điểm đó khi nhấn mạnh: họ lắc đầu. Điều oái oăm là Người đang làm trọn những lời họ đang ném vào mặt Người: Đền thờ mà Người có ý nói sắp sửa bị phá sập trước mắt họ. Còn những điểm khác cũng sẽ nên trọn vào ngày thứ ba.

Phần các tư tế và luật sĩ, những người âm mưu giết Người, cũng có mặt dưới chân thánh giá. Xem Mc 15: 31-32: hắn cứu người khác, nhưng lại cứu mình không được. Hỡi cái ông Kitô kia, cái ông Vua Israel kia, hãy xuống khỏi thánh giá đi, để bọn tao thấy mà tin. Họ vốn khiếp sợ thế giá đức Kitô, nhưng giờ đây, họ đã đánh đập được Người, đem án tử đến cho Người. Họ thấy hả hê chiến thắng, có quyền lên tiếng chế nhạo Người, không còn e dè như trước. Chúng tôi thấy nhiều tính biểu tượng trong câu nói của tư tế áp dụng vào thời nay. Bởi người thời nay cũng muốn Chúa Giêsu bước xuống thánh giá để họ thấy mà tin. Nghĩa là Người nên tách mình ra khỏi thánh giá. Họ sẵn sàng tin một Kitô giáo không thánh giá. Rất nhiều người xưng mình là Kitô hữu, nhưng nhất định từ chối thánh giá, thánh giá cho bản thân mình và cả thánh giá cho tôn giáo mình. Họ sẵn sàng chấp nhận mọi thứ khác, nhưng thánh giá thì không. Một thứ phúc âm được Thánh Phaolô gọi là một “phúc âm khác”, một thứ ghê tởm bị Thiên Chúa loại trừ (xem thư Galát 1:6-9). Thánh giá là tâm điểm Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Người không thể xuống khỏi thập giá!

Cả cái người vô danh dưới chân thánh giá nữa. Xem Mc 15: 35-36. Khi nghe Chúa la: Eloi, Eloi, lama sabachthani, nhiều người tưởng Chúa gọi Êlia, nên người vô danh kia chạy đi lấy dấm chua đưa lên cho Người mà nói: để xem Êlia có đến đưa hắn xuống không. Nhưng Chúa Giêsu hô một tiếng lớn và tắt thở. Anh chàng vô danh ấy cũng chế nhạo Người nốt. Ta gọi anh ta là kẻ bàng quang hiếu kỳ. Xã hội ta không thiếu những kẻ bàng quang hiếu kỳ như thế, vào hùa với số đông chế nhạo chân lý, chế nhạo điều hay lẽ phải, vào hùa với điện ảnh, thưởng ngoạn hết the last temptation tới the da Vinci Code, ngấu nghiến cuốn sách cùng tên hay những cuốn như Phúc Âm Giuđa.

2.4 Viên Bách Quản, Các Phụ Nữ và Người Môn Đệ Không Nêu Danh: Đến đây, Chúa hô to và tắt thở. Nhưng câu truyện của Máccô chưa chấm dứt. Xem Mc 15: 39. Sau khi Người thở hơi thở cuối cùng, không còn người nhạo báng, hạ nhục, nguyền rủa. Chỉ còn lại người ngưỡng phục.Viên bách quản nghe tiếng kêu và thấy cách Người qua đời, bèn nói: Người này quả là Con Thiên Chúa. Viên sĩ quan này vốn ngoại đạo, hẳn biết khá nhiều thần minh, nhưng mầu nhiệm thánh giá đã đem lại cho ông ý niệm rõ nét về thực tại tối hậu, nhờ được xem cách Người qua đời. Cách nào? Cách đầy phẩm giá, cao thượng, đầy sức mạnh của một nhân cách vượt quá lãnh vực thuần nhân bản. Đến đây, hẳn không ai không nhớ đến cái chết đầy phẩm giá của Giáo Hoàng Cả Gioan Phaolô II, một cái chết đã đem những kẻ thù vốn không đội trời chung ngồi lại bên nhau, tay bắt mặt mừng chúc “bình an” cho nhau, một cái chết ít khi thấy trong lịch sử con người.

Rồi các phục nữ. Xem Mc 15: 40-41. Họ là những người từng đi theo Chúa từ hồi còn ở Galilê. Một số mới theo Người từ Giêrusalem. Còn mấy người đàn ông đâu hết? Nhất là các môn đệ, kể cả Phêrô? Phúc âm Máccô không trả lời. Nhưng phúc âm Gioan (19:26-27) cho hay có người môn đệ yêu dấu đứng dưới chân thánh giá cùng với Mẹ Maria. Gioan không kể tên người môn đệ yêu dấu ấy, nhưng ai cũng hiểu người đó chính là Gioan. Ông được Chúa Giêsu phó thác người mẹ thân yêu, người nay trở thành góa bụa, một người mất hết quyền lợi trong xã hội Do Thái. Như thế, đối với Máccô, không có người đàn ông nào cạnh Chúa lúc Người hấp hối. Chỉ có những người đàn bà kia, họ đã yêu thì yêu đến cùng, bất chấp sợ sệt, khủng bố. Người ta vẫn cho đây là điểm son sáng ngời nói lên điểm mạnh của người đàn bà. Họ không mong đợi gì đâu, họ không có ý niệm gì về phục sinh, họ không mong Thiên Chúa hành động cách đặc biệt dẫn đưa họ qua cơn thất vọng. Nhưng họ đã yêu, thì họ yêu đến cùng, dù cả niềm tin lẫn hy vọng đều đã tiêu tan.

Và sau cùng là người môn đệ trong bóng tối, ông Giuse thành Arimatêa. Xem Mc 15:42-47. Ông vốn là thành viên có hạng của Thượng Hội Đồng, giờ đây “mạnh dạn” đến xin xác Chúa Giêsu. Ông tẩm liệm rồi đặt xác Người trong huyệt đá mới. Có hai người đàn bà trông chừng. Là thành viên Thượng Hội Đồng, nhưng không thấy ông lên tiếng bênh vực Chúa. Dù chờ mong Nước Thiên Chúa, nhưng không có dấu chỉ gì là ông tuyên xưng niềm tin vào đức Kitô. Phải chăng đến tận lúc thấy xác Người thiểu não trên thánh giá, tâm hồn ông mới thay đổi hoàn toàn, giống như viên sĩ quan bách quản? Cuối cùng thì mầu nhiệm đóng đinh đã đánh động toàn bộ con người ông, khiến ông “mạnh dạn” hành động. Phần lớn chúng ta giống Giuse Arimatêa, bình thường thì xìu xìu ển ển, lắm lúc tìm cách che dấu cả bản sắc Công giáo của mình. Nhưng cũng có lúc Chúa mang đến thử thách quyết định khiến chúng ta hoặc tỏ mình ra hoặc phải công khai bác bỏ. Ước mong chúng ta cũng kết cục như Giuse, “mạnh dạn” hành động như môn đệ đức Kitô dù có lúc hèn hạ che dấu bản sắc mình.

3. Hãy Đến

Cuối trình thuật của Máccô, ta được đối diện với ba biến cố sâu sắc và lớn lao, ba sợi chỉ dệt nên sợi dây cứng cáp chân lý.

3.1 Trong ba giờ cuối cùng cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu, một bóng tối mầu nhiệm và đáng sợ trùm phủ cả khu vực. Cuối bóng tối đó xẩy ra điều được gọi là “tiếng kêu mồ côi của Đấng Emmanuel”: “Lạy Chúa, Lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi?” (Eloi, Eloi, lama sabachthanai?)

3.2 Liền sau tiếng kêu đó, Chúa trút hơi thở cuối cùng. Ta cần hiểu rằng Người không chỉ qua đời mà là trút hơi thở, đúng hơn trút tinh thần [tiếng Anh: dismisses his spirit. Tiếng Latinh theo bản Nova Vulgata do đức Phaolô chuẩn phê theo quyết định của Công đồng Vatican II và do đức Gioan Phaolô II công bố ngày 25 tháng 4 năm 1979: exspiravit (Máccô), emisit spiritum (Mátthêu), exspiravit (Luca), tradidit spiritum (Gioan)]. Người thí mạng sống mình. Cái chết của Người là cái chết có ý thức và tự ý. Người không phải là nạn nhân. Người là hy lễ.

3.3 Cách đó nửa dặm, trong đền thờ Giêrusalem, ngay nơi cực thánh, một hiện tượng lạ lùng xẩy ra. Chiếc màn lớn ngăn nơi cực thánh bị cắt ra làm hai, từ trên xuống (Nova Vulgata: scissum est. Scissum là cắt như cắt bằng kéo. Chữ scissors của Anh do chữ này mà ra). Chiếc màn này vốn là ranh giới chỉ thầy cả thượng phẩm mới được phép vượt qua mỗi năm một lần. Nay bức màn ấy bị cắt ra làm đôi, như bởi một bàn tay nhiệm mầu.

Ba biến cố trên được cột chặt với nhau tạo nên một chân lý nhiều ý nghĩa. Tiếng kêu mồ côi trong bóng tối thánh giá, việc trút tinh thần của Chúa Giêsu và việc màn trong đền thờ bị cắt đôi được cột lại với nhau để ta hiểu trọn ý nghĩa của chúng. Khi Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: Lạy Chúa, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi? Những người hiện diện ở đó hẳn nhớ đến những chữ mở đầu của thánh vịnh 22. Khi bạn đọc hết thánh vịnh này, bạn sẽ thấy như bạn đang đọc chính bản văn của Chúa Giêsu nói về viêc đóng đinh của mình. Không thể có câu trả lời thoả đáng nào cho câu Chúa Giêsu hỏi bằng lời thánh Phaolô viết trong 2 Cor: 5:21: “Thiên Chúa đã làm cho đấng vô tội trở thành tội vì ta, để trong Người, ta có thể trở nên công chính đối với Chúa”.

Thiển nghĩ ta khó có thể hiểu được cái thẳm sâu của sự phân cách và cô đơn Chúa Giêsu cảm thấy lúc Người trở thành tội vì ta. Ta không thể nắm được điều đó có nghĩa gì. Nhưng ta biết điều này: cái cảm thức khủng khiếp về đơn côi và tối tăm đã làm phát sinh ra tiếng kêu xé ruột trên từ cổ họng đức Kitô là chính là tương lai của chúng ta nếu Người không là Chúa và Cứu Chúa của ta. Người đã mang lấy hình phạt khủng khiếp mà chúng ta đã tạo nên do tội lỗi của mình.

Và Người trút tinh thần. Rồi màn đền thờ bị cắt đôi. Tại sao bị cắt đôi? Điều này hàm nghĩa việc thờ phượng trong đền thờ này trở thành hết cần thiết vì một lẽ đơn giản là hy lễ đời đời đã thay thế nó cách vĩnh viễn. Nhưng cũng hàm nghĩa Nơi Cực Thánh hết còn phân cách. Trái tim Chúa rộng mở cho hết mọi người. Bất cứ ai cần được cứu rỗi có thể bước vào tự do. Hình phạt đã được đền trả, cái giá của tội đã được thanh toán đầy đủ.

Os Guinness kể câu truyện về một người Nga gốc Do Thái, bị bắt cầm tù 15 năm vì tội chống chế độ Sô Viết. Trong thời gian ngồi tù, ông may mắn được một người bạn chia sẻ phúc âm và sau đó ông trở thành Kitô hữu. Từ đấy, hai điều giúp ông quyết tâm sống là đức tin vào Đức Kitô và niềm hy vọng nhìn lại đứa con trai duy nhất, mới chỉ lên 4 khi ông bị bắt. Hết hạn tù, ông được thả, niềm vui lớn nhất của ông dĩ nhiên là được nhìn lại đứa con trai ấy, lúc đó đã trở thành một thanh niên tuấn tú. Thấy con đeo cây thánh giá, ông mừng hết nói. Hỏi con đã trở thành Kitô hữu ra sao, ông rất ngạc nhiên thấy cậu chẳng hiểu ông muốn nói gì. Phải đợi ông chỉ vào cây thánh giá, cậu mới vỡ lẽ. À, không phải, con đeo cái này vì bây giờ ai cũng thích đeo nó!

Quả đáng buồn. Đối với chúng ta, nhiều khi thánh giá cũng chỉ là đồ trang sức. Tuy nhiên, đối với những người đã gặp gỡ Đức Kitô, thì thánh giá nói lên rất nhiều. Thánh Phaolô (1 Cor 1:18) dạy ta rằng:”Vì sứ điệp của thánh giá là khùng điên đối với những ai hư mất, nhưng đối với chúng ta, những người được cứu rỗi, nó là quyền lực của Thiên Chúa” Biểu tượng nhục hình đã trở nên khí cụ thánh thiêng của cuộc sống trường sinh.
 
Chúa Giêsu là Linh mục thượng phẩm hy sinh mạng sống vì chúng ta
+ TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể
15:14 09/04/2009
HUẾ - Hôm nay, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 09-4-2009, tại Nhà Thờ Chánh Toà Phủ Cam, Đức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Huế, cử hành Thánh Lễ Dầu ban sáng, lúc 06 giờ.

Cùng đồng tế với Đức Tổng Giám mục, có Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Huế, Đức Đan Viện phụ Thiên An, cùng toàn thể các linh mục triều và dòng trong Tổng Giáo phận Huế.

Tham dự thánh lễ, có các Thầy đại chủng sinh thuộc Đại chủng viện Xuân Bích Huế, các đại diện các Dòng tu nam nữ và một số đông giáo dân thuộc các giáo xứ trong Hạt Thành phố Huế.

Bài giảng Thánh lễ Dầu tại TGP Huế
1. Thánh lễ làm phép Dầu hôm nay là Thánh lễ duy nhất trong toàn Giáo phận, biểu lộ tình hiệp nhất của Giáo phận là Giáo Hội địa phương. Các thành phần Dân Chúa, vầy quanh giám mục mình, để cùng nhau ca ngợi tình thương hải hà của Chúa Giêsu:

là Đấng cứu độ duy nhất,
là Linh mục thượng phẩm,
là Mục tử tối cao,
đã hy sinh mạng sống cho loài người chúng ta.

2. Trong Thánh lễ, Giám mục sẽ long trọng làm phép Dầu bệnh nhân, Dầu dự tòng, và cung hiến Dầu thánh. Các linh mục sẽ rước ba thứ Dầu nầy về nhiệm sở để cử hành các bí tích mang chuyển muôn vàn ơn thánh cho người tín hữu.

3. Thứ năm Tuần Thánh cũng là ngày Giáo Hội đặc biệt tỏ lòng ưu ái và niềm tri ân đối với các tâm hồn tận hiến, cách riêng đối với các linh mục.
Tâm tình quý mến và tri ân nầy, giờ đây cộng đoàn phụng vụ cũng bày tỏ với các mục tử của mình.

4. Bầu khí trầm lắng, nguyện cầu và chan hòa yêu thương của Thánh lễ hôm nay trở thành nguồn trợ lực thiêng liêng cho Dân Chúa, và đặc biệt nâng đỡ các linh mục trong đời sống và sứ vụ tông đồ, truyền giáo, với bao khó khăn phức tạp và ưu tư lo lắng, trong xã hội hôm nay.

5. Xin anh chị em cầu nguyện nhiều cho các giám mục và linh mục của anh chị em: xin Thiên Chúa gìn giữ, thánh hóa, đào luyện, nâng đỡ... con người mỏng dòn, yếu hèn của chúng tôi, để chúng tôi càng ngày càng trở nên hình ảnh sống động và trong sáng của Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành, trọn vẹn dâng mình cho Chúa và tận tâm phục vụ con người, cách riêng các cộng đoàn Chúa trao phó cho chúng tôi chăm sóc.

1. Loan báo thời lưu đày sẽ chấm dứt và mở đầu cho một thời kỳ hoàn toàn mới.
Bài Phúc âm vừa rồi vang vọng lại những lời sấm của ngôn sứ Isaia trong bài đọc I, loan báo thời lưu đày của dân Israel tại Babylon sẽ chấm dứt và mở đầu cho một thời kỳ hoàn toàn mới, thời kỳ Đấng Cứu Thế xuất hiện: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn..., trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa”.

Với một vẻ đơn sơ mà trang trọng, Chúa Giêsu áp dụng những lời tiên tri ấy vào chính bản thân mình một cách rất tự nhiên: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và dẫn đưa con người về với Chúa Cha. Đó là cốt tủy sứ vụ của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu không được sai đến với những người tự phụ tự mãn, cho rằng mình đã đầy đủ rồi, nhưng là đến với những người thấy mình là phận nhỏ, thiếu thốn trăm bề, cả hồn cả xác.

Lưu đày ở Babylon, rồi được trả tự do, cho hồi hương, là một dấu chỉ, một hình ảnh tượng trưng nói lên ý định lớn lao của Thiên Chúa: đó là ơn cứu độ, là giải thoát con người khỏi ách tù đày nô lệ tội lỗi và sự chết.

Như thế khi áp dụng những lời sấm của tiên tri Isaia vào bản thân mình, Chúa Kitô mô tả con người Ngài và sứ mạng của Ngài, bằng những từ ngữ đơn sơ mà uy nghi, đến đổi dân chúng nín thở, hồi hộp, lắng nghe. Thánh Luca nói: “Ai nấy trong Hội đường đều chăm chú ngước mắt nhìn Ngài”. Cung cách Ngài dạy dỗ hoàn toàn khác với các thầy dạy lề luật mà họ đã quen bấy lâu nay. Đúng là một Tin mừng làm nức lòng họ, đem đến cả một bầu trời hy vọng và tự do.

2. Đấng cứu độ đã đến. Ơn cứu độ đã chan hòa khắp vũ trụ. “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.

Ơn cứu độ đến không phải là đi trên thảm nhung êm ái, nhưng là phải đi qua những chặng đàng thánh giá. Kiệu lá rước Chúa Giêsu vào Giêrusalem chỉ là thoáng chốc. Sau đó là những ngày của tuần thương khó, chịu nạn chịu chết.

Thế nên bài đọc II trích sách Khải huyền nói: “Người đã yêu mến chúng ta và đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người... Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người”.

Thánh giá Chúa Giêsu không mời gọi chúng ta tán tụng sự đau khổ, nhưng mời gọi chúng ta ca tụng tôn vinh tình yêu Thiên Chúa.

Chúa Giêsu không khao khát đau khổ. Ngài muốn sống hạnh phúc như chúng ta. Nhưng Ngài đã đón nhận đau khổ và cái chết thập giá, vì vâng phục Chúa Cha và yêu thương con người đến cùng.

Chúa Giêsu đón nhận một cách đầy ý thức và tự do, chứ không phải bị động, cam chịu. Ngài nói: “Mạng sống tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga. 10,18).

Ngài nói với các môn đệ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc. 10,33-34).

Chúa Giêsu muốn loại trừ sự dữ, nhưng cách thức Ngài làm khiến chúng ta quá đổi kinh ngạc. Ngài loại trừ sự dữ và đau khổ bằng cách ẳm lấy nó và biến đổi nó bằng sức mạnh tình yêu.

Chúa Giêsu sống với con người, thương yêu họ, tha thứ cho họ, ngay cả khi họ giết chết Ngài. Nỗi đau đớn của thập giá trở nên một tiếng kêu tha thiết của tình yêu.

Điều mới mẻ của sứ điệp thập giá Chúa Giêsu là Ngài gieo hạt giống tình yêu vào trong gánh nặng của thập giá. Hạt giống ấy làm nảy nở sự sống phục sinh.

3. Chúa Giêsu còn biến đổi đau khổ và cái chết thập giá thành lời cầu nguyện, thành lời công bố ơn tha thứ.

Ngài đã chết một mình như hạt lúa mì chôn vùi trong lòng đất, nhưng Ngài không sống lại một mình, bởi vì khi phục sinh, Ngài đưa con người lên cao, Ngài giao hòa con người với Thiên Chúa và với nhau, như lời Ngài hứa: “Khi nào tôi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga. 12,32).

Người đầu tiên được vào vương quốc Chúa Cha cùng với Chúa Giêsu, đó là một tội phạm, một tên ăn trộm. Trên thánh giá, Chúa Giêsu giao hòa anh ta với Thiên Chúa Cha, không phải bằng một sự tha thứ dễ dãi, không phải nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi, nhưng đúng hơn là làm cho chúng được dìm vào trong quyền năng của tình yêu thương xót và cứu độ của Ngài.

Chúng ta tôn thờ thánh giá, cầu nguyện bên thánh giá. Thánh giá hiện diện khắp nơi: tại nhà thờ, trong gia đình, ngoài nghĩa địa. Thánh giá đeo trên ngực. Thánh giá kẻ vào thân mình hằng ngày hằng đêm.

Và đếm sao hết những thập giá rất thực, rất đau trong cuộc sống đời thường. Những gia đình ly tán, những căn bệnh quái ác, những cõi lòng tan nát, những bất công, bạo lực, những oan khuất ở đời... Hằng ngày biết bao người đang vác thập giá đi ngang đi dọc trên những con đường của phố phường làng mạc chúng ta. Vô số người mang vác thập giá đi lên đi xuống mỗi ngày, ngay ở các tầng cấp, bậc thềm của ngôi nhà mình. Lại có những thập giá không tên mà phải nuốt vào, ủ ê cay đắng và thường cũng không còn hy vọng.

Chớ gì những ai mang vác các thứ thập giá trên đời hãy đem kết nhập vào thánh giá Chúa Giêsu và hãy làm như Chúa Giêsu, nghĩa là biến tất cả thành tình yêu, thành lời cầu nguyện, và như thế là đem lại sự sống và bình an của Chúa phục sinh.

4. Thứ 5 tuần thánh là ngày dành riêng đặc biệt cho anh em chúng ta. Ngày của phép Thánh Thể, ngày của bí tích truyền chức thánh. Ngày của thánh hiến và của tình yêu khôn sánh.

Linh mục phải trở nên dấu chỉ hữu hình, khả giác về lòng Chúa yêu thương con người.

Hãy sống tác vụ linh mục như tông đồ Phêrô là người đã thấm thía hơn ai hết về lòng thương xót bao dung tha thứ của Chúa Giêsu.

Khi đã cảm nghiệm lòng thương xót tha thứ của Chúa đối với những lầm lỗi thiếu sót của mình, thì linh mục sẽ dễ thông cảm hơn, tinh tế hơn và sẵn sàng hơn để tiếp đón, phục vụ tất cả những ai đang cần đến lòng Chúa thương xót. Mà trên đời này, có ai mà không cần được Chúa xót thương!

Ý thức và cảm nghiệm lòng Chúa thương xót là nền tảng, là động lực thúc đẩy chúng ta biết xót thương con người và tận tâm phục vụ con người, cúi xuống rửa chân cho họ, chứ không làm cho họ phải tổn thương thêm, bị thất đoạt thêm.

Năm nay Hội Thánh kỷ niệm 150 năm thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars qua đời. Đức Thánh Cha loan báo rằng từ ngày 19.6.2009 đến 19.6.2010 Hội Thánh sẽ cử hành năm thánh linh mục, với chủ đề: “Niềm trung thành của Chúa Kitô, niềm trung thành của linh mục”, và ngài sẽ công bố thánh Gioan Maria Vianney là bổn mạng của tất cả các linh mục trong thế giới.

Trên lộ trình hành hương về giáo xứ Ars, tại một ngã ba đường, người ta đã dựng một bức tượng ghi dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên của ngài là cha sở mới, lầm lủi một mình đi về nhận xứ, gặp gỡ với một chú bé đang đứng bên vệ đường, cùng với câu nói nổi tiếng: “Con hãy chỉ cho cha đường tới nhà thờ, cha sẽ chỉ cho con đường lên thiên đàng”.

Phải chăng sứ mạng của anh em linh mục chúng ta là như vậy, là chỉ đường, là dẫn đưa mọi người đến thiên đàng, nghĩa là đến với Chúa, ngay ở đời này.

Cung cách của cha Vianney khi cử hành bí tích cũng như khi phục vụ cộng đoàn, vừa đạo đức thánh thiện, vừa rất mực nhân bản, tận tụy và tế nhị, khiến giáo dân hết lòng mến phục và kháo láo với nhau rằng: “Thật, chúng ta đã thấy Thiên Chúa trong một con người”.

Hằng ngày câu hỏi của Chúa Giêsu văng vẳng bên tai, thiêu đốt tâm can người linh mục: “Con có yêu mến Thầy không?”. Mỗi anh em chúng ta rất muốn trả lời, nhưng rồi cảm thấy mình quá mỏng manh, yếu hèn, chỉ biết thưa với Chúa: “Lạy Thầy, Thầy dõi theo con từng hơi thở, ngay từ khi con còn ở trong lòng mẹ. Thầy biết những lời đáp trả của con không gảy gọn, không trọn vẹn chút nào. Nhưng con cũng xin khiêm tốn thưa, thì thầm với Thầy thôi, không dám tự phụ vênh vang: ‘Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy’” (Ga. 21,15-17). Amen.
 
Thần học về Thập Giá
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
16:00 09/04/2009
THẦN HỌC VỀ THẬP GIÁ

Trải qua lịch sử Kitô giáo đã có nhiều thứ thần học về Thập giá, bắt nguồn từ những đường lối suy tư và chiêm ngắm khác nhau khi người tín hữu đứng trước Thập giá. Không ai chối cãi được sự quan trọng của Thập giá đối với Kitô giáo. Không những các Kitô hữu đeo ảnh Thập giá trên người để tỏ lòng mộ mến hay để tỏ ra căn cước của mình, mà thậm chí người ngoại đạo cũng coi Thập giá như là biểu tượng của Kitô giáo. Chính vì thế mà tổ chức từ thiện “Hội Chữ Thập đỏ” đã bị các nước Hồi giáo bắt sửa lại phù hiệu thành “vầng trăng đỏ” để tránh lẫn lộn công tác nhân đạo với Kitô giáo. Mặt khác, nhiều người Kitô hữu đã gắn liền Thập giá với hy sinh đau khổ, và họ có cảm tưởng rằng không còn gì khác để nói ngoài đề tài đó. Cảm tưởng đó chỉ đúng một phần, theo nghĩa là từ hai mươi thế kỷ nay, mỗi lần nói tới Thập giá thì không thể nào tránh được vấn đề đau khổ. Tuy nhiên, ngoài đề tài đau khổ ra còn có những khía cạnh khác nữa. Một điểm đáng ghi nhận khác nữa là tuy rằng đã có nhiều suy tư về ý nghĩa của Thập giá trải qua suốt lịch sử Kitô giáo, nhưng mãi tới thập niên 70 của thế kỷ này, mới nảy ra một ngành thần học mang tựa đề là “Thần học về Thập giá” (staurologia), theo nghĩa là Thập giá trở thành trung tâm của thần học: chính nhờ Thập giá mà chúng ta biết được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.

A.THẦN HỌC KINH THÁNH VỀ THẬP GIÁ

Trong phần này, xin đề cập đến 3 vấn đề:

1.Thập giá trong khung cảnh lịch sử của nó.
2. Bốn tác giả Phúc âm đã nghĩ gì về việc Đức Giêsu phải chịu chết trên Thập giá.
3.Thần học của Thánh Phaolô về Thập giá.

I. Nhục hình Thập giá

Vào thời của Đức Giêsu, Thập giá tiên vàn là một nhục hình. Trong đế quốc Rôma, Thập giá là một hình phạt dành cho các tội trọng. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới pháp trường. Có hai hình thức Thập giá. Một thứ giống như chữ T (thanh ngang được chồng lên chóp của cây gỗ đứng); một thứ giống hình chữ thập, với bản án ghi vào ở trên thanh ngang. Thêm vào đó, cũng có nhiều kiểu để treo tử tội: thường là bị lột hết áo xống, và bị cột hoặc đóng đinh vào khổ giá, có khi đầu bị dốc ngược xuống đất. Nói chung, đây là một hình phạt chỉ dành cho lớp bần đinh hoặc nô lệ, các tên đại tặc hay là phiến loạn; các công dân Rôma không phải chịu hình phạt này trừ khi nào họ đã bị tước đoạt quyền công dân. Ngoài sự đau đớn do cuộc hành hình gây ra, hình phạt Thập giá còn mang thêm tính cách ô nhục: tử tội không được an táng, nhưng phải phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn làm anh hùng bằng cái chết trên Thập giá. Cũng vì lý do đó mà việc tôn kính Đức Kitô trên thập tự là cả một chuyện điên rồ hèn hạ, không những thánh Phaolô đã viết như vậy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô vào khoảng 20 năm sau biến cố xảy ra, mà rồi một thế kỷ sau đó (khoảng 150-153) trong quyển sách “Hộ giáo” (Apologia I, 13,4), thánh Giustinô còn ghi nhận rằng: dân ngoại coi chúng tôi là bọn khùng bởi vì đã tôn tên tử tội trên Thập giá là Đấng Tạo dựng đất trời.

II. Từ tường thuật hình khổ Thập giá tới suy niệm về ý nghĩa Thập giá dựa theo bốn tác giả Phúc âm.

Việc Đức Giêsu chết trên Thập giá là một biến cố lịch sử, được tất cả bốn tác giả Phúc âm thuật lại; biến cố đó cũng được ghi chép nơi các sử gia Rôma (như Tacitus, Annales XV, 44-45) và Do Thái (Josephus Flavius, Antiquitates Judaicae XVIII, 64). Những người hoài nghi về sử tính của Phúc âm thì chỉ nêu nghi vấn chung quanh những đoạn viết về lời giảng hay về phép lạ của Đức Giêsu, chứ không hề đụng tới câu chuyện chết trên Thập giá. Các Kitô hữu cũng không hổ thẹn gì để chấp nhận sự kiện thầy mình đã bị xử án giống như các tên trộm cướp. Thậm chí M. Kaeler cho rằng lúc đầu Phúc âm là bản tường thuật về cuộc tử nạn của Đức Giêsu trên Thập giá, rồi về sau người ta mới thêm một phần dẫn nhập để giải nghĩa lý do gì đã đưa tới sự cố đó. Dù những giả thuyết về tiến trình sự hình thành của bốn Phúc âm thế nào đi nữa, một điều rõ ràng mà chúng ta nhận thấy là tất cả bốn thánh sử đều khá đồng nhất khi thuật lại cuộc tử nạn của Đức Giêsu, với ba hồi chính:

* Ngài bị bắt;
* Bị xét xử;
* Bị đóng đinh.

1. Trong hồi thứ nhất (xức dầu ở Betania, tiệc ly, hấp hối trong vườn cây dầu), chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã biết và đã báo trước điều sắp xảy ra cho mình, và giải thích lý do và ý nghĩa của nó: điều đó cần phải xảy ra để hoàn tất sứ mạng. Tuy bề ngoài Ngài bị bắt nhưng kỳ thực là Ngài đã được trao nộp theo chương trình của Chúa Cha.

2. Hồi diễn thứ hai diễn ra ở hai tòa: Do thái và Rôma, kết thúc với án tử hình được thi hành ngay tức khắc. Các thánh sử đều quả quyết rằng bản án đó bất công vì Đức Giêsu không có tội tình gì hết.

3. Hồi thứ ba gồm có việc đóng đinh vào Thập giá, chết và an táng. Giọng văn kín đáo, gọn gàng, không có những chi tiết lâm ly bi đát. Nên biết thêm là ngoài những chương thuật lại cuộc Tử nạn, Phúc âm ít khi nói tới Thập giá. Xem ra các Kitô hữu đầu tiên chấp nhận việc Đức Giêsu chịu đóng đinh vào Thập giá như một sự kiện đã xảy ra, nhưng họ ngượng ngùng khi nhắc tới chuyện kinh hoàng ô nhục đó. Họ tìm cách lục lọi các bản văn Kinh Thánh (mà ta gọi là Cựu ước) để tìm hiểu lý do và ý nghĩa của nó trong chương trình của Thiên Chúa: tại sao Thiên Chúa lại để cho Đức Giêsu bị trao nộp và chết cách thảm thương như vậy? Vì thế, dần dần các tín hữu ít nghĩ tới chính cây Thập giá cho bằng suy gẫm nhiều hơn về việc Đức Kitô chết trên Thập giá. Nói khác đi, các thánh sử không chú trọng tới cây Thập giá xét trong toàn thể sứ mạng của Ngài. Việc đóng đinh trên Thập giá chỉ là một hồi trong tấn kịch dài hơn.

Thánh Matthêu và Marcô trình bày Đức Giêsu như một người hoàn toàn công chính đã bị bắt bớ và bị hãm hại vì sứ mạng của mình. Việc thiết lập bí tích Thánh thể (được đặt ở hồi thứ nhất của cuộc tử nạn) đã trình bày ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu như là sự trao hiến mạng sống của mình cho người anh chị em. Kế đó, người công chính đã lần lượt bị các bạn hữu của mình bỏ rơi, bị những người đồng đạo Do thái xét xử và nộp cho quân Rôma để bị giết. Hơn thế nữa, (Mt 27,46) và (Mc 15,34) còn nhấn mạnh tới việc Đức Giêsu bị bỏ rơi trên thập tự: “Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Chúa bỏ con?”. Đã có nhiều giải thích khác nhau về ý nghĩa của lời than ấy, chẳng hạn như: đó là tiếng kêu tuyệt vọng, tiếng kêu phản kháng, hoặc chỉ bộc lộ tình trạng tối tăm trong tâm hồn vì không thể hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Dù sao thì Thiên Chúa vẫn thinh lặng; hay nói đúng hơn, Thiên Chúa đã trả lời qua sự thinh lặng. Thực vậy, vào lúc mà tối tăm bao trùm khắp mặt đất, ra như vùi lấp hết những công trình của Thiên Chúa, thì này viên đội trưởng đã thốt lên: “Ông này quả thực là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Chính lúc xem ra tuyệt vọng hơn cả, lúc mà xem như Đức Giêsu bị Thiên Chúa bỏ rơi, thì viên đội trưởng lại nhận ra được ánh sáng mặc khải để khám phá ý nghĩa hoàn toàn trái ngược: không phải là Đức Giêsu bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhưng mà chính Đức Giêsu đã phó mặc mạng sống mình cho Thiên Chúa, và Chúa Cha đã trao ban mình cho Con.

Luca đánh dấu thêm một bứơc tiến nữa trong việc suy niệm về ý nghĩa Thập giá. Không những viên đội trưởng đã tuyên xưng rằng Đức Giêsu hoàn toàn vô tội, nhưng nhờ cái chết của Ngài mà bao nhiêu người được ơn trở lại: Simon Phêrô đã khóc lóc sau khi chối bỏ thầy, Simon Cirênê đã hoán cải từ chỗ bị cưỡng bách phải tháp tùng Đức Giêsu tới chỗ vác Thập giá như một môn đệ theo thầy; một số phụ nữ đã đấm ngực than khóc thống hối; một tên tử tội cũng ăn năn. Nhất là những giây phút chót của Đức Giêsu trên Thập giá đã trở thành cao điểm của ơn cứu chuộc: Đức Giêsu đã xin Chúa Cha tha tội cho những lý hình; và ơn cứu chuộc được thể hiện cách cụ thể khi mà tên trộm lành được hứa vào nước trời ngay hôm ấy. Sau cùng, lời cuối cùng của Đức Giêsu trước khi tắt thở biểu lộ lòng tín thác vô biên nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác thần trí con trong tay Cha” (Lc 23,46). Như vậy, đối với Luca, việc Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá không còn phải là chuyện hành hình của một tử tội nữa, nhưng là một biến cố cứu rỗi.

Gioan thì nhìn Thập giá như sự bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Đức Kitô bị treo trên Thập giá là biểu trưng của việc Ngài được nhấc lên khỏi mặt đất để thu hút mọi sự về với mình (Ga 12,32). Trong Phúc âm thứ bốn, cuộc tử nạn bắt đầu với việc rửa chân cho các môn đệ và di chúc về tình yêu: Đức Giêsu giải thích ý nghĩa cái chết của mình như một cử chỉ tình nguyện để bộc lộ tình yêu dành cho các bằng hữu. Chính Ngài đi ra đón những kẻ lùng bắt mình. Cuộc tra tấn dã man biến thành lễ nghi phụng vụ, khi Đức Giêsu khoác tấm áo đỏ với vòng gai, và bản án là Vua (Ga 19,14.19). Thánh Gioan lặng lẽ theo dõi những giây phút chót của Đức Giêsu trên Thập giá, ghi chú những cử chỉ nhằm hoàn tất Kinh Thánh: từ việc ký thác bà mẹ cho môn đệ, việc nhắp những giọt giấm cho tới việc bị ngọn giáo đâm thủng sườn; nhất là Gioan nhận định về những hậu quả của cái chết: máu, nước, Thánh Thần, biểu hiệu của mạch sống mới. Thập giá trở thành nơi bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban Con Một mình cho nhân loại; nơi Đức Giêsu, Thập giá không phải là một nhục hình nhưng là ngai toà mà Ngài hành xử vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa trần tục nhưng là vương quyền của tình yêu.

Như vậy, ta thấy nơi bốn cuốn Phúc âm đã có một diễn trình từ chỗ tường thuật một biến cố kết liễu cuộc đời của Đức Giêsu cho đến chỗ khám phá ra ý nghĩa của biến cố trong kế hoạch của Thiên Chúa.

III. Thần học của Thánh Phaolô về Thập giá

Các tác giả Phúc âm không chỉ tường thuật lại cảnh Đức Giêsu bị xử án và bị chết trên Thập giá, nhưng còn tìm cách giải thích ý nghĩa của Thập giá trong chương trình của Thiên Chúa. Hơn nữa, các suy tư của Phaolô và của các tông đồ về Thập giá của Đức Kitô lại là một lời tuyên xưng hùng hồn về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Từ đó, những ai muốn làm môn đệ Đức Kitô phải có thái độ nào đối với Thập giá.

1. Thánh Phaolô với Thập giá

Nơi các tác phẩm của thánh Phaolô và của các thánh tông đồ, ta thấy Thập giá được trình bày dưới khía cạnh của một việc tuyên xưng, hoặc trong lời giảng hoặc trong phụng vụ. Trong những bài giảng đầu tiên của Phêrô (được ghi lại trong sách Tông đồ công vụ), việc Đức Giêsu bị người Do thái nộp cho Philatô xử trên Thập giá đã trở thành một biến cố cứu độ: Thiên Chúa đã suy tôn Đức Giêsu làm Đức Chúa và vị Cứu tinh (Cv 2,36; 4,10; 10,39; 13,29). Lời tuyên xưng trong lời giảng của các thánh tông đồ cũng trở thành lời tuyên xưng đức tin của các tín hữu, đặc biệt là khi cử hành phụng vụ: “Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3); “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8); nhưng cái chết đó đã trở thành nguyên cớ (chính vì thế) cho sự siêu tôn: Đức Giêsu Kitô là Chúa. Trong thư gửi Côlôsê 1,19 ta cũng gặp thấy lời tuyên xưng dưới hình thức của thánh ca: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.

Dĩ nhiên, khi nghe các tông đồ và các tín hữu tuyên dương một tội phạm bị xử tử trên Thập giá, nhiều người đã chói tai và không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng các Kitô hữu là bọn người cuồng tín? Thế nhưng, thay vì tránh né nói tới Thập giá để khỏi gây hiểu lầm, thánh Phaolô đã dám đi thẳng vào vấn đề trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô tuyên bố rằng lời giảng về Thập giá mang tính chất nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ: “Dân Do thái thì đòi phép lạ, dân Hy lạp thì tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô trên Thập giá, một điều vấp phạm cho dân Do Thái và điều dại dột đối với dân Hy lạp. Thế nhưng, đối với ai được gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, thì đó là một vị cứu tinh với quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; bởi lẽ sự dại dột của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn con người gấp bội, và sự yếu ớt của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn của con người trăm lần” (1Cr 1,18-25). Thánh Phaolô còn thêm: “Khi ở với anh em, tôi không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô trên Thập giá” (1Cr 2,2). Chúng ta đừng nên coi lời lẽ của Phaolô như là một thứ thuật ngữ hùng biện! Việc Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá thực sự là chuyện ô nhục tồi tệ thực trước mặt người Do thái và người Hy lạp! Với Do thái, tử thi đã là vật ô uế rồi, lại còn phơi bày giữa trời nữa thì quả là đồ bị Chúa rủa bỏ (x. Gal 3,13). Thánh Phaolô chấp nhận cái phản ứng hợp lý đó, và dùng nó làm lập luận nghịch lý để trình bày kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa… chính qua Thập giá của Đức Kitô và chúng ta nhận thức được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: sự hèn yếu của Ngài thì mạnh mẽ hơn quyền lực của con người trăm ngàn lần (x. 2Cr 13,4). Tiếp tục đào sâu ý nghĩa cứu độ từ Thập giá, thánh Phaolô kể ra những hồng ân trọng đại mà Thiên Chúa ban cho nhân loại từ cái hình khổ của Đức Kitô, đó là: sự toàn thắng trên các lực lượng của sự dữ và ơn tha thứ tội lỗi. Cái chết của Đức Kitô được coi như một hy lễ; ngoài yếu tố Thập giá. Tác giả của thư gửi Do thái phân tích thêm yếu tố “máu”, biểu hiệu của việc hiến mạng sống vì tình yêu (Dt 9,11-12). Thư gửi Ephêsô tuyên dương Thập giá như dụng cụ mang lại ơn hòa giải cho nhân loại: từ một đối tượng đáng khinh bỉ trước mặt dân Do thái lẫn dân Hy lạp, Thập giá đã được Đức Kitô biến thành nơi hòa giải, phá đổ bức tường ngăn cách giữa dân Do thái với dân ngoại cũng như sự thù nghịch giữa nhân loại với Thiên Chúa (Ep 2,15-16). Như vậy, từ chỗ là biểu tượng của oán thù, nhờ Đức Kitô mà Thập giá trở nên nơi thi thố tình yêu và sự hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người, và hòa giải giữa loài người với nhau. Thập giá không phải chỉ là một biến cố kết liễu cuộc đời Đức Giêsu, nhưng nó mang một giá trị vĩnh cửu: tác giả của sách Khải Huyền và của thư thứ nhất Phêrô trình bày thần học của chiên sát tế và vinh hiển trên ngai.

2. Thập giá của môn đệ

Tân ước không những chỉ nói tới Thập giá của Đức Kitô mà còn nói tới Thập giá của môn đệ muốn đi theo Ngài. Phúc âm để lại hai lời mời gọi môn đệ vác Thập giá để theo thầy. “Ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ mình đi, vác Thập giá của mình và đi theo Tôi. Quả thực, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì danh nghĩa Tin mừng thì sẽ cứu được nó” (Mc 8,34 – 9,1; xc. Mt 10,38-39; Lc 9,23-27). – “Ai không vác lấy Thập giá của mình mà theo tôi thì không xứng đáng với Tôi” (Mt 10,38; xc. 16,24). Thực ra, tuy là hai lời mời gọi nhưng kỳ thực chỉ có một lời kêu gọi, diễn đạt một đàng là dưới hình thức tích cực (“hãy vác Thập giá đi theo Tôi”) và một đàng là dưới hình thức tiêu cực (“Ai không vác Thập giá đi theo Tôi”). Lời kêu gọi đó hướng tới hết mọi người (công thức tích cực theo Matthêu được dành cho các môn đệ, Marcô đi nhằm tới đám đông có mặt với các môn đệ, còn Luca thì nói cho tất cả). Việc vác Thập giá là điều kiện cần thiết để “đi theo Đức Giêsu”; nó đòi hỏi phải từ bỏ mình, từ bỏ những mỗi liên hệ gia đình (Mt 10,37), và đưa tới sự mất mạng sống. Trong những lời vừa nói, Thập giá không còn được hiểu theo nghĩa đen của một khổ hình nữa, nhưng đã được đồng hóa với chính bản thân Đức Giêsu, kẻ bị chết trên Thập giá như biểu hiệu của sự hiến thân phục vụ tha nhân.

Thánh Phaolô đã hiểu điều kiện làm môn đệ của Đức Kitô như là thông dự và Thập giá của Ngài: “tôi đã được đóng tinh vào Thập giá cùng với Đức Kitô: không còn phải tôi sống nữa song là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19). Dĩ nhiên, ở đây Phaolô không hiểu theo nghĩa là mình cũng phải lãnh chịu khổ hình bị đóng đinh vào Thập giá giống như Đức Giêsu trước đây, nhưng Phaolô đã mở rộng tất cả các chiều kích thần học của Thập giá. Tiên vàn là Phaolô muốn đến lãnh nhận tất cả những hồng ân cứu chuộc phát sinh từ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô; ơn cứu chuộc ấy được thông qua cho ta qua Bí tích Thánh tẩy (x. Rm 6,1-11). Kế đó, hồng ân đã lãnh nhận cần phải phát sinh một sinh lực mới nơi người tín hữu: người tín hữu phải đóng đinh tiêu diệt nơi thân xác mình tất cả những đam mê tội lỗi (xc. Gl 5,24). Hơn thế nữa, người tín hữu cần phải tìm cách diễn tả sự thông dự vào những đau khổ của Đức Kitô (xc. 2Cr 4,10) trong cuộc đời của mình, đặc biệt qua những cuộc bách hại gặp phải trên đường truyền giáo. Trong bối cảnh ấy Phaolô nói tới “những người bị bách hại vì Thập giá của Đức Kitô” (GL 6,12), và tuyên bố rằng mình đang mang trên thân thể những dấu thương (stigmata) của Đức Kitô (Gl 6,17). Thậm chí Phaolô còn đi tới chỗ quả quyết rằng: “Tôi bổ túc trong thân xác hay chết của tôi những chi còn thiếu nơi những gian nan của Đức Kitô, nhằm sinh ích cho thân thể của Ngài là Hội thánh” (Cl 1,24). Phaolô lấy làm hãnh diện vì Thập giá của Chúa Giêsu Kitô: “nhờ đó thế gian đã bị đóng vào Thập giá đối với tôi và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14). 3. Việc tôn kính Thập giá

Từ những dòng suy niệm trên đây, chúng ta thấy rằng Thập giá mang một ý nghĩa sâu đậm đối với Kitô giáo: nói được là nó trở thành biểu tượng của chính Đức Kitô. Tuy nhiên, lòng tôn sùng hình ảnh Thập giá xuất hiện khá muộn. Một lý do có lẽ là tại vì nó gợi lên cảnh tượng của nhục hình ghê tởm. Vì thế mà trước khi hoàng đế Constantinô ra lệnh bãi bỏ khổ hình Thập giá trong đế quốc Rôma, người ta ít thấy các biểu tượng tôn kính Thập giá. Trong các hang toại đạo, chúng ta thấy có một biểu tượng na ná với hình thức chiếc neo tàu. Trái lại, trong khu vực Palatinô ở Rôma, người ta thấy một bức họa châm biếm vẽ một người bị treo trên Thập giá với đầu con lừa đang khi có một người khác đang tỏ dấu tôn kính, với những dòng chữ như sau: “Alexanênô đang thờ lạy chúa nó”.

Từ sau khi Constantinô thắng trận nhờ dấu Thập giá, thì Thập giá thay đổi ý nghĩa. Như đã nói, hình phạt Thập giá bị loại khỏi hình luật. Đối lại, các Kitô hữu đang dùng tài nghệ của mình để trang hoàng Thập giá dưới những dạng thức khác nhau. Họ không chỉ giới hạn vào việc họa lại Thập giá lịch sử trên núi Calvê, nhưng hoặc được trang hoàng với những viên ngọc bích, hoặc diễn tả như cây sum suê hoa trái. Cũng nên biết là vào thời ấy, các Kitô hữu chỉ tôn kính cây Thập giá chứ không có hình tượng của Đức Giêsu. Tại sao vậy? Có lẽ vì họ không muốn trở lại cảnh Ngài đang chết nhục nhã đang khi mà họ thâm tín rằng Ngài đã sống lại vinh hiển: bởi thế họ muốn trình bày Thập giá như là nguồn sống, như là biểu hiệu của sự chiến thắng nói chung bên Đông phương, mỗi khi phải trưng bày Đức Kitô trên Thập giá thì người ta dùng hai mẫu tự Hy lạp bắt đầu danh xưng giống như chữ X và P), hoặc là dùng hình con chiên (chiên sát tế nói trong sách Khải huyền) và kể cả Đức Kitô Phục sinh. Còn bên Tây phương, từ thế kỷ XII dần dần các nghệ sĩ muốn trở về với cảnh tượng lịch sử và tâm lý, họa lại Đức Kitô hấp hối, đầu đội mão gai và mình mang đầy thương tích.

Trong những thế kỷ đầu, việc tôn kính Thập giá Đức Kitô đưa tới linh đạo muốn thông dự vào khổ nạn của Ngài nhất là qua sự tử đạo. Nhưng từ thế kỷ thứ IV, nhất là kể từ khi tục truyền kể là tìm lại được chính Thập giá thực của Đức Kitô (năm 326), thì việc tôn kính Thập giá được phát triển trong phụng vụ, đặc biệt vào ngày thứ 6 Tuần Thánh. Thập giá được ca ngợi như là cây gỗ đã mang lại ơn cứu rỗi cho thế giới. Từ thế kỷ 11, bên Tây phương phát triển lòng tôn kính các sự khổ nạn của Chúa, với việc suy gẫm những chặng đường mà Chúa đã đi qua cũng như những lần đã té ngã. Lúc đầu mỗi địa phương bày một hình thức suy niệm (thí dụ 7 lần Chúa ngã) hoặc những chặng dừng chân (có khi lên tới 47 chặng). Hình thức 14 chặng hiện nay đã được ấn định vào đầu thế kỷ 17 tại Tây Ban Nha. Cạnh việc suy gẫm con đường Thập giá của Đức Kitô cũng không thể thiếu hình ảnh của Đức Maria cùng chia sẻ những đau khổ với Con mình (bài ca Stabat mater dolorosa).

Lòng tôn sùng Thập giá cũng còn được biểu lộ qua dấu Thánh giá mà tín hữu vạch ra trên mình đang khi kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi. Tục lệ này đã xuất hiện ít là từ thế kỷ thứ 2. Vào khoảng năm 211, Tertullianô đã kể lại như một thói quen đã thịnh hành: “Chúng tôi làm dấu Thập giá trên trán vào mỗi bứơc đi và cử động, khi khởi sự và kết thúc việc làm; khi mặc áo, khi chỗi dậy, khi tắm rửa, khi ăn uống, khi thắp đèn vào buổi chiều tối, khi ngồi xuống và trong bất cứ công chuyện gì” (De corona militum 3,4).

Cũng nên biết là trong lịch sử có nhiều hình thức làm dấu thánh giá. Từ thế kỷ thứ 2, người tín hữu đã có thói quen vạch dấu thánh giá trên trán bằng ngón tay cái hay ngón tay trỏ. Đến thế kỷ thứ 4, thì làm dấu thánh giá trên ngực nữa. Còn dấu thánh giá trên môi thì mãi tới thế kỷ thứ 8 mới thấy nói tới. Đó là cái mà chúng ta quen gọi là dấu thánh giá kép. Còn dấu thánh giá đơn vạch từ trán xuống ngực và qua hai vai thì xuất hiện riêng tư từ thế kỷ thứ 5, nhưng chỉ được phổ biến từ thế kỷ thứ 10 trong các đan viện. Hồi thế kỷ thứ 13, Đức Giáo Hoàng Innocente III khuyên nên làm dấu thánh giá như vậy với 3 ngón tay, từ trán xuống ngực, rồi từ vai phải sang vai trái. Thế nhưng, qua thế kỷ sau, thì người ta làm dấu với 5 ngón tay, và đổi ngược thứ thự hai vai, nghĩa là từ trái sang phải. Trong khi bên Tây phương thì khi làm dấu thánh giá như vậy, người ta quen đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; bên Đông phương thì người ta dùng nhiều công thức khác nhau, tỉ như: “Lạy Chúa chí thánh! Lạy Chúa chí thánh và Hùng mạnh! Lạy Chúa chí thánh, hùng mạnh và Bất tử, xin thương xót chúng con!”.

Các tác giả đã vạch ra ba ý nghĩa chính của cử chỉ làm dấu, đó là: tuyên xưng, kêu cầu và hiến dâng.

a. Tuyên xưng rằng chúng ta là Kitô hữu; chúng ta đã để cho Đức Kitô ghi ấn trên bản thân chúng ta, cũng như tuyên xưng việc Ngài đã cứu rỗi chúng ta nhờ Thập giá.

b. Dấu Thập giá cũng là lời kêu van, xin Chúa đến giúp chúng ta nhờ sức mạnh cứu rỗi từ Thập giá.

c. Dấu Thập giá có ý nghĩa hiến dâng, bởi vì chúng ta dâng cho Chúa công việc sắp khởi sự, trong tinh thần vâng lời và phục vụ giống như Đức Kitô, ngõ hầu làm vinh danh cho Thiên Chúa Ba Ngôi. 4. Biểu tượng Thập giá qua các thời đại trong Kitô giáo.

Xuôi dòng lịch sử có một số biểu tượng của thập giá qua các thời đại và đã được du nhập chính thức vào Kitô giáo. Dấu chỉ chữ thập, được hiểu là một cam kết khẳng định trong một giao ước, đã trở thành dấu của Phép Rửa khi ta chịu bí tích Thánh Tẩy, biểu hiện giao ước của Thiên Chúa với con người: Thiên Chúa chính thức là Cha của người nhận Phép Rửa, và người đó là con của Thiên Chúa. Ta có thể hiểu mối liên kết giữa Phép Rửa và Thập Giá mà thánh Phaolô đề cập (Rm 6: 5-6). Việc cầu nguyện giang tay cũng gợi lên hình ảnh của thập giá. Và cầu nguyện cũng đem lại cho chúng ta sự sáng và sự sống từ nguồn sống vĩnh cửu của Chúa Giêsu.

1. Thập giá hình tròn thường dùng trong ma thuật.

2. Thập giá chìa khóa, tên la-tinh là crux ansata, biểu tượng cho sự sống và sinh lực của người Ai cập; được Kitô hoá vào trước năm 391.

3. Thập giá Hy lạp, còn gọi crux quadrata.

4. Thập giá của Thánh An-rê (cũng như thập giá Hy lạp để nghiêng), còn gọi crux decussata, thấy xuất hiện trong nghệ thuật của Do thái.

5. Thập giá La-tinh, gọi là crux immissa; vào cuối thế kỷ thứ IV, được vẽ thêm các trang trí hình vỏ sò ở các đầu cạnh (xem hình 11)

6. Hình chữ thập, hoặc còn gọi (tuy không chính xác) là crux monogrammatica, có lẽ là biểu tượng Kitô giáo cổ xưa nhất. Gồm hai chữ cái Hy lạp rho và tau chồng lên nhau, thoạt tiên được coi là viết tắt của người ngoại đạo, nhưng sau đó được đưa vào các thủ bản Tin Mừng tiếng Hy lạp vào khoảng năm 200. Được coi là một dấu thánh, nomen sacrum.

7. Thập giá của thánh An-tôn, còn được gọi là thập giá tau hay crux commissa, lấy chữ Hy lạp tau, và được cho là có dạng của thập giá ở Golgotha (sách giáo phụ Justin Martyr 91.2)

8. Thập tự xoắn thường thấy trong các văn bản.

9. Thập giá của người Malta, biểu tượng của trật tự.

10. Thập giá có hình chiếc nĩa, còn gọi thập giá mang bệnh dịch, phổ thông vào cuối thời Trung Cổ. Nó nhấn mạnh đến vẻ đau khổ của thập giá, còn khi vẽ có các nhành lá, thì mang biểu tượng của Cây Sự Sống.

11. Thập giá hình giọt nước mắt, như mở rộng cánh tay, biểu tượng tính chiến thắng của thập tự.

12. Thập giá Giêrusalem, mang 5 dấu thương tích của Chúa Giêsu.

13. Thập giá kép, còn gọi là crux gemina, sau này trở thành thập giá của các thượng phụ, trên thanh ngang có thêm gạch đầu; nếu có ba thanh ngang là thập giá của giáo hoàng.

14. Thập giá bên nước Nga, có thêm gạch dưới để chân.

15. Thập giá ánh sáng, còn gọi crux radiata, có màu vàng, hay 4 tia sáng chiếu ra.

16. Thập giá có hoa văn, còn gọi crux florida, hay thập giá cây mang sự sống, gợi ý về thiên đàng (Khải Huyền 22: 2)

17. Thập giá kết hợp hai chủ đề của Tân Ước là ánh sáng (ΦωC / phōs) và sự sống (ΖωH / zōē; xem Tin Mừng Gioan 8:12), kết hợp được hai thập giá 15 và 16.

18. Thập giá kết hợp hai chữ Hy lạp chi (X) và rho (P) viết chồng lên nhau. Thật ra không phải là thập giá theo đúng nghĩa, vì đó là dấu chỉ tên của Chúa Giêsu, chứ không mang nghĩa phải thập giá.

B. NHỮNG SUY TƯ CỦA CÁC GIÁO PHỤ VÀ CÁC NHÀ THẦN HỌC VỀ THẬP GIÁ

I. Thập giá trong thần học Cổ điển

Kinh Thánh gắn liền Thập giá với ơn cứu rỗi của nhân loại. Có những lời tuyên xưng đức tin về ý nghĩa của cái chết của Đức Kitô: tuy không mắc tội tình gì nhưng Ngài đã phải chết trên Thập giá; thế nhưng, đó không phải là cái chết oan uổng, bởi vì theo 1Cr 15,3: Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo như lời sách thánh. Công thức còn được thánh Phaolô lặp lại ở nhiều nơi khác nữa, thí dụ như: 1Tx 5,9; 2Cr 5,14-21; Rm 4,25. Những lời tuyên bố khi thiết lập Bí tích Thánh thể cũng cho thấy rằng máu của Đức Kitô được đổ ra “để mang lại ơn tha thứ tội lỗi cho muôn người” (Mt 26,28; xc. Mc 14,24; Lc 22,20). Ngoài ơn tha thứ tội lỗi, thánh Phaolô cũng còn nêu bật rất nhiều những hồng ân khác như hiệu quả của Thập giá, thí dụ như: ơn trở thành công chính, ơn cứu chuộc, sự bình an hòa giải (Rm 3,24; Cl 1,20).

Các giáo phụ và các nhà thần học thời Trung cổ đã đặt câu hỏi về ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu đối với chúng ta: tại sao Tân ước lại quả quyết Đức Kitô chết vì chúng ta? Làm thế nào mà cái chết của Đức Kitô trên Thập giá có sức mang lại ơn cứu độ cho chúng ta? Đây là vấn đề mà trong quá khứ quen được bàn trong thiên về công hiệu cứu chuộc của Thập giá, nhưng gần đây đã bị xét lại vì muốn tìm lối giải thích hợp với tư tưởng Kinh Thánh hơn. Để trả lời cho câu hỏi về mối liên hệ giữa cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá với ơn cứu chuộc ban cho nhân loại, các giáo phụ và các thần học đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau, tóm lược vào 3 khuynh hướng chính: mẫu gương, giá chuộc, hy lễ.

1/ Dựa trên đoạn văn Phúc âm thánh Gioan 19,37 (Họ sẽ nhìn thấy kẻ họ đâm thâu), các giáo phụ tiên khởi cho rằng Thập giá là mặc khải của Thiên Chúa, giống như ánh sáng chiếu tỏa ra giữa đêm tối. Vài giáo phụ khác, khi chú giải đoạn văn 1Pr 2,21 (Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một mẫu gương cho anh em dõi bước theo Ngài), đã nêu bật giá trị của Thập giá ở chỗ nó là bài học, tấm gương và chứng tá. Dù sao chúng ta cũng đừng nên quên rằng từ thánh Irênê, các giáo phụ đã coi sự cứu độ được ban cho nhân loại không phải chỉ nguyên từ Thập giá nhưng mà ngay từ lúc Đức Kitô nhập thể, khi Thiên Chúa kết hợp với nhân tính để chữa trị và thánh hóa nó. Nói khác đi, toàn thể cuộc đời Đức Kitô (từ khi nhập thể, giáng trần, trong thời ẩn dật ở Nadarét lẫn những lời nói việc làm trong khi hoạt động công khai) đều trở nên mầu nhiệm cứu độ. 2/ Một số giáo phụ giải thích ơn cứu độ do Thập giá mang lại theo chiều hướng chuộc lại, nghĩa là giải thoát con người khỏi quyền lực tội lỗi. Thập giá là nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa Đức Giêsu với các lực lượng của sự dữ và sự chết. Trước đây, trong vường địa đàng, vì một cây mà con người bị làm nô lệ cho ma quỷ; giờ đây, nhờ cây Thập giá, Thiên Chúa qua Đức Giêsu đã đến trợ giúp con người trong cuộc giao tranh và chiến thắng. Thực ra, tư tưởng chuộc lại đã gặp thấy trong Tân ước, thí dụ như thánh Phaolô ví Thiên Chúa như một ân nhân đã bỏ một số tiền ra để chuộc một nô lệ. Tân ước dùng hình ảnh đó để mô tả việc con người được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của lề luật cũ, của cái chết và tội lỗi nhờ cái chết của Đức Giêsu (Gl 3,13; 4,4; 2Cr 5,21; Cl 2,14; một cách tương tự như vậy: Tt 2,14; 1Pr 1,18). Tuy nhiên, đó chỉ là một hình ảnh loại suy, khi mà sự dữ và cái chết được nhân cách hóa như những ông chủ đang xiềng xích con người. Tư tưởng chính mà Phaolô muốn nói là: con người được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết và được trở về sống trong ơn nghĩa Chúa. Phaolô không đề cập tới cái giá phải trả để chuộc lại. Thế nhưng về sau, các giáo phụ và các nhà thần học lại giải thích theo từ ngữ pháp lý: vì tội lỗi mà con người phải làm nô lệ của ma quỷ: cho nên Đức Kitô phải nộp mình chết thay cho con người để chuộc nó lại. Cái chết của Đức Kitô trở nên giá chuộc tội. Tuy cùng dùng một từ ngữ “chuộc lại”, nhưng ý nghĩa của nó nơi thần học kinh viện không hoàn toàn trung thực với ý nghĩa của Tân ước nữa.

3/ Một chiều hướng khác thì dựa vào tư tưởng hy lễ (hiến tế) đã được Kinh Thánh nói tới, nhất là “hy lễ xá tội” ở trong thư gửi Hy bá chương 9 và 10. Hy lễ được giải thích như là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người qua Con của mình để nhờ đó con người có thể hiến dâng cho Thiên Chúa hy lễ thiêng liêng. Việc con người hiến dâng mạng sống mình cho tha nhân thì cũng giống như việc Đức Giêsu đã hiến mình làm hy lễ vâng phục và yêu mến lên Chúa Cha vậy (Ep 5,2). Mặt khác, tác giả của thư gửi Hy bá cũng nhấn mạnh rằng Hy lễ của Đức Kitô hoàn toàn khác với các hy lễ trước đó, bởi vì giá trị của nó không phải là máu me sát tế đổ ra, nhưng là tinh thần vâng phục (Dt 5,8; 10,1). Các giáo phụ cũng không ngừng lặp đi lặp lại rằng Thiên Chúa không cần tới hy lễ; nếu Chúa muốn hy lễ thì chỉ vì loài người mà thôi. Đó là đạo lý của các giáo phụ được thánh Augustinô diễn ra trong De Civitate Dei X, 5-20. Tiếc rằng kể từ thánh Anselmô, hy lễ xá tội được giải thích hoàn toàn theo phạm trù triết học và pháp lý, hơn là dựa trên đạo lý của toàn bộ Kinh Thánh. Theo lập luận này, Thiên Chúa nhân hậu muốn tha tội cho con người, nhưng đồng thời cũng cần phải tôn trọng sự công bằng nữa. Tội lỗi đã gây ra xáo trộn trật tự, làm xúc phạm đến Thiên Chúa công thẳng vô cùng; vì thế mà cần phải có Con Thiên Chúa mới có khả năng dâng lên hy lễ chính mạng sống mình (có giá trị vô cùng) thì mới có thể khôi phục lại trật tự. Từ đó, Thập giá được giải thích theo chiều hướng là hy lễ sát tế đền bồi, công thẳng của Chúa (Đức Kitô đền tội thay cho chúng ta, hứng lấy tất cả những hình phạt chúng ta đáng phải chịu: substitutio, expiatio); còn chiều kích tình yêu trao hiến, vâng phục không được nêu bật.

Có lẽ khuyết điểm lớn của thần học trong quá khứ là khi sử dụng các từ ngữ của Kinh Thánh, họ đã giải thích các từ ngữ ấy theo triết lý hay pháp luật mà bỏ qua toàn thể bối cảnh của mặc khải. Thực vậy, Kinh Thánh nói tới sự “công bằng” của Thiên Chúa, hạch sách cho tới đồng xu cuối cùng. Ngay từ Cựu ước, sự “công bằng” của Thiên Chúa ám chỉ việc Ngài giữ lời hứa, lòng trung tín đối với giao ước. Tuy rằng Israel có thất trung, nhưng Thiên Chúa không rút lời. Tư tưởng đó được nối dài qua Tân ước, nơi mà Thiên Chúa bày tỏ sự công bằng qua việc duy trì lời hứa: chính Ngài không ngừng yêu thương nhân loại cho dù tội lỗi của loài người gây ra bao nhiêu rối loạn. Ngài đứng ra khởi xướng cuộc giao hoà với nhân loại nhờ Đức Kitô. Như thế, chúng ta đừng hiểu sự “công bằng” của Thiên Chúa như là “công thẳng”, nhưng phải nói là sự “trung tín” thì mới đúng. Một cách tương tự như vậy, các từ ngữ đọc thấy trong Kinh Thánh như là “công trạng”, “chuộc lại”, “hy lễ”, “làm nguôi lòng” cần phải hiểu theo nghĩa loại suy (như thánh Tôma Aquinô đã nhắc nhở nhiều lần: ST III, q.47,3; q.48,1-5), và nhất là cần được đi kèm theo với những từ ngữ khác biểu lộ ơn cứu độ: “trao ban, hoà giải, bình an, ban sự sống”,.v.v…

Như thế, để trả lời thoả đáng cho câu hỏi: “tại sao ơn cứu độ thế gian được thông ban qua cái chết của Đức Giêsu?”, chúng ta cần phải xây dựng theo lời giảng đầu tiên của thánh Phêrô để nói rằng: “tại vì tội lỗi và vũ lực của con người đã khai trừ Đức Giêsu, người công chính tuyệt đối”. Cái chết của Đức Giêsu là do con người đã gây ra; còn sự sống thì xuất phát từ Thiên Chúa khi cho Đức Kitô sống lại (x. Cv 2,23-24). Thiên Chúa luôn luôn trung tín với lời hứa ban ơn cứu độ bất chấp sự phá hoại của con người. Nói khác đi, xem ra trước đây, thần học nhìn từ đất lên trời chú ý tới giá trị công nghiệp đền tội của Đức Giêsu dâng lên Thiên Chúa; còn ngày nay, người ta muốn nhìn từ trời xuống đất để ý tới tình thương của Chúa Cha tỏ ra cho nhân loại khi ban chính con của mình cho nhân loại. Một cách tương tự như thế, Thập giá được nhìn như biểu hiệu tình yêu của Đức Kitô trao ban mình cho các bằng hữu. Dù sao, thiết tưởng cả hai chiều hướng đi lên hoặc đi xuống (hoặc nói theo kiểu thánh Tôma: đi ra đi về, exitus-reditus, con người từ Chúa đi ra và lại trở về với Chúa) cũng cần được bổ túc cho nhau.

Dù nói thế nào đi nữa, chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của trí óc chúng ta khi đứng trước thập giá: mãi mãi Thập giá vẫn là một mầu nhiệm, đồng thời cũng là sự điên rồ phi lý theo kiểu tính toán của con người. II. Thần học cận đại về Thập giá

Từ thời các giáo phụ, vấn đề chính của thần học về Thập giá là tìm hiểu mối liên hệ giữa cái chết trên Thập giá của Đức Kitô với hồng ân cứu độ ban cho loài người. Nói khác đi, Thập giá được bàn tới trong nhãn giới của mầu nhiệm cứu chuộc.

Thần học cận đại có một nhãn giới khác về vấn đề này. Bắt nguồn từ vấn nạn của Luther về mặc khải của Thiên Chúa nơi Thập giá, các nhà thần học Tin lành cận đại nói tới sự đau khổ của Thiên Chúa trên Thập giá, và từ đó xét lại vấn đề ý nghĩa sự đau khổ của con người. Sau cùng cũng cần nói thêm đôi chút về thần học Thập giá theo Thượng Hội đồng Giám mục thế giới họp năm 1985.

1. Sự đau khổ của Thiên Chúa

Trong khi thần học Công giáo cổ điển bàn tới Thập giá trong nhãn giới của ơn cứu chuộc, thì Luther nói tới Thập giá dưới khía cạnh mặc khải: làm sao con người có thể biết được Thiên Chúa? Luther phân biệt giữa 2 cách biết Thiên Chúa: một đàng là biết nhờ suy luận các hữu thể thụ tạo, được mệnh danh là theologia gloriae, Thiên Chúa được quan niệm như Đấng chủ tế trọn tốt trọn lành. Thế nhưng, Luther cho rằng đó không phải là khuôn mặt thực của Thiên Chúa mà chỉ là một hình tượng do con người đã tạo ra. Luther chủ trương rằng cách thức để nhận khuôn mặt thật của Thiên Chúa là con đường Thập giá (theologia crucis), nơi mà Thiên Chúa tỏ ra ý định của Ngài đối với nhân loại. Ngài không phải là một hữu thể toàn hảo bất biến, nhưng là một Đấng rất xa với tội lỗi và đau khổ của con người, đã bày tỏ tình yêu với con người cách hùng hồn nơi Thập giá của Đức Giêsu. Tiếp theo Luther, Thần học về Thập giá về phía Tin lành mang một hướng đi độc đáo: nó không những chỉ muốn đào sâu giá trị của ơn cứu chuộc được ban từ Thập giá, nhưng nó cũng trình bày toàn thể thần học về bản tính của Thiên Chúa được mặc khải nơi Thập giá. Vào thế kỷ 20 này, vấn đề được phát biểu một cách bạo dạn như sau: ai chịu khổ và chịu chết trên Thập giá? Phải chăng chỉ có Đức Kitô chịu khổ hình chịu chết? Có thể nói rằng Chúa Cha chịu đau khổ hay không? Có thể nói rằng Thiên Chúa chịu chết hay không? Nên biết rằng đây không phải là những câu hỏi ngớ ngẩn, gợi lên để nói cho vui. Một số câu hỏi này đã được đặt ra từ các trại tập trung của Đức quốc xã, khi hàng triệu người phải nếm những cảnh tra tấn tù tội, hỏa lò: họ cảm tưởng rằng Thiên Chúa đã chết trong sự thinh lặng, không ra tay can thiệp, cũng giống như cảnh tưởng Đức Giêsu bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhà thần học Tin lành Kazo Kitamori người Nhật đã viết những dòng suy tư về sự đau khổ của Thiên Chúa từ kinh nghiệm đau khổ của dân tộc vào hồi thế chiến thứ hai (Theology of the Pain of God, 1946, tái bản 1972).

Từ một câu hỏi đặt lên trong giới thần học Luther, nó trở thành một đối tượng cho một ngành của thần học gọi là staurologia (Thập giá học). Các thần học gia của Công giáo lẫn Tin lành đều tham gia vào cuộc khảo cứu những đề tài về sự mặc khải của Thiên Chúa từ Thập giá. Trước tiên, họ bàn tới sự đau khổ và sự chết nơi Đức Kitô như một chủ thể duy nhất gồm thiên tính và nhân tính (nơi Đức Kitô, thiên tính đã chia sẻ sự đau khổ của nhân tính như thế nào). Kế đó, họ đi lên mối liên hệ giữa Chúa Cha với Đức Kitô (xét vì Đức Kitô với Cha là một). Tác giả dẫn đầu cho hướng đi này là Jurgen Moltmann, với tác phẩm “Thiên Chúa bị đóng đinh trên Thập giá” (xuất bản năm 1972), mở rộng Thập giá tới toàn thể mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: “Vì yêu mà con đau khổ khi bị Cha bỏ rơi; vì yêu mà Cha khổ khi con đau đớn và chết; Thánh Thần tình yêu đã khôi phục sự sống cho người đã chết. Nơi Thập giá ta chứng kiến được sự tham dự yêu thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa”.

Cũng trong chiều hướng đó mà các nhà thần học Công giáo như Hans Urs Von Balthasar, F.X. Durwell đã trình bày toàn bộ mầu nhiệm vượt qua như là mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

2. Ý nghĩa của sự đau khổ

Đang khi mà thần học Tin lành nhìn lên Thập giá để tìm hiểu sự đau khổ của Thiên Chúa, thì thần học giải phóng nhấn mạnh tới sự đau khổ của con người. Thật ra, như chúng ta đã biết, việc gắn liền Thập giá với đau khổ không còn gì mới lạ. Văn chương tu đức đã trình bày khía cạnh này từ lâu rồi: chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô chấp nhận những đau khổ như Thập giá mà Chúa gởi đến! Tuy nhiên, thần học giải phóng tố cáo rằng một luồng tu đức như vậy sẽ tạo ra những hạng người thụ động: đứng trước các bất công xã hội, những cảnh lầm than của nhân loại, người tín hữu chỉ biết học đức kiên nhẫn chịu đựng, thay vì tìm cách cải tạo xã hội. Hơn thế nữa, nói rằng chấp nhận những đau khổ như Thập giá Chúa gởi đến thì có khác nào như nói rằng Chúa muốn cho con người phải đau khổ hay sao?

Những vấn nạn vừa nêu lên đã bắt buộc thần học cận đại xét lại một câu hỏi mà con người mọi nơi mọi thời đã đặt lên cho tất cả các tôn giáo: vì đâu mà con người phải khổ? Giới hạn vào sự liên hệ với Thập giá, ta nên biết rằng Kitô giáo tiên vàn không nhằm đề ra một lý thuyết để giải thích về nguyên nhân của sự đau khổ cho bằng trưng ra mẫu gương của một người đã cùng chia sẻ sự đau khổ: người ấy chính là Đức Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa đã nếm thử tất cả những mùi đau khổ của con người, cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là sự khắc khoải trước cái chết và cái chết đã mang ô nhục. Thiên Chúa đã lãnh lấy đau khổ không phải vì Ngài yêu thích đau khổ, nhưng là vì yêu thương con người khổ đau. Ngài không muốn phô trương kỷ lục về đau khổ cho bằng muốn chia sẻ thân phận con người ngay từ khi vào đời. Chính trong sự liên đới của Đức Kitô với những đau khổ của loài người mà chúng ta tìm thấy một niềm an ủi; thực vậy, bất cứ người nào cho dù bị chìm sâu xuống bể khổ đến đâu, cũng đều có thể hướng mắt nhìn lên Thập giá. Thực ra, Đức Kitô không có thánh hóa sự đau khổ xét như là đau khổ: sự đau khổ nguyên nó là điều xấu và có thể gây ra bao nhiêu sự xấu khác (căm tức, oán hờn, trách phận, ghen tương,…). Chúng ta cũng đừng coi sự đau khổ như là giá mà Đức Kitô phải trả cho Thiên Chúa để đền tội của loài người; bởi vì như vậy là hạ giá Thiên Chúa, coi Ngài như ông chủ nợ khắc nghiệt cay cú! Hình ảnh ấy không phản ánh khuôn mặt của Thiên Chúa mà Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta. Thiết tưởng phải nói rằng không phải số lượng đau khổ chồng chất lên thân xác của Đức Kitô đã mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, cũng chẳng phải chính cái chết có sức đền tội thay cho chúng ta: nhưng là cách thức mà Đức Kitô đã lãnh nhận cái chết. Đức Kitô đã đón nhận hết tất cả những đau khổ cho tới chết với tinh thần tự do âu yếm và trao hiến thân mình. Đức Kitô đã hoán cải cái chết, từ chỗ là hoa quả của thù hận và tội lỗi để trở nên ngọn lửa của yêu thương. Chính vì đã xoay ngược ý nghĩa của cái chết như vậy mà ta có thể nói rằng Đức Kitô đã giao tranh với sự chết. Đức Kitô đã lãnh nhận cái chết trên mình và đã vật ngã nó nhờ sự sống lại; hay nói cách khác, Ngài đã tiêu diệt cái chết. Nhờ tình yêu mà Ngài thông ban cho con người, chúng ta cũng có thể chấp nhận cùng với Ngài (nghĩa là có thể hoán cải) sự đau khổ. Vì thế, đau khổ có thể có giá trị hay không là tuy theo thái độ chúng ta có chấp nhận nó cách tự do hay không, nghĩa là có biết đón nhận nó với sức mạnh của Đức Kitô (giống như Ngài và cùng với Ngài) hay không.

Dù sao, cần phải nhấn mạnh rằng Thập giá không phải là một học thuyết giải thích hay biện minh cho sự đau khổ của con người. Thập giá cho ta thấy một sự kiện là Thiên Chúa đã đến gặp gỡ sự đau khổ, với thái độ tự do của Ngài. Điều đó đã vạch ra hai bộ mặt của đau khổ: nó vừa kinh tởm vừa xinh đẹp. Nó kinh tởm bởi vì chính một kẻ công chính vô tội đã chịu khổ do dã tâm của đồng loại. Nó xinh đẹp bởi vì cách thức mà Đức Giêsu đã chấp nhận và biến đổi nó: Người đã đón nhận nó cách âu yếm và hoán cải nó thành dụng cụ yêu thương. Và Đức Kitô mời gọi các môn đệ hãy vác Thập giá đi theo Ngài với nghĩa ấy: bắt chước Chúa trong thái độ yêu mến. Đức Gioan Phaolô II đã viết dòng suy niệm về ý nghĩa sự đau khổ trong tông thư Salvifici Doloris.

3. Thần học Thập giá trong tương quan giữa Giáo hội với trần thế Trong hậu bán thế kỷ 20, thần học Công giáo có nhiều du dịch đáng kể chung quanh thần học Thập giá. Trước đó, Thập giá được nói nhiều trong các sách tu đức, đề cao việc chia sẻ những đau khổ của Chúa Giêsu qua những việc hãm mình đền tạ. Vào thập niên 50, với cuộc cải tổ phụng vụ, Thập giá dần dần biến đi nhường chỗ cho mầu nhiệm Phục sinh. Thật vậy, nếu không có sự phục sinh thì Thập giá chẳng có ý nghĩa gì hết mà chỉ dẫn tới tuyệt vọng. Trùng với thời kỳ phát triển khoa học và kinh tế tại Âu châu, các văn kiện của công đồng Vaticanô II được soạn ra dưới ánh sáng lạc quan của mầu nhiệm phục sinh đến nỗi quên đi mầu nhiệm Thập giá! Thế nhưng, đến khoảng thập niên 70, với những cuộc khủng hoảng kinh tế, với những cảnh bất công còn tái diễn trên thế giới, thần học lại quay lại với Thập giá. Sự quân bình giữa Thập giá và Phục sinh không phải lúc nào cũng dễ dàng! Vào dịp kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng Vaticanô II, khi nhận định về sứ mạng của Hội thánh trong thế giới dựa theo hiến chế “vui mừng và hy vọng” Thượng Hội đồng Giám mục khoá bất thường năm 1985 đã tuyên bố như sau:

Chúng tôi nhận thấy rằng những dấu chỉ của thời đại chúng ta có phần khác với thời đại công đồng, với những vấn đề và khắc khoải lớn hơn. Thực vậy, ngày nay khắp nơi trên thế giới chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của đói kém, đàn áp, chiến tranh, đau khổ, khủng bố và nhiều hình thức bạo lực khác. Điều này đòi hỏi một sự suy tư thần học mới và sâu xa hơn, ngõ hầu có thể giải thích những dấu chỉ này trong ánh sáng của Tin mừng. Chúng tôi thấy rằng trong nỗi khó khăn hiện tại Thiên Chúa muốn dạy chúng ta cách thấm thía hơn về giá trị, tầm quan trọng và trung tâm của Thập giá Đức Kitô. Vì thế, sự liên hệ giữa lịch sử nhân loại và lịch sử cứu rỗi cần được giải thích dưới ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua. Dĩ nhiên, thần học Thập giá không loại bỏ hoàn toàn thần học về tạo dựng và nhập thể, nhưng nó giả thiết cả hai nền tảng đó. Khi các kitô hữu nói tới Thập giá, chúng ta không muốn bị gán là bi quan yếm thế nhưng chúng ta muốn đặt mình trên thực trạng của nền hy vọng kitô giáo. Từ viễn ảnh của mầu nhiệm vượt qua, cùng với sự khẳng định mối liên kết giữa Thập giá và Phục sinh, chúng ta có thể nhận định một sự thích nghi canh tan và chính hiệu hay giả hiệu. Một đàng chúng ta không thể nào chấp nhận hoàn toàn đồng hóa với thế gian; đàng khác, chúng ta cũng không thể đóng khung Giáo hội vào cộng đồng các tín hữu: chúng ta cần phải khẳng định sự cởi mở truyền giáo của Giáo hội nhằm tới sự cứu rỗi toàn diện con người. Nhờ đó, hết mọi giá trị chân chính của con người không những được chấp nhận mà còn được bảo vệ cách cương quyết: phẩm giá nhân vị; những quyền lợi căn bản của con người; hoà bình; tự do khỏi mọi áp bức, nghèo kém và bất công. Tuy nhiên, sự cứu rỗi toàn diện đạt được khi mà những thực tại vừa nói của con người được thanh luyện và nâng cao nhờ ân sủng và sự kết hợp với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần.

Cũng nên biết là văn kiện ấy cũng lấy mầu nhiệm Thập giá làm mẫu mực cho việc hội nhập văn hóa. Nói cách khác, tiêu chuẩn của việc hội nhập văn hóa không thể chỉ dựa thuần tuý trên mầu nhiệm nhập thể, nhưng còn phải dựa cả trên mầu nhiệm Thập giá nữa: Giáo hội cần biết thu nhận các nền văn hóa nhưng đồng thời cũng cần phải biết thanh tẩy luyện lọc chúng nữa. Như thế, ta thấy một chiều kích khác nữa của thần học Thập giá, đặt trong mối tương quan giữa Giáo hội với trần thế, giữa lịch sử nhân loại với lịch sử cứu độ.

C. THÁNH GIÁ LÀ TÌNH YÊU

Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một Thập giá.

Ý muốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là đã tạo nên một thập giá. Do đó thập giá là biểu tượng của đau khổ. Người ta sợ thập giá. Đó là hình phạt sỉ nhục đau đớn nhất cho tội nhân.

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hòan toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Ngài. Những ai mang thập giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh có thể hạnh phúc ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Tình yêu như là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống trong một xác quyết: mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu đang hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến với niềm vui. Thiếu tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn chán. Đức Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân lọai. Cái chết của Người là một hiến lễ có giá trị chuộc tội, đền tội, gánh tội và Người chỉ dâng hiến lễ một lần là đủ.

Trước khi Đức Kitô bị đóng đinh đã có thập giá rồi. Người Rôma dùng thập giá để lên án tử hình cho các tội nhân. Bấy giờ ở đâu có thập giá là ở đó có sự chết. Người ta sợ hãi thập giá. Bóng thập giá là tử thần. Thập giá tới đâu là khóc than khổ đau đến đó.

Hôm nay, nơi nào có bóng thập giá là nơi ấy có dấu chân người Kitô hữu. Ba cây thập giá dựng lên chiều thứ sáu tử nạn, Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là Thánh giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Ngài đi vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên Thánh. Sự thánh ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết và là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không phải là Thánh giá. Thập giá dụng cụ giết người nhục nhã đã trở nên Thánh giá phương tiện ban sự sống mới qua tình yêu Đấng Cứu Thế.

Thánh giá là biểu tượng cho Kitô giáo. Thánh giá mang ánh sáng, nguồn chân lý đến cho các giáo huấn của Giáo hội. Thánh giá là biểu tượng cho niềm tin Kitô hữu, cho ơn cứu độ của Đức Giêsu.

Tôn vinh Thánh giá là tôn vinh chính Đức Giêsu Kitô.

Mỗi ngày người tín hữu nhìn lên Thánh giá, biểu tượng đức tin và ơn cứu độ, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa và ngợi khen Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó ta sẽ an tâm vững bước trên con đường Chúa Cứu Thế đã đi qua.

(Viết theo Thời sự thần học số 7 tháng 3/97)
 
Bàn Tiệc Thánh Thể và sứ mạng kèm theo
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
16:08 09/04/2009
Với Chúa Nhật Lễ Lá, Giáo Hội bước vào Tuần Thánh. Tam Nhật Vượt Qua là trọng tâm của đời sống đức tin ở đó Kitô hữu được mời gọi tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết trên thập giá và hướng đến niềm vui phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu. Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội hướng về Tiệc Ly nơi đó Đức Giêsu cử hành với các Tông Đồ bữa tiệc Thánh Thể đầu tiên. Chính Ngài đã truyền dậy Giáo Hội tiếp tục cử hành màu nhiệm thánh này. Trên đường tiến về Thiên quốc mà Đức Giêsu đã khai mở, Thánh Thể là lương thực không thể thiếu cho mọi Ki tô hữu.

Sứ mạng của Đức Giêsu

Đức Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian với sứ mệnh cứu chữa những người tội lỗi. Người là vị Mục Tử nhân lành đến để hiến mạng sống mình vì đàn chiên (xem Ga10,14-15). Giáo Hội với tư cách là Nhiệm Thể của Chúa Kitô luôn trung thành với sứ mạng trình bày khuân mặt vị Hôn Phu của mình cho nhân loại khắp nơi thuộc mọi thời đại. Giáo Hội nhấn mạnh đến chiều kích của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch và trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Chính vì thế, Bí Tích này không ngừng được Giáo Hội cử hành cho đến ngày Đức Giêsu trở lại thế gian trong vinh quang.

Bữa Tiệc Ly thứ Năm Tuần Thánh

Bí tích Thánh Thể được thiết lập trong bữa ăn. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu dùng bữa ăn cuối cùng với các Tông Đồ. Bữa ăn thường diễn ra trong bầu khí gia đình và cộng đoàn. Người đồng bàn có những mối liên hệ gần gũi và có chung những dự phóng. Sẽ không còn là một bữa ăn đúng nghĩa nếu không có chiều kích xã hội, cộng đoàn hay những người đồng bàn. Chia sẻ bữa ăn với ai đó đồng nghĩa với việc nói với họ rằng chúng ta không những muốn người ấy được sống mà còn muốn nói rằng họ được mời dự tiệc hay họ được nhìn nhận. Cùng nhau quây quần bên bàn tiệc với các món ăn trên đó còn mang ý nghĩa chia sẻ « sản phẩm từ ruộng đất và công lao của con người » (xem sách lễ Rôma). Điều đó giúp chúng ta cùng nhau ý thức về khả năng lãnh nhận và chia sẻ.

Trình thuật Thánh Thể và công thức truyền phép

Đức Giêsu trao ban máu thịt mình làm của ăn mang lại sự sống đời đời cho con người. Ngài muốn giới răn yêu thương, cử chỉ phục vụ qua việc rửa chân cho các môn đệ và việc trao ban chính mình Ngài phải được thực hiện ngày qua ngày: « Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy » (1Cor 11,24). Làm, ăn, uống là những hành động được lặp lại trong cuộc sống thường nhật. Chúng quy tụ con người với con người và với các loại thụ tạo. Ăn uống không đơn thuần nhằm thỏa mãn cơn đói khát mà còn bao hàm hành vi trao ban và lãnh nhận. Qua đó giúp chúng ta kiện toàn một cách viên mãn sự rộng mở tấm lòng quảng đại cho tha nhân (xem: responsabilité, partage, Eucharistie, trang 173-Anselme Sanon).

Cụm từ « bẻ bánh » (Cv 2,42) gợi nhớ một chuỗi hành động của Đức Giêsu: chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho nhấn mạnh đến khía cạnh chia sẻ trong hiệp nhất. Khía cạnh này càng phải được lặp đi lặp lại trong cuộc sống thường nhật.

Hiệp lễ và sứ mạng đi kèm

Khi cùng nhận một thân thể Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi xây dựng cộng đoàn do chính Đức Kitô quy tụ. Trong cùng một thân thể đó các chi thể có sự tương hỗ lẫn nhau. Theo đó, chúng ta được mời gọi trở nên nhạy bén trong việc chia sẻ của ăn áo mặc với những người túng thiếu. Vào ngày chung thẩm, Đức Giêsu phán xét về những điều mà chúng ta đã không làm cho tha nhân (xem Mt 25).

Cộng đồng cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng luôn nhớ đến những người vắng mặt, đặc biệt những người vì bệnh tật mà không đến tham dự được. Thánh Thể cất giữ trong Nhà Tạm là vì lý do này.

Việc ăn cùng một tấm bánh được bẻ ra tự nó đã khẳng định sứ mạng dấn thân. Cuộc đấu tranh chống lại sự xấu giúp chúng ta kết hợp với cuộc đấu tranh của Đức Giêsu, Người đã hiến mạng sống mình để đem lại sự sống đến cho nhân loại. Được quy tụ bởi cùng một bàn tiệc và chia sẻ cùng một tấm bánh, chúng ta được kêu mời cùng nhau dấn thân để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô qua từng biến cố của Ngài: sự sống, sứ mạng, sự chết, sự phục sinh, cuộc chiến đấu và chiến thắng của Người (xem: Jésus-Christ pain rompu pour un monde nouveau).

Nghi thức được sai đi hay phần kết thúc thánh lễ

Cuối thánh lễ, sau khi ban phép lành cho cộng đoàn, vị chủ tế hoặc phó tế nói: « Thánh lễ đã xong chúc anh chị em ra đi bình an ». Theo đó người tham dự được sai đi để chia sẻ và loan báo Tin mừng mà họ vừa mới cùng nhau cử hành (xem: Théo, trang 963). Chúng ta không những cần phải chia sẻ với người nghèo túng thiếu mà còn phải vừa đấu tranh chống lại bất công, vừa xây dựng nền hòa bình và tình huynh đệ theo chiều kích phổ quát (xem: l’Eucharistie, pain nouveau pour un monde rompu,trang192).
 
Học Vâng phục nơi Chúa Giêsu
Tuyết Mai
16:09 09/04/2009
Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. (Dt 4, 14-16; 5, 7-9).

Đồng ý rằng con người nhân loại của chúng ta rất yếu đuối, rất mỏng dòn, và rất dễ khuất phục trước những cám dỗ của ma quỷ giăng ra một cách thật tài tình, mà ít khi nào chúng ta không rơi vào chước cám dỗ của chúng. Để chịu cho được và lướt thắng được những cám dỗ hay những thử thách mà chúng ta phải trải qua từng ngày một trong cuộc sống ngày lại ngày nơi trần gian này, thứ nhất chúng ta vẫn phải giữ một lòng tin nơi Thiên Chúa một cách tuyệt đối; thứ hai chúng ta biết vì mình luôn yếu lòng để chìu theo thân xác hay chết này của chúng ta, thì sự Cầu Nguyện và sự muốn kết hợp với Thiên Chúa là điều tối thiết yếu và tối quan trọng; thứ ba chúng ta làm việc gì cũng nên tìm lợi ích cho linh hồn của chúng ta và những anh chị em nơi luyện ngục để chúng ta có được cuộc sống muôn đời mai sau; thứ tư điều thực tế nhất để chúng ta thấy mà bớt cảm thấy đau khổ khi biết so mình với những anh chị em khốn cùng, tật bệnh, mang những chứng bệnh triền miên đau khổ như nan y và bệnh phong cùi, mà chúng ta tưởng chừng như cuộc sống của họ trên trần gian này là một sự đầy đọa, nhưng nếu chúng ta hiểu và biết được những anh chị em này họ có được một đức tin vững mạnh nơi Thiên Chúa như thế nào để lê được và chịu đựng được những bước chân mỏi mòn thân tàn ma dại của họ, cố gắng sống vươn lên như một thân cây leo oằn ẹo yếu đuối, xem như luôn phải bám vào một thân cây vững chắc để mà sống, nhưng thật ra chính những dây leo này đã làm những thân cây thêm chắc chắn hơn!? Vâng, chúng ta thử suy nghĩ mà xem, những dây leo này chúng chắc lắm! Mưa gió bão bùng, chúng cứ bám chặt vào thân cây tùng kia thì chúng chẳng bao giờ bị tróc và gẫy được cả! Nhưng xem kìa, chỉ một trận gió lớn nổi lên thì thân cây tùng chắc chắn vững vàng đến dường nào, cao sừng sững lại bổ nhào trước nhất. Trong khi thân phận cây leo lại chẳng hề hấn gì, lại nhàn nhã mà bò tìm thân cây tùng khác để leo lên, để quấn thật chặt và tiếp tục cuộc sống của nó.

Thưa anh chị em sở dĩ tôi có hơi vòng vo là để chúng ta có dịp mà so sánh con người bình thường của chúng ta với những anh chị em tật bệnh, những anh chị em mang chứng bệnh trầm kha nhưng đã không chết ngay được, mà còn phải chịu đựng lâu dài như bệnh ung thư, bệnh tiểu đường, bệnh suy thận, suy gan, AIDS,. .... Nếu so sánh bằng con mắt thịt thì chúng ta quả có cười chê rằng họ là con người bệnh tật, nhưng tôi nghĩ Thiên Chúa rất công bằng với chúng ta. Ngài thương ban cho những anh chị em tật bệnh này sự bền bỉ và sức chịu đựng của họ thì vô cùng lắm! Can đảm và anh hùng lắm! Rất ít thấy họ rên rỉ, ỉ ôi, than khóc, kể lể, hay vì họ đã sống qua thời gian đó rồi và rồi chẳng thấy khá hơn, đời chẳng bớt khổ hơn, an ủi hơn, nên đành an phận và tập vươn lên để thấy đời còn đẹp và dễ thương hơn, điều này thì tôi phải dám chắc là vậy!. Có phải chúng ta thường được chứng kiến tận mắt những con người bất hạnh này tuy thân xác của họ yếu đuối luôn đau bệnh nhưng tinh thần của họ thì rất là mạnh mẽ và can trường hay không? Dầu ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa, họ cũng vẫn sinh tồn, và vẫn mưu sinh, vẫn tìm được nguồn vui trong cuộc sống, mà ngày nào thì họ cũng phải đối diện những cơn đau bệnh hay khổ sở của ngày nấy! Chưa kể sự khó khăn khi không có đủ tiền để nuôi bao miệng ăn. Nhưng rồi có phải họ đã làm cho chúng ta thật ngạc nhiên là sao họ vẫn gánh vác được, vẫn sống, vẫn tươi vui, vẫn có gia đình, và vẫn cứ sanh nở, vẫn bình an, thì ai. ... ai vẫn giúp họ sống như thế mỗi ngày!? Họ sống nhờ chúng ta ư!? Khi chúng ta chỉ biết sống độc lập ích kỷ cho chính bản thân chúng ta và gia đình của chúng ta mà thôi!.

Còn chúng ta đây thì sao khi Chúa ban cho chúng ta có được thân thể thật bình thường khoẻ mạnh!? Chưa kể có những người chuyên cần tập thể dục hay tập tạ, nhìn họ chúng ta cứ tưởng rằng thân thể của họ cứng như thép như đá, nhưng ngược lại tinh thần của họ thì lại rất yếu đuối và rất thiếu tự tin. Đụng chuyện thì những con người to lớn này, họ rất là dễ ngã, rất dễ buông xuôi, dễ thất đảm, dễ lo sợ, dễ biến sinh, và dễ trở thành người điên. Và tinh thần của chúng ta cũng không khác mấy với những anh chị em này!?

Để cái chết của Chúa trong tuần thánh này không bị chúng ta bỏ quên và sao nhãng, hay cái chết của Chúa Giêsu được nên Ý Nghĩa cao trọng là cứu chuộc cho toàn thể nhân loại mà tất cả là con cái của Chúa. Ngài là tấm gương sáng ngời, giúp chúng ta noi theo để sống một cuộc đời thật tốt lành, thật bác ái, thật yêu thương, đầy thánh thiện, và thật ý nghĩa mà sự Vâng Phục thánh ý của Đức Chúa Cha là tuyệt đối trong mọi sự đau khổ chúng ta cố gắng chịu đựng, để trở thành của lễ hiến dâng cuộc đời của chúng ta cho Chúa, như Chúa Giêsu đã phải chịu vì tội lỗi con người của chúng ta. Vì "chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi".

Nguyện xin với Chúa Giêsu ban cho tất cả chúng ta biết sống mỗi ngày không chỉ trong những ngày chay thánh, sẻ trở nên hữu dụng và hữu ích hơn cho chính chúng ta và cho anh chị em trước Nhan Thánh Chúa, vì Nước Trời sẽ không vui nếu chỉ có mình ta!? Để mọi lời nói, hành động, và việc làm của chúng ta đều mang lại cho chúng ta hạnh phúc muôn đời, dù thân phận chúng ta có là cây tùng hay là loại dây leo; cả hai luôn quấn quít với nhau trong tình tương thân tương ái, luôn hỗ tương cho nhau. Amen.
 
Thông Điệp Phục Sinh
Jos. Tú Nạc, NMS
16:11 09/04/2009
Theo một cuộc khảo sát trực tuyến mới đây ở Anh, Chỉ 22% người dân có thể nhận dạng Lễ Phục sinh như là ngày kỷ niệm của người Ki-tô giáo về sự phục sinh của Chúa Giêsu Ki-tô.

Đó là con số làm chúng ta phải giật mình, và thậm chí bao gồm nguyên nhân hoặc động cơ phương pháp luận không khoa học mà nó tạo ra việc khảo sát mạng quốc tế một vấn đề nghi ngờ, sự tìm kiếm này gợi lên những câu hỏi phức tạp, phiền toái.

Hàng triệu người Thiên Chúa giáo trải khắp thế giới sẽ chật ních trong những giáo đường vào thời gian diễn ra Tuần Thánh để kỷ niệm ngày mừng Lễ Phục sinh. Nhưng tất cả đều sẽ được vui mừng ngày phục sinh của Chúa chúng ta và là Chúa Giêsu Ki-tô Đấng Cứu độ không?

Phải chăng Lễ Phục sinh đối với nhiều người Thiên Chúa giáo sẽ trở nên một ngày nguyên thủy, một ngày kỷ niệm của gia đình, thân hữu và sự hiện hữu của mùa xuân mà bao gồm một cuộc viếng thăm bắt buộc tới ngôi giáo đường chật như nêm cối để đưa lời tạ ơn Thiên Chúa thiếu sự nhận thức và suy ngẫm sâu xa điều khoản tuyệt đối của đức tin: Người chịu đóng đinh tay, chân trên Thập giá vì chúng ta dưới thời Pontius Pilate, chịu đau khổ và được mai táng; và ngày thứ Ba Người sống lại?

Chúng ta cầu nguyện đó không phải là tình thế, mà có một lý do ràng buộc.

Vì thế giới này càng trở nên thế tục hơn, tín đồ Thiên Chúa giáo hình như càng trở nên ít hơn.

Một cuộc bỏ phiếu thăm dò Gallup của 3,022 người kéo dài trên ba năm qua ở Hoa Kỳ đã công bố vào cuối tháng Ba tiết lộ rằng, ngay cả những người Công giáo đang hàng ngày lui tới nhà thờ, có sự bác bỏ công khai những điều giáo huấn của Vatican về nhiều vấn đề đạo đức, bao gồm phá thai, quan hệ tình dục trước hôn nhân, quan hệ đồng tính luyến ái, nghiên cứu tế bào gốc, ly hôn, hôn nhân và lâm tử bất chính.

Để tìm thấy một vài nổi cộm thì không gì đáng ngạc nhiên. Nhưng việc nghiên cứu này đã chỉ ra một sự chối bỏ kỳ lạ bởi giáo hội Công giáo Hoa Kỳ đưa ra nhiều hình thức giảng dạy học thuyết tôn giáo.

Về việc phá thai, 24% người Thiên Chúa giáo hiện nay thấy rằng có thể chấp nhận là ảnh hưởng đến đạo đức, tăng 40% khi tất cả người Công giáo được rửa tội đã được thống kê. Trong số những người thường đi nhà thờ, đa số ủng hộ ly hôn (63%), nghiên cứu tế bào gốc (53%), quan hệ tình dục trước hôn nhân (52%) và sự trừng phạt nghiêm trọng nhất (52%). Ngoài ra còn có sự chấp thuận hành vi đạo đức rộng rãi thuộc tư cách cha mẹ ngoài hôn nhân (48%) và quan hệ đồng tính luyến ái (44%).

Một kết luận tổng hợp đây là điều mà sự thống trị của chủ nghĩa thế tục có tính thuyết phục cao hơn việc giáo huấn của Giáo hội Công giáo. Và đó là giá trị suy ngẫm vào ngày Lễ Phục sinh. Ngày càng nhiều, những ngày lễ thế tục giống như một vật cản âm thầm phá vỡ nghi lễ tôn kính cuộc tử nạn của Chúa Ki-tô và lễ kỷ niệm mừng vui sự phục sinh của Người. Hẳn nhiều người căng thẳng khi nghe thông điệp này.

Tuy nhiên, thông điệp đó là tất cả những gì xoay quanh chúng ta. Nó là một bằng chứng hiển nhiên trong những tái tim và khuôn mặt của hàng trăm người bắt đầu theo đạo Công giáo, sau khi hoàn thành đầy đủ các Nghi thức Gia nhập Ki-tô giáo của Những Người Trưởng thành lần đầu tiên vào cuối tuần Phục sinh. Những tháng cuối cùng am hiểu, họ sẽ đến dự Lễ Phục sinh để tuyên xưng những điều khoản tuyệt đối về Đức tin Công giáo: con tin.

Lễ Phục sinh của chúng ta kêu gọi là để ngăn cản những ồn ào, náo nhiệt để chúng ta có thể nghe thông điệp của niềm tin, sự cứu rỗi và hy vọng cùng chiêm nghiệm một Lễ Phục sinh hạnh phúc đích thực, chân thành.

(The Catholic Register)
 
Bộ mặt của Thánh giá
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
16:12 09/04/2009

Bộ mặt của Thánh gía



Trong thánh đường, nơi nhà tư và cả trên mình thân thể, cũng đều có cây Thánh gía treo. Thánh gía là dấu hiệu, hay theo ngôn ngữ thời đại ngày hôm nay là Logo của đạo Công giáo, treo ở khắp nơi chỗ tôn kính phượng thờ.

Trên Thánh gía Chúa Giêsu bị treo đóng đinh trên đó. Nhìn lên Thánh gía chúng ta đọc thấy sứ điệp sự đau khổ, sự sợ hãi hoài nghi cùng sự chết của Chúa Giêsu khi xưa cách đây hơn hai ngàn năm trên đồi Núi Sọ ở ngoại ô thành Giêrusalem.

Ngày nay khi nhìn lên Thánh gía Chúa Giêsu, dấu hiệu đức tin của người Công giáo, chúng ta không chỉ nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu, nhưng còn nhìn ra bộ mặt cây Thánh gía trong đời sống con người nữa.

Những bộ mặt cây thánh gía của một người bị mắc chứng bệnh nan y chữa chạy; của một người bỗng tự nhiên qua đời khi tuổi đời còn đang trẻ trung đầy sức sống; của những người sống trong lo âu vì mất việc làm; của những người đau đớn phập phồng lo lắng vì làm ăn thất bại lỗ lã; của gia đình bị đổ vỡ tan hoang ly dị…và còn nhiều trường hợp đen tối khác nữa.

Trước bộ mặt thánh gía giăng ngang lối cuộc đời như thế, chúng ta hoặc im lặng cúi đầu suy nghĩ, hoặc ngước nhìn Thánh gía Chúa Giêsu với tâm tình cầu nguyện khấn xin.

Cúi đầu lặng thinh suy nghĩ không phải là cách sống tiêu cực, nhưng là nhìn nhận sự thật giới hạn đời sống con người. Vì xưa nay nào ai là con người trong đời sống mình đã thoát khỏi thánh gía được đâu. Đời sống con người không là thánh gía, nhưng đời sống và thánh gía như luôn gắn liền nhau. Bộ mặt thánh gía cuộc sống không nhận chìm đời sống xuống vực thẳm. Nhưng qua đó con người được giáo dục đào tạo trở nên trưởng thành vững chắc là người hơn.

Nhìn lên cây thánh gía Chúa Giêsu cũng không phải là thụ động hay chỉ biết đến điều đen tối tiêu cực. Nhưng là học cung cách sống lòng hy sinh chịu đựng để vượt qua thánh gía đau khổ của chính mình.

Thánh gía Chúa Giêsu đặt ra những suy nghĩ về lòng tin tưởng, về niềm hy vọng trong thử thách, nhất là về đức tin vào Thiên Chúa.

Chúa Giêsu khi bị đóng đinh treo trên thánh gía, ngài cũng sống trong sợ hãi, hoài nghi, cũng kêu lớn tiếng than thở cùng Đức Chúa Cha. Chúa Giêsu đã tin tưởng phó thác trong giờ phút đen tối nhất đời sống của mình trong bàn tay Thiên Chúa.

Bản tường thuật sự thương khó của Chúa Giêsu ngày thứ sáu Tuần Thánh về thánh gía không là trạm cuối cùng của đời sống con người. Sau thánh gía ngày thứ sáu tuần thánh, ngày Chúa nhật phục sinh Chúa sống lại tràn đầy ánh sáng đến liền sau đó.

Ánh sáng mặt trời phục sinh chiếu tỏa từ đàng sau cây thánh gía. Ánh sáng mặt trời phục sinh không bài trừ xóa tan hình bóng cây thánh gía. Nhưng mang đến hơi nóng niềm hy vọng: sự sống vẫn tiếp tục, cho dù đời sống có vấp phải nhiều chông gai, phải hy sinh lần đi từng bước trong khó khăn đau khổ.

Trong dân gian có câu ngạn ngữ: “Sau cơn mưa trời lại sáng!”. Câu ngạn ngữ này giúp tinh thần ta vực dậy nuôi niềm hy vọng, cùng can đảm vươn lên sau bức màn mưa mù ẩm ướt đen tối che khuất tầm nhìn con mắt thể xác cũng như tinh thần.

Thứ sáu Tuần Thánh 2009
 
Người đã yêu thương họ đến cùng
LM. PM. Tu & Jos Trương Đình Hiền
16:18 09/04/2009
THỨ NĂM TUẦN THÁNH:

Người đã yêu thương họ đến cùng

Dẫn nhập đầu lễ : Kính thưa. ..

Chiều hôm nay, Thứ năm Tuần Thánh, Khai mạc Tam Nhật Vượt Qua, một thời gian đặc biệt và cao cả nhất trong Nam Phụng vụ, cộng đoàn chúng ta họp nhau trong một bầu khí thân thương và trìu mến. Bởi vì, với Thánh lễ Chiều hôm nay, chúng ta sống lại Bữa Tiệc Vượt Qua cách nay gần 2000 năm, giữa Chúa Giê-su và các môn sinh của Người. Quả thật, với cử hành chiều hôm nay, những gì Đức Ki-tô đã làm sẽ lần lượt được hiện thực: một lần nữa Ngài hiện diện qua Lời yêu thương của Ngài tâm sự với chúng ta; Ngài hiện diện như một người phục vụ yêu thương và khiêm tốn khi cúi xuống rửa chân cho loài người chúng ta và khi nhắn gởi chúng ta giới luật yêu thương; Ngài hiện diện qua Hình Bánh-Rượu sẽ trở nên Máu Thịt nuôi dưỡng chúng ta, và liên kết chúng ta nên một thân thể với Ngài khi thiết lập BTTT; Ngài hiện diện như người linh mục đời đời được tiếp tục nơi các thừa tác viên thánh chức khi ngài thiết lập bí tích truyền chức thánh.

Giờ đây, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh, xứng đáng làm lại lời trăn trối ngày nào của Đức Ki-tô: “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”, chúng ta cùng thú nhận tội lỗi.

Giảng Lời Chúa

Buổi chiều hôm nay chúng ta hội họp nhau đây để cử hành Giờ của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu sống những giờ phút cuối cùng của Người ở trần gian nầy. Người sẽ làm cho chúng ta những việc mà từ ngày sinh ra Người đã để dành cho đến hôm nay. Đây là những việc thâm thúy và quan trọng nhất trong cuộc đời trần gian của Người, mà theo ngôn ngữ thi ca của nhà thơ Trăng Thập tự trong bài thơ “Đáp Lễ”, đó chính là “giờ Đức Kitô đập bể bình dầu thơm cuộc đời Ngài để ướp thơm cho toàn thế giới:

Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn

Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.

Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí

Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn.


Người đến trần gian để mang tình yêu của Chúa Cha đến cho loài người. Suốt đời, Chúa Giêsu đã tỏ nhiều thái độ, làm nhiều hành vi nói nhiều lời an ủi để bày tỏ tình thương của Người. Nhưng việc làm của chiều hôm nay như đóng ấn trên toàn bộ công việc của Người, là tột đỉnh của tình yêu thương của Người. Người tỏ ra hết tình hết nghĩa với loài người: "Đức Giêsu đã yêu thương những kẻ thuộc về Người còn ở trần gian nầy, Người đã yêu thương họ cho đến cùng.” Chính vì hành vi "yêu thương cho đến cùng" nầy đã làm cho Thánh lễ hôm nay mang một sắc thái đặc biệt, Thánh lễ mẹ của mọi thánh lễ.

Qua những chỉ dẫn của Phụng vụ, nhất là các bài đọc Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra “hành vi yêu thương cho đến cùng” của Đức Kitô sẽ gồm 3 việc nầy: -Rửa chân cho các môn đệ và ban Điều răn mới.-Thiết lập BTTT -Trao ban tác vụ Linh mục.

Rửa chân:

Mặc dù Tin Mừng theo thánh Gioan mang sắc thái nổi bật là một Tin Mừng về Thánh Thể, nhưng vẫn không đưa ra một trình thuật minh nhiên nào về việc thành lập Bi Tích Thánh Thể. Nhiều học giả Kinh Thánh xem trình thuật về việc rửa chân trong bối cảnh của Bửa Tiệc Ly là một trình thuật tuyệt vời về Thánh Thể. Đó là chìa khoá không thể thiếu để nhận thức sâu xa cả về Thánh Thể lẫn thiên chức linh mục.

Đang chủ sự bàn tiệc, Đức Giêsu đã làm cho môn đệ sửng sốt: Người đứng lên,cởi áo ngoài ra, thắt lưng lại, bưng chậu nước, rửa chân cho họ. Một việc kỳ dị, lạ lùng, khó hiểu. Người tự do, hàng con cái trong nhà, không bao giờ làm như vậy. Chỉ có người nô lệ - mà là nô lệ ngoại quốc-khi chủ truyền bảo làm,thì mới làm việc ấy. Nay Đức Giêsu là Thầy, là Chúa các môn đệ, đích thân làm việc nầy: «quì xuống, rửa chân».

Gioan, người môn đệ được Chúa yêu mến và người bạn trung thành của Phê-rô, đã cho thấy rõ rằng Phê-rô phải khó khăn biết bao để cho phép mình đi vào trong trung tâm của mầu nhiệm Đức Kitô nơi hành vi rửa chân nầy: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?”. Dĩ nhiên, nghi lễ này chẳng có ý nghĩa gì đối với bất cứ ai không thể đón nhận nó như luật nền tảng của đời sống Kitô hữu và nhất là của sứ vụ tông đồ nơi người linh mục: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ không được đồng bàn với Thầy” (Ga 13,7-8). Phê-rô chỉ đầu hàng khi nhận được “tối hậu thư” đó, cho dù lúc đó có thể ông chưa nhận ra tầm mức đầy đủ ý nghĩa của lời Thầy Chí Thánh đối với mình, nhưng sau đó vài chục năm, khi bị đóng đinh ngược đầu trên đồi Vatican chắc chắn ông sẽ cảm nhận tất cả những lời Thầy đã nói hôm nay.

Chúng ta biết Chúa yêu thương loài người. Chúa muốn nhắc loài người lên đồng phận, chia xẻ sự sống và hạnh phúc đời đời với Chúa. Để hiện thực điều nầy, Ngài đã tự hạ và hạ mình xuống phận tôi đòi-nô lệ:

- «Ngài thắt lưng»: Một anh vi của người tôi tớ. Đấng cao cả siêu việt giờ đây đang quì dưới chân các môn đệ.

- «Đức Giêsu chổi dậy, cởi áo ra». Hành vi diễn tả một sự lột xác, xóa bỏ thân mình, để trở nên người tôi tớ, khom lưng làm công việc của một người nô lệ ngoại quốc – bởi vì một nô lệ Do Thái cũng không buột rửa chân cho chủ mình.

Như vậy, hành vi rửa chân là biểu tượng của việc Ngài sắp hư vô bản thân mình trên Thập Giá. Hình ảnh Đức Giêsu bưng chậu nước, quì dưới chân các môn đệ là hình ảnh một Thiên Chúa cao sang nhưng «không nghĩ phải dành cho được địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa….song đã hũy mình ra không tức là lĩnh lấy phận tôi đòi.. » (Phi.2,5-7).

Linh mục thi sĩ Trăng Thập tự đã vẽ lại chân dung “tự hạ, khó nghèo đó qua những lời thơ:

kẻ trôi sông lạc chợ,

Kẻ sinh ra cuối phố đầu đường,

Ngày không nhà, đêm ngủ dưới sương,

Suốt đời chẳng một đồng xu dính túi,

Đến trần gian và ra đi trần trụi. (Bài thơ “Đáp Lễ”)


Chưa hết.Tình yêu của Chúa còn muốn chấp nhận cả những cái ít giá trị, nếu không muốn nói là xấu xa, hèn hạ nơi con người, mà biểu tượng là đôi chân đi đất. Chúa đến, Chúa rửa, Chúa lau. Điều đó nói lên rằng không những Chúa yêu mặt, yêu thân con người, mà Chúa còn yêu cả đôi chân của họ. Chúa yêu con người ngay trong cảnh khốn cùng của con người. «Ngài yêu thương họ đến cùng » để họ-con người-được ngồi ngang hàng với Chúa, và được nghe lời âu yếm của Chúa: «Các con gọi Ta là Thầy là Chúa-thật đúng như vậy ».Nhưng từ nay các con là bạn hữu của Thầy. Thầy san sẻ cho các con hết những gì Thầy có. Thánh Phaolô đã viết: «Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, làm sao giàu có như Ngài, mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khó, ngõ hầu anh em được nên giàu có, nhờ sự nghèo khó của Ngài » (2Cor.8,9). Tình yêu nào mà chẳng mang đặc tính khó nghèo, khiêm hạ, và lệ thuộc.

Sau cùng, có một ghĩa cử yêu thương thâm thúy khác trong “dấu chỉ Rửa Chân” mà chúng ta không thể bỏ qua: Đức Giêsu đã không khai trừ Giuđa khỏi hồng ân của tình yêu phục vụ. Đành rằng Giuđa là một người dơ bẩn: «Không phải tất cả các con đều sạch cả đâu ». Có thể việc rửa chân không mang lại lợi ích nào cho cá nhân Giuđa. Nhưng dù vậy, việc nhắc đến Giuđa trong việc rửa chân của Chúa Giêsu, làm nổi bậc lên một ý nghĩa sâu xa, đó là Đức Chúa Giêsu hạ mình ngay cả trước kẻ phản bội Ngài. Cử chỉ đó cho thấy Đức Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng. Ngài yêu cả kẻ phản bội Ngài, kẻ đã chà đạp trên tình yêu –nghĩa sư phụ-tình bạn bè.Ngài không xua đuổi, Ngài không loại trừ. Ngài đã yêu thương họ cho đến cùng. Đến cùng của bản thân Chúa, không còn có thể làm gì hơn được nữa. Đến cùng của các môn đệ. Dù các ông có phản bội, Người vẫn yêu thương. Dù các ông có chối bỏ Người, Người vẫn yêu thương. Dù các ông có bỏ rơi Người, Người vẫn cứ yêu thương.

Thánh Thể:

Chắc chắn chúng ta không thể suy niệm nhiều về mầu nhiệm Thánh Thể. Chính Hội Thánh cũng biết như thế, nên khuyên ta dành thời giờ chầu sau Thánh lễ hôm nay, để suy niệm thêm về ơn Thánh Thể mà Chúa thông ban cho chúng ta. Cũng thế, sau các tuần lễ Phục Sinh, Hội Thánh sẽ cử hành Lễ Thánh Thể một cách long trọng đặc biệt để bù đắp cho sự thiếu sót nếu có trong thánh lễ tiệc Ly chiều hôm nay.

Qua câu kết trong bài đọc II “mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.”, Phụng vụ chiều nay muốn cho chúng ta nhìn vào mầu nhiệm Thánh Thể như lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chọn khung cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái để thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Hôm nay Chúa Giêsu cử hành lễ Vượt Qua thật sự khi chấp nhận từ bỏ đời nầy, từ bỏ mạng sống, từ bỏ thân thể hửu hình để vượt qua mọi biên giới trần gian mà vế cùng Chúa Cha. Bàn Tiệc Thánh Thể đượm màu Tiệc Ly. Ngài uống chén rựơu nho lần cuối cùng ở đời nầy để về trời trước, chờ đợi môn đệ mình đến sau. Chúa Giêsu biết rõ con đường Thánh Giá đang chờ đợi Người. Người cầm chén rượu, nhưng đã biến nó thành chén Máu người. Nên cuộc Vượt qua-Lễ Thánh Thể là một cuộc đau thương, một lễ Tử hình: “Máu đổ ra vì anh em”. «Nầy là Mình Thầy, bị nộp vì anh em ». Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mai đây với cây Thập Giá đã hiện diện đầy đủ trong bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay. Chính hôm nay, Người chấp nhận ra đi chịu chết. Án tử hình của Người vào ngày mai chỉ diễn ra bên ngoài những gì đã xãy ra trong tâm hồn vào chiều hôm nay Thứ Năm. Thánh Thể vì vậy không chỉ là Bàn Tiệc Ly, nhưng đã là Lễ Tế trên Thánh Giá. Khi tuyên bố: «Đây là Chén của Giao Ước Mới – Giao Ước vinh cữu» Chúa Giêsu đã cho chúng ta nhìn thấy hệ quả của Thánh Thể: là đổi mới tất cả chúng ta trong một tương quan mới với Thiên Chúa. Chúng ta được trở thành một tạo vật mới trong lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Đó là tột đỉnh của lòng yêu thương Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Người cúi xuống rửa chân cho họ, đưa họ vào mầu nhiệm Thánh Thể hy sinh của Người: đặt họ trong tương quan thắm thiết mới giữa Thiên Chúa và loài Người.

Ôi, thì ta sẽ đem thịt máu mình ra khoản đãi !

Phải rồi, phải rồi, tại sao không ?

Ta sẽ trao chén máu tươi hồng

Và sự sống run trong từng thớ thịt.

Ai nếm thử, sẽ đời đời không chết,

Đúng hơn, nó sẽ sống đời đời. (Bài thơ “Đáp Lễ”)

Trao ban tác vụ Linh mục

-Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đếnThầy: Với những lời nầy Chúa Giêsu trao ban thừa tác vụ linh mục.

Cha thánh Gioan Maria Vianey đã nói: «Thánh Bênađô quả quyết rằng mọi sự đều được ban cho chúng ta qua Đức Maria”. Ta cũng có thể nói rằng mọi sự đều được ban cho ta qua linh mục: vâng, mọi hạnh phúc, mọi ân sủng, mọi hồng ân thiên quốc. Nếu không có bí tích truyền chức thánh, chúng ta sẽ không có Chúa (Giêsu trong BTTT). Ai đã đặt Người ở đó, trong nhà Tạm ? Linh mục. Ai đã đón nhận linh hồn các con bước vào cuộc sống ? Linh mục. Ai đã nuôi dưỡng nó (linhhồn) để nó có sức thực hiện cuộc lữ hành ? Linh mục. Ai đã chuẩn bị cho nó ra trước mặt Chúa khi rửa sạch nó lần cuối cùng trong Máu Chúa Kitô ? Linh mục, luôn luôn là linh mục. Và nều linh hồn ấy chết (trong tội trọng), ai sẽ phục sinh nó ? Ai sẽ trả lại cho nó sự yên hàn và bình an ? Vẫn là linh mục. Các con không thể nhớ lại chỉ một ơn nào của Thiên Chúa mà các con không gặp thấy bên cạnh đó hình ảnh của linh mục».

Chiều hôm nay, anh chị em hãy cầu nguyện cho các linh mục trong Hội Thánh, cho ĐTC, cho các GM, để trở thành những mục tử theo như lòng Chúa mong muốn.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau được từ bỏ con người cũ mà “nghi thức Rửa Chân” như là một lời mời gọi tha thiết, để tiến sang việc kết hợp mật thiết mới với Thiên Chúa trong mầu nhiệm Thánh Thể. Chúng ta quyết tâm sống cuộc đời mới: yêu thương anh chị em trong phục vụ khiêm cung. Sống tự hạ và chết đi: từ đây trở thành qui luật của chúng ta:

-Đây là điều răn mới của Thầt: là các con hãy yêu thương nhau.

-Như Thầy đã rửa chân cho các con,các con cũng hãy rửa chân cho nhau.

-Các con hãy nhận lấy mà ăn vì nấy là Mình Thầy.

- Các con hãy nhận lấy mà uống. Đây là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Vĩnh cữu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.

Nội dung trên cũng chính là ý nghĩa để suy niệm và cầu nguyện trong mầu nhiệm thứ Tư của Mầu Nhiệm Mân Côi “Năm Sự Sáng”: Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể: Ta hãy xin cho đặng siêng tham dự Thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Người.Amen
 
Con buồn ngủ lắm sao?
Sa Mạc Hồng
16:38 09/04/2009
Con buồn ngủ lắm sao!

Hãy thức với Thầy con ơi!
Thầy lo âu mà con đã ngủ vùi
Trong vườn vắng, đêm âm u lặng lẽ
Gió lạnh áo Thầy đẫm mồ hôi
Quay nhìn con, con đã ngủ rồi!


Hãy thức với Thầy con nhé
Trời về khuya Thầy cảm thấy cô đơn
Nỗi đớn đau buốt giá tâm hồn
Giờ đã điểm, vườn Dầu soi ánh đuốc
Lũ lính hung hăng, Thầy chẳng thấy con!


Hãy thức với Thầy chỉ một hôm
Trong cơn đau chất chứa mấy nỗi niềm
Phiên toà đêm, con có còn thức trắng
Có cảm thông không? Khi đứng bên thềm
Hay đã chối Thầy, lần nữa, lần thêm!


Hãy đi với Thầy, trên đường khổ nhục
Đau đớn vô cùng, từng bước lê chân
Thấy con nhìn Thầy vác thập giá
Mắt ướt long lanh, chắc con buồn?
Thôi rán đi con, cất bước lên!


Hãy ở với Thầy, đã gần xong
Trên Thánh giá Thầy cũng an lòng
Nhìn các con bên nhau cùng rơi lệ
Hãy thương nhau thế, Thầy rất mong
Chẳng uổng gông mang, đổ máu hồng!


Hãy bước theo Thầy trọn một đời
Đem Tin Mừng gieo rắc khắp nơi nơi
Hãy luôn tỉnh thức đừng ngủ nhé
Dù bao giông tố, gió bụi trần ai
Thầy sẽ ở bên con suốt mọi ngày!

 
Phêrô và Giuđa: Giống nhau! Khác nhau
Nguyễn Trung Tây, SVD
16:48 09/04/2009

Phêrô và Giuđa: Giống nhau! Khác nhau!


...Người tông đồ thứ mười hai của Ðức Kitô không hòa giải nổi với chính mình. Bởi không tha thứ được cho mình, bởi không hòa giải được với chính mình, anh ta thất vọng. Cuối cùng anh ta tuyệt vọng. Cành cây bên lề đường là nơi người tuyệt vọng tìm tới. Một sợi dây treo lên. Một mạng người rớt xuống...

Phêrô và Giuđa là hai nhân vật nổi bật nhất trong nhóm Mười Hai Tông Đồ của Đức Giêsu. Một người là thuyền chài, ngư phủ của Biển Hồ, Bắc Do Thái. Một người làm thủ quỹ, quản lý về tài chánh cho Đức Giêsu. Trong danh sách của nhóm Mười Hai Tông Đồ, Phêrô luôn luôn đứng đầu, và Giuđa luôn luôn đứng sau cùng. Đức Giêsu nói, “Những kẻ đứng đầu sẽ bị đưa xuống trở thành người sau chót, và người sau chót sẽ được đưa lên thành người đầu tiên” (Mátthêu 19:30). Nhưng rất tiếc, trong trường hợp của Phêrô và Giuđa thì lại khác. Trong danh sách của nhóm Mười Hai Tông Đồ được trình bày trong Phúc Âm Nhất Lãm, Phêrô luôn luôn đứng đầu bảng vàng, và Giuđa luôn luôn đứng cuối cùng trong danh sách của nhóm Mười Hai. Nhưng Phêrô đã trở thành Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Người ngư phủ của Biển Hồ năm xưa đã trở thành trụ cột chính và nền nhà vững chắc đỡ nâng ngôi nhà Giáo Hội đời đời bền vững. Giuđa thì ngược lại, hai ngàn năm đã trôi qua, nhưng “bia miệng hãy còn trơ trơ” về cuộc đời của người tông đồ đứng cuối bảng vàng.

Phêrô và Giuđa thật sự ra có một điểm giống nhau, và một điểm khác nhau. Điểm khác nhau giữa Simon Phêrô và Giuđa Iscariốt, liên quan đến Khái Niệm Chấp Nhận, đã dẫn cuộc đời của hai người sang hai nhánh rẽ hoàn toàn khác nhau.

I. Simon Phêrô
Phêrô hay Đá là tên của Đức Giêsu đặt cho Simon (Gioan 1:42). Nguyên thủy Phêrô tên thật là Simon, anh của Anrê. Hai anh em là con của ông Gioan (Gioan 1:42) hay Jonah (Mátthêu 16:17). Hai người làm nghề đánh cá (Máccô 1:16 -20, Luca 5:1-11). Phêrô có lẽ sinh ra và lớn lên tại Galilê, do đó, Simon Phêrô nói tiếng Do Thái (Aramaic) giọng Bắc (Máccô 14:70, Mátthêu 26:73). Ông có nhà ở thành phố Capernaum, thành phố lớn của xứ Galilê (Máccô 1:29).

Trong nhóm Mười Hai người môn đệ của Đức Giêsu, không ai có thể từ chối được một sự thật là Phêrô là nhân vật nổi bật sáng chói. Người Kitô hữu ai cũng biết ít nhiều những câu chuyện liên quan đến Simon Phêrô. Thí dụ, chuyện Đức Giêsu truyền ông thả lưới chỗ nước sâu, và ông nói, “Vâng lời Thầy con xin thả lưới” (Luca 5:5). Chuyện ông muốn dựng ba căn lều trên núi Hermon, một cho Đức Giêsu, một cho Môisen, một cho tiên tri Êlia (Matt 17:4). Chuyện ông được trao chìa khóa Nước Trời bởi vì trong khi các người môn đệ khác còn đang lúng túng với câu hỏi về nguồn gốc của Đức Giêsu, Phêrô nhanh miệng trả lời, “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Matt 16:16). Chuyện ông ba lần khẳng định với Đức Giêsu Phục Sinh về lòng mến yêu sắt son của ông đối với Ngài vào một buổi sáng bên bờ biển Tiberius (21:15-18). Nhưng có lẽ Phêrô nổi tiếng nhất với câu chuyện chối Chúa, bởi thế “Chối như Phêrô chối Chúa” đã trở thành một câu thành ngữ phổ thông của người Công Giáo Việt Nam, thường được dùng để ám chỉ một người nói dối, khăng khăng chối từ, không chấp nhận những hành động mình đã từng làm trong quá khứ.

Qua bốn bản Tin Mừng, Phêrô xuất hiện với một cá tính mạnh. Yêu rất nhiều, nhưng cũng khá nóng tính. Sau Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã báo trước với Phêrô,

— [Phêrô] đêm nay trước khi gà gáy hai lần, con sẽ chối ta ba lần (Máccô 14:30).

Với một người có lòng mến Thầy sắt son nhưng nóng tính như Phêrô, chuyện chối Chúa là một câu chuyện hoang đường, không thể nào xảy ra được. Bởi thế Phêrô phản ứng ngay,

— Dù có phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối Thầy (Máccô 14:31).

Nhưng cuối cùng ngay trong Vườn Cây Dầu, tất cả các môn đệ kể cả Phêrô đều bỏ chạy khi Đức Giêsu bị bắt. Nhưng Phêrô không bỏ chạy luôn. Trong khi Đức Giêsu đang bị luận án trước Tòa Công Nghị của người Do Thái, Phêrô quay lại (Máccô 14:54). Theo như thánh sử Máccô, một người đầy tớ của thầy Thượng Phẩm thấy Phêrô đang sưởi ấm trong sân của tòa án. Cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói,

— Cả ông nữa, ông cũng [đã từng] ở với Giêsu thành Nazareth.

Phêrô chối ngay,

— Tôi không biết, tôi không hiểu cô đang nói điều gì.

Biết tình thế nguy hiểm, Phêrô nhanh chân bỏ ra ngoài. Ngay lúc đó gà gáy lần thứ nhất. Một lần nữa, thấy Phêrô lảng vảng bên ngoài sân tòa án, người đầy tớ gái cất giọng tố Phêrô, tố cạn láng. Cô oang oang nói với những người đang hiện diện,

— Tên này cũng thuộc về bọn chúng.

Một lần nữa Phêrô lại chối. Một khoảng thời gian nặng nề chậm chạp trôi qua, một người khác trong đám đông lại cất tiếng,

— Đúng là ông thuộc về bọn chúng rồi, bởi vì ông là người xứ Galilê.

Lần này, Phêrô thề khá độc địa,

— Tôi thề là tôi không biết chi về người mà các ông đang nói (Máccô 14:71).

Ngay lúc đó gà gáy lần thứ hai. Phêrô òa lên khóc, khóc nức nở!

II. Phêrô, Giuđa, và Mô Hình Chấp Nhận
Phêrô và Giuđa có một điểm rất giống nhau, và một điểm rất khác nhau. Điểm giống nhau là cả hai đã bán đứng Thầy của mình. Giuđa bán Thầy với giá ba mươi đồng tiền bằng bạc cho các thầy Thượng Tế. Phêrô không ngượng miệng chối Thầy mình trước mặt những kẻ xa lạ, chẳng có quyền thế gì trong xã hội. Điểm khác nhau giữa hai người liên quan đến Khái Niệm Chấp Nhận. Mô hình của Khái Niệm CHẤP NHẬN này gồm bốn giai đoạn khác nhau.

(1). CHẤP NHẬN mình đã lầm lỗi,

(2). CHẤP NHẬN tha thứ/hòa giải với chính mình,

(3). CHẤP NHẬN Thiên Chúa đã tha thứ cho những lỗi lầm, và Ngài cũng đã hòa giải với mình,

(4). CHẤP NHẬN đóng lại một trang sách cũ, mở ra một trang sách mới.

A. Giuđa
Theo như Mátthêu 25:14-16, vào một ngày kia, người môn đệ đứng cuối cùng trong danh sách của nhóm Mười Hai đến gặp các thầy Thượng Tế thương lượng về giá bán thầy của mình, là Đức Giêsu. Giuđa được trao cho ba mươi đồng tiền bằng bạc. Cuối cùng trong Vườn Cây Dầu, Đức Giêsu bị bắt. Ngài bị mang ra trước Tòa Công Nghị của người Do Thái luận tội. Sáng sớm hôm sau họ mang Ngài ra gặp Quan Tổng Trấn Philatô.

Biết Thầy của mình sẽ bị kết án, Giuđa hối hận (Mátthêu 27:3-10). Anh ta quay lại gặp các thầy Thượng Tế và Kỳ Mục, trả lại ba mươi đồng tiền bạc. Người tông đồ thứ mười hai thú nhận,

— Tôi đã phạm tội nộp người vô tội.

Nhưng chuyện mua bán đã xong, Đức Giêsu đã bị bắt, các thầy Thượng Tế và Kỳ Mục quyết định không nhận lại số tiền. Giuđa quẳng trả lại ba mươi đồng tiền bạc vào Đền Thờ, rồi bỏ đi.

Qua câu nói, “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội”, Giuđa nói lên được một điều, đó là anh ta chấp nhận mình đã lỗi lầm. Trong Mô Hình Chấp Nhận, Giuđa đã vượt qua được giai đoạn thứ nhất, chấp nhận lỗi lầm của mình. Nhưng rất tiếc, anh ta lại không vượt qua được giai đoạn thứ hai cũng là giai đoạn quan trọng nhất của Mô Hình Chấp Nhận, đó là tha thứ cho chính mình. Nói một cách khác, người tông đồ thứ mười hai của Ðức Kitô không hòa giải nổi với chính mình. Bởi không tha thứ được cho mình, bởi không hòa giải được với chính mình, anh ta thất vọng. Cuối cùng anh ta tuyệt vọng. Cành cây bên lề đường là nơi người tuyệt vọng tìm tới. Một sợi dây treo lên. Một mạng người rớt xuống.

B. Phêrô
Phêrô thì ngược lại. Theo như thánh sử Máccô sau ba lần chối Thầy, Phêrô vỡ òa ra trong tiếng khóc. Những giọt nước mắt thống hối của Phêrô cũng chính là những giọt nước mắt của hòa giải của tha thứ cho lỗi lầm của mình. Mặc dầu trong cả bốn bản Tin Mừng, chúng ta không nghe thấy những lời nói xin lỗi của Phêrô với Thầy của mình, nhưng câu chuyện Phục Sinh là một bằng chứng cụ thể về tâm tình hòa giải của Phêrô với Ðức Kitô.

Theo như Luca 24:1-12, sáng hôm đó sau khi những người phụ nữ chạy về báo cho nhóm Mười Một và các môn đệ của Đức Giêsu biết tin về ngôi mộ trống, xác Ngài đã biến mất, mọi người không ai tin tưởng vào bản tin bất ngờ họ vừa được thông báo ngoại trừ Phêrô. Lập tức Phêrô chạy tới ngôi mộ. Nhưng rất tiếc Phêrô cũng không thấy gì khác hơn ngoài khăn tẩm liệm xác của Đức Giêsu. Một trong những lý do để giải thích tại sao Phêrô lại can đảm, một mình chạy ra ngoài ngôi mộ trống vào một buổi sáng sớm tinh sương của ngày hôm đó là vì Phêrô muốn gặp Đức Giêsu để xin lỗi. Trước bản tin bất ngờ được thông báo bởi những người phụ nữ, Phêrô tự dưng trở nên can đảm. Không sợ ai, không ngại phải đụng độ với quân lính La Mã đang canh gác ngôi mộ, Phêrô một mình chạy thẳng tới ngôi mộ, bởi Phêrô hy vọng sẽ gặp lại được Thầy của mình để mở miệng nói lời xin lỗi.

Theo như Gioan 21:1-14 vào một buổi sáng bên bờ biển Tiberius của Biển Hồ Galilê, trong khi các môn đệ của Đức Kitô Phục Sinh đang lênh đênh thả trôi thuyền đánh cá. Sau một đêm vất vả, một lần nữa họ lại không bắt được chú cá nào. Thật là bất ngờ Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra bên bờ biển, nhưng không ai trong nhóm các môn đệ nhận ra Ngài. Ðức Kitô truyền các ông thả lưới bên mạn phải của thuyền đánh cá. Và thế là cá lại ngập tràn tung tăng lưới. Cá ngập khoang thuyền. Cá vươn vẩy bạc óng ánh tia nắng mặt trời bình minh. Khắp nơi là cá. Mọi nơi là cá. Thấy vậy, người môn đệ Đức Giêsu yêu mến nói với Phêrô,

— Thầy đó (Gioan 21:7).

Nghe chữ “Thầy đó”, Phêrô khoác vội vào người mảnh áo, nhảy xuống biển bơi vào bờ để gặp Đức Kitô Phục Sinh. Tương tự như câu chuyện được trình bày trong Luca 24:1-12, Phêrô lại có những hành động rất là vội vàng khi nghe người khác nói với ông về sự xuất hiện của Đức Giêsu Phục Sinh. Lần trước trong Luca 24:1-12 ông vội vàng chạy ra ngôi mộ trống một mình. Lần này ông vội vàng bơi vào bờ để gặp Đức Kitô Phục Sinh, trong khi đó các người môn đệ khác từ từ chèo thuyền vào bờ vì các ông không xa bờ biển lắm. Một trong những lý do để giải thích hiện tượng vội vàng này là bởi vì Phêrô muốn gặp Thầy để xin lỗi Ngài.

Sau khi gà gáy lần thứ hai, vào đêm hôm đó, trên sân Tòa Công Nghị của người Do Thái, Phêrô đã khóc. Đây là một trong những hành động chứng tỏ cho chúng ta biết người ngư phủ của thành phố Capernaum chấp nhận mình đã có những hành động lỗi lầm. Những hạt nước mắt đã rớt xuống ngay trên sân của tòa án, có lẽ, trước mặt người đầy tớ gái của Thầy Thượng Tế và người khách qua đường vừa mới chỉ mặt tố cáo Phêrô. Phêrô bỏ đi, có lẽ vẫn còn khóc. Nhưng Phêrô không bắt chước Giuđa. Người ngư phủ của Biển Hồ không đi kiếm một cành cây bên vệ đường, bởi ông tha thứ được cho chính mình; nói một cách khác, bởi vì người ngư phủ hòa giải được với mình. Bởi hòa giải được với mình, Phêrô quay về lại căn nhà, nơi các môn đệ của Đức Giêsu đang tụ họp trong lo sợ, và ông kiên nhẫn hy vọng đợi chờ ngày được gặp lại Đức Giêsu. Cuối cùng đúng như ông hy vọng, ông gặp, và ông nói ba lần với Đức Kitô Phục Sinh,

— Thầy biết con yêu mến Thầy (Gioan 21:15 -18).

III. Giống Nhau, Khác Nhau
Phêrô đã nhẹ nhàng vượt qua cả bốn giai đoạn của khái niệm chấp nhận. Ông chấp nhận mình lỗi lầm, bởi ông khóc. Ông hòa giải được với mình, bởi ông không đi tìm một sợi dây. Ông chấp nhận hòa giải với Đức Kitô Phục Sinh. Làm được ba điều trên, ông đã chấp nhận đóng lại một trang sách cũ, mở ra một trang sách mới. Trong những trang sách mới này, ông biến thành vị Giáo Hoàng đầu tiên của giáo hội.

Giuđa thì ngược lại. Tên của nhân vật này được người đời nhắc nhở tới với hàm ý mỉa mai. Trong những giáo xứ Việt Nam, sau thánh lễ Rửa Chân của ngày thứ Năm Tuần Thánh, bất hạnh cho người giáo dân nào trong số mười hai người đóng vai mười hai tông đồ bị chụp mũ Giuđa. Giuđa sẽ trở thành tên đệm của nhân vật này mỗi khi tên ông ta được người trong giáo xứ nhắc tới. Trong tất cả các nhân vật xuất hiện trong Kinh Thánh, tên của Giuđa được nhiều người nhắc nhở, nhưng rất tiếc không phải với hàm ý đẹp mà là chê bai, khinh rẻ, và coi thường. Ông bà chúng ta có câu,

Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
.

Trong trường hợp của Giuđa, câu ca dao này hoàn toàn đúng, bởi vì,

Trăm năm bia đá thì mòn,

“Hai ngàn năm” bia miệng vẫn còn trơ trơ.


www.nguyentrungtay.com
 
Thánh Giá là tình yêu
LM. Hồng Phúc
17:23 09/04/2009
THÁNH GIÁ LÀ TÌNH YÊU

Yêu là đòi hỏi hy sinh
Khác gì mẹ lấy sữa mình nuôi con
Tình yêu là chết dần mòn
Mặt trời còn sáng là còn tiêu hao.
Chúa Giêsu đã dạy sao?
“Chết vì bạn hữu tình nào lớn hơn?”
Nhìn lên Thánh giá đau thương,
Ta nhìn thấy cả một trường tình yêu.
Chúa là Thiên Chúa cao siêu,
Chết lần thứ nhất tự tiêu huỷ mình.
Bỏ ngai Thiên Chúa uy linh,
Xuống làm người thế dưới hình trẻ thơ.
Lớn lên trong những bất ngờ:
Đêm đông – Ai-cập, Đền thờ Sa-lem.
Nhà Na-da-rét khó hèn,
Một đời thợ mộc bao phen nhọc nhằn.
Mồ hôi trộn lẫn khó khăn,
Con đường Thánh giá kết bằng lao công;
Đường quê, đồi núi, ruộng đồng
Bước chân giảng đạo Chúa không quản nề.
Con đường dẫn tới Can-vê,
Khó nghèo, đau khổ, mọi bề gian nan.
Đường đưa tới đỉnh vinh quang
Là đường Thánh giá chảy loang máu hồng.
Tình yêu như một dòng sông
Nước vào lại chảy mới không đọng tù.
Tình yêu của Chúa Giêsu
Là dòng cứu độ thiên thu chan hoà.
Chảy từ tim Chúa chảy ra,
Máu hoà với nước chảy qua thân mình.
Tình yêu như lửa thần tình,
Cháy bùng, tiêu huỷ sạch tinh tới cùng.
Tình yêu Chúa thật lạ lùng
Chết trên Thánh giá hãi hùng đau thương,
Chứng minh chứng tích phi thường:
Tình yêu đích thật là đường hiến thân.
Vâng con xác tín toàn phần
Con đường Thánh giá ngàn lần yêu thương.
Ra đi trên mọi nẻo đường,
Khởi đầu từ một mái trường Can-vê.
Tình yêu trong máu tràn trề
Dưới chân Thánh giá nguyện thề: xin vâng!
Tình yêu là chết dần dần
Tình yêu là sự hiến thân hoàn toàn.
Tình yêu như lửa nồng nàn
Nhìn lên Thánh giá con càng hiểu thêm.
Chết là bao phủ bóng đêm
Nhưng từ Thánh Giá bật lên sáng ngời.
Tình yêu là Đức Chúa Trời
Hy sinh Thánh giá là lời xác minh.
 
Để giảng lễ tốt hơn: Những đề nghị thiết thực cho người giảng lễ
LM. Lê Công Đức dịch và hiệu đình
17:37 09/04/2009
ĐỂ GIẢNG LỄ TỐT HƠN

Những đề nghị thiết thực cho người giảng lễ



Lm. Lê Công Đức dịch và hiệu đính từ nguyên tác: PREACHING BETTER –
Practical Suggestions for Homilists
của: Ken Untener, Giám Mục Saginaw
do nhà Jesuit Communications Foundation, Inc. xuất bản, 1999.


Giảng lễ là ‘nghề’ số một của linh mục. Và bất cứ linh mục nào, dù đã giảng tốt đến mấy, cũng vẫn có thể trau giồi để giảng tốt hơn.

Quyển sách nhỏ này là kết tinh của một dự án lớn về giảng lễ được khởi xướng bởi Đức Cha Ken Untener, giám mục Saginaw (Michigan, USA) cách đây 16 năm – và được trung thành theo đuổi bởi chính ngài và các giáo sĩ trong giáo phận của ngài. Đối tượng trước hết của sách này không phải là các đại chủng sinh đang tập giảng ở những năm cuối thần học, dù chắc chắn cũng rất bổ ích cho họ. Sách nhắm trước hết các linh mục đang làm tác vụ Lời Chúa và đã có, ít hay nhiều, kinh nghiệm liên quan đến giảng lễ. Vì thế, hy vọng rằng quyển sách này có một giá trị thường huấn – thậm chí tự thường huấn – cho các linh mục.

Một số trang không chỉ được dịch mà còn được hiệu đính, để phù hợp với tiếng Việt.
Những ngày đầu năm Kỷ Sửu 2009
Người dịch


Nội Dung

- Giới thiệu: Quyển sách hình thành như thế nào?

1. Một “thái độ”
2. Bài giảng là gì?
3. Không phải là bài giảng
4. Phần mở đầu bài giảng
5. Phần kết bài giảng
6. Chuẩn bị bài giảng: Vài ý tưởng sơ khởi
7. Chuẩn bị bài giảng: Các bài đọc Thánh Kinh
8. Chuẩn bị bài giảng: Chỉ một hạt ngọc… nhưng đắt giá!
9. Chuẩn bị bài giảng: Viết ra
10. Chuẩn bị bài giảng: Sửa chữa
11. Chuẩn bị bài giảng: Nắm vững tư tưởng của mình
12. Chiều sâu
13. Nối kết với đời sống thực tế
14. Những câu chuyện
15. Nên giảng dài hay ngắn?
16. Thông tin bên lề
17. Dùng từ
18. Bài giảng của tôi! Nhưng không qui về “tôi”!
19. Trân trọng các đánh giá phản hồi
20. Rút kinh nghiệm từ những bài giảng lễ ngày thường
21. Dùng các vật minh hoạ
22. Đừng quá ôm đồm, đừng nói hết những gì phải nói
23. Sự tham dự của cộng đoàn vào bài giảng
24. Bài giảng đem lại niềm an ủi
25. Giảng về tội
26. Mười con quỉ
27. Một bài giảng cho các nhà giảng thuyết

Đôi dòng về tác giả

GIỚI THIỆU QUYỂN SÁCH NÀY HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Quyển sách này bắt đầu từ sát đất. Tưởng nên nói qua về bối cảnh của nó.

Giai Đoạn I: Ghi lại ý kiến của dân chúng

Năm 1975, tôi bắt đầu nhận dạy môn Giảng Lễ tại Chủng Viện Saint John’s ở ngoại ô Detroit. Vốn liếng của tôi chỉ vỏn vẹn một tấm bằng thần học và … mười hai năm giảng lễ.

Tôi mua một quyển sổ tay và bắt đầu hỏi người ta về những gì liên quan tới các bài giảng lễ mà họ thích và không thích. Tôi chỉ hỏi các ‘giáo dân trơn’ thôi, nghĩa là những người không có vai trò chuyên biệt trong cộng đoàn và – có thể nói – họ hoàn toàn thuộc về ‘đại chúng’. Tôi hỏi bất cứ khi nào tôi có dịp: với người quen, với người lạ, tại bàn ăn tối, tại các đám tiệc, trên máy bay… Họ nói; tôi ghi chép.

Thật thú vị là người ta rất sẵn sàng nói chuyện về đề tài này. Có những người tình cờ nghe chuyện cũng xen vào.

Tôi tiếp tục làm thế. Và cho tới nay, tôi đã thu thập được hàng ngàn ý kiến. Bên cạnh đó, tôi cũng phân các ý kiến thành 25 loại căn bản. Sự trùng hợp giữa các ý kiến thật đáng ngạc nhiên.(1) (Chẳng mấy chốc, một trong số 25 loại ý kiến ấy bắt đầu vượt trội các loại kia, chiếm lĩnh vị trí ‘số một’. Tôi sẽ dành một chương của quyển sách để đề cập đến loại ý kiến này.)

Bộ sưu tập ý kiến nói trên, cộng với các suy tư của tôi về các ý kiến ấy, chính là cốt lõi của quyển sách này. Nhưng không phải tất cả chỉ có vậy.

Giai Đoạn II: Chương trình Saginaw

Năm 1993, rốt cục tôi triển khai được một kế hoạch vốn đã dự tính từ vài năm trước đó. Hội Đồng Linh Mục Saginaw nhất trí với kế hoạch này, ngay cả tình nguyện làm những người tiên phong.

Công việc như sau:

Tôi rà qua danh sách các linh mục và chọn bốn người, cộng với một phó tế hay một tác viên giáo dân. Rồi tôi gửi mỗi người một lá thư yêu cầu ghi âm trực tiếp bài giảng lễ Chủ Nhật của tuần ấy và gửi lại cho tôi.(2) Đây là việc bắt buộc chứ không tuỳ ý. Tôi cũng ghi âm một trong các bài giảng ngày Chủ Nhật ấy của mình và đặt vào chung với các băng ghi âm kia.

Nhận được mỗi băng ghi âm bài giảng, thư ký của tôi làm các băng bản sao, đánh thành văn bản, rồi gửi cho mỗi người tất cả các bản sao của các băng ghi âm cũng như tất cả các bản văn ghi lại các bài giảng. (Người thư ký của tôi phải cày đến nín thở!)

Một buổi hẹn được định ra cho mọi người gặp nhau tại văn phòng tôi trong hai tiếng đồng hồ. Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, mỗi người nghe trước tất cả các băng và ghi chú.

Tại buổi gặp gỡ, chúng tôi làm cái công việc mà những người chơi gôn thường làm sau một trận đấu. Chúng tôi đưa ra những lời khen ngợi, khích lệ, những lời khuyên, và cố gắng nghĩ cách để cải thiện các bài giảng. Rồi chúng tôi cũng thảo luận rộng hơn về những vui buồn xung quanh việc giảng thuyết, về những cái đạt được và những bế tắc, và nhất là về câu hỏi: Bài giảng là gì trước hết? Tôi không phải là thầy dạy của nhóm. Tôi chỉ là người qui tụ các thành viên – và bài giảng của tôi cũng nằm trong số sáu bài giảng được mổ xẻ.(3)

Ở đây sự thành thật là chìa khoá. Tôi nhắc mọi người rằng đây là cơ hội ngàn năm một thuở để nghe được những đóng góp thẳng thắn của các đồng sự giàu kinh nghiệm của mình. Nói chung, mọi người đều chân thành phát biểu, và chúng tôi đã có những cuộc trao đổi tuyệt vời, nhiều khi chúng tôi chia sẻ thật sâu xa tận đáy lòng mình. Chúng tôi cũng chia sẻ về cốt lõi của sứ vụ chúng tôi, sứ vụ xây dựng cộng đoàn nhờ Lời Chúa.

Khi chúng tôi kết thúc buổi gặp gỡ hai tiếng đồng hồ đó, mỗi nguời nhận một băng (cassette) trắng để ghi âm bài giảng khác của mình vào Chủ Nhật kế tiếp. Mọi người ra về, và toàn bộ tiến trình lại bắt đầu một lần nữa. Mỗi nhóm làm bốn lần như vậy.(4)

Chúng tôi không hề tham vọng rằng sau mỗi buổi gặp gỡ mình sẽ có được ngay những sự cải thiện. Điều chúng tôi nhắm đến, đó là bốn buổi gặp gỡ ấy sẽ vạch một lộ trình theo đó chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các bài giảng của mình trong tương lai.

Khi nhóm này sắp họp mặt buổi thứ tư (tức buổi cuối cùng), tôi gửi các thư mời để qui tụ một nhóm khác, rồi lại một nhóm khác, và cứ thế… Đến nay công việc đã đều đặn diễn ra được bốn năm. Khoảng hai năm nữa sẽ xong một lượt cho mọi linh mục trong giáo phận, khi ấy chúng tôi sẽ lại bắt đầu một lượt khác.

Trên đây chỉ là đại lược những nét chính của chương trình. Thật ra còn có sự đóng góp của vài khuôn mặt khác nữa.

Vị giám đốc truyền thông của chúng tôi, một nhà báo nữ kỳ cựu, cũng tham gia với chúng tôi trong một phần của mỗi buổi gặp gỡ. Trước mỗi buổi gặp, chị chọn ra hai bản văn bài giảng và biên tập chúng, dựa vào kinh nghiệm của chị vốn là biên tập viên của một tờ nhật báo. Tại buổi gặp, chị trao cho mọi người bản sao của những bản văn đã được biên tập trực tiếp trên bản gốc, và chị rà lại từ đầu đến cuối mỗi bài, giải thích lý do của những thay đổi.

Dĩ nhiên văn viết thì khác với văn nói. Chị lưu ý điều này, nên trước khi biên tập chị luôn nghe chính bài giảng ấy trên băng ghi âm. Chị không tự nhận mình là nhà giảng thuyết hay nhà thần học; chị là một nhà báo và chị áp dụng kỹ năng của một nhà báo để giúp cải thiện các bài giảng của chúng tôi ngần nào có thể.

Và chị đã giúp được rất nhiều. Thật đó. Quả là một kinh nghiệm khai trí khi bạn đọc bài giảng của chính mình đã được biên tập.(5)

Mỗi nhóm chúng tôi còn có sự tham dự của một phụ nữ vừa là một nhà thần học hệ thống vừa là một nhà linh hướng từng trải. Chị có đảm nhận việc giảng thuyết và phụ trách phụng vụ nhưng không thường xuyên; chị tự xem mình là một trong số những người nghe giảng và chị đóng góp cho các buổi thảo luận của chúng tôi bằng năng lực thần học và linh đạo của chị. Sự hiện diện của hai nữ chuyên viên ‘phi giảng thuyết’ này thật quí báu cho các nhóm chúng tôi.

Ngoài ra, chúng tôi còn có một đối tác nữa trong tiến trình. Một người ở giáo phận láng giềng vận động được một nhóm giáo dân sẵn lòng tham gia bằng thư tín. Trước mỗi buổi gặp của chúng tôi, sáu người trong số các giáo dân này sẽ nhận các băng ghi âm bài giảng, mỗi nguời một bài, để nghe và gửi các nhận xét phản hồi của mình trên một mẫu phiếu trả lời được cung cấp sẵn.

Bởi vì họ chưa bao giờ nghe các vị giảng thuyết này trước đó, nên các ý kiến phản hồi của họ đặc biệt gây ấn tượng khi chúng âm vang một số ý kiến được nêu lên trong nhóm của chúng tôi.

Đó là “chương trình Saginaw” của chúng tôi. Đó không phải là một khoá vỡ lòng dành cho những kẻ mới nhập cuộc. Đó là một khoá thực hành của những nhà giảng thuyết dày kinh nghiệm muốn giúp nhau cải thiện nghệ thuật giảng thuyết của mình.

Giúp Nhau Ngay Trong Thực Hành

Không có ai giảng thuyết bằng tất cả tiềm năng của mình, và không ai trong chúng ta cải thiện bài giảng của mình duy chỉ bằng cách cứ lặp đi lặp lại hoài. Thực hành không làm cho người ta nên hoàn hảo, bởi vì ta vẫn luôn cần tập tành để có thể làm tốt hơn.

Những người chuyên nghiệp trong hầu như mọi lãnh vực đều có kinh nghiệm tương tự như vậy. Các nhạc công chuyên nghiệp vẫn luôn giúp nhau chơi tốt hơn; các tay chơi gôn cũng thế. Các tác giả luôn nhận sự phê bình về việc viết lách của mình, dù muốn hay không muốn. Sau mỗi trận cầu, Liên Đoàn Bóng Đá Quốc Gia sử dụng các băng video để xem lại cách làm việc của các trọng tài và các giám biên. Câu chuyện của các phi công dân sự là ví dụ thú vị nhất. Mỗi năm một lần, mỗi phi công tham gia với một số đồng nghiệp khác trong một chương trình ôn luyện và cải thiện khả năng bay của mình. Một phần của việc này là thực hành với một chuyến bay giả, nhưng trong năm, họ còn có một cuộc ôn tập khác mang ý nghĩa thực hành thật sự. Không hề được báo trước, một “phi công kiểm tra” sẽ leo vào buồng lái và nói: “Tôi sẽ cùng bay với cậu. Cậu cứ làm những gì bình thường cậu vẫn làm.”(6)

Một phi công dân sự lần kia cho tôi biết rằng còn có một động lực mạnh hơn thế nữa thúc đẩy sự cải thiện. Luôn luôn có hai phi công trong buồng lái, và thường hai người luân phiên thay nhau điều khiển chuyến bay. “Các phi công rất tự hào về khả năng bay của mình,” anh ta nói, “và sự hiện diện của một phi công khác sẽ làm cho bạn muốn thể hiện tốt nhất khả năng ấy. Hơn nữa, chúng tôi cố gắng giúp nhau.”

Vâng, đó cũng là điều chúng tôi cố gắng làm trong các nhóm của chúng tôi: giúp nhau giảng tốt hơn ngần nào có thể và không ngừng cải thiện.

Tôi không phản đối các khoá hội thảo về giảng thuyết. Mở càng nhiều khóa càng tốt. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cần việc trao đổi kinh nghiệm trong thực hành. Việc phê bình một bài giảng ‘diễn tập’ trên băng video có thể hữu ích; nhưng việc phê bình một bài giảng thực sự diễn ra tại giáo xứ trong những điều kiện thực tế thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.(7)

Vì tôi là thành viên của tất cả các nhóm, nên tôi đã nghe rất nhiều bài giảng ghi âm và đã tham gia thảo luận rất nhiều về các bài giảng. (Cho tới nay, đã có đến 85 bài giảng của chính tôi được đem ra mổ xẻ.) Và tôi đã học hỏi được rất nhiều, đồng thời cũng cố gắng truyền đạt cho các nhóm những điều bổ ích nhất mà tôi thu lượm được trong tiến trình.

Đấy cũng chính là điều mà quyển sách này muốn làm với tất cả bạn đọc.(8)

Phần đông các nhà giảng thuyết rất cần mẫn làm công việc của mình, và điều này thật đáng khen ngợi. Chỉ những ai giảng mới biết công việc này khó khăn đến mức nào. Tôi hiểu rõ thách đố này từ những cuộc vật lộn và những va vấp của chính tôi. Chỉ mong sao những chương sách này, xuất phát từ kinh nghiệm của hàng trăm người cùng đi chung một chiếc thuyền, sẽ đem lại những ích lợi thiết thực nào đó.

CHƯƠNG I: MỘT THÁI ĐỘ

“Ta sẽ ban cho chúng quả tim mới

và sẽ đặt tinh thần mới vào lòng chúng” (Ed 11,19)

Soạn một bài giảng có thể giống như làm một bài tập về nhà mỗi tuần. Những công việc như thế ít khi đánh động trái tim chúng ta.

Bước đầu tiên, và có lẽ là bước quyết định nhất để cải thiện các bài giảng, chính là gạt bỏ cái thái độ ấy. Chúng ta cần một quả tim mới, một tinh thần mới.

Sự thay đổi quả tim này không phải là một mẹo lừa tâm lý. Đó là thực tại căn bản. Chỉ cần một vài khoảnh khắc suy tư là chúng ta có thể nhận ra mình thật sự đang làm gì khi chuẩn bị một bài giảng.

Bạn hãy xem xét những điều sau đây:

1. Khi chuẩn bị một bài giảng, chúng ta đang tham dự vào cùng loại hành động của Chúa Thánh Thần khi hình thành bản văn Thánh Kinh

Nói vậy nghe như phóng đại, nhưng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã xác nhận rõ ràng như vậy trong Tài Liệu Fulfilled in Your Hearing:

Nếu các lời của Thánh Kinh được Thiên Chúa linh hứng, như chúng ta vẫn tin chắc như thế, thì sự linh hứng của Thiên Chúa ắt hẳn phải hoạt động khi những lời ấy được làm cho sống động và được làm cho trở thành hiện thực đối với cộng đoàn đức tin xuyên qua sứ vụ của chúng ta.(9)

Raymond Brown cũng không ngần ngại xác quyết điều đó. Vị linh mục học giả Thánh Kinh này chỉ ra rằng khi các thị chứng nhân Tông Đồ diễn giải sứ điệp của Đức Giêsu cho những hoàn cảnh mới, các ngài đã không làm điều đó duy chỉ bằng việc nhớ lại những gì Đức Giêsu đã làm và đã nói. Nói cho cùng, các ngài vốn thuộc số những kẻ “thấy mà không hiểu.” Sau sự kiện Phục Sinh và Lên Trời, chính ân ban Thánh Thần đã dạy cho các ngài biết ý nghĩa của những gì các ngài đã nhìn thấy. Đây là sự ứng nghiệm điều mà Đức Giêsu đã nói với các ngài:

Thầy còn nhiều điều để nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không thể hiểu. Nhưng khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn anh em đến sự thật trọn vẹn. (Ga 16,13)

Brown lưu ý rằng Đấng Bàu Chữa được hứa ấy không chấm dứt hoạt động của Ngài khi thời đại các Tông Đồ chấm dứt. Các Kitô hữu chúng ta thuộc các thế hệ sau cũng không bị tách xa hơn khỏi sứ vụ của Đức Giêsu so với các Kitô hữu thuở ban đầu. Đấng Bàu Chữa cư ngụ trong chúng ta cũng y như Đấng Bàu Chữa đã cư ngụ trong các thị chứng nhân sau biến cố Phục Sinh và Lên Trời, để nhắc nhớ và để trao ý nghĩa mới mẻ cho những gì Đức Giêsu đã nói.(10)

2. Khi chuẩn bị một bài giảng, chúng ta đang soạn một phần của phụng vụ

Bài giảng là một phần của phụng vụ. Chúng ta biết thế qua sách vở, nhưng trong thực tế, chúng ta dễ dàng quên điều đó – bởi vì một bài giảng DƯỜNG NHƯ rất giống với một bài nói chuyện, một bài phát biểu hay một bài lên lớp được nhét vào trong một cuộc cử hành phụng vụ. Sự việc càng khó khăn hơn nữa khi mà cho đến nay đã nhiều thế hệ thường coi “các bài giảng” LÀ những bài nói chuyện, phát biểu hay lên lớp xảy ra trong khung cảnh phụng vụ.

Chúng ta đang dần dần trở về với ý thức rằng trong một bài giảng chúng ta chuẩn bị và công bố – dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần – một cái gì đó thực sự là một phần của chính cuộc cử hành phụng vụ. Người ta nhớ lại cái cách mà những vị chủ toạ cử hành Thánh Thể thuở ban đầu chuẩn bị và cử hành lời nguyện Thánh Thể: Các vị ấy biết rõ rằng mình đang làm một việc rất thánh thiêng. Chúng ta cũng cần có thái độ tương tự khi chuẩn bị bài giảng và chính khi giảng lễ.(11)

3. Khi giảng lễ, chúng ta đứng cùng phía với Thiên Chúa và nói với dân chúng

Trong bài giảng, vị giảng thuyết được đặt vào một vị trí khác với vị trí của chủ tế khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể.

+ Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, chủ tế “đứng đối diện với Thiên Chúa” và nhân danh dân chúng để nói với Thiên Chúa.(12)

+ Trong bài giảng, vị giảng thuyết “đứng đối diện với dân chúng” và nhân danh Thiên Chúa để nói với dân chúng.(13)

Với cái nhìn đối chiếu như thế, bạn thấy giữa hai đàng, đàng nào “khiếp đảm” hơn? À, đàng nào cũng “khiếp đảm” theo cách riêng của nó. Nhưng trong khi chúng ta nhận ra tính thiêng thánh của vị chủ tế trong Kinh Nguyện Thánh Thể, thì chúng ta còn chưa nhận ra bao nhiêu tính thánh thiêng của vị giảng thuyết trong bài giảng lễ. (Trong những năm gần đây, người ta ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của bài giảng. Tôi ước mong nhìn thấy sự thánh thiêng của bài giảng cũng được nhấn mạnh như thế.)

Một Công Việc Đầy Tâm Tình Cầu Nguyện Và Niềm Vui

Chúng ta cần tìm cách để làm cho việc chuẩn bị bài giảng trở thành một công việc đầy ắp tâm tình cầu nguyện và niềm vui.

Phần lớn quá trình được đào tạo tu đức của tôi đã không nối kết hai từ: Cầu nguyện và niềm vui. Một số hình thức cầu nguyện mà tôi đã học xem ra không bao gồm niềm vui trong đó.

Nhưng ở đây thì hai từ trên được nối kết. Chúng ta đi vào trong một mối tương quan đặc biệt với Chúa Thánh Thần khi chuẩn bị một bài giảng, và điều này đặt chúng ta vào trong một bầu khí cầu nguyện. Chúng ta đang làm một trong những công việc trọng yếu bậc nhất thuộc sứ vụ của chúng ta, và đó là niềm vui.

Bạn hãy tìm cách để làm cho việc sửa soạn bài giảng thấm đẫm tâm tình cầu nguyện. Thắp một ngọn nến sẽ rất tốt. Còn mở tivi thì không tốt đâu. Rất thường, những tâm tình cầu nguyện bất chợt nảy ra trong tiến trình. Bạn cứ tạm dừng lại mà cầu nguyện. Không có gì phải vội vã. Hơn nữa, thời gian dùng để chuẩn bị bài giảng há chẳng phải là thời gian cầu nguyện đó sao? Chuẩn bị bài giảng có thể là một công việc khó nhọc, nhưng đó cũng là một công việc thánh thiện nữa đấy.

Bạn hãy tìm cách làm cho công việc này nên thú vị. Hãy xếp đặt nơi chốn và thời gian thuận tiện. Đừng để mình bị áp lực phải làm vội vã; cũng liệu sao cho các tài liệu tham khảo có sẵn trong tầm tay.(14) (Hãy lưu ý rằng việc bắt đầu soạn bài giảng ngay từ đầu tuần sẽ rất thuận tiện cho bạn cảm nghiệm cả những tâm tình cầu nguyện lẫn những niềm vui.)

—————————————–

Là những người dấn thân trong công việc mục vụ, chúng ta cần thời gian để thao luyện tâm linh, nhưng sẽ là sai lầm nếu xem việc thao luyện tâm linh như cái gì nằm ở bên ngoài các công tác mục vụ. Trong chính khung sinh hoạt đều đặn của chúng ta vốn đã có dự liệu những cơ hội để cầu nguyện, suy tư và lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Soạn bài giảng là một trong những công việc thánh thiện và đầy tâm tình cầu nguyện như thế.

CHƯƠNG II: BÀI GIẢNG LÀ GÌ?

“Khi chúng tôi nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa, anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng… như lời Thiên Chúa. ” (1Tx 2,13)

Nhưng trước hết, thế nào là một bài giảng? Các nhóm thảo luận của chúng tôi đã vật lộn rất nhiều với câu hỏi này, và tôi nhận ra mình đã dần dần có một cái nhìn rất khác về bài giảng. Cho đến nay điều này đã có một ảnh hưởng thật lớn lao đối với tôi.(15)

Trước đây, tôi quan niệm nhà giảng thuyết như một anh đầu bếp nhìn xem trong tủ lạnh và trong tủ thức ăn có những thứ gì (= các bài đọc), anh suy nghĩ và quyết định một thực đơn (= ý tưởng chủ đạo của bài giảng), rồi anh tiến hành nấu nướng theo thực đơn đó và dọn ra bàn ăn (= bài giảng).

Điều tôi đã trở nên ý thức nhiều hơn trong những năm qua, đó là người giảng thuyết bước vào bếp vốn đã ngào ngạt hương vị của món gì đó đã được nấu sẵn, và chính Chúa đang tiến hành công việc nấu nướng này. Phụng vụ là bữa ăn của Chúa từ đầu tới cuối: chọn thực đơn, nấu món ăn, dọn ra bàn. Chúng ta là những người phụ giúp vào tiến trình ấy.

Thật vậy, công việc của các thừa tác viên trong phụng vụ, kể cả người giảng thuyết, là giúp một tay vào công việc Chúa Kitô đang làm, vì Chúa Kitô chính là người dẫn dắt mọi kinh nguyện phụng vụ. Việc trước hết chúng ta phải làm khi chuẩn bị một bài giảng (hay khi lên kế hoạch một cử hành phụng vụ), đó là khiêm tốn đứng trước mặt Chúa.(16)

Người Giảng Thuyết Đảm Nhận Một Công Tác Ba Mặt

Vai trò của người giảng thuyết bao gồm ba mặt: (1) nhận định điều Chúa đang làm / đang nói xuyên qua khung cảnh cụ thể này, (2) giúp soi sáng cho cộng đoàn thấy rõ điều ấy, và (3) làm tất cả công việc này nhân danh Giáo Hội.

1. Nhận Định Điều Chúa Đang Làm / Đang Nói Xuyên Qua Khung Cảnh Cụ Thể Này

Lời Thiên Chúa không sống trong một quyển sách. Lời đó trở nên sống động trong cái khung cảnh toàn thể là giao điểm của:

• những bản văn Thánh Kinh cụ thể này (vào các ngày Chủ Nhật, có 4 bản văn: gồm 3 bài đọc và bài Thánh Vịnh đáp ca)

• bối cảnh phụng vụ cụ thể này (mùa phụng vụ gì? lễ gì? dịp gì?)

thời gian và nơi chốn lịch sử cụ thể này (tất cả những gì đang diễn ra trong thế giới và trong Giáo Hội lúc này)

• những con người cụ thể này (các hoàn cảnh sống thực của những con người đang nghe chúng ta giảng đây)

Ở đây có liên quan đến việc chú giải. Nhưng chú giải không phải là tất cả công việc phải làm. Chúng ta cố gắng nhận định xem bản văn này thi hành chức năng thế nào ở đây và bây giờ. Lần nọ có người nêu nhận xét với tôi rằng các nhà giảng thuyết dường như quá thường giảng về một “Đức Giêsu lịch sử”; nghĩa là các vị chỉ loay hoay giải thích Đức Giêsu của “ngày xưa” ấy. Nhưng Đức Giêsu đâu có thuộc về ngày xưa. Đức Giêsu đang sống hoạt thực sự hôm nay, chứ không phải sống như người đã về hưu. Ngài đang tác động trên chúng ta ở đây và bây giờ, cách riêng trong phụng vụ. Một cái gì đó đang “đốt cháy” khi phối hợp những bản văn Thánh Kinh này với khung cảnh thực tế này, và chúng ta, những người giảng thuyết, phải khám phá nó và khai mở nó ra cho dân Thiên Chúa.

Lời Thiên Chúa trong phụng vụ luôn luôn sống động, không bao giờ là thứ lời cũ được nhắc lại. Khi Thánh Kinh được công bố, chúng ta không đang nghe điều gì đó Thiên Chúa đã nói. Chúng ta đang nghe Thiên Chúa nói trực tiếp với chúng ta bây giờ. Đây là giáo lý Công Giáo,(17) nhưng tôi e rằng chúng ta không nghiêm chỉnh nhìn nhận điều này.

Đặc tính sống động của Lời Thiên Chúa không chỉ có nghĩa rằng Thiên Chúa đang nói với chúng ta, mà còn có nghĩa rằng Lời Thiên Chúa đang kích hoạt.(18) Đó là Lời ân phúc, có một năng lực tác động. Lời này không chỉ là một lời chân thực và chỉ cho chúng ta đường hướng đúng đắn. Lời này là một “dấu chỉ hữu hiệu” đem lại sự cứu độ vốn là đích nhắm của nó. Lời này định hình các cá nhân và định hình Giáo Hội.

Khi Đức Giêsu nói “chính Thần Khí mới làm cho sống,” Ngài cũng liền nói về những lời của Ngài: “Những lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63). Vài câu sau đó, Phêrô thưa: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đến với ai? Chính Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.”

Thánh Phaolô nói: “Tôi không xấu hổ vì Tin Mừng. Đó là quyền năng cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người tin.” (Rm 1,16)

Sự tuôn chảy của Lời ân phúc và sống hoạt này là cái mà chúng ta, những người giảng thuyết, phải cố gắng nhận ra.

2. Giúp Soi Sáng Cho Cộng Đoàn

Sau khi đã cố gắng nhận ra điều Thiên Chúa nói với chúng ta xuyên qua khung cảnh cụ thể này, công việc thứ hai của người giảng thuyết là giúp soi sáng để cộng đoàn cũng nhận ra điều đó.(19)

Là người giảng thuyết, chúng ta cần nhớ rằng rất nhiều điều đã xảy ra trước bài giảng lễ. Các bài thánh ca, các biểu tượng, các lời nguyện, và Lời Chúa đã tuôn chảy trên tất cả cộng đoàn. Công việc của chúng ta là giúp cho dòng chảy vốn đang diễn ra ấy. Chúng ta không đang làm cho nó xảy ra; đúng hơn chúng ta phụ giúp tiến trình của nó.

Như mưa tuyết từ trời rơi xuống

và không quay trở lại

cho tới khi đã thấm đẫm vào đất,

làm cho đất phì nhiêu và sản sinh hoa quả…

Lời của Ta cũng thế;

sau khi rời khỏi miệng Ta,

Lời sẽ không trở lại mà không sinh hoa kết quả,

nhưng sẽ thi hành ý muốn của Ta,

sẽ đạt được điều mà Ta nhắm đến. (Is 55,10-11)

Chúng ta trao những ân huệ không phải của chính chúng ta, những ân huệ này có sức tác động lớn lao hơn khiếu hùng biện của ta rất nhiều.(20)

3. Làm Tất Cả Những Việc Này Nhân Danh Giáo Hội

Khi giảng lễ, chúng ta hành động nhân danh Giáo Hội. Chúng ta không phải là những người nhận được các mạc khải tư, cũng không phải do tự ý mình mà chúng ta làm phát ngôn viên của Thiên Chúa.

Chúng ta tham dự vào trong ân huệ Thánh Thần được trao ban cho Giáo Hội. Chúng ta đang chia sẻ không chỉ đức tin của chúng ta, nhưng là đức tin của toàn thể Giáo Hội. Vì thế, giảng một bài giảng thì khác với trao một chứng từ cá nhân. Có những nơi và lúc khác cho việc đó, nhưng một bài giảng thì phải có kích thước rộng hơn một chứng từ cá nhân.

Người giảng thuyết phải gắn bó với đức tin của toàn Giáo Hội khi nhận định đâu là điều Chúa đang nói trong khung cảnh thực tế này. Chúng ta phải trình bày điều ấy bằng một cách thức của riêng mình (nghiã là từ tâm hồn mình), nhưng không phải bằng một cách thế nắn ép sứ điệp của Thiên Chúa đến chỉ còn là kinh nghiệm riêng của chúng ta.(21)

Một Vài Hệ Quả

Nếu tác vụ Lời Chúa thực sự được làm theo cách mà chúng ta mô tả trên kia, thì có một số hệ quả cần ghi nhận.

+ Quá trình chuẩn bị có thể rất thú vị

Ta sẽ có một cảm thức tự do. Đó không còn là một công tác hàng tuần trong đó ta phải hoàn toàn tự mình làm một bài “diễn thuyết.” Đúng hơn, chúng ta tham dự vào và phụ giúp một điều gì đó rất tốt đang diễn ra. Các bản văn Thánh Kinh được công bố đang tuôn chảy, và chúng ta đang cố gắng giúp khai thông dòng chảy này. Việc nhận định điều gì đang tuôn chảy sẽ đòi sự nghiên cứu, cầu nguyện, diễn dịch; việc trình bày nó sẽ đòi một khả năng sáng tạo mức nào đó. Nhưng không có gì nhiều phụ thuộc vào tôi.

+ Chúng ta không bao giờ phải lo lắng về sự cạn kiệt

Những câu chuyện và những kho tư liệu của riêng chúng ta thì giống như trữ lượng dầu với khối lượng nhất định, nhưng Thánh Kinh là mạch nước hằng sống không bao giờ khô cạn, và đời sống của cộng đoàn thì không bao giờ tĩnh tại. Khi Lời hằng sống chảy vào đời sống thì những kho tàng vô tận sẽ không ngừng mở ra.

+ Chúng ta không phải cố tìm ra một đề tài mới cho mỗi Chủ Nhật

Chúng ta có thể cảm thấy thoải mái để giảng cùng một ý tưởng nòng cốt trong vài ba tuần liên tiếp; chẳng hạn, trong Mùa Phục Sinh, sự nhấn mạnh dành cho Chúa Thánh Thần, một chủ đề thường ít được lưu tâm đúng mức trong các bài giảng của chúng ta. (Chúng ta có xu hướng nhấn mạnh sứ vụ tại thế của Chúa Giêsu.) Nếu chúng ta đã giảng về Chúa Thánh Thần vào Chủ Nhật trước, thì Chủ Nhật này chúng ta thường nghĩ: “Chúa Thánh Thần ư? Mình đã giảng tuần trước rồi. Tuần này phải giảng về một chủ đề khác vậy.” Như vậy không đúng đâu. Tôi có thể nói về cùng một chủ đề và thậm chí lặp đi lặp lại cùng một chân lý căn bản, nhưng mỗi lần vẫn bằng một cách mới mẻ. Các bài giảng của các Chủ Nhật liên tiếp không phải là những bài nói chuyện tách rời nhau; chúng là những sự soi rọi từ các bản văn Thánh Kinh sống động diễn ra mỗi Chủ Nhật.

+ Những bài giảng tuyệt vời nằm trong khả năng của những người giảng thuyết vốn không phải là những diễn giả trứ danh

Sự chú ý ít được đặt trên người giảng, mà đặt trên Lời Chúa nhiều hơn. Tình yêu và sự tôn kính của chúng ta đối với Lời Chúa sẽ được người ta nhận thấy và sẽ phát huy hiệu quả. Tiêu điểm sẽ đặt trên sự soi sáng mà Thiên Chúa ban cho hơn là trên bài giảng hay người giảng. Điều quan trọng không phải là chuyện dân chúng có ấn tượng với bài giảng hay người giảng. Dân chúng có ấn tượng hay không với điều Chúa đang nói với họ, đấy mới là điều quan trọng hơn. Một bài giảng tốt sẽ đòi phải có những kỹ năng diễn thuyết căn bản, nhưng đây không phải là điều quá khó với nhiều người. Chúng ta không cần phải là những người có biệt tài kể chuyện hay những nhà hùng biện lỗi lạc.

+ Các bài giảng của chúng ta phải có thể được mở rộng

Khi chúng ta dùng bản văn Thánh Kinh như một ‘cái cớ’ cho điều gì đó chúng ta muốn nói, hay cho điều gì đó đánh động chúng ta trong cầu nguyện, thì mỗi người giảng thuyết – tuỳ vào tính khí, sở thích của mình – có khuynh hướng thiên về những đề tài mà mình tự nhiên thích: các mối tương quan liên vị, vấn đề công bằng xã hội, các giáo huấn giáo thuyết.

Đàng khác, nếu chúng ta khiêm tốn đứng trước bản văn và lắng nghe những gì Thiên Chúa nói với chúng ta xuyên qua khung cảnh này, chúng ta sẽ ít chọn những bài giảng mà sự giống nhau của chúng trong chủ đề là do xu hướng riêng của mình. Có những lúc, Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đến những nơi mà chúng ta không muốn đi. (cf. Ga 21,19)

+ Chúng ta sẽ giảng trực tiếp hơn về Thiên Chúa, vềChúa Kitô, về Chúa Thánh Thần

Tôi thấy người ta thường nghĩ rằng trong các bài giảng, chúng ta tập chú tới Giáo Hội hơn là tập chú vào Chúa Giêsu Kitô và vào giáo huấn của Ngài. Chẳng hạn, hãy nhớ lại rằng rất thường người ta đặt câu hỏi kiểu như “Giáo Hội dạy về điều này điều nọ thế nào?” Ít khi người ta nói “Chúa dạy gì về điều này điều nọ?”(22)

+ Chúng ta sẽ giảng các chân lý căn bản của đức tinchúng ta

Thánh Kinh sẽ là người hướng dẫn của chúng ta (chứ không phải là một bàn đạp cho các ý tưởng riêng của mình). Thánh Kinh sẽ đưa ta vào những chiều sâu của các chân lý mạc khải, và tới những đáy sâu của đời sống con người. Nếu cứ để mặc ta chọn đề tài bài giảng theo ý riêng mình, thì một số chân lý nền tảng sẽ bị phớt lờ, hoặc bởi vì chúng quá rõ ràng hoặc bởi vì chúng quá khó.

Tôi tin rằng điều nói trên vẫn diễn ra đó đây và lúc này lúc khác. Chúng ta không giảng các chân lý nền tảng như về Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, ơn cứu chuộc, ơn sủng. Cách đây không lâu, tôi yêu cầu một nhóm học sinh tiểu học kể cho tôi nghe về Đức Giêsu. Các cô cậu ấy kể về sự kiện Giáng Sinh, về các phép lạ của Đức Giêsu, và về việc Ngài giúp đỡ người ta. Khi tôi thúc giục các em trả lời phải chăng Đức Giêsu là Thiên Chúa, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy đa số các em lắc đầu và nói “Không!” Phản ứng đầu tiên của chúng ta về chuyện này có lẽ là phiền trách các chương trình giáo lý. Nhưng còn việc giảng lễ của chúng ta thì không đáng bị phiền trách sao?

Một trong những vấn đề của Giáo Hội ngày nay, đó là chúng ta quá bận rộn tranh cãi về chuyện cho các em gái làm lễ sinh, chuyện sử dụng thứ ngôn ngữ bao hàm (bình đẳng giới), chuyện ai được gọi là một thừa tác viên mục vụ… trong khi đó chúng ta lại quên lãng các chân lý cốt yếu mà tất cả chúng ta đều nhất trí. (Đây là một lỗi mà các nhà giảng thuyết thuộc khuynh hướng quá khích – ‘fundamentalists’ – đã không mắc phải.)

+ Những bài giảng như thế thường sẽ đem lại hiệu quả về lâu về dài

Nói chung, những bài giảng loại này sẽ không gây ‘giật gân,’ khiến người ta phải trầm trồ. Chúng sẽ không nghe có vẻ thật độc đáo hay thật lưu loát. Hiệu quả của chúng sẽ đến từ từ, nhưng rất nền tảng, và nó đến từ việc không ngừng cởi mở đón nhận Lời Thiên Chúa - cũng khá giống với việc chuyên cần cầu nguyện bằng Thánh Kinh trong lectio divina. Và hiệu quả ấy sẽ rất mạnh mẽ, vì Lời Thiên Chúa đầy sức mạnh. Người ta sẽ bắt đầu lắng nghe các bài đọc một cách ân cần hơn. Người ta sẽ bớt bị cuốn vào bài giảng, thay vào đó họ bị cuốn nhiều hơn vào những tia sáng chiếu soi sâu xa trong linh hồn họ. Sự trân trọng của họ (đối với bài giảng) sẽ thường bộc lộ cách nhẹ nhàng nhưng bền lâu chứ không theo kiểu cuồng nhiệt nhất thời.

Hiệu quả của việc ăn uống đúng bài bản sẽ không được thấy rõ cách ấn tượng ngay sau ngày hay tuần lễ đầu tiên. Chỉ về lâu về dài ta mới cảm nhận được hiệu quả của chế độ ăn uống ấy. Điều tương tự cũng đúng với các bài giảng.

Một Ý Tưởng Cuối Cùng

Không phải khả năng của người giảng thuyết mà chính năng lực của Lời Thiên Chúa mới đem lại sức sống cho Giáo Hội và cho mỗi người tin. Kỹ năng của người giảng thuyết có dự phần, nhưng đó là một kỹ năng được sử dụng để trao Lời Chúa, chứ không phải để trao các ý tưởng của riêng mình.

Các vị hướng dẫn mục vụ mong muốn tác động và thay đổi cộng đoàn sẽ không cố gắng đạt điều đó bằng chính khả năng thuyết phục hay tài khéo của mình, cũng không bằng các chương trình, các qui chế, hay khả năng tổ chức, nhưng là qua việc thi hành cách đích thực tác vụ Lời hằng sống của Thiên Chúa – cho phép “bí tích” này dọi ánh sáng trên cộng đoàn và khơi trào sức sống.

Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu trong các nhà thờ trên khắp thế giới, năng lực tác động của Lời Thiên Chúa được buông lỏng để hành động với hết công suất.

Tại hội đường Capharnaum, Đức Giêsu đương đầu với một thần ô uế đang kêu la, và Ngài ra lệnh cho nó phải rời người kia. Nó rời đi. Dân chúng “hết thảy đều kinh ngạc và nói với nhau: ‘Lời ấy là thế nào?’”

Lời của Đức Giêsu là thế nào? Là tất cả. Đó là một Lời ân phúc có sức hoàn thành vượt trên mọi cố gắng riêng của chúng ta.

CHƯƠNG III: KHÔNG PHẢI LÀ BÀI GIẢNG

“Ông ấy giảng có duyên, thậm chí lôi cuốn,

nhưng mọi sự không đến từ ông ấy.

Tất cả đều là cắt và dán.”(23)

Một cách để nắm những gì chúng ta đã đề cập trên kia là đối chiếu nó với những phương pháp khác. Ở đây sẽ biếm hoạ 5 loại bài giảng dùng cách tiếp cận khác với việc “đi vào Lời hằng sống trong Thánh Kinh để nhận định điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta ở đây và lúc này.”

1. Những bài giảng cũ được ‘hâm nóng’ lại trong lò vi ba

Tất cả chúng ta đều làm chuyện này. Chúng ta lấy một bài giảng cũ và không làm gì khác ngoài việc hâm nóng nó lại cho lần này.

Ở đây không có ý nói rằng ta không thể dùng bất cứ gì mình đã dùng trước đây, nhưng có một sự khác biệt giữa việc vận dụng những tia sáng trước đây và việc đơn thuần lặp lại một ‘show’ cũ.

Những lời hô hào ‘truyền giáo’ là một ví dụ. Không phải tất cả, song một số nhà giảng thuyết về ‘truyền giáo’ vẫn thường dùng cùng một số bài giảng trong nhiều tháng (ngay cả nhiều năm), và nối kết một cách nhân tạo với các bài đọc của ngày Chủ Nhật.(24) Sự lặp lại như vậy không phải là những bài giảng đúng nghĩa, nếu nhìn nhận rằng giảng là thi hành tác vụ Lời hằng sống của Thiên Chúa, Lời vốn luôn mới mẻ không chỉ cho dân chúng mà cả cho người giảng thuyết nữa.

2. Những câu chuyện bị ép vào bài giảng

Một số bài giảng không phải là bổn cũ soạn lại, nhưng chúng ví như món ăn được nấu không phải tại chính bếp này. Chúng đến từ nơi nào đó khác và được nối kết cách gượng ép với các bài đọc Thánh Kinh. Đó có thể là một chuyện phim hay mà chúng ta mới xem và có ý định dùng làm cốt cho bài giảng tuần này, ngay cả dù chúng ta chưa hề đọc qua các bản văn Thánh Kinh. Hay đó có thể là một bài nói chuyện được chọn trước mà không cần xem xét nội dung cụ thể của Lời Chúa.(25)

Dù kiểu gì đi nữa, những bài giảng như thế không đến từ “nhà bếp” này, nghĩa là, chúng không đến từ món ăn mà chính Chúa nấu trong các bài đọc Thánh Kinh này và trong khung cảnh cụ thể này. (26)

3. Những bài giảng chỉ bám hờ vào - chứ không thực sự tuôn chảy từ - các bài đọc Thánh Kinh

Có nhiều cách để các bài giảng chỉ bám hờ vào các bài đọc Thánh Kinh.

Chẳng hạn, điều này có thể xảy ra khi chúng ta cầu nguyện với bản văn Thánh Kinh của Chủ Nhật sắp tới. Việc cầu nguyện với Thánh Kinh cho phép người ta có nhiều tự do hơn để sử dụng một bản văn, nghĩa là có thể vượt xa khỏi ý nghĩa khách quan của bản văn ấy. Chúng ta đọc với tất cả tự do, chúng ta cho phép Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình tới những ý tưởng được cảm hứng từ bản văn nhưng không nhất thiết nằm trong bản văn. Một từ hay một cụm từ nào đó ‘tóm’ lấy sự chú ý của chúng ta và làm nảy ra những ý tưởng kéo chúng ta đi theo một mạch cầu nguyện nào đó. Đây là một cách tốt để cầu nguyện, nhưng chúng ta cần nhớ sự khác biệt giữa việc cầu nguyện này và công việc của một người giảng thuyết là nhận định điều Thiên Chúa đang nói với tất cả cộng đoàn xuyên qua các bài đọc Thánh Kinh này.

Một cách khác để bài giảng bám hờ vào một bản văn Thánh Kinh, đó là khi chúng ta nhìn lướt qua các bài đọc (không nhất thiết là cầu nguyện bằng các bài đọc ấy) và bỗng chú ý cách riêng một điều gì đó có thể trao cho mình một ý chính để làm một bài giảng. Chẳng hạn, bài Tin Mừng có đoạn văn này:

Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đến và xem.” Vậy họ đến và xem nơi Ngài ở… và họ ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều. (Ga 1,38-39)

Chúng ta bỗng bị thu hút bởi chi tiết “bốn giờ chiều” này, và quyết định nói về cách người ta sử dụng thời gian trong thế giới bận rộn hôm nay. Mặc dầu sự đề cập về thời gian quả thực có trong bản văn này, ta vẫn không có cơ sở để nói rằng đó là chủ điểm của bản văn.(27)

4. Những bài giảng xây dựng trên một ý nghĩa được gán cho bản văn Thánh Kinh

Ý nghĩa “được gán” là một ý nghĩa được ta trao cho bản văn chứ không phải ý nghĩa hàm chứa trong bản văn một cách khách quan. Xét nhiều khía cạnh thì trường hợp này có liên hệ rất gần với trường hợp ở số 3 trên kia.

Chúng ta đọc trong Mác-cô: “Khi Đức Giêsu đi dọc biển hồ Galilê, Ngài trông thấy Simon và anh của ông là Anrê đang quăng lưới xuống biển” (Mc 1,16). Người ta có thể chợt nghĩ rằng từ “quăng” ở đây gợi liên tưởng đến việc quăng chính mình cho Chúa – thế là quyết định giảng một bài về thái độ tín thác và lòng trông cậy vào Chúa!

Trong khi loại “ý nghĩa được gán” ấy có thể có chỗ trong suy tư, suy niệm, thì người giảng thuyết không thể coi nó như điều Thiên Chúa đang muốn nói với toàn thể cộng đoàn. Trong một bài báo viết về ý nghĩa “được gán,” Raymond Brown liên hệ đến việc giảng thuyết như sau:

Các nhà giảng thuyết có thể gán ghép ý nghĩa một cách dễ dàng và muốn vận dụng sự gán ghép ấy thay vì cố gắng rút ra một sứ điệp thích hợp từ ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh. Và như vậy là họ đang liều lĩnh thay thế lời của Thiên Chúa bằng sự khôn khéo của mình… Nhưng nói chung, một khi chúng ta đã nhận ra sự phong phú vô cùng của ý nghĩa bản văn Thánh Kinh, chúng ta sẽ tìm cách trung thành trình bày ý nghĩa ấy chứ không tìm cách gán ghép theo ý ta.(28)

5. Bài giảng lễ khác với một bài dạy ở lớp

Mọi bài giảng tốt đều có chức năng ‘dạy học’ trong đó, theo nghĩa rằng người ta có thể học được điều gì đó. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta đang nói về các bài giảng lễ mà mục đích chính của chúng là chuyển đạt thôngtin về Thánh Kinh, về giáo thuyết hay về các thực hành của Giáo Hội.(29) Các bài đọc được chỉ định sẵn cung cấp những cơ hội tuyệt vời để lên lớp, và nếu chúng ta có ‘máu’ của một ông thầy, chúng ta thường muốn lợi dụng cơ hội để dạy người ta.

Chẳng hạn, vào Chủ Nhật 29 năm C, Bài Đọc II có câu “Tất cả sách thánh đều được linh hứng bởi Thiên Chúa” (2Tm 3,16). Câu này, nền tảng Thánh Kinh của giáo lý về linh hứng, có thể dễ dàng dẫn tới một bài nói chuyện giải thích về thế nào là linh hứng và thế nào là không phải linh hứng.

Tuy nhiên, nếu giảng lễ là thi hành tác vụ giúp cho điều Thiên Chúa đang nói chảy vào cộng đoàn ở đây và lúc này, thì chúng ta phải chống lại cái cám dỗ sử dụng bài giảng để dạy về Thánh Kinh, hay về giáo lý. Dù chúng ta có ‘dạy’ hay đến mấy đi nữa, thì cũng không thể đem lại hiệu quả bằng việc cho phép Lời ân phúc của Thiên Chúa hiện diện và tác động thực sự trên cộng đoàn.(30)

——————————————-

Cần ghi nhận rằng các kiểu giảng lễ nói trên không phải luôn luôn đưa tới một sứ điệp “dở” - sứ điệp, xét tự thân nó, có thể rất tuyệt vời. Vấn đề là những bài giảng như thế không rút năng lực từ Lời ân phúc của Thiên Chúa đang diễn ra bây giờ, Lời thật mới mẻ và dành cho mọi người. Những bài giảng như thế trở thành lời của chính chúng ta được nối kết với một phần của bản văn, chứ không phải là Lời của Thiên Chúa được lắng nghe từ toàn bộ khung cảnh thực tại.

CHƯƠNG IV: PHẦN MỞ ĐẦU BÀI GIẢNG

“Hãy bảo họ đi thẳng vào trọng tâm.” (31)

Điều đầu tiên phải nói về phần mở đầu (nếu hiểu phần mở đầu là mấy câu nói chuyên biệt dùng để bắt đầu), đó là các bài giảng lễ không cần phần mở đầu chi cả. Một số bài nói chuyện sẽ cần, nhưng các bài giảng lễ thì không cần. Hãy nhớ rằng cơ cấu phụng vụ Thánh Lễ vốn đã có một phần mở đầu rồi (nghi thức tập trung).

Trong các khoá học nói trước công chúng, người ta vẫn thường đề nghị việc lôi kéo sự chú ý, chẳng hạn kể một giai thoại nào đó…

Trong một bài giảng, lôi kéo sự chú ý là việc ít cần nhất. Mọi sự xảy ra trước bài giảng vốn đã lôi kéo sự chú ý rồi: người ta đứng lên, hát Allêluia, lắng nghe bài Tin Mừng, rồi người ta ngồi xuống, chờ nghe những tiếng đầu tiên của bài giảng. Như vậy, điều cần làm không phải là lôi kéo sự chú ý của người ta, mà đúng hơn là giữ cho được sự chú ý đang có sẵn.

Cách tốt nhất để giữ sự chú ý của người nghe là “đi thẳng vào trọng tâm.” Chúng ta thường chần chừ không đi thẳng vào trọng tâm, có lẽ bởi vì sợ rằng mình sẽ không còn gì để nói tiếp. Chúng ta cảm thấy mình nên đi vào trọng tâm cách nhẩn nha, từ từ. Nhưng nhiều người cho biết rằng họ muốn chúng ta đi nhanh hơn vào cốt lõi của bài giảng. Đây là một số ý kiến của họ:

• “Tôi thích cái cách vị linh mục ấy đi thẳng vào điểm chính của bài giảng.”

• “Tôi chán những kiểu nhập đề dông dài.”

• “Hãy vào thẳng.”(32)

• “Đừng dẫn chúng tôi đi lòng vòng.”

• “Cha sở thường mở đầu bằng một câu chuyện dài dòng, với những chi tiết không cần thiết.”

• “Ngài thường bắt đầu rất hay, dù ít khi có nối kết chặt chẽ với bài Phúc Âm. Rồi sau đó thì nghe chán phè.”

• “Ông cha đó luôn bắt đầu bài giảng bằng cách kể lại câu chuyện mà mọi người vừa mới nghe trong bài Tin Mừng. Thật là chán!”

Điều Chúng Tôi Đã Rút Tỉa Được

Trong các buổi làm việc về bài giảng của chúng tôi, chúng tôi ghi nhận 3 vấn đề liên quan tới cách bắt đầu bài giảng:

1. Quá luộm thuộm

Nhiều khi mấy câu đầu tiên của chúng ta yếu xìu, mềm nhũn, và đầy những yếu tố rườm rà không cần thiết. Người ta đang chăm chú chờ nghe những tiếng đầu tiên của bài giảng, thế mà chúng ta lại vật vờ…

Một số bài giảng giống như các ‘thủ tục’ cất cánh của một máy bay: chạy một hồi lâu trên đường băng, dần dần tăng tốc, rồi cuối cùng mới lao lên khỏi mặt đất. Hình ảnh cất cánh này nên áp dụng không phải cho bài giảng, mà cho nghi thức tập trung lúc đầu lễ: người ta lần lượt đến, dần dần qui tụ với nhau, rồi nâng hồn lên với Chúa trong bài hát nhập lễ.(33)

2. Quá dài

Tán chuyện lúc bắt đầu là điều dễ; và chúng ta thường làm thế. Nếu đó là một câu chuyện, chúng ta thường đắm chìm trong các chi tiết. Việc bắt đầu một cách dông dài sẽ làm mờ nhạt cái cốt yếu của sứ điệp và phung phí sự chú ý của người nghe vào lúc mà họ tập trung cao độ nhất. Điều quan trọng không phải là chiều dài của bài giảng, mà là sự sắc bén của nó.

3. Phần bắt đầu tách rời hẳn khỏi bài giảng

Nhiều khi phần bắt đầu được nối kết với phần còn lại của bài giảng một cách gượng ép; nó chẳng soi sáng gì cho ý tưởng chính của chúng ta. Nó không cần phần còn lại của bài giảng, và phần còn lại của bài giảng cũng chẳng cần đến nó. Cần xét xem cách ta bắt đầu có thực sự gắn khớp với bài giảng hay không. Nếu không, hẳn là nên loại bỏ nó.

Một Số Ví Dụ

Đây là một số trích dẫn từ phần bắt đầu của một số bài giảng thực:

Như anh chị em biết, cuối tuần rồi tôi vắng nhà. Tôi đã dành ít ngày viếng thăm mấy người bạn tốt của tôi ở Chicago. Có người gợi ý với tôi về chuyện chơi đánh gôn. À, thực ra chuyện này không có chi đáng nói; tôi sẽ cho thấy tại sao tôi lại nhắc đến ở đây. Không phải tôi muốn khoe khoang về điều gì đâu. Nhưng tôi thấy rằng một trong những điều chúng tôi đã làm chắc chắn phản ảnh bài Phúc Aâm mà chúng ta nghe tuần này, và tôi hy vọng có thể chuyển đạt cái ấn tượng đó cho anh chị em. Số là, vào tối Chủ Nhật, ba anh em chúng tôi lái xe tới …

Bản văn đã được biên tập:

Vào tối Chủ Nhật, ba anh em chúng tôi lái xe tới. ..

Ví dụ khác:

Chủ Nhật vừa rồi, và gần trọn hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba, tôi đi lên miền bắc với vài người bạn mà tôi đã quen biết từ nhiều năm; và mặc dù băng đóng không dày, vẫn có những người đi câu cá dưới băng. Thật thú vị. Tôi bước ra ngoài cửa, lúc bấy giờ là chiều tối, tôi gặp thấy vài người đàn ông và mấy đứa trẻ đi câu về. Tôi lên tiếng: “Chào các bạn. Câu được nhiều cá không?” Họ trả lời: “Không khá lắm. Chúng tôi chỉ bắt được vài con cá nhỏ.” Cách đây ít tuần, một số người ở miệt dưới – gồm hai cha con và một người đàn ông khác nữa, tôi không nhớ rõ là còn ai khác nữa không – đã đi câu cá suốt cả tuần, và hầu như đã chẳng bắt được gì ngoại trừ vài con cá nhỏ xíu. Những người đánh cá trong bài Phúc Âm hôm nay cũng vậy…

Bản văn đã được biên tập:

Vừa rồi tôi lên miền bắc, và người ta ở đó đang đi câu cá dưới băng. Chiều tối hôm ấy, mấy người câu cá đang trở về nhà, ngang qua chỗ tôi, tôi hỏi họ: “Câu được nhiều không?” Họ đáp: “Tệ lắm. Chỉ vài con cá nhỏ.” Những người đánh cá trong bài Phúc Âm hôm nay cũng vậy…

Ví dụ khác:

Tất cả chúng ta đều biết rằng thay đổi là điều rất khó. Và tôi nhận ra rằng càng cao tuổi thì dường như càng khó thay đổi hơn, nhưng đó là sự thực. Tôi nghĩ rằng ai cũng có khuynh hướng nhận thấy rằng sự thay đổi – ít nhất là nhiều loại thay đổi – thật là khó. Thế mà, thật là lạ bởi vì trong quãng đời của mình, trong thời đại này, chúng ta đã phải trải qua nhiều thay đổi hơn toàn thể nhân loại đã từng trải qua trong cả lịch sử. Vì thế thay đổi là một điều thường hằng đối với chúng ta, dù nó có thể khó khăn. Các bài đọc hôm nay nói với chúng ta rằng sự thay đổi…

Bản văn đã được biên tập:

Thay đổi là điều khó. Càng cao tuổi, dường như tôi càng khó thay đổi hơn. Thế nhưng thật lạ là trong đời mình chúng ta đã trải qua nhiều thay đổi hơn bất cứ ai đã từng trải qua trong lịch sử. Các bài đọc hôm nay nói với chúng ta rằng sự thay đổi…

Ví dụ khác:

Thật vui được trở lại với anh chị em hôm nay. Cha Bill đã quảng đại cho phép các phó tế chúng tôi nghỉ tháng bảy này, vì thế tôi được gặp lại anh chị em ở đây. Mà này, vào Thánh Lễ 5 giờ chiều hôm qua, tôi bất chợt nhận ra Cha Bob, người cao nghều, và tôi chắc chắn biết Mutt và Jeff thích cái gì trên đời này, cả Cha Bill nữa. Thật vui có mặt lại với anh chị em mặt đối mặt hôm nay. Và mặc dù chúng tôi đã hứa với Cha Bob rằng chúng tôi sẽ giúp ngài trong bất cứ việc gì chúng tôi có thể giúp… nhưng chính anh chị em sẽ giúp ngài cải thiện khả năng đánh gôn của ngài đấy nhé.

Trong các bài đọc hôm nay chúng ta nghe về tính đại đồng của tình yêu, lòng thương xót, và sự săn sóc của Thiên Chúa đối với mọi người. Điều này nhắc tôi nhớ lại hai tuần lễ diễn ra Olympic cách đây ít tuần: Thật tuyệt vời biết bao tính đại đồng của tinh thần thượng võ…

Bản văn đã được biên tập:

Tôi nhớ những cuộc thi đấu Olympic cách đây ít tuần, thật tuyệt vời biết bao tính đại đồng của tinh thần thượng võ…

Mấy Điều Cần Nhớ

1. Khi soạn một bài giảng, đừng bắt đầu với phần mở đầu

Phần gay go nhất của việc soạn một bài giảng chính là việc viết những chữ đầu tiên. Đừng phí thời gian để cố viết phần mở đầu. Làm thế chẳng khác chi một tác giả bắt đầu viết một quyển sách bằng phần Lời Tựa.

Tốt hơn hãy bắt đầu ở giữa bài giảng, bằng cách phác hoạ ý tưởng chính. Bạn sẽ nói gì ở đầu bài giảng, điều này sẽ từ từ tính sau; nhưng đừng quên rằng… phúc cho nhà giảng thuyết nào đi thẳng vào chủ đề ngay từ đầu bài giảng.

2. Đừng dùng những lối bắt đầu trịnh trọng

Ở đây tôi muốn nói đến dấu Thánh Giá, hay kiểu mở đầu như “Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,” hay “Trọng kính Đức Hồng Y, Đức Tổng Giám Mục, Đức Cha XYZ, quí Đức Ông, quí Cha,” vv.

Những kiểu mở đầu như thế cho thấy người giảng lễ không ý thức sự kiện rằng Thánh Lễ vốn đã có một nghi thức mở đầu rồi. Chúng cũng in đậm ấn tượng rằng bài giảng là một bài nói chuyện tách biệt chứ không phải là một phần của dòng chảy phụng vụ.(34)

3. Đừng làm cho phần bắt đầu hay hơn phần còn lại của bài giảng

Phát biểu như vậy là có pha trò. Điều tôi thực sự muốn nói là: “Bạn hãy làm cho phần còn lại của bài giảng cũng hay như phần mở đầu.” (Điều này trở nên rất khó nếu phần mở đầu thuộc loại chuyện giật gân lôi kéo chú ý và không thực sự có mối nối kết với phần còn lại của bài giảng. Khi chúng ta thực sự bước qua bài giảng, thì người nghe vẫn còn đang thưởng thức cái dư vị của phần mở đầu vốn không có mối liên lạc kia.)

Sẽ là tai hoạ cách riêng, nếu sau một sự bắt đầu có vẻ hấp dẫn, chúng ta nói: “Như chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc I / bài Tin Mừng …” Người ta hiểu đây là tín hiệu cho biết bài giảng đã chuyển sang phần buồn chán của nó.(35)

4. Đừng bắt đầu bằng cách kể lại câu chuyện của bài Phúc Âm

Lặp lại câu chuyện của bài Phúc Âm là một điều được thấy khá phổ biến. Và việc này không hay ho gì, thậm chí gây chán nản. Cần dứt khoát tránh sự lặp lại này, không chỉ ở lúc bắt đầu mà ở bất cứ chỗ nào trong bài giảng. (Chúng ta sẽ nói kỹ hơn về chuyện này ở Chương 26, khi đề cập đến “Mười Con Quỉ.”)

5. Đừng bắt đầu bằng cách kể lòng vòng những gì xảy ra chung quanh việc bạn chuẩn bị bài giảng này

Lòng vòng như vậy là kiểu ‘cà lăm’ của những người quá bối rối hay quá vụng về khi nói trước công chúng. Hãy tưởng tượng Tom Brokaw (người dẫn chương trình thời sự truyền hình nổi tiếng) đi nghỉ hè, và một anh chàng không chuyên tạm thay chỗ của Tom. Anh chàng này bắt đầu bản tin bằng những lời như sau: “Thưa quí vị, khi tôi được đề nghị phụ trách giới thiệu bản tin thời sự tối hôm nay, ý nghĩ đầu tiên của tôi là nên chọn câu truyện gì để mở đầu. Rồi khi tôi bắt đầu xem qua các nội dung của chương trình, tôi bỗng nghĩ rằng mình nên bắt đầu bằng loại truyện ít được vận dụng nhất. Thế nhưng, rồi tôi lại suy nghĩ thêm và cuối cùng quyết định rằng cách tốt nhất để bắt đầu chương trình là…”

Thế đấy! Và điều tương tự cũng thường xảy ra với các bài giảng. Những người nghe giảng lẩm bẩm: “Chúng tôi đến đây không phải để tìm hiểu xem ngài cảm thấy thế nào khi ngài nhận được lời mời giảng, cũng không phải để tìm hiểu xem điều gì xảy ra khi ngài đang chuẩn bị bài giảng. Điều chúng tôi muốn nghe đó là chính bài giảng.”

—————————————–

Có thể tóm lại thế này: Bài giảng là một sự nối tiếp dòng chảy Lời ân phúc của Thiên Chúa. Sự bắt đầu bài giảng không được làm nghẽn dòng chảy này. Một câu chuyện tếu, một lời pha trò, những kể lể về cách tôi phản ứng khi được yêu cầu giảng, hay một công thức “kính thưa” trịnh trọng nhắc đến đủ mọi loại người đang có mặt – tất cả đều làm khựng dòng chảy đang diễn ra. Lời Chúa đang chảy, và cần được giữ để tiếp tục tuôn chảy.(36)

CHƯƠNG V: PHẦN KẾT BÀI GIẢNG

Kết thúc một bài giảng cũng giống như bước ra khỏi một chiếc ca-nô.

Trong đa số các bài giảng, phần kết là phần thường ít được chuẩn bị nhất, đến nỗi tôi thấy cần phải nhấn mạnh qui tắc này: “Đừng bắt đầu một bài giảng nếu bạn chưa biết mình sẽ nói gì trong hai câu cuối cùng.”

Chúng ta thường ảo tưởng rằng bài giảng sẽ tự nó kết thúc. Nói cho cùng, chúng ta biết các ý tưởng của mình sẽ chấm dứt ở chỗ nào, và chúng ta nghĩ rằng khi đến chỗ ấy thì mình chỉ cần làm một việc đơn giản là “chấm dứt,” thế thôi. Nhưng thực tế thì không đơn giản như vậy. Kết thúc một bài giảng là một công việc đầy cạm bẫy, giống như việc bước ra khỏi một chiếc ca nô vậy.

Một lớp học sẽ tự động chấm dứt khi hết giờ. Chúng ta chỉ cần gấp giáo trình lại và nói: “Thôi, hôm nay ta dừng ở đây nhé. Ngày mai sẽ tiếp.”

Nhưng chúng ta không thể kết thúc một bài giảng lễ kiểu đó, vì bài giảng là một phần của phụng vụ và nó thuộc một cơ cấu nghi lễ. Chúng ta phải kết thúc bài giảng một cách êm xuôi; khổ nỗi, nhiều khi loay hoay tìm cách kết thúc êm xuôi, ta lại kéo bài giảng đi lòng vòng!

Một kết thúc tồi tệ có thể làm hỏng cả một bài giảng hay. Điều này thật đáng trách, bởi vì nếu ta không khinh suất, thì điều tệ hại ấy đã không xảy ra.

Chắp Cánh Cho Phần Kết?

Mày mò xoay xở một phần kết thúc không được chuẩn bị trước thì cũng giống như đi vào trong một căn nhà ma mà không có đèn rọi. Những con ma ẩn núp ở đó sẽ sẵn sàng nhảy bổ ra: con ma nói lặp đi lặp lại, con ma nói lãng xẹt, con ma nói một ý mới…

Nói ‘cương’ ở phần kết thúc là điều đáng sợ nhất trong nhiều bài giảng. Như một giáo dân nhận xét: “Thật là khổ sở khi nhìn ông ấy loay hoay để chấm dứt.”(37)

Ý Kiến Phản Hồi Từ Dân Chúng

Ý kiến thu thập được về phần kết thúc thì nhiều hơn cả về phần mở đầu, và những ý kiến này tập trung vào cùng một số mối quan tâm:

• “Điều tôi thích nhất nơi cách giảng của cha sở là ngài kết thúc bài giảng rất gọn gàng chứ không vòng vo tam quốc.”

• “Nhiều khi chúng tôi biết ông ấy đã nói hết các ý rồi, nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông ấy ngừng. Mọi người đã ngừng lắng nghe, nhưng ông ấy thì cứ tiếp tục đi lòng vòng.”

• “Ồ, tôi ước chi các bài giảng được kết thúc một cách gọn gàng.”

• “Tôi bực nhất với những kết thúc giả. Cha sở cứ nói ‘Tóm lại’ nhưng rồi ngài lại lấy hơi để nói tiếp những điều gì đó khác nữa.”

Mấy Điều Cần Nhớ

1. Viết ra phần kết của bài giảng không phải là việc quá khó

Viết phần kết không khó như khai triển ý tưởng chính (thế mà việc khai triển này chúng ta đã làm rồi). Chúng ta không phải bắt đầu từ một mớ lộn xộn và không phải sáng tạo ra một phần kết thúc như thể từ trên trời rơi xuống. Tất cả điều chúng ta phải làm là đúc kết một cách rõ ràng điều mình đã nói.

2. Phần kết có thể rất ngắn

Nói chung, càng ngắn càng tốt: Những kết thúc tốt nhất là những kết thúc gọn gàng và dứt khoát. Mới đây tôi có tham dự một Thánh Lễ dành cho một nhóm tu sĩ. Vị linh mục giảng thuyết đã có một ý tưởng chủ đạo và đã trình bày rất tốt. Rồi ngài ngừng lại, đưa hai tay về phía cộng đoàn, và nói: “Đó là chứng tá đời sống của các bạn, và chúng tôi rất biết ơn các bạn.”

Chỉ có một câu thôi. Và đó là một kết thúc tuyệt vời.

3. Đừng nói rằng bạn sắp kết thúc khi bạn không đang kết thúc

Hồi tôi 15 tuổi, tôi là người chỉ huy của một đội chèo thuyền gồm 8 tay chèo trên sông Detroit. (Người ta muốn một ai đó nhẹ cân, giống như một nài ngựa trong môn đua ngựa, vì thế đôi khi người chỉ huy trẻ tuổi hơn nhiều so với đội chèo.) Chúng tôi tập luyện bằng cách mỗi ngày chèo khoảng 4 hay 5 dặm. Lần nọ, chúng tôi đang chèo ngon trớn thì cần dừng lại để nghỉ giải lao; nhưng trước khi dừng tôi muốn cả đội dồn sức để chèo 10 sải mạnh nhất, như làm một cú nước rút. Tôi bắt đầu hét để ra hiệu lệnh: “Chèo thật đều, MỘT. Chèo thật đều, HAI…” Mọi người làm tốt đến nỗi tôi cao hứng quyết định kéo dài quá số 10: “Chèo thật đều, MƯỜI MỘT. Chèo thật đều, MƯỜI HAI…”

Bạn biết đó, một đội chèo không thể dừng trừ phi tất cả họ dừng cùng một lúc. Do chiếc thuyền đang lao đi rất nhanh, do tất cả họ đang nhịp nhàng bật ngửa người ra sau rồi đổ rạp người tới trước theo mỗi nhịp chèo, và do những mái chèo ấy rất dài, sẽ chắc chắn xảy ra tai nạn nếu tất cả họ không dừng cùng một lúc. Vì thế, họ phải tiếp tục chèo cho đến khi tôi cho mệnh lệnh dừng.

Mọi người đều rất mệt, như không còn hơi để nói. Nhưng họ cũng gắng vừa thở vừa nói với tôi: “Này, chú nhóc. Chú mày bảo sẽ làm 10 sải nước rút, và bọn này vắt hết sức để chèo 10 sải ấy, nhưng rồi chú mày lại cho chèo tiếp. Cứ thử lặp lại cái trò lừa này lần nữa đi, bọn này sẽ quăng chú mày xuống sông đấy.”

Tôi cố ghi nhớ điều này trong liên hệ với các bài giảng: Đừng bao giờ nói rằng (hay tỏ vẻ rằng) bạn sắp chấm dứt và rồi bạn không chấm dứt.

4. Bước vào phần kết, nếu bạn chợt có ý muốn ghi nhận thêm hay làm sáng tỏ thêm điều gì đó, hãy dứt khoát xua đuổi nó khỏi tâm trí bạn

Khi bạn đang ‘hạ cánh’, nếu có bất cứ ý tưởng nào nảy ra thêm, bạn đừng cố ‘móc’ nó vào. Người ta sẽ cảm nhận được điều gì đang diễn ra và họ sẽ khó chịu, họ sợ rằng ý tưởng này sẽ dẫn tới một ý khác, rồi một ý khác nữa… như một phản ứng hạt nhân.

Có lần để kết thúc bài giảng của mình về sự cần thiết phải sống triệt để Phép Rửa, tôi đã nói như sau:

Tất cả chúng ta cần có can đảm để thực thi cái quyết định mà mình đã đưa ra khi lãnh nhận Phép Rửa… hay cái quyết định mà ai đó đã đưa ra thay cho chúng ta.

Mệnh đề cuối cùng trên đây đã không được chuẩn bị trước – và nó mở ra một ý tưởng hoàn toàn mới. Tôi muốn làm sáng tỏ nó bằng một sự giải thích, chẳng hạn nói thêm rằng “Vâng, dĩ nhiên những ai trong chúng ta lãnh Phép Rửa khi còn bé thì chúng ta đã xác nhận cái quyết định ấy trong Bí Tích Thêm Sức của mình, và chúng ta cũng xác nhận như thế mỗi lần tiến lên rước lễ.” Nhưng rồi cuối cùng tôi đã tự kiềm chế, quyết định không sửa chữa một lỗi này bằng một lỗi khác; tôi cứ để bài giảng kết thúc như vậy, và ước giá chi mình đã không thêm cái ‘đuôi’ thừa như thế.

5. Một trong những cách tốt nhất để kết thúc là dùng một câu trích dẫn ngắn

Một câu trích ngắn có cái lợi là nó không cần nói thêm bất cứ gì nữa cả. Chính nó là câu kết thúc. Câu trích dẫn làm cho bài giảng kết thúc một cách gọn gàng và có duyên.(38)

6. Đừng kết thúc bằng cách áp đặt cho người ta một ứng dụng thực tiễn

Tôi rất bất ngờ khi nghe một người nhận xét như sau:

Các vị giảng thuyết sau khi đã trao cho chúng tôi món quà là một ý tưởng hay thì đừng gói món quà đó lại. Hãy để chúng tôi tự gói bằng giấy gói quà của mình – nghĩa là, hãy để chúng tôi áp dụng vào hoàn cảnh thực tế đời thường của mỗi chúng tôi.

Mục đích của bài giảng là trao cho người ta một cái gì đó, là cung cấp cho người ta chất liệu để suy tư, chứ không phải cung cấp một dự án để hành động. Một trong những điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể làm là trao cho người ta một ý tưởng mở – như Đức Giêsu vẫn thường làm với các dụ ngôn của Ngài.(39)

7. Vì bài giảng là một phần của phụng vụ (chứ không phải một bài nói chuyện chen vào lúc phụng vụ tạm nghỉ giải lao!) nên nó phải dẫn vào phần phụng vụ tiếp theo sau nó

Nếu ta không nên bắt đầu bài giảng kiểu như một máy bay cất cánh, thì ta cũng không nên kết thúc bài giảng theo kiểu một máy bay hạ cánh. Phần ‘hạ cánh’ là lời “Chúc anh chị em ra về bình an” ở cuối Thánh Lễ. Còn bài giảng của chúng ta là một giai đoạn ở giữa ‘chuyến bay’; sau bài giảng, ‘chuyến bay’ vẫn còn tiếp tục.

Cha Jerry Broccolo luôn nhấn mạnh rằng một bài giảng phải dẫn vào lời kinh ca ngợi. Cha John Melloh dùng cách diễn tả khác, ngài nói rằng bài giảng phải luôn luôn để lại cho người ta “một tâm tình Thánh Thể,” nghĩa là đưa dẫn người ta một cách tự nhiên vào phần phụng vụ dâng lễ. Bài giảng của chúng ta rốt cục phải gợi cho người ta tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Ngay cả khi đó là một bài giảng nhấn vào việc hoán cải, nó cũng phải bao hàm tin mừng rằng Thiên Chúa ban cho ta ơn sủng giúp ta thay đổi.

————————————–

Phần kết thúc bài giảng là phần dễ vướng trục trặc nhất so với các phần khác. Vì thế bạn hãy luôn tâm niệm điều này: “Đừng bao giờ bắt đầu một bài giảng nếu bạn chưa biết mình sẽ nói gì trong hai câu cuối cùng.”

———————

(1) Bạn đọc có thể muốn tự mình thí nghiệm việc này. Rất dễ làm trong bất cứ khung cảnh thân mật nào. Chỉ cần hỏi “Nè, cậu thích nhất hay ghét nhất điều gì về bài giảng lễ?” Câu hỏi ấy có thể mở ra cả một cuộc chuyện…

(2) Các linh mục được lấy phiên theo thứ tự A,B,C… với một vài điều chỉnh để có được tính hỗn hợp trong các nhóm.

(3) Chúng tôi không nghe lại các băng ghi âm trong 2 tiếng đồng hồ này. Vì điều đó sẽ tốn nhiều thời gian. Chúng tôi đã có các ghi chú khi nghe các băng ấy trước đó, và chúng tôi cũng có sẵn các bản văn của mỗi bài giảng.

(4) Có người sẽ thắc mắc tại sao chúng tôi không dùng băng vidéo thay vì băng audio. Vidéo có một số lợi điểm, nhưng việc thực hiện, việc nhân bản và việc xem băng vidéo sẽ trở thành phức tạp. Chúng tôi không muốn điều tốt nhất trở thành địch thủ của điều tốt. Như Chesterton nói: “Nếu một việc gì đó đáng làm, thì nó đáng làm một cách không hoàn hảo.”

(5) Ở buổi gặp đầu tiên của mỗi nhóm, bài giảng của tôi luôn luôn là “nạn nhân” đầu tiên. Nhà biên tập và tôi hiểu ngầm với nhau rằng bài giảng của tôi sẽ được mổ xẻ cách “tàn bạo” nhất. Điều này thường giúp đánh tan mọi ức chế trong nhóm để có được bầu khí chân thành, thẳng thắn.

(6) Cũng nên nhớ rằng viên phi công kiểm tra này được bầu chọn vào vai trò của mình do chính các phi công đồng sự.

(7) Khi kết thúc buổi làm việc cuối cùng của mỗi nhóm, tôi yêu cầu mọi người cho ý kiến phản hồi về cả tiến trình. Việc này diễn ra rất tích cực và rất hữu ích. Nói chung mọi người đều đồng ý rằng sự thành công hệ tại ở 3 yếu tố chính: (1) công việc phải có tính bắt buộc; (2) các băng ghi âm phải ghi những bài giảng thực tại giảng đài; (3) người hướng dẫn nhóm phải là một người giảng thuyết thường xuyên và phải nộp băng ghi âm của mình để được mổ xẻ như mọi thành viên khác.

(8) Nhóm giảng thuyết của chúng tôi làm việc tốt nhất khi mọi người ăn nói thẳng thắn với nhau. Quyển sách này là một câu chuyện nói thẳng dành cho những người giảng thuyết có kinh nghiệm. Những người lọc lõi có thể tự quyết định mình nhắm đến mục tiêu gì. Nếu có lúc nào tôi có vẻ như đang đề ra những nguyên tắc tuyệt đối, thì xin nhớ rằng chúng chỉ được đề ra như vậy để khẳng định giá trị của chúng. Sứ vụ giảng thuyết là một nghệ thuật, và không có nhiều nguyên tắc tuyệt đối trong nghệ thuật.

(9) Fulfilled in Your Hearing (1982), do Uỷ Ban về Đời Sống và Chức Vụ Linh Mục của NCCB xuất bản, tr. 10-11. Xin xem thêm “The Interpretation of the Bible in the Church,” xuất bản 1993, do Uỷ Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh. “Các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu biết rằng họ không có khả năng hiểu ngay lập tức toàn bộ thực tại của những gì mà họ nhận lãnh trong tất cả các khía cạnh của nó. Khi họ kiên trì trong đời sống cộng đoàn, họ kinh nghiệm một sự sáng tỏ ngày càng hơn về mạc khải mà họ nhận lãnh. Họ nhận ra ở đây ảnh hưởng và tác động của “Thần Khí sự thật” mà Đức Kitô đã hứa cho họ, để dẫn dắt họ đến sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-13). Cũng vậy, Giáo Hội hôm nay tiến về phía trước, dựa trên lời hứa của Đức Kitô: “Đấng Bàu Chữa, là Thánh Thần mà Cha Thầy sẽ gửi đến nhân danh Thầy, sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại những gì Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14,26)

(10) Cf. Brown, The Gospel According to John, Anchor Bible, vol. 29 (New York: Doubleday, 1966, tr. 1141-2).

(11) Các văn kiện của Giáo Hội nêu rất rõ về điều này. “Bài giảng lễ, vì thế, phải được trân trọng như một phần của chính phụng vụ.” (Hiến Chế về Phụng Vụ, 52) Đây không phải là một thông tin mới đối với đa số các nhà giảng thuyết. Điều mới mẻ có lẽ là tất cả những hàm ý của nó.

(12) Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma nói như sau về Kinh Nguyện Thánh Thể: “Vị linh mục… hiệp nhất (dân chúng) với chính ngài trong lời nguyện mà ngài nhân danh họ để dâng lên Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô.” (54)

(13) Ý thức về sự khác biệt này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc cử hành cả Kinh Nguyện Thánh Thể lẫn bài giảng.

(14) Trong quyển sách “bestseller” của mình mang tựa đề Inner Simplicity, Elaine St. James nói về việc tạo lập một cung thánh cho riêng mình: “Đó có thể là phòng riêng của bạn, hay thậm chí là một góc phòng… Đây sẽ là nơi để bạn suy niệm, chiêm ngắm, thinh lặng một mình, suy tư, đọc, chữa lành mình, viết nhật ký… Hãy làm bất cứ gì bạn cần làm để biến chỗ ấy trở thành đặc biệt và thiêng thánh.” (New York: Hyperion, 1995, tr. 65-66). Chúng ta nên có một không gian như vậy - và bài giảng cũng sẽ được dọn ở đó.

(15) Định nghĩa một bài giảng có thể trở nên rất trừu tượng và phức tạp. Tôi thấy có thể hiểu nó cách cụ thể hơn bằng cách hỏi: “Đâu là vai trò của người giảng lễ?”

(16) Những ai phụ trách việc tuyển chọn và cử hành các bài hát trong phụng vụ cũng thuộc số những người cần cẩn trọng lưu tâm đến điều này. Các giáo dân tham gia vào việc chọn lựa thánh nhạc (chẳng hạn, cho lễ cưới, lễ tang) thường cần học hỏi những điều căn bản này trước khi đi sâu vào những vấn đề chuyên môn.

(17) Đặc tính “sống động” của Lời Chúa trong phụng vụ được dạy rõ ràng trong Hiến Chế Phụng Vụ của Vatican II và trong Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma:

“Đức Kitô hiện diện trong Lời của Ngài, vì chính Ngài lên tiếng khi Thánh Kinh được đọc trong Giáo Hội.” (PV 7)

“Khi Thánh Kinh được đọc trong Giáo Hội, chính Thiên Chúa nói với dân Ngài, và Đức Kitô, hiện diện trong Lời của Ngài, đang công bố Tin Mừng…” (Huấn Thị…, 9)

“Trong các bài đọc… Thiên Chúa đang nói với dân Ngài, mở ra cho họ mầu nhiệm cứu độ, và nuôi dưỡng tinh thần họ; Đức Kitô hiện diện với các tín hữu qua Lời của Ngài.” (Ibid., 33)

(18) Trong phần nói về Bánh Hằng Sống của Tin Mừng Gioan (chương 6), tiêu điểm đặt rất rõ trên Lời, và đó là một lời sống động. Đức Giêsu nói về chính Ngài là bánh “hằng sống” đến từ trời. (Cf. Brown, The Gospel According to John, Anchor Bible, vol. 29 [New York: Doubleday, 1966, tr. 255-304].)

(19) Người ta có thể hỏi “Tại sao cần có một bài giảng nhỉ? Tại sao không duy chỉ công bố Lời Chúa rồi ngồi xuống?” Bởi vì chúng ta tin rằng việc tiếp nhận Lời Chúa là một việc có thể được hỗ trợ. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa hành động qua những người khác, trong trường hợp này thì đó là qua người giảng thuyết. Thừa tác vụ của người giảng thuyết là một phần quan trọng của truyền thống phụng vụ chúng ta.

(20) Bài giảng lễ là một cái gì còn hơn việc ứng dụng mặt ngoài một bản văn cổ vào khung cảnh hiện tại: Nó là một tác vụ trung thành của Lời Chúa nổi lên với ý nghĩa mới “cho chúng ta và cho ơn cứu độ của chúng ta”. Uỷ Ban Thánh Kinh Giáo Hoàng trong văn kiện năm 1993 mang tựa đề Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội đã nói về việc hiện tại hoá (nghĩa là khám phá điều mà bản văn nói trong hiện tại này) và hội nhập văn hoá (nghĩa là đặt bản văn vào bên trong một cộng đoàn cụ thể với nền văn hoá của nó).

Về hiện tại hoá: “Thật vậy, Giáo Hội không coi Thánh Kinh duy chỉ như một sưu tập các tài liệu lịch sử đề cập đến các nguồn gốc của mình; Giáo Hội đón nhận Thánh Kinh như Lời Thiên Chúa nói với chính mình và nói với thế giới tại thời điểm hiện tại này.” (số IV) “Việc hiện tại hoá rất cần thiết, bởi vì mặc dù sứ điệp của Thánh Kinh có giá trị trường cửu, các bản văn Thánh Kinh đã được biên soạn theo những hoàn cảnh của quá khứ và bằng loại ngôn ngữ rất hạn định bởi các thời kỳ. Để vén mở ý nghĩa của sứ điệp cho con người hôm nay, cần phải áp dụng sứ điệp ấy vào các hoàn cảnh hiện tại và trình bày nó bằng thứ ngôn ngữ của con người thời nay.” (số IV, A 1)

Về hội nhập văn hoá: “Hội nhập văn hoá không phải là một tiến trình một chiều; nó liên can đến việc “làm phong phú lẫn nhau”. Một đàng, các kho tàng chứa đựng trong các nền văn hoá khác nhau cho phép Lời Thiên Chúa sản sinh hoa trái mới, và đàng khác, ánh sáng của Lời Chúa giúp thực hiện một sự lựa lọc nào đó nơi các nền văn hoá: loại bỏ những yếu tố độc hại và thúc đẩy những yếu tố có giá trị.” (số IV B)

(21) Cf. chương 18, về nhu cầu phải có bản sắc riêng cho bài giảng

(22) Nhận xét về các cơ chế Kitô giáo trước thời Cải Cách, Pelikan nêu một ghi nhận mà tất cả các nhà giảng thuyết nên khắc cốt ghi tâm: “Thay vì làm những cửa sổ qua đó người ta có thể nhận được tia sáng nào đó của Vĩnh Cửu, chúng [tức các cơ chế Kitô giáo] đã trở thành mờ đục, và các tín hữu nhìn chúng hơn là nhìn xuyên qua chúng. Các cơ cấu của Giáo Hội được giả thiết phải hành động như những phương tiện thuộc linh- tức phương tiện cả của Thánh Thần Thiên Chúa lẫn của tinh thần con người… Bị kìm hãm trong các cơ chế Giáo Hội vốn không còn phục vụ như những kênh chuyển thông sự sống thần linh và như những phương tiện của ân sủng Thiên Chúa, năng lực thiêng liêng của Tin Mừng Kitô giáo phải được giải toả.” (J. Pelikan, Spirit Versus Structures: Luther and the Institutions of the Church [New York: Harper and Row, 1968, tr. 30])

(23) Một ý kiến phản hồi từ dân chúng.

(24) Nhưng hô hào “truyền giáo” không phải là ví dụ duy nhất. Còn có những bài giảng dự trữ sẵn cho lễ Thêm Sức, lễ cưới, vv. Đây thực sự không phải là những bài giảng, nếu chúng ta đồng ý rằng vai trò của người giảng thuyết là nhận định điều Chúa đang nói với cộng đoàn một cách sống động ở đây và lúc này, trong sự tương giao giữa các bài đọc Thánh Kinh và bối cảnh cụ thể.

(25) Có lần, trong tài liệu tôi nhận được cho ngày Chủ Nhật Tôn Trọng Sự Sống, có một bài giảng mẫu, kèm với lời chú thích rằng bài giảng ấy có thể được sử dụng bất cứ Chủ Nhật nào của tháng 10, vì người ta đã dọn sẵn 4 phần kết thúc khác nhau.

(26) Trong tác phẩm A Handful of Dust, Evelyn Waugh có một câu chuyện khôi hài về vị cha sở tại một làng người Anh - vị cha sở này vốn đã từng phục vụ nhiều năm ở Ấn Độ:

“Các bài giảng của cha đã được soạn vào thời trước, lúc cha còn trẻ trung, và đó là những bài giảng để giảng tại nhà nguyện của các binh lính; cha đã không làm gì để thích nghi chúng với các hoàn cảnh sứ vụ đã thay đổi của cha - và nói chung, bài giảng nào cũng kết thúc với sự qui chiếu về những “anh chị em thân mến” nào đó rất xa. Dân làng không ngạc nhiên mấy về điều này, bởi họ đã quen với sự kiện rằng ít có gì được nói trong nhà thờ là nhằm để nói riêng với họ.” (New York: Dell Publishing, 1965, tr. 33-35)

Về sau trong quyển sách, tác giả đề cập một trong các bài giảng lễ Giáng Sinh của vị cha sở: “Đó là một trong những bài giảng mà bổn đạo của cha gắn bó cách riêng. “Chúng tôi thật khó nhận ra rằng đấy là lễ Giáng Sinh. Thay vì những ánh lửa bập bùng của lò sưởi và những cửa sổ đóng chặt để chống lại những cơn gió tuyết, chúng tôi lại có ánh nắng chói chang của mặt trời ở xứ sở nào ấy; thay vì những khuôn mặt thân thương xúm xít nhau trong cuộc quây quần của gia đình, chúng tôi lại có những cái nhìn lạ lẫm của những thổ dân lầm lì, dù họ tốt bụng. Thay vì những con bò và những con lừa hiền lành của hang đá Bêlem, chúng tôi lại có con cọp đói và lạc đà, chó rừng, voi từ đâu đâu… Tony và đa số các vị khách của Tony cảm thấy rằng đó là một phần thiết yếu của lễ Giáng Sinh của mình. “Con cọp đói và con lạc đà xa xôi” kia từ lâu đã trở thành câu chuyện pha trò trong gia đình, trong các cuộc tụ tập vui chơi của họ.” (Op. cit., tr. 62-63)

(27) Một trong những dấu cho thấy chúng ta dùng bản văn theo cách này, đó là chúng ta ngừng đọc bài Tin Mừng ngay khi có được ý tưởng, chứ không đọc cho đến hết bài, cũng không cần xem các bài đọc khác.

(28) New Jerome Biblical Commentary, 71:79. Có thể nêu một ví dụ khác về “ý nghĩa được gán” rút từ Thông Điệp Redemptoris Mater của Đức Gioan Phaolô II khi ngài trích dẫn bản văn này từ Thư Côlôsê: “Sự sống của anh em được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa.” (3,3) Ý nghĩa khách quan của bản văn là sự thông dự của các Kitô hữu với Đức Kitô Phục Sinh. Trong Thông Điệp nói trên, đức giáo hoàng trích bản văn ấy để khai triển suy tư của ngài về Đức Maria sống với Đức Giêsu trong những năm sống âm thầm tại Nadarét. Đây rõ ràng là một ý nghĩa được gán. Việc “gán” như vậy là điều được phép trong các suy tư, suy niệm, và trong văn mạch của Thông Điệp này, nhưng việc này không được phép trong các bài giảng lễ. (Cf. Fitzmyer, Louvain Studies 20 [1995, tr. 139-140].)

(29) “… các thừa tác viên của Lời Chúa có bổn phận chính yếu của mình, không chỉ là chuyển trao giáo huấn nhưng còn là giúp các tín hữu hiểu và nhận định điều mà Lời Thiên Chúa đang nói với họ, trong tâm hồn họ, khi họ nghe và suy tư các bản văn Thánh Kinh.” (Uỷ Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Việc Giải Thích Thánh Kinh Trong Giáo Hội, 1993, III B 3)

(30) Để minh hoạ sự khác biệt giữa dạy học và giảng lễ, hãy tưởng tượng bạn được mời giảng lễ cho một nhóm thần học gia và học giả Thánh Kinh tên tuổi. Phản ứng tự nhiên có thể là van xin thoái thác, hay ít là nơm nớp lo lắng. Nhưng tại sao? Một người có khả năng giảng thì có khả năng giảng cho những con người này chứ. Bạn không đang dạy họ (bạn khó có khả năng này). Bạn không đang viết một bài nói chuyện để họ phải thán phục. Bạn có các bài đọc Thánh Kinh. Bạn là thừa tác viên của những gì được chuyên chở trong các bài đọc ấy. Bạn là một anh chạy bàn. Thế thì bạn còn lo lắng về điều gì nhỉ?

(31) Tại một bữa ăn tối, người chủ nhà đề cập với một khách mời rằng tôi đang viết một quyển sách về việc giảng lễ, và hỏi xem vị khách có ý kiến gì không. Vị khách ngẫm nghĩ một chút rồi nói gọn lỏn: “Hãy bảo họ đi thẳng vào trọng tâm.””

(32) Ý kiến này, hầu như đúng từng từ, được nghe đi nghe lại rất nhiều.

(33) Có lẽ việc phóng một hoả tiễn là một hình ảnh tốt hơn để minh hoạ việc bắt đầu một bài giảng.

(34) Hãy ghi nhận câu trả lời của Thánh Bộ Bí Tích và Phụng Tự: “CÂU HỎI: Có nên mời tín hữu làm dấu Thánh Giá trước hay sau bài giảng? Có nên có một công thức chào họ, chẳng hạn: “Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô” không? TRẢ LỜI: Tất cả tuỳ thuộc vào tập quán hợp lệ của địa phương. Nhưng nói chung, không nên tiếp tục những thói quen ấy, bởi vì chúng có nguồn gốc từ việc giảng ngoài Thánh Lễ. Bài giảng là một phần của phụng vụ; dân chúng đã làm dấu Thánh Giá và đã nhận lời chào ở đầu Thánh Lễ rồi. Vì thế, tốt hơn không nên lặp lại việc đó trước hay sau bài giảng.” (Notitiae 9 [1973] 178; Cf. Fulfilled in Your Hearing, tr. 23)

(35) Khi viết chương 17, về việc dùng từ, tôi đã xem lại các bản văn ghi bài giảng để tìm những ví dụ tích cực về ngôn ngữ cụ thể, sát đời sống. Thật đáng lưu ý là ngôn ngữ cụ thể chiếm tỉ lệ cao nhất ở các phần mở đầu bài giảng.

(36) Có một số ngoại lệ - đó là những lúc bạn phải làm một điều gì đó để “phá băng” bởi vì đó là một trường hợp mà nhiều người còn xa lạ đối với nhau (hay đối với bạn). Lý tưởng là có vài lời “làm quen” với cộng đoàn ngay trước khi Thánh Lễ bắt đầu; nhưng điều này không luôn luôn ở trong vòng kiểm soát của chúng ta.
 
Chúa rửa chân cho các môn đệ
Tuyết Mai
17:39 09/04/2009
"Ngài yêu thương họ đến cùng".

Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". (Ga 13, 1-15).

Ôi lậy Chúa con, lậy Chúa của chúng con! Chúa là một Thiên Chúa đầy uy quyền và uy linh sáng chói, cả trên trời và dưới đất đều phải cúi xấp mình xuống mà bái lậy Ngài, sao Ngài lại cúi xuống mà rửa chân cho chúng con ư!??? Chúng con nào dám để Ngài rửa chân cho chúng con. Quả là một sự đảo ngược phải không thưa Chúa!? Chúa muốn dậy bài học cho chúng con ư!? Chúa là Chúa trên các Chúa và là vua trên các vua mà còn làm gương Rửa Chân cho chúng con, thì chúng con là chi trước nhan thánh Chúa, mà không nghe Lời phán của Ngài!? Bởi nếu chúng con không để Ngài rửa chân thì chúng con sẽ không được cùng dự phần với Thầy nên chúng con không dám cãi lại, mà cũng giống như Thánh Phêrô sợ không cùng được dự phần với Thầy nên còn nói thêm với Thầy rằng: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa".

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".

Sự việc của Chúa đã làm gương trên đây đã dậy nhân loại chúng ta điều chi? Điều gì quan trọng đến nỗi Ngài phải làm gương cho con cái của Ngài qua cách thức Rửa Chân cho các môn đệ của Ngài mà không là chuyện làm đảo ngược. Vì có phải con người trần tục làm việc theo thứ tự phải kể từ người có chức phận cao là để cho thuộc hạ hay kẻ ăn người làm, phục vụ cho chủ của mình, là điều hiển nhiên hay không? Rồi thì qua việc làm trên Chúa cũng có thể dậy dỗ chúng ta được vậy!? Ai mà theo Thầy lại không nghe Lời Thầy của mình dậy bao giờ!? Nhưng vì sao Chúa Giêsu lại thực hành trước mắt các Tông Đồ mà không dậy hay chỉ là lời nói xuông? Có phải hành động của Chúa thì đi liền với Lời nói của Ngài, mà như thế không gì thực tế cho bằng Chúa đã làm thật sự là rửa chân cho các ông, và vì Chúa muốn dậy chúng ta như vậy! Bởi có phải Chúa biết quá rõ tâm tánh của con người chúng ta là con người có chức phận càng ở trên cao thì lại không bao giờ đi phục vụ hay hầu hạ kẻ ở dưới thấp hơn mình. Thương cảm lắm thì cho vay tiền hay cho việc làm để nuôi miệng chứ làm gì có chuyện ngược ngạo và đảo điên trong xã hội, lại càng không thể có ai lại muốn bắt chước việc làm của Chúa Giêsu như vậy!?

Lời của Chúa và việc làm của Chúa thì không ai xóc mắc và dám thắc mắc cả! nhưng tôi dám chắc trên đời này việc làm của Chúa Giêsu thì chỉ có mình Ngài làm gương mà thôi! Và không có một người thứ hai nào muốn làm như Chúa cả! Ở đời con người ta chép giết, tranh dành, chà đạp lên nhau chỉ vì cái ghế (danh vọng) để ngồi. Càng có được cái ghế chức phận càng cao thì lại càng tỏ ra quý phái với tất cả mọi người. Càng phô trương cái có của mình để thiên hạ xuýt xoa, và tấm tắc, hay thèm thuồng để có được như họ vậy! Càng giầu có chức phận cao thì lại càng chẳng phải đụng một ngón tay, mà ngón tay chỉ để dùng chỉ huy, kêu bảo, hay ra dấu là nhiều lắm rồi!

Có phải bài học Rửa Chân trên, ý Chúa muốn nói rằng những ai càng giầu có mà cúi xuống rửa chân được cho những người hèn mọn dưới mình, thì sẽ được dự phần cùng Chúa trên Nước Thiên Đàng hay không?? Mà những ai càng quyền cao chức trọng mà làm được việc làm như thế thì có phải tâm hồn và con người của họ cũng phải được trở nên giống Chúa Giêsu vậy không? Bởi nếu không giống Chúa được thì cũng sẽ không bao giờ làm được việc làm như Chúa, và bảo đảm cũng sẽ không bao giờ hay chẳng bao giờ được đến cùng đến với nơi Chúa sẽ đến. Vì Chúa thường tiếc thương cho những con người giầu có vì Nước Trời đối với họ thật khó khăn hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim.

Con người và tâm tánh tự kiêu tự mãn của chúng ta đây, khi chưa gọi là giầu có bằng ai, mà đã khinh khỉnh luôn khi dể người nghèo khổ hơn mình. Chưa giầu bằng ai mà đã xem mình như cao lắm rồi! Ra đường đầu thì hất lên cao xem mọi người như củ khoai. Tập bắt chước cách ăn cách ở và cách sống giống y như dân nhà giầu thật, chẳng qua anh chị coi phim bộ Hong Kong cho nhiều rồi bắt chước theo y như vậy rồi tìm dân nhà giầu mà làm quen, mà kết bạn để ra vẻ mình chỉ chơi bạn với những dân giầu có mà thôi, như câu ông bà mình nói xưa ấy mà là: "Thấy người sang, bắt quàng làm họ! Mà người đời gọi những thành phần này là hạng đạo đức giả, chẳng giống ai??? Thật sự những thành phần đạo đức giả này chúng ta thấy họ thật tội nghiệp, ngay cả chính họ cũng rất ư là ấm ức mà họ không nói ra cùng với ai cho được, bởi những người giầu thật thì họ lại ở trong tòa nhà hay trong một dinh thự thật lớn, muốn đến chơi cũng chẳng ai cho vô, vì họ chỉ chơi với dân giầu cùng bậc thang xã hội giữa họ mà thôi! Nhưng được hơi hướm thì cũng còn hơn, thưa có đúng thế không? Còn dân nghèo thì họ không thèm chơi với vì nghĩ rằng mình hơn gấp vạn lần, cho nên thật là tội nghiệp cho những thành phần đạo đức giả này!

Chính yếu trong bài học Rửa Chân Chúa dậy chúng ta trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh không ngoài mục đích là chúng ta phải luôn thực tập và thực hành để luôn sống Khiêm Nhường, anh chị em ạ! Vâng, như Lời Chúa nói trong Phúc Âm: "Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau." Amen.
 
Gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh
LM Phan Long, ofm
17:54 09/04/2009
Con đường Đamát – Đường đời Kitô hữu

Đamát là một cuộc gặp gỡ, gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh. Đamát là khởi đầu cho một chuyến đi dài, chuyến đi ta về với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đamát lúc đó là một ốc đảo rộng lớn nằm về phía Bắc Israel, tại bờ biên của sa mạc Siri, được che chở bởi dãy núi Antilabanô, được tưới đẫm bởi những dòng suối mát nhỏ Barađa và Abana, nên đã là một vùng rất phì nhiêu mầu mỡ. Đamát là nơi dừng chân nghỉ ngơi và là trung tâm giao dịch quan trọng giữa các đoàn thương gia thuộc các sắc dân Địa Trung Hải và Mêsôpôtamia. Vào thời Đức Giêsu và thánh Phaolô, Đamát được cai trị bởi vua Arêta, dân Nabatêô (x. 2 Cr 11,32), dĩ nhiên vẫn theo sự chỉ đạo của đế quốc Rôma. Như vậy Đamát là một thành ngoại đạo.

Vào thời đó, thông tin qua lại giữa vua Arêta và các thượng tế cho hiểu rằng có một giáo phái mới đã xuất hiện. Thầy thượng tế đã triệu tập một người thân tín đến, đó là Saun người thành Tácsô, một kinh sư trẻ tuổi, say mê Lề Luật Môsê (Tôrah) và tha thiết phụng sự Thiên Chúa của tổ tiên. Saun nhận “thư giới thiệu đến các hội đường ở Đamát, để nếu thấy những người theo Đạo – tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia của Israel –, thì bắt trói giải về Giêrusalem” (Cv 9,2).

1. Biến cố Đamát

Cùng với một đoàn tùy tùng của thầy thượng tế, Saun lên đường. Họ bước đi dưới ánh nắng chói chang trong một sa mạc cát đá trơ trụi… và tiến dần về Đamát, nơi các suối nước đang chờ đợi họ, để dưới bóng những cây chà là mát mẻ, họ sẽ rửa gương mặt ram rám và ran rát vì nắng và vì cát, và súc miệng vì cát mịn cứ len vào dù miệng đã che khăn kín.

Bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời rọi xuống làm mù mắt Saun. Ông ngã xuống đất và nghe một tiếng nói: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi”. Kinh ngạc, ông hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Câu trả lời đến ngay tức khắc: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”. Run rẩy hốt hoảng, ông thưa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Câu trả lời ngắn gọn và bí ẩn: “Ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì”. Saun đứng dậy, mắt vẫn mở, nhưng không thấy gì (x. Cv 9; 22; 26). Làm sao ông không nhớ là cả Têphanô cũng có một thị kiến, lúc đã sắp chết vì bị ném đá. Saun đã hiểu: Đúng rồi, như vậy rõ ràng là Giêsu vẫn tiếp tục nói vào ngày hôm nay.

Người ta đã cầm tay dắt ông vào Đamát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống. Chắc chắn ông đã cầu nguyện nhiều và xin Thiên Chúa của tổ tiên soi sáng cho ông.

Khi ấy, một môn đệ ở tại Đamát tên là Khanania có một thị kiến. Đức Giêsu Phục Sinh nói với ông: “Khanania, đứng lên, đi tới phố Thẳng, đến nhà Giuđa tìm một người tên là Saun quê ở Tácsô. Người ấy đang cầu nguyện”. Nghe nói đến Saun, Khanania rất ngần ngại, nhưng rồi đã vâng lời Đức Giêsu, đến gặp Saun. Ông đã đặt tay chữa lành mắt cho Saun và cho Saun chịu phép rửa. Dĩ nhiên, chúng ta có thể hiểu là Saun đã bày tỏ lòng tin vào ơn tha tội, nhờ Đức Giêsu đã sống lại và đang sống; ông cũng đã tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Và ông đã rao giảng như thế ngay vào ngày sabát kế đó. Thị kiến trên đường Đamát cứ dai dẳng đeo đuổi Saun. Như vậy, rõ ràng Giêsu vẫn đang sống.

2. Những khám phá tiệm tiến

Chúng ta có thể nghĩ đến một buổi sáng kia, Saun thức dậy, đọc ngay lời kinh ban mai: “Lạy Chúa là Thiên Chúa vũ hoàn, chúc tụng Chúa đã tạo nên con là Do-thái chứ không là gôy (dân ngoại), đã tạo nên con là người tự do chứ không nô lệ, đã tạo nên con là nam chứ không phải là nữ”. Rồi hẳn là ông đã im lặng thật lâu, ông suy nghĩ. Ông như chợt bừng tỉnh: Nếu Giêsu vẫn sống, thì Người đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa Israel và dân ngoại, chia cách người tự do với kẻ nô lệ, và chia cách đàn ông với đàn bà. Sau này Phaolô sẽ viết như thế trong Thư Êphêxô (Ep 2,14-18). Vậy thì lời chúc tụng đó không còn ý nghĩa nữa, bởi vì bây giờ không còn Do-thái và gôy nữa, không còn người tự do và nô lệ nữa, không còn đàn ông hay đàn bà nữa. Tất cả mọi người chỉ là một trong Đấng Mêsia phục sinh. Đây là sự duy nhất mà Đức Giêsu đã mang lại.

Ít ngày sau, ông bị thôi thúc đi xuống Ả-rập (x. Gl 1,17), ông đi đến núi Sinai, vì là chính trên ngọn núi này mà Tôrah đã được Thiên Chúa ban cho con dân Israel. Phép rửa tội do Khanania ban đã làm cho ông trở nên con người mới, nhưng ông vẫn chưa thấy mọi sự rõ ràng. Tại Sinai, Saun chờ đợi cuộc viếng thăm của Thánh Thần Chúa. Chính tại đây mà ông hết sức ao ước được gặp Giêsu, để đặt ra cho Người vô số câu hỏi. Biết đâu Giêsu chả là Môsê mới, đến ban Tôrah chung kết? Làm thế nào mà Giêsu lại có thể cho rằng Người là Con Thiên Chúa?

Saun chờ đợi mà trời vẫn đóng kín. Thế mà chính tại đây xưa kia trời đã mở ra và Môsê đã nhận được Tôrah. Nhưng rồi Saun đã hiểu: “Trên đường Đamát, tôi đã thấy trời mở ra và cả Têphanô cũng đã thấy trời mở ra”. Ô, vị rabbi người Nadarét ấy, ông Giêsu ấy, thật là khác thường. Người đã mạc khải Tôrah cho chúng ta theo cách độc đáo. Chính Người đã mạc khải cho ông trên đường Đamát chứ không phải trên núi thánh Sinai này, cũng như chính Người đã cho Têphanô thấy cửa trời rộng mở khi ông ấy sắp chết vì bị ném đá, chứ không phải trong khi ông ấy cầu nguyện trong Đền Thờ. Chính Người đã cho mình hiểu Thiên Chúa ban Lề Luật trên núi Sinai cho Dân mình, là để chuyển đến cho toàn thể dân ngoại. Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc qua việc tuyển chọn dân Israel. Một khám phá kinh thiên động địa!

Ông lại trở về Đamát. Đi trong sa mạc, ông đã sống lại lịch sử của dân ông, đoàn dân như đã được “rửa” trong biển khi rời Ai cập. Ông suy ngẫm về truyện Giacóp trốn Kharan đã thấy một chiếc thang bắc lên tới trời. Saun như đang sống lại cuộc Xuất hành. Bây giờ ông tiến đi theo vị hướng đạo tên là Giêsu, Người không bỏ rơi ông, nhưng vẫn nhắc lại: “Saun, tại sao bắt bớ Ta?”

Trở lại Đamát bây giờ ông đã nắm chắc rằng Giêsu là Con Thiên Chúa, ông đã hiểu rõ ý nghĩa chiếc thang Giacóp, tiên báo cây thập giá. Với bất cứ giá nào, ông muốn thuyết phục người Do-thái Đamát, trong ngày sabát tới đây, tại hội đường, rằng Giêsu đã chịu đóng đinh vào thập giá trong tình trạng yếu đuối, nhưng nay Người đang sống trong quyền năng Thiên Chúa. Chỉ duy mình Người mới có thể mang lại ơn cứu độ cho toàn thế giới. Người không những là Đấng Mêsia của Israel, mà còn là Con Thiên Chúa. Đây là những khám phá tiệm tiến, sau này được ghi trong các trang thư của Phaolô.

“Vâng, Saun đã viết, Đấng Mêsia là một sự tỏa rạng vinh quang Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Người là trưởng tử của mọi thọ tạo, và là trưởng tử giữa những người quá cố. Thiên Chúa đã muốn cho ở nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính và nhờ trung gian Người mà giao hòa với mọi loài thọ sinh. Bằng thập giá của Người, Người đã tạo bình an trên trời dưới đất” (x. Cl 1,15-20).

Vậy thì một hệ luận rõ ràng được rút ra, và Phaolô đã rút ra: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6,11). Chúng ta luôn luôn phải chọn lựa. Saun biết mình đã phụng sự Thiên Chúa sai hướng, nay ông chọn lại: chỉ nhờ đi theo Đức Giêsu Phục Sinh, ông mới biết cách phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.

Vào năm 1940, hãng Walt Disney xuất bản cuộn phim hoạt hình thứ hai, tên là Pinocchio, con rối bằng gỗ được điều khiển bằng các sợi dây, nay thành người do quyền phép của Bà Tiên Xanh; cậu Pinocchio thật là đần độn. Cậu ta không vâng lời người đã làm ra cậu và vẫn coi cậu như con, đó là ông Geppetto. Cậu lại nghe theo lời kẻ xấu là một Con Mèo ranh mãnh như Cáo. Mặc dù cậu có một cái đầu bằng gỗ, cậu lại tin rằng đầu của cậu thông thái, và cậu tự do đi theo các ước muốn của cái đầu, không phải nghe lời ai cả: “Tôi không còn dây trên người tôi nữa!”, nghĩa là không theo kẻ xấu đã đành, mà cũng chẳng theo người tốt; cậu theo cậu! Chính vì thế, cậu đã rơi vào biết bao nhiêu tình huống thê thảm.

Thật ra chỉ có hai chọn lựa trong đời ta, như thánh Phaolô nói rõ: vâng theo tội, thì chết, hoặc chết cho tội và sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu. Cho dù chúng ta đang sống cho Thiên Chúa, chúng ta vẫn nghe được lời mời gọi ngọt ngào tha thiết của Tội (đó là ích kỷ, gian tham, giận dữ, độc ác, trả thù…). Thế nhưng chúng ta không thể chết cho tội, nếu không cố gắng sống cho Thiên Chúa. Lý do tại sao chúng ta không màng tới người chủ cũ là Tội, là vì chúng ta quá bận phục vụ người chủ mới [là Thiên Chúa]. Càng ra sức phụng sự Thiên Chúa, ngày càng tự do giao phó đời mình cho Ngài, nhờ đi theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu Phục Sinh, chúng ta càng nên “người” hơn, thì tiếng nói của tên chủ gian ác là Tội cũng yếu dần và rồi sẽ chết hẳn.

3. Cuộc sống của người đã gặp Chúa Kitô Phục Sinh

Biến cố Đamát cho thấy rõ ràng Thiên Chúa có giờ cho từng con người: từ một Saun kinh sư nhiệt thành hung hãn tại Giêrusalem, Đức Giêsu Phục Sinh đã biến thành một Phaolô say mê loan báo Tin Mừng, khởi đi từ Đamát. Riêng Phaolô, sau này, ông đã gọi biến cố Đamát bằng một công thức trong thư 1 Côrintô: “thấy (= gặp) Đức Giêsu” (1 Cr 9,1). Đây là giờ phút nghiêm trọng và cốt yếu trong đời vị Tông đồ. Nếu không có biến cố này, thế giới chỉ có một Saun miệt mài trong lầm lạc, bế tắc, như “đá vào mũi nhọn”. Khi đã gặp Đức Kitô Phục Sinh, một Saun đang hung hãn đi làm giảm thiểu con số các Kitô hữu, đã trở thành một Phaolô say sưa đi làm tăng số các Kitô hữu. Ước gì đã khám phá ra Đấng Phục sinh, chúng ta mãi mãi là Giuse, Phêrô, Maria, Têrêsa…, những tín hữu của ngày được gặp Đức Kitô Phục Sinh trong các bí tích (rửa tội, Thánh Thể). Đừng như Phêrô: lúc đầu ông là Simôn; khi gặp Đức Giêsu, ông đã được Thầy đổi tên là Phêrô, cái tên hào hùng của sứ vụ, cái tên tuyệt vời cho đời sống Hội Thánh. Thế nhưng khi vào Vườn Ôliu với Thầy, ông đã sa sút, khiến Thầy chỉ có thể gọi lại cái tên đã bỏ đi: “Simôn, anh ngủ à?”. Ông không xứng đáng gọi là Phêrô nữa; ông lại trở về làm Simôn! Lại chính thiên thần của Đức Giêsu Phục Sinh nhắn qua các phụ nữ để Simôn hiểu là Người đã tha thứ cho ông và đã hồi phục tư cách cho ông: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông” (Mc 16,7). Còn Phaolô, ngài có thể nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Tôi sống kiếp sống con người tôi trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng đã yêu thương tôi và thí mạng vì tôi” (Gl 2,20). Nhưng cái giá Phaolô đã phải trả là 30 năm bôn bao lao nhọc, vào sinh ra tử, để diễn tả cho trọn tình yêu đối với Đức Kitô.

Để cho những biến cố trong đời ta, cho ba ngày tĩnh tâm này, là một “con đường Đamát”, cần nhận ra Đức Kitô Phục Sinh có mặt, cần nhận thấy Người đang chỉ cho ta một hướng đi. Vậy, cần phải liên tục bước theo Đức Giêsu Phục Sinh, đối thoại với Người, lắng nghe Người chỉ vẽ, và áp dụng giáo huấn của Người vào đời sống. Vì vậy, rất nên tập hỏi Chúa Giêsu liên tục như thánh Phaolô: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúng ta cũng tập hỏi liên tục như thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, Chúa là ai, và con, con là ai?”. Thật ra, các câu hỏi ấy đã là những câu trả lời…

Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn dẫn con đi, mà con cứ tưởng con đi bằng sức mình. Chúa chờ đợi con, mà con lại tưởng là con tìm ra Chúa. Chúa dạy con về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, mà con lại cứ nghĩ con đã khôn ngoan khám phá ra. Nay con đã hiểu. Xin Chúa tiếp tục dạy con, để con có thể tiến đi trên con đường của Chúa, con đường công chính.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (81)
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
23:10 09/04/2009
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (81)

811. Chuyện lạ nhất đời!

Và đây là chuyện lạ hơn nữa, bạn có thể không tin, nhưng hàng trăm triệu người đã tin, đang tin và sẽ tin mãi mãi: Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại.

Hằng năm, đến độ lễ Phục Sinh trở về với thế giới, lòng người xôn xao rộn rã với một niềm vui khôn tả.

Trong các rừng xanh Phi Châu, từng gia đình phải đi bộ bằng ba, bốn chục cây số đến nhà thờ mừng biến cố lịch sử ấy.

Ở Saigon cũng như ở Ba-lê, ở Đông Kinh cũng như ở Nữu Ước, hàng ngàn vạn người canh thức để hát lên khúc ca khải hoàn của ngày Phục sinh.

Ở Mạc Tư Khoa, trong những ngôi thánh đường nhỏ bé, cũng như rải rác ở các quốc gia đóng kín sau bức màn sắt, muôn vạn người công giáo âm thầm lặng lẽ giữa bao nỗi thống khổ ray rứt, lẩm nhẫm cầu kinh Alleluia, tiếng ca của hy vọng và chiến thắng trong ngày Phục Sinh (Nguyệ San Đức Mẹ La Vang – Hoàng Ngũ Phúc)



812. Chúa Giêsu Kitô của chúng ta thật quá lạ lùng !


Người ta có thể mạt sát Ngài đủ cách, -khi công khai dữ tợn, khi thầm lén xảo quyệt, - nhưng quên Ngài đi, chối Ngài hẳn, diệt Ngài tiêu, thì không ai trên trần gian nầy đủ sức làm được việc nầy, không quyền lực nào trong nhân loại có thể thi hành nổi công tác nầy, vì Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã phục sinh, đã sống lại, và sống mãi muôn đời, vì Chúa Giêsu Kitô của chúng ta là Nguyên Thủy và là Cùng Đích của muôn loài.

813. Làm thế nào cắt nghĩa được sự kiện nầy?

Sau hai ngàn năm dài dẳng trôi qua, một phần lớn nhân loại hiện nay đang thờ lạy Người bị đóng đinh chết trên thập giá. Điều nầy không thể nào cắt nghĩa được nếu không có một biến cố lịch sử không làm sao chối cải được, và biến cố lịch sử nầy phải gây xúc động thật mãnh liệt: đó là biến cố Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, Sống Lại.

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc GIÊSU, cách đây hai ngàn năm, từ một người thợ mộc vô danh, sinh sống nơi thôn quê nghèo khổ, tại xứ Do-Thái xa xôi nhỏ bé, nằm chìm trong đế quốc riộng rãi bao la Rôma, một ngày đẹp trời của tháng tư, bị quân lính bắt đi, đánh đập, bị Chính quyền xử án và cho đem đi hành quyết chung với hai tên trộm cướp, rồi chết lạnh lùng tất tưởi trên hai miếng gỗ thập giá. Nếu sự việc chỉ kết thúc một cách thê thảm nơi đây, thì làm sai giải thích được hiện tượng ngày nay đang làm sửng sốt nhân loại: một phần lớn nhân loại đang quỳ thờ lạy Người bị đóng đinh chịu chết trên cây thập giá cách đây hai ngàn năm?

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc các tông đồ sợ sệt kia, bị gán là đầy ảo giác, phóng tưởng và mê sảng, bị gán là gian manh vì ăn trộm xác chết của Thầy rồi phao vu Thầy sống lại, lại có thể dựng nên được một tôn giáo siêu phàm như Đạo Công Giáo, vượt trỗi tất cả các tôn giáo danh tiếng nhất của loài người, gây uy tín trên khắp thế giới và chi phối tất cả lịch sử nhân loại ?

Làm thế nào cắt nghĩa được các tông đồ mù chữ, ít học, chưa kịp học thêm bổ túc văn hóa thì đã bỏ cuộc vì Thầy bị bắt, lại lôi kéo được Saolô, một kẻ học thức uyên bác và đầy cuồng tín vì chỉ biết Do-Thái Giáo của mình là trên hết, và những tông đồ kém cỏi và bất lực nầy lại đem được vào Đạo Công Giáo những người ngoại giáo Hy-lạp và Rôma, là những người thuộc dân tộc từng có nhiều nhà tư tưởng siêu việt, nhiều nhà chinh phục lừng danh, nhiều nghệ sĩ đại tài, những người nầy đã trở thành những tín đồ đầu tiên trong Giáo-Hội sơ khai, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm để sống theo một Đạo hoàn toàn mới mẻ và bất lợi: vì theo Đạo nầy thì phải mất quyền công dân, phải bị tịch thu gia sản, phải bị mất chức mất tước, phải bị tù đày, xử tử. ...; vì Đạo nầy đòi buộc nhiều hy sinh, không chịu dùng sức mạnh trần gian để bành trướng, nhưng chỉ biết rao truyền lòng tin vào Người bị đóng đinh chết trên thập giá.

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc Đạo Công giáo hiện nay vẫn còn lôi cuốn nhiều người thuộc mọi dân nước, mọi giai cấp, mọi ngôn ngữ, mọi hạng người, mọi màu da sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội, mọi trình độ văn hóa.

Làm thế nào cắt nghĩa được sự việc Đạo Công giáo hiện nay, tuy bị đàn áp bắt bớ đủ cách tại nhiều nơi, nhưng vẫn luôn bành trướng mãnh liệt và không thể nào bị tiêu diệt được !

Chìa khóa cắt nghĩa được tất cả những sự lạ lùng nầy của Đạo Công giáo, là biến cố Phục Sinh, biến cố Sống Lại của Chúa Giêsu Kitô.

814. Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại hạnh phúc cho chúng ta.

Có thể trong chúng ta, có kẻ tiếc rằng, vì đã qua hai ngàn năm rồi, nên mình không được hạnh phúc sống đồng thời với Chúa Giêsu để gặp Ngài, để nhìn Ngài, để nói chuyện với Ngài, để ăn uống với Ngài, để đi cùng một đường với Ngài. ...Nhưng, với biến cố Phục Sinh, mỗi người trong chúng ta gặp được Chúa Giêsu một cách dễ dàng, và gặp được Ngài bất cứ đâu và bao lâu cũng được.

Nếu chúng ta muốn có mặt trong đám đông dân chúng Do Thái ngày xưa để nghe Chúa Giêsu ban bố Tám Mối Phước Thật và nghe những Lời hằng sống của Ngài, thì đây, bất cứ ai cũng có thể nghe tiếng Chúa Giêsu Phục Sinh qua những vị kế thừa các Tông Đồ khi các vị nầy rao giảng Lời Chúa: "Ai nghe các con là nghe Ta” (Lc 10,16).

Nếu chúng ta muốn như Mađalêna và người trộm lành kia khiêm nhượng thú tội để lãnh ơn tha thứ từ miệng Chúa, thì đây, chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang nghe chúng ta thú tội trong tòa cáo giải, và xuyên qua con người của linh mục, Chúa Giêsu Phục Sinh thứ tha tội lỗi cho chúng ta.

Nếu chúng ta muốn có mặt trong nhà Tiệc Ly, và như Gioan kia, được dựa đầu vào ngực Chúa, thì đây, trong Bí Tích Thánh Thể, khi chúng ta rước Chúa Giêsu vào lòng, hoặc khi chúng ta quỳ chầu Ngài trước Nhà Tạm, Trái Tim Chúa Giêsu đập cùng nhịp với trái tim chúng ta, và Chúa Giêsu Phục Sinh trở nên một với chúng ta.

Nếu chúng ta muốn có mặt trên núi Canvariô, đứng sát bên cạnh Đức Trinh Nữ Maria dưới cây Thánh Giá, thì đây, Thánh Lễ là sự tái diễn hằng ngày biến cố Thứ Sáu Tuần Thánh trên đồi Gôngôta, Thánh Lễ đưa chúng ta đến dưới chân Thập giá cùng với Đức Trinh Nữ Maria, được nghe lời Chúa trối Đức Mẹ làm mẹ của mình, và được ăn Bánh Trường Sinh là Thân Thể Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Thật, Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại hạnh phúc cho chúng ta biết chừng nào!

815. Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại nguồn vui cho chúng ta.

Khi Chúa sống lại, các thiên thần mặc áo trắng đón chào Chúa trong niềm hân hoan, và các phụ nữ cũng như các tông đồ, môn đệ, khi biết rõ Thầy mình đã sống lại, liền nhảy mừng sung sướng Allêluia !

Niềm vui Phục Sinh: vui vì Chúa đã sống lại và sẽ làm cho thân xác chúng ta cũng sống lại; vui vì Chúa sống lại đã đánh bại Tử Thần; vui vì Chúa sống lại đã chiến thắng tội lỗi và ban xuống tràn ơn tha thứ!

Nếu Đạo Công Giáo chúng ta được định nghĩa một cách xác đáng là Đạo Phục Sinh, Đạo Sống Lại, thì những ai theo Đạo nầy như chúng ta, phải được định nghĩa là Những Kẻ Phục Sinh, Những Kẻ Sống Lại!

Không gì buồn bằng cái chết: khi một xác chết, chúng ta buồn biết bao!

Không gì vui bằng sự sống: nhìn một em nhỏ đầy tràn sự sống, em tung tăng, nhảy múa, ca hát, thật vui biết bao!

Huống nữa, đây không phải là sự sống mà thôi, mà còn là sự sống lại nữa!

Với Chúa Giêsu Phục Sinh, người công giáo chúng ta luôn sống vui vẻ: "Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì, cũng hãy làm cho sáng danh Chúa, cũng hãy làm với tinh thần cám ơn Chúa”. (1 Cr 10,31)

Với Chúa Giêsu Phục Sinh, người công giáo chúng ta vui nhận tất cả mọi giá trị ở trên đời nầy: "Tất cả những gì là chân thật, đáng kính, công bằng, trong sạch, đáng yêu, đáng khen, tốt lành, tất cả những điều đó, các con hãy suy nghĩ đến. ” (Pl 4,8 )

816. Hãy tin rằng bạn sẽ thành công.

Cách đây vài mùa hè, tôi (Dale Carnegie) đã tiến hành đo đạc độ cao của một ngọn núi trong dãy núi Alps Australia. Ngọn núi đó có tên là Kaiser hoang dã.

Baedeker cho biết việc trèo lên ngọn núi đó là khá khó khăn và một người leo núi không chuyên thì phải cần đến sự hướng dẫn.

Chúng tôi, tôi và một người bạn của tôi, lại không có người hướng dẫn nào, và tất nhiên, chúng tôi là dân nghiệp dư, và một người lạ đã hỏi liệu chúng tôi nghĩ là chúng tôi sẽ thành công.

Câu trả lời của chúng tôi là: “Tất nhiên rồi.”

Ông khách lạ tỏ ra nghi ngờ, liền hỏi tiếp: “Điều gì khiến các bạn nghĩ vậy?”

Tôi nói:

- “Những người khác đã thành công mà không cần đến sự chỉ dẫn. Do đó, tôi biết chắc rằng chúng tôi hoàn toàn có thể làm được, và tôi không bao giờ chấp nhận một suy nghĩ thất bại.”

Xét về khả năng leo núi, tôi là người mới, biết rất ít kỹ năng, nhưng tôi đã chuẩn bị tâm lý trước cho mình rồi. Và đó là tâm lý cần thiết để làm bất cứ điều gì, từ việc diễn thuyết trước công chúng đến trèo lên đỉnh Everest.

Hãy nghĩ đến sự thành công.

Hãy tưởng tượng là bạn đang nói chuyện trước mọi người với một sự tự chủ tuyệt vời.

Bạn hoàn toàn có thể làm được như vậy một cách dễ dàng.

Hãy tin rằng bạn sẽ thành công.

Hãy tin chắc vào điều đó, và sau đó, bạn sẽ làm những công việc cần thiết để mang lại thành công đó. (Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng – Dale Carnegie)

817. Có đi có lại

Khi bạn đem đến cho người khác những điều tốt đẹp nhất, bạn sẽ được nhận lại những điều tương tự từ phía họ.

Bạn càng hay giúp đỡ người khác, thì ngược lại, họ cũng sẽ giúp đỡ bạn hết mình.

Còn khi bạn càng keo kiệt, thì bạn càng không có bất cứ thứ gì cả.

Một vài năm trước đây, có người đã phân tích rằng: trong một trăm người dựng nên cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, với độ tuổi từ 21 đến hơn 70 tuổi, trình độ văn hoá từ tiểu học cho đến giáo sư tiến sĩ. Trong họ, có đến 70% người đến từ những thị trấn nhỏ với số dân chỉ có hơn 15.00 dân, nhưng ngược lại, họ lại có cùng một điểm chung, đó là họ đều là những nhà khám phá rất tài ba; họ có thể nhìn thấy được những mặt tốt của người khác - bất luận dưới hình thức nào, đều là như vậy. (10 Suy Nghĩ Không Bằng Một Hành Động – Hoàng Văn Tuấn)

818. Hãy biết mình muốn gì và quyết tâm thực hiện ước muốn đó đến cùng

Một trong bốn thông điệp mà Bill Gates muốn gởi đến thế hệ trẻ hôm nay, là: “Hãy theo đuổi một việc bạn thích và quyết tâm đi đến cùng.”

Bill Gates cho rằng nếu bạn phải học một nghành mà mình không hề yêu thích, thì thà không học còn hơn.

Bản thân Bill Gates là một nhà khoa học lớn, một doanh nhân giàu nhất thế giới, thế nhưng ông lại không có một mảnh bằng nào, ngoài tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, cùng với một bộ óc thông minh và một quyết tâm rất cao.

Bill Gates từng phát biểu:

- “Lựa chọn một chuyên ngành theo đúng lĩnh vực mình yêu thích sẽ góp phần làm nên sự thành công của bạn. Còn nếu bạn cảm thấy mình chưa được thành đạt, thì có thể chuyên ngành nầy rốt cuộc sẽ đi vào ngõ cụt, hoặc bạn thật sự không đủ khả năng.”

Để thành công, điều quan trọng là bạn cần biết mình muốn gì và quyết tâm thực hiện ước muốn đó đến cùng. (Bí Quyết Của Thành Công – David Niven, Ph.D.)

819. Đừng để mình căm ghét một ai.

Bạn hãy ngoảnh mặt đi trước những ghen ghét của mọi người.

Bạn đừng bao giờ phản ứng tức giận với những ganh tị và sự căm ghét của họ.

Bạn cần nhớ rằng khi bạn mồi lửa cho kẻ thù, thì việc đó cũng chẳng khác nào việc bạn tự đốt cháy ngôi nhà của mình để xua đuổi lũ chuột.

Booker T.Washington đã cho chúng ta một bài học ý nghĩa để sống một đời sống tốt đẹp khi ông viết:

- “Tôi sẽ không để ai có thể hạ thấp giá trị tinh thần tôi. Tôi sẽ không bao giờ để mình căm ghét anh ta.”

Lần tới, nếu có ai công kích bạn, bạn hãy nghĩ đến ý nghĩa sâu xa của những lời nầy. (Hướng Đến Cuộc Đời Tươi Đẹp – Og Mandino)

820. Thành công nhờ chia ra từng mục tiêu nhỏ

Năm 1984, Yamada Moto, một tuyển thủ Nhật, có vóc dáng thấp bé, đã đoạt giải Marathon quốc tế ngoài dự đoán của mọi người. Anh nói: “Dựa vào trí tuệ mà chiến thắng đối thủ.” Không một ai hiểu được câu nầy có ý nghĩa gì.

. .. Mười năm sau, câu nói nầy cuối cùng cũng đã được giải đáp trong tự truyện anh kể lại:

“Trước mỗi lần thi đấu, tôi đều đạp xe một vòng quanh đường thi đấu, xem một cách tỉ mỉ và đem những cái mốc, ký hiệu bắt mắt trên dọc đường đi, vẻ ra. Ví dụ như cột mốc đầu tiên là ngân hàng; cột mốc thứ hai là một cái cây to lớn; cột mốc thứ ba là một ngôi nhà màu hồng...Và cứ như vậy đến cột mốc cuối cùng của lộ trình thi đấu.

Khi cuộc thi đấu bắt đầu, tôi ra sức chạy nhanh đến mục tiêu đầu tiên cách điểm xuất phát 100 mét. Sau khi đạt được mục tiêu đầu tiên, tôi lại dồn sức hướng về mục tiêu thứ hai. Lộ trình thi đấu hơn 40 km, đều được tôi phân chia thành những mục tiêu nhỏ như vậy, và chạy đến nó một cách dễ dàng.

Lúc đầu, tôi không hề hiểu nguyên tắc nầy, tôi đem mục tiêu đặt ở lá cờ về đích ngoài lộ trình 4o km. Kết quả là khi tôi mới chạy được mười mấy km, đã cảm thấy vô cùng nhọc mệt, không thể chạy tiếp tục được nữa. Tôi bị lộ trình xa xôi trước mắt xô ngã.” (Lựa Chọn Để Quyết Định Cuộc Sống – Tri Thức Việt)
 
Kẻ Đi Tìm
Lm Nguyễn Tầm Thường
23:22 09/04/2009
NGƯỜI LO HUYỆT MỘ

Bước chân ăn trộm. Bước chân ban ơn. Chân bước ban ngày. Chân đi ban đêm. Trong những bước chân, lại có một bước chân rất lạ: Bước chân người lo huyệt mộ.

Nếu nói thánh tích cao điểm nhất ở Giêrusalem, người ta có thể nói Mộ Chúa. Nơi Chúa được táng xác và từ ngôi mộ trong lòng đất này, Chúa Phục Sinh. Bởi thế, lúc nào khách hành hương cũng xếp hàng chờ viếng mộ. Công Giáo và Chính Thống giao chia nhau giờ canh mộ. Những lúc đông khách hành hương, mỗi người chỉ được mấy giây, rồi người gác mộ mời ra ngay.

Tôi đăng ký dâng lễ ở đây lần thứ nhất vào 6:30 sáng ngày 27 tháng Tư, năm 2006.

Từ nhà trọ, tôi thức dậy sớm. Đường vào cổng thành còn tối tờ mờ. Đường trong thành lên đền thờ còn rất vắng. Chỉ một vài người Palestine đem rau vào chợ. Họ là những người đàn bà vào thành Giêrusalem sớm nhất.

Tôi lên đền thờ trong tâm trạng hồi hộp. Tôi đến Mộ Chúa. Nơi lịch sử cao điểm nhất của niềm tin Kitô Giáo: Chúa Phục Sinh. Nơi mà thánh Phaolô bảo nếu Đức Kitô không Phục Sinh thì niềm tin chúng tôi ra vô ích. Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng (1 Cor. 15:14).

Mộ đá trong đền thờ. Nghĩa là Đền Thờ Gôngôtha hôm nay là một Đại Vương Cung Thánh Đường xây bao trùm lên một khỏang đất rộng lớn. Bao gồm nơi chôn thánh giá ngày xưa và khu mộ đá. Để vào mộ, nơi táng xác, phải qua hai cổng vào. Cánh cửa bên ngoài rộng lớn như cửa nhà thờ. Hết giờ viếng mộ, người ta đóng cửa này. Đó là một cánh cửa gỗ dầy nặng. Ngoài cửa, phía trên cao là bẩy ngọn đèn lúc nào cũng cháy lửa. Những giây đèn chầu chắc là bằng vàng bạc, rất trang trọng. Sau cửa vào sẽ đến một cửa vòm cung bằng đá rất thấp. Phải cúi rạp đầu mới chui lọt qua. Ngay sau vòm cung ấy là mộ Chúa. Đúng ra là một chiếc hòm bằng đá. Trong đây, các giây đèn chầu cháy liên lỉ. Tất cả bằng vàng bạc. Tượng Chúa phục sinh bằng bạc gắn trên tường đá, dựng trên mặt hòm. Đây là lối tạc phù điêu rất mỏng, vì phải dành mặt hòm để làm bàn thờ dâng lễ. Không gian nơi đây rất chật. Chỉ có thể đứng được chừng năm người sát vào nhau.

Tôi đăng ký dâng lễ một mình. Một đoàn người xếp hàng ngoài kia phải đợi tôi dâng lễ. Thấy tôi vào mộ dâng lễ mà đi có một mình, ánh mắt họ thèm muốn, ước ao quá đỗi. Tôi nói với người coi mộ là có thể cho được ai muốn vào thì vào. Họ vội vàng chạy ùa tới. Sáu người chen chúc nhau đứng chật trong mộ. Họ là những người may mắn vì được dâng lễ nơi đây. Họ sung sướng quá chừng, tỏ lòng cám ơn tôi. Họ không ngờ được như thế.

MỘ ĐÁ

Việc táng xác Chúa được cả bốn Phúc Âm trình thuật. Tôi dùng cả bốn Phúc Âm để gom những áng mầu mà mỗi tác giả trình thuật hầu vẽ nên mộ đá hôm nay.

Ngôi mộ của ai?

- Chúa không có mộ.

Ngày sinh ra, Phúc Âm ghi nhận về Chúa Giêsu như sau. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ (Lc. 2:7). Chúa sinh ra không có nhà. Ngày về Giêrusalem rao giảng, Phúc Âm cũng ghi nhận như sau: Ban ngày, Đức Giêsu giảng dạy trong Đền Thờ; nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ôliu (Jn. 21:37). Chẳng nơi nào Chúa có nhà. Phúc Âm Gioan ghi thêm chi tiết là Sau đó, ai nấy trở về nhà mình. Còn Đức Giêsu thì đến núi Ôliu (Jn. 8:1). Mọi người về nhà. Đức Kitô đến núi Ôliu, vì không có nhà. Sinh ra không nhà. Chết giữa trời. Cả mộ cũng không có. Mượn mộ của người khác.

Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giosép, và cũng là môn đệ Đức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. Khi đã nhận thi hài, ông Giosép lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về (Mt. 27:57-60).

Ông Giosép là ai?

Theo Mátthêu: Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giosép (Mt. 27:57).

Theo Máccô: Ông là người thành Arimathê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu (Mc. 15:43).

Theo Luca: Khi ấy có một người tên là Giosép, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng (Lc. 23:50-51).

Theo Gioan: “Ông Giosép này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do Thái (Jn. 19:38).

Đây là nhân vật khá đặc biệt. Dựa vào bốn Phúc Âm, ta thấy ông có những đặc tính:

- Là người giàu có.

- Là người lương thiện, công chính.

- Là thành viên thế giá trong Hội Đồng.

- Ông mong đợi Triều Đại Thiên Chúa đến.

- Ông không tán thành quyết định của Thượng Hội Đồng là giết Chúa.

- Ông mạnh dạn xin Philatô cho tháo xác Chúa.

- Là người liệm xác Chúa.

- Là người cho Chúa mượn mộ của chính mình.

- Là môn đệ Chúa cách kín đáo vì sợ người Do Thái.

Xuyên suốt Phúc Âm, không thấy nhắc đến tên ông. Xuyên suốt cuộc đời của Chúa, không thấy ông xuất hiện. Tên ông chìm ẩn. Đàng sau những lớp người Chúa thường gặp như người tội lỗi, người bệnh tật. Chúa có một lớp người đặc biệt. Họ trí thức, họ giàu có, họ có địa vị. Thí dụ như ông Nicôđêmô cũng vậy. Như thế, không phải tầng lớp theo Chúa chỉ là những người thường. Có một lớp “quan lại” trí thức, là thủ lãnh thế giá trong xã hội.

Sự kiện xảy ra ở đây thật ngỡ ngàng.

Kẻ tẩm liệm xác Chúa, kẻ lo việc mai táng là hai nhân vật ngoài tầm ngờ. Họ không phải là môn đệ Thầy trò lúc nào cũng đi với nhau, không phải là kẻ thân cận hằng ăn uống chung bàn với Chúa. Kẻ lo tẩm liệm, mai táng là Ông Giosép và ông Nicôđêmô. Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái. Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm (Jn. 3:1). Về ông Nicôđêmô, Phúc Âm Gioan trình thuật thêm như sau: Ông Giosép đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái (Jn. 19:39-40).

Cả hai ông này đều theo Chúa cách kín đáo. Ông Nicôđêmô có một lần hỏi Chúa người già làm sao mà tái sinh được. Riêng ông Giosép, người thành Arimathê thì tuyệt đối không hề thấy Phúc Âm nhắc đến. Ông theo Chúa cách kín đáo vì sợ. Nhưng đến cuối đời của Chúa, thì ông lại là người “đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng.” Sau cái chết của Chúa: “Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu.”

Ông chỉ xuất hiện ở giây phút táng xác Chúa mà thôi.

Cứ sự thường, việc tẩm liệm cho người quá cố không thể dành cho ai khác ngoài người thân cận trong gia đình. Đây là bổn phận, cũng là đặc ân và quyền.

Vậy ông Giosép này là ai?

THƯ GỞI ÔNG GIOSÉP

Thưa ông Giosép,

Phúc Âm không hề nhắc đến ông. Tôi không biết thêm được gì về ông. Ông là ai mà đến vào giây phút hãi hùng như thế? Tôi gọi là hãi hùng, bởi hôm nay tôi nhìn lại lịch sử, lịch sử cho thấy Chúa đã sống lại. Còn ngày hôm ấy? Dĩ nhiên có linh thiêng, nhưng tôi muốn hỏi ông, một cái chết không mộ chôn thì linh thiêng ở nơi chốn nào. Giây phút ấy không là linh thiêng như niềm tin của tôi hôm nay vì Chúa đã Phục Sinh, thì phải là hãi hùng chứ. Giây phút ấy chưa có Sống Lại. Chưa có quyền năng và vinh quang. Giây phút ấy là đau thương. Bởi đó, nếu gọi giây phút ấy là linh thiêng, phải hiểu linh thiêng trong một ý nghĩa đến cùng cực của linh thiêng. Linh thiêng riêng tư trong linh hồn ông.

Thưa ông Giosép,

Tôi có đôi điều muốn thưa chuyện với ông.

Chuyện thứ nhất: Tại sao ông theo một xác chết?

Ngày Chúa còn sống, ông kín đáo theo Chúa, vì sợ đồng nghiệp. Rất có thể ông cũng nghĩ như một số người, biết đâu Chúa sẽ làm nên sự nghiệp. Các môn đệ đã tỏ rõ ước mơ ấy, họ đã bàn với nhau: Ai sẽ là người lớn nhất trong nước của Người. Người mẹ kia đã xin cho con mình ngồi bên tả, bên hữu Người. Bây giờ Chúa chết, rõ ràng chết như một người không quyền năng. Rõ ràng là chết như một người rất bình thường. Ai mơ rằng một ngày nào Chúa sẽ lập vương quốc thì bây giờ hoàn toàn thất vọng. Chúa đã Phục Sinh đâu mà theo. Vậy tại sao ông không bỏ xác chết đó?

Lúc Chúa sống, ông phải theo cách kín đáo, theo chừng mực. Nhưng Chúa còn sống. Vì đàng sau những ngày sống đó, biết đâu ông hy vọng Chúa thành lập một vương quốc. Bây giờ Chúa chết thật rồi. Không có vương quốc nào. Không chiến thắng được ai. Trước mặt các Thầy Thượng Hội Đồng, Chúa thất bại hoàn toàn. Tấn bi kịch hạ màn. Vậy tại sao ông không bỏ xác chết đó? Đáng nhẽ lúc Chúa còn sống mà ông theo cách kín đáo thì khi Chúa chết ông phải quay về ngay với Thượng Hội Đồng chứ. Giống như nhiều người phải đón gió mà theo chiều chứ. Ông làm ngược lại với tính toán khôn ngoan cuộc đời. Chính lúc Chúa mất hết quyên năng thì ông lại dốc lòng buông theo. Ở nơi ông phải có một cảm nghiệm hết sức lạ lùng. Không ai dại như thế, không ai dám buông liều cả một sự nghiệp cho một xác chết.

Tôi theo Chúa với tất cả lịch sử tôi đã biết là Chúa đã chiến thắng sự chết. Tôi biết rồi tôi theo. Hôm nay tôi theo Chúa với tất cả giáo lý rõ ràng và ân sủng của các bí tích. Nhưng trong tôi, tôi muốn thành thực câu chuyện giữa ông và tôi. Ấy vậy mà tôi vẫn không thể cho Chúa mượn ngôi mộ của tôi. Tham dự một thánh lễ mà thiếu trước, thiếu sau. Nói chi đến cho Chúa ngôi mộ của mình. Làm sao ông dám lấy mộ của mình cho một người khác mượn? Không phải là chuyện cho mượn ngôi mộ mà là dám cho một xác chết không có quyền năng trước những đe dọa có thể mất chân trong Hội Đường. Đấy là điều tôi muốn thưa chuyện với ông. Ông có nhìn thấy gì sau cái chết kia mà dám đánh đổi những ý nghĩ quá phiêu lưu.

Điều làm tôi sẽ băn khoăn mãi, sẽ không thể hiểu là, ngày Chúa còn sống, ông phải kín đáo che dấu niềm tin. Bây giờ Chúa chết rồi, tại sao ông lại “mạnh dạn” đến gặp tổng trấn để xin thi hài? Tại sao ông lại công bố niềm tin vào một xác chết?

Cho người sống mượn thì mới hy vọng họ trả. Cho người chết mượn, hy vọng đền trả ở đâu? Người ta tìm quen với người sống có thế giá. Còn ông, ông đưa đời mình vào một xác chết.

Chuyện thứ hai: Ông muốn chôn ở đâu?

Còn một chuyện nữa rất khó hiểu, tôi muốn thưa chuyện với ông.

Tôi biết ông là người giàu có. Ông sắm một ngôi mộ cho riêng ông. Tại sao ngôi mộ ông ở ngay đồi Gôngôtha, mà không phải ở phía Đông thành Giêrusalem?

Hôm nay, tôi đến Giêrusalem. Tôi hiểu rõ hơn về niềm tin Do Thái giáo của các ông. Phía Đông đền thờ Giêrusalem còn ngôi mộ của Absalom, con vua Đavít. Còn ghi nhớ nơi an nghỉ của những người nổi danh như Jehoshaphat, như Zechariah. Không biết bao nhiêu thế kỷ các ngôi mộ chen nhau nằm ở đây. Vì người Do Thái các ông tin Đấng Mêsia sẽ giáng lâm ở đây. Cha ông các ông, tổ phụ các ông dành phần tác xác ở phía Đông này, mong là người đầu tiên gặp được Giavê trong ngày giáng lâm. Vậy tại sao ông không sắm ngôi mộ ở nơi này?

Ông là người giàu có. Ông là người có thế giá trong Hội Đồng. Ông biết giáo lý Do Thái. Tại sao ông không trông chờ Đấng Mêsia đến từ phía Đông đền thờ? Tại sao ông sắm ngôi mộ ở Gôngôtha là nơi không có ngôi mộ của ai thế giá cả? Gôngôtha, tiếng ấy nghĩa là Đồi Sọ. Nơi chôn các tử tội. Tại sao ông không sắm ngôi mộ ở một nơi trang trọng khác mà lại là Gôngôtha. Ông muốn chôn xác ông với các tử tội à? Không thể như thế được. Vậy đâu là bí mật về ngôi mộ của ông?

Một người giàu có, trí thức, có địa vị trong Hội Đồng không ai làm như ông. Không ai sắm mộ mình ở ngọn đồi thường xử các tử tội.

Trời Gôngôtha hôm nay tấp nập người hành hương. Không gian hôm nay không còn thương đau như hai nghìn năm trước. Tôi đi tìm một quá khứ mù tăm khuất bóng. Ông là người thế giá trong Hội Đồng. Ông biết rõ những gì sẽ xảy đến cho Đức Kitô. Phúc Âm Luca có một chi tiết về ông: Khi ấy có một người tên là Giosép, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng (Lc. 23:50-51). Ông không tán thành, như thế ông biết những toan tính, ông tham dự các buổi họp. Ông biết Đức Kitô phải chết ở đâu. Ông là người biết rõ chuyện.

Rồi từ đó, ông âm thầm sắm một ngôi mộ. Ông biết tử tội sẽ bị đóng đinh ở đâu. Ông biết Đức Kitô không có mộ chôn. Ông lặng lẽ sắm một ngôi mộ. Phải vậy không ông?

Khi ông biết tình hình đã đến lúc Chúa phải chết. Ông sắm một ngôi mộ mà biết đâu dòng họ ông cũng phản đối. Ông là người thế giá thì dòng họ ông muốn ông phải sắm mộ ở phía Đông đền thờ, ở phía cùng các mộ của Absalom của Jehoshaphat, của Zechariah. Tại sao muốn chôn ở nơi dành cho các tử tội này?

Phúc Âm cho tôi một chi tiết nữa về ông. Ông là “Người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa.” Hay là vì thế, ông biết người ta sẽ đóng đinh Đức Kitô ở Gôngôtha. Ông muốn được chôn ở đấy với Chúa. Ông sắm cho mình ngôi mộ bên Đồi Sọ ấy để gần mộ Chúa? Ông là người giàu có, ông là thành viên Thượng Hội Đồng, làm sao thân nhân ông chấp nhận ông chôn ở đó. Đường ông đi một mình, phải vậy không ông? Và đích thực ông là một kẻ đi tìm?

Ở điểm này tôi mới định nghĩa thế nào là trí thức, thế nào là người giàu có và thế nào là người làm chính trị. Trí thức là cái nhìn xuyên suốt, chính trị là người biết đường đi, giàu có là người mua được tầm nhìn.

Tôi không biết vì sao ông xuất hiện vào giây phút cực kỳ linh thiêng ấy.

Tôi không hiểu sao ông quá âm thầm trong Phúc Âm.

Tôi không hiểu sao ông liệm xác một người chết mà đáng lẽ chỉ dành cho thân nhân.

Thưa ông Giosép,

Giữa đất trời hôm nay, hình bóng ông là huyền nhiệm của một bí mật không bao giờ tôi tìm thấy. Cả tháng trời nay, tôi vào đền thờ Gôngôtha biết bao lần. Tôi đã dâng lễ trong Mộ Thánh. Tôi vẫn bâng khuâng với những thắc mắc về ông. Và trong linh thiêng của hồn ông, dường như ông là người lại đang thắc mắc về tôi. Một ngày nọ, tôi nghe như ông hỏi tôi:

- Biết chỗ Chúa an táng, tôi có tìm cho mình ngôi mộ để an táng nơi đó không?

- Cho Chúa mượn mộ mình là gánh nặng hay hồng ân?

Nếu tôi trả lời được hai câu hỏi này thì tôi biết được phần nào cái thinh lặng và theo Chúa kín đáo trong đời ông. Phải chăng ông đang muốn nói với tôi như thế?

Một là ông biết Chúa không mộ chôn, ông âm thầm sắm ngôi mộ cho mình, nhưng thật sự kín đáo là cho Chúa.

Hai là ông biết Chúa chết ở đâu, ông tìm cho mình được chôn nơi đó. Bất chấp thói tục muốn ông phải được chôn cất ở phía Đông đền thờ.

Ông sắm cho ông một ngôi mộ ở chỗ Chúa chết. Hay ông sắm cho Chúa ngôi mộ ở chỗ ông muốn chết?

Ông có những suy nghĩ của riêng ông.

Ông mạnh dạn tin vào một xác chết.

Tôi chết vì không đủ niềm tin vào một xác đã Phục Sinh.

Tôi mù mờ về cái sống của tôi, vì biết nơi Chúa chết mà không muốn chôn cùng.

Tôi muốn sắm ngôi mộ cho riêng tôi lúc còn sống. Ngôi mộ tôi xây hôm nay thật chẳng trí thức chút nào. Ngôi mộ bằng lời điếu văn người khác đọc, ngôi mộ bằng bia nhớ ơn, ngôi mộ bằng mề đai tưởng niệm. Bởi đó, sống mà như một phần chết đang dang dở trong tôi.

Ông có những bí mật của riêng ông. Ông đem theo bí mật ấy vào lòng đất. Tôi có những kín đáo của riêng tôi. Tôi thắc mắc về ông. Ông thách thức tôi với những thắc mắc ấy. Vậy giữa tôi và ông, chúng ta có thể tiếp tục câu chuyện về ngôi mộ cho đời mình được nữa chứ?

Vâng, thưa ông Giosép, tôi sẽ tiếp tục thưa chuyện với ông...

--------------------------------------------------------------------------

Phụ chương

Để hiểu hơn về “Cổng Phía Đông”, tôi xin đưa thêm ít hình ảnh và đôi lời giải thích về bức tường thành, cũng như tại sao khách hành hương thấy Cửa Thành Phía Đông bị bít kín. Trước hết, ta có thể nhìn lại Cổng Thành Phía Đông trong thời Chúa Giêsu:

Đức Giêsu vào Giêrusalem (Mc. 11:1-11; Lc. 19:28 -38; Jn. 12:12-16).

Trong đời, Chúa Giêsu đã đến Giêrusalem nhiều lần. Nhưng lần sau cùng, từ Giêricô, qua Bếthaghê, Chúa vào Cổng Thành Phía Đông lần sau cùng. Người đã vào Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia, chịu đóng đinh và hòan tất hiến lễ hy sinh trên thánh giá.

Khi thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếthaghê, phía núi Ôliu, Đức Giêsu sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay.” Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: “Hãy bảo thiếu nữ Xion: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ.” Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giêsu đã truyền. Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giêsu cỡi lên. Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.”

Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy? Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy”(Mt. 21:1-10).

Đức Giêsu vào thành Giêrusalem hai nghìn năm trước, trong ngày rước Lá là vào qua cổng này. Chứ không phải cửa thành hôm nay mà khách hành hương vẫn đi qua. Cửa thành hôm nay chỉ mở sau khi cổng phía Đông bị bít kín. Nền cổng chính nguyên thủy còn nằm dưới đất sâu, ở dưới nền cổng hiện tại đang bị bít kín. Nhưng chưa được đào xới lên để nghiên cứu. Đây là những vùng đất vô cùng nhạy cảm của tôn giáo. Cả người Do Thái và Hồi giáo đều coi cổng này vô cùng quan trọng.

Kinh Thánh viết về cổng phía Đông:

Cuộc quang lâm của Con Người được ghi trong Mátthêu

Vậy, nếu người ta bảo anh em: “Này, Người ở trong hoang địa”, anh em chớ ra đó; “Kìa, Người ở trong phòng kín”, anh em cũng đừng tin. Vì, như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. Xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó (Mt. 24:26-27).

Ngày cánh chung được ghi trong sách Dacaria

Ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Ôliu, đối diện với Giêrusalem về phía đông. Núi Ôliu sẽ chẻ ra ở giữa, từ đông sang tây, làm thành một thung lũng rộng lớn; một nửa quả núi sẽ lui về phía bắc và một nửa về phía nam. Các ngươi sẽ chạy trốn qua thung lũng giữa các núi của Ta, vì thung lũng giữa các núi chạy dài tới Axan. Các ngươi sẽ trốn thoát như đã trốn thoát cơn động đất thời Útdigia làm vua nước Giuđa. Rồi Đức Chúa, Thiên Chúa của tôi, sẽ đến, cùng với toàn thể các thánh của Người (Dacaria 14:4-5).

Những nghi lễ tôn giáo

Người ấy đưa tôi đi tới cổng, cổng quay về phía đông, và này, vinh quang của Thiên Chúa Israel từ phía đông tiến vào. Bấy giờ có tiếng như tiếng nước lũ và đất rạng ngời vinh quang Đức Chúa. Thị kiến này giống như thị kiến tôi đã thấy khi Người đến để hủy diệt thành, đồng thời cũng giống như thị kiến tôi đã thấy bên sông Cơva. Bấy giờ, tôi sấp mặt xuống đất.

Vinh quang Đức Chúa tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía đông. Thần khí đưa tôi lên và dẫn tôi vào sân trong, và này vinh quang Đức Chúa tràn ngập Đền Thờ (Êzêkien 43:1-5).

Chương kế tiếp trong sách Êzêkien, liên quan đến việc đóng cổng phía Đông được loan báo như sau:

Người ấy dẫn tôi trở lại cổng ngoài thánh điện, cổng quay về phía đông. Bấy giờ cổng đóng. Đức Chúa phán với tôi: “Cổng này sẽ đóng; người ta sẽ không mở và không ai được vào, qua cổng này, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, đã tiến vào qua cổng ấy. Vì thế cổng này đóng. Nhưng ông hoàng, chính ông hoàng, sẽ được ngồi đó để dùng bữa trước nhan Đức Chúa. Ông sẽ vào qua tiền đình của cổng và sẽ ra bằng lối ấy” (Ezekien 44:1-3).

Qua lời của sách Êzêkien ta thấy tầm mức quan trọng của cổng phía Đông này ra sao. Đây là lời loan báo của tiên tri Êzêkien sáu trăm năm trước. Lời tiên tri này có làm cho cổng thành phía Đông này bị đóng kín như đã loan báo không? Tại sao cổng phía Đông bị đóng kín?

Cổng này chỉ bị bít kín vào năm 1543 (1541?) khi Hồi Giáo Ả Rập chiếm đóng dưới quyền Sultan Suleimen. Do Thái Giáo tin rằng Thiên Chúa của họ sẽ vào Đền Thờ qua cửa này, người Hồi Giáo bít kín không cho người Do Thái đón chờ Đức Chúa của họ. Đây là một hành vi ngăn cản xúc phạm. Chẳng những vậy người Hồi Giáo chôn người chết ngay mặt tiền sát ngoài cổng thành phía Đông để làm cho cổng thành ra ô uế, ngăn chặn lối vào của Thiên Chúa Do Thái Giáo. Phúc Âm kể chuyện một thầy Lêvi thấy nạn nhân bị cướp đánh bỏ chết bên đường. Ông ta tránh qua một bên mà đi (Lc. 10:29-31). Có thể ông đang lên Đền Thờ, ông không muốn chạm vào những xác chết ô uế. Với mục đích làm Cổng Phía Đông ra ô uế là một hành động rất xúc phạm mà người Hồi Giáo cư xử với Do Thái Giáo.

Hôm nay người Hồi Giáo chiếm phần quan trọng nhất là Đền Thờ Giêrusalem ngày xưa. Lại xây bít kín cổng thành phía Đông. Hiểu như thế ta mới thấy tâm trạng của người Do Thái là không thể có chung sống hòa bình ở vùng đất này.

Trích trong KẺ ĐI TÌM, sách mới xuất bản Mùa Phục Sinh 2009
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đường Thánh giá xây dựng từ 150 năm trước tại Ja-ela (Sri Lanka)
Phụng Nghi
16:51 09/04/2009
Colombo (AsiaNews) - Từ 150 năm qua, đền thánh Đức Mẹ Sầu Bi tại Ja-ela, cách Colombo, thành phố lớn nhất của Sri Lanka 10 cây số, đã là nơi thể hiện lòng đạo đức rất tôn quý đối với dân chúng Sri Lanka. Cách ngôi thánh đường (xây năm 1802) một đoạn đường ngắn, đứng sừng sững đồi Kapaala Kanda, theo tiếng Sri Lanka có nghĩa là Núi Canvê. Từ năm 1849, các tu sĩ và những người sùng đạo đã làm sống lại cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô bằng cách đi đoạn đường thánh giá Via Cruces dọc theo sườn đồi.

Các nghi lễ cử hành ngày Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ bắt đầu lúc 9 giờ sáng, bằng Via Crucis (Đường Thánh giá), chủ sự do Hồng y Oswald Gomis là tổng giám mục Colombo, và linh mục đại diện vùng phía bắc thủ đô là cha Cyril Gamini Fernando. Hàng ngàn giáo dân sẽ tham dự nghi thức này.

Linh mục Shanthasagara Hettiarchchi cai quản đền thánh, cho thông tấn xã AsiaNews biết rằng khoảng 2600 gia đình Công giáo trong vùng này đã chuẩn bị từ lâu để tham gia vào các nghi lễ ngày Chúa chịu nạn và kỷ niệm 150 năm xây dựng Đường Thánh giá.

Một số chính trị gia và người không Công giáo cũng đã đóng góp vào công cuộc chuẩn bị Tam Nhật Thánh, và nhiều người từ các giáo phận khác cũng tới tham dự. Đền thánh và Đồi Canvê Kapaala Kanda qui tụ những người sùng kính đến từ toàn khu vực phía nam đảo quốc Sri Lanka, và theo lời cha Hettiarchchi “trong mùa chay, nhiều tín hữu từ các giáo phận xa Ja-ela cũng đến đây, nhất là các sinh viên học sinh cũng theo bạn bè tới.”

Cuối các chặng đường thánh giá trên đồi Canvê Kapaala Kanda là ngôi mộ trong đó Chúa Cứu thế được an táng sau khi bị đóng đinh, và là nơi các tín hữu cầu nguyện vào cuối buổi phụng vụ. Tại mỗi chặng là các bức tượng mô tả những nhân vật khác nhau trong cuộc Khổ Nạn, nhưng từ nhiều năm sau này các bức tượng này đã được thay thế bằng những diễn viên thủ vai người thật, làm cho Chặng đường Thánh giá tại Ja-ela trở thành buổi trình diễn sống động những giờ phút sau cùng của Chúa Giêsu trước khi ngài chết.

Lịch sử ngôi đền thánh và các chặng đường Thánh giá phản ảnh lòng tôn kính rất phổ biến đối với địa điểm này. Chẳng hạn, vào năm 1985, các giáo dân đã quyên góp được khoảng 60 ngàn rupees tiền Sri Lanka để dựng một hàng rào trên sườn đồi Kapaala Kanda. Chủ tịch thị xã Ja-ela cũng đóng góp vào dự án đó bằng cách đích thân viết thư lên tổng thống, và tổng thống Sri Lanka đã cung cấp thêm 50 ngàn rupees là chi phí cần thiết để hoàn thành công trình. Muời năm sau, năm 1995, các tín hữu lại quyên góp để dựng một cây thánh giá mới để thay thế cây cũ đã lâu tới 145 năm. Cũng vào thời gian đó, một thương gia cũng chẳng thua kém lòng quảng đại của các giáo hữu, đã trao tặng gỗ để làm cây thánh giá mới.
 
Đức Thánh Cha Benedict sẽ thấy Đất Thánh thay đổi nhiều kể từ khi vị tiền nhiệm đến đây
Bùi Hữu Thư
17:50 09/04/2009

Đức Thánh Cha Benedict sẽ thấy Đất Thánh thay đổi nhiều kể từ khi vị tiền nhiệm đến đây



GIÊRUSALEM (CNS)
-- Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ thấy một Đất Thánh đã thay đổi rất nhiều kể từ khi vị tiền nhiệm là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến đây năm 2000.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến Do Thái và Palétin khi Năm Thánh đã khiến cho Đất Thánh có rất nhiều du khách viếng thăm.

Nhưng Đức Thánh Cha Benedict sẽ đến thăm nơi đây trong khi các sự căng thẳng giữa Do Thái và Palétin vẫn tiếp tục – nhiều tháng sau khi Do Thái tiến đánh Gaza trong lúc các hỏa tiễn của Palétin tiếp tục tấn công các thành phố phiá nam của Do Thái.

Khi viếng thăm Bê Lem và West Bank, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được một chính phủ liên hiệp Palétin, do chủ tịch Yasser Arafat đứng đầu. Vào tháng 5 năm nay, tổng thống Mahmoud Abbas, người đang tranh đấu để liên kết các thành phần Palétin khác nhau tiếp theo một sự tách rời năm 2007 với đảng Hồi giáo chính trị và kháng chiến quân Hamas, sẽ đón tiếp Đức Thánh Cha Benedict.

Cuộc bầu cử mới đây của Do Thái đã đưa một chính phủ bảo thủ lên nắm chính quyền, và vị bộ trưởng ngoại giao đã tuyên bố trong bài diễn văn đầu tiên trước công chúng là tuyên ngôn hoà bình Annapolis năm 2007 do Hoa Kỳ bảo trợ -- kêu gọi có hai quốc gia, Do Thái và Palétin – không “có giá trị.”

Chính phủ Do Thái mới cũng có một bộ trưởng nội vụ thuộc đảng tôn giáo Shas; Khi có một giới chức Shas giữ một điạ vị trong các chính phủ trước đây, ông này giới hạn việc cấp và tái khán các giấy phép nhập cảnh cho các tu sĩ Thiên Chúa giáo. Mặc dầu có nhiều sự phản đối để yêu cầu sửa đổi tình trạng này, các linh mục và tu sĩ vẫn phải gặp khó khăn về vần đề xin chiếu khán nhập cảnh.

Đức Thánh Cha Benedict sẽ thấy một miền đất bị tàn phá bởi các vụ bạo động xẩy ra chỉ vài tháng sau lần Đức Thánh Cha Gioan Phalô viếng thăm năm 2000. Ngài sẽ đứng trước những người dân đã mất hết hy vọng vào tương lai và không còn tin cẩn nơi các chính trị gia, và ngài sẽ thấy nền kinh tế suy sụp vì ảnh hưởng của các vụ nổi dậy chống đối, và tình hình kinh tế toàn cầu xuống dốc – họ vẫn chờ đợi và mơ ước thấy sự ào ạt tuôn đến của các khách hành hương và du khách theo sau cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha như trước đây.

Mặc dầu Đức Thánh Cha Benedict đã nhấn mạnh như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, là cuộc viếng thăm của ngài là một cuộc hành hương thiêng liêng, và không phải là một hoạt động chính trị, cả người Do Thái lẫn Palétin đều nói họ hy vọng ngài sẽ mang đến một sự tái lập các cuộc hòa đàm bị cắt đứt, sẽ đem lại một sư tăng tiến cho nền kinh tế điạ phương nhờ vào con số đông các khách hành hương, và sẽ giúp cho có sự quan tâm hoàn vũ về tình hình chính trị và khởi xướng một sự tăng cường đức tin cho các tín hữu Công Giáo điạ phương.

Đức Thánh Cha Benedict đến Do Thái như một Giáo Hoàng người Đức, một thành viên – dù không muốn – của giới trẻ của Hitler, là người đã huỷ bỏ vạ tuyệt thông cho một giám mục ly khai chối từ Holocaust. Trong khi những lời giải thích và xin lỗi của Đức Thánh Cha về sự sai nhầm này đã xoa dịu phần nào một số các lãnh tụ chính trị và tôn giáo Do Thái, người dân trên đường phố vẫn nhớ đến những đầu đề các bản tin trên các báo chí cho hay Đức Thánh Cha đã đón chào vị giám mục này trở về với Giáo Hội.

Cũng như vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Benedict sẽ viếng thăm Đài Kỷ Niệm Holocaust Yad Vashem, đặt vòng hoa tại Sảnh Đường Tưởng Niệm và tiếp xúc với các người còn sống sót. Cũng như vị tiền nhiệm, ngài cũng sẽ không thăm bảo tàng viện lịch sử Yad Vashem; nghiã là ngài sẽ không phải đi ngang qua một bảng hiệu đặt trước hình Đức Thánh Cha Piô XII trách hỏi ngài về việc không có hành động cứu các sinh mạng Do Thái trong thời chiến. Bảng hiệu này được dựng lên khi viện bảo tàng được tái thiết năm 2005 và không gây vấn đề trong lần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Đất Thánh.
 
Đức Thánh Cha chủ sự lễ kỷ niệm Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể
G. Trần Đức Anh OP
21:46 09/04/2009
ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều Thứ Năm Tuần Thánh, 9-4-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Roma, để mừng kính biến cố Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể trong bữa tiệc ly.

Cùng đồng tế với ĐTC còn có 100 vị gồm các HY, GM và hàng Linh mục giáo phận Roma. Các tín hữu ngồi chật thánh đường.

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa một số câu trong kinh nguyện thánh thể thứ I và áp dụng vào đời sống của LM và tín hữu. Như câu: ”Ngước mắt lên trời hướng về Chúa, là Thiên Chúa Cha toàn năng của Ngài..”, ĐTC nói: Chúa dạy chúng ta ngước mắt lên, nhất là nâng tâm hồn lên. Ngước mắt lên, đưa cái nhìn khỏi những sự vật trần thế, hướng chúng ta trong kinh nguyện về Thiên Chúa và nâng mình lên. Trong một thánh ca của Phụng vụ các giờ kinh, chúng ta cầu xin Chúa giữ gìn đôi mắt chúng ta, nếu nó không đón nhận hoặc để cho những sự phù vân, hư vô, những sự bề ngoài xâm nhập vào chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện để sự ác đừng đi qua đôi mắt vào trong chúng ta, làm biến tính và làm nhơ bẩn con người chúng ta. Nhưng chúng ta hãy cầu nguyện để đôi mắt nhìn thấy tất cả những gì là chân thật, sáng ngời và tốt lành, để chúng ta có thể nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới”.

ĐTC cũng giải thích cử chỉ bẻ bánh như một cử chỉ chia sẻ: bẻ bánh là cử chỉ của một người cha gia đình lo lắng cho những người thân trong nhà và cung cấp cho họ những gì cần thiết cho cuộc sống. Đó cũng là một cử chỉ hiếu khách đói với người lạ, khách được đón tiếp trong gia đình và được tham gia vào cuộc sống của gia đình. Trong bánh được bẻ ra, Chúa phân phát chính mình Ngài. Cử chỉ bẻ bánh ám chỉ cái chết và tình thương đến tột cùng của Chúa. Ngài phân phát chính mình, là bánh thực sự cho thế giới được sống (Ga 6,51).

Sau bài giảng, ĐTC đã cử hành nghi thức rửa chân cho 12 kinh sĩ đền thờ thánh Gioan Laterano, trong lúc đó cũng tiến hành việc lạc quyên nơi các tín hữu tham dự thánh lễ để trao cho ĐTC rồi ngài chuyển tới giúp cộng đoàn Công Giáo tại miền Gaza. Tại Gaza chỉ có 1 giáo xứ Công Giáo bé nhỏ với khoảng 200 tín hữu trên tổng số 1 triệu 500 ngàn, hầu hết là tín hữu Hồi Giáo. Miền Gaza đã bị thiệt hại nặng nề vì cuộc tấn công trong 22 ngày của quân đội Israel (SD 9-4-2009)
 
Đức Thánh Cha giải thích về ý nghĩa chức linh mục
G. Trần Đức Anh OP
21:55 09/04/2009
VATICAN. Trong thánh lễ làm phép dầu sáng thứ Năm Tuần Thánh, 9-4-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã giải thích về ý nghĩa chức linh mục, và mời gọi các linh mục sống trọn những lời đã hứa khi chịu chức.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 9 giờ 30 sáng, có lối 30 Hồng Y và 30 GM thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh và tòa Giám Quản Roma, cùng với 1 ngàn Linh mục, trước sự hiện diện của gần 7 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng sau bài Tin Mừng về chủ đề “Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi và vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi”, ĐTC nói: ”Anh chị em thân mến, trong nhà Tiệc Ly, ban tối trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ quây quần quanh Ngài, đồng thời Ngài cũng nhìn thấy trước cộng đoàn các môn đệ trong mọi thời đại, ”những người sẽ tin nơi Ngài nhờ lời các môn đệ” (Ga 17,20). Trong lời cầu cho các môn đệ mọi thời đại, Chúa cũng đã thấy và cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta hãy nghe xem Ngài xin gì cho 12 Tông Đồ và cho chúng ta tụ tập nơi đây: ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến trong trần gian, con cũng sai họ đến trong trần gian; vì họ, con thánh hiến bản thân, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (17,17ss).

Linh Mục được thánh hiến cho Chúa

Trọn bài giảng, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa câu nói này của Chúa Giêsu và áp dụng vào đời sống linh mục. Ngài giải thích ý nghĩa từ thánh hiến (consacratio) và thánh hóa (sanctificatio).. Thánh hiến là đưa ra khỏi thế gian và dâng cho Thiên Chúa hằng sống. Một sự vật hoặc một người được thánh hiến không còn thuộc về chúng ta và cũng không thuộc về chính mình nữa, nhưng được dìm sâu trong Thiên Chúa... Trong Cựu Ước, sự dâng hiến một người cho Thiên Chúa, nghĩa là thánh hóa người ấy, cũng đồng nghĩa với việc truyền chức tư tế, và qua đó, chúng ta cũng thấy chức tư tế hệ tại điều gì: đó là một sự chuyển giao quyền sở hữu, một sự cất khỏi thế gian và dâng cho Thiên Chúa... Trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu xin Chúa Cha ”thánh hiến các môn đệ trong sự thật”: đó là một sự tháp nhập các tông đồ vào trong chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô, thiết lập chức tư tế mới cho cộng đoàn các tín hữu thuộc mọi thời đại. ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật”: đó là lời cầu nguyện thánh hiến đích thực cho các tông đồ. Chúa Giêsu xin chính Thiên Chúa lôi kéo họ về với Ngài, trong sự thánh thiện của Ngài. Chúa Giêsu xin Thiên Chúa Cha kéo họ về với Ngài và nhận họ như sở hữu của Ngài để từ Ngài, họ có thể thi hành chức vụ tư tế cho thế giới.

Từ những nhận xét trên đây, ĐTC đặt câu hỏi: ”Vậy thì, sự việc diễn ra thế nào trong đời sống chúng ta? Chúng ta có thực sự được Lời Chúa tràn ngập hay không? Lời Chúa có thực sự là lương thực nuôi sống chúng ta, hơn là cơm bánh và những sự vật đời này hay không? Chúng ta có biết Lời Chúa thực sự hay không? Chúng ta có quan tâm đến Lời Chúa trong nội tâm đến độ Lời Chúa thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống và hình thức tư tưởng của chúng ta hay không? Hay là tư tưởng của chúng ta luôn được rập theo khuôn khổ những gì người ta nói và làm? Phải chăng nhiều khi những ý kiến thịnh hành là tiêu chuẩn hành động của chúng ta? Xét cho cùng, phải chăng chúng ta chỉ cư xử hời hợt theo những gì người ta áp đặt cho con người ngày nay? Chúng ta có để cho mình thực sự được Lời Chúa thanh tẩy trong nội tâm hay không? Friedrich Nietzsche đã chế riểu nhân đức khiêm nhường và vâng phục như những nhân đức nô lệ, qua đó con người bị áp bức đè nén. Thay vào các nhân đức đó, ông ta đặt sự kiêu hãnh và tự do tuyệt đối của con người. Quả thực có những sự chế nhạo sự khiêm tốn sai lầm và một sự tùng phục sai trái mà chúng ta không muốn bắt chước. Nhưng cũng có sự kiêu hãnh hủy hoại và sự tự phụ làm băng hoạt mọi cộng đoàn và đưa tới bạo lực. Chúng ta có biết học từ Chúa Kitô sự khiêm nhường ngay chính, tương ứng với sự thật về bản tính chúng ta, và sự vâng phục, tùng phục sự thật và thánh ý của Thiên Chúa hay không? ”Xin Cha thánh hóa họ trong sự thật; lời Cha là sự thật”: lời này về sự hội nhập vào chức tư tế soi sáng cuộc sống chúng ta và kêu gọi chúng ta ngày càng trở thành môn đệ của sự thật, được mở rộng trong Lời Chúa”.

Linh Mục gia tăng kết hiệp với Chúa Kitô

Tiếp tục bài giảng, ĐTC nói với các GM và LM rằng: “Bản chất linh mục của chúng ta không là gì khác hơn là một cách thức mới để kết hiệp với Chúa Kitô. Sự kết hiệp này được ban cho chúng ta mãi mãi trong bí tích truyền chức. Nhưng dấu tích mới này có thể trở thành một án phạt cho chúng ta nếu đời sống chúng ta không tiến triển và đi vào sự thật của bí tích. Những lời hứa mà hôm nay chúng ta lập lại nói rằng ý chí chúng ta phải hướng về sự kết hiệp ngày càng mật thiết hơn và trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu. Kết hiệp với Chúa Kitô đòi hỏi phải từ bỏ, đòi chúng ta không được áp đặt con đường và ý chí của chúng ta, chúng ta không được muốn trở thành điều này hay điều khác, nhưng phó thác cho Chúa, bất cứ ở đâu và theo thể thức nào Chúa muốn sử dụng chúng ta. Về điểm này, thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Trong lời thưa xin vâng khi chịu chức linh mục, chúng ta đã thực hiện sự từ bỏ cơ bản ý muốn được tự trị, tự thể hiện chính mình. Nhưng ngày qua ngày, cũng cần phải thực hiện lời thưa xin vâng cao cả ấy trong nhiều sự xin vâng nhỏ bé và những việc từ bỏ nhỏ mọn. Những sự từ bỏ bé nhỏ này chỉ có thể thực hiện không cay đắng, không tự cảm thương mình, nếu Chúa Kitô thực sự ở trung tâm đời sống chúng ta, nếu chúng ta sống thân mật thực sự với Chúa. Như thế, giữa những từ bỏ thoạt đầu có thể gây ra đau đớn, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui gia tăng nhờ tình bạn với Chúa.. ”Ai mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được”. Ai dám mất mạng mình vì Chúa, thì sẽ cảm nghiệm được Lời Chúa chân thực dường nào.”

ĐTC đề cao việc cầu nguyện trong đời sống linh mục và nói rằng: ”Chìm đắm trong Sự Thật, trong Chúa Kitô, đó là điều thuộc về kinh nguyện, trong đó chúng ta tập luyện trong tình bạn với Chúa và học biết Ngài: học biết cách sống, cách tư tưởng và hành động của Chúa. Cầu nguyện là bước đi trong sự hiệp thông bản thân với Chúa Kitô, trình bày cho Ngài cuộc sống hằng ngày của chúng ta, những thành công và thất bại, những cơ cực vất vả và vui mừng - tóm lại là trình bày chính bản thân chúng ta trước mặt Chúa. Nhưng để cho hành động này khỏi trở thành một sự tự chiêm ngắm, điều quan trọng là chúng ta cần liên tục học cách cầu nguyện với Giáo Hội. Cử hành Thánh Lễ có nghĩa là cầu nguyện. Chúng ta cử hành Thánh Lễ một cách đúng đắn nếu qua tư tưởng và lối sống, chúng ta đi vào những lời mà Giáo Hội đề nghị cho chúng ta. Trong những lời ấy có kinh nguyện của mọi thế hệ, mang chúng ta đi trên con đường hướng về Chúa...

Sau cùng, ĐTC kể lại rằng: ”Hôm trước ngày thụ phong linh mục cách đây 58 năm, tôi đã mở Kinh Thánh, vì tôi muốn nhận được một lần nữa một Lời Chúa cho ngày hôm ấy và cho con đường linh mục tương lai của tôi. Tôi đọc thấy đoạn này: ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật; Lời Cha là sự thật”. Bấy giờ tôi biết rằng Chúa đang nói với tôi. Chính điều ấy sẽ xảy ra ngày mai cho tôi. Xét cho cùng, chúng ta không được thánh hiến nhờ các nghi thức, tuy cũng cần phải có các nghi thức. Bể tắm rửa mà Chúa dìm chúng ta vào trong, là chính Ngài, là hiện thân của Sự Thật. Thụ phong linh mục có nghĩa là được chìm đắm trong Chúa, trong Sự Thật. Tôi thuộc về Chúa một cách mới mẻ và cho tha nhân, để Nước Chúa được hiển trị. Các bạn thân mến, trong giờ lập lại những lời hứa khi chịu chức linh mục, chúng ta hãy cầu xin Chúa biến chúng ta thành những con người của sự thật, của tình thương, những con người của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ngày càng lôi kéo chúng ta vào trong Ngài, để chúng ta thực sự trở thành những Linh Mục của Tân Ước. Amen.

Lập lại lời hứa

Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. ĐTC hỏi: ”Anh em có muốn kết hiệp thâm sâu hơn với Chúa Giêsu là mẫu gương linh mục của chúng ta, bằng cách từ bỏ chính mình và quyết tâm thi hành các nghĩa vụ thánh, mà anh em đã tự nguyện đảm nhận đối với Giáo Hội, do tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy hay không? ”Anh em có muốn là những người trung thành phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa, nhờ việc cử hành Thánh Lễ và các hoạt động phụng vụ khác, chu toàn sứ vụ lời cứu độ noi gương Chúa Kitô, là Đầu và là Mục Tử, không để cho những lợi lộc phàm nhân hướng dẫn, nhưng theo sự hướng dẫn của tình yêu đối với anh em đồng loại hay không? Sau mỗi câu hỏi, các vị hiện diện đều thưa: ”Có, con muốn!”.

Rồi ĐTC ngỏ lời với các giáo hữu hiện diện, xin họ cầu nguyện cho các linh mục để các vị là những thừa tác viên trung thành của Chúa Kitô, và cầu cho chính Ngài nữa, để Ngài trung thành thi hành công tác phục vụ tông đồ đã được ủy thác. Tiếp đến, ĐTC đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma). Nghi thức này cũng nhấn mạnh mầu nhiệm Giáo Hội như bí tích phổ quát của Chúa Kitô, thánh hóa mọi thực tại và hoàn cảnh của cuộc sống. Vì thế, ngoài dầu thánh hiến, còn có nghi thức làm phép dầu dự tòng cho những người chiến đấu để chiến thắng ác thần, hầu lãnh nhận những nghĩa vụ từ bí tích rửa tội, và sau cùng dầu bệnh nhân, để xức cho những người ở trong tình trạng bệnh tật đang thể hiện nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô. Và thế là từ Đầu, hương thơm tốt lành của Chúa Kitô toả lan cho mọi chi thể của Giáo Hội và lan ra thế giới. Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu xuất hiện 2 lần dưới hình thức hơi được thay đổi. Chúng ta phải nghe cả hai lần với tất cả sự chú ý, để bắt đầu hiểu ít là được phần nào điều cao cả đang được diễn ra. ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật”, rồi Chúa Giêsu nói thêm: 'Lời Cha là sự thật”. Vì vậy, các môn đệ được lôi kéo vào trong nội tâm của Thiên Chúa nhờ sự chìm đắm trong Lời Chúa. Có thể nói, Lời Chúa là sự thanh tẩy làm cho các môn đệ được thanh sạch, là quyền năng sáng tạo biến đổi các môn để trong Thiên Chúa.

Liên đới với giáo phận L'Aquila bị động đất

Cuối thánh lễ, trước khi ban phép lành, ĐTC tái bày tỏ liên đới với Tổng giáo phận L'Aquila ở Italia bị động đất:

”Tôi muốn chuyển các dầu thánh này như dấu chỉ hiệp thông sâu xa và sự gần gũi tinh thần tới người anh em quí mến là Đức Cha Giuseppe Molinari, TGM giáo phận L'Aquila, vì những thiệt hại rất lớn do động đất gây ra, không thể tụ họp linh mục đoàn trong giáo phận để cử hành lễ làm phép dầu. Ước gì những dầu thánh này tháp tùng thời gian tái sinh và tái thiết, chữa lành những vết thương và nâng đỡ niềm hy vọng”.

Mặt khác, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: ”Chấp nhận lời thỉnh cầu của chính quyền và giáo quyền, ĐTC đã cử ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, chủ sự thánh lễ thứ sáu tuần thánh 10-4 này để an táng các nạn nhân động đất tại thủ phủ miền Abruzzo và vùng phụ cận. ”Xét vì tính chất đặc biệt của biến cố này, Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích đã ban phép chuẩn để cử hành thánh lễ cầu hồn, mặc dù theo luật, phụng vụ ngày thứ sáu Tuần Thánh không dự trù một nghi thức nào khác, ngoài lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô”.

Và như một dấu chỉ sự gần gũi bản thân của ngài với những người đau khổ vì trận động đất, Đức Ông Georg Gaenswein, bí thư riêng của ĐTC, sẽ tham dự thánh lễ an táng các nạn nhân. Số nạn nhân động đất ở thành phố L'Aquila và vùng phụ cận đã lên tới 280 người. Lễ quốc táng cho họ được cử hành ngày 10-4-2009.
 
Đàng Thánh Giá tại Rôma nêu bật tình cảnh bị bách hại của người Công Giáo trên thế giới
Đặng Tự Do
23:23 09/04/2009
Trước những tin tức bi đát về tình cảnh của người Công Giáo tại Orissa Ấn Độ, tại Hà Bắc Trung Quốc, tại Hà Nội Việt Nam, và tại nhiều phần trên lãnh thổ Ả rập Saudi.. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã yêu cầu những suy niệm về Đàng Thánh Giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay tập trung vào tình cảnh bị bách hại của người Công Giáo trên thế giới. Như vậy là liên tiếp trong hai năm, tình cảnh bi đát của người Công Giáo được đề cập đến trước công luận thế giới.

Hí trường Côlôsê
Suy niệm Đàng Thánh Giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm ngoái đã được Đức Hồng Y Trần Nhật Quân của Hồng Kông biên soạn trong đó ngài kêu gọi người Công Giáo trên thế giới hãy nhớ đến những anh chị em Công Giáo Trung Hoa và các nơi khác đang phải cảm nghiệm “cuộc thương khó của Chúa Kitô trong chính bản thân họ”.

Trong 14 chặng đàng Thánh Giá năm 2008, theo dấu vết những đau khổ mà Chúa Giêsu đã phải gánh chịu trong cuộc Thương Khó, người ta cũng thấy được tình trạng thiếu tự do tôn giáo và bất công gây ra bởi nhà nước cộng sản tại Hoa Lục, sự phản bội của những “Giuđa bán Chúa”, đau thương của những tín hữu bị bách hại, hy vọng và vinh quang của các tín hữu, những người trung tín dù phải trả giá đắt cho niềm tin của mình. Tắt một lời, toàn bộ thực tại của Giáo Hội tại Trung Hoa đã được gói gọn trong 14 chặng đàng Thánh Giá năm ngoái.

Trong lời nguyện mở đầu, Đức Hồng Y Quân viết rằng Đàng Thánh Giá kết hợp các tín hữu trong việc kính nhớ “những tôi tớ của Chúa, những người vì lòng trung tín của mình, đã bị phanh thây xẻ thịt nơi đây, trong nhiều thế kỷ đã qua giữa những tiếng gầm thét của đàn sư tử đói và tiếng kêu gào của khán giả”.

“Côlôsêô đã được nhân thành nhiều phiên bản qua biết bao thế kỷ, bất cứ nơi nào anh chị em chúng ta, trong những miền khác nhau của thế giới, tiếp tục bị bách hại tàn tệ, cuộc Thương Khó của của Chúa Kitô bị kéo dài thêm. Cùng với những anh chị em bị bách hại trên trên thế giới này, chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình trên đường Thương Khó với niềm xúc động sâu xa, trên con đường Chúa đã từng đi qua với một lòng đầy yêu thương”.

Suy niệm Đàng Thánh Giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm nay do Đức Tổng Giám Mục Thomas Menamparampil, S.D.B, của tổng giáo phận Guwahati, Ấn Độ soạn thảo. Theo văn bản vừa được phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố, những đề tài suy niệm năm nay sẽ suy tư về sự ác trên thế giới, về những đau đớn dưới những hình thái đa dạng như là “một biểu tượng cho sự hiện diện của thánh giá Chúa Kitô trong đời sống chúng ta.”

Một trong những đề tài chính của suy niệm Đàng Thánh Giá năm nay nói lên tình cảnh của những người Kitô hữu bị bách hại tại Ấn Độ, quê hương của Đức Cha Menamparampil, và tại các nơi khác nơi đang tồn tại một hình thái bạo lực “hủy diệt luân lý và các nhóm tôn giáo”, nơi đang diễn ra các xung đột “được châm ngòi và đổ thêm dầu vào lửa bởi các nguồn lợi kinh tế.”

Đàng Thánh Giá sẽ được chính Đức Thánh Cha chủ sự tại hí trường Côlôsê lúc 9h15 tối và được EWTN trực tiếp truyền hình. Quý vị ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ có thể theo dõi trên trang Web của EWTN tại địa chỉ: http://ewtn.com
 
Học sinh Công giáo học hỏi về Lễ Vượt qua
Phụng Nghi
23:43 09/04/2009
Rancho Palos Verdes (Los Angeles Times) – Điều đáng kể không phải là số 85 học sinh trung học xuất hiện trong một nguyện đường Do thái để dự tiệc Seder mừng Lễ Vượt qua, khi vắng bóng người Do thái trong nguyện đường.

Nhưng đáng nói là mục tiêu cuộc hội họp này là để dạy cho các học sinh trung học Công giáo về ngày lễ tưởng niệm biến cố Môisê dẫn người Do thái ra khỏi Ai cập và thoát vòng nô lệ.

Giáo trưởng Isaac Jeret nói với các học sinh qui tụ tại Cộng đoàn Ner Tamid ở thị trấn Rancho Palos Verdes (thuộc quận hạt Los Angeles) tuần qua: “Đức tin của các bạn chắc không có nếu chúng tôi đã không được cứu ra khỏi Ai cập.”

Đây là năm thứ ba các học sinh Công giáo tới một nguyện đường Do thái để học hỏi về Lễ Vượt qua. Giáo trưởng Jeret gọi lễ này “đối với dân tộc Do thái là một truyện ký chủ đạo.” Ông nói cuộc họp này là “một trong những việc làm quan trọng nhất chúng tôi thực hiện tại nguyện đường này mỗi năm… Chúng ta cùng tìm hiểu xem đức tin của chúng ta tương tự và khác biệt như thế nào.”

Linh mục Alexei Smith, phụ trách công tác đại kết tại tổng giáo phận Los Angeles, ngồi bên cạnh giáo trưởng Jaret, cho biết rằng mới đây tổng giáo phận đã tham gia nhiều chương trình cùng với tín đồ Do thái giáo. Cha nói: “Tất cả đều là một nỗ lực làm tăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau.”

Ở những nơi khác, các học sinh Công giáo cũng tham dự những bữa tiệc Seder. Chẳng hạn năm nay tất cả 1200 học sinh trường trung học Bishop Montgomery ở Torrance đã tham dự tiệc này tại phòng tập thể dục nhà trường.

Cha Smith nói: “Chúng tôi chú tâm nhìn vào các anh chị em trong đức tin.”

Cả hai vị, cha Smith và giáo trưởng Jeret (giáo trưởng là con của một người sống sót cuộc tàn sát tập thể người Do thái) đều không che dậy những hành vi bài Do thái trong quá khứ của Giáo hội Công giáo. Giáo trưởng Jaret nói: Matzo (bánh không men ăn vào ngày lễ Vượt qua) đã dẫn đến “một số những giờ phút đen tối nhất trong lịch sử giữa người hai bên chúng ta.” Ông kể cho các học sinh chuyện “lời phỉ báng về máu”, khi người Do thái bị kết tội sai lầm là đã giết trẻ em Công giáo để lấy máu làm bánh không men.

Jeret nói: “Kết quả là nhiều người Do thái đã bị giết chết.”

Cha Smith, với mái tóc muối tiêu dài tới vai, tiếp theo đó nói rằng: “Lịch sử giữa người Do thái và người Công giáo không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Chúng tôi còn đang làm việc để giải quyết những chuyện đó.”

Tiệc Seder tại cộng đoàn Ner Tamid của học sinh Công giáo phát sinh từ mối liên hệ gần gũi giữa nguyện đường và những người Công giáo tại bán đảo Palos Verdes.

Đầu năm 1999, trong một hội nghị tại Trung tâm Hưu dưỡng Maria-Giuse tại Rancho Palos Verdes, một người Công giáo đưa ra đề nghị tổ chức cuộc diễn hành đi từ Trung tâm tới nguyện đường Do thái Ner Tamid để tưởng niệm vụ Kristallnacht, tiếng Anh gọi là Night of Broken Glass (Đêm Đập Bể Kiếng) lúc đám đông hỗn tạp người Đức tấn công người Do thái, thiêu cháy và cướp bóc các nguyện đường và phá hủy những tiệm buôn của người Do thái năm 1938.

Khoảng 1000 người đã tham dự cuộc rước nến dài hơn 1 dậm, và 1000 người khác đứng đón chờ họ để tham gia chương trình bên trong nguyện đường. Khi đến Ner Tamid, người Công giáo đã trao tặng nguyện đường này một bức điêu khắc bằng kiếng không bể.

Từ cuộc diễn hành đó phát sinh ra Nhóm Hiệp nhất Dawn, chủ trương tiếp nối cuộc đối thoại liên tôn giáo tại Palos Verdes. Nhóm này tổ chức mỗi năm 4 chương trình.

Lễ Vượt qua kéo dài 8 ngày, năm nay bắt đầu từ lúc mặt trời lặn hôm thứ Tư này. Trong bữa ăn Seder, thường được tổ chức tại nhà chứ không phải tại các nguyện đường, chuyện kể về cuộc Vượt qua được đọc lên từ cuốn sách Haggada.

Ở bữa tiệc tuần qua, các học sinh Công giáo ngồi vào bàn, trước mặt bày những món ăn vào dịp lễ này: đó là bánh không men, charoset (một hỗn hợp bột nhão gồm táo, hạt dẻ, rượu và quế); rau cải ngựa; ngò tây, nước muối, xương ống thịt trừu quay, và một cái trứng chiên. Người phái nam đội mũ tròn trên sọ, đó là chiếc mũ nhiều người Do thái đội khi cầu nguyện.
Món charoset trong tiệc Seder


Trước bữa tiệc Seder, cha Smith giải thích ý nghĩa ngày lễ Vượt qua theo nhãn quan Công giáo – đó là, vì là người Do thái nên Chúa Kitô đã mừng lễ Vượt qua, mà Bữa Tiệc Ly chính là một Seder, điều này hầu hết các học sinh đều không biết.

Cha cho biết rằng người Công giáo đã công nhận một vài biểu tượng của lễ Vượt qua. Chẳng hạn, bốn ly rượu uống trong tiệc Seder (ở đây, các học sinh uống nước táo thay cho rượu) trở thành chén ruợu mà người Công giáo tin là Máu Chúa Kitô. Bánh không men tương tự như bánh thánh lãnh nhận để ăn trong Thánh lễ.

Ngoài ra, theo truyện kể về Vượt qua, khi vua Pharaoh từ chối không để cho người Do thái rời bỏ Ai cập, Thiên Chúa đã giáng mười tai ương xuống người Ai cập. Tai họa thứ 10 là giết chết những đứa con trai đầu lòng. Người Do thái bôi máu con chiên lên mi cửa để thiên thần gieo chết chóc biết mà đi qua.

Cha Smith giải thích rằng con chiên đã hy sinh để máu chiên cứu người Do thái ở Ai cập. “Người Kitô giáo thuở sơ khai đồng hoá Đức Kitô với con chiên bị đem hy tế. Chúa Kitô trở thành Con chiên Vượt qua của chúng ta.”

Những bữa tiệc Seder liên tôn giáo không phải là chuyện bất thường, nhưng đã xuất hiện dưới nhiều hình thức và mầu sắc. Tuy nhiên người ta hy vọng rằng bữa tiệc Seder ở Ner Tamid sẽ giúp làm cho đạo Do thái bớt bí ẩn đi. Vị giáo trưởng nói rằng, điều làm cho nó khác với các hoạt động liên tôn giáo khác, đó là các học sinh Công giáo không cùng họp chung với người Do thái, nhưng để cho các học sinh có một cơ hội tìm hiểu những tương đồng và dị biệt giữa các tôn giáo trong một bầu khí thoải mái hơn.

Giáo trưởng Jeret nói: “Chúng tôi có ý thức về nghĩa vụ làm điều đó cho cộng đồng Công giáo. Trọng tâm là điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với người Công giáo.”

Phản ứng của học sinh:

Michael Zapata 18 tuổi nói anh thật ngạc nhiên về những điểm tương đồng giữa các tôn giáo. “Nó cho tôi một nhãn quan khác trước.”

Andrew Knox, 15 tuổi: “Nó cho tôi một sự hiểu biết rõ ràng hơn về các truyền thống Do thái và những điều gì đã ảnh hưởng lên các truyền thống đó.”

Nhưng người Do thái vẫn còn là một điều huyền bí đối với nhiều học sinh khác.

Edward Desouza 14 tuổi nói cậu không biết rằng Sách Cựu ước cũng là cuốn sách thánh của người Do thái.

Cả nhóm học sinh đều tỏ vẻ ngạc nhiên khi giáo trưởng Jeret cho biết chỉ có 13.2 triệu người Do thái trên cả thế giới, so với 1.2 tỉ người Công giáo, và từ 1cho đến 1 tỉ rưỡi người Hồi giáo. Cậu Joren 14 tuổi nói: “Tôi tưởng họ có nhiều hơn chứ.”

Đối với Bob Rothman, chủ tịch Nhóm Hiệp nhất Dawn và cựu chủ tịch Ner Tamid, tiệc Seder dành cho học sinh là một thành công.

Một phần quan trọng là có một vị linh mục giải thích cho thiếu niên Công giáo biết Lễ Vượt qua liên quan đến đức tin của chúng, đó là Bữa Tiệc Ly, và căn tính Do thái của Đức Giêsu. Đó là lý do tại sao chúng tôi thực hiện việc đó. Nếu người ta hiểu biết những chuyện này hơn nữa, chúng ta sẽ gần nhau hơn rất nhiều.”
 
Top Stories
Philippines: Evêques catholiques et oulémas musulmans ne renoncent pas à la perspective de la paix à Mindanao et consultent les populations locales
Eglises d'Asie
16:06 09/04/2009
A Mindanao, dans l’interminable conflit qui oppose les représentants des populations musulmanes et le gouvernement philippin, les responsables religieux, évêques catholiques d’une part, oulémas musulmans d’autre part, ont repris leur bâton de pèlerin pour faire avancer la cause de la paix. Dans le cadre de la Conférence des évêques et des oulémas, ils ont repris les consultations au niveau des communautés locales, afin de dégager les bases d’un accord plus global, visant à faire redémarrer le processus de paix, mis à mal par la reprise des hostilités armées, l’été dernier, entre des combattants du MILF, le principal mouvement revendiquant l’autonomie pour les populations musulmanes de Mindanao, et les forces armées philippines (1).

Dans la semaine du 6 au 11 avril, des musulmans « facilitateurs » de dialogue se sont mis à l’œuvre à Mindanao, et, comme le précise le jésuite Albert Alejo, professeur de sociologie à l’université Ateneo de Davao et responsable du projet « Konsult Mindanaw » mis en place par la Conférence des évêques et des oulémas, leurs homologues chrétiens se mettront au travail, dans les régions majoritairement chrétiennes, une fois les fêtes de Pâques célébrées.

La Conférence des évêques et des oulémas est l’héritière du Forum des évêques et des oulémas, créé en 1996 par l’archevêque catholique de Davao et le président de la Ligue des oulémas. La Conférence, qui mène ses activités en étroite coordination avec Manille, a pour mission de contribuer à la paix et au développement de Mindanao en favorisant les contacts entre chrétiens et musulmans. Dans les semaines qui viennent, le travail des « facilitateurs » chrétiens comme celui de leurs homologues musulmans sera d’approcher les populations afin de recueillir les avis et les opinions sur quatre sujets principaux: en quoi consiste la paix; les avis de chacun sur les conditions d’une paix entre le MILF et le gouvernement; les actions et programmes à mettre en place pour parvenir à la paix; et enfin les suggestions sur ce que chacun, en tant que membre de telle ou telle communauté et citoyen philippin, peut offrir, apporter ou renoncer pour parvenir à une paix durable à Mindanao.

Les animateurs du projet « Konsult Mindanaw » constatent que, ces douze dernières années, les échanges sur la paix ont principalement été menés par les deux parties en présence, le MILF et le gouvernement. Les populations en ont le plus souvent été tenues à l’écart. Il s’agit désormais, par l’entremise de ces consultations, « d’élargir les bases de la paix, d’atteindre les communautés à la base et les différents secteurs qui constituent la société de Mindanao », explique le P. Albert Alejo.

Le P. Albert Alejo précise qu’une rencontre entre le président de MILF, Al Haj Murad Ebrahim, et l’archevêque de Davao, Mgr Fernando Capalla, a eu lieu le 2 mars dernier à Camp Darapanan, siège du MILF situé dans la ville de Sultan Kudarat (province de Maguindanao). Le prêtre, qui y participait, souligne que le chef du MILF a explicitement donné son soutien au projet « Konsult Mindanaw ». Il est prévu que, durant les prochaines semaines, 300 groupes de discussion se mettront en place, chrétiens et musulmans, afin d’entendre les revendications de l’ensemble des acteurs de la société (mouvements de jeunes, syndicats, associations professionnelles, ONG, personnes déplacées par les combats, chefs coutumiers aborigènes, chefs Moro, paysans, pêcheurs, etc.).

Par ailleurs, le 2 avril dernier, l’un des trois otages de la Croix-Rouge retenus prisonniers par le groupe Abu Sayyaf depuis le 15 janvier 2009 a été libéré (2). Il s’agit de la Philippine Mary Jean Lacaba. Elle a été libérée après que la vice-gouverneur de la province de Sulu, Ann Sahidulla, soit allée au contact des ravisseurs pour obtenir la libération des otages. Selon l’armée philippine, qui maintient une forte pression militaire autour du lieu où les otages sont retenus, aucune rançon n’a été versée et les deux autres otages, le Suisse Andreas Notter, qui dirigeait l’antenne de la Croix-Rouge internationale à Zamboanga City, et son collègue, l’Italien Eugenio Vagni, sont toujours retenus mais en bonne santé. La tension qui était montée après qu’Abu Sayyaf eut menacé de décapiter son otage philippine si l’armée ne desserrait pas son étau semble être retombée d’un cran; l’issue de l’affaire reste toutefois incertaine. Selon Ann Sahidulla, les ravisseurs ont relâché Mary Jean Lacaba car ils veulent « faire savoir qu’ils souhaitent la paix. Ils veulent changer de vie ». La prise d’otages se déroule à Jolo, à l’ouest de Mindanao, sur une île peuplée de 500 000 habitants, à 98 % musulmans. Le groupe Abu Sayyaf, mouvement évoluant à la lisière du grand banditisme et de l’extrémisme islamique, avait enlevé et détenu durant plusieurs mois des touristes et des journalistes français en 2000.

(1) Le MILF (Front moro de libération islamique) a repris le flambeau de la lutte pour l’autonomie des populations musulmanes de Mindanao après la paix signée en 1996 entre Manille et le MNLF (Front moro de libération nationale). En 2003, une trêve des combats avait été signée entre Manille et le MILF, le gouvernement philippin ayant reconnu au MILF « le droit à l’autodétermination » sur une partie de la grande île de Mindanao. Les négociations visant à créer une région fédérale musulmane dans le sud-ouest de Mindanao n’ont toutefois pas abouti et ont échoué le 5 août 2009 après que la Cour suprême eut bloqué la signature d’un préaccord visant à fixer les modalités futures de l’existence de la Région autonome musulmane de Mindanao. De violents combats avaient alors repris entre l’armée et des forces du MILF dans la province de Lanao del Norte (voir EDA 490, 491).

(2) Voir EDA 504.

(Source: Eglises d'Asie, 9 avril 2009)
 
INDE: Tamil Nadu: l’Eglise catholique demande une meilleure représentation des chrétiens en politique
Eglises d'Asie
17:12 09/04/2009
INDE: Tamil Nadu: l’Eglise catholique demande une meilleure représentation des chrétiens en politique

Le 6 avril dernier, le P. Vincent Chinnadurai, porte-parole du Conseil des évêques catholiques du Tamil Nadu, a déclaré que l’Eglise catholique souhaitait que les partis politiques laïques accordent une place plus importante aux chrétiens sur leurs listes électorales (1). Les élections générales débutent le 13 mai prochain dans l’Etat du Tamil Nadu, pour la dernière phase de la gigantesque opération de vote qui commence le 16 avril dans l’Union indienne.

Selon le P. Madurai Anand, rédacteur en chef de Nam Vazhu (‘Notre Vie’), hebdomadaire catholique tamoul, les chrétiens, qui forment près de 7 % de la population du Tamil Nadu – un chiffre élevé en comparaison des autres Etats de l’Union – n’ont pas « une représentation équitable » au sein de leur Parlement, qui ne compte à l’heure actuelle que neuf députés chrétiens sur 234 élus.

Dans cet Etat du sud de l’Inde, où un très grand nombre de chrétiens sont dalit (‘intouchables’), les conflits de caste renforcent les communautarismes religieux. Les tensions entre dalit et membres de basses castes appartenant aux mêmes paroisses chrétiennes ne sont pas rares (7). Le P. Chinnadurai, qui est également directeur de l’officielle Commission pour les minorités de l’Etat du Tamil Nadu et donc à double titre concerné par la situation des communautés souffrant d’un manque de représentation politique, explique que « les minorités religieuses sont toujours considérées comme un ‘vote bank’ » (‘réservoir de voix’) – procédé très fréquent en Inde qui consiste à faire voter en bloc une communauté en échange de la promesse de défendre ses intérêts. Le prêtre reconnaît qu’aux dernières élections, les chrétiens du Tamil Nadu ont soutenu une alliance menée par le Dravida Munnetra Kazhakam (DMK, le Front progressiste des dravidiens), un parti régional. Mais, dit-il, « nous voulons changer ce système (…) et obtenir que les partis laïcs nous offrent une représentation adéquate, en contrepartie du soutien de notre communauté chrétienne (…). [Nous désirons] davantage d’élus chrétiens qui puissent parler en notre nom et exprimer nos valeurs ».

Cette requête s’inscrit clairement dans la ligne du mémorandum adressé le 2 mars dernier aux principaux partis politiques en lice pour les élections, par des responsables des Eglises catholique et protestantes de l’Inde, demandant de « placer la sécurité des minorités religieuses, et particulièrement celle des communautés chrétiennes, en tête de leurs programmes ». A cette occasion, Mgr Franco Mulakkal, évêque auxiliaire de Delhi, avait également rappelé aux fidèles qu’en tant que citoyens, ils se devaient « d’exercer avec responsabilité [leur] droit de vote » (2).

La vague de violences antichrétiennes qui a déferlé sur l’Inde ces derniers mois (3) rend encore plus urgent cet appel des responsables catholiques à un engagement fort des croyants en politique, un milieu dont l’Eglise réprouve pourtant traditionnellement la corruption. Ces derniers temps, les communautés chrétiennes de l’Inde ont multiplié les appels à la défense des minorités, après avoir constaté l’immobilisme des instances gouvernementales chargées d’assurer leur protection.

La récente présentation comme candidat, en Orissa, de l’extrémiste hindou Dara Singh, reconnu coupable du meurtre, en 1999, du missionnaire australien Graham Staines et de ses deux jeunes enfants, brûlés vifs dans leur véhicule, a soulevé un vent d’indignation dans la communauté chrétienne (4), qui y a vu, une fois de plus, la démonstration de la totale impunité dont jouissent les coupables. Si la candidature du meurtrier (en Inde, le cas d’un candidat se présentant aux élections alors qu’il purge une peine de prison n’est pas inédit) a finalement été rejetée par la Commission électorale en Orissa, elle n’en a pas moins incité Mgr Oswald Gracias, cardinal de Bombay et président de la Conférence des évêques catholiques de l’Inde (CCBI), à faire part de « sa profonde consternation » que puisse se produire un fait semblable dans « la plus grande démocratie du monde » (5).

La situation toujours critique de l’Orissa, en particulier dans le district du Khandamal, a par ailleurs conduit Mgr Raphael Cheenath, archevêque catholique de Cuttack-Bhubaneswar, ainsi que le Rév. Enos Das Pradhan, secrétaire général de l’Eglise du Nord de l’Inde, d’obédience protestante, à demander aux autorités fédérales un report des élections dans la région. En raison du « climat de peur » qui règne toujours dans l’Etat, les conséquences d’un scrutin ne pourront être que « désastreuses », explique le prélat qui souligne que les chrétiens de l’Orissa, étant actuellement dans l’impossibilité totale de faire entendre leur voix lors du vote, subiront une persécution accrue après la victoire prévisible des extrémistes responsables des violences (6).

L’implication progressive des chrétiens en politique afin de sauvegarder leurs intérêts semble donc de plus en plus d’actualité au sein de l’Eglise. C’est également la conclusion du P. Chinnadurai: « Une meilleure représentation des chrétiens permettrait davantage de justice pour la communauté chrétienne et aiderait à matérialiser ses demandes et ses intérêts (…). Sans une présence [politique] équitable des chrétiens, il ne pourra y avoir de véritable démocratie pour notre communauté. »

(1) Ucanews, 6 avril 2009.

(2) Voir EDA 503.

(3) Voir EDA 490, 491, 492, 493, 494, 495, 496, 499.

(4) Rabindra Kumar Pal, alias Dara Singh, a été reconnu en 2003 instigateur de ce crime commis en 1999, ainsi que de plus d’une dizaine d’autres assassinats perpétrés également en Orissa. Il a été tout d’abord condamné à mort, pour ensuite voir sa peine commuée en emprisonnement à vie.

(5) The Times of India, 6 avril 2009, Sunday, 5 avril 2009, AsiaNews, 6 avril 2009.

(6) Dans cette lettre datée du 3 avril, Mgr Cheenath rappelle qu’un nombre considérable de déplacés ont fui la région pour échapper aux massacres, tandis que ceux parmi les réfugiés qui sont toujours dans les camps du gouvernement ont été dépossédés de leur carte d’identité et ne peuvent donc pas voter: des élections réalisées dans ces conditions ne pourrait que déboucher sur « la victoire des responsables des violences ». Le 6 avril, l’Eglise (protestante) du Nord de l’Inde a envoyé aux autorités, une lettre avec les mêmes demandes. Ucanews, 9 avril 2009.

(7) En 2008, un conflit meurtrier a opposé les dalit chrétiens d’une paroisse d’Eraiyur à d’autres membres de la communauté, issus de basses castes. Peu de temps après, 300 dalit se sont convertis à l’hindouisme à Thirunelveli, en grande partie, semble-t-il, en raison de la discrimination exercée contre eux par des membres de leur communauté chrétienne.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin thuyên chuyễn các linh mục tại Tổng Giáo phận Huế
LM Nguyễn Vinh Gioang
15:24 09/04/2009
HUẾ - Với văn thư đề ngày 09 tháng 4 năm 2009, do Đức Giám mục Phụ tá TGP Huế, Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, ký, Toà Tổng Giám mục Huế thông báo về việc thuyên chuyễn các linh mục tại Tổng Giáo phận Huế như sau:

Nhằn đáp ứng các nhu cầu mục vụ trong Giáo phận nhà, Đức Tổng Giám mục Huế đã thuyên chuyển một số linh mục trong Giáo phận như sau:

  • 1. Linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang, Quản xứ Diên Sanh, nay được thuyên chuyển về Nhà Chung.
  • 2. Linh mục Giuse Trần Văn Tuyên, nay được thuyên chuyển làm Quản xứ Diên Sanh và Họ nhánh Giáp Hậu.
  • 3. Linh mục Gêorgiô Nguyễn Thành Phương, Quản xứ Mỹ Chánh, nay được thuyên chuyển làm Quản xứ Ngọc Hồ.
  • 4. Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuân, Phó xứ Hà Úc, nay được thuyên chuyển làm Quản xứ Mỹ Chánh và các Họ nhánh.
  • 5. Linh mục Giuse Trần Viết Viên, Quản xứ Dưỡng Mong, nay được thuyên chuyển làm Quản xứ Nguyệt Biều.
  • 6. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tiến, Phó xứ Cầu Hai, nay được thuyên chuyển làm Quản xứ Dưỡng Mong và Họ nhánh là Hà Trung.
  • 7. Linh mục Phanxicô Xaviê Hồ Văn Uyển, Quản lý Nhà Chung, nay được thuiyên chuyển làm Quản xứ Cây Đa và các Họ nhánh.
  • 8. Linh mục Bênêđitô Lê Quang Viên, Quản xứ Cây Đa, nay được thuyên chuyển làm Quản lý Nhà Chung.
 
Đức TGM giáo phận Huế làm phép dầu
Trương Trí
17:03 09/04/2009
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIÁO PHẬN HUẾ LÀM PHÉP DẦU

Sáng thứ năm tuần Thánh 09.04.2009, Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Giáo phận Huế đã chủ sự thánh lễ đồng tế làm phép dầu tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam. Cùng đồng tế có Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Đan viện phụ Đan viện Thiên An Stêphanô Huỳnh Quang Sanh, linh mục đoàn trong giáo phận, tu sĩ nam nữvà đại diện các Hội đồng Giáo xứ cùng đông đảo giáo dân hạt thành phố Huế.

Đoàn rước từ quảng trường Thánh Giuse đến vào nhà thờ với Phó tế Gioan Maria Têrêxa Vũ Thành An cung nghinh Kinh Thánh. Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh: Thánh lễ làm phép dầu ngày hôm nay là thánh lễ duy nhất trên toàn Giáo phận, các thành phần dân Chúa tề tựu nơi đây quanh vị Giám mục của mình để cùng nhau ca ngợi tình thương hải hà của Chúa Giêsu, là Đấng Cứu độ duy nhất, là linh mục thượng phẩm và là mục tử tối cao đã hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Trong thánh lễ này, Đức Giám mục sẽ làm phép dầu bệnh nhân, dầu dự tòng và cung hiến dầu thánh. Các linh mục sẽ rước các ba loại dầu này về địa phương để làm các phép bí tích cho cộng đoàn. Thứ năm tuàn thánh cũng là ngày Giáo hội cầu nguyện cho những ai tận hiến cho Chúa, cách riêng cho các linh mục trong sứ mạng tông đồ truyền giáo với bao khó khăn phức tạp nhất là trong đời sống xã hội. Xin anh chị cầu nguyện nhiều cho các giám mục, linh mục. Xin Thiên Chúa thánh hóa và nâng đỡ các Ngài để các Ngài hoàn thành sứ vụ Tông Đồ.

Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh đến ơn cứu độ của Chúa Kitô giải thoát con người khỏi vòng tội lỗi. Thứ năm Tuần Thánh là ngày của các linh mục, ngày Thánh thể, ngày ban bí tích Truyền chức Thánh, ngày của Thánh hiến và của lòng thương xót như thánh Phêrô đã được Chúa thứ tha sau bao lỗi lầm với Chúa. Các linh mục cảm nhận được lòng Chúa thương xót để thứ tha, yêu thương và phục vụ con người. Cúi xuống rửa chân cho họ chứ không phải để họ tổn thương. Năm nay, Giáo hội kỷ niệm 150 năm ngày mất của thánh linh mục Gioan Vianey, Đức Thánh Cha thông báo từ ngày 19-6 năm nay đến 19-6 năm 2010, Giáo hội cử hành Năm thánh linh mục, là niềm trung thành đối với Chúa Kitô. Và Đức Thánh Cha công bố thánh Gioan Vianey là bổn mạng của các linh mục trên toàn thế giới. Đức Tổng Giám mục kể lại: lúc thánh Gioan Vianey đến nhận địa sở đã gặp một chú bé, Ngài nói rằng: “Con hãy chỉ cho Cha đường đến nhà thờ, Cha sẽ chỉ cho con đường lên thiên đàng.” Thật vậy ở trong quãng đời làm linh mục, nhiều người đã bảo rằng chúng ta đã nhận thấy Chúa qua Ngài.

Thánh lễ kết thúc trong bầu khí hân hoan chuẩn bị mừng Đại lễ Phục sinh sau khi đón nhận phép lành của Đức Tổng Giám mục.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đạo đức lại lên tiếng
An Mai
16:43 09/04/2009
ĐẠO ĐỨC LẠI LÊN TIẾNG !!!

“Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó !”. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã khẳng định như thế ! Đúng thật ! Nhìn quả thì biết cây. Nếu có đạo đức thật thì xã hội sẽ đạo đức, nếu có đạo đức giả thì xã hội cũng sẽ mãi mãi là giả thôi. Nhìn vào thực tế, mỗi người sẽ tự nhận ra câu trả lời chứ miễn bình luận. “Hoa” nào sinh “quả ấy” là điều dĩ nhiên trong cõi đời này.

Vâng ! Con người, luôn luôn trọng chữ tài vì lẽ nếu không có người tài thì đất nước khó có thể phát triển để sánh kịp với năm châu bốn bể. Thế nhưng, chữ tài ấy trong cuộc đời cũng cần lắm chữ đức đứng cạnh bên.

Đi đâu người ta cũng hô hào sống theo “đạo đức cách mạng” ! Thế nhưng, nhìn vào thực tế của cuộc đời, đạo đức mà người ta hô hào ấy nó vẫn làm sao ấy trong cuộc sống thực tại. Một trong những “gam” màu buồn cho đạo đức ấy vừa được tô đậm nét thêm cho những chuyện buồn trong giới bóng đã những ngày qua.

Những ngày qua, dư luận đã lên tiếng cho hành vi của hai tuyển thủ quốc gia. Vụ hai tuyển thủ quốc gia xử đồng đội mình theo kiểu giang hồ đã gây tiếng xấu cho bóng đá Việt Nam và cho đội tuyển Việt Nam.

Một trong hai tuyển thủ ấy cùng lúc vi phạm nhiều điều cấm kỵ trong nội quy đội bóng như đi uống rượu rồi về muộn lại còn liên quan đến vụ “chỉ điểm” để đồng hương Sỹ Mạnh hành hung hai đồng đội không hợp “cạ” với mình ở Câu Lạc Bộ. Cầu thủ kia là cầu thủ đàn anh ở Khánh Hòa nhưng có lối hành xử với đàn em, lại là người mới (thủ môn dự bị ở tỉnh khác về đầu quân) bằng luật riêng. Tấn Tài sau khi lời qua tiếng lại đã mượn tay anh chị nói chuyện phải quấy với đồng đội và cũng là hình thức dằn mặt.

Với hai tuyển thủ quốc gia được xem là người của công chúng, mang bộ mặt của đội tuyển Việt Nam lại hành xử thế, chắc chắn sẽ gây nhiều phản cảm và để lại tiếng xấu.

Hai tuyển thủ nổi tiếng đều là thần tượng của nhiều cầu thủ trẻ và đặc biệt là những em nhỏ đang nhìn vào các anh ở đội tuyển và xem các anh là một tấm gương. Thế mà họ lại thấy ở thần tượng mình kiểu hành xử xã hội đen với luật giang hồ được đưa vào bóng đá (!?).

Đâu phải đến ngày hôm nay người Việt Nam và cách riêng hâm mộ bóng đá Việt Nam thấy được thảm cảnh bi đát này. Những thảm cảnh phi đạo đức, phi văn hóa được ghi lại rành rành trên báo giới:

1. Ngoại binh "táng" bằng mũ bảo hiểm: Năm 2008 vụ "tẩn" nhau phải nhờ đến 115 ở Câu Lạc Bộ Thép Miền Nam. Cảng Sài Gòn được coi là đình đám nhất, khi trung vệ Lưu Trọng Lưu bị ngoại binh Jonh Wole dùng mũ bảo hiểm "táng" liên hoàn vào đầu. Vụ việc khiến Trọng Lưu phải nhập viện và xếp lại xương mặt. Nguyên nhân chính của trận "lôi đình" được cho là Wole đã nghi ngờ đồng đội “mách lẻo” với BHL.

2. Công Vinh từng bị "xử": Công Vinh từng phải làm khán giả bất đắt dĩ trên khán đài với cái mũi sưng tấy. Đó là vào năm 2005 khi còn thi đấu ở SLNA, anh bị Văn Vĩnh dùng "thiết đầu công" đánh thẳng vào giữa mặt tại Trung tâm Thể Dục Thể Thao Thành Long, TP.HCM. Lý do rất đơn giản: Văn Vinh đang chơi bi-da, Công Vinh đi qua buông lời trêu chọc. "điên tiết" thế là Văn Vinh "xử" Công Vinh!

3. Tấn Tài vác... dao rượt đuổi: Mùa giải 2006, Tấn Tài cũng lãnh án kỷ luật xuống đội trẻ 1 tháng của Câu Lạc Bộ Khánh Hoà vì hành vi vác dao rượt đuổi Phan Thanh Hoàn. Chuyện bắt đầu từ cuộc góp vui của Tài vào chiếu bài của Thanh Hoàn đang "thi đấu" cùng các bạn. Vì cho là có lời lẽ "xấc", Thanh Hoàn đã nổi máu đuổi đánh Tấn Tài. Thế nhưng không ngờ Tấn Tài vớ được một con dao và đổi chiều rượt đuổi ngược trở lại.

4. Quang Hải cũng... "máu": Trên sân tập của Đội Tuyển Việt Nam chuẩn bị cho AFF Cup 2008, tiền đạo Quang Hải cũng nổi máu xông vào tính nói chuyện bằng nắm đấm với trung vệ Thanh Giang, vì cho rằng Thanh Giang vào bóng ác ý. Trước đó hai tuyển thủ Thành Lương và Hoàng Vương cũng có hành động tương tự.

5. Khi Mạnh Dũng "lên gân": Năm 2007 khi đang thi đấu ở Hà Nội.ACB, trung vệ Manh Dũng cũng "lên gân" đuổi đánh cầu thủ ngoại Jonathan trên sân tập. Trước đó năm 2005, một ngoại binh khác là Samuel cũng là "nạn nhân" trong một trận "lên gân" khác của Mạnh Dũng khi anh đang đầu quân cho CLB Đà Nẵng. Ngoài ra, bảng "thành tích kungfu" của Mạnh Dũng còn được ghi nhận bằng một án kỷ luật xuống đội trẻ vì tội "hạ đòn" với một cầu thủ ở Hoàng Anh. Gia Lai nơi anh thi đấu mùa bóng 2004.

6. Hồng Sơn mượn rượu đi "mô kích": Đêm 29/3/2009 tại Trung tâm Thể Dục Thể Thao Thành Long, TP.HCM, sau một trận rượu đã ngà ngà với Dương Hồng Sơn, Sỹ Mạnh (một cựu cầu thủ của T&T Hà Nội đang thi đấu cho V.Ninh Bình) đã tìm đến phòng của Hồng Minh và Minh Đức rồi... tung "thất cước" vào 2 cầu thủ này. Ngoài lý do say rượu, Sỹ Mạnh còn được cho là ăn phải đòn "mô kích" của Quả bóng Vàng Việt Nam 2008, Dương Hồng Sơn khi đang "chén chú chén anh", nên đã "xử" các đồng đội cũ.

Đi đâu và ở đâu người ta cũng cần người tài nhưng cần hơn ở cái người tài đó chính là sự đạo đức. Bất cứ lãnh vực nào, bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần một cái gọi là “đạo đức nghề nghiệp”, “lương tâm nghề nghiệp”. Thế nhưng mà, vì chạy theo lợi nhuận cá nhân, vì chạy theo danh vọng đơn độc người ta không còn xem đạo đức là gì cả.

Đâu phải đợi đến ra sân bóng hay là đợi đến thành cầu thủ xuất sắc mới nói, mới bàn đến đạo đức. Đạo đức ở những tuyển thủ quốc gia và cách riêng của những người tài ấy phải được rèn luyện từ bé. Những ngày này, người ta lại ngồi lại bàn luận với nhau rằng cầu thủ này, cầu thủ kia phải bị mức kỷ luật là bao nhiêu ? Ai là người đã gây ra những hành vi phi đạo đức như thế này ?

Vấn đề ở đây là phải giải quyết từ gốc chứ không phải từ ngọn. Nếu cứ như thói quen giải quyết theo cái ngọn thì mãi mãi muôn đời cái gốc vẫn là cái gốc của một lối hành xử phi văn hóa, phi đạo đức, phi nhân cách. Muốn thay đổi một nền “bóng đá sạch” phải đào tạo những cầu thủ ấy từ những ngày còn đi những đường bóng thô sơ hơn là đợi đến ngày những cầu thủ trở thành chuyên nghiệp và điêu luyện.

Như một vị bác sĩ, đâu phải đợi đến lúc hành nghề mới đặt vấn đề rằng vị ấy có đạo đức nghề nghiệp hay có một tấm lòng “lương y như từ mẫu” nhưng mà phải đào luyện, phải nuôi dưỡng cái đạo đức ấy từ những ngày còn thơ, trải dài đến những ngày ngồi trên ghế nhà trường.

Từ bé, phải đào tạo cho đứa bé sống sao cho thật chứ từ bé đã tạo cho đứa bé sống đối phó, sống giả tạo thì lớn lên làm sao đứa bé có thể có một đạo đức chân chính được.

Nghịch lý nhiều người thấy nhưng không thay đổi được về giáo dục và đào tạo. Có những gánh nặng đè lên vai đứa trẻ ngoài sức tưởng tượng của cha mẹ chứ không chỉ của riêng chúng.

Người ta chỉ lo chú trọng về tri thức còn nhân cách thì lại bỏ quên. Ngày nay đi tìm những đứa trẻ biết nhận lỗi khi sai phạm và biết cảm ơn khi nhận được quà quả là khó. Có quá đáng chăng muốn đi tìm những đứa trẻ có đạo đức, có lòng biết ơn và can đảm nhận trách nhiệm ở cơ sở của các bà sơ, của các cơ sở tôn giáo như cửa Phật, cửa Nhà Thờ. Biết rằng giáo dục của những bà sơ, ông cha, ông sư ấy mang lại cho con cái mình một nền đạo đức căn bản nhưng thử hỏi những cơ sở ấy có được mở rộng và tự do hay không ?

Thật đau lòng khi đi đâu người ta cũng hô hào khẩu hiệu, người ta cũng phô bày lối sống đạo đức nhưng cứ thực tế đặt chân vào trường học, đặt chân vào các cơ sở y tế ta sẽ thấy rõ điều này hơn ai hết. Không tin cứ thực địa tại chỗ ta sẽ thấy một cách chính xác cái đạo đức mà người ta đang vun trồng.

Chuyện nhỏ nhất là trên con đường giao thông. Tín hiệu giao thông giờ đây hình như mất tác dụng. Những người tham gia giao thông chỉ sợ các chú công an hơn là tôn trọng tín hiệu giao thông. Tôn trọng tín hiệu giao thông đó là biểu hiện nhỏ nhất của một con người có nhân cách, có đạo đức. Thử hỏi xã hội ngày nay còn được bao nhiêu phần trăm tôn trọng tín hiệu giao thông ?

Con trẻ như tờ giấy trắng đơn sơ và thanh khiết ngơ ngác nhìn ba mẹ chúng vượt đèn đỏ và lấn tuyến cho dù chúng được đào tạo là phải sống tốt ! Làm sao mà chúng có thể sống tốt được khi người lớn cứ mãi miết sống trong nhân cách méo mó và dị dạng.

Một lần nữa, “đạo đức bóng đá” đang lên tiếng, đang kêu gào những người có trách nhiệm hãy trả lại cho bóng đá một nền đạo đức sạch, một lối chơi đẹp, một phong cách ấn tượng để lại cho người xem hơn là cách hành xử theo kiểu giang hồ, theo kiểu những người kém văn hóa và đạo đức.

Không chỉ bóng đá nhưng tất cả các lãnh vực khác trong xã hội cần phải xem lại, cần phải giáo dục lại đạo đức cơ bản của con người. Nếu không chăm lo vun đắp nền đạo đức từ bé và một cách nghiêm túc thì xã hội sẽ phải trả giá cho lối sống phi nhân và vô đạo lý của mình.
 
Hết thuốc chữa cho báo đảng Hà Nội
Mai Văn Lành
22:35 09/04/2009
Báo Hà Nội mới (Cơ quan của Thành uỷ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hà Nội – Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô – chữ “và” đổi thành chữ “trừ” mới đúng) đã sử dụng hết những con bài tẩy với tính cách hằn học nhằm triệt hạ giáo dân và Giáo hội Công giáo.

Phiên toà đã diễn ra rầm rộ, nô nức những dòng người hiên ngang tới từ muôn phương. Đó chính là bản án kết tội những kẻ đã rắp tâm hại đời bằng những ngón đòn thô bỉ và hèn hạ. Đó cũng là tiếng đáp trả cho uy tín của tờ báo đảng Hà Nội.

Đây là tờ báo được “ưu ái” bắt buộc các cơ quan, đoàn thể và chi bộ… phải mua bằng tiền ngân sách, thậm chí róc cả những đồng lương hưu còm cõi của những người có được dính tí chức quyền từ tổ dân phố trở lên. Nếu không có chính sách mua bắt buộc đó thì hiếm có ai bỏ ra dù chỉ vài ngàn lẻ để rinh về nhà.

Nó vẫn bị coi rẻ !

Hàng chồng báo HNM được chuyển ra hàng xôi, hàng đồng nát vẫn còn nguyên nếp gấp là những bằng chứng về tín nhiệm của nhân dân dành cho nó.

Cay cú sau phiên toà sơ thẩm đã chuẩn bị quá cẩn thận công phu tuyên truyền, lừa bịp dư luận không từ một ngón nghề bỉ ổi nào, nhưng hầu như kết quả ngược lại với ý đồ của những bộ óc đen tối. Khi đã cạn vốn văn hoá lưu manh, bị tẩy chay ngay chính trên mảnh đất dụng võ của mình, không thể tìm đâu ra những ngôn từ hạ đẳng để chia rẽ dân tộc, tờ HNM phải cầu viện tới đàn em của mình là tờ Giao điểm - cánh tay cực đoan từ bao năm qua đã chuyên môn chông phá và đả kích Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đồng thời có những bài viết tuyên truyền cho cộng sản trên đất Mỹ - điển hình cho sự vong ơn bội nghĩa của những kẻ đang được cưu mang từ thế giới tự do để quay lại thờ chủ nghĩa độc tài cộng sản. Đó cũng là bản chất của những người cộng sản, vốn sinh ra từ dân để quay lại bóp hầu bóp cổ dân và làm cha thiên hạ - bản chất ăn cháo đá bát.

Khi nói về những trang như VietCatholic.net hay trang của Dòng Chúa Cứu Thế (dcctvn.net) không bao giờ những tờ báo cộng sản VN dám đăng lại nguyên một câu, một dòng hoặc địa chỉ cho đúng. Nhưng tờ Giao điểm được báo đảng Hà Nội đăng cả đường dẫn ngay từ đầu hết sức hoành tráng.

Miệng luôn kết tội vu cáo người khác là chia rẽ dân tộc, nhưng hãy đọc đoạn này đăng ngay trên báo đảng Hà Nội để xem “Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn người bất đồng chính kiến hung hãn nhất và tích cực chống chính quyền Việt Nam hiện nay, trong và ngoài nước, đều xuất thân là người công giáo hay nằm trong các tổ chức công giáo cực đoan”.

Chẳng phải dẫn chứng, cãi cọ làm gì cho mất thời gian, chừng đó đủ thấy tờ Hà Nội mới đang âm mưu gì. Chống chính quyền ư, giáo dân đi đòi sự thật và công lý sao lại là chống chính quyền nhỉ? Thì ra, đòi sự thật và công lý là chống phá chính quyền Việt Nam. Có thể đúng, chính quyền VN làm gì có những thứ xa xỉ đó mà trả cho người dân đi đòi?

Nói về bài viết của Trần Đình Hoàng hay những kẻ như Trần Chung Ngọc… thuộc nhóm Giao điểm là những “người bạn lớn” của đảng ta thì chắc chỉ phí thời giờ.

Thật nực cười là HNM đưa bài viết cứ như là khách quan với họ lắm. Trò này chẳng đánh lừa được ai. Tờ Giao điểm với những bài viết ủng hộ đường lối cộng sản thì ai có chút quan sát đều biết. Đó là một nhóm cực đoan hơn cả những kẻ cực đoan nhất. Tờ báo của họ được sản xuất trong nước để xuất khẩu sang Mỹ nhằm hà hơi cho nhóm này sống thoi thóp bằng chút lương thực của đảng. Từ trước tới nay giới Công giáo không muốn mất thì giờ đôi co với họ, vì những bài của họ tố cáo vu vơ và lật lọng.

Đảng ta cứ tưởng dùng chiêu tranh tối tranh sáng đó còn có thể lừa bịp được nhiều người như đã từng sử dụng trong quá khứ. Nhưng với bà con ta thì không lạ.

Nếu ai còn nghi ngờ điều đó, hãy xem những hình ảnh bằng chứng sau thì sẽ hiểu ngay. Vì thế, miễn bàn những nội dung của bài báo mà đảng ta trân trọng đó.

Hình ảnh này đủ cho thấy câu kẻ nào đã “phối hợp với các thế lực bên ngoài tuyên truyền, bịa đặt, vu cáo…” trên tờ HNM đang chỉ ai. Thì ra chiêu ngậm máu phun người, người chưa bẩn nhưng miệng mình đã đầy máu là thế.

8/4/2009
 
Thông Báo
Thông báo về Ngày Tân Tòng tại giáo xứ Thánh Tâm
VP Giáo phận Kontum
15:47 09/04/2009
NGÀY TÂN TÒNG
Thứ Hai ngày 20 tháng 04 Năm 2009 tại Giáo Xứ Thánh Tâm


"Cùng với Thánh Thần chúng tôi làm chứng" (Cv 5, 32)

1. THÀNH PHẦN THAM DỰ
- Các Tân Tòng năm 2009 tại các Giáo xứ thuộc Hạt Pleiku
- Các người đồng hành: Người đỡ đầu – Giảng viên
- Các Tu sĩ và Linh mục trong hạt

2. CHƯƠNG TRÌNH
- 07.00: Đón tiếp
- 08.00: Qui tụ theo các Giáo xứ, các trung tâm. Tập hát – phổ biến:
Tinh thần – phương thức
Chương trình – nội dung
- 08.45: Khai mạc – Rước nến Phục Sinh (Hỡi Ánh Sáng)
- 09.00: Khai triển chủ đề:
Câu Kinh Thánh gốc Đức Giêsu là Chúa (Rm 10,9)
Cầu nguyện
- 09.30: Làm chứng: Các Trung tâm Buôn Ma Djơng, Plei Kly, Plei Chuet, Ia Grai (OFM), Plei Ngol Khop, Châu Khê; Các Giáo xứ Thăng Thiên, Đức An, Thánh Tâm, Phú Thọ, Phú Quang, Ninh Đức.
- 11.30: Nghỉ trưa - Cơm trưa
- 13.00: Ôn hát - Thánh lễ Tạ ơn (Lễ Áo Trắng)
- 15.30: Bế mạc – Được Sai Đi

Các bài hát sinh hoạt
Thánh Tâm ngày 08 – 04 – 2009
1. Thần Khí Chúa đã sai tôi đi
2. Hỡi Ánh Sáng
3. Bà Maria ơi!
4. Allêluia! Hát lên người ơi.
5. Được sai đi
Xin cho biết số người tham dự trước ngày19-04-2009 qua số Điện thoại nhà xứ Thánh Tâm (059)3823408 hoặc 0937662376
 
Văn Hóa
Men Mới
Vọng Sinh
19:45 09/04/2009

Men Mới



  • Hôm nay bừng lên một ngày mới
  • Chúa Phục Sinh Cứu Rỗi muôn người
  • Lưỡi hái tử thần Người đập nát
  • Muôn dân ơi Nguồn Sống Mới cho đời


  • Cho qua đi đêm đen u tối
  • Cho qua đi tội lỗi đam mê
  • Cho qua đi thất vọng ê chề
  • Để Chúa đến Phục Sinh đổi mới


  • Bao năm qua đường trần lạc lối
  • Con chôn sâu trong mộ tối tanh hôi
  • Chúa trỗi dậy Phục Sinh Vinh Thắng
  • Kéo con ra khỏi mộ tối cuộc đời


  • Cởi cho con những khăn liệm trói người
  • Những trói buộc của tham muốn không ngơi
  • Của đam mê của dục vọng tơi bời
  • Của ươn hèn của biếng lười kiêu ngạo!


  • Để làm sao như Bánh Mới Không Men
  • Không lây nhiễm chút men đời trụy lạc
  • Nhưng ủ con trong Men Mới Tinh Tuyền
  • Men Tin Mến của Thần Linh Thánh Ái


  • Cho con dậy Men Tin Yêu mãi
  • Đem Tình Chúa đến hết ai ai
  • Cho mọi người quanh con nhìn thấy
  • Giêsu ở mãi trong con đây.


  • Xin dậy con Yêu như Chúa Yêu
  • Yêu cho đi không lấy lại bao giờ
  • Lòng Thương Xót Chúa vô bờ bến!
  • Người ơi mau đến uống thỏa thuê


  • Chúa Phục Sinh mở Mạch Sống Tràn Trề
  • Hát vang lên Cao Rao Ngợi Khen Chúa
  • Thắp rực lên Ánh Sáng Chúa Phục Sinh
  • Cho muôn người được Phúc Vinh Cứu Rỗi


Vọng Sinh

Hãy dậy Men Mới Men Yêu Thương

Thiên Đường là đây sẵn chờ người
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Sức Đột Biến Từ Cơn Giẫy Giụa
Lm. Trần Cao Tường
17:14 09/04/2009

Sức Đột Biến Từ Cơn Giẫy Giụa



Ảnh của Cao Tường

Như con bướm vụt bay lên từ miền sâu bọ,

từ hoàng hôn thập giá thử thách cam go,

Thần Khí Chúa biến đổi để bình minh phục sinh bừng dậy.

(Một hôm đi dạo trong vườn sau nhà, tôi thấy một con ve sầu đong đưa trước gió,

nhưng nhìn kỹ thì chỉ là một cái xác... bên cạnh một nụ hoa mới vừa nở. Đúng là Mồ Trống và Phục Sinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền