Ngày 09-04-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm Chúa Nhật III Phục Sinh C
Lm. Anthony Trung Thành
09:25 09/04/2016
Suy Niệm Chúa Nhật III PHỤC SINH C

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tiếp tục kể lại sự kiện Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Đây là lần thứ ba Ngài hiện ra với các ông sau khi từ cõi chết sống lại. Ngài hiện ra tại Biển Hồ Tibêria đang khi các ông đang đánh bắt cá. Thánh Gioan cho biết, các ông khó nhọc suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Đúng lúc đó, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến, Ngài bảo các ông: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”(Ga 21,6). Vâng lời Chúa, các ông thả lưới xuống bên hữu thuyền. Khi kéo lưới lên, các ông đã bắt được rất nhiều cá, tất cả được một trăm năm mươi ba con. Theo các nhà động vật học Hilạp, thời đó người ta đã tìm được 153 giống cá ở biển khơi. Như vậy, 153 giống cá trong lưới của các Tông Đồ là hình ảnh tiên báo họ sẽ quy tụ muôn dân muôn nước vào trong gia đình Giáo Hội sau này. Vậy, làm sao để qui tụ muôn dân muôn nước thành một gia đình?



Thứ nhất, Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội và đặt Thánh Phêrô làm thủ lãnh. Phần thứ hai của đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan tường thuật việc Chúa Giêsu bổ nhiệm Thánh Phêrô làm Giáo Hoàng tiên khởi. Đó cũng là khởi đầu của phẩm trật trong Giáo Hội Công Giáo. Từ đó tới nay đã có 166 vị Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng hiện tại kế vị Thánh Phêrô là Đức Phanxicô. Để đảm nhận trách nhiệm quan trọng này, chắc chắn Chúa Giêsu đã cân nhắc và đặt ra nhiều tiêu chuẩn cần thiết. Nhưng tiêu chuẩn đầu tiên và trên hết đó chính là lòng yêu mến Chúa. Vì vậy, trước khi giao trách nhiệm cho Phêrô, Chúa Giêsu đã trắc nghiệm lòng mến của ông: “Con có yêu mến Thầy không ?”. Ngài hỏi Thánh Phêrô ba lần như vậy (x. Ga 10,15-18). Ba lần Ngài hỏi Phêrô có thể gợi lại ba lần Phêrô chối Chúa, nhưng đó cũng là cách Chúa muốn ông khẳng định chắc chắn hơn về quyết định của mình.

Mặc dầu Phêrô đã chối Chúa ba lần vì yếu đuối, nhưng lòng mến của ông đối với Thầy luôn chân thành. Lòng mến đó được thể hiện qua câu trả lời hết sức đặc biệt của ông. Ông không trả lời “Có, con yêu mến Thầy”. Nếu trả lời như vậy thì quá bình thường. Phêrô đã trả lời một cách đặc biệt và tự tận đáy lòng rằng: “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Thật vậy, Chúa Giêsu biết lòng mến nơi Phêrô. Vì kẻ được tha nhiều thì yêu mến nhiều hơn (x. Lc 7,36-50). Ngài tin tưởng Phêrô nên đã trao nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên của Ngài cho ông. Phêrô sẵn sàng đón nhận, từ đó về sau ông đã chu toàn trọn vẹn nhiệm vụ Chúa trao phó. Cuối cùng, ông lấy cái chết để chứng minh lòng mến và lòng trung thành của mình đối với Chúa.

Trong đời sống đạo, Đức Mến bao giờ cũng quan trọng. Đức Mến có thể quyết định tất cả mọi vấn đề. Hay nói cách khác, có Đức Mến là có tất cả. Thánh Phaolô nhắc nhở: "Vì vậy giờ đây còn lại ba điều là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Nhưng lớn hơn cả là Đức Mến” (1 Cr 13,13). Thật vậy, nếu không có Đức Mến thì tất cả mọi việc làm của chúng ta chỉ mang hình thức bên ngoài, phô trương cho người ta thấy. Thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên thần đi nữa, mà không có Đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1). Nếu không có Đức Mến thì Đức Tin của chúng ta sẽ không bền vững, giống như người xây nhà trên cát. Chúng ta thấy rõ điều này qua các thời kỳ Giáo Hội bị bách hại, có vô số kitô hữu đã chấp nhận hy sinh vì lòng mến Chúa, nhưng cũng không thiếu những kitô hữu vì không có lòng mến nên đã nhẫn tâm dẫm đạp lên thập giá để được yên thân. Nếu hôm nay, Chúa hỏi chúng ta “Con có yêu mến Thầy không?” thì chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Hy vọng chúng ta cũng trả lời như Phêrô “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.



Thứ hai, để qui tụ muôn dân nước, Giáo Hội có trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Sau khi trắc nghiệm lòng mến của Phêrô, Chúa Giêsu bảo ông: “Hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy”. Đàn chiên của Chúa hiểu theo nghĩa rộng là tất cả muôn dân nước. Vì vậy, nhiệm vụ của Giáo Hội không chỉ chăm lo cho những người kitô hữu, mà còn phải lo cho những người chưa nhận biết Chúa. Đó chính là sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đó chính là sứ mạng “Đánh bắt các linh hồn”. Chính Chúa Giêsu đã nói với bốn môn đệ đầu tiên rằng: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá" (Mc 1,17). Sau khi sống lại, Ngài tiếp tục nhắc nhở các ông: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 46-48). Vâng lệnh Chúa, các Tông Đồ đã thi hành nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng ngay những ngày đầu của Giáo Hội. Bài đọc I cho chúng ta thấy, các Tông Đồ đã nhân danh Chúa Giêsu để giảng dạy giáo lý khắp cả Giêrusalem. Mặc dầu thầy thượng tế cấm các ông không được nhân danh Đức Giêsu mà giảng dạy, nhưng Thánh Phêrô và các Tông Đồ trả lời với họ rằng: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta" (Cv 5, 29).

Sau các Tông Đồ, các kitô hữu qua mọi thời đại vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Nhờ vậy, từ con số nhỏ bé ban đầu, hiện nay Giáo Hội đã có 1 tỷ 253 triệu người Công Giáo, chiếm 17% dân số hoàn cầu.

Giáo Hội không dừng lại ở đó, nhưng Giáo Hội phải có trách nhiệm làm cho 83 % dân số còn lại trở thành thành viên của mình. Trách nhiệm của Giáo Hội cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, việc làm hay bằng chứng tá đời sống. Nhưng phải nhớ rằng, công việc loan báo Tin Mừng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong ba năm giảng đạo, chính Chúa Giêsu đã gặp biết bao chống đối từ phía những người lãnh đạo Do thái và cuối cùng vì họ mà Ngài đã bị giết chết trên Thánh giá. Ngài cũng đã từng báo trước với các Tông Đồ về những bắt bớ, đau khổ mà các ông phải chịu. Ngài nói: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết” (Mt 10, 17-18). Đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng tiên báo về cái chết của Phêrô: “Khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến"(Ga 21,18). Như vậy, đau khổ, chết chóc là số phận của những người đi theo Chúa. Trong số 12 Tông Đồ, đã có 11 vị Tử đạo, riêng Thánh Gioan bị dìm vào vạt dầu sôi nhưng không hề hấn gì. Chính vì vậy, chúng ta không lạ gì, Giáo Hội qua mọi thời vẫn bị bách hại bằng cách này cách khác. Xin cho chúng ta và mọi thành phần trong Giáo Hội, dù trong hoàn cảnh nào cũng biết trung thành với sứ mạng rao giảng Tin Mừng, nhất là trung thành yêu mến Chúa. Vì “Ai bền độ đến cùng sẽ được cứu độ” (x. Mt 10,22)



Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương nên Chúa đã hiện ra nhiều lần để củng cố niềm tin nơi các Tông Đồ. Vì yêu thương nên Chúa đã thiết lập Giáo Hội để ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Xin Chúa tiếp tục củng cố đức tin cho chúng con. Xin cho mọi thành phần trong Giáo Hội luôn hiệp nhất với nhau để vượt qua được mọi sóng gió trong cuộc đời. Xin cho chúng con luôn hăng say rao giảng Tin Mừng để mọi dân nước được qui tụ trong đại gia đình Giáo Hội. Amen.



Lm. Anthony Trung Thành
 
CN 3C PS. Do đâu Gioan nhận ra ngay : chính Chúa đó
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
09:22 09/04/2016
CN 3C PS. Do đâu Gioan nhận ra ngay : chính Chúa đó

Một số người trong chúng ta, thời chưa có internet, đã hơn một lần giơ tay vặn nút dò đài trên chiếc Radio. Rà tới chỗ 19m, 25m, 31m, 41m… quay đi quay lại cũng ngần ấy làn sóng. Nhất là làn sóng 31m. Nhưng mà rà tới đó rồi còn phải xê đi xích lại đôi chút (fine tuning) mới bắt được đúng đài mà mình muốn. Bởi lẽ cũng 31m đó, nhưng có biết bao nhiêu là đài: VN, BBC, VOA, Úc,… Mỗi đài trên làn sóng 31m đó có một tần số riêng, ví dụ : Hà Nội 31m 10.060KHz, VOA 31m 9890KHz, BBC 31m 9605KHz… (Những máy thu thanh nào có bộ rà đài bằng tần số, thì chỉ cần bấm nút : td. 10060 là ra ngay đài HN). Vì thế chúng ta hay nghe thông báo : Chương trình chúng tôi được phát trên làn sóng 31m, tức là 9710 kilo chu kỳ. Phải đúng tần số thì mới bắt được đài mà ta cần.

Máy thu hình cũng vậy. Mỗi kênh có một tần số hình, tần số tiếng riêng. Rà đúng là hình rõ, tiếng trong. Rà lệch là hình mờ tiếng đục.

Chúa Giêsu chịu chết tại Giêrusalem, khi sống lại, Ngài hiện ra với các môn đệ cũng tại Giêrusalem, phía nam Palestine. Nhưng có một lần hiện ra với chị Maria Mađalêna tại Gierusalem, Chúa Giêsu nhờ chị đi báo với các môn đệ là hãy trở về Galilê, họ sẽ được gặp Chúa tại đó. Từ Giêrusalem về lại Galilê, chặng đường hơn trăm cây số, có lẽ phải ba ngày đường mới trở về đó được. Họ đã về để gặp Chúa.

Trong khi chờ gặp Thầy mình hiện ra, họ rủ nhau đi đánh cá : 7 người tất cả: Phêrô, Toma, Natanael, 2 người con của Zebeđê : Gioan và Giacôbê và hai môn đệ khác… Họ thức trắng đêm mà vẫn trắng tay : đêm ấy họ không bắt được gì cả. Sáng ra khi đã có thể nhận biết được người và thuyền, chứ không phải còn mờ mờ tối tối nữa, Chúa Giêsu hiện ra. Nhưng không ai nhận ra Chúa, mặc dầu họ từ Gierusalem trở về Galilê là để gặp Chúa. Nói theo ví dụ trong phần mở đề, thì họ đã cố ý tiến đến làn sóng 31m, nhưng vẫn chưa “tinh chỉnh” cho đúng tần số để có thể bắt gặp được Chúa. Họ chỉ mới “thấy” Giêsu đứng trên bờ, như một chàng thanh niên nào đó. Chúa Giêsu gợi ý để họ bắt đúng tần số. Ngài phát tín hiệu:

“Các chú có gì ăn không ?” Ngôn ngữ miền biển có nghĩa là có đánh được con cá nào không ? Họ trả lời “không”. Chán nản, mệt mỏi, vẫn chưa nhận đúng tần số. Chúa lại phát tín hiệu mới như là một lệnh: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền, anh em sẽ bắt được cá !”

Bên phải và bên trái thì khác gì đâu. Nhưng giống như một mật hiệu, khi cá thu được nhiều, Gioan (chúng ta tạm xem Gioan là người môn đệ Chúa yêu, như truyền thuyết xưa nay), Gioan nhận đúng tần số và báo liền cho Phêrô : “Chúa đó.” Còn các môn đệ khác, kéo lưới lên bờ đếm được 153 con cá to, lưới không rách, lại thấy than hồng có cá đang nướng bên trên, cộng thêm ít bánh bên cạnh, kèm theo lời mời nghe rất quen của Chúa: “anh em hãy đến mà ăn,” họ mới thật sự là rà đúng tần số. Không ai dám hỏi Người là ai, vì các ông lúc đó biết rằng chính là Chúa.

Do đâu Gioan nhận ra được ngay chính Chúa đó (rà đúng tần số nhanh nhất) ? Thưa :

1) Do Gioan có lòng trong sạch. Phúc thứ 6 trong Bát Phúc : Phúc cho ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa. Những tâm hồn trong sạch, nhìn thấy Chúa nhanh hơn vì con mắt họ trong sáng. Có người còn nói mạnh, vì Gioan theo truyền thống là tông đồ duy nhất không lập gia đình, ở độc thân, giữ đức trong sạch, nên ông dễ nhận ra Chúa hơn các tông đồ khác. Nhưng lý do này không đủ mạnh cho bằng :

2) Do Gioan yêu Chúa và được Chúa yêu.

Gioan được kèm theo biệt hiệu “kẻ Chúa yêu”. Trước khi nhận ra “chính Chúa đó” và thông báo cho Phêrô, thì biệt hiệu “Kẻ Chúa yêu” được sách Tin Mừng nhấn mạnh: “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với Phêrô: Chúa đó.”

Từ trái tim đi tới trái tim là con đường nhanh nhất. Khi hai tim cùng rung một nhịp, một tần số, thì dù cách xa nghìn trùng cũng “thấy nhau”. Hoàng thi Thơ có làm bài hát “Khi tình yêu đến” với những lời lẽ thật ý nghĩa này: “Khi tình yêu tình yêu tới, tuy có đông người, đôi mắt đôi mắt ta buồn cười, một người ta thấy thôi.” Cả một rừng người, chỉ thấy có em !

Chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan và giúp Gioan thấy được cái mà người khác không thấy. Người ta nói rằng tình yêu là một năng lực diệu kỳ, làm cho người ta mạnh thêm, có thêm nhiều nghị lực để vượt qua những chướng ngại, chịu đựng những hy sinh và cuộc sống thêm lạc quan.

Điều này thật ra rất bình thường chẳng có gì khó hiểu. Chúng ta thử điểm lại một số kinh nghiệm trong cuộc sống của mình xem. Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau ? Thích chở nhau đi chơi ? Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau ?

Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm mua một món quà đưa cho người khác, quả là dại ! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngu ! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ !

Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác : Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một sung sướng, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha ! Cho nên thánh Augustinô đã nói rất đúng : “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.

Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thập giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì đương nhiên ta thích cầu nguyện, thì đương nhiên ta ham đến nhà thờ, thì đương nhiên ta sẵn sàng vác những thánh giá hy sinh Chúa gởi đến hàng ngày. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực, yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, và làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày.

Trong bài Tin mừng, Chúa dọn sẵn cá, bánh, là một cách thức biểu lộ tình thương. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Ai sống cũng trong tình yêu thì nhận ra ngay được tình yêu.

Chính Phê-rô, cuối bài Tin Mừng (bài dài) cũng được thử thách bằng 3 câu hỏi: Có yêu mến Chúa không ?

Một nhà kinh doanh ở Chicago có một môn giải trí vui vui, là cứ cuối tuần, ông chọn 5, 7 em bé của các gia đình nghèo, cho các em bộ đồ mới, dẫn các em đi công viên giải trí rồi đi ăn. Cứ vậy, tuần này qua tuần kia. Một hôm, sau bữa ăn khá ngon, một em bé 8 tuổi chỉ vào nhà kinh doanh và nói : “Thưa ông, ông là Giêsu.” Em bé này nói câu như Gioan nói với Phêrô : “Chính Chúa đó.”

Những ai làm ơn lành cho ta, có lẽ ta dễ nhận ra ”chính Chúa đó”.

Nhưng Chúa Giêsu không chỉ ở nơi những ân nhân, Ngài còn ở nơi cộng đoàn, nơi người linh mục, nơi Thánh Thể, và nhất là nơi những người cùng khổ.

Đó là những cách hiện diện của Chúa, những hiện thân của Ngài. Nhiều người trong chúng ta dư “biết” điều đó, nhưng chúng ta không dễ gì nhận ra (thấy) Ngài : như chúng ta biết làn sóng 31m đó… nhưng không thấy Ngài, vì tần số yêu thương ta chưa rà tới. Nói khác đi, ta chưa thật sự sống yêu thương nên không dễ gì nhận ra Chúa.

Phải sống thế nào như một nữ tu tập sự của Mẹ Têrêxa Calcutta. Sau khi chăm sóc cho một người nghèo khổ hấp hối, trở về báo cáo với Mẹ: Thưa Mẹ, hôm nay con đã đụng tới thân thể Đức Kitô.

Chúng ta cũng phải yêu Chúa và nhất là yêu người để nhận ra ngay đó là Chúa mà chúng ta yêu mến. ĐGH Phanxicô khi đi thăm những người tàn tật, đã nói : anh chị em là xác thịt của Chúa Kitô ! “Chính Chúa đó !”

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giới thiệu Tông Huấn Amoris Laetitia - Niềm Vui Yêu Thương
VietCatholic Network
18:50 09/04/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm thứ Sáu 8 tháng Tư, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, là Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới; Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienna, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo; và hai vợ chồng Giáo Sư Francesco Miano, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Tor Vergata Roma và Giáo Sư Giuseppina De Simone in Miano, giáo sư triết tại Phân khoa Thần học Nam Italia ở Napoli đã chủ tọa một buổi họp báo để công bố Tông Huấn “Amoris Laetitia”, nghĩa là “Niềm Vui Yêu Thương”. Tông huấn tổng kết gần ba năm tham vấn với người Công Giáo ở các nước trên thế giới và 2 Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình.

Tông huấn “Amoris Laetitia” khẳng định giáo huấn của Giáo Hội theo đó các gia đình ổn định là những khối xây dựng một xã hội lành mạnh và là một nơi mà trẻ em học cách yêu thương, tôn trọng và tương tác với những người khác.

Đồng thời văn bản cũng cảnh báo chống lại việc lý tưởng hóa những thách đố mà cuộc sống gia đình phải đối diện, thúc giục người Công Giáo chăm sóc, chứ không phải lên án, tất cả những ai không sống theo các giáo huấn của Giáo Hội.

Cách riêng, tài liệu tập trung vào nhu cầu cần phải có sự phân định có tính cách mục vụ và phù hợp từng trường hợp cho các cá nhân, trong khi thừa nhận rằng “cả Thượng Hội Đồng, lẫn Tông huấn này đều không thể thiết lập các quy tắc tổng quát, phù hợp với giáo luật về bản chất và áp dụng được cho tất cả các trường hợp”.

Toàn bộ Tông Huấn dài 264 trang. Trong phần sau, chúng tôi xin trình bày bản tóm lược chính thức Tông Huấn này.

Trong đoạn kết luận, Đức Thánh Cha quả quyết: “Không có gia đình nào là một thực tại hoàn hảo và được kết thành một lần cho tất cả, nhưng đòi một sự tiến triển từ từ khả năng yêu thương của mình (...). Tất cả chúng ta được kêu gọi luôn cố gắng đi xa hơn chính mình, những giới hạn của mình và mỗi gia đình phải sống trong sự khích lệ liên tục như thế. Các gia đình chúng ta hãy tiến bước, chúng ta hãy tiếp tục bước đi! (...). Chúng ta đừng đánh mất hy vọng vì những giới hạn của mình, nhưng cũng đừng từ bỏ không tìm kiếm tình yêu và sự hiệp thông sung mãn đã được hứa cho chúng ta” (AL 325).

Tông Huấn kết thúc với một kinh nguyện dâng lên Thánh Gia Thất (AL 325).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bài giảng Lễ nhận sự vụ của ĐC Châu Ngọc Tri, giáo phận Lạng Sơn
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
13:00 09/04/2016
GIẢNG LỄ NHẬN SỨ VỤ CỦA Đức Cha CHÂU NGỌC TRI
(Bđ I : Dcr 8, 20-23 ; Bđ II : Ep 4, 11-16 ; TM : Ga 17,11b. 17-23)

(Lạng Sơn, 9.4.2016) - Trong đêm Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ điều cần thiết nhất : HIỆP NHẤT. Bốn lần trong đoạn văn Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu xin cho các môn đệ được nên một : “UT SINT UNUM”.

1. Hiệp nhất là điều kiện sống còn của mọi cơ cấu, thể chế. Cơ cấu nhỏ nhất như gia đình, giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em ruột với nhau ; có cấu lớn như Giáo Hội, giáo phận, giáo xứ, giữa người lãnh đạo và các tín hữu. Thiếu nó, mọi cơ cấu sẽ tan nát, đổ vỡ.

Chúa Giêsu biết rồi đây GH của Ngài sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ làm tan rã. Thực thế, sau khi Chúa về trời, GH đã lập tức đối diện với thách đố này, được ghi lại trong Công Vụ, ta liệt kê hai trường hợp : 1. Các tín hữu Do thái theo văn hóa Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hàng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ rơi, khiến các tông đồ phải cắt đặt các thầy phó tế (Cv 6,1-6) ; 2. Sự chia rẽ giữa tín hữu Do thái với tín hữu gốc dân ngoại trong việc cắt bì, giữ luật Môsê, khiến các tông đồ phải triệu tập công đồng Giêrusalem (Cv 15). Rồi theo giòng lịch sử, đã xảy ra nhiều lạc thuyết, nhiều cuộc ly khai khiến GH bị phân chia thành các GH như Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin Lành… Thật là vết thương lớn trên thân thể của Chúa Giêsu là GH.

Ý thức như thế, GH luôn nỗ lực bảo vệ sự hiệp nhất. Trong mọi thánh lễ, GH cầu nguyện : “Xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất như ý Chúa muốn”.

2. Duy trì sự hiệp nhất là trách nhiệm của mọi kitô hữu, đặc biệt là của hàng giáo phẩm, của các vị lãnh đạo : đối với GH toàn cầu là ĐTC ; đối với GH địa phương (giáo phận) là ĐGM. Đây là trách nhiệm hàng đầu và quan trọng của giám mục, người được giao phó hướng dẫn giáo phận, linh mục và đoàn chiên. Trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, ĐTC Phanxicô đã sử dụng một hình ảnh rất sinh động khi viết : “Giám mục phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo này trong Giáo Hội địa phương của mình, theo lý tưởng của các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, ở đó các tín hữu đều một lòng một trí với nhau (xem Cv 4:32). Để làm điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hi vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại đàng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới” (EG số 31).

Ngày 19.9.2014, trong cuộc tiếp kiến 120 giám mục mới được bổ nhiệm về dự khóa bồi dưỡng ở Roma (tôi hân hạnh có mặt trong khóa này), ĐTC Phanxicô dùng một hình ảnh khác cũng rất đẹp để nói về giám mục như sau : “Các giám mục là những lính gác, có thể đánh thức Giáo Hội của mình, là những người có thể trồng tỉa chín vàng cho cánh đồng của Chúa, là những mục tử có thể phục hồi sự hiệp nhất, thả lưới và thắng vượt sự chia rẽ”.

3. Muốn bảo vệ được sự hiệp nhất này, dựa vào Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, tôi xin liệt kê những điểm thiết yếu mà một giám mục phải có :

- Hiệp nhất với Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện như sau : “để tất cả nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (c.21) ; và “để họ được nên một như chúng ta là một” (c.22). Ba Ngôi luôn hiệp nhất với nhau. Hiệp nhất với Chúa sẽ dẫn đến hiệp nhất với nhau. Giám mục cần kết hiệp mật thiết với Chúa, để sẽ trở thành chất keo kết nối mọi người với nhau.

- Gắn bó với giáo phận : (nói cách khác là hiệp nhất với giáo phận). Trong bài nói chuyện với các giám mục ngày 19.9.2014 trên đây, ĐTC nhắn nhủ các giám mục phải thường xuyên có mặt trong giáo phận mình. Ngài nói : “Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là phải nhắc nhở các mục tử Giáo Hội, về mối ràng buộc bất khả phân ly giữa sự hiện diện thường xuyên của giám mục với sự thăng tiến của đàn chiên. Mọi cải cách thực sự trong Giáo Hội của Chúa Kitô đều bắt đầu bằng sự hiện diện, và nó khởi đầu bằng sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng không bao giờ vắng mặt nhưng luôn ở cùng chúng ta, và cũng cần đến sự hiện diện của mục tử, người cai quản đại diện Chúa Kitô. Đây không phải chỉ là một lời khuyên đạo đức. Ngài trích giáo huấn của Công đồng Trentô : “Khi mục tử trốn tránh trách nhiệm của mình và người ta không dễ gặp được ngài, thì mục tử đó đang đẩy việc chăm lo mục vụ cho đàn chiên và ơn cứu độ của các linh hồn vào vòng nguy hiểm”. Có gắn bó với giáo phận thì mới làm cho giáo phận hiệp nhất được.

- Cầu nguyện. Giám mục phải là người cầu nguyện cho đoàn chiên mà Chúa giao phó cho mình, theo gương Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho các môn đệ. Trong bài giảng lễ ngày 22.01.2016 tại nguyện đường thánh Matta, ĐTC nói : “Nhiệm vụ đầu tiên của một giám mục là ở với Chúa Giêsu trong cầu nguyện. Công việc đầu tiên của một giám mục không phải là đề ra các kế hoạch mục vụ. Cầu nguyện chính là nhiệm vụ đầu tiên! Nếu giám mục nào đó không cầu nguyện hay cầu nguyện ít, thì GH sẽ bị suy yếu và dân Chúa phải khốn khổ”. Bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Êphêsô cho biết nhờ giám mục cầu nguyện mà “dân Chúa sẽ đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con TC, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”.

4. Thưa quí cha và anh chị em giáo phận Lạng Sơn thân mến,

Hôm nay, anh chị em vừa tiễn Đức Cha Đặng đức Ngân rời giáo phận để đi nhận nhiệm sở mới là Đà Nẵng, vừa đón Đức Cha Châu ngọc Tri, vị chủ chăn mới. Ước gì anh chị em sẽ thực hiện được lời kêu gọi của Đức Cha Ngân trong thư gửi giáo phận ngày 13.3.2016 : “Đặc biệt, cũng như gia đình Giáo phận đã yêu thương, cộng tác giúp đỡ tôi thế nào, thì hãy tin mến, yêu quý, hiệp nhất, đồng hành và cộng tác với Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Tân Giám mục Giáo phận như vậy, để cùng Ngài phát triển Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng”.

Để được vậy, xin anh chị em cũng nỗ lực thực hiện 3 điều trên đây : - Hiệp nhất với Chúa; - Gắn bó với nhau, và - Cầu nguyện cho giám mục của anh chị em. ĐTC Phanxicô cũng nói: “Giáo Hội không thể không có giám mục. Vì vậy, tất cả chúng ta phải cầu nguyện cho các giám mục của chúng ta. Đó là nghĩa vụ của tình yêu, nghĩa vụ của con cái đối với Cha, là nghĩa vụ của anh em để giáo phận được hiệp nhất trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô sống lại và hiện đang sống”.

Ý tưởng sau cùng này cũng là điều mà ngôn sứ Zacaria đã tiên báo trong bài đọc I, và tôi mong sẽ thành hiện thực tại giáo phận Lạng Sơn – vốn là giáo phận truyền giáo - dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, đó là sự hiệp nhất trong giáo phận sẽ đưa đến hiệu quả truyền giáo : “Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giuđa mà nói : “Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng TC ở với anh em”. Ước gì được như vậy. Amen.

+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Phụ tá Hưng Hóa
 
Phỏng Vấn Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, tân Giám Mục Lạng Sơn Cao Bằng.
Gioan Lê Quang Vinh thực hiện
13:02 09/04/2016
Phỏng Vấn Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, tân Giám Mục Lạng Sơn Cao Bằng.

PV. Trọng kính Đức Cha, Ban Giám Đốc, cộng tác viên và độc giả Thông tấn xã Công Giáo Vietcatholic xin chúc mừng Đức Cha vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm nhiệm sở mới: Giám mục Chính Tòa Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng, xin Đức Cha cho chúng con biết vài tâm tình khi Đức Cha nhận được quyết định bổ nhiệm này ạ.

Đức Cha Giuse: Vài tâm tình thôi à? Nhiều lắm chứ!

Trước hết phải nói là buồn. Buồn lắm! Buồn vì phải rời xa giáo phận, xa quê hương, xa gia đình... đã đùm bọc cưu mang tôi trọn 60 năm cuộc đời với bao thân thương trìu mến. Buồn lắm khi phải rời xa mọi người thân quen trong đạo ngoài đời, rời xa những cảnh vật quen thuộc đã hình thành nếp sống, nếp nghĩ... Buồn lắm khi bao công việc, bao dự phóng cho tương lai Giáo phận bị bỏ ngang dang dở.. Nhưng giữa bao nhiêu cái “phải”, tôi nhận ra cái “phải” lớn nhất là phải vâng phục. Hơn nữa, trong 10 năm giám mục, tôi đã từng trải nghiệm sâu sắc, khi các linh mục thuộc quyền luôn sẵn sàng theo đề nghị của mình đi bất cứ nơi nào, thì đến lượt tôi cũng thế chứ! Vâng phục trở thành một niềm vui lan tỏa. Niềm vui cho người sai phái mình, niềm vui cho người đón nhận mình, và niềm vui cho chính mình.

Còn việc đi ra mãi tận Lạng Sơn-Cao Bằng thì sao? Ban đầu, khi biết được ý định của Tòa Thánh, thú thật tôi cũng hơi hoang mang. Không những chỉ xa xôi vùng biên ải, Lạng Sơn còn là giáo phận với những đặc điểm rất riêng. Đây là một giáo phận rất nhỏ xét về con số giáo dân, tỷ lệ lương dân áp đảo với nhiều dân tộc, nhiều bản sắc văn hóa khác nhau, phân tán trên một địa bàn vùng núi phức tạp và rộng lớn, nguồn lực lại quá khiêm tốn, rất mong manh, cả về nhân sự lẫn kinh tế. Hơn nữa, đây còn là vùng đất màu mỡ của đủ loại tệ nạn xã hội, tình trạng nghèo đói, bất công, hậu quả của những cuộc chiến tranh dai dẳng và khốc liệt, những căng thẳng tranh chấp triền miên. Nhưng cũng chính những hiểu biết ban đầu về vùng đất và giáo phận này đã nhanh chóng định hình trong tôi những đường nét chính yếu của sứ vụ mà tôi được ủy thác. Tôi biết đây sẽ là một cuộc hành trình về lại thời buổi ban đầu của công cuộc truyền giáo, không nhiều những cuộc tụ họp đông đảo, nhưng phải tìm đến với những nhóm nhỏ hoặc từng cá thể đơn lẻ trong mọi ngóc ngách của cuộc sống giữa khung trời mênh mông bao la. Từ đó, tôi cảm thấy quý mến, thán phục và biết ơn các Đức Cha tiền nhiệm của mình, cũng như các linh mục tu sĩ giáo dân đã và đang cống hiến rất nhiều trong gian khổ, để có được Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng hôm nay, không còn là một giáo phận chỉ với "một cha cụ, một mụ già" như ngày nào không xa lắm.

Tôi đã bắt đầu thấy gần gũi với vùng đất này. Yêu thích vùng đất hoàn toàn xa lạ với mình là một điều khó hiểu, nhưng là chuyện có thật trong trái tim người mục tử khi nhận được bài sai. Tôi có cơ hội sống chung nhà khá lâu với các Cha thuộc Hội Thừa sai Balê tại Pháp, nên cảm nhận điều này rất rõ nơi các Ngài. Nhiều linh mục đi đứng đã lụm khụm, nhưng ánh mắt bỗng rạng ngời khi nhắc đến tên vùng đất họ đã từng được sai đến. Tình cảm thiêng liêng này không chỉ có nơi các nhà truyền giáo ngày xưa đâu, còn tồn tại trong trái tim mỗi người mục tử chúng ta hôm nay.

PV. Trong thư gửi Giáo Phận Đà Nẵng ngày 12 tháng 3 vừa qua, Đức Cha có viết Đức Cha “lên đường đi ra vùng ngọai biên theo lời mời gọi và sai phái của Hội Thánh”, làm nhiều người nhớ đến lệnh truyền của Đức Giêsu trong ngày Người lên Trời, xin Đức Cha chia sẻ thêm về sứ mạng mà Đức Cha đang lãnh nhận.

Đức Cha Giuse: Đúng rồi. Ngày 12/3/2016, ngày Tòa Thánh chính thức công bố việc tôi được bổ nhiệm làm Giám mục Lạng Sơn, tôi đi Tắc Sậy dâng lễ như đã hứa với Đức Cha Cần Thơ nhân lễ Giỗ thứ 70 của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Trên xe từ Tắc Sậy lên Saigon lấy máy bay về Đà Nẵng, tôi đã tranh thủ viết thư cho Gia đình Giáo phận Đà Nẵng có lẽ đang ngơ ngác về sứ vụ mới của tôi, trong đó có câu: “… tôi lên đường đi ra vùng ngọai biên theo lời mời gọi và sai phái của Hội Thánh”.

Đọc lịch sử Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng trong Wikimedia mới thấy lai lịch của vùng đất này, nhất là sự hình thành Giáo Hội Công Giáo nơi đây: “Cho đến nửa cuối thế kỷ 19, vùng Lạng Sơn và Cao Bằng vẫn còn là những vùng núi hoang sơ biên viễn, là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số hầu như không liên lạc với bên ngoài. Những tín đồ Công Giáo đầu tiên của vùng này có lẽ là những người bị đi đày theo các chỉ dụ cấm đạo… Cho đến năm 1876, tại Cao Bằng có chừng 300 tín đồ, phần lớn là những người bị triều đình Huế phát vãng lên đây”. Vùng đất của phát vãng, của lưu đày. Thảo nào, có mấy nữ tu Phaolô Đà Nẵng lớn tuổi gốc miền Bắc, đã mếu máo nói với tôi khi nghe tin tôi chuyển đến Lạng Sơn: “Cha ơi cha, cha có tội tình gì mà bị đày lên Lạng Sơn vậy?”Tôi cười đáp:"Không lên thì mới có tội đấy!"

Hình như ơn gọi của tôi có sự "tiền định" về vùng đất này. Năm 2003, khi làm cha sở Trà Kiệu, tôi đã đến thăm Lạng Sơn-Cao Bằng, mấy năm sau khi Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt lên làm Giám mục Giáo phận và đang xây dựng Nhà thờ Chính Tòa. Tôi vừa ngậm ngùi vừa thích thú khi Ngài chỉ cho tôi xem quả chuông treo trên cành nhãn như tháp chuông của Nhà thờ Chính Tòa. Được nghe nói nhiều về Dì Mến trên 100 tuổi với lòng thán phục, hôm ấy, tôi được hân hạnh nói chuyện với Dì, nhất là được ôm Dì mà chụp hình ngay trước Tòa Giám mục Lạng Sơn, bên cạnh mộ Đức Cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ. Dì Mến là người giữ Tòa Giám mục khi Đức Cha Vinh Sơn bị giam lỏng ở Thất Khê. Rồi chẳng hiểu thế nào, khi ra thăm vùng địa đầu Tổ quốc, tôi đã ngồi ôm chặt cột mốc cây số 0 với chữ Hải Nam Quan viết tắt một cách hân hoan trìu mến như không muốn rời. Ấy là chưa kể đến cái điều bí ẩn trong khẩu hiệu Giám mục của tôi đã chọn 10 năm về trước nay mới linh nghiệm. Hồi ấy, với cơn bão Chanchu vào ngày 13/5/2006, ngày tôi được bổ nhiệm làm Giám mục Đà Nẵng, biển cả đã nhấn chìm 200 trai tráng của quê hương Quảng Nam Đà Nẵng. Ngồi đợi đoàn tàu cứu hộ với hàng ngàn thân nhân của các nạn nhân trên bãi biển Mỹ Khê, tôi đã thấm thía lời sách Khải Huyền: "... biển không còn nữa, và tôi thấy Trời Mới Đất Mới..." (Kh 21). Hôm nay, đúng 10 năm sau, tôi mới thấy rõ "Trời Mới Đất Mới" của tôi chính là Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng này. Tất cả đều mới mẻ: trời mới, đất mới, người mới, việc mới! Tôi xác định đây là điểm đến của sứ vụ giám mục đời tôi.

Lịch sử Việt Nam được hình thành bằng các cuộc Nam tiến, nên hình như ai cũng thích vào Nam hơn. Tôi thì nhận sứ vụ “đi ra”, mà đi ra đến tận vùng “ngoại biên” xa xôi kia chứ! Tôi như bị kích động với ý tưởng này, nhất là sau khi lá thư tôi viết cho Gia đình Giáo phận Đà Nẵng được truyền đi, nhiều phản hồi đã làm tôi có cảm tưởng mình như một anh hùng (!!!). Một người viết:“Đức Cha đã can đảm đáp lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: "hãy đi ra khỏi chính mình, ra vùng ngoại biên về mặt địa dư, nhân bản và hiện sinh, nơi ẩn chứa huyền bí của tội lỗi, của đau đớn, của bất công, của đau khổ" để có một “Giáo Hội nghèo cho người nghèo”. Người khác nói thêm: “Đức Cha đã hân hoan "đi ra khỏi con đường mòn, những con đường đôi khi đã được vạch trước và ra khỏi những tiện nghi" để hiện diện tại "địa đầu của Tổ quốc Việt Nam" và sống âm thầm giữa "những người bị bỏ rơi, những người bị lãng quên của thế giới, những người bị xã hội loại ra bên lề, những người bị để mặc cho số phận". Tôi mà cao cả thế sao? Chúa luôn dùng những người giáo dân nhiệt thành để thôi thúc động viên các mục tử. Những lệnh truyền của Chúa ngày xưa cho các môn đệ, nay cũng thúc bách tôi: "Hãy chèo thuyền ra chỗ nước sâu", "hãy chèo thuyền sang bờ bên kia", "hãy đi khắp tứ phương thiên hạ"... Tất cả như đang cuốn hút tôi, và cụm từ “đi ra vùng ngoại biên” rất tâm huyết của Đức Thánh Cha Phanxicô như dành riêng cho tôi lúc này. Vâng tôi rất sẵn sàng, mặc dù biết mình không phải thuộc loại người có tài “kinh bang tế thế” để thích hợp cho việc phục vụ vùng đất nhiều đòi hỏi này. Nhưng đây là "lệnh truyền" mà!

PV. Đức Cha sắp đến một Giáo phận có tuổi đời hơn giáo phận Đà nẵng nửa thế kỷ, Tòa Thánh ra sắc lệnh thành lập Phủ doãn Tông tòa năm 1913, nhưng số giáo dân lại ít hơn, xin Đức Cha cho chúng con biết vài suy tư về truyền giáo của Đức Cha.

Đức Cha Giuse: Lạng Sơn và Đà Nẵng còn thêm một cái duyên nữa. Cùng năm 2013, Giáo phận Lạng Sơn mừng 100 năm thành lập, thì Giáo phận Đà Nẵng mới mừng tuổi 50. Tuy hiện nay, số giáo dân Đà Nẵng gấp hơn 10 lần giáo dân Lạng Sơn, nhưng trên bản thống kê toàn quốc, Đà Nẵng chỉ xếp trên Lạng Sơn mà thôi, và như thế, cả hai Giáo phận cùng "đội sổ" con số giáo dân, và đứng đầu sổ vùng miền truyền giáo tại Việt Nam.

Khi Giáo phận Đà Nẵng mừng 50 năm thành lập và 400 Năm đón nhận Tin Mừng vào Năm Thánh 2013-2015, với tỷ lệ giáo dân là 2,8% trên dân số, tôi đã hướng Giáo phận về ba mục tiêu lớn: “Giáo phận truyền giáo – Giáo phận của người nghèo – Giáo phận không biên giới”. Nay đến nhận sứ vụ nơi một Giáo phận vừa mừng 100 năm truyền giáo, với số giáo dân chỉ chiếm 0,2% dân số, khoảng hơn 6000 người, chắc chắn là việc truyền giáo, hướng về người nghèo và cổ võ sự liên đới, không phải chỉ là ưu tiên hàng đầu, mà còn là một trăn trở sống còn, một thao thức “mất ăn mất ngủ” đối với người mục tử của vùng đất Lạng Sơn-Cao Bằng này. "Không biên giới ở vùng biên giới", là tầm nhìn sứ vụ của Giáo Hội, khi viễn cảnh loan báo Tin Mừng của Thiên Niên Kỷ thứ III này đang hướng về Á Châu. Vì thế, mặc dù giáo phận nào ở Việt Nam hiện nay cũng là giáo phận truyền giáo, còn trực thuộc Bộ truyền giáo, nhưng tôi ước mong Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng sẽ được gọi là "Tiền Đồn Truyền Giáo" của Giáo Hội Việt Nam, nơi cần tập trung những tinh binh tông đồ cho việc sống chứng nhân và loan báo Tin Mừng.

"Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó" phải là châm ngôn, là ý lực sống hàng đầu cho Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng. Các cộng đoàn nhỏ bé và ít ỏi nơi đây cần phải đào luyện để trở thành men, thành muối, thành ánh sáng. Bên cạnh việc giáo dục đức tin, đào tạo hồn tông đồ, cần hoạch định một nền mục vụ xã hội sinh động và trong sáng trước những "bóng tối" của vùng biên, tìm kiếm các đối tác trong và ngoài Giáo Hội để cộng tác nâng cao đời sống trí thức, tinh thần, văn hóa, cả kinh tế xã hội cho người dân, để Giáo Hội không còn quá xa lạ hay chỉ đứng bên lề xã hội, nhưng ngày càng trở nên đáng tin cậy, thân thiện, hữu dụng trong tính độc lập và độc đáo của mình. Vậy, có "ai lên xứ Lạng cùng anh" không? Tôi nhớ lại tập sách của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt phát hành năm 2009, với đầu đề "Ai Lên Xứ Lạng" mà thấy lòng nao nao muốn thưa: "Dạ, có con đây!"

Tông huấn "Niềm Vui của Tin Mừng" số 20 của Đức Thánh Cha Phanxico là lời mời gọi rất tha thiết và cấp bách. "Trong Lời Chúa xuất hiện liên tục động năng này của việc “đi ra” mà Thiên Chúa muốn khích lệ các tín hữu. Ông Abraham đã nhận được lời mời gọi ra đi đến một vùng đất mới (x. St 12:1-3). Ông Môsê đã nghe Chúa gọi: “Hãy đi, Ta sai ngươi!” (Xh 3:10) và ông đã đưa dân Chúa đi về Đất Hứa (x. Xh 3:17). Với ngôn sứ Giêrêmia, Ngài nói: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi” (Gr 1:7). Hôm nay, trong lời “hãy đi” này của Chúa Giêsu, trình bày những cảnh trí và thách đố luôn luôn mới của sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh, và tất cả chúng ta được mời gọi tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo mới này. Mọi Kitô hữu và mọi cộng đồng sẽ phân biệt đâu là con đường mà Chúa đòi hỏi, nhưng chúng ta đều được mời chấp nhận lời mời gọi này: đi ra ngoài khu vực quen thuộc của mình và can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi, là những người cần ánh sáng của Tin Mừng."

PV. Xin Đức Cha cho chúng con biết thêm đôi chút những “nỗi niềm riêng” của Đức Cha trước ngày từ giã giáo phận Đà nẵng, nơi Đức Cha gắn bó từ ngày còn thơ bé, suốt thời gian tu học và phục vụ sau này, và nơi còn Bà Cố đã cao niên.

Hôm chính thức dâng lễ Tạ Ơn và từ giã Giáo phận Đà Nẵng vào Thánh Lễ Hành Hương kính Lòng Thương Xót, tôi đã xin với Cộng đoàn cầu xin Lòng Thương Xót Chúa cho tôi, để tôi được thứ tha và thương xót, đồng thời để tôi có thể mạnh dạn ra đi với hành trang thương xót đến vùng đất mới. Tôi gửi lại họ mấy tâm tình này.

- Trong 27 năm linh mục, trong đó có 10 năm giám mục, tôi nhận 03 bài sai. Bài sai đầu tiên ngay sau khi chịu chức linh mục là làm cha sở Hà Lam, quê nội tôi. Bài sai thứ hai là làm cha sở Trà Kiệu, quê ngoại tôi. Bài sai thứ ba là làm Giám mục Đà Nẵng, quê hương tôi. Như vậy cả ba bài sai đều là "sai về". Vì được "sai về", nên với tâm thế một người con, tôi luôn cố gắng phục vụ cách tận tụy và gần gũi với mọi người, quyền hành chức tước chỉ là thêm vào. Nay làm Giám mục Lạng Sơn, tôi chỉ thay đổi tước vị, còn tư cách người con của Giáo phận vẫn còn nguyên vẹn, không thể mất. Nhiều khi đi xa lại quý nhau hơn. Vì thế, tôi vẫn không xa cách Đà Nẵng.

- Vì thế, mãi hôm nay tôi mới được "sai đi", nên chia vui với tôi chứ đừng chia buồn. Ngoài sứ mạng của Đức Thánh Cha giao phó, tôi còn thay mặt Giáo phận Đà Nẵng ra miền Bắc để "đền ơn đáp nghĩa". Giáo phận Đà Nẵng hình thành và phát triển cho đến hôm nay là nhờ công khó của nhiều người từ miền Bắc vào. Đức Giám Mục Tiên khởi Phê-rô Ma-ri-a Phạm Ngọc Chi, Đức Cha Phao-lô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, bây giờ đến Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân cũng từ miền Bắc. Trên 30 linh mục từ miền Bắc vào nhập tịch Giáo phận, hàng chục nữ tu Dòng Thánh Phao-lô, hằng trăm hằng nghìn giáo dân từ miền Bắc đã chọn Đà Nẵng làm quê hương. Tất cả đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng Giáo phận Đà Nẵng từ những tháng ngày đầu tiên mãi cho đến hôm nay. Thuộc hàng giáo sĩ giáo phận có Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long ra Bắc phục vụ trong tư cách Giám mục Phụ tá Hưng Hóa từ mấy năm qua, nhưng Ngài cũng gốc Bắc. Riêng tôi là người đầu tiên gốc Đà Nẵng, và với tư cách này, tôi được ra Bắc phục vụ để "đền ơn đáp nghĩa" Giáo Hội miền Bắc thay cho anh chị em. Xin đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện.

- Còn mẹ tôi, năm nay 96 tuổi, quả thật phải đi xa mẹ trong tuổi già là điều ái ngại nhất, nhưng không ngờ chính mẹ là nguồn động viên rất lớn cho tôi. Sau khi được tin ra Bắc, tôi hỏi mẹ có buồn không. Hỏi cho có hỏi chứ tôi biết mẹ rất buồn, rất nhớ. Nhưng thật bất ngờ khi mẹ dõng dạc trả lời tôi: "Mẹ lớn lên biết Cố Võng, Cố Lân, Cố Sáng... Mấy Cố bỏ bên Tây sung sướng sang bên này giảng đạo rồi chết luôn tại đây. Con đi ra Lạng Sơn thì có nhằm nhò gì đâu!"

"Thì có nhằm nhò gì"... Mẹ tôi nói thế có lẽ mẹ tôi hiểu tôi luôn sẵn sàng, và muốn khuyên tôi an tâm vững lòng và dấn thân hơn nữa trước những thách thức khó khăn.

Cám ơn Vietcatholic đã thăm hỏi. Cám ơn độc giả đã chia sẻ. Xin cầu nguyện cho tôi.