Ngày 12-04-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Canh Tân
Lm Vũdình Tường
06:09 12/04/2018
Canh tân theo tinh thần của Đức Kitô Phục Sinh chính là trung tâm điểm bài giảng của Thánh Phêrô ghi lại trong Tông Đồ Công Vụ 3,13 tt.

Cuộc thương khó của Đức Kitô có thể chia thành ba giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn một là niềm hy vọng của toàn dân, xảy ra trước cuộc thương khó. Trên môi miệng mọi người ai cũng nói về phép lạ Đức Kitô thực hiện và người ta hy vọng được gặp Ngài để được cứu chữa. Giai đoạn hai pha trộn giữa ngạc nhiên lẫn thất vọng trong thái độ bàng hoàng, sợ hãi nơi dân chúng khi họ hay tin các nhà lãnh đạo Đền Thờ Giêrusalem, âm thầm, vội vàng kết án Đức Kitô ngay trong đêm họ bắt Ngài. Ngay đêm đó họ đã đưa ra bản án khắc nghiệt của hận thù. Hận thù, ghen tị của cả một tập đoàn lãnh đạo đổ lên đầu một cá nhân vô tội với bản án tử hình dã man, đóng đinh chờ cái chết chầm chậm đến trong nắng, khát, cô đơn, một mình trên đồi vắng. Đám đông khóc thầm, thương tiếc. Ai cũng cảm thấy mất mát nhưng bất lực trước bất công và bạo hành. Người ta cảm thấy bất lực đến độ không dám khóc lớn, hay lên tiếng than vãn vì thái độ hung hăng, tính bạo hành, cách hành xử vừa vô nhân đạo vừa tàn ác nơi nhà lãnh đạo ra lệnh cho đám hành hình thi hành. Mọi người đều uất ức nhưng làm gì được vì họ nắm binh quyền trong tay. Mọi người âm thầm, nhìn nhau, cắn răng chịu đựng vì hở môi đau khổ ập vào. Ai cũng biết, cũng nghe nói đến. Cả người xót thương, đau khổ lẫn kẻ hả hê vì đã thực hiện được dã tâm muốn thực hiện. Điều này thể hiện rõ ràng khi Clêo nói với người lạ ông gặp trên đường:

Có lẽ ông là cư dân duy nhất không biết việc vô cùng dã man vừa mới xảy ra tức thì tại thành thánh Giêrusalem Lc 24,18.

Giai đoạn ba là tin tức nóng hổi loan tin Đức Kitô bị đóng đanh chết trên thập giá, an táng ba ngày trước nay đã sống lại và hiện ra với rất nhiều người, trước hết là các môn đệ sống gần thành thánh Giêrusalem và sau đó là những môn đệ khác. Tin loan nhanh không gì ngăn cản nổi. Trên môi miệng mọi người, kẻ tin Đức Kitô lẫn kẻ không tin đều bàn tán xôn xao về tin Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Các môn đệ vui mừng đón nhận tin vui, lòng họ rộn rã mong chờ được gặp lại Thầy mình; kẻ chống đối Đức Kitô thì bồn chồn lo lắng, làm thế nào để bịt miệng toàn dân và tránh bị chính quyền trù dập. Loan tin giả và hối lộ là cách họ thực hiện. Điều này cho thấy giả dối sau dùng để bao che giả dối trước và cứ thế chồng chất lên nhau.

Về phần các môn đệ sau khi gặp lại Thầy các ông trở nên mạnh dạn, khôn ngoan phi thuờng. Nghe những tuyên bố của thánh Phêrô ghi lại trong sách Tông Đồ Công Vụ 3,13tt cho thấy khôn ngoan của ông đến từ Đức Kitô Phục Sinh. Phêrô cho biết chương trình cứu độ của Thiên Chúa thực hiện không thế lực trần gian nào có thể ngăn cản. Người ta tưởng giết Con Một Thiên Chúa là Đức Kitô là phá tan chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Họ không thể ngờ được là Đức Kitô họ giết đi được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết tạo thành làn sóng Kitô hữu nói về Ngài, làm chứng nhân cho Ngài và trung thành, vui mừng được đổ máu đào ra làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh. Điểm thứ hai là Đức Kitô Phục Sinh đổi mới cuộc sống Kitô hữu, ban cho họ tinh thần mới, sự sống mới và khả năng mới, mạnh dạn làm chứng nhân không sợ gian nguy, khó khăn và ngay cả cái chết. Đức Kitô đổi mới con người và đổi mới mọi loài thụ tạo. Điểm thứ ba Đức Kitô làm Vinh Danh Chúa Cha bằng cách tự nguyện chết trên thập tự trong khi đó Chúa Cha làm Vinh Danh Chúa Con bằng cách cho Ngài sống lại vinh quang từ cõi chết. Các môn đệ Đức Kitô làm Vinh Danh Đức Kitô bằng cách công khai loan tin Đức Kitô Phục Sinh và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng Phục Sinh. Điểm thứ tư thánh Phêrô cho biết í kiến của tập thể lãnh đạo sai lầm khi cùng lòng giết Đức Kitô, họ biết họ sai do ích kỉ nhưng vì tự kiêu nên họ không dám nhận điều sai trái và tìm cách tránh né, giải thích lệch lạc sự việc, dùng tuyên truyền tạo chia rẽ trong dân chúng. Điểm thứ năm cho thấy tập thể lãnh đạo luôn vỗ ngực tự nhận mình khôn ngoan nhưng không biết là càng tự nhận mình khôn càng đi sâu vào con đường u tối bởi họ từ chối ánh sáng chân lí Phục Sinh. Điểm thứ sáu cho biết chỉ cần khiêm nhường tự nhận mình sai trái, thống hối ăn năn sẽ nhận được ơn Chúa thứ tha. Điều này cho thấy tình yêu Chúa lơn hơn tội ta phạm, tội cá nhân và tội tập thể.

Bài đọc thứ hai thánh Gioan (1Gn 2,1-5) cũng nói về tình yêu Chúa khi Ngài cho biết tình yêu Chúa mạnh hơn tội lỗi. Tình yêu Chúa có sức ban sự sống, tạo dựng, đổi mới đời ta và đổi mới toàn vũ trụ; đối nghịch với tình yêu Chúa là sự ác, thể hiện qua tội lỗi. Hậu quả của tội lỗi là tàn phá, gây chia rẽ, hận thù, giết hại và án phạt muôn đời. Để được hưởng tình yêu Chúa con người cần sống theo giáo huấn của Đức Kitô, làm cho giáo huấn của Ngài đi chung với hành động trong cuộc sống hàng ngày. Khi Lời Chúa thấm nhập vào trong lòng ta, Lời Chúa biến thành nguồn suối tình yêu, đến từ cõi lòng, mang sinh lực cho cuộc sống và chính suối nguồn tình yêu này sẽ làm trôi đi những rác rưởi cuộc đời, rửa sạch tội đời và làm cho cuộc sống ta trở nên mới trong Đức Kitô. Lời Chúa không những rửa sạch tội đời mà còn thiêu huỷ mọi mầm mống tội đang nảy mầm trong tâm hồn.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:21 12/04/2018
61. TRONG NHÀ KHÔNG CÓ CƠM
Đứa con lớn tiếng khóc hu hu, ba nó hỏi tại sao khóc, nó nói:
- “Đói bụng quá”.
Ba nó nói:
- “Ồ con trai, sợ gì chứ, gan rồng tủy phượng, con muốn ăn loại nào ba lấy cho.”
Đứa con nói:
- “Con chỉ ăn cơm.”
Ba nó mắng:
- “Ai dà, thằng con xảo quyệt, mày chọn thứ không có trong thực đơn của gia dình để ăn sao !”
(Chuyện tiếu thời thượng)

Suy tư 61:
Cơm là thức ăn “chủ lực” của người Việt Nam, dù cho có rất nhiều thức ăn cao lương mỹ vị trên bàn ăn, nhưng nếu không có cơm thì hình như vẫn chưa thấy ngon, chưa phải là ăn cơm, cho nên cần phải có cơm.
Năm 1978 đói toàn quốc, có rất nhiều gia đình ăn rau để sống qua ngày, hạt cơm trở thành hạt ngọc quý giá vô cùng...
Nạn đói qua đi, đời sống ngày càng no đủ sung túc, người ta quên mất cái đói năm nào.
Có người khi ăn cơm thì phải đòi cho có cá tươi mới ăn.
Có người khi ăn cơm thì phải đòi nấu cơm cho thật dẽo mới ăn.
Có người khi ăn cơm thì lựa những thứ ngon ăn trước.
Nhưng tệ hơn là có người khi ăn cơm thì chê lên chê xuống, tỏ ý không bằng lòng...
“Qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai”, nhưng “thái lai” mà không nhớ lại những ngày khổ cực thì cũng sẽ có ngày trở lại “bỉ cực”, “thái lai” mà không biết thương người nghèo khổ thiếu ăn thì sẽ trở thành kẻ vô tâm.
Đói khổ cũng là những thử thách nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Ngài muốn chúng ta nếm qua đói khổ để khi chúng ta sung sướng thì biết cảm thông và giúp đỡ những người khổ cực, Ngài muốn chúng ta nếm qua đau thương là để chúng ta biết chia sẻ những đau thương của người anh em chị em, Ngài muốn chúng ta nếm qua những bất hạnh trong cuộc sống là để chúng ta biết giang tay ấp ủ người bất hạnh...
Cơm cũng giống như tình thương, thiếu cơm thì bữa ăn mất ngon, thiếu tình thương thì cuộc sống mất đi ý nghĩa cao cả của con người là phục vụ tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:29 12/04/2018

10. Nên thường luôn nhớ đến khuyết điểm của mình, và nên tha thứ nhiều lần những lỗi phạm của người khác.

(Thánh Dirar)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Phải chịu trách nhiệm
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:46 12/04/2018
PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM

Thứ Năm sau Chúa Nhật II Phục Sinh

“Hôm ấy, khi các thủ hạ dẫn các tông đồ đi, họ đem các ngài ra trước công nghị. Vị Thượng tế hỏi các ngài rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy (Đức Giêsu) mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên đầu chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta… Khi nghe những lời đó, họ liền phẫn nộ và tìm mưu giết các ngài”(Cv 5,27-33).

Tin mừng tường thuật rằng trước đó chính các Thượng tế và dân chúng đã nói trước mặt Philatô: “Máu nó cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25). Khi khẳng khái trước Vị Thượng tế và công nghị là “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta” thì một nội dung chính mà các tông đồ muốn nói đó là quý vị hãy biết chịu trách nhiệm với việc mình đã làm.

Bắt kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm những gì mình đã gây ra chính là một trong những điều mà Thiên Chúa truyền dạy. Vậy chúng ta, Kitô hữu, cách riêng “các đấng làm thầy” phải vâng lời Thiên Chúa hay là làm theo lời của phàm nhân?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật III Sau Phục Sinh. Năm B - 15.4.2018
Lm Francis Lý văn Ca
16:51 12/04/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta cùng quây quần nơi đây, để cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại. Nói một cách khác, cùng cử hành Mầu Nhiệm Chúa chịu chết và sống lại qua việc tham dự nghi thức Bẻ Bánh và lắng nghe Lời Chúa qua các bài đọc được trích từ kho tàng Kinh Thánh.
Hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện các tông đồ nhận ra Chúa Kitô sống lại khi Ngài bẻ bánh. Chúa Kitô cũng tiếp tục hiện diện giữa chúng ta, khi linh mục đọc lời truyền phép trên bánh và rượu. Ngài cũng hiện diện qua các Bí Tích khác mà Ngài đã thiết lập trong Giáo Hội. Qua Linh mục là thừa tác viên chính thức của Giáo Hội, cử hành các phép bí tích, nhân danh Chúa Kitô là Linh Mục Thượng Phẩm Đời Đời, ơn Chúa xuống trên cộng đoàn tín hữu là những người tin Chúa. Ngoài việc lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô, người Kitô hữu còn sống tình huynh đệ, qua việc dâng cúng, bố thí để xây dựng nhiệm thể là Giáo Hội và qua sự tương trợ nầy, Giáo Hội sẽ chia sẻ với những ai đang cần đến sự chia sẻ của Giáo Hội.
Với những ý nghĩa chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Trong bài giảng đầu tiên, Thánh Phêrô đã mạnh dạn xác quyết điều mà Thiên Chúa đã hoạch định để Đức Kitô phải hoàn tất chương trình Thiên Chúa Cha, là Ngài phải chết để cứu chuộc nhân loại.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Gioan trong bức thư của Ngài, kêu mời chúng ta cố gắng tránh những điều làm cho chúng ta lỗi nghĩa với Chúa. Lời kêu mời nầy, nhắc chúng ta nhớ lại ơn phục sinh đã lãnh nhận qua phép rửa tội.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Chúa Kitô hiện ra với các tông đồ, Ngài giải thích Kinh Thánh.... Những sự kiện phải xảy ra để hoàn tất lời Kinh Thánh đã viết về Ngài. Trong cuộc sống, chúng ta có năng học hỏi và chia sẻ Lời Chúa không?

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngôi Lời là Đức Kitô Phục Sinh, Ngài hiện ra, dạy dỗ các tông đồ. Chúng ta cùng hiệp nhau, như cộng đoàn tín hữu thời tiên khởi, trong sự cầu nguyện và bẻ bánh. Giờ đây, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện cầu sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng các phẩm trật trong Giáo Hội. Xin Chúa Kitô Phục Sinh luôn hiện diện và hướng dẫn Giáo Hội trần gian tiến bước trong an bình. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu xin cho những ai đã nhận lãnh ơn phép rửa tội trong mùa phục sinh, được tăng trưởng trong đức tin trong đời sống thường nhật đã và trở thành những chứng nhân cho cho mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh. Chúng ta cùng nguyện xin

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho tinh thần Lời Chúa hôm nay thấm nhập và biến đổi cuộc sống để chúng ta qua học hỏi, trao đổi sự hiểu biết Lời Chúa, không những nơi thánh lễ mà còn trong những buổi sinh hoạt đoàn thể và trong mái ấm gia đình. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho mỗi người trong chúng ta luôn tích cực đóng góp những viên gạch xây dựng tiếp cộng đoàn xứ đạo trong tinh thần đoàn kết và yêu thương. Chúng ta cùng nguyện xin.
Xin Chúa nhậm lời chúng con. 5. Xin cho các tôi tớ của Chúa đã qua đời…. được hưởng ơn phục sinh vinh hiển. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin lắng nghe lời khẩn cầu của dân Chúa nài van, khi chúng c cùng nhau để chia sẻ Bánh Thánh Thể và học hỏi Lời Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con, qua sự học hỏi nầy, sẽ khám phá ra Chúa vẫn hiện diện và dạy dỗ chúng con trong Giáo Hội. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Chúa Nhật 3 Phục Sinh B
Lm Đan Vinh
22:53 12/04/2018
Cv 3,13-15.17-19 ; 1 Ga 2,1-5a ; Lc 24,35-48

LÀM CHỨNG VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊ-SU

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Lc 24,35-48

(35) Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (36) Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”. (37) Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. (38) Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. (40) Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. (41) Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? (42) Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. (43) Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. (44) Rồi Người bảo: Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. (45) Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. (46) Và Người bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, (47) và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân của những điều này.

2.Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng của Thánh Lu-ca thuật lại sự kiện Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra lần thứ ba với các tông đồ tại nhà Tiệc Ly. Trước hết, Người củng cố đức tin của các ông đang nhát sợ vì tưởng gặp ma, bằng cách cho họ xem tay chân của Người bằng xương thịt, và Người còn ăn uống trước mặt các ông. Sau đó, Người giúp các ông hiểu những lời Kinh Thánh tiên báo về cuộc khổ nạn và sự Phục Sinh của Đấng Ki-tô đã được ứng nghiệm nơi Người. Cuối cùng Người trao sứ mệnh cho các ông phải đi rao giảng sự ăn năn để được ơn tha tội, và làm chứng nhân của Chúa về những điều mắt thấy tai nghe.

3.CHÚ THÍCH:

- C 35-36:
+ Còn hai ông: Đây là hai trong số bảy mươi hai môn đệ của Đức Giê-su (x. Lc 10,1). Một trong hai ông tên là Cơ-lê-ô-pát (x. Lc 24,18).
+ Nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh: Bẻ bánh là cử chỉ của Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. Mt 14,19 ; 15,36), và trong bữa Tiệc Ly khi lập Bí Tích Thánh Thể (x. Lc 22,19). Nhờ cử chỉ bẻ bánh này mà hai môn đệ đã nhận ra người khách bộ hành chính là Thầy Giê-su đã chết và giờ đây sống lại.
+ “Bình an cho anh em”: Là lời chào thông thường của người Do Thái (Sha-lom!). Nhưng lời này còn bao hàm sự chúc lành của Thiên Chúa. Sau khi sống lại, Đức Giê-su đã thực hiện lời Người hứa là ban bình an cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em” (Ga 14,27).
- C 37-39:
+ Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà !: Chân tay Đức Giê-su có những vết thương do đã bị quân lính đóng đinh vào thập tự (x. Lc 23,33).
+ Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?: Đức Giê-su Phục Sinh đã chứng tỏ Người không phải hồn ma, khi cho các môn đệ xem Người có xương thịt như mọi người.
- C 40-43:
+ Người đưa tay chân ra cho các ông xem: Cũng như trong Tin Mừng Gio-an (x. Ga 20,20), Chúa Phục Sinh đã chứng tỏ Người chính là Đấng bị đóng đinh, đã chịu chết trên thập giá, mà nay sống lại và đang đứng trước mặt các ông.
+ Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng, Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông: Xem ra các vết thương ở tay chân vẫn chưa thuyết phục được các tông đồ tin Đức Giêsu đã thực sự sống lại, nên Người cho họ có thêm một bằng chứng Người không phải hồn ma, khi cầm lấy và ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông.
- C 44-45:
+ Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em: Đức Giê-su tiếp tục cho các môn đệ có thêm bằng chứng về việc Người đã từ cõi chết sống lại, bằng cách nhắc lại lời Kinh Thánh tiên báo đã được ứng nghiệm nơi Người..
+ Sách luật Mô-sê, sách các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh: Ở đây, Lu-ca lại kể ra Sách Thánh gồm các sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh.
* Sách luật Mô-sê: Năm cuốn sách đầu của Thánh Kinh Cựu Ước, được xếp thành bộ Ngũ Thư gồm: Sách Sáng thế, sách Xuất hành, sách Lê-vi, sách Dân số và sách Đệ nhị luật.
* Sách Ngôn Sứ: Ngôn sứ là người được Thiên Chúa gặp gỡ rồi sai đến để thay Chúa nói với dân Người, giúp dân Do Thái nhận ra lỗi lầm của họ, kêu gọi họ ăn năn trở về với Giao Ước. Nhưng sứ mạng quan trọng nhất là tuyên sấm về Đấng Mê-si-a (Thiên Sai) sẽ đến để ban ơn cứu độ. Bộ sách Ngôn sứ gồm 16 cuốn, trong đó có 4 Ngôn sứ lớn như: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và Đa-ni-en, và 12 Ngôn sứ nhỏ. Lớn hay nhỏ được phân biệt do các ngài đã để lại lời sấm ngôn của Chúa nhiều hay ít
* Thánh vịnh: Là bộ sưu tập các bài thánh thi hay bài thơ tôn giáo từ thời Đa-vít đến thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Đây là kho tàng kinh nguyện của Dân Chúa trong Cựu Ước cũng như Tân Ước. Có 150 Thánh vịnh đọc trong Giờ Kinh Phụng Vụ và Đáp Ca trong Thánh lễ.
- C 46-48:
+ Chính anh em là chứng nhân của những điều này: Là chứng nhân, nghĩa là loan báo Tin Mừng về những điều đã xảy ra trong cuộc đời Đức Giê-su, từ khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả, đến cuộc tử nạn, sống lại và lên trời của Người. Đặc biệt các ông còn sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho những điều mình rao giảng là chân thực vì chính các ông đã được tận mắt chứng kiến.

4.CÂU HỎI:

1) Hai ông trong đoạn Tin Mừng này thuộc Nhóm 12 Tông đồ hay Nhóm 72 môn đệ ?
2) Đức Giê-su đã “bẻ bánh” mấy lần trong gần 3 năm giảng đạo? Bẻ Bánh ám chỉ bí tích nào trong 7 phép bí tích do Đức Giê-su thiết lập?
3) Lời chúc bình an của Chúa Phục Sinh có ý nghĩa thế nào?
4) Tại sao các môn đệ lại kinh hồn bạt vía khi nhìn thấy Chúa Phục Sinh hiện ra?
5) Chúa Phục Sinh đã nói và làm gì để các môn đệ khỏi bị sợ ma và tin Người đã từ cõi chết sống lại?
6) Khi nói với các môn đệ các bằng chứng về việc Người từ cõi chết sống lại, Chúa Giê-su đã nêu tên các sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. Vậy ba loại sách này là những sách gì?
7) Lệnh truyền hãy đi truyền giáo gồm hai đặc tính quan trọng nào?

II.SỐNG LỜI CHÚA.

1.LỜI CHÚA:

Chúa phán: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này”(Lc 24,48).

2.CÂU CHUYỆN:

1) ĐI TRONG ÁNH SÁNG SẼ KHÔNG CÒN SỢ HÃI:

Một buổi tối nọ, trong căn nhà ấm cúng của một bác nông dân, ông bố âu yếm đưa mắt nhìn đứa con trai với vẻ hài lòng vì thấy con bắt đầu khôn lớn. Ông nghĩ đã đến lúc cậu con trai phải ra chuồng ngựa một mình vào ban đêm để cho ngựa uống nước. Sau đó ông bảo con hãy cầm đèn đi ra chuồng ngưạ một mình. Cậu con tỏ vẻ do dự thưa với cha:
- Bố ơi, con rất sợ bóng tối. Con sợ phải đi một mình.
Nghe con nói thế, ông liền đứng dậy tay cầm cây đèn và dắt con đi ra hè trước nhà. Ông thắp đèn lên đặt vào tay con và hỏi:
- Với đèn sáng này, con nhìn thấy rõ đến đâu?
Cậu trả lời: con thấy rõ tới nửa đường ra cổng.
Người cha bảo con hãy cầm đèn đi ra tới đó. Khi cậu con tới nơi, ông hỏi với theo: từ chỗ đang đứng đó con nhìn được tới đâu ?
- Con nhìn rõ tới cổng, cậu đáp.
Ông giục cậu đi cổng. Từ cổng cậu đã nhìn thấy chuồng ngựa, cậu nhìn thấy từng con ngựa. Từ hiên nhà, người cha nói vọng ra:
- Con hãy đổ nước vào máng cho ngựa uống rồi trở về nhà.
Cậu con làm theo và từ ngày đó cậu không còn cảm thấy sợ hãi khi phải một mình ra chuồng ngựa mỗi đêm nữa.

Khi thiếu niềm tin, người ta sẽ bị hoài nghi và sợ hãi. Cậu bé trong câu chuyện trên do thiếu tự tin nên sợ ở trong bóng đêm. Khi sợ hãi người ta sẽ cảm thấy bất an và dễ tưởng tượng bị ma quỷ hãm hại. Sợ hãi bóng tối là đặc tính của trẻ em. Can đảm thắng sự sợ hãi bóng tối là dấu hiệu của một con người trưởng thành.

2) EM BÉ NGỦ YÊN TRONG VÒNG TAY CHA:

Một cậu bé 5 tuổi bị thức giấc do tiếng sấm to trong một đêm giông tố. Cậu mở mắt thì thấy cảnh vật tối tăm. Từng đợt gió rít lên tạo thành những âm thanh gầm rú như đang giận dữ như muốn đạp đổ nhà cửa và cây cối. Cậu bé hốt hoảng cầu cứu cha:
- Ba ơi ! Con sợ quá !
- Ba đây ! Cậu nghe thấy có tiếng cha từ xa vọng lại.
- Ba đang ở đâu mà sao con không thấy ba ? Cậu giơ hai tay ra phía trước quờ quạng.
- Ba đây ! Người cha bước lại gần và ngồi xuống bên con. Cậu ôm lấy cha, áp đầu vào ngực cha. Người cha đã đỡ cậu nằm xuống và vỗ về cậu. Cậu bé yên lặng nắm lấy bàn tay của cha và chìm dần vào giấc ngủ an lành. Bên ngoài mưa bão vẫn còn, nhưng cậu không còn cảm thấy sợ khi ở trong vòng tay của Cha.

Trong cuộc sống hằng ngày, Chúa Phục sinh vẫn luôn ở trong và gần bên chúng ta như xưa Người vẫn luôn hiện diện bên các môn đệ. Người hằng mời gọi chúng ta tin cậy phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Người. Dù đời còn nhiều giông tố, nhưng nếu chúng ta vững tin và phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng thì sẽ được bình an.

3) BÀN TAY CHÚA DẪN ĐƯA:

Trước khi hiến thân phụng sự Chúa, thánh An-phong-sô là một luật sư tài ba lỗi lạc. Ngài rất nổi danh vì có tài hùng biện và lý luận sắc bén, nên đã thành công trong nhiều vụ án hiểm hóc. Nhưng một hôm, Chúa đã để cho Am-phong-sô bị thất bại : Trong một vụ án đơn giản, dễ dàng chiến thắng, thế mà ngài lại thua thảm hại. Trước thất bại cay đắng đó, An-phong-sô thấy như bầu trời sụp đổ. Danh tiếng phút chốc tan thành mây khói. Uy tín cũng không còn được như trước. Cả một màn đen u ám phủ xuống cuộc đời của ngài.

Không biết tìm an ủi ở nơi nào khác, An-phong-sô đã chạy đến với Chúa, chìm đắm trong lời kinh cầu nguyện. Nhờ ơn Chúa giúp, ngài đã lấy lại sự bình an cho tâm hồn. Ngài như nghe thấy tiếng Chúa mời đi vào con đường mới để phụng sự Chúa. Từ đó, An-phong-sô đã hiến thân trọn vẹn phục vụ Chúa. Ngài học làm linh mục, rồi lên chức giám mục và thành lập một dòng tu lớn là dòng Chúa Cứu Thế. Sau này, khi nhìn lại quãng đời đã qua, ngài đã hiểu rằng : Chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại và đã dùng những thất bại đau khổ để thanh luyện ngài nên khiêm nhường và tin yêu phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ ngài xuống khỏi danh vọng trần thế để đưa vào trong vinh quang Nước Trời.

4) BÁC TÀI XẾ TẮC-XI LÀM TÔNG ĐỒ:

Một vị linh mục sau chuyến đi du lịch Đài Bắc trở về đã thuật lại một cách thức truyền giáo của một bác tài lái xe tắc-xi như sau:

“Ngày nọ, tôi đón tắc-xi từ khách sạn đi trung tâm thành phố Đài Bắc mua sắm quà lưu niệm. Tôi ngạc nhiên khi thấy trong xe có dán một tờ giấy ghi mấy dòng chữ như sau: “Bạn có thể thấy một vài quyển sách về tôn giáo ở hộc bên hông xe. Trong khi xe đang chạy, bạn có thể đọc sách và nếu thích, bạn có thể mang sách đó theo khi rời khỏi xe mà không phải trả tiền mua sách”. Tôi tò mò tìm hộc sách và thấy một chục cuốn sách mỏng bằng tranh nội dung về cuộc đời Đức Giê-su in trên giấy trắng khá đẹp; một ít sách truyện về các thánh và các danh nhân tôn giáo; một ít cuốn là những câu chuyện về việc sống đức tin giữa đời thường...

Ngoài ra, phía trên tấm kính chiếu hậu trước mặt tài xế cũng có một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhỏ. Tôi mở lời hỏi anh tài xế:
- Này bác tài, xin vui lòng cho tôi biết: Hành khách đi xe có ai quan tâm đến hộc sách đạo của bác không?
- Ồ, có chứ! Có nhiều người đã lấy ra xem, và có người cầm mang về nhà nữa.
Tôi hỏi tiếp:
- Bác có cảm tưởng gì khi thấy người ta đọc sách do bác giới thiệu?

Tôi cảm thấy rất sung sướng anh à! Anh biết không: tôi không có nhiều giờ để đi lễ nhà thờ. Vì tôi phải luôn chạy xe kiếm sống. Do đó, đây là cách làm công tác tông đồ của tôi. Tôi rất mừng vì có thể làm hai việc một lúc: Vừa lái xe lại vừa rao giảng Tin Mừng mà không bị mất thêm thì giờ. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm một công việc thật tuyệt vời!”

Một số hội đoàn Công giáo Tiến hành cũng đã phân phát cho các tài xế xe tắc xi ở Đài Bắc một tấm thẻ bọc lát-tích treo trước mặt tài xế. Trên tấm thẻ ở mặt trước có in hình cây Thánh Giá màu đỏ với dòng chữ: “Chúa đang cùng lái xe với bạn”. Mặt sau là lời cầu của các tài xế như sau: “Lạy Chúa, khi con lái xe, xin giúp con yêu mến tha nhân như chính bản thân con, để con không làm gì gây thiệt hại cho bất cứ ai. Xin cho con giữ đức công bình để không thu tiền cước xe quá giá, sẵn sàng trao trả đồ đạc khách bỏ quên trên xe. Xin cho đôi mắt con được tinh tường, cho tay chân con đuợc khéo léo để lái xe an toàn và tránh gây tai nạn. Xin cho tâm trí con luôn bình an và thần kinh con luôn thoải mái. Xin đừng để con lái xe khi uống rượu say không đủ tỉnh táo. Xin đừng để con nhiễm thói cạnh tranh bất chính với các bạn đồng nghiệp. Và cuối cùng xin Chúa giúp con luôn THƯỢNG LỘ BÌNH AN”.

3.SUY NIỆM:

1) Chúa Phục Sinh mang lại niềm tin yêu giúp vượt qua nỗi sợ hãi:

Tin Mừng hôm nay vừa kể lại: ngay trong buổi tối Phục Sinh, đang lúc các tông đồ họp nhau trong nhà, các cửa nhà Tiệc Ly đều đóng kín. Bất ngờ Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa các ông khiến các ông hoảng hốt, tưởng mình thấy ma. Tuy nhiên, các tông đồ cho rằng mình thấy ma chứ không phải Thầy đã sống lại. Vì vậy, Chúa Phục Sinh đã cho các ông sờ vào thân xác mang thương tích của Người để xác định Người: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. Nói xong, Người giơ tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,39-40). Và để giúp các ông vững tin hơn, Đức Giê-su còn ăn một miếng cá nướng trước mặt các ông. Nhờ gặp Chúa mà các tông đồ đã vững tin và không còn cảm thấy sợ hãi nữa.
Ngày nay chúng ta cũng sẽ vững tin nếu gặp được Chúa trong thánh lễ, trong giờ kinh tối gia đình hay những lúc cầu nguyện riêng tư. Hãy năng dự các buổi Hiệp Sống Tin Mừng hằng tuần để dễ thực hành theo Lời Chúa dạy. Nhờ đó chúng ta sẽ không bị ảo giác hồ đồ, nhưng sẽ nhận biết quyền năng của Chúa qua các biến cố may rủi giữa đời thường.

2) Mầu nhiệm Phục Sinh mang lại niềm hân hoan hy vọng:

Các môn đệ đã bị lung lạc đức tin khi thấy Thầy Giêsu bị bắt bớ, bị giết chết đau thương trên cây thập gía, thì giờ đây khi gặp Chúa Phục Sinh, các ông đã tìm lại được niềm vui hân hoan.

Đức Giê-su thường quở trách các tông đồ về đức tin như sau: "Đừng sợ, hãy tin!"; "Vì sao sợ hãi, hỡi những kẻ yếu tin?"; "Thầy đây, đừng sợ!"; "Dọc đường hai ông nói chuyện gì với nhau mà buồn bã thế?”; “Hỡi những kẻ ngu dốt và chậm tin?"... Nhưng “Các ông đã vui mừng vì xem thấy Chúa”.

Người Kitô hữu sống đạo là người chứa đầy niềm vui và hăng say chiếu giãi niềm vui khi gặp được Chúa. Đức tin của chúng ta cũng chỉ lớn lên và không bị khiếp nhược sợ hãi bóng tối nếu chúng ta vững tin vào sự phục sinh của Chúa như Người đã động viên các tông đồ: "Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian rồi".

3) Chúa Phục Sinh ban Thần Khí giúp chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng:

Trong Tin Mừng những người đã được phúc gặp Chúa Phục sinh, đều mau mắn chu toàn lệnh truyền của Chúa, là loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho tha nhân. Chẳng hạn: Mấy người phụ nữ sau khi gặp Chúa Phục Sinh đã trở về báo tin vui cho các môn đệ rằng: “Chúa đã sống lại”. Hai môn đệ về làng Emmaus, sau khi nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người bẻ bánh, đã lập tức trỗi dậy trở về thủ đô Giêrusalem, loan báo tin vui cho các anh em khác: “Chúa đã sống lại rồi và chúng tôi đã nhận ra Người khi Người bẻ bánh”. Các Tông đồ sau khi đã đón nhận đầy ơn Thánh Thần vào lễ Ngũ Tuần, đã mở tung cửa nhà Tiệc Ly ra đường để rao giảng Tin Mừng cho dân chúng thuộc mọi nước mọi dân ở thủ đô Giê-ru-sa-lem. Các ông còn sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã loan báo Tin Mừng Phục sinh cho tha nhân như thế nào? Chúng ta đã làm gì để trở thành chứng nhân cho tin mừng Phục Sinh?

4) Phải làm chứng cho Chúa thế nào trong xã hội hôm nay ? :

Ngày nay các tín hữu dù không thấy Chúa, nhưng vẫn có thể thi hành sứ mệnh làm chứng cho Người bằng các phương thế như sau:

+ Làm chứng bằng việc thuật lại cho người khác về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giê-su: như bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã làm (Ga 20,18). Việc truyền đạt này mọi tín hữu đều có thể làm, nhưng nguyên việc này khó lòng mang lại hiệu quả để thuyết phục được người nghe tin theo (x. Lc 24,11).
+ Làm chứng bằng cách để Chúa Thánh Thần nói với tha nhân qua chúng ta: Đức Giê-su đã từ cõi chết sống lại và chúng ta nhờ ơn Thánh Thần ban, có bổn phận chia sẻ niềm vui và sự bình an mình cảm nghiệm được cho tha nhân. Cách làm chứng này đã được Nhóm Mười Một Tông đồ áp dụng. Sau khi đón nhận Thánh Thần, ông Phê-rô đã rao giảng và làm chứng về Đức Giê-su như sau: “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại. Về điều này tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe…” (Cv 2,32-33). Nhờ ơn Thánh Thần tác động, cách làm chứng đầy xác tín này của ông Phê-rô đã khiến ba ngàn người xin theo đạo (x. Cv 2,41).
+ Làm chứng bằng lối sống quên mình, vị tha bác ái: noi gương cộng đòan Hội Thánh sơ khai như sách Công vụ thuật lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47). Cách làm chứng này hữu hiệu và rất phù hợp với các cộng đoàn tu sĩ, các hội đoàn Công Giáo tiến hành và các cộng đoàn giáo xứ giáo họ.
+ Cuối cùng, làm chứng cho Đức Giê-su bằng việc sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin, noi gương các anh hùng tử đạo: Các ngài đã không hèn nhát chối Chúa để được sống, nhưng đã sẵn sàng chịu chết vì đức tin để trở thành những “Chứng nhân đức tin”. Đây cũng là phương cách truyền giáo hữu hiệu như lời ông Téc-tuy-li-a-nô đã nhận định: “Máu các vị Tử đạo là hạt giống phát sinh các Ki-tô hữu”.

Ngày nay tuy chúng ta không bị giết hại vì đức tin như các anh hùng Tử Đạo Việt Nam, nhưng chúng ta cũng có thể trở nên chứng nhân đức tin khi can đảm sống vị tha bác ái giữa một xã hội gian ác như lời Chúa phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà ngợi khen Cha của anh em Đấng ngự trên trời”.

4.THẢO LUẬN:

Hôm nay bạn sẽ áp dụng phương cách truyền giảng Tin Mừng cụ thể nào để giúp các bạn học cùng trường, các người hàng xóm, bạn đồng nghiệp được tin vào Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Chúa với chúng ta.

5.NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH.
Giữa một thế giới chỉ biết tìm kiếm hưởng thụ tiện nghi vật chất và thỏa mãn các đam mê khoái lạc. Xin cho chúng con biết chấp nhận lối sống đơn sơ khó nghèo như lời Chúa dạy: “Chồn cáo có hang, chim trời có tổ. Con người không có hòn đá gối đầu”.
Giữa một thế giới khinh thường và chà đạp nhân phẩm những người nghèo khó bất hạnh. Xin cho chúng con biết quý trọng mọi người và sẵn sàng phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người đau khổ bệnh tật và bị bỏ rơi.
Giữa một thế giới sống không lý thưởng, không có niềm hy vọng vào tương lai. Xin cho chúng con biết vững tin vào quyền năng và tình thương của Chúa và tích cực góp phần xây dựng một “Trời Mới Đất Mới” công bình nhân ái và hạnh phúc ngay từ ngày hôm nay.

- LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã củng cố đức tin của các tông đồ bằng việc cho xem tay chân đã từng bị đóng đinh trên cây thập giá và còn ăn uống trước mặt các ông. Rồi khi các ông đã tin, Chúa lại trao sứ mệnh làm tông đồ cho các ông. Xin giúp chúng con hôm nay biết ăn năn sám hối tội lỗi và quảng đại chia sẻ cơm áo tiền bạc cho những người nghèo đói, thăm viếng an ủi những người đau liệt, tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con... để chúng con trở nên những tông đồ giáo dân nhiệt thành làm chứng cho Chúa ngay trong môi trường sống và làm việc của chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngoại trưởng Algeria nói chính phủ của ông hoàn toàn đồng thuận với án tuyên Chân Phước cho 7 đan sĩ dòng Trap.
Đặng Tự Do
17:39 12/04/2018
Trong một cuộc phỏng vấn với FRANCE 24, Bộ trưởng Ngoại giao Algeria là ông Abdelkader Messahel nói rằng chính phủ của ông và nói chung là người Algeria hoàn toàn đồng thuận với Tòa Thánh trong việc phong chân phước cho bảy đan sĩ người Pháp bị giết tại Algeria trong cuộc nội chiến hồi thập niên 1990.

Tháng 12, 1991 Mặt trận Cứu nguy Hồi Giáo thắng lớn trong vòng thứ nhất trong hai vòng của cuộc tuyển cử Quốc Hội. Trước nguy cơ thành lập một chính phủ Hồi Giáo quá khích, chính quyền Algeria can thiệp vào ngày 11 tháng Giêng 1992 và hủy bỏ kết quả bầu cử.

Nội chiến giữa chính quyền Algeria và các nhóm Hồi Giáo Vũ Trang bùng nổ và kéo dài cho đến tháng 10, 1997. Hơn 100,000 thường dân vô tội bị các nhóm Hồi Giáo vũ trang giết hại trong giai đọan này.

Vào ngày 27 tháng Ba năm 1996, 7 đan sĩ dòng Trap bị bắt cóc. Đến ngày 21 tháng Năm thì nhóm Hồi Giáo Vũ Trang Algeria tuyên bố nhận trách nhiệm đã tàn sát các đan sĩ này. Ngày 30 tháng Năm 1996, người ta tìm thấy thủ cấp các vị, nhưng không tìm thấy phần thi thể còn lại. Cái chết của 7 đan sĩ dòng Trap gây ra nhiều tranh cãi. Mặc dù nhóm Hồi Giáo Vũ Trang Algeria đã tuyên bố nhận trách nhiệm giết hại các vị, tướng Pháp François Buchwalter cả quyết là chính quân đội Algeria đã giết các đan sĩ người Pháp này.

Dòng Trap có trụ sở tại Tibhirine, nước Algeria. Đây là một chi nhánh của dòng Xitô, được thành lập vào năm 1938 ở thành phố Medea, cách thủ đô Algiers 90 km về phía Nam.

Ngoài 7 đan sĩ nói trên, còn có một vị Giám Mục khác là Đức Cha Pierre Claverie sinh năm 1938, bị giết năm 1996. Trong công việc mục vụ, ngài luôn để chăm sóc người Hồi Giáo nên người Hồi Giáo Algeria rất thương mến ngài và gọi ngài là Giám Mục của người Hồi Giáo. Ngài qua đời trong một vụ ám sát bằng bom khi cùng người tài xế đi đến tòa Giám Mục. Tang lễ của ngài được nhiều người Hồi Giáo tham dự.

Ngày 27 tháng Giêng vừa qua, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành nghị định cứu xét việc tuyên phong chân phước cho các đan sĩ này và Đức Cha Pierre Claverie.

Vụ tàn sát dã man các đan sĩ dòng Trap đã được giới điện ảnh Pháp làm thành phim có tựa đề “Des Hommes Et Des Dieux”, được trao giải thưởng Grand Prix tại đại hội điện ảnh Cannes, ở Pháp.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã viết lời tựa cho một cuốn sách bằng tiếng Pháp viết về bảy tu sĩ dòng Trap này.

Ngài viết:

“Hai mươi năm sau cái chết của họ, chúng ta được mời gọi là dấu chỉ của sự đơn sơ và lòng thương xót trong thời đại chúng ta, trong việc thực hành hàng ngày việc cho đi chính mình, theo gương Chúa Kitô,” Đức Giáo Hoàng đã viết như trên trong lời nói đầu cuốn sách có tựa đề: Tibhirine: L'heritage; nghĩa là Di sản Tibhirine, vừa được ra mắt công chúng hôm 6 tháng Tư, 2016.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngoài lòng thương xót, “sẽ không có cách nào khác để chống lại cái ác đã dệt thành một mạng nhện trong thế giới của chúng ta.”
Source: France 24 - 'Algiers gives go-ahead for beatification of slain French monks', FM says
 
Đức Thánh Cha chia buồn với quốc gia Algeria trong tai nạn máy bay quá thảm khốc
Đặng Tự Do
17:52 12/04/2018
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp bày tỏ sự gần gũi và lời cầu nguyện của ngài cho những người bị ảnh hưởng bởi một tai nạn máy bay rơi bi thảm nhất trong lịch sử Algeria với ít nhất 257 hành khách thiệt mạng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình liên đới và nói rằng ngài đang cầu nguyện cho các nạn nhân và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tai nạn này xảy ra ngay sau khi chiếc máy bay cất cánh chỉ có vài phút từ sân bay quân sự Boufarik ở phía Tây của thủ đô Algiers vào hôm thứ Tư 11 tháng Tư.

Trong một bức điện tín được Đức Hồng Y Hồng Y Pietro Parolin, gởi đến Đức Tổng Giám Mục Paul Desfarges của thủ đô Algiers, thay mặt cho ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài rất buồn khi biết tin về những thiệt hại nhân mạng và tham gia trong tinh thần với người dân Algeria đang than khóc cho các nạn nhân. Algeria tuyên bố quốc tang trong 3 ngày bắt đầu từ thứ Năm 12 tháng Tư.

Ngài bày tỏ tình liên đới chân thành với tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bi kịch này và cho biết ngài đang cầu nguyện đặc biệt cho linh hồn những người quá cố và ơn chữa lành tinh thần và thể xác cho những người bị ảnh hưởng.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã lên tiếng cầu xin sự trợ giúp của Thánh Linh trên Giáo Hội và đất nước Algeria.
Source: Vatican News - Pope Francis sends condolences for plane crash in Algeria
 
Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Mân côi đầu tháng Năm và tham sự cuộc họp với Con Đường Tân Dự Tòng
Đặng Tự Do
18:07 12/04/2018
Trong thông cáo đưa ra hôm 10 tháng Tư, ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh, cho biết vào lúc 17h ngày 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Santuario del Divino Amore ở Rôma để chủ sự buổi đọc kinh Mân côi khai mạc Tháng Hoa kính Đức Mẹ.

Ngoài ra, vào ngày thứ Năm 5 tháng 5, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ tọa một cuộc họp của Con Đường Tân Dự Tòng ở khu phố Tor Vergata của Rôma nhân dịp kỉ niệm năm mươi thành lập phong trào này ở Rôma.
Source: - Holy See Press Office - Declaration of the Director of the Holy See Press Office, 10.04.2018
 
Fides: Các linh mục tiếp tục bị tấn công ở Cộng hòa Dân chủ Congo
Đặng Tự Do
18:45 12/04/2018
Lại có thêm hai linh mục khác bị tấn công ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Theo tin tức được gửi đến thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, linh mục giáo xứ của nhà thờ kính Thánh Isidoro Bakanja ở quận Seka-Mbote của Boma, là cha Pierre Mavinga và cha phó của ngài, đã bị tấn công vào tối ngày 10 Tháng Tư.

Boma là tỉnh nằm ở phía cực tây của Cộng hòa Dân chủ Congo.

Cha Mavinga cho biết “Khoảng 8 giờ tối hàng chục những người dữ dằn trùm đầu, một số mặc quân phục, đã tràn vào nhà xứ của chúng tôi. Chúng đã bắn chỉ thiên bằng đạn thật để thị uy trước khi lôi chúng tôi ra đánh đập. Chúng lấy đi điện thoại, máy tính và tiền của chúng tôi”.

Cha Mavinga hiện đang nằm trong bệnh viện vì những vết thương trong cuộc tấn công này. Vụ tấn công hai linh mục tại Bomba xảy ra chỉ hai ngày sau vụ giết cha Étienne Sengiyumva, linh mục tại Kitchanga ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo.

Trong thời gian qua Giáo Hội Công Giáo đã bị cả chính phủ lẫn các nhóm vũ trang đe doạ mặc dù Giáo Hội Công Giáo đã đóng vai trò dẫn đầu trong việc tìm ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị đã làm tê liệt Cộng hòa Dân chủ Congo.

Các giám mục đã làm trung gian thương thảo cho một hiệp định vào ngày 31 tháng 12 năm 2016 trong đó chính phủ hứa tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2017. Chính phủ đã nuốt lời, không thực hiện hiệp định này khiến người Công Giáo tổ chức một loạt các cuộc biểu tình phản đối.
Source: Fides: AFRICA/DR CONGO - Two priests attacked. "The Church is intimidated and threatened" Church sources tell Fides
 
Vatican nên thương thảo với Bắc Kinh như thế nào? Quan điểm của cựu đại sứ Canada tại Bắc Kinh
Đặng Tự Do
20:08 12/04/2018
Giáo sư David Mulroney từng là đại sứ Canada tại Bắc Kinh từ năm 2009 đến năm 2012. Ông hiện đang là hiệu phó trường Đại học St Michael's ở Toronto, Canada. Trong một bài đăng trên Catholic Herald hôm thứ Năm 12 tháng Tư, 2018 với tựa đề “This is how the Vatican should deal with China” – “Đây là cách Vatican nên thương thảo với Trung Quốc”, ông viết như sau:

Trung Quốc có một khả năng đáng nể trong việc lừa dối những người trí thức. Cuộc “Đại nhảy vọt” của Mao, một thử nghiệm cuối thập niên 1950 đã được thiết kế để biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghiệp, là một thất bại khổng lồ làm cho hàng triệu người phải chết đói. Nhạy cảm với những lời chỉ trích gia tăng, Trung Quốc đã tổ chức các chuyến tham quan được nghiên cứu cẩn thận cho các nhà lãnh đạo công luận quốc tế với hy vọng họ sẽ tuyên bố điều mà Trung Quốc muốn họ nói ra.

Tổng thống Pháp François Mitterrand và tướng Anh Field Marshal Montgomery đã phát biểu một cách dại dột rằng không hề có nạn đói ở đất nước này. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng không hoàn toàn tránh được cạm bẫy này của Trung Quốc trong một tuyên bố được đưa ra hồi năm 2013 khi ông ca ngợi “nền độc tài chút đỉnh” của Trung Quốc đã mang lại những thành công vang dội cho kinh tế của nước này.

Và các nhà quan sát Trung Quốc lại có cơ hội mỉm cười toe toét trước tuyên bố gần đây của Đức Giám Mục Marcelo Sánchez Sorondo, giám đốc tất cả các viện hàn lâm khoa học của Giáo Hội Công Giáo tại thánh đô Rôma, rằng chúng ta nên nhìn Trung Quốc như một gương mẫu thực hiện xuất sắc các học thuyết xã hội Công Giáo.

Trước những thành tích vi phạm nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc, nạn bán cơ phận tử tù, phá thai cưỡng bức, triệt hạ các thánh giá, san bằng các thánh đường, bắt bớ hàng giáo sĩ, những người Công Giáo trên thế giới bối rối trước một tuyên bố ngu xuẩn như vậy. Sorondo là một quan chức cao cấp tại Vatican, hiện đang đàm phán với chính phủ Trung Quốc về một hiệp ước mới, trong đó bên cạnh những điều khác, sẽ có việc loại bỏ những trở ngại trong việc bổ nhiệm các giám mục, với hy vọng mang lại cho Giáo hội một sự thừa nhận nào đó đã được mong đợi rất lâu từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cho đến nay, đảng đã lúc nóng lúc lạnh chuyển đổi liên tục giữa thái độ thù hằn hoàn toàn với Giáo Hội, như đã từng xảy ra từ thời Mao cho đến những năm 1980, và cả trong thời gian gần đây; và một sự khoan dung giới hạn khiến cho một số cộng đồng Công Giáo có thể phát triển ở một số nơi trong khi các linh mục và giám mục ở các nơi khác bị bỏ tù, các nhà thờ và thánh giá bị phá hủy và triệt hạ.

Trong một số khía cạnh, các nhà ngoại giao Vatican đang tham gia vào các loại đàm phán với các quan chức Trung Quốc, là những kẻ rất quyết liệt với các đối tác của họ trong các vấn đề về chủ quyền quốc gia, cần phải giữ trong trí một vài quy tắc cơ bản.

Thứ nhất, chúng ta cần xem Trung Quốc như nó là, chứ không phải như chúng ta muốn nó là. Bất chấp tất cả các tiến bộ không thể phủ nhận của nó, Trung Quốc vẫn còn dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, với mục tiêu chính là nắm vững quyền lực, bằng mọi giá. Đảng cảnh giác với bất kỳ tổ chức hoặc hệ thống tín ngưỡng nào khác có khả năng thúc đẩy hoặc truyền cảm hứng tự do cho các công dân Trung Quốc. Tôn giáo, do đó, được xem là một mối đe dọa, đặc biệt là Hồi giáo, Phật giáo Tây Tạng và Công Giáo, là những niềm tin vượt biên giới các quốc gia. Đó là lý do tại sao đảng đã thường xuyên khăng khăng khẳng định rằng tôn giáo ở Trung Quốc cần phải được “Trung hoa hóa”, nghĩa là làm sao để giới hạn trong phạm vi Trung Quốc nhiều hơn và có thể kiểm soát được.

Chuyến đi từ sân bay đến khu thương mại rực rỡ của Bắc Kinh nói lên sự tiến bộ to lớn mà Trung Quốc đã đạt được, là một ấn tượng rõ ràng không kém phần quan trọng đối với các nhà đàm phán Vatican, là những người đang được các quan chức khéo léo Trung Quốc tán tỉnh với những lời ngọt ngào nhất. Nhưng thực tế thì lộn xộn và phức tạp hơn nhiều. Các quyền tự do cơ bản, bao gồm cả tự do tín ngưỡng, vẫn bị đe doạ, và đó là những điều càng khó có khả năng thay đổi hơn bao giờ khi chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực của mình.

Thứ hai, chúng ta cần phải gắn bó với các nguyên tắc của chính mình và biết lúc nào thì nên đứng dậy bước ra khỏi bàn đàm phán. Các nhà thương thuyết Trung Quốc là các chuyên gia trong việc giữ cho một thỏa thuận sắp đạt được cứ tiếp tục chơi vơi ngoài tầm với, để dẫn đến những nhượng bộ nhiều hơn nữa từ phía bên kia. Một khi cây bài đã được đặt xuống, nó không thể bị cướp lại. Nhưng nó sẽ được phân tích cẩn thận. Sự sẵn lòng của Vatican từ bỏ quan điểm trước đây của mình và chấp nhận bảy giám mục do chính phủ chỉ định, thậm chí còn phải trả giá cao hơn nữa là buộc hai giám mục trung thành của mình phải đứng qua một bên, đặc biệt khích lệ giới lãnh đạo Trung Quốc.

Thứ ba, và cuối cùng, cần nhớ rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc không bao giờ kết thúc. Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với Trung Quốc cũng chỉ được tôn trọng cho tới một lúc nào đó, khi mà Trung Quốc tuyên bố rằng các “điều kiện thực tế đã thay đổi”. Điều thực sự có ý nghĩa là các thỏa thuận sẽ chỉ được tôn trọng chừng nào mà người Trung Quốc cảm thấy rằng các thỏa thuận này phục vụ lợi ích của họ. Nếu có vẻ như bên nước ngoài đang đạt được quá nhiều, thoả thuận sẽ được yêu cầu mở lại hoặc bị bác bỏ.

Có thể có những điểm tương đồng trong cuộc đàm phán giữa Trung Quốc với Vatican; và giữa Trung Quốc và các quốc gia khác. Tuy nhiên, chắc chắn có một sự khác biệt quan trọng. Bất kỳ cuộc trao đổi công khai nào giữa Giáo hội và Trung Quốc phải là một cơ hội cho việc phúc âm hóa. Đối tượng quan trọng nhất của Vatican không phải là bộ chính trị hay đảng cộng sản Trung Quốc, mà là người Trung Quốc. Năm 1956, Đức Hồng Y Ignatius Kung, Giám Mục của Thượng Hải, đã bị diễu hành thị chúng trước các khán giả trong sân vận động đua chó của thành phố này. Ngài đã bị giam cầm trong một cuộc đàn áp của nhà cầm quyền đối với Giáo hội, và nếu ngài công khai đầu hàng những người cộng sản tại sân vận động đua chó này, ngài có thể được đối xử tốt hơn. Nhưng khi micro đã được đặt trước mặt mình, Đức Hồng Y Kung đơn giản nói: “Vạn tuế Chúa Kitô. Vạn tuế Đức Giáo Hoàng.” Với mấy lời tung hô vạn tuế ấy, ngài phải ở trong tù cho đến năm 1985, sáu năm sau khi được Đức Gioan Phaolô II phong Hồng Y “in pectore”. Những năm tháng tù đầy của ngài là xứng đáng vì chứng tá dũng cảm và trung tín của ngài đã truyền cảm hứng cho người Công Giáo Trung Quốc qua nhiều thập kỷ bị khủng bố.
Source: Catholic Herald - This is how the Vatican should deal with China
 
Nguyên Văn Lá Thư của Đức Phanxicô xin lỗi về tai tiếng lạm dụng tình dục ở Chile
Vũ Văn An
20:43 12/04/2018
Việc phải đến đã đến: Đức Phanxicô chính thức và rất khiêm nhường lên tiếng xin lỗi về việc xử lý tai tiếng lạm dụng tình dục ở Chile. Ký Giả Gerard O’Connell của tờ America cho rằng đây là “bóng dáng của việc khởi đầu một cơn động đất trong Giáo Hội Chile”.

Thực vậy, trong lá thư dài 3 trang, Đức Phanxicô nhìn nhận ngài đã mắc “nhiều lầm lỗi nghiêm trọng” trong việc xử lý vụ tai tiếng này và xin sự tha thứ. Sau đó, ngài đã đưa ra hai biện pháp quan trọng: ngài sẽ triệu tập một cuộc họp toàn thể các giám mục Chile tại Rôma và sẽ mời 3 người tố cáo Đức Cha Barros tới gặp ngài trong 1 dịp khác.



Đức Phanxicô không ngần ngại cho biết lầm lỗi của ngài trầm trọng như thế nào. Lời ngài, “Tôi đã sa vào các lầm lỗi nghiêm trọng khi lượng giá và nhận thứctình thế, đặc biệt vì thiếu thông tin trung thực và quân bình”.

Thông tin ấy chắc chắn là trách nhiệm của các phụ tá. Nhưng ngài nhận lấy trách nhiệm xin lỗi: “tôi xin sự tha thứ của tất cả những ai tôi đã xúc phạm”.

Nên biết rằng Đức Phanxicô có động thái trên sau khi đọc phúc trình 2,300 trang của Đức Tổng Giám Mục Scicluna tổng kết cuộc điều tra của ngài với 64 chứng nhân tại Hoa Kỳ và Chile từ 17 tháng Hai, tới 1 tháng Ba, 2018.

Trong bức thư của ngài, được công bố cho báo chí tại Chile và tại Rôma, Đức Phanxicô cám ơn các nạn nhân và nhiều người khác đã “trung thực, can đảm và có cảm thức giáo hội” trong việc xuất hiện và tỏ hết tâm can với Đức Tổng Giám Mục Scicluna. Ngài cũng cám ơn các đặc phái viên của ngài và các phương tiện truyền thông đã hành động “một cách chuyên nghiệp trong việc xử lý trường hợp hết sức tế nhị này, tôn trọng quyền các công dân được biết tin tức và danh thơm tiếng tốt của những người ra làm chứng”.

Nguyên văn lá thư của Đức Phanxicô

Ngoài những nét tích cực trên đây, toàn bộ bức thư còn toát lên niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Phục Sinh, cho thấy đây không hẳn là một hạ nhục mà là một dịp may để thanh tẩy và trỗi dậy. Mời bạn đọc xem nguyên văn lá thư, dựa theo bản dịch tiếng Anh của CNA/EWNT News:

Các hiền huynh trong hàng giám mục thân mến: việc tiếp nhận vào tuần trước, ngày 20 tháng Ba, 2018, các văn kiện cuối cùng hoàn tất bản phúc trình đệ trình cho tôi bởi hai đặc phái viên do tôi phái tới Chile, với tổng cộng hơn 2,300 trang, đã thúc giục tôi viết lá thư này. Tôi bảo đảm với các hiền huynh lời cầu nguyện của tôi và tôi muốn chia sẻ với các hiền huynh niềm xác tín này: các khó khăn hiện nay cũng là dịp để tái lập lòng tin trong Giáo Hội, một lòng tin bị sứt mẻ vì các sai lầm và tội lỗi của ta, và để hàn gắn các thương tích vẫn chưa ngừng rướm máu trong toàn bộ xã hội Chile.

Không có đức tin và việc cầu nguyện, tình huynh đệ không thể nào có được. Do đó, nhân Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh này, nhân ngày thương xót, tôi hiến tặng các hiền huynh suy niệm này với lòng mong ước mỗi hiền huynh cùng đồng hành với tôi trên hành trình nội tâm mà tôi vốn đã khởi hành trong mấy tuần lễ vừa qua, để chính Chúa Thánh Thần, chứ không phải các quan tâm của ta, hay, tệ hơn nữa, lòng hãnh diện bị thương tích của ta, sẽ hướng dẫn ta bằng các hồng ân của Người.

Đôi khi, lúc có quá nhiều sự ác làm linh hồn kinh hãi và xô đẩy ta vào thế giới như kẻ bơ phờ, bị trói kín trong “những lâu đài mùa đông” ấm cúng, tình yêu Thiên Chúa xuất hiện để gặp gỡ ta và thanh tẩy các ý hướng của ta ngõ hầu ta yêu thương như những con người tự do, trưởng thành, và sáng suốt. Khi các phương tiện truyền thông nhục mạ ta, trình bầy một Giáo Hội gần như lúc nào cũng ở trong bóng tối của những ngày đầu con trăng, thiếu hẳn Mặt Trời công lý, chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ chiến thắng Vượt Qua của Đấng Trỗi Dậy. Tôi tin rằng như Thánh Tôma Tông Đồ, ta đừng sợ phải nghi ngờ nhưng đúng hơn sợ sự cao ngạo muốn được thấy mà không cần tin vào chứng từ của những người đã được nghe lời hứa hẹn đẹp đẽ nhất từ môi miệng của Chúa.

Hôm nay, tôi muốn nói với các hiền huynh không phải các bảo đảm, mà đúng hơn, là một điều mà Chúa tặng ta để ta cảm nghiệm mỗi ngày: niềm vui, sự bình an được tha hết tội lỗi và hoạt động của ơn thánh Người.

Về phương diện ấy, tôi muốn nói lên lòng biết ơn của tôi với Đức Cha Charles Scicluna, Tổng Giám Mục Malta và Cha Jordi Bertomeu Farnós, viên chức của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, về công việc phi thường lắng nghe một cách ân cần và đầy tương cảm 64 chứng từ mà các ngài thu thập mới đây cả ở New York lẫn ở Santiago, Chile. Tôi gửi các ngài đi để lắng nghe bằng cõi lòng và sự khiêm tốn. Sau đó, khi các ngài đệ trình lên tôi bản phúc trình và, cách riêng, việc lượng định của nó về pháp lý và mục vụ đối với các tín liệu đã thu thập, các ngài thừa nhận với tôi rằng các ngài cảm thấy bị choáng ngợp trước nỗi đau của rất nhiều nạn nhân các vụ lạm dụng lương tâm và quyền hành trầm trọng và, cách riêng, các hành vi lạm dụng tình dục bởi những người thánh hiến tại xứ sở các hiền huynh chống các vị thành niên, là những người, lúc đó, không được lưu ý nghiêm túc, thậm chí còn bị cướp mất sự vô tội nữa.

Sự biết ơn thân ái nhất và tận đáy lòng nhất chúng ta phải nói lên trong tư cách các mục tử với những người đã trung thực, can đảm và có cảm thức về Giáo Hội muốn được gặp gỡ các phái viên của tôi và bày tỏ với các ngài các thương tích trong linh hồn họ. Đức Cha Scicluna và Cha Bertomeu cho tôi hay: một số giám mục, linh mục và phó tế, giáo dân nam nữ ở Santiago và Osorno đã tới Giáo Xứ Holy Name ở New York hay văn phòng tại Sotero Sanz, ở Providencia, với một sự chín chắn, tôn trọng và tốt bụng hết sức đáng khâm phục.

Thêm vào đó, những ngày tiếp theo sau sứ vụ đặc biệt ấy còn được mục kích một sự kiện có giá trị khác mà chúng ta nên lưu ý nhiều cho các dịp khác, vì không những bầu khí tín cẩn đạt được trong chuyến viếng thăm này đã được duy trì, mà không lúc nào bị sa vào cơn cám dỗ muốn biến sứ vụ tế nhị này thành màn xiếc truyền thông. Về phương diện này, tôi muốn cám ơn các tổ chức và các phương tiện truyền thông khác nhau về tính chuyên nghiệp của họ trong việc xử lý một vụ tế nhị như thế, biết tôn trọng quyền của các công dân được hưởng thông tin và danh thơm tiếng tốt của những người cung khai.

Giờ đây, sau khi cẩn thận đọc biên bản của “sứ vụ đặc biệt” này, tôi tin tôi có thể quả quyết rằng các chứng từ thu thập được đã nói lên một cách sắc nét, không thêm bớt hay pha chế gia vị, nhiều cuộc đời bị nhục hình như bị đóng đinh và tôi thú nhận với các hiền huynh rằng điều này làm tôi đau đớn và xấu hổ.

Xem xét tất cả những điều ấy, tôi viết thư cho các hiền huynh, đang họp nhau trong Đại Hội lần thứ 115, để khiêm cung xin các hiền huynh hợp tác và trợ giúp trong việc biện phân các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cần được thông qua để tái lập sự hiệp thông giáo hội tại Chile, với mục tiêu sửa chữa bao nhiêu có thể vụ tai tiếng này và tái lập công lý.

Tôi dự định mời các hiền huynh tới Rôma để thảo luận các kết luận và chuyến thăm viếng nói trên và cả các kết luận của tôi nữa. Tôi nghĩ cuộc gặp gỡ này sẽ là một cuộc gặp gỡ huynh đệ, không có thiên kiến hay tiên niệm, mà chỉ có một mục tiêu là làm cho sự thật tỏa sáng trong đời sống ta. Về ngày giờ, tôi ủy thác cho Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục cho tôi các khả thể khác nhau.

Còn về trách nhiệm của tôi, tôi thừa nhận, và tôi muốn các hiền huynh chuyển giao lời thưa nhận này một cách trung thành y hệt, rằng tôi đã mắc những sai lầm nghiêm trọng trong việc lượng định và nhận thức tình thế, đặc biệt vì thiếu thông tin trung thực và quân bình. Ngay lúc này đây, tôi xin sự tha thứ của tất cả những ai tôi đã xúc phạm và tôi hy vọng có thể đích thân làm việc này, trong những tuần lễ sắp tới, trong các cuộc gặp gỡ mà tôi sẽ có với các đại diện của những người được phỏng vấn.

Hãy ở lại trong Thầy: những lời của Chúa này vang dội liên tiếp trong những ngày này. Chúng có ý nói đến các mối liên hệ bản thân, tình hiệp thông, tình huynh đệ lôi cuốn và mời gọi. Hợp nhất với Chúa Kitô như những cành cây với cây nho, tôi mời các hiền huynh tháp nhập vào lời cầu nguyện của các hiền huynh trong những ngày sắp tới lòng hào hiệp sẽ chuẩn bị ta dự cuộc gặp gỡ nói trên và sau đó làm cho những điều chúng ta vừa suy niệm được diễn dịch thành các hành động cụ thể.

Thậm chí điều thích đáng là Giáo Hội tại Chile nên liên tục cầu nguyện. Lúc này hơn bao giờ hết, chúng ta không thể sa trở lại vào cơn cám dỗ nói năng dài dòng hay bám lấy “những điều tổng quát”. Thời buổi này, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Kitô. Hãy nhìn ngắm cuộc đời và các cử chỉ của Người, nhất là lúc Người chỉ cho chúng ta lòng cảm thương và lòng thương xót đối với những người sai lạc. Chúng ta hãy yêu thương trong sự thật, hãy xin được sự khôn ngoan trong lòng và hãy hồi tâm.

Trong khi chờ tin của các hiền huynh và xin Đức Cha Santiago Silva Retamales, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Chile, cho đăng thư này càng nhanh càng tốt, tôi ban phép lành của tôi và xin các hiền huynh vui lòng tiếp tục cầu nguyện cho tôi.
 
ĐHY Parolin kêu gọi Giáo hội Châu Đại Dương hãy chống lại chủ nghĩa cá nhân đang gây hại cho con người và môi trường
Thanh Quảng sdb
20:57 12/04/2018
ĐHY Parolin kêu gọi Giáo hội Châu Đại Dương hãy chống lại chủ nghĩa cá nhân đang gây hại cho con người và môi trường

ĐHY Bí thư Tòa thánh Vatican đã đến PNG để tham dự cuộc họp Liên Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại dương, với chuyên đề "Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta".
ĐHY Pietro Parolin đã nêu lên những thách đố cho các Giáo Hội tại Châu Đại Dương nhằm xác định và thúc đẩy những thay đổi thực sự lối sống đang làm băng hoại cho con người và môi trường trong một vùng rộng lớn của Châu Đại Dương mênh mông này.
Đức Hồng Y Parolin đã chia sẻ những tâm tư này trên vào ngày 11/4 tại Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea (PNG), nơi đang diễn ra đại hội của Liên Hội đồng Giám mục Công Giáo vùng Châu Đại Dương (FCBCO).
Có khoảng 75 đại diện của 4 Hội đồng Giám mục Úc, Tân Tây Lan, Quần đảo Thái Bình Dương gồm Papua New Guinea và quần đảo Solomon đang tụ họp tại Port Moresby từ ngày 11-18/4 với chủ đề "Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta tại Châu Đại Dương: Một vùng biển bao la đầy tiềm năng".

Laudato Si
Trong bài phát biểu quan trọng trong buổi khai mạc đại hội FCBCO hôm thứ Tư vừa qua, Đức Hồng Y Parolin đã chia sẻ những suy tư của mình trước Tông huấn "Laudato Si", một thông điệp thứ hai của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đề cập đến các nghĩa vụ của "con người" với nhau và với các môi trường sống.
Ngài lưu ý rằng "những tư tưởng trong Tông huấn có ảnh hưởng lớn lao trên cách sống của chúng ta đối với các vấn đề sinh thái và môi trường." Ngài nêu ra rằng những ý tưởng tinh thần này dẫn chúng ta đến các chuyên đề tìm hiểu những hậu quả của việc hủy hoại mà Đức Thánh Cha đã đề cập tới trong" Laudato Si", đó là “chủ nghĩa duy cá nhân". Chủ thuyết này đã có từ thời phục hưng như ĐTC giải thích, và nó đang hướng dẫn chúng ta đi vào các phương tiện khác nhau của một nếp sống duy cá nhân độc lập!

Cuộc Chào đón nồng nhiệt
Mặc dù trời mưa to gió lớn nhưng hơn 300 người gồm tín hữu của các tôn giáo và giáo dân với các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, đã chào đón Đức Hồng Y một cách long trọng, mang đầy màu sắc tại Sân bay Quốc tế Jackson ở Port Moresby. Một món quà tặng theo nghi thức của thổ dân là dâng lá và quả Trầu với con gà sống đã được dâng cho ĐHY do các vũ công người Papuan.
Đức Hồng Y Parolin phát biểu: "Tôi đến với anh chị em trong tư cách là Đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô và tôi xác tín rằng sự đón tiếp nồng hậu của anh chị em biểu hiện những tình cảm của anh chị em dành cho ĐTC". Đức Hồng Y Parolin bày tỏ sự gần gũi của Ngài và tâm tình cầu nguyện của Ngài dành cho đất nước này. Chúng ta hy vọng trong những ngày này, chúng ta có thể chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa cho nhau.
Đức Hồng Y Parolin nói Ngài ước muốn đến PNG vì mối quan tâm ngày càng tăng trước một thế giới đang bành trướng vũ khí hạt nhân! Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và cải thiện cuộc sống của mọi người trên khắp toàn cầu.

Các vấn đề của Châu Đại Dương
Linh mục Victor Roche, Thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Papua New Guinea đã giải thích với cơ quan Fides rằng những thành phần tham dự Đại hội FCBCO sẽ nghiên cứu những thách đố về môi trường và xã hội mà họ đang phải đối diện và cố tìm ra những giải pháp cụ thể cho những nhu cầu của toàn khu vực và cộng đồng mà họ đại diện.
Các giám mục của các quốc gia xa xôi này có cùng một mối quan tâm đến các vấn đề môi trường như chăm sóc hệ sinh thái tại Châu đại dương, bảo vệ nhân quyền và môi trường đang bị đe dọa bởi một nền kinh tế bóc lột tại khu vực địa lý rộng lớn này.
Những vấn đề nghiêm trọng tại vùng châu đại dương này không chỉ liên quan đến việc chăm sóc môi trường: các vấn đề di cư và đón nhận những người tị nạn đang thúc đẩy các giám mục Úc và Papua New Guinea tìm kiếm những giải đáp giúp hội nhập và tiếp nhận, tôn trọng nhân phẩm của tất cả mọi người.
Đại Hội của các liên Hội Đồng Giám Mục tại Đại Dương Châu này được tổ chức bốn năm một lần.
 
Hàng trăm học sinh, sinh viên tham gia bước ra khỏi trường vì sự sống.
Giuse Thẩm Nguyễn
21:30 12/04/2018
(EWTN News/CNA) Được khuyến khích bởi các cuộc bước ra khỏi trường của học sinh về kiểm soát vũ khí, hàng trăm học sinh, sinh viên các trường trung học và đại học trên khắp Hoa Kỳ đã tham gia cuộc bước ra khỏi trường vì sự sống vào hôm Thứ Tư vừa qua. Theo nhóm Student For Life of America (SFLA) (tạm dịch là Sinh Viên Phò Sự Sống Hoa Kỳ) có trên 400 học sinh và các tổ chức sinh viên cho SFLA biết là họ sẽ tham dự cuộc bước ra vào ngày 11 tháng Tư mặc dầu thực tế thì số người tham gia cao hơn nhiều bởi sinh viên không cần phải ghi tên để tham gia.

Theo Chủ tịch của SFLA là Kristan Hawkins thì trên phạm vi toàn quốc, các sinh viên và các nhóm đã đứng lên thay cho 321,380 trẻ thơ vô tội đã bị giết hàng năm bởi tổ chức gọi là Kế Hoạch Gia Đình để chống lại sự dã man của phá thai và ủng hộ các bà có thai và các sinh viên làm cha mẹ.

“Những hình ảnh này có giá trị bằng triệu lời nói. Chúng tôi thấy các sinh viên đi bộ, cầu nguyện và hô to những khẩu hiệu phò sự sống để mọi người lưu tâm đến một sự thật là đã có một phần bốn thế hệ chúng ta đã không được sinh ra trên cõi đời chỉ vì sự hợp thức hóa việc phá thai.”

Những người tham dự được khuyến khích mang biểu ngữ Bước Ra Vì Sự Sống để gây sự chú ý của giới truyền thông xã hội. Giống như các cuộc Đi Bộ vì Sự Sống, cuộc bước ra này kéo dài 17 phút, một khoảng thời gian ngắn nhưng đủ để 10 trẻ sơ sinh sẽ bị giết vì phá thai.

Ý tưởng tổ chức một buổi bước ra khỏi trường vì sự sống là của Brandom Gillespie, một học sinh của trường Trung Học Rocklin ở Rocklin, một vùng ngoại ô của hạt Sacramento thuộc tiểu bang California.

Gillespie nói rằng vào tháng Ba, ý nghĩ về môt cuộc bước ra vì sự sống đã đến với anh sau khi cô giáo Julianne Benzel có cuộc tranh luận về những buổi bước ra vì kiểm soát vũ khí quốc gia trong lớp của cô. Sau đó cô Benzel đã hỏi các học sinh của mình liệu học sinh có nên bước ra khỏi trường về những vấn đề khác như phá thai hay một tiêu chuẩn hai mặt không. Sau đó cô giáo bị cho nghỉ tạm có lương vì có một số phàn nàn về những đề tài cô đem ra thảo luận trong lớp.

Benzel nói với hãng tin Fox & Friends rằng “Nếu quý vị cho phép học sinh đứng lên và bước ra khỏi lớp mà không bị phạt, thì quý vị cũng sẽ phải cho phép bất cứ nhóm học sinh nào muốn chống đối.”

Sau khi nghe tin Gillespie định tổ chức một buổi bước ra vì sự sống, các học sinh ủng hộ sự sống đã tạo ra một trang nhà để phổ biến ý định này tới khắp các trường trên toàn quốc.

Trang nhà này có danh sách các trường trung học và đại học, công cũng như tư trên khắp nước ghi danh với SFLA để bước ra

Trang nhà khẳng định, “Đây là lúc thế hệ phò sự sống đứng lên vì “thế là quả đủ rồi!” Chúng ta sẽ không còn chịu đựng được nữa việc hợp thức hóa phá thai tại đất nước của chúng ta mà nó đã giết chết trên một phần tư thế hệ của chúng ta.

“Chúng ta sẽ không để cho các nhà lãnh đạo ở Washington tiếp tục tài trợ cho tổ chức phá thai lớn nhất nước là Kế Hoạch Hóa Gia Đình với số tiền thuế của chúng ta lên đến trên $500 triệu. Chúng ta sẽ không còn cho phép tổ chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình và chi nhánh của nó trong công nghệ phá thai nhắm vào thế hệ của chúng ta với lối kinh doanh ăn cướp của họ.

Hawkins nói rằng “Tôi cám ơn Brandon Gillspie của trường Trung Học Rocklin vì đã cổ vũ cho cuộc bước ra mang tính quốc gia này cũng như không để cho nhà trường đe dọa việc anh tham dự bước ra. Một điều vô cùng thú vị mà chúng tôi đã nhìn thấy trong cuộc bước ra này là đã có những bằng chứng thế hệ phò sự sống chiếm đa số, mạnh mẽ và đang phát triển.”

Cũng theo Hawkins, SFLA cho biết là một số học sinh bị ngược đãi khi tham gia bước ra vì sự sống, trong khi cuộc bước ra vì kiểm soát vũ khí thì lại được chấp nhận tại một số trường.

SFLA và nhóm luật sư Phò Sự Sống cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho bất cứ học sinh nào bị phân biệt đối xử vì tham gia bước ra khỏi trường vì sự sống.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
ĐTC Phanxicô tham dự phiên họp tiền Thượng Hội Đồng vùng Amazon.
Thanh Quảng sdb
21:32 12/04/2018
ĐTC Phanxicô tham dự phiên họp tiền Thượng Hội Đồng vùng Amazon.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự một phiên họp khởi động cho việc sửa soạn Thượng hội đồng Giám mục đặc biệt sẽ diễn ra tại vùng Amazon.

18 thành viên của Thượng Hội đồng và 13 chuyên gia về Amazon đã được triệu tập vào sáng ngày 12/4, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự và chủ tọa phiên họp này.

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã định nghĩa Amazon là một khu vườn chứa tài nguyên thiên nhiên khổng lồ và đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên - đất mẹ của các dân tộc bản địa - với lịch sử và những đặc điểm không thể chối cãi của họ. Đất đai đó đang bị đe doạ bởi những tham vọng không đáy và sự thiếu khoan dung muốn thống trị trọn vẹn của nhiều thế lực.

Cha Justine Rezende, thuộc bộ tộc Tuiuca, là người duy nhất ở Amazon được tham dự Thượng Hội Đồng này.

Trong phần giới thiệu và phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các thành viên trong buổi họp tiền Thượng Hội Đồng này, ĐTC bày tỏ niềm vui của mình khi tham gia vì trước khi trở thành Giáo hoàng, Ngài là người đã từng quan tâm tới Amazon cùng với nhiều nhân vật trong Giáo hội đang có mặt trong sự kiện quan trọng này.

Còn cha Justine Rezende thì nói: "Con xin cảm tạ Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Baldisser, các giám mục, linh mục, và mọi thành viên của Thương Hội đồng, con thay mặt cho mọi người ở Amazon, đặc biệt là nhân danh các dân tộc bản địa, vì con là người bản địa duy nhất hiện diện trong Thượng Hội Đồng này xác tín rằng Giáo Hội khắp nơi đang qui hướng về chúng ta bằng trái tim và tâm tình hiệp thông, cầu nguyện cho chúng ta và mọi người sinh sống tại Amazon. Chúng ta mơ ước và hy vọng sẽ rút ra được những đóng góp quan trọng cho toàn vùng và cho toàn Giáo Hội hoàn vũ, mọi người được Phúc Âm hóa, được loan báo Tin Mừng hôm nay, và góp phần làm phong phú Giáo Hội tương lai."
 
Các nhận định về Tông Huấn Gaudete et Exultate của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
03:05 12/04/2018
Inés San Martín của Tạp Chí Crux, trước ngày công bố Tông Huấn Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng, cho rằng không ai nghĩ tông huấn này sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi như Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, trong đó, Đức Phanxicô thận trọng đưa ra khả thể rước lễ cho những người ly dị tái hôn dân sự. Nhưng cô thêm rằng “dĩ nhiên, Đức Phanxicô là vị giáo hoàng của những bất ngờ” nên không ai biết chắc phản ứng đối với nó sẽ ra sao".



Opus Dei: Tông huấn ngỏ lời với mọi người

Christopher Wells gọi Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng là bản chỉ dẫn vào Kitô Giáo của thế kỷ 21. Jack Valero, Giám Đốc Truyền Thông của Opus Dei ở Anh, có giọng khiêm tốn hơn, cho rằng Tông Huấn nhấn mạnh tới ơn gọi nên thánh trong đời sống hàng ngày và đặc biệt nhắc đến chứng tá giáo dân. Đây cũng là sứ điệp được cổ vũ và đem ra sống bởi các thành viên của Phủ Doãn Tông Tòa Opus Dei.

Valero nói rằng: “Đây là một văn kiện tuyệt vời ngỏ với mọi người, tuyệt đối là với mọi người, và bảo họ rằng bạn không cần phải là một con người đặc biệt, hay một linh mục, hoặc một nữ tu, hay một giáo hoàng mới cố gắng nên thánh. Mọi người nên cố gắng nên thánh và việc này dễ thôi: bạn chỉ cần muốn và để Chúa thực hiện nó trong bạn, ơn thánh Chúa luôn có đó cho mọi người".

“Chính trong những việc bình thường hàng ngày của đời sống bạn sẽ tìm thấy sự nên thánh ấy...”.

Theo Valero, Đức Phanxicô phác thảo các phương cách truyền thống để nên thánh: cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái, với việc nhấn mạnh tới phương cách thứ ba: “nhìn những người chung quanh ta và thấy họ đại diện Chúa Kitô đối với ta”.

Valero cũng cho rằng, ngoài các việc thương xót những người túng thiếu, nên thánh hệ ở việc “đi làm, làm việc của mình đàng hoàng, và liên hệ với các bạn đồng nghiệp tại nơi làm việc”. Thành thử “Mọi hành động liên quan tới đời sống hàng ngày, tới người khác, đều là thành phần của cố gắng nên thánh”.

Trận chiến không ngừng

Deborah Castellano Lubov của Zenit thì chú trọng tới khía cạnh “chiến đấu không ngừng” của việc nên thánh, không phải là chuyện cơm bữa.

Ký giả này dù có nhắc đến quan điểm “các thánh nhà bên cạnh” của Đức Phanxicô, chứ không phải các thánh xa xôi diệu vợi, nhưng khi nhắc đến “biện phân”, một việc có lẽ chỉ “dễ” với mấy môn đệ của Thánh Inhaxiô thành Loyola, chứ không dễ với bàn dân thiên hạ, nên đã coi “đời sống Kitô hữu là một trận chiến”. Nếu không nghĩ như thế, thì Tông Huấn cảnh cáo rằng, chúng ta “sẽ trở thành mồi ngon của thất bại và tầm thường”. Có điều, theo ký giả này, Tông Huấn bảo đảm Chúa ban cho ta “những vũ khí rất mạnh” như cầu nguyện, suy niệm, Thánh Lễ, Xưng Tội, Chầu Thánh Thể, các hành vi bác ái và nối vòng tay lớn cộng đồng.

Chống việc quá nhấn mạnh tới tín lý và luật lệ

Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register thì bảo Tông Huấn này “dài dòng” (lengthy). Dĩ nhiên, vì nó gồm tới 22,000 chữ, “nói về nhiều thể tài mà Đức Thánh Cha từng nhắc đi nhắc lại trong 5 năm qua”, trong đó, có việc “nhấn mạnh quá đáng tới tín lý”.

Theo Pentin, khi nhắc đến hai lạc giáo Ngộ Đạo và Pêlagiô, từng được Văn Kiện Placuit Deo của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành hồi tháng Hai năm nay, Đức Phanxicô có nới rộng định nghĩa về chúng. Ngài bảo ngộ đạo ngày nay “phán đoán người khác dựa vào khả năng hiểu sự phức tạp của một số tín lý nào đó”. Họ cũng “thu gọn giáo huấn của Chúa Giêsu vào một thứ luận lý lạnh lùng và khắc nghiệt chỉ tìm cách thống trị mọi sự”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm: “khi một ai đó có câu trả lời cho mọi câu hỏi, thì đó là dấu hiệu họ đang không ở trên con đường đúng. Rất có thể họ là tiên tri giả, chuyên dùng tôn giáo cho các mục đích riêng của họ, để cổ vũ các lý thuyết tâm lý học hay tri thức của riêng họ”. Ngài cũng cảnh cáo chống lại việc tin rằng biết tín lý giúp người ta trở thành “hoàn hảo và tốt hơn ‘đám quần chúng dốt nát’”.

Còn bọn tân Pêlagiô ngày nay thì bị Đức Phanxicô cho là “ám ảnh với lề luật, chi li quan tâm tới phụng vụ, tín lý và tiếng tăm của Giáo Hội, dành tầm quan trọng quá đáng cho một số qui luật” hơn là muốn lan truyền “vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng và tìm kiếm người lạc lối”.

Ngài khẩn thiết “Xin Chúa giải thoát Giáo Hội khỏi các hình thức tân ngộ đạo và Pêlagiô này đang đè bẹp Giáo Hội và ngăn chặn Giáo Hội tiến bước trên đường thánh thiện!”

Mạnh mẽ và thẳng thắn

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục/Hoa Kỳ, ngày 9 tháng Tư, lên tiếng ca ngợi Tông Huấn Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng của Đức Phanxicô vì “những lời lẽ mạnh mẽ, thẳng thắn” và “rất rõ ràng” trong cương vị “Đấng Đại Diện của Chúa Kitô”.

Đức Hồng Y cho rằng câu “Đừng sợ nên thánh” ở số 30 đã đập thẳng vào mắt ngài trước nhất. Vì ai cũng sợ phải cố gắng nên thánh, sợ bị chê cười, chế giễu, thậm chí ghét bỏ. Nhưng đây là điều Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta thực hành (1Tx 4:3) (số 19).

Trong số những việc cần làm để nên thánh, Đức Hồng Y lưu ý đặc biệt tới “sự lịch thiệp (civility) trong mọi tương tác của chúng ta, nhất là trong các phương tiện truyền thông”. Và ngài nhấn mạnh: “ngay trong các bất đồng gay gắt với nhau, ta phải luôn nhớ rằng Thiên Chúa mới là người phán kết, không phải con người” (Gcb 4:12).

Biện phân

Các tác giả Dòng Tên, Dòng của Đức Phanxicô, thì làm nổi bật các nét “Dòng Tên” trong văn kiện mới nhất của Đức Phanxicô. Và không nét Dòng Tên nào nổi bật trong triều giáo Hoàng Phanxicô hơn việc biện phân.

Thực vậy, linh mục Bill McCormick, SJ, khi viết bài tóm lược Tông Huấn trên tờ Jesuit Post, đã nhấn mạnh tới điểm này. Theo ngài, “Món mang về nhà ăn (take-away) hào nhoáng nhất lấy từ văn kiện này là sự biện phân, và sự biện phân có nghĩa gì đối với tính công đồng, thẩm quyền giáo hoàng và các áp dụng mục vụ của giáo huấn Giáo Hội”.

Linh Mục cho rằng nhờ biện phân, ta có có thể giải quyết sự căng thẳng giữa “sự nên thánh của giai cấp trung lưu” và sự tầm thường. Đây là một sự căng thẳng quan trọng đối với Đức Phanxicô, người vốn khuyên ta vì Chúa hãy từ bỏ mọi sự... thế nhưng lại lo ngại là chúng ta sẽ không nhận ra và trân qúi tính thánh thiện nơi những điều bình thường”.

Theo Linh Mục, “một đàng, Đức GH Phanxicô muốn chúng ta nhìn thấy sự nên thánh của những người xung quanh ta, của những người và ở những nơi ta thấy mình hiện diện. Nhưng đàng khác, Đức Phanxicô lại hỏi chúng ta sự nên thánh này làm sao mà biết được, yêu mến được, và thực hành được để đưa chúng ta lại gần Thiên Chúa hơn. Nói cách khác, ngài thúc cùi chỏ khiến ta tiến tới magis (điều hơn)”.

Cha McCormick cho rằng “Thích đáng xiết bao khi một Giáo Hoàng Dòng Tên hướng dẫn chúng ta nhìn thấy sự nối kết thân mật giữa ơn gọi nên thánh phổ quát và magis (điều hơn) của Thánh Inhaxiô thành Loyola”. Ai cũng biết khẩu hiệu của Dòng Tên là: Ad Majorem Dei Gloriam, Để Chúa Được Vinh Hiển Hơn). Cái hơn ấy chính là sự nên thánh.

Trả lời những người phê phán Niềm Vui Yêu Thương

Nữ ký giả Inés San Martín của Crux chú trọng tới một điểm khác trong Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng. Cô viết: dù trong tông huấn mới, Đức Phanxicô bàn tới nhiều thể tài vẫn thường có trong tư duy của ngài và trong nền linh đạo Công Giáo, “nhưng trong bối cảnh hiện nay, nó cũng đã cung cấp một nhận định gián tiếp về hai vấn đề nóng bỏng gần đây: Thứ nhất, vị giáo hoàng này thực sự tin gì về hỏa ngục, đời sau, và lãnh vực tâm linh? Thứ hai, ngài trả lời ra sao những người phê bình giống hàng trăm người mới đây tụ họp tại Rôma vào hôm thứ Bẩy để thách thức văn kiện Niềm Vui Yêu Thương năm 2016 của ngài?”

Theo cô, tuy không trực tiếp nói đến hỏa ngục, nhưng Đức Phanxicô quả quyết có ma qủy và ảnh hưởng ma quái của chúng. Về những người chỉ trích Niềm Vui Yêu Thương, Đức Phanxicô có cái nhìn khá ảm đạm. Ngài viết: “Trái với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đời sống của Giáo Hội có thể trở thành một mảnh của bảo tàng viện hay tài sản của một số ít người được chọn. Việc này có thể xẩy ra khi một số nhóm Kitô hữu dành tầm quan trọng quá đáng cho một số qui luật, phong tục hay cung cách hành động. Tin Mừng lúc đó bị rút gọn và thu hẹp, mất hết nét đơn giản, sức quyến rũ và vị ngọt của nó”.

Cổ điển Phanxicô

Christopher Altieri thì cho rằng Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng là văn kiện có tính “cổ điển Phanxicô” vì bàn đến các chủ đề và thể tài vốn được coi là chủ yếu đối với Đức Phanxicô, dù chủ yếu nói đến ơn gọi nên thánh phổ quát.

Tuy nhiên, như người Ý quen nói: la lingua batte dove il dente duole (lưỡi liếm chiếc răng đau) nên người ta đoán trong tông huấn này, Đức Phanxicô có một số “chiếc răng đau”.

Chiếc răng đau đáng lưu ý nhất rất có thể là vấn đề di dân. Trong đoạn 102, ngài viết: “Chúng ta thường nghe nói rằng, vì chủ nghĩa duy tương đối và các thiếu sót của thế giới hiện nay, hoàn cảnh của di dân, chẳng hạn, là vấn đề ít quan trọng. Một số người Công Giáo coi nó là vấn đề hạng hai so với các vấn đề đạo đức sinh học ‘nghiêm trọng’ hơn. Nếu một chính khách đang mong có phiếu bầu mà nói như thế thì ta còn hiểu được, nhưng một Kitô hữu thì không, vì với họ thái độ thích đáng duy nhất là đứng về phía các anh chị em của chúng ta đang liều mạng sống để đem lại một tương lai cho con cái họ”.

Nét nổi bật nữa trong Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng là điều tác giả này gọi là “chiêm niệm trong hành động”. Thực vậy, Đức Phanxicô cho rằng:

“Điều không lành mạnh là yêu sự thinh lặng trong khi trốn chạy việc tương tác với người khác, muốn hòa bình và yên tĩnh trong khi trốn tránh hoạt động, tìm kiếm cầu nguyện trong khi khinh ghét phục vụ. Mọi sự đều có thể chấp nhận và tích hợp vào cuộc sống của ta trên trái đất, và trở thành một phần của đường nên thánh. Ta được kêu gọi trở thành người chiêm niệm giữa lúc hành động và lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách thi hành sứ mệnh riêng của mình một cách có trách nhiệm và quảng đại”.

Mười lăm chữ chủ yếu

Antoine Mekary của ALETEIA thì liệt kê 15 chữ chủ yếu của Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng: Các Mối Phúc (số 63), Đức Maria (số 176), Bách Hại (số 92-93), Hân Hoan (các số 122 và 126), Thinh Lặng (các số 149, 150 và 151), Thánh Thể (số 157), Chứng Từ (số 138), Khiêm Nhường (các số 118,119 và 120), Ma Qủy (các số 158-161), Liên Mạng (số 155), Ý Thức Hệ (các số 100 và 101), Người Nghèo (các số 96 và 97), Di Dân (các số 102 và 103), Mạnh Dạn Truyền Giáo (các số 129, 130 và 131).

Không theo các vị tiền nhiệm

Tạp Chí LifeSiteNews thì cho biết tại sao các vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô không đồng ý với ngài. Vì phá thai là quan trọng nhất trong mọi vấn đề nhân quyền.

Tạp chí trên cho rằng Đức Phanxicô coi phá thai cũng tương đương như các vấn đề luân lý khác như di dân chẳng hạn, ngược với các vị tiền nhiệm coi phá thai là vấn đề trầm trọng nhất. Chính vì thế, ngài chỉ trích những người coi di dân là một vấn đề “hạng hai so với các vấn đề đạo đức sinh học nghiêm trọng hơn”.

Tạp chí trên trích dẫn Đức Gioan Phaolô II coi quyền sống là nhân quyền căn bản nhất, đệ nhất hạng. Do đó, Tạp Chí này cho rằng, trong Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng, Đức Phanxicô đã “huấn quyền hóa một ý thức hệ mà chính ngài đã phát biểu sáu tháng sau ngày lên ngôi giáo hoàng, khi ngài nói với tạp chí America rằng: ‘chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng tính và sử dụng các phương pháp ngừa thai’. Ngài chỉ trích Giáo Hội bị ‘ám ảnh’ với các vấn đề luân lý này trong điều tờ New York Times gọi rất đúng là một nhận định 'gây chấn động khắp Giáo Hội Công Giáo Rôma'”.

Tạp Chí này cho rằng “luận điểm táo bạo của một vị giáo hoàng cho rằng không nên coi các vấn đề đạo đức sinh học như việc sát hại những con người vô tội, rất trẻ quan trọng hơn việc ‘chào đón’ các di dân xem ra chưa từng có”, nhất là vì văn kiện này được công bố nhân dịp Lễ Truyền Tin. Đây cũng là quan điểm của nhóm phò sự sống lớn nhất của Mỹ là nhóm Susan B. Anthony List. Nhóm này cho rằng Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng “làm mờ chiến tuyến và gây nên hàm hồ lẫn lộn”.

Tuy nhiên, theo Christopher Wells của Crux, Greg Schleppenbach, phó giám đốc của Văn Phòng Các Sinh Hoạt Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục/Hoa Kỳ, cho rằng tông huấn này không có gì mới lạ vì Giáo Hội vốn chủ trương phải hăng say bảo vệ như nhau mọi sự sống con người, ở mọi giai đoạn, và trong mọi điều kiện. Nên phải đọc đoạn nói về chống phá thai như lời kêu gọi những người phò sự sống chỉ biết chống phá thai mà loại bỏ mọi vấn đề khác, như nhận định của Charles Camosy, giáo sư đạo đức học tại Đại Học Fordham.

Có điều, Giáo Sư Camosy khuyên các đồng minh công khai của Đức Phanxicô nên lớn tiếng hơn chút nữa trong việc bảo vệ sự sống con người, chứ hiện họ không “rõ ràng, cương quyết, và hăng say” cho lắm trong việc bảo vệ sự sống các trẻ chưa sinh.

Ơn thánh mới là trọng tâm

Austen Ivereigh, người viết tiểu sử của Đức Phanxicô, thì cho rằng những người chỉ trích Đức Phanxicô không hiểu chút gì về ngài. Theo ông, Niềm Vui Yêu Thương chẳng hạn không tập trung vào việc bảo vệ sự thật của hôn nhân ở bình diện văn hóa và luật lệ mà nhằm mở rộng đường vào ơn thánh, giúp người ta sống sự thật này.

Trong Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng, ngài cũng kêu gọi mọi người mở lòng mình ra đón nhận ơn thánh.

Tác giả này cho rằng Đức Phanxico theo đường hướng của Thánh Augustinô coi ơn thánh là hồng phúc bên trong luôn có đó cho chúng ta trong cầu nguyện khiêm nhường khi chúng ta sai phạm, và trong sai phạm này, Thiên Chúa luôn dùng sáng kiến để thay đổi con người.

Cũng theo Thánh Augustinô, các yếu đuối của con người không được ơn thánh chữa lành một lúc là xong, nhưng sự nên thánh của ta lớn mạnh dần với thời gian trong việc chúng ta khiêm nhường tiếp nhận ơn thánh, từng bước, từng bước, giữa những giới hạn của hoàn cảnh và sức lực.

Ngược lại, “không thừa nhận từ tận đáy lòng và một cách cầu nguyện các giới hạn của ta sẽ ngăn cản ơn thánh làm việc hữu hiệu ở trong ta” vì chúng ta tự đóng cửa không cho điều ta nghĩ ta không cần bước vào.

Theo tác giả này, Đức Phanxicô tin rằng việc Giáo Hội nhấn mạnh tới sự thật và giới luật luân lý mà không nhấn mạnh tới tính trung tâm của ơn thánh đã khiến lời mời gọi của Kitô Giáo trở nên gớm guốc, thậm chí đe dọa, và là một lý do tại sao nhiều người đã ngưng lắng nghe Giáo Hội”

Không chỉ để trả lời phe chỉ trích

Phil Lawler, một ký giả Công Giáo bảo thủ, thì cho rằng Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừngkhông phải chỉ để trả lời phe chỉ trích, như truyền thông thế tục vốn nghĩ.

Thực vậy, theo Lawler, Tờ New York Times cho chạy hàng tít: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt việc Quan Tâm Di Dân và Chống Đối Phá Thai Trên Cùng Một Vị Thế Như Nhau”. Hãng Tin Reuters cho rằng theo Đức Phanxicô “Chống Các Bất Công Xã Hội Cũng Quan Trọng Như Chống Phá Thai”; Tờ Wall Street Journal cho chạy hàng tít: “Đức Giáo Hoàng nói Đấu Tranh Chống Nghèo Đói Cũng Nhất Thiết Như Chống Phá Thai”; còn hãng CNN thì nói: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô Nói Rằng Giúp Người Nghèo Và Di Dân Cũng Quan Trọng Như Chống Phá Thai”.

Tờ New York Times cho rằng Đức Phanxicô “đánh trả các nhà phê phán bảo thủ bên trong Giáo Hội”. Tờ Wall Street Journal nhận định: tông huấn là “cố gắng mới nhất của ngài nhằm tái điều chỉnh các ưu tiên của giáo huấn luân lý của Giáo Hội khỏi điều ngài gọi là quá nhấn mạnh tới nền đạo đức tính dục và y học”.

Lawler cho rằng các nhận định trên không hẳn phi lý. Vì Đức Phanxicô quả có những đoạn nhắm vào người Công Giáo bảo thủ. Nhất là lúc ngài đề cập tới các thuyết tân Ngộ Đạo và Tân Pêlagiô.

Tuy nhiên, chủ đích của Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừngkhông phải thế, mà là làm thế nào để nên thánh trong đời sống bình thường hàng ngày.

Chúng ta đang đi về đâu?

Tuy nhiên, người thân tín của Đức Phanxicô dường như nghĩ khác. Vị này cho rằng, Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừnglà câu trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta đang đi về đâu?” (của hội nghị thứ Bẩy qua tại Rôma để chỉ trích Niềm Vui Yêu Thương)

Thực vậy, theo Claire Giangravé của Crux, ít nhất đó là quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, vị đại diện của Đức Phanxicô cai quản Giáo Phận Rôma, và là người trình bầy chính Tông Huấn Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng tại cuộc họp báo 9 tháng Tư, và ngài trả lời: Giáo Hội đang tiến trên đường thánh thiện. Giáo Hội sẽ trống rỗng nếu không giữ vững đường nên thánh của mình.

Nhà báo Valente, một trong ba vị hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo, cho rằng dù không trực tiếp trả lời những người chỉ trích Niềm Vui Yêu Thương, nhưng Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừngnối tiếp đường hướng của Niềm Vui Yêu Thương. Vì nó trình bầy “nhu cầu ơn thánh trên căn bản từng giờ từng phút một” của những con người trên thực tế của đời thường. Quan điểm này, trong yếu tính, “kết hợp hai văn kiện”.

Chính để làm nổi bật khía cạnh “những con người thực tế” của đời thường trên, mà buổi họp báo công bố Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng, ngoài Đức Tổng Giám Mục Donatis, chỉ có hai người khác đều là giáo dân.

Léon Bloy và tình yêu

Chỉ có bản tin của CNA ngày 9 tháng tư là lưu ý tới sự kiện: trong bài diễn văn đầu tiên trên ngôi giáo hoàng, Đức Phanxicô đã trích dẫn Léon Bloy, người tân tòng Pháp, đồng thời là một tác giả và một nhà huyền nhiệm từng gây ảnh hưởng cho một số tiếng nói văn học quan trọng nhất thời hiện đại. Trong Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng, ngài lại trích dẫn Léon Bloy một lần nữa, vì ông này cho rằng “thảm kịch lớn nhất và duy nhất ở trên đời là không trở nên một vị thánh”.

Đức Phanxicô còn trích dẫn một câu khác của nhà tư tưởng này: “Tình yêu không làm bạn ra yếu ớt, vì nó là nguồn của mọi sức mạnh”. Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừngquả được viết trong yêu thương và nên được đọc trong yêu thương.

Tuy nhiên, nó được chào đón bằng đủ mọi thái độ, trong đó, có cả hoài nghi, phê phán. Facebook và Tweeter trong mấy ngày qua phản ảnh hiện tượng này. Điều này dễ hiểu vì chính Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừngcũng không thiếu các phê phán. Hiện tượng này khiến nhiều sáng kiến của Đức Phanxicô không được lưu ý thích đáng. Nhất là điểm ngài nhấn mạnh rằng đức ái nằm ở tâm điểm sự thánh thiện. Nên nếu các nhà lãnh đạo Công Giáo và các học giả không tiếp nhận và thảo luận văn kiện này bằng đức ái, thì văn kiện này mãi mãi chỉ là chuyện tri thức vô bổ.
 
Tông Huấn Gaudete Et Exultate của ĐTC Phan Xicô : Chương Hai
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
09:43 12/04/2018
TÔNG HUẤN GAUDETE ET EXSULTATE

CỦA Đức Thánh Cha PHANXICÔ

VỀ ƠN GỌI NÊN THÁNH

TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

CHƯƠNG 2 : HAI KẺ THÙ XẢO QUYỆT CỦA SỰ THÁNH THIỆN

35. Tôi muốn đề cập đến hai hình thức thánh thiện giả dối có thể dẫn chúng ta đi lạc đường: thuyết ngộ đạo và thuyết Pêlagiô [dựa vào sức riêng của mình]. Chúng là hai lạc giáo từ thời Kitô giáo sơ khai, nhưng vẫn tiếp tục gây tai hại cho chúng ta. Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, nhiều Kitô hữu, có lẽ không ý thức điều ấy, có thể bị dụ dỗ bởi những ý tưởng lừa đảo này; chúng phản ánh một chủ thuyết nội tại đặt con người làm trung tâm được trá hình như chân lý của Công Giáo [33]. Chúng ta hãy nhìn đến hai hình thức an toàn theo học thuyết hoặc kỷ luật này, là những học thuyết làm nảy sinh “một chủ nghĩa ưu tú độc tài chỉ biết nghĩ đến cái đúng của mình, bởi đó thay vì rao giảng Tin Mừng, người ta phân tích và xếp loại những người khác, và thay vì tạo điều kiện để tiếp cận với ân sủng, người ta dốc hết tâm lực ra để kiểm soát. Trong cả hai trường hợp, người ta không thực sự quan tâm đến Chúa Giêsu Kitô hoặc tha nhân” [34].

THUYẾT NGỘ ĐẠO HIỆN ĐẠI

36. Thuyết Ngộ Đạo giả thiết "một đức tin thuần túy chủ quan, chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm cụ thể nào đó hoặc một loạt các ý tưởng và một ít kiến thức có ý để an ủi và soi sáng, nhưng vẫn giam kín một người trong những tư tưởng hay cảm xúc riêng của họ" [35].

Một trí năng không có Thiên Chúa và xác thịt

37. Cảm tạ Thiên Chúa, trong suốt lịch sử Hội Thánh luôn luôn có sự rõ ràng rằng sự hoàn hảo của một người không được đo lường bằng tin tức hay kiến thức mà người ấy có được, nhưng bằng chiều sâu của đức ái của người ấy. “Những người theo phái Ngộ Đạo” không hiểu điều này, bởi vì họ đánh giá người khác dựa vào khả năng hiểu được sự phức tạp của một học thuyết nào đó của họ. Họ nghĩ đến trí năng như tách rời khỏi xác thịt, và như thế trở nên không có khả năng chạm đến xác thịt đau khổ của Đức Kitô nơi tha nân, bị nhốt chặt như thể chúng nằm trong một tự điển bách khoa của các tư tưởng trừu tượng. Chung cuộc, khi tách rời mầu nhiệm ra khỏi cơ thể, họ thích “một Thiên Chúa không có Đức Kitô, một Đức Kitô không có Hội Thánh, và một Hội Thánh không có dân của mình”. [36].

38. Chắc chắn đây là một sự giả dối hời hợt: có nhiều chuyển động ở bề mặt, nhưng tâm trí không bị ảnh hưởng hay rung động sâu xa. Tuy nhiên, thuyết ngộ đạo thực hiện một sự thu hút gian trá đối với một số người, vì cách tiếp cận ngộ đạo thì nghiêm khắc và được coi là trong sáng, cùng có vẻ như có một sự hài hòa hoặc trật tự nào đó bao gồm tất cả mọi sự.

39. Ở đây chúng ta phải cẩn thận. Tôi không đề cập đến một chủ nghĩa duy lý thù nghịch với đức tin Kitô giáo. Nó có thể hiện diện trong Hội Thánh, cả trong các giáo dân ở các giáo xứ và giảng viên triết học và thần học ở các trung tâm đào tạo. Những người Ngộ đạo nghĩ rằng các giải thích của họ có thể làm cho toàn bộ đức tin và Tin Mừng hoàn toàn dễ hiểu. Họ tuyệt đối hóa các thuyết của họ và buộc những người khác phải chấp nhận cách suy nghĩ của họ. Một cách sử dụng lý trí lành mạnh và khiêm tốn để suy tư về giáo huấn thần học và luân lý của Tin Mừng là một điều. Còn một cách khác là hạ giáo huấn của Chúa Giêsu xuống thành một lý luận lạnh lùng và khắc nghiệt nhằm tìm cách thống trị mọi sự [37].

Một học thuyết không có mầu nhiệm

40. Thuyết Ngộ Đạo là một trong những hệ phái tư tưởng nham hiểm nhất, bởi vì, trong khi đề cao kiến thức hoặc kinh nghiệm cụ thể một cách quá mức, nó coi cái nhìn của mình về thực tại là hoàn hảo. Do đó, có thể vì không hề ý thức được điều ấy, hệ tư tưởng này thậm chí dựa vào sự trợ giúp của chính mình và trở nên càng thiển cận hơn. Nó có thể trở nên viển vông hơn nữa khi tàng hình như một linh đạo tách rời những gì là cụ thể. Với thuyết ngộ đạo “theo bản chất của nó tìm cách thuần hóa mầu nhiệm” [38], dù là mầu nhiệm của Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, hay bí ẩn của cuộc đời những người khác.

41. Khi một người nào đó có giải pháp cho mọi vấn đề, đó là một dấu chỉ cho thấy họ không đi đúng đường. Họ có thể là các ngôn sứ giả, những kẻ sử dụng tôn giáo vì mục đích riêng của họ, để quảng bá các lý thuyết riêng của họ về tâm lý hoặc trí năng. Thiên Chúa vô cùng siêu việt trên chúng ta; Ngài đầy bất ngờ. Chúng ta không phải là người quyết định mình sẽ gặp Ngài khi nào và thế nào; thời gian và địa điểm chính xác của cuộc gặp gỡ ấy không phụ thuộc vào chúng ta. Người nào muốn mọi sự đều rõ ràng và chắc chắn là dám mạo muội kiểm soát sự siêu việt của Thiên Chúa.

42. Chúng ta cũng không có quyền nói là nơi nào không có Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa hiện diện cách mầu nhiệm trong cuộc sống của mỗi người, theo một cách mà chính Ngài chọn lựa, và chúng ta không thể loại trừ điều này bằng những điều mình cho là chắc chắn. Ngay cả khi đời sống của một người có vẻ hoàn toàn tan nát, ngay cả khi chúng ta thấy đời sống ấy bị các tật xấu hoặc nghiện ngập tàn phá, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó. Nếu chúng ta để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thay vì các định kiến của chính mình, thì chúng ta có thể và phải cố gắng tìm kiếm Chúa trong mọi đời sống con người. Đây là một phần của mầu nhiệm mà một não trạng ngộ đạo không thể nào chấp nhận được, vì nằm ngoài sự kiểm soát của nó.

Các giới hạn của lý trí

43. Thật không dễ hiểu được chân lý mà chúng ta đã nhận được từ Chúa. Và thậm chí còn khó hơn nữa để diễn tả nó. Vì vậy, chúng ta không thể cho rằng cách hiểu chân lý này của mình cho phép chúng ta thực thi việc giám sát chặt chẽ cuộc sống của những người khác. Ở đây, tôi xin lưu ý rằng trong Hội Thánh có sự đồng tồn cách hợp pháp của những cách khác nhau để giải thích nhiều khía cạnh của học thuyết và đời sống Kitô hữu; trong sự đa dạng của chúng, chúng “giúp diễn đạt rõ ràng hơn về sự phong phú của Lời Chúa”. Đúng là “đối với những người mơ ước một học thuyết toàn khối được tất cả mọi người bảo vệ và không nhường một chỗ nào cho sự hơi khác biệt, điều này có vẻ như không đáng được mong ước và dẫn đến mập mờ” [39]. Thật vậy, một số dòng tư tưởng của chủ nghĩa ngộ đạo đã chế nhạo sự đơn giản cụ thể của Tin Mừng và cố gắng thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể bằng một Nhất Thể tối cao, trong đó sự đa dạng phong phú của lịch sử của chúng ta bị biến mất.

44. Trên thực tế, học thuyết, hay đúng hơn, sự hiểu biết và sự diễn tả của chúng ta về nó, “không phải là một hệ thống khép kín, không có khả năng năng động để đặt câu hỏi, nghi ngờ và thắc mắc... Các câu hỏi của dân của chúng ta, sự đau khổ của họ, các nỗ lực của họ, các ước mơ của họ, các thử thách của họ và các lo âu của họ, tất cả đều có giá trị giải thích mà chúng ta không thể bỏ qua nếu chúng ta muốn theo đuổi nguyên tắc nhập thể một cách nghiêm chỉnh. Thắc mắc của họ giúp chúng ta suy nghĩ, các câu hỏi của họ chất vấn chúng ta”. [40]

45. Một sự nhầm lẫn nguy hiểm có thể phát sinh. Chúng ta có thể nghĩ rằng bởi vì mình biết một điều gì đó, hoặc có thể giải thích nó một cách nào đó, nên mình đã là những vị thánh, hoàn hảo và tốt hơn “đa số người thiếu hiểu biết”. Thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo về cám dỗ của những người có học thức cao trong Hội Thánh “cảm thấy một cách nào đó ở trên các thành phần tín hữu khác” [41]. Thực ra, điều chúng ta nghĩ rằng mình biết phải luôn luôn thúc đẩy chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn. Quả thật, “anh chị em học như thế là để sống: thần học và sự thánh thiện không thể tách rời nhau được” [42].

46. Khi Thánh Phanxicô thành Assisi thấy một số môn đệ của ngài tham gia việc giảng dạy, thì ngài muốn tránh chước cám dỗ về thuyết ngộ đạo. Ngài đã viết cho Thánh Antôn thành Padua: “Cha vui mừng khi con dạy thần học thánh cho các anh em, với điều kiện là ... con đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện và sùng kính trong khi nghiên cứu loại này” [43]. Thánh Phanxicô đã nhận ra cám dỗ để biến kinh nghiệm Kitô giáo thành một tập các bài thực tập về trí tuệ là điều tách chúng ta khỏi sự tươi mát của Tin Mừng. Mặt khác, Thánh Bonaventura đã chỉ ra rằng sự khôn ngoan Kitô giáo chân chính không bao giờ có thể được tách ra khỏi lòng thương xót đối với người lân cận của chúng ta: “Sự khôn ngoan vĩ đại nhất có thể là chia sẻ một cách hiệu quả những gì chúng ta cho đí ... Thậm chí như lòng thương xót là bạn đồng hành của sự khôn ngoan thế nào, thì tính hà tiện là kẻ thù của nó như thế” [44]. Có những hoạt động, được kết hợp để chiêm niệm, không ngăn cản việc chiêm niệm, mà lại tạo thuận lợi cho nó, chẳng hạn như những việc làm thương xót và việc sùng kính” [45].

THUYẾT PALAGIÔ HIỆN ĐẠI

47. Thuyết Ngộ Đạo đã nhường chỗ cho một dị giáo khác, cũng hiện diện trong thời đại chúng ta. Theo thời gian, nhiều người nhận ra rằng không phải kiến thức làm cho chúng ta trở nên tốt hơn hoặc làm cho chúng ta nên thánh, mà là cách chúng ta sống. Nhưng điều này đã tinh vi dẫn trở lại sai lầm cũ của những người theo thuyết ngộ đạo, là thuyết chỉ đơn thuần được biến đổi chứ không bị loại trừ.

48. Cùng một sức mạnh mà những người theo ngộ đạo đã gán cho kiến thức, thì những người khác giờ đây bắt đầu gán cho ý chí của con người, với nỗ lực cá nhân. Đây là trường hợp những người theo thuyết Pelagiô và người theo thuyết bán-Palagiô. Giờ đây không phải là trí thông minh thay thế cho mầu nhiệm và ân sủng, mà ý chí của con người. Người ta đã quên rằng mọi sự “không tùy thuộc vào ý muốn hay nỗ lực của con người, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng tỏ lòng thương xót” (Rom 9:16) và “Ngài đã yêu thương chúng ta trước” (x. 1 Ga 4:19).

Một ý chí thiếu khiêm tốn

49. Những người đầu hàng não trạng Pelagiô hoặc bán-Pelagiô này, mặc dù vẫn nhiệt thành nói về ân sủng của Thiên Chúa, nhưng họ “chung cuộc chỉ tin cậy vào sức riêng của họ và cảm thấy mình tốt hơn người khác bởi vì họ tuân giữ một số quy luật nào đó hoặc vẫn tuyệt đối trung thành với một kiểu Công Giáo đặc thù” [46]. Khi một số người trong họ nói với những người yếu đuối rằng tất cả mọi sự có thể được hoàn thành với ân sủng của Thiên Chúa, tận đáy lòng họ có chiều hướng đưa ra ý tưởng rằng mọi sự đều có thể làm được theo ý chí của con người, như thể nó là một điều gì thanh sạch, hoàn hảo, toàn năng, mà trong đó ân sủng được thêm vào. Họ không nhận ra rằng “không phải ai cũng có thể làm được mọi sự” [47], và rằng trong cuộc đời này, sự yếu đuối của con người không được chữa lành cách hoàn toàn và một lần cho xong bằng ân sủng [48]. Trong mọi trường hợp, như thánh Augustinô dạy, Thiên Chúa truyền cho anh chị em làm những gì anh chị em có thể và cầu xin cho những gì anh chị em không thể làm được [49], và thực sự cầu nguyện với Ngài cách khiêm tốn: “Xin ban cho con những gì Ngài truyền dạy, và truyền dạy con những gì Ngài muốn” [ 50].

50. Cuối cùng, việc thiếu một nhìn nhận chân thành và trong cầu nguyện những giới hạn của chúng ta, ngăn cản ân sủng làm việc hiệu quả hơn trong chúng ta, vì không còn chỗ để cho sự tốt lành tiềm tàng, là một phần của một cuộc hành trình chân thành và chính đáng của việc tăng trưởng, có thể xảy ra. [51] Ân sủng, chính vì xây trên tính tự nhiên, không làm cho chúng ta thành siêu nhân ngay tức thì. Kiểu suy nghĩ ấy cho thấy quá nhiều tin cậy vào khả năng của mình. Bên dưới sự chính thống của chúng ta, các thái độ của chúng ta có thể không tương ứng với lời nói của mình về nhu cầu ân sủng, và trong những hoàn cảnh cụ thể chúng ta có thể sẽ không mấy đặt niềm tin vào nó. Trừ khi chúng ta có thể nhìn nhận hoàn cảnh cụ thể và giới hạn của mình, chúng ta sẽ không thể thấy được những bước thật sự và có thể mà Chúa đòi hỏi chúng ta trong mọi lúc, một khi chúng ta được hồng ân của Người thu hút và ban khả năng. Ân sủng hành động trong lịch sử; thông thường thì ân sủng nắm lấy chúng ta và biến đổi chúng ta cách từ từ [52]. Nếu chúng ta từ chối thực tại lịch sử và tiệm tiến này, chúng ta có thể thực sự từ chối và ngăn chặn ân sủng, ngay cả khi chúng ta ca tụng nó bằng lời nói của mình.

51. Khi Thiên Chúa nói với ông Abraham, Ngài bảo ông: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng, hãy đi trước mặt Ta, và hãy nên trọn lành” (St 17: 1). Để được nên trọn lành, như Ngài muốn cho chúng ta, chúng ta cần phải sống khiêm tốn trong sự hiện diện của Ngài, được che phủ trong vinh quang của Ngài; chúng ta cần bước đi cùng với Ngài, trong khi nhận ra tình yêu không ngừng của Ngài trong cuộc đời mình. Chúng ta cần phải không còn sợ hãi trước sự hiện diện ấy, là sự hiện diện chỉ có thể có vì ích lợi của chúng ta. Thiên Chúa là Người Cha đã ban cho chúng ta sự sống và yêu thương chúng ta rất nhiều. Một khi chúng ta chấp nhận Ngài, và chấm dứt tìm cách sống đời mình mà không có Ngài, thì nỗi thống khổ của cô đơn sẽ biến mất (x. TV 139:23-24). Bằng cách này, chúng ta sẽ biết được ý muốn vui lòng và hoàn hảo của Chúa (x. Rom 12:1-2) và để cho Người nhào nặn chúng ta như một thợ gốm (x. Is 29:16). Chúng ta thường nói rằng Thiên Chúa ngự trong chúng ta, nhưng tốt hơn là nói rằng chúng ta ở trong Ngài, để Ngài có thể giúp chúng ta sống trong ánh sáng và tình yêu của Ngài. Ngài là đền thờ của chúng ta; chúng ta cầu xin được ở trong nhà Chúa mọi ngày của đời mình (x. TV 27: 4). “Vì một ngày trong khuôn viên Đền Thánh của Chúa còn hơn một ngàn ngày ở những nơi khác” (TV 84:10). Trong Ngài là sự thánh thiện của chúng ta.

Một giáo huấn của Hội Thánh thường bị coi nhẹ

52. Hội Thánh đã nhiều lần dạy rằng chúng ta được nên công chính không nhờ các việc làm hay nỗ lực riêng của mình, nhưng nhờ ân sủng của Chúa, Đấng luôn luôn chủ động. Các Giáo Phụ của Hội Thánh, ngay cả trước Thánh Augustinô, đã bày tỏ rõ ràng niềm tin cơ bản này. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng Thiên Chúa đổ vào chúng ta chính nguồn mạch của tất cả mọi hồng ân của Ngài thậm chí trước khi chúng ta bước vào trận chiến [53]. Thánh Basiliô Cả nhận xét rằng các tín hữu chỉ được vinh quang nơi một mình Thiên Chúa, vì “họ nhận ra rằng họ thiếu sự công chính đích thực và chỉ được công chính hoá nhờ đức tin vào Đức Kitô” [54].

53. Công Đồng Orange II đã dạy với thẩm quyền chắc chắn rằng không có gì thuộc về nhân loại có thể đòi hỏi, xứng đáng hoặc mua được món quà ân sủng của Thiên Chúa, và rằng tất cả sự hợp tác với ân sủng cũng là một ân huệ đi trước ân sủng ấy: “Ngay cả ước muốn được thanh tẩy cũng xảy ra trong chúng ta nhờ việc đổ đầy và tác động của Chúa Thánh Thần” [55]. Sau đó, Công Đồng Trentô, trong khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hợp tác của chúng ta trong việc phát triển tâm linh, đã khẳng định lại giáo huấn tín lý ấy: “Chúng ta được nói là được công chính hoá một cách nhưng không vì không có gì đi trước sự công chính hoá xứng đáng với ơn công chính hoá, cho dù là đức tin hay việc làm; vì ‘nếu nhờ ân sủng, thì không còn dựa vào việc làm; nếu không thì ân sủng sẽ không còn là ân sủng nữa’ (Rom 11: 6)” [56].

54. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cũng nhắc nhở chúng ta rằng món quà ân sủng “vượt trên sức mạnh của trí tuệ và ý chí của con người” [57] và “Với Thiên Chúa, con người tuyệt đối không có quyền hay công trạng gì. Giữa Thiên Chúa và chúng ta có một sự bất bình đẳng khôn lường” [58]. Tình bằng hữu của Ngài vô hạn vượt trên chúng ta; chúng ta không thể mua tình bằng hữu này bằng các việc làm của mình, nó chỉ có thể là một món quà phát sinh từ sáng kiến yêu thương của Ngài. Điều này mời gọi chúng ta sống trong niềm tri ân vui mừng vì món quà hoàn toàn không xứng đáng này, vì “sau khi một người có được ân sủng, thì ân sủng đã sở hữu không thể đến nhờ công trạng” [59]. Các Thánh tránh việc tin cây vào việc làm của mình: “Vào buổi tối của cuộc đời này, con sẽ ra trước mặt Ngài tay trắng, vì lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các công việc của con. Tất cả sự công chính của chúng con đều có vết nhơ trong mắt Chúa” [60].

55. Đây là một trong những xác tín lớn mà Hội Thánh đã kiên quyết giữ vững. Nó được diễn tả rõ ràng trong Lời Chúa mà không ai có thể thắc mắc gì được. Giống như giới luật yêu thương tối cao, chân lý này phải ảnh hưởng đến cách sống của chúng ta, vì nó chảy ra từ trung tâm của Tin Mừng và đòi buộc chúng ta không những chỉ chấp nhận nó về mặt trí tuệ mà còn biến nó thành một nguồn mạch của niềm vui hay lây. Nhưng chúng ta không thể mừng hồng ân nhưng không này của tình bằng hữu của Chúa, trừ khi chúng ta nhận ra rằng cuộc đời trần thế của mình và khả năng tự nhiên của mình cũng là hồng ân của Ngài. Chúng ta cần “nhìn nhận một cách hân hoan rằng sự sống của chúng ta chủ yếu là một hồng ân, và ý thức rằng tự do của chúng ta là một ân huệ. Điều này không dễ dàng ngày nay, trong một thế giới nghĩ rằng nó có thể giữ lại cho chính mình một điều gì đó, là thành quả của sự sáng tạo hoặc tự do của nó” [61].

56. Chỉ có thể dựa vào hồng ân của Thiên Chúa, được tự do và khiêm tốn đón nhận, mà chúng ta có thể cộng tác bằng các nỗ lực của mình trong việc từ từ biến đổi mình [62]. Trước hết, chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa, bằng cách hiến dâng chính mình cho Ngài, là Đấng đã ở đó trước, và trao phó cho Ngài khả năng của mình, các nỗ lực của mình, cuộc chiến đấu chống lại sự dữ và sáng kiến của mình, để hồng ân nhưng không của Ngài có thể lớn lên và phát triển trong chúng ta: “Vì vậy, thưa anh em, tôi van nài anh em, vì lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy hiến dâng thân xác anh em như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rom 12: 1). Về vấn đề ấy, Hội Thánh luôn luôn dạy rằng chỉ có đức ái mới sự làm cho việc lớn lên trong đời sống ân sủng xảy ra, vì “nếu tôi không có đức ái, tôi chỉ là không” (1 Cor 13:2).

Thuyết Palagiô mới

57. Tuy nhiên, một số Kitô hữu nhất quyết đi theo một con đường khác, là con đường công chính hoá bằng các nỗ lực riêng của họ, việc tôn thờ ý chí nhân loại và khả năng riêng của họ. Kết quả là một sự tự mãn quy về mình và tự coi mình là ưu tú, làm mất tình yêu thật. Điều này được diễn tả bằng nhiều cách suy nghĩ và hành động có vẻ rời rạc khác nhau: việc bám chặt vào luật lệ, việc quá bận tâm với các lợi thế xã hội và chính trị, một mối quan tâm quá thận trọng với phụng vụ, tín lý và uy tín của Hội Thánh, một sự huênh hoang về khả năng quản lý các vấn đề thực tiễn, và một quan tâm quá mức về các chương trình tự giúp mình và thành tựu cá nhân. Một số Kitô hữu dành thời giờ và sức lực của họ cho những điều này thay vì để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn họ theo con đường tình yêu, hơn là say mê truyền đạt vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng và tìm những người bị lạc trong đám đông vô số người đang khao khát Đức Kitô [63].

58. Rất thông thường, đi ngược với những thúc đẩy của Thần Khí, đời sống của Hội Thánh có thể trở thành một tác phẩm trong viện bảo tàng hoặc vật sở hữu của một số ít người ưu tuyển. Điều này có thể xảy ra khi một số nhóm Kitô hữu quá coi trọng một số luật lệ, thói quen hoặc cách hành động nào đó. Như thế Tin Mừng có khuynh hướng bị giảm thiểu và thu hẹp lại, bị tước mất tính đơn giản, sức quyến rũ và hương vị của nó. Đây có thể là một hình thức tinh tế của thuyết Pêlagiô, vì nó có vẻ bắt đời sống ân sủng lệ thuộc vào một số cấu trúc nhân loại. Nó có thể ảnh hưởng đến các nhóm, các phong trào và các cộng đồng, và nó giải thích tại sao họ thường hay bắt đầu với một cuộc sống mãnh liệt trong Thần Khí, mà kết cục là bị hóa thạch ... hoặc hư hoại.

59. Một khi chúng ta tin rằng mọi sự đều tùy thuộc vào nỗ lực của con người như được chuyển đi bằng những luật lệ và cấu trúc của Hội Thánh, chúng ta vô tình phức tạp hoá Tin Mừng và trở thành nô lệ cho một kế hoạch chi tiết, chỉ để vài lỗ hổng cho tác động của ân sủng. Thánh Tôma Aquinô nhắc nhở chúng ta rằng các giới luật được Hội Thánh thêm vào Tin Mừng phải được áp dụng một cách vừa phải “nếu không thỉ cách cư xử của các tín hữu trở nên nặng nề”, khi đó tôn giáo của chúng ta sẽ trở thành một hình thức nô lệ [64].

Tóm tắt Lề Luật

60. Để tránh điều này, tốt nhất là chúng ta hãy tự nhắc nhở mình rằng có một nấc thang nhân đức là điều mời gọi chúng ta tìm kiếm điều gì là thiết yếu. Tính ưu việt thuộc về các nhân đức đối thần, là các nhân đức có Thiên Chúa là đối tượng và động lực của chúng. Ở trung tâm là đức ái. Thánh Phaolô nói rằng điều thật sự đáng kể là “đức tin hoạt động qua đức ái” (Gal 5:6). Chúng ta được mời gọi cố gắng hết sức để bảo tồn đức ái: “Ai yêu thương tha nhân đã chu toàn lề luật ... vì yêu thương là làm tròn lề luật” (Rom 13:8-10). “Vì toàn thể lề luật được tóm lược trong một điều răn duy nhất: ‘các con hãy yêu tha nhân như chính mình’” (Gal 5:14).

61. Nói cách khác, giữa một đám giới luật và mệnh lệnh, Chúa Giêsu đã dọn sạch một con đường để nhìn thấy hai khuôn mặt, là khuôn mặt của Chúa Cha và của anh chị em chúng ta. Người không cho chúng ta thêm hai công thức hoặc hai giới luật nữa. Người cho chúng ta hai khuôn mặt, hoặc tốt hơn nữa, một khuôn mặt duy nhất: khuôn mặt của Thiên Chúa được phản chiếu trong rất nhiều khuôn mặt khác. Vì trong mỗi anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người bé nhỏ nhất, những người dễ bị tổn thương nhất, những người không có khả năng tự vệ và những người túng thiếu, người ta tìm thấy chính hình ảnh của Thiên Chúa. Thật vậy, với những mảnh vụn của nhân loại mỏng manh này, Chúa sẽ hình thành tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của Người. Vì “có điều gì kéo dài, điều gì có giá trị trong cuộc sống, điều gì phong phú mà không biến mất? Chắc chắn hai điều này: Chúa và người lân cận của chúng ta. Hai sự phong phú này không biến mất!” [65].

62. Nguyện xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi những hình thức ngộ đạo và Pelagiô mới này, là những điều đang đè nặng và ngăn chặn sự tiến bộ của Hội Thánh trên con đường nên thánh! Những lầm lạc này có nhiều hình thức khác nhau, theo tính tình và cá tính của mỗi người. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người hãy suy nghĩ và phân biệt trước mặt Thiên Chúa xem chúng có thể hiện diện trong cuộc sống của mình hay không.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

(còn tiếp)

-------------------

[33] X. THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Placuit Deo về Một Số Khía Cạnh của Cứu Độ Kitô giáo (22 tháng 2, 2018), 4, trong L’Osservatore Romano, 2 tháng 3, 2018, tt. 4-5: “Cả chủ nghĩa cá nhân tân-Pelagiô và tân-Ngộ Đạo coi rẻ thân xác làm mất vẻ đẹp của tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Phổ Quát Duy Nhất”. Tài liệu này cung cấp các nền tảng tín lý cho việc hiểu biết về ơn cứu độ Kitô giáo trong tương quan với các khuynh hướng tân-ngộ-đạo và tân-Pelagiô.

[34] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 94: AAS 105 (2013), 1060.

[35] Ibid.: AAS 105 (2013), 1059.

[36] Bài giảng trong Thánh Lễ ờ Casa Santa Marta, 11 tháng 11, 2016: L’Osservatore Romano, 12 tháng 11, 2016, p. 8.

[37] Như Thánh Bonaventura dạy, “chúng ta phải đình chỉ tất cả hoạt động của trí khôn, và chúng ta phải biến đổi cao điểm của những tình cảm của mình, hướng chúng về một mình Thiên Chúa … Vì thiên nhiên không đạt được điều gì và nỗ lực cá nhân chỉ được rất ít, cần phải coi việc điều nghiên là ít quan trọng và việc xức dầu là quan trọng hơn nhiều, nói năng là ít và niềm vui nội tâm là nhiều, lời nói hay chữ viết là ít nhưng tất cả cho hồng ân của Thiên Chúa, nghĩa là Chúa Thành Thần, phải coi các thụ tạo là ít hay không quan trọng, nhưng tất cả cho Đấng Tạo Hoá, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”: BONAVENTURA, Itinerarium Mentis in Deum, VII, 4-5.

[38] X. Thư gửi Viện Trường Giáo Hoàng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Phân Khoa Thần Học (ngày 3 tháng, 2015): L’Osservatore Romano, 9-10 tháng 3, 2015, p. 6.

[39] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 40: AAS 105 (2013), 1037.

[40] Video Sứ điệp truyền hình gửi các Tham Dự Viên Đại Hội Thần Học Quốc Tê được tổ chức tại Giáo Hoàng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình (1-3 Tháng 9, 2015): AAS 107 (2015), 980.

[41] Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Vita Consecrata (25 Tháng 3, 1996), 38: AAS 88 (1996), 412.

[42] Thư gửi Viện Trường Giáo Hoàng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Phân Khoa Thần Học (3 Tháng 3, 2015): L’Osservatore Romano, 9-10 Tháng 3, 2015, p. 6.

[43] Thư gửi Huynh Đệ Anthony, 2: FF 251.

[44] De septem donis, 9, 15.

[45] In IV Sent. 37, 1, 3, ad 6.

[46] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 94: AAS 105 (2013), 1059.

[47] X. Bonaventura, De sex alis Seraphim, 3, 8: “Non omnes omnia possunt”. Câu này được hiểu theo Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 1735.

[48] X. TÔMA AQUINÔ, Summa Theologiae II-II, q. 109, a. 9, ad 1: “Nhưng ở đây ân sủng theo một mức độ nào đó thì chưa hoàn hảo, cũng như nó không hoàn toàn chữa lành con người, như chúng tôi đã nói”.

[49] X. De natura et gratia, 43, 50: PL 44, 271.

[50] Confessiones, X, 29, 40: PL 32, 796.

[51] X. Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 44: AAS 105 (2013), 1038.

[52] Trong sự hiểu biết về đức tin Kitô giáo, ân sủng đi trước, đi cùng và đi theo tất cả mọi hành động của chúng ta. (X. CÔNG ĐỒNG TRENTÔ, Khoá VI, Sắc Lệnh về Ơn Công Chính Hoá, ch. 5: DH 1525).

[53] X. In Ep. ad Romanos, 9, 11: PG 60, 470.

[54] Homilia de Humilitate: PG 31, 530.

[55] Canon 4: DH 374.

[56] Session VI, Sắc Lệnh về Ơn Công Chính Hoá, ch. 8: DH 1532.

[57] Số. 1998.

[58] Ibid., 2007.

[59] Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 114, a. 5.

[60] Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Kinh Dâng Tình Yêu Thương Xót” (Prayers, 6).

[61] Lucio Gera, Sobre el misterio del pobre, in P. GRELOT-L. GERA-A. DUMAS, El Pobre, Buenos Aires, 1962, 103.

[62] Tóm lại, đây là học thuyết về “công trạng” đi theo việc công chính hoá: nó liên quan đến sự cộng tác của người được công chính hoá để lớn lên trong đời sống ân sủng (X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 2010). Nhưng sự công tác này không bao giờ biến chính sự công chính hoá hay tình bằng hữu với Thiên Chúa thành mục tiêu của công trạng của con người.

[63] X. Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 Tháng 11, 2013), 95: AAS 105 (2013), 1060.

[64] Summa Theologiae I-II, q. 107, art. 4.

[65] PHANXICÔ, Bài giàng trong Thánh Lễ mừng Năm Thánh của Những Người Bị Xã Hội Khai Trừ (13 Tháng 11, 2016): L’Osservatore Romano, 14-15 Tháng 11, 2016, p. 8.
 
“Tình Yêu” cứu các em gái thoát khỏi mại dâm ở Freetown
Giuse Thẩm Nguyễn
13:39 12/04/2018

(Vatican News) Nhờ vào tình yêu và lòng nhiêt thành của các cha dòng Truyền Giáo Salesian ở Sierra Leone, nhiều em gái được cứu khỏi cảnh lang thang trên đường phố ở Freetown qua việc hỗ trợ các em nơi ăn ở, huấn luyện, thuốc men và tâm lý và rồi giúp các em tái hội nhập vào xã hội.

“Tình Yêu” là tên một đoạn Video được chiếu tại Roma hôm nay cho thấy các tài liệu của dòng Truyền Giáo Salesian ở Sierra Lenone và những dự án của họ để cứu và giúp các em gái bị bóc lột làm mại dâm tại thủ đô Freetown.

Chương trình này đặc biệt chú tâm vào các em gái lang thang trên đường phố và bị bắt làm mại dâm, bị ngược đãi, bị lợi dụng và bị đuổi bỏ trong những khu phố nghèo nàn ở Congo Water và Grafton miền thủ đô Freetown của nước Sierra Leone.

Trung tâm Don Bosco Fambul.

Girls at the "Don Bosco Fambul" shelter in Freetown, Sierra Leone


Kể từ khi trung tâm Don Bosco Fambul được mở ra, đã có hơn 120 em gái thoát khỏi cảnh lang thang trên đường phố và nhiều em đã được đoàn tụ với gia đình, được trở lại với mái trường xưa hay được hướng dẫn học nghề.

Cha Jorge Crisafulli, Giám Đốc trung tâm giải thích rằng trung tâm cung cấp cho các em gái hỗ trợ về thuốc men và tâm lý để hội nhập vào xã hội cũng như cung cấp nhà ở, thức ăn, quần áo, dạy học, dạy nghề và nhất là cho các em tình yêu!

Cha Criafulli nói rằng ngài đã cố gắng đến với những trẻ em lang thang trên đường phố Freetown, nhất là trong những khu ổ chuột và ngài thấy rằng cần phải có một chương trình đặc biệt giúp cho các em gái này bởi vì có rất nhiều em bị lôi kéo vào con đường mại dâm. Vì thế vào năm 2016, một “Nhà Nuôi Nữ” đã được thành lập.

Các em chỉ là con nít.

Cha nói rằng “Khi chúng tôi gặp các em thì thấy là các em còn quá nhỏ vì các em cảm nhận như con nít, nghĩ như con nít, cư xử như con nít và dĩ nhiên đường phố và mại dâm chắc chắn không phải là nơi dành cho các em.”

Đó là lý do chúng tôi thành lập nhà nuôi các em, một nơi để đón nhận các em và cũng là nơi các em có thể tìm được sự giúp đỡ về thuốc men và tìm cơ hội để có thể trở về nhà, trở lại trường, học nghề và tái hội nhập vào xã hội.

Cha Crisafulli cho rằng một điều đặc biệt quan trọng đối với các em là các em biết mình không xấu xa hay tội lỗi và một tiềm năng tốt lành ẩn chứa trong trái tim các em.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
ĐGH Phanxicô: Niềm vui Phục Sinh mang lại sự vâng phục, chứng nhân và hiện thực.
Giuse Thẩm Nguyễn
13:45 12/04/2018
Niềm vui Phục Sinh mang đến cho chúng ta sự vâng phục, chứng tá và hiện thực, là những điều dẫn đến những cuộc bách hại các tín hữu Kitô vì chứng tá của họ cho Chúa Giêsu gây ra khó chịu cho nhiều người. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 12 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta

Trong Thánh Lễ sáng Thứ Năm Đức Thánh Cha đã nhớ đến các tín hữu Kitô chịu bách hại trên thế giới, và nhận xét rằng chứng tá của họ có thể gây khó chịu cho những kẻ phủ nhận sự thật. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh đến ba đặc tính phát sinh từ niềm vui Phục sinh.

Niềm vui Phục Sinh

Đức Giáo Hoàng nói 50 ngày Phục Sinh trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một “thời gian vui mừng” đối với các Tông Đồ vì sự Sống Lại của Đức Kitô. Đó là niềm vui thực sự, nhưng nó cũng bao gồm những vẩn đục của nghi ngờ và sợ hãi. Chỉ sau Lễ Hiện Xuống với ơn Chúa Thánh Thần thì niềm vui của các Tông Đồ mới trở nên mạnh mẽ, bởi vì lúc đó các ngài mới thấu hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm Vượt Qua.

Vâng phục là thực thi Thánh Ý Chúa.

Thượng Hội Đồng Do Thái đã cấm các Tông Đồ không được giảng dạy về Chúa Giêsu, nhưng các ngài đã vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm, đã trở lại trong Đền Thờ để rao giảng bất kể những đe dọa tù tội. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng “đời sống vâng phục” là ý chính trong bài đọc thứ nhất của Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 5:27-33) và trong Tin Mừng của Thánh Gioan (Ga 3:31-36).

Vâng phục là thực thi Thánh Ý Chúa, là con đường Chúa Giêsu “mở ra cho chúng ta”. Vì thế người Kitô hữu phải vâng phục Thiên Chúa.

Những Kitô hữu bị bách hại.

Đức Giáo Hoàng nói rằng đặc tính thứ hai của các Tông Đồ là “chứng tá”. Chứng tá của các Tông Đồ gây khó chịu cho những người đương thời với các ngài như chứng tá của người Kitô hữu hôm nay cũng khiến một số người tức tối. Điều này có thể xảy ra vì chúng ta tìm kiếm một sự thỏa hiệp “giữa thế gian này và chính chúng ta”. Nhưng “chứng tá Kitô không có con đường thỏa hiệp”. Đức Giáo Hoàng nói rằng chứng tá Kitô “kiên nhẫn khi hướng dẫn tha nhân là những người không nghĩ như chúng ta hay không chia sẻ niềm tin của chúng ta; chứng tá Kitô bao dung và tháp tùng, nhưng không bao giờ bán đứng chân lý.”

“Đầu tiên là sự vâng phục và thứ hai là chứng tá là điều gây bực mình một số người. Đã có rất nhiều cuộc bách hại từ thời đó. Hãy nhớ đến những Kitô hữu bị bách hại ở Châu Phi và ở Trung Đông. Ngày nay có nhiều cuộc bách hại hơn những ngày đầu của Kitô giáo: Nhiều người chịu bị cầm tù, bị giết và bị treo cổ… để làm chứng cho Chúa Giêsu. Họ là những chứng nhân cho tới ngày tận thế.”

Hãy sống thực -Đừng là những Kitô phôi pha.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói rằng khía cạnh thứ ba của Niềm Vui Phục Sinh là hiện thực. Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng các Tông Đồ nói về những điều cụ thể, chứ không “là những chuyện cổ tích”. Như các ngài đã từng “nhìn thấy và đụng chạm vào” Chúa Giêsu, cũng vậy, “mỗi người chúng ta cũng trải nghiệm Chúa Giêsu trong đời sống của mình”.

“Quá thường khi tội lỗi, thỏa hiệp và sự sợ hãi làm cho chúng ta quên đi cuộc gặp gỡ ban đầu với Chúa, một cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi cuộc đời chúng ta. Chúng ta mang theo một ký ức mai một dần biến chúng ta thành các Kitô hữu ‘nổi lềnh bềnh trên mặt nước’, nhạt nhòa và nông cạn. Chúng ta phải xin ơn Chúa Thánh Thần để sống thực sự. Chúa Giêsu đã đi vào đời tôi và trái tim tôi. Chúa Thánh Thần cũng thế.Tôi có thể đã quên, nhưng ân sủng của cuộc gặp gỡ ban đầu ấy vẫn sống trong tôi.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện để niềm vui sẽ đến với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần sau lễ Phục Sinh.

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau: xin cho chúng ta đầy tràn niềm vui đến từ Chúa Thánh Thần là niềm vui vâng phục trong mầu nhiệm Phục sinh, niềm vui của chứng tá Phục sinh và niềm vui hiện thực của Phục Sinh”
Source: Vatican News - Pope at Mass: ‘Easter joy brings obedience, witness, realism’
 
Vatican công bố Công nghị Tuyên Thánh
Đặng Tự Do
16:00 12/04/2018
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ tọa một Công nghị để chuẩn y một vài án tuyên thánh. Vatican đã tuyên bố như trên hôm thứ Tư 11 tháng Tư.

Công nghị được triệu tập vào ngày 19 tháng 5, rất có thể sẽ xác nhận ngày tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.

Cuộc họp của các Hồng Y và các cáo thỉnh viên các án tuyên thánh thường được gọi là “công nghị bình thường”, chính thức kết thúc tiến trình phê chuẩn một vị thánh mới.

Trong khi chưa định ngày chính thức, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã nói rằng việc tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục sẽ diễn ra vào cuối của Thượng Hội Đồng Giám Mục về thanh thiếu niên và sự phân định ơn gọi, được dự trù diễn ra từ ngày 3 đến 28 tháng Mười.

Hôm 6 tháng 3, trong một cuộc họp với Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ do Đức Phaolô Đệ Lục can thiệp. Đức Phaolô Đệ Lục, tức là Đức Giovanni Battista Montini, đã ở ngôi giáo hoàng từ năm 1963 đến năm 1978.

Cũng trong cuộc họp hôm 6 tháng 3, Đức Giáo Hoàng, là người đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ của ngài đối với Đức Tổng Giám Mục Romero trong nhiều dịp khác nhau, cũng đã ký vào sắc lệnh công nhận một phép lạ cần thiết để tuyên thánh cho vị tổng giám mục bị sát hại.

Trước đó, mặc dù án tuyên Chân Phước cho Đức Tổng Giám Mục Romero đã được mở tại Vatican vào năm 1993, tiến trình này đã bị trì hoãn trong nhiều năm giữa các cuộc tranh cãi sâu rộng về việc ngài đã bị giết vì đức tin hay vì những lập trường chính trị chống lại chính phủ Salvador và chống lại các đội tử thần tại quốc gia này.

Chân Phước Romero bị ám sát năm 1980 trong khi đang cử hành Thánh Lễ tại nhà nguyện của một bệnh viện địa phương, một ngày sau khi kêu gọi chính phủ chấm dứt vi phạm nhân quyền chống lại dân chúng.
Source: Catholic Herald Vatican announces consistory to approve canonisations
 
Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput lập chuẩn giáo xứ mới cho người Công Giáo gắn bó với Thánh Lễ Latin truyền thống.
Đặng Tự Do
16:35 12/04/2018
Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia đã tạo ra một ‘chuẩn giáo xứ’ (quasi-parish) mới cho người Công Giáo quan tâm đến Thánh Lễ Latin truyền thống.

Ðiều 516, triệt 1 của bộ Giáo Luật định nghĩa ‘chuẩn giáo xứ’ (quasi-parish) là một cộng đoàn tín hữu trong một Giáo Hội địa phương được ủy thác cho một tư tế như là chủ chăn riêng, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt chưa được thiết lập thành giáo xứ.

Từ ngày 1 tháng 8 tới đây, giáo đường St. Mary ở Conshohocken trước đây dự trù sẽ bị sáp nhập vào năm 2014 - sẽ được trao cho Huynh Đoàn Thánh Phêrô (FSSP). Nếu chuẩn giáo xứ này được cho là thành công, Đức Tổng Giám Mục Chaput có thể ban cấp quy chế giáo xứ.

Đức Tổng Giám Mục Chaput nói: “Để đáp lại sự quan tâm ngày càng tăng, đã đến lúc cần phải cung cấp các chăm sóc mục vụ bổ sung cho những ai muốn tham dự việc thờ phượng Thiên Chúa dưới Hình Thức Ngoại Thường”.

Ngài nói thêm: “Trong khi vẫn còn phải xem liệu cộng đồng này có thể phát triển thành một giáo xứ hay không, thì việc thành lập một chuẩn giáo xứ để cung cấp sự chăm sóc tinh thần này dường như là thích hợp nhất vào thời điểm hiện nay”.

Huynh Đoàn Thánh Phêrô - FSSP (xin phân biệt với Huynh Đoàn Thánh Piô X) là một hiệp hội quốc tế các linh mục cử hành thánh lễ dưới Hình Thức Ngoại Thường của nghi thức Rôma. FSSP hiện đang hoạt động tại 39 giáo phận ở Hoa Kỳ, và có 96 linh mục làm việc tại 54 nơi thờ phượng trên toàn cõi Hoa Kỳ.

Năm nay, Vatican cũng đã ban phép đặc biệt cho FSSP cử hành phụng vụ Tuần Thánh theo các hình thức trước năm 1955.

Sau khi giáo xứ St Mary không còn là một giáo xứ độc lập vào năm 2014, Đức Tổng Giám Mục Chaput đã giao ngôi nhà thờ này cho cộng đồng Ba Lan làm nơi thờ phượng. Ông David Swedkowski, giám đốc điều hành của Hiệp Hội Đức Maria của người Mỹ gốc Ba Lan, hoan nghênh việc thiết lập chuẩn giáo xứ này.

Ông nói: “Hiệp Hội sẽ tiếp tục tồn tại và tập trung vào việc quảng bá di sản Ba Lan tại quận Montgomery và tiếp tục gây quỹ để giúp cho Huynh Đoàn Thánh Phêrô có thể chăm sóc thành công cho chuẩn giáo xứ Đức Maria.”
Source: Catholic Herald Archbishop Chaput creates ‘quasi-parish’ for Traditional Mass
 
Triển vọng về một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Phụ nữ
Đặng Tự Do
16:51 12/04/2018
Giáo Hội Công Giáo ở châu Mỹ Latinh phải công nhận và đánh giá cao vai trò của phụ nữ và chấm dứt việc dùng họ đơn thuần như những người lao động phục tùng trong các giáo xứ. Các thành viên của ủy ban giáo hoàng về châu Mỹ Latinh đã nhấn mạnh như trên.

Ngoài ra, vào cuối cuộc họp toàn thể của ủy ban giáo hoàng về châu Mỹ Latinh từ ngày 6 đến ngày 9 vừa qua tại Vatican, các thành viên của ủy ban đã đề nghị Giáo Hội tổ chức một Thượng Hội Đồng Giám Mục “về chủ đề phụ nữ trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội”.

Tài liệu cuối cùng của cuộc họp cổ vũ việc trao cho phụ nữ nhiều trách vụ xứng đáng với khả năng của họ hơn là chỉ xem họ là những lao công trong các thánh đường tại nhiều nơi ở Mỹ châu La tinh.

Tờ Quan Sát Viên Rôma tường thuật hôm thứ Năm ngày 11 tháng 4 rằng chủ đề của cuộc họp kéo dài bốn ngày, “Phụ nữ: trụ cột trong việc xây dựng Giáo hội và xã hội ở Mỹ Latinh”, đã được chính Đức Thánh Cha Phanxicô chọn.

Ngoài 17 Hồng Y và 7 Giám Mục là thành viên của ủy ban, Đức Thánh Cha đã mời một số phụ nữ Mỹ Latinh tham dự hội nghị này trong đó có tám giáo dân và sáu nữ tu.
Source: Catholic Herald Pontifical Commission for Latin America proposes synod on women
 
Top Stories
Vietnam: Les paroissiens de Kon Hring viennent puiser l'eau vive
Églises d'Asie
16:14 12/04/2018
Les catholiques de Kon Hring ont l’habitude, après la veillée pascale, de transporter dans leurs villages des jarres d’eau bénite en procession derrière les cierges pascals. Une façon de perpétuer une tradition implantée par les missionnaires au XIXe siècle, pour remplacer les offrandes des villageois au dieu de l’eau : chaque année, le jour de l’an, les prêtres viennent bénir les sources et y planter une croix.

Le catéchiste Gabriel A Kieu est fier de conserver chez lui, sous un autel, une cruche remplie d’eau bénite durant la veillée pascale. « Cette eau représente le Christ ressuscité parmi nous », explique Kieu, de l’ethnie Se Dang, qui vit au village de Kon Dau Yop, dans la province de Kon Tum dans le centre du Vietnam. Le 31 mars, après la veillée pascale, les villageois ont transporté la jarre remplie de 20 litres d’eau sur cinq kilomètres, depuis la paroisse de Kon Hring jusqu’à chez lui. Durant la cérémonie en plein-air, qui a rassemblé 5 000 fidèles, le père Francis Xavier Le Tien, curé de la paroisse de Kon Hring, a trempé le cierge pascal dans quinze jarres en terre cuite remplies d’eau, avant de les bénir. Avant la messe, les villageois avaient décoré les jarres de fleurs et de rubans colorés avant de les apporter dans le sanctuaire.
« Du Christ ressuscité coule l’eau de la vie. Nous apportons cette eau dans nos villages pour que nous puissions mener une vie meilleure, selon Sa volonté », a déclaré le père Tien à l’assemblée durant la célébration. Les fidèles, après la veillée, repartent en procession dans leurs villages avec un cierge à la main, derrière les cierges pascals et les jarres remplies, portés par des jeunes. Kieu, 53 ans, confie que les villageois ont transporté les jarres dans leurs villages pour les conserver dans des chapelles. Mais comme son village n’a pas de chapelle, ils ont transporté la jarre chez lui, où ils se rassemblent pour des prières quotidiennes et pour la messe, célébrée une fois par mois par le prêtre.

Une nourriture pour l’âme

La paroisse, fondée il y a 127 ans, comprend 10 000 paroissiens de l’ethnie Se Dang et 500 autres de l’ethnie Kinh, vivant dans quinze villages de la région. La plupart d’entre eux vivent modestement de la récolte du riz, du caoutchouc et du café, entre autres cultures. Certains villages possèdent une chapelle et d’autres non, ce qui amène parfois les villageois à se rassembler dans les maisons pour y prier. L’épouse de Kieu, Y Thoan, explique que les villageois utilisent l’eau bénite pour les baptêmes ainsi que pour les bénédictions des maisons et des tombes, entre autres. « L’eau est habituellement une ressource vitale pour tous les jours, mais cette eau de Pâques est une nourriture pour l’âme », ajoute-t-elle.
Selon Kieu, ses ancêtres offraient des offrandes au dieu de l’eau. Avant l’arrivée de la saison des pluies, ils tondaient l’herbe, défrichaient les arbres et débarrassaient les ordures autour des sources et des puits, et ils remplaçaient les vieux tuyaux de bambou. Puis ils tuaient des bêtes, que le shaman offrait au dieu de la pluie. Quand les missionnaires étrangers ont introduit le catholicisme au XIXe siècle, ils ont incité les villageois à cesser ces offrandes. « À la place, les missionnaires ont béni les sources le jour du Nouvel An et ont planté des croix à l’emplacement des sources principales, pour rappeler le Christ qui donne l’eau vive », explique le catéchiste.
Kieu, père de dix enfants, raconte que durant la guerre du Vietnam, des bâtiments paroissiaux et la vieille église du village ont été détruits par les bombes. Durant des années, les catholiques ont pratiqué leur foi sans prêtres et ont protégé leurs sources. Ces dernières années, les prêtres ont restauré la tradition. Chaque année, le jour de l’an, ils bénissent les sources et y apportent une croix. Depuis 2014, le père Tien demande aux villageois de transporter solennellement les cierges pascals et les jarres en procession jusqu’à leurs villages. Kieu ajoute que cette tradition incite les villageois à respecter et protéger les sources et leur environnement. Ces dernières années, ils ont ainsi planté sur des sols pauvres, pour les protéger, des arbres fruitiers.

(Source: Églises d'Asie, le 12 avril 2018; Avec Ucanews, Kon Tum, Copyright Photo Anna Nguyen)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân Ban Chấp Hành của Tuyên Úy Đoàn Việt nam Úc Châu niên khóa 2018-2020
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
05:29 12/04/2018
Tân Ban Chấp Hành của Tuyên Úy Đoàn Việt nam Úc Châu niên khóa 2018-2020

Ngày hôm nay Đại hội đã duyệt qua các quyết định sẽ được thực hiện trong tương lai và trước Khi kết thúc phiên họp thường niên của Tuyên Úy Đoàn 13 thành viên đã bầu chọn lại vị chủ tịch cho nhiệm kỳ 2018-2020 và sau ba lần bầu phiếu kín Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân đã đạt được số phiếu qu1a bán và cha cũng hy sinh đứng ra đảm trách chức vụ này…

Trong giờ giải lao cha tân chủ tịch đã mời gọi và thành lập ban chấp hành cho nhiệm kỳ mới này gồm có:

Tân Ban Chấp Hành Tuyên Úy Đoàn Việt Nam Úc Châu nhiệm kỳ 2018 - 2020
Chủ tịch: Lm Giuse Trần Ngọc Tân (Melbourne)

Phó chủ tịch: Lm Phaolô Chu Văn Chi (Sydney)

Thư ký: Đức ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm

Thủ quỹ: Lm Giuse Vũ Minh Nguyên (Brisbane)

Ủy viên Truyền thông: Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng (Melbourne)

Có vấn: Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long (GM Giáo phận Paramatta NSW)

Phiên họp được kết thúc với những tâm tình tri ân gắn kết với nhau và đồng tâm hỗ trợ để đồng hành cùng toàn cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Úc châu trong những công tác chung…

Trước giờ cơm trưa, Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn tới thăm và hàn huyên tâm sự với anh em… Sau cơm trưa anh em chia tay trở về nhiệm sở của mình với những công việc bổn phận thường ngày.

Đức cha Emmanuen GM GP Bà Rịa và cha Văn Chi
Đức cha Emmanuen GM GP Bà Rịa và cha Tuyết và cha Lâm
Đức cha Emmanuen GM GP Bà Rịa vàquí cha
 
Tĩnh tâm tại cộng đoàn Đức Mẹ La Vang Las Vegas với đề tài: Tội lỗi và nhu cầu ân sủng
Jos. Phan Văn Sỹ
09:38 12/04/2018

A-DẪN NHẬP: Hằng năm Cộng Đoàn Mẹ La Vang luôn được cha Giám Đốc Tôma Hà Quốc Dũng ưu ái mời các cha đến giúp tĩnh tâm và giảng phòng nổi tiếng về để giúp đời sống giáo hữu được thăng tiến trên đường nhân đức và sống đạo trọn lành để xứng đáng là con cái Mẹ La Vang tại thành phố Las Vegas mệnh danh là : “ Sin City”.

Năm nay rất đặc biệt, ngài mời được cha Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại, cha Daminh Nguyễn Phi Long. Các cha DCCT đã có tiếng giảng hay, lôi cuốn, mà nay ngài còn kén chọn mời đích thân cha Giám Tỉnh, ngài rất bận rộn trăm bề với công việc nhà dòng nhưng ngài đã hy sinh đến với Cộng Đoàn Mẹ La Vang trong hai ngày để giúp tĩnh tâm, ngài đến như một quà tặng đặc biệt Thiên Chúa gửi đến giáo dân Đền Thánh Mẹ. Ngài có một giọng nói truyền cảm, nhỏ nhẹ, tế nhị, khiêm tốn, dí dỏm, lôi cuốn. Thêm vào đó với sự hiểu biết rộng và uyên bác của ngài đã thu hút người nghe. Giờ tĩnh tâm kéo dài hơn hai tiếng từ 8:00pm. Đến 10:00pm. Mà mọi người vẫn ngồi nghe say mê và đặt nhiều câu hỏi được người giải đáp rất tường tận, thỏa đáng. Hai ngày tĩnh tâm và thuyết giảng của ngài thật nhiều, xin chỉ ghi lại những nét chính, tiêu biểu để mọi người đọc hầu rút ra những lợi ích cho đời sống đạo của mình.

B-TĨNH TÂM:

1-CÁM ĐỖ DẪN ĐẾN TỘI: (a)- PHẦN CHIA SẺ, ngài nói: “ Tất cả chúng ta, từ giáo sĩ , tu sĩ, đến giáo dân đều có mẫu số chung, ai ai cũng bị cám dỗ, càng thánh thiện, càng bị cám dỗ nhiều, nhất là anh chị em ở Las Vegas mang danh là “Sin-City” càng có nhiều cám dỗ đến với mình như: cờ bạc, ăn uống, vì Las Vegas là chốn ăn chơi lịch lãm và sang trọng bậc nhất thế giới. Món ăn gì cũng có, món ăn ngon nhất, sang nhất, đủ các món cao lương mỹ vị trên thế giới du nhập về đây. Tuy nhiên ngài khẳng định: “ Cám dỗ tự nó không phải là tội”, ngài khuyên khi đối diện với Ma Quỷ trong cơn cám dỗ đừng coi thường, nhưng hãy dựa vào sức mạnh vô biên của của Thiên Chúa. Tất cả các thánh đều có những cám dỗ riêng của các ngài. Khi bị cám dỗ nếu không chống trả nổi và nếu không cậy nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ vấp ngã và phạm tội. Khi phạm tội chúng ta sẽ đối diện với cái chết như tổ phụ chúng ta là ông A-dong và bà E-Và như đồ biểu: CÁM DỖ-> VẤP NGÃ->PHẠM TỘI->ĐI ĐẾN SỰ CHẾT. A-DONG, E-VÀ-> BỊ CÁM DỖ-> KHÔNG CHỐNG LẠI->ĂN TRÁI CẤM->PHẠM TỘI->BỊ ĐUỔI RA KHỎI VƯỜI ĐỊA ĐÀNG-> ĐỐI DIỆN VỚI SỰ CHẾT. Chính Chúa Giêsu cũng bị Ma Quỷ cám dỗ khi người vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày: ( Mt 4:2-4).

Các thánh khuyên nhủ, thánh Anphongsô: “ Khi bị cám dỗ hãy kêu tên cực trọng:” GIÊSU-MARIA-GIUSE”, hay kêu van Đức Mẹ. Danh Mẹ : MARIA: Hỏa ngục đều khiếp sợ. Đọc với ý thức, xin cứu con.” Nhiều khi chúng ta không dám đọc hay vì mình muốn phạm tội, hay mình thích làm điều đó (!).

Thánh Augustino khuyên hãy khiêm tốn cầu xin: “ Lạy chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con” biết mình đang đứng ở đâu? Cần phải có ơn Chúa. Trong bài hát: “ Chúa Là Đấng Từ Bi và Nhân Hậu ” thường dùng trong các thánh lễ an táng có câu: “ Như người cha xót thương con cái mình,...vì Người biết chúng ta được dựng nên bằng gì. Người vẫn nhớ chúng ta là Cát Bụi!”. Thánh Vianey giáo xứ Art bị cám dỗ hàng ngày, ngày nào cũng bị Ma Quỷ đánh đập, hiện nay trong phòng ngài ở còn lưu lại những vết máu do Ma Quỷ đánh đập, nhưng ngài khẳng định và luôn xác tín: Hôm sau ngài sẽ bắt được con cá mập: Những người tội lỗi đến xin xưng tội quay về với Chúa.

(b)-ĐẶT CÂU HỎI : *Câu hỏi một: Một người hỏi: có cách nào chống trả cơn cám dỗ: Cha Long khen đặt câu hỏi hay, đúng trọng tâm, ngài trả lời: Có ba cách:

(1)-Cầu nguyện: Sở dĩ chúng ta vấp ngã là vì chúng ta cầu nguyện chưa đủ, hoặc chúng ta không cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta biết Quỷ Ma rất sợ khi chúng ta kêu tên cực trọng Thiên Chúa và Mẹ Maria.

(2)-Hãy khiêm tốn: Đừng bao giờ kiêu ngạo, tiếng Mỹ có câu: “ Never say never”, các thánh cũng khuyên chúng ta: “ Bạn đừng nghĩ bạn ở trong đường nhân đức xa và lâu!” .

(3)-Ăn chay: Tránh cơn cám dỗ, chúng ta nên ăn chay. các tông đồ về thưa với Chúa về con Quỷ bất trị, Ngài nói: “ Quỷ này muốn trừ được phải ăn chay!”.

(4)-Hãm mình: Xưa các dòng hay có truyền thống hãm mình bằng cách đánh tội, từ ngày Công Đồng Vatican II ra đời đã bỏ việc đánh tội. Hãm mình là cố gắng bỏ những thú vui, nết xấu, sở thích cá nhân...

(5)- Việc lành phúc đức, bác ái: Cho nhau những điều người khác không cho được, giúp cơ quan từ thiện, người nghèo, người tàn tật, công việc nhà Chúa, đóng góp xây dựng nhà Chúa...

*Câu hỏi 2: Đánh bài có tội không? : Hành vi đánh bài tự nó không có tôi, tội hay không là hậu quả của nó như: Ham tiền,cá độ. Đánh bài đơn thuần không có tội, có tội hay không là do hậu quả gây nên như làm gia đình đổ vỡ, đánh bài luôn luôn ăn ít thua nhiều dẫn đến chuyện dấu vợ dấu con, cầm nhà, cầm xe, làm đổ vỡ gia đình, nên người xưa có câu: “ Cờ bạc là bác thằng bần”. Khi sa vào cạm bẫy với thú đam mê dẫn đến phạm thêm các tôi khác, vì đánh bài được ăn free, ở phòng free và free nhiều thứ dẫn đến nhiều thứ tội kế tiếp.. Ngài nói đôi khi chỉ một mình trong sa mạc vẫn bị cám dỗ. Chúa còn bị cám dỗ khi ăn chay cầu nguyện kia mà.

2-NHU CẦU ÂN SỦNG: Sư khôn ngoan của Giáo Hội là cố tạo những Ân-Sủng cho con cái kín mục qua nhiều phương diện như: CÁC ƠN ĐẠI XÁ, TOÀN XÁ khi chúng ta tham dự các Đại Hội, hành hương các nơi thánh địa. Ân Sủng của Thiên Chúa ban xuông mạnh mẽ để tái lập sự hư nát từ thời tổ phụ A-Dong và E-Và cho đến nay. Đến đây ngài mời mọi người đứng lên lên nghe đoạn Phúc Âm về: Người Con Hoang Đàng trong: “ Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu ” ( Lc: 15: 11-24) :”... Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con Cha nữa...nhưng người cha liền bảo các đầy tớ: “ Mau đem áo đẹp nhất ra đay mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu. Rồi đi bắt con bê vỗ béo làm thịt để chúng ta ăn mùng. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy...”

(1)-TỘI VÀ VẠ: Khi bị cám dỗ, chúng ta không chống trả nổi, vấp phạm và sa ngã, Chúa đã thiết lập Bí Tích Hòa Giải để tha các tội chúng ta phạm. Tội thì được tha, tuy nhiên Vạ vẫn còn, như người ăn cắp, ăn trộm, phạm những điều phương hại đến đức ái phải đền trả, như lấy trộm tiền bạc, của cải phải trả lại người mình đã lấy. Sâm lấn đất đai, tài sản của người. Nếu người ấy không thể trả được, phải trả vào các nơi như: Thánh đường, cơ quan từ thiện, người nghèo, cơ sỏ xã hội, trường học...

Ngài cũng nói, khi chúng ta phạm tội ít khi nhận tội, hay đổ lỗi cho người khác như ông A-Dong đổ lỗi cho bà E-Và, Bà E-Và đổ lỗi cho con rắn. Ngài nói, khi có lỗi, nên nhận lỗi, sửa lỗi, xin lỗi và đến Tòa Hòa Giải xin làm hòa với Thiên Chúa qua linh mục giải tội. Thay quyền Chúa để tha tội

Tội và vạ phải đền trả đời này hoặc đời sau, tôi càng nặng, cảng nhiều, đền trả càng lâu, càng nhiều, đời này chưa đủ , phải đền trả đời sau. Đời này thông qua những Ân Sủng của Thiên Chúa trao ban qua: (a)-ƠN TOÀN XÁ, ƠN ĐẠI XÁ, THAM DỰ CÁC ĐẠI HỘI NHƯ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, ĐẠI HỘI THÁNH MẪU LA VANG..., THAM DỰ CÁC THÁNH LỄ THỨ SÁU, THỨ BẢY ĐẦU THÁNG NHƯ GIÁO HỘI ẤN ĐỊNH, ĐI ĐÀNG THÁNH GIÁ, VỚI NHỮNG ĐIỀU KIỆN GIÁO HỘI ẤN DỊNH: Xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Những việc chúng ta làm hiện nay nên chỉ cho các linh hồn nơi luyện ngục để các linh hồn sau này sẽ cầu nguyện trả lại cho chúng ta đời sau.

(b)-CÁC VIỆC LÀNH PHÚC ĐỨC: Việc làm từ thiện như giúp đỡ người nghèo, nâng đỡ người cô thế, giúp nhà thờ, giúp công việc xây cất Đền Thánh, dâng cúng cho các cơ sở tật nguyền, ngèo khó, cô nhi quả phụ. Chúa phán : “ Ai cho kẻ nào một miếng nước lã cũng không mất phần thưởng”. Nên nhớ những đồng tiền cho đi, thiên Chúa cho lại gấp trăm gấp ngàn. Trong câu chuyện người Phú Hộ và người nghèo khó Lazarô, ông nhà giàu đâu có tội gì, chỉ có tội thiếu xót, không nghĩ đến anh em mình, ích kỷ.

(c)-CHỊU ĐAU KHỔ: Hy sinh chịu đau khổ về phần thể xác, thể lý, tinh thần, tâm hồn cách trọn vẹn và biết kết hợp với Thập Giá Chúa Kitô. Tất cả các việc làm nêu trên có thể đền trả TỘI VÀ VẠ đời này, hơn là chúng ta phải đền trả đời sau. Đời sau chúng ta còn nhớ đoạn Phúc Âm Về người Phú Hộ và ông Lazarô: “ Ông ta chỉ xin nhỏ một giọt nước xuống cho bớt nóng, nhưng tổ phụ Abram nói: “ Bên này, bên ấy có một khoảng cách không thể qua được!”

3-TÓM KẾT: Ngài mời gọi mọi người với tấm lòng khiêm tốn như câu chuyện trong Phúc Âm: “ Lời cầu nguyện của người thu thuế: “ Lạy Chúa xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi”. Hay với tâm tình của Đức Giáo Hoàng Phaxicô: “ quì xuống và kêu van như người phong hủi: “ Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, thì con được sạch.” Và chúng ta hãy sống với hoa trái Chúa trao ban cho là: NIỀM VUI, BÌNH AN, LÒNG PHỚI PHỚI, SỐNG CÔNG CHÍNH, đừng để lương tâm cắn dứt để kéo chúng ta về với Chúa là Đấng đầy lòng Thương -Xót, và để chúng ta: “ Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”../.

Mùa Phục sinh và Đại Lễ Lòng Chúa Thương xót.

Joseph Phan Văn Sỹ ( Phan Hương Nam)

 
Kỷ niệm ngân khánh khấn dòng tại Đan Viện Cát Minh Phú Cường
Maria Nguyễn Hiếu
09:52 12/04/2018
Trong niềm hân hoan tạ ơn Thiên Chúa, vào lúc 6 giờ sáng ngày 11/4/2018, Đan viện Cát Minh Thánh Giuse Phú Cường hân hoan cử hành thánh lễ mừng kỷ niệm ngân khánh khấn dòng của đan nữ Maria Noel Hài Đồng Giêsu Trần Thị Thanh. Thánh lễ do Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục giáo phận Phú cường - chủ tế; đồng tế với ngài có quý cha thân nhân và ân nhân của đan viện.

Xem Hình

Trong bài chia sẻ lời Chúa, Đức cha Giuse mời gọi các nữ đan sĩ và cộng đoàn hãy luôn biết ơn Thiên Chúa như người phong cùi trong đoạn lời Chúa, khi được Chúa chữa lành chỉ có duy nhất anh ấy đã biết quây trở lại tạ ơn Thiên Chúa. Hãy luôn biết tạ ơn vì Chúa đã ban cho mỗi người ơn đức tin, chính nhờ đức tin ấy mà mỗi người mới cảm nhận được muôn hồng Chúa tuôn đỗ trên chính mình qua những hành động hết sức đơn sơ nhỏ bé trong cuộc sống này. Và trong đời sống tu trì, đức tin luôn luôn cần thiết để giúp cho tu sĩ luôn cảm thấy bình an và hạnh phúc khi dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.

Sau bài giảng là nghi thức lập lại lời tuyên khấn dòng của đan nữ Maria Noel Hài Đồng Giêsu Trần Thị Thanh mà cách đây 25 năm nữ tu đã tuyên khấn.

Cuối thánh lễ, vị đại diện gia đình thân nhân của đan nữ Maria Noel đã có đôi lời tri ân đến Đức cha Giuse, quý cha, mẹ Bề trên và các đan nữ trong đan viện, cùng quý tu sĩ và toàn thể cộng đoàn đã đến hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho đan nữ Maria Noel Hài Đồng Giêsu Trần Thị Thanh.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 7 giờ 15 trong niềm vui và bình an nơi Chúa Phục Sinh.

Maria Nguyễn Hiếu - Truyền thông Phú Cường
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Trung Thành Và Kiên Định Có Vấn Đề
Phạm Trần
17:10 12/04/2018
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đang bị thử thách về lòng “trung thành tuyệt đối” và “kiên định với chế độ” của cán bộ, đảng viên trước thềm Hội nghị Trung ương 7, khai mạc tháng 05/2018. Hội nghị này sẽ bàn về “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Chỉ dấu chưa đo được lòng dạ của đảng viên trong năm giữa nhiệm kỳ của khóa đảng XII (hay còn gọi là năm bản lề) đã được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng nêu lên tại phiên họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4 (2018). Cuộc họp này được tổ chức để thảo luận về kết quả 5 đoàn của Ban Bí thư kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII và Công tác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại 15 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, gồm 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương.

Bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) viết:”Báo cáo cho biết, qua kiểm tra tại 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương gồm Sơn La; Hưng Yên, Ninh Thuận; Tây Ninh, Trà Vinh, Kiên Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thông Tấn xã Việt Nam và Ban cán sự đảng Chính phủ cho thấy: các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05 đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; kịp thời chỉ đạo các cấp ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.”

Tuy nhiên, ông Trọng lại cho rằng:” Vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, sự chuyển biến chưa toàn diện, chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Có tình trạng dưới cơ sở học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn hình thức, chưa có nhiều sáng kiến, đổi mới và đang dần đi vào lối mòn, nhất là khi phong trào này đã được thực hiện từ năm 2003 đến nay.” (VOV, 10/04/2018)

CỨ Ì RA ĐẤY

Nên biết Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, thời ông Trọng làm Tổng Bí thư khoá đảng XI về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đảng viên vẫn không khá lên được nên ngày 15/5/2016, sau khi tái đắc của Khóa XII ông Trọng lại ra Chỉ thị 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chuyện dài “học Bác” dù đã kéo dài 15 năm (2003-2018) mà cán bộ vẫn trơ ra như đá, chả ai muốn nhúc nhích, chứng nào vẫn tật ấy. Đơn giản vì ai cũng thấy “học Bác” không làm ra tiền nuôi thân trong khi nhiều cấp lãnh đạo tuy to mồm hô hào “học Bác” nhưng lại suy thoái đạo đức và tham nhũng hơn ai hết. Do đó đã có nhiều đơn vị, tổ chức coi việc học tập là việc phải gượng cười mà làm để báo cáo cho được yên thân.

Bằng chứng này đã được Ban kiểm tra báo cáo tại Hội nghị ngày 10/04/2018:”Việc đưa nội dung học tập Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa đầy đủ. Việc tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết và Chỉ thị còn hình thức, chưa đổi mới, chưa đồng đều ở các cấp, các địa phương, đơn vị; chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện chưa cụ thể.” (TTXVN, 10-04/018)

Như vậy, sau gần hai năm thi hành, Nghị quyết 4/XII ban hành ngày 30-10-2016 nhằm “ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” vẫn đứng bên lề cuộc sống vì sự thờ ơ của cán bộ, đảng viên.

ÔNG TRỌNG CẢNH BÁO

Đó là lý do tại sao ông Trọng đã chỉ rõ”Sự chuyển biến chưa đồng bộ, toàn diện giữa các cấp, ngành, lĩnh vực, giữa trên và dưới. Việc học tập Nghị quyết, Chỉ thị còn qua loa hình thức, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình còn sơ sài.” (TTXVN/ 10/04/2018)

Chuyện ông Trọng than phiền không mới. Có mới chăng là những biến chứng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên đã biến dạng từ kín đáo sang công khai. Chuyện có nhiều đảng viên bỏ sinh hoạt đảng, bất tuân hay ngấm ngầm làm sai lệnh đảng, phê bình lãnh đạo, bài bác Chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi viết lại “vai trò lịch của đảng” , hay đã xa rời quần chúng, hành dân, quan liêu, tham nhũng thả giàn thì ai ở Việt Nam không biết ?

Thậm chí có cả những “lão thành cách mạng”, đảng viên nổi tiếng hay cựu viên chức lãnh đạo đảng còn công khai đòi đảng phải “đổi mới chính trị” song song với “đổi mới kinh tế” để nhân dân và trí thức có thể tham gia xây dựng đất nước nhưng ông Trọng đã gạt đi vì ông sợ đảng sẽ mất độc quyền cai trị đất nước.

Bằng chứng như ông đã nói tại Hội nghị Trung ương 10, Khóa đảng XI :”Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.”

Nhưng nay, vào giữa nhiệm kỳ 2, chính ông Trọng đã nhiều lần than phiền bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh và chồng chéo. Có cơ quan càng tinh giảm thì càng phình to ra để ăn hại ngân sách nhà nước nên dân không còn tin vào đảng nữa

Trong lĩnh vực suy thoái tư tưởng, nguy cơ đến tồn vong của đảng, ông Trọng thú nhận ngày 10/04/2018:”Nội hàm tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị chưa được chú ý, mà mới nặng về đạo đức lối sống, xử lý các sai phạm kinh tế. Cái sâu xa là trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với chế độ. Cần chú ý ngăn chặn những biểu suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Việc học tập, làm theo Bác chưa có nhiều sáng kiến, đổi mới.”

Nói như thế nhưng ông Trọng, một Tiến sỹ chuyên gia ngành Xây dựng đảng, phải hiểu khi cán bộ, đảng viên đã tự ý “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” là họ đâu còn tha thiết “gắn bó với đảng” hay muốn “máu thịt gì với chế độ” nữa. Có chăng là phải “bằng mặt” để có cơm mà ăn chứ mấy ai còn “bằng lòng”, phải không ?

Hơn nữa cái khuyết tật “nói một đàng làm một nẻo” của lãnh đạo vẫn đang diễn biến phức tạp, vì không ai dại gì muốn làm anh hùng để cho kẻ khác kiếm ăn đầy túi. Vì vậy, dù chủ trương “tự phê bình và phê bình” đã có từ khi có đảng hơn 80 năm trước mà có đem lại nghiêm minh và trong sạch trong đảng đâu.

Đấy là lý do tại sao không ai muốn đem đầu ra cho người ta báng như báo cáo kiểm tra của Ban Bí thư viết:” Vai trò nêu gương của một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chưa tốt; vẫn còn những biểu hiện thiếu gương mẫu trong công tác và sinh hoạt. Việc thực hiện tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm.”

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm, hiệu quả thấp, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh gây lãng phí nguồn lực; công tác cải cách hành chính còn hạn chế; việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập, kiểm soát, xác minh kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm thực hiện, còn hình thức.” (TTXVN)

Nhưng với những biểu hiện lo ngại mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng “trung thành tuyệt đối” với Đảng và “kiên định với Chế độ” trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, tình hình nội bộ Việt Nam đã chuyển sang một hướng mới khó lường.

Vậy liệu ông Trọng có ý sử dụng lòng “trung thành tuyệt đối” và “kiên định với chế độ” là điều kiện để thanh lọc hàng ngũ tại Hội nghị Trung ương 7, vào tháng tới (05/2018) hay ông muốn tung ra quân bài này để thách đố những ai đang khuyến cáo ông đừng nên bắt chước Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình để trở thành nhà Lãnh đạo vô thời hạn ở Việt Nam ? -/-

Phạm Trần

(04/018)
 
30 tháng Tư : Thú Người
Đinh Văn Tiến Hùng
10:15 12/04/2018
-Thù Quốc Hận khiến lòng ta đau xót,
Hận Thú Người phá dân tộc tang thương.
Giờ từng ngày Đất Nước vẫn còn vương,
Tháng Tư Đen kéo dài trong oan nghiệp.


“ Tất cả những gì mang tính chất thú vật đều được chính phủ cổ võ và những gì có tính cách con người đều bị truy bức “

( Văn hào Maxim Gorki mô tả về Cộng Sản Xô Viết )

*Thuyết Tiến Hóa đã chủ trương xác quyết, (1)
Muôn vật phát triển thay dạng đổi hình.
Không tin quyền phép Thượng Đế tạo thành,
Hỏa ngục tội hình, Thiên đàng hưởng phúc,
Là trò bịp bợm, thuốc mê ru ngủ.
Khoa học đỉnh cao trí tuệ loài người,
Chứng minh người là hậu duệ đười ươi,
Biến từ cúi lượm, đứng lên bẻ hái,
Qua hàng triệu năm vươn lên vững chãi.
Lớp sóng phế hưng thay đổi từng kỳ,
Và nhân loại đang tìm kiếm những gì,
Nên các nhà nhân chủng, sinh vật học,
Nghiên cứu, tìm tòi khổ công cực nhọc,
Lặn lội lên rặng Hy-Mã-Lạp-Sơn,
Cố tìm dấu chân khổng lồ dã nhân,
Mò mẫn hang động âm u kỳ bí,
Đào cho được những bộ xương hiếm quí,
Để chứng minh thuyết Tiến hóa con người.

*Xin các ngài đừng lặn lội xa xôi,
Thưa quí vị đừng khổ công cho mệt,
Đây đất Việt không phải tin thất thiệt:
Bọn dã nhân hang Pác-Bó chui ra, (2)
Chúng không biết nói, chỉ biết gầm la,
Say mùi máu cuồng điên hơn ác thú,
Không gia đình, không tôn giáo, Tổ quốc,
Chỉ cúi đầu tuân lệnh thú ngoại bang,
Bán biển đảo, dâng rừng núi bạt ngàn,
Hủy diệt môi sinh cá chết ngập tràn,
Thanh niên nam nữ thay hàng xuất khẩu,
Làm nô lệ và mua vui ô nhục,
Chúng còn biến hóa nhiều trò tà ma,
Ngay cả đồng chí cũng chẳng hề tha,
Đang khỏe mạnh bỗng đột qui chết yểu,
Để che lấp những âm mưu khó hiểu.
Người dân đói nghèo đau khổ lầm than,
Vẫn làm ngơ vẫn bóc lột tham tàn,
Hơn thái thú giặc Tàu thời trung cổ,
Hơn lớp người thời ăn lông ở lỗ,
Vì chính chúng từ hang lỗ chui ra.
Dẫu trăm năm có thay đổi màu da,
Dù cố miệt mài trát son tô phấn,
Dù bắt chước làm sang vẫn dễ thấy,
Vì hiện nguyên hình một lũ Thú Người.

Đinh văn Tiến Hùng

*Ghi chú: (*) Tên tác phẩm nguyên tác tiếng Đức “Herztier”, bản Anh ngữ “The Land of Green Plums” của nữ văn sĩ Đức Herta Muler giải Nobel 2009. Người viết mượn tên được dịch sang tiếng Việt tựa đề “Thú Người”. Trong tác phẩm, tác giả đã vạch trần sự tàn bạo của chế độ Cộng Sản Đông Đức, cũng giống như chế độ CSVN và các nước CS trên thế giới.
(1) Thuyết Tiến Hóa do Charles Darwin chủ trương cho rằng : muôn loài biến hóa thay đổi theo thời gian và con người cũng nằm trọng định luật ấy. Trong cuốn “The Origin of Species : Nguồn gốc muôn loài”, ông cho rằng : loài người có họ hàng với loài vượn. Bọn Cộng Sản ca tụng thuyết Tiến Hóa, nhưng Công Giáo không chấp nhận.
(2) Hang Pác-Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, Bắc Việt. Ngày 8/2/1941 khi hầu vương Hồ chí Minh mới về nước đã chọn nơi này làm hang ổ đầu tiên của bọn CSVN và còn lấy tên những ông tổ của chúng đặt cho suối Lê-nin và núi Các-Mác gần đó.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chuyện lạ các thánh: Cả gan so chiều cao với xác Chuá.
Trần Mạnh Trác
18:28 12/04/2018
Câu chuyện xẩy ra bên Ý hồi thế kỷ 14, một anh giầu có nhưng vô trách nhiệm chỉ lo đi tìm thú vui, một hôm gặp một đám rước chiếc ‘kim tĩnh chôn Chuá Giêsu,’ thì cả gan thực hiện một chuyện đuà cợt, là leo lên nằm để đo với Chuá xem ai cao hơn…chẳng ngờ bị Chuá ‘chớp mất hồn’…và trở thành thánh.

Chân phước Giacôbê Oldo là con trai của một gia đình giàu có, sinh năm 1364, cha mẹ là ông Marchese và bà Fiordonina Oldo, ở thành phố Lodi, Ý. Người cha chết sớm để lại một di sản cho cậu con trai lớn lên trở thành một thanh niên giàu có nhưng rất bê tha.

Oldo kết hôn với Catharine Bocconi, một phụ nữ cũng giàu có và hợp tính hợp tình; Cuộc hôn nhân đem lại cho họ ba người con. Nhưng cái lo lắng hàng đầu cuả hai vợ chồng là đi tìm các thú vui chơi.

Cái chết bất ngờ của một người bạn thân và việc nhìn thấy cái xác đưa xuống mộ làm cho Oldo bắt đầu xao xuyến, ông tự hỏi “nếu xác cuả mình nằm đó, thì hồn ở đâu?” Câu hỏi đó làm cho Oldo trưởng thành thêm một chút.

Cho tới một ngày kia, một đoàn thánh du rước chiếc ‘kim tĩnh’ chôn xác Chuá đi qua Lodi.

Coi như là một trò đùa, Giacôbê đột nhập vào nhà thờ và cả gan nằm xuống trên phiến đá thánh, có ý so sánh chiều cao của mình với Chúa Kitô. Vừa nằm xuống thì Giacôbê cảm nghiệm một cảm giác như bị sét đánh ngay lập tức, một kinh nghiệm làm cho ông hoàn toàn hoán cải.

Ông xưng tội công khai trước tất cả mọi người rồi xin gia nhập dòng 3 Phan Sinh (Franciscan). Trong khi thực hành cuộc sống Phan Sinh ngoài đời, ông có dịp chăm sóc cho một linh mục bị bệnh và đổi lại, vị linh mục dạy cho ông tiếng Latinh.

Bà mẹ và vợ của Giacôbê phản đối dữ dội, nhưng rồi một hôm bà mẹ bỗng nhìn thấy hiện ra cảnh tượng bà phải đứng trước ngai toà cuả Chúa. Sau đó thì, cả hai bà, mẹ và vợ, cũng xin gia nhập dòng 3.

Họ biến chiếc biệt thự xa hoa của họ thành một trung tâm cầu nguyện. Họ dùng nơi đó để săn sóc cho các bệnh nhân và tù nhân trong những cuộc nội chiến sau đó.

Sau cái chết của vợ, Giacôbê Oldo trở thành một linh mục vào năm 1397. Bởi vì ông thực hiện việc ăn chay hãm mình để đền tôị một cách quá lẽ, (ngủ trên đất, mặc áo dậm, kiêng thịt và rượu và chỉ ăn 1 lần mỗi tuần,) cho nên Đức Giám Mục địa phương đã ra lệnh cho ông phải ăn ít nhất là ba lần một tuần.

Cuộc sống và lời giảng dậy cuả Giacôbê làm cho nhiều người hoán cải, nhiều người nhờ đó mà đi tu sống đời tận hiến, như một bà công nương, Bà Mirandola, đã bán tất cả nữ trang cuả mình để đi tu và lập dòng Poor Clare.

Chân phước Giacôbê được ơn lạ nói tiên tri cho nhiều biến cố; ngài tiên báo nhiều cuộc chiến sắp xảy ra và về ngày giờ cuả cái chết của chính mình, ngày 18 tháng 4 năm 1404.

7 năm sau, khi người ta bốc mộ thì thấy xác cuả Giacôbê Oldo không tiêu hủy.

Ngày 26/3/1934 Đức Giáo Hoàng Pius XI ban chiếu công nhận tục lệ tôn vinh Giacôbê Oldo là chân phước.

Lễ kính chân phước Giacôbê Oldo là ngày 18 tháng 4 mỗi năm.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mật Ngọt Hoa Xuân
Lê Trị
08:34 12/04/2018
MẬT NGỌT HOA XUÂN

Ảnh của Lê Trị

Xuân về hoa mới mật ngon

Chim muông thanh thản bữa no hằng ngày

Chúa Trời huyền nhiệm lắm thay!

(bt)