Ngày 03-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
7g tối 5/5: Trước tình hình đại dịch nghiêm trọng hiện nay, cùng nhau Lần Chuỗi trực tuyến theo ý chỉ của ĐTC
Giáo Hội Năm Châu
00:54 03/05/2021
 
Thứ Ba 4/5: Bình an đích thực. Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Đại chủng viện Vinh Thanh
Giáo Hội Năm Châu
01:12 03/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 03-May-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Ga 14, 27-31a

“Thầy ban bình an của Thầy cho các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:13 03/05/2021

18. Xua đi sự yêu thích cuộc sống đời này để bồi dưỡng tình yêu ở đời sau, bởi vì đời sau không có ngịch cảnh quấy rầy con người, không có nhu cầu cấp thiết đe dọa, không có sự buồn khổ khiến cho con người bất an, mà chỉ có cảnh vui vẻ hân hoan bất tận.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:18 03/05/2021
34. ĐẠP BẸP HỒ LÔ

Có một quán rượu đưa ra quy định như sau: phàm khách đến mua rượu hoặc uống rượu, chỉ cần nói rượu chua thì bị ông ta cột lại dưới gốc cây và trừng phạt.

Một hôm, có một đạo sĩ vác cái hồ lô to tổ bố vào tiệm rượu, nhìn thấy có người bị cột dưới gốc cây thì hỏi tại sao như vậy. Chủ quán trả lời:

- “Hắn ta hại tôi, nói là rượu của tôi chua nên bị phạt.”

Đạo sĩ nói:

- “Xin đưa tôi một ly uống thử xem sao?”

Chủ tiệm đến rót rượu, đạo sĩ uống một miếng và vội vàng chạy khỏi, chủ quán vì không nghe đạo sĩ nói rượu chua nên rất phấn khởi, liên nói lớn:

- “Ngài quên cái hồ lô rồi.”

Đạo sĩ vừa chạy vừa nói:

- “Ta không cần, ta không cần, ông giữ lại đạp bẹp nó làm bảng hiệu bán giấm !”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 34:

Thời nay các cửa hàng quốc doanh thường nói khách hàng như là thượng đế, nhưng khi khách hàng hỏi mua lượng giá thì bị nhân viên bán hàng mắng như tát nước vào mặt thượng đế; thời nay người ta cạnh tranh nhau để moi tiền của thượng đế, nhưng khi thượng đế phê bình hàng hóa không tốt và cung cách phục vụ của nhân viên bán hàng chưa lịch sự, thì bị các bảo vệ có tính cô hồn dập vào mặt thượng đế.

Không phải khách hàng là thượng đế, nhưng túi tiền của khách hàng mới là thượng đế; không phải người ta vì thượng đế mà phục vụ, nhưng vì túi tiền của thượng đế mà phục vụ.

Người Ki-tô hữu không gọi khách hàng là thượng đế, nhưng họ nhìn thấy thượng đế là Đức Chúa Giê-su trong con người của khách hàng, nên phục vụ họ với thái độ yêu thương và hòa nhã; người Ki-tô hữu không gọi khách hàng là thượng đế, nhưng vẫn cứ phục vụ họ cách vui vẻ ân cần, vì họ -khách hàng- là anh em chị em của họ trong Đức Chúa Giê-su Ki-tô…

Bắt khách trói dưới gốc cây chỉ vì khách chê rượu của mình chua là hành động của kẻ gian ác, cô hồn; đạo sĩ bỏ chạy lập tức quên cả hồ lô khi nếm rượu, là người khôn ngoan biết hậu quả giữa chữ “chua” và chữ “giấm” thì khác nhau rất xa…

Người Ki-tô hữu càng khôn ngoan hơn khi hiểu rõ hậu quả giữa chữ thật và chữ nịnh thì khác nhau xa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 03/05/2021

19. Trên thiên đàng lý trí không bị sai, ý chí không bi quan thống khổ, trí nhớ không có sợ hãi. Nhưng có sự quang đãng kỳ lạ, có sự viên mãn dịu dàng đẹp đẽ, có sự an toàn vĩnh viễn và mọi sự đều thiện hảo mà không có sự chán chường.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:20 03/05/2021
35. MỘT BỨC HOÀNH

Ở Huy Châu có người trong làng mấy năm liên tiếp kiện tụng với người khác, kiện cho đến khi vừa oán hận vừa chán ghét.

Đêm trừ tịch, ba bố con cùng bàn với nhau:

- “Ngày mai là tết, chúng ta nên nói vài câu may mắn thuận lợi, để trong năm tới gặp may, đừng kiện tụng nữa.”

Các con nói:

- “Bố nói trước đi.”

Ông bố nói:

- “Năm nay tốt.”

Con trai cả nói:

- “Ít rủi ro.”

Con trai út nói:

- “Không được kiện tụng nữa.”

Ba bố con đem ba câu nói mười một chữ này thuê người viết thành một bức hoành, dán trong nhà, kêu người nhà phải thường thường đọc lớn tiếng để được điều may mắn thuận lợi.

Sáng ngày mồng một tết, con rể đến mừng tuổi, khi đi ngang qua phòng khách thì ngẫng đầu lên thấy bức hoành, bèn lớn tiếng đọc:

- “Năm nay nhiều rủi ro, không thể ít kiện tụng được.”

Ba bố con vội vàng chạy đến, luôn miệng nói:

- “Xúi quẩy, xúi quẩy.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 35:

Để được nhiều may mắn, ba bố con bèn đem quyết tâm của mình viết trên bức hoành đề nhớ và tâm niệm mỗi ngày, đó là một phương pháp hay để nhắc nhở mình, nhưng vì con rể đọc không chấm không phẩy, ngắt câu sai mà ý của nó trở thành xấu…

Để được trở nên con cái tốt lành của Thiên Chúa, người Ki-tô hữu luôn khắc ghi lời của Ngài trong tâm hồn của mình, bởi vì không một biến cố gì xảy ra trong cuộc sống của mình mà Thánh Kinh không nói trước, bởi vì không một thử thách gian nan nào xảy ra trong cuộc sống, qua mọi thế hệ, mà Thánh Kinh không báo trước và dạy chúng ta cách sống.

Dịp tết là để mọi người tìm cách xích lại gần với nhau hơn, quyết tâm sống tốt hơn trong năm mới, nhưng mỗi năm chỉ có một lần tết mà thôi, cơ hội quá ít.

Mỗi một thánh lễ là một cơ hội làm cho người Ki-tô hữu có quyết tâm sống đẹp sống mới hơn, có cơ hội xích lại gần với Thiên Chúa hơn, xích lại gần với nhau hơn trong tình yêu thương của Đức Chúa Giê-su, cơ hội rất nhiều…

Nhưng thử hỏi, có mấy ai lợi dụng cơ hội này –tham dự thánh lễ mỗi ngày- để có quyết tâm làm lại cuộc đời tội lỗi của mình !!!

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cựu Bộ trưởng Nội các Sri Lanka bị bắt vì bị cáo buộc có liên quan đến vụ khủng bố chống Kitô Giáo vào Lễ Phục sinh năm 2019
Đặng Tự Do
05:17 03/05/2021


Hai năm sau khi các vụ đánh bom ở Sri Lanka giết chết hàng trăm người tại một số nhà thờ và khách sạn vào ngày lễ Phục sinh, cảnh sát hôm thứ Bảy đã bắt giữ một cựu bộ trưởng Sri Lanka và anh trai của ông ta vì bị cáo buộc có liên quan đến các vụ đánh bom. Luật sư của họ tuyên bố các vụ bắt giữ có động cơ chính trị.

Rishad Bathiudeen, người lãnh đạo một đảng đối lập trong Quốc hội Sri Lanka và trước đây từng phục vụ trong nội các, và anh trai Reyaj của ông đã bị bắt tại Colombo ngày 24 tháng 4 vì bị cáo buộc “hỗ trợ và tiếp tay cho những kẻ đánh bom tự sát thực hiện cuộc thảm sát vào Chúa Nhật Phục sinh”, phát ngôn viên cảnh sát Ajith Rohana cho biết như trên, theo Associated Press. Hai anh em vẫn chưa bị buộc tội chính thức, nhưng Rohana cho biết có những bằng chứng trực tiếp, và “khoa học” về sự liên quan của họ trong các vụ tấn công.

Báo Ấn Độ The Hindu đưa tin rằng ông Rohana nhấn mạnh rằng: “Họ bị bắt sau khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, kiểm tra các giao dịch và đường dây liên lạc”.

Vào ngày 21 tháng 4 năm 2019, chín kẻ đánh bom liều chết nhắm vào hai nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Tin lành, bốn khách sạn và một khu dân cư gần như đồng thời. Các vụ đánh bom xảy ra vào giữa các buổi lễ Chúa Nhật Phục sinh đã giết chết hơn 260 người và làm hơn 500 người bị thương.

Hai nhóm người Sri Lanka có quan hệ với bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị cáo buộc tổ chức các vụ tấn công.

Tình báo nước ngoài đã cảnh báo chính phủ trước các vụ đánh bom, nhưng cuộc tranh giành quyền lực và liên lạc đứt đoạn giữa tổng thống và thủ tướng vào thời điểm đó được cho là đã dẫn đến việc không thể phối hợp trong các phản ứng an ninh.

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Columbo là người thẳng thắn ủng hộ việc điều tra thêm về các vụ đánh bom. Ngài chỉ trích cuộc điều tra của chính phủ và bày tỏ lo ngại rằng tham nhũng hoặc sơ suất đã ngăn cản việc truy tố các thủ phạm và các cộng tác viên.

Hôm thứ Bảy, Rishad Bathiudeen, người vừa bị bắt, đã đăng lên Facebook rằng cảnh sát đã có mặt bên ngoài nhà anh ta từ sáng sớm và “đang cố bắt tôi dù không có chứng cứ buộc tội”.

“Họ đã bắt anh trai tôi rồi. Tôi đã ở trong Quốc hội và đã hợp tác với tất cả các cơ quan hợp pháp cho đến nay. Điều này thật bất công”, ông nói.

Luật sư của ông, Rushdie Habeeb, cho biết các vụ bắt giữ có động cơ chính trị. Habeeb cho biết các vụ bắt giữ nhằm “trừng phạt giới lãnh đạo chính trị Hồi giáo, vốn không liên quan gì đến biến cố ngày 21 tháng 4, 2019, vì những hành vi đê tiện của một số thanh niên Hồi giáo, những người được nhiều người cho là đã bị các thế lực nước ngoài dùng làm con tốt”.

Bathiudeen từng là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại của Sri Lanka, và hiện lãnh đạo một đảng Hồi giáo thiểu số, là đảng chính trị đối lập. Anh trai Riyaj của ông bị bắt vào tháng 5 năm 2020 vì bị cáo buộc có liên hệ với những kẻ đánh bom tự sát nhưng được tại ngoại vào tháng 10.

Vào tháng 9 năm 2020, một phát ngôn viên của cảnh sát nói với các nhà báo rằng Riyaj Bathiudeen đã gặp một trong những kẻ đánh bom liều chết trước một trong những vụ tấn công vào một khách sạn và anh ta đã bị cáo buộc về những hành vi cộng tác khác với những kẻ đánh bom. Một số nghi phạm khác đã bị bắt nhưng cuối cùng đã được thả với lý do thiếu bằng chứng.

Vào thời điểm đó, Hồng Y Ranjith cho biết các quan chức an ninh đã xác nhận với ngài rằng họ có đầy đủ bằng chứng chống lại nhiều nghi phạm đánh bom đã bị bắt giữ. Đức Hồng Y cùng với bạn bè và gia đình của các nạn nhân bày tỏ lo ngại rằng việc thả các nghi phạm là dấu hiệu của tham nhũng hoặc thiếu một cuộc điều tra kỹ lưỡng từ phía Cục Điều tra Hình sự Sri Lanka.

Bản thân Rishad Bathiudeen trước đó đã bị bắt vào tháng 10 vì cáo buộc chiếm đoạt tài nguyên nhà nước, và được tại ngoại vào tháng 11.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo và các tôn giáo khác đã kỷ niệm hai năm ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố vào ngày 21 tháng 4, và cầu nguyện mong cho chấm dứt chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Đức Hồng Y Ranjith đã cùng các nhà lãnh đạo Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo tham gia buổi lễ, và đã phát biểu tại Đền thờ Thánh Antôn, nơi xảy ra một trong những vụ đánh bom. Buổi lễ bao gồm những lời cầu nguyện và hai phút im lặng để tưởng nhớ những người đã khuất.

Ranjith đã yêu cầu cộng đồng Hồi giáo của Sri Lanka bác bỏ chủ nghĩa cực đoan và giúp người Công Giáo xác định những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Giáo sĩ Hồi giáo Hassan Moulan cho biết đức tin Hồi giáo không biện minh cho tội ác, và nói rằng người Hồi giáo trên khắp thế giới lên án vụ tấn công. Cộng đồng Hồi giáo Sri Lanka đã không cho phép chôn cất thi thể của những kẻ đánh bom liều chết trong nghĩa trang của họ, để tách biệt họ với Hồi giáo.
Source:Catholic News Agency
 
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức tìm cách tách mình ra khỏi cuộc biểu tình chống Tòa Thánh vào ngày 10 tháng 5
Đặng Tự Do
05:18 03/05/2021


Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức cho biết hôm thứ Tư rằng một cuộc biểu tình được dự trù diễn ra vào ngày 10 tháng 5 nhằm phản đối việc Vatican “không chúc lành cho các cặp đồng tính không phải là một dấu chỉ hữu ích”.

Giám mục Georg Bätzing cho biết trong một tuyên bố ngày 28 tháng 4 trên trang web của Hội Đồng Giám Mục rằng các buổi lễ chúc lành “không phù hợp để trở thành một công cụ cho các cuộc biểu tình chính trị hoặc các hành động phản đối Giáo hội”.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, báo cáo rằng Giám mục Bätzing đã đưa ra lập trường trên nhằm đáp lại lời kêu gọi người Công Giáo tham gia vào một cuộc biểu tình khổng lồ trên toàn quốc vào ngày 10 tháng 5 để phản đối phán quyết của Vatican, được ban hành vào tháng 3 với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cuộc biểu tình này do phong trào “Segnungsgottesdiensten für Liebende”, nghĩa là “chúc lành cho những người yêu nhau” tổ chức. Các nhà tổ chức hy vọng rằng các cặp vợ chồng đồng tính trên toàn nước Đức sẽ tham gia vào sự kiện này.

Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã công bố một “Responsum ad dubium” nghiã là một bản “phúc đáp cho một vấn đề hồ nghi” ngày 15 tháng 3 để trả lời câu hỏi “Giáo hội có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng giới không?” CDF đã trả lời, ‘Không’ kèm với một bản giải thích và một lời bình luận.

Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, cùng với một số giám mục Đức đã lên tiếng phản đối Tòa Thánh, và thách thức Tòa Thánh bằng cách tổ chức một cuộc chúc lành cho các cặp đồng tính lớn nhất trên thế giới vào ngày 10 tháng 5. Một số nhà thờ trong thế giới nói tiếng Đức còn treo cờ tự hào LGBT. Tuy nhiên, khi một số phong trào đòi biến ngày 10 tháng 5 thành một ngày biểu tình khổng lồ chống lại Tòa Thánh thì Giám mục Georg Bätzing, người được giới truyền thông Đức tung hô là “Neuer Papst”, nghĩa là “Tân Giáo Hoàng”, cảm thấy cần phải tách mình ra trò nguy hiểm này. Một cuộc biểu tình như thế có thể đẩy Tòa Thánh đến chỗ tung ra các phản ứng quyết liệt mà Georg Bätzing không thể lường trước được.

Trong tuyên bố của mình, Giám Mục Bätzing cho biết: “Sau khi hội đồng thường trực của Hội Đồng Giám Mục Đức trao đổi quan điểm cách đây vài ngày, tôi muốn tuyên bố một cách dứt khoát rằng: Tất nhiên, những người có xu hướng đồng tính luyến ái, bao gồm cả những người sống trong quan hệ đồng giới, có một vị trí trong Giáo hội. Họ được chào đón.”

“Nhiệm vụ mục vụ của Giáo hội là thực thi công lý cho tất cả những người này trong những hoàn cảnh cụ thể tương ứng trên con đường sống của họ và đồng hành với họ trong mục vụ”.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh này, tôi không coi các hành động công khai, chẳng hạn như những hành động được lên kế hoạch vào ngày 10 tháng 5, là một dấu chỉ hữu ích và là một con đường phía trước”.

“Các buổi lễ chúc lành có phẩm giá thần học và ý nghĩa mục vụ riêng của chúng. Chúng không phù hợp như một công cụ cho các biểu hiện chính trị-giáo hội hoặc các hành động phản đối”.

Bätzing, giám mục 60 tuổi của Limburg, lưu ý rằng ở Đức và các nơi khác của Giáo hội trên toàn thế giới đã diễn ra các cuộc thảo luận trong nhiều năm về giáo huấn Công Giáo về luân lý tình dục, bao gồm cả đồng tính luyến ái.

Ông nói rằng những cuộc thảo luận này tập trung vào việc làm thế nào để giáo huấn của Giáo hội “có thể được phát triển hơn nữa với những lập luận khả thi - trên cơ sở các chân lý cơ bản của đức tin và đạo đức, các suy tư thần học tiến bộ, và cũng để mở ra những kết quả mới hơn trong khoa học nhân văn và trong các tình huống cuộc sống của con người ngày nay”.
Source:Catholic News Agency
 
Bức tranh Đức Mẹ Guadalupe tại một nhà thờ ở Los Angeles bị phá phách bằng búa tạ
Đặng Tự Do
05:22 03/05/2021


Tuần trước, một người đàn ông đã dùng búa tạ để đập vỡ khuôn mặt Đức Mẹ Guadalupe trong một bức bích họa được vẽ trên gạch tại một nhà thờ ở Los Angeles.

Toàn bộ cảnh tấn công đã được ghi lại trên video camera an ninh tại Nhà thờ Công Giáo St. Elisabeth ở quận Van Nuys vào ngày 21 tháng 4.

Trang web của giáo xứ đã đăng những bức ảnh về thiệt hại và gọi vụ phá hoại là “một trong những khoảnh khắc đáng buồn nhất của chúng tôi” bên cạnh những gì mọi người đã phải chịu đựng trong đại dịch coronavirus.

Đức Trinh nữ Guadelupe được coi là trung tâm của bản sắc Mễ Tây Cơ và được tôn thờ như vị thánh bảo trợ của Mỹ châu.

Linh mục Vito Di Marzio, cha sở của nhà thờ, đã hướng dẫn anh chị em giáo dân và các học sinh “cầu nguyện cho hòa bình, hiệp nhất và trật tự trong cộng đồng giáo xứ cũng như cho người đã gây ra hành động xúc phạm này đối với Đức Mẹ”.

Sơ Angelie Marie Inoferio nói với KTLA-TV rằng sơ đau buồn vì vụ phá hoại.

“Chúng tôi không thể đánh giá điều gì thực sự bên trong con người này. Hiện tại, chúng tôi đang cầu nguyện, và hy vọng một ngày nào đó con người này sẽ hoán cải đạo và nhận ra rằng những gì mình đã làm là sai”.

Giáo xứ đã yêu cầu quyên góp để khôi phục lại bức tranh tường được vẽ cách đây 35 năm và lắp đặt một lớp vỏ bằng thủy tinh để bảo vệ.
Source:AP
 
Đức Giáo Hoàng ban hành các quy tắc cứng rắn mới chống lại tham nhũng tài chính tại Vatican
Đặng Tự Do
16:17 03/05/2021


Trong một nỗ lực mới nhằm giải quyết những lo ngại dai dẳng về những hành vi không chính đáng liên quan đến tài chính, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một quy chế tài chính đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe đối với tất cả các viên chức Vatican.

Các chính sách mới, được công bố vào ngày 29 tháng 4, yêu cầu tất cả các viên chức Vatican đang nắm giữ “chức năng hành chính, kiểm soát, hay giám sát” phải xác nhận rằng các vị:

Chưa từng bị kết án, hoặc được ân xá, vì dính líu đến các hoạt động tội phạm;

Chưa từng là đối tượng của các cuộc điều tra tội phạm hoặc các vụ kiện dân sự;

Không giữ tài sản thuộc các tổ chức hoặc “khu vực pháp lý có rủi ro cao về rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố”

Không có tài sản có được do hoạt động bất hợp pháp

Không có bất kỳ vị trí nào trong “các công ty hoặc tổ chức kinh doanh hoạt động cho các mục đích và trong các lĩnh vực trái với học thuyết xã hội của Giáo hội”.

Quan trọng hơn, Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng quy định rằng các nhân viên của Vatican không được nhận những món quà có giá trị lớn hơn € 40, tức là $ 48, “cho chính họ hoặc cho những người khác trừ ra cho tổ chức mà họ làm việc”. Chính sách này, nếu được thực thi, sẽ phá vỡ một thông lệ lâu đời, trong đó các quan chức cấp cao của Vatican nhận quà tặng lớn bằng tiền mặt từ những người có liên hệ với chức vụ của họ.
Source:Catholic World News
 
Tổng thống Ukraine xin Vatican làm trung gian tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Putin
Đặng Tự Do
16:18 03/05/2021


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông xem Vatican là nơi tốt nhất để tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp về khủng hoảng với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Repubblica của Ý, Zelensky đưa ra nhận xét rằng Vatican rất thích hợp cho một cuộc họp thượng đỉnh tổng thống để giải quyết cuộc xung đột Ukraine. Ông Zelensky nói: “Vatican có thể là nơi tối ưu về mọi mặt”.

Tòa thánh cũng như Đức Giáo Hoàng là những người có thẩm quyền về luân lý, vị tổng thống 43 tuổi nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn.

Đề cập đến tiềm năng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như Vatican, Ông Zelensky nói:

“Một người hòa giải với thẩm quyền như vậy có thể mang lại niềm tin vốn đã thiếu cho đến nay trong các nỗ lực nhằm đạt đến một thỏa thuận của chúng tôi. Tất nhiên, điểm gặp gỡ nên tạo ra sự tin tưởng cho cả hai bên”.

Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin là Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn chưa nhận được lời mời chính thức.

Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng cuộc gặp không thể xoay quanh cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, vì Nga không coi mình là một bên trong cuộc xung đột.

Các đợt triển khai quân của Nga cũng như Ukraine gần đây đã làm dấy lên lo ngại quốc tế rằng giao tranh ở khu vực xung đột miền đông Ukraine có thể leo thang một lần nữa.

Thứ Sáu tuần trước, Nga đã bắt đầu rút thêm binh sĩ được triển khai đến bán đảo Crimea của Ukraine, nơi mà họ đã sáp nhập vào năm 2014. Ukraine hoan nghênh diễn biến này.

Đầu tuần này, Zelensky nói với các nhà báo rằng ông đã chỉ thị cho người đứng đầu văn phòng của mình liên hệ với Mạc Tư Khoa về cuộc họp thượng đỉnh cấp tổng thống.

Zelensky đã đề nghị một cuộc gặp gỡ với Putin trong khu vực xung đột nhưng Điện Kremlin lại nói rằng họ muốn nguyên thủ Ukraine bay đến Mạc Tư Khoa.

Trong gần bảy năm, các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine ở sát biên giới Nga đã được kiểm soát bởi các phiến quân trung thành với Mạc Tư Khoa. Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 13,000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột đòi ly khai khỏi Ukraine.
Source:DPA International
 
Ngày Tử đạo của các Giáo sĩ Ba Lan trong Thế chiến II
Đặng Tự Do
16:19 03/05/2021


Hôm thứ Năm, 29 tháng 4, Giáo Hội tại Ba Lan đã cử hành Ngày Quốc gia Các Thánh Tử đạo Ba Lan, nhân kỷ niệm 76 năm giải phóng trại tập trung ở Dachau. Các lễ kỷ niệm chính, như mọi năm, đã được tổ chức tại Thánh đường Thánh Giuse ở Kalisz. Vào buổi trưa, Đức Cha Grzegorz Suchodolski của Siedlce đã cử hành Thánh Lễ tại đây.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, kể lại rằng trại tập trung Dachau là nơi tử đạo đặc biệt của các giáo sĩ Ba Lan. Ngài nhấn mạnh rằng các linh mục Ba Lan bị đối xử tệ hơn ở Dachau so với các giáo sĩ khác, chẳng hạn như các linh mục Đức. Các ngài bị cấm cử hành thánh lễ và các cử hành Phụng Vụ khác.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan nhấn mạnh rằng Dachau là một nơi đặc biệt quan trọng đối với hàng giáo phẩm ngày nay, bởi vì, ở đó các linh mục có thể học được sự dũng cảm và hy sinh mà các giáo sĩ thời đó có được. “Ngày nay, trong thời đại không tồn tại những hoàn cảnh như vậy, khi chúng ta được hưởng tự do, thật đáng giá cho các linh mục, những người đôi khi coi nhẹ ơn gọi của mình và từ bỏ sứ vụ chỉ vì những lý do không đáng. Các vị có thể thấy sứ vụ linh mục thực sự là gì khi học hỏi các tấm gương từ Dachau.”

Ngày Tử đạo của các Giáo sĩ Ba Lan, do Hội Đồng Giám Mục thiết lập vào năm 2002, nhằm tưởng nhớ các linh mục là nạn nhân của các chế độ độc tài, đặc biệt là Quốc xã và Cộng sản. Các cử hành ở Kalisz nằm trong khuôn khổ các lễ tạ ơn hàng năm kính nhớ các linh mục bị giam giữ tại Dachau. Trại này đã được giải phóng vào ngày 29 tháng 4 năm 1945. Lo sợ toàn bộ trại bị Đức Quốc Xã tàn sát để xóa các dấu vết tội ác chiến tranh, các linh mục đã giao phó mình cho Thánh Giuse và thề rằng, nếu các ngài sống sót, hàng năm các ngài sẽ thực hiện một cuộc hành hương đến Nhà thờ Thánh Giuse ở Kalisz. Trại được giải phóng vào ngày 29 tháng 4 năm 1945. Các linh mục Ba Lan còn sống tiếp tục thực hiện lời thề của các ngài và hành hương đến Kalisz để tạ ơn Thánh Giuse cầu bầu cho các ngài được sống sót. Vị linh mục cuối cùng trong số các linh mục ở Dachau, là Cha Leon Stępniak, đã qua đời vào năm 2013.

Dachau là trại chính giam giữ các giáo sĩ Công Giáo, Tin lành và Chính thống giáo. Trong số khoảng 3,000 tu sĩ, phó tế, linh mục và giám mục Công Giáo bị giam giữ ở đó, 1,773 vị đến từ Ba Lan. 868 giáo sĩ đã tử đạo trong trại, và phần lớn trong số họ thuộc về các giáo phận Poznan (147), Wloclawek (144), và Lodz (112). Trong số gần 600 tu sĩ, nhóm nạn nhân lớn nhất là các tu sĩ Dòng Tên, các nhà truyền giáo và các tu sĩ Dòng Salêdiêng.

Vào ngày 29 tháng 4 năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Đức ở Dachau, các giám mục và linh mục từ khắp Ba Lan đã hành hương đến Dachau.

Lễ kỷ niệm Ngày Các Thánh Tử Đạo Ba Lan năm nay được phát thanh từ Kalisz bởi Đài phát thanh Rodzina của Giáo phận Kalisz và đài Truyền hình Internet “Dom Józefa.”
Source:Hội Đồng Gám Mục Ba Lan
 
Kết quả công nghị tuyên thánh ngày 3/5/2021
Đặng Tự Do
16:24 03/05/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ trì công nghị để chuẩn y việc tuyên thánh cho bảy vị chân phước vào hôm thứ Hai 3 tháng 5.

Công nghị đã diễn ra lúc 10 giờ sáng ngày 3 tháng 5 theo giờ địa phương tại phòng họp Công nghị tại điện Tông Tòa của Vatican với các vị Hồng Y hiện đang cư trú hoặc đến thăm Rôma.

Công nghị đã được mở đầu với Kinh Giờ Ba, hay lời cầu nguyện giữa buổi sáng, từ Phụng vụ Các Giờ Kinh.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, sau đó trình bày tóm tắt về cuộc đời của bảy vị cho Đức Giáo Hoàng và các Hồng Y.

Các Hồng Y đã bỏ phiếu đồng thuận đối với các án tuyên thánh này.

Cuộc bỏ phiếu này là bước cuối cùng trong quy trình tuyên thánh và mở đường cho việc xác định một ngày được ấn định cho một Thánh lễ tuyên thánh.

Trái với thông lệ, Vatican đã không công bố ngày hoặc địa điểm của các lễ phong thánh vào hôm thứ Hai. Điều này không có gì khó hiểu, xét vì các khó khăn trong việc tổ chức các sự kiện giữa bối cảnh đại dịch tiếp tục hoành hành trên thế giới.

Vatican News nói rằng bảy ứng cử viên sẽ được “đưa lên bàn thờ trong những tuần và những tháng tới, theo một lịch trình sẽ được ấn định sau”.

Nhân vật nổi bật nhất trong số bảy người là Charles de Foucauld, nhà truyền giáo người Pháp bị giết ở Algeria năm 1916. Ngài là một người lính, một nhà thám hiểm, người trở lại đạo Công Giáo, linh mục, ẩn sĩ và tu sĩ phục vụ những người Tuareg ở sa mạc Sahara ở Angiêri.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn án tuyên thánh cho Chân Phước Charles de Foucauld vào tháng 5 năm 2020.

Công nghị đã cũng đã bỏ phiếu về việc tuyên thánh cho Devasahayam Pillai, một giáo dân người Ấn Độ, đã chịu tử đạo sau khi cải đạo từ Ấn Độ giáo sang Công Giáo vào thế kỷ 18.

Pillai, người còn được biết đến với tên rửa tội là Lazarus, đã được tuyên chân phước vào năm 2012 ở miền nam Ấn Độ. Ông sẽ là người giáo dân Công Giáo đầu tiên ở Ấn Độ được tuyên thánh.

Các án tuyên thánh khác được xét đến liên quan đến Chân Phước Maria Francesca của Chúa Giêsu (nhũ danh Anna Maria Rubatto), là vị sáng lập dòng Ba Capuchin Tertiary các Nữ tử miền Loano, và Chân Phước Maria Domenica Mantovani, đồng sáng lập và là Bề trên tổng quyền đầu tiên của Tu viện Các Chị Em Gia đình Thánh Gia.

Các Hồng Y cũng đã bỏ phiếu về tuyên thánh cho ba linh mục đã thành lập các dòng và tu viện: Chân Phước César de Bus, Chân Phước Luigi Maria Palazzolo, và Chân Phước Giustino Maria Russolillo.

Ngoài việc thông qua các án tuyên thánh, Đức Thánh Cha đã quyết định công bố việc nâng 8 Hồng Y từ đẳng phó tế lên đẳng linh mục.

Tưởng cũng nên biết, Hồng Y đoàn được chia thành ba cấp bậc: Hồng Y phó tế, Hồng Y linh mục và Hồng Y giám mục.

Khi một vị Giám Mục đang coi sóc một giáo phận hay một tổng giáo phận được nâng lên hàng Hồng Y, ngài thuộc vào hàng Hồng Y linh mục. Nhưng một vị đang phục vụ trong giáo triều Rôma, khi được nâng lên hàng Hồng Y, thì hầu chắc ngài thuộc vào hàng Hồng Y phó tế.

Mười năm sau khi nhận được chiếc mũ đỏ, các Hồng Y phó tế có thể yêu cầu Đức Giáo Hoàng nâng họ lên hàng Hồng Y linh mục và lựa chọn một nhà thờ hiệu tòa. Thực hành này được gọi bằng tiếng Latinh là “Optatio”.

Văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết vào ngày thứ Hai, tám Hồng Y đã được nâng từ Hồng Y phó tế lên Hồng Y linh mục: Đó là các Đức Hồng Y Angelo Amato (hiệu tòa Santa Maria ở Aquiro); Robert Sarah (hiệu tòa San Giovanni Bosco ở Via Tuscolana); Francesco Monterisi (hiệu tòa San Paolo alla Regola); Raymond Leo Burke (hiệu tòa Sant’Agata de ’Goti); Kurt Koch (hiệu tòa Nostra Signora del S. Cuore); Mauro Piacenza (hiệu tòa San Paolo alle Tre Fontane); Gianfranco Ravasi (hiệu tòa San Giorgio ở Velabro); và Walter Brandmüller (hiệu tòa San Giuliano dei Fiamminghi).
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ cho cộng đồng người Miến Điện ở Rome vào ngày 16 tháng 5.
Thanh Quảng sdb
18:36 03/05/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ cho cộng đồng người Miến Điện ở Rome vào ngày 16 tháng 5.
(CNA 3/5/2021)

Văn phòng báo chí Tòa Thánh ngày 3/5 thông báo Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô cho những người Công Giáo Miến Điện sống ở thủ đô nước Ý, vào lúc 10 giờ sáng theo giờ địa phương, nhân dịp Lễ Thăng thiên 16/5/2021.

Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ mối quan ngại về quốc gia Myanmar tại Đông Nam Á này, nơi lực lượng an ninh đã xả súng vào những người biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2/2021 của quân đội.

Nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị ước tính đã có 766 người chết trong các cuộc đàn áp này.

Phát biểu vào buổi triều yết đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” vào Chúa nhật ngày 2 tháng 5, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta đã bước vào tháng 5, tháng kính Đức Trinh Nữ Maria theo nhiều cách thế... Năm nay tháng này sẽ được đánh dấu bằng một cuộc cầu nguyện marathon liên tục từ các đền thánh quan trọng dâng kính Đức Mẹ, để cầu nguyện cho đại dịch được chấm dứt. Chiều tối hôm qua là điểm khởi hành đầu tiên từ Đền thờ Thánh Phêrô.”

“Trong bối cảnh này, ĐTC nói lên cõi lòng mong muốn được gần gũi với Giáo hội Miến Điện, và ĐTC mời gọi tất cả hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Myanmar qua các tràng chuỗi hàng ngày của chúng ta.

Mỗi người chúng ta thường hướng về mẹ của mình mỗi lúc buồn nản, hoạn nạn và khó khăn; trong tháng này, chúng ta hãy chạy đến Mẹ Thiên Chúa để khẩn thiết van xin cho các nhà lãnh đạo Myanmar có can đảm ngồi lại với nhau trong đối thoại hầu tìm ra sự hòa giải và hòa bình. "

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi hòa giải hòa hợp cho quốc gia có dân số 54 triệu người này, một quốc gia có biên giới tiếp giáp với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Đức Thánh Cha cũng là người đầu tiên đến thăm quốc gia mà Phật giáo là quốc giáo vào tháng 11 năm 2017.

Tại buổi tiếp kiến chung ngày 17 tháng 3, Đức Thánh Cha đề cập đến một hình ảnh được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội về một nữ tu Công Giáo ở Miến Điện đang quỳ gối trước cảnh sát và quân đội, cầu xin họ đừng tấn công vào những người biểu tình.

ĐTC nói: “Tôi cũng muốn quỳ gối trên các đường phố Myanmar để la lên: “Hãy dừng bạo lực lại.” Tôi dang tay ra và mời gọi: “Hãy đối thoại để mang lại hòa bình thắng lợi.”

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế vào ngày 3 tháng 3 năm 2021 hãy "đảm bảo rằng nguyện vọng của người dân Myanmar không bị bóp chết bởi bạo lực."

Trong một bài phát biểu trước các ngoại giao đoàn qui tụ lại tại Tòa thánh vào đầu tháng Hai 2021, ĐTC bày tỏ mong muốn “con đường hướng tới dân chủ đã được thực hiện trong những năm gần đây tại đất nước Myanmar, nên cần thả các nhà lãnh đạo chính trị đối lập đang bị cầm tù ra...
 
Thư Mục vụ về Phẩm Giá Con Người của thai nhi chưa chào đời, Rước Lễ và người Công Giáo trong đời sống công cộng
J.B. Đặng Minh An dịch
21:42 03/05/2021

Đức Cha Salvatore Joseph Cordileone, Tổng Giám mục San Francisco, vừa đưa ra một thư Mục vụ, có tựa đề “Phẩm Giá Con Người của thai nhi chưa chào đời, Rước Lễ và người Công Giáo trong đời sống công cộng”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1: 5). Chàng thanh niên Giêrêmia đã nghe Chúa phán những lời này với mình hơn 2500 năm trước. Trong thời đại mà chúng ta đang sống, tai họa phá thai đã bỏ qua thực tế rằng con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, được Người biết đến và yêu quý. Bức thư mục vụ này gửi đến tất cả những người Công Giáo, nhưng đặc biệt là những người Công Giáo có liên hệ đến đời sống công cộng, nhằm kêu gọi suy tư sâu sắc về tệ nạn phá thai và về ý nghĩa của việc rước lễ, là Bánh Hằng Sống.

Có bốn điểm mấu chốt trong bức thư này:

Tính chất nghiêm trọng của tội ác phá thai: Khoa học dạy rằng sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Sự kết liễu mạng sống con người thông qua việc phá thai đã làm tổn thương sâu sắc người phụ nữ và phá hủy nền tảng của một xã hội công bằng; quyền được sống là “quyền ưu tiên vượt trội” vì một khi nó bị vi phạm nền tảng của tất cả các quyền khác không còn nữa. Là người Công Giáo, chúng ta phải là tiếng nói cho những người không có tiếng nói và bất lực; chẳng ai vô phương tự vệ hơn một đứa trẻ trong bụng mẹ.

Những kẻ hợp tác với tội ác luân lý: Ai là người phải chịu tội khi một vụ phá thai xảy ra? Phá thai không bao giờ chỉ là hành động đơn phương của người mẹ. Những người giết hoặc hỗ trợ giết thai nhi trực tiếp liên quan đến việc thực hiện một hành vi xấu xa nghiêm trọng. Người nào đó gây áp lực hoặc khuyến khích người mẹ phá thai, người trả tiền hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai, và cả những kẻ hỗ trợ cho các ứng cử viên dù biết những ứng cử viên ấy sẽ thúc đẩy luật chống phá thai cũng hợp tác ở các mức độ khác nhau trong một vấn đề đạo đức nghiêm trọng.

Ý nghĩa của việc rước Mình Thánh Chúa: Giáo hội đã dạy nhất quán trong 2000 năm qua rằng những người rước Thánh Thể phải công khai tuyên xưng đức tin Công Giáo của mình và kính cẩn phấn đấu sống theo các giáo huấn đạo đức của Giáo hội. Những ai từ chối giáo huấn của Giáo Hội về sự thánh thiêng của đời sống con người và những ai không tìm cách sống phù hợp với giáo huấn đó thì tự mình đã mâu thuẫn với sự hiệp thông của Giáo hội, và do đó không nên lãnh nhận bí tích hiệp thông, là Chúa Giêsu Thánh Thể. Tất cả chúng ta đều thiếu sót theo nhiều cách khác nhau, nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa việc phấn đấu để sống theo những lời dạy của Giáo hội và việc từ chối những giáo huấn ấy.

Trách nhiệm của người Công Giáo trong đời sống công cộng: Từ ba điểm trên, có thể thấy rằng người Công Giáo nổi bật trong đời sống công cộng có trách nhiệm đặc biệt là làm chứng một cách trọn vẹn giáo huấn của Giáo hội. Ngoài lợi ích thiêng liêng của chính họ, còn có nguy cơ tai tiếng: đó là, qua chứng tá giả mạo của họ, những người Công Giáo khác có thể nghi ngờ giáo huấn của Giáo hội về phá thai, về Chúa Giêsu Thánh Thể, hoặc cả hai. Điều này càng ngày càng trở nên một thách đố nghiêm trọng trong thời đại của chúng ta.

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hoán cải, chứ không chỉ riêng những người Công Giáo nổi bật trong đời sống công cộng. Chúng ta phải hiểu rõ những gì đang bị đe dọa ở đây và cùng nhau xây dựng văn hóa cuộc sống. Với những người cần nghe rõ ràng thông điệp này, tôi xin anh chị em hãy quay lưng lại với điều ác và trở về với niềm tin Công Giáo trọn vẹn của anh chị em. Chúng tôi đang chờ đón anh chị em với vòng tay rộng mở để anh chị em có thể trở lại với niềm vui.
Source:San Francisco Archdiocese

 
Thư Mục vụ của Đức Cha Salvatore Joseph Cordileone, Tổng Giám Mục San Francisco về Nhân phẩm Trẻ Chưa sinh, Rước Lễ, và Các Người Công Giáo trong Đời sống Công cộng
Vũ Văn An
22:16 03/05/2021
Theo trang mạng của Tổng Giáo Phận San Francisco, nhân ngày Lễ Kính Thánh Giuse Thợ, 1 tháng 5 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Joseph Cordileone đã công bố lá thư mục vụ gửi dân Chúa trong Tổng Giáo phận của ngài, tức tổng giáo phận có quyền tài phán trên người Công Giáo khét tiếng phò phá thai là Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Nancy Pelosi.

Mời bạn đọc xem trọn Thư Mục Vụ nói trên của ngài (nguyên văn xem tại https://sfarch.org/inthewomb#introduction)

Tóm lược



“Trước khi tạo hình con trong lòng mẹ, Ta đã biết con, trước khi con sinh ra, Ta đã thánh hiến con, ta đã chỉ định con làm tiên tri cho các dân tộc” (Grm 1: 5).

Một Giêrêmia tuổi trẻ đã nghe Chúa nói những lời trên hơn 2500 năm trước đây. Trong thời đại chúng ta đang sống, tai họa phá thai đã làm ngơ thực tại này: con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, được Thiên Chúa biết đến và yêu thương. Bức thư mục vụ này gửi đến tất cả những người Công Giáo, nhưng đặc biệt những người Công Giáo trong đời sống công cộng, kêu gọi họ suy tư sâu sắc về tệ nạn phá thai và về ý nghĩa của việc rước lễ, Bánh Hằng Sống.

Có bốn điểm mấu chốt trong bức thư này:

1. Sự trầm trọng của tội ác phá thai: Khoa học dạy rằng sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Sự kết thúc cuộc đời qua việc phá thai đã làm tổn thương sâu sắc người phụ nữ và phá hủy nền tảng của một xã hội công chính; nó là “ưu tiên trổi vượt” vì nó vi phạm quyền sống, nền tảng của mọi quyền khác. Là người Công Giáo, chúng ta phải là tiếng nói cho những người không có tiếng nói và bất lực; không có ai thiếu khả năng tự vệ hơn một đứa trẻ trong bụng mẹ.



2. Hợp tác với tội ác luân lý: Ai là người mang tội khi một vụ phá thai diễn ra? Việc này không bao giờ chỉ là hành động của người mẹ. Những người giết hoặc hỗ trợ giết đứa trẻ trực tiếp tham gia vào việc thực hiện một hành vi xấu xa nghiêm trọng. Người nào đó gây áp lực hoặc khuyến khích người mẹ phá thai, trả tiền hoặc cung cấp tài trợ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai, hoặc hỗ trợ các ứng cử viên thúc đẩy luật phò phá thai cũng hợp tác ở các mức độ khác nhau vào một điều xấu xa đạo đức nghiêm trọng.



3. Ý nghĩa của việc quyết định lên rước Mình Thánh Chúa: Trong 2000 năm qua, Giáo hội đã dạy một cách nhất quán rằng những người rước Thánh Thể phải công khai tuyên xưng đức tin Công Giáo của mình và nghiêm túc phấn đấu sống theo các giáo huấn đạo đức của Giáo hội. Những ai khước từ giáo huấn của Giáo Hội về tính thánh thiêng của sự sống con người và những ai không tìm cách sống phù hợp với giáo huấn đó thì tự đặt mình vào thế mâu thuẫn với sự hiệp thông của Giáo hội, và do đó không nên lãnh nhận bí tích hiệp thông đó, tức Thánh Thể. Xét theo nhiều cách khác nhau, tất cả chúng ta đều thiếu sót, nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc phấn đấu để sống theo các lời dạy của Giáo hội và việc bác bỏ các lời dạy đó.



4. Các trách nhiệm của người Công Giáo trong đời sống công cộng: Từ ba điểm trên, có thể thấy rằng những người Công Giáo nổi bật trong đời sống công cộng có trách nhiệm đặc biệt là làm chứng cho sự viên mãn của giáo huấn của Giáo hội. Ngoài lợi ích thiêng liêng của chính họ, còn có nguy cơ tai tiếng: nghĩa là, bằng cách làm chứng giả của họ, những người Công Giáo khác có thể nghi ngờ giáo huấn của Giáo hội về phá thai, Bí tích Thánh Thể hoặc cả hai. Điều này ngày càng trở nên thách thức trong thời đại chúng ta.

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hoán cải, không chỉ những người Công Giáo nổi bật trong đời sống công cộng. Chúng ta nên hiểu những gì đang bị đe dọa ở đây và cùng nhau làm việc để xây dựng nền văn hóa sự sống. Với những người cần nghe rõ thông điệp này: Qúy vị hãy quay lưng lại với điều ác và trở về với niềm tin Công Giáo trọn vẹn của qúy vị. Chúng tôi đang chờ đón qúy vị với vòng tay rộng mở để hân hoan chào đón qúy vị trở về.



Dẫn nhập

“Trước khi tạo hình con trong lòng mẹ, Ta đã biết con, trước khi con sinh ra, Ta đã thánh hiến con, ta đã chỉ định con làm tiên tri cho các quốc gia” (Grm 1: 5).

Những lời lẽ trên của Sách Tiên tri Giêrêmia nói lên một cách sâu sắc và cảm động tình yêu và mục đích cao cả mà vì thế Thiên Chúa đã mang mỗi người chúng ta vào thế giới ngay từ giây phút đầu tiên chúng ta hiện hữu. Tuy nhiên, buồn thay, trong “nền văn hóa vứt bỏ” ngày nay - như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi nó một cách hết sức sống động - phẩm giá của mỗi người và mọi người không được dành cho thứ giá trị cố hữu của nó. Trong một nền văn hóa coi trọng lợi nhuận, quyền lực, danh tiếng và khoái lạc hơn tất cả những điều khác, nhiều người kết cục trở thành nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ này, từ những người nhập cư đang lao đao và người lao động nghèo đến người cao niên và gặp khó khăn về thể lý. Não trạng vứt bỏ này cũng gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường, một thiệt hại đặc biệt tác động xấu đến người nghèo. Nhưng khi chính sự hiện hữu của một con người vô tội - một điều tuyệt đối về mặt đạo đức - bị vứt bỏ, thì đó là dấu hiệu cho thấy một xã hội đã thực sự trở nên rối loạn nghiêm trọng. Đó là số phần của những đứa trẻ chưa sinh và thực trạng của xã hội chúng ta.

Năm 2023, quốc gia của chúng ta sẽ đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 của phán quyết Roe khét tiếng. Nhiều thế hệ người Mỹ nay đã và đang lớn lên không biết sống trong một đất nước biết coi trọng và bảo vệ cuộc sống của những thành viên nhỏ nhất, không được bảo vệ và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội là như thế nào. Năm mươi năm, hơn 60,000,000 cái chết, và nhiều triệu cuộc sống hơn nữa bị thương tích sau đó, đã đến lúc cần phải đánh giá lại một cách thẳng thắn và trung thực. Phá thai không chỉ giết chết đứa trẻ, nó làm người phụ nữ bị tổn thương sâu xa. Làm thế nào lại không phải như thế cho được? Bản năng làm mẹ rất mạnh mẽ: người mẹ sẵn sàng dùng mọi phương thế để bảo vệ con mình. Thật vậy, biết bao lần những người trong chúng ta đảm nhận thừa tác vụ của Giáo hội thường xuyên nghe thấy những lời than thở từ các phụ nữ sau khi phá thai, “Tôi không muốn trải qua điều đó, nhưng tôi cảm thấy như tôi không có lựa chọn nào khác”? Lời than thở này cho thấy sự dối trá của khẩu hiệu "phò lựa chọn".

Đây đặc biệt là thời điểm đối với những người Công Giáo chúng ta, những người mà đức tin kêu gọi chúng ta vận động cho lợi ích phổ quát của một nền đạo đức nhất quán về sự sống, trong mọi giai đoạn và trong mọi điều kiện, lên tiếng kêu gọi đất nước chúng ta trở lại với việc tôn trọng sự sống của con người. Và điều này đặc biệt đúng đối với những người Công Giáo nổi bật trong mọi tầng lớp của đời sống công cộng - giải trí, truyền thông, chính trị, giáo dục, thế giới doanh nghiệp, v.v. - vì họ có một ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ đến việc lên khuôn các thái độ và thực hành của người ta trong quốc gia chúng ta.

Phá thai là cái rìu đặt dưới gốc cây nhân quyền: khi nền văn hóa của chúng ta khuyến khích việc vi phạm sự sống ở tình trạng trẻ nhất và dễ bị tổn thương nhất, thì các chuẩn mực đạo đức khác sẽ không thể đứng vững lâu dài. Do đó, trong lá thư mục vụ này, tôi muốn đề cập đến bốn chủ đề: sự cần thiết đối với người Công Giáo và mọi người thiện chí phải hiểu phá thai xấu xa nghiêm trọng như thế nào; làm thế nào để tránh sự hợp tác đầy tội lỗi vào tội ác này; làm thế nào áp dụng những nguyên tắc này vào vấn đề của người Công Giáo và việc rước lễ; và trách nhiệm chuyên biệt mà những người Công Giáo nổi bật trong đời sống công cộng vốn có liên quan đến ích chung. Do đó, bức thư được xây dựng trong bốn phần, tương ứng với mỗi một trong số bốn xem xét này. Tôi bắt đầu với các nguyên tắc của luật pháp và khoa học vì phá thai không phải là một vấn đề “Kitô giáo” hay “Công Giáo”: phẩm giá của con người là một giá trị mà tất cả chúng ta phải khẳng định.

Phần 1. Nền tảng nhân bản: Luật pháp và Khoa học

“Chúng tôi coi những sự thật này là hiển nhiên, đó là mọi người... đều được Tạo hóa ban cho một số Quyền bất khả chuyển nhượng, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Với những lời lẽ gây xúc động này, Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ khẳng định rằng các quyền căn bản của con người không tìm thấy nguồn gốc của chúng ở bất cứ cá nhân, tòa án hay chính phủ nào: các quyền căn bản của con người không được ban tặng, chúng vốn cố hữu và phải được thừa nhận như vậy. Những sự thật này là hiển nhiên vì chúng phát xuất từ chính bản chất của điều phải là mới thành con người, và chúng chỉ có thể tiếp cận đối với lý trí mà thôi. Việc khẳng định các quyền bất khả chuyển nhượng này trong Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta không phải là vấn đề của tín lý tôn giáo, mà đúng hơn xuất phát từ cùng một nền tảng luật tự nhiên như các giải đáp cho các câu hỏi đạo đức khác mà luật pháp của chúng ta vốn dựa vào: cấm ăn cắp, nói dối, gian lận, phân biệt chủng tộc, giết người, v.v. Hơn nữa, những quyền cố hữu này, mà lý trí con người có thể biết được, được trình bày trong Tuyên bố Độc lập với một thứ tự ưu tiên dứt khoát. Do đó, quyền mưu cầu hạnh phúc của người ta bị giới hạn khi quyền đó tước đi quyền tự do hoặc quyền sống của người khác; quyền tự do của một người bị hạn chế khi quyền đó tước đi quyền sống của người khác. Quyền sống là nền tảng của tất cả các quyền khác. Nếu không bảo vệ quyền sống thì không cuộc nói chuyện nào khác về quyền lợi có ý nghĩa cả.

Ai sở hữu quyền sống? Luật tự nhiên dạy và Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố rằng mọi hữu thể nhân bản đều có phẩm giá tạo nên nền tảng cho các quyền bất khả chuyển nhượng này. Những người ủng hộ phá thai đồng thanh nêu ra một loạt các câu hỏi lý thuyết về “điều gì tạo nên sự sống của con người? Khi nào nó bắt đầu?" Câu trả lời từ khoa học rất rõ ràng: một cuộc sống con người mới, khác biệt về mặt di truyền học bắt đầu từ lúc thụ thai, được định nghĩa là quá trình thụ tinh: "Sự phát triển của phôi thai bắt đầu ở Giai đoạn 1 khi tinh trùng thụ tinh một tế bào trứng và chúng cùng nhau tạo thành hợp tử" (1). Vì phôi thai là một sinh vật nhân bản độc nhất và đang phát triển, nên sinh vật nhân bản này có quyền sống cố hữu ngay từ khi được thụ thai. Như vậy, việc xâm hại một cách thô bạo của hành vi phá thai đã kết liễu một đời người. Tương tự như vậy, những phương tiện ngừa thai, tức ngăn cản việc phôi thai bám trụ (implantation), thực chất là thuốc phá thai giết chết một con người vô tội đang lớn lên.

Sự kinh hoàng của việc phá thai biểu lộ tỏ tường trong thực tại sinh học của điều thực sự xảy ra trong việc “chấm dứt thai kỳ”, nó bạo lực xiết bao. Hãy chứng kiến lời khai trước Quốc hội Hoa Kỳ của Bác sĩ Anthony Levatino, người đã thực hiện các vụ phá thai trước khi từ bỏ thực hành này. Trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội, Bác sĩ Levatino mô tả, một cách đầy chi tiết ghê rợn, thủ tục giết một thai nhi 24 tuần tuổi đời. Ông giải thích, bác sĩ phá thai, sau khi hút hết nước ối bảo vệ đứa trẻ trong tử cung, đưa một dụng cụ giống như móng vuốt vào tử cung. Công cụ giống như móng vuốt bắt đầu xé nát đứa trẻ, dần dần chặt đứt tứ chi đứa bé, lấy các phần cơ thể ra, từng phần một. Bác sĩ Levatino mô tả phần khó khăn nhất của diễn trình, lấy đầu của em bé ra:

"Đầu của một em bé ở độ tuổi đó có kích thước bằng một quả mận lớn và lúc này đang bồng bềnh trong khoang tử cung. Qúy vị có thể chắc chắn giữ yên được nó nếu chiếc kẹp Sopher được dang ra bằng chừng ngón tay của qúy vị. Qúy vị sẽ biết mình có được nó đúng vào lúc qúy vị đè chiếc kẹp xuống và thấy chất sền sệt màu trắng xuất ra cổ tử cung. Đó là bộ não của em bé. Sau đó, qúy vị có thể lấy các mảnh sọ ra. Đôi khi một khuôn mặt nhỏ sẽ xuất hiện và trừng trừng nhìn qúy vị" (2).

Làm thế nào một người có lương tâm tốt lại dám mô tả một thủ tục như vậy là “an toàn”?

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi chống đối việc phá thai vì chúng ta thừa nhận quyền sống của hữu thể nhân bản, bản sắc nhân bản độc đáo của mỗi bào thai đang sống, đang phát triển từ lúc thụ thai và bạo lực khủng khiếp của thủ thuật này. Ngoài những động lực nhân bản này, chúng ta, những người Công Giáo cũng được cổ vũ bởi những động lực tôn giáo nữa. Điều này không có nghĩa là chúng ta tìm cách áp đặt các niềm tin tôn giáo của mình lên người khác, nhưng nó có nghĩa là sự hiểu biết tôn giáo của chúng ta về con người nhân bản như được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa thâm hậu hóa quyết tâm chung tay với những người khác, bất kể niềm tin tôn giáo hay thiếu niềm tin ấy của họ, để phục vụ, dạy dỗ, chữa lành và bảo vệ cộng đồng nhân loại, nhất là những người cần nhất. Chúng ta chia sẻ với những người khác niềm tin rằng phẩm giá con người là bẩm sinh; nhưng chúng ta cũng tin rằng nó có một giá trị không thể đánh giá được. Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta rằng hai điều răn lớn là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí, hết sức chúng ta và yêu người lân cận như chính chúng ta (Mt 22: 36–40; Mc 12: 28–31; Lc 10: 27). Và, vì chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Kitô thực sự vừa là anh chúng ta, là con người như chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi, vừa thực sự là Thiên Chúa nhập thể, nên Người kết hợp trong chính Người cả hai điều răn: trong Chúa Kitô, chúng ta yêu Thiên Chúa bằng cách yêu thương và phục vụ người lân cận. Chúa Kitô đã làm cho sự thật này trở thành minh nhiên trong dụ ngôn về Sự Phán Xét Sau Cùng của Người. Khi người ta hỏi nhà vua: “Lạy Chúa, khi nào chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, hay khát mà cho uống đâu? Khi nào chúng con thấy Chúa là người xa lạ mà chào đón Chúa, hay trần truồng mà mặc áo cho Chúa đâu? Khi nào chúng con thấy Chúa ốm đau, ở tù mà đến thăm viếng đâu?”, Vua trả lời: “thật, Ta bảo thật cho các con, bất cứ điều gì các con làm cho một trong những người anh em nhỏ bé nhất của Ta, thì chính các con đã làm cho Ta ”(Mt 25: 37–40).

Không phải chỉ “bận tâm” đến việc phá thai, Giáo Hội Công Giáo còn cung cấp nhiều dịch vụ y tế, xã hội và giáo dục ở đây tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Người Công Giáo đấu tranh cho các biểu thức khác nhau của việc làm môn đệ này: phản đối phân biệt chủng tộc, đấu tranh cho quyền của những người bị áp bức, giúp đỡ người bệnh và người già, làm việc cho bình đẳng hơn về kinh tế, v.v. Một số người nói rằng chúng ta chỉ nên dành sức lực của mình cho các nhu cầu “không gây tranh cãi” và giữ im lặng về việc phá thai; chúng ta nên thừa nhận rằng, không giống như tất cả những vấn đề khác, đây là một "vấn đề riêng tư". Nhưng đâu phải như vậy. Thật thế, chính sự hiện hữu của đứa trẻ đang lớn lên đó là kết quả của sự hiệp thông giữa hai con người, và bản thân người mẹ và người cha là một phần của bầu trời liên hệ giữa con người với nhau. Tất cả những con người này đều bị tổn hại ở mức độ ít nhiều khác nhau bởi hành động kết liễu cuộc sống của đứa trẻ chưa chào đời.

Vì vậy, vì lý do chính đáng, các giám mục Hoa Kỳ coi đây là vấn đề chính trị “trổi vượt” của thời và nơi chốn chúng ta “vì nó trực tiếp tấn công chính sự sống, vì nó diễn ra trong cung thánh gia đình, và vì số lượng sinh mạng bị tiêu diệt” (3).

Ý thức được những hậu quả sâu xa của việc phá thai, Giáo hội cũng tham gia vào việc giúp đỡ phụ nữ và các gia đình của họ. Hơn nữa, sự xói mòn lòng tôn kính đối với phẩm giá cố hữu của con người đang đầu độc nền văn hóa rộng lớn hơn, góp phần vào việc coi thường quyền lợi của “người khác”, cho dù người đó có thể là ai. Xã hội ngày càng phân cực và thiếu lịch thiệp của chúng ta cho thấy một sự thiếu tôn trọng đối với “người khác” trong nhiều vấn đề, và Giáo Hội Công Giáo cam kết xây dựng lại tình liên đới của con người. Trong trường hợp giết chết những đứa trẻ chưa sinh, Giáo hội cố gắng trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói, nói thay cho những người hoàn toàn không thể tự nói theo nghĩa đen.

Kỳ tới: Phần 2: Hợp tác với điều ác luân lý
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ tạ ơn và khánh thành Trung Tâm Thánh Tôma Thiện tại Seattle.
Nguyễn An Quý.
08:36 03/05/2021
Tukwila. Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hóa của giáo xứ CTTĐVN được khánh thành vào sáng thứ bảy đầu tháng Năm do Đức Tổng Giám Mục Paul Etienne làm phép thánh hiền cơ sở này vào ngày lễ kính Thánh Giuse Thợ và được đặt tên là Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hoá Thánh Tôma Thiện.

Trung tâm được khởi công xây dựng vào dịp Hội Chợ Hè giữa tháng 8 năm 2019. Đây là nổ lực của toàn thể cộng đoàn dân Chúa giáo xứ CTTĐVN nhắm mục đích tạo dựng cơ sở vật chất và tinh thần cho chương trình giáo dục đức tin và văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ, cho con em của giáo xứ. Số lượng thiếu nhi sinh hoạt tại giáo xứ càng ngày càng gia tăng kể từ khi giáo xứ sinh hoạt mục vụ tại cở sở mới này. Do vậy việc xây dựng Trung Tâm được ưu tiên đưa lên hàng đầu trong kế hoạch xây dựng cở sở vật chất của giáo xứ trước khi bước vào giai đoạn xây dựng ngôi nhà thờ mới. Tưởng cũng nên biết, Trung Tâm khá rộng rãi với hơn 20 phòng học cho các em sinh hoạt trong ba chương trình. Ngoài ra còn có văn phòng của giáo xứ, văn phòng của cha chánh xứ và mỗi chương trình đều có văn phòng riêng.Trung Tâm cũng có nhà nguyện, nhà bếp và một Hội trường khá rộng. Bình thường thì Hội trường này được ngăn thành 4 lớp học với bức tường di động để có thể tháo ra khi cần làm hội trường.

Xem Hình

Trong buổi lễ Khởi Công Xây Dựng Trung Tâm vào năm 2019, Đức Tổng Giám Mục Peter Sartain chủ sự và có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Phó là Paul Etienne nay ngài lại chủ sự nghi lễ làm phép khánh thành Trung Tâm với chức vụ Tổng Giám Mục. Trong nghi thức đặt viên đá khởi công xây dựng, Đức Tổng Giám Mục Sartain đã đọc lời nguyện cầu như sau mà hôm nay đã nghiệm đúng theo lời cầu nguyện này: " Công trình chúng ta khởi sự hôm nay sẽ làm sống động đức tin chúng ta và giúp chúng ta tri ân Chúa. Chúng ta biết những lời tương tự trong thánh vịnh: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công.” Khi nào chúng ta tìm kiếm lợi ích cho người láng giềng hoặc cộng đồng và phục vụ họ, thì cũng có nghĩa là chúng ta là những cộng sự viên của Chúa. Anh chị em thân mến, qua nghi lễ Khởi Công này, chúng ta hãy cầu xin ơn Chúa hoàn tất Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin này, và xin Ngài bảo vệ những ai làm việc trong công trình này được an toàn khỏi mọi thương tích Amen”.

Quả thật: “nếu Chúa chẳng xây nhà thì dù thợ nề có vất vả cũng uổng công” do vậy, nhờ lời cầu nguyện và Chúa đã nhậm lời nên dù trong thời gian xây dựng Trung Tâm gần 2 năm qua lại rơi vào thời điểm mà nạn đại dịch Corona Virus bùng phát trên khắp thế giới cũng như tại đất nước Hoa Kỳ, nhất là giáo xứ CTTĐVN lại nằm trong điạ bàn Quận King là nơi bùng phát mùa đại dịch mạnh nhất tại tiểu bang Washington và so với các tiểu bang khắp đất nước Hoa Kỳ. Qua thời gian dài trước nạn đại dịch với bao sợ hãi, nhưng nhiều thiện nguyện viên cả nam lẫn nữ trong giáo xứ đều xông pha đến giúp công tác xây dựng hàng ngày tại trung tâm nên hôm nay mới đạt được thành quả tốt đẹp cho niềm vui trọng đại này.

Thứ bảy ngày 01 tháng 05 ngày đầu Tháng Đức Mẹ cũng là ngày lễ kính Thánh Giuse Thợ, cha chánh xứ đã quyết định chọn ngày đặc biệt này làm ngày cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn và Khánh Thành Trung Tâm Thánh Tôma Thiện. Năm nay cũng là Năm Thánh biệt kính Thánh Giuse nên cũng là mục đích để nhắc nhở dân Chúa trong cộng đoàn giáo xứ học hỏi gương nhân đức của Thánh Cả Giuse hầu sống đời cá nhân và gia đình trong sự tuân phục thánh ý Chúa. Trong lá thư mục vụ tuần này của cha chánh xứ tuần này có đoạn như sau: “Trong năm biệt kính Thánh Cả Giuse, việc khánh thành Trung Tâm vào thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ là xin đặt Trung Tâm dưới sự bảo trợ của Ngài để làm vinh danh Chúa qua chương trình giáo dục đức tin và văn hóa của giáo xứ chúng ta “. Đó cũng là ý nghĩa của việc chọn ngày Khánh Thành Trung Tâm vào dịp lễ Thánh Giuse Thợ.

Hôm nay lại là một ngày đẹp trời đến với xứ cao nguyên tình xanh khá dặc biệt vì những ngày vừa qua là những ngày mưa lạnh của các xứ mưa nhiều này. Từ sáng sớm trời đổ cơn mưa nhẹ, đến giữa trưa thì bầu trời trở nên sáng sủa với ánh nắng diụ dàng ấm áp phù hợp cho việc sinh hoạt ngoài trời.

Vào khoảng 10 giờ 30, Đức Tổng Giám Mục Paul Etienne xuất hiện với khuôn mặt rạng rỡ, ngài vui mừng đến với giáo xứ trong ngày trọng đại này với sự hiện diện của đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo xứ tham dự, về phía chính quyền thành phố Tukwila nằm trong địa bàn giáo xứ gồm ông Thị Trưởng thành phố và một số viên chức trong Hội Đồng Thành Phố tham dự.

Thánh Lễ tạ ơn do Đức Tổng Giám Mục Paul Etienne chủ tế, quý cha trong giáo xứ và 3 linh mục khách đồng tế Thánh lễ cùng thầy phó tế Phạm Quý Thể phụ tế Thánh Lễ. Đúng 11 giờ, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn và đoàn đồng tế cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh theo tiếng hát của ca đoàn.

Mở đầu Thánh Lễ, cha chánh xứ ngỏ lời chào mừng Đức Tổng Giám Mục, chào mừng quý cha và quý quan chức trong chính quyền thành phố Tukwila cùng quý Cộng Đoàn bạn và toàn thể Cộng Đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo xứ hiện diện. Xin cho một tràng pháo tay để chào đón Đức Tổng Giám Mục và cùng chào đón nhau trong nềm vui tạ ơn ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa theo phụng vụ lễ kính Thánh Giuse Thợ. Bài Đọc 1 Bài trích Sáng Thế với đoạn mô tả việc Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa: "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất". Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa. Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống thị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất".

Và cuối cùng Chúa nói: "Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất". Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất và mọi vật trang điểm của chúng đã hoàn thành….”

Bài Tin Mừng hôm nay Thánh Matthêu giới thiệu câu chuyện mô tả khi những người đồng hương với gia đình Thánh Giuse nhận xét về Chúa Giêsu khi Ngài khôn lớn và đi giảng dạy dân chúng nới quê nhà với đoạn: ” Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: "Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?" Và họ lấy làm gai chướng về Người. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: "Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình". Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.

Đức Tổng Giám Mục đã có bài giảng lễ ngắn gọn đầy ý nghĩa trong Thánh Lễ tạ ơn. Ngài nhấn mạnh: Việc khánh thành Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hóa đúng vào ngày lễ kính Thánh Giuse Thợ mang ý nghĩa sâu xa trong việc chọn Thánh Giuse bảo trợ cho Trung Tâm như công việc hướng dẫn giáo lý cho các em dưới sự chăm sóc của Thánh Cả Giuse trong hình ảnh của một gia đình Thánh Thiện như gia đình Thánh Gia. Chúng ta bắt chước gương sống và siêng năng làm việc như Thánh cả Giuse. Ngài nói tiếp: Thánh Giuse là người cha làm nghề thợ mộc để nuôi gia đình và ngài cũng liên tưởng đến thân phụ của ngài cũng làm nghề thợ mộc…”

Sau lời nguyện kết lễ, vị đại diện của Hội Đồng Mục Vụ và Hội Đồng Tài Chánh đã có lời cám ơn Đức Tổng Giám Mục, cám ơn quý cha, cám ơn ông Thị Trưởng và quý viên chức trong Hội Đồng Thành Phố Tukwila cùng toàn thể công đoàn dân Chúa hiện diện. Vị đại diện giáo xứ cũng trang trọng ngỏ lời cám ơn cha chánh xứ và quý cha phụ tá đã nổ lực hợp tác trong mọi kế hoạch hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa trong việc xây dựng Trung Tâm và hướng đến việc xây dựng ngối nhà thờ mới. Trong tâm tình tạ ơn, đại diện giáo xứ cũng đã trao quà tặng đến Đức Tổng Giám Mục, ông thị trưởng thành phố Tukwila và bà chủ tịch Hội Đồng Thành phố Tukwila và bằng tri ân đến cha chánh xứ.

Trước khi kết thúc thánh lễ là mục giới thiệu sơ lược về Trung Tâm qua phần chiếu Slideshow Video.Sau phần chiếu SlideShow cha chánh xứ cũng đã có lời cám ơn tất cả các ban ngành, các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, ban chụp hình quay phim đã cộng tác trong việc tổ chức ngày đại lễ này, đặc biệt cám ơn các anh chị trong ban xây dựng hơn 150 thiện nguyện viên đã quảng đại hy sinh nhiều công sức trong việc giúp công tác xây dựng trong một thời gian khá dài nên hôm nay trung tâm đã hoàn thành tốt đẹp.

Đức Tổng Giám Mục đã ban phép lành cuối lễ một cách trọng thể.

Sau Thánh Lễ Đức Tổng Giám Mục và linh mục đoàn. Quý quan khách cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa hiện diện tiến về vị trí Trung Tâm để tham dự nghi thức làm phép khánh thành Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin.

Sau vài phút di chuyển, Đức Tổng Giám Mục và linh mục đoàn cùng quý vị quan khách đã đến vị trí Trung Tâm và đứng vào vị trí hành lễ. Mở đầu, cha chánh xứ nói: Trân trọng kính mời quý vị quan khách cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa hướng về phía Trung Tâm để hiệp thông với Đức Tổng Giám Mục trong nghi thức làm phép Trung Tâm. Đức Tổng Giám Mục cử hành Nghi làm phép Trung Tâm một cách trọng thể. Sau lời nguyện kết thúc Thánh hiến trung tâm trở thành nơi mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng trong chương trình giáo dục đức tin cho lớp trẻ Công Giáo để trở nên người hữu ích cho giáo xứ và xã hội. Cha chánh xứ đã hướng dẫn Đức Tổng Giám Mục đi vào bên trong trung tâm và Đức Tổng Giám Mục đã rảy nước Thánh để Thánh hiến tất cả mọi phòng để nơi đây trở nên nơi nương tựa đầy ơn Thánh khi các em sinh hoạt nơi đây. Sau nghi thức làm phép Trung Tâm là phần cắt băng khánh thành Trung Tâm, Đức Tổng Giám Mục cùng với quý cha, các nhân viên Toà Giám Mục Seattle và quý viên chức thành phố Tukwila và đại diện Hội Đồng Mục Vụ, Tài Chánh cùng nhau cắt băng khánh thành Trung Tâm một cách long trọng với tràng pháo nổ dòn cùng đoàn múa lân reo mừng chào đón niềm vui lớn của Ngày Hội Khánh Thành Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hoá Thánh Tôma Thiện với tiếng vỗ tay hoan hô của toàn thể Cộng Đoàn dân Chúa hiện diện. Giây phút cảm động nhất là khi các em thả 2 chùm bong bóng bay vút lên trời cao như lời nguyện cầu dâng lên trước Tòa Chúa với lời tạ ơn Tương Lai Đầy Hy Vọng của giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Tổng Giáo Phận Seattle.

Khai mạc buổi tiệc mừng với chương trình văn nghệ mừng ngày khánh thành Trung Tâm là phần cắt bánh kỷ niệm. Cha chánh xứ đã trang trọng kính mời Đức Tổng Giám Mục, quý cha và quý quan chức tiến về bàn đặt chiếc bánh kỷ niệm. Đức Tổng Giám Mục đã chủ sự việc cắt bánh với tiếng vỗ tay chào mừng trong niềm vui tạ ơn.

Đông đảo giáo dân và quan khách cùng với Đức Tổng Giám Mục và quý cha đã cùng nhau chung vui trong buổi tiệc liên hoan mừng ngày khánh thành với chương trình văn nghệ do các em trong ba chương trình giáo lý, Việt ngữ và Thiếu Nhi Thánh Thể phụ trách khá phong phú. Ngoài ra cũng trong dịp này Sơ Lý đã tặng Trung Tâm một bức tượng Thánh Gia khá đẹp cũng được Đức Tổng Giám Mục lám phépTrong buổi tiệc mừng ông thị trưởng thành phố Tukwila cũng đã chia sẻ niềm vui với giáo xứ rất chân tình với lời chúc mừng sự thành công trong việc xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hóa là một điểm son của giáo xứ trong việc xâ dựng cơ sở của giáo xứ tại đây.

Trong buổi tiệc mừng cha chánh xứ cũng đã trao bằng Tri Ân cho hơn 150 anh chị thiện nguyện viên đã hăng say tích cực tham gia công tác xây dựng Trung Tâm trong một khoảng thời gian khá dài với lời chân thành cảm tạ và tri ân các anh chị này.

Buổi tiệc mừng kết thúc hơn 4 giờ chiếu, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An quý
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
30 Tháng 4 - NGÀY TANG THƯƠNG - Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, DCCT
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, DCCT
15:24 03/05/2021
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những Cuộc Hẹn Làm Nên Lịch Sử
LM. Giuse Trương Đình Hiền
09:11 03/05/2021
Những Cuộc Hẹn Làm Nên Lịch Sử

Đời thánh hiến và mầu nhiệm Phục Sinh

Bổng nhiên Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,9-10).

Người Kitô hữu chúng ta, nhất là những người hay “bi quan” một chút, thường “ví” cuộc đời chỉ với “3 mùa: Vui, Sáng, Thương” mà theo diễn trình của Năm Phụng Vụ đó là các mùa: Vọng-Giáng Sinh, Thường Niên, Chay-Thương Khó. Thật vậy, có nhiều người Kitô hữu sống như không có “Mùa Mừng”; mà theo cách diễn giải của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, thì đó là “những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh” (EG số 6).

Dĩ nhiên, cuộc đời nào cũng có trăn trở, có ưu tư, có băn khoăn mệt mỏi, có cay đắng chán chường…. Nhưng “bên kia đồi Sọ của Ngày Thứ Sáu” sẽ có bình minh rạng rỡ của “Ngày Thứ Nhất” Phục Sinh; sau “mùa Thương” sẽ đến “mùa Mừng”. Đó là cuộc đời đúng nghĩa, là niềm tin và “đường đi phải đến” của chúng ta !

Vâng, chúng ta không thể là Kitô hữu trọn vẹn, càng không thể là một tu sĩ, linh mục đúng nghĩa…, nếu chúng ta không sống “mùa Mừng”; phải luôn làm cho huyền nhiệm Phục Sinh luôn hiện thực trong cuộc đời, như lời nhắc bảo của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chúng ta đừng chạy trốn sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ ngã lòng, bất luận điều gì xảy ra. Chúng ta đừng để điều gì thúc đẩy chúng ta hơn là sự sống của Ngài, sự sống thôi thúc chúng ta tiến bước”. (EG số 3).

I. MỘT CHUYỆN KỂ SẼ KHÔNG BAO GIỜ TRỞ THÀNH CỔ TÍCH

1. Phục Sinh: Câu chuyện lớn nhất của “trường ca cứu độ”:

Quả thật, sứ điệp Phục Sinh, câu chuyện “Mồ Trống”… đúng là “chuyện kể không bao giờ trở thành cổ tích; bởi vì, nói theo ngôn ngữ của thi ca, đó chính là “câu chuyện lớn nhất của trường ca cứu độ”:

Nhưng viên đá lấp mộ,

Đã lăn ra vào buổi sáng tinh mơ ngày thứ nhất,

Buổi sáng diệu kỳ làm lóa mắt người thôn nữ Maria,

Một người đã chết,

một một Đấng Phục Sinh đầy uy dũng bước ra,

Bỏ lại sau lưng cánh cửa mộ âm u,

Cùng với lịch sử nhân loại với cả con đường hầm tăm tối.

Để có được giây phút bình minh rạng rỡ ấy,

Thiên Chúa đã phải lặn lội,

Đi qua bao ngàn năm chắp nhặt dựng xây.

Dãy dỗ, bảo ban, ước hẹn vơi đầy,

Mà đích điểm chính là quà tặng:

Ban Con Một hiến thân làm hy lễ.

Thì ra, đâu chỉ giản đơn là chuyện kể,

Mà “Ngôi Mộ trống” của ngươi thôn nữ Maria,

Một chuyện tình vĩ đại mang tên: cứu độ giao hòa

Một chiến thắng của tình yêu và ân sủng.

Đã lâu rồi, Thiên Chúa vẫn luôn làm chuyện lớn

Bằng những sự kiện tầm thường, khiêm hạ, giản đơn.

Và “câu chuyện Mồ trống” cách đây hai ngàn năm,

Lại là chuyện lớn nhất trong “trường ca cứu độ”.

Tin Mừng Phục Sinh và câu chuyện “Mộ Trống” đó,

Sẽ cứ mới hoài cho đến mãi ngàn sau !

2. Chuyện kể đầy thuyết phục của các thế hệ chứng nhân:

Nếu cái chết của Thầy Giêsu đã kết thúc trên Đồi Sọ và mọi sự đằng sau Ngôi Mộ trống cũng chỉ được các bạn hữu Ngài, môn sinh Ngài nhắc lại một cách bâng quơ, như một “kỷ niệm nhạt mờ xa vắng…”, thì có lẽ “câu chuyện Giêsu” cũng đã bị lãng quên tự bao giờ; và như thế, chắc chắn trong thế giới nầy, trong lịch sử loài người hôm qua và hôm nay sẽ không bao giờ có cuộc cử hành long trọng những đêm Vọng Phục Sinh, chẳng có cái đạo Kitô, không có Ngày Chúa Nhật, vắng bóng luôn Hội Thánh Công Giáo, và chắc chắn: chúng ta sẽ không bao giờ là Kitô hữu…

Không. Những “chứng nhân đầu tiên ấy”, không chỉ “kể”, “nhắc lại”, mà nhất là “làm chứng” và “giảng rao” cách nhiệt tình, sống chết, “câu chuyện Giêsu”, nhất là “câu chuyện Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn, đã chết, đã sống lại…”; và là “câu chuyện có liên hệ thiết thân” cũng như quyết định cho ý nghĩa cuộc sống hôm nay cũng như cho vận mệnh vĩnh cửu.

Chính vì thế, sứ điệp Phục Sinh, mầu nhiệm Phục Sinh luôn luôn là một gọi mời mọi Kitô hữu tiếp bước lên đường, tiếp tục lời chứng nguyên thủy của các tông Đồ, của Hội Thánh, tiếp tục “chuyện kể ngày nào của Maria Mađalêna”:

Chúng tôi vững niềm tin sắt đá

Đức Kitô thật đã phục sinh

Tâu Vua chiến thắng hiển vinh

Đoàn con xin Chúa dủ tình xót thương” (Ca Tiếp Liên).

Sống mầu nhiệm phục sinh chính là biết từng ngày tâm niệm và xác tín rằng: “Tôi đã gặp Đấng Phục Sinh”; là từng ngày tiếp tục ra đi sống mầu nhiệm Thánh Tẩy “cùng chết đi với Đức Kitô để cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới”, cuộc sống yêu thương hơn, chân thật hơn, phục vụ hơn, liêm chính hơn, trong sạch hơn, nhẫn nhục hơn; cuộc sống thật sự là Kitô hữu hơn, và được Chúa Kitô thực sự phục sinh…

Là Kitô hữu, phải làm chứng cách thuyết phục rằng: Chúa Kitô đang thật sự “phục sinh con người tôi”, trái tim tôi, tư tưởng tôi, và biến tôi nên một con người mới; Ngài đang phục sinh các mối tương quan vốn cũ mòn xơ cứng, lãnh đạm thờ ơ nay trở nên mặn nồng, sắt son tha thiết. Ngài đang phục sinh quan hệ ứng xử vốn thờ ơ lạnh nhạt, ghen ghét đố kỵ, nay trở nên thân tình thắm nghĩa anh em. Ngài đang phục sinh cuộc sống vốn ích kỷ nhỏ nhen, lọc lừa gian dối nơi tôi thành một tâm hồn quảng đại khoan dung biết sẻ chia và phục vụ. Ngài đang phục sinh đức tin non yếu, tâm hồn khô khan nguội lạnh, cuộc sống biếng lười lệch lạc của tôi trở thành mạnh mẽ tin yêu, nhiệt tình và sâu sắc…

Vâng, ngọn lửa Phục Sinh cần luôn cháy mãi, như lời ước mong trong đoạn cuối Kinh Exultet:

“Ước gì ngọn lửa còn cháy mãi,

Lúc xuất hiện Sao Mai:

Một vì sao không bao giờ lặn,

Là Đức Kitô, Con yêu quí của Cha,

Đấng từ cõi chết sống lại,

Đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân.

Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen”.

Thế nhưng, điều tiên quyết để “giữ lửa Phục Sinh” cháy mãi, đó là phải đến với “cuộc hẹn với Đấng Phục Sinh”.

II. NHỮNG CUỘC HẸN LÀM NÊN LỊCH SỬ

1. Sự khác nhau giữa những cuộc hẹn !

Trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, dân Kitô giáo khắp nơi sống lại những trang dài ký ức; mà chủ yếu, đó là những “cuộc hẹn chờ” của Đức Kitô vừa sống lại với nhóm môn sinh: Bấy giờ Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,9-10).

Vâng, đó chính là “những cuộc hẹn” khi thì ở Galilê, lúc ngay trên con đường quê buổi chiều vàng về làng Emmau, có khi ngay chính tại phòng Tiệc Ly, hay đột xuất với buổi bình minh trên biển hồ Tibêriat…!

Nội dung những cuộc hẹn nầy chắc không có gì quan trọng, vĩ đại như những “cuộc hẹn chính trị” của các lãnh tụ siêu cường, các chính khách, hay các “cuộc hẹn thương vụ” của các đại gia, các nhà tài phiệt…

Đó là những cuộc hẹn đầy êm ái, thân tình mà nội dung cốt yếu chỉ là sự gặp gỡ, hàn huyên của Đấng mới trải qua cuộc khổ nạn ê chề, cái chết thương đau với các môn sinh cũng vừa kinh qua một đoạn đời “thất điên bát đảo” với biến cố “đóng đinh thập giá của Thầy” !

Thế nhưng, đằng sau những “cuộc hẹn chính trị” hay “cuộc hẹn bán buôn”…, thế giới vẫn còn nguyên những đe doạ, bất ổn, thách đố… (Chạy đua vũ trang, vũ khí sinh học, hạt nhân, các vùng địa chính trị đang hoặc đứng trước lò lửa chiến tranh: Trung Đông, các nước Á Rập, Châu Phi, Ukraina, Đài Loan, Miến Điện, các vùng Tân Cương của dân Duy Ngô Nhĩ, dịch Covid-19…). Riêng Việt Nam, bao nhêu “cuộc hẹn hiệp thương” giữa dân nghèo, kẻ bị mất đất với các nhóm lợi ích, các xí nghiệp công ty và các cấp chính quyền đứng phía sau… hầu hết dẫn tới những thảm kịch mà kẻ bị thiệt thòi vẫn là “dân thấp cổ bé miệng” !...

Trong khi đó, những cuộc hẹn của Thầy Giêsu và nhóm môn sinh nhỏ bé, nghèo nàn của Ngài lại hứa hẹn một trang sử mới, một tương lai rạng ngời cho toàn thể nhân loại. Thật vậy, đây chính là những cuộc hẹn đã làm nên lịch sử; vì từ sau những cuộc hẹn nầy, Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã được ban xuống, những anh dân chài dốt nát bần hàn xứ Galilê đã tung chân đi khắp thế giới để loan Tin Mừng Phục Sinh và khai mở một trang sử mới đầy tin yêu cho toàn thể nhân loại. Một nhân loại mới được khai sinh cùng với Đấng Sống Lại để tiến bước trong niềm hy vọng về quê Trời ! “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20)

2. Những cuộc hẹn vẫn còn tái diễn:

Và đó lại không bao giờ chỉ là những cuộc hẹn đã mất hút trong đêm dài của quá khứ mà phải là những cuộc hẹn của hôm nay trong dòng sống hiện thực của Hội Thánh, của mỗi người Kitô hữu. Phải chăng đó chính là ý nghĩa cốt lõi của đại lễ Phục Sinh, của niềm tin Phục Sinh, của Tin Mừng Phục Sinh mà suốt 2000 năm nay, Kitô giáo đã tin, đã truyền giảng, đã làm chứng, đã cử hành và đã sống !

Phần tôi thì sao? Có bao giờ sống tâm tình “nôn nao đón đợi gặp gỡ Đấng Phục Sinh” như lời khuyến dụ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Đời sống thánh hiến: “Những người được thánh hiến thân yêu, anh chị em hãy làm cho đời mình thành một sự nôn nóng chờ đợi Chúa Kitô, đi đón Người như các trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rễ. Hãy luôn sẵn sàng, trung thành với Chúa Kitô, với Giáo Hội, với Hội Dòng và với con người của thời đại chúng ta.” (ĐSTH 110); hay là chúng ta đã “hẹn với ai đó”, với “việc gì đó”… và lấy làm quan trọng hơn cả cuộc hẹn với Chúa Kitô?

3. Nhận ra và gặp gỡ Đức Kitô phục sinh:

Người Châu Phi có câu ngạn ngữ: “Khi ta nhớ đến một người nào, thì người ấy sống lại, hiện diện ở giữa ta”. Đối với niềm tin Kitô giáo, việc tưởng niệm Chúa Kitô chết và sống lại chính là hành vi nền tảng: “Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”; và một khi Cộng đoàn dân Chúa họp nhau tưởng niệm Chúa Ki-tô thì Ngài có mặt ở đó. Đó chính là điểm khác biệt căn cốt giữa phụng vụ của Giáo Hội và việc thờ phượng của các tôn giáo khác: chúng ta qui tụ, cầu nguyện, tôn thờ, lắng nghe, được sai đi…với một Đấng đang sống, đang hiện diện (Cf. PV số 7).

Đó cũng chính là ý nghĩa trọng tâm mà chúng ta đọc thấy trong trình thuật Emmau.

Để giúp ta cảm nhận sâu sắc điều nầy, Cha Võ Tá Khánh tức thi sĩ Trăng Thập Tự đã có dòng suy tư thâm thuý sau:

Tôi rất thích bước chân thoăn thoắt của hai người thanh niên đó. Họ vừa đi vừa chạy, không thể chần chừ thêm một phút nào nữa. Nỗi vui nầy phải nói ngay với mọi người. Chân hối hả, lòng rộn ràng, họ giành nhau nói đủ mọi ý tưởng về Thầy.

Vâng, làm sao mà ngăn được khi niềm vui cứ tràn trào ra mãi, khi Thầy đã sống lại, khi Thầy đã gặp họ. Họ đã nhận ra Ngài. Ở đầu đường, trong quán trọ. Họ vui hết cở nói; thoăn thoắt bước chân…

Nhưng họ đâu có ngờ rằng ngay lúc nầy đây Ngài cũng đang đồng hành bên họ. Tựa như trong lượt đi hồi trưa, Ngài đi bên cạnh mà họ đâu có hay. Mà nào có phải mãi giữa đường Ngài mới đến. Ngài đã đứng với họ ngay ở khởi điểm, khi họ chưa lên đường. Mấy phụ nữ đã cho họ hay là mồ trống, thiên thần hiện ra quả quyết là Ngài đã sống lại. Ngài ở đó, giữa họ chứ đâu. Nhưng họ chưa nhận ra, họ chưa tin nên họ vẫn buồn rầu thất vọng ra đi. Còn bây giờ thì khác hẳn. Họ đã gặp Ngài ở đầu đường, rồi từ đầu đường đó họ nôn nả trở về trong hân hoan để báo tin Ngài đã sống lại. Nhưng cả lần nầy, Ngài cũng lại đến trước họ, để đợi họ. Khi họ vừa về đến nơi chưa kịp nói gì, thì người ta đã cho biết Ngài đã đến: "Thực thế, Chúa đã sống lại và đã hiện ra với Si-mon". A thế hả? Thầy đi rồi ư?

Nào Thầy có đi xa đâu. Thầy đang đứng ở đó. Vì họ đang nói thế thì Ngài đã đứng giữa họ. Ủa Thầy ! Họ bàng hoàng kinh ngạc. Thầy sao mà lẹ vậy ! Chỗ nào cũng có Thầy hết trơn vậy !

Vâng, Đức Kitô đã sống lại và Người có mặt ở khắp mọi nơi, mọi đầu đường, mọi đích điểm, đồng hành với ta trên mọi ngỏ ngách. Từ thành phố đến đồng quê. Từ quán trọ đến gia đình. Từ bên trong, từ bên ngoài. Đâu đâu cũng có Ngài; Đức Kitô phục sinh. Trước khi ta ra đi, Ngài đã ở đó. Đang khi ta rảo bước, Ngài có ngay bên. Trước khi ta đến nơi, Ngài đã đứng đợi. Và sau khi ta nghỉ mệt, Ngài lại đến thăm; lúc nào cũng có Ngài, Đức Kitô phục sinh….

4. Điều còn lại hôm nay: Hãy trở thành khách quý trên những nẻo đường Emmau hôm nay.

Và một khi đã có Đức Kitô Phục Sinh đồng hành và ban Lời Hằng sống, đã gặp gỡ và “bẻ bánh cùng Ngài”, thì mọi môn sinh của Ngài đều phải tất tả lên đường để loan báo tin vui, để sẻ chia hy vọng. Và như thế, mỗi người chúng ta lại trở thành một “khách quý trên vạn nẻo đường Emmau hôm nay”, để hong lại niềm tin, để chia ngọt xẻ bùi, để khơi lên hy vọng, để đẩy lùi tăm tối... cho bao nhiêu con người đang lầm lũi bước đi trong mệt mỏi chán chường, trong đau thương thử thách.

Thế giới hôm nay đang cần biết bao những “vị khách quý” như thế để dẫn đưa nhân loại vào con đường Chúa đã đi: con đường của Tám Mối Phúc Thật, con đường của phục vụ yêu thương, con đường của thập giá, hy sinh tự hiến... để đi tới bến bờ Chúa đã đến: bến bờ của phục sinh, bến bờ của hạnh phúc vĩnh hằng trong vinh quang Nước Chúa.

Và như thế, sống và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh hôm nay sẽ không bao giờ là cuộc “chọn lựa hay đấu giá sai lầm” như biết bao người đã xem thường “bức chân dung của con trai ông họa sĩ” để ra về trong tiếc nuối, trắng tay như chuyện kể sau đây:

Có một ông họa sĩ già, góa vợ... ông sống chung với một cậu con trai... cuộc sống thăng trầm lặng lẽ trôi... ông già họa sĩ dành hết cuộc đời cho nghệ thuật...Rồi chiến tranh bùng nổ...Cậu con trai lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc... ông già lại càng cảm thấy cô đơn... và càng dành trọn thời gian để cống hiến cho hội họa... ông tạo ra những bức tranh tuyệt vời và giá trị...

Rồi chiến tranh cũng phải đến hồi kết thúc. Một hôm ông nghe tiếng gõ cữa... ông nhìn thấy một thanh niên trong bộ đồ quân phục chào ông trong nghẹn ngào:

- Thưa bác, cháu cùng đơn vị con trai bác... cháu xin thành thật chia buồn với bác và gia đình... anh ấy đã ra đi anh dũng... Và đây là bức hình chân dung của anh ấy... cháu vẽ vội...chắc chắn là không đẹp và không giống lắm... cháu xin gửi đến bác...

Thời gian lặng lẽ trôi... và ông già họa sĩ kia cũng về bên kia thế giới...

Hôm nay trong viện bảo tàng này, các nhà sưu tập, các văn nhân nghệ sĩ, các chính khách và các thương gia... chờ đợi để mua cho được những bức tranh tuyệt hảo của ông ta.

Người điều khiển cuộc đấu giá :

- Kính thưa quý vị, để bắt đầu cuộc đấu giá hôm nay... đây là bức tranh chân dung cậu con trai nhà họa sĩ, sẽ được đấu giá trước...Có ai mua nó không?

Không một tiếng trả lời

- Chúng ta không thể sang bức tranh kế tiếp, khi bức tranh này không ai đấu giá.

Vẫn không một tiếng trả lời. Cuối cùng ở cuối góc có một tiếng làu bàu :

- Mất thì giờ quá...tôi đồng ý trả 1$ cho bức tranh đó, tiếp tục đi...

Người điều khiển buổi đấu giá :

-1$ cho bức tranh chân dung cậu con trai lần thứ nhất. Không ai trả thêm

-1$ lần thứ hai. Vẫn yên lặng.

-1$ lần thứ ba. SOLD

- Tiếng búa gõ mạnh xuống... bức chân dung 1$ bán cho người mua.

Và xin cảm ơn tất cả quý vị đã đến... buổi đấu giá đã chấm dứt tại đây. Mọi người ngơ ngác và bực bội vô cùng. Ông đùa à !... chúng tôi chưa thấy bắt đầu.

Xin lỗi quý vị và ông ta chìa ra một phong bì có lời di chúc của nhà họa sĩ: AI CÓ BỨC TRANH CHÂN DUNG CỦA CON TRAI TÔI, THÌ TẤT CẢ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA TÔI THUỘC VỀ NGƯỜI ĐÓ...

Ở giữa căn nhà Hội Thánh hôm nay, giữa cộng đoàn chúng ta hôm nay, hằng ngày, phải chăng cũng đang có một “bức chân dung nhỏ của Con Thiên Chúa” được giới thiệu cho mỗi người chúng ta để cùng đấu giá, chọn lựa. Tôi nghĩ rằng, còn hơn thế nữa. Không chỉ “một bức chân dung nhỏ” mà là cả một “bức tranh tuyệt tác”, và còn hơn cả một “bức tranh tuyệt tác”, một “Một Tình yêu, một sự hiện diện, một Con người, Một Ngôi Vị, một Thiên Chúa” !...

Phải chăng Thiên Chúa cũng đang nói với chúng ta như những lời trong chúc thư của người họa sĩ già: “AI CÓ BỨC TRANH CH N DUNG CỦA CON TRAI TÔI, THÌ TẤT CẢ NHỮNG TÁC PHẨM CỦA TÔI THUỘC VỀ NGƯỜI ĐÓ...”.

Chúng ta phải mua cho được, đấu giá cho thắng không phải “một bức hình bất động đã rách nát với thời gian”, nhưng là một Đức Kitô sống động, phục sinh đang có mặt ở đây, phút nầy để trao ban cho chúng ta tình yêu và ân sủng, chân lý và Bánh Trường Sinh... để chúng ta nhận được muôn vạn hồng ân của Thiên Chúa.

Vâng, xin nhắc lại một lần nữa lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Chúng ta đừng chạy trốn sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ ngã lòng, bất luận điều gì xảy ra. Chúng ta đừng để điều gì thúc đẩy chúng ta hơn là sự sống của Ngài, sự sống thôi thúc chúng ta tiến bước”. (EG số 3).

Nhưng để được như thế, chúng ta không thể cầu nguyện khác hơn lời khẩn khoản của hai tông đồ Em-Mau: Lạy Chúa Giêsu phục Sinh, “Xin hãy ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”.

Trương Đình Hiền
 
VietCatholic TV
260 giáo dân chết oan vì IS có tay trong là Bộ trưởng. Bức tranh Đức Mẹ ở Los Angeles bị phá phách
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:14 03/05/2021


1. Cựu Bộ trưởng Nội các Sri Lanka bị bắt vì bị cáo buộc có liên quan đến vụ khủng bố chống Kitô Giáo vào Lễ Phục sinh năm 2019

Hai năm sau khi các vụ đánh bom ở Sri Lanka giết chết hàng trăm người tại một số nhà thờ và khách sạn vào ngày lễ Phục sinh, cảnh sát hôm thứ Bảy đã bắt giữ một cựu bộ trưởng Sri Lanka và anh trai của ông ta vì bị cáo buộc có liên quan đến các vụ đánh bom. Luật sư của họ tuyên bố các vụ bắt giữ có động cơ chính trị.

Rishad Bathiudeen, người lãnh đạo một đảng đối lập trong Quốc hội Sri Lanka và trước đây từng phục vụ trong nội các, và anh trai Reyaj của ông đã bị bắt tại Colombo ngày 24 tháng 4 vì bị cáo buộc “hỗ trợ và tiếp tay cho những kẻ đánh bom tự sát thực hiện cuộc thảm sát vào Chúa Nhật Phục sinh”, phát ngôn viên cảnh sát Ajith Rohana cho biết như trên, theo Associated Press. Hai anh em vẫn chưa bị buộc tội chính thức, nhưng Rohana cho biết có những bằng chứng trực tiếp, và “khoa học” về sự liên quan của họ trong các vụ tấn công.

Báo Ấn Độ The Hindu đưa tin rằng ông Rohana nhấn mạnh rằng: “Họ bị bắt sau khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, kiểm tra các giao dịch và đường dây liên lạc”.

Vào ngày 21 tháng 4 năm 2019, chín kẻ đánh bom liều chết nhắm vào hai nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Tin lành, bốn khách sạn và một khu dân cư gần như đồng thời. Các vụ đánh bom xảy ra vào giữa các buổi lễ Chúa Nhật Phục sinh đã giết chết hơn 260 người và làm hơn 500 người bị thương.

Hai nhóm người Sri Lanka có quan hệ với bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị cáo buộc tổ chức các vụ tấn công.

Tình báo nước ngoài đã cảnh báo chính phủ trước các vụ đánh bom, nhưng cuộc tranh giành quyền lực và liên lạc đứt đoạn giữa tổng thống và thủ tướng vào thời điểm đó được cho là đã dẫn đến việc không thể phối hợp trong các phản ứng an ninh.
Source:Catholic News Agency

2. Phản ứng từ Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của thủ đô Columbo

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Columbo là người thẳng thắn ủng hộ việc điều tra thêm về các vụ đánh bom. Ngài chỉ trích cuộc điều tra của chính phủ và bày tỏ lo ngại rằng tham nhũng hoặc sơ suất đã ngăn cản việc truy tố các thủ phạm và các cộng tác viên.

Hôm thứ Bảy, Rishad Bathiudeen, người vừa bị bắt, đã đăng lên Facebook rằng cảnh sát đã có mặt bên ngoài nhà anh ta từ sáng sớm và “đang cố bắt tôi dù không có chứng cứ buộc tội”.

“Họ đã bắt anh trai tôi rồi. Tôi đã ở trong Quốc hội và đã hợp tác với tất cả các cơ quan hợp pháp cho đến nay. Điều này thật bất công”, ông nói.

Luật sư của ông, Rushdie Habeeb, cho biết các vụ bắt giữ có động cơ chính trị. Habeeb cho biết các vụ bắt giữ nhằm “trừng phạt giới lãnh đạo chính trị Hồi giáo, vốn không liên quan gì đến biến cố ngày 21 tháng 4, 2019, vì những hành vi đê tiện của một số thanh niên Hồi giáo, những người được nhiều người cho là đã bị các thế lực nước ngoài dùng làm con tốt”.

Bathiudeen từng là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại của Sri Lanka, và hiện lãnh đạo một đảng Hồi giáo thiểu số, là đảng chính trị đối lập. Anh trai Riyaj của ông bị bắt vào tháng 5 năm 2020 vì bị cáo buộc có liên hệ với những kẻ đánh bom tự sát nhưng được tại ngoại vào tháng 10.

Vào tháng 9 năm 2020, một phát ngôn viên của cảnh sát nói với các nhà báo rằng Riyaj Bathiudeen đã gặp một trong những kẻ đánh bom liều chết trước một trong những vụ tấn công vào một khách sạn và anh ta đã bị cáo buộc về những hành vi cộng tác khác với những kẻ đánh bom. Một số nghi phạm khác đã bị bắt nhưng cuối cùng đã được thả với lý do thiếu bằng chứng.

Vào thời điểm đó, Hồng Y Ranjith cho biết các quan chức an ninh đã xác nhận với ngài rằng họ có đầy đủ bằng chứng chống lại nhiều nghi phạm đánh bom đã bị bắt giữ. Đức Hồng Y cùng với bạn bè và gia đình của các nạn nhân bày tỏ lo ngại rằng việc thả các nghi phạm là dấu hiệu của tham nhũng hoặc thiếu một cuộc điều tra kỹ lưỡng từ phía Cục Điều tra Hình sự Sri Lanka.

Bản thân Rishad Bathiudeen trước đó đã bị bắt vào tháng 10 vì cáo buộc chiếm đoạt tài nguyên nhà nước, và được tại ngoại vào tháng 11.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo và các tôn giáo khác đã kỷ niệm hai năm ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố vào ngày 21 tháng 4, và cầu nguyện mong cho chấm dứt chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Đức Hồng Y Ranjith đã cùng các nhà lãnh đạo Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo tham gia buổi lễ, và đã phát biểu tại Đền thờ Thánh Antôn, nơi xảy ra một trong những vụ đánh bom. Buổi lễ bao gồm những lời cầu nguyện và hai phút im lặng để tưởng nhớ những người đã khuất.

Ranjith đã yêu cầu cộng đồng Hồi giáo của Sri Lanka bác bỏ chủ nghĩa cực đoan và giúp người Công Giáo xác định những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Giáo sĩ Hồi giáo Hassan Moulan cho biết đức tin Hồi giáo không biện minh cho tội ác, và nói rằng người Hồi giáo trên khắp thế giới lên án vụ tấn công. Cộng đồng Hồi giáo Sri Lanka đã không cho phép chôn cất thi thể của những kẻ đánh bom liều chết trong nghĩa trang của họ, để tách biệt họ với Hồi giáo.
Source:Catholic News Agency

3. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức tìm cách tách mình ra khỏi cuộc biểu tình chống Tòa Thánh vào ngày 10 tháng 5

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Đức cho biết hôm thứ Tư rằng một cuộc biểu tình được dự trù diễn ra vào ngày 10 tháng 5 nhằm phản đối việc Vatican “không chúc lành cho các cặp đồng tính không phải là một dấu chỉ hữu ích”.

Giám mục Georg Bätzing cho biết trong một tuyên bố ngày 28 tháng 4 trên trang web của Hội Đồng Giám Mục rằng các buổi lễ chúc lành “không phù hợp để trở thành một công cụ cho các cuộc biểu tình chính trị hoặc các hành động phản đối Giáo hội”.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, báo cáo rằng Giám mục Bätzing đã đưa ra lập trường trên nhằm đáp lại lời kêu gọi người Công Giáo tham gia vào một cuộc biểu tình khổng lồ trên toàn quốc vào ngày 10 tháng 5 để phản đối phán quyết của Vatican, được ban hành vào tháng 3 với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cuộc biểu tình này do phong trào “Segnungsgottesdiensten für Liebende”, nghĩa là “chúc lành cho những người yêu nhau” tổ chức. Các nhà tổ chức hy vọng rằng các cặp vợ chồng đồng tính trên toàn nước Đức sẽ tham gia vào sự kiện này.

Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã công bố một “Responsum ad dubium” nghiã là một bản “phúc đáp cho một vấn đề hồ nghi” ngày 15 tháng 3 để trả lời câu hỏi “Giáo hội có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng giới không?” CDF đã trả lời, ‘Không’ kèm với một bản giải thích và một lời bình luận.

Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, cùng với một số giám mục Đức đã lên tiếng phản đối Tòa Thánh, và thách thức Tòa Thánh bằng cách tổ chức một cuộc chúc lành cho các cặp đồng tính lớn nhất trên thế giới vào ngày 10 tháng 5. Một số nhà thờ trong thế giới nói tiếng Đức còn treo cờ tự hào LGBT. Tuy nhiên, khi một số phong trào đòi biến ngày 10 tháng 5 thành một ngày biểu tình khổng lồ chống lại Tòa Thánh thì Giám mục Georg Bätzing, người được giới truyền thông Đức tung hô là “Neuer Papst”, nghĩa là “Tân Giáo Hoàng”, cảm thấy cần phải tách mình ra trò nguy hiểm này. Một cuộc biểu tình như thế có thể đẩy Tòa Thánh đến chỗ tung ra các phản ứng quyết liệt mà Georg Bätzing không thể lường trước được.

Trong tuyên bố của mình, Giám Mục Bätzing cho biết: “Sau khi hội đồng thường trực của Hội Đồng Giám Mục Đức trao đổi quan điểm cách đây vài ngày, tôi muốn tuyên bố một cách dứt khoát rằng: Tất nhiên, những người có xu hướng đồng tính luyến ái, bao gồm cả những người sống trong quan hệ đồng giới, có một vị trí trong Giáo hội. Họ được chào đón.”

“Nhiệm vụ mục vụ của Giáo hội là thực thi công lý cho tất cả những người này trong những hoàn cảnh cụ thể tương ứng trên con đường sống của họ và đồng hành với họ trong mục vụ”.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh này, tôi không coi các hành động công khai, chẳng hạn như những hành động được lên kế hoạch vào ngày 10 tháng 5, là một dấu chỉ hữu ích và là một con đường phía trước”.

“Các buổi lễ chúc lành có phẩm giá thần học và ý nghĩa mục vụ riêng của chúng. Chúng không phù hợp như một công cụ cho các biểu hiện chính trị-giáo hội hoặc các hành động phản đối”.

Bätzing, giám mục 60 tuổi của Limburg, lưu ý rằng ở Đức và các nơi khác của Giáo hội trên toàn thế giới đã diễn ra các cuộc thảo luận trong nhiều năm về giáo huấn Công Giáo về luân lý tình dục, bao gồm cả đồng tính luyến ái.

Ông nói rằng những cuộc thảo luận này tập trung vào việc làm thế nào để giáo huấn của Giáo hội “có thể được phát triển hơn nữa với những lập luận khả thi - trên cơ sở các chân lý cơ bản của đức tin và đạo đức, các suy tư thần học tiến bộ, và cũng để mở ra những kết quả mới hơn trong khoa học nhân văn và trong các tình huống cuộc sống của con người ngày nay”.
Source:Catholic News Agency

4. Bức tranh Đức Mẹ Guadalupe tại một nhà thờ ở Los Angeles bị phá phách bằng búa tạ

Tuần trước, một người đàn ông đã dùng búa tạ để đập vỡ khuôn mặt Đức Mẹ Guadalupe trong một bức bích họa được vẽ trên gạch tại một nhà thờ ở Los Angeles.

Toàn bộ cảnh tấn công đã được ghi lại trên video camera an ninh tại Nhà thờ Công Giáo St. Elisabeth ở quận Van Nuys vào ngày 21 tháng 4.

Trang web của giáo xứ đã đăng những bức ảnh về thiệt hại và gọi vụ phá hoại là “một trong những khoảnh khắc đáng buồn nhất của chúng tôi” bên cạnh những gì mọi người đã phải chịu đựng trong đại dịch coronavirus.

Đức Trinh nữ Guadelupe được coi là trung tâm của bản sắc Mễ Tây Cơ và được tôn thờ như vị thánh bảo trợ của Mỹ châu.

Linh mục Vito Di Marzio, cha sở của nhà thờ, đã hướng dẫn anh chị em giáo dân và các học sinh “cầu nguyện cho hòa bình, hiệp nhất và trật tự trong cộng đồng giáo xứ cũng như cho người đã gây ra hành động xúc phạm này đối với Đức Mẹ”.

Sơ Angelie Marie Inoferio nói với KTLA-TV rằng sơ đau buồn vì vụ phá hoại.

“Chúng tôi không thể đánh giá điều gì thực sự bên trong con người này. Hiện tại, chúng tôi đang cầu nguyện, và hy vọng một ngày nào đó con người này sẽ hoán cải đạo và nhận ra rằng những gì mình đã làm là sai”.

Giáo xứ đã yêu cầu quyên góp để khôi phục lại bức tranh tường được vẽ cách đây 35 năm và lắp đặt một lớp vỏ bằng thủy tinh để bảo vệ.
Source:AP
 
Trại tử thần Dachau và Ngày Tử đạo của các Giáo sĩ Ba Lan trong Thế chiến II
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:16 03/05/2021


1. Đức Giáo Hoàng ban hành các quy tắc cứng rắn mới chống lại tham nhũng tài chính tại Vatican

Trong một nỗ lực mới nhằm giải quyết những lo ngại dai dẳng về những hành vi không chính đáng liên quan đến tài chính, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một quy chế tài chính đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe đối với tất cả các viên chức Vatican.

Các chính sách mới, được công bố vào ngày 29 tháng 4, yêu cầu tất cả các viên chức Vatican đang nắm giữ “chức năng hành chính, kiểm soát, hay giám sát” phải xác nhận rằng các vị:

Chưa từng bị kết án, hoặc được ân xá, vì dính líu đến các hoạt động tội phạm;

Chưa từng là đối tượng của các cuộc điều tra tội phạm hoặc các vụ kiện dân sự;

Không giữ tài sản thuộc các tổ chức hoặc “khu vực pháp lý có rủi ro cao về rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố”

Không có tài sản có được do hoạt động bất hợp pháp

Không có bất kỳ vị trí nào trong “các công ty hoặc tổ chức kinh doanh hoạt động cho các mục đích và trong các lĩnh vực trái với học thuyết xã hội của Giáo hội”.

Quan trọng hơn, Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng quy định rằng các nhân viên của Vatican không được nhận những món quà có giá trị lớn hơn € 40, tức là $ 48, “cho chính họ hoặc cho những người khác trừ ra cho tổ chức mà họ làm việc”. Chính sách này, nếu được thực thi, sẽ phá vỡ một thông lệ lâu đời, trong đó các quan chức cấp cao của Vatican nhận quà tặng lớn bằng tiền mặt từ những người có liên hệ với chức vụ của họ.
Source:Catholic World News

2. Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn sau cái chết của một vị Hồng Y kiệt xuất của Nam Hàn

Hôm Thứ Năm 30 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn của ngài trước cái chết của Đức Hồng Y Nicôla Trịnh Trấn Thích (정진석, Cheong Jin-suk) của Nam Hàn qua đời ở tuổi 89.

Đức Hồng Y từng là giám mục trong hơn 50 năm tại các giáo phận Nam Hàn, trong đó có 14 năm làm Tổng Giám Mục của Hán Thành, đồng thời là Giám Quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng.

Ngài được nhớ đến với niềm đam mê truyền giáo, ủng hộ cuộc sống, giàu kiến thức về giáo luật, phục vụ người nghèo và nỗ lực mang lại hòa bình và thống nhất cho bán đảo Triều Tiên.

Đức Hồng Y qua đời vào đêm 27 tháng 4 tại Bệnh viện St. Mary, nơi ngài đã được chăm sóc y tế kể từ tháng Hai. Thi thể của ngài được lưu giữ trong quan tài thủy tinh tại nhà thờ chính tòa Mân Đông, của thủ đô Hán Thành cho đến tang lễ vào ngày thứ Bẩy 1 Tháng Năm.

Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (염수정, Andrew Yeom Soo-jung), đương kim tổng giám mục của Hán Thành, đã dâng thánh lễ Requiem – cầu cho linh hồn người quá cố - vào lúc nửa đêm tại nhà thờ chính tòa vào ngày 27 tháng 4. Ngài nhớ đến người tiền nhiệm của mình là người “ muốn Giáo hội trở thành ánh sáng và muối của xã hội, và thực thi thừa tác vụ nhấn mạnh các giá trị của cuộc sống và gia đình”.

“Đức Hồng Y Trịnh đã phát tất cả những gì ngài có cho Giáo Hội và người nghèo. Ngài thậm chí đã hiến nội tạng của mình để cống hiến hết mình cho những người cần thiết”.

Đức Hồng Y Trịnh sinh ra trong một gia đình Công Giáo ở Hán Thành vào năm 1931, vào thời điểm Nam Hàn đang nằm dưới ách thống trị của Nhật Bản. Ngài được rửa tội bốn ngày sau khi chào đời, và vị Hồng Y từng nói rằng mẹ ngài đã dẫn ngài đi lễ hàng ngày trong thời thơ ấu”.

Tờ Korea Herald tiết lộ một chuyện không may cho gia đình Đức Hồng Y là sau khi Nam Hàn được giải phóng vào năm 1945, cha ngài, bị ảnh hưởng bởi lý thuyết cộng sản, đã bỏ rơi gia đình để đến Bắc Triều Tiên, nơi ông trở thành thứ trưởng.

Cậu Trịnh Trấn Thích được nhận vào Đại học Quốc gia Hán Thành, là trường đại học hàng đầu ở Nam Hàn, để nghiên cứu kỹ thuật hóa học vào năm 1950, nhưng việc học của ngài bị gián đoạn khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra.

Trong chiến tranh, ngài làm phiên dịch trong Quân đoàn Phòng vệ Quốc gia Nam Hàn. Trong văn phòng của một tuyên úy quân đội Hoa Kỳ, ngài tìm thấy một cuốn sách về Thánh Maria Goretti đã giúp truyền cảm hứng cho ngài quyết định trở thành một linh mục.

Sau khi theo học tại Đại học Công Giáo Nam Hàn, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 18 tháng 3 năm 1961.

Cha Trịnh Trấn Thích học tiếp ở Rôma từ năm 1968 đến năm 1970, lấy bằng giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Urbanô.

Khi trở về Nam Hàn, ngài được bổ nhiệm giám mục Thanh Châu (청주시, Cheongju) ở tuổi 39 và lấy khẩu hiệu giám mục, “Omnibus Omnia”, có nghĩa là “Tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người”.

Trong 28 năm tiếp theo trong sứ vụ giám mục Thanh Châu, ngài đã giúp thành lập Kkottongnae, tổ chức bác ái Công Giáo lớn nhất ở Nam Hàn.

Ngài đã nỗ lực nhiều năm để dịch Bộ Giáo luật 1983 sang tiếng Hàn và đã xuất bản hơn 50 cuốn sách trong suốt cuộc đời của mình, trong đó có 15 bài bình luận về giáo luật.

Ngài từng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn từ năm 1996 đến năm 1999.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Hán Thành và Giám Quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng vào năm 1998. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI phong ngài làm Hồng Y vào năm 2006.
Source:Catholic News Agency

3. Tổng thống Ukraine xin Vatican làm trung gian tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Putin

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông xem Vatican là nơi tốt nhất để tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp về khủng hoảng với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Repubblica của Ý, Zelensky đưa ra nhận xét rằng Vatican rất thích hợp cho một cuộc họp thượng đỉnh tổng thống để giải quyết cuộc xung đột Ukraine. Ông Zelensky nói: “Vatican có thể là nơi tối ưu về mọi mặt”.

Tòa thánh cũng như Đức Giáo Hoàng là những người có thẩm quyền về luân lý, vị tổng thống 43 tuổi nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn.

Đề cập đến tiềm năng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như Vatican, Ông Zelensky nói:

“Một người hòa giải với thẩm quyền như vậy có thể mang lại niềm tin vốn đã thiếu cho đến nay trong các nỗ lực nhằm đạt đến một thỏa thuận của chúng tôi. Tất nhiên, điểm gặp gỡ nên tạo ra sự tin tưởng cho cả hai bên”.

Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin là Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn chưa nhận được lời mời chính thức.

Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng cuộc gặp không thể xoay quanh cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, vì Nga không coi mình là một bên trong cuộc xung đột.

Các đợt triển khai quân của Nga cũng như Ukraine gần đây đã làm dấy lên lo ngại quốc tế rằng giao tranh ở khu vực xung đột miền đông Ukraine có thể leo thang một lần nữa.

Thứ Sáu tuần trước, Nga đã bắt đầu rút thêm binh sĩ được triển khai đến bán đảo Crimea của Ukraine, nơi mà họ đã sáp nhập vào năm 2014. Ukraine hoan nghênh diễn biến này.

Đầu tuần này, Zelensky nói với các nhà báo rằng ông đã chỉ thị cho người đứng đầu văn phòng của mình liên hệ với Mạc Tư Khoa về cuộc họp thượng đỉnh cấp tổng thống.

Zelensky đã đề nghị một cuộc gặp gỡ với Putin trong khu vực xung đột nhưng Điện Kremlin lại nói rằng họ muốn nguyên thủ Ukraine bay đến Mạc Tư Khoa.

Trong gần bảy năm, các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine ở sát biên giới Nga đã được kiểm soát bởi các phiến quân trung thành với Mạc Tư Khoa. Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 13,000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột đòi ly khai khỏi Ukraine.
Source:DPA International

4. Ngày Tử đạo của các Giáo sĩ Ba Lan trong Thế chiến II

Hôm thứ Năm, 29 tháng 4, Giáo Hội tại Ba Lan đã cử hành Ngày Quốc gia Các Thánh Tử đạo Ba Lan, nhân kỷ niệm 76 năm giải phóng trại tập trung ở Dachau. Các lễ kỷ niệm chính, như mọi năm, đã được tổ chức tại Thánh đường Thánh Giuse ở Kalisz. Vào buổi trưa, Đức Cha Grzegorz Suchodolski của Siedlce đã cử hành Thánh Lễ tại đây.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, kể lại rằng trại tập trung Dachau là nơi tử đạo đặc biệt của các giáo sĩ Ba Lan. Ngài nhấn mạnh rằng các linh mục Ba Lan bị đối xử tệ hơn ở Dachau so với các giáo sĩ khác, chẳng hạn như các linh mục Đức. Các ngài bị cấm cử hành thánh lễ và các cử hành Phụng Vụ khác.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan nhấn mạnh rằng Dachau là một nơi đặc biệt quan trọng đối với hàng giáo phẩm ngày nay, bởi vì, ở đó các linh mục có thể học được sự dũng cảm và hy sinh mà các giáo sĩ thời đó có được. “Ngày nay, trong thời đại không tồn tại những hoàn cảnh như vậy, khi chúng ta được hưởng tự do, thật đáng giá cho các linh mục, những người đôi khi coi nhẹ ơn gọi của mình và từ bỏ sứ vụ chỉ vì những lý do không đáng. Các vị có thể thấy sứ vụ linh mục thực sự là gì khi học hỏi các tấm gương từ Dachau.”

Ngày Tử đạo của các Giáo sĩ Ba Lan, do Hội Đồng Giám Mục thiết lập vào năm 2002, nhằm tưởng nhớ các linh mục là nạn nhân của các chế độ độc tài, đặc biệt là Quốc xã và Cộng sản. Các cử hành ở Kalisz nằm trong khuôn khổ các lễ tạ ơn hàng năm kính nhớ các linh mục bị giam giữ tại Dachau. Trại này đã được giải phóng vào ngày 29 tháng 4 năm 1945. Lo sợ toàn bộ trại bị Đức Quốc Xã tàn sát để xóa các dấu vết tội ác chiến tranh, các linh mục đã giao phó mình cho Thánh Giuse và thề rằng, nếu các ngài sống sót, hàng năm các ngài sẽ thực hiện một cuộc hành hương đến Nhà thờ Thánh Giuse ở Kalisz. Trại được giải phóng vào ngày 29 tháng 4 năm 1945. Các linh mục Ba Lan còn sống tiếp tục thực hiện lời thề của các ngài và hành hương đến Kalisz để tạ ơn Thánh Giuse cầu bầu cho các ngài được sống sót. Vị linh mục cuối cùng trong số các linh mục ở Dachau, là Cha Leon Stępniak, đã qua đời vào năm 2013.

Dachau là trại chính giam giữ các giáo sĩ Công Giáo, Tin lành và Chính thống giáo. Trong số khoảng 3,000 tu sĩ, phó tế, linh mục và giám mục Công Giáo bị giam giữ ở đó, 1,773 vị đến từ Ba Lan. 868 giáo sĩ đã tử đạo trong trại, và phần lớn trong số họ thuộc về các giáo phận Poznan (147), Wloclawek (144), và Lodz (112). Trong số gần 600 tu sĩ, nhóm nạn nhân lớn nhất là các tu sĩ Dòng Tên, các nhà truyền giáo và các tu sĩ Dòng Salêdiêng.

Vào ngày 29 tháng 4 năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Đức ở Dachau, các giám mục và linh mục từ khắp Ba Lan đã hành hương đến Dachau.

Lễ kỷ niệm Ngày Các Thánh Tử Đạo Ba Lan năm nay được phát thanh từ Kalisz bởi Đài phát thanh Rodzina của Giáo phận Kalisz và đài Truyền hình Internet “Dom Józefa.”
Source:Hội Đồng Gám Mục Ba Lan