Ngày 05-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Yêu Thương Là Mùa Xuân Hạnh Phúc
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
05:38 05/05/2021
CN 6 PS B
Yêu Thương Là Mùa Xuân Hạnh Phúc

“Thiên Chúa là Tình Yêu”. Đây là di ngôn bất hủ của Thánh Gioan sau một đời theo Chúa. Thánh nhân đã được diễm phúc tựa đầu vào lòng Chúa trong tiệc ly, lắng nghe những thổn thức yêu thương của Chúa.Thánh nhân đã đi theo Chúa trên con đường thập giá đến tận đồi Canvê, được Chúa trối thay Ngài làm con Đức Mẹ. Sau đó là những năm tháng dài suy niệm chín mùi về con người, cuộc đời và tình yêu của Chúa, để sau cùng cất lên di ngôn bất hủ ấy. Thiên Chúa yêu thương tạo thành con người giống hình ảnh Người và mời gọi chung chia hạnh phúc muôn đời. Người yêu thương nên hứa cứu độ con người sau khi con người sa ngã phạm tội. Và Người đã ban Con Một để thực hiện cứu độ, hồi phục lại quyền làm con Thiên Chúa và được hưởng sự sống đời đời với Thiên Chúa.

Suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã biểu hiện tình thương vô vàn của Cha bằng sự hoàn toàn vâng phục thánh ý Cha trong mọi sự và vâng phục đến chịu chết thập giá. Suốt một đời, Chúa Giêsu miệt mài rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, chạnh thương đoàn chiên không người chăn dắt, đi lại và đồng bàn với người tội lỗi để ban ơn tha thứ cho họ. Chúa Giêsu ban luật mới là luật yêu thương mà thánh Phaolô quả quyết “yêu thương là chu toàn tất cả lề luật”. Chúa Giêsu dạy, vào ngày chung thẩm, Ngài sẽ xét xử mọi người dựa trên tình yêu : Sự gì làm cho một người bé mọn là làm cho chính Ta. Cuộc đời kitô hữu được mời gọi hãy sống yêu thương. Chỉ có tình yêu mới đem lại hạnh phúc. Chúa xét đoán chúng ta không dựa trên tuổi tác, công phúc, tài đức, nhưng chỉ dựa trên tiêu chuẩn độc nhất là yêu thương, vì Người là Thiên Chúa tốt lành, nhân hậu và giàu lòng thương xót.

Tin Mừng hôm nay, tiếp nối khung cảnh Tin Mừng Chúa nhật tuần trước. Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về ẩn dụ cây nho và cành nho để dạy các môn đệ bài học: ở lại trong tình yêu của Chúa : “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. Điều răn của Chúa là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Như vậy, muốn “ở lại trong tình yêu của Chúa”, chúng ta phải yêu thương nhau “như Chúa đã yêu” chúng ta. Chúa còn hứa ban cho những ai biết yêu “như Chúa đã yêu” sẽ được hưởng niềm vui của Chúa, được làm bạn hữu của Chúa và muốn xin gì Chúa cũng ban cho.

Vì thế, khi nói đến Kitô giáo, cách riêng Công Giáo là người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.

1. Như Chúa Giêsu đã yêu

Thánh Augustinô viết : khi nói "yêu như Thầy đã yêu mến các con" là Chúa Giêsu nói đến tình yêu thí mạng : "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 14, 13). Quả thật, chết vì bạn hữu là hành vi lớn nhất của tình yêu. Chúa Giêsu nói với các môn đệ : "Các con là bạn hữu" (Ga 14, 14). Chúa đã yêu các môn đệ nói riêng và con người nói chung bằng tình yêu hiến dâng mạng sống.

Thánh Augustinô nói tiếp : "Yêu như Thầy đã yêu các con", khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Tình yêu của Chúa được biểu lộ qua những việc làm cụ thể sau đây.

Chúa yêu thương con người cả phần hồn lẫn phần xác. Chúa chữa lành bệnh tật phần xác như cho kẻ què được đi, người câm nói được, người mù sáng mắt, người phung hủi được sạch… và còn xua trừ ma quỷ, thứ tha tội lỗi… Chúa không chỉ ban lời hằng sống mà còn dùng quyền năng để nuôi đám đông dân chúng mà Tin Mừng tường thuật qua phép lạ hóa bánh (x. Lc 7,22; Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15).

Chúa quan tâm săn sóc con người cả đời này lẫn đời sau. Sau phép lạ hóa bánh, Chúa mời gọi dân chúng hãy lo tìm kiếm lương thực đem lại sự sống trường sinh, đó là tin vào Người là Đấng mà Chúa Cha sai đến (x. Ga 6,26-29).

Chúa vừa khoan dung tha thứ cho người có tội nhưng vừa quyết liệt tẩy trừ tội lỗi và lên án các gương mù, gương xấu, nhất là khi chúng gây dịp tội cho những người bé mọn.

Khi yêu thương, Chúa sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn, đau khổ xảy đến cho mình, nhưng Người luôn tìm cách bảo vệ, gìn giữ những kẻ Chúa Cha đã ban cho Người khỏi những sự dữ (x. Ga 10,28; 17,11-12; 18,8-9). Người sẵn sàng đón nhận lời vu cáo, nhưng vẫn công bố lời chân lý trước cả thần quyền lẫn thế quyền (x. Mt 26,59-66; Ga 18,33-38)…

2. Anh em hãy yêu thương nhau

Con người được dựng nên để sống và sống để yêu Chúa và để yêu nhau. Thiên Chúa là tình yêu nên đã sáng tạo muôn loài, đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Nhập Thể và Cứu Chuộc là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Giêsu đã chấp nhận đau thương để đem lại yêu thương cho con người. Người đã biến đổi viên mãn của đau thương thành viên mãn của yêu thương qua cuộc khổ nạn (x. 1Cr 15,26. 54; Dt 2,14), để từ trong cái chết vì tình yêu, sự sống vươn lên tươi đẹp như một mùa lúa mới (Ga 12, 24).

Chúa Giêsu không đòi hỏi các môn đệ phải làm được những công việc lớn lao, nhưng muốn “các con hãy thương yêu nhau”.

Nói lời yêu thương thì dễ, nhưng để thực hành giới răn yêu thương không dễ chút nào. Yêu thương đòi hỏi hy sinh, chấp nhận chịu thua thiệt và có khi chấp nhận tổn hại đến bản thân và cả mạng sống.

Yêu thương là ban tặng trái tim của mình cho người yêu; yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16); “ Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ cHồng Yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau.Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.Không ai thật sự yêu thương mà lại không sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. Ai nói mình yêu thương mà lại không muốn hy sinh, kẻ ấy nói dối, hay tình yêu của kẻ ấy chỉ là trên môi miệng.

Yêu thương còn là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ cHồng Yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình.

Yêu nhau là đón nhận nhau: đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu.

Yêu nhau còn là gắn bó với nhau, càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ cHồng Yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình.

Tình yêu làm hỗn mang trở nên mầu nhiệm sự sống. Và cũng chính tình yêu ấy làm cho sự sống trường tồn bất diệt khi vượt qua sự chết. Thiên Chúa đã bước vào trần thế bằng thân thể, bằng hình hài, và mang trái tim bằng thịt. Cuộc sống trở nên kỳ diệu khi Thiên Chúa biểu lộ bằng trái tim của nhân loại. Thiên Chúa, Người yêu thương chúng ta bằng trái tim con người và bằng trái tim của Thiên Chúa. Sự chết không thể chôn kín được tình yêu, bởi sức mạnh của tình yêu là làm cho sống.

Chúng ta phải yêu thương nhau vì chính Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11); “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19); “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).

3. Dùng thời gian để yêu thương

Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu. Chúng ta quý trọng thời gian, dùng thời gian để làm việc trong tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Ai yêu thương là kẻ được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa.

Thời gian quý giá như vàng ngọc. Bởi vậy:

Dùng thời gian để suy nghĩ, đó là nguồn sức mạnh.

Dùng thời gian để đọc, đó là nền tảng sự khôn ngoan.

Dùng thời gian để tìm hiểu, đó là cơ hội để giúp người khác.

Dùng thời gian để cười, đó là âm nhạc của tâm hồn.

Dùng thời gian để ước mơ, đó là kiến tạo những gì thuộc về tương lai

Dùng thời gian để thinh lặng, đó là cơ hội để gặp Chúa.

Dùng thời gian để yêu và được yêu, đó là món quà vĩ đại nhất của Thiên Chúa.

Dùng thời gian để cầu nguyện, đó là sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất này.

Giá trị đời người không được tính bằng thời gian ngắn hay dài, nhưng ở chỗ mình đã sử dụng nén bạc thời gian, sức khỏe, trí tuệ Chúa ban để phục vụ cuộc sống ra sao. Giá trị ở chỗ mình đã sử dụng thời gian như thế nào, có sinh nhiều ích lợi cho mình, cho tha nhân và cho thế giới hay không.Thời gian qua đi thật mau và chẳng chờ đợi ai. Sống có ý nghĩa là làm cho thời gian hiện tại trở thành yêu thương.

Và như thế, được sống ở trên đời phải là một hồng ân, được một phút giây hiện hữu phải là một lời ca ngợi và được một ngày phục vụ yêu thương là một mùa xuân hạnh phúc. Và như thế, chúng ta có thể nói lên trong thanh thản vui tươi như Kahil Gibran : Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy.Ta được thêm ngày mới để yêu thương.
 
Cằn cỗi thiêng liêng
Lm. Minh Anh
05:49 05/05/2021
CẰN CỖI THIÊNG LIÊNG
“Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến sự gắn bó, kết hiệp, sinh trái của những linh hồn tháp nhập vào Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, Tin Mừng còn nói đến sự khô héo, sự vô dụng; hay đúng hơn, một sự ‘cằn cỗi thiêng liêng’ của một linh hồn lãng quên Thiên Chúa, khác nào cành nho tách khỏi thân nho. Chúa Giêsu nói, “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo”.

Chúng ta thường nghe, “Tiền vào, Chúa ra!”. Điều này đúng không chỉ với tiền, nhưng cũng đúng với bất cứ cái gì không thuộc về Chúa. Thật dễ dàng để lãng quên Thiên Chúa khi cuộc sống của chúng ta quá bận rộn; hoặc khi mọi thứ diễn ra quá tốt đẹp, khiến chúng ta dễ dàng lãng quên Thiên Chúa. Một khi không nhận ra điều đó, chúng ta bắt đầu tách mình khỏi Thiên Chúa như cành nho tách rời thân nho. Hãy nhìn vào thời gian cầu nguyện của chúng ta! Nó là một nhiệt kế luôn luôn chính xác. Một khi tách khỏi ‘thân nho Giêsu’, giờ cầu nguyện của chúng ta sẽ ngày càng ngắn lại cho đến khi gần như tắt lịm. Chúng ta đi con đường riêng của mình, giảm thiểu cầu nguyện và không chóng thì chày, bỏ cầu nguyện và rơi vào một sự ‘cằn cỗi thiêng liêng’. Tuy nhiên, vấn đề không nhất thiết là phải bỏ qua một bên các hoạt động khác để đi cầu nguyện nhưng chúng ta sẽ làm tất cả bổn phận Thiên Chúa trao đang khi yêu mến Ngài và ước ao kết hiệp với Ngài.

Tách mình ra khỏi ‘thân nho Giêsu’ để đầu tư sức lực của mình vào những việc khác, ai trong chúng ta cũng biết điều gì sẽ xảy ra. Điều xảy ra là, chúng ta sẽ không tạo nên được một hoa trái nào đúng nghĩa. Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Augustinô, “Việc Chúa Giêsu nói thêm ‘Không có Thầy, anh em không thể làm gì được’ là để nhấn mạnh một sự thật rằng, tự sức chúng ta, bằng nỗ lực riêng mình, chúng ta thậm chí, sẽ không thể tạo ra một trái tốt ‘nhỏ’”. Đó là hậu kết của cái gọi là ‘cằn cỗi thiêng liêng’. Điều xảy ra tiếp theo sẽ là những gì tệ hại nhất, linh hồn bị ném ra ngoài như một cành khô; những cành vô dụng này sẽ được gom lại, ném vào lửa và bị đốt cháy.

Từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giêsu; ai trong chúng ta cũng muốn sinh trái dồi dào, tạo nên một sự khác biệt, mang lại một sự thay đổi cho cộng đồng, cho thế giới… điều đó thật hấp dẫn và có ý nghĩa với mỗi người. Thế nhưng, ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm một sự thật rằng, chỉ khi kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể trổ sinh hoa trái lâu dài cho Vương Quốc Nước Trời; đây cũng là cách thức chúng ta tôn vinh Chúa Cha. Được như thế, mỗi người sẽ cảm nhận rằng, nhựa sống của Chúa Kitô đang luân chuyển trong linh hồn mình. Cuộc sống của chúng ta sẽ nở hoa cho người khác; đó là những bông hoa của Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, đại lượng, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ. Những bông hoa này không chỉ toả hương hôm nay, nhưng vương mãi hương thơm cả khi chúng ta đã lìa thế.

Trong túi áo của một em bé đã chết ở trại tập trung Ravensbrück, nước Đức, người ta đọc được lời nguyện này, “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến không chỉ những thiện nam tín nữ của Chúa mà còn nhớ đến cả những người ác ý. Nhưng xin Chúa đừng nhớ tất cả những đau khổ mà họ đã gây ra cho chúng con; thay vào đó, xin nhớ đến những hoa trái mà chúng con đã trổ sinh vì sự đau khổ này. Đó là tâm tình hiệp thông của chúng con, lòng trung thành, sự khiêm tốn, lòng can đảm, sự rộng lượng của chúng con; đó là sự vĩ đại của những trái tim đã trưởng thành từ những cực hình này. Khi những kẻ bắt bớ chúng con đến để chịu sự phán xét của Chúa, xin hãy để tất cả những hoa trái mà chúng con đã sản sinh trở thành sự tha thứ mà Chúa nhân từ sẽ dành cho họ”.

Anh Chị em,

Không ai trong chúng ta không ngưỡng mộ sự cao thượng của em bé Ravensbrück; và cũng không ai muốn cho mình ra cằn cỗi. Vì sự èo uột, sự ‘cằn cỗi thiêng liêng’ của chúng ta là nỗi nhục cho Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã nói, “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, anh em sinh nhiều hoa trái”. Muốn được vậy, chúng ta phải ở lại trong Chúa Giêsu. Chỉ khi ở lại trong Ngài, nhựa sống thần linh nguyên tuyền của Thiên Chúa mới có thể luân lưu trong ta, nhựa sống của Ngài làm cho chúng ta đầy sinh lực thiêng liêng để sinh hoa trái. Bởi chưng, là Kitô hữu, chúng ta không chỉ ‘sống với Chúa Giêsu’, ‘sống cho Chúa Giêsu’ mà còn phải ‘sống trong Chúa Giêsu’. Nhận thức được tầm quan trọng này, Chúa Giêsu đã thiết tha van nài mỗi người chúng ta, “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, để con khỏi ‘cằn cỗi thiêng liêng’, xin giúp con bám chặt vào Chúa. Nhờ việc rước lấy Thánh Thể và Lời Chúa soi rọi mỗi ngày, xin cho con biết củng cố mối dây hiệp nhất trong Chúa; nhờ đó, niềm tin và tình yêu của con với Chúa ngày càng lớn lên, vì Chúa là tất cả của con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 05/05/2021

21. Thiên đàng mới là nhà của con, vật chất và những thứ của thế gian thì con nên coi nó là những thứ qua đường.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 05/05/2021
37. MỘT CON KHỈ SAY

Có người mua một con khỉ, đem áo cho nó mặc và đem mũ cho nó đội, lại còn dạy nó quỳ bái trong các dịp lễ tết, mọi thứ đều rất giống người.

Một hôm, chủ nhân mở tiệc đãi khách, kêu con khi ra biểu diễn hành lễ, mọi người đều cảm thấy nó rất dễ thương.

Có một khách lấy rượu thưởng cho nó, nó uống cho đến khi say tí bỉ, vứt cả mũ áo bò lăn khắp nơi. Mọi người cười lớn, nói:

- “Con khỉ này khi chưa uống rượu thì rất giống người, nào ngờ mới uống chút rượu thì không giống người nữa.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 37:

Khỉ mặc áo, khỉ đội mũ, khỉ làm trò, khỉ uống rượu giống như người nhưng không phải là người, nên khi khỉ say thì khỉ hoàn khỉ, bởi vì nó đã lột những cái giống người vứt xuống đất và tánh khỉ…lòi ra.

Người độc ác mưu mô thâm hiểm nổi tiếng mà đột nhiên lại đổi tính nết hiền lành, khiêm nhượng, nói năng nhỏ nhẹ thì hãy coi chừng, tránh họ càng xa càng tốt, bởi vì họ đang “khoác” trên mình cái áo khiêm nhường, cái mũ hiền lành của con người vốn bản thiện giống như người thánh thiện, nhưng khi uống đã say (đạt mục đích của mình) thì quăng vứt cái mũ hiền lành, cái áo khiêm nhường xuống đất và tác oai tác quái gấp bội hơn trước…

Khỉ vẫn là khỉ dù nó có thông minh cực kì, người ác độc thâm hiểm thì vẫn là người ác độc dù họ có nói lời nhẹ nhàng, hiền lành chăng nữa, nếu họ không được Lời Chúa tác động…

Không thể nào biển đổi người khác nếu không biến đổi mình trước, và sẽ không có chuyện người ác biến thành người lành nếu không có sự thống hối và quyết tâm, gương sáng của người khác và tiếng Chúa thúc giục trong lương tâm…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những người Công Giáo trẻ tuổi treo biểu ngữ để phản đối việc treo cờ cầu vồng trên Nhà thờ cổ nhất của Vienna
Đặng Tự Do
05:10 05/05/2021


Những người Công Giáo trẻ tuổi đã treo một biểu ngữ tuyên bố “Roma locuta, causa finita”, nghĩa là Rôma đã lên tiếng, vụ việc đã khép lại, bên dưới một lá cờ cầu vồng trên nhà thờ lâu đời nhất của Vienna.

Một video được đăng lên YouTube ngày 26 tháng 4 cho thấy những người trẻ tuổi leo lên tường của Nhà thờ St. Rupert vào ban đêm và treo một biểu ngữ với nội dung: “Chúa không thể chúc lành cho tội lỗi. Roma locuta, causa finita”.

Đoạn video giải thích rằng họ đã thực hiện hành động trên sau khi một lá cờ cầu vồng, còn được gọi là cờ tự hào LGBT, được treo từ tháp của nhà thờ để phản đối việc Bộ Giáo Lý Đức Tin nói “không” đối với việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một bản phúc đáp vào ngày 15 tháng 3 để trả lời câu hỏi, “Giáo hội có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng tính hay không?” Bộ Giáo lý Đức tin đã trả lời là ‘Không thể’ và phác thảo các lý luận của mình trong một lưu ý giải thích, kèm theo lời bình luận.

Văn bản giải thích, được ký bởi Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và Đức Tổng Giám Mục Giacomo Morandi, thư ký của Bộ nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho tất cả “những con cái của Ngài trên đường lữ thứ trần gian”.

“Nhưng Ngài không và không thể chúc lành cho tội lỗi”.

Các nhà vận động ở Áo và Đức đã thông báo rằng họ sẽ tổ chức một ngày chúc phúc cho những người đồng giới vào ngày 10 tháng 5 bất chấp tuyên bố của Vatican, được đưa ra với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các bạn trẻ đã treo biểu ngữ phản đối cờ cầu vồng tại Nhà thờ Thánh Rupert nói với CNA rằng họ coi việc treo lá cờ cầu vồng là một “sự khiêu khích”.

“Một mặt, chúng tôi muốn chứng tỏ rằng một hành động khiêu khích như vậy không thể được dung thứ ở Vienna và mặt khác, chúng tôi hy vọng rằng điều này có thể kích hoạt một số viên chức suy nghĩ lại.”

“Chúng tôi cũng nghĩ rằng một hành động như vậy có thể mang lại cho những người Công Giáo khác lòng can đảm và hy vọng. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng sẽ không cần có thêm hành động nào nữa, nhưng nếu có một hành động khác, thì nó sẽ xuất phát từ cùng một ý định, đó là bảo vệ đức tin Công Giáo.”
Source:National Catholic Register
 
Lệnh cấm thánh lễ được dỡ bỏ tại Ái Nhĩ Lan từ ngày 10 tháng 5
Đặng Tự Do
05:11 05/05/2021


Trong một diễn biến đáng mừng, Thủ tướng Micheál Martin đã xác nhận rằng một lệnh cấm gây tranh cãi về việc cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự sẽ được dỡ bỏ vào ngày 10 tháng 5. Điều này có nghĩa là người Công Giáo sẽ được tự do tham dự Thánh lễ mà không sợ bị kết tội hình sự.

Trong suốt 30 tuần qua, các tín hữu Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan đã bị cấm tham dự Thánh lễ trong suốt 27 tuần. Chính phủ Ái Nhĩ Lan gần đây còn đưa ra những lời cảnh cáo kết tội hình sự với các linh mục và những người tham dự Thánh lễ, với án tù nhẹ nhất là sáu tháng.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin đã mô tả các điều khoản hình sự là vừa “hà khắc” vừa “khiêu khích”.

Trong một bài phát biểu trước quốc gia vào tối thứ Năm 29 Tháng Tư, ông Martin xác nhận rằng lệnh cấm này sẽ tiếp tục trong gần hai tuần nữa, nhưng kể từ ngày 10 tháng Năm, cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự sẽ được cho phép.

Tuy nhiên, số lượng sẽ bị giới hạn ở mức tối đa là 50 người bất kể mọi người đã được tiêm phòng hay chưa và bất chấp quy mô của nhà thờ.

Giới hạn tối đa 50 người cũng được áp dụng cho tang lễ và lễ cưới, tuy nhiên tiệc cưới phải chỉ giới hạn ở mức 6 người nếu diễn ra trong nhà và 15 người nếu chiêu đãi ngoài trời.

Chính phủ Ái Nhĩ Lan đã áp đặt những hạn chế hà khắc nhất đối với các cử hành tôn giáo ở Âu Châu và hiện là quốc gia duy nhất trong Liên minh Âu Châu có lệnh cấm người dân tham dự các thánh lễ.

Trong khi đó tại Bắc Ái Nhĩ Lan, việc cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự đã được cho phép kể từ ngày 26 tháng Ba.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, doanh nhân Công Giáo Declan Ganley đã thách thức tính hợp hiến của lệnh cấm tại tòa án. Vụ án đã nhiều lần bị hoãn lại, với phán quyết mới nhất của Tòa án Tối cao đưa ra vào ngày 17 Tháng Tư hoãn vụ án đến ngày 18 Tháng Năm.
Source:Irish Catholic
 
Thống đốc Arizona Doug Ducey ban hành luật cấm phá thai đối với trẻ mắc hội chứng Down
Đặng Tự Do
05:12 05/05/2021


Thống đốc Arizona Doug Ducey đã ký ban hành một luật ủng hộ cuộc sống, cấm phá thai vì phân biệt đối xử đối với những thai nhi có những bất thường về gen chẳng hạn như di truyền hội chứng Down.

“Mỗi cuộc sống đều có giá trị vô biên - bất kể cấu tạo gen,” Thống đốc Ducey nói sau khi ký luật. “Chúng ta phải tiếp tục ưu tiên bảo vệ sự sống cho những đứa trẻ sơ sinh của chúng ta”.

Luật mới nghiêm cấm việc phá thai vì phân biệt đối xử từ các chẩn đoán trước khi sinh, đặc biệt là trong trường hợp thai nhi có hội chứng Down. Nó cũng đảm bảo rằng thuốc phá thai không được vận chuyển qua đường bưu điện, ngăn chặn việc sử dụng tiền thuế của người đóng thuế cho nghiên cứu liên quan đến thi hài các thai nhi sau khi phá thai và yêu cầu đối xử đàng hoàng và tôn trọng đối với thi hài của những đứa trẻ bị phá thai.

Dự luật cũng sẽ cấm các loại thuốc phá thai nguy hiểm được gửi qua đường bưu điện. Trước khi luật mới được ban hành phụ nữ có thể mua thuốc phá thai mà không cần đi khám hay gặp bác sĩ. Luật mới cũng cấm các trường công lập giới thiệu học sinh đến các cơ sở phá thai. Nó cũng yêu cầu hài cốt của những đứa trẻ bị phá thai phải được chôn cất hoặc hỏa táng.

Sự phân biệt đối xử trong việc phá thai xảy ra ở mức báo động, và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn với những tiến bộ trong xét nghiệm trước khi sinh.

Tờ Telegraph đưa tin khoảng 90% trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với hội chứng Down ở Vương quốc Anh đều bị phá thai. Một báo cáo gần đây trên Tạp chí Journal of Human Genetics ở Âu Châu cho thấy số lượng trẻ sơ sinh mắc hội chứng Down sinh ra ở Anh đã giảm 54% kể từ khi các xét nghiệm sàng lọc trước sinh được áp dụng cách đây khoảng một thập kỷ. Trong khi đó tại một số quốc gia Âu Châu, không có trẻ em nào mắc hội chứng Down được sinh ra.
Source:Life Site News
 
ACN báo động: Quá nhiều linh mục ở Mỹ Latinh đang chết vì COVID-19
Đặng Tự Do
05:12 05/05/2021


Hội Thánh tại Mỹ Châu Latinh đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch coronavirus. Số các linh mục ở nhiều quốc gia nhiễm bệnh và chết vì coronavirus đang tăng ở mức chóng mặt. Các ngài đã chống chọi với vi rút trong khi thực hiện công việc mục vụ của mình, hỗ trợ các tín hữu, và đồng hành với họ khi họ phải đối phó với những nỗi sợ hãi và đau đớn. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, cho biết như trên trong bản tin ngày 29 Tháng Tư.

Theo một tuyên bố gần đây được Hội đồng Giám mục Venezuela, gọi tắt là CEV, gửi tới ACN, các Giám Mục cho biết kể từ năm 2020, khi COVID-19 lần đầu tiên lan rộng khắp đất nước, 201 trong số 2002 linh mục, tức là 10%, các linh mục hiện đang phục vụ tại Venezuela, đã mắc bệnh. 24 linh mục đã chết sau đó.

CEV giải thích thêm rằng “những người phục vụ trong Giáo hội không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với COVID-19. Các linh mục nhiễm bệnh và các linh mục qua đời đã hoàn thành ơn gọi phục vụ cộng đồng, như các ‘Bác sĩ của Linh hồn’. Các ngài đã biết rằng, ngay cả khi đã thực hiện cẩn trọng mọi biện pháp phòng ngừa trong nhà thờ và tuân thủ mọi quy tắc vệ sinh, các ngài vẫn có nguy cơ lây nhiễm và do đó có nguy cơ tử vong”.

ACN nhận thấy rằng hoàn cảnh của các linh mục ở Mễ Tây Cơ thậm chí còn thảm khốc hơn. Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo Mễ Tây Cơ đã báo cáo rằng, từ khi bắt đầu đại dịch năm 2020 cho đến tháng 3 năm 2021, 5 giám mục, 221 linh mục và tu sĩ, 11 phó tế và 8 nữ tu đã chết vì căn bệnh quái ác này.

Tình hình ở Peru cũng rất nghiêm trọng. Đặc biệt xúc động là tin tức về cái chết của Đức Cha Luis Armando Bambarén Gastelumendi Dòng Tên, giám mục hiệu tòa của Chimbote và là cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru. Ngài qua đời ngày 19 tháng 3. Cha Eduardo Peña Rivera, tuyên úy trưởng của Lực lượng Không quân Peru ở Piura, một khu vực phía bắc đất nước, cũng chết vì COVID-19 vào tháng Ba.

Columbia cũng đã chứng kiến sự mất mát một giám mục: Đức Cha Luis Adriano Piedrahita của Santa Marta qua đời ngày 11 tháng Giêng năm 2021. Theo thông tin ACN nhận được, 10 linh mục Dòng Tên sống trong cùng một ngôi nhà ở quận Chapinero của Bogotá đã chết chỉ trong vòng hai tuần vào cuối năm 2020. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021, 12 tu sĩ Dòng Tên trong toàn quốc Colombia nước đã chết vì vi rút Tầu độc địa này.
Source:Aid To The Church In Need
 
Tình hình nghiêm trọng tại Ấn Độ
Đặng Tự Do
16:07 05/05/2021


Các bác sĩ và y tá tập sự ở Ấn Độ đang bị rút khỏi kỳ thi để tham gia cuộc chiến chống lại đợt nhiễm bệnh vì COVID-19 lớn nhất thế giới.

Hôm thứ Ba, một máy bay phản lực của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã chuyên chở các bình oxy và viện trợ khi Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các quốc gia khác trên thế giới chạy đua để quyên góp tiếp tế trong bối cảnh hệ thống y tế của Ấn Độ bị sụp đổ.

Tổng số ca nhiễm của Ấn Độ đã tăng lên hơn 20 triệu.

Các chuyên gia y tế cho biết con số thực tế có thể cao gấp 5 đến 10 lần.

Tại ngôi đền ngoại ô New Delhi này, các tình nguyện viên làm việc dưới những chiếc lều tạm bợ.

Cứ sau 20 phút lại có một bệnh nhân cần thở oxy.

Những lò hỏa táng quá tải với xác chết đã trở thành cảnh tượng phổ biến trong vài tuần qua.

Tại một bệnh viện ở thành phố Pune, bác sĩ Mekund Penurkar đã trở lại làm việc chỉ vài ngày sau khi cha mình qua đời vì COVID-19.

Anh ấy nói rằng bệnh nhân của anh ấy cần mọi sự giúp đỡ mà họ có thể nhận được.

“Cha tôi đã qua đời vào thứ Hai. Tôi phải bắt đầu làm việc trở lại vào thứ Tư, bởi vì tình hình chung quá khó khăn, chúng tôi không thể chỉ nghỉ ngơi ở nhà và nhìn thấy sự đau đớn của người khác. Vì bản thân tôi đã phải trải qua hoàn cảnh như vậy, tôi không thể phó mặc những bệnh nhân khác cho số phận của họ. “

Ít nhất 11 bang và khu vực đã ra lệnh đóng cửa để hạn chế sự lây lan của virus.

Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi đã miễn cưỡng ra lệnh đóng cửa quốc gia vì sợ ảnh hưởng kinh tế.

Mặc dù là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, nhưng Ấn Độ không có đủ cho mình.

Những nỗ lực đã bị cản trở do thiếu nguyên liệu thô và vụ hỏa hoạn tại Viện Huyết thanh, nơi sản xuất vắc-xin AstraZeneca.
Source:Reuters
 
Phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Ba Lan
Đặng Tự Do
16:08 05/05/2021


Hôm thứ Hai, 03 tháng 5, Hội đồng Giám mục Ba Lan đã nhóm phiên khoáng đại thường niên tại đan viện Jasna Góra. Nội dung tập trung vào các đề tài: lễ phong chân phước cho Ðức Hồng Y Stefan Wyszynski, dự kiến vào ngày 12 tháng 9 năm 2021; chăm sóc mục vụ trong và sau đại dịch; cử hành 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II; và cử hành phụng vụ và tái dâng hiến quốc gia cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đức Cha Artur G. Mizinski, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục cho biết, theo chương trình nghị sự, trước hết, các Giám mục bàn về việc chăm sóc mục vụ trong và sau đại dịch. Cụ thể, các vị mục tử tổng hợp tất cả những gì Giáo hội đã làm trong những tháng gần đây.

Ðề tài thảo luận tiếp theo của các Giám mục liên quan đến việc cử hành 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II. Thực tế, nhiều sáng kiến đã được lên kế hoạch cho năm 2020, trong đó có các cuộc hành hương quốc gia đến mộ Thánh Giáo hoàng tại Ðền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, đã không thể thực hiện được do đại dịch. Vì vậy, các Giám mục tập trung suy tư về cách sống cho những tháng cuối của năm thánh, “không chỉ liên quan đến việc tưởng nhớ, nhưng là những suy tư sâu sắc hơn về những lời giảng dạy của Thánh Gioan Phaolô II”.

Ngoài ra, trong các giờ thảo luận, các Giám mục còn chuẩn bị cho cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng 6 năm 2021 tại đền thánh Kalwaria Zebrzydowska ở Krakow. Đức Cha Mizinski nhấn mạnh rằng, cử hành phụng vụ, trung tâm của buổi gặp gỡ này, sẽ là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tại Thánh lễ trọng thể này sẽ có cử hành việc tái thánh hiến quốc gia Ba Lan cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhân dịp 100 năm sự kiện này. Vào năm 1920, trước sự tấn công của Hồng quân, các Giám mục Ba Lan đã tập trung tại Jasna Góra để thánh hiến quốc gia cho Thánh Tâm.

Sau cùng, cũng vào ngày 03 tháng 5, tại đền thánh Czestochowa, Đức Cha Stanislaw Gadeck, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, chủ sự Thánh lễ kính Ðức Mẹ Jasna Góra, Nữ Vương Ba Lan, trong sự hiệp thông với Ðức Thánh Cha và toàn thể các tín hữu trên thế giới cùng cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt. Và tinh thần hiệp thông được tiếp tục vào lúc 18 giờ bằng giờ cầu nguyện với Kinh Mân Côi.

Cầu nguyện toàn cầu cho sự kết thúc của đại dịch tại đền thánh Đức Mẹ Jasna Góra

Hôm thứ Hai 3 Tháng Năm, Đền thờ Công Giáo Ba Lan Jasna Góra đã tham gia vào cuộc marathon lần hạt toàn cầu để chấm dứt đại dịch coronavirus.

Đền thánh ở Częstochowa, miền nam Ba Lan, là ngôi đền thứ ba trong số 30 đền thờ Công Giáo trên toàn thế giới được chọn để lần hạt trong sáng kiến kéo dài một tháng do Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát động.

Cha Samuel Pacholski, Bề trên Tu viện Jasna Góra, nơi có bức tượng Đức Mẹ Đen của Częstochowa, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy vinh dự và đặc ân khi tham gia cuộc marathon cầu nguyện này”.

Đức Giáo Hoàng bắt đầu cuộc marathon cầu nguyện vào ngày thứ Bẩy 1 tháng 5, ngày bắt đầu tháng Hoa truyền thống kính Đức Mẹ, khi ngài lần hạt Mân Côi ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Sáng kiến này sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 5 tại vườn Vatican.

Đền thờ đầu tiên cử hành sự kiện này là Walsingham ở Anh vào ngày 1 tháng 5, tiếp theo là đền thờ Chúa Cứu thế và Mẹ Maria ở Elele, Nigeria, vào ngày 2 tháng 5.

Bổi lần chuỗi Mân Côi diễn ra tại Jasna Góra lúc 6 giờ chiều giờ địa phương và được phát trực tiếp. Cộng đoàn đã lần hạt Năm Sự Vui bằng năm thứ tiếng khác nhau.

Sự kiện này rơi vào một ngày quan trọng đối với người Công Giáo Ba Lan. Ngày 3 tháng 5 đánh dấu Lễ Đức Mẹ Đồng trinh Maria, Nữ vương Ba Lan, cũng là Ngày Hiến pháp, một ngày lễ nghỉ quốc gia.

Người Ba Lan đã tôn kính Đức Maria là Nữ vương Ba Lan kể từ khi Vua John Casimir Đệ Nhị tuyên bố Đức Mẹ là “Nữ vương của Vương triều Ba Lan” vào năm 1656. Lễ ngày 3 tháng 5 được thiết lập theo yêu cầu của các giám mục Ba Lan sau khi đất nước giành lại độc lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Ngày Hiến pháp kỷ niệm việc thông qua Hiến pháp Ba Lan vào ngày 3 tháng 5 năm 1791.

Ngoài cuộc thi marathon cầu nguyện, đền thờ còn tổ chức cuộc họp của hội đồng thường trực của hội đồng giám mục Ba Lan vào ngày 3 tháng 5. Chủ tịch hội đồng giám mục, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki đã chủ trì một thánh lễ tại đền thờ đánh dấu ngày lễ Đức Mẹ.
Source:Catholic News Agency
 
Bài Giáo Lý Hàng Tuần Của Đức Phanxicô: Cầu Nguyện Chiêm Niệm
Vũ Văn An
17:05 05/05/2021


Theo tin Tòa Thánh, buổi yết kiến chung dưới hình thức ảo ngày 5 tháng 5 năm 2021 đã diễn ra tại Thư viện Tông Tòa hồi 9 giờ 30 sáng.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha, dựa trên bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện và trong bài giáo lý này, tôi muốn suy gẫm về lối cầu nguyện chiêm niệm.

Chiều kích chiêm ngưỡng của con người - chưa phải là lối cầu nguyện chiêm niệm - hơi giống như “muối” của cuộc sống: nó mang lại hương vị, thêm gia vị cho ngày sống của chúng ta. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng bằng cách ngắm nhìn mặt trời mọc vào buổi sớm mai, hoặc nhìn những hàng cây trải dài trong mầu xanh mùa xuân; chúng ta có thể chiêm ngưỡng bằng cách nghe nhạc hoặc nghe tiếng chim hót, đọc sách, ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật hoặc nhìn vào kiệt tác đó là khuôn mặt con người… Carlo Maria Martini, khi ngài được cử làm Giám mục Milan, đặt tên Thư Mục vụ đầu tiên của ngài là Chiều kích chiêm niệm của cuộc sống: sự thật là những người sống trong một thành phố rộng lớn, nơi mà mọi sự - chúng ta có thể nói – đều giả tạo và là nơi mọi sự đều vận hành, có nguy cơ mất khả năng chiêm niệm. Chiêm niệm chủ yếu không phải là một cách làm, mà là một cách hiện hữu. Làm người chiêm niệm.

Và làm người chiêm niệm không phụ thuộc vào đôi mắt, mà phụ thuộc vào trái tim. Và ở đây, lời cầu nguyện hành động như một hành vi đức tin và đức mến, như “hơi thở” của mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Cầu nguyện thanh lọc trái tim và, với nó, cũng làm sắc bén cái nhìn của chúng ta, cho phép nó nắm bắt thực tại theo một quan điểm khác. Sách Giáo lý mô tả sự biến đổi này của trái tim mà việc cầu nguyện đã tác động, trích dẫn một chứng từ nổi tiếng của Thánh Cha xứ Ars, người đã nói điều này: “Chiêm niệm là một cái nhìn của đức tin, chăm chú vào Chúa Giêsu. ‘Tôi nhìn Người và Người nhìn tôi’: đây là điều mà một người nông dân xứ Ars kia thường nói với cha xứ thánh thiện trong khi cầu nguyện trước nhà tạm. […] Ánh sáng của khuôn mặt Chúa Giêsu soi sáng con mắt trái tim chúng ta và dạy chúng ta nhìn mọi sự dưới ánh sáng sự thật và lòng cảm thương của Người đối với mọi người ”(Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2715). Mọi sự bắt nguồn từ điều này: từ một trái tim cảm thấy mình được nhìn một cách yêu thương. Khi đó thực tại được chiêm ngưỡng bằng con mắt khác.

"Tôi nhìn Người và Người nhìn tôi!" Nó như thế này: chiêm niệm yêu thương, đặc trưng của lối cầu nguyện thân mật nhất, không cần nhiều lời. Một cái nhìn đã đủ. Tin chắc đời sống chúng ta được bảo bọc bằng một tình yêu bao la và thủy chung mà không gì có thể tách chúng ta ra khỏi nó được quả là đã đủ.

Chúa Giêsu là một bậc thầy về cái nhìn này. Đời sống của Người không bao giờ thiếu thời gian, không gian, sự tĩnh lặng, sự hiệp thông yêu thương giúp đời sống người ta không bị tàn phá bởi những thử thách không thể tránh khỏi, nhưng duy trì được vẻ đẹp nguyên vẹn. Bí quyết của Người là mối liên hệ của Người với Cha Người ở trên trời.

Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ về Sự biến hình. Các sách Tin Mừng đặt tình tiết này vào thời điểm quan yếu trong sứ mệnh của Chúa Giêsu khi sự chống đối và bác bỏ đang gia tăng xung quanh Người. Ngay cả trong số các môn đệ của Người, nhiều người cũng không hiểu Người và bỏ Người; một trong Nhóm Mười Hai nuôi dưỡng ý nghĩ phản bội. Chúa Giêsu bắt đầu công khai nói về sự đau khổ và cái chết đang chờ đợi Người ở Giêrusalem. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu leo lên một ngọn núi cao cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan. Tin Mừng Máccô kể lại: “Người đã biến hình trước mặt họ, và áo của Người trở nên lấp lánh, trắng xóa, như không có thợ nhuộm nào trên trái đất có thể tẩy trắng được” (9: 2-3). Chính ngay tại thời điểm người ta không hiểu Chúa Giêsu - họ bỏ Người mà đi, họ bỏ mặc Người một mình vì họ không hiểu - chính trong thời điểm Người bị hiểu lầm, ngay khi mọi sự xem ra trở nên mờ mịt trong cơn lốc hiểu lầm, chính là lúc ánh sáng thần linh chiếu rọi. Đó là ánh sáng của tình yêu thương của Chúa Cha tràn ngập trái tim Chúa Con và biến đổi toàn thể Con người của Người.

Một số bậc thầy tâm linh trong quá khứ hiểu việc chiêm niệm như trái ngược với hành động, và đề cao những ơn gọi trốn khỏi thế gian và các vấn đề của nó để hiến mình hoàn toàn cho việc cầu nguyện. Trên thực tế, nơi Chúa Giêsu Kitô, nơi con người của Người và Tin Mừng, không có sự đối lập nào giữa chiêm niệm và hành động. Không. Trong Tin Mừng và trong Chúa Giêsu không có gì mâu thuẫn. Điều này có thể phát xuất từ ảnh hưởng của một số triết học Tân Platông vốn tạo ra sự đối lập này, nhưng nó chắc chắn chứa một thuyết nhị nguyên không phải là một thành phần của sứ điệp Kitô giáo.

Chỉ có một lời kêu gọi vĩ đại, một lời kêu gọi vĩ đại trong Tin Mừng, và đó là lời kêu gọi bước chân theo Chúa Giêsu trên con đường tình yêu. Đây là đỉnh và là trung tâm của mọi sự. Theo nghĩa này, đức ái và chiêm niệm đồng nghĩa với nhau, cùng nói một điều. Thánh Gioan Thánh Giá tin rằng một hành vi yêu thương nhỏ nhưng tinh tuyền sẽ hữu ích cho Giáo hội hơn tất cả những việc làm khác cộng lại. Điều gì phát sinh từ việc cầu nguyện chứ không phải từ sự cao ngạo của bản ngã chúng ta, điều gì được thanh tẩy bởi đức khiêm nhường, dù đó là một hành vi yêu thương giấu kín và thầm lặng, đều là phép lạ lớn nhất mà một Kitô hữu có thể thực hiện. Và đó là con đường cầu nguyện chiêm niệm: Tôi nhìn Người và Người nhìn tôi. Chính hành vi yêu thương trong cuộc đối thoại thầm lặng với Chúa Giêsu đã giúp ích rất nhiều cho Giáo Hội. Cảm ơn anh chị em.
 
Mục sư của Nhà thờ nơi Luther từng thuyết giảng: Con đường Đồng Nghị Đức là Con đường Sai lầm
Vũ Văn An
18:30 05/05/2021

Theo bản tin ngày 4 tháng 5 của Edward Pentin trên National Catholic Register, Mục sư Thệ phản của nhà thờ Đức nơi Martin Luther thuyết giảng và được gọi là “nhà thờ mẹ của Cải cách” đã cảnh cáo rằng Con đường Đồng nghị của Giáo Hội Công Giáo Đức là “con đường sai lầm” đang “áp đặt việc thệ phản hóa lên Giáo Hội Công Giáo”.



Trong một lá thư gửi vào dịp Lễ Phục sinh tới nguyệt san Vatican Magazin của Đức, Mục sư Alexander Garth của nhà thờ St. Mary ở Wittenberg cho biết ông đang quan sát “một cách quan tâm” cả Con đường Đồng nghị lẫn Maria 2.0, một phong trào với những mục tiêu tương tự.

Ông viết: “Việc dân chủ hóa một Giáo Hội quốc gia luôn có nghĩa một Kitô giáo theo chủ nghĩa dân túy, duy tối thiểu, trở thành tiêu chuẩn giáo hội, dẫn đến việc toàn bộ Giáo Hội bị coi thường và Tin mừng bị loãng đi.

Mục sư Garth tin rằng những “nhà cải cách” như vậy trong Giáo Hội Công Giáo nên trở thành Thệ phản vì trong các Giáo hội Thệ phản “bạn sẽ tìm thấy mọi thứ mà bạn đang đấu tranh cho: nữ linh mục, hiến pháp đồng nghị, mục sư kết hôn, chủ nghĩa duy nữ”.

Nhưng ông cảnh cáo rằng "tình trạng tinh thần và thể chất của Giáo hội Thệ phản còn tồi tệ hơn nhiều, và hậu quả của việc tục hóa vẫn còn tàn khốc hơn trong Giáo Hội Công Giáo".

Giáo Hội Công Giáo ở Đức đã đi được hơn nửa chặng đường của Con đường Đồng nghị đầy tranh cãi trong 2 năm của mình, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2022.

Những người ủng hộ nó, bao gồm hầu hết các giám mục của Đức, coi đây là con đường cần thiết để cải tổ Giáo hội sau cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Nhưng những người chỉ trích con đường này nói rằng nó có nguy cơ phá hoại cấu trúc phẩm trật, thẩm quyền và giáo huấn luân lý của Giáo hội, có thể dẫn đến ly giáo.

Maria 2.0, một phong trào giáo dân của phụ nữ Đức được thành lập vào năm 2019 để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, nhằm nhổ tận gốc điều các thành viên của nó coi là phân biệt giới tính trong Giáo hội và giống như các khía cạnh của Con đường Đồng nghị, cổ vũ việc phong chức linh mục cho phụ nữ và chấm dứt việc độc thân của linh mục. Hai người sáng lập của nó đã chính thức rời khỏi Giáo Hội Công Giáo vào tháng trước.

Mục sư Garth, người tự mô tả mình trong bức thư “như một người Thệ phản có trái tim Công Giáo và là mục sư trên bục giảng của Martin Luther,” cho biết ông coi việc Thệ phản hóa Giáo Hội Công Giáo “là một điều bất hạnh lớn, vì thế giới này cần khuôn mạo Công Giáo của nền linh đạo Công Giáo, với lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng, lòng sùng kính Đức Mẹ, và gương các thánh của Giáo hội”.

Ông nói thêm, thế giới Kitô giáo, “cần bản sắc Công Giáo, vì sẽ là một mất mát lớn đối với thế giới Kitô giáo nếu màu sắc đức tin Công Giáo mất đi cường độ của nó”.

Ông cũng nhắc lại tiền lệ của một con đường đồng nghị của Thệ phản thời Đệ Tam Đế chế, con đường, theo ông, dẫn đến việc đa số theo Quốc xã trong các hội đồng đó “làm ô nhiễm, biến thái và làm tê liệt về tinh thần toàn bộ giáo hội bằng con quỷ Quốc xã”.

Mục sư Garth nói, Giáo hội Thệ phản ở Đệ tam Đế chế, là một câu chuyện “phản bội Đức tin” với “ngoại lệ chói sáng” là Dietrich Bonhoeffer, vị mục sư của giáo phái Luthêrô bị hành quyết vào năm 1945 vì vai trò của ông trong âm mưu giết Adolf Hitler.

Wittenberg có mối quan hệ chặt chẽ với Luther, là trụ sở của Nhà thờ All Saints, trên cánh cửa nhà thờ này, đan sĩ dòng Augustinô là Martin Luther, đã ghim đinh 95 luận đề nổi tiếng của ông báo hiệu sự khởi đầu của cuộc Cải cách Thệ phản. Ông cũng dạy thần học tại trường đại học của thị trấn.

Nhà thờ Thánh Maria ở Wittenberg, còn được gọi là “Stadtkirche,” không những nổi tiếng với bục giảng mà từ đó, Luther và nhà đồng cải cách, Johannes Bugenhagen, đã thuyết giảng trong nhiều năm vào thế kỷ 16, mà còn là nhà thờ đầu tiên trên thế giới tổ chức các phụng vụ Thệ phản và là nhà thờ đầu tiên tổ chức các nghi lễ bằng tiếng Đức chứ không phải tiếng Latinh.
 
Đức Hồng Y Ruini nhìn thấy nguy cơ ly giáo gần kề ở Đức
Đặng Tự Do
19:09 05/05/2021
Đức Hồng Y Camillo Ruini, người Ý, nói rằng ngài đang cầu nguyện để không xảy ra ly giáo ở Đức, trong khi các linh mục và giám mục tại quốc gia này tuyên bố bất đồng với một tuyên bố từ Vatican nói rằng Giáo hội không thể chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 4 tháng 5 với tờ Il Foglio, Đức Hồng Y Ruini nói: “Tôi hy vọng với tất cả trái tim của mình rằng sẽ không có bất kỳ cuộc ly giáo nào, và tôi cầu nguyện cho điều này.”

Vị Hồng Y 90 tuổi đề cập đến bức thư năm 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài yêu cầu người Công Giáo Đức giữ “mối liên hệ với Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Hồng Y Ruini nói: “Những lời này của Đức Thánh Cha đưa ra một tiêu chuẩn và một hướng đi có giá trị. Tôi không phủ nhận rằng có nguy cơ ly giáo, nhưng tôi tin tưởng rằng, với ơn phù trì của Thiên Chúa, điều đó có thể được chế ngự”.

Lời bình luận của Đức Hồng Y Ruini được đưa ra sau khi một số linh mục và giám mục trong thế giới nói tiếng Đức bày tỏ sự ủng hộ đối với các mối quan hệ đồng giới, bất chấp một tài liệu gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, cho biết Giáo hội không thể chúc lành cho các kết hiệp như vậy.

Tại Đức, các nhân viên mục vụ Công Giáo đã lên kế hoạch cho một sự kiện toàn quốc vào ngày 10 tháng 5 bất chấp phán quyết của Vatican. Các nhà tổ chức hy vọng rằng các cặp đồng tính trên khắp nước Đức sẽ tham gia vào sáng kiến, được gọi là “Segnungsgottesdiensten für Liebende,” hoặc “cử hành chúc phúc cho các cặp tình nhân”.

CDF đã công bố “Responsum ad dubium”, nghĩa là “Bản phúc đáp cho một hồ nghi” vào ngày 15 tháng 3, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trả lời câu hỏi: “Giáo hội có quyền chúc lành cho sự kết hiệp của những người cùng giới tính không?” CDF đã trả lời: “Không”, và phác thảo lý do trả lời “Không” trong một ghi chú giải thích và đính kèm một bài bình luận.

Đức Hồng Y Ruini, từng là tổng đại diện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô thứ 16 tại Rôma từ năm 1991 đến năm 2008, và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý trong 16 năm. Ngài nói rằng “mọi người chắc chắn có thể được chúc phúc, để họ được hoán cải, chứ không phải là để tán thành tội lỗi của họ.”

“Chính Thiên Chúa ban phước cho con người tội lỗi để người ấy được hoán cải bởi Ngài, nhưng Ngài không thể chúc lành cho tội lỗi”.

“Tôi muốn nhấn mạnh đến sức mạnh của lập trường này: đó không đơn thuần là một vấn đề Giáo hội đã quyết định không làm, mà là điều mà Giáo hội không thể làm. Không ai trong Giáo hội có thẩm quyền làm như thế.”

Đức Hồng Y Ruini rất nổi tiếng trong việc lên tiếng về các vấn đề xã hội và chính trị liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, và đặc biệt là trong những năm ở cương vị lãnh đạo, ngài thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Đức Hồng Y Ruini và nhiều Hồng Y và giám mục Công Giáo khác đã bày tỏ quan ngại về tình hình của Giáo hội ở Đức.

Trong một cuộc phỏng vấn với Colm Flynn được phát sóng trên EWTN vào tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y George Pell, người Úc, cho biết ngài nghĩ rằng “có một số thành phần trong Giáo hội Đức dường như kiên quyết đi sai hướng.”

Giám mục người Anh Philip Egan của Portsmouth đã nói rằng ông lo lắng “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo hội Đức có thể dẫn đến một “cuộc ly giáo trên thực tế”.

Đức Hồng Y Ruini nhấn mạnh ngày 4 tháng 5 rằng “Giáo hội ngày nay chống lại mọi sự phân biệt đối xử bất công đối với những người đồng tính luyến ái và mong muốn rằng họ sẽ được chào đón trong cộng đồng Kitô với sự tôn trọng và tế nhị.”

Theo Đức Hồng Y vấn đề tranh cãi ở đây “nằm ở việc đánh giá đạo đức các mối quan hệ đồng tính luyến ái và các kết hiệp liên quan đến chúng”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Theo sự dạy dỗ liên tục của Sách Thánh, Cựu Ước và Tân Ước, và truyền thống của Giáo Hội, các hành vi đồng tính luyến ái về bản chất là rối loạn, bởi vì chúng không phù hợp để truyền sự sống và không dựa trên sự bổ sung tình cảm và tình dục thực sự. Vì vậy, không có trường hợp nào như thế có thể được chấp thuận”.
Source:Catholic News Agency
 
Chiêm niệm trong Cầu nguyện là con đường dẫn tới tình yêu
Thanh Quảng sdb
20:54 05/05/2021
Chiêm niệm trong Cầu nguyện là 'con đường dẫn tới tình yêu'

Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư (5/5/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô tập chú bài giáo lý của mình vào việc cầu nguyện chiêm niệm, chiêm niệm giúp hướng chúng ta bước theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

ĐTC cho hay mỗi người chúng ta có sẵn một "chiều hướng chiêm niệm", nó giống như muối mang lại hương vị cho đời. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng tiếng chim hót, hừng đông ban mai, hoặc những nét đẹp nghệ thuật và âm nhạc.

ĐTC cho hay: “Chiêm niệm chủ yếu không phải là một cách hành động cho bằng là một cách hiện hữu!”

Chiêm niệm, niềm tin, tình yêu

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm, khía cạnh chiêm niệm của bản chất chúng ta đòi hỏi chúng ta phải đi sâu vào đức tin và tình yêu trước khi nó có thể bộc lộ qua lời cầu nguyện.

ĐTC lưu ý: “Trở thành những người chiêm niệm không phụ thuộc vào đôi mắt, mà phụ thuộc vào trái tim.“ Và ở đây, lời cầu nguyện phát huy tác dụng như một hành động của đức tin và tình yêu, như là ‘hơi thở’ của mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.”

ĐTC nói lời cầu nguyện thanh lọc trái tim của chúng ta và làm cho nó có cái nhìn bén nhậy, "cho phép nó nắm bắt được những viễn cảm cao siêu khác."

Trích dẫn lời Thánh Gioan cha xứ họ Ars, ĐTC nói "chiêm niệm là một cái nhìn của đức tin, tập chú vào Chúa Giêsu."

“Mọi thứ bắt nguồn từ điều này: từ một trái tim cảm thấy rằng nó được nhìn bằng tình yêu và từ đó, giúp ta được chiêm ngưỡng bằng một con mắt khác”.

Ngắm nhìn Chúa Kitô

Nhắc lại Thánh Gioan Vianney, ĐTC Phanxicô nói rằng việc chiêm ngưỡng trong tình yêu Chúa Kitô không cần ngôn từ mà đơn giản là: “Ta nhìn Chúa và Chúa nhìn ta!”

"Một cái nhìn như thế đầy đủ! ĐTC cho hay: Nó đủ để tin rằng cuộc sống của chúng ta được bao bọc bởi một tình yêu bao la và thủy chung, không có gì có thể ngăn cách chúng ta.”

ĐTC nói thêm, Chúa Giêsu làm chủ của cái nhìn ấy, luôn liên kết và hiệp thông yêu thương với Thiên Chúa Cha.

Cám dỗ xưa nay

Sau đó, Đức Thánh Cha cảnh báo không nên rơi vào cám dỗ xưa nay cho rằng việc suy niệm chiêm niệm trái ngược với hành động. ĐTC cho biết một số bậc thầy tâm linh trong quá khứ đã ủng hộ cái nhìn nhị nguyên này về đời cầu nguyện.

“Trên thực tế, trong Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng, không có sự đối lập giữa chiêm niệm và hành động,” ĐTC nói.

ĐTC cho biết lời mời gọi cao cả duy nhất của Phúc Âm là đi theo Chúa Giêsu trên con đường tình yêu.

“Đây là đỉnh cao và trung tâm của mọi sự. Theo nghĩa này, bác ái và chiêm niệm đồng nghĩa với nhau; nó bổ túc cho nhau.”

Thực hiện phép lạ

ĐTC Phanxicô kết thúc bài giáo lý của mình bằng nhắc lại lời dạy của Thánh Gioan Thánh Giá, một trong những nhà thần bí vĩ đại nhất của Giáo hội và là bậc thầy về cầu nguyện chiêm niệm.

Đức Thánh Cha cho hay: “Một hành động nhỏ của tình yêu trong sáng sẽ hữu ích hơn cho Giáo Hội hơn tất cả những việc làm khác! Vì nó phát sinh ra từ đời cầu nguyện chứ không phải từ sự giả định của con người chúng ta, nó được thanh luyện bởi sự khiêm nhường, ngay cả khi nó chỉ là một hành vi yêu thương được ẩn dấu và thầm lặng, là phép màu lớn nhất mà một Kitô hữu có thể thực hiện”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Một vài kỷ niệm và tâm tình biết ơn đến cha Trần Công Nghị….
Vũ Khắc Đạt
08:57 05/05/2021
Sau khi tiễn đưa Cha Gioan Trần Công Nghị đến nơi an nghỉ cuối cùng trong khuôn viên nhà thờ Chính toà Giáo Phận Orange, trên đường lái xe về nhà, tâm hồn tôi vẫn còn xúc động và có cảm giác hụt hẫng vì vừa mất đi một người mà tôi rất cảm phục và quý mến.

Khi đến tỵ nạn tại Hoa kỳ vào mùa hè năm 1975 tôi đã được tham dự những thánh lễ do cha Nghị cử hành tại nhà thờ Thánh Tâm trong trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Lúc đó cha Nghị còn là một linh mục trẻ đang du học tại Hoa kỳ và đã xin vào trại tỵ nạn để làm mục vụ và giúp đỡ người tỵ nạn chúng tôi.

Rời trại tỵ nạn, mỗi người đi một ngã, định cư tại những nơi khác nhau. Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi không có dịp gặp lại cha Nghị. Và mãi đến năm 1996, khi trang mạng VietCatholic ra đời, hình ảnh và tên cha Nghị lại đến với tâm trí tôi. VietCatholic là trang mạng toàn cầu rất phong phú chủ đề, với những bài sưu khảo, những bài bình luận, cùng những bài suy niệm về nhiều lãnh vực khác nhau của các tu sĩ, nhà văn, nhà báo và các học giả trong nước và hải ngoại. Trang mạng VietCatholic hằng ngày còn có nhiều thông tin về giáo hội hoàn vũ, giáo hội Việt nam và những bài viết về các cộng đoàn, giáo xứ tại hải ngoại và quê nhà. Và suốt từ năm 1996 đến nay, tôi hầu như hằng ngày vẫn vào VietCatholic để học hỏi và đồng thời để đọc những tin tức liên quan đến giáo hội và người Việt khắp nơi.

Nhớ lại trong suốt thời gian diễn ra cuộc tranh đấu đòi lại tòa Khâm Sứ tại Hà nội năm 2008, vì nóng lòng lo cho sự an nguy của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt mỗi ngày tôi đã vào VietCatholic nhiều lần để có những tin tức cập nhật liên quan đến Đức Tổng và cuộc tranh đấu. Lúc bấy giờ ngoài VietCatholic không có cơ quan truyền thông nào khác loan tin chi tiết về cuộc tranh đấu này.

Mùa hè năm 2018, qua sự giới thiệu của cô cháu gái gọi tôi bằng cậu ruột và là xướng ngôn viên của VietCatholic, cha Nghị đã chấp thuận cho tôi theo học khóa Truyền Thông Truyền Hình dành cho các Linh Mục, Nữ Tu và Chủng Sinh đang du học tại Hoa Kỳ do VietCatholic tổ chức từ ngày 15 dến 21 tháng 7, năm 2018 tại Garden Grove, California. Nhờ tham dự khóa học này tôi có dịp tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên và gần gũi
với cha Nghị. Cha có lối sống giản dị, cách nói chuyện hấp dẫn, niềm nở, chân tình và đặc biệt Cha rất trân quý và cư xử thân tình đối với những người quen biết, những người đến làm việc, cộng tác với Cha. Thấy Cha cởi mở ngay trong lần trò chuyện đầu tiên tôi đã hỏi về những bài Cha viết trong những chuyến du thuyền:

“Thưa cha, chắc là cha đã đi thăm nhiều nơi? Trên mạng VietCatholic, con được đoc rất nhiều bài do cha viết về những nơi cha thăm viếng, đặc biệt trong những chuyến đi làm tuyên úy trên các du thuyền. Những bài viết thật hay, thú vị, kèm nhiều hình ảnh đẹp, bao gồm nhiều chi tiết liên quan đến văn hóa, lịch sử, tôn giáo… Làm sao cha có thì giờ soạn những bài viết thật công phu như vậy và lại liên tiếp gửi lên mạng trong suốt chuyến đi?

Cha Nghị thân mật trả lời tôi: “Cám ơn Chúa tính đến nay (2018) tôi đã được đi thăm khoảng 65 quốc gia. Còn những bài viết trong những chuyến đi, hầu hết đã được soạn trước ở nhà. Đến nơi kiểm chứng, cập nhật lại, thêm hình ảnh rồi gửi cho mọi người cùng đọc.”

Tháng 10-2018, tôi được vinh dự tham dự vào hai biến cố lịch sử: Khánh Thành Tượng Mẹ La Vang tại Nhà thờ Hòm Bia Giao Ước và Thánh hiến Bia Đá tiếng Việt Kinh Tám Mối Phúc Thật tại Đất Thánh. Khoảng 1000 Con Dân Nước Việt, bao gồm hai Giám mục, hơn 100 Linh mục, Tu sĩ nam nữ và cộng đồng dân Chúa đến từ Việt nam và hải ngoại quy tụ về Đất Thánh trong dịp này. Theo lời phát biểu của Đức Tổng Nguyễn Chí Linh trong buổi lễ, hai biến cố lịch sử này có được là do sáng kiến của cha Gioan Trần Công Nghị và thân hữu của Cha. Trang mạng VietCatholic đã là phương tiện rất hữu hiệu giúp ban tổ chức gửi những thông tin, chi tiết diễn biến của hai biến cố lịch sử này tới con dân Việt ở khắp nơi trên thế giới và đồng thời kêu mời sự tham gia đóng góp của mọi người. Cá nhân tôi qua VietCatholic đã tìm ra những công ty du lịch tại Việt nam có tổ chức Hành Hương Đất Thánh vào dịp này và thông báo cho người nhà tại Việt nam đến ghi danh tham dự.

Tối ngày 16/10/2019, trong buổi Tiệc Mừng Đại hội các Linh mục Việt nam tại Hoa Kỳ, Emmaus VIII, thấy cha Nghị phải chống gậy đi đứng khó khăn. Sáng sớm ngày hôm sau tôi gọi điện thoại hỏi thăm và Cha cho biết đang bị đau lưng và chân, vì vậy đi đứng rất khó khăn phải chống gậy. Rồi Cha tâm sự: “đau lắm anh ạ! đau thấu xương! Trước đây cứ nghe nói, mấy hôm nay tôi mới biết thế nào là đau thấu xương”. Tôi hỏi tiếp “trong bữa tiệc tối hôm qua, con thấy nhiều Cha được vinh danh, người thì 25 năm, người thì 50 năm. Con không thấy có tên cha. Khi nào mới đến lễ Kim Khánh của Cha?” Cha trả lời tôi “Chưa đủ anh ạ! Còn khoảng một năm rưỡi nữa! Anh chị cứ chuẩn bị sẵn sàng, khi tổ chức lễ Kim Khánh Linh Mục tôi sẽ mời anh chị”.

Bệnh đau lưng trở nặng, Cha được chữa tri tại bệnh viện UCI. Ngay sau khi Cha được xuất viện về nhà, hai cậu cháu tôi đem theo chậu hoa Cúc (vì vào dịp Tết) đến thăm cha. Cha đi đứng lại bình thường, vui vẻ tiếp đón chúng tôi. Cha cho biết “vào bịnh viện, bác sĩ khám phá ra tôi có vấn đề về tim. Sau khi chữa trị bệnh tim, tôi hết đau lưng và đi đứng bình thường trở lại”. Chúng tôi mừng và cảm tạ Chúa cho Cha!

Khoảng đầu tháng 3, 2021 nghe tin Cha bị tai nạn xe rất nặng và đang được điều trị trong bệnh viên. Vì dịch COVID-19 không vào bệnh viện thăm được, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện cho Cha. Sau một thời gian chữa trị, Cha được cho xuất viện về nhà sống gần gũi với những người thân yêu trong những ngày cuối đời. Năm ngày trước khi Cha mất, hai cậu cháu tôi có ghé tư gia thăm Cha. Nằm trên giường bệnh, mặc dầu không nói được nữa, nhưng Cha vẫn mở mắt nhìn chúng tôi và khi chúng tôi ôn lại những kỷ niệm với Cha, một đôi lúc Cha nháy mắt hay siết chặt tay chúng tôi như vẫn còn nhận ra những gì chúng tôi nói …

Sáng thứ Sáu ngày 30/4/2021 cùng với bao nhiêu người thương mến cha Nghị, tôi đến nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô của giáo phận Orange tham dự Thánh lễ an táng của Cha, do Đức Tổng Giám Mục José Horacio Gómez, Tổng Giám Mục Los Angeles, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chủ tế, với sự đồng tế của Đức Cha Kevin Vann, Giám Mục giáo phận Orange và đông đảo các linh mục Việt Nam và Hoa Kỳ thuộc tổng giáo phận Los Angeles và giáo phận Orange.

Quan tài cha Nghị được phủ áo lễ mầu trắng, và đặt trên nền gạch trước bàn thờ. Hôm nay cha Nghị dâng Thánh lễ cuối cùng và đối với tôi cũng là thánh lễ Kim Khánh của Cha. Thánh lễ rất trang trọng và cảm động. Và trong thánh lễ tôi cũng đã được dự tiệc Kim Khánh của Cha, tiệc Thánh Thể, rước Mình Thánh Chúa vào trong tâm hồn, tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho linh hồn thầy cả Gioan.

Sau thánh lễ, tôi đã tiễn Cha đến nơi an nghỉ cuối cùng trong khuôn viên nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô và trước khi ra về tôi đã đặt một đóa hoa hồng biết ơn trên quan tài Cha.

Cha Nghị kính mến,

Cảm ơn Cha đã sáng lập ra VietCatholic, đem lợi ích cho bao nhiêu người, trong đó có cá nhân con!

Cảm ơn Cha đã làm nhiều công việc lớn lao khác để giúp ích cho giáo hội và tha nhân, đặc biệt Cha đã tổ chức nhiều biến cố, nhiều cuộc họp mặt, và nhiều khóa học mà một số, cá nhân con được trực tiếp tham dự.

Cảm ơn Cha với 50 năm hồng ân linh mục và qua bàn tay thánh hiến, Cha đã chuyển tải bao hồng ân Thiên Chúa đến cho tha nhân, cách riêng đến cho những người Cha gặp gỡ trong cuộc sống, trong đó có cá nhân con.

Cảm ơn Cha về tấm chân tình mà Cha đã dành cho con!

Chúc Cha an nghỉ! Tạm biệt Cha! Hẹn gặp lại Cha trên nước hằng sống!

Cảm tạ Thiên Chúa đã ban Cha cho đời!
 
Một Vài Kỷ Niệm Với Linh Mục John Trần Công Nghị
Đỗ Như Điện
08:59 05/05/2021
Sự ra đi của cha Trần Công Nghị đến với tôi trong niềm thương tiếc sâu xa. Khi được tin cha đã hôn mê mà không thể đến thăm để có một lần được nắm tay cha cầu nguyện bên giường bệnh vào những ngày giờ cuối đời khiến lòng tôi ray rứt mãi.

Tôi gặp cha Nghị lần đầu tại trại tỵ nạn Fort Chaffee, bang Arkansas khi cha làm tuyến úy cho Người Việt tỵ nạn tại đây. Ngày lễ an táng cha lại rơi đúng vào ngày đau thương 30 tháng 4, 2021, làm tôi hồi tưởng những gì đã diễn ra 46 năm về trước.

Gia đình tôi đến Fort Chaffee ngày 8 tháng 5, 1975. Đây là một căn cứ quân sự có diện tích rộng 307 cây số vuông, được xây dựng năm 1941 để đáp ứng nhu cầu của Thế Chiến II. Trong căn cứ này có tổng cộng 2,800 ngôi nhà lớn nhỏ. Trong một cuộc thăm viếng chào đón người tỵ của thống đốc tiểu bang lúc ấy là ông David Hampton Pryor, ông cho biết bỗng dưng Fort Chaffee đã trở nên thị trấn lớn thứ nhì của tiểu bang, với gần 30,000 người cư ngụ. Theo tài liệu chính thức thì trong thời gian 1975-1976, Fort Chaffee đã đón tiếp tổng cộng 50,809 người Việt tỵ nạn.

Khi Miền Nam VN bị CS tấn chiếm tháng 4 năm 1975, đợt người tị nạn đầu được đưa đến các trại tạm trú trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Theo lịch trình thì những chuyến bay bốc người từ Orote Point, ở đảo Guam sẽ đến Camp Pendleton gần thị xã Oceanside, bang California. Nhưng khi máy bay gần đến California, thì phi hành đoàn thông báo chuyến bay này sẽ bay thẳng đến Fort Chaffee. Chúng tôi hơi lo lắng, không biết có chuyện gì xảy ra. Sau khi tìm hiểu thì được biết lúc ấy dân chúng ở San Diego biểu tình phản đối người tỵ nạn.

Đặt chân đến Fort Chaffee trong một buổi sáng mùa xuân nhưng trời khá lạnh và ảm đạm, lại mang tâm trạng buồn bã, thất vọng tột cùng; khung cảnh phi trường vắng vẻ, rõ ràng chúng tôi đang đến một nơi xa lạ! Xuống máy bay, chúng tôi được chào đón và hướng dẫn của một số bạn sinh viên VN du học tại Mỹ giúp đỡ nên cảm thấy được yên ủi phần nào.

Sau những thủ tục cần thiết, chúng tôi được xe buýt chở đến trại, được phân chia vào sống trong những ngôi nhà gỗ kiên cố xây cất giống nhau, mỗi nhà dành cho một đơn vị quân đội trước đây, trong nhà đã đặt sẵn những chiếc giường tầng. Phân chia giữa các gia đình là những tấm ván ép, nên âm thanh trao đổi có thể nghe được trong cả tòa nhà. Tại đây chúng tôi khởi đầu một cuộc sống mới.

Tỷ lệ người Công Giáo chiếm khoảng 30% trong đợt người tỵ nạn đầu tiên, nhưng dù theo tín ngưỡng nào, ở vào hoàn cảnh tháng 4 năm 1975, thì nhu cầu tâm linh hết sức quan trọng, nên việc ổn định đời sống tâm linh và nâng đỡ tinh thần cho người tỵ nạn được đặc biết chú ý. Trước sự mất mát, chia lìa, cô đơn, thương nhớ ấy, nhiều người đã có những biểu hiện rối loan tâm thần. Có người ủ rũ không muốn ăn uống nói năng gì, có người đang đêm bỗng khóc lớn la hét hoảng hốt, đánh thức cả building. Đối với người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng chưa quen với cách điều trị bệnh tâm thần bằng phương pháp tư vấn “counceling” đã khá phổ thông ở Mỹ; nên các vị sư sãi, linh mục, mục sư trở nên điểm tựa quan trọng cho người tỵ nạn lúc ấy

Thật may mắn, cha Nghị người vừa tốt nghiệp cao học (Master) về môn Xã Hội Học tại Đại Học Fordham, New York, cùng với một số linh mục khác đang du học tại Hoa Kỳ được phái đến Fort Chaffee để phục vụ đồng bào mình. Với tư cách là tuyên úy trưởng trong trại, lại là người có kiến thức chuyên môn và rất năng động, nhưng đối với một núi công việc trước mắt, khiên lúc nào cha cũng bận rộn tất bật ngày đêm. Cha Nghị lúc ấy như một thỏi nam châm, ai cũng muốn gặp để hỏi han đủ các vấn đề, nên các cuộc trao đổi thường rất ngắn ngủi. Tôi biết thế, nên thường đến trước giờ cha dâng lễ bằng Anh Ngư ít phút, hoặc chờ khi cha vừa dâng lễ xong liền tiến đến chào hỏi và trực tiếp đi vào đề tài ngay. Chính cha Nghị đã thị thực các giấy chứng chỉ rửa tội cho các con tôi và giấy hôn thú của chúng tôi. Từ những ngày sơ giao ấy mà tôi có cơ hội quen biết làm việc với cha thời gian sau này.

Tuy tạm trú để tìm người bảo lãnh, nhưng chỉ sau vài tuần thì các sinh hoạt trong trại đã được tổ chức khá qui củ. Trại Fort Chaffee được xem là một xã, chia ra làm nhiều ấp như ở VN, điều hành văn phòng xã là những viên chức Hoa Kỳ đã từng phục vụ ở VN, trong ấy có T.S. Edward Tone. Tôi quen T.S. Tone khi ông làm cố vấn giáo dục ở Tòa Tổng Lãnh Sự Vùng II Nha Trang, nên tôi đến tình nguyện ít giờ trong tuần, vừa để theo dõi tin thức thời sự, vừa có cơ hội tìm tin tức thân nhân và bạn hữu xem ai thoát được cái địa ngục CSVN.

Tuy gia đình tôi được ba gia đình Mỹ từ ba tiểu bang khác nhau bảo trợ, nhưng thật tình tôi chưa muốn rời xa trại tỵ nạn, vì cứ mỗi lần nghĩ đến cuộc sống ở một nơi xa lạ nào đó, chung quanh mình chẳng còn ai để được nghe và nói tiếng mẹ đẻ nữa, thì lòng mình lại chùng xuống. Lấn lá mãi, sau khi đã tìm được 3 gia đình trong cùng một thành phố nhỏ ở bang Tennessee bảo trợ cho ba nhóm, gồm gia đình một người bạn là trung úy hải quân VNCH, môt bảo trợ cho những đứa em tôi và một bảo trợ cho những người bạn của các em tôi. Sau khi ba nhóm này tới nơi định cư bình yên. Ngày 31 tháng 7, 1975 gia đình tôi mới rời Fort Chaffee trong nỗi buồn da diết. Ngày chia tay ấy cũng chẳng có dịp từ biệt cha Nghị.

Mặc dù không có dịp gặp, nhưng tôi vẫn theo dõi và biết các hoạt động của cha Nghị. Thời gian trôi qua nhanh, 9 năm sau, năm 1984 tôi mới có dịp gặp lại cha Nghị tại New Orleans khi tham dự Đại Hội 2 Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kỳ, do cha Mai Thanh Lương, chánh xứ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo VN đứng tổ chức. Trọng đại hội này, LM Vũ Đình Trác đã được bầu làm Chủ Tịch Liên Đoàn.

Đến năm 1987 cha Nghị về làm việc tại Los Angeles, cũng là thơi gian chuẩn bị cho đại lễ phong thánh 117 vị Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988. Với tư cách là Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo VN giáo phận San Diego, tôi cộng tác với cha Nghị trong việc tổ chức các đoàn hành hương và chịu trách nhiệm phối hợp 2 đoàn tại San Diego. Công tác hết sức hào hứng và rất vất vả. Suốt thời gian này cha Nghị đã làm việc cật lực nhưng phải hứng chịu những lời phàn nàn khi các đoàn hành hương gặp trục trặc bởi các công ty du lịch.

Ngoài việc lo cho các đoàn hành hương từ Mỹ, cha Nghị còn nhận khá nhiều việc khác giúp cho Ban Tổ Lễ Phong Thánh, do Đức Ông Phillip Trần Văn Hoài làm Trưởng Ban, người mới được bổ nhiệm làm Giám Đốc Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ cho người tỵ nạn VN. Nhờ ơn Chúa qua lời cầu bầu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, buổi lễ đã diễn ra rất tốt đẹp, và các đoàn hành hương đã có những ngày thật tuyệt vời với những kỷ niệm để đời.

Sau Đại Lễ Phong Thánh, Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ quyết định tổ chức Đại Hội kỳ 3 tại Orange County vào mùa Hè 1989. Thời gian này sinh hoạt của các cộng đồng CGVN tại Mỹ rất khởi sắc, lại có sự phối hợp giữa Tòa Thánh Vatican với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhằm tiến tới việc thiết lập một văn phòng mục vụ cho người CGVN bên cạnh HDGM/HK. Cha Nghị là một trong mấy LM được nhắc đến cho vị trí tương lai này.

Đại Hội 3 được tổ chức tại Đại Học Chapman; CDCGVN San Diego được giao nhiệm vụ giữ an ninh trật tự, nên với tư cách CT, tôi đã huy động 150 thanh niên từ San Diego lên Orange để thi hành nhiệm vụ. Trong những ngày ấy, tôi đã có dịp gặp gỡ và trao đổi nhiều chủ đề với cha Nghị, qua cha Nghị tôi lại hân hạnh quen biết cha Phạm Văn Tuệ và Trần Cao Tường. Nay thì cả ba vị chắc đã gặp lại nhau thân thiết như ngày nào còn tại thế.

Kết quả của Đại Hội này là một cơ chế 3 vị được bầu ra để điều hành Liên Đoàn gồm Đức Ông Mai Thanh Lương, LM Việt Châu, và GS Lê Tinh Thông. TTK là LM Nguyễn An Ninh. Rất tiệc những hoạt động tiếp theo sau của cơ chế này đã không diễn ra như Đại Hội mong muốn. Cũng từ năm đó Đ.O. Mai Thanh Lương được HDGMHK bổ nhiệm làm Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Quốc Gia Cộng Đồng Việt Nam. Trong khi ấy cha Nghị về làm GS chủng viện tại Los Angeles và phục vụ nhiều giáo xứ tại TGP này. Đây cũng là thời gian cha Nghị khởi xướng những hoạt động liên quan đến lãnh vực truyền thông, trong ấy có tờ Thời Điểm Công Giáo, và đặc biệt là trang thông tin ViệtCatholic, kéo dài cho đến hôm nay.

Khi phong trào Cursillo tái khởi động tại HK từ năm 1981 rồi phát triển và lên cao độ vao thập niên 90 thế kỷ trước. Cha Nghị đã tham dự Khóa 3 Ngày tại đồi Marywood, trong khóa ấy còn có LM. Phạm Minh Thiện, DCCT và một LM khác tôi không nhớ tên. Khóa học này rất vui nhộn nhờ những câu đối đáp giữa cha Nghị và cha Thiện.

Song song với công việc mục vụ ở các giáo xứ, cha Nghị tham dự vào hầu hết các sinh hoạt của CĐCGVN. Ngoài việc chia sẻ trách nhiệm trong Liên Đoàn CGVN/HK, cha cũng là một thành viên lâu năm trong Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ. Cha cũng đưa ra những kê hoạch lâu dài cho người CGVN, một trong những dự án là thành lập một trung tâm sinh hoạt.

Trong năm 2000 khi ấy Đức Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận đang làm Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình tại Tòa Thánh Vatican, cha Nghị đã tiếp xúc với Đức Hồng Y để nêu ra nguyện vọng là Hoa Kỳ muốn đón tiếp Đức Hồng Y khi Ngài về hưu. Không rõ Đức Hồng Y đã nói gì với cha Nghị, nhưng cha đã cho tôi biết hiện nay đã có mấy nơi ngỏ ý đón Đức Hồng Y khi Ngài về hưu, trong ấy có Úc và Pháp, vì vậy chúng ta phải gấp rút có ngay một dự án cụ thể và khả thi để trình cho Ngài. Thế là mấy tuần sau cha Nghị gọi vợ chồng tôi cùng với mấy người khác đi xem môt khu đất nằm phía bắc cách Los Angeles 25 dặm đường chim bay, nhưng lái xe thì mất khoảng một giờ. Khu đất khá rộng, hình như rộng 650 acres, có con suối chảy ngang, đất này của một mục sư người Nam Hàn đã khai thác một phần rồi bỏ dở, nên có thể mua với giá rẻ.

Cha Nghi đã phác hoa sơ đồ xây dựng trung tâm này. Để thực hiện được giấc mơ ấy, cha kêu gọi 10 người có khả năng, thay vì cho mượn tiền thì mỗi người lấy 10 mẫu đất, hình như 5 ngàn đồng một mẫu, trong ấy cha nghị là một trong số 10 người. Số tiền ấy làm nền cho việc mua bán, còn phần xây dựng sẽ có kế hoạch chi tiết sau.

Cha Nghị cũng như chúng tôi rất phấn khởi tin tưởng rằng, nếu những năm tháng cuối đời mà Đức Hồng Y Thuận hiện diện tại nơi đây, thì chắc chắn nó sẽ thu hút nhiều người hưởng ứng, và trở thành một trung tâm sinh hoạt lý tưởng trong tương lai. Nhưng rõ ràng việc của Chúa thì Chúa đã an bài rồi. Ngày 16 tháng 9, 2002 Đức Hồng Y đã được Chúa gọi về ở tuổi 74. Cá nhân tôi cũng rất may mắn được thăm viếng Ngài chỉ một ngày trước khi Ngài mất.

Tóm lại trong 46 năm sống trên đất Hoa Kỳ này, tôi đã dấn thân vào nhiều sinh hoạt và đã làm việc với nhiều thành phần khác nhau, nên có người thương kẻ ghét, người thân kẻ sơ, đó cũng là chuyện bình thường ở đời. Riêng đối với cha Trần Công Nghị, tôi kính trọng vì trước hết đó là một linh mục, một giáo sĩ trong Hội Thánh. Tôi quí mên và kính trọng cha vì con người dấn thân, nhiệt thành, phục vụ không biết mệt mỏi. Tôi rất thích cách xử thế sằng phẳng, thẳng thắn, có khi tranh luận nảy lửa, nhưng sau đó việc ai người ấy làm, chẳng có chuyện gì vương vấn nữa.

Nguyễn xin lòng Chúa thương xót, đưa linh hồn Gioan Trần Công Nghị vào nước Thiên Đàng, và xin cha cầu bầu cho những bạn hữu của cha còn tại thế.

Đỗ Như Điện.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Sử Học Bị Chính Trị Hóa Thì Nguyên Tắc Tôn Trọng Sự Thật Bị Vi Phạm
Nguyễn Văn Nghệ
09:46 05/05/2021
Khi còn ngồi ở ghế trường đại học, chúng tôi được các thầy cô (nhất là các thầy cô dạy lịch sử đảng ta, Nhà nước ta) dạy: Chỉ có sử học dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mới có cái nhìn khách quan trung thực mà thôi. Sử học phong kiến, tư bản chỉ phục vụ lợi ích cho giai cấp cầm quyền của họ cho nên không khách quan.

Nói đến sử học là nói đến khách quan, trung thực. Vậy sử học dưới chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay có khách quan và trung thực không?

Dịp ngày 30/4/2021 vừa qua, công chúng được xem bộ phim tài liệu điều tra “Chuyện trưa 30/4/1975” với thời lượng 1 giờ 12 phút do một nhóm văn nghệ sĩ của “ta” (Phạm Việt Tùng- Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú; Trần Đăng Khoa- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Trần Thu Hằng- Cựu Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô; Minh Đức- Cựu Phóng viên VOV; Nguyễn Thu Hà- Chuyên viên Bảo tàng HCM; Chu Thùy Trang- Phóng viên VTC)thực hiện[1]. Sau khi bộ phim tài liệu được công chiếu, Trần Văn có bài viết “Sự thật là xa xỉ phẩm mà ‘ta’ không muốn sắm!” đăng trên trang web Báo Tiếng Dân có đoạn viết: “Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục ngậm tăm cho dù đồng chí, đồng bào tiếp tục hối thúc chính thức trả lại sự thật cho lịch sử đối với hai sự kiện: xe tăng mang số hiệu 390 chứ không phải xe tăng mang số hiệu 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975; Ông Bùi Văn Tùng chứ không phải ông Phạm Xuân Thệ soạn Tuyên bố đầu hàng để ông Dương Văn Minh- Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa- đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975”[2].

Ông Nguyễn Đình Cống đã nêu quan điểm của ông về vấn đề tranh cãi này: “Không biết vì kém trí tuệ hay vì một âm mưu nào khác mà người ta để cho cuộc tranh cãi kéo dài, nếu việc đó vào tay tôi chỉ cần khoảng một giờ, tôi giải quyết xong, êm thấm trả sự thật về cho lịch sử”[3].

Lý do tại sao gần nửa thế kỷ trôi qua với những chứng cứ lịch sử rõ ràng mà đảng ta, Nhà nước ta chưa “trả sự thật về cho lịch sử”?

Giáo sư Hà Văn Tấn nhận định về lịch sử của ta: “Lịch sử là khách quan, sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức của chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau” và “Các nhà sử học chúng ta thường coi là mác xít, nhưng bệnh thiên lệch cường điệu một cách phiến diện một mặt nào đó, lại là đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm. Cũng chính vì vậy nhiều sự thật lịch sử đã bị bỏ qua.[4]

Ông Dương Trung Quốc nhận xét về Sử học ở Việt Nam: “Cái thách đố là tính hấp dẫn của nó. Tính hấp dẫn theo tôi là phải gắn với hai thuộc tính quan trọng của lịch sử đó là tính trung thực và sự công bằng. Rõ ràng sử học Việt Nam trong thời gian rất dài nó phục vụ chính trị. Cái nhiệm vụ chính trị tôi cho là không sai nhưng nó đã xơ cứng rồi, nó làm cho chương trình không tạo nên sự hấp dẫn cho bọn trẻ”[5]

Nhà văn Nguyên Ngọc có cái nhìn: “Học chính trị là quá cần thiết chứ và có thể dạy thật hay nữa. Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia. Cũng không phải làm “thống soái” để cho tất cả những cái khác phải châu đầu vào cúi đầu phục vụ nó. Mỗi cái có chức năng riêng không thể thay thế của nó để làm nên con người ra người.

“Nói trắng ra, hiện nay người ta chán ghét học văn, học sử là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu, mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác”[6]

Không được chính trị hóa sử học. PGS.TS. Phạm Quốc Sử nhận định: “Lịch sử thì khách quan, nhưng sử học và dạy học lịch sử thì không phải như vậy. Trong sử học nguyên tắc tối thượng là tôn trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm, bởi nó buộc sử học phải quỳ gối phục vụ cho mục đích chính trị mà có trường hợp dẫn đến xuyên tạc sự thật”

PGS.TS. Phạm Quốc Sử gọi sử học Việt Nam hiện nay là “sử học quốc doanh”, “sử học nhà nước’: “Sử học vinh quang thật nhưng lại rất dễ phạm phải những căn bệnh nặng, những lỗi không nhỏ. Tiếc thay sử học nước ta đã không tránh được một thứ “sử học nhà nước”, “sử học quốc doanh” (phân biệt với sử học chân chính) đang ngự trị”

PGS.TS.Phạm Quốc Sử cho rằng sử học và dạy học lịch sử ở Việt Nam đã bị tiêm chủng “vắc xin”: “Có người bảo ngành sử học các ông hoàn toàn chạy theo chính trị. Chủ yếu ca ngợi và lặp đi lặp lại nên rất nhàm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi lẽ sách vở nhiều nhưng chất lượng sử học rất thấp. Song, thử hỏi, nếu anh bị buộc phải tiêm “vắc xin” anh có chống lại được không?”và “Từ rất sớm, sử học và dạy học lịch sử nước ta đã được tiêm những liều “vắc xin” khá nặng, khiến cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh khí”[7].

Nhà giáo Hà Văn Thịnh trả lời với bà Mạc Việt Hồng: “Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm với Pháp, Mỹ mà Việt Nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được”[8]

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc khẳng định việc dạy và học lịch sử hiện nay bị bóp méo: “Người ta đã biến một bộ môn khoa học trở thành một bộ môn chính trị để tuyên truyền, để minh họa cho đường lối chính sách của nhà nước chứ không phải cho một ngành khoa học. Vấn đề dạy và học lịch sử hiện nay đã bị bóp méo. Nó được xây dựng trên một nền tảng khoa học. Chính vì vậy nên thầy không muốn dạy mà trò thì không muốn học”[9].

Nhiều nhà giáo dạy môn lịch sử khi về hưu đã nói: Chúng tôi dạy theo sách! (sách ghi sao dạy y như vậy không cần biết đúng sai).

Trên đây là những phát ngôn nhận định về thực trạng nền sử học Việt Nam hiện nay của những người được giáo dục đào tạo trong môi trường xã hội chủ nghĩa, chứ không phải của những người được các thế lực thù địch nuôi dưỡng và đào tạo!

Bên dưới bài viết “ Sự thật là xa xỉ phẩm mà ‘ta’ không muốn sắm” đăng trên facebook.com/tiengdanbao có bình luận của độc giả Duy Hung Tran: “Không tôn trọng lịch sử từ những việc bình thường đến những sự kiện trọng đại thì hậu quả là lòng tin bị mất. Từ sự kiện Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé rồi sự kiện xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập 30-4-1975 và viết bài cho Dương Văn Minh đầu hàng đọc trên đài Sài Gòn…đã gieo vào lòng người sự khó tin khác. Gorbachev nói đúng”.

Bình luận của độc giả Nguyễn Khuông đăng bên dưới bài viết “Nếu vào tay tôi” trên facebook.com/tiengdanbao: “Sự thật thì chỉ có một, nói dối, giả dối thì vô cùng. Kể cũng lạ, sự thật sờ sờ như thế mà hàng chục năm nay cùng hàng lố, hàng lốc cơ quan thanh tra nhà nước, quân đội…mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng?! Không lẽ Phạm Xuân Thệ mang hàm Trung tướng cùng danh hiệu AHLLVT nên không dám làm ‘mất thể diện’???”

Kinh Thánh viết: “Ai trung tín trong việc nhỏ, sẽ trung tín trong việc lớn. Ai gian dối trong việc nhỏ, sẽ gian dối trong việc lớn”.

Ông bà ta nói: “Một sự thất tín vạn sự không tin”.

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh – Khánh Hòa

Chú thích:

[1]- https://www.youtube.com/watch?v=EbgrWDVcGMw

[2] – https://baotiengdan.com/.../su-that-la-xa-xi-pham-ma-ta.../

[3] – https://baotiengdan.com/2021/05/05/neu-vao-tay-toi/

[4] – Gs. Hà Văn Tấn, Lịch sử, sự thật và sử học(đăng trên Tạp chí Tổ quốc vào tháng giêng năm 1988. Được in lại trong tác phẩm: Một số vấn đề lý luận sử học, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2007)

[5] – Bài viết : Học sinh Việt Nam quá kém môn sử. Vì đâu? Của T/g Mặc Lâm

www.rfa.org/vietnamese/in_depth/75/percent-history-test-scores-below-2-tenths-why-08032011132201.html

[6] – Bài viết: Điểm sử thấp có phải là thảm họa của T/g Hà Hiển đăng BBC Tiếng Việt 9:43 GMT Thứ hai 8/8/2011

www.bbc.com/vietnamese/forum/2011/08/110808_history_students_comment.shtml

[7] – xuandienhannom.blogspots.com/2015/11/mot-tieng-noi-trung-thuc-chinh-xac-manh.html

[8] – www.danchimviet.info/archives/8990/nha-su-hoc-ha-van-thinh-noi-ve-hcm/2010/05

[9] – https://luongtamconggiao.worpress.com/2011/08/25/ho-chi-minh-khoc-vi-mon-su-hien-nay/
 
Văn Hóa
Chút cảm nhận từ cái chết để cứu bạn của sinh viên Phêrô Khoa Nguyễn Văn Nhã
Sơn Ca Linh
21:15 05/05/2021
Cái Chết Đã Trở Thành “Cao Giá”

Hình như mạng sống đã trở thành “mất giá” !
Dễ quá mà,
chỉ một con covid tí tẹo… mạng sống “đi đoang” !
Và những lò thiêu, những đống củi, những hố hoang…
Dấu chỉ cuối phũ phàng… để “xoá tên” mạng sống !

Mà chẳng phải đại dịch đâu !
Tai nạn, chiến tranh, phá thai, thù hận…
Mạng sống bị dập vùi, bị vứt bỏ, bị giết… tràn ngập đó đây !
Có nghĩa gì đâu chút xương thịt của bào thai,
bị vứt bên đường,
hay xác của ông cụ, lão bà nơi lò thiêu…
đều là mạng sống !

Nhưng cũng “hình như”,
Khi “mạng sống trở nên tầm thường”,
thì “cái chết” bỗng dưng cao giá.
Chẳng phải sao,
mấy ngày nay đâu đâu cũng nghe
cái chết của chàng trai tên “Nhã”,
Chết vì “đuối nước”, một cái chết thường tình !
Nhưng giữa cái “rất thường” lại rực nghĩa “hy sinh”.
Nên cái chết của em,
bỗng dưng lung linh rạng ngời cao quý.

Ở giữa biển đời,
đầy những “đợt sóng” bon chen, đua đòi, quỷ mị…
những cuộc sống giàu sang, quyền lực…
nhưng tầm thường, ích kỷ bầy hầy…
Vẫn bừng lên, vẩn toả sáng đó đây,
những cô gái, những chàng trai
chọn “cái chết” mang tên chung “Phêrô Nhã” !

Vâng, dẫu cuộc sống tầm thường, lầm than, vất vả…
Dẫu nghèo hèn, tiểu tốt vô danh…
Dẫu bão tố tràn dâng, dịch bệnh hoành hành…
Dẫu phải chết…,
xin chọn chết vì yêu thương,
chết với nụ cười trên môi toả sáng… !

Sơn Ca Linh (6.5.2021)
 
VietCatholic TV
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ báo động: Quá nhiều linh mục ở Mỹ Latinh đang chết vì COVID-19
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:08 05/05/2021


1. Những người Công Giáo trẻ tuổi treo biểu ngữ để phản đối việc treo cờ cầu vồng trên Nhà thờ cổ nhất của Vienna

Những người Công Giáo trẻ tuổi đã treo một biểu ngữ tuyên bố “Roma locuta, causa finita”, nghĩa là Rôma đã lên tiếng, vụ việc đã khép lại, bên dưới một lá cờ cầu vồng trên nhà thờ lâu đời nhất của Vienna.

Một video được đăng lên YouTube ngày 26 tháng 4 cho thấy những người trẻ tuổi leo lên tường của Nhà thờ St. Rupert vào ban đêm và treo một biểu ngữ với nội dung: “Chúa không thể chúc lành cho tội lỗi. Roma locuta, causa finita”.

Đoạn video giải thích rằng họ đã thực hiện hành động trên sau khi một lá cờ cầu vồng, còn được gọi là cờ tự hào LGBT, được treo từ tháp của nhà thờ để phản đối việc Bộ Giáo Lý Đức Tin nói “không” đối với việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một bản phúc đáp vào ngày 15 tháng 3 để trả lời câu hỏi, “Giáo hội có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng tính hay không?” Bộ Giáo lý Đức tin đã trả lời là ‘Không thể’ và phác thảo các lý luận của mình trong một lưu ý giải thích, kèm theo lời bình luận.

Văn bản giải thích, được ký bởi Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và Đức Tổng Giám Mục Giacomo Morandi, thư ký của Bộ nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho tất cả “những con cái của Ngài trên đường lữ thứ trần gian”.

“Nhưng Ngài không và không thể chúc lành cho tội lỗi”.

Các nhà vận động ở Áo và Đức đã thông báo rằng họ sẽ tổ chức một ngày chúc phúc cho những người đồng giới vào ngày 10 tháng 5 bất chấp tuyên bố của Vatican, được đưa ra với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các bạn trẻ đã treo biểu ngữ phản đối cờ cầu vồng tại Nhà thờ Thánh Rupert nói với CNA rằng họ coi việc treo lá cờ cầu vồng là một “sự khiêu khích”.

“Một mặt, chúng tôi muốn chứng tỏ rằng một hành động khiêu khích như vậy không thể được dung thứ ở Vienna và mặt khác, chúng tôi hy vọng rằng điều này có thể kích hoạt một số viên chức suy nghĩ lại.”

“Chúng tôi cũng nghĩ rằng một hành động như vậy có thể mang lại cho những người Công Giáo khác lòng can đảm và hy vọng. Chúng tôi thực sự hy vọng rằng sẽ không cần có thêm hành động nào nữa, nhưng nếu có một hành động khác, thì nó sẽ xuất phát từ cùng một ý định, đó là bảo vệ đức tin Công Giáo.”
Source:National Catholic Register

2. Lệnh cấm thánh lễ được dỡ bỏ tại Ái Nhĩ Lan từ ngày 10 tháng 5

Trong một diễn biến đáng mừng, Thủ tướng Micheál Martin đã xác nhận rằng một lệnh cấm gây tranh cãi về việc cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự sẽ được dỡ bỏ vào ngày 10 tháng 5. Điều này có nghĩa là người Công Giáo sẽ được tự do tham dự Thánh lễ mà không sợ bị kết tội hình sự.

Trong suốt 30 tuần qua, các tín hữu Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan đã bị cấm tham dự Thánh lễ trong suốt 27 tuần. Chính phủ Ái Nhĩ Lan gần đây còn đưa ra những lời cảnh cáo kết tội hình sự với các linh mục và những người tham dự Thánh lễ, với án tù nhẹ nhất là sáu tháng.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin đã mô tả các điều khoản hình sự là vừa “hà khắc” vừa “khiêu khích”.

Trong một bài phát biểu trước quốc gia vào tối thứ Năm 29 Tháng Tư, ông Martin xác nhận rằng lệnh cấm này sẽ tiếp tục trong gần hai tuần nữa, nhưng kể từ ngày 10 tháng Năm, cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự sẽ được cho phép.

Tuy nhiên, số lượng sẽ bị giới hạn ở mức tối đa là 50 người bất kể mọi người đã được tiêm phòng hay chưa và bất chấp quy mô của nhà thờ.

Giới hạn tối đa 50 người cũng được áp dụng cho tang lễ và lễ cưới, tuy nhiên tiệc cưới phải chỉ giới hạn ở mức 6 người nếu diễn ra trong nhà và 15 người nếu chiêu đãi ngoài trời.

Chính phủ Ái Nhĩ Lan đã áp đặt những hạn chế hà khắc nhất đối với các cử hành tôn giáo ở Âu Châu và hiện là quốc gia duy nhất trong Liên minh Âu Châu có lệnh cấm người dân tham dự các thánh lễ.

Trong khi đó tại Bắc Ái Nhĩ Lan, việc cử hành các thánh lễ có giáo dân tham dự đã được cho phép kể từ ngày 26 tháng Ba.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, doanh nhân Công Giáo Declan Ganley đã thách thức tính hợp hiến của lệnh cấm tại tòa án. Vụ án đã nhiều lần bị hoãn lại, với phán quyết mới nhất của Tòa án Tối cao đưa ra vào ngày 17 Tháng Tư hoãn vụ án đến ngày 18 Tháng Năm.
Source:Irish Catholic

3. Thống đốc Arizona Doug Ducey ban hành luật cấm phá thai đối với trẻ mắc hội chứng Down

Thống đốc Arizona Doug Ducey đã ký ban hành một luật ủng hộ cuộc sống, cấm phá thai vì phân biệt đối xử đối với những thai nhi có những bất thường về gen chẳng hạn như di truyền hội chứng Down.

“Mỗi cuộc sống đều có giá trị vô biên - bất kể cấu tạo gen,” Thống đốc Ducey nói sau khi ký luật. “Chúng ta phải tiếp tục ưu tiên bảo vệ sự sống cho những đứa trẻ sơ sinh của chúng ta”.

Luật mới nghiêm cấm việc phá thai vì phân biệt đối xử từ các chẩn đoán trước khi sinh, đặc biệt là trong trường hợp thai nhi có hội chứng Down. Nó cũng đảm bảo rằng thuốc phá thai không được vận chuyển qua đường bưu điện, ngăn chặn việc sử dụng tiền thuế của người đóng thuế cho nghiên cứu liên quan đến thi hài các thai nhi sau khi phá thai và yêu cầu đối xử đàng hoàng và tôn trọng đối với thi hài của những đứa trẻ bị phá thai.

Dự luật cũng sẽ cấm các loại thuốc phá thai nguy hiểm được gửi qua đường bưu điện. Trước khi luật mới được ban hành phụ nữ có thể mua thuốc phá thai mà không cần đi khám hay gặp bác sĩ. Luật mới cũng cấm các trường công lập giới thiệu học sinh đến các cơ sở phá thai. Nó cũng yêu cầu hài cốt của những đứa trẻ bị phá thai phải được chôn cất hoặc hỏa táng.

Sự phân biệt đối xử trong việc phá thai xảy ra ở mức báo động, và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn với những tiến bộ trong xét nghiệm trước khi sinh.

Tờ Telegraph đưa tin khoảng 90% trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với hội chứng Down ở Vương quốc Anh đều bị phá thai. Một báo cáo gần đây trên Tạp chí Journal of Human Genetics ở Âu Châu cho thấy số lượng trẻ sơ sinh mắc hội chứng Down sinh ra ở Anh đã giảm 54% kể từ khi các xét nghiệm sàng lọc trước sinh được áp dụng cách đây khoảng một thập kỷ. Trong khi đó tại một số quốc gia Âu Châu, không có trẻ em nào mắc hội chứng Down được sinh ra.
Source:Life Site News

4. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ báo động: Quá nhiều linh mục ở Mỹ Latinh đang chết vì COVID-19

Hội Thánh tại Mỹ Châu Latinh đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch coronavirus. Số các linh mục ở nhiều quốc gia nhiễm bệnh và chết vì coronavirus đang tăng ở mức chóng mặt. Các ngài đã chống chọi với vi rút trong khi thực hiện công việc mục vụ của mình, hỗ trợ các tín hữu, và đồng hành với họ khi họ phải đối phó với những nỗi sợ hãi và đau đớn. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, cho biết như trên trong bản tin ngày 29 Tháng Tư.

Theo một tuyên bố gần đây được Hội đồng Giám mục Venezuela, gọi tắt là CEV, gửi tới ACN, các Giám Mục cho biết kể từ năm 2020, khi COVID-19 lần đầu tiên lan rộng khắp đất nước, 201 trong số 2002 linh mục, tức là 10%, các linh mục hiện đang phục vụ tại Venezuela, đã mắc bệnh. 24 linh mục đã chết sau đó.

CEV giải thích thêm rằng “những người phục vụ trong Giáo hội không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với COVID-19. Các linh mục nhiễm bệnh và các linh mục qua đời đã hoàn thành ơn gọi phục vụ cộng đồng, như các ‘Bác sĩ của Linh hồn’. Các ngài đã biết rằng, ngay cả khi đã thực hiện cẩn trọng mọi biện pháp phòng ngừa trong nhà thờ và tuân thủ mọi quy tắc vệ sinh, các ngài vẫn có nguy cơ lây nhiễm và do đó có nguy cơ tử vong”.

ACN nhận thấy rằng hoàn cảnh của các linh mục ở Mễ Tây Cơ thậm chí còn thảm khốc hơn. Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo Mễ Tây Cơ đã báo cáo rằng, từ khi bắt đầu đại dịch năm 2020 cho đến tháng 3 năm 2021, 5 giám mục, 221 linh mục và tu sĩ, 11 phó tế và 8 nữ tu đã chết vì căn bệnh quái ác này.

Tình hình ở Peru cũng rất nghiêm trọng. Đặc biệt xúc động là tin tức về cái chết của Đức Cha Luis Armando Bambarén Gastelumendi Dòng Tên, giám mục hiệu tòa của Chimbote và là cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru. Ngài qua đời ngày 19 tháng 3. Cha Eduardo Peña Rivera, tuyên úy trưởng của Lực lượng Không quân Peru ở Piura, một khu vực phía bắc đất nước, cũng chết vì COVID-19 vào tháng Ba.

Columbia cũng đã chứng kiến sự mất mát một giám mục: Đức Cha Luis Adriano Piedrahita của Santa Marta qua đời ngày 11 tháng Giêng năm 2021. Theo thông tin ACN nhận được, 10 linh mục Dòng Tên sống trong cùng một ngôi nhà ở quận Chapinero của Bogotá đã chết chỉ trong vòng hai tuần vào cuối năm 2020. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021, 12 tu sĩ Dòng Tên trong toàn quốc Colombia nước đã chết vì vi rút Tầu độc địa này.
Source:Aid To The Church In Need
 
Ngoạn mục: Nữ tu cho thấy lửa thánh tại Đền thờ Mộ Chúa trong 33 phút đầu khác xa lửa thường
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:05 05/05/2021

1. Nữ tu làm video cho thấy trong 33 phút đầu tiên lửa thánh từ Mộ Chúa không hề làm phỏng khi giơ vào mặt

Như chúng tôi đã tường thuật, trưa ngày thứ Bẩy 1 tháng Năm, tức là ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh của Chính Thống Giáo và của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem đã xảy ra.

Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp đã cởi bỏ phẩm phục bên ngoài và chịu sự khám xét của cảnh sát Do Thái để chứng minh rằng ngài không hề mang theo bất cứ vật dụng nào có thể tạo ra lửa. Sau đó, chỉ một mình ngài được vào trong Mộ Chúa, hai tay cầm hai bó nến.

Một lúc sau, ánh lửa bắt đầu phát ra từ bên trong ngôi mộ của Chúa Kitô.

Những người hành hương và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo cho biết lửa này rất đặc biệt, trong 33 phút đầu tiên lửa này không hề làm phỏng họ nếu họ giơ tay trên ngọn lửa. Các nữ tu Chính Thống Giáo tại Giêrusalem đã làm một video cho thấy họ giơ ngọn lửa vào mặt mình mà không bị phỏng.

Sau khi Chúa Kitô Phục Sinh, Ngài đã hiện ra cho các môn đệ. Lúc đó ông Tôma vắng mặt. Khi nghe kể lại, Tôma đòi được chạm đến những vết thương của Đức Giêsu thì ông mới tin.

Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Các nữ tu thực hiện video này nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin. Tuy nhiên, cũng có những người không may mắn có được phúc ấy. Họ không nên bị loại trừ. Vì thế, chúng tôi làm video này để họ cũng có thể thốt lên như Thánh Tôma: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!’”.
Source:Reuters

2. Tình hình nghiêm trọng tại Ấn Độ

Các bác sĩ và y tá tập sự ở Ấn Độ đang bị rút khỏi kỳ thi để tham gia cuộc chiến chống lại đợt nhiễm bệnh vì COVID-19 lớn nhất thế giới.

Hôm thứ Ba, một máy bay phản lực của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã chuyên chở các bình oxy và viện trợ khi Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các quốc gia khác trên thế giới chạy đua để quyên góp tiếp tế trong bối cảnh hệ thống y tế của Ấn Độ bị sụp đổ.

Tổng số ca nhiễm của Ấn Độ đã tăng lên hơn 20 triệu.

Các chuyên gia y tế cho biết con số thực tế có thể cao gấp 5 đến 10 lần.

Tại ngôi đền ngoại ô New Delhi này, các tình nguyện viên làm việc dưới những chiếc lều tạm bợ.

Cứ sau 20 phút lại có một bệnh nhân cần thở oxy.

Những lò hỏa táng quá tải với xác chết đã trở thành cảnh tượng phổ biến trong vài tuần qua.

Tại một bệnh viện ở thành phố Pune, bác sĩ Mekund Penurkar đã trở lại làm việc chỉ vài ngày sau khi cha mình qua đời vì COVID-19.

Anh ấy nói rằng bệnh nhân của anh ấy cần mọi sự giúp đỡ mà họ có thể nhận được.

“Cha tôi đã qua đời vào thứ Hai. Tôi phải bắt đầu làm việc trở lại vào thứ Tư, bởi vì tình hình chung quá khó khăn, chúng tôi không thể chỉ nghỉ ngơi ở nhà và nhìn thấy sự đau đớn của người khác. Vì bản thân tôi đã phải trải qua hoàn cảnh như vậy, tôi không thể phó mặc những bệnh nhân khác cho số phận của họ. “

Ít nhất 11 bang và khu vực đã ra lệnh đóng cửa để hạn chế sự lây lan của virus.

Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi đã miễn cưỡng ra lệnh đóng cửa quốc gia vì sợ ảnh hưởng kinh tế.

Mặc dù là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, nhưng Ấn Độ không có đủ cho mình.

Những nỗ lực đã bị cản trở do thiếu nguyên liệu thô và vụ hỏa hoạn tại Viện Huyết thanh, nơi sản xuất vắc-xin AstraZeneca.
Source:Reuters

3. Phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Ba Lan

Hôm thứ Hai, 03 tháng 5, Hội đồng Giám mục Ba Lan đã nhóm phiên khoáng đại thường niên tại đan viện Jasna Góra. Nội dung tập trung vào các đề tài: lễ phong chân phước cho Ðức Hồng Y Stefan Wyszynski, dự kiến vào ngày 12 tháng 9 năm 2021; chăm sóc mục vụ trong và sau đại dịch; cử hành 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II; và cử hành phụng vụ và tái dâng hiến quốc gia cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đức Cha Artur G. Mizinski, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục cho biết, theo chương trình nghị sự, trước hết, các Giám mục bàn về việc chăm sóc mục vụ trong và sau đại dịch. Cụ thể, các vị mục tử tổng hợp tất cả những gì Giáo hội đã làm trong những tháng gần đây.

Ðề tài thảo luận tiếp theo của các Giám mục liên quan đến việc cử hành 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II. Thực tế, nhiều sáng kiến đã được lên kế hoạch cho năm 2020, trong đó có các cuộc hành hương quốc gia đến mộ Thánh Giáo hoàng tại Ðền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, đã không thể thực hiện được do đại dịch. Vì vậy, các Giám mục tập trung suy tư về cách sống cho những tháng cuối của năm thánh, “không chỉ liên quan đến việc tưởng nhớ, nhưng là những suy tư sâu sắc hơn về những lời giảng dạy của Thánh Gioan Phaolô II”.

Ngoài ra, trong các giờ thảo luận, các Giám mục còn chuẩn bị cho cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng 6 năm 2021 tại đền thánh Kalwaria Zebrzydowska ở Krakow. Đức Cha Mizinski nhấn mạnh rằng, cử hành phụng vụ, trung tâm của buổi gặp gỡ này, sẽ là Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tại Thánh lễ trọng thể này sẽ có cử hành việc tái thánh hiến quốc gia Ba Lan cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhân dịp 100 năm sự kiện này. Vào năm 1920, trước sự tấn công của Hồng quân, các Giám mục Ba Lan đã tập trung tại Jasna Góra để thánh hiến quốc gia cho Thánh Tâm.

Sau cùng, cũng vào ngày 03 tháng 5, tại đền thánh Czestochowa, Đức Cha Stanislaw Gadeck, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, chủ sự Thánh lễ kính Ðức Mẹ Jasna Góra, Nữ Vương Ba Lan, trong sự hiệp thông với Ðức Thánh Cha và toàn thể các tín hữu trên thế giới cùng cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt. Và tinh thần hiệp thông được tiếp tục vào lúc 18 giờ bằng giờ cầu nguyện với Kinh Mân Côi.
Source:Catholic News Agency

4. Cầu nguyện toàn cầu cho sự kết thúc của đại dịch tại đền thánh Đức Mẹ Jasna Góra

Hôm thứ Hai 3 Tháng Năm, Đền thờ Công Giáo Ba Lan Jasna Góra đã tham gia vào cuộc marathon lần hạt toàn cầu để chấm dứt đại dịch coronavirus.

Đền thánh ở Częstochowa, miền nam Ba Lan, là ngôi đền thứ ba trong số 30 đền thờ Công Giáo trên toàn thế giới được chọn để lần hạt trong sáng kiến kéo dài một tháng do Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát động.

Cha Samuel Pacholski, Bề trên Tu viện Jasna Góra, nơi có bức tượng Đức Mẹ Đen của Częstochowa, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy vinh dự và đặc ân khi tham gia cuộc marathon cầu nguyện này”.

Đức Giáo Hoàng bắt đầu cuộc marathon cầu nguyện vào ngày thứ Bẩy 1 tháng 5, ngày bắt đầu tháng Hoa truyền thống kính Đức Mẹ, khi ngài lần hạt Mân Côi ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Sáng kiến này sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 5 tại vườn Vatican.

Đền thờ đầu tiên cử hành sự kiện này là Walsingham ở Anh vào ngày 1 tháng 5, tiếp theo là đền thờ Chúa Cứu thế và Mẹ Maria ở Elele, Nigeria, vào ngày 2 tháng 5.

Bổi lần chuỗi Mân Côi diễn ra tại Jasna Góra lúc 6 giờ chiều giờ địa phương và được phát trực tiếp. Cộng đoàn đã lần hạt Năm Sự Vui bằng năm thứ tiếng khác nhau.

Sự kiện này rơi vào một ngày quan trọng đối với người Công Giáo Ba Lan. Ngày 3 tháng 5 đánh dấu Lễ Đức Mẹ Đồng trinh Maria, Nữ vương Ba Lan, cũng là Ngày Hiến pháp, một ngày lễ nghỉ quốc gia.

Người Ba Lan đã tôn kính Đức Maria là Nữ vương Ba Lan kể từ khi Vua John Casimir Đệ Nhị tuyên bố Đức Mẹ là “Nữ vương của Vương triều Ba Lan” vào năm 1656. Lễ ngày 3 tháng 5 được thiết lập theo yêu cầu của các giám mục Ba Lan sau khi đất nước giành lại độc lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Ngày Hiến pháp kỷ niệm việc thông qua Hiến pháp Ba Lan vào ngày 3 tháng 5 năm 1791.

Ngoài cuộc thi marathon cầu nguyện, đền thờ còn tổ chức cuộc họp của hội đồng thường trực của hội đồng giám mục Ba Lan vào ngày 3 tháng 5. Chủ tịch hội đồng giám mục, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki đã chủ trì một thánh lễ tại đền thờ đánh dấu ngày lễ Đức Mẹ.
Source:Catholic News Agency

5. Kết quả công nghị tuyên thánh ngày 3/5/2021

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ trì công nghị để chuẩn y việc tuyên thánh cho bảy vị chân phước vào hôm thứ Hai 5 tháng 5.

Công nghị đã diễn ra lúc 10 giờ sáng ngày 3 tháng 5 theo giờ địa phương tại phòng họp Công nghị tại điện Tông Tòa của Vatican với các vị Hồng Y hiện đang cư trú hoặc đến thăm Rôma.

Công nghị đã được mở đầu với Kinh Giờ Ba, hay lời cầu nguyện giữa buổi sáng, từ Phụng vụ Các Giờ Kinh.

Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, sau đó trình bày tóm tắt về cuộc đời của bảy vị cho Đức Giáo Hoàng và các Hồng Y.

Các Hồng Y đã bỏ phiếu đồng thuận đối với các án tuyên thánh này.

Cuộc bỏ phiếu này là bước cuối cùng trong quy trình tuyên thánh và mở đường cho việc xác định một ngày được ấn định cho một Thánh lễ tuyên thánh.

Trái với thông lệ, Vatican đã không công bố ngày hoặc địa điểm của các lễ phong thánh vào hôm thứ Hai. Điều này không có gì khó hiểu, xét vì các khó khăn trong việc tổ chức các sự kiện giữa bối cảnh đại dịch tiếp tục hoành hành trên thế giới.

Vatican News nói rằng bảy ứng cử viên sẽ được “đưa lên bàn thờ trong những tuần và những tháng tới, theo một lịch trình sẽ được ấn định sau”.

Nhân vật nổi bật nhất trong số bảy người là Charles de Foucauld, nhà truyền giáo người Pháp bị giết ở Algeria năm 1916. Ngài là một người lính, một nhà thám hiểm, người trở lại đạo Công Giáo, linh mục, ẩn sĩ và tu sĩ phục vụ những người Tuareg ở sa mạc Sahara ở Angiêri.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn án tuyên thánh cho Chân Phước Charles de Foucauld vào tháng 5 năm 2020.

Công nghị đã cũng đã bỏ phiếu về việc tuyên thánh cho Devasahayam Pillai, một giáo dân người Ấn Độ, đã chịu tử đạo sau khi cải đạo từ Ấn Độ giáo sang Công Giáo vào thế kỷ 18.

Pillai, người còn được biết đến với tên rửa tội là Lazarus, đã được tuyên chân phước vào năm 2012 ở miền nam Ấn Độ. Ông sẽ là người giáo dân Công Giáo đầu tiên ở Ấn Độ được tuyên thánh.

Các án tuyên thánh khác được xét đến liên quan đến Chân Phước Maria Francesca của Chúa Giêsu (nhũ danh Anna Maria Rubatto), là vị sáng lập dòng Ba Capuchin Tertiary các Nữ tử miền Loano, và Chân Phước Maria Domenica Mantovani, đồng sáng lập và là Bề trên tổng quyền đầu tiên của Tu viện Các Chị Em Gia đình Thánh Gia.

Các Hồng Y cũng đã bỏ phiếu về tuyên thánh cho ba linh mục đã thành lập các dòng và tu viện: Chân Phước César de Bus, Chân Phước Luigi Maria Palazzolo, và Chân Phước Giustino Maria Russolillo.

Ngoài việc thông qua các án tuyên thánh, Đức Thánh Cha đã quyết định công bố việc nâng 8 Hồng Y từ đẳng phó tế lên đẳng linh mục.

Tưởng cũng nên biết, Hồng Y đoàn được chia thành ba cấp bậc: Hồng Y phó tế, Hồng Y linh mục và Hồng Y giám mục.

Khi một vị Giám Mục đang coi sóc một giáo phận hay một tổng giáo phận được nâng lên hàng Hồng Y, ngài thuộc vào hàng Hồng Y linh mục. Nhưng một vị đang phục vụ trong giáo triều Rôma, khi được nâng lên hàng Hồng Y, thì hầu chắc ngài thuộc vào hàng Hồng Y phó tế.

Mười năm sau khi nhận được chiếc mũ đỏ, các Hồng Y phó tế có thể yêu cầu Đức Giáo Hoàng nâng họ lên hàng Hồng Y linh mục và lựa chọn một nhà thờ hiệu tòa. Thực hành này được gọi bằng tiếng Latinh là “Optatio”.

Văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết vào ngày thứ Hai, tám Hồng Y đã được nâng từ Hồng Y phó tế lên Hồng Y linh mục: Đó là các Đức Hồng Y Angelo Amato (hiệu tòa Santa Maria ở Aquiro); Robert Sarah (hiệu tòa San Giovanni Bosco ở Via Tuscolana); Francesco Monterisi (hiệu tòa San Paolo alla Regola); Raymond Leo Burke (hiệu tòa Sant’Agata de ’Goti); Kurt Koch (hiệu tòa Nostra Signora del S. Cuore); Mauro Piacenza (hiệu tòa San Paolo alle Tre Fontane); Gianfranco Ravasi (hiệu tòa San Giorgio ở Velabro); và Walter Brandmüller (hiệu tòa San Giuliano dei Fiamminghi).
Source:Catholic News Agency
 

© 2024 - VietCatholic News - Designed by VietCatholic News