Ngày 07-05-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 07/05/2014
MÂU THUẪN
N2T

Con người ta khi đến bước đường cùng và cho đến khi mù tịt không biết gì, thì quay lại cầu xin Đấng tạo hóa thương xót.
Đấng tạo hóa nói đúng điểm then chốt giả dối của con người:
- “Các ngươi gọi Ta là Chúa, nhưng không kính trọng Ta là Chúa; các ngươi cầu mong Ta làm Chúa, nhưng lại oán trách Ta làm Chúa”.
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Con người ta khi nghèo quá, thì lại oán trách ông trời sao lại để cho mình nghèo như thế ?
Con người ta khi giàu có quá dư thừa, no đủ, thì Thiên Chúa cũng không tránh khỏi bị chửi: sao ông trời để tôi đánh bạc thua, để tôi bị mất tiền, để tôi bị chúng lừa, sao lại để kẻ trộm vào nhà tôi…
Thất vọng thì oán trách Thiên Chúa.
Đã được thoả mãn thì quên mất Thiên Chúa.
Chỉ có những ai biết nhìn đến những việc mà Thiên Chúa đã làm cho mình trong cuộc sống, thì mới không ngớt lời cảm tạ tình yêu của Ngài mà thôi, bởi vì họ không mâu thuẩn với đức tin của mình trong cuộc sống phó thác vào Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:43 07/05/2014
N2T

24. Con tín nhiệm Thiên Chúa càng lớn thì càng lâu dài, tất cả những gì con cầu xin thì thực hiện càng nhiều.

(St. Albertus Magnus)
------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Powerpoint Chúa Nhật Thứ 4 Sau Phục Sinh Năm A - 4th Easter Sunday Year A
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
19:59 07/05/2014
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Ơn cố vấn giúp chúng ta sống theo ý muốn của Thiên Chúa
Linh Tiến Khải
10:16 07/05/2014
Với ơn cố vấn Chúa Thánh Thần khiến cho chúng ta nhậy cảm đối với tiếng nói của Người và hướng dẫn các tư tưởng, tâm tình và các ý muốn của chúng ta theo con tim của Thiên Chúa. Đồng thời Người luôn luôn đưa chúng ta tới chỗ ngày càng hướng cái nhìn nội tâm về Chúa Giêsu, như mẫu gương kiểu hành xử và tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha và với các anh chị em khác.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với khoảng 70.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 7-5-2014. Ngoài các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Tây Âu có các đoàn hành hương Nam Hàn, Philippines, Trung quốc, Ấn độ. Từ Châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mêhicô, Guatemala, Colombia, Perù, Uruguay, Venezuela, Argentina và Brasil.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về ơn Cố vấn. Ngài nói: chúng ta vừa mới nghe qua thánh vịnh ”Chúa khuyên nhủ tôi, Chúa nói với tôi trong nội tâm”. Đây là một ơn khác nữa của Chúa Thánh Thần: ơn khuyên nhủ. Chúng ta biết thật quan trọng biết bao, khi trong các lúc tế nhị nhất của cuộc sống có thể dựa trên các gợi ý của những người khôn ngoan yêu thương chúng ta. Ngài giải thích ơn cố vấn hay khuyên nhủ như sau:

Qua ơn Cố vấn chính Thiên Chúa soi sáng tâm trí chúng ta với Thần Khí của Người, để làm cho chúng ta hiểu kiểu nói và hành xử đúng đắn và con đường phải theo. Tuy nhiên chúng ta phải tự hỏi: ơn này hoạt động một cách cụ thể như thế nào trong chúng ta và trong cuộc sống chúng ta? Và chúng ta có thể lắng nghe Người và theo Người như thế nào?

Trong lúc chúng ta tiếp nhận Chúa Thánh Thần và để cho Người ở trong con tim chúng ta, Người bắt đầu khiến cho chúng ta nhậy cảm đối với tiếng nói của Người và hướng dẫn các tư tưởng, tâm tình và các ý muốn của chúng ta theo con tim của Thiên Chúa. Đồng thời Người luôn luôn đưa chúng ta tới chỗ ngày càng hướng cái nhìn nội tâm về Chúa Giêsu, như mẫu gương kiểu hành xử và tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha và với các anh chị em khác. Khi đó sự khuyên nhủ là ơn, qua đó Thần Khí khiến cho lương tâm của chúng ta có khả năng làm một lựa chọn cụ thể trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, theo cái luận lý của Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người.

Trong cách thế này Thần Khí làm cho chúng ta lớn lên trong nhân đức cẩn trọng, phát xuất từ lời khuyên nhủ. Trong viễn tượng Tin Mừng, cẩn trọng không chỉ có nghĩa đơn sơ là chú ý, thận trọng... Trái lại nó có nghĩa là không rơi vào ích kỷ và kiểu nhìn riêng tư các sự vật, trong ý thức rằng hạnh phúc của chúng ta là điều Thiên Chúa Cha ước muốn cho chúng ta và làm cho chúng ta giống Chúa Giêsu Con Người. Và ý thức nội tâm này được Chúa Thánh Thần gợi lên trong chúng ta, qua ơn cố vấn.

Rồi Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: như thế chúng ta có thể biến ơn đó thành kho tàng của chúng ta như thế nào? Làm sao chúng ta có thể ngoan ngoãn đối với tiếng nói của Chúa Thánh Thần? Và ngài trả lời như sau:

Điều kiện nòng cốt đó là lời cầu nguyện. Chúng ta luôn luôn trở lại trên lời cầu nguyện phải không? Lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện, cầu nguyện quan trọng biết bao! Cầu nguyện với các kinh mà chúng ta tất cả biết từ khi còn bé, nhưng cũng cầu nguyện với các lời riêng của chúng ta. Cầu nguyện với Chúa: Xin Chúa giúp con, xin khuyên bảo con, con phải làm gì bây giờ?

Và với lời cầu nguyện chúng ta dành khoảng trống để Thần Khí đến giúp chúng ta trong lúc đó, khuyên nhủ chúng ta về điều mà chúng ta tất cả phải làm. Cầu nguyện, đừng bao giờ quên cầu nguyện. Đừng bao giờ. Đâu có ai nhận ra là chúng ta cầu nguyện trên xe bus, trên đường đi đâu: chúng ta cầu nguyện trong thinh lặng, với con tim, chúng ta hãy lợi dụng những lúc đó để cầu nguyện. Cầu nguyện để Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn cố vấn.

Trong sự thân tình với Thiên Chúa và trong việc lắng nghe Lời Người, từ từ chúng ta bỏ ra một bên cái luận lý cá nhân, nhiều lần bị điều khiển bởi các khép kín, các thành kiến và các tham vọng của chúng ta. Trái lại chúng ta học hỏi Chúa: đâu là ước muốn của Chúa? đâu là ý muốn của Chúa? Cái gì làm hài lòng Chúa? Trong cách thế này chín mùi trong chúng ta một sự đồng thuận sâu xa, hầu như đồng bản chất trong Thần Khí, mà người ta cảm nghiệm được các lời Chúa Giêsu nói được thánh Mátthêu ghi lại trong Phúc Âm là thật biết bao: ”Các con đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó Thiên Chúa sẽ cho các con biết phải nói gì; thật vậy không phải chính các con nói, mà là Thần Khí của Cha các con nói trong các con” (Mt 10,19-20). Chính Thần Khí khuyên bảo chúng ta, nhưng chúng ta phải dành chỗ cho Thần Khí để Người cho chúng ta các lời khuyên và dành chỗ cho việc cầu nguyện, cầu nguyện để Người đến và trợ giúp chúng ta luôn.

Và như tất cả các ơn khác của Chúa Thánh Thần, ơn cố vấn cũng làm thành một kho tàng đối với toàn thể cộng đoàn kitô. Chúa không nói với chúng ta trong sâu thẳm của con tim. Ngài nói với chúng ta nhưng không phải chỉ ở đó, mà cũng nói qua tiếng nói và chứng tá của các anh chị em khác nữa. Đây thật là một ơn trọng đại có thể gặp thấy nơi những người nam nữ có đức tin. Những người mà, nhất là trong các chặng phức tạp và quan trọng nhất của cuộc đời chúng ta, họ giúp chúng ta có ánh sáng trong tim và nhận biết ý muốn của Chúa. Tôi nhớ có một lần tôi ngồi trong tòa giải tội tại đền thánh Đức Bà Lujan, giáo phận của Đức Giám Mục đang ngồi đàng kia, trong hàng dài có một thanh niên tân thời, với các vết xâm đầy tay, đầy mình. Anh ta đến để kể cho tôi nghe những gì xảy ra cho anh ta. Đó đã là một vấn đề lớn, khó khăn. Vậy bạn làm sao? Tôi hỏi. Con đã kể cho mẹ con nghe và mẹ con nói: ”Hãy đến với Đức Mẹ và Đức Mẹ sẽ nói cho con biết con phải làm gì”. Đó, một người đàn bà có ơn cố vấn. Bà không biết phải ra khỏi vấn đề của cậu con ra sao, nhưng đã chỉ đúng đường: Hãy đến với Đức Mẹ và Đức Mẹ sẽ nói cho con biết. Đó là ơn khuyên nhủ. Bà không nói, nhưng, cái này... bà để cho Thần Khí nói. Người đàn bà khiêm tốn, đơn sơ đó đã cho người con một lời khuyên thật nhất, đẹp nhất, bởi vì người thanh niên đó đã nói với tôi: ”Con đã nhìn lên Đức Mẹ, và con cảm thấy con phải làm cái này, cái này, cái này”. Tôi đã chẳng phải nói gì cả. Tất cả là bà mẹ, Đức Bà và chàng thanh niên. Đó là ơn khuyên nhủ. Hỡi các bà mẹ, chị em có ơn đó, hãy xin ơn này cho con cái của chị em: ơn khuyên nhủ con cái.

Đó là một ơn của Thiên Chúa cố vấn, trong một cộng đoàn phải xảy ra điều này: đó là phải tương trợ lẫn nhau trong lòng tin và soi sáng cho nhau trong Thánh Thần, làm sao để cuộc sống chúng ta luôn ở trong tay Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta và biết điều gì tốt nhất cho chúng ta.

Kết luận bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Các bạn thân mến, thánh vịnh 16 mời gọi chúng ta cầu nguyện với các lời này: ”Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên chẳng nao núng bao giờ” (Tv 16,7-8). Ước chi Thần Khí luôn có thể đổ tràn đầy con tim chúng ta xác tín này và làm cho chúng ta được tràn đầy sự ủi an và niềm bình an của Người như thế!

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và chúc mọi người có cuộc hành hương Roma sốt sắng bổ ích. Chào các tín hữu Ba Lan ngài nói: Chúa Nhật vừa qua tôi đã thăm cộng đoàn Ba Lan tại nhà thờ thánh Stanislao ở Roma. Tôi đã nói rằng chúng ta bắt đầu con đường tiến tới cuộc gặp gỡ bên Ba Lan vào Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, nếu Chúa muốn, sẽ diễn ra bên Ba Lan năm 2016. Chúng ta hãy cùng nhau bước đi, hiệp nhất trong tình yêu và trong lời cầu nguyện, theo lời mời của thánh Gioan Phaolô II luôn luôn tươi trẻ trong Chúa Thánh Thần.

Với các tín hữu Italia ngài đặc biệt chào đoàn hành hương do các cha dòng Ơn gọi tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm đấng sáng lập thụ phong Linh Mục; các tín hữu và bệnh nhân của dòng ”Đức Mẹ Các nhà bác ái”; các tù nhân Viterbo; các thiện nguyện viên của Tổ chức Hồng Thập Tự mừng 150 năm thành lập; Trung tâm Don Guanella tỉnh Napoli nhân dịp mừng 50 năm thành lập; cũng như thân nhân của các bạn trẻ đang cai ma túy tại trung tâm San Patrignano. Đức Thánh Cha nói ngài hiệp ý với họ và nói không với bất cứ loại ma túy nào. Ngài mời mọi người nói to lên: ”Không với bất cứ loại ma túy nào”.

Đức Thánh Cha cũng chào đoàn hành hương của Liên hiệp thương mại ASCOM tỉnh Padova bắc Italia và khích lệ họ can đảm trong giai đoạn kinh tế khó khăn này. Ngài cầu mong chuyến viếng mộ hai thánh Tông Đồ gia tăng nơi tất cả mọi người niềm vui của lễ Phục Sinh, được biểu lộ ra cả trong các công việc bác ái cụ thể.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở mọi người ngày thứ năm 8-5-2014 Giáo Hội dâng lên Đức Bà Mân Côi Pompei lời ”Khẩn nài”. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ chủ sự nghi lễ này. Tôi mời gọi mọi người khẩn nài sự bầu cử của Đức Maria để Chúa ban sự thương xót và hòa bình cho Giáo Hội và cho toàn thế giới.

Sau cùng Đức Thánh Cha phó thác cho Đức Mẹ giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, và mời gọi tất cả mọi người đánh giá cao việc lần hạt Mân Côi trong tháng 5 kính Đức Mẹ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
 
Cầu nguyện thinh lặng trên xe buýt, trên đường phố
Bùi Hữu Thư
10:38 07/05/2014
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha về ơn Chỉ Dạy (Biết Lo Liệu) ngày 7 tháng 5, 2014

Các anh chị em thân mến!

Trong bài đọc trích từ Sách các Thánh Vịnh chúng ta đã được nghe câu này: “Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.” (TV 16,7). Đây là một ân sủng khác của Chúa Thánh Thần: ơn Chỉ Dạy. Chúng ta biết rằng điều này hết sức quan trọng, nhất là trong những lúc khó khăn nhất, là có thể trông cậy vào những đề nghị của những người khôn ngoan hơn và yêu mến chúng ta. Bây giờ, qua ơn Chỉ Dậy, chính Thiên Chúa, qua Thánh Thần của Người, soi sáng lòng trí chúng ta, làm cho chúng ta hiểu biết cách thức ăn nói và hành động và con đường phải theo. Ơn Chỉ Dạy này tác động thế nào trong chúng ta?

1. Khi chúng ta tiếp nhận và đón ơn này vào lòng chúng ta, Thánh Thần làm cho chúng ta được đánh động để lắng nghe tiếng nói của Người và hướng dẫn tư tưởng, tình cảm, và ý định của chúng ta theo trái tim Chúa. Đồng thời, Người thức đẩy chúng ta ngày càng hướng cái nhìn nội tâm của chúng ta về Chúa Giêsu hơn, và hướng dẫn phương cách chúng ta cư xử và mối tương quan của chúng ta với Chúa Cha và với tha nhân. Ơn Chỉ Dạy là ơn lành qua đó Chúa Thánh Thần giúp cho lương tâm chúng ta có thể lựa chọn cách cụ thể để hiệp thông với Chúa, theo đường lối của Chúa Giêsu và Phúc Âm của Người. Bằng cách này, Thánh Thần làm cho chúng ta tăng trưởng nội tâm, tăng trưởng trong cộng đồng, và giúp chúng ta không bị tính ích kỷ và lối nhìn của chúng ta lung lạc. Như thế, Thánh Thần giúp chúng ta trưởng thành và sống trong cộng đồng. Điều kiện thiết yếu để duy trì ơn này là việc cầu nguyện. Chúng ta luôn luôn trở lại với cùng một chủ đề: cầu nguyện! Việc cầu nguyện hết sức quan trọng. Chúng ta cầu nguyện với những kinh kệ chúng ta thuộc kể từ khi còn thơ ấu, nhưng cũng có thể cầu nguyện bằng chính những lời nói của chúng ta. Cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa xin giúp con, xin chỉ dạy cho con, bây giờ con phải làm gì?” Tất cả chúng ta đều phải làm điều này, phải cầu nguyện. Không có ai có thể biết rằng chúng ta đang cầu nguyện trên xe buýt, trong đường phố: chúng ta hãy cầu nguyện thinh lặng, trong tim chúng ta. Xin hãy lợi dụng những lúc này để cầu nguyện: cầu xin Thánh Thần ban cho ơn Chỉ Dạy.

2. Trong sự mật thiết với Chúa và lắng nghe Lời Chúa, dần dần chúng ta có thể dẹp qua một bên luận lý của chúng ta, thường được hướng dẫn bởi những tính thiển cận, thành kiến và ham muốn của chúng ta, và ngược lại chúng ta sẽ học biết cách xin Chúa: Xin cho con biết Chúa muốn gì? Xin cho con biết Thánh Ý Chúa? Điều gì làm cho Chúa hài lòng? Như thế, chúng ta sẽ có một sự đồng cảm sâu xa, gần như tự nhiên với Thánh Thần, và chúng ta cảm nghiệm được chân lý của những lời Chúa Giêsu được thuật lại trong Phúc Âm thánh Mát thêu: “Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10,19-20).

Chính Thánh Thần chỉ dạy cho chúng ta, nhưng chúng ta phải dành chỗ cho Thánh Thần, để Người có thể hướng dẫn chúng ta. Và dành chỗ cho Người là cầu nguyện: luôn luôn cầu nguyện để Người đến giúp đỡ chúng ta.

3. Cũng như các ơn khác của Thánh Thần, ơn Chỉ Dạy là một kho báu cho tất cả cộng đồng Kitô. Chúa không chỉ nói với chúng ta trong sự mật thiết của trái tim chúng ta, Chúa cũng nói với chúng ta qua tiếng nói và nhân chứng của các người anh chị em chúng ta. Đây thực là một ơn lớn lao vì có thể gặp gỡ những người anh chị em cùng đức tin, nhất là trong những đoạn trường khó khăn và quan trọng nhất của cuộc đời, họ giúp soi sáng trái tim chúng ta và giúp chúng ta nhận biết Thánh Ý Chúa!

Tôi nhớ lại có lần tại thánh đường Luján, tôi ngồi trong tòa giải tội, trước mặt có rất nhiều người xếp hàng dài. Cũng có một em trai rất tân tiến, đeo bông tai, và xâm mình… Em đến kể cho tôi nghe những gì xẩy đến cho em. Đây là một vấn đề to tát và khó khăn. Em nói: “Con đã kể chuyện này cho mẹ con và mẹ con nói: con hãy đi gặp Đức Mẹ Đồng Trinh, Mẹ sẽ dạy con biết phải làm gì.” Đây là một phụ nữ có ơn Chỉ Dạy. Người đàn bà tầm thường này, đã chỉ dạy cho con một lời hết sức chân chính. Thực vậy, em trai này đã nói: “Con đã nhìn Đức Mẹ Maria và con đã cảm nhận được là con phải làm thế này thế kia…” Tôi không cần phải nói gì hơn, em trai và mẹ nó đã nói hết cả rồi. Chính đó là ơn Chỉ Dạy. Hỡi các bà mẹ có ơn Chỉ Dạy, xin hãy cầu xin cho các con cái! Ơn biết chỉ dạy cho con cái là một ân sủng của Thiên Chúa.

Các bạn thân mến, Thánh Vịnh 16 chúng ta đã nghe mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện bằng những lời này: “Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ” (TV 16 7-8) Xin Thánh Thần luôn luôn giúp chúng ta xác tín trong lòng và đổ tràn trong chúng ta những niềm an ủi và bình an của Người! Xin các bạn hãy không ngừng cầu xin cho có ơn Chỉ Dạy của Người!
 
Top Stories
Freed Vietnam dissident urges legal overhaul
AFP
09:01 07/05/2014
May 6, 2014

Washington (AFP) - A prominent Vietnamese dissident who was freed after an international campaign called Tuesday on Hanoi to overhaul its laws, saying that human rights will only improve through fundamental reforms.

French-trained lawyer Cu Huy Ha Vu, the son of a Vietnamese revolutionary leader, was sentenced in April 2011 to seven years in prison after he took the bold step of suing the prime minister to stop an unpopular mining plan.

Vu, who said that he went on four hunger strikes to protest his conditions, was abruptly released last month and allowed to move with his wife to the United States.

Holding a press conference at the US Congress, Vu credited international pressure for his release. He thanked the United States for its "unrelenting efforts" and also voiced appreciation to European Union governments, Canada, New Zealand, Norway and Switzerland.

But Vu called for the United States, which next week holds its latest human rights dialogue with foe-turned-friend Vietnam, to switch emphasis to press for the repeal of specific laws.

Only such legal reforms would set the path for "the Vietnamese people to see true democracy," he said.

"Up until now, the US government in particular and Western governments in general have viewed Vietnam's release of prisoners of conscience as an indicator of improving human rights conditions," he said.

"Reality has shown that the Vietnamese government releases a number of prisoners of conscience but uses these laws to imprison many other dissidents," he said.

Vu called for Vietnam to repeal Articles 88, 258 and 79 of the penal code, which respectively ban propaganda against the state, taking advantage of freedoms to violate state interests, and actions aimed at overthrowing the government.

Vu said that the laws went against the International Covenant on Civil and Political Rights as well as human rights guarantees under Vietnam's own constitution.

Vu also called on Vietnam to take further action after it signed in November the UN convention against torture. Vu urged Vietnam to provide compensation for torture victims and to ensure legal counsel for prisoners.

Shortly after Vu's release, Vietnam released two more political activists. But on Monday, authorities arrested a prominent blogger, Nguyen Huu Vinh, for his anti-state articles.

According to Reporters Without Borders, Vietnam has detained at least 34 bloggers -- more than any country except China.

Representative Chris Smith, a longtime human rights activist, welcomed Vu's release but warned: "We should not be fooled into believing that the release of a few dissidents represents real progress on human rights in Vietnam."

"The underlying reality of repression in Vietnam is fundamentally unchanged," he said.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục tu sĩ Việt Nam Miền Nam Hoa Kỳ họp mặt tại Houston và Port Arthur
Sr. Agnes Nguyễn Kimchi, O.P.
17:42 07/05/2014
HOUSTON - Từ ngày 28-30 tháng 4 vừa qua, ngày họp mặt các anh chị em Tu Sĩ và Linh Mục Việt Nam miền Nam Hoa Kỳ từ các bang New Mexico, Oklahoma và Texas được khai mạc tại Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế - St. Clement Formation House, Houston, tiếp đến là du ngoạn vùng biển Port Arthur, chia sẻ bữa agape tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo, Houston, và điểm dừng cuối cùng để mọi người từ giã trong niềm vui chen lẫn chút lưu luyến chia tay qua Thánh Lễ Tạ Ơn tại Dòng Nữ Đa Minh, Houston.

Lần họp mặt này trong 3 ngày có sự hiện diện của trên 50 linh mục, trên 30 tu sĩ nam nữ cùng với sự tham dự của Linh Mục Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P đến từ Việt Nam, nguyên bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh tại Việt Nam và thêm một số linh mục từ các tiểu bang California, Louisiana và Washington. Trong dịp này, anh chị em lại có cơ hội nối rộng vòng tay thân ái nhờ sự hiện diện của Sơ Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh Bắc Ninh tại Việt Nam, Sr. Chu Thị Dâng, qua chuyến công tác của Sơ, Sơ đã hiện diện với anh chị em và chia sẻ những hoạt động của hội dòng, Sơ xin các anh chị em Linh Mục Tu Sĩ thêm lời cầu nguyện cho Dòng của Sơ trong giai đoạn còn non trẻ này.

Khởi đầu cuộc gặp gỡ đầy thân ái là Thánh Lễ hiệp thông tại Dòng Chúa Cứu Thế do cha Bề Trên Giám Phụ Tỉnh Đa Minh Nguyễn Phi Long chủ tế. Các anh chị em tu sĩ, Linh Mục đến từ Hous-ton, các Cha chính xứ, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đa Minh, Sơ Bề Trên Maria Gorreti Vũ Mai Oánh và các chị em Đa Minh tại Houston, và từ những miền xa xôi khác như các cha đến từ vùng New Mexico xa xôi, chuyến xe xuyên bang dài 8 tiếng đồng hồ của các cha thuộc tiểu bang Oklahoma, cũng như các cha Dòng Đồng Công vùng Dallas. Xin hoan nghênh tinh thần cộng đoàn rất cao của các cha.

Có lẽ người ta sẽ thắc mắc, “Những người này là ai? Họ cùng nhau tụ họp để làm gì?” Câu trả lời sẽ chẳng được đáp ứng rõ ràng nếu như người ta không hiểu về nỗi đam mê và duyên kỳ ngộ giữa Chúa Giêsu và các Môn Đệ khi Người bảo họ: “Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Lc 1:17).

Như một huyền nhiệm nhưng cũng là một điều hiển nhiên rất thật của con người. Họ cùng nhau tụ họp để chia xẻ cùng một tấm bánh, một chén rượu, một cảm nghiệm thiêng liêng. Để rồi sau Thánh Lễ, những con người được hiến thánh đó lại sống cái thực của con người. Họ cần có nhau, cần được chia sẻ và chia trao cho nhau những kinh nghiệm sống, những niềm vui, nỗi khó, những thành công cũng như những thất bại để nâng đỡ nhau. Họ thực sự cần có những giây phút thư giãn để lấy lại tinh thần và nghị lực, tiếp năng lực đã từng bị tiêu hao vì sứ vụ. Họ chăm lo cho người khác và giờ đây, chính họ cũng cần được chăm lo để làm mới lại nghị lực thưở ban đầu.

Có lẽ vì thế mà các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã quảng đại thiết đãi anh chị em linh mục tu sĩ bằng một bữa tiệc thịnh soạn với “tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon”, những món khai vị đặc sản Mỹ Quốc và món ăn đậm sắc hương quê Việt Nam. Một bữa cơm đầy hương vị không chỉ vì món ăn mà còn được dệt bằng cả tâm tình qua những câu chuyện vui cười, chuyện dài nhiều tập của cuộc đời linh mục tu sĩ được kể lại cho nhau nghe. Chưa hết, khi tiệc gần tàn, các anh chị em linh mục tu sĩ còn được nghe lời hứa từ cha bề trên là sẽ tưởng thưởng cho những vị tiên phong đến trước và nghỉ đêm lại tại Dòng Chúa Cứu bằng một chầu trứng vịt lộn vào khuya được cha mang về từ California để đãi các cha. Xin các Cha Dòng Chúa Cứu Thế chuẩn bị nhiều phòng ngủ cho năm tới nhé. Hy vọng con số cư ngụ tại đó sẽ gia tăng gấp bội!

Cuộc gặp gỡ được tiếp nối, niềm vui càng gia tăng qua những lần gặp gỡ, những bữa ăn được thiết đãi, việc thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, hóng gió biển cuối mùa Xuân, cuốn hút với chiếc cần câu, hoặc bềnh bồng trên chiếc du thuyền…dọc vùng biển Port Arthur. Những giây phút họp mặt tại Port Arthur quý linh mục và tu sĩ cũng có cơ hội thi hành mục vụ bằng cách hợp nhau cầu nguyện và làm phép cơ sở thương mại và các tàu bè của quý anh chị ân nhân trong dịp họp mặt này để xin Chúa chúc lành cho họ và tưởng thưởng cho tấm lòng rộng rãi của họ.

Ngoài những niềm vui ấy, gợi nhớ lại năm xưa, khi các môn đồ buồn bã vì mất Chúa, rồi được tìm lại niềm hy vọng hân hoan, niềm vui vỡ oà rạng rỡ khi tin Chúa sống lai, được gặp gỡ Ngài, cùng ăn, cùng uống với Ngài và có thể cùng hóng gió biển, cùng đi trên thuyền (Lc 24: 41-43, Ga 21: 1-17), cùng nói chuyện mây gió mà lại truyền đạt cho họ những bài học cao sâu, thắm tình thầy trò, tình huynh đệ…Niềm vui này chỉ có được với những người theo Chúa, hay đúng hơn, những người được Chúa cho đi theo mới có thể cảm nghiệm được niềm vui thanh thoát và sâu sắc này.

Đây mới chỉ là sinh nhật thứ hai của lần gặp gỡ nhưng tưởng chừng như một cuộc gặp gỡ truyền thống đối với các linh mục, tu sĩ miền Nam Hoa kỳ, để rồi hàng năm, cứ hẹn lại đến. Cuộc gặp gỡ định kỳ này (sau ngày Chúa Nhật kính Chúa Tình Thương) như một sáng kiến độc đáo của anh chị em tu sĩ và linh mục mà Linh Mục Chủ Tịch Gioan Viannêy Nguyễn Ngọc Thụ là người nhận lãnh trách nhiệm tổ chức, khích lệ các anh chị em cùng đồng hành với nhau trong đời thánh hiến, và tạo cơ hội để anh chị em tu sĩ linh mục chung vui sẻ buồn với nhau trong đời mục vụ.

Những ngày gặp gỡ thắm tình huynh đệ, với những niềm vui chân chất, nhẹ nhàng mà ghi đậm dấu ấn thánh thiên trong niềm vui Chúa đã Phục Sinh mà những vị lãnh nhận Thiên Chức Linh Mục và Hồng Ân Thánh Hiến đang chia sẻ cho nhau. Những niềm vui đơn sơ nho nhỏ, những tiếng cười râm ran, những câu chuyện dí dỏm của đời mục vụ được kể lại, được chia trao như món quà làm cho thực tại trở nên hoàn hảo. Vâng một thực tại là Chúa đã phục sinh và những người theo Chúa phải nên giống như Ngài, cũng sẽ trải qua đau khổ, và có khi phải chết đi để được cùng sống với Ngài.

Để tặng riêng các anh chị em trong ngày kết thúc cuộc hội ngộ, qua bài giảng trong Thánh Lễ, Linh Mục Giuse Đoàn Đình Bảng đã ưu ái thân tặng anh chị em bài giảng về “Tám Mối Phúc Thật” của những người anh em của Chúa, để nhắc nhở rằng những linh mục tu sĩ là người hạnh phúc vì được nhận lãnh và sống lời chúc phúc ấy qua 3 Lời Khuyên Phúc Âm, khiết tịnh, khó nghèo và tuân phục. Cha còn nói “Anh chị em như những con cá chiên dù trên nằm trên đĩa vàng hay đĩa sành, hoặc ngay cả khi bị đặt ở dưới đất chăng nữa thì cũng vẫn là cá chiên.” Cho nên, hãy sống là mình và sống đúng với chính mình…

Kính chúc quý cha, quý tu sĩ nam nữ luôn sống “trọn vẹn trong mỗi khoảnh khắc” niềm vui mà Chúa Phục Sinh ban tặng qua niềm tin và lòng yêu mến không bao giờ vơi, để mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và tinh thần người mục tử được trở nên hiện thực, sống động, và trọn vẹn trong đời Linh Mục, Tu Sĩ, cũng xin nhớ cho rằng “Cứ hẹn lại đến”.

 
Lễ Khấn Dòng của Dòng Mến Thánh Gía Phát Diệm Gò Vấp
Vietcatholic
23:53 07/05/2014
MÙA HỒNG ÂN THÁNH HIẾN
Lễ Khấn Dòng của Dòng Mến Thánh Gía Phát Diệm Gò Vấp

Tháng Năm, Tháng Hoa của Đức Mẹ cũng là tháng ghi đậm nét Hồng Ân Thánh Hiến của Hội Dòng Mến Thánh Gía Phát Diệm. Noi gương Mẹ, ngày 10/5/2014 tại Trụ sở chính của Dòng tại Gò Vấp sẽ có 14 soeurs tuyên khấn lần đầu trong tay sơ Tổng quyền Têrêsa Nguyễn Thị Bích Thủy. Thánh lễ được Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ chủ tế.
Chương trình ngày Lễ Khấn Lần Đầu ngày 10/5/2014 như sau:
07 giờ 30 : Đón tiếp
08 giờ 30 : Tập hát Cộng đồng
09 giờ 00 : Thánh lễ
Sau Thánh lễ là Tiệc mừng.
Trong Thánh lễ sẽ có nghi thức Tuyên khấn lần đầu bao gồm các phần chính như:
1. Giới thiệu ứng sinh
2. Thẩm vấn ứng sinh
3. Tuyên khấn
4. Trao phù hiệu
a. Làm phép khăn lúp
b. Trao khăn lúp
5. Trao hiến chương và nội quy

Và ngày 9/6/2014 sẽ là ngày tuyến Khấn Trọn đời của 27 soeurs do Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn Phaolô Bùi Văn Đọc chủ tế.

Xin Chúc mừng qúi soeurs và toàn Dòng. Cầu mong Tình yêu Chúa luôn là niềm vui của đời dâng hiến và Tông đồ của Hội dòng.

Vietcatholic
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phát biểu của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ về hành vi xâm phạm nhân quyền ở Việt Nam
Ngọc Huỳnh
09:01 07/05/2014
Washington DC, 05/6/2014

KHUYẾN NGHỊ
Về việc chấm dứt các hành vi xâm phạm nhân quyền ở Việt Nam

Tôi, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, công dân Việt Nam, bị Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cầm tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam, có một số khuyến nghị sau đây nhằm chấm dứt các hành vi xâm phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Cụ thể là trong khuôn khổ đối thoại nhân quyền giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Mỹ cần yêu cầu chính quyền Việt Nam:

1. Hủy bỏ các điều luật phản nhân quyền của Việt Nam và trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm;
2. Luật hóa Công ước Liên Hợp quốc về chống tra tấn.

I. HỦY BỎ CÁC ĐIỀU 88, 258, 79 BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ TRẢ TỰ DO VÔ ĐIỀU KIỆN CHO CÁC TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM

Chắc chắn ở trong Luật hình sự của mọi quốc gia đều có quy định trừng phạt hành vi “lật đổ chính quyền”, tức hành vi dùng bạo lực để chấm dứt sự tồn tại của chính quyền. Trong Bộ Luật hình sự Việt Nam quy định đó là Điều 82 - “Tội bạo loạn” (Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân). Thế nhưng đối với chính quyền Việt Nam thì bất đồng chính kiến, tức bày tỏ quan điểm chính trị một cách hòa bình hay phi bạo lực cũng được xem là nguy hiểm, đe dọa đến sự tồn tại của chính quyền này. Do đó, chính quyền Việt Nam đã đặt ra “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 88 Bộ luật hình sự) hoặc “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 285 Bộ luật hình sự) để đàn áp những người bất đồng chính kiến với tư cách cá nhân và “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79 Bộ luật hình sự Việt Nam) để đàn áp những người bất đồng chính kiến tập hợp thành tổ chức. Nói cách khác, không chỉ đảng phái mà mọi tổ chức chủ trương cạnh tranh chính trị với Đảng cộng sản Việt Nam một cách phi bạo lực đều là đối tượng của Điều 79 Bộ luật hình sự Việt Nam.

Từ trước tới nay, Mỹ nói riêng, các nước dân chủ nói chung, thiên về yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm như bằng chứng của việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam. Thế nhưng phương thức làm việc như vậy không giải quyết triệt để được vấn đề tù nhân lương tâm ở Việt Nam vì các Điều 88, 258, 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam vẫn tồn tại. Thực tế cho thấy chính quyền Việt Nam trả tự do cho một số tù nhân lương tâm nhưng tiếp tục dựa vào các điều luật hình sự này để bỏ tù những người bất đồng chính kiến khác. Mới hôm qua thôi, chính quyền Việt Nam đã bắt ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm và cộng tác viên của ông là cô Nguyễn Thị Minh Thúy.

Do đó, Chính phủ Mỹ cần yêu cầu chính quyền Việt Nam hủy bỏ các điều luật phản nhân quyền này với lý do các điều luật này là hoàn toàn trái pháp luật, cụ thể là trái Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên và trái với chính Hiến pháp và các luật liên quan của Việt Nam, như tôi chứng minh sau đây.

Điều 88 -Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

· Khoản 1 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”. Quy định này có nghĩa “không ai có thể bị Nhà nước sách nhiễu, truy bức, càng không bị bắt bớ, bỏ tù do có những quan điểm chính trị trái với quan điểm của Nhà nước”.

Điều 12 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Khoản 1 Điều 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế Việt Nam quy định: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.

· Khoản 2 Điều 16 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy dịnh: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị”, điều này có nghĩa không ai có thể bị Nhà nước sách nhiễu, truy bức, càng không bị bắt bớ, bỏ tù do có những quan điểm chính trị trái với quan điểm của Nhà nước.

Điều 258 -Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

· Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội”. Khoản 4 Điều 15 Hiến pháp 2013 quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Như vậy theo Hiến pháp Việt Nam quyền con người, quyền công dân hoặc được thực hiện hoặc không được thực hiện trong trường hợp luật định chứ không thể bị “lợi dụng”.

Khoản 1 Điều 119 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”. Do Hiến pháp Việt Nam 2013 loại trừ hành vi “lợi dụng quyền con người, quyền công dân” nên “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam mặc nhiên vô hiệu.

Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Trước hết, mọi công dân Việt Nam có quyền thành lập hoặc tham gia tổ chức với những căn cứ pháp luật sau:

· Khoản 1 Điều 22 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên quy định “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”.

· Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định “Công dân có quyền lập hội”.

Tiếp theo, căn cứ Khoản 1 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên và Khoản 2 Điều 16 Hiến pháp Việt Nam 2013 như trên đã nói, hội/tổ chức của công dân Việt Nam có quyền bày tỏ quan điểm chính trị của mình cho dù quan điểm đó trái với quan điểm của chính quyền đến đâu.

Như vậy, việc công dân Việt Nam thành lập hoặc tham gia tổ chức chủ trương đấu tranh chính trị một cách phi bạo lực là hoàn toàn hợp pháp và không thể bị coi là nhằm lật đổ chính quyền.

Kết luận lại, do trái với luật pháp quốc tế về quyền con người và trái với chính Hiến pháp của Việt Nam, Nhà nước Việt Nam phải hủy bỏ không chậm trễ các Điều 88,285,79 Bộ luật hình sự và trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho những tù nhân lương tâm bị kết án theo những điều luật phản nhân quyền này.

II. LUẬT HÓA CÔNG ƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC VỀ CHỐNG TRA TẤN

Ngày 7 tháng 11 năm 2013 Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về chống Tra tấn và những hình phạt hoặc sự đối xử tàn ác, hạ nhục nhân cách (UNCAT). Ngay sau đó, ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp mới, ghi nhận nội dung cơ bản của Công ước này. Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Thực ra từ 1982 Việt Nam đã là thành viên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị trong đó Điều 7 quy định “Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Đặc biệt, không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó”. Ngoài ra, trong Bộ luật hình sự Việt Nam có Điều 298 – Tội dùng nhục hình và Điều 299 – Tội bức cung. Thế nhưng tra tấn không những không giảm mà còn gia tăng và điều này tỷ lệ thuận với sự gia tăng số người chết do bị tra tấn bởi quy định nói trên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng như các biện pháp răn đe, phòng ngừa, giảm thiểu tra tấn đã không được luật hóa một cách đầy đủ và chi tiết. Vì vậy, Chính phủ Mỹ cần yêu cầu chính quyền Việt Nam khẩn trương luật hóa Công ước Liên hợp quốc chống tra tấn cũng như Khoản 1 Điều 20 Hến pháp Việt Nam năm 2013, trong đó:

1. Tội danh hóa các hành vi tra tấn được quy định trong Công ước bổ sung cho “Tội dùng nhục hình” và “Tội ép cung” đã được quy định trong Bộ luật hình sự;
2. Ban hành luật bảo đảm luật sư được tự do tiếp cận người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù;
3. Ban hành luật bồi thường cho các nạn nhân của tra tấn;

Chỉ khi nào chính quyền Việt Nam hủy bỏ các điều luật được dùng làm căn cứ để bỏ tù những người bất đồng chính kiến ôn hòa và trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm cũng như luật hóa Công ước Liên Hợp quốc về chống tra tấn thì Việt Nam mới có thể đóng được vai trò của mình trong Hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và người dân Việt Nam mới có thể hy vọng có được một nền Dân chủ đích thực.

Cù Huy Hà Vũ, Email: cuhuyhavuvietnam@gmail.com

(Nguồn: Machsong.org)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bản dịch Nhật Ký Một Tâm Hồn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII
Lm Trần Văn Thông/ LM. Trăng Thập Tự
08:31 07/05/2014
Đức Giáo Hoàng GIOAN XXIII: NHẬT KÝ TÂM HỒN

LTS: Vietcatholic nhận được tác phẩm Nhật Ký Tâm Hồn của đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII do LM Trần Văn Thông dịch, LM Trăng Thập Tự bổ túc. Đây là một tài liệu tu đức rất giá trị. Do vậy, Vietcatholic sẽ đăng tài liệu này làm nhiều kỳ. Kính mong quý độc giả theo dõi.

Bản Việt ngữ của linh mục Trần Văn Thông, Linh mục Trăng Thập Tự cập nhật theo ấn bản Senatus 1970 và bản Pháp ngữ của Ed. Du Cerf, 1964.

LỜI NGỎ CỦA NGƯỜI CẬP NHẬT BẢN VĂN

Nhận trách nhiệm dẫn đưa các chủng sinh nhỏ của giáo phận Qui Nhơn vào cuộc sống tâm linh, tôi vào thư viện tìm tài liệu và gặp được quyển “Nhật ký tâm hồn” của Đức Gioan XXIII, do cha Trần Văn Thông chuyển ngữ và đề tặng các bạn chủng sinh cùng anh em linh mục. Tôi đã cùng các chủng sinh đọc quyển này và dựa theo đó để giúp các em dấn thân vào đời sống tâm linh thật cụ thể và đầy xác tín. Các em được nâng đỡ rất nhiều trên bước đường tu đức bởi gương sống đầy thuyết phục của Đức Gioan XXIII.

Bản thân tôi thấy tiếc đã không được đọc quyển sách sớm hơn. Nếu đã đọc nó từ thời chủng sinh, hẳn tôi đã tránh được bao nhiêu chuyện thất bại hoặc nản lòng không đáng có và đã tiến nhanh, tiến vững, tiến xa hơn trên đường tâm linh. Với cảm nghiệm của các chủng sinh cũng như của chính mình, tôi được thúc giục cập nhật hóa lại bản văn. Được thực hiện cách nay đã gần 50 năm, bản Việt ngữ của cha Trần Văn Thông, do Senatus Sài Gòn ấn hành năm 1969 và 1970, có dùng một số ngôn từ cũ, bạn trẻ ngày nay có thể không biết nên không hiểu hoặc hiểu sai. Tôi đã trao đổi với Senatus Sài Gòn, xin phép hiệu đính lại bản văn để thích nghi với các bạn trẻ và dễ đọc hơn.

Bản Pháp ngữ của Nxb Du Cerf dày 604 trang, ấn bản Senatus chỉ có 368 trang. Bản Việt ngữ của cha Thông ngắn hơn bản gốc nhiều, lại có đánh số lề từ 1 đến 296, mốc nhật ký ngoài ngày và tháng còn thêm Thứ trong tuần, chỉ giữ một số ghi chú và đưa thẳng vào bản văn chứ không đặt ở cuối trang... Thoạt trông, có vẻ như cha Thông đã dịch từ một ấn bản rút ngắn nào đó, tuy nhiên tôi chưa tìm thấy một ấn bản ngoại ngữ nào tương tự. Qua đối chiếu trong khi làm việc, tôi nghĩ rằng chính Cha Thông đã có sáng kiến rút ngắn và trình bày lại cho các bạn chủng sinh dễ đọc. Nói chung, ngài dịch lấy ý chứ không dịch sát từng câu chữ, nhiều chỗ chuyển thành bút pháp ngắn gọn của người ghi tốc ký, 21 trang niên biểu thu gọn lại 3 trang, 60 câu châm ngôn chỉ giữ lại 19, những lời kinh bị gác lại, những phần không thu hút với chủng sinh bị lược bỏ, các chúc thư được cắt bớt chỉ giữ lấy phần chính, ngay cả lời giới thiệu của Đức ông Loris Capovilla cũng được lược tóm, bỏ bớt đoạn cuối và không ghi tên vị linh mục này. Cuối cùng, nói về quê hương của Đức Thánh Giáo hoàng, có đối chiếu với “Ngã Ba Ông Tạ” ở Sài Gòn cho dễ hiểu thì chắc hẳn đây là tấm lòng ưu ái của một linh mục Việt Nam dành cho các đàn em chủng sinh của mình.

Theo tôi nhận thấy, dù là lược dịch, bản Việt ngữ của cha Trần Văn Thông đã chuyển tải trung thực những nội dung chính yếu của Đức Gioan XXIII. Chúng ta biết ơn sự cống hiến của cha Thông, nhờ đó mà độc giả người Việt có thể dễ dàng tiếp cận chứng từ sống của Đức Gioan XXIII.

Ấn bản cập nhật này giữ nguyên nội dung như ấn bản của Senatus 1970, giữ lại cách ghi ngày tháng của cha Thông. Còn việc đánh số, thay vì đánh 296 số lề, sẽ đánh 88 số trước các sự kiện, theo như bản tiếng Pháp của Nxb Du Cerf 1965 và bản tiếng Anh của Nxb British Library 2000; chọn lựa này nhằm tạo thuận lợi cho việc đọc những tài liệu nghiên cứu có trích dẫn quyển nhật ký này. Các cước chú được đưa về lại cuối trang; niên biểu và tựa đề các cuộc tĩnh tâm được trình bày thống nhất theo ấn bản Du Cerf.

Ước mong rồi đây sẽ có một ai đó thực hiện một bản dịch thật sát với nguyên bản, để chúng ta có dịp thưởng thức cả cái tinh tế và phong phú nơi từng câu từ của tác giả.

Giờ đây, tiếp nối tâm tình của cha Trần Văn Thông, tôi xin được chia sẻ thêm đôi ý với các bạn chủng sinh. Trước ngày lễ phong thánh, cha Mai Đức Vinh đã đưa lên trang mạng Vietcatholic một bài viết rất quý giới thiệu con đường nên thánh của Đức Gioan XXIII nói chung và nhật ký của ngài nói riêng. Các bạn chủng sinh nên đọc bài ấy để có một cái nhìn tổng quát trước khi đọc từng trang nhật ký.

Chính Đức Gioan XXIII đã đặt phụ đề cho nhật ký là “Những cuộc tĩnh tâm và ghi chú tâm linh 1895-1962” – đúng như mục lục cuối sách cho thấy. Những tuần tĩnh tâm nhiều ngày của ngài từ những năm ở Đại chủng viện đến quãng đời phục vụ về sau, nếu không thấy ghi rõ là theo bố cục khác (có lẽ chỉ có ba lần), thì nên hiểu là diễn tiến theo khung Linh Thao của Thánh Inhaxiô. Linh Thao có bố cục như một bài luận với nhập đề (nguyên lý và nền tảng – suy nghĩ về mục đích cuối cùng của cuộc sống), thân bài gồm ba phần (1. dứt khoát với tội lỗi, 2. nghe tiếng Chúa Giêsu gọi và quảng đại bước theo Ngài đến cùng trong sự khiêm nhường thẳm sâu, 3. nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong mầu nhiệm Tử nạn – Phục sinh) và kết luận (chiêm niệm để hiệp nhất trong tình yêu với Thiên Chúa giữa đời thường). Diễn tiến chung là thế nhưng mỗi lần tĩnh tâm mỗi khác. Nắm được điều đó để nếm cảm sâu sắc những trang đúc kết các cuộc tĩnh tâm thì mới thấy lý thú và rút ra được nhiều ích lợi cho bản thân.

Với “Nhật ký tâm hồn” này chúng ta có một minh họa sống động để hiểu rằng nhân đức tự nhiên là thành quả của những thói quen được lặp đi lặp lại. Đức Gioan XXIII đã kiên trì luyện tập từ ngày còn là chủng sinh, cả cho tới khi đã là Giáo hoàng vẫn không ngơi nghỉ việc thường xuyên kiểm tra những gì mình đã tập luyện được. Đúng như Thánh nữ Têrêxa Avila nhắc nhở, dù đã tiến xa tới đâu trên đường tâm linh vẫn không được bỏ qua những cố gắng bản thân để hưởng ứng ơn Chúa. Đức Gioan XXIII luyện tập hằng năm nhờ các tuần Linh thao, hằng tháng nhờ tĩnh tâm, hằng tuần nhờ bí tích Giải tội, hằng ngày nhờ việc xét mình, Thánh lễ, viếng Chúa và kinh thần vụ, rồi hằng giờ bằng việc bổn phận và từng giây phút bằng những lời nguyện tắt giục lòng yêu mến Chúa.

Ngày nay, khi những cám dỗ trần thế bủa vây; tiền bạc, hư danh và tình dục tấn công thường trực cách thô bạo, sự cố gắng liên lỉ của bản thân càng cần thiết biết bao. Đôi lúc các bạn chủng sinh có thể nao núng, thấy mình lẻ loi giữa một xã hội đang đua nhau sống buông thả theo dục vọng, thế nhưng nối gót Đức Gioan XXIII, ta luôn nhớ lời Thánh trẻ Stanislas Koska: “Tôi sinh ra cho những điều cao cả hơn”.

Cũng như Đức Gioan XXIII, nhìn lại ơn Chúa trên gia đình và trên bản thân mình, mỗi chúng ta được thôi thúc cố gắng không ngừng để đáp đền tình thương Thiên Chúa với ước mơ được trọn đời phục vụ vinh danh Chúa và sự cứu rỗi các linh hồn. Cũng như Đức Gioan XXIII, tín thác vào Chúa, ta sẽ cảm nghiệm được sức mạnh của ơn Chúa, sẽ thấy Thiên Chúa không bao giờ chịu thua kém sự quảng đại của ta. Chính Chúa sẽ gìn giữ chúng ta trong phẩm giá cao quý của những con người tự do đích thực, thoát khỏi mọi ràng buộc để cất cánh bay cao, hiệp nhất với Ngài ngay giữa cuộc lữ hành từng ngày trên dương thế.

Qui Nhơn, ngày 05-05-2014

Linh mục Trăng Thập Tự

LỜI GIỚI THIỆU

Quyển sách không cần đề tựa dài dòng, chỉ cần đọc những dòng đầu, đủ khiến bạn suy nghĩ và biết đâu bạn sẽ có nhiều quyết định đổi mới đời sống, vì chỉ riêng tên gọi Gioan XXIII đã gây niềm thông cảm và tin tưởng sâu xa nơi lòng bạn.

Đây là những dòng tâm huyết trong ngần của một con người, của người linh mục, đơn sơ nhưng chứa đựng sức sống bên trong dồi dào với những vẻ đẹp hấp dẫn, an ủi và khích lệ người đọc.

Đây những trang nhật ký, tác giả đã tự ghi lại khi tuổi vừa 14, từ năm 1895 đến vài tháng trước khi về cùng Chúa (lễ Hiện xuống 1962), BẢY MƯƠI NĂM dài của con người từ chủng sinh đến cương vị Giáo hoàng.

Chính Đức Gioan XXIII đề tên cho quyển sách là “Tâm hồn Nhật ký” từ năm 1902, dưới ánh đèn dầu leo lét của chủng viện, sau giờ nguyện ngắm. Những quyển Nhật ký được ngài đọc lại luôn để tự kiểm thảo và nhìn thẳng vào tâm hồn mình.

Mùa xuân 1961, một năm trước khi về Nhà Cha, Đức Gioan XXIII, rơi lệ khi đọc lại những nét chữ của quyển Nhật ký số 1, tức những gì đã được ghi khi ngài vừa 14 tuổi, và ngài bảo vị thư ký: “Khi tôi chết rồi, cha có thể phổ biến những quyển Nhật ký nầy. Biết đâu nó có ích cho những bạn trẻ đang tiến về chức linh mục và những ai muốn sống liên kết với Thiên Chúa”.

Ai cũng nói đến lòng “đạo đức” của Đức Gioan XXIII, nó chính là nguồn của tính đơn sơ, uy tín của đời linh mục, bình tĩnh và can đảm. Chính ngài đã tiết lộ vào năm 1959: “Cảm ơn Chúa đã gìn giữ tôi khỏi tính nhát sợ, âu lo vô ích, bao giờ tôi cũng sẵn sàng vâng lời, từ việc lớn đến việc nhỏ. Nhờ đó Chúa đã ban cho dù nhỏ hèn yếu đuối vẫn được can đảm đến độ mạo hiểm một cách đơn sơ, đúng tinh thần Tin mừng, khiến ai cũng phải nể, và cảm hóa được nhiều người”.

Vì vậy mà mọi người đều gọi ngài là Giáo hoàng nhân hậu, Giáo hoàng của mọi người, cha xứ của thế giới, nói gì ai cũng nghe, mọi người qua ngài mà xích gần lại nhau. Và, hôm dự đám táng của ngài, mọi người nhìn nhau, thông cảm, tự hỏi lòng mình: “Cái chết không buồn thảm, mà lại long trọng, đáng cái chết. Tại sao gần bên xác ngài, chúng ta lại thấy mình rất gần nhau, là anh em nhau hơn một cách cụ thể, thật khó tả!”

Câu thắc mắc đã được trả lời: vì Gioan XXIII là một linh mục cao cả, luôn luôn phục vụ, bất cứ ở đâu, bất cứ ở cương vị nào, sức phục vụ của ngài không vơi đi với không gian và thời gian.

Gioan XXIII chết, đã đem lại hòa bình, hòa bình cho các tâm hồn, cho các gia đình, cho tuổi trẻ sa đọa, giúp họ lấy lại được niềm tin và cầu nguyện chân thành như thuở còn thơ. Vợ chồng hứa sẽ yêu thương nhau chân thành hơn, ý thức hòa bình sẽ lan rộng khắp thế giới, mọi người đang tìm về sum họp đúng như câu “bốn biển anh em một nhà”. Câu này từ lâu đã bị chiến tranh, và ý thức hệ đã làm mất đi ý nghĩa.

Nhật ký thuật lại nhiều vấn đề cụ thể.

Từ một gia đình gương mẫu, nơi tuổi thơ của ngài đã hấp thụ giáo huấn đầu tiên.

Chuyện một ông chú tuy sức học Sơ cấp, giáo lý rất thường do cha sở dạy, nhưng đối xử với hàng xóm theo tinh thần Kinh Thánh, ông chú sống đời độc thân gương mẫu, đạo đức sâu xa.

Chuyện các linh mục: từ cha sở già đã rửa tội và cho ngài rước lễ lần đầu, đến Cha Dòng Chúa Cứu Thế linh hướng chủng viện, cha Giám đốc chủng viện, những gương sống động của Tin mừng đã xây dựng đời thánh thiện cho ngài.

Một cậu bé 14 tuổi, chữ viết rất xấu, mà đã mở đầu Nhật ký bằng câu của Công đồng Trentô dạy các linh mục rằng: “Linh mục phải tránh tội nhẹ, vì tội nhẹ đối với linh mục vẫn gây thiệt hại nặng nề”. Và suốt đời Gioan XXIII không bao giờ phạm một tội nhẹ cố ý.

Còn bao nhiêu câu chuyện đơn sơ nhưng thiết thực ta sẽ gặp trong Nhật ký. Chưa kể những nét về địa dư và lịch sử của 70 năm dưới mắt Gioan XXIII.

Lãnh sứ vụ Giáo hoàng, ngài vui vẻ can đảm bước lên đoạn chót gay go, đứng thẳng của đồi Calvê. Càng già, nhân đức càng cao: luôn tin Chúa, nối gót Đức Kitô, yêu tất cả với lòng vị tha quảng đại.

Gioan XXIII đơn sơ, dịu hiền, trong trắng, hy sinh can đảm đến mạo hiểm, một vĩ nhân.

Toàn bộ Tâm hồn Nhật ký nói lên những nét độc đáo ấy…

Đọc xong bộ Nhật ký, ta càng thấy rõ hướng đi mới, vừa rõ ràng, vừa can đảm của Giáo Hội “trước cái thế giới tân tiến và phức tạp” trong lối suy tư, trong sự quyết định, và cách xử thế.

NIÊN BIỂU GIẢN LƯỢC

TỪ 1881 ĐẾN 1963

Từ một chủng sinh 14 tuổi đến Giáo hoàng 81 tuổi, một hướng đi với những nét nổi bật.

1881 – 1900

1881 (25-XI): Gioan XXIII (tên tộc Angelo Giuse Roncalli) chào đời, rửa tội ngay hôm ấy. Ông chú (em ông nội) độc thân, đạo đức, làm bõ đỡ đầu.

1888 Rước lễ lần đầu vừa 7 tuổi là chuyện lạ vào thời này.

1889 Lãnh bí tích thêm sức.

1892 Vào Tiểu chủng Viện Bergamô.

1895 Qua Đại chủng viện.

1895 Chịu phép cắt tóc, mặc áo dòng.

1896 Bắt đầu viết quyển Tâm hồn Nhật ký.

1900 Hết năm thứ hai Thần học.

1901-1963

1901 Đầu năm: vào Viện Thần học Rôma, (4/1)

Cuối năm: đi nghĩa vụ quân sự (30-XI).

1902 Lên hạ sĩ (31-5).

Lên Trung sĩ và tạm giải ngũ để tiếp tục học (30-XI).

1904 Tiến sĩ Thần học – Thụ phong linh mục (18/8).

1905 Thư ký Tòa Giám mục.

1906 Hành hương Thánh địa, Giáo sư Đại chủng viện.

1915 Tái ngũ.

1916 Tuyên úy quân y viện Bergamô.

1918 Giải ngũ (10/12).

1920 Phục vụ Thánh bộ Truyền giáo.

1925 Khâm mạng Tòa thánh tại Bulgary, thăng Tổng Giám mục.

1934 Đại diện Tông Tòa tại Thổ Nhỹ Kỳ và Hy Lạp.

1935 Thân phụ qua đời (28/7).

1939 Thân mẫu qua đời (20/1).

1944 Khâm sứ Tòa Thánh tại Pháp (30/12).

Thăm trại tù binh Đức (18/9), tại Chartres, nơi đây có nhiều chủng sinh bị cầm tù, ngài tổ chức lớp Thần học cho họ ngay trong khám.

1953 Nhận tước Hồng Y, và là Giáo chủ Venise.

1954 Đại diện Đức Thánh Cha, chủ tọa Đại hội Thánh Mẫu tại Thủ đô Liban.

1956 Fatima, chủ tọa lễ giáp 25 năm dâng nước Bồ Đào Nha cho Trái Tim Đức Mẹ.

1958 Đắc cử giáo hoàng (28/90).

1961 Thông điệp Mẹ và Thầy (15/5).

1962 Tuyên bố (2/2) họp Công đồng Vantican II vào tháng 10.

Hành hương Loretto và Assisi, (4/10) để cầu nguyện cho Công đồng.

Khai mạc Công đồng, sáng 11-10-1962 vô cùng long trọng.

1963 Giải thưởng Hòa bình (1/3).

Thông điệp “Hòa bình trên thế giới” (9/4).

Thánh lễ cuối cùng (17/5).

Về cùng Chúa lúc 19g49 (3/6).
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Tiên tri Khổng Tử
Trà Lũ
12:30 07/05/2014
Lá Thư Canada: TIÊN TRI KHỔNG TỬ

Sau mấy tháng băng giá mùa đông, mùa xuân đã thực sự đến với miền đất hạnh phúc này. Làng An Lạc của chúng tôi đã sinh hoạt náo nhiệt trở lại, khởi đi từ lễ Phục Sinh. Thật đúng như lời ông cha già Paolo: Chúa Sống lại từ cõi chết đã kéo theo vạn vật cùng sống lại với ngài. Cỏ hoa sau bốn tháng bị chôn vùi dưới tuyết nay đã sống lại, đã chỗi dậy, rất sung mãn. Cụ Chánh chỉ vào lớp cỏ xanh đang nhú lên khỏi mặt đất: Đây là phép lạ nhãn tiền. Cỏ cây đã chết trong mùa đông, ai đã đã làm cho chúng sống lại? Không những sống lại mà còn trổ ra bông vàng bông đỏ, mà còn sinh ra trái thơm trái ngọt. Ai đây ? Thiên Chúa chứ còn ai ! Các cụ đã thấy cụ Chánh tiên chỉ làng tôi bây giờ sùng đạo Chúa chưa? Tôi nhớ hồi tháng trước đầu mùa Phục Sinh, anh chị John rủ cụ đi dự Lễ Tro ở nhà thờ. Cụ cũng lên nhận tro như mọi người. Lúc Cha Paolo xức một chút tro lên trán cụ rồi nói: “ Cụ hãy nhớ mình là tro bụi, rồi sẽ trở về tro bụi ”. Cụ nghe xong liền chảy nước mắt.

Sau lễ Phục Sinh là lễ Các Bà Mẹ, Mother’s Day. Không biết các nơi khác thế nào chứ ở Canada lễ này mừng lớn lắm. Đây là dịp con cái nhớ đến công ơn Mẹ. Làng tôi có một truyền thống bất thành văn là phe liền ông phụ trách nấu cỗ thết các bà trong ngày đại lễ này, và phe các bà sẽ nấu cỗ trong ngày lễ tôn vinh các người Cha, Father’s Day, vào tháng sau.

Ông ODP là trưởng ban nấu cỗ năm nay. Cỗ được tổ chức tại nhà ông. Nói là cỗ nhưng không phải là ‘cỗ’ theo lối Bắc Kỳ. Ông cười hà hà: Nếu làm cỗ theo lối Bắc Kỳ ngày xưa thì vất vả lắm, mâm cỗ phải có đủ 10 món, chia làm 5 bát và 5 đĩa. Tôi là dân Bắc Kỳ nhưng qúa nửa đời sống trong Nam, tôi là dân có máu Nam Kỳ nhiều hơn máu Bắc Kỳ. Ông đã nấu một món canh cá rẫt đỗi Mièn Nam, theo lối dã chiến của nhà binh, vừa lẹ vừa ngon hết biết. Khi miếng cá trong nồi canh có thể dùng đũa tách ra khỏi xương là coi như cá đã chín, đó là lúc bỏ đồ bồi vào, nào bạc hà, nào giá, nào đậu bắp, nào cà chua, nào rau om. Bỏ vào lúc nồi canh đang sôi, khi nó sôi trở lại là bưng ra nhậu liền. Mời cụ xơi với bún, với cơm tùy ý. Ngon quên chết. Cụ B.95 vừa ăn vừa nói: Lần đầu tiên tôi nghe một tiếng mới của Miền Nam. Đố các bạn biết tiếng đó là tiếng gì? Nào có ai để ý đâu ! Cụ cười rồi nói: Đó là tiếng ‘đồ bồi’. Ngươì Miền Nam gọi các thứ rau cho vào nồi canh cá lúc nãy là ‘đồ bồi’. Rõ ràng ông ODP đã nói đi nói lại tiếng này. Ông gốc Bắc Kỳ nhưng cái tâm cái trí của ông là Nam Kỳ đặc. Năm xưa, chắc chắn ông phải có người yêu Nam Kỳ, cái điệu như ông thì không những chỉ có một mà dám có nhiều cô bồ Nam Kỳ. Chị Ba Biên Hòa nói lớn tiếng ngay: Dĩ nhiên rồi, chắc phải có nhiều cô Nam Kỳ mê ông lắm. Mà đâu phải chỉ Nam Kỳ, chính ông ngày xưa đã thú rằng ông xém chết vì mấy cô Huế nữa cơ mà ! Cả làng cười ồ lên, và ai cũng gật gù đồng ý về lập luận của Chị Ba. Ông ODP cười hà hà khoả lấp: Hôm nay ngày tôn kính các bà mẹ, chúng ta phải nói các chuyện tôn vinh các bà mẹ, cớ sao lại lấy chuyện người yêu Nam Kỳ và Trung Kỳ của tôi ra mà nói. Anh John đâu, vợ anh đang tố khổ tôi, xin anh đừng theo gương vợ mà lạc đề, bữa nay xin anh hãy nói về ‘lòng mẹ bao la như biển Thái Bình’ coi.

Anh John đáp ngay: Xin tuân lệnh. Mới đây có người xin tôi kể một câu chuyện về Mẹ mà tôi cho là hay nhất. Thật khó quá chứ. Nói về lòng Mẹ thì bao nhiêu là chuyện. Nhưng chuyện nào hay nhất? Cái khó là ở chữ hay nhất này. Nó tùy hoàn cảnh. Tôi đem đề tài khó này hỏi một ông bạn già. Ông này gốc nhà binh. Ông kể cho tôi một chuyện khi ông còn tại ngũ khi xưa. Chuyện như sau:

Hồi đó tôi có một chú lính làm vệ sĩ. Một hôm hai thày trò cùng tiểu đoàn đi hành quân. Bất ngờ chúng tôi bị lọt ổ phục kích. VC bắn như mưa. Nhờ phúc đức tổ tiên, chúng tôi thoát chết. Chú vệ sĩ mặt tái mét không còn giọt máu. Về đến trại, bỗng chú òa lên khóc ‘ Mẹ ơi mẹ đã cứu con…’. Tôi hỏi tại sao khóc thì chú nức nở: Tháng trước em được đi phép, em về nhà thăm mẹ. Nhà em nghèo lắm, mẹ em suốt ngày tần tảo ngoài chợ bán rau. Mẹ em chắt chiu để dành từng đồng. Thấy em về thì mẹ em đập con heo đất lấy hết tiền để dành đi mua một ký thịt heo và làm ruốc cho em. Mẹ em bỏ hết ruôc vào cái lon guigoz này. Em từ chối, em nhất định không lấy vì lòng dạ nào mà ăn ruốc khi hàng ngày mẹ em ăn cơm hẩm với mắm. Mẹ em nhất định bắt em lấy. Bà nhét lon ruốc vào cái bị đeo vai này. Em vừa đeo cái bị này đi hành quân. Em về thấy cái bị có vết đạn. Em mở bị ra coi, và thấy lon ruốc bị bể. Một viên đạn của VC nằm gọn trong lon ruốc này. Thế có nghĩa rằng nếu không có lon ruốc đỡ đạn thì viên đạn này đã bắn vào tim em rồi ! Lon ruốc của mẹ đã cứu em…

Chuyện thật là cảm động. Nhưng chưa hết. Ông bạn già kể tiếp. Ít lâu sau chú lính nghe tin mẹ đau nặng nên tôi cho chú mấy ngày về thăm. Hết phép, vể trại, chú kể: Xếp ơi, mẹ em xém chết. Sau lon ruốc thứ nhất, mẹ em lại chắt chiu định làm cho em lon ruốc thứ hai. Chị em kể; Tuần qua, mẹ đi bán rau cả chợ chiều, lúc về mẹ cho chị thấy miếng thịt. Mẹ bảo sẽ làm ruốc ngay cho em vì thịt còn tươi. Nào ngờ mẹ mệt quá, mẹ đuối sức ngã lăn ra bếp. Thấy động, chị em chạy xuống thì thấy mẹ đã xùi bọt mép. Chị tri hô lên, ông hàng xóm chạy sang, rồi nhờ có xe ông chở mẹ đi trạm y tế, và người ta cứu kịp…

Anh John kể tiếp: Đó là chuyện về lòng mẹ mà ông bạn già của tôi ở Biên Hòa ngày xưa kể. Tôi cũng vừa đọc trên báo mạng chuyện một ông linh mục Đại Hàn tên là Lee Tae-Seok. Các bạn có bao giờ nghe chuyện này chưa? Trong giới nhà thờ Công Giáo thì ai cũng biết chuyên Cha Lee. Chắc ông này sẽ là vị thánh đầu tiên của Thế kỳ 21. Ông sinh năm 1962, là người con thứ 9. Gia đình rất nghèo nhưng sống rất đạo đức. Cha ông chết sớm, mẹ ông tần tảo nuôi một đàn con 10 đứa. Ông bản chất thông minh, học giỏi. Ông thấy người anh đã đi tu nên ông cũng muốn đi tu theo, nhưng mẹ ông không cho. Mẹ ông muốn ông học làm bác sĩ. Để làm đẹp lòng mẹ, ông vâng lời học y khoa và ông đã thành một bác sĩ y khoa nổi tiếng trong quân đội Đại Hàn. Sau đó ông thưa với mẹ: Con đã vâng lời mẹ, đã học y khoa. Nay xin mẹ cho con được theo lời Chúa gọi. Mẹ ông gật đầu và ông đã đi tu dòng Don Bosco, dòng chuyên tâm phục vụ giới trẻ. Khi ông sắp chịu chức linh mục thì ông được Nhà Dòng cho ông đi thăm xứ Sudan ở Phi Châu. Ông đến thăm khu người cùi ở miền Tonj. Lần đầu tiên thấy người cùi bẩn thỉu nghèo nàn dơ dáy thì ông ngất xỉu. Lúc tỉnh lại thì ông xin lỗi về việc ngất xỉu này, ông xin hứa cải thiện và sẽ trở lại. Về Đại Hàn lãnh chức linh mục xong thì ông xin trờ qua Sudan, xin được phục vụ khu người cùi ở Tonj trước đây. Ông đến sống giữa lớp người bệnh tật đau khổ bần hàn và tuyệt vọng này. Ông kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Và ông đã làm được phòng chữa bệnh, nhà thương. Ông vừa là bác sĩ vừa là y tá tự tay băng bó và chữa bệnh cho nhiều người. Bệnh nhân khắp nơi chạy về đây. Ông làm việc cả ngày cả đêm. Ngoài tài chữa bệnh, ông còn tài âm nhạc, ông ca hát và thổi kèn rất hay. Ông lập ra một ban nhạc cho lớp trẻ ở đây. Ai cũng chạy đến với ông. Ông sống với các người Sudan nghèo khổ bệnh cùi được hơn 9 năm thì thấy sức khoẻ xuống dốc kỳ lạ. Ông về lại Đại Hàn để chẩn bệnh. Người ta khám phá ra ông bị ung thư cột sống và gan ở vào giai đoạn cuối cùng, vô phương cứu chữa. Và ông đã ra đi vĩnh viễn ngày 14 tháng Giêng 2010, vừa tròn 47 tuổi. Trong lễ an táng người ta thấy bà mẹ ông ôm xác con mà khóc ngất không thôi. Nhà Dòng đã làm một đoạn phim ngắn về cuộc đời của Cha Lee. Ai xem xong cũng thấy lòng mình xúc động. Một vị lãnh tụ già của một tôn giao lớn đã nói: Các đạo hữu của tôi mà xem đoạn phim cảm động này thì chắc họ sẽ xin nhập đạo Công Giáo của Cha Lee hết.

Nghe anh John kể đến đây thì cả làng An Lạc đều đòi anh John cho xem đoạn phim gây xúc động này. Anh bảo đoạn phim có tên là ‘ Hỡi Sudan, xin đừng khóc thương tôi / Don’t Cry for Me, Sudan’. Bạn lên mạng, mở tìm Lee Tae Seok là thấy liền.

Xem phim:Hỡi Sudan Đừng Khóc Thương Tôi

Nghe Anh John kể chuyện Cha Lee vì vâng lời mẹ mà học y khoa, nhờ vậy mà ngài đã chữa bệnh và cứu được bao nhiêu người cùi ở Sudan, tôi chợt nhớ tới những lời bà mẹ của cụ Huỳnh Văn Lang. Các bạn đã đọc 2 cuốn sách mới nhất của nhà văn lớn Huỳnh văn Lang chưa? ( Ký Ức Huỳnh Văn Lang, tập I-2011 và tập II-2012), Nếu chưa thì nên đọc ngay. Hay vô cùng, hay thấm thía. Tác giả nói đi nói lại 4 lời mẹ ông dặn;

- Con làm cái gì, dù chơi nhỡn, cũng phải làm đến nơi đến chốn. Không làm thì thôi, đừng mất thời giờ vô ích…

- Đừng bao giờ nhổ nước miếng xuống giếng mà con đã uống nước, dù chỉ một lần thôi.

- Tiền cho người là tiền bỏ ống

- Bạn gái, con phải xem là chị của con, là em của con, không nên làm hỗn

( Ký Ức Huỳnh Văn Lang, tập II, trang 679 )

Trên đây tôi vừa gọi Cụ Lang là nhà văn lớn. Gọi xong thì tôi thấy không ổn, vì viết văn chỉ là một mặt nhỏ của Cụ mà thôi. Tôi gọi là Cụ vì năm nay Cụ đã ngoài 90. Cụ là con trai một đại điền chủ Miệt Vườn, ở Trà Vinh. Thời mới lớn cụ đã đi tu, xém làm linh mục. Cụ là bạn học với 3 vị giám mục nổi tiếng Nguyễn Kim Điền, Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Văn Bình. Cụ là người có đầu óc lớn, luôn luôn cầu tiến. Cụ đã xuất dương du học tại Pháp, Canada và Mỹ. Năm 1954, đáp lời kêu gọi của Ông Ngô Đình Diệm cụ đã hồi hương giúp nước. Cụ đã sống một thời gian đầu với Ông Diệm ngay trong Dinh Gia Long. Cụ Huỳnh văn Lang là người đa tài, vừa có tài vừa có lòng vừa có trí. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, về mặt chính quyền thì Cụ phụ trách Ngân Hàng Quốc Gia, về mặt văn hóa thì Cụ lập ra Hội Văn Hoá Bình Dân vừa dạy chữ vừa dạy nghề cho không biết bao nhiêu ngàn người trên toàn cõi Miền Nam. Cụ lập ra một tờ báo hết sức trí thức, đó là tờ Bách Khoa, hồi xưa Miền Bắc chỉ nể có tờ này. Sau 1963, Cụ Lang đi vào ngành thương mại, từ nhập cảng xe Honda tới các ngân hàng tư, tới xuất cảng gỗ sang Nhật, ngành nào cũng thành công. Ngoài việc buôn bán, cụ còn những cái thú tiêu khiển của một công tử nhà giàu, rất rành rẽ, như đá cá, đá gà, đi săn. Cái gì cũng đạt mức thượng thặng. Cụ bảo cụ theo đúng lời mẹ dạy mà. Tôi mê nhất 40 trang cụ viết về cuộc đi săn cọp ở làng người Thượng Pang-Sim vùng Tùng Nghĩa miền Đà Lạt. Phải là người trong cuộc, biết rành về súng săn, biết đường đi nước bước của con thú, biết cách ngụy trang chờ mồi, biết kiên nhẫn, thì cụ mới viết hay và hấp dẫn như thế. Cụ đã làm độc giả hồi hộp hơn 40 trang giấy, mãi ở trang cuối cùng cụ mới nổ súng và hạ được một con cọp rất lớn. Đọc xong chuyện đi săn này của Cụ Lang thì tôi mới suy ra rằng: xưa nay các bài tả về săn bắn, tôi cho rằng đa số tác giả đều phịa, đều dùng trí tưởng tượng. Chỉ có Cụ Lang là người thực việc thực. Lời cụ viết ra là lời đích thực và có thẩm quyền. Giọng văn người Miền Nam nhưng văn có thần.

Qua 1500 trang sách của 2 tập hồi ký, tôi học được rất nhiều, nhất là về lịch sử. Chẳng hạn khi vừa thu hồi độc lập, quốc trưởng Bảo Đại đã ký sắc lệnh ngày 2.5.1945 cho thả hết mọi tù chính trị đang bị giam ở Côn Đảo, khoàng hơn mười ngàn người, trong số này chỉ có chừng 150 người tù gốc quốc gia, tất cả còn lại đều là tù gốc cộng sản do Pháp bắt giam từ thời XôViết Nghệ Tĩnh. Nhóm tù CS này dẫn đầu là Lê Duẫn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng… Sau khi được thả, nhóm này đã không ra Bắc mà ở lỳ lại Miền Nam, lập chiến khu ở Miền Nam. Chính nhóm này đã đánh phá Miền Nam, giết không biết bao nhiêu người Quốc Gia.

Chẳng hạn Hồ Chí Minh có tới 7 vợ: Ở Pháp thì có Cô Bourdon, Cô Bière, ở Tàu thì có Cô Mao Từ Mẫn, Cô Lý Xảo Văn, cô Tăng Tuyết Minh, ở Hong Khong thì lấy Cô Nguyễn Thị Minh Khai vợ của đồng chí Lê Hồng Phong, về hang Pac Bó thì có cô Đỗ thị Lạc, rồi cô Nông Thị Xuân…

Phần lớn nội dung nói về chinh trị, văn hóa, xã hội nhưng hai sách này không khô cứng khó đọc. Tôi thấy nhiều chỗ cũng ướt lắm như khi Cụ về viết về mấy người đẹp, Cô Huyền, Cô Tám, Cô Andrée. Nhiều chỗ cũng nổ lửa như khi Cụ chê GS Vũ Quốc Thúc có nhiều thành kiến sai lầm, chê Ông Nguyễn Hữu Hanh, Tổng Giám Đốc Ngân Hàng quốc gia đã làm nhiều việc bất công, chê Thượng tọa Thích Trí Quang là láo…

Nghe tôi kể đến đây thì ông ODP cắt ngang. Ông bảo nhân chuyện bác Hồ nhiều vợ, và nhân bài tháng trước ông Trà Lũ nói tới chữ CÓC đồng nghĩa với chữ ‘Không’, ông chợt nhớ tới lãnh tụ Võ Văn Kiệt của VC. Cụ Kiệt sống tới 85 tuổi mới lấy vợ. Vợ cụ là bà Phan Lương Cầm, kỹ sư hóa học. Thiên hạ cười Cụ Kiệt là trâu già gặm cỏ non, nên mới có thơ rằng:

Cụ Kiệt cưới Cô Cầm

Cái cô Cầm cần, cụ Kiệt cóc có

Cái cụ Kiệt có, cô Cầm cóc cần…

Dân làng tôi đã bò ra cười, mãi mới thôi.

Tiện đây tôi xin xưng một tội lẫn: Trong bài Đánh Tan Quân Tàu vừa qua, khi nói tới hiệp định đình chiến 1973, tôi gọi là Hiệp Định Geneve. Tôi đã lẫn. Đó là Hiệp Định Paris, cái hiệp định mà Hoa Kỳ bắt ép VNCH phải ký, rồi họ buông xuôi, rồi gián tiếp giao Miền Nam chúng ta cho Cộng sản. Tôi than với một bà trong nhóm bạn già là vì tôi già nên lú mất rồi. Bà già này rất gân, bà già tóc già tai chứ cái đầu không hề già. Bà cười ha hả rồi đọc tặng tôi một bài thơ. Hôm nay đầu mùa xuân, ngày rộng tháng dài, nhân đang nói chuyện chữ nghĩa, tôi xin chép nguyên văn bài thơ của bà gìa gân ra đây để các cụ đọc chơi cho vui nha:

Già Ơi Chào Mi

Ngày xưa sáu chục đã già

Bi chừ tám chục vẫn còn là son

Điện thoại tán gẫu cười giòn

Tía lia như thuở trăng tròn mười lăm

Tại sao ta phải quan tâm

Chuyện ngồi xe đẩy hay cầm ba to ong?

Cứ tin mình vẫn còn ngon

Dù đủ chin chục hay tròn một trăm

Việc chi khóc kín than thầm

Trời dù có sập cái rầm đã sao

Bỏ qua những chuyện tào lao

Dùng internet nói khào mua vui

Yêu đời như bọn tụi tui

Khi gần nhắm mắt còn cười ha ha

Đọc xong bài thơ tếu này các cụ phương xa có thấy bọn tôi vui không. Bà bạn già này còn bảo: Tên của bọn mình không phải là ‘các cụ già’ mà là ‘ nhóm thanh niên thanh nữ cao niên’nha.

Tôi đem chuyện tếu này kể cho một ông bạn già khác thì ông già này cười hắc hắc rồi kể một câu chuyện. Rằng trong một buổi tiệc mừng một cụ già 100 tuồi, có người xin cụ bí quyết sống lâu. Cụ này cười rồi bảo: Tôi có bí quyết gì đâu! Mỗi sớm mai thức dậy, tôi cám ơn Trời đã cho tôi còn sống, rồi tôi tự hỏi hôm nay tôi muốn sống ở thiên đàng hay ở hỏa ngục. Dĩ nhiên là tôi chọn thiên đàng. Và tôi bắt đầu một ngày mới như sống ở thiên đàng vậy. Cái bà già tếu kia chắc vẫn cho mình ngày nào cũng sống ở thiên đàng. Đã ở thiên đàng thì làm gì còn nghĩ bậy, còn nói hành nói xấu, còn ăn cắp, còn đánh nhau…

Rồi phe các bà xin anh John nói về những nét đặc biệt của tiếng Việt mà anh là ngoại nhân đã nhìn thấy. Xưa nay anh John có những nhận xét về tiếng Việt rất hay, những thứ mà chúng ta nói đã quen miệng, nghe đã quen tai nên không nhìn ra. Anh kể: Tuần qua tôi chợt tìm thấy trong tập ca dao dân gian có mấy câu mà nam nử ngày xưa tỏ tình rất hay và rất thơ. Chẳng hạn anh con trai khen cô gái như thế này:

Em ăn em nói em cười

Kiếp này không có hai người như em !

Hay qúa chứ. Tôi mà là cô gái và được bạn trai khen như vậy thì chắc tôi ưng anh này liền, cho anh ta bàn tay tôi liền.

Chỗ khác tôi thấy câu anh con trai tán cô gái cũng hay thấm thía:

Trên trời có vạn ngôi sao

Hai ngôi sáng nhất lọt vào mắt em !

Con trai VN tán gái vừa văn chương vừa giầu trí tưởng tượng quá chứ!

Rồi anh John cười hì hì. Nhưng mà có một giai thoại kể rằng: cái anh kia vừa tán cô gái bằng hai câu thơ trên đây, cô gái đáp lại ngay.

Trên trời có vạn ngôi sao

Hai ông nặng nhất lọt vào miệng anh !

Nghe xong thì thấy câu đáp lễ cũng quá hay và khen cô gái quả là mau trí. Nhưng nếu ta nghĩ thêm chút nữa thì thấy không phải cô gái khen mà là cô ấy chê. Cô gái chê anh này nói xạo. Này nha, cô ta bảo: ’ sao nặng’, sao nặng nếu đánh vần thì hóa ra là ‘sạo’, tức là anh ba xạo !

Các bạn trẻ nào chưa có vợ nên cẩn thận, đi tiệc tùng mà được cô gái khen là có ‘ ngôi sao nặng lọt vào miệng’ thì hiểu là cô ta chê đó.

Đến đây thì bà cụ B.95 giơ tay xin nghe chuyện thời sự. Cụ bảo mỗi lần họp làng là mỗi lần cụ được 3 sự sung sướng: ăn ngon, cười nhiều và biết thêm tin thời sự. Đây là phần vụ của anh John. Anh John xin kể ngay.

Chuyện thứ nhất là chuyện chính trị ở Québec sát ngay Ontario của chúng ta. Thuở xưa, người da trắng đầu tiên đến buôn bán rồi lập nghiệp ở Canada này là người Pháp, con cháu của ông Tây Jacques Cartier. Người Pháp đến trước, người Anh đến sau. Hai sắc dân này tranh đất của nhau, rồi đánh nhau, rồi Anh thắng, Pháp thua. Con cháu người Pháp vẫn nhớ cái thua trận này. Tuy Quebec là một trong 4 tỉnh bang đầu tiên lập ra nước Canada, người Pháp vẫn thấy ấm ức trong lòng và thấy mình bị ăn hiếp. Người Pháp đã chuyền cái ấm ức và cái hận này xuống cho con cháu, do đó mới có phong trào đòi ly khai là thế. Đảng chủ trương ly khai là đảng Parti Quebecois. Đảng này đã nắm chính quyền mấy lần và họ đã tổ chức trưng cầu dân ý 2 lần, năm 1980 và năm 1995. Tuy họ thất bại nhưng cái đảng này đã làm Canada ngộp thở và xém chết. Nhiệm kỳ vừa qua đảng Parti Québecois cầm quyền nhưng vì là chính phủ thiểu số nên không đủ sức mạnh. Họ tổ chức bầu cử lại quốc hội mong sẽ nắm đa số để tổ chức trưng cầu dân ý về việc ly khai, lần thứ ba. Cuộc bầu cử đã diễn ra ngày 7 tháng Tư vừa qua, và đảng Parti Québecois thảm bại, chỉ được 30 ghế quốc hội. Đảng Tự Do thắng lớn, chiếm tới 70 ghế. Ai cũng nghĩ rằng từ nay dân Quebec sẽ hết nhức đầu. Dân chúng Quebec bây giờ đa số là lớp trẻ và là di dân nên sẽ không còn nghĩ tới việc ly khai nữa.

Tin thời sự thứ hai: Bước vào mùa xuân, rừng hoa tulip ở thủ đô Ottawa bắt đầu nở, dân thủ đô đang chuẩn bị Hội Chợ Tulip, và du khách đang bắt đầu chương trình đi Ottawa thăm vườn hoa nổi tiếng quốc tế này. Chắc các cụ còn nhớ nguồn gốc những cây hoa tulip này chứ. Thưa, những cây hoa này có gốc từ xứ Hòa Lan. Chuyện như thế này: Đầu Thế Chiến Thứ Hai, Hòa Lan bị Phát xít Đức tấn công. Hoàng Gia Hòa Lan đã sang Canada lánh nạn, và nữ hoàng Hòa Lan đã hạ sinh một công chúa ở đây. Nhớ ơn này, khi về lại quê hương, mỗi năm hoàng gia Hòa Lan đều mỗi gửi giống hoa tulip sang tặng Canada.

Tin thứ ba: Cũng tại thủ đô Canada, cộng đồng Nguòi Việt Tự Do đã vận động và được chính quyền thủ đô Ottawa công nhận ngày 30 tháng Tư là ‘Black April Day’. Và nhờ có một thượng nghị sĩ Canada gốc người Việt là Ông Ngô Thanh Hải, dự luật ngày Quốc Hận 30 tháng Tư đã được đệ trình lên Thượng Viện.

Còn tin thời sự Việt Nam thì Biển Đông vẫn là đề tài nóng bỏng. Tàu Cộng vẫn ngang nhiên chiếm đóng Trường Sa và Hoàng Sa của ta. Chúng đem tàu lớn tàu nhỏ đến hai đảo này vừa để canh phòng vừa để khai thác hải sản. Có một tờ báo lề trái ở Việt Nam đã ra một câu thách đối khá hay về việc này:

‘Tàu lạ tàu quen, tàu nào cũng là tàu Tàut.

Mời các cụ cho câu đối lại nha.

Tin thời sự sau cùng: Tại thành phố Toronto vừa có một nhạc hội thính phòng rất đáng ca ngợi. Nhạc hội này không do một hội đoàn hay một nhóm văn nghệ nào tổ chức, mà chỉ do một cá nhân đứng ra làm từ A tới Z. Đây là một người nghệ sĩ rất nghệ sĩ, Anh đứng ra tổ chức không nhằm lợi nhuận mà chỉ để thỏa lòng yêu quê hương, yêu văn nghệ. Tên người hùng là HOÀNG MẠNH HÙNG. Anh đã tổ chức những buổi nhạc thính phòng như thế này nhiều năm. Anh có một số khán giả chọn lọc. Anh mướn một hội trường nhỏ của Canada, chừng 150 chỗ ngồi. Chương trình do anh soạn lấy. Chủ đề năm nay là ‘Tình tôi’, tiếng hát chính là nữ ca sĩ Lê Uyên từ Hoa Kỳ sang với hai ca sĩ ở Toronto là Khánh Ly Trần và Nhật Lâm. Những bài ca tiêu biểu của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương được trình bày rất hay. Âm thanh và ánh sáng hoàn hảo. Xuất hát rất thành công. Khán thính giả đều có trình độ. Một điều đặc biệt là ở đầu, giữa và sau xuất hát, khán thính giả được mời ăn tối. Bữa ăn đứng rất nhẹ nhàng, ngon miệng và thoải mái. Xưa nay chưa hề có xuất hát nào khác cho ăn tối ngon như thế này. Xin hoan hô người nghệ Sĩ Hoàng Mạnh Hùng. Chúng tôi đang chờ tin xuất hát sang năm.

Sau phần tin thời sự thì ông bồ chữ ODP xin kể một chuyện. Ông bảo tuần rồi ông tình cờ mở tập sách cổ đã gặp một câu chuyện về Đức Khổng Tử. Rằng ngày kia có một người khách lạ từ phương xa mang một mớ sách cổ đến biếu ngài. Ông khách chưa kịp nói gì thì Khổng Tử hỏi ngay: Tiên sinh từ nước Vệ tới đây, phải không? Người khách giật mình kinh ngạc: Sao Phu Tử lại biết tôi là người nước Vệ? Khổng Tử đáp: Trên người tiên sinh có mùi tử khí. Người khách rùng mình hoảng sợ, nói ngay: Tôi là đại diện cho giai cấp lãnh đạo của nước Vệ, Ngài muốn rủa tôi, muốn tôi chết hay sao? Đức Khổng Tử thản nhiên trả lời: Tất cả người nước Vệ hiện thời đều có mùi tử khí hết vì thế người trong nước không ai ngửi ra đó thôi. Xưa nay tử thi thì phải chôn xuống đất hay đốt thành tro bụi, nếu để quá một tuần thì âm khí sẽ ám đến phạm vi một thành, nếu để qúa trăm ngày thì âm khí sẽ ám tới cả nước. Hôm trước lão xem thiên văn, trông về nước Vệ thì thấy âm khí đã ám đến tận trời xanh, trùm khắp cõi đất. Người khách nghe xong liền toát mồ hôi, quả vua Vệ là Linh Công chết đã lâu mà con cháu chỉ tranh giành ngôi báu chưa chịu đem chôn…

Nói đến đây rồi ông ODP kết: Đọc xong câu chuyện này thì tôi thấy Cụ Khổng Tử quả là một nhà tiên trí lớn. Chuyện nước Vệ ngày xưa giống y chang nước Việt Nam ngày nay: Xác Hồ Chí Minh vẫn chưa chôn, vẫn còn nằm ở Hà Nội, tỏa ám khí ra cả nước, bè phái họ Hồ còn đang mải xâu xé đồng bào…

Xin Ơn Trên phù hộ chúng con.

TRÀ LŨ

LTS: Tác giả Trà Lũ vừa xuất bản 2 tác phẩm mới: Đất Quê Hương 2, và 600 Chuyện Cười, và tái bản 3 cuốn chuyện cười cũ. Độc giả muốn mua những tập sách này, xin liên lạc trực tiếp với tác giả: petertralu@gmail.com
 
Nghe bài: Bao La Tình Mẹ
Hà Đăng Đàm - ca sĩ Khắc Dũng
09:52 07/05/2014
BÀi giảng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Sứ
Tôma Đỗ Lộc Sơn
21:18 07/05/2014
HOA SỨ
Ảnh của Tôma Đỗ Lộc Sơn (Việt Nam)
Sắc màu Hoa Sứ trắng ngần
Nhắc nhở tâm hồn thánh thiện, khiết tinh
Sắc màu Đức Mẹ đồng trinh
Khiêm nhu tuân phục, kính tin Chúa Trời
Xin cho con biết trọn đời
Noi gương Đức Mẹ trọn lời hiến dâng.
(Trích thơ của Trầm Thiên Thu)