Ngày 08-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật thứ 6 Mùa Phục sinh 9/5/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:39 08/05/2021


BÀI ĐỌC I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48

“Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: “Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người”. Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!” Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: “Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?” Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca.

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 4, 7-10

“Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 23

All. All. – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – All.

PHÚC ÂM: Ga 15, 9-17

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.

Đó là lời Chúa.
 
Yêu như Chúa
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:12 08/05/2021
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
YÊU NHƯ CHÚA

Đề tài về "tình yêu" chẳng những không xa lạ, ngược lại còn quá quen thuộc với từng người. Cách riêng với Kitô hữu, tình yêu còn là con đường tất yếu đưa họ vào chiếm hữu nước trời vĩnh viễn.

Chính Chúa Giêsu vừa là mẫu mực, vừa là chuẩn mực của việc sống và thực hành nghĩa cử yêu thương mà các Kitô phải có trong cuộc đời. Bởi Chúa không đưa ra một hướng nhắm hay một đích đến nào khác ngoài Chúa, nhưng Chúa lại lấy chính Chúa làm mục tiêu để mời gọi chúng ta: "Hãy yêu thương nhau NHƯ THẦY YÊU thương các con".

Chúa đã hiến dâng chính mình cho nhân loại. Yêu như Chúa yêu, chúng ta cũng phải hy sinh chính mình cho đồng loại. Yêu như Chúa yêu, chúng ta không chỉ muốn điều tốt cho anh chị em, mà còn thể hiện ước muốn ấy bằng hành vi cụ thể, thực tế nhằm sống bác ái, sống tương thân tương ái. Yêu như Chúa yêu, nghĩa là một khi đã yêu là yêu đến cùng, dẫu bản thân có thiệt thòi, có mất mát. Yêu như Chúa yêu đòi ta phải thực thi điều tốt đẹp nhất cho anh chị em.

Yêu như Chúa yêu, chúng ta luôn tìm kiếm những lợi ích linh hồn của anh chị em, giúp nhau giải thoát chính mình khỏi ách nô lệ thần dữ và tội lỗi. Luôn "lấy lời lành khuyên người" nhằm tự đưa mình và anh chị em của mình vào hàng con cái Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp nước trời.

Hãy luôn nhớ, gia sản quý nhất Chúa Giêsu để lại cho Hội Thánh, cho thế giới chính là nghĩa cử hy sinh trong tình yêu tuyệt đỉnh.

Tình yêu ấy, Chúa không giữ lại cho mình, nhưng trao cho Hội Thánh như một bảo chứng, một di ngôn, một loại "phi vật thể" vô giá để từng Kitô hữu phải sống để duy trì và làm cho tình yêu của Chúa mãi mãi sống động, mãi mãi hiện sinh, trải dài suốt dòng lịch sử thế giới.

Một tác giả viết: “Nếu có thực phẩm để ăn, có quần áo để mặc, có một mái nhà che đầu và một nơi để nghỉ qua đêm, bạn đã giàu hơn 75% dân số thế giới. Nếu có tiền trong ví để xài, có tiền ban phát cho người nghèo, có tiền để dành trong ngân hàng, bạn đang ở trong 8% những người giàu nhất thế giới”.

Chẳng biết điều đó có chính xác không, nhưng chắc chắn ai cũng nhận thấy, khoảng cách ngày càng cách biệt giữa người giàu và người nghèo.

Nhưng đó không phải là điều đáng sợ nhất. Cái đáng sợ trên hết, đó là sự nghèo đói tình thương, sự vô cảm, sự chai cứng trước nỗi đau của đồng loại.

Vì nghèo đói tình thương, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc; cảnh “người ăn không hết, kẻ lần không ra” nhan nhãn trong cuộc sống; quá nhiều bệnh nhân phải chết vì những căn bệnh đáng ra không chết.

Vì nghèo đói tình thương, xung đột, cãi vã, tranh giành vẫn xảy ra hàng ngày; cảnh mạnh được yếu thua không hề có dấu hiệu chấm dứt; tình trạng lạm dụng thân xác, nhất là tội ác với phụ nữ và trẻ con dường như ngày càng tăng…

YÊU NHƯ THẦY YÊU, đó không chỉ là mệnh lệnh, không chỉ là giới răn, không chỉ là giáo điều buộc phải giữ, mà đó còn là lời hiệu triệu, lời đòi buộc, lời kích động tâm hồn, lời mang sứ điệp gấp rút, dành cho hết mọi tâm hồn, dù chai cứng hay mềm mỏng.

YÊU NHƯ THẦY YÊU, vừa để thế giới có trật tự hòa bình; để cuộc sống tăng thêm nét đẹp, đáng sống; để nhân loại bớt oằn oại; để những rát buốt tâm can được xoa dịu, để tình yêu được nhân rộng và phủ đầy, phủ kín; nhưng cũng vừa để bản thân vui hơn, bình an hơn, chạm đến gần sự sống của Chúa hơn…

Ngày hôm nay, tin vào Lời Chúa dạy, tin vào tấm gương chết cho con người của Chúa, mà có biết bao nhiêu người tiến về phía thánh giá, để mưu tìm sự sống, mưu tìm tình yêu, mưu tìm những vẻ đẹp rạng ngời của sự sống… cho con người, cho thế giới

- “Tôi là một linh mục Công Giáo Balan, tôi đã già, Tôi muốn được chết thay cho ông này, vì ông còn có vợ con”. Cha thánh Maximilianô Maria Kolbe đã nói với viên cai ngục Đức Quốc Xã như thế, trong lúc anh ta đang chọn 10 tù nhân phải chết để đền tội thay cho một tù nhân mới vượt ngục đêm qua.
Quyết định anh hùng của cha Kolbe đã cứu tù nhân Francis thoát chết, khi ông là người cuối cùng được chọn phải ra xếp hàng vào hầm chết đói. Sau đó, cha Kolbe đã phải chịu số phận chết chung với 9 tù nhân kia.
Suốt thời gian ở trong ngục tối nhịn đói chờ chết, thay vì những tiếng la hét chửi rủa mọi khi, người ta chỉ nghe thấy những lời kinh tiếng hát của nhóm tù nhân sắp chết nhờ sự động viên và hướng dẫn của cha.

- Năm 1981, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát. Nhưng ngài không chết. Ngay sau khi lành bệnh, ngài đến nhà tù thăm chính kẻ đã giết mình và xin tha thứ cho anh.
- Mẹ Têrêsa Calcutta, đặc biệt thương yêu trẻ em và người nghèo khổ. Mẹ là thần tượng, là tấm gương của cả thế giới.

Qua hơn 20 thế kỷ, hàng hàng lớp lớp các anh hùng tử đạo, các bậc hiển tu đã dám đem cả mạng sống mình để minh chứng cho một thứ tình yêu rực sáng: YÊU NHƯ THẦY YÊU.

Tất cả những tấm gương dám băng mình vì thế giới, vì con người, đều là những tấm gương được soi rọi bởi không chỉ lời dạy, mà còn là chính tấm gương từ thánh giá của Chúa Giêsu.

 
Tình yêu là gì hở Mẹ ?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:21 08/05/2021
TÌNH YÊU LÀ GÌ HỞ MẸ?

Người ta bảo: “Đố ai định nghĩa được tình yêu.” Nhưng Lời Chúa tuần này cho ta thấy những đặc tính của tình yêu đích thực. Chúa là tình yêu. Chúa truyền con người yêu nhau như Chúa đã yêu. Yêu thế nào?

1. Yêu muốn ở gần. Yêu ai muốn ở gần người đó. Chúa đã ở gần con người, và Chúa muốn con người cũng ở gần Chúa: “Anh em hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong anh em”. Yêu ở gần đến độ không chỉ ở bên nhau, mà còn ở trong nhau, quấn quýt lấy nhau.

2. Yêu thích chiều chuộng. Yêu thích chiều chuộng nhau, để làm vừa lòng, hài lòng, đẹp lòng nhau. Chiều chuộng là thỏa mãn lòng muốn của người yêu. Lòng muốn của Chúa là: “Anh em giữ các điều răn của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy.”

3. Yêu thích cho đi. Yêu ai khiến người ta muốn tặng quà người đó. Tặng quà để chứng tỏ tình yêu. Chúa vì yêu cũng đã tặng món quà quý giá nhất là chính Con Ngài cho nhân loại: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”

4. Yêu dám hy sinh. Yêu không chỉ là những cảm xúc, tình yêu sâu nhất, lớn nhất phải được thể hiện bằng một ý chí dám hy sinh quên mình để đem hạnh phúc cho người yêu. Chúa đã tuyên bố: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Và Chúa đã thực sự hy sinh mạng sống để làm của lễ đền tội cho chúng ta.

5. Yêu sinh hoa trái. Tình yêu như ngọn lửa thắp sáng đời nhau chứ không phải thiêu rụi đời nhau. Tình yêu làm cho đời nhau thêm phong phú nhờ những hoa trái tốt đẹp như Chúa đã truyền: “Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái.” Hoa trái tình yêu là niềm vui hạnh phúc.

Thật trùng hợp khi Chúa Nhật nói về tình yêu cũng là Ngày Của Mẹ. Tình mẹ, tình mẫu tử là hình ảnh rất gần và rất sâu để diễn tả tình yêu Thiên Chúa: một tình yêu vô điều kiện, luôn cho đi và hy sinh tất cả vì con cháu. Tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ. Amen.
 
Lần Chuỗi cùng Đền thánh Đức Mẹ Częstochowa theo ý chỉ của ĐTC trước tình hình nguy ngập ở Ấn Độ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:42 08/05/2021
 
Tình yêu làm điều kỳ diệu
LM. Anphong Nguyễn Công Minh,
09:27 08/05/2021
CN 6B PS : Tình yêu làm điều kỳ diệu

Tình yêu làm nên điều kỳ diệu, đó là đề tài của bài giảng hôm nay, dựa trên những lời tâm tình của Chúa với các môn đệ trong bữa tiệc ly, như được ghi trong Tin Mừng Gioan mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại : Thầy không còn coi anh em là tôi tớ. Thầy xem anh em là bạn hữu. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Ta sẽ duyệt xét điều kỳ diệu của tình yêu trên hai điểm:

(1) Tình yêu biến người thành Chúa

(2) Tình yêu đổi “loài” người thành “đấng” người

1. Tình yêu biến người thành Chúa

Trong Báo CG&DT số 1408 có đăng thắc mắc của ông Nguyễn quang Hiền Gx Bắc Dũng, hạt Xóm Mới : Ông nói rằng bài báo trước đó của linh mục Thiện Cẩm với tựa đề: “Chúa làm người để người làm Chúa như Chúa đã làm người” khiến nhiều người, nhất là ngoài Công Giáo có thể hiểu lầm về cách nói lộng ngôn phạm thượng này. Quả vậy, nói “người làm Chúa” thì thật lộng ngôn, có khi là rối đạo, lạc giáo, kiêu ngạo, tựa Satan xưa.

Nhưng không lộng ngôn đâu ! Chính tình yêu làm nên điều kì diệu đó. Chúa là Tình Yêu đã giáng thế chia sẻ thân phận con người, để con người được thông phần bản tính Chúa. Nói huỵch toẹt ra như thánh Irênê xưa : “Chúa làm người để người làm Chúa,” chẳng có chi là sai cả, nhờ hai chữ tình yêu. Câu nói này có hơi lạ tai một chút so với câu quen tai hơn: Con Chúa làm người để người làm con Chúa (thêm chữ con ở cả hai vế).

Lm Thiện Cẩm có lý luận cũng hay. Con của con chó có được gọi là chó không? Được quá đi chứ. Cũng vậy, con của con mèo cũng gọi là mèo, con của con người cũng được kêu là người, thì con của Chúa cũng phải được gọi là Chúa chứ. Vì thế làm con Chúa hay làm Chúa cũng đâu khác gì. Dĩ nhiên “Chúa” làm người, khác với “Chúa” của “người làm ‘Chúa’,” giống như con khác với cha. Nhưng dẫu sao người thành Chúa cũng là điều cực kì kì diệu, mà chỉ có Đấng là Tình Yêu mới làm nên được. Một Thiên Chúa Toàn Năng, một Thiên Chúa Phép Tắc không làm nên được, (dẫu toàn năng làm gì cũng được, nhưng Đấng Toàn Năng ấy dại gì làm ra cái giống mình, dại gì sẻ chia địa vị mình. Chỉ Đấng Tình Yêu mới làm. Tình yêu làm nên điều cực kì kì diệu.

Kể từ khi Chúa Con nhập thể để bày tỏ tình yêu của Ngôi Cha dành cho con người, thì mối liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại hoàn toàn thay đổi : Không còn là Tạo Hóa và thụ tạo, không còn là Thượng đế và phàm nhân, không còn là Chủ ông và tôi tớ, nhưng chính là "Bạn hữu thân tình". Thầy không gọi các con là tôi tớ. Thầy xem các con là bạn hữu ngang hàng. Thầy là Chúa, các con cũng là Chúa. Tình yêu biến loại người thành bậc Chúa.

2. Tình yêu đổi “loài” người thành “đấng” người.

Nhà văn nữ Harriet Beecher Stove có viết một quyển tiểu thuyết nhan đề "Túp lều Bác Tôm" kể chuyện đời của một người nô lệ da đen tên là Tôm. Chủ của bác Tôm là một trong số rất ít những người chủ da trắng biết thương yêu những người nô lệ da đen của mình. Đáp lại Bác Tôm cũng rất yêu thương chủ và tận tụy hết lòng phục vụ chủ. Nhưng ông chủ này vì làm ăn thua lỗ nên đã nợ một món tiền rất lớn. Một ông (tên) da trắng khác chuyên buôn bán nô lệ đã tìm cách nắm được các giấy nợ và dùng giấy nợ để làm áp lực với ông Senbi (tên của ông chủ da trắng nhân hậu của bác Tom). Hắn buộc ông phải bán bác Tôm cho hắn để trừ nợ. Lúc đầu ông Senbi nhất định không chịu. Nhưng vì tên lái buôn hăm doạ sẽ tịch thu tất cả tài sản của ông, nên cuối cùng ông đành phải bán bác Tôm. Người ta đã xúi bác Tôm trốn đi trước khi bị tên lái buôn bắt đem đi. Nhưng Tôm đã từ chối với lý lẽ: "Nếu ông chủ buộc lòng phải bán tôi để khỏi phải bán tất cả những người khác và để khỏi phải phá sản thì thôi cũng được". Sau đó cuộc đời bác Tôm đã phải lao đao lận đận chịu đủ thứ khổ sở và cuối cùng phải chết thảm.

Ta không nói về cuối cuộc đời của bác Tom, nhưng gần như suốt cuộc sống trước đó, bác đã được ông chủ da trắng Senbi tốt lành cư xử như người nhà, như bạn hữu. Hẳn ông chủ Senbi Kitô hữu này đã thuộc nằm lòng Lời Chúa mà ta nghe hôm nay. Thầy không gọi anh em là tôi tớ, nô lệ, vì nô lệ tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy coi anh em là bạn hữu. Những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy cho anh em biết. Tình yêu biến đổi loài người thành đấng người. Bởi lẽ sự thường người ta cư xử với loài nô lệ như loài vật: mua bán đổi chác như mua ngựa mua bò. Tình yêu, chỉ tình yêu mới biến họ thành đấng người.

Chúng ta có ngạc nhiên phẫn nộ không, chứ đã có thời người ta không xem người nữ là người thật, mà chỉ “dưới” người. Đến độ có lúc thần học thử xét xem người nữ có linh hồn hay không ! Điều răn thứ 10: ngươi chớ ham muốn nhà cửa ruộng nương của cải vợ con của người khác. Xếp vợ con cùng một lứa với nhà cửa ruộng vườn ! Chế độ Taliban ở Afghanistan trước đây là một ví dụ. Người nữ ra đường phải bịt mặt. Không được đi học, không được đi làm. Ngày nay chẳng còn nữa, nhưng dấu vết của nó vẫn còn : xem người ăn người ở người phục vụ là tôi tớ.

Có bao giờ gặp ông già lựu đạn này chưa?

Ông già "Lựu Đạn" là một danh xưng mà Chị Nữ Tu Antoinette thường gọi thế, khi nhắc đến ông lính già khó tính nhất trong bệnh viện Chị đang phục vụ. Gặp ai ông cũng nhăn nhó, nạt nộ; có truyện gì không vừa ý, ông la lối rùm beng.

Ngày kia, đang mải mê phục vụ, Chị Antoinette nghe tiếng cha già Lựu Đạn hét lớn: "Đem cho tôi vài quả trứng luộc". Chị Antoinette vui vẻ đem đến.

- Trứng chưa chín đủ mà cũng đem tới à? Chị Antoinette tươi cười đem trứng đi luộc lại.

- Trứng chín quá. Luộc gì mà kỹ quá vậy? Chị Antoinette chẳng biết làm sao hơn được. Chị đi lấy một cái bếp đem đến kê ở cạnh giường và trao cho ông cha già Lựu Đạn vài quả trứng để ông tự luộc lấy cho vừa ý. Ông thấy thế, liền nổi cơn lôi đình, đạp đổ bếp, quăng xoong nước và trứng xuống nền nhà, miệng quát lớn: "Sơ không biết tôi là bệnh nhân sao! Bệnh nhân mà đi luộc trứng à?" Bệnh nhân là thượng đế. (Sơ là người nữ, lại làm nhiệm vụ phục vụ, dĩ nhiên phải phục vụ thôi. Tôi có tiền mà…)

Chị Antoinette chẳng nói nửa lời, chỉ thinh lặng cúi xuống thu dọn, quét tước, lau lọt... Một lát sau, Chị lại đem đến cho ông già vài quả trứng khác và nói: "Ông cố gắng dùng thử cái này, tôi luộc vừa chín tới thôi"... Tỉnh ngộ, ông lính già tỏ vẻ cảm động vì khâm phục trước tấm lòng bác ái, nhịn nhục của Chị Dòng khiêm nhu dễ thương, miệng lắp bắp nghẹn ngào nói: "Cảm ơn Sơ, tôi ăn trái trứng mà cũng là ăn cả tấm lòng tốt của Sơ nữa". Ta có thể nói lời gì đây: tình yêu biến đổi con người.

Ta không thể kể cả ngàn trường hợp nhờ tình yêu mà một con người tàn tật phế thải, một con người từ vũng sâu bùn lầy vươn lên thành người hữu ích. Mà người ta thuật lại trong cuốn: Những phép lạ của tình yêu. Tình yêu làm nên điều kì diệu.

Tình yêu cao quí nhất là tình yêu hy sinh tính mạng. Nhưng ta không dễ gì gặp những trường hợp như vậy đâu. ĐGH Gioan Phaolô I (vị giáo hoàng 33 ngày) có lần viết:

“Tôi chưa bao giờ được dịp may nhảy xuống dòng nước đang chảy cuồn cuộn để cứu một người chết đuối, nhưng thường người ta chỉ xin tôi cho mượn một cái gì nhỏ nhặt hoặc viết một lá thư ngắn, hay xin những chỉ dẫn rất đơn giản và dễ làm.

“Tôi chưa bao giờ gặp chó dại trên đường đi mà chỉ thấy có ruồi muỗi. Tôi chưa bao giờ bị những kẻ bách hại đánh đập, nhưng lại thường bị quấy rầy bởi những tiếng kêu la ngoài đường, âm thanh mở quá lớn của máy truyền hình hay cách ăn súp ồn ào của người đồng bàn…”

Giúp đỡ trong mức độ mình có thể, giữ bình tĩnh và nụ cười yêu thương tha nhân là thế đó: không cầu kỳ nhưng thực tế và đơn giản. Nhưng đừng khinh thường, nó cũng có sức biến đổi. Vì tình yêu làm nên điều cực kì kì diệu. Bởi tình yêu đã biến ta thành Chúa. Và chớ gì ta hãy dùng tình yêu mà biến U-người (under -dưới- người) thành người. Và từ người thành Chúa. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm biên tập từ nhiều nguồn
 
Viết Đời Mình Thành Câu Chuyện Tình Yêu
LM. Giuse Trương Đình Hiền
09:31 08/05/2021
Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm B 2021

Kể từ năm 1946, nước Liên Sô cũ cũng như nước Nga hôm nay đã chọn ngày 9.5 hàng năm làm ngày đại lễ mừng chiến thắng Đức Quốc xã, kết thúc Đệ Nhị thế chiến. Và trong ngày đại lễ nầy, tại thủ đô Mát-cơ-va, có một cuộc duyệt binh vĩ đại tại quảng rường Đỏ. Có nhiều người trên khán đài mang trên ngực lủ khủ huân chương. Tuy nhiên, khi nhắc đến cuộc chiến tranh thảm khốc đệ nhị thế chiến, thì người Ki-tô hữu lại hay nhớ tới một người không có một chiếc huy chương nào, lại là một tù nhân trong trại tù khét tiếng của Đức Quốc Xã, Auschwitz. Đó là thánh linh mục Maximilien Kolbe, Người đã xin chết thay cho một người tù xa lạ: “Tôi là một linh mục Công Giáo Ba Lan, tôi đã già, tôi muốn chết thay cho ông nầy, vì ông có vợ con”.

Từ cái chết “thay cho bạn” của cha thánh Maximilien Kolbe hơn 70 năm trước đến cái chết “vì cứu bạn” mới đây, ngày 30.4.2021 của người sinh viên Công Giáo Nghệ An, bạn Phêrô Khoa Nguyễn Văn Nhã, gần như đã làm sống lại giữa cộng đoàn chúng ta chính sứ điệp Tin Mừng được công bố hôm nay: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.

Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng: khi nói những lời trên, Đức Kitô trước hết, muốn ám chỉ chính mình; Ngài muốn các môn sinh nhận ra nơi cuộc dấn thân vào con đường khổ nạn của Ngài sắp diễn ra là một nghĩa cử, một bằng chứng, một “Giao Ước” của tình yêu trọn vẹn Ngài ban tặng cho loài người theo ý định của Chúa Cha, như Tông Đồ Gioan đã cắt nghĩa: “Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.

Trong suốt Mùa Phục Sinh nầy, người Kitô hữu chúng ta gần như được Phụng Vụ và Lời Chúa khơi gợi lại “câu chuyện tình vĩ đại” của Chúa Giêsu và sự hiện diện đầy ắp tình yêu của Ngài, như cách cắt nghĩa của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là tình yêu): “Trong câu chuyện tình được Thánh Kinh tường thuật, Ngài đến với chúng ta, Ngài tìm cách chinh phục chúng ta, đến tận cùng bữa tiệc ly, đến cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu qua, đến những lần hiện ra sau phục sinh và đến những kỳ công cao cả, thông qua hoạt động của các Tông đồ, Ngài hướng dẫn Giáo Hội sơ khai trên những nẻo đường. Chúa đã không vắng mặt trong lịch sử tiếp theo của Giáo Hội: Ngài gặp gỡ chúng ta luôn mãi nơi những người nam nữ chiêm ngắm sự hiện diện của Ngài trong Lời Ngài, trong các phép bí tích, và đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Trong Phụng vụ của Giáo Hội, trong lời kinh của Giáo Hội, trong những cộng đoàn tín hữu sống động, chúng ta cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Ngài… Ngài đã yêu thương chúng ta trước và Ngài còn tiếp tục yêu thương chúng ta…” (Thông điệp TCLTY số 17).

Và một khi đã cảm nhận và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Lời Chúa lại gọi mời chúng ta đáp trả bằng hành động yêu thương; bởi vì một tình yêu đích thực, một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa luôn mở ngõ để đến với anh em, để yêu thương con người, như lời khuyến dụ của Thánh Gioan trong trích đoạn thư mà chúng ta vừa nghe: “Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu…”.

Vì thế, đối với người môn đệ Chúa Ki-tô, sống và thực hành yêu thương, không chỉ là một khuyến dụ, một chuyện “có cũng được mà không cũng chẳng sao”, nhưng là một mệnh lệnh cốt yếu, một giới răn cơ bản, một dấu chỉ làm nên căn tính Kitô hữu: “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy là chúng con yêu thương nhau”. Và chúng ta cũng đừng quên những lời cảnh báo nghiêm khắc của chính Chúa Giêsu trong dụ ngôn “Ngày Phán Xét” cũng để nhắm tới “điều răn yêu thương” nầy: “Hỡi những quân bị nguyền rũa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn…” (Mt 25, 31-46). Phải chăng, từ những giáo huấn Tin Mừng đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã ân cần nhắc nhở chúng ta trong thông điệp Deus Caritas est bằng những từ mạnh mẽ xác quyết: “Yêu người là con đường dẫn đến sự gặp gỡ với Chúa, và ngoảnh mặt với anh em là ngoảnh mặt đi với Thiên Chúa” (TCLTY số 16). Đó cũng chính là tâm sự của Thánh Gioan Thánh Giá khi suy niệm về thời điểm sau hết của cuộc đời: “Vào buổi xế chiều cuộc sống, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”.

Trong một thế giới mà “ý nghĩa tình yêu” đã trở thành xa xỉ và tương quan nhân loại được xây dựng bằng tiêu chuẩn “mạnh được yếu thua may nhờ rủi chịu”…, quả thật sứ điệp “Tình Yêu lớn của Đức Kitô” cần thiết biết bao. Hơn lúc nào hết, trong thời buổi “đại dịch Covid đang đe doạ sự an yên của toàn thể gia đình nhân loại, làm băng giá và cách biệt giữa người với người, giữa biên giới các quốc gia…, cộng đoàn Hội Thánh hôm nay cần phải trở về với “nếp sống” của cộng đoàn Giáo Hội nguyên thuỷ để trở thành một “lời chứng thuyết phục”: yêu thương hiệp nhất với nhau; chung lời cầu nguyện; chung chia tấm bánh… (Cv 2,42-47); và nhất là để Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn. Vâng, chính Chúa Thánh Thần là “Ngôi Vị Tình yêu nối kết mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa”, “tuôn đổ tình yêu vào lòng chúng ta” (Rm 5,5); và là Đấng “nhóm lửa tình yêu trong lòng các tín hữu” (Lời tung hô Allêluia trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống), là Đấng sẵn sàng ngự xuống trên mọi tâm hồn thành tâm thiện chí đón nhận Lời (như sách Công Vụ Tông Đồ làm chứng hôm nay): Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!” Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. (Bđ 1).

Quả thật, một khi trái tim con người đã được Thánh Thần chinh phục, uốn nắn và đốt nóng, thì một “Saolô cứng cỏi hẹp hòi” đã trở nên một “Phaolô được tình yêu Đức Kitô thúc bách” (2 Cr 5,14); hay “đời thường” hơn, như Dolores Hart, một “ngôi sao điện ảnh” lừng danh của Hollywood và là thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ đã trở thành một nữ tu, một Mẹ Bề Trên sống cuộc đời tình yêu dâng hiến; hay một cầu thủ bóng đá Ngoại Hạng Anh Philip Mulryne chỉ biết sống với tiền tài, hưởng thụ, Chúa Thánh Thần đã biến đổi để trở nên linh mục Dòng Đa Minh phục vụ cho công cuộc Nước Trời…

Kể từ “Ngày Thứ Nhất trong tuần của hai ngàn năm trước”, khi “Đức Kitô Phục Sinh” mở toang “cánh cửa mồ trống” để đẩy lùi bóng tối sự chết bằng ánh sáng “bình Minh sống lại”, thì con đường “mến Chúa, yêu người” đã dọc ngang đan dệt trên muôn cõi bờ thế giới. Vâng, một em bé phung cùi trong trại phong của các thừa sai Trung quốc, hay một Giám Mục Óscar Romero ở Toà Giám Mục El Salvador đều có thể “viết đời mình thành câu chuyện tình yêu”. Vâng một tình yêu sẵn sàng hy sinh vì bạn hữu. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Quà tặng tình yêu
Lm. Minh Anh
23:01 08/05/2021
QUÀ TẶNG TÌNH YÊU
“Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúng ta đang tiến gần đến lễ Ngũ Tuần, kết thúc mùa Phục Sinh; vậy mà tiếng gió mạnh mẽ của Thánh Thần sẽ giáng xuống như lửa trên các tông đồ ngày Hiện Xuống đã ầm ầm trong các bài đọc Chúa Nhật hôm nay. Chúa Thánh Thần đến, mang theo ‘quà tặng tình yêu’ của Ngài, dĩ nhiên, là lửa yêu mến; và cũng chính vì quà tặng này, mà Lời Chúa hôm nay thu hút sự chú ý của chúng ta.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ tường thuật một nhóm dân ngoại đã trải nghiệm mãnh liệt ‘quà tặng tình yêu’ này khi Thánh Thần được ban xuống trên họ, khiến họ vui mừng phớn phỡ đến nỗi phải thốt lên lời ngợi khen. Cũng thế, thánh Phêrô hiểu rằng, tình yêu của Thiên Chúa thật phổ quát; mọi nước, mọi dân đều được hưởng nhận ‘quà tặng tình yêu’ Ngài, “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Ngài và thực hành sự công chính, đều được Ngài đón nhận!”. Đó cũng là tâm tình hân hoan của Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân”. Quà tặng tình yêu’ của Ngài là gì? Đó là chính Ngài.

Đúng vậy, Thiên Chúa không yêu con người cách chung chung; thay vào đó, Ngài yêu mỗi người cách riêng tư và đặc thù. Tình yêu Ngài là sự sống, sự hiện hữu, sự tồn tại của mỗi chúng ta; ‘Thiên Chúa không chỉ yêu chúng ta, Ngài thích chúng ta’. “Thiên Chúa chính là Tình Yêu”, thánh Gioan khẳng định trong bài đọc hai hôm nay. Khi Thánh Thần của Ngài bắt đầu thổi vào tâm hồn và tâm trí chúng ta, Ngài làm cho ‘cánh buồm tình yêu’ trong trái tim của chúng ta no gió; cánh buồm này đưa chúng ta đến với tình yêu của Chúa Cha; đồng thời, thổi chúng ta đến với anh chị em mình. ‘Quà tặng tình yêu’ của Ngài là luồng gió trên cánh buồm thúc giục chúng ta đáp lại tình yêu Ngài và yêu tha nhân như chính mình, “Chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa”.

Thế nhưng, tình yêu đối với Thiên Chúa, tình yêu đối với tha nhân của chúng ta sẽ như thế nào? Để trả lời, chỉ cần nhìn vào Chúa Giêsu. Ngài cho chúng ta một so sánh đáng kinh ngạc, Ngài ví tình yêu Ngài dành cho chúng ta với tình yêu bao la mà Chúa Cha dành cho Ngài. Trước khi thế giới ra đời, Cha và Con đã đắm chìm trong yêu thương vô bờ bến, Thánh Thần là mối dây liên kết tình yêu Hai Ngôi. Sự mật thiết và tự hiến của Ba Ngôi vượt quá bất kỳ sự so sánh nào; và Chúa Giêsu nói, chúng ta được sáp nhập vào nguồn mạch tình yêu ấy, đến nỗi, Ngài gọi chúng ta là bạn hữu, “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con”. ‘Quà tặng tình yêu’ ấy được minh chứng từ đỉnh cao thập giá, “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. Với bạn hữu này, Ngài đã yêu cho đến cùng.

Hoàn cảnh và thời gian của những lời này xảy ra trước vài giờ Chúa Giêsu bị bỏ rơi và bị phản bội. Vậy mà tình yêu của Ngài vượt quá sự phản bội; Ngài không bận tâm đến sự phản bội nhưng hướng đến chiến thắng thập giá mà Ngài sắp giành cho ‘các bạn’ của Ngài. Chính trong hoàn cảnh đó, Ngài mời chúng ta “ở lại trong tình yêu của Ngài”. Chúng ta không được mời gọi để làm một khán giả, nhưng để khám phá niềm vui khi đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường Ngài đi. Việc đi theo ‘Đấng bị đóng đinh’ sẽ khó khăn, nhưng ‘quà tặng tình yêu’ vượt xa sức nặng của thập giá.

Một trong những kiệt tác của hoạ sĩ người Đức, Moritz Retzsch, là bức tranh “Người Chơi Cờ”. Trong bức tranh, Satan đang chơi cờ với một người trẻ, tiền cược là linh hồn của chàng trai. Ván cờ đến hồi kết, nhưng chàng trai không thể di chuyển. Điểm nổi bật của bức tranh là vẻ tuyệt vọng hoàn toàn trên khuôn mặt của anh khi anh nhận ra rằng, linh hồn mình đã mất. Anh ta đang ở trong một trạng thái đau đớn khi biết rằng mình đã thua. Con quỷ phía bên kia đang cười nham hiểm khi nghĩ rằng, cuộc chơi sắp kết thúc và nó chiến thắng. Một thiên thần ở giữa bức tranh sắp bật khóc khi thấy chàng trai không chỉ thua ván cờ mà còn mất cả linh hồn vô giá. Paul Morphy, kỳ vương người Mỹ, ngày kia xem bức tranh này; sau đó, gọi một bàn cờ và các quân cờ. Đặt chúng vào đúng vị trí như trong tranh, ông nói, “Tôi sẽ thay thế vị trí của người thanh niên; còn một nước nữa!”.

Anh Chị em,

Khi yêu nhau, người ta thường lấy những gì nhất nhất để tặng cho người mình yêu; nhưng chẳng mấy ai lấy con người mình làm quà tặng. Thế mà, còn hơn cả Paul Morphy, Chúa Giêsu đã lấy mạng sống Ngài để chuộc lại linh hồn mỗi người, Ngài đã đánh bại Satan khi trỗi dậy từ cõi chết. Không chỉ cứu linh hồn chúng ta, Ngài cứu linh hồn của cả một nhân loại và mỗi ngày tiếp tục hiến trao ‘quà tặng tình yêu’ là chính thịt máu Ngài để nuôi sống chúng ta. Từ đó, Ngài mời gọi chúng ta mỗi ngày, cũng trở nên ‘quà tặng tình yêu’ cho Thiên Chúa và cụ thể, cho anh chị em mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã gọi con là bạn hữu và đã ban chính Chúa cho con. Xin cho con biết cắm đời mình vào nguồn lực tình yêu Ba Ngôi, để ngọn đèn yêu thương của con luôn luôn cháy sáng, hầu con xứng đáng hơn với ‘quà tặng tình yêu’ là chính mạng sống của Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Hai 10/5: Trần thế và người môn đệ Chúa - Lm. Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
23:47 08/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 09-May-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Ga 15, 26-16, 4

“Thần Chân lý sẽ làm chứng về Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con”.

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk: Ukraine đang mong đợi Đức Thánh Cha đến thăm
Đặng Tự Do
16:02 08/05/2021


Người dân Ukraine đang mong đợi một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đến thăm quốc gia Đông Âu bất chấp những trở ngại do đại dịch coronavirus gây ra.

Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng gần đây đã đến thăm Iraq, và ngài sẽ đi thăm các quốc gia khác nhau trên thế giới bất chấp những khó khăn mà COVID đưa ra, vì thế Ukraine đang mong đợi Đức Thánh Cha đến thăm”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên của kỷ nguyên hiện đại đã đến thăm đất nước có biên giới với Moldova, Romania, Hung Gia Lợi, Slovakia, Ba Lan, Belarus và Nga.

Trong bài phát biểu khi đến Kiev vào ngày 23 tháng 6 năm 2001, Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng hai vị giáo hoàng trong thời kỳ đầu đã bị trục xuất đến Ukraine ngày nay.

Ngài nói: “Lịch sử đã ghi lại tên của hai vị Giáo Hoàng Rôma, trong quá khứ xa xôi, đã đến đây là Thánh Clêmentê Đệ Nhất vào cuối thế kỷ thứ nhất và Thánh Martin Đệ Nhất vào giữa thế kỷ thứ bảy. Các ngài bị trục xuất đến Crimea, nơi các ngài chết như những vị tử đạo”.

Trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã tìm cách tiếp cận với các tín hữu Chính thống giáo, chiếm khoảng 2/3 dân số.

Chuyến thăm từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ngài kể từ khi đại dịch bùng phát. Trên chuyến bay trở về Rôma, ngài xác nhận rằng ngài sẽ đến thăm Budapest, Hung Gia Lợi, vào ngày 12 tháng 9 để dự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Ngài gợi ý rằng ngài có thể kết hợp chuyến đi với chuyến thăm đến thủ đô Bratislava của Slovakia.

Vị giáo hoàng 84 tuổi nói với các phóng viên rằng ngài cảm thấy mệt mỏi hơn trong chuyến công du Iraq so với những lần trước và không biết liệu lịch trình đi lại của ngài có bị chậm lại trong tương lai hay không.

Đại dịch COVID-19 đã hủy các chuyến công du của Đức Giáo Hoàng đến Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea vào năm 2020. Trước đó, Đức Phanxicô đã giữ lịch trình tông du bận rộn, thực hiện 32 chuyến đi quốc tế đến 51 quốc gia khác nhau trong bảy năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi hòa bình ở Ukraine, nơi các lực lượng Ukraine và Nga đã đụng độ ở miền đông đất nước kể từ tháng 2/2014.

Trong cuộc phỏng vấn với ACN, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cho biết ngài rất biết ơn những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ukraine.
Source:Catholic News Agency
 
Giáo xứ Tehran mất một giáo dân trong một tai nạn thảm khốc và bí ẩn
Đặng Tự Do
16:03 08/05/2021


Giáo Hội tại Iran có khoảng 21,380 người Công Giáo ở Iran trên tổng dân số khoảng 78.9 triệu người. Ngoài một số công dân Iran, dân số Công Giáo tại đây bao gồm một số đáng kể những người nước ngoài làm việc ở Iran.

Đáng buồn là cộng đoàn dòng Đa Minh tại nhà thờ Thánh Abraham ở Tehran vừa mất đi một thành viên là một nhà ngoại giao Thụy Sĩ.

Sáng Chúa Nhật 2 tháng 5, cô vẫn còn hiện diện với cộng đoàn trong thánh lễ Chúa Nhật thứ 5 Mùa Phục sinh.

Hôm thứ Ba 4 tháng 5, có tin cô đã chết sau khi rơi từ tòa nhà cao tầng nơi cô cư ngụ.

Truyền thông Iran, trích dẫn các dịch vụ khẩn cấp, nói rằng cô ấy là thư ký thứ nhất của đại sứ quán Thụy Sĩ, và đã rơi từ tòa nhà nơi cô ấy sống.

Một phát ngôn viên của cơ quan khẩn cấp Iran cho biết thi thể của nhà ngoại giao được một người làm vườn tìm thấy vào hôm thứ Ba, sau khi một nhân viên sứ quán đến tìm cô vào sáng sớm hôm thứ Ba và nhận thấy cô đã mất tích.

Thụy Sĩ đã đại diện cho lợi ích ngoại giao của Mỹ ở Iran kể từ khi Washington và Tehran cắt đứt quan hệ ngay sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Vụ này diễn ra khi Iran và các cường quốc trên thế giới tiếp tục các cuộc đàm phán mới về chương trình hạt nhân của Iran.

Nhà ngoại giao này là một người Công Giáo nhiệt thành, vui vẻ, và cởi mở. Khả năng cô ấy tự tử bị bác bỏ dễ dàng. Nhưng, như thế, làm sao cô có thể té từ tòa nhà cao tầng này xuống đất chết thảm như thế?
Source:Reuters
 
Đức Thánh Cha gửi thông điệp tới Hội nghị Vatican bàn về Tâm trí, Thân xác và Linh hồn.
Thanh Quảng sdb
20:49 08/05/2021
Đức Thánh Cha gửi thông điệp tới Hội nghị Vatican bàn về Tâm trí, Thân xác và Linh hồn.

ĐTC nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nghiên cứu liên ngành để hiểu rõ hơn về bản chất con người chúng ta, trong một thông điệp video gửi cho Hội nghị Quốc tế lần thứ năm chuyên ngành về “Khám phá Tâm trí, Thân xác và Linh hồn”.

(Tin Vatican)

Hôm thứ Bảy (8/5/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp tới các đại biểu của buổi Hội nghị Quốc tế lần thứ 5 diễn ra từ ngày 6 - 8/5 với chủ đề: “Khám phá Tâm trí, Thể xác & Linh hồn. Hệ thống phân phối và đổi mới cải thiện sức khỏe con người.”

Đại hội được nhóm họp bởi Thánh Bộ về Văn hóa và Tòa Thánh triệu tập một hội nghị trực tuyến qui tụ các nhà khoa học, bác sĩ, đạo đức học, các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người săn sóc bệnh nhân và các nhà hoạch định chính sách để thảo luận về những đột phá trong y học, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa trước những tác động văn hóa và tiến bộ công nghệ.

Ban tổ chức cũng đang thúc đẩy một hội nghị bàn tròn bàn về “Nhịp cầu giữa Khoa học và Niềm tin” nhằm khám phá mối quan hệ của tôn giáo và tâm linh đối với sức khỏe và hạnh phúc, bao gồm các mối quan hệ giữa tâm trí, thể xác và linh hồn.

Trong thông điệp video, ĐTC Phanxicô thừa nhận tất cả những cam kết cá nhân và chức nghiệp trong việc chăm sóc bệnh nhân và hỗ trợ những người cần hỗ trợ, đặc biệt trong thời gian của đại dịch Covid-19 tiếp tục cướp đi sinh mạng và thách thức chúng ta về sự đoàn kết và tình huynh đệ đích thực.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng hội nghị hợp nhất sự suy tư triết học và thần học với nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực y học.

Sự phân chia

Khi xem xét các chủ đề của hội nghị, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Đại hội tập chú vào tâm trí, thân xác và linh hồn - ba lĩnh vực cơ bản nhưng rất khác biệt trước nhãn quan Kitô giáo “cổ điển” vốn hiểu con người là “sự hợp nhất không thể tách rời giữa thể xác và linh hồn, và được Chúa phú ban cho trí tuệ và ý chí”.

Hơn nữa, Thánh Phaolô nói về tinh thần, linh hồn và thể xác (1 Thess 5:23), một mô hình bộ ba đã được các Giáo phụ và các nhà tư tưởng hiện đại khác đề cập tới.

Đức Thánh Cha cho biết, những sự phân chia này “nêu ra một số chiều kích của con người chúng ta, trên thực tế chúng có quan hệ với nhau một cách sâu sắc và không thể tách rời”.

Chúng ta là một cơ thể

ĐTC giải thích sinh học về sự tồn tại của chúng ta, được thể hiện bằng con người xác thực của chúng ta.

“Chúng ta không phải là những thần linh; đối với chúng ta, mọi thứ đều bắt đầu từ xác thân của chúng ta, từ khi thụ thai cho đến khi chết, chúng ta không chỉ đơn thuần là một xác thể; chúng ta là một thân thể, ”Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định và nói thêm rằng đức tin Kitô cho chúng ta biết rằng điều này được xác tín trong sự Phục sinh.

Về vấn đề này, lịch sử nghiên cứu y học cho chúng ta thấy một khía cạnh của “hành trình khám phá bản thân hấp dẫn của con người”, đây là trường hợp không chỉ trong y học “phương Tây” mà còn với sự đa dạng phong phú của các khám phá y khoa của các nền văn minh khác nhau trên thế giới.

Nghiên cứu liên ngành

Đề cao tầm quan trọng của các nghiên cứu liên ngành, Đức Thánh Cha lưu ý rằng nhờ chúng, chúng ta có thể đánh giá cao “những động lực liên quan đến mối quan hệ giữa tình trạng thể chất của chúng ta và tình trạng môi trường sống của chúng ta, giữa sức khỏe và sự nuôi dưỡng, tâm lý-thể chất của chúng ta, an sinh và chăm sóc đời sống tinh thần - cũng như việc thực hành cầu nguyện và thiền định - cuối cùng là giữa sức khỏe và sự nhạy cảm với nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc”.

Do đó, ĐTC nói: không phải ngẫu nhiên mà “y học đóng vai trò là cầu nối giữa khoa học tự nhiên và nhân văn, đến nỗi trong quá khứ nó có thể được định nghĩa là triết lý thân xác - y học thân xác”.

Hơn nữa, tầm nhìn xa trông rộng hơn và cam kết nghiên cứu liên ngành giúp mang lại nhiều kiến thức hơn, có nghĩa là “nghiên cứu phức tạp hơn và các kỹ năng chăm sóc ngày càng thích hợp và chính xác” khi được khoa học y tế ứng dụng vào...

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha đưa ra ví dụ về sự tiến bộ trong lĩnh vực di truyền học rộng lớn, nhằm mục đích chữa bệnh. Tuy nhiên, ĐTC lưu ý rằng sự tiến bộ này đi kèm với “một số vấn đề về nhân chủng học và đạo đức” bao gồm việc điều khiển bộ ‘gen’ con người nhằm mục đích kiểm soát hoặc khắc phục quá trình lão hóa hoặc đạt được sự nâng cao con người.

Tâm trí và bộ não

Một điều quan trọng nữa là chiều kích thứ hai của “tâm trí - thân thể - tâm trí giúp chúng ta có thể tự hiểu được bản thân mình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Tại đây, ĐTC cho biết bản chất của con người chúng ta thường được xác định bằng bộ não và các quá trình thần kinh của nó. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng, “bất chấp tầm quan trọng sống còn của các khía cạnh sinh học và chức năng của não, những điều này không đưa ra lời giải thích tổng thể về tất cả những hiện tượng xác định chúng ta là con người, nhiều hiện tượng không thể “đo lường được” ví nó thuộc lãnh vực siêu nhiên vượt lên trên vật chất của xác thân”.

Vấn đề về tâm trí

Tiếp tục, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến chủ đề của tâm trí, nhấn mạnh đến tác động hỗ tương giữa khoa học tự nhiên và con người, dẫn đến sự gia tăng mối quan hệ giữa các khía cạnh vật chất và phi vật chất của con người chúng ta. ĐTC lưu ý rằng vấn đề về tâm trí – thân xác, ban đầu nó thuộc về lĩnh vực triết học và thần học, hiện đang được nghiên cứu mối quan hệ giữa tâm trí và não bộ.

Đức Thánh Cha tiếp tục cho hay trong bối cảnh khoa học, thuật ngữ “tâm trí” có thể đưa ra những khó khăn cần được tiếp cận theo các mối liên hệ.

ĐTC ví dụ, “tâm trí” có thể “chỉ ra một thực tại khác biệt về mặt bản thể học nhưng vẫn có khả năng tương tác với nền tảng sinh học của chúng ta.” Đồng thời, “tâm trí” thường biểu thị “toàn bộ các yếu tố của con người, đặc biệt liên quan đến sự hình thành tư tưởng”, điều này đặt ra câu hỏi về nguồn gốc các khả năng của con người bao gồm “sự nhạy cảm về đạo đức, hiền lành, từ bi, cảm thông và đoàn kết, trong đó chúng ta thấy có sự thể hiện trong những cử chỉ nhân ái, sự quan tâm vô tư đến người khác và óc thẩm mỹ, không nói gì đến việc tìm kiếm cái vô hạn và siêu việt."

Tâm hồn

Trong truyền thống Kitô giáo và truyền thống triết học Hy Lạp, “những đặc điểm con người này gắn liền với chiều kích siêu việt của con người, được đồng nhất với nguyên tắc phi vật chất của con người chúng ta, nguyên lý của linh hồn - thể xác, tâm trí và linh hồn,” Đức Thánh Cha nêu nên.

ĐTC cho hay chiều kích thứ ba của hội nghị - linh hồn- được xem xét theo quan điểm của triết học cổ điển, như là “nguyên tắc cấu thành tổ chức cơ thể nói chung và là nguồn gốc của các phẩm chất trí tuệ, tình cảm và ý chí của chúng ta, bao gồm cả lương tâm đạo đức.”

Hơn thế nữa, theo Kinh thánh, sự suy tư thần học và triết học sử dụng khái niệm linh hồn để “xác định tính độc nhất của chúng ta với tư cách là con người và đặc tính cụ thể của con người, không thể thu phục được đối với bất kỳ sinh vật nào khác, bao gồm sự cởi mở của chúng ta ra chiều kích siêu nhiên và do đó lên tới Thiên Chúa.”

Kết luận thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các tham dự viên hãy theo đuổi nghiên cứu liên ngành để hiểu rõ hơn về bản chất con người của chúng ta. Ngài cũng bày tỏ hy vọng rằng họ sẽ luôn giữ được nhiệt huyết và sự ngạc nhiên trước những bí ẩn ngày càng sâu sắc cho con người.
 
Đức Hồng Y RATZINGER: KHOA GIẢI THÍCH KINH THÁNH GẶP KHỦNG HOẢNG
Vũ Văn An
22:30 08/05/2021

Hàng năm, Viện Tôn giáo và Đời sống Công cộng, là viện xuất bản tạp chí FIRST THINGS, tài trợ cho loạt Thuyết giảng Erasmus ở Thành phố New York. Năm 1988, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc đó, đang lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin, nay là Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđíctô XVI, trình bày bài tựa là Khoa Giải thích Kinh Thánh gặp Khủng hỏang, với những phân tích và nhận định hết sức thông sáng, vẫn còn giá trị cho đến nay, khi ta bắt gặp rất nhiều cách giải thích hết sức tùy tiện về Kinh Thánh. Chúng tôi xin chuyển ngữ trọn bài nói chuyện của ngài:



Trong cuốn History of the Antichrist (Lịch sử Kitô Giả) của Wladimir Solowjew, kẻ thù cánh chung của Chúa Cứu thế đã tự tiến cử mình với các tín hữu, trong số những điều khác, bằng sự kiện hắn đã lấy bằng tiến sĩ thần học tại Đại Học Tübingen và đã viết một tác phẩm chú giải Kinh Thánh được công nhận là tiên phong trong lĩnh vực này. Kitô Giả, một nhà chú giải Kinh Thánh nổi tiếng! Với nghịch lý này, Solowjew muốn tìm cách làm sáng tỏ tính lưỡng nghĩa cố hữu trong phương pháp luận chú giải Kinh thánh trong gần một trăm năm nay. Nói về cuộc khủng hoảng của phương pháp phê bình-lịch sử ngày nay thực tế là một chuyện cố nhiên. Bất chấp sự kiện này là nó đã có một khởi đầu rất lạc quan.

Trong sự tự do tư tưởng mới tìm được đó, sự tự do được phong trào Ánh sáng lao đầu vào nhanh chóng, các tín điều hoặc tín lý của Giáo Hội xuất hiện như một trong những trở ngại thực sự đối với việc hiểu biết đúng đắn chính Kinh thánh. Nhưng một khi được giải thoát khỏi giả định xấc xược này, và được trang bị một phương pháp luận hứa hẹn tính khách quan nghiêm ngặt, dường như cuối cùng chúng ta có thể nghe lại giọng nói rõ ràng và không thể nhầm lẫn của sứ điệp ban đầu của Chúa Giêsu. Thật vậy, những gì đã bị lãng quên từ lâu nay lại được mang ra công khai một lần nữa: tính phức điệu (pophony) của lịch sử lại được nghe một lần nữa, nổi lên từ đằng sau sự đơn điệu của những cách diễn giải truyền thống. Khi yếu tố con người trong lịch sử thánh thiêng ngày càng hiển thị nhiều hơn, thì bàn tay của Thiên Chúa dường như cũng lớn hơn và gần gũi hơn.

Tuy nhiên, dần dần, bức tranh trở nên hỗn độn. Các lý thuyết khác nhau gia tăng và nhân thừa và tách biệt với nhau và trở thành một hàng rào thực sự ngăn cản việc truy cập Kinh thánh của tất cả những ai chưa được khai tâm. Dù sao thì những người đã được khai tâm cũng không còn đọc Kinh thánh nữa, nhưng đang cắt Kinh thánh ra nhiều mảnh khác nhau mà từ đó nó đã được soạn thảo. Chính phương pháp luận dường như cũng đòi hỏi một phương thức triệt để như vậy: nó không thể đứng yên khi đánh hơi được hoạt động của con người trong lịch sử thánh thiêng. Nó phải cố gắng loại bỏ tất cả các tàn dư bất hợp lý và làm sáng tỏ mọi sự. Chính đức tin cũng không phải là một thành tố của phương pháp này, mà Thiên Chúa cũng không phải là một nhân tố được xử lý trong các biến cố lịch sử. Nhưng vì Thiên Chúa và hành động của Thiên Chúa đã thấm nhiễm toàn bộ trình thuật của Kinh thánh về lịch sử, nên người ta có nghĩa vụ bắt đầu với việc giải phẫu phức tạp lời lẽ của Kinh thánh. Một mặt có nỗ lực tháo gỡ các sợi chỉ khác nhau (của trình thuật) để cuối cùng người ta nắm trong tay điều là “lịch sử thực sự”, có nghĩa là yếu tố nhân bản thuần túy trong các biến cố. Mặt khác, người ta phải cố gắng cho thấy làm sao ý niệm về Thiên Chúa lại đã trở nên đan xen trong tất cả các sự việc đó. Vì vậy, một lịch sử “thực sự” khác phải được tạo nên thay thế cho lịch sử đã được ban cho. Bên dưới các nguồn hiện có — nghĩa là chính các sách Kinh thánh — chúng ta giả thiết phải tìm ra các nguồn gốc nguyên ủy khác, các nguồn gốc, đến lượt chúng, trở thành tiêu chuẩn để giải thích. Không ai thực sự nên ngạc nhiên khi thủ tục này dẫn đến sự nảy sinh vô số giả thuyết mà cuối cùng biến thành một khu rừng mâu thuẫn. Cuối cùng, người ta không còn học được điều văn bản muốn nói, nhưng là điều đáng lẽ nó đã nên nói, và là điều nhờ đó các bộ phận cấu thành nó có thể được truy ngược lại qua bản văn.

Tình trạng sự việc như vậy chỉ có thể tạo ra phản ứng ngược lại (counterreaction). Nơi các nhà thần học hệ thống biết thận trọng, đã bắt đầu có việc tìm kiếm một nền thần học càng độc lập với khoa chú giải càng tốt. Nhưng một nền thần học có thể có được giá trị khả dĩ nào khi bị cắt đứt khỏi nền tảng của chính nó? Vì vậy, phương thức cực đoan (radical) vốn được gọi là “não trạng chính thống cực đoan” (fundamentalism) đã bắt đầu thu phục được những người ủng hộ cho là tự sai lầm và mâu thuẫn bất cứ ứng dụng nào của phương pháp phê bình lịch sử vào Lời Thiên Chúa. Họ muốn đọc Kinh thánh trở lại trong nghĩa đen của nó, đúng như nghĩa đen của nó và đúng như người đọc bình thường vốn hiểu nó như vậy. Nhưng khi nào tôi thực sự đọc Kinh thánh “theo nghĩa đen”? Và đâu là cách hiểu “chuẩn mực” đối với Kinh thánh trong tất cả các nét đặc thù của nó? Chắc chắn não trạng chính thống cực đoan có thể coi là tiền lệ chủ trương của chính Kinh thánh, vì chủ trương này vốn chọn quan điểm của “những người nhỏ bé”, “những người có trái tim trong sạch” làm quan điểm diễn giải của mình. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn là đòi hỏi “nghĩa đen” và “tính hiện thực” hoàn toàn không phải là đơn nghĩa (univocal) như thoạt nhìn lần đầu. Đương đầu với vấn đề của khoa diễn giải, một diễn trình thay thế khác xuất hiện: việc giải thích diễn trình lịch sử của việc phát triển các hình thức chỉ là một phần nhiệm vụ của người giải thích; cái hiểu của vị này trong thế giới ngày nay là việc khác nữa. Theo ý tưởng này, người ta nên điều tra các điều kiện cho chính cái hiểu để đi đến việc hình dung được bản văn vượt quá việc “mổ xẻ” lịch sử này. Thực thế, điều này hoàn toàn đúng, vì quả tình người ta chưa thực sự hiểu toàn bộ một điều gì đó, nếu mới chỉ biết giải thích các hoàn cảnh xung quanh sự khởi đầu của nó.

Nhưng làm thế nào có thể đi đến một cái hiểu, một mặt không dựa vào sự lựa chọn võ đoán một số khía cạnh đặc thù nào đó, nhưng mặt khác cho phép tôi hiểu thông điệp của bản văn chứ không phải điều gì đó phát xuất từ chính bản thân tôi? Một khi phương pháp luận đã đưa lịch sử vào chỗ chết bằng cách mổ xẻ nó, ai có thể đánh thức nó để nó có thể sống và nói với tôi? Xin để tôi nói một cách khác: nếu “khoa diễn giải” có khi nào tiến tới chỗ thuyết phục được, thì trước tiên phải tìm thấy sự hài hòa bên trong giữa việc phân tích lịch sử và việc tổng hợp diễn giải.

Chắc chắn, nhiều bước tiến lớn đã được thực hiện theo hướng này, nhưng tôi phải trung thực nói rằng một câu trả lời thực sự thuyết phục vẫn chưa được đưa ra. Nếu Rudolph Bultmann sử dụng triết lý của Martin Heidegger như một phương tiện để trình bầy lại lời Kinh thánh, thì phương tiện đó phù hợp với việc ông tái tạo lại bản chất thông điệp của Chúa Giêsu. Nhưng chính việc tái tạo này không phải là sản phẩm của nền triết học của ông ấy đó sao? Mức độ đáng tin cậy của nó ra sao theo quan điểm lịch sử? Cuối cùng, với phương thức hiểu này, chúng ta đang lắng nghe Chúa Giêsu hay Heidegger? Tuy nhiên, người ta khó có thể phủ nhận rằng Bultmann đã đương đầu một cách nghiêm túc với vấn đề gia tăng khả năng tiếp cận thông điệp của Kinh Thánh của chúng ta. Nhưng ngày nay, một số hình thức chú giải nào đó đang xuất hiện mà ta chỉ có thể giải thích như những triệu chứng tan rã của việc giải thích và khoa diễn giải. Các nhà chú giải duy vật và duy nữ, bất cứ người ta nói gì khác về họ, thậm chí không tự cho mình hiểu chính bản văn theo cách trong đó nó được dự kiến từ ban đầu. Cùng lắm, họ có thể được xem như nói lên quan điểm cho rằng thông điệp của Kinh thánh trong và từ chính nó vốn không thể giải thích được, hoặc nếu không, thì nó vô nghĩa đối với cuộc sống trong thế giới ngày nay. Theo nghĩa này, họ không còn quan tâm đến việc xác minh sự thật, mà chỉ quan tâm đến bất cứ điều gì sẽ phục vụ cho các nghị trình đặc thù của họ. Họ tiếp tục biện minh cho việc kết hợp nghị trình của họ với tài liệu Kinh thánh bằng cách nói rằng nhiều yếu tố tôn giáo giúp tăng cường sức sống của nghị trình họ. Vì vậy, phương pháp lịch sử thậm chí có thể dùng như một tấm áo choàng che đậy những cuộc thao túng như vậy trong chừng mực nó mổ xẻ Kinh thánh thành những phần không liên tục, sau đó có thể được đưa vào sử dụng mới và lồng vào một bản dựng phim mới (hoàn toàn khác với bối cảnh Kinh thánh nguyên thủy).

Vấn đề chính

Đương nhiên, tình trạng trên không xảy ra ở mọi nơi với cùng một mức độ nghiêm trọng. Các phương pháp thường được áp dụng với rất nhiều sự thận trọng, và lối diễn giải chiểu tự cực đoan thuộc loại mà tôi vừa mô tả đã bị một số lượng lớn các nhà chú giải bác bỏ. Ngoài ra, việc tìm kiếm các biện pháp sửa chữa các sai lầm căn bản trong các phương pháp hiện đại nay đã diễn ra trong một thời gian. Việc khảo cứu bác học để tìm ra một tổng hợp tốt hơn giữa các phương pháp lịch sử và thần học, giữa phê bình cao hơn và tín lý Giáo Hội, hầu như không phải là một hiện tượng gần đây. Người ta có thể thấy điều này do sự kiện hiếm ai ngày nay có thể khẳng định rằng một sự hiểu biết thực sự phổ biến về toàn bộ vấn đề này đã được tìm thấy, có tính đến cả những hiểu biết thông sáng không thể phủ nhận được do phương pháp lịch sử khám phá ra, trong khi cùng một lúc, khắc phục được các hạn chế của nó và tiết lộ chúng trong một diễn giải hoàn toàn thích đáng. Ít nhất cần việc làm của cả một thế hệ mới mong đạt được một điều như vậy. Do đó, điều tiếp theo sẽ là một nỗ lực để phác thảo một vài phân biệt và chỉ ra một vài bước đầu tiên có thể sử dụng để hướng tới một giải pháp cuối cùng.

Không cần đặc biệt phải chứng minh rằng một mặt, tìm an ổn trong lối hiểu mà mình cho là thuần túy, theo nghĩa đen của Kinh Thánh, là điều vô ích. Mặt khác, não trạng cực nệ thể chế Giáo Hội (ecclesiasticism) hoàn toàn có tính thực nghiệm (positivistic) và cứng ngắc cũng chẳng ích lợi chi. Tương tự như vậy, chỉ thách thức các lý thuyết cá thể, nhất là những lý thuyết táo bạo và đáng ngờ hơn, là điều không đủ. Tương tự như vậy, không hài lòng là lập trường trung dung của việc cố gắng lựa lọc trong mỗi trường hợp càng sớm càng tốt những câu trả lời của khoa chú giải hiện đại phù hợp với truyền thống nhiều hơn. Một lo xa như vậy đôi khi tỏ ra có lợi, nhưng nó không nắm được tận gốc vấn đề và trên thực tế vẫn phần nào võ đoán nếu nó không thể làm cho lý lẽ của mình trở nên khả niệm. Để đi đến một giải pháp thực sự, chúng ta phải vượt ra khỏi các tranh cãi về chi tiết và nhấn mạnh tới các nền tảng. Điều chúng ta cần có thể được gọi là một khoa phê bình khoa phê bình (criticism of criticism). Ý tôi không phải là một số phân tích bên ngoài, mà là một phê bình dựa trên tiềm năng cố hữu tự phân tích chính nó của mọi tư duy có phê phán.

Chúng ta cần một việc tự phê bình phương pháp lịch sử, có thể mở rộng tới việc phân tích về chính lý lẽ lịch sử, trong liên tục tính và sự phát triển phương pháp lý trí phê bình nổi tiếng của Immanuel Kant. Xin cho tôi đoan chắc ngay với các bạn rằng tôi không cho là tôi hoàn tất được một nhiệm vụ to lớn như vậy trong một thời gian ngắn chúng ta có mặt với nhau. Nhưng chúng ta phải bắt đầu cách nào đó, ngay cả bằng cách khám phá sơ bộ một điều vẫn còn là một vùng đất chưa được khai phá. Có vẻ như việc tự phê bình phương pháp lịch sử sẽ phải bắt đầu bằng cách đọc các kết luận của nó một cách dị đại (diachronic) để tránh thái độ coi mình đã nắm được sự chắc chắn gần như lâm sàng-khoa học. Chính cái chắc chắn biểu kiến này đã giúp các kết luận của nó được chấp nhận rộng dài xưa nay.

Thực thế, trọng tâm của phương pháp phê bình lịch sử nằm ở nỗ lực thiết lập trong lĩnh vực lịch sử một mức độ chính xác về phương pháp luận có thể mang lại kết luận chắc chắn giống như trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhưng điều mà một nhà chú giải coi là dứt khoát có thể bị các nhà chú giải khác đặt nghi vấn. Đây là một quy tắc thực tế được giả định là có giá trị rõ ràng và hiển nhiên. Bây giờ, nếu mô hình khoa học tự nhiên được tuân theo không do dự, thì tầm quan trọng của nguyên lý Heisenberg cũng nên được áp dụng vào phương pháp phê bình lịch sử. Heisenberg đã chỉ ra rằng kết quả của một thí nghiệm nhất định nào đó bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm của người quan sát. Trường hợp này đúng đến nỗi cả các câu hỏi lẫn các quan sát của người quan sát tiếp tục thay đổi theo tiến trình tự nhiên của các biến cố. Khi được áp dụng vào nhân chứng của lịch sử, điều này có nghĩa là việc giải thích không bao giờ có thể chỉ là sự tái tạo đơn giản về hữu thể lịch sử, “như nó đã từng là”. Hạn từ “giải thích” cho chúng ta một manh mối dẫn tới chính câu hỏi: mọi nhà chú giải đều đòi một “đi vào” [inter], một việc đi vào trong và một hiện hữu “ở bên trong” [inter] hoặc giữa các sự vật; đo là sự can dự của chính người diễn giải. Tính khách quan thuần túy là một sự trừu tượng phi lý. Nó không phải là người không can dự tiến đến nhận thức; đúng hơn, chính sự quan tâm là một yêu cầu cho khả thể tiến đến nhận thức.

Như thế, ở đây, câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để người ta trở nên quan tâm, không phải để bản thân lấn át tiếng nói của người khác, mà một cách khiến người ta khai triển một loại hiểu biết nội thẳm hơn về những điều thuộc quá khứ, và tai nghe được lời chúng nói với chúng ta hôm nay?

Nguyên tắc được Heisenberg đưa ra cho các thí nghiệm trong các khoa học tự nhiên này có một ứng dụng rất quan trọng đối với mối liên hệ chủ thể-khách thể. Chủ thể không được cô lập một cách gọn gàng trong thế giới riêng của nó ngoài bất cứ sự tương tác nào. Người ta chỉ có thể cố gắng đưa nó vào trạng thái tốt nhất có thể. Điều này càng đúng hơn đối với lịch sử vì các diễn trình vật lý hiện hữu trong hiện tại và có thể lặp lại. Hơn nữa, các diễn trình lịch sử vốn xử lý tính không thể hiểu thấu và các lớp lang sâu thẳm của con người và do đó, càng dễ bị ảnh hưởng bởi chủ thể nhận thức hơn là các biến cố tự nhiên. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể tái tạo lại bối cảnh lịch sử ban đầu của một chủ thể từ những manh mối hiện còn lại đó?

Vào thời điểm này, chúng ta cần dẫn nhập điều tôi vốn gọi là phương thức dị đại đối với các phát hiện chú giải. Sau khoảng hai trăm năm nghiên cứu chú giải các bản văn, người ta không còn coi mọi kết quả của chúng có sức nặng như nhau nữa. Bây giờ người ta phải nhìn chúng trong bối cảnh lịch sử đặc thù của chúng. Lúc đó, ta mới thấy rõ: một lịch sử như vậy không chỉ là một lịch sử tiến bộ từ các kết luận không chính xác đến các kết luận chính xác và khách quan. Nó xuất hiện nhiều hơn như một lịch sử của các mối liên hệ qua lại được tái tạo một cách chủ quan mà các phương thức của nó tương ứng hoàn toàn với các phát triển của lịch sử tâm linh. Đổi lại, những phát triển này được phản ảnh trong những cách giải thích đặc thù các bản văn. Trong cách đọc dị đại của khoa chú giải, những tiền đề triết học của nó trở nên khá rõ ràng. Bây giờ, ở một khoảng cách nhất định nào đó, người quan sát ngạc nhiên xác định rằng những cách giải thích này, vốn giả thiết là rất nghiêm ngặt về mặt khoa học và hoàn toàn mang tính “lịch sử”, thực ra lại phản ảnh tinh thần áp đảo (overriding) của chính chúng, chứ không phải là tinh thần của thời xa xưa. Cái nhìn sâu sắc này không nên đưa chúng ta đến sự hoài nghi về phương pháp, mà đúng hơn, đến sự công nhận trung thực về điều giới hạn của nó là chi, và có lẽ nó cần được thanh lọc như thế nào.

Kỳ sau: Tự phê bình phương pháp phê bình -lịch sử trên mô hình phương pháp này được Martin Dibelius và Rudolph Bultmann giảng dạy ra sao
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hà Tĩnh ngập tràn tâm tình Tri ân và Tạ ơn
Phạm Huy Thông
20:58 08/05/2021
Nhận được giấy mời của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, tôi vội lên đường vào Hà Tĩnh. Trời mưa tầm tã cả đêm ngày 28-4 và sáng ngày thánh lễ bàn giao sứ vụ 29-4 nhưng người đổ về Văn Hạnh vẫn đông. Cảnh sát giao thông, trật tự phân luồng từ xa và không cho xe vào khu nhà thờ. Có xe vận chuyển giáo dân vào trong khu nhà thờ chính tòa.

Vì trời mưa nên không có rước nên đoàn đồng tế từ phòng áo ra nhà thờ luôn trong tiếng hát của ca đoàn nhà thờ chính tòa Văn Hạnh. Các Giám mục miền Bắc cũng như Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đều có mặt. Theo tinh thần chống dịch covid-19, tất cả giáo dân, nữ tu, linh mục, Giám mục tham dự thánh lễ đều đeo khẩu trang suốt thánh lễ. Chủ tế là Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh- Chủ tịch HĐGMVN (ảnh dưới).

Hôm 27-4-2021, linh mục Phêrô Hoàng Biên Cương- Phó Chủ tịch Hội đồng linh mục giáo phận cùng địa diện các thành phần giáo phận Hà Tĩnh đã đến hội trường Tòa Giám mục để tri ân Đức cha Phaolo sau 8 năm 6 tháng coi sóc giáo phận Vinh và 2 năm 3 tháng coi sóc giáo phận Hà Tĩnh. Đức cha đã đặt nền móng để xây dựng quy chế cho các Ủy ban, đoàn hội hoạt động; xây mới và sửa chữa nhiều cơ sở tôn giáo nhất là chú ý an sinh xã hội như cứu trợ các nạn nhân bão lũt, xây nhà tránh lũ ở Quảng Bình. Những chương trình liên kết đào tạo linh mục với Hoa Kỳ đã có hoa trái lứa đầu. Tháng 5-2021, sẽ có chủng sinh ở Hà Tĩnh được truyền chức linh mục tại Hoa Kỳ. Chương trình hỗ trợ học Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Chicago hàng năm với 15 học bổng, mỗi suất trị giá 25.000 đô la bắt đầu được tuyển sinh. Giáo phận Hà Tĩnh xin tri ân Đức cha và cầu mong Ngài mạnh khỏe để tiếp tục giúp đỡ Giáo phận sau khi nghỉ hưu. Đức cha Phaolô cũng xúc động cảm ơn mọi người đã giúp đỡ, cộng tác thời gian qua.

Trong khi đó, một đoàn khác do linh mục GB Nguyễn Khắc Bá- Tổng đại diện giáo phận có mặt tại sân bay Vinh để đón tân Giám quản Hà Tĩnh- Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn. Khi đoàn về Văn Hạnh, sau khi chầu Thánh thể, Đức cha Phaolô đã vui mừng chào đón Đức cha Louis và tặng hoa cho Ngài (ảnh trên).

Khắp trong, ngoài nhà thờ Văn Hạnh, nơi nhà ăn, chỗ nào cũng có khẩu hiệu: Tri ân Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp và hân hoan chào đón Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn. Khẩu hiệu Giám mục của Đức cha Louis: Này con đây, cũng được trưng bày trên sảnh cao Tòa Giám mục Hà Tĩnh và cổng nhà thờ Văn Hạnh.

Trong bài chia sẻ của mình, Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên đã nhấn mạnh sứ vụ truyền giáo của tất cả mọi Kitô hữu. Các vị Giám mục càng đòi buộc nặng nề hơn. Vì vậy, dù đến tuổi 75 phải làm đơn nghỉ hưu theo Giáo luật nhưng dù không còn giữ chức vụ, nhiệm vụ truyền giáo vẫn phải tiếp tục thực thi dưới những cách thức khác. Đức cha Phaolo đã có nhiều cố gắng để bảo vệ công lý, môi trường, dân nghèo khi đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban công lý, hòa bình của HĐGMVN cũng là để lan truyền Tin mừng trong xã hội. Bây giờ, Ngài nghỉ hưu sẽ có thời gian theo đuổi các chương trình văn hóa, giáo dục, giảng dạy- là những thế mạnh của Ngài mà do bận mục vụ nên không có thời gian biểu lộ vẫn là cách tiếp tục rao giảng Phúc âm.

Linh mục GB Nguyễn Khắc Bá đã thay mặt các thành phần dân Chúa ở Hà Tĩnh tri ân Đức cha Phaolô và chào đón Đức cha Louis bằng những bó hoa tươi thắm. Phát biểu với cộng đoàn, Đức cha Phaolô đã Tạ ơn Chúa cho mình được phục vụ giáo phận Vinh và giáo phận Hà Tĩnh. Cũng đã cố gắng làm được một số việc nhưng dự định còn dang dở nhiều lắm vì khó khăn chủ quan, khách quan đòi hỏi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tất nhiên cũng có việc được khen và có việc bị chê nên phải rút kinh nghiệm đồng thời xin lỗi mọi người về những thiếu sót đó. Song tất cả chỉ là để tôn vinh Chúa và truyền bá lời Chúa. Đức cha Louis đáp từ, Ngài nói rằng, dư luận đồn thổi khác nhưng Tòa thánh lại quyết Ngài về quê hương. Vì quê nội của Ngài ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông cố vào Đà Nẵng lấy vợ và sinh được 9 người con. Nay bà cố đã 92 tuổi đem con trai về ra mắt nhà chồng. Xin cảm ơn Đức cha Phaolô - Giám mục tiên khởi của giáo phận Hà Tĩnh đã vất vả xây dựng giáo phận những ngày đầu thành lập tới nay. Nhiều chương trình của Đức cha Phaolô sẽ tiếp tục được triển khai nhưng xin đề xuất chương trình xây dựng hội Thánh tại gia tức củng cố gia đình thành pháo đài truyền giáo. Các gia đình sẽ liên gia để thành chuỗi dây truyền giáo. Hà Tĩnh xa nhưng không lạ với con vì con là người con của Hà Tĩnh mà.

Phát biểu cuối cùng trong thánh lễ, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã cảm ơn Đức cha Phaolô hơn 10 năm coi sóc giáo phận Vinh và Hà Tĩnh, đã làm được rất nhiều cho vùng đất khó khăn này. Đặc biệt xin tri ân Đức cha đã là người lính tiên phong trong bảo vệ công lý, hòa bình, môi trường và dân nghèo. Hành động của Đức cha làm cho giáo hội Việt Nam được thơm lây. Xin Đức cha Louis tiếp bước Đức cha Phaolo trong cuộc chạy đua tiếp sức này ở Hà Tĩnh. Bây giờ, do không còn bận việc mục vụ nữa nhưng với khả năng Chúa ban, Đức cha Phaolô có điều kiện theo đuổi các dự án về văn hóa, giáo dục, môi trường để đóng góp cho xã hội, giáo hội. Hà Tĩnh có đặc sản cu đơ. Cu đơ phải có hai cái bánh đa ôm lấy lạc, đường để tạo ra sản phẩm độc đáo thơm ngon cho mọi người. Tôi tin, hai cái bánh đa là sự nghiệp của Đức cha Phaolô và công cuộc sắp tới của Đức cha Louis sẽ ôm trọn cái nhiệt huyết của tất cả các thành phần dân Chúa ở đây để tạo ra một giáo phận Hà Tĩnh vẻ vang cho Giáo hội Việt Nam và đất nước Việt Nam.

Đức cha Chủ tịch HĐGMVN cũng tặng hoa cho cả hai Đức cha mãn nhiệm và tân nhiệm như một cử chỉ tri ân và tạ ơn.

Một bữa tiệc long trọng đã được tổ chức để tiếp tục bày tỏ sự tri ân và tạ ơn với quý khách xa gần. Tôi được biết Ban tôn giáo Chính phủ và một số cơ quan của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đến chúc mừng sự kiện này của giáo phận Hà Tĩnh. Lãnh đạo tỉnh cũng giao cho thành phố Hà Tĩnh trực tiếp xử lý nhu cầu xin đất làm Tòa Giám mục Hà Tĩnh một cách nhanh nhất.

Vậy là lại có thêm niềm vui trong tâm tình tri ân và tạ ơn ở Hà Tĩnh.
 
Thông Báo
Thông tin mới nhất, rất ích lợi về COVID-19 từ Minesota 8 May, 2021
Vietnamese Social Service in Minnesota
20:18 08/05/2021
1. COVID-19 Vaccines and Pregnancy:
Thuốc Chủng Ngừa COVID-19 và Thai Phụ
Source: https://www.health.state.mn.us/diseases/coronavirus/vaccine/vaxpregnancy.pdf


2.. Mental Well-Being (TÂM THẦN AN LẠC) A&B
Source: https://www.health.state.mn.us/docs/communities/mentalhealth/quickcardmwb.pdf


3. What Should Business Do When Worker or Customer Refuses to Comply with Face Covering Requirements?
Source: https://www.health.state.mn.us/diseases/coronavirus/facecoverfaq.html#refuse1


4. Wellness Guide (CÁCH GIỮ CHO THÂN THỂ KHANG AN )
Source: https://www.health.state.mn.us/diseases/coronavirus/hcp/mhwellness.pdf


5/ What you need to know after having COVID 19
( Những Điều Cần Biết Sau Khi Lây Nhiễm COVID-19)


6/ Lowering Your Risks for COVID-19
(Giảm Thiểu Nguy Cơ Lây Nhiễm COVID-19)
Source: https://www.health.state.mn.us/diseases/coronavirus/materials/riskvenn.pdf


7/ What About Herd Immunity
(Miễn Dịch Cộng Đồng Ra Sao)
Source: https://www.health.state.mn.us/diseases/coronavirus/vaccine/basics.html#herd


8/ Safely ending COVID-19 restrictions
Kết Thúc Những Hạn Chế Về COVID-19 Một Cách An Toàn
Source: https://mn.gov/covid19/assets/may-7-guidance-wide-twitter_tcm1148-480373.png
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Gìà
Sr. Huyền Trần
14:59 08/05/2021
MẸ GIÀ
Ảnh của Sr. Huyền Trần (SSpS)

Cả đời mẹ long đong vất vả
Cho chồng con quên cả thân mình
Một đời mẹ đã hy sinh
Tuổi xuân phai nhạt nghĩa tình đượm sâu

Mưa và nắng nhuộm màu tóc trắng
Bụi gian nan đọng lắng nếp nhăn
Rụng rồi thương lắm hàm răng
Lưng còng chân yếu ánh trăng cuối trời
(Trích thơ của Đặng Minh Mai)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ Chúa Trời
Nguyễn Đức Cung
15:06 08/05/2021
MẸ CHÚA TRỜI
Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Kính mừng Maria đầy ơn phúc
Đức Chúa Trời ở cùng Bà,
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ,
và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Happy Mother's Day !
 
VietCatholic TV
Tấm màn bí mật quanh cái chết thảm khốc của một người Công Giáo tại Iran. Ukraine mong ĐTC đến thăm
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:00 08/05/2021


1. Mục sư Tin lành chỉ trích Tiến Trình Công Nghị của Giáo Hội Đức

Mục sư Tin lành Alexander Garth, ở thành phố Wittenbert thuộc miền Đông Đức, quê hương của Martin Luther, thủy tổ Tin lành Đức, đã lên tiếng phê bình Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức.

Tiến trình này là một thứ Công nghị toàn nước Đức, với 230 đại biểu. Dưới sự thúc đẩy của các giám mục, tu sĩ và giáo dân có xu hướng cấp tiến, Công nghị đang cố gắng đạt tới sự cải tổ các cơ cấu của Giáo hội trong bốn lãnh vực: dân chủ hóa Giáo hội, truyền chức cho nữ giới, thay đổi luật độc thân giáo sĩ và cải tiến luân lý tính dục Công Giáo cho hợp thời đại, kể cả việc chấp nhận đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng phái, sống chung ngoài hôn nhân, v.v.

Trong một bài đăng trên tạp chí “Vatian Magazin”, số ra tháng Năm này, tại Đức và Rôma, Mục sư Garth viết: “Tôi lo âu quan sát những cố gắng nhắm tin lành hóa Giáo Hội Công Giáo anh em, như được biểu lộ qua phong trào nữ quyền “Maria 2.0” và trong Tiến Trình Công Nghị. Sự dân chủ hóa một Giáo hội nhân dân làm cho Giáo Hội Công Giáo trở nên tầm thường và giảm bớt căn tính của mình. Điều này người ta thấy rõ trong Giáo hội Tin lành. Tình trạng tinh thần và thể lý của Giáo hội Tin lành ngày càng trở nên bi thảm hơn và những hậu quả của trào lưu tục hóa càng tàn phá Tin lành mạnh hơn so với Giáo Hội Công Giáo”.

Nhà thờ của Mục sư Garth là nơi mà Martin Luther đã từng giảng đạo. Mục sư nhận xét rằng: “Sự tin lành hóa Giáo Hội Công Giáo thật là một bất hạnh lớn”. Thế giới đang cần đặc tính Công Giáo, Linh đạo Công Giáo, sự trung thành với Đức Giáo Hoàng, lòng sùng kính Đức Mẹ Maria và mẫu gương các thánh của Giáo hội”. Thế giới Kitô không được phép đánh mất Giáo Hội Công Giáo.

Mục sư Garth được dư luận nói đến nhiều, đặc biệt với cuốn sách của ông xuất bản hồi năm 2014, với tựa đề “Không có Thiên Chúa thì mọi sự càng tồi tệ hơn” (Ohne Gott ist alles noch viel schlimmer). Trong sách này, Mục sư đề cập đến sự nghi ngờ đức tin và kể lại kinh nghiệm bản thân cũng như các cuộc trao đổi với những người khác. Mục sư là người đã thành lập và đồng tổ chức một trong những sáng kiến về Giáo hội trẻ và các sinh hoạt Tin lành.
Source:Dom Radio

2. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk: 'Ukraine đang mong đợi Đức Thánh Cha đến thăm'

Người dân Ukraine đang mong đợi một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đến thăm quốc gia Đông Âu bất chấp những trở ngại do đại dịch coronavirus gây ra.

Ngài nói: “Đức Giáo Hoàng gần đây đã đến thăm Iraq, và ngài sẽ đi thăm các quốc gia khác nhau trên thế giới bất chấp những khó khăn mà COVID đưa ra, vì thế Ukraine đang mong đợi Đức Thánh Cha đến thăm”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên của kỷ nguyên hiện đại đã đến thăm đất nước có biên giới với Moldova, Romania, Hung Gia Lợi, Slovakia, Ba Lan, Belarus và Nga.

Trong bài phát biểu khi đến Kiev vào ngày 23 tháng 6 năm 2001, Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng hai vị giáo hoàng trong thời kỳ đầu đã bị trục xuất đến Ukraine ngày nay.

Ngài nói: “Lịch sử đã ghi lại tên của hai vị Giáo Hoàng Rôma, trong quá khứ xa xôi, đã đến đây là Thánh Clêmentê Đệ Nhất vào cuối thế kỷ thứ nhất và Thánh Martin Đệ Nhất vào giữa thế kỷ thứ bảy. Các ngài bị trục xuất đến Crimea, nơi các ngài chết như những vị tử đạo”.

Trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã tìm cách tiếp cận với các tín hữu Chính thống giáo, chiếm khoảng 2/3 dân số.

Chuyến thăm từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ngài kể từ khi đại dịch bùng phát. Trên chuyến bay trở về Rôma, ngài xác nhận rằng ngài sẽ đến thăm Budapest, Hung Gia Lợi, vào ngày 12 tháng 9 để dự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Ngài gợi ý rằng ngài có thể kết hợp chuyến đi với chuyến thăm đến thủ đô Bratislava của Slovakia.

Vị giáo hoàng 84 tuổi nói với các phóng viên rằng ngài cảm thấy mệt mỏi hơn trong chuyến công du Iraq so với những lần trước và không biết liệu lịch trình đi lại của ngài có bị chậm lại trong tương lai hay không.

Đại dịch COVID-19 đã hủy các chuyến công du của Đức Giáo Hoàng đến Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea vào năm 2020. Trước đó, Đức Phanxicô đã giữ lịch trình tông du bận rộn, thực hiện 32 chuyến đi quốc tế đến 51 quốc gia khác nhau trong bảy năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi hòa bình ở Ukraine, nơi các lực lượng Ukraine và Nga đã đụng độ ở miền đông đất nước kể từ tháng 2/2014.

Trong cuộc phỏng vấn với ACN, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cho biết ngài rất biết ơn những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ukraine.
Source:Catholic News Agency

3. Thư Mục vụ về Phẩm Giá Con Người của thai nhi chưa chào đời, Rước Lễ và người Công Giáo trong đời sống công cộng

Đức Cha Salvatore Joseph Cordileone, Tổng Giám mục San Francisco, vừa đưa ra một thư Mục vụ, có tựa đề “Phẩm Giá Con Người của thai nhi chưa chào đời, Rước Lễ và người Công Giáo trong đời sống công cộng”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1: 5). Chàng thanh niên Giêrêmia đã nghe Chúa phán những lời này với mình hơn 2500 năm trước. Trong thời đại mà chúng ta đang sống, tai họa phá thai đã bỏ qua thực tế rằng con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, được Người biết đến và yêu quý. Bức thư mục vụ này gửi đến tất cả những người Công Giáo, nhưng đặc biệt là những người Công Giáo có liên hệ đến đời sống công cộng, nhằm kêu gọi suy tư sâu sắc về tệ nạn phá thai và về ý nghĩa của việc rước lễ, là Bánh Hằng Sống.

Có bốn điểm mấu chốt trong bức thư này:

Tính chất nghiêm trọng của tội ác phá thai: Khoa học dạy rằng sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Sự kết liễu mạng sống con người thông qua việc phá thai đã làm tổn thương sâu sắc người phụ nữ và phá hủy nền tảng của một xã hội công bằng; quyền được sống là “quyền ưu tiên vượt trội” vì một khi nó bị vi phạm nền tảng của tất cả các quyền khác không còn nữa. Là người Công Giáo, chúng ta phải là tiếng nói cho những người không có tiếng nói và bất lực; chẳng ai vô phương tự vệ hơn một đứa trẻ trong bụng mẹ.

Những kẻ hợp tác với tội ác luân lý: Ai là người phải chịu tội khi một vụ phá thai xảy ra? Phá thai không bao giờ chỉ là hành động đơn phương của người mẹ. Những người giết hoặc hỗ trợ giết thai nhi trực tiếp liên quan đến việc thực hiện một hành vi xấu xa nghiêm trọng. Người nào đó gây áp lực hoặc khuyến khích người mẹ phá thai, người trả tiền hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai, và cả những kẻ hỗ trợ cho các ứng cử viên dù biết những ứng cử viên ấy sẽ thúc đẩy luật chống phá thai cũng hợp tác ở các mức độ khác nhau trong một vấn đề đạo đức nghiêm trọng.

Ý nghĩa của việc rước Mình Thánh Chúa: Giáo hội đã dạy nhất quán trong 2000 năm qua rằng những người rước Thánh Thể phải công khai tuyên xưng đức tin Công Giáo của mình và kính cẩn phấn đấu sống theo các giáo huấn đạo đức của Giáo hội. Những ai từ chối giáo huấn của Giáo Hội về sự thánh thiêng của đời sống con người và những ai không tìm cách sống phù hợp với giáo huấn đó thì tự mình đã mâu thuẫn với sự hiệp thông của Giáo hội, và do đó không nên lãnh nhận bí tích hiệp thông, là Chúa Giêsu Thánh Thể. Tất cả chúng ta đều thiếu sót theo nhiều cách khác nhau, nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa việc phấn đấu để sống theo những lời dạy của Giáo hội và việc từ chối những giáo huấn ấy.

Trách nhiệm của người Công Giáo trong đời sống công cộng: Từ ba điểm trên, có thể thấy rằng người Công Giáo nổi bật trong đời sống công cộng có trách nhiệm đặc biệt là làm chứng một cách trọn vẹn giáo huấn của Giáo hội. Ngoài lợi ích thiêng liêng của chính họ, còn có nguy cơ tai tiếng: đó là, qua chứng tá giả mạo của họ, những người Công Giáo khác có thể nghi ngờ giáo huấn của Giáo hội về phá thai, về Chúa Giêsu Thánh Thể, hoặc cả hai. Điều này càng ngày càng trở nên một thách đố nghiêm trọng trong thời đại của chúng ta.

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hoán cải, chứ không chỉ riêng những người Công Giáo nổi bật trong đời sống công cộng. Chúng ta phải hiểu rõ những gì đang bị đe dọa ở đây và cùng nhau xây dựng văn hóa cuộc sống. Với những người cần nghe rõ ràng thông điệp này, tôi xin anh chị em hãy quay lưng lại với điều ác và trở về với niềm tin Công Giáo trọn vẹn của anh chị em. Chúng tôi đang chờ đón anh chị em với vòng tay rộng mở để anh chị em có thể trở lại với niềm vui.
Source:San Francisco Archdiocese

4. Giáo xứ Tehran mất một giáo dân trong một tai nạn thảm khốc và bí ẩn

Giáo Hội tại Iran có khoảng 21,380 người Công Giáo ở Iran trên tổng dân số khoảng 78.9 triệu người. Ngoài một số công dân Iran, dân số Công Giáo tại đây bao gồm một số đáng kể những người nước ngoài làm việc ở Iran.

Đáng buồn là cộng đoàn dòng Đa Minh tại nhà thờ Thánh Abraham ở Tehran vừa mất đi một thành viên là một nhà ngoại giao Thụy Sĩ.

Sáng Chúa Nhật 2 tháng 5, cô vẫn còn hiện diện với cộng đoàn trong thánh lễ Chúa Nhật thứ 5 Mùa Phục sinh.

Hôm thứ Ba 4 tháng 5, có tin cô đã chết sau khi rơi từ tòa nhà cao tầng nơi cô cư ngụ.

Truyền thông Iran, trích dẫn các dịch vụ khẩn cấp, nói rằng cô ấy là thư ký thứ nhất của đại sứ quán Thụy Sĩ, và đã rơi từ tòa nhà nơi cô ấy sống.

Một phát ngôn viên của cơ quan khẩn cấp Iran cho biết thi thể của nhà ngoại giao được một người làm vườn tìm thấy vào hôm thứ Ba, sau khi một nhân viên sứ quán đến tìm cô vào sáng sớm hôm thứ Ba và nhận thấy cô đã mất tích.

Thụy Sĩ đã đại diện cho lợi ích ngoại giao của Mỹ ở Iran kể từ khi Washington và Tehran cắt đứt quan hệ ngay sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Vụ này diễn ra khi Iran và các cường quốc trên thế giới tiếp tục các cuộc đàm phán mới về chương trình hạt nhân của Iran.

Nhà ngoại giao này là một người Công Giáo nhiệt thành, vui vẻ, và cởi mở. Khả năng cô ấy tự tử bị bác bỏ dễ dàng. Nhưng, như thế, làm sao cô có thể té từ tòa nhà cao tầng này xuống đất chết thảm như thế?
Source:Reuters