Ngày 20-05-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha công bố danh sách 14 tân Hồng Y – Việt Nam mất cơ hội có tân Hồng Y lần này
Đặng Tự Do
07:55 20/05/2018
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 20 tháng 5, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng ngài sẽ tấn phong 14 tân Hồng Y vào ngày 29 tháng 6, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.

Đức Thánh Cha nói các vị tân Hồng Y đến từ 11 quốc gia, “thể hiện tính phổ quát của một Giáo Hội tiếp tục công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người trên trái đất này.”

Trong danh sách các Tân Hồng Y có ba vị trên 80 tuổi “nổi bật vì sự phục vụ của các ngài dành cho Giáo Hội.”

Ngay tại thời điểm hiện nay, khi Đức Thánh Cha công bố quyết định này, Hồng Y Đoàn có 213 thành viên, trong đó có 115 vị dưới 80 tuổi và do đó hội đủ điều kiện bỏ phiếu trong một mật nghị bầu tân giáo hoàng.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, sẽ mừng sinh nhật lần thứ 80 của ngài vào ngày 8 tháng Sáu. Như thế, vào ngày 29 tháng 6, Hồng Y Đoàn dự kiến sẽ có 227 vị trong đó 125 vị là Hồng Y cử tri.

Sau ngày 29 tháng 6, số Hồng Y cử tri do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong sẽ chiếm gần một nửa. Mười chín vị Hồng Y cử tri do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong; và 47 vị do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tấn phong.

Các tân Hồng Y đến từ: Iraq, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Pakistan, Bồ Đào Nha, Peru, Madagascar, Nhật Bản, Mexico và Bolivia.

Các Hồng Y mới, được liệt kê theo thứ tự được Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo, là:

- Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê thành Babylon Louis Raphael I Sako, 69 tuổi, người Iraq.
- Đức Tổng Giám Mục Luis F. Ladaria, 74 tuổi, người Tây Ban Nha, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.
- Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, 64 tuổi, người Ý, Giám quản Giáo phận Rome.
- Đức Tổng Giám Mục Giovanni Angelo Becciu, 69 tuổi, người Ý, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
- Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, 54 tuổi, người Ý, Quan Phát Chẩn của Đức Giáo Hoàng.
- Đức Tổng Giám Mục Joseph Coutts của Karachi, 72 tuổi, người Pakistan,.
- Đức Giám Mục Antonio dos Santos Marto của giáo phận Leiria-Fatima, 71 tuổi, người Bồ Đào Nha.
- Đức Tổng Giám Mục Pedro Barreto của Huancayo, 74 tuổi, người Peru.
- Đức Tổng Giám Mục Desire Tsarahazana của Toamasina, 63 tuổi, người Madagascar.
- Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Petrocchi của L’Aquila, Ý, 69 tuổi.
- Đức Tổng Giám Mục Thomas Aquinas Manyo Maeda ở Osaka, Nhật Bản, 69 tuổi.
- Đức Tổng Giám Mục Sergio Obeso Rivera, Tổng Giám Mục đã nghỉ hưu của Xalapa, Mexico, 86 tuổi.
- Đức Giám Mục Toribio Ticona Porco, vị giám mục về hưu của Corocoro, Bolivia, 81 tuổi.
- Cha Claretian Aquilino Bocos Merino, 80 tuổi, người Tây Ban Nha.

Trong 11 vị Hồng Y dưới tuổi 80 được tấn phong lần này có đến 3 vị thuộc Á Châu, nơi tỷ lệ gia tăng dân số Công Giáo từ 4 đến 5%. Trong tất cả các châu lục, Á Châu là lục địa mênh mông nhất. Với hơn 3.6 tỷ dân, Á châu là lục địa đông dân nhất toàn cầu. Tuy nhiên, đây lại chính là nơi có tỷ lệ người Công Giáo thấp nhất thế giới. Tỷ lệ người Công Giáo tại Á Châu chỉ có 3.3% so với 15.27% tại Phi Châu, 25.24% tại Đại Dương Châu, 37.85% tại Âu Châu, và 59.08% tại Mỹ Châu. Chính vì thế, các triều đại Giáo Hoàng gần đây đều rất chú ý đến Á Châu.

Vào ngày 1 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã qua tuổi 80, Việt Nam không còn cử tri Hồng Y nào.

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Sàigòn vào ngày 1 tháng Ba năm 1998, và 5 năm sau được tấn phong Hồng Y ngày 21 tháng 10 năm 2003. Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Hà Nội vào ngày 13 tháng Năm năm 2010, và hơn 4 năm sau được tấn phong Hồng Y ngày 14 tháng Hai năm 2015. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc cũng đã coi sóc tổng giáo phận được 4 năm.

Với cái chết đột ngột của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Giáo Hội tại Việt Nam có lẽ vừa mất đi một cơ hội để có vị Hồng Y thứ Bẩy trong năm nay.

Sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào tháng Ba năm 2013, từ năm 2014, mỗi năm Đức Thánh Cha đều tấn phong các tân Hồng Y. Công nghị tấn phong 14 vị lần này là Công Nghị tấn phong Hồng Y lần thứ 5. Trong 4 lần trước, Đức Thánh Cha đã tấn phong tổng cộng 61 vị Hồng Y từ 43 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y.


Source Libreria Editrice Vaticana - SOLENNITÀ DI PENTECOSTE PAPA FRANCESCO REGINA COELI Piazza San Pietro Domenica, 20 maggio 2018
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Xuân Lộc:Thánh lễ Thêm Sức tại giáo xứ Hà Nội
Hoàng Bá Qúy
10:04 20/05/2018
Giáo phận Xuân Lộc: Sáng Chúa Nhật, ngày 20 tháng 5 năm 2018, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cộng đoàn giáo xứ Hà Nội, giáo hạt Hố Nai hân hoan chào đón Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám Mục Phụ Tá Giáo phận Xuân Lộc đến kinh lý mục vụ và ban Bí Tích Thêm Sức cho 214 em thiếu nhi trong giáo xứ.

Xem Hình

Đúng 8g30, chào đón Đức Cha tại cổng thánh đường có cha xứ Giuse Phạm Sơn Lâm, cha phó Gioan B. Vũ Đình Chương, thầy xứ, các em chịu phép Thêm Sức và cộng đoàn dân xứ.

Lúc 9g15, Đức Cha và quý cha cùng đoàn rước là các em chịu phép Thêm Sức và quý chức tiến lên thánh đường. Thánh lễ do Đức Cha Phụ Tá Gioan chủ tế, cùng đồng tế với Ngài có Cha Quản hạt Giuse Phạm Sơn Lâm, cha phó, quý cha trong giáo hạt. Tham dự lễ có các tu sĩ nam nữ, quý khách ban hành giáo 16 xứ trong giáo hạt, quý chức Ban Hành Giáo, đại diện các giới và cộng đoàn giáo dân trong giáo xứ.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ, ông trưởng đại diện Ban Hành Giáo đại diện cho dân xứ dâng lời cảm tạ lên Đức Cha. Những lẵng hoa tươi xinh của đại diện dân xứ dâng lên Đức Cha và cha Quản Hạt.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự xuống biến đổi tâm hồn các em lãnh Bí Tích Thêm Sức hôm nay để các em trở thành những chứng nhân của Chúa trong môi trường sống hằng ngày của mình.

Truyền Thông Hố Nai.
 
Thánh Lễ Phong Chức Linh Mục Cho 2 Thầy Phó Tế Gp. Thanh Hóa Tại Tổng Giáo Phận Boston - Ma - Hoa Kỳ.
Lm Raphael Đỗ Minh Tuấn
19:30 20/05/2018

Vào lúc 10h sáng ngày 19 tháng 5 năm 2018, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Dòng Chúa Cứu Thế, Đức Hồng Y Seán P. O’Malley O.F.M., Tổng Giám Mục TGP Boston đã chủ sự thánh lễ phong chức linh mục cho 9 thầy phó tế, trong đó có 2 thầy thuộc giáo phận Thanh hóa là thầy Giuse Trịnh Văn Son gốc giáo xứ Đa phạn và thầy Giuse Nguyễn Tuấn Tùng gốc giáo xứ Sầm Sơn. Cùng đồng tế với Đức Hồng Y còn có quý Đức Giám Mục Phụ Tá TGP Boston, quý cha trong và ngoài giáo phận, đặc biệt có 13 linh mục thuộc giáo phận Thanh hóa. Ngoài ra, còn có quý chủng sinh, quý nam nữ tu sĩ và giáo dân tham dự thánh lễ này.

Xem Hình

Tổng Giáo Phận Boston là tổng giáo phận lớn thứ tư tại Hoa Kỳ và là "ngôi nhà tâm linh" cho hơn 1,8 triệu người Công Giáo. Kể từ tháng 7 năm 2003, Đức Hồng Y Seán P. O'Malley, OFM Cap., đã lãnh đạo Tổng Giáo Phận qua các sự kiện chưa từng có với sự tập trung vào việc chữa lành và xây dựng lại Giáo Hội địa phương.

Tọa lạc tại một trong những thành phố lớn của thế giới - Boston - và trải rộng trên 144 cộng đồng ở miền đông Massachusetts, Tổng Giáo Phận Boston là một cộng đồng đức tin đa dạng và phong phú về tinh thần bao gồm các giáo xứ, các trường Công Giáo đang giáo dục hơn 46.000 học sinh hàng năm và các dịch vụ xã hội đang giúp hỗ trợ hơn 200.000 cá nhân mỗi năm. Thánh lễ được tổ chức với hơn hai mươi ngôn ngữ khác nhau mỗi tuần.

Giáo phận Thanh hóa từ năm 2004 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, đã có rất nhiều linh mục, chủng sinh và nữ tu được gửi qua du học tại Hoa kỳ và Âu Châu.

Tại Hoa Kỳ có :

1. Lm. Paul Nguyễn Duy Thường

2. Lm. Tôma Nguyễn Tiến Hạnh

3. Lm. Phaolo Nguyễn Văn Thái

4. Lm. GB. Đỗ Trọng Năng

5. Lm. Giuse Trần Văn Quang

6. Lm. Gioan Phạm Văn Đỉnh

7. Lm. Giuse Phùng Văn Sáu

8. Lm. Paul Trương Quốc Hưng

9. Lm. Giuse Trần Văn Duy

10. Lm. Micae Lê Văn Hải

11. Lm. Augustino Đoàn Văn Chủng.

12. Lm. Giuse Trịnh Văn Son

13. Lm. Giuse Nguyễn Tuấn Tùng.

14. Lm. Anre Phạm Quang Phong - Đại diện Giám Mục tại Hoa Kỳ

15. Thầy Matheu Nguyễn Văn Tuân

16. Thầy Giuse Nguyễn Văn Hà

Ngoài ra, còn có 8 nữ tu thuộc hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa cũng được đào tạo tại đất nước Hoa Kỳ thịnh vượng này.

Chiều cùng ngày, vào lúc 17h tại giáo xứ thánh Ambrosio thuộc TGP Boston, quý tân linh mục giáo phận Thanh hóa đã dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và tri ân mẹ Hội Thánh cùng các đấng bậc, quý ân nhân.

Đầu thánh lễ, cha xứ Giuse Nguyễn Tuấn Linh đã chào mừng và cám ơn sự hiện diện của quý cha cùng quý khách. Được biết, giáo xứ thánh Ambrosio là nơi tân linh mục Giuse Trịnh Văn Son thực tập mục trong thời gian 1 năm khi còn là phó tế. Vì vậy, cha mới Giuse Trịnh Văn Son đã chủ sự thánh lễ này. Còn cha Giuse Nguyễn Tuấn Tùng sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn vào lúc 13h ngày 20.05.2018 tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu - TGP Boston là nơi giúp xứ trong thời gian phó tế. Cùng đồng tế với quý tân linh mục còn có đông đảo quý cha, quý nam nữ tu sĩ và giáo dân.

Khởi đầu thánh lễ, cha Giuse Trịnh Văn Son đã nói lên niềm hạnh phúc khôn tả vì hồng ân thiên chức linh mục mà Thiên Chúa vừa trao ban cho ngài qua mẹ Giáo Hội. Đồng thời, cha mới cùng diễn tả lòng biết ơn sâu nặng với tất cả những ai, cách này hay cách khác đã giúp đào tạo ơn gọi linh mục cho ngài. Ngoài ra, cha mới Giuse cũng kêu gọi mọi người hiện cầu nguyện cách đặc biệt cho cha cố Giuse Nguyễn Quang Huy - nguyên giám đốc Trụ sở giáo phận Thanh hóa tại Sài gòn là nơi tu học giai đoạn đầu của cha mới Giuse cũng như hầu hết quý cha du học Âu Mỹ.

Cha Micae Trịnh Ngọc Tứ - Đại điện Đức Giám Quản đã chia sẻ trong thánh lễ tạ ơn này. Khởi đi từ các bài kinh thánh trong thánh lễ vọng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cha Micae đã trình bày về sự kiêu ngạo của con người dẫn đến sự đổ vỡ và chia rẽ mà tháp Babel là một minh chứng hùng hồn. Đồng thời, ngài cũng giúp cộng đoàn hiện diện thấu hiểu sự hiệp nhất yêu thương của gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi mà Chúa Thánh Thần là Tình Yêu sẽ dẫn đưa đến hạnh phúc và bình an. Qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay, cha Micae đã mời gọi cộng đoàn hiện diện hãy mở rộng lòng ra để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và giúp chúng ta biết sống yêu thương và hiệp nhất, để dấn thân phục vụ và xây dựng Nước Thiên Chúa.

Trước khi quý tân linh mục ban phép lành kết thúc thánh lễ, cha Anre Phạm Quang Phong - đại diện giám mục Thanh hóa tại Hoa Kỳ đã công bố điện văn chúc mừng và tri ân của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh - TGM Tổng giáo phận Huế và giám quản tông tòa giáo phận Thanh hóa. Đức Tổng Giuse đã thay mặt cho toàn thể giáo phận Thanh hóa tri ân Đức Hồng Y và TGP Boston cũng như quý linh mục, nam nữ tu sĩ cùng quý ân nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ đã cưu mang và giúp đào tạo linh mục - nữ tu cho giáo phận Thanh hóa. Đồng thời, Đức Tổng Giuse cũng thông báo và kính mời mọi người về tham dự hai ngày đại lễ khánh thành Chủng Viện và tấn phong Giám Mục của giáo phận Thanh hóa trong tháng 6 tới này.

Ngày lễ phong chức và tạ ơn linh mục được khép lại với bữa tiệc gia đình tại hội trường giáo xứ thánh Ambrosio. Ngoài những món ăn đặc sản của cả ba miền, còn có các tiết mục văn nghệ rất đặc sắc do cha xứ và hội đồng mục vụ giáo xứ đã dày công chuẩn bị.

Tạ ơn Chúa đã ban thêm cho giáo phận Thanh hóa 2 tân linh mục, nâng con số linh mục Thanh hóa lên 136 vi. Ngày 14.06 tới đây, Đức Tổng Giuse Nguyễn chí Linh sẽ chủ sự thánh lễ khánh thành chủng viện và phong chức linh mục cho 5 thầy phó tế. Tổng số linh mục Thanh hóa sẽ là 141 vị, để phục vụ cho 150 ngàn giáo dân trên tổng số gần 4 triệu người trong tỉnh Thanh hóa dưới sự lãnh đạo của Đức Tân Giám Mục Giuse Nguyễn Đức Cường.

Ước mong GIÁO PHẬN THANH HÓA LUÔN MÃI TRI ÂN QUÁ KHỨ - CHẤN HƯNG HIỆN TẠI - DẤN THÂN TƯƠNG LAI và CHÈO RA CHỖ NƯỚC SÂU MÀ THẢ LƯỚI trong tinh thần HIỆP NHẤT VÀ YÊU THƯƠNG.

Boston - Hoa kỳ, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

Lm. Raphael Đỗ Minh Tuấn

Giám Đỗc Trụ Sở Thanh Hóa tại Sài gòn
 
Văn Hóa
Tình yêu đem đến nước mắt hân hoan
Vũ Văn An
17:48 20/05/2018
Cha Goyo là một linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles. Ngài rất tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội, có đến 10 ngàn người theo trên Twitter. Gần đây, ngài có đăng tải một bài tin cảm động, khiến ta có cái nhìn khác đi đối với hôn nhân.

Sau đây là nội dung các “tweet” của ngài:


1. Gặp Estela và Nicolas. Hôm nay họ cưới nhau.Với bất cứ ai khác, đây có thể chỉ là bức tranh của một ngày cưới xin bình thường, nhưng với hai người này, nó không phải chỉ là chuyện hạp nhãn. Đối với họ, đây là câu truyện chiến thắng của tình yêu và hy vọng.

2. Ba tuần trước đây, tôi được một giáo dân trong xứ tiếp xúc: “Thưa cha, có một cặp muốn được kết hôn”. “Tôi rất vui được nghe việc này. Nói với họ gọi cho tôi và chúng tôi sẽ ấn định một cuộc gặp gỡ”. Người nữ giáo dân thưa lại “Dạ, có điều. Họ đang ở trong bệnh viện. Xin Cha vui lòng đến được không?”

3. Tôi đi thăm họ, chỉ để thấy Estela, một phụ nữ trẻ đẹp 26 tuổi, bị ung thư lan ra khắp cơ thể. Các bác sĩ cho cô hay chỉ sống thêm một ít thời gian nữa thôi. Tôi thấy chồng tương lai của nàng, ngồi cạnh giường, với nụ cười thật buồn trong ánh mắt, xin tôi niềm hy vọng và 1 phép lạ.

4. Tôi không biết phải nói gì. Tôi không biết làm phép lạ, nhưng tôi lắng nghe và làm điều tôi biết làm hơn cả đó là đặt một nụ cười lên khuôn mặt Estela. Nụ cười của nàng làm rạng rỡ cả căn phòng như tôi chưa từng thấy bao giờ: “được”, tôi nói với nàng khi nàng hỏi tôi về đám cưới của nàng, “cha sẽ làm đám cưới”.

5. Tôi trở về nhà lòng buồn vô hạn. Tôi chưa bao giờ mang về nhà các trường hợp đau lòng thấy được ở các bệnh viện, nhưng trường hợp này có khác. Tôi không tài nào làm nó khuất dạng. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ chủ tọa một đám cưới khẩn cấp, thành thử gân não tôi căng thẳng quá chừng. Giờ đây, tôi phải chuẩn bị làm một điều tôi chưa sẵn sàng làm.

6. Chúng tôi đồng ý sẽ cử hành một lễ cưới tư riêng vì nàng đâu có chuyển động được nhiều, mình đầy ống chích. Tôi sẽ đến căn phòng với các người làm chứng và một số thành viên của gia đình. Tôi sẽ không nói dối. Tôi quả căng thẳng thần kinh. Đây là điều người ta chưa dạy tôi ở chủng viện.

7. Ngày giờ đã đến. Tôi mang theo áo anba, dây stôla và sách lễ, cả nước thánh nữa (dĩ nhiên) và quyết định dừng lại ở một cửa tiệm để mua cho nàng một bó hoa vì tôi nghĩ nàng sẽ không nhận được nhiều hoa cho lắm. Tôi đã nói với bạn bè của nàng phải làm cho nàng cảm thấy nàng là một cô dâu, và tôi nói với chàng rể “mặc complê vào”.



8. Tôi lái xe tới bệnh viện với áo anba, dây stôla và bó hoa. Khi tôi tới đó, tôi không thể tin điều mình thấy: 60 người đang chờ tôi, cộng với các bác sĩ và y tá. Estela cảm thấy khỏe hơn, nên đám cưới có thể diễn ra tại nhà nguyện và nàng trông đẹp đẽ và đầy sức sống làm sao!

9. Tôi trao cho nàng bó hoa, và nàng e thẹn mỉm cười nói “Cám ơn cha. Đây là giấc mơ của đời con. Con chưa bao giờ nghĩ con có thể thực hiện được điều này trước khi đời con chấm dứt”. Tôi nói thật với các bạn, tôi phải lấy hết sức lực mới giữ cho mình khỏi khóc, nhờ thế, tôi đã mỉm cười đáp lễ và giúp nàng đứng lên.



10. Tôi tháp tùng cả chàng rể lẫn nàng dâu tới nhà nguyện chật ních và chúng tôi bắt đầu. Tôi chưa bao giờ chú ý nhiều tới các lời thề hứa “Em nhận anh làm chồng...khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, cho đến chết chúng ta mới xa nhau”. Tới chỗ đó, tiếng xụt xùi nghe rõ hơn tiếng nhạc.

11. Nhân viên bệnh viện thật tuyệt diệu. Họ đã chuẩn bị cả một cuộc tiếp tân bất ngờ chỉ trong vòng chưa tới 24 tiếng. Lúc đó, chàng rể nói với tôi “Cám ơn cha vì phép lạ con đã xin. Điều con muốn chỉ là Chúa chúc phúc tình yêu của con dành cho nàng, và điều này đã diễn ra. Cám ơn cha”. Thôi được, nhắc chi rứa!



12. Tôi không biết tương lai nào sẽ có đối với Estela và Nicolas. Tôi không biết điều gì sẽ xẩy ra vào ngày mai, nhưng hôm nay, họ đã hưởng được phép lạ yêu đương mang sức mạnh lại cho người bệnh tật. Hôm nay, tin, cậy, mến đã chiến thắng, và thêm một ngày nữa tất cả chúng tôi đã tạ ơn Chúa.

13. Nên, các bạn hãy gặp gỡ Estela và Nicolas. Hôm nay, họ cảm nghiệm một tình yêu chiến thắng một trái tim vô hy vọng, sầu buồn và đau khổ. Tình yêu đem đến nước mắt hân hoan, trong sức khỏe và bệnh tật, cho tới khi chết sợi dây trần thế mới đứt. Các bạn thân mến, tôi thích trở thành một phần chứng tá của ác bạn. Chúa yêu thương các bạn.

 
Nhân ngày lễ Đức Maria Mẹ Hội Thánh : Duyên Nợ Của Một Lời Trăn Trối
Sơn Ca Linh
20:40 20/05/2018
Đồi Can-Vê vào một chiều thứ sáu,
Giữa những ồn ào, xúc phạm, máu loang…
Giữa những thương đau, lệ đắng, bàng hoàng…
Lặng lẽ âm vang mấy lời nhức nhối :

“…là con Mẹ…là mẹ con”, một lời trăn trối,
Đã trở thành duyên nợ những ngàn năm.
Của “Mẹ và Con”, qua suốt những thăng trầm,
Mẹ : Trinh Nữ Maria,
Con : Cả một đoàn dân mang tên Hội Thánh.

“Là Con Mẹ”,
nên “thuở đầu đời”, Mẹ thường xuyên bên cạnh.
Mẹ nguyện cầu, mẹ yên ủi, bảo ban…
Để đợi chờ Đấng Bảo Trợ, Thần Khí Chúa tuôn tràn,
Cho con lớn lên và vững vàng ra đi bủa lưới…

“Là Mẹ Con” nên giữa phong ba, dập dìu máu lửa,
Chiếc thuyền nan bé bỏng tay Mẹ dắt dìu,
Ngục tối thẳm, pháp trường, đêm bách hại đìu hiu…,
Nhờ hơi ấm tình yêu Mẹ đoàn con vững bước.

Hởi Mẹ Đấng Cứu Chuộc đầy ơn phước,
Lời thưa nào ngay tự buổi Truyền Tin,
Mẹ đã khai sinh và Mẹ mãi giữ gìn,
Con của Mẹ, Chúa Ngôi Hai và Nhiệm Thể.

Cuộc lữ hành giữa thăng trầm dâu bể,
Với muôn nghìn chước quỷ với mưu ma,
Chiếc thuyền nan Hội Thánh giữa phong ba,
Ánh sao Mẹ mãi lung linh ngời sáng.

Thập Giá buồn từ đồi Can-Vê, luôn rỡ rạng,
Lời trối hôm nào “…là con Mẹ…là Mẹ con…”!
Hai ngàn năm qua con tin Mẹ vẫn vuông tròn,
Đơn giản thôi, bởi đây, một cuộc tình duyên nợ !

Sơn Ca Linh
(Lễ Đức Maria Mẹ Hội Thánh được cử hành lần đầu tiên trong phụng vụ - 21/5/2018)

 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 21/5/2018: Tất cả 34 Giám mục nước Chilê đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng
VietCatholic Network
16:21 20/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 20 tháng 5.

2- Tất cả 34 Giám mục nước Chilê đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng.

3- Đức Thánh Cha nói: Người mục tử không phí giờ vào những việc không đâu.

4- Sứ điệp Đức Thánh Cha về Ngày Thế Giới Truyền Giáo.

5- Trước ngày kỷ niệm sinh nhật của Đức Phật, ĐTC đã gặp gỡ phái đoàn Phật giáo Thái Lan.

6- Đức Thánh Cha kêu gọi Cộng đồng Quốc Tế gia tăng tình liên đới.

7- Đức Thánh Cha đấu giá chiếc xe Lamborghini lấy tiền giúp tái định cư các Kitô hữu Iraq.

8- Công nghị Tuyên Thánh ngày 19 tháng 5: ĐGH Phaolô VI và Đức TGM Romero được tuyên thánh ngày 14/10/2018.

9- Các Giám Mục Liên Giáo Hội tin vào Chúa Kitô “mời gọi cầu nguyện cho một giải pháp hòa bình tại Thánh địa”.

10- Phản ứng của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về vụ thảm sát tại trường trung học Santa Fe, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Hoa Hồng Thiêng Kỳ Diệu.

Xin quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Giáo Hội Năm Châu 21/05/2018: Các nữ tu dòng kín thời Internet
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:47 20/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các nữ tu dòng kín thời Internet

Cuộc sống của những nữ tu chiêm niệm, đặc trưng bởi tính chất viện tu, trong thời hiện đại này đang phải đối mặt với những hiện tượng như sự loại trừ niềm tin Kitô trong xã hội, cuộc khủng hoảng ơn gọi, cũng như các thực tại mới, chẳng hạn như sự lan rộng các kỹ thuật truyền thông xã hội và sự cần thiết phải có các mối quan hệ lớn hơn giữa các tổ chức trong Giáo Hội.

Đây là một số khía cạnh được đề cập đến trong huấn thị “Cor orans” của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Hiệp Hội Tông Đồ được công bố hôm 15 tháng 5. Trình bày tài liệu này tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục José Rodríguez Carballo, O.F.M., tổng thư ký của Bộ nói rằng tài liệu này “phản ánh chính xác những gì các nữ tu nêu ra trong những câu trả lời cho bản câu hỏi đã được gửi đến tất cả các tu viện trên thế giới cách đây vài năm”.

Tài liệu khẳng định rằng: “Một trái tim cầu nguyện trong Giáo hội và cho Giáo hội là tâm điểm cuộc sống của các nữ tu chiêm niệm”

Do đó, đặc tính và mục đích của đời sống ẩn tu là sống tách biệt khỏi thế giới “không gian tu viện phải tách biệt với thế giới bên ngoài và dành riêng cho các nữ tu, trong đó sự hiện diện của người lạ chỉ có thể được chấp nhận trong trường hợp tối cần thiết. Đó phải là một không gian im lặng và suy ngắm, nơi sự tìm kiếm thường hằng thánh nhan của Thiên Chúa có thể được phát triển, theo đặc sủng của nhà dòng”.

Chỉ thị đề cập đến quyền tự chủ của các tu viện, liên đoàn các tu viện, sự tách biệt khỏi thế giới, vấn đề đào tạo, và cũng giới thiệu những luật mới liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội (số 168), trong tất cả các hình thái của chúng. Những luật này “nhằm mục đích bảo vệ sự chiêm ngắm và im lặng: vì trên thực tế, đời sống chiêm niệm có thể thành ra trống rỗng khi tu viện tràn ngập tiếng ồn ào của tin tức và các phát biểu. Chiêm ngắm và im lặng có tầm quan trọng lớn trong cuộc sống chiêm niệm như một không gian cần thiết để lắng nghe và làm sáng tỏ Lời Chúa và là điều kiện tiên quyết để có một cái nhìn đức tin về sự hiện diện của Chúa trong lịch sử cá nhân của một người và trong các chị em của mình, trong các sự kiện của thế giới.

Vì thế, huấn thị nêu bật phải có sự tỉnh táo và những quyết định quyết liệt, không chỉ đối với nội dung mà còn về số lượng thông tin và loại thông tin nào phục vụ cho việc hình thành đời sống chiêm niệm, và không phải là dịp để co cụm hoặc trốn tránh đời sống cộng đồng trong tình chị em.

2. Giáo Hội cử hành lần đầu tiên trên toàn thế giới lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5

Giáo Hội Công Giáo thường không thêm các lễ kỷ niệm mới vào lịch phụng vụ đã quá dầy đặc của mình, nhưng năm nay Giáo Hội đã thêm một ngày lễ mới, lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5.

Ở một số nơi trên thế giới, ngày lễ này không mới. Lịch Phụng Vụ của các Giáo Hội Ba Lan, Á Căn Đình, tại Đền Thờ Thánh Phêrô và một số dòng tu đã dành riêng Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống để kính nhớ Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội.

Trong một sắc lệnh được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích công bố hôm thứ Bảy 3 tháng Ba, Đức Hồng Y Robert Sarah viết rằng từ nay trở đi, thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, toàn thể Giáo Hội sẽ cử hành lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng cử hành mới này “sẽ giúp chúng ta nhớ rằng sự tăng trưởng trong đời sống Kitô cần phải ăn rễ sâu nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nơi hy tế của Chúa Kitô trong Bàn Tiệc Thánh Thể, nơi Mẹ Đấng Cứu Chuộc và Mẹ của những người được cứu chuộc, nơi Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Chúa”.

Lễ nhớ này sẽ xuất hiện trong tất cả các lịch và sách phụng vụ cho việc cử hành Thánh Lễ và cho các Giờ Kinh Phụng Vụ.

Tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria đã trở nên phổ biến trong những thập kỷ gần đây. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã long trọng công bố tước hiệu này của Đức Maria vào lúc kết thúc Công Đồng Chung Vatican II. Trước đó, tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” của Mẹ Maria cũng đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14 và Đức Giáo Hoàng Leo thứ 13 sử dụng.

Năm 1975, Tòa Thánh đã chuẩn bị một thánh lễ Ngoại Lịch (Votive Mass) cho danh hiệu này và một số Hội Đồng Giám Mục đã được cấp phép để thêm tước hiệu này vào Kinh Cầu Đức Bà (Litany of Loretto).

Một số quốc gia và các giáo phận đã được cấp phép để thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ địa phương của họ.

Giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thêm ngày lễ này vào lịch Phụng Vụ chung của Giáo Hội Hoàn Vũ để “khuyến khích sự gia tăng cảm thức của các vị mục tử, các tu sĩ và tín hữu về Mẹ Giáo Hội, cũng như lòng kính mến chân thành đối với Đức Mẹ.”

3. Vài suy tư nhân dịp lần đầu tiên trong lịch sử GH mừng Lễ Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội.

Nhân dịp Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ mừng lễ Mẹ Maria, Mẹ Giáo hội mà Đức Thánh Cha Phanxicô mới thêm ngày lễ mừng Mẹ Maria, Mẹ Giáo hội vào ngày 21 tháng Năm hàng năm. Nhân dịp này chúng ta hãy tìm hiểu một chút về ý nghĩa của ngày lễ mới này.

Ngày lễ mới này được mừng hàng năm vào ngay sau Lễ Hiện Xuống, mà Ủy ban Phụng tự và Bí tích công bố trong một sắc lệnh ngày 3/3/2018 vừa qua. Sắc lệnh cho biết Đức Thánh Cha đã chấp thuận cho lễ này vào niên lịch Phụng vụ của toàn Giáo hội để phát động thêm tầm ý thức về vai trò của Mẹ Maria trong lòng Giáo hội đối với các vị chủ chiên, tu sĩ và giáo dân, cũng như lòng tôn sùng Đức Maria.'

Linh mục Gloria Falcao Dodd, giám đốc chương trình nghệ thuật học của Viện nghiên cứu quốc tế về Đức Maria tại Đại học Dayton, Ohio, đã viết về danh hiệu Mẹ Maria này vào năm 2006 trong một bài báo của ngài. Nghiên cứu của cha cho hay một Đức Giám Mục trong những năm 1100 đã dùng tên Maria, Mẹ

Giáo hội và Đức Giáo Hoàng Leo XIII trong Thông điệp kinh Mân Côi cho hay rằng trong ngày Lễ Hiện Xuống Đức Maria thật sự đã trở thành Mẹ Giáo hội, là thầy dạy và là nữ hoàng của các thánh tông đồ.'

Vào năm 1981, danh hiệu 'Maria, Mẹ Giáo hội' được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ghi hàng chữ 'Mater Ecclesiae' ('Mẹ của Giáo hội') vào một tượng gắn trên bức tường ngôi nhà ở của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng biết ơn vì Mẹ đã gìn giữ Ngài thoát chết dưới lằn tên mũi đạn của kẻ bắn Ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô năm đó! Cha Falcao Dodd còn cho hay Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói về Đức Maria như một người nữ hòa giải, hoặc như một người nữ nguyện cầu cho chúng ta.

Ý tưởng Mẹ Maria can dự vào Giáo hội, như một người mẹ hiền là điều thật tuyệt, đặc biệt sau ngày chúng ta vừa mừng ngày nhớ ơn mẹ, ngày hiền mẫu nữa. Lễ này được mừng ngay sau ngày Lễ Hiện Xuống, nhắc nhớ chúng ta ngay từ những giây phút ban đầu, Mẹ Maria 'đã luôn thể hiện những gì mà một người mẹ làm cho con cái mình, như Mẹ cùng hội họp cầu nguyện với các tông đồ tại phòng tiệc ly.' Cũng như dưới chân Thập giá của Chúa Giêsu, Chúa công khai trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan và truyền cho Thánh Gioan, đại diện chúng ta làm con cái của Đức Mẹ.

4. Thánh Lễ An Táng Đức Tổng Giám Mục Leonard A. Faukner nguyên TGM giáo phận Adelaide Nam Úc

Thánh lễ an táng Đức Tổng Giám Mục Leonard Faulkner nguyên TGM giáo phận Adelaide tiểu bang Nam Úc được long trọng cử hành tại nhà thờ chính tòa Saint Francis Xavier vào lúc 11giờ 00 sáng, thứ Hai, ngày 14.5.2018 do Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson Tổng giáo phận Adelaide chủ tế.

Đoàn đồng tế trong lễ phục màu trắng ngoài Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson chủ tế, cùng đồng tế có 11 Giám Mục, các Đức Ông và gần 100 Linh mục, Phó tế thuộc TGP Adelaide và các giáo phận trong toàn Úc Châu.

Đến tham dự thánh lễ an táng của Đức Tổng Giám Mục Leonard Faulkner ngoài thân quyến còn có rất đông nam nữ tu sĩ, tín hữu Kitô giáo và những người thuộc các tôn giáo khác. Đặc biệt có sự tham dự của Ông Lê Văn Hiếu toàn quyền tiểu bang Nam Úc, Thủ Hiến Steven Marshall và một số các vị chức sắc cao cấp trong chính quyền tiểu bang Nam Úc.

Trong suốt thánh lễ an táng, rất nhiều bài thánh ca được ngân vang trong bầu khí trang nghiêm như những lời trìu mến tiễn biệt Đức Cố Tổng Giám Mục.

Cuối thánh lễ, trước khi tiến hành nghi thức di quan, Cha Maurice Shinnick Trưởng Ban Nghi Lễ đã có bài tiễn biệt Đức Tổng Giám Mục Leonard Faulkner, thật sâu sắc và cảm động.

5. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc khủng bố tại Nam Dương

Trong buổi đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” ngày Chúa Nhật 13/5/2018 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ khủng bố ở Indonesia, và kêu gọi hãy chấm dứt bạo lực.

Đức Thánh Cha Phanxicô đảm bảo với “những người thân yêu của các nạn nhân tại Indonesia,” đặc biệt các Kitô hữu ở thành phố Surabya, rằng Đức Thánh Cha “đặc biệt gần gũi” với họ sau những cuộc tấn công chết người vào Chúa Nhật trước.

Ba nhà thờ ở thành phố lớn thứ hai của Indonesia đã bị đánh bom trong các cuộc tấn công dường như có kế hoạch, khiến ít nhất 11 người chết và hơn bốn mươi người khác bị thương. Đây là cuộc tấn công khốc liệt nhất tại Indonesia kể từ năm 2005.

Trong những nhận xét của Đức Thánh Cha sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đảm bảo rằng ngài đã và đang cầu nguyện cho các nạn nhân và những người thân yêu của họ.

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy cùng nhau khẩn cầu Thiên Chúa của hòa bình, hãy dập tắt những hành động bạo lực này; và nhóm lên trong tâm lòng, trái tim của tất cả chúng ta ở mọi nơi tâm tình yêu thương hòa giải trong tình huynh đệ. “

Cho đến nay, không có nhóm nào tuyên bố nhận trách nhiệm cho các cuộc tấn công này vào ngày Chúa Nhật tuần trước. Ngoài ba vụ nổ bom trên, chính quyền địa phương cho hay đã phá tan được những kế hoạch tấn công khác.

6. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Jakarta về vụ tấn công khủng bố kinh hoàng gây ra bởi các gia đình Hồi Giáo

“Lập kế hoạch và thực hiện một cuộc tấn công tự sát cùng với con cái của họ là một hình thức bạo lực mới. Đó là một bi kịch gia đình”, Đức Cha Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng giám mục Jakarta và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Dương đã nhận định như trên về cuộc tấn công nổ bom tự sát tại 3 nhà thờ ở Surabaya, thủ phủ của tỉnh Đông Java, hôm Chúa Nhật 13 tháng 5.

Sau cái chết của Nathanael, một bé gái Công Giáo tám tuổi, số nạn nhân trong vụ tấn công đồng loạt này đã lên tới 28 người và 57 người khác bị thương.

Những kẻ khủng bố thuộc về cùng một gia đình khủng bố. Người cha, Dita Oeprianto, một doanh nhân giàu có, là hung thủ tự sát tại nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Ngũ Tuần, trong khi hai đứa con trai đều ở tuổi vị thành niên đã thực hiện cuộc tấn công từ trên một chiếc xe máy, nhắm vào nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Người mẹ và hai cô con gái nhỏ, một đứa 9 tuổi và một đứa 12 tuổi, đã thực hiện cuộc tấn công tự sát tại nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Nam Dương.

Đức Tổng Giám Mục Suharyo nói: “Tôi tin rằng hai đứa bé gái không biết điều gì sẽ xảy ra. Điều này là không thể hiểu nổi và tôi nghĩ những chuyện như thế này không nên xảy ra nữa, nó tạo ra một đám mây trên tình nhân loại của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục tuyên bố rằng cuộc tấn công tại Surabaya “không đơn thuần là một vấn đề tôn giáo, nhưng vấn đề là sự tồn tại của Cộng hòa thống nhất Nam Dương”.

Ngài nhận xét rằng không chỉ các Kitô hữu, mà cả các nhân viên an ninh cũng bị những kẻ khủng bố nhắm vào. “Cảnh sát thường là những người phá hủy kế hoạch của họ và phát hiện ra âm mưu của họ. Vì lý do này, các nhân viên an ninh nằm trong tầm ngắm của họ”

Một vài giờ sau các cuộc tấn công vào cộng đồng Kitô hữu, ba thành viên của một gia đình khủng bố khác đã bị giết trong một vụ nổ bất ngờ trong một căn nhà ở Sidoarjo, gần Surabaya. Các nhà chức trách nói những kẻ này đang chế bom cho một cuộc tấn công khác.

Sáng thứ Hai 14 tháng 5, một gia đình năm người lái hai chiếc xe máy đến cổng trước của trụ sở cảnh sát Surabaya nổ bom tự sát làm bị thương 10 người

Tướng cảnh sát Tito Karnavian, Chỉ huy trưởng các lực lượng cảnh sát Nam Dương, xác nhận rằng ba gia đình này thuộc cùng một mạng lưới khủng bố và họ biết nhau. Họ nằm trong số 800 người đã từng sang Syria chiến đấu cho bọn IS và nay quay lại Nam Dương.

7. Án tuyên thánh cho cha Raghiid Ganni và 3 phó tế Iraq bị giết có thể được khởi sự.

Bộ Tuyên thánh đã tuyên bố Nihil Obstat (không có gì ngăn trở) trong việc cho phép bắt đầu tiến trình xét án tuyên thánh cho linh mục Raghiid Ganni của Giáo hội Canđê Iraq và 3 phó tế. Cha Ganni và 3 phó tế - Basman Yousef Daud, Wahid Hanna Isho và Gassan Isam Bidawid - bị giết vào ngày lễ Chúa Thánh Thần, 03 tháng 06 năm 2007, bởi một người có võ khí, ở Mosul, gần nhà thờ Canđê dâng kính Chúa Thánh Thần, sau khi dâng Thánh lễ.

Hôm mùng 1 tháng 5 năm 2018, Ðức Hồng Y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ tuyên thánh, và Ðức Tổng Giám mục Marcello Bartolucci, Tổng Thư ký của Bộ này, đã ký lá thư xác nhận không có ngăn trở đối với việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho cha Ganni và 3 phó tế bị giết cùng với cha, theo tiến trình được quy định. Lá thư có đề cập đến yêu cầu trước đó, vào tháng 11 năm 2017, của Ðức Giám mục Francis Yohana Kalabat của giáo phận Canđê thánh Tôma Tông Ðồ ở Detroit.

Nguồn tin địa phương cho hãng tin Fides biết rằng thẩm quyền của án tuyên thánh, với sự cho phép cần thiết từ Tòa Thánh, đã được chuyển từ tòa tổng giáo phận Canđê ở Mosul đến giáo phận Canđê có trụ sở tại Detroit, Hoa Kỳ. Do tình hình bất an ở miền Bắc Iraq và hoàn cảnh khó khăn mà tổng giáo phận Canđê ở Mosul gặp phải sau nhiều năm bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS chiếm đóng, việc tiến hành án tuyên thánh theo tiến trình được yêu cầu cũng như việc thu thập các chứng tá gặp nhiều khó khăn.

Án tuyên thánh để tuyên chân phước cho cha Ganni và 3 phó tế cùng bị giết với cha, trước hết có thể tuyên bố cha và các bạn là các vị tử đạo vì đức tin, sẽ phải xác minh và chứng thực rằng bốn ứng viên chân phước là các vị tử đạo bị giết vì đức tin vào Chúa Kitô.

Cha Fabio Rosini, giám đốc ơn gọi của giáo phận Roma, đã nói rằng trong cuộc sống của cha Raghiid Ganni, có những điều chỉ có ơn Chúa mới có thể thực hiện được... Theo cách con người, chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang đứng trước một vị anh hùng, một người có thể làm những điều phi thường, nhưng như thế chúng ta sẽ gặp nguy hiểm là biến Kitô giáo thành chủ nghĩa anh hùng. Một vị tử đạo không phải là một anh hùng, nhưng là một chứng nhân. Ngài biết điều đó nếu ân sủng hoạt động trong ngài. Trong Giáo hội, các anh hùng gây nên những vấn đề, sự chia rẽ, các cá nhân chủ nghĩa, bởi vì họ nói về mình. Ngược lại, các vị tử đạo nói về Chúa kitô, làm chứng cho Người.”

8. Các Giám Mục Malawi kêu gọi toàn dân thay đổi não trạng để thăng tiến đất nước.

Nhân kỷ niệm 54 năm độc lập ngày 29 tháng 4 năm 2018 Hội Ðồng Giám Mục Malawi đã công bố thư mục vụ kêu gọi mọi công dân thay đổi tâm thức, tận dụng các tài nguyên phong phú của quốc gia để thăng tiến phát triển và đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới thịnh vượng, công bằng, và hạnh phúc ấm no cho mọi người.

Thư mục vụ mang chữ ký của 2 Tổng giám mục và 6 Giám Mục và gồm ba chương. Chương một đề cập tới sự cấp thiết của một kỷ nguyên mới với một nhận thức thực thi dân chủ cao độ với tất cả tinh thần trách nhiệm. Chương hai đề cập tới việc phục vụ xã hội qua các chương trình y tế, giáo dục, phát triển nông nghiệp kỹ nghệ, các cơ cấu hạ tầng và việc tôn trọng môi sinh. Chương ba đề cập tới các cuộc bầu cử vào năm 2019, các đức tính cần thiết của các ứng cử viên, và việc thay đổi tâm thức của người dân Malawi.

Cộng hòa Malawi rộng 118,480 cây số vuông có 16,3 triệu dân, được độc lập khỏi Anh quốc năm 1964. Tên quốc gia là tên hồ Malawi trong tiếng Bantu cũng gọi là Niassa là hồ lớn hàng thứ ba của đại lục Phi châu. Trên tổng số dân có 95% là gốc phi châu da đen gồm nhiều chủng tộc khác nhau như: Nyanja, Yao, Tumbuka, Lomwe, Sena, Tonga, Ngoni, Ngonde. Cũng có các nhóm thiểu số da trắng, đông nhất là gốc Angloxason, Á châu và Ấn độ. Chủng tộc Chewa là nhóm đông nhất. Tiếng Chewa là ngôn ngữ được nói trong toàn nước. Tuy tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, nhưng chỉ được nói và hiểu tại thủ đô và trong các thành phố. Trên binh diện tôn giáo 75% tổng số dân theo Kitô giáo, trong đó có 55% là tín hữu tin lành và 20% là tín hữu Công Giáo, 15% còn lại theo Hồi giáo.

Malawi có nền kinh tế dựa trên nông nghiệp chiếm 38.6% tổng sản lượng quốc gia, cung cấp 80% công việc làm và 80% việc xuất cảng. Bốn sản phẩm chính là thuốc lá, chè, đường mía và bắp.