Ngày 26-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Niềm tin Việt Nam: Chú bé vô danh
Nguyễn Trung Tây, SVD
06:38 26/05/2008

Niềm tin Việt Nam: Chú bé vô danh

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.

Trưa thứ Sáu trong tiệm McDonald’s rộn ràng tiếng chân người nằm ngay giữa phố, Peter, Michelle, và Andy đang ngồi ăn trưa. Nhìn Andy đang chăm chú thưởng thức cái bánh mì sandwich loại double quarter pounder có quẹt cheese vàng ươm, Michelle ồn ào cất giọng hỏi Peter,

— Trên đường lái xe tới đây, tui cứ thắc mắc không hiểu tại sao đại ca hứng chí rủ đi ăn trưa vậy? Cái ni chắc là tại hôm nay thứ Sáu cuối tháng, đại ca mới lãnh lương phải không? Hèn chi nhìn thấy người đại có có vẻ nằng nặng hen…

Tay cầm french fries chiên dòn chấm chấm ketchup đỏ tươi, Peter liếc nhìn Andy, miệng phản đối,

— Có mi nhìn nằng nặng thì có. Lâu rồi, không thấy Andy ghé qua nhà. Tao tưởng hắn bị cô bồ Việt Nam hốt mất xác rồi. Ai ngờ, speak of the devil, khoảng mười giờ sáng hôm nay, tự nhiên hắn gọi điện thoại vào trong hãng nói, “Tui muốn gặp đại ca, có chuyện gấp lắm”. Tao mới nhớ hôm nay thứ Sáu, trong hãng cũng rãnh rỗi, cho nên tao gọi mi đi ăn trưa luôn.

Michelle cắm ống hút vào ly sinh tố strawberry milkshake, môi dưới chìa ra dài hơn cả một lóng tay,

What a mistake! Vậy mà tui tưởng đại ca tốt bụng, ngày thứ Sáu cuối tuần thảnh thơi, đại ca dẫn em gái với em út đi ăn. Nhưng thôi, cũng không sao! Tui mà, đại ca biết rồi đó, chỗ nào có đốt nhang là có mặt tui à. Đồ chùa mà, không ăn cũng uổng!

Peter cằn nhằn,

— Mi thì lúc nào cũng đốt nhang với đốt khói. Coi chừng lộng giả thành chân, có bữa thằng kép nó bỏ, cho mi chừa. Lúc đó dám mi cạo đầu đi tu như cô Lan cho mà coi.

Michelle cộ mắt,

— Có mà kép bỏ, tui bỏ kép thì có. Nhưng đại ca ơi, nếu phải cạo đầu đi tu, tui sẽ làm ma-sơ, làm dì phước, vừa đẹp vừa hiền. Chớ ai quởn quởn đâm đầu đi làm cô Lan, khóc lóc thấy ớn luôn! Nhưng khờ sao, đời đang tươi đẹp tự nhiên mát mát xuống tóc đi tu sao. Có mà khùng! Not me

Andy lau cheese và mỡ dính bóng láng quanh miệng,

— Có mà! Bà mà đi tu làm ma-sơ. Làm ma thì có! Mà bà nói như vậy mà không sợ đụng chạm tới mấy người tu hành…

Michelle đưa cao tay ký đầu Andy. Không dè chừng, Andy hứng nguyên năm đầu ngón tay sư tỷ dộng ngay đỉnh đầu một cái cốp. Ôm đầu, Andy mặt nhăn nhăn,

— Nè, mấy lần trước bà dẫn tui đi ăn phở, bà ký đầu tui, tui nhẫn nhục phụ trọng. Nhưng hôm nay đại ca bao nghen. Đại ca Peter trả tiền chứ không phải là bà đâu. Bà đừng có lên mặt làm tàng.

Michelle lên giọng răn đe,

— Nhịn là nhục, mà cự là đục. Ăn đục rồi mà vẫn còn cương thì cho đi thăm bác sĩ Cường luôn. Ở đâu mà mi học được mấy chữ nhẫn nhục phụ trọng vậy? Cái ni chắc là ngồi coi phim Đại Hàn tình cảm dài lê thê với cô bồ Việt Nam phải không? Mà mi đúng là chuyên viên qua sông rồi chặt cầu. Lần sau có kẹt tiền thì đừng có chạy lại gặp sư tỷ, tay gãi gãi đầu, miệng ca bài ca con cá, “Wow, sư tỷ! Bữa nay mới mua được cái áo Gap màu xanh lá chuối ở đâu dzậy? Nhìn đẹp quá ‘chời’” à, rồi là chìa tay ra mượn tiền, nhưng chưa bao giờ thấy ghé lại nhà bank trả lại tiền cho ngân hàng hết trơn.

Andy cự nự, mắt nhìn Peter,

— Bà! Bà không cho tui mượn thì thôi, làm chi mà cự nự um xùm vậy. Bà đừng có tưởng bà có tiền rồi muốn làm chi thì làm. Trên đời ni đâu phải chỉ một mình bà có tiền đâu? Có chi kẹt kẹt tui chạy qua gặp đại ca...

Andy nhìn Peter mong chờ sự trợ giúp của đồng minh. Nhưng không ngờ Peter vừa làm mặt lơ vừa bật đài lên giọng dậy dỗ em út,

— Có mà! Mi không lo học cho lè lẹ đi, ra trường, kiếm việc mà đi làm… Mommy cứ cằn nhằn, “Sao mạ thấy thằng Andy học mãi mấy năm rồi, mà vẫn chưa thấy hắn ra trường?” Tao mới thưa với mommy, “Hắn mà ra trường cái chi? Tui thấy hắn bồ bịch đi chơi không à!”.

Tưởng kiếm được đồng minh, nhưng hóa ra lại bị đại ca bán đứng trong tiệm ăn trước mặt sư tỷ, Andy sa sầm khuôn mặt. Thấy Andy mặt dài hơn cả thước, Peter làm mặt hòa, tay xoa xoa bụng, đổi hướng câu chuyện,

— Ố, ồ, ăn hết cái nguyên một cái double quarter pounder mà vẫn còn cảm thấy đói bụng hen.

Andy gật đầu, nhìn Peter, giọng điệu dò chừng,

Me too… Ước chi được ăn thêm cái nữa!

Michelle cười cười nói với Andy,

— May ra có Chúa Giêsu ở đây. Nếu có Chúa ở đây, mi mở miệng năn nỉ xin Chúa làm phép lạ hóa ra thêm nhiều cái double quarter pounder cho mi với đại ca. Lúc đó tha hồ mà ăn, lại khỏi phải trả tiền.

Cả Peter với Andy cùng dừng lại. Cả hai trợn mắt buộc miệng kêu to,

Wow!

Peter nửa đùa nửa thật,

My gosh! Speak of the devil again! Mi đừng có nói mi chuẩn bị cạo đầu đi tu đó nghen.

Michelle tỉnh bơ,

— Tầm bậy! Tui đã nói đời đang đẹp, khùng sao mà đi tu! Đại ca biết chi không, bởi thấy đại ca với Andy than thở, khiến tui nhớ tới Chúa Nhật vừa rồi tui chở mommy đi lễ 5 giờ chiều. Bởi đã đi lễ sáng rồi, đừng có quên ca đoàn của tui hát lễ 10 giờ sáng, cho nên tui đã tính sẵn trong đầu tới sân nhà thờ, tui sẽ để mommy ở đó, rồi tui ghé vào thương xá Valley Fair, xem coi Gap có bán on sale quần áo hay không, chừng một tiếng sau, tui sẽ quay về đón mommy. Nhưng thấy mommy đang bị cảm, đi đứng có vẻ loạng choạng khiến tui lo lo, lỡ may có chuyện chi xảy ra thì tui lại ân hận cả đời, cho nên tui chép miệng nói, “Thôi kệ! Đi vô nhà thờ với mommy một lần nữa”. Bởi vậy mới có chuyện tui đi lễ Chúa Nhật hai lần. Nhưng bởi thế tui mới có dịp nhớ bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần rồi.

Nhìn mặt của Peter và Andy vẫn còn đang ngơ ngác, Michelle tố tới,

— Đại ca với Andy còn nhớ bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước hay không?

Peter mỉm cười, nụ cười gượng gạo, điệu bộ ngượng ngùng,

— Quên đi tình yêu cũ đi. Ai mà nhớ, bà nội! Ông cha vừa mở miệng ra, tao thăng một giấc thẳng tới thiên đàng, miệng ngáy khò khò, khỏe re. Tao tỉnh giậy vừa kịp lúc ca đoàn hát, “Tôi tin kính một Thiên Chúa Ba Ngôi…”.

Michelle nhận xét,

— Bắt chước tui đi. Đi lễ lần thứ hai là nhớ liền, nhớ Phúc Âm, nhớ bài giảng, nhớ cha mặc áo lễ màu chi liền…

Andy cản lại,

— Sư tỷ nói vậy cũng không được, tui vẫn còn nhớ bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước mà.

Miệng ngậm ống hút nước sinh tố, Michelle trợn mắt nhìn Andy,

Be honest. Có phải tuần trước mi đi lễ với cô bồ Việt Nam của mi phải không?

Andy đỏ mặt, lắc đầu,

Nope!

Michelle đưa tay sau vành tai, điệu bộ chăm chú nghe ngóng,

Cannot hear you

Andy nghi ngờ,

— Sao you biết là tui đi lễ với cô bồ của tui?

Michelle lên mặt đàn chị,

— Nói cho mi biết, đi lễ với bồ, nhất là trong giai đoạn đầu tiên thì chia trí là cái chắc rồi, nhưng lại nhớ bài giảng. Mi có biết tại sao? Nè, mở banh hai cái lỗ tai ra mà nghe chị Hai nói đây nè em út… Bởi vì phần hai đứa còn mắc cở lúng túng, phần muốn lấy điểm với phía bên kia, cho nên trong thánh lễ, hai đứa cùng quay về một hướng là thánh lễ, là ông cha, là bài giảng cho bớt ngượng ngùng. Cái ni người ta nói yêu là hai người không chỉ nhìn nhau, nhưng còn nhìn về một hướng là như thế đó. Rồi sau thánh lễ, để lấp đầy cái bầu không khí loang loãng ở trong xe, hai đứa lại còn lôi bài giảng của ông cha ra bình luận, “You thấy bài giảng của ông cha như thế nào?”, như là một “câu chuyện làm quà” đó, rồi từ “câu chuyện làm quà”, hai đứa mới bắt đầu chính thức bước vào câu chuyện riêng tư của hai đứa. Cho nên đi lễ với bồ thì chia trí nhưng mà lại nhớ dai là như vậy đó, hiểu chưa?

Peter nheo nheo mắt nhìn Michelle,

— Tại sao mi rành chuyện dữ vậy? Cứ làm như mi nói từ trong bụng mi nói ra.

Andy cũng gật đầu,

— Ừ, đúng rồi. You speak just like your own experience

Michelle tỉnh bơ lên mặt cự nự,

— Đừng có lạc đề mùa chay, tui đang nói tới vụ bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần vừa rồi. Tự nhiên lãng sang chuyện khác. Cái này là tình thiệt mà nói, bởi tui thấy đại ca rủ tui đi ăn trưa làm tui nhớ tới bài giảng về phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều trong thánh lễ Chúa Nhật vừa rồi. Bữa hôm đó cha nói thông thường người ta ít nhớ tới chú bé vô danh nhưng rất thảo ăn đã tặng năm ổ bánh mì và hai con cá cho Chúa (John 6:9). Chứ nếu chú bé này ích kỷ, chỉ giữ bo bo cho riêng mình năm ổ bánh và hai con cá, thì không biết ngày hôm đó chuyện chi sẽ xảy ra rồi đó nghen?

Andy nhăn nhăn mặt,

— Sư tỷ nói cái gì mà sao tui không hiểu gì hết trơn á. Tại sao tự nhiên lại có chuyện đại ca Peter rủ đi ăn trưa, rồi lại chuyện chú bé với năm ổ bánh mì và hai con cá ở đây?

Michelle cự Andy,

— Mi nhìn mặt sáng sủa mà bên trong bụng lại tối om. Cái ni giống như mommy hay nói, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Mi thì chỉ được cái tốt nước sơn. Nghĩ thử coi? Không có đại ca móc tiền ra trả, thì làm sao mi có bánh mì sandwich ăn chùa?

Andy há o tròn miệng,

Ah, I see.

Michelle tiếp tục,

— Thiệt sự ra bữa hôm đó ông cha còn nói cái ni, nghe cũng hay hay. He said, “Nếu ban trưa, mình đói, mình ghé vào tiệm Phở ăn tô phở, hay là tiệm McDonald’s ăn cái sandwich, hoặc ghé vào Pizza Hut mua cái pizza. Còn linh hồn mình đói, thì mình cũng phải ghé vào tiệm tìm kiếm thức ăn cho linh hồn của mình chứ. Nếu không, mình sẽ hóa ra dead man walking, có đúng không”. Sau cùng ông ấy mới kết luận, “Tiệm bán thức ăn cho linh hồn chính là nhà thờ, và Chúa chính là lương thực nuôi sống linh hồn của mình. Vô tiệm Phở, tiệm McDonald’s, Pizza Hut mình phải trả tiền, hoặc cash hoặc credit card, nhưng nhà thờ của Chúa thì không, hoàn toàn miễn phí. Cho nên mại dzô, mại dzô, bà con ơi, ghé vào nhà thờ mua cơm mua bánh mì hằng sống, mại dzô, mại dzô, bà con ơi!”. Tui thích những cái hình ảnh mà cha so sánh. Thực tế, dễ nhớ, dễ hiểu.

Michelle nhìn đồng hồ, cầm bóp, hấp tấp đứng dậy,

My gosh! Tới giờ rồi, tui phải đi đây. Mấy lần trước, đi ăn lunch về trễ, bà chủ cứ liếc liếc nhìn tui làm tui nhột cả người. Cám ơn đại ca! Bye, đại ca. Bye, Andy. Kỳ tới để tui đốt nhang cho! Lần tới mình đi ăn Bún Bò Huế nhé. Tui biết có tiệm Bún Bò Huế mới mở dưới phố Việt Nam. Giờ ăn trưa, thấy người ta xếp hàng dài thòng loòng, nhìn thấy mà ham!

Nhìn Michelle đang dần dần biến dạng sau khung cửa kiếng tiệm McDonald’s, Andy nói,

— Đại ca có thấy Michelle kỳ này hơi là lạ không?

Peter lắc đầu,

— Có thấy chi đâu.

Andy thì thào,

— Đại ca có nghĩ Michelle sẽ đi tu không? Kỳ này tui còn thấy bả vô ca đoàn hát lễ Chúa Nhật nữa.

Peter trợn mắt,

— Tầm bậy! Michelle đi tu thì có mà tận thế. Tu hai gối thì họa may. Sư tỷ của mi mà đi tu thì thằng kép sẽ để lại cho ai? Tao mới thấy hắn đi chơi với thằng kép ở trong khu thương xá Valley Fair tối hôm qua đó. Mà mi biết tại sao hắn vô ca đoàn không? Cũng tại thằng kép của hắn hát ở trong ca đoàn đó. Cái thằng mà có đeo cái bông tai ở bên tai trái đó. Nhìn dị òm! Không hiểu tại sao Michelle lại chịu đèn cái thằng ông tướng này cho được… Nhưng mà thôi, đó là chuyện của hắn, bỏ chuyện đó đi, mi còn đói không? Nếu còn đói, gọi thêm cái sandwich nữa ăn đi.

Andy lắc đầu, miệng nói nửa Mỹ nửa Việt, tay gãi gãi tóc,

Thanks. I’m stuffed. I’m no rồi.

Nhìn Andy gãi gãi tóc, điệu bộ ngượng ngùng lúng túng, Peter như chợt hiểu ra,

— À, mi, thiệt tình! Hóa ra sáng nay mi gọi nói có chuyện cần gặp gấp là chuyện ni phải không… Lại chuyện mượn tiền, có đúng không? Yeah?

Andy toét miệng ra cười, tay chìa ra,

Please, đại ca…

Peter sờ tay vào túi quần, mở ra cái bóp dầy cộm,

— Hên cho mi đó. Lúc nãy tại sư tỉ mi hắn khen tao giống như chú bé vô danh trong bài Phúc Âm Chúa hóa bánh, cho nên đã lỡ phóng lao thì phải theo lao, lỡ cho mi ăn chùa rồi, bây giờ đành phải móc tiền cho mi mượn tiền đi chơi với bạn gái! Thiệt tình!

Nhìn những tờ giấy đô la ba số màu xanh từ tay đại ca Peter, Andy tiếp tục cười hì hì, tay chìa ra, miệng nói,

Thank you, đại ca! Thank you chú bé vô danh của Chúa.

Lời Chúa
Ngước mắt lên, Ðức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Philípphê đáp: “Thưa có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!” Ðức Giêsu nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng (John 6:5-13).

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin dậy chúng con biết mở lòng, rộng rãi, độ lượng với anh chị em của chúng con như chú bé vô danh của năm xưa. Lạy Chúa xin mở đôi mắt tâm hồn chúng con ra để chúng con nhận được chân dung những người anh chị em thiếu may mắn hơn mình, để chúng con biết nhường cơm sẻ áo, biết cho đi mà không tính toán, biết chia sẻ với mọi người chung quanh những hồng ân và đặc sủng mà Chúa đã ban tặng cho chúng con.

(Trích trong CD Niềm tin Việt Nam: Chú Bé Vô Danh do Dân Chúa Úc Châu xuất bản 2007)
 
Lời Nguyện Cầu Nhân Ngày Chiến Sĩ Trận Vong 2008
Anthony Lê
07:19 26/05/2008
Lời Nguyện Cầu Nhân Ngày Chiến Sĩ Trận Vong 2008

Tối qua, trên kênh truyền hình PBS, một chương trình ca nhạc rất đặc sắc và rất cảm động nhân Ngày Chiến Sĩ Trận Vong 2008 được trình chiếu.

Có dõi theo toàn bộ chương trình, không ai mà không thể rơi lệ, nhất là khi lắng nghe câu chuyện có thật của Hạ Sĩ Quan John Faulkinson và Binh Nhất Chris Peiffer nói về tình đồng đội gắn bó tri kỷ, cùng bảo vệ nhau trong chiến trận lẫn ngoài đời thường, khi mạng sống của John được Chris cứu lấy, để rồi sau này Chris hy sinh, và vợ của John tới giúp vợ của Chris khi Cô vừa mang nặng đứa bé của Chris trong lòng, vừa khóc thương cho sự ra đi của Chồng. Câu chuyện rất cảm động, đưa con người - vô tri vô cảm - thời nay, biết trở về dòng hiện thực, để từ đó vấn tự lương tâm và cố tìm hiểu ra ý nghĩa của cuộc sống này là gì, và do đâu mà cuộc sống bình yên này đã tồn tại và cứ mãi tiếp diễn....

Hy vọng rằng không chỉ vào Ngày Chiến Sĩ Trận Vong 2008 này thôi, mà còn thêm rất nhiều ngày nữa, những người Mỹ bình dân chai đá, có sự can đảm để làm nên điều gì đó, để chung sức và đóng góp cho sự an toàn của quốc gia và cho những chánh nghĩa cao vời, dẫu trò chơi chánh trị có cố tình bẻ cong chúng đến chừng nào....

Cũng như các năm về trước, chương trình ca nhạc lần này cũng với hai diễn viên chính dẫn chương trình đó là: Gary Sinise và Joe Mantegna, các diễn viên hài kịch cùng các ca sĩ có giọng ca thượng thặng và điêu luyện khiến cho buổi hòa nhạc này càng có ý nghĩa sâu lắng nhiều hơn đó là các ca nhạc sĩ: Gladys Knight, Sarah Brightman, Denis Leary, Idina Menzel, Charles Durning, Rodney Atkins, John Schneider, và Caitlin Wachs; với dàn nhạc phụ họa do Maestro Erich Kunzel điều khiển cùng với Ban Nhạc Thính Phòng Quốc Gia (The National Symphony Orchestra), Đặc Khu Quân Sự Washington (Military District of Washington), Đội Nhạc Kèn của Lục Quân (U.S. Army Herald Trumpets), Ban Nhạc Nghi Lễ của Lục Quân (U.S. Army Ceremonial Band), The Soldiers' Chorus of The United States Army Field Band, và The Master Chorale of Washington.

Gần cuối chương trình, nữ ca sĩ da đen Gladys Knight đã hát bài: "There will be peace on earth.... peace comes from you, within your heart..... " Nguyện mong có sự hòa bình trường cữu đến với nhân loại, và sự yên bình đó trước tiên phải đến từ trong chính con tim nơi mỗi người chúng ta,..... . Làm sao có được sự hòa bình trường cữu nếu như con người không biết bám víu vào chính Thiên Chúa???

Cũng trong tâm tình đó, mời Quý Vị hãy cùng tôi gởi lời Nguyện Cầu của chúng ta đến cho các linh hồn chiến sĩ quá cố nhân Ngày Chiến Sĩ Trận Vong Năm 2008 này....

A. Memorial Day Prayer

Eternal God,

Creator of years, of centuries,

Lord of whatever is beyond time,

Maker of all species and master of all history -- How shall we speak to You

from our smallness and inconsequence?

Except that You have called us to worship You in spirit and in truth;

You have dignified us with loves and loyalties;

You have lifted us up with your loving kindnesses.

Therefore we are bold to come before you without groveling

[though we sometimes feel that low]

and without fear

[though we are often anxious].

We sing with spirit and pray with courage

because You have dignified us;

You have redeemed us from the aimlessness

of things' going meaninglessly well.

God, lift the hearts of those

for whom this holiday is not just diversion,

but painful memory and continued deprivation.

Bless those whose dear ones have died

needlessly, wastefully [as it seems]

in accident or misadventure.

We remember with compassion those who have died

serving their countries

in the futility of combat.

There is none of us but must come to bereavement and separation,

when all the answers we are offered

fail the question death asks of each of us.

We believe that You will provide for us

as others have been provided with the fulfillment of

"Blessed are those who mourn, for they shall be comforted."


B. Lời Nguyện Cầu Nhân Ngày Chiến Sĩ Trận Vong

Lạy Thiên Chúa Hằng Sống,

Đấng Tạo Dựng muôn đời,

Chúa Tể của thời gian,

Đấng Sáng Tạo ra muôn loài và Chủ Nhân của mọi lịch sử --

Làm thế nào mà chúng con có thể nói với Ngài

từ chính sự nhỏ bé và mọn hèn của chúng con?

Ngoại trừ việc Ngài gọi kêu chúng con để tôn thờ Ngài trong thần khí và trong sự thật;

Ngài đã đề cao chúng con lên cùng với tình yêu và sự trung tín;

Ngài đã nâng chúng con lên với sư tử tế yêu thương của Ngài.

Vì thế chúng con mới can đảm để đến trước Ngài mà không phải gối qùy lưng khom

[dẫu đôi lúc chúng con cảm thấy thấp hèn]

và không phải sợ hãi nữa

[mặc dầu chúng con thường hay khắc khoải].

Chúng con hát với thần khí và nguyện cầu với sự can đảm

vì chính Ngài đã đem lại phẩm giá cho chúng con;

Ngài đã cứu chuộc chúng con từ sự vu vơ

của những thứ chẳng ra gì cả.

Lạy Thiên Chúa, hãy ủi yên những ai

mà ngày lễ hôm nay không đem đến cho họ niềm vui,

ngoại trừ ký ức thương đau và sự mất mát triền miên.

Hãy chúc phúc cho tất cả những ai đã mất đi những người thân

[dẫu trông có vẽ] vô ích hay không cần thiết

trong tai nạn hay trong sự rủi ro.

Hãy cho chúng con biết nhớ đến những người đã chết với lòng trắc ẩn

vì sự phục vụ của họ cho các quốc gia

trong cuộc chiến tương tàn.

Chẳng có ai trong chúng con phải diện đối với sự mất mát và chia lìa những người thân yêu,

khi tất cả những lời giải đáp mà chúng con đưa ra

không lý giải được cho cái chết vốn đòi hỏi nơi chúng con.

Chúng con tin rằng Ngài sẽ ban cho chúng con ơn

mà những người khác đã được Ngài ban đó là

"Phúc cho những ai khóc thương, vì họ sẽ được sự an ủi."
 
Thánh ca: Con Phụng Thờ
Lời Vỉệt: Phạm Xuân Thu
09:23 26/05/2008
 
Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
12:35 26/05/2008
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ

LỜI CHÚA: Gioan 6, 51-59

Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan. Khi ấy, Đức Chúa GIÊSU nói cùng người Do-thái rằng: ”Thầy là Bánh-Hằng-Sống từ Trời xuống; ai ăn Bánh này thì sẽ sống đời đời. Và Bánh Thầy sẽ ban, chính là THỊT Thầy, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: ”Làm sao Ông nầy có thể lấy THỊT mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Đức Chúa GIÊSU nói với họ: ”Thật, Thầy bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn THỊT Con Người và uống MÁU Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn THỊT Thầy và uống MÁU Thầy thì có sự sống đời đời, và Thầy, Thầy sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì THỊT Thầy thật là Của-Ăn và MÁU Thầy thật là Của-Uống. Ai ăn THỊT Thầy và uống MÁU Thầy thì ở trong Thầy, và Thầy ở trong kẻ ấy. Cũng như CHA là Đấng-Hằng-Sống đã sai Thầy, nên Thầy sống nhờ CHA, thì kẻ ăn Thầy, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Thầy. Đây là Bánh bởi Trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn Bánh này thì sẽ sống đời đời”.

SUY NIỆM

Phản ứng của người Do-thái trước Chân Lý tối-cao tuyệt-cùng về bí tích Thánh Thể khiến chúng ta ngạc nhiên. Ngạc nhiên với tư cách là tín hữu Công Giáo đang sống ở kỷ nguyên thứ ba!

Thật ra - gần như - chỉ duy nhất Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng Đức Tin tuyệt-đối vào sự hiện-diện thật-sự của Đức Chúa GIÊSU KITÔ nơi bí tích Thánh Thể. Đối với người không tin, giáo huấn và chân lý về bí tích Thánh Thể trở thành trò-đùa bịp-bợm. Nếu người Do-thái xưa thắc mắc: ”Làm sao Ông nầy có thể lấy THỊT mình cho chúng ta ăn được?” thì ngày nay, kẻ không tin cũng bĩu môi chế nhạo: ”Làm sao tấm Bánh trắng và ly Rượu nho lại có thể trở thành Mình và Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ được???”

Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu. Đúng như vậy. Nhưng Bí Tích Thánh Thể cũng là Bí Tích Đức Tin. Sau khi Truyền Phép, vị chủ tế đọc: ”Đây là mầu nhiệm Đức Tin” và giáo dân tung hô: ”Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.

Kẻ cả tín hữu Công Giáo, nếu không tin nơi Đức Chúa GIÊSU KITÔ và không yêu mến THIÊN CHÚA Ba Ngôi, thì cũng không thể chấp nhận Bí Tích Thánh Thể! Đức Tin và Tình Yêu là hai điều kiện tiên khởi và thiết yếu để hiểu và tiếp nhận Bí Tích Thánh Thể với trọn trái tim, trí khôn và linh hồn.

Khi suy niệm về Bí tích Thánh Thể tín hữu Công Giáo không đi vào cái vòng tranh luận tiêu cực vô ích, nhưng chỉ ao ước được củng cố trong Đức Tin và được gia tăng trong Lòng Mến! Nếu Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU KITÔ biểu lộ qua bí tích Thánh Thể bao-la vô-bờ thì tín hữu Công Giáo cũng phải đáp lại bằng trọn tâm tình tri-ân trìu-mến.

Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể ngự trong Nhà Tạm, kín ẩn và nhẫn nhục chờ đợi con người đến kính viếng và bày tỏ lòng mến yêu. Chúa mời gọi con người đến với Ngài. Vậy thì, hãy đến và kể cho Ngài nghe mọi niềm vui, mọi nỗi sầu buồn. Nói tóm lại, hãy kể hết, kể hết! Hãy nói với Ngài như người ta nói với Người Cha dấu ái, với bạn hữu thân tình và với bạn trăm năm chí thiết!

Mỗi khi bước vào nhà thờ, đôi mắt tín hữu Công Giáo trước tiên hãy hướng thẳng về phía Nhà Tạm - luôn có đèn cháy sáng - và kính cẩn quỳ gối thờ lạy. Tín hữu Công Giáo có thể đọc Lời Kinh do Thánh Thiên Thần dạy ba trẻ chăn chiên làng Fatima vào năm 1916 khi hiện ra với Lucia, Giaxinta và Phanxicô:

- Lạy THIÊN CHÚA BA NGÔI Rất Thánh, Cha, Con và Thánh-Thần, con xin kính dâng Ngài Mình-Thánh, Bửu-Huyết, Linh-Hồn và Thiên-Tính của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, hiện diện trong mọi Nhà Tạm trên thế giới, để đền bù những lăng mạ, xúc phạm và dửng dưng mà chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ phải hứng chịu. Và cậy nhờ công nghiệp vô biên của Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa GIÊSU và Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ MARIA, con xin Ngài ban cho các tội nhân ơn hoán cải.

(Mémoires de Soeur Lucie, Secretariado dos Pastorinhos, Fátima Portugal, Octobre 2001, trang 67).

Lễ kính Mình và Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ là dịp nhắc nhở tín hữu Công Giáo đừng thờ-ơ tệ-bạc trước một hồng ân vô giá là bí tích Thánh Thể. Nếu không, tín hữu Công Giáo sẽ nghe lại lời Đức Chúa GIÊSU KITÔ phán xưa kia rằng: ”Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” (Matthêu 7,6).

Tín hữu Công Giáo chân chính tham dự Thánh Lễ mỗi ngày - hay ít ra vào Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng - và siêng năng kính viếng Đức Chúa GIÊSU KITÔ ẩn mình trong Nhà Tạm. Mỗi khi có dịp đi ngang qua một nhà thờ hoặc một nhà nguyện, tín hữu Công Giáo đạo đức luôn luôn bước vào chào kính và thân thưa với Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể:

- Lạy Chúa, con tin, con thờ lạy, con trông cậy và con kính mến Chúa. Con xin Chúa tha thứ cho những kẻ không tin, không thờ lạy, không trông cậy và không kính mến Chúa.

Ước gì Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể là suối nguồn, là chóp đỉnh và là trung-tâm-điểm cuộc sống của mỗi tín hữu Công Giáo!
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:12 26/05/2008
CON KHỈ ĐÀO GIẾNG

N2T


Một nhà con khỉ dời qua một căn nhà mới, nhà mới thì ở đâu cũng tốt, chỉ có điều là thiếu một cái giếng, cho nên gia đình nhà khỉ quyết định đào một cái giếng trước mặt nhà. Chúng nó đào và đào, khi đào sâu được một thước thì có nước mạch chảy ra, mọi ngưởi vui vẻ nói: “Tốt quá, chúng ta có nước để dùng rồi.”, nhưng không ngờ mới qua một ngày, nước trong giếng dùng đả hết, thế là chúng nó quyết định đào thêm giếng khác.

Ngày hôm ấy, chúng nó hì hục đào, đào sâu một mét thì nước mạch lại chảy ra, nhưng mới một ngày thì nước trong giếng đã dùng hết. Chúng nó bắt đầu đào cái giếng thứ ba giống như hai cái giếng trước vậy, nước giếng chỉ dùng có một ngày thì hết, cả gia đình con khỉ trông mong vào cái giếng thứ ba này, nên cảm thấy chỗ này không được tốt, thế là muốn dời nhà đi.

Lúc bấy giờ, có một con khỉ già đi ngang qua đó, sau khi hỏi cặn kẻ sự tình thì nói: “Không cần phải dời nhà, các anh đào giếng quá cạn, đào tiếp nữa thì chắc chắn sẽ có nước.”

Gia đình khi làm theo lời của con khỉ già, lại bắt đầu đào tiếp, đào lại đào, khi đào sâu đến thước thứ sáu thì nước mạch trong giếng tuôn chảy ra, và càng lúc càng nhiều, mọi người vui vẻ nói: “Nước chảy ra rồi, thật là một cái giếng tốt.”

Từ đó về sau, nước trong giếng lại dùng không hết.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Bất luận là làm việc gì, thì chúng ta cũng phải lo liệu cho bền lâu, không thể bỏ giữa chừng. Như thế làm việc mới có được kết quả tốt.

Tuổi các em là tuổi ham chơi, tuổi hiếu động không thích ngồi một chỗ, những người có trách nhiệm dạy dỗ các em đều biết và hiểu điều đó nên rất thông cảm cho các em, nhưng điều quan trọng là khi học hành thì phải chuyên cần chăm chỉ, không thể học lưng chừng, cũng không thể chỉ biết tham gia các sinh hoạt đoàn thể mà bỏ bê việc học của mình.

Gia đình nhà khỉ tuy hiếu động nhưng cũng biết nghe lời khuyên của người có kinh nghiệm, cho nên chúng nó đào được giếng nước trong lành dùng không hết, đó chính là một bài học lớn cho chúng ta: biết lắng nghe lời của những người lớn, có kinh nghiệm và trách nhiệm.

Các em thực hành:

- Chuyên chăm học hành không lười biếng ham chơi.

- Làm việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn không nản lòng.

- Phải có quyết tâm khi học tập.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 26/05/2008
N2T


35. Nếu anh muốn cho người khác nước hằng sống, thì trước tiên anh phải có đầy tràn nước hằng sống của Thiên Chúa, sau đó đem rót cho tha nhân.

(Thánh Augustine)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Họ đã trả cái giá cao qúi nhất
Anthony Lê
06:37 26/05/2008
Họ Đã Trả Cái Giá Cao Quý Nhất

Nhớ Về Những Người Lính Công Giáo Anh Hùng Nhân Ngày Chiến Sĩ Trận Vong

Trong số ra đặc biệt Nhân Ngày Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day), tờ báo National Catholic Register đã cho lên trang đầu bài viết của Paul A. Barra có nhan đề: "Họ Đã Trả Cái Giá Cao Quý Nhất" (They Paid the Ultimate Price).

Bài viết được lược dịch như sau:

Vì những người Công Giáo chiếm hơn 1/4 trong tổng số các binh lính trong Quân Đội Hoa Kỳ, cho nên cũng vì lý do đó mà đã có rất nhiều người đã phải trả cái giá ca quý nhất trong việc phục vụ cho quốc gia.

Theo Đức Tổng Giám Mục Thomas Broglio của Tổng Giáo Phận đặc trách việc Mục Vụ Cho Quân Đội Hoa Kỳ thì:

"Những người binh sĩ Công Giáo nổi tiếng là gan dạ và anh dũng. Đã từ lâu họ đã từng được biết đến vì việc phục vụ can đảm và vì lòng trung thành của họ. Tôi nghĩ rằng họ rất xứng đáng với những lời ngợi khen đó."

Hạ Sĩ Monsoor (www.navy.mil/moh/Monsoor)
Điều này đúng là sự thật với buổi lễ rất cảm động tại Tòa Bạch Ốc trong Tháng 4/2008 vừa qua, khi cha-mẹ của Hạ Sĩ Quan (Petty Officer Second Class)Michael Monsoor thuộc Navy SEAL (đội đặc nhiệm của Hải Quân) lên nhận Huy Chương Danh Dự (Medal of Honor) từ chính tay của Tổng Thống Bush thay cho con mình.

Hạ Sĩ Quan Monsoor đã từng phục vụ tại Ramadi, Irắc, và đã tử nạn khi lao mình vào làn đạn để cứu lấy cuộc sống của các bạn đồng đội của Anh vào Tháng 9/2006 vừa qua.

Theo nguồn tin từ trang Web của Ngành Hải Quân cho biết, Hạ Sĩ Quan Monsoor "đã tham dự Thánh Lễ rất sốt sắng trước khi thực hiện chiến dịch." Anh là người thứ ba được tặng thưởng Huy Chương Danh Dự trong cuộc chiến tại Irắc.

Bà Judy McCloskey - người điều hành trang Web dành cho các binh sĩ Công Giáo trong mọi quân ngành của Quân Đội Hoa Kỳ, đã nói về sự hy sinh của Hạ Sĩ Quan Monsoor như sau:

"Đối với những người lính Công Giáo, sự hy sinh không bao giờ được hiểu là một sự hoang phí, nhưng nó luôn luôn được xem như là vô giá, cũng giống với đức tin nền tảng của chúng ta là tin vào sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá."

Trong bài diễn văn đọc trong Ngày Đại Thánh năm 2000, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã ca ngợi vai trò của những người phục vụ trong Quân Đội và Ngài nói thêm rằng:

"Cha muốn tỏ bày lòng kính trọng của Cha đến cho các bè bạn của chúng con, những người đã phải trả giá bằng chính mạng sống của họ vì sự trung thành trong sứ mạng. Bằng việc tự quên đi chính bản thân của họ và mặc cho sự hiểm nguy, họ đã cống hiến một sự hy sinh vô giá cho cộng đồng nhân loại. Ngày hôm nay, trong lúc cử hành Phép Bí Tích Thánh Thể, chúng ta hãy cùng phó dâng họ lên cho Thiên Chúa với sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn." - Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Vĩ Đại (Bài Giảng Ngày 19 Tháng 11 Năm 2000).

Theo Đức Ông Ronald Newland thuộc Tổng Giáo Phận đặc trách việc Mục Vụ Cho Quân Đội thì:

Hiện tại có khoảng 294 vị Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo [chưa kể đến Cha Kevin Thomas Peek của Tổng Giáo Phận Atlanta, GA - Người sẽ giả từ Tổng Giáo Phận qua Thánh Lễ chiều Chủ Nhật hôm qua tại Giáo Xứ St. Brigid Catholic Church ở Thành Phố Johns Creek sau hơn 10 năm làm Linh Mục triều của TGP, để trở thành vị Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo cho Sư Đoàn 4 của Hoa Kỳ vào Tháng 6/2008 sắp tới này - ND] đang phục vụ toàn thời gian (Active Duty) cho tất cả mọi quân ngành của Quân Đội Hoa Kỳ trên khắp cả thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio
Điều này có nghĩa là việc mang Thánh Lễ tới những vùng đang xảy ra chiến cuộc quả thật là khó khăn nếu như không muốn nói là không thể được, thì đó cũng chính là một mối quan tâm chính của Hạ Sĩ Quan (Sergeant hay Sgt.) Joseph Richard, III, một binh sĩ Công Giáo đến từ tiểu bang Louisiana - người đã tử thương trong cuộc giao chiến rất ác liệt ở Baghdad vào ngày 14 tháng 4 vừa qua.

Richard "đã tìm thấy trở lại sự hăng hái trong đức tin của mình khi Anh tham gia vào Lục Quân. Anh vẫn thường hướng dẫn nhóm tiểu đội của Anh cầu nguyện trước khi tất cả ra ngoài tham chiến." Theo lời kể của Cô Carmen Billedeaux, Chị ruột của Anh Richard: "Tôi đã yêu cầu tất cả các bạn bè của tôi trong Nhóm Tông Đồ Đạo Binh Chúa Kitô hãy cầu nguyện cho sự an toàn của em trai tôi."

Giờ đây Chị cảm tạ Thiên Chúa vì đã không chấp nhận những lời nguyện cầu đó. Các bạn bè của Chị đã cầu nguyện sự an toàn đến cho đứa em trai của Chị hay cùng lắm là cầu nguyện cho Richard có được một cái chết nhanh chóng mà không phải hứng chịu sự thương đau, thế nhưng Richard đã sống được 30 phút, khi toàn thân thể của Anh đã bị xé nát bởi các mảnh đạn.

Chị Billedeaux nói:

"Thế rồi tôi thật biết ơn vì Richard đã kịp sống để lãnh nhận Nghi Thức cuối cùng từ tay vị Linh Mục tuyên úy. Thiên Chúa đã chấp nhận những lời nguyện cầu của chúng tôi để gìn giữ em tôi khỏi mọi sự hiểm nguy bằng cách đảm bảo rằng em tôi có cơ hội để rời khỏi thế giới này trong ân huệ của Ngài và không còn phải mắc tội nữa."

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị - là người con trai của một vị Sĩ Quan Quân Đội, vào năm 1999 đã từng nói rằng:

"Thế giới Quân Đội, xưa và nay, thường được xem như là một khí cụ để rao giảng Phúc Âm và là nơi đặc ân nhất để đạt đến đỉnh cao của sự nên thánh: điều mà Cha muốn nói chính là việc một sĩ quan chỉ huy một trăm binh sĩ của Phúc Âm, hay những vị binh sĩ tử đạo đầu tiên và tất cả những ai đã làm điều đó trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, bằng việc phục vụ cho chủ quyền quốc gia, để qua đó học biết được cách làm thế nào để có thể trở thành những binh sĩ và những chứng tá viên của một Thiên Chúa duy nhất là Đức Giêsu Kitô."

Đối với hai gia đình của Hạ Sĩ Quan Monsoor và của Hạ Sĩ Quan Richard, thì ngày hôm nay chính là Ngày Chiến Sĩ Trận Vong đầu tiên đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của họ sau khi người thân nhất của họ đã ra đi. Thế nhưng, khoảng thời gian này cũng sẽ mang lại những ký ức củ về cho gia đình của Cha Timothy Vakoc - một vị Linh Mục Tuyên Úy gương mẫu của Quân Đội Hoa Kỳ.

Chaplain Father (Major) Timothy Vakoc - United States Army
Chẳng bao lâu sau Ngày Chiến Sĩ Trận Vong năm 2004, Cha Vakoc - vị Linh Mục Tuyên Úy của Lục Quân đã bị thương nặng vì bom nổ được gài bên đường ở Irắc. Lần đó cũng là lần kỷ niệm 12 năm ngày Cha được chịu chức Linh Mục, và Cha đang trên đường để trở về căn cứ quân sau khi Cha đã đến đó để cử hành Thánh Lễ.

Cha Vakoc bị chấn thương sọ não và đã bị tê liệt khiến Cha không còn thể nói được. Kể từ đó trở đi, vị Linh Mục người gốc tiểu bang Minnesota phải trải qua nhiều cuộc chữa trị y học và vật lý trị liệu, và giờ đây Cha có thể tham dự Thánh Lễ trở lại được. Cha Vakoc vẫn chưa thể cử hành Thánh Lễ được, thế nhưng dần dà, mặc dầu chậm chạp, rồi Cha cũng sẽ làm được điều đó.

Cha chính là một trong những hàng dài các vị Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo anh dũng, trong đó cũng có Cha Vincent Capodanno - một vị Linh Mục Tuyên Úy của Hải Quân đã bị giết chết tại Việt Nam vào năm 1967. Không những Cha Capodanno được trao tặng Huy Chương Danh Dự - giải thưởng cao quý nhất của quốc gia dành cho những ai gan dạ nhất trong chiến trận, mà vị Linh Mục Dòng Maryknoll này cũng đang còn được Giáo Hội xem xét để nâng lên bậc Hiển Thánh.

Vị tiền nhiệm của Đức Tổng Giám Mục Broglio là Đức Tổng Giám Mục Edwin O'Brien [nay là Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Baltimore, Maryland - ND] đã cho khởi sự hồ sơ phong Chân Phước và Phong Thánh cho Cha Capodanno vào Tháng 5/2006 vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục O'Brien đã viết trong hồ sơ tuyên bố phong Chân Phước của Cha Capodanno rằng: "Tôi đã xác minh về sự nổi tiếng nên thánh lan rộng của Linh Mục quá cố Capodanno."

Cha Capodanno hiện đang được biết đến như là Một Bậc Tôi Tớ của Thiên Chúa (A Servant of God) và bước kế tiếp sẽ là phong Chân Phước nếu như một phép lạ tuyệt vời được xảy ra nhờ sự chuyển cầu của Cha Capodanno.

Đức Tổng Giám Mục Broglio cho biết:

"Phép lạ tuyệt vời đó đã được khám phá ra rồi và hiện đang chờ đợi sự xác nhận về mặt y học. Cha Capodanno chính là một người rất đặc biệt và rất tận tụy trong việc phục vụ cho tất cả các binh sĩ của Cha nơi đầu chiến tuyến. Cha đã ngang nhiên xem thường sự an toàn tính mạng của riêng mình, để có thể đến, lắng nghe và cử hành Thánh Lể hay các nghi thức cần thiết khác cho các binh sĩ."

Nếu vị Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo này được Giáo Hội nâng lên bậc Hiển Thánh, thì chẳng có gì là ngạc nhiên cho lắm đối với những người vẫn hay thường đến cầu nguyện và thờ phượng nơi các Nhà Nguyện nhỏ mang tên của Cha. Rồi đến các con đường, các tòa nhà, các đài tưởng niệm, và thậm chí ngay cả một chiến hạm thủy chiến của Hải Quân đã được đặt tên của Cha Capodanno.
 
Ngày Thế Giới cầu nguyện cho các Linh Mục - các Kinh cầu cho Linh Mục
Bộ Giáo Sĩ Tòa Thánh
10:40 26/05/2008
NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN
CHO ƠN THÁNH HÓA CÁC LINH MỤC 2008


Lời kinh của các Linh Mục

Lạy Chúa, Chúa đã gọi con lãnh nhận tác vụ linh mục,
vào một thời điểm lịch sử,
như các Tông Đồ buổi ban đầu,
Chúa mong muốn mọi kitô hữu và đặc biệt là các linh mục,
trở nên những chứng nhân cho các kỳ công của Thiên Chúa,
và cho sức mạnh của Thánh Thần Chúa.
Xin cho con cũng trở thành chứng nhân cho phẩm giá con người,
cho phẩm chất cao cả của tình yêu
và cho quyền năng của thừa tác vụ đã lãnh nhận:
Xin cho con sống tất cả những điều đó,
bằng một cung cách thấm đượm niềm say mê Chúa,
bởi tình yêu, chỉ vì tình yêu và cho tình yêu lớn lao mà thôi.
Xin cho cuộc đời độc thân khiết tịnh của con,
nên như lời “xin vâng” trong vui mừng và hạnh phúc,
phát xuất từ niềm tín thác và tận hiến cho tha nhân,
để phục vụ Giáo Hội.
Xin ban sức mạnh đỡ nâng khi con sa vào yếu đuối,
và chớ gì những thành công của con cũng làm Chúa vui lòng.
Lạy Mẹ Maria,
chưa có ai đã thốt lên lời “xin vâng” cách tuyệt vời, cao cả như Mẹ.
Xin Mẹ cho con biết biến đổi cuộc sống con mỗi ngày,
thành nơi nuôi dưỡng tinh thần quảng đại và thánh hiến,
và dưới chân bao nhiêu Thập Giá nơi gian trần,
con được cùng với Mẹ,
tháp nhập vào cái chết đớn đau mang ơn cứu độ của Đức Kitô,
để được cùng Người
vui hưởng vinh quang phục sinh đến muôn đời. Amen
Lời Kinh dâng ngày của Linh Mục
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
xin ban ơn giúp sức cho chúng con,
để khi lãnh nhận thừa tác vụ linh mục,
chúng con biết phục vụ Chúa cách xứng đáng và trung tín,
tinh tuyền và thành tâm.
Và nếu chúng con đã không sống như lòng Chúa mong ước,
thì xin Chúa đoái thương,
ban cho chúng con biết đau buồn vì sự dữ đã làm,
để trong mọi sự,
chúng con biết phụng sự Chúa cách nhiệt thành và khiêm cung.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen
Lời Kinh của Linh Mục với Chúa Giêsu Kitô
Lạy Chúa Giêsu dấu yêu, bởi lòng mến thương nhiệm lạ,
Chúa đã gọi con từ giữa muôn người,
để con bước theo Chúa,
mang lấy phẩm vị tuyệt vời là chức linh mục:
Nguyện xin Chúa đoái thương ban sức mạnh thần linh,
để con hoàn thành xứng đáng thừa tác vụ nhận lãnh.
Ôi Chúa Giêsu, xin hãy canh tân nơi con, hôm nay và mãi mãi,
ân sủng mà con đã lãnh nhận qua việc đặt tay của Giám Mục,
Ôi Thần Y cao diệu của các linh hồn,
xin hãy chữa lành con, để con không còn sa vòng tội lỗi,
xa tránh mọi uế nhơ và làm đẹp lòng Chúa,
cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Amen
Lời nguyện tắt
Lạy Chúa Giêsu nhân lành,
xin làm cho con nên người linh mục theo Thánh Tâm Chúa.

Lời Kinh xin gìn giữ đức khiết tịnh

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
là tình quân của tâm hồn và là niềm vui của lòng con,
Chúa là trái tim và là linh hồn con:
trước nhan Chúa, con cúi đầu phủ phục,
hết lòng cầu nguyện và van xin,
cho con được bền đỗ và lớn lên mãi trong niềm tin đích thực.
Ôi Chúa Giêsu dịu hiền,
con sẵn sàng đuổi xa mọi ý nghĩ bất chính,
những khát khao xác thịt và những dục vọng trần gian,
vẫn hằng rình chờ xâu xé tâm hồn;
với ơn Chúa giúp, con sẽ giữ gìn cho đức khiết tịnh,
mãi ngời nét tinh trong.
Lạy Mẹ Maria vô nhiễm và rất mực thánh thiện,
là Trinh nữ tuyệt vời hơn mọi nữ trinh,
và là Mẹ dấu ái của chúng con,
xin hãy thanh tẩy trái tim và tâm hồn con,
xin hãy khẩn cầu cho con,
được lòng mến yêu và kính sợ Chúa,
và không bao giờ cậy dựa vào sức riêng mình,
Lạy Thánh Giuse,
Đấng giữ gìn đức trinh khiết vẹn tuyền của Mẹ Maria,
xin cũng gìn giữ linh hồn con cho khỏi mọi tội lỗi,
Xin các thánh đồng trinh,
đã bước theo Chiên Thiên Chúa trên mọi nẻo đường,
xin thương đến con là kẻ nghèo hèn tội lỗi,
để con đừng bao giờ liều mình phạm tội,
dù trong tư tưởng hay lời nói,
trong hành động hay trong những điều thiếu sót,
và để con đừng bao giờ rời xa
trái tim vô cùng vẹn sạch là Thánh Tâm Chúa Giêsu. Amen.

Kinh cầu cho các Linh Mục

Lạy Chúa Giêsu đang hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh,
Chúa đã muốn tiếp tục hiện diện giữa chúng con,
qua các linh mục của Chúa,
xin cho lời nói và cử chỉ của các ngài,
cũng đích thực là lời nói và cử chỉ của Chúa,
xin cho cuộc sống các ngài
phản ánh cuộc đời Chúa cách trung thành.
Xin cho các linh mục thực sự là những người
thân thưa với Thiên Chúa về thế nhân,
và nói cho thế nhân về Thiên Chúa.
Xin cho các ngài biết phục vụ Giáo Hội cách xứng đáng,
và trở nên những người chứng cho vĩnh cửu trong thời đại này,
biết theo chân Chúa trên các nẻo đường lịch sử,
và gieo vãi ân phúc cho mọi người anh em.
Xin cho các ngài trung thành với cam kết dấn thân,
gắn bó với ơn gọi và với cuộc đời tận hiến,
trở nên như gương trong, tỏa sáng chức linh mục,
và chớ gì các ngài sống trong niềm vui vì ơn huệ đã lãnh nhận.
Chúng con xin các điều đó
nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, người Mẹ thánh thiện của Chúa:
Mẹ đã hiện diện trong cuộc đời Chúa thế nào,
thì xin cũng luôn hiện diện trong cuộc đời các ngài như vậy. Amen
 
Thư của Bộ Giáo Sĩ nhân ngày Cầu Nguyện xin Ơn thánh hóa Linh mục
LM Quốc Hưng và Thành Sang
10:45 26/05/2008

THƯ CỦA BỘ GIÁO SĨ
NHÂN NGÀY CẦU NGUYỆN
XIN ƠN THÁNH HOÁ LINH MỤC


Anh em linh mục thân mến,

Vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, với cái nhìn yêu thương kiên vững, chúng ta hướng ánh mắt tâm hồn và trái tim của chúng ta về Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của đời sống chúng ta và của thế giới. Nhớ đến Đức Kitô nghĩa là nhớ đến Khuôn Mặt mà dù ý thức hay không, mỗi người chúng ta đều tìm kiếm như là câu trả lời duy nhất thoả mãn khát vọng hạnh phúc trào dâng trong chúng ta.

Khuôn mặt này, chúng ta đã gặp thấy, và ngày hôm nay, vào giờ phút này, Tình Yêu của Người đã làm cho cõi lòng chúng ta phải thổn thức, đến nỗi chúng ta không thể làm gì khác hơn là không ngừng van xin được hiện diện trước mặt Người: “Ngay từ sớm, Ngài đã nghe tiếng con; ngay từ sớm, con tỏ bày ước nguyện, rồi chăm chú đợi trông” (Tv 5).

Phụng Vụ Thánh lại dẫn chúng ta vào chiêm ngưỡng mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, nguồn gốc và thực tại sâu thẳm của cộng đoàn Giáo hội: Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacốp mạc khải chính mình nơi Đức Giêsu Kitô. “Chẳng ai đã có thể nhìn thấy Vinh Quang của Người, trừ khi họ được chữa lành nhờ sự khiêm hạ của thân xác Người. Bụi đất đã làm cho con người nên mù quáng, thì cũng nhờ bụi đất mà con người được chữa lành; sự mù quáng của con người do bởi xác phàm, thì cũng nhờ xác phàm mà con người được chữa lành” (Thánh Augustinô, Chú giải Tin Mừng theo thánh Gioan, Bài giảng, 2, 16).

Chỉ khi nhìn ngắm lại nhân tính hoàn hảo và cuốn hút của Đức Giêsu Kitô, Đấng Hằng Sống và không ngừng hoạt động trong hiện tại, Đấng đã tự mạc khải chính mình cho chúng ta và hiện vẫn còn nghiêng mình trên mỗi người chúng ta với tình yêu hoàn toàn đặc biệt của riêng Người, chúng ta mới có thể để cho Người chiếu dọi chúng ta và lắp đầy vực thẳm đói khát là chính nhân tính của chúng ta, khao khát tìm thấy niềm hy vọng, khao khát lòng Thương xót bao phủ những giới hạn của chúng ta, khi dạy chúng ta biết tha thứ những điều mà chính chúng ta cũng không thể nhận ra về bản thân mình. “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm, khi tiếng thác của Ngài tuôn đổ ầm vang” (Tv 41).

Vào ngày truyền thống cầu nguyện xin ơn Thánh hoá các linh mục, được cử hành vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi muốn nhắc lại sự ưu tiên của cầu nguyện so với hoạt động, theo nghĩa là chiều sâu của hoạt động phải tuỳ thuộc vào chính việc cầu nguyện. Sứ vụ của Giáo hội tuỳ thuộc sâu rộng vào mối tương quan cá vị của mỗi người với Chúa Giêsu. Vì thế, sứ vụ này phải được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện: “Đã đến lúc phải tái xác định sự quan trọng của việc cầu nguyện đối mặt với chủ thuyết duy hoạt động và chủ thuyết tục hoá đang thống trị” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu - Deus caritas est, số 37). Chúng ta phải không ngừng kín múc nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và để cho Lòng Thương Xót của Ngài thẩm định và chữa lành những vết thương đau vì tội lỗi của chúng ta, hầu biết cảm phục trước sự kỳ diệu luôn luôn mới lạ nơi nhân tính được cứu chuộc của chúng ta.

Anh em linh mục rất thân mến, chúng ta là những chuyên viên về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi chính bản thân mình, và chỉ như thế mới trở nên những dụng cụ của Lòng Thương Xót khi chúng ta ôm lấy nhân tính bị thương tích một cách hoàn toàn mới mẻ. “Đức Kitô không cứu chúng ta khỏi nhân tính của chúng ta, nhưng qua nhân tính này; Người không cứu chúng ta khỏi thế gian, nhưng Người đã đến trong thế gian để nhờ Người mà thế gian được cứu độ (x. Ga 3,17)” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông điệp Urbi et Orbi, ngày 25 tháng 12 năm 2006). Sau hết, chúng ta trở thành linh mục nhờ Bí tích Truyền chức, hành động cao cả nhất của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, cũng như của tình yêu thương đặc biệt của Ngài.

Kế đến, trong cơn khát khao Đức Kitô cháy bỏng và trào dâng trong lòng chúng ta, chiều kích đích thực nhất của Chức Linh Mục là sự van nài, lời cầu nguyện đơn thành và liên lĩ mà chúng ta học biết qua việc cầu nguyện trong thinh lặng; lối cầu nguyện này luôn là đặc tính của đời sống các thánh, và phải được van nài với lòng kiên trì. Ý thức về mối tương quan với Đức Kitô phải được thanh luyện từng ngày qua thử thách. Mỗi ngày, chúng ta lại nhận ra rằng, là những Thừa Tác Viên hành động nhân danh Đức Kitô là Đầu, chúng ta không được miễn chước khỏi bi kịch này: chúng ta không thể sống trong sự hiện diện của Người dù chỉ một khoảnh khắc thôi nếu không có ước muốn khoan hoà nhận ra Người, hiểu biết Người và kết hợp với Người. Chúng ta đừng nhường bước trước cám dỗ xem bản chất linh mục của chúng ta như một nhiệm vụ không thể tránh né, không thể thoái thác và vì thế phải đảm nhận, để rồi nghĩ mình có thể chu toàn cách máy móc chỉ bằng việc đơn giản theo đuổi một chương trình mục vụ ăn khớp và chặt chẽ. Chức linh mục là ơn gọi, là nẻo đường, là cách thức mà qua đó Đức Kitô cứu độ chúng ta, với cách thức ấy Người đã kêu gọi chúng ta, và giờ đây lại mời gọi chúng ta sống với Người.

Đối với ơn gọi thánh thiện của chúng ta, mức độ duy nhất thích hợp là tính triệt để. Với ý thức về sự bất trung của chúng ta, sự tận hiến hoàn toàn chỉ có thể diễn ra như một quyết định được lặp lại trong lời cầu nguyện từng ngày, và rồi Đức Kitô sẽ bổ khuyết. Chính hồng ân độc thân linh mục phải được đón nhận và sống trong chiều kích triệt để này, một chiều kích được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô. Ngoài mối tương quan với Đức Kitô, mọi quan điểm khác đều có nguy cơ trở thành không tưởng.

Chính công việc bề bộn, đôi khi vô cùng lớn lao mà những hoàn cảnh hiện tại của thừa tác vụ đòi buộc chúng ta phải gánh vác, thay vì làm chán nãn, lại càng thúc đẩy chúng ta phải chú tâm nhiều hơn nữa đến căn tính linh mục của mình, một căn tính có nguồn gốc thần linh không thể giảm thiểu. Trong ý nghĩa này, theo một lý lẽ trái ngược với lý lẽ của thế gian, chính những hoàn cảnh của thừa tác vụ phải thúc đẩy chúng ta “nâng cao trình độ” đời sống tâm linh, để làm chứng bằng một một niềm xác tín lớn lao nhất và đầy hiệu quả rằng chúng ta thuộc trọn về Chúa.

Chúng ta được dạy để biết tận hiến hoàn toàn bởi Đấng đã yêu thương chúng ta trước. “Ta tỏ mình ra cho kẻ chẳng hề tìm kiếm Ta. Ta nói: “Này Ta đây” với kẻ chẳng hề kêu cầu Danh Ta”. Nơi thể hiện sự tự hiến tuyệt hảo chính là Thánh Thể, vì “Trong Bí tích Thánh Thể, không phải Chúa Giêsu trao ban “một điều gì”, nhưng Người tự hiến chính mình; Người đã hiến dân thân xác mình và đã đổ máu mình ra. Với cách thức này, Người ban tặng trọn vẹn cuộc sống của mình và mạc khải nguồn mạch nguyên thuỷ của tình yêu này” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 7).

Anh em linh mục rất thân mến, chúng ta trung thành cử hành mỗi ngày Bí tích Thánh Thể Cực Thánh, không chỉ để chu toàn một dấn thân mục vụ hay đáp ứng cho nhu cầu của cộng đoàn đã được giao phó cho chúng ta, nhưng còn vì một nhu cầu tuyệt đối của bản thân mà chúng ta cảm nhận, như hơi thở, như ánh sáng cho đời sống chúng ta, như lý do duy nhất thích đáng cho một đời sống linh mục thành toàn.

Trong Tông huấn hậu thượng hội đồng Sacramentum caritatis, Đức Thánh Cha lại mạnh mẽ đề nghị xác quyết của thánh Augustinô: “Không ai ăn thịt này mà trước đó đã không thờ lạy; nếu không thờ lạy, chúng ta sẽ có tội” (Thánh Augustinô, Enarrationes in Psalmos, 98,9). Chúng ta không thể sống, chúng ta không thể nhận ra sự thật về chính mình nếu không để cho Đức Kitô nhìn ngắm và sinh ra chúng ta qua việc tôn thờ Thánh Thể hằng ngày. Và “sự đứng vững” (Stabat) của Mẹ Maria, “Người Nữ Thánh Thể”, dưới chân thập giá của Con Mẹ, là mẫu gương ý nghĩa nhất về việc chiêm ngắm và tôn thờ Hy lễ thần linh đã được ban tặng cho chúng ta.

Cũng như chiều kích truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo hội, sứ vụ của chúng ta được hàm chứa trong căn tính linh mục, chính vì thế tính khẩn thiết của việc truyền giáo là vấn đề tự ý thức về chính mình. Căn tính linh mục của chúng ta được thiết lập và được đổi mới từng ngày qua cuộc “đối thoại” với Chúa chúng ta. Mối tương quan với Người, luôn được nuôi dưỡng trong lời cầu nguyện thường hằng, có hệ quả trực tiếp là nhu cầu chia sẻ nó cho những người chung quanh. Thật vậy, sự thánh thiện mà chúng ta khấn xin mỗi ngày không thể được quan niệm như một sự tiếp nhận cá nhân cằn cỗi và trừu tượng, nhưng rõ ràng đó là sự thánh thiện của Đức Kitô lan toả cho chúng ta: “Sự kiện được hiệp thông với Đức Giêsu đưa chúng ta vào lối sống của Người là “sống cho mọi người”; điều đó làm nên cách thể hiện hữu của chúng ta” (ĐGH. Bênêđictô XVI, Spe Salvi, số 28).

Lối "sống cho mọi người" của Đức Kitô được thể hiện cho chúng ta trong Ba Chức Năng (ria Munera) [= loan báo, thánh hiến và qui tụ] mà chúng ta được mặc lấy nhờ chính bản chất của chức linh mục. Ba chức năng này cấu thành toàn thể thừa tác vụ của chúng ta. Nó không phải là nơi vong thân, hay tệ hơn nữa, nơi giản lược ngôi vị của chúng ta vào chức năng nghề nghiệp mà thôi, nhưng là lối diễn tả đích thực nhất việc chúng ta thuộc trọn về Đức Kitô. Ba chức năng này là nơi thể hiện mối tương quan với Người. Đoàn Dân được giao phó cho chúng ta giảng dạy, thánh hoá và lãnh đạo không phải là một thực tại làm chúng ta sao lãng "đời sống mình", nhưng là gương mặt của Đức Kitô mà chúng ta phải chiêm ngắm hàng ngày, như phu quân chiêm ngắm gương mặt của hôn thê, như Đức Kitô chiêm ngắm Hội thánh, Hiền thê của Người. Đoàn dân được giao phó cho chúng ta là con đường chúng ta phải đi để đạt đến sự thánh thiện, nghĩa là con đường nhờ đó Chúa Kitô tỏ hiện vinh quang của Chúa Cha qua chúng ta.

"Nếu người nào làm cớ vấp phạm cho chỉ một người nhỏ bé nhất, thì nó đáng bị đeo cối đá vào cổ và ném xuống biển [...] Ngược lại, những ai đưa cả một đoàn dân đến chỗ hư mất [...], thì nó phải chịu đau khổ đến mức nào và với hình phạt nào nó đáng phải chịu đây?" (Thánh Gioan Chrysostome, De sacerdotio VI, 1.498). Trước nhận thức về nhiệm vụ nặng nề và trọng trách lớn lao đối với cuộc sống và ơn cứu độ của chúng ta, nơi mà lòng trung thành với Đức Kitô gắn liền với "lòng vâng phục" đối với những đòi buộc của việc cứu rỗi các linh hồn, chúng ta không nên để cho có một chút không gian nghi nan nào về ân sủng đã lãnh nhận. Chúng ta chỉ có thể cầu xin cho mình biết dành chỗ rộng lớn nhất có thể cho Tình yêu của Người, để Người hành động qua chúng ta. Bởi vì, hoặc chúng ta để cho Chúa Kitô cứu độ thế giới bằng cách hành động trong chúng ta, hoặc là chúng ta có nguy cơ phản bội lại chính bản chất ơn gọi của mình.

Anh em linh mục thân mến, thước đo lòng tận tâm vẫn là tất cả. Với "năm cái bánh và hai con cá", không có gì đáng kể. Đúng vậy, nhưng đó là tất cả ! Ân sủng của Thiên Chúa tạo nên mối Hiệp thông nuôi dưỡng cả đoàn dân từ chính sự nhỏ bé hoàn toàn của chúng ta. Những linh mục già yếu hay đau bệnh tham dự vào "sự tận tâm hoàn toàn" này cách đặc biệt. Các ngài thi hành hàng ngày thừa tác vụ thần linh trong sự kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô và đồng thời hiến dâng cuộc đời linh mục của các ngài cho sự thiện hảo đích thực của Giáo hội và ơn cứu độ các linh hồn.

Sau cùng, nền tảng không thể thay thế của cả đời sống linh mục còn có Mẹ rất thánh của Thiên Chúa. Mối tương quan với Mẹ không thể gói gọn trong việc thực hành lòng hiếu thảo và sùng kính, nhưng phải được nuôi dưỡng bằng sự tận tâm liên lỉ phó dâng trong vòng tay Mẹ trọn đời đồng trinh tất cả đời sống và toàn thể tác vụ của chúng ta. Rất Thánh Đồng Trinh Maria tiếp tục dìu dắt chúng ta, như thánh Gioan, đến dưới chân thập giá của Con Mẹ và là Chúa chúng ta, để cùng với Mẹ chiêm ngắm Tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa: "Thập giá ngã bóng trên mặt đất, Sự sống của chúng ta, Sự sống thật. Thập giá mang lấy cái chết của chúng ta để tiêu diệt nó bằng Sự sống dồi dào" (Thánh Augustinô, Tự thuật IV, 12).

Thiên Chúa Cha đã chọn lựa chờ đợi tiếng "xin vâng" (Fiat) của một Trinh Nữ trước lời truyền tin của thiên sứ như một điều kiện cho ơn cứu độ của chúng ta, cho sự thành toàn nhân tính của chúng ta, và cho việc Nhập Thể của người Con được thực hiện. Có thể nói rằng, Đức Kitô đã quyết định trao phó cả đời sống của Người cho tự do tràn đầy tình yêu của Mẹ: "Khi đón nhận Đức Kitô và sinh Ngài vào thế gian, khi nuôi nấng Ngài và dâng Ngài trong Đền thờ cho Thiên Chúa Cha, khi đau khổ với Con chết trên thập giá, Mẹ Maria đã đóng góp vào công trình của Đấng Cứu Thế một sự cộng tác tuyệt đối, không thể so sánh, bằng sự vâng phục, đức tin, hy vọng, đức ái mãnh liệt của Mẹ để đem lại cho các linh hồn sự sống siêu nhiên. Chính vì thế, Đức Maria đã trở nên Mẹ chúng ta, trong trật tự ân sủng" (Hiến Chế Lumen gentium, số 61).

Thánh Giáo hoàng Piô X đã khẳng định: "Mọi ơn gọi linh mục đều đến từ trái tim của Thiên Chúa, nhưng qua trái tim của một người mẹ". Điều này đúng với vai trò mẫu tử sinh học, nhưng cũng đúng với "sự hạ sinh" của bất cứ lòng trung thành nào với Ơn gọi của Đức Kitô. Chúng ta không thể thiếu tình mẫu tử thiêng liêng cho cuộc sống linh mục của mình: chúng ta cầu xin sự trợ giúp nền tảng này với đầy lòng tin tưởng phó thác cho lời cầu nguyện của Mẹ Giáo hội thánh thiện, cho tình mẫu tử của Dân Chúa mà chúng ta là những mục tử của họ và họ cũng được giao cho sự canh phòng và sự thánh thiện của chúng ta.

Anh em linh mục thân mến, ngày nay thật là cấp bách phải có "một phong trào cầu nguyện mà trung tâm là việc tôn thờ Thánh Thể liên tục suốt cả ngày, trên khắp cả thế giới, để thường xuyên dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện tôn thờ, tạ ơn, xin ơn và tạ tội, nhằm mục đích chính là khơi dậy đủ số ơn gọi thánh thiện vào chức linh mục, và trong chiều kích của Thân Thể mầu nhiệm, bằng tình mẫu tử thiêng liêng, cũng là để đồng hành thiêng liêng với những ai đã được gọi vào chức linh mục thừa tác và được biến đổi trọn bản thân nên giống vị Thượng Tế Vĩnh Cửu duy nhất, để họ phục vụ Ngài và những người anh em ngày càng tốt hơn, như những người vừa ở trong Giáo hội, vừa vượt lên trước Giáo hội" (x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Những mục tử như lòng mong ước, số 16), khi đại diện cho Đức Kitô là đầu, mục tử và hôn phu của Giáo hội" (Thư của Thánh bộ Giáo sĩ, ngày 8/12/2007).

Tóm lại, có một hình thức bổ sung tình mẫu tử thiêng liêng luôn đồng hành cách âm thầm với gia đình ưu tuyển là các linh mục trong lịch sử Giáo hội: đó là việc tín thác thừa tác vụ của chúng ta vào một khuôn mặt rõ ràng, một tâm hồn tận hiến được Đức Kitô mời gọi, và vì thế chọn hiến dâng chính bản thân mình với những khổ đau cần thiết và những khó khăn không thể tránh khỏi trong cuộc sống, để chuyển cầu hữu hiệu cho cuộc đời linh mục của chúng ta, và nhờ đó chúng ta luôn sống trong sự hiện diện dịu hiền của Đức Kitô.

Trong tình mẫu tử này tỏ hiện khuôn mặt từ ái của Mẹ Maria. Tình mẫu tử này phải được cầu xin trong kinh nguyện, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể khơi dậy và nâng đỡ. Không thiếu những gương mẫu tuyệt vời trong tình mẫu tử này; chúng ta hãy nghĩ đến những giọt nước mắt tốt lành của thánh nữ Mônica dành cho con ngài là Augustinô, vì người con này mà ngài khóc "nhiều hơn các người mẹ đã khóc vì cái chết của các con của họ" (Thánh Augustinô, Tự thuật III, 11). Một gương sáng hấp dẫn khác là của Eliza Vaughan, người đã sinh ra và dâng cho Thiên Chúa 13 người con, trong số 8 người con trai thì 6 là linh mục, và trong số 5 người con gái thì 4 là nữ tu. Thế nên chúng ta không thể thực sự trở thành những "hành khất" trước mặt Đức Kitô, Đấng ẩn mình cách tuyệt diệu trong mầu nhiệm Thánh Thể mà không biết cầu xin cách cụ thể sự trợ giúp hữu hiệu và lời cầu nguyện của những kẻ Người đặt bên cạnh chúng ta, và họ không ngần ngại phó thác chúng ta cho những tình mẫu tử mà Thánh Thần gợi lên cách mạnh mẽ cho chúng ta.

Trong thư gửi chị Céline, thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu đã xác tín nhu cầu khẩn thiết phải cầu nguyện cho các linh mục, nhất là những người nguội lạnh: "Chúng ta hãy sống cho các linh hồn, hãy là những tông đồ, nhất là hãy cứu lấy linh hồn của các linh mục [...] Chúng ta hãy cầu nguyện, chịu đau khổ vì họ và ngày sau cùng, Chúa Giêsu sẽ biết ơn chúng ta" (Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, thư số 94).

Chúng ta phó dâng cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Rất Thánh, Nữ Vương các Tông Đồ, Mẹ rất dịu hiền, và cùng với Mẹ hướng nhìn về Đức Kitô, không ngừng cố gắng để thuộc trọn về Người; đó là căn tính của chúng ta !

Chúng ta nhớ lại những lời của cha thánh họ Ars, bổn mạng các Cha sở: "Nếu tôi đã bước một chân lên trời mà có người đến nói với tôi hãy trở lại trần gian để làm cho những người tội lỗi trở lại, tôi sẽ vui lòng trở lại trần gian. Và vì việc này, nếu cần thiết phải ở lại trần gian cho đến tận thế, dù phải thức dậy lúc nửa đêm và phải đau khổ như tôi đau đã khổ, tôi chấp nhận với cả tấm lòng" (FRERE ATHANASE, Procès de l'Ordinaire, p. 883).

Ước gì Chúa hướng dẫn và bảo vệ tất cả và mỗi người trong chúng ta, nhất là những người bệnh tật và những người đau khổ nhất, trong hiến lễ liên lỉ của đời sống vì tình yêu của chúng ta.

Hồng y CLAUDIO HUMMES,
Tổng trưởng.

+ MAURO PIACENZA
Tổng Giám mục hiệu toà Vittoriana, Thư ký.

(Lm. Tôma-Thiện Trần Quốc Hưng và Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang chuyển ngữ)
 
Giờ Thánh: Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Thánh Hóa Các Linh Mục
Gp Đà Lạt
10:52 26/05/2008
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu 2008
GIỜ THÁNH
Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Thánh Hóa Các Linh Mục

KHAI MẠC

1. Đặt Mình Thánh. Hát: Đây Lòng Chúa ái tuất

2. Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, giờ đây chúng con thật hạnh phúc qui tụ bên Thánh Thể Chúa, chiêm ngắm hiện diện của Chúa giữa chúng con trong bầu khí đặc biệt của ngày lễ Thánh Tâm Chúa, cũng là ngày mà Giáo Hội dành riêng để Cầu Nguyện cho Ơn Thánh Hóa Các Linh Mục.

Hơn bao giờ hết, chúng con ý thức rằng, Chúa vẫn luôn ở giữa chúng con với trái tim bị đâm thâu, với tấm lòng ái tuất không bến bờ.

Tình yêu Chúa mãi mãi tuôn tràn Máu và Nước, để cho tất cả chúng con, cho cả thế giới này được tưới gội và thấm nhuần tình yêu cứu độ của Chúa, cũng vì thế mà Chúa mong mỏi những tâm hồn tận hiến đến với Chúa, lưu lại với Chúa và để “Chúa uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa”.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, Nguồn êm ái dịu dàng, xin hãy ban xuống lòng chúng con và nhất là lòng của mọi linh mục, nguồn lửa say yêu một Chúa, để giờ phút này, tất cả chúng con được tắm gội trong Máu Châu Báu, trong Nguồn Nước có sức tác sinh và tác thánh.


3. Hát: Hãy thắp sáng tâm hồn con, ngọn lửa hồng

LỜI CHÚA – SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

4. Công bố Tin Mừng : Ga 19,31-37: + Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Gioan

Hôm đó là ngày áp lễ Vượt Qua, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn.

Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu.

Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.

Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập”. Lại có lời Kinh Thánh khác: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”.

Đó là Lời Chúa.

5. Suy niệm 1:

“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”

Lời tường thuật về Trái Tim bị đâm thâu, tuôn trào Máu Nước, trước hết là một lời chứng, và là chứng của “người Môn Đệ Chúa Yêu”, kẻ hơn một lần tựa đầu vào ngực Chúa. Như thế, đây không phải là lời của kẻ chỉ nhìn bằng mắt mà còn là bằng trái tim của mình. Ông đoan chứng bởi đã thấm thía Tình Yêu Thiên Chúa xuyên qua trái tim của Đấng chịu treo trên Thập Giá.

Ngày hôm nay, nghĩa là hai ngàn năm sau lời chứng của Gioan, trong bối cảnh của một thế giới bị tục hóa, con người xa dần với lòng tin, với những giá trị thiêng thánh, Mẹ Giáo Hội một lần nữa kêu gọi con cái mình, đặc biệt là các linh mục, hãy nhìn lên Thánh Tâm Chúa Giêsu “với cái nhìn yêu thương kiên vững, hãy hướng mắt tâm hồn và trái tim của mình về Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại chúng ta và của thế giới” (trích Thư BGS).

Quả thực không ai có thể đoan chứng cho ơn cứu độ của Thiên Chúa nếu đã không chiêm ngắm khuôn mặt của Đức Kitô và thấm nhuần trong dòng nước trào vọt từ Thánh Tâm Ngài.

“Khuôn mặt này, chúng ta đã gặp thấy, và ngày hôm nay, vào giờ phút này, Tình Yêu của Người làm cõi lòng chúng ta phải thổn thức, đến nỗi chúng ta không ngừng van xin được hiện diện trước mặt Người:

“Ngay từ sớm, Ngài đã nghe tiếng con;
ngay từ sớm, con tỏ bày ước nguyện,
rồi chăm chú đợi trông” Tv 5,4 (trích Thư BGS).

Lạy Chúa Giêsu, đang hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh,
Chúa đã muốn tiếp tục hiện diện giữa chúng con,
qua các linh mục của Chúa,
xin cho lời nói và cử chỉ của các ngài,
cũng đích thực là lời nói và cử chỉ của Chúa;
xin cho cuộc sống các ngài,
phản ánh cuộc đời Chúa cách trung thành;
xin cho các linh mục thực sự là những người
thân thưa với Thiên Chúa về thế nhân,
và nói cho thế nhân về Thiên Chúa;
xin cho các ngài biết phục vụ Giáo Hội cách xứng đáng,
và trở nên những người chứng cho vĩnh cửu
trong thời đại này,
biết theo chân chúa trên các nẻo đường lịch sử,
và gieo vãi phúc ân cho mọi người anh em;
xin cho các ngài trung thành với cam kết dấn thân,
gắn bó với ơn gọi và với cuộc đời tận hiến,
trở nên như gương trong, tỏa sáng chức linh mục,
và chớ gì các ngài sống trong niềm vui
vì ơn huệ đã lãnh nhận.

Chúng con xin các điều đó nhờ lời chuyển của Đức Maria, người Mẹ thánh thiện của Chúa:
Mẹ đã hiện diện trong cuộc đời Chúa thế nào,
thì xin cũng luôn hiện diện trong cuộc đời các ngài như vậy.
Amen

6. Hát: Chúa là Con Đường cho con bước đi

7. Lời Chúa: thư Roma 5,5b-11: Trích thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma

Thưa anh em, Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì, vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi: đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. Đó là Lời Chúa.

8. Suy niệm 2:

“Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta”

Tin Mừng Gioan đã cho chúng ta nghe về lời chứng của “Người môn đệ Chúa yêu”, thế nhưng ở đây thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma, còn dẫn chúng ta đi xa hơn nữa: Chúng ta không thể làm chứng về tình yêu Thiên Chúa nếu chính Thiên Chúa đã không cho chúng ta chính bằng chứng tình yêu của Người. Bằng chứng đó là thế này: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân.

Quả thực, không nghệ sĩ nào lại chết vì tác phẩm của mình, nhất là một tác phẩm đã ra xấu xí. Không một con người nào lại chết cho kẻ mình biết là không đáng để làm như vậy. Trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô quả thực đã mạc khải cho chúng ta trái tim lạ lùng của Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu của Thiên Chúa còn đi xa hơn, không chỉ bằng lòng mạc khải hay thố lộ, mà còn đổ tình yêu đó vào lòng chúng ta, để chính tình yêu Ngài sẽ băng bó vết thương, hòa giải tâm hồn, hòa giải con người lại với chính Ngài và nâng kẻ tội lỗi, kẻ mang thân nô lệ lên phẩm vị làm con, rất mực quí giá đối với chính Thiên Chúa.

Theo nghĩa này, Đức Kitô quả thực là Linh Mục Thượng Phẩm, là Đấng Trung Gian siêu vời, vì chính “nhờ Người, với Người và trong Người” mà tất cả chúng ta, tất cả nhân loại tìm lại Ơn Tha Thứ, Ơn Giải Hòa, Ơn làm Con, Ơn Lớn Lên trong cuộc đời mới. Và đó cũng là ý nghĩa sâu xa của Ơn Gọi Linh Mục. Ơn được nên một với Đức Kitô trong thừa tác vụ của Tình Yêu mang sức mạnh hòa giải, tác sinh, tác thánh.

Lạy Chúa Giêsu Thượng Tế,
Chúa đã kêu gọi các linh mục,
vào một thời điểm lịch sử,
như các Tông Đồ buổi ban đầu,
Chúa mong muốn mọi kitô hữu và đặc biệt là các linh mục,
trở nên những chứng nhân cho các kỳ công của Thiên Chúa,
và cho sức mạnh của Thánh Thần Chúa.
Xin cho các ngài cũng trở thành chứng nhân
cho phẩm giá con người,
cho phẩm chất cao cả của tình yêu
và cho quyền năng của thừa tác vụ linh mục:

Xin cho các ngài sống tất cả những điều đó,
bằng một cung cách thấm đượm niềm say mê Chúa,
bởi tình yêu, chỉ vì tình yêu và cho tình yêu lớn lao mà thôi.

Lạy Mẹ Maria, chưa có ai đã thốt lên lời "xin vâng"
cách tuyệt vời, cao cả như Mẹ.
Xin Mẹ cho các linh mục
biết biến đổi cuộc sống mình mỗi ngày,
thành nơi nuôi dưỡng tinh thần quảng đại và thánh hiến,
và dưới chân bao nhiêu Thập Giá nơi gian trần,
chúng con được cùng với Mẹ,
tháp nhập vào cái chết đớn đau
mang ơn cứu độ của Đức Kitô,
để được cùng Người
vui hưởng vinh quang phục sinh đến muôn đời. Amen.

9. Hát: Chúa là Tình Yêu

10. Đọc chung kinh: Đền Tạ Trái Tim Chúa Giêsu

Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, – Chúa đã yêu dấu loài người quá bội – mà loài người vô tình tệ bạc – lại còn khinh mạn dể duôi; – nay chúng con sấp mình xuống trước bàn thờ Chúa – hết lòng thờ phượng cung kính – cho được đền vì những sự vô nhân bất nghĩa khắp thiên hạ – hằng làm sỉ nhục Thánh Tâm Chúa hay thương dường ấy.

Song le chúng con nhớ lại: – xưa nay chúng con cũng đã lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy – thì chúng con hết lòng ăn năn đau đớn, – xin Chúa thương xót thứ tha; – chúng con sẵn lòng đền tội chúng con – cùng xin đền tội những kẻ lạc xa đàng rỗi – hoặc bởi vô tình chẳng tin phục nhận biết Chúa là Đấng chăn chiên dẫn đàng chính thật – hoặc khinh dể những điều đã khấn nguyện khi chịu phép Rửa tội – mà rẫy bỏ giới răn Chúa là ách êm ái dịu dàng.

Bấy nhiêu tội đáng khóc lóc đau đớn dường ấy – thì chúng con quyết chí đền hết thay thảy –, lại dốc lòng đền riêng những tội này – như cách ăn ở buông tuồng mất nết – những thói tục xấu xa làm dịp cho kẻ hãy còn thanh sạch mất lòng khiết tịnh – tội bỏ chẳng giữ các ngày lễ – sự nói lộng ngôn phạm đến Chúa cùng các thánh – những lời sỉ nhục phỉ báng đấng thay mặt Chúa cùng các đấng làm thầy – những điều ơ hờ khinh dể – cùng những tội gớm ghê phạm đến chính phép Bí tích mến yêu; – sau hết chúng con xin đền tội chung các nước hằng chống cưỡng chẳng nhận quyền – cùng chẳng vâng phục lời Hội Thánh Chúa truyền dạy.

Chớ gì chúng con được đổ máu ra mà rửa sạch bấy nhiêu tội ấy – ít là chúng con xin dâng công đền tội xưa Chúa đã dâng cho Đức Chúa Cha trên cây Thánh Giá – mà rầy còn dâng trên bàn thờ mọi ngày; – lại xin dâng công nghiệp Đức Mẹ đồng trinh và các thánh cùng các kẻ lành – cho được đền vì những sự vô phép mất lòng Chúa. Chúng con thật lòng hứa cùng Chúa: – từ này về sau – nhờ ơn Chúa giúp – thì chúng con sẽ giữ đức tin vững vàng – ăn ở thanh sạch – giữ luật phúc âm cho trọn – nhất là luật yêu người – cho được bù lại những tội chúng con – cùng tội thiên hạ đã phụ ơn bội nghĩa cùng Chúa hay thương dường ấy – lại hết sức ngăn ngừa kẻo người ta còn phạm đến Chúa – cùng khuyên dụ cho nhiều người trở lại theo chân Chúa –. Lạy Đức Chúa Giêsu cực khoan cực nhân – chúng con cậy vì lời Đức Nữ đồng trinh Maria đã đồng công chuộc tội cầu bầu – xin Chúa nhậm lễ đền tội chúng con thật lòng kính dâng mà tạ Chúa – cùng xin cho chúng con được ơn bền đỗ – giữ lòng trung tín lo việc bổn phận làm tôi Chúa cho đến trọn đời – cho ngày sau chúng con hết thảy được về Quê thật – là nơi Chúa hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha – và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng – Amen.

KẾT THÚC

11. Hát: Này con là Đá. Lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng.
12. Hát: Đây nhiệm tích. Lời nguyện và Phép lành Mình Thánh Chúa.
13. Hát: Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn êm ái dịu dàng kết thúc.
 
ĐGH: Tin Mừng không bao giờ làm văn hóa yếu kém đi
Phụng Nghi
11:21 26/05/2008
Vatican (Zenit) – Cuộc đời của Thánh Cyril và Methodius chứng tỏ Phúc âm không chỉ góp phần vào công ích mà còn vào di sản văn hóa của quốc gia và dân tộc.

Đó là lời khẳng định của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI khi ngài tiếp kiến hôm thứ Bẩy một phái đoàn các nhà lãnh đạo quốc gia và tôn giáo đến từ Bulgaria và Mecedonia. Cuộc viếng thăm của các vị này ghi dấu ngày lễ kính hai vị thánh thuộc thế kỷ thứ 9, đã rao truyền Tin Mừng tại vùng đất Slave, đặt nền tảng cho “một cuộc sống chung thân ái giữa các dân tộc.”

Đối với giáo hội Chính thống giáo, ngày lễ thánh Cyril và Methodius nhằm vào ngày 24 tháng 5, còn giáo hội Latinh mừng kính lễ này ngày 14 tháng 2. Hai vị là anh em ruột người đất Thessalonica, cùng với thành Bênêđictô, được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô ngày 31 tháng 12 năm1980 tuyên phong làm các vị thánh bổn mạng của châu Âu.

Trong diễn từ đọc trước phái đoàn đến từ Bulgaria do phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Ivajlo Kalfin lãnh đạo, Đức thánh cha nói rằng “Tin Mừng […] không làm yếu kém đi những điều gì là chân chính trong các truyền thống tôn giáo, nhưng giúp con người ở mọi thời đại thấy được và công nhận điều thiện hảo chân thực, được đức tin huy hoàng soi chiếu.”

“Vì thế, nhiệm vụ của người tín hữu Kitô là duy trì và củng cố mối liên hệ bản chất hiện có giữa Phúc âm, sứ vụ của các tông đồ Chúa Cứu thế, và căn tính văn hóa của mình.”

Liên quan đến vấn đề này, “khám phá lại những căn nguyên Kitô giáo là việc quan trọng để góp phần xây dựng một xã hội trong đó hiện diện các giá trị tinh thần và văn hóa xuất phát từ Phúc âm.”

Ngài đề nghị coi công trình truyền giảng Tin Mừng của hai vị thánh anh em này như là một “mẫu mực trong đó các yếu tố chủ yếu của đức tin hội nhập vào văn hóa”, ngay cả đối với thời hậu hiện đại của chúng ta.

Củng cố niềm hy vọng

Nói với phái đoàn Macedonia do Thủ tướng Nikola Gruevski dẫn đầu, Đức giáo hoàng đưa ra nhận xét rằng, bằng nhiệt tình truyền giáo, hai vị thánh này “đã trở thành ‘cây cầu’ nối giữa Đông và Tây.”

Đồng thời, “chứng tá tinh thần sáng lạn của hai thánh nhân chỉ rõ cho thấy một chân lý vĩnh cửu phải được tái khám phá hoài hoài: Đó là chỉ khi nào niềm hy vọng bắt nguồn từ Thiên Chúa thì mới trở thành đáng tin cậy và bền vững.”

Đức thánh cha quả quyết: “Niềm hy vọng này trở thành hiện thực khi những người thiện chí từ khắp hơn trên thế giới […] noi gương Đức Giêsu và trung thành với giáo huấn của Người, hoàn toàn hiến thân đặt nền tảng cho cuộc sống chung huynh đệ giữa các dân tộc và tìm điều thiện hảo cho mọi người.”

ĐGH Bênêđictô XVI kết luận với lời nguyện ước rằng, noi gương của hai vị thánh bổn mạng châu Âu, “mối dây huynh đệ” giữa Giáo hội Công giáo với Macedonia và Bulgaria sẽ luôn luôn trở thành “thân ái và hỗ trợ”.
 
TGM Harry Flynn nói: cần đào tạo Lương tâm trong Thế giới tương đối hôm nay
Phaolô Phạm Xuân Khôi
11:50 26/05/2008
LƯƠNG TÂM LÀ MỘT HỒNG ÂN

Đức Cựu Tổng Giám Mục Saint Paul-Munneapolis Thúc Giục về việc Đào Luyện trong Thế Giới Tương Đối

Saint Paul, MN - Ngày 23 tháng 5, năm 2008 - Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) về hưu của Saint Paul-Minneapolis đã đề ra rằng một sự hiểu biết rõ ràng hơn về lương tâm có thể đưa đến việc quý trọng nó cách sâu xa hơn, và gây ra hứng thú trong việc đào luyện nó.

ĐTGM Harry Flynn xác quyết điều này trong thư mục vụ được công bố hôm Thứ Hai, tựa đề là “Lương Tâm Luân Lý.” ĐTGM Flynn đã về hưu vào ngày mùng 2 tháng 5 vừa qua, khi ngài được 75 tuổi.

Trong phần thứ nhất của bức thư, ĐTGM đề nghị rằng điều khác thường của sự hiểu biết thời nay về điều phải và điều trái là “hiện nay người ta nghi ngờ chính cả ý tưởng về việc biết thế nào là phải hay trái.”

Ngài giải thích, “Việc nghi ngờ chân lý về phải trái, nghi ngờ cả việc có thể biết điều gì chắc chắn hay không đưa đến cái mà chúng ta gọi là ‘thuyết tương đối’. Thuyết này đã bò ra từ từ trong nhiều thế kỷ qua, dần dân thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về chính mình và thế giới.”

ĐTGM Flynn đã ghi nhận về cách thức thuyết tương đối hoạt động ra sao: “Loại thuyết tương đối này đưa đến một quan điểm cho rằng điều tốt hay xấu tùy thuộc vào việc chúng thích hợp hay không thích hợp với sở thích của tôi, bởi vỉ chúng phù hợp hay không phù hợp với những gì tôi nghĩ là tốt nhất cho tôi -- gần giống như là việc quyết định lái loại xe nào hay thưởng thức loại nhạc nào. Đương nhiên, sở thích đóng một vai trò chính đáng trong đời sống chúng ta, nhưng những chọn lựa thuần túy đặt mình làm trọng tâm không bao giờ có thể được dùng làm nền tảng cho việc thỏa mãn chân chính hoặc là một cách để phục vụ công ích.”

Điều Thiết Yếu

Sau đó, ĐTGM lưu ý đến vai trò của chân lý trong đời sống luân lý.

Ngài nói: “Chân lý là điều thiết yếu cho mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Sự điên rồ của cái mà chúng ta gọi là thuyết tương đối hệ tại vào việc nó thử chấp nhận tất cả những gì có thể được là thật và cuối cùng không chấp nhận điều gì thật sự là thật.”

ĐTGM tiếp tục, “Thiên Chúa đã ban cho chúng ra phương tiện để tìm ra chân lý, Ngài đã ban cho chúng ta Đức Tin và lý trí, và cả hai đều là hồng ân của Ngài, cả hai đều có giá trị trong việc đi tìm chân lý, đi tìm Thiên Chúa của chúng ta. Thay vì làm giảm giá trị khả năng của lý trí, Hội Thánh luôn cương quyết bảo vệ nó. Hội Thánh không thấy có mâu thuẫn giữa lý trí và Đức Tin, nhưng đã nhận ra sự liên hệ theo trật tự của chúng.

“Việc tìm kiến chân lý của lý trí không có gì là sai cả, nhưng nếu chỉ lệ thuộc vào lý trí mà thôi thì không hoàn toàn đầy đủ. Việc tìm kiếm này được hoàn thành trong hành động của Đức Tin.”

Tự Do

ĐTGM ghi nhận, “Tự do chân chính không phải là khả năng có thể chọn điều lành hay điều dữ như chúng ta đôi khi lầm tưởng. Khả năng chọn điều dữ đúng ra là lạm dụng tự do. Tự do chân chính là khả năng luôn luôn có thể chọn điều gì thật sự là tốt lành, và chúng ta chỉ có thể làm điều này nếu chúng ta biết chính xác điều gì là tốt và đúng và điều gì là sai. Biết chân lý và chân lý sẽ thật sự giải phóng chúng ta.”

Như thế ngài đã giải thích, “Không có mâu thuẫn giữa một Hội Thánh trao ban tình yêu của Đức Kitô và một Hội Thánh dạy về chân lý mà Đức Kitô là hiện thân.”

Với hậu cảnh ấy, ĐTGM đề cập đến vai trò của lương tâm.

Ngài nói, “Lương tâm đo lường những hành động có chủ ý dựa theo tiêu chuẩn khách quan của luật luân lý, là một bình diện của chân lý giải phóng chúng ta, và Hội Thánh làm chứng cho chân lý ấy. Lương tâm áp dụng luật này của tình yêu vào những hoàn cảnh đặc biệt của đời sống hằng ngày.”

ĐTGM tiếp tục, “Nói cách khác, lương tâm không quyết định điều gì là phải hay trái, nhưng phán quyết rằng một hành động được đề ra có phù hợp với điều phải hoặc điều trái không, cho nên nó là hành động lành hay dữ.”

Thảm Trạng Có Thể Xảy Ra

ĐTGM nói tiếp rằng từ đó chúng ta biết rõ là lương tâm, như một phán đoán của con người, có thể sai.

Ngài ghi nhận, “Đó là lý do tại sao Hội Thánh dạy rằng lương tâm cần phải được đào luyện đúng cách. Rõ ràng là một người phải theo lương tâm để có trách nhiệm về luân lý. Nhưng trên thực tế không một người nào có thể cho rằng lương tâm của mình không sai lầm, bởi vì các quyết định của lương tâm tùy thuộc vào việc theo đúng luật luân lý khách quan mà không tạo ra luật luân lý. Nhưng lương tâm có thể sai lầm, cho nên trong trường hợp ấy có thể đưa đến thảm trạng.”

Sau khi giải thích tầm quan trọng của việc đào luyện lương tâm, ĐTGM quả quyết: “Có một lương tâm được đào luyện kỹ càng không phải là làm cho tự do của chúng ta bị giới hạn. Ngược lại, nó giúp cho chúng ta có một tự do đầy đủ và hoàn toàn, bởi vì trong mọi chọn lựa được thể hiện dựa vào một lương tâm được đào luyện kỹ càng chúng ta bước thêm một bước lại gần Thiên Chúa và một bước lại gần điều mà chúng ta thật sự muốn trở thành trong trái tim của các trái tim.”

Trách Nhiệm

ĐTGM Flynn kết luận: “Để sống trong Đức Kitô là sống như một Đức Kitô khác. Là sống cho chân lý và hiến mạng sống của chúng ta cho chân lý ấy như là những chứng nhân cho ân huệ mà chúng ta đã nhận được. Sống trong Đức Kitô là thương yêu chính mình và những người lân cận như Đức Kitô yêu thương.

“Tình yêu này không phải là một cảm giác. Nó là một ý muốn kiên vững. Nó là một sự luôn luôn chọn lựa điều tốt, và điều tốt ấy phải được soi sáng bởi chân lý mà lý trí nhận biết và được hoàn thành trong Đức Tin. Đó là chức năng của một lương tâm được đào luyên kỹ càng. Nó là một trách nhiệm ở bậc cao nhất. Nó là điều mà mọi người phải theo đuổi, vì nếu không có một lương tâm được chân lý thông tri, chúng ta không bao giờ tìm được sự no thỏa trong tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương những người lân cận.”
 
Nạn đói và tai ương môi sinh trên thế giới
Linh Tiến Khải
11:58 26/05/2008
Nạn đói và tai ương môi sinh trên thế giới

Phỏng vấn giáo sư Joseph Stiglitz, Nobel Kinh Tế năm 1988 về nạn đói và tai ương môi sinh trên thế giới

Trong các tháng qua cảnh giá cả thực phẩm tăng vọt đã khiến cho dân nghèo tại một vài nước trên thế giới xuống đường biểu tình bạo động: điển hình như tại Haiti, là một trong các nước nghèo nhất thế giới.

Cảnh nghèo đói gia tăng trên thế giới trong các năm qua chứng minh cho thấy chương trình nhằm giảm phân nửa tổng số gần một tỷ người nghèo nội trong vòng năm 2015 do Liên Hiệp Quốc đề ra, sẽ không đạt đích. Sự kiện các cuộc chiến và xung khắc tiếp tục tại 68 nước trên thế giới và các tai ương thiên nhiên gia tăng khiến cho cảnh nghèo đói trở thành trầm trọng hơn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư Joseph Stiglitz, giải thưởng Nobel kinh tế năm 1988, nguyên giám đốc Ủy ban cố vấn kinh tế của Tòa Bạch Ốc dưới thời tổng thống Bill Clinton, về nạn đói và cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Như là chuyên viên môi sinh năm 1995 giáo sư cũng được mời làm thành viên Ủy ban liên chính quyền của Liên Hiệp Quốc về các thay đổi khí hậu trên thế giới.

Trong các ngày từ mùng 2 tới mùng 6-5-2008 giáo sư Stiglitz cũng đã tham dự khóa họp khoáng đại lần thứ XIV của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về các Khoa Xã Hội, về đề tài: ”Theo đuổi công ích: tình liên đới và phụ đới có thể cộng tác với nhau như thế nào?” Trong khóa họp, cùng với chuyên gia kinh tế người Anh gốc Ấn độ Partha Dasgupta, giáo sư Stiglitz đã thảo luận về đề tài tư bản xã hội và công ích. Giáo sư cũng thường xuyên theo dõi những gì xảy ra trong các thị trường tài chánh. Và theo giáo sư, cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như các thay đổi khí hậu có thể khiến cho tình trạng sống của người nghèo, nghĩa là người dân của các nước không có phương tiện, trở thành trầm trọng hơn và khiến cho các công nhân có thể mất lương bổng và công ăn việc làm.

Hỏi: Thưa giáo sư Stiglitz, giáo sư lo sợ xảy ra nạn ứ đọng và lạm phát, giống như hai con rắn cuốn chặt lấy nhau. Nhưng giáo sư cũng ghi nhận hiện tượng khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng môi sinh xoắn vào nhau và trở thành một nút thắt không thể tháo gỡ ra được nữa. Tại sao vây?

Đáp: Mùa đông vừa qua, người dân Thụy sĩ kéo nhau đi xem cảnh núi đá sập bể vì tuyết băng tan chảy. Đây cũng là điều đã xảy ra tại Glacier National Park Montana, công viên đá băng Montana, bên Hoa Kỳ. Hơi nóng và thán khí thải vào không trung tạo ra hiện tượng lồng kính, nhốt năng lượng mặt trời trong không khí, và khiến cho nhiệt độ trái đất gia tăng. Tiếp đến là cảnh đá băng bắc cực tan chảy, sớm hơn là người ta đã dự kiến cách đây mấy năm. Sự kiện này chỉ khiến cho các hãng khai thác dầu hỏa hài lòng, vì như thế họ sẽ có thể hút dầu hỏa từ các mỏ nằm dưới lòng biển bắc cực. Các tầu chở dầu cũng đi lại nhiều hơn vì giá dầu đã gia tăng gấp bốn lần kể từ thập niên 1960 tới nay. Nhưng trong cùng thời gian ấy thì cũng xảy ra các trận bão vì hiện tượng nhiệt độ trái đất gia tăng, và việc chạy theo các nhiên liệu cũng khiến cho giả cả của các sản phẩm nông nghiệp gia tăng. Và đây là một đe dọa giết người đối với các nước nghèo trên thế giới.

Hỏi: Thưa giáo sư, làm thế nào để ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay?

Đáp: Chúng ta đã trải qua một thời đại gồm những năm tốt đẹp. Việc phát triển toàn cầu đã tiến mạnh, và khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và các nước đang trên đường phát triển cũng giảm bớt, với hai nước Trung Quốc và Ấn Độ trở thành đầu máy kéo của việc phát triển. Mức phát triển của hai nước là hơn 10%. Cả Phi châu cũng đã tiến triển hơn 5%. Nhưng hiện nay thời kỳ hạnh phúc ấy đã qua rồi. Bây giờ là lúc phải tính sổ, đặc biệt là trường hợp của Hoa Kỳ, trong thời gian qua đã vay nợ rất nhiều.

Trong 7 năm vừa qua số tiền nợ của Hoa Kỳ đã gia tăng 60%. Cả hai đảng Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đều cho biết trong nhiệm kỳ tổng thống tới sẽ áp dụng chính sách kinh tế gắt gao hơn. Nhưng làm thế nào để chống lại cảnh suy thoái này? Hy vọng rằng các giới chức tiền tệ có câu trả lời cho tình trạng lạm phát gia tăng, bằng cách chú ý hơn tới sự kiện phần lớn tình trạng này đã được du nhập vào, chứ không phải do nhu cầu trong nước tạo ra. Hy vọng rằng trên toàn thế giới các công nhân can đảm đương đầu với các khó khăn. Tôi cũng có ý ám chỉ cả giới công nhân Âu châu nữa, vì đồng mỹ kim ngày càng mất giá, thì các hãng xưởng Âu châu sẽ gặp khó khăn trong việc xuất cảng, vì giá hàng hóa qúa cao.

Hỏi: Trên bình diện công bằng xã hội, các tương quan giữa các quốc gia và giữa các giai tầng xã hội trở thành quân bình hơn hay ít quân bình hơn trước đây, thưa giáo sư?

Đáp: Có sự tái phân chia lớn liên quan tới nguồn lợi tức trên thế giới. Các nước giầu thì khôn khéo hơn trong việc đối phó với các trao đổi và lên xuống của thuế tiền lời. Các tài nguyên được chuyển từ các nước nhập cảng sang các nước xuất cảng, và tại khắp nơi từ các giới công nhân chuyển sang các giai tầng có của.

Để giải quyết một cuộc khủng hoảng kinh tế có các tầm mức này cần phải có các biện pháp có thể gây ra đau đớn. Và lần này sự hy sinh phải lớn lao hơn nữa, bởi vì những người mà tôi coi là ”những người chiến thắng” thì có khuynh hướng tiêu tiền nhiều hơn.

Nhưng mà cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như cuộc khủng hoảng môi sinh đều gây thiệt thòi cho người nghèo, nghĩa là cho các quốc gia đang trên đường phát triển cũng như cho các giai tầng xã hội yếu kém nhất của thế giới Tây Phương giầu có.

Hỏi: Như thế thì cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho ngày đạt tới một thỏa hiệp cụ thể để cấp thiết bảo vệ môi sinh, gần hơn hay xa hơn thưa giáo sư?

Đáp: Chúng ta hãy lồng khung vấn đề vào bối cảnh của Hoa Kỳ rồi vào bối cảnh của các quốc gia đang trên đường phát triển.

Tại Hoa Kỳ có người nghĩ rằng sự cắt giảm việc thải thán khí vào không trung gây ra hiện tượng lồng kính khiến cho nhiệt độ trái đất gia tăng, sẽ gây nguy hại cho mức sống của người dân Mỹ. Tôi thì tôi nghĩ rằng nó sẽ có lợi cho nền kinh tế quốc gia và cho sức khỏe của dân chúng Hoa Kỳ. Nhưng có một khía cạnh của hệ thống Hoa Kỳ không thoát được sự dòm ngó của các nước khác: đó là Hoa Kỳ không trả các chi phí của sự ô nhiễm do Hoa Kỳ gây ra, trong khi các kỹ nghệ của tất cả các nước tân tiến khác đều phải trả chi phí đó, vì họ phải trả các thuế dầu lửa, hơi đốt, và than. Như vậy, cũng như tại Hoa Kỳ người ta cấm nhập cảng tôm tép của Thái Lan vì chúng khiến cho rùa là giống được bảo vệ gặp nguy hiểm, thì người ta cũng có thể từ chối các sản phẩm do Hoa Kỳ hay nơi khác chế tạo với các kỹ thuật gây ra ô nhiễm.

Lý do biện minh cho các biện pháp này: đó là phải bảo vệ khí quyển của trái đất để nó không gây thiệt hại cho sức khỏe của chúng ta và của con cháu chúng ta. Nhưng mà có sự đụng độ gây tê liệt giữa các quốc gia liên quan tới số lượng thán khí mà mỗi nước phải hạn chế thải vào trong không trung.

Hỏi: Người ta đã không thể nghĩ ra một phương thức giải quyết vấn đề một cách cụ thể hơn hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Chúng ta có thể nghĩ đến một loại thuế toàn cầu cho việc thải thán khí và các chất ô nhiễm vào trong không trung, thay vì đánh thuế các của cải là lợi tức của công ăn việc làm hay các ngân khoản tiết kiệm. Nghĩa là đánh thuế việc thải thán khí gây ra hiện tượng lồng kính hâm nóng trái đất. Trong trường hợp này thỏa thuận có thể được nền kinh tế toàn cầu khiến cho trở thành thuận lợi hơn. Việc toàn cầu hóa có các giá trả mắc mỏ nhưng cũng có các thiện ích của nó. Chúng ta có muốn kiểm soát tiến trình không thể tránh được này và định hướng cho nó, để cho mức sống của mọi người được cải tiến, và để cứu vãn trái đất khỏi bị hư hoại hay không? Có người phản bác rằng chúng ta chưa biết hết các nguy cơ của hiện tượng lồng kính hâm nóng trái đất, vì vậy lo lắng mà làm gì. Nhưng chúng ta không có một hành tinh khác để di cư tới đó mà vui chơi ”đánh bạc kiểu nga”.

(Avvenire 6-5-2008)
 
Giáo hữu Trung quốc viếng đền thánh dưới những con mắt chăm chú theo dõi.
Phụng Nghi
13:17 26/05/2008
Thượng Hải (Reuters) – Chuông đổ hồi vang vang, trẻ con chơi đùa và công an thường xuyên theo dõi. Đó là quang cảnh nơi những người hành hương, tay cầm tràng hạt, thăm viếng một trong các đền thánh Công giáo được tôn kính nhất tại Trung quốc vào ngày thứ Bẩy vừa qua, ngày được Đức giáo hoàng Benedicto XVI chỉ định là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Trung quốc.

Một chủng sinh 30 tuổi họ Ngô (Wu) cho biết năm nay có ít khách hành hương hơn năm ngoái. Anh hướng dẫn người vào viếng ngôi Nhà thờ chính tòa Xà sơn (Sheshan). Thánh đường này xưa đã 150 năm, nằm ở đỉnh ngọn đồi phong cảnh hữu tình cách Thượng hải 45 phút lái xe.
Vương cung thánh đường Xà sơn (Sheshan)


Anh nói thêm: “Nhà nước năm nay quyết tâm duy trì trật tự.”

Tháng 5 là tháng người Công giáo Trung quốc kính Đức Mẹ Đồng Trinh, và cao điểm đối với giáo dân toàn quốc là viếng Xà sơn.

Nhưng năm nay, theo tường trình từ giới truyền thông Công giáo, nhà cầm quyền hạn chế số người tham dự, e ngại có bất ổn xã hội sau những cuộc biểu tình chống đối ở Tây tạng hồi tháng 3 và trước Thế vận hội tại Bắc kinh sẽ khai mạc vào tháng 8.

Năm nay, các mối căng thẳng gia tăng sau khi Đức giáo hoàng Benedicto soạn thảo một bài kinh nguyện xin cho người Trung quốc, giữa một quốc gia chính thức theo chế độ vô thần, được tự do bày tỏ đức tin của họ và lòng thành với ngài.

Bài kinh có đoạn như sau: “Xin phù trợ tất cả những người ở Trung quốc, mặc dầu sống giữa thử thách hàng ngày, vẫn tiếp tục tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Xin để họ đừng bao giờ phải sợ hãi khi nói cùng thế giới về Đức Giêsu…”

Năm ngoái, có chừng 11 ngàn, trong khoảng 12 triệu người Công giáo tại Trung quốc, đã thăm viếng đền thánh vào đầu tháng 5, nhưng năm nay con số này thu nhỏ chỉ còn 5 ngàn, theo tường trình cho biết là vì chính quyền đặt các bảng ngăn chặn đường xá để đề phòng những vụ tụ tập đông người.

Các liên hệ giữa Tòa thánh Vatican và Bắc kinh đã xuống mức thấp nhiều lần trong những năm vừa qua khi Vatican chỉ trích Trung quốc đã bổ nhiệm các giám mục không được Đức giáo hoàng chấp thuận. Bắc kinh đã yêu cầu Vatican cắt đứt liên lạc với Đài loan, đảo quốc này bị Bắc kinh coi là một tỉnh ly khai.

Hôm thứ Bẩy vừa qua, công an chìm và nhân viên an ninh đứng dọc theo các bậc thang lên xuống khi hàng trăm khách hành hương trèo lên đền Xà sơn.

Một đức tin bị phân hóa

Người Công giáo Trung quốc bị phân chia làm hai: những người thuộc giáo hội quốc doanh và thuộc giáo hội chui. Nhóm thứ hai này trung thành với Đức giáo hoàng, được người Công giáo tin tưởng là đấng kế nhiệm Thánh Phêrô.

Các liên hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung quốc bị cắt đứt hai năm sau ngày cộng sản chiếm cứ Trung quốc năm 1949. Nhưng hồi đầu thàng 5 này, Đức giáo hoàng đã vươn tay tới Trung quốc khi tiếp nhận buổi trình tấu tại Vatican do dàn nhạc quốc gia của Bắc kinh, một việc chưa từng xảy ra.

Ngày thừ Bẩy vừa qua, thánh lễ tại Xà sơn không đặt trọng tâm vào chính trị, nhưng vào vụ động đất gây chết chóc tại Tứ Xuyên – nơi nhà cầm quyền sợ con số thương vong có thể lên tới 80 ngàn hoặc hơn nữa – và cũng vào các vấn đề tinh thần liên quan đến sự tăng tiến của Trung quốc trên sân khấu kinh tế toàn cầu.

Một số khách hành hương được tuyên truyền rằng đối xử của Trung quốc với đời sống tôn giáo đã theo kịp đà tiến triển nhanh chóng về kinh tế của quốc gia.

Feng Fuying, 46 tuổi, trước kia làm công nhân cho nhà nước nói: “Công an chỉ có mặt ở đó để bảo vệ cho chúng tôi. Không còn kiểm soát về đức tin nữa. Chúng tôi vừa có thể yêu nước, vừa yêu đạo của mình.”
 
Xe phi thuyền Phoenix an toàn đáp xuống Hỏa Tinh (Mars) và gửi về những tấm hình tuyệt vời.
Đồng Nhân
13:18 26/05/2008
PASADENA, Calif. – Trạm không gian mới nhất của cơ quan NASA trong Thái dương hệ đã đáp xuống bằng an trên mặt Hỏa Tinh (sao Mars) vào ngày hôm qua.

Chân của Xe Phoenix đáp xuống Hỏa tinh
Vài giờ sau khi đáp xuống hỏa tinh, phi thuyền như một chiếc xe thăm dò có tên là Phoenix Mars Lander đã gửi về trái đất những hình ảnh đầu tiên về Hòa tinh về tinh cầu đỏ... Những hình ảnh làm các khoa học gia rất hứng khởi và vui mừng vì hy vọng sẽ có thể phân tích và khám phá xem rằng trên Hỏa tinh có “nước’ hay không, và đó là yếu tố đầu tiên cho việc bảo toàn sự sống.

Nơi mà phi thuyền đáp xuống là “địa điểm lý tưởng” và đây là mốc điểm quan trọng nhất trong tiến trình đi sâu vào không gian của NASA.

Phoenix tới Hỏa tinh sau 10 tháng trời, bay qua một hành trình dài 422 triệu dặm, với kinh phí vào khoảng $420 triệu mỹ kim dẫn đầu bới nhóm khoa học trường đại học University of Arizona và điều hành bởi Jet Propulsion Laboratory (JPL) ở Passadena.

Mặt bằng của Hỏa Tinh
Xe thăm dò Phoenix được chế tạo để lấy mẫu và phân tích địa chất của Mars lần đầu tiên. Xe Phoenix được đáp xuống vùng Bắc cực của Hỏa tinh và sau đó nó sẽ đào xuyên qua lớp đất ở đây.

Các khoa học gia tin tưởng là ngày xưa Mars là hành tinh từng có nước trên bề mặt của nó, họ đang náo nức muốn tìm ra một mẫu nước của Mars để phân tích xem có sự sống trên hành tinh có kích thứơc gần bằng Địa Cầu trong Thái Dương Hệ hay không.

Ngoài ra giới khoa học cũng muôn tìm hiểu xem tại sao môi trường của Hỏa tinh thay đổi nhiều đến thế. Họ tin là ngày xưa Mars là hành tinh có bầu không khi nóng ấm và có nước, nhưng sau đó vì một lý do nào đó nó trở thành một sa mạc khô và lạnh như ngày nay.

Hình vẽ diễn tả Phoenix hạ cánh trên Hỏa Tinh
Theo tính toán của các nhà khoa học thì lớp băng phủ hai đầu cực của Mars đang lui dần và Phoenix được dự tính sẽ đáp xuống lớp đất mới lộ ra, nhưng “mục tiêu chính” lại nằm dưới bề mặt của lớp đất này.

Các dụng cụ của Phoenix sẽ giúp nó thăm dò và khoan đào, chụp ảnh và phân tích thành phần hóa học đất đá và các mẫu nước đá lấy được. Ray Advidson, giaó sư đại học Washington ở St.Louis, người có tham gia vào chương trình Phoenix, cho hay: “chúng tôi đặt kỳ vọng vào lớp đất cứng và lạnh lẽo phía dưới bề mặt.”

Niềm tự hào và vui mửng của các khoa học gia
Các mẫu nói trên sau khi thu hoạch, sẽ được cho hòa tan với nước để tìm ra muối khoáng, vì muối khoáng phài là thành phần bắt buộc thuở xưa khi nước xuất hiện ở Hỏa Tinh. Các máy tinh vi của phoenix cũng sẽ giã nhỏ các khoáng chất để phân tích thành phần hóa học của chúng.

Ngay từ năm 1976, NASA đã có hướng tích cực tìm kiếm đạng sự sống tiềm tàng trên Hỏa Tinh, qua các nhiệm vụ của phi thuyền Viking, nhưng các phi thuyến đó lại đáp xuống vùng khô của Mars, trong lúc sau này người ta mới biết hai đầu cực Hỏa tinh có nước đá bao phủ.

Phoenix sẽ có nhiều bộ phận tái chế theo các mẫu trước đây của các dụng cụ như Mars Polar Lander và Mars Surveyor 2001 Lander, vốn là các chương trình bất thành. Polar Lander đã bị thất lạc khi nó cố đáp xuống trong tháng 12 năm 1999. Mars Surveyor bị đình lại khi Polar Lander tỏ ra thất bại và khi một con taù khác là Mars Climate Orbiter cũng mất tăm, hai tháng trứơc đó.

Phoenix đáp xuống an toàn và gửi những tấm hình tuyệt hảo về trái đất là niềm hy vọng hứng khởi cho các khoa học gia trong việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh địa cầu.
 
Top Stories
La Société missionnaire de saint Columban a transféré son siège de Dublin, en Irlande, à Hongkong
Eglises d'Asie
11:45 26/05/2008
La Société missionnaire de saint Columban a transféré son siège de Dublin, en Irlande, à Hongkong

Le 1er mai dernier, le supérieur général de la Société missionnaire de saint Columban et son conseil ont officiellement emménagé à Tsim Sha Tsui, à Hongkong, dans les locaux qui sont devenus le siège de cette société missionnaire érigé il y a tout juste 90 ans par le pape Benoît XV (1). La Société missionnaire de saint Columban devient ainsi la première société missionnaire occidentale historique à installer son quartier général au cœur de l’Asie.

Selon le P. Tommy Murphy, prêtre irlandais et supérieur de la société missionnaire, ce déménagement est le reflet des changements qui affectent la mission à l’aube du XXIème siècle. « Pratiquement toutes les ordinations qui ont eu lieu ces dix dernières années pour les Columbans ont concerné des personnes originaires des Philippines, de Corée, de Tonga, de Fidji ou bien encore du Pérou et du Chili. Le dernier Anglo-Saxon à avoir été ordonné dans la société l’a été en 1999 », explique-t-il, en soulignant que c’est en 1982 que décision a été prise d’accepter dans cette société de vie apostolique des vocations issues des Eglises locales auprès desquelles les missionnaires Columbans avaient été appelés à servir. « Les Eglises d’Asie et d’Amérique latine devenaient adultes; elles étaient prêtes et désireuses de développer leur propre dimension missionnaire. A cette époque, nous n’avons pas été les seuls à réfléchir aux conséquences de cette évolution et à nous décider à accepter des vocations locales », ajoute-t-il, en précisant que les 40 séminaristes qui se préparent à intégrer la société sont « tous, sans exception, originaires d’Asie ou du pourtour du Pacifique ».

Agé de 58 ans, ancien missionnaire à Taiwan, le P. Murphy poursuit en rappelant que l’idée d’un déménagement du siège de la société hors d’Irlande a été discutée dès le chapitre général de 1976, organisé à Manille, aux Philippines. Tous, au sein de la société, n’étaient pas favorables à un tel changement, mais « vivre en-dehors de notre propre culture fait partie de notre vocation missionnaire et vivre loin de son lieu d’origine est consubstantiel à la manière d’être d’un Columban », précise le supérieur général des Columbans. Quant au choix de l’implantation du quartier général, la réflexion s’est portée un temps vers Rome, puis vers d’autres villes en Asie, mais c’est finalement Hongkong pour la qualité de ses infrastructures et sa centralité dans le monde Columban qui a été choisie. La décision a été ensuite encouragée par le cardinal Ivan Dias, préfet de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples, à Rome, et chaleureusement accueillie le cardinal Zen Ze-kiun, évêque de Hongkong. A la tête d’une société aux effectifs vieillissants, le P. Murphy voit l’avenir comme étant « plus multiculturel et moins nombreux », et ajoute: « Avoir de gros effectifs ne signifie pas nécessairement que le travail est mieux fait. »

Pour le P. Gianni Criveller, missionnaire italien professeur de missiologie à Hongkong, ce déménagement fait sens. « Traditionnellement, les sociétés missionnaires trouvaient leur origine dans des pays catholiques tels que la France, l’Espagne, l’Italie, puis, plus tard, l’Irlande, les Etats-Unis et le Canada. Aujourd’hui, ces pays comptent moins de vocations missionnaires. Les pays qu’on peut appeler ‘du Sud’ ne font pas que recevoir des missionnaires. Des pays tels que l’Inde, les Philippines et l’Indonésie abondent en vocations, y compris en vocations missionnaires, explique-t-il. Dans ce cadre, déménager le cœur de la Société missionnaire de saint Columban de Dublin à Hongkong est compréhensible. Il se trouve désormais au centre de son activité missionnaire. C’est un déplacement du nord vers le sud, et de l’ouest vers l’est. »

(1) La Société missionnaire de saint Columban a été instituée le 29 juin 1918 par le pape Benoît XV. Fondée comme la ‘Mission Maynooth pour la Chine’, elle doit ses débuts à l’expérience d’un jeune prêtre diocésain irlandais envoyé seul en mission en Chine, le P. Edward Galvin. Celui-ci, qui deviendra plus tard évêque de Hanyang, et le P. John Blowick, professeur au Séminaire national irlandais, fondèrent une société de vie apostolique afin d’envoyer des prêtres au service de la mission dans la région de Wuhan et de Nanchang. Huit ans plus tard, en 1926, la jeune société répondit à un appel à envoyer des missionnaires aux Philippines, puis, en 1929 et 1939, en Birmanie et en Corée. Après la seconde guerre mondiale, l’expansion se fit au Japon, puis en Amérique du Sud et à Fidji. En 1978, s’y ajoutent le Pakistan et Taiwan, puis, dans les années 1980, Belize, le Brésil et les Antilles.

La Société compte aujourd’hui 575 prêtres, de dix nationalités, présents dans quatorze pays.

(Source: Eglises d'Asie - 26 mai 2008)
 
Vatican, Viet officials to air property disputes
Catholic World News
16:44 26/05/2008
Hanoi, May. 26, 2008 (CWNews.com) - A Vatican delegation will be in Hanoi next month for discussions with the Communist government leadership, with a series of property disputes likely to be high on the list of topics discussed.

Tensions between the Church and Hanoi government have reached new levels in recent months, with a series of bold protests by lay Catholics over the disposition of properties that have been seized from the Church by the government.

Msgr. Barnabe Nguyen Van Phuong, who heads the Asian-affairs section for the Congregation for Evangelization, told the VietCatholic news agency that the claims on church properties would be on the agenda when the Vatican delegation travels to Vietnam.

This will be the 15th in a series of visits by officials of the Holy See, aimed to improved relations with Vietnam. Although the Vatican has not had diplomatic relations with Vietnam since 1975, the diplomatic exchanges have produced some improvement in relations, with Hanoi allowing greater latitude for Church freedom.

The appointment of bishops remains one of the thorniest issues under discussion, with the officially atheist Communist government refusing to yield control over appointments and the Vatican loath to concede its traditional right to name Church leaders. This conflict has resulted in long delays in the appointment of bishops and diocesan administrators “This has always been a central point on the agenda in the bilateral meetings between the Vatican and the Vietnam government,” said Msgr. Nguyen.

The Vatican delegation will visit Our Lady of La Vang Shrine, the leading religious Catholic shrine in Vietnam. Local government leaders have promised that the land that surrounds the basilica-- seized by the government in 1975-- will be returned to Church ownership. Tensions between Vietnamese Catholics and government leaders flared last December, when thousands of Catholics began joining daily prayer vigils outside the building that once housed the office of the apostolic nuncio in Hanoi. After an intervention by the Vatican Secretary of State, Cardinal Tarcisio Bertone (bio - news), the protests were ended, in exchange for a government promise that the property would be returned. To date, however, there has been no move to restore Catholic control.

Similar protests over properties formerly controlled by the Church have broken out in another Hanoi parish and in the towns of Ha Dong, Ho Chi Minh city (formerly Saigon), and Vinh Long.
 
Vatican delegation to visit Vietnam
Independent Catholic News
16:46 26/05/2008
As protests in Vietnam grow, over confiscated Catholic properties, a Vatican delegation is arriving in Hanoi next month, Mgr Barnabe Nguyen Van Phuong, chief of Asian affairs of the Congregation for the Evangelization of Peoples, told VietCatholic News Agency on Saturday.

Vietnam has not had diplomatic relations with the Vatican since its communist government took power in 1975. The situation of the Church in Vietnam has improved due in good part to the persistent efforts of the Holy See to maintain an official dialogue with the authorities, including a more or less annual visit to Vietnam of a Vatican delegation.

The issue of Church property is expected to be high on the agenda of talks planned. The appointment of bishops also remains a thorniest issues, with the officially atheist Communist government refusing to yield control and the Vatican loath to concede its traditional right to appoint church leaders. It results in the long delays in securing the appointment of bishops and diocesan administrators, and difficulties in the carrying out of the Church's normal activities. "This has always been a central point on the agenda in the bilateral meetings between the Vatican and the Vietnam government," said Mons. Barnabe Nguyen.

The Vatican delegation will visit Our Lady of La Vang Shrine, the main religious Catholic shrine in Vietnam. Local government has promised to all the land that surrounds the basilica seized by the government in 1975. The decision was announced last month. The area affected covers 21.18 hectares (out of a total of 23.66 hectares originally expropriated) around the basilica.

According to Mons. Barnabe Nguyen, the central point of this visit will be in Hanoi where daily prayer protests are still ongoing. On December 18th last year, a rally was held drawing thousands Catholics to the street after Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi released a pastoral letter telling his congregation that the government planned to convert the nunciature within the premises of his palace, seized illegally by the government since 1959, into an entertainment and commercial center. The daily demonstrations quickly grew into major events when more and more Catholics gathered day and night praying in front of the building.

Tension between Catholics and the government reached to its highest point when the Peoples Committee of Hanoi released an ultimatum, threatening "extreme actions" if demonstrations and the sit-in were not called off by 5pm January 27. In response, over 3 thousand Catholics gathered in the gardens of the Apostolic Nunciature to pray in open defiance of the city government ultimatum.

There was a turning point when Vatican Secretary of State Card Tarcisio Bertone wrote a letter to Archbishop Joseph Ngo. In his letter Cardinal Bertone said that Pope Benedict XVI is following events in Vietnam and that the Vatican has contacted the Vietnamese government to find a solution to the dispute between the archdiocese and city authorities about who owned or held rights to the compound that once was home to the former Apostolic Delegation.

In the February 1 statement, Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Hanoi confirmed reports that the government of Vietnam had agreed to restore the nunciature in Hanoi after more than a month of public protests by Catholics.

However, the vision of getting the former nunciature back in a near future seems to fade away. In a letter sent to the prime minister on February 16th, the venerable Thich Trung Hau, a representative of an organization "approved" by the government in 1982, affirms that any arrangement for the former delegation building must have the agreement of his church as his is the true owner of the property. With strong support from the government, the venerable Hau maintains that on the contested property there was once a pagoda called Bao Thien, built in 1054. It was only in 1883 that "the French colonists seized it and gave it to the bishop".

The move appears to be inspired by the government circles that are trying to renege on the promise made to the Catholics at the beginning of February, to put an end to their forty days of peaceful protests.

It must be added that in 2001, a state publication found that the pagoda of Bao Thien had been destroyed in 1426, and that it stood five kilometers to the north of the apostolic delegation.

Protests also erupted in Thai Ha, a parish in Hanoi, where land owned by the Redemptorists was seized by the Communist government; and in Ha Dong, 40 km South of Hanoi, where Catholics have demonstrated every night to demand the return of a parish building seized illegally by the local government 30 years ago.

Since March 17th, the local government in Ho Chi Minh city (formerly known as Saigon), Vietnam has faced analogue protests as that in Hanoi when hundreds of Sisters of Vincent Charity Order hold prayer vigils to protest a government plan to change their property into a night club and a hotel.

In the latest event, just a few days ago, Bishop Thomas Nguyen Van Tan of the Diocese of Vinh Long has protested Vietnamese authorities' plans to demolish a monastery and build a hotel on land confiscated from a religious order in 1977.

© Independent Catholic News 2008
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ kính Mình Mấu Thánh Chúa tại giáo xứ Bắc Hải Hạt Hố Nai
Giuse Khổng Hữu Nguồn
09:21 26/05/2008
HỐ NAI -- Hàng năm đến ngày Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa, Giáo Xứ Bắc Hải tổ chức kiệu rước Thánh Thể và các giờ chầu cho bà con giáo dân trong xứ.

Năm nay vào buổi sáng ngày lễ Chúa nhật 24/5/2008, Cha chánh xứ Bắc Hải Đaminh Bùi Văn Án dâng lễ cầu nguyện cho 219 em được xưng tội rước Mình Máu Thánh Chúa lần đầu cũng như các phụ huynh của các em sốt sáng tham dự Thánh Lễ.

Các em đã được Qúy Sơ Dòng Mến Thánh Gía Bắc Hải Xuân Lộc, các Anh chị giáo lý viên phụ trách giảng dậy giáo lý trong suốt một năm qua, giúp các em hiểu biết về Mầu Nhiệm Nhập Thể Của Ngôi Hai Thiên Chúa, về Phép Mình Thánh Chúa. v.v.v..

Mở đầu Thánh Lễ, Cha xứ mời gọi cộng đoàn phụng vụ: “ Chúng ta hãy sốt sáng cầu nguyện cho các em lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa lần đầu hôm nay ! biết khắc ghi cái giây phút đầu tiên được rước Mình và Máu Thánh Chúa, biết trân trọng và giữ mãi kỷ niệm này trong cuộc đời của mình, từ nay các em sẽ không còn sống một mình nữa ! nhưng sống cho Chúa và với Chúa ! Xin Chúa biến đổi và gột rửa những thiếu sót, những lười biếng, những tính hư nết xấu, nhất là chúng ta hãy xin Chúa gìn giữ các em mãi trong trắng để xứng đáng là đền thờ của Chúa “.

Buổi chiều, trước giờ lễ là trận mưa tưởng chừng như cuộc rước sẽ bị hoãn lại; nhưng những cơn dông vần vũ xám xịt đã chuyển mình, bầu trời quang đãng, khí hậu mát mẻ.

Thánh Lễ chiều Chúa nhật kết thúc lúc 18g30 tiếp theo là cuộc rước Thánh Thể tiến về nhà Tạm được chuẩn bị công phu nơi Đài Thánh Giuse trong khuôn viên nhà xứ.

Mở đầu cuộc rước Cha xứ chia sẻ với cộng đoàn nội dung tâm tình bức tâm thư của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II như sau: “ Ước chi chúng ta hãy tỏ lòng sùng mộ đặc biệt mừng lễ trọng kính Mình Máu và Thánh Chúa Kito, bằng những cuộc rước kiệu truyền thống. Ước gì niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng khi nhập thể đã trở thành người bạn đường của chúng ta được công bố ở bất cứ nơi nào, đặc biệt trên các đường phố và trong các mái ấm của chúng ta, như thể đó là cách chúng ta biểu lộ lòng mộ mến tri ân và là nguồn suối phúc lành không bao giờ tát cạn được “…

Khi màn đêm buông xuống ! dưới ánh sáng của những ngọn đèn điện xung quanh nhà thờ, đoàn rước vừa đi vừa hát Thánh Vịnh, nghe đọc suy niệm Thánh Thể, nghe những khúc hát như: “. . Con xin trao về Chúa, niềm tin và ước mơ này, được quên đi những âu lo, tìm vui theo bước chân Cha ”. v.v.v… của các em ca đoàn xứ hát nghe thanh thoát, trầm bổng sâu lắng tâm hồn.

Sau kiệu rước Thánh Thể vào nhà thờ là giờ chầu của ba giáo khu trong xứ.
 
Giáo xứ An Hải, Hải Phòng, tổ chức dâng hoa bế mạc Tháng Hoa năm nay
Maria Vũ Ngân
23:29 26/05/2008
HẢI PHÒNG - Chiều Chúa Nhật ngày 25.05.2008, Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, giáo xứ An Hải lần đầu tiên tổ chức Lễ tổng kết tháng hoa kính Đức Mẹ.

Giáo xứ nhỏ bé đi lên từ một Giáo họ của Giáo xứ Chính Tòa Hải Phòng, nằm sâu trong phố Cấm thuộc nội thành Hải Phòng. Nhà thờ khuất sau những con phố lớn và những dẫy nhà cao tầng nên từ lâu có rất ít người dân biết đến.

Ngày hôm nay, có rất đông các hội đoàn đạo đức cùng các em thiếu nhi từ khắp các giáo xứ trong nội thành Hải Phòng đã nô nức tụ hội về đây để dâng hoa kính Đức Mẹ và tham dự cuộc cung nghinh trọng thể Đức Mẹ quanh các con đường trong Giáo xứ. Với mong muốn, cuộc rước trọng thể này sẽ thể hiện tâm tình kính yêu Mẹ của những người con trong Giáo xứ và tôn vinh Đức Mẹ- người Mẹ tuyệt hảo của nhân loại, đồng thời đem đến cho những người lương dân sống xung quanh Giáo xứ một cảm giác thân thiện, gần gũi và làm quen với những sinh hoạt đạo đức trong Giáo xứ.

Mới đầu giờ chiều, những tiếng trống, tiếng kèn giục giã đã làm xao động cả góc phố nhỏ bé này mặc dù còn mấy tiếng nữa giờ khai mạc “giã hoa” mới bắt đầu, nhưng tinh thần của bà con trong Giáo xứ và những người tham dự như nóng lên cùng cái oi bức của đầu hè. Được biết để chuẩn bị cho buổi tổng kết này, Cha quản nhiệm Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện cùng Ban hành giáo và bà con Giáo dân đã mất nhiều ngày cho khâu khánh tiết và nghi thức nhất là cho cuộc cung nghinh Đức Mẹ lần đầu tiên qua các con đường trong Giáo xứ.

Đúng 16 giờ chiều, các em thiếu nhi trong các đội dâng hoa đến từ các Giáo xứ Lãm Hà, An Tân, Chính Tòa, An Hải và Giáo họ Cống Mỹ với đủ các màu sắc rực rỡ của những đóa hoa tươi thắm cùng những trang phục áo trắng thanh khiết đã bước vào dâng hoa kính Mẹ. Những cung điệu trầm ấm ngân vang tha thiết, quyện trong những cử điệu mềm mại của các em với những nét cách tân sáng tạo nhưng vẫn không làm mất đi nét truyền thống từ bao đời của Địa phận Dòng. Tất cả như một làn gió nhẹ làm dịu mát cho cộng đoàn trước cái oi ả của ngày hè. Có nhiều người đã lâu rồi không tham dự buổi “giã hoa” như thế này nên thấy tâm tình hân hoan rất nhiều. Có khá đông các bạn trẻ di dân làm việc xung quanh khu vực Giáo xứ đã trào dâng tâm tình xúc động và yêu mến Mẹ khi hòa cùng các em trong lời ca tha thiết của những bài hát dâng hoa.

18 giờ, cuộc rước cung nghinh tượng Đức Mẹ được xuất phát từ địa điểm hồ Tiên Nga, một trong những hồ rộng và hiếm hoi còn sót lại của thành phố Hải Phòng. Đoàn rước với những hội đoàn đạo đức ăn mặc trang trọng và những bài hát tôn vinh Mẹ ngân lên trong suốt chặng đường cuộc rước. Điều đó đã làm cho bà con lương dân hai bên đường khi xem rước thực sự ngỡ ngàng và cảm kích.

Bài ca nhập lễ cất lên cũng là lúc phần dâng hoa cộng đồng cùng năm triều thiên của năm đội dâng hoa và bảy hoa được cung tiến lên Mẹ kết thúc. Mở đầu bài giảng, cha quản nhiệm đã khéo léo khi ngỏ lời cùng cộng đoàn “ với nhưng ai có tâm hồn yêu mến và chạy đến cùng Mẹ, Mẹ sẽ không từ chối điều gì.”. Và trong bài giảng, ngài đã phân tích vẻ đẹp hoàn hảo của Mẹ qua hình ảnh “ năm sắc với bảy hoa”. Ngài đã khéo léo khi phân tích từng ý nghĩa sâu sắc trong mỗi một màu hoa. Màu đỏ tượng trưng cho tình yêu, tình yêu Đồng Công Cứu Chuộc của mẹ cùng Con mình bên Thập giá chiều loang máu và chính máu mà con Mẹ đổ ra đã đem đến cho nhân loại một nguồn sống tái sinh mới. Bên cạnh đó, mỗi màu sắc nói nên những đặc ân và những vẻ đẹp cao quí tụ hội nơi Mẹ. Và cách riêng trong truyền thống tốt đẹp vốn có của người Việt Nam khi mỗi mùa hoa về lại dâng lên Mẹ bảy loài hoa cao quý: hoa quỳ, hoa sen, hoa lê, hoa cúc, hoa mai, hoa mẫu đơn và hoa lan.

Mỗi một loài hoa tượng trưng cho những đặc ân và những nhân đức vẹn tuyền mà Thiên Chúa đã tặng ban cho Mẹ. Nơi cuộc đời Mẹ đã hội tụ tất cả những vẻ đẹp tinh túy của thiên nhiên, đất trời và tạo vật, hương thơm của những loài hoa cũng không thể sánh ví được hương thơm cuộc đời Mẹ đã đem đến cho cuộc sống nhân loại. Bằng hai tiếng “xin vâng” đáp trả, cả cuộc đời Mẹ đã trở thành thiên trường ca trong hành trình Cứu độ cùng con Thiên Chúa. Tôn vinh Mẹ với mong muốn noi gương và xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa chúc lành cho đoàn con của Mẹ, cho những tâm hồn thành tâm yêu mến Mẹ và cho hết thảy những ai chưa nhận biết Thiên Chúa.

Thánh lễ bế mạc tháng hoa đã kết thúc, nhưng những gì còn đọng lại nơi cộng đoàn tham dự cuộc cung nghinh và dâng hoa kính Mẹ sẽ còn mãi. Ước mong cuộc đời mỗi người sẽ trở nên những đóa hoa sống động để dâng lên Mẹ mỗi ngày. Những đóa hoa cuộc đời được dệt nên trên mảnh đất tình yêu Thiên Chúa.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Văn thư của Đức Giám Mục Đàlạt nói về việc sửa soạn đón tiếp Phái đoàn Tòa Thánh
+ GM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
10:58 26/05/2008
TÒA GIÁM MỤC
9 Nguyễn Thái Học
ĐÀLẠT – LÂM ĐỒNG


Đàlạt, ngày 24 tháng 5 năm 2008
Kính gửi: Quý cha, các Tu sĩ, Chủng sinh
và Anh Chị Em giáo dân trong Gia Đình Giáo Phận

Quý Cha và Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng báo tin với anh chị em: trong chuyến viếng thăm Việt Nam sắp tới, Phái đoàn Tòa Thánh sẽ ghé thăm Giáo Phận thân yêu chúng ta vào ngày thứ tư 11/6/2008. Đây là dịp để cả Gia Đình Giáo Phận chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa, cám ơn và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Phái đoàn Tòa Thánh, đồng thời biểu lộ tinh thần hiệp nhất với Mẹ Hội Thánh.

Phái đoàn gồm các Đức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao của Toà Thánh, Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và Ðức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Vụ Trưởng tại Bộ Truyền Giáo, sẽ tới thăm Tòa Giám Mục và dâng thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa.

Kính mời quý Cha và đại diện các thành phần dân Chúa đến Tòa Giám Mục lúc 15g00 chiều thứ tư, 11/6/2008 để đón chào Phái đoàn và sau đó tham dự thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa lúc 17g00.

Trong những ngày này, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu nguyện cho chuyến viếng thăm Việt Nam sắp tới của Phái đoàn Tòa Thánh đem lại nhiều ơn Chúa cho Giáo Hội Việt Nam và Giáo Phận thân yêu chúng ta.

Sắp tới ngày lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục, chúng ta tha thiết nài xin Chúa ban cho hàng linh mục ngày càng nên giống Chúa Kitô "dịu hiền khiêm nhường" để làm vinh Danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

Thân ái chào anh chị em,

+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Giám mục Giáo Phận Đàlạt
 
Dòng Nữ Thánh Phaolô Saigòn làm đơn khiếu nại và đòi lại cơ sở của Dòng
Sơ Elizabeth Lê Thị Thành
11:33 26/05/2008
Dòng Thánh Phao Lô
4 Tôn Đức Thắng, quận 1
Thành phố Hồ Chí Minh


Số: TV.SPC/VPGT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 5 năm 2008

ĐƠN KHIẾU NẠI
Yêu cầu khẩn trương chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh tiệc cưới và
dạy khiêu vũ trong cơ sở của Dòng Thánh Phao lô và đề nghị trả lại
một phần đất sử dụng không đúng mục đích phục vụ công ích để mở
rộng truờng Mầm non 6 tại Cơ sở của Dòng Thánh Phao Lô số 153
Xô Viết Nghệ Tĩnh, P17, Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chi Minh


Kính gửi:
- Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh
- Ông Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội
- Ông Giám đốc Sở Xây dựng

Tôi, nữ tu Ngô Thị Mai Anh, Bề Trên Giám tỉnh và toàn thể Ban Cố vấn Dòng Thánh Phaolô, trụ sở tại số 4 Tôn Đức Thắng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị quý vị Lãnh đạo chính quyền thành phố khẩn trương xem xét giải quyết yêu cầu của Dòng Thánh Phao Lô như sau:

Vừa qua, Lãnh đạo chính quyền thành phố đã trực tiếp giải quyết Đơn khiếu nại ngày 8/4/2008 của Dòng Thánh Phao lô về việc yêu cầu khẩn trương chấm dứt việc xây dựng mới mở rộng nhà hàng để kinh doanh của Trung Tâm 27/7 tại Cơ sở của Dòng Thánh Phao Lô tại số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể là bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết sẽ quy hoạch lại Cơ sở số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chứ không thể để lãng phí như hiện nay để sử dụng đúng mục đích, trước mắt các dịch vụ kinh doanh tại đây phải chấm dứt kể từ ngày 15/5/2008.

Tuy nhiên, ngay sau đó Công ty 27/7 vẫn công khai tổ chức tiệc cưới vào ngày 18/5/2007 và dời phòng dạy khiêu vũ vào phía bên trong và vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Hành động này của cơ quan chiếm dụng nhà đất của Dòng Thánh Phaolô tại đây đã coi thường pháp luật nhà nước, thách thức với chính quyền thành phố và Dòng Thánh Phaolô đã gây nhiều tai tiếng trong dư luận giáo dân vì hoạt động kinh doanh trái mục đích, không phục vụ cho công ích nhưng lại núp bóng danh nghĩa là làm cho người tàn tật, già yếu neo đơn ! Trong khi đó, chủ trương và mục đích của Dòng Thánh Phaolô từ trước ngày giải phóng đến nay là phục vụ cho người tàn tật, người nghèo, người già neo đơn và trẻ em khuyết tật, mồ côi vô điều kiện lại không được chính quyền hỗ trợ giúp đỡ !

Hiện nay, do nhu cầu mở rộng trường Mầm non 6, Dòng Thánh Phaolô rất cần thêm một phần đất để phát triển hoạt động vui chơi, học tập cho các cháu thiếu nhi nên Dòng Thánh Phaolô tiếp tục đề nghị khi quy hoạch cơ sở số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh của Dòng Thánh, Lãnh đạo chính quyền thành phố trả cho Dòng Thánh Phao lô một phần đất để trường Mầm non 6 có thêm mặt bằng cho các cháu thiếu nhi.

Dòng Thánh Phaolô cám ơn sự quan tâm giải quyết khiếu nại của bà Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và yêu cầu Lãnh đạo chính quyền thành phố khẩn trương có biện pháp tích cực cho ngưng ngay các hoạt động kinh doanh tiệc cưới và dạy khiêu vũ tại cơ sở của Dòng Thánh Phao lô tại số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, xem xét trả lại một phần đất cho Dòng Thánh để mở rộng trường Mầm non 6.

Trân trọng kính chào.

Nữ tu Ngô Thị Mai Anh
Bề Trên Giám tỉnh và Ban Cố vấn
Dòng Thánh PhaoLô


Đơn khiếu nại Ngày 29 tháng 4 năm 2008:

Dòng Thánh Phao Lô
4 Tôn Đức Thắng, quận 1
Thành phố Hồ Chí Minh


Số: 08/ TV.SPC/VPGT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 4 năm 2008

ĐƠN YÊU CẦU
trả lại một phần đất để mở rộng truờng Mầm non 6 tại Cơ sở
của Dòng Thánh Phao Lô số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh,
phường 17, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh


Kính gửi:
- Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh
- Ông Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội
- Ông Giám đốc Sở Xây dựng

Tôi, nữ tu Lê Thị Thành, đại diện Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Thánh Phaolô, trụ sở tại số 4 Tôn Đức Thắng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị quý vị Lãnh đạo chính quyền thành phố xem xét giải quyết yêu cầu của Dòng Thánh Phao Lô như sau:

Trước hết, Dòng Thánh Phaolô cám ơn sự quan tâm của Lãnh đạo chính quyền thành phố đã trực tiếp giải quyết Đơn khiếu nại ngày 8/4/2008 của Dòng Thánh Phao lô về việc yêu cầu khẩn trương chấm dứt việc xây dựng mới mở rộng nhà hàng để kinh doanh của Trung Tâm 27/7 tại Cơ sở của Dòng Thánh Phaolô tại số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, hiện nay trước cơ sở 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh lại xuất hiện bảng hiệu Trung Tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm II, Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người tàn tật Việt Nam trong khi Trung Tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm I gần đó cũng có cả việc giới thiệu học khiêu vũ !?

Tại cuộc tiếp xúc với Lãnh đạo chính quyền thành phố, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết sẽ quy hoạch lại Cơ sở số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chứ không thể để lãng phí như hiện nay để sử dụng đúng mục đích nhưng thực tế tất cả hoạt động kinh doanh tại đây từ lâu đều nhằm mục đích kinh doanh dưới danh nghĩa cho người tàn tật chứ không phải phục vụ vô điều kiện như tôn chỉ mục đích của Dòng Thánh Phaolô đã làm từ trước giải phóng đến nay.

Ý kiến xác đáng của bà Phó Chủ tịch tuy quá trễ vì Cơ sở này đã để lãng phí trên 30 năm nay, lợi nhuận kinh doanh tại đây chắc chắn không phục vụ cho người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, mồ côi nhưng dù sao chính quyền thành phố đã thấy sự cần thiết phải chấn chỉnh hoạt động tai tiếng này đối với việc sử dụng tài sản của tôn giáo để kinh doanh thu lợi trong thời gian qua.

Vì lý do trên, Dòng Thánh Phaolô đề nghị Lãnh đạo chính quyền thành phố cần xem xét lại việc quy hoạch cho đúng mục đích sử dụng tài sản của tôn giáo, nếu vì lý do gì không thể thực hiện được đúng mục đích, đề nghị giao trả tài sản này lại cho Dòng Thánh Phaolô.

Trước mắt, hiện nay do nhu cầu mở rộng trường Mầm non 6, Dòng Thánh Phao lô rất cần thêm một phần đất để phát triển hoạt động vui chơi, học tập cho các cháu thiếu nhi nên đề nghị khi quy hoạch Cơ sở số 153 Xô Viết Nghệ Tỉnh của Dòng Thánh Phaolô, Lãnh đạo chính quyền thành phố trả cho Dòng Thánh Phaolô một phần đất để trường Mầm non 6 có thêm mặt bằng cho các cháu thiếu nhi.

Một lần nữa, Dòng Thánh Phaolô cám ơn sự quan tâm giải quyết khiếu nại của bà Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và mong quý vị Lãnh đạo chính quyền thành phố tiếp tục quan tâm, khẩn trương giải quyết yêu cầu chính đáng của Dòng Thánh Phaolô.

Trân trọng kính chào.

Kính đơn,
Nữ tu Lê Thị Thành
Đại diện Bề Trên Giám Tỉnh
Dòng Thánh Phao Lô
 
Thư Ngỏ của Ban Tổ Chức về 'Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010
+ ĐHY GB Phạm Minh Mẫn
12:24 26/05/2008

THƯ NGỎ



Kính gởi các thành phần Dân Chúa Việt Nam, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân Việt Nam

Anh chị em thân mến,

1. Trong thời gian qua, tôi được HĐGM.VN giao trách nhiệm đứng đầu công tác Tổ chức Năm Thánh cùng Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010. Tôi thấy bước đầu trách nhiệm là chia sẻ và trao đổi với anh chị em vài suy nghĩ, nhằm cùng nhau tìm một hướng đi thống nhất trên cơ sở niềm tin yêu và hy vọng kitô giáo của chúng ta.

2. Trước tiên, giáo huấn của Công Đồng Vatican II soi sáng cho chúng ta thấy rằng không phải riêng tôi, song là tất cả mọi thành phần Dân Chúa VN, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, đều có quyền và trách nhiệm tham gia vào công việc xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trên đất nước VN cũng như trên thế giới hôm nay, một thế giới vừa toàn cầu hoá vừa đầy bạo lực đối kháng. Xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô, căn bản và trước hết là xây dựng một Giáo Hội hiệp thông ngày càng thân thiết với Chúa, với nhau, với xã hội loài người. Mục đích mọi người liên kết và hợp tác xây dựng là nhằm tạo nên một sức mạnh hữu hiệu hơn cho việc thi hành sứ vụ của Giáo Hội, là yêu thương và phục vụ cho Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, cho sự sống mới, sự sống dồi dào của mọi người anh em trong xã hội đang chạy theo khuynh hướng thực dụng và hưởng thụ duy vật chất ngày nay.

3. Tổ chức Năm Thánh 2010 là cơ hội thuận lợi, là phương thế hữu hiệu cho mọi thành phần Dân Chúa VN trước tiên hiệp lực xây dựng ba mối tương quan hiệp thông với Chúa, với nhau, với xã hội loài người, trong gia đình cũng như trong cộng đoàn của mình. Xây dựng và củng cố bằng việc chuyên cần cầu nguyện, cùng nhau học hỏi và thi hành Lời Chúa nhằm giúp nhau phân định và tuân hành Thánh ý Chúa; bằng phát huy tình huynh đệ tương thân tương trợ, phát huy lòng quảng đại chia sẻ với người bất hạnh, túng thiếu, bị bỏ rơi, phát huy lòng từ bi bao dung đối với những ai bất đồng, bất hoà, thù nghịch với mình, phát huy tình liên đới và hiệp thông trong cộng đồng Dân Chúa VN sinh sống trên khắp năm châu ngày nay.

4. Với tư cách là mục tử, chúng tôi ước mong nghe được tâm tư, nguyện vọng của anh chị em từ khắp mọi môi trường sống trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay. Mọi nghiên cứu, góp ý, đề xuất nhằm tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội hiệp thông vì Tin Mừng và vì sự sống dồi dào của mọi người, đều được hoan nghênh và đón nhận.

Có thể gởi về địa chỉ e-mail của Ban Thư ký thường trực Tổ chức Năm Thánh 2010: namthanh2010@gmail.com

Có thể tìm mọi thông tin liên hệ, trước tiên là Nội Quy Tổ chức Năm Thánh 2010 và biên bản phiên họp 8.4.2008 của Ban Tổ chức, nơi trang web của HĐGM.VN: http//www.v2.hdgmvietnam.org

5, Tôi ước mong anh chị em tích cực vận động mọi người, mọi thành phần cùng đồng hành, cùng chia sẻ, cùng góp ý xây dựng cộng đồng Dân Chúa VN ngày càng hiệp thông và hiệp nhất như lòng Chúa mong ước. Xin Chúa thương đồng hành, dẫn dắt, soi sáng mọi người bước đi trong đường lối yêu thương, hiệp nhất và bình an của Người.

Chúa Nhật Lễ Chúa Chiên Lành, ngày 13.4.2008

+ Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám Mục

Chủ Tịch UB Tổ chức Năm Thánh 2010
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu (6)
Vũ Văn An
04:02 26/05/2008
Hôn Nhân, Đức Tin và Tình Yêu (6)

CHƯƠNG NĂM: CHỮA LÀNH

Trên đây đã nhắc đến sự kiện là khi kết hôn, hai vợ chồng mang theo mình khá nhiều thương tích mà họ đã tích tụ trong suốt hai thập niên đầu đời. Tâm điểm của liên hệ hôn nhân là tình yêu và tình yêu hành động nhiều cách khác nhau. Sự nâng đỡ nhau về phương diện vật chất và tình cảm là cái khung căn bản trong đó một chiều kích khác của tình yêu được thực hiện, đó là chiều kích chữa lành (healing).

Ý niệm chữa lành là một phần thân thiết của ý nghĩa thánh thiện, vì thánh thiện nhằm toàn vẹn lành lặn. Ơn thánh, tức sự sống của Chúa, đặc biệt hiện diện trong liên hệ hôn nhân giúp vợ chồng thực hiện được sự biến đổi bên trong, thúc đẩy họ đáp trả tiếng Chúa mời gọi nên thánh bằng cách trở nên toàn vẹn. Các ý niệm này được diễn tả rất rõ ràng trong các khảo luận thần học bàn về bản chất bí tích hôn nhân. Hôn nhân là máng chuyển đặc biệt qua đó Chúa đổ tràn sức mạnh giúp hai vợ chồng hành động. Công bố của Công Ðồng Vatican II, khi nói về tình yêu vợ chồng, đã viết như sau: "Thiên Chúa thấy tình yêu này đáng được hưởng những ân huệ thiêng liêng, ơn chữa lành, ơn nên toàn thiện, và tặng phẩm hân hoan của ơn thánh và tình yêu" (1). Như thế, ý niệm chữa lành đã rõ, tuy nhiên phương pháp thực hiện thì vẫn còn là một cái gì bí nhiệm. Và người ta rất ngại không muốn phân tích bí nhiệm, nhưng đó lại chính là điều cần phải làm nếu ta muốn tối đa hóa cách có ý thức công việc chữa lành đó. Muốn làm được việc ấy, thiết tưởng ta cần tới khoa tâm lý học là khoa vốn quan tâm đến trị liệu bản thân. Trong chương này, bốn hình thức chữa lành sẽ được bàn đến: chữa lành năng động, chữa lành dựa trên tác phong, chữa lành tự phát và chữa lành lạ lùng.

CHỮA LÀNH NĂNG ÐỘNG

Chữa lành năng động đã có từ thời con người mới xuất hiện, tuy nhiên Freud (2) và những người kế nghiệp ông đã đem lại cho phương pháp này hình thức nhất định của nó. Cũng như nhiều bác sĩ khác, Freud được nghe nhiều bệnh nhân than phiền về những triệu chứng thể lý và xúc cảm, như xao xuyến, buồn bực, đau đớn thể xác, mặc cảm tội lỗi, xấu hổ và tự lên án mình... Từ trước đến nay, các bệnh nhân này thường được điều trị bằng nghỉ ngơi, thay chỗ ở, tắm và một vài phương thuốc khác. Kết quả rất vá víu và không thỏa đáng. Freud đưa ra phương pháp điều trị rất cách mạng.

Ông đặt bệnh nhân nằm trên ghế dài, ngồi bên cạnh họ và để họ nói, lắng nghe họ mà không ngắt lời họ, không bình phẩm, không cho ý kiến gì cả. Nhờ thế, bệnh nhân bắt đầu vươn tới những xúc cảm mà họ đã chôn chặt trong cõi vô thức từ lâu. Các cảm quan và xúc cảm từng bị đè nén, tức bị đẩy khỏi cõi ý thức nhờ các cơ chế đè nén, nay trồi lên và chúng được chuyển cho nhà phân tích. Freud không phải là người khám phá ra cõi vô thức (3); cõi vô thức ấy đã được nhìn nhận từ thời Cổ Hy lạp. Nhưng Freud là người khai triển một phương pháp đáng tin cậy để khảo sát nội dung của vô thức. Các bệnh nhân bắt đầu coi nhà phân tích tuy trung lập nhưng quan tâm này như những nhân vật có ý nghĩa đối với cuộc đời dĩ vãng của họ. Nhờ thế, họ có thể làm sống lại các cảm nghiệm xúc cảm chưa hoàn tất hoặc gây đau lòng của đời dĩ vãng kia, những cảm xúc mà xưa nay họ không dám giáp mặt.

Việc giải thích các biến cố được đặt căn bản trên lý thuyết đặc thù của nhà phân tích; đối với Freud, cái căn bản nằm bên dưới tác phong lệch lạc, mặc cảm tội lỗi thái quá, sợ sệt, và các xúc cảm khác đều có liên hệ đến việc phát triển tính dục và gây hấn của nhân cách. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng kỹ thuật phân tâm học, nhờ đó, bệnh nhân làm sống lại kinh nghiệm quá khứ và do đó có cơ hội ổn định, hội nhập và hoà giải quá khứ ấy không lệ thuộc chủ trương năng động có tính lý thuyết của người phân tích. Càng ngày, người ta càng hiểu ra rằng điều quan trọng là khả năng trở nên ý thức về cõi vô thức, là làm sao cởi bỏ (unlearn) được những mẫu cảm nghiệm cũ và đạt được một cảm thức toàn vẹn hơn về chính bản thân mình. Ai mặc cảm tội lỗi sẽ tìm lại được an bình. Ai giận dữ, sẽ tìm lại được khoan dung và nhẫn nại. Ở đâu tính dục nặng cấm kỵ, sinh hoạt bản năng sẽ được giải phóng. Nơi nào ghen tương ganh ghét trổi vượt, chúng sẽ được thay thế bởi việc phát triển lòng tự hào (self-esteem) là thứ ít đe dọa hơn nhiều. Nơi nào hoài nghi do dự lấn át, chúng sẽ được thay thế bởi cảm thức chắc chắn và tự chấp nhận bản thân. Nơi đâu có tác phong lệ thuộc như trẻ thơ, ở đó tinh thần tự lập sẽ được phát triển.

Một sự kiện đáng kể của phân tâm học là nó khai mở một phương pháp chữa lành có nhiều ứng dụng rộng rãi hơn là chính hoàn cảnh phân tích. Nhờ vậy, bất cứ khi nào hai con người đạt tới mức độ tin tưởng lẫn nhau tương tự như sự tin tưởng mà nhà phân tích thiết lập được với bệnh nhân của ông ta, thì họ đều có thể áp dụng cùng một kỹ thuật phân tâm học để chữa lành nhau. Khả năng chữa lành này đặc biệt có khá nhiều trong hôn nhân.

Khi có được bầu khí nâng đỡ nhau tốt đẹp rồi, thì hai vợ chồng sẽ có điều kiện trở thành những nhà trị liệu cho nhau. Trong phân tâm học hoặc tâm lý trị liệu, bệnh nhân cảm thấy an tâm bộc lộ những giây phút hoặc những kinh nghiệm quá khứ làm họ đau khổ. Sự đau khổ ấy có liên hệ tới những trục trặc tính dục, hoặc những cảm nghiệm xao xuyến, tội lỗi, xấu hổ, giận dữ hoặc bối rối. Những bộc bạch này thường chỉ được thực hiện nếu người ta chắc chắn rằng chúng sẽ không là dịp để lặp lại nguyên con những cảm quan thương tổn cũ. Nghĩa là chúng cần một liên hệ đáng tin cậy để bảo đảm rằng chúng sẽ được đối xử khác hơn lần trước (không còn bị chối bỏ, hạ giá, rù quyến, quá lệ thuộc và tảy chay). Ðiều đó có thể thực hiện được, nếu người trị liệu tỏ ra không bình phẩm, không khuyên răn chi cả. Họ ở đó để tiếp nhận các cảm quan, giải thích chúng cho đến lúc chúng trở thành có nghĩa và cho phép chúng lặp lại cho đến lúc chúng bắt đầu thay đổi và mất đi cái đau tình cảm, để được thay thế bằng thực tại hoặc sự lớn mạnh thích ứng. Tóm lại, những bộc bạch này phải là một diễn trình trong đó "bệnh nhân" cảm thấy an tâm đủ để có thể giãi bày các vết thương lòng và sẵn sàng dẹp bỏ hàng rào phòng ngự từng cột chặt họ vào lo âu đau đớn.

Vợ chồng có thể và thực sự đã thực hiện phương pháp chữa lành như vậy. Khi đã có được lòng tin tưởng của vợ hoặc chồng, họ sẽ bắt đầu thổ lộ cái phần bản thân từng bị trấn thương đau khổ của mình. Vợ hoặc chồng sẽ lắng nghe và phải bảo đảm là mình sẽ không cư xử như bậc phụ huynh của thuở ban đầu. Họ chỉ lắng nghe mà không phê phán hoặc khuyên răn. Ngược lại, họ sẽ hành xử như người mẫu khác thay thế cho người của thuở ban đầu từng là nguồn gốc gây thương tích. Nhờ thế, hai vợ chồng sẽ tái cảm nghiệm cái đau nguyên thủy và tìm ra giải pháp thay thế trong lúc này. Mặt khác, càng biết nhau, hai vợ chồng càng có thể giúp nhau tiến sâu hơn vào cõi vô thức, nơi chất chứa biết bao nhiêu những cảm nghiệm đau đớn nhất và khó vươn tới nhất.

Ta có thể tưởng tượng ra cảnh người vợ thấy nơi người chồng hình ảnh người cha xa vắng, lạnh lùng, ít biểu lộ tình cảm và sẽ mong chồng hành động như thế. Nàng sẽ hành động như thể chồng mình cư xử như thế và ông chỉ cần làm thế nào để được giải thích theo cách đó mà thôi. Hay ngược lại, người chồng có thể thấy nơi vợ hình ảnh người mẹ với những cảm quan chưa được giải quyết như dục tính trẻ thơ, sự lệ thuộc đáng ghét và nỗi sợ bị chết ngộp. Mỗi triệu chứng này sẽ được hiểu và giải thích và tiệm tiến được người vợ từ khước. Dần dà, hình ảnh được phóng chiếu về các bậc phụ huynh trên sẽ giảm dần ý nghĩa và thực chất của vợ hoặc chồng sẽ trồi lên. Nhưng người vợ cần kiên nhẫn và rõ rệt trong bản sắc mới có thể đem lại cho chồng cái khuôn mẫu ông cần đến để liên hệ với trong tư cách một người trưởng thành.

Việc dần dần bộc bạch các vết thương này có thể cần nhiều năm mới hoàn tất. Bầu khí phải thật đáng tin và an ổn, và một trong những lý do đòi hôn nhân phải bền vững là vì chỉ ở trong cái liên tục đáng tin cậy ấy, cái phần sâu thẳm của bản ngã mới trồi lên để được thay đổi. Không thể nào bộc lộ toàn diện bản ngã ta ngay trong một lúc được, vì việc tỏ bày cái tôi chưa hoàn tất và bị trấn thương kia chỉ có thể thực hiện nhờ những biến cố đột khởi như việc ra đời của đứa con đầu hoặc đến tuổi nửa đời chẳng hạn. Chỉ có hôn nhân mới tạo đựơc những hoàn cảnh thích hợp khác nhau để việc từ từ bộc bạch kia thực hiện được. Ít nhất, việc chữa lành dựa trên một phân tích toàn diện có thể cần đến năm năm trong đó hai vợ chồng đều đặn và chăm chú tham dự từ ba đến năm buổi trị liệu một tuần. Tuy hai vợ chồng gặp nhau hằng ngày, nhưng họ không phân tích nhau một cách có ý thức. Họ cần những hoàn cảnh thích hợp (thường là các cơn khủng hoảng). Thành ra, diễn trình chữa lành có khi cần đến sự cởi mở cả đời, sự chăm chú lắng nghe và sẵn sàng có đó để cảm thông mà không phê phán.

Mô thức chữa lành này giả thiết hai vợ chồng phải đã đạt được một mức độ chín chắn đủ để có thể hành động như những nhà trị liệu đối với nhau. Nhiều cuộc hôn nhân sa lầy ngay từ buổi đầu chỉ vì hai người qúa thiếu sót, quá lệ thuộc và qúa tự từ khước mình đến nỗi không thể đem lại chút đóng góp gì cho diễn trình chữa lành nhau. Những trường hợp như thế, họ cần được các huấn đạo viên giúp đỡ trong việc phát triển đời sống nội tâm mạnh đủ để có thể hành động như những nhà trị liệu đối với nhau.

Việc chữa lành không giới hạn ở các vết thương hai vợ chồng đem vào cuộc hôn nhân. Những vết thương mới có thể phát sinh ngay trong cuộc sống hôn nhân và chúng cũng cần được chữa lành.

CHỮA LÀNH DỰA TRÊN TÁC PHONG

Tác phong trị liệu tương đối mới có đây trong ngành Tâm lý Trị liệu (4). Cũng như ngành phân tâm học, lý thuyết nền tảng tuy đã có từ những ngày xa xưa khi tác phong con người chịu ảnh hưởng và được khuôn định bởi sợ hãi, thưởng phạt, nhưng các kỹ thuật chi tiết thì chỉ mới có từ những tác phẩm dẫn khởi của Wolpe (5).

Ðâu là nguồn gốc và nguyên tắc của phương pháp trị liệu này? Cha đẻ của phương pháp này là Pavlov (6): Khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, Pavlov thực hiện các thử nghiệm thời danh về hiện tượng chó chảy nước miếng. Cũng như người, chó chảy nước miếng khi đói và đang chờ ăn. Ông nhận ra rằng một vài dấu hiệu như âm thanh hoặc ánh sáng, khi được biểu diễn cho chó trước khi đưa thực phẩm tới vẫn làm chó chảy nước miếng dù sau đó thực phẩm không được mang tới. Nói cách khác, chó đã học được một thứ liên tưởng mới, hoặc những phản xạ có điều kiện xuyên qua liên tưởng. Tỷ dụ, nó có thể chảy nước miếng khi tiếng kẻng được khua lên hoặc chiếc đèn được bật sáng. Tuy nhiên, nếu thực phẩm liên tiếp không được mang tới (nghĩa là sự tăng cường - reinforcement - liên tục không xảy ra), thì các dấu hiệu kia mất hết hiệu lực; nói cách khác, các phản xạ có điều kiện sẽ từ từ mất đi. Phần lớn tác phong con người là hợp thể những phản xạ có điều kiện. Ðứa trẻ học cách cảm nghiệm thấy nó được nhìn nhận, được ước muốn và được qúy chuộng; cũng vậy, nó sẽ học cách cảm nghiệm thấy nó bị lãng quên, bị từ khước và bị coi thường.

Ngày nay, tác phong trị liệu đã phát triển đủ để cho phép ta có thể cầm chắc rằng phần lớn các tác phong khó thích ứng hoặc thuộc tâm bệnh có thể loại bỏ được bằng cách liên hợp các cảm quan, các ý nghĩ và các hành động nguy hại với các kinh nghiệm đối nghịch tức các cảm nghiệm thoải mái, thích thú, chào đón...

Kỹ thuật điều kiện hóa có khá nhiều trong tương quan vợ chồng. Về phía tiêu cực, người phối ngẫu có thể liên tục gặp phải những dấu hiệu của các hành vi tiêu cực như không chấp thuận, từ khước, hoặc dửng dưng, và, nếu không có một bản sắc mạnh và dị biệt hóa để chống lại các hành vi tiêu cực đã thành hệ thống ấy, thì các dấu hiệu kia sẽ trở thành những đặc điểm của bản ngã. Dù người phối ngẫu ấy có một vài cảm nghĩ tích cực về mình đi chăng nữa, thì dần dà các cảm nghĩ ấy cũng sẽ bị tước bỏ khi các thành quả của họ không được nhìn nhận (thiếu tăng cường). Cứ như thế, với các kinh nghiệm khác dồn tới, kết cục, người phối ngẫu chỉ còn laị sự trống rỗng và bất lực. Tẩy não đã được thực hiện cách này. Ý thức hệ bạo lực được ca tụng khi học tập, còn các tin tưởng cũ bị lãng quên, bị chế riễu hoặc bị bác khước. Nhiều người phối ngẫu than phiền một cách cay đắng về bàn tay hạ giá có hệ thống của người bạn đời mình, và điều đó nhân bội các vết thương lòng.

Về phía tích cực, các nguyên tắc của tác phong trị liệu như loại trừ (extinction), tăng cường (reinforcment), học kinh nghiệm mới (new learning) có thể đóng góp vào diễn trình chữa lành. Những cơn giận lôi đình và được lặp đi lặp lại, vốn là kết quả các mẫu tác phong đã học được trong thời thơ ấu cũng như niên thiếu, có thể được loại trừ. Giận dữ có thể được đối đầu bởi giận dữ, hoặc thay vào đó, người ta cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của nó về phương diện năng động học và làm ngơ nó về phương diện tác phong. Một khi đã hiểu lý do đàng sau các cơn giận dữ và thoả mãn các nhu cầu nằm sâu dưới chúng, thì những cơn giận liên hồi kia có thể được dập tắt bằng cách không tăng cường chúng bằng chú ý, hoặc liên hợp chúng với bác bỏ. Các triệu chứng khác cũng áp dụng cùng một kỹ thuật này.

Lo âu xao xuyến dưới mọi hình thức có thể được phản công bằng sự an tâm thỏai mái. Lo âu xao xuyến có mặt khi người ta sợ một cái gì đó, như đi ra chỗ quá trống hoặc vào chỗ quá hẹp, gặp đám đông hoặc lên tiếng trong một cuộc họp của công ty. Những nỗi sợ như vậy và những nỗi sợ tương tự có thể từ từ được loại bỏ. Người phối ngẫu không sợ sệt sẽ đem lại cho người bạn đời một cảm quan an tâm thỏai mái bằng sự có mặt trong những hoàn cảnh khiếp đảm. Những hiện diện ấy có thể được kéo dài tùy theo sự tiến triển của người bạn đời. Họ sẽ chỉ từ từ rút lui để người bạn đời một mình sinh hoạt lấy khi họ tìm được sự thoải mái.

Những người khép kín, sợ sệt, không chịu biểu lộ tình cảm, có thể được giúp đỡ để càng ngày càng cảm thấy vững bụng. Người phối ngẫu của họ sẽ tạo ra bầu khí thân cận thoải mái trong đó người bạn đời có thể từ từ bớt sợ và dần dà thủ đắc được cảm quan can đảm mới để đương đầu với người khác.

Mặc cảm tội lỗi và xấu hổ, liên hệ đến một vài vết thương cũ, có thể được thay thế bằng việc tự tha thứ và tự chấp nhận mình, khi người phối ngẫu hành động như một tác nhân tha thứ và chấp nhận. Ở đây, tất nhiên hành động của người phối ngẫu tha thứ kia nhắc ta nhớ lại sự tha thứ không ngừng và sự chấp nhận như mới của Thiên Chúa.

Vợ chồng cũng có thể giúp nhau cơ hội để thăng tiến lòng tự hào và tự chấp nhận mình. Trong hai lãnh vực này, những cảm quan tiêu cực sẽ không ngừng được liên hợp với những cảm quan tích cực, nhờ thế từng bước, hiện tượng tự từ khước mình sẽ được nhổ rễ và được thay thế bằng cảm quan tự chấp nhận mình.

Ghen tương là thứ ăn mục nằm ngay ở trung tâm bản ngã ta. Nó thường có mặt trong những hoàn cảnh ba chiều tam giác, trong đó, như đã trình bày, nỗi sợ nổi bật nhất chính là nỗi sợ mất mát, mất người mình yêu hoặc mất tình yêu của họ dành cho ta nay dành cho người khác không phải là ta. Người bất ổn không ngừng bị đe dọa bởi nỗi sợ mất mát. Người phối ngẫu có thể từng bước dùng tác phong đáng tin cậy của mình đảm bảo với họ rằng nỗi sợ ấy vô căn cứ. Họ có thể huấn luyện cho người bạn đời tin tưởng mà không sợ mất người thân yêu trong diễn trình huấn luyện. Người bạn đời phải được an tâm tin tưởng rằng họ không cần phải khiếp sợ hoặc phải cạnh tranh mới giữ được người yêu. Bất cứ biểu hiệu hoài nghi nào cũng phải được làm ngơ, nhờ thế, dần dà, nỗi khiếp sợ sẽ bị loại bỏ, và các dấu hiệu của tin tưởng được tăng cường củng cố. Cùng một nguyên tắc ấy được áp dụng đối với lòng ganh tỵ, qua đó, người phối ngẫu tự so sánh một cách không thuận lợi với người khác và không ngừng tranh đấu để ngang hàng họ, hoặc nếu có thể, qua mặt họ. Người bạn đời nên trấn an người phối ngẫu mình rằng như bây giờ họ đã đáng yêu rồi, nhưng nếu họ gia tăng cung cách thì càng tốt hơn. Bất cứ dấu hiệu tự chê nào cũng phải được làm ngơ, và bất cứ biểu hiệu đáng giá nào cũng phải được tích cực tăng cường củng cố.

Người phối ngẫu thụ động, khiếp sợ, không dám đưa ra sáng kiến đặc biệt nào, có thể được giúp đỡ bằng cách khích lệ làm chính cái việc mà họ khiếp sợ. Những hoạt động vụng về nên được coi nhẹ; còn những thành công, dù là nhỏ, cũng phải được ngợi khen.

Gần đây, phần lớn tác phong trị liệu cũng được áp dụng vào các vấn đề tính dục. Các công trình của Masters và Johnson (7) cũng như của Kaplan (8) cho thấy các khó khăn như xuất tinh sớm hoặc bất lực nơi đàn ông, co thắt âm hộ, không thấy cực khoái, mất hứng thú làm tình nơi phụ nữ, có thể vượt qua được. Vợ chồng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp nhau thỏai mái, học bỏ dần các thói quen xấu và học các phương pháp mới giúp cho sinh hoạt tính dục thành công trở lại. Các kỹ thuật này đã đem lại nhiều thay đổi lớn lao đối với các vấn đề tính dục và niềm hy vọng sâu xa cho nhiều người.

KHÁC BIỂT GIỮA TRỊ LIỆU NĂNG ÐỘNG VÀ TÁC PHONG TRỊ LIỆU

Ðâu là khác biệt giữa trị liệu năng động và tác phong trị liệu? Tâm lý học năng động đòi bệnh nhân phải bật mí cái quá khứ vô thức, trong khi tác phong trị liệu quan tâm đến việc loại bỏ các triệu chứng đang xuất hiện. Theo tác phong trị liệu, không cần dò tìm nguồn gốc các triệu chứng, chỉ cần loại bỏ chúng. Tuy thế, đôi lúc, các triệu chứng không thể loại bỏ được nếu ta không nhận dạng được gốc rễ của chúng, do đó cần phối hợp hai hình thức trị liệu này. Vợ chồng cũng nên tâm niệm rằng tâm lý trị liệu ngày nay càng ngày càng quan tâm đến việc biến đổi những hoàn cảnh cụ thể ở đây và bây giờ, nên họ không sợ phải dùng đến những kỹ năng vượt quá tầm tay họ.

Ðiều đòi hỏi chỉ là họ ý thức một cách bén nhạy các kinh nghiệm gây đau khổ cho người phối ngẫu, sự có mặt hoặc không có mặt của cái gì đó làm họ tổn thương. Sự hiện diện gây tổn thương sẽ dần dần được loại bỏ và được thay thế bởi một cái gì dễ chấp nhận hơn, và sự bỏ quên sẽ được lấp đầy bằng cái đang thiếu. Sự thân mật của hôn nhân hiện đại có nghĩa giữa hai vợ chồng phải có một mức độ tin tưởng và gần gũi nào đó để có thể áp dụng cả hai phương pháp trên.

TRỊ LIỆU TỰ PHÁT

Nhiều người cho rằng họ được chữa lành một cách tự phát đang khi cầu nguyện, suy niệm với người khác, hoặc khi bất thần xúc động mạnh về tình cảm. Ðiều đó có thể là hậu quả của hiện tượng xuất thần (ecstasy), hoặc cuả hiện tượng mà Maslow (9) gọi là kinh nghiệm tuyệt đỉnh (peak experience), khi toàn diện con người được đánh động trong hòa điệu hợp nhất với thực tại bao quanh, với cuộc đời hoặc với cái gì bên trên cuộc đời, sự linh thiêng chẳng hạn. Ðó là những giây phút mạc khải sáng lạn, thông tuệ sâu sắc, cải hối toàn diện. Tất cả những hiện tượng ý thức xem ra có vẻ đột ngột ấy đã đem lại một hậu quả sâu sắc đối với cá nhân. Dùng chữ xem ra, vì thực sự có thể đã có nhiều suy tư, nhiều chuẩn bị từ trước trong vô thức nay đem lại kết quả đột ngột. Những kinh nghiệm loại này đã được nhiều người mô tả xưa nay (10,11,12), và chúng có thể biến đổi những con người như thánh Phaolô làm cho đời Ngài có một hướng đi hoàn toàn mới mẻ.

Hiển nhiên những thông tuệ (insight) đột ngột như trên, dầu có thể nhỏ bé hơn, cũng có thể cảm nhận trong hôn nhân. Bản chất của những thông tuệ này vợ chồng không hiểu rõ lắm, nhưng nhu cầu được soi sáng, với lời cầu nguyện hay không, có thể được đáp ứng qua những tia lóe bất chợt của chân lý, chân lý về nhau, chân lý về Chúa, Ðấng hằng ngự trên gia đạo.

TRỊ LIỆU LẠ LÙNG

Tất cả những hình thức trị liệu trình bày trên đây đều là những kinh nghiệm thường thức của nhân loại, và cuộc hôn nhân nào cũng có thể chia sẻ. Hình thức trị liệu lạ lùng có khác: con người tôn giáo bước qua các hình thức trên để vào giao tiếp một cách ý thức và tự ý với Thiên Chúa. Ðiều này không có nghĩa là các hình thức trị liệu trên không có Thiên Chúa trong đó. Ðối với các tín hữu, cuộc sống nào cũng có sự hiện diện và sự nâng đỡ tích cực của Chúa. Nhưng quả có những máng chuyển đặc biệt để con người giao tiếp với Thiên Chúa. Cầu nguyện là một. Ở bất cứ thời đại nào, ta cũng thấy có những đền thờ đặc biệt, nơi người ta đến để tìm sự can thiệp lạ lùng của Chúa, và đôi lúc, người ta tìm được sự can thiệp ấy. Tìm cách hiểu được phép lạ là cố gắng tìm hiểu tâm điểm bản vị Thiên Chúa và đường lối mầu nhiệm của Ngài. Ngoại trừ sự kiện các đường lối này thấm nhuần tình yêu, và ở đâu có tình yêu thì ở đấy có Chúa, sự hiểu biết của ta sẽ chỉ chấm dứt khi ta đối diện với cõi vô cùng.

Ðối với những người dù chỉ cảm nhận Chúa một cách thoáng qua, tình yêu phu phụ và những phẩm tính chữa lành của nó là một trong những dấu chỉ mạnh nhất về sự hiện diện của Chúa. Không phải là ngẫu nhiên, khi tình yêu được liên kết với những đặc tính tuyệt đối và thần thánh, hoặc khi vợ chồng, qua các biểu lộ hôn nhân, tiến gần đến bản nhiên Thiên Chúa. Diễn trình chữa lành đem lại một bằng chứng mạnh mẽ về sự hiện hữu của một cái gì đó từng che khuất các cố gắng của con người.

Phong trào Thánh Linh có lẽ là một khai triển tôn giáo mới nhất nhắc các Kitô hữu nhớ rằng Thiên Chúa, việc cầu nguyện và diễn trình chữa lành là kiềng ba chân tạo nên hạ tầng cơ sở cho cuộc sống Kitô hữu của họ, cuộc sống được soi sáng và thấm nhuần Chúa Thánh Linh. Việc chữa lành các vết thương phu phụ dưới các hình thức được trình bày trong sách này có lẽ là nguồn suối chung nhất trong cộng đồng ta và một khi các nguyên tắc của chúng được thấu hiểu và quảng bá, ta sẽ có được một trong những phương thế mạnh mẽ nhất để chữa lành các vết thương, trong đó, người đàn ông, người đàn bà, Thiên Chúa và tình yêu gặp nhau.

TÓM LƯỢC

Với sự có mặt của một liên hệ đáng tin tưởng và tín thác, hai vợ chồng sẽ thổ lộ các vết thương của mình cho nhau, những vết thương thường thường có tính chất tâm lý. Các vết thương này được mở ra đón nhận sự chữa lành bằng các phương pháp năng động, tác phong, tự phát và lạ lùng. Việc chữa lành này, có lẽ là chung nhất trong xã hội hiện đại, chính là điểm gặp gỡ giữa tình yêu nhân loại và tình yêu thần thánh, và là yếu tố đầy sức mạnh tạo nên sự tòan vẹn và sự thánh thiện. Nó là biểu lộ đặc thù của yêu thương và là điểm gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa trong lòng gia đình.

Tài Liệu Tham Khảo:

1. Vui Mừng và Hy Vọng, Phần II, Ch.1

2. Freud, S. Psychoanalytic Procedure, Vol.VII, Hogart Press, 1968

3. Ellenberger, H.F. The Discovery of the Unconscious, Allen Lane, 1970

4. Beech, H.R.,Changing Man's Behaviour Penguin, 1969

5. Wolpe, J., Psychotherapy by Reciprocal Inhibition,Stamford University Press (USA), 1958.

6. Pavlov, I.P.,Conditioned Reflexes, Oxford University Press, 1927

7. Masters, W.H., và Johnson, V.E., Human Sexual Inadequacỵ Little Brwon, Boston, 1970.

8. Kaplan, H.S., The New Sex Therapy, Penguin, 1974.

9. Maslow, A., Religions, Values and Peak Experience, Viking Press, New York, 1964

10. James, W., The varieties of Religious Experience, Longmans, New York, 1902

11. Hardy, A., The Biology of God, Jonathan Cape, 1975

12. Hardy, A., The Spiritual Nature of Man. Clarendon Press, 1979
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Dấu Ngàn Thu - Eternity
Nguyễn Đức Cung
00:16 26/05/2008

DẤU NGÀN THU – Eternity



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Lạ chứ nhỉ, với vạn triệu người qua đó

Trước chúng ta đi vào cõi âm u,

Sao chẳng một trở về để rồi trỏ

Cho ta đi đường trước mặt ngàn thu.

(Trích thơ của Omar Khayyam Gs. Nguyễn Ngọc Bích chuyển ngữ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền