Ngày 29-05-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:16 29/05/2011
MƯỢN BÒ
N2T

Có người muốn mượn của phú ông một con bò nên viết một tờ cam kết và kêu người đi mượn bò. Phú ông nhận tờ giấy cam kết, mặc dù không biết chữ, nhưng vì trước mặt khách nên cũng làm bộ ta đây biết chữ, cầm tờ giấy cam kết coi lại lần nữa, gật gật đầu, rồi nói với người đến mượn bò:
- “Biết rồi, đợi chút xíu nữa ta tự mình đi là phải rồi”.

Suy tư:
Sĩ diện đúng nơi đúng chỗ thì làm cho người khác nể trọng mình, nhưng sĩ diện không đúng nơi đúng chỗ thì tự nhiên bị hố và làm trò cười cho thiên hạ, và bày ra cái dốt của mình. Không biết chữ thì nhờ người khác đọc giùm, đó chính là khiêm tốn chân thật, sự khiêm tốn này không làm cho mình mất danh giá, trái lại làm tăng lên lòng quý trọng nơi người khác.
Người vì sĩ diện thì có hai loại, loại thứ nhất là loại tiêu cực:
- Vì sĩ diện mà có những người giấu cái dốt của mình suốt đời, nên cuộc sống của họ không mấy khi vui vẻ; vì sĩ diện nên có những người tuy làm quan lớn, nhưng không bao giờ dám nói chuyện trước đám đông, vì sợ lòi cái dốt của mình; vì sĩ diện mà có một số người luôn khoe khoang mình thế này thế nọ, để che lấp cái dở cái dốt của mình...
Loại thứ hai là loại tích cực:
- Có người vì thấy mình không bằng ai, nên quyết tâm vì sĩ diện mà cố gắng tìm tòi nghiên cứu; có người học không nhiều như người khác, nhưng vì sĩ diện nên cố công học hỏi tìm tòi qua sách vở, qua báo chí, qua người khác; lại có người vì sĩ diện với chức vụ mình đang có, nên khiêm nhường học hỏi nơi những người có kinh nghiệm hơn mình...
Người ta đến mượn con bò của mình, nhưng vì không biết chữ lại vì sĩ diện, nên tự mình làm bò cho người khác mượn, ha ha ha...
Sĩ diện không đúng chỗ đúng nơi thì quả là làm hại mình vậy.
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:17 29/05/2011
N2T

5. Bước đầu của công lao là nhờ vào công nghĩa, ân huệ thì dựa vào lòng nhân từ.

(Thánh Thomas Aquinas)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chuyến viếng thăm Croatia của Đức Thánh Cha đề cao giá trị gia đình
Bùi Hữu Thư
06:45 29/05/2011
VATICAN (CNS) -- Trọng tâm của chuyến viếng tăm Zagreb, Croatia, ngày 4 và 5 tháng 6 của Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ là gia đình và việc xây dựng một cộng đồng có các giá trị Kitô giáo.

Trong chuyến tông du lần thứ 19 ra ngoại quốc và lần thứ 13 đến một quốc gia Âu Châu của Đức Thánh Cha năm nay đã 84 tuổi, ngài cũng sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng ngài dành cho việc làm tái sinh gốc rễ Kitô giáo của Âu Châu.

Mặc dầu Croatia là một quốc gia hầu như hoàn toàn là Công Giáo, nước này đã trải qua rất nhiều khổ đau thử thách nền tảng đức tin của họ: hai thế chiến, một cuộc xâm lăng của quân phát xít Nazi, và rồi bị đô hộ bởi nước cộng sản Liên Bang Cộng Hòa Yugoslavia.

Ngày nay, vẫn còn có những đe doa khác tiếp diễn, nhưng dưới những hình thức khác, theo lời tuyên bố của phát ngôn viên của hội đồng giám mục Croatian.

Ông Zvonimir Ancic, phát ngôn viên hội đồng giám mục Croatia nói: "Croatia không phải là một hòn đảo và đang phải đối phó với tất cả các thách đố hiện hành trên các quốc gia Tây Phương.

Trước hết trong số các thách đố này là "một chủ nghĩa tục hóa làn tràn, với một số người hỗ trợ, mặc dầu nhỏ nhưng vận động hết sức mạnh mẽ, với sự yểm trợ của đa số giới truyền thông, đang năng động cố gắng phá hủy tất cả mọi yếu tố của căn tính Công Giáo truyền thống của Croatia.

Ngài viết trong một điện thư trả lời các câu hỏi: Các thách đố chính giáo hội Croatia đang phải đương đầu bao gồm "một đạo luật hết sức cởi mở về phá thai," và các biện pháp được đề nghị để hợp thức hóa việc nhận con nuôi của các cặp hôn nhân đồng phái tính, cũng như các cuộc tranh luận mới đây về an lạc tử.
 
ĐTC: Ý có thể tự hào về vai trò của Giáo hội trong lịch sử của mình
Nguyễn Trọng Đa dịch
09:11 29/05/2011
ĐTC: Ý có thể tự hào về vai trò của Giáo hội trong lịch sử của mình

ĐTC lần chuỗi Mân Côi với các Giám mục Ý nhân 150 năm ngày nước Ý thống nhất

ROMA - Tin Mừng là một nguồn của nền văn minh trong mọi giai đoạn lịch sử, và sẽ không “ngạc nhiên” là nước Ý "có thể tự hào về sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội" trong lịch sử của mình, theo ĐTC Biển Đức XVI.

Ngày 26-5, ĐTC nói như thế khi Ngài cùng với các Giám mục Ý tập hợp tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả để lần chuỗi Mân Côi. Sự kiện lần chuỗi này nhằm mừng 150 năm ngày thống nhất đất nước Ý.

ĐTC và các Giám mục lần chuỗi Năm Sự Sáng, sau đó Ngài đọc bài diễn từ trong đó Ngài suy niệm về Đức Mẹ Maria và nói về vai trò các Giám mục tại nước Ý.

Nói về đức tin của Đức Mẹ và sự qui phục hoàn toàn của Đức Mẹ với ý Chúa, Ngài lưu ý cách thức Đức Mẹ sinh Chúa là “nhựa sống ban sự sống cho một lịch sử, vốn sẽ hư hại không sửa chữa được, nếu Chúa không sinh ra”.

Ngài nói: “Việc cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra Chúa là trung tâm của cuộc sống chúng ta, để ở lại trong sự hiện diện của Chúa, để ý chúng ta phù hợp với ý Chúa, để làm ‘những gì Chúa bảo chúng ta’”.

ĐTC nói về cách thức Đức Mẹ là mẫu gương của Giáo Hội: “Đức Mẹ là người đã giới thiệu cho chúng ta một tấm gương, mà trong đó chúng ta được mời gọi nhận ra căn tính của mình. Cuộc đời của Mẹ là một lời mời gọi để chuyển từ những gì chúng ta nghe và đón nhận Lời Chúa, để có thể trong đức tin tuyên bố sự vĩ đại của Chúa, trước sự vĩ đại này sự vĩ đại duy nhất của chúng ta là thể hiện sự vâng lời hiếu thảo: 'Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’”.

Sự khởi đầu mới

ĐTC Biển Đức XVI ghi nhận các tâm trạng của trái tim Mẹ Maria: “Lắng nghe, chấp nhận, khiêm tốn, trung tín, khen ngợi và chờ đợi là tương ứng với thái độ nội tâm và các cử chỉ uốn nắn đời sống Kitô hữu. Giáo Hội được nuôi dưỡng bởi các tâm trạng ấy, ý thức rằng chúng thể hiện những gì Thiên Chúa mong đợi từ Đức Mẹ”.

Đức Giáo Hoàng nói: “Cuộc sống cá nhân của Đức Mẹ Maria là sự tổng hợp của lịch sử của cả một dân tộc, vốn đặt Giáo hội trong sự tiếp nối liên tục với Israel xưa”.

Ngài nói thêm: “Trong quan điểm này, lịch sử cá nhân mới nhận được ý nghĩa".

Mở lòng cho hành động của Thiên Chúa, Đức Mẹ sinh ra "sự hiện diện của Thiên Chúa và Người đến sống trong lịch sử, và mở ra cho một khởi đầu mới và dứt khoát, đó là khả năng cho mỗi con người được tái sinh từ trên cao, để sống trong ý Chúa và do đó được đầy đủ trọn vẹn”.

Ngài nói: “Trong mỗi giai đoạn lịch sử, cuộc gặp gỡ với Lời luôn mới của Tin Mừng là một nguồn của nền văn minh. Nó bắc nhịp cầu giữa các dân tộc và làm phong phú cơ cấu của các thành phố chúng ta, tự thể hiện trong văn hóa, nghệ thuật và trong hàng ngàn hình thức từ thiện khác. Do đó không ngạc nhiên chút nào, khi mừng 150 năm ngày đất nước thống nhất, Ý có thể tự hào về sự hiện diện và hoạt động của Giáo Hội".

Ngài nói thêm: “Giáo Hội không theo đuổi các đặc quyền hoặc mong muốn thay thế trách nhiệm của các tổ chức chính trị; nhưng tôn trọng tính tại thế hợp pháp của quốc gia Ý, Giáo hội quan tâm hỗ trợ các quyền cơ bản của con người". (Zenit 27-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Jerusalem: xây dựng tu viện mới nơi Chúa Giêsu làm phép lạ
Tiền Hô
09:38 29/05/2011
Jerusalem: xây dựng tu viện mới nơi Chúa Giêsu làm phép lạ

Jerusalem (Israel), 28 Tháng Năm 2011 (CNA) - Tại khu vực mà Chúa Giêsu từng làm phép lạ cho hàng ngàn người ăn no nê, các tu sĩ Dòng Biển Đức đang giám sát việc xây dựng một tu viện mới thay thế cho tu viện cũ đã bị địa chấn phá hỏng.

Cha Jeremias Marseille, OSB (một thành viên của cộng đoàn người Đức sống tại đây) nói rằng, tu viện hiện tại của họ được xây dựng trong thập kỷ 1950 với những tiêu chuẩn mà đến bây giờ đã mất đi sự an toàn.

Cha nói với Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ (Aid to the Church in Need): "Trên tường các phòng đều có những vết nứt 45 độ và cả căn nhà bị dịch chuyển vì chúng tôi sống tại một khu vực bắt nguồn địa chấn trong thung lũng Jordan".

Lý do thứ hai "quan trọng" hơn, đó là cộng đoàn cần chuyển đến một tu viện mới, "nơi mà đời sống tu sĩ có thể thăng tiến và phát triển".

Mỗi ngày, cộng đoàn này đón tiếp một số lượng lớn khách hành hương và khách du lịch, đôi khi có thể lên đến 5.000 người. Các tu sĩ cần một nơi để lánh mặt và suy tư, cũng là nơi để họ gặp gỡ với những bạn trẻ mà họ phục vụ: đó là các bạn trẻ khuyết tật từ Israel và Bờ Tây.

Cha Jeremias giải thích rằng, điều quan trọng là cần lánh về một nơi yên tĩnh để tìm gặp Thiên Chúa, và tu viện mới sẽ tạo chốn riêng tư cho họ. Các tu sĩ đã trích lời của Chúa Giêsu trước khi làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút".

Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đang hỗ trợ cho dự án này với 70.000 Mỹ Kim để xây dựng tu viện. Tu viện mới sẽ được trang bị máy điều hòa không khí, đây là đặc tính cần thiết trong một khu vực mà nhiệt độ có thể lên đến 122 độ F tại thời điểm nóng nhất trong ngày.

Cha Jeremias nói: "Các tu sĩ và khách khứa cần một căn phòng mà cả ngày lẫn đêm họ có thể yên tĩnh cầu nguyện, tách biệt khỏi đám đông xung quanh".

Công trình mới này cũng sẽ có thể chịu đựng được các cơn địa chấn thường kỳ. Việc xây dựng các phòng riêng trong tu viện gần như đã hoàn tất. Nhà thi công sẽ sớm bắt đầu chái phía tây, bao gồm tu viện mới.

Cha Jeremias nói: "Chúng tôi có kế hoạch hoàn thành việc xây dựng phần thô toàn bộ tu viện vào Tháng Mười, và chúng tôi hy vọng sẽ chuyển vào ở cuối Tháng Năm năm sau".

Theo các tu sĩ, ngôi nhà thờ "Phép Lạ Hóa Bánh Và Cá Ra Nhiều" do Hiệp hội người Đức tại Thánh Địa xây dựng vào năm 1982, trên khu đất của một nhà thờ Byzantine bị người Ba Tư phá hủy năm 614. Kết cấu kiến trúc hiện tại kết hợp với di sản các sàn khảm (mosaic) của nhà thờ thế kỷ thứ V. Cũng có một nhà thờ Syria nhỏ được xây dựng trên nền tảng hòn đá thánh làm bàn thờ tưởng niệm phép lạ của Chúa Giêsu.

Tiền Hô
 
Cuba chia tay Sứ Thần Tòa Thánh
Tiền Hô
09:39 29/05/2011
Cuba chia tay Sứ Thần Tòa Thánh

Havana (Cuba), 27 Tháng Năm 2011 (Zenit) - Với một Thánh Lễ trang trọng diễn ra hôm Thứ Hai tại Nhà thờ Chính tòa Havana, Giáo Hội tại Cuba đã chia tay vị Sứ Thần Tòa Thánh - Đức Tổng Giám Mục Giovanni Becciu, ngài vừa được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm một vị trí quan trọng tại Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Đức Tổng Giám Mục Becciu năm nay 62 tuổi, ngài đã đón nhận lòng biết ơn của Chủ tịch Cuba Raul Castro về những đóng góp cho mối quan hệ hiện nay giữa Vatican và Cuba, mà ông gọi là tích cực.

Trong khi đó, Đức Hồng Y Jaime Ortega - Tổng Giám Mục của Havana thì tạ ơn Thiên Chúa vì những "việc làm hiệu quả" mà Đức Tổng Giám Mục Becciu đã thực thi.

Sau một năm ở Cuba, ngày 10 Tháng Năm vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Becciu đã được bổ nhiệm làm "sostituto" tại Phủ Quốc Vụ Khanh.

Đức Hồng Y Ortega nói, "Mặc dù giữa chúng ta chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi, Đức Tổng Giám Mục Sứ Thần đã có thể chiếm được tình cảm và trái tim của chúng tôi".

Các quan chức Cuba cũng tham dự Thánh Lễ này.

Trong bài phát biểu chia tay, Đức Tổng Giám Mục Becciu bày tỏ lòng biết ơn của mình cho những gì mà ngài thu được trong thời gian ở đất nước Cuba, ngài nhấn mạnh sự tiếp đón mà ngài nhận được trong tất cả các cộng đồng mà ngài tới thăm. Ngài bày tỏ ước vọng rằng, những khao khát hạnh phúc và thịnh vượng của người dân Cuba sẽ thành hiện thực.

Theo một số hãng truyền thông địa phương, khi gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Becciu hôm Thứ Ba, Chủ tịch Castro mô tả mối quan hệ giữa Cuba và Tòa thánh là "tích cực".

Trong cuộc gặp gỡ này, ông Castro đánh giá cao những gì mà vị đại diện Tòa Thánh đã thực hiện trên hòn đảo này. Ông nhấn mạnh sự đóng góp của Đức Tổng Giám Mục Becciu mà "mối quan hệ tích cực hiện có giữa Tòa Thánh và Cuba được tiến triển hơn", theo ghi nhận của Đài truyền hình Quốc gia Cuba phát hình cuộc gặp gỡ.

Tiền Hô
 
Diễn Trình Đại Kết Gothenburg và vấn đề buôn bán vũ khí
Vũ Văn An
23:27 29/05/2011
Năm 2001, 3 định chế đại kết Thụy Điển (Hội Đồng Kitô Giáo Thụy Điển, Hội Đồng Truyền Giáo Thụy Điển và Hiệp Thông Hòa Giải Thụy Điển) khởi đầu một dự án phối hợp nhằm kêu gọi dư luận chú ý tới việc chuyển giao trang bị quân sự đang mỗi ngày một gia tăng, chủ yếu tới vùng phía nam của Địa Cầu. Việc gia tăng sự chuyển giao này đang phá vỡ chiều hướng tích cực nhằm giảm thiểu việc sản xuất và lan tràn vũ khí vốn lên cao cho tới cuối thập niên 1990, tiếp theo việc kết liễu Chiến Tranh Lạnh.

Cách tiếp cận mới, có liên hệ với các sáng kiến của giáo hội này, có 2 phương diện: a) Tập chú vào việc buôn bán hợp pháp các vũ khí qui ước (“từ chính phủ này tới chính phủ nọ”); b) Mọi tác nhân khác nhau vốn ưu tư tới việc giao thương và lan tràn trang bị quân sự nên tham dự tích cực vào cuộc đối thoại nhằm gia tăng hiểu biết tính phức tạp của vấn đề.

Trong nhiều năm qua, sáng kiến này được biết dưới danh hiệu “Diễn Trình Gothenburg”. Viện Sự Sống Và Hòa Bình (The Life & Peace Institute) sau đó đã tham gia Diễn Trình. Một loạt các hội nghị quốc gia, miền và hoàn cầu đã được tổ chức. Hai hội nghị đầu đã được tổ chức tại thành phố Gothenburg, Thụy Điển, trong các năm 2001 và 2004. Hội nghị đại kết thứ ba được tổ chức tại Nairobi năm 2007. Giữa các hội nghị hoàn cầu này, một số cuộc hội thảo nhằm để tham khảo ý kiến đã được tổ chức (xem www.gothenburgprocess.org)

Lịch sử Diễn Trình

Hiện nay, các tổ chức lãnh đạo đứng đàng sau Diễn Trình Gothenburg, ngoài 3 tổ chức đại kết nêu trên, còn có Viện Sự Sống Và Hoà Bình. Tuy nhiên, diễn trình này bao gồm các giáo hội và các tổ chức có liên hệ với các giáo hội khắp nơi trên thế giới. Vì đây là một sáng kiến đại kết tụ họp các giáo hội và mọi tổ chức có liên hệ đến các giáo hội chung quanh vấn đề buôn bán vũ khí. Diễn trình này lấy khởi điểm là chiều kích đạo đức của việc sản xuất, buôn bán và lan tràn các trang bị quân sự.

Trong diễn trình này, các giáo hội và các tổ chức giáo hội làm việc với nhau trong tinh thần đại kết, với mục đích nâng cao sự hiểu biết và kiến thức về các thách thức đạo đức do việc buôn bán vũ khí đem lại. Diễn Trình cũng khuyến khích cuộc đối thoại có tính bao hàm và xây dựng với kỹ nghệ quốc phòng, với các thẩm quyền kiểm soát và với các quân lực.

Diễn trình này khởi đầu với Hội Nghị Đại Kết Thứ Nhất về Buôn Ban Vũ Khí tổ chức tại Gothenburg, Thụy Điển hồi tháng Sáu năm 2001, và do sự chủ đạo của Hội Đồng Kitô Giáo Thụy Điển và Hiệp Thông Hòa Giải Thụy Điển. Việc gia tăng buôn bán vũ khí trên thị trường quốc tế và việc nhanh chóng liên hợp và tái cấu trúc hóa kỹ nghệ quốc phòng Âu Châu đã tạo nên bối cảnh cho sáng kiến tổ chức hội nghị đầu tiên này. Như thế, tập chú là chủ yếu nhằm vào Âu Châu, để tạo ra một mạng lưới Âu Châu gồm các giáo hội và tổ chức giáo hội để theo dõi và bình luận về chiều kích Âu Châu đang xuất hiện của việc buôn bán vũ khí. Một mục tiêu quan trọng ngay lúc đầu này là tạo ra một diễn đàn đối thoại với những tác nhân chính trong vấn đề buôn bán vũ khí. Như thế, hội nghị hội tụ các đại biểu của các giáo hội khác nhau của lục địa Âu Châu, các tổ chức phi chính phủ có liên hệ với các giáo hội, các thẩm quyền kiểm soát xuất cảng, kỹ nghệ quốc phòng và các chuyên viên về buôn bán vũ khí.

Hội nghị đầu tiên xác nhận nhu cầu cần có dấn thân và hợp tác nhiều hơn chung quanh vấn đề buôn bán vũ khí. Cuộc Hội Nghị Đại Kết lần thức hai về Buôn Bán Vũ Khí được tổ chức hồi tháng 5 năm 2004, cũng tại Gothenburg và cũng do hai tổ chức trên điều hợp cùng với Hội Đồng Truyền Giáo Thụy Điển. Trong hội nghị này, viễn tượng được mở rộng để có cái nhìn hoàn cầu về buôn bán vũ khí, và các tham dự viên cũng bao gồm nhiều đại diện từ bên ngoài Âu Châu. Hội nghị nhấn mạnh tới tầm quan trọng phải có các cố gắng hơn nữa theo chiều hướng vừa nói. Từ nay, Diễn Trình Gothenburg kể như đã thành hình.

Khởi điểm đạo đức học

Hiện tượng phát triển buôn bán và chuyển giao vũ khí càng ngày càng trở nên có tính hoàn cầu này, vì có hiệu quả gia tăng các tranh chấp bạo lực và tạo ra một nền văn hóa phản sự sống, nên không phù hợp với giáo huấn của Chúa Kitô. Như thế, các giáo hội có nhu cầu phải đáp ứng thực tại này về phương diện thần học và đạo đức học.

Diễn Trình tin rằng hòa bình công chính là điều có thể thực hiện được, cho nên người ta phải tập chú vào vấn đề làm cách nào tạo ra các điều kiện và khởi dẫn các diễn trình có cơ may giảm thiểu hóa việc sử dụng bạo lực càng nhiều càng hay. Nhìn nhận con người có những điểm yếu chung, nên ta phải tạo ra và củng cố các mối liên hệ tin tưởng lẫn nhau ngõ hầu đạt được một nền an ninh chân thực và lâu bền. Nền an ninh này đòi phải giải thoát con người khỏi các đe dọa cùng khắp đối với đời sống, sự an toàn và quyền lợi của họ.

Diễn Trình khẳng định rằng ta không thể đạt được loại hòa bình mà các giáo hội vốn hằng cầu xin bằng việc quân sự hóa và chủ nghĩa quân phiệt, trong đó, việc sản xuất và buôn bán vũ khí từng là một đòi hỏi tiên quyết quan yếu. Việc lan tràn vũ khí quá đáng đang đặt con người vào nguy cơ bất ổn gia tăng, dễ bị thương tổn và sợ hãi. Thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức quanh việc buôn bán vũ khí khắp hoàn cầu và xem sét các hậu quả của việc này, do đó, có tầm hết sức quan trọng trong cố gắng hướng tới một nền hoà bình công chính.

Các mục tiêu của Diễn Trình đại kết Gothenburg

Diễn Trình Gothenburg nhằm tăng cường cam kết của các giáo hội và các tổ chức giáo hội trong các vấn đề buôn bán vũ khí và khuyền khích sự hợp tác đại kết quanh các vấn đề này. Một đặc điểm quan trọng của diễn trình này là tinh thần cởi mở và đối thoại giữa các giáo hội, xã hội dân sự, kỹ nghệ quốc phòng và các thẩm quyền cấp giấy phép. Một trong các mục tiêu là tiếp tục cuộc đối thoại có tính bao hàm này một cách xây dựng.

Tập chú của Diễn Trình là nhắm và bao gồm cả phía sản xuất/bán lẫn phía tiếp nhận việc bán vũ khí. Một chiều kích quan trọng trong diễn trình này cũng còn là để xét xem hiệu quả của việc buôn bán vũ khí liên hệ gần gũi ra sao với vấn đề phát triển con người lâu bền và nhân quyền. Mặc dù diễn đàn của diễn trình đại kết được lập thành bởi các giáo hội và tổ chức giáo hội Kitô Giáo, nhưng cương lĩnh khẳng định rằng cuộc thảo luận phải được nới rộng để bao gồm đại diện của các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau để cùng làm việc vì ích chung cho mọi người, dựa trên các giá trị và nguyên tắc chung.

Đóng góp của Công Giáo

Thoạt nghe tên các tổ chức giữ vai chủ đạo trong diễn trình Gothenburg, người ta tưởng đây là một sáng kiến của anh em Tin Lành. Thực ra, không hẳn thế, đây quả là một sáng kiến đại kết, mà phần đóng góp của Công Giáo không hề nhỏ nhoi.

Thực vậy, ngay trong hội nghị đầu tiên tại Gothenburg năm 2001, đại diện Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh là ông Kishore Jayabalan đã đọc một tham luận sâu sắc tựa là “Hòa Bình, Công Lý và Việc Buôn Bán Vũ Khí: Các Thách Đố Cho Hành Động Tương Lai”. Kishore, hiện là giám đốc của Viện Acton tại Rôma, nhưng năm 2001, làm việc tại Hội Đồng nói trên của Tòa Thánh với chức vụ chuyên viên phân tích các vấn đề môi sinh và giải giới. Trước đó, năm 1996, ông được chính Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp nhận vào đạo Công Giáo tại Rôma, lúc đang học hậu đại học. Năm 1997, ông được đề cử vào Sứ Bộ Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại LHQ ở New York. Hai năm sau, ông trở lại Rôma và làm việc cho Hội Đồng Công Lý Và Hòa Bình (thời Đức HY Thuận?).

Kishore cho rằng, ngoài nhiều chủ đề quan tọng khác, Hội Đồng Công Lý Và Hoà Bình rất lưu ý tới vấn đề buôn bán vũ khí quốc tế. Ngay từ 1994, Hội Đồng đã thảo luận phạm vi và tầm nghiêm trọng của vấn đề này và kêu gọi cộng đồng quốc tế làm việc cho hòa bình “bằng cách liên kết việc tổ chức an ninh tập thể với việc tìm cách để giải giới cách hữu hiệu và có thể kiểm chứng được”. Ông không muốn đi vào chi tiết, chỉ xin trình bày một vài nguyên tắc đạo đức được Hội Đồng hết sức cổ vũ.

Điều đầu tiên là chủ trương chống chiến tranh và kêu gọi mọi người làm mọi cách có thể để tránh chiến tranh. Nhưng nguyên tắc tiếp liền sau đó là quyền tự vệ chính đáng và bổn phận phải giúp người vô tội. Nguyên tắc vừa đủ (sufficiency) khẳng định rằng một quốc gia chỉ nên sở hữu những phương tiện cần thiết để bảo đảm việc phòng thủ chính đáng; nguyên tắc này cũng đòi các quốc gia phải tìm cách tránh việc tích lũy quá nhiều vũ khí. Điều cuối cùng là thừa nhận rằng “vũ khí không giống như các hàng hóa khác” và phải lưu ý tới mối liên hệ giữa vũ khí và bạo lực, tuy nhiên không nên quên rằng sở hữu vũ khí có thể là một gián chỉ (deterrent).

Kishore cũng nhấn mạnh rằng: Hội Đồng Giáo Hoàng hết sức lưu ý tới trách nhiệm của cả các quốc gia xuất cảng lẫn các quốc gia tiếp nhận vũ khí và kêu gọi cho có nhiều luật lệ quốc tế về việc chuyển giao vũ khí cũng như hoàn toàn ngăn cấm một số loại vũ khí. Khi liên kết việc buôn bán vũ khí với “các tranh chấp, các cuộc hành quân đánh thuê, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy và nhiều hoạt động gây bất ổn khác”, Hội Đồng cũng nhấn mạnh tới nhu cầu phải có “các cơ cấu hòa bình quốc tế” và việc “phát triển toàn bộ các dân tộc”.

Nhân dịp này, Kishore nhắc lại một số phát biểu của các vị giáo hoàng thời danh về việc buôn bán vũ khí. Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII chẳng hạn, năm 1963, từng than phiền về “những kho vũ trang to lớn vốn đã và hiện còn đang được thực hiện tại các quốc gia mở mang về kinh tế, sử dụng đến biết bao tài nguyên trí thức và kinh tế” (Pacem in Terris, số 109). Còn Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, thì trong Thông Điệp đầu tiên tức TĐ “Redemptor Hominis” đã viết rằng: “Thay vì cơm bánh và sinh hoạt văn hóa, các nhà nước và quốc gia vừa thu hồi độc lập đang được cung cấp, nhiều khi dư thừa, các vũ khí và phương tiện hủy diệt tân tiến để phục vụ các cuộc tranh chấp và chiến tranh có vũ trang nhiều khi không hẳn do nhu cầu bảo vệ các quyền chính đáng và nền tự trị của mình cho bằng là một hình thức của chủ nghĩa sô-vanh, đế quốc, và tân thực dân loại này hay loại khác” (số 16). Trong thông điệp gửi Phiên Họp Đặc Biệt Lần Thứ Hai của LHQ về Giải Giới năm 1982, ngài “lên án cuộc chạy đua vũ khí, [và] kêu gọi một sự tài giảm vũ trang hỗ tương từ từ và có thể kiểm chứng được” (số 5). Rồi trong các thông điệp “Sollicitudo Rei Socialis” và “Centesimus Annus”, ngài nói tới gánh nặng do việc buôn bán vũ khí đặt lên vai các quốc gia đang phát triển.

Sau khi lược qua một số cải thiện đó đây về hiện tình buôn bán vũ khí, Kishore lưu ý tới các thách đố trước mắt liên quan tới hoà bình, công lý và buôn bán vũ khí. Điều đặc biệt, theo Kishore, là sự hiện diện của tội lỗi trên thế giới. Điều này không hẳn nằm trong ý thức của các nhóm hòa bình và giải giới thế tục, nhưng thực tại của tội buộc ta phải tránh những đồ án ảo tưởng mà kết quả chỉ là chán chường, vỡ mộng, nổi giận không cần thiết và vô bổ.

Tuy nhiên, thực tại của tội không hẳn là đường cùng và cam kết không phạm tội vẫn chưa đủ để tạo lập hòa bình. Dù con người thi đua chém giết nhau, hòa bình vẫn là điều không những đáng mong ước mà còn có thể thực hiện được. Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng của Vatican II từng vẽ lại viễn tượng “đúc gươm thành lưỡi cày” của tiên tri xưa. Viễn tượng này không phải chỉ là lòng uớc mong đạo hạnh. Nó nhìn nhận thực tại của tội và rất ý thức được các trở ngại đối với hòa bình, vì nó cho rằng gươm chỉ thành lưỡi cày khi con người tới với nhau trong tình bác ái.

Kishore cũng cho rằng nguyên ý niệm giải giới chưa đủ để mang lại hòa bình, như Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo vốn dạy: “Không thể đạt được hòa bình trên thế giới nếu không bảo vệ thiện ích của con người, tự do thông đạt giữa con người, kính trọng phẩm giá con người và các dân tộc, và chuyên chăm thực hành đức ái” (số 2304).

Vấn đề là làm sao con người đến với nhau một cách tập thể trong tình bác ái? Kishore cho hay ông không có khả năng đưa ra câu trả lời. Ông chỉ xin trích dẫn Thánh Augustinô và câu định nghĩa thời danh của ngài về hòa bình (Cuốn XIX Kinh Thành Thiên Chúa): “Hòa bình giữa con người và Thiên Chúa là việc tuân phục một cách có trật tự của đức tin đối với luật vĩnh cửu. Hòa bình giữa người với người là sự hoà hợp có trật tự giữa các công dân. Hoà bình của kinh thành thiên quốc là được vui hưởng Thiên Chúa một cách hoàn toàn trật tự và nhịp nhàng, và vui hưởng nhau trong Thiên Chúa. Hòa bình của mọi sự là sự thanh bình của trật tự”. Hòa bình như thế là hoà bình tích cực, không phải là việc thiếu bóng chiến tranh, mà là một nối kết giữa nó và trật tự linh hồn, giữa nó và cộng đồng có trật tự, nói cách khác giữa nó và công lý.

Theo Kishore, hòa bình không tĩnh tụ, không bằng lời hay xúc cảm. Muốn có nó phải có sự đáp ứng và hợp tác cách nào đó của các chế độ ta đang sống bên trong cũng như dân sự phải kiểm soát quân sự. Nói cách khác, phải làm sao buộc mọi chính phủ (không phải chỉ các chính phủ phát triển) “tính sổ” (accountable) việc buôn bán vũ khí. Nhưng như Thánh Augustinô đã nhấn mạnh, chính trị mà thôi chưa hoàn hảo hóa được con người trong xã hội. Vì không hề có một hệ thống chính trị hoàn toàn công chính. Việc can dự vào diễn trình chính trị luôn đòi người ta thỏa hiệp, thích ứng. Mỗi hoàn cảnh đều đòi một giải pháp chính trị khác nhau cho các vấn đề khác nhau của công lý. Nguyên tắc phụ đới (subsidiarity) đòi cho các cá nhân, các gia đình và các cộng đồng địa phương được quyền tự do thực hành lý trí và ý chí của họ để tìm giải pháp cho các vấn đề riêng của họ.

Cái hiểu công lý này sẽ tránh được việc người ta cần đến vũ khí. Không có nó, người ta sẽ vướng vào vòng luẩn quẩn chết người. Kishore nhận định rằng như một chính sách ngoại giao, các chính phủ có khuynh hướng giúp bạn bè và gây hại cho kẻ thù. Tuy nhiên, trong thế giới ngoại giao quốc tế phức tạp ngày nay, bạn bè và kẻ thù của người ta thường hay thay đổi; vũ khí bán cho một đồng minh hôm nay dễ dàng được sử dụng chống lại bạn khi đồng minh này trở thành kẻ thù trong tương lai…

Về khía cạnh “tới với nhau trong tình bác ái”, Kishore cho rằng một trong các con đường dẫn tới đó là vận dụng các tài nguyên giáo dục. Các học đường Kitô Giáo mà phần lớn được các tu sĩ nam nữ điều hành quả đang cổ vũ công lý và hòa bình bằng việc giáo dục người ta thực hành nhân đức, là thứ sẽ thiết lập được trật tự cả trong linh hồn lẫn ngoài xã hội. Việc giáo dục này càng quan trọng nơi các xã hội bị chiến tranh tàn phá, vì chính tại đây, các tổ chức tôn giáo thường duy trì sự hiện diện của mình lâu hơn nhiều sau khi sức chú ý của truyền thông Tây Phương đã tàn lụi. Ông cũng cho rằng tại các nước sản xuất vũ khí nhiều nhất, phần lớn các viên chức quân đội, tình báo và chấp pháp là sản phẩm của hệ thống giáo dục Kitô Giáo. Cho nên thay vì là người cổ vũ hay về phe phái trong một vấn đề nào đó, Giáo Hội luôn tìm cách trở thành thầy dạy và do đó gây ảnh hưởng tới xã hội bằng cách này, bằng cách chỉ cho họ thấy đối thoại và hợp tác có thể giải quyết được một cách hòa bình các khó khăn và căng thẳng, không cần dựa vào vũ khí. Nhờ thế, lấp được khoảng phân cách dường như ngày càng rộng hơn giữa chính trị và đạo đức, giữa luật pháp và luân lý trong xã hội hiện đại.

Chủ tịch Diễn Trình

Sự đóng góp của Công Giáo vào Diễn Trình Gothenburg không phải chỉ có Kishore Jayabalan, mà nổi hơn cả là Đức Cha William Kenney, Dòng Khổ Nạn (Passionist). Ngài được cử làm giám mục phụ tá của Stockholm, Thụy Điển, từ năm 1987 và từ năm 2000 đã tham gia Diễn Trình này trong tư cách chủ tịch. Hiện nay, ngài vẫn giữ vai trò này, dù từ năm 2006, ngài được cử làm giám mục phụ tá của Tổng Giáo Phận Birmingham, Anh. Ngài luôn đóng vai trò tích cực trong tất cả các hội nghị của Diễn Trình, tại Gothenburg (201, 2004) cũng như tại Nairobi (2007) và các cuộc hội thảo khác.

Tin của hãng Independent Catholic News, ngày 28 tháng 5 vừa qua, đưa tin ngài vừa hướng dẫn một buổi tập huấn (workshop) về Diễn Trình Gothenburg tại Hội Nghị Đại Kết Hòa Bình Quốc Tế tại Kingston, Jamaica, ngày 24 tháng 5, do Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới tổ chức.

Mục đích của Hội Nghị trên là “khuyến khích các cá nhân và các giáo hội tái tục như mới cam kết của họ đối với bất bạo động, hòa bình và công lý”. Hội Nghị nhằm 4 lãnh vực: “Hòa Bình trong Cộng Đồng”, “Hòa Bình với Trái Đất”, “Hòa Bình nơi Thị Trường” và “Hòa Bình giữa Các Dân Tộc”. Hội nghị có sự tham dự của người Công Giáo, người Thệ Phản và người Chính Thống Giáo.

Trở về Anh, Đức Cha Kenney cho báo chí hay: Khoảng 30 đại biểu đại diện cho các giáo hội tại Phi Châu, Á Châu, Âu Châu, Châu Mỹ La Tinh và Trung Đông đã tham dự buổi tập huấn kéo dài 2 tiếng của ngài. Đây là 1 trong 50 buổi tập huấn được tổ chức cùng một lúc ở nhiều nơi.

Đức Cha Kenney, cũng là phát ngôn viên về Âu Châu của Hội Đồng Giám Mục Anh và Wales, cho hay: mục đích buổi tập huấn của ngài là khuyến khích các giáo hội coi trọng trách nhiệm của họ đối với vấn đề buôn bán vũ khí nhỏ. Ngài định nghĩa vũ khí nhỏ là những vũ khí mà các cá nhân binh sĩ, quân khủng bố hay tội phạm có thể mang theo.

Theo ngài, các đại biểu tham dự hết sức ngạc nhiên trước số lượng vũ khí nhỏ được trao đổi buôn bán trên thế giới ngày nay. Trong các hòan cảnh tranh chấp hiện tại, phần lớn người ta bị loại vũ khí nhỏ này sát hại hay làm cho bị thương. Ngài hy vọng, từ buổi tập huấn này trở về, họ sẽ giúp phổ biến sứ điệp của Diễn Trình, làm cho quê hương họ ý thức được vấn đề.

Đức Giáo Hoàng Bênêđícô XVI có đề cập tới Hội Nghị Đại Kết Hòa Bình Quốc Tế trong buổi nguyện Kinh Regina Coeli tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Chúa Nhật ngày 22 tháng 5 vừa qua. Ngài khen ngợi công việc của hơn 1,000 đại biểu tụ họp nhau để cùng thăm dò các phương cách tiến tới một nền hoà bình công chính trên thế giới. Đức Thánh Cha nói: Ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho ý hướng cao thượng này và tái cam kết dấn thân cho việc loại trừ bạo lực trong gia đình, trong xã hội và trong cộng đồng quốc tế”.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đường Chim Bay – Fly Up High
Richard Drysdale
21:47 29/05/2011
ĐƯỜNG CHIM BAY – Fly Up High.
Ảnh của Richard Drysdale
Mộng đẹp và mây ngang trời
Theo bầy chim bay đi mất
Nhưng anh hiện hữu nơi đây
Tình yêu là điều có thật!
(Trích thơ của Hoa TiNa)
Fly Up High
In The Sky
Spread Your Wings
And Do Your Things
Fly Like A Bird
Or Like A Herd
Wanna Fly Away From Here
So I Could Just Be Heard
(By Andrea)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền