Ngày 29-05-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình yêu hy sinh và trao ban
Lm Antôn Trung Thành
09:04 29/05/2016
LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU – C

TÌNH YÊU HY SINH VÀ TRAO BAN

Năm 1597, lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở Công Giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tồi tệ. Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai Linh mục cùng nhiều ảnh tượng giải về Kyoto. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra bên ngoài! Tsukamoto là một nhà nho uyên thâm có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh Trái Tim Chúa Giêsu coi qua rồi vất vào sọt rác. Nhưng đến tối ông nhớ lại và ngẫm nghĩ chắc hẳn mẫu ảnh này phải có ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại để trên bàn và suy nghĩ.

Trời đã về khuya mà quan ngồi bất động một mình với mẫu ảnh trước mặt. Mãi đến một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhõm, khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới tấm ảnh mấy chữ: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả.” Rồi ông đặt mẫu ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu trên bàn làm việc cách kính cẩn.

Một hôm, một người bạn đến chơi thấy vậy hỏi: “Thế nào, ông bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?” Vị quan trả lời: “Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng, nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích mẫu ảnh này. Phải chăng đây là bức ảnh nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo? Ông bạn thử nghĩ coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì hữu tâm, còn đối với bản thân mình thì vô tâm. Cho nên họ mới vẽ trái tim lộ ra bên ngoài. Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời. Còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra để giúp đời giúp người. Nội dung bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cả bài học từ bi của Phật, khoan dung hơn đức nhân của Khổng Tử, cao siêu hơn cái vô ngã của Lão, mạnh hơn cái dũng của thần đạo Nhật Bản. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm tới tư lợi, thì quả là điều ngay chính của thiên hạ.”

Lời giải thích của ông Tsukamoto trên đây giúp chúng ta hiểu hơn về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thật vậy, suốt cuộc đời Ngài đã quên bản thân mình vì nhân loại chúng ta, đó thực sự là một tình yêu hy sinh và trao ban.

Vì yêu thương, Ngài đã chấp nhận hạ mình xuống làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Một vị Thiên Chúa nhưng chấp nhận sinh ra trong đêm đông lạnh lẽo nơi hang đá bò lừa. Ngài chấp nhận làm con một gia đình nghèo ở Nazareth. Chưa đầy hai tuổi đã phải trốn chạy sang Aicập vì bị Hêrôđê lùng bắt. Trong suốt ba mươi năm sống âm thầm tại Nazaréth, Ngài chấp nhận làm nghề thợ mộc với Thánh Giuse để nuôi sống gia đình.

Vì yêu thương, Ngài như người mục tử luôn quan tâm và chăm sóc đoàn chiên, sẵn sàng bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc (Lc 15, 3-7); Ngài chăn dắt đoàn chiên và kiểm soát chúng (Ed 34, 11-16); Ngài chăn dắt đoàn chiên trong đồng cỏ xanh tươi (Tv 22, 1-3. 4. 5. 6). Trong ba năm cuộc đời sống công khai, Ngài vất vả rảo khắp mọi nẻo đường để rao giảng Tin mừng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 18,20). Vì yêu thương, Ngài đã không ngừng làm phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại…

Vì yêu thương, Ngài đã tuyển chọn và huấn luyện các Tông đồ. Ngài đã thiết lập Giáo Hội và trao quyền cho các Tông đồ tiếp tục công việc của Ngài cho đến tận thế.

Vì yêu thương, Ngài đã chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn, bị bắt bớ, đánh đập, đội mạo gai, vác thập giá, chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Ngài đã đổ hết giọt máu cuối cùng vì yêu thương nhân loại. Đó là tột đỉnh của mọi tình yêu như lời Ngài đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Vì yêu thương, Ngài đã trao ban những gì mình có cho nhân loại. Ngài đã thiết lập các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể để ở lại với nhân loại cho đến ngày tận thế. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài trao ban chính người Mẹ yêu quý cho Thánh Gioan đại diện cho nhân loại. Ngài trao ban Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ và các kitô hữu.

Đúng như ông Tsukamoto diễn tả về Ngài qua hình ảnh Thánh Tâm: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả.” Đó là một tình yêu hy sinh quên mình, tình yêu trao ban hết tất cả những gì mình có cho nhân loại.

Thánh Tâm Chúa đã hy sinh và trao ban tất cả cho chúng ta như vậy, chúng ra cần phải làm gì? Có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu mến của chúng ta, xin được gợi ý vài cách thế sau đây:

Thứ nhất, phải có lòng tôn sùng Thánh Tâm Người. Đức Giáo Hoàng Piô X viết: “Việc tôn thờ Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về Tình Yêu Thiên Chúa, bởi vì Tình Yêu, vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các linh hồn, các gia đình và các quốc gia.” Chúng ta có thể tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu bằng cách: tôn kính ảnh Thánh Tâm; giữ các ngày lễ thứ sáu đầu tháng; sám hối ăn năn xưng tội và dọn mình rước lễ thường xuyên; dâng mình cho Thánh Tâm Chúa mỗi ngày…Đặc biệt là phải giữ Lời Chúa như Chúa Giêsu đã khẳng định: « Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ các điều răn của Thầy » (Ga 14, 15).

Thứ hai, hãy luôn biết yêu thương tha nhân, yêu như Chúa yêu. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15,12). Yêu thương như Chúa là biết hy sinh và trao ban. Chúng ta hãy trao ban sức khoẻ và khả năng của mình để hy sinh phục vụ tha nhân, phục vụ cộng đoàn, phục vụ Giáo Hội, phục vụ xã hội…Phục vụ con người cả hai phần hồn xác, như kinh thương người có mười bốn mốn dạy ta. Thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn; cho kẻ khát uống; cho kẻ rách rưới ăn mặc; viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; cho khách đỗ nhà; chuộc kẻ làm tôi; chôn xác kẻ chết. Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành mà khuyên người; mở dạy kẻ mê muội; yên ủi kẻ âu lo; răng bảo kẻ có tội; tha kẻ dể ta; nhịn kẻ mất lòng ta; cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Ngoài ra, yêu như Chúa yêu là biết “Đem yêu thương vào nơi oán thù.” Chúng ta đang sống trong một xã hội vô cảm, tội ác lan tràn. Ra đường, người ta không ngần ngại chém giết lẫn nhau chỉ vì một cái nhìn, một lời nói, một sự va chạm…Về nhà, vợ chồng, cha mẹ con cái không còn biết lắng nghe nhau, thậm chí lừa lọc nhau, sống với nhau không còn bằng trái tim yêu thương mà chỉ bằng sự hời hợt bên ngoài. Mọi người trở nên vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, có khi đó là của những người thân. Xin cho tất cả mỗi người chúng ta có được trái tim luôn đồng cảm với tha nhân để luôn biết hy sinh và trao ban tình yêu của mình cho đồng loại.

Hôm nay cũng là ngày xin ơn thánh hoá các Linh mục. Các linh mục là hiện thân của Chúa Kitô, thay mặt Chúa để phục vụ, nuôi dưỡng và chăm sóc đàn chiên của Ngài. Nhưng các Ngài cũng mang trong mình thân phận yếu đuối của con người, cần ơn Chúa trợ giúp. Vì vậy, chúng ta cầu nguyện nhiều cho các linh mục để các ngài nên giống Chúa Kitô vị Mục Tử Tối Cao.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
 
Trái Tim Thiên Chúa Thương Xót Tội Nhân
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
09:05 29/05/2016
Trái Tim Thiên Chúa Thương Xót Tội Nhân

Suy Niệm lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Năm - C

(Lc 15, 3-7)

Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu với lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa là Đấng có Trái Tim đầy lòng thương xót đối với tội nhân. Chính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu khi còn trên Thánh Giá đã bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta (Ga 19, 31-37). Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo Hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện. Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong cảnh cơ hàn. (Ca nhập lễ)

« Người ấy mừng rỡ, và vác chiên lên vai »

Đây là một hành động tuyệt đẹp phát xuất từ trái tim của người chăn chiên (mừng rỡ) khi tìm thấy chiên lạc và (vác chiên lên vai). Đoạn văn ngắn ngủi này (Lc 15, 3-7) không ngừng gây xúc động cho con người, và gợi lên nhiều ý nghĩa mới mỗi lần cho người đọc cũng như người nghe. Nó có sức nói về Thiên Chúa, đúng hơn, cho chúng ta biết khuôn mặt của Thiên Chúa là Cha Đấng giầu lòng thương xót, và hơn thế nữa, Trái Tim của Thiên Chúa nhân hiền, vì yêu thương đã tạo dựng nên chúng ta và cho chúng ta có trái tim, Người cũng đau khổ khi chúng ta lầm lạc và ăn mừng khi chúng ta trở về : « Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc! » (Lc 15, 6). Dựa vào lời Chúa Giêsu, ta thấy tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa hơn : « Trên Trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải» (Lc 15, 7).

Quả thật, trái tim của Thiên Chúa rung động vì cảm thương! Tình thương ấy thể hiện qua sự sẵn sàng tha thứ, nhẫn nại đợi chờ tội nhân trở về, không khinh rể kẻ có tội, nhưng sẵn sàng hạ mình, cất công đi tìm kiếm, vui mừng khi tìm thấy, tha thứ và đưa chiên về đàn. Thiên Chúa đi tìm kiếm tội nhân không phải vì Thiên Chúa cần gì nơi họ, nhưng chỉ vì Thiên Chúa muốn ban phát một tình yêu vô điều kiện và chia sẻ hạnh phúc cho người Chúa yêu thương. Thiên Chúa muốn ôm ấp tội nhân vào lòng, để ngực áp ngực sao cho họ cảm nhận được nhịp đập yêu thương của Trái Tim Chúa. Một Trái Tim không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, kể cả từ chối lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Trong Trái Tim Chúa Giêsu chứa đựng nòng cốt của Kitô giáo.

Mỗi lần chiêm ngắm tượng, ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta thấy nổi bật hơn cả ngoài Trái Tim bị đâm thâu, là ngọn lửa bốc cháy, để « Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. » (Rm 5, 8). Còn có đôi bàn tay với những vết đanh. Chúng ta đặt mình trước Thánh Tâm Chúa và tự hỏi : Bàn tay con, lạy Chúa, đã làm những gì không phải, khiến bàn tay Chúa bị đanh đóng, và bàn chân con, đã bước đi những bước chẳng lành, để Chúa bị đóng đanh cả chân lẫn tay vào Thập giá? Câu trả lời, vì tội lỗi chúng ta, vì Chúa yêu thương loài người ta quá bội.

Biểu tượng tình yêu ấy đi xa hơn cái chết chính là cạnh sườn của Chúa bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Về điểm này, chứng nhân tận mắt là thánh Tông đồ Gioan đã quả quyết: « Một trong những người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, và tức thì máu cùng nước chảy ra » (x. Ga 19,34). Lưỡi giáo của tên lính đã mở cạnh sườn Chúa, để từ vết thương máu cùng nước chảy ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi. Sau cùng, Chúa đã chết để cho chúng ta được sống, bị chôn vùi để chúng ta được phục sinh.

Còn tình yêu nào ngọt ngào êm dịu hơn, đã được trao cho Hiền Thê ; đó chính là sự mở rộng vòng tay ôm chặt của tình yêu Chúa…Tình yêu tên trộm lành đã nhận được khi xưng thú tội lỗi ; Phêrô đã nhận được khi liếc mắt nhìn Chúa và khóc lóc van xin sau khi chối Chúa, đúng là từ ánh mắt đến trái tim. Có nhiều kẻ đóng đinh Chúa đã trở lại với Chúa sau khi Chúa Phục sinh, họ đã giao ước với Chúa bằng tình yêu. Khi Chúa ôm hôn những người tội lỗi và thu thuế, Chúa đã trở thành bạn hữu của họ và khách họ mời dự tiệc…

Vậy, Chúa đã làm gì để đưa họ về với Chúa, nếu không phải là Trái tim Chúa lôi kéo ? Trái tim Chúa Giêsu là Trái tim dịu hiền do Thần Linh ban tặng! Phúc cho những ai giữ kín trong lòng, họ được ấp ủ bởi Chúa, trong Trái tim Chúa, họ sẽ được Chúa vác trên vai, tránh khỏi những rắc rối ở đời này. Phúc cho những ai hy vọng vào sự ấm áp và chở che dưới cánh tay Chúa.

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày cầu cho ơn thánh hóa các linh mục. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: "Chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu" (số 1589).

Giáo Hội đang cần những linh mục thánh thiện; cần những thừa tác viên giúp các tín hữu cảm nghiệm lòng từ bi thương xót của Chúa và những chứng nhân đầy xác tín về tình yêu này. Xin Chúa làm cho con tim của mỗi linh mục được nồng cháy tình bác ái mục tử, có khả năng đồng hóa cái tôi của mình với cái tôi của Chúa Giêsu Linh Mục, để có thể noi gương Chúa trong sự tự hiến hoàn hảo nhất, xứng đáng là thừa tác viên của lòng thương xót Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:56 29/05/2016
55. CHẾT CŨNG KHÔNG BỎ TIỀN.
Người Vĩnh Châu rất giỏi về bơi lội.
Ngày nọ nước sông dâng cao, có năm mươi sáu người ngồi trên chiếc thuyền nhỏ vựơt qua sông Tương rất rộng, khi thuyền vừa đến giữa lòng sông liền bị lật, ai ai cũng nhôn nhao bơi để giữ lấy mạng sống.
Có một người bơi thục mạng nhưng cũng không bơi được là bao nhiêu, bạn hữu rất lấy làm kỳ cục liền hỏi:
- “Anh thường khoe khoang là anh bơi lội rất khá, tại sao hôm nay bơi sau chót vậy ?”
Anh ta thở hổn hển nói:
- “Tôi mang trong người một ngàn đồng tiền, số lượng rất nặng, cho nên bơi không nổi.”
Bạn bè khuyên anh ta mau vứt bỏ nó, anh ta lắc lắc đầu không chịu. Một lúc sau, sức lực anh ta càng kiệt quệ, những người lên bờ trước nói như thét với anh ta:
- “Anh thật là quá hồ đồ, anh thật là quá cứng đầu cứng cổ, nhân mã sắp chết chìm đến nơi, còn cần tiền làm gì nữa chứ ?”
Anh ta lại lắc đầu, nhanh như chớp, một ngọn sóng lớn ập tới nuốt chửng anh ta.
(Liễu Hà Đông tập)

Suy tư 55:
Người ta thường nói “sinh nghề tử nghiệp” nghĩa là sống nghề nào thì chết về nghề ấy.
Người giỏi về nghề điện thì bị điện giựt chết, người giỏi về nhào lộn thì chết vì nhào lộn, người giỏi bơi lội thì chết nước.v.v... trong những cái chết này, xác suất cao nhất chính là sự rủi ro, hay nói cách khác là không ai học được chữ ngờ.
“Nghề” của linh mục và các tu sĩ nam nữ là cầu nguyện, cái nghề rất ư là đặc biệt so với các nghề khác ở trần gian, cho nên cái “chết” của nó cũng rất là khác với mọi người.
Nó không phải rủi ro mà chết, cũng không phải không cẩn thận mà chết, nhưng là vì đời sống vật chất xa hoa đã làm ngộp thở đi sự cầu nguyện của các linh mục và tu sĩ, nó đã làm cho đời sống tâm linh của các ngài ra nặng nề, và lúc đó thì các ngài cảm thấy “đã thỏa mãn và hưởng thụ với những gì mình có” mà chết, khi một linh mục hay một tu sĩ nam nữ đã thỏa mãn hưởng thụ là dấu hiệu “tử nghiệp” đã đến, bởi vì lúc ấy lời cầu nguyện của họ sẽ không còn sức sống như trước, lời cầu nguyện của họ như “tiếng phèng la rổng tuếch” xa lạ vang lên bên tai giáo dân, thay vì làm họ cảm động vì Lời Chúa, thì lại khiến cho họ xa rời Chúa hơn.
Các ngài đã “chết”, vì giáo dân không còn thấy nơi họ một sự sốt sắng vì Chúa và vì Giáo Hội, các ngài đã “chết” cho nên giáo dân không còn thấy sinh khí sống động, không thấy lửa yêu mến Chúa cách nhiệt thành nơi con người của các ngài nữa.
“Lạy Đức Chúa Giê-su,
Là một linh mục của Chúa, có những lúc con cảm thấy cầu nguyện như là một gánh nặng, bởi vì còn rất nhiều việc mà con phải làm đã chiếm mất nhiều thời giờ của con, chẳng hạn như con còn phải giải trí đôi chút, con còn phải tán ngẩu với bạn bè, con còn phải lướt trên mạng, con còn phải coi một cuốn phim hay mới xuất xưởng, con còn phải lái thử chiếc xe mới mua cáo cạnh.v.v... và như thế cũng đồng nghĩa là con sẽ “tử nghiệp” trong thiên chức linh mục của mình.
Xin Chúa nhắc nhở con biết tỉnh thức và cầu nguyện trước những cám dỗ vật chất...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:58 29/05/2016

6. Vinh hoa phú quý không phải là Thiên Chúa, chỉ là hư không mà thôi. (Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Bài suy niệm tĩnh tâm Linh Mục tháng 6 /2015 Gp Phú Cường
Chân Như
18:03 29/05/2016
Bài suy niệm tĩnh tâm tháng 6 /2015 Gp Phú Cường

Thánh Tâm Chúa Giê su là lò lửa yêu mến hằng cháy, trong 1 thế giới lạnh lùng

Một xã hội ngày nay dường như vô cảm lạnh lùng và nhẫn tâm có lẽ là hệ lụy tất nhiên của một trái tim băng giá, không nhịp đập, thiếu thương xót, những chuyện đau lòng dường như xảy ra mỗi ngày trên thế giới này chẳng miễn trừ ai cả, có phải do con người không được giáo dục về lòng thương xót chăng? có chứ, nhưng càng ngày xã hội thực dụng như thắng thế làm đảo lộn những chuẩn mực xã hội hiện tại, chuyện xã hội là như thế, chuyện nhà đạo thì sao? Chúng ta có chịu ảnh hưởng của xã hội tiêu thụ và thực dụng này không? thưa có, và còn chịu nhiều tác động tiêu cực, thật thế người linh mục chúng ta nếu đi ra khỏi Thánh Tâm Chúa: “ là lò lửa yêu mến hằng cháy” chúng ta cũng sẽ bị chính những trào lưu của xã hội làm lạnh lùng băng giá đời sống linh mục. Chính Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II khi đến hành hương ở Paray-le-Monial vào năm 1986 và Ngài đã nói: “Tất cả những ai khát khao hạnh phúc thật và bền vững chỉ có thể khám phá ra được bí mật thông qua mầu nhiệm của Trái Tim đã bị thương tích của Đức Kitô mà thôi. Chính Thánh Tâm Chúa Giêsu là mẫu mực của một tình yêu tự hiến: “ Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1 ) và cái chết của Người là nhằm “ qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52) đã nói lên tình yêu của Người rất trong sáng và mãnh liệt, chẳng phải vì chúng ta đáng yêu, dễ thương đâu, chỉ vì Người là Thiên Chúa và lòng thương xót vô biên của Người, thế mà Người lại nhận lại sự hững hờ, vô tâm, bội nghĩa của nhân loại.

Nhìn vào lịch sử và truyền thống, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê su đã có từ lâu khoảng thế kỷ XI và chỉ mang tính cách cá nhân, và đến thế Kỷ XVI nhờ sự nhiệt tâm của thánh Gioan Eudes (1602-1680) lòng sùng kính này được lan truyền nhiều nơi, nhưng đến khi nhờ thị kiến của thánh nữ Margaret Mary Alacoque (1647- 1690) thì lòng tôn sùng mới lan rộng ra toàn cầu, để đền bồi cho Trái Tim Chúa vì những vô ân bạc nghĩa của loài người đối với sự hy sinh cao cả của Chúa Giê su. Thánh Tâm Chúa Giê su là hiện thân không chỉ về trái tim về thể lý mà còn là tình yêu thương dành cho nhân loại. Vào thập niên 90 thế kỷ 20 lúc đó ở Việt Nam thịnh hành một số ca khúc hải ngoại, có một bài hát và lời bài hát cứ rên rỉ: “ trái tim ngục tù, trái tim ngục tù, anh yêu em đến ngàn thu”, nhưng trước đó thì lời nhạc là: “ trái tim đã nhiều lần chạy trốn tình yêu….” Thanh niên lúc đó say mê nghe như điếu đổ, dĩ nhiên vì lúc đó bài hát này là hàng hiếm và thực chất ra nó là một tâm trạng đang thiếu thốn tình cảm. Phải chăng chúng ta cũng đã nhiều lần chạy trốn tình yêu của Chúa, khi mà chính Chúa đã đi bước trước: “ Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái” (Ga 15,16) Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, dầu chúng ta bất xứng, chẳng là gì đối với Người, vậy mà Người vẫn tha thiết kêu mời: “ anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9) Trái Tim Chúa không chạy trốn tình yêu, thậm chí vì yêu mà Người chịu bầm dập, bị mắng nhiếc hạ phẩm giá mình và chết ô nhục trên Thánh Giá, chịu đóng đinh cùng với những người trộm cắp, (xem Mt 27, Ga 19) còn chúng ta thật sự nhiều lần đã chạy trốn tình yêu của Chúa và tình yêu với tha nhân vì chúng ta đóng cửa trái tim và thiếu sự ở lại trong tình yêu của Chúa, chính vì không có sự liên kết mật thiết giống như cành nho với cây nho đích thực là Đức Giê su mà trái tim chúng ta khô héo, không có khả năng sinh hoa trái ( xem Ga 15, 4-5)

Linh mục với giáo dân

Đối với giáo dân nhiều khi trái tim chúng ta đã khô cứng, vì thiếu nhịp đập cảm thông nên chúng ta có những lần đã không thể thương xót và thấu cảm những nỗi đau của họ, để họ vò võ trong đau khổ, phải chăng “ lò lửa yêu mến hằng cháy” kia đã lụi tàn, biết bao nhiêu lần thay vì Bao Dung tôi lại “ bung dao” để rồi tôi xa cách họ, trong khi chính họ là đoàn chiên mà tôi được gởi tới để chăm sóc yêu thương, phải chăng Thánh Tâm Chúa hôm nay đang nhắc nhở tôi về vai trò vị mục tử nhân lành, (xem Ga 10,11-18) : “ Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên sói đến, anh bỏ chiên mà chạy…” (Ga 10,11-12), chúng tôi là linh mục được sai đi và cắt cử trông nom giáo xứ, giáo họ là đoàn chiên. Là mục tử giống Chúa Ki tô chứ không phải kẻ làm thuê, vậy mà biết bao nhiêu lần chúng tôi chẳng khác gì kẻ làm thuê bất nhân, chẳng nhớ gì đến phận vụ của một linh mục, mà chỉ coi chức linh mục Chúa ban qua sự truyền chức của giám mục Giáo Hội như một nghề nghiệp thuộc giới thượng lưu, bởi vì khi chúng ta có chức linh mục thường được giáo dân coi như hàng khanh tướng rồi chúng ta làm khanh làm tướng chứ không phải người phục vụ Tin Mừng và nên giống Đức Ki tô. Trong tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng, Đức Phan xi cô nêu lên những nguy cơ Giáo Hội đang đối diện là tính thế tục thiêng liêng, đặc trưng là tính chủ quan và sự tự mãn coi số 93, 94, 95, Tính thế tục thiêng liêng hệ tại việc không tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà là tìm vinh quang loài người và sự thỏa mãn bản thân ( số 93 Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng) có vẻ mạnh hơn và thúc bách hơn trong số 94 Tông Huấn nói: “Không thể nghĩ rằng một động lực loan báo Tin Mừng đích thực có thể phát sinh từ những hình thức biến chất này của Kitô giáo, và số 95 nói: “ Nhiệt huyết Tin Mừng bị thay thế bằng sự hưởng thụ trống rỗng của tính tự mãn và buông thả” quả thật khi linh mục không có Chúa thì có khi trở thành những lãnh chúa, và sẽ có những Jaquou trong “ Người nông dân nổi dậy” trả thù bá tước de NanSac,

Linh mục và linh mục

Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Việc Thánh Hóa Các Linh Mục đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II thiết lập vào năm 1995, và được ấn định mừng trùng vào lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu hàng năm. Mục đích của Ngày Thế Giới Cầu Nguyện là mời gọi tất cả dân Chúa cùng hiệp tâm cầu nguyện cho các linh mục.

Văn Kiện của Bộ Giáo Sĩ nói về Ngày Thánh Hóa Các Linh Mục, sẽ được cử hành vào Thứ Sáu Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu 3/06/2005.

Tin Vatican (Zenit 31/05/2005) - Thứ Sáu, mùng 3 tháng 6 năm 2005, đúng ngày lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là ngày Ðặc Biệt cầu nguyện cho sự Thánh Hóa các Linh Mục.

Thứ Ba, ngày 31 tháng 5 năm 2005, Bộ Giáo Sĩ đã công bố một văn kiện, mời gọi các Linh Mục hãy tái khám phá tình bằng hữu với Chúa Kitô, một tình bằng hữu đã hướng dẫn họ đến việc ôm lấy ơn gọi linh mục. Văn kiện quả quyết rằng: "Bí quyết hay chìa khóa của đời linh mục là tình yêu say mê đối với Chúa Kitô".

Và những đề nghị của Ðức thánh cha Beneditô XVI trong bài giảng thánh lễ khai mạc thừa tác vụ Phêrô của ngài. Vị Tân giám mục Roma, tức Ðức thánh cha Benedito XVI, đã mời gọi các linh mục hãy sống năm Thánh Thể qua việc tái khám phá tình bằng hữu với Chúa Kitô, chìa khóa của đời linh mục. Văn kiện nhấn mạnh rằng các linh mục cần luôn trở về lại gốc rễ của đời linh mục. Và gốc rễ đó, mọi người đều biết, là chính Chúa Giêsu Kitô. Trích lại những lời của Ðức Bêneditô XVI trong bài giảng thánh lễ khai mạc Thừa tác vụ Phêrô của ngài, Văn kiện xác định như sau: "Bất cứ ai mở cửa tiếp nhận Chúa Kitô, thì không bị thiệt mất điều chi cả; không bị thiệt mất bất cứ điều chi làm cho đời sống được tự do, tươi đẹp và cao cả. Chỉ trong tình bằng hữu với Chúa Kitô, mà mọi cánh cửa của cuộc đời được mở rộng ra. Chỉ trong tình bằng hữu nầy, mà khả năng cao cả của thân phận con người được mở ra. Chỉ trong tình bằng hữu nầy mà các linh mục cảm nghiệm được điều gì là tốt và tự do."

Ở ngoài đời người ta vẫn nói như sau: “ bạn nhà binh, nhân tình nhà thổ” bởi vì qua kinh nghiệm giao tiếp người ta thấy nó nhàn nhạt làm sao, bạn nhà binh thì quen nhau vài năm ở chung quân ngũ rồi giải ngũ thì tình bạn kia cũng mất tiêu, dù đã từng đồng lao cộng khổ với nhau, ra sống vào chết với nhau, còn nhân tình nhà thổ thì ăn bánh trả tiền nào có gì níu kéo, các mối quan hệ này lỏng lẻo, còn giữa anh em linh mục với nhau chúng ta có Chúa đã se định bằng tình bằng hữu: “Thày không gọi anh em là tôi tớ…Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” ( Ga 15,15 ) và : “ đây là điều răn của Thầy,: anh em hãy yêu thương nhau” ( Ga 15,12) và như lời thánh tông đồ dân ngoại: “ Tình yêu Đức Ki tô thúc bách tôi” ( 2 Cr 5,14) vậy mà có những lúc chúng ta bằng mặt chứ chưa bằng lòng, dĩ nhiên có những cái khá tế nhị, nhưng trước Thánh Tâm Chúa, tình yêu của một vị Thiên Chúa đã hạ cố cho bằng nhân loại chỉ vì yêu nhân loại và vì chúng tôi là nghĩa thiết với Đức Giê su chẳng lẽ chúng tôi không có khả năng để nên giống Chúa về tình yêu, trong kinh thánh hóa linh mục ( Phú Cường, dic 01/10/1973 + Giuse Phạm Văn Thiên Epiccopus PC) mà chúng ta đọc khi tĩnh tâm lẽ nào lại quên rồi: “… xin cho chúng con lảu thông đạo lý Chúa, và trung tín thi hành những điều luật Chúa dạy, xin cho chúng con nắn đúc hình ảnh Trái Tim rất dịu dàng Chúa vào đời sống…” trở về với một chút khoa học thưòng thức, trái tim chúng ta có 4 ngăn gồm tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải ở nửa trên và tâm thất trái và tâm thất phải ở nửa phía dưới, nó có nhiệm vụ bơm máu và chuyển máu nuôi thân thể, nói một cách dễ hiểu chức năng của tim là chuyển máu đen thành máu đỏ để nuôi châu thân, vậy tôi có chuyển hóa sự ghen tương đố kỵ đang có nơi con người chúng tôi thành yêu thương và nhân hậu như Chúa Giê su không, trong kinh cầu Trái Tim Chúa Giê su : “ Trái Tim Chúa Giê su là lò lửa yêu mến hằng cháy”, vậy anh em linh mục chúng tôi có lò lửa yêu mến hằng cháy này chưa, cũng trong kinh cầu Trái Tim Chúa Giê su có một câu chắc ai cũng thích: “Lạy Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa”. Vậy anh em linh mục chúng tôi có uốn nắn lòng mình nên giống Trái Tim Chúa chưa, tôi đã có chất Chúa ở trong mình và đời sống của mình chưa, và tôi có thấy Chúa trong anh em linh mục của tôi, hay tôi chỉ biết cá mè một lứa và quên đi việc kiến tạo tình bằng hữu trong Thánh Thể Chúa, để từ nơi sung mãn này tôi có khả năng sống tình bằng hữu với anh em linh mục khác.

Linh mục với Thánh Tâm Chúa

Trong vườn thiền có câu chuyện: chuột cắn khố rách:

“Một đệ tử quyết tâm cầu đạo, xin học với một đạo sư. Sau thời gian học hành chăm chỉ, một hôm sư phụ có việc phải đi xa nên dặn học trò ở lại chăm lo tu hành. Học trò nghe theo lời thầy, thiền định sớm hôm không hề bê trễ, Vì nếp sống tu hành thanh bần, vả lại vị tu sĩ chỉ có độc mỗi một miếng khố che thân. Nhưng chiếc khố cứ bị chuột cắn rách hoài nên tu sĩ cứ lâu lâu lại phải đi xin một mảnh vải che thân khác. Dân làng thấy vậy, bèn biếu tu sĩ một con mèo để trừ lũ chuột. Tu sĩ đem con mèo về nuôi, từ đó chuột không dám lộng hành nữa, nhưng tu sĩ lại phải lo thêm một phần ăn. Ngoài thực phẩm chay tịnh, tu sĩ phải xin sữa để nuôi con mèo. Một tín đồ thấy vậy bèn tình nguyện dâng cúng tu sĩ một con bò cái để có sữa nuôi mèo. Tu sĩ vui vẻ nhận con bò nhưng nuôi được mèo lại không có rơm cho bò ăn. Do đó, ngoài thức ăn khất thực, tu sĩ lại phải đi xin rơm về nuôi bò. Dân làng thấy vậy bèn biếu tu sĩ một mảnh đất và dụng cụ canh nông để tu sĩ trồng trọt, nuôi bò. Tu sĩ ra công cầy cấy nên rau trổ thật nhiều, bò ăn không hết, phải mang bán ngoài chợ. Miếng đất thật mầu mỡ sinh hoa lợi quá nhiều, tu sĩ làm không xuể, phải gọi người trong làng đến giúp. Lạ thay, miếng đất cứ thế sinh sôi nẩy nở, trồng gì cũng tươi tốt và chả mấy chốc trở nên một đồn điền trù phú. Tu sĩ có nhiều hoa lợi bèn xây một đền thờ to lớn, đẹp đẽ, thuê thợ khắc tượng, đúc chuông thật vĩ đại, nhưng thời gian tu hành không còn là bao vì tu sĩ phải lo trông nom đồn điền, lo sổ sách giao dịch buôn bán, kiểm soát nhân công trồng tỉa, rồi có tiền bạc phải lo đầu tư, bỏ vốn mua thêm đất đai, khai khẩn thêm nữa. Một hôm, sư phụ trở về không trông thấy túp lều đơn sơ nữa mà thay vào đó một ngôi đền tráng lệ, nô nức khách hành hương, trong đền ồn ào những tín đồ vừa cúng bái vừa buôn bán. Trông thấy sư phụ, tu sĩ mừng rỡ chạy ra chào. Sư phụ ôn tồn hỏi tại sao lại có sự thay đổi như thế. Tu sĩ trả lời, ‘thưa thầy, thật tâm con muốn tu hành nhưng tại lũ chuột cứ cắn rách áo hoài. Để bảo vệ cái áo con nuôi mèo. Để có sữa cho mèo ăn, con phải nuôi bò, và để có rau nuôi bò, con phải canh tác. Rồi thì trúng mùa liên tiếp, sức con làm không xuể nên phải gọi thêm người làm giúp, rồi thì buôn bán thành công, tiền bạc nhiều thêm, con phải đích thân trông nom mọi việc. Sau đó con cho xây cất đền thờ to tát, đúc tượng thật vĩ đại, con còn mướn người lo việc cúng tế, nhang đèn cẩn thận’. Sư phụ thở dài, ‘xây cất đền thờ thật to chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát. Tụ tập tín đồ cho đông, ồn ào phức tạp, chỉ gây trở ngại cho việc thanh tu. Chỉ vì một cái khố rách mà con đã đi thật xa, xa hẳn con đường mà ta đã chỉ dạy nhằm việc giải thoát. Con chỉ lầm lẫn một chút mà đã đi lệch lúc nào không hay, trói buộc vào các thứ đó rồi làm sao có thể thoát được ?”

Trong số 2 Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng nói: “… Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. Đây chính là mối nguy cho cả người tín hữu. Nhiều người rơi vào mối nguy này, và kết cục là cảm giác bực bội, tức giận và chán nản. Đó không phải là cách chúng ta sống một đời sống xứng đáng và sung mãn; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta, cũng không phải là đời sống trong Thần Khí bắt nguồn từ trái tim của Đức Ki tô phục sinh”

Và cũng theo chỉ dẫn của tông huấn ở số 3 nói như sau: “ .. hãy mở lòng ra để cho Chúa Giê su gặp gỡ mình… vì “ không ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giê su đem đến” ( tông huấn Gaudete in Domino ) Chúa không làm thất vọng những ai chấp nhận sự liều lĩnh này; mỗi khi chúng ta bước đến gần Chúa Giê su, chúng ta hiểu rằng Người đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta”

Thi sĩ Rabindranath Tagore trong Lời dâng ( bản dịch của Đỗ Khánh Hoan) số 39, “ Khi tim tôi đã ra chai lì và khô cứng , xin mang cho tôi mưa thương xót từ bi, khi cuộc đời không còn ân phúc, xin đến với tôi trong tiếng hát lời ca, khi công việc ồn ào, ầm vang mọi nẻo, cách ngăn tôi khỏi cõi xă xăm, ôi Thượng Đế trầm thinh, xin đem cho tôi ngơi nghỉ, thanh bình” và ở số 2 “ say nhừ vì nguồn vui, ca hát tôi quên bẵng thân mình , tôi gọi người là bạn, Thượng Đế của lòng tôi.”

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái , và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30)

Quả thật, linh mục ngày nay đa tài lắm, xây cũng giỏi, cất cũng giỏi, đi cũng giỏi, nhậu cũng giỏi…như vậy thì cũng khá vất vả cái thân xác, còn chuyện kinh kệ thì sao. Thánh tâm Chúa có là nơi anh em linh mục tìm tới để bổ sức, nghỉ ngơi, để kín múc, để giải độc cho thân xác. Cái gì chúng tôi cũng liều được vậy chúng tôi đã dám liều và yêu Chúa cho đến cùng, hay chúng tôi lại cho qua để rồi những cái bung xung kia cản lôi, nhiều khi những chuyện râu ria không cần thiết chúng ta làm tốt lắm. Giáo dân vẫn kỳ vọng và mong mỏi cũng như cầu nguyện luôn để các linh mục nên giống Chúa Ki tô, anh em linh mục chúng ta có tìm được một chốn nghỉ ngơi nhỏ bé trong Trái Tim Chúa không, có thấy Chúa Giê su là bạn hữu của mình? Không thành bạn hữu với Chúa Giê su mới là lạ, vì mỗi ngày linh mục dâng lễ, cầu nguyện mà lại không nên nghĩa thiết với Chúa Giê su, không có Người là bạn, coi chừng “chuột cắn khố rách” mất rồi, hai môn đệ trên đường Emmau dù không nhận ra Chúa đang đồng hành cho đến khi Người bẻ bánh, nhưng ít ra lòng các ông bùng cháy ( xem Lc 24, 13-35) anh em linh mục chúng ta không ở lại trong Trái Tim Chúa Giê su, chúng ta sẽ chịu cơn lạnh giá cô đơn, và không khả năng yêu mến, vậy Tháng Thánh Tâm này và trong Ngày Thánh Hóa Các Linh Mục, chúng tôi có trải lòng bên Chúa, để Chúa bổ khuyết cho những thiếu sót vì vô tâm, bạc nghĩa của chúng tôi với Trái Tim rất dịu ngọt của Chúa không.

Vấn tâm

Ngài Đạt Lai Đạt Ma từng nói: “Cây lúa nào hạt non hạt lép thì nó đứng thẳng vươn cao. Còn những cây lúa trĩu hạt luôn oằn mình xuống dưới thấp”. Cái tôi của ai bé nhỏ thì tâm trạng người đó mênh mông. Trong thư thứ nhất của thánh Gioan ( 1 Ga 4,16) “ Thiên Chúa là tình yêu ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” anh em linh mục chúng ta có thấy cần dẹp bỏ cái tôi và cần ở lại trong tình yêu Thiên Chúa mãi mãi không.

Tháng sáu, tháng dành riêng Tôn Kính Thánh Tâm Chúa Giê su và Thánh Hóa các linh mục, cũng có người độc miệng nói chỉ khéo vẽ chuyện. Hoài niệm nhớ nhung càng làm cho tình yêu sâu sắc hơn, người linh mục có cần phải ở lại trong tình yêu của Chúa mãi mãi không.

Trong kinh Đền Tạ Trái Tim Chúa mà người giáo dân hằng đọc trong các thứ sáu đầu tháng và nhất là ngày kính Trái Tim Chúa: “ Lạy Đức Chúa Giê su rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc…”, và kinh dâng mình cho Thánh Tâm Chúa ( của Đức Piô XI ) : “Lạy ơn Trái Tim cực trọng Đức Chúa Giêsu đã thương chúng con vô cùng. Ai kể cho xiết được những ơn Trái Tim cực thánh đã ban cho chúng con…” .anh em linh mục chúng ta có nên thấm nhuần lời kinh này trong đời sống thường ngày của chúng ta hay không.

“Thầy đã nói những điều này cho anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được trọn vẹn” ( Ga15,11) Niềm vui của người Ki tô hữu chúng ta tuôn chảy từ trái tim dạt dào của Ngài “, “xã hội kỹ thuật của chúng ta đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng rất khó tạo ra niềm vui” ( tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng số 5 và số 7) anh em linh mục chúng ta có thấy và hưởng niềm vui trọn vẹn trong Trái Tim của Chúa Giê su không,”

Năm 1883, để đáp lại lời kêu gọi, tôn sùng và đền tạ Thánh Tâm Chúa, phong trào Liên minh Thánh Tâm được cha Edward Hamon, dòng Tên thành lập năm này tại Canada, lấy tinh thần cầu nguyện và sự nhiệt thành của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện làn nền tảng cho phong trào., phong trào LMTT của Giáo phận chúng ta chưa hoạt động lại nhưng hiện nay Giới gia trưởng như là cột trụ cho phong trào này, anh em linh mục chúng ta làm gì trong mục vụ, chúng ta có ngần ngại hay dấn thân để giúp họ thăng tiến trong đời sống đạo đức chưa

Trước những thách đố của xã hội và Giáo Hội, về sự phân hóa giầu nghèo, và các vấn đề bất bình đẳng khác về giới, về kinh tế, về y tế, về văn hóa… anh em linh mục chúng ta có trở thành dụng cụ của Thiên Chúa, lắng nghe và thấu cảm những mảnh đời bất hạnh, và anh em linh mục chúng ta có luôn kết hiệp với Thánh Tâm hay thương xót để nâng đỡ và nâng cao giá trị của con người ngày nay không

Hướng về vĩnh cửu

Trong một dự báo sức khỏe về bệnh tim mạch đến năm 2017 Việt Nam sẽ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch, và tỷ lệ này đang có mức độ trẻ hóa, cứ 3 người trưởng thành thì có 1người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhiều người giầu vì tiền nhưng lại nghèo về kiến thức tim mạch và di chứng để lại cũng đáng thương lắm và tốn kém lắm. Dĩ nhiên khi mang thân phận con người ai cũng phải chết, cái chết chẳng chối từ ai cả, theo phân tích của y học, tim mạch tăng là do lối sống thụ động, cần phải thay đổi bằng nếp sống tích cực, trái tim của linh mục chúng ta phải làm việc gấp đôi, một cho mình một cho mục vụ giáo xứ, nếu chúng ta thụ động không chịu hòa nhịp trong Thánh Tâm Chúa, chúng ta sẽ chết đột ngội, lãng nhách trong nhịp sinh động của giáo xứ, thật sự ra giáo xứ có nhịp đập cực mạnh với các sinh họat mục vụ các tổ chức Công Giáo tiến hành, vậy tôi có “trái tim không ngủ yên” để giúp cho giáo xứ sống động và sau này khi Chúa hỏi về vai trò mục tử nhân lành của tôi, tôi còn biết cách ăn nói với Chúa, và nhất là tôi có biết tìm đến Thánh Tâm Chúa để có chốn nghỉ ngơi, bồi dưỡng khi mệt nhọc, vất vả, lao đao không.

Lạy Chúa, con cứ tưởng rằng tim con còn đập là con còn sống, nhưng con đâu biết rằng, tim con đập loạn xạ chẳng nhịp nhàng một dấu hiệu báo trước cái chết bất ngờ đang gần kề, xin Trái Tim Nhân Lành của Chúa đập đều trong tim con, để con có sự thư thái bình an hoàn thành trách nhiệm mà con đang đảm trách cho đến hơi thở cuối cùng trong sự dịu ngọt của Chúa luôn. Amen

Chân Như
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bốn cột trụ trong suy tư của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
22:21 29/05/2016
Nhà bình luận Sandro Magister có lúc đã bị văn phòng báo chí của Tòa Thánh rút “chứng minh thư” (credential) vì đã tiết lộ trước thời hạn một văn kiện quan trọng của Đức Phanxicô. Sau đó, ông đã được văn phòng này cấp chứng minh thư trở lại. Tuy nhiên, không vì thế mà các nhận định của ông về triều đại của Đức Phanxicô thay đổi.

Gần đây, ông có tường thuật lại một bài báo của Cha Giovanni Scalese, Dòng Barnabite, một nhà ngoại giao và là một triết gia, để nhấn mạnh rằng từ lúc còn trẻ, Đức Phanxicô đã có những tiêu chuẩn hướng dẫn suy nghĩ của ngài. Các tiêu chuẩn này vẫn tiếp tục được ngài sử dụng trong huấn quyền đối với toàn thể Giáo Hội Công Giáo hiện nay.

Theo Cha Scalese, có bốn tiêu chuẩn hay nguyên tắc hướng dẫn, được cha gọi là định đề (postulati). Nguyên tắc thứ nhất đã được Đức Phanxicô xác định ở phần đầu Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Về Gia Đình Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương): “Vì ‘thời gian lớn hơn không gian’ nên tôi muốn minh xác ngay rằng không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ đều cần phải được giải quyết thanh thỏa bằng các can thiệp của huấn quyền”. Sau đó, ngài dẫn giải tiêu chuẩn này như sau: “Điều quan trọng là khởi diễn các diễn trình hơn là thống trị không gian”.

Thực ra, “Thời gian lớn hơn không gian” là tiêu chuẩn thứ nhất trong bốn tiêu chuẩn hướng dẫn mà Đức Phanxicô đã liệt kê và minh giải trong văn kiện trình bầy nghị trình của triều giáo hoàng của ngài tức tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”. Ba tiêu chuẩn còn lại là: hợp nhất lướt thắng tranh chấp, thực tại quan trọng hơn ý niệm, toàn bộ lớn hơn thành phần.

Toàn bộ cuộc sống của người mang tên Jorge Mario Bergoglio đã được linh hứng bởi bốn nguyên tắc trên. Linh mục Dòng Tên Diego Fares, người Á Căn Đình, khi bình luận Tông Huấn Amoris Laetitia trong số mới nhất của tập san “La Civiltà Cattolica”, đã trích dẫn khá nhiều nhận định từ một cuộc mạn đàm năm 1978 với Cha Bergoglio, lúc đó là giám tỉnh Dòng Tên tại Á Căn Đình, về “lãnh vực không gian hành động và cảm thức thời gian”. Theo đó, ngay khi vừa làm giám tỉnh Dòng Tên, Đức Phanxicô đã sử dụng các tiêu chuẩn hay nguyên tắc trên rồi để soi sáng một số tình thế mà tỉnh dòng đang gặp phải. Lúc ấy là năm 1974, lúc ngài mới 38 tuổi, nhập Dòng Tên được 16 năm, cử nhân triết 11 năm, làm linh mục được 5 năm và làm giám tỉnh được 1 năm, chưa qua Đức để chuẩn bị luận án tiến sĩ. Điều này chứng tỏ, bốn nguyên tắc trên hoàn toàn do suy tư riêng của ngài mà có.

Tuy nhiên, một cách minh nhiên, phải đợi tới lúc ngài qua Frankfurt, Đức năm 1986 để dọn tiến sĩ, bốn nguyên tắc trên mới được xác định thành văn dứt khoát. Luận án này không được hoàn thành, nhưng trọn phần trong “Niềm Vui Tin Mừng” nói tới bốn nguyên tắc này thực ra chỉ là chép lại một chương trong luận án tiến sĩ viết dở về nhà thần học Ý gốc Đức, Romano Guardini, mà thôi.

Hậu cảnh trên đã được chính Đức Phanxicô tiết lộ trong một cuốn sách phát hành tại Á Căn Đình năm 2014 về các năm “khó khăn” làm tu sĩ Dòng Tên: “Cho dù tôi không thể hoàn thành luận án, các nghiên cứu tôi thực hiện lúc ấy giúp tôi rất nhiều đối với những gì sẽ xẩy ra sau đó, kể cả tông huấn ‘Niềm vui Tin Mừng’, vì ta thấy trọn phần nói về các tiêu chuẩn xã hội ở trong đó đã được lấy từ luận án của tôi về Guardini”.

Thành thử, điều không thể thiếu là phân tích các tiêu chuẩn trên, nếu ta muốn hiểu tư tưởng của Đức Phanxicô. Cha Giovanni Scalese cho ta một phân tích khá tường tận về các tiêu chuẩn này, các tiêu chuẩn được ngài cho là “con đường chân thực để đạt hòa bình trong mỗi quốc gia và khắp trên thế giới” (Niềm Vui Tin Mừng, số 221).

Nguyên tắc thứ nhất: thời gian lớn hơn không gian

Đây hẳn phải là nguyên tắc thân thiết nhất của Đức Phanxicô. Ngài nói đến nó lần đầu tiên trong “Ánh sáng đức tin” (số 57). Ta thấy nó lần nữa cùng với 3 nguyên tắc kia trong “Niềm vui Tin Mừng” (các số 222-225). Sau đó, nó được lồng trong “Laudato Si” (số 178). Và mới đây, hai lần, trong “Niềm Vui Yêu Thương” (các số 3 và 261).

Nguyên tắc này thoạt đầu hơi khó hiểu. Nó chỉ rõ ràng hơn khi được Niềm vui Tin Mừng giải thích như sau: “Nguyên tắc này giúp chúng ta hoạt động từ từ nhưng chắc chắn, không bị ám ảnh bởi những kết quả tức thì. Nó giúp chúng ta kiên nhẫn chịu đựng những khó khăn và nghịch cảnh, hay những thay đổi không tránh khỏi trong các kế hoạch của mình. Nó mời gọi chúng ta chấp nhận sự căng thẳng giữa sự viên mãn và sự giới hạn, và dành ưu tiên cho thời gian. Một trong các khuyết điểm chúng ta thường gặp trong hoạt động chính trị-xã hội là người ta thích không gian và quyền lực hơn thời gian và các qui trình. Dành ưu tiên cho không gian có nghĩa là điên cuồng tìm cách níu kéo tất cả trong hiện tại, cố gắng chiếm hữu tất cả các không gian của quyền lực và sự tự khẳng định mình; là cô đọng các qui trình và cố níu kéo chúng. Dành ưu tiên cho thời gian có nghĩa là quan tâm tới việc khởi động các qui trình hơn là chiếm hữu không gian. Thời gian điều khiển các không gian, soi sáng chúng và biến chúng thành những mắt xích trong một chuỗi xích kéo dài, không có khả năng quay ngược trở lại. Vì vậy cái chúng ta cần là dành ưu tiên cho các hành động phát sinh các qui trình mới trong xã hội và lôi kéo sự tham gia của những người khác và những nhóm khác, những người có thể phát triển chúng tới chỗ chúng sinh hoa kết quả trong các biến cố lịch sử quan trọng. Không lo âu, nhưng đầy những xác tín rõ ràng và sự bền bỉ” (số 223).

Trong “Niềm Vui Yêu Thương”, nó còn được trình bầy súc tích hơn nữa: “Điều quan trọng hơn là khởi diễn các diễn trình hơn là thống trị không gian” (số 261). Và cũng trong tông huấn này, ta thấy một áp dụng gây ngạc nhiên của nguyên tắc này: “Vì “thời gian lớn hơn không gian”, tôi xin minh xác điều này: không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ đều cần được giải quyết thanh thỏa bởi các can thiệp của huấn quyền. Việc thống nhất giữa giáo huấn và thực hành chắc chắn là điều cần thiết trong Giáo Hội, nhưng điều này không loại trừ các cách giải thích đa dạng một số khía cạnh của giáo huấn ấy và từ đó rút ra một số hệ quả. Điều này luôn luôn đúng vì Thần Khí hướng dẫn chúng ta hướng về sự thật toàn vẹn (xem Ga 16:13), cho tới khi Người hướng dẫn ta vào mầu nhiệm Chúa Kitô một cách trọn vẹn và giúp ta thấy mọi sự như Người thấy. Hơn nữa, mỗi quốc gia hay mỗi miền có thể tìm các giải pháp tốt hơn, thích hợp đối với văn hóa của họ và nhậy cảm đối với truyền thống và nhu cầu địa phương của họ” (số 3).
Theo Cha Scalese, ta phải thành thực nhìn nhận rằng kết luận như trên không lập tức hiển nhiên. Hình như cốt yếu của nguyên tắc này nằm ở chỗ ta không nên đồng nhất hóa mọi sự và mọi người, nhưng cho phép mọi người tự tiến tới “chân trời” của họ (các số 222 và 225).

Trong cuộc phỏng vấn của Cha Antonio Spadaro trên tập san "La Civiltà Cattolica" ngày 19 tháng 9 năm 2013, Đức Phanxicô trình bầy nguyên tắc này theo viễn ảnh thần học: “Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong mặc khải có tính lịch sử, trong thời gian. Thời gian khởi diễn các diễn trình, không gian cô đọng chúng. Thiên Chúa ở trong thời gian, ở trong các diễn trình. Chúng ta đừng tập chú vào việc chiếm hữu không gian nơi quyền lực được thi hành, mà đúng hơn nên tập chú vào việc khởi diễn các diễn trình lịch sử lâu dài. Ta phải khởi diễn các diễn trình hơn là chiếm không gian. Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thời gian và hiện diện trong các diễn trình lịch sử. Điều này ưu tiên hóa các hành động nhằm khai sinh ra các năng động tính lịch sử mới. Và điều này đòi kiên nhẫn, biết chờ đợi” (trang 468).

Trong tập san “PATH” của Giáo Hoàng Hàn Lâm Thần Học Viện (số 2/2014, các trang 403-412), Cha Giulio Maspero nhận diện nguồn gốc của nguyên tắc này nơi Thánh Inhã và Thánh Gioan XXIII, được Đức Phanxicô nhắc đến trong cuộc phỏng vấn của Cha Spadaro, và nơi Thánh Pietro Favre, được trích dẫn trong Niềm Vui Tin Mừng số 171; nhưng ngài loại bỏ nguồn Romano Guardini, dù được trích dẫn trong Niềm Vui Tin Mừng số 224. Linh mục này cho rằng nguyên tắc này có “gốc rễ Ba Ngôi một cách sâu sắc” trong khi chìa khóa giải thích nó nằm ở việc khẳng định sự hiện diện và sự biểu hiện của Thiên Chúa trong lịch sử.

Nguyên tắc thứ hai: Hợp nhất lướt thắng tranh chấp

Nguyên tắc này cũng đã được phát biểu lần đầu tiên trong “Ánh Sáng Đức Tin” (số 55). Trong “Niềm Vui Tin Mừng” (các số 226-230), nó được quảng diễn chi tiết hơn. Sau cùng, ta thấy nó trong “Laudato Si” (số 198). “Niềm Vui Tin Mừng” viết như sau:

“Xung đột không thể được làm ngơ hay che giấu. Phải đối diện nó. Nhưng nếu chúng ta bị mắc kẹt trong xung đột, chúng ta mất tầm nhìn, chân trời của chúng ta bị thu nhỏ lại và chính thực tại bắt đầu tan rã. Trong xung đột, chúng ta mất ý thức về sự duy nhất sâu xa của thực tại” (số 226).

Rồi ngài mô tả ba thái độ:

“Khi xảy ra xung đột, một số người chỉ biết nhìn rồi bỏ đi như thể chẳng có gì xảy ra; họ phủi tay rồi tiếp tục cuộc sống của mình. Những người khác thì bám chặt lấy nó khiến họ trở thành tù nhân của nó; họ bị mất phương hướng, phóng chiếu sự hoang mang và bất mãn của họ vào các tổ chức và vì thế làm cho không thể nào có được sự hiệp nhất. Nhưng cũng có một cách thứ ba, và đây là cách tốt nhất để xử lý xung đột. Đó là sẵn sàng trực diện với xung đột, giải quyết nó và làm nó trở thành mắt xích trong sợi dây của một qui trình mới. “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình!” (Mt 5:9).

Thái độ thứ ba dựa trên nguyên tắc “hợp nhất lướt thắng tranh chấp” thực sự được coi là “tối thiết để xây dựng tình bằng hữu trong xã hội” (số 228). Nguyên tắc này gợi hứng cho ý niệm “đa dạng hoà giải” (số 230), được lặp đi lặp lại trong giáo huấn của Đức Phanxicô, đặc biệt, trong lãnh vực đại kết.

Theo Cha Scalese, nguyên tắc trên dường như giả định một cái nhìn biện chứng về thực tại rất giống với cái nhìn của Hegel:
“Tình liên đới, hiểu theo nghĩa sâu xa nhất và thách thức nhất của nó, trở thành một cách để làm lịch sử trong một môi trường sống mà các xung đột, căng thẳng và đối kháng có thể đạt được một sự hiệp nhất đa dạng và đem lại sức sống. Đây không phải là chọn một thái độ ba phải, hay chọn cách hoà tan người này vào người kia, nhưng là chọn một cách giải quyết trên bình diện cao hơn và giữ lại điều gì có giá trị và ích lợi ở cả hai bên” (số 228).

“Giải pháp trên bình diện cao hơn” trên nhắc ta nhớ tới “Aufhebung” (hợp đề) của Hegel. Không phải là việc tình cờ khi số 230 nhắc tới một “tổng hợp” mà tổng hợp thường giả thiết một chính đề (thesis) và một phản đề (antithesis), các cực trong một tranh chấp với nhau.

Nguyên tắc thứ ba: thực tại quan trọng hơn ý niệm

Nguyên tắc này được trình bầy trong “Niềm Vui Tin Mừng” (các số 231-233) và sau đó được lồng trong “Laudato Si” (số 201).

“Cũng có một sự căng thẳng thường xuyên giữa các ý niệm và các thực tại. Các thực tại thì hiện hữu, còn các ý niệm thì được làm ra. Phải có sự đối thoại liên tục giữa thực tại và ý niệm, nếu không các ý niệm sẽ trở thành xa rời thực tại. Thật nguy hiểm khi chỉ dừng lại ở những lời nói suông, những hình ảnh và những bài diễn văn hay. Vì vậy chúng ta có một nguyên tắc thứ ba: các thực tại lớn hơn các ý niệm. Nguyên tắc này đòi chúng ta phải bác bỏ các phương tiện khác nhau nhằm che giấu thực tại: các dạng tinh tuyền siêu phàm, sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối, những lời nói sáo rỗng, những mục tiêu lý niệm nhưng không thực tế, những nhãn hiệu của chủ nghĩa cực đoan phi lịch sử, những hệ thống đạo đức không có tình thương, những nghị luận trí thức không có minh triết” (số 231).

Xem ra nguyên tắc này dễ hiểu hơn và được chấp nhận nhiều hơn, một nguyên tắc gần hơn với triết lý truyền thống. Việc khai triển nó trong “Niềm Vui Tin Mừng” còn lôi cuốn nữa và thoạt xem còn hoàn toàn có thể chấp nhận được:

“Các ý niệm, hay các khai triển có tính khái niệm (conceptual elaborations), được dùng để truyền thông, hiểu biết và thực hành. Các ý niệm tách rời khỏi thực tại thường tạo ra những hình thức duy tâm và duy danh vô bổ, cùng lắm cũng chỉ giúp phân loại và định nghĩa, nhưng chắc chắn không dẫn đến hành động. Các thực tại được lý trí soi sáng mới thúc đẩy chúng ta đến hành động. Thái độ duy danh hình thức phải nhường chỗ cho tính khách quan hài hoà. Nếu không, chân lý sẽ bị xuyên tạc, đồ mỹ phẩm sẽ thế chỗ cho sự chăm sóc thân xác thực sự” [Plato, “Gorgias”, 465] (số 232).

Trong tập san đã trích trên đây của Giáo Hoàng Hàn Lâm Thần Học Viện, Cha Giovanni Cavalcoli, trong một nhận định sảng khoái về nguyên tắc này, đã hội nhập nó vào chủ nghĩa duy thực trong nhận thức học Aristốt-Tôma truyền thống. Theo Cha Scalese, vị linh mục này không xét tới hai khía cạnh quan trọng:

- bối cảnh, trong đó, nguyên tắc này được trình bầy; đây là một bối cảnh xã hội học với nhiều vang dội có tính mục vụ. “Niềm Vui Tin Mừng” không phải là một khảo luận về triết lý nhận thức: dù xử lý một nguyên tắc triết lý, nhưng nguyên tắc này được sử dụng để khai triển việc sống chung trong xã hội và việc xây dựng một dân tộc (số 221);

- và ngôn ngữ sử dụng, vì đây không phải là ngôn ngữ kỹ thuật. Khi ngài nói tới việc có “những hình thức duy tâm và duy danh vô bổ”, ngài không có ý nói tới các trào lưu duy tâm và duy danh trong lịch sử, nên đã dùng chúng ở số nhiều. Hơn nữa, các hạn từ “ý niệm” hay “thực tại” ở đây được hiểu theo một nghĩa khác với nghĩa được nền nhận thức luận truyền thống vốn hiểu. “Thực tại” được nói tới trong “Niềm Vui Tin Mừng” không phải là một thực tại hoàn toàn có tính hiện tượng. “Ý niệm” không phải là việc trình tả trong tâm trí về một đối vật, nhưng như bản văn cho thấy, nó đồng nghĩa với “các khai triển có tính khái niệm” (số 232) và do đó là các khai triển “ý thức hệ”. Đàng khác, việc sử dụng các kiểu nói về hiện hữu không nên hiểu theo nghĩa ngôn ngữ kinh viện cổ truyền.

Các nhận xét trên có những hậu quả quan trọng. Nguyên tắc “thực tại quan trọng hơn ý niệm” không liên hệ gì tới “adaequatio intellectus ad rem” (sự cân phương giữa trí khôn và sự vật). Thay vào đó, nó chỉ có nghĩa ta phải chấp nhận thực tại như nó hiện là, không giả thiết phải thay đổi nó dựa vào các nguyên tắc tuyệt đối, như các nguyên tắc luân lý, vốn chỉ là các ý niệm “trừu tượng”, mà phần lớn có nguy cơ bị biến thành ý thức hệ. Nguyên tắc này nằm ở nền tảng các luận điểm liên tục của Đức Phanxicô nhằm chống lại học lý. Về phương diện này, điều có ý nghĩa là câu khẳng định của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn của tờ “La Civiltà Cattolica”:

“Nếu người Kitô hữu là người duy phục hồi, duy luật pháp, nếu người này muốn mọi sự phải rõ ràng và an toàn, thì họ chẳng tìm được gì. Truyền thống và ký ức dĩ vãng phải giúp ta có can đảm mở ra những lãnh vực mới cho Thiên Chúa. Những ai ngày nay luôn tìm các giải pháp kỷ luật, những ai chỉ mong sự ‘an toàn’ cường điệu về tín lý, những ai ương cạnh tìm cách phục hồi một quá khứ đã không còn nữa, thì chỉ nhìn sự vật một cách tĩnh tụ và hướng vào bên trong mà thôi. Với cách đó, đức tin trở thành một ý thức hệ trong số các ý thức hệ khác” (các trang 469-470).

Nguyên tắc thứ tư: toàn bộ lớn hơn thành phần

Ta thấy nguyên tắc này được trình bầy rộng dài trong “Niềm Vui Tin Mừng” (các số 234-237) và sau đó được tóm lược trong “Laudato Si” (số 141):

“Toàn thể lớn hơn thành phần, nhưng cũng lớn hơn tổng số các thành phần. Vì vậy, không cần bị ám ảnh quá nhiều bởi những vấn đề hạn hẹp và riêng biệt. Chúng ta cần không ngừng mở rộng chân trời của mình để thấy cái tốt lớn hơn mà tất cả chúng ta đều được hưởng. Nhưng phải làm điều này mà không tìm cách trốn tránh hay nhổ bỏ gốc rễ. Chúng ta cần cắm sâu các gốc rễ của mình vào mảnh đất phì nhiêu và lịch sử của quê quán mình, đó là một quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm ở qui mô nhỏ, trong khu vực chúng ta ở, nhưng với một nhãn quan rộng hơn. Và những người sống hết lòng trong một cộng đồng cũng không cần mất đi cá tính hay che giấu căn tính của họ; trái lại, họ nhận được những động lực mới để thăng tiến bản thân. Không cần bóp nghẹt cái toàn thể, cũng không cần làm cho cái đặc thù trở nên cằn cỗi” (Niềm Vui Tin Mừng, số 235).

Ta phải đánh giá cao đối với cố gắng nhằm duy trì với nhau hai cực vốn ở thế căng thẳng với nhau: toàn thể và thành phần, và là hai cực được Niềm Vui Tin Mừng đồng nhất hóa với “hoàn cầu hóa” và “địa phương hóa” (số 234). Việc nhìn nhận thành phần, một thành phần không được mất đi trong toàn thể, đã được tượng trưng bằng một hình ảnh hình học rất thân thiết đối với Đức Phanxicô, tức hình ảnh khối đa diện (polyhedron), tương phản với khối hình cầu (số 236).

Theo Cha Scalese, trong cách phát biểu của nó, nguyên tắc này dường như không nói lên được sự cân bằng giữa toàn thể và thành phần. Nó công khai nói tới tính trổi hơn của toàn thể so với các thành phần. Trong khi ấy, học thuyết xã hội của Giáo Hội cho rằng con người là hữu thể xã hội ngay trong họ, nhưng đồng thời tái khẳng định tính ưu vị của họ và việc không thể giản lược họ vào cơ thể xã hội (Toát Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, các số 125 và 149; Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, các số 1878-1885). Hơn nữa, theo quan điểm chú giải, không nên mô tả mối liên hệ giữa toàn thể và các thành phần theo kiểu hơn thua mà theo kiểu vòng tròn: toàn thể phải được giải thích dưới ánh sáng các thành phần; và các thành phần phải được giải thích dưới ánh sáng toàn thể.

Kết luận

Việc có những phân cực trong thực tế đời sống ta là một sự kiện khó có thể bác bỏ. Điều quan trọng là thái độ ta cần có khi đối diện với các căng thẳng trong trải nghiệm hàng ngày. Xem xét cả bốn nguyên tắc nói trên như một toàn thể, xem ra ta phải kết luận rằng thái độ thích đáng nhất quả là thái độ đem các cực đối nghịch nhau lại với nhau, nhưng với giả thiết này: một trong hai cực cao hơn cực kia: thời gian lớn hơn không gian; hợp nhất thắng lướt tranh chấp; thực tại quan trọng hơn ý niệm; toàn thể lớn hơn thành phần.

Như thế, điều cần là luôn phải “quản trị” các căng thẳng; nói cách khác, bao lâu ta còn sống ở đời này, thì các căng thẳng này sẽ không bao giờ được vượt qua cách dứt khoát cả. Sẽ là một lầm lẫn lớn nếu đứng hẳn về một cực để chống lại cực kia, như thể sự thiện đều dồn về một phía còn phía kia chỉ có sự ác. Đó là tác phong của nhóm Manikêô (lưỡng nguyên) vốn bị Giáo Hội lên án. Kitô hữu không phải là người của “aut aut” (tiếng Latinh có nghĩa: hoặc là hoặc là) mà là của “et et” (tiếng Latinh có nghĩa: và và). Ở đời này, có chỗ, và phải có chỗ, cho mọi sự: cho thời gian và cho không gian, cho hợp nhất và cho đa dạng, cho thực tại và ý niệm, cho toàn thể và thành phần. Không điều gì bị loại trừ, mà không làm cho thực tại mất cân bằng, điều sẽ dẫn tới các tranh chấp tàn hại.

Một nhận xét khác nữa có thể đưa ra vào lúc này là: việc trình bầy bốn nguyên tắc này cho thấy rõ: trong hành động của con người, không thể tránh được việc để mình được hướng dẫn bởi một số nguyên tắc vốn có bản chất trừu tượng. Do đó, sẽ là điều vô ích nếu cứ tranh cãi nhau về tính trừu tượng của “học lý”, tương phản nó bằng một “thực tại” mà ta phải thích ứng với. Thực tại, nếu không được soi sáng, hướng dẫn, và xếp đặt bởi một số nguyên tắc, nguy cơ sẽ biến thành hỗn loạn.

Áp dụng vào Đức Phanxicô, ta nên nhớ ngài đưa bốn nguyên tắc trên ra, làm nổi bật chúng, trong bối cảnh mục vụ, nên ngài có thiên về thực tại, hành động, hơn là lý thuyết hay học lý hay tín lý. Nhưng ngài không chối bỏ tín lý, qua câu nói thời danh: về tín lý, ngài là người con của Giáo Hội. Hơn nữa, khi đưa ra chữ “hơn” trong cả bốn nguyên tắc nói trên, ngài không hề loại vế kém hơn của phương trình. Hơn bất cứ ai khác, Đức Phanxicô là người của “et et” chứ không phải là người của “au taut”, nói theo kiểu nói của Cha Scalese
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt
Nữ Tu Maria Minh Du
05:37 29/05/2016
Đức TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt sẽ mừng ngân khánh linh mục vào ngày 31 tháng 5 năm 2016 tới đây. Hiện nay Ngài đang sống tại Đan Viện Xitô, Nho Quan, Châu Sơn, Ninh Bình.

Xem hình

Đã từ lâu, Ngài ít xuất hiện trên các trang báo và đặc biệt Ngài không bao giờ hiện diện trong các dịp đại lễ. Ngài sống âm thầm tại Đan viện. Tuy âm thầm, nhưng Ngài như một thỏi “ nam châm” có thể “hút” rất nhiều người cả Công Giáo lẫn những người chưa biết Thiên Chúa. Giọng nói tràn đầy nội lực và nhiệt huyết. Ngài vẫn mang trong mình phong cách và tinh thần “Ngô Quang Kiệt”.

Nhân dịp mừng Ngân Khánh linh mục, VietCatholic “ năn nỉ” mãi mới được Ngài dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Nt. Maria Minh Du: Chúng con xin gửi đến Đức Tổng Giuse lời chào thăm của VietCatholic và của độc giả, khán giả của VietCatholic.

Xin Đức Tổng cho độc giả của VietCatholic biết về một ngày sống của Đức Tổng hiện nay ạ.

Đức TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt: Tôi xin kính chào quý anh chị em. Việc chính của tôi là nghỉ ngơi. Đan viện là nơi thích hợp để nghỉ ngơi. Vì cảnh thiên nhiên thoáng đãng. Bầu khí yên tĩnh. Làm việc với đất đai, cây cỏ và súc vật rất thú vị. Ở đây có nhiều đá rất đẹp. Có thể chiêm ngắm suốt ngày không chán. Đặc biệt bầu khí cầu nguyện. Những giờ kinh của đan viện rất sốt sắng giúp nâng tâm hồn lên. Và bầu khi huynh đệ bác ái. Cộng đoàn sống rất thân tình. Nên theo sát chương trình của đan viện là một cách nghỉ ngơi rất hữu ích. Ngoài ra tôi cũng có thời giờ đón tiếp khách hành hương cầu nguyện. Giúp các đoàn tĩnh tâm Đặc biệt giới trẻ.

Nt. Maria Minh Du: Thưa Đức Tổng, Đức Tổng đã sống nhiều năm tại Đan Viện Xitô, Châu Sơn, Ninh Bình. Đức Tổng có nghĩ một ngày nào đó Đức Tổng sẽ trở thành một đan sĩ không ạ ?

Đức TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt: Tôi đi lại đan viện nhiều năm. Chính thức sống đã sang năm thứ 6. Thế nào là đan sĩ. Nếu sống như mọi người. Tham dự vào đời sống cộng đoàn. Chia sẻ với anh em. Thì tôi đã là đan sĩ rồi. Nhưng nếu là kết hợp mật thiết với Chúa. Tiến sâu xa hơn trong đời sống chiêm niệm. Thì còn một quãng đường dài. Có lẽ phải phấn đấu suốt cuộc đời còn lại mới có hi vọng thành một đan sĩ đúng nghĩa.

Nt. Maria Minh Du: Trên kệ của những nhà sách Công Giáo, chúng con nhìn thấy những đầu sách của Đức Tổng. Chắc Đức Tổng viết nhiều?

Đức TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt: Viết và đọc. Đó là sở thích. Nhưng với sức khoẻ và tuổi tác. Tôi phải tự giới hạn. Giới hạn thời giờ. Giới hạn lãnh vực. Giới hạn sức lực. Càng ngày tôi càng ý thức sự nghèo nàn của mình để sống khiêm tốn hơn.

Nt. Maria Minh Du: " Chạnh Lòng thương" ( Mt 9,36) là khẩu hiệu Đức Tổng đã chọn 25 năm năm trước. Năm nay mừng ngân khánh lại trùng dịp năm Lòng Thương Xót, Đức Tổng có thể chia sẻ thêm cho chúng con một đôi điều về câu lời Chúa mà Đức Tổng đã chọn không ạ ?

Đức TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt: Tôi gắn bó với những hoàn cảnh nghèo khổ. Chịu chức linh mục thời đất nước đi vào nghèo khổ. Tôi đã sống giữa người nghèo mới. Những sĩ quan đi học tập cải tạo về. Những đại gia phá sản. Đặc biệt sau thất bại của chính sách giá, lương, tiền khiến người nghèo càng nghèo hơn. Tôi về Lạng sơn là một giáo phận không chỉ nghèo mà còn tang thương. Người chết hết. Các nhà thờ đổ nát. Không có toà giám mục. Không có nhà thờ chính toà. Giáo dân tất tưởi bơ vơ không người chăn dắt. Hôm nay tôi kỷ niệm 25 năm linh mục trong năm Lòng Thương Xót. Đúng thời điểm cá chết, Kéo theo cái chết của thiên nhiên. Của vũ trũ. Của ngư dân. Của biết bao người. Thông điệp Laudato Si vọng lên tiếng "kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dung". Tất cả là lời Chúa nhắn nhủ tôi đừng thờ ơ vô trách nhiệm. Đừng dửng dưng vô cảm. Đừng như thày tư tế tránh qua bên kia đương lần trổn. Nhưng hãy có lòng thương xót. Hãy quan tâm. Liên đới. chia sẻ.

Nt. Maria Minh Du: Một điều mà tất cả chúng con đều quan tâm là hiện nay sức khỏe của Đức Tổng thế nào ạ?

Đức TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt: Sức khoẻ tôi khá hơn. Nhưng mong manh. Tôi không còn sử dụng sức khoẻ. Nhưng phải nương theo sức khoẻ. Và phải biết chăm sóc cho nó. Đó là công bằng. Chị sức khoẻ đã được Chúa ban để giúp tôi bao nhiêu năm nay. Giờ đây đến lượt tôi phải quan tâm chăm sóc cho chị.

Chúng con xin cảm ơn Đức Tổng đã dành cho VietCatholic cuộc phỏng vấn và sẻ chia cho quý độc giả những tâm tình. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria ban cho Đức Tổng dồi dào ân phúc và luôn luôn làm “viên nam châm” hút mọi người đến với Thiên Chúa.

Vì thời gian của Ngài hạn hẹp, chúng tôi không dám nài ép Ngài chia sẻ về “ Vườn Fatima”, một công trình tại Đan viện mà Ngài đang để tâm, sức và trái tim để hoàn thiện, mong sẽ khánh thành vào dịp mừng kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra ở Fatima ( 2017). Một công trình mà từ viên đá, nhánh cây cũng mang những giá trị và ý nghĩa. Xin cùng cầu nguyện cho Ngài và những ấp ủ và dự định Thiên Chúa mong muốn nơi Ngài.
 
Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đón nhận 14 tân tòng trong ngày Lễ Mình Máu Chúa
Trần Văn Minh
06:35 29/05/2016
Melbourne, Thánh lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa lúc 5 giờ chiều Chúa Nhật 29 Tháng Năm, 2016. Tại Nguyện đường Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Cộng đoàn đã rất vui mừng được đón nhận 14 anh chị em gia nhập vào Hội Thánh Công Giáo để trở thành những người con cái của Chúa.

Mời xem hình

Thánh lễ do Linh mục Giuse Trần ngọc Tân, Quản nhiệm cộng đoàn chủ sự, với Ca đoàn Cecilia phụ trách phần phụng vụ thánh ca các thánh lễ chiều Chúa Nhật của cộng đoàn, đã dùng lời ca tiếng hát thật đặc sắc dâng lên Thiên Chúa để cảm tạ vì Thiên Chúa đã cho cộng đoàn vinh dự được đón nhận những người anh em gia nhập vào đại gia đình Hội Thánh Chúa.

Trong bài chia sẻ, linh mục chủ tế đã nhắn nhủ các tân tòng về lễ Mình Máu Thánh Chúa với tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa đã hiên diện và ở lại với con cái của Ngài. Khi các anh chị đã trở thành con cái của Chúa, các anh chị đã được ơn Thánh Thần Chúa ngự trong mình anh em, biến đổi anh em thành con người mới. Khi các anh chị đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, các anh chị phải hiểu rằng, tấm bánh trắng tinh, thơm tho không mùi vị là Mình Máu Thánh Chúa là của ăn thiêng liêng, nuôi sống linh hồn anh chị em. Khi có Chúa ngự trong mình, anh chị em sẽ ăn nói khác hơn, sống khác hơn, biết yêu thương nhau hơn, và sống xứng đáng hơn.

Linh mục đã ban Bí tích thanh tẩy cho 14 anh chị em tân tòng, và ban Bí tích Thêm sức cho các anh chị em trưởng thành trong niềm hân hoan của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa. Trong số 14 tân tòng có chín anh chị em trưởng thành và năm em nhỏ. Đặc biệt có hai gia đình, mỗi gia đình có ba thành viên xin được đón nhận Bí tích Thanh tẩy.

Sau Thánh lễ, một tân tòng đại diện đã lên ngỏ lời cùng Linh mục chủ tế và cộng đoàn. Em nói rất vinh dự được gia nhập vào Hội Thánh Chúa, vì đây là một ơn gọi đặc biệt mà Chúa đã tuyển chọn, vì khi các em chỉ mới học hỏi về Đạo Chúa, các em đã cảm nhận được những ân sủng mà Thiên Chúa mặc khải, Ngài tìm kiếm và mời gọi các em biết để tìm đến trong bàn tay yêu thương của Ngài. Các em đã chân thành cám ơn đến Cha quản nhiệm và cộng đoàn đã giúp đỡ, hướng dẫn, đón nhận, dẫn dắt các em tìm về cùng Chúa.

Trong phần đáp từ, Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân rất vui mừng nói rằng. Được đón nhận các em tìm về với Chúa, Linh mục và toàn thể cộng đoàn cảm tạ Chúa và phải cám ơn các em mới đúng, vì nhờ có các em mà cộng đoàn mới có thể phát triển, mới tỏ ra là cộng đoàn năng động, đã cố gắng loan báo tin mừng đến với những người anh em chưa biết Chúa, để chào mời các anh em tìm về làm con cái Chúa, và được hưởng nguồn gia nghiệp Chúa hứa ban cho con cái của Ngài.
 
Giới thiệu khoá Kỹ Thuật Truyền Hình VietCatholic Sydney, Australia
Lm. Gioan Trần Công Nghị
15:16 29/05/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tôi là linh mục Gioan Trần Công Nghị, Giám Đốc thông tấn xã Công Giáo VietCatholic, xin chào mừng quý vị và anh chị em, và cám ơn lòng quảng đại dấn thân vào sứ vụ tông đồ trên Net với chúng tôi.

Cuộc cách mạng trong truyền thông xã hội ngày nay liên quan đến một sự tái định hình căn bản những yếu tố mà qua đó con người cảm nhận thế giới chung quanh họ, xác nhận và biểu tỏ ra điều mà họ cảm nhận. Tình trạng sẵn sàng thường xuyên của hình ảnh và ý tưởng cùng với sự truyền đạt nhanh chóng ngay cả từ lục địa này sang lục địa khác, có những hệ quả sâu sắc, cả tích cực lẫn tiêu cực, đối với sự phát triển về phương diện tâm lý, đạo đức, và xã hội của cá nhân, cấu trúc và hoạt động của xã hội, sự giao lưu giữa các nền văn hóa, sự cảm nhận và truyền đạt các giá trị, thế giới quan, ý thức hệ và niềm tin tôn giáo.

Ý thức rõ rệt như thế, cho nên, trong những năm qua, VietCatholic không ngừng tận dụng các phương tiện truyền thông mới mà Chúa qua các phát minh khoa học đang đặt vào tay chúng ta.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Khởi đi từ Đại Hội Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo nhóm tại Nam California vào tháng 10 năm 2006, một bộ phận của VietCatholic đã được hình thành để nghiên cứu những khía cạnh kỹ thuật liên quan đến tiềm năng sản xuất và phát các videos trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Chưa đầy 2 năm sau, từ trung tâm báo chí của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney, chúng tôi đã có thể phát hình hầu hết các biến cố quan trọng trong Đại Hội này.

Sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney, được sự hỗ trợ của các cơ quan truyền hình của Tòa Thánh, chúng tôi đã nhanh chóng đi dần đến việc phát hình hàng tuần. Trong suốt 5 năm qua, chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican đều đặn truyền đi hàng tuần tiếng nói và hình ảnh của Đức Giáo Hoàng, những giáo huấn của ngài, và những sinh hoạt tại giáo đô Rôma cũng như những biến cố trọng đại trong đời sống Giáo Hội như các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid và Rio De Janeiro…

Nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan trung ương Tòa Thánh, chúng tôi đã có khả năng tường thuật rất nhanh các biến cố với những hình ảnh rất đẹp như quý vị và anh chị em có thể thấy trong nhiều dịp khác nhau, mà gần đây nhất là chuyến tông du cuả Đức Thánh Cha tại Hoa Kỳ vào tháng Chín vừa qua.

Bên cạnh chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican, trong hai năm qua, chúng tôi còn có chương trình Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô để gởi đến quý vị và anh chị em những giáo huấn rất thiết thực và cụ thể của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các thánh lễ hàng ngày tại nhà nguyện Santa Marta, cũng như trong các buổi tiếp kiến chung và các buổi đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô. Từ tháng 12 năm 2014, chúng tôi có thêm chương trình Giáo Hội Năm Châu do studio ở Melbourne đảm trách mỗi tuần.

Tháng Giêng 2016, chúng tôi thành hình thêm hai studio mới tại Orange County và Los Angeles đảm trách các chương trình Thánh Ca, Gặp gỡ Đức Thánh Cha trong các buổi triều yết chung, và các buổi đọc kinh Truyền Tin và kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng.

Để đánh dấu kỷ niệm năm thứ 20 của VietCatholic vào tháng 11, 2016 tới đây, chúng tôi quyết định tiến xa hơn một bước nữa là hình thành thêm một studio mới tại Sydney, Australia trong nỗ lực tiến tới xây dựng Đài Truyền Hình VietCatholic tại Orange County hầu đáp ứng như cầu Truyền giáo và Mục vụ cho người Việt Công Giáo khắp nơi.

Chúng tôi không có ý định chỉ dừng lại ở chỗ “lồng tiếng” các videos nhưng muốn tiến xa tới chỗ sản xuất các chương trình. Vì thế, chúng tôi rất cần sự cộng tác của các diễn viên, các ca sĩ, các nhà đạo diễn và các chuyên viên kỹ thuật quay phim và edit phim.

Đây là một công việc rất quy mô đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều người: các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân; cùng với các kiến thức chuyên môn mà chúng tôi sẽ cùng thảo luận với quý vị và anh chị em như:

• Studio Lighting,

• Sound Recording/Editing,

• Video Recording/Editing,

• Clip Management,

• Video Publishing.

Các chuyên gia của VietCatholic sẽ chỉ dẫn các kỹ thuật phỏng vấn, thu hình, dàn dựng âm thanh và ánh sáng trong điều kiện của một phòng thu hình, sử dụng và tinh chỉnh camcorder, sử dụng các nhu liệu như Adobe Premiere, Adobe Photoshop và Adobe Audition, phát hình trên các mạng xã hội và trên các đài truyền hình.

Thay mặt cho Ban Giám Đốc và Ban Biên Tập VietCatholic, một lần nữa xin chào mừng quý vị và anh chị em, và cám ơn lòng quảng đại dấn thân vào sứ vụ tông đồ trên Net với chúng tôi.
 
Giáo xứ Lai Châu, GP Hưng Hoá lần đầu tiên có cha xứ
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành
15:54 29/05/2016
Giáo xứ Lai Châu, GP Hưng Hoá lần đầu tiên có cha xứ

WGPHH - “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Chỉ vì yêu thương mà Chúa đã sắp đặt có người để khai phá và quy tụ những cộng đoàn tại tỉnh Lai Châu. Người đó chính là cha Phêrô Phạm Thanh Bình. Trải quan những bước thăng trầm, nhiều khi tưởng rằng tan vỡ, nhưng cha đã vượt qua để quy tụ giáo xứ Lai Châu và các cộng đoàn đông đảo như ngày nay”. Đó là lời tâm sự nghẹn ngào đầu lễ của Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục giáo phận Hưng Hóa để cám ơn cha cựu quản xứ Phêrô Phạm Thanh Bình tại nhà nguyện Duy Phong, giáo xứ Lai Châu.

Xem Hình

Ngày 29.5.2016, Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa Kitô, theo sự sắp xếp của Tòa Giám Mục Hưng Hóa, cha Phêrô Phan Kim Huấn nhận giáo xứ Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Thánh lễ được cử hành lúc 10g30 tại nhà nguyện Duy Phong, xã Sàng Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất chủ tế Thánh lễ tạ ơn và giao giáo xứ cho cha Phêrô Huấn. Đồng tế Thánh lễ có cha quản hạt Lào Cai, nguyên quản nhiệm giáo xứ Lai Châu Phêrô Phạm Thanh Bình, cha Chánh văn phòng Phêrô Lê Quốc Hưng, cha quản lý Đaminh Hoàng Minh Tiến, cha quản hạt Tây Bắc Phú Thọ Giuse Chu Văn Khương, cha quản xứ Lào Cai Giuse Nguyễn Văn Thành, cha phó xứ Lai Châu Giuse Đỗ Tiến Quyền, cha phó đặc trách giáo xứ Phi Đình Giuse Nguyễn Văn Bình. Tham dự Thánh lễ có quý Thầy, quý Dì, đại diện các giáo xứ cha Phêrô Huấn coi sóc và 700 giáo dân trong các giáo họ thuộc tỉnh Lai Châu.

Hôm nay cũng là ngày giáo xứ Lai Châu chầu Mình Thánh Chúa thay mặt giáo phận vì thế các giáo họ đã đến từ sáng để thông công giờ chầu. Chính sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể là chỗ dựa vững chắc cho đức tin của mấy thế hệ người theo Chúa trên mảnh đất xa xôi này. Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Cha Gioan đã cám ơn cha Phêrô Phạm Thanh Bình và giới thiệu cha Phêrô Phan Kim Huấn với cộng đoàn. Cha nguyên quản xứ đã cám ơn mọi thành phần dân Chúa trong tỉnh Lai Châu đã cộng tác với ngài từ năm 2007 đến nay và ngài cũng khuyến khích mọi người hãy cộng tác với cha tân quản xứ.

Cha chánh văn phòng đã đọc văn thư bổ nhiệm của Tòa Giám Mục về cha tân quản xứ trước cộng đoàn giáo xứ Lai Châu. Cộng đoàn vỗ tay chúc mừng. Cộng đoàn cũng tặng Đức Cha, cha cựu và tân quản xứ bó hoa để nói lên lòng biết ơn. Đặc biệt, để diễn tả sự vui mừng khôn tả trong ngày trọng đại này, từng giáo họ có những bó hoa tươi thắm dâng lên cha tân quản xứ. Cha tân quản xứ cũng cám ơn quý ông bà anh chi em giáo dân đã dành cho ngừi những tình cảm tốt đẹp. Ngài cũng xin mọi thành phần dân Chúa cộng tác với ngài như đã từng cộng tác với cha nguyên quản xứ.

Ông chủ tịch Hội đồng giáo xứ đã thay mặt cho giáo xứ có lời cám ơn Đức Cha, quý cha đồng tế, quý Thầy, quý Dì và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, nhất là cha nguyên quản nhiệm. Ông nói: “Để có được như ngày hôm nay, chúng con phải kể đến công lao vô cùng to lớn của cha quản nhiệm Phêrô Phạm Thanh Bình, cha đã dày công lo liệu mọi công việc từ khi cha được bổ nhiệm để dẫn dắt chúng con. Cha đã hướng dẫn từ khi đức tin của mỗi chúng con còn tản mạn mỗi người một phương, từ chỗ chưa có nhà nguyện, chưa có cộng đoàn quy tụ để sớm tối đọc kinh cầu nguyện. Nhưng nay đã có 4 nhà nguyện và 12 cộng đoàn lớn nhỏ. Đây quả là một kết quả lớn lao của cha đã giúp đỡ cho chúng con, chúng con xin hết lòng cám ơn cha. Trong thời gian tới đây cha không trực tiếp phụ trách giáo xứ chúng con nữa, nhưng chúng con tin rằng cha vẫn tiếp tục đồng hành và giúp đỡ chúng con cách này hay cách khác, nhất là trong lời cầu nguyện và những sáng kiến mục vụ cho cha xứ mới Phêrô Phan Kim Huấn”.

Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức Cha Gioan Maria đã nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể. Đức Cha nói: “Bí tích Thánh Thể đã được Thiên Chúa hoạch định từ trước khi Chúa Giêsu ra đời, cả hàng gần hai ngàn năm trước. Như vậy, bí tích Thánh Thể là nằm trong chương trình mà Thiên Chúa đã ấn định để cứu chuộc loài người chúng ta. Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong đêm Ngài bị nộp vì chúng ta. Ngài nói này là Mình Thầy anh em hãy cầm lấy mà ăn...”

Cuối Thánh lễ, cả cộng đoàn hát kinh Te Deum để tạ ơn Thiên Chúa vì những gì Ngài đã thực hiện trong giáo xứ Lai Châu. Tất cả mọi người hiện diện nơi đây đều có thể nói như Đức Mẹ và thân thưa với Chúa rằng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại”. Thánh lễ kết thúc lúc 12g00 trong tinh thần tạ ơn Chúa vì có cha xứ mới nhưng cũng không khỏi buồn vì phải chia tay cha xứ cũ.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phải làm điều này nhưng không được bỏ điều kia
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:09 29/05/2016
PHẢI LÀM ĐIỀU NÀY NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC BỎ ĐIỀU KIA

Chiều 14-5-2016, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Phạm Công Tạc cho biết đến ngày 26-4-2016, các kết quả phân tích cho thấy đã đủ căn cứ khoa học để loại trừ hầu hết các nhóm nguyên nhân tự nhiên từ địa chấn, sốc nhiệt, dịch bệnh... Như thế có thể khẳng định gần chắc chắn rằng nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường biển qua vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung nước Việt chúng ta vừa qua là do con người. Nếu không phải do “thiên tai” thì đúng là bởi “nhân họa”.

Ngày 26-5 Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu. Chủ tịch Ủy Ban Bác Ái Xã Hội-Caritas Việt Nam ra bức “thư kêu gọi giúp đồng bào nạn nhân thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung”.

Ngày 27-5 Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giáo phận Vinh ra thư kêu gọi tương trợ nạn nhân thảm họa môi trường biển, dự kiến sẽ giúp mỗi gia đình khoảng trên dưới 100 kg gạo.

Bản thân đã từng nghe một vài ngư dân lên tiếng trên phương tiện truyền thông rằng họ sẵn sàng đón nhận tấm lòng chia sẻ của đồng bào nhưng thực ra họ không cần gạo mà cần có biển sạch để tự mình kiếm kế sinh nhai cho bản thân và gia đình.

Là con cái trong hội thánh Công Giáo Việt Nam, đoàn chiên “vâng lời các vị chủ chăn trong các điều hợp lẽ đạo” (GLCG câu 269 – Sách GLCG - HĐGM VN trang 84). Tuy nhiên chiên trưởng thành vẫn hằng mong các đấng bậc mạnh mẽ lên tiếng đòi hỏi quý vị lãnh đạo Nhà Nước hữu trách công khai những nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường biển ở trên. Nếu không phải là do thiên tai thì là do nhân họa. Nếu là nhân họa thì do những ai gây ra và họ gây ra thảm họa đó như thế nào để họ phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại đồng thời cùng với Nhà Nước có biện pháp khắc phục hậu quả.

Phải làm những điều này (liên đới chia sẻ với các nạn nhân của thảm họa) nhưng không được bỏ các điều kia (bảo vệ công lý) (x.Mt 23,23-24). Giả như bà con tín hữu Công Giáo Việt Nam đã hài lòng với dăm ba chục ngàn hay dăm ba triệu đồng góp phần chia sẻ với các nạn nhân thảm họa biển thì biết đâu họ đang được hướng dẫn kiểu “gạn lọc con muỗi, nhưng lại nuốt chửng cả con lạc đà !” (Mt 23,24).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cách đặt câu hỏi giáo lý
Gioan Lê Quang Vinh
15:46 29/05/2016
CÁCH ĐẶT CÂU HỎI GIÁO LÝ

Đặt câu hỏi là một nghệ thuật. Trong văn chương cũng như trong đời sống thường nhật (bao gồm cả thi cử và phỏng vấn), câu hỏi được đặt ra thường có ba mục tiêu chính: để kiểm tra trình độ, để tìm thông tin và đơn thuần là để giao tiếp.

Sắp hết năm học Giáo lý, các giáo xứ đang tổ chức thi học kỳ II cũng như thi đố vui Giáo lý, thiết tưởng cũng nên ôn lại một chút về các cách đặt câu hỏi Giáo lý.

Chúng tôi xin lướt qua vài loại câu hỏi vừa nghe được đó đây trong các lớp Giáo lý và cả trong nhà thờ. Người đặt câu hỏi không phải là không có trình độ, mà chỉ là chưa chú ý lắm khi đặt câu hỏi. Những dạng câu hỏi sau đây cần tránh.

Loại câu hỏi thứ nhất là trả lời sao cũng được, không có câu trả lời đúng. Cái đáng nói là khi người hỏi đưa ra lời giải đáp thì ai cũng chẳng đồng tình. Sáng nay có vị hỏi: “Khi đi Lễ bạn mang theo cái gì?”. Có em nói chiếc cặp, có em nói chai nước, em thì nói tâm hồn trong sạch. Nhưng đáp án là… tiền để ăn sáng (!)

Câu hỏi ấy làm cho trẻ em lúng túng và khi nghe câu trả lời thì ngẩn ngơ, vì chẳng ăn nhập gì cả. Cũng tương tự như thế, câu hỏi: “Chúa xuống thế làm người có tên là gì?”. Lẽ ra câu trả lời là “Chúa Giêsu, Chúa Kitô”, thì đáp án đưa ra là “Bánh Hằng Sống”, vì Chúa nói “Ta là Bánh Hằng Sống”.

Nghe câu trả lời, các em ngỡ ngàng nói với nhau: “Chúa là Bánh Hằng Sống nhưng đó đâu phải là tên của Chúa”.

Cách đây ít lâu có một chị phụ trách khối Thêm Sức ở một giáo xứ cho chúng tôi xem hai câu hỏi mà giáo lý viên ra cho các em: “Đức Chúa Cha tạo thành Chúa Thánh Thần khi nào?” (câu này sai tín lý), và “Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể ngày tháng năm nào?” (câu này các em không thể trả lời và cũng không cần phải biết).

Từ những thực tế ấy, chúng tôi xin mạo muội góp đôi ý kiến về việc đặt câu hỏi Giáo lý dưới cái nhìn sư phạm chung và sư phạm Giáo lý, mong quý vị hữu trách và các anh chị huynh trưởng giáo lý viên quan tâm.

Điều cần nhớ đầu tiên là câu hỏi phải giúp các em nhớ bài học và có thể trả lời, chứ không mang tính đánh đố. Trong một số trường hợp, câu hỏi mang tính lắt léo một chút, gọi là “đố vui”, khi ai trả lời được thì mọi người đều… vui! Nhưng khi kiểm tra kiến thức các em, thì câu hỏi phải rõ ràng, trực tiếp và có thể trả lời nếu có kiến thức.

Một ví dụ cho câu hỏi rõ ràng là “Tại sao Chúa hoá bánh ra nhiều?” Câu trả lời chắc chắn là “để cung cấp cho những đi người theo nghe Chúa giảng”. Nếu đặt câu hỏi: “Trong Phúc Âm Chúa Giêsu hoá cái gì ra thế nào?” thì rõ ràng là quá mờ mịt, các em không trả lời được.

Cách đặt câu hỏi này chỉ đơn giản là nghĩ đến câu trả lời trước, rồi đặt câu hỏi với các từ ai, cái gì, tại sao, thế nào, cái gì, ở đâu và khi nào?

Thứ hai, câu hỏi phải nằm trong chương trình dạy. Điều này trong sư phạm tiếng Anh người ta gọi là “validity” (tính hữu hiệu) của đề thi. Cũng thế, trong Thánh Lễ hay trong các lớp Giáo lý, câu hỏi không nên vượt ra ngoài chương trình và trình độ các em.

Đặc tính này của câu hỏi còn bao hàm từ ngữ thích hợp với trình độ các em nữa. Nếu kiểm tra về bí tích, thì câu hỏi sau đây được coi là không phù hợp với thiếu nhi: “Mô thức của bí tích là gì?” chẳng hạn.

Thứ ba, câu hỏi phải mang tính “reliability” (nghĩa là mang tính đáng tin cậy). Chỉ có một câu trả lời đúng, và giám khảo nào cũng chấm như nhau, không mang tính chủ quan của người chấm bài hay người hỏi.

Đa phần người hỏi không nói rõ ý mình là do không chú ý trình độ các em. Luôn hỏi những câu hỏi “hóc búa” hay sâu quá so với trình độ giáo lý phổ thông có thể làm các em chán hoặc lơ là với Lời Chúa, với giáo lý.

Chúng ta luôn nhớ rằng Lời Chúa là lương thực cao quý và cuốn hút con người. Nhưng cách trình bày Lời Chúa cho các em có thể có ảnh hưởng đến các em bây giờ và cả sau này nữa. Nhiệm vụ của người rao giảng do đó mà rất quan trọng trong tiến trình đưa các em đến với Lời Chúa.

Và thứ tư, câu hỏi phải giúp các em thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến Hội Thánh. Đặt câu hỏi thế nào cho các em thấy được Lời của Chúa “làm hoan lạc tuổi xuân con” như Thánh Vịnh 43 viết. Đặt câu hỏi cho các em say mê tìm hiểu là cả một nghệ thuật chứ không phải thích thì hỏi!

Như thế, để đặt câu hỏi giáo lý, đòi nhiều người hỏi bỏ nhiều công sức, suy tư và nhất là cầu nguyện trước khi hỏi các em. Có những câu hỏi đơn giản nhưng là kết quả của suy niệm Lời Chúa cùng với lòng yêu mến việc đem Lời Chúa đến cho các em.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Giá Dưới Trăng
Mỹ Lê
18:36 29/05/2016
THÁNH GIÁ DƯỚI TRĂNG
Ảnh của Mỹ Lê
Từ cây gỗ đã cằn đã cỗi
Cây sự sống giữa rừng vượt trổi
Với những cành trĩu trái trường sinh
Lá sum suê linh dược chữa lành
Những bệnh hoạn tật nguyền nhân thế.
Ôi thập giá tín thành oai vệ,
(Trích thơ của Trăng Thập Tự, Lm)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 24 – 30/05/2016: Tổng tuyển cử tại Úc Đại Lợi.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
10:00 29/05/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Úc về tổng tuyển cử: Một lá phiếu cho người không có tiếng nói

Cuộc tổng tuyển cử tại Úc để bầu một quốc hội mới và do đó, một chính phủ mới, đã khởi đầu gần ba tuần qua. Nhiều người tỏ ra thờ ơ với cuộc bầu cử mà họ cho là nhạt nhẽo này, dù Úc đang trải qua nhiều biến động chính trị. Phải chăng một phần do hình ảnh thiếu lôi cuốn của cả hai lãnh tụ Tự Do và Lao Động. Tự Do có vẻ đang thắng thế nhờ vấn đề an toàn biên giới, một vấn đề đang phân hóa Lao Động. Nhưng kết quả thăm dò cho thấy sự thắng thế này khá mỏng manh. Tuy nhiên, dù Đảng nào thắng lần này, thì chiều hướng văn hóa vứt bỏ vẫn hằng ngày lấn đất giành dân, khiến hàng giám mục Úc lo âu qua thư chung “Một Lá Phiếu Cho Người Không Có Tiếng Nói” gửi dân Chúa toàn quốc gần đây.

Trong thư chung, các Giám Mục Úc nhận xét rằng:

“Trong chiến dịch tranh cử lâu dài, người ta sẽ nói nhiều tới kinh tế và nhu cầu phải quản trị tốt nền kinh tế ở thời buổi khá bất trắc này. Cả hai phía của chính trị đều sẽ nói lên thành tích kinh tế của mình để chiếm được quyền lực.

Dĩ nhiên, kinh tế là điều quan trọng và quả nó cần một nền quản trị có cơ sở. Nhưng, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nhấn mạnh, kinh tế cũng có nguy cơ trở thành một thứ ngẫu thần mà ngay cả những con người nhân bản cũng phải bị dâng lên làm hy lễ.

Viễn ảnh trên dẫn tới điều Đức Giáo Hoàng gọi là nền văn hóa vứt bỏ, một nền văn hóa tiêu thụ quá trớn, trong đó, mọi sự đều bị vứt bỏ, phí phạm, ngay cả những con người nhân bản. Tiếng nói của những con người bị vứt bỏ sẽ không được nghe thấy trong chiến dịch lâu dài và ầm ĩ này. Gương mặt của họ sẽ không ai nhìn thấy trong các tờ quảng cáo. Ấy thế nhưng, nếu tiếng nói của họ không được nghe thấy và nếu gương mặt của họ không ai nhìn thấy, ta sẽ không có một xã hội thực sự nhân bản trong đó, việc quản trị kinh tế phục vụ các con người nhân bản chứ không ngược lại.

Đó là lý do các giám mục chúng tôi muốn nói đôi lời như là một phần trong chiến dịch này, không phải để thúc đẩy một đường lối ý thức hệ hay đơn giản chỉ để bênh vực quyền lợi của Giáo Hội mà là để đem lại tiếng nói cho người không có tiếng nói và làm cho gương mặt của họ được người ta nhìn thấy, dù chỉ vắn vỏi trong một lời tuyên bố như lời tuyên bố này.”

Trong số những người bị vứt bỏ trong nền văn hóa vứt bỏ này, các Đức Giám Mục liệt kê:

Người tỵ nạn và tầm trú, người thổ dân, các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, các nạn nhân của bạo hành gia đình, những thai nhi, những người cao niên, những người bị bệnh tâm thần, những người nghiện ngập, những người sa vào mạng lưới nô dịch mới, tức các nạn nhân của nô lệ tình dục hay sở làm, những người bần cùng ở nước ngoài, tức những người đang hướng về nước Úc giầu có mong nhận được sự giúp đỡ họ rất cần, thường chỉ để sống sót, nhưng thấy đất nước ta càng ngày càng kém quảng đại.

Các Giám Mục Úc hy vọng rằng “ít nhất đối với các Kitô hữu chúng ta, và nhất là các chính trị gia Kitô Giáo, chiến dịch bầu cử lần này sẽ không là thời gian để nói loanh quanh và khoa trương mà là thời gian để nói khôn ngoan và chân thực xuất phát từ một lắng nghe sâu sắc và khiêm nhường. Chỉ lúc đó, lá phiếu của chúng ta mới là một lá phiếu có lợi cho một cộng đồng, trong đó, không ai bị vứt bỏ, mọi tiếng nói đều được nghe thấy và mọi khuôn mặt đều được nhìn thấy.”

2. Tân Tổng Giám mục La Havana kêu gọi đối thoại hiệu quả hơn giữa Giáo Hội và nhà nước.

Trong Thánh lễ ngày Chúa Nhật 22/5, trước sự hiện diện của Phó Tổng Thống Salvador Valdes Mesa và ông Caridad Diego, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo vụ của Đảng Cộng sản Cuba, Đức Cha Juan de la Caridad Garcia Rodriguez, Tân Tổng Giám mục của Havana, đã đưa ra lời kêu gọi để tiếp tục cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền Cu ba. Ngài nói: “Sự hiện diện của quí vị ở đây mời gọi và khuyến khích chúng tôi tiếp tục cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại có thể hiệu quả hơn, thực tế hơn, để Giáo Hội có thể tìm ra những không gian khác cho sứ vụ loan báo Tin mừng, phụng vụ, sứ vụ giáo dục và bác ái cho người nghèo”.

Giây phút Đức Hồng Y, Jaime Ortega, Cựu Tổng Giám mục Havana đón Đức Tân Tổng Giám mục tại cửa vào nhà thờ và trao cho Đức Tổng Giám mục kế vị ngài cây gậy mục tử làm cho nhiều người hiện diện xúc động. Nhà thờ chánh tòa đầy kín người, nhiều giáo dân phải tham dự lễ bên ngoài và theo dõi trên các màn hình khổng lồ.

Đức Cha Garcia Rodriguez sinh tại Camagüey ngày 11/7/1948, được thụ phong Linh mục ngày 25/1/1972 và phục vụ trong vài giáo xứ. Cha đã thành lập và là giám đốc của trường truyền giáo của Giáo phận Camagüey. Ngày 15/3/1997, Cha được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Giáo phận Camagüey và ngày 10/6/2002, được chọn làm Tổng Giám mục Giáo phận Camagüey.

3. Đức Thánh Cha tiếp Đại Iman của Đại Học Hồi giáo Al-Azhar

Hôm 23 tháng 5, lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Đại Imam Viện trưởng đại học Hồi giáo Al-Azhar của Ai cập, Giáo Sư Ahmed el-Tayeb.

Giáo Sư năm nay 70 tuổi, đã từng học về tư tưởng Hồi giáo ở Đại học Sorbonne, Paris. Đại học Al-Azhar ở thủ đô Cairo được coi là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunnit.

Hồi năm 2011, Đại học Al-Azhar đã đoạn giao với Tòa Thánh, vì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 kêu gọi chính phủ Ai Cập bảo vệ các tín hữu Kitô thiểu số tại nước này sau vụ một nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Copte ở thành phố Alesssandria. Các thủ lãnh Hồi giáo coi lời kêu gọi ấy là xen mình vào nội bộ của Ai cập.

Từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên cai quản Giáo Hội, Tòa Thánh tìm cách mở lại quan hệ với Đại học Al-Azhar, qua việc gửi sứ giả, hoặc sứ điệp, hay qua những cuộc tiếp xúc giữa các nhân vật của hai bên.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết cùng đi với Đại Imam của đại học Al-Azhar có một phái đoàn gồm 7 người, trong đó có Đại sứ Ai Cập cạnh Tòa Thánh, Ông Hatem Seif Elnasr.

Đại Iman đã được Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Đức Cha Tổng thư ký của Hội đồng này tiếp đón và tháp tùng đến gặp Đức Thánh Cha.

Trong cuộc nói chuyện thân mật dài 30 phút, Đức Thánh Cha và Đại Iman đã đề cao ý nghĩa lớn lao của cuộc gặp gỡ này trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Hồi giáo. Rồi hai vị cũng đề cập đến đề tài sự dấn thân chung của các vị hữu trách và tín hữu thuộc các tôn giáo lớn cho hòa bình thế giới, từ khước bạo lực và khủng bố, tình trạng các tín hữu Kitô tron gbối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng tại Trung Đông, cũng như việc bảo vệ các tín hữu ấy.

Đức Thánh Cha đã tặng Đại Iman mề đai cành Ôliu hòa bình và một bản Thông điệp Laudato sí của ngài.

Sau cuộc hội kiến với Đức Thánh Cha, trước khi rời dinh tông tòa, trong một phòng khách thuộc căn hộ tiếp kiến, Đại Iman cùng với phái đoàn, đã hội kiến với Đức Hồng Y Tauran, có Đức Cha Tổng thư ký Ayuso Guixot tháp tùng.

4. Các Giám Mục địa phương phải hỏi ý kiến Tòa Thánh trước khi lập dòng

Đức Thánh Cha Phanxicô qui định từ nay, Giám Mục giáo phận buộc phải xin ý kiến của Tòa Thánh trước khi lập dòng giáo phận, nếu không sắc lệnh thành lập sẽ vô hiệu.

Theo khoản giáo luật số 579 hiện hành, Giám Mục giáo phận có thể lập dòng trong lãnh thổ của mình, miễn là tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước đó. Trong thực tế có nhiều Giám Mục không hỏi ý kiến Tòa Thánh và vẫn lập dòng thành sự. Nay Đức Thánh Cha xác định rõ hơn tính chất bó buộc của khoản luật này.

Phúc chiếu công bố hôm 20-5-2016, với chữ ký của Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khẳng định rằng:

“Bộ các Hội dòng đời sống thánh hiến và các tu đoàn tông đồ, ý thức rằng mỗi dòng tu mới, dù được khai sinh và phát triển trong một Giáo Hội địa phương, đều là một hồng ân cho toàn thể Giáo Hội, nhưng Bộ thấy cần phải tránh thành lập các dòng mới ở cấp giáo phận mà không có sự phân định đầy đủ, xác định tính chất đặc sắc của đoàn sủng, ấn định những nét đặc thù có đặc tính thánh hiến trong các dòng tu ấy qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm và ấn định các khả thể phát triển thực sự, Bộ thấy nên xác định rõ hơn sự cần thiết phải xin ý kiến của Bộ, theo giáo luật số 579, trước khi tiến hành việc thiết lập một hội dòng giáo phận mới. Vì thế, theo ý kiến của Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến ngày 4-4-2016 dành cho Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký tên dưới đây, qui định rằng việc hỏi ý kiến Tòa Thánh phải hiểu là cần thiết để thành lập hữu hiệu (ad validitatem) một dòng tu giáo phận, nếu không thì sắc lệnh thành lập dòng ấy sẽ vô hiệu lực.

Phúc chiếu này sẽ được công bố qua việc đăng trên báo Osservatore Romano, Quan sát viên Roma, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6-2016, rồi được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).

Vatican ngày 11 tháng 5 năm 2016.

Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh.

5. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein: Đức Bênêđíctô thứ 16 coi việc thoái vị như là sự mở rộng sứ vụ Thánh Phêrô

Phát biểu tại buổi giới thiệu một cuốn sách mới về Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô tại Rôma hôm thứ Sáu 20 tháng 5, Đức Tổng Giám mục Gänswein nhận xét rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 không phải là hai giáo hoàng “trong một cuộc cạnh tranh” với nhau, nhưng đại diện cho một sự “mở rộng” của sứ vụ Thánh Phêrô với “một một vị đương nhiệm” và “một vị chiêm niệm.”

Theo Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người vừa là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Danh dự, vừa là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã không từ bỏ sứ vụ Giáo Hoàng như Đức Giáo Hoàng Celestine V vào thế kỷ 13 nhưng tìm cách tiếp tục sứ vụ Thánh Phêrô của mình một cách thích hợp hơn với thể trạng yếu đuối của ngài.

“Vì vậy, từ ngày 11 tháng 2 năm 2013, sứ vụ Giáo Hoàng không giống như trước đây. Đó là và vẫn là nền tảng của Giáo Hội Công Giáo; nhưng đó là một nền tảng mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã biến đổi sâu sắc và lâu dài bởi triều đại giáo hoàng ngoại thường của ngài.”

Phản ánh về thời gian Đức Bênêđíctô thứ 16 cai quản Giáo Hội, Đức Tổng Giám mục Gänswein nói rằng ngài là một “homo historicus” – nhà sử học - cổ điển, một người Tây phương tiêu biểu xuất sắc cho sự phong phú của truyền thống Công Giáo, nhưng đồng thời “ngài rất táo bạo để mở ra cánh cửa cho một giai đoạn mới, cho một bước ngoặt lịch sử mà năm năm trước không ai có thể tưởng tượng nổi.”

Bình luận về cuốn sách được viết bởi Roberto Regoli có tựa đề: “Oltre la crisi della Chiesa. Il pontificato di Benedetto XVI” nghĩa là “Vượt lên những khủng hoảng của Giáo Hội, Triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI”, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã ca ngợi cuốn sách là “xuất sắc và khai sáng” cũng như “có tài liệu phong phú và đầy đủ”

Đức Tổng Giám mục Gänswein cũng khẳng định lại một lần nữa là vụ “Vatileaks” hoặc các vấn đề khác “có rất ít hoặc không có liên hệ gì” với quyết định thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 11 tháng Hai năm 2013.

Trong phần mô tả về Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng năm 2005, Roberto Regoli cho biết lúc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về, Giáo Hội có 183 Hồng Y, trong đó có 117 Hồng Y cử tri. Tuy nhiên, do Đức Hồng Y Jaime Sin của Phi Luật Tân và Đức Hồng Y Adolfo Suárez Rivera của Monterrey đau ốm không đến được chỉ có 115 vị Hồng Y tham gia bầu Giáo Hoàng.

Theo Roberto Regoli, cuộc bầu cử Giáo Hoàng đã diễn ra “gay go” vì có một nhóm các Hồng Y ủng hộ Đức Hồng Y Joseph Ratzinger gọi là nhóm “Muối Đất” (đặt theo tựa cuốn sách phỏng vấn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger) bao gồm Đức Hồng Y Lopez Trujillo, Ruini, Herranz, Ruoco Varela và Medina; trong khi có một nhóm khác không ủng hộ ngài là nhóm “Thánh Gallen” bao gồm Đức Hồng Y Danneels, Martini, Silvestrini, Murphy O'Connor, Walter Kasper và Lehmann.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein xác nhận những nhận xét của Roberto Regoli và nói thêm là bài thuyết trình của Đức Hồng Y Ratzinger, trong tư cách niên trưởng Hồng Y Đoàn, với tựa đề “Chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” đã có yếu tố quyết định.

Trong ngày đầu tiên là ngày 18 tháng Tư, 2005, có một vòng bỏ phiếu và Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được 47 phiếu (40.87%); vị thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio (là Đức Đương Kim Giáo Hoàng) được 10 phiếu (8.7%).

Cuộc bầu cử kết thúc vào ngày thứ hai là ngày 19 tháng Tư, 2005 sau 4 vòng bỏ phiếu. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được 84 phiếu (73.04%); vị thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio được 26 phiếu (22.61%).

6. Đức Hồng Y Kurt Koch nói: Kitô hữu phải tìm cách cải đạo người Hồi Giáo

Kitô hữu được mời gọi để tìm cách cải đạo tất cả những người Hồi giáo, Đức Hồng Y chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đại Kết Kitô Giáo đã nói như trên với một cử tọa tại Đại học Cambridge.

Theo Đức Hồng Y Kurt Koch lệnh truyền của Chúa Kitô phải được áp dụng cả cho các thành phần vũ trang Hồi Giáo.

Phát biểu tại một cuộc họp liên tôn, Đức Hồng Y Koch nói nhiệm vụ truyền giáo được áp dụng cho tất cả các Kitô hữu, trong mối quan hệ của họ với tất cả các tôn giáo khác, ngoại trừ Do Thái giáo.

Đức Hồng Y thừa nhận rằng các Kitô hữu chia sẻ với người Do Thái và người Hồi giáo cùng một sự tôn kính đối với các truyền thống đức tin được truyền lại từ tổ phụ Abraham. Nhưng ngài nói rằng “chúng ta không thể phủ nhận rằng quan điểm về tổ phụ Abraham trong truyền thống Do Thái và Kitô giáo là khác biệt so với truyền thống Hồi giáo.”

Trong khi các Kitô hữu nhìn nhận giao ước của Thiên Chúa được thực hiện với người Do Thái, chúng ta không thể nói như thế với đức tin Hồi giáo, vị Hồng Y nhấn mạnh. Như vậy “chúng ta có với các tín hữu Do Thái một mối quan hệ đặc biệt mà chúng ta không có với người Hồi giáo.”

7. Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng 05, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc trong ngày lễ kính Ðức Trinh nữ Maria với tước hiệu “Ðức Bà phù hộ các giáo hữu”, vào ngày thứ Ba 24-05-2016 sắp tới. Ngày 24 tháng 5 hàng năm đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cjọn là ngày thế giới cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, Ðền thánh Xà Sơn ở Thượng Hải là nơi đặc biệt tôn kính “Ðức Bà phù hộ các giáo hữu”. Vào dịp này, Ðức Thánh Cha cầu xin Ðức Mẹ ban cho “các con cái của Mẹ tại Trung Quốc luôn biết nhận ra dấu chỉ sự hiện diện yêu thương của Chúa, Ðấng hằng đón nhận và thứ tha”.

Ðức Thánh Cha cũng bày tỏ ước mong rằng trong Năm thánh Lòng thương xót này, người Công Giáo Trung Quốc và cả những ai “theo các truyền thống tôn giáo cao quý khác” sẽ “trở nên những dấu chỉ cụ thể của tình bác ái và hòa giải”. Như thế, họ mới có thể cổ vũ “cho một nền văn hóa đích thực của sự gặp gỡ và hài hòa trong mọi xã hội”.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về lòng nhân đạo bắt đầu nhóm họp vào ngày thứ Hai 23-05 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Hội nghị nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết “các tình trạng bi đát của con người gây nên bởi các cuộc xung đột, các vấn đề về môi trường và sự cùng khổ”. Ðức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho các tham dự viên Hội nghị dấn thân hết mình trong việc “thể hiện mục tiêu nhân đạo chính yếu: cứu vớt cuộc sống của mỗi con người không loại trừ một ai nhất là những kẻ vô tội và những kẻ không có khả năng tự vệ”.

Sau kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha đã nói về lễ tôn phong Chân phước cho cha Francesco Maria Greco, một linh mục người Italia, sáng lập Dòng “Những người thợ nhỏ bé của Thánh tâm Chúa Giêsu”, đã được cử hành hôm thứ Bảy 21-05 tại Tổng giáo phận Cosenza, Italia. Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: Vào buổi giao thời giữa hai thế kỷ XIX và XX, “Ngài đã là người cổ vũ cho đời sống tôn giáo và xã hội nơi ngài sinh sống”.