Ngày 01-06-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng hội đồng trong bóng tối
Vũ Van An
23:00 01/06/2015
Ngày 26 tháng Năm vừa qua, khoảng 50 tham dự viên gồm các giám mục, thần học gia và đại diện truyền thông đã dự một phiên họp tại Đại Học Gregorian ở Rôma, mà có người đặt tên là Thượng Hội Đồng trong bóng tối (Shadow Synod).

Phiên họp chỉ kéo dài 1 ngày và chỉ bao gồm một nhóm cá nhân có chọn lựa, mục đích là để thúc đẩy “các cải tiến mục vụ” tại Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về Gia Đình. Đây là sáng kiến của các vị chủ tịch các hội đồng giám mục Đức, Thụy Sĩ và Pháp, tức Đức HY Reinhard Marx, Đức Cha Markus Büchel và Đức TGM Georges Pontier.

Theo Edward Pentin, một trong các chủ đề chủ yếu được thảo luận trong cuộc họp kín cửa này là làm thế nào Giáo Hội có thể chào đón tốt hơn những người hiện sống trong các cuộc kết hợp đồng tính, và theo tường trình, “không một ai” chống đối việc Giáo Hội thừa nhận những vụ kết hợp này có giá trị cả.

Các tham dự viên cũng nói tới việc cần phải “phát triển” giáo huấn của Giáo Hội về tính dục con người và kêu gọi không phải một nền thần học thân xác, như đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giảng dạy, mà là một “nền thần học tình yêu”.

Một linh mục Thụy Sĩ thảo luận “sự quan trọng của sinh lực tính dục (sex drive) con người” trong khi một tham dự viên khác, khi nói về việc cho người ly dị tái hôn được rước lễ, đã đặt câu hỏi: “Làm sao ta có thể bác bỏ việc này, như thể là một hình phạt đối với những người thất bại nhưng nay đã tìm được một người bạn đường mới để khởi sự một cuộc sống mới?”

Marco Ansaldo, một phóng viên của nhật báo Ý La Repubblica, cho rằng lời lẽ trong cuộc họp khá “cách mạng, từ cửa miệng các giáo sĩ”.

Nhà thánh kinh học người Pháp và là người lãnh giải Ratzinger, Anne-Marie Pelletier, cho rằng cuộc đối thoại giữa các nhà thần học và các giám mục là “dấu chỉ thời đại thực sự”. Theo nhật báo Ý La Stampa, Pelletier cho rằng Giáo Hội cần bước vào “cuộc lắng nghe năng động hỗ tương” trong đó, huấn quyền tiếp tục hướng dẫn lương tâm người ta, nhưng bà tin rằng Giáo Hội chỉ có thể làm thế nếu biết “dội lại ngôn từ của những người đã chịu phép rửa”.

Bà cho rằng cuộc họp này “liều mạng đi tìm cái mới, nhưng vẫn trung thành với Chúa Kitô”. Bài báo trên cũng trưng dẫn lời một tham dự viên cho rằng thượng hội đồng sắp tới sẽ thất bại nếu chỉ tiếp tục khẳng định điều Giáo Hội xưa nay vốn giảng dạy.

Cuộc họp trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi dân chúng Ái Nhĩ Lan bỏ phiếu tán thành hôn nhân đồng tính và cùng ngày với cuộc họp của Hội Đồng Thường Lệ của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới tại Rôma. Một số quan sát viên cho rằng đây không hẳn là một trùng hợp ngẫu nhiên.

Hội đồng của Thượng Hội Đồng là cơ quan có nhiệm vụ soạn thảo instrumentum laboris (tài liệu làm việc) cho thượng hội đồng về gia đình vào tháng Mười này. Tổng nhập vào tài liệu này sẽ là các câu trả lời cho một bản câu hỏi đã được gửi tới giáo dân khắp thế giới. Những câu trả lời này, đặc biệt là các câu trả lời từ Thụy Sĩ và Đức, xem ra mạnh mẽ ủng hộ việc Giáo Hội thích ứng các giáo huấn của mình đối với thế giới thế tục.

Tại sao thiếu công khai?

Không biết tại sao cuộc họp trên đã diễn ra một cách kín đáo, kín đáo đến nỗi ngay các tu sĩ Dòng Tên nổi danh tại ĐH Gregorian cũng không hay biết gì. Người ta chỉ biết tới nó, nhờ nhà báo Jean-Marie Guénois “bật mí” trên tờ Le Figaro.

Nói với tờ Catholic Register của Mỹ lúc rời cuộc họp, Đức HY Marx cho rằng cuộc họp không có gì bí mật cả. Nhưng ngài tỏ ra khó chịu khi bị dồn hỏi tại sao nó không được quảng cáo; ngài chỉ cụt lủn cho rằng ngài tới Rôma với tư cách riêng và ngài có quyền làm như thế. Gần gũi với Đức Phanxicô và là thành phần của hội đồng 9 vị Hồng Y cố vấn tối cao cho Đức Giáo Hoàng, Đức HY Marx nổi tiếng là người hết sức tha thiết với việc cải tổ cách tiếp cận của Giáo Hội đối với người đồng tính. Trong bài giảng lễ Chúa Thánh Thần vừa qua, ngài kêu gọi Giáo Hội phải có một “nền văn hóa chào đón” đối với họ, nhấn mạnh rằng “các dị biệt không đáng kể, chỉ những gì kết hợp mới đáng kể mà thôi”.

Ngài không đơn độc: trong số các vị tham dự cuộc họp, nhiều vị cùng tham gia với ngài để đẩy mạnh các thay đổi căn để trong sinh hoạt Giáo Hội. Vị chủ tịch các giám mục Thụy Sĩ, Đức Cha Büchel của giáo phận St. Gallen, đã công khai nói tới việc ủng hộ phụ nữ làm linh mục. Đức TGM Pontier, chủ tịch các giám mục Pháp, cũng có cùng một khuynh hướng.

Các nhà tổ chức cuộc họp ngần ngại không muốn tiết lộ tên tuổi các tham dự viên. Nhưng tờ Catholic Register đã nắm được danh sách đầy đủ của họ. Danh sách này bao gồm linh mục Dòng Tên Hans Langendörfer, tổng thư ký hội đồng giám mục Đức, người chủ chốt đứng đàng sau cuộc cải tổ luật lao động của Giáo Hội Đức nhằm cho phép các người ly dị tái hôn và đồng tính được làm việc tại các định chế của Giáo Hội.

Cha Schockenhoff

Trong số các chuyên viên, người ta thấy Cha Eberhard Schockenhoff, một nhà thần học luân lý. Các người Công Giáo Đức trung thành hết sức ngỡ ngàng trước việc nổi tiếng của ngài; ai cũng hiểu ngài là người chủ trí đứng phía sau thách thức của các giám mục Đức đối với các giáo huấn của Giáo Hội, và do đó, đối với thượng hội đồng về gia đình.

Là một người nổi tiếng chỉ trích thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) cũng như là người hết lòng ủng hộ các giáo sĩ đồng tính và những ai đòi cải tổ đạo đức học tính dục, Cha Schockenhoff còn nổi tiếng làm cố vấn hàng đầu của các giám mục Đức trong những ngày dẫn tới thượng hội đồng.

Năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn, ngài ca ngợi tính vĩnh viễn và tình liên đới trong các liên hệ đồng tính như là “có giá trị về đạo đức”. Ngài nhấn mạnh rằng bất cứ sự đánh giá nào đối với hành vi đồng tính “cũng phải ở ghế sau” vì lẽ: các tín hữu “ngày càng trở nên xa lạ đối với nền luân lý tính dục của Giáo Hội” một nền luân lý rõ ràng “không thực tế và thù nghịch đối với họ”. Ngài cho rằng: Đức Giáo Hoàng và các giám mục nên “coi trọng vấn đề này chứ không nên bác bỏ, coi nó như lỏng lẻo”.

Cha Schockenhoff cũng đã có lần tuyên bố rằng thần học luân lý phải “được giải thoát khỏi luật tự nhiên” và lương tâm nên đặt căn bản trên “kinh nghiệm sống của tín hữu”.

Ngài cũng khư khư cho rằng tính bất khả tiêu của hôn nhân “không bị đặt thành nghi vấn nghiêm trọng” khi cho phép người ly dị tái hôn rước lễ. Ngài còn viết một cuốn sách để đẩy mạnh luận đề của mình vào năm 2011 với tựa đề “Các cơ hội để hoà giải?: Giáo Hội và các người ly dị và tái hôn”. Ngài còn đề nghị xa hơn rằng nên bãi bỏ hạn từ “Giáo Hội chính thức” vì hiện có một hố sâu phân cách giữa Giáo Hội định chế và Giáo Hội của các tín hữu.

Làm chuyên viên còn có Marco Impagliazzo, chủ tịch phong trào giáo dân Sant’Egidio; linh mục Dòng Tên Andreas Batlogg, giáo sư triết học và thần học cũng như chủ bút tập san cấp tiến Stimmen der Zeit (Tiếng Nói Thời Đại), một tập san đã dành số tháng Sáu này cho các liên hệ đồng tính và thượng hội đồng…

Tham dự của truyền thông

Điều cũng đáng ghi nhận là con số đông đảo các đại diện của giới truyền thông. Các ký giả của các tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, các cơ sở truyền thanh truyền hình Đức như ZDF và ARD, nhật báo Ý La Repubblica và nhật báo Pháp La Croix và I-Media đều đã hiện diện. Sự hiện diện này quả là áp đảo, nhằm quảng bá sâu rộng nghị trình của chủ đề đang được thảo luận dẫn tới thượng hội đồng sắp tới.

Cuộc họp này là cố gắng cuối cùng nhằm khéo léo lèo lái thượng hội đồng sắp tới đi theo chiều hướng bị nhiều tín hữu Công Giáo trung thành phản đối. Một bản tuyên bố về cuộc họp trên do hội đồng giám mục Đức công bố ngày 26 tháng Năm nói rằng đây là một “suy tư về khoa chú giải thánh kinh”, một kiểu nói bóng bẩy để chỉ cách hiểu Thánh Kinh khác với Thánh Truyền, và “một suy tư về nền thần học tình yêu”.

Các nhà phê bình cho rằng cả điều sau cũng đang phá hoại giáo huấn của Giáo Hội. Khi thay thế nền thần học thân xác bằng nền thần học tình yêu, người ta đã tạo ra lối giải thích trừu tượng nhằm tách tính dục ra khỏi việc sinh sản, do đó, cho phép nhiều hình thức kết hợp ngoài hôn nhân và các lối cuốn đồng tính, chỉ dựa vào xúc cảm hơn là thực tại xác thân. Các nhà phê bình cho hay: quan điểm trên đã triệt hạ quan điểm của Công Giáo về hôn nhân, một quan điểm vốn coi mục đích của hôn nhân là sinh sản con cái.

Bản tuyên bố trên, trong khi không hề nhắc chi tới tội lỗi, đã kết thúc bằng cách cho rằng “các thảo luận xa hơn về tương lai hôn nhân và gia đình là điều cần thiết và khả hữu” và cuộc thảo luận này “sẽ được phong phú hóa nhờ một suy tư thần học xa hơn và có chiều sâu hơn”. Đây cũng là một kiểu nói bóng bẩy ngụ ý cần có sự thay đổi trong giáo huấn, khiến người ta nghĩ rằng tín lý trong phạm vi này có thể thay đổi được. Nhưng đối với Giáo Hội Công Giáo, tín lý là điều đã được xác định dứt khoát.

Tường thuật về cuộc họp trên, Andrea Gagliarducci, ký giả và là một chuyên gia thần học của Ý, nhận định rằng thượng hội đồng trong bóng tối này đã yêu cầu các ký giả tham dự không được trưng dẫn bất cứ diễn giả nào bằng tên; họ chỉ được tóm lược các cuộc thảo luận, chứ không được trích dẫn nó một cách đầy đủ. Các tham dự viên cũng không được phép nói với giới truyền thông, dù một số vị, sau đó, có cho giới truyền thông phỏng vấn, qua đó, các vị nhấn mạnh rằng cuộc họp này diễn ra theo lệ họp hàng năm giữa các giám mục 3 nước.

Garglarducci cho rằng một trong các chủ đích của cuộc họp này là cho công bố một tài liệu thần học sẽ được xuất bản trong tháng Chín, gần sát lễ khai mạc thượng hội đồng hồi tháng Mười, khiến phe đối nghịch không kịp trở tay phản công. Mục tiêu là để đẩy mạnh, đẩy xa các ý niệm cấp tiến nhất liên quan tới thượng hội đồng sắp tới.

Nhưng Gagliarducci cho rằng điều ấy chỉ chứng tỏ phe cấp tiến đang hoang mang hoảng sợ. Vì lúc khởi đầu, họ rất hy vọng được Đức Phanxicô cổ vũ các ý tưởng của họ. Nhưng nay, họ đang lo lắng sâu sắc khi thấy liên tiếp trong 6 tuần qua, Đức Phanxicô chỉ nói về gia đình truyền thống trong các bài giáo lý hàng tuần. Và ngày 28 tháng Năm vừa qua, khi tiếp các giám mục của Cộng Hòa Dominican tới viếng mộ các Thánh Phêrô và Phaolô, ngài yêu cầu các vị ủng hộ gia đình truyền thống.

Dù sao, thì với chiến thuật tinh tế của ba hội đồng giám mục Tây Âu đầy chất cấp tiến, nay đã tới lúc các hội đồng giám mục bảo thủ và ôn hòa khác cần lên tiếng để quân bình hóa điều mà ta vốn hiểu là cảm thức đức tin nơi cộng đồng tín hữu thế giới.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Portland Oregon dâng hoa kính Đức Mẹ
Phan Hoàng Phú Qúy
09:02 01/06/2015
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Portland Oregon dâng hoa kính Đức Mẹ

(Portland-Oregon) Thứ Bảy ngày 30 tháng 5 năm 2015,nhân dịp cuối tháng Hoa, Giáo xứ Đức Mẹ La Vang đã tổ chức buổi cung nghinh Đức Mẹ chung quanh khuôn viên giáo xứ và dâng hoa kính Đức Mẹ vào lúc 5 giờ chiều.

Xem Hình

Chương trình được bắt đầu bởi nghi thức xông hương trước Thánh Tượng Đức Mẹ do linh mục Batolômêô Phạm Hữu Đạt chánh xứ cử hành với sự tham dự của nhiều ban ngành và đòan thể trong giáo xứ.

Thánh giá và nến cao dẫn đầu do các em trong ban giúp lễ đãm trách, quý bà trong Hội Đền Tạ Đạo Binh Xanh Fatima, quý vị trong Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Quý nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland, quý ông trong Đoàn Liên Minh Thánh Tâm, các em dâng hoa thuộc trường Giáo Lý & Việt Ngữ La Vang, quý linh mục và rất đông quý giáo dân.

Mọi người vừa đi vừa lần hạt Mân Côi và hát những bài thánh ca về Đức Mẹ một cách trang nghiêm và sốt sáng, bời vì kinh Mân Côi là Một Siêu Linh Dược cho đời sống.

Đọc kinh Mân Côi, xin đời không còn tàn úa héo hon

Đọc kinh Mân Côi mang niềm vui đến, xoá tan ưu phiền

Đọc kinh Mân Côi xin tình yêu Chúa đến cho muôn người

Đọc kinh Mân Côi khấn xin Mẹ hiền cuộc sống binh yên

Kết thúc buổi rước kiệu là một vũ khúc dâng hoa do các em học sinh thuộc trường GL&VN La Vang dâng tiến thật linh động và tâm tình, chắc chắn sẽ được Đức Mẹ thương yêu đón nhận vào sổ những kẻ Mẹ yêu, Mẹ dạy, Mẹ dẫn, Mẹ nuôi dưỡng, Mẹ Phù hộ và chúc lành.

Mẹ ơi ! Trước nhan Mẹ con dâng về Mẹ

Một tràng hoa Mân côi và ngàn lời ca chan chứa tình yêu

Đời con tiếng ca hòa dâng lên Mẹ hiền

Tựa ngàn hoa thắm tươi, xin dâng lên Mẹ thương yêu.

Tướng thuật từ Portland Oregon

Phan Hoàng Phú Quý
 
Thăm viếng và khám bệnh tại Gx Thiên Ân thuộc giáo phận Ban Mê Thuột
Maria Vũ Loan
20:09 01/06/2015
Ngày thứ bảy và Chúa Nhật 30, 31/5/2015, chúng tôi đã có dịp đến Thôn 2, xã Đăk R’Tih huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông để thăm giáo xứ Thiên Ân, hạt Gia Nghĩa, giáo phận Ban Mê Thuột, trong một chuyến đi khá đặc biệt.

Hình ảnh

Đây là chuyến đi có tính xã hội cao vì có bác sĩ khám bệnh cho 500 người, phát quà từ thiện cho dân nghèo, thăm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và gặp gỡ giáo dân tại hai giáo họ vùng sâu. Đoàn công tác có 45 người gồm sáu bác sĩ, một nhóm anh chị em “chuyên dược”, các tình nguyện viên Công Giáo, các thiện nguyện Phật giáo và ba thành viên nhóm Bông Hồng Xanh. Tất cả cùng chung tay góp sức để hình thành chuyến đi này.

Đi qua chặng đường 230 km, đoàn công tác bắt đầu khám bệnh và phát thuốc cho giáo dân và bà con trong khu vực từ 13 giờ 30 đến 18 giờ 30 ngày thứ bảy; và từ 7 giờ 30 sáng đến 13giờ 00 ngày Chúa Nhật trong khuôn viên nhà thờ Thiên Ân. Người khám bệnh có phiếu màu vàng đều được nhận thêm phần quà là 5 kg gạo và 10 gói mì; trẻ em có thêm sữa hộp, Vitamin C, bóng màu, bánh kẹo.

Việc khám bệnh diễn ra nhịp nhàng, tốt đẹp. Buổi chiều thứ bảy, thành viên của nhóm Bông Hồng Xanh được quí ông thừa tác viên của giáo xứ dẫn đi đến tận nhà những bệnh nhân khó nghèo, để giúp đỡ cụ thể. Đây là những bệnh nhân hằng tuần vẫn được rước Mình Thánh Chúa; ở khu nhà thờ chính có đến 32 người và một số người rải rác trong các giáo họ. Có đến tận nhà bệnh nhân mới thấy “chạnh lòng thương”. Có hai bà kia là chị em, đều bị mù, cùng sống trong căn nhà tồi tàn và được một đứa cháu trai ở cạnh bên trông nom. Đây chỉ là một trong 14 hoàn cảnh thương tâm mà chúng tôi ghé thăm được, còn những người khác thì đành hẹn lại dịp sau, vì đường đi quanh co lại cách nhau khá xa. Chúng tôi còn nhìn thấy nhiều căn nhà gỗ tuềnh toàng trong khu vực, quần áo của trẻ em và bà con người dân tộc cũ mèm…thì hiểu rằng nhiều người dân ở đây còn khó nghèo. Cha chia sẻ: “Khi gia đình có biến cố bất ngờ như bệnh nặng, tai nạn….thì người dân tộc thường bán điều non hoặc bán đất rẫy, thì sau đó họ càng nghèo hơn”.

Trở lại nhà thờ, cha xứ khen chúng tôi vì thăm được nhiều gia đình, có người chỉ đi được năm, sáu nhà mà thôi; còn lòng chúng tôi vui rộn ràng vì được thấy Chúa ẩn hiện trong nụ cười móm mém đó hay đôi mắt ánh lên niềm vui nhẹ nhàng trong lời cảm ơn của cụ ông tay còn run rẩy ấy.

Đặc biệt, sáng Chúa Nhật, hai thành viên của nhóm Bông Hồng Xanh lại được đi cùng cha quản xứ Simon Hoàng Kim Quang trên một xe tải nhỏ, đi vào hai giáo họ là Thiện Tâm (xã Đăk Bu So) và Tân Phúc (xã Quảng Trực) tham dự thánh lễ. Có đi cùng cha quản xứ qua 35 km đường rừng mới thấy thương bà con giáo dân vùng sâu và cảm thông với các cha vùng xa; còn giáo họ Đăk Ngo cách nhà thờ chính đến 43 km, thế nên cha xứ và cha phó cứ thay phiên nhau mà đến dâng lễ.

Trên quãng đường đi cha kể nhiều chuyện. Có những người không thắng được sự đói khổ nên đi ăn cướp giữa rừng vắng; có một chị người Công Giáo nhiệt thành việc nhà thờ bị giết chỉ vì cho người ta thiếu nợ 50 triệu đồng trong giao dịch mua bán. Thế nên, đôi khi đi dâng lễ, thấy đường vắng quá cha xứ cũng chột dạ sờ sợ, Cha còn chỉ cho chúng tôi cột mốc biên giới khi đi trên con đường ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Giáo họ Thiện Tâm, cách nhà thờ Thiên Ân 15 km, có nhiều người Kinh, ở đây đã có phần cơ sở vật chất tươm tất, hằng tuần chỉ có một thánh lễ nhưng tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo đã đi vào nề nếp nghiêm chỉnh. Thật mừng cho một vùng rừng đầy đất đỏ!

Còn giáo họ Tân Phúc thì cách nhà thờ Thiên Ân đến 35 km, giáo dân phần lớn là người dân tộc. Ban hành giáo cho biết nơi đây bà con còn nghèo, đa số sinh sống bằng việc trồng khoai mì, điều, làm rẫy; khoai lang trồng ở đất này nổi tiếng là thơm ngon, dẻo. Nhìn giáo dân tham dự thánh lễ trong nhà nguyện chật hẹp, nóng nực, chúng tôi không khỏi thoáng buồn vì quen nhìn những nhà thờ sạch đẹp, thậm chí là có phần “tráng lệ” ở Sài Gòn. Hẳn là bà con ở đây ao ước một ngôi thánh đường rộng rãi thoáng mát, nhưng không biết đến bao giờ mới có được! Còn các em thiếu nhi da ngăm đen, trông chúng có vẻ nhút nhát. Cha xứ chia sẻ: “Khi gia đình có biến cố bất ngờ như bệnh nặng, tai nạn….thì người dân tộc thường bán điều non hoặc bán đất rẫy, sau đó họ càng nghèo hơn”.

Tạm biệt hai giáo họ để về dùng bữa cơm trưa với cả đoàn, cha xứ có vẻ mệt, còn hai người chúng tôi lăng xăng tìm nước đá để uống. Dân Sài Gòn thì ngồi đâu cũng uống nước đá, còn vùng này hay uống trà nguội. Giữa cái nắng gắt một hai giờ trưa vậy mà khá đông giáo dân đến chầu Thánh Thể; thật đáng xúc động về niềm tin, sự sốt sắng sống đạo nơi đây.

Cả đoàn công tác lên xe ra về sau khi chụp chung tấm ảnh để kỷ niệm chuyến đi ở trước nhà xứ. Văn nghệ “bỏ túi” trên xe làm cho chuyến đi của chúng tôi kết thúc trong tiếng cười. Tạm biệt Đăk Nông, vùng đất còn nhiều người khốn khó. Xin mời đến đây để sẻ chia, không chỉ nụ cười mà cả nhiều quà tặng nữa.
 
Giáo xứ Thanh Dạ tổ chức chương trình khám và phát thuốc miễn phí
Thanh Dạ
09:04 01/06/2015
Chiều thứ 7, ngày 30/5/2015, Giáo xứ Thanh Dạ kết hợp Hội Y dược giáo hạt Thuận Nghĩa đã tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho các học sinh nghèo vượt khó và những người già neo đơn. Đây là lần thứ hai chương trình được tổ chức tại giáo xứ đông dân nhất giáo phận, dưới sự hỗ trợ của cha quản xứ Antôn Nguyễn Văn Thanh và các Sơ Nữ tử bác ái Vinh Sơn, nhằm mang đến cho những người nghèo cơ hội được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Niềm hạnh phúc của những người thụ hưởng

Theo dự định ban đầu, các học sinh được nhận học bổng hàng năm do Hội dòng Nữ tử bác ái Vinh Sơn điều hành là những người được thụ hưởng chương trình khám và phát thuốc miễn phí này. Với 180 em đến từ các giáo xứ Thanh Dạ, Thanh Xuân, Phú Yên, Yên Hòa…, học bổng mong muốn được chăm sóc các em một cách toàn diện, không chỉ dừng lại ở chuyện học hành. Quỹ học bổng luôn lưu tâm đến việc các em cần điều gì, thiếu điều gì và khát khao điều gì cho cuộc sống. Và quan trọng hơn hết, việc chăm sóc các em là dấu hiệu khả giác và hữu hiệu giúp các em nhận ra, xã hội có rất nhiều người yêu thương các em.

Đi xa hơn dự tính ban đầu, chương trình khám và phát thuốc miễn phí còn mở rộng ra cho những người già, neo đơn ở giáo xứ Thanh Dạ. Sau thông báo của Cha quản xứ Antôn, đoàn người lũ lượt đến đăng kí. Chỉ trong 3 ngày, số lượng đăng kí thêm lên đến 300 người. Con số đăng kí đông hơn nhiều so với dự tính ban đầu, nên chương trình phải sử dụng quỹ dâng hoa và sự giúp đỡ của các ân nhân, đặc biệt là Cha quản xứ, để hỗ trợ phục vụ bệnh nhân cách tốt nhất.

Giáo xứ Thanh Dạ và những vùng phụ cận có số dân đông, nhưng điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều người dân cho biết, thông tin về dịch vụ BHYT quá ít ỏi, lòng tin vào việc chữa bệnh cũng không nhiều… là những lý do khiến họ ít đi khám chữa bệnh. Chính vì vậy, người dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào chương trình này. Một học sinh cho biết: “Con chưa khi mô được đi khám bệnh cả, lần ni đi con thích lắm”. Trong khi đó, ông Trần Văn Tiến, xóm 5 tâm sự: “Con đang điều trị bệnh phổi ở bệnh viện, nghe cha xứ mở chương trình ni, con về ngay”.

Dù đang là cao điểm của những ngày hè, nhưng chương trình mở từ 1h chiều đã thu hút gần 500 người đến khám bệnh. Mặc kệ mồ hôi, nóng nực, người dân vẫn vui vẻ và trò chuyện rôm rả khi chờ khám. Họ được cân đo, khám tai mắt mũi họng, đo huyết áp, nhịp tim, siêu âm, soát bệnh và lấy thuốc theo nhu cầu. Những bệnh đặc trị thì được đề nghị đi tuyến cao hơn với giấy giới thiệu của bác sĩ.

Niềm khát khao của những tâm hồn muốn phục vụ

Để mang lại niềm hạnh phúc cho người dân, những người phục vụ đã hy sinh cách quảng đại và vô vị lợi theo gương Chúa Giêsu. Đó là Hội Y dược giáo hạt Thuận Nghĩa với gần 70 thành viên. Khi khám xong, ai cũng hân hoan vì tinh thần phục vụ của đội ngũ bác sĩ, y tá vô cùng chuyên nghiệp, nhiệt tình và dễ mến. Vì số lượng đông, một vài bệnh nhân chờ không được đã ngậm ngùi bỏ về, nhưng nhanh chóng, các bác sĩ nhanh chóng ra kéo lại và dặn dò ân cần. Có em học sinh còn thích thú kể lại với quý Sơ: “Con vào cái, bác sĩ hỏi nhẹ lắm: ‘Cháu có đau gì không?’”. Khẩu hiệu của ngành y – Lương y như từ mẫu – có lẽ đã được thể hiện cách trọn vẹn ở đây.

Những người luôn âm thầm, nhưng là mắt xích và cầu nối quan trọng cho chương trình này là cha xứ Antôn và quý Sơ Nữ tử bác ái Vinh Sơn. Mọi hoạt động của đoàn bác sĩ, địa điểm thăm khám, nghỉ ngơi cho người dân, quỹ hỗ trợ chương trình đều được cha xứ và quý sơ chăm lo tươm tất. Quan trọng hơn, những người đang sống đời dâng hiến đã tạo được lòng tin nơi những người dân đến khám bệnh.

Bên cạnh đó, có những người phục vụ, chăm lo cho các em ở xa đến khám bệnh cách an toàn. Điển hình như ông Nguyễn Văn Giang (Giáo xứ Yên Hòa) là cánh tay nối dài của các Sơ hơn 10 năm qua, khi hướng dẫn 29 em ở giáo xứ đến đây khám bệnh. Ông nói: “Bản thân con cũng đang có bệnh, nhưng mải giúp các em nên con cũng quên không tự mình đi khám được”.

Niềm hạnh phúc của người dân và niềm khát khao của những tâm hồn mong muốn được phục vụ như hòa lẫn vào nhau, làm dịu đi cái khắc nghiệt của nắng gió Vinh. Sự hòa lẫn đó làm nên bản sắc của chương trình khám bệnh và phát thuốc đặc biệt này. Bản sắc ấy chắc chắn sẽ được dịp trổ sinh vào những năm tiếp theo.
 
Giáo xứ Nam Hà Xuân Lộc bế mạc tháng hoa
Lộc Xuân
09:11 01/06/2015
GIÁO XỨ NAM HÀ BẾ MẠC THÁNG HOA

Chiều ngày 31.5.2015 ngày cuối cùng Tháng Hoa dâng kính Mẹ Maria, cùng với cha xứ, cha phó, quý chức, các đoàn thể, đặc biệt bốn đội hoa của các giới đoàn (Thiếu nhi, Giới Trẻ, Hiền Mẫu, Gia trưởng) thuộc gia đình giáo xứ Nam Hà đã long trọng cung nghinh kiệu Đức Mẹ một vòng đường làng quang Nhà thờ, hòa cùng với tiếng Thánh ca, tiếng kèn, tiếng trống…

Xem Hình

Sau đó toàn thể Dân Chúa tiến vào Nhà thờ tham dự buổi Dâng hoa kính Mẹ. Mỗi đội dâng 1- 2 bài đủ bộ tiến hoa: có cung nghing- bái thờ, có tiến hương, dâng nến, dâng hoa…

Đặc biệt, ở bài kết, bốn đội cùng hiệp dâng Hoa: tiến nến (Thiếu nhi, Giới trẻ cầm) dâng hoa (giới Hiền Mẫu), dâng hương (Gia trưởng) đã tạo nên một đại đội hoa (khoảng 80 người) dâng tiến trong sự trang nghiêm sốt sáng.

Được biết, giáo xứ Nam Hà có truyền thống, mỗi năm cứ đến tháng Hoa dâng kính Mẹ sẽ có các giới đoàn chính trong giáo xứ đều tham gia dâng hoa, mỗi tuần một giới phụ trách, sau đó chính ngày tổng kết tháng hoa các giới sẽ quy tụ dâng hoa trang trọng, hùng hậu.

Trong Giáo Hội hiệp thông và sứ vụ, xin cảm ơn các đội hoa, quý Dì, tất cả những ai đã tích cực làm nên Mùa hoa Dâng kính Mẹ sốt sáng, trang nghiêm và sinh động.

Tin, ảnh: Lộc Xuân
 
Đôi nét về Hội Dòng Ảnh Phép lạ Kontum
Minh Phương
10:49 01/06/2015
“Hội Dòng Ảnh Phép lạ”, một tên gọi mà có thể không chỉ trong nước, cả trên toàn thế giới cũng ít người nghe đến cái tên, lại là một Hội Dòng chỉ chuyên dành cho các thiếu nữ người dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên, đặc biệt vùng Kontum, vùng Truyền giáo đầu tiên ở Tây Nguyên. Vậy mà dòng Ảnh Phép lạ Kontum đã được Tòa Thánh phê chuẩn từ ngày 3 tháng 2 năm 1947, do Đức Cha Jean Sion Khâm chính thức công bố thành lập ngày 6 tháng 4 năm 1947, lấy ngày Bổn mạng là ngày 27/11 hằng năm, lễ Đức Mẹ hiện ra với bà Thánh Catarina de Labouré.

Hình ảnh

Các nữ tu Dòng Ảnh Phép lạ là những chị em người dân tộc Giarai. Xơđăng, Bahnar, Rơngao, Deh, Jră, Jơlơng.v.v…Chính nhờ các xơ mà hạt giống Tin mừng ngày càng được gieo rắc khắp các bản làng. Các xơ đã dùng chính đời sống phục vụ đầy tràn tình yêu thương, cùng với tiếng nói bản địa của mình để thu phục nhân tâm nơi chính bản làng dân tộc của mình. Khi thiết lập Hội Dòng, Đức Cha Jean Sion Khâm chỉ ước ao xin Mẹ Maria làm Phép lạ, ban cho các xơ người dân tộc biến đổi được cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang hết sức mê tín, lạc hậu, trở thành những con người tiến bộ, biết hòa nhập vào cuộc sống của xã hội văn minh để có thể trở thành những người con của Chúa, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.

Trải qua gần 70 năm, hiện nay Hội dòng cũng chỉ mới có 130 nữ tu, 10 dự khấn, phục vụ ở 27 Cộng đoàn thuộc Giáo phận Kontum. Trong đó có 6 Cộng đoàn là những Nhà Vinh Sơn, chuyên nuôi dạy trẻ mồ côi. Tuy nhiên, hầu như cộng đoàn nào cũng có nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có Cộng đoàn chuyên chăm sóc những bệnh nhân Phong cùi.

Hội dòng Ảnh Phép lạ với cuộc sống phục vụ yêu thương:

Để được trải nghiệm cuộc sống đích thực của các xơ (tiếng dân tộc Bahnar gọi là Yă, đọc là Giá), chúng tôi đã bỏ ra nhiều ngày để tiếp xúc với một số Cộng đoàn. Không báo trước cho các xơ mà chỉ đến thật bất ngờ để được tận mục sở thị cuộc sống đời thường của các xơ.

Đến Nhà Vinh Sơn 1, là Cộng đoàn gần nhất, ở tại trung tâm Thành phố Kontum, tọa lạc ngay sau Nhà thờ Gỗ (Nhà thờ Chính tòa). Nơi đây nuôi dạy 200 em mồ côi và nghèo khó, gôm 82 nam và 112 nữ nhưng chỉ có 5 nữ tu phụ trách. Có em chỉ mới sơ sinh, các xơ phải vất vả chăm sóc, các em mới khỏe mạnh được. Có em đang theo học lớp 12 và cao đẳng.

Vất vả nhất là khi các cháu ốm đau phải đưa đi bệnh viện, theo xơ Y Khâm cho biết: khi mang cháu đến bệnh viện, xơ mang theo bình sữa cho bú khi cháu khóc. Xơ Y Khâm thì người to cao, nhiều người hiểu lầm và mắng: “Mẹ thì to khỏe mà không cho con bú, bảo sao nó không bệnh!” Xơ Y Khâm cũng chỉ biết im lặng chứ không muốn thanh minh, nhưng sau đó họ biết là các xơ nuôi trẻ mồ côi thì đến xin lỗi.

Xơ Y Khâm là Phó Bề trên Cộng đoàn Vinh Sơn ! cho biết: Tất cả các Nhà Vinh Sơn đều được sự giúp đỡ của Hiệp hội YOU CAN MAKE A DIFFERENCE của Hoa Kỳ tài trợ tiền ăn mỗi cháu 5.000đ/ngày. Ngoài ra cũng có những đoàn từ thiện từ khắp nơi thỉnh thoảng đến thăm và giúp một số quà. Các xơ phải trồng trọt, chăn nuôi thêm để các em có thêm lương thực đầy đủ.

Nhà Vinh Sơn 1 và Vinh Sơn 2 do điều kiện ở trung tâm thành phố Kontum nên theo chủ trương của Nhà nước là cơ sở hạ tầng phải đủ tiêu chuẩn mới được nuôi dạy trẻ mồ côi. Nhờ sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, 2 cộng đoàn này được xây dựng khang trang hơn cả. Nhưng đây lại là một khó khăn cho 2 nhà, có nhiều lần đoàn từ thiện ghé thăm định tặng quà, thấy nhà cửa khang trang họ liền quay xe đi chỗ khác.

Tại Nhà Vinh Sơn 6, thuộc làng Kon Dơxing, huyện Kon Rẫy. Chúng tôi đến từng chuồng heo nhà, heo rừng do các xơ chăn nuôi, ra thăm những vườn rau và rẫy của các xơ. Thời tiết ở đây thật khắc nghiệt, đất đai lại khô cằn nên vào mùa này chẳng có cây gì mọc được.

Đang lúc dùng cơm với các xơ, cơn mưa giông bất ngờ ập đến, do mái tôn lâu ngày xuống cấp nên nước mưa chảy ào vào nhà, mưa ướt cả những ổ điện gây chập và mất điện. Chúng tôi phải bỏ dỡ bữa ăn để gấp rút quay về vì đường xa trời mưa rất nguy hiểm.

Một đặc điểm chung về thức ăn của các Nhà Vinh Sơn, món ăn đặc sãn được gọi là truyền thống, đó là món rau đọt mì. Đọt khoai mì được luộc hoặc nấu canh, món ăn mà không một người dân tộc nào không ăn. Chúng tôi cũng ăn thử nhưng nói ra thật ngại, vì mùi vị rất nồng và khó nuốt, thế mà ai cũng ăn một cách ngon lành. Cùng ăn với các xơ, món mà tôi khoái khẩu nhất là rau khoai lang và canh bầu. Vị rau thật ngọt, không bón, không thuốc sâu.

Đến thăm Làng Phong cùi Đăk Kia, xúc động trước ngôi nhà lụp xụp, vào trong nhà có cảm giác nóng hầm, vậy mà xơ Y Phương năm nay 78 tuổi đã ở đây chăm sóc cho bệnh nhân cùi đã 50 năm, chúng tôi thật thắc mắc sao xơ tiếp xúc với người cùi lâu năm vậy mà không lây? Xơ Y Phương cho biết do mình biết giữ vệ sinh, nhất là nhờ Mẹ ban phép lạ. Khi tôi đến thì xơ Y Lan đang chia thịt heo cho những người cùi trong làng, vì hôm nay là ngày Quốc tế đẩy lùi dịch bệnh phong cùi.

Chia thịt heo cho người cùi, nhưng đến bữa trưa chúng tôi lại được thưởng thức rau mì truyền thống, tôi chỉ ăn được duy nhất món canh bầu. Ở đây cũng có chừng 20 em được 2 xơ nuôi dưỡng, cùng ngồi ăn chung với nhau. Đem thắc mắc hỏi xơ Y Lan thì được giải thích: Đó là con em của những bệnh nhân phong cùi, do ở nhà không có gì ăn nên các em đến đây ăn nhờ của các xơ. Từ đó 2 xơ phải cưu mang các em. Hai xơ đã nghèo lại càng thêm khó khăn, bởi vì hầu như các đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm chỉ biết đến thăm và giúp đỡ những người bệnh phong cùi, chứ không ai biết rằng con cái họ chính là những người đang rất cần được sự giúp đỡ.

Cảm nhận được những điều tốt đẹp sau những ngày tiếp cận với các Cộng đoàn, đó là các xơ đã gìn giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình cho thế hệ mai sau. Từ những kỹ thuật dệt, những điệu múa cồng chiêng v.v…Nhưng điều đáng ghi nhận nhất đó là các xơ đã đào tạo được những con người truyền giáo là người dân tộc thiểu số. Vì chỉ có các xơ nuôi dạy các em mồ côi, có điều kiện cho các em học hành, tạo cho các em một nền đạo đức nhân bản trước khi dấn bước theo ơn gọi. Đời sống của người dân tộc thiểu số còn quá nhiều khó khăn để cho con cái được đến trường, do đó ơn gọi cũng rất khó. Như Mẹ Bề trên Hội Dòng đã từng tâm sự: “Các em dự tu đến từ các Nhà Vinh Sơn thì rất dễ đào tạo vì các em đã có một nền căn bản đạo đức nhân bản, nhất là các em biết vâng lời. Còn các em đến từ bản làng dù có học giỏi và ngoan hiền cách mấy cũng như những con thú giữa rừng, bây giờ ràng buộc vào trong chuồng thì nó bất kham”.

Mà nói như Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn: “Chỉ có những người dân tộc mới có thể truyền đạt thiết thực nhất Tin Mừng của Chúa cho chính người dân tộc của mình”. Đó cũng chính là mục tiêu truyền giáo của Đức Cha Jean Sion Khâm khi thành lập Hội Dòng.
 
Hình ảnh Gx ĐMHCG Garland TX mừng tân linh mục dòng Biển Đức
Trần Mạnh Trác
10:50 01/06/2015
Xem hình ảnh
Năm nay Giáo Hội Hoa Kỳ có tin vui trên cánh đồng truyền giáo, đó là sự việc ơn gọi gia tăng đáng kể, và số tân linh mục được truyền chức năm nay vượt hơn hẳn mọi năm với một tỷ lệ bất ngờ là 25%. (595 cuả năm nay so với 477 năm ngoái)

Khi nói đến hàng giáo sĩ tại Hoa Kỳ, người ta không thể không kể đến các linh mục và tu sĩ gốc nước ngoài. Theo thống kê mới nhất cuả Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ thì tổng số số tân linh mục gốc da trắng chỉ còn là 69%, 31% đã là dân thiểu số, trong số đó số 'nhập cư' chiếm đến 25%, đến từ các quốc gia Colombia, Mexico, Philippines, Nigeria, Poland và Việt Nam.

Cũng trong niềm hân hoan chung đó, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Garland TX đã ăn mừng lễ 'vinh qui' cuả vị tân linh mục Benoit Vũ Văn Triều, dòng Biển Đức, vào chiều Thứ Bảy ngày 30 tháng 5 vừa qua. Thực ra hai chữ 'vinh qui' phải được dành cho cố hương Việt Nam vì gia đình cuả ngài vẫn còn ở bên ấy, nhưng giáo xứ ĐMHCG ở Garland là nơi cuả tình nghiã, với người thân ở bên Mỹ cuả ngài là một người dì nuôi.

Trong lễ mừng và tiệc mừng, người ta nhận thấy rõ ràng tấm tình ưu ái cuả các cha xứ, phó xứ và giáo dân Gx ĐMHCG, và sự hân hoan cuả nhiều thân nhân, thân hữu và tu sĩ nam nữ từ các nơi đến, trong đó có nhiều Cha và Sơ từ Việt Nam cũng qua thăm.

Cha Benoit Triều sẽ nhận nhiệm vụ làm phó xứ, chăm lo một giáo xứ Mỹ ở tiểu bang New Mexico.
 
Hồi ký: Tháng hoa ở Cincinnati
Trần Bảo Kỳ
11:52 01/06/2015
Mùa rước kiệu và dâng hoa lên Mẹ Maria năm nay, cộng đoàn Đức Mẹ La Vang Cincinnati chúng tôi có một món quà đặc biệt dâng lên Mẹ. Đó là căn nhà xứ được cơi nới rộng hơn gấp hai lần do sự đóng góp tài chánh của toàn thể cộng đoàn, nhằm giúp cộng đoàn sinh hoạt dễ dàng hơn và các em thiếu nhi có nơi học tập thoải mái hơn; nói chung là giúp vệc làm sáng danh Chúa tốt hơn.

Sau phần làm phép nhà xứ của Đức Giám Mục Phụ Tá giáo phận, cộng đoàn Cincinnati, cùng với nhiều giáo dân đến từ các cộng đoàn lân cận, hân hoan rước kiệu Đức Mẹ quanh sân và dâng hoa lên Mẹ trong nhà thờ.

Trong phần văn nghệ sau các nghi lễ, màn vũ diễn lại sự tích Thánh Tô Ma đòi xỏ tay vào cạnh sườn Chúa mới chịu tin Chúa sống lại, đã góp phần nhắc nhở con cái Chúa phải giữ vững và luôn bồi dưỡng Niềm tin nơi Thiên Chúa để được hưởng trọn ơn phúc, như lời Chúa phán hứa “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.

Màn vũ thật vui, mang lại sự ngạc nhiên thích thú, vì các vũ công không phải là các em thiếu nhi Thánh-Thể như mọi năm mà là các vị “nữ lưu”, tuổi tác xê dịch từ trên 30 đến trên 60, với trang phục đẹp mắt, với những động tác uyển chuyển và nhịp nhàng không thua kém các em thiếu nhi. Toàn thể cộng đoàn khen ngợi ban tổ chức đã chọn chủ đề đầy ý nghĩa cho màn vũ, nhắc nhở mọi tín hữu về Niềm tin của mình.

Tại sao phải nhắc nhở về Niềm tin? Khủng hoảng Niềm tin là sự có thật. Không lâu sau khi đăng quang, ĐGH Biển Đức XVI đã đề cập đến một xã hội Tây Phương xa rời Niềm tin vào Thiên Chúa. Sau đó, trong chuyến viếng thăm mấy nước Đông Âu, Ngài lại nhắc nhở các giám mục cố gắng giáo dục tín hữu, nhất là giới trẻ để họ giữ vững Niềm tin nơi Thiên Chúa trong xã hội họ đang sống, đừng bắt chước những xã hội Tây Âu đang trần tục hóa. Đó là khủng hoảng có thật đang xảy ra ở Âu Châu, cái nôi của Niềm tin Thiên Chúa Giáo.

Tác giả Armstrong Williams là một du khách Mỹ mới đi Châu Âu về đã viết bài mang tựa đề Abandonment of Faith in Europe (Sự chối bỏ Niềm tin ở Châu Âu). Sau đây chúng tôi xin trích một đoạn trong bài viết ấy để chúng ta cùng cảm thông cái ưu tư chung của Giáo Hội, và để chúng ta xét xem mình có thể làm được gì hầu củng cố Niềm tin của chính chúng ta, đồng thời góp phần làm giảm cơn khủng hoàng Niềm tin đang xẩy ra.

“Trong chuyến du lịch Châu Âu, tôi đã đi nhiều nơi và đã dừng lại Brussels một thời gian. Tôi xúc động mạnh bởi nét đẹp tuyệt vời và sự giàu có của thành phố. Trong số những tòa nhà thực sự gây ấn tượng là các ngôi thánh đường đa dạng làm chật những con đường của thành phố, gồm cả ngôi đại thánh đường Thánh Michael và Thánh Grudula. Cũng như nhiều người Mỹ du lịch Châu Âu, tôi xúc động vì sự trống vắng trong những nơi thờ phượng. Sự bỏ phế lớn lao của con người trong các nhà thờ mà tôi đã viếng thăm đã củng cố thêm vào sự kiện cho rằng Châu Âu đang đi vào một kỷ nguyên mà trong đó phần lớn người dân của lục địa này đã chối bỏ Niềm tin của ông cha họ”.

Cũng may, sự chối bỏ Niềm tin chỉ đang xảy ra ở một số nước Tây Âu. Nước Mỹ non trẻ tuy có bị ảnh hưởng phần nào nhưng chưa đến mức báo động. May mắn hơn, trong các cộng đoàn người Việt, Niềm tin vào Thiên Chúa vẫn khá vững mạnh. Một số cộng đoàn đang đi xin được sử dụng các nhà thờ bị bỏ trống vì số giáo dân bản xứ không còn đủ, cũng như đang rộng lượng đóng góp xây dựng thêm những cơ sở cần thiết để phát triển các sinh hoạt cộng đoàn và việc thờ phượng Chúa.

Giải quyết những “trục trặc về Niềm tin” là vấn đề lớn. Chúng tôi không thể và không đủ khả năng để góp ý. Chúng tôi cũng không thể và không muốn so sánh Niềm tin của giáo dân Việt và giáo dân của các quốc gia khác. Dựa vào sự quan sát thực tế, ngoài một số rất nhỏ hoài nghi, thậm chí bỏ Chúa, chúng tôi thấy hầu như tất cả người Công Giáo Việt Nam vẫn “Không thấy mà tin”. Đó là điều đáng quý và cần thiết để được gọi là “con cái Chúa” vì nếu Chúa Tỏ mình ra cho mọi người thấy thì nhân loại đã theo Chúa hết rồi.
 
Giáo xứ Nam Hà, Xuân Lộc : Thánh lễ tạ ơn tân Linh Mục
Lộc Xuân
12:22 01/06/2015
GIÁO XỨ NAM HÀ: THÁNH LỄ TẠ ƠN TÂN LINH MỤC GIUSE NGUYỄN TRUNG HIẾU.

Sáng 01.6.2015, Tân Linh mục Giuse Nguyễn Trung Hiếu về giáo xứ Nam Hà (Xuân Lộc)- Giáo xứ quê nhà để dâng lễ Tạ ơn mở tay và ban ơn toàn xá.

Tân Linh mục Giuse là một trong 19 Tân Linh mục được Đức Cha Đaminh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Truyền chức Linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Xuân Lộc sáng 30.5.2015.

Xem Hình

Đúng như chương trình, 9 giờ đoàn rước gồm hơn 20 cha đồng tế, đại diện các ban ngành đoàn thể, linh tông huyết tộc khởi hành từ nhà xứ đưa cha mới tiến vào Nhà thờ.

Trong bài giảng, Linh mục Micae Nguyễn Xuân Linh Ny, dựa trên bài Tin Mừng tường thuật về biến cố Đức Trinh nữ Maria đi thẳm viếng người chị họ E-li-sa-bet cùng lời ‘ngợi khen’ Thiên Chúa (Magnificat) của Đức Maria (Lc 1, 39-46) đã nhấn mạnh người được đầy tràn Chúa Thánh Thần thì sẽ biết rõ mình là ai- Thiên Chúa là ai- tha nhân là ai (‘tam biết’: biết mình- biết Chúa - biết tha nhân) nhờ đó sẽ tìm được ý nghĩa cuộc đời, động lực để chu toàn bổn phận làm con Chúa, bổn phận làm Linh mục như lòng Chúa mong muốn… Tiếp đến, cha giảng lễ liên hệ câu Lời Chúa mà Tân Linh mục lấy làm tâm niệm trong sứ vụ Linh mục của mình. Đấy là câu Lời Chúa nói với các Tông đồ về Chúa Thánh Thần: “Anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,17).

Kết thúc bài giảng, cha giảng lễ cầu chúc cho tân Linh mục, cho cộng đoàn Dân Chúa hiện diện trong Thánh lễ Ta ơn đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần…

Sau Thánh lễ, ông Trưởng Ban hành giáo giáo xứ thay mặt cộng đoàn dân xứ có lời chúc mừng- cám ơn quý Đức Cha giáo phận, cha xứ, quý cha, nhất là cha mới cùng ông bà cố…

Đáp lại, trong tâm tình tạ ơn và khiêm tốn cha mới có bài cảm ơn chân tình cảm động đến Đức Cha Đaminh, Giám mục Giáo phận; Đức Cha Giuse, Giám mục phụ tá Giáo phận đồng thờ là giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, quý Cha giáo, cha xứ, cha nghĩa phụ, quý cha đồng tế, bố má, linh tông huyết tộc, đặc biệt Ban hành giáo và cộng đoàn Giáo xứ Nam Hà… Bài cám ơn cũng không quên cám ơn các cấp chính quyền.

Một chi tiết cảm động, cha mới xin trao vòng hoa danh dự đến cha nghĩa phụ, Linh mục Giuse Trầng Văn Đệ, chánh xứ Tam Thái (nguyên chánh xứ Nam Hà) như một lời tri ân sâu sắc.

Được biết, Tân Linh mục Giuse là Linh mục thứ tư (04) xuất thân từ giáo xứ Nam Hà sau năm 1975.

Trong Giáo Hội Hiệp thông và Sứ vụ xin thêm lời cầu nguyện cho Tân Linh mục.

Lộc Xuân
 
Giáo xứ Nam Định dâng hoa kính Đức Mẹ Maria cuối tháng
Nam Định
16:50 01/06/2015
HÀ NỘI – Giáo xứ Nam Định, sau một tháng hướng về Mẹ sống tâm tình con thảo bằng việc dâng hoa và lần chuỗi kính Đức Mẹ, lúc 18g 00 ngày 31/5/2015, Giáo xứ đã tổ chức rước kiệu và dâng hoa kính Đức Mẹ kết thúc Tháng Hoa một cách long trọng và sốt sắng.

Hình ảnh

Sau cuộc rước là dâng hoa đại tiến xung quanh tượng Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình. Cũng như đầu tháng hoa, Cha xứ Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh vẫn kêu gọi mọi người, mọi hội đoàn cùng dâng hoa kính Đức Mẹ. Tất cả các hội đoàn không phân biệt nam nữ, già trẻ hân hoan tham gia từ ban phục vụ cho đến đội kèn, đội trống, đội trắc...Với lòng yêu mến Mẹ Maria, với sự hy sinh tập luyện của từng người, giáo xứ đã có một buổi dâng hoa thật trang trọng và sốt sáng, đánh thức bao con tim tìm về bên Mẹ, tìm đến với Chúa.

Với tấm lòng chân thành, đơn sơ, yêu mến, phó thác, cậy trông của mỗi chúng ta dành nơi Mẹ như thế, chắc chắn sẽ được Mẹ nhận lời. Nhờ những cách hoa lòng, chúng ta sẽ được nâng tâm hồn lên với Mẹ để Mẹ đón nhận và bầu chữa cho chúng ta. Thật vậy, không một ai có lòng tôn kính Mẹ mà mất ơn cứu rỗi bao giờ.

Sau cuộc đại tiến hoa là thánh lễ tạ ơn do cha xứ Giuse Maria Vũ Thanh Cảnh chủ sự, cùng đồng tế với ngài có cha phó Phanxico Xavie Trần Truyền Giáo và cha Gioan Nguyễn Mạnh Hùng, cùng với sự hiện diện đông đảo của mọi thành phần dân Chúa.

Trong bài giảng lễ Chúa Ba Ngôi, cha phó Phanxicô đã mời gọi cộng đoàn đi sâu vào nội dung tín điều để khám phá ra chúng ta thật hạnh phúc khi Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài là Cha chứ không phải là một vị thần độc đoán, vì vậy ta phải yêu mến Ngài với tình con thảo. Ngài không ở xa chúng ta, nhưng ở ngay trong lòng chúng ta, bằng Chúa Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta… Do đó Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một mẫu khô cứng để ta tôn thờ, nhưng là một cuộc sống để chúng ta noi theo.

Ngài là một Thiên Chúa yêu thương với những biểu hiện rất cụ thể của tình yêu: Yêu thương là cho – Thiên Chúa đã ban Con Một của mình cho thế gian. Yêu thương là làm cho sống và sống dồi dào… Yêu thương là tha thứ…

Thánh lễ khép lại, mọi người ra về lòng tràn đầy niềm vui vì tin rằng mình luôn được Chúa yêu thương, luôn được Mẹ bầu cử. Mong sao, những việc tôn sùng Đức Mẹ của chúng ta sẽ dẫn đến việc noi gương Mẹ để sống cho đẹp lòng Thiên Chúa như Mẹ đã sống, để sau cuộc đời này, chúng ta được cùng Mẹ ca ngợi Thiên Chúa không ngừng trên Thiên Quốc.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con người Mẹ tuyệt với là Đức Maria. Xin cho mỗi chúng con biết yêu mến Chúa như Mẹ, biết noi gương các nhân đức của Mẹ, để sau cuộc đời nay, chúng con cũng được vào Thiên Quốc dự tiệc vui bên Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, xin đón nhận muôn vàn ý nguyện của chúng con dâng lên Mẹ qua những đóa hoa muôn sắc màu, ước gì chúng con được đón nhận những ơn lành của Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ.
 
Giáo xứ Thiện Lâm mừng 40 năm thành lập
Thiện Lâm
18:23 01/06/2015
40 NĂM GIÁO XỨ THIỆN LÂM (1975-2015)
(Bài giảng của ĐC Antôn nhân dịp gx Thiện Lâm kỷ niệm 40 năm thành lập và phát triển)

Trước đây 40 năm, giáo xứ Thiện Lâm là một giáo họ mang tên Thánh Tâm, Ða Thiện 2, trực thuộc giáo xứ Thánh Mẫu. Trong thời gian này, giáo dân thường đi lễ ở nhà thờ Hà Ðông. Năm 1970, giáo dân đã khai hoang một quả đồi rộng hơn 8500m2 để xây dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ rộng 8m dài 20m. Từ năm 1972, giáo họ này thuộc giáo xứ Ða Thiện; cha xứ Ða Thiện đến dâng lễ mỗi chiều Chúa Nhật.

Ngày 25 tháng 5 năm 1975 Ðức Cha Bartôlômêô quyết định nâng giáo họ này lên hàng giáo xứ, mang tên giáo xứ Thiện Lâm, và bổ nhiệm cha Giuse Trần Minh Tiến làm linh mục quản xứ tiên khởi. Từ đó, Cha quản xứ và giáo dân đã tích cực xây dựng giáo xứ, đến nay đã được 40 năm.

Hôm nay, giáo xứ Thiện Lâm tổ chức Thánh lễ tạ ơn 40 năm hình thành và phát triển. Từ một khu đồi trọc, xuất hiện một ngôi nhà nguyện nhỏ, rồi hình thành một khuôn viên nhà xứ, có ngôi nhà thờ khang trang với tháp chuông “cửu trùng”. Khi giáo xứ mừng kỷ niệm 25 năm, ngoài việc nhắc tới những cơ sở vật chất đã xây dựng, vị đại diện giáo xứ đã phát biểu rằng: “Quan trọng nhất đã có một cộng đoàn hiện diện, nơi tựa đầu cho đời sống thiêng liêng và tinh thần của mọi người”.

Như thế, để xây dựng giáo xứ, cần ý thức ưu tiên đến việc xây dựng đời sống cộng đoàn giáo xứ. Đó cũng là định hướng mục vụ của HĐGMVN cho năm 2015: “Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ”.

Trong Thư Mục vụ gửi cộng đoàn dân Chúa, HĐGMVN viết: “Để thực hiện công việc này, chúng ta cùng chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: ″Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng″ (Cv 2,42)”. Thư Mục vụ cũng đã giải thích thêm:

- Theo mô hình lý tưởng này, trước hết, giáo xứ phải là cộng đoàn “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”, nghĩa là tham dự Thánh Lễ và cử hành phụng vụ... Ước gì chúng ta tham dự những cử hành này cách ý thức và sống động hơn, không những để chu toàn lề luật mà còn để gặp gỡ Chúa và để Chúa biến đổi đời sống chúng ta, và để chúng ta đem tinh thần Phúc Âm vào môi trường sống trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội.

- Kế đến, giáo xứ phải là cộng đoàn “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy”. Ngày nay các linh mục trong các giáo xứ, những cộng sự viên của hàng giám mục, đang tiếp nối công việc của các Tông đồ. Về điểm này, Thư Mục vụ viết: “Chúng tôi tha thiết xin anh em linh mục cố gắng chu toàn thừa tác vụ cao quý này cách tốt nhất, bằng việc lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, nội tâm hóa Lời Chúa, đồng thời biết lắng nghe tâm tư nỗi niềm của người dân trong đời sống thường ngày của họ. Nhờ đó lời giảng của chúng ta sẽ là lời phát xuất từ trái tim và có hy vọng chạm đến trái tim người nghe” (x. Niềm Vui Tin Mừng, số 142-154).

Liên quan đến lãnh vực này, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc dạy giáo lý cho mọi tín hữu, cách riêng cho thiếu nhi và giới trẻ… Nhiều giáo lý viên giáo dân tích cực tham gia dạy giáo lý với tinh thần trách nhiệm cao. Thư Mục vụ viết: “Ước mong anh chị em cộng tác tích cực hơn nữa với các linh mục, đồng thời các linh mục nên tạo điều kiện học hỏi thêm cho giáo lý viên, để tất cả chúng ta thi hành sứ vụ cách mới mẻ, bằng nhiệt tình mới, năng lực mới và phương pháp mới”.

- Ngoài ra, giáo xứ còn là cộng đoàn “luôn luôn hiệp thông với nhau”, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ... để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng. Các thành viên Hội đồng Giáo xứ là những cộng sự viên gần gũi của các linh mục trong việc điều hành giáo xứ, vì thế các vị cần hiểu biết về trách nhiệm và quyền hạn của mình, và cộng tác với các linh mục trong tinh thần phục vụ để mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho giáo xứ.

Tình hiệp thông đó còn được mở rộng ra bên ngoài qua việc cộng tác với mọi người thiện chí để thực hiện những việc đem lại phúc lợi chung, như thăm viếng nhau trong cộng đồng, cùng xây dựng một mái nhà tình thương. Những việc tưởng chừng nhỏ bé này chính là những hạt giống âm thầm của Tin Mừng vĩ đại (x. Mc 4,30).

Trong hoàn cảnh hiện nay, HĐGMVN mời gọi chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến anh chị em di dân. Từ hai thập niên qua, rất đông anh chị em, cách riêng các bạn trẻ Công Giáo phải rời xa gia đình và làng quê để đi học và đi làm tại các thành phố. Vì thế, HĐGMVN mời gọi: “Xin anh chị em, cách riêng các linh mục, mở rộng vòng tay đón tiếp anh chị em di dân, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, để họ cảm nhận được mình là thành viên của gia đình giáo xứ”.

Nhà thờ giáo xứ Thiện Lâm có tháp chuông “cửu trùng” và bàn thờ mang biểu tượng “trời tròn, đất vuông” mà Cha Xứ rất tâm đắc. Thật vậy, ngay từ thuở ban đầu sáng tạo, Thiên Chúa muốn loài người xây dựng cuộc sống hạnh phúc theo định hướng “Thiên-Địa-Nhân hòa”: con người “đầu đội trời, chân đạp đất” (con người được làm chủ trái đất, nhưng phải thờ Trời và sống yêu thương nhau). Tiếc rằng bàn thờ ở đây lại đảo ngược: “đất vuông” ở trên, “trời tròn” ở dưới, không lẽ muốn nói con người “đội đất, đạp trời” ?! Đề nghị điều chỉnh lại cho chính xác với ý nghĩa của một biểu tưởng văn hóa !

Anh chị em thân mến,

Sau khi mô tả đời sống của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, sách Công vụ viết tiếp: “Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47). Chính đời sống chung của cộng đoàn đã làm bừng sáng vẻ đẹp của Phúc Âm và thu hút nhiều người đến với Hội Thánh. Cũng vậy, nếu các giáo xứ thật sự trở thành những cộng đoàn phụng tự, cộng đoàn đức tin, cộng đoàn bác ái, thì Phúc Âm sẽ được lan tỏa rộng rãi và thu hút nhiều người đến với Chúa.

Riêng với các linh mục, Thư MV của HĐGMVN viết:

“Các linh mục rất thân mến, chúng tôi xác tín rằng việc Phúc-Âm-hóa giáo xứ phải được bắt đầu từ chính hàng linh mục. Chúng tôi cảm ơn anh em đã tận tụy và trung kiên với công việc phục vụ cộng đoàn được trao phó cho anh em. Tuy nhiên chúng ta không được quyền tự mãn với những gì đã làm, nhưng phải không ngừng canh tân đời sống bản thân cũng như cung cách thi hành tác vụ linh mục. Vì thế, xin anh em nghe lại lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô, và hãy xem đó như kim chỉ nam cho tác vụ linh mục tại giáo xứ: Cùng với hàng giám mục, các linh mục “phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới” (Niềm Vui Tin Mừng, số 31).

Đó cũng là điều mà các giám mục cũng phải quan tâm thực hiện cùng với các linh mục. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi và tha thứ cho những thiếu sót của chúng tôi.

Chúng ta cầu nguyện chung cho nhau, để khi cùng nhau tạ ơn Chúa vì hồng ân 40 năm hình thành và phát triển giáo xứ, chúng ta có tâm tình như Thánh Phaolô: Được như ngày nay là do ơn của Chúa và không để cho ơn Chúa thành vô ích (x. 1 Cr 15,10).

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ hôm nay, giúp chúng ta sống hiệp thông yêu thương như cuộc sống của một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, “tuy ba mà một, tuy một mà ba” !
 
Thông Báo
Cáo phó: LM Giuse Trần Văn Định qua đời tại Đà lạt
TGM Đà Lạt
10:18 01/06/2015
Tòa Giám Mục Đà Lạt
9, Nguyễn Thái Học, Đà Lạt – Lâm Đồng


CÁO PHÓ
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Toà Giám Mục Đà Lạt, Linh tông và Huyết tộc thương tiếc kính báo:

Cha GIUSE TRẦN VĂN ĐỊNH
đã an nghỉ trong Chúa lúc 16 giờ 00, Chúa Nhật, ngày 31 tháng 5 năm 2015
tại Giáo xứ Chi Lăng, Đà Lạt; hưởng thọ 67 tuổi, 40 năm linh mục.

Cha Giuse
Sinh ngày 01 tháng 02 năm 1948 tại Liên Quy, Nga Sơn, Thanh Hóa.
Thụ phong linh mục ngày 17 tháng 8 năm 1975 tại Đà Lạt.
1975 – 1991: Phục vụ tại Tòa Giám mục
4/1991 – 3/2014: Quản xứ Tùng Nghĩa.
3/2014 đến nay: Quản xứ Chi Lăng.

Nghi thức nhập quan và thánh lễ lúc 16 giờ 00 tại Nhà thờ Chi Lăng, thứ hai, ngày 01 tháng 6 năm 2015.
Thánh lễ an táng tại Nhà thờ Giáo xứ Chi Lăng, lúc 09 giờ 00, thứ tư, ngày 03 tháng 6 năm 2015.
Sau đó an táng tại Nghĩa trang Giáo xứ Thánh Mẫu Đà Lạt.

Kính mời quý cha và quý cộng đoàn tham dự Thánh lễ an táng Cha GIUSE, và hiệp ý cầu nguyện cho ngài sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Tòa Giám Mục Đà Lạt
Linh tông và Huyết tộc đồng kính báo.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nụ Cười Hiền
Dominic Đức Nguyễn
21:33 01/06/2015
NỤ CƯỜI HIỀN
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Đừng quên mỉm cười
trong cuộc sống.
Nụ cười của bạn
mang lại hạnh phúc
cho người xung quanh
và do đó cũng mang lại
hạnh phúc cho chính bạn.
(DN)