Ngày 12-06-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người Đàn Bà Tội Lỗi
Tuyết Mai
12:17 12/06/2010
Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. (Lc 7, 36-50 hoặc 7, 36 - 8,3).

Lậy Chúa Giêsu! Quả thật người đàn bà tội lỗi này ở thời đại nào cũng có phải không thưa Chúa!? Vì sao mà biết bao nhiêu đàn bà cứ mãi sống trong tội lỗi như thế!? Chúng con đổ thừa cho nghịch cảnh ư!? Chúng con đổ thừa cho cạm bẫy, hay vì chúng con chạy theo thú vui, và tìm sự thỏa mãn của dục vọng? Và sự tội lỗi này chúng con phạm chỉ một mình chúng con ư!? Hay cùng người nam đầy tham lam và đầy thú tính nữa!?? Hay chẳng phải vì tội lỗi của chúng con nhưng vì chúng con đã bị cha mẹ ruồng bỏ từ tấm bé, được người lớn dậy sống như thế từ cái tuổi rất còn thơ, để kiếm miếng ăn hằng ngày, để tạm sống cho qua ngày??

Nhưng Tình Yêu Thiên Chúa không ngừng và giới hạn tại đây, mà Ngài hiểu rất rõ nguyên do vì lý do nào mà đã đưa tất cả chúng ta đến sự phạm tội? Ngài hiểu rất rõ tâm tánh và con người của chúng ta, có phải Chúa Cha đã tác tạo con người chúng ta và ban cho chúng ta cái quyền được sống trong tự do là muốn theo Ngài hay không theo Ngài?? Ở đoạn Phúc Âm trên đã cho chúng ta thấy Chúa yêu và cảm thương con người chỉ vì con người chúng ta tỏ lòng yêu mến Chúa, tự nguyện, biết tỏ lòng sám hối và tội lỗi của mình. Biết khóc thương vì tội lỗi của mình, người đàn bà đã chạm lòng thương xót của Chúa. Chúa đã hiểu bà, thương bà, và tha thứ tất cả mọi tội lỗi cho bà. Có phải Chúa muốn chúng ta phải hiểu được như vậy là đặt để Chúa trong tâm hồn, trong trái tim, trong tận đáy lòng của chúng ta, yêu kính Chúa hết tâm hồn hết trí khôn, còn mọi thứ khác ắt Chúa sẽ ban cho mọi ơn cần thiết để Ngài mạc khải cho chúng ta hiểu thêm ý của Chúa muốn chúng ta làm gì để có cuộc sống muôn đời và làm gì để có được Nước Trời mà không phải đi vòng quanh như kiến bò trên miệng chén!??

Có phải Chúa chỉ cần chúng ta Yêu Kính Chúa, phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng, như chiên ngoan biết sống theo đàn chiên và theo tiếng gọi của Người Mục Tử nhân lành, thì đã gọi là đủ, để Mục Tử đi đâu thì đàn chiên cứ thế theo bước chân của Ngài đến đó!? Chuyện người đàn bà tội lỗi ở trên đã cho chúng ta thấy tội lỗi của bà ngập tràn như thế mà Chúa Giêsu đã xóa sạch mọi tội lỗi cho bà vì bà đã tin tưởng vào Chúa. Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi". Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an".

Anh chị em có nghĩ rằng người đàn bà ấy sau khi được Chúa Giêsu tha tội và chúc bình an cho bà, mà bà lại còn muốn phạm tội nữa hay không!? Trong Phúc Âm không nói gì nhưng tôi không nghĩ là vậy!? Vì bà đã tin tưởng vào Chúa Giêsu thì đó cũng đã nói lên một điều là bà có Đức Tin vào Chúa Giêsu thật mãnh liệt. Bà nghĩ rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật. Có lẽ tiếng tăm của Chúa Giêsu và về mọi điều kỳ diệu Ngài đã làm cho dân chúng xa gần mà đã làm bà tin rằng chỉ có Chúa mới có thể tha tội và thay đổi bà mà thôi!? Cho nên bà đã bất chấp mọi người có mặt ở đó mà tự tiện đem dầu thơm đến xức cho Chúa, lấy tóc mình mà lau chân Người, đầy cả nước mắt khóc cho tội lỗi của mình, chúng ta có thấy rằng sự việc trên có thường xẩy ra hằng ngày hay không? Vì Đức Tin tinh tuyền của người đàn bà tội lỗi ấy tôi tin rằng Chúa Thánh Linh đã đến cùng bà và đã chỉ bảo cho bà làm những công việc lạ lùng ấy!.

Sau đó Người rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria gọi là Mađalêna, đã được chữa khỏi bảy quỷ ám, Gioanna vợ của Cusa viên quản lý của Hêrôđê, Susanna và nhiều bà khác: họ đã lấy của cải mình mà giúp Người.

Giáo Lý của Chúa và Tình Yêu của Ngài là hai Giới Luật quan trọng nhất để dậy con cái Ngài tìm về Nước Thiên Chúa. Có phải có Chúa trong cuộc đời thì chúng ta có bị tà ma, tật bệnh, quỷ ám, nghiện ngập, hoại huyết, phong hủi, đui mù, điếc, câm, tất cả đều được Chúa chữa khỏi!? Cuộc sống mà có Chúa hiện diện, trước hết chúng ta sẽ luôn có Bình An. Sẽ được Chúa biến đổi mọi phương diện để nhận thấy rằng Tình Yêu Thiên Chúa là cùng đích và sự kết hiệp với anh chị em là điều tối cần. Có Chúa, Ngài sẽ biến đổi con người của chúng ta trở nên giống Chúa, là sống tốt lành với mọi người, hiền hòa, khiêm nhường, nhịn nhục, hy sinh, và biết tha thứ. Tội lỗi và nợ nần của tất cả chúng ta đã được Chúa tha, thế sao chúng ta không biết tha thứ cho ai mắc nợ chúng ta vậy, dù chỉ là sự tha thứ rất nhỏ không đáng kể!???.

Lậy Chúa Giêsu! Ngài vốn nhân lành xin ban cho toàn thể con cái Ngài được sớm biết sám hối ăn năn tội, như người đàn bà tội lỗi trên, để được Chúa ban cho tất cả chúng con một cuộc sống an lành, bình an, và hạnh phúc trong Tình Yêu dạt dào của Chúa. Để chúng con không còn bon chen, tranh chấp, tất bật, vất vả, chỉ để tìm những của chóng qua, mà tất cả chúng chỉ là những vật ngoại thân, khi chết đi cũng không mang chúng theo được. Chúa đã tha thứ tội ngập tràn của chúng con thì xin cho chúng con có trái tim biết xót thương anh chị em chúng con, và dễ dàng tha thứ cho họ. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Từ Ratzinger tới Bênêđíctô
Vũ Văn An
05:53 12/06/2010
Trên đây là tựa một bài báo khác của Đức HY Dulles (1) đăng trên tờ First Things Journal số tháng Hai năm 2006.

Giống vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI cũng hiện diện đủ 4 khóa Công Đồng Vatican II, từ năm 1962 tới năm 1965. Trong khi Karol Wojtyla tham dự với tư cách giám mục, thì Joseph Ratzinger tham dự với tư cách chuyên viên thần học. Trong và sau thời gian Công Đồng, ngài lần lượt dạy tại các đại học Bonn (1959-1963), Munster (1963-1966), Tubingen (1966-1969), và Regensburg, cho tới khi được cử làm tổng giám mục Munich năm 1977. Năm 1981, ngài trở thành Tổng Trưởng Bộ Tín Lý, một chức vụ ngài nắm giữ cho tới ngày Đức Gioan Phaolô II qua đời vào tháng Tư năm 2005.

Trong nhiều ấn phẩm của mình, thần học gia Ratzinger tiếp tục tranh luận các vấn đề từng được đặt ra trong thời gian Công Đồng và trong nhiều dịp đã tỏ ý không hài lòng với một số văn kiện của Công Đồng. Về điểm này, ngài khác với Đức Gioan Phaolô II, là người luôn nhất quán ca ngợi Công Đồng, và chưa bao giờ phê phán nó cả. Các trước tác của ngài có thể chia thành 3 giai đoạn: tham gia Công Đồng, các nhận định đầu tiên về các văn kiện của Công Đồng, và những suy tư sau đó về việc tiếp nhận Công Đồng. Ta cũng nên chú ý tới sự thay đổi trong phản ứng của ngài đối với 4 hiến chế chính của Công Đồng: Hiến chế về phụng vụ (Sacrosanctum Concilium), hiến chế về mạc khải (Dei Verbum), hiến chế về Giáo Hội (Lumen Gentium), và hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes).

Tại Công Đồng, Ratzinger rất được trọng vọng như một thần học gia sáng chói đang xuất hiện. Ngài cộng tác mật thiết với các chuyên viên Dòng Tên kỳ cựu, trong đó có Karl Rahner, Alois Grillmeier, và Otto Semmelroth, cả ba đều thường xuyên giữ liên lạc với các giám mục Đức. Các đức hồng y Đức, như Josef Frings của Cologne và Julius Döpfner của Munich và Freising, vốn được các giám mục kiêm thần học gia ủng hộ mạnh mẽ, trong đó có vị sau này là hồng y, tức Hermann Volk, do đó các ngài tạo được một ảnh hưởng rất mạnh và xét chung tỏ ra chống đối các sơ đồ của Ủy Ban Chuẩn Bị vốn được đặt dưới quyền điều khiển của Đức HY Alfredo Ottaviani và Cha Sebastian Tromp, S.J.

Gần cuối khóa thứ nhất, Ratzinger được cử làm cố vấn thần học cho Đức HY Frings, một chức vụ ngài giữ cho tới lúc kết thúc Công Đồng. Nhiều nhà viết tiểu sử của ngài cho rằng ngài soạn bài diễn văn ngày 8 tháng 11 năm 1963 cho Đức HY Frings, trong đó, các thủ tục của Văn Phòng Thánh (Holy Office) bị chỉ trích một cách kịch liệt. Phối hợp với nhiều biến cố khác, bài diễn văn này hiển nhiên đã ảnh hưởng tới việc Đức Phaolô cải tổ Văn Phòng này và đặt cho nó một tên mới: Bộ Tín Lý.

Trong khóa thứ nhất, một số sơ đồ chính thức đã được Ủy Ban Chuẩn Bị phân phối với hy vọng được các nghị phụ chấp nhận, ít nhất cũng dưới hình thức đã được tái duyệt. Xét chung, các nghị phụ người Đức hài lòng với văn kiện về phụng vụ, nhưng tỏ ý bất mãn đối với các văn kiện về mạc khải và Giáo Hội, và tìm cách thay thế chúng.

Về mạc khải, thần học gia Ratzinger cho rằng sơ đồ đầu tiên không thể chấp nhận được và cần phải rút lại. Theo yêu cầu của Đức HY Frings, ngài soạn một bản văn thay thế. Bản văn này sau đó đã được soạn lại với sự hỗ trợ của Karl Rahner. Trước sự bất mãn của Đức HY Ottaviani, 3 ngàn bản sao văn kiện ấy đã được âm thầm phân phối cho các nghị phụ và chuyên viên. Linh mục Yves Congar, dù nói chung có thiện cảm, nhưng cho rằng bản văn này quá có tính tư riêng (personal) khó có thể được tiếp nhận và chỉ trích nó không lưu ý đủ tới những điểm tích cực của các sơ đồ của ủy ban chuẩn bị. Gerald Fogarty còn gọi nó là một tổng hợp thu gọn của nền thần học hệ thống Rahner. Dù sơ đồ của mình bị bác bỏ, nhưng Rahner và Ratzinger cũng đã đóng góp nhiều cho bản văn của ủy ban hỗn hợp do Đức Gioan XXIII thành lập. Cả hai được đề cử làm cố vấn cho tiểu ban soạn thảo bản văn mới. Rahner mạnh mẽ bênh vực chủ trương của mình về mối tương quan giữa thánh kinh và thánh truyền. Ratzinger giúp soạn tu chính cho chương nói về thánh truyền; ngài cũng có cơ hội đề nghị các sửa đổi cho chương nói về thẩm quyền và việc giải thích thánh kinh.

Về Giáo Hội, Ratzinger cùng với các giám mục Đức và các chuyên viên ‘đồng chí’ vận động cho ý niệm Giáo Hội như bí tích được lồng sâu vào hiến chế, một quan tâm được chính Đức HY Frings phát biểu tại phòng họp của Công Đồng. Cả Ratzinger lẫn Rahner đều cùng làm việc trong tiểu ban duyệt lại việc lên công thức cho tính hiệp đoàn tại các điều 22 và 23. Ratzinger cũng được cử vào nhóm soạn lại sơ đồ về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội để đem ra thảo luận vào khóa cuối cùng của Công Đồng. Ngài cộng tác mật thiết với Cha Congar trong việc xác định nền tảng thần học cho việc truyền giáo, một chủ đề mà cả hai thấy dễ nhất trí với nhau. Trong nhật ký của mình, Cha Congar coi Ratzinger là người “hợp lý, khiêm tốn, vô vị lợi và hay giúp đỡ”. Cha gán cho Ratzinger công tìm ra câu định nghĩa cho hoạt động truyền giáo, một định nghĩa sau đó đã được chấp nhận, cũng như đã đề nghị lồng phần về đại kết vào trong bản văn. Nhiều người khác gán cho ngài công đã nghĩ ra phần chú thích khiến Châu Mỹ La Tinh được liệt vào miền truyền giáo dù đã được phúc âm hóa từ lâu. Trong các buổi tranh luận về hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng hồi tháng 9 năm 1965, Ratzinger đưa ra nhiều chỉ trích mà sau này được ngài trình bày trong các tác phẩm và bài báo của mình. Ngài cho rằng sơ đồ này quá duy tự nhiên (naturalistic) và phi lịch sử, không ghi nhận đầy đủ về tội lỗi và các hậu quả của chúng, và quá lạc quan về tiến bộ nhân bản.

Tóm lại, ta có thể nói rằng Ratzinger thuộc nội bộ nhóm thần học gia gây ảnh hưởng trổi vượt tại Vatican II. Dù lúc ấy ngài mới chỉ 30 tuổi, thiếu thế đứng công khai như Congar, Rahner và Gérard Philips. Trong các khóa đầu, ngài làm việc mật thiết với Rahner và các chuyên viên Dòng Tên người Đức, chống lại trường phái Rôma, dù ngài ăn nói chừng mực. Công Đồng càng tiến triển, Ratzinger càng trở nên độc lập hơn. Ngài có những đóng góp độc đáo và quan trọng vào văn kiện về truyền giáo và đưa ra lời chỉ trích đích danh hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, cho thấy rõ: ngài thích Thánh Augustinô hơn Thánh Tôma Aquinô và nhạy cảm đối với các ưu tư của giáo phái Luthêrô.

Trong thời gian Công Đồng và ít năm sau khi Công Đồng kết thúc, thần học gia Ratzinger viết khá nhiều bình luận về các văn kiện của Công Đồng. Dù có nhiều phê phán, nhưng các nhận định này phần lớn nhất trí với hướng đi tổng quát của Vatican II và cho thấy ngài chấp nhận 3 mục tiêu đã được Đức Gioan XXIII nêu ra: canh tân Giáo Hội, hợp nhất Kitô hữu, và đối thoại với thế giới ngày nay. Ngài hoan hô việc bác bỏ một số sơ đồ của Ủy Ban Chuẩn Bị, chủ yếu vì các sơ đồ này dùng ngôn ngữ kinh viện trừu tượng và thất bại không nói với thế giới hiện đại bằng ngôn ngữ mục vụ. Ngài đánh giá việc công đồng thoát ảnh hưởng khống chế của Rôma, và cởi mở cũng như thành thật trong các bàn luận của mình.

Là thành viên của nhóm cấp tiến trong Công Đồng, Ratzinger giảng dạy tại đại học Tubingen với Hans Kung và tham gia ban chủ biên tập san cấp tiến Concilium, xuất bản từ Hòa Lan. Năm 1969, sau cuộc nổi dậy của sinh viên tại Tubingen, ngài di chuyển tới một phân khoa có tính truyền thống hơn là Regensburg. Rồi năm 1972, ngài trở thành một trong các thành viên sáng lập ra tạp chí Communio, một đối tác bảo thủ hơn của Concilium. Khuynh hướng thần học của ngài xem ra đã thay đổi. Năm 1975, kỷ niệm 10 năm kết thúc Vatican II, ngài viết một bài báo, trong đó ngài tuyên bố mình khác với nhóm cấp tiến, là nhóm muốn đi quá cả Công Đồng, và khác cả với nhóm bảo thủ là nhóm chỉ muốn lui về đàng sau Công Đồng. Ngài cho rằng con đường thích đáng nhất là giải thích Vatican II hoàn toàn như một tiếp nối với các công đồng trước đó như Trent và Vatican I, vì cả 3 công đồng này đều được cùng một thẩm quyền nâng đỡ đó là Đức Giáo Hoàng và hiệp đoàn giám mục hiệp thông với ngài.

Hai năm sau, ngài được cử nhiệm làm tổng giám mục rồi hồng y, và năm 1981, làm bộ trưởng Bộ Tín Lý. Trong một cuộc phỏng vấn được công bố năm 1985, ngài bác bỏ, không cho rằng Vatican II phải chịu trách nhiệm về việc đã tạo ra các xáo trộn thời hậu công đồng. Theo ngài, tình huống đó là do sự xổ lồng của các lực lượng luận chiến và ly tâm trong Giáo Hội và sự lấn lướt của ý thức hệ tự do cấp tiến đầy cá nhân, duy lý và khoái lạc chủ nghĩa ở bên ngoài Giáo Hội. Ngài nhắc lại lời kêu gọi phải trung thành với giáo huấn thực sự của Công Đồng không cần có những dè dặt đôi khi làm nó thui chột hay không được có những khai triển làm nó ra méo mó.

Theo ngài, cần phải loại bỏ các giải thích sai lạc trước khi khởi sự việc tiếp nhận đích thực. Ngài bảo: phe bảo thủ cũng như phe cấp tiến đều phạm cùng một lầm lỗi là không nhận ra rằng Vatican II, về căn bản, hoàn toàn tiếp nối quá khứ. Khi bác bỏ một số dự thảo ban đầu, các nghị phụ đã không khước từ học lý của các dự thảo ấy, một học lý có tính hết sức truyền thống, mà chỉ khước từ văn phong của chúng, một văn phong các ngài coi là quá kinh viện và không đủ tính mục vụ. Nguy hại hơn cả là khuynh hướng của phe cấp tiến muốn đặt một tương phản giữa chữ nghĩa trong bản văn công đồng và tinh thần của nó. Phải tìm tinh thần ngay trong chữ nghĩa của nó.

Một số người cho rằng hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, được soạn thảo vào giai đoạn chót, phải được coi như tuyệt đỉnh của Công Đồng, mà các hiến chế khác chỉ là dọn đường. Ratzinger có quan điểm ngược hẳn. Hiến chế mục vụ là thứ yếu so với hai hiến chế về mạc khải và Giáo Hội, vì hai hiến chế này mới dẫn người giải thích trở về nguồn và tâm điểm của đời sống Kitô hữu. Hiến chế về phụng vụ, dù không có tính tín lý theo nghĩa hẹp, nhưng là hiến chế thành công nhất trong 4 hiến chế; hiến chế mục vụ Vui Mừng Và Hy Vọng là một cố gắng thăm dò nhằm áp dụng học lý Công Giáo vào mối tương quan hiện nay của Giáo Hội với thế giới.

Văn kiện đầu tiên được thảo luận tại khóa họp năm 1962 là văn kiện về phụng vụ. Ngay trong các nhận định sớm nhất của mình, Ratzinger đã hết lời ca ngợi văn kiện này. Ngài ca ngợi các cố gắng của nó trong việc loại bỏ tính cô lập của linh mục chủ tế và cổ vũ việc tham dự tích cực của cộng đoàn. Ngài nhất trí với hiến chế về việc cần phải dành tầm quan trọng lớn hơn cho Lời Chúa trong Thánh Kinh và việc công bố. Ngài hài lòng với điều khoản của hiến chế cho phép việc Hiệp Lễ dưới cả hai hình và khuyến khích việc thích ứng vào địa phương do các hội đồng giám mục liên hệ điều hướng, gồm cả việc sử dụng ngôn ngữ bình dân. Ngài viết: “Cần phải phá đổ bức tường Tiếng La Tinh nếu muốn cho phụng vụ một lần nữa diễn tiến như một công bố hay một lời mời gọi cầu nguyện”. Ngài cũng ủng hộ lời kêu gọi của Công Đồng nhằm tìm lại tính đơn giản trong các nền phụng vụ tiên khởi và loại bỏ những thêm thắt rườm rà thời Trung Cổ.

Trong các trước tác sau này khi đã là hồng y, Ratzinger tìm cách đánh đổ các giải thích sai lạc đương thời. Ngài nhấn mạnh rằng: các nghị phụ không hề có ý định khởi diễn một cuộc cách mạng phụng vụ. Các ngài chỉ muốn dẫn khởi việc sử dụng vừa phải ngôn ngữ bình dân song song với tiếng La Tinh, chứ không hề nghĩ tới việc loại bỏ tiếng La Tinh, vẫn còn là ngôn ngữ chính thức của Nghi Lễ Rôma. Khi kêu gọi sự tham dự tích cực, công đồng không hề nghĩ tới việc phải không ngừng hết nói, tới hát, rồi đọc và bắt tay; việc im lặng cầu nguyện cũng là phương cách hết sức sâu sắc của việc đích thân tham dự. Ngài đặc biệt tỏ ý tiếc về sự khuất dạng của âm nhạc thánh cổ truyền, thật trái với ý định của Công Đồng. Công Đồng cũng không hề có ý muốn khởi diễn việc thử nghiệm và sáng tạo phụng vụ có tính giật gân. Nó nghiêm cấm cả linh mục lẫn giáo dân không được tự ý thay đổi qui luật phụng vụ.

Ở một số ấn phẩm, Ratzinger quả có than phiền về tính đột ngột trong việc Đức Phaolô VI áp đặt Sách Lễ sau Công Đồng, trong đó có việc loại bỏ Thánh Lễ Triđentinô. Hành động này đã góp phần làm tăng cảm tưởng, khá phổ biến lúc ấy, cho rằng Công Đồng là một gián đoạn chứ không phải là một giai đoạn mới trong diễn trình phát triển liên tục. Về phần mình, thần học gia Ratzinger không có gì chống đối việc cử hành Thánh Lễ theo sách lễ từng được sử dụng trước thời Công Đồng.

Trong các nhận định đầu tiên của mình về hiến chế mạc khải, nhà thần học trẻ tuổi Ratzinger phát biểu một cách tích cực. Câu đầu tiên rất lôi cuốn ngài vì nó đặt Giáo Hội ở một tư thế kính cẩn lắng nghe Lời Thiên Chúa. Ngài cũng hoan nghênh cố gắng của Công Đồng nhằm phá vỡ não trạng chống Duy Hiện Đại (Modernism) của những nhà tân kinh viện và tiếp nhận ngôn ngữ thánh kinh và cách sử dụng hiện đại. Ngài hài lòng với việc Công Đồng nhìn nhận diễn trình qua đó, thánh kinh phát sinh từ lịch sử tôn giáo của Dân Chúa.

Trong các chương về hiến chế Dei Verbum viết cho “Vorgrimler Commentary”, Ratzinger một lần nữa ca ngợi lời nói đầu như là mở cửa để Giáo Hội hướng lên Lời Chúa và nhấn mạnh tới giá trị của việc công bố. Dù vẫn tiếp tục ghi nhận thành công của chương đầu vì đã nhấn mạnh tới việc mạc khải xuyên qua lịch sử, ngài phê bình rằng cái nhìn về lịch sử Cựu Ước hơi quá lạc quan và đã bỏ qua tính lấn lướt của tội lỗi. Ngài nhận xét rằng việc lưu ý tới chủ đề của Luthêrô về lề luật và Tin Mừng có thể làm giầu thêm cho bản văn. Thần học về đức tin trong hiến chế, theo ước tính của ngài, chắc chắn đồng điệu với, và có khi phong phú hơn, thần học của Vatican I. Ý kiến của Ratzinger về thánh truyền ở chương 2 cho thấy ngài sắc sảo đánh giá được các khó khăn do các nhà bình luận Thệ Phản nêu ra. Ngài cho rằng chương này đã dành nhiều ưu tiên cho Thánh Kinh hơn là Thánh Truyền và ca ngợi nó đã đặt nhiệm chức giáo huấn của Giáo Hội bên dưới Lời Chúa. Nhưng ngài chỉ trích nó đã không nhìn nhận Thánh Kinh như là qui phạm để nhận dạng các truyền thống không chân chính từng làm méo mó Tin Mừng.

Càng có tuổi, thần học gia Ratzinger càng lên tiếng dưới một nhãn quan khác, có tính tuyên tín Công Giáo nhiều hơn. Dù vẫn coi hiến chế mạc khải như là một trong các bản văn sáng chói của công đồng, ngài cho rằng nó cần được tiếp nhận một cách chân thực. Trong các lối giải thích hiện hành, ngài thấy hai khuyết điểm chính. Trước nhất, nó bị đọc sai như thể dạy rằng mọi mạc khải đều chứa trong Thánh Kinh. Ngài cho rằng vì là một thực tại sống động, mạc khải không thể bị đóng khung cứng ngắc trong một bản văn. Thánh Truyền là một “phần của mạc khải đi bên trên và đi quá Thánh Kinh và không thể hiểu được bên trong một bộ công thức”.

Theo Đức Hồng Y Bộ Trưởng, bỏ qua thánh truyền sống động chính là một trong các lầm lẫn nghiêm trọng nhất của nền chú giải hậu công đồng. Lầm lẫn khác là đã rút gọn nền chú giải vào phương pháp phê bình sử học (historical-critical). Trong một bài báo về việc giải thích thánh kinh hiện đại, ngài bình luận về sự bế tắc biểu kiến giữa nhà chú giải và nhà thần học tín lý. Khi đưa ra cách vượt qua thế lưỡng nan này, công đồng dạy rằng phương pháp phê bình sử học chỉ là giai đoạn thứ nhất của khoa chú giải. Nó giúp soi sáng bản văn trên bình diện nhân bản và lịch sử, nhưng để tìm ra Lời Thiên Chúa, nhà chú giải phải đi xa hơn, phải dựa vào Thánh Kinh như một toàn thể, dựa vào Thánh Truyền, và dựa vào toàn bộ hệ thống các tín điều Công Giáo. Ngài viết: “Bản thân tôi xác tín rằng cẩn thận đọc hết toàn bộ bản văn của Dei Verbum có thể đem lại các yếu tố chủ yếu cho một tổng hợp giữa phương pháp sử học và khoa chú giải thần học”. Nhưng không may, việc tiếp nhận hậu công đồng trên thực tế đã loại bỏ phần thần học trong phát biểu của Công Đồng, coi nó như một nhượng bộ đối với quá khứ, do đó khiến cho khoa chú giải Công Giáo trở thành gần như không phân biệt được với khoa chú giải Thệ Phản. Cùng với việc gần như độc quyền của nền chú giải phê bình sử học, việc bỏ qua Thánh Truyền đã khiến nhiều Kitô hữu nghĩ rằng trong Giáo Hội không điều gì được giảng dạy mà không được phương pháp phê bình lịch sử soi mói. Trên thực tế, điều ấy có nghĩa: các giả thuyết luôn luôn thay đổi của khoa chú giải đã trở thành thẩm quyền tín lý cao nhất trong Giáo Hội.

Trong một thời gian dài, Ratzinger đã nói khá nhiều đến hiến chế tín lý về Giáo Hội. Qua các nhận xét đầu tiên, ngài cho rằng nó đã thành công trong việc đặt ý niệm Dân Chúa lên trên ý niệm Nhiệm Thể. Mô thức Nhiệm Thể, vốn được ưa chuộng dưới thời Đức Piô XII, khá có giá trị nhưng đã không thể ban bố tư cách giáo hội cho các Kitô hữu không phải là Công Giáo và khiến người ta lầm lẫn trong việc đồng hóa Giáo Hội với Chúa Kitô, vị Chúa của mình. Ngài cho rằng hình ảnh Dân Chúa hợp với Thánh Kinh nhiều hơn; nó giúp ta có chỗ nhìn nhận tội lỗi nơi con cái Giáo Hội và cho thấy Giáo Hội vẫn đang trên đường lữ hành dưới dấu hy vọng. Vì các lý do tương tự, ngài cũng ủng hộ chủ đề Giáo Hội như bí tích. Là dấu chỉ và dụng cụ, Giáo Hội được điều hướng về một mục đích nằm bên ngoài chính mình.

Trong nhiều bình luận lúc đầu, Ratzinger tỏ ra rất quan tâm tới tính hiệp đoàn giám mục. Ngài tin rằng các tông đồ tạo thành một nhóm ổn định dưới quyền Phêrô làm đầu, giống các giám mục sau đó dưới quyền tối thượng của người kế vị Phêrô. Theo quan điểm của ngài, tính hiệp đoàn hỗ trợ cho việc truyền đạt theo chiều ngang giữa các giám mục với nhau. Đàng sau tính hiệp đoàn, là quan điểm cho rằng Giáo Hội bao gồm các cộng đoàn tương đối độc lập dưới quyền các giám mục liên hệ. Việc tái khám phá ra các giáo hội địa phương khiến ta thấy rõ tính đa phức quả nằm trong chính cấu trúc của Giáo Hội. Ratzinger nhận xét rằng: theo Tân Ước, Giáo Hội là hiệp thông các giáo hội địa phương, hỗ tương liên kết với nhau nhờ Thân Mình và Lời Chúa Kitô, đặc biệt khi tụ họp với nhau tại tiệc Thánh Thể. Trong tư cách cầm đầu các giáo hội đặc thù, các giám mục phài hợp tác với nhau trong một thừa tác vụ vốn chủ yếu có tính cộng đoàn. Không phải mọi sáng kiến đều đặt lên vai một mình Đức Giáo Hoàng; ngài có thể chấp nhận điều mà giám mục đoàn hay một bộ phận của nó ấn định.

Ratzinger ít thất vọng hơn một số đồng nghiệp thần học gia khác đối với bản giải thích, dùng làm phụ lục cho chương 3 Hiến Chế Lumen Gentium , nhằm soi sáng học lý hiệp đoàn. Bản ghi chú này trình bày một số minh giải cần thiết, dù hơi nghiêng về phía ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, không nên cường điệu về tầm quan trọng của nó, vì nó vừa không phải là văn kiện công đồng vừa không được Đức Giáo Hoàng ký nhận. Dù được Đức Giáo Hoàng chấp nhận, nhưng nó chỉ được vị tổng thư ký của công đồng ký nhận.

Vào giai đoạn này, Ratzinger cho rằng thượng hội đồng giám mục do Đức Phaolô VI thiết lập năm 1965, về một vài phương diện, quả có tính hiệp đoàn. Đa số các thành viên của nó do chính các giám mục bầu ra, danh xưng thượng hội đồng (synod) vốn là một từ ngữ khiến ta nhớ tới cấu trúc của Giáo Hội thời xưa. Ngài viết rằng: thượng hội đồng là “một công đồng thường trực thu nhỏ”. Ngài cũng cho rằng các hội đồng giám mục là những cơ quan giống như thượng hội đồng, làm trung gian giữa các giám mục cá thể và Đức Giáo Hoàng; cơ quan này có quyền lập pháp. Viết cho tạp chí Concilium năm 1965, ngài cho rằng các hội đồng giám mục thể hiện một phần tính hiệp đoàn và quả quyết rằng chúng có căn bản thần học thực sự.

Tại Vatican II, có sự chia rẽ ý kiến về việc nên hay không nên xem sét Thánh Mẫu Học trong một văn kiện riêng biệt. Cùng với đại đa số các thần học gia Đức, Ratzinger ủng hộ ý kiến lồng Đức Mẹ vào hiến chế về Giáo Hội, và cuối cùng đã xẩy ra như thế. Không như Đức Cha Wojtyla, ngài tỏ ý lo ngại về chủ nghĩa khuếch đại Đức Mẹ (Marian maximalism) và tỏ ra không mấy thiện cảm đối với những tước hiệu mới như “Mẹ Giáo Hội”. Một phần vì vấn đề đại kết, ngài hoan nghênh việc Công Đồng tự chế không tuyên xưng Đức Mẹ là Đấng Trung Gian và Đồng Công Cứu Chuộc.

Trong các nhận định đầu tiên của mình, Ratzinger ca ngợi tính nhạy cảm đại kết của hiến chế về Giáo Hội. Nó phá bỏ được cảm giác cho rằng các Kitô hữu không phải là Công Giáo chỉ liên kết với Giáo Hội bằng một ước muốn tiềm ẩn, như Đức Piô XII từng dạy. Nếu đọc nó song song với sắc lệnh về đại kết, Lumen Gentium quả đã dành cho các cộng đồng Thệ Phản và Chính Thống tư cách giáo hội tích cực. Đối với thần học gia Ratzinger, Giáo Hội là Công Giáo, nhưng các giáo hội và các cộng đồng giáo hội đặc thù rất có thể hiện diện một cách bất thường bên ngoài biên giới của Giáo Hội. Một số giáo hội, như các cộng đồng Chính Thống Giáo Đông Phương, xứng đáng được gọi là các giáo hội theo nghĩa thần học.

Trong suốt sự nghiệp sau này, Ratzinger tiếp tục viết rộng dài về các vấn đề được hiến chế về Giáo Hội của Vatican II nêu lên. Ngài thường xuyên trở lại các chủ đề về Giáo Hội như Dân Chúa, vốn là chủ đề trong luận án tiến sĩ của ngài. Ngày nay, ngài cho rằng: khi gọi Giáo Hội bằng danh xưng ấy, Công Đồng không dùng hạn từ “dân” theo nghĩa xã hội. Theo quan điểm thực nghiệm, dựa vào các phân tích xã hội học, Kitô hữu không phải là một dân. Nhưng các Kitô hữu không phải là dân này có thể trở thành dân của Thiên Chúa nhờ được hội nhập vào Chúa Kitô, qua việc tháp nhập có tính bí tích vào thân xác chịu đóng đinh và sống lại của Người. Nói cách khác, Giáo Hội là dân của Thiên Chúa bởi vì nó là một bí tích trong Chúa Kitô. Ở đây, ta phải ghi nhận có sự thất bại về tiếp nhận: Từ Công Đồng Vatican II, “ý niệm Giáo Hội như bí tích khó lòng mà nhập vào ý thức người ta”.

Ratzinger không chống đối nền giáo hội học về hiệp thông từng nổi bật tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1985 họp bàn về việc giải thích Vatican II. Nhờ Phép Thánh Thể, Giáo Hội hiệp thông với toàn bộ Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nhưng Ratzinger cho rằng “hiệp thông”, ở một mức độ nào đó, đã trở thành một từ ngữ thời thượng và thường bị bóp méo khi nhấn mạnh một cách phiến diện tới chiều ngang mà quên khuấy cả Thiên Chúa. Qủa vậy, nó đã được dùng để cổ vũ một hình thức của chủ nghĩa bình đẳng bên trong Giáo Hội.

Ratzinger hồi đầu coi việc Công Đồng tái lập nền thần học về các giáo hội địa phương như một đóng góp hết sức quan trọng. Tuy nhiên, từ năm 1992, ngài cho rằng về phương diện hữu thể và lịch sử, Giáo Hội hoàn vũ ưu tiên hơn các giáo hội đặc thù. Khởi nguyên, nó không do các giáo hội địa phương hay giáo hội miền tạo nên. Ngài nói rằng: những ai cho rằng giáo hội đặc thù ưu tiên hơn Giáo Hội phổ quát, là đã giải thích sai các văn kiện của Công Đồng. Về tính hiệp đoàn, khi có tuổi hơn, Ratzinger cho rằng theo Vatican II, giám mục trước nhất là thành viên của một hiệp đoàn, một hiệp đoàn từ bản chất vốn có tính phổ quát. Giám mục là người kế vị các tông đồ, mỗi vị đều đồng chịu trách nhiệm đối với Giáo Hội hoàn vũ, cùng với và dưới quyền Phêrô. Các giám mục tại các giáo phận tham gia việc điều khiển Giáo Hội hoàn vũ bằng cách cai quản tốt giáo hội của riêng mình, giữ cho giáo hội ấy luôn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. Trong nền thần học sau này của Ratzinger, thượng hội đồng giám mục không còn được coi là cơ quan hiệp đoàn hay một công đồng thu nhỏ nữa; nó chỉ có tính tư vấn cho Đức Giáo Hoàng để ngài thi hành các trách vụ của mình. Nhờ thế, tiếng nói của Giáo Hội hoàn vũ được mọi người trong thế giới ngày nay nghe rõ hơn.

Một thay đổi tương tự cũng đã xẩy ra cho quan niệm của Ratzinger về các hội đồng giám mục, mà trước đây ngài coi là những cơ quan có tính cộng đoàn theo nghĩa thần học. Qua năm 1986, ngài viết rằng: “Ta không nên quên rằng các hội đồng giám mục không có căn bản thần học; chúng không thuộc cơ cấu Giáo Hội như ý Chúa Kitô, do đó, có thể loại bỏ được; chúng chỉ có chức năng thực tiễn, cụ thể mà thôi”. Khó có thể chối cãi rằng về các hội đồng giám mục, cũng như về thượng hội đồng giám mục, Đức Hồng Y Ratzinger đã thay đổi quan điểm trước đây của ngài.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi hơn cả trong các giải thích về hiến chế Lumen Gentium là ý nghĩa của mệnh đề: Giáo Hội Chúa Kitô “tồn tại trong” (subsists in) Giáo Hội Công Giáo Rôma. Một số thần học gia cho câu đó nhìn nhận việc Giáo Hội Chúa Kitô hiện diện trong nhiều giáo hội khác, nhưng không giáo hội nào có thể tự cho mình là giáo hội duy nhất chân thực. Ratzinger nghĩ ngược lại. Đối với ngài, “tồn tại” hàm nghĩa một hiện hữu toàn bộ, hoàn tất, tự mình đã đủ (self-contained subject). Bởi thế, Giáo Hội Công Giáo thực sự là Giáo Hội của Chúa Kitô. Nhưng hạn từ “tồn tại” không có tính loại trừ, độc chiếm; nó chấp nhận khả thể có những thực thể có tính giáo hội (ecclesial entities) tách biệt với Giáo Hội duy nhất về phương diện định chế. Tuy nhiên sự phân biệt (dividedness) hay tách biệt này không phải là những thực tại có tính bổ túc cho nhau một cách đáng ước ao mà là một thiếu sót cần được chữa trị.

Trong lãnh vực Thánh Mẫu Học, Ratzinger không hài lòng với một hiểu lầm khác của Công Đồng. Ngài tin rằng việc lồng chương về Đức Maria vào hiến chế về Giáo Hội là để người ta chịu tìm tòi hiểu biết hơn chứ không hẳn để quên đi mầu nhiệm Đức Mẹ. Chính ngài đã vượt qua được nhiều dè dặt đối với các tước hiệu của Đức Mẹ mà ngài từng phát biểu lúc Công Đồng còn đang diễn tiến. Ngài tin rằng ta phải chạy đến với Đức Mẹ để học hỏi các chân lý về Chúa Giêsu Kitô, những chân lý mà ta phải công bố.

Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, trong hình thức cuối cùng, chủ yếu là công trình của các nhà thần học Pháp. Các nhà thần học Đức không kiểm soát văn kiện này. Thời Công Đồng, thần học gia Ratzinger đã ghi nhận nhiều khó khăn, bắt đầu là vấn đề ngôn từ. Khi tiếp nhận ngôn từ hiện đại, bản văn không tránh khỏi việc tự đặt mình ra ngoài thế giới Thánh Kinh, đến nỗi, vì thế, các trích dẫn thánh kinh chỉ còn là những món trang trí phụ trội. Vì công khai thích đối thoại hơn, nên hiến chế đã biến đức tin không còn là một đòi hỏi khẩn cấp phải dấn thân trọn vẹn mà chỉ còn là việc lùng kiếm đối thoại trong những vấn đề mông lung. Chúa Kitô chỉ được nhắc tới ở cuối mỗi phần, gần như một thứ trà dư tửu hậu.

Ratzinger cho rằng: thay vì lấy đối thoại thay thế các phát biểu tín lý, tốt hơn nên sử dụng ngôn ngữ công bố, nại tới thế giá nội tại của chân lý Thiên Chúa. Dựa vào tư tưởng Teilhard de Chardin, hiến chế đã nối kết niềm hy vọng Kitô Giáo quá sát vào ý niệm hiện đại về tiến bộ. Tiến bộ vật chất hết sức hàm hồ, lưỡng nghĩa vì nó có thể dẫn tới việc thoái hóa lẫn việc nhân bản hóa đích thực. Thánh Giá dạy ta rằng thế giới không được cứu chuộc nhờ tiến bộ kỹ thuật nhưng nhờ tình yêu hiến sinh. Trong phần về thống nhất hóa, Gaudium et Spes nói tới thế giới một cách thái quá, do quan điểm chức năng và hữu dụng hơn là quan điểm chiêm niệm và thán phục.

Lời bình luận của Ratzinger về chương đầu của Gaudium et Spes vẫn chứa một số nhận định công kích. Theo quan điểm của ngài, phần bàn tới lương tâm ở điều 16 đặt ra nhiều câu hỏi không được giải đáp, như vấn đề lương tâm có thể sai lầm và vấn đề quyền được theo một lương tâm lầm lẫn. Theo nhận định của ngài, phần nói về ý chí tự do ở điều 17 “hoàn toàn thuộc phái Pelagian”. Ngài cho rằng nó không nói chi tới toàn bộ các vấn đề phức tạp mà Luther từng xử lý dưới danh xưng “servum arbitrium” (ý chí nô bộc) dù chủ trương của Luther không phù hợp với Tân Ước.

Ratzinger không hoàn toàn tiêu cực trong phán đoán của mình. Ngài ca ngợi phần thảo luận về chủ nghĩa vô thần ở các điều 19-21, cho rằng nó “cân bằng và có căn bản vững chắc”. Ngài cũng hài lòng cho rằng văn kiện này, dù chỉ trích chủ nghĩa vô thần dưới mọi hình thức, nhưng đã không chỉ đích danh chủ nghĩa cộng sản Mác Xít, như một số nhà chiến tranh lạnh thường mong muốn. Ngài rất thích điều 22 nói về tính trung tâm của Chúa Kitô và mầu nhiệm Vượt Qua, thấy nó nói rất hay về các khả thể cứu rỗi dành cho người chưa được phúc âm hóa, hơn hẳn các phát biểu “cực kỳ không thỏa đáng” của Lumen Gentium 16, là đoạn xem ra muốn gợi ý rằng cứu rỗi là một thành tựu nhân bản chứ không hẳn một hồng ân của Chúa.

Về hiến chế này, Ratzinger thời sau xem ra không rút lại các phản biện trước đây của mình, dù ngài vẫn khuyên người ta nên chấp nhận toàn bộ giáo huấn của Vatican II. Nhưng ngài cho rằng các hàm hồ tối nghĩa của Gaudium et Spes phần lớn đã bị các lối giải thích duy tục làm cho trầm trọng thêm. Ratzinger chủ trương rằng Công Đồng rất đúng trong ước muốn duyệt lại mối liên hệ giữa Giáo Hội và thế giới. Có những giá trị, dù xuất phát ở bên ngoài Giáo Hội, nhưng vẫn có chỗ đứng bên trong Giáo Hội, ít nhất cũng dưới hình thức đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, Giáo Hội và thế giới không bao giờ gặp nhau mà không có tranh chấp. Các nền thần học thế gian đã quá dễ dãi trong việc hội nhập phúc âm vào các trào lưu thế tục.

Rải rác đây đó trong các cuộc phỏng vấn, Ratzinger nhắc tới ít nhất 3 lệch lạc đặc thù trong các lối giải thích. Thứ nhất, Gaudium et Spes quả có nhắc tới các dấu chỉ thời đại nhưng hiến chế này nói rõ: các dấu chỉ này phải được biện phân và phê phán dưới ánh sáng phúc âm. Các nhà giải thích hiện đại coi các dấu chỉ thời đại như một phương pháp mới để tìm ra các chân lý thần học trong các biến cố hiện nay và biến chúng thành qui phạm để phê phán chứng tá Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Thứ hai, hiến chế mục vụ có thể sai lầm theo hướng lạc quan, nhưng nó có công khai nói tới tội lỗi và sự ác. Nó minh nhiên nhắc tới Satan, không dưới 5 lần. Tuy nhiên, các nhà giải thích sau Công Đồng có khuynh hướng coi Satan chỉ là một thứ huyền thoại bán khai. Cuối cùng, Gaudium et Spes thường hay nhắc tới Nước Thiên Chúa. Nhưng các độc giả khoái chí lại thường chỉ nói tới nước hoà bình, công lý và bảo tồn môi sinh. Ratzinger đặt câu hỏi: phải chăng bộ ba giá trị này đã thay thế Thiên Chúa? Ngài tự trả lời: giá trị không thể thay thế được chân lý, cũng như không thể thay thế được Thiên Chúa, vì chúng chỉ là các tia phản chiếu chính Người. Không có Thiên Chúa, các giá trị sẽ bị các ý thức hệ phi nhân làm cho méo mó, như từng thấy trong nhiều hình thức của chủ nghĩa Mác Xít.

Quả có nhiều thay đổi trong các nhận định của Ratzinger về Vatican II. Lúc còn dò dẫm đi tìm con đường thần học riêng cho mình, trong những năm đầu của Công Đồng, ngài phải dựa vào Karl Rahner như người chỉ bảo (mentor). Chỉ dần dần sau đó, ngài mới hiểu rõ: cả ngài lẫn Karl Rhaner, về phương diện thần học, quả đang sống trong hai hành tinh khác nhau. Trong khi Rahner thấy mạc khải và cứu rỗi chủ yếu trong các chuyển động hướng thượng của tinh thần con người, thì Ratzinger thấy chúng trong các biến cố lịch sử được Thánh Kinh và các giáo phụ tiên khởi chứng thực.

Sự nghiệp của Ratzinger rõ ràng chịu ảnh hưởng nền thần học của mình. Trong tư cách tổng giám mục và hồng y, càng ngày ngài càng bị bó buộc phải đảm nhiệm nhiều trách nhiệm hơn đối với sinh hoạt công của Giáo Hội và do đó càng ngày càng hiểu rõ nhu cầu cần có các cơ cấu bí tích có tính hoàn vũ để duy trì tính hợp nhất của Giáo Hội và sự trung trinh của Giáo Hội đối với phúc âm. Ngài cũng buộc phải tranh luận với các lối giải thích Vatican II mà cả ngài lẫn các nghị phụ chưa bao giờ dự tưởng. Các hy vọng thoạt đầu của ngài đối với các cơ chế mới như hội đồng giám mục đã được nhiều diễn biến chỉnh đốn.

Dù có những thay đổi như thế, Đức Bênêđíctô XVI vẫn cho thấy một tính nhất quán về căn bản. Trong tư cách một triết gia nhân vị và trong tư cách một thần học gia theo truyền thống Augustinô, ngài mong Giáo Hội duy trì một tư thế cầu nguyện và thờ phượng. Ngài không mấy tin tưởng ở kỹ thuật, ở chủ nghĩa tranh đấu xã hội, ở tham vọng của con người đòi xây dựng Nước Thiên Chúa. Chính vì thế, ngài đánh giá cao các văn kiện công đồng về phụng vụ và mạc khải, và khá dè dặt đối với các hiến chế về Giáo Hội trong thế giới hiện nay, dù vẫn công nhận nó có những thành tựu vững chắc.

Theo Đức HY Dulles, sự tương phản giữa Đức GH Bênêđíctô XVI và vị tiền nhiệm của ngài khá rõ ràng. Đức Gioan Phaolô II là một nhà đạo đức học xã hội, rất ưu tư sao cho Giáo Hội can dự vào việc lên khuôn cho trật tự thế giới, một thế giới của hoà bình, của công lý và của tình huynh đệ. Trong các văn kiện của Vatican II, văn kiện được Đức Gioan Phaolô II ưa thích chắc chắn là hiến chế mục vụ Gaudium et Spes. Đức Bênêđíctô XVI, người coi Gaudium et Spes như hiến chế yếu nhất trong 4 hiến chế, nên tỏ ra thích 3 văn kiện kia hơn.

Nhưng dù nhà triết học Ba Lan và nhà thần học Đức có khác nhau về cái nhìn ra sao, các ngài vẫn nhất trí với nhau rằng công đồng đã bị người ta giải thích sai một cách trầm trọng. Cần phải hiểu rằng công đồng này phù hợp với giáo huấn thường hằng của Giáo Hội. Phải tìm tinh thần thực sự của công đồng trong chính ngôn từ của nó, chứ không phải tách biệt khỏi ngôn từ ấy.

(1) Xem bài Hoàn cầu hóa ngôi vị giáo hoàng (VietcatholicNews, 9-6-2010)
 
Linh mục hát ca tụng Thiên Chúa và Tình Yêu
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
06:07 12/06/2010
Chỉ vỏn vẹn 5 tuần lễ sau ngày phát hành, băng nhạc ”Spiritus Dei - Thánh Thần Thiên Chúa” đã bán được 200 ngàn đĩa. Băng nhạc với tiếng hát của 3 Linh Mục. Hay nói đúng hơn: 1 Cha Sở, 1 Linh Mục và 1 Chủng Sinh. Cha Sở Jean-Michel Bardet 46 tuổi, Linh Mục Charles Troesch 27 tuổi và Chủng Sinh gốc Việt Giuse Nguyễn Đình Nguyên 25 tuổi. Tất cả thuộc Giáo Phận Gap và Embrun ở Hautes-Alpes, tỉnh Marseille, miền Nam nước Pháp.

Câu chuyện bắt đầu cách đây đúng một năm. Vào một ngày trong tháng 6 năm 2009 có cuộc điện đàm giữa Đức Cha Jean-Michel di Falco Giám Mục giáo phận Gap và Embrun và ca sĩ Didier Barbelivien. Sau trao đổi thông thường của hai người từng quen nhau từ bao năm qua, bỗng Đức Cha di Falco cất tiếng than thở. Rằng thì là: ngài đang gặp khó khăn về vấn đề tài chánh. Thứ nhất, đào đâu cho ra tiền để nới rộng đền thánh Đức Mẹ Laus. Bởi vì, kể từ ngày 4-5-2008 chính thức công nhận các cuộc hiện ra của Đức Mẹ với Benoite Rencurel (1647-1718) từ tháng 5 năm 1664 đến tháng 12 năm 1718 thì các tín hữu Công Giáo tuốn về hành hương đông đảo hơn khiến đền thánh Đức Mẹ Laus trở thành quá nhỏ bé. Thứ hai, ngài cũng ước ao gây quỹ để hỗ trợ công cuộc xây cất một trường học bên nước nghèo Madagascar. Ngài tâm sự:
- Phương cách tuyệt hảo nhất để giúp đỡ một đất nước nghèo khổ chính là nâng cao trình độ giáo dục và văn hóa cho giới trẻ của xứ sở ấy!

Buổi điện đàm giữa hai người đến đây chấm dứt nhưng chưa kết thúc. Bởi lẽ, vài ngày sau, ca sĩ Didier gọi điện thoại lại cho Đức Cha Jean-Michel và nói:
- Con thao thức về nguồn lợi tài chánh của Đức Cha. Vậy Đức Cha có các Linh Mục biết hát trong giáo phận của ngài không?

Đức Cha đáp ngay:
- Tôi có thể tìm ra! Nhưng để làm gì?

Ông Didier tiến thẳng tới:
- Ngài có thấy nhóm 3 Linh Mục Ái-nhĩ-lan thành công vượt mức với băng ”The Priests” không? Trong năm 2009 các vị ấy đã bán được 1 triệu rưỡi đĩa nhạc chỉ nguyên tại Âu Châu này thôi! Vậy nếu ngài thử làm y như thế trong giáo phận của ngài, xem sao!

Một giây im lặng trôi qua bên phía Đức Cha Jean-Michel di Falco mà ca sĩ Didier Barbelivien tưởng tượng là ngài đang xoay vòng-vòng trên ghế ngồi! Đúng ra là vị Giám Mục đang suy tính. . Ngài rất thích các cuộc tranh tài. Nhưng còn hơn thế nữa, chính Đức Chúa GIÊSU chẳng từng ra lệnh cho ông Simon Phêrô và các bạn đồng thuyền rằng:
- Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá (Luca 5,4), đó sao? Đây là lệnh truyền mang lại mẻ cá lạ lùng!

Và Đức Cha Jean-Michel di Falco nghĩ ngay đến Linh Mục Jean-Michel Bardet 46 tuổi, Cha Sở Nhà Thờ Chính Tòa Gap. Tiếp đến là Cha Charles Troesch 27 tuổi vừa thụ phong Linh Mục và Chủng Sinh gốc Việt Giuse Nguyễn Đình Nguyên 25 tuổi. Cả 3 vị đều là chuyên viên âm nhạc và có giọng hát thật hay. Chọn lựa xong, Đức Cha cùng với ca sĩ Didier hoạch định chương trình. Buổi thâu âm đầu tiên diễn ra vào tháng 9 năm 2009 tại một phòng thu ở Marseille với trọn nhóm băng nhạc của ca sĩ Didier Barbelivien. Sau đó tại Issy-les-Moulineaux ở vùng phụ cận thu đô Paris.

Việc lựa chọn các bài hát cho băng nhạc ”Spiritus Dei” không khó khăn lắm. Bởi lẽ, cần dung hòa mối hòa điệu tuyệt vời giữa đạo và đời. Bắt đầu từ những bản thánh ca cổ điển truyền thống như - Ave Maria / Hài Nhi Con THIÊN CHÚA đã sinh ra / Nửa Đêm mừng Chúa ra đời - cho đến các bài ca trữ tình như - Khi người ta chỉ có tình yêu / Cần phải nói với họ - v.v. Và chính Đức Cha Jean-Michel di Falco viết lời giới thiệu:

- Đây là mở màn một cuộc phiêu-lưu mà kể từ nay chúng tôi sẽ cùng sống với quý vị. Xin quý vị mở rộng con tim và hãy để lòng mình rung động với nguồn cảm xúc dạt dào!

Trời đất quỷ thần ơi! Và băng nhạc ”Spiritus Dei” được dân chúng đón tiếp nồng hậu, đặc biệt từ phía con-chiên bổn-đạo thân yêu của Giáo Phận Gap và Embrun. Một ký giả hóm hỉnh hỏi Cha Sở Jean-Michel Bardet:
- Cha có phạm chút tội kiêu ngạo không, khi thấy mình trở thành tài-tử xuất hiện trên các màn hình vi tính???

Cha Sở nhà thờ chính tòa Gap vui vẻ trả lời:
- Lạy Chúa tôi, không! Bởi lẽ tính tình tôi rất phóng khoáng! Tôi xem đây là một cuộc chơi! Vã lại việc này không chiếm nhiều giờ trong thời khóa biểu sứ vụ Linh Mục của tôi. Chúng tôi còn có nhiều việc khác phải chu toàn. Thế nhưng kinh nghiệm vất vả của việc thu băng khiến tôi liên tưởng đến nghề nghiệp khó khăn của các nghệ sĩ, nhất là khi họ muốn trở thành người nổi tiếng. Riêng đối với chúng tôi thì cái thành công của băng nhạc thật ra đến từ chiều kích Hội Thánh. Thành công vì băng nhạc do chính các Linh Mục hát!

Dĩ nhiên người hài lòng nhất là Đức Cha Jean-Michel di Falco. Sau biến cố hi hữu trên đây, mỗi ngày Đức Cha nhận khoảng 30 bức thư. Nhiều người viết bắt đầu như sau:
- Con không phải là tín hữu Công Giáo, nhưng khi nghe quí vị hát, mang đến cho con niềm an bình.

Nhiều người khác đi xa hơn khi viết:
- Sau khi nghe các ngài hát, con ước ao trở lại nhà thờ tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật.

Cũng không thiếu những người thú nhận cảm thấy ”ớn lạnh” hoặc ”nổi da gà” khi nghe các Linh Mục hát!

Về phần Đức Cha Jean-Michel di Falco, ngài bày tỏ nỗi niềm hân hoan:
- Chúng tôi không muốn chỉ hát Thánh Ca nhưng ước ao chuyển đi một sứ điệp bao quát hơn và tạo nên mối gặp gỡ thân hữu. Ngoài ra đây là cơ hội thuận tiện để dân chúng khám phá ra khuôn mặt của các Linh Mục, làm nẩy sinh các các mối thiện cảm và xóa tan các hiểu lầm, các thành kiến.

Khi có ký giả đặt câu hỏi:
- Thành công đầu tiên có kéo theo việc làm thêm các băng nhạc khác nữa không?

Đức Cha điềm nhiên trả lời:
- Thành công tự nó không phải là đích điểm. Chúng tôi sống biến cố này thật thanh thản. Chúng tôi không quên câu chuyện của Lucius Quintus Cincinnatus (520-430), người từ bỏ cái cày để lao mình vào chính trị để cứu giúp nền cộng hòa La-Mã rồi sau đó lại trở về với công việc đồng áng. Các Linh Mục cũng thế. Nhưng nếu người ta lại cậy nhờ các Linh Mục để làm một nghĩa cử tốt đẹp nào đó, cho một công trình sáng tạo nào đó, thì dĩ nhiên là chúng tôi không từ chối!

... ”Tôi là Phaolô, tôi tớ của THIÊN CHÚA và Tông Đồ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, có nhiệm vụ đưa những kẻ THIÊN CHÚA chọn đến Đức Tin và sự nhận biết chân lý phù hợp với đạo thánh, với niềm hy vọng được sống đời đời mà THIÊN CHÚA, Đấng không hề nói dối đã hứa từ thửơ đời đời. Vào đúng thời đúng buổi, Người đã biểu lộ Lời Người trong lời rao giảng đã được giao phó cho tôi, theo lệnh của THIÊN CHÚA, Đấng Cứu Độ chúng ta. Tôi gởi lời thăm anh Titô, người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một Đức Tin chung. Xin THIÊN CHÚA là CHA và xin Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ chúng ta, ban cho anh ân sủng và bình an” (Titô 1,1-4).

(”LE FIGARO Magazine”, n.1543 - Le Figaro Magazine du Vendredi 21 Mai 2010 - Édition Internationale, trang 44-47)
 
ĐGH cầu nguyện trong đêm canh thức với 17 ngàn linh mục thế giới
Phụng Nghi
10:06 12/06/2010
Vatican City (AsiaNews) - Có ít nhất 17 ngàn linh mục đã cùng Đức giáo hoàng Benedict XVI tham dự đêm canh thức tại Quảng trường Thánh Phêrô để đánh dấu ngày kết thúc Năm Linh mục. Đó là một buổi canh thức mà hình tượng linh mục được tán dương bằng những chứng từ nồng nhiệt do các linh mục đang phục vụ trong các giáo xứ, giữa đám dân nghèo, đám người nghiện ngập, hoặc nơi các sứ mạng phục vụ thế giới. Đức giáo hoàng đã trực tiếp truyện trò với một số trong các vị đó, mô tả cuộc sống độc thân như là một “tai tiếng xấu” trong thế giới ngày nay, nhưng cũng là nền tảng trên đó hôn nhân và “nền văn hoá của chúng ta” được xây dựng.

Sau một năm trời với những phanh phui (và lợi dụng để biêu riếu) vụ các linh mục phạm tội ấu dâm, mọi người trong đêm canh thức đều nhận thức rằng ơn gọi quý giá biết bao nhiêu đối với những kẻ sống kết hiệp với Đức Kitô. Những người hiện diện còn chú ý đến tính chất phi lý của những nền thần học “ngạo mạn” không đặt căn bản trên đức tin, cũng như sự nghèo nàn của cuộc đời linh mục rời xa bên ngoài thế giới, hoặc là cuộc sống của linh mục như là một công ăn việc làm từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Trái lại, họ nhấn mạnh đến nhu cầu giúp người trẻ thấy được ơn gọi. Quả thực sự im lặng mênh mông bao phủ khắp quảng trường trong lúc chầu Thánh Thể đã là đỉnh cao của buổi canh thức khi Đức giáo hoàng và 17 ngàn linh mục cùng quỳ gối trước mặt nhật sáng chói, tưởng chừng như đó là khoảng thời gian vĩnh cửu. Tiếp theo sau là lời nguyện cầu của Đức giáo hoàng cho năm dành cho các Linh mục.

Buổi canh thức khai mạc khoảng 8 giờ tối với một loạt những bài ca, những chứng từ, chẳng hạn như của Giám mục William Shomali, đại diện thượng phụ Jerusalem, nói về giá trị của sự độc thân xuất phát từ Phòng Tiệc Ly, là nơi Thánh Thể và chức linh mục được hình thành. Một chứng từ về Cha sở xứ đạo Ars được tuyên đọc, tiếp theo sau là những chứng từ khác: của một chủng sinh hôm trước ngày thụ phong linh mục, của một linh mục 50 tuổi coi xứ ở Saint Mark (Venice, Ý), của một linh mục xứ đạo thuộc Hollywood (Hoa kỳ) và một vị khác tại vùng ngoại ô Buenos Aires (Á căn đình, Argentina). Cũng đáng chú ý là câu chuyện của một cặp vợ chồng Mỹ có 6 con, hai trai hiện đang tu học tại chủng viện, và một gái đã tuyên hứa Dòng ba, cũng như những lời chào mừng và lời cầu ngyện cho các linh mục của một nữ tu dòng Chầu Thánh Thể Thường trực.

Khi Đức thánh cha tới trên chiếc “popemobile” lúc 9 giờ 45, ngài được đón tiếp bằng những lời hoan hô nhiệt liệt từ đám đông với những tiếng la to tên của ngài (Be-ne-dict, Be-ne-dict!) hệt như trong ngày Giới Trẻ Thế giới.

Sau khi Hồng y Cláudio Hummes, chủ tịch Thánh bộ Giáo sĩ ngỏ lời chào đón Đức giáo hoàng, năm linh mục đại diện năm châu lục đặt một số câu hỏi với Đức thánh cha.

Benedict XVI trả lời bằng những câu rõ rệt, chính xác, mắt nhìn thẳng vào linh mục đặt câu hỏi, không cần liếc vào những ghi chú viết trên giấy.

Trả lời cho một linh mục người Ba tây, đang phục vụ nhiều giáo xứ trong “một xã hội không còn toàn tòng theo Kitô giáo nữa”, Benedict XVI nói rằng “những cột trụ trên đó có thể đặt niềm xác tín và sự cam kết, mà không lo âu phải cố gắng làm mọi sự […] là: cử hành Thánh Thể mỗi ngày Chủ nhật, loan báo lời Chúa và bài giảng thánh lễ, cũng như hoạt động bác ái phục vụ người nghèo, trẻ em và những người đau khổ.”

“Người ta không muốn thấy một linh mục chỉ làm xong bổn phận rồi sống cho riêng mình. Điều họ muốn là “một con người nhiệt thành toàn diện và đầy lòng kính mến Chúa và yêu thương giáo dân của mình.”

Đồng thời, Đức giáo hoàng gợi ý là linh mục cũng phải “xả hơi và nghỉ ngơi”, đừng tưởng có thể làm được và phải làm mọi chuyện.

Một linh mục từ Ivory Coast đặt vấn đề về các nền thần học không đặt trọng tâm vào Chúa Kitô, mà thay vào đó lại hủy hoại các “chân lý Công giáo” bằng “các quan niệm, các ý kiến”.

Theo Benedict XVI, có những nền thần học “ngạo mạn” không nuôi dưỡng đức tin mà còn làm lu mờ sự hiện diện của Thiên Chúa trên trần thế này” cũng như che phủ “nền thần học được tác động bởi tình yêu thương đối với những người được yêu thương, cố tìm cách hiểu rõ hơn những người được yêu thương đó.”

Đức giáo hoàng chỉ trích các nền thần học coi tính hữu lý thực chứng (positivist rationality) như là lý trí đích thực duy nhất, và kêu gọi các linh mục dùng một “lý trí rộng rãi hơn” để tránh đi cạm bẫy bởi những gì được người ta cho là hợp thời.

“Nhiều nền thần học coi như có vẻ khoa học đã xuất hiện vào những năm 1960, nay coi như đã là chuyện dĩ vãng, lại còn có vẻ lố bịch nữa.” Ngài nói thêm là mọi người cần đọc sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo và hiệp thông với Giáo hoàng cũng như các giám mục.

Một linh mục người Slovakia đang truyền giáo tại Nga, hỏi ngài về ý nghĩa sự độc thân của giáo sĩ, là một điều quá lỗi thời đối với thế giới ngày nay.

Đức giáo hoàng nói một cách quả quyết: Dâng hiến toàn vẹn cuộc đời cho Chúa, đó là cốt lõi của tình trạng độc thân. Trong nghi thức truyền phép Thánh Thể (“Đây là mình Ta…”) Chúa Kitô cho chúng ta được sử dụng “bản thể” của Người, kéo chúng ta đến và kết hiệp chúng ta với Người. Do đó, “bản thể” của chúng ta liên kết với “bản thể” của Người, và nhận ra được tính vĩnh cửu trong thiên chức linh mục duy nhất của Người. Khi kéo chúng ta lại với Người, đó là Người hiện diện trong thế giới qua chúng ta.”

Đức giáo hoàng nói thêm: Trong một thế giới “Thiên Chúa không có chỗ dành cho, thì độc thân là một tiếng xấu lớn lao.” Trong một thế giới chỉ trích sự độc thân, mà con người lại thiếu can đảm để kết hôn bởi họ không thể đưa ra những cam kết quyết định vì họ muốn được độc lập, tự do không bị bất cứ ràng buộc nào. Sự chọn lựa sống độc thân – tức là dâng hiến cuộc đời cho Đức Kitô – là cam kết sau cùng “khẳng định lời chung quyết “I do (con bằng lòng)” của nghi thức hôn phối.” Không có sự độc thân, và do đó không có hôn nhân, thì “tất cả nền văn hóa của chúng ta biến mất.”

Khi trả lời câu hỏi này, Đức giáo hoàng gián tiếp đề cập đến vấn đề các linh mục phạm tội ấu dâm. Theo quan điểm của ngài, thì đó là “những tai tiếng phụ” tẩy xoá đi hình ảnh Chúa Kitô, bởi vì, đối với ngài, tai tiếng thực là sự cam kết sống độc thân, làm lu mờ đi “những tai tiếng phụ.”

Một linh mục người Nhật hỏi ngài làm sao tránh được cơn cám dỗ của chủ nghĩa giáo sĩ (clericalism), sống tách biệt ra khỏi trần gian. Benedict XVI nói rằng việc cử hành Thánh thể là nơi ta chúng ta có thể học hỏi để cởi mở ra đối với những người khác, bởi vì ở đó, Thiên Chúa, vì lòng khiêm nhường, đã bỏ vinh quang của Người sang một bên, để chết trên thập giá và do đó ban chính mình Người cho thế giới.

“Sống đích thực nhiệm tích Thánh Thể là phòng vệ tốt đẹp nhất chống lại các cám dỗ của hàng giáo sĩ.” Ngài trưng dẫn gương mẫu của mẹ Têrêxa, người đã khởi đầu các công trình phục vụ người nghèo khổ và kẻ bị áp bức bằng cách đặt những nhà tạm để chầu Thánh Thể.

Một linh mục từ châu Đại dương nói về các chủng viện trống vắng và nhu cầu phải khuyến khích ơn gọi làm linh mục. Trong câu trả lời, Benedict XVI cảnh giác rằng cuộc khủng hoảng ơn gọi không thể được giải quyết bằng cách coi sứ vụ linh mục như một nghề nghiệp, một công ăn việc làm. Trái lại, việc chúng ta phải làm là “gõ cánh cửa Chúa và xin Người gửi đến những ơn gọi chúng ta đang cần đến.”

Sau cùng Đức giáo hoàng kêu gọi các linh mục sống ơn gọi của mình, xác tín rằng “không ai trong chúng ta đã trở thành linh mục, nếu đã không gặp được một vị linh mục khác từng được cháy bừng ngọn lửa tình yêu Chúa Kitô.”

Ngài nói: Các linh mục cũng phải gần gũi giới trẻ, giúp họ hiểu được giá trị tiếng gọi của Chúa, cho họ một cơ hội cảm nghiệm được những tình huống trong đó họ có thể hiểu biết và quý trọng cuộc sống linh mục như là một “mẫu mực” trong xã hội chúng ta.
 
Cảnh sát Italia tình cờ đã ghi âm các cuộc gọi của Đức Thánh Cha Beneđictô
Paul Minh Nhật
10:16 12/06/2010
ROMA 11/6/20010 - Cảnh sát nước Ý một cách không có chủ ý đã ghi âm lại một cuộc đàm thoại của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, trong khi đang ghi âm các cuộc gọi của một quan chức công dân Ý người đã đang bị điều tra về cáo buộc tham nhũng.

Các nhà điều tra đã ghi âm các cuộc gọi của Guido Bertolaso, một viên chức an ninh cao cấp của Ý, đã nghe được bốn cuộc gọi từ Đức Giáo Hoàng, người đã chất vấn Bertolaso về những nỗ lực nhằm làm giảm nhẹ thiệt hại sau vụ động đất đã phá hủy miền trung nước Ý vào năm 2009.

Đồng thời họ cũng ghi âm được một cuộc gọi từ Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho Bertolaso.

Không có cuộc gọi nào của Đức Giáo Hoàng và của Bà Clinton có bất kì liên quan nào với cuộc điều tra tham nhũng.

Theo như tường trình các giới chức Vatican đã bị quấy rầy vì các cuộc gọi của Đức Thánh Cha đã bị ghi âm mà không cho Ngài biết.

(Nguồn: http://www.catholicculture.org/news/headlines/index.cfm?storyid=6622)
 
Triển lãm ảnh nhân dịp bế mạc Năm Linh Mục
Paul Minh Nhật
10:19 12/06/2010
NAM HÀN - Một linh mục từ tổng giáo phận Seoul sẽ tổ chức triển lãm ảnh của ngài dưới tư cách là một giáo sĩ để đánh dấu dịp bế mạc Năm Linh Mục.

Cha Paul Yoo Jong-man và Phan-xi-cô Jun Dae-shick sẽ tổ chức một cuộc triển lãm tại Trung Tâm Công Giáo tại Seoul phác họa những nét nổi bật của các linh mục, giám mục và các hoạt động của họ trong những thập niên qua.

40 bức ảnh cũng mô tả các công trình của Giáo Hội, chẳng hạn như các nhà nguyện và các tu viện tại Pháp, và những phong cảnh tự nhiên của họ.

Cha Yoo người vừa mới kỉ niệm 20 năm đời linh mục nói "Tôi xem cuộc triển lãm như là một bài chia sẻ của tôi về chức linh mục". Cuộc triển lãm diễn ra từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 6, 2010, Năm Linh Mục đã được Đức Thánh Cha Benedict XVI thiết lập và đã kết thúc vào ngày 11 tháng 6 vừa qua.

Đức Hồng y Nicholas Cheong Ji-suk của tổng giáo phận Seoul đã nói trong một thông điệp gửi đến cuộc triển lãm "Đằng sau những hoa trái của sự phát triển của Giáo Hội chúng ta là bao nhiêu công khó của rất nhiều các linh mục và giám mục, tôi hy vọng rằng cuộc triển lãm ảnh sẽ làm phong phú đời sống của các linh mục."

Các bức hình sẽ được trưng bày trong khuôn viên của vương cung thánh đường Myeongdong sau khi cuộc triển lãm kết thúc.

Đức giám mục Matthias Ri Iong-hoon của giáo phận Suwon nói trong một phát biểu vào ngày 6 tháng 6 vừa qua rằng: Người Công Giáo nên cầu nguyện và làm việc với các linh mục để có các ngài có thể chu toàn nhiệm vụ thừa sai của họ một cách đầy đủ.

Ngài nói: Bế mạc Năm Linh Mục không phải là một sự chấm dứt nhưng là một sự khởi đầu mới. "Chúng ta, các linh mục, thực hiện sứ vụ của chúng ta trong Giáo Hội và trong thế giới với niềm hân hoan và tin chắc rằng Chúa đang luôn luôn ở với chúng ta trong bất kì cơn khủng hoảng nào"

(Nguồn: http://www.ucanews.com/2010/06/11/photo-exhibition-marks-priest-year-close)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi thực thi một nền kinh tế liên đới và nhân bản
LM Trần Đức Anh, OP
18:06 12/06/2010
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các giới hữu trách thực thi một nền kinh tế liên đới, nhân đạo, tôn trọng phẩm giá của mọi người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 12-6-2010 dành cho 100 tham dự viên khóa họp chung lần thứ 45 của Ngân Hàng Phát triển của Hội đồng Âu Châu. Cơ quan này được thành lập năm 1956 với mục đích tài trợ các dự án xã hội liên hệ tới sự phát triển, đáp ứng những tình trạng khẩn cấp và góp phần cải tiến điều kiện sống của những người túng thiếu.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Quí vị cùng với tôi đều biết rằng thế giới và Âu Châu đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và tài chánh. Thời điểm này không được dẫn tới những hạn chế, dựa trên một phân tích hoàn toàn có tính chất tài chánh mà thôi. Trái lại nó phải giúp Ngân Hàng Phát triển chứng tỏ đặc điểm của mình bằng cách củng cố sự hội nhập xã hội, quản lý môi trường và phát triển các cơ cấu hạ tầng công cộng nhắm mục tiêu xã hội. Tôi nhiệt liệt khích lệ công việc này của Ngân Hàng theo chiều hướng đó và trong tình liên đới”.

ĐTC ghi nhận rằng sau Đông Âu được giải thoát khỏi các ý thức hệ độc tài, sự giải phóng này chỉ được sử dụng vào mục tiêu phát triển kinh tế, mà không nhắm đến sự phát triển nhân bản hơn, tôn trọng phẩm giá và sự cao trọng của con người.

ĐTC đặc biệt đề cao lòng bác ái Kitô như một động lực mạnh mẽ có khả năng mang lại một năng lực đích thực khả dĩ tưới gội toàn thể môi trường xã hội, luật pháp, văn hóa, chính trị và kinh tế”. Trong chiếu hướng đó, ngài cũng tố giác xu hướng loại bỏ mọi căn cội Kitô ra khỏi các môi trường xã hội ở Âu Châu ngày nay. ĐTC nói: ”Kitô giáo đã giúp Âu Châu hiểu thế nào là tự do, trách nhiệm, luân lý đạo đực, thấm nhiễm các luật lệ và cơ cấu xã hội. Gạt Kitô giáo ra ngoài lề, kể cả việc loại bỏ các biểu tượng của Kitô giáo, sẽ góp phần cắt bỏ đại lục chúng ta khỏi nguồn mạch cơ bản đã không ngừng nuôi dưỡng và góp phần vào căn tính đích thực của đại lục này. Quả thực Kitô giáo ở nơi nguồn mạch các giá trị tinh thần và luân lý, gia sản chung của các dân tộc Âu Châu”, những giá trị mà các quốc gia thành viên của Hội đồng Âu Châu đã bày tỏ lòng gắn bó không lay chuyển trong Lời Tựa của Quy Chế Hội đồng Âu Châu”.

ĐTC không quên cám ơn Ông Thống đốc Ngân Hàng phát triển Âu Châu đã tặng ngài mề đai như kỷ niệm cuộc gặp gỡ này (SD 12-6-2010)
 
Top Stories
Religious freedom not an Obama priority, former US official charges
Catholic Culture
10:34 12/06/2010
WASHINGTON DC June 11, 2010 - A former US State Department official, Thomas Farr, notes that the Obama administration has shown no special interest in religious-freedom questions, waiting 16 months to nominate an ambassador to handle those issues. Farr writes:

"The Obama administration has achieved the unimaginable. It turns out that the list of the most important American values includes things like ensuring transparency, refraining from torture, protecting privacy, and "promoting the right to access information." But not religious freedom.

(Source: http://www.catholicculture.org/news/headlines/index.cfm?storyid=6624)
 
Renewing the appreciation of the grandeur and beauty of the priestly ministry, Pope says
Asia-News
18:11 12/06/2010
Benedict XVI ends the Year for Priests by co-celebrating Mass with 15,000 priests from around the world. Right in this “year of joy”, the paedophilia scandal broke. For that, he asked God and “those affected” for forgiveness, that it may never happen again. In leading his flock, priests must use the “rod” against “heresy” to prevent faith from being “twisted and chipped away”.

Vatican City (AsiaNews) – The “renewed appreciation of the grandeur and beauty of the priestly ministry” is the “mandate” with which today Benedict XVI ended the Year for Priests as he led the celebration in Saint Peter’s Square with the largest number of celebrants ever. Some 15,000 priests from 91 countries were present alongside the Pope, turning the square into an immense sea of white, overshadowed by the arras of the Curé d’Ars, whose chalice the Pope used in today’s Mass, and whom Benedict XVI pointed to as “leader” of the Year.

A time destined to “this new radiance of the priesthood would not be pleasing to the ‘enemy’,” Benedict XVI said. He “would have rather preferred to see it disappear, so that God would ultimately be driven out of the world. And so it happened that, in this very year of joy for the sacrament of the priesthood, the sins of priests came to light—particularly the abuse of the little ones, in which the priesthood, whose task is to manifest God’s concern for our good, turns into its very opposite. We too insistently beg forgiveness from God and from the persons involved, while promising to do everything possible to ensure that such abuse will never occur again; and that in admitting men to priestly ministry and in their formation we will do everything we can to weigh the authenticity of their vocation and make every effort to accompany priests along their journey, so that the Lord will protect them and watch over them in troubled situations and amid life’s dangers. Had the Year for Priests been a glorification of our individual human performance, it would have been ruined by these events. But for us what happened was precisely the opposite: we grew in gratitude for God’s gift, a gift concealed in ‘earthen vessels’, which ever anew, even amid human weakness, makes his love concretely present in this world. So let us look upon all that happened as a summons to purification, as a task which we bring to the future and which makes us acknowledge and love all the more the great gift we have received from God.”

God uses these “earthen vessels”, these “poor men in order to be, through us, present to all men and women, and to act on their behalf.” Hence, “The priesthood, then, is not simply ‘office" but sacrament”. A “priest is not a mere office-holder, like those which every society needs in order to carry out certain functions. Instead, he does something which no human being can do of his own power”. His is a task that involves taking care of the flock assigned to him, as shepherd, including the use of the “rod” against “heresy” to prevent faith from being “twisted and chipped away, as if it were something that we ourselves had invented.”

“The world’s religions, as far as we can see, have always known that in the end there is only one God. But this God was distant. Evidently, he had abandoned the world to other powers and forces, to other divinities. It was with these that one had to deal. The one God was good, yet aloof. He was not dangerous, nor was he very helpful. Consequently, one didn’t need to worry about him. He did not lord it over us. Oddly, this kind of thinking re-emerged during the Enlightenment. There was still recognition that the world presupposes a Creator. Yet this God, after making the world, had evidently withdrawn from it. The world itself had a certain set of laws by which it ran, and God did not, could not, intervene in them. God was only a remote cause. Many perhaps did not even want God to look after them. They did not want God to get in the way.”

“But wherever God’s loving concern is perceived as getting in the way, human beings go awry. It is fine and consoling to know that there is someone who loves me and looks after me. But it is far more important that there is a God who knows me, loves me and is concerned about me. ‘I know my own and my own know me’ (Jn, 10:14), the Church says before the Gospel with the Lord’s words. God knows me, he is concerned about me. This thought should make us truly joyful. Let us allow it to penetrate the depths of our being. Then let us also realize what it means: God wants us, as priests, in one tiny moment of history, to share his concern about people. As priests, we want to be persons who share his concern for men and women, who take care of them and provide them with a concrete experience of God’s concern. Whatever the field of activity entrusted to him, the priest, with the Lord, ought to be able to say: ‘I know my sheep and mine know me’. ‘To know’, in the idiom of sacred Scripture, never refers to merely exterior knowledge, like the knowledge of someone’s telephone number. ‘Knowing’ means being inwardly close to another person. It means loving him or her. We should strive to "know" men and women as God does and for God’s sake; we should strive to walk with them along the path of friendship with God.”

“Our path as individuals will one day lead us into the valley of the shadow of death, where no one can accompany us. Yet he will be there. Christ himself descended into the dark night of death. Even there he will not abandon us. [.. . ] When speaking of the darkest valley, we can also think of the dark valleys of temptation, discouragement and trial through which everyone has to pass. Even in these dark valleys of life, he is there. Lord, in the darkness of temptation, at the hour of dusk when all light seems to have died away, show me that you are there. Help us priests, so that we can remain beside the persons entrusted to us in these dark nights. So that we can show them your own light.”

Ultimately, this is a prayer Benedict XVI raises for the world’s priests. Before him, sprinkled with holy water, the 15,000 priests present in Saint Peter’s renewed the priestly pledges.

Again, the Pope placed the priests in Our Lady’s care, something he did last month in Fatima, concluding his address by urging those present in seven languages “to continue with renewed impetus on the path of sanctification in the sacred ministry that the Lord entrusted you.”

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Renewing-the-appreciation-of-the-grandeur-and-beauty-of-the-priestly-ministry,-Pope-says-18659.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư gửi Cộng Đồng Dân Chúa nhân lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, bế mạc Năm Linh Mục
+ TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
05:59 12/06/2010
Thư gửi Cộng Đồng Dân Chúa Nhân lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, bế mạc Năm Linh Mục

Thư gửi Cộng Đồng Dân Chúa
Nhân lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, bế mạc Năm Linh Mục

Anh chị em rất thân mến,

1. Bước vào tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, với cao điểm là Lễ Thánh Tâm, bế mạc Năm Linh Mục, tôi muốn cùng với anh chị em, nhất là với linh mục đoàn của Tổng Giáo Phận nhìn lên Trái Tim bị đâm thâu của Chúa trên thập giá, để tôn vinh, chúc tụng Tình Yêu tột cùng của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta và để kín múc từ nơi đó Nguồn Sức Sống, Nguồn An Vui, Nguồn Hy Vọng của chúng ta.

2. Trước hết, tôi muốn cùng với anh chị em đọc lại lời “Kinh Dâng Loài Người cho Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu”, lời kinh cô đọng những tâm tình đơn sơ nhất của Dân Chúa, đồng thời nói lên nội dung chính yếu của Lịch Sử Cứu Độ, đó là Giao Ước Tình Yêu giữa Thiên Chúa và Dân của Người: “Chúng con là người của Chúa, cùng muốn thuộc về Chúa” (Kinh Dâng Loài Người Cho Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu). Có thể nói, trong suốt dòng lịch sử, Dân Chúa không có điểm tựa nào khác hơn là “được thuộc về Chúa” và không có ao ước nào sâu xa hơn là “muốn thuộc về Chúa”, bởi lẽ đó là lý do và là nền tảng duy nhất cho đời sống hiện tại và tương lại của họ, bất chấp mọi thử thách xảy đến. Nói khác đi, Dân Chúa có tồn tại vững vàng cũng chỉ vì cậy tin vào Tình Yêu trung thành của Thiên Chúa mà thôi.

3. Anh chị em rất thân mến, trong bối cảnh đầy thách thức, thậm chí đầy xáo trộn của xã hội cũng như của chính Giáo Hội chúng ta, chúng ta lại càng cần phải ý thức đâu là điều cốt yếu, đâu là điểm tựa mang ý nghĩa quyết định đối với hiện tại và tương lai của Hội Thánh, của cộng đồng Dân Chúa. Thật vậy, nếu không ý thức và không còn tin vững vàng vào Tình Yêu quan phòng, đỡ nâng, dẫn dắt của chính Thiên Chúa thì chúng ta có thể là gì khác chứ không còn đích thực là Dân của Chúa nữa. Chính vì thế, Thánh Tâm Chúa Giêsu cần phải trở nên khởi điểm để từ đó chúng ta ra đi và cũng phải là nơi chốn để chúng ta trở về, làm sao cho mọi suy nghĩ, mọi dự định cũng như tất cả hành động của chúng ta cuối cùng nói lên và chỉ nói lên một điều: “chúng con là người của Chúa, cùng muốn thuộc về Chúa mà thôi”.

4. Đến đây, tôi muốn được ngỏ lời cách đặc biệt với anh em linh mục trong Tổng Giáo Phận của chúng ta, bởi lẽ chính niềm ước nguyện của Dân Chúa nói trên đã vang vọng một cách đặc biệt trong đời sống và tác vụ linh mục của Cha Thánh Gioan Vianney, đến nỗi mong ước duy nhất của Ngài là “được yêu mến Chúa, được thuộc về Chúa không phút nào ngơi, ngay cả trong giờ chết” (x. Kinh của Thánh Vianney). Anh em rất thân mến, trong thời điểm bế mạc Năm Thánh Linh Mục, chúng ta hãy một lẫn nữa nhìn lại mẫu gương của cha Thánh Gioan Vianney: ngài đã yêu mến Thiên Chúa hết sức cũng là vì ngài đã hết lòng với phần rỗi các linh hồn. Và ngược lại ngài đã có thể tận tụy hết sức với các linh hồn, cũng là vì ngài đã yêu mến Thiên Chúa trong từng giây phút.

5. Thánh Gioan Vianney quả thực là “ký ức sống động” về Đức Kitô Mục Tử cũng như về Trái Tim bị đâm thâu của Người. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là thánh nhân đã không phải trải qua những lao đao thử thách. Thánh nhân cũng đã phải trải qua những đêm tối hãi hùng, thậm chí như thể gục ngã dưới sức nặng của trách vụ mục tử. Có lúc thánh nhân đã bỏ xứ ra đi… Nhưng cuối cùng, Ngài đã để cho sức mạnh của Thánh Tâm Chúa chiến thắng nỗi yếu hèn của mình. Ngài đã trở về và tiếp tục yêu thương giáo dân của Ngài như chính Chúa yêu thương.

6. Anh chị em rất thân mến, cuối cùng, điều mong ước sâu xa nhất của tôi lúc này, trong trách vụ mục tử, đó là anh chị em có thể nhận ra nơi từng linh mục đang phục vụ anh chị em Trái Tim đầy lòng thương xót của Thiên Chúa, và với anh em linh mục, tôi không mong ước gì hơn là xin anh em hãy học mang lấy Trái Tim của Chúa, hãy mang lấy những tâm tình của Chúa, để trong mọi việc anh em làm cũng như qua chính đời sống của anh em, chính Đức Kitô mục tử, chính Thiên Chúa Tình Yêu có thể chăm sóc, dẫn dắt đoàn dân của Người.

Hà Nội ngày 11 tháng 6 năm 2010
Tổng Giám Mục Hà Nội

(Nguồn: tgphanoi.org>
 
Giáo xứ Phú Hòa Sài Gòn với Thánh lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ mới
Martin Lê Hoàng Vũ
08:29 12/06/2010
SAIGÒN - Vào lúc 8g30 sáng thứ bảy, ngày 12. 6.2010, Giáo xứ Phú Hòa, tại số 19/2 Hoàng Xuân Nhị, Phường Phú Trung, Quận Tân Phú, thuộc hạt Phú Thọ, TGP. Sài Gòn. đã diễn ra thánh lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ mới. Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Buôn Ma Thuột đã về chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với cha Giuse Phạm Bá Lãm, hạt trưởng hạt Phú Thọ, cha Antôn Mai Đức Huy, chánh xứ Phú Hòa, và khoảng 30 cha trong và ngoài hạt Phú Thọ.

Hình ảnh khánh thành nhà thờ

Thánh lễ cung hiến được bắt đầu bằng một cuộc rước Đức cha chủ tế và đoàn linh mục đồng tế, cung nghinh hài cốt các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tại nơi tiền sảnh trước cửa nhà thờ, Đức cha Vinh Sơn đã cắt băng khánh thành, trao chìa khóa mở cửa nhà thờ cho chánh xứ Phú Hòa, mở khăn vải phủ tấm bia kỷ niệm ngày khánh thành và tiến vào trong thánh đường.

Sau đó, khi đoàn đồng tế tiến tới cung thánh, cha chánh xứ Phú Hòa, Antôn Mai Đức Huy có đôi lời chào mừng quý cha và quý khách. Cha nói đến những cột mốc quan trọng trong việc xây dựng công trình nhà thờ Phú Hòa: Ngày 2.5.2009, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, phụ tá Giáo phận TPHCM đã về dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ. Ngày 22.7.2009 giáo xứ bắt đầu khởi công đào hố móng đầu tiên. Ngày 31.5.2010 công việc xây dựng nhà thờ đã hoàn tất. Và hôm nay giáo xứ chào mừng tất cả mọi người hiện diện từ Đức cha, quý cha và quý khách trong thánh lễ khánh thành cung hiến nhà thờ và bàn thờ.

Thánh lễ được bắt đầu trong không khí trang trọng với phần làm phép nước và rảy nước thánh trên cộng đoàn. Đức cha Vinh sơn xướng kinh Vinh Danh với tâm tình của cộng đoàn giáo xứ Phú Hòa, tôn vinh chúc tụng và cảm tạ tình thương vô biên của Thiên Chúa.

Sau bài Tin Mừng do một thầy phó tế công bố trước cộng đoàn phụng vụ, Đức cha Vinh Sơn đã dựa trên nền tảng Thánh Kính chia sẻ với cộng đoàn về vị trí trung tâm của đền thờ Giêrusalem đối với đời sống của Dân Chúa. Đền thờ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của dân Do Thái, là nơi người ta ở khắp mọi nơi qui tụ về thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện, xin ơn và tạ ơn. Đền thờ Giêrusalem là nơi Chúa ngự giữa dân Ngài. Chúa ở khắp mọi nơi, và chúng ta có thể cầu nguyện với Ngài ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, nhà thờ là nơi chúng ta gặp gỡ nhau trong một cộng đoàn, quy tụ chúng ta lại để cầu nguyện. Nhà thờ là biểu tượng của niềm tin Kitô giáo. Kinh nghiệm từ cánh đồng truyền giáo Giáo phận Buôn Ma Thuột, Đức cha chia sẻ: Giáo dân là những người di dân từ các nơi đến lập nghiệp sinh sống, cho nên họ thầy ở đâu có bóng cây thánh giá thì họ tìm đến để tụ họp lại với nhau cầu nguyện. Nhờ nỗ lực làm việc của cha sở Phú Hòa, của quý vị trong ban hành giáo, của tất cả giáo dân, tấm lòng quảng đại đóng góp của các vị ân nhân, và với lòng yêu mến Chúa và yêu mến Hội Thánh, ngôi nhà thờ của giáo xứ đã hoàn thành. Trên 50 năm hình thành và phát triển, từ một họ lẻ lên thành giáo xứ, có cha chánh xứ chính thức, đến nay cộng đoàn giáo xứ Phú Hòa mới có một ngôi nhà thờ khang trang, thoáng mát để cộng đoàn dân Chúa được qui tu lại bên nhau phụng thờ Thiên Chúa. Như vậy, công trình xây dựng nhà thờ đã hoàn tất, công việc tiếp theo nữa mà chúng ta cần phải làm: Đó là chúng ta xây dựng đền thờ trong tâm hồn của mỗi người tín hữu.

Nghi thức cung hiến nhà thờ mở đầu bằng kinh cầu các thánh. Theo truyền thống, trước những công việc quan trọng, Hội Thánh kêu cầu ơn ban của Thiên Chúa, nhờ lời chuyểu cầu của Đức Trinh Nữ Maria và các thiên thần các thánh ở trên trời trợ giúp.

Cha chánh xứ Phú Hòa cung nghinh hài cốt các vị thánh tử đạo lên cung thánh để Đức cha Vinh Sơn đặt vào mặt trước bàn thờ.

Giáo xứ Phú Hòa đặt hài cốt Các Thánh Tử Đạo Việt Nam sau đây:

Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, linh mục
Thánh Simon Phan Đắc Hòa, y sĩ giáo dân.
Thánh Annê Lê Thị Thành, giáo dân.

Phần quan trọng nhất của nghi thức cung hiến, Đức cha Vinh Sơn long trọng đọc lời nguyện cung hiến nhà thờ và bàn thờ, xức dầu bàn thờ và các cột nhà thờ.

Sau khi phủ khăn, thắp sáng và chưng bông bàn thờ, thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Lễ

Trong phần kết lễ, Đức cha Vinh Sơn ký chứng thư về việc cung hiến nhà thờ Phú Hòa, cùng với cha chánh xứ và ông Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ. Có 10 vị ân nhân đại diện cho 119 vị ân nhân đã đóng góp cho công trình nhà thờ Phú Hòa cũng được mời lên nhận bằng ân nhân trước cộng đoàn hiện diện. Khánh thành ngôi nhà thờ mới là một hồng ân trọng đại Chúa ban cho giáo xứ Phú Hòa, là một niềm vui chung của cộng đoàn và những người gần xa, qua những tấm lòng quảng đại. Ý nghĩa của việc nhận bằng ân nhân này, Đức cha Vinh Sơn trong tâm tình cuối lễ đã giải thích: các ân nhân là những người chia sẻ, chứ không phải là bố thí, không phải là cho những gì mà mình dư thừa, nhưng là tất cả những gì mình có. Cho đi thì mình sẽ được nhận lại và cảm thấy được hạnh phúc.

Thánh lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ Phú Hòa được khép lại với lời cám ơn của ông Chủ tịch HĐMVGX và phép lành trọng thể của Đức cha chủ tế.

Giáo xứ Phú Hòa tri ân quý khách và tấm lòng quảng đại của các ân nhân bằng một tiệc mừng với những tiết mục văn nghệ đặc sắc “ cây nhà lá vườn” của các ca đoàn, hội đoàn, các bà mẹ Công Giáo và các em thiếu nhi trong giáo xứ trình diễn.

Lược sử giáo xứ Phú Hòa

Cách nay hơn nửa thế kỷ, vào năm 1958, có 11 gia đình công giáo gốc địa phận Bắc Ninh đến Xã Phú Thọ Hòa, Quận Tân Bình sinh sống, xin gia nhập giáo xứ Phú Bình. Một năm sau với con số hơn 20 gia đình Cha cố Tôma Phạm Ngọc Biểu - Chánh xứ Phú Bình cho lập họ đạo mới, lấy tên là Họ Phú Hòa.

Phú Hòa thật là vùng “đất lành chim đậu”, ngày càng có nhiều gia đình tựu về đây lập nghiệp. Năm 1971 giáo họ mua được lô đất diện tích hơn 300 mét vuông. Sau 4 tháng nỗ lực xây dựng. Ngày 01-5-1973 Đức Tổng Giám Mục PhaoLô Nguyễn Văn Bình và Đức Cha Phụ tá Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm dâng Thánh lễ khánh thành nguyện đường Phú Hòa.

Phú Hòa có cộng đồng người Hoa sinh sống. Năm 1973 giáo họ Phú Hòa được Linh mục Polvala Hòa người Pháp đến giúp mục vụ cho bổn đạo người Hoa. Ngài dâng thánh lễ bằng tiếng Hoa, và tiếng Việt. Cộng đoàn Phú Hòa trở nên thật sinh động. Người Việt và Hoa đoàn kết yêu thương. Rất tiếc đến năm 1975 vì tình hình chung Cha Polvala phải rời Phú Hòa.

Sau 15 năm xây dựng nhà thờ xuống cấp, nhà thờ Phú Hòa đã được đại trùng tu. Và ngày 27-9-1991 một bước ngoặt mới của Phú Hòa: Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký quyết định tách họ đạo Phú Hòa ra khỏi giáo xứ Phú Bình, nâng Phú Hòa lên thành Giáo xứ, tạm giao Phú Hòa cho Cha Hạt trưởng Tân Sơn Nhì phụ trách cho đến khi chính thức có Linh Mục Chánh xứ. Cha cố Đaminh Vũ Nguyên Thiều hạt trưởng Tân Sơn Nhì kiêm nhiệm Phú Hòa không xuể. Vì thế Cha Giuse Đinh Quang Thịnh; Cha Đaminh Trần Đức Công; Cha Giuse Nguyễn văn Thanh được giao đặc trách giáo xứ Phú Hòa. Giáo xứ cũng được sự giúp đỡ tận tình của các Dì Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt.
Ngày 04-10-2007 Linh mục Antôn Mai Đức Huy được Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn bổ nhiệm làm Chánh xứ tiên khởi của giáo xứ Phú Hòa. Giáo xứ Phú Hòa được trở về lại giáo hạt Phú Thọ. Sau khi nhận giáo xứ, Cha Antôn đã đi thăm tất cả các gia đình trong giáo xứ, xem xét các sinh hoạt của giáo dân, đưa các sinh hoạt mục vụ vào nề nếp. Cha cho bầu lại Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ. Giáo xứ Phú Hòa hiện nay có 617 gia đình với 2.452 giáo dân, thuộc các phường Phú Trung, Hòa Thạnh quận Tân Phú và phường 10 quận Tân Bình.

Hơn 50 năm hình thành và phát triển, Phú Hòa ngày một ổn định vững vàng trong tình yêu quan phòng của Chúa. Mọi người trong giáo xứ cũng ghi nhớ những công ơn lớn lao của các bậc tiền nhân đã hy sinh xây dựng giáo xứ, và biết bao đóng góp quảng đại của các ân nhân xa gần, cũng như của từng gia đình trong giáo xứ. Giáo dân Phú Hòa sẽ luôn phát huy những đóng góp quý báu ấy để củng cố đời sống của giáo xứ ngày càng lớn mạnh hơn.

Nhìn lại những chặng đường đã qua, cộng đoàn giáo xứ Phú Hòa có được như hôm nay chính là nhờ hồng ân bao la của Chúa. Cộng đoàn giáo xứ Phú Hòa hiệp lời hân hoan tạ ơn Chúa, vì: “Tất cả là hồng ân”.
 
Giáo phận Bắc Ninh mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa
Nguyễn Xuân Trường
10:12 12/06/2010
BẮC NINH - Giáo Hội luôn dành cả tháng sáu để tôn vinh Thánh Tâm Chúa với đỉnh cao là lễ Thánh Tâm. Trái tim đầy lửa mến của Chúa Giêsu đã mạc khải cho thấy hình ảnh rõ ràng và đúng nhất về Thiên Chúa là Cha yêu thương. Ngày 11.6.2010, tại Đền thờ Thánh Tâm Bắc Giang, đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã long trọng cử hành thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hơn 20 linh mục trong và ngoài giáo phận cùng đồng tế với đức cha. Có khoảng 1000 tín hữu tới tham dự thánh lễ.

Hình ảnh Lễ Thánh Tâm

Ngôi Đền Thánh được xây dựng theo ý nguyện của đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, nguyên giám mục Bắc Ninh, và được thánh hiến bởi đức cố giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến vào năm 2002. Nơi đây hiện là một trong những trung tâm hành hương của giáo phận Bắc Ninh và là nhà thờ được lãnh ơn Toàn xá trong năm thánh của Giáo Hội Việt Nam.

Phát huy truyền thống

Đã từ rất lâu, giáo phận Bắc Ninh có truyền thống tôn sùng Thánh Tâm khá đặc sắc bằng những làn điệu dâng hoa Thánh Tâm trong suốt tháng sáu. Đức cha Cosma kể chính ngài khi còn nhỏ tuổi cũng là thành viên đoàn dâng hoa Thánh Tâm. Đoàn con cái Bắc Ninh cung kính dâng lời cảm tạ Thánh Tâm Chúa bằng những đoá hoa thắm tươi rực rỡ sắc màu cùng với muôn đóa hoa lòng tin mến thiết tha. Năm nay, truyền thống dâng hoa Thánh Tâm tốt đẹp đó được phát huy một cách sáng tạo bằng những lời ca và điệu vũ mới, được hai đoàn hoa giáo xứ Tử Nê và Xuân Hòa thể hiện thật sống động trước thánh lễ.

Cùng với đoàn dâng hoa, trong thánh lễ, đoàn dâng lễ vật cũng trong trang phục quần áo quan họ Bắc Ninh mớ ba mớ bảy thật duyên dáng và gần gũi, rồi ban nhạc chơi những nhạc cụ dân tộc làm cho đức tin đi vào văn hóa thật đằm thắm dễ thương.

Tạ ơn Thánh Tâm

Nhờ Thánh Tâm Chúa che chở giữ gìn, ngôi nhà thờ chính tòa giáo phận Bắc Ninh vẫn toàn vẹn sau bao khói lửa đạn bom chiến tranh. Thế nên, Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã cổ vũ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa trong toàn giáo phận và ước nguyện xây Đền thờ kính Thánh Tâm Chúa như một lời tạ ơn.

Trước thánh lễ, đức cha, quý cha và toàn thể cộng đoàn đã thành kính quỳ trước Thánh Tâm Chúa dâng lời tạ ơn và một lần nữa dâng giáo phận cho Thánh Tâm Chúa gìn giữ, che chở trong yêu thương.

Tín Thác vào Chúa

Trong bài giảng, sau khi nói về trái tim yêu thương của Chúa qua hình ảnh vị mục tử nhân lành, đức cha mời gọi cộng đoàn sống những tâm tình tôn kính Thánh Tâm Chúa, đó là: tín thác vào Chúa, tin ở tình yêu Chúa và yêu mến Chúa. Đức cha hướng dẫn cộng đoàn cầu nguyện bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần những lời nguyện tắt đơn sơ mà sâu sắc: Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa, hoặc: Lạy Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa.

Vương vấn tình yêu

Qua những làn điệu dâng hoa, qua thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa, cả cộng đoàn thực sự được hưởng một bữa tiệc hiệp thông chan chứa yêu thương. Muôn trái tim ngũ sắc rực rỡ tượng trưng cho trái tim muôn người dâng lên Chúa, để rồi, trái tim Chúa bao bọc tất cả và truyền tình yêu vô biên của Ngài cho trái tim mỗi người.

Trong tình yêu, gặp là thương và chia tay là vương vấn. Bữa tiệc tình yêu của lễ Thánh Tâm Chúa cũng cùng một cảm xúc như thế. Lễ kết thúc, mọi người ra về, nhưng lòng ai cũng đầy vấn vương thương nhớ tình Chúa, tình người.
 
Giáo xứ Thuận Phát mừng kính Thánh Antôn bổn mạng Giáo xứ
Hữu Toàn
16:25 12/06/2010
SAIGÒN - Chiều thứ bảy 12-6-2010 vào lúc 17 giờ 30 Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Antôn bổn mạng giáo xứ Thuận Phát, Hạt Xóm Chiếu, TGP Sài Gòn, cầu cho mọi người trong giáo xứ được cử hành rất trang trọng, cộng đoàn tham dự khá đông.

Đầu lễ Cha Chánh Xứ Phêrô Phạm Văn Long và đoàn lễ sinh tiến đến thắp hương tại Toà Thánh Antôn. Trong thánh lễ Cha Chánh Xứ dâng lời cầu nguyện cho Cha Cố Antôn, mọi người trong giáo xứ và linh hồn các vị trong giáo xứ đã qua đời.

Đến phần dâng lễ có nghi thức dâng lễ vật thể hiện tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa đã luôn yêu thương, chăm sóc phần hồn cũng như phần xác cho Cha Chánh Xứ và tất cả mọi người trong giáo xứ.

Cuối lễ Cha Chánh Xứ và cộng đoàn cùng nhau nguyện kinh Khấn Thánh Antôn xin Thánh Antôn cầu bàu cùng Chúa và luôn phù hộ cho giáo xứ được bình an.
 
Giáo xứ Tân Hội giáo phận Nha Trang rước kiệu Thánh Thể và Thánh Tâm Chúa Giêsu
Antôn Minh Dũng
17:21 12/06/2010
NHA TRANG - Để bày tỏ lòng tôn sùng và cảm tạ đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và Trái Tim cực thánh của Người, vào chiều ngày 11/6/2010, nhân dịp lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, bà con giáo dân giáo xứ Tân Hội đã tập trung đông đủ về sân nhà thờ để rước kiệu Mình Thánh Chúa và Thánh Tâm Chúa Giêsu trước khi long trọng cử hành thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Bổn Mạng của giáo xứ.

Xin xem hình ảnh

Sau khi cung nghinh Thánh Tâm Chúa Giêsu về tiền đường nhà thờ, bà con giáo dân đã tuần tự lên dâng nến cho Thánh Tâm Chúa, như một biểu hiện của lòng yêu mến và tôn kính.

Trong thánh lễ mừng Bổn Mạng, cộng đoàn giáo xứ đã cầu nguyện cách riêng cho các vị ân nhân và các bậc tiền bối đã dày công xây dựng giáo xứ, nhất là cho các linh mục đã hy sinh coi sóc giáo xứ.

Bà con giáo dân cũng đã tha thiết nài xin Thánh Tâm Chúa Giêsu chúc lành cho công ăn việc làm của các gia đình và ban cho các ước nguyện của giáo xứ được mau thành tựu.
 
Lễ Mở Tay của Tân Linh Mục Việt Nam tại giáo xứ Cabramatta, Sydney
Diệp Hải Dung
22:49 12/06/2010
SYDNEY - Sáng thứ Bảy 12/06/2010 các Hội Đoàn Đoàn Thể trong Cộng Đồng đã đến nhà thờ Sacred Heart Cabramatta tham dự Thánh lễ Mở Tay Tạ Ơn của Tân Linh Mục Phêrô Đặng Đình Nên vừa được thụ phong Linh Mục ngày hôm qua Thứ Sáu 11/06/2010 tại nhà thờ Chính Tòa St. Mary’s Sydney do Đức Hồng Y Geroge Pell chủ tế thụ phong.

Hình ảnh thánh lễ mở tay

Khai mạc Thánh lễ, anh Đinh Kiên Giang Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney thay mặt Cộng Đồng ngỏ lời chào mừng Tân Linh Mục Phêrô Đặng Đình Nên, quý Cha, quý Tu sĩ Nam Nữ và mọi người, đồng thời giới thiệu Cha Patrick Chính xứ Cabramatta lên có đôi lời chúc mừng Tân Linh Mục. Cha nói Giáo Xứ hôm nay rất vui mừng và hân hạnh đưọc đón tiếp Tân Linh Mục trong Thánh lễ mở tay và Cha chúc Tân Linh Mục luôn tràn đầy ơn Chúa. Kế tiếp Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn thay mặt Ban Tuyên uý chúc mừng Tân Linh Mục và gia quyến.

Sau đó Thánh lễ cử hành gồm 17 Cha Úc Việt cùng đồng tế với Tân Linh Mục. Trong bài giảng Cha Tuyên uý Trưỏng Nguyễn Khoa Toàn nói về thiên chức Linh Mục mà Thiên Chúa trao phó. Linh Mục phải biết nhận thức chính mình là con người và biết một tay nắm lấy Chúa một tay nắm với tha nhân, đem trái tim của mình kết hợp với trái tim Chúa KiTô trao ban tình thương cho tất cả mọi người. Linh Mục phải chấp nhận mình là con thuyền nhỏ bé ra khơi trong đại dương bao la đầy sóng gió để hoàn thành sứ vụ mà Thiên Chúa đã ban và Linh Mục phải kết hợp với Chúa KiTô và hài hòa với mọi người.

Đặc biệt Thánh lễ hôm nay có 2 Tân Linh Mục Kim Hà và Hoàng Minh Tân cùng hiệp dâng Thánh lễ. Cha Paul Văn Chi và Ca Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta hát bài Chúa Là Sức Mạnh do Cha Paul Văn Chi sáng tác gởi tặng Tân Linh Mục mừng ngày dâng Thánh lễ mở tay.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Ông Giang Hoan Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney cũng ngỏ lời chúc mừng Tân Linh Mục đã được đón nhận hồng ân Thiên Chúa trao ban. Ông cũng chúc mừng Tân Linh Mục Kim Hà cùng thụ phong với Tân Linh Mục Đặng Đình Nên ngày hôm qua và Tân Linh Mục Hoàng Minh Tân thụ phong hôm thứ Sáu 04/06/2010. Ông thay mặt Cộng Đồng hân hoan mừng đón Tân Linh Mục Đặng Đình Nên được Đức Hồng Y George Pell bổ nhiệm về phục vụ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney nhiệm kỳ 3 năm.

Trước khi ban Phép Lành trọng thể, Cha Paul Văn Chi tuyên đọc Phép Lành đặc biệt của Đức Giáo Hoàng chúc lành cho Tân Linh Mục do CĐCGVN trao tặng. Sau đó, Tân Linh Mục Phêrô Đặng Đình Nên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý Hội Đoàn Đoàn Thể và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ hiệp ý cầu nguyện. Đặc biệt cám ơn quý Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Dương Thanh Liêm đã trợ giúp nâng đỡ trong những tháng năm phục vụ trong Cộng Đồng và cám ơn Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta hát rất hay giúp cho Thánh lễ thêm phần trang nghiêm và sốt sắng. Sau cùng ngài cám ơn Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Cabramatta đã tận tình trợ giúp tổ chức Thánh lễ ngày hôm nay. Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho tất cả mọi người. Sau khi kết thúc Thánh lễ mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan mừng Tân Linh Mục trong khuôn viên nhà thờ.

Thánh lễ Tạ Ơn

Chiều thứ Bảy cùng ngày Tân Linh Mục Phêrô Đặng Đình Nên đến Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Simon Phan Đắc Hòa, George Hall dâng Thánh lễ tạ ơn. Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời chào mừng mọi ngườI và Cha nói: Ngày hôm qua Cha rất lấy làm vui mừng được mặc Áo Lễ mới cho Tân Linh Mục Đặng Đình Nên tại nhà thờ Chính Toà Sydney và hồi sáng này Cha rất xúc động khi thấy Tân Linh Mục ngồi ghế Chủ tế dâng Thánh lễ mở tay. Chiều nay, Tân Linh Mục dâng Thánh lễ tạ ơn tại Giáo Đoàn nhà. Kính xin mọi người hãy hiệp ý cầu nguyện cho cho Tân Linh Mục đồng thời Cha giới thiệu Cha Vũ Minh Nguyên Cựu Tuyên úy trong Cộng Đồng và Cha Nguyễn Hữu Quảng Chủ nhiệm Báo Dân Chúa Úc Châu đến cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn.

Trong bài giảng Tân Linh Mục Đặng Đình Nên đã nói về bài Phúc Âm của Thánh Luca. Tình yêu và lòng khoan dung của Chúa Giêsu đối với người tội lỗi biết sám hối ăn năn. Một cô gái điếm nổi tiếng ai ai cũng biết, nhưng đã hết lòng đến với Chúa trong tâm tình sám hối vừa khóc vừa lấy tóc lau chân Chúa và xức dầu thơm cho Chúa. Trong tâm tình đó Chúa Giêsu đã thấu suốt tâm hồn của cô gái điếm và Ngài đã tha thứ cho cô ta. Vậy thì chúng ta hãy luôn luôn tâm tình với Chúa, chỉ có Ngài mới đem đến cho chúng ta niềm vui và sự hạnh phúc vĩnh cửu. Ngoài ra ai nói hay phê phán những gì xin bỏ ngoài tai.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, ông Trần Thanh Tịnh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn George Hall lên chúc mừng Tân Linh Mục đã đến Giáo Đoàn nhà dâng Thánh lễ tạ ơn. Tân Linh Mục cũng ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người trong Giáo Đoàn đã thương mến đến tham dự Thánh lễ và hiệp ý cầu nguyện. Tân Linh Mục cũng ngỏ lời cám ơn Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Vũ Minh Nguyên, Cha Nguyễn Hữu Quảng và 3 Ca đoàn Thứ Bảy, Ca đoàn Chúa Nhật và Ca đoàn Monica.

Thánh lễ kết thúc mọI ngườI ở lại tham dự buổi liên hoan mừng Tân Linh Mục bên khuôn viên trường học nhà thờ.
 
Văn Hóa
Dấu Tình
Trầm Thiên Thu
12:11 12/06/2010
Bằng chứng Tình Yêu Chúa

Đã khắc ghi đời đời

Là năm vết thương đó

Dấu ấn yêu tuyệt vời!

Chúa dang tay chịu chết

Muốn ôm cả thế nhân

Tình yêu Ngài tha thiết

Yêu đến nỗi hiến thân

Trái tim con quá nhỏ

Ích kỷ lắm, Chúa ơi!

Cho con triệu tim nữa

Để yêu Chúa, yêu người

Con không là gì cả

Nhưng muốn yêu như Ngài

Biến con thành khí cụ

Của tình yêu nồng say
 
Bóng đá và cuộc đời
Trầm Thiên Thu
16:18 12/06/2010
Trái bóng cứ lăn tròn
Đường ngang, dọc, cong, thẳng
Triệu triệu người đăm đăm
Theo dõi từng đường bóng
Từng cảm xúc vui, buồn
Luân phiên và lẫn lộn
Dù muốn hay không muốn
Vẫn có người thắng, thua
Cuộc đời như trận bóng
Cũng lẫn lộn buồn, vui
Thành công và thất vọng
Nhiêu khê trên sân đời
Con chạy hàng tiền đạo
Chiến đấu với trần gian
Xin Chúa làm hậu vệ
Che chắn khung-thành-con

Đêm khai mạc World Cup (11/6/2010)