Ngày 14-06-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:03 14/06/2009
CUỐI CÙNG RẮC RỐI LÀ AI ?

N2T


Chủ quản của bộ thực dân nói với lãnh tụ của người địa phương:

- “Tôi rất buồn vì người của chúng tôi áp bức người của anh, anh nhất định phải giúp tôi giải quyết rắc rối này.”

Lãnh tụ hỏi lại:

- “Anh bạn suy nghĩ xem, nếu tôi trói anh trên cột trụ rồi sau đó đốt lửa chung quanh. Anh đối diện với rắc rối, phải không nào ?”

- “Tôi có rắc rối ? Anh thả tôi tự do thì tất cả đều không có vấn đề gì. Nếu anh đốt tôi thì tôi sẽ chết, nhưng sau đó thì anh bị rắc rối lớn.”


(Trích: Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Luật tự nhiên là nếu anh không hại tôi thì tôi sẽ không hại anh, nếu anh áp bức tôi thì tôi sẽ tìm cách kháng cự, mà kháng cự thì có khi phải đổ máu, đó là thảm cảnh trong thời thực dân của các thuộc địa...

Người Ki-tô hữu chân chính thì luôn nhớ đến lời dạy của Chúa Giê-su: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môi-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt 7, 12)

Nếu tôi không làm điều xấu với anh chị em, thì anh chị em sẽ không làm điều xấu cho tôi; nếu tôi muốn người khác đối xử tốt với tôi, thì tôi cũng phải đối xử tốt với họ. Lời dạy của Chúa Giê-su thật dễ hiểu và dể thực hành, nhưng vì lòng tham và lòng kiêu ngạo, nên trong cuộc sống chúng ta cứ mãi làm khổ cho nhau.

Rắc rối sẽ thuộc về chúng ta, nếu chúng ta cứ đem lòng tham đi chiếm đoạt của người khác, và rắc rối này sẽ kéo dài mãi đến đời sau và hậu quả là chúng ta sẽ mất phúc thiên đàng...
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:04 14/06/2009
N2T


12. Nếu ma quỷ không thể dùng khinh mạn làm nhục để cám dỗ chúng ta cụt hứng thất vọng, thì nó sẽ dùng sự tôn vinh để cám dỗ chúng ta thành kẻ kiêu ngạo.

(Thánh Ambrosius)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:06 14/06/2009
N2T


145. Chúng ta nên làm cho cuộc sống trở thành khát vọng, hơn nữa làm cho khát vọng ấy trở thành hiện thực.

 
''Này là Mình Ta. Này là Máu Ta''
Tuyết Mai
01:47 14/06/2009
Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người". (Mc 14, 12-16. 22-26).

Ai trong chúng ta trên trần gian này lại yêu nhau đến độ có thể dâng hiến chính thân xác và máu của mình cho người mình yêu bao giờ chưa nhỉ!? Một tình yêu tự hiến. Một tình yêu vô vị lợi. Một tình yêu mà không cần có sự đáp trả. Một tình yêu không có sự tính toán trước, không so đo, không tiếc nuối, không đắn đo, không cần đòi hỏi ở sự gì nơi người mình yêu. Yêu người một cách tuyệt đối. Yêu người một cách thiết tha. Yêu người một cách điên rồ. Yêu người một cách dại dột. Yêu người một cách thinh lặng, không một tiếng than, không một lời trách móc, không một hành động kháng cự. Yêu người mà người lại chẳng yêu ta, yêu một cách nhưng không, yêu một cách mù quáng, yêu một chiều, yêu chỉ biết chờ đợi. ... một tình yêu đáp trả dù là thật khiêm nhường ở nơi người mình yêu như nhận được một nụ cười, một ánh mắt thông cảm, hay dù là một sự chờ đợi chẳng bao giờ có, vì làm sao có thể cắt nghĩa cho người mình yêu hiểu được rằng Người vẫn chờ vẫn đợi, dẫu biết rằng sự chờ đợi ấy vẫn hoài không.

Yêu người mà người chẳng biết chẳng hay. Yêu người mà cứ mong mỏi đợi chờ cho dù người yêu của mình đã ngoảnh mặt làm ngơ, hay còn tệ hơn nữa là biết tình yêu dâng hiến của Người, nhưng lại nhẫn tâm chà đạp một mối tình trinh nguyên thiêng liêng đó!? Người đã yêu con người, cho con người, và chết vì con người. Người đã hy sinh mạng sống của mình vì con người, và vì Người có một trái tim luôn rực lửa đỏ của yêu thương của trao ban và của mời gọi. Người sinh ra đời trên cõi trần gian này cũng vì Người muốn mời gọi con người đến cùng Người để được chia sẻ, cảm thông, an ủi, và yêu thương vì Người hiểu được rằng trần gian là bể khổ. Trần gian là Sinh, Bệnh, Lão, Tử. Trần gian là đầy những Tham, Sân, Si. Nên Người muốn cùng chia sẻ với con người hiểu được rằng sự sống vĩnh viễn và hạnh phúc không phải là ở trên trần gian này, nên Người đã phải được sinh ra trên trần gian này sống suốt 33 năm, để Người được rao giảng về Nước Thiên Chúa, là nơi mà Người đã xuất thân, và Người sẽ trở về, là nơi mà Người muốn mời gọi tất cả con cái Người cùng sống hạnh phúc bên Người và Cha Mẹ Người.

Người yêu con người đến đỗi Người phải trải qua một cuộc đời sống tạm, trong thân xác yếu đuối của một người phàm, và để vinh danh Thiên Chúa Cha của Người qua tình yêu trao ban nhưng không của Người là Thiên Chúa Ngôi Hai Giêsu. Một tình yêu vô bờ bến ấy, quả không thể nào tìm ra một ai khác trong chúng ta, ngoài ông Giêsu người Nazareth mà thôi!

Trong chúng ta không biết có những ai đã từng trải qua một mối tình tuyệt vọng tương tự như ông Giêsu chưa nhỉ!? Tôi thiết nghĩ tình yêu một chiều này chắc hẳn cho chúng ta những sầu khổ, buồn tủi, đau đớn, và tuyệt vọng lắm lắm!? Còn không thì trong cõi dương gian, chúng ta cũng đã từng đọc được rất nhiều chuyện tình hay xem được rất nhiều loại phim đại loại như thế! Tình yêu một chiều xẩy ra rất nhiều và rất thường cho những cậu học trò con nhà nghèo nhưng lại trèo cao, đi thương một mỹ nương con nhà giầu, để ngày thì thổn thức đêm về thức trắng ôm một mối tình tuyệt vọng, chỉ dám mơ tưởng về người yêu của mình trong giấc ngủ chập chờn, và thỉnh thoảng cũng được mãn nguyện vì được gặp người mình yêu trong giấc chiêm bao. ... !!!?

Thưa tình yêu đời thường của con người đối xử với một con người là chỉ có thế, rất hạn hẹp, rất tính toán, như 2 lần 2 là bốn thực tế vậy mà khôn. ... như trong một bài hát mẹ dậy con gái chọn chồng trước năm 75 mà tôi thường thỉnh thoảng nghêu ngao hát. Có phải trên đời yêu nhau phải biết tính biết toán, chứ không thì sẽ gặp hiểm họa trên đời nếu yêu nhau cái kiểu một túp lều tranh với 2 quả tim vàng như nghệ sĩ Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đã một thời làm rung chuyển cả sân khấu khi 2 anh chị trình diễn bài hát ấy! Nhưng tình yêu hải hà và độ lượng của Thầy Giêsu chúng ta thì sao!? Trên thế gian trần tục này đã được mấy ai là tin vào Ngài thật sự? Đã có mấy ai là tin vào Bí Tích Thánh Thể mà Ngài trao ban nhưng không cho chúng ta hằng ngày? Tin mà tin ở mức độ nào cơ chứ? Tin đến mức độ mà chúng ta có thể nghĩ được rằng Ngài hiện diện với tất cả chúng ta qua mỗi Thánh Lễ? Và phép lạ của Ngài là có thể chữa lành cho thể xác và tâm hồn của chúng ta ngay cả chúng ta chỉ có mặt trong Thánh Lễ? Vì Ngài thật sự có hiện diện trên Cung Thánh và trong nhà thờ anh chị em ạ! Điều đó đã được xác nhận bao nhiêu ngàn năm nay rồi! Chỉ vì chúng ta không muốn nhìn nhận và tin vào Ngài đấy thôi! Chỉ vì chúng ta vẫn cứng lòng tin cho nên phép lạ vẫn không chữa cho chúng ta được. Cho nên chúng ta kiếm đủ mọi cớ để không tìm đến với Ngài.

Sở dĩ chúng ta muốn xa lánh Chúa, vì có phải trong chúng ta đang chất chứa đầy dẫy muôn ngàn thứ tội, mà chúng ta cố tình không muốn bỏ, cho nên chúng ta tìm kiếm muôn ngàn triệu cớ để không đến với Chúa!? Chỉ cần một chiến dịch cúm heo (swine flu) là làm cho tất cả chúng ta có sự e dè và biểu lộ sự sợ hãi một cách thật lộ liễu và thật ngây ngô hay không!? Thường đến giờ vị linh mục phán: "Các con hãy chúc bình an cho nhau" thì toàn thể giáo dân bắt tay nhau và trao cho nhau bình an của Chúa, nay sao lạ thế???? Ai cũng sợ phải nắm tay nhau vì cái bệnh cúm heo, mà theo thống kê chính xác của bộ y tế trên toàn cầu thì số tử vong cho chúng ta một con số thật khiêm nhường, là chỉ độ vài chục người mà đã làm cho đức tin của chúng ta ra rung rinh và yếu kém đến độ thế ư!?? So sánh sao bằng cái chết đói xẩy ra hằng ngày cho bao nhiêu con người sống trên một một đất nước nghèo. Tôi thiết nghĩ đó mới là điều chúng ta đáng để ý tới, đáng để tâm, và đáng được chúng ta đem lòng thương xót và giúp đỡ họ.

Rồi thì đức tin vốn đã yếu kém của chúng ta, lại ngăn cản chúng ta không đến rước Máu Thánh Chúa, vì sợ lây bệnh cúm heo??? Ôi, lậy Thiên Chúa lậy Thiên Chúa chúng con! Có phải Chúa đã từng chữa cho bao nhiêu người què quặt được đi đứng bình thường; bao nhiêu người mù được trông thấy; bao nhiêu người điếc được nghe; bao nhiêu người liệt lào được chỗi dậy và ca hát khen ngợi Thiên Chúa đấy sao! Bao nhiêu người phong cùi mà còn được lành sạch; người hoại huyết cũng được ơn Chúa ban cho lành sạch; Chúa chữa lành cho tất cả những ai có lòng tin tưởng vào Ngài và ngay cả những người lương giáo. Còn chúng con là ai? Chúng con có phải hằng tuyên xưng đức tin của chúng con hằng ngày giữa muôn người là chúng con là người Kitô hữu. Người Kitô hữu phải tự hào về Thiên Chúa của mình tôn thờ chứ! Vâng, chúng ta phải biết hãnh diện về Thiên Chúa của chúng ta, vì Ngài chứng minh cho toàn thế giới biết rằng Ngài vẫn hằng ngày hiện diện trong nhà thờ, trong mọi Thánh Lễ, trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng trong thực tế chẳng mấy ai tin Ngài có mặt và hiện diện ở đấy.

Bởi đức tin của chúng con vẫn cứng cỏi quá Chúa Giêsu nhỉ! Nên chẳng phải cùng là con cái Chúa mà ai cũng may mắn gặp được Ngài cả đâu! Như có phải Ngài vẫn thường trách mắng những dân phariseu, biệt phái, và những nhà thông luật đạo đức giả xưa là bọn này sống giả hình, chúng sống y như những mồ mả tô vôi thật đẹp đẽ bên ngoài còn bên trong lòng của chúng thì chẳng khác nào chứa đựng những con giòi con bọ lúc nhúc trông ghê tởm. Chúng chỉ tôn thờ Ta trên môi miệng. Chúng chỉ đè những gánh nặng trên đôi vai của những người nghèo khổ còn chúng ư! Một ngón tay chúng cũng không muốn bị mỏi mệt. Chúng ăn cắp của những bà nghèo góa. Vâng, muôn đời thì ở mọi thời đại nào Chúa cũng vẫn gặp những con người như thế! Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn chờ luôn đợi chúng con, và luôn cho chúng ta có cơ hội để tìm gặp Ngài và trở về cùng Ngài, như tên tử tội cùng được đóng đinh bên phải của Chúa. Vì anh biết ăn ăn hối cải, nên Chúa Giêsu đã hứa ngay với anh trước khi Ngài trút hơi thở cuối cùng là anh sẽ được lên Trời ngay ngày hôm nay cùng với Ngài.

Lậy Chúa Giêsu Thánh Thể!

Chúng con là những con người bất toàn, bất xứng, tội lỗi, đớn hèn, không đáng để Chúa ghé mắt, nhưng vì chúng con được sinh ra trong một thân xác luôn yếu hèn hay chết này, chúng con luôn luôn cần có Chúa trong cuộc sống ngày lại ngày này! Lậy Chúa xin cho tất cả chúng con đồng hiểu được rằng, cuộc đời trần gian chỉ là nơi sống tạm, và cuộc sống Trên Trời mới là quê Hằng Sống miên viễn muôn đời, là cùng đích chúng con phải tìm đến, nếu chúng con không chịu sửa đổi thì e rằng linh hồn của chúng con sẽ bị ở một nơi mà lửa đời đời sẽ nung nấu chúng con đến thật khủng khiếp không có ngày ra Chúa ơi!!!!!

Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, một luôn yêu thương và hằng dậy dỗ chúng con, như Chúa đã hằng yêu thương bang trợ cho tất cả con người nhân loại chúng con từ thuở muôn đời. Amen.
 
Bài giảng của Đức Cha Bùi Tuần trong thánh lễ an táng ĐGM Micae Nguyễn Khắc Ngữ
+GM Bùi Tuần
06:18 14/06/2009
ĐỨC CHA MICAE NGUYỄN KHẮC NGỮ VÀ THÁNH LỄ

Đức Cha Cố Micae đã ra đi. Ngài để lại nhiều hình ảnh đẹp. Một trong những hình ảnh đẹp đáng là hình ảnh kỷ niệm sáng giá, đó là hình ảnh ngài dâng thánh lễ. Theo nhiều người, hình ảnh đó là một đặc điểm rất nổi của Ngài.

Trong thánh lễ từ biệt Ngài, tôi xin phép Ngài được trao hình ảnh kỷ niệm đó cho tất cả anh chị em. Hình ảnh đó có nhiều nét Kinh Thánh.

Được cộng tác với Đức Cha Cố Micae gần 5 chục năm, tôi thấy cái hồn của Ngài là sự dâng hiến. Dâng hiến cụ thể nhất và sâu sắc nhất, chính là dâng hiến trong thánh lễ.

I.

Trong thánh lễ, Ngài đến bên Chúa với tâm tình rất mực khiêm tốn. Khiêm tốn ấy không phải chỉ là tự nhiên. Nhưng nhất là thấm nhuần lời Chúa đã phán: "Thầy không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mt 9, 13).

Lời Chúa giúp Ngài khiêm tốn vác trên vai gánh nặng tội lỗi của riêng mình, tội lỗi của đoàn chiên, và tội lỗi của bao người khác. "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng". Sự Ngài nhìn nhận tội lỗi luôn đi đôi với tâm tình sám hối, xin ơn thương xót.

Cùng với lòng khiêm nhường sám hối và xin thương xót, Đức Cha Cố đã đến bên Chúa với lòng mến yêu nồng nàn. Ngài tin vào lời Chúa đã nói về người phụ nữ tội lỗi xưa: "Tội của chị rất nhiều. Nhưng đã được tha. Bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều" (Lc 7,47). Chúa cho Ngài thấy: Tội lỗi tuy nhiều, nhưng khi được tha thì tình mến được tăng lên. Tội lúc đó coi như một dịp để đốt nóng lên tình yêu mến trong Ngài.

Ngoài ra, Đức Cha Cố đã đến bên Chúa với tâm tình cảm tạ. Vì Ngài tin vào lời thánh Phaolô: "Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5,20).

Thực vậy, Đức Cha Cố Micae luôn nhận thức mình mang thân phận tội lỗi. Từ vực sâu tội lỗi, Ngài khiêm tốn đón nhận, ca ngợi và cảm tạ lòng thương xót Chúa.

II.

Thánh lễ của Đức Cha Cố Micae trên bàn thờ là như vậy. Thánh lễ đã được kéo dài trên suốt cuộc đời của Ngài.

Suốt cuộc đời Ngài là một thánh lễ. Thánh lễ cuộc đời là một cuộc chiến đấu triền miên giữa tội lỗi và ân sủng. Trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã chân thành với lòng khiêm tốn trước sức mạnh thực tế của tội lỗi, đồng thời Ngài đã luôn tin cậy sức mạnh siêu nhiên của ơn thánh. Ngài không coi thường các giá trị trần thế và nhân loại, nhưng Ngài không hề ảo tưởng những giá trị đó có sức cứu độ. Ơn cứu độ là sức mạnh của tình yêu từ thánh giá Chúa.

Xác tín đó được nhận thấy rất rõ ở tu đức, mục vụ và truyền giáo nơi Đức Cha 100 tuổi của chúng ta. Ngài đặt ưu tiên tuyệt đối ở ơn Thánh.

Xác tín đó là của thánh Phaolô: "Chính do dân sủng mà anh em được cứu độ" (Ep 2,5).

Trên đây là mấy nét của hình ảnh kỷ niệm nhỏ, mà Đức Cha Cố Micae gởi lại. Chúng ta đón nhận, chiêm ngắm, nhất là để noi gương bắt chước. Giờ đây, Ngài được an táng, như "hạt lúa gieo vào lòng đất" (Ga 12,29). Chúng ta tin tưởng hạt lúa này sẽ góp phần sinh ra được một mùa màng thiêng liêng phong phú.

Cúi xin Đức Cha rất thương mến cầu nguyện cho tất cả chúng con. Cùng với Đức Cha, chúng con xin dâng hiến cuộc đời chúng con lên Chúa giàu tình yêu thương xót.

Long Xuyên, ngày 15 tháng 6 năm 2009.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần 11 Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
12:41 14/06/2009
Thứ hai sau Chúa nhật 11 Thường niên

Mt 5,38-42

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là hoàng tử bình an, là ông vua thái bình. Chúa đã đến để mang lại cho chúng con ơn bình an. Chúa đã dạy chúng con cách thức để được bình an, đó là sự tha thứ và nhường nhịn lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa luôn dịu hiền và khiêm nhường trong lòng. Xin giúp chúng con cũng biết trao ban lời bình an cho tha nhân thay vì những lời giận dỗi, chua cay.

Chúa ơi, nếu cuộc sống chúng con chỉ lấy oán báo oán thì oán sẽ chập chùng. Và hận thù sẽ nối tiếp hận thù phải không Chúa? Nếu cuộc sống chỉ quanh đi quẩn lại những hận thù, bỏ vạ, cáo gian, có lẽ đó là những ngày tháng bất hạnh và đau thương của kiếp sống con người!. Xin Chúa giúp chúng con biết tha thứ cho nhau thay vì nuôi dưỡng giận hờn. Xin giúp chúng con biết nghĩ tốt, nói tốt về nhau thay vì nghĩ xấu, nói xấu về nhau. Xin giúp chúng con luôn nhớ rằng: “bạo động chỉ gây thêm bạo động, chỉ có tình yêu mới mang lại tình yêu”.

Lạy Chúa là Đấng chậm bất bình và rất mực khoan nhân, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa luôn sống yêu thương và hoà thuận với mọi người. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 11 thường niên

Mt 5,43-48

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con khao khát được Chúa ngự đến tâm hồn. Chúng con cũng khao khao được trở nên giống Chúa trong yêu thương mọi người. Chúa cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Xin giúp chúng con cũng đối xử tốt với tất cả mọi người. Xin sửa dạy chúng con khỏi tính hẹp hòi, ích kỷ để chúng con sống quảng đại và luôn sẵn lòng giúp đỡ anh em.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban cho chúng con một tâm hồn quảng đại, một quả tim tràn đầy yêu thương, một cái nhìn khoan dung nhân hậu, để chúng con luôn biết cảm thông thay cho chấp nhất lẫn nhau; tha thứ thay cho kết án; yêu thương thay cho hận thù; đem niềm vui nâng đỡ thay cho thái độ hạ bệ và kết án anh em. Xin dạy chúng con biết xây dựng tình người, tình bằng hữu hơn là nóng giận phá đổ tình người. Xin giúp chúng con biết tìm kiếm an bình từ những nghĩa cử yêu thương, vị tha của chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Chúa, luôn cắt nghĩa tốt cho mọi người, ngay cả khi bị làm nhục, chúng con vẫn can đảm thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 11 thường niên

Mt 6,1-6.16-18

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là sức sống, là thần lương nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con ơn huệ cao quý là chính Mình Thánh Chúa trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng con. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình khiêm hạ của Chúa để chúng con biết cúi xuống phục vụ tha nhân.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những lần chúng con sa vào cạm bẫy của lợi danh. Chúng con hay cậy mình khoe khoang khi làm được một việc gì đó cho anh em! Chúng con thường kiêu căng khi thành công và coi thường bạn bè khi các bạn yếu kém hơn mình. Chúng con thích phô diễn tài năng để được khen thưởng hơn là để phục vụ một cách khiêm nhu.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Xin ban cho chúng con sự can đảm để dũ bỏ những hình thức giả dối bên ngoài, và luôn sống chân thật trước mặt Chúa và chân thành khi giúp đỡ tha nhân. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 11 thường niên

Mt 6,7-15

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Cầu nguyện là phương thế để chúng con tìm kiếm ý Chúa. Cầu nguyện giúp chúng con gần gũi với Chúa và sống trong tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con biết siêng năng kết hợp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, để chúng con được sống trong ân nghĩa của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con biết cách cầu nguyện theo ý Chúa. Chúa cũng dạy cho chúng con hiểu rõ và hiểu đúng mối liên hệ giữa chúng con với Chúa Cha và với nhau. Xin cho chúng con biết một lòng làm vinh danh Chúa qua việc thực thi giới luật yêu thuơng một cách nhiệt thành và quảng đại. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để chúng con cũng biết sống ôn hoà và tha thứ cho nhau. Xin cho chúng con luôn biết vì Chúa để sống hy sinh cho nhau và đối xử tốt với nhau. Xin giúp chúng con tháo gỡ những bất hoà ghen ghét trong gia đình, trong giáo xứ đang làm mất hoà khí anh em con một Cha trên trời. Xin giúp chúng con đừng vì những ích kỷ cá nhân mà làm mất vẻ đẹp hội thánh qua hành vi thiếu bác ái, cảm thông, tha thứ của chúng con.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi lần cùng nhau đọc kinh lạy Cha, chúng con cũng biết làm cho Nước Chúa hiển trị bằng đời sống huynh đệ trong yêu thương và bác ái chân thành. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 11 thường niên

Mt 6,19-23

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa ngự đến tâm hồn chúng con, xin Chúa cũng mang ơn thánh hoá thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi những bợn nhơ tội lỗi, và thanh thoát khỏi những đam mê mọn hèn. Xin giúp chúng con biết làm chủ tư tưởng, ước muốn, việc làm của chúng con luôn quy hướng về Chúa là cùng đích cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, ở đời người ta thường chạy theo danh lợi thú. Chúng con cũng quá lao nhọc đến lao tâm về danh vọng trần gian. Chúng con ưa tìm hư danh bằng những thành tích khen thưởng, bằng những bằng cấp, địa vị. Nhưng Chúa ơi, tất cả chỉ là phù hoa. “Một cơn gió thoảng cũng đủ làm nó biến đi”. Xin tha thứ cho những đam mê lầm lạc của chúng con. Xin giúp chúng con đừng vì đam mê danh vọng mà bỏ rơi tình Chúa. Đừng vị công danh mà xa rời tình anh em. Xin cho chúng con biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và luôn tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết bước đi theo đường lối thiện toàn để mai này chúng con không phải hổ thẹn về những yếu đuối sai lầm của mình. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 11 thường niên

Mt 6,24-34

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin chọn Chúa là gia nghiệp đời con. Vì chỉ nơi Chúa mà chúng con mới có sự sống đời đời. Xin Mình Thánh Chúa nâng đỡ những yếu đuối, nhẹ dạ nơi bản tính loài người chúng con. Xin giúp chúng con vượt thắng những cạm bãy của thế gian để hồn xác chúng con mãi mãi thuộc trọn về Chúa.

Nhưng Chúa ơi! Ở đời người ta cần công danh. Ở đời người ta chuộng sự giầu có. Chúng con cũng nhiều lần chạy theo những danh lợi thú trần gian. Chúng con đã để tâm tìm kiếm của phù hoa mà quên đi hạnh phúc thiên đàng. Chúng con tin Chúa nhưng lại chưa thờ Chúa trên hết mọi sự. Chúng con chưa thực sự phó thác đời mình cho Chúa. Chúng con còn lắm bon chen để tìm kiếm danh lợi thú trần gian. Chúng con thích tích góp của cải hơn là tích đức đời sau. Chúng con lao tâm khổ trí vì của ăn mau hư nát hơn là giá trị vĩnh cửu Nước Trời.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con biết yêu mến Chúa hơn mọi sự trần gian. Xin loại trừ nơi chúng con những quyến luyến của đam mê tội lỗi, lầm lạc. Xin cho chúng con luôn được trung thành phụng sự Chúa hết cuộc đời. Amen
 
Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô Lễ Mình Máu Thánh Chúa
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
16:32 14/06/2009
Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI tại Vương Cung Thánh Đường Gioan Latêranô ngày 11 tháng 6 năm 2009. Dịch theo nguyên văn tiếng Ý với sự tham khảo của bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh.

* * *


“Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy.”

Anh chị em thân mến,

Những lời này mà Chúa Giêsu đã nói trong Bữa Tiệc Ly được lập lại mỗi lần để làm mới lại Hy Lễ Thánh Thể. Chúng ta vừa được nghe trong Tin Mừng Thánh Marcô và những lời ấy vang âm với sức gợi lại đáng kể hôm nay, Đại Lễ Mình Máu Thánh Chúa. Những lời ấy đưa chúng ta lên Phòng Tiệc Ly, chúng đem lại bầu không khí linh thiêng của đêm mà qua việc cử hành Lễ Vượt Qua với các môn đệ, Chúa trong mầu nhiệm tiền liệu rằng hy lễ phải được dùng ngay hôm sau trên Thánh Giá. Như thế, việc lập Phép Thánh Thể được coi như sự tiên liệu và chấp nhận cái chết của Mình của Chúa Giêsu. Thánh Efrem người Syria đã viết rằng: Trong bữa ăn tối, Chúa Giêsu đã hiến tế chính Mình; trên Thánh Giá, Người bị kẻ khác giết chết (x. Thánh Thi Đóng Đinh, 3,1).

“Đây là Máu Thầy.” Ở đây chúng ta thấy rõ việc nhắc đến ngôn ngữ hy tế của dân Israel. Chúa Giêsu tự giới thiệu Mình như là hy lễ thật sự và sau hết, trong đó hoàn tất việc đền tội, là việc mà trong các nghi lễ của Cựu Ước không bao giờ hoàn tất cách trọn vẹn. Một câu đi theo hai câu khác rất có ý nghĩa. Trước hết Chúa Giêsu Kitô đã nói rằng Máu Người “sẽ đổ ra cho nhiều người” qua việc giúp chúng ta hiểu bằng cách nhắc đến bài Ca của Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, là người được nói đến trong Sách Isaia (x. Ch. 53). Với việc thêm câu - “máu giao ước” – Chúa Giêsu nói rõ rằng, nhờ cái chết của Người, mà lời tiên tri được thể hiện trong giao ước mới dựa trên lòng trung thành và tình yêu vô tận của Chúa Con làm người, cho nên đó là một giao ước mạnh hơn tất cả mọi tội lỗi của nhân loại. Giao Ước Cũ đã được thiết lập trên Núi Sinai qua nghi lễ sát tế thú vật, như chúng ta được nghe trong bài đọc thứ nhất, và dân được tuyển chọn, được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, đã hứa thi hành tất cả mọi mệnh lệnh mà Thiên Chúa đã ban (x. XH 24:3).

Thực ra, ngay lúc ấy, dân Israel với việc dựng nên con bò vàng đã không tiếp tục trung thành với lời hứa này, và giao ước của Thiên Chúa quả thật sau đó đã bị họ vi phạm rất thường xuyên, dựa theo lòng chai đá của họ mà Lề Luật đã phải dạy họ con đường sống. Nhưng Thiên Chúa đã không quên lời hứa của Ngài, và qua các ngôn sứ, Ngài đã nhắc lại những quan tâm đến bình diện nội tâm của giao ước, và đã công bố rằng Ngài sẽ có một giao ước mới được viết trong tâm hồn các tín hữu (x. Gr 31:33), qua sự biến đổi họ bởi ơn Chúa Thánh Thần (X. Ed 36:25-27). Và chính trong Bữa Tiệc Ly, Người đã lập giao ước mới này với các môn đệ và nhân loại, xác nhận không phải bằng việc hiến tế xúc vật như trong quá khứ, nhưng bằng Máu Người, trở thành “Máu của Giao Ước Mới.” Cho nên, như tôi đã nói, Người đã [giao ước này] thiết lập trên sự vâng phục, mạnh mẽ hơn tất cả mọi tội lỗi chúng ta.

Điều này được tỏ lộ trong bài đọc thứ hai, trích từ Thư gửi tín hữu Do Thái, mà trong đó thánh ký đã công bố rằng “Chúa Giêsu là Đấng Trung Gian của Giao Ước Mới” (9:15). Nhờ Máu, hay đúng hơn là nhờ món quà Chính Mình, Người đã làm cho việc đổ Máu của Người có một giá trị đầy đủ. Trên Thánh Giá, Chủa Giêsu vừa là tư tế và lễ vật: một lễ vật xứng đáng đối với Thiên Chúa bởi vì không có tỳ ố, và Vị Thượng Tế hiến dâng chính Mình, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, và cầu bầu cho toàn thể nhân loại. Như thế, Thánh Giá là mầu nhiệm tình yêu và cứu độ, thanh lọc chúng ta khỏi những “việc sinh sự chết” như được nói trong Thư Do Thái, là tội lỗi, và thánh hóa chúng ta bằng cách tạc thành giao ước mới trong tâm hồn chúng ta, và Thánh Thể, nhờ làm Hy Tế trên Thánh Giá này, làm cho chúng ta có thể sống cách trung thành trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, là những người tôi ưu ái chào mừng tất cả, bắt đầu từ Đức Hồng Y Phụ Tá và các Đức Hồng Y khác cùng các Giám Mục hiện diện nơi đây – như dân được tuyển chọn trong cuộc họp mặt ở núi Sinai, hôm nay chúng ta muốn lập lại lòng trung thành của chúng ta đối với Chúa. Mấy hôm vừa qua, khi khai mạc đại hội thường niên của giáo phận, tôi đã nhắc đến tầm quan trọng của việc tiếp tục là Hội Thánh, lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện, học hỏi Thánh Kinh, đặc biệt là qua việc thực hành Lectio Divina, đo là vừa đọc vừa suy nghĩ và cầu nguyên bằng Thánh Kinh. Tôi biết rằng nhiều sáng kiến đã được phổ biến trong các giáo xứ, các chủng viện, các cộng đồng dòng tu, trong những hội huynh đệ, các hội đoàn và các phong trào tông đồ, là những điều làm cho cộng đồng giáo phận của chúng ta thêm phong phú. Tôi xin gửi lời chào mừng huynh đệ đến thành viên của những nhóm khác nhau của Hội Thánh này. Thưa các bạn, sư hiện diện rất đông của các bạn trong buổi lễ này, chứng tỏ cộng đồng của chúng ta, được biểu thị bằng sự đa dạng của các nền văn hóa và những kinh nghiệm khác nhau, được Thiên Chúa hình thành như Dân “của Ngài”, như Thân Thể Duy Nhất của Đức Kitô, qua việc chúng ta thành khẩn tham gia vào bàn tiệc đôi của Lời Chúa và Thánh Thể. Được nuôi dưỡng bởi Đức Kitô, chúng ta, các môn đệ của Người, nhận được sứ vụ làm “linh hồn” của thành phố của chúng ta (xem Thư gửi Diongetô, 6: xb. Funk, I, tr. 40; cũng x. LG, 38), là men của sự canh tân, là bánh “được bẻ ra” cho mọi người, đặc biệt là những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo túng và đau khổ về thể xác lẫn tinh thần. Chúng ta trở thành những nhân chứng của tình yêu Ngài.

Tôi đặc biệt xin các bạn, các linh mục thân mến, là những kẻ mà Đức Kitô đã chọn cùng với Người, để các bạn có thể sống đời mình như một hy lễ chúc tụng cho việc cứu độ trần gian. Chỉ qua việc kết hợp với Chúa Giêsu mà các bạn có thể sinh ra những hoa trái tâm linh là điều phát sinh hy vọng trong việc mục vụ của các bạn. Thánh Lêô cả nói rằng “việc tham dự của chúng ta vào Mình và Máu Đức Kitô không nhằm mục đích nào khác, ngoài mục đích trở thành điều chúng ta lãnh nhận.” (Sermo 12, về Sự Thương Khó 3.7, PL 54). Nếu điều này đúng cho tất cả các Kitô hữu, thì lại càng đúng hơn cho chúng ta là các linh mục. Trở nên Thánh Thể! Đây phải là ao ước và cố gắng không ngừng của chúng ta, bởi vì chính Mình và Máu Chúa mà chúng ta hiến dâng trên bàn thờ, cũng là hy tế của chính đời sống chúng ta. Mỗi ngày chúng ta rút ra từ Mình và Máu Chúa tình yêu tinh tuyền và tự do làm cho chúng ta xứng đáng là các thừa tác viên của Đức Kitô và những nhân chứng của niềm vui của Người. Đó là điều mà các tín hữu kỳ vọng ở linh mục: thí dụ gương sùng kính Thánh Thể thật sự, họ muốn giữ những giây phút dài thinh lặng và tôn sùng Chúa Giêsu như Cha sở Ars đã làm, chúng ta nhớ một cách đặc biệt trong năm linh mục sắp đến.

Thánh Giaon Maria Vianney đã thích nói với các giáo dân của ngài rằng: “Hãy đến hiệp thông… Đúng là các bạn không xứng đáng, nhưng các bạn cần [phải hiệp thông].” (Nodet Barnard, Cha Sở Ars. Tư Tưởng – Tâm Hồn, xb. Mappus Xavier, Paris 1995, tr. 119). Với sự ý thức về sự thiếu đầy đủ của mình bởi vì tội lỗi, nhưng chúng ta cần phải nuôi dưỡng tình yêu của Chúa ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thề, hôm nay chúng ta canh tân đức tin của mình vào Sự Hiện Diện Thật của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta không được coi đức tin này là điều đương nhiên! Hôm nay, có sự nguy hiểm của việc tục hóa cũng tiềm tàng trong Hội Thánh, là điều có thể biến thành việc tôn thờ Thánh Thể cách hình thức và trống rỗng, trong những cuộc cử hành không có sự tham dự của tâm hồn được tự bày tỏ bằng việc kính thờ và tôn trọng Phụng Vụ. Luôn có một cám dỗ mạnh mẽ trong việc biến cầu nguyện thành những giây phút bề ngoài hời hợt và vội vã, để cho mình bị những hoạt động và những ưu tư trần thế tràn ngập. Khi chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ nhắc lại Kinh Lạy Cha, kinh nguyện tuyệt vời, chúng ta sẽ nói: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngằy”, qua việc tự nhiên nghĩ đến bánh hằng ngày cho chúng ta và cho mọi người. Nhưng điều này cũng đòi hỏi một điều gì sâu xa hơn. Từ Epioúsios của Hy Lạp mà chúng ta dịch là “hằng ngày,” cũng có thể ám chỉ bánh “siêu thực,” bánh “của thế giới sắp đến.” Một số Giáo Phụ đả coi đây ám chỉ Thánh Thể, Bánh Hằng Sống, thế giới mới, hôm nay chúng ta đang trong Thánh Lễ, cho nên bây giờ thế giới tương lăi bắt đầu với chúng ta. Cho nên với Thánh Thể, bầu trời hạ xống đất, tương lai của Thiên Chúa ở với hiện tại và thời gian được Thiên Chúa ấp ủ như từ muôn thủa.

Anh chị em thân mến, như mọi năm, cuối Thánh Lễ, chúng ta sẽ rước kiệu Mình Thánh và qua cac kinh nguyện và thánh ca chúng ta sẽ dâng lời cầu nguyện chung lên Chúa trong Bánh Thánh. Thay cho Thành Phố chúng ta sẽ thưa Người: “Lạy Đức Kitô, xin ở lại với chúng con, xin ban cho chúng con món quà Chính Người và cho chúng con bánh nuôi sống chúng con muôn đời! Xin giải thoát thế giới này khỏi nọc độc của sự dữ, của bạo tàn và thù hận, là những điều làm ô nhiễm lương tâm; xin thanh lọc nó với quyền năng của tình yêu lân tuất Người. Và Mẹ, lạy Mẹ Maria, Mẹ đã là người Nữ “Thánh Thể” trọn đời Mẹ, xin giúp chúng con cùng nhau tiến bước về mục tiêu Thiên Đàng, được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu của Đức Kitô, Bánh Hằng Sống và Thuốc Trường Sinh của Thiên Chúa. Amen!
 
Linh mục cũng một kiếp người
Lm Giacôbê Tạ Chúc
21:31 14/06/2009
Gần đến ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày xin ơn thánh hóa các linh mục, năm nay đặc biệt hơn khi Đức Thánh Cha cho mở năm linh mục và chọn ngày lễ Thánh Tâm làm ngày khai mạc. Đâu đây vẫn vọng lại lời ngôn sứ Giêrêmia "Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (Gr 3,15).

Linh mục: đề tài này chắc không xa lạ gì với mọi người kitô hữu, tông huấn: "Đào tạo linh mục trong hòan cảnh ngày nay” (Pastores dabo vobis) của cố Giáo Hòang Gioan Phaolô II, và trong chỉ nam linh mục của thánh bộ Truyền giáo(1989), sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, tông huấn "loan báo Tin mừng” của cố Giáo hòang Phaolô VI… đã nói nhiều về linh mục.

Gần đây, cũng rất nhiều bài viết về linh mục, những suy tư dựa trên thánh kinh, các văn kiện của Giáo hội, của các công đồng… như là những nhắc nhở, những cẩm nang cho sứ vụ tông đồ của các Ngài. Thế nhưng nói gì thì nói, những ngôn từ của triết học, thần học, hay những truyền thống, kết tinh từ những kinh nghiệm sống của Giáo hội, cũng không thể làm chúng ta quên mất một điều: linh mục cũng là con người. Đã là con người ai mà có thể sống không liên hệ với: thú-lợi-danh.

Giáo dân Việt nam, với truyền thống văn hóa sẳn có: Quân-Sư-Phụ, Đạo-Hiếu, luôn dành cho các linh mục một tình cảm kính yêu và vâng lời, thậm chí còn thần thánh hóa các linh mục. Linh mục vẫn là con người như mọi người nếu xét ở bình diện tự nhiên. Thế nhưng vẫn là một huyền nhiệm, khi Thiên Chúa đã chọn những con người tự nhiên này để hòan thành kế họach siêu nhiên của Ngài, trong thế gian này. Trong bí tích truyền chức thánh, linh mục đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, nên Thánh Phaolô khẳng định: "Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Vì có Chúa Kitô sống trong linh mục nên linh mục là con người sống khác người, cái khác ở đây không phải là bất bình thường nhưng là sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Chính điều này làm nên con người linh mục, một cách đặc biệt, nếu không có linh mục, Giáo hội sẽ không thực hiện được lệnh truyền của Chúa Giêsu: "Các con hãy ra đi, hãy chiêu tập các môn đệ từ khắp muôn dân” (Mt 28,19). Lệnh truyền ấy có nghĩa là lệnh truyền loan báo Tin mừng và hằng ngày linh mục cử hành hy lễ Mình và Máu Chúa Giêsu trao hiến và đổ ra cho nhân lọai được sống.

Cùng với việc cử hành người linh mục cũng kết hợp cuộc đời mình như là một hiến lễ hy sinh dâng trên bàn thánh, để không chỉ thánh hóa con người mà còn thánh hóa chính bản thân mình, khi trao hiến cả cuộc đời của mình cho Giáo hội và xã hội.

Cảm ơn Đức Thánh Cha khi Ngài dành một năm hồng ân cho Giáo hội và cho các linh mục, đề mỗi ngày, khi nâng chén cử hành mầu nhiệm cứu độ, linh mục luôn xác tín vào con đường mà mình đã chọn để trung thành mãi với ơn gọi làm mục tử cho Chúa Kitô.
 
Đời thường linh mục
Lm Trần Xuân Lãm
21:44 14/06/2009
Nơi nhà xứ này, mỗi khi đau ốm, tôi phải tự nấu cháo trắng, chỉ bỏ mấy hột muối, mấy lát gừng rồi ăn với chà bông. Bà bếp già người Canada chỉ biết nấu ‘chicken soup’ có bán sẵn trong hộp.

Ngày trước khi đau mà phải bò dậy xuống bếp, tôi cảm thấy rất là tủi thân, nhưng thời thế đổi thay, linh mục nấu cháo hay rửa chén là chuyện bình thường. Ở Việt nam không ai để cho linh mục rửa chén, vì vậy, hồi mới sang Canada, tôi rửa chén rất nhếch nhác. Bây giờ thì tôi tự hào mình làm sạch hơn nhiều bà nội trợ.

Đời thường của linh mục rất đại loại như trăm ngàn cuộc sống khác. Có gì đặc biệt đâu. Linh mục không phải là siêu nhân. Mang thân phận con người, nhưng là người được tuyển chọn thay cho dân, tế lễ đền tội cho mình và cho dân. Nó chỉ khác người thường vì thiên chức linh mục không do loài người, mà do Thiên Chúa ban tặng.

Nếu ai yêu quý linh mục, chỉ vì thấy ngài học giỏi, đẹp trai, con nhà giầu,v.v... thì người ấy bắt đầu lạc hướng. Linh mục đời thường vẫn phải lo chu toàn bổn phận và những công tác sinh hoạt thường ngày như biết bao nhiêu ngưòi khác, với biết bao nhiêu bận tâm về trách nhiệm mục vụ, công tác xã hội, thăm viếng bệnh nhân hay thăm viếng gia đình con chiên bổn đạo, dậy giáo lý, v.v...

Đôi khi giáo dân thấy linh mục hay ngồi đọc sách, nhìn thấy như vậy thường rất nể sợ, vì chẳng biết ông linh mục đang nghĩ gì. Thật ra có khi chẳng nghĩ gì cả mà đang lo lắng về nhiều kế hoạch cho giáo xứ, tỉ dụ như về vấn đề quản trị giáo xứ, không biết phải giải quyết ra sao khi giáo xứ đang hụt tiền. Cái lắng lo là không biết ngày mai ra nhà thờ có nên nói điều tế nhị này ra không, bởi vì nói nhiều lại sợ làm rát tai bổn đạo.

Buổi chiều buông, sau khi được mời dự tiệc tùng, có khi linh mục cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng đồng thời hài lòng vì nhà có đám cưới hay đám giỗ được vui vẻ vì sự hiện diện của linh mục. Đôi lúc cũng không thể đáp ứng được vì quá nhiều đám mời, linh mục cảm thấy lúng túng vì ngài muốn làm hài lòng hết mọi người, mà vì lực bất tòng tâm, nên ngài lại ước ao được mời ít thôi. Linh mục bị giằng co giữa cái không muốn và cái muốn mà không thể làm được.

Linh mục nhiều khi cũng muốn chiều bổn đạo, nhưng có những cái không thể chiều được. Linh mục muốn ban hành mọi phép bí tích. Nhưng đã rối vợ rối chồng thì làm sao làm được lễ cưới. Điều tra hôn phối ngay thẳng thì bị kêu là làm khó dễ. Chưa đủ điều kiện và thời gian để giải quyết thì người ta đã rối lên đòi làm ngay.

Bổn đạo cũng có người nóng tính và phán đoán gay gắt linh mục vì một sự việc nào đó mà họ buông lời thóa mạ, chửi bới. Đợi đến khi họ nguôi ngoai chạy đến xin lỗi thì vết thương của linh mục đã thành sẹo. Vì thế linh mục mới có thương tích trên mình. Chúa Giê-su đã chẳng chịu quân dữ đánh đòn tóe máu đó sao? Nhiều nỗi khổ không tên tuổi nhưng âm thầm gậm nhấm sức khỏe linh mục.

Làm được việc cho người ta thì họ hoan hô. Loạng quạng không giải quyết được việc là bị chê bai, bị đả đảo cũng có. Linh mục khó làm vừa lòng bổn đạo lắm. Có khi được cái này thì mất cái nọ, vừa lòng người này thì mất lòng người kia. Không đến nhà thì bị người ta nói là khinh người. Đi nhiều thì mang tiếng la cà. Gần gũi để thông cảm với thanh niên thì mang tiếng là người ham vui, xa cách thì bị chê là cù lần, lạnh nhạt. Ôi chao, về nhà ban tối chưa ngủ được mà lòng nặng chĩu ưu tư.

Ở xứ Việt nam thường rất vui, nhưng hay có chuyện nhức đầu. Ở xứ Canada yên tĩnh nhưng buồn. Đàng nào cũng là gánh nặng, chỗ nào cũng có thánh giá. Tôi đang làm phó xứ Canada, nhiều buổi chiều, tôi cứ nhìn lên Chúa chịu đóng đinh vừa cám ơn Chúa đã cho tôi khỏi bệnh nhức đầu, vừa than thầm: sao Chúa lại sai con đến đây, không một ai thân thích, giảng giải thì ngọng nghịu, con chẳng hiểu hết ngôn ngữ và văn hóa của người ta, có khi nghe thấy họ cười vang lên, con cứ tự hỏi họ cười gì thế. Chúa ôi, Chúa bắt con ở đâu, làm gì thì con phải chịu thôi. Chúa muốn con làm gì, thì con cũng xin phó thác, vì ai mà cãi lại được Chúa! Bỗng dưng tôi như nghe được câu nói thánh Phao-lô đã tường thuật trong thư của ngài: “Ơn Ta đủ cho con!”. Những buổi tối như vậy, tôi đã bớt trằn trọc và chìm vào giấc ngủ ngon.

Linh mục cũng nhiều khi nếm mùi thất bại, từ đứa trẻ con bảo nó không nghe, đến người lớn cứng đầu cứng cổ. Các bà các cô hay biếu xén, đem đồ ăn, quà bánh đến cho, nhưng ôi thôi, khi đã không hài lòng thì cũng chính họ xì xèo xí xéo nhiều nhất. Vậy nếu linh mục không có sức sống siêu nhiên, liệu ngài có e ngại khi giữa đêm khuya, vừa mới nằm ngủ, lại phải bò dậy đi kẻ liệt cho người ta? Liệu ngài có đủ sức khi cứ phải tiêu hao mình chạy theo những yêu cầu có khi không thích hợp của bổn đạo? Linh mục đôi khi cảm thấy xót xa khi khuyên người ta xưng tội nhưng bị từ chối? Chúa ôi, con chẳng được việc gì cho Chúa, nhưng con biết Chúa cứ bắt con làm, dù con không thấy kết quả. Có lúc cũng chán lắm, nhưng con cứ phải làm, vì biết rằng Chúa muốn con như vậy. Con chỉ xin Chúa một điều: đừng thử thách con quá vì sức con yếu đuối và rất dễ nản chí.

Tôi thiết nghĩ linh mục, cũng như hết thảy những ai muốn theo Chúa, luôn phải sống kiên trì, tuân theo ý Chúa, vì: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trời mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Vì chúng ta tất cả được kêu gọi nên thánh: “Anh em hãy nên thánh như Thân phụ anh em trên trời là Đấng thánh”. Chúng ta cứ an vui làm những gì Chúa bảo chúng ta làm, trước mặt Chúa chẳng có việc to việc nhỏ, và cũng chẳng có ai vĩ đại trước mặt Ngài.

Trên đây là chút cảm nghiệm bản thân tôi muốn chia xẻ trong ‘Năm Linh Mục’ bắt đầu từ 19-6-2009, do ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI đã công bố. Tôi muốn hãy cầu nguyện cho các linh mục và nâng đỡ các linh mục của Chúa. Cầu nguyện thật nhiều, vì lời cầu chân thành và khiêm tốn của chúng ta sẽ được Chúa nhận lời. Đó còn hơn các thứ quà tặng chúng ta có thể gửi đến cho các linh mục. Xin chân thành cảm ơn các anh em linh mục đồng nghiệp của tôi. Xin cảm ơn tất cả anh chị em giáo dân, những người tôi quen biết cũng như chưa quen biết, mà tôi mến yêu thật nhiều, vì tất cả chúng ta đều là chi thể trong thân mình mầu nhiệm Chúa Ki-tô.
 
Yêu linh mục
Mặc Trầm Cung
22:43 14/06/2009
Nhân ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục 19/6/2009

Linh mục hỡi!
Người là ai mà oai phong quyền bính,
Phán một lời Vua Trời cao ngự xuống,
Ẩn náu mình trong tấm bánh trắng tinh,
Nên Thần Lương thiết đãi tiệc ân tình,
Nên nguồn sống cho muôn người nương náu.


Trong bữa Tiệc Ly, trước giây phút chia tay, Đức Giêsu âu yếm trao ban cho các môn đệ một sứ mạng là nối tiếp tình yêu của Người nơi trần gian, đi gieo rắc tình yêu thương của Người khắp cùng bờ cõi trái đất, đi loan báo tình thương cứu độ đến với các dân tộc và để nâng đỡ sứ mạng cho các môn đệ, Người đã lập Bí Tích Thánh thể và Người truyền cho các ông: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22, 19).

Thiên Chúa mời gọi mọi Kitô hữu và ban ân sủng cho chúng ta để thi hành thừa tác vụ Kitô. Mọi Kitô hữu có trách nhiệm phải loan truyền tình yêu của Người và xây dựng Nhiệm Thể của Người một cách thực tiễn, nhưng cũng có lời mời gọi một cách đặc biệt chỉ dành cho một số ít người. Đó là lời mời gọi những tâm hồn quảng đại dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa mà can đảm lãnh nhận thừa tác vụ do chức thánh, đó là lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh. Thật lạ lùng, Thiên Chúa đã chia sẻ quyền bính của mình cho con người, Thiên Chúa đã phong Vương cho con người, nâng con người lên hàng Khanh Tướng, hàng Thượng Tế, nâng con người lên ngang hàng với Người qua thiên chức linh mục. Từ nay, để được ở cùng với con người mọi ngày cho đến tận thế Thiên Chúa sẵn sàng “vâng phục con người” mà từ trời cao ngự xuống trong hình bánh, hình rượu khi linh mục đọc lời truyền phép.

Nhưng Satan đã ghen tức với “món quà tặng thật tuyệt vời này” nó luôn luôn tìm cách phá vỡ nguồn hạnh phúc và mối quan hệ khắng khít của con người với Thiên Chúa. Chính vì thế, linh mục luôn luôn là đối tượng mà Satan nhắm đến, chúng tìm đủ mọi cách để hạ gục người linh mục, chiến thuật của chúng thường là đánh chủ chiên để cho đàn chiên tan tác. Chúng dùng đủ mọi chiêu bài, mọi kẽ hở để cám dỗ người linh mục, một trong các cuộc tấn công đó là chúng thường đưa các linh mục sa vào những đam mê dục vọng. Vì chúng thừa biết rằng dù là linh mục, Thiên Chúa vẫn không cất khỏi các linh mục những đam mê tính dục yếu hèn nơi thân xác mà Thiên Chúa đã đặt vào trong thân thể con người cơ quan có nhiệm vụ lưu truyền sự sống, để mời gọi con người tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong việc tạo dựng con người.

Nhưng tính dục được Thiên Chúa sắp đặt để phục vụ cho tình yêu, nó giữ một nhiệm vụ rất quan trọng là giúp con người quay về với chính Thiên Chúa là tình yêu, quay về sống mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế sự thu hút nhau một cách tự nhiên giữa hai người khác phái tự bản chất không phải là điều tội lỗi. Vì tính dục mà Thiên Chúa đã đặt trong con người, nó đã chi phối con người từ khi sinh ra cho đến khi trở về cùng Thiên Chúa. Tính dục là một công trình của Thiên Chúa nơi con người, như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng: “Thế nên tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người”.

Nhưng tiếc thay, những đam mê dục vọng, tôn thờ vật chất, tiền bạc đã trở thành ông chủ tối cao trong tâm hồn con người, trong đó bao gồm cả các linh mục, vì chạy theo danh vọng, chức quyền, thói kiêu căng, ngạo mạn, v.v…, chúng ta đã làm cho Đền Thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi thân xác mình ra nhơ nhớp, có một số các linh mục đã làm hoen ố món quà tặng cao quý là thiên chức linh mục mà Đức Giêsu đã phải đánh đổi bằng giá máu của Người.

Có một câu chuyện về một vị linh mục trẻ được cử về làm phó của một giáo xứ nọ để giúp cha chánh xứ một tay về các mặt mục vụ vì cha chánh xứ tuổi đã cao và hay ốm đau. Từ ngày có cha phó các đoàn thể trong giáo xứ đều khởi sắc qua năng lực và tài tháo vát, quán xuyến công việc của cha phó, từ chuyện hát hò của ca đoàn đến các hội đoàn trong xứ đều sinh hoạt rất phấn khởi và sôi nổi, ngoài tài năng của cha còn có một điều gì đó đã làm cho mọi người ngưỡng mộ đặc biệt nhất là các bà và các cô.

Thành thật mà nói cha rất “điển trai”, vóc dáng cao khỏe mạnh, nước da trắng hồng, mũi cao thanh nhã, cặp mắt trầm buồn như mặt nước hồ thu và nhất là một nụ cười thánh thiện đầy duyên dáng đã làm ngất ngây nhiều người, thậm chí ngay cả cánh đàn ông. Các Thánh lễ do cha phó cử hành thì thấy đông người tham dự hơn Thánh lễ do cha chánh làm, người ta nói rằng vì cha phó giảng hay hơn, nhưng có ai dám nói thẳng sự thật đang ngầm dấu kín, ấp ủ trong lòng, như một phụ nữ trong xứ đạo đã thốt ra:

Cha phó nhìn con, cha phó cười
Con nhìn cha phó, ruột gan sôi
Chiều nay ngắm cha phó dâng lễ
Đêm về trằn trọc nhớ khôn nguôi...


Thật vậy, chỉ một thời gian ngắn, cha phó đã thu hút được tất cả thiện cảm của giáo dân trong xứ nhất là các chị em ở “ca đoàn lớn” và các chị em ở “Hội con Đức Mẹ, Hội cháu Đức Bà” thì rất quan tâm đến cha phó, quan tâm đến cả sức khỏe của cha, cha chỉ hơi sổ mũi, nhức đầu thì các bà, các chị lo tíu tít nào là thuốc men và các thức ăn bồi dưỡng, nào là đường, sữa, trái cây chẳng thiếu thứ gì, dần dần rồi còn quan tâm đến cả ngày sinh nhật, ngày thụ phong linh mục của cha nữa, phải tổ chức chứ…, ai lại im lặng thế… thế là các bà, các chị tự nấu nướng, tự bày vẽ tất cả để mừng sinh nhật hoặc mừng ngày truyền chức của cha.

Thời gian đầu khi có việc phải vào cha phó, các bà, các cô thường đi tập thể, ít cũng phải từ ba người để tránh dị nghị lời ra tiếng vào, vào riết rồi quen, rồi từng người một, ai có việc gì thì cứ vào thẳng gặp cha chẳng còn e dè gì nữa. Đặc biệt là các “Nàng chiên ngoan hiền tre trẻ”, thích diện những bộ cánh model mới nhất khi có dịp vào cha, nếu có ai xầm xì nói đến chuyện ăn mặc thì các cô cho là quê mùa không hợp thời và còn xí cho một tiếng dài hằng cây số. “Áo thì cổ khoét sâu sâu, hông xẻ cao cao; lưng quần thì quá xệ... ” những lúc các cô lễ phép cúi đầu “con kính chào cha”, những khi các cô đưa cao tay tặng quà “con kính biếu cha”, nhiều khi cha ngượng đỏ cả mặt khi thấy các cô mặc quần áo "mát mẻ" nhưng vẫn cứ phải giả lơ.

Cứ thử ngẫm cái cảnh như thế này thì làm sao mà không bị chước cám dỗ; Vào một lần sinh nhật của cha phó, nàng chiên ngoan hiền ấy vào chúc mừng, ăn mặc ôi thôi thì thuộc loại model không đụng hàng lại kèm thêm đôi guốc cao gót xinh xinh, bước đi của nàng chiên không thua gì các người mẫu đang trên sàn diễn, rồi khi đang đứng bên cha trò chuyện “một cú ngã vô tình đầy tính nghệ thuật” làm cha phó giật mình hoảng hốt “Ôi! Lạy Chúa tôi. Con có sao không?”, Nàng chiên ngoan hiền được nước làm nũng, giọng nói thì kéo dài ra cho thêm phần truyền cảm, “Ứ ừ, con bắt đền cha đấy”.

Của đáng tội, cha mới nhậm chức chưa được bao lâu, về đây lại làm phó, cha đã có gì đâu, biết lấy gì mà đền bây giờ cơ chứ. Và rồi cha cũng tế nhị cúi xuống đỡ nàng chiên dậy, khi cha vừa cúi xuống thì mắt cha chạm phải "vùng trái cấm" qua chiếc áo rất hở cổ, làm hoa cả mắt... Đây chỉ là một câu chuyện minh họa để nói lên một thực trạng là vấn đề “yêu linh mục” và là một trong muôn hình vạn trạng các kiểu cám dỗ mà các linh mục phải đối diện.

Chúng ta vui mừng và tạ ơn Chúa vì tuyệt đại đa số các linh mục đã can đảm vượt thắng được các mưu chước cám dỗ của "bổn đạo" muốn được cha yêu qúi, mà vẫn vững bước trên con đường mà mình đã chọn, còn những người không cưỡng lại được cơn cám dỗ dục tình chỉ là con số ít oi, rất nhỏ.

Các linh mục không phải là “mình đồng da sắt”, không phải là con người khô khan mang trong mình “một con tim nguội lạnh tắt ngúm lửa tình”. Không! Các linh mục vẫn là một con người bình thường như bao con người bình thường khác, vẫn yếu hèn như bao con người yếu hèn khác. Dù là linh mục, Thiên Chúa cũng không miễn trừ cho các ngài khỏi phải đương đầu trước cơn cám dỗ, không cất đi khỏi các ngài “sự sa ngã” Vì tính dục mà Thiên Chúa đã đặt trong con người, nó đã chi phối các ngài, nó gây hấn, xâu xé các ngài, vì thế đòi hỏi các ngài phải tranh đấu, phải đương đầu với những khó khăn, để tính dục trong thân xác của các ngài không rơi vào hỗn loạn.

Các linh mục biết đón nhận nó, làm chủ nó, giáo hóa nó, bắt năng lực của nó đi vào khuôn phép và điều khiển nó, đưa nó vào trong việc phát triển nhân cách của mình. Các linh mục đã dùng lý trí và ý chí cùng với sự trợ giúp của ơn Chúa ban qua các bí tích, các linh mục đã chế ngự được nó. Thật gay gắt nhưng các linh mục phải luôn vượt thắng, và nhất là các ngài luôn ý thức rằng “thân xác mình là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần” cùng với ơn gọi linh mục các ngài là người thuộc về Thiên Chúa, đại diện cho Thiên Chúa vì thế các ngài còn phải là một tấm gương sáng cho đàn chiên của mình, để người đời nhìn vào đời sống của các ngài mà nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô đã nói: "Thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế anh em đâu còn thuộc về mình nữa. Vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em" (1Cr 6:19-20).

Vậy, giả sử cha phó và nàng chiên ngoan hiền như câu chuyện ở trên rơi vào “đam mê tình ái” thì sao nhỉ? Ai là người đáng thương, ai là kẻ đáng trách? Cha phó hay nàng chiên?

Với nhửng cảnh huống như vậy, thiết nghĩ cả cha phó và nàng chiên phải biết "giữ mình" và phải cương quyết lập một "giới tuyến và khoảng cách nhất định" trong việc giao tiếp. Tất cả đều phải canh chừng và đề phòng vì Satan là kẻ luôn rình mò trong bóng đêm, tạo những cớ vấp phạm cho con người, hòng muốn tách biệt con người sống xa rời tình thương của Thiên Chúa, bằng cách là cám dỗ con người phạm tội như ngày xưa chúng đã từng cám dỗ nguyên tổ loài người.

Đề cập đến vấn đề tính dục và xác thịt là những cám đỗ mà ai trong chúng ta cũng phải đối diện và đó là thực trạng có thật trong đời sống, và ngay cả với những người có ước nguyện tận hiến đời mình cho Thiên Chúa trong sứ vụ linh mục. Cần phải nhìn nhận thẳng thắn và hiểu biết về sự yếu đuối, mỏng dòn nơi người linh mục để từ đó chúng ta có cái nhìn thông cảm và nâng đỡ và giúp đỡ các linh mục nhiều hơn nữa. Vì các ngài phải chiến đấu thật gay gắt và kiên trì để gìn giữ “Viên Ngọc Qúy” mà Thiên Chúa đã cất giữ trong một bình sành dễ vỡ là nơi thân xác các ngài. Dù bao cám dỗ, dù bao yếu đuối, dù mỏng dòn các ngài luôn biết dựa vào ơn Chúa để vượt thắng và quyện tròn tất cả những tiếc nuối, những cám dỗ đó trong lời kinh nguyện như một hy lễ tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa.

Bước trần ai giữa dòng đời sôi động,
Bao đam mê thúc giục tham sân si.
Luôn trung kiên vui tiếp bước tu trì,
Đức Trinh Khiết quyện tấm lòng chung thủy.


Chúng ta đang sống trong một xã hội mà Thiên Chúa đang bị loại trừ một cách công khai, một môi trường xã hội đang muốn triệt tiêu những giá trị của Tin Mừng, một xã hội lấy khoái lạc, đam mê làm mục đích cuộc đời, kích thích và khai thác bản năng tính dục với mục đích thương mại, một lối sống đưa con người đặc biệt là giới trẻ chỉ biết sống hưởng thụ và bị ám ảnh bởi tình yêu thể xác, phủ nhận mọi giá trị luân lý, như phong trào sống thử, tự do luyến ái và dẫn đến tự do nạo phá thai. Chuyện nạo phá thai ngày nay không những được thực hiện một cách hợp pháp mà còn là một thành tích phải đạt được nữa.

Chính vì thế, sự chế ngự tính dục để vượt thắng được các cơn cám dỗ, quyết tâm tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân, chính tấm lòng quảng đại và sự phục vụ vô vị lợi, biết dấn thân hy sinh vì người khác của các linh mục đã giúp cho xã hội này bớt đi những cơn khủng hoảng, những sự căng thẳng giữa một cuộc sống xô bồ, chính sự hiện diện của các linh mục đã làm cho cuộc sống này có một ý nghĩa cao đẹp hơn, sự hiện diện của các linh mục giữa cuộc đời này thật đáng trân trọng và quý hóa biết bao, các linh mục thực sự là một Đền Thờ sống động của Chúa Thánh Thần thật sáng chói giữa cuộc đời.

Linh Mục ơi! Tấm lòng vàng cao quý,
Người là hiện thân của Đấng chết vì yêu.
Rất quý trọng, mến yêu người thật nhiều,
Dâng lời kinh cảm tạ,
Dâng lời cầu nguyện ước,
Cầu chúc người luôn vững bước tin yêu.


Vậy khi có một linh mục sa ngã chúng ta hãy có một tấm lòng khoan dung, nâng đỡ an ủi, và tìm cách này hay cách khác giúp đỡ nhất là dùng lời cầu nguyện xin ơn Chúa đến giúp cho linh mục ấy mau chỗi dậy mà quay về với ơn gọi đích thực của mình, còn nếu như chúng ta khinh thường lại đưa vấn đề của linh mục đó ra bàn tán, chê bai, dè bỉu là chúng ta đã sập bẫy satan, nó không những đã thành công trong việc hạ gục linh mục mà còn thành công trong việc chia rẽ giữa chủ chăn và con chiên. Lần giở trong Tin Mừng ta thấy thái độ của Đức Giêsu đối với người phụ nữ phạm tội ngoại tình, với Giakêu, với Lêvi …. chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta có một tâm tình như vậy đối với những người tội lỗi, đặc biệt là đối với các linh mục sa ngã vào đường tình ái, hơn nữa chúng ta đều là anh chị em với nhau trong cùng một Đức Tin và một Phép Rửa.

Một vị thánh mà không gặp thử thách là thánh giả, để chiến thắng được những thử thách trần gian, đòi hỏi các linh mục và chúng ta phải trả giá. Chế ngự được tính dục và những cám dỗ vật chất và danh vọng, nó sẽ mang lại cho người chiến thắng điều tốt đẹp, đó là "niềm vui địch thật”, và đem lại “sự tự do thiêng liêng đích thật”.

Vậy chúng ta hãy cảm thông cho các linh mục. Các ngài cũng là những con người yếu đuối nhưng được Thiên Chúa yêu thương mời gọi cách đặc biệt và trao ban cho một thiên chức, một sứ mạng, một nhiệm vụ phải hoàn thành. Nhưng các ngài vẫn bị cám dỗ đeo đuổi và có thể vấp ngã bất cứ lúc nào. Vì các Ngài muốn theo gương Đức Giêsu một cách trọn vẹn trong đời sống độc thân để trở nên một dấu chỉ độc đáo giữa một thế giới đầy u mê, đời sống của các ngài diễn tả một thực tại Đức Ki-tô ở giữa nhân loại chúng ta. Các linh mục là những người đã can đảm đáp lại ba lần câu hỏi của Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Ta không?” chính lời đáp trả mạnh mẽ, đầy kiên cường đó, các ngài đã trở thành mục tử nhân lành đã được Giáo Hội thay mặt Chúa Giêsu tin tưởng giao phó chăn dắt đàn chiên của Chúa.

Các linh mục đã trở thành mẫu gương sống động, là hiện thân của Chúa Giêsu là một Kitô khác - Alter Christus, ắt hẳn các ngài được Thiên Chúa Cha yêu thương, bảo bọc nâng đỡ một cách đặc biệt, được Chúa Thánh Thần soi sáng và đồng hành. “Vì mỗi linh mục đều là hiện thân của Đức Ki-tô theo cách thức riêng của mình, nên ngài nhận được những ơn riêng”, và bởi vậy, được vững mạnh để hành động nhân danh Đức Ki-tô theo đường lối đặc biệt (Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống các Linh mục, số 1, số 12). Hơn nữa, các ngài còn có một điểm dựa vững chắc đó là Giáo Hội. Ngoài ra, các ngài cũng còn cần đến chúng ta là những giáo dân thiện chí biết cộng tác, nâng đỡ, sẻ chia trách nhiệm và cầu nguyện cho các ngài trong tâm tình kính trọng và mến yêu.

Trong tâm tình mến yêu và kính trọng, xin kính tặng các linh mục đang gặp nhiều thử thách trong cuộc sống bài thơ “Lời Kinh Chiều” này với một niềm thương cảm.

Lời kinh nguyện chiều nay,
Lao đao hồn chới với, tâm tư con rối bời.
Lời kinh nguyện chiều nay,
Vương sầu bao thương nhớ, thầm dệt bao ước mơ.
Lời kinh nguyện chiều nay,
Lưu luyến làn mây bay, nghẹn ngào nước mắt cay.
Lời kinh nguyện chiều nay,
Xuyến xao tình nhân thế, lạc loài trong đam mê.

Sao còn tiếc một nụ hoa?
Ngọt ngào hương thơm quá, êm êm rót môi mềm.
Sao còn tiếc một vòng tay,
Chiều đông buồn dạo phố, hòa nhịp tim ngất ngây.
Sao còn tiếc chiều thu bay,
Thương tóc huyền buông lơi, giận hờn lệ rơi rơi.
Sao còn tiếc lời ê a,
Trẻ thơ đùa vui quá, nắng chiều vang câu ca.

Con dâng, con dâng Chúa! Đây con tim mọn hèn.
Con dâng, con dâng Chúa! Cuộc tình nào say men.
Xin dâng, xin dâng Chúa! Xác thân vương bụi tình.
Xin dâng bao tiếc nuối, quyện tròn trong hương kinh.

Lời kinh nguyện chiều nay,
Con dâng niềm tiếc nuối, con tim trót đong đầy.
Xin Chúa rộng vòng tay,
Khoan dung tình tha thứ, bụi đời con trót vương.
Xin Chúa mở tình thương,
Ban xuống nguồn ơn thiêng, dạt dào hồn trinh nguyên.
Để kinh nguyện chiều mai,
Hướng tâm hồn lên Chúa, nồng nàn tình đắm say.

Con dâng, con dâng Chúa! Đây con tim dại khờ.
Con dâng, con dâng Chúa! Cuộc đời và ước mơ.
Xin dâng, xin dâng Chúa! Trái tim yêu đượm tình.
Xin dâng bao thương nhớ, quyện tròn trong hương kinh.


Lạy Trái Tim nhân lành Chúa Giêsu Kitô xin ban ơn thánh hóa và gìn giữ các linh mục của Chúa, vì thế giới này đang cần đến sự hiện diện của các ngài biết bao. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tham gia cùng các người diễn hành cho hoà bình cách thiêng liêng
Bùi Hữu Thư
13:25 14/06/2009

Đức Thánh Cha tham gia cùng các người diễn hành cho hoà bình cách thiêng liêng



Rôma, ngày 12, tháng 6, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đã cam đoan ngài sẽ đồng hành với các người diễn hành cho hòa bình lần thứ 31 cách thiêng liêng từ Macerata đến Loreto.

Đức Thánh Cha bầy tỏ lời chúc lành trong một điện văn gửi cho các tham dự viên đã khởi hành ngày thứ bẩy vừa qua. Ngài cũng ban phép lành cho ngọn đuốc hòa bình ngày thứ tư tuần qua trong buổi tiếp kiến chung.

Điện văn của Đức Thánh Cha cam đoan với họ về sự “hiện diện cách thiêng liêng” của ngài. Cuộc diễn hành được Phong Trào Hiệp Thông và Giải Phóng cùng các nhóm khác trong giáo hội tổ chức.

Ngài thêm rằng “ước vọng tha thiết” của ngài là các “tham dự viên trong cuộc diễn hành cầu nguyện và suy niệm ban đêm này có thể cảm nhận được niềm hân hoan của Chúa Kitô” và “sự cầu bầu của Đức Nữ Đồng Trinh, Mẹ của Hy Vọng."

Đức Thánh Cha cầu xin cho họ được ban “hồng ân tràn đầy của Thiên Chúa,” và khẳng định rằng họ đã được ban phép lành đặc biệt của Tòa Thánh.
 
Những Tôma yếu tin; những hiểm nguy của xuẩn ngốc
Phụng Nghi
19:37 14/06/2009
ROME (Zenit.org) - Tuần lễ này cả thế giới Công giáo mừng kính một trong những ngày lễ quan trọng, đặc biệt, là Corpus Domini (Lễ Mình Máu Thánh Chúa). Năm 1264, Giáo hoàng Urbano IV thiết lập lễ này liền sau phép lạ tại Bolsena, một trong những phép lạ Thánh thể thời danh nhất qua mọi thời đại.

Phêrô, một linh mục thành Prague, tâm trí bối rối vì nghi ngờ giáo thuyết về Chuyển bản thể (Transubstantiation, là tín điều dạy rằng lúc truyền phép, bánh và rượu thực sự biến hóa thành Mình và Máu Chúa Kitô) nên cầu nguyện xin Chúa giúp mình tăng thêm đức tin. Thiên Chúa đáp lại bằng một phép lạ. Lúc cha Phêrô đọc lời truyền phép, chiếc bánh ngài cầm trong tay liền nhỏ máu. Dấu hiệu lạ lùng này giúp kiên vững đức tin của một thời đại bị tấn công dồn dập bởi hoài nghi và lạc thuyết.

Lời văn trong nhiều nhạc bản Latinh về Thánh thể nổi tiếng nhất, như bài “Tantum ergo” và “Lauda Sion” đã được Thánhh Tôma Aquinô viết để mừng kính lễ lớn này một cách xứng đáng. Nhiều vùng tại Ý người ta cử hành ngày này long trọng với các đám rước – chẳng hạn như ở Genazzano, các đường phố có những hàng dài những bức tranh ghép bằng hoa – nhưng cuộc rước quan trọng nhất là ở Roma, nơi Đức thánh cha cử hành thánh lễ tại nhà thờ Thánh Gioan Lateran, và sau đó kiệu Mình Thánh Chúa đi về Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.

Tuy ngày lễ này được thiết lập là để mừng phép lạ tại Bolsena, nhưng cũng đã có nhiều phép lạ Thánh Thể khác trên khắp thế giới được ghi chép lại. Năm 2005, Hiệp hội Hiện diện Đích thực (Real Presence Assoctiation) đã phát hành một bản thư mục về “Những Phép lạ Thánh thể trên Thế giới” trong cuộc triển lãm tại Roma để minh họa cho biết sự Hiện diện Đích thực của Chúa trong phép Thánh thể đã được thể hiện trên khắp thế giới ra sao.

Tại Roma, đã có hai phép lạ cách nhau cả một ngàn năm. Phép lạ thứ nhất xảy ra trong thời đại Đức giáo hoàng Grêgoriô Cả, và phép lạ thứ hai là trong triều đại Giáo hoàng Phaolô V Borghese.

Vào năm 595 khi Giáo hoàng Grêgoriô đang cử hành thánh lễ tại một giáo đường ở Roma, lúc sắp đến nghi thức truyền phép, người phụ nữ quý tộc người Roma phụ trách việc làm bánh lễ bắt đầu cười lên, không tin rằng bánh trái làm từ trong chiếc lò nướng của bà lại có thể trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Giáo hoàng Grêgoriô, choáng váng vì thấy bà thiếu lòng tin, từ chối không cho bà rước lễ. Nhưng lúc ngài đọc lời cầu nguyện trên bánh thánh, bánh biến hình rõ rệt thành thịt. Người phụ nữ quỳ gối xuống ăn năn. Di tích của phép lạ này hiện còn tại Andechs, nước Đức, tuy nhiên một bức bích họa do Pomarancio thực hiện nay đã bị hư hại, thuật lại câu truyện này vẫn còn thấy được tại cổng xây ngôi Nhà thờ Thánh Grêgoriô trên Đồi Celian ở Roma.

Tuy nhiên phép lạ Thánh thể danh tiếng nhất lại xảy ra trên Đồi Esquiline, tại một trong những thánh đường cổ kính nhất của đô thị. Truyền thuyết cho rằng Thánh Phêrô đã nhận được sự tiếp đãi rất hiếu khách trong ngôi nhà của Nghị viên Pudens, cha của hai vị Thánh Praxedes và Pudenziana là những người nổi tiếng vì đã thu lượm máu của các vị tuẫn đạo.

Địa điểm thời danh đó được mau chóng biến cải thành một ngôi thánh đường và nơi đây cho đến nay vẫn còn chứa những bức tranh đạo Công giáo khảm ghép cổ xưa nhất thế giới. Vương cung thánh đường này trước kia được nhiều vị giáo sĩ nổi tiếng bảo trợ, và đẹp lộng lẫy với những bức họa, tranh ghép và những mặt đường sang trọng suốt bao nhiêu thế kỷ. Nhưng quà tặng quý giá nhất mà thánh đường này nhận được là đặc ân có một phép lạ xảy ra nơi đây năm 1610.

Trong khi cử hành thánh lễ trong nhà nguyện Caetani của thánh đường, một linh mục yếu nhân đức tin đánh rơi Bánh thánh sau khi đã truyền phép (có người lại kể rằng ông cố ý để rơi Bánh thánh đó). Bánh thánh rơi trên lối đi, làm loang lổ máu trên đá cẩm thạch. Cho đến nay, dấu tích của phép lạ này vẫn còn nhìn thấy được, đó là hình dạng những vết máu in trên lối đi.

Một yếu tố chung trong các chuyện kể về những phép lạ này là sự hồ nghi. Hồ nghi vì khổ não, hồ nghi vì nhạo báng hoặc hồ nghi vì bất kính đến với mỗi một trong những người nhìn thấy được những dấu lạ này. Hiếm khi nào có nhiều lộn xộn và bất định hơn thời đại chúng ta ngày nay, và những phép lạ này chứng tỏ cách thức Thiên Chúa cố gắng giúp chúng ta lướt thắng được những giờ phút đen tối trong cuộc đời để chúng ta có thể tuyên xưng cùng với Thánh Tôma Tông đồ như thuở trước: “Lạy Chúa là Chúa của con.”

* * *

Cái giá phải trả của sự thỏa hiệp

Năn 1440, máy in được chế tạo đã cho thế giới có được những cuốn sách sản xuất ra hàng loạt, biến đổi và làm phong phú cuộc sống con người mãi mãi. Thế rồi sách đến lượt được tiếp nối bởi những tờ báo đầu tiên. Và đến đúng thời điểm, ý kiến riêng tư (không phải của nhà báo) bắt đầu phát sinh trong hình thức của những tập sách mỏng.

Những nhà học giả, những nhà bình luận thời Phục hưng có nhiều điều để viết ra. Trong thời kỳ náo động của cuộc Cải cách, nhiều người đã đi lạc bước khỏi các vị lãnh đạo tinh thần và thay vào đó quay qua lối văn chương tranh đấu phức tạp.

Lạc giáo xuất hiện bên cạnh giáo lý tốt đẹp, còn lầm lạc thì tràn lan. Hôm nay người ta có thể đọc sách của John Calvin, ngày kế tiếp lại đọc cuốn Bảo vệ Bẩy Nhiệm tích. Trong lúc Giáo hội bị thử thách ngay trong những giảng huấn chủ yếu nhất, còn giáo dân lênh đênh vô định, thì một số học giả thấy cơ hội chính mình tự làm nên tên tuổi bằng cách dễ dãi lao vào những vấn đề của thời điểm đó, không thực sự đứng về phe nào trong cuộc luận chiến thần học.

Erasmus tại Rotterdam là một con người cơ hội như thế. Tuy trên danh nghĩa ông vẫn là người Công giáo suốt thời kỳ Cải cách, nhưng những bài viết và văn thơ châm biếm của ông gây ra nhiều điều bất định, đến độ cuộc canh tân Công giáo của thế hệ tiếp nối kết án cho rằng ông đã “đẻ ra trái trứng để nở thành cuộc Cải cách.”
Erasmus


Năm nay đánh dấu năm thứ 500 ngày cuốn sách châm biếm thời danh nhất của Erasmus ra đời, đó là cuốn “Vinh danh Folly (In Praise of Folly).” Trong cuốn sách này ông cho những người theo phong trào Cải cách mượn ngòi bút chua cay của mình để than phiền, nhạo báng giễu cợt các vị giáo hoàng, các nhà thần học và tu sĩ (và bao nhiêu người khác nữa). Cuốn sách được viết với Folly làm ngôi thứ nhất (dĩ nhiên là một phụ nữ. Folly cũng là một vị nữ thần trong thần thoại), hả hê đắc chí về sự thống trị và những chiến công của nàng.

Erasmus được hưởng một nền học vấn nhân bản tốt đẹp, đã triển khai lối hành văn hoa mỹ bằng La ngữ và tài khéo ứng đối trong những cuộc luận chiến về tôn giáo. Nhưng vì công khai hóa các vần đề căn cội đức tin Công giáo đang phải đối đầu, và gục gặc đầu khuất phục đúng vào lúc có tiếng hát của người Tin Lành đòi “thay đổi”, ông đã làm mất đi nhuệ khí và làm nản lòng nhiều bạn hữu đồng đạo Công giáo của ông.

Chuyện Erasmus đặt huấn quyền của giáo hoàng vào hàng thứ yếu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm tai hại đến thẩm quyền của giáo hoàng. Tự tin ở phán đoán riêng của mình và danh tiếng cá nhân, Erasmus không hề tìm kiếm sự cố vấn nào từ Roma để xem những bài viết của ông có thể ảnh hưởng trên những người tranh luận với các lực lượng của phe Tin lành như thế nào. Đọc tác phẩm của ông, một số người Công giáo thiếu sáng suốt nghĩ rằng việc công khai chỉ trích, phê bình Giáo hội là chương trình nghị sự cần đem ra thực hiện.

Di sản Erasmus để lại minh chứng cho thấy những mối nguy cơ coi thường tín lý khi tiếp cận một cách nông cạn hẹp hòi với những vấn đề lớn của thời đại. Trong lúc phép Thánh thể bị gạt bỏ hoặc coi thường hết nơi này đến nơi khác ở châu Âu, thì Erasmus chọc những lời đùa cợt vào những người cố gắng giải thích giáo lý Chuyển bản thể. Gạt bỏ vai trò của thần học trong Giáo hội ra một bên, ông rơi vào tay những người Tin Lành biệt giáo, những người nhanh chóng coi như Erasmus là người của bọn họ.

Thứ xuẩn ngốc như thế dẫn đưa đến những hậu quả bi thương trong trường hợp của Erasmus. Năm 1535, người bạn thân thiết từ lâu và có giao thiệp thư từ qua lại với Erasmus là Thomas More bị trảm quyết ở Anh. Hai người bạn đồng liêu đã cùng đi đến một ngã ba đường. Vua Henry VIII cố cưỡng ép Thomas More hành động trái với đức tin và lương tâm là chối từ Thẩm quyền của Giáo hội. Thomas không thể làm thế. Còn Erasmus thì im lặng.

Ngòi bút thường lúc nào cũng sẵn sàng để viết của Erasmus đã không dính một giọt mực nào suốt trong vụ xét xử, cầm tù và giết hại Thomas More bạn ông. Bất kể là bị tê liệt do hèn nhát hay thỏa hiệp, kết quả của tính đỏm dáng về chính trị của ông chắc phải là một điều gây ra đau đớn.

Hiển nhiên là với trí tuệ thông minh và sáng suốt, Erasmus hy vọng đóng một vai trò quan trọng trong các biến cố của thời đại mình. Nhưng ông thiếu đi sự trong sáng của lương tâm và niềm ao ước chân lý là những đặc tính của Thomas More bạn ông. Erasmus tự an ủi bằng cách viết rằng sự xuẩn ngốc là một con đường dễ dãi dẫn đưa đến tha thứ, cho phép người ta đổ lỗi những bước lầm lạc và sai sót lên những ngu đần của tuổi trẻ. Nhưng trong lúc Thomas More sẽ được tôn kính trên các bàn thờ vào ngày lễ kính thánh nhân 6 tháng 7 hàng năm, thì Erasmus mãi mãi sẽ được người đời ghi nhớ như con người viết nguệch ngoạc sách vở giữa lúc Roma bị thiêu đốt.

* * *

Nguồn: Elizabeth Lev/zenit.org
 
Hàng cột Bernini ở Quảng trường Thánh Phêrô được Vatican cho trùng tu trong 4 năm
Peter Nguyễn Minh Trung
20:08 14/06/2009
VATICAN (CNA) - Giám đốc Bảo tàng viện Vatican, Antonio Paolucci, vừa cho biết Hàng cột Bernini bao quanh Quảng trường Thánh Phêrô sẽ trải qua đợt trùng tu trong 4 năm, bao gồm "tất cả tượng các Thánh bên trên hai dãy của hàng cột."

Kế hoạch trùng tu 248 Hàng cột Bernini được trình bày hôm 11 tháng 06 vừa qua ở Milan. Hàng cột Bernini được xây dựng và thiết kế bởi nhà điêu khắc kiêm kiến trúc sư lừng danh mọi thời đại Gian Lorenzo Bernini năm 1657, việc xây dựng này được chính Đức Giáo Hoàng Alexander VII phê chuẩn. Theo ông Paolucci, quá trình tu bổ sẽ tập trung vào việc khôi phục trên mái hàng cột và các máng nước bên trên, những khu vực bị ảnh hưởng do lượng Sulphuric tăng cao có thể xuống cấp cũng sẽ được làm sạch.

Ông Paolucci cho biết ý tưởng xây dựng của kiến trúc sư Bernini dựa vào "hình thái của toàn bộ thành phố Rome và đặc trưng của Quảng trường Thánh Phêrô, hai hàng cột như hai cánh tay dài ôm lấy Quảng trường, ôm cả thành phố Rome và toàn thể nhân loại, nó như thể một công trình kiến trúc ôm lấy không gian bao la. Bernini muốn chuyển hóa không gian thành phố thành không gian thần thánh để làm cho Vatican trở thành một thế giới khác, tạo ra điều kỳ diệu phi thường của kiến trúc làm cho người ta ngạc nhiên."

Ngoài Hàng cột Bernini và vô số tác phẩm điêu khắc nghệ thuật khác tại Vatican, Gian Lorenzo Bernini còn được biết đến với tác phẩm vĩ đại "Bàn thờ Tuyên Xưng Đức Tin" tại chính điện của Đền thờ Thánh Phêrô, nơi Đức Giáo Hoàng cử hành những Thánh lễ đại triều.

Nhắc đến Vatican, người ta liên tưởng đến ngay nơi đây là "Thánh đô Công giáo" hoàn vũ, những người am hiểu nghệ thuật thì xem Vatican như "Vương quốc của nghệ thuật vĩnh hằng" với vô vàn những kiệt tác của nhân loại, Viện bảo tàng Vatican (một trong 3 bảo tàng viện cổ kính và lớn nhất thế giới với những bảo vật vô giá của loài người), Thư viện Vatican (một trong 3 thư viện lớn và cổ kính nhất thế giới với hàng triệu đầu sách và các bản thảo cổ xưa làm say mê muốn được nghiên cứu của các học giả nổi tiếng khó tính nhất), những bức phù điêu và những tượng điêu khắc, nhà nguyện, đền thờ huyền thoại do những kiến trúc sư vĩ đại thiết kế như Michelangelo (họa sĩ, kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại, người đã cống hiến gần trọn cuộc đời tại Vatican với hai tác phẩm tiêu biểu là bức bích họa "Ngày Phán Xét" trong Điện Sixtine - nơi bầu Giáo hoàng, và công trình Đền thờ Thánh Phêrô), họa sĩ lừng danh Bramande và Raphael, kiến trúc sư bậc thầy Bernini, các danh họa lỗi lạc như Perugino, Botticelli, Signorelli, Roselli, Domenico Fontana, Filarete...Ngoài những lý do tôn giáo, Vatican thực sự là một kho báu của nghệ thuật vô giá."

Ngoài những công trình vĩ đại kể trên, Vatican còn có vô vàn công trình nghệ thuật khác. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, bao thăng trầm và đổi thay của lịch sử, những công trình nghệ thuật đó vẫn có sức hút kỳ lạ đối với bao du khách và các nhà nghiên cứu mỗi lần ghé thăm.

Vatican được công nhận là một quốc gia độc lập nhỏ bé nhất thế giới vào ngày 11-02-1929 theo hiệp ước Lateran giữa chính quyền Mussolini và Đức Giáo hoàng Pius XI. Dù chỉ rộng 0,44 km vuông với số dân vỏn vẹn 1.000 người nhưng Vatican thật sự là một vương quốc giàu có về nhiều mặt và đầy quyền năng với một bộ máy hành chính hoàn hảo gồm: Bộ Ngoại giao, báo chí, quân đội, bưu chính, ngân hàng, đài phát thanh và Viện hàn lâm khoa học Giáo hoàng…v.v.

Vatican được cả thế giới biết đến với một cái tên khác: "Thành đô Vĩnh cửu".
 
Top Stories
Sisters on the brink of being thrown out of their only home.
Emily Nguyen
04:04 14/06/2009
On June 11, 2009 Sisters from the Order of Cross Lovers in Thu Thiem - a suburb of Ho Chi Minh city, formerly known as Saigon- had been asked by the 2nd district government to come to a meeting in which they were informed about the governmental decision to "move" them out of the only home they've been living in for almost 170 years.

Sisters were told their house to be seized
This has been a devastating news to the sisters as well as to the school children and poor locals they have been serving. This home, situated on just 3.5 acres of land is the remnant of what's left for them to live and carry on their charitable activities after the same government had confiscated 100 acres of land along with a middle and a high school from them without a fight right after Saigon's fell into Communism in 1975, even though it was the land the sisters had spent countless amount of time and labor to convert the wet, tropical, and wooded areas into livable homes, schools and farm to support themselves and the local indigents they were sent to serve since the early days in 1840.

So much tear had shed in silence when the sisters suffered from the first confiscation, but due to their peace loving nature, not to mention their fear for being retaliated if they spoke out, the sisters didn't file any complaint against the government's illegal action and accepted the harsh reality. They picked up the pieces which were within remaining 3.5 acres land lot plus their broken heart and moved on. But this time they have no choice, since being thrown out of the only home is the last straw that made them decide to break their silence and vowed not to be once again allow another injustice being done onto them. They vowed remain in their home and fight not only for their rights but also for the benefit of those at the receiving end of their charity, the underprivileged and the school children. In this modest lot of land, the sisters had built a church, a convent, academic and vocational schools, an animal farm, a nursing home, a clinic, and a kindergarten with 400 little students are attending. So many lives will therefore be affected should the sisters be moving out to another location as not everyone can also be relocated to where the sisters are going to be residing at.

It has become evidence that in the recent years, along with the national economic reform comes the booming business of land developing, especially in the areas alongside Bach Dang River or Saigon suburban. Land values in the area where the Thu Thiem Cross Lover sisters are residing is sky rocketing, thus the desire to remove the sisters' home of the public official-turn-businessmen is always brewing. Rumors are flying that unless they take advantage of the inconsistent land policy now to get rich, they will not be able to gain much should the government gives in to the people’s demand to reform such outdated policy in the near future.

The Sisters of the Cross Lover are not the only ones who fall prey to the government ill-received land policy.

On early of December last year, sisters of St Paul of Chartres in Vinh Long were filled with hope when they received a letter from the People's Committee of Vinh Long province politely inviting them to a meeting to discuss on the requisition of their home. For a long time, they had never seen such a polite letter from the local government. However, on arriving to the meeting on Dec. 12, they soon found out they were in fact being the victims of a cheap trick played by the government officials.

The meeting turned to be a news conference to announce the government’s seizure of their monastery. In addition, their presence at the conference was distorted by state media as their contents with the government’s decision.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gần 100 em thiếu nhi giáo xứ chính tòa Phủ cam Huế rước Lễ lần đầu
Trương Trí
05:04 14/06/2009
HUẾ - Sáng Chủ nhật ngày14.06,lễ kính trọng thể Mình Máu Chúa Kitô. Giáo xứ chính tòa Phủ cam hòa chung niềm vui với gia đình 96 em thiếu nhi được rước Chúa lần đầu.Các em hớn hở và rạng ngời trong những bộ đồng phục đẹp đẻ: nam thì quần xanh áo trắng thắt nơ đỏ, nữ với áo đầm trắng đội vành hoa trên đầu trông thật dễ thương tiến lên Cung Thánh để đi vào thánh lễ trọng đại ghi lại dấu ấn đậm đà nhất của cuộc đời các em.

Linh mục Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thương chủ tế trong bài giảng lễ đã nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh thể. Ngài nói: hôm nay cùng với giáo hội, chúng ta cử hành mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa. Trong bữa tiệc Ly, chính Chúa Giêsu đã thực hiện điều kỳ diệu còn hơn cả việc hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana, bởi vì trong bữa tiệc Ly thì ngài đã biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Ngài. Thánh sử Marco mô tả bữa tiệc ly thât sống động: đang khi ăn, Chúa Giêsu cầm lây bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta. Rồi Người cầm lấy chén tạ ơn và nói: Này là Máu Ta, máu Tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người, các con hãy cầm lấy mà uống.

Từ tiệc cưới Cana đến phép lạ hóa bánh ra nhiều tại Capharnaum để nuôi 5 ngàn người, Chúa Giêsu hứa ban cho dân Người một bữa tiệc kỳ diệu. vì thế Ngài đã lập Bí tích Thánh thể, các tông đồ tiếp nối sứ mệnh của Ngài để cử hành bữa tiệc Thánh thể đến muôn đời. Linh mục chủ tế đã nhắc nhở các em rước lễ lần đầu hãy siêng năng đến với Bí tích Thánh thể, Chúa luôn chờ đợi các em trong thánh lễ hàng ngày.

Trong buổi rước lễ, các em cùng cha mẹ vinh dự được rước Mình và Máu Thánh Chúa.

Kết thúc thánh lễ, cha quản xứ Anton Dương Quỳnh cùng cha chủ tế đã chụp hình lưu niệm với các em và các giảng viên giáo lý, đây là những người đã nhiệt tình dày công vun đắp tinh thần cho các em trong những tháng ngày chuẩn bị rước Chúa vào lòng.



 
Thư mục vụ Tòa Giám Mục Phan Thiết
+ GM Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
05:10 14/06/2009
Tòa Giám Mục Phan Thiết

Kính gởi: Quí Cha, Quí Tu Sĩ Nam Nữ,
Chủng Sinh và Cộng Đồng Dân Chúa Giáo Phận Phan Thiết.

Anh Chị Em thân mến,

Năm nay là năm kỷ niệm 150 năm Thánh Gioan Maria Vianney, vị linh mục gương mẫu, cha sở họ Ars, Đức Thánh Cha muốn nhân dịp này mở một “Năm Linh Mục” đặc biệt, từ ngày 19/6/2009-19/6/2010. Chúng ta hãy lợi dụng cơ hội này để hiểu và sống sâu xa thiên chức Linh mục, theo gợi ý của Đức Thánh Cha và Thánh Bộ Giáo Sĩ, trong tâm tình cầu nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể thánh hóa các Linh mục của Chúa vì lợi ích cho Hội Thánh và các linh hồn.

Năm Linh Mục là cơ hội để Hội Thánh bày tỏ cho tất cả mọi người biết rằng Hội Thánh “hãnh diện về các Linh mục của mình, yêu mến, tôn trọng, ngưỡng mộ và biết ơn vì công việc mục vụ và cuộc chứng tá của các vị. Thực vậy, các linh mục thật là quan trọng, không những vì những gì các vị làm, nhưng còn vì sự hiện diện của các vị.”

Các Linh mục hãy trung thành sống sâu xa ơn gọi của mình. Năm đặc biệt này muốn tạo điều kiện giúp các linh mục hướng về sự trọn lành thiêng liêng vì “hiệu năng sứ vụ của các vị tùy thuộc sự trọn lành này”. Vì thế, đối với các linh mục, đây là năm cầu nguyện đặc biệt, một năm canh tân linh đạo của hàng linh mục và của mỗi linh mục. Hội Thánh muốn các linh mục dâng thánh lễ sốt sắng hơn và hạnh phúc biến mình thành con người của Thánh Thể.

Các Tu sĩ nam nữ hãy đồng hành với các linh mục trong lời cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa. Thói quen chọn một linh mục để cầu nguyện nên được khuyến khích và duy trì trong cộng đoàn các dòng tu. Vì “Thánh Thể là trung tâm linh đạo linh mục”, siêng năng chầu Mình Thánh Chúa để thánh hóa các linh mục là việc thiêng liêng đáng trân trọng.

Các Chủng sinh trong thời gian sống trong chủng viện, hãy hướng về thiên chức linh mục bằng việc luyện tập sống gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, song song với việc đào luyện mình thành “linh mục tương lai đòi hỏi nhiều khả năng: là con người chín chắn, có những phẩm chất về tâm linh, có nhiệt huyết tông đồ và lý luận chính xác”.

Còn anh chị em giáo dân hãy yêu mến các Linh mục của mình, vì linh mục cần thiết biết bao cho nhu cầu của Dân Chúa. Sự thánh thiện của Linh mục là tối cần thiết cho sự sống của Dân Chúa. Anh Chị Em hãy thể hiện lòng yêu mến ấy bằng việc yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và động viên toàn thể cộng đoàn cùng với các Linh mục siêng năng chuẩn bị, tham dự Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ cách sốt sắng.

Anh Chị Em thân mến,

Đặt Đức Giêsu Thánh Thể làm trung tâm sẽ làm cho sứ vụ linh mục được đánh giá đúng đắn, vì “nếu không có sứ vụ ấy, thì không có Thánh Thể, không có truyền giáo và không có cả Giáo Hội”. Vì thế, chúng ta hãy làm thế nào để Năm Linh Mục được cử hành trong mọi giáo xứ, mọi cộng đoàn, với sự tham dự nồng nhiệt của toàn thể Dân Chúa.

Đây là cơ hội thuận tiện để lãnh nhận ơn Toàn xá, với điều kiện thông thường là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha:

-Đối với các Linh mục: Trong bất cứ ngày nào, đọc các giờ kinh Phụng vụ trước Thánh Thể, cử hành các bí tích, nhất là bí tích Giải Tội.
-Đối với giáo dân: Trong ngày Khai Mạc và Bế Mạc Năm Linh Mục, ngày lễ Thánh Gioan Maria Vianney, và các ngày Thứ năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy đầu tháng cầu nguyện cho các Linh mục.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban phúc lành cho Anh Chị Em.

Phan Thiết ngày 13 tháng 06 năm 2009.

Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết
(ấn ký)
 
Nam Úc, Tân Ban Mục Vụ CĐCGVN Tuyên Thệ Nhận Chức, Nhiệm kỳ 2009-2012
Jos. Vĩnh SA
16:42 14/06/2009
Nghi Thức Tuyên Thệ Tân Ban Mục Vụ

Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc


Thánh Lễ lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật ngày 14/6/09. Tân Ban Mục Vụ (TBMV) Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam – Nam Úc vừa mới đắc cử, đã chính thức tuyện thệ nhậm chức, bắt tay vào làm việc, mở đầu cho tài khóa 2009 – 2010 với nhiệm kỳ là 3 năm, kể từ ngày 01/7/2009 đến hết ngày 30/6/2012.

Sau bài giảng trong Thánh Lễ sáng nay. Đức Ông Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng chủ tế Thánh Lễ đã yêu cầu Ông Trưởng Ban Tổ Chức Bầu Cử lên trước Cộng Đồng tường trình kết quả cuộc bầu cử Tân Ban Mục Vụ, nhiệm kỳ 2009 – 2012 vào ngày 31 tháng 5 năm 2009 của HĐMV/CĐCGVN/NU.

Có khoảng 80 cử tri thuộc Hội Đồng Mục Vụ (HĐMV) tham gia cuộc bầu cử. Mỗi cử tri phải đặt tay trên sách thánh cầu nguyện trước khi đầu phiếu. HĐMV là những thành viên trong Ban Chấp Hành của các Họ Đạo, các Đoàn Thể, đại diện cho toàn thể giáo dân trong Cộng Đồng.

Kết quả cuộc bầu cử như sau:

1 -Chủ tịch tái nhiệm: Ông Nguyễn Quốc Hiệp Kỹ sư trưởng công trình, ngành điện tử

2 -Phó Nội Vụ tái nhiệm: Ông Lương Trung Dũng Nhà thầu khóan, ngành kiến trúc

3 -Phó Ngoại Vụ: Ông Nguyễn Hải Thiết Chuyên viên ngành tài chánh, thương mại. Hiện đang đảm nhận chức vụ Trưởng Chương Trình bảo vệ sức khỏe Công Đồng

4 -Tổng Thư Ký tái nhiệm: Ông Phạm Quốc Hưng Kỹ sư điện

5 -Tổng Thủ Quỹ tái nhiệm: Ông Nguyễn Văn Sâm Cựu Sĩ Quan Pháo Binh QLVNCH, thành viên BĐH trường Việt Ngữ Đắc Lộ Nam Úc

Sau khi Ông Trưởng BTC Bầu Cử trình lên Đức Ông Quản Nhiệm danh sách các vị Tân Cử và mời tiến lên trước Cộng Đồng.

Đức Ông nhân danh Quản Nhiệm CĐ hỏi ý kiến các vị Tân Cử, có sẵn sàng ra lãnh trách nhiệm phục vụ CĐ hay không ? Các vị Tân Cử đáp lời “Sẵn Sàng”. Đức Ông đã mời gọi Tân Ban Mục Vụ quỳ xuống trước bàn thờ đọc lời tuyên thệ, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm, phục vụ Cộng Đồng, trung thành với Thiên Chúa qua vị Đại Diện của Giáo Hội.

Đức Ông với tư cách Quản Nhiệm Cộng Đồng tuyên bố chấp nhận lời tuyên hứa của Tân Ban Mục Vụ. Sau đó Ngài đã yêu cầu TBMV đứng dậy, quay mặt xuống phía giáo dân và chính thức giáo thiệu, chào mừng Tân BMV đến Cộng Đồng. Mọi người đã nổ một tràng pháo tay thật dài để chúc mừng. Chấm dứt tràng pháo tay, Thánh Lễ được tiếp tục cử hành.

Được biết: Nhiệm kỳ này, BTU và BTC Bầu Cử đã ra một chương trình và thể lệ bầu cử thật qui mô, để chọn lọc kỹ càng những nhân tài cho TBMV có đầy đủ khả năng và tinh thần nhiệt huyết ra gánh vác trách nhiệm Cộng Đồng nhiệm kỳ 2009 -2012

Theo thể lệ Bầu Cử, thì các ứng cử viên TBMV do toàn thể giáo dân trong Cộng Đồng tự do đề cử trong vòng 4 tuần. Sau 4 tuần lễ, BTC Bầu Cử niêm yết và công bố danh sách, trên Bản Tin hàng tuần của Cộng Đồng thời hạn 2 tuần. Các đề cử viên có tên trên danh sách, nếu không muốn tham gia ứng cử, có quyền điền phiếu rút tên ra khỏi danh sách đề cử.

Các đề cử viên còn lại, sẵn sàng ra ứng cử, được BTU và BTC Bầu Cử duyệt xét và thanh lọc từng cá nhân theo tiêu chuẩn như sau:

- Chức vụ Chủ tịch Cộng Đồng, phải là người có tinh thần hoạt bát, thông thạo song ngữ Anh Việt, đã từng sinh hoạt trong các họ đạo, các đoàn thể và có tên trong sổ gia đình Cộng Đồng thời hạn tối thiểu là 5 năm.

- Chức vũ các vị Phó chủ tịch Nội vụ, Ngoại vụ, Thư ký và Thủ quỹ, cũng dựa trên tiểu chuẩn tương đương với chủ tịch và có khả năng đảm trách công tác theo từng chức vụ.

Sau khi đã được BTU và BTC Bầu Cử chọn lọc. Các ứng viên phải kê khai lý lịch, thành tích sinh hoạt đã từng đóng góp nơi các họ đạo, các đoàn thể và cho Cộng Đồng trong quá khứ.

BTU và BTC Bầu Cử sau khi đã thu gom tất cả các bản khai ly lịch hợp lệ. Niêm yết danh sách Ứng Cử Viên trên Bản Tin và dán trên Bảng Thông Tin trong Hội Trường Cộng Đồng cho mọi người rõ trong vòng 2 tuần lễ, để có ai muốn khiếu nại.

Hết thời hạn 2 tuần niêm yết danh sách, không có người khiếu nại. BTC Bầu cử tiến hành bầu cử và đạt kết qủa như trên.


Kiểm Phiếu
,
Đầu Phiều
,
Đầu Phiếu
,
Đầu Phiếu
,
Kiểm Phiếu
,
Kết Quả
,
Tuyên Thệ
,
Giơ Tay Tuyên Thệ
,
Quỳ Tuyên Thệ
,
Tân Ban Mục Vụ
 
5.000 Thiếu Nhi Thánh Thể hành hương Năm Thánh đến với Đức Mẹ TàPao
LM Giuse Nguyễn Hữu An
20:24 14/06/2009
PHAN THIẾT - Tháng 6 hằng năm được phụng vụ Giáo Hội dành riêng cho việc kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu. Tháng Trái Tim, bầu khí thiêng liêng thổi hơi ấm đạo đức bao phủ các cộng đoàn giáo xứ. Một cuộc trao đổi giữa trái tim tín hữu với trái tim Chúa Giêsu, giữa các trái tim tín hữu với cuộc đời. Đến với Đức Mẹ, trái tim Vô Nhiễm của Mẹ mở ra, ban tặng yêu thương cho đoàn con cái. Thánh Tâm Chúa Giêsu, trái tim Đức Mẹ chính là nguồn mạch mọi ơn phúc.

Xem hình ảnh

Từ chiều ngày 12, hàng ngàn khách hành hương đã đến TàPao, tham dự thánh lễ trên núi, xưng tội và kinh hạt thành kính dâng Mẹ.

Sáng ngày 13.6, có khoảng 1.000 Huynh trưởng và hơn 5.000 Thiếu Nhi Thánh Thể trong trang phục áo trắng quần xanh, mũ TàPao, hớn hở nhộn nhịp tiến về hướng lễ đài. Xe cộ đậu kín hết mọi ngã đường. Từng đoàn Thiếu nhi các giáo xứ, Giáo hạt tưng bừng ca hát reo vui, rộn rã nhịp yêu đời. Đi qua đồng lúa ngát xanh đang chuẩn bị đòng đòng, từng đoàn người xắn quần xách dép lội nước bì bõm. Trên triền núi, người dự lễ đứng khắp mọi nơi. Có thêm mấy cái dù lớn che nắng. Rừng xanh toả bóng mát giảm nhiệt ánh nắng mặt trời đang oi bức.

Đức Giám Mục Giáo Phận đang bị bệnh nên không đến được. Ngài gởi bức thư đọc trước Thánh lễ cho đoàn Thiếu nhi. Lá thư viết như sau:

Thương mến gởi các con Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Phan Thiết.

Hôm nay ngày hành hương của chúng con, Cha rất tiếc vì lý do sức khoẻ không cho phép để hiện diện với chúng con, và dâng thánh lễ với Đức Ông và các Cha phụ trách của chúng con. Tuy vậy tâm hồn Cha vẫn gắn bó với chúng con, hiệp thông với chúng con, cầu nguyện với chúng con trong thánh lễ Hành Hương Đức Mẹ TàPao này.

Và nhân đây Cha gửi tới chúng con lời thân thương nhất của Cha, và có vài lời chia sẻ với chúng con.

Chúa Giêsu là người con yêu quý nhất của Mẹ Maria. Chúng con, những Thiếu Nhi Thánh Thể, là những bé thơ yêu dấu của Chúa Giêsu. Mẹ Maria yêu mến Chúa Giêsu ngày nhỏ thế nào, thì hôm nay Mẹ cũng yêu mến các con như vậy. Vì thế, những nơi nào Mẹ muốn tỏ mình với Giáo Hội, cũng như với nhân loại Mẹ đều muốn dùng các thiếu nhi như những sứ giả của Mẹ: Mẹ gặp Chị Bernadette ở Lộ Đức, Mẹ gặp Chị Luxia, Jacinta và Phanxicô ở Fatima, Mẹ gửi sứ điệp hoà bình cho thế giới. Hôm nay đông đảo chúng con quy tụ về đây, chắc chắn Mẹ hài lòng với chúng con lắm, và Mẹ muốn chúng con trở nên những tông đồ cầu nguyện của Mẹ.

Mẹ muốn nhắn nhủ chúng con là hãy sốt sắng cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng lần hạt mân côi hơn, và sống đạo đức thánh thiện hơn, để mặt đất đang đầy đau thương này được bình an hơn, may mắn hơn. Lời cầu nguyện đơn sơ chân thành của chúng con sẽ là hương thơm bay lên toà Chúa.

Vậy các con hãy nhớ lời Mẹ dặn ở Fatima, sẵn sàng làm tông đồ cho Mẹ để thế giới được ơn cứu độ.
Xin Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria ban mọi phúc lành cho chúng con.
Lúc 8g30, đoàn đồng tế tiến lên lễ đài. Đức Cha già Nicolas yêu thương Thiếu nhi cách đặc biệt nên Ngài đã đến TàPao chủ tế thánh lễ, cầu nguyện cho Thiếu nhi.

Cha FX Nguyễn Quang Minh đặc trách Thiếu nhi Giáo phận chia sẽ trong Thánh lễ. Đức Mẹ đã chọn những em thiếu nhi để chuyển trao sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa cho loài người bằng nhiều cách khác nhau.

ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Cách đây 151 năm (1858), ngày 11.2.1858 tại Lộ Đức (Lourdes) nước Pháp, Đức Mẹ đã hiện ra với cô bé Bernadette, 14 tuổi, không biết đọc cũng không biết viết, vì sinh ra trong một gia đình nghèo. Đức Mẹ cùng lần chuỗi Mân Côi với Bernadette. Sau đó, trong lần hiện ra ngày 25.3.1858, Đức Mẹ muốn dùng em thiếu nhi Bernadette này để gửi đến thế giới một sứ điệp khi Đức Mẹ nói với Bernadette rằng: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Đức Mẹ còn hiện ra với Bernadette 17 lần nữa.

Ngày nay, Đức Mẹ cũng muốn mỗi chúng ta, cách riêng các em thiếu nhi, dù đang đi học hay đã nghỉ học, dù học cao hay thấp, cố gắng sống thánh thiện, xa tránh những dịp tội và siêng năng kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể để cải thiện đời sống ngày càng nên tốt đẹp hơn. Đó cũng là một trong ba mệnh lệnh ở Fatima.

ĐỨC MẸ FATIMA

Hôm ấy là Chúa Nhật, ngày 13 tháng 5 năm 1917 (cách đây 92 năm), một ngày đẹp trời. Sau khi tham dự Thánh Lễ, ba chị em là Jacinta, 7 tuổi; Phanxicô, 8 tuổi và Lucia, 9 tuổi, dẫn đoàn chiên đi về phía đồi Cova da Iria, cách làng Alijustrel khoảng 2 km, trong khi đàn chiên đang ăn cỏ thì ba em thiếu nhi này cũng lấy thức ăn ra dùng. Bỗng dưng các em thấy một tia chớp sáng và thấy một Bà mặc áo trắng sáng rực trên cây sồi. Bà nói: “Các con đừng sợ. Ta không làm hại các con đâu”. Rồi Lucia hỏi người đàn bà lạ rằng: “Bà ở đâu đến?” Bà đáp: “Ta từ trời đến”. Lucia hỏi tiếp: “bà muốn con làm gì?” Bà đó nói: “Ta muốn các con đến đây vào các ngày 13 mỗi tháng, liên tiếp trong sáu tháng”. Rồi em Lucia nói chuyện với Bà đó. Bà nói: “hãy lần hạt mân côi mỗi ngày để chiến tranh chấm dứt và hoà bình trở laị”. Người đàn bà đó chính là Đức Mẹ! Thế rồi, hằng tháng cứ vào ngày 13, Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em thiếu nhi này cho đến 13 tháng 10 năm 1917.

Chúng ta học nhiều thứ, các em thiếu nhi cũng học nhiều môn ở nhà trường, nhưng có lẽ chúng ta còn phải học thêm nơi Đức Mẹ để làm cho thế giới được hòa bình và loài người biết yêu thương nhau chân thật.

Nhưng làm sao ? nhất là với tuổi thiếu nhi chân yếu tay mềm ?
Thưa, không khó đâu, rất dễ dàng!
Hãy dâng lên Thiên Chúa và Đức Mẹ những đoá Hoa Hồng xinh thắm.
Hãy gửi ông bà, cha mẹ, anh chị, thầy cô những cánh Hoa Hồng của lòng hiếu thảo, kính trọng.
Hãy tặng cho bạn bè, người thân và cả thế giới hàng chục, hàng trăm,hàng ngàn, hàng triệu nụ Hoa Hồng của niềm hy vọng.
Vì nếu Hoa Hồng tượng trưng cho Tình Yêu, thì mỗi chúng ta và cả thế giới sẽ tràn ngập Tình Yêu.
Chắc có người sẽ hỏi, mua Hoa Hồng ở đâu? Thiếu Nhi lấy tiền đâu mà mua? Xin thưa, đừng lo!

Kinh Mân Côi tiếng Latin là Rosa, có nghĩa là Hoa Hồng.Một kinh Mân Côi là một đoá Hoa Hồng. Đây là lời kinh đơn sơ, dễ đọc, dễ suy niệm: “ Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Đức Chúa Trời ở với Đức Mẹ, mà Đức Chúa Trời thì quyền năng, phép tắc vô cùng, như lời thiên thần Gabriel thưa với trinh nữ Maria trong ngày truyền tin: “ Vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc.1,37). Mà lời chuyển cầu cuả Đức Mẹ thì tuyệt vời, vì: “Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ …. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con.

ĐỨC MẸ TÀPAO

Rồi lại như một chuyện lạ về Đức Mẹ TàPao với thiếu nhi:

Cách đây 10 năm, vào ngày 23.9.1999, khoảng 1 giờ trưa, khi các em thiếu nhi trường tiểu học Trúc Lâm (Phương lâm - Đồng Nai) đang chơi ở sân trường thì bất ngờ có bốn em là Mỹ Hiền, Tuyết Nhung, Hồng Nhung và Bích Vân thấy có một đám mây sáng lạ khác thường trên bầu trời, ở giữa đám mây có hình Đức Mẹ, đầu đội trịều thiên rực rỡ. Các em la lên: “Đức Mẹ hiện ra! Đức Mẹ hiện ra!”. Nghe thấy vậy, một số thầy cô và các em học sinh trong các lớp chạy ra, nhìn lên trời và ngạc nhiên vô cùng trước hiện tượng lạ đó. Sau một lúc, Đức Mẹ như lùi dần về hướng núi TàPao. Từ đó về sau nhiều người vẫn còn thấy hiện tượng lạ này xuất hiện trên bầu trời và một số người tìm cách đi tới hướng núi TàPao. Sau khi băng rừng, leo núi theo hướng Đức Mẹ trên bầu trời thì họ phát hiện ra có một tượng Đức Mẹ bằng bê tông, bị khoan lỗ, cũ kỹ và sứt mẻ một số nơi trên tượng. Họ quỳ gối, đọc kinh, cầu nguyện. Từ đó nhiều người biết đến Đức Mẹ TàPao và cũng rất nhiều người đi hành hương tới đây đã chứng kiến những hiện tượng khác thường.

Nơi núi rừng Tàpao này đã trở thành trung tâm Hành Hương Đức Mẹ. Nếu hằng năm tại Lộ Đức có khoảng 7 triệu người tới. Fatima có khoảng 5 triệu, Lavang có ngày lên tới 3 trăm ngàn, thì tại Tà Pao, có ngày số người hành hương đến với Đức Mẹ cũng khoảng 50 ngàn.

Để kỷ niệm 50 năm ngày làm phép và khánh thành tượng đài Đức Mẹ Tapao (8.12.1959 - 8.12.2009), Đức Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết đã xin Toà Thánh mở Năm Thánh. Và ngày 28.7.2008, Toà Ân Giải Tối Cao tại Rôma đã ban “Sắc Lệnh Ban Ơn Toàn Xá” trong suốt Năm Thánh Đức Mẹ Tapao.

Đó được coi như ơn phúc lành rõ ràng nhất, cụ thể nhất, vì trong suốt cả năm nay, vào ngày 13 mỗi tháng, những ai đi hành hương tại chính trung tâm Thánh Mẫu Tàpao đều được lãnh ơn Toàn Xá khi tham dự các nghi thức Phụng Vụ hoặc các việc đạo đức nhưng phải được kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính với điều kiện thông thường là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha (Toà Ân Giải Tối Cao – Prot. N.523/08/I)

Hôm nay, hơn 5.000 thiếu nhi đại diện cho hơn 34.000 thiếu nhi Thánh Thể trong Giáo phận, qua Giáo Hội các thiếu nhi cũng được mời gọi bày tỏ niềm tin cách công khai, chân thành vào Thiên Chúa nhờ ngày hành hương Đức Mẹ TàPao. Hy vọng mỗi thiếu nhi nhờ ơn Mẹ TàPao được trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu.

Lạy Đức Mẹ Tapao,
Mẹ là Mẹ Thiên Chúa,
Mẹ là Mẹ nhân loại,
Cách riêng, Mẹ là Mẹ và là Thầy của các Thiếu nhi Thánh Thể.
Xin Mẹ tiếp tục dạy bảo và gìn giữ tất cả chúng con trong vòng tay yêu thương của Mẹ. Amen.


Cuối Thánh lễ, Đức Ông JB, Tổng đại diện ban lời huấn từ. Ngài nhắc nhớ, thiếu nhi hãy yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ, viếng Chúa mỗi ngày. Đức Mẹ được gọi là Người Nữ Thánh Thể. Đức Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng. Mẹ đã sinh hạ, nuôi dưỡng và đồng hành với Chúa Giêsu đến tận chân thập giá. Chúng con hãy yêu mến Đức Mẹ, siêng năng lần chuỗi Mân côi.

Đức Cha Nicolas ban phép lành Toà Thánh với ơn toàn xá. Khách hành hương tiếp tục lên núi cầu nguyện khấn xin với Mẹ. Các em Thiếu nhi ở lại sinh hoạt và đố vui giáo lý đến chiều.

Nhìn những thiếu nhi hồn nhiên trong sáng vui hát reo hò, tôi nhớ đến Thánh Don Bosco, một thiên tài giáo dục. Những lời khuyên của cha Don Bosco với thiếu nhi với tuổi trẻ thật bổ ích. “Người ta gieo gì thì gặt nấy”. Hỡi các con, hãy cho cha biết những người nông dân đang rất sung sướng gặt những bông lúa của họ, nhưng nếu họ đã không cày bừa, gieo hạt rồi nhặt cỏ xấu, thì liệu họ có thể nhận được niềm vui gặt hái lúc này hay không? Chắc chắn là không, phải không các con…bởi vì để đựoc gặt trước tiên phải gieo hạt. Với các con cũng thế, nếu bây giờ các con gieo, một ngày kia các con ciũng sẽ hài lòng về mùa gặt của mình. Nhưng nếu các con lơ là công việc của người giống này, khi mùa gặt đến các con sẽ chết đói.

Vậy các con hãy nhớ đến điều Chúa nhân lành đã phán: “Người ta gặt điều mà người ta đã gieo”. Gieo lúa thì gặt lúa, gieo bắp thì gặt bắp, gieo lúa mạch thì gặt lúa mạch; nhưng gieo gai góc thì gặt gai góc. Các con có muốn mùa gặt của các con tốt đẹp không? Hãy gieo xuống đất hạt giống tốt! Và các con hãy nhớ kỹ rằng: nỗi mệt nhọc phải chịu trong thời gian gieo hạt thì không là gì sánh với niềm vui mà mùa gặt mang lại.

Còn một điều nữa, để hạt giống tốt và cho một bông lúa mẩy, thì phải gieo hạt đúng thời hạn;lúa vào mùa thu, bắp vào mùa xuân…Hạt giống nào cũng thế. Ai gieo không đúng hạn thì không gặt đựoc gì hết. Và này, cha hỏi các con: đời người đựoc gieo vào mùa nào? Mùa xuân, trong thời kỳ non trẻ. Nều không gieo vào mùa này, thì sau này không gặt hái được gì. Và nếu cha hỏi các con phải gieo gì? Tất cả các con sẽ trả lời cha: “Những việc tốt lành”. Quả thật, người nào gieo hạt gai thỉ chỉ gặt đựoc gai nhọn trong tuổi già. Các con có hiểu những điều ấy không? Đừng quên nhé!

Cha muốn nhắc các con một lời phán dạy khác của Chúa nữa: “ai gieo gió thì gặt bão”. Gió đây là những đam mê xấu. Một chú bé để cho các đam mê cai trị mình, để cho biết bao những hạt giống xấu lọt vào tâm hồn mình, tuy lúc này nhỏ bé nhưng dần dần chúng sẽ lớn lên. Một ngày kia những cơn bão kinh khủng sẽ nổi lên trong người ấy, và người ấy sẽ bị quỵ ngã ngay. Nhờ ơn Chúa, các con đừng để những hạt giống bé nhỏ ăn rễ trong các con;cuộc sống các con sau đó sẽ là một chuỗi bất hạnh! Hãy nhớ điều này: các đam mê điên khùng sẽ điều khiển người ta và làm cho họ vi phạm những điều xấu, cả khi chúng không cưỡng ép họ. Thời gian đầu chúng rất nhỏ bé, vụn vặt. Nhưng từng chút, từng chút chúng tự phát triển dần và đến một ngày nào đó, họ không có thể làm chủ chúng. Điều đó cũng sẽ như thế đối với các con.

Khi một đứa trẻ nào giữ lại những đam mê nhỏ trong mình, thay vì tìm cách khuất phục chúng thì nó lại nói: “Ồ! Không việc gì!”…Cha run sợ tự nhủ: đúng vậy, hôm nay không việc gì hoặc không có sự gì đáng kể cả đối với một cụm cỏ mới mọc. Nhưng các con cứ để nó to lên và rồi các con sẽ thấy. Sư tử con, còn nhỏ thì rất hiền, nhưng với nhữgn năm tháng, nó trở thành một dã thú đáng sợ. con gấu nhỏ thật dễ thương trong hang, về sau nó sẽ trỡ thành một con vật kinh khủng. con cọp dường như muốn ve vuốt các con bằng chân của nó, sẽ trở thành hung dữ nhất trong các con vật.

Các con có hiểu được tất cả những thí dụ đó không? Vậy nếu các con muốn sau này hạnh phúc thì ngay bây giờ các con hãy tỉnh thức và cẩn thận với chính mình.

Mùa hè, các em xếp bút nghiên vui chơi tuổi thơ. Gia đình và giáo xứ là môi trường tốt nhất gieo hạt giống tốt vào mãnh đất tâm hồn thiếu nhi.

Các Nhà thờ có đông hơn Thiếu Nhi dự lễ mỗi ngày. Các em siêng năng đến Nhà thờ viếng Chúa, học giáo lý. Thiếu nhi thể hiện lòng yêu mến Chúa trong cuộc sống nơi gia đình, làng xóm, với mọi người. Sống đẹp lòng Chúa, các em xứng đáng là Thiếu Nhi Thánh Thể theo gương Mẹ Maria là Người Nữ Thánh Thể.
 
Thánh lễ tổng kết năm học Sinh viên giáo phận Vinh tại Hà Nội
Trần Đức Hà
20:37 14/06/2009
HÀ NỘI - Sáng Chúa nhật ngày 14/6/2009, tại nguyện đường Giêrađô Thái Hà, Sinh viên giáo phận Vinh (thường gọi là Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội) đã tổ chức Thánh lễ tổng kết năm học 2008-2009. Cộng đoàn vinh dự chào đón sự hiện diện của Linh mục Vinh sơn Phạm Trung Thành - Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Linh mục Mathêu Vũ Khởi Phụng - bề trên Tu viện Thái Hà, Linh mục Gioan Lưu Ngọc Quỳnh - linh hướng Cộng đoàn; đại diện Sinh viên Tổng giáo phận Hà Nội và ân nhân xa gần.

Trong năm học 2008-2009, với sự hướng dẫn của Cha linh hướng Giuse Lưu Ngọc Quỳnh, Ngài là một Linh mục dòng Chúa Cứu Thế gốc Giáo phận Vinh; Cộng đoàn đã xác định cho mình một lối đi phù hợp, anh chị em sinh viên học tập và hoạt động với linh đạo: “Lạy cha, xin cho chúng con hiệp nhất nên một”(Ga 17,23) tạo nên tính cố kết chặt chẽ trong tinh thần hiệp thông, liên đới, sẻ chia và yêu thương. Tất cả hoạt động đều xuyên suốt qua ba mục tiêu cơ bản đó là: TÂM LINH – TRI THỨC - NỐI KẾT. Sự ra đời trang thông tin www.congdoanvinhhn.com góp phần thực hiện hiệu quả những mục tiêu nói trên, tiêu biểu là những giờ cầu nguyện online, học tập giáo lý, tiếp cận kinh thánh, trao đổi tin tức được tiến hành thông qua mạng Internet...

Cộng đoàn Vinh luôn được xem là tập thể vững mạnh của đại gia đình Sinh viên Tổng giáo phận Hà Nội. Đó là mạnh về mặt con số, với qui mô chừng 300 sinh viên, trong đó có hơn 2/3 thành viên thường xuyên sinh hoạt ở 6 nhóm nhỏ bao gồm nhóm Phó Thác (Hoàng Mai), Don Bosco (Cầu Giấy), Thắp sáng niềm tin (Thanh Xuân 1), Ngọn lửa yêu thương (Thanh Xuân 2), Gioan Tông đồ (Đống Đa) và nhóm Nông nghiệp.

Sự vững mạnh không chỉ nằm ở chỗ những con số mà là thể hiện bằng tinh thần đoàn kết, hy sinh của anh chị em, điều đó đã được chứng minh qua lời phát biểu của Cha Mathêu Vũ Khởi Phụng, bề trên tu viện Thái Hà. Ngài cho biết rất cảm kích trước nhiệt huyết của Cộng đoàn Vinh thể hiện qua những giây phút gắn bó với giáo xứ từ những thánh lễ, giờ cầu nguyện hiệp thông, những đêm thức trắng với các cha, các thầy trong tu viện hay là ở những phiên tòa xét xử giáo dân vừa diễn ra. ..

Một hình ảnh khá xúc động trong thánh lễ tổng kết là sự hiện diện của những anh hùng Thái Hà – 8 giáo dân vừa bị kết án bất công chỉ vì họ dám dứng lên đòi trả lại đất đai cho giáo xứ. Sự có mặt của họ nói lên sự gắn kết giữa anh chị em giáo dân với các bạn trẻ sinh viên. Chính các bạn trẻ nói trên đã luôn sát cánh với giáo dân trong những phút nguy nan nhất.

Niên khóa vừa qua có thể nói là thành công với nhiều dấu ấn rõ nét, những bước tiến tích cực thúc đẩy hoạt động của Cộng đoàn lên một tầm cao mới. Tiêu biểu là các hoạt động tham gia tích cực các thánh lễ, phụng vụ thánh lễ tối Chúa nhật tại nhà thờ Thái Hà, tham gia các hoạt động mừng lễ Giáng sinh, tổ chức lễ quan thầy Têrêsa, tham gia các hoạt động của Sinh viên TGP Hà Nội. Cộng đoàn đã chủ động liên hệ để các thành viên có một chương trình tĩnh tâm thu nhiều kết quả thiêng liêng ở đan viện Xitô Châu Sơn – Ninh Bình, hành hương nhà thờ đá Phát Diệm, hành hương giáo xứ Nam Lỗ - Thái Bình. Một số hoạt động khác được tổ chức nhằm tạo sự hiểu biết giữa anh em sinh viên như giải bóng đá chào đón lễ Phục Sinh 2009 hay hoạt động từ thiện bác ái, tặng quà cho trẻ em mồ côi và khuyết tật, chương trình gặp gỡ giới trẻ quê nhà tại giáo xứ Lập Thạch...

Chủ tế Thánh lễ, Cha Giám tỉnh Phạm Trung Thành chia sẻ “ Thật là bất ngờ khi tôi nhận được lời mời tham dự thánh lễ tổng kết của Cộng đoàn Vinh. Gặp gỡ các bạn làm cho tôi sống lại tuổi trẻ của mình, tôi hãnh diện và kỳ vọng vào nhiệt huyết tuổi trẻ nơi các bạn”.

Tham dự Thánh lễ tổng kết có hai vị khách quí đến từ Mỹ: cô Thanh Xuân và cô Tuệ Phương của Hội Giáo dục & Hướng nghiệp - Education For The Poor. Đây là tổ chức giáo dục, hướng nghiệp đã có rất nhiều hoạt động giúp đỡ thế hệ trẻ Việt Nam, nhất là giới sinh viên. Đại diện của Hội đã giới thiệu những nét khái quát về Hội và các chương trình, dự án Hội đang thực hiện tại Việt Nam và mong muồn giúp đỡ Cộng đoàn Vinh trong điều kiện có thể.

Tổng kết một chặng đường đã đi chắc hẳn có nhiều kết quả, đồng thời có những tồn tại cần khắc phục. Xin tri ân quí cha bề trên, đặc biệt là cha linh hướng Gioan Lưu Ngọc Quỳnh và quí ân nhân. Chắc rằng, với sự nhiệt tình của Cha linh hướng, của các bạn trẻ sinh viên; Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội sẽ luôn vững bước và thu được những kết quả rực rỡ trong học tập và nhất là trong đời sống Đức tin Công giáo.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Trí thức trong nước nghĩ gì về việc LS Cù Huy Hà Vũ kiện TT Nguyễn Tấn Dũng
Hà Giang, RFA
19:52 14/06/2009
Vào ngày 11/6 vừa qua, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ đã chính thức nộp đơn kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ra tòa vì cho rằng quyết định khai thác bauxite của ông Thủ Tướng là trái với pháp luật.

Ls Cù Huy Hà Vũ (RFA photo)
Trong khi tin này còn chưa được báo chí ở Việt Nam đăng tải thì hàng trăm blogs trong và ngoài nước đã đua nhau đưa tin và trao đổi với nhau những lời bình luận nóng hổi. Giới trí thức trong nước đã có những phản ứng đầu tiên và sôi nổi nhất. Hà Giang tìm hiểu và có bài tường trình như sau:

Chưa đầy 48 tiếng đồng hồ sau khi LS Cù Huy Hà Vũ nộp đơn đưa Thủ Tướng nước CHXHCNVN, ông Nguyễn Tấn Dũng ra tòa vì những hành vi mà LS cho là trái pháp luật trong quyết định khai thác bauxite, nguồn tin này đã gây nên sự chú ý và bàn luận sôi nổi của nhiều giới trí thức trong nước.

LS Cù Huy Hà Vũ cho biết ông khởi kiện để mong chấm dứt hành vi gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, mà theo ông, có thể sẽ không bao giờ cứu gỡ được, và cũng là để thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông đã góp công xây dựng và bảo vệ tài nguyên, bờ cõi, đất nước Việt Nam trước mọi xâm lấn của nước ngoài.

Trong một tờ đơn dài 4 trang, LS Cù Huy Hà Vũ đã lập luận là quyết định khai thác Bô Xít của TT NTD trái với những bộ luật như sau:

a) Luật bảo vệ môi trường
b) Luật quốc phòng
c) Luật di sản văn hóa
d) Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Mặc dù luận cứ của LS Cù Huy Hà Vũ đang được giới luật sư phân tích tỉ mỉ, nhưng đa số người ta chú ý đến nguồn tin này không phải vì tính cách pháp luật của nó, nhưng vì đây là lần đầu tiên một công dân Việt Nam đã dám viết đơn khởi kiện một nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của chính phủ.

Con kiến kiện củ khoai

LS Lê Quốc Quân phát biểu: “Tôi thấy tốt quá, phấn khởi. Anh em cũng bàn luận nhiều. Thật ra tính chính xác thì mình cũng phải bàn thảo nhiều, thế nhưng mà, trước hết về tinh thần, hành động đó thật là tuyệt vời, nó thể hiện cái ý thức trách nhiệm của công dân, và của các luật sư nói riêng, và những người hiểu biết pháp luật. Nó tạo ra một cái dư luận rộng rãi rất là lớn. và nó cũng khích lệ những người khác. Hôm qua tôi gặp 4, 5 luật sư cũng có ngồi với nhau nói chuyện thì các luật sư đấy nói là kiến kiện củ khoai. Tôi bảo là cũng phải kiện chứ. Cứ nói kiến kiện củ khoai mà không kiện thế thì làm gì có chuyện con kiến kiện củ khoai. Một con kiến rồi đến lúc 10 con kiến và đến lúc một trăm con kiến, rồi đến lúc... mà con kiến cũng phải làm sao đó con kiến mới kiện chứ!”

Thổi một luồng gió mới
Bác sĩ Lê Trần Thiện Luân, hiện đang làm ở bệnh viện Đại Học Y Dược Việt Nam cho rằng đây là một tiền lệ tốt: “Với tư cách của một công dân, tôi không nghĩ là việc làm của anh Vũ có gì sai trái, theo tôi thì vấn đề ở chỗ không phải là cái kết quả, vấn đề ở chỗ là anh Cù Huy Hà Vũ ảnh gióng lên một tiếng nói. Đây là một tiền lệ khá là tốt để cho người dân góp tiếng nói của mình với công việc điều hành của chính phủ.”

Luật sư Huỳnh Văn Đông thì cho đây là một việc làm vô cùng dũng cảm: “Chúng tôi rất vui mừng bởi vì trong cuộc đấu tranh cho dân chủ và công bằng tại VN, thì có những luật sư và những cá nhân đứng lên để khởi kiện người đứng đầu một chính phủ thì đó là một việc làm hết sức dũng cảm của một người luật sư như luật sư Vũ. Chúng tôi ủng hộ việc làm của luật sư Vũ, mong là anh có đủ sức mạnh và kiên trì để theo đuổi vụ kiện mà anh cho là đúng.”

Đơn kiện của LsVũ (RFA photo)
Không còn sợ cấp lãnh đạo

Còn ông Nguyễn Trung Lĩnh hiện đang giảng dạy môn cơ học ở trường Đại Học Công Nghiệp Hà Nội lại đánh giá vụ kiện này qua một cái nhìn khác:

“Đây là một việc rất là sôi nổi, rất là đặc biệt, tôi nghĩ rằng báo chí trong nước không đăng nhưng mà thông qua internet, thông qua các báo, các đài như đài RFA, đài BBC, hay là Chân Trời Mới, rồi các báo mạng, tôi nghĩ người trong nước người ta cũng thông qua đường email, sẽ có nhiều người tiếp cận được cái thông tin này. Cái việc kiện này cũng cho thấy là người dân hay các luật sư ở Việt Nam không còn sợ các cấp lãnh đạo tối cao nữa. Người ta thấy là nếu các vị ấy có sai, hành động sai thì người ta vẫn lên tiếng phản đối, thậm chí là đưa ra tòa, đây là một tiến bộ ở Việt Nam. Và qua việc này tôi thấy nó nhắc nhở những người dân bình thường, giúp những người dân bình thường giảm bớt được cái nỗi sợ trước các nhà lãnh đạo.”

Luật gia Phan Thanh Hải phát biểu: “Cảm xúc của mình là đó là một hành động rất ấn tượng. Luật sư Cù Huy Hà Vũ cũng phải tìm thấy những cơ sở pháp lý nào đó thì mới tiến hành cái chuyện như vậy. Đánh giá ở cái nhìn bề ngoài đó, LS Cù Huy Hà Vũ là một tiến sĩ luật, và quy trình của một người luật sư chuẩn bị để mà khởi kiện một vụ kiện nào đó thì người ta nghiên cứu về cơ sở pháp lý của nó rất kỹ.”

Một sự vùng lên

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy chia xẻ nhận định của nhiều người khác khi bà cho là vụ kiện sẽ được thụ lý, tuy nhiên bà đánh giá cao sự kiện này: “Đây là chính là một sự vùng lên không ngừng của trí tuệ Việt Nam, hoặc là sự vùng lên của luật sư Việt Nam. Không có tòa án nào dám thụ lý vụ kiện này cả, nhưng nó sẽ gây nên những tiếng vang rất lớn, và cái quyền làm người ở Việt Nam sẽ được nâng lên. Bằng sự hiểu biết, bằng trí tuệ, bằng sự dũng cảm, bằng nhân cách, đạo lý của mình, thì anh ta sẽ lay động được rất nhiều trái tim, thức tỉnh được rất nhiều trái tim của người Việt Nam hiện tại, nhất là giới văn nghệ sĩ, hay là giới luật sư. Và Nguyễn Tấn Dũng tuy không bị áp giải ra tòa như những thể chế dân chủ khác, nhưng cũng phải đau đầu, bóp trán chứ không phải không đâu."

Nhìn chung, dư luận rất quan tâm đến vụ khởi kiện Thủ Tướng CHXHCNVN Nguyễn Tấn Dũng, và cho rằng luật sư Cù Huy Hà Vũ đã thổi một luồng gió mới vào Việt Nam bằng hành động mà họ cho là dũng cảm của ông.

(Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Legal-advocates-reactions-on-law-suit-against-vietnamese-pm-hgiang-06132009133114.html)
 
Bắt luật sư Lê Công Định - Bộ chính trị CSVN quyết hai lần
Lê Sáng
19:52 14/06/2009
Vụ việc bắt luật sư Lê Công Định ngày 13/6/2009 vừa qua, gây rúng động lớn trong dư luận. Nhưng nó cũng không ngoài dự liệu của anh. Hồi cuối 2008 anh ninh điều tra đã trình hồ sơ lên bộ chính trị trung ương csvn xin bắt cùng lúc 2 luật sư trong đó có Ls Lê Công Định.

Theo qui định của bộ máy nhà nước csvn, các trường hợp bắt người liên quan đến ngoại giao, chính trị… đều phải trình trước từng trường hợp, kể cả bắt người đang phạm tội quả tang cũng phải báo cáo ngay lên bộ chính trị mới được phép tạm giữ… Bắt khẩn cấp thì cơ quan công an phải trình hồ sơ và báo cáo bộ chính trị quyết. Bắt tạm giam, thì viện kiểm sát phải trình hồ sơ và báo cáo bộ chính trị quyết. Không có một điều luật nào cho phép làm việc này, csvn dùng các chỉ thị mật trong đảng để qui định việc này. Khi phổ biến các văn bản chỉ thị của đảng này, họ dùng một cuộc họp rồi bí thư phụ trách đọc cho đảng viên, cán bộ liên quan nghe, thế là phải chấp hành. Việc làm này là vi hiến, vi phạm tố tụng – Nhưng bộ máy nhà nước csvn từ xưa đến bây giờ vẫn thế, vẫn ngang nhiên chà đạp luật pháp do chính họ ban hành.

Cuối năm 2008 hồ sơ an ninh điều tra trình lên bộ chính trị xin bắt luật sư Lê Công Định chưa được bộ chính trị đồng ý bởi các tài liệu kèm theo an ninh điều tra không trình, mà chỉ có báo cáo của ngoại tuyến về các việc làm của luật sư Lê Công Định với các “thế lực thù địch” người Việt Hải Ngoại…

Điều quan trọng là luật sư Lê Công Định cũng biết điều này thông qua một người bạn. Nhưng anh không hề nao núng và tỏ vẻ sẵn sàng chấp nhận tất cả… Ngay như chuyến đi sang Thái hồi tháng 3/2009 vừa qua của anh, cũng được người này cảnh báo là đang bị đặc tình của an ninh theo sát. Luật sư Lê Công Định cho rằng việc sang Thái là công việc tiếp xúc khách hàng bình thường của một luật sư như anh. An ninh điều tra công an cộng sản đi theo càng hay, nó sẽ chứng minh các việc làm của anh hoàn toàn minh bạch. Còn câu chuyện bên lề bàn tán về quan điểm chính trị không thể là chứng cứ để bắt người…

Thực tế công an cộng sản đã cử đến 5 người chia làm hai nhóm độc lập để theo sát và cùng thuê khách sạn nơi luật sư Lê Công Định tạm trú… Ngoài ra lực lượng an ninh công an cộng sản còn cử cả đặc tình của họ là việt kiều bên Thái tham gia vào công việc theo dõi giám sát các hoạt động của luật sư Lê Công Định lúc ở Thái… Việt kiều này có biệt hiệu là “R” nhiều kiều bào bên Thái biết tiếng về sự giầu có của người này …

Hoàn toàn không có việc luật sư Lê Công Định sang Thái họp bàn lật đổ chính quyền việt gian cộng sản, lại càng không có việc anh soạn ra hiến pháp chuẩn bị sẵn cho việc thành lập nhà nước sau khi cộng sản đổ. Đây là cuốn hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa do một tập sinh nghành luật nhờ anh phân tích tính chất ưu việt cũng như lạc hậu của nó trong thời điểm trước 1975 và hiện tại… Sau khi phân tích anh tập hợp lại thành một bản văn mới, đã sửa đi những điểm được cho là lạc hậu… Cuộc gặp mặt khách hàng tại Thái hồi tháng 3/2009 mà viên thiếu tướng công an Nguyễn Hải Triều họp báo công bố rằng: “nhóm người này nhận định thời cơ đã đến vào đầu năm 2010…” Và sẽ tiến hành lật đổ nọ kia… Thực ra chỉ là cuộc nói chuyện thời sự kinh tế bình thường như bất cứ ai, tại bất cứ quán café nào ở Sài Gòn về khủng hoảng kinh tế tác động đến chính trị Việt Nam mà thôi… Tuy nhiên đặc tình tại Thái, và tổ công tác của anh ninh điều tra có thu được một đoạn và trình lên bộ chính trị…

Luật sư Lê Công Định chủ trương tranh đấu cho quyền được lên tiếng của luật sư và của người dân Việt bằng chính hệ thống pháp luật của csvn và bằng những điều ước quốc tế mà Việt gian cộng sản đã ra nhập… Anh là người có nhiều quan hệ với các chính trị gia các nước dân chủ tự do hàng đầu thế giới… Tuy nhiên anh rất kín tiếng.

Ngay trước khi bị bắt khoảng 2 giờ, anh đã được báo tin một cách ý tứ, nhưng anh vẫn cho rằng không có chuyện bắt người… Cùng lắm thì là các hành động quấy nhiễu mà thôi… Là người tài giỏi, và luôn nhìn xa trông rộng, anh cũng tiên lượng và chấp nhận những rủi ro khi dấn thân vào những công việc lên tiếng cho công lý của quốc gia dân tộc này… Việc bắt luật sư Lê Công Định, không có gì là bất ngờ với anh. Trong khi chờ đợi những màn kịch do csvn dựng lên và tinh thần bất khuất của luật sư Lê Công Định, chúng ta hãy tranh đấu cùng anh bằng mọi phương tiện và mọi khả năng… Không có chuyện khuất phục cộng sản - Bởi cộng sản đã làm gì, đã đưa dân tộc Việt đến đâu? ngày nay không ai còn mơ hồ được nữa.
 
Một nhà báo Thụy điển viết về Lê Công Định
LinMat
20:52 14/06/2009
Link này (http://www.advokatsamfundet.se/templ...n.aspx?id=9007) là một bài báo của tác giả Tom Knutsson, đăng trên tạp chí của Hiệp hội Luật sư Thụy điển, số ra tháng 02/2009. Tôi xin dịch nguyên văn bài báo trên, để thêm thông tin cho mọi người về LS Lê Công Định trong con mắt của người nước ngoài:

Ông Định gây nhiều phiền toái

Người luật sư Lê Công Định thách thức chế độ cộng sản. Cho dù chế độ làm bất cứ thứ gì để ngăn cản ông, ông vẫn không mệt mỏi tiếp tục làm việc. Trong cuộc đấu tranh cho nền dân chủ, ngành luật giữ một vai trò quan trọng.

Lê Công Định đã làm việc trong ngành luật hơn hai mươi năm. Ông có mở một văn phòng luật thương mại. Trong những năm gần đây ông ngày càng quan tâm tới vấn đề nhân quyền.

- Chính phủ không cho rằng có sự tồn tại các mục tiêu chính trị. Nhưng thực sự là có, ông nói tóm gọn.

Chúng tôi gặp mặt ở Hiệp hội Luật sư một ngày âm u mùa đông vào tháng 1 khi ông đến thăm Hiệp hội nhân dịp một hội thảo.

Theo ông Lê Công Định, Việt nam còn thiếu một Hiệp hội Luật sự đại diện cho cả nước. Trong năm 2009 tổ chức NBA Hiệp hội Luật sư Quốc gia sẽ bắt đầu hoạt động. NBA sẽ đại diện cho luật sự từ tất cả các tỉnh thành. Có một mâu thuẫn giữa luật sư từ miền Bắc và miền Nam trong Hiệp hội NBA mới này.

- Phần lớn các luật sư từ Hà nội ở gần chính quyền trung tâm và sự quan liêu ở đó rất nặng nề. Luật sư ở phía Bắc lo sợ sẽ bị mất cái ghế và ảnh hưởng nghề nghiệp của họ. Ở phía Nam Việt nam có một lịch sử dân chủ lâu đời hơn. Đó là một di sản không nên bị đánh mất, ông Định nói.

Một hoạt động quan trong của Hiệp hội Luật sư Quốc gia này sẽ là phát triển các mối quan hệ quốc tế. Ông Định nhấn mạnh rằng việc hợp tác với Hiệp hội Luật sư của các nước khác là quan trọng.

- Chúng tôi muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các hiệp hội luật sư nước ngoài, ví dụ như Hiệp hội ở Thụy điển. Chúng tôi đã học được nhiều điều từ phía các bạn. Cho dù nghề luật sư đã tồn tại rất lâu ở nước chúng tôi, việc phát triển nghề này đã ngưng lại sau chiến tranh ở VN. Bây giờ là lúc chúng tôi học tập. Đây là cách duy nhất cho chúng tôi phát triển nghề nghiệp.

Ông Định mô tả là nhiều phần của hệ thống pháp luật Việt nam dựa trên hệ thống châu Âu. Vì vậy tất nhiên nên học tập từ Hiệp hôi Luật sư châu Âu khi muốn xây dựng một Hiệp hội chung cho cả nước. Đồng thời hệ thống của Mỹ cũng tốt để học tập.

Theo ông Lê Công Định, giới chức chính phủ Việt nam không vui vẻ gì khi thấy ngành luật trong nước thay đổi vị trí và tự định hình. Vì vậy chính phủ cố gắng bằng nhiều cách áp đặt sự ảnh hưởng của mình.

- Bởi vì luật sư là ¨người bạn của Dân chủ¨, nên giới chức chính trị không thích gì ngành nghề của chúng tôi, ông Định nói.

Lê Công Định kể rằng các cơ quan chức năng bằng nhiều cách khác nhau cản trở ông ấy và một ví dụ là họ cố gắng tìm bằng chứng để kết tội ông trốn thuế.

Không tồn tại tự do ngôn luận ở Việt nam. Nhưng bởi vì chính phủ bề ngoài bày tỏ thái độ là phải chống tham nhũng, nên vẫn còn có thể đề cập và thảo luận vấn đề này.

- Ông kể là ¨Trong những năm gần đây tôi đã viết nhiều bài báo và đòi hỏi một hệ thống Hành pháp độc lập và sự thi hành các nguyên tắc và bảo vệ nhân quyền. Vì vậy mà tôi đã gặp rắc rối.¨

Có rất nhiều khó khăn khi các luật sư hành nghề ở Việt nam. Ông Lê Công Định coi sự tham nhũng tràn lan trong hệ thống Luật pháp và tòa án là cản trở lớn nhất. Một trở ngại khác là sự miễn cưỡng, sự đối kháng của quan chức chính quyền, tòa án và chánh án đối với các luật sư. Một vấn đề nghiêm trọng khác là Việt nam còn thiếu một Ủy ban Chánh án độc lập.

Bất chấp những khó khăn đó, ngành học Luật khá phổ biến trong giới trẻ trong nước.

- Nhưng bởi vì chúng tôi thiếu một cơ chế để trừng phạt các luật sư phạm sai sót, nên có một số luật sư đã ảnh hưởng uy tín nghề này.

Tổng cộng có khoảng 4400 luật sư ở Việt nam, nơi có dân số 89 triệu người. Số lượng luật sư là quá ít cho cả nước. Theo Lê Công Định, ngay cả nếu con số này tăng gấp ba lần cũng chưa đủ.

Việt nam đang hướng tới gia tăng dân chủ. Tình hình kinh tế đã cải thiện qua nhiều năm tương tự như Trung quốc. Tầng lớp trung lưu đã cải thiện cuộc sống và sự phát triển này gia tăng sự đòi hỏi việc tôn trọng nhân quyền.

- Chúng tôi cần thay đổi trong hệ thống chính trị, nếu không mọi thứ sẽ đổ sụp. Người dân đã mất niềm tin vào sự dẫn dắt của Chính phủ, ông Lê Công Định nói thêm rằng:

- Tôi tin rằng trong vài năm nữa chúng tôi có thể bầu cử tự do. Việt nam sẽ vượt qua Trung quốc trong quá trình dân chủ. Hiện nay người dân Việt nam đang tăng áp lực lên chế độ này.

Đầu tư nước ngoài ở Việt nam là rất quan trọng trong quá trình này. Ngành luật sư và nông dân là hai nhóm chính yếu thúc đẩy việc hướng tới dân chủ hóa Việt nam.

Chính phủ Việt nam tất nhiên điều khiển chặt quân sự và cảnh sát. Nhưng ông Định không nghĩ là tình hình sẽ phát triển đến một Bắc Triều tiên mới.

- Chính phủ Việt nam khôn hơn thế. Việt nam sẽ không trở thành Bắc Triều tiên hay Cuba. Ông nói rằng chính phủ cố thỏa mãn lòng dân được chừng nào hay chừng đó, nhưng không đến mức thực hiện tự do thực sự.

Thay vì thế, ông thấy trước mắt những điều giống cái đã xảy ra ở Đông Đức. Người dân thay đổi mọi thứ hoàn toàn trong một thời gian ngắn.

- Đây là cách phổ biến nhất Chế độ Cộng sản tan rã trên thế giới.

Trong một nước Việt nam đổi mới mà ông hướng tới, ngành luật sư có một nhiệm vụ quan trọng:

- Những người nghèo và người bị thiệt thòi ở Việt nam thực sự cần sự giúp đỡ về luật pháp, không chỉ để làm ăn mà còn để có công bằng, công lý nhiều hơn, ông Lê Công Định nói thêm:

Công lý thực sự rất quan trong cho chúng tôi bởi vì các tòa án không thể mang lại sự công bằng cho dân chúng nữa. Chúng tôi phải dùng các luật sư của mình để cố mang lại công bằng. Chúng tôi không thể chấp nhận một hệ thống toàn hối lộ và chúng tôi phải chống sự tham nhũng tràn lan.
 
Văn Hóa
Chính quyền ở đâu?
Hai Tê Miệt Vườn
01:52 14/06/2009
CHÍNH QUYỀN Ở ĐÂU?

Chính quyền Việt Cộng ở đâu?
Để cho Tàu Cộng đè đầu ngư dân.
Phải chăng đã được chia phần?
Cơm chùa ngậm miệng nên đành lặng thinh.
Bất cần nghĩ đến dân mình,
Khiến cho Đại Hãn mặc tình xâm lăng.
Cuộc đời dân Việt tối tăm,
Sống trong nô lệ ngàn năm tù đày.
Chúng ta cần phải làm ngay,
Loại trừ cộng sản đổi thay nguỵ quyền.
Cùng nhau cương quyết đứng lên,
Đập tan xâm lược lũ diên Ba Tàu.

CÓ LẮM SÂN GOLF

Sân gôn xây dựng khắp nơi,
Khiến dân nghèo khổ phải dời đi xa.
Họ nay mất cửa mất nhà,
Chẳng nơi sinh sống thật là khổ đau.
Chính quyền toa rập giới giàu,
Ăn chia tiền bạc cùng nhau hưởng nhàn.
Dân lành chỉ biết khóc than,
Áo cơm không có hoàn toàn trắng tay.
Việt Nam cần được đổi thay,
Ngõ hầu đất nước đẹp hay mọi đàng.
Quê hương hưởng được bình an,
Muôn người dân việt hoàn toàn tự do.

Sài Gòn ngày 13/06/2009)