Ngày 14-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ba Ngôi khác biệt nhưng hiệp nhất
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
00:13 14/06/2019
Lễ Chúa Ba Ngôi

Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15

Suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là khám phá nguồn gốc sâu xa nhất của chúng ta, bởi lẽ, chúng ta phát xuất từ Ba Ngôi và hướng về Ba Ngôi như là cùng đích đời người, như nước dòng sông phát xuất từ biển cả mênh mông và rồi trở về với nguồn gốc của nó.

1. Một chân lý được Chúa Giêsu mạc khải

Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta nền tảng Kinh Thánh về mầu nhiệm này:

Vậy, một khi được công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa… Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,1.5).

Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một với nhau, mà chúng ta tôn thờ với ba nhân đức đối thần là tin, cậy, mến.

Trong Tin Mừng, cụ thể trong diễn từ biệt ly, Chúa Giêsu nói về các ngôi vị thần linh luôn hiệp nhất với nhau như sau:

Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dẫn anh em tới chân lý toàn vẹn… Tất cả những gì Chúa Cha có thì cũng thuộc về Chúa Con: vì thế, Thầy đã nói rằng Người sẽ dùng những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13tt).

Khi suy niệm những lời này và những bản văn khác có cùng nội dung này, Giáo Hội tin rằng Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi Vị. Nhiều người cảm thấy khó hiểu giáo huấn Ba Ngôi. Họ hỏi rằng: Ba Ngôi hiệp nhất với nhau nên một nhưng vẫn là ba có nghĩa là gì? Sao không đơn giản chỉ tin vào một Thiên Chúa duy nhất như người Do Thái và Hồi Giáo tin?

Câu trả lời là rất đơn giản. Giáo Hội tin vào Ba Ngôi không phải là giáo huấn do Giáo Hội sáng chế, nhưng đây là chân lý được Chúa Kitô mạc khải. Không ai có thể tưởng tượng ra mầu nhiệm Ba Ngôi. Mầu nhiệm này khó hiểu vì nó vượt quá khả năng lý trí con người, nhưng nó không chống lại lý trí. Tertullianô từ xa xưa nói rằng: “Tôi tin bởi vì nó là vô lý.” Ông muốn nói rằng: “Tôi tin bởi vì điều đó vượt trên lý trí của chúng ta và nếu Thiên Chúa hiện hữu, thì quả là rất bình thường vì Người vượt trên lý trí của chúng ta.” Để có thể hiểu về Thiên Chúa, lý trí chúng ta phải mở ra và đón nhận mạc khải của Người.

2- Một Thiên Chúa hiệp nhất nhưng khác biệt

Chúng ta được mạc khải rằng Thiên Chúa là duy nhất nhưng lại khác biệt. Điều này vượt trên ý tưởng mà chúng ta có về sự hiệp nhất. Trong Thiên Chúa, hiệp nhất và khác biệt, nên một và hài hoà với nhau. Bởi vì các Ngôi Vị vừa hiệp nhất và vừa khác biệt. Nơi Ba Ngôi, sự đa dạng không phải là sự phân chia, mà là sự phong phú.

Có một lý do khác giúp chúng ta hiểu về chân lý này. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì không thể là một Thiên Chúa đơn độc, bởi vì tình yêu không hiện hữu nếu không có hai hoặc nhiều người. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, Người hiện hữu như một Người Yêu và một người Được Yêu và Tình Yêu nối kết họ. Kitô hữu cũng là những người độc thần; người tin vào một Thiên Chúa duy nhất, nhưng không là một Thiên Chúa đơn độc. Theo Đức tin Kitô giáo, sự hiệp nhất của Thiên Chúa rất giống với sự hiệp nhất của một gia đình, hơn là giống sự hiệp nhất của các cá thể.

Nhưng tôi không dài dòng với những giải thích này nữa. Tôi muốn dùng giáo huấn quan trọng nhất và phù hợp nhất về đời sống Ba Ngôi, được diễn tả trong Kinh Tiền Tụng của thánh lễ này:

Khi tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất, và một quyền ngang nhau.”

Ba Ngôi duy nhất, ngang hàng và khác biệt” đây là hạt nhân của mầu nhiệm. Thiên Chúa Ba Ngôi được tuyên xưng là ngang hàng về hữu thể, cấp bậc và khác biệt về nguồn gốc, ngôi vị và sứ vụ.

Từ giáo huấn này, chúng ta học được bài học gì để sống tốt trong thế giới này?

Con người có thể khác biệt về màu da, văn hoá, giới tính, chủng tộc, hay có phẩm giá bằng nhau, nhưng con người là gì xét như là những nhân vị?

Chúng ta lấy hình ảnh gia đình để giải thích giáo huấn về Ba Ngôi. Gia đình phải là sự phản chiếu ở trần gian về Ba Ngôi. Gia đình được làm nên từ những con người khác biệt về phái tính (đàn ông và đàn bà) và nhờ các thế hệ (cha mẹ và con cái), với những khác biệt: về tình cảm, về nhu cầu và sở thích. Sự thành công của một cuộc hôn nhân và một gia đình lệ thuộc ở mức độ mà sự khác biệt của mỗi người hướng tới sự hiệp nhất: hiệp nhất trong tình yêu, trong dự định, và hiệp nhất trong sứ vụ.

Sẽ là sai lầm khi một người đàn ông và đàn bà lại giống nhau về tính tình và năng khiếu; và để đi đến hoà hợp, hai người phải là vui nhộn, năng động, hướng ngoại, theo bản năng như nhau, hoặc cả hai lại phải là hướng nội, trầm tĩnh, suy tư như nhau. Như thế sẽ làm mất tính khác biệt giữa họ. Chúng ta biết những hậu quả tiêu cực của chúng có thể phát sinh cả trên bình diện thể lý. Chẳng hạn, những cuộc hôn nhân thuộc cùng họ hàng, nếu họ máu gần quá sẽ gây ra những hậu quả về di truyền như có nguy cơ bệnh tật cao và yếu kém về hệ số thông minh.

Người chồng người vợ khác biệt nhau nhưng bình đẳng với nhau, như một tấm huy chương có hai mặt, mỗi người là sự bổ túc cho người kia. Điều này giúp hiểu điều Thiên Chúa nói: “Đàn ông ở mình mình thì không tốt: ta muốn tạo dựng cho nó một người trợ giúp giống nó” (St 2,18). Tuy nhiên, tất cả những điều này đòi hỏi một cố gắng để chấp nhận sự khác biệt của người khác, vì đối với chúng ta, đây là một điều khó nhất và chỉ có những người trưởng thành mới có thể đón nhận được nó.

3- Một vị Thiên Chúa gần gũi

Nhiều lúc chúng ta quan niệm sai lầm rằng mầu nhiệm Ba Ngôi là một mầu nhiệm hoàn toàn xa lạ với đời sống chúng ta và để cho các nhà thần học suy tư.

Trái lại, đây là một mầu nhiệm gần gũi nhất. Lý do rất đơn giản: chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Chúng ta mang trong mình dấu ấn hình ảnh Ba Ngôi. Và chúng ta được mời gọi để trở thành họa ảnh của sự hiệp nhất và đa dạng.

Họa sĩ Andrej Rublev, người Nga, đã để lại một bức Icôna nổi tiếng về Ba Ngôi. Ông được gợi hứng từ một đoạn Kinh Thánh: Một ngày kia, khi ở bên cây sồi Mamre, ông Ápbraham đón tiếp ba nhân vật thần linh viếng thăm. Ông chào họ rằng: “Lạy Chúa tôi.” Họ là ba nhưng cũng là một vị duy nhất (x. St 18,3). Các Giáo Phụ đặc biệt xem cuộc gặp gỡ này là biểu tượng và tiên báo về Ba Ngôi.

Ba Ngôi thần linh trong Icôna giống như ba thiên thần. Mầu nhiệm Thiên Chúa “duy nhất” và “ba ngôi” được diễn tả ở đây, từ ba nhân vật phân biệt, nhưng lại ngang hàng với nhau.

Các khuôn mặt hướng về nhau một cách tuyệt vời tạo nên một vòng tròn, muốn nói lên sự hiệp thông giữa họ; nhưng sự vận chuyển khác nhau và sự hướng về nhau nói lên sự phân biệt giữa họ. Người ta cho rằng Chúa Cha là thiên thần ở bên trái, người duy nhất có đầu đứng thẳng, trong khi đó Chúa Con, Đức Giêsu Kitô là thiên thần ở giữa và Chúa Thánh Thần là thiên thần bên phải. Chúa Con và Chúa Thánh Thần, với cái đầu cúi xuống nói lên rằng Chúa Cha là nguồn suối và nguồn gốc của Ba Ngôi và cả hai được phát xuất từ Chúa Cha. Tất cả Ba Ngôi đều mặc một chiếc áo màu xanh, dấu chỉ của bản tính thần linh mà họ có chung với nhau. Nhưng ở trên hoặc ở dưới, mỗi Ngôi mặc một màu sắc phân biệt với các Ngôi khác: Chúa Cha mặc màu không thể định nghĩa được, như màu ánh sáng, dấu chỉ của sự vô hình và khôn tả của Người (Không ai đã nhìn thấy Chúa Cha bao giờ); Chúa Con mặc một chiếc áo dài màu tối, dấu chỉ của nhân tính mà Người đảm nhận; Chúa Thánh Thần mặc chiếc áo dài màu xanh lơ, dấu chỉ của sự sống, vì màu xanh là màu của sự sống. Người là Đấng ban sự sống.

Tất cả trong Icôna mang tính biểu tượng. Cây màu xám ở đằng sau nhắc nhớ cây sồi ở Mamre; hình chữ nhật đằng trước bàn thờ chỉ trái đất. Bàn thờ, trên đó có một chén hiến tế con chiên, gợi lên bí tích Thánh Thể. Một hình thức tuyệt vời để nói về Ba Ngôi ban cho chúng ta Thánh Thể và hiến mình cho chúng ta nơi Thánh Thể. Trong đó, chúng ta trở thành những người “dự bàn tiệc” của Ba Ngôi; chúng ta ngồi vào chỗ phía trước còn trống, để cần khép lại vòng tròn của Icôna.

Thánh Sergio là người được tôn kính trong lịch sử nước Nga vì đã có công giúp cho các nhà lãnh đạo bất hoà được hiệp nhất với nhau và như thế đã giúp cho cuộc giải phóng của nước Nga thoát khỏi những người Tartati bành trướng khắp nơi. Khi đứng suy niệm lâu trước Icôna này, ngài có câu khẩu hiệu: “Hãy chiêm ngắm Ba Ngôi Cực Thánh để giúp chiến thắng sự chia rẽ và thù địch của thế giới này.”

Tôi nghĩ rằng, đây cũng là sứ điệp lớn nhất mà Mầu Nhiệm Ba Ngôi gửi tới thế giới hôm nay: Hãy chiêm ngắm Ba Ngôi để chiến thắng sự chia rẽ trong gia đình, trong xã hội và hãy vượt qua những sự kỳ thị dưới mọi hình thức đang làm đau khổ thế giới. Chúng ta cần lắng nghe lời mời gọi của Chúa, mỗi lần chiêm ngắm icôna này: “Anh em hãy nên một, như chúng ta là một.” Amen!
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:15 14/06/2019

5. Người kiêu ngạo thì bị nhục nhã rất lớn, người bủn xỉn thì nhận sự nghèo khó cũng rất lớn.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su )

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:29 14/06/2019
43. UỐNG BA BÁT NƯỚC

Học trò nọ đi tham gia tuyển chọn quan viên, trên đường đi gặp một người đẹp đang gánh nước nên luyến ái không muốn rời, bèn đi đến giả bộ xin uống nước.

Xin liên tiếp hai ba lần làm cho tên đầy tớ Hưng bắt đầu khát nước và cũng xin uống nên thời gian kéo dài, cuối cùng thì cũng phải rời đó mà đi thôi.

Thời gian qua một năm sau, anh học trò ấy vẫn chưa quên người đẹp nọ, bèn cùng đầy tớ tên Hưng đi đến chỗ người đẹp, nhưng không ngờ người đẹp đã bị bệnh mà chết, anh học trò rất buồn bèn làm một bài thơ truy điệu như sau:

“Ngày này năm ngoái cửa thành trong,

nhân diện đào hoa giống bóng hồng.

Người đẹp không biết đi nơi nao

hoa đào như cũ cười xuân phong”.


Tên đầy tớ cũng nhớ chuyện năm ngoái liền ngâm lên:

“Ngày này năm ngoái trong cửa này

người và hoa đào giống nhau đẹp;

năm nay nếu có giai nhân đến

Hưng nhi vẫn uống ba bát đầy”.


(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 43:

Con người ta thường hay có ấn tượng về buổi gặp gỡ ban đầu, nhất là buổi ban đầu diện kiến với người đẹp...

Có người thấy người đẹp thì bước đi không rời, chỉ muốn đến gần nói chuyện và ngắm nghía; có người thấy người đẹp thì nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống, không phải họ dữ tợn nhưng vì người đẹp quá đẹp...

Nhưng chuyện trong trời đất thì không phải luôn như thế, bởi vì có người mặt đẹp nhưng ăn nói vô duyên, có người thì đẹp nhưng kênh kiệu, có người đẹp nhưng bất lịch sự, có người đẹp nhưng lãng mạn, có người đẹp nhưng bất tài.v.v... tất cả những người đẹp như thế thì chỉ để lại ấn tượng xấu cho người khác trong buổi gặp gỡ ban đầu.

Cái đẹp thì trời cho, nhưng cái nết thì mình cần phải luyện tập mỗi ngày, mà người đẹp Ki-tô hữu thì biết rất rõ điều này: cái đẹp nội tâm là cái đẹp nhất của mọi người, bởi vì chính Thiên Chúa đang làm đẹp cho họ khi ngôn hành của họ thấm nhuần tinh thần của Phúc Âm.

Cái đẹp thân xác thì làm cho người ta có những ý tưởng trần tục, nhưng cái đẹp tâm hồn thì làm cho người ta có ấn tượng về sự cao cả mà Thiên Chúa đang làm trong con người của họ: sự hiền dịu.

Đó là cái đẹp nhất của người đẹp vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Lễ Ba Ngôi: Tại sao không là một mà phải là ba ?
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
22:24 14/06/2019
Lễ Ba Ngôi: Tại sao không là một mà phải là ba ?

Ta sẽ trả lời làm sao, nếu có ai đó đặt cho ta một câu hỏi và cũng là câu thách đố như thế này : “Giả như Thiên Chúa chỉ có một Ngôi vị duy nhất chứ không phải ba ngôi, thì điều đó có làm cho đời sống chúng ta thay đổi gì không ?” Nói rộng ra nếu khi Giáo hội truy cứu Phúc âm, tầm tra Kinh thánh mà xác định lại Thiên Chúa chỉ là một chứ không phải ba; Giêsu chỉ là con người và Thánh Thần chỉ là thiên thần bậc nhất, cả hai chỉ là thụ tạo chứ không phải ngang hàng Chúa Cha, thì điều đó có làm cho cuộc sống của ta giảm bớt cái gì không ? Có buồn hơn không ? Hay là vui hơn vì đỡ phải thờ lạy cả hai vị kia. Làm dấu thánh giá có khi khoẻ hơn, vì chỉ cần rờ trán, nhân danh Cha là đủ.…

Tôi có thể đoán được câu trả lời, đại loại như sau : Thiên Chúa Ba Ngôi hay Thiên Chúa một ngôi vị cũng vậy thôi, có lẽ chẳng thay đổi gì là mấy. Tôi vẫn ăn vẫn ngủ vẫn sống… để đi nhà thờ, thờ một Chúa một Ngôi hay Ba Ngôi cũng được !

Nhưng cũng một mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi này mà đặt thành một câu hỏi khác, thì có lẽ câu hỏi sau này ảnh hưởng hơn tới đời sống chúng ta. Câu hỏi như sau : “Nếu Thiên Chúa không phải là Tình yêu thương, thì cuộc sống của chúng ta ở trần gian này có mất bớt hương vị không ?” Câu trả lời có thể thấy ngay: Nếu vậy cuộc sống hơi căng đó. Thiếu bóng dáng Thiên Chúa Tình Yêu thì còn lại bóng dáng của Thiên Chúa biết hết mọi sự, dò xét từng hành vi góc cạnh của con người, ghi nhận vào bộ nhớ để đến ngày phán xét mở ra hạch tội: đó là một Thiên Chúa quan toà kiêm mật thám. Nếu Thiên Chúa không phải tình yêu mà là như vậy thì cuộc sống căng thẳng quá bởi vì con người có ai mà không có lỗi. Gioan nói: “Ai nói mình không có tội là nói dối.”

Đến đây, ta đã hé thấy đề tài ta sẽ suy nghĩ : Tại sao Thiên Chúa phải là ba Ngôi Vị ?

Thiên Chúa một ngôi, hai ngôi hay ba ngôi chẳng liên hệ gì tới tôi, nhưng Thiên Chúa không phải là Tình yêu thì cuộc sống của tôi đen quá. Điều này liên hệ đến tôi. Vậy ai tinh ý sẽ thấy được câu trả lời cho câu hỏi: tại sao Thiên Chúa phải là ba ngôi vị.

1. Thưa vì Thiên Chúa là Tình yêu.

Nếu Thiên Chúa chỉ là một vị, đơn độc, thì không sao "yêu" được. “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…” Là tình yêu thì ít ra phải có hai vị ngang nhau, đồng loại, hai “người” mới yêu nhau được. Còn con người đối với con chó con mèo thì quí mến, chứ không phải là yêu –hiểu đúng nghĩa. Vì thế Thiên Chúa là Tình yêu thì Thiên Chúa phải có ít là hai vị ngang hàng nhau, cùng là Thiên Chúa thật.

Nhưng nếu Tình yêu chỉ có giữa hai vị với nhau, thì tình yêu đó chưa phong phú. Tình yêu phong phú, đầy tràn phải là tình yêu sản sinh, “tình yêu phát sinh tình yêu.” Vì thế Thiên Chúa là tình yêu đầy tràn không thể co cụm giữa hai vị mà là phát sinh vị thứ ba như là hậu quả tất nhiên của một tình yêu sung mãn. Thiên Chúa là Tình Yêu thì Thiên Chúa phải là ba vị. Điều này các đôi bạn trẻ hiểu được hơn ai hết. (Không phải ba vị là mối tình tam giác, có kẻ thứ ba chen vào đâu !). Nên hai người yêu nhau, yêu nhau thật sự (chứ không chỉ lấy nhau để thoả mãn nhau) thì thường mong ước có người thứ ba, tức người con như là hiệu quả cụ thể của mối tình giữa hai người: một mối tình phong nhiêu sản sinh. Hai người lấy nhau mà không muốn có con thì chưa phải là tình yêu. Muốn mà không thể có, thì khác.

Có điều khác biệt giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và tình yêu vợ chồng là : Thiên Chúa thiêng liêng, không có hình hài, thể xác, nên không lệ thuộc nơi chốn lẫn thời gian, vì thế nơi Ngài, Ba Ngôi vị khởi từ một lúc, có từ đời đời, chứ không phải đợi chín tháng mười ngày mới có Chúa Thánh Thần. Cha, Con yêu nhau và Thánh Thần là chính Tình yêu (hậu quả của Tình yêu) giữa Cha và Con (Người (CTT) bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra). Vậy tại sao Thiên Chúa phải là ba ngôi vị. Thưa vì Thiên Chúa là Tình yêu phong nhiêu.

2. Vì Thiên Chúa là một gia đình, nên Thiên Chúa phải là 3

Một gia đình mà tờ hộ khẩu chỉ ghi tên một người, hoặc hai người vợ và chồng thì như còn thiếu. Một gia đình là phải có cha – mẹ – con, mới là gia đình đầy đủ. (Vì thế những vợ chồng son sẻ thường được giáo hội khuyến khích nhận con nuôi).Trong gia đình Thiên Chúa ba ngôi vị, người ta đã so sánh như thế nào với gia đình nhân loại ?

- Truyền thống Đông phương thường ví Cha là cha – Con là con – Thánh Thần là mẹ. Vì Thánh Thần là tình yêu bao la. Lòng mẹ bao la như biển thái bình, dạt dào. Trong ca tiếp liên lễ Chúa Thánh Thần, Giáo hội gọi Chúa Thánh Thần là niềm an ủi trong lúc lệ rơi, là nghỉ ngơi trong cảnh cơ hàn. Người mẹ trong gia đình đúng là người an ủi. Lòng mẹ chính là chỗ nghỉ ngơi khi mệt nhọc. Mẹ là Chúa Thánh Thần.

- Nhưng truyền thống Tây phương lại xem Chúa Thánh Thần Ngôi Ba là con, tức là hậu quả của mối tình giữa ngôi I và ngôi II. Hai Ngôi yêu nhau, nhiệm xuất ra ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần.

Bởi thế, ta không cần xét xem Thiên Chúa là một gia đình thì ai là cha, ai là mẹ, ai là con. Cho bằng Thiên Chúa khôn ngoan nhiệm mầu đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, tức là một con người biết yêu thương, và sống trong gia đình.

Đức Piô 12 đã nhận xét: Ttrong một gia đình mà người cha quên mình đi để chỉ nghĩ đến vợ con, người mẹ quên mình đi để chỉ nghĩ đến chồng con; các con quên mình đi để nghĩ tới cha mẹ, thì gia đình ấy đúng là Thiên đàng. Gia đình là Thiên đàng. Thiên đàng có Thiên Chúa, Thiên Chúa là Tình yêu.

Người vợ đi chợ về, đưa trái cam cho chồng. “Anh ăn trái cam cho có sức đề kháng” (Vitamin C). Người chồng và cũng là người cha không ăn, nhưng lén đưa cho đứa con út, nghĩ rằng nó nhỏ nhất nhà, nó phải được chăm sóc hơn. Con út không ăn, để dành chờ anh hai đi làm về, trao cho anh : “Anh đi làm về mệt cần bổ dưỡng.” Anh cả cầm quả cam – đi xuống bếp, thấy mẹ vất vả anh đề nghị mẹ dùng quả cam này để mẹ thêm sức sống. Quả cam từ người mẹ đi một vòng trở về người mẹ.

Trong gia đình đích thực, câu chuyện quả cam trên vẫn thường diễn ra. Lúc đó hình ảnh quả cam được thay bằng món quà, cục kẹo, xấp vải, chiếc áo…, hay khái quát hơn, tình thương yêu. Tình yêu luân chuyển giữa cha mẹ con cái vợ chồng anh em càng nhiều thì càng xứng đáng là đại diện là bản sao cho Thiên Chúa Ba Ngôi là một gia đình.

Một linh mục giáo sư thần học, dạy môn Thiên Chúa Ba Ngôi cho các nữ tu. Cuối khoá, thầy hỏi: “Các sơ bây giờ đã hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi chưa?” Gần như cả lớp đồng thanh: “Dạ hiểu rồi.” Cha bật cười: “Vậy thì các chị giỏi hơn tôi rồi!”

Những ai sống trong gia đình có cha mẹ con cái, hiểu mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi hay hơn các linh mục hì hục lý giải mầu nhiệm này. Bởi lẽ Thiên Chúa là Ba vì Ngài là một gia đình. Hãy chỉ cho chúng tôi, các linh mục, hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ngay trong gia đình của anh chị. Đó là lời xin lời mời và là một thách thức các anh chị đó. Giờ thì chúng ta hãy tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi qua Kinh Tin Kính.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tấm lòng mục tử: Giám Mục Hương Cảng bật khóc trong thánh lễ cầu nguyện cho người dân
Đặng Tự Do
18:44 14/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Những hình ảnh quý vị và anh chị em vừa xem thấy là một đoạn video của giáo phận Hương Cảng ghi lại thánh lễ đặc biệt được tổ chức tại Hương Cảng hôm thứ Năm 13 tháng Sáu, tức là một ngày sau khi cảnh sát dùng bạo lực tấn công dã man vào những người biểu tình khiến ít nhất hai người đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện và ít nhất 79 người khác bị thương.

Hôm thứ Tư 12 tháng Sáu, khoảng 5,000 cảnh sát đã bắn hơi cay, và đạn cao su vào hàng trăm ngàn người biểu tình trong cố gắng đàn áp những người phản kháng dự luật dẫn độ đang tụ tập xung quanh tòa nhà Hội đồng Lập pháp của thành phố.

Cuộc biểu tình đã tiếp diễn đến khuya ngày thứ Tư trước khi những người biểu tình, chủ yếu là những người trẻ bị đẩy lui khỏi khu vực này.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (陳日君, Zen Ze-kiun) và Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành (夏志誠, Ha Chi-shing) đã gặp một nhóm thanh niên Công Giáo Hương Cảng trước thánh lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmêlô vào lúc 07:00 chiều mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Trong một bài giảng đầy nước mắt, Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành, là Giám Mục Phụ Tá Hương Cảng, nói rằng ngài rất xúc động khi nhìn thấy những người trẻ trong những ngày qua khi ngài đi bộ từ trung tâm giáo phận đến nhà thờ.

“Họ chỉ muốn lên tiếng về quan ngại của mình. Họ đáng phải gánh chịu bạo lực như thế sao? Tôi không thể hiểu tại sao Hương Cảng đã trở thành như ngày hôm nay. Chúng ta chỉ muốn sống tự do. Chúng ta không đáng được hưởng tự do hay sao?”

Trong những ngày qua, Giáo phận Hương Cảng đã công bố ba tuyên bố kêu gọi các chính phủ và công chúng kiềm chế và tìm kiếm một giải pháp cho tình trạng hiện nay thông qua các kênh đối thoại trong hòa bình, và lý trí. Giáo phận cũng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho thành phố này.

Đức Cha cho biết ngài sẽ thảo luận tình hình hiện nay với Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (湯漢, Tong Hon), hiện là Giám Quản Tông Tòa của Hương Cảng.

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán nguyên là Giám Mục chính tòa Hương Cảng cho đến ngày 1 tháng Tám, 2017 khi Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Micae Dương Minh Chương (楊鳴章, Yeung Ming- cheung). Tuy nhiên, Đức Cha Chương đã qua đời vào ngày 3 tháng Giêng năm nay sau 17 tháng cai quản giáo phận. Tòa Thánh muốn bổ nhiệm Đức Cha Hạ Chí Thành làm Giám Mục Hương Cảng. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này có lẽ đã vấp phải những chống đối gay gắt của phía Trung Quốc nên giải pháp hiện nay là Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, năm nay đã 80 tuổi, quay trở lại làm Giám Quản Tông Tòa của chính giáo phận mình đã từng làm Giám Mục Chính Tòa, một việc chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội.

Hương Cảng là một phần của Trung Quốc, nhưng lãnh thổ này có luật lệ riêng biệt theo một hệ thống kiểu Anh và không có án tử hình như Trung Quốc đại lục. Nhiều người lo ngại rằng luật dẫn độ đang được đề xuất có nghĩa là họ có thể bị bọn cầm quyền Trung Quốc bắt ngay tại Hương Cảng đối với hành vi bị cáo buộc là phạm tội chính trị hoặc kinh doanh.

Mặc dù thừa nhận luật dẫn độ gây tranh cãi, nhưng bà Carrie Lam, hay còn gọi là Lâm Trịnh Nguyệt Nga, là Đặc Khu Trưởng Hương Cảng, vẫn từ chối hoãn hoặc rút lại dự luật này.

Bà Carrie Lam đã bật khóc trên truyền hình TVB Hương Cảng khi xác nhận dự luật dẫn độ này đã gây tranh cãi. Bà mếu máo cho rằng cá nhân bà đã “hy sinh” rất nhiều cho thành phố này. Bà Lam cho rằng luật dẫn độ là cần thiết để lấp đầy “các kẽ hở” biến Hương Cảng trở thành thiên đường cho các tội phạm bị chính quyền Trung Quốc truy nã.

Nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Lương Diệu Trung (梁耀忠,Leung Yiu-chung) nói những giọt nước mắt của bà Lam là “nước mắt cá sấu”. Ông cho rằng “Những người tham gia các cuộc biểu tình đã hành động vì thiện ích cao nhất của Hương Cảng trong trái tim. Chính quyền này hoàn toàn không có con tim.”

208 thành viên Ủy ban Bầu cử của Hương Cảng, trong tổng số 1200 thành viên, đã yêu cầu bà Carrie Lam nên từ chức.


Source:UCAN
 
Tin Vui: Thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn được cử hành ngày 15/6.
Đặng Tự Do
21:16 14/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong thông báo được đưa ra vào đầu tuần này, Tòa Giám Mục Paris cho biết Thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn phá hủy mái và ngọn tháp của nhà thờ sẽ được cử hành vào tối thứ Bảy 15 tháng Sáu trong một nhà nguyện bên trong nhà thờ với khoảng 20 người tham dự, và sẽ do Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của tổng giáo phận Paris, chủ tế cùng với 6 hay 7 linh mục.

Cùng tham dự thánh lễ còn có các thành viên kinh sĩ đoàn của nhà thờ và các nhân viên của các đài truyền hình.

Tất cả những người tham dự sẽ phải đội mũ bảo hộ lao động.

Nhà nguyện nơi Thánh Lễ được cử hành không hề bị hư hại bởi ngọn lửa, và đó cũng là nơi Mão Gai Chúa Giêsu đội trong cuộc thương khó được lưu giữ.

Thánh lễ sẽ được trực tiếp truyền đi trên truyền hình Pháp.

Ngày 15 tháng Sáu được chọn vì đó là lễ kỷ niệm hàng năm biến cố Cung Hiến Bàn Thờ của nhà thờ chính tòa Paris.

Đức Ông Patrick Chauvet, Cha sở nhà thờ chính tòa giải thích với tờ La Croix International về quyết định cử hành thánh lễ này như sau:

“Điều rất quan trọng là cho thế giới biết rằng vai trò của nhà thờ chính tòa này là để làm rạng rỡ vinh quang Thiên Chúa. Cử hành Thánh Thể vào đúng ngày hôm đó, dù chỉ với một nhóm rất nhỏ, sẽ là dấu chỉ của vinh quang và ân sủng Chúa.”

Trước thánh lễ sẽ có các nghi thức cầu nguyện tại quảng trường phía trước nhà thờ, nơi một nhà nguyện kính Đức Mẹ sẽ sớm được xây dựng để kỷ niệm biến cố Đức Mẹ đã cứu ngôi nhà thờ chính tòa này khi các tín hữu chạy đến kêu cầu.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh quan bên trong nhà thờ do Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO thực hiện. UNESCO quan tâm đặc biệt đến thiệt hại của ngôi thánh đường vô giá 850 tuổi này và các tác phẩm nghệ thuật có thể đã bị thiệt hại trong ngọn lửa.

Metchtild Rossler từ Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO cho biết: “Đây là một phần của di sản thế giới bên bờ sông Seine được UNESCO công nhận vào năm 1991 và đây là một trong những tòa nhà chính trong toàn bộ di sản thế giới đã được công nhận. Vì vậy, đối với chúng tôi câu hỏi đặt ra là sự ổn định của tòa nhà, và những gì đã mất. Ít nhất 2/3 mái nhà đã bị thiệt hại. Như thế, chắc phải có những thiệt hại lớn ở bên trong.”

Có rất nhiều mối quan tâm về các di tích tôn giáo quý giá và các tác phẩm nghệ thuật, liệu chúng có bị cháy, liệu chúng có bị hư hại hay không? Và dường như vào thời điểm này, phần lớn nếu không muốn nói là tất cả đã được cứu khỏi sự tàn phá của ngọn lửa.

“Nhiều thứ có thể đã cứu được. Anh có thể giải thích ý nghĩa điều này cho chúng tôi không?”

“Tất cả mọi người đang đề cập đến vương miện gai có lẽ là di tích quan trọng nhất tại ngôi nhà thờ này. Đây là vương miện gai mà Chúa Kitô đã đội theo trong cuộc thương khó của Ngài vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên cách đây khoảng 2,000 năm. Và đây là một thánh tích đã đến tay vua Louis thứ Chín, phải gọi là Thánh Louis, vào thế kỷ 13, và ngài đã xây dựng một nhà nguyện bên trong nhà thờ Đức Bà với mục đích giữ gìn di tích này.”

“Còn cây đại phong cầm vĩ đại, một trong những nhạc cụ nổi tiếng nhất thế giới thì sao? Có bất kỳ thông tin nào về nó không?”

“Cho đến khi chúng ta có thể truy cập vào nhà thờ chính tòa một cách an toàn, sẽ không ai có thể nói chính xác về tình trạng của nhạc cụ này. Nhưng dựa trên cơ sở của một báo cáo được công bố sáng nay thì ngọn lửa đã không lan đến cây đại phong cầm. Báo cáo cũng viết rằng nước xịt vào để chiến đấu với ngọn lửa đã không ảnh hưởng đến cây đàn vì một tấm che trên cây đại phong cầm đã cản không để nước lọt xuống bên trong cây đàn. Đó là một tin rất tốt lành.”

Metchtild Rossler cho biết nhà thờ chính tòa sẽ được tái thiết như trước đây và điều này không khó vì có vô số phim ảnh về nhà thờ này.


Source:Aleteia
 
Qui thức mới của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về trách nhiệm giải trình của các Giám Mục
Vũ Văn An
17:46 14/06/2019


Theo Michael J. O’Loughlin của tạp chí America, các Giám Mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu một cách áp đảo ở Baltimore vào hôm thứ Năm để chấp nhận các qui thức mới nhằm buộc các ngài phải giải trình các vi phạm lạm dụng tình dục của chính mình cũng như việc mình xử lý sai trái các lời tố cáo lạm dụng đã được trình cho các ngài.

Dù các qui thức mới được soạn thảo để bao gồm giáo dân vào mọi giai đoạn của cuộc điều tra, vì các ngài khuyến cáo rằng các giám mục ‘nên’ bao gồm giáo dân qua ngả một văn phòng tại tòa giám mục của các ngài, nhưng các nhóm giáo dân cải cách và các người ủng hộ các nạn nhân nói họ không được hài lòng, vì các qui định mới không buộc có việc can dự này.

Đáp ứng đạo luật mới của Vatican ban hành vào tháng 6, được nêu chi tiết trong tự sắc “Vos estis lux mundi” (chúng con là ánh sáng thế gian), một tự sắc đòi các giám mục trên khắp thế giới thiết lập các cơ cấu để các giám mục giải trình trách nhiệm, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu để thiết lập một đường dây nóng báo cáo đệ tam nhân; chấp nhận một thủ tục để tiếp nhận các khiếu nại đó và bao gồm giáo dân vào việc điều tra chúng; và kết hợp vào một nơi các biện pháp hiện có nhằm hạn chế thừa tác vụ công cộng của các giám mục đã nghỉ hưu, rời khỏi chức vụ “vì lý do nghiêm trọng”. Các Giám mục cũng phê chuẩn một bộ quy tắc ứng xử mà các ngài nói ràng buộc các ngài vào Hiến chương Bảo vệ Trẻ em và Thanh thiếu niên.

Theo qui thức mới, giám mục giáo tỉnh, người giám sát các giám mục trong một khu vực địa lý, “nên” chỉ định một giáo dân đủ tư cách để tiếp nhận các báo cáo” từ đường dây nóng về hành vi sai trái của một giám mục. Nếu báo cáo được coi là đáng tin và nếu Vatican yêu cầu một cuộc điều tra về một giám mục, thì giám mục giáo tỉnh “nên bổ nhiệm một điều tra viên được chọn trong số các giáo dân được giáo tỉnh nhận diện trước đó”. Ngoài ra, giám mục giáo tỉnh “cũng nên sử dụng các chuyên gia có trình độ”, những người “chủ yếu trong số các giáo dân”.

Đức Hồng Y Blase Cupich, tổng giám mục Chicago và là cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tham gia cuộc họp tháng Hai các giám mục từ khắp nơi trên thế giới, tại Tòa thánh, để thảo luận về lạm dụng tình dục, đã soạn thảo một tu chính nhằm củng cố thứ ngôn từ có thể bao gồm giáo dân trong các cuộc điều tra. Nhưng vì luật lệ của Vatican đã không bắt buộc phải có sự tham gia của giáo dân, dù luật này nói rằng có thể có sự can dự của giáo dân, nên một số giám mục Hoa Kỳ nói rằng họ không thể đòi phải có sự tham gia của giáo dân. Tuy nhiên, nhiều giám mục vẫn nhấn mạnh rằng họ đã dựa vào tài chuyên môn của giáo dân để được sự hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực và sẽ rất khó có thể tiến hành một cuộc điều tra nếu không có giáo dân.

Biện pháp đã được thông qua với số phiếu 218 thuận 1 phiếu chống, với hai giám mục bỏ phiếu trắng.

Kim Smolik, giám đốc điều hành của nhóm giáo dân cải cách, tên là Lãnh Đạo Bàn Tròn (Leadership Roundtable), nói rằng bà “hài lòng khi nhiều giám mục đã yêu cầu phải xác định rõ sự tham gia của giáo dân trong văn kiện”, nhưng tổ chức này “thất vọng” khi sự tham gia này không bắt buộc. Bà nói rằng dù luật lệ của Vatican không đòi phải có sự tham gia của giáo dân, nó vẫn là “một cánh cửa mở cho mỗi khu vực trên thế giới có thể ban hành và bao gồm hàng ngũ giáo dân vào bình diện được họ cảm thấy là cần thiết”.

Bà Smolik nói: “Tự sắc là một sàn nhà, không phải trần nhà. Chúng ta hy vọng các giám mục đối xử với nó theo cách đó và đòi phải định chế hóa sự tham gia của giáo dân”. Bà nói thêm rằng nhóm của bà, từng tổ chức các cuộc họp gần đây với các nhà lãnh đạo giáo hội hàng đầu về vấn đề trách nhiệm giải trình, hy vọng các giám mục sẽ ban hành một thủ tục thanh lý (auditing) để đo lường việc thực thi các quy tắc mới và giải quyết “các nguyên nhân gốc rễ” của điều bà gọi là “cuộc khủng hoảng lãnh đạo”.

Trong một tuyên bố, nhóm ủng hộ các nạn nhân, tên là Mạng lưới Những Người bị Các Linh mục Lạm dụng, cho biết không buộc phải có sự can dự của giáo dân và đòi mọi cáo buộc lạm dụng hoặc quản lý sai trái phải được báo cáo cho chính quyền dân sự, các qui thức mới thiếu khả năng tấn công (bite).

Bản tuyên bố viết “Nếu không có các bắt buộc này, sẽ không có gì đảm bảo rằng các báo cáo sẽ được chuyển đến cảnh sát và các cuộc điều tra sẽ được minh bạch và công khai. Thay vào đó, mọi báo cáo có thể vẫn được giữ bí mật và được cách ly trong các hệ thống nội bộ của giáo hội”.

Theo các quy tắc mới, các giám mục giáo tỉnh được yêu cầu phải báo cáo các cáo buộc về hành vi phạm pháp cho chính quyền dân sự như pháp luật trong khu vực tài phán của họ đòi hỏi.

Trong một thông cáo báo chí được phát hành hôm thứ Năm, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thúc giục các nạn nhân bị lạm dụng đừng chờ cho đến khi có hệ thống báo cáo trước khi đưa ra các khiếu nại của họ.

Bản tuyên bố viết rằng “Các cá nhân, những người rất có thể đã bị lạm dụng, nên liên lạc với các chính quyền địa phương để nộp báo cáo càng sớm càng tốt, và cũng có thể báo cáo cho Giáo quyền bằng các phương tiện hiện có, chẳng hạn như ‘Điều Phối viên Hỗ trợ Nạn nhân’. Sau khi báo cáo cho chính quyền dân sự, các cá nhân cũng có thể đăng ký khiếu nại với giám mục giáo tỉnh đối với các vấn đề liên quan đến lạm dụng tình dục hoặc lạm dụng quyền hành”.

Các giám mục đã bác bỏ một tu chính được Giám mục Jaime Soto của Sacramento đề nghị, yêu cầu phải có một cuộc thanh lý “độc lập, minh bạch” về các qui thức mới sau một thời gian ba năm dùng thử. Ủy ban được giao nhiệm vụ soạn thảo văn kiện cho biết, ý hướng của tu chính rất đúng, nhưng cho rằng nó “nằm ngoài phạm vi” quy định mới của Vatican. Trong các cuộc thảo luận về tu chính, một số giám mục bày tỏ lo ngại rằng nếu không có thanh lý, người ta sẽ không rõ thời gian thử nghiệm ba năm đã diễn ra như thế nào.

Giám mục Shawn McKnight, người đứng đầu Giáo phận Thành phố Jefferson, Mo., nói với hội đồng: ngài tin rằng sự tham gia của giáo dân nên là điều “bắt buộc”.

Ngài nói “Tôi tin rằng chúng ta nên làm điều đó bởi vì đó là điều Công Giáo ta phải làm”. Nhiều giám mục vỗ tay hưởng ứng.

Các giám mục đã chấp nhận qui thức trong một phiên họp đặc biệt - thông thường, các giám mục tụ họp để tĩnh tâm vào tháng 6 - sau khi các cố gắng bỏ phiếu cho các biện pháp giải trình bị đình hoãn hồi tháng 11 theo yêu cầu của các viên chức Vatican cho đến sau cuộc họp hoàn cầu của các giám mục vào tháng Hai.

Một qui thức khác liệt kê các hạn chế hiện có mà một giám mục có thể áp đặt lên một giám mục hưu trí, rời chức vụ vì lạm dụng hoặc bị cáo buộc quản lý sai trái.

Trong một cuộc bỏ phiếu 212 thuận 4 chống, với một giám mục bỏ phiếu trắng, các giám mục đã chấp nhận một chính sách cho họ khả năng hạn chế thừa tác vụ của các giám mục hưu trí, rời chức vụ “vì lý do nghiêm trọng”.

Các giám mục hưu trí có thể bị hạn chế trong việc giảng dạy và ban các bí tích một cách công khai. Ngoài ra, giám mục đương nhiệm có thể yêu cầu giám mục hưu trú cư trú bên ngoài giáo phận cũ của mình và một số hạn chế nhất định có thể được áp dụng đối với thu nhập hưu trí của ngài, đặc biệt là các quỹ hỗ trợ đi lại và thư ký. Các giám mục cũng có thể yêu cầu giám mục hưu trí bị từ chối quyền được chôn cất trong nhà thờ chính tòa giáo phận.

Tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ giải thích: các biện pháp này là “những hạn chế phi hình sự” bởi vì chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có thể “áp dụng hình phạt đối với các giám mục có hành vi phạm tội”. Nhưng các giám mục có thể áp đặt một số hạn chế đối với các giám mục khác và các qui thức mới nhằm mục đích đưa ra các hành động nhằm hạn chế sự hiện diện công cộng của một vị giám mục bị thất sủng.

Christopher White của tạp chí Crux cung cấp thêm một số chi tiết liên quan tới đường dây nóng để báo cáo. Anh cho hay đường dây này có tính bảo mật, sử dụng điện thoại hay trực tuyến. Cuộc bỏ phiếu lần này cho phép Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khai triển đường dây này một cách chi tiết hơn nữa trước khi một cuộc bỏ phiếu trọn vẹn sẽ diễn ra trong tháng 11.

Ủy ban quản trị của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu vào tháng 9 này về các chi tiết tài chánh và cơ cấu trước ky họp toàn thể tháng 11. Dưới kế hoạch đã được chấp thuận, các giám mục cam kết sẽ kích hoạt hệ thống báo cáo đệ tam nhân không trễ hơn 31 tháng 5, 2020. Dù giá cả chưa được đúc kết, các viên chức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ước lượng đừơng dây nóng sẽ tốn chừng 30,000 dollars để thiết lập và 50,000 dollars để duy trì hàng năm.

Hệ thống báo cáo này sẽ được quản lý bởi một bộ phận độc lập. Bộ phận này sẽ tiếp nhận các đơn khiếu nại; các đơn này sẽ được tường trình cho vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh (hay miền); vị này, theo tự sắc Vos estis lux mundi (“các con là ánh sáng thế gian”) chịu trách nhiệm điều tra các đơn khiếu nại chống các giám mục.

Tự sắc đòi các Hội Đồng Giám Mục địa phương phải tiết lập một hệ thống “công cộng, ổn định và dễ dàng lui tới” để đệ nạp các khiếu nại bị lạm dụng và các báo cáo phải được gửi tới các Tổng Giám Mục giáo tỉng hay vị giám mục phụ thuộc thâm niên nhất nếu chính vị Giám Mục giáo tỉnh bị tố cáo). Ở Hoa Kỳ, có tất cả 32 tổng giáo phận tòng thổ (hay 32 Tổng Giám Mục giáo tỉnh).

Con số trên khá đáng kể, nên Anthony Picarello, tổng luật sư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói với các Giám Mục rằng lý do hệ thống báo cáo chỉ có hiệu lực từ tháng 5, 2020, là để các vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh có đủ thì giờ thiết lập các văn phòng và nhân sự thích đáng để tiếp nhận các đơn khiếu nại. Ông cho hay 31 tháng 5, 2020 là thời hạn chót do Tòa Thánh ấn định, nhưng nếu vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh nào có sẵn hệ thống trước thời hạn, các ngài có thể phát động chiến dịch sớm hơn.

Trong lúc thảo luận trước khi bỏ phiếu, nhiều giám mục nói đến nhu cầu quảng cáo cho hệ thống này và khả năng hệ thống có thể tiếp nhận các thắc mắc không liên quan đến lạm dụng.

Tuy nhiên, đã có sự minh xác: dù các giáo phận trên toàn quốc đã có đường dây riêng để báo cáo việc lạm dụng tình dục của các linh mục và những sai trái khác, hệ thống mới chỉ để tiếp nhận các khiếu nại chống lại các giám mục mà thôi.
 
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza nhận định về kế hoạch bảo vệ các địa điểm tôn giáo
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
19:36 14/06/2019
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Khâm sứ và Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, trong những buổi Tham khảo về “Plan of Acton to Safeguard Religious Sites” (Kế hoạch Hành động để bảo vệ các địa điểm tôn giáo) ngày 11.6.2019 tại New York, đồng góp những nhận định sau đây: “Bất chấp khuôn khổ pháp lý vũng chắc này, với sự hiểu biết và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, bao gồm cả việc thờ phượng tôn giáo, chúng tôi tiếp tục chứng kiến sự gia tăng đáng báo động của các hành vi không khoan dung, phân biệt đối xử, đàn áp và thậm chí diệt chủng, chống lại các tín đồ tôn giáo dựa trên niềm tin của họ. Gần đây, những hành vi bạo lực này thường xuyên nhắm vào các tín hữu đang tụ tập cầu nguyện ở nơi thờ phượng, rồi biến các thiên đường của hòa bình và thanh thản trở thành nơi hủy diệt, nơi những người không tự vệ mất mạng chỉ vì họ cùng nhau thực hành tôn giáo của họ. Chúng tôi vẫn thương tiếc cho các nạn nhân của các vụ tấn công gần đây đang cầu nguyện trong các giáo đường (synagogues) tại Pittsburgh (Pennsylvania) và Poway (California), tại hai giáo đường (mosques) Hồi giáo ở thành phố Christchurch (New Zealand), trong ba nhà thờ ở Sri Lanka và một số nhà thờ ở Burkina Faso.

Trong bối cảnh này, một Kế hoạch Hành động của Liên hợp quốc để bảo vệ các nơi thờ phượng và các địa điểm tôn giáo khác sẽ là một bước đi đúng hướng. Việc bảo vệ nơi thờ thượng là hệ quả trực tiếp của việc bảo vệ tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Phát biểu trước cả chính phủ và tín đồ, Đức Giáo Hoàng Francis và Đại Giáo Sĩ Ahmed Al-Tayyeb đã cùng nhau khẳng định: “Bảo vệ nơi thờ phượng - giáo đường (Do thái), nhà thờ và giáo đường Hồi giáo - là một nghĩa vụ được đảm bảo bởi các tôn giáo, giá trị con người, luật pháp và các thỏa thuận quốc tế. Mọi nỗ lực tấn công các nơi thờ phượng hoặc đe dọa họ bằng các cuộc tấn cộng bạo lực, đánh bom hoặc phá hủy, là một sự sai lệch so với các giáo lý của các tôn giáo cũng như vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế” (Tuyên bố chung của ĐGH Phanxicô và Đại Giáo Sĩ Ahmed Al-Tayyeb, Human Fraternity for World Peace and Living Together, Abu Dhabi, 4 February 2019). Do đó, Phái đoàn chúng tôi mong muốn Kế hoạch Hành động được đóng khung và đặt nền tảng cho quyền tự do tôn giáo cơ bản và quyền tự do thực hành đức tin hoặc tín ngưỡng của mỗi người ở nơi công cộng, bao gồm những nơi thờ phượng, trong hòa bình và an ninh.

Chúng tôi hy vọng Kế hoạch Hành động sẽ lên án không chỉ khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, mà cụ thể hơn là lên án mạnh mẽ tất cả các cuộc tấn công chống lại các nơi thờ phượng và các địa điểm tôn giáo khác và các hệ tư tưởng thúc đẩy chúng, tự bản chất, hoàn toàn xa lạ với niềm tin tôn giáo đích thực.

Chúng tôi hy vọng nó sẽ tái khẳng định trách nhiệm ưu tiên của các quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, bất kể bản sắc tôn giáo hay sắc tộc của họ. Dựa trên sự bình đẳng của tất cả các quyền và nghĩa vụ dân sự và tôn giáo, mọi công dân phải được hưởng sự bảo vệ bình đẳng theo luật pháp. Mặc dù Kế hoạch Hành động có thể đưa ra các khuyến nghị và đưa ra các ví dụ về các thực hành tốt nhất cho chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác, nhưng nó sẽ phải tránh chép lại, ít thay thế hơn, những gì các quốc gia có trách nhiệm ưu tiên và siêu biệthủ quyền phải làm, như bảo vệ tất cả công dân và của tất cả các không gian công cộng. Các quốc gia có trách nhiệm hàng đầu và tối cao để hành động, chẳng hạn như bảo vệ tất cả công dân của họ và của tất cả các không gian công cộng.

Đồng quan điểm đó, để có được sự tin tưởng và ủng hộ của các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng, sự hợp tác sẽ rất cần thiết trong việc thực hiện, Kế hoạch Hành động sẽ phải tránh tham gia vào các vấn đề tôn giáo chủ yếu nội bộ liên quan đến những tôn giáo và các cộng đồng liên hệ của họ, giống như giáo lý tôn giáo, kỷ luật, nghi lễ và sứ mệnh của họ.

Trong khi chúng ta nói về việc bảo vệ các nơi thờ phượng, và đúng như vậy, trung tâm của sự chú ý của chúng ta không chỉ là bảo vệ các tòa nhà mà trên hết là giáo dục và đào tạo con người. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Kế hoạch Hành động sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của việc bồi dưỡng và thực hành văn hóa đối thoại và gặp gỡ, được đặc trưng bởi sự tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau, sự can đảm để chấp nhận sự khác biệt và sự chân thành của ý định cùng nhau bước đi trên con đường của huynh đệ và hợp tác của con người.

Một Kế hoạch Hành động hiệu quả cũng sẽ phải thực hiện nhiệm vụ tế nhị và đầy thách thức để kêu gọi, mà không xa lánh những người liên hệ - các nhà lãnh đạo tôn giáo, xã hội và chính trị, thực sự, cả những kẻ khủng bố và tư tưởng cực đoan – “cũng không ngừng sử dụng tôn giáo để kích động hận thù, bạo lực, cực đoan và cuồng tín mù quáng, và kiềm chế sử dụng tên của Thiên Chúa để biện minh cho các hành vi giết người, lưu đày, khủng bố và áp bức” [xem trích dẫn trên]

LM. Nguyễn Tất Thắng, OP

Nguồn: https://holyseemission.org/contents//statements/5d0026c37bb26.php
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Hồng Ân Thánh Hiến
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
13:07 14/06/2019
Giáo xứ nơi tôi phục vụ, có Nữ Tu Maria Lê Thị Ba, 84 tuổi, kỷ niệm 60 năm Khấn dòng. Đây là dịp đặc biệt nên tôi đến tham quan và dâng lễ tại hội dòng với 179 năm lịch sử hiện diện nơi đất Thủ Thiêm. Từ Trung tâm Mục vụ Sài gòn qua cầu Thủ thiêm đến đại lộ Mai Chí Thọ đi chừng 1 km rẽ trái vào khoảng 500m là đến Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Giữa đô thị sầm uất, những tòa nhà cao tầng tứ phía, Hội dòng khiêm tốn ẩn mình giữa những vườn cây xanh mát, nhiều dãy nhà cổ kính rộng thoáng, các vườn hoa nở rộ đủ sắc màu, những vườn cỏ xanh um tươi mát.

Xem Hình

Hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được thiết lập năm 1840 tại Thủ Thiêm. Thời vua Minh Mạng, đạo bị bách hại dữ dội, nhất là trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi năm 1833, chính quyền bắt hại đạo dữ dội hơn, tàn phá các nhà thờ, tu viện. Nhiều Tu viện bị phá hủy hoàn toàn, chính vì thế các nữ tu của các Tu viện này đã chạy tứ tán khắp nơi. Một số gặp nhau ở Thủ Thiêm và dừng chân ở đây vào khoảng năm 1840. Nhưng chẳng được bao lâu, chị em lại phải đi lánh nạn, tá túc ở Xóm Chiếu, Rạch Chông,... vì tình hình an ninh quá bất ổn, quân Pháp chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, bên cạnh đó, vùng Thủ Thiêm lại bị cọp beo hoành hành dữ dội.

Năm 1859, sau khi Pháp chiếm đánh Sài Gòn, tình hình tương đối ổn định, Đức cha Lefèbvre đã nhờ một số linh mục đi tìm và quy tụ các chị em nữ tu đang lánh nạn khắp nơi trong địa phận của ngài về Thủ Thiêm để tiếp tục sống Ơn gọi tu trì.Ba nữ tu tiên khởi là chị Giuse, Matta và Maria Phước thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Tân Triều và Lái Thiêu. Năm 1833, vua Minh Mạng ra sắc dụ cấm đạo nghiêm ngặt, hai Hội dòng Mến Thánh Giá Tân Triều và Lái Thiêu bị giải tán, chị em tản mát mỗi người một nơi. Theo dòng người di tản, một số chị em chọn Thủ Thiêm làm nơi trú ngụ và tái lập nếp sống tu trì.

***

Sáng nay 14 tháng 6 năm 2019, Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Xuân lộc đến chủ tế thánh lễ tạ ơn tại nguyện đường Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Có 40 cha đồng tế đến từ nhiều giáo phận.Toàn thể hội dòng và cộng đoàn phụng vụ hân hoan mừng 2 Nữ tu Ngọc Khánh, 3 Nữ Tu Kim Khánh, và 7 Nữ Tu Ngân Khánh Khấn dòng.

Ngày lễ tạ ơn mừng Ngọc Khánh, Kim khánh và Ngân Khánh hôm nay có 3 điểm nhấn. Một điểm dừng: nhìn lại để tạ ơn. Từ đời sống đức tin đến sự phát triển, nhớ lại tất cả mà tạ ơn Chúa. Một điểm nhấn, nhắm vào hiện tại để thấy rõ lòng đạo đức, lòng yêu mến Chúa, lòng yêu mến Giáo hội của hội dòng. Một điểm tái khởi hành, trong tinh thần yêu thương hiệp nhất hòa hợp tin cậy và truyền giáo.

Đức cha Gioan giảng lễ.

Ngài khởi đi từ 3 bài đọc Thánh kinh và suy niệm về ơn gọi dâng hiến là chọn phần tốt nhất.

dân Chúa bị lưu đày và đang ước mơ một tương lai. Được ơn Chúa soi dẫn, ngôn sứ Isaia hướng về tương lai ấy và nói cho dân Chúa rằng: Muôn dân thiên hạ sẽ nhìn vào những người này mà trầm trồ khen ngợi như là dòng dõi được chúc phúc, dòng dõi này được chúc phúc có gì đặc biệt: đó là được mặc cho áo cứu độ, được chọn cho Đức Công Chính. Và lời ngôn sứ được công bố trong ngày tạ ơn hôm nay, Giáo hội muốn nhìn về quý Dì sống đời dâng hiến là những người rất xứng đáng để được đặt vào dòng dõi được chúc phúc được mặc áo cứu độ được chọn cho Đức Công Chính.

Quả thật các Dì đáng như thế vì đã lắng nghe và sống lời của vị tông đồ Phaolô trong tâm tình mời gọi tín hữu Rôma: Anh chị em hãy dâng hiến chính thân mình làm của lễ, dâng hiến cuộc đời mình mà làm của lễ. Của lễ nào cũng đáng quý nhưng không có của lễ đáng quý bằng chính đời sống của anh chị em và thánh nhân mời gọi khi dâng hiến như vậy thì hãy cải biến con người anh chị em mặc lấy Chúa Kitô con người mới, và con người mới trong Chúa Kitô chính là con người đưa vào cuộc đời của mình các mối phúc. Chính Chúa Kitô khởi đầu sứ vụ cứu thế đã công bố. Những lời khuyên phúc âm các Dì đã nói lên trong ngày tuyên khấn của mình chính là mang vào mình con người mới của Chúa Kitô. Phúc cho ai sống nghèo khó để Nước Trời là của mình; phúc cho ai có lòng trong sạch để được nhìn thấy Thiên Chúa; phúc cho ai thực thi thánh ý Thiên Chúa thì người ấy đã bỏ ý mình mà chọn ý Thiên Chúa. Chúa muốn sao con muốn vậy, khi nào Chúa muốn, con muốn. Cái gì Chúa muốn, con muốn. Bao lâu Chúa còn muốn thì con muốn theo Chúa theo thánh ý của Chúa. Sự chọn lựa và mặc lấy Chúa Kitô này đưa chúng ta về một khung cảnh rất cảm động tại nhà Bêtania, khi Chúa Giêsu đến với gia đình rất yêu mến này có Matta, Maria và Lazarô. Chúa Giêsu đã được tiếp đón, chị cả thì lo việc bếp núc, điều đó cao quý nhưng khi chị than phiền: em con để con lo một mình, thì là dịp Chúa Giêsu nói với Matta và nói với chúng ta rằng, này em con Maria đã chọn phần tốt nhất. Cái tốt nhất đấy nằm trong mỗi ơn gọi của chúng ta, chúng ta ở đời là để tìm cái tốt nhất Chúa muốn cho mình. Khi chúng ta chọn đời sống hôn nhân gia đình thì chúng ta xác định đó là điều tốt nhất cho tôi theo thánh ý Chúa. Khi chúng ta chọn đời sống dâng hiến thì chúng ta xác tín rằng đó là điều tốt nhất cho tôi theo Chúa Kitô. Và trong ánh sáng này mà chúng ta tiến bước…

Các Dì đã chọn điều mà Chúa đã nói với Maria, chọn phần tốt nhất cho đời của mình. Vậy trải qua, nhớ lại 60 năm trước, 50 năm trước, 25 năm về trước chúng ta đã thưa với Chúa thưa với Giáo hội sự chọn lựa của mình…

Hội dòng là một cộng đoàn có linh đạo đặc biệt, có sức sống và nền tảng của hội dòng là Hội thánh của Chúa. Hội dòng nằm trong Hội thánh của Chúa. Chính các tông đồ là nền tảng của Hội thánh nhận lãnh Chúa Thánh Thần từ Đấng Phục Sinh để mang hơi thở phục sinh phả vào trong nhân loại làm nên các tín hữu qua bí tích thánh tẩy và quy tụ một số tín hữu có những đặc sủng để thành lập nên các hội dòng với linh đạo riêng để sống ơn phục sinh của mình…

Cuộc đời dâng hiến của chúng ta và cuộc đời của các tín hữu chúng ta đều là những cuộc đời cần và theo Chúa Giêsu tới chiêm ngắm quyền năng Chúa làm cho kẻ chết sống lại và chiêm ngắm chính mầu nhiệm Chúa từ cõi chết sống lại. Đó cũng là lời rao giảng căn bản của Hội thánh làm nên đức cậy trông của tất cả chúng ta…

***

Sau bài giảng, quý Nữ tu tiên lên, quỳ gối và lập lại lời tuyên khấn: Lạy Cha là Thiên Chúa cao cả tốt lành, nhờ ơn Chúa Thánh Linh soi dẫn, con tự nguyện cam kết bước theo Chúa Giêsu trên đường thánh giá để cùng với Người hiến thân phụng sự Cha và phục vụ anh chị em đồng loại. Con xin hiệp thông với toàn thể chị em, tuân giữ ba lời khuyên phúc âm: khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục, theo hiến chương Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Nguyện xin Cha chấp nhận đời con như một hiến lễ và xin giúp con trung thành với giao ước tình yêu trong Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.

Đức Giám Mục đọc lời nguyện chúc trên quý Nữ tu mừng lễ.

Cuối thánh lễ Chị Tổng phụ trách dâng lời tri ân Đức cha quý cha và cộng đoàn.

Chúa Giêsu nói: Kho tàng ở đâu, lòng trí ở đó. Tất cả chị em trong hội dòng đang hướng về kho tàng quý giá, đó là những chị em mừng kỷ niệm khấn dòng hôm nay, những viên ngọc quý. Đức cha Lamber De La Motte, đấng sáng lập, đã gọi đó là những kho tàng thánh thiêng.

Hướng về quý chị em mừng lễ, chị Tổng bày tỏ lòng biết ơn: cũng chính tại nguyện đường thân thương này, cách đây 60 năm, 50 năm và 25 năm, quý bà và chị em đã tiến lên tuyên khấn, nguyện bước theo sát dấu chân Chúa Giêsu trên đường thánh giá và gắn bó với hội dòng. Hôm nay, quý bà quý chị em một lần nữa tiến lên lập lại lời tuyên khấn ấy, có thể những bước chân chậm chạp hơn, yếu sức hơn, nhưng con tin chắc rằng tình yêu mà quý bà quý dì và chị em dành cho Chúa Giêsu chịu đóng đinh và cho hội dòng luôn mãi tròn đầy. Đó chính là thước ngọc khuôn vàng và gương bạc cho thế hệ trẻ chúng con tiếp bước noi theo để cùng nhau bảo vệ tô điểm và phát triển di sản thiêng liêng của hội dòng ngày một tươi đẹp và vững mạnh hơn trong ân sủng của Chúa. Hội dòng luôn trân trọng biết ơn quý bà quý dì và chị em.

Đáp từ, Đức cha Gioan chia vui với hội dòng và ngài nói là rất vinh dự đến dâng lễ tạ ơn với Hội dòng có hơn 175 năm hình thành và phát triển, hiện diện dọc dài thời gian thăng trầm như dấu chứng lịch sử, dấu chứng sự hiện diện của Chúa nơi mãnh đất Thủ Thiêm này.

Sau bài ca kết lễ, những tấm hình kỷ niệm được ghi lại trong khoảnh khắc đáng yêu của ngày hôm nay. Bữa tiệc đầm ấm tình gia đình trong nhà cơm hội dòng.

Nguyện xin ơn Thánh Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse và Đấng sáng lập, xin cho các nữ tu mừng kỷ niệm hồng ân thánh hiến hôm nay được trọn đời trung thành với lời khấn của mình. Xin Chúa thương gìn giữ các nữ tu trên mọi nẻo đường đời. Với các nữ tu cao niên, xin Chúa ban sức mạnh hồn xác để các bà sống tuổi già an nhàn và hạnh phúc, đẹp một đời tận hiến.

Thánh Phaolô nói: “Hãy nhìn về phía trước và quên đi chặng đường phía sau”, nhưng mà nhiều khi cũng cần nhìn lại chặng đường phía sau. Nhìn lại 25 năm cuộc đời tu trì của mình, các nữ tu cảm nhận được ý nghĩa đích thực, vì ngay cả sắc đẹp, ngay cả tuổi thanh xuân, ngay cả những bạn bè, ngay cả những tài năng Chúa ban, người sống đời thánh hiến đều bỏ lại phía sau hết. Vì cái lợi tuyệt vời là được Chúa chọn, được biết Chúa, được thuộc trọn về Chúa. Đức Giêsu Nadarét, Đấng vì yêu thương đã đến trong thế gian, đã chấp nhận sống nghèo và rao giảng Tin Mừng cứu độ, là Đấng được Chúa Cha sai đến đã không làm theo ý mình mà làm theo ý của Cha, không nói lời của mình mà là lời của Cha và vâng phục mọi sự. Theo Chúa để biết Chúa và thuộc trọn về Chúa, từ đó các nữ tu được sai đi trên khắp mọi nẻo đường, đến bất cứ nơi nào, gặp gỡ bất cứ ai với tư cách là người nữ tu Mến Thánh Giá. Người nữ tu luôn trung thành sống tinh thần Mến thánh giá.Những nữ tu mừng 50 năm, 60 năm luôn khắc ghi Lời Chúa nói vào tâm khảm của mình: “Hạt lúa gieo vào lòng đất phải mục nát đi mới có thể trổ sinh bông hạt”. Sự trung thành bền bỉ, đầy năng lực và nhiệt tình của người nữ tu, đến tuổi cao lại càng nhiều kinh nghiệm, giàu nhẫn nại. Các bà mừng lễ ngọc và lễ vàng thật vô cùng quý giá trước mặt Hội Thánh, là những hình ảnh rất đẹp cho các thế hệ đi sau. Đời sống thánh hiến hạnh phúc trong đời sống phục vụ vì được hao mòn đi cho phần rỗi của các linh hồn. Những người sống đời dâng hiến cho Chúa, cuộc đời có sao đi nữa, dầu sức khỏe của mình ra sao, thì mình vẫn luôn thuộc về Chúa, và cuộc đời của mình vẫn thật hạnh phúc, bởi đã được trở nên như ngọn đèn chầu bên Thánh Thể Chúa, như ngọn nến hao mòn đi vì phần rỗi các linh hồn các nữ tu thấy rằng mình đã lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho Chúa. Hơn thế nữa, những gì mình có thể có trong cuộc đời thì vì Chúa mình sẵn lòng bỏ lại phía sau, để được cái lợi tuyệt vời là biết Chúa và được thuộc về Chúa. Và càng thuộc về Chúa bao nhiêu, thì càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, như hạt lúa mì gieo xuống đất phải mục nát đi mới trổ sinh nhiều bông hạt. Và cuối cùng thì chỉ có Chúa mới thực sự là ánh sáng, là nguồn ơn cứu rỗi, và là sức mạnh cho tất cả chúng ta.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Giáo dân Công Giáo California: Xin Hãy Nhập Cuộc
Phạm Mạnh Tuấn
19:39 14/06/2019
Giáo dân Công Giáo California: Xin Hãy Nhập Cuộc

Vài tuần nay chúng ta chắc ai cũng mừng khi thấy người Công Giáo trong tiếu bang California, từ trên xuống dưới, từ tu sĩ đến giáo dân cùng nhau lên tiếng chống lại dự luật (DL) SB-360, dự luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tòa giải tội chẳng những chống Công Giáo mà còn chống lại những quyền tự do căn bản và thiêng liêng của con người. Đạo luật bá đạo kiểu này chưa một nước nào, dù phát xít hay độc tài, dám ban hành.

Những nỗ lực gần đây tuy đáng khuyến khích và rất cần thiết nhưng muốn thành công, để dự luật này không thể thông qua Hạ viện Tiểu bang (nên nhớ Thương viện bang California đã thông qua ngày 23 tháng 5, 2019 với tỉ số 30/4) mỗi người chúng ta cần nỗ lực hơn nữa.

1) Chúng ta cần trang bị cho mình một kiến thức cần thiết, một lập trường rõ ràng. Hôm trước chúng tôi tới gặp một Mục sư Tin lành tại địa phương, vì muốn ông đứng về phía chúng ta chống lại DL này, qua trung gian một người bạn cũng là tín hữu của ông. Khi vị Mục sư hỏi lý do, người bạn tôi mau mắn trả lời vì DL này vi phạm một trong những bí tích thiêng liêng của người Công Giáo, mặt ông Mục sư vẫn lạnh nhạt, nhưng khi tôi bổ túc vì DL SB-360 vi hiến, lúc đó vị Mục sư mới tỏ ra quan tâm.

Quả thật DL SB-360 đã vi phạm nghiêm trọng vào quyền tự do tôn giáo, quyền đã được ghi rõ trong Tu Chính Án thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ: “Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech.” Mặt khác DL này cũng đi ngược lại ý muốn của những người đã tạo ra nền tảng luật pháp cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ - thường được gọi dưới tên những “Founding Fathers” – Đó là tính biệt lập giữa thế quyền và thần quyền (the Separation of church and state). Rất nhiều văn kiện và bút tích của những vị như Thomas Jefferson, James Madison đã minh định ý muốn này.

Chỉ khi nào chúng ta có một lập luận rõ ràng và thuyết phục, chúng ta mới lôi kéo được những người không Công Giáo. Điều này rất có ý nghĩa. Khi một linh mục lên tiếng các vị dân biểu sẽ nghĩ linh mục là đối tượng nên việc chống đối là đương nhiên, nhưng nếu một giáo dân lên tiếng lại có vẻ khách quan hơn, và ý kiến của một người không Công Giáo chắc chắn sẽ mang tính cách đòi hỏi công bằng và lẽ phải.

2) Xin hãy nhập cuộc: Nếu cứ đứng ngoài nhìn vào Giáo Hội Công Giáo, ai cũng phải khâm phục tính thống nhất và sự đoàn kết của chúng ta, nhưng xin đừng tự mãn, hãy đấm ngực đọc kinh cáo mình “mea culpa”. Trong khi chúng ta rất hăng say trong những công tác từ thiện, nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp, chúng ta lại rất thụ động khi phải trực tiếp đối đầu với những khuynh hướng và phong trào chống Kitô giáo và muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống! (1).

Gần đây, riêng tại nước Mỹ này, đã có quá nhiều bằng chứng cho thấy người ta đang từng bước “tẩy chay Thiên Chúa”. Từ việc gỡ bỏ Thánh Giá và bia Mười Điều Răn khỏi những nơi công cộng; Việc bắt các chương trình bảo hiểm của các đại học Công Giáo phải trả tiền cho thuốc ngừa thai; Buộc các bệnh viện Công Giáo phải có dịch vụ phá thai: Buộc các thành phố phải cấp chứng chỉ hôn nhân cho các cặp đồng tính; Không chúc tụng nhau “Merry Christmas” (một truyền thống đã được quốc tế hóa) trong công sở mà thay bằng “Happy Holiday”; v.v… Trước tất cả những điều này người Công Giáo chúng ta nói chung chẳng có phản ứng tích cực nào, nếu không nói là vẫn rất thờ ơ.

Giáo hội chúng ta tổ chức rất chặt chẽ, một sự đoàn kết hàng dọc và từ trên xuống, (anh em Tin Lành hình như làm ngược lại). Giáo Hội Công Giáo cần tổ chức như vậy để giữ được tính “thống nhất” và “tông truyền”, nhưng từng giáo dân cũng cần nhận ra vai trò quan trọng của mình trong việc củng cố và xây dựng Giáo hội.

Gần đây có một làn sống tích cực nhằm bảo vệ sự sống, chống tội ác phá thai, gần nhất là vào tháng 5 vừa qua, hai tiểu bang Alabama và Louisiana đã ban hành, hay đưa ra bàn thảo, những đạo luật cấm phá thai gần như trong mọi trường hợp (2). Đạt được điều này dĩ nhiên đòi hỏi những công sức, những vận động của nhiều giới trong đó có giáo dân Công Giáo, nhưng phải công tâm nhìn nhận rằng sự đóng góp của anh em Tin lành rất đáng kể và đáng nể. Một thí dụ về việc ít quan tâm của giáo dân Công Giáo, như hằng năm cứ khoảng cuối tháng giêng có chương trình “Đi bộ cho sự sống” (Walk for Life) trên San Francisco, tham dự viên phần lớn đều là các chủng sinh và các cha, giáo dân rất hiếm, nếu có mấy người cũng chỉ đứng đằng sau nấu phở, nấu xôi, làm bánh mì cho các tham dự viên đại chủng viện Saint Patrick!.

- Hiện tại DL SB-360 đang được chuyển qua “Assembly Public Safety Committee” để nghiên cứu và thảo luận, những ai thông thạo internet có thể vào “Legiscan” hay website của “committee” này (https://apsf.assembly.ca.gov/) mà nêu ý kiến. Hoặc cuối tuần này tại hầu hết các nhà thờ trong vùng đều để sẵn thơ ý kiến, xin đọc và ký vào thơ. Chúng tôi có đề nghị sau khi có nhiều thư rồi chúng ta sẽ làm nhiều bản, không chỉ gởi cho những dân biểu địa phương như ông Ash Kalra (đơn vị 27) hay ông dân biểu quen thuộc Kasen Chu (Milpitas), nhưng chúng ta sẽ gởi cho hết 80 vị dân biểu tiểu bang California.

Cũng cần nhắc nhau trước, nếu dịp này chúng ta nỗ lực chưa đủ để dự luật vi hiến và vi pháp này thông qua hạ viện TB, chúng ta cũng đừng ngã lòng. Dân Hồng Kông sống dưới chế độ độc tài đảng trị mà cả triệu người còn đang dám đứng lên đòi hỏi công lý, lẽ nào cả 10 triệu người Công Giáo chúng ta chịu để cho ông Thống Đốc tiểu bang ung dung ký thành luật, bản dự luật vô lý này sao!.

Dù sao nơi nương tựa cuối cùng và vững chắc nhất vẫn là Thánh Tâm Chúa Giêsu, như Thánh Mẫu Maria đã nhắc nhở chúng ta khi hiên ra tại Fatima (1917), giữa cơn đại hồng thủy cách mạng Bôn-Sê-Vích (Bolshevik) đang nổi lên tại Nga muốn loại hẳn Thiên Chúa ra khỏi đời sống nhân loại, nhưng cuối cùng tà thuyết này cũng đã thất bại thảm hại tại Nga và Đông Âu.

Phạm Mạnh Tuấn, San Jose

------------------

(1) Đức TGM Fulton Sheen (nguyên phụ trách tổng giáo phận New York) từng lên tiếng báo động hồi Thế chiến II, lý do phía sau chiến tranh và sự dữ không mang tính biện chứng mà mang tính thần học. “Thế giới đã “tẩy chay” Thiên Chúa, và hậu quả thảm khốc xảy ra như chúng ta đã và đang chứng kiến.”

(2) Như luật về chống phá thai, từ tháng Ba năm nay (2019) nhiểu tiểu bang như Kentucky, Utah, Arkansas, Missouri thông qua luật cấm phá những thai nhi, bắt đầu từ lúc nhịp tim của những thai nhi này được nhận ra. Luật này thương được gọi dưới tên “heartbeat bill” (Prohibit the abortion of an unborn human being with a detectable heartbeat). Trong tháng Tư tiểu bang Ohio cũng thông qua đạo luật tương tự.

Đặc biệt ngày 14 tháng Năm, 2019, tiểu bang Alabama đưa ra luật cấm phá thai gần như trong tất cả các trường hợp, ngoại trừ sức khỏe người bị đe dọa nghiêm trọng. Sau đó ngày 29 tháng 5, 2019, tiểu bang Louisiana còn đưa ra luật cấm phá thai ngay cả trong trường hợp bị hãm hiếp hay loạn luân. (Theo CNN/Politics ngày 30 tháng 5, 2019)
 
Văn Hóa
Mừng ngày Từ Phụ 16/6/19 : Bà ca dao Nhớ Cha
Đinh Văn Tiến Hùng
19:31 14/06/2019

-Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi.
Ai thảo kính cha mình sẽ được sống lâu dài.
( Kinh Thánh Huấn ca.3 : 6 )
-Không phải máu thịt mà là trái tim
khiến chúng ta là cha và con.
( Fredrich Schiller )
-Không chiếc gối nào êm đềm bằng bờ
vai cứng cáp của người cha.
( Richard Evan )
-Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
( Thích Thiện Nghĩa )
-Tôi không thể nghĩ ra nhu cầu nào mãnh liệt
trong thời thơ ấu như mong muốn có sự bảo vệ
của người cha.
( Sigmund Feard )
-Khi cha cho con cả hai đều cười.
Khi con biếu cha cả hai đều khóc.
( William Shakespeare )
-Chỉ khi nào bạn lớn lên rời khỏi cha đến với gia đình của riêng bạn, chỉ lúc đó
bạn mới hiểu được sự vĩ đại của cha và thực tâm biết ơn.
( Magaret Truman )

* Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con .

Dù cho sông cạn đá mòn,
Lời Ca dao ấy vẫn còn trong tôi,
Điệu ru từ lúc nằm nôi,
Lời ca dịu ngọt đầu đời gọi cha.
Tình thương ôi thật bao la,
Cơn mưa nắng hạ chan hoà đời con.
Thân gầy lặn lội hao mòn,
Âm thầm chịu đựng không than nửa lời,
Đắng cay miệng vẫn mỉm cười,
Nhìn đàn con dại vui tươi thoả lòng,
Đêm ngày chỉ những cầu mong,
Cho con khôn lớn thành công nên người.
Con xin ghi nhớ những lời,
Cha thường dạy bảo suốt thời ấu thơ.
Giờ đây cha đã xa rời,
Nhớ thương Từ Phụ lòng thời xót xa,
Ôi ơn dưỡng dục bao la,
Con xin ghi lại bài Ca dao này .

Đinh văn Tiến Hùng