Ngày 22-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 12 Quanh Năm 21/6/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 22/06/2020
Bài Ðọc I: Gr 20, 10-13

"Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ta đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: "Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó". Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: "Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó". Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức: Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù nó cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.

Ðó là lời Chúa.

Đáp Ca: Tv 68, 8-10. 14 và 17. 33-35

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi (c. 14c).

Xướng: Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con. - Ðáp.

Xướng: Nhưng, lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi xin nhìn đến tấm thân con. - Ðáp.

Xướng: Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 5, 12-15

"Không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội trên thế gian; nhưng tội không bị bắt lỗi, khi không có lề luật. Nhưng từ Ađam cho đến Môsê, sự chết ngự trị cả trên những kẻ không phạm tội giống như sự lỗi phạm của Ađam, hình ảnh của người đến sau.

Nhưng không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Ðức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 17, 17b và a

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 26-33

"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.

"Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.

"Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:14 22/06/2020

6. Nhìn sự đau khổ thật là đáng sợ, nhưng nhìn thánh ý của Thiên Chúa trên sự đau khổ thì thật là dễ thương, thật hoan lạc.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:25 22/06/2020
53. ÔNG KHÁC CHỮ

Có một chủ nhà đem mấy thạch (1) gạo mời thầy giáo đến nhà dạy học cho con trai, và giao kèo: nếu học một chữ không giống thì phạt khâu trừ một thăng (2) gạo.

Khi một năm dạy sắp kết thúc, thống kê lại thì thầy giáo dạy một năm có mấy chữ khác nhau, theo đó mà phạt khấu trừ gạo, mấy thạch gạo lớn khấu trừ chỉ còn hai thăng mà thôi.

Chủ nhà trực tiếp đem đến bỏ trên bàn trước mặt thầy giáo, thầy giáo rất thất vọng, liên tục thở dài nói:

- “Làm sao nói nổi, làm sao nói nổi興” (3).

Chủ nhân thấy ông thầy giáo nói chữ “dư與” thành chữ “nổi興”, câu cú không thông, bèn nói với đầy tớ:

- “Đem hai thăng gạo cất vào kho.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 53:

Dạy một chữ mới mà trừ một thăng gạo thì ông chủ quả là khắc khe, nhưng xét cho cùng thì ông chủ vẫn là người biết lo xa, bởi vì có những thầy cô giáo thời xưa cũng như thời nay, khi dạy học thì chỉ nghỉ đến tiền lương và kiếm lợi nhuận khi dạy thêm mà thôi, chứ không tận tâm dạy dỗ theo đúng chức nghiệp và lương tâm của mình, cho nên khi lên lớp thì dạy những chữ “khác” không nằm trong chương trình của nhà trường như nói chuyện tiếu lâm cho hết giờ, truy bài em này, nạt nộ em nọ cho đến...hết tiết dạy của mình...

Có một vài linh mục khi cử hành thánh lễ thì không theo luật chữ đỏ, tùy tiện thêm bớt theo ý của mình cách quá đáng, làm cho giáo dân thắc mắc hồ nghi về việc cử hành thánh lễ của các ngài có...thành sự không ! Nếu việc dâng thánh lễ mà có “giao kèo” với giáo dân thì chắc là các ngài sẽ bị...khấu trừ tiền xin lễ đến chết đói mà thôi, vì đôi lúc cái tùy tiện vô ích ấy là thái độ không coi trong phụng vụ thánh của Giáo Hội và khinh thường giáo dân của các ngài.

Dạy học là việc của thầy cô giáo, cử hành thánh lễ là việc vô cùng cao trọng của linh mục, mặc dù các ngài tùy tiện theo ý mình thêm bớt cho oai mà không bị khấu trừ gạo, nhưng lòng sốt sắng của giáo dân sẽ bị “khấu trừ dần dần” vì thái độ tùy tiện của các ngài khi cử hành thánh lễ, và sẽ “khấu trừ dứt khoác” nơi các ngài vào ngày phán xét, thật đáng sợ chứ không phải chuyện đùa...

(1) Đơn vị đo gạo thời xưa, bằng 100 lít.

(2)Đơn vị đo gạo bằng 1 lít.

(3)Chữ 與 chỉ là một chữ than thở mà thôi, chẳng hạn như “chứ呢” trong tiếng Việt: “Chuyện này biểu người ta làm sao nói chứ? ” nhưng ông thầy giáo lại đọc là興 nghĩa là nổi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhận định của Đức Cha Rudolf Voderholzer: Tình huynh đệ anh em Đức Bênêđíctô khiến người cảm động
Đặng Tự Do
17:45 22/06/2020
Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục Regensburg đã bày tỏ niềm vui trước kết quả tích cực trong chuyến viếng thăm bất ngờ của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tại Regensburg. “Với chuyến trở về Đức bất ngờ, một kế hoạch không lường trước được, nhanh chóng lên kế hoạch, là một thách thức cho mọi người tham gia, nhưng cuối cùng kết thúc thật tuyệt vời và trên hết, là một chuyến viếng thăm đầy cảm xúc, ” Đức Cha Voderholzer nói như trên trong một cuộc họp báo trong vườn Tòa Tổng Giám Mục Regensburg. Ngài rất nhẹ nhõm và hài lòng vì cuộc gặp gỡ đó rất tích cực và củng cố sức mạnh cho vị Giáo Hoàng đã nghỉ hưu cũng như cho anh trai của ngài, và mọi việc diễn ra không có chút trở ngại nào.

Đức Bênêđíctô XVI đã về đến Vatican. Chiếc máy bay đặc biệt của Không quân Ý đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Ciampino vào khoảng 1 giờ chiều ngày thứ Hai 22 tháng 6. Đức Bênêđíctô sau đó đã về đến Tu Viện Mẹ Giáo Hội tại Vatican hơn nửa giờ sau đó. Trước khi khởi hành, Đức Cha Rudolf Voderholzer và Thủ tướng miền Bavaria Markus Söder đã nói lời tạm biệt với ngài tại một sân bay ở Munich. “Chúng tôi chúc ngài được Chúa ban phước lành cho một chuyến bay thuận lợi và hứa với ngài rằng chúng tôi sẽ chăm sóc anh trai của ngài thật tốt, ” Đức Cha Voderholzer nói và cho biết thêm vào sáng thứ Hai, anh em Ratzinger đã gặp nhau lần cuối trước khi Đức Bênêđíctô trở lại Vatican.

Theo Đức Cha Voderholzer, chính tình cảm với người anh trai bị bệnh nặng Georg đã khiến Đức Bênêđíctô thực hiện chuyến đi này. “Tôi cầu chúc mọi người chúng ta có thể trải nghiệm một tình cảm huynh đệ, và một mối quan hệ tốt đẹp như thế, ” Đức Cha Voderholzer nói và nhận định rằng mối quan hệ giữa anh em Ratzinger rất thắm thiết nhưng không bi lụy. Mối quan hệ sống động ấy dựa trên niềm hy vọng, xác tín, và vị tha. Từ khi Đức Bênêđíctô thoái vị đến nay, hai anh em đã gặp gỡ nhau 9 lần, mỗi cuộc gặp gỡ như thế rõ ràng đã mang lại cho họ sức sống, sự can đảm và niềm vui mới.

Đức Cha Voderholzer đã gọi Đức Bênêđíctô là “người xây dựng các nhịp cầu, là người, với phong cách lặng lẽ, thậm chí khiêm tốn và trên hết là nhờ lời nói của mình, đã có thể chinh phục mọi người vào cuộc tìm kiếm để gặp gỡ Chúa Kitô”.

Đức Cha nhận xét rằng trong những ngày viếng thăm này, Đức Bênêđíctô, người đàn ông vĩ đại về tinh thần, đã trải nghiệm sự yếu đuối về thể chất của mình, khi về già và trong sự hữu hạn của mình. Đức Bênêđíctô nói bằng một giọng khàn khàn, gần như thì thầm và phát âm rõ ràng cũng là một vấn đề đối với ngài. Nhưng suy nghĩ của ngài vẫn rất minh mẫn. Tất cả các quá trình cuộc sống hàng ngày, Đức Bênêđíctô phải dựa vào sự giúp đỡ của người khác.

Theo Đức Cha Voderholzer, với một vĩ nhân như Đức Bênêđíctô, có lẽ phải có nhiều can đảm, và khiêm tốn, để đặt mình vào tay người khác và thể hiện điều này trước công chúng. Đức Bênêđíctô đã nói rõ rằng “người ta không thể hoàn toàn che giấu chính mình”.

Đức Cha Voderholzer cho biết ngài cảm thấy Đức Bênêđíctô đã vui như thế nào khi nhìn thấy phong cảnh quen thuộc, những con hẻm và lối đi quen thuộc và trên tất cả nhìn thấy mọi người qua cửa sổ của chiếc xe. “Thực tế là rất nhiều người đã đổ xô ra hai bên đường để chào ngài. Ngài vô cùng cảm động. Đức Bênêđíctô đã phải thu hết sức mạnh còn lại của mình để vẫy tay chào họ.”

“Đức Bênêđíctô đã gặp gỡ chúng tôi trong tất cả những yếu đuối về thể chất của ngài và chúng tôi có thể trải nghiệm những gì thực sự quan trọng vào cuối đời của ngài”.

Đức Giám Mục Regensburg cũng cảm ơn các nhà báo. Họ đã phải tường trình một cách bất đắc dĩ để giữ cho chuyến đi này riêng tư, dù rằng đây là một sự kiện cảm động đối với nhiều người tại Regensburg, cả khu vực, và toàn nước Đức.

Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterović, Sứ Thần Tòa Thánh ở Đức, đã đến gặp Đức Bênêđíctô tại Regensburg vào sáng Thứ Bảy. Nhưng chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức là Đức Cha Georg Bätzing của Limburg đã không đến gặp Đức Bênêđíctô 16. Chỉ vài ngày trước chuyến viếng thăm Đức của Đức Bênêđíctô, Đức Cha Bätzing đã lên tiếng chỉ trích một bài khảo luận dài của Đức Bênêđíctô về nguyên nhân dẫn đến tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.[1]

Đức Cha Bätzing, 59 tuổi, người kế vị Hồng Y Reinhard Marx làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức hồi tháng 3, đã kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma để thảo luận về các nghị quyết của “tiến trình công nghị” của Đức ở mức độ Giáo hội hoàn vũ. [2] Những vấn đề tiến trình công nghị Đức muốn thảo luận là thay đổi giáo lý về đạo đức tình dục để chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, thay đổi hình thái đời sống linh mục để xoá bỏ luật độc thân linh mục, và phong chức linh mục cho phụ nữ.

“Những gì phát sinh một cách đồng nghị cũng phải được làm rõ và trả lời một cách đồng nghị”, Đức Cha Georg Bätzing nói, giải thích rằng ngài “hoàn toàn ủng hộ việc chuyển đến Rôma, đến cấp độ toàn Giáo hội, những hiểu biết và quyết định mà chúng tôi thu được từ tiến trình công nghị tại Đức liên quan đến vai trò của phụ nữ và công việc mục vụ của Giáo Hội.”

Ngài nói thêm rằng ngài có “những ý tưởng cụ thể về những gì có thể đạt được trong Thượng Hội Đồng Giám Mục” này.

Tuyên bố của Đức Cha Bätzing được đưa ra vào hôm 27 tháng Năm. Đến nay Tòa Thánh không trả lời gì về đề nghị này.

Theo ký giả Sandro Magister, “Synodale Weg” hay “Tiến Trình Công Nghị” ở Đức, càng ngày càng cho thấy nguy cơ lớn hơn đối với Giáo Hội Công Giáo, không riêng ở Đức mà khắp hoàn vũ.

Magister cảnh báo rằng “Tiến Trình Công Nghị” này thực ra đang bước theo ba tiền thân hay ba luồng tư duy Đức ở thế kỷ 19. Cả ba luồng tư tưởng này cuối cùng đã trở thành ly giáo.

[1] New leader of German bishops signals no retreat from progressive line
[2] German bishop calls for Rome synod to discuss German synod


Source:Die Tagestpost
 
Tôn vinh các Nữ tu, xông pha nơi các tuyến đầu của đại dịch
Thanh Quảng sdb
18:59 22/06/2020
Tôn vinh các nữ tu, xông pha nơi các tuyến đầu của đại dịch

Trước một Đại hội ảo về nữ tu xông pha ở tiền tuyến, các bà Đại sứ Hoa Kỳ và Anh tại Tòa Thánh tôn dương những nỗ lực không mệt mỏi của các nữ tu anh hùng vô danh.

(Tin Vatican)

Đại sứ quán Anh và Hoa Kỳ ở Tòa thánh đang hợp tác để tổ chức một hội nghị chuyên đề ảo nhằm vinh những nữ tu đang dấn thân ở tuyến đầu, thực thi sứ mệnh của Giáo hội, phục vụ người nghèo và dễ bị tổn thương.

Với chủ đề “Những nữ tu tại tuyến đầu”, Đại hội bằng trực tuyến kéo dài một giờ sẽ diễn ra vào thứ ba hôm nay ngày 23 tháng 6, lúc 11 giờ sáng giờ Roma.

Những nữ nhi anh hùng vô danh

Trước hội nghị chuyên đề, Bà Callista Gingrich, Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh và Bà Sally Axworthy, Đại sứ Anh tại Tòa thánh, đã trả lời cuộc phỏng vấn của đài Vatican. Cả hai đều ca ngợi những công việc dấn thân của các sơ.

Bà Đại sứ Gingrich gọi họ là những nữ nhi anh hùng vô danh của Giáo hội, những người mà các cố gắng của họ thường bị đánh giá thấp và không được chú ý mấy.

Giống như các đồng nghiệp Hoa Kỳ, bà Đại sứ Anh quốc, Axworthy cũng nói, chúng tôi rất coi trọng công việc của các tu sĩ nam nữ trong việc chăm sóc những người nghèo dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Họ cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho mọi người trên khắp thế giới, dù họ nhận được ít sự hỗ trợ, họ âm thầm làm việc và thường bỏ tiền túi của họ ra giúp đỡ đồng loại…

Đại sứ Gingrich cho biết các nữ tu thực sự là những nhà giáo dục, doanh nhân, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhân đạo ở các tuyến đầu trong rất nhiều cộng đồng trên khắp thế giới.

Đặc biệt chúng ta tôn vinh những chiến sĩ ở tuyến đầu phải đối diện với những khó khăn nguy hiểm do đại dịch Covid-19 mang lại.

Theo bà Đại sứ Gingrich thì họ là những tu sĩ dấn thân không mệt mỏi để nâng đỡ những người thất nghiệp, nghèo đói, thiếu thốn về về mọi mặt...

Bà đại sứ cho hay: Hội nghị chuyên đề của chúng tôi sẽ nhấn mạnh đến điểm chính yếu này. Các vị nữ tu là một trong những đối tác hiệu quả và quan trọng nhất mà chúng tôi có. Bà còn nêu rõ: quí sơ là những người có một trình độ hiểu biết bén nhậy trước các tình huống xã hội, kinh tế và chính trị trong khu vực các sơ hoạt động.

Bà Đại sứ Axworthy cũng nêu nên các sơ là những người nhanh nhẹn, nhìn ra những nhu cầu và biết đáp ứng nhanh chóng, cũng như đưa ra những giải đáp cho các vấn đề trong cộng đồng, những xung đột chẳng hạn.

Kinh nghiệm vô giá

Hội thảo chuyên đề ảo hôm nay, thứ ba cũng bao gồm các vấn đề giáo dục và nhân bản, và hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn người.

Sơ Stan Therese Mumuni, Bề trên tổng quyền Dòng Mẹ Maria tôn sùng Thánh Thể, đã cứu sống nhiều trẻ sinh dị tật bẩm sinh ở miền bắc Ghana.

Sơ Imelda Poole, Bề trên Tổng quyền của Dòng Chúa Thánh Thể tại châu Âu đã chống lại nạn buôn bán và bóc lột phụ nữ tại ở Albania và khắp châu Âu.

Sơ Alicia Vacas, Bề trên Tổng quyền Dòng Comboni ở Jerusalem, đã hỗ trợ các sơ trong công tác chống đại dịch Covid-19 ở miền bắc Ý, và sơ Comboni, điều hành các bệnh viện trong những điều kiện khó khăn ở các nước như Chad.

Bà Đại sứ Axworthy cho hay: Những nữ tu này, đại diện cho các nữ tu đang phục vụ vô điều kiện cho những người đang cần đến sự giúp đỡ nhất.

Những tia sáng hy vọng

Bà Đại sứ Gingrich kể lại rằng các nữ tu thường là những tia sáng hy vọng cuối cùng cho hàng triệu người vô danh tiểu tốt.

Dịch vụ của các sơ vươn tới những người di cư đầy hiểm nguy và tuyệt vọng, tại những nơi mà các chính phủ và các tổ chức nhân đạo đang gồng mình để hoạt động.
 
VietCatholic TV
Thế giới bất an: Khủng bố tại Anh, hôi của tại Đức, cướp bóc lần thứ hai tại Minneapolis, Hoa Kỳ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:09 22/06/2020

1. Cướp bóc lần thứ hai tại Minneapolis 1 người chết và 11 người bị thương

Trong một tweet vào sáng Chúa Nhật 12 Quanh Năm hôm 21 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda của tổng giáo phận Saint Paul & Minneapolis đã lên tiếng kêu gọi anh chị em giáo dân cầu nguyện cho cuộc sống trở lại bình thường và hài hòa như trước đây sau đại dịch coronavirus kinh hoàng và sau hàng loạt các vụ bạo động cướp bóc và đốt phá theo sau cái chết của anh George Floyd.

Diễn biến này đã xảy ra sau một vụ cướp bóc mới nhất vào rạng sáng Chúa Nhật 21 tháng 6. Các cuộc điều tra sơ khởi của cảnh sát cho thấy hai nhóm có vũ trang đã bắn nhau vào lúc 0:27 sáng Chúa Nhật. “Mười hai người đã bị bắn, trong đó có một người chết, và 11 người khác bị thương trong một cuộc hỗn chiến tại khu 2900 đại lộ Hennepin South, ” Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis cho biết.

“11 người bị thương nhưng không đe dọa đến tính mạng. Không có vụ bắt giữ nào được thực hiện, và động cơ vẫn chưa rõ ràng, ” cảnh sát cho biết.

Các nhân chứng cho biết Hennepin Avenue South cũng là nơi cướp bóc và đốt phá khi bạo lực bùng lên trong các cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo của cảnh sát liên quan đến cái chết của George Floyd.

Một số doanh nghiệp tương tự trên đường phố, vừa hoàn thành việc sửa chữa thiệt hại từ tháng trước, giờ đây lại bị cướp lần thứ hai. Nhiều cửa hàng bị nhẹ hơn, chỉ có các cửa sổ bị vỡ vì vụ nổ súng.

Fred Hwang, quản lý tại một nhà hàng gần nơi xảy ra vụ nổ súng, nói với CNN rằng tiếng súng bắt đầu lúc 12:27 sáng vì một nhân viên đang in biên lai với dấu thời gian đó khi nghe thấy tiếng súng bên ngoài nhà hàng.

Hwang, người đã chạy ra bên ngoài nhà hàng và xem vụ nổ súng, cho biết ít nhất hai nhóm người đang bắn vào nhau.

Cảnh sát cho biết tiếng súng giao tranh đã thưa dần vào sáng sớm Chúa Nhật.

Sau khi tiếng súng dừng lại và nạn nhân được đưa đến bệnh viện, Hwang nói rằng ông đã khảo sát hiện trường và tìm thấy vỏ đạn có vẻ như từ ba loại vũ khí khác nhau.


Source:CNN

2. Anh quốc bị tấn công khủng bố

Ba người đã thiệt mạng và ba người khác bị thương nặng trong vụ tấn công bằng dao trong một công viên ở thị trấn Reading của Anh.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết đây là một vụ tấn công khủng bố ông chia buồn và cầu nguyện “cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự cố kinh hoàng ở Reading”. Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cho biết bà “quan ngại sâu sắc” trước diễn biến này vì tình hình trị an tại Anh đang xấu đi cùng với các cuộc biểu tình Black Lives Matter.

Vụ tấn công xảy ra vào tối thứ Bảy 20 tháng Sáu theo giờ địa phương.

Thanh tra cảnh sát Ian Hunter của Biệt Đội Chống Khủng Bố South East cho biết công viên lúc đó tràn ngập mọi người. Một người đi qua đột nhiên hét lên một số từ khó hiểu và nhào tới một nhóm lớn khoảng 10 người, đâm túi bụi vào họ.

“Hắn đâm trúng 3 người trong số họ, với các vết thương nghiêm trọng ở cổ và cánh tay, và sau đó tiếp tục đâm một số người khác đang hoảng hốt bỏ chạy.”

“Một số người bị thương và được đưa tới bệnh viện. Đáng buồn là ba trong số những người bị đâm đã chết, và ba khác bị thương nghiêm trọng.”

Bệnh viện Hoàng gia Berkshire ở Reading cho biết họ đang điều trị cho hai người bị thương trong vụ tấn công khủng bố này.

Một người đàn ông 25 tuổi cư ngụ tại Reading đã bị bắt giữ tại hiện trường vì nghi ngờ giết người. Anh ta hiện đang bị cảnh sát giam giữ.

Thanh tra cảnh sát Ian Hunter cho biết không có mối liên hệ nào với cuộc biểu tình của Black Lives Matter xảy ra cùng ngày trong khu vực.

Ông nói: “Đã có một số thông tin cho rằng vụ việc này có liên quan đến các cuộc biểu tình Black Lives Matter diễn ra tại Reading vào buổi chiều cùng ngày. Tôi có thể khẳng định rằng hai chuyện này không có liên quan với nhau.”

“Không có thông tin tình báo nào cho thấy rằng có bất kỳ nguy hiểm hơn nữa cho công chúng. Tuy nhiên chúng tôi kêu gọi mọi người tiếp tục cảnh giác và báo cáo bất cứ điều gì đáng ngờ bằng cách gọi cảnh sát.”

Lúc 11:00 khuya giờ địa phương, cảnh sát vũ trang đã bao vây một căn chung cư gần công viên xảy ra vụ tấn công và bắt đi một số người.


Source:ABCNews

3. Cướp bóc, đập phá các cửa hàng, tấn công cảnh sát diễn ra tại Stuttgart

Hôm Chúa Nhật 21 tháng 6, cảnh sát tại thành phố Stuttgart của Đức cho biết 19 cảnh sát viên bị thương sau khi một nhóm bạo loạn đã tấn công vào các viên chức cảnh sát, đập phá và đốt xe cảnh sát, sau đó phá hoại và cướp bóc tràn lan các cửa hàng ở trung tâm thành phố. Cảnh sát cho biết hàng trăm người đã tham gia vào vụ bạo loạn này và 24 người đã bị bắt giữ.

Trong cuộc họp báo vào chiều Chúa Nhật 21 tháng 6, cảnh sát cho biết vụ bạo loạn bắt đầu sau khi các viên chức cảnh sát chặn một thanh niên 17 tuổi vì nghi ngờ tàng trữ ma túy trong khi hàng trăm người đang tụ họp chung quanh vào khoảng 11:30 tối thứ Bảy. Những kẻ bạo loạn bắt đầu ném đá và chai lọ vào cảnh sát, trong khi các nhóm nhỏ hơn chạy qua các đường phố xung quanh phá vỡ cửa kính các cửa hàng và tràn vào hôi của.

Cảnh sát cho biết 40 doanh nghiệp đã bị phá hoại và chín trong số đó đã bị cướp phá, trong khi 12 xe cảnh sát bị hư hại trước khi các cảnh sát kiểm soát được tình hình vào khoảng 4 giờ sáng.

Chỉ có một cảnh sát bị thương nghiêm trọng đến mức bị coi là không thể làm việc được trong thời gian tới.

Các quan chức cảnh sát cho biết rằng hành động bạo lực này không có động lực chính trị rõ ràng. Họ nói rằng nghi phạm 17 tuổi bị chặn lại là một công dân Đức, người da trắng. Trong số 24 người bị bắt, một nửa có hộ chiếu Đức và một nửa là công dân của các quốc gia khác.

Thị trưởng Stuttgart Fritz Kuhn, một thành viên của đảng Xanh, gọi cuộc tấn công vào cảnh sát là “không thể chấp nhận”. Ông nói rằng nhiều người đã trên đường phố vào tối thứ bảy vì nhiều câu lạc bộ và vũ trường vẫn đóng cửa do sự bùng nổ coronavirus và rằng cảnh quan bên trong một công viên trung tâm đã thu hút mọi người từ các vùng lân cận.

Trong cuộc họp báo, Cảnh sát trưởng thành phố, Frank Lutz, nói:

“Đây là một chuyện không thể tin được và tôi không nói nên lời. Trong 46 năm phục vụ trong ngành cảnh sát tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này.”

Hơn 200 cảnh sát đã được huy động vào tối thứ Bảy để giải quyết tình hình.


Source:Aljeera

 
Đau lòng: Bức tượng của Thánh Junipero Serra bị giật sập tại công viên Golden Gate, San Francisco
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:57 22/06/2020

1. Đau lòng: Bức tượng của Thánh Junipero Serra bị giật sập tại công viên San Francisco
Một bức tượng của Thánh Junipero Serra, một nhà truyền giáo Công Giáo, đã bị giật sập tại công viên San Francisco hôm thứ Sáu 19 tháng 6, cùng với các bức tượng của Francis Scott Key và Ulysses S. Grant.

Các bức tượng đã bị phá hủy vào tối thứ Sáu tại Công viên Golden Gate, bởi một nhóm khoảng 100 người trong cuộc biểu tình vào ngày Juneteen. Juneteen là chữ viết tắt bởi June, nghĩa là tháng Sáu, và nineteen nghĩa là 19 kỷ niệm ngày 19 tháng Sáu, 1865 khi tướng Liên Minh Gordon Granger công bố tại Galveston, Texas sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ.

Cảnh sát đã được lệnh rút lui bỏ mặc khu vực như trong một thành phố vô chính phủ. Tại sao cảnh sát rút lui khi cuộc biểu tình chỉ có 100 người là câu hỏi đối với nhiều người. Có thể là để tránh xung đột với người biểu tình. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ đây là một quyết định chính trị nhằm đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Trump về tình trạng rối loạn trong cả nước theo sau cái chết của anh George Floyd.

Trên khắp đất nước, những người biểu tình và những kẻ bạo loạn trong tuần này đã kéo xuống những bức tượng của các nhân vật lịch sử. Trong khi một số cuộc biểu tình đã phá bỏ các tượng đài của các nhân vật Liên minh, như là một phần trong lời kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, các bức tượng khác cũng đã bị phá hủy từ các địa điểm quan yếu, bao gồm cả một bức tượng của George Washington.

Francis Scott Key, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1779 và qua đời ngày 11 tháng Giêng năm 1843. là một luật sư, tác giả và nhà thơ sinh quán ở Frederick, Maryland. Ông rất nổi tiếng vì đã viết lời cho bài quốc ca Mỹ “The Star-Spangled Banner.”

Ulysses S. Grant, sinh ngày 27 tháng 4 năm 1822 và qua đời ngày 23 tháng 7 năm 1885 là một quân nhân và chính trị gia người Mỹ, từng là tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ từ 1869 đến 1877. Trước khi làm tổng thống, Grant đã lãnh đạo Quân đội Liên minh là Tổng chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Grant đã thúc giục phê chuẩn Tu Chính Án thứ 15, bảo đảm cho người Mỹ gốc Phi quyền bầu cử, và vào năm 1870 đã tạo ra Bộ Tư pháp liên bang để truy tố Ku Klux Klan.

Việc giật sập tượng của các danh nhân này cho thấy những kẻ phá hoại chỉ là một bọn ngu dốt về lịch sử, hành động mù quáng.

Thánh Junipero Serra, người Tây Ban Nha, là một linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn sinh ngày 24 tháng 11, 1714 và qua đời ngày 28 tháng Tám, 1784.

Trong thế kỷ thứ mười tám, Thánh Junipero Serra đã thành lập chín miền truyền giáo đầu tiên trong khu vực mà sau này trở thành California, nhiều miền truyền giáo đó ngày nay là trung tâm của các thành phố lớn ở California. Đó là 9 miền truyền giáo đầu tiên trong số 21 miền truyền giáo từ San Diego đến San Jose.

Thánh Junipero Serra đã giúp cải đạo hàng ngàn người dân California bản địa sang Kitô giáo và dạy họ các công nghệ nông nghiệp mới. Bức tượng trong Công viên Golden Gate được đặt lần đầu tiên vào năm 1907 và được chế tác bởi nhà điêu khắc nổi tiếng người Mỹ Douglas Tilden.

Những kẻ chống báng đức tin Công Giáo coi Thánh Junipero Serra là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân châu Âu và vu cáo các nhà truyền giáo tại California tham gia vào lao động cưỡng bức người Mỹ bản địa, đôi khi tuyên bố chính bản thân Thánh Junipero Serra cũng đã từng ngược đãi người bản địa.

Nhưng những người bảo vệ Thánh Junipero Serra, nói rằng Thánh Junipero Serra thực sự là một người ủng hộ người bản địa và là một nhà vô địch về nhân quyền. Họ ghi nhận nhiều người bản địa mà ngài đã giúp đỡ trong suốt cuộc đời và sự đau buồn của họ khi ngài qua đời.

Các nhà viết tiểu sử lưu ý rằng Thánh Junipero Serra thường xuyên can thiệp cho người bản địa khi họ phải đối mặt với sự khủng bố từ chính quyền Tây Ban Nha. Trong một trường hợp, vị linh mục đã can thiệp để cứu mạng sống của một số thổ dân California đã tấn công một tiền đồn Tây Ban Nha.

Trong một lá thư kêu gọi đối xử công bằng với người bản địa, Thánh Junipero Serra đã viết rằng, nếu người bản địa giết tôi... thì họ nên được tha thứ.

Năm 2015, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles cho biết rằng Thánh Junipero Serra có tình yêu sâu sắc với người bản địa là những người ngài đã đến để truyền giáo.

“Trong những lời kêu gọi của ngài, thánh nhân đề cập đến một số điều thực sự đáng chú ý về phẩm giá con người, quyền con người và lòng thương xót của Thiên Chúa, ” Đức Tổng Giám Mục nói.

Năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói thêm rằng Thánh Junipero Serra là một nhà sáng lập người Mỹ bị bỏ quên.

“Tưởng nhớ công ơn Thánh Junípero và những nhà truyền giáo đầu tiên thay đổi cách chúng ta nhớ về câu chuyện đất nước mình. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng sự khởi đầu của nước Mỹ không phải là một diễn biến chính trị. Sự khởi đầu của nước Mỹ là về mặt tinh thần, ” ngài nói trong bài giảng năm 2017.

Năm 2018, chính quyền thành phố San Francisco, đã loại bỏ một bức tượng của vị thánh khỏi một vị trí nổi bật bên ngoài Tòa thị chính. Một bức tượng của vị thánh vẫn được trưng bày ở Quốc hội Hoa Kỳ.


Source:Catholic News Agency
2. Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục San Francisco về vụ giật sập tượng Thánh Junipero Serra
Sau vụ giật sập một bức tượng Thánh Junipero Serra ở San Francisco, Đức Tổng Giám Mục thành phố này nói hôm thứ Bảy rằng các cuộc biểu tình chỉ trích sự bất công chủng tộc đã bị cướp mất hết chính nghĩa.

“Điều gì đang xảy ra với xã hội của chúng ta? Một phong trào quốc gia đổi mới để chữa lành ký ức và sửa chữa những bất công của nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát ở nước ta đã bị một số người cướp mất chính nghĩa và lùa vào một phong trào bạo lực, cướp bóc và phá hoại, ” Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone nói trong một tuyên bố ngày 20 tháng Sáu.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục đã được đưa ra sau khi một bức tượng Thánh Junipero Serra bị phá hủy ở Công viên Golden Gate ở San Francisco, vào tối Thứ Sáu, cùng với các bức tượng của Francis Scott Key và Ulysses Grant.

“Việc lật nhào và làm biến dạng các bức tượng trong Công viên Golden Gate, bao gồm cả tượng Thánh Junipero Serra, đã trở thành ví dụ mới nhất, về sự thay đổi đó trong phong trào phản kháng, ” Đức Tổng Giám Mục nói thêm.

“Việc tưởng niệm các nhân vật lịch sử xứng đáng với một cuộc thảo luận trung thực và công bằng về cách thức và danh dự như thế nên được trao cho ai. Nhưng ở đây, không có cuộc thảo luận hợp lý như vậy; đó chỉ là luật rừng, trong một hiện tượng bạo loạn dường như đang được lặp lại trên toàn quốc.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nhấn mạnh tầm quan trọng của những lời kêu gọi công lý chủng tộc và chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát, bắt đầu sau cái chết ngày 25 tháng 5 của George Floyd, một người đàn ông da đen bị giết bởi một cảnh sát viên ở tiểu bang Minneapolis, là người đã quỳ trên cổ Floyd.

“Tất cả những người làm việc vì công lý và bình đẳng đều hiệp nhất trong sự phẫn nộ của những người đã và đang tiếp tục bị áp bức, ” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Đặc biệt là những môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Các Kitô hữu được kêu gọi làm việc không mệt mỏi vì phẩm giá của tất cả mọi người, ” ngài nói thêm và lưu ý rằng Thánh Phanxicô Assisi, mà thành phố San Francisco này mang tên ngài, là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu nhất cho hòa bình và thiện chí.”

“Trong suốt 800 năm qua, các linh mục, tu sĩ nam nữ Dòng Anh Em Hèn Mọn đều lấy cảm hứng từ gương sáng phục vụ, khó nghèo, đồng hoá mình với người nghèo và tìm mọi cách mang đến cho mọi người phẩm giá chính đáng là con cái của Chúa. Thánh Junipero Serra cũng không ngoại lệ.”

Đức Tổng Giám Mục đã ca ngợi vị thánh có lòng truyền giáo nhiệt thành: “Thánh Junipero Serra đã mang đến cho người dân bản địa điều tốt nhất mà ngài thủ đắc: kiến thức và tình yêu Chúa Giêsu Kitô, mà ngài và các anh em Phan sinh đã làm thông qua giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp.”

“Cơn giận dữ chống lại sự bất công có thể là một phản ứng lành mạnh khi sự phẫn nộ chính đáng này có thể thúc đẩy xã hội tiến lên. Nhưng như chính Chúa Kitô dạy, và Thánh Phanxicô đã làm gương, tình yêu, chứ không phải cơn thịnh nộ, là câu trả lời duy nhất, ” Đức Tổng Giám Mục kết luận.


Source:Catholic News Agency