Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở".
Đó là lời Chúa
BÀI ĐỌC 1 Cv 12:1-11
Bài trích sách Công vụ Tông đồ.
Thời ấy, vua Hê-rô-đê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Gia-cô-bê là anh ông Gio-an. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men.
Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông.
Trong đêm trước ngày bị vua Hê-rô-đê đem ra xử, ông Phê-rô ngủ giữa hai người lính, và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam.
Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phê-rô, đánh thức ông và bảo: “Đứng dậy mau đi!”
Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông. Thiên sứ nói tiếp: “Thắt lưng lại và xỏ dép vào!”
Ông làm như vậy. Rồi thiên sứ lại bảo ông: “Khoác áo choàng vào và đi theo tôi!”
Ông liền theo ra, mà không biết việc thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng là mình thấy một thị kiến. Qua vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, thiên sứ và ông tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường phố, thì bỗng nhiên thiên sứ bỏ ông mà đi.
Lúc ấy ông Phê-rô mới hoàn hồn và nói: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hê-rô-đê, và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải chịu.”
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 2Tm 4:6-8,16b,17-18
Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.
Anh thân mến, phần tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.
Mọi người đã bỏ mặc tôi. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.
Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 16:18
Alleluia. Alleluia.
Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này,
Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,
và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
Alleluia.
TIN MỪNG Mt 16:13-19
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”
Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”
Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”
Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Đó là Lời Chúa.
LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ
Cv 12,1-11; 2 Tm 4,6-8.17-18; Mt 16,13-19
LÒNG MẾN CỦA HAI TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG :
(c 13) Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói con Người là ai?” (c 14) Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. (c 15) Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c 16) Ông Si-mon Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (c 17) Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (c 18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (c 19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
2. Ý CHÍNH : HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊ-RÔ.
Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (c 15-16), ông đã được khen là có phúc (c 17), được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (c 18). Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi (c 19).
3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH :
HỎI 1 : Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người?
ĐÁP :
Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau : “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi vua Sa-lô-mon. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu “Con Vua Đa-vít” này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng tước hiệu “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giê-su đã cho biết ý nghĩa tước hiệu này nói về bản tính Thiên Chúa, khi khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải sự thật ấy (x Mt 16,17).
HỎI 2 : Tại sao Đức Giê-su đổi tên Si-mon thành Phê-rô? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào : Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18)?
ĐÁP :
Có thể Đức Giê-su đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giê-su đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh : Đức tin của Phê-rô vào Đức Giê-su chính là tảng đá vững chắc mà trên đó Người xây dựng Hội Thánh. Ngoài ra Đức Giê-su còn trao tối thượng quyền để cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Người cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Chúa còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông (x.Ga 21,15-17).
HỎI 3 : Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được?
ĐÁP :
Từ ngày được Đức Giê-su gọi đi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn : Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy đe không cho dự phần với Thầy, vì đã từ chối được Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất là quá tự tin vào sức riêng nên cuối cùng đã phạm tội hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).
Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giê-su tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được Thầy đổi tên thành Phê-rô, và được trao quyền tối thượng là cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giê-su hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao cho ông sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm 12 tuyên xưng đức tin vào lời Chúa dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giê-su đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất được chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), phép lạ bé gái đã chết được sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).
Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và còn trao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giê-su đã thúc bách Phê-rô chạy thi với Gio-an ra mồ và đã sớm tin Thầy sống lại (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm trở lại thành Rô-ma để bị bắt và chịu khổ hình thập giá thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa, và nêu gương đức tin vững chắc như đá tảng, để các tín hữu noi theo.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).
2. CÂU CHUYỆN : PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU?
Ngày xưa, một vị vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật. Các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban thưởng lớn cho những tác phẩm nào giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước đã ùn ùn đến Hy Lạp ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối cẩm thập rất đẹp. Ai cũng quyết tâm dành giải thưởng. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.
Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí ở và làm việc tại một phòng trong khu vực hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung của nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Sau một tuần, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại một đại sảnh lớn trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Khi thấy những tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác, vua hết sức hài lòng. Theo ngài thì mỗi bức tượng, tranh tượng phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn thấy giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày tác phẩm của các nghệ nhân Hy Lạp thì ngài lấy làm ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi xem tác phẩm đâu, thì một người đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong phiến đá đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và trung thực như hình ảnh trong phiến đá được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ thuật Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do chiêm ngưỡng.
3. THẢO LUẬN : Đối với bạn, Đức Giê-su là ai? Người là một vị ngôn sứ, nên ta có thể xin Người cầu bầu cùng Thiên Chúa cho ta; hay là một thần tượng để ta thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin và sẵn sàng bỏ mọi sự mà đi theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là những đau khổ phải chịu để kết hiệp với Người cứu rỗi tha nhân?
4. SUY NIỆM :
1. SO SÁNH GIỮA HAI TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ :
a) Về sự giống nhau:
- Về đức khiêm nhường và thành tâm sám hối : Cả hai vị đều là những người yếu đuối và tội lỗi nhưng đã biết khiêm nhường và hoán cải. Tông đồ Phê-rô đã chối Thầy ba lần, nhưng đã hết lòng ăn năn và trung thành với Thầy đến chết. Tông đồ Phao-lô đã quyết tâm tiêu diệt Hội Thánh ngay từ khi còn phôi thai, nhưng khi đã trở lại, đã hiến dâng trọn cuộc đời để đi loan báo Tin Mừng, làm cho Hội Thánh được lan rộng đi khắp thế giới, bất chấp đói khát, hiểm nguy, tù đầy, kể cả cái chết.
- Về đức tin vào Chúa Giê-su là Đức Ki-tô và là Con Thiên Chúa : Trong khi những người Do Thái đồng thời đang mong chờ một Đấng Mê-si-a thế tục, đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ cho ngoại bang, còn hai vị Tông đồ đã nhận ra Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa sai đến. Tông đồ Phê-rô là người đầu tiên đã tuyên xưng đức tin ấy : “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16 ). Còn Tông đồ Phao-lô luôn gọi Thầy Giê-su là “Chúa” hay là “Đức Ki-tô”, hay là “Con Thiên Chúa” (x. 1 Ts 1,10; Rm 5,10; 8,3; 2 Cr 1,19).
- Về lòng yêu mến Chúa và Hội Thánh : Sau khi đã trở lại, hai vị đã hoàn toàn quên mình và hiến trọn đời cho Chúa. Cả cuộc đời còn lại của Tông đồ Phao-lô được tóm tắt như sau : “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, nhưng là Ðức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ngài khuyên các tín hữu : “dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Còn Tông đồ Phê-rô thì nhắc nhở : “Hãy tôn thờ Ðức Ki-tô là Chúa trong lòng anh em, và luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ người nào hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng nơi anh em” (1 Pr 3,15), và “vì chính Ðức Ki-tô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em cũng hãy tự trang bị bằng cùng một tâm tưởng ấy, vì ai chịu đau khổ về thể xác thì ngừng phạm tội, để thời gian còn lại trong thân xác, người ấy không còn sống theo những tình dục con người, nhưng theo thánh ý của Thiên Chúa” (1 Pr 4,1-2). Cả hai vị đã nêu gương hy sinh mạng sống cho Chúa và cho Hội Thánh.
b) Khác nhau về ơn gọi và sứ vụ :
- Tông đồ Phê-rô : được gọi theo Thầy ngay từ khi Đức Giê-su mới ra giảng đạo. Tông đồ Phê-rô là một trong những người được gọi trước hết và được Đức Giê-su trao nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh (x. Mt 6,19) và phải nâng đỡ đức tin của các anh em khác (x. Lc 22,32 ).
- Tông đồ Phao-lô : được Chúa gọi sau cùng sau khi Người đã tử nạn và phục sinh và Phao-lô cũng được trao sứ vụ tông đồ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.
Việc Chúa chọn hai vị tông đồ Phê-rô và Phao-lô cho thấy Thiên Chúa thật mầu nhiệm và quyền năng vô biên trong việc biến đổi những người tầm thường hoặc cứng đầu nhất trở thành những tông đồ nhiệt thành của Người nếu họ thành tâm đón nhận ân sủng của Người.
2. BÀI HỌC TỪ HAI THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ :
a) Học tập gương nhân đức của các ngài : Thánh Phao-lô đã dạy các tín hữu noi gương bắt chước ngài như ngài đã bắt chước Đức Ki-tô (x.1 Cr 4,16; 11,1). Còn thánh Phê-rô thì khuyên các mục tử : “Ðừng thi thố quyền hành, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,3).
- Gương khiêm nhường : Khi chịu kết án tử hình, thánh Phê-rô đã xin được đóng đinh ngược đầu vì thấy mình không xứng đáng chịu đóng đinh giống như Thầy Giê-su. Còn thánh Phao-lô thì công khai nhận mình là “một tên phạm thượng, khủng bố và ngạo mạn.” Ngài cũng khiêm tốn coi mình chỉ là “một đứa bé sinh non, là người bé nhỏ nhất trong số các Tông đồ, không đáng được gọi là Tông đồ” (x. 1 Cr 15,8-9). Thánh Phê-rô khuyên các tín hữu chúng ta : “Tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường trong cách đối xử với nhau, vì ‘Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.’” (1 Pr 5,5). Thánh Phao-lô thì nói : “Nếu tôi phải khoe khoang, thì tôi sẽ khoe về những gì liên quan đến sự yếu đuối của tôi” (2 Cr 11,30).
- Gương nhẫn nhịn chịu đựng nhau và xây dựng tình hiệp thông huynh đệ : Tuy có nhiều kiến thức hơn Phê-rô, nhưng thánh Phao-lô đã đến ở với Phê-rô 15 ngày để học cùng Phê-rô những gì Phê-rô đã học từ Đức Ki-tô (x. Gal 1,18). Ngài khuyên chúng ta : “Ðừng làm gì vì ganh tị hay hư danh, nhưng trong tinh thần khiêm nhường, mỗi người hãy coi người khác hơn mình” (Phil 2,3). Còn thánh Phê-rô khi bị Phao-lô chỉ trích công khai, đã giữ thái độ bình thản không tranh cãi (x. Gal 2,11-14). Dù có những bất đồng ý kiến, nhưng các ngài luôn thể hiện sự hiệp thông : Thánh Phê-rô đã cùng với Gia-cô-bê và Gio-an bắt tay Phao-lô (x. Galat 2,9-10). Còn thánh Phao-lô thì tổ chức quyên góp tiền gửi về giúp giáo đoàn Giê-ru-sa-lem.
- Gương can đảm làm chứng cho Đức Ki-tô : Thánh Phê-rô đã đứng trước Công Nghị Do thái tuyên bố : “Chúng tôi không thể không nói ra những gì chúng tôi đã nghe, và đã thấy.” (Cv 4,19-20). Còn thánh Phao-lô thì nêu gương “chịu đựng trong gian khổ, cùng quẫn, lo âu, đòn đánh, tù ngục, lao nhọc, đói khát” (x. 2 Cr 6,4-5), để giữ vững đức tin (x. 2 Tm 4,7).
b) Sống và loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay? :
- Tội lỗi của thế giới hôm nay : Cũng như thời các Tông đồ, con người ngày nay đang tôn thờ ngẫu tượng là tiền tài, danh vọng và những thú vui xác thịt. Họ đang “theo những dục vọng của lòng họ, theo những điều ô uế, để họ cùng nhau làm nhục thân thể của họ. Họ đã đổi chân lý của Thiên Chúa để lấy sự giả trá. Họ đã tôn kính và thờ phượng những loài thụ tạo, thay vì Ðấng Tạo Hoá” (Rm 1,24-25). Họ cũng “theo dục tình đồi bại. Phụ nữ của họ đã đổi những quan hệ tự nhiên lấy những quan hệ trái tự nhiên. Ðàn ông cũng thế, bỏ quan hệ tự nhiên với phụ nữ để nôn nao thèm muốn lẫn nhau. Ðàn ông làm việc tồi bại với đàn ông” (Rom 1,26-27). Họ đang tìm cách đạp đổ gia đình là nền tảng của xã hội bằng cách gán cho nó một định nghĩa mới. Họ đang nhân danh “quyền chọn lựa của phụ nữ” để phá thai, giết hại hàng triêu thai nhi mỗi năm. Không những thế họ còn muốn dạy những điều này cho trẻ em, và thay đổi luật pháp để biến những điều này thành những quyền căn bản, hầu bịt miệng những ai muốn đề cao chân lý.
- Loan báo Tin Mừng là can đảm chống lại nền văn hóa sự chết : Là Ki-tô hữu chúng ta có nhiệm vụ đoàn kết với nhau và đoàn kết với các tổ chức tốt khác chống lại “nền văn hoá sự chết này” dù phải chịu mọi thiệt thòi hay phải chết như các Tông đồ khi xưa.
5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúng con cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng muốn được như vậy, chúng con phải có đức tin mạnh mẽ như hai thánh Phê-rô và Phao-lô. Xin Chúa cho chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh như thánh Phê-rô. Xin Chúa giúp chúng con tránh những lời nói khó ưa, những hành động vụ lợi ích kỷ, để sống bác ái hiệp thông như thánh Phao-lô. Xin giúp chúng con loại bỏ những đam mê bất chính và các tính hư tật xấu, loại trừ thói háo danh, thói ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, bỏ các tư tưởng tự mãn và hẹp hòi... Nhờ đó, chúng con có thể trở thành chứng nhân hữu hiệu của Chúa giữa xã hội Việt Nam hôm nay.- AMEN.
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN C
Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20
NÊN CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA TRONG CUỘC SỐNG HÔM NAY
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Lc 10,1-12.17-20
(1) Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (2) Người bảo các ông : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. (3) Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. (4) Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. (5) Vào bất cứ nhà nào, thì trước tiên hãy nói : “Bình an cho nhà này !” (6) Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy. Bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em. (7) Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. (8) Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. (9) Hãy chữa những người đau yếu trong thành và nói với họ : “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”. (10) Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói : “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên, các ông phải biết điều này : “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. (12) Thầy nói cho anh em hay : Trong ngày ấy, thành Xơ-đom còn được xử khoan hồng hơn thành đó”. (17) Nhóm Bảy Mươi Hai trở về hớn hở nói : “Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. (18) Đức Giê-su bảo các ông : “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. (19) Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bò cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. (20) Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em. Nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.
2. Ý CHÍNH :
Đức Giê-su chỉ định bảy mươi hai người làm môn đệ và sai họ từng hai người đi thực tập truyền giáo. Các ông làm theo lời Thầy dạy và đã đạt được kết quả mỹ mãn.Cụ thể là ma quỷ đã phải chịu khuất phục trước các ông.
3. CHÚ THÍCH :
- C 1-2 : + Chúa chỉ định bảy mươi hai người : con số 70 (theo bản văn tiếng Hipri) hay số 72 (theo bản văn tiếng Hy-Lạp) tượng trưng các tín hữu. Số 72 môn đệ này được Đức Giê-su chọn để cộng tác với Người giống như Mô-sê xưa đã nghe lời góp ý của nhạc phụ chọn ra 72 vị kỳ lão giúp phục vụ dân Chúa trong thời Xuất Hành (x Xh 18,13t). + Sai các ông cứ từng hai người một đi trước : Đi hai người để dễ trợ giúp nhau (x. Gv 4,-12). Thời Giáo hội sơ khai, các Tông đồ đã đi truyền giáo từng hai người: Bác-na-ba đi với Sao-lô (x. Cv 13,2); Giu-đa đi với Xi-la (x. Cv 15,27); Bác-na-ba đi với Mác-cô; Phao-lô với Bác-na-ba (x. Cv 15,35); Ti-mô-thê với Ê-rát-tô (x. Cv 19,22). + Phân biệt hai chức vụ Tông đồ và Môn đệ : Môn đệ là những người nhận Đức Giê-su làm Thầy và đi theo để nghe Người giảng và sống theo Lời dạy của Người. Có bảy mươi hoặc bảy mươi hai môn đệ. Các ông cũng được Đức Giê-su sai đi trước đến những nơi mà chính Người sẽ tới (x. Lc 10,1). Khi Đức Giê-su rao giảng ở đâu, các môn đệ tụ tập đến nghe, rồi sau đó lại trở về với gia đình vợ con và hành nghề của mình sinh sống. Còn Tông đồ là 12 người được Đức Giê-su chọn trong số 72 môn đệ (x. Lc 6,13), được sai đi rao giảng Tin mừng (x. Lc 9,2). Các ông đã được Đức Giê-su yêu cầu bỏ nghề dánh cá biển để đi theo Người làm nghề mới là đánh bắt các linh hồn (x. Mc 1,16-18). Các ông đã được chứng kiến các phép lạ Người làm (x. Lc 7,11); Được tham dự bữa Tiệc ly Vượt qua (x. Mt 26,26-29); Cùng trải qua biến cố Tử Nạn và Phục Sinh với Người (x. Lc 24,36-43); Được Người trao quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,19), quyền chăn chiên (x. Ga 21,15-17); Sẽ được đồng bàn trong Vương quốc với Người, và được ngồi trên 12 tòa mà xét xử 12 chi tộc Ít-ra-en (x. Lc 22,30); Cuối cùng các ông còn được Người sai đi để làm chứng cho Người đến tận cùng thế giới (x. Mt 28,19; Cv 1,8). + Lúa chín đầy đồng : Các Ngôn sứ trong Cựu ước đã từng miêu tả ngày phán xét như một ngày gặt hái (x. Is 41,15; Gr 51,33). Ông Gio-an Tẩy giả đã kể ra việc phán xét của Đấng Thiên Sai trong ngày tận thế tương tự như các động tác của người nông dân sau mùa gặt lúa (x. Lc 3,17). Ở đây, Đức Giê-su cho môn đệ tham dự vào công trình của thời Cánh chung của Người bằng sự cầu nguyện và loan báo Tin mừng.
- C 3-6 : + Như chiên giữa bầy sói : Các môn đệ của Đức Giê-su sẽ đi vào trần gian đầy những kẻ thù đang tìm cách bách hại các ông. Người chỉ thị cho các ông phải ra đi với hai bàn tay không mang khí giới, lòng đầy nhân ái và cư xử hiền lành như con chiên. Các ông phải đặt trọn niềm cậy trông vào Chúa quan phòng. + Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường : Vì người Do thái và các dân vùng Trung Đông gặp nhau thường chào hỏi hàn huyên lâu giờ. Đức Giê-su muốn các môn đệ đừng để các việc trần thế làm mất nhiều thời gian. Trong các sách của Lu-ca, các sứ giả của Tin mừng đều đi như chạy: Đức Ma-ri-a chạy đi thăm bà Ê-li-sa-bét, các mục đồng chạy đến máng cỏ, hai Tông đồ Phê-rô và Gio-an chạy ra thăm mồ Chúa, Phi-líp-phê chạy để đuổi kịp chiếc xe của một người Ê-thi-ô-pi (x. Cv 8,3). + “Bình an cho nhà này” : Lu-ca lấy lại cách chào hỏi thông thường của Cựu ước (x. 1 Sm 25,6). Đây là một lời cầu chúc phúc lộc an khang, một lời chúc lành. Bình an là mức sung mãn của sự sống, là món quà cao quý nhất mà Đấng Mê-si-a ban tặng (x. Lc 1,79). + Có ai đáng hưởng bình an : Đây là người tin và sẵn sàng đón nhận ơn bình an của Thiên Chúa.
- C 7-9 : + Người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó Đây là một sự cởi mở của Đức Giê-su. Người cho phép các môn đệ được ăn mọi thức ăn do người ta dọn cho. + Làm thợ thì đáng được trả công : Ăn những thức người ta dọn cho không phải là ăn của bố thí, nhưng là một thứ lương bổng do sự công bằng đòi buộc, tương xứng với Tin mừng cao quý mà các ông đem đến. Trách nhiệm của Cộng đoàn Hội thánh là phải lo phương tiện sống và hoạt động cho các người rao giảng Tin mừng. Sau này thánh Phao-lô cũng nói rằng : “Quả vậy Kinh thánh có nói: Đừng bịt mõm con bò đang đạp lúa, và làm thợ thì đáng được trả công (1 Tm 5,18; Mt 10,10; Đnl 25,4). Nơi khác Ngài còn nói : “Một khi chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, thì nếu chúng tôi có gặt của vật chất nơi anh em, thì đâu có phải là chuyện quá đáng” (1 Cr 9,11). Tuy nhiên thánh Phao-lô lại từ chối quyền gặt hái của cải vật chất ấy cho bản thân ngài (x. 1 Cr 9,12-14; 2 Cr 11,7-9). + Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia : Người Tông đồ phải tránh lo lắng tìm sự tiện nghi ăn ở cho mình, nhưng cần chuyên tâm chu tòan sứ vụ. + “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” : Các môn đệ đi trước dọn đường cho Đức Giê-su sắp đến. Người chính là hiện thân của Triều Đại Thiên Chúa.
- C 10-12 : + Vào bất cứ thành nào mà người ta không đón tiếp... : Đức Giê-su cảnh báo cho các môn đệ biết họ sẽ bị người ta từ chối Tin mừng. Bấy giờ các ông vẫn phải cho họ biết rằng: Dù họ có muốn hay không, một ngày kia, Thiên Chúa sẽ hiển trị. Đó là ngày Phán xét. Nếu họ cố tình chối từ, họ sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa. + Thành Xơ-đom : Là một địa danh thời Tổ phụ Ap-ra-ham. Thành này đã bị phạt vì đã phạm nhiều tội lỗi (St 10,19).
- C 17-20 : + Nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con : Ma quỷ phải chịu xuất ra khỏi người bị chúng ám khi các môn đệ ra lệnh nhân Danh Đức Giê-su (x. Cv 16,18). + Xa-tan từ trời sa xuống : Xa-tan là cái tên ám chỉ ma quỷ, kẻ đối lập và thù ghét Thiên Chúa. Do đó, khi Nước Thiên Chúa xuất hiện, thì quyền lực của Xa-tan sẽ bị lật đổ. + Quyền năng để chà đạp lên rắn rết... : Các loài vật kể ra ở đây là khí giới của Xa-tan. Đức Giê-su chiến thắng Xa-tan thì cũng tước đoạt hết khí giới của chúng và bắt chúng phải phục quyền (Rm 8,37-39; Ga 12,31). + Mừng vì tên được ghi trên trời : Ở đây là cuốn sách trường sinh, trong đó có ghi tên những người được ơn cứu độ (x. Đnl 12,1; Kh 3,5).
4. CÂU HỎI :
1) Đức Giê-su sai bao nhiêu môn đệ đi truyền giáo?
2) Tại sao môn đệ phải đi từng hai người một?
3) Có bao nhiêu Tông đồ?
4) Tông đồ khác với môn đệ thế nào?
5) Tại sao Đức Giê-su lại truyền cho môn đệ đừng chào hỏi ai dọc đường và chúc bình an cho nơi mà các ông đến ở trọ?
6) Hãy cho biết lý do các môn đệ được ăn mọi thứ người ta dọn cho?
7) Thành Xơ-đom là thành nào?
8) Khi nào thì quyền lực của Xa-tan hòan tòan bị sụp đổ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt lúa về” (Lc 10,2).
2. CÂU CHUYỆN :
1) CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA GIỮA ĐỜI THƯỜNG :
Tại Thủ đô Ma-ni-la nước Phi-líp-pin, có trường Đại học Công giáo A-ta-di-ô do các cha dòng Tên sáng lập, tọa lạc trên một ngọn đồi. Đây là một trường cung cấp rất nhiều nhân tài cho đất nước Phi. Dưới chân trường Đại học này là một khu lao động nghèo, trong đó có một cộng đoàn tu sĩ Tiểu đệ. Đa số các tu sĩ ở đây đã từng ở Việt nam.
Một hôm, một vị linh mục dòng Tên người Mỹ, là Giáo sư Đại học A-ta-di-ô tình cờ đi lạc vào khu lao động ấy và giữa đườngông ta gặp được một tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ. Sau khi làm quen, vị linh mục người Mỹ đã hỏi tu sĩ người Bỉ : “Thầy làm gì ở khu lao động này?” Tu sĩ người Bỉ kia trả lời : “Hằng ngày tôi đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, đi làm thuê làm mướn cho những ai cần”. Nghe thế, vị linh mục người Mỹ rất lấy làm tiếc về sự hy sinh lãng phí của tu sĩ trí thức người Bỉ kia. Ông cũng cho biết công việc của ông ở đây là : Dạy học cho các sinh viên, đi thuyết trình nhằm rao giảng Tin mừng và đào tạo những nhà trí thức phục vụ Giáo hội Phi-lip-pin.
Thực ra mọi thành phần linh mục tu sĩ hay giáo dân trong Giáo Hội đều được Chúa trao phó sứ mạng đi loan báo Tin Mừng khắp muôn dân. Nhưng mỗi thành phần linh mục tu sĩ hay giáo dân sẽ thi hành sứ mạng tuỳ theo ơn gọi của mình. Riêng các tu sĩ cũng được đào tạo để thi hành sứ mệnh theo linh đạo của hội dòng mình. Tu sĩ dòng Tên được đào tạo để dạy học, loan báo Tin Mừng cho các sinh viên đại học. Còn các tu sĩ dòng Tiểu Đệ lại được đào tạo để ưu tiên phục vụ người bình dân. Tất cả các hội dòng đều nhằm giới thiệu Chúa và làm chứng nhân của Chúa cho những người chưa biết Chúa.
2) HÃY CHIẾN THẮNG SỰ DỮ BẰNG LÒNG TIN YÊU :
Vào một buổi tối nọ, một diễn giả nổi tiếng là GION KEO-LƠ (John Keller) được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người tại một vận động trường ở Los Angeles. Đang diễn thuyết, bỗng ông dừng lại và nói : “Xin các bạn đừng sợ. Tôi sắp yêu cầu tắt tất cả đèn trong sân vận động này”.
Đèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối. Ông John Keller lại nói tiếp : “Bây giờ tôi sẽ đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn tiếng : “Thấy rồi !” Một que diêm vừa được bật lên, thì cả vận động trường đều vang lên “Thấy rồi !”
Sau đó đèn trong vận động trường được bật sáng trở lại và ông John Keller giải thích : “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ như một que diêm cũng có thể chiếu sáng trong bóng đêm tăm tối của nhân loại y như thế”.
Rồi một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại vụt tắt và một giọng nói vang lên ra lệnh : “Tất cả những ai có mang theo hộp quẹt, xin hãy đốt cháy lên !” Bỗng chốc, cả vận động trường đều rực cháy ánh sáng.
Rồi ông John Keller kết luận : “Nếu tất cả mọi người chúng ta đều hợp lực cùng nhau, chúng ta sẽ có thể chiến thắng bóng tối, chiến thắng sự dữ và sự oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.
3) CÂY LÀM MƯA:
Ở Pê-ru có một loại cây rất ngộ nghĩnh, người ta bản xứ gọi nó là “cây làm mưa”. Lá nó hút hơi nước trong không khí, rồi nhỏ xuống như những giọt sương mai. Vì thế, chung quanh nó mặt đất lúc nào cũng ẩm ướt. Và trời càng nóng, thì nó càng nhỏ xuống nhiều nước.
Mỗi người chúng ta cũng phải trở nên như một cây làm mưa hữu ích cho tha nhân chung quanh đang khô khan nguội lạnh. Bằng đời sống đạo đức, chúng ta sẽ hút lấy ân sủng của Chúa, rồi bằng những hành động bác ái, chúng ta gieo ân sủng ấy cho tha nhân chung quanh đang cần được trợ giúp.
4) LỐI SỐNG HƯỞNG THỤ KHÔNG HỢP VỚI SỨ MỆNH LOAN TIN MỪNG:
Một linh mục nọ từ nơi khác đến xin gia nhập vào một giáo phận truyền giáo để được phục vụ tại các giáo điểm truyền giáo cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa. Trong cuộc trao đổi, linh mục này đã quen sống trong môi trường thành thị nên đã hỏi bề trên giáo phận như sau :
- Giáo điểm có xe hơi để di chuyển không?
- Nhà ở trong giáo điểm có gắn máy lạnh không?
- Có người giúp việc lo phục vụ nấu ăn và quét dọn vệ sinh hằng ngày không?
- Tiền lương mỗi tháng được bao nhiêu?
- Mỗi năm có được hưởng chế độ nghỉ hè một tháng không? v.v…
Cuối cùng linh mục này đã bị bề trên từ chối gia nhập giáo phận vì có lối sống không thích hợp với sứ mệnh loan báo Tin Mừng.
3. THẢO LUẬN:
1) Thế giới đã nhận biết và ca ngợi điều gì trong cuộc sống và hoạt động của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta?
2) Ngày nay, muốn làm tông đồ truyền giáo hữu hiệu cho đồng bào Việt nam, chúng ta cần làm gì?
4. SUY NIỆM :
Công đồng Va-ti-ca-nô II đã khẳng định : "Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo". Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II cũng qủa quyết : "Không một ai trong những người tin vào Đức Ki-tô, và không một tổ chức nào của Hội thánh được miễn trừ trách vụ cao cả này : Đó là đi loan báo Đức Ki-tô cho mọi dân tộc".
Thánh Phao-lô đã thốt lên : "Khốn cho thân tôi : nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1 Cr 9,16). Nhưng chính việc làm mới chứng thực cho lời rao giảng, còn lời rao giảng chỉ làm sáng tỏ việc làm của ta. Ra đi là để làm chứng, và lời chứng sáng giá nhất chính là việc làm như Moody đã nói : "Các ngọn hải đăng ở bờ biển không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ chiếu sáng mà thôi".
1) Có nhiều cách thức truyền giáo : Qua cuộc đối thoại giữa vị linh mục dòng Tên người Mỹ và vị tu sĩ dòng Tiểu đệ người Bỉ trong câu chuyện trên, chúng ta thấy có nhiều cách truyền giáo trong Hội thánh : Vị linh mục dòng Tên đại diện cho đông đảo các nhà truyền giáo trên khắp thế giới, ngày đêm rao giảng Tin mừng bằng khả năng tri thức và các phương tiện sẵn có. Nhưng bên cạnh đó, còn có các tu sĩ âm thầm sống giữa những người nghèo, chia sẻ sự lao động chân tay cực nhọc với những người nghèo khác... mà tu sĩ dòng Tiểu đệ người Bỉ trong câu chuyện trên là một bằng chứng. Đây là những chứng nhân truyền giáo trong âm thầm, lấy cuộc sống phục vụ để làm chứng cho Chúa. Cả hai đường lối truyền giáo ấy đều có giá trị và thực sự đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho Hội thánh.
2) Điều kiện của các thừa sai : Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giê-su đã căn dặn các ông phải sống hiền lành và đơn giản như sau : “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Như vậy, một cuộc sống siêu thoát, không lệ thuộc vào của cải đời này, không phí thời giờ vào những chuyện không đâu, trông cậy vào Chúa quan phòng, khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ về nhà ở, cơm ăn... Tôn trọng tự do của tha nhân, chấp nhận có thể bị những kẻ có ác cảm với đạo từ chối xua đuổi... đó chính là những điều mà những ai muốn làm chứng cho Nước Trời cần thực hiện.
3) Sống đạo và truyền đạo : Hiện nay dân số Á châu chiếm gần hai phần ba thế giới. Nhưng số người nhận biết Chúa chưa được 3 phần trăm. Á châu chính là cánh đồng lúa chín đang cần thợ gặt. Là thành phần của Hội thánh, mỗi tín hữu chúng ta cũng phải thi hành sứ vụ tông đồ. Chúng ta phải sống thế nào để những người khác phải bỡ ngỡ giống như người Do thái tại Giê-ru-sa-lem khi quan sát sinh hoạt của Cộng đoàn Hội thánh sơ khai đã phải thốt lên: “Xem kìa, họ thương nhau dường nào !”. Ki-tô giáo không phải là một lý thuyết nhưng là sức sống của Đức Giê-su. Sống đạo là sống sức sống của Chúa và truyền đạo là truyền sức sống ấy cho tha nhân.
4) Gây thiện cảm để giới thiệu Chúa cho lương dân : Gần đây hội nghị các Giám mục Á châu đã liệt kê một số điều mà các tín hữu cần học hỏi nơi các dân tộc châu Á như sau : Học tập cách cầu nguyện ăn chay và bố thí của người Hồi giáo. Học tập cách chiêm niệm nơi người Ấn giáo. Học tập sự từ bỏ của cải và tôn trọng sự sống nơi người Phật tử. Học cách xây dựng gia đình và xã hội có trật tự nơi Khổng giáo. Học sống đơn sơ khiêm tốn nơi Lão giáo... Càng học, ta càng nhận ra giáo lý Đức Giê-su tiềm ẩn trong các tôn giáo đó, và nhờ hiểu biết họ ta sẽ gây được thiện cảm với họ, để giới thiệu Đức Giê-su cho họ hữu hiệu hơn.
5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Thế giới thật bao la và vòng tay của chúng con lại quá bé nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm chặt tay nhau. Xin cho chúng con biết hợp tác với những người thiện chí dù họ không cùng niềm tin với chúng con, để mọi người cùng nhau loại trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng một “Trời Mới Đất Mới” công bình và nhân ái theo thánh ý Chúa.- AMEN.
Một nhà thần học được coi là thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng Tiến Trình Công Nghị Đức có nguy cơ “tự bẻ cổ mình” nếu nó không chú ý đến những phản đối của ngày càng nhiều các giám mục trên khắp thế giới.
Đức Hồng Y Walter Kasper cũng cho biết các nhà tổ chức đang sử dụng một “thủ đoạn tiệm tiến” mà trên thực tế đã tạo thành một “cuộc đảo chính” có thể dẫn đến việc từ chức tập thể, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.
Vị Hồng Y 89 tuổi người Đức là Chủ tịch Danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo, và là Giám mục của Rottenburg-Stuttgart từ năm 1989 đến 1999.
Ngài đã phát biểu tại một ngày nghiên cứu trực tuyến vào ngày 19 tháng 6 về sáng kiến “Khởi đầu mới” (Neuer Anfang), là một phong trào cải cách chỉ trích Tiến Trình Công Nghị Đức.
Đức Hồng Y Kasper cảnh báo rằng Giáo Hội không phải là một thực thể nào đó cần được “nhào nặn và định hình lại cho phù hợp với tình hình”.
Vào tháng 4, hơn 100 Hồng Y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã công bố một “bức thư ngỏ trong tình huynh đệ” cho các giám mục của Đức, cảnh báo rằng những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ bởi tiến trình này có thể dẫn đến ly giáo.
Vào tháng 3, một bức thư ngỏ từ các giám mục Bắc Âu bày tỏ sự lo ngại về tiến trình của Đức, và vào tháng 2, một bức thư với những lời lẽ thẳng thắn từ chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã nêu lên những lo ngại nghiêm trọng.
Những lo ngại như vậy “sẽ được lặp lại và tái khẳng định, và nếu chúng ta không chú ý đến, Tiến Trình Công Nghị sẽ tự bẻ gẫy cổ của mình,” Đức Hồng Y Kasper cảnh báo trong bài phát biểu của mình.
Ngài nói: “tội nguyên tổ của Tiến Trình Công Nghị” là nó không dựa trên bức thư của Đức Thánh Cha gửi cho Giáo Hội ở Đức, với “đề nghị để cho Tiến Trình Công Nghị này được hướng dẫn bởi Phúc Âm và bởi sứ mệnh cơ bản của việc truyền bá Phúc Âm hóa”.
Thay vào đó, quy trình của Đức, do Hồng Y Reinhard Marx khởi xướng, đã “đi theo con đường riêng với các tiêu chí khác biệt”.
Vào tháng 6 năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một bức thư dài 19 trang cho những người Công Giáo ở Đức kêu gọi họ tập trung vào việc truyền giáo trước tình trạng “đức tin ngày càng xói mòn và suy thoái”.
Chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing của Limburg, đã nhiều lần bác bỏ mọi lo ngại, thay vào đó tháng 5 vừa qua, ông bày tỏ sự thất vọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng ngài đã nói với lãnh đạo các giám mục Công Giáo của Đức rằng đất nước đã có “một Giáo hội Tin lành rất tốt” và “chúng ta không cần một Giáo Hội Tin Lành thứ hai”.
“Vấn đề nảy sinh khi Tiến Trình Công Nghị đến từ giới tinh hoa trí thức, thần học, và bị ảnh hưởng nhiều bởi các áp lực bên ngoài,” Đức Giáo Hoàng nói.
Bätzing, người giữ chức vụ chủ tịch của Tiến Trình Công Nghị, cũng là người ký “Tuyên bố Frankfurt”. Bản kiến nghị này yêu cầu các giám mục Đức nên tuyên bố cam kết thực hiện các nghị quyết đã được thông qua trong quá trình này, CNA Deutsch đưa tin.
Đức Hồng Y Kasper đã chỉ trích sự thúc đẩy cho “cam kết” này, nói rằng đó là “một thủ thuật và hơn nữa, một thủ thuật tiệm tiến.”
“Chỉ cần tưởng tượng một công chức chấp nhận sự bổ nhiệm, sau đó từ bỏ việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình. Anh ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với các thủ tục tố tụng theo luật công vụ. Cuối cùng, sự tự cam kết như vậy sẽ tương đương với sự từ chức tập thể của các giám mục. Về mặt hiến pháp, toàn bộ sự việc chỉ có thể được gọi là một cuộc đảo chính, hay một âm mưu đảo chính”.
Đức Hồng Y Kasper nhấn mạnh: “Giáo hội không bao giờ có thể được điều hành theo phương thức đồng nghị.” Thay vào đó, một thượng hội đồng đã tạo thành “một sự can thiệp bất thường” đối với các thủ tục thông thường.
Tiến Trình Công Nghị, hay Synodale Weg – theo tiếng Đức, tự mô tả nó là một quá trình tập hợp các giám mục Đức và những giáo dân được chọn để tranh luận và thông qua các nghị quyết về cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, luân lý tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ.
Những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo văn kiện kêu gọi thụ phong linh mục cho phụ nữ, các phước lành cho người đồng tính, và những thay đổi đối với giáo huấn của Giáo hội về các hành vi đồng tính luyến ái.
Đức Hồng Y Kasper đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về quá trình này. Ngài đã sử dụng những từ tiếng Đức gần giống Neuerung (“canh tân”) và Erneuerung (“làm mới lại từ đầu”) để nói rằng một người không thể “không thể tái tạo lại Giáo hội,” nhưng đúng hơn người ta nên góp phần đổi mới Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần: “canh tân không phải là xóa bàn làm lại. Nó không có nghĩa là thử một cái gì đó mới và phát minh ra một Giáo hội mới”.
Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng thay vào đó, cải cách thực sự là “để Thánh Linh Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên mới và ban cho chúng ta một trái tim mới.”
Ngài nói một cách tương tự, thuật ngữ “canh tân” áp dụng cho việc đưa Giáo Hội trở lại “hình dạng” nguyên thủy, “tức là, về hình dạng mà Chúa Giêsu Kitô muốn và ngài đã ban cho Giáo hội. Chúa Giêsu Kitô là nền tảng, không ai có thể đặt để khác đi (1Cr 3,10 f); đồng thời là viên đá gắn kết mọi sự lại với nhau (Ep 2,20). Ngài là tiêu chuẩn, là Alpha và Omega của mọi sự đổi mới.”
Source:Catholic News Agency
Giáo Hội đang trong tiến trình Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị. Giai đoạn đầu tiên từ tháng 10 năm 2021 đến tháng Tư vừa qua là giai đoạn lắng nghe và phân định tại các giáo phận và các Hội Đồng Giám Mục.
Sandro Magister, ký giả kỳ cựu về Vatican vừa có bài viết liên quan đến vấn đề này nhan đề “Il sinodo tedesco contagia l’intera Chiesa, senza che il papa lo freni”, nghĩa là “Thượng Hội đồng Đức đang lây nhiễm toàn bộ Giáo Hội, nếu không có sự ngăn cản của Đức Giáo Hoàng”, trong đó ông cảnh báo rằng ở nhiều quốc gia như Pháp, và Ái Nhĩ Lan, kết quả lắng nghe và phân định tại các giáo phận đã đưa ra các thỉnh cầu không có gì khác hơn là các bản sao các đề nghị trong Tiến Trình Công Nghị Đức. Cụ thể là những yêu sách đòi bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, và thay đổi tín lý về tính dục.
Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Rắc rối là khi tiến trình này xảy ra, nghĩa là khi các đề xuất được đưa ra từ cơ sở hoặc khi ý kiến của các tín hữu được khảo sát, kết quả thực tế giống như kết quả được đưa ra bởi giới tinh hoa thống trị hoặc bởi áp lực bên ngoài, với một chuỗi dài không thể tránh khỏi các yêu cầu từ loại bỏ luật độc thân linh mục đến phong chức linh mục cho phụ nữ, từ luân lý mới về tình dục và tình dục đồng giới cho đến việc dân chủ hóa việc quản trị Giáo Hội.
Đức Phanxicô bày tỏ nỗi lo sợ của mình về Tiến Trình Công Nghị Đức trong một bức thư vào tháng 6 năm 2019 rằng ngài “tự mình viết tất cả bằng tiếng Tây Ban Nha”. Nhưng sau đó ngài để tiến trình ấy tiếp tục mà không có bất kỳ sự kiềm chế nào và không có dấu hiệu lắng nghe ngay cả những tiếng kêu báo động ngày càng tăng từ Đức Hồng Y Walter Kasper, là người mà vào đầu triều đại giáo hoàng đã là tham chiếu thần học của ngài; nhưng chính Đức Hồng Y lại là người đã hoài nghi rằng Thượng hội đồng Đức, mà ngài gọi là một “nỗ lực đảo chính”, có “thực sự là Công Giáo” hay không.
Không chỉ có vậy. Có một nguy cơ dễ thấy hơn bao giờ hết là chương trình nghị sự của “Tiến Trình Công Nghị” Đức sẽ kết thúc trong một thượng hội đồng khác của Giáo Hội hoàn vũ mà Đức Giáo Hoàng đã triệu tập vào năm 2021, bắt đầu từ không ai khác ngoài các vùng ngoại vi và cơ sở, và sẽ có phiên họp đỉnh cao của nó tại Rôma vào tháng 10 năm 2023.
Ban đầu, sự triệu tập Thượng hội đồng chung này thậm chí không tạo được tin tức. Chủ đề mà Đức Phanxicô đã gán cho nó, “tính đồng nghị”, có vẻ trừu tượng và nhàm chán đến mức làm nản lòng mọi người quan tâm đến các phương tiện truyền thông.
Nhưng sau đó, ngay khi các giáo phận bắt đầu đánh giá tình trạng tâm trí của các linh mục và tín hữu, thì người ta thấy rõ ràng ngay lập tức những yếu tố nào được đưa vào chuỗi những thỉnh cầu. Kết quả là bây giờ các Hội Đồng Giám Mục, khi xem xét giai đoạn đầu tiên được phân quyền của thượng hội đồng, đã tìm thấy trong tay các ngài một bản sao của “Tiến Trình Công Nghị” Đức, được chính các tín hữu của các ngài đưa ra.
Pháp là một trường hợp điển hình. Vào giữa tháng 6, Hội Đồng Giám Mục Pháp đã họp chính xác trong một phiên họp đặc biệt để hoàn thiện tác phẩm “Collecte des synthèses sinodales” – “Hợp tuyển các tổng hợp về Thượng Hội Đồng” - được đưa lên từ các giáo phận khác nhau và sau đó gửi tài liệu này đến Rôma. Khi biểu quyết về văn kiện, Hội Đồng Giám Mục đã không chấp thuận nội dung của nó, nhưng chỉ giới hạn trong việc xác minh rằng những điều này có phù hợp với yêu cầu của hàng ngàn linh mục và tín hữu được phỏng vấn hay không. Các yêu cầu được gửi đến Rôma bao gồm chính xác việc loại bỏ luật độc thân linh mục, phong chức phó tế và chức linh mục cho phụ nữ hoặc ít nhất, “như một bước đầu tiên,” giao cho các phụ nữ giảng trong các Thánh lễ. Bên cạnh đó là các yêu cầu thực hiện một cuộc cải cách triệt để phụng vụ và những ngôn ngữ phụng vụ mà “bây giờ không thể chấp nhận được”, cũng như sự chấp nhận một cách tổng quát các bí tích dành cho các cặp vợ chồng đã ly dị và tái hôn và đồng tính luyến ái.
Ở Ái Nhĩ Lan cũng vậy. Ngoài các báo cáo về các cuộc tham vấn trong mỗi giáo phận, các giám mục cũng sử dụng một cuộc thăm dò ý kiến lớn giữa các tín hữu. Và nó nổi lên rằng gần như toàn bộ người Công Giáo Ái Nhĩ Lan muốn loại bỏ luật độc thân linh mục và phong chức linh mục cho phụ nữ, 85% muốn xóa bỏ mọi kết án hành vi đồng tính luyến ái, 70% muốn giáo dân cũng có quyền quyết định trong Giáo Hội, và những người khác muốn loại bỏ khỏi Thánh lễ các bài đọc “rướm máu” trong Cựu ước
Cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan được tổ chức vào giữa tháng Sáu cũng có sự tham dự của Sơ Nathalie Becquart, phụ tá tổng thư ký của Thượng hội đồng về tính đồng nghị tại Rôma, là người nói rằng trong hai ngàn năm lịch sử, đây là lần đầu tiên Giáo Hội tổ chức một cuộc tham vấn toàn cầu, mà Đức Phanxicô muốn bắt đầu từ cơ sở. Không ai biết Thượng hội đồng này sẽ kết thúc ở đâu, Sơ kết luận, nhưng chính vì lý do này mà người ta phải cởi mở với “sự ngạc nhiên của Chúa Thánh Thần”.
Sơ Becquart, người trong thượng hội đồng sẽ có quyền bỏ phiếu ngang hàng với các giám mục, là một phần của bộ ba cấp tiến rõ rệt mà Đức Phanxicô đã đặt ở vị trí đứng đầu thượng hội đồng, cùng với tổng thư ký, Hồng Y người Malta Mario Grech, và vị tổng tường trình viên, là Hồng Y Dòng Tên người Luxembourg, Jean-Claude Hollerich.
Và dường như điều đó là chưa đủ, với cả hai vị Hồng Y này, Đức Phanxicô đã thành lập một nhóm làm việc về cách hòa giải Tiến Trình Công Nghị Đức với Thượng Hội Đồng Giáo Hội hoàn vũ. Tin tức được công bố vào ngày 3 tháng 2 vừa qua bởi chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, giám mục Georg Bätzing của Limburg, người có khao khát cách mạng thậm chí còn mãnh liệt hơn chính vị Hồng Y liều lĩnh Hollerich, đến mức gần đây đã nói rằng ông “thất vọng” bởi tốc độ quá chậm của Đức Giáo Hoàng.
Thật vô ích khi không ít giám mục và Hồng Y đã gõ cửa Bộ Giáo Lý Đức Tin, yêu cầu các luận điểm trơ trẽn nhất của Hồng Y Hollerich phải bị bác bỏ, đặc biệt là những luận điểm lật ngược học thuyết về tình dục và đồng tính luyến ái. Đức Giáo Hoàng đang giữ im lặng và mọi người đều tin rằng chính Đức Giáo Hoàng đang áp đặt việc bịt miệng.
Trong số các vị Hồng Y mới được Đức Phanxicô công bố vào Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên có ít nhất một cặp những nhà vô địch của cuộc cách mạng tín lý này: đó là giám mục San Diego Robert McElroy và tổng giám mục Manaus Leonardo Ulrich Steiner.
Hiệu quả của sự thông qua thực tế được Đức Giáo Hoàng trao cho “Tiến Trình Công Nghị” của Đức là ngày càng có nhiều người trong Giáo Hội cảm thấy được ủy quyền để hành xử tùy ý.
Ở Đức, đã có một sự xôn xao đối với ba trăm anh em dòng Phanxicô, những người vào giữa tháng 6 đã bầu Markus Fuhrmann làm Bề trên tỉnh dòng. Ông ta là người vài tuần trước đó đã gây xôn xao khi công khai xác nhận mình là một người đồng tính luyến ái cũng như là người ủng hộ nhiệt thành nhất cho những đổi mới trơ trẽn trong các công trình của “Tiến Trình Công Nghị” ở Đức.
Và vài ngày sau, một lần nữa tại Đức, không biết là lần thứ bao nhiêu, đã xuất hiện những yêu cầu đổi mới tương tự - bao gồm cả việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính luyến ái trong nhà thờ từ người đứng đầu hệ thống giáo quyền Đức, là Hồng Y Reinhard Marx, tổng giám mục Munich và là thành viên nổi bật của hội đồng Hồng Y cố vấn do Đức Giáo Hoàng lập ra để hỗ trợ ngài điều hành Giáo Hội hoàn vũ.
Tại Thụy Sĩ, ở giáo phận Chur, Giám mục Joseph Maria Bonnemain đã buộc các linh mục và nhân viên giáo phận phải ký một bộ luật cầu vồng, trong đó họ cam kết “từ bỏ những đánh giá tiêu cực nói chung về hành vi được cho là phi Kinh thánh trong các vấn đề về khuynh hướng tình dục.”
Tại Ý, tại tổng giáo phận Bologna, vào ngày 11 tháng 6, một cặp nam giới đã kết hôn dân sự tại tòa thị chính thành phố và ngay sau đó cử hành sự kết hợp của họ trong nhà thờ, trong một thánh lễ do trưởng ban chăm sóc mục vụ gia đình của tổng giáo phận, Cha Gabriele Davalli, chủ tế. Một tuyên bố gây mâu thuẫn sau đó từ tổng giáo phận đã cố gắng biện minh cho vụ việc, khẳng định không bằng không chứng rằng nó chỉ đơn giản là một thánh lễ tạ ơn cho nhóm LGBT Công Giáo “In cammino,” mà cả hai đều thuộc về. Nhưng đừng ai quên sự thật rằng tổng giám mục của Bologna là Hồng Y Matteo Zuppi, là người đã được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý được một tháng, theo sự bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng, và cũng là người đầu tiên trong bảng xếp hạng các ứng viên cho mật nghị tương lai. Có khả năng tình tiết này sẽ làm hỏng nỗ lực kế vị Đức Phanxicô, khiến ngài mất đi số phiếu bầu mà ngài lẽ ra có thể thu thập được trong số các Hồng Y bảo thủ.
Nói tóm lại, sự lây lan của “Tiến Trình Công Nghị” Đức, không được Đức Giáo Hoàng kiểm soát, hiện đã vượt ra ngoài biên giới và có nguy cơ ảnh hưởng đến thượng hội đồng chung về tính đồng nghị. Lá thư ngỏ chân thành được gửi tới các giám mục Đức vào ngày 11 tháng 4 bởi các Hồng Y Francis Arinze, Raymond Burke, Wilfried Napier, George Pell, Camillo Ruini, Giuse Trần Nhật Quân, và khoảng một trăm tổng giám mục và giám mục từ khắp nơi trên thế giới cũng không đi đến đâu.
Giáo Hội Công Giáo có thể bị biến thành một loại Thượng hội đồng vĩnh viễn, với các yêu cầu từ cơ sở, nghĩa là từ nền văn hóa thống trị, đóng vai chủ đạo, là một trong những mối nguy hiểm khác được Hồng Y Kasper tố cáo.
Trong mọi trường hợp, theo nhận định của một vị Hồng Y khác, Đức Hồng Y Camillo Ruini người Ý, một bộ phận đáng kể của Giáo Hội đã vượt qua ranh giới của tín lý Công Giáo trên ít nhất một điểm: đó là sự chấp thuận các hành vi đồng tính luyến ái. “Tôi không phủ nhận rằng có nguy cơ ly khai,” ngài nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 4 tháng 5 với “Il Foglio.” “Nhưng tôi tin rằng, với sự giúp đỡ của Chúa, điều đó có thể được vượt qua.”
Source:Sandro Magister
Giáo Hội Công Giáo nước Đức được biết đến với những cơ cấu truyền thống về nếp sống đức tin, về cơ sở cùng tài chánh, và nhất là việc quảng đại bác ái trợ giúp các dự án cho các Giáo phận, Dòng Tu…trên thế giới.
Từ ngày 01.tháng Mười Hai 2019 Giáo Hội Công Giáo nước Đức được bình luận nói đến nhiều hơn nữa. Vì Giáo hội nơi đây tổ chức chương trình cải cách xét lại con đường sống đức tin làm sao cho phù hợp với những thách thức đòi hỏi của thời đại: Con đường công nghị.
Con đường công nghị được Hội đồng Giám mục Đức cùng với Ủy ban trung ương người giáo dân Công Giáo nước Đức –Zentralkomitee der deutschen Katholiken(ZdK) đề xướng tổ chức những cuộc hội thảo bàn luận xét lại về vai trò của nữ giới trong đời sống Giáo hội, về độc thân đời sống Linh mục, về giáo huấn luân lý giới tính, về việc quản trị trong Giáo Hội.
Những đề tài nóng bỏng thời sự này gây chia rẽ, hiểu trái ngược với truyền thống trong nếp sống Giáo hội hoàn vũ. Và cũng đưa đến sự hoang mang cho mọi người, cùng đã có những tiếng nói ý kiến trên thế giới phản bác cảnh cáo chống lại Con đường công nghị. Nhưng những cuộc hội thảo bàn luận vẫn không dừng lại…
Con đường Công nghị mong muốn khôi phục lại đời sống thực hành đức tin, ít là trong lòng Giáo Hội nước Đức. Vì nơi đây đang gặp cơn khủng hoảng trầm trọng mất sự tin tưởng, do tình trạng lạm dụng tình dục từ những thập niên qua.
Hôm 27.06.2022 Hội đồng Giám mục Công Giáo nước Đức, như hằng năm, đưa ra bản thống kê về tình trạng đời sống Giáo hội nơi đây cho năm đã qua 2021.
Những con số thống kê không phản ảnh tích cực như Con đường Công nghị mong muốn. Giáo Hội Công Giáo nước Đức có 27 Giáo Phận với 21.645.875 tín hữu Công Giáo, tương đương với 26 % dân số nước Đức.
Vì số giáo dân càng ngày càng giảm ít đi, nên các Giáo phận đã đưa ra những đề án cải cách về cấu trúc những xứ đạo gần nhau hợp chung lại thành một giáo xứ. Như Tổng Giáo Phận Cologne bây giờ thu gọn còn 186 đơn vị liên giáo xứ, mỗi đơn vị có hai Linh mục coi sóc chịu trách nhiệm về mục vụ. Và có chương trình đề án năm 2030 sẽ có còn khoảng hơn kém 60 vùng mục vụ trong toàn Tổng giáo Phận. Nơi các Giáo phận khác cũng đã và đang có chương trình cải cách cấu trúc các xứ đạo lại cho thích hợp với nhu cầu thời đại.
Năm 2021 có 9.790 giáo xứ với 12.280 Linh mục cai quản, cùng với 3.253 vị Phó tế vĩnh viễn, 3.198 vị Giảng viên Giáo lý cấp độ 1. ( Pastoralreferenten) Nữ và Nam, và 4.318 Vị Giảng viên Giáo Lý cấp độ 2. ( Gemeinderefernten) Nữ và Nam.
Năm 2021 có 62 tân Linh mục được phong chức cho Giáo hội nước Đức: 48 tân Linh mục triều thuộc các Giáo phận và 14 tân Linh mục Dòng thuộc các Dòng tu.
Theo tin tức từ Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, riêng năm 2022 có 141 tân Linh mục được phong chức trong các Giáo phận bên Việt Nam.
Số giáo dân tham dự Thánh lễ năm 2021 là 4,3 %, giảm so với năm 2020 là 5,9%.
Làn sóng số người tín hữu Công Giáo quay lưng ra khỏi Giáo Hội năm 2021 đạt tới mức kỷ lục 359.338 người ( so với năm 2020 có 221.390 người, năm 2019 có 272.771 người xin ra khỏi nhà thờ).
Con số thống kê về tình trạng số người quay lưng xin ra khỏi Giáo hội nước Đức thật ảm đạm. Con số mất mát này nhiều hơn tổng số giáo dân sống giữ đạo của giáo Phận Vinh bên Việt Nam với 296.636 giáo dân, và nhiều hơn cả số giáo dân sống giữ đạo của Giáo phận Long Xuyên với 232.526 giáo dân.
Theo dự đoán năm 2060 số người tín hữu Chúa Kitô, cả Giáo Hội Công Giáo và Tin lành, sẽ còn giảm nữa, có thể không đạt tới một phần ba dân số toàn nước Đức.
Ngày xưa cách đây hằng trăm năm những vị Thừa Sai xuất thân từ bên u Châu, nôi của đạo Công Giáo, nôi nền văn minh Kitô giáo, sang truyền giáo gieo vãi tin mừng đạo Công Giáo đến các nước bên Á Châu, Phi Châu, Nam Mỹ…Nhưng ngày nay chính Giáo Hội địa phương nơi đây đang lâm vào tình trạng con đường khủng hoảng suy giảm đưa ra những đề án canh tân xét lại thu gọn nhỏ lại về số lượng lẫn cả chất lượng.
Dẫu vậy, Lời Chúa Giêsu đoan hứa từ ngàn xưa vẫn luôn là đà sức lực, điểm tựa cho đời sống đức tin hôm qua, hôm nay và ngày mai, : “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” ( Mt 28, 20).
Lễ mừng kính hai Thánh Phero và Phaolo Tông đồ, 29.06.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Đức Cha Salvatore J. Cordileone, Tổng Giám Mục San Francisco, vừa có bài viết trên tờ First Things, với nhan đề “Our Task in Post-Roe America”, nghĩa là “Nhiệm vụ của chúng ta tại Hoa Kỳ thời hậu Roe”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đó là một tiên báo. Hôm thứ Sáu, Tòa án Tối cao đã đảo ngược phán quyết có lẽ là sai lầm lớn nhất của tòa án này từ trước đến nay. Với phán quyết trong vụ Roe kiện Wade, quyền giết người vô tội đã được đưa vào lịch sử hiến pháp của chúng ta. Khi nói đến các quyết định của Tòa án Tối cao thể hiện một sự thiếu tôn trọng đáng ghê tởm đối với phẩm giá bình đẳng của mỗi con người, chỉ có phán quyết trong vụ Dred Scott kiện Sandford mới sánh được với phán quyết Roe về mức độ sai lầm quá sức nghiêm trọng.
Sau nửa thế kỷ, khoảnh khắc mà rất nhiều người trong chúng ta hết lòng hy vọng, làm việc và cầu nguyện, đã đến. Tôi đã bắt đầu cầu nguyện trước các cơ sở phá thai khi tôi được thụ phong linh mục vào năm 1982. Giáo xứ đầu tiên của tôi nằm gần một trong những nhà máy tử thần này, vì vậy bản thân tôi đã làm công việc này vài thập kỷ.
Chúng ta sẽ không phải là con người nếu chúng ta không dành một chút thời gian để vinh danh những anh hùng ủng hộ cuộc sống, những người đã làm việc trong rất nhiều năm để biến điều này thành hiện thực.
Đức Hồng Y John O'Connor đã hô hào các tín hữu và khiển trách các chính trị gia. Cha Richard John Neuhaus đã giúp tạo nên một liên minh những nhà trí thức vượt qua những khác biệt về tôn giáo. Tiến sĩ Bernard Nathanson là một trong nhiều người chuyển đổi sang chính nghĩa phò sinh. Là một người theo chủ nghĩa vô thần, ông đã tự mình thực hiện 5000 vụ phá thai trước khi phản đối việc giết người. Bộ phim Silent Scream của ông đã nhân bản hóa đứa trẻ chưa chào đời trong bụng mẹ và buộc những người ủng hộ việc phá thai phải thừa nhận rằng phá thai là một hành động bạo lực. Tôi biết ơn khi nhớ lại nhiều nhà nữ quyền ủng hộ cuộc sống, những phụ nữ đã lên tiếng nói rằng phá thai không tốt cho phụ nữ và cũng chẳng phải là một cách để thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ.
Một trong số họ là Tiến sĩ Mildred Jefferson, tiền thân của các nhà lãnh đạo ủng hộ cuộc sống ngày nay như Marjorie Dannenfelser, Kristan Hawkins và Lila Rose của chính vùng Vịnh này. Tiến sĩ Jefferson là nữ bác sĩ da đen đầu tiên đến từ Harvard và là giáo sư giải phẫu nổi tiếng tại Trường Y Đại học Boston. Năm 1970, khi Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ từ bỏ Lời thề Hippocrate để tuyên bố rằng phá thai là hợp pháp, bác sĩ Jefferson đã trở thành một nhân vật hàng đầu quốc gia lên tiếng phản đối việc giết chết những đứa trẻ trong bụng mẹ. Sau khi cô xuất hiện trong loạt phim truyền hình công cộng năm 1972 “The Advocates”, Tiến sĩ Jefferson nhận được một lá thư từ một chính trị gia đang nổi của California. Ronald Reagan viết: “Tôi ước tôi có thể nghe được quan điểm của bạn trước khi luật của chúng tôi được thông qua. Bạn đã nói rõ không thể chối cãi rằng phá thai là cướp đi mạng sống của một con người. Tôi biết ơn bạn.”
Trong năm mươi năm, những người ủng hộ cuộc sống đã làm công việc khó khăn để giữ cho lương tâm của quốc gia được tồn tại. Chúng ta biểu tình, chúng ta cầu nguyện trước các phòng khám, chúng ta duy trì các trung tâm trợ giúp mang thai khi các phụ nữ gặp khủng hoảng để giúp phụ nữ lựa chọn cuộc sống, chúng ta tiến hành các khóa tĩnh tâm chữa bệnh cho phụ nữ và nam giới chịu hậu quả của việc phá thai, chúng ta thành lập các tạp chí như Human Life Review để cung cấp kiến thức về vấn đề này. Nhiều người làm việc trong lĩnh vực pháp lý để đưa ra vụ án chính nhằm lật ngược phán quyết Roe kiện Wade. Những người khác cố gắng đào tạo và lựa chọn các thẩm phán, những người sẽ tôn trọng và không làm trái cam kết quốc gia của chúng ta đối với quyền bất khả xâm phạm được sống. Những người được kêu gọi tham gia trong chính trường đã làm việc để bầu ra các tổng thống và các thượng nghị sĩ, là những người sẽ xác nhận các thẩm phán như vậy cho Tòa án tối cao.
Cùng nhau, chúng ta kiên trì. Và hôm nay, thật khó để không cảm thấy như chúng ta vừa chiến thắng.
Nhưng sự thật thì cuộc lật đổ Roe không phải là thắng lợi cuối cùng mà là sự khởi đầu của một chặng đường mới và gian nan hơn về phía trước. Mục tiêu của chúng ta không phải là tạo ra một nền văn hóa nơi phá thai là bất hợp pháp, mà là nơi điều đó là không thể tưởng tượng được. Để làm được điều đó cần có tình yêu thương hy sinh dành cho cả các mẹ những đứa con của họ.
Sẽ có những cuộc biểu tình, đe dọa và náo động. Tôi yêu cầu anh chị em không lùi bước mà hãy nhân đôi cam kết của mình. Trên hết, tôi yêu cầu anh chị em cầu nguyện - bởi vì không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được.
Và sau đó, bắt đầu công việc: Hãy gọi cho một trung tâm trợ giúp mang thai địa phương và cam kết quyên góp hàng tháng. Hỗ trợ các nhà lãnh đạo chính trị, những người không chỉ hạn chế phá thai mà còn cung cấp các nguồn lực mới cho các bà mẹ đang gặp khủng hoảng. Tình nguyện đồng hành cùng các bà mẹ đơn thân không chỉ trong thai kỳ, mà còn cả sau này. Ăn chay một ngày mỗi tuần và quyên góp số tiền anh chị em tiết kiệm được cho Tổ chức bác ái Công Giáo hoặc các tổ chức khác cung cấp cho các bà mẹ có nhu cầu. Và những người đàn ông, hãy trả lời tiếng gọi làm cha cho những trẻ mồ côi.
Vào ngày thứ Sáu vừa qua, Tòa án Tối cao đã đảo ngược nửa thế kỷ phân biệt đối xử đối với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Cuối cùng thì chúng ta cũng được tự do để làm việc vì một nền văn hóa phò sinh và tình yêu cho mỗi con người. Hãy bắt đầu ngay hôm nay.
Source:First Things
Vatican công bố Logo chính thức của Năm Thánh sắp tới sẽ được tổ chức vào năm 2025 với chủ đề 'Những người hành hương của hy vọng' và phản ánh một số sáng kiến và kế hoạch cho Năm Thánh.
(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)
Trong một cuộc họp báo được tổ chức vào thứ Ba (28/6/2022) tại Cung điện Tông Tòa của Vatican, Tòa Thánh đã công bố Logo chính thức về Năm Thánh sắp tới.
Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc âm hóa, hiện nằm trong Bộ Truyền giáo, được giao trách nhiệm điều phối các hoạt động chuẩn bị Năm Thánh 2025 với chủ đề: “Những người hành hương Hy vọng”.
Cựu Chủ tịch Hội đồng, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, đã công bố logo và nhắc nhở rằng khi các công việc chuẩn bị bắt đầu trong Giáo hội về Năm Thánh, Bộ đã phát động một cuộc thi dành cho mọi người về sáng kiến mẫu Logo.
ĐTGM cho hay tổng cộng 294 mẫu dự thi đã nhận được từ 213 thành phố và từ 48 quốc gia khác nhau, do những người tham gia có độ tuổi từ 6 đến 83.
“Trên thực tế, nhiều bản thiết kế vẽ tay đã được trẻ em từ khắp nơi trên thế giới đón nhận, và thật sự cảm động khi những bức vẽ này là thành quả của óc sáng tạo và niềm tin đơn thành”.
Trong quá trình chấm giải, các tác phẩm được xác định bằng một con số, còn tác giả được dấu tên.
Vào ngày 11 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Fisichella đã đệ trình ba dự án cuối cùng lên Đức Thánh Cha Phanxicô để chọn ra một mẫu mà ĐTC ưng ý nhất.
Đức Tổng Giám Mục Fisichella nói: “Sau khi xem xét các mẫu nhiều lần và bày tỏ ý muốn của ĐTC, mẫu của Giacomo Travisani đã được chọn.”
Giacomo Travisani, hiện diện, để chia sẻ cảm hứng đã thúc đẩy ông thực hiện mẫu logo này. Ông nói ông đã tưởng tượng ra tất cả mọi người cùng nhau tiến về phía trước, "nhờ ngọn lửa Hy vọng là Thập giá của Chúa Kitô và chính Chúa Kitô."
Biểu tượng chiến thắng
Logo thể hiện bốn cánh diều biểu hiện nhân loại từ bốn phương của địa cầu. Mọi người đều đùm bọc lẫn nhau, biểu thị tình đoàn kết, tình anh chị em nối kết các dân tộc. Cánh diều thứ nhất cuốn chặt vào Thánh giá. Những cánh diều kế tiếp tựa những làn sóng mạnh ám chỉ cho cuộc hành hương của cuộc sống không phải lúc nào cũng phẳng lặng như mặt nước...
Cho nên mọi hoàn cảnh cá nhân và các sự kiện thế giới cần một luồng hy vọng to lớn hơn, được biểu trưng bằng chân Thập tự giá được chôn sâu như chiếc neo, chống trọi lại mọi lớp sóng…
Neo được xử dụng như một trụ bám của hy vọng.
Hình ảnh cho thấy cuộc hành trình của người hành hương không phải là một cá nhân, mà là mang tính cách cộng đồng, với những dấu hiệu của một sự năng động ngày càng tiến về phía Thánh Giá.
ĐTGM Fisichella cho hay: “Thập tự không ở trong trạng thái tĩnh, mà động, hướng về phía trước và gặp gỡ nhân loại như thể không muốn bỏ mặc nhân loại chới với một mình mà cung cấp một sự vững chắc cho sự hiện diện của nó và cho sự bảo đảm của niềm hy vọng”.
Phương châm của Năm Thánh 2025 là “Peregrinantes in Spem” (Những người Lữ Hành của Niềm Hy Vọng) cũng có thể nhìn thấy rõ ràng bằng màu xanh lục.
Sự cấp bách để sống Năm Thánh trong ánh sáng hy vọng
Đức Tổng Giám Mục Fisichella đã suy tư về Năm Thánh và lý do tại sao Năm Thánh sắp tới lại mang một ý nghĩa quan trọng.
ĐTGM nói: “Mỗi Năm Thánh trong lịch sử của Giáo Hội đều mang đầy đủ ý nghĩa của nó khi nó được đặt trong bối cảnh lịch sử mà nhân loại đang trải qua vào thời điểm đó và đặc biệt khi Giáo hội nhận ra những dấu chỉ của sự lo lắng và bất an của mọi người.
ĐTGM nói tiếp: “Sư dễ bị tổn thương trong những năm gần đây, cùng với nỗi sợ hãi về bạo lực của chiến tranh, làm cho con người phải đối nghịch lý hơn với một mặt, cảm nhận được sức mạnh vượt trội của công nghệ cho tương lai; mặt khác họ lại cảm thấy không chắc chắn và nghi nan về tương lai… Chính vì vậy mà Năm Thánh sắp tới phải được chìm đắm trong ánh sáng hy vọng.”
Trong bối cảnh này, Đức Tổng Giám Mục Fisichella nhắc nhở, "Những người hành hương của Hy vọng" được chọn làm chủ đề cho Năm Thánh.
Tầm quan trọng của Năm Thánh đối với đời sống của Giáo hội
Trong một bức thư gần đây gửi cho Đức Tổng Giám Mục Fisichella, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “Năm Thánh luôn là một sự kiện lớn về tinh thần, Giáo hội và xã hội trong đời sống của Giáo hội.”
Ngài nhắc nhớ rằng kể từ năm 1300, đánh dấu Năm Thánh đầu tiên, "Dân thánh trung thành của Thiên Chúa đã cảm nghiệm việc cử hành này như một món quà ân sủng đặc biệt, được tha thứ tội lỗi và qua sự tha thứ, biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân chúng."
Trong Giáo hội, Năm Thánh là một sự kiện tôn giáo trọng đại.
Năm Thánh “bình thường” diễn ra mỗi 25 năm, và “phi thường” khi nó được công bố vì một sự kiện nổi bật nào đó.
Năm Thánh bình thường cuối cùng diễn ra vào năm 2000 dưới triều đại Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Năm Thánh ngoại thường của Lòng Thương Xót.
Những việc sẽ sớm xảy ra
Sau kỳ hè này, Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho hay trang web chính thức của Năm Thánh và những ứng dụng liên quan sẽ hình thành...
"Cả hai là công cụ giúp khách hành hương tham gia đầy đủ các sự kiện được đề xuất, tạo điều kiện trải nghiệm văn hóa và tinh thần của thành phố Rome. Trên thực tế, ngoài chương trình hành hương quan trọng, cổng thông tin Năm Thánh sẽ chứa đầy tin tức, hồ sơ lịch sử, các thông tin thực tế, các dịch vụ và công cụ đa phương, bằng mười ngôn ngữ có sẵn cho người hành hương và người khuyết tật dễ dàng tiếp cận. "
Thánh bộ đã hình thành các sự kiện lớn và nhấn mạnh rằng sự chú ý đặc biệt sẽ được dành cho các danh mục sau: "Gia đình, Trẻ em, Thanh niên, các Phong trào và Hiệp hội, Người cao niên, Ông bà, Người tàn tật, Thể thao, Bệnh tật và Chăm sóc sức khỏe, Trường đại học, Thế giới việc làm, Ca đoàn và Hợp xướng, Cộng đoàn, Linh mục, Người thánh hiến, Công Giáo Đông phương, Giáo lý viên, Người nghèo, Tù nhân, và nhiều người khác... "
Các Lịch trình sẽ sẵn sàng vào cuối năm để có đủ thời gian tổ chức cho khách hành hương và các cơ quan liên quan.
Đức Cha Rey cũng vạch ra một số điểm hành động mà ngài sẽ thực hiện trong những tuần và những tháng tới để giải quyết các vấn đề khác liên quan đến quản trị, bao gồm việc giám sát chặt chẽ hơn các cộng đồng và phong trào hiện diện trong giáo phận, nỗ lực nhiều hơn để tích hợp các nhóm có “sự nhạy cảm phụng vụ khác nhau”, cũng như thực hiện chu kỳ “thăm viếng mục vụ” trong toàn giáo phận bắt đầu từ năm học tiếp theo.
Đức Cha Rey đã thông báo vào đầu tháng này rằng lễ truyền chức linh mục của giáo phận, dự kiến vào Ngày 29 tháng 6 Lễ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, sẽ bị hoãn lại vô thời hạn. Đó là một cú sốc đối với nhiều người, vì giáo phận Toulon được coi là một trong những giáo phận hưng thịnh nhất ở Pháp.
Toulon nói chung có một đội ngũ giáo sĩ trẻ, hàng năm mang lại nhiều ơn gọi, và được biết đến như một trung tâm chào đón các cộng đồng, phong trào và linh mục từ các khu vực khác với bối cảnh xuất thân và đặc sủng khác nhau.
Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của giáo phận ở La Castille, nơi các thanh niên sẽ được thụ phong vào cuối tháng đang theo học, là chủng viện lớn thứ ba ở Pháp về số lượng và sẽ kỷ niệm một trăm năm thành lập vào năm nay.
Đây cũng là nơi cư trú của các linh mục và chủng sinh từ nhiều nguồn gốc và sở thích phụng vụ khác nhau, điều này rõ ràng đã đặt ra những thách thức về việc nuôi dưỡng ý thức về tình huynh đệ hợp nhất và cộng đồng trong chủng viện này.
Trong thông báo ban đầu của mình về việc hoãn truyền chức, Đức Cha Rey cho biết Đức Tổng Giám Mục Jean-Marc Aveline của giáo tỉnh Marseille, mà giáo phận của ngài thuộc về, đã tiến hành một “chuyến viếng thăm huynh đệ” tại giáo phận Fréjus-Tolone theo yêu cầu cụ thể của Rôma vào năm 2021, và rằng các cuộc trò chuyện đang diễn ra đã được trao đổi với Rôma - cụ thể là với Đức Hồng Y Marc Ouellet người Canada, tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican - về “việc tái cấu trúc chủng viện và chính sách chào đón mọi người đến giáo phận.”
Trong lá thư mới nhất gửi giáo phận của mình, được công bố ngày 26 tháng 6, Đức Cha Rey nói rằng “nguồn gốc của các ơn gọi và sự đa dạng của các con đường đào tạo có thể đã bị đặt thành vấn đề ở Rôma,” nhưng đó không phải là vấn đề luân lý.
Ngài nói: “Thành phần đa dạng của linh mục đoàn của chúng ta,” nghĩa là toàn bộ linh mục trong giáo phận, và sự hiện diện của các cộng đồng khác nhau “khiến đôi khi giáo phận gặp khó khăn trong việc đồng hành và hòa nhập họ,” cũng là những nguyên nhân khiến Rôma lo ngại.
Đức Cha Rey nói rằng một trong những “điểm nhạy cảm” khác mà Rôma nêu ra là “vị trí của thế giới truyền thống trong chủng viện và trong giáo phận của chúng ta,” sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô hạn chế Thánh lễ Latinh truyền thống vào năm ngoái.
Trong quá khứ, Đức Cha Rey - người được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm đến Toulon vào năm 2000 - đã phong chức linh mục cho các phó tế ở Toulon bằng cách sử dụng sách lễ cũ năm 1962 và cũng đã sử dụng nghi thức cũ hơn để truyền chức trong các cộng đồng tôn giáo trong giáo phận của ngài.
Ngài tỏ ra hoài nghi sau quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc hạn chế sử dụng Thánh lễ Latinh Truyền thống, công khai bày tỏ lo ngại về tác động của quyết định này đối với các linh mục và cộng đồng trong giáo phận của ngài vẫn cử hành theo Nghi thức Cũ.
Trong lá thư của mình, Đức Cha Rey cho biết Toulon luôn được phân biệt bởi “sự hiện diện của các ứng viên thuộc các cộng đồng có sự nhạy cảm phụng vụ và các đặc sủng giáo hội khác nhau,” và rằng cả sự hài hòa của quần thể và những thách thức của nó, đều được nêu ra trong chuyến thăm năm 2021 của Đức Tổng Giám Mục Marseilles.
Source:Crux
Vào ngày 27 tháng 6, hai hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng Trung tâm mua sắm Amstor ở Kremenchuk. Đó là một cuộc tấn công mà Đức Tổng Giám Mục gọi là “một sự kiện kinh hoàng chưa từng có.”
“Tính đến sáng nay, chúng tôi có tin rằng ít nhất 18 người đã thiệt mạng, khoảng 40 người mất tích và khoảng 60 người bị thương”, Đức Cha Shevchuk cho biết hôm 28 tháng 6. “Đây là vụ tấn công khủng bố lớn nhất ở Âu Châu trong nhiều thập kỷ. Hôm nay chúng tôi thông cảm, bày tỏ sự gần gũi và cầu nguyện đối với thân nhân và bạn bè của các nạn nhân, và tất cả những người bị thương do hậu quả của hành động khủng bố man rợ này.”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy gọi đây là “một trong những vụ tấn công khủng bố man rợ nhất trong lịch sử Âu Châu”.
Hãng tin AP đưa tin Zelenskiyy cho biết trung tâm mua sắm này “không có mối đe dọa nào đối với quân đội Nga” và “không có giá trị chiến lược”. AP cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Nga phá hoại “nỗ lực của người dân để có một cuộc sống bình thường, chỉ một cuộc sống bình thường đã khiến quân xâm lược Nga rất tức giận.”
Trong nhận xét của mình, được báo cáo bởi Dịch vụ Thông tin Tôn giáo của Ukraine, Shevchuk cũng đề cập đến một số sự việc khác.
“Vùng Luhansk là một vùng thảo nguyên, khá khô cằn, và bây giờ nó khá nóng ở Ukraine, và ở đó ở Lysychansk mọi người đứng xếp hàng để lấy nước,” Đức Tổng Giám Mục nói. Những người chờ đợi nước “đã bị người Nga bắn. Theo cách tương tự ngày hôm qua, các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Kharkiv đã được thực hiện, người dân cũng thiệt mạng, nhiều người bị thương. Và sáng nay, thành phố Mykolaiv đã bị tấn công.”
Đức Tổng Giám Mục ca ngợi những người Ukraine, đặc biệt là những người trẻ tuổi bảo vệ quê hương chống lại cuộc xâm lược của Nga, bắt đầu từ ngày 24 tháng 2. Đức Cha Shevchuk cho biết nhiều thành viên trong quân đội hiện nay đã từng là giáo viên, nhà khoa học, bác sĩ hoặc nghệ sĩ trước chiến tranh.
“Giao tranh khốc liệt đang diễn ra dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Nhưng Ukraine đang đứng vững. Ukraine đang chiến đấu. Và chúng tôi cảm ơn Chúa và các lực lượng vũ trang của Ukraine rằng chúng tôi đã sống sót cho đến sáng nay và có thể nhìn thấy ánh sáng ban ngày.”
Source:Crux
Tạp chí First Things, ngay trong ngày Tối cao Pháp viện Hoa kỳ đảo ngược phán quyết Roe v. Wade, đã có 3 bài nhận định về biến cố này. Chủ bút Reno hết lòng cảm tạ và cám ơn trước biến cố lịch sử này. Arkes dĩ nhiên cũng coi biến cố này như một hồng ơn, tuy nhiên cho rằng Tối cao Pháp viện đã không đi xa đủ đến chỗ quả quyết tư cách nhân vị của thai nhi. Bradley cũng than phiền như thế, nhưng cho rằng Tối cao Pháp viện có xây dựng nhiều "khối" để làm cơ sở cho những tranh cãi sau này trước tòa về tư cách nhân vị này. Mời qúy độc giả cùng đọc ba bài nhận định này:
Tạ ơn và cám ơn
Trong bài Roe Overturned, R.R. Reno, chủ bút tờ First Things, trước nhất “Praise the Lord” ("Ngợi khen Chúa”) vì sự cai trị đầy quan phòng của Người, không bỏ rơi chúng ta cho sự ác. Ông viết tiếp:
Điều thứ hai cần nói là "Cảm ơn." Chúng ta mang ơn các Thẩm phán Clarence Thomas và Antonin Scalia, những người đã gay gắt trong những bất đồng chính kiến của họ trong phán quyết Casey và không hề nao núng nhấn mạnh rằng giấy phép phá thai không được Hiến pháp của chúng ta bảo vệ và là một tội ác lớn. Chúng ta cần cảm ơn những người sáng lập và lãnh đạo của Hội Duy Liên bang, tổ chức đã cung cấp một diễn đàn liên tục cho các học giả pháp lý tranh luận và hoàn thiện lý luận tư pháp dẫn đến phán quyết này. Và chúng ta cần phải cảm ơn hàng ngàn, đúng hơn, hàng triệu người Mỹ đã từ khước việc làm hòa giả tạo với chế độ phá thai của chúng ta. Họ tham gia các cuộc biểu tình, cầu nguyện, gửi tiền quyên góp, bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và vận động hành lang các nhà lập pháp trong gần 5 thập niên. Công lao đó đã không vô ích.
Điều thứ ba cần nói là chúng ta đang cải thiện tình thế. Bằng cách đảo ngược Roe, Tòa đã thực hiện một công việc tuyệt vời cho đất nước. Chúng ta giải tỏa được vụ tai tiếng — đạo đức, luật pháp và chính trị — tức trật tự Roe / Casey, theo đó luật căn bản nhất của chúng ta được giải thích là tán thành quyền giết một người chưa sinh. Giờ đây, tất cả chúng ta đều có thể khẳng định chế độ hợp hiến của chúng ta một cách tin tưởng cao hơn trong tính toàn vẹn của nó.
Tòa cũng đang hướng chúng ta đến việc khôi phục nền dân chủ. Roe được phán quyết vào năm 1973. Nó ra đời sau cuộc bầu cử long trời lở đất của Richard Nixon vào tháng 11 năm 1972. Tỷ lệ thắng lớn của Nixon phản ảnh sự bác bỏ đầy kinh ngạc giới lãnh đạo ưu tú theo chủ nghĩa tự do vào cuối những năm 1960. Những người ưu tú đó đã không đáp ứng bằng cách điều chỉnh. Đúng hơn, họ đã chạy đường vòng để trốn tránh. Roe nằm trong số nhiều biện pháp (bao gồm cả việc luận tội Nixon) mà giới lãnh đạo áp dụng để vô hiệu hóa cuộc bầu cử và khẳng định lại quyền kiểm soát đối với xã hội Mỹ - một cuộc “chiếm đoạt nền dân chủ”, như ấn phẩm này đã gọi nó trong một hội nghị chuyên đề vào năm 1996. Hội nghị chuyên đề “Sự kết thúc của nền dân chủ? ” đã nhìn lại hơn hai thập niên hoạt động tư pháp nhằm lật đổ trật tự đạo đức đã có từ lâu ở Mỹ.
Phán quyết Dobbs có hiệu lực ngay lập tức. Quan trọng nhất, nó cứu các mạng sống ở những tiểu bang tìm cách hạn chế hoặc ngăn cấm phá thai. Về mặt chính trị, nó làm suy yếu quyền kiểm soát của giới ưu tú đối với chính sách xã hội ở Hoa Kỳ. Theo quan điểm đồng tình của mình, Thẩm phán Clarence Thomas nhận xét: "Trong các trường hợp trong tương lai, chúng ta nên xem xét lại tất cả các tiền lệ tố tụng căn bản của Tòa án này, bao gồm Griswold, Lawrence và Obergefell." Những trường hợp này đã tạo cơ sở cho cuộc cách mạng tình dục do giới ưu tú thúc đẩy. Thomas nói đúng. Đã đến lúc phải chấm dứt việc thao túng Hiến pháp của chúng ta bởi những người nhấn mạnh rằng tự do tình dục là mệnh lệnh đạo đức vĩ đại.
Xã hội của chúng ta đang phân cực. Đến một mức độ đáng kể, điều này đã xảy ra vì những phán quyết như Roe. Một thiểu số tương đối nhỏ những người ưu tú “tiến bộ” đã hưởng đặc quyền tiếp cận quyền lực của pháp luật quá lâu. Họ đã sử dụng quyền lực này để đạt được mục đích của mình, chẳng hạn như hôn nhân đồng tính, mà không cần tham gia vào quá trình chính trị để thuyết phục đồng bào của họ. Họ cũng đã sử dụng quyền lực hợp pháp để tiêu diệt đối thủ của mình, như người làm bánh Colorado Jack Phillips có thể làm chứng.
Sau Dobbs, những người tin rằng phụ nữ không thể sống một cuộc sống tự do và đầy đủ nếu không có quyền chấm dứt sự sống của những đứa con trong bụng, họ sẽ phải công khai trình bầy vụ việc của họ. Bởi vì họ quá cực đoan, nên tôi không nghĩ họ sẽ thành công. Để đề phòng sự lật ngược của Roe, cơ quan lập pháp do đảng Dân chủ kiểm soát ở California đã tuyên bố biến tiểu bang thành “nơi bảo vệ pháp lý cho sự lựa chọn sinh sản” và đề nghị trả tiền phá thai cho những phụ nữ đến từ bên ngoài tiểu bang. Điều đáng lưu ý là chờ xem các cử tri phản ứng ra sao với các chính trị gia dành ưu tiên cho việc thúc đẩy quyền tiếp cận phá thai không hạn chế hơn là giải quyết tình trạng tội phạm gia tăng và tình trạng vô gia cư.
Đã quá lâu, những người tiến bộ đã có thể che giấu khỏi các cử tri những cái giá phải trả cho nền chính trị của họ. Họ vốn có thể dựa vào việc nắm bắt các quy định của pháp luật để bảo đảm các mục tiêu của họ. Điều này đã che đậy sự kiện này là họ quan tâm đến việc bảo đảm cho một phụ nữ giết con mình ngay trước khi sinh hơn là việc khoảng hơn 100,000 người đã chết vào năm ngoái vì sử dụng quá liều heroin — hoặc trẻ em nội thành bị kết án phải vào các trường học rối loạn chức năng, hoặc tầng lớp trung lưu Trung Tây (Midwesterner) có mức lương trì trệ trong nhiều thập niên.
Tôi hoan nghênh sự dũng cảm của các Thẩm phán Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett, những người đã ký vào ý kiến do Thẩm phán Samuel Alito viết ra đã đảo ngược Roe. Họ đã phục vụ chính nghĩa sự sống - và nền dân chủ. Tốt lắm.
Cám ơn nhưng...
Hadley Arkes, giáo sư hưu trí về luật học, cũng trên First Things cùng ngày, có bài tựa là The End of the Beginning of the End of Abortion, coi phán quyết Dobbs là “bước đầu tiên rất vang dội”. Nhưng ông viết tiếp:
Để diễn đạt lại câu nói của Churchill, chúng ta có thể nói rằng chúng ta mới chỉ ở “lúc kết thúc thuở ban đầu” trong việc đối phó với sóng gió mà việc phá thai đã gây ra cho đời sống chính trị của chúng ta trong năm mươi năm qua. Cơn sóng gió đó nay hứa hẹn sẽ gia tăng đến mức độ thù nghịch mới, cho đến khi nhân dân chúng ta biết lấy lại óc minh mẫn đạo đức nào đó về việc cướp đi sinh mạng vô tội trong bụng mẹ. Nhưng một điều tốt đẹp đã được thực hiện, và ở đây có một điểm tương đồng với Tuyên ngôn Giải phóng: Nó chỉ giải phóng những nô lệ bị giam giữ ở các tiểu bang có chiến tranh với chính phủ quốc gia; nó không giải phóng nô lệ bị giam giữ ở các tiểu bang cũng có nô lệ nhưng không ly khai khỏi Union (border state) như Delaware. Tuy nhiên, rõ ràng là nó được sinh động hóa nhờ sự thúc đẩy chống chế độ nô lệ và đó là cách nó được người ta hiểu. Cũng như vậy, phán quyết này sẽ được xem như một phán quyết khẳng định sự sống. Nó sẽ được coi là việc mời các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang bắt đầu áp dụng các biện pháp bảo vệ của luật pháp đối với đứa trẻ chưa chào đời trong bụng mẹ — và nó sẽ làm điều đó ngay cả khi đa số bảo thủ, trái với lệ thường, cố gắng tránh mọi lời mời hoặc khuyến khích như vậy.
Tuy nhiên, phán quyết này sẽ được coi là một tuyên bố ủng hộ sự sống ngay cả khi các vụ phá thai vẫn diễn ra ở mức độ lớn ở các tiểu bang màu lam. Sự thất vọng của chúng ta ở đây phần nào giống sự thất vọng của những người ở phía bên kia: Họ cảm thấy bị tước đoạt, bởi vì họ nghĩ rằng họ không có gì khác hơn một quyền hiến định, quyền này không có hiệu lực hay mất hiệu lực khi họ chuyển từ tiểu bang này sang tiểu bang khác. Và về phần chúng ta, chúng ta than thở sự kiện này là Tòa không tiến đến chỗ đặt để một điểm neo quan trọng khi nó trả vấn đề lại các tiểu bang: tức là, khi chúng ta dựa vào các sự kiện khách quan của phôi thai học, đứa con trong Tử cung không bao giờ là bất cứ điều gì kém hơn một con người ngay từ những giây phút đầu tiên, và không chỉ đơn thuần là một bộ phận của người mẹ. Nếu khẳng định này được nêu rõ, người ta sẽ hiểu biết rõ ràng hơn điều gì khiến luật ở các tiểu bang áp dụng biện pháp bảo vệ đứa trẻ trong bụng mẹ được biện minh sâu sắc. Và điều gì khiến Quốc hội và các tòa án liên bang buộc phải hành động khi các biện pháp bảo vệ của luật pháp bị rút khỏi toàn bộ một lớp người ở các tiểu bang.
Nhưng phe đa số trong phán quyết Dobbs rõ ràng không đặt để tiền đề đó. Và đó là lý do tại sao quan điểm bất đồng của Thẩm phán Stephen Breyer không liên hệ gì tới ý kiến mà ông muốn phản đối. Breyer cáo buộc rằng hôm nay Tòa “nói rằng ngay từ lúc thụ tinh, người phụ nữ không có quyền lên tiếng về việc ấy. Một tiểu bang có thể buộc bà phải mang thai đủ tháng, ngay cả với thiệt hại bản thân và gia đình cao nhất”. Tuy nhiên, đó là điều mà Thẩm phán Samuel Alito và các đồng nghiệp của ông đã cẩn thận tìm cách tránh nói ra. Vấn đề phá thai đã được trả lại các tiểu bang, và Tòa không đưa ra hướng dẫn về cách thức và thời điểm một cơ quan lập pháp có thể lựa chọn để bảo vệ đứa trẻ trong bụng mẹ. Tòa chỉ phán quyết rằng không có bản văn nào trong Hiến pháp, hoặc lịch sử pháp lý của đất nước này, đã từng công nhận quyền phá thai như vậy. Như một trong những người bạn của tôi trong số các thẩm phán từng nói:
“Toàn bộ lập luận của những người phản đối phá thai là lập luận cho rằng điều mà Tòa gọi là bào thai và những gì người khác gọi là đứa trẻ chưa sinh là một mạng người... Tất nhiên không có cách nào để xác định điều đó như một vấn đề pháp lý; thực tế nó là một phán đoán về giá trị”.
Vấn đề sẽ được trả lại cho các tiểu bang và người ta sẽ được mời tự đạt tới phán đoán về mức độ họ “trân qúy” sự sống của thai nhi trong bụng mẹ. Những người bất đồng chính kiến coi như một dữ kiện khi “những người” duy nhất có quyền lợi nghiêm trọng đang bị đe dọa ở đây là những phụ nữ nhìn thấy cuộc sống và triển vọng của họ bị giảm sút nếu họ bị tước mất cơ hội yêu cầu phá thai đúng lúc. Điều bị xóa một cách đáng chú ý khỏi màn hình là bất cứ sự công nhận nào đối với sinh vật nhỏ bé trong bụng mẹ, như một sinh vật có thể có tư thế của một con người, và thương tích của nó được "kể đến".
Điều mà những người bất đồng chính kiến giả vờ không nhìn thấy là đa số bảo thủ trong phán quyết Dobbs đã không làm gì để bác bỏ giả định đó. Nó không hành động để đặt để cái hiểu của phe đối nghịch là: đứa trẻ thực sự là một con người với yêu cầu được bảo vệ bởi pháp luật ngay từ những giây phút đầu tiên của nó. Thẩm phán Alito khá chính xác và dứt khoát khi nhấn mạnh rằng thử nghiệm “khả năng sống sót” [viability] chẳng có ý nghĩa gì ở đây. Việc liệu một đứa trẻ được sinh ra từ trong bụng mẹ có cơ hội được duy trì ở bên ngoài tử cung hay không có thể là một câu hỏi đáng lưu ý trong “khoa học lồng nuôi trẻ em đẻ non” [incubator science], nhưng nó không liên quan gì đến việc liệu đứa trẻ có ngưng là bất cứ điều gì hơn là một con người ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ hay không. Tuy nhiên, Alito là người tiến gần nhất tới chỗ nhấn mạnh chủ trương đứa trẻ phải được luật pháp bảo vệ ngay trong thời điểm sớm nhất: Các lợi ích hợp pháp của nhà nước trong việc qui định phá thai, như ông nói, có thể bao trùm một cách có cơ sở “việc tôn trọng và bảo tồn sự sống trước khi sinh ở mọi giai đoạn phát triển.” Nhưng rõ ràng ông cảm thấy bị hạn chế, không thể nói những gì James Wilson từng nói trong những ngày đầu tiên của Hiến pháp. Wilson, một trong những bộ óc hàng đầu trong số các nhà sáng lập Hoa Kỳ, đã hỏi câu hỏi này: Nếu chúng ta có các quyền tự nhiên, thì chúng bắt đầu từ khi nào? Và câu trả lời của ông là: Chúng bắt đầu ngay khi chúng ta bắt đầu hiện hữu. Và do đó, ông viết:
“Trong suy tư luật pháp, sự sống bắt đầu khi đứa trẻ sơ sinh lần đầu tiên có thể cựa quậy trong bụng mẹ. Theo luật, cuộc sống không chỉ được bảo vệ khỏi sự hủy diệt ngay lập tức, mà còn khỏi mọi mức độ bạo lực thực tế, và trong một số trường hợp, khỏi mọi mức độ nguy hiểm”.
Đối với tất cả những gì chúng ta có thể nói, ý nghĩa đó đã bị đồng nghiệp của Alito, Thẩm phán Brett Kavanaugh, bác bỏ dứt khoát trong tuyên bố kỳ lạ của ông về mặt đạo đức rằng Hiến pháp “trung lập” về việc phá thai: ông viết “Một mặt, nhiều người ủng hộ lựa chọn (phá thai) lập luận một cách mạnh mẽ rằng khả năng phá thai là cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống bản thân và nghề nghiệp của phụ nữ, cũng như đối với sức khỏe của phụ nữ... Mặt khác, nhiều người ủng hộ sự sống mạnh mẽ cho rằng bào thai là mạng người”. Nói cách khác, theo cách xây dựng này, một “nền luật học bảo thủ” về phá thai phải bắt đầu với phương châm cho rằng không có sự thật nào được biết đến về vị thế con người của đứa trẻ đó trong bụng mẹ. Nhưng đó là một nền luật học chấp nhận làm nền tảng của nó một sai lầm triệt để. Dù là gì đi nữa, nó không thể là một nền luật học mạch lạc.
Thẩm phán Kavanaugh là một người ưa suy nghĩ, và một số người trong chúng ta hy vọng rằng ông sẵn lòng tiếp nhận một cái nhìn tỉnh táo, thứ hai về điều ông đưa ra ở đây. Ông nắm được ý nghĩa của chủ trương ở đây: Tòa sẽ tuyên bố không có sự thật nào về vị thế con người của đứa trẻ đó trong bụng mẹ, không có gì phải cung cấp khẳng định cho bất cứ điều gì sẽ được lập pháp ở các tiểu bang qui định. Vấn đề nghiêm trọng này, tức việc trả lại cho các tiểu bang, sẽ được tranh luận trong lĩnh vực “niềm tin” và “phán đoán về giá trị”, với việc không có sự thật cố định về thời điểm cuộc sống con người bắt đầu. Nhưng trong trường hợp đó, chúng ta không nên ngạc nhiên khi phát hiện ra những người ở các quốc gia ủng hộ sự sống phàn nàn rằng họ bị tước đoạt quyền bản thân sâu sắc chỉ vì nó không được ủng hộ bởi các ý kiến và “niềm tin” của 51% người dân xung quanh họ.
Thật là tốt khi bước đầu tiên này đã được thực hiện, và các con đường thuyết phục và tranh luận đã mở ra một lần nữa. Không thể nghi ngờ gì rằng Tòa, trong hơn 50 năm qua, đã là động cơ chính trong việc thay đổi văn hóa của đất nước này về việc phá thai. Nó không chỉ đơn thuần tuyên bố một phán quyết pháp lý; nó dạy đất nước này về tính đúng đắn đạo đức của việc phá thai, và cảm thức bất bình chính đáng cho bất cứ ai bị tước đoạt quyền này. Và do đó, điều trở nên thích hợp là chỉ cần hỏi xem Tòa muốn đặt để bài học đối nghịch nào vào lúc này cho người dân của chúng ta khi nó trả vấn đề này lại cho các tiểu bang. Chúng ta có thể biết ơn về phán quyết Dobbs, nhưng nếu người dân Mỹ bây giờ tiếp thu quan điểm cho rằng vị thế sự sống con người không mang sự thật khách quan, việc tôn trọng sự sống đó phụ thuộc vào các thất thường của những ý kiến xoay quanh chúng ta, chúng ta có thể rất muốn hỏi làm thế nào Tòa định hình lại tốt hơn các nhạy cảm của những người đang lấp đầy cảnh quan xung quanh chúng ta.
Và một lần nữa, đây là sự kết thúc buổi khởi đầu, và nay công việc lại bắt đầu lại.
Kỳ tới: Tương lai sẽ ra sao?
Trong cùng thời gian đó, chỉ có 1.465 người xin gia nhập Công Giáo và 4.116 xin trở về với Giáo hội, sau khi đã rời khỏi Giáo hội trước đó.
Tổng cộng số tín hữu Công Giáo tại Đức hiện nay là hơn 21 triệu 600.000 người, tương đương với 26% dân số toàn quốc và là cộng đoàn Kitô đông nhất tại nước này.
Số giáo xứ cũng giảm sút do sự thay đổi cơ cấu, và hiện có 9.790 giáo xứ, tức là giảm 68 giáo xứ. Số linh mục giảm mất 2.252 vị, và hiện còn 10.313 linh mục, và trong năm 2021 chỉ có 62 tân linh mục tại Đức, trong số này có 48 linh mục giáo phận và 14 tân linh mục thuộc các dòng tu.
Georg Bätzing, Giám mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, bình luận rằng sự suy giảm trên đây là dấu hiệu một sự khủng hoảng sâu đậm của Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Ông nói: “Thật không phải là điều hay, đẹp khi nói về điều này. Tôi cảm thấy bị rúng động sâu đậm vì con số người ra khỏi Giáo hội cực kỳ cao như vậy”.
Dù con số các tín hữu bỏ đạo cao như thế, Bätzing vẫn khăng khăng cho rằng Tiến Trình Công Nghị của Công Giáo Đức là điều đúng, và Giáo hội tại Đức phải tiếp tục tiến bước theo con đường này.
Trong thời gian qua, Giám Mục Georg Bätzing và Hồng Y Richard Marx xoáy vào tội lỗi lạm dụng tình dục. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Nhưng nó có tầm mức của nó. Trong các trường hợp lạm dụng tính dục ở Đức, số trường hợp liên quan đến hàng giáo sĩ Công Giáo không quá 1%. Tuy nhiên, các Giám Mục cấp tiến Đức khuếch đại vấn đề đến mức kéo cả Đức Bênêđíctô xuống bùn, để làm chiêu bài cho những cải cách, bất kể những cải cách ấy chẳng có liên quan bao nhiêu đến tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Tại sao để giải quyết tội lỗi lạm dụng tính dục cần phải cho người Tin Lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Tại sao phải chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái, tái định nghĩa lại hôn nhân
Tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu và họ phải chịu trách nhiệm về tình trạng bỏ đạo kinh hoàng như hiện nay.
Tất cả các đề xuất của Hồng Y Marx, và Giám Mục Georg Bätzing như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin Lành chấp nhận nhưng họ có giải quyết được làn sóng bỏ đạo không? Theo thống kê công bố hồi tháng Ba năm nay, Tin Lành tại Đức trong năm 2021 có 19 triệu 720.000 tín hữu thuộc 20 Giáo hội khác nhau, chiếm 23,7% dân số toàn quốc. Có ba triệu tín hữu Chính thống và một triệu 800.000 tín hữu thuộc các Giáo hội Kitô khác. Cũng theo thống kê này, có 280.000 tín hữu Tin Lành làm đơn ra khỏi các Giáo hội liên hệ, một con số kỷ lục từ trước đến nay.
Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.
Tại Đức có chế độ thuế Giáo hội. Những người nào làm đơn xin ra khỏi Giáo hội thì sẽ không phải nộp thuế cho Giáo hội của mình. Số tiền thuế này tương đương tới 8% hoặc 9% số thuế lợi tức họ đóng cho nhà nước.
Nơi đền thờ Thánh Phero bên Vatican, thành Roma bên nước Ý, ngay nơi sân hai bên cạnh những bậc thềm vào đền thờ có hai pho tượng to lớn Thánh Phero và Thánh Phaolô bằng đá cẩm thạch. Hai pho tượng hai vị Thánh này nhắc nhớ đến hai khuôn mặt vĩ đại nhất trong lịch sử Hội Thánh Công Giáo.
Hình ảnh hai khuôn mặt vĩ đại này trình bày hội Thánh Chúa như thế nào?
Hình ảnh hai khuôn mặt vĩ đại này biểu hiện sự khác biệt và sự đa dạng trong dòng lịch sử Hội Thánh Công Giáo.
Thánh Phero được Chúa Giêsu kêu gọi là môn đệ trực tiếp theo Chúa ngay từ lúc đầu khi Chúa Giêsu đi ra giảng nước Thiên Chúa ở miền vùng Galilee. Trong hàng 12 Môn đệ đầu tiên Chúa Giêsu, Phero là vị môn đệ được xếp hạng thứ nhất.. Tên của Phero do chính Chúa Giêsu đặt cho mang ý nghĩa là “ tảng đá”. Danh hiệu này báo trước sau này Hội Thánh Chúa ở trần gian được xây dựng trên nền tảng đá vững chắc kiên cố.
Phero là người đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống công khai trước Chúa Giêsu và anh em các môn đệ khác.( Mt 16,16).
Sau khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, được mai táng trong mồ dưới lòng đất và đã chỗi dậy sống lại, Phero là một trong những nhân chứng đầu tiên ra thăm viếng ngôi mộ Chúa Giêsu, nhưng không còn nhìn thấy xác Chúa Giêsu nằm nơi đây nữa, mà Ngài đã chỗi dậy sống lại.
Thánh Phaolô là nhà thần học khoa đạo đức kinh thánh đầu tiên của Kitô giáo về giáo lý của Chúa Giêsu kitô. Những suy tư thần học này Ông đã viết lại trong các thư gửi cho các Giáo đoàn mà ông đã đến rao giảng giáo lý của Chúa, mà xưa nay trở thành kho tàng căn bản Giáo lý của Hội Thánh Chúa.
Phaolô là người đã mở đường từ nước Do Thái sang tận các đất nước bên vùng u Châu rao giảng thành lập các Giáo đoàn cho tin mừng nước Chúa Giêsu ở trần gian. Với công việc truyền giáo lan rộng trong khắp đế quốc Roma thời đó, Phaolo được mệnh danh là “ Vị Tông đồ muôn dân”.
Vị Tông đồ này, tuy không thuộc vào hàng 12 vị Tông đồ trực tiếp với Chúa Giêsu, nhưng với việc ra đi truyền giáo cho muôn dân bên ngoài nước Do Thái, Ông như người bắc nhịp cầu vươn sang hội nhập vào nền văn hóa Roma Hylạp, và đặt nền móng căn bản cho đạo giáo văn minh Kitô giáo bên vùng các nước u Châu được biết đến cùng phát triển thịnh vượng.
Hai khuôn mặt, hai cột trụ kiên cố vĩ đại sáng ngời của Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô, nhưng hai khuôn mặt vĩ đại này cũng có lịch sử qúa khứ với bóng tối che lấp bao phủ.
Hai vị cũng có mặt yếu điểm khiếm khuyết và mặt sáng trong đời sống.
Như Phúc âm Chúa Giêsu thuật lại, lúc Chúa Giêsu, Thầy mình bị bắt thẩm vấn, Ông Phero đã ba lần chối bỏ Thầy mình: tôi không biết Người đó là ai, khi bị người ta hỏi.
Nhưng may mắn thay, Phero đã nghe tiếng gà gáy sáng nhớ lại lời Thầy mình đã tiên báo nói trước, ăn năn khóc lóc xin Chúa tha thứ cho tội chối bỏ Thầy Mình.
Sau khi Chúa sống lại Ngài đã hiện ra với các Tông đồ bên bờ hồ Galileo, dịp này Phero đã ba lần tuyên xưng: Con yêu mến Thầy, và được Chúa Giêsu trao cho quyền đứng đầu Hội Thánh Chúa ở trần gian.
Phaolô là người trước đó đã tìm mọi phương cách đi truy lùng bắt các tín hữu Chúa Kitô, ông muốn tiêu diệt không cho tin theo giáo lý của Chúa Giêsu Kitô.
Nhưng cú ngã ngựa trên đường đi Damaskus lùng bắt các tín hữu Chúa Kitô được Chúa Giêsu hiện ra soi sáng đã khiến Phaolô ăn năn hối cải trở lại thành vị Tông đồ nhiệt thành hăng say mang tin mừng Chúa Giêsu ra bên ngoài nước Do Thái cho mọi dân nước bên u Châu.
Hai khuôn mặt thánh vĩ đại của Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô đã sống trung thực với con người mình như Chúa tạo dựng nên mình.
Phero một người trực tính lạ nhát gan chối bỏ Thầy mình. Nhưng lại là người sống tình cảm biết nhận tội lỗi ăn năn thống hối xin ơn tha thứ, cùng biểu lộ niềm tin tình cảm: Thưa Thầy, con yêu mến Thầy.
Phaolô một nhà trí thức, một người đem nhiệt huyết theo truyền thống Do Thái giáo phủ nhận cùng quyết bài trừ đức tin Kitô giáo của Chúa Giêsu Kitô. Biến cố ngã ngựa thành Damaskus với tiến nói của Chúa Giêsu đã không chỉ ban cho Phaolô ơn kêu gọi trở thành Tông đồ Chúa Giêsu Kitô, nhưng còn là sự thức tỉnh khiến ông ăn năn thống hối trở về với đức tin vào Chúa Giêsu Kitô.
Nền trí thức và bầu nhiệt huyết của Phaolô đã trở nên dụng cụ của Chúa cho công cuộc truyền giáo lan rộng khắp vùng các đất nước u Châu. Và nhất là những suy tư thần học của Phalo là kho tàng về giáo lý trong Hội Thánh Kitô giáo xưa nay.
Tình yêu mến và lòng nhiệt thành hăng say là hai đức tính cá biệt nổi bật của hai khuôn mặt vĩ đại Phero và Phaolô trong Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô.
Lễ kính hai Thánh vĩ đại Phero và Phaolô
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
1. Đại tá Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù và 40 binh sĩ bị trúng hỏa tiễn do Mỹ cung cấp.
Như chúng tôi đã đưa tin, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết trong bản báo cáo sáng Chúa Nhật 26 tháng 6 rằng, các lực lượng Ukraine đã phá hủy hàng loạt các sở chỉ huy của Nga ở Donbas. Trong đêm thứ Sáu 24 tháng Sáu, sở chỉ huy của lực lượng Dù của quân đội Nga đã bị tấn công bằng hệ thống HIMARS. Một lượng đáng kể thiết bị và vũ khí đã bị phá hủy trong cuộc tấn công, đồng thời mang lại nhiều thương vong cho lực lượng đối phương. Một trong những chỉ huy của sư đoàn Dù 106, Đại tá Andrey Vasilyev, Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù 137 đến từ Tula đã bị loại khỏi vòng chiến.
Tờ The Sun, cho biết thêm các chi tiết sau: Đại tá Andrei Vasilyev, năm nay 49 tuổi, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào đêm thứ Sáu. Cùng thiệt mạng với ông còn có 40 binh sĩ Dù của cùng đơn vị.
Ông là Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù 137 thuộc Sư đoàn Dù 106. Ông đã kết hôn và có một cô con gái. Ông đã được trao tặng Huân chương Dũng cảm của Nga và một số các danh hiệu khác.
Đại tá Andrey Vasilyev là sĩ quan cấp tá thứ 56 bị tử trận. Sĩ quan cấp tá thứ 55 bị thiệt mạng là Trung tá Sergey Gundorov, 51 tuổi. Ông lái một chiếc trực thăng Mi-35 bay rất thấp, để tấn công vào các binh sĩ Ukraine, khiến họ phải nằm rạp xuống đất tránh đạn. Tuy nhiên, khi chiếc trực thăng vừa bay qua, một binh sĩ Ukraine đã dũng cảm đứng dậy bắn theo một hỏa tiễn đất đối không di động.
Trung tá Sergey Gundorov, sĩ quan cấp tá thứ 56 bị tử trận
Chiếc trực thăng của Sergey Gundorov bị trúng hỏa tiễn nhưng vẫn cố bay được một đoạn trước khi lao qua một dải rừng hẹp và rơi trên một cánh đồng, đắm chìm trong một quả cầu lửa khổng lồ.
Một chiếc trực thăng thứ hai của Nga bắn pháo sáng để kêu gọi quân bộ binh Nga tiếp cứu trước khi chuồn thẳng một mạch.
Putin cũng đã mất ít nhất 11 tướng.
2. Phản ứng của các nhà lãnh đạo G7 về vụ pháo kích vào siêu thị Kremenchuk
Các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi Nga kết thúc cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa”
Các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra một tuyên bố về vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương:
“Chúng tôi, những nhà lãnh đạo của G7, long trọng lên án vụ tấn công ghê tởm vào một trung tâm mua sắm ở Kremenchuk. Chúng tôi đoàn kết với Ukraine thương tiếc những nạn nhân vô tội của cuộc tấn công tàn bạo này”.
“Các cuộc tấn công bừa bãi vào dân thường vô tội đã cấu thành tội ác chiến tranh. Tổng thống Nga Putin và những người có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm “.
“Hôm nay, chúng tôi nhấn mạnh sự ủng hộ vững chắc của chúng tôi đối với Ukraine khi đối mặt với sự xâm lược của Nga, một cuộc chiến được lựa chọn một cách phi lý đã diễn ra trong 124 ngày qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, nhân đạo cũng như quân sự cho Ukraine, trong thời gian cần thiết”.
“Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi Nga kết thúc cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa đối với Ukraine.”
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố Nga phải trả lời vì cuộc tấn công hỏa tiễn cướp đi những sinh mạng vô tội
Bộ Ngoại giao Pháp vừa ra tuyên bố rằng Nga phải trả lời về vụ tấn công hỏa tiễn vào trung tâm mua sắm sầm uất ở Kremenchuk khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 56 người bị thương.
“Nga phải trả lời vì những hành vi này. Pháp ủng hộ cuộc chiến chống lại sự trừng phạt ở Ukraine, “phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố.
Với ít nhất 13 người được xác nhận đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào trung tâm mua sắm ở Kremenchuk, đã có hơn 40 báo cáo từ bạn bè và gia đình của những người chưa được xác nhận - ít nhất 40 người vẫn mất tích.
Ít nhất 8 thường dân thiệt mạng ở Lysychansk
Một cuộc tấn công khác cũng bằng hỏa tiễn của Nga đã khiến ít nhất 8 dân thường thiệt mạng và 21 người bị thương ở Lysychansk, Reuters đưa tin.
Serhiy Gaidai, thống đốc bang Luhansk cho biết trên Telegram: “Hôm nay, khi những người dân thường lấy nước từ một bể chứa nước, người Nga đã nhắm vào đám đông.”
3. Tổng thống Moldova thăm các thị trấn nơi xảy ra các cuộc tàn sát người Ukraine
Tổng thống Moldova cho biết trong chuyến thăm Ukraine rằng đất nước của bà là “mong manh và dễ bị tổn thương” và cần được giúp đỡ để duy trì “một phần của thế giới tự do”.
Bốn ngày sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu quyết định chấp nhận Ukraine và Moldova làm ứng cử viên thành viên, Tổng thống Maia Sandu đã đến thăm ba thị trấn nơi Ukraine cáo buộc lực lượng Nga thực hiện hành vi tàn bạo, theo Reuters.
“Điều này lẽ ra không nên xảy ra. Và, bạn biết đấy, thật đau lòng khi chứng kiến những gì chúng ta nhìn thấy ở đây và nghe những câu chuyện,” cô nói ở Bucha, ngoại ô Kyiv, kêu gọi bất cứ ai phạm tội tàn ác phải bị trừng phạt.
Tổng thống Moldova Maia Sandu đã lắng nghe thị trưởng Bucha Anatolii Fedoruk tại khu vực thành phố có một ngôi mộ tập thể.
Sandu cho biết Moldova, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với 2,6 triệu dân có biên giới với Ukraine, muốn xác định tương lai của chính mình.
Bà nói: “Moldova là một quốc gia mong manh và dễ bị tổn thương. Ukraine và Moldova cần sự giúp đỡ. Chúng tôi muốn cuộc chiến này dừng lại, sự xâm lược của Nga đối với Ukraine phải được chấm dứt càng sớm càng tốt. Chúng tôi muốn được mãi mãi là một phần của thế giới tự do”.
Khu vực ly khai Transnistria của Moldova có một đơn vị đồn trú của quân đội Nga được triển khai tới đó, và nằm giữa phía đông của Moldova và phía tây nam của Ukraine.
Sandu cũng đã đến thăm các thị trấn Borodyanka và Irpin trong chuyến đi của mình, và sau đó hội đàm với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
4. Lithuania cho biết họ đã bị tấn công mạng
Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Baltic cho biết trong một tuyên bố rằng trang Web của Bộ Quốc phòng Lithuania đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc tấn công mạng. Từ chuyên môn gọi là Ddos attack để mô tả trường hợp hợp một web site bị truy nhập đồng loạt với số lượng lớn gây ra tình trạng từ chối dịch vụ.
“Rất có thể các cuộc tấn công với cường độ tương tự hoặc lớn hơn sẽ tiếp tục trong những ngày tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng và tài chính,” Trung tâm cho biết như trên, và nói thêm rằng các mạng an toàn được sử dụng bởi các tổ chức nhà nước cũng nằm trong số những mạng bị ảnh hưởng.
Reuters đưa tin rằng nhóm hacker Nga Killnet đã lên tiếng nhận trách nhiệm, nói rằng cuộc tấn công là để trả đũa việc Lithuania ngăn cản việc vận chuyển hàng hóa của Nga qua lãnh thổ của mình vào vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga.
Diễn biến này xảy ra sau khi các thành viên Quốc Hội Nga yêu cầu Putin tuyên chiến với Lithuania vì cho rằng nước này đã phong tỏa giao thông đường bộ giữa Nga và Kaliningrad, một thành phố của Nga lọt thỏm giữa Ba Lan và Lithuania, tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của Nga.
Tuần trước, Lithuanian Railways, công ty đường sắt thuộc sở hữu nhà nước, thông báo với Nga rằng bắt đầu từ nửa đêm ngày 18 tháng 6, các chuyến tàu trung chuyển chở hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt sẽ không còn được phép đi qua.
Đáp lại, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng quyết định này là “chưa từng có tiền lệ” và là “bất hợp pháp”.
Tuy nhiên, Ông Josep Borrell, Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu cho biết việc vận chuyển đường bộ giữa Kaliningrad và các vùng khác của Nga đã không bị cấm.
Ông nói: “Việc vận chuyển đường bộ giữa Kaliningrad và các vùng khác của Nga không bị dừng hay bị cấm. Không có sự phong tỏa nào. Quá cảnh của hành khách và hàng hóa vẫn được tiếp tục.”
Borrell cho biết Lithuania đã không áp dụng bất kỳ hạn chế đơn phương nào và chỉ áp dụng các biện pháp trừng phạt đã được Liên minh Âu Châu đưa ra.
“Cáo buộc rằng 'Lithuania đang thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga một cách đơn phương ' là sai sự thật. Tuyên truyền thuần túy,” ông nói.
5. NATO âu lo về sự bành trướng và liên kết sâu đậm với Mạc Tư Khoa của Bắc Kinh
Các nhà ngoại giao NATO đang vật lộn tìm cách giải quyết mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa.
Cả hội nghị thượng đỉnh của các nền dân chủ công nghiệp giàu có G7 hiện đang diễn ra ở Đức và hội nghị thượng đỉnh của NATO diễn ra sau đó sẽ xem xét xu hướng ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm linh hoạt ưu thế địa chính trị và sức mạnh kinh tế ở nước ngoài.
Các quan chức Mỹ cho biết khái niệm chiến lược mới sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Madrid vào thứ Tư và thứ Năm. Đây là sự kiện đầu tiên trong thập kỷ của khối và sẽ giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng do Nga gây ra và lần đầu tiên là Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hôm Chúa Nhật, một quan chức Tòa Bạch Ốc bày tỏ tin tưởng rằng tài liệu này sẽ bao gồm những ngôn từ “mạnh mẽ” đối với Trung Quốc, nhưng cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Madrid trong các ngày 29 và 30 tháng 6.
Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 hôm thứ Hai, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng tài liệu chiến lược của NATO sẽ “nói theo những cách chưa từng có về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra”.
Ngoài ra, các nhà đàm phán cũng đang điều chỉnh cách mô tả mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga. Cộng hòa Tiệp và Hung Gia Lợi phản đối mạnh mẽ cụm từ “hội tụ chiến lược” để định nghĩa mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga.
6. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gặp gỡ các nhà lãnh đạo G7
Các nguồn tin chính phủ Mỹ thông báo rằng Washington có kế hoạch thông báo ngay trong tuần này rằng họ đã mua một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đất đối không tiên tiến của Na Uy cho Ukraine.
Thông báo về việc mua Nasams sẽ đáp ứng một trong những yêu cầu quan trọng từ tổng thống Volodymyr Zelenskiy, người đã cảnh báo các thành phố quan trọng của mình không có khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga, bao gồm cả những trận mưa hỏa tiễn xuống thủ đô Kyiv hôm Chúa Nhật.
Cuộc gặp của Zelenskiy với các nhà lãnh đạo G7 không được chiếu trước công chúng - ông có thể được nhìn thấy trên màn hình tivi cạnh bàn tròn nơi các nhà lãnh đạo ngồi tại địa điểm tổ chức hội nghị - nhưng trong bài phát biểu qua đêm với người dân Ukraine, ông nói rằng đất nước cần một hệ thống phòng không mạnh mẽ, hiện đại và đầy đủ hiệu quả có thể bảo bảo vệ hoàn toàn trước các hỏa tiễn như vậy.
Hệ thống phòng không sẽ là một trong nhiều cam kết hỗ trợ quân sự bao gồm đạn pháo sẽ được trao cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh G7 do Đức chủ trì ở Bavaria hoặc tại hội nghị thượng đỉnh quốc phòng của NATO ở Madrid sau đó.
Một quan chức Mỹ cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã theo đuổi việc đặt ra giới hạn giá đối với dầu mỏ của Mạc Tư Khoa và tăng mức thuế mới đối với hàng hóa của Nga.
1. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước phán quyết lịch sử của Tối Cao Pháp Viện
Để đáp lại việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết bác bỏ phán quyết Roe chống Wade năm 1973, Đức Tổng Giám Mục José H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sinh của USCCB đã đưa ra tuyên bố sau:
“Đây là một ngày lịch sử trong cuộc đời của đất nước chúng ta, một ngày làm xúc động những suy nghĩ, cảm xúc và những lời cầu nguyện của chúng ta. Trong gần năm mươi năm, Hoa Kỳ đã thực thi một luật bất công cho phép một số người quyết định xem những người khác có thể sống hay chết. Chính sách này đã dẫn đến cái chết của hàng chục triệu trẻ sơ sinh, những thế hệ bị từ chối quyền được sinh ra”.
“Nước Mỹ được thành lập dựa trên sự thật rằng tất cả nam giới và phụ nữ đều được tạo ra bình đẳng, với các quyền được Chúa ban cho cuộc sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Sự thật này đã bị phủ nhận một cách đau buồn bởi phán quyết Roe kiện Wade của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, là phán quyết đã hợp pháp hóa và bình thường hóa việc lấy đi mạng người vô tội. Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa vì Tòa án đã lật lại quyết định này. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho các quan chức được bầu của chúng ta bây giờ sẽ ban hành luật và chính sách thúc đẩy và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta”.
“Suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi là với những đứa trẻ nhỏ bé đã bị cướp đi mạng sống kể từ năm 1973. Chúng tôi thương tiếc sự mất mát của họ, và chúng tôi giao phó linh hồn của họ cho Chúa, Đấng đã yêu thương họ từ trước đó và sẽ yêu thương họ đến muôn đời. Trái tim của chúng tôi cũng ở với mọi phụ nữ và nam giới đã phải chịu đựng đau buồn vì phá thai; chúng tôi cầu nguyện cho sự chữa lành của họ, và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cảm thông và hỗ trợ. Với tư cách là một Giáo hội, chúng ta cần phục vụ những người gặp khó khăn trong việc mang thai và bao bọc họ bằng tình yêu thương.”
“Quyết định của ngày hôm nay cũng là kết quả của những lời cầu nguyện, sự hy sinh và ủng hộ của vô số người Mỹ bình thường từ mọi nẻo đường cuộc sống. Trong những năm dài này, hàng triệu đồng bào của chúng ta đã làm việc cùng nhau một cách hòa bình để giáo dục và thuyết phục những người hàng xóm của họ về sự bất công của việc phá thai, cung cấp dịch vụ chăm sóc và tư vấn cho phụ nữ, và hoạt động cho các biện pháp thay thế cho việc phá thai, bao gồm nhận con nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng và các chính sách công hỗ trợ thực sự cho các gia đình. Chúng tôi chia sẻ niềm vui của họ ngày hôm nay và chúng tôi biết ơn họ. Công việc của họ vì sự sống phản ánh tất cả những gì tốt đẹp trong nền dân chủ của chúng ta và phong trào ủng hộ cuộc sống xứng đáng được xếp vào số những phong trào vĩ đại nhằm thay đổi xã hội và dân quyền trong lịch sử dân tộc chúng ta.”
“Bây giờ là lúc bắt đầu công việc xây dựng một nước Mỹ thời hậu Roe. Đó là thời gian để chữa lành vết thương và sửa chữa những chia rẽ xã hội; đó là thời gian để suy tư một cách có lý trí và đối thoại dân sự, đồng thời cùng nhau xây dựng một xã hội và một nền kinh tế hỗ trợ hôn nhân và gia đình, đồng thời là nơi mọi phụ nữ có sự hỗ trợ và nguồn lực cần thiết để đưa con mình đến với thế giới này trong tình yêu thương.”
“Với tư cách là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi cam kết tiếp tục phục vụ kế hoạch tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho con người, và hợp tác với đồng bào của chúng ta để thực hiện lời hứa của Hoa Kỳ là bảo đảm quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người.”
Source:USCCB
2. Đức Giáo Hoàng, và Hội đồng Hồng Y cố vấn tổ chức cuộc họp trực tuyến
Đức Thánh Cha Phanxicô và sáu thành viên của Hội đồng Hồng Y đã gặp nhau trong một cuộc họp trực tuyến.
Hội đồng Hồng Y đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến, với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài đã tham gia cùng họ từ Casa Santa Marta, một thông cáo từ Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết như trên.
Hiện diện tại cuộc họp ảo có các Hồng Y Óscar A. Rodríguez Maradiaga, Reinhard Marx, Sean Patrick O'Malley, Oswald Gracias và Fridolin Ambongo Besungu; trong khi các Hồng Y Pietro Parolin và Giuseppe Bertello đến từ Vatican.
Trong cuộc họp, các Hồng Y đã đưa ra những cân nhắc về Tông Hiến mới 'Paedicate Evangelium', và Hội đồng cũng tập trung vào một số khía cạnh tổ chức và chuyên đề của cuộc họp tiếp theo của tất cả các Hồng Y dự kiến diễn ra vào ngày 29 và 30 tháng 8.
Văn phòng Báo chí cho biết cuộc họp kết thúc ngay trước 5 giờ chiều và cuộc họp sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 9.
Source:Vatican News
3. Đức Hồng Y Kasper cảnh báo Tiến Trình Công Nghị Đức có nguy cơ 'tự bẻ cổ mình'
Một nhà thần học được coi là thân cận với Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo rằng Tiến Trình Công Nghị Đức có nguy cơ “tự bẻ cổ mình” nếu nó không chú ý đến những phản đối của ngày càng nhiều các giám mục trên khắp thế giới.
Đức Hồng Y Walter Kasper cũng cho biết các nhà tổ chức đang sử dụng một “thủ đoạn tiệm tiến” mà trên thực tế đã tạo thành một “cuộc đảo chính” có thể dẫn đến việc từ chức tập thể, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA đưa tin.
Vị Hồng Y 89 tuổi người Đức là Chủ tịch Danh dự của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo, và là Giám mục của Rottenburg-Stuttgart từ năm 1989 đến 1999.
Ngài đã phát biểu tại một ngày nghiên cứu trực tuyến vào ngày 19 tháng 6 về sáng kiến “Khởi đầu mới” (Neuer Anfang), là một phong trào cải cách chỉ trích Tiến Trình Công Nghị Đức.
Đức Hồng Y Kasper cảnh báo rằng Giáo Hội không phải là một thực thể nào đó cần được “nhào nặn và định hình lại cho phù hợp với tình hình”.
Vào tháng 4, hơn 100 Hồng Y và giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã công bố một “bức thư ngỏ trong tình huynh đệ” cho các giám mục của Đức, cảnh báo rằng những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn của Giáo hội được ủng hộ bởi tiến trình này có thể dẫn đến ly giáo.
Vào tháng 3, một bức thư ngỏ từ các giám mục Bắc Âu bày tỏ sự lo ngại về tiến trình của Đức, và vào tháng 2, một bức thư với những lời lẽ thẳng thắn từ chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã nêu lên những lo ngại nghiêm trọng.
Những lo ngại như vậy “sẽ được lặp lại và tái khẳng định, và nếu chúng ta không chú ý đến, Tiến Trình Công Nghị sẽ tự bẻ gẫy cổ của mình,” Đức Hồng Y Kasper cảnh báo trong bài phát biểu của mình.
Ngài nói: “tội nguyên tổ của Tiến Trình Công Nghị” là nó không dựa trên bức thư của Đức Thánh Cha gửi cho Giáo Hội ở Đức, với “đề nghị để cho Tiến Trình Công Nghị này được hướng dẫn bởi Phúc Âm và bởi sứ mệnh cơ bản của việc truyền bá Phúc Âm hóa”.
Thay vào đó, quy trình của Đức, do Hồng Y Reinhard Marx khởi xướng, đã “đi theo con đường riêng với các tiêu chí khác biệt”.
Vào tháng 6 năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một bức thư dài 19 trang cho những người Công Giáo ở Đức kêu gọi họ tập trung vào việc truyền giáo trước tình trạng “đức tin ngày càng xói mòn và suy thoái”.
Chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Giám mục Georg Bätzing của Limburg, đã nhiều lần bác bỏ mọi lo ngại, thay vào đó tháng 5 vừa qua, ông bày tỏ sự thất vọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào đầu tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng ngài đã nói với lãnh đạo các giám mục Công Giáo của Đức rằng đất nước đã có “một Giáo hội Tin lành rất tốt” và “chúng ta không cần một Giáo Hội Tin Lành thứ hai”.
“Vấn đề nảy sinh khi Tiến Trình Công Nghị đến từ giới tinh hoa trí thức, thần học, và bị ảnh hưởng nhiều bởi các áp lực bên ngoài,” Đức Giáo Hoàng nói.
Bätzing, người giữ chức vụ chủ tịch của Tiến Trình Công Nghị, cũng là người ký “Tuyên bố Frankfurt”. Bản kiến nghị này yêu cầu các giám mục Đức nên tuyên bố cam kết thực hiện các nghị quyết đã được thông qua trong quá trình này, CNA Deutsch đưa tin.
Đức Hồng Y Kasper đã chỉ trích sự thúc đẩy cho “cam kết” này, nói rằng đó là “một thủ thuật và hơn nữa, một thủ thuật tiệm tiến.”
“Chỉ cần tưởng tượng một công chức chấp nhận sự bổ nhiệm, sau đó từ bỏ việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình. Anh ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với các thủ tục tố tụng theo luật công vụ. Cuối cùng, sự tự cam kết như vậy sẽ tương đương với sự từ chức tập thể của các giám mục. Về mặt hiến pháp, toàn bộ sự việc chỉ có thể được gọi là một cuộc đảo chính, hay một âm mưu đảo chính”.
Đức Hồng Y Kasper nhấn mạnh: “Giáo hội không bao giờ có thể được điều hành theo phương thức đồng nghị.” Thay vào đó, một thượng hội đồng đã tạo thành “một sự can thiệp bất thường” đối với các thủ tục thông thường.
Tiến Trình Công Nghị, hay Synodale Weg – theo tiếng Đức, tự mô tả nó là một quá trình tập hợp các giám mục Đức và những giáo dân được chọn để tranh luận và thông qua các nghị quyết về cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, luân lý tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ.
Những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo văn kiện kêu gọi thụ phong linh mục cho phụ nữ, các phước lành cho người đồng tính, và những thay đổi đối với giáo huấn của Giáo hội về các hành vi đồng tính luyến ái.
Đức Hồng Y Kasper đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về quá trình này. Ngài đã sử dụng những từ tiếng Đức gần giống Neuerung (“canh tân”) và Erneuerung (“làm mới lại từ đầu”) để nói rằng một người không thể “không thể tái tạo lại Giáo hội,” nhưng đúng hơn người ta nên góp phần đổi mới Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần: “canh tân không phải là xóa bàn làm lại. Nó không có nghĩa là thử một cái gì đó mới và phát minh ra một Giáo hội mới”.
Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng thay vào đó, cải cách thực sự là “để Thánh Linh Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên mới và ban cho chúng ta một trái tim mới.”
Ngài nói một cách tương tự, thuật ngữ “canh tân” áp dụng cho việc đưa Giáo Hội trở lại “hình dạng” nguyên thủy, “tức là, về hình dạng mà Chúa Giêsu Kitô muốn và ngài đã ban cho Giáo hội. Chúa Giêsu Kitô là nền tảng, không ai có thể đặt để khác đi (1Cr 3,10 f); đồng thời là viên đá gắn kết mọi sự lại với nhau (Ep 2,20). Ngài là tiêu chuẩn, là Alpha và Omega của mọi sự đổi mới.”
Source:Catholic News Agency
1. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine: Putin chỉ sống được cùng lắm là hai năm
Các quan chức Ukraine tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang mắc những căn bệnh “nghiêm trọng” và dự kiến ông ta sẽ chết trong vòng hai năm. Thiếu tướng Kyrylo Budanov, Cục trưởng Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã đưa ra nhận định trên trong một cuộc phỏng vấn do USA Today thực hiện.
Trong khi Điện Cẩm Linh khẳng định rằng ông Putin có sức khỏe tốt, thì vẫn còn nhiều câu hỏi về tình trạng của ông. Đầu tháng này, Newsweek đưa tin, một báo cáo mật của Mỹ cho biết Tổng thống Nga dường như đã được điều trị ung thư giai đoạn cuối vào tháng Tư.
Budanov tuyên bố vào tháng 5 rằng Putin “rất ốm” vì bệnh ung thư và các bệnh khác. Ông nói với Sky News rằng Tổng thống Nga đang ở trong tình trạng “tâm lý và thể chất rất tồi tệ và ông ta đang rất ốm.”
Các quan chức tình báo Ukraine tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang mắc những căn bệnh nguy hiểm và dự kiến ông sẽ qua đời trong vòng hai năm. Cho đến nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫn phủ nhận việc Putin đang đau nặng.
Ông Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn với TF1: “Tôi không nghĩ rằng những người lành mạnh có thể nhìn thấy ở tổng thống dấu hiệu của một loại bệnh tật nào đó”.
Ông nói thêm rằng Putin “xuất hiện trước công chúng mỗi ngày.”
“Bạn có thể xem ông ấy trên màn hình, đọc và nghe các bài phát biểu của ông ấy,” Lavrov nói.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
Trong cuộc phỏng vấn với USA Today, Tướng Budanov cũng thảo luận về Andy Huỳnh Ngọc Tài và Alexander Drueke, là những cựu quân nhân Hoa Kỳ tình nguyện chiến đấu ở Ukraine và được cho là đã bị lực lượng Nga bắt giữ.
Budanov cho biết hai binh sĩ hiện đang ở nhà tù Donbas, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng của họ.
“Chúng tôi đang làm việc để giúp đỡ họ. Cách giải quyết tình huống này không phải là dễ dàng... nhưng chúng tôi thấy có một cách để giải quyết nó. Nó sẽ ít nhiều liên quan đến việc hoán đổi tù nhân. Chúng tôi có sẵn những người mà người Nga rất muốn, những người mà họ rất cần lấy lại... nhưng điều đó cũng sẽ không xảy ra trong một hoặc hai tuần. Sẽ mất một vài tháng”.
Tuần trước, tỷ phú người Nga lưu vong Mikhail Khodorkovsky nói rằng ông tin rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ dẫn đến “sự sụp đổ” của Putin.
“Nếu bây giờ ông ấy có thắng ở Ukraine đi chăng nữa, thì ông ấy sẽ phải đối phó với các vấn đề trong nước liên quan đến các lệnh cấm vận, để rồi sẽ bắt đầu chiến tranh với NATO. Và cuối cùng anh ta sẽ thua trong cuộc chiến đó,” Khodorkovsky nói.
“Nếu không có quá nhiều thương vong, tôi sẽ nói rằng tôi thực sự khá hạnh phúc. Nhưng dù thế nào, Putin đã khởi hành vào một lộ trình sẽ dẫn đến cái chết của ông ta”.
2. Đoàn xe chở các phương tiện phóng hỏa tiễn của Nga bị tấn công nổ tan tành
Trong bản báo cáo hôm thứ Ba 28 tháng 6, Bộ Tư lệnh Lực lượng Hoạt động Đặc biệt, gọi tắt là SSO, của Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết:
“Đoàn xe chở các phương tiện phóng hỏa tiễn của Nga đã bị pháo kích nổ tung thành từng mảnh với sự hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm Ukraine.
Không có gì bí mật, pháo binh địch luôn có lợi thế hơn chúng ta. Vì vậy, nó luôn là mục tiêu ưu tiên của binh lính Ukraine. Và đặc biệt là khi nói đến các hệ thống hỏa tiễn hàng loạt.
Các trinh sát của SSO Ukraine ở vùng Donetsk đã tìm thấy một đoàn xe địch, trong đó có 6 chiếc là các xe phóng hỏa tiễn hàng loạt 'Uragan'. Bên cạnh đó, còn có các phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở nhiên liệu, xe chở hỏa tiễn, xe điều khiển hỏa lực, xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh.
Sau các phát pháo thăm dò, các binh sĩ SSO đã điều chỉnh tọa độ và hỏa lực để đoàn xe của đối phương ra từng mảnh.”
BM-27 “Uragan” là một phương tiện phóng hỏa tiễn hàng loạt do Liên Xô thiết kế.
3. Người đứng đầu NATO cảnh báo Nga đe dọa trực tiếp và kêu gọi tăng gấp bảy lần lực lượng phản ứng nhanh
Các đồng minh NATO dự kiến sẽ coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của chúng ta” và thảo luận về Trung Quốc là mối quan tâm lần đầu tiên sau cuộc xâm lược Ukraine
NATO sẽ trải qua cuộc thay đổi lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh khi người đứng đầu khối này đưa ra cảnh báo lạnh lùng rằng Nga là mối đe dọa trực tiếp.
Lực lượng phản ứng nhanh của NATO, hay đơn vị phản ứng nhanh, hiện sẽ tăng quân số 40.000 quân như hiện nay lên gấp hơn bảy lần, cụ thể là lên hơn 300.000.
Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết việc mở rộng đáng kể các lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao sẽ là “chuyển đổi” đối với NATO và “tăng cường khả năng phòng thủ phía trước của chúng tôi”.
Thủ tướng Boris Johnson sẽ có mặt trong số các nhà lãnh đạo ở Madrid trong tuần này để thảo luận về các vấn đề quan trọng mà liên minh phải đối mặt.
Điều này cũng bao gồm Trung Quốc và “những thách thức mà Bắc Kinh đặt ra đối với an ninh, lợi ích và giá trị của chúng tôi”.
Hội nghị của NATO tại Madrid diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc được cho là đang ngày càng có xu hướng muốn linh hoạt ưu thế địa chính trị và sức mạnh kinh tế cưỡng bức ở nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg giải thích rằng NATO sẽ nói rõ rằng Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất” đối với an ninh.
Tổ chức cũng sẽ thay đổi ngôn ngữ của mình đối với Nga. Chiến lược cuối cùng của liên minh từ năm 2010 vẫn mô tả Nga là một đối tác chiến lược.
“ Đó sẽ không phải là trường hợp trong khái niệm chiến lược mà chúng tôi sẽ thống nhất ở Madrid,” ông Stoltenberg nói thêm.
“Tôi hy vọng rằng các đồng minh sẽ tuyên bố rõ ràng rằng Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của chúng ta, đối với các giá trị của chúng ta, đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Cả hai hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO trong tuần này đều đang xem xét những thách thức của Trung Quốc và tập trung vào mối quan hệ của nước này với Nga trong bối cảnh Mạc Tư Khoa đang chiến tranh với Ukraine.
Lần đầu tiên Trung Quốc được coi là một mối quan tâm trong khái niệm chiến lược mới của NATO sau một thập kỷ.
Nhưng các thành viên của nó hiện đang tranh cãi về cách mô tả đất nước có quân đội lớn nhất thế giới và mối quan hệ của nó với Nga.
Các nhà ngoại giao cho biết Mỹ và Anh đã thúc đẩy ngôn ngữ mạnh mẽ hơn để phản ánh những gì họ coi là tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và lo ngại ngày càng tăng rằng họ có thể tấn công đảo Đài Loan do Bắc Kinh quản lý, mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của riêng mình.
Trong khi đó, Pháp và Đức, với sự đầu tư công nghiệp lớn của Âu Châu vào Trung Quốc, ủng hộ những ngôn ngữ dè dặt hơn.
Một nhà ngoại giao cho biết một thỏa hiệp đang hình thành, theo đó Trung Quốc sẽ được mô tả là một “thách thức có hệ thống”, đồng thời bao gồm việc cân bằng ngôn ngữ đề cập đến “sự sẵn sàng làm việc trên các lĩnh vực có lợi ích chung” với Bắc Kinh.
Ông Stoltenberg nói rằng kế hoạch đang được thảo luận “tạo nên một cuộc thay đổi lớn nhất về khả năng răn đe và phòng thủ tập thể của chúng tôi kể từ Chiến tranh Lạnh.”
Liên minh sẽ quyết định về một “khái niệm chiến lược cho một thực tế an ninh mới”.
Đây sẽ là “sự thay đổi cơ bản trong khả năng răn đe và phòng thủ của NATO” và các nhà lãnh đạo sẽ cam kết “hỗ trợ Ukraine hiện tại và trong tương lai”, ông nói.
4. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thông báo với các nhà lãnh đạo G7 về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói với các nhà lãnh đạo G7 rằng các cuộc đàm phán của ông nhằm dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với ngũ cốc của Ukraine từ các cảng trên Hắc Hải đã đạt đến “thời điểm của sự thật”, đồng thời cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu không sớm đạt được thỏa thuận thương lượng giữa Ukraine và Nga.
Ông Guterres nói với các nhà lãnh đạo G7 rằng các nhóm của Liên Hiệp Quốc đang tổ chức các cuộc đàm phán riêng với Nga và Ukraine để bảo đảm ngũ cốc và phân bón của cả hai bên được đưa ra thị trường.
Ông cho biết một thỏa thuận có điều kiện đã được đưa ra, theo đó ngũ cốc của Ukraine sẽ rời khỏi ba cảng Ukraine bao gồm cả Odessa với sự đồng ý của Nga mà không cần phải hủy các thủy lôi ở các cảng mà trước đây được cho là cần thiết. Sau đó, các con tàu sẽ đi qua Hắc Hải về phía Thổ Nhĩ Kỳ theo các tuyến đường an toàn được chỉ định với sự giám sát của hoạt động do Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc cùng giám sát. Ukraine đã chấp nhận yêu cầu của Nga rằng các tàu chở ngũ cốc phải được kiểm tra vũ khí trong vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ trước khi chúng đến các cảng của Ukraine. Trước đây, Nga đòi kiểm tra các tầu của Ukraine ngay trong lãnh hải của nước này. Hoa Kỳ đã kiên quyết phản đối. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đặt câu hỏi Nga lấy quyền gì để kiểm tra tầu thuyền của một nước khác ngay trong lãnh hải của nước đó. Nga cũng đã từng đòi Ukraine phải dỡ bỏ hết các thủy lôi mà nước này đã thả để ngăn cho quân Nga không đổ bộ từ Hắc Hải vào Odessa. Đây cũng là một yêu cầu phi lý. Các quan chức Ukraine bày tỏ lo ngại rằng, nếu Ukraine đồng ý như thế, Nga sẽ lập tức lợi dụng cơ hội để đánh úp Odessa.
Các cuộc thảo luận riêng biệt với Nga đã tập trung vào việc bảo đảm Liên Hiệp Âu Châu đưa ra những bảo đảm rằng sẽ không có lệnh trừng phạt nào đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga và bảo hiểm sẽ được cung cấp.
Hai giao dịch có điều kiện đối với một giao dịch khác.
Mặc dù chủ tịch ủy ban Liên Hiệp Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết tại cuộc họp báo rằng có khả năng một tia sáng cuối đường hầm đã gần kề, nhưng bà than thở vì đã mất gần một tháng trời để đạt được thỏa thuận và vẫn không có thỏa thuận chung cuộc nào đạt được với Nga.
Cũng cần lưu ý rằng, thỏa thuận như đã được Ông Guterres loan báo là kết quả của các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Ý Mario Draghi và Putin.
Người ta chấp nhận rộng rãi rằng việc mở lại các tuyến đường biển là rất quan trọng và các phương án vận chuyển bằng đường sắt qua Ba Lan hoặc đến các cảng của Rumani không thể đạt được khối lượng bình thường là 5 triệu tấn ngũ cốc Ukraine xuất khẩu mỗi tháng.
Khó khăn lớn nhất khi vận chuyển bằng đường hỏa xa là Ukraine cũng như Nga và Belarus dùng loại đường ray khổ lớn hơn các quốc gia khác ở Âu Châu. Vì thế, các chuyến xe lửa không thể chạy một mạch sang các quốc gia khác. Khi đến biên giới, hàng hóa phải dỡ xuống để đưa sang một xe lửa khác.
Ukraine có 25 triệu tấn ngô, dầu hướng dương, lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp khác được lưu trữ. Nước này đã xuất khẩu 1,11 triệu tấn ngũ cốc trong 22 ngày đầu tháng 6, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2021.
5. Putin thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi phát động chiến tranh Ukraine
Trong một diễn biến được nhiều người cho rằng có một ý nghĩa tuyên truyền sâu sắc rằng Putin đang nắm chắc được tình hình trong nước, và không có âm mưu đảo chính nào chống lại ông ta, truyền hình nhà nước Nga hôm Chúa Nhật đưa tin, Vladimir Putin sẽ đến thăm hai quốc gia nhỏ thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á trong tuần này, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga kể từ khi ra lệnh xâm lược Ukraine.
Hôm thứ Hai 27 tháng 6, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết ông Putin sẽ thăm Tajikistan và Turkmenistan, sau đó gặp tổng thống Indonesia Joko Widodo để hội đàm tại Mạc Tư Khoa.
Tại Dushanbe, Putin sẽ gặp chủ tịch Tajik Imomali Rakhmon, một đồng minh thân cận của Nga và là người trị vì lâu nhất của một nhà nước thuộc Liên Xô cũ. Tại Ashgabat, ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia Caspi bao gồm các nhà lãnh đạo của Azerbaijan, Kazakhstan, Iran và Turkmenistan.
Ông Putin cũng có kế hoạch thăm thành phố Grodno của Belarus vào ngày 30 tháng 6 và ngày 1 tháng 7 sẽ tham gia một diễn đàn với tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Chuyến đi cuối cùng được biết đến của Putin bên ngoài nước Nga là chuyến thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 2, nơi ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố hiệp ước hữu nghị “không có giới hạn” vài giờ trước khi cả hai tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông.
6. Canada đưa hai tàu chiến đến Biển Baltic và bắc Đại Tây Dương để hậu thuẫn Phần Lan và Thụy Điển
Canada đã triển khai hai tàu chiến đến Biển Baltic và bắc Đại Tây Dương vào hôm Chúa Nhật, cùng với một cặp tàu khu trục nhỏ đã có mặt trong khu vực trong nỗ lực củng cố sườn phía đông của NATO để đối phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Hải quân Canada cho biết các tàu Canada Kingston và Summerside sẽ được triển khai kéo dài 4 tháng trong khuôn khổ “các biện pháp răn đe ở Trung và Đông Âu” vào năm 2014 sau khi Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea.
Trong suốt tháng 10, các tàu sẽ tham gia các cuộc tập trận quét mìn hải quân và duy trì “trạng thái sẵn sàng cao” cho phép chúng “phản ứng nhanh chóng và hiệu quả để hỗ trợ cho bất kỳ hoạt động nào của NATO”
Hai chiến hạm Halifax và Montreal dự kiến sẽ tham gia vào tháng 7. Nhiệm vụ này cũng bao gồm khoảng 700 binh sĩ Canada ở Latvia với khả năng tác chiến điện tử và pháo binh, cũng như một số máy bay quân sự.
7. Nga trục xuất 8 nhà ngoại giao Hy Lạp
Nga đã tuyên bố tám nhà ngoại giao Hy Lạp là “personae non gratae”, nghĩa là là “những người không được hoan nghênh” và cho họ 8 ngày để rời khỏi đất nước, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Hai.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết Bộ Ngoại giao đã triệu tập đại sứ Hy Lạp để phản đối điều mà họ gọi là “quá trình đối đầu của chính quyền Hy Lạp đối với Nga, bao gồm việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho chế độ Kyiv”.
Bà ta cũng cho biết Nga đã phản đối quyết định của Hy Lạp tuyên bố một nhóm các nhà ngoại giao Nga là “personae non gratae” để trục xuất họ. Chính quyền Hy Lạp cho rằng những người này được đưa sang Athens để làm gián điệp hơn là làm ngoại giao.
8. Kamzan Kadyrov tuyên bố ủng hộ Putin bằng cách thành lập 4 Tiểu đoàn Chiến thuật
Kamzan Kadyrov, nhà lãnh đạo Chechnya và là đồng minh chủ chốt của Tổng thống Nga Putin, đang thành lập 4 tiểu đoàn quân sự mới “với số lượng nhân sự gây ấn tượng” để giúp bổ sung quân đội của Nga trong cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine.
Kadyrov cho biết như trên trong một bài đăng trên Telegram hôm Chúa Nhật. Ông ta nói rằng bốn tiểu đoàn được đặt tên là “North-Akhmat”, “South-Akhmat”, “West-Akhmat” và “Vostok-Akhmat,” sẽ được thành lập “rất sớm” tại Cộng hòa Chechnya.
“Đội ngũ quân sự sẽ chỉ bao gồm những người Chechnya,” Kadyrov nói “Họ sẽ bổ sung cho thành phần binh lính của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.”
Nga không đưa ra ước tính về tổn thất quân kể từ cuối tháng 3 - hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đã đưa tin vào thời điểm đó rằng một quan chức quân đội Nga đã đưa ra con số thiệt mạng là 1.351 người. Nhưng Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine ước tính khoảng 35.000 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 27 tháng 6, trong đó có 150 người chỉ trong 24 giờ qua.
Quân phòng thủ Ukraine cũng phá hủy 1.552 xe tăng địch, 3.687 xe chiến đấu bọc thép, 771 hệ thống pháo, 243 hệ thống tên lửa phóng hàng loạt, 101 hệ thống tác chiến phòng không, 217 máy bay chiến đấu, 184 máy bay trực thăng, 636 máy bay không người lái, 139 tên lửa hành trình, 14 tàu thuyền, 2.575 các phương tiện giao thông và xe chở dầu và 60 thiết bị đặc biệt.
Michael Kimmage, một giáo sư lịch sử tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và là cựu thành viên của nhân viên hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, hồi đầu tháng 6 nói với Newsweek rằng Nga “đang gặp vấn đề nghiêm trọng về nhân lực” và thiệt hại của nước này là “rất nghiêm trọng”.
Ngoài việc nói rằng họ sẽ bao gồm một “số lượng nhân sự gây ấn tượng”, Kadyrov không đưa ra thêm thông tin chi tiết nào về quy mô của bốn tiểu đoàn dự kiến. Ông cũng không nói rõ liệu kỳ vọng của mình đối với việc các tiểu đoàn được thành lập “rất sớm” sẽ mất bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần hay bao nhiêu tháng.
Kadyrov đã nói rằng ông và Chủ tịch Quốc hội Chechnya Magomed Daudov đã đến thăm khu định cư Khankala để xem xét một tòa nhà mà họ có thể chuyển đổi thành doanh trại cho hai trong số các tiểu đoàn. Họ đã chọn một địa điểm cho hai tiểu đoàn đầu tiên
Vài tuần trước khi Kadyrov công bố kế hoạch thành lập 4 tiểu đoàn Chechnya trên Telegram, ông ta đã chia sẻ một đoạn video đáng ngại cho thấy một cuộc tập hợp hàng loạt lực lượng vũ trang của ông ta.
1. Phản ứng của Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống trước phán quyết lịch sử của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ
Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, do Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia làm chủ tịch, ra thông cáo ủng hộ tuyên ngôn của các giám mục Mỹ chào mừng phán quyết của Tối cao Pháp viện nước này lật ngược phán quyết cách đây gần 50 năm cho phá thai.
Đặc biệt là lời khẳng định của các giám mục Mỹ: “Nay là lúc chữa lành các vết thương và chữa lành những chia rẽ xã hội; đây là lúc suy tư theo lý trí và đối thoại dân sự, và cùng nhau xây dựng một xã hội và một nền kinh tế hỗ trợ hôn nhân và gia đình, trong đó mỗi phụ nữ được nâng đỡ và được những phương thế họ cần để đưa con cái vào một thế giới này trong tình thương yêu”.
Đức Tổng Giám Mục Paglia cũng nhận định rằng: “Ý kiến của Tối cao Pháp viện cho thấy vấn đề phá thai tiếp tục gây nên cuộc tranh luận sôi nổi. Sự kiện một nước lớn với truyền thống dân chủ lâu đời đã thay đổi lập trường của mình về vấn đề này cũng thách thức toàn thể thế giới. Một điều không đúng là gạt vấn đề này sang một bên mà không có sự cứu xét toàn bộ. Việc bảo vệ và bênh đỡ sự sống con người không phải là một vấn đề có thể tiếp tục bị đóng khung trong việc thực thi các quyền cá nhân, trái lại đó là một vấn đề có ảnh hưởng rộng lớn về tới xã hội. Sau 50 năm, điều quan trọng là mở lại cuộc thảo luận, không theo ý thức hệ, về chỗ đứng của việc bảo vệ sự sống trong một xã hội dân sự để tự hỏi xem đâu là loại sống chung và loại xã hội mà chúng ta muốn xây dựng”.
Hàn lâm viện Tòa Thánh nói thêm rằng: “Đây là một vấn đề phát triển những chọn lựa xã hội thăng tiến những điều kiện hiện sinh hỗ trợ sự sống mà không rơi vào những lập trường mang thiên kiến ý thức hệ. Điều này cũng có nghĩa là bảo đảm việc giáo dục tính dục thích hợp, bảo đảm việc săn sóc sức khỏe cho mọi người và chuẩn bị những luật lệ bảo vệ gia đình và chức phận làm mẹ, vượt thắng những chênh lệch hiện nay. Chúng ta cần một sự trợ giúp mạnh mẽ cho các bà mẹ, các đôi vợ chồng và các thai nhi, có liên hệ tới toàn thể cộng đoàn, khuyến khích những khả thể cho các bà mẹ gặp khó khăn tiếp tục mang thai và ủy thác trẻ em cho những người có thể bảo đảm sự tăng trưởng của các em”.
Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục Paglia tuyên bố: “Đứng trước xã hội tây phương đang đánh mất lòng say mê sự sống, phán quyết của Tối cao Pháp viện Mỹ là một lời mạnh mẽ kêu gọi cùng nhau suy tư về vấn đề quan trọng và cấp thiết là sự sinh sản của con người và những điều kiện để điều ấy có thể diễn ra; khi chọn lựa sự sống, chúng ta có trách nhiệm đối với tương lai của nhân loại”.
2. Linh mục người Ý đồng tế thánh lễ sinh nhật lần thứ 100 với 4 người con trai của mình, cũng là các linh mục
Một người cha, một linh mục, một người cha của các linh mục, là người sống trăm tuổi, một tác giả, một đệ tử của Padre Pio, một cựu chiến binh của Thế chiến thứ hai… Có lẽ chúng ta có thể nghĩ về Cha. Probo Vaccarini như một loại tổng hợp tâm linh: một người đã nhận được tất cả 7 bí tích — một số bí tích từ những đứa con của mình — và cũng đã ban hầu hết các bí tích cho họ, và là người đã tận mắt chứng kiến một số sự kiện và nhân cách quan trọng nhất của thế kỷ 20 và 21.
Ngài tròn 100 tuổi vào ngày 4 tháng 6 vừa qua, và ngài đã kỷ niệm dịp này bằng cách đồng tế một thánh lễ cùng với bốn người con trai của ngài cũng là các linh mục. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, đã gửi một thông điệp chúc mừng và phép lành Tòa Thánh từ Đức Thánh Cha Phanxicô, được đọc lớn trong buổi cử hành Thánh Thể.
Không có gì ngạc nhiên khi câu chuyện của ngài được lan truyền rộng rãi, được đưa tin trên Vatican News, Vatican Insider và các hãng tin tức khác trên khắp thế giới. Thông tin do họ cung cấp tạo nên một kịch bản phim tuyệt vời.
Cha Vaccarini sinh ra ở Ý vào năm 1919. Giống như nhiều thanh niên cùng thế hệ, ngài được cử đi chiến đấu trong Thế chiến thứ hai, phục vụ trong một chiến dịch ở Nga; không giống như nhiều người phải bỏ xác nơi chiến tuyến, ngài sống sót trở về nhà và lập nghiệp. Một ngày nọ, ngài tình cờ gặp một người bạn và cũng là một cựu chiến binh, người này “đẹp trai và có mọi thứ” nhưng “luôn buồn… luôn đau khổ,” ngài kể lại trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Công Giáo Ý.
Lần này, anh ấy đã “hạnh phúc, đã thay đổi!” Vaccarini hỏi người ấy chuyện gì đã xảy ra, và người bạn nói rằng anh ấy đã đi xưng tội với Cha Pio.
Nghe theo lời khuyên của bạn mình, Vaccarini đến gặp chính Cha Pio, người đã trở thành Cha giải tội cho Vaccarini. Trong một lần Vaccarini đến thăm, Cha Pio đã nói với Vaccarini rằng hãy kết hôn và có một “gia đình lớn và thánh thiện”. Vaccarini trả lời, “Lớn thì dễ, nhưng thánh thì khó lắm luôn?” Giọng điệu của Vaccarini trong cuộc phỏng vấn như muốn nói, “Nói thì dễ hơn làm!” Vaccarini quay lại gặp Cha Pio một lần nữa sau đó, vẫn còn độc thân, và vị thánh nói với anh ấy, “Hãy tiến lên!”
Anna Maria Vannucci đã thu hút sự chú ý của Vaccarini khi anh thường xuyên nhìn thấy cô trong Thánh lễ và xung quanh thị trấn. Họ kết hôn và bắt đầu thực hiện lời khuyên của Cha Pio về một gia đình lớn. Họ có 7 người con — 4 trai và 3 gái — và Vaccarini nói, “Đó không phải là tình cờ; Tôi muốn có tất cả bằng ngần ấy con! “ Đáng buồn thay, vợ ông mất năm 1970, chỉ sau 18 năm chung sống.
Tuy nhiên, Vaccarini tiếp tục thực hiện phần thứ hai của lời khuyên của Padre Pio: bảo đảm rằng gia đình mình là thánh thiện. Tất cả bốn người con trai của Vaccarini đều bước vào chức linh mục: người đầu tiên được thụ phong linh mục vào năm 1979, người cuối cùng và trẻ nhất hơn 20 năm sau đó. Một trong những người con gái của Vaccarini cũng bước vào đời sống thánh hiến.
Trong khi đó, chính Vaccarini đã trở thành một phó tế vĩnh viễn. Được giao phụ trách một giáo xứ là giáo xứ San Martino ở Venti, Vaccarini rất vui khi thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng “vấn đề là phải luôn tìm kiếm các linh mục đến cử hành thánh lễ,” Vaccarini nói với tờ báo giáo phận địa phương của mình, là tờ Il Ponte. Sau đó, trong một thánh lễ tại San Giovanni Rotondo, Vaccarini đã nghe thấy giọng nói của Cha Pio trong trái tim mình nói với ông, “Con sẽ trở thành một linh mục. Chắc chắn như thế”. Vào năm 1988, ở tuổi 69, Vaccarini đã được thụ phong linh mục. Cha Vaccarini đã cử hành thánh lễ mỗi ngày kể từ đó.
Điều này đã tạo ra một mối quan hệ độc đáo giữa Cha Vaccarini và gia đình ngài. Trong cuộc phỏng vấn với TV2000it, Cha Giuseppe, một trong những người con trai của Vaccarini cho biết Vaccarini thường xuyên xưng tội với cha ấy.
Cha Giuseppe, nói với Il Ponte rằng mẹ của ngài cũng đóng góp rất lớn cho sự thánh thiện của gia đình. Ngay cả ngày nay với tư cách là một linh mục, cha của ngài vẫn luôn nhắc đến mẹ của ngài trong các thánh lễ, nói rằng, “Vợ tôi đã từng nói với tôi...”, một câu nói có thể tạo ra nơi những người không biết ngài một cái nhìn kỳ quặc.
Bất chấp tuổi tác và nhiều thành tích - ngoài những gì chúng tôi đã đề cập, Cha Vaccarini đã xuất bản hơn 15 cuốn sách, bao gồm một cuốn tự truyện bằng tiếng Ý có tựa đề Người chồng, Người góa bụa, Linh mục – Cha Vaccarini đến nay vẫn chưa về hưu. Ngài là linh mục hoạt động lâu năm nhất trong giáo phận và có thể ở cả nước Ý, nhưng ngài nói rằng ngài vẫn cảm thấy “như một linh mục mới được thụ phong”.
“Ngày qua ngày, tôi đang chờ Chúa mang tôi đi,” Cha Vaccarini nói trong cuộc phỏng vấn TV200it. “Tôi đã có vợ, tôi đã có con và cả những đứa con tinh thần nữa… Bây giờ, tôi đang chờ Chúa gọi tôi.”
Source:Aleteia