Ngày 03-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tin vững chắc nơi Chúa Giêsu Thánh Thể
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
13:54 03/07/2008
TIN VỮNG CHẮC NƠI ĐỨC CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

... Câu chuyện êm-ái ngọt-ngào mang đầy nét đẹp ngây-thơ trong-trắng sau đây xảy ra một ngày xa xưa cách đây thật lâu bên vương quốc Anh.

Hôm ấy vị Thừa Sai quy tụ nhóm trẻ em và say sưa nói với chúng về sự hiện diện thật sự của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong bí tích Thánh Thể. Vị Thừa Sai giải thích thêm rằng, Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể vì quá yêu thương loài người nên đã ẩn mình - như một tù nhân - trong Nhà Tạm đơn sơ bé nhỏ đặt bên trên bàn thờ trong mọi thánh đường Công Giáo.

Trong nhóm trẻ hiện diện hôm ấy có một bé trai, đặc biệt lắng nghe lời giải thích của vị Thừa Sai. Bỗng chốc, một ý tưởng loé lên trong đầu cậu bé. Cậu bé lặng lẽ rời các bạn và đi ngay vào nhà thờ. Cậu bé đến thẳng trước bàn thờ bên trên có đặt Nhà Tạm. Nhưng vì Nhà Tạm quá cao so với tầm thước bé nhỏ của mình, cậu bé liền lấy một cái ghế rồi leo lên ghế và trèo lên ngồi gọn trên bàn thờ ngay trước cửa Nhà Tạm. Sau khi ngồi yên ắng trên bàn thờ, cậu bé lấy tay gỏ nhẹ trên cửa Nhà Tạm, bên trong có Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể đang ẩn mình. Cậu bé ghé sát miệng vào cửa Nhà Tạm và hỏi nhỏ:

- Thưa Đức Chúa GIÊSU, Chúa đang có mặt ở đây phải không?

Hỏi xong, cậu bé im lặng lắng tai nghe ngóng. Nhưng không có tiếng trả lời.

Vẫn không nao núng cũng không hề đánh mất điềm tĩnh, cậu bé gỏ cửa Nhà tạm lần nữa và hỏi nhẹ:

- Chúa đang có mặt ở đây phải không? Xin Chúa trả lời cho con biết! Trong giờ giáo lý người ta dạy con biết rằng, đúng thật là Chúa đang có mặt ở đây!

Mặc cho câu hỏi van xin của cậu bé, Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể vẫn giữ thinh lặng, không trả lời. Trong khi đó cậu bé vẫn không đánh mất niềm kiên nhẫn, ghé tai sát vào cửa Nhà Tạm và chờ đợi câu trả lời. Nhưng im lặng vẫn hoàn toàn im lặng. Lần này cậu bé tự nhủ:

- Có lẽ Đức Chúa GIÊSU đang ngủ chăng, vậy mình phải đánh thức Chúa dậy!

Và để đánh thức Đức Chúa GIÊSU, cậu bé dùng lời lẽ thật ngọt ngào thưa với Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể rằng:

- Lạy Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, con yêu mến Chúa, con ngưỡng mộ Chúa và con tin nơi Chúa. Xin Chúa làm ơn trả lời cho con biết, xin Chúa nói chuyện với con đi!

Và hiện tượng lạ lùng đã xảy ra. . Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể không thể nào giữ mãi thinh lặng trước một lời van xin êm-ái ngọt-ngào và đầy lòng tin tưởng ngây-thơ trong-trắng của cậu bé can cường. Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể cất tiếng trả lời:

- Có, Cha đang có mặt ở đây, hỡi con bé nhỏ yêu quí của Cha. Con muốn gì? Hãy xin thì Cha sẽ ban cho con điều con ước nguyện.

Bất ngờ nghe tiếng trả lời cậu bé suy nghĩ một chút rồi thưa:

- Má con luôn luôn nổi giận vì Ba con không chịu giữ Đạo. Vậy, lậy Đức Chúa GIÊSU, xin hoán cải lòng Ba con, con van xin Chúa ban cho con điều này.

Và tiếng Đức Chúa GIÊSU trả lời:

- Con hãy về đi! Cha hứa sẽ cứu rỗi linh hồn Ba con!

Được như lòng ước nguyện, cậu bé hân hoan trở về nhà. Ngày hôm sau - hôm ấy là Chúa Nhật - cậu bé sung sướng khi nghe Ba nói với Má là đi nhà thờ với Má để tham dự Thánh Lễ. Kể từ đó, thân phụ cậu bé bắt đầu sống Đạo nghiêm chỉnh đúng với tư cách một tín hữu Công Giáo ngoan Đạo.

Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể đã ân thưởng bội hậu cho Đức Tin đơn sơ nhưng vững chắc của cậu bé và thực hiện lời đã hứa với cậu bé! Ôi êm ái dịu ngọt biết bao Tình Yêu Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể dành cho hết mọi tín hữu Công Giáo nào biết đặt trọn niềm tin tưởng và yêu mến bí tích THÁNH THỂ.

... ”Nếu quả thật sự liên kết với Đức Chúa GIÊSU KITÔ đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh chị em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh chị em với nhau, anh chị em hãy có những tâm tình như chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ” (Thư gởi tín hữu Philipphê 2,1-5).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, Anno VII, n.21, 25 Maggio 2008, trang 15)
 
Chuộng chết hơn ham sống
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
13:56 03/07/2008
CHUỘNG CHẾT HƠN HAM SỐNG

Trước khi được chỉ định làm Giám Mục Giáo Phận Lyon, miền Trung Nam nước Pháp, thánh Phanxicô đệ Salê (1567-1622) trông coi Giáo phận Genève, nước Thụy Sĩ. Một ngày, đang lúc viếng thăm mục vụ các giáo xứ thì Đức Cha được báo có một cụ già đau nặng, ước ao gặp Đức Giám Mục để nhận phép lành trước khi chết. Đức Cha Phanxicô đệ Salê tức khắc đến ngay nhà cụ già. Đức Cha trông thấy một cụ già - ở vào giây phút cuối đời - nhưng nét mặt thật điềm tĩnh và tâm trí thật sáng suốt.

Cụ già cất tiếng nói:

- Thưa Đức Cha, con hết lòng cám đội ơn Chúa vì cho con hồng phúc gặp Đức Cha để lãnh phép lành, trước khi tắt thở!

Nói xong, cụ già xin mọi người có mặt hãy lui ra, để cụ dọn mình xưng tội.

Xưng tội xong, cụ già hỏi:

- Thưa Đức Cha, con sẽ chết phải không?

Thánh Phanxicô đệ Salê trả lời:

- Cụ à, có lẽ bác sĩ biết rõ điều này hơn tôi!

Cụ già điềm tĩnh lập lại:

- Nhưng thưa Đức Cha, con muốn biết ý kiến của Đức Cha: con sẽ chết phải không?

Thánh Phanxicô nói:

- Tất cả mọi người đều phải chết. Có điều, không ai biết giờ chết đến khi nào. Phần cụ, chưa hẳn giờ chết đã điểm. Vì có người đau nặng gần chết, nhưng sau đó lại lành bệnh!

Cụ già thưa:

- Xin Đức Cha đừng nghĩ rằng con hỏi như vậy là vì con sợ chết. Không, con không sợ chết, trái lại, con sợ mình không chết!

Nghe cụ già nói thế, thánh Phanxicô đệ Salê thật ngạc nhiên. Ngài nghĩ thầm:

- Có hai hạng người muốn chết: một là người thánh thiện, hai là người tuyệt vọng, không muốn sống.

Nghĩ thế nên thánh nhân hỏi cụ già:

- Như vậy cụ không sợ chết phải không?

Cụ già hăng hái trả lời:

- Con không sợ chút nào hết. Trái lại, nếu không phải là ý Chúa muốn cho con sống đến tuổi này, thì chính con, con đã chọn chết từ lâu lắm rồi!

Thánh Phanxicô đệ Salê tươi cười hỏi cụ già:

- Nếu không phải là tò mò thì xin cụ nói cho tôi biết: điều gì làm cho cụ chán sống muốn chết. Phải chăng cụ có nỗi đau buồn thầm kín, hoặc bị mất của cải, hay là không hạnh phúc trong cuộc sống gia đình?

Cụ già trả lời:

- Thưa Đức Cha, không phải thế. Năm nay con 70 tuổi. Cho đến giờ phút này đây, con không đau ốm gì. Của cải dư thừa. Gia đình vui tươi đầm ấm.

Thánh Phanxicô ngạc nhiên nói:

- Vậy tại sao cụ lại muốn chết?

Cụ già đáp:

- Con muốn chết bởi vì con nghe giảng về những kỳ diệu của cuộc sống mai sau và niềm vui bao la nơi Thiên Đàng. So với đời sau, thì đời này đúng là ngục tù giam hãm con người!

Nghe cụ già nói thế, thánh Phanxicô đệ Salê thật cảm động. Thánh nhân xin cụ già lập lại tâm tình chấp nhận Thánh Ý Chúa rồi chính ngài ban phép Xức Dầu Bệnh Nhân cho cụ già. Một thời gian ngắn sau đó, cụ già êm ái trút hơi thở cuối cùng, trên gương mặt để lại nét an bình thiên quốc.

.... ... ..

Cha Arrighini - Linh Mục dòng Đa Minh người Ý - kể lại câu chuyện sau đây trong cuốn sách tựa đề ”Thiên Đàng”.

Một sinh viên trẻ tuổi - từng được tôi nâng đỡ hướng dẫn - lâm trọng bệnh. Chàng ngã bệnh khi đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ. Chàng rất tươi vui linh hoạt. Chàng muốn sống để làm chứng cho Tình Yêu THIÊN CHÚA bằng chính cuộc sống đạo đức của chàng. Nhưng khi hiểu rằng THIÊN CHÚA muốn gọi chàng về Thiên Đàng với Ngài, tức khắc chàng đổi ý ngay. Chàng không bám víu vào bất cứ sự gì ở trần gian này: sức khoẻ, văn bằng và gia đình.

Trước khi tắt thở, chàng mời tất cả đến phòng: cha mẹ, bà con, bạn hữu. Rồi khi căn phòng chật ních người, chàng lớn tiếng nói cho mọi người nghe:

- Xin từ biệt mọi người. Xin tất cả cầu nguyện cho con. Xin mọi người nhớ đến con. Phần con, con đi về Thiên Đàng.

Nghe tiếng khóc nức nở của người thân, chàng liền nói:

- Không nên khóc! Con đi về Thiên Đàng kia mà! Sao lại khóc! Trên Thiên Đàng con sẽ nhớ cầu nguyện cho mọi người. Con đợi gặp lại tất cả trên Thiên Đàng!

Mấy phút trước khi sinh thì, người em gái hỏi chàng:

- Nếu Đức Mẹ MARIA chữa anh lành bệnh, anh có sung sướng không?

Chàng lắc nhẹ đầu, rồi mắt nhìn lên như chiêm ngắm một cảnh tượng kỳ diệu gì đó, chàng vội vàng nói:

- Không! Không! Anh thích chết! Anh muốn đi về Thiên Đàng! Anh muốn đi về Thiên Đàng!

Nói xong, chàng nghiêng đầu xuống và tắt thở.

... Muôn lạy Chúa, qua bao thế hệ,
Ngài vẫn là nơi nương ẩn cho chúng con.
Ngay cả lúc núi đồi chưa xuất hiện,
địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài vẫn là THIÊN CHÚA, từ muôn thưở đến mãi ngàn đời.
Ngài bắt phàm nhân trở về cát bụi, rằng:
”Con cái loài người, hãy trở về đi!”
Ngàn năm Chúa kể là gì.
Tựa ngày đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!
Ngài cuốn lôi đi: chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai.
Nở hoa vươn mạnh sớm ngày.
Chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn
Chúa xung giận, tuổi đời chúng con tàn lụi hết.
Kiếp sống thoảng qua: một tiếng thở dài
Cộng niên tuế trong ngoài bảy chục.
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi.
Mà phần lớn chỉ toàn lao khổ.
Thấm thoát cuộc đời, chúng con đã bay đi
Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ?
Xin chạnh lòng thương xót, những tôi tớ Chúa đây!
Cho no thỏa ân nghĩa Ngài từ sớm,
để mọi ngày được hớn hở vui ca.
Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỉ.
Bù những năm tháng Ngài bắt nếm nhục nuốt sầu.
Thánh Vịnh 89

(”L'Aldilà. . Stupenda realtà”, Editrice Comunità, 1992, trang 275-277)
 
Vượt qua khổ đau
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
18:14 03/07/2008
VƯỢT QUA KHỔ ĐAU

(Chúa Nhật XIV TN A )

Người ta luôn không hài lòng về số phận của mình ( On n’est pas toujours content de son sort ). Câu ngạn ngữ trên đây một cách nào đó nói lên thực trạng của con người trong kiếp nhân sinh lữ thứ. Đời là một bể trời khổ dâu. “Thoặt sinh ra thì đà khóc chóe. Trần có vui sao chẳng cười khì ?” Lời than của một thi nhân Việt Nam như chứng thực điều này. Hết chuyện ngày ngày lo kế sinh nhai “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thì lại đến chuyện gia thất “con là nợ, vợ ( chồng ) là oan gia, cửa nhà là nghiệp chướng ! Những cảnh vui, cảnh an bình thì thấp thoáng như vó câu qua cửa, còn các chuyện buồn, cảnh khổ thì cứ đằng đẵng tiếp nối dù lòng chẳng mong, chẳng đợi bao giờ.

“ Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi,tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” ( Mt 11,28 ). Một lời mời gọi vừa đượm tình vừa rất hiện sinh. Hiện sinh vì nó nó đáp ứng nhu cầu của mọi người mọi thời và mọi nơi. Ngoại trừ các em bé còn trong nôi hay các bé thơ chưa biết nhìn đời với con mắt phản tỉnh, hầu như khi đã biết nghĩ suy một cách nào đó thì ngay cả các bé thiếu nhi, thiếu niên cũng không thoát được sự “bể dâu” của cuộc đời. Nó đượm tình vì nó nói lên việc Đức Kitô đã chung thân, đồng phận với nhân trần chúng ta khi làm người, đặc biệt trong mọi cảnh tình khốn khó.

Cũng có thể như lời Đức Phật dạy: vì quá ham muốn (dục), mà không toại nguyện thì chuốc lấy sự khổ đau. Nhưng đã là người thì tránh sao được cái sự muốn. Ý chí tự do là một trong nhữg ưu phẩm của con người trổi vượt trên các loài thụ tạo hữu hình. Khi anh không muốn cũng là lúc anh muốn cái sự không muốn. Để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, Đức Phật đề ra con đường “tri –kiến” là nhận thức sự vô thường của vạn vật để rồi tạo lập một thái độ tạm gọi là “dửng dưng” vô niệm, vô úy, vô chấp. Đây là một trong những con đường tự giải thoát bản thân khỏi cái vòng lẫn quẩn của vô minh. Thế nhưng, dù sao đó cũng là một kiểu “giác ngộ” của con người, là sản phẩm của loài thụ tạo. Đức Khổng Tử thì đề ra con đường “trung dung”, chính danh, chính phận. Tức là sống đúng danh phận của mình cách hài hòa cân đối, không bất cập mà cũng chẳng thái quá. Khi mọi sự ở trong trật tự của chúng thì cái sự khổ sẽ dần mất đi. Lão Tử thì vẽ ra con đường “vô vi”: Làm mà như không làm… Mỗi hiền nhân mỗi con đường, nhưng thảy đếu là những con đường xuất phát từ người trần gian.

Để vượt qua bao khổ lụy kiếp người, Chúa Kitô mời gọi nhân trần chúng ta hãy mang lấy ách của Người, tức là hãy làm môn đệ của Người. Làm môn đệ của Người là bước đi theo con đường Người đã đi. Để có thể tiếp bước theo Người thì Người mời gọi chúng ta là hãy học cùng Người sự hiền lành và khiêm nhượng. “ Hãy học cùng tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” ( Mt 11,29 ).

Hai từ khiêm nhu rất dễ khiến chúng ta liên tưởng đến thái độ, cung cách hạ mình. Thế nhưng, thái độ khiêm nhường đích thực là nhìn nhận bản thân đúng như mình là trong các mối tương quan với tha nhân, với các loài thụ tạo và với Thiên Chúa, Đấng Tạo thành mọi sự. Người khiêm nhu là người trên hết, trước hết, biết nhìn nhận mình là loài được tạo nên và vì thế, mình chỉ là mình, khi sống, hoạt động theo ý muốn của Đấng dựng nên mình. Ý thức được điều này và tin nhận sự thật này, đồng thời tin nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa thật thì việc bước theo Đức Kitô, làm môn đệ của Người, là lẽ tất yếu đương nhiên.

Hai từ hiền lành cũng đễ làm ta liên tưởng đến một thái độ sống mềm mại, dịu dàng. Thế nhưng sự hiền lành đích thực là một thái độ sống vuông tròn bổn phận trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch. Hình ảnh người mẹ hiền, cô dâu hiền minh chứng cho sự thật này. Học ở Đức Kitô sự hiền lành là biết đi đến cùng trong bổn phận của “người tôi tớ vô dụng” ( x. Lc 177-10 ) chỉ làm những gì phải làm. Và điều chúng ta cần phải làm xuyên suốt mọi hoạt động đó là trả món nợ yêu thương. Bởi tình yêu, ta được chào đời, thì cho tình yêu ta sống kiếp người.

Khi đã tự nguyện làm môn đệ Đức Kitô thì chúng ta cần phải bước đi trên con đường đạo lý yêu thương Người đã đi. “ Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 15,12 ). Đây chính là giới răn mới, giới răn mà Chúa Kitô truyền lại khi Người sắp từ bỏ trần gian mà về cùng Chúa Cha. Sự êm ái ngọt ngào khi mang lấy ách của Chúa Kitô đó là biết sống yêu thương như Người đã yêu.

Thánh giáo phụ Âugustinô đã nói: “ Hãy yêu đi, rồi làm gì thì làm”. Khi đã yêu thì sẽ không còn đau khổ. Dù cho đau khổ vẫn có đó, còn đó, nhưng nó đã được yêu rồi. Với thánh Tông Đồ dân ngoại thì khi đã được yêu rồi thì thập giá không còn là sự điên rồ hay nổi ô nhục mà trở thành niềm vinh dự.

Đau khổ phát sinh, có thể là do lỗi hay tội của bản thân hay của tha nhân. Nhưng dù sao đi nữa vẫn có đó nhiều nổi khổ đau thật khó tìm ra nguyên do, căn cớ. Đau khổ là một huyền nhiệm. Chúa Kitô đã không đưa ra một lời giải đáp rạch ròi về nguyên nhân của khổ đau, nhưng Người đã tự nguyện mang nó vào chính bản thân mình để thể hiện tình yêu. Đó là mầu nhiệm thập giá. Đau khổ quả là một sự dữ, nhưng nó sẽ chẳng là gì trước sức mạnh của tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa trong Đức Kitô đã biến khổ đau thành ân phúc.

Hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng… Nếu ta vẫn đang ngụp lặn trong bao đau khổ, chắc hẳn vì ta chưa đáp lại lời mời của Đấng Cứu Độ là hãy đến với Người. Đến với Người ta sẽ gặp “Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa…, Đấng bẻ gãy mọi cung nỏ của chiến tranh, Đấng công bố hòa bình cho muôn dân” ( Dcr 9,9-10 ). Đến với Đấng Cứu độ, ta sẽ được Thần Khí của Người đổi mới và “chúng ta sẽ diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi chúng ta và chúng ta sẽ được sống, sống trong an bình.” ( x. Rm 8,13 ).
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:34 03/07/2008
CON SÓC BAY TOÀN NĂNG

N2T


Căn cứ theo truyền thuyết rất lâu kể lại là con sóc bay có năm loại bản lĩnh: chạy nhanh, trèo cây, biết bay, biết bơi lợi và biết đào hang, con sóc bay thường kiêu ngạo vì những bản lĩnh ấy của mình. Ngày hôm ấy, hắn ta lại vỗ ngực nói: “Trong giới động vật còn có ai giống như tớ là người đa tài đa nghệ chứ ? Lão cọp là vua loài thú, mặc dù lão chạy rất nhanh nhưng lại không biết bay, ngay cả tớ là sóc bay nhỏ xíu, vậy mà lão cũng không hơn được.”

Sóc bay lên giọng tiếp tục nói: “Chim ưng trống càng là có hư danh, nó chỉ biết bay mà thôi, ngoài ra cái gì cũng không biết, làm sao có thể nói là vua các loài chim chứ ? Lại còn cá heo là tay bơi lội, trèo cây đạt quán quân là khỉ, chúng nó chẳng qua là chỉ có một thứ bản lĩnh mà thôi. Nếu cần chọn thủ lĩnh các động vật, thì nhất định là phải chọn tớ chứ không ai khác !”

Sóc bay càng nói càng cảm thấy bản lĩnh của mình đặc biệt cao, năng lực đặc biệt mạnh. Lúc ấy, có một lão hổ nghe được lời nói của nó, rống lên một tiếng lớn nói: “Tiểu tử, mày nói mày phải không ?” Sóc bay nhìn thấy lão hổ thì lập tức sợ hãi hồn bay phách tán, co cẳng chạy dài, nhưng nó làm sao chạy hơn được lão hổ, chạy được một lúc thì hơi thở chậm dần. Nó chỉ còn có cách là thi thố kỷ năng thứ hai là nhảy “vèo” trèo lên trên cây, nhưng khi nó chưa đứng vững thì một con báo gấm vàng nhảy đến. Trong tình hình khẩn cấp ấy, sóc bay vội vàng giương hai cánh từ trên không tuột xuống, bởi vì nó không thể bay lên được, nhưng một con chim ưng trống vỗ cánh mạnh mẽ bay đến, mắt đã nhìn thấy nó và muốn bắt lấy cón sóc bay. Con Sóc bay hết đường chạy bèn vội vàng chui xuống nước trong bụng nghĩ rằng: dưới này là an toàn nhất ! Nhưng nào ngờ lúc ấy một con rái cá vừa bơi nhanh vừa nhắm hướng nó bơi tới.

Con sóc bay chỉ còn cách là bơi thục mạng lên bờ muốn đào cái hang để trốn, nhưng con rái cá sau lưng đã bắt được nó. Con rái cá giễu cợt nói: “Anh sóc bay, anh là một “cao thủ toàn năng”, thế mà lại bị ta bắt được, có phải là lạ lùng không ?”

Con sóc bay sợ hãi toàn thân run lẫy bẫy, nói: “Ái, chuyện này thì phải trách tôi, bởi vì trước đây tôi không có chăm chỉ học một bản lĩnh cho giỏi mà thôi.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Bản lĩnh của con sóc bay thứ gì cũng biết, nhưng cái gì cũng không thông, bản lĩnh đầy mình mà trong thời khắc then chốt nhất lại không thể dùng được. Do đó thì có thể thấy, chỉ cần học một nghề hay một bản lĩnh cho thật giỏi là có thể dùng được.

Các em có nghe người lớn thường hay chế giễu những người việc gì cũng làm nhưng làm không hay không giỏi không? Họ gọi những người đó là “thợ đụng”, tức là việc gì cũng có đụng tay vào nhưng việc gì làm cũng không xong. Những người “thợ đụng” thì như con sóc bay vậy, tưởng bản lĩnh của mình là nhất thiên hạ nên thường hay kiêu ngạo khoe khoang, kết cuộc bị thảm hại vì “thợ đụng” của mình đụng phải người bản lĩnh cao cường giỏi giang.

Có những em có năng khiếu và sự thông minh, nên cầm, kỳ, thi, họa, thứ gì cũng biết, nhưng đó là biết kiểu tài tử vui chơi với bạn bè, chứ đừng bao giờ khoe khoang là mình giỏi tất cả các món văn nghệ rồi khinh thường bè bạn nhé.

Các em thực hành:

- Chuyên cần cầu nguyện khi giờ cầu nguyện đến (chẳng hạn như thánh lễ, đọc kinh trong gia đình.v.v...).

- Học một nghề nào đó mà mình thích và học cho đến nơi đến chốn.

- Không kiêu ngạo khoe khoang khi mình giỏi hơn các bạn.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:35 03/07/2008
N2T


38. Trong suy niệm dấy lên tạp niệm, nhược bằng linh hồn chuyên tâm khắc phục nó thì công lao của nó rất lớn. E rằng loại ích lợi thần thiêng này so với khi suy niệm mà không có tạp niệm, thì ích lợi rất là lớn.

(Thánh Franics de Sales)
 
Bài Giáo Lý Mới I của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Thế Giới và Thời Đại của Thánh Phaolô
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
05:43 03/07/2008
Bài Giáo Lý Mới của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô

Thế Giới và Thời Đại của Thánh Phaolô


Dưới đây là bài phiên dịch Bài Huấn Đức của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung vào ngày Thứ Tư, mùng 2 tháng 7, năm 2008.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn bắt đầu một chu kỳ Giáo Lý mới dành riêng cho Thánh Tông Đồ Cả Phaolô. Như anh chị em đã biết, chúng ta thánh hiến năm nay từ ngày Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, 29 tháng 6, năm 2008 cho đến cùng Lễ này năm tới để kính nhớ ngài.

Thánh Tông Đồ Phaolô, một dung mạo xuất sắc và hầu như không thể bắt chước được, nhưng hào hứng, ở trước mặt chúng ta như một gương sáng cao cả về việc hoàn toàn hiến thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh, cũng như cởi mở với nhân loại và các nền văn hóa. Cho nên thật công bằng để cho chúng ta dành cho ngài một chỗ đặc biệt, không những chỉ trong sự tôn kính của chúng ta, mà còn trong cố gắng hiểu biết những gì ngài muốn nói với chúng ta, là những Kitô hữu thời nay.

Trong buổi gặp gỡ đầu tiên này, chúng ta ngừng lại để suy nghĩ về môi trường mà trong đó ngài đã sống và làm việc. Một đề tài như thế có vẻ đưa chúng ta ngược dòng lịch sử rất xa xôi, vì chúng ta phải đặt mình vào trong thế giới hai ngàn năm xưa. Nhưng điều đó chỉ dường như đúng có một phần, bởi vì chúng ta có thể chứng thực được rằng, dưới nhiều bình diện khác nhau, tình trạng văn hóa xã hội ngày nay không khác gì thời bấy giờ bao nhiêu.

Một điều chính yếu và căn bản mà chúng ta nên ghi nhớ là sự liên hệ giữa môi trường mà Thánh Phaolô được sinh ra và lớn lên với khung cảnh toàn cầu mà sau đó ngài trở thành phần tử. Ngài xuất thân từ một nền văn hóa rất đặc biệt và giới hạn, chắc chắn là thiểu số, đó là nền văn hóa và truyền thống của dân Israel. Trong thế giới ngày xưa và nhất là ở trọng tâm của Đế Quốc Rôma, như các học giả về thdề tài ầy cho chúng ta biết, thì có chừng 10% tổng số dân chúng là người Do Thái. Vào đầu thế kỷ thứ nhất tại thành Rôma này, tỷ lệ đó còn ít hơn, tối đa là 3% dân số thành phố.

Như vẫn còn xảy ra ngày nay, niềm tin và cách sống của họ phân biệt họ cách rõ ràng với môi trường chung quanh, và việc ấy có thể đưa đến hai hậu quả: hoặc là bị chế diễu, có thể đi đến việc kỳ thị, hoặc được thán phục, là điều được diễn tả dưới những hình thức cảm thông khác nhau như trường hợp những dân ngoại “kính sợ Thiên Chúa” hoặc “tòng giáo” liên hệ với hội đường (synagogue) và chia sẻ đức tin vào Thiên Chúa của dân Israel.

Một mặt, như những thí dụ cụ thể mà chúng ta có thể nhắc đến về thái độ lưỡng diện này, là sự lên án độc ác của một nhà hùng biện như Cicêrô, là người không những đã khinh thường tôn giáo của họ, mà cả thành phố Giêrusalem nữa (x. Pro Flacco, 66-69), và mặt khác là thái độ của phu nhân của Nêrô, bà Poppea, mà ông Giuse Flaviô ghi nhớ là “người có cảm tình” với dân Do Thái (x. Ant. of the Jews, 20, 195.252, V. 16), chưa nói đến việc Juliô Caesar đã chính thức công nhận những quyền lợi đặc biệt của họ mà sử gia Do Thái Giuse Flaviô mà chúng ta đã nói trên đã ghi lại (x. ibid 14, 200-216). Đương nhiên là, như ngày nay, số người Do Thái sống ngoài đất Israel, tức là tha hương (Diaspora), nhiều hơn số người sống trên vùng đất mà người ta gọi là Palestine.

Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi chính Thánh Phaolô cũng là người chịu hai cách đánh giá trái ngược nhau mà tôi đã đề cập đến. Có một điều chắc chắn là tính cách đặc thù của nền văn hóa và tôn giáo của Do Thái đã tìm được chỗ đứng dễ dàng trong một thực thể có mặt khắp nơi như là Đế Quốc Rôma. Chỗ đứng khó khăn và đau đớn hơn là của một nhóm những người, Do Thái hay Dân Ngoại, là những người tin chắc chắn vào con người Chúa Giêsu thành Nadareth, đến độ họ trở nên khác biệt với cả đạo Do Thái lẫn hình thức lương giáo thịnh hành.

Trong bất cứ trường hợp nào, có hai yếu tố có lợi cho quyết tâm của Thánh Phaolô. Trước hết là nền văn hóa Hy Lạp, hay đúng hơn là văn hóa cổ Hy Lạp (Hellenistic), là nền văn hóa mà thời hậu Alexander Đại Đế đã trở thành di sản chung ít ra của vùng Đông Địa Trung Hải và Trung Đông, mặc dù chính nền văn hóa này đã hội nhập nhiều yếu tố của các nền văn hóa của những dân tộc được truyền thống coi là man di. Một nhà văn thời ấy đã nói về vấn đề này rằng Alexander “ra lệnh cho tất cả mọi người phải giữ toàn thể “ecumene” [đất cư ngụ] như là quê cha đất tổ… và rằng không còn phân biệt giữa người Hy Lạp và dân Man Di.”(Plutarch, De Alexandri Magni luck aut virtute, § § 6.8).

Yếu tố thứ nhì là cơ cấu chính trị - hành chánh của Đế Quốc Rôma, là cơ cấu đảm bảo sự bình an và yên ổn từ Anh Quốc cho đến miển nam Ai Cập, thống nhất lãnh thổ với một chiều kích chưa từng thấy. Ở không gian này, một người có thể đủ tự do và an toàn để di chuyển, được hưởng giữa những tiện nghi khác là một hệ thống đường xá ngoại hạng, và tìm thấy ở bất cứ nơi nào mình đến những đặc tính văn hóa căn bản mà không phương hại đến những giá trị địa phương, được tiêu biểu, trong mọi trường hợp, một công trình thống nhất chung “super partes,” đến nỗi triết gia Philô người Do Thái ở Alexandria, đồng thời với Thánh Phaolô, đã ca tụng Hoàng Đế Augustô bởi vi ông “đã đem tất cả mọi dân man rợ lại với nhau trong sự hòa hợp … trở thành một người bảo vệ hòa bình” (Legatio to Caium, § § 146-147).

Nhãn quan phổ quát đặc trưng cho cá tánh của Thánh Phaolô, ít ra là của Kitô hữu Phaolô, sau biến cố trên đường đi Đamascô chắc chắn là được thúc đẩy bởi đức tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô, đến nỗi hình ảnh của Đấng Phục Sinh đã vượt ra ngoài bất cứ giới hạn đặc biệt nào. Thực ra, đối với Thánh Tông Đồ “Không còn là người Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà nữa, vì tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Gal 3:28). Nhưng, hoàn cảnh lịch sử - văn hóa của thời đại ngài và môi trường sống cũng ảnh hưởng đến những chọn lựa và quyết tâm của ngài. Thánh Phaolô đã được diễn tả như một “người của ba nền văn hóa,” kể cả nguồn gốc Do Thái của ngài, ngôn ngữ Hy Lạp, và đạc quyền “civis romanus” [công dân Rôma] của ngài, như tên gọi gốc Latinh của ngài làm chứng.

Chúng ta phải đặc biệt nhắc đến triết thuyết Khắc Kỷ, là triết lý nổi bật trong thời Thánh Phaolô và cũng ảnh hưởng đến Kitô giáo, dù chỉ một phần nào. Trong liên hệ này chúng ta không thể không nhắc đến tên các triết gia Khắc Kỷ, như Zênô và Cleanthes là những người sáng lập, rồi đến những người gần thời Thánh Phaolô hơn, như Sênêca, Musôniô và Epictêtô. Chúng ta tìm thấy nơi họ những giá trị cao quý về đề tài nhân loại và sự khôn ngoan, là những điều được Kitô giáo đón nhận một cách tự nhiên. Như một học giả về đề tài này đã viết cách tuyệt tác, “Thuyết Khắc Kỷ … công bố một ý tưởng mới, là ý tưởng áp đặt trên con người nhiệm vụ đối với đồng loại, đồng thời giải thoát họ khỏi tất cả mọi ràng buộc thể lý cùng dân tộc và làm cho họ thành một thực thể tinh thần thuần túy” (M. Pohlenz, La Stoa, I, Florence 2, 1978, pp. 565ff).

Thật là đủ để cho chúng ta nghĩ đến, chẳng hạn, những học thuyết hiểu vũ trụ như là một vật thể hòa hợp vĩ đại, và do đó học thuyết bình đẳng giữa mọi người không phân biệt về xã hội, rồi đến ý tưởng cần kiệm, về đo lường công bằng và tự chủ để tránh tất cả mọi thái quá. Khi Thánh Phaolô viết cho tín hữu Philipphê: “Những gì là chân thật, những gì là cao quý, những gì là chính trực, những gì là tinh tuyền, những gì là đáng yêu, những gì mang lại tiếng tốt, và nếu có gì là nhân đức, là đáng khen, thì hãy nghĩ đến những điều đó” (Phil 4:8), thì ngài không làm gì khác hơn là đưa ra một quan niệm thuần túy nhân bản phù hợp với sự khôn ngoan của triết lý trên.

Vào thời Thánh Phaolô, cũng có một cuộc khủng hoảng về tôn giáo truyền thống, ít ra trên những bình diện huyền thoại cũng như công dân. Sau Lucrêtiô, một thế kỷ trước đó, là người đã tuyên bố một cách lý sự rằng “tôn giáo đã đưa đến quá nhiều hành động xấu” (De rerum natura 1, 101), một triết gia như Sênêca, trong khi đi vượt qua những chủ nghĩa nghi thức bề ngoài, đã dạy rằng “Thiên Chúa ở gần anh em, ngài ở với anh em, ngài ở trong anh em” (Lettere a Lucilio, 41, 1).

Tương tự, khi Thánh Phaolô nói chuyện ở một thính đường của các triết gia theo chủ nghĩa Khoái Lạc ở Areopagus tại Athens, ngài đã nói cách từ chương rằng “Ngài không ngự trong những đền thờ do tay người dựng nên … chính ở trong Ngài mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Tđcv 17:24-28). Với lời này, ngài chắc chắn là nhắc lại đức tin của người Do Thái vào Một Thiên Chúa, là đức tin không thể được trình bày bằng thuật ngữ nhân cách hóa, nhưng ngài cũng theo một đường lối tôn giáo mà thính giả của ngài đã quen thuộc. Hơn nữa, chúng ta phải kể đến những lương dân có học thức đã không đi lại những đền thờ chính thức của thành phố, và đã đến những nơi tư là những nơi cổ động cho việc khai tâm của các môn đồ.

Cho nên sự kiện các Kitô hữu hội họp (“ekklesiai”) xảy ra ở tư gia không phải là động lực cho người khác thắc mắc, như các thư, đặc biệt là các thư Thánh Phaolô làm chứng. Hơn nữa, Khi ấy vẫn chưa có các cơ sở công cộng. Cho nên, các buổi hội họp của các Kitô hữu được những người đương thời coi là biến thể của cách thực thi tôn giáo mật thiết hơn này. Tuy nhiên sự khác biệt giữa phụng tự của lương dân và Kitô hữu không phải là điều không mấy quan trọng và đòi hỏi ý thức nhiều hơn về căn tính của những người tham dự cũng như việc tham dự chung của cả đàn ông lẫn phụ nữ, đó là việc cử hành “Bữa Tiệc Ly của Chúa” và đọc Thánh Kinh.

Để kết luận, từ bài ôn ngắn này về khung cảnh văn hóa của thế kỷ thứ nhất của thời đại Kitô giáo, thì rõ ràng là không hiểu Thánh Phaolô cách đầy đủ nếu không kể đến khung cảnh sống của cả người Do Thái lẫn lương dân của thời đại ngài. Như vậy dung mạo của ngài có một chiều sâu lịch sử và tư tưởng, cho chúng ta thấy những yếu tố nguyên thủy và chia sẻ của môi trường. Tuy thế, điều này cũng đúng cho Kitô giáo cách chung, mà trong đó Tông Đồ Phaolô là một mẫu gương hàng đầu, tất cả chúng ta hôm nay có rất nhiều để học. Đó là mục tiêu của Năm Thánh Phaolô: để học từ ngài đức tin, để học từ ngài Đức Kitô là ai, và cuối cùng, con đường để sống một đời chính trực.

[Sau đó ĐTC chào mừng các khách hành hương bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngài nói bằng Tiếng Anh:]

Anh chị em thân mến,

Chúa Nhật vừa qua, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, đã đánh dấu ngày đầu Năm dành cho con người và giáo huấn của Thánh Tông Đồ Phaolô. Buổi triều yết hôm nay bắt đầu một loạt bài Giáo Lý mới nhằm hiểu biết sâu xa hơn về tư tưởng của Thánh Phaolô và sự tiếp tục thích hợp của tư tưởng ấy. Như chúng ta biết, Thánh Phaolô là một người Do Thái, và như thế là một phần tử của một thiểu số về văn hóa trong Đế Quốc Rôma. Đồng thời ngài cũng nói tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ của nền văn hóa Hy Lạp rộng hơn, và là một công dân Rôma. Việc rao giảng Đức Kitô Phục Sinh của Thánh Phaolô, trong khi đặt nền tảng trên Do Thái giáo, được đánh dấu bằng viễn tượng phổ quát và được dễ dàng nhờ sự quen thuộc của ngài với ba nền văn hoá. Như thế ngài có thể rút ra từ sự phong phú tinh thần của nền triết học đương thời, đặc biệt là trường phái Khắc Kỷ, trong khi rao giảng Tin Mừng. Cuộc khủng hoảng của tôn giáo theo truyền thống Hy Lạp – Rôma ở thời đại của Thánh Phaolô cũng thuận lợi cho một quan tâm lớn lao hơn về một cảm nghiệm cá nhân về Thiên Chúa. Như chúng ta thấy trong bài giảng của ngài trước Areopagus ở Athen (x. TTđcv 17:22 tt), Thánh Phaolô đã có thể dựa vào những dòng tư tưởng này trong bài trình bày Tin Mừng của ngài. Dựa vào khung cảnh văn hóa rộng rãi này, Thánh Phaolô đã khai triển các giáo huấn của ngài, mà chúng ta sẽ khám phá trong các bài Giáo Lý của Năm Thánh Phaolô này.

Tôi nồng nhiệt chào mừng tất cả các khách nói Tiếng Anh có mặt hôm nay, kể cả các sơ Pallottine Missionary, Columban Missionaries và ca đoàn Nhà thờ Soweto. Tôi cũng chào mừng các nhóm khác nhau đến từ Nước Anh, Ái Nhĩ Lan, Na Uy, và Bahama, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ. Nguyện xin cho cuộc thăm viếng Rôma của anh chị em trở thành một thời gian canh tân tâm linh sâu xa. Tôi gửi đến tất cả anh chị em Phúc Lành vui mừng và bình an của Thiên Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha: Quay về với Thánh Phaolô để học hỏi đức tin, học hỏi Chúa Kitô
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
11:28 03/07/2008
Vatican (VIS) - Trong buổi triều yết chung Thứ Tư hàng tuần ngày 02/07, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mở đầu một loạt bài suy tư giáo lý mới, trong đó ngài đặt chú trọng vào Thánh Phaolô Tông Đồ trong năm Thánh Phaolô này. Năm Thánh bắt đầu từ ngày 28/06/2008 đến 29/06/2009. Buổi triều yết được cử hành tại Đại thính đường Phaolô VI với sự tham dự của 8.000 khách hành hương.

Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Phaolô là “mẫu gương hiến dâng hoàn toàn cho Chúa và Giáo Hội của Người, cũng như là mẫu gương thẳng thắn nhất đối với nhân loại và nền văn hoá của con người”. Để “hiểu được những gì ngài đã nói với các Kitô hữu ngày nay... chúng ta hãy tạm dừng lại để suy xét môi trường mà ngài sống và phục vụ... vốn trong nhiều khía cạnh.. không quá khác biệt” với thời đại chúng ta ngày nay.

Vị Tông Đồ Dân ngoại “đến từ một nền văn hóa cụ thể và có thể xác định, rõ ràng là một nền văn hóa thiểu số, cả về người dân Do Thái và truyền thống của họ”. Đức Thánh Cha nói: “Họ đã được nhận ra một cách hiển nhiên từ môi trường xung quanh và điều này có hai hệ quả: hoặc là sự chế nhạo, vốn dĩ có thể dẫn đến sự bất khoan dung, hoặc là sự khâm phục”. Đức Thánh Cha cũng nhận dạng hai nhân tố đã giúp Thánh Phaolô trong những nỗ lực của ngài: trước tiên, là sự phổ biến của “nền văn hóa cổ Hy Lạp, vốn sau thời Alexander Đại Đế đã trở thành một phần di sản của phía Đông Địa Trung Hải và Trung Đông”; thứ hai, cơ cấu chính trị và nền hành chính của Đế chế La Mã “cho thấy một cơ cấu dự phần và thống nhất”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Quan điểm phổ quát tiêu biểu của cá nhân Thánh Phaolô tất nhiên là nhờ vào sự thúc đẩy có nguồn gốc từ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô... Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử và văn hóa trong thời đại của ngài cũng như môi trường ngài sống cũng không thể ảnh hưởng đến quyết định và hành động của ngài”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại ý nghĩa tại sao Thánh Phaolô được gọi là “‘con người của ba nền văn hóa’ (Do Thái, Hy Lạp và La Mã), mang trong người dòng dõi người Do Thái, khả năng ngôn ngữ Hy Lạp của ngài và đặc ân của ngài trở thành ‘công dân Rôma’ được minh chứng bởi nguồn gốc tên Latin của ngài. Một nhân tố khác mang trong người ngài là triết học Stoic (phái khắc kỷ) vốn có ảnh hưởng lớn trong thời đại của Thánh Phaolô” và với những giá trị cao quý của con người và sự khôn ngoan vốn tất nhiên Kitô giáo có được… thời đại của Thánh Phaolô cũng được đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng trong truyền thống tôn giáo, ít nhất là trong những khía cạnh thuộc thần thoại học và công dân”.

Lúc kết thúc “cuộc du ngoạn nhanh chóng đầu tiên vào môi trường văn hóa của thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Kitô giáo”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI xác nhận rằng “không thể hiểu Thánh Phaolô một cách thỏa đáng nếu chúng ta không thấy ngài tương phản với bối cảnh xã hội thời đó – cả Do Thái và dân ngoại. Bằng cách này, hình tượng của ngài đã đạt được một giá trị lịch sử… sự uyên thâm bộc lộ cả trong việc ngài đóng góp vào môi trường xung quanh thế nào cũng như ngài mang những nhân tố thuộc căn nguyên vào đó.

Đức Thánh Cha đi đến kết luận: “Điều này cũng chứa đựng sự thật cho Kitô giáo nói chung, Thánh Tông Đồ Phaolô là một kiểu mẫu quan trọng mà chúng ta vẫn phải học hỏi nhiều. Và đây là mục tiêu của Năm Thánh Phaolô: học từ Thánh Phaolô, học hỏi đức tin và học hỏi về Chúa Kitô”.
 
Nhìn lên thánh Phaolô để học biết lòng tin và Chúa Kitô
Linh Tiến Khải
13:58 03/07/2008
Nhìn lên thánh Phaolô để học biết lòng tin và Chúa Kitô

Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 2-7-2008

Sáng thứ tư 2-7-2008 đã có 8000 tín và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với Đức Thánh Cha. Buổi tiếp kiến đã diễn ra trong đại thính đường Phaolo VI, vì trời Roma nóng tới 40 độ C và số tín hữu hành hương cũng không đông.

Vương cung thánh đường Thánh Phaolô ngoài thành Roma
Đây cũng là buổi tiếp kiến cuối cùng, vì từ thứ tư 2-7-2008 Đức Thánh Cha ra nhà nghỉ mát Castel Gandolfo và cho tới ngày 13 tháng 8 sẽ không có các buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã chuyển sang đề tài giáo lý mới về thánh Phaolô. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, hôm nay tôi muốn bắt đầu loạt bài giáo lý mới về vị tông đồ lớn là thánh Phaolô. Như anh chị em biết, năm nay là năm dành cho người, bắt đầu từ ngày lễ hai thánh Phêrô Phaolô 29 tháng 6 2008 cho tới lễ sang năm 2009. Thánh Phaolô là một gương mặt tuyệt vời, hầu như không thể bắt chước được, nhưng rất kích thích, vì là thí dụ điển hình cho sự tận hiến cho Chúa và cho Giáo Hội Người, cũng như cho sự rộng mở lớn đối với nhân loại và các nền văn hóa. Vì thế thật là thích hợp khi dành cho thánh nhân một chỗ đặc biệt, không chỉ trong lòng sùng mộ, mà cả trong nỗ lực tìm hiểu điều người muốn nói với Kitô hữu chúng ta ngày nay nữa.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã trình bầy bối cảnh xã hội văn hóa thời thánh Phaolô, tuy cách đây đã 2000 năm nhưng có nhiều điểm cũng không khác với ngày nay bao nhiêu. Yếu tố đầu tiên cần lưu ý đó là thánh Phaolo xuất thân từ nền văn hóa do thái, và người Do thái chiếm 10% tổng số dân thời đế quốc Roma. Vào tiền bán thế kỷ thứ I ở Roma người do thái chiếm khoảng 3% tổng số dân. Thời đó cũng như ngày nay tín ngưỡng và phong tục tập quán của họ khác với môi trường chung quanh. Sự kiện này có thể dẫn đến hai hậu qủa: thứ nhất là sự chế nhạo có thể đưa tới chỗ bất khoan nhượng, hay sự khâm phục được diễn tả ra trong nhiều hình thức như thiện cảm trong trường hợp của những người ”kính sợ Thiên Chúa” hay của các ”tín đồ” gốc ngoại giáo kết hiệp với các hội đường do thái và chia sẻ niềm tin vào Thiên Chúa của Israel.

Thí dụ cụ thể của hai thái độ này là Cicerone, người khinh rẻ Do thái giáo và cả thành Giêrusalem nữa (x. Pro Flacco, 66-69) và bà Poppea, vợ hoàng đế Neron, được sử gia Giuse Flavio ghi nhận là có thiện cảm với người Do thái (x. Antichità giudaiche 20,195.252; Vita 16). Đó là chưa nói rằng hoàng đế Giulio Cesare đã chính thức thừa nhận cho người do thái các quyền đặc biệt, như sử gia Giuse Flavio ghi lại (x. ibid. 14, 200-216).

Có điều chắc chắn là vào thời đó cũng như ngày nay, số người do thái sống ở nước ngoài đông hơn số người sống tại Palestina rất nhiều. Vì thế chúng ta cũng không lấy làm lạ là thánh Phaolô cũng là đối tượng của hai kiểu đánh giá này. Có điều chắc chắn đó là đặc thái văn hóa và tôn giáo do thái này tìm ra thế đứng bên trong một cơ cấu của đế quốc Roma hiện diện khắp nơi. Nhưng vị thế của nhóm người do thái hay ngoại giáo tin nơi con người của Đức Giêsu thành Nagiarét, thì khó khăn và khổ đau hơn, vì họ vừa khác với Do thái giáo vừa khác với ngoại giáo của đế quốc.

Dầu sao đi nữa có hai yếu tố thuận lợi cho sự dấn thân của thánh Phaolô. Thứ nhất là nền văn hóa hy lạp, sau Aláchxăng Đại Đế đã trở thành nền văn hóa chung của vùng Tây Địa Trung Hải và vùng Trung Đông, mặc dù nó đã tiếp thu nhiều yếu tố của các nền văn hóa của các dân tộc thường bị coi là mọi rợ. Một tác giả thời đó khẳng định rằng Alachxăng Đại Đế ra lệnh cho tất cả mọi người coi toàn cộng đoàn đại đồng là quê hương của mình và không phân biệt ngươi hy lạp và người mọi rợ nữa” (Plutarco, De Alexandri Magni fortuna aut virtute, && 6.8).

Yếu tố thứ hai là cơ cấu chính trị hành chánh của đế quốc Roma bảo đảm hòa bình và ổn định, từ vùng Britannia cho tới miền nam Ai Cập, và thống nhất một vùng đất rộng chưa từng thấy. Trong không gian đó có thể di chuyển tự do và an ninh, với một hệ thống đường lộ ngoại thường, và tới đâu cũng tìm thấy các đặc thái văn hóa nền tảng, kết hiệp bên trên các phần nhỏ bé, mà không làm mất đi các giá trị địa phương. Đến độ Philong thành Alessandria sống đồng thời với thánh Phaolô phải ca ngợi hoàng đế Augusto vì đã tạo ra sự hài hòa giữa tất cả mọi dân tộc mọi rợ.. . biến họ trở thành các người giữ gìn hòa bình” (Legatio ad Caium, && 146-147).

Đề cập tới cái nhìn đại đồng đặc thù nơi con người của thánh Phaolô Đức Thánh Cha nói:

Quan điểm đại đồng đặc thù nơi con người của thánh Phaolô, ít nhất là Phaolô Kitô sau biến cố trên đường đến thành Damasco, chắc chắn bắt nguồn từ lòng tin nơi Chúa Giêsu Kitô, trong nghĩa gương mặt của Đấng Phục Sinh ở bên ngoài mọi chật hẹp riêng rẽ. Thật thế, đối với Phaolô ”không còn do thái hy lạp, không còn nô lệ tự do, không còn nam nữ nữa, mà tất cả là một trong Chúa Kitô Giêsu” (Gl 3,28). Tuy nhiên, tình hình lịch sử văn hóa và môi trường thời đó không thể không ảnh hưởng trên các lựa chọn và dấn thân của thánh nhân. Có người định nghĩa Phaolô là ”con người của ba nền văn hóa”, vì thánh nhân là người gốc do thái, nói tiếng hy lạp và là công dân Roma, như tên gọi latinh của người.

Trào lưu triết lý khắc kỷ thắng thế thời đó chắc cũng ảnh hưởng một ít trên Kitô giáo. Các triết gia như Zenone và Cleante, và gần thánh Phaolô hơn như Seneca, Musonio và Epitteto cho thấy các giá trị rất cao của tính nhân bản và sự khôn ngoan, được Kitô giáo tiếp thu. Trào lưu khắc kỷ loan báo một lý tưởng mới, áp đặt cho con người các bổn phận đối với người đồng loại, đồng thời cũng giải thoát nó khỏi tất cả các mối dây ràng buộc vật lý và quốc gia, và biến nó thành một người hoàn toàn tinh thần” (M. Pohlenz, La Stoa I, firenze 2 1978, tr.565 tt.).

Chúng ta hãy nghĩ tới thuyết vũ trụ được hiểu như là thân thể khổng lồ hài hòa duy nhất, thuyết bình đẳng giữa tất cả mọi người không phân biệt giai tầng xã hội, sự bình đẳng - ít nhất trên lý thuyết - giữa người nam và người nữ, ý tưởng của cuộc sống thanh đạm, của sự tiết độ và tự chủ để tránh mọi thái qúa. Khi thánh Phaolô viết cho tín hữu Philiphê: ”Những gì là chân thật, cao qúy, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8), thánh Phaolo đã không làm gì khác hơn là lấy lại một quan niệm nhân bản riêng của sự khôn ngoan triết lý thời đó.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng vào thời thánh Phaolô tôn giáo truyền thống gặp khủng hoảng, ít nhất trong các khía cạnh huyền thoại và công dân của nó. Một thế kỷ trước đó Lucrezio đã nói: ”Tôn giáo đã dẫn đưa tới biết bao nhiêu điều bậy bạ” (De rerum natura, 1,102). Triết gia Seneca thì vượt xa hơn mọi khuynh hướng vụ lễ nghi và khẳng định; ”Thiên Chúa ở gần bạn, ở với bạn và ở trong bạn” (Lettere a Lucilio, 41,1). Cũng thế khi ngỏ lời với các triết gia thuộc trường phái Epicurio tại Athènes thánh Phaolô nói: ”Thiên Chúa không ngự ở trong các đền thờ do tay con người làm ra... mà trong Người chúng ta sống, chúng ta chuyển động và chúng ta hiện hữu” (Cv 17,24.28). Qua đó thánh nhân để cho vang vọng lòng tin do thái nơi một Thiên Chúa không thể diễn tả bằng các từ nhân hình, nhưng cũng ở trên cùng tầng sóng mà các người nghe thánh nhân biết rõ.

Ngoài ra chúng ta cần chú ý tới sự kiện nhiều lễ nghi phụng tự ngoai giáo không được cử hành trong các đền thờ của thành phố, nhưng tại các tư gia. Các buổi hội họp của Kitô hữu ”ekklesia” cũng được tổ chức tại nhà riêng như kể trong các thư của thánh Phaolô. Hồi đó Giáo Hội chưa có dinh thự công khai nào. Vì thế các buổi hội họp của tín hữu kitô giống như một sự thay đổi đơn sơ thói quen tôn giáo này. Nhưng có các khác biệt lớn liên quan tới ý thức căn tính của những người tham dự và sự tham dự chung của tín hữu nam nữ Kitô trong buổi cử hành ”Tiệc chiều của Chúa” và việc đọc Kinh Thánh.

Tình hình tổng quát bối cảnh xã hội văn hóa thời thánh Phaolo trên dây giúp chúng ta hiểu các tương đồng và khác biệt cũng như nét độc đáo của Kitô giáo hơn và học hỏi nơi thánh Phaolô nhiều hơn: học hiểu biết lòng tin và hiểu biết Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha đã chào các nhóm hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài chúc mọi người có những ngày hè tươi vui khỏe mạnh. Tiếp đến Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Chuyến viếng thăm Bạch Nga của ĐHY Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Linh Tiến Khải
14:00 03/07/2008
Chuyến viếng thăm Bạch Nga của ĐHY Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Một số nhận định của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về chuyến viếng thăm Bạch Nga

Trong các ngày từ 18 đến 22-6-2008 Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã viếng thăm Bạch Nga.

Trong 5 ngày viếng thăm Đức Hồng Y đã gặp gỡ Đức Cha Tadeus Kondrusiewicz, Tổng Giám Mục Minsk, và vị tiền nhiệm là Đức Hồng Y Kazimierz Swiatek, cũng như thăm các cộng đoàn công giáo địa phương. Đức Hồng Y Bertone cũng gặp gỡ các vị lãnh đạo Giáo Hội Chính Thống có số tín hữu chiếm đa số tại Bạch Nga, và các vị lãnh đạo cấp cao của chính quyền Bạch Nga.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, về chuyến viếng thăm Bạch Nga vừa qua.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, sau khi viếng thăm Cuba Đức Hồng Y đã thăm Bạch Nga. Hai quốc gia này đã gây tranh luận giữa cộng đồng quốc tế. Tại sao Đức Hồng Y lại quyết định viếng thăm Bạch Nga?

Đáp: Tòa Thánh đối thoại với tất cả mọi người, đặc biệt là với các quốc gia có liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh, và lượng định các tiêu chuẩn phán đoán từ phía thứ ba một cách tự do. Các tiêu chuẩn đó có thể được chấp nhận hay có thể được thảo luận. Đàng khác Bạch Nga là một quốc gia quan trọng, vì nằm ở biên giới giữa Âu châu và nước Nga to lớn. Cũng chính vì thế đó là điều thuận lợi khi Tòa Thánh có các liên hệ thân hữu với Bạch Nga để cho quốc gia này cũng có thể rộng mở hơn với phần còn lại của thế giới.

Hỏi: Ngày 23-6-2008 hãng thông tấn Nga Interfax có viết rằng Đức Hồng Y phê bình sự kiện Hoa Kỳ cấm vận Bạch Nga, có đúng thế không?

Đáp: Trong một cuộc phỏng vấn tôi đã chỉ hạn hẹp tái khẳng định rằng Tòa Thánh chống lại tất cả mọi hình thức cấm vận kinh tế đối với bất cứ quốc gia nào, kể cả Bạch Nga. Các cuộc cấm vận kinh tế luôn luôn khiến cho dân nghèo phải thiệt thòi, và củng cố các chính quyền mà người ta muốn trừng phạt. Tôi nhớ tới các can thiệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đối với Irak và Cuba.

Hỏi: Như thế Tòa Thánh đã tiếp nhận tích cực tin Âu châu bỏ cấm vận đối với Cuba?

Đáp: Chắc chắn rồi. Và chúng tôi cũng đã nói với Hoa Kỳ là chúng tôi không chia sẻ việc Hoa Kỳ cấm vận quần đảo Caraibi.

Hỏi: Ngoài Bạch Nga, Đức Hồng Y cũng đã viếng thăm Ucraine, Armenia, Azerbaigian. Đây là một kiểu bao vây đối với Nga hay thế nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Không có chuyện bao vây nào cả. Nếu có thì chỉ là tìm tới gần nước Nga thôi. Nhưng mà không có chương trình chọn lựa viếng thăm các nước này, mà chỉ có lời mời từ các giới lãnh đạo đạo đời các nước nói trên, và chúng tôi quyết định tích cực đáp trả lại lời mời đó. Đặc biệt là để cho các giáo đoàn công giáo địa phương được ích lợi nhờ các chuyến viếng thăm này.

Chính vì thế tôi luôn luôn tìm cách viếng thăm nhiều giáo phận chừng nào có thể, cũng như các đại chủng viện và các trung tâm văn hóa đời, hầu có thể khiến cho cuộc đối thoại giữa lý trí và lòng tin, giữa lòng tin và văn hóa, giữa lòng tin và khoa học đem lại nhiều lợi ích. Tất cả đều là các đề tài định đoạt đối với Giáo Hội và thế giới ngày nay.

Hỏi: Trong chuyên viếng thăm Đức Hồng Y cũng đã hội kiến với tổng thống Aleksander Lukashenko. Hai bên đã đề cập tới các vấn đề gì và có viễn tượng nào cho một thỏa hiệp giữa Bạch Nga và Tòa Thánh hay không?

Đáp: Cuộc hội kiến đã kéo dài 1 giờ rưỡi. Nó đã rất hữu ích và hứa hẹn đối với Giáo Hội, được coi là một tài nguyên đích thật của quốc gia. Một cách cụ thể chúng tôi đã thảo luận về vài vấn đề, như việc xây các nhà thờ mới, xây Tòa Sứ Thần mới, và xây một trụ sở cho HĐGM Bạch Nga.

Cũng đã có các nền tảng cụ thể cho thỏa hiệp giữa hai bên, và nó sẽ rất tích cực đối với Giáo Hội cũng như Nhà Nước Bạch Nga.

Hỏi: Tổng thống Lukashenko không được báo chí Tây Phương nhìn với con mắt thiện cảm. Ông ta có thực sự là người ”kinh khủng” như báo chí miêu tả hay không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Cuộc hội kiến giữa chúng tôi đã rất là thân tình, cởi mở và chân thành. Tổng thống đã trình bày rõ ràng các tư tưởng của ông, và tôi cũng đã nói lên các tư tưởng của tôi. Cũng đã có các lời nói khôi hài trong buổi hội kiến.

Hỏi: Đức Hồng Y cũng đã hội kiến với Đức Tổng Giám Mục Filarete của Chính Thống giáo. Đức Tổng Giám Mục Filarete có lo âu đối với hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo hay không?

Đáp: Tuyệt đối là không. Trong buổi gặp gỡ chúng tôi đã đề cập tới sự cộng tác cần thiết giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo, trong việc giáo dục lòng tin cho nhân dân Bạch Nga, sau bao thập niên phải sống dưới chế độ vô thần tàn phá tâm linh. Chúng tôi cũng nói tới việc xây cất các nhà thờ mới cho cả hai bên. Tôi đã cầu mong có sự đua tranh giữa hai Giáo Hội, làm sao để cho lòng tin Kitô tại Bạch Nga ngày càng được phổ biến và đào sâu hơn.

Hỏi: Nhưng chính trong các ngày qua Đức Thượng Phụ Alexis II đã lại tái phê bình phong trào chiêu dụ tín đồ của Giáo Hội Công Giáo tại Nga, tại sao vậy thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi đã không đọc được các lời tuyên bố này. Dầu sao đi nữa, chúng tôi đã giải thích rõ ràng lập trường của chúng tôi và có một ủy ban hỗn hợp làm việc để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi có các liên hệ tốt với Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga. Tôi đã cho phát hành một tập sách nhỏ bằng tiếng Nga liên quan tới thiện ích chung giữa hai Giáo Hội, với lời đề tựa của Đức Tổng Giám Mục Kyril, là ”ngoại trưởng của Tòa Thương Phụ Matscơva”. Tôi nghĩ rằng các lời tuyên bố của Đức Thượng Phụ Alexis II hướng tới các giáo phái và các nhóm tôn giáo khác hơn là hướng tới Giáo Hội Công Giáo.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y vì các chuyến viếng thăm quốc tế của Đức Hồng Y nên báo chí thế giới gọi Đức Hồng Y là ”Phó Giáo Hoàng” và nhiều người so sánh Đức Hồng Y với Đức Pacelli, Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Trước hết nó khiến cho tôi nghĩ rằng một vài so sánh là có ý giỡn chơi, nhưng có lẽ cũng không phải là kết qủa của ý tốt. Dĩ nhiên sự kiện được làm việc tại cùng cái bàn, mà tín hữu Đức đã gửi tặng Đức Hồng Y Pacelli khi người được chỉ định làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và là nơi người đã từng làm việc xưa kia trước khi trở thành Đức Pio XII, là một vinh dự đối với tôi. Nhưng tôi không dám so sánh mình với một vị lỗi lạc như người, đặc biệt trong một thời điểm định đoạt với lịch sử Giáo Hội và lịch sử thế giới. Ngoài ra các chuyến viếng thăm của tôi nằm trong quan điểm mục vụ và khung cảnh nhiệm vụ của tôi, và chúng luôn luôn được thỏa thuận trước với Đức Thánh Cha và Đức Thánh Cha theo dõi với rất nhiều chú ý.

Hỏi: Liên quan tới các chuyến công du của Đức Thánh Cha, ngày 21-6-2008 hãng thông tấn APCOM có viết rằng năm 2009 Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Phi châu, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y, và có nước nào được chọn chưa?

Đáp: Các chương trình sinh hoạt năm 2009 của Đức Thánh Cha chưa được xác định. Nhưng đó là một giả thiết, vì Phi châu và Giáo Hội tại Phi châu đáng được Đức Thánh Cha viếng thăm. Tôi cũng phải nói thêm rằng đã có rất nhiều nước Á châu và Arập mời Đức Thánh Cha viếng thăm.

Chưa có nước nào được chọn cả, vì đây là một lựa chọn tế nhị. Ngoài các yếu tố địa lý chính trị, còn phải chú ý tới các nhu cầu an ninh đối với Đức Thánh Cha và tín hữu cũng như dân chúng tiếp đón Đức Thánh Cha nữa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, nghi thức tiếp đón Tổng Thống Bush đã gây ra vài tranh luận. Đức Thánh Cha không tiếp tổng thống ở Dinh Tông Tòa mà tại tháp thánh Gioan và trong vườn Vaticăng. Đó có phải là cử chỉ cần thiết không?

Đáp: Đây đã là một lời đáp lễ cung cách tổng thổng Bush và phu nhân tiếp đón Đức Thánh Cha trong chuyến công du Hoa Kỳ vừa qua. Chính tổng thống Bush đã xin được tiếp đón không theo hình thức nghi lễ ngoại giao thông thường. Và dĩ nhiên lá chúng tôi đã chấp thuận lời yêu cầu của tống thống.

Hỏi: Báo chí Tây Ban Nha và Italia có đề cập tới cuộc hội kiến của Đức Hồng Y với Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero của Tây Ban Nha trong hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Lương Nông Quốc Tế vừa qua tại Roma, có đúng thế không?

Đáp: Chúng tôi đã chỉ chào hỏi nhau ngắn gọn. Cũng như tôi đã chào tổng thống Luis Ingacio Lula da Silva của Brasil. Tôi đã trao đổi lâu hơn với tổng thống Giorgio Napolitano và với Phó tổng thống Cuba, cũng như tổng thống Sri Lanka và bà tổng thống Argentina.

Hỏi: Với bà tổng thống Cristina Fernandes de Kirchner Đức Hồng Y đã nói chuyện tới 40 phút, thời gian này có đủ để giải quyết các vấn đề giữa Argentina và Tòa Thánh như vấn đề của vị tân đại sứ, vấn đề Giám Mục giám hạt quân đội và của các giáo phận mới tại vùng Patagonia hay không?

Đáp: 40 phút không đủ để giải quyết tất cả mọi vần đề, nhưng đủ để giúp nhận định ra các ánh sáng phải đi theo để có được giải pháp hòa bình. Đặc biệt liên quan tới việc mừng kỷ niệm 25 năm chấm dứt xung khắc giữa Argentina và Chile vào năm 2009 tới đây nhờ sự trung gian của Giáo Hội.

Hỏi: Trong hội nghị thượng đỉnh của tổ chức FAO tại Roma Đức Thánh Cha đã không gặp vị quốc trưởng nào. Đây có phải là một kiểu ngoại giao để từ chối lời xin của tổng thống Iran hay không?

Đáp: Tuyệt đối là không rồi. Những gì thông cáo của phòng báo chí tòa thánh viết là sự thật đơn sơ. Tòa Thánh đối thoại với tất cả mọi người trong các hình thái và cách thức như được ghi chép trong lễ nghi của Tòa Thánh.

Hỏi: Đức Hồng Y nghĩ gì về vụ bắt cóc Emmanuella Orlandi, con gái của một nhân viên Vaticăng, mà trong những ngày qua báo chí, phát thanh và truyền hình gây náo động lên?

Đáp: Tòa Thánh đã cho biết lập trường rõ ràng rồi. Những gì đã xảy ra trong các ngày qua khiến cho người ta nghĩ tới một trường hợp xìcăngđan mùa hè cổ điển, được giàn dựng lên để lôi kéo sự chú ý của độc giả hay khán thính giả đang lo đi nghỉ hè. Tôi xin lợi dụng dịp này để cám ơn nhật báo Tương Lai của Hội Đồng Giám Mục Italia đã bênh vực ký ức Đức Tổng Giám Mục Marcinkus. Tòa Thánh cũng gần gũi và chia sẻ nổi khổ đau của gia đình Orlandi và cầu mong các giới chức tư pháp mau chóng tìm ra tin tức liên quan tới Emmanuela Orlandi.

(Avvenire 29-6-2008)
 
Đức Thánh Cha cầu mong Hoà Bình sớm ngự trị tại Colombia
Linh Tiến Khải
14:02 03/07/2008
VATICAN - Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cầu nguyện để nạn bạo lực, bắt cóc tống tiền chấm dứt tại Colombia, và để cho một nền hòa bình ổn định và công bằng sớm ngự trị tại nước này.

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong sứ điệp video gửi cho Hội Đồng Giám Mục Colombia đang tham dự phiên họp khoáng đại lần thứ 85 tại đền thánh Đức Bà Mân Côi Chiquinquira, hôm 30-6 vừa qua.

90 vị gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục thành viên đã nhóm họp từ Chúa Nhật 29-6-2008 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Đồng Giám Mục Colombia. Đức Thánh Cha nói: Như là Chủ chăn của Giáo Hội nhiệm vụ của chúng ta là đi trước và dẫn đường cho dân Chúa tiến bước trên chính lộ. Dân Chúa cần trông thấy nơi chúng ta các con người đích thực của Thiên Chúa... Như là tông đồ và thừa sai chúng ta giúp những người ở gần cũng như những người ở xa tìm thấy nơi Chúa Kitộ sự toàn vẹn của cuộc sống mà họ ước mong. Một cách đặc biệt Đức Thánh Cha muốn trợ giúp các vị phục vụ các người bị thiệt thòi nhất bằng cách loan báo cho họ sứ điệp hòa bình, công bằng và hòa giải. Người đồng hành với các vị bằng lời cầu nguyện và sự gần gũi tinh thần trnog các nỗ lực mà các Giám Mục Colombia đang chu toàn để Tin mừng được vang vọng khắp nơi trong đất nước Colombia, qua các sáng kiến mục vụ trong các lãnh vực giáo dục và đại học, trong việc săn sóc các người bị tù, các bệnh nhân, người già, các thổ dân, anh chị em công nhân, các người tị nạn, giới trẻ và gia đình.

Đức Thánh Cha nhắc lại chứng tá nhiệt thành của các Chủ Chăn thành viên của Hội Đồng Giám Mục Colombia, thành hình từ năm 1908 trong Hội Nghị khoáng đại toàn châu Mỹ Latinh lần thứ nhất. Chứng tá đó mời gọi tất cả mọi tín hữu ngày nay tiếp tục đáp trả lại các thách đố mới đối với Giáo Hội và đất nước Colombia.

Đức Thánh Cha cũng không quên nỗ lực của các Giám Mục trở thành những con người của hòa hợp, bằng cách liên tục khích lệ ngưng bạo lực, bắt cóc tống tiền, mà nhiều công dân của đất nước yếu qúy này phải gánh chịu. Và ngài tha thiết cầu xin Chúa cho các tình trạng này chấm dứt sớm chừng nào có thể, vì chúng đã gây ra biết bao nhiêu khổ đau, và để cho một nền hòa bình ổn định và công bằng có thể ngự trị tại Colombia trong một bầu khí hy vọng và thịnh vượng.

Kết thúc sứ điệp Đức Thánh Cha xin Đức Bà Chiquinquira chở che Giáo Hội và dân nước Colombia.

Hội Đồng Giám Mục Colombia đã bắt đầu cuộc hành hương đền thánh Đức Bà Chiquinquira từ Chúa Nhật 29-6-2008 sau đó đã tham dự phiên họp khoáng đại kỷ niệm 100 năm thành lập với đề tài ”Ký ức lịch sử của Hội Đồng Giám Mục Colombia trong dịp cử hành 100 năm thành lập”. Khai mạc phiên họp Đức Cha Augusto Castro Quiroga, Tổng Giám Mục Tunja kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Colombia nói: ”Chúng ta cần ánh sáng của Mẹ soi chiếu cho chúng ta”.

Tại đền thánh Đức Bà Chiquinquira có ảnh Đức Mẹ vẽ năm 1500 hai bên có thánh Anton thành Padova và thánh tông đồ Anrê. Ảnh Đức Mẹ đã bị hư hại nhưng lại được tu sửa một cách lạ lùng và rạng ngời ánh sáng. Trong khóa họp các Giám Mục cũng bầu lại Ban Thường vụ cho nhiệm kỳ 2008-2011. Cũng có buổi phát giải thưởng ”Inter Mirifica” cho các nhà báo hay các tổ chức truyền thông xã hội đã có công trong việc nâng đỡ và xây dựng dân nước Colobia.

Tình trạng nội chiến giữa các lực lượng du kích quân, quân đội chính phủ và các nhóm bán quân sự từ 40 năm qua đã khiến cho hàng chục ngàn người chết và 3 triệu người phải di cư tị nạn. Trong các nhóm du kích quân có Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia là mạnh nhất. Nhóm này đã bắt cóc hàng ngàn người, trong đó có nhiều chính trị gia, dân biểu, cảnh sát và thường dân. Hiện nay vẫn còn có 500 người bị giam giữ.

Tin mới nhất cho biết bà Ingrid Betancourt và 14 con tin đã được quân đội giải thoát khỏi tay của lực lượng FARC hôm qua. Linh Mục Federico Lombardi Phát ngôn viên Tòa Thánh nói tin trên khiến cho mọi người chúng tôi vui mừng. Dĩ nhiên chúng tôi cũng hy vọng nó không chỉ là tin duy nhất, mà còn là dấu chỉ tích cực kéo theo các biến cố tích cực khác, vì có biết bao nhiêu người vẫn còn đang khổ đau trong cùng cách thức như thế, sau khi bị bắt cóc. Chúng tôi cũng hy vọng rằng tất cả các người này tái tìm lại được tự do, và đất nước Colombia có thể hy vọng vào hòa bình và trở lại tình trạng sống tự do, thoát khỏi cảnh bạo lực kinh hoàng kéo dài từ nhiều năm nay. Lời kêu gọi này Đức Thánh Cha đã nói lên nhiều lần và mới đây trong sứ điệp gửi các Giám Mục nhân dịp mừng 100 năm thành lập Hội Đồng Giám Mục Colombia. Nó đã có một kết qủa thứ nhất bé nhỏ, hạn chế nhưng quan trọng. Chúng tôi thực sự hy vọng có các biến cố mới tiếp tục trong đường hướng này để đem lại hòa bình cho dân nước Colombia.
 
ĐTC cho công bố các sắc lệnh công nhận các phép lạ của 13 Chân phước và Tôi tớ Chúa
Linh Tiến Khải
14:03 03/07/2008
CASTEL GANDOLFO: Sáng thứ năm 3-7-2008 Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Đức Hồng Y José Saraiva Martins, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, và cho phép công bố các sắc lệnh nhìn nhận 4 phép lạ, sự tử đạo của 1 vị tôi tớ Chúa và các nhân đức anh hùng của 7 vị tôi tớ Chúa khác.

Phép lạ thứ nhất do lời bầu cử của chân phước Damiano Giuseppe de Veuster, Linh Mục dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, sinh tại Bỉ năm 1840 và qua đời trên đảo Molokai vì bệnh cùi năm 1889.

Phép lạ thứ hai do lời bầu cử của chân phước Bernardo Tolomei, Viện phụ dòng Biển Đức và là đấng sáng lập dòng Thánh Maria núi Oliveto, sinh tại Siena Italia năm 1272 và qua đời năm 1348.

Phép lạ thứ ba do lời bầu cử của chân phước Nuno di Santa Maria Alvares Pereira, giáo dân thuộc dòng Các Tu huynh của Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria núi Camelo, sinh năm 1360 và qua đời năm 1431 tại Bồ Đào Nha.

Phép lạ thứ bốn do lời bầu cử của song thân thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu là Vị tôi tớ Chúa Louis Martin, sinh năm 1823 và qua đời năm 1894, và Vị tôi tớ Chúa Maria Zelia Guérin Martin sinh năm 1831 và qua đời năm 1877 tại Pháp.

Một sắc lệnh công nhận sự tử đạo của Vị tôi tớ Chúa Francesco Giovanni Bonifacio, Linh Mục giáo phận, sinh năm 1912 qua đời năm 1946 tại Italia.

Các sắc lệnh còn lại công nhận các nhân đức anh hùng của các vị tôi tớ Chúa: Stefano Douayhy, Thượng Phụ Maronit Antiokia, sinh năm 1630 qua đời năm 1704 tại Libăng; Bernardino Dal Vago da Portogruaro, Tổng Giám Mục Sardica dòng Anh em hèn mọn, sinh năm 1822 qua đời năm 1895 tại Italia; Giuseppe di Donna, Giám Mục Andria, thuộc dòng Chúa Ba Ngôi, sinh năm 1901 qua đời năm 1952 tại Italia; Maria Barbara della Santissima Trinità Maix, sáng lập dòng Các nữ tu Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm, sinh năm 1818 tại Áo và qua đời năm 1873 tại Brasil; Pio Keller, Linh Mục dòng thánh Agostino, sinh năm 1825 qua đời năm 1904 tại Đức; Andrea Hibernón Garmendia, tu huynh dòng La San, sinh năm 1880 qua đời năm 1969 tại Tây Ban Nha; Chiara Badano, nữ giáo dân sinh năm 1971 qua đời năm 1990 tại Italia.
 
Tòa thánh kêu gọi tinh thần trách nhiệm của Cộng đồng quốc tế trước khủng hoảng lương thực
Linh Tiến Khải
14:05 03/07/2008
NEW YORK - Cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới hiện nay là một đe dọa nghiêm trọng đối với quyền căn bản của con người không bị đói ăn, nhưng nó là một dịp để cộng đồng quốc tế chứng tỏ tinh thần trách nhiệm của mình.

Đức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh tổ chức Liên Hiệp Quốc tại New York, đã nói như trên trong bài tham luận đọc trước Ủy Ban kinh tế xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC) về các cộng đồng vùng quê và cuộc khủng hoảng lương thực, hôm mùng 2-7-2008.

Đức Tổng Giám Mục nhận định rằng để thắng vượt cuộc khủng hoảng này các nước đang trên đường phát triển cần đẩy mạnh các cuộc cải cách ruộng đất, cung cấp các dụng cụ canh tác cho nông dân, làm sao đế thăng tiến sự phát triển và đạt tới các thị trường quốc tế. Hiện nay sự phát triển các cộng đoàn nông thôn bị ngăn trở bởi cuộc khủng hoảng lương thực và nền kinh tế tiến chậm tại nhiều nước đang trên đường phát triển. Hậu qủa là mức độ thiếu dinh dưỡng gia tăng tại nhiều vùng trên thế giới và giá cả ngũ cốc tăng vọt tại nhiều nước khác. Đó là một cuộc khủng hoảng kéo theo hệ lụy trên toàn xã hội. Trong số các lý do có các đường lối chính trị kinh tế và nông nghiệp thiển cận tạo ra sự xung khắc giữa nhịp cung và cầu. Ngoài ra còn có nạn đầu cơ tích trữ gia tăng, gía cả xăng nhớt không thể kiểm soát nổi, và các điều kiện thời tiết bất lợi. Chính vì thế cộng đồng thế giới không thể chờ đợi, mà phải có bổn phận trả lời cho cuộc khủng hoảng lương thực này. Thật là không thể tưởng tượng được sự kiện cộng đồng quốc tế không có một ngân qũy đặc biệt dể trợ giúp các dân tộc bị nạn đói đe dọa, trong khi đó thế giới bỏ ra mỗi năm 1.300 tỹ mỹ kim cho các dịch vụ mua bán khí giới. Nhưng để cho sự trợ giúp được hữu hiệu cần phải có nỗ lực thỏa hiệp giữa mọi phe liên hệ để tài trợ cho các chương trình phát triển nông nghiệp dài hạn.
 
Trang Web mới của Ngày WYD 2008: www.wydcrossmedia.org
Anthony Lê
09:54 03/07/2008
Trang Web mới của Ngày WYD 2008: www.wydcrossmedia.org

H2ONews-. "Tất Cả vì Một, và Một vì Tất Cả" (All for One, and One for All) chính là khẩu hiệu nhằm mang đến sự hợp tác giữa các trang Web, các trang Blogs, các Đài Phát Thanh, và Truyền Hình Công Giáo lại với nhau, gồm: Afriradio (Đài Phát Thanh Công Giáo của nước Columbia), Centro Televisivo Vaticano (Đài Truyền Hình CTV của Vaticăn), Donboscoland (Phong Trào Giới Trẻ Salesiano Triveneto của Ý Quốc), H2ONews, Korazym, Lamorfalab, Lemiedomande (một trang Web nhằm trả lời các Câu Hỏi về Tôn Giáo), MISNA (Dich Vụ Thông Tin Truyền Giáo Quốc Tế), Movimento dei Focolari (Phong Trào Focolari), One o five live, Pj Online (trang Web nói về Ơn Gọi Mục Vụ của Thánh Phaolô), Radio Vaticana (Đài Phát Thanh Vaticăn), Telepace, và hãng tin Zenit (của Hoa Kỳ có trụ sở tại Atlanta, GA) đã hợp lực cùng nhau lại để chia sẽ nguồn thông tin chung với nhau, qua mạng lưới Internet, nhằm cung cấp một dịch vụ truyền thông duy nhất và hiệp kết về Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 sắp tới, vốn sẽ được diễn ra tại Sydney, Úc Châu vào ngày 15 tháng 7.



Trang Web hiệp nhất trên có địa chỉ là: www.wydcrossmedia.org

Trang Web này sẽ thâu thập các tin tức và nội dung dưới dạng truyền thông đa phương tiện (multimedia) nhằm cho phép người sử dụng truy cập các tin tức và những diễn biến mới nhất về WYD 2008 dưới dạng văn bản (text), video (hình ảnh), và audio (âm thanh) tức thời. Người dùng cũng có thể tải xuống miễn phí.

Tất cả nội dung đều được trình bày bằng Anh Ngữ, Ý Ngữ, Pháp Ngữ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Riêng tại Úc Châu, các bạn trẻ có thể tham dự WYD 2008 ngay tại nhà qua các video trình chiếu trực tiếp và được gởi tức thời tới các điện thoại di động, cũng như thâu lại các đoạn video trong chốc lát mà không bị bất kỳ một sự cản trở nào.

Sáng kiến này chính là do sự ngẫu hứng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần nhằm mang tất cả các bạn trẻ cùng những người có tài năng về kỷ thuật điện toán lại với nhau nhằm phục vụ cao độ cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội qua các bạn trẻ, để từ đó các bạn trẻ có thể mang ra cho cả thế giới.
 
Kitô giáo phát triển mau chóng tại Trung quốc sau nhiều năm bị đàn áp
Phụng Nghi
16:56 03/07/2008
Bắc kinh (Chicago Tribune) – Từ tòa giảng, Mục sư Jin Mingri đảo mắt nhìn ra phía ngoài và cất giọng nói với tín đồ: “Xin mời ra về.” Những tín hữu này đứng chật cứng trong một văn phòng biến cải thành nơi thờ phượng tại thủ đô Bắc kinh của Trung quốc. “Chúng tôi không đủ chỗ cho những người khác muốn tới sau, vì thế xin mời ra về, chỉ dự một buổi thờ phượng trong ngày mà thôi.”

Kitô giáo – bị đàn áp, bị đặt ra ngoài lề, và trong nhiều trường hợp, bị coi là bất hợp pháp tại Trung quốc trong cả hơn nửa thế kỷ - nay đang lan tràn khắp nước.

Theo một số phỏng định, các giáo hội Kitô giáo, đa số là các giáo hội “chui”, nay có tới 70 triệu tín hữu, ngang bằng với số đảng viên đảng Cộng sản Trung quốc. Trong thực tế, một số các Kitô hữu càng ngày càng gia tăng này lại là chính các đảng viên.

Kitô giáo tăng trưởng mạnh mẽ một phần vì tôn giáo này cống hiến một hệ thống luân lý cho những người công dân nổi trôi vô định trong một thời đại mà chủ nghĩa tư bản phương Tây không những chỉ mang lại những hậu quả nặng nề về tham nhũng và ô nhiễm môi trường, nhưng cũng còn làm thiệt hại đến hình ảnh của những sản phẩm “Made in China (Chế tạo tại Trung quốc)” trên khắp thế giới.

Cũng đồng thời, Kitô giáo đang thúc đẩy công dân Trung quốc tự tin hơn về phương diện chính trị. Từ nhiều thập niên, hầu hết các tín hữu Thiên chúa giáo tại Trung quốc phải thờ phượng lén lút trong các nhà thờ bí mật vì sợ bị bắt.

Nhưng trong nhiều cuộc phỏng vấn thực hiện cho dự án chung "Frontline/World" giữa báo Chicago Tribune và PBS (Public Broadcasting Service, Hệ thống Truyền thông Công cộng), các lãnh tụ tôn giáo và các tín đồ, từ những đô thị phát triển dọc theo bờ biển cho đến các làng mạc trong đại lục, đã lần đầu tiên công khai mô tả cuộc sống tôn giáo của họ.

Họ lặp lại niềm tin dường như được nhiều người chia sẻ cho rằng đã đến lúc nói lên chỗ đứng của họ trong xã hội Trung quốc, lúc mà cả thế giới chăm chú nhìn vào đất nước này cũng như vai trò đăng cai Thế vận hội năm 2008 sắp khai mạc vào tháng 8 tới đây.

Đức tin và luân lý

Kitô giáo lan tràn từ những làng mạc nghèo nàn đến các trung tâm quyền lực ở đô thị thường với sự đồng tình ngấm ngầm của chế độ. Các nhà trí thức, với ảo tưởng tan vỡ do vụ đàn áp tại Quảng trường Thiên an môn năm 1989, nay đang đặt niềm trung thành vào đức tin, chứ không phải vào chính trị; những ông trùm quyền lực được nuôi dưỡng bằng tham nhũng đang đi tìm một quy tắc đạo đức; và đảng viên Cộng sản này đang lý luận xem đức tin của họ có đặt họ vào vị thế xung đột với nhà nước hay không.

Chính phủ hiện đang cho phép các giáo hội được cởi mở và tích cực hơn bao giờ hết, đây là dấu hiệu của sự bao dung mới về tôn giáo trong đời sống công cộng. Ngay cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) năm ngoái cũng đã tổ chức một “buổi học tập” về tôn giáo từ trước tới nay chưa từng có tại Bộ Chính trị; trong buổi học tập này ông nói “kiến thức và sức mạnh của người theo tôn giáo phải được tập trung nhằm xây dựng một xã hội thịnh vượng.”

Ngày nay chính phủ cho biết có 21 triệu người theo đạo Công giáo và đạo Tin lành – tăng 50% trong thời gian chưa đầy 10 năm – mặc dầu số tín đồ chui còn lớn hơn thế rất nhiều.

Mục sư Jin đã không là người tiên phong đi theo tôn giáo lúc mới trưởng thành vào đời. Xuất thân từ một gia đình thế tục, ông theo học trường Đại học Bắc kinh của lớp người được ưu đãi, và gia nhập đảng Cộng sản.

Khi ông còn đang học những năm đầu ở trường đại học, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã dẹp xong bao nhiêu tuần lễ biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên an môn, để lại hàng trăm người chết và làm lung lay niềm tin của những người trí thức trẻ như Jin, những kẻ đã đặt bao nhiêu hy vọng vào nhà nưóc.

Kitô giáo đã cung ứng một lối đi khác thay thế cho thể chế chính thống về chính trị của Trung quốc. Đối với những người đi tìm kiếm điều gì mới mẻ để tin theo, giáo hội hứa cho họ ơn cứu độ, những điều tuyệt đối về luân lý và ý thức được là thành viên của một cơ chế lớn rộng hơn cả đất nước Trung hoa.

Nguồn: Evan Osnos / CHICAGO TRIBUNE
 
Đại Hội Nghị tại Roma của Phong Trào Tổ Ấm Focolare
Đặng Thế Dũng
22:13 03/07/2008
Roma (Apic 2 tháng 7) - Trong suốt tháng 7 này ( từ mùng 1 đến 31 tháng 7), 500 đại biểu cấp cao của Phong Trào Tổ Ấm họp Hội Nghị Khoáng Đại, tại Castelgandolfo. Mục tiêu đầu tiên là từ ngày mùng 1 cho đến mùng 10 tháng 7, các tham dự viên Đại Hội phải chọn xong Vị Thủ Lãnh mới, kế vị Chị Chiara Lubich, đã qua đời hôm ngày 14 tháng 3 vừa qua.

Được biết Hiến Pháp của Phong Trào Tổ Ấm (Focolare) mong muốn vị Thủ Lãnh Phong Trào là một người nữ. Đây là điều có thể thực hiện được, vì đa số những tham dự viên Đại Hội là người nữ.

Trong một điện thư gởi cho Đại Hội và do ĐHY Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Toà Thánh, ký tên, ĐTC Bênêđitô XVI đã yêu cầu 500 đại biểu tham dự Đại Hội hãy tiếp tục chứng tá phúc âm phong phú của Vị Sáng Lập.

Được biết Phong Trào Tổ Ấm Focolare, đã được chị Chiara Lubich thành lập vào năm 1943. Hiện Phong Trào có 140,000 thành viên, được phân chia thành 780 cộng đoàn, hiện diện trong 87 quốc gia trên thế giới. (ĐTD)
 
Top Stories
Hongkong : la mobilisation des chrétiens lors de la manifestation pour la démocratie du 1er juillet ne se dément pas
Eglises d'Asie
10:48 03/07/2008
Comme chaque année depuis onze ans et le retour de Hongkong sous le drapeau chinois en 1997, les milieux pro-démocratie ont organisé, le 1er juillet dernier, dans les rues du centre de l’ancienne colonie britannique, une manifestation pacifique pour réclamer la démocratie et le suffrage universel. Cette année, l’accent de la manifestation portait, comme à l’accoutumée, sur la réforme du mode de scrutin, mais aussi sur les questions économiques et la manière dont l’exécutif local gère la Région administrative spéciale de Hongkong. Et cette année encore, la mobilisation des chrétiens pour cet événement a été forte.

Lors de la veillée de prière qui, chaque année, est organisée au Parc Victoria avant la mise en place du cortège, quelques centaines de catholiques et de protestants étaient réunis. Le cardinal de Hongkong, Mgr Zen Ze-kiun, a pris la parole pour dire son dépit de voir que, onze années après la rétrocession, « la démocratie et le suffrage universel restaient des promesses vides et des rêves lointains ». Le chef de l’exécutif avait promis qu’il ferait siens « les désirs les plus urgents » des Hongkongais; or, il s’avère que « les vraies priorités sont la mise au point d’arrangements politiques surprenants et la création d’une nouvelle aristocratie au service des intérêts de quelques-uns », a ajouté le cardinal. Selon lui, Hongkong ne pourra se maintenir au premier rang des grandes métropoles si les considérables excédents budgétaires ne sont pas utilisés au profit des habitants, notamment les personnes âgées et pauvres. La prière était co-organisée par la Commission ‘Justice et Paix’, la Commission pour le travail du diocèse catholique de Hongkong et cinq groupes protestants.

Parmi les prêtres qui ont pris part à la marche de trois heures entre le Parc Victoria et les bâtiments du gouvernement se trouvait le P. Franco Cumbo, supérieur régional de l’Institut pontifical des Missions étrangères (PIME). Cette année comme tous les ans depuis 2003 (1), le missionnaire italien s’est décidé à défiler malgré ses craintes de voir le mouvement perdre de vue son objet initial. De récentes initiatives prises par le gouvernement l’ont toutefois persuadé de défiler une fois encore: « Je suis en colère contre le chef de l’exécutif, Donald Tsang Yam-kuen. Il est catholique, assiste à la messe tous les jours, mais pourquoi donc ne peut-il pas amener, dans un esprit catholique, son administration à se montrer plus sensible au sort des pauvres ? »

Le slogan sous lequel ont défilé 47 000 personnes (selon Civil Human Rights Front, le comité organisateur) – 15 500 selon la police – était « One Dream, One Human Rights », calqué sur « One World, One Dream », le slogan des Jeux olympiques de Pékin. Outre les traditionnelles banderoles en faveur de la démocratie et celles concernant, cette année, les victimes du tremblement de terre du Sichuan ou du cyclone Nargis en Birmanie, nombre de pancartes et de slogans faisaient référence au dernier sujet d’indignation en date, à savoir, en mai dernier, le recrutement à prix d’or par le gouvernement de huit sous-secrétaires et de neuf conseillers politiques, dont certains peu expérimentés. « Le salaire mensuel d’un sous-secrétaire, environ 200 000 dollars de Hongkong (16 000 euros), équivaut à deux années de salaire d’un travailleur manuel. Si le gouvernement a tant d’argent, pourquoi ne peut-il pas l’utiliser pour les plus pauvres ? », s’interroge le P. Cumbo.

(1) En 2003, 500 000 personnes (sur une population de 7 millions de Hongkongais) avaient manifesté et obtenu le retrait d’un projet de loi anti-subversion.

(Source: Eglises d'Asie - 3 juillet 2008)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới trẻ Giáo phận Mỹ Tho lên đường tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới 2008
GP Mỹ Tho
18:44 03/07/2008
MỸ THO - Trong những ngày qua, Giới trẻ Giáo phận Mỹ Tho đã ráo riết chuẩn bị cho việc tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Sydney, Úc, diễn ra từ ngày 15 đến 20-7 tới đây với chủ đề “Anh em sẽ được nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy”. Để hoà vào không khí chung của các bạn trẻ thế giới, giới trẻ Giáo phận Mỹ Tho đã họp mặt, học hỏi và chia sẻ chủ đề tại Văn phòng Mục vụ Giới trẻ của Giáo phận. Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang, Trưởng ban Mục vụ Giới trẻ của Giáo phận cho biết tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới lần này, đoàn Mỹ Tho có 22 người tham dự trong tổng số 350 người toàn đoàn Việt Nam. Mặc dù mọi chi phí của chuyến đi đều do các bạn trẻ tự túc nhưng các bạn vẫn hăng say và nhiệt tình trong mọi công tác dành cho chuyến đi lần này. Đến với Đại hội, các bạn trẻ cùng với quý Cha trong Ban Mục vụ Giới trẻ đã chuẩn bị tiết mục văn nghệ: “ Việt Nam – 4000 năm rực rỡ gấm hoa” để tham dự chương trình văn nghệ giao lưu.

Tối nay 3/7/2008, các bạn trẻ sẽ lên đường, và sẽ trở về Việt Nam vào cuối tháng 7 này. Hy vọng các bạn trẻ Giáo phận Mỹ Tho cũng như Giới trẻ Công giáo Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành công và học hỏi nhiều điều tốt đẹp trong chuyến đi này.

Một vài hình ảnh Giới trẻ Giáo phận Mỹ Tho chuẩn bị cho việc tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Sydney, Úc, 2008, gồm họp phân chia chủ đề, tập dượt văn nghệ, tiết mục văn nghệ trình diễn tại WYD 2008 ơ Úc, và hình chụo trước khi lên đường.
 
Tóm tắt về hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị CHAN và HIV ở Thuỵ Sĩ, Pháp và Đức
LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
18:56 03/07/2008
Tóm tắt về hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị CHAN và HIV ở Thuỵ Sĩ, Pháp và Đức

Trích yếu: Tường trình tóm tắt về hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị CHAN ở Geneva, Thuỵ Sĩ, với Secours Catholique - Caritas France (SCCF), tại Pháp và với Caritas Germany, tại Đức.

Kính thưa Đức cha Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội,

Kính thưa Quý Hồng y và Quý Đức cha,

Con xin thay mặt cho đoàn Việt Nam, trong tư cách là Tổng Thư ký Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH), vừa mới tham dự các hội nghị liên quan đến các công tác bác ái xã hội để tường trình tóm tắt về hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị CHAN ở Geneva và các buổi làm việc với Secours Catholique – Caritas France (SCCF), tại Pháp và với Caritas Germany, tại Đức.

Bản tường trình chi tiết sẽ được trình lên Đức Hồng y và Quý Đức cha sau này cùng với báo cáo của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt trong tư cách là trưởng đoàn đại biểu tại Hội nghị CHAN về HIV/AIDS ở Geneva.

1. Hội nghị Quốc tế về HIV/AIDS của CHAN ở Geneva

Đức ông Vitillo và Đoàn Việt Nam
Để chuẩn bị cho Hội nghị Quốc tế này, UBBAXH đã tổ chức một hội thảo vào ngày 27-5-2008, tại Trung tâm Công giáo, 72/12 Trần Quốc Toản, TP.HCM, với sự tham dự của hơn 30 đại biểu đến từ 12 giáo phận quan tâm nhiều đến vấn đề HIV/AIDS và đã soạn thảo nên chương trình hành động trong giới Công giáo về HIV/AIDS tại Việt Nam.

Đoàn Việt Nam gồm Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt là trưởng đoàn; Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UBBAXH; Lm. G.B. Phương Đình Toại, MI., điều phối viên mục vụ về HIV thuộc Tổng Giáo phận TP.HCM; Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hiền, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Huế. Đoàn Việt Nam đến Geneva ngày 2-6-2008. Đức ông Robert Vitillô, Chủ tịch đoàn Chủ tịch CHAN đã tận tình đón tiếp và giúp đỡ đoàn Việt Nam trong suốt thời gian hội nghị.

Hội nghị đã dành trọn ngày 3-6-2008 để đoàn Việt Nam báo cáo tình hình HIV/AIDS ở Việt Nam và việc đối phó hiện nay của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam trước đại dịch này. Sau đó, đại diện các tổ chức Misereor Đức, Caritas Đức, Catholic Relief Service Hoa Kỳ tường trình các hoạt động tài trợ và cùng bàn luận với đoàn Việt Nam về phương hướng hành động trong tương lai.

Buổi tối, đoàn được Đức Tổng Giám mục Sứ thần Toà Thánh tại Geneva tiếp đón và dùng bữa tối tại Toà Sứ Thần vì ngài rất quan tâm và yêu mến Việt Nam.

Từ ngày 4 đến 6-6-2008, đoàn được tham dự các buổi thảo luận của các thành viên CHAN về các hoạt động chữa trị và phòng ngừa, cách sử dụng những thuốc mới và những tiến bộ của việc chữa trị HIV/AIDS trong năm qua do những chuyên viên thuộc các tổ chức của Liên Hiệp Quốc trình bày. Hội nghị cũng bàn về khía cạnh thần học mục vụ và đại kết trong việc phòng ngừa HIV/AIDS. Đoàn Việt Nam đã học hỏi được nhiều điều mới lạ từ hội nghị này. Các tham dự viên bày tỏ lòng quý mến và ngưỡng mộ đối với bản trình bày xúc tích và cả điểm mới lạ về bối cảnh xã hội, văn hoá của đoàn Việt Nam. Đại biểu của các tổ chức cam kết sẽ giúp đỡ Việt Nam, đặc biệt là Giáo hội Việt Nam trong việc phòng chống đại dịch HIV/AIDS.

2. Hội nghị với Secours Catholique - Caritas Pháp

Rời Geneva vào sáng ngày 7-6-2008, đoàn Việt Nam gồm Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và Lm. G.B. Phương Đình Toại đã đến Pháp vào buổi trưa cùng ngày để làm việc về những vấn đề 2 bên cùng quan tâm. Đoàn đã làm việc với ông Aloysius John, cô Delphine, ông Philipphe Simon, bà Madaleine Alambret trong suốt 2 ngày 9 và 10-6-2008. SCCF đã quan tâm đến các hoạt động bác ái xã hội của Giáo hội Công giáo Việt Nam, việc mở lại hoạt động của Caritas Việt Nam và hội ý với UBBAXH về các dự án mà SCCF đang thực hiện ở Việt Nam. SCCF hứa đóng góp vào quỹ dự phòng thiên tai của Hội đồng Giám mục Việt Nam để tạo điều kiện cho UBBAXH hoạt động, cam kết sẽ trợ giúp hoạt động của các Ban BAXH của giáo phận và đề nghị UBBAXH giúp đỡ SCCF để các dự án đi sát với thực tế và hiệu quả hơn. SCCF cũng sẽ gửi chuyên viên để đào tạo cho UBBAXH và các Ban BAXH giáo phận về việc báo cáo tài chính và kiểm toán cho phù hợp với đòi hỏi của các cơ quan quốc tế hiện nay.

3. Hội nghị với Caritas Germany

Rời Paris lúc 7 giờ sáng ngày 11-6-2008, đoàn đáp xe lửa sang Đức và đến Freiburg, trụ sở của Caritas Đức vào lúc 12 giờ cùng ngày. Đoàn được tiến sĩ Oliver Mller, Trưởng Ban Quốc tế; cùng với bà Christine Wegner-Schneider, điều phối viên của chương trình, tiếp đón. Sau khi giới thiệu những hoạt động của nhau cũng như những vấn đề cùng quan tâm và bàn thảo trong chương trình nghị sự, đoàn Việt Nam về nghỉ tại khách sạn gần đó để lại tiếp tục làm việc vào lúc 16 giờ đến 18g30 với tiến sĩ Reinhard Wrkner, Trưởng phòng châu Á về Chương trình Phòng chống HIV ở Việt Nam. Đoàn ăn tối với ông bà Gnter Hưlter, Cựu Trưởng bộ phận Quốc tế của Caritas Germany, tại thành phố Saint Peter/ Black Forest.

Ngày 12-6-2008, sau Thánh lễ tại nhà nguyện trung tâm của Caritas Đức, vào lúc 8g40, đoàn làm việc với tiến sĩ Reinhard Wrkner, bà Christine, cô Vogt về việc liên kết giữa 2 đoàn để phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, về việc trợ giúp cho hoạt động của UBBAXH và các hoạt động của Ban BAXH giáo phận. Đoàn cũng làm việc với ông Klaus Snger về chương trình kế toán để báo cáo các hoạt động về mặt tài chính. Sau bữa ăn trưa, đoàn làm việc với cô phóng viên Monika Hoffmann, phỏng vấn về các hoạt động bác ái và HIV/AIDS tại Việt Nam. Đoàn tiếp tục làm việc với tiến sĩ Reinhard Wrkner và với ông Karl Ammann, chuyên viên Phòng chống Thiên tai về các hoạt động giảm thiểu thiệt hại thiên tai dựa vào cộng đồng.

Caritas Đức cam kết sẽ giúp đỡ UBBAXH - Caritas Việt Nam trong việc củng cố và phát triển mạng lưới hoạt động tại các giáo phận, tăng cường cường cho văn phòng uỷ ban ở trung ương và tài trợ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Sáng sớm ngày 13-6-2008, đoàn đáp xe lửa từ Freiburg trở lại Paris vào lúc 11 giờ; và 13g30 cùng ngày, từ phi trường Paris, đoàn trở về Việt Nam và đến phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 10g30 ngày 14-6-2008.

Chúng con xin hết lòng cám ơn Quý Hồng y và Quý Đức cha đã cầu nguyện và chúc lành cho chuyến đi của chúng con được thành công tốt đẹp.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tổng Thư ký UBBAXH


----

BÀI PHÁT BIỂU TẠI HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN CỦA CHAN TẠI GENEVA

TỪ NGÀY 3 ĐẾN 6-6-2008

Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam


Kính thưa:

Đức Ông Robert Vitillô, Chủ tịch,

Quý vị đại biểu, khách quý,

Các bạn tham dự viên thân mến,

Trước hết, thay mặt cho đoàn đại biểu Việt Nam, chúng tôi xin trân trọng chào mừng Đức ông Robert Vitillo và tất cả các bạn đang hiện diện trong Hội nghị này.

Thật là một vinh dự lớn lao cho đoàn đại biểu Việt Nam lần đầu tiên được tham dự Hội nghị Thường niên của CHAN với tư cách là đoàn chính thức do Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) cử đi. Chúng tôi hết lòng cám ơn Đức ông Chủ tịch Robert Vitillo và các bạn bè đã dành riêng một ngày cho Việt Nam để tìm hiểu về tình trạng HIV tại Việt Nam và những đáp ứng của Giáo Hội đối với tình trạng này. Tấm lòng ưu ái của các bạn càng thúc đẩy chúng tôi dấn thân cho những người anh chị em đau khổ đang có HIV tại đất nước chúng tôi.

1. Giới thiệu thành viên của đoàn Việt Nam

Đến với Hội nghị lần này, HĐGMVN đã muốn đề cử chính vị Chủ tịch của HĐGMVN là Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, nhưng vì ngài phải công tác ở bên Đức và một vài nước châu Âu nên HĐGM đề cử tôi là TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Thư ký HĐGMVN đi thay. Hơn nữa, trong tháng Giêng vừa qua (từ ngày 14 đến 16-1-2008), một cuộc Hội thảo Quốc tế về HIV được tổ chức tại Toà Giám mục Hà Nội với 74 tham dự viên đến từ 14 giáo phận và 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Đức ông Robert Vitillo đã dành nhiều thời giờ để hướng dẫn cho các đại biểu.

Cùng đi trong đoàn lần này có Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký Uỷ ban Bác ái Xã hội của HĐGMVN; Lm. J.B. Phương Đình Toại, MI, điều phối các hoạt động mục vụ về HIV của Toà Tổng Giám mục TP.HCM; Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hiền, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, thành viên của Ban Mục vụ về HIV của Tổng Giáo phận Huế. Như thế là chúng tôi có đủ thành phần đại biểu của 3 giáo tỉnh trong Giáo hội Việt Nam.

2. Điểm qua tình hình HIV ở Việt Nam

Chắc chắn quý vị đã biết rất rõ về tình hình lây nhiễm và lan rộng HIV nhanh chóng ở Việt Nam hơn chúng tôi. Kể từ lần đầu tiên phát hiện người nhiễm HIV, vào tháng 12-1990, đến cuối năm 1999, Bộ Y tế ước tính có 90.000 người, và đến cuối năm 2007, số người nhiễm lên tới 300.000 người. Mỗi ngày có khoảng 100 người nhiễm HIV mới và 40 người chết vì AIDS. Đây là con số kinh hoàng vì hơn cả số người chết do tai nạn giao thông (30 người/ngày).

Tuy nhiên, đây có thể mới chỉ là con số ước lượng đã được hạ thấp. Chúng tôi nghĩ rằng con số này có thể cao hơn vì sự lây lan qua đường tình dục ngày một tăng cao, với 55.000 cô gái mại dâm đang hành nghề. Nếu chỉ có 5% các cô gái này nhiễm HIV thì số người nhiễm HIV mới mỗi ngày có thể lên gấp 3 lần con số phỏng đoán hiện tại. Trong một đất nước đang phát triển như ở Việt Nam, phụ nữ nhiều hơn nam giới (gần 51%) mà trình độ văn hoá rất thấp (chỉ mới qua bậc tiểu học), nghề nghiệp chuyên môn không có, đa số là nghèo đói (chiếm 22% dân số), thì mại dâm là một phương tiện để sống còn đối với một số người và cũng là con đường lây lan HIV nhanh chóng cho nhiều người khác.

Trong thời gian từ 1990-2005, đa số người nhiễm HIV là những người nghiện ma tuý vì đã dùng chung kim chích với nhau. Số người nghiện ma tuý hiện nay cũng còn rất lớn: 180.000 người. Vấn đề phòng chống HIV ở Việt Nam khác với nhiều nước khác là nó gắn liền với việc phòng chống ma tuý. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là cầu nối quan trọng để đưa ma tuý từ Tam Giác Vàng giữa Thái Lan, Myanmar qua Lào, Campuchia để vào Việt Nam và đi tới nhiều nước trên thế giới, nhất là trong nền phát triển thương mại thế giới như hiện nay.

Như thế, việc lây nhiễm HIV ở Việt Nam gắn bó nhiều với các vấn đề xã hội khác như nghiệm ma tuý, mại dâm, nghèo đói, di dân, thất học và cả nền thương mại thế giới. Bài phát biểu của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn sẽ giới thiệu với quý vị những nguyên nhân sâu xa gây nên tình trạng này.

3. Đường hướng hoạt động của Giáo Hội ở Việt Nam trong lĩnh vực HIV

Chúng tôi phải thú nhận rằng, hoạt động về lĩnh vực HIV của Giáo Hội tại Việt Nam còn rất ít và rất yếu do nhiều nguyên nhân khác nhau mà chúng ta sẽ cùng phân tích trong cuộc Hội thảo. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên khái quát một vài đường hướng hoạt động của Giáo hội Việt Nam như sau:

3.1. Hội đồng Giám mục Việt Nam trao trách nhiệm cho Uỷ ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam tổ chức và phối kết các hoạt động phòng chống HIV trên toàn quốc và liên kết với cộng đồng thế giới. Muốn thế, cần tổ chức cơ cấu cho các Ban Bác ái Xã hội - Caritas giáo phận có văn phòng và nhân viên làm việc thường trực với phương tiện làm việc tối thiểu để hoạt động bác ái xã hội, đặc biệt là hoạt động về HIV/AIDS. Thực ra cho đến nay, ngoài Văn phòng Uỷ ban Bác ái Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam có cơ cấu đơn giản, mới chỉ có Tổng Giáo phận TP.HCM là có một văn phòng lo cho người HIV/AIDS với một số nhân viên phục vụ. Còn lại 25 giáo phận khác hầu như chưa có gì về HIV/AIDS.

3.2. Muốn phòng chống HIV/AIDS hiệu quả phải chú ý đến lĩnh vực truyền thông cho quần chúng có đạo cũng như không có đạo.

Việc truyền thông này Nhà nước cũng đã làm trong những năm qua bằng một vài hình ảnh trên tivi, bài viết trên báo chí nhân ngày HIV hằng năm, hoặc một số tổ chức thiện nguyện đi phát các poster hay tờ bướm về HIV/AIDS, hoặc một vài biểu ngữ gắn trên đường phố. Tuy nhiên, những hình ảnh ghê sợ, lời ghi tiêu cực đã làm cho dân chúng khiếp sợ, xa lánh và kỳ thị đối với người có HIV và chúng cũng gây ra nhiều ngộ nhận với giáo huấn của Giáo Hội như vấn đề sử dụng bao cao su hoặc phá thai. Vì thế, Giáo Hội cần phải có một nội dung truyền thông thích hợp, tích cực và đầy tình yêu thương với người có HIV.

Nội dung truyền thông này cần được thống nhất và được truyền bá cho nhiều thành phần dân Chúa, nhất là những người tín hữu giáo dân trong các giáo xứ để họ loan báo cho các anh chị em trong địa phương mình.

Nội dung truyền thông cũng không phải chỉ nói về việc phòng chống HIV/AIDS mà còn là những bài học nhân bản dạy về việc tôn trọng sự sống, tôn trọng tình yêu cao thượng và chung thuỷ, dạy những kỹ năng sống cho các bạn thanh niên, sức khoẻ sinh sản cho người phụ nữ, thậm chí cả việc tổ chức tín dụng nhỏ để họ vượt qua đói nghèo.

Uỷ ban Bác ái Xã hội đã thực hiện một số buổi truyền thông cho hai giáo phận Long Xuyên và Cần Thơ trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Uỷ Ban cũng đang cùng với Ban Truyền thông biên soạn một số nội dung truyền thông cần thiết.

3.3. Để giúp đỡ những người HIV hiệu quả

- Cần phải để ý đến đời sống của những người HIV/AIDS vì đa số họ là những người nghèo. Một số cô gái mại dâm dù biết mình nhiễm HIV vẫn phải hành nghề vì phải nuôi sống mình hay gia đình mình mỗi ngày. Do đó, phải giúp cho họ có công ăn việc làm bằng sự trợ giúp như dạy nghề, vay vốn tín dụng nhỏ, nhất là giúp cho cộng đồng không kỳ thị và xua đuổi họ.

- Trong hoàn cảnh còn khó khăn hiện nay, nhiều chính quyền địa phương rất ngại quy tụ những người nghiện ma tuý hay nhiễm HIV/AIDS vào một cơ sở nhất định vì sợ lây nhiễm, sợ mất danh hiệu văn hoá hoặc nhiều lý do khác; các giáo phận, giáo xứ có thể dùng tạm cơ sở nhà xứ hay Ban Mục vụ để làm chỗ tham vấn cho người HIV. Từ cơ sở này ta có thể nhờ một số bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý chăm sóc cho người có HIV, hoặc nhờ các linh mục, tu sĩ tham vấn cho họ về vấn đề tâm linh.

- Ban Bác ái Xã hội giáo phận hay giáo xứ có thể lập danh sách những người có HIV hoặc những người đã đến tình trạng AIDS đang phải sống nghèo khổ, thiếu thuốc chữa trị để nhờ cộng đồng địa phương hay tổ chức khác giúp đỡ. Nhất là khi họ qua đời, họ cũng cần được an táng một cách đầy đủ và xứng đáng.

- Ban Bác ái Xã hội Trung ương và Giáo phận sẽ cố gắng gây ý thức để có nhiều tổ chức, cộng đồng dân Chúa, nhất là những người thân trong gia đình có người nhiễm HIV, tích cực chia sẻ và giúp đỡ những nạn nhân này.

Kính thưa Quý vị,

Trên đây chỉ là một vài nhận định sơ khởi trong ngày làm việc của CHAN dành cho Việt Nam. Cầu chúc cho Hội nghị thành công tốt đẹp.

Chân thành cám ơn Quý vị đã lắng nghe.

+ Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam
 
Bài phát biểu về phòng chống HIV/AIDS của người Công giáo Việt Nam tại Nghị Hội Geneva
LM Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
19:03 03/07/2008
CHƯƠNG TRÌNH THAM GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS
CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM


(Bài phát biểu của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn tại Hội nghị CHAN)

LỜI MỞ ĐẦU

Năm 1990, Việt Nam phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đầu tiên. Tính đến 31-8-2007, con số người nhiễm tính khoảng 293.000 người. HIV có mặt trong tất cả 64 tỉnh thành, 96% trong tổng số 659 quận huyện và 66% trong số 10.732 phường xã. Số người nhiễm HIV trong độ tuổi từ 20-39 là 78,9% và 85,2% là nam giới (x. Báo cáo của Nhà nước Việt Nam về Cam kết Phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội, 1-2008, tr. 6). Nhà Nước cũng như nhiều tổ chức nhân đạo trong cũng như ngoài nước đã có nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn đại dịch này. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như ý muốn. Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, mỗi ngày có hơn 100 trường hợp nhiễm HIV mới và 40 người chết vì AIDS. Tính đến thời điểm này, ngày 3-6-2008, số bệnh nhân nhiễm HIV đã lên tới trên 300.000 người. Con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Dân tộc Việt Nam đang phải đối mặt với một nạn dịch gây kinh hoàng cho cả thế giới, và nếu không hành động nhanh chóng để phòng chống thì đại dịch này có thể ảnh hưởng lớn lao đối với tương lai dân tộc. Tổ chức Công giáo Liên kết Phòng chống HIV/AIDS (CHAN: Catholic HIV AIDS Network) đã dành riêng một ngày cho Việt Nam (3-6-2008) trong Hội nghị được tổ chức ở Geneva, Thuỵ Sỹ, để bàn về các Chương trình Phòng chống HIV/AIDS trên toàn thế giới, từ 4 đến 6-6-2008.

Đại dịch này ở Việt Nam có nhiều điểm đặc biệt cần phải mổ xẻ và phân tích kỹ lưỡng so với một số nước trên thế giới mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây. Tuy nhiên, trước tiên nó là một vấn đề xã hội toàn diện mà mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội cần ý thức và góp phần giải quyết. Với ý thức rằng Giáo hội Việt Nam là một thành phần trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, và xa hơn nữa là cộng đồng thế giới, chúng tôi xin trình bày dự án này trong tinh thần cộng tác và liên kết với mọi người.

Bài trình bày chuẩn bị cho dự án gồm mấy phần chính sau đây:

Tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam.
Phân tích tình trạng lây nhiễm theo bối cảnh văn hoá và xã hội.
Đường hướng phòng chống đại dịch HIV/AIDS theo tinh thần cởi mở và liên kết.
Dự án dành cho những người có HIV/AIDS và cho truyền thông xã hội để ngăn ngừa.

1. TÌNH TRẠNG LÂY NHIỄM HIV/AIDS Ở VIỆT NAM

Tình trạng lây nhiễm nhanh chóng HIV ở Việt Nam không phải bắt nguồn từ một hai lý do đơn giản như tiêm chích ma tuý hay hoạt động mại dâm, nhưng nó còn gắn liền với nhiều nguyên nhân khác. Chúng ta có thể lược qua rất nhanh một số nguyên nhân cơ bản sau:

1.1. Tiêm chích ma tuý

Theo thống kê của Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội đưa ra tại Hội nghị Song phương về Hợp tác Phòng chống Ma tuý giữa Thái Lan và Việt Nam, ngày 28 đến 29-5-2008, tại Đà Nẵng, số người nghiện ma tuý ở Việt Nam tính đến cuối năm 2007 là gần 200.000 người, tăng 11% so với năm 2006. Điều đáng lo ngại là số người nghiện ma tuý ở độ tuổi 18-30 chiếm đến 65,9%, tỷ lệ tái nghiện sau cai là 70-95%. Nguy hiểm hơn là số học sinh trung học tại cơ sở nghiện ma tuý đã tăng từ 28% (1995) lên 40,5% (2007) và học sinh trung học phổ thông tăng từ 7,1% (1995) lên 34,9% (2007) (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 29-5-2008, tr.2).

Tỷ lệ người nhiễm HIV chiếm khoảng 33%, phần lớn là do sử dụng chung kim chích với nhau, nhất là trong các trại tập trung. Thành phố Hồ Chí Minh là một đơn vị có nhiều hoạt động trong lĩnh vực thu gom những người nghiện ma tuý để giáo dục tập trung khoảng 40.000 người, trong số 57.000 người nghiện ma tuý đang sống trong 83 trung tâm cai nghiện ma tuý trên cả nước, tính đến cuối năm 2006. Tuy nhiên, số người sử dụng ma tuý vẫn không ngừng gia tăng trong xã hội và các vụ án mua bán ma tuý với số lượng lớn vẫn được các cơ quan an ninh khám phá thường xuyên. Số người tái nghiện sau khi rời khỏi trung tâm rất cao, từ 70%-80% (x. Khuất Thị Hải Oanh, Đương đầu với HIV/AIDS ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, tháng 11-2007, tr.18).

1.2. Hoạt động mại dâm

Số người hoạt động mại dâm trên cả nước ước tính khoảng 100.000. Bộ Lao động và Thương binh Xã hội đã đưa ra con số 55.000 cô gái hoạt động mại dâm được quản lý, tính đến tháng 6-2007. Tuy nhiên, con số thực tế chắc chắn là cao hơn. Báo Tuổi Trẻ nói đến 27.000 cô gái mại dâm tuổi từ 14-18 đang hoạt động trong vùng biên giới Cambodia và Việt Nam với tỷ lệ lây nhiễm HIV rất cao.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người bán dâm nữ ước tính là khoảng 6,5% (2004), nhưng ở một số thành phố như TP.HCM và Hà Nội, tỷ lệ này lên tới 15,5%-15,6% (x. Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Bản tin JVnet, tháng 12-2007, tr.20). Các bằng chứng dịch tễ học cho thấy HIV đang lan truyền ra ngoài các nhóm nguy cơ cao thông qua bạn tình của những người mua dâm. Trong năm 2005, ước tính khoảng 75% trường hợp mới nhiễm HIV là do lây qua đường tình dục (x. Khuất Thị Hải Oanh, Đương đầu với HIV/AIDS ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, tháng 11-2007, tr.14).

Nếu giả thiết có khoảng 5% trong số 100.000 cô gái mại dâm nhiễm HIV, tức là 5.000 người, và nếu mỗi người đó tiếp từ 1-5 người khách mỗi ngày thì số người nhiễm HIV mỗi ngày không còn là 100 người theo ước tính của Chính quyền, mặc dù 90,4% gái mại dâm cho biết có sử dụng bao cao su với khách hàng thường xuyên trong những lần quan hệ tình dục gần đây nhất để phòng ngừa việc lây nhiễm HIV (x. Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Bản tin JVnet, tháng 12-2007, tr. 21). Đây là điểm cần chú ý trong việc truyền thông về việc tiết dục (abstinence), chung thuỷ trong tình yêu (be faithful in marriage) và trong sáng trong quan hệ tình dục (clearness in love) để ngăn ngừa việc lây nhiễm HIV qua đường tình dục.

1.3. Tình trạng nghèo khổ và di dân

Việt Nam là một nước đang phát triển với số người nghèo chiếm 22% dân số, tính theo tiêu chuẩn quốc tế (<1 USD/ngày). Do tình trạng đô thị hoá, nhiều nông dân đã bỏ đồng ruộng để tìm việc làm tại những thành phố lớn. Số di dân hiện nay khoảng 8 triệu người, trong số đó có khá nhiều phụ nữ. Những người này do trình độ văn hoá thấp (cấp tiểu học), không có tay nghề chuyên môn nên họ rất dễ bị lôi cuốn vào những nghề có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như bán hàng ở các quán cà phê, quán bia trá hình, massage, quán nhạc karaoke, tiếp viên khách sạn…

Những di dân nam giới, do tình trạng xa nhà, xa gia đình, xa vợ con, để giải quyết nhu cầu sinh lý, thường tìm gặp các cô gái mại dâm. Sau khi bị lây nhiễm HIV từ những cô gái này, mà chính bản thân họ cũng không biết, họ lại vô tình làm lây nhiễm cho những người thân khi trở về gia đình trong những dịp lễ Tết. Ở đây, chúng ta đặc biệt nói đến những công nhân di dân nghèo khổ nơi các đô thị lớn. Do tình đồng hương hay đồng nghiệp, họ thường mướn nhà ở chung với nhau, năm ba người một phòng, để giảm bớt chi phí. Tình trạng sống chung đụng nam nữ giữa những người này cũng là một nguồn lây nhiễm HIV.

Chúng ta cũng lưu ý đến tình trạng thiếu cân đối về giới tính trong cơ cấu dân số ở Việt Nam: nam thiếu, nữ thừa. Từ năm 1995 đến nay, nữ trung bình chiếm 51% so với nam là 49% dân số (x. Tổng Cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2006, NXB Thống Kê, Hà Nội 2007, tr.39). Con số hàng triệu người phụ nữ thừa ra trong khi luật hôn nhân một vợ một chồng đã tạo nên nhiều khó khăn cho những người phụ nữ yếu kém trong xã hội vì không biết nương tựa vào ai để sống và đành bán rẻ thân xác của mình. Họ đã trở thành nạn nhân dễ dàng bị lây nhiễm HIV.

1.4. Các phương tiện truyền thông đại chúng

Việt Nam là một trong những nước phát triển rất nhanh về công nghệ thông tin và số người sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu như trang web, Internet, diện thoại di động mỗi năm tăng rất nhanh, và hiện nay đang chiếm khoảng 1/3 dân số, nhất là đối với giới trẻ. Mạng thông tin toàn cầu tuy mang lại nhiều lợi ích và giá trị tích cực nhưng có nguy cơ truyền bá những phim ảnh đồi truỵ, lối sống hưởng thụ vật chất, cổ vũ những quan hệ tình dục phóng túng.

Điều này tác động nhiều đến lớp thanh thiếu niên được giáo dục trong môi trường xã hội chủ nghĩa. Nền giáo dục này chú trọng đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật, ít quan tâm đến mặt đạo đức và các giá trị nhân bản, nhất là tín ngưỡng vẫn ẩn sâu trong lòng người Việt từ bao nhiêu thế kỷ nay. Ở Việt Nam, mỗi năm có cả triệu sinh viên mới, trong mấy năm ở đại học, nhiều sinh viên đã có những quan hệ tính dục sớm với các cô gái mại dâm hay với những bạn học. Số người nhiễm HIV trong giới sinh viên gia tăng một cách đáng kể trong những năm gần đây. Nghiên cứu Điều tra Quốc gia về Vị Thành niên và Thanh niên Việt Nam tuổi từ 14-25 (SAVY) năm 2004 cho thấy 21,5% nam thanh niên độc thân và 1% nam thanh niên đã lập gia đình có quan hệ tình dục với gái mại dâm. Hơn 1/3 nam thanh niên thành thị độc thân và 1/4 nam thanh niên nông thôn độc thân có quan hệ tình dục trước hôn nhân và tuổi quan hệ lần đầu trung bình là 19,6 (x. Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Bản tin JVnet, tháng 12-2007, tr.20).

Các chương trình truyền hình thường trình chiếu những phim ảnh của các nước giàu có với nếp sống xa hoa, những bìa tạp chí hầu như chỉ giới thiệu những khuôn mặt thiếu nữ tươi đẹp với những bộ quần áo thời trang đắt tiền… như ngấm ngầm thúc đẩy những người trẻ yếu kém về mặt đạo đức sống buông thả theo những tham vọng và dục vọng. Tình trạng này phản ánh qua cách sống hiện nay của các em học sinh trung học với những vụ bán dâm để kiếm tiền tiêu xài, những vụ phá thai trong độ tuổi vị thành niên, với số thuốc ngừa thai được sử dụng phổ biến trong giới học sinh. Theo các nhà xã hội, số ca phá thai trung bình từ 1,4 triệu đến 2 triệu ca/năm. Những quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân của các thanh thiếu niên là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho đại dịch HIV/AIDS lan rộng.

1.5. Thái độ của cộng đồng xã hội đối với những người nhiễm HIV

Qua những hình ảnh tuyên truyền mang tính tiêu cực, những người nhiễm HIV hay nghiện ma tuý hoặc mại dâm thường bị cộng đồng xã hội lên án, xa lánh và phân biệt đối xử khiến cho những người này luôn cảm thấy tủi nhục, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề cuộc sống. Thậm chí có những gia đình do thiếu hiểu biết đã xua đuổi chính con cái của mình. Những người này phải sống một cách lén lút nơi những phòng trọ, do tình trạng nghèo khổ không kiếm được tiền họ phải sống lang thang, chui rúc nơi những gầm cầu hay những chỗ hoang vắng bẩn thỉu.

Có những địa phương vì muốn bảo vệ danh hiệu “xã anh hùng”, “ấp văn hoá” của mình nên đã không chấp nhận những người dân của họ lỡ sa vào những vấn nạn xã hội trên. Rất nhiều người trong chính quyền địa phương hoặc những người giữ gìn an ninh trật tự như công an, dân phòng đã đối xử với những nạn nhân này như những tội phạm.

Ngay trong các xứ đạo, nhiều tín hữu, ngay cả một vi linh mục, có những quan niệm rất khắt khe đối với những người bất hạnh này. Họ cho rằng những người nhiễm HIV là những kẻ chơi bời phóng túng. Những gia đình có người nhiễm HIV sợ bị tai tiếng nên đã phải gửi những bệnh nhân này đi xa hoặc sống lén lút ngay tại nhà mình. Khi những bệnh nhân AIDS xin lãnh bí tích Xức Dầu hoặc gia đình xin an táng, có linh mục đã từ chối vì thiếu hiểu biết và sợ lây nhiễm khi đến gần họ. Do việc tuyên truyền HIV ở ngoài xã hội thường giới thiệu cách sử dụng bao cao su nên nhiều tín hữu và thậm chí linh mục đã cho việc tuyên truyền này là chống lại giáo huấn của Giáo Hội.

Vì thế, có những người nhiễm HIV đã bất mãn nên trả thù đời bằng cách gây nhiễm cho nhiều người khác. Thực ra, có những người nhiễm HIV do một hành động yếu đuối hay lỡ lầm của mình nhưng thực tế họ vẫn là những con người cần được tôn trọng, yêu thương vì họ là những nạn nhân đáng thương do cơ chế hoặc hoàn cảnh xã hội gây nên.

Những nguyên nhân chúng tôi vừa kể ra trên đây mới chỉ là bề mặt của hiện trạng HIV/AIDS ở Việt Nam. Có lẽ chúng ta cần phải tìm hiểu sâu xa hơn về bối cảnh văn hoá xã hội của hiện trạng này thì mới có thể xác định được đường hướng đúng đắn để phòng chống hiệu quả.

2. PHÂN TÍCH TÌNH TRẠNG LÂY NHIỄM THEO BỐI CẢNH VĂN HOÁ VÀ XÃ HỘI

Chúng tôi muốn phân tích sâu xa hơn những nguyên nhân trên đây để tìm hiểu tại sao việc lây nhiễm HIV lại kéo dài và nhanh chóng như vậy dù có nhiều hoạt động phòng chống của Nhà Nước cũng như của cộng đồng. Chúng tôi muốn lưu ý đến quan niệm dễ dãi về quan hệ tính dục của một số nam giới, bắt nguồn từ bản sắc văn hoá xã hội lâu đời của người Việt và chiến lược phòng chống ma tuý của chính quyền hiện nay.

2.1. Bản sắc văn hoá và bối cảnh xã hội

Ngược dòng lịch sử văn hoá dân tộc, chúng ta thấy từ khoảng năm 5000 đến năm 1000 TCN, dân tộc Việt Nam hình thành từ những bộ tộc thuộc dòng giống Bách Việt ở phía Nam Trung Quốc tràn xuống và những bộ tộc thuộc chủng Nam (Australoid) di lên. Tính theo hệ ngôn ngữ, 54 dân tộc Việt Nam hiện nay (dân tộc Kinh chiếm 81% dân số) thuộc 3 khối ngữ hệ chính: Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Austronesian) và Hán Tạng (Sino-Tibetan). Các dân tộc này có nền văn hoá phồn thực, đề cao những quan hệ tính giao. Chúng ta thấy đặc điểm này trong các câu chuyện dân gian như Trạng Quỳnh, Ba Giai Tú Xuất; trong nền văn chương bình dân với những câu ca dao, những câu đố tục giải thanh hay đố thanh giải tục, những lễ hội dân gian như lễ hội Nõn Nường ở Bắc Ninh, những tác phẩm điêu khắc linga-yoni còn đầy trong các viện bảo tàng. Cấu trúc văn hoá này dường như là một bản sắc đặc biệt ăn sâu vào tâm tính của người Việt Nam khiến cho họ có một quan niệm dễ dãi về những mối quan hệ tính giao.

Trong thời kỳ bị người Trung Hoa đô hộ (từ năm 111 TCN đến 938) cũng như trong thời kỳ độc lập dân tộc (938-1883), người Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Hoa dành cho người đàn ông nhiều quyền hành trong gia đình và dễ dãi trong quan hệ tính dục: “Trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Khi tiếp xúc với nền văn minh Tây phương và chấp nhận quan điểm một vợ một chồng của Công giáo với bộ Luật Gia đình hiện nay, người Việt Nam vẫn dành những sự dễ dãi cho nam giới trong vấn đề này. Chúng ta cũng không thể không nhắc tới tâm trạng yêu cuồng sống vội trước viễn tượng cái chết lúc nào cũng đe doạ của một bộ phận dân chúng trong thời kỳ chiến tranh, từ 1945-1975.

Từ 1975 đến nay, một bộ phận thanh niên ở thành thị của miền Nam Việt Nam bị khủng hoảng tâm lý. Họ là con cái của những sĩ quan cán bộ chính quyền thuộc chế độ cũ vì tuyệt vọng trước tương lai đen tối đã lâm vào tình trạng nghiện ngập ma tuý. Trong khi đó, một bộ phận khác là những người giàu có mới nổi lên, do nền giáo dục yếu kém về mặt nhân bản, đạo đức đã sa vào các tệ nạn xã hội, ăn chơi trác táng, sống buông thả theo cách sống được trình bày qua những phim ảnh của nước ngoài.

2.2. Hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Nhà nước Việt Nam

Chúng tôi biết rằng các tham dự viên trong Hội nghị này thuộc về các tổ chức quốc tế nên đã có những bản báo cáo rất đầy đủ về các hoạt động của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực này. Chính quyền Việt Nam đã có rất nhiều những hoạt động để giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS cũng như tuyên truyền cho dân chúng để phòng hiểm hoạ này trên các phương tiện truyền thông như sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình.

Người dân Việt Nam cũng đã tích cực giúp đỡ các nạn nhân xã hội này qua các hội thiện nguyện của các đoàn thể tôn giáo trong cũng như ngoài nước.

Các tổ chức quốc tế dưới sự thúc đẩy của cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc cũng đóng góp tài lực, nhân lực, vật chất cho chương trình này.

Bản thân những người có HIV ở Việt Nam cũng đã tích cực giúp đỡ bạn bè của mình qua những sinh hoạt đồng đẳng, đồng giới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa chiến thắng được mặc cảm tội lỗi và sự kỳ thị của cộng đồng xã hội, vì những lý do sau đây:

Chiến lược đối phó với nạn nghiện ngập ma tuý:

Tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở một vài nơi như TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã gia tăng đột biến trong giai đoạn 5 năm vừa qua, đã bắt nguồn một phần từ việc tập trung cưỡng chế những người nghiện ma tuý, khoảng 60.000 người, trong một số cơ sở như ở Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hải Phòng. Các học viên này được phân chia và tổ chức sinh hoạt tập thể theo những chương trình giáo dục nghiêm ngặt với sự đồng thuận và giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, do một số cán bộ quản lý không có trình độ chuyên môn, không được đào tạo về tham vấn tâm lý, không có đường hướng giáo dục tâm linh nên họ hành xử như những tên cai ngục trong các trại tập trung khiến cho các học viên bất mãn. Một số cán bộ biến chất lại là những người đem ma tuý bán cho học viên.

Hơn nữa, khi thu gom tất cả những người nghiện ma tuý thuộc nhiều thành phần trong xã hội và giam chung họ với nhau đã dẫn đến tình trạng nhiều thanh niên đơn sơ, yếu đuối học đòi những thói hư tật xấu của những tay anh chị, trở thành mồi ngon cho những tên “đại bàng”. Do tình trạng sống đồng giới nên dẫn đến việc đồng tính luyến ái và những người yếu đuối trở thành phương tiện giải trí cho các tay anh chị. Do tình trạng heroin vẫn được lén lút đưa vào trong các trại này trong khi thiếu những ống bơm và kim chích nên số người dùng chung kim tiêm đã làm lây lan nhanh chóng HIV/AIDS. Từ tỷ lệ 20% vào những năm 1998, đến năm 2005, số người nhiễm HIV đã tăng tới 30-40%, có những trại cá biệt lên đến 60-70%. Bắt đầu từ năm 2008, sau khi Quốc hội không chấp thuận đề án giữ những người nghiện ma tuý thêm 2 năm tập trung và yêu cầu trả họ về địa phương để cộng đồng quản lý thì nguy cơ lây lan HIV trong cộng đồng xã hội càng cao hơn nữa (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 25,26,27-4-2008, tr.1,4).

Chúng ta đừng quên rằng những người nghiện ma tuý thường bị cơn đói thuốc hành hạ tưởng chừng như muôn ngàn dòi bọ rút rỉa thân xác mình. Vì thế, họ sẽ làm bất cứ hành động gì để có được ma tuý làm giảm cơn đau. Lợi dụng tình trạng nghèo khổ của họ, những tên đầu nậu buôn bán ma tuý dùng họ như những tay sai để chuyển ma tuý cho những người khác. Mỗi ngày chỉ cần bán được 5 tép ma tuý là người nghiện có được 1 tép để chơi hoặc bán đi để có tiền ăn xài. Việt Nam đang nằm ở cửa ngõ của nhiều đường dây vận chuyển ma tuý quốc tế từ khu Tam Giác Vàng ở biên giới Myanmar-Thái Lan vượt qua Lào và Cambodia để vào những cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM hoặc các đường bay quốc tế để đi sang các nước khác. Những tổ chức Mafia quốc tế này đang làm băng hoại người trẻ Việt Nam bằng những mối lợi khổng lồ từ việc buôn bán các chất ma tuý.

Nói chung, hầu hết những người nghiện chỉ là nạn nhân của những tên trùm ma tuý quốc tế. Vì thế, những người giữ an ninh trật tự quốc gia không nên coi họ là những tội phạm để kết án với vài ba gram ma tuý trên người. Ngoài việc giáo dục những người nghiện ngập, người ta cần phải đào tạo những người gìn giữ an ninh để họ thay đổi thái độ đối xử tích cực, nhân ái đối với những nạn nhân xã hội này.

Nền giáo dục quá thiên về vật chất và yếu về đạo đức cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sống buông thả của nhiều người, nhất là người trẻ hiện nay và từ đó làm lây lan HIV. Báo chí và dư luận xã hội đã nói nhiều về vấn đề này. Người Việt Nam trước đây vẫn có niềm tin tưởng vào “Trời” như một vị thần linh nhìn thấu mọi hành động của con người để thưởng phạt họ: “Thiên bất dung gian”, ‘Trời cao có mắt”…, thì những bài học đả phá tôn giáo trong một giai đoạn lịch sử nào đó đã làm mất nền tảng luân lý tối thượng đó và con người không còn lắng nghe tiếng lương tâm ngay chính trong lòng mình để loại trừ những ham muốn bất chính hay những thôi thúc của bản năng thấp hèn. Vì thế, những bài học tâm linh dạy cho con người sống ngay chính theo lương tâm trong sáng cũng rất cần thiết để giúp ngăn ngừa đại dịch HIV/AIDS.

2.3. Hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Giáo hội Việt Nam

Giáo hội Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể giúp đỡ những người có HIV như: tại Giáo phận TP.HCM, nhờ sự nhiệt tình của Đức Hồng y G.B. Phạm Minh Mẫn mà bài trình bày của Lm. G.B Phương Đình Toại sẽ soi sáng vấn đề.

Một vài giáo phận khác cũng đã có hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong một số năm gần đây như Hà Nội, Hải Phòng, Xuân Lộc, Huế, Nha Trang. Riêng Tổng Giáo phận Huế có hoạt động cộng tác với các sư ni của Phật giáo trong việc phòng chống HIV/AIDS mà nữ tu Nguyễn Thị Hiền sẽ trình bày trong phần tham luận của chị. Còn lại 20 giáo phận khác hầu như không có hoạt động nào hay chỉ mới bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2008 đến nay như Long Xuyên, Cần Thơ, Đà Nẵng. Những giáo phận này hầu như chưa có một cơ cấu nào lo cho công tác bác ái xã hội, ngoại trừ việc đặt tên và cử một người (thường là linh mục) coi văn phòng. Các giáo phận hầu hết đều thiếu phương tiện làm việc như văn phòng, các nhân sự không được đào tạo chuyên môn và không được trả lương, các phương tiện máy móc, tài liệu…

Chính tại Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH) Trung ương trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), chúng tôi mới chỉ bắt đầu từ năm 2000 với Khoá Phục Sinh, vào tháng 8-2000, lúc đó có 12 em tham dự đợt tĩnh tâm cắt cơn nghiện heroin tại dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo, Q. Thủ Đức, trong đó có 6 em nhiễm HIV. Chúng tôi mở thêm 7 lớp Phục Sinh giúp các em cắt cơn. Nhưng từ năm 2000-2008, chúng tôi phải chuyển đổi nơi sinh hoạt đến 5 lần: Từ Sóc Bombo ở tỉnh Bình Phước đến xã Bù Đăng, sau về xã Xuân Sơn, huyện Ngãi Giao, tỉnh BR-VT, rồi về huyện Tân Thành và sau cùng là xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT. Lý do là chính quyền địa phương không muốn có những người nghiện ma tuý hay nhiễm HIV/AIDS trong địa phương của họ vì sợ quần chúng phản đối, vì sợ mất danh hiệu “anh hùng” hay “có văn hoá”.

Trong 8 năm qua, từ năm 2000-2008, UB BAXH cũng ý thức việc phòng chống HIV/AIDS là một vấn đề toàn diện nên cũng đã quan tâm đến vấn đề giáo dục thanh thiếu niên về mặt tâm linh như in tập Hành Khất Kitô (5.000 bản), Daily Gospel 2006,2007,2008 (50.000 bản), Phương pháp Điều trị Nhân bản Tâm linh cho Người nghiện Ma tuý, phát hành các băng đĩa: Sứ điệp Loài hoa… Uỷ Ban cũng cử một bác sĩ chuyên khoa để lo các vấn đề về sức khoẻ phụ nữ, mở các khoá đào tạo về kỹ năng sống cho các bạn thanh niên… Tuy nhiên, những hoạt động này còn rất giới hạn và chỉ tác động tới một ít người trước nhu cầu lớn lao của xã hội.

Lý do các giáo phận ít quan tâm hay có quan tâm nhưng không có hoạt động: một phần là do sự đòi hỏi phải có giấy phép hoạt động của chính quyền, phần khác là các giáo phận thiếu người có chuyên môn về BAXH hay về HIV/AIDS. Lý do cuối cùng là không có kinh phí để hoạt động vì Giáo Hội không có khả năng chu cấp tài chính, những người lãnh đạo trong các giáo xứ hay tổ chức dòng tu chưa biết động viên đóng góp của chính người địa phương để lo lắng cho con em có HIV, con em bị nghiện ma tuý hay hành nghề mại dâm của mình.

UB BAXH thuộc HĐGMVN mỗi năm thu được một số tiền khoảng 100,000 USD (tương đương 1,6 tỷ VND) vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm, từ 26 giáo phận gửi về, để lo cho các nạn nhân thiên tai. Tuy nhiên, Uỷ Ban không thể sử dụng nguồn thu đó để phục vụ các nạn nhân loại khác. Trong Hội nghị HIV/AIDS tổ chức tại Hà Nội, tháng 1-2008 vừa qua, Giáo phận Phát Diệm, qua 14 đơn xin của 14 linh mục, đã cho thấy tình trạng thiếu thốn cùng cực của gần 1.000 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Với yêu cầu giúp đỡ về tài chính lên tới 1 tỷ đồng Việt Nam, UB BAXH không thể có phương tiện để đáp ứng những yêu cầu này.

Mỗi năm HĐGMVN cho UB BAXH số tiền là 2,000 USD để chi phí trả lương cho nhân viên giao dịch giấy tờ, chi phí điện thoại, Internet, bưu điện… số tiền này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu điều hành văn phòng của Uỷ Ban mỗi ngày, còn đâu để dành cho việc phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có nhiều hoạt động nhờ sự ý thức của quần chúng và những ân nhân khác. Cho đến hôm nay, UB BAXH thuộc HĐGMVN chưa nhận tiền hỗ trợ của bất cứ tổ chức quốc tế hay trong nước nào cho chương trình phòng chống HIV/AIDS của Uỷ Ban.

Chúng tôi phải nói lên điều này vì có rất nhiếu tổ chức Nhà nước và Phi Chính phủ tài trợ cho chương trình phòng chống HIV với số tiền lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Chỉ riêng năm 2006, có 56,8 triệu đô la Mỹ và giai đoạn 2007-2010 ước lượng 518 triệu đô la Mỹ (x. Báo cáo của Nhà nước Việt Nam về Cam kết Phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội, 1-2008, tr.1-5; Khuất Thị Hải Oanh, Đương đầu với HIV/AIDS ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, tháng 11-2007, tr.34-36). Sự tài trợ này đã dẫn đến hiểu lầm ở một số người và cho rằng đây là nguồn lợi béo bở mà người ta có thể khai thác. Trong thực tế, với tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, những lạm dụng trong việc sử dụng nguồn trợ giúp tài chính này không thể không có. Đây cũng là mối ưu tư của các tổ chức quốc tế khi trợ giúp cho Việt Nam.

3. CHƯƠNG TRÌNH THAM GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM

Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã trao trách nhiệm cho Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH)-Caritas Việt Nam tổ chức và phối kết các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên toàn quốc và liên kết với cộng đồng thế giới.

3.1. Đường hướng hoạt động

Vì thế, UB BAXH-Caritas Việt Nam xin giới thiệu đường hướng hoạt động theo 3 tôn chỉ: toàn diện, cởi mở và liên kết.

Toàn diện: Việc phòng chống HIV/AIDS phải là một công trình toàn diện vì:

- Liên quan đến nhiều lĩnh vực như: xã hội, an ninh, y tế, truyền thông, giáo dục và đào tạo, tâm lý và tâm linh…
- Việc chữa trị cho những người HIV/AIDS không phải chỉ nhằm vào thể xác mà cần phải hồi phục cả tinh thần.
- Việc phòng ngừa lây nhiễm HIV không phải chỉ dành cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao mà còn cho cả cộng đồng xã hội, nhất là giới trẻ.
- Trong phạm vi Giáo hội Việt Nam, việc phòng chống HIV/AIDS không phải chỉ dành cho một số người chuyên môn hay một ít tình nguyện viên nhưng liên hệ đến tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội như giám mục, linh mục, dòng tu và giáo dân.

Cởi mở: Việc phòng chống HIV/AIDS này được

- Mở ra cho hết mọi người và mời gọi mọi thành phần trong xã hội tham gia chứ không đóng kín trong nội bộ Giáo hội Công giáo.
- Mở ra để giới thiệu một tình yêu trong sáng và quảng đại vượt qua những ích kỷ hẹp hòi.
- Mở ra cho một thái độ đối xử nhân ái và khoan dung đối với các nạn nhân xã hội như người có HIV, nghiện ma tuý, mại dâm.
- Mở ra cho việc tôn trọng sự sống.

Liên kết: Giáo hội Công giáo Việt Nam sẵn sàng

- Liên kết với tất cả các tổ chức trong cũng như ngoài nước để cùng hoạt động với mình.
- Liên kết với Nhà Nước, tổ chức chính quyền trung ương cũng như địa phương, thông qua Uỷ ban Phòng chống AIDS hay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Liên kết với các tổ chức quốc tế như CHAN, UNAIDS và cả các tư nhân.
- Liên kết với các tôn giáo bạn trong hoạt động này.
- Liên kết và tạo sự liên kết giữa những người có HIV và gia đình của họ để có thể tự trợ giúp lẫn nhau và giúp đỡ người khác.

3.2. Đối tượng của chương trình

Chương trình phòng chống HIV/AIDS nhằm đến các đối tượng trực tiếp và gián tiếp sau đây:

- Trực tiếp là những người nhiễm HIV/AIDS, gồm bệnh nhân và những người thân của họ.
- Gián tiếp là những người sống trong cộng đồng địa phương của người có HIV, và trải rộng ra là cả dân tộc Việt Nam với những thành phần đặc biệt như người nghiện ma tuý, các cô gái mại dâm, giới trẻ, phụ nữ, di dân…

3.3. Các hoạt động trong chương trình

Chương trình gồm 3 loại hoạt động chính: chữa trị, săn sóc và phòng ngừa.

Chữa trị: Ưu tiên cho những người có HIV đã tiến tới giai đoạn AIDS:

- Chữa trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, lao và các tật bệnh khác.
- Những người nghiện ma tuý cần phải được cắt cơn và phục hồi sức khoẻ.
- Những người nghèo được cấp thuốc và trợ giúp sinh sống (gạo + vay vốn).

Săn sóc: Những người có HIV nhưng chưa tới giai đoạn AIDS:

- Những người nghiện ma tuý cần phải được cắt cơn và phục hồi sức khoẻ.
- Những người nghèo được trợ giúp sinh sống bằng cách đào tạo nghề hoặc vay vốn tín dụng nhỏ.
- Những phụ nữ có gia đình được săn sóc đặc biệt và trợ giúp khi sinh con.
- Những phụ nữ mại dâm được hướng dẫn đặc biệt để tôn trọng sự sống và trợ giúp sinh sống.
- Những học sinh, sinh viên nghèo được trợ cấp học bổng để hoàn thành các giai đoạn học tập.
- Những trẻ em được trợ cấp học bổng và được nuôi dưỡng nếu mồ côi hay cha mẹ nghèo khó.
- Những người chết được an táng xứng đáng.

Phòng ngừa: Tập trung vào công tác truyền thông và dành ưu tiên cho tất cả những người có nguy cơ cao và cho quảng đại quần chúng như:

- Những người có nguy cơ cao như tài xế đường dài, thuỷ thủ, tiếp viên trong các quan bia, khách sạn, phòng trà, quán bar…: được truyền thông về HIV/AIDS, về tình yêu chung thuỷ, tôn trọng sự sống, giá trị nhân bản và đạo đức.
- Những thân nhân trong gia đình có người nhiễm HIV/AIDS được đào tạo bằng truyền thông qua các buổi gặp gỡ, thăm viếng để giúp họ phòng tránh lây nhiễm, không kỳ thị loại trừ nhưng đón nhận, yêu thương người có HIV.
- Những thành phần đặc biệt trong xã hội như giới trẻ, phụ nữ, công nhân xa nhà, học sinh và sinh viên bằng các buổi truyền thông về HIV/AIDS hay các khoá đào tạo về kỹ năng sống, về tình yêu chung thuỷ, về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính…

3.4. Tiến trình hoạt động

Ở cấp Trung ương là Uỷ ban Bác ái Xã hội:

- Uỷ Ban này thiết lập chương trình hành động cụ thể như: Soạn thảo nội dung truyền thông về HIV/AIDS cũng như nội dung của các khoá đào tạo về kỹ năng sống, tình yêu chung thuỷ, sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính…
- In ấn các tập tài liệu để phổ biến nội dung truyền thông.
- Mở các khoá đào tạo nhân sự để chữa trị, săn sóc cũng như phòng ngừa cho các giáo phận và giáo xứ.
- Phối hợp và liên kết hoạt động phòng chống HIV của các tổ chức trong cũng như ngoài nước để trợ giúp cho hoạt động của các giáo phận.

Ở cấp giáo phận là các Ban Bác ái Xã hội giáo phận:

- Thiết lập văn phòng hoạt động về HIV/AIDS tại giáo phận có nhân viên làm việc thường xuyên, có những phương tiện cần thiết để làm việc.
- Mở phòng tham vấn về HIV tại văn phòng HIV/AIDS của giáo phận hay tại giáo xứ để phụ trách giúp đỡ những người có HIV tại địa phương. Trong phòng tham vấn này, có thể nhờ bác sĩ chăm sóc về sức khoẻ, linh mục hay tu sĩ chăm sóc về tâm linh.
- Mỗi giáo phận hay giáo xứ chọn những tình nguyện viên có khả năng và gửi đi tham dự các khoá đào tạo về việc phòng chống HIV/AIDS, về kỹ năng sống… do UB BAXH trung ương tổ chức để về truyền thông lại cho địa phương.

4. DỰ ÁN DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ HIV/AIDS VÀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

(Phần này do Cha Toại và cô Tâm Đan chuẩn bị)

KẾT LUẬN

Đại dịch HIV/AIDS là một nguy cơ đối với dân tộc Việt Nam mà người Công giáo chúng tôi phải tích cực cùng với mọi thành phần trong xã hội tham gia chương trình phòng chống HIV/AIDS của quốc gia và quốc tế. Sự tham gia này cũng là dịp để chúng tôi giới thiệu Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô cách sống động cho đồng bào thân yêu của chúng tôi. Dù phương tiện vật chất không nhiều nhưng chúng tôi có thể chia sẻ với mọi người, nhất là những người có HIV/AIDS, tình yêu và ân sủng của Thánh Thần để những người có HIV cảm nghiệm được ơn chữa lành về mặt tinh thần cũng như thể xác trong chính đời sống của họ.

Chúng tôi xin cám ơn Đức ông Vitillo và tất cả các bạn đã quan tâm trợ giúp Việt Nam và chú ý lắng nghe phần trình bày này.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
GM Nguyễn Văn Sang nói: Công giáo bị từ chối mở trường đại học, không được mở bệnh viện... thế thì đồng hành với Dân tộc thế nào được!
Thanh Hà
11:44 03/07/2008
HÀ NỘI - Đúng thế, sau nửa thế kỷ vắng bóng hàng giáo si trong các trường đại học miền Bắc. Kể từ ngày chấm dứt nhiệm vụ giảng dạy của cha J.B. Nguyễn Văn Vinh dạy về văn chương La ngữ tại đại học Y Hà Nội, thì hôm nay, một biến cố lạ thường đã xảy ra, không phải chỉ là một Linh mục mà là một Giám mục hiện diện và phát biểu tại phiên họp bảo vệ luận án tiến sĩ tại truờng đại học Quốc gia Hà Nội. Sự việc như sau:

Đức cha P.X. Nguyễn Văn Sang nhận được một luận văn tiến sĩ của nhà báo, giảng viên đại học Phạm Huy Thông. Ông xin ngài đánh giá và phát biểu ý kiến. Tuy nhận được từ 3-4 tháng nay nhưng do bận công việc mục vụ, luận án lại khó đánh giá cho trung thực trong hoàn cảnh xã hội ngày nay. Đầu đề của luận án là: “Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công Giáo và văn hóa Việt Nam”.

Tuy nhiên vào cuối tháng 6, Đức Giám mục có nhận được giấy mời của trường đại học Quốc gia Hà Nội do thạc sĩ Phạm Thị Thu Hoa ký thừa lệnh của ông hiệu trưởng mời tới dự và phát biểu khoảng 5-7 phút. Ngài đã đi Hà Nội làm việc trong 3 ngày. Nghe tin ngài đã trở lại Tòa Giám mục ngày 2 tháng 7 năm 2008. Ban truyền thông Giáo phận Thái Bình đã đến xin phỏng vấn ngaì một số sự việc như sau:

- PV: Chắc Đức cha đi Hà Nội mệt lắm phải không?

- ĐC: Mệt nhưng rất vui vì sau một năm vắng bóng, nay lại được phát biểu với tư cách một Giám mục... Về bài phát biểu này tôi đã thấy đang trên VietCatholic và website của Giáo phận Thaí Bình. Chắc anh và nhiều người đã được đọc.

- PV: Vâng, Đức cha đến trường đại học quốc gia Hà Nội trong hoàn cảnh nào, xin cho chúng con biết?

- ĐC: Theo giấy mời thì 8:30 phải có mặt nên 8:15 tôi đã có mặt và được một vị giáo sư đi cùng anh Phạm Huy Thông đón tiếp, đưa vào thang máy rồi lên thẳng phòng họp ở tầng 4 trường đại học Quốc gia Hà Nội. Vì là phòng họp để chỉnh luận án nên số người được mời rất hạn chế. Đa số là các giáo sư đầu ngành, các phó giám đốc các trường đại học liên hệ như đại học Khoa học Nhân văn, đại học Khoa học Xã hội. Các giáo sư vẻ đạo mạo chín chắn thường đang giảng dạy ở các trường đại học. Đứng đầu Hội đồng giám khảo là: giáo sư tiến sĩ Đỗ Quang Hưng, viện trưởng nghiên cứu tôn giáo. Cũng có các khách mời như chủ tịch ủy ban Ðoàn kết Hà Nội và báo Người Công Giáo, đặc biệt có vị phó trưởng ban tôn giáo của chính phủ Nguyễn Văn Xuân người gốc Thái Bình và một số sinh viên nam nữ. Nói chung khoảng 40 người. Đúng 9 giờ giáo sư viện trưởng khai mạc, giới thiệu các thành phần tham dự và đọc chương trình. Mở đầu là cuộc trình bày vắn tắt dự án của nghiên cứu sinh Phạm Huy Thông. Cuộc trình bày được minh họa bằng máy chiếu rất sinh động, trong đó có cả phần trình bày về nhà thờ chính tòa Thái Bình như là một sự đóng góp vào việc giao lưu giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam.

Sau đó đến phần các giáo sư trong hội đồng phản biện. Khoảng 6 giáo sư (trong đó có một nữ giáo sư). Nói chung họ đều khen ngợi luận án. Mở đầu cho các đề tài về văn hóa và tôn giáo, sau đó mỗi giáo sư đều nêu ra một vài câu hỏi phản biện. Trong đó có 2 câu của nữ giáo sư tiến sĩ và nhất là của giáo sư viện trưởng:

1. Tôi đặt câu hỏi cho nghiên cứu sinh và cũng cho cả Giám mục đang hiện diện nơi đây nữa: việc đồng hành của đạo Công Giáo với dân tộc được thể hiện qua những công việc gì? Tại sao đạo Công giáo khó hội nhập với văn hóa Việt Nam? Không như các tôn giáo khác như Phật giáo, Cao đài, Khổng giáo... Tôi đã trả lời như sau: Văn hóa và chính trị là hai lãnh vực khác nhau. Đạo Công giáo đồng hành với văn hóa dân tộc… thì như trong bài phát biểu của tôi, nên phân biệt những gì là bất biến thuộc lĩnh vực tín lý và những điều có thể thay đổi được. Cho nên việc hội nhập, đồng hành cũng phải theo hai lĩnh vực kể trên. Những cái gì là bất biến thuộc về căn bản Tín lý thì mãi mãi không thay đổi. Ngoài phạm vi đó ra chẳng hạn như quan điểm về chính trị thì cũng có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội, chính trị…..

2. Xin giáo sư viện trưởng nhớ lại lần họp về đề tài “Công giáo và dân tộc”, tôi cũng được mời tham dự và đã nghe ý tưởng mạnh bạo của giáo sư Thiện Cẩm rằng: “Công giáo và dân tộc ít có vấn đề, nhưng Công giáo và Cộng sản mới nảy sinh những vấn nạn khó khăn” như chính giáo sư vừa đặt vấn đề. Tôi nhìn thấy giáo sư viện trưởng gật đầu lia lịa, liền nghĩ đến một thông tin xuất phát từ chính giáo sư: có nên mở cuộc hội thảo về vấn đề “Công giáo và Cộng sản” hay không? Riêng tôi xin tán thành và mời các vị về Tòa Giám mục Thái Bình để cùng nhau hội thảo. Tôi nhác thấy ông viện trưởng và các vị giáo sư mỉm cười đầy ý nghĩa. Riêng tôi trong bài phát biểu, đã nói rõ một số yếu tố xã hội khiến cho việc hội nhập của đạo Công giáo bị hạn chế rất nhiều như nền luân lý cổ truyền bị phương hại: nạn phá thai tràn lan, nạn xì ke ma túy, nạn mại dm, sự buông thả tính dục của lớp thanh thiếu niên trên mạng như sử dụng thuốc lắc, sex, game,…. Đàng khác, việc từ chối cung ứng các phương tiện như không có các trường đại học Công giáo, không được phép mở các trường trung học, không được đứng đầu các bệnh viện, các tổ chức bái ái từ thiện xã hội khác…. như nhiều lần Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề nghị và hôm nay trước mặt các vị, tôi lại nhắc lại những kiện nghị đó: Cách đây 1-2 năm trong các hiệu sách có bày bán một tác phẩm có tựa đề: “Mật Mã Da Vinci” một tác phẩm xúc phạm đến chính Chúa Giêsu và đạo Công giáo cũng như các tôn giáo thuộc Kitô giáo. Tôi đã viết một tác phẩm: “Mật Mã Da Vinci: Gian dối và nhạo báng” và xin nhà xuất bản Tôn giáo cho ấn hành và xuất bản nhưng đã bị từ chối với lời hứa: "Chúng tôi đã có lệnh thu hồi cuốn sách đó. Vậy cụ không nên cho xuất bản cuốn sách phản bác làm gì gây xôn xao dư luận". Nhưng thực tế sách vẫn được bày bán công khai trong các hiệu sách và lại còn trưng bày một cuốn khác cùng tác giả. Cuốn sách này mới đây đã bị chính Đức Giáo Hoàng Bênêdictô lên án nặng nề. Thế thì đồng hành và hội nhập thế nào được. Song tôi vẫn tin vào những hạt giống thiêng liêng vẫn ẩn náu trong các tâm hồn thiện chí như quý vị. Đó là những hạt giống Chân-Thiện-Mỹ một mai sẽ nảy mầm thành cây trĩu hạt làm nên một mùa gặt cho văn hóa Việt Nam cung như đại học Công giáo.

Sau bài phát biểu, những người có mặt đã vỗ tay hoan hô nhiệt liệt và một thiếu nữ đã đến tặng tôi một bó hoa hồng thật tươi đẹp. Tôi không thể lưu lại lâu hơn để dự buổi tiệc thân mật để mừng cho vị tiến sĩ vì phải đi thăm bệnh nhân nên nói vài lời kính chào và cáo lỗi các vị ấy, và mong sẽ được gặp lại vào các buổi hội thảo sau này. Tôi lưu lại ở Hà Nội, đi thăm vài bệnh nhân trong bệnh viện rồi trở về Thái Bình vào ngày 2 tháng 7 để kịp ngày 3 tháng 7 dâng lễ và gặp gỡ ban Hội đồng mục vụ của Giáo phận Thi Bình.

- PV: Xin cám ơn Đức cha và kính chúc Đức cha mạnh khỏe.
 
Văn Hóa
Thơ: Chúa Ðỡ Nâng
Bùi Hữu Thư
10:33 03/07/2008

Chúa Ðỡ Nâng



Ngày xưa niên thiếu ngây thơ,
Hung hăng xốc vác, chẳng ngờ, chẳng nghi.
Hên xui số mệnh xá gì,
Vững tâm can đảm bước đi trên đời.
Bao nhiêu thử thách bời bời,
Gồng mình gánh vác không lời oán than.
Ðời bao gai góc ngập tràn,
Hướng đi đã định, không màng khó khăn.
Ngày nay tóc bạc, da nhăn,
Buông tay phó thác quyền năng Chúa Trời.
Chúa thương Chúa đã gọi mời,
Chúa yêu Chúa đã cả đời đỡ nâng.
Chúa ơi! con đã nhiều lần,
Quên rằng không Chúa muôn phần bấp bênh.
Không Ngài đời sống buồn tênh,
Bên Ngài hạnh phúc mông mênh tràn đầy.
Cho con níu Chúa hai tay,
Ðừng buông Chúa nhé! Con đây van nài.
 
Đêm Nhạc Thơ Xuân Ly Băng tại Tòa Giám mục Phan Thiết
Pm. Cao Huy Hoàng
00:31 03/07/2008
ĐÊM THƠ NHẠC XUÂN LY BĂNG Tại TÒA GIÁM MỤC PHAN THIẾT

Đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng”, một sinh hoạt văn học công giáo Việt Nam đã được chờ đợi từ lâu trong lòng các tín hữu Giáo phận Phan Thiết. Nay, nhờ sự ưu ái của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Giáo Phanạ Phan Thiết, mới trở thành hiện thực. Đức Ông GB. Lê Xuân Hoa, một nhà thơ tiêu biểu cho thi ca Công giáo Việt Nam, liền sau Hàn Mạc Tử, là một mục tử với sứ vụ linh mục, vừa là một nhà thơ, đã sử dụng mọi tính đặc sắc cá biệt của Tiếng Việt để hoàn thành sứ vụ linh mục của mình trong suốt 50 năm, với Lời Chúa và Thi Ca. Những bài lục bát những bài vè, những bài thơ của Ngài không chỉ là những lời giáo huấn rút từ Tin Mừng Đức Kitô của một người mục tử, mà còn là những tuyệt phẩm thi ca giá trị để lại cho nền văn học Việt Nam và văn học Công Giáo Việt Nam.

Đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng là tiếng lòng của muôn con người, cách riêng, những người con Giáo phận Phan Thiết, nói lên lời tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa đã ban cho trần gian một sứ giả của Tin Mừng, một nhà thơ thánh thiện kín múc tình yêu và huyền nhiệm về Thiên Chúa, rồi rót đầy vào lòng khô hạn của nhân gian một thứ tình yêu và sự sống bất diệt.

Giáo phận Phan Thiết - Đức Cha Phaolô và Hội đồng Linh mục - đã trao trọng trách tổ chức đêm tri ân này cho Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Phan Thiết từ trước đây bốn tháng.

Từ sáng ngày 23/06, cánh cửa Tòa Giám Mục Phan Thiết mở toang, để chào đón khách tham dự đêm thơ nhạc từ xa về: Sài Gòn, Bà Rịa Vũng Tàu, Xuân Lộc, Nha Trang, Ban Mê Thuột... Trong số khách tham dự, phải kể đến những thành phần rất quan trọng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của Giáo hội Việt Nam: Lm. NS Kim Long, Phó Ban Thánh Nhạc Việt Nam cùng các nhạc sĩ tên tuổi trong Ban Thánh Nhạc Việt Nam; Lm bề trên Tỉnh Dòng Dòng Chúa Cứu Thế cùng với Lm. NS Tiến Lộc và phái đoàn Dòng Chúa Cứu Thế, Lm. NS Mi Trầm cùng các nhạc sĩ của Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Nha Trang; các Ban Thánh Nhạc Ban Mê Thuột, Xuân Lộc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn, Qui Nhơn... các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, họa sĩ, phòng viên, nhà báo... trong, ngoài Công giáo, trong và ngoài Giáo Phận... các Linh mục Hạt Trưởng, các Cha xứ, quí khách mời từ hơn 60 giáo xứ trong Giáo Phận... tất cả đang về Tòa Giám Mục Phan Thiết, để chung một lời ngợi ca Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam một con người tiêu biểu cho thi ca Công giáo thế kỷ XX.

Đúng 19g, Vũ khúc “Tiếng Trống” của quí Thầy Chủng viện Nicolas cùng với những chiếc trống lớn trống nhỏ, với sắc phục Việt Nam truyền thống, đã trổi lên rập ràng như lời chào quí mến nhất của Giáo Phận Phan Thiết gửi đến những người tham dự.

Nhà thơ Lê Đình Bảng, người dẫn chương trình đã giới thiệu cách long trọng thành phần tham dự Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng: trên 2.000 khách mời - trong và ngoài Giáo phận.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Quang Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Phan Thiết, cũng là Trưởng Ban Tổ Chức Đêm Thơ Nhạc nhấn mạnh đến lòng tri ân của thế hệ Phan Thiết hậu duệ trong phần Tuyên Bố Lý Do.

Chung chia niềm vui của Giáo Phận Phan Thiết, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam-HĐGMVN, Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, Chủ Tịch Ủy Ban Văn hóa-HĐGMVN đã gởi điện thư chúc mừng Đức Ông Xuân Ly Băng và chúc mừng Đêm Thơ Nhạc. Nhà thơ-Nhạc sĩ Pm. Cao Huy Hoàng, thay mặt cho Ban Tổ Chức đã đọc hai bức điện thư thật tâm tình xúc động, đúng với tâm tình của ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa: “Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng hôm nay được đan dệt từ những dòng ca bắt nguồn từ những bài thơ cảm nhận và họa lại vẻ đẹp nơi dung mạo của Thiên Chúa, sẽ dẫn đưa con người vào vẻ đẹp của chuyến đò văn hóa tới tận bến bờ đức tin.”; và của ĐGM Giuse Vũ Duy Thống: “Xuân Ly Băng hãy còn trẻ, luôn luôn trẻ, vì hết mình chăm chút mùa xuân của đạo, và hết tình giới thiệu mùa xuân ấy cho đời”.

Linh mục Phêrô Phạm Quyền, Quản Hạt Phan Thiết, thay mặt cho các linh mục tu sĩ và giáo dân Giáo phận Phan Thiết chúc mừng, tri ân, và trao vòng hoa cho Đức Ông Xuân Ly Băng.

Nhà thơ Nghinh Nguyên, thay mặt cho các tác giả Đồng Xanh Thơ - và trang web dunglac.org, cũng chúc mừng Đức Ông bằng một kỉ niệm chương với bức tượng điêu khắc “Đức Giêsu Thi Sĩ”.

Người dẫn chương trình trân trọng kính mời Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan ban huấn từ và tuyên bố khai mạc đêm thơ nhạc. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt, trên đôi mắt, trong giọng đọc của Đức Cha Phaolô, Giám Mục Giáo Phận nhà. Với tư cách là một Giám Mục địa phương, Ngài nhìn nhận một tâm hồn đạo đức lên đến tuyệt đỉnh của Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng. Ngài chính thức thay cho Giáo Phận nói lời tri ân Đức Ông Lê Xuân Hoa vì những đóng góp vào công trình văn hóa và đức tin cho giáo hội và giáo phận, và ước ao cho đoàn hậu sinh Phan Thiết biết noi gương Đức Ông, một nhà thơ đạo đức. Đứng phía sau Đức Giám mục Phaolô là ca đoàn giáo xứ Ma Lâm xinh đẹp, đang làm hậu cảnh và chờ Ngài đánh tiếng trống khai mạc để cùng cất cao bài hợp xướng Kinh Trong Sương.

Dứt lời huấn từ, Đức Cha Phaolô nhuần nhuyễn nổi một hồi trống khai mạc, cùng với tiếng vỗ tay rập ràng theo nhịp trống. Ca đoàn giáo xứ Ma Lâm cũng vừa cất tiếng lên qua sự điều khiển của ca trưởng Linh mục Nhạc sĩ Phaolô Hoàng Kim Tốt. “Kinh Trong Sương” dìu dặt rồi dập dồn như tiếng lòng thổn thức của Xuân Ly Băng, chung với nỗi niềm kính mến của Linh mục Nhạc sĩ Kim Long –người phổ thơ, được thể hiện như lời nguyện xuất thần của một ca đoàn không chuyên nhưng hết mình, hết tình... bỗng trở thành bài hợp xướng mở đầu đêm thơ nhạc đầy huyền nhiệm, thánh đức.

Nhà thơ Lê Đình Bảng nói một chút về tiểu sử của Đức Ông Linh Mục GB. Lê Xuân Hoa, Nhà thơ Xuân Ly Băng, con người, và tác phẩm được minh họa trên màn ảnh, dựa vào tiểu sử mà chính Đức Ông đã tự sự trong bài phỏng vấn Đức Ông của Linh Mục Nhà Thơ Trăng Thập Tự.

Âm vọng hợp xướng Kinh Trong Sương vẫn còn ngân vang đâu đó, hình ảnh một nhà thơ đạo đức còn loáng thoáng đâu đây, giọng ngâm thi phẩm “Chuông Chiều” của nghệ sĩ Kim Lệ lại cất lên, đưa hơn 2.000 cử tọa vào chỗ trầm mình trong cái không gian vô hạn của Nguồn Thơ Chí Thánh.

Chưa dứt tiếng vỗ tay, Nhà Thơ Nhạc Sĩ Phanxicô giới thiệu phần tọa đàm về Xuân Ly Băng với phần mở đầu là thơ Xuân Ly băng dưới cái nhìn thần học của Lm. Giám Đốc Chủng Viện Nicolas- nhà thơ Thiên Cung, Lm Nguyến Thiên Cung. Trong phần mạn đàm, Cha gọi thi nhân là người “nhận sóng” tin yêu từ Thiên Chúa và “phát sóng” tin yêu ấy cho đời. Xuân Ly Băng, người đã gặp Thiên Chúa là Nguồn Thơ và thi ca Xuân Ly Băng chính là một chuỗi hẹn hò, tự tình với Thiên Chúa, và qua đó, người đọc cũng có thể để hồn mình chạm tới cái linh thánh vô cùng của Thiên Chúa.

Một trong những thi phẩm ngây ngất cái tuyệt vời của Thiên Chúa là bài thơ “Hồng Ân Linh Mục” được Tu Sĩ Jos. Hùng phổ nhạc và Linh mục An-rê Lương Vĩnh Phú, quản lý TGM Phan Thiết trình bày ca khúc thật sốt sắng.

Linh mục Nhạc Sĩ Kim Long được mời tiếp phần tọa đàm. Tiếng vỗ tay bỗng đều đặn, rồi lớn lên, khi Cha Kim Long tiến lên sân khấu. Phải mất một hồi lâu cho cử tọa Phan Thiết tỏ lòng hâm mộ Cha Kim Long- người của Thánh Nhạc Việt Nam, Ns. Phanxico mới thưa được với Ngài: “Xin cha cho biết cảm nghiệm của Cha về thơ Xuân Ly Băng”. Cha Kim Long cho biết: thưở xưa Ngài cũng làm thơ, nhưng khi đọc thơ Xuân Ly băng rồi, Ngài không làm thơ nữa, vì những gì Ngài muốn nói, Xuân Ly băng đã nói hết rồi. Ngài bước sang lĩnh vực âm nhạc. Và nơi đây, mỗi câu thơ, mỗi bài thơ của Xuân Ly Băng đã gợi hứng cho những khúc thánh ca của Ngài. Ngài đã hát minh họa một số bài thơ XLB mà Ngài đã phổ nhạc. Giọng hát hãy còn cuốn hút lắm, vì cái sinh khí ở bên trong vẫn luôn dồi dào, trong lòng một nhạc sĩ hơn 50 năm viết thánh ca.

Câu hỏi thứ hai được đặt cho Lm Kim Long “Cha nghĩ gì về lời ca trong một bài thánh ca”.

Ngài cho rằng “Ý, Lời Ca là quan trọng. Nhạc là để chuyển tải mà thôi. Lời ca là cái căn cốt mà con người có thể lắng nghe và có thể lay động lòng người, cái tư tưởng mà mình phải hội nhập”. Và để có được phần lời ca tốt, các nhạc sĩ phải Đọc-Suy-Cầu….như Ngài đã trình bày với các nhạc sĩ công giáo trong cuộc Hội Thảo Ban Thánh Nhạc 3-6-vừa qua. Cha Kim Long kết thúc phần tọa đàm của Ngài bằng bài hát đã được viết ngay, sau khi đọc bài thơ “Con hỏi Ngài” của Xuân Ly Băng.

Dứt tiếng hát, tiếng vỗ tay như sóng vỡ bờ. Ngài định bước xuống, nhưng nhà thơ Lê Đình Bảng giữ Ngài lại vì sự hâm mộ của cử tọa. Và cuối cùng, Ngài phải hát thêm một bài hát nữa, mà ý lời ca bắt nguồn từ “sầu đã chín” của Xuân Ly Băng. Bài “Ở lại với con” toát ra hết nỗi lòng của hai trong một: Thi Sĩ và Nhạc Sĩ cây cao bóng cả trong nền văn học Công Giáo Việt Nam.

Nhà thơ Lê Đình Bảng tiếp phần tọa đàm theo yêu cầu của Ns Phanxicô. Ông nói về con người và tác phẩm của Xuân Ly Băng dưới cái nhìn của vừa là một nhà thơ công giáo nổi tiếng vừa là một nhà biên khảo, nhà nghiên cứu Thi ca Công Giáo Việt Nam. Ông đã cho biết sự đóng góp rất sớm của Công Giáo vào kho tàng thi ca và văn học Việt nam, trải dài từ thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ cho đến Hàn Mạc Tử, và đến nay: Xuân Ly Băng. Xuân Ly băng đã kế thừa những nhà thơ công giáo đi trước, để đem Tin Mừng cho con dân Việt Nam, mà đặc sắc nhất vẫn là những dòng thơ lục bát.

Một trong những dòng thơ lục bát đậm đà bản sắc dân tộc ấy là bài “Một mảng chiều” đã được Ns. Pm Cao Huy Hoàng và Ns. Lưu Văn Trung phổ nhạc, được trình bày lần đầu tiên trong đêm phát hành Tập Thơ Công Giáo “Kinh Trong Sương”, nay được trình bày lại với tiếng hát thánh thiện của ca sĩ Hồng Phúc, cùng với phần múa của các em thiếu nhi Giáo Xứ Thanh Xuân. Thật nên thơ. Thật thánh thiện.

Mẹ cho con một trời thơ
Khi chuông nhật một nhà thờ lan xa
”.

Đức Ông và hơn 2000 cử tọa có vẻ hài lòng với vũ khúc “Một mảng chiều” nhẹ nhàng thanh thoát, khi ca sĩ và đội múa đã xếp đội hình kết, mọi người vẫn còn luyến tiếc một trời thơ thánh thiện thâm trầm…

Đức Ông Xuân Ly Băng bước lên sân khấu để chia sẻ hành trình đức tin của mình: Bắt nguồn từ một khát vọng vượt lên trên cái hữu hạn, tìm đến cái vô biên và đặt niềm tin nơi chính Thiên Chúa. Niềm tin ấy được củng cố, gia tăng nhờ sự kết hiệp mật thiết với Lời Chúa và đời sống cầu nguyện. Ngài còn nhắn nhủ cho thế hệ trẻ “các bạn hãy cầm bút cho thẳng, cho ngay, giữ lương tâm cho trong trắng, giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam trong mọi hoàn cảnh sáng tác” “Xin các bạn hãy viết bằng cây bút Đức tin, bằng mực Đức cậy, và trang giấy viết là Đức mến. Hãy sáng tác dưới con mắt dịu dàng của Đức Mẹ Maria, sáng tác dưới chân Thánh Giá, dưới ánh sáng phục sinh của Đức Kitô”. Những lời nhắn nhủ phát xuất từ đáy tim trọn tình cho văn học Công giáo Việt Nam, được thế hệ hậu duệ nồng nhiệt đón nhận bằng những tiếng vỗ tay không dứt.

Ca sĩ Lưu Thi và Thanh Mai tiếp chương trình với ca khúc “Mẹ Tàpao” thơ Xuân Ly Băng, Tu sĩ Jos. Hùng phổ nhạc. Bài ca cất lên làm mọi người hướng lòng về Mẹ Tàpao kính yêu của Giáo Phận Phan Thiết.

Thiếu nhi Giáo xứ Lương Sơn trình bày một loại hình thi ca khác của Xuân Ly Băng: Vè, với bài “vè lịch sự” như những lời dạy dỗ tâm tình nhất của một người cha, một mục tử, dành cho các em thiếu nhi trong gia đình giáo xứ- bắt đầu từ gia đình Thanh Xuân ngày ấy, nay lan ra đến khắp gia đình Giáo Phận.

Trường ca “Bài Ca Thương Khó” được một nhạc sĩ ngoài Công giáo: Ngọc Lạc phổ thành ca khúc, và nhóm ca sĩ Thành Phố Phan Thiết trình bày đã cho thấy ảnh hưởng rất ý nghĩa của thơ Xuân Ly Băng đối với giới văn nghệ ngoài công giáo.

Cũng vậy, Thu Trang, một ca sĩ ở Khánh Hòa, không cùng tôn giáo hát và diễn xuất thật tâm tình, thật xúc động ca khúc “Lời Trên Thập Giá” của nhạc sĩ Tuấn Kim - người con thiêng liêng của Giáo xứ Thanh Xuân và của Đức Ông Xuân Ly Băng, đang ở Mỹ. “Lời Trên Thập Giá”, được biết là một trong những bài thơ tiêu biểu chứng tỏ lòng mến yêu của Đức Ông Xuân Ly Băng dành cho Đức Mẹ Maria.

Hợp xướng “Khúc Hát Mặt Trời” của Lm. NS Kim Long phổ thơ XLB, do ca đoàn Giáo xứ Chính Tòa trình bày, tiếp nối đêm thơ nhạc, làm bừng lên trong lòng mọi người muôn ánh quang huy hoàng của công trình Thiên Chúa và rực cháy lên niềm mến yêu, ca tụng, tạ ơn.

Đức Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, còn là nhạc sĩ với bút hiệu thật nên thơ: “Thông Vi Vu” đã chuyển bài thơ “Sao em không lần chuỗi” thành ca khúc “Sao Không” được đôi song ca Minh Tú và Minh Thư trong Tam Ca Áo Trắng trình bày thật hồn nhiên, thật dễ thương mà cũng thật thánh thiện. Bài “Sao Không” đã chấm dứt, nhưng đôi song ca không thể vô tình vẫy tay tạm biệt những người hâm mộ, vì tiếng yêu cầu bài hát thứ hai vang lên từ muôn phía.

Đáp lại, Minh Tú và Minh Thư kính mời Lm. NS Mi Trầm, Lm. NS Tiến Lộc cùng hát với chị em bài “Xin Vâng”, một trong những bài Thánh Ca Cộng Đồng hay nhất của NS. Mi Trầm. Trời đã khuya. Sương khuya rơi nặng hạt. Cả khuôn viên Tòa Giám mục Phan Thiết vang lên bài ca “Xin Vâng”, như một lời kinh tuyệt mỹ.

Sân khấu trở lại yên ắng và trầm tĩnh để mọi người cùng suy niệm bài học của Dụ Ngôn “Người Samaritanô nhân hậu” qua phần diễn ngâm và hoạt cảnh của huynh trưởng Giáo lý viên Giáo xứ Thanh Xuân. Mọi người thinh lặng lắng nghe từng lời thơ, mục kích từng diễn tiến của Dụ Ngôn, và thấm vào lòng bài học bác ái Kitô Giáo thâm sâu.

Linh mục Trưởng Ban Thánh Nhạc Phan Thiết lại xuất hiện để đọc lời cám ơn Đức Cha, quí Cha, quí khách và tất cả những người đã đóng góp thực hiện thành công đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng.

Như một lời kinh đêm cho cả Cộng đoàn dân Chúa trước khi chia tay đêm thơ nhạc, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết thực hiện vũ khúc “Ở Lại Với Con”, NS. Kim Lệ phổ thơ Đức Ông Xuân Ly Băng. Có thể nói, không phải là một vũ khúc, mà là một lời nguyện sống động tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Phận niềm vui thánh thiện đêm nay. Và cộng đoàn đang xin Ngài mãi ở lại với mỗi tâm hồn, như đã luôn hiện diện trong tâm hồn Đức Ông - Lm. Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa, nhà thơ Xuân Ly Băng nhà thơ của Văn Học Việt Nam và Đức tin Công giáo.

Pm. Cao Huy Hoàng

CHƯƠNG TRÌNH ĐÊM THƠ NHẠC XUÂN LY BĂNG

Khai mạc lúc 19g00m ngày 23.6.2008
1. Vũ khúc khai mạc: tiếng trống- quí thầy Chủng Viện Nicolas)
2. Giới thiệu thành phần tham dự (Thi sĩ Lê đình Bảng)
3. Tuyên bố lý do (Lm.Phêrô Nguyễn Văn Quang - Trưởng Ban tổ chức)
4. Chúc mừng Bổn Mạng (cha Quản Hạt Phan Thiết)
5. Đức Cha Phaolô ban huấn từ và tuyên bố khai mạc
6. Hợp xướng: Kinh Trong Sương (Ca Đoàn Giáo Xứ Ma Lâm)
7. Tiểu sử nhà thơ Xuân Ly Băng (nhà thơ Lê Đình Bảng)
8. Ngâm thơ: Chuông Chiều (Nghệ sĩ Kim Lệ)
9. Tọa Đàm về Thơ Xuân Ly Băng (Thi sĩ Phanxico biên tập)
10. Thi Ca và Niềm Tin (thuyết trình viên: Lm. Gs Nguyễn Thiên Cung)
11. Đơn ca: Hồng ân Linh Mục (XLB/Jos. Hùng, Lm. Andrê Lương Vĩnh Phú)
12.Cảm nghiệm Thơ Xuân Ly Băng (thuyết trình viên: Lm. Ns Kim Long)
13. Xuân Ly Băng trong Văn Học Công Giáo VN (thuyết trình viên:Thi sĩ Lê Đình Bảng)
14.Vũ khúc: Một Mảng Chiều (XLB/Pm. Cao Huy Hoàng/Lưu Văn Trung, Ca sĩ Hồng Phúc/Vũ đoàn GX Thanh Xuân)
15.Hành Trình Đức Tin và Ước Nguyện cho Thế Hệ Trẻ ( Nhà thơ Xuân Ly Băng)
16. Song Ca: Mẹ Tà Pao (XLB/Jos. Hùng, Ca sĩ Lưu Thi-Thanh Mai)
17. Diễn vè: Vè Lịch Sự (Thiếu Nhi Giáo Xứ Lương Sơn)
18. Đơn ca: Lời Trên Thập Giá (XLB/Tuấn Kim, Ca sĩ Thu Trang)
19. Hợp xướng: Khúc Hát Mặt Trời (XLB/KL Ca Đoàn Giáo Xứ Chính Toà)
20. Song ca: Sao Không (XLB/GM Giuse Vũ Duy Thống, Ca sĩ Nhóm Tam Ca Áo Trắng)
21. Kịch thơ dụ ngôn: Người Samaritanô Tốt Lành (Huynh Trưởng –GLV Giáo Xứ Thanh Xuân)
22. Cám ơn (Ban Tổ Chức)
23. Vũ khúc: Ở Lại Với Con (XLB/Kim Lệ (Vũ đoàn HDMTG/PT).


TUYÊN BỐ LÝ DO

Trọng kính Đức Cha Phao-lô, đồng kính Đức Cha Nicolas cùng quí Đức Cha,
Kính thưa quí Cha Hạt trưởng, quí Cha Bề Trên, quí Cha, quí Tu Sĩ Nam Nữ,
Kính thưa quí cấp Chính Quyền tỉnh Bình Thuận, quí Nhà Biên Khảo, quí Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhạc Sĩ, Ca sĩ, Nhà Báo, quí Phóng Viên cùng tất cả quí khách tham dự Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng.

Ngôn ngữ Việt Nam luôn trào tràn sức sống, tình yêu, vẻ tuyệt mỹ và chân lý của người Việt, mà có thể nói thi ca là loại hình phong phú tiêu biểu nhất. Ngay trong lòng Bình Thuận, cách riêng, Giáo Phận Phan Thiết, một mầm thi ca Việt Nam, thi ca công giáo Việt Nam, đã vươn lên và tỏa sáng những chân lý yêu thương cho cuộc đời thắm đượm muôn hương hồng ân thánh đức. Mầm thơ ấy trung trinh theo với thời gian, với con người Bình Thuận, với Giáo Phận Phan Thiết, đã trở thành cây thơ cổ thụ vươn muôn nhánh thơ tươi xanh khắp Bình Thuận và Việt Nam. Ấy chính là nhà thơ Xuân Ly Băng, trong thiên chức Đức Ông Linh mục Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa. Nhà thơ năm nay đã 82 tuổi, 50 năm chu toàn sứ vụ Linh Mục của Chúa Giêsu đồng nghĩa với ngần ấy năm dùng Tiếng Việt, dùng thi ca Việt Nam để Loan Báo Tin Mừng cho người Việt Nam, mà nhất là cho cộng đoàn tín hữu Phan Thiết. Thi ca của Đức Ông Linh Mục GB Lê Xuân Hoa là niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, là nỗi lòng của người mục tử với đoàn chiên, là lời yêu của người yêu quê hương đất nước và con người – đặc biệt với Phan Thiết, Bình Thuận.

Cả Giáo Phận chúng con, đặc biệt là những người trẻ, được thừa hưởng gia tài Đức Tin và Văn Học của Đức Ông, chúng con thật hãnh diện.Và còn được hãnh diện hơn khi được Đức Cha Phaolo-Giám mục Giáo Phận nhà cho phép, được Các Cấp Chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng tại Phan Thiết hôm nay, và được quí Đức Cha cùng nhiều thành phần trí thức ưu tú đến tham dự chia sẻ niềm vui của Giáo Phận chúng con. Chúng con, lớp hậu sinh của Giáo Phận Phan Thiết, trong đêm nầy, xin được nói lên đây lòng kính mến, biết ơn Đức Ông Linh Mục Nhà Thơ Xuân Ly Băng và trân quí những cống hiến của Đức Ông Linh Mục Nhà Thơ Xuân Ly Băng cho Đức Tin và Văn Học Việt Nam, hôm nay và muôn sau.

Kính chúc quí Đức Cha, Quí Cha, quí vị một đêm thơ nhạc làm bừng lên muôn sức thiêng trong lòng.

Tm. Những người thực hiện chương trình
Xin kính chúc
Lm. Phêrô Nguyễn văn Quang

THƯ CHÚC MỪNG của ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA/HĐGMVN
XUÂN LY BĂNG TRẺ MÃI, “SAO KHÔNG ?”


“XLB có phải là một nhà thơ Công giáo trẻ không ?”
Câu hỏi ấy đã được gợi lên nhiều lần nhiều cách, và hầu như lần nào cũng nhận được câu trả lời giống nhau: “Phải, đây là một nhà thơ Công giáo không những trẻ, mà còn rất yêu dời nữa”.
Vâng, đúng thế.

1. XLB trẻ vì có một tâm hồn đặc biệt nhạy cảm trước vận mạng cuộc sống, trước nhịp điệu thời gian cũng như trước lẽ xoay vần của vũ trụ. Chính vì mang một tâm hồn nhạy cảm như thế, tác giả đã tự nguyện buông mình vào không gian mênh mông của trời đất hoặc đắm mình trong khoảnh khắc giản dị thường ngày, để có thể lắng nghe, ghi nhận và chuyển tải đi tiếng nói của vô biên.

2. XLB trẻ cũng vì luôn tìm được cách diễn tả rất riêng trong thi ca của mình, cho âm thanh khoác lấy bộ áo của sắc màu và cho màu sắc nhận lấy hơi thở của âm thanh, kết dệt hài hòa bằng ngôn ngữ của đạo và bằng sự lịch duyệt của đời. Có thể nói bóng bẩy rằng: Nơi thơ XLB, đời được thăng hoa trong ánh ngời của đạo và đạo trở nên lung linh giữa màu sắc của đời.

3. Nhưng XLB còn trẻ xì chính bút hiệu của mình, cho đến hôm nay, sau hơn sáu mươi năm sáng tác, vẫn luôn gieo vào lòng người những thao thức trẻ trung. Hơn ai hết, trong lịch sử thi ca Công giáo Việt Nam, XLB là người hết lòng chăm chút mùa xuân của đạo và hết tình giới thiệu mùa Xuân ấy cho đời.

Tâm hồn XLB trẻ, cách diễn tả của XLB trẻ và bút hiệu XLB cũng trẻ mãi: “Con người chưa được vô biên. Là còn thổn thức ưu phiền thánh năm”. (thơ XLB)

Hôm nay, nhân dịp Giáo Phận Phan Thiết tổ chức “Đêm thơ nhạc XLB” xin hợp ý cảm tạ vì hồng ân Chúa ban cho một nhà thơ, cách riêng, xin hợp lòng ngưỡng mộ tôn vinh vì sự cống hiến không mỏi mệt của tác giả vào kho tàng thi ca Công giáo Việt Nam, và trong tư cách chủ tịch UBVN/HĐGM.VN, xin đặc biệt gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến tác giả và chúc mừng “Đêm thơ nhạc XLB” gặt hái được nhiều hiệu mong muốn.

Gm. Giuse Vũ Duy Thống

CT. UBVH/HĐGM.VN
THƯ CHÚC MỪNG
của ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN HÒA
CHỦ TỊCH ỦY BAN THÁNH NHẠC VN/HĐGMVN


Kính gửi Đức Ông Xuân Ly Băng,
Rất tiếc vì bận công việc, không thể tham dự đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng, tôi xin gửi mấy lời chia vui với Đức Ông - một nhà thơ Công giáo rất được ái mộ.
Nhà thơ là người thiết tha yêu cái đẹp. Đối với nhà thơ Công giáo, thì tất cả những vẻ đẹp được cảm nhận và thể hiện qua lời thơ, đều là dung mạo của chính Thiên Chúa.
Nhà thơ không chỉ rất nhạy cảm với vẻ đẹp mà còn thấy được cái thâm sâu của sự vật. Qua lăng kính Đức tin, nhà thơ nhìn thấy Chúa trong mọi sự: thiên nhiên, con người, cuộc đời, và rất dễ xúc cảm trước tất cả những gì là biểu hiện của tình thương.
Xuân Ly Băng đã nghe:

- Người rì rào trong cánh gió ban đêm
và nói năng trong mỗi hòn sỏi đá
- Trong cành củi mục có tiếng thổn thức
- Trong thời gian có vĩnh cửu...

Nhà thơ cũng đã thấy
- Bước chân người: rừng lay
Ánh mắt người: sao bay
- Dấu đinh Ngài ẩn dưới đáy con tim
Như khát khao nói tiếng yêu vẹn tròn

Tiếng Việt vốn đã rất giàu nhạc tính. Thơ Việt lại quy tụ - từ cái giàu có đó - những gì hay nhất, gợi nhớ nhất, hòa hợp nhất. Xuân Ly Băng đã biết khai thác cách tài tình cái hay của tiếng Việt, cái đẹp của thơ Việt; vì thế, nhiều nhạc sĩ đã cảm nghiệm và tìm thấy - nơi nhà thơ của chúng ta - nguồn hứng cho dòng ca của mình. Đêm thơ nhạc hôm nay, được đan dệt từ những dòng ca đó, sẽ dẫn đưa người vào vẻ đẹp của chuyến đò văn hóa tới tận bến bờ đức tin.

Xin cầu chúc cho “Đêm thơ nhạc Xuân Ly Băng” thành công thật tốt đẹp.

Banmêthuột, ngày 23-06-2008
Gm. Phaolô Nguyễn Văn Hòa
CT.UBTNVN/HĐGMVN

LỜI CHÚC MỪNG
của Lm. PHÊRÔ PHẠM QUYỀN
Hạt Trưởng Hạt Phan Thiết


Kính thưa quí Thi sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ và tất cả quí vị quí khách mời,
Đêm thơ hôm nay là đêm vọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả trong lịch công giáo của chúng ta.
Thánh Gioan Tẩy giả là bổn mạng của Thi sĩ Xuân Ly Băng.
Theo sự phân công của ban tổ chức, con xin được phép thay mặt cho các linh mục, các tu sĩ, nam nữ chủng sinh và các giáo dân trong toàn giáo phận Phan Thiết, chúc mừng Đức Ông Xuân Ly Băng, Tổng Đại Diện Giáo Phận Phan Thiết.
Con cũng không biết lấy lời gì hơn ngoài lời kính chúc. Ngày mai là ngày lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Thánh Gioan đã sinh ra và đã mở đầu một kỷ nguyên cứu độ. Đức Ông cũng đã khai sinh một trang thơ, vè từ hơn nửa thế kỷ nay- giữa thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI này. Chúng con cầu xin Thánh Bổn Mạng bầu cử cho Đức Ông dồi dào ơn Chúa để - như hai Đức Giám mục vừa gửi lời, vừa gởi điện thư chúc mừng Xuân Ly Băng - sẽ trẻ mãi như là hài nhi Gioan mới được sinh ra, hồn thơ của Xuân Ly Băng cũng sẽ là trẻ mãi như là hài nhi Gioan mới sinh ra và để Ngài tiếp tục những vần thơ, những câu vè để lại cho hậu thế chúng con, rồi từ những vần thơ từ những câu vè đó dẫn đưa chúng con đi vào cuộc sống đức tin một cách vững chắc. Lần nữa con xin kính chào và kính chúc Bổn mạng Đức Ông và kính chúc Đêm Thơ Nhạc thành công.

HUẤN TỪ KHAI MẠC CỦA
ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết.


Kính thưa Đức Ông Lê Xuân Hoa
Quí cha, Quí vị quan khách, Quí tu sĩ, Và toàn thể bà con

Hôm nay nhân Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng, chúng tôi hanh hạnh được đón tiếp đông đảo quí quan khách và bà con trong giáo phận đến đây chia vui với chúng tôi, trước vinh dự lớn lao này, chúng tôi xin có lời trân trọng chào mừng và chúc sức khoẻ tất cả mọi người.

Để mở đầu cho chương trình Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng, chúng tôi xin mạo muội có vài lời để tìm hiểu về một nhà thơ Đạo như Đức ông Xuân Ly Băng. Là linh mục có tước hiệu Đức ông, nhưng thi hứng thì cũng như ai, điều đáng nói là thi hứng đó đã đến dần dần đi vào huyền nhiệm của Đạo, đi vào niềm tin tiếp cận với Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, để viết lên những lời thơ kinh, vừa nhân loại, nhưng cũng vừa đượm màu huyền diệu của một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa nhiệm mầu.

Nói đến một nhà thơ công giáo, không thể bỏ quên một truyền thống quan trọng đã ảnh hưởng rất lớn lên tình cảm và tư tưởng của ngài Xuân Ly Băng, đó là truyền thống thi ca trong Giáo hội công giáo. Truyền thống này bất nguồn từ ngàn xưa, tới thời đại tiền Kitô giáo. Lúc đó các sứ giả tôn giáo đã dùng lời rao giảng và cả đến văn thơ để truyền đạt niềm tin của mình và sứ điệp của Thiên Chúa cho các tín đồ.

Một trăm năm mươi Thánh vịnh chẳng hạn là những bài thơ cầu nguyện từ cá nhân đi đến cộng đồng, chất chứa những tâm tình thấm nhuần tình yêu đã biến thành huyền sử.

Thánh Ambrosio đã say sưa những Thánh vịnh đó, và đã hết lời tán dương người thi thánh này: “Thánh vịnh là lời chúc tụng của dân Chúa, là lời ngợi khen Thiên Chúa, là tiếng vỗ tay reo vui của muôn loài, là lời lẽ của vũ trụ, là tiếng nói của Hội Thánh, là lời tuyên tín vang lừng, là lòng sùng mộ đầy tràn và đích thực, là niềm hoan lạc của con người tự do, là tiếng reo vui mừng và là âm vang của niềm hoan hỷ”.

Đức ông Xuân Ly Băng cũng kín múc từ nguồn cảm hứng sâu sắc đó của truyền thống thi ca trong giáo hội, đã sớm hoà nhập “Thơ và Tình đạo”. Từ lúc thanh xuân, Xuân Ly Băng đã bất đầu ca ngợi thiên nhiên và cuộc sống. Nhưng sau đó hất hết thơ Xuân Ly Băng đã sớm đi vào con đường của huyền sử tin yêu, ngưỡng mộ, nguyện cầu, hiệp thông với nguồn thơ vô biên chính là mầu nhiệm Thiên Chúa.

Thơ của Xuân Ly Băng là những kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc nhất diễn tả niềm tin và mộ mến theo một lộ trình mà thánh Augustino đã thường diễn tả: “Lạy Chuá xin cho con biết con, và xin cho con biết Chúa…”. Lời thơ không dừng lại đó, thánh nhân không ngừng hỏi mây, hỏi gió, hỏi rừng xanh núi đỏ: “Các bạn có phải là Thiên Chuá không?” và người nghe muôn tiếng trả lời: “Không, chúng tôi không phải là Thiên Chuá, mà Thiên Chuá là Đấng dựng nên chúng tôi.” Cuối cùng ông trơ về với lòng mình và nhận ra Thiên Chúa như một thực tại siêu việt, rất cũ và rất mới ở ngay trong lòng mình mà vẫn không nhận ra: “Lạy Chúa, Chúa ở trong con, nhưng con lại ở ngoài Chúa”.

Xuân Ly Băng cũng vậy, ngày đêm trăn trở, cũng đi tìm và phát giác ra một nguồn thơ bất tận, đó là cuốn Tin mừng Kitô giáo mình vẫn nắm trong tay. Từ Thơ Kinh, đến Hương Kinh, Trầm Tư, Quê Hương và Tình Đạo, nỗi niềm là những cố gắng không ngừng, khám phá thơ trong Đạo. Nhưng cuối cùng thành công của thơ Xuân Ly Băng là tập “Thơ Dụ Ngôn” và Bài Ca Thương Khó trong sách Tin Mừng. Dụ ngôn là những chuyện kể của Đức Giêsu rất bình dân nhưng lại để diễn tả những thực tại nhiệm mầu của Đức Giêsu vị Thiên Sai cứu độ. Chính Ngài là gốc của Chân Thiện Mỹ, cho nên những chuyện kể của Ngài đầy chân lý, đầy vẻ đẹp đầy thánh thiện..mà cuộc sống có thể có được.

Như câu chuyện dụ ngôn Người Cha Nhân Từ, có đứa con hoang đàng, thất nghĩa bất trung, đã chia gia tài, rồi đóng sập cửa quay lưng ra đi, để lại người cha già, ngày ngày mòn mỏi chờ mong. Và vừa khi ông thấy bóng nó trong tấm thân tàn ma dại trở về, ông vội chạy đến ôm chầm lấy nó mà hôn lấy hôn để, giữ chặt lấy nó mà không muốn buông ra.

Nhà thơ Cù Huy Cận, người ngoài công giáo đọc bài dụ ngôn đó và viết mấy vần thơ đáng ghi nhớ trong tập “Lửa Thiêng” như sau:

Thượng Đế hỡi, con xin quay đầu trở lại
Vì đời con là một kiếp lang thang
Sầu đã chín xin Ngài hãy hái
Mặc dầu cho hoả ngục hay thiên đàng
.

Qua thi văn Xuân Ly Băng đã suy gẫm, đã lao tâm khổ tứ gạn lọc cho được những chân lý đầy vẻ đẹp của các dụ ngôn để cống hiến cho chúng ta.

Nhất là Bài Ca Thương Khó, mà một nhạc sĩ ngoài công giáo Ngọc Lạc lát nữa đây sẽ trình bày, có thể nói là tuyệt tác của Xuân Ly Băng. Ngài đã kết hợp hồn thơ với đức tin đầy lửa mến, dẫn ta đi vào tấn bi kịch của một tình thương vô cùng kỳ diệu của Thiên Chúa.

Trên thập giá, là một cuộc chiến có một không hai trong lịch sử. Cuộc chiến tay đôi giữa con người và Thiên Chúa, và con người đã thắng. Thiên Chúa chịu để cho kẻ thù đóng chặt chân tay mình vào thập tự. Đâm toặc cạnh sườn cho thấu trái tim. Ngài đã chết ! Trong tấn bi kịch của Tình yêu đó, Thiên Chúa chấp nhận cái chết để chứng tỏ tình yêu mạnh hơn sự chết của Ngài. Ngài đẻ kẻ thù giết mình, không thà giết kẻ thù không bằng hạt cát dưới chân mình, Ngài nhắm mắt torng khoan dung tha thứ và bình an tuyệt đối.

Xuân Ly Băng đã dùng những lời đầy xúc cảm, với ý nghĩa vô cùng sâu sắc để giúp chúng ta đi sâu vào Mầu Nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa. Và đó cũng là lời mời gọi chúng ta đi tìm Ngài.

« Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh thánh đã nói: Từ Lòng Người sẽ tuôn chảy dòng nước hằng sống» Ga 7,29.

Tuy tuổi đã cao, nhưng thơ vẫn trẻ, thi sĩ Xuân Ly Băng không ngừng tìm thơ trong Đạo để cống hiến cho Cộng Đồng tín hữu và người ngoài những vần thơ vô cùng cao quí. Văn chương thi phú là đỉnh cao của một nền văn hoá, là những nét đẹp tuyệt vời của cuộc sống, là con đường dẫn người ta gặp gỡ Chân-Thiện-Mỹ.

Giáo phận Phan Thiết vô cùng hân hãnh diện và biết ơn Đức ông Xuân Ly Băng.
Xin tuyên bố khai mạc đêm thơ Xuân Ly Băng

+ Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết


LINH MỤC PHÊRÔ NGUYỄN THIÊN CUNG
THI CA VÀ NIỀM TIN TRONG THƠ XUÂN LY BĂNG
(Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung biên soạn và trình bày trong phần tọa đàm
ĐÊM THƠ-NHẠC XUÂN LY BĂNG 23-6-2008 tại Tòa Giám Mục Phan Thiết)


Nếu Nghệ Thuật không chỉ là cách thế và hình thái diễn tả, trình bày “về” mà còn là nói lên tương quan “với” các Thực tại, hữu hình và vô hình, thì có lẽ Thơ và Nhạc là hai loại hình Nghệ thuật biểu đạt được những điều đó cách sâu sắc nhất và ấn tượng nhất…

Nhà Thơ và nhà văn Công giáo Hồ Dzếnh (1916-1991), trong bài viết “Thơ và Chúa” (ký tên Phạm Văn Lựu) đã phát biểu: “Cao hơn nghĩa Chúa rất Chúa, Trọn Lành trên mọi Trọn Lành, Hào Quang của muôn sáng tỏ, CHÚA, cái nghĩa chính bao quát tất cả là THƠ, CHÚA LÀ BÀI THƠ-BÀI THƠ Hằng Sống. Vĩnh viễn của HƯƠNG HOA, NHỊP ĐIỆU, MÀU SẮC, ÁI TÌNH. Đó là đạo lý thu hội lại Vũ Trụ và Nhân Sinh. Thế nhân cảm biết ĐẸP vì sẵn cái ĐẸP bên mình. CHÚA cảm biết ĐẸP vì ĐẸP là của chính NGƯỜI. NGƯỜI là ĐẸP […], Nguồn thơ bắt đầu từ đó…” (xem “Tác phẩm Đầu Xuân”, Tủ sách Nguyễn-Hà, 56 trang, khổ 15x21. In lần thứ nhất, xong ngày 10-12-1944, tại Nhà in Á Châu – Trích từ Bài Phát biểu của cụ Dục Đức Phạm Đình Khiêm đọc trong Đêm Thơ Xuân Ly Băng 26/04/2004 tại Giáo xứ Nam Hòa-Sài Gòn).

Thật vậy, con người, tự bản chất, vốn là một tổng thể “tam tài” (Thiên-Địa-Nhân hòa) (cosmothéandrique), tức là Thiên-Địa-Nhân vốn là 3 yếu tố cấu thành căn tính và bản chất của Con người. Vì thế, mọi thứ chủ nghĩa Hư Vô (le Nihilisme), Duy Nhân (l’Humanisme) và Duy Vật (le Matérialisme) đều sẽ dẫn đến chỗ làm băng hoại, thậm chí tiêu diệt Con Người. Hiện sinh của mỗi cá thể, đã hẳn, vì thế, sẽ là một Giai điệu của Bản Hợp tấu vĩ đại vốn đang được tấu lên cả ở Bên trong lẫn ở Bên ngoài Con người, Bản Hòa tấu mà con người chỉ có thể nghe được, cảm nhận được, khi con người “rà trúng” những tần số của chúng… Điều nầy có nghĩa, ở đây, có hai yếu tố cơ bản: trung tâm “phát sóng” (Thiên Chúa, thi nhân) và trung tâm “nhận sóng” (thi nhân, người đọc thơ)...

Thi nhân: Có thể nói rằng, Thi nhân đồng thời vừa là người “nhận sóng” từ Thiên Chúa vừa là người “phát sóng” đối với người đọc. Thật vậy, Thi nhân, trước tiên, chính là kẻ đã “rà trúng” tần sóng và tần số của Thiên Chúa, Đấng mà trong Ngài và bởi Ngài vũ trụ và con người tồn tại và hiện hữu. Hay nói cách khác, Thi nhân chính là kẻ đã tiếp cận được, cảm nhận được và cuối cùng dìm mình được vào trong Bản Hòa tấu vĩ đại Thiên-Địa-Nhân hòa đó…Và, chỉ trong điều kiện đó, tác phẩm phản ảnh thực tại đó mới có thể trở thành bất hủ. Một tác phẩm nghệ thuật nói chung, đặc biệt một tác phẩm thi ca chỉ có thể tồn tại lâu dài với thời gian hay còn gọi là bất hủ khi tác phẩm đó trào vọt ra từ chính trái tim của tác giả như giòng suối cách hồn nhiên và tự nhiên trào vọt ra từ chính Nguồn Suối mát. Chính yếu tố “hồn nhiên” và “tự nhiên” đó là điều làm cho Thi nhân khác với “thợ thơ”. Muốn thế, Thi nhân, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo, phải ở trong một mối tương giao mật thiết nào đó với Thiên Chúa của mình hay với các thần thánh của mình…Vì thế, ngôn ngữ thi ca tôn giáo đồng thời cũng là ngôn ngữ của tán tụng, của ái ca, và cả của ai ca…Hay nói theo ngôn ngữ tôn giáo kinh điển, đó là ngôn ngữ cầu nguyện: thí dụ, các Kinh Upanisad [Chú giải các Kinh Veda] (tk.5 TCN), Kinh Bhagavad Gita [Bài ca của Người Hạnh phúc] (tk. 1 CN), các Thơ Kinh của Rabindranad Tagore (1861-1941) trong Aán Độ giáo; hoặc các Thơ Kinh của các Tiên tri hay các Thánh Vịnh của Do Thái giáo; hoặc ở Việt Nam, phần lớn gia tài thi ca của nhà thơ linh mục Xuân Ly Băng, ngay từ những Tập Thơ đầu đời như THƠ KINH (xb. Sàigòn 1956), HƯƠNG KINH (xb. Sàigòn 1957), TRẦM TƯ (xb. Sàigòn 1959), NỖI NIỀM (xb. Sàigòn 1961), BÀI CA THƯƠNG KHÓ (1968-2008)…cho đến những bài thơ viết sau năm 1975…Một tác phẩm thơ nếu thực sự phản ánh được những “rung động” tạo ra do những gặp gỡ ngay “tự bên trong cõi lòng mình”, tức là nơi giao thoa của những tương giao giữa Thiên Chúa, thiên nhiên và con người như thế, đã hẳn, rất dễ dàng tạo ra được sự đồng cảm và giao thoa với những ai đọc nó…

Độc giả: Về phía người đọc, có thể nói rằng người ta cũng chỉ “thưởng thức” được một bài thơ khi người ta “rà trúng” được tần số rung cảm của chính tác giả đã sáng tác ra bài thơ đó (theo như kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”). Ở đây, thi nhân vừa là trung tâm “tiếp nhận sóng” (từ Thiên Chúa, từ thiên nhiên, từ tha nhân, v.v…) vừa là trung tâm “phát sóng” (đối với người đọc thơ)…Những “rung động” chân thành của Thi nhân hay của Nhạc sĩ, vì thế, sẽ không còn là của riêng cá nhân mà sẽ trở thành tài sản của mọi người, mọi thời đại. Thi ca đích thực sẽ không còn là của “tôi”, “của anh” hay “của nó” mà là “của chúng ta”, của toàn thể nhân loại…Những Mozart (1756-1791), Beethoven (1770-1827), Paul Verlaine (1844-1896), Charles Péguy (1873-1914), Nguyễn Du (1766-1820), Hàn Mạc Tử (1912-1940), Trịnh Công Sơn (1939-2001) là những thí dụ điển hình…

Trong lãnh vực thi ca tôn giáo, ảnh hưởng và tác động nầy lại càng rõ nét hơn. Có lẽ khó mà kê khai ra được cách đầy đủ con số biết bao người đã nhận ra được và yêu mến Thiên Chúa và Mẹ Maria hơn qua trung gian tác phẩm thi ca, con người và cuộc đời của nhà thơ XUÂN LY BĂNG…

Thi ca và Niềm tin: Đức Giám mục P.M. Phạm Ngọc Chi, trong Lời tựa cho Tâp thơ THƠ KINH, xuất bản năm 1956 đã ghi nhận: “Sau Hàn Mặc Tử, một số thi sĩ công giáo ra đời. Trong số đó phải kể Xuân Ly Băng, kể từ mấy năm nay đã gieo vần trên mặt báo. Tập THI KINH của thi sĩ nhẹ nhàng như hương trầm trên Cung Thánh, sẽ gợi dậy niềm cảm hứng say sưa mùi đạo tự trời cao bay xuống.”

Linh mục Cao Văn Luận, nguyên viện trưởng Viện Đại Học Huế, trong Lời Giới Thiệu Tập thơ HƯƠNG KINH, xuất bản năm 1957 khẳng định: “Tôi tin chắc rằng, đọc thơ Xuân Ly Băng, ngoài sự khoái trá êm đềm gây nên bởi nhạc điệu của câu Thơ, người ta còn nghe ở đó một tiếng kêu mời gọi hồn về Chân Lý.”

Đức Giám mục Barthôlômêo Nguyễn Sơn Lâm trong lời giới thiệu nhân dịp xuất bản tập thơ LỜI CHÚA DIỄN THƠ năm 2002 đã “tâm sự”: “Tác giả Xuân Ly Băng và tôi đã có nhiều năm học chung một trường. Rồi sau đó chia tay, mỗi người một công vụ khác nhau tại những địa phương không dễ gần gũi. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được một tập thơ của tác giả và cầm đọc trong những lúc thinh lặng, có khi cả trong những giờ cầu nguyện, vì tác giả hầu như chỉ sáng tác những bài thơ tôn giáo.”

Không chỉ trên những người tin Chúa, ảnh hưởng thi ca của Xuân Ly Băng còn bao trùm trên cả những người trước kia vốn chưa tin Chúa như trường hợp ảnh hưởng thi ca của Hàn Mặc Tử đối với các ông Võ Long Tê và Phạm Xuân Tuyển…:

Thi sĩ Đinh Hùng, một nhà thơ không cùng tín ngưỡng trong Lời TỰA viết cho Tập thơ NỖI NIỀM của Xuân Ly Băng, xuất bản năm 1961 đã ghi nhận: “[…] Tôi vẫn thắc mắc nghĩ rằng: Giữa thời đại máu xương ngự trị, những tín đồ-thi sĩ như Xuân Ly Băng chính là những sứ giả đã giúp chúng ta tìm thấy Niềm Tin, cũng như người thái cổ, giữa đêm huyền bí sơ khai, đã tìm thấy lửa. […]. Ngày nay, đọc thơ Xuân Ly Băng, niềm thắc mắc của tôi không còn nữa. Nhà thi sĩ-tín đồ đã đem lại cho tôi Niềm Tin. Và Niềm Tin cần thiết nhất cho chúng ta hiện thời chính là phải như Xuân Ly Băng, tin rằng Linh Hồn bất diệt, ngoài thế giới hữu hình còn có một thế giới vô hình, tốt đẹp hơn.”

Các ông Trần văn Sơn và Phan Chính, hai tác giả không cùng tín ngưỡng ở vùng Bình Tuy, trong bài SƠ LUẬN VỀ NHỮNG NHÀ THƠ TRÊN BỐN MƯƠI (ở Bình Tuy trước 1975), in trên tờ ĐẤT MỚI năm 1973, nhận xét: “[…]. Dân địa phương chỉ biết có một Linh mục Lê Xuân Hoa lãnh đạo giáo hạt Bình Tuy, chứ không biết Ngài còn là thi sĩ Xuân Ly Băng với một nhịp tim đánh thức dậy trong lòng người niềm tin và sự ngưỡng vọng về Thiên Chúa.” (trang 94).

Nhà thơ Lê Ngọc Trác, trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận, tuy không cùng tín ngưỡng, đã cảm nhận được từ Thơ của Xuân Ly Băng: “Cảm hứng trong dòng chảy của thơ Xuân Ly Băng bắt nguồn từ đức tin Thiên Chúa. Nhà thơ như là những sứ giả giúp cho chúng ta tìm thấy niềm tin. Thơ Xuân Ly Băng rất gần gũi với cuộc đời chúng ta, tỏa ngát một tình thương cao cả, tinh thần và đầy lòng trung hậu. Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những nét lãng mạn trong thơ Xuân Ly băng thì cũng chỉ là một thứ lãng mạn đã được thăng hoa, được gột rửa những trần trụi của đời thường để rồi hóa thân thành Thơ Kinh.” (xem Lê Ngọc Trác, Một chút tình thơ, xb. Hội VHNT Bình thuận 2008, trang 22).

Như vậy, hẳn người ta cũng đã có thể nhận ra, cũng như Tình yêu vốn là một thứ Ngôn ngữ phổ quát, Ngôn ngữ Thi ca đích thực cũng là một thứ Ngôn ngữ phổ quát, mọi người đều có thể nói ra và ai ai cũng đều có thể hiểu được, bởi vì Thi ca không gì khác hơn chính là những đoản khúc của Giai điệu vĩnh hằng được tấu lên bởi Bản Giao hưởng vĩ đại là Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi và huyền nhiệm “Thiên-Địa-Nhân hòa” nơi Vũ Trụ và cả Bên trong lòng người…

Vì thế, một nền Thi ca đích thực, tất yếu phải dẫn đưa con người đến với Niềm tin, đến với con người, đến với Tình Yêu và cuối cùng đến với Thượng Đế… Đó chính là Sứ mạng của Thi ca nói chung và đặc biệt của Thi ca tôn giáo:

“Văn chương và Nghệ thuật cũng theo thể cách riêng mà giữ một vai trò quan trọng trong Giáo Hội. […]. Như thế, văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời và từng miền khác nhau. Vì thế, cần phải làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo Hội đang lưu tâm đến hoạt động của họ...” (Hiến chế GS số 62).

Và: “Bây giờ đây, Công đồng muốn ngõ lời với tất cả các bạn, hỡi anh chị em nghệ sĩ, những con người vốn bị cuốn hút bởi Cái Đẹp và lao tâm khổ tứ cho Cái Đẹp: các nhà thơ và các nhà văn, các họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, nhạc sĩ, những con người của nghệ thuật sân khấu và điện ảnh…Qua tiếng nói của chúng tôi, Giáo Hội của Công Đồng muốn nói với tất cả các bạn rằng nếu các bạn là bạn hữu của một nền nghệ thuật đích thực, thì các bạn cũng là bạn hữu của chúng tôi !

Từ thưở sơ khai của mình, Giáo Hội vốn đã liên minh với các bạn. Các bạn đã từng xây dựng và trang trí các đền đài của Giáo hội, đã từng tôn vinh các tín điều của Giáo hội, đã từng làm giàu cho phụng vụ của Giáo hội. Các bạn đã từng giúp Giáo hội phiên dịch sứ điệp thần linh của mình qua trung gian những thứ ngôn ngữ tạo hình, đã giúp Giáo hội khiến cho thế giới vô hình trở nên có thể nắm bắt được.

Hôm nay cũng như hôm qua, Giáo Hội cần đến các bạn và hướng về các bạn. Qua tiếng nói của chúng tôi, Giáo hội muốn nói với các bạn rằng đừng phá vỡ đi một trong những liên minh phong phú giữa các bạn và Giáo hội! Đừng từ chối sử dụng tài năng của các bạn phục vụ chân lý thần linh ! Đừng bưng bít thần trí của các bạn trước hơi thở Thánh Thần !

Thế giới mà trong đó chúng ta đang sống vốn rất cần cái ĐẸP để khỏi rơi vào những nỗi niềm thất vọng đắng cay. Cái ĐẸP cũng như SỰ THẬT, vốn là cái mang lại NIỀM VUI nơi sâu thẳm lòng người, và chính hoa qủa qúi báu là niềm vui đó vốn là cái giúp con người chống lại được sức tàn phá của thời gian, là cái nối kết các thế hệ lại với nhau và làm cho các thế hệ hiệp thông được với nhau trong tâm tình cảm phục. Và điều đó là tùy ở nơi các bạn…” (xem Các sứ điệp của Công Đồng Vaticanô II ra ngày 08 tháng 12 năm 1965, phần Ngõ lời với các Nghệ sĩ, không có trong Bản dịch của GHHV Thánh PIÔ X Đà Lạt; trích đoạn nầy do tác giả Bài nầy dịch từ Concile oecuménique Vatcan II, Eùd. Du Centurion 1967, pp. 729-730).

Và, kính thưa tất cả qúi vị, hôm nay đây, tôi cũng muốn dùng những lời ngõ nầy của Công Đồng chung Vaticanô, để nói với tất cả qúi vị, về nhà thơ XUÂN LY BĂNG, một cây Đại thụ của nền thi ca Công giáo Việt Nam, niềm tự hào chung của toàn thể Giáo phận Phan Thiết, người ròng rã hơn 60 năm qua như phù sa âm thầm đã bồi đắp cho cuộc đời chúng ta Niềm Tin và Niềm Vui giúp chúng ta thoát khỏi niềm thất vọng và nhờ đó chống lại được sức tàn phá của thời gian…

Linh mục Pet. NGUYỄN THIÊN CUNG.

LINH MỤC NHẠC SĨ KIM LONG
CẢM NGHIỆM THƠ XUÂN LY BĂNG TRONG THÁNH CA
(Pm. Cao Huy Hoàng lược ghi trong phần tọa đàm)


-Ns. Phanxico: “Thưa Cha Kim Long, đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng được vinh dự tiếp đón Cha, một Nhạc sĩ Công Giáo trên 50 năm viết Thánh Ca và trong số những tác phẩm Hợp Xướng của Cha đã có những bài Phổ Thơ của Đức Ông Xuân Ly Băng. Vậy xin Cha cho chúng con biết những cảm nghiệm của Cha về Thơ Xuân Ly Băng.

-Lm. Nhạc Sĩ Kim Long: “Trọng kính Đức Cha, kính thưa Đức Ông, thưa quí Cha, quí vị.

Con không hiểu làm sao-có lẽ là duyên cớ Chúa soi sáng thế nào đó- từ năm 16-17 tuổi con thích thơ lắm. Lúc đó, con chưa làm nhạc mà đột nhiên con muốn làm thơ. Con đã viết nhiều thơ. Và có lẽ vô tình, một người bạn tặng cho con cuốn Thơ Kinh của Xuân Ly Băng. Con đọc và con thấy nhiều điều mình muốn nói thì Xuân Ly Băng đã nói rồi. Rồi đến tập Hương Kinh cũng vậy, con thuộc lòng một đoạn rằng:

Từ ngày tôi biết lắng nghe
Trong không gian ý thơ về trời cao
Hồn tôi đắm đuối dạt dào
Đi ra thơ thẩn đi vào buâng khuâng


Đúng. Khi có tác động của ý nhạc hay ý thơ của Thiên Chúa thì mình cũng đã từng “đi ra thơ thẩn đi vào buâng khuâng” và cảm nghiệm được như vậy rồi. Con thấy mình không cần làm thơ nữa và con đã bước sang lĩnh vực âm nhạc, vì nghĩ rằng có thể dùng âm nhạc để mà chuyển tải thêm cái gì đó cho thơ. Bởi vì, cái điều mà mình muốn nói có người khác nói rồi, như thế cái cần có là niềm rung cảm mà mình có thể hội nhập được. Vậy, cái chia sẻ chính yếu của con là: con cảm nghiệm được cái điều mà Xuân Ly Băng muốn nói từ trong lòng, và khi cảm nhận được rồi, thì một lúc nào đó, nó thành nhạc là chuyện tất nhiên thôi. Có thể là một ý tưởng của Xuân Ly Băng đến với mình hoặc một bài thơ làm cho mình ngây ngất - mình thuộc lòng ngay. Rồi bất chợt, một lúc nào đó nó lại thành thơ, nhưng là ý tưởng của Xuân Ly Băng. Con nhớ có một bài thơ của Xuân Ly Băng diễn tả một câu thơ của Baudelaire

Mẹ ơi trong ánh nắng chiều
Đến đây với Mẹ yêu kiều lòng con
Chẳng xin gì chẳng van lơn
Chỉ nhìn ngắm Mẹ thế thôi cũng vừa


Có lần, con viếng hang đá Lộ Đức, nhớ tới Xuân Ly Băng thì con hát rằng: (Hát)

Quì trang nghiêm trước ngai Mẹ,
Hàng bạch lạp sáng lung linh,
Con không có gì để dâng để khấn,
Con chỉ đến ngắm nhìn Mẹ thôi
” (Vỗ tay)

Như vậy đó, con cảm thấy có một sự hội nhập nào đó. Có thể là một câu thơ, một bài thơ của Xuân Ly Băng gợi cho mình một ý tưởng để thành ca khúc.

Con nhớ đọc bài thơ Xuân Ly Băng nói về tiệc cưới Cana
“ Tiệc đời con cạn rượu rồi Mẹ ơi,
Mẹ cầu Chúa cho con đừng xấu hổ”
Một ý tưởng: có hai bàn tiệc-bàn tiệc đời, bàn tiệc cưới. Và vì thế, con viết rằng: (hát)

Như xưa, trong tiệc cưới Cana
Mẹ đã từng xin Chúa biến nước thành thứ rượu nồng
Nay trong bàn tiệc dương thế
Nguyện Mẹ xin Chúa biến cơ cầu thành sướng vui hy vọng


-NS. Phanxico: “Thưa cha chúng con xin có một câu hỏi thứ hai-mang tính cách chuyên môn về âm nhạc một chút-là trong bất kỳ ca khúc nào cũng có hai yếu tố, đó là âm nhạc và lời ca. Đức Ông XLB đã đóng góp phần lời ca trong rất nhiều bài hát mà Cha đã thực hiện. Vậy chúng con xin có câu hỏi: lời ca có tầm quan trọng như thế nào trong thánh nhạc?”

- Lm. NS. Kim Long: “Kinh nghiệm của 51 năm viết thánh ca, con viết từ năm 1957, thì con cảm nghiệm điều nầy đối với nhạc công giáo: Ý, Lời Ca là quan trọng. Nhạc là để chuyển tải mà thôi. Lời ca là cái căn cốt mà con người có thể lắng nghe và có thể lay động lòng người, cái tư tưởng mà mình phải hội nhập. Vì thế, trong cuộc Hội Thảo Ban Thánh Nhạc Toàn Quốc vừa qua, con có chia sẻ với những người đi sau: muốn viết Thánh Ca, phải có ba yếu tố: phải Đọc, phải Suy, và phải Cầu. Đọc Thánh Kinh, đọc ca vịnh, đọc Thơ Văn, đủ thứ, để cho mình có một kiến thức. Từ việc đọc đó, nó chưa là gì cả. Nhưng rồi, phải trầm tỉnh để mà Suy. Suy, con nghĩ rằng, chính Chúa sẽ soi sáng cho mình để mình cảm nghiệm được những gì mà Chúa muốn nói với mình. Khi đã nhận được những điều Chúa muốn nói với mình nhờ việc Suy, thì việc thứ ba là phải Cầu. Chính mình phải cầu nguyện với Chúa. Vì Thánh ca là gì? Con nghĩ, Thánh ca phải là lời cầu nguyện. Nếu mình chưa cầu nguyện với Chúa thì làm sao có thể giúp người khác cầu nguyện với Chúa được. Cho nên phải đọc, phải suy, phải cầu. Có thể nhờ đọc một tư tưởng nào đó, mà nó có thể gợi cho mình viết được một bài ngay. Nhưng, đối với nhạc công giáo, thì không phải tự sức mình viết được một bài ngay đâu, mà do Chúa soi sáng cho mình viết bài đó. Có thể là một tư tưởng đến rất tình cờ.

Con đọc mấy câu thơ này của XLB. Và ngay khi đọc, con viết thành nhạc ngay:

Con hỏi Ngài bao giờ Ngài đến
Ngài hỏi con, khi Ngài xuất hiện
Con có sẵn sàng không
Có cần cù làm việc
Lưng thắt, đèn chong
Con hỏi Ngài khi nào Ngài đến
Ngài hỏi con khi Ngài Xuất hiện
Con có tỉnh thức không
Có kiên trì cầu nguyện, phục vụ tha nhân
Con hỏi Ngài khi nào Ngài đến,
Ngài hỏi con khi Ngài xuất hiện
Con có mặc áo cưới không
Tay cầm cành Thiên tuế, và chiến đấu đến cùng
” (Vỗ tay)

-NS. Phanxico: “Xin cảm ơn Cha Kim Long” (Vỗ tay)

- Nhà thơ Lê Đình Bảng: “Thưa Cha Kim Long. Xin Cha đứng với con một tí, một tí thôi à. Cha có nghe thấy tiếng vỗ tay thật dài, thật hoành tráng không?

-Lm. Ns. Kim Long: “Chương trình dài quá rồi mà hát hết một bài thì thế nào?”
(Vỗ tay dài hơn…)

-Lm. Ns. Kim Long: “Con có đọc một bài thơ XLB, con hội nhập được ý tưởng của Ngài. Nhưng con muốn đồng hóa một chút với ý tưởng của con, để có sự hòa nhập. Và vì thế, con viết hơi khác khác đi một chút xíu. Thí dụ có những từ “sầu đã chín…” của Huy Cận mà Xuân Ly Băng lại viết: “ Sầu tâm tư đã chín rồi chưa hái”. Phải không Cha?
(Đức Ông cười, gật đầu)

Vậy thì con xin hát bài “Ở Lại Với Con” trong đó có “sầu đã chín” nhưng là “sầu đã chín” của Xuân Ly Băng, không phải của Huy Cận:

Ở lại với con, ở lại với con, đừng về nữa
Chúa ơi, thôi đừng về nữa.
Chiều xuống ngập nơi nơi
Bóng đen giăng kín khung trời
Nguyện cầu Chúa thương, ở lại với con.
Xin ở lại với con, vì hồn con luôn sống bởi Ngài.
Thôi đừng về nữa Chúa ơi.
Từ nghìn thu xa trước, Ngài đã thương con.
Nay con nguyện, yêu Ngài tới muôn đời luôn.
Ở lại với con, ở lại với con
Sầu đã chín. Sầu đã chín. Chúa ơi hy vọng vụt tắt.
Đời biết về nơi đâu, đắng cay nghẹn mắt lệ sầu.
Nguyện cầu Chúa thương, ở lại với con.
Xin ở lại với con, vì hồn con luôn sống bởi Ngài.
Thôi đừng về nữa Chúa ơi.
Từ nghìn thu xa trước,Ngài đã thương con.
Nay con nguyện, yêu Ngài tới muôn đời luôn
”.

NHÀ THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG
ĐỨC ÔNG LÊ XUÂN HOA-NHÀ THƠ XUÂN LY BĂNG
TRONG DÒNG CHẢY VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM
(Pm. Cao Huy Hoàng lược ghi trong phần tọa đàm)


-NS. Phanxico: “Vâng, chúng con xin nhà thơ Lê Đình Bảng tạm ngưng cái nhiệm vụ dẫn chương trình để trở về với cương vị của ông là một nhà thơ công giáo nổi tiếng đồng thời là một người nghiên cứu về thi ca công giáo Việt Nam. Phòng tọa đàm kính mời nhà thơ Lê Đình Bảng lên sân khấu, để chúng tôi được đặt một số câu hỏi về thơ của Xuân Ly Băng trong dòng văn học công giáo Việt Nam”.

-NS. FX: “Thưa nhà thơ Lê Đình Bảng, chúng tôi được biết ông vừa là người làm thơ lại vừa là người nghiên cứu văn học công giáo. Chắc hẳn, như vậy là ông có hai mối quan hệ với Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng: một là mối quan hệ đồng cảm giữa những người làm thơ với nhau, và mối quan hệ thứ hai là về học thuật giữa một người nghiên cứu và một tác giả của văn học công giáo Việt Nam. Vậy, xin ông chia sẻ cảm tưởng cảm nghiệm của ông về các tác phẩm của Cha Xuân Ly Băng và về con người của nhà thơ này. Xin kính mời ông”.

-Nhà thơ Lê Đình Bảng: “Thưa quí vị, tôi nhớ một nhà thơ Pháp-hình như là Baudelaire-nói một câu như thế này “nhà thơ là người có cái tai nghe được cái âm thanh mà người thường không nghe thấy, có đôi mắt nhìn thấy được sắc màu mà người thường không thấy”. Và ông ta đã ví von rằng: “thơ là một vị thần thoại Hy Lạp ăn cắp lửa của trời, rồi đem lửa của trời chuyển hóa thành ngôn ngữ. Cho nên, dù Xuân Diệu đã nói:

Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió
mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây


Thì những người làm thơ công giáo, không phải là họ “mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mây”, nhưng thông qua ngôn ngữ của thi ca, họ có cùng một mục đích rất rõ ràng: Đức Tin Kitô Giáo.

Cái quan hệ thứ nhất của tôi đối với nhà thơ Xuân Ly Băng là khoảng năm 1958- tôi đang là sinh viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Trước đây thì tôi đọc rất nhiều thơ, đặc biệt là thơ Hàn Mạc Tử. Nhưng khi Hàn Mạc Tử được Chúa cất đi ở cái tuổi rất là còn trẻ, tức là năm 1940, thì sau đó có một cái khoảng trống trong cái dòng chảy thi ca Việt Nam sau Hàn Mạc Tử. Nhưng, tôi thấy, bỗng dưng cho đến khoảng năm 1956- chính xác là như vậy - tôi được đọc tập thơ đầu tiên của Xuân Ly Băng:Hương Kinh, rồi Thơ Kinh, Nỗi Niềm, Trầm Tư… cho đến cái đại tác phẩm hơn một nghìn câu thơ lục bát “Bài Ca Thương Khó” mới đây, thì cái thần tượng thứ hai trong đời của tôi mà tôi gọi là cái cây cao bóng cả phủ lên đời làm thơ của tôi sau Hàn Mạc Tử, đó là Xuân Ly Băng. Chính ngọn lửa Xuân Ly Băng ấy đã khơi dậy, đã thúc đẩy tôi, thúc đẩy tôi đi đâu ? Thưa, thúc đẩy tôi rằng: chúng ta hãy đốt lửa lên, chúng ta thắp niềm tin lên bằng thi ca để làm sao có thể rao giảng được đức tin, được Tin Mừng của Chúa.

Chính sự thúc đẩy của Thơ Xuân Ly băng, mà từ năm 1960 cho đến năm nay, tức là 48 năm, tôi đi đây đi đó -đặc biệt là đi nước trong nhiều hơn nước ngoài-đi đến khắp các Giáo Phận, và ở mỗi một giáo phận như vậy, thì nơi mà tôi tìm hiểu đầu tiên là thư viện. Tôi xin phép lùng sục vào trong thư viện- nhiều khi cả ban sáng lẫn ban chiều tôi chỉ cần một ổ bánh mì rồi chui vào trong đó mà đọc. Tất cả những nhà nghiên cứu ở ngoài đời, khi nói về thi ca, thì họ nói “công giáo các ông làm gì có thi ca, nếu có, cũng chỉ có mỗi Hàn Mạc Tử”. Nhưng qua những sưu khảo từ miền Bắc cho đến miền Trung và miền Nam, tôi khám phá ra một điều mà có thể trả lời cho quí vị ngày hôm nay rằng: từ năm 1670 Công giáo chúng tôi đã có thơ ca với tác phẩm “Sấm Truyền Ca” của Lữ Y Đoan. Tôi còn có thể trả lời được rằng: sau đó đã có một dòng chảy của Thi Ca Công Giáo Việt Nam qua Đặng Đức Tuấn, Phan Văn Minh, Pétrus Ký, Huỳnh Tịnh Của, Philipphe Bỉnh, Giuse Maria Thích và hằng hà sa số cho đến Xuân Ly Băng. Nếu tôi tổng hợp lại thì có trên dưới khoảng chừng 100 nhà thơ lớn. Lớn đây không phải lớn về thành tích, lớn đây không phải lớn về số lượng, nhưng lớn ở cái chỗ là trong âm thầm những người làm thơ công giáo vẫn sáng tác và chúng ta đã có một dòng chảy.

Thưa quí vị, xin quí vị, đặc biệt là Đức Cha, Đức Ông, quí Cha và tất cả mọi người, cầu nguyện cho tôi sống lấy năm năm nữa, để tác phẩm Nghiên Cứu Thi Ca Công Giáo của chúng tôi được phép trình làng. Tác phẩm ấy - như anh Phanxicô vừa nói - là cái công trình mà chúng tôi âm thầm làm trong vòng 48 năm nay. Chúng tôi sẽ chia ra làm ba tập, và đây, Cha Vinh Sơn Bề trên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế sẽ sẵn sàng lo lắng, ủng hộ chúng tôi làm thực hiện trên dưới khoảng chừng gần 10.000 trang. Trong tác phẩm ấy, tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng Truyện Kiều có 3.254 câu thơ lục bát thôi, nhưng có những tác phẩm Phúc Âm Diễn Ca có tới 14.000 câu thơ lục bát. Tôi cũng chứng minh cho mọi người thấy được rằng: Công giáo chúng tôi chảy trong dòng chảy văn hóa Việt Nam; Công giáo chúng tôi đồng hành với dân tộc Việt Nam, và cụ thể nhất là Xuân Ly Băng và Thơ Xuân Ly Băng mà chúng ta nghiêng mình ngưỡng mộ hôm nay, tại Giáo phận phan thiết này. Chúng ta nổ tràng pháo tay cảm ơn Chúa vì Tin mừng của Chúa đã thấm vào hơi thở của dân tộc Việt Nam. Xin tạ ơn Chúa.
(vỗ tay)

-NS. FX: Thưa ông Lê Đình Bảng, khi đọc thơ của Đức Ông Xuân Ly Băng, người ta thường có nhận xét rằng: có một cái điểm đặc biệt khác với tất cả các nhà thơ Công giáo khác, là Đức Ông làm thơ không chỉ để trải lòng mình hay để cầu nguyện mà còn để dạy giáo lý để phổ biến kinh thánh, để thực hiện việc mục vụ. Và trong quá trình làm thơ, thì có vẻ như Đức Ông rất ưu ái thể thơ lục bát như trong phần tuyên bố lý do, rồi sau đó trong huấn từ của Đức Cha có nhắc đến tập Dụ Ngôn “Bài ca thương khó”; cũng như trong lời tựa cho tập thơ ấy, Đức Ông Xuân Ly Băng nói rằng sau khi đọc đi đọc lại và nghe đi nghe lại thì đã quyết định viết lại và sử dụng thể thơ lục bát cho cái tập Dụ Ngôn đó. Xin hỏi ông một câu có tính chuyên môn là ông có nhận xét gì về thể thơ lục bát nói chung, và việc Đức Ông Xuân Ly Băng sử dụng thể thơ đó trong tác phẩm của mình?

-Nhà thơ Lê Đình Bảng: Thưa quí vị, có hai vấn đề: vấn đề thứ nhất, Đức Ông Xuân Ly Băng làm thơ để làm gì ? Rất rõ ràng từ đề tài, nội dung, loại hình, chuyển thể... Tất cả chỉ có một mục đích: đó là rao giảng Lời Chúa, rao giảng Tin mừng. Điều này cho thấy Ngài kế thừa một truyền thống ba, bốn trăn năm của tổ tiên ta: Lữ Y Đoan viết Sấm Truyền Ca là để giới thiệu Cựu Ước, Phan Văn Minh viết Nước Trời Ca và E-vang ca, Đặng Đức Tuấn viết ra Lâm Đàn Phục Quốc Hành, Pétrus Ký v.v…cho đến ngày nay, cũng là đi theo con đường bằng góc độ và những nén vàng nén bạc Chúa ban cho mình để rao giảng lời Chúa, đấy là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, đúng như là nhạc sĩ Phanxicô nói, đọc trong toàn bộ các tác phẩm-trên dưới 44 tác phẩm của Xuân Ly Băng-tôi thấy trong đó nổi lên một cái dòng chảy rõ lắm, đó là Đức Ông mặn mà và có sở trường về thơ lục bát. Từ đó, tôi lại liên tưởng tới nhà thơ và nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và một câu nói rất nổi tiếng của ông, khi nhiều bạn làm thơ đưa thơ cho ông đọc, ông nói: “Anh biết làm thơ lục bát không, nếu anh biết làm thơ lục bát thì đấy mới là nhà thơ”. Vì thật ra, nếu làm thơ lục bát là “bằng bằng trắc trắc bằng bằng bằng bằng trắc trắc bằng bằng…” thì ai cũng làm được, kể cả bà mẹ quê cũng làm được. Nhưng đấy mới chỉ là thợ thơ. Nhà thơ phải vượt lên bên trên cái thợ-thợ tức là kỹ thuật, kỹ xão- nhưng trong thơ lục bát còn phải có hồn, phải có hứng, mà người làm thơ công giáo gọi là phải có đức tin, phải có lời cầu nguyện. Tôi lại nhớ nhà văn Nguyễn Tuân nói rằng “Anh đưa cho tôi xem một bài thơ lục bát, nếu bài thơ đó hay, anh là nhà thơ, còn bao lâu anh chưa làm được bài thơ lục bát không phải là nhà thơ”. Cho nên tôi nhìn suốt dòng văn học Việt Nam, tôi nhìn suốt dòng văn học Công giáo, tôi thấy rằng dòng chảy chính của dân tộc ta là dòng đi chậm rãi không cần tốc độ “bằng bằng trắc trắc bằng bằng, trăm năm trăm cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” – Mặc kệ Âu Mỹ người ta đi thế nào, mình cứ đủng đà đủng đỉnh mà đi chậm, nhưng mà chắc, cho nên thơ lục bát là một ưu điểm của dân tộc Việt Nam. Và Xuân Ly Băng cũng đã vươn tới cái lục bát toàn mỹ đó trong thơ lục bát đậm màu nghệ thuật và Đức tin công giáo. “Một mảng chiều” với mấy câu thơ, cũng đủ họa lại con người Việt Nam chân chất với niêm tin vô cùng:

Mẹ cho con một mảng chiều
Có mây giăng tím chở nhiều nhớ mong
Có đàn sáo lượn ven sông
Lưng trâu có chú mục đồng thổi tiêu
Hoàng hôn lá rụng thật nhiều
Khói lam bàng bạc xóm nghèo bơ vơ
Mẹ cho con một trời thơ
Khi chuông nhật một nhà thờ lan xa
”.

NS. Fx: Xin cảm ơn ông.

ĐỨC ÔNG GB. LÊ XUÂN HOA
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
VÀ ƯỚC NGUYỆN CHO THẾ HỆ TRẺ
(Pm. Cao Huy Hoàng lược ghi trong phần tọa đàm)


-NS. Fx. Trọng kính Đức Ông, trong niềm vui của GP. Phan Thiết, chúng con kính xin Đức Ông cho biết về hành trình đức tin của Đức Ông trong đời linh mục làm thơ, và ước nguyện của Đức Ông cho thế hệ hậu duệ.

-Đức Ông Xuân Ly Băng: “Thưa Đức Cha, thưa quí Cha, quí vị lãnh đạo các cấp Bình Thuận, quí tu sĩ nam nữ, chủng sinh, thưa các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, quí vị quan khách, tất cả tham dự trong buổi biểu diễn đêm thơ nhạc hôm nay.

Trong chương trình này, giờ đến mục là ban tổ chức cho tôi được nói về hành trình đức tin, ước nguyện cho thế hệ trẻ. Đức tin là sự hiện diện một thực tại siêu nhiên mà hồng ân Thiên Chúa ban cho những ai có thiện chí thành tâm đi tìm Ngài.

Nói đến hành trình đức tin tức là phải nói về lộ trình của đức tin-tức là con đường đức tin phải đi qua. Trong tin mừng Đức Kitô đã tự khẳng định “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”, là đường đem đến sự thật, sự thật dẫn đến sự sống, sự sống đây là sự sống vĩnh cửu, sự sống siêu phàm chan hòa ánh sáng an bình cũng như là nước trời, nước Thiên đàng, hạnh phúc viên mãn.

Hành trình đức tin chính là sự tiến lên, vươn lên không ngừng về cõi trời đó. Bao lâu chưa chiếm hữu được thì con người vẫn khắc khoải, khát khao, nhớ mong- đúng như lời Vua Thánh David nói ở trong Thánh vịnh, 1000 năm trước kỷ nguyên cứu độ:

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
Con người mới được nghỉ ngơi yên hàn”.

Rồi trong thánh cuốn tự thuật của Augustino mà lúc nãy Đức Cha Phaolô nhắc lại, có một câu mà tôi rất tâm đắc. Ngài viết bằng tiếng Latin, nhưng xin dịch ra Tiếng Việt là

“Lạy Chúa, lạy Chúa, Chúa sinh ra chúng con để được hạnh phúc với Chúa, nên lòng chúng con mãi mãi khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”
xin nhắc lại câu này
“Chúa sinh ra chúng con để được hưởng hạnh phúc với Chúa, nên lòng chúng con mãi mãi khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”

Câu này đã được chuyển tải bằng câu thơ lúc nảy anh Đình Bảng nhắc lại:
“Con người chưa được vô biên
là còn thổn thức ưu phiền tháng năm”

Cũng tư tưởng đó, thì Thi sĩ Pháp, Lamartine, ông viết Pháp văn mà Cha Sảng Đình Diệp Văn Thích đã dịch ra Tiếng Việt
“Hình hài tuy hữu hạn,
Thị dục vẫn vô cùng,
Con người là tiên đọa lạc,
Hằng tưởng nhớ thiên cung”

Rồi trong Thơ Kinh, tức là những tác phẩm mà thi sĩ Đình Bảng vừa trích dẫn có mấy câu
“Đàn lòng kết bởi muôn dây,
Nhưng dây hạnh phúc còn gầy đàn ơi,
đêm đêm nhớ nước trên trời,
ôm đàn ta khóc, mạc đời ta chia”

Cho nên, gọi hành hành trình đức tin, tức là lộ trình đức tin. Mà lộ trình đó tức là Đức Chúa Giêsu, Thiên Chúa. Văn chương nghệ thuật mọi nơi và mọi thời, không nhiều thì ít, đều mang trong mình trách nhiệm chuyển tải nỗi niềm ấy đến cho mọi người. Đọc thơ văn bằng Tiếng Việt, nhất là bằng tiếng Pháp, hoặc đọc bằng tiếng Anh, thì tôi thấy rằng: hầu như tất cả văn nghệ sĩ đều có một cái thao thức chung, như câu của Huy Cận mà Đức Cha Phaolô vừa mới nhắc đó: tức là khắc khoải, ưu tư, mong nhớ một cái gì vô biên một cái gì ở ngoài tầm mắt tầm suy tư của mình, khắc khoải đó mà chúng ta gọi là cái nhung nhớ về cõi đời đã mất.

Bây giờ sang điểm thứ hai, tôi xin có đôi lời với thế hệ trẻ cầm bút hôm nay. “Các bạn hãy nuôi dưỡng cây bút mình, bằng lời cầu nguyện được thấm nhuần lời thánh kinh. Nơi đây các bạn sẽ gặp gỡ Thiên Chúa qua Đức Kitô. Ngài là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối. Ngài là văn sĩ trên mọi văn sĩ, là thi sĩ trên mọi thi sĩ, là nhạc sĩ trên hết mọi nhạc sĩ. Ngài là nghệ sĩ tối cao tuyệt đối, toàn năng, là Đấng Sáng Tạo và ban vẻ đẹp cho muôn loài muôn vật từ muôn đời muôn thưở. Tất cả mọi vẻ đẹp đều xuất phát nơi Chúa và tất cả mọi sáng tác của con người đều là họa lại hình ảnh của Thiên Chúa hoặc chỉ là sự mô phỏng Thiên Chúa. Cho nên, xin các bạn hãy viết bằng cây bút Đức tin, bằng mực Đức cậy, và trang giấy viết là Đức mến.

Hãy sáng tác dưới con mắt dịu dàng của Đức Mẹ Maria, sáng tác dưới chân Thánh Giá, dưới ánh sáng phục sinh của Đức Kitô.

Các bạn đừng có tham vọng làm Nguyễn Du, làm Nguyễn Gia Thiều, làm Đoàn Thị Điểm; các bạn cũng đừng có tham vọng làm Ngô Tất Tố, Khái Hưng hay Nhất Linh. Về phương diện thơ, đừng có tham vọng làm Xuân Diệu, Huy Cận hay là Hàn Mạc Tử. Các bạn hãy khiêm nhu và thành tín. Sự thành tín rất hệ trọng. Con người làm văn là con người trọng chữ thành, chữ tín và luôn luôn khiêm tốn.

Xin các bạn hãy cầm bút cho thẳng, tôi nhắc lại xin các bạn hãy cầm bút cho thẳng, cho ngay, giữ lương tâm cho trong trắng, giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam trong mọi hoàn cảnh sáng tác. Xin nhắc lại câu này: các bạn hãy cầm bút cho thẳng, cho ngay, giữ lương tâm cho trong trắng, giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam trong mọi hoàn cảnh sáng tác.

Tiền đồ văn học của xã hội và giáo hội đang nằm trong tay các bạn. Các bạn hãy hiên ngang can đảm nhận lấy trách nhiệm sáng tác nhằm phong phú hóa dòng nghệ thuật công giáo mà các bậc tiền bối đã trao lại cho chúng ta.

Tôi năm nay đã già, hết hy vọng đi con đường Siêu Tốc - Cao Tốc, Sài Gòn - Hà Nội, cũng hết hy vọng đi con đường mòn Hồ Chí Minh từ nam về bắc, nhưng mà luôn luôn tôi tin chắc đi tren con đường, Con Đường Đức Giêsu. Con Đường đó, tôi muốn giới thiệu đến các bạn để được gặp nhau trong nước Chúa Kitô.

Xin kính cảm ơn Đức Cha, Quí vị. Kính chúc sức khỏe và một đêm thơ nhạc tốt đẹp và bổ ích.

GB. Lê Xuân Hoa
Xuân Ly Băng 23-6-2008
(Pm. Cao Huy Hoàng lược ghi)


LỜI CẢM ƠN

Trọng kính Đức Cha Phaolô
Kính quí Đức Cha, Quí Cha Hạt Trưởng, Quí Cha Bề Trên, quí tu sĩ nam nữ
Kính thưa quí cấp chính quyền tình Bình Thuận, Thành phố Phan Thiết, Phường Lạc Đạo
Kính thưa quí vị nhà biên khảo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, nhà báo, quí vị khách mời, và toàn thể quí vị…

Ước mơ khiêm tốn của ban tổ chức Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng là tri ân Đức Ông Linh Mục Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa vì những đóng góp của Ngài cho Giáo Hội và cho Văn Học Công Giáo Việt nam. Ước mơ ấy, niềm tri ân ấy được nhân lên gấp trăm ngàn lần nhờ lòng ưu ái của Đức Cha Phaolô, của quí Đức Cha, quí Cha, nhờ sự quan tâm đúng mức đối với Văn học-Nghệ thuật-Tôn giáo qua sự hiện diện của quí cấp chính quyền và quí vị khách mời từ khắp miền đất nước.

Thành quả của nổi niềm tri ân hôm nay là một cái nhìn chung về Văn học mà Đức Ông Thi sĩ Xuân Ly Băng đã thực hiện trong Thiên chức Linh Mục của Giáo hội Công Giáo và trong tâm tình của một người con Nước Việt.

Thay mặt cho những người thực hiện chương trình, chúng con chân thành cảm ơn Đức Cha Phaolô, quí Đức Cha, quí Cha, quí Cấp chính quyền, quí vị với niềm ước mong Nghệ thuật Văn học Công giáo của thế hệ hậu duệ sẽ noi gương Đức Ông, góp phần với quê hương thăng tiến một nền văn học của tình yêu và sự sống và sự sống vĩnh cửu.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn sự đóng góp của tất cả những người góp phần thực hiện chương trình đêm nay: Tòa Giám Mục Phan Thiết; Cha quản lý; các nhạc sĩ biên tập và dàn dựng; các ban âm thanh, trang trí và khánh tiết; các ca sĩ, nghệ sĩ từ Sài gòn-Nha trang-Phan thiết, các Hội Dòng, các ca đoàn, các giáo xứ và tất cả quí khách xa gần…

Kính cảm ơn và kính chúc Quí đức Cha, quí vị một đêm an lành.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang

LINH MỤC THI SĨ TRĂNG THẬP TỰ
XUÂN LY BĂNG,
HỒN THƠ VÀ TẤM LÒNG MỤC TỬ
(trong tập lưu niệm Đêm Thơ Nhạc Xuân Ly Băng)
(Xuân Ly Băng trả lời các câu hỏi của Trăng Thập Tự, ngày 25-8-1988. Lâm Viên Lê Hữu Phước ghi lại từ băng nhựa)


Hồi còn học ở chủng viện, tôi có được gặp cha Xuân Ly Băng một lần, rất chớp nhoáng, nhân một lễ truyền chức. Thế nhưng tôi rất kính mến ngài và ngài cũng thương tôi lắm. Các tác phẩm xuất bản sau này ngài đều tặng tôi một bản.

Ngày 24-8-1988, được tin ngài lên thăm Đà Lạt, tôi lên học viện Phanxicô Du Sinh chào ngài và xin ngài cho thực hiện một cuộc phỏng vấn thu băng vào sáng hôm sau. Muốn viết về ngài, giới thiệu ngài cho độc giả, nhưng tôi không được may mắn thụ giáo với ngài như nhiều người bạn của tôi, và cũng không có dịp sống gần ngài, cho nên tôi đành hài lòng với phương thức có vẻ cưỡng bức này. Rất may, ngài đã chiều ý tôi. Ngày 25-8, ngài đã ghé phòng làm việc của tôi tại Dòng Don Bosco và cha con nói chuyện hơn một giờ liền.

TTT: Thưa Cha, con rất vui mừng được gặp cha. Trong cơ hội bằng vàng này con ước mong cha cho biết đôi điều sau này chúng con sẽ cần dùng để giúp độc giả hiểu cha và các tác phẩm của cha hơn. Chắc hẳn, nói về mình thật ngại, nhưng xin Cha vì Hội Thánh mà vui lòng cho con biết.

XLB: Cám ơn sáng kiến của Cha. Tôi sẽ cố gắng trả lời, nhưng chắc chắn các câu trả lời sẽ không có gì sâu sắc lắm. Dù sao trong tình anh em, tôi xin phát biểu tự nhiên, có sao nói vậy.

I. TIỂU SỬ

H. Trước hết, xin Cha cho biết vài số liệu làm mốc về ngày, tháng, năm sinh; các trường Cha đã học qua, ngày thụ phong linh mục, các chức vụ và nhiệm sở đời linh mục của Cha.

Đ. Tôi sinh ngày Thứ Sáu, 23-4-1926, khi còn nhỏ học chữ Hán rồi chữ Quốc Ngữ. Năm lên mười, thi đỗ sơ học yếu lược (1936). Thi xong, tôi được anh Trúc Thuỷ Hùng giúp làm đơn xin vào dòng Phanxicô, nhưng linh mục đỡ đầu là cha Phước không cho đi. Ngài muốn tôi làm linh mục triều. Năm 1938, tôi vào học ở Trường Tập (séminaire préparatoire). Trường này chỉ cách nhà ba cây số, nhưng ở tuổi ấy xa nhà ba cây số cũng đã thấy đau khổ lắm. Tiếp đó vào Trường Thử, học năm dự bị và các năm cours moyens: 1ère et 2ème année, rồi supérieure và đi thi primaire. Sau đó, vào trường La Tinh năm 1945, năm Ất Dậu, với trận đói kinh hoàng và sau đó là Cách Mạng Mùa Thu, đánh đổ Đế Quốc Pháp, giành độc lập.

Năm 1949, mãn trường La Tinh, tôi đi giúp xứ tại Đông Tháp.
Năm 1953, ra Hà Nội học Đại Chủng Viện Xuân Bích.
Năm 1954, di cư vào Nam, tiếp tục học Đại Chủng Viện Xuân Bích một năm Triết Học và bốn năm Thần Học ở Đại Chủng Viện Lê Bảo Tịnh.
Năm 1959, ngày 19-7, thụ phong linh mục.
Năm 1959-1963, dạy Việt văn tại Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự, Thủ Đức.
Năm 1963, Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự giải thể, tôi nhập vào giáo phận Nha Trang, được Đức Cha Piquet Lợi cho phụ trách giáo xứ Vinh Hương rồi về dạy ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển, Nha Trang, cũng phụ trách môn Việt văn.
Năm 1965, chính xứ Vinh Thuỷ, Phan Thiết.
Năm 1972, đổi vào Bình Tuy, làm Quản Hạt.
Năm 1975, sau ngày Giải Phóng, làm Đại Diện Giám Mục.
Năm 1987, Tổng Đại Diện.
Bây giờ, năm 1988, cũng nghĩ nhiều đến cái chết. Vừa qua, tôi mới làm một bài thơ có hai câu:

Các lớp cha anh chết cả rồi,
Nay mai cũng đến lượt mình thôi.

II. SINH QUÁN VÀ GIÁO DỤC

H. Xin Cha cho biết về sinh quán.

Đ. Sinh quán tôi là một họ đạo nhỏ, họ Hiệu Lân, thuộc xứ Xuân Phong, hạt Đông Tháp, địa phận Vinh; về hành chính dân sự thuộc làng Phú Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

H. Đâu là hình ảnh sâu đậm nhất khi nhắc đến quê hương?

Đ. Quê tôi là một vùng hạ bạn, gần biển. Chiều chiều, tiếng thông reo vi vu hoà lẫn tiếng sáo trúc. Trong làng, những bờ tre quanh vườn lã tã rơi những chiếc lá vàng. Hoàng hôn, chuông chùa ngân vang giữa miền quê thanh bình:
Tôi con cò trắng đi khập khiễng,
Đớp bóng hoàng hôn dọc đê điều.
Những đêm trăng, văng vẳng những câu hát ghẹo Nghệ Tĩnh của những đôi trai gái ở các làng bên cạnh. Những hình ảnh và âm thanh ấy đã đi vào tâm trí và đã ảnh hưởng không ít đến tâm hồn thi sĩ của tôi.

Phía tây Diễn Châu có núi Giăng Màn, có lèn Hai Vai, rất đẹp. Tôi có đến thăm vài lần. Phía nam có núi Mộ Dạ; tại đây có ngôi đền Cuông, tức đền thờ Thục An Dương Vương, cạnh đền có cái giếng mà tương truyền Mỵ Châu và Trọng Thuỷ đã tự tử. Khi nhỏ, tôi cũng nhiều lần tới chơi đây, và lòng thấy như huyền sử xa xưa sống dậy.

H. Xin Cha cho biết về gia đình, về hai Cụ, về các anh chị em của Cha? Những điều nổi bật trong giáo dục gia đình đã ảnh hưởng trên tâm hồn linh mục và tâm hồn thi sĩ của Cha?

Đ. So với bà con trong làng, gia đình tôi tương đối khá giả. Cha tôi là ông Phaolô Lê Nghi; mẹ là bà Anna Nguyễn Thị Hường. Cha tôi giỏi chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ nên được cử làm thư ký của Ban Hành Giáo, vì thế mà được gọi là ông Ký, ông Ký Khánh. Cha tôi mất đi khi tôi mới lên hai tuổi, để lại mẹ tôi hai lần goá chồng.

Với đời chồng trước, mẹ tôi sinh được hai người con gái. Khi chồng qua đời, mẹ tôi đã tính ở vậy nuôi con. Lắm người ve vãn nhưng mẹ tôi đã chối từ. Bà còn làm một bài thơ nói lên quyết tâm trung thành với người chồng đã khuất và gián tiếp trả lời những ai có ý ngỏ lời tán tỉnh. Thế nhưng về sau, nghe theo lời khuyên của mấy linh mục và những người thân quen, mẹ tôi đã nhận lời kết bạn với cha tôi, sinh được hai người con là anh tôi hiện đang sống ở Đức Minh, Đắc Lắc, và tôi. Thơ tôi có một phần nói về người mẹ, bởi vì hình ảnh mẹ tôi rất sâu đậm trong lòng tôi. Đó là một phụ nữ miền quê, chất phác nhưng giàu lòng đạo đức, giàu tình cảm thương con, chiều con, đảm đang xoay xở cho chúng tôi ăn học. Mẹ tôi không biết chữ. Tất cả sự giáo dục của bà đều dựa trên một đức tin sâu xa. Bà dạy tôi học kinh, học bổn. Sáng tối bà dẫn tôi đi nhà thờ. Bà chủ sự giờ kinh gia đình ban tối. Sáng sớm, vừa nghe gà gáy, bà xướng kinh cho cả nhà đọc theo và dâng mình cho Rất Thánh Trái Tim Chúa.

Cảm thấy bất lực trong việc giáo dục con cái, Mẹ tôi đã gởi tôi đến nhà xứ Phú Linh, lúc mới 5 tuổi. Tại đây, tôi được các cha nuôi dạy. Hằng ngày, tôi giúp lễ cho các cha. Khi thầy giúp xứ Phú Linh đi học thần học, mẹ tôi gởi tôi ra Thuận Nghĩa ở với cha Phước. Cha Phước rất thương tôi, chiều chiều ngài đích thân dẫn tôi đi viếng Mình Thánh Chúa. Ngoài việc học kinh bổn và tiếng Pháp, trong thời gian này tôi đã tiếp thu được lòng khao khát đạo đức và biết sống tinh thần kỷ luật.

Mẹ tôi rất giàu tình cảm. Còn nhớ trong thời gian ở Trường Thử, khi được về thăm nhà, tôi đọc cho mẹ tôi và chị Đào (lúc ấy đã hơn hai mươi tuổi) nghe chuyện Hai Chị Em Lưu Lạc, một câu chuyện thương tâm khá gần với hoàn cảnh gia đình chúng tôi. Cả mẹ tôi và chị tôi nghe chuyện đều khóc, khiến tôi cũng khóc theo.

H. Xin Cha cho biết sơ qua về việc giáo dục Cha đã nhận được ở Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện. Những vị thầy nào và những tác phẩm nào đã ảnh hưởng nhiều đến tâm hồn Cha?

Đ. Tôi vào Trường Tập (Tiểu Chủng Viện) từ năm 1938 đến 1943. Các bậc thầy nay đều đã chết. Tôi còn nhớ các vị Bề Trên là các cố Tây: Cố Martin, cố Légalle, … Còn các cha Việt Nam thì có cha Kính, cha Đậu, cha Khanh… Thầy Hiếu, thầy Quế, thầy Minh, thầy Đào, thầy Trương, thầy Sung, thầy Mỹ, thầy Khứ, thầy Phương, thầy Nghĩa…

III. HÀNH TRÌNH NGHỆ THUẬT

H. Nhờ đâu cha thích làm thơ? Bài thơ đầu tiên của cha làm trong hoàn cảnh nào? Tiếp đó điều gì thúc bách và nâng đỡ cha làm thơ, và in thơ vì mục đích gì?

Đ. Một kỷ niệm khó quên là khi mới nhập học ở Trường Thử, còn thiếu thốn đủ thứ, thầy Việt văn đã ra bài làm: viết thư về nhà xin tiền mua sách vở. Lá thư tôi viết được đánh giá là hay nhất lớp. Thầy dạy lớp văn nhận xét rằng tôi có khiếu nhà báo. Quả thật, khi đi học, tôi dốt toán nhưng lại giỏi văn.

Về thơ thì ngay từ nhỏ tôi đã làm thơ nhưng không biết mình làm thơ. Tôi chỉ làm theo cảm hứng của lòng mình. Lúc ấy tôi chưa biết luật bằng trắc gì cả, nhưng tôi ham đọc thơ của Tản Đà, Nguyễn Du… Những bài thơ như Thề Non Nước và cả những câu ca dao người ta vẫn đọc hằng ngày đã đi sâu vào tâm khảm và mỗi khi có cảm xúc, tôi bắt chước làm theo.

Bài thơ đầu tiên có thể kể là bài thơ đã làm năm 12 tuổi. Vào dịp Lễ Phục Sinh, sau cuộc picnic giải trí, tôi đã làm một bài lục bát nói lên cảm xúc của mình. Tôi còn nhớ thầy giáo dạy quốc văn đã cho bài đó 16 điểm trên 20. Sau đó, xúc động mạnh khi đọc bài văn tế mẹ của bà Cao Ngọc Anh, tôi cũng bắt chước làm một bài văn tế mẹ, mặc dù mẹ tôi còn sống. (Mẹ tôi chết năm 1945, khi tôi được 19 tuổi).

Phải nói thêm rằng thời kỳ ấy, lòng yêu nước trong tôi sôi sục mạnh mẽ. Thế chiến thứ hai xảy ra, tôi có làm thơ đả kích Hitler rồi làm thơ chống Tây. Còn nhỏ, chưa biết gì về chính trị, nhưng nghe nói đánh Tây là chính. Tôi cũng đã trình diễn thơ chống Tây của mình trước anh em chủng sinh, quanh lá cờ Việt Minh. Rồi nhiều người biết tôi. Ban tuyên truyền tỉnh Nghệ An kêu gọi làm thơ, tôi cũng làm một bài thơ về “Chiều kháng chiến”.

Để tập làm văn, tôi cũng có làm thơ tiếng Pháp và viết nhật ký đều. Tiếc là năm 1954, khi đi di cư, các tập nhật ký cũng như những tập thơ viết hồi nhỏ đều mất cả.

H. Xin Cha cho biết qua về các giai đoạn sáng tác và các thể loại.

Đ. Có thể chia làm ba giai đoạn:

- 1945-1953: Số bài chưa nhiều lắm, ý thơ có vẻ chưa sâu sắc, tư tưởng thần học cũng chưa có gì. Tuy nhiên lời lẽ dễ dàng, tươi mát, hồn nhiên… Cũng có một số bài sáng tác trước năm 1945, như bài Maria, làm trong dịp bị bệnh nằm ở nhà thương Xã Đoài, và như đã nói trên là những gì viết trước 1954 kể như mất hết.

- 1953-1975: Giai đoạn sung sức nhất. Tôi làm rất nhiều. Tiêu biểu nhất là tập Thơ Kinh. Bài Say Noel là bài đầu tiên được in báo. Đó là một kỷ niệm khó quên, đánh dấu bước đường nghệ thuật của tôi.

- Từ năm 1975 đến nay: Tôi chuyên làm thơ cầu nguyện, gom lại trong mấy tập Như Trầm Hương. Năm 1979, khi quân Trung Quốc đánh 6 tỉnh phía Bắc, tôi có viết một bài ca ngợi sức tranh đấu của người Việt Nam chống lại quân thù. Đó là bài sử thi Hùng Ca Dân Tộc, gồm sáu bài, trong đó có bài Chiến Thắng Nguyên Mông, bài Bình Minh…

Về thể loại, tôi làm cả thơ và vè. Thơ gồm nhiều thể. Còn vè là những bài nôm na giúp trẻ em học hỏi giáo lý Tin Mừng.

H. Về thơ, cha nghĩ phải có đặc tính nào mới gọi là thơ tôn giáo?

Đ. Phải khẳng định rằng thơ là để nói lên cái đẹp là Thiên Chúa. Những gì thuộc về Thiên Chúa đều đẹp. Chúng ta ca tụng Thiên Chúa bằng cái đẹp thể hiện qua văn chương, qua thơ ca. Đó là thơ tôn giáo rồi. Theo tôi nghĩ, thơ tôn giáo phải chân thật, phải thành tâm yêu Chúa, trung thực với lòng mình. Trong lời tựa tập Thơ Kinh, Đức Cha Phạm Ngọc Chi có viết: “Đạo là Thơ”. Tôi cũng đồng ý như thế. Đó là căn bản của thơ tôn giáo.

H. Về năm tập thơ: Thơ Kinh, Hương Kinh, Trầm Tư, Nỗi Niềm và Kinh Sầu Trên Quê Hương. Xin Cha cho biết mỗi tập ra đời trong trường hợp nào, với nét nổi bật nào và đánh dấu điều gì trong hành trình nghệ thuật của Cha?

Đ. Trong năm tập thơ ấy, bốn tập đầu đã in, còn tập Kinh Sầu Trên Quê Hương chưa in được. Nét chung các tập thơ đều diễn tả tâm tình tôn giáo, nói cách khác là nhìn thiên nhiên với cái nhìn đức tin. Ví dụ, những bài về quê hương thì nhìn quê hương dưới cái nhìn Kinh Thánh.

1. Thơ Kinh: Đây là tập đầu tiên, in năm 1956, được Đức Cha Phạm Ngọc Chi giới thiệu. Các bài trong tập này được viết từ năm 1945 đến 1956. Đây là thời gian tôi sáng tác khá nhiều. Một số bài đăng báo, được bạn đọc hoan nghênh, cổ võ. Cha Hồng Phúc và anh Hà Châu ở báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp khuyến khích tôi sáng tác thêm để in.

Thơ Kinh là tập thơ cầu nguyện trong sự đẹp nên gọi là thơ kinh. Những bài đắc ý nhất là Nhớ Xưa, Chuông Chiều, Say Noel. Bài Nhạc Sầu Do Thái là một bài đầy kỷ niệm của thời gian học ở Hà Nội. Dịp tết năm ấy, nhà xa, tôi phải ở lại trường. Tâm trạng sinh viên xa nhà trong dịp tết buồn không kể xiết. Nhớ nhà, nhớ quê, buồn buồn, tủi tủi, tôi liên tưởng tới thân phận lưu lạc của người Do Thái…

Thơ Kinh gồm những bài tôi sáng tác trong thời gian ở Tiểu Chủng Viện, Đại Chủng Viện cũng như thời gian giúp xứ. Những lúc rỗi rảnh tôi thường làm thơ để cầu nguyện.

2. Hương Kinh: Tập này được cha Cao Văn Luận giới thiệu và cha Bửu Dưỡng đề tựa. Đa số các bài trong tập này dài hơn các bài ở tập Thơ Kinh. Tôi đắc ý nhất các bài Tụng Ca Đức Trinh Nữ Maria, Trường Ca Máu Đỏ, Phóng Sự Trở Về. Bài này đã được nhiều nơi dàn dựng thành kịch.

3. Trầm Tư: Phạm Việt Tuyền đề tựa. Tư tưởng có chiều sâu hơn. Ngay tựa đề đã nói lên điều đó. Sau khi tập này ra đời, Uyên Thao viết một bài trên tập san Giáo Dục, cho rằng Xuân Ly Băng dùng thơ để truyền đạo, để phục vụ tôn giáo. Anh Nguyễn Vĩnh đã viết một bài trả lời Uyên Thao, nêu rõ: “Thơ là thơ, dù nhuốm mùi đạo hay không nhuốm mùi đạo. Dù ca ngợi cái gì mà hay thì vẫn gọi là thơ hay”. Tiêu biểu trong tập này là các bài Thanh Âm, Tôi Tìm Người Yêu…, muốn gợi cho người đọc tìm về đạo qua âm thanh và màu sắc của thiên nhiên.

4. Nỗi Niềm: Tập này không có gì đặc sắc lắm, nhưng cũng đánh dấu một bước mới trên đường nghệ thuật. Vẫn là thơ tôn giáo nhưng nghệ thuật được nâng cao hơn. Các bài nổi bật là Nhân Sinh, Sông Mẹ Thuyền Trôi.

5. Kinh Sầu Trên Quê Hương: Được sự động viên nâng đỡ của Bàng Bá Lân, Vũ Hoàng Chương, Trụ Vũ, và do sự giới thiệu của Trụ Vũ, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã định phổ nhạc cho một số câu thơ… Thế nhưng tập này không in được vì bộ phận kiểm duyệt thời ấy cho rằng tập thơ quá nặng tư tưởng phản chiến, không cấp giấy phép. Tập này có nhiều bài tôi rất thích, như Đêm Cuối Cùng, Chiến Tranh Và Hoà Bình, nhất là Lời Mẹ Việt Nam.

H. Xin Cha cho biết lai lịch và những điều cần lưu ý về tập Bài Ca Thương Khó.

Đ. Lúc đầu tôi không có ý định viết thành một trường ca. Tôi có thói quen khi nằm bệnh thì đóng cửa làm thơ. Năm 1964-1965, trên giường bệnh, tôi nghĩ miên man đến Chúa hấp hối trong vườn Ghetsêmani và viết khoảng 100 câu lục bát. Cha Benoit Phương tới thăm, đọc, khen hay và động viên tôi viết thêm cho đầy đủ. Rồi làm thêm cả thảy được 700 câu thì mất hứng, phải ngưng. Hai năm sau mới làm tiếp độ hơn 1000 câu. Rồi sửa lại, bổ sung cho có đầu có kết. Sau một năm nữa mới tạm ổn. Năm 1969 in ra, vẫn còn nhiều khuyết điểm, nên người khen cũng có, người chê cũng có. Nhiều thân hữu chân thành góp ý, nhờ đó tôi có thể hoàn chỉnh thêm. Nay thì đã sẵn một bản chép tay có minh hoạ.

H. Xin Cha cho biết đôi điều về các tập thơ cầu nguyện Như Trầm Hương.

Đ. Các tập này gồm những bài viết sau ngày giải phóng, theo hướng giúp các tín hữu cầu nguyện bằng sự đẹp và cầu nguyện với cái đẹp tuyệt đối, với cội nguồn của cái đẹp là Thiên Chúa. Tập đầu gồm 16 bài. Khi gởi cho nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ xem thử, nhóm này đã chọn hai bài đưa vào sách Phụng Vụ. Mấy năm gần đây tôi vẫn viết tiếp và gom thêm các tập Như Trầm Hương II và III.

H. Những nhà thơ nào đã ảnh hưởng nhiều trên Cha?

Đ. Khi còn nhỏ, học theo chương trình Pháp, nhờ học văn chương Pháp, tôi biết và chịu ảnh hưởng của Paul Verlaine, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, đặc biệt là Lamartine. Nguồn ảnh hưởng thứ hai là Thơ Mới Việt Nam: Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh, nhất là Hàn Mạc Tử. Khi coi xứ ở Vinh Thuỷ, Phan Thiết, gần di tích kỷ niệm của Hàn Mạc Tử là lầu ông Hoàng, càng không thể quên Hàn Mạc Tử. Dĩ nhiên còn phải kể văn thơ cổ điển Việt Nam: Nguyễn Du, Ôn Như Hầu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến. Khi học Hán văn thêm để giúp nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, tôi còn có dịp đọc nhiều thơ Đường.

H. Xin Cha cho biết cảm nghĩ về Hàn Mạc Tử.

Đ. Nói về Hàn Mạc Tử, tôi nhớ lời Alfred de Vigny: “Hãy đánh vào tim tôi, thiên tài sẽ vọt ra”, hoặc một lời khác: “Mà câu tuyệt vọng là câu tuyệt vời”. Hàn Mạc Tử nằm trong trường hợp đó. Tài năng của Hàn Mạc Tử bùng nổ mạnh mẽ trong đau thương nên thơ Hàn Mạc Tử hay. Có thể nói bệnh tật cộng với tài năng đã làm phát sinh một Hàn Mạc Tử Tuyệt vời. Tiếc là hàn Mạc Tử chết quá sớm. Nhưng cũng có thể chính vì Hàn Mạc Tử yểu mệnh mà thơ Hàn Mạc Tử mới hay đến thế.

H. Nói đến nghệ thuật, đến thơ, là nói đến sự diễn tả tình yêu và ca ngợi tình yêu. Xin Cha cho biết suy nghĩ và cảm nhận của Cha về tình yêu.

Đ. Khi học về văn chương cao học, cha cũng đã biết tư tưởng nhân loại có những lieux communs, những điểm chung lớn: Thiên Chúa, tình yêu, Tổ Quốc, gia đình và sự bất tử, vv… cho nên nói đến nghệ thuật là phải nói đến tình yêu. Thơ cũng là để diễn tả và ca ngợi tình yêu.

Tình yêu thì có nhiều dạng, tuỳ đối tượng: yêu Thiên Chúa, yêu Tổ Quốc, yêu anh em, yêu đồng bào. Gần gũi và sôi động nhất trong kinh nghiệm loài người là tình yêu nam nữ. Phần tôi, từ nhỏ đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, cho nên tình yêu nam nữ này đã không xâm nhập được vào tôi. Đinh Hùng nói nơi tôi tình yêu ấy đã được gạn lọc. Còn tôi muốn diễn tả trái tim tôi như một cái ly, đã chứa đầy rượu của Thiên Chúa thì không còn chỗ để rót rượu của loài người vào. Tình yêu tôi hướng trọn về Thiên Chúa, cho nên khi nói tôi yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào, yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật,… thì là yêu trong tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Suy nghĩ về tình yêu, tôi cho rằng con người là kết quả của tình yêu nên không thể không yêu được, nhưng phải tìm ra đối tượng đích đáng để yêu, rồi cuộc sống theo đó mà được hoà điệu. Về mặt tương đối, tôi nghĩ tình yêu nào cũng cao quý, miễn là phải liệu sao đi trong quỹ đạo của lý trí.

IV. HÀNH TRÌNH THEO CHÚA

H. Câu hỏi về tình yêu vừa rồi cũng là một bước chuyển tiếp sang hành trình đức tin. Xin Cha cho biết tình yêu của Cha đối với Thiên Chúa đã qua những bước phát triển nào? Có những thăng trầm nào? Đâu là điều xuyên suốt?

Đ. Điều này đơn giản thôi. Tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa tương đối bình lặng, không có vấn đề nào đáng kể. Có thể nói là liên tục. Chỉ có một thời gian hơi sóng gió là các năm 1946-1949, chủng viện đóng cửa, tôi phải sống ở ngoài. Tuy nhiên tôi vẫn hoạt động tông đồ, ham thể thao, thể dục, lại thích đàn, sáo, đánh cờ, vv… Chính những sở thích ấy đã thu hút tôi, giữ cho tình yêu tôi luôn được trung thành với Chúa, không bị cạnh tranh vì tình yêu nhân thế. Cho nên, có thể nói, Chúa đã giữ cho tình yêu của tôi đối với Ngài được êm đềm, không bị khủng hoảng.

H. Còn mối tương quan của Cha đối với Chúa thì đã phát triển thế nào?

Đ. Khi tôi còn nhỏ, tình yêu đối với Chúa nặng phần tình cảm và bề ngoài, nhưng càng lớn lên, tình yêu càng đi vào chiều sâu. Càng về sau, nhờ học hỏi, đọc sách, nhất là đọc và suy gẫm Kinh Thánh, đức tin và tình yêu tôi ngày càng đổi mới và sâu đậm. Tôi đã không có cơ may trải qua những đêm tối tâm hồn như Thánh Nữ Têrêxa Avila hoặc Thánh Gioan Thánh Giá. Nơi tôi, mọi sự có vẻ diễn tiến cách tự nhiên, bình thường. Tôi chỉ gặp Chúa cách đơn giản trong vạn vật, trong thiên nhiên, qua con người, cỏ cây, bông hoa, tiếng gió, ánh mặt trời, vv… Vâng, đó là một ân huệ Thiên Chúa ban cho tôi mà tôi luôn luôn cảm tạ.

H. Trong một bài viết trên tập kỷ yếu Tiểu Chủng Viện Chân Phước Tự cách đây 25 năm, Cha có cho biết đoạn Tin Mừng đánh động Cha nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Từ và cảnh phòng Tiệc Ly. Khi Giuđa bỏ đi, Gioan viết: “Và bấy giờ là đêm tối”. Đêm tối ở ngoài trời và đêm tối trong lòng kẻ phản bội. Còn hôm nay, sau 29 năm đời linh mục, đoạn Tin Mừng nào ăn sâu vào lòng Cha nhất?

Đ. Như đã nói, thời còn trẻ, tôi sống trong một đức tin nặng phần tình cảm và bề mặt cho nên các đoạn ấy khiến tôi xúc động nhiều, thật hợp tình hợp lý. Còn nay thì đánh động nhất là những câu Tin Mừng mà Chúa đòi mình phải kết hợp sâu xa với Chúa: “Thầy là cây nho, các con là cành”, “Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con”, “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, “Ai yêu mến Thầy và giữ lời Thầy, Thầy sẽ tỏ mình cho người ấy”. Tôi đã thấy rõ Chúa đã tỏ mình cho tôi qua các biến cố trong cuộc sống. Chúa luôn luôn yêu thương tôi và hiện diện với tôi.

H. Điều gì nơi Chúa Giêsu thu hút Cha nhất?

Đ. Ở tuổi 62 của tôi hiện nay, Đức Giêsu không phải là huyền thoại, không phải là một tình cảm bên ngoài. Đức Giêsu là một thực tại, vừa thần linh vừa lịch sử, là sự sống của mỗi Kitô hữu, cho nên mọi sự nơi Chúa, từ con mắt, trái tim, cuộc sống, lời nói và tóm lại là cả cuộc sống của Chúa đều thu hút tôi. Có điều là làm sao để diễn tả tất cả những điều ấy thành thơ. Cách đây mấy tuần, có người hỏi tôi: “Chưa thấy Cha khai thác đề tài bí tích Thánh Thể?” Câu hỏi khiến tôi suy nghĩ nhiều. Quả thật, để làm thơ về bí tích Thánh Thể rất khó. Cũng như, làm thơ về Hội Thánh không dễ chút nào. Vì làm sao để Hội Thánh trở thành một hình ảnh gợi cảm? Cũng như làm sao để chút bánh chút rượu đã trở nên Mình Máu Chúa có thể biến thành lời thơ? Quả là khó! Điều đó đòi sự sống mình phải có cường độ thật cao, nghệ thuật thật lớn,… Tôi hy vọng những năm cuối đời hiện nay sẽ thực hiện đôi phần.

H. “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Xuân Diệu đã viết câu ấy theo suy nghĩ của ông, nhưng nếu đọc theo ngôn ngữ Kinh Thánh, ta cũng có thể thấy ở đó tình cờ hội đủ các biểu tượng Kitô giáo liên hệ đến hồn thơ Kitô hữu: Gió khiến liên tưởng đến Thánh Thần, Trăng nhắc đến Đức Trinh Nữ, Mây nhắc đến sự hiện diện của Thiên Chúa, như mây phủ trên khám Giao Ước. Xin Cha cho biết thêm kinh nghiệm bản thân trong việc chiêm niệm qua thiên nhiên.

Đ. Trong câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời, nhưng tôi muốn lưu ý để khỏi dừng lại ở bề mặt. Ta thấy Thiên Chúa, nhưng thấy thế nào, có rõ nét không? Thấy rồi có cảm mến, con tim có rung động không? Làm sao để đem Chúa từ trong ánh trăng, từ gió vào trong khối óc, trái tim, rồi từ đó trào ra nơi ngọn bút? Tôi còn nhớ một câu thơ Đức: “Gió đập vào cửa sổ và nói với tôi về Thiên Chúa Tình Yêu”.

H. Cha làm nhiều thơ về Đức Mẹ. Xin cho biết tại sao? Điều gì nơi Đức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất? Lòng yêu mến Đức Mẹ bắt nguồn từ đâu?

Đ. Nói về Mẹ Maria là nói đến cả một trời yêu, vì Maria có nghĩa là biển, có nghĩa là cay đắng. Lòng yêu mến Đức Mẹ cũng do bẩm sinh, có thể do đức tin của người mẹ và huyết thống của gia đình. Rất có thể từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã cảm được lòng yêu mến Đức Mẹ. Trong bài Nhớ Xưa, tôi đã nói đến điều đó.

Còn hỏi điều gì nơi Đức Mẹ gây cảm hứng nhiều nhất, thì phải nói rằng toàn thể Đức Mẹ đều gây cảm hứng dạt dào cho tôi, từ khuôn mặt, ánh mắt, đến tấm lòng từ mẫu…

H. Vậy thì những kỷ niệm nào của cố cụ bà đã giúp Cha cảm nhận nhiều về tình yêu Đức Mẹ?

Đ. Mẹ tôi chỉ là bà mẹ quê chất phác, chỉ biết thờ chồng nuôi con, cho con ăn học, dạy con tin cậy mến, dạy con đọc kinh, đi nhà thờ, chứ không có gì sâu sắc như mẹ của thánh Gioan Bosco hay mẹ của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Tuy nhiên, với tôi, nhìn mẹ của mình là đã thấy Đức Mẹ rồi… (cười)…

H. Có những đề tài Kinh Thánh nào cha mong làm thơ mà chưa làm được?

Đ. Có, tôi có ước mơ làm sao có khả năng, sức khoẻ và hoàn cảnh tốt để diễn tả nhiều đề tài lớn trong Kinh Thánh thành trường ca. Rất nhiều đề tài lớn lao trong Kinh Thánh có thể dệt thành những áng thơ Việt bất hủ, như Abraham và Isaac, Xuất Hành, bài ca của Myriam sau khi Dân Chúa vượt Biển Đỏ, Giuđích, Esther. Trong Tân Ước thì chính cuộc đời của Phaolô cũng là một bài thơ vĩ đại… Nhưng nay tôi đã già, lại mắc bệnh tim, sẽ chẳng còn làm được gì mấy. Các cha trẻ sau này cố gắng thực hiện…

H. Xin Cha cho biết suy nghĩ của Cha về việc dùng văn hoá Việt Nam để diễn tả đức tin và việc làm cho đức tin thấm vào văn hoá.

Đ. Câu này có hai vế:

- Dùng văn hoá để diễn tả đức tin: Đó là niềm thao thức lớn nhất của tất cả những anh em có đức tin, cách riêng là những người có ơn gọi làm văn hoá. Mà văn hoá, đúng hơn là nghệ thuật, dù khác nhau, từ âm nhạc, hội hoạ, kịch, điêu khắc vv… làm sao để dùng tất cả mà diễn tả đức tin. Đức tin không thay đổi nhưng cách diễn tả phải thay đổi cho phù hợp với cách cảm nhận của Dân Tộc và của Thời Đại.

- Làm cho đức tin thấm sâu vào văn hoá: Đức tin phải được diễn tả bằng những sắc thái phù hợp với Dân Tộc, những gì Dân Tộc cảm nhận được và dung nạp được thì mới tồn tại trong Dân Tộc, chẳng hạn cách kiến trúc nhà thờ, âm nhạc trong phụng vụ, lễ phục của linh mục, vv… cũng phải có sắc thái Việt Nam và tính cách Đông Phương thì mới thấm sâu được vào cái hồn đông phương của Việt Nam.

V. LINH MỤC VÀ THI SĨ

H. Trong kinh nghiệm của Cha, đời tận hiến và tâm hồn thi sĩ có tương giao biện chứng như thế nào? Cản trở hay nâng đỡ nhau? Bóp nghẹt hay nuôi dưỡng nhau?

Đ. Thành thực mà nói thì rất khó dung hoà, bởi vì hai ý niệm linh mục và thi sĩ dường như không đi đôi với nhau. Linh mục, nhất là linh mục coi xứ, thì phải mực thước, phải luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các tâm hồn, còn người thi sĩ dường như lại tiêu biểu cho những người không ép mình vào khuôn khổ. Trong tâm trí mọi người, anh thi sĩ có vẻ lôi thôi, lếch thếch, chẳng có gì là kỷ luật… Hiểu như vậy thì có lẽ nơi tôi, con người thi sĩ phải nhường chỗ cho con người linh mục. Cả những bận tâm hằng ngày cũng vậy. Chẳng hạn lắm khi đang có cảm hứng nhưng bổn phận mục tử réo gọi, như đi giúp bệnh nhân, tiếp khách, vv… thì lại phải hy sinh cảm hứng để phục vụ anh chị em mình. Như vậy, hiển nhiên là có thiệt thòi cho phương diện nghệ thuật, nhưng tôi chấp nhận điều ấy.

H. Làm sao Cha dung hoà được?

Đ. Tôi dung hoà được con người thơ và con người linh mục là nhờ ảnh hưởng giáo dục gia đình và lòng ham mê thể dục, thích đá bóng, thích tập võ. Có thể nói, tôi không phải là con người ẻo lả, yếu ớt.

H. Cha có bài thơ nào nói lên tâm tình linh mục?

Đ. Khi tôi in tập Hương Kinh xong, một số anh em dạy ở chủng viện đề nghị tôi làm một bài ca tụng chức linh mục. Tôi đã làm bài Tụng Ca Chức Linh Mục. Có người cũng đã phổ nhạc. Nhưng thành thực mà nói, tôi không thấy ưng ý với bài đó. Làm thơ theo đơn đặt hàng mà rung cảm chưa đến độ chín thì không đạt. Lẽ ra đừng để ai bắt mình làm thơ cả. Cũng như con chim, nó thích hót thì nó hót chứ bắt nó hót không được, mà có bắt được nó hót, có lẽ nó cũng hót không hay.

H. Nhân đây xin Cha chia sẻ cho các linh mục đàn em, cụ thể là cho bản thân con đang ở trước mặt Cha đây, đôi tâm tình linh mục của Cha.

Đ. Năm nay tôi làm linh mục đã 29 năm. Nếu phải chia sẻ một kinh nghiệm thì kinh nghiệm của tôi thật quá đặc thù, bởi vì có lẽ Chúa đã sinh ra tôi khác với nhiều người. Tự nhiên tôi nhìn thấy Chúa đang ở trong mọi sự. Rồi khi được học siêu hình, tôi lại khám phá ra hữu thể và những nét siêu vượt (les transcendentaux) của hữu thể và cũng là của Thiên Chúa, tôi càng cảm nghiệm sự hiện diện sâu sắc của Thiên Chúa trong thiên nhiên. Mà trong thơ, thiên nhiên rất hệ trọng: Một ánh trăng, một tiếng gió lọt vào khe cửa, tiếng chim kêu, bông hoa nở, vv… trong tất cả tôi đều khám phá thấy Thiên Chúa. Thêm vào đó, là những dịp đi đây đi đó như hôm nay, mình càng khám phá ra Thiên Chúa. Và cứ thế mà sống cuộc sống tạ ơn.

Nhưng dù sao, cuộc sống cũng không tránh khỏi những khuyết điểm, những sai lầm trong cầu nguyện cũng như trong giao tiếp với tha nhân. Điều cần là luôn gặp Chúa như một người Cha, chân thành tâm tình với Chúa, thú nhận mọi sự với Chúa, bởi vì Chúa biết ta hơn chính ta biết ta… Chịu ảnh hưởng tội nguyên tổ, làm sao mình tránh khỏi những tư tưởng lệch lạc, cả những tư tưởng thiếu trong sạch, những tư tưởng ham danh, bị chê thì buồn, được khen thì tự đắc,… Chiều về cứ lấy tâm tình một người con biết quỳ gối trước mặt Cha mà xin tha thứ.

Đó là tâm trạng riêng tôi. Còn nói về hoàn cảnh mục vụ chung của các linh mục thì quá bận rộn. Công việc thật phức tạp. Có ngày 15, 16 đám khách; có ngày 25, 30 người; đâu có thể chỉ ngồi đó mà làm thơ, mà tiếp xúc với Chúa… Đó là chưa kể phải giao dịch với chính quyền… Cũng may mà tôi không biết xu nịnh chính quyền, nên thời nào tôi cũng được nể trọng.

Cần nhất là sống đàng hoàng, hữu xạ tự nhiên hương. Đừng tham lam, đừng mê tiền. Đừng xa hoa. Đừng để sa lầy vào vấn đề tình cảm. Ngược lại, cần biết yêu thương mọi người. Lịch sự và khiêm nhường nhưng thẳng thắn. Lại phải có một học thức vững vàng cho người ta nể trọng. Dù dưới lớp áo lao động vất vả, mình vẫn là con người hiểu biết. Biết nhiều mà nói ít thì người nghe sẽ nể hơn là nếu mình ba hoa. Đừng bao giờ tự phụ, nhưng hãy khiêm nhường. Đối với Bề Trên phải biết kính trọng. Đối với người dưới phải biết yêu thương. Đối với anh em, phải xuề xoà thân ái…

H. Xin Cha cho vài kinh nghiệm bản thân về đời sống khiết tịnh linh mục.

Đ. Kinh nghiệm cá nhân tôi là phải đứng về phía tích cực thật nhiều thì phía tiêu cực sẽ đỡ mệt. Tức là phải yêu mến Chúa thật nhiều, yêu mến Tin Mừng thật nhiều. Bản thân tôi có thuộc lòng Lời Chúa nhiều đoạn, cách riêng là Tin Mừng Gioan. Say sưa yêu Chúa, yêu Lời Chúa, yêu mến Đức Mẹ, yêu những gì thuộc về Chúa. Như cái ly đầy rồi, không rót thứ khác vào được. Khi mình đã say đắm Chúa thì cũng trở thành nhạy cảm, hễ sai sót chút gì là mình sẽ không chịu được, sẽ đẩy nó ra ngay.

H. Hiện nay Cha đang giữ trách nhiệm lớn trong một giáo phận. Xin Cha cho biết nỗi ưu tư lớn nhất đối với Hội Thánh, đối với các con chiên của Cha.
(Tới đây giọng của cha Xuân Ly Băng trầm lắng xuống, gương mặt đăm chiêu. Không khí trong phòng tôi cũng dường như đổi khác cho đến cuối câu chuyện).

Đ. Là người có trách nhiệm, tôi ưu tư và bận tâm nhất về hai điểm:

- Thứ nhất là vấn đề kế thừa, khiến tôi rất băn khoăn âu lo. Hội Thánh là một tổ chức xã hội, có yếu tố nhân loại và yếu tố thần linh. Phần nhân sự thật quan trọng. Ưu tư của tôi là làm sao bảo đảm được sự kế tục; làm sao cho các chủng sinh, các linh mục tiếp nối sự nghiệp của các Tông Đồ, của chính Chúa…

- Thứ hai là Dân Chúa đang đói khát, đang sống trong môi trường thiếu cỏ xanh. Đau đớn hơn, họ không phân biệt được đâu là cỏ, đâu là thức ăn độc hại. Làm sao để giúp họ tìm đúng loại thứ ăn? Làm sao để cho nguồn thức ăn được phong phú? Không những là vấn đề của ngày nay mà cả ngày mai.

H. Theo Cha, trong việc đào tạo giáo dân, đâu là điều thiết yếu không thể thiếu?

Đ. Theo tôi, việc gieo vào lòng họ một đức tin tinh tuyền là hệ trọng hơn cả. Người có trách nhiệm phải phân biệt được cái chủ yếu và cái thứ yếu. Nếu hoàn cảnh và thời giờ không cho phép thì phải truyền đạt được cái chủ yếu, là đức tin ban ơn cứu độ, là đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tới năm 2000, tập thể Kitô hữu sẽ là thiểu số giữa những người không tin. Phải giúp cho cả người tin và người không tin thấy được cái tinh tuý của đức tin.

Về phía Giáo Hội phẩm trật, cũng phải thay đổi cơ cấu sao cho phù hợp kịp thời với các biến chuyển của nhân loại. Phải làm sao giảm bớt tính cơ cấu nặng nề để đi sâu vào đại chúng. Hội Thánh ở Nam Mỹ đã thực hiện nhiều điều, nhưng cũng đừng đi quá đáng. Làm sao các tổ chức giáo hội quần chúng phải hài hoà với quyền bính giáo phẩm, nếu không sẽ dễ dàng biến chất và tan rã.

H. Còn vai trò của gia đình trong Hội Thánh ngày nay?

Đ. Vai trò giáo dục đức tin của các gia đình là điều không thể thiếu. Các giáo lý viên phải kết hợp với các gia đình, làm sao để các gia trưởng ý thức được, hiểu được nhiệm vụ tiên tri, nhiệm vụ tư tế và nhiệm vụ vương giả của họ. Đó là điều Giáo Hội hoàn cầu đang thao thức, mối thao thức đã được diễn tả rõ qua Thượng Hội Đồng Giám Mục về vai trò và chức năng của các gia đình gần đây.

H. Nếu có cơ hội tổ chức lại các Tiểu Chủng Viện, chúng ta phải nhấn mạnh điều gì?

Đ. Trước hết phải giáo dục nhân bản về những điều sơ đẳng như ngăn nắp, thứ tự, trung thực, lịch sự. Cần hướng dẫn người chủng sinh biết sống bí tích, yêu mến Lời Chúa, nguyện ngắm yên lặng để nhận rõ Chúa và nhận rõ chính mình. Cần giúp họ biết kết hợp sâu xa với Chúa Kitô, theo sát tinh thần Ngài. Đồng thời phải phù hợp với các đòi hỏi của thời đại và xã hội, biết hài hoà giữa đời sống kết hợp với Thiên Chúa và đời sống phục vụ anh em. Ưu tiên vẫn phải là tương quan với Thiên Chúa, nếu không sẽ lệch lạc.

H. Con xin quay lại một chút với thơ. Thơ Cha chịu ảnh hưởng linh đạo nào?

Đ. Thơ tôi có nỗi nhớ Nước Trời. Đó là do ảnh hưởng của sách Gương Phúc. Khi còn nhỏ, tôi nghiện sách Gương Phúc, nên tôi có được ba điều:

- Nhớ Nước Trời
- Không bị những sự thế gian ràng buộc
- Say sưa những tình tứ về Thiên Chúa

Có thể nói đó là một linh đạo cánh chung, như lời thánh Phaolô nói: Ai khóc thì cứ như không khóc, ai mua sắm thì như chẳng được gì… Tôi rất nặng tình với Quê Hương trên trời nhưng không quên Quê Hương trần thế. Cuộc sống trần thế là sống trên Quê Hương Việt Nam nên mình gắn bó với Quê Hương Việt Nam, cầu nguyện cho lòng người dân Việt yêu thương nhau.

H. Và ở tuổi Cha hiện nay, nỗi hoài vọng Nước Trời chắc là càng thêm mãnh liệt?

Đ. Vâng, đó là ý chính của những bài thánh thi Kinh Tối tôi viết thời gian gần đây trong các tập Như Trầm Hương.

H. Có những điều gì Cha muốn nói với chúng con nhưng tình cờ con chưa hỏi tới?

Đ. Đây là lời của người sắp chết nói với những người sẽ chết (cười). Tôi muốn nói với những người thuộc lớp tuổi của Cha, sinh sau tôi vài thập niên trong lãnh vực thi ca. Cha và nhiều anh em khác được Chúa ban tài năng. Tôi hy vọng Cha sẽ phát triển tài năng ấy và phát triển trong quỹ đạo của đời linh mục, trong đức ái, đức tin đối với Chúa. Cần trau giồi kỹ năng và phải viết ngay, đừng lần lữa. Bên cạnh đó, Cha phải tìm kiếm những mầm non trong Hội Thánh để nối dõi tông đường: Liên lạc gặp gỡ nhau, vun trồng, nâng đỡ nhau về thi ca và về đức tin. Có thế ta mới làm tròn nhiệm vụ Chúa trao phó và đáp ứng điều Hội Thánh chờ đợi.

TTT: Con xin chân thành cám ơn Cha.

Trăng Thập Tự
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chim Và Mai
Nguyễn Ngọc Danh
11:08 03/07/2008

Chim và Mai



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Tâm Động

Con chim xuống đậu cành mai

Tiếng ca lảnh lót bên ngòai mái hiên

Chợt hồn sầu nặng bút-nghiên

Trang kinh bỏ lửng - Tâm thiền gợn lay

Ngọc Danh

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tìm Vào Tĩnh Lặng
Lm. Trần Cao Tường
11:11 03/07/2008

Tìm Vào Tĩnh Lặng



Ảnh của Cao Tường (tại sa mạc Arizona)

Thật cần thiết những giây phút tìm vào tĩnh lặng để hồi phục sức khoẻ tinh thần và bật sáng tâm linh.

"Môsê vào giữa đám mây và đi lên núi... Da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa." (Xuất Hành 24:18; 34:29)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền