Ngày 28-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một vài ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
06:28 28/05/2025
MỘT VÀI Ý NGHĨA CỦA MẦU NHIỆM CHÚA LÊN TRỜI.

Cùng với Hội Thánh toàn cầu chúng ta mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời. Mầu nhiệm Chúa lên trời dường như rất có ý nghĩa với anh em Chính Thống giáo qua các cử hành Phụng Vụ. Còn với Kitô hữu Công Giáo mỗi năm đoàn tín hữu được nghe dẫn giải về mầu nhiệm này hình như cũng chỉ một lần trong Thánh lễ mừng Chúa về trời. Chúa Giêsu lên trời là gì? Việc Người lên trời có liên quan gì đến chúng ta, những người đang tại thế? Xin được chia sẻ đôi dòng suy tư và cảm nhận.

Chúa Giêsu lên trời là gì? Là Kitô hữu trưởng thành, không ai giữ mãi quan niệm Chúa lên trời là Chúa bay lên một nơi nào đó trên cao, trên chốn bồng lai, tiên cảnh đầy mây. Trời ở đây không phải chỉ nơi chốn nào đó theo nghĩa không gian mà là một tình trạng. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. “Ngự bên hữu chúa Cha” là cụm từ giải thích mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời. Theo Thánh Kinh ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một vị Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì Người đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Chúa tự nguyện bỏ đi vinh quang danh dự của Người để rồi lấy lại thì có liên quan gì đến chúng ta? Vậy chúng cần đào sâu một vài ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời.

1. Chúa lên trời nghĩa là Người đã từ trời xuống: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Đấng chúng ta tôn thờ không phải là phàm nhân được tôn lên hàng thần thánh như “thuyết dưỡng tử” chủ trương (adoptionism). Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời Và mọi sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa…Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).

2. Chúa lên trời nghĩa là Người đã hoàn tất công cuộc cứu độ: “Đức Kitô đã lên cao dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người. Người lên trời nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4,8-10). Con người và mọi sự mọi loài từ đây có được con đường nên hoàn thiện, nên viên mãn, chính nhờ Người, với Người và trong Người, Giêsu – Kitô.

3. Chúa lên trời nghĩa là từ đây các thực tại trần thế có thể đi vào vinh quang bất diệt cùng với Đức Kitô. Khi trở về với vinh quang của một Thiên Chúa thì Đức Kitô đã làm cho các thực tại trần thế mà Người đã nhận lấy qua mầu nhiệm nhập thể, được nên hằng hữu với Người. Từ đây mọi sự, mọi loài đều có thể đi vào cõi bất diệt. Từ nay những sự bình thường và cả tầm thường ở đời này đều có thể trở nên phi thường nhờ Đức Kitô. “Vậy thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10,19-20).

4. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta. “Thưa anh em, Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Giờ đây chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả trên trời, một vị Thượng Tế đã kinh qua cảnh sống của loài người chúng ta. Người hiểu và cảm thông với chúng ta trong mọi nỗi niềm của kiếp nhân sinh. Nghĩa là chúng ta đang có một đồng minh đầy uy quyền và rất đáng tin cậy.

Với những ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời như trên, hẳn Mẹ Hội Thánh khao khát đoàn con luôn có thái độ vững tin và hy vọng trong niềm hân hoan phấn khởi. Sao lại không vững tin khi mà Đấng chúng ta tôn thờ và tiếp bước chính là Thiên Chúa thật, là căn nguyên và cùng đích của mọi vật, mọi loài. Sao lại không hy vọng khi mà cửa trời đã mở ra với chúng ta, với tất cả mọi loài thụ tạo. Sao lại không phấn khởi hân hoan khi mà luôn có đó Đấng hiểu chúng ta, cảm thông với chúng ta và đang bàu chữa cho chúng ta trước ngai tòa Thiên Chúa?

Để cho niềm tin, niềm hân hoan và hy vọng ấy được hiện thực thì không gì hơn chúng ta hãy nỗ lực làm cho các thực tại trần thế này, từ chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con chuyện cái, chuyện nhà cửa đến xã hội quốc gia, chuyện Hội Thánh…được đi vào vĩnh cửu, bằng chính con tim của chúng ta, một con tim đồng hình đồng dạng với Thầy chí Thánh, Giêsu Kitô. Nước Trời đã ở giữa chúng ta. Đừng có mãi mê nhìn trời nhưng hãy làm cho trái đất này và những chuyện của trần thế này mang giá trị đời đời. Và cách thế tuyệt vời là hãy sống và hoạt động, nghĩa là làm mọi sự đều nhân danh Giêsu, Đấng cứu nhân độ thế.

Ban Mê Thuột.
 
Rồi sẽ hân hoan
Lm Minh Anh
15:32 28/05/2025
RỒI SẼ HÂN HOAN
“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui!”.

Trong “Niềm Vui Của Các Thánh”, Jean Pierre de Caussade chỉ ra bí quyết để xua tan lo lắng và u buồn, “Mỗi ngày, bạn hãy ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và ‘phó dâng’ hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi. Được như thế, bạn sẽ nghiệm ra rằng, niềm vui luôn chiếm ưu thế, linh hồn bạn rồi sẽ hân hoan như các thánh đã hân hoan!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay đề cập nỗi buồn và niềm vui; nhưng vì niềm vui luôn chiếm ưu thế nên sau những muộn phiền lo lắng, các môn đệ của Chúa Giêsu ‘rồi sẽ hân hoan!’.

Chúa Giêsu nói đến u buồn của các môn đệ vì sự ra đi của Ngài; nhưng sau đó, Ngài nói, “nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” - niềm vui “lại thấy Thầy”. Lần đầu đến Côrintô, Phaolô được cặp đôi Aquila và Priscilla tiếp; họ cho ông một chỗ ở, một việc làm. Và còn nhiều hơn thế! Về sau, qua các thư, Phaolô tiết lộ, họ còn có những ‘căn phòng’ tương tự ở Êphêsô, Rôma, nơi các tín hữu học và dạy giáo lý, chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhớ lễ “Hai thánh dệt lều Aquila và Priscilla” mừng vào ngày 8/7 hàng năm! “Họ là các giáo dân đã hiến tặng “đất tốt” cho việc phát triển đức tin” - Bênêđictô XVI. Nhờ họ, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân” - Thánh Vịnh đáp ca. Phaolô và các giáo đoàn sơ khai hẳn đã trải nghiệm sự ‘hiện diện đầy ủi an’ của Chúa Phục Sinh qua họ.

Ở đây, chúng ta có một hình ảnh tuyệt vời về những gì mà Giáo Hội được kêu gọi để trở thành. Đó là một ‘cộng đồng các kẻ tin’ vốn sẵn sàng nâng đỡ nhau, đặc biệt những lúc khó khăn; một sứ vụ mà chúng ta - ở bất cứ thời điểm nào - trong mọi đấng bậc cùng chia sẻ, dù là nam hay nữ, trẻ hay già, độc thân hay lập gia đình. Đó là sứ vụ mà Thánh Thần luôn thúc đẩy, truyền cảm hứng, để mỗi người trở nên sự ‘hiện diện đầy ủi an’ của Chúa Phục Sinh cho người khác. Nhờ đó, ai ai cũng có thể trải nghiệm ‘Chúa là nguồn vui’; giữa bao khó khăn, mỗi người ‘rồi sẽ hân hoan’ nhờ sự bổ trợ của các thành viên khác.

Anh Chị em,

“Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui!”. “Giêsu Nguồn Vui” luôn nhịp bước bên chúng ta, Ngài không cất đi những khốn khổ trên hành trình, nhưng luôn hiện diện để bạn và tôi đi trọn con đường Ngài đi. Vấn đề là chúng ta có biết ‘phó thác’ quá khứ cho lòng thương xót của Thiên Chúa; ‘phó mặc’ tương lai cho sự quan phòng của Ngài; và ‘phó dâng’ toàn thể hiện tại cho tình yêu Ba Ngôi? Tắt một lời, nếu Chúa Phục Sinh luôn ‘chiếm chỗ’ ưu tiên ở trung tâm cuộc sống chúng ta, chúng ta ‘sẽ lại thấy Ngài’. Thấy Ngài trong kinh nguyện; thấy Ngài trong Thánh Thể; thấy Ngài trong Lời, và nhất là thấy Ngài trong những con người mà chúng ta phục vụ hay những con người đang tiếp sức cho chúng ta. Đó là những thành viên của Hội Thánh - hoặc ngay cả - chưa gia nhập Hội Thánh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể chia sẻ ‘Giêsu Nguồn Vui’ cho những ai vui ít buồn nhiều, cho con nhận ra sự ‘hiện diện đầy ủi an’ của Chúa trong từng phút giây ngày sống của con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:10 28/05/2025

137. Ân thưởng của vương miện thắng lợi thì không nhìn nơi chốn hoàn cảnh, nhưng nhìn ở hành vi nhân ái mà thôi.

(Thánh Athanasius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:13 28/05/2025
53. DÙNG KHÔNG HẾT

Có một người đến chùa miếu để xin ngủ qua đêm, nói:

- “Tôi có rất nhiều đồ vật, đời nọ đến đời kia dùng không hết, xin tặng quý chùa.”

Hòa thượng rất phấn khởi mời ông ta ngủ lại trong chùa, và rất cung kính lịch sự với ông ta.

Sáng sớm hôm sau, hòa thường hỏi người ấy đó là những thứ gì, người ấy chỉ cái mành đã mục nát trước tượng bồ tát và nói:

- “À, đem cái thứ ấy xuống róc nhỏ để đốt đèn thì đời nọ đến đời kia dùng cũng không hết hay sao?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 53:

Ở đời, không có gì là đời đời bất biến, không có gì là dùng mãi không hết: mạch dầu dưới biển, lâm sản trong rừng, vàng bạc như núi.v.v…thì rồi cũng có một ngày cạn kiệt hoặc mất đi.

Nhưng ơn thánh của Thiên Chúa ban cho thì đời đời dùng cũng không hết nếu chúng ta ở trong tình trạng gắn bó với Ngài, nhưng ơn thánh sẽ mất đi khi chúng ta cố tình phạm tội trọng và sống trong tội. Cho nên, người có lòng khiêm tốn nhiều thì nhận được ơn thánh nhiều, như Đức Mẹ Ma-ri-a đã để lòng mình ra không trước mặt Thiên Chúa, nên ơn của Thiên Chúa càng dồi dào trong tâm hồn Mẹ hơn…

Ai là người sử dụng cả đời không hết ơn thánh? Thưa, đó là những người luôn để mình ra không trước mặt Thiên Chúa, tức là biết hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Ngài, họ là những người mà ơn thánh càng sử dụng thì càng đầy tràn…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Chứng nhân Tin Mừng
Lm Thái Nguyên
23:09 28/05/2025

CHỨNG NHÂN TIN MỪNG
Chúa Nhật 7 Phục Sinh C - CHÚA THĂNG THIÊN : Lc 24,46-53
Suy niệm

Kinh Thánh hôm nay khép lại Tin Mừng Luca bằng hình ảnh thật đẹp và linh thánh: Đức Giêsu giơ tay chúc lành và được cất lên trời. Một cử chỉ cuối cùng – nhưng chất chứa trọn vẹn cả một đời yêu thương và hiến trao. Từ máng cỏ Bêlem đến đồi Canvê, từ ngôi mộ trống đến đỉnh núi Thăng Thiên – cả cuộc đời của Đức Giêsu là một hành trình dâng hiến và trao ban: trao ban Lời Ngài, trao ban chính Mình Ngài, trao ban cả Thánh Thần của Ngài, và cuối cùng là trao ban sứ mạng cho chúng ta.

“Anh em là chứng nhân của những điều ấy” (Lc 24,48). Ngài không chọn thiên thần, không chọn những người hoàn hảo, nhưng chọn chúng ta, những người còn yếu đuối, nhưng dám tin, dám sống, dám lên đường. Các tông đồ và những đấng kế vị đã thực hiện sứ mạng đó, và Giáo hội Chúa đã có mặt hầu hết các quốc gia. Đức tin của chúng ta được xây dựng trên chứng tá của các ngài, và biết bao vị tử đạo đã hiến cả mạng sống để loan báo Tin Mừng. Ngày nay, lời mời gọi ấy vẫn còn nguyên tính cấp bách. Chúa vẫn mời gọi từng người chúng ta: “Con hãy làm chứng cho Thầy giữa lòng thế giới.”

Không thể gói gọn cuộc sống đức tin của mình bằng những lời kinh hay thánh lễ trong nhà thờ; cũng không thể bó hẹp đời sống Kitô hữu của mình vào trong cộng đoàn giáo xứ hay dòng tu, mà cụ thể là phải đi vào đời, hòa mình vào dòng chảy của nhân loại, để hạt Tin Mừng được gieo vào lòng con người. Chẳng ai có thể lên thiên đàng một mình nếu không sống tình liên đới và quan tâm đến phần rỗi của người khác. Điều này đòi ta phải ra khỏi mình để hướng đến anh chị em lương dân xung quanh. Phải thăm viếng, gặp gỡ, gần gũi, chia sẻ, nâng đỡ, và cứu giúp những anh chị em neo đơn, nghèo khổ, yếu đau, tật nguyền.

Mỗi người chúng ta có một vị trí riêng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không ai thay ai được. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 48, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta: “Hãy lên đường, hãy cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Kitô… Tôi muốn thấy một Giáo Hội bị bầm giập, tổn thương và lấm lem trên đường dấn thân, chứ không phải là một Gíao hội 'xanh xao vàng vọt' vì sống đóng khung và bám víu vào chu vi hàng rào an toàn của riêng mình”… “Các con hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ”.

Tuy Chúa Giêsu về trời không còn hiện diện cách hữu hình, nhưng Ngài vẫn hiện diện cách vô hình trong Lời Kinh Thánh, trong Bí tích Thánh Thể, và trong cuộc đời của những ai sống gắn bó với Ngài, như lời Ngài đã hứa: “Thầy ở lại với anh em cho đến ngày tận thế” (Mt 28, 17-20). Lời Chúa là ánh sáng và Mình Chúa là sức sống cho chúng ta trên hành trình làm chứng.

Có một câu chuyện như sau: Ở một ngôi làng Phi Châu nhỏ, người ta thấy một người đàn ông bại liệt, mỗi sáng đều bò ra khỏi nhà, lết đến nhà thờ, ngồi bên ngoài, rồi lết về. Người ta hỏi ông: “Ông đến để làm gì? Ông không nghe được, không nói được, không vào được.” Ông viết lên bảng: – “Tôi chỉ đến để nhắc mình và người khác rằng Thiên Chúa là trung tâm đời tôi.” Không nói một lời. Nhưng cuộc đời ông là lời chứng hùng hồn.

Mỗi người chúng ta – dù ở đâu – dù thế nào, cũng phải trở nên một Tin Mừng sống động. Và đôi khi, chúng ta là “cuốn Phúc Âm duy nhất” mà người khác có thể đọc được. Chúng ta không cần làm điều phi thường để làm chứng cho Chúa. Chỉ cần chúng ta:
• Không gian dối giữa một xã hội đầy gian dối.
• Không nói hành nói xấu giữa đám người ngồi lê đôi mách.
• Không bỏ cuộc trước thử thách, nhưng kiên trì trong cầu nguyện.
• Không cần nổi tiếng, chỉ cần trung tín mỗi ngày.
• Không cần nói nhiều, chỉ cần sống hiền lành, yêu thương, khiêm nhường, tha thứ…để tỏa ra hương thơm của Chúa Giêsu.

Thực tế có nhiều người trong chúng ta đang là những nhân chứng âm thầm: một người cha không bỏ bê gia đình dù cực khổ, mà còn đi lễ hằng ngày; là một người mẹ thức khuya dậy sớm lo cho con mà vẫn không ngừng lần chuỗi; một cụ già cô đơn bệnh tật mà vẫn âm thầm cầu nguyện cho con cháu mỗi ngày… Những người đó – Chúa thấu suốt. Chính họ đang giữ cho Giáo Hội đứng vững giữa trần gian.
Chúa Giêsu lên trời, không để rời xa nhân loại, nhưng để mở ra một niềm hy vọng, một chiều kích mới cho cuộc sống trần thế. Trời mới đất mới không chỉ là một hứa hẹn mai sau, mà đã bắt đầu từ hôm nay trong từng việc nhỏ: khi chúng ta xây dựng một xã hội công bằng hơn, chân thật hơn, huynh đệ hơn, bác ái hơn… để đón mừng ngày Chúa quang lâm. Đó cũng là ngày mà chúng ta được về trời vinh hiển với Chúa, sau khi hoàn thành sứ vụ của mình với cả tình yêu mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã về trời,
nhưng Chúa vẫn hiện diện giữa trần gian,
trong Bí Tích Thánh Thể mãi tuôn tràn,
là chính Chúa thần lương cho tín hữu.
Chúa về trời nhưng Lời Ngài còn đó,
dẫn con qua những thử thách trần gian,
cho cuộc sống khỏi lạc bến mê man,
và tim con vững vàng trong ánh sáng.
Chúa về trời nhưng ban Thánh Thần xuống,
để giữ gìn che chở Giáo Hội luôn,
giúp con biết hành động trong sự thật,
đem an bình ích lợi cho thế nhân.
Chúa về trời nhưng hiện diện khắp nơi,
qua mọi người mọi biến cố nhỏ to,
nhất là qua những con người nghèo khó,
mời gọi con biết ý thức chăm lo.
Chúa gọi con đi vào lòng thế giới,
gieo Tin Mừng đến với mọi tha nhân,
để đời con là thánh lễ nối dài,
cho ơn Chúa ngày càng sinh hoa trái.
Chúa về trời mở ra sự sống mới,
đó chính là sự sống mãi muôn đời,
trong niềm vui và hạnh phúc chẳng vơi,
cho chúng con niềm hy vọng sáng ngời.
Xin cho con vững một lòng tin cậy,
để hăng say xây dựng cuộc sống này,
và chờ ngày Chúa đến trong vinh quang,
cho đoàn con được hưởng phúc thiên đàng. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Leo: Dụ ngôn Người Samaritanô. Khi thấy người ấy, ông chạnh lòng thương
Vũ Văn An
15:12 28/05/2025

Nay là lần thứ hai, Đức Leo XIV có buổi yết kiến dành cho công chúng tín hữu. Đông đảo tín hữu đã tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô từ 7 giờ sáng để đực diện kiến ngài và nghe ngài dạy Giáo Lý vào lúc 10 giờ sáng. Trước bài giáo lý, ngài đã cho giáo hoàng xa chở ngài chạy quanh Quảng trường, không ngừng vẫy tay chào các tín hữu đang vẫy tây, phất cờ phất nón hoan hô vang dậy.

Ngài vẫn tiếp tục chủ đề giáo lý về năm thánh 2025 do vị tiền nhiệm của ngài là Đức Phanxicô khởi xướng. Sau đây là nội dung bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Anh chị em thân mến,

Chúng ta sẽ tiếp tục suy niệm về một số dụ ngôn trong Tion Mừng, đây là cơ hội để thay đổi góc nhìn và mở lòng mình ra với niề hy vọng. Đôi khi, sự thiếu hy vọng là do chúng ta tập trung vào một cách nhìn cứng ngắc và khép kín nào đó, và các dụ ngôn giúp chúng ta nhìn chúng theo một góc nhìn khác.

Hôm nay, tôi muốn nói với anh chị em về một chuyên gia, một người hiểu biết, một tiến sĩ Luật, tuy nhiên, ông cần phải thay đổi góc nhìn của mình, vì ông chỉ tập trung vào bản thân và không để ý đến người khác (x. Lc 10:25-37). Thật vậy, ông đã chất vấn Chúa Giêsu về cách thức mà sự sống vĩnh cửu được “thừa hưởng”, bằng cách sử dụng một cách diễn đạt có ý định coi đó là một quyền không thể nhầm lẫn. Nhưng đằng sau câu hỏi này có lẽ chính là nhu cầu được chú ý đang ẩn giấu: từ ngữ duy nhất mà Chúa Giêsu yêu cầu giải thích là từ ngữ “người lân cận”, theo nghĩa đen có nghĩa là người ở gần.

Do đó, Chúa Giêsu kể một câu chuyện dụ ngôn là con đường để biến đổi câu hỏi đó, chuyển từ ai yêu tôi? sang ai đã yêu? Câu đầu tiên là một câu hỏi chưa trưởng thành, câu thứ hai là câu hỏi của một người trưởng thành đã hiểu được ý nghĩa cuộc sống của mình. Câu hỏi đầu tiên là câu hỏi mà chúng ta hỏi khi ngồi ở góc và chờ đợi, câu thứ hai là câu hỏi thúc đẩy chúng ta bước lên đường.

Câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể, trên thực tế, có một con đường làm bối cảnh, và đó là một con đường khó khăn và không tiếp thu được, giống như cuộc sống. Đó là con đường mà một người đàn ông đã đi từ Jerusalem, thành phố trên núi, xuống Jericho, thành phố dưới mực nước biển. Đó là một hình ảnh đã báo trước những gì có thể xảy ra: người đàn ông đó bị tấn công, đánh đập, cướp bóc và bị bỏ lại nửa sống nửa chết. Đó là trải nghiệm xảy ra khi hoàn cảnh, con người, đôi khi thậm chí là những người mà chúng ta tin tưởng, lấy đi mọi thứ của chúng ta và bỏ chúng ta lại giữa đường.

Tuy nhiên, cuộc sống được tạo nên từ những cuộc gặp gỡ, và trong những cuộc gặp gỡ này, chúng ta bộc lộ con người thật của mình. Chúng ta thấy mình đang ở trước mặt người khác, đối diện với sự mong manh và yếu đuối của họ, và chúng ta có thể quyết định phải làm gì: chăm sóc họ hay giả vờ như không có gì sai. Một linh mục và một thầy Lê-vi cũng đi trên con đường đó. Họ là những người phục vụ trong Đền thờ Jerusalem, những người sống trong không gian thánh thiêng. Tuy nhiên, việc thực hành thờ phượng không tự động dẫn đến lòng cảm thương. Ấy thế nhưng, trước khi trở thành vấn đề tôn giáo, lòng cảm thương là vấn đề nhân bản! Trước khi trở thành tín hữu, chúng ta được kêu gọi trở thành con người.

Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, sau một thời gian dài ở Jerusalem, vị linh mục và thầy Lê-vi đó vội vã trở về nhà. Thật vậy, sự vội vã, hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, thường ngăn cản chúng ta cảm nhận lòng cảm thương. Những người nghĩ rằng hành trình của riêng họ phải được ưu tiên thì không muốn dừng lại vì người khác.

Nhưng ở đây có một người thực sự có thể dừng lại: anh là một người Sa-ma-ri, do đó là một người thuộc về một dân tộc bị khinh miệt (so sánh 2 Các Vua 17). Trong trường hợp của anh, bản văn không chỉ rõ hướng đi, mà chỉ nói rằng anh đang đi du lịch. Lòng đạo không đi vào điều này. Người Sa-ma-ri này chỉ dừng lại vì anh là một người đàn ông đối diện với một người đàn ông khác đang cần sự giúp đỡ.

Lòng cảm thương được phát biểu thông qua những cử chỉ thực tế. Thánh sử Luca suy gẫm về hành động của người Sa-ma-ri, người mà chúng ta gọi là "tốt", nhưng trong bản văn, anh chỉ đơn giản là một con người: một người Sa-ma-ri tiến đến, bởi vì nếu bạn muốn giúp đỡ ai đó, bạn không thể nghĩ đến việc giữ khoảng cách, bạn phải tham gia, bị dơ bẩn, có thể bị ô nhiễm; anh băng bó vết thương sau khi rửa sạch chúng bằng dầu và rượu; anh chất người này lên ngựa, gánh vác gánh nặng, bởi vì một người thực sự giúp đỡ nếu một người sẵn sàng cảm nhận sức nặng của nỗi đau của người kia; anh đưa người này đến một quán trọ, nơi anh tiêu tiền, "hai đồng bạc", ít nhiều là hai ngày làm việc; và anh cam kết quay lại và cuối cùng trả nhiều hơn, vì người kia không phải là một gói hàng để giao, mà là một người để chăm sóc.

Anh chị em thân mến, khi nào chúng ta cũng có thể dừng lại hành trình của mình và có lòng cảm thương? Khi chúng ta hiểu rằng người đàn ông bị thương trên phố đại diện cho mỗi người chúng ta. Và sau đó, ký ức về tất cả những lần Chúa Giêsu dừng lại để chăm sóc chúng ta sẽ khiến chúng ta có khả năng cảm thương hơn.

Vậy thì chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể phát triển nhân tính, để các mối quan hệ của chúng ta có thể chân thật hơn và giàu lòng cảm thương hơn. Chúng ta hãy cầu xin Trái tim Chúa Giêsu ban cho ân sủng ngày càng có cùng cảm xúc như Người.

***

LỜI KÊU GỌI

Trong những ngày này, tôi thường nghĩ đến người dân Ukraine, những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công mới nghiêm trọng nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng. Tôi đảm bảo với tất cả các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em và gia đình, về sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi.

Tôi mạnh mẽ nhắc lại lời kêu gọi của mình là hãy chấm dứt chiến tranh và ủng hộ mọi sáng kiến đối thoại và hòa bình. Tôi yêu cầu mọi người cùng cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và bất cứ nơi nào có đau khổ vì chiến tranh.

Tại Gaza, tiếng kêu của những người mẹ, của những người cha ôm chặt xác con cái và liên tục phải di chuyển để tìm kiếm một chút thức ăn và nơi trú ẩn an toàn hơn khỏi bom đạn, ngày càng vang lên dữ dội hơn trên bầu trời.

Tôi xin nhắc lại lời kêu gọi của mình tới các nhà lãnh đạo: hãy ngừng bắn, thả tất cả các con tin, tôn trọng luật nhân đạo. Nữ Vương Hòa bình Maria, xin cầu cho chúng con.

__________________

Lời chào đặc biệt:

Tôi rất vui mừng được chào đón những người hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là những người đến từ Anh, Scotland, Na Uy, Ghana, Kenya, Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Canada và Hoa Kỳ. Khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm Lễ Chúa Lên Trời, tôi cầu xin để mỗi người trong số anh chị em và gia đình anh chị em có thể trải nghiệm sự đổi mới đầy hy vọng và niềm vui. Xin Chúa ban phước cho tất cả anh chị em!
 
Đức Giáo Hoàng Leo XIV bất ngờ viếng thăm Năm thánh của những người hành hương châu Phi
Vũ Văn An
15:39 28/05/2025

PXHere - Miền công cộng


Tạp chí Aleteia, xuất bản ngày 27/05/25, tường trình rằng: Nhân ngày châu Phi (25 tháng 5), các nhà ngoại giao châu Phi tại Rome đã tổ chức một cuộc hành hương có sự tham dự của các linh mục, nữ tu và giáo dân. Đức Giáo Hoàng Leo đã phát biểu tại Thánh lễ bế mạc.

Vào ngày 26 tháng 5 năm 2025, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã bất ngờ đến Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào cuối Thánh lễ kết thúc Cuộc hành hương vì hòa bình tại châu Phi. Biến cố này được tổ chức bởi 14 đại sứ châu Phi tại Tòa thánh, quy tụ khoảng 250 người tham dự. Phát biểu ngắn gọn với những người hành hương, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến “chứng tá vĩ đại” mà lục địa châu Phi mang đến cho “toàn thế giới” và kêu gọi những người tham gia trở thành “dấu chỉ hy vọng” cho nhân loại.

Thực vậy, nhân Ngày Châu Phi (ngày 25 tháng 5), các nhà ngoại giao Châu Phi được công nhận tại Tòa thánh, cũng như các đại sứ tại Ý và FAO, đã quyết định tổ chức một ngày hành hương Năm Thánh đến Rome dành riêng cho “hy vọng hòa bình ở Châu Phi”.

Đại sứ Gabon Eric Chesnel hoan nghênh sự giúp đỡ của nhiều thành viên trong cộng đồng Châu Phi tại thủ đô Ý, những người đã đi qua Cửa Thánh của các Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành, Đức Bà Cả và Thánh Gioan Lateranô trong các biến cố trong ngày.

Có sự tham dự của giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân

Gần 250 người hành hương — linh mục, nữ tu và giáo dân — do đó đã đến Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rome. Tại đó, Đức Hồng Y Francis Arinze, nguyên Tổng trưởng hưu trí của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, đã chủ trì Thánh lễ cuối cùng tại bàn thờ Ngai tòa vào cuối buổi chiều.

Cũng có mặt tại đây là hai viên chức cấp cao người Phi của Giáo triều: Hồng Y Peter Turkson, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Khoa học Xã hội Giáo hoàng, và thư ký của Bộ Truyền giáo, Đức cha Fortunatus Nwachukwu. Hồng Y người Guinea Robert Sarah đã được mời nhưng đã từ chối.

Vào cuối Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã xuất hiện. Trước khi chào từng người hành hương, Đức Giáo Hoàng đã có bài phát biểu ngắn bằng tiếng Anh, kêu gọi những người có mặt hãy tìm kiếm hy vọng “mà chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới có thể ban cho chúng ta”. Ngài cảm ơn các đại sứ đã tổ chức cuộc hành hương.

Thật quan trọng biết bao khi mỗi người đã chịu phép rửa tội đều cảm thấy mình được Chúa kêu gọi trở thành dấu chỉ hy vọng cho thế giới ngày nay.

Chính đức tin của chúng ta đã mang lại cho chúng ta sức mạnh. Chính đức tin của chúng ta giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống của mình và hiểu được tầm quan trọng của việc sống đức tin của mình. Không chỉ vào các ngày Chủ Nhật, không chỉ trong các cuộc hành hương, mà là mỗi ngày để chúng ta tràn đầy hy vọng mà chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới có thể ban cho chúng ta và tất cả chúng ta cùng nhau sẽ tiếp tục bước đi đoàn kết như anh chị em để ngợi khen Chúa của chúng ta; để nhận ra rằng mọi thứ chúng ta có và mọi thứ chúng ta là đều là món quà của Chúa, và để dành những món quà đó để phục vụ người khác.

Tôi rất vui khi có thể chào tất cả anh chị em trong một khoảnh khắc rất ngắn vào chiều nay, nhưng để nói với từng người trong số anh chị em: Cảm ơn vì đã sống cuộc sống của mình, đức tin của anh chị em vào Chúa Giêsu Kitô.

“Chứng tá vĩ đại” của Châu Phi

Đức Giáo Hoàng cũng đã bày tỏ lòng tôn kính đối với "chứng tá vĩ đại mà tất cả anh chị em đang trao tặng và lục địa Châu Phi trao tặng cho toàn thế giới", một thông điệp được những người tổ chức vô cùng trân trọng.

"Chúng tôi rất cảm động khi 10 ngày sau khi lên ngôi giáo hoàng, Đức Thánh Cha muốn ở đây với chúng tôi", Chesnel, đại sứ Gabon cho biết.

“Châu Phi là một châu lục vẫn đang phải trải qua những vấn đề về phát triển và chiến tranh. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn tài nguyên thiết yếu cho Giáo hội Thánh thiện”, đại sứ cho biết, đồng thời nhấn mạnh đến sự năng động của Công Giáo châu Phi.

“Đây là một châu lục mà đức tin vẫn còn sống động”, Régis Kévin Bakyono, đại sứ của Burkina Faso đồng tình. Ông nhấn mạnh giá trị “mang tính biểu tượng và mục vụ” của chuyến thăm của Giáo hoàng đến sự kiện này.

Nhà ngoại giao Burkina tin rằng Đức Giáo Hoàng đang nhắc đến “sức sống tinh thần và cảm thức thánh thiêng, sự gắn kết xã hội và sự gắn kết gia đình” của châu Phi và kêu gọi người dân châu Phi “biến điều này thành chất xúc tác cho sự thay đổi xã hội”.

“Đây là một la bàn thực sự trong một thế giới đôi khi mất phương hướng”, ông cho biết.

Vấn đề về sự đại diện của người châu Phi tại Rome

Éric Chesnel giải thích rằng cuộc gặp gỡ này với Đức Giáo Hoàng cũng rất quan trọng xét theo quan điểm về “khả năng hiển thị” của Công Giáo châu Phi tại Rome. Những người châu Phi duy nhất hiện đang giữ chức vụ tại Giáo triều là Hồng Y Turkson và Giám mục Nwachukwu.

“Điều này quan trọng vì Giáo Hội Công Giáo là phổ quát,” người đồng nghiệp người Burkina của ông, Régis-Kévin Bakyono, nhấn mạnh, người than thở về việc thiếu đại diện cho “nguồn nhân lực và tinh thần quan trọng của châu Phi.”

“Ngoài sự hiện diện của các Hồng Y châu Phi, đó là vấn đề đưa ra dấu hiệu về cam kết của Giáo hội đối với châu Phi tại Rome,” Chesnel nói. Ông cũng hy vọng rằng các nữ tu châu Phi sẽ có thể “đi theo bước chân của những người phụ nữ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong những năm gần đây. ”

Đại sứ Gabon cũng hy vọng rằng “ký ức về các vị thánh châu Phi” sẽ được Vatican chú trọng hơn. Ông nêu bật một số diễn biến tích cực, đáng chú ý là việc bổ nhiệm các sứ thần tòa thánh gốc Phi, và cho biết ông đang tích cực vận động để có thêm nhiều linh mục từ châu lục này được gửi đến Học viện Giáo hội Giáo hoàng, “trường học dành cho các sứ thần”.

Một dấu hiệu tích cực khác là việc phân bổ một “giáo xứ quốc gia” cho một số quốc gia châu Phi tại Rome, ông cho biết, giải thích rằng ông đã đưa ra yêu cầu và hài lòng với phản hồi mà ông nhận được. (Hiện tại, chỉ có ba quốc gia ở châu Phi trong số 54 quốc gia — một trong sáu quốc gia — có giáo xứ quốc gia tại Rome: Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritrea và Ethiopia. Ngược lại, tám trong số 35 quốc gia ở châu Mỹ — gần một trong bốn quốc gia — được đại diện. St. Patrick là giáo xứ quốc gia tại Rome của Hoa Kỳ.)

Một chuyến đi châu Phi cho Đức Leo XIV?

Vào ngày 16 tháng 5, một số đại sứ châu Phi cũng bày tỏ với tân giáo hoàng mong muốn chung của họ rằng ngài “có thể nhanh chóng thực hiện một chuyến đi đến lục địa châu Phi”, Chesnel đưa tin.

Nhà ngoại giao Gabon mong đợi một chuyến đi “ít nhất hai hoặc ba điểm dừng”, như thường lệ, và nhấn mạnh ba khu vực “đặc biệt quan trọng” ở châu Phi: miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo, Sừng châu Phi và Sudan.

“Ngài có thể đến Gabon hoặc một trong những nước láng giềng của chúng tôi”, đại sứ giải thích, nhấn mạnh trên hết là mong muốn chung về một cuộc hành hương tông đồ đến Châu Phi được ông và các đồng nghiệp bày tỏ.

Về mặt bản thân hơn, đại sứ hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm đất nước của mình (nơi mà chuyến thăm giáo hoàng gần đây nhất của Đức Gioan Phaolô II có từ năm 1982). Ông nói thêm rằng tổng thống hiện tại, Brice Oligui Nguema, đã chính thức gửi lời mời đến Đức Giáo Hoàng trong buổi lễ nhậm chức giáo hoàng của ngài vào ngày 18 tháng 5.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện năm chuyến đi đến Châu Phi trong suốt nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài, trong đó ngài đã đến thăm 10 quốc gia.
 
Bốn giám mục xác nhận: Sẽ không tham gia vào Hội đồng Công nghị tương lai của Đức
Đặng Tự Do
17:18 28/05/2025


Bốn giám mục Đức tuyên bố sẽ không tham gia với tư cách là thành viên trong một Hội đồng Công nghị tương lai ở cấp liên bang: Trong một lá thư gửi cho chủ tịch của ủy ban thượng hội đồng ngày 19 tháng 5, Đức Cha Gregor Maria Hanke, Giám Mục Eichstätt, Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục Regensburg, Đức Cha Stefan Oster, Giám Mục Passau và Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln đã phản đối một nghị quyết của ủy ban thượng hội đồng ngày 10 tháng 5. “Ở đây, một cơ quan không thể tuyên bố bất kỳ thẩm quyền giáo luật nào đã quyết định rằng tất cả các giám mục giáo phận ở Đức, bao gồm cả chúng tôi, phải là thành viên của một cơ quan tương lai”. Các ngài lưu ý điều này “với sự ngạc nhiên” và yêu cầu “làm rõ trong tương lai rằng chúng tôi không thuộc về Hội đồng Công nghị”. Cái gọi là Hội đồng Công nghị tương lai này dựa trên một nghị quyết của Tiến Trình Công Nghị, “bản thân nó không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý”.

Tiến Trình Công Nghị trước đó đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng họ đã quyết định rằng trong một Hội đồng Công nghị tương lai, “tất cả các thành viên của Hội đồng Giám mục Đức và số lượng thành viên tương ứng của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK phải được đại diện”.

Trong lá thư gửi cho Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, gọi tắt là DBK, và chủ tịch Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), Irme Stetter-Karp, bốn vị Giám Mục và Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng các ngài không coi mình là “thành viên hoặc nhà tài trợ cho Hội đồng Công nghị và cũng không “ủng hộ”.

Hơn nữa, bốn vị Giám Mục và Tổng Giám Mục nhắc lại những chỉ thị rõ ràng từ Rôma: Vào ngày 21 tháng 7 năm 2022, Vatican tuyên bố rằng Tiến trình Công nghị “không có thẩm quyền bắt buộc các giám mục và tín hữu chấp nhận các hình thức quản trị mới và các định hướng học thuyết và đạo đức mới”. Vào ngày 23 Tháng Giêng năm 2023, một số Hồng Y thuộc Giáo triều đã nêu rõ trong một lá thư “rằng cả Tiến trình Công nghị cũng như bất kỳ cơ quan nào do Tiến trình Công nghị thành lập cũng như bất kỳ hội đồng giám mục nào đều không có thẩm quyền thành lập 'Hội đồng Công nghị' ở cấp quốc gia, giáo phận hoặc giáo xứ”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tái khẳng định những tuyên bố này vào ngày 10 tháng 11 năm 2023, bằng cách chỉ ra trong một lá thư tiếp theo rằng “việc thành lập một 'ủy ban công đồng' để chuẩn bị một cơ quan cố vấn và ra quyết định quốc gia” đã bị cấm bởi lá thư trước đó, mà ngài đã phê duyệt theo một hình thức cụ thể. Ngài nhắc lại rằng một ủy ban như vậy, theo hình thức được nêu trong văn bản nghị quyết, “không thể hòa giải với cấu trúc bí tích của Giáo Hội Công Giáo”.

Vào đầu năm 2024, một lá thư từ Rôma, được ký bởi Đức Giáo Hoàng hiện tại, khi đó là Hồng Y Robert Prevost, một lần nữa nêu rõ rằng “ủy ban công đồng không được hợp pháp hóa theo giáo luật và Hội đồng Giám mục Đức không thể đảm nhận vai trò bảo trợ của ủy ban này”. Dựa trên những điều này và các “dấu hiệu ngăn chặn” khác từ Tòa thánh, các ngài coi công việc của “ủy ban công đồng” về việc chuẩn bị một cơ quan công đồng quốc gia là bất hợp lệ.

Cuối cùng, các giám mục tuyên bố trong thư của mình rằng các ngài sẽ “tiếp tục làm mọi thứ trong khả năng của mình để thúc đẩy sự hiệp thông với Rôma trong các giáo phận của chúng tôi”, đặc biệt là thông qua “đối thoại, cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần, nói một cách tự do, tham khảo ý kiến, bảo vệ các không gian và cơ cấu cho các tiến trình tham khảo ý kiến”, cũng như thông qua việc “khẳng định nền tảng chung trong đức tin và giáo huấn của Giáo hội và niềm tin rằng việc cử hành chung Thánh Thể là 'nguồn gốc và đỉnh cao' không chỉ của đời sống Kitô hữu nói chung, mà còn là nguồn gốc và đỉnh cao của sự hiệp thông Công Giáo đích thực”.

Đức Hồng Y Walter Kasper cảnh báo rằng cái gọi là “Hội đồng Công nghị” trong tầm ngắm của một số Giám Mục cấp tiến Đức theo thời gian sẽ phát triển thành một Vatican của Đức, dọn đường cho khả năng ly giáo.


Source:Die-Tagespost
 
Đức Giáo Hoàng Leo: Lòng trắc ẩn là vấn đề của nhân loại, chứ không phải là vấn đề của tôn giáo
Thanh Quảng sdb
18:33 28/05/2025
Đức Giáo Hoàng Leo: Lòng trắc ẩn là vấn đề của nhân loại, chứ không phải là vấn đề của tôn giáo

Suy ngẫm về dụ ngôn Người Samaria nhân hậu tại Buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Giáo Hoàng Leo XIV thách thức mọi người đừng để cuộc sống bận rộn “ngăn cản chúng ta thể hiện lòng trắc ẩn” đối với người khác.

(Tin Vatican - Kielce Gussie)

Tiếp tục bài suy ngẫm về các dụ ngôn trong Phúc âm trong Buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư (28/5/2025), Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã nhắc lại “một ông uyên bác và chuẩn bị kỹ càng - một tiến sĩ Luật” trong Phúc âm Luca. Đức Giáo Hoàng nói người thanh niên này quá chú tâm vào bản thân mà bỏ qua người khác.

Vị Tiến sĩ Luật nói chuyện với Chúa Giêsu, hỏi làm thế nào anh ta có thể thừa hưởng sự sống đời đời. Đức Giáo Hoàng Leo đã vạch trần “nhu cầu sâu sắc hơn về sự chú ý” đằng sau câu hỏi này khi người thanh niên yêu cầu Chúa Giêsu giải thích từ “người lân cận”.

Tôi yêu ai?

Để trả lời câu hỏi này, Chúa Giêsu đã kể lại một dụ ngôn thay đổi hoàn toàn câu hỏi của người thanh niên từ "Ai yêu tôi?" thành "Tôi yêu ai?"

Đức Giáo Hoàng giải thích rằng câu hỏi đầu tiên là chưa trưởng thành, “trong khi câu hỏi thứ hai là câu hỏi của một người trưởng thành đã hiểu được ý nghĩa của cuộc sống”. Câu hỏi đầu tiên chưa có hành động, trong khi câu hỏi thứ hai đòi hỏi phải có hành động.

Sau đó, Chúa Giêsu chia sẻ dụ ngôn về Người Samari nhân hậu, bối cảnh là con đường mà một người đi từ Jerusalem qua núi rừng đến Jericho, một thành phố nằm dưới mực nước biển. Đức Giáo Hoàng Leo ví cuộc hành trình này với cuộc sống, gọi đó là “con đường khó khăn và nguy hiểm”.

Trong cuộc hành trình của mình, người đàn ông đò bị đánh đập, cướp bóc và bị bỏ mặc cho đến chết, điều này có thể xảy ra với chúng ta khi “hoàn cảnh, con người - kể cả những người mà chúng ta tin tưởng - lột trần chúng ta và bỏ mặc chúng ta ngoài đó”.

Đây không phải là vấn đề tôn giáo


Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng, chính trong những cuộc gặp gỡ nvới người khác, chúng ta mới biết mình thực sự là ai. Khi gặp một người đang gặp khó khăn, chúng ta phải đối diện với sự lựa chọn: “chăm sóc họ hoặc ngoảnh mặt làm ngơ”.

Đức Giáo Hoàng Leo mở đầu buổi tiếp kiến chung thứ hai của mình bằng dấu thánh giá

Trong dụ ngôn, hai người, một linh mục và một người Lê-vi, những người mà chúng ta tưởng là sẽ dừng lại và chăm sóc cho người bị thương, nhưng họ đã chọn con đường rễ ràng là phớt lờ anh ta. Đức Giáo Hoàng Leo nhấn mạnh rằng điều này cho thấy rằng "chỉ riêng việc thực hành tôn giáo không tự động dẫn đến lòng trắc ẩn". Đó không phải là đặc điểm của tôn giáo mà là đặc điểm của con người. Con người được kêu gọi phải có lòng trắc ẩn, bất kể tôn giáo của họ là gì.

Linh mục và người Lê-vi đại diện cho tất cả chúng ta - vội vã để về nhà. Sự vội vã này có thể ngăn cản chúng ta trở nên trắc ẩn vì, Đức Giáo Hoàng cảnh báo, những người "tin rằng hành trình của họ phải ưu tiên thì họ không sẵn lòng dừng lại vì người khác".

Lòng trắc ẩn là chấp nhận rủi ro

Chỉ có người Sa-ma-ri, "một người từ một dân tộc theo truyền thống bị khinh thường", dừng lại để giúp đỡ người bị thương. Người Sa-ma-ri giúp đỡ, không phải vì yêu cầu tôn giáo, mà vì "anh ta là một con người với một con người khác đang cần sự giúp đỡ của anh".

Đức Giáo Hoàng Leo nhấn mạnh rằng lòng trắc ẩn được hình thành thông qua những hành động cụ thể, bởi vì để giúp đỡ ai đó, “bạn không thể đứng xa”. Để có lòng trắc ẩn, bạn phải tham gia và sẵn sàng “thậm chí chịu dơ bẩn, có thể chấp nhận rủi ro”.

Người Samaritanô là một ví dụ về lòng trắc ẩn vì ông đã chăm sóc người bị thương. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng thực sự giúp đỡ ai đó “có nghĩa là sẵn sàng cảm nhận sức nặng của nỗi đau của tha nhân”. Ngài chỉ ra rằng chỉ khi chúng ta nhận ra rằng chính chúng ta là người bị thương, chúng ta mới thực sự cảm được lòng trắc ẩn.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khuôn mặt tầng mây trên bầu trời
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
18:52 28/05/2025
Khuôn mặt tầng mây trên bầu trời

Hằng năm 40 ngày sau lễ Chúa Giêsu phục sinh, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời.

Phúc âm theo thánh Luca viết thuật lại: „ Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông.51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.“ ( Lc 24,50-51).

Thánh sử Luca trong sách Công vụ Tông đồ viết thuật lại chi tiết việc Chúa lên trời: „ Nói xong, Người ( Chúa Jesus) được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.“ ( Cv 1,9).

Bầu trời trên cao có những vầng mây bay chạy khắp bốn phương hướng. Ngày trời nắng hầu như không có quầng vầng mây nào, ngày dịu mát có những vầng mây trắng, ngày trời mưa u ám có những vầng mây đen hiển thị nổi bay khắp bầu trời. Trên vùng núi cao có vầng mây bay quyện trên khắp đỉnh cao cùng sườn núi toát ra cảnh huyền ảo thi vị bí ẩn.

Kinh Thánh trình bày diễn tả mây là hình ảnh biểu tượng về sự hướng dẫn của Thiên Chúa cùng sự che chở bảo vệ của Thiên Chúa, như trong cuộc xuất hành của dân Do Thái từ Aicập băng qua sa mạc về nước Do Thái luôn có cột mây Thiên Chúa dẫn đường đi đầu.

Trong nhiều nền văn hóa mây là hình ảnh chỉ về tinh thần linh hồn con người trong trạng thái bước sang phía bên kia thế giới sự sống trần gian sau khi qua đời, như mường tượng linh hồn người qúa cố bay lên trời cao ẩn hiện nơi tầng mây.

Trong nhiều niềm tin tín ngưỡng, đặc biệt trong niềm tin Kitô giáo, vầng mây diễn tả về sự uy quyền hiện diện của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, như khi Chúa Giêsu lên trời có tầng mây bay bao phủ quyện lấy Ngài

„ Vầng mây nhắc nhở chúng ta nhớ đến giờ phút Chúa Jesus ngày xưa đã biến hình trên núi Tabor. Vầng mây trắng đã kéo đến bao phủ Chúa Jesus và khiến ba Tông đồ đi theo Chúa ngã xuống đất.( Mt 17,5. Mc 9,7. Lc 9,34..)

Vầng mây nhắc nhớ đến giờ phút cảnh Thiên Thần Gabriel đến gặp Đức Mẹ Maria báo tin Chúa Jesus xuống thế làm người trong cung lòng Maria do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần bao phủ tác động nơi cung lòng Maria. ( Lc 1,35).

Vầng mây nhắc nhớ đến ngôi lều thánh của Thiên Chúa thời cựu ước luôn có mây bao phủ ngôi lều. Đó là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ( Xh 40,34), và khi dân Do Thái vượt qua sa mạc trở về quê hương đất nước Chúa hứa từ Ai Cập, luôn có vầng mây đi trước dẫn đường ( Xh 13,21).

Vầng mấy như thế rõ ràng chất chứa mang ý nghĩa đạo đức thần học. Mây quyện lấy Chúa Jesus đưa ngài lên trời không là một hành trình lên hành tinh các ngôi sao, nhưng là đi vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Và như thế, một thứ tự lớn lao khác, một bình diện khác về bản thể của Người được đề cập nói đến.“ ( Joseph Ratzinger Benedickt XVI., JESUS von Nazareth II., Herder 2011, tr. 307-308).

Dấu vết chân Chúa Jesus còn lưu dấu lại sau khi Ngài trở về trời chỉ là kỷ niệm biểu tượng còn lưu lại trên đồi Oliu ở thành Jerusalem để đến hành hương chiêm ngắm nhìn.

Nhưng trong đời sống con người đều gặp những dấu vết chân Chúa Jesus ở khắp nơi trên mọi nẻo đường đời sống : Dấu chân Chúa Jesus tìm thấy nơi con người là hình ảnh Thiên Chúa là trung tâm đời sống, họ là loài thụ tạo do Chúa tạo dựng nên, họ là con Thiên Chúa.

Dấu vết chân Chúa hiện diện nơi người nghèo đau khổ, người bệnh tật, bị bỏ rơi, nơi lớp người trẻ đang trên đường đi tìm xây dựng tương lai

Chúa Jesus trở về trời sau khi đã hoàn thành sứ vụ mang ơn cứu chuộc cho linh hồn con người thoát khỏi hình phạt tội lỗi. Ngài trở về trời, nhưng không vì thế ngài bỏ rơi con người nơi trần gian. Trái lại như ngài đã đoan hứa: „Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế.“ ( Mt 28,20).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
VietCatholic TV
Đại tang của Nga: Được cởi trói, Kyiv tung AASM san bằng Bộ Tư Lệnh FSB. TT Trump: Putin đùa với lửa
VietCatholic Media
08:35 28/05/2025


1. Sau tuyên bố của Thủ tướng Đức, chiến đấu cơ MiG-29 của Ukraine ném hai quả bom Pháp vào đại bản doanh FSB của Nga, nhiều sĩ quan thiệt mạng

Hôm Thứ Tư, 28 Tháng Năm, Vyacheslav Gladkov, Thống đốc khu vực Belgorod của Nga, đã cáo buộc các chiến đấu cơ của Ukraine tham gia vào một cuộc tấn công đại bản doanh của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB ở khu vực Belgorod, khiến nhiều sĩ quan tình báo thiệt mạng.

Kênh Telegram Soniashnyk, trực thuộc Không quân Ukraine, cho biết cuộc tấn công được thực hiện bởi các máy bay phản lực MiG-29 được trang bị bom dẫn đường chính xác AASM Hammer do Pháp phát triển.

Các nhà phân tích tình báo nguồn mở, gọi tắt là OSINT trên X đã xác nhận vị trí của tòa nhà FSB bị tấn công.

Cuộc tấn công đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến, được Putin phát động vào tháng 2 năm 2022. Trong khi Ukraine trước đây đã tấn công vào các địa điểm quân sự trên đất Nga - chẳng hạn như kho đạn dược, trung tâm hậu cần và căn cứ không quân - thì cuộc tấn công vào căn cứ Glotovo dường như là cuộc tấn công đầu tiên được biết đến vào một cơ sở có liên quan đến FSB và có liên quan đến bom dẫn đường chính xác AASM Hammer do Pháp phát triển.

Diễn biến này xảy ra sau khi Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết vào hôm Thứ Hai, 26 Tháng Năm, rằng từ nay Ukraine có thể dùng các vũ khí do Anh, Pháp, Đức viện trợ để tấn công bất cứ nơi nào trên đất Nga như một phản ứng tự vệ trước cuộc xâm lược vô lý của Putin.

Kênh Telegram Soniashnyk đưa tin căn cứ FSB, tọa lạc tại vùng Belgorod của Nga gần biên giới Ukraine, đã bị trúng hai quả bom dẫn đường chính xác AASM Hammer do Pháp sản xuất.

Một video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội ghi lại khoảnh khắc của cuộc tấn công. Được quay bằng máy bay điều khiển từ xa, cảnh quay cho thấy một cú đánh trực tiếp vào tòa nhà, sau đó là một luồng khói lớn bốc lên trời.

“Không quân vẫn tiếp tục hoạt động theo mọi hướng, MiG-29 tiêu diệt lực lượng địch, bao gồm cả các sĩ quan của FSB”, chú thích đi kèm với video cho biết.

Quân đội Ukraine đã sử dụng rộng rãi bom AASM trong chiến tranh để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga, bao gồm các trung tâm điều khiển và trạm máy bay điều khiển từ xa.

Được thiết kế bởi Công ty Safran Electronics & Defense của Pháp, vũ khí không đối đất này phù hợp cho cả nhiệm vụ tấn công tầm xa và nhiệm vụ hỗ trợ trên không tầm gần.

Cuộc tấn công diễn ra vài tuần sau khi Kyiv được cho là đã chiếm được làng Demidovka ở Belgorod, và sau khi một cuộc tấn công tầm xa HIMARS của Ukraine phá hủy bốn trực thăng của Nga trong khu vực.

Emil Kastehelmi, một nhà phân tích quân sự từ Black Bird Group có trụ sở tại Phần Lan, trước đây đã nói với Newsweek rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine đã đạt được thêm lợi thế ngoài Demidovka ở Belgorod. Ông cho biết quân đội Kyiv có thể đang tiến hành một hoạt động sửa chữa, chứ không phải là một cuộc chiếm đất với mục tiêu lớn.

[Newsweek: Ukrainian MiG-29 Fighter Jets Bomb Russian Special Services Base]

2. Tổng thống Trump nói Putin đang “đùa với lửa” khi Cẩm Linh tiếp tục tấn công Ukraine

Tổng thống Trump hôm thứ Ba đã cáo buộc Putin “đùa với lửa” khi Mạc Tư Khoa tiếp tục gây áp lực với Ukraine mặc dù Tổng thống Trump đã nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh.

“Điều mà Vladimir Putin không nhận ra là nếu không có tôi, rất nhiều điều thực sự tồi tệ đã xảy ra với Nga, và tôi muốn nói là THỰC SỰ TỆ HẠI. Ông ta đang đùa với lửa!” Tổng thống Trump cho biết như trên vào trưa Thứ Ba, 27 Tháng Năm.

Những bình luận này được đưa ra như một phần trong sự thay đổi rõ ràng trong đường lối của chính quyền Tổng thống Trump đối với Điện Cẩm Linh.

Trong khi Tổng thống Trump dành phần lớn thời gian trong nhiệm kỳ thứ hai của mình để có cái nhìn thông cảm hơn với Putin trong khi đổ lỗi sai sự thật cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về việc gây ra cuộc chiến kéo dài nhiều năm, thì vào Chúa Nhật, ông dường như đã đảo ngược tình thế khi tung ra một lời chỉ trích gay gắt đối với Putin, trong đó ông gọi nhà lãnh đạo Nga là “hoàn toàn ĐIÊN RỒ”.

“Tôi luôn có mối quan hệ rất tốt với Vladimir Putin của Nga, nhưng có chuyện gì đó đã xảy ra với ông ấy,” Tổng thống Trump phát biểu vào Chúa Nhật, đồng thời nói thêm rằng nếu Putin tiếp tục theo đuổi cuộc chiến với Ukraine, điều đó sẽ “dẫn đến sự sụp đổ của Nga”.

Sự thay đổi trong đường lối của Tổng thống Trump diễn ra sau khi Nga tấn công Ukraine bằng một trong những cuộc tấn công chết chóc nhất trong nhiều tháng qua vào cuối tuần, giết chết ít nhất 12 người trong một cuộc tấn công kết hợp bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn tấn công hơn 30 thành phố của Ukraine.

Cuộc tấn công của Nga diễn ra trùng với đợt trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022, trong đó có cuộc trao đổi 1.000 tù nhân vào cùng ngày với cuộc tấn công lớn vào cuối tuần của Nga.

Tổng thống Trump đã vội vàng tuyên bố về bước đột phá ngoại giao quan trọng, là sản phẩm của các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên do Hoa Kỳ làm trung gian giữa các quốc gia đang giao tranh khi Tổng thống Trump tìm cách thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình là nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này.

“Xin chúc mừng cả hai bên về cuộc đàm phán này. Điều này có thể dẫn đến điều gì đó lớn lao không???” tổng thống nói, tuyên bố trước về thành công của các cuộc đàm phán mà ông đã thúc đẩy — thậm chí trước khi giai đoạn đầu tiên của cuộc trao đổi bắt đầu.

Nhưng trong khi cuộc trao đổi 1.000 tù nhân diễn ra thành công, các cuộc đàm phán đã dừng lại mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện mà Ukraine đã thúc đẩy trong quá trình dẫn đến các cuộc đàm phán, và Nga đã phát động làn sóng tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa vào các thành phố của Ukraine ngay trong đêm đầu tiên của các cuộc đàm phán.

Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã phản ứng lạnh lùng trước lời cảnh báo của Tổng thống Trump với Putin hôm thứ Ba, bỏ qua mối đe dọa rằng “những điều thực sự tồi tệ” có thể xảy ra với Nga và đưa ra bình luận đáng ngại về một “Thế chiến thứ III” có thể xảy ra.

“Về lời của Tổng thống Trump về việc Putin 'chơi với lửa' và 'những điều thực sự tồi tệ' đang xảy ra với Nga. Tôi chỉ biết một điều THỰC SỰ TỆ HẠI — Thế chiến thứ III. Tôi hy vọng Tổng thống Trump hiểu điều này!” cựu tổng thống Nga cảnh báo.

[Politico: Trump says Putin is ‘playing with fire’ as Kremlin continues assault on Ukraine]

3. Tổng thống Trump cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga trong những ngày tới, Wall Street Journal đưa tin

Tổng thống Trump đang cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga trong tuần này vì Putin đang tiến hành các cuộc tấn công lớn chưa từng có vào các cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm Thứ Ba, 27 Tháng Năm.

Những người hiểu rõ suy nghĩ của Tổng thống Trump nói với tờ Wall Street Journal rằng các lệnh trừng phạt này được cho là nhằm ép Nga ngồi vào bàn đàm phán nhưng có thể không bao gồm các hạn chế ngân hàng bổ sung.

Tờ Wall Street Journal cũng đưa ra một cảnh báo đáng lo ngại rằng Tổng thống Trump cũng đang cân nhắc từ bỏ các nỗ lực hòa bình nếu nỗ lực cuối cùng nhằm chấm dứt chiến tranh với Nga không thành công.

Quan điểm của Tổng thống Trump về lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Nga vẫn chưa rõ ràng. Tổng thống Trump đã từ chối áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì điều đó có thể cản trở các cơ hội kinh doanh và thương mại trong tương lai, tờ New York Times đưa tin vào ngày 20 tháng 5, trích dẫn lời một quan chức Tòa Bạch Ốc.

Vào ngày 25 tháng 5, Tổng thống Trump lên án Putin vì gia tăng các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, nói rằng ông “không hài lòng với Putin”.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Nga đã phóng hơn 900 máy bay điều khiển từ xa tấn công trong ba ngày qua, ngoài ra còn có hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo.

“Hơn 900 máy bay điều khiển từ xa tấn công được phóng vào Ukraine chỉ trong ba ngày, cùng với hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình. Không có logic quân sự nào trong việc này, nhưng đó là một lựa chọn chính trị rõ ràng — lựa chọn của Putin, lựa chọn của Nga — lựa chọn tiếp tục tiến hành chiến tranh và hủy diệt sinh mạng.”

Vào ngày 26 tháng 5, Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và trên không quy mô lớn lần thứ ba vào Ukraine trong ba đêm, khiến ít nhất sáu người thiệt mạng và 24 người bị thương trên khắp cả nước.

Cuộc tấn công này đánh dấu cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn nhất nhằm vào Ukraine trong suốt cuộc chiến tranh toàn diện, vượt qua kỷ lục trước đó là 298 máy bay điều khiển từ xa vào ngày 25 tháng 5.

Tổng thống Trump gần đây đã có cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với Putin trong đó Nga nhắc lại việc từ chối ngừng bắn hoàn toàn trong cuộc chiến chống lại Ukraine. Hoa Kỳ đã không phản ứng bằng bất kỳ áp lực đáng kể nào.

“Ông ta đang giết rất nhiều người... Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với Putin, tôi đã biết ông ta từ lâu rồi,” Tổng thống Trump phát biểu vào ngày 25 tháng 5.

Trong cùng tuyên bố, Tổng thống Trump nói với các nhà báo rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể được đưa ra thảo luận trong bối cảnh Nga liên tục gia tăng các cuộc tấn công.

Điện Cẩm Linh đã coi nhẹ lời chỉ trích công khai của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho rằng đó là trường hợp “căng thẳng về mặt cảm xúc”, không có gì đáng lo ngại.

[Kyiv Independent: Trump considers imposing sanctions on Russia in coming days, WSJ reports]

4. Giám đốc tình báo Ukraine tiết lộ: Belarus có hệ thống phóng vũ khí hạt nhân nhưng không có đầu đạn của Nga

Belarus sở hữu hệ thống phóng vũ khí hạt nhân nhưng không có đầu đạn, giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài của Ukraine, gọi tắt là SZRU Oleh Ivashchenko cho biết trong một cuộc họp báo.

Belarus là đồng minh quan trọng của Mạc Tư Khoa và trước đây được cho là nơi lưu giữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ của mình sau khi hai nước ký một thỏa thuận vào tháng 5 năm 2023.

Nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố vào tháng 12 cùng năm rằng việc chuyển giao vũ khí hạt nhân của Nga cho Belarus đã hoàn tất vào đầu tháng 10.

Nhưng theo Ivashchenko, hiện tại Belarus không sở hữu bất kỳ vũ khí hạt nhân nào.

“Không có đầu đạn nào cả. Họ đang thiết lập các cơ sở lưu trữ, chuẩn bị và xây dựng. Lukashenko nói rằng họ sẽ có Oreshnik vào cuối năm nay. Nhưng điều này có vẻ như là suy nghĩ viển vông. Cho đến hôm nay, không có gì giống như vậy, và không có khả năng điều đó sẽ xảy ra”, Ivashchenko nói.

Nga và Belarus đã tăng cường hợp tác hạt nhân kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Bộ Quốc phòng Điện Cẩm Linh cho biết vào tháng 6 năm 2024, họ đã tổ chức giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mạc Tư Khoa và phương Tây.

Giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận, được Putin ra lệnh vào ngày 6 tháng 5 năm 2024, có sự tham gia của các đơn vị hỏa tiễn ở Quân khu phía Nam của Nga, bao gồm cả các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine.

Putin đã nhiều lần đưa ra lời đe dọa hạt nhân chống lại Ukraine và phương Tây kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Những lời đe dọa đã không thành hiện thực và Nga vẫn tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện mà không sử dụng đến kho vũ khí hạt nhân.

[Kyiv Independent: Belarus has nuclear weapon delivery systems but no Russian warheads, Ukrainian intel chief says]

5. Khi những nỗ lực hòa bình đang chững lại, Nga hướng đến một đợt tấn công lớn vào mùa hè ở Donetsk

Các quan chức quân sự và nhà phân tích quốc phòng Ukraine cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn vào Tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine vào mùa hè này, nhằm mục đích chiếm giữ vùng lãnh thổ mà nước này chưa kiểm soát hoàn toàn kể từ năm 2022.

Một số nhà phân tích được tờ Washington Post phỏng vấn cho biết cuộc tấn công đã bắt đầu, trùng với các nỗ lực hòa bình do Hoa Kỳ làm trung gian bị đình trệ và việc Mạc Tư Khoa từ chối các lời kêu gọi ngừng bắn liên tục của phương Tây. Các chuyên gia Hoa Kỳ tin rằng nhà độc tài Vladimir Putin vẫn tin rằng chiến thắng quân sự vẫn có thể xảy ra, mặc dù các lệnh trừng phạt liên tục và tổn thất trên chiến trường đã gây áp lực lên năng lực của Nga.

Putin từ lâu đã ưu tiên kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk, đặc biệt là sau khi không chiếm được Kyiv vào đầu cuộc chiến. Vào tháng 9 năm 2022, ông tuyên bố Donetsk và ba vùng khác do Ukraine xâm lược một phần là một phần của Liên bang Nga.

Trong khi Nga tuyên bố tìm kiếm hòa bình, họ nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán phải giải quyết những gì họ gọi là “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc chiến. Sau các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul vào ngày 16 tháng 5, cả hai bên đã đồng ý soạn thảo một bản ghi nhớ nêu rõ các nguyên tắc cho một giải pháp trong tương lai.

Các nhà phân tích cho biết trong khi cuộc tấn công chính sẽ tập trung vào Donetsk - đặc biệt là các thị trấn Pokrovsk và Kostiantynivka - Nga cũng đang chuẩn bị các hoạt động nhỏ hơn ở các tỉnh Sumy và Kharkiv, đông bắc Ukraine.

Mykola Bielieskov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine nói với tờ Washington Post rằng Kostiantynivka vẫn là mục tiêu chính vì đây là triển vọng “đầy hứa hẹn” đối với lực lượng Nga hiện nay, ông cho biết, xét đến khả năng tấn công từ ba hướng của Nga. Bất chấp những dự đoán trước đây rằng những thị trấn này sẽ sụp đổ vào cuối năm 2023, lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục giữ vững chúng thông qua nỗ lực đáng kể.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn chịu áp lực do thiếu hụt tuyển quân và hỏa lực hạn chế, trong khi Nga đã vượt quá mục tiêu tuyển quân. Tuy nhiên, với khoảng 125.000 quân ở biên giới Sumy và Kharkiv, Nga vẫn thiếu nhân lực cho các cuộc tấn công toàn diện ở cả hai khu vực, theo tình báo quân sự Ukraine.

Thay vào đó, Nga có thể cố gắng chiếm giữ các vùng lãnh thổ nhỏ để tạo ra “vùng đệm”, như các quan chức Nga mô tả. Các lực lượng Nga đã chiếm được bốn thị trấn ở phía đông bắc Tỉnh Sumy và nhằm mục đích gây áp lực lên các trung tâm khu vực như thành phố Sumy.

Ukraine tiếp tục tập trung vào quốc phòng, nhằm gây ra tổn thất nặng nề cho lực lượng Nga thay vì giành lại lãnh thổ. Chiến lược này phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí nước ngoài liên tục, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, vốn không được bảo đảm.

Âu Châu đã ra tín hiệu ủng hộ nhiều hơn, với việc Thủ tướng Đức Friedrich Merz gần đây đã dỡ bỏ lệnh hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa của Ukraine. Nga đã coi động thái này là bằng chứng cho thấy Âu Châu phản đối hòa bình. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đáp trả lời chỉ trích của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về các cuộc không kích của Nga bằng cách nói rằng sự thất vọng của Tổng thống Trump nhắm vào các nhà lãnh đạo Âu Châu vì bị cáo buộc làm suy yếu các nỗ lực hòa bình của ông.

[Kyiv Independent: As peace efforts falter, Russia eyes major summer push in Donetsk Oblast]

6. Vừa ăn cướp vừa la làng: Sau 3 ngày liên tiếp tấn công vào Ukraine, Nga triệu tập cuộc họp của Liên Hiệp Quốc cáo buộc Âu Châu “đe dọa hòa bình”

Đặc phái viên của Nga tại Liên Hiệp Quốc, Dmitry Polyansky, cho biết vào ngày 27 tháng 5, chỉ một ngày sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa lớn nhất nhằm vào Ukraine, Mạc Tư Khoa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp về những “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế” của Âu Châu.

Nga đã phát động một đợt tấn công trên không kéo dài ba ngày từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 26 tháng 5, bắn hơn 600 máy bay điều khiển từ xa và hàng chục hỏa tiễn trên khắp Ukraine. Vào ngày 26 tháng 5, lực lượng Nga đã thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa rộng khắp nhất trong cuộc chiến toàn diện, được cho là có sự tham gia của 355 máy bay điều khiển từ xa tấn công và mồi nhử loại Shahed.

Theo Polyansky, Mạc Tư Khoa, quốc gia giữ ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã yêu cầu tổ chức phiên họp này vì những nỗ lực của các nước Âu Châu nhằm ngăn cản việc giải quyết hòa bình cuộc chiến ở Ukraine.

Nga hy vọng cuộc họp sẽ được lên lịch vào ngày 30 tháng 5, một ngày sau cuộc họp khác của Hội đồng Bảo an theo yêu cầu của các đồng minh Âu Châu của Ukraine về tình hình nhân đạo tại quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Ukraine và các đồng minh Âu Châu đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn để chấm dứt chiến tranh. Nga liên tục bác bỏ các đề xuất này, chỉ leo thang các cuộc tấn công vào các thành phố của Ukraine và được cho là đang chuẩn bị một cuộc tấn công mới.

Putin một lần nữa từ chối ủng hộ lệnh ngừng bắn hoàn toàn ở Ukraine trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 19 tháng 5. Thay vào đó, Điện Cẩm Linh đề xuất soạn thảo một “bản ghi nhớ” về một giải pháp hòa bình có thể có trong tương lai.

Các cuộc đàm phán hòa bình gần đây tại Istanbul, cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ năm 2022, đã không đạt được đột phá, khi kết quả hữu hình duy nhất được coi là cuộc trao đổi tù nhân đổi 1.000 người lấy 1.000 người.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy gọi việc Nga trì hoãn một tuần trong việc chuẩn bị đề xuất về giải pháp hòa bình là “sự chế nhạo của toàn thế giới”.

[Kyiv Independent: After 3 days of consecutive attacks on Ukraine, Russia calls UN meeting over alleged European 'threats to peace']

7. Các hạn chế chuyến bay được áp dụng tại một số phi trường của Nga sau các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa

Hôm Thứ Ba, 27 Tháng Năm, phát ngôn nhân của cơ quan hàng không nhà nước Nga Rosaviatsia, Artyom Korenyako cho biết các hạn chế bay đã được áp dụng tại các phi trường ở các thành phố Nizhny Novgorod, Saratov và Tambov của Nga do lo ngại về các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa. Diễn biến này xảy ra sau các cuộc tấn công lớn của quân Ukraine vào 3 thành phố nói trên.

Korenyako cho biết: “Để bảo đảm an toàn cho các chuyến bay dân dụng, chúng tôi cũng đã áp dụng các hạn chế tạm thời đối với việc hạ cánh và cất cánh của nhiều chuyến bay”.

Trong khi Nga tiếp tục chiến tranh, Ukraine thường xuyên tấn công các cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ Nga để giảm thiểu khả năng tiến hành chiến tranh của Mạc Tư Khoa.

Trước đó cũng trong ngày 27 tháng 5, cơ quan hàng không Nga cho biết đã áp đặt lệnh hạn chế chuyến bay tại phi trường Kaluga.

Thống đốc tỉnh Voronezh Alexander Gusev cho biết hệ thống phòng không “đã phát hiện và tiêu diệt” một số máy bay điều khiển từ xa.

Chính quyền Nga đã ban bố mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa tại các tỉnh Tula, Lipetsk, Samara và Voronezh của Nga.

Vào ngày 23 tháng 5, chính quyền Nga buộc phải đóng cửa các phi trường ở Mạc Tư Khoa sau một loạt cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine trong đêm.

Tờ Moscow Times nhận xét rằng dân tình ở Nga có vẻ còn cảm thấy lo ngại hơn nữa sau lời loan báo của Thủ tướng Đức Friedrich Merz ngày 26 tháng 5, theo đó các đối tác phương Tây của Ukraine không còn áp đặt bất kỳ hạn chế tầm bắn nào đối với các loại vũ khí được chuyển giao cho Kyiv để sử dụng chống lại các mục tiêu quân sự của Nga.

[Kyiv Independent: Flight restrictions imposed at several Russian airports amid drone attacks]

8. Đồng minh của Putin cảnh báo Tổng thống Donald Trump về Thế chiến thứ III

Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã phản pháo Tổng thống Donald Trump sau khi tổng thống Hoa Kỳ cảnh báo rằng Vladimir Putin đang “đùa với lửa” khi tiếp tục ném bom Ukraine.

Tổng thống Trump đã dành cả cuối tuần để chỉ trích Putin, nói rằng nhà lãnh đạo Nga đã “hoàn toàn phát điên” và nói với các phóng viên, “Tôi không biết chuyện quái gì đã xảy ra với Putin”.

Bình luận của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Nga tiến hành một trong những cuộc không kích lớn nhất nhằm vào Ukraine kể từ lần đầu Putin xâm lược nước này vào năm 2022. Hầu hết các cuộc không kích của Nga đều nhằm vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine, bao gồm các khu dân cư ở Kyiv và ký túc xá trường đại học, tờ New York Times đưa tin.

“Điều mà Vladimir Putin không nhận ra là nếu không có tôi, rất nhiều điều thực sự tồi tệ đã xảy ra với Nga, và tôi muốn nói là RẤT TỆ HẠI,” Tổng thống Trump cho biết như trên hôm Thứ Ba, 27 Tháng Năm. “Ông ta đang đùa với lửa!”

Medvedev sau đó đã nói: “Về những lời của Tổng thống Trump về việc Putin 'đùa với lửa' và 'những điều thực sự tồi tệ' đang xảy ra với Nga. Tôi chỉ biết một điều THỰC SỰ TỆ HẠI — Thế chiến thứ III. Tôi hy vọng Tổng thống Trump hiểu điều này!”

Tổng thống Trump ngày càng thất vọng với nhà độc tài Nga trong vài tháng qua khi Hoa Kỳ nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine có thể chấm dứt cuộc chiến đã bước sang năm thứ ba vào tháng 2.

Cuộc không kích mới nhất của Nga vào Ukraine diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Trump có cuộc điện đàm mà ông mô tả là “tuyệt vời” với Putin mà ông tin rằng sẽ dẫn đến một thỏa thuận hòa bình.

[Newsweek: Putin Ally Warns Donald Trump of World War III]

9. Hoa Kỳ chặn nỗ lực của G7 nhằm thắt chặt giá dầu của Nga, Financial Times đưa tin

Hoa Kỳ đã phản đối nỗ lực chung của G7 nhằm hạ mức giá tối đa 60 đô la một thùng đối với dầu xuất khẩu của Nga trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính tuần trước, tờ Financial Times đưa tin vào ngày 27 tháng 5, trích dẫn lời của ba quan chức giấu tên có hiểu biết về các cuộc đàm phán.

Mức giá tối đa do G7 và Liên Hiệp Âu Châu đưa ra vào tháng 12 năm 2022 cấm các công ty phương Tây vận chuyển, bảo hiểm hoặc phục vụ dầu thô của Nga được bán với giá trên 60 Mỹ Kim/thùng.

Cơ chế này được thiết kế nhằm hạn chế khả năng tài trợ cho cuộc chiến chống lại Ukraine của Điện Cẩm Linh.

Theo cơ quan truyền thông này, chủ tịch G7 Canada đã đề xuất đưa nội dung vào thông cáo cuối cùng của cuộc họp nhằm kêu gọi thắt chặt mức giá tối đa hiện tại.

Động thái này nhận được sự ủng hộ từ Liên minh Âu Châu và các thành viên G7 là Pháp, Đức, Ý và Anh. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị hủy bỏ sau khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent được cho là đã từ chối ủng hộ.

Theo Reuters, Ủy ban Âu Châu đã có kế hoạch đề xuất giảm ngưỡng xuống còn 50 đô la một thùng trước cuộc họp.

Tờ Financial Times đưa tin rằng một số nước Liên Hiệp Âu Châu — bao gồm Hung Gia Lợi và Hy Lạp — vẫn đang cân nhắc việc có nên hạ mức trần này xuống nữa hay không, có thể là xuống còn 45 đô la, như một phần trong gói trừng phạt thứ 18 sắp tới của Liên Hiệp Âu Châu.

Bộ Tài chính Nga đã dựa vào thuế dầu khí để tài trợ cho các khoản chi tiêu quân sự ngày càng tăng, bao gồm các chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Lập trường của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Nga vẫn chưa rõ ràng.

Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào ngày 19 tháng 5 rằng ông sẽ không áp dụng thêm lệnh trừng phạt đối với Nga “vì vẫn có cơ hội” đạt được tiến triển hướng tới lệnh ngừng bắn.

[Kyiv Independent: US blocks G7 push to tighten Russian oil price cap, Financial Times reports]

10. Georgescu thân Nga tuyên bố nghỉ hưu khỏi chính trường Rumani

Calin Georgescu, một chính trị gia người Rumani thân Mạc Tư Khoa, từng tranh cử tổng thống vào tháng 11 năm 2024, đã tuyên bố vào ngày 26 tháng 5 rằng ông sẽ nghỉ hưu khỏi chính trường.

Trong một bài phát biểu qua video được đăng trực tuyến, Georgescu cho biết ông đã đưa ra lựa chọn cá nhân là trở thành “người quan sát đời sống công cộng và xã hội” và dành nhiều thời gian và năng lượng hơn cho gia đình.

Là một người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và là người phản đối mạnh mẽ NATO, Georgescu đã giành chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2024 với 22,9% số phiếu bầu. Tòa án Hiến pháp Rumani sau đó đã hủy bỏ cuộc bỏ phiếu do có bằng chứng đáng tin cậy về sự can thiệp của nước ngoài có lợi cho Georgescu, cụ thể là từ Nga.

Tuyên bố này của Calin Georgescu được nhiều người coi là một cách để ông ta hạ cánh an toàn trước nguy cơ ông có thể bị điều tra về tội nhận tiền của Nga, một tội danh có thể mang lại nhiều rắc rối với các cơ quan an ninh, thậm chí là nhiều năm tháng tù tội.

Georgescu sau đó đã bị cấm tham gia cuộc bầu cử lại vào tháng 5 vì ông phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự vì bị nghi ngờ truyền bá tư tưởng phát xít và nhà lãnh đạo Rumani thời Thế chiến II, Ion Antonescu, người giám sát cuộc diệt chủng Holocaust ở nước này.

Trong bài phát biểu của mình, Georgescu cho biết sau cuộc bầu cử tổng thống, “giai đoạn này của phong trào chủ quyền đã kết thúc”. Ông nói thêm rằng ông sẽ không tham gia bất kỳ đảng phái chính trị nào hoặc tìm cách nắm giữ một chức vụ chính trị.

Sau khi Georgescu bị cấm tranh cử tổng thống, ứng cử viên cực hữu hoài nghi Âu Châu George Simion đã trở thành ứng cử viên dân tộc chủ nghĩa hàng đầu nhưng đã bị đánh bại trong cuộc bầu cử vòng hai vào ngày 18 tháng 5 bởi ứng cử viên trung dung ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu Nicusor Dan.

Georgescu cho biết: “Thế giới mệt mỏi vì xung đột, chiến tranh, sự vội vã, bạo lực và sự thái quá về chính trị”.

“Khi sự chú ý của công chúng bị thu hút bởi những cuộc đấu đá chính trị không liên quan gì đến phúc lợi xã hội, những người làm những nghề quan trọng đối với phúc lợi của đất nước sẽ bị đẩy ra bên lề.”

Georgescu cảm ơn tất cả những người đã ủng hộ ông, tuyên bố rằng họ đã bị “quấy rối, làm nhục và bị gạt ra ngoài lề”, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn tới những người phản đối ông.

Georgescu, người ít được biết đến, đã trở nên nổi tiếng ngay trước cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 nhờ vào sự can thiệp của Nga và chiến dịch kết hợp trên nền tảng TikTok.

Cựu ứng cử viên này đã tuyên thệ sẽ chấm dứt sự hỗ trợ của Rumani cho Ukraine và từng đề xuất rằng Bucharest có thể tham gia vào quá trình phân chia đất nước sau chiến tranh, khiến Kyiv lên tiếng chỉ trích.

[Kyiv Independent: Pro-Russian Georgescu announces retirement from Romania's politics]

11. Cuộc thăm dò cho thấy: Bất chấp những tuyên bố của Điện Cẩm Linh, 82% người Ukraine nói tiếng Nga có quan điểm tiêu cực về Nga

Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Razumkov có trụ sở tại Kyiv hợp tác với Diễn đàn An ninh Kyiv công bố vào ngày 27 tháng 5, phần lớn những người Ukraine nói tiếng Nga - những người chủ yếu nói tiếng Nga ở nhà - có quan điểm tiêu cực về Nga.

Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 24 tháng 4 đến ngày 4 tháng 5 năm 2025, đã khảo sát 2.021 công dân Ukraine từ 18 tuổi trở lên ở các vùng lãnh thổ do chính phủ Ukraine kiểm soát. Theo cuộc khảo sát, chỉ có 11% số người được hỏi cho biết họ chủ yếu nói tiếng Nga ở nhà.

Trong số đó, 82% cho biết họ có quan điểm tiêu cực về Nga.

Kết quả này xuất hiện khi Nga tiếp tục viện dẫn hoàn cảnh khốn khổ được cho là của các cộng đồng nói tiếng Nga để biện minh cho cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Nhưng dữ liệu cho thấy câu chuyện này bị những người mà họ tuyên bố bảo vệ bác bỏ rộng rãi.

Mới đây vào ngày 23 tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Mạc Tư Khoa “không thể để” cư dân nói tiếng Nga ở các khu vực do Kyiv kiểm soát và sẽ “bảo vệ họ”.

Chỉ có 13% người trả lời nói tiếng Nga có quan điểm tích cực về Nga. Ngược lại, sự ngưỡng mộ đối với các nước phương Tây vẫn mạnh mẽ — 79% người trả lời có quan điểm tích cực về Pháp và 75% có cảm nhận tương tự về Vương quốc Anh.

Cuộc khảo sát cũng phát hiện ra rằng 42% số người được hỏi xác định mô hình phát triển xã hội của Âu Châu là hấp dẫn nhất. Chỉ có 6% bày tỏ sự ưu tiên cho mô hình của Nga, làm suy yếu thêm luận điệu của Điện Cẩm Linh về sự liên kết văn hóa và chính trị.

Sự ủng hộ dành cho quân đội Ukraine vẫn kiên cường. Khoảng 81,5% số người được khảo sát cho biết họ tin tưởng Quân đội Ukraine, phản ánh sự tin tưởng bền bỉ của công chúng bất chấp các cuộc tấn công liên tục của Nga. Chỉ có 14% bày tỏ sự không tin tưởng.

Trước chiến tranh, nhiều thành phố hiện đang bị tàn phá bởi các cuộc tấn công và xâm lược của Nga — Mariupol, Kharkiv, Sievierodonetsk — chủ yếu là nơi có người nói tiếng Nga.

Thay vì được bảo vệ, những khu vực này phải chịu cảnh di dời hàng loạt, trục xuất cưỡng bức và bị quân đội Nga bắn phá bừa bãi.

Cuộc chiến cũng đã thúc đẩy sự thay đổi trong cách sử dụng ngôn ngữ trên toàn quốc.

Theo cuộc thăm dò của Rating Group năm 2024, 70% người Ukraine hiện chỉ nói tiếng Ukraine hoặc chủ yếu nói tiếng Ukraine ở nhà — tăng từ 50% vào năm 2015 và 46% vào năm 2006.

Vào năm 2014, ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp, một cuộc thăm dò riêng của Rating Group cho thấy 56% người Ukraine đã phản đối việc công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ quốc gia thứ hai.

[Kyiv Independent: Despite Kremlin claims, 82% of Russian-speaking Ukrainians view Russia negatively, poll shows]

12. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga

Trung Quốc phủ nhận cáo buộc của Ukraine rằng nước này đang cung cấp vũ khí cho Nga để phục vụ cuộc chiến đang diễn ra.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết vào sáng Thứ Ba, 27 Tháng Năm, rằng: “Trung Quốc chưa bao giờ cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột và kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng có mục đích sử dụng kép”, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước đưa tin.

“Phía Ukraine biết rõ điều này. Trung Quốc kiên quyết phản đối những cáo buộc vô căn cứ và thao túng chính trị.”

Nhà lãnh đạo cơ quan tình báo nước ngoài của Ukraine đã nói trong một cuộc họp báo rằng ông có thông tin cho thấy “Trung Quốc đang cung cấp máy móc, hóa chất đặc biệt, thuốc súng và các phụ tùng dành riêng cho các doanh nghiệp phục vụ mục đích quân sự”.

“Chúng tôi đã xác nhận dữ liệu về 20 nhà máy của Nga”, Trung Tướng Oleh Ivashchenko cho biết.

Vào tháng 4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã công khai cáo buộc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga.

Nga và Trung Quốc đã phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc hơn trong suốt quá trình Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine toàn diện, bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

[Newsweek: China Denies Ukraine's Russia Weapons Claim]

NewsUKEve28May2025
 
TT Zelenskiy đến Đức, Ukraine hy vọng có Taurus. Hung thần Chechnya lên tiếng về nguy cơ sớm tử vong
VietCatholic Media
16:39 28/05/2025


1. Tình báo cho thấy Nga đang lên kế hoạch cho các hoạt động tấn công mới ở Ukraine, Tổng thống Zelenskiy nói

Nga đang “chuẩn bị các hoạt động tấn công mới” trong cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đưa ra lập trường trên, sau một cuộc họp báo tình báo hôm Thứ Ba, 27 Tháng Năm.

Kyiv trước đó đã cảnh báo về mối đe dọa của một cuộc tấn công lớn mới của Nga nhắm vào các tỉnh Kharkiv và Sumy ở đông bắc Ukraine vào mùa xuân và mùa hè này. Trong khi Nga chỉ đạt được những lợi ích lãnh thổ tối thiểu với cái giá phải trả là những tổn thất nặng nề trong vài tháng qua, Mạc Tư Khoa đã tăng gấp đôi các mục tiêu tối đa của mình trong các cuộc đàm phán hòa bình gần đây.

Các báo cáo tình báo Ukraine xác nhận rằng Nga không thực sự quan tâm đến việc giải quyết hòa bình, Tổng thống Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối.

Ông cho biết: “Chúng ta có thể thấy từ thông tin tình báo thu thập được và từ dữ liệu mở rằng Putin và thuộc hạ của ông không có kế hoạch chấm dứt chiến tranh — không có bằng chứng nào cho thấy họ đang nghiêm chỉnh cân nhắc hòa bình và họ đang nghiêm chỉnh cân nhắc giải pháp ngoại giao”.

“Ngược lại, có rất nhiều bằng chứng cho thấy họ đang chuẩn bị các hoạt động tấn công mới.”

Các cơ quan tình báo của các đồng minh của Ukraine có thể đã thấy bằng chứng tương tự, Tổng thống Zelenskiy nói. Ông kêu gọi các quốc gia đối tác áp dụng “áp lực chung phù hợp” lên Mạc Tư Khoa để đáp trả.

Những phát biểu mới nhất của Tổng thống Zelenskiy được đưa ra sau ba đêm không kích liên tục của Nga nhằm vào các thành phố của Ukraine - diễn ra trong khi Điện Cẩm Linh chậm trễ trong việc thực hiện các điều khoản của “bản ghi nhớ” được đề xuất về một giải pháp hòa bình có thể có trong tương lai.

Bản ghi nhớ là lời phản biện của Putin sau khi ông một lần nữa bác bỏ lệnh ngừng bắn trong cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 19 tháng 5. Nga vẫn chưa chuyển giao tài liệu trình bày các điều khoản giải quyết.

Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Nga sẽ chỉ đệ trình dự thảo “văn bản giải quyết” sau khi Ukraine và Nga hoàn tất việc trao đổi tù nhân 1.000 đổi 1.000. Việc trao đổi đã hoàn tất vào ngày 25 tháng 5.

Tổng thống Zelenskiy đã lưu ý đến sự chậm trễ của Nga trong việc nộp bản ghi nhớ.

“Họ đã dành hơn một tuần cho việc này,” ông nói. “Họ nói nhiều về ngoại giao. Nhưng khi ở giữa tình hình này, có những cuộc không kích liên tục của Nga, những vụ giết người liên tục, những cuộc tấn công liên tục và sự chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới, thì đây chắc chắn là một chẩn đoán. Nga xứng đáng chịu áp lực toàn diện — mọi thứ có thể được thực hiện để hạn chế khả năng quân sự của họ.”

Theo Tổng thống Zelenskiy, Nga đã phóng hơn 900 máy bay điều khiển từ xa tấn công trong ba ngày qua, ngoài hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo. Ông cho biết Ukraine đang tìm cách tăng sản lượng máy bay điều khiển từ xa đánh chặn và chuyển thêm kinh phí để phát triển chương trình hỏa tiễn đạn đạo của mình.

Các quan chức và chuyên gia nói với tờ Washington Post, gọi tắt là WP vào ngày 24 tháng 5 rằng Nga có thể không có đủ khả năng quân sự để tiến hành một cuộc tấn công có thể phá vỡ thành công các phòng tuyến của Ukraine. Các quan chức cho biết sự suy giảm lợi thế quân sự của Nga có thể khiến áp lực phối hợp của phương Tây lên Điện Cẩm Linh hiệu quả hơn.

Tổng thống Zelenskiy thúc giục Hoa Kỳ và Âu Châu ban hành “các lệnh trừng phạt mới và mạnh mẽ” đối với Mạc Tư Khoa để buộc Putin phải chấp nhận lệnh ngừng bắn và thể hiện “sự tôn trọng” đối với tiến trình ngoại giao.

Trong khi Tổng thống Trump chỉ trích Putin sau loạt tấn công quy mô lớn gần đây, tổng thống Hoa Kỳ lại có tiền lệ không thực hiện được lời đe dọa trừng phạt Nga.

[Kyiv Independent: Intelligence shows Russia planning new offensive operations in Ukraine, Zelensky says]

2. Ukraine sẽ tăng cường sản xuất máy bay điều khiển từ xa đánh chặn, tăng tài trợ cho phát triển hỏa tiễn đạn đạo, Tổng thống Zelenskiy cho biết

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối rằng Ukraine sẽ tăng kinh phí cho máy bay điều khiển từ xa đánh chặn và hỏa tiễn đạn đạo trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn của Nga gia tăng.

Tổng thống Zelenskiy cho biết: “Tôi đã chỉ thị tăng đáng kể sản lượng máy bay điều khiển từ xa đánh chặn của chúng tôi và chúng tôi sẽ huy động thêm nguồn tài trợ từ các đối tác để hỗ trợ cho việc này”.

“Tôi cũng đã ra lệnh cấp kinh phí chuyên biệt cho chương trình hỏa tiễn đạn đạo của Ukraine để đẩy nhanh quá trình sản xuất hỏa tiễn”, ông nói thêm.

Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên không vào Ukraine trong những ngày gần đây. Vào ngày 26 tháng 5, Nga đã tiến hành cuộc tấn công trên không và máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn thứ ba vào Ukraine trong ba đêm, giết chết ít nhất sáu người và làm bị thương 24 người trên khắp cả nước.

Cuộc tấn công này đánh dấu cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa quy mô lớn nhất nhằm vào Ukraine trong suốt cuộc chiến tranh toàn diện, vượt qua kỷ lục trước đó là 298 máy bay điều khiển từ xa vào ngày 25 tháng 5.

Tổng thống Zelenskiy cho biết Nga đã phóng hơn 900 máy bay điều khiển từ xa tấn công trong ba ngày qua, ngoài ra còn có hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo.

“Hơn 900 máy bay điều khiển từ xa tấn công được phóng vào Ukraine chỉ trong ba ngày, cùng với hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình. Không có logic quân sự nào trong việc này, nhưng đó là một lựa chọn chính trị rõ ràng — lựa chọn của Putin, lựa chọn của Nga — lựa chọn tiếp tục tiến hành chiến tranh và hủy diệt sinh mạng.”

Ukraine và Nga đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul vào ngày 16 tháng 5, tại đó cả hai bên đã đồng ý trao đổi 1.000 tù nhân đổi 1.000 người.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga phần lớn không có kết quả rõ ràng, khi Mạc Tư Khoa lặp lại các yêu cầu tối đa và cử một phái đoàn gồm các quan chức cấp thấp hơn.

Bất chấp các cuộc đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nga vẫn tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn vào Ukraine.

Nga đã phóng chín hỏa tiễn hành trình Kh-101 từ máy bay ném bom Tu-95MS và số lượng kỷ lục 355 máy bay điều khiển từ xa tấn công và mồi bẫy loại Shahed chỉ trong một đêm, Không quân Ukraine đưa tin vào ngày 26 tháng 5.

[Kyiv Independent: Ukraine to boost interceptor drone production, increase funding for ballistic missile development, Zelensky says]

3. Tổng thống Zelenskiy đến Đức để hội đàm với Thủ tướng Merz, Der Spiegel đưa tin

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đến Berlin vào ngày 28 tháng 5 để có chuyến thăm bất ngờ và gặp Thủ tướng Đức Friedrich Merz

Cuộc họp diễn ra khi Merz tìm cách thúc đẩy các nỗ lực của Âu Châu nhằm khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình cấp kỹ thuật giữa Ukraine và Nga.

Theo Der Spiegel, Merz có kế hoạch thảo luận các bước đi tiềm năng hướng tới việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán như vậy trực tiếp với Tổng thống Zelenskiy. Ông cũng sẽ tóm tắt cho nhà lãnh đạo Ukraine về các kế hoạch cho một gói trừng phạt mới của Liên minh Âu Châu nhắm vào Nga, nhằm mục đích tăng cường áp lực buộc Mạc Tư Khoa phải tham gia vào cuộc đối thoại nghiêm chỉnh.

Trước cuộc đàm phán hòa bình ngày 16 tháng 5 tại Istanbul, Merz đã cảnh báo Điện Cẩm Linh về các lệnh trừng phạt mới toàn diện nếu Putin tiếp tục cản trở tiến trình. Cuộc đàm phán tại Istanbul — lần đầu tiên trong ba năm — đã kết thúc sau chưa đầy hai giờ, mà không có thỏa thuận ngừng bắn.

Kết quả quan trọng duy nhất là một thỏa thuận trao đổi 1.000 tù binh chiến tranh ở mỗi bên.

Mạc Tư Khoa lặp lại những yêu cầu tối đa của mình, bao gồm việc Ukraine rút toàn bộ quân khỏi bốn vùng bị tạm chiếm một phần mà nước này tuyên bố đã sáp nhập — một lập trường mà Kyiv và các đồng minh phản đối.

Các quan chức Ukraine mô tả các cuộc đàm phán là ngắn gọn và không hiệu quả, nói rằng các nhà đàm phán Nga thiếu thẩm quyền thực sự. Bất chấp lời đe dọa trước đó của Merz, không có lệnh trừng phạt mới nào được công bố sau các cuộc đàm phán thất bại.

Trong chuyến thăm ngày 28 tháng 5, Tổng thống Zelenskiy cũng có lịch trình gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.

Chuyến thăm này, được cho là được tổ chức trong thời gian ngắn, nhằm mục đích thể hiện quyết tâm thống nhất của Âu Châu trong việc theo đuổi con đường ngoại giao trong khi vẫn duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ về quân sự và chính trị cho Ukraine.

Chuyến đi Berlin của Tổng thống Zelenskiy diễn ra khoảng ba tuần sau cuộc họp cao cấp tại Kyiv vào ngày 10 tháng 5, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Merz, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đến thăm thủ đô Ukraine để đàm phán chung.

Cuộc gặp đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của Merz tới Ukraine với tư cách là thủ tướng và là lần đầu tiên cả bốn nhà lãnh đạo cùng đứng tại Kyiv.

Trong tuyên bố chung do chính phủ Anh đưa ra trước chuyến đi, các nhà lãnh đạo đã cam kết đoàn kết với Ukraine chống lại “cuộc xâm lược toàn diện và phi pháp của Nga”. Họ bày tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về một thỏa thuận hòa bình và kêu gọi Nga ngừng cản trở những nỗ lực hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Trước đó vào ngày 26 tháng 5, Merz cho biết các đối tác phương Tây không áp dụng bất kỳ hạn chế tầm bắn nào đối với các loại vũ khí được chuyển giao cho Ukraine để sử dụng chống lại các mục tiêu quân sự của Nga trên lãnh thổ Nga.

[Kyiv Independent: Zelensky to visit Germany for talks with Merz, Der Spiegel reports]

4. Nô tài của Putin trả lời tin đồn về nguy cơ tử vong

Nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov đã đề cập đến những tin đồn lan truyền về sức khỏe suy yếu của ông bằng một thông điệp bí ẩn về nguy cơ tử vong.

Kadyrov, được mệnh danh là nô tài của nhà độc tài Vladimir Putin, đã đăng một video lên kênh Telegram của mình, vài tuần sau khi ông yêu cầu nhà lãnh đạo Nga “miễn nhiệm chức vụ của tôi” trong bối cảnh có tin đồn về tình hình sức khỏe xấu đi sẽ sớm buộc ông phải từ chức.

Thông điệp này xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán về sức khỏe của nhà lãnh đạo Chechnya, người cai trị nước cộng hòa Hồi giáo to lớn ở miền Nam nước Nga. Đây là lần đầu tiên Kadyrov công khai đề cập đến những tin đồn, vốn đã gia tăng sau khi tờ Novaya Gazeta có trụ sở tại Latvia đưa tin vào tháng 4 năm 2024 rằng ông được chẩn đoán mắc bệnh viêm tụy hoại tử vào năm 2019—một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến suy nội tạng và tử vong.

Trong một video được công bố hôm Thứ Tư, 28 Tháng Năm, Kadyrov nói trong phần bình luận rằng ông “ngày càng nghe nhiều lời đồn đại về căn bệnh của mình”, nhưng không xác nhận hoặc phủ nhận liệu sức khỏe của ông có xấu đi hay không.

“Họ nói rằng tôi sắp chết, tôi không còn nhiều thời gian nữa”, nhà lãnh đạo Chechnya nói.

“Thứ nhất, bệnh tật và cái chết là con đường của mỗi người. Không ai sống mà không đi qua con đường này. Thứ hai, không phải bệnh tật hay nguy hiểm làm giảm tuổi thọ. Độ dài của nó chỉ được quyết định bởi người đã ban hơi thở.”

Kadyrov, 48 tuổi, nói thêm: “Nếu tôi được định sẵn sống 50, 60 hoặc 70 năm, tôi sẽ sống đúng như đã định, và không ai được phép lấy đi một ngày nào cả”.

Trong chú thích, ông cũng nói rằng, “Mỗi ngày là một món quà vô giá, được Đấng toàn năng đo lường” và nói rằng, “Chúng ta phải sống một cách có ý thức, không lan truyền những tin đồn suông và gieo rắc bất hòa”.

Đầu tháng này, Novaya Gazeta đưa tin rằng Kadyrov đã yêu cầu Putin sa thải ông, và rằng ông đang chuẩn bị cho cậu con trai tuổi teen Adam Kadyrov thay thế ông làm lãnh đạo Chechnya. Ông được tổng thống Nga bổ nhiệm vào vị trí này vào năm 2007 sau vụ ám sát cha mình, Akhmad Kadyrov, ba năm trước đó.

Sau đó, Kadyrov đã rút lại tuyên bố từ chức của mình trong bài đăng trên kênh Telegram của mình.

“Nhiều người không hiểu ý nghĩa lời tôi nói về việc từ chức. Tôi không quyết định liệu tôi có tiếp tục giữ chức vụ Nhà lãnh đạo Cộng hòa Chechnya hay không”, Kadyrov viết.

“Vâng, tôi có thể yêu cầu hoặc đề xuất. Nhưng dù tôi có nói bao nhiêu, dù tôi có yêu cầu bao nhiêu, thì quyết định như vậy cũng chỉ được đưa ra bởi một người duy nhất—Tổng tư lệnh tối cao của chúng ta, Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin.

“Tôi là lính bộ binh! Tôi là người của nhóm. Nếu có lệnh, tôi sẽ thực hiện.”

Đồn đoán về sức khỏe của nhà lãnh đạo Chechnya đã gia tăng vào tháng 9 năm 2023 khi phát ngôn nhân tình báo quân sự Ukraine Andriy Yusov cho biết Kadyrov đã không khỏe trong một thời gian dài với các vấn đề sức khỏe toàn thân. Cũng có tin đồn trên mạng xã hội rằng Kadyrov đã chết hoặc hôn mê.

[Newsweek: Putin's Henchman Addresses Rumors He's Dying]

5. Máy bay trực thăng Apache của NATO được trang bị hỏa tiễn Hellfire khai hỏa gần biên giới Nga

Binh lính Anh đã bắn hỏa tiễn Hellfire của Mỹ từ trực thăng Apache do Mỹ sản xuất trong cuộc tập trận của NATO chỉ cách biên giới phía bắc của liên minh này với Nga 60 dặm.

Hai trong số các hỏa tiễn đã được lắp vào một trong những trực thăng tấn công Apache mới nhận được trên mặt đất tại Sodankylä, một căn cứ quân sự ở phía bắc đường Vòng Bắc Cực thuộc vùng Lapland của Phần Lan.

Các phi hành đoàn Apache đã bắn tổng cộng 15 hỏa tiễn Hellfire, bao gồm tám hỏa tiễn vào thứ năm, trong các cuộc tập trận được thiết kế để cảm nhận cách các trực thăng mới và cải tiến hoạt động với hỏa tiễn tầm ngắn—cộng với súng máy 30 ly—vào các mục tiêu ngay phía nam đường băng. Các hỏa tiễn Hellfire nặng 50 kg này nhỏ nhưng có sức công phá khá lớn, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu như xe tăng của đối phương.

Các cuộc tập trận Apache và Hellfire là một phần trong chương trình huấn luyện của NATO tại khu vực cực bắc của Phần Lan, chủ yếu do quân đội Phần Lan chỉ huy nhưng được tăng cường thêm quân đội Thụy Điển và Anh.

Phần Lan và Thụy Điển là những thành viên mới nhất của NATO, với các cuộc tập trận bắn đạn thật được điều động trong điều kiện khắc nghiệt của bãi tập. Những người lính ở Sodankylä cho biết họ biết về sự gần gũi với lãnh thổ Nga, nhưng đó là một suy nghĩ chủ yếu được dành cho các cuộc tập trận.

Việc Helsinki gia nhập liên minh đã tăng gấp đôi biên giới trên bộ của Nga với NATO, và Điện Cẩm Linh nhanh chóng tuyên bố sẽ đáp trả. Trước đó, Mạc Tư Khoa đã cam kết tăng cường sự hiện diện của mình ở phía tây bắc nước Nga.

Các hình ảnh vệ tinh gần đây đã xác nhận rằng Nga đang mở rộng sự hiện diện quân sự gần Phần Lan, mặc dù các quan chức từ các quốc gia NATO giáp biên giới với lãnh thổ Nga từ lâu đã nói rằng họ mong đợi Mạc Tư Khoa sẽ gửi một số lượng lớn quân gần lãnh thổ NATO khi chiến tranh với Ukraine kết thúc.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và các quan chức cao cấp của ông đã gây áp lực đáng kể lên Kyiv và Mạc Tư Khoa để đàm phán và chấm dứt cuộc xung đột trên bộ lớn nhất Âu Châu kể từ Thế chiến II—một kỳ tích mà Tổng thống Trump cam kết sẽ đạt được chỉ trong vòng 24 giờ sau khi ông trở lại Phòng Bầu dục vào tháng Giêng. Tiến trình hướng tới lệnh ngừng bắn diễn ra chậm chạp, với việc Tòa Bạch Ốc ngày càng thất vọng với sự miễn cưỡng của Nga trong việc ký kết thỏa thuận.

“Chúng tôi đã là hàng xóm của Nga trong nhiều trăm năm,” Thiếu tướng Sami Nurmi, giám đốc lập kế hoạch chiến lược của Lực lượng Phòng vệ Phần Lan, cho biết trong tuần này. “Chúng tôi đã học cách sống chung với điều đó.”

Nhưng cơ quan tình báo nước ngoài của Estonia đã cảnh báo vào đầu năm ngoái rằng NATO “có thể phải đối mặt với một đội quân lớn theo kiểu Liên Xô trong thập niên tới” nếu Nga cải cách quân đội thành công. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã công bố những thay đổi toàn diện đối với quân đội vào cuối năm 2022 và hiện đang được tiến hành.

Các đánh giá khác cho rằng khả năng Nga tấn công NATO cao hơn sau khi rút khỏi Ukraine nếu liên minh này bị coi là chia rẽ. Tổng thống Trump, một người hoài nghi NATO, đã nói trước khi ông trở lại Tòa Bạch Ốc rằng ông sẽ khuyến khích Nga tấn công các thành viên NATO mà ông cho là không đạt được các hướng dẫn về chi tiêu quốc phòng trên toàn liên minh, làm giảm sự đoàn kết của NATO.

Các cuộc tập trận ở miền bắc Phần Lan dường như được thiết kế nhằm nhấn mạnh điều ngược lại—để cho thấy những thành viên mới nhất của NATO hòa nhập một cách liền mạch.

Chuẩn tướng Nick English, chỉ huy Lữ đoàn tác chiến không quân số 1 của Quân đội Anh, phát biểu với Newsweek hôm thứ Tư rằng: “Đây thực sự là minh chứng rõ ràng cho thấy năng lực của NATO có thể đến với Phần Lan như thế nào”.

Đối với người Anh, điều quan trọng là phải thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt.

“Bắc Cực là nơi khắc nghiệt nhất, nó có thể chuyển từ trạng thái hoàn hảo sang trạng thái có thể giết chết bạn nếu bạn không cẩn thận”, Hạ sĩ Jamie Price thuộc Trung đoàn Không quân Lục quân số 4 được điều động tại Sodankylä cho biết.

Apache “luôn rất hiệu quả như một nền tảng tấn công”, Price nói với Newsweek. Chiếc trực thăng này, có thể khóa mục tiêu và bắn vào nhiều mục tiêu cùng một lúc, được chế tạo để nhanh chóng đến nơi cần đến, trước khi bay vút đi ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Molly Mclelland, một lính không quân 19 tuổi làm việc trong bộ phận liên lạc với Không quân, cho biết thêm.

Quân đội Anh đã nhận được lô trực thăng AH-64E nâng cấp cuối cùng trong số 50 chiếc vào tháng 3.

[Newsweek: NATO Apaches Loaded With Hellfire Missiles Fire Near Russian Border]

6. Tổng thư ký NATO Mark Rutte ủng hộ mục tiêu chi tiêu quốc phòng 5 phần trăm

Hôm Thứ Ba, 27 Tháng Năm, Tổng thư ký liên minh NATO, Mark Rutte, cho biết các đồng minh NATO đang hướng tới mục tiêu chi tiêu quốc phòng mới là 5% GDP trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo quan trọng vào tháng tới.

“Tôi cho rằng tại The Hague, chúng ta sẽ đồng ý về mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên tổng cộng 5 phần trăm”, Rutte phát biểu trong phiên hỏi đáp tại Đại hội đồng Nghị viện NATO ở Hoa Kỳ.

Động thái này diễn ra sau nhiều tháng chịu áp lực từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đầu năm nay đã yêu cầu các đồng minh NATO tăng mạnh ngân sách quốc phòng hoặc có nguy cơ mất sự bảo vệ của Hoa Kỳ.

Vào thời điểm đó, nhiều đồng minh bác bỏ ý tưởng này vì cho rằng đây chỉ là trò hù dọa chính trị - nhưng căng thẳng gia tăng với Nga và sự chú ý mới về khả năng sẵn sàng quân sự của Âu Châu đã thay đổi cuộc thảo luận.

Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo tán thành mục tiêu mới, tăng đáng kể so với mục tiêu chi tiêu hiện tại của liên minh là ít nhất 2 phần trăm GDP.

Thủ tướng Hòa Lan Dick Schoof đầu tháng này cho biết Rutte đã viết thư cho các nhà lãnh đạo NATO kêu gọi họ đạt 3,5 phần trăm GDP cho “chi tiêu quân sự cứng” và 1,5 phần trăm GDP cho “chi tiêu liên quan như cơ sở hạ tầng, an ninh mạng và những thứ khác” trong bảy năm tới.

Bình luận hôm nay đánh dấu lần đầu tiên nhà lãnh đạo NATO công khai tán thành mục tiêu 5 phần trăm.

Mặc dù Rutte không nêu rõ thành phần chính xác của mục tiêu 5 phần trăm, ông cho biết mức cơ sở cho chi tiêu quân sự truyền thống sẽ “cao hơn đáng kể so với 3 phần trăm”, với các khoản tiền bổ sung dự kiến sẽ được dùng để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hậu cần.

Số liệu gần đây nhất của NATO cho thấy 23 trong số 32 thành viên đang trên đà chi ít nhất 2 phần trăm vào mùa hè năm nay — tăng mạnh so với mức chi tiêu của ba nước khi mục tiêu được đặt ra vào năm 2014 sau cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào Ukraine.

Tuy nhiên, vẫn chưa có nước nào đạt được mức 5 phần trăm. Ba Lan dẫn đầu với khoảng 4,7 phần trăm GDP, trong khi Lithuania và Latvia đã công bố kế hoạch đạt hoặc vượt mức 5 phần trăm trong hai năm tới.

[Politico: NATO’s Rutte embraces 5 percent defense spending goal]

7. Thụy Điển phân bổ hơn 500 triệu đô la cho quốc phòng của Ukraine

Theo tuyên bố được công bố trên trang web của chính phủ Thụy Điển vào ngày Thứ Ba, 27 Tháng Năm, Stockholm đã phân bổ 4,8 tỷ kronor Thụy Điển (gần 504 triệu đô la) để tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine.

Chính phủ Thụy Điển đã phê duyệt quyết định vào ngày 22 tháng 5 chỉ thị Quân đội Thụy Điển đóng góp vào các quỹ và sáng kiến đa phương nhằm tăng cường quốc phòng cho Ukraine.

Khoản đóng góp tài chính này là một phần trong gói viện trợ thứ 19 của Thụy Điển dành cho Ukraine, được công bố vào đầu năm nay.

Theo tuyên bố, Thụy Điển sẽ đóng góp tài chính cho các liên minh quốc tế được thành lập trong khuôn khổ Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, gọi tắt là UDCG, còn được gọi là định dạng Ramstein.

Thụy Điển sẽ tài trợ 100 triệu kronor, hay 10,5 triệu đô la, cho liên minh demiming để mua thiết bị, 300 triệu kronor, hay 31,5 triệu đô la, cho liên minh máy bay điều khiển từ xa, 50 triệu kronor, hay 5,2 triệu đô la, cho liên minh an ninh hàng hải để đào tạo nhân sự Hải quân Ukraine trong khuôn khổ Chiến dịch Intercharge và 30 triệu kronor, hay 3,1 triệu đô la, cho liên minh quản lý an ninh và CNTT để tạo ra hệ thống Delta của Ukraine.

Chính phủ Thụy Điển cũng sẽ cung cấp thêm 1 tỷ kronor, hay 105 triệu đô la, thông qua mô hình mua sắm vũ khí của Đan Mạch, nghĩa là mua trực tiếp từ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Thêm 418 triệu kronor, hay 43,9 triệu đô la, sẽ được phân bổ cho việc mua xe thiết giáp, 550 triệu kronor, hay 57,7 triệu đô la, cho các sáng kiến mua sắm đạn dược và hơn 1 tỷ kronor, hay 105 triệu đô la, để mua hệ thống phòng không và máy bay điều khiển từ xa tầm xa.

Việc hỗ trợ tài chính diễn ra trong bối cảnh các nước Âu Châu tìm cách củng cố Ukraine khi sự hỗ trợ trong tương lai từ Hoa Kỳ, nhà tài trợ quân sự hàng đầu, ngày càng trở nên không chắc chắn dưới thời Tổng thống Trump, ngay cả khi một cuộc tấn công mới của Nga đang rình rập.

[Kyiv Independent: Sweden allocates over $500 million for Ukraine's defense]

8. Đồng minh trẻ tuổi của Putin chiếm được cảm tình khắp Phi Châu: Ibrahim Traoré là ai?

Ở tuổi 34, Ibrahim Traoré đã thu hút sự chú ý của toàn cầu bằng cách lật đổ chính quyền quân sự Burkina Faso—cuộc đảo chính thứ hai trong một năm—tuyên thệ đòi lại chủ quyền và từ bỏ ảnh hưởng của thực dân. Vài ngày sau, ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống, trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất Phi Châu. Sự trỗi dậy của ông có được là nhờ hành động quân sự cũng như sự hiện diện trực tuyến lan truyền, với những lời tri ân của Trí Tuệ Nhân Tạo và những bài phát biểu đầy nhiệt huyết, coi ông là biểu tượng của toàn Phi Châu.

Những người theo Ibrahim Traoré dùng Trí Tuệ Nhân Tạo chế ra các videos trong đó các nhân vật nổi tiếng trên toàn cõi Phi Châu ca ngợi ông ta nức nở. Một ca sĩ nổi tiếng đã hát một bài hát để riêng tặng cho Ibrahim Traoré. Tuy nhiên, người ta nhanh chóng phát hiện ra video đó là giả vì cô ta đang ngồi trong tù. Táo bạo hơn, nữa những người theo anh ta còn chế tạo ra một video trong đó Đức Giáo Hoàng Lêô XIV dành ra tới 36 phút để ca tụng Ibrahim Traoré.

Trong một khu vực bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của nước ngoài và sự suy thoái dân chủ, thông điệp của Traoré đã gây được tiếng vang với những thanh niên vỡ mộng. Bất chấp bạo lực và chủ nghĩa độc đoán gia tăng, nhiều người coi ông là một người thách thức táo bạo đối với sự thống trị của phương Tây mà họ đổ lỗi cho những khó khăn của họ.

Sự trỗi dậy của Traoré phản ánh một xu hướng rộng hơn ở Tây Phi, nơi các cuộc đảo chính quân sự diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh bất mãn lan rộng với nền quản lý dân chủ và ảnh hưởng của nước ngoài. Sự nhấn mạnh của ông về tự lực kinh tế và sự thống nhất toàn Phi Châu được nhiều người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề bởi các cấu trúc quyền lực toàn cầu đồng tình. Tuy nhiên, khuynh hướng độc đoán của ông làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của nền dân chủ và nhân quyền trong khu vực.

Sinh ra tại Bondokuy, miền tây Burkina Faso, Ibrahim Traoré học ngành địa chất tại Đại học Ouagadougou trước khi gia nhập quân đội vào năm 2010. Ông đã tích lũy được kinh nghiệm tiền tuyến khi chiến đấu với các nhóm thánh chiến ở miền bắc đất nước và sau đó phục vụ trong phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Mali. Đến năm 2020, Traoré đã trở thành đại úy và chỉ huy một đơn vị pháo binh đồn trú tại Kaya. Ngày càng thất vọng với sự bất lực của chính quyền quân sự cầm quyền trong việc ngăn chặn bạo lực của các phe nổi dậy, ông đã dẫn đầu một cuộc đảo chính chống lại tổng thống lâm thời Paul-Henri Sandaogo Damiba. Vào tháng 10 năm 2022, Traoré tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời, cam kết khôi phục an ninh và chủ quyền quốc gia.

Kể từ khi nhậm chức, Traoré đã ủng hộ sự tự lực kinh tế—thành lập một công ty khai thác mỏ do nhà nước sở hữu để hạn chế sự kiểm soát của nước ngoài, phân phối máy móc nông nghiệp và khởi động các dự án cơ sở hạ tầng như đường nông thôn và phi trường mới. Chính phủ của ông đã từ chối các khoản vay của IMF và Ngân hàng Thế giới, xóa nợ trong nước, tăng lương công chức lên 50 phần trăm và trục xuất quân đội Pháp vào năm 2023, báo hiệu sự chấm dứt quan hệ thuộc địa trước đây.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, bạo lực vẫn gia tăng. Hơn 60 phần trăm Burkina Faso vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, hơn 2 triệu người phải di dời và lực lượng an ninh phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng nghiêm trọng, thúc đẩy lời kêu gọi giám sát quốc tế.

Traoré cũng đã chuyển hướng chính sách đối ngoại của Burkina Faso. Năm 2023, quân đội Pháp đã bị trục xuất, chấm dứt Chiến dịch Sabre và báo hiệu sự chấm dứt sự hiện diện quân sự lâu dài của Pháp. Việc mở lại đại sứ quán Nga và thành lập Liên minh các quốc gia Sahel cùng với Mali và Niger làm nổi bật sự chuyển hướng chiến lược sang Mạc Tư Khoa. Vào tháng 5, Traoré đã đến Mạc Tư Khoa để tham gia lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng, gặp Putin và nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước.

Sự lãnh đạo của Traoré cũng được đánh dấu bằng một sự sùng bái cá nhân ngày càng tăng, được khuếch đại bởi phương tiện truyền thông xã hội và các lời tri ân do Trí Tuệ Nhân Tạo tạo ra. Sự khuếch đại kỹ thuật số này thúc đẩy một câu chuyện định vị Traoré như một biểu tượng của sự phản kháng chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân mới, đặc biệt gây được tiếng vang với những người Phi Châu trẻ tuổi. Hình ảnh của ông được lan truyền rộng rãi thông qua các video lan truyền, meme và nội dung được chế tác cẩn thận, đưa ông vượt ra ngoài biên giới Burkina Faso.

Một ví dụ xảy ra vào đầu năm 2024, khi một video deepfake lan truyền trên các nền tảng như TikTok và WhatsApp, cho thấy Traoré đang có bài phát biểu đầy nhiệt huyết bằng nhiều ngôn ngữ, kêu gọi sự thống nhất và độc lập của Phi Châu. Mặc dù video được tạo ra bởi Trí Tuệ Nhân Tạo và không xác thực, nhưng nó đã lan truyền trong giới trẻ khắp Tây Phi, gây ra cả sự ngưỡng mộ và các cuộc tranh luận.

[Newsweek: The Young Putin Ally Winning Hearts Across Africa: Who Is Ibrahim Traoré?]

9. Xác nhận danh tính của 109.625 quân nhân Nga thiệt mạng ở Ukraine

Hãng truyền thông độc lập của Nga Mediazona, hợp tác với BBC tiếng Nga, đã Xác nhận danh tính của 109.625 quân nhân Nga thiệt mạng ở Ukraine.

Báo cáo mới nhất của cơ quan truyền thông này bao gồm giai đoạn từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 23 tháng 5 năm 2025. Kể từ lần cập nhật gần nhất vào đầu tháng 5, ít nhất 2.009 binh sĩ Nga đã được xác nhận là thiệt mạng.

Các nhà báo lưu ý rằng con số thực tế có thể cao hơn đáng kể vì thông tin đã được xác minh của họ đến từ các nguồn công khai như cáo phó, bài đăng của người thân, hoạt động trồng cây tưởng niệm cộng đồng, các bản tin truyền thông khu vực, tuyên bố từ chính quyền địa phương, thông báo của các giáo xứ cùng nhiều nguồn khác.

Cơ quan này đã công bố danh sách đầy đủ các thương vong được xác định lần đầu tiên vào tháng 2, đánh dấu ba năm kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Theo cơ quan truyền thông, các tình nguyện viên nhập và xác minh thủ công từng hồ sơ để tránh nhập trùng lặp trong cơ sở dữ liệu.

Theo các phương tiện truyền thông, số người chết được xác nhận hiện bao gồm 27.000 tình nguyện viên, 17.200 tù nhân được tuyển dụng và hơn 12.000 binh lính được huy động. Số còn lại là các quân nhân chuyên nghiệp. Hơn 5.000 sĩ quan cũng được xác nhận đã thiệt mạng.

Quân đội Nga gần đây đã tăng cường tấn công vào Donetsk, ngày càng gây áp lực lên một nhóm tương đối lớn của Ukraine nằm giữa một số thành phố cuối cùng trong khu vực. Nga đã nắm giữ thế chủ động trên chiến trường ở Donetsk kể từ mùa thu năm 2023, sau cuộc phản công mùa hè thất bại của Ukraine.

[Kyiv Independent: Over 109,600 Russian soldiers killed in Ukraine identified by media investigation]

10. Tờ New York Times đưa tin: Nga xây dựng đường dây điện để kết nối nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị tạm chiếm với lưới điện của mình

Nga đang xây dựng đường dây điện ở miền Nam Ukraine bị tạm chiếm trong nỗ lực rõ ràng nhằm kết nối Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với lưới điện của nước này, tờ New York Times đưa tin vào ngày 27 tháng 5, trích dẫn một báo cáo mới của Greenpeace.

Nhà máy Zaporizhzhia, cơ sở hạt nhân lớn nhất Âu Châu và là một trong mười cơ sở lớn nhất thế giới, đã bị Nga xâm lược kể từ tháng 3 năm 2022.

Hình ảnh vệ tinh có trong báo cáo cho thấy kể từ đầu tháng 2 năm 2025, lực lượng Nga đã lắp đặt hơn 80 km, hay 49 dặm, đường dây cao thế giữa Mariupol và Berdyansk bị tạm chiếm, dọc theo bờ biển Azov.

Các chuyên gia của Greenpeace tin rằng mục đích xây dựng là kết nối các đường dây mới với một trạm biến áp lớn gần Mariupol, sau đó có thể được kết nối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cách đó khoảng 225 km.

Nhà máy điện hạt nhân này nằm ở thành phố Enerhodar thuộc tỉnh Zaporizhzhia của Ukraine, trên bờ phía đông của sông Dnipro, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Chính quyền Ukraine không được tiếp cận địa điểm này hoặc cơ sở hạ tầng xung quanh.

Shaun Burnie, chuyên gia hạt nhân tại Greenpeace, cho biết bằng chứng từ vệ tinh là bằng chứng cụ thể đầu tiên xác nhận kế hoạch khởi động lại nhà máy và tích hợp vĩnh viễn vào lưới điện của Nga của Putin.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng cho thấy ý định lâu dài nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn các tài sản năng lượng của Ukraine tại các khu vực bị tạm chiếm.

Nga đã nhiều lần khẳng định quyền sở hữu nhà máy này dựa trên việc sáp nhập bất hợp pháp Tỉnh Zaporizhzhia vào tháng 9 năm 2022, mặc dù thực tế là Ukraine vẫn kiểm soát phần lớn tỉnh này, bao gồm cả trung tâm hành chính.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về sự an toàn của nhà máy, nơi các cuộc pháo kích và sự hiện diện của quân đội vũ trang đã dẫn đến nhiều lần phải đóng cửa khẩn cấp và mất điện.

Hoa Kỳ được cho là đã đề xuất trả lại quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền quản lý cho Hoa Kỳ để cung cấp điện cho các khu vực do cả Ukraine và Nga kiểm soát. Nga đã ngay lập tức bác bỏ đề xuất này.

[Kyiv Independent: Russia builds power lines to connect occupied Zaporizhzhia nuclear plant to its grid, NYT reports]

11. Quan chức quốc phòng Phần Lan cáo buộc Putin cho tàu chiến hộ tống ‘Hạm Đội Bóng Tối’

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Häkkänen, Putin đã điều động tàu chiến để hộ tống “hạm đội bóng tối” tàu chở dầu bí mật của mình.

Một quan chức cho biết các tàu quân sự của Putin hiện đang bảo vệ hạm đội qua Vịnh Phần Lan và gọi đây là động thái chưa từng có tiền lệ.

Nga đã thành lập cái gọi là “hạm đội bóng tối” để lách lệnh hạn chế xuất khẩu dầu nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây sau cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine năm 2022.

Hoạt động chủ yếu ở Biển Baltic, đội tàu bao gồm các tàu chở dầu cũ có cấu trúc sở hữu không rõ ràng, thường không có bảo hiểm phù hợp và thường xuyên thay đổi ghi danh cờ. Những tàu này chiếm khoảng 17 phần trăm đội tàu chở dầu toàn cầu.

Việc điều động tàu chiến để bảo vệ hạm đội được cho là có ý nghĩa quan trọng vì nó báo hiệu mối liên hệ rõ ràng với Điện Cẩm Linh.

“Sự hiện diện của quân đội Nga trong khu vực này luôn dễ thấy, đây không phải là một đặc điểm mới. Tuy nhiên, điều mới là Nga đang bảo vệ các tàu chở dầu của hạm đội bóng tối của mình trong lối đi hẹp của Vịnh Phần Lan “, Häkkänen nói với hãng truyền hình Phần Lan Yle vào thứ Bảy.

“Việc hộ tống quân sự và sự hiện diện của quân đội được quan sát. Đây là một điều hoàn toàn mới”, Häkkänen nói.

Các chuyên gia cho biết Nga đang sử dụng các tàu này để lách lệnh hạn chế xuất khẩu dầu. Các quan chức cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng các tàu từ hạm đội ngầm của Nga có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo hoặc chặn thông tin liên lạc.

Các quan chức NATO cũng cáo buộc Mạc Tư Khoa sử dụng các tàu như vậy để phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như cáp ngầm dưới biển.

Häkkänen cho biết Phần Lan hiện chưa coi việc điều động tàu chiến là mối đe dọa trực tiếp đối với nước này, nhưng “rõ ràng là Nga đang tăng cường năng lực quân sự và vẫn là một nước láng giềng hung hăng và nguy hiểm đối với toàn bộ Âu Châu”.

Hôm thứ Sáu, Bộ Quốc phòng Phần Lan thông báo rằng hai máy bay quân sự của Nga đã xâm phạm không phận nước này ngoài khơi bờ biển Porvoo, thúc đẩy một cuộc điều tra về vụ việc.

Trong khi đó, Nga cũng gây báo động khi có thông tin đã điều động một chiến đấu cơ Su-35 vào không phận Estonia để bảo vệ một tàu chở dầu vào ngày 13 tháng 5.

“Chiến đấu cơ này đã xâm phạm lãnh thổ NATO trong một phút. Đây là điều rất mới”, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna phát biểu tại một cuộc họp của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng ta cần hiểu rằng Nga đã chính thức ràng buộc và kết nối với hạm đội bóng tối của Nga”.

Ông nói thêm: “Chúng ta cần hiểu rằng tình hình thực sự nghiêm trọng”.

Các quốc gia thành viên NATO đã tổ chức các cuộc đàm phán về cách bắt giữ hạm đội ngầm của Putin, Politico đưa tin vào tháng 2, trích dẫn lời của hai nhà ngoại giao Liên minh Âu Châu và hai quan chức chính phủ. Một số người đã đề xuất bắt giữ các tàu trên cơ sở luật pháp quốc tế, vì lý do môi trường hoặc cướp biển.

Tháng này, Liên Hiệp Âu Châu và Anh đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với hạm đội ngầm.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đã gia hạn lệnh cấm tàu thuyền Nga cập cảng Hoa Kỳ có từ thời Tổng thống Biden, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

[Newsweek: Putin Giving 'Shadow Fleet' Warship Escorts: Finland Defense Official]
 
Căn nhà thời thơ ấu của ĐGH Lêô ở Chicago. Mê tín dị đoan trong xã hội Mỹ. Bốn GM Đức lên tiếng
VietCatholic Media
17:15 28/05/2025


1. 30% người Mỹ tham khảo chiêm tinh, bài Tarot hoặc bói toán

Hầu hết mọi người đều nói rằng họ tham gia vào các hoạt động này vì mục đích giải trí, chứ không phải để có được hiểu biết sâu sắc hoặc hướng dẫn về các quyết định trong cuộc sống.

Trong thập niên qua, các báo cáo phương tiện truyền thông đã mô tả sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng đối với các hoạt động của New Age như chiêm tinh học, bói bài tarot và bói toán. Những hoạt động này thường gắn liền với những người trẻ tuổi và họ đã phát triển nền văn hóa truyền thông xã hội của riêng mình trên TikTok và các nền tảng khác, đặc biệt là trong thời kỳ giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra. Vậy, những hoạt động này phổ biến như thế nào và tại sao người Mỹ lại tham gia vào chúng?

Một cuộc khảo sát vào mùa thu năm 2024 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 30% người lớn ở Hoa Kỳ cho biết họ tham khảo chiêm tinh học (hoặc tử vi), bói bài tarot hoặc bói toán ít nhất một lần một năm, nhưng hầu hết chỉ làm như vậy để giải trí, và ít người Mỹ cho biết họ đưa ra quyết định quan trọng dựa trên những gì họ biết được trong quá trình đó.

Sau đây là những thông tin quan trọng khác rút ra từ cuộc khảo sát mang tính đại diện toàn quốc đối với 9.593 người trưởng thành tại Hoa Kỳ.

Mặc dù gần đây có sự chú ý đến chiêm tinh học, số lượng người Mỹ tin vào chiêm tinh học dường như không thay đổi nhiều trong những năm gần đây. Trong cuộc khảo sát mới, 27% người lớn ở Hoa Kỳ cho biết họ “tin vào chiêm tinh học (vị trí của các ngôi sao và hành tinh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người)”. Con số này không khác biệt đáng kể so với những gì chúng tôi tìm thấy khi đặt một câu hỏi giống hệt vào năm 2017. Và, mặc dù kết quả của các cuộc khảo sát trước đó có thể không thể so sánh trực tiếp do sự khác biệt về phương pháp luận, các cuộc thăm dò của Gallup từ năm 1990 đến năm 2005 luôn cho thấy rằng từ 23% đến 28% người Mỹ tin vào chiêm tinh học.

Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng:

2116. Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán: cậy nhờ Satan hay ma quỷ, gọi hồn người chết hay những thực hành khác, là những việc người ta nghĩ cách sai lầm rằng sẽ “vén mở” được tương lai. Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, là những hình thức biểu lộ ý muốn thống trị thời gian, lịch sử và cuối cùng là con người, và đồng thời, biểu lộ ước muốn liên minh với các thế lực bí ẩn. Những điều này là nghịch lại với sự cung kính và tôn trọng, được kết hợp với sự kính sợ đầy yêu mến, mà chúng ta phải dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi.

2117. Các thực hành ma thuật hay pháp thuật mà người ta muốn dùng để chế ngự các sức mạnh bí ẩn, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác – dù là để chữa bệnh – đều nghịch lại nhân đức thờ phượng cách nghiêm trọng. Các việc này càng đáng lên án hơn, khi có dụng ý làm hại người khác, hay cậy nhờ đến sự can thiệp của ma quỷ. Mang bùa cũng là điều đáng trách. Chiêu hồn thường gồm các thực hành bói toán hay ma thuật. Hội Thánh cũng khuyên các tín hữu phải xa lánh việc đó. Khi dùng các phương thuốc, gọi là gia truyền, không được kêu cầu các quyền lực sự dữ, cũng không được lợi dụng sự cả tin của những người khác.


Source:Pew Research

2. Giáo xứ nơi sinh trưởng của Đức Giáo Hoàng Lêô dự tính mua lại căn nhà thời sinh trưởng của Đức Thánh Cha

Căn nhà nơi sinh trưởng của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV ở quận Dolton, ngoại ô thành phố Chicago, đang là đối tượng việc mua bán ở địa phương.

Tờ New York Thời báo cho biết chính quyền quận Dolton muốn mua lại căn nhà đó, và nếu cần sẽ dùng quyền để truất hữu, theo lá thư ông Burton Odelson, luật sư của quận này. Chính quyền quận cũng có ý định làm việc với Tổng giáo phận Chicago để bảo đảm rằng nhà này có thể được dân chúng thăm viếng như một di tích lịch sử. Ngoài ra, Quận cũng đang tiếp xúc với công ty bán đấu giá liên hệ.

Căn nhà nơi Đức Giáo Hoàng Lêô sinh trưởng tọa lạc ở địa chỉ East 141st Place, rộng 185 mét vuông, nơi gia đình Đức Giáo Hoàng sinh sống xưa kia, gồm cha mẹ và ba con trai. Hồi năm 2024, nhà này được bán cho ông Pawel Radzik với giá 66.000 Mỹ kim. Ít lâu trước khi Đức Lêô được bầu làm Giáo hoàng, ông chủ nhà treo bảng bán với giá 250.000 đôla, nhưng rồi, khi Đức Lêô đắc cử, ông rút lại việc bán này và nhờ hãng Paramount rao bán đấu giá cho đến ngày 18 tháng Sáu tới đây.

Nay chính quyền quận Dolton đang làm việc với hãng Paramount và thương lượng để mua căn nhà này. Quận muốn tránh biện pháp truất hữu vì có thể tốn kém và thủ tục lâu dài. Tuy nhiên, nếu việc truất hữu được áp dụng, thì sở hữu chủ căn nhà sẽ được bồi thường thích đáng.

3. Bốn giám mục xác nhận: Sẽ không tham gia vào Hội đồng Công nghị tương lai của Đức

Bốn giám mục Đức tuyên bố sẽ không tham gia với tư cách là thành viên trong một Hội đồng Công nghị tương lai ở cấp liên bang: Trong một lá thư gửi cho chủ tịch của ủy ban thượng hội đồng ngày 19 tháng 5, Đức Cha Gregor Maria Hanke, Giám Mục Eichstätt, Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục Regensburg, Đức Cha Stefan Oster, Giám Mục Passau và Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln đã phản đối một nghị quyết của ủy ban thượng hội đồng ngày 10 tháng 5. “Ở đây, một cơ quan không thể tuyên bố bất kỳ thẩm quyền giáo luật nào đã quyết định rằng tất cả các giám mục giáo phận ở Đức, bao gồm cả chúng tôi, phải là thành viên của một cơ quan tương lai”. Các ngài lưu ý điều này “với sự ngạc nhiên” và yêu cầu “làm rõ trong tương lai rằng chúng tôi không thuộc về Hội đồng Công nghị”. Cái gọi là Hội đồng Công nghị tương lai này dựa trên một nghị quyết của Tiến Trình Công Nghị, “bản thân nó không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý”.

Tiến Trình Công Nghị trước đó đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng họ đã quyết định rằng trong một Hội đồng Công nghị tương lai, “tất cả các thành viên của Hội đồng Giám mục Đức và số lượng thành viên tương ứng của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK phải được đại diện”.

Trong lá thư gửi cho Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, gọi tắt là DBK, và chủ tịch Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), Irme Stetter-Karp, bốn vị Giám Mục và Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng các ngài không coi mình là “thành viên hoặc nhà tài trợ cho Hội đồng Công nghị và cũng không “ủng hộ”.

Hơn nữa, bốn vị Giám Mục và Tổng Giám Mục nhắc lại những chỉ thị rõ ràng từ Rôma: Vào ngày 21 tháng 7 năm 2022, Vatican tuyên bố rằng Tiến trình Công nghị “không có thẩm quyền bắt buộc các giám mục và tín hữu chấp nhận các hình thức quản trị mới và các định hướng học thuyết và đạo đức mới”. Vào ngày 23 Tháng Giêng năm 2023, một số Hồng Y thuộc Giáo triều đã nêu rõ trong một lá thư “rằng cả Tiến trình Công nghị cũng như bất kỳ cơ quan nào do Tiến trình Công nghị thành lập cũng như bất kỳ hội đồng giám mục nào đều không có thẩm quyền thành lập 'Hội đồng Công nghị' ở cấp quốc gia, giáo phận hoặc giáo xứ”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tái khẳng định những tuyên bố này vào ngày 10 tháng 11 năm 2023, bằng cách chỉ ra trong một lá thư tiếp theo rằng “việc thành lập một 'ủy ban công đồng' để chuẩn bị một cơ quan cố vấn và ra quyết định quốc gia” đã bị cấm bởi lá thư trước đó, mà ngài đã phê duyệt theo một hình thức cụ thể. Ngài nhắc lại rằng một ủy ban như vậy, theo hình thức được nêu trong văn bản nghị quyết, “không thể hòa giải với cấu trúc bí tích của Giáo Hội Công Giáo”.

Vào đầu năm 2024, một lá thư từ Rôma, được ký bởi Đức Giáo Hoàng hiện tại, khi đó là Hồng Y Robert Prevost, một lần nữa nêu rõ rằng “ủy ban công đồng không được hợp pháp hóa theo giáo luật và Hội đồng Giám mục Đức không thể đảm nhận vai trò bảo trợ của ủy ban này”. Dựa trên những điều này và các “dấu hiệu ngăn chặn” khác từ Tòa thánh, các ngài coi công việc của “ủy ban công đồng” về việc chuẩn bị một cơ quan công đồng quốc gia là bất hợp lệ.

Cuối cùng, các giám mục tuyên bố trong thư của mình rằng các ngài sẽ “tiếp tục làm mọi thứ trong khả năng của mình để thúc đẩy sự hiệp thông với Rôma trong các giáo phận của chúng tôi”, đặc biệt là thông qua “đối thoại, cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần, nói một cách tự do, tham khảo ý kiến, bảo vệ các không gian và cơ cấu cho các tiến trình tham khảo ý kiến”, cũng như thông qua việc “khẳng định nền tảng chung trong đức tin và giáo huấn của Giáo hội và niềm tin rằng việc cử hành chung Thánh Thể là 'nguồn gốc và đỉnh cao' không chỉ của đời sống Kitô hữu nói chung, mà còn là nguồn gốc và đỉnh cao của sự hiệp thông Công Giáo đích thực”.

Đức Hồng Y Walter Kasper cảnh báo rằng cái gọi là “Hội đồng Công nghị” trong tầm ngắm của một số Giám Mục cấp tiến Đức theo thời gian sẽ phát triển thành một Vatican của Đức, dọn đường cho khả năng ly giáo.


Source:Die-Tagespost

4. Giám mục mới của Giáo phận Timika được bổ nhiệm sau năm năm bỏ trống

Giám mục Bernardus Bofitwos Baru được tấn phong giám mục Timika, Indonesia, vào ngày 14 tháng 5 sau năm năm vắng bóng sau khi cựu Giám mục John Philip Saklil qua đời. Hơn 10.000 người Công Giáo và 33 giám mục đã tham dự lễ tấn phong để chào mừng vị linh mục bản địa thứ hai được thụ phong giám mục và là giám mục dòng Augustinô đầu tiên tại Indonesia, thông tấn xã Fides đưa tin.

“Lễ tấn phong này là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm lớn lao của Tòa thánh đối với các tín hữu Công Giáo tại Papua,” Sứ thần Tòa thánh, Tổng Giám mục Piero Pioppo phát biểu tại sự kiện này.

Đức Cha Baru cảm ơn các tín hữu về lễ tấn phong của mình và chia sẻ rằng lắng nghe, đối thoại và hợp tác sẽ là nền tảng của chức giám mục của mình. “Mối quan hệ của chúng ta phải dựa trên tình yêu, tình bạn và sự trao đổi giữa con người. Chúng ta được kêu gọi mở cửa cho nhau”, ông nói.


Source:Catholic News Agency

5. Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi các Viện trưởng Đại học Mỹ châu

Hôm 20 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã gửi một sứ điệp Video đến 200 giáo sư Viện trưởng các Đại học ở Mỹ, Nam và Trung Mỹ, nhóm họp tại Đại học Công Giáo Rio de Janeiro, bên Brazil, từ ngày 20 đến ngày 24 tháng Năm này, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Thông điệp Laudato sì của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, đồng thời chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế COP30, do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Belém, Brazil, về việc bảo vệ môi trường.

Hội nghị do Liên mạng Đại học bảo vệ căn nhà chung tổ chức với sự hỗ trợ của Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh. Trong bốn ngày họp, cc tham dự viên thảo luận, phân định và đề nghị những hành động để đương đầu với cuộc khủng hoảng xã hội và môi trường.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha khích lệ suy tư về việc tha các món nợ công, bảo vệ môi trường và hoạt động cho công bằng xã hội và môi sinh. Đức Thánh Cha nói: “Tôi biết rằng anh chị em sắp thực hiện một công việc chung phân định để chuẩn bị cho Hội nghị COP30. Anh chị em hãy cùng nhau suy tư về việc có thể tha nợ công và những món nợ về môi trường, một đề nghị của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới. Và trong Năm Thánh này, một năm hy vọng, sứ điệp này thật là quan trọng”.

Đức Thánh Cha khích lệ các giáo sư Viện trưởng, trong vai trò của các vị, “hãy trở thành những người xây những cây cầu hội nhập giữa các miền ở Mỹ châu và bán đảo Tây Ban Nha, làm việc cho công lý môi sinh, xã hội và môi trường. Tôi cám ơn và khích lệ anh chị em hãy tiếp tục như vậy”.