Ngày 12-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:14 12/07/2020

26. Ách của Chúa thật là vừa nhẹ lại vừa êm ái ngon ngọt.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:19 12/07/2020
73. CÓ BÚT NHƯ ĐAO

Ở Trường Châu có người thợ điêu khắc tên là Mã Như Long, và ở Tiền Đường có người thợ viết thuê tên là Quách Thiên Dân, hai người ngẫu nhiên mà gặp nhau.

Mã Như Long tuổi lớn hơn Quách Thiên Dân, nhưng họ Quách không muốn có sự nhún nhường, nên cùng với họ Mã tranh chấp ngồi chỗ trên. Họ Mã nói:

- “Mày là đứa con nít chưa hết hôi mùi sữa, lại dám tranh chấp chỗ với ta sao, ta hỏi mày “đao bút sứ” thì đao ở phía trước, hay bút ở phía trước? ”

Họ Quách hỏi lại:

- “Ông bạn già ơi là ông bạn già ơi, tôi “có bút như đao”, là bút ở trước hay đao ở trước? ”

Họ Mã chỉ còn cách là nhường chỗ ngồi trên cho họ Quách vậy !

(Nhã Ngược)

Suy tư 73:

Thời xưa cũng như thời nay có những người dùng bút thay đao để giết người, nghĩa là họ lợi dụng chức vụ để làm hại người khác bằng những chữ ký, những văn tự của mình, cách giết người kiểu này thì đáng sợ vô cùng, bởi vì họ hợp thức hóa kiểu giết người của mình...

Bút là dùng để viết lời ca tụng Thiên Chúa, ca tụng cái đẹp của vũ trụ thiên nhiên, ca tụng người tốt việc tốt; bút cũng còn là viết những lời yêu thương cho người thân yêu, và cũng viết lên những thống khổ của tha nhân, nó cũng là tiếng kêu của những người yêu chuộng công lý và hòa bình.

Đao là biểu hiện cho sự chết chóc, chiến tranh và thù hận, cho nên, trước khi dùng đao thì nên dùng bút để hòa giải và kết tình hữu nghị.

Đao thì chỉ có thể giết một vài người, nhưng lợi dụng chức quyền, độc đoán, tham lam, kiêu căng của mình để đặt bút ký thì giết cả triệu người, cả tổ quốc...

Tội này chỉ có nước nơi giếng Rửa Tội và lòng sám hối sâu xa nơi bí tích Hòa Giải mới có thể rửa sạch được...

Bút trước đao là chuyện hợp lý và có tình nghĩa, đó cũng là tinh thần hòa bình của Phúc Âm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y George Pell và nền Văn Hóa Triệt Tiêu
Vũ Văn An
01:01 12/07/2020

Một hiện tượng nay đã trở thành phổ biến là nền văn hóa triệt tiêu (Cancel Culture), nền văn hóa lộ nguyên hình trong vụ kết án phi lý Đức Hồng Y George Pell, một nền văn hóa phản ảnh trọn vẹn mô tả của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, trong Thánh Lễ “Pro Eligendo Romano Pontifice” (Cầu cho việc bầu Giám mục Rôma) ngày 18 tháng 4 năm 2005:



Nền độc tài duy tương đối

Nhân nói đến lời khuyên của Thánh Phaolô: “chúng ta đừng mãi là những đứa trẻ trong đức tin, trong thân phận vị thành niên” tức đừng để mình “bị xô đẩy tứ tung, cuốn theo mọi chiều gió lý thuyết”, Đức Hồng Y cho hay: “mô tả ấy hợp thời xiết bao!

“Biết bao ngọn gió lý thuyết được chúng ta biết đến trong mấy thập niên ngày nay, biết bao trào lưu ý thức hệ, biết bao lối suy nghĩ. Con thuyền tư duy của nhiều Kitô hữu thường bị xô đẩy theo những sóng nước này, dạt từ cực đoan này qua cực đoan nọ, từ chủ nghĩa Mác qua chủ nghĩa tự do cấp tiến, thậm chí cả chủ nghĩa tự do phóng đãng; từ chủ nghĩa tập thể qua chủ nghĩa cá nhân triệt để; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa huyền nhiệm tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa bất khả tri qua chủ nghĩa chiết trung và v.v... Mỗi ngày đều nẩy sinh những đạo thuyết (sects) mới...

“Ngày nay, có một đức tin rõ ràng dựa trên Tuyên Tín của Giáo Hội thường bị coi là chủ nghĩa cực đoan. Trong khi chủ nghĩa duy tương đối, nghĩa là để mình “bị xô đẩy tứ tung, cuốn theo mọi chiều gió lý thuyết”, hình như là thái độ duy nhất có thể đương đầu với thời hiện đại. Chúng ta đang xây dựng cả một nền độc tài duy tương đối không hề nhìn nhận bất cứ điều gì là dứt khoát và mục đích tối hậu hoàn toàn chỉ hệ ở cái tôi và các thèm khát của riêng mình”.

Điều đáng nói dĩ nhiên là nét nghịch lý của “độc tài duy tương đối”. Tương đối đáng lẽ phải khoan dung, đàng này nó lại trở thành độc tài, do đó bất khoan dung. Trong cuộc phỏng vấn của Peter Seewald sau đó (Light of The World), Đức Bênêđíctô XVI quảng diễn thêm: “Sự bất khoan dung mới này phát triển cùng khắp... có những tiêu chuẩn suy nghĩ rất vững vàng phải được áp đặt lên mọi người. Những tiêu chuẩn này sau đó được đặt tên là ‘khoan dung tiêu cực’. Thí dụ, khi người ta nói rằng vì sự khoan dung tiêu cực [nghĩa là ‘không xúc phạm bất cứ ai’] nên không thể có Tượng Chịu Nạn trong các công thự. Với việc này, trong căn bản, chúng ta cảm nghiệm việc hủy bỏ khoan dung, vì dù sao nó cũng có nghĩa là tôn giáo, tức đức tin Kitô giáo, không còn được phép tự phát biểu một cách hữu hình”.

Tóm lại, nhân danh khoan dung để không khoan dung. Nói cách khác, bất cứ những gì không được họ chấp nhận đều bị loại trừ, coi như xúc phạm, phi lý.



Nền Văn hóa Triệt tiêu

Tưởng họ chỉ nhắm tôn giáo nói chung và Kitô Giáo nói riêng. Nhưng thực ra họ tấn công, đúng như Đức Hồng Y Ratzinger nói, mọi người kể cả những người làm văn hóa, nên đã phát sinh điều người ta hiện gọi là Nền Văn Hóa Triệt Tiêu.

Theo Aja Romano trên tạp chí Vox (https://www.vox.com/culture/2019/12/30/20879720/what-is-cancel-culture-explained-history-debate), với Nền Văn hóa Triệt tiêu, một người nào đó có thể “bị triệt tiêu”, tức bị loại trừ về văn hóa khỏi diễn đàn hay nghề nghiệp của họ.

Triển khai điều trên, Aja cho hay: “trong vòng 5 năm vừa qua, việc xuất hiện ‘nền văn hóa triệt tiêu’ và ý niệm triệt tiêu một ai đó đã trở thành các chủ đề phân cực để tranh luận...: một người nổi tiếng hay một nhân vật công cộng làm hay nói một điều gỉ bị coi là xúc phạm. Thế là một phản ứng dữ dội của công chúng, thường được truyền thông xã hội cấp tiến đổ thêm dầu, diễn ra. Sau đó, là nhiều lời kêu gọi triệt tiêu họ, nghĩa là trên thực tế, chấm dứt nghề nghiệp của họ hay hủy diệt dấu ấn văn hóa của họ, một là qua các cuộc tẩy chay công trình của họ hai là hành động kỷ luật của chủ nhân họ”.

Aja cho hay riêng năm 2019, danh sách những người phải đương đầu với việc bị triệt tiêu bao gồm những người vi phạm tình dục như R. Kelly; các nhà trình diễn như Kanye West, Scarlett Johannsson và Gina Rodriguez; những danh hài như Kevin Hart và Shane Gillis sau khi những người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội bật mí các lời hài hước kỳ thị đồng tính và kỳ thị chủng tộc của họ trong quá khứ.

Về nguồn gốc của nền văn hóa này, Aja cho rằng nó phát xuất từ một nơi khó tin nhất: hài hước có tính kỳ thị phụ nữ. Vì việc dùng hạn từ “triệt tiêu” lần đầu tiên xẩy ra trong cuốn phim năm 1991 tựa là New Jack City trong đó Wesley Snipes đóng vai một người mang tên Nino Brown. Trong một cảnh, sau khi bị bạn gái chia tay vì các bạo lực do anh ta gây ra, anh ta bảo “Hãy triệt tiêu con điếm ấy đi. Tôi sẽ mua con điếm khác”. Rồi năm 2010, nó được lặp lại trong bài hát “I’m Single” của Lil Wayne và từ đó, kiểu nói được truyền lan một dạo. Tuy nhiên, nó trở nên thịnh hành với những loạt phim thực tại tựa là Love and Hip-Hop: New York trình chiếu hồi tháng 12 năm 2014 trong đó, Cisco Rosado nói với bạn gái Diamond Strawberry trong một cuộc cãi vã “em bị triệt tiêu rồi”. Đó là một cách nói dỡn cho vui, nhưng các phương tiện truyền thông xã hội bắt đầu sử dụng nó từ đó.

Black Twitter bắt đầu truyền bá ý niệm triệt tiêu suốt năm 2015, dùng nó để phản ứng đối với những ai làm một điều gì đó bạn không chấp nhận, hoặc để vui đùa hay một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, nó không giới hạn trong vòng bạn bè quen biết nữa mà đụng tới bất cứ nhân vật danh tiếng hay thực thể nào có tác phong làm bạn không hài lòng. Và ngay từ rất sớm, triệt tiêu một ai đã thường bao gồm việc tẩy chay họ về nghề nghiệp.

Dù thế, những điển hình đầu tiên phần lớn độc lập và khác biệt với nhau. Nhưng chúng là những hạt giống tạo nên nền văn hóa triệt tiêu: một xu hướng tập thể đòi tẩy chay một người nổi tiếng có hành vi bị tri nhận là đi quá xa.

Aja cho rằng công chúng, cũng như giới truyền thông thường gom nền văn hóa triệt tiêu vào cùng rọ với với xu hướng “văn hóa nêu tên” [call-out culture] (để nhục mạ). Nhưng trong khi nền văn hóa nêu tên chỉ nêu vấn đề thì văn hóa triệt tiêu còn đòi “chặt đầu” những người nó không chấp nhận. Nó nhắm các cá nhân, nhiều hơn các định chế. Chính vì thế, trong trường hợp Đức Hồng Y George Pell, các địch thủ của ngài không nêu vấn đề để tranh luận mà đi thẳng vào việc triệt hạ ngài cho bằng được. Thí dụ thứ hai là J.K. Rowling, tác giả bộ Harry Potter nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng, bán hơn 500 triệu bản, trở thành bộ sách bán chạy nhất trong lịch sử, chỉ vì bênh vực một người bị đuổi việc một cách phi lý vì dám tuyên bố rằng “Đàn ông con trai là phái nam. Đàn bà con gái là phái nữ. Bạn không thể đổi phái được” nên đã bị những người ái mộ Harry Potter công khai tẩy chay coi bà không phải là tác giả loạt tiểu thuyết họ ưa thích nữa. Aja cho rằng Rowling chưa lên tiếng trả lời nhưng từ tháng 12 vừa rồi, đã không trở lại với Twitter.

Chính vì thế, nhiều người lên tiếng gọi nó là “luật bề hội đồng” (mob rule) và một nhà chấp hành một công ty giao tế nhân sự ẩn danh cho rằng nó triệt tiêu cả những ý hướng tốt. Tháng 9 năm ngoái, Osita Nwanevu của New Republic nhận xét rằng một số cơ quan truyền thông vốn so sánh nền văn hóa triệt tiêu với những cuộc nổi dậy đầy bạo động về chính trị, từ diệt chủng tới tra tấn dưới các chế độ độc tài.

Aja cho rằng dù các nạn nhân của nền văn hóa triệt tiêu, trên thực thế, không bị triệt tiêu đi chăng nữa, nhưng nhiều người vẫn coi nó như thành phần của một xu hướng gây bối rối sâu xa: mất khả năng tha thứ.

Aaron Rose, một chuyên viên về đa dạng và hòa nhập, trước đây vẫn thường tự coi mình là người cấp tiến, tham gia nền văn hóa triệt tiêu, nhưng nay, lưu tâm nhiều hơn đến việc biến đổi tranh chấp. Ông đặt câu hỏi, “làm thế nào người ta thực sự thông đạt và cư xử với nhau như những con người? ”

Ông cho hay “chủ nghĩa tranh đấu chính dòng trên mạng phần lớn nêu tên, đổ lỗi và nhục mạ. Chúng ta cần trung thực với chính mình về việc liệu việc nêu tên và triệt tiêu có đem lại cho chúng ta nhiều giải khuây ngắn hạn cho các giận dữ tẩy trừ hay không”.

Trước đây, Rose vẫn “quen nghĩ rằng các chiến thuật ấy tạo thay đổi” nhưng nay hiểu ra rằng “tôi không thấy sự thay đổi đích thực mà tôi mong muốn...”. Nên nay, ông muốn “tạo ra nhiều câu truyện biến đổi hơn là các câu truyện trừng phạt và tuyệt thông”.

Loretta Ross, từng tự nhận mình là người cấp tiến, cũng tiến tới chỗ có cùng một quan điểm. Trong một bài góp ý trên New York Times, bà coi nền văn hóa triệt tiêu là độc hại khi “người ta cố gắng thanh toán bất cứ ai họ không hoàn toàn nhất trí với, thay vì tập chú vào những kẻ hưởng lợi nhờ kỳ thị và bất công”. Bà cho rằng nền văn hóa triệt tiêu đã trở thành người tự bổ nhiệm mình làm giám hộ cho tính tinh ròng chính trị”.

Đối với những người cấp tiến như Rose, bác bỏ nền văn hóa triệt tiêu không nhất thiết có nghĩa là bác bỏ các nguyên tắc công bình xã hội và việc thúc đẩy bình đẳng mà nó bênh vực: “Điều này không hề có nghĩa là trấn áp các phản ứng của chúng ta hay thôi không đòi hỏi việc giải trình trách nhiệm nữa. Trái lại, nó có nghĩa dành cho chính ta đủ không gian để thực sự tôn vinh các cảm quan buồn bực của ta, trong khi không phản ứng một cách ngụ ý rằng các người khác... không thể được cảm thương hay thay đổi”.

Đối với Rose, cũng như nhiều người đề kháng nền văn hóa triệt tiêu, điểm mấu chốt trong cuộc tranh luận này là nhu cầu tin rằng người khác có thể thay đổi, và ta nên đối xử với họ theo tầm nhìn lạc quan. Sự khác nhau giữa văn hóa triệt tiêu và phương thức có tính hòa giải, biến đổi nhiều hơn đối với sự bất đồng là “sự khác nhau giữa việc mong chờ sửa đổi và việc không bao giờ để cho vết thương lành lại. Giữa việc phát biểu tức giận của bạn và việc đồng nhất hóa với nó vĩnh viễn”.

Kỳ sau: 130 trí thức cấp tiến tuyên bố: Hãy triệt tiêu nền Văn hóa Triệt tiêu
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu: Nghĩ tới Đại Vương Cung Hagia Sophia, lòng tôi buồn rời rợi
Thanh Quảng sdb
06:26 12/07/2020
Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu: 'Nghĩ tới Đại Vương Cung Hagia Sophia, lòng tôi buồn rời rợi'

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau giờ đọc kinh Truyền tin và cầu nguyện cho Chúa Nhật Hàng hải, Ngài đã đề cập đến Vương cung thánh đường Hagia Sophia, sắp bị biến thành một Đền thờ Hồi giáo.

(Tin Vatican)

Trưa Chúa nhật 12/7/2020, nhân Ngày Quốc tế Hàng hải, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi lời chào trìu mến tới tất cả những người làm việc trên biển cả, đặc biệt những người phải xa người thân yêu và quê hương đất nước của họ vì công việc hàng hải...

ĐTC cũng gởi lời chào đặc biệt dành cho những người đang tập trung tại cảng Civilitavecchia-Tarquinia của Ý vào sáng nay để cử hành Bí tích Thánh Thể.

Vương Cung Hagia Sophia

Rời biển khơi, Đức Giáo Hoàng nghĩ về những gì đang xảy ra ở thủ đô Istanbul.

Tuần này, Tổng thống Tayyip Erdogan sẽ công bố quyết định biến Bảo tàng viện Hagia Sophia, xưa là một Vương cung Thánh đường Công Giáo, đã bị người Hồi giáo chiếm và nhiều năm qua để giữ tính cách trung lập của quần thể vĩ đại này, nước Thổ đã biến nơi này là một Viện bảo tàng Quốc gia và Unesco đưa vào làm một di sản thế giới! Nhưng nay, ông Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ muốn biến thành Đền thờ Hồi giáo.

Đức Giáo Hoàng nói: Tôi nghĩ về Hagia Sophia, và tôi rất buồn.

Chủ nhật Hàng hải

Chủ nhật Hàng hải là một ngày kỷ niệm hàng năm, cầu nguyện cho những người đi biển, một công việc quan trọng...

Năm nay có nhiều cái bất lợi, vì cơn dịch Covid-19 mà nhiều nơi trong Giáo hội, ngày này không được nhắc nhở, để xin mọi người dành một chút hy sinh và cầu nguyện cho những người đang lênh đênh trên biển cả… vì lợi ích của toàn cầu trong việc vận chuyển đồ đạc hàng hóa đi các nơi…
 
Khảo sát các Giám mục Hoa kỳ cho thấy đại dịch làm rung chuyển đời sống giáo phận và giáo xứ thế nào
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
07:34 12/07/2020
Gần như mọi Giám mục trả lời một cuộc khảo sát cho biết đại dịch coronavirus đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cử hành các bí tích và các nghi thức và các chương trình chuẩn bị bí tích trong giáo phận của họ.

Theo các khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tông đồ - CARA tại Đại học Georgetown, Thêm sức, Rước lễ Lần đầu, Tiến trình Khai tâm Kitô giáo cho Người lớn và chuẩn bị các bí tích khác là các mục vụ thường được các Giám mục trích dẫn là bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, sáu trong số 10 Giám mục nói rằng kể từ tháng 3 khi các hạn chế về mục vụ và tham dự thánh lễ được áp dụng, tinh thần của các linh mục, các thừa tác viên giáo dân, phó tế và nhân viên tòa giám mục ít nhất cũng bị ảnh hưởng, theo kết quả khảo sát ngày 9 tháng Bẩy.

Cuộc khảo sát với tiêu đề "Mục vụ ở giữa Đại dịch", đã hỏi các Giám mục về sáu lĩnh vực quan tâm đã phát sinh trong các giáo phận, kể từ khi đại dịch khiến Thánh lễ công cộng bị đình chỉ và việc cử hành bí tích bị hạn chế hoặc bị hoãn lại.

Các câu hỏi tập trung vào ảnh hưởng của đại dịch đối với các giáo phận; những dự tính mục vụ đặc biệt được ban hành do giáo phận; những quan tâm tài chính do đại dịch gây ra; những hành động để giải quyết tình trạng tài chính của giáo phận; những ảnh hưởng của đại dịch đối với các thẩm định của giáo xứ; và hỗ trợ công nghệ của giáo phận cho các trường học và giáo xứ.

Các nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong Tông đồ đã gửi qua điện thư ngày 18 tháng 5 bài khảo sát tới các Giám mục trong 177 tổng giáo phận và giáo phận cùng với 20 giáo khu (eparchy) và tiếp theo là gửi điện thư vào ngày 8 tháng 6 cho những người không trả lời. Nhìn chung, có 116 Giám mục (59%) đã trả lời bằng việc công bố báo cáo. Khoảng 60% các Giám mục giáo phận đã trả lời và khoảng 50% các Giám mục giáo khu đã trả lời, theo các báo cáo cho biết.

Các quan chức của CARA cho biết kết quả của cuộc khảo sát có thể bị ảnh hưởng hay không khi một Giám mục trả lời trong khi giáo phận hoặc giáo khu của ngài bị phong tỏa hoàn toàn hoặc khi các hạn chế bắt đầu được dỡ bỏ.

Khi nói đến các bí tích cụ thể, 99% các Giám mục nói rằng Thêm sức đã bị ảnh hưởng rất nhiều hoặc phần nào; 99% về Rước lễ Lần đầu tiên; 92% về Tiến trình Khai tâm Kitô giáo cho người Trưởng thành; và 94%, về các chương trình chuẩn bị bí tích khác; 98% về cử hành Hôn phối; 91% về Rửa tội; 93% về Đám tang.

Ngoài ra, cuộc khảo sát cho thấy tinh thần của các nhân viên giáo hội đã bị ảnh hưởng rất nhiều hoặc phần nào. Sáu mươi phần trăm các Giám mục nói rằng tinh thần của họ đã bị ảnh hưởng. Nhiều người trả lời cho biết tinh thần của các thừa tác viên giáo dân (71%), linh mục (68%), nhân viên tòa giám mục (67%) và phó tế (62%) đã bị ảnh hưởng. Trong khi đó, 54% Giám mục cho biết khả năng của các Tổ chức Bác ái Công Giáo phục vụ những người có nhu cầu cũng bị ảnh hưởng.

Jonathan Wiggins, giám đốc khảo sát giáo xứ tại CARA, nói với Catholic New Service - Dịch vụ Tin tức Công Giáo, cuộc khảo sát cung cấp một cái nhìn sớm về cách thức đại dịch ảnh hưởng đến đời sống giáo hội. "Điều thực sự gây ấn tượng với tôi là một công việc đang tiến triển vì các giáo xứ trở lại bình thường về việc tham dự Thánh lễ, bí tích, cho hay bất cứ điều gì đặc trưng cho đời sống Công Giáo thông thường", Wiggins nói. "Đây chỉ là một vài tháng và chúng tôi không biết những ảnh hưởng lâu dài sẽ là gì đối với các giáo phận và giáo xứ, " ông nói thêm.

Một cuộc khảo sát tương tự về các quản xứ của CARA đang được tiến hành, Wiggins nói thêm. Cuộc khảo sát của các Giám mục cho họ cơ hội đưa ra những câu trả lời ngắn gọn bằng văn bản cho những câu hỏi về các viễn cảnh mục vụ mà họ có thể đã thực hiện, như việc miễn chuẩn tham dự thánh lễ hàng tuần, hướng dẫn về việc cử hành các bí tích như bí tích rửa tội và hôn nhân, và chỉ thị tuân thủ lệnh của chính quyền tiểu bang và địa phương.

Những phản hồi không được định lượng trong báo cáo CARA. Nhưng nó bao gồm các ý kiến ​​từ các Giám mục mô tả các bước họ đã thực hiện khi đại dịch dẫn tới việc phong tỏa nhà thờ, trường học và kinh doanh vào tháng Ba và sau đó giảm bớt vào tháng Năm và tháng Sáu.

Một số Giám mục cho biết họ cung cấp thông tin cập nhật hàng tuần liên quan đến phụng vụ, tài chính, làm thế nào giáo dân có thể đóng góp cho giáo xứ của họ trong thời gian đóng cửa, và làm thế nào giáo xứ có thể mở lại các Thánh lễ công cộng và tiếp nhận các bí tích.

Các Giám mục trả lời cho biết họ đã hướng dẫn các giáo xứ tuân theo các hướng dẫn của nhà nước khi các Thánh lễ công cộng được nối lại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành quãng cách xã hội và cử hành Thánh lễ trong các không gian mở như bãi đỗ xe.

Về tài chính, các Giám mục nói rằng họ lo ngại rằng việc mất thu nhập từ các đóng góp Chúa Nhật sẽ tác động dữ dội đến giáo xứ. Họ cũng nói rằng họ lo lắng về ảnh hưởng của thất nghiệp gia tăng đối với giáo dân và ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Với những tổn thất về doanh thu, một số Giám mục nói rằng các nhân viên giáo xứ và giáo phận có thể phải giảm bớt. Để giúp các giáo xứ quản lý tài chính, các giáo phận đã cung cấp hỗ trợ theo nhiều cách khác nhau.

Chín mươi lăm phần trăm các Giám mục nói rằng giáo phận của họ đã giúp các giáo xứ nộp đơn cho các chương trình hỗ trợ của liên bang hoặc tiểu bang, như Chương trình Bảo vệ Tiền lương – Paycheck Protection Program. Các bước khác được thực hiện bởi các giáo phận bao gồm khuyến khích giáo dân xem xét việc đồng góp cho giáo xứ qua mạng điện tử (87%); đóng cửa các trường tiểu học Công Giáo (20%) hoặc trung học phổ thông (14%); sa thải nhân viên giáo phận (17%); nhân viên giáo phận nghỉ việc (16%); loại bỏ các chương trình giáo phận (15%); đóng cửa các giáo xứ (3%).

Một quan tâm khác của các Giám mục là họ tập trung vào việc mọi người sẽ trở lại Thánh lễ Chúa nhật sau một thời gian dài vắng bóng. Họ nói rằng không có giáo dân trở lại, triển vọng tài chính cho các thực thể giáo hội là nghiệt ngã.

Các Giám mục cho biết họ hy vọng giáo phận của họ sẽ nhận ra những hậu quả kinh tế lâu dài, đặc biệt là nếu các đóng góp hàng năm để hỗ trợ các bộ khác nhau không được thực hiện. Một Giám mục đã viết rằng "chúng tôi có thể phải để nhân viên ra đi. Sẽ không thể thực hiện tầm nhìn về việc truyền giáo mới và giáo lý bao gồm các chương trình đào tạo đức tin."

Các Giám mục cũng nghĩ đến khả năng thanh toán tài chính của các trường Công Giáo. Một số người được hỏi cho biết họ sợ rằng tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ dẫn đến việc phụ huynh không còn đủ khả năng chi trả học phí, khiến việc ghi danh giảm xuống và dẫn đến việc đóng cửa trường học. Việc đóng cửa như vậy đã xảy ra, theo Hiệp hội Giáo dục Công Giáo Quốc gia, với hơn 100 trường học đã tuyên bố họ đã đóng cửa kể từ khi kết thúc năm học vào mùa xuân.

Phần lớn các giáo phận cũng tăng cường cung cấp hỗ trợ công nghệ để giúp các giáo xứ phát hình trực tiếp Thánh lễ và cho phép các trường chuyển sang học trực tuyến trong một khung thời gian ngắn.

Sáu trong 10 Giám mục (62%) cho biết giáo phận của họ tham gia rất nhiều vào việc giúp đỡ các giáo xứ trực tuyến; 22% khác nói rằng họ có liên quan; 10% cho biết họ đã giúp một chút và 6% cho biết họ không giúp đỡ.

Các trường học đã nhận được rất nhiều hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi sang học trực tuyến vì 79% Giám mục trả lời rằng các giáo phận của họ đã giúp đỡ rất nhiều; 12% giúp được phần nào; 4% giúp một chút và 5% không giúp gì.

Công nghệ cũng cho phép các Giám mục giữ liên lạc với các nhân viên giáo phận của họ khi họ sắp xếp các cuộc họp ảo và liên lạc chia sẻ trực tuyến. Một Giám mục nói rằng ngài đã thu các video hỗ trợ cho nhân viên bệnh viện và một video khác cho giáo dân về sự chậm trễ trong việc lãnh nhận các bí tích.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: catholicnews.com
 
Tuyên bố của cảnh sát Quận Marion về âm mưu thiêu sống giáo dân đang cầu nguyện trong một nhà thờ tại Florida
Đặng Tự Do
16:24 12/07/2020

Như chúng tôi đã đưa tin một người đàn ông đã đâm một chiếc vận tải nhỏ vào cửa trước của nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình tại Ocala, Florida và sau đó châm lửa phóng hỏa với dụng tâm độc ác là thiêu sống anh chị em giáo dân đang cầu nguyện bên trong.

Trong cuộc họp báo vào chiều thứ Bẩy, 11 tháng 7, Trung Uý Billy Woods, cảnh sát trưởng Quận Marion, Florida cho biết các chi tiết sau:

Hung thủ tên là Stephen Anthony Shields, 24 tuổi, cư ngụ tại Dunnellon, Florida. Cảnh sát đã khởi tố y về tội giết người, đốt phá, trộm cắp và trốn tránh bị bắt giữ.

Trung Uý Billy Woods cho biết sau khi đâm chiếc minivan của mình vào cửa trước của nhà thờ, Shields đã đổ xăng vào các hàng ghế trong nhà thờ và châm lửa đốt trong một mưu toan rõ rệt là muốn thiêu sống anh chị em giáo dân bên trong.

Shields đã lái xe bỏ chạy khi các viên chức cảnh sát đến nơi. Sau một cuộc rượt đuổi ngắn, y đã bị bắt giữ.

Theo các lời khai ban đầu, Shields nói với cảnh sát rằng hắn đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt nhưng hiện không dùng thuốc theo toa. Y nói rằng y thức dậy vào sáng thứ Bảy và cảm thấy có một nhiệm vụ phải hoàn thành vào sáng ngày hôm đó, và hắn ta đã mua xăng tại một trạm xăng gần đó để tấn công nhà thờ.

Shields cũng trích dẫn Kinh Thánh, đặc biệt là Sách Khải Huyền, để bào chữa cho hành động này của mình và tuyên bố với cảnh sát y phản đối Giáo Hội Công Giáo. Y nói với các viên chức cảnh sát rằng y hiểu những hậu quả của hành động của mình, tuy nhiên y huênh hoang cho rằng hành vi đốt phá này là chuyện “thật đẹp” và tự coi mình là vua.

Năm ngoái 2019, Shields đã bị bắt sau khi vung xà beng vào một người phụ nữ và nói rằng hắn muốn giết cô. Shields nói rằng anh ta muốn giết người phụ nữ bằng xà beng của mình để không làm bẩn lưỡi dao găm của hắn.

Trung Úy Billy Woods kết luận rằng: “Quyền tự do thờ phượng của chúng ta được ban hành trong Hiến pháp là một quyền tự do mà tất cả chúng ta đều yêu quý. Nghĩa vụ của tôi là bảo vệ quyền này và tôi đã tuyên thệ bảo vệ quyền đó và sẽ luôn bảo đảm nhân quyền căn bản này để các công dân của chúng ta có thể thờ phượng trong an bình. Tôi tự hào về nghĩa vụ này của mình, và vì đã bắt giữ người đàn ông này rất nhanh chóng. Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ từ tất cả các cơ quan tiểu bang và liên bang đã làm việc cùng với chúng tôi trong cuộc điều tra này.”


Source:Catholic News Agency
 
Ngày 16 tháng 7 hành hương ảo đến Lộ Đức để khẳng định lời cầu nguyện chống lại COVID-19
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:47 12/07/2020
Một cuộc hành hương quốc tế ảo (international virtual pilgrimage) đến đền thánh Đức Mẹ tại Lộ Đức, Pháp, sẽ "khẳng định sức mạnh của lời cầu nguyện" chống lại COVID-19, Phó Giám đốc đền thánh cho biết.

"Lộ Đức là tất cả về sự chữa lành về tinh thần và thể xác, và chúng tôi đã nhận được 15.000 thỉnh nguyện hàng ngày trong suốt thời gian bị phong tỏa mọi nơi trên thế giới - cho những người sắp chết hoặc sợ bị nhiễm trùng", Cha Xavier d’Arodes de Peyriague, Phó Giám đốc và người đứng đầu về mục vụ quốc tế cho biết.

"Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng chúng tôi không chỉ cầu nguyện cho người ở Lộ Đức, nhưng cho những người có nhu cầu trên toàn thế giới - và cuộc hành hương điện tử (e-pilgrimage) này sẽ tôn vinh sự hiện diện của họ trong một sự khẳng định tuyệt vời về sức mạnh của lời cầu nguyện." Vị linh mục nói trong lúc chuẩn bị cho sự kiện ngày 16 tháng 7, đánh dấu sự mở cửa chính thức của Pháp sau bốn tháng đóng cửa. Ngày 16 tháng 7 lại trùng hợp với ngày 16.7.1858, kỷ niệm lần hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ với em Bernadette Soubirous tại Lộ Đức.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 10 tháng 7 với Catholic News Service - Dịch vụ Tin tức Công Giáo, ngài cho biết cuộc hành hương điện tử đa thế hệ và đa văn hóa kéo dài 15 giờ sẽ bao gồm đọc kinh Mân Côi, các bài đọc, âm nhạc và video lưu trữ bằng 10 ngôn ngữ minh họa sứ mệnh của trung tâm hành hương Lộ Đức, cũng như ba Thánh lễ quốc tế liên tiếp cho Châu Á và Châu Đại Dương, Châu u và Châu Phi, và Châu Mỹ.

"Đền thánh này chưa bao giờ đóng cửa trước đây - ngay cả trong hai cuộc chiến tranh thế giới và các chấn thương lớn khác, và thật phi thường khi đền thánh đứng một mình tại hang động thường xuyên đông đúc du khách, " Cha d’Arodes nói. "Chúng tôi đã phải điều chỉnh những lời cầu nguyện của chúng tôi từ tập trung vào việc chữa lành cá nhân trước những thách thức của đại dịch. Nhưng năm lần so với số lượng bình thường hiện đang theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội, trong khi chúng tôi phát qua các kênh Công Giáo trên toàn thế giới."

Lộ Đức, gần dãy núi Pyrenees phía nam, hàng năm thu hút tới 5 triệu du khách và là nơi hành hương kể từ năm 1858, khi Bernardette Soubirous, 14 tuổi, trải nghiệm lần đầu tiên trong số 18 lần nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria khi đang kiếm củi.

Một trang web tuyên bố đền thánh phải đối mặt với "tổn thất lịch sử" 8 triệu euro (tương đương 9.06 triệu USD) từ khi việc đóng cửa được thi hành và sẽ kêu gọi tài trợ trong cuộc hành hương ảo. Trong cuộc phỏng vấn, Cha d’Arodes cho biết, Lộ Đức phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức và tài năng của 320 nhân viên toàn thời gian, cũng như 100.000 tình nguyện viên đến mỗi năm và đã cố gắng hết sức để giữ họ.

Tuy nhiên, ngài cảnh báo vẫn chưa rõ khi nào điều kiện y tế và khả năng đi lại sẽ cho phép những người hành hương bị bệnh quay trở lại. "Hiện tại, chúng tôi đề nghị những người mong manh và dễ bị tổn thương vẫn ở nhà - mặc dù một số người khuyết tật đã đến, chúng tôi đã phải thay đổi cách thức được thực hiện ở đây, đóng cửa nhà tắm đền thánh, đình chỉ đám rước và hạn chế chuỗi tràng hạt đuốc sáng", ngài nói. "Nhưng mọi người đang cần niềm tin và hy vọng, và thay vào đó chúng tôi đang khởi động một cộng đoàn số (digital community), nó đang xây dựng đáng kinh ngạc mọi lúc."

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

Nguồn: Catholic News Service
 
130 trí thức cấp tiến tuyên bố trên báo cấp tiến: Hãy triệt tiêu nền Văn hóa Triệt tiêu
Vũ Văn An
18:01 12/07/2020

Theo ký giả David Mills (https://stream.org/cancel-liberal-cancel-culture-say-130-liberal-intellectuals/ntellectuals/rs.org), 130 nhà trí thức cấp tiến đã đăng một bức thư ngỏ tựa là “Một Lá thư về Công lý và Tranh luận Công khai” trên tờ báo cấp tiến Harper ngày 7 tháng 7 kêu gọi triệt tiêu nền Văn Hóa Triệt Tiêu (Cancel Culture) với nội dung như sau:



Các định chế văn hóa của chúng ta đang phải đương đầu với một thời điểm thử thách. Những cuộc biểu tình mạnh mẽ đòi công lý chủng tộc và xã hội đang dẫn đến những yêu cầu trễ hạn buộc phải cải cách ngành cảnh sát, cùng với những lời kêu gọi rộng rãi hơn đòi bình đẳng và hòa nhập khắp trong xã hội của chúng ta, chứ không chỉ trong giáo dục đại học, báo chí, nhân đạo và nghệ thuật. Nhưng việc tính sổ cần thiết này cũng đã tăng cường một loạt các thái độ luân lý và các cam kết chính trị mới có xu hướng làm suy yếu các quy tắc tranh luận cởi mở và khoan dung các khác biệt để phục vụ cho lợi ích ý thức hệ. Chúng tôi hoan nghênh sự phát triển thứ nhất, nhưng xin chống lại sự phát triển thứ hai. Các lực lượng phi cấp tiến đang nhận được sức lực khắp thế giới và có một đồng minh hùng mạnh nơi Donald Trump, người đại diện cho một mối đe dọa thực sự đối với nền dân chủ. Nhưng phái kháng cự không được phép làm mình khô cứng trở thành thứ thương hiệu giáo điều hay thúc ép của chính mình, điều mà những kẻ mỵ dân cánh hữu đang khai thác. Chính sách bao hàm dân chủ mà chúng ta muốn chỉ có thể đạt được nếu chúng ta lên tiếng chống lại bầu khí bất khoan dung đang bàng bạc tứ phía.

Việc tự do trao đổi các thông tin và ý tưởng, vốn là huyết mạch của một xã hội cấp tiến, ngày càng trở nên bị hạn chế hơn. Mặc dù chúng ta đã tiến tới chỗ biết kỳ vọng điều này nơi phe hữu cấp tiến, tính ưa phê bình chỉ trích (censoriousness) cũng lan rộng hơn trong nền văn hóa của chúng ta: bất khoan dung đối với các quan điểm đối lập, mốt ưa nhục mạ và tẩy chay công khai, và xu hướng muốn làm tan biến các vấn đề chính sách phức tạp với một thái độ chắc nịch về mặt luân lý. Chúng ta đề cao giá trị của ngôn từ phản kháng (counter-speech) ngay thẳng và thậm chí chua cay từ mọi phía. Nhưng hiện nay, chuyện quá thông thường là nghe thấy những lời kêu gọi trừng phạt nhanh chóng và nghiêm khắc để trả đũa những điều được tri nhận là vi phạm tới ngôn luận và suy nghĩ. Tuy nhiên điều gây bối rối hơn nữa là các nhà lãnh đạo định chế, trong tinh thần hoảng loạn muốn kiểm soát thiệt hại, đang đưa ra các hình phạt vội vã và không cân xứng thay vì các cải cách có xuy xét. Các chủ bút bị sa thải vì cho công bố các bài viết gây tranh cãi; sách bị thu hồi vì cáo buộc giả mạo; các nhà báo bị cấm viết về một số chủ đề; các giáo sư bị điều tra vì đã trích dẫn các tác phẩm văn học trong lớp; một nhà nghiên cứu bị sa thải vì phát tán một nghiên cứu học thuật được đồng nghiệp đánh giá; và những vị đứng đầu các tổ chức bị lật đổ vì những điều đôi khi chỉ là những sai lầm vụng về. Bất kể những lập luận chung quanh từng biến cố đặc thù, kết quả vẫn đã thu hẹp dần các ranh giới của những điều được nói mà không bị đe dọa trả đũa. Chúng ta đã phải trả giá bằng việc sợ gặp rủi ro lớn hơn nơi các nhà văn, nghệ sĩ và nhà báo, những người lo sợ cho sinh kế của họ nếu họ xa rời sự đồng thuận, hoặc thậm chí không nhiệt tình đủ với đồng thuận này.

Bầu không khí ngột ngạt này tối hậu sẽ gây hại cho các chính nghĩa quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Sự hạn chế tranh luận, cho dù bởi một chính phủ áp chế hay một xã hội bất khoan dung, luôn gây tổn thương cho những người thiếu quyền lực và khiến mọi người không còn khả năng tham gia dân chủ. Cách để đánh bại những ý tưởng tồi là bằng cách trình bày, lập luận và thuyết phục, chứ không phải bằng cách cố gắng làm chúng im bặt hoặc muốn chúng khuất dạng. Chúng ta bác bỏ bất cứ lựa chọn sai lầm nào giữa công lý và tự do, những điều không thể tồn tại nếu không có nhau. Là những người viết, chúng ta cần một nền văn hóa biết chừa chỗ để chúng ta thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và thậm chí sai lầm. Chúng ta cần bảo tồn khả thể bất đồng đầy thiện chí mà không phải chịu các hậu quả nghiêm trọng về nghề nghiệp. Nếu chúng ta không bảo vệ chính điều mà công việc của chúng ta phụ thuộc vào, chúng ta không nên mong đợi công chúng hoặc nhà nước bảo vệ cho chúng ta.



Nền Văn Hóa Triệt Tiêu

Nhận định về lá thư trên, David Mills cho rằng đây là chuyện lạ trong việc bảo vệ tự do ngôn luận. Người ta biết trong thập niên 1950, các nhà trí thức cấp tiến gây ấn tượng bằng cách bênh vực tự do ngôn luận khi đa số người dân Hoa Kỳ không thích việc này. Họ lớn tiếng chống lại thuyết của Thượng nghị sĩ McCarthy và các mưu toan khác nhằm giới hạn ngôn từ chính trị. Họ lớn tiếng bênh vực tự do nghệ thuật. Cuối cùng phần lớn Hoa Kỳ đã đi theo.

Những nhà cấp tiến nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ nên cho phép cả những ngôn từ xúc phạm để bảo vệ ngôn luận của mọi người. Như Hiệp Hội Tư Do Dân Chính Hoa Kỳ từng phát biểu, chúng ta không cần Tu Chính Thứ Nhất để bảo vệ các ý tưởng được lòng dân: “lịch sử dạy rằng mục tiêu đầu tiên của việc chính phủ áp chế không bao giờ sống lâu. Nếu chúng ta không ra tay bảo vệ các quyền tự do ngôn luận của những người ít được lòng dân nhất giữa chúng ta, cho dù các quan điểm của họ phản đạo đức đối với chính nền tự do mà Tu chính Thứ nhất vốn đại diện cho, thì không một quyền tự do của bất cứ ai được bảo đảm”.

Nhưng đó là lúc đó. Còn bây giờ, phần lớn phe tả dấn thân vào nền văn hóa triệt tiêu, chủ trương “đường tôi hay xa lộ” (không theo tôi sẽ bị triệt hạ) (1). Những ai bất đồng với nền chính thống cấp tiến đều không những sai mà còn xấu xa và phải bị làm cho câm họng. Và nếu có thể, bị làm nhục công khai và thất nghiệp.

Cho đến nay, những người đồng nghiệp ở cánh tả của họ chưa hề dám hó hé.

Những khuôn mặt lớn

Nhưng rồi, họ vừa hó hé, trên tạp chí cấp tiến Harper’s. Trong một bản tuyên bố tựa là “Một Lá thư về Công lý và Tranh luận Công khai”, khoảng 130 khuôn mặt lớn của thế giới cấp tiến lên tiếng đòi tự do ngôn luận. Noam Chomsky, niên trưởng các nhà phê bình cấp tiến của Hoa Kỳ. Tác giả của Handmaid’s Tale, Margaret Atwood. Thần tượng và anh thư duy nữ Gloria Steinem. Nhà vận động cho hôn nhân đồng tính Jonathan Rauch và một số đồng nghiệp của ông ta ở tập san Atlantic. Malcolm Gladwell và khá nhiều đồng nghiệp tại New Yorker . Matthew Yglesias của tập san Vox. Tổ phụ xã hội chủ nghĩa Michael Walzer. Jeet Heer, phóng viên quốc sự của tạp chí cánh tả hàng đầu của Hoa Kỳ, tức tờ The Nation. Khôi nguyên Giải Pulitzer Steven Pinker. Bari Weiss, người giữ mục của New York Times. Các nhà duy nữ cánh tả hàng đầu. Hàng loạt các giáo sư của Harvard, Princeton, Yale và Stanford. Và nổi tiếng hơn cả có J. K. Rowling, tác giả Harry Potter.

Và họ nói gì trong non 500 chữ? Họ nói cách chung chung và không bao giờ nói chính xác họ chống lại ai. Họ nói chống lại “một loạt các thái độ luân lý và các cam kết chính trị mới có xu hướng làm suy yếu các quy tắc tranh luận cởi mở và khoan dung các khác biệt để phục vụ cho lợi ích ý thức hệ”. Là những người cấp tiến, họ nhấn mạnh tới việc cần suy nghĩ lại các vấn đề chủng tộc và cảnh cáo Donald Trump và “cánh hữu cấp tiến” (the radical right).

Cơn cuồng loạn của nền Văn hóa Triệt tiêu

Nhưng mục tiêu không nêu tên của họ rõ ràng là những kẻ cuồng loạn của nền Văn hóa Triệt tiêu. Những người này đòi hỏi bất cứ ai bị họ coi là nói sai phải nhanh chóng và nghiêm khắc bị trừng phạt. Các người đang điều khiển các định chế của chúng ta, những người đang cố gắng chống đỡ lưng của mình, phải làm điều họ yêu cầu.

Những người ký tên vào lá thư đưa ra một số thí dụ tổng quát: “Các chủ bút bị sa thải vì cho công bố các bài viết gây tranh cãi; sách bị thu hồi vì cáo buộc giả mạo; các nhà báo bị cấm viết về một số chủ đề; các giáo sư bị điều tra vì đã trích dẫn các tác phẩm văn học trong lớp; một nhà nghiên cứu bị sa thải vì phát tán một nghiên cứu học thuật được đồng nghiệp đánh giá; và những vị đứng đầu các tổ chức bị lật đổ vì những điều đôi khi chỉ là những sai lầm vụng về”.

Lá thư kết thúc bằng cách nhắc lại thái độ cấp tiến cổ điển đối với việc thảo luận công khai: “Chúng ta đề cao giá trị của ngôn từ phản kháng (counter-speech) ngay thẳng và thậm chí chua cay từ mọi phía... Sự hạn chế tranh luận, cho dù bởi một chính phủ áp chế hay một xã hội bất khoan dung, luôn gây tổn thương cho những người thiếu quyền lực và khiến mọi người không còn khả năng tham gia dân chủ. Cách để đánh bại những ý tưởng tồi là bằng cách trình bày, lập luận và thuyết phục, chứ không phải bằng cách cố gắng làm chúng im bặt hoặc muốn chúng khuất dạng”.

Lý lẽ hơn phản ứng. Đối thoại và tranh luận thay vì tố cáo. Đàm thoại, chứ không khinh miệt. Tự do, chứ không ép buộc. Cố gắng thuyết phục, chứ không kết án và thúc bách. Chủ nghĩa cấp tiến cổ điển nhằm bênh vực văn minh, trong đó, người ta, khi sống chung trong một quốc gia, cố gắng tạo lập xã hội tốt nhất có thể, bằng cách cùng nói chuyện và suy nghĩ với nhau. Như các cha ông lập quốc từng làm khi tạo lập quốc gia này, trong một phát triển đáng ngạc nhiên nhất trong lịch sử chính trị hoàn cầu.



Văn hóa Triệt tiêu ghét điều đó

Nhưng nền Văn hóa Triệt tiêu không ưa những điều trên. Chủ nghĩa cấp tiến trung kiên ghét nó. Họ ghét ý niệm một ai khác có thể đúng, nên lắng nghe những người khác. Theo David Mills, rất nhiều người không đồng ý với lá thư trên.

Nhà văn cánh tả Fredrik deBoer thấy điều đó. Ông tin rằng “cuộc nổi dậy chính trị hiện thời có cơ may trở thành một phát triển cực kỳ tích cực”. Nhưng ông không cho rằng nó là chủ nghĩa cấp tiến cổ điển.

Trên trang mạng riêng của mình, ông yêu cầu các người cấp tiến “chấm dứt trò chơi” của họ và nhìn nhận rằng họ quả bác bỏ tự do ngôn luận. “Dĩ nhiên, Yelling Woke Twitter (Tỉnh Giấc La To) ghét tự do ngôn luận! Dĩ nhiên những người cấp tiến kêu gào công bằng xã hội luôn ngăn cản những phát biểu họ không nhất trí với nếu họ có thể làm thế! Bất cứ con người trung thực nào quan sát các phát ngôn chính trị của chúng ta bất cứ dài lâu thế nào lại có thể kết luận cách khác? ”

Ông bảo “Thật vậy, mọi người đều âm thầm biết rằng đa số áp đảo các người cấp tiến đơn giản không còn tin giá trị của tự do ngôn luận nữa”.

Nhưng ít nhất, khá nhiều nhà cấp tiến hàng đầu nay tin và cuối cùng đã lên tiếng nói ra như thế. Những người luôn báo động bất công xã hội, nhất là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (woke), sẽ tự tỏ ra kỳ quặc lếu tìm cách triệt tiêu Noam Chomsky và Gloria Steinem.
_____________________________________________________________________________________________________
(1) Dịch từng chữ của lối nói “my way or the highway”, một kiểu nói có nghĩa là không có cách nào khác (ngoại trừ bỏ đi) ngoài việc chấp nhận ý kiến hay chính sách của người nói.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Phêrô Nguyễn Khắc Tự GP Hà Tĩnh Mừng lễ Quan thầy.
Ban Truyền Thông Liên Đoàn
08:13 12/07/2020
Ngày 08/07/2020, ngày mừng lễ Quan thầy thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự của Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT) Giáo phận Hà Tĩnh đã quy tụ hơn 2000 tham dự viên từ các Giáo xứ trở về Giáo xứ Nhân Thọ - Quảng Bình để tham dự. Quảng Bình cũng chính là mảnh đất mà thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự đã chịu tử đạo. Một con người tuy không phải là vĩ nhân nhưng lại can đảm trở nên chứng nhân của Tin Mừng Nước Chúa. Và hôm nay ngày lễ mừng kính thánh nhân tất cả đã quy tụ trên mảnh đất này để chia sẻ với nhau trong cùng một chí hướng là góp phần truyền giảng Tin mừng của Chúa cho muôn dân.

Xem Hình

Sau chặng đường hơn 6 năm tái thành lập tại Giáo phận Vinh, công việc huấn giáo giới trẻ và thiếu nhi đã gặt hái được nhiều hoa trái tốt lành. Nhưng sau khi Giáo phận Hà Tĩnh được thành lập thì TNTT cũng đã chia tách riêng khỏi Liên đoàn “mẹ”, và đang cố gắng kế tục truyền thống tốt đẹp đó với hành trình hơn một năm qua cho những bước đi đầu tiên của riêng mình. Trải qua 10 năm hình thành và phát triển trên mảnh đất Nghệ - Tĩnh – Bình, với 10 mùa THẮP SÁNG, mỗi khó khăn gắn liền với mỗi chặng đường khác nhau, nhưng TNTT Giáo phận Hà Tĩnh sẽ không ngừng vươn lên.

Được chính thức thành lập từ khi có nghị định của Đức Giám Mục Giáo phận vào ngày 9/7/2019. Mang tên và nhận thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự làm Bổn mạng, Liên đoàn TNTT Giáo phận Hà Tĩnh vẫn luôn cố gắng cho từng bước tiến mới. Với 63 Xứ đoàn được thành lập theo nội quy, điều đó cho thấy sự nỗ lực đã đem lại nhiều hoa trái ngọt lành trong công tác đào tạo, huấn luyện giới trẻ và thiếu nhi trong toàn Giáo phận. Tất cả đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, năng động, luôn vững tin để hội nhập cùng TNTT toàn quốc và trên thế giới.

Có lẽ đây cũng là lý do mà niềm vui ngày lễ năm nay như được nhân lên và còn vinh hạnh được đón vị cha chung của Giáo phận đến chia sẻ, hiệp dâng thánh lễ trong ngày trọng đại này. Ngày mà Liên đoàn TNTT cùng hiệp ý với quý thầy cô giáo lý viên trong toàn Giáo phận mừng lễ kính thánh Phêrô Nguyền Khắc Tự, một thầy giảng tử đạo.

Không khí mừng lễ đã được khởi động với việc học hỏi cách đặc biệt về khung cảnh Thánh Kinh trong giáo dục TNTT xuyên suốt từ sau giờ khai mạc cho đến buổi chiều. Một chương trình vừa vui chơi, vừa đào luyện thêm về kiến thức giáo lý, nhân bản, kỹ năng sinh hoạt, v.v…

Cao điểm của ngày mừng lễ hôm nay là thánh lễ được diễn ra vào lúc 16h00, do Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ tế, cùng đồng tế có quý cha Tuyên úy Liên đoàn, các Hiệp đoàn và Xứ đoàn. Cũng trong thánh lễ này, Hiệp đoàn Phêrô Borie Cao - Giáo hạt Bình Chính được chính thức thành lập. Nghi thức và trao ủy nhiệm thư cho Ban điều hành do Đức cha chủ sự ngay đầu thánh lễ. Đây là Hiệp đoàn thứ 5 được thành lập theo nội quy, qua đó, giúp cho việc hoạt động và quản lý của Liên đoàn được dễ dàng hơn.

Ước gì sau ngày mừng lễ năm nay, mọi người được hâm nóng lại tinh thần và nhiệt huyết hơn trong công cuộc truyền giáo, góp phần vun đắp đức tin cho thế hệ trẻ hiện tại cũng như tương lai. Từ những chia sẻ của quý cha, đặc biệt là những tâm tư của Đức cha Phaolô đã chia sẻ trong thánh lễ sẽ giúp người trẻ có một cái nhìn tích cực hơn cho hành trình của tương lai. Những hành trình mà chúng ta phải bước đi bằng kiến thức sâu rộng, suy nghĩ sâu xa, như chính lời Đức cha đã nói: “Hãy ra đi bằng chính cái đầu chứ không phải bằng cái đầu gối”.





Ban Truyền Thông Liên Đoàn
 
Đan Viện Biển Đức Thiên Bình khai mạc Năm Thánh mừng 50 năm Thành lập
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
21:53 12/07/2020
Sáng Thứ Bảy 11/7/2020, Cha Đan Trưởng, qúy cha, quý đan sĩ khấn trọng và mọi thành viên trong Đan Viện Biển Đức Thiên Bình đã hân hoan chào đón Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc, đến chủ sự nghi thức và Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh, mừng 50 năm Thành lập của Đan viện.

Xem Hình

9g00: Đức Cha Giáo phận chủ sự nghi thức Khai mạc Năm Thánh tại cuối Nhà Thờ của Đan Viện với sự hiện diện hiệp thông của Viện Phụ Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, quý Cha quản hạt, quý Cha khách, quý Cha thuộc Đan viện Thiên Bình, tu sĩ nam nữ, và mọi người. Sau lời mời gọi khởi đầu nghi thức của Đức Cha Giáo phận với cộng đoàn, Cha Phó Đan trưởng đã đọc Sắc Lệnh của Tòa n Giải Tối Cao về việc Tòa Thánh cho phép Đan Viện Biển Đức Thiên Bình cử hành Năm Thánh. Nghi thức khai mạc tiếp theo với phần sám hối, lời nguyện dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Trinh nữ Maria, và
các Thánh để cầu xin cho mọi người “sống năm ân sủng này trong tình yêu và với Cha, và với tha nhân trong niềm vui của Tin Mừng”. Tiếp sau đó, Đức Cha Giáo Phận đã long trọng mở cửa Nhà Thờ, một biểu tượng cho việc Cửa Năm Thánh được mở ra “Cửa dẫn vào nơi Chúa ngự” (Tv 118, 20) – một Năm hồng ân mà Đan Viện cũng như mọi người khi đến nơi đây để hành hương, kính viếng sẽ được lãnh nhận những hồng ân, lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai tìm kiếm Người. Trong sự trang nghiêm và đầy tràn ý nghĩa, Đức Cha đã dẫn đầu đoàn đồng tế tiến vào bên trong Nhà Thờ và tiếp tục dâng Thánh Lễ.

Trong bài giảng, trước khi chia sẻ các ý suy niệm trực tiếp từ Tin Mừng Gioan 15, 9-17, Đức Cha Giáo Phận đã nói đến niềm vui mà Đan Viện đang cảm nhận. Niềm vui từ bên ngoài- khi mọi người hiện diện nơi đây-, cho đến niềm vui sâu xa, lớn lao và trọng đại mà Chúa ban cho Đan viện vì đã “vượt qua được hành trình dài 50 năm với biết bao khó khăn, gian khổ để có ngày hôm nay”. Niềm vui trọng đại này chính là Năm Thánh, như Đức Cha nói đến: năm của hồng ân, năm “cởi trói những tội lỗi” khiến mọi người, nhất là quý thành viên trong Đan viện, cảm nhận được sự bình an, thanh thản. Để rồi, không chỉ là việc nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, nhưng như Đức Cha nhấn mạnh, mỗi người cũng sẽ mở ra sự tha thứ để cởi trói cho tha nhân những sai lỗi mà họ đã xúc phạm, hay “nợ” mình. Và như vậy, sự bình an, thanh thản và hạnh phúc đến cho từng người. Và ý tưởng từ niềm vui, hạnh phúc đã dần được Đức Cha đi tới chủ đề “luật yêu thương” mà Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ Ngài.

Đức Cha nói rằng, “dường như ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang trao lại lời trăn trối của Ngài cho Đan viện: ‘Các con hãy yêu thương nhau’.” Đức Cha nói tiếp, chính tình yêu thương lẫn nhau trong cộng đoàn đan viện, sẽ làm cho bầu khí, không gian tại Đan viện trở nên bình an, thấm chất yêu thương, mà bất cứ ai khi đến Đan viện đều cảm nhận được. Nhưng đó không phải là một tình yêu bình thường, nhưng như Đức Cha nhấn mạnh, đó phải là “tình yêu có chất thần linh”: một tình yêu Cha yêu con, cũng như Con yêu Cha, tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Và như Đức Cha khẳng định, tình yêu thần linh của Chúa sẽ đổ tràn xuống trên Đan viện, trên bất kỳ ai dám mở lòng mình ra để đón nhận tình yêu ấy. Để rồi, họ sẽ yêu người khác như Chúa yêu, và làm cho tình yêu đó có sức biến đổi người khác.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha Giáo phận đã nhắc lại cho mọi thành phần của Đan Viện lệnh truyền của Chúa Giêsu “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Nhưng, như Đức Cha nhấn mạnh, các đan sĩ chỉ có thể ở lại trong tình yêu của Chúa, nếu họ dám để cho Chúa cởi trói những ràng buộc tội lỗi, để cho mình “được’ Chúa yêu, Nhờ đó, họ mới có thể thực hiện được giới răn yêu thương nhau mà Chúa muốn họ thi hành.

Đồng thời, cũng vẫn những huấn từ trong tư cách Đấng Chủ Chăn Giáo phận, trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Cha đã nhắc nhở các đan sĩ hãy tiếp tục cố gắng tìm kiếm Chúa, lấy Chúa làm gia nghiệp đời đan tu của họ. Để nhờ đó, hạnh phúc nội tâm nơi các đan sĩ sẽ lan toả ra bên ngoài, hấp dẫn nhiều người tìm đến Chúa nơi Đan viện này. Và như Đức Cha kết luận mang tính biểu tượng, Đan viện nơi đây sẽ trở nên “con tim” của Giáo phận, thông chuyển “những giọt máu của yêu thương”, nguồn của lòng thương xót của Chúa, của Giáo Phận cho những người đến với Đan viện, các đan sĩ nơi đây.

Dù hiện diện trong vai trò Chủ Chăn, nhưng trước khi ban Phép Lành Toàn Xá, Đức Cha Giuse đã thay mặt quý Đức Cha Phụ Tá Gioan, Đức Cha Cố Đa Minh, quý Cha cũng như mọi người để nói lời cám ơn đến quý Cha Đan Trưởng, quý cha, quý đan sĩ, mọi thành viên của Đan Viện Thiên Bình, vì sự hiện diện, cũng như cùng đồng hành, chia sẻ với Giáo Phận trong ơn gọi, cũng như các hoạt động hỗ trợ với Giáo phận của các đan sĩ Đan Viện Thiên Bình.

Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh mừng 50 năm Thành lập Đan Viện Biển Đức Thiên Bình đã kết thúc với Phép Lành Toàn Xá do Đức Cha Giáo phận ban cho mọi người.

Các ngày lễ được lãnh ơn Toàn Xá trong Năm Thánh mừng Kim Khánh thành lập Đan Viện Biển Đức Thiên Bình:

Ngày 11.07.2020 Lễ kính Thánh Tổ phụ Biển Đức, Khai mạc Năm Thánh.

Ngày 22.11.2020 Lễ kính trọng thể Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ.

Ngày 03.01.2021 Lễ Chúa Hiển Linh.

Ngày 19.03.2021 Lễ Kính Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria.

Ngày 11.07.2021 Thánh lễ Bế Mạc Năm Thánh.

Tin, hình ảnh: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
VietCatholic TV
Các Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ lên tiếng về phong trào BLM và những hệ luỵ của nó
Giáo Hội Năm Châu
08:57 12/07/2020

Chưa bao giờ, kể từ khi quân đội Mỹ tham chiến ở chiến trường Việt Nam cho đến thời gian gần đây, nước Mỹ lại lâm vào cuộc khủng hoảng niềm tin và phân hoá xã hội nặng nề và sâu rộng như bây giờ. Cái chết của George Floyd như giọt nước tràn ly, như đốm lửa làm bùng cháy sự phẫn nộ chẳng những của những người dận da đen đối với người Mỹ trắng, mà còn của nhiều người da trắng có cùng quan điểm về nạn kỳ thị chủng tộc và đặc biệt là sự tàn bạo của cảnh sát đối với những đối tượng hình sự.

Tệ hại hơn nữa, những cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng trắng-đen và giải thể cảnh sát của phong trào Black Lives Matter (tạm dịch là BLM Mạng Người Da Đen Đáng Kể) đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát của chính quyền địa phương nhiều nơi, trở thành một thảm hoạ xã hội đối với những người dân đang sinh sống và làm việc tại những thành phố huyết mạch của nước Mỹ. Ngay cả những tượng đài lịch sử, những hình ảnh, sách vở có liên hệ đến lịch sử nô lệ da đen, thậm chí các cơ sở tôn giáo có tượng ảnh Chúa cũng bị liệt vào danh sách thù địch, cần phải được đập bỏ vì mang tinh thần “da trắng thượng đẳng”!

Điều đáng buồn ở chỗ, sự đồng cảm và ủng hộ của nhiều người dành cho phong trào BLM đang dần bị sói mòn và chỉ trích vì gắn liền với bạo động và bế tắc. Nạn cướp của, giết người bừa bãi trong các thành phố từ sau khi phong trào BLM được khởi xướng không chỉ xảy ra cho người da trắng hay Á Châu mà còn xảy ra giữa những người người da đen, đặc biệt là trong những khu tự trị của phong trào này.

Theo thị trưởng thành phố Atlanta Keisha Lance Bottoms -cũng là người đa đen- trong vòng vài tuần qua đã có 75 người bị bắn trong thành phố bà chịu trách nhiệm bảo vệ. Trong buổi họp báo kêu gọi chấm dứt bạo động, bà phẫn nộ nói “Đã đủ rồi.... Các anh không thể đổ lỗi cho cảnh sát Atlanta... Chúng ta đang chống lại kẻ thù ở trong chính hàng ngũ của mình khi chúng ta tự bắn nhau trên đường phố và các anh bắn chết một đứa bé, một trẻ thơ 8 tuổi. Nếu các anh muốn người ta nghĩ về mình một cách nghiêm túc thì các anh không thể để vuột mất giây phút thế này. Chúng ta càng không thể để mất nhau trong cuộc đấu tranh này”

Chia sẻ ý tưởng với thị trưởng Bottoms còn có vô số những lãnh đạo, những nhà hoạt động, những nghệ sĩ cùng mau da với bà như Killer Mike, Clifford Joseph Harris, Bernice King, và tiến sĩ Joe Beasley, người tranh đấu cho dân quyền nổi tiếng tại địa phương.

Về phía Giáo Hội Công Giáo, trên tờ Miami Herald số ra ngày 9 tháng Bảy có đăng tải nhận định của Đức Cha Thomas Daly, giáo phận Spokane, tiểu bang Washington về đoạn video do ông Rob McCann, Giám đốc điều hành Hội Từ Thiện Công Giáo miền Đông Washington phát hành vào ngày 19 tháng Sáu. Trong đoạn video này, giám đốc Mc Cann nói “Giáo Hội Công Giáo của tôi, Hội Từ Thiện Công Giáo của tôi đều kỳ thị. Làm sao không kỳ thị được khi truyền thống Công Giáo được xây trên nền tảng của một hài nhi trong máng cỏ tại Trung Đông là một hài nhi da trắng? Như thế, sao chúng ta có thể ngạc nhiên được khi biết rằng chúng ta là một giáo hội cần phải chống lại sự kỳ thị, ngay cả bây giờ”

Ngày 5 tháng Bảy, Đức Cha Daly phản biện lại đoạn video trên như sau:

Phong trào Black Lives Matter có những xung đột với giáo hội về các mặt hôn nhân, gia đình và tính cách thiêng liêng của sự sống. Thêm vào đó, có một sự bất ổn ở chỗ BLM chưa hề lên án nạn bạo động xảy ra gần đây đã làm bao nhiêu thành phố tan nát. Thái độ thinh lặng của phong trào không bị bỏ qua đâu. Người ủng hộ mạng sống người da đen thì không thể đứng chung hàng ngũ với BLM”

Đức cha Daly nhận định về tuyên bố của giám đốc Mc Cann như sau: “Những lời trình bày thẳng thừng của ông Mc Cann được nhiều người diễn giải là áp đặt những cáo buộc sai trái lên người da trắng và Giáo Hội Công Giáo”.

Theo ngài, đã có những thay đổi đang được giáo hội thực hiện như: quyên góp cho Quỹ Từ Thiện Công Giáo thường niên được thay thế bằng hoặc cùng lúc với quyên góp cho người da đen và da đỏ; yêu cầu các nhà bảo trợ quỹ từ thiện Công Giáo tài trợ cho các diễn giả nói về chủng tộc, và các tổ chức từ thiện Công Giáo nói về nạn phá thai cũng như ảnh hưởng của nó trong các cộng đồng người da đen.

Cũng cùng một nhận định như của Đức cha Daly, trên trang Breitbart, Đức Cha Joseph Strickland của giáo phận Tyler, tiểu bang Texas cũng cho đăng tải một đoạn tweet kêu gọi các giáo dân tự tìm biết về phong trào Black Lives Matter, sau khi phong trào này đưa ra tuyên ngôn của mình. Theo Đức Cha, phong trào này đi ngược lại với đức tin Ky Tô Hữu. Ngài nói:

“Phần cuối của tuyên bố này, có 2 điểm được đưa ra trái ngược với ĐỨC TIN của chúng ta. Điểm số 1 phản đối kiểu mẫu gia đình hạt nhân (trong đó người cha ở chỗ nào? ) Và điểm số 2 đi ngược lại với kế hoạch của Thiên Chúa là xem tình dục như sự kết hợp giữa người nam và người nữ. Nghị sự như thế này thật là NGUY HIỂM!”
 
Quá sức tàn bạo: Đốt nhà thờ ở Florida để thiêu sống các tín hữu Công Giáo đang cầu nguyện bên trong
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:22 12/07/2020


1. Florida: Đốt nhà thờ Công Giáo với dụng tâm thiêu sống các tín hữu đang cầu nguyện bên trong

Một người đàn ông ở Florida đã đốt một nhà thờ Công Giáo gây ra một trận hỏa hoạn kinh hoàng vào sáng Thứ Bảy 11 tháng 7, trong khi anh chị em giáo dân đang ở bên trong chuẩn bị cho Thánh lễ sáng.

Chi khu cảnh sát Quận Marion báo cáo ngày 11 tháng 7 rằng các đơn vị ứng trực đã được gọi tới nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình tại Ocala vào khoảng 7:30 sáng để giải cứu anh chị em giáo dân đang bị kẹt bên trong nhà thờ khi tham dự Thánh lễ.

Cảnh sát trưởng Quận Marion cho biết: hung thủ là một người đàn ông đã đâm một chiếc vận tải nhỏ vào cửa trước của nhà thờ, và sau đó châm lửa phóng hỏa với dụng tâm độc ác là giết chết những người bên trong. Một cơ quan truyền thông địa phương, đài truyền hình Orlando News 6, tường thuật rằng hung thủ đã ném một thiết bị gây cháy vào bên trong nhà thờ trong khi dùng chiếc minivan như một chướng ngại vật nhằm cản trở anh chị em giáo dân thoát ra bên ngoài.

Y còn táo tợn đứng chắn đường không cho anh chị em giáo dân thoát ra cho đến khi cảnh sát đến được hiện trường. Lúc đó y mới nhào lên xe tẩu thoát. Một cuộc rượt bắt đã diễn ra giữa cảnh sát và tên hung thủ trên các đường phố của Ocala và cuối cùng đã bị bắt.

Cho đến nay tên tuổi của hung thủ chưa được công bố, và cảnh sát vẫn còn đang phong tỏa khu vực để điều tra. Vì tầm mức nghiêm trọng của vấn đề, Cục Điều Tra Liên Bang, gọi tắt là FBI, đang hỗ trợ điều tra.

Trong thông cáo báo chí được đưa ra vào trưa thứ Bẩy 11 tháng 7, giáo phận Orlando cho biết:

“Chúng tôi tạ ơn Chúa vì không có ai bị thương. Chúng tôi hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho Cha O'Doherty, là Cha sở của nhà thờ và anh chị em giáo dân giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, và những người đầu tiên đã chạy đến cứu giúp. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho cả hung thủ đã gây ra thiệt hại này. Cầu xin cho mọi người có thể nhận biết Hòa bình của Chúa.”

Giáo phận nói thêm rằng:

“Các Thánh Lễ sẽ được tiếp tục như bình thường trong hội trường giáo xứ bắt đầu từ tối nay.”

Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình là một trong số các ngôi nhà thờ ở miền trung Florida có Thánh lễ dưới hình thức ngoại thường, hay nói nôm na là Thánh lễ Latinh truyền thống, được cử hành hàng tuần bởi một linh mục của Huynh Đoàn Thánh Phêrô. Mỗi tuần ngài lái xe trong 3 tiếng đến Ocala từ một nhà thờ ở Sarasota cách đó 150 dặm hay 240 km. Sau khi cử hành thánh lễ, ngài lại phải lái xe mất 3 tiếng nữa để trở về Sarasota. Vì thế, thánh lễ được cử hành vào ban sáng để ngài về kịp nhiệm sở của mình cử hành Thánh lễ ban chiều.

Vụ hỏa hoạn xảy ra gần như cùng lúc với vụ đốt phá một nhà thờ tại một cứ điểm truyền giáo ở Los Angeles. Đây là một nhà thờ do chính Thánh Junipero Serra xây dựng. Ngôi nhà thờ đã bốc cháy và bị phá hủy về mặt cấu trúc.


Source:Catholic News Agency

2. Tuyên bố của cảnh sát Quận Marion về âm mưu thiêu sống giáo dân đang cầu nguyện trong một nhà thờ tại Florida

Như chúng tôi đã đưa tin một người đàn ông đã đâm một chiếc vận tải nhỏ vào cửa trước của nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình tại Ocala, Florida và sau đó châm lửa phóng hỏa với dụng tâm độc ác là thiêu sống anh chị em giáo dân đang cầu nguyện bên trong.

Trong cuộc họp báo vào chiều thứ Bẩy, 11 tháng 7, Trung Uý Billy Woods, cảnh sát trưởng Quận Marion, Florida cho biết các chi tiết sau:

Hung thủ tên là Stephen Anthony Shields, 24 tuổi, cư ngụ tại Dunnellon, Florida. Cảnh sát đã khởi tố y về tội giết người, đốt phá, trộm cắp và trốn tránh bị bắt giữ.

Trung Uý Billy Woods cho biết sau khi đâm chiếc minivan của mình vào cửa trước của nhà thờ, Shields đã đổ xăng vào các hàng ghế trong nhà thờ và châm lửa đốt trong một mưu toan rõ rệt là muốn thiêu sống anh chị em giáo dân bên trong.

Shields đã lái xe bỏ chạy khi các viên chức cảnh sát đến nơi. Sau một cuộc rượt đuổi ngắn, y đã bị bắt giữ.

Theo các lời khai ban đầu, Shields nói với cảnh sát rằng hắn đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt nhưng hiện không dùng thuốc theo toa. Y nói rằng y thức dậy vào sáng thứ Bảy và cảm thấy có một nhiệm vụ phải hoàn thành vào sáng ngày hôm đó, và hắn ta đã mua xăng tại một trạm xăng gần đó để tấn công nhà thờ.

Shields cũng trích dẫn Kinh Thánh, đặc biệt là Sách Khải Huyền, để bào chữa cho hành động này của mình và tuyên bố với cảnh sát y phản đối Giáo Hội Công Giáo. Y nói với các viên chức cảnh sát rằng y hiểu những hậu quả của hành động của mình, tuy nhiên y huênh hoang cho rằng hành vi đốt phá này là chuyện “thật đẹp” và tự coi mình là vua.

Năm ngoái 2019, Shields đã bị bắt sau khi vung xà beng vào một người phụ nữ và nói rằng hắn muốn giết cô. Shields nói rằng anh ta muốn giết người phụ nữ bằng xà beng của mình để không làm bẩn lưỡi dao găm của hắn.

Trung Úy Billy Woods kết luận rằng: “Quyền tự do thờ phượng của chúng ta được ban hành trong Hiến pháp là một quyền tự do mà tất cả chúng ta đều yêu quý. Nghĩa vụ của tôi là bảo vệ quyền này và tôi đã tuyên thệ bảo vệ quyền đó và sẽ luôn bảo đảm nhân quyền căn bản này để các công dân của chúng ta có thể thờ phượng trong an bình. Tôi tự hào về nghĩa vụ này của mình, và vì đã bắt giữ người đàn ông này rất nhanh chóng. Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ từ tất cả các cơ quan tiểu bang và liên bang đã làm việc cùng với chúng tôi trong cuộc điều tra này.”


Source:Catholic News Agency

3. Los Angeles: Cứ điểm truyền giáo do Thánh Junípero Serra thành lập vừa bị đốt cháy

Rạng sáng thứ Bẩy, 11 tháng 7, một ngọn lửa kinh hoàng đã tàn phá một nhà thờ từng là một cứ điểm truyền giáo vào thế kỷ 18 ở San Gabriel, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles. Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, lên án vụ phóng hỏa đốt ngôi nhà thờ tại San Gabriel, được thành lập bởi Thánh Junipero Serra, là một hành động “tàn ác”.

Vụ hỏa hoạn bắt đầu vào sáng sớm thứ Bảy khoảng 4 giờ sáng và phá hủy mái nhà và nội thất của công trình kiến trúc 249 tuổi. Lính cứu hỏa địa phương cho biết họ đã đến hiện trường vào lúc 4:24 sáng. Vào thời điểm họ đến, khói và lửa được nhìn thấy từ bên ngoài nhà thờ. Ngôi nhà thờ này được liệt vào danh sách các Di tích Lịch sử của tiểu bang California.

Chiến đấu với đám cháy ở mức báo động cấp bốn có sự tham gia của 50 lính cứu hỏa, theo Los Angeles Times. Đại Úy Antonio Negrete, phát ngôn viên sở cứu hỏa địa phương gọi đây là một thiệt hại “đau lòng”.

“Mái nhà của cứ điểm truyền giáo hoàn toàn biến mất và nội thất lên đến tận bàn thờ được xem là hoàn toàn bị phá hủy, ” Đại Úy Antonio Negrete nói, và lưu ý rằng đến nay chưa thể xác định các nguyên nhân gây cháy do những lo ngại về tính toàn vẹn cấu trúc của tòa nhà.

“Chúng ta sẽ có các kỹ sư xây dựng đi vào bên trong và xem liệu chúng ta có thể chống đỡ được một số bức tường để bảo đảm an toàn cho các nhà điều tra đi vào và bắt đầu điều tra vụ hỏa hoạn này, ” ông nói với tờ Los Angeles Times.

Adrian Marquez Alarcon, phát ngôn viên của Tổng giáo phận Los Angeles, cho biết may mắn là việc trùng tu đang diễn ra tại nhà thờ trước lễ kỷ niệm 250 năm, cho nên các bức tranh và hiện vật lịch sử đã được gỡ bỏ và không có ở bên trong tòa nhà vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn.

Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles đã đến thăm nhà thờ vào buổi sáng thứ Bảy. Ngài cho biết “Tôi thức dậy trước bình minh sáng nay để nhận được tin buồn rằng cứ điểm truyền giáo San Gabriel thân yêu của chúng ta, được thành lập bởi Thánh Junipero Serra vào năm 1771, đã bị đốt cháy.”

“Tôi tạ ơn Chúa vì không ai bị tổn thương. Tôi đến đây để cầu nguyện với người dân. Mái nhà bị phá hủy và có nhiều thiệt hại trong ngôi nhà thờ cổ kính. Lạy Thánh Junípero, xin cầu nguyện cho thành phố này, tiểu bang này và đất nước này, là nơi mà ngài đã giúp đỡ thành lập”

Cứ điểm truyền giáo San Gabriel là cứ điểm thứ tư được Thánh Junípero Serra, một linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn, thành lập. Thánh nhân là người đã sáng lập ra một chuỗi các cứ điểm truyền giáo trên khắp California. Thánh Serra đã giúp cải đạo hàng ngàn người dân California bản địa sang Kitô giáo, và dạy họ các công nghệ nông nghiệp mới.

Cho đến nay đã có 3 bức tượng của Thánh Junípero Serra bị giật sập tại California. Diễn biến mới nhất là vào tối ngày lễ quốc khánh 4 tháng 7, một đám đông ở Sacramento đã giật sập bức tượng của Thánh Junipero Serra, dùng lửa làm biến dạng khuôn mặt bức tượng và đập phá bằng búa tạ.

Bức tượng, được dựng ở thủ phủ của tiểu bang California, là bức tượng thứ ba của vị thánh truyền giáo bị phong trào BLM ở California giật sập trong những tuần gần đây. Phản ứng trước biến cố đau buồn này, Đức Giám Mục của Sacramento khẳng định rằng Thánh Serra đã làm mọi việc để thúc đẩy phẩm giá của người bản địa.

Một đám đông lớn đã tập trung xung quanh bức tượng trong công viên Sacramento vào khoảng 9 giờ tối ngày 4 tháng 7, theo báo cáo phương tiện truyền thông.

Một người đàn ông đã đốt cháy khuôn mặt của bức tượng Serra bằng một tia lửa từ một bình xịt lửa, trước khi những người khác kéo sập bức tượng. Sau khi bức tượng sụp đổ, đám đông đã phá hoại bức tượng bằng búa tạ và các vật thể khác, và nhảy lên bức tượng reo hò.

Đám đông hô vang các khẩu hiệu thường thấy trong các cuộc biểu tình của người da đen “Hãy đứng dậy, dân tộc tôi, đứng lên” trong khi phá hủy bức tượng.

Họ đã giải tán khi các viên chức cảnh sát Tuần tra Xa lộ California can thiệp.

Trong một tuyên bố ngày 05 tháng 7, Đức Cha Jaime Soto Giám Mục Sacramento nói rằng trong khi “hành động của nhóm có thể là nhằm gây sự chú ý đến ký ức về quá khứ của California, hành động phá hoại này dựa trên các đồ thổi sai lạc về cuộc đời Thánh Serra, và không có tính xây dựng cho tương lai”

Cảnh sát California đang điều tra vụ giật đổ bức tượng này.

Bức tượng đã được xây dựng vào năm 1965. Dưới chân tượng là một bản đồ của 21 cứ điểm truyề giáo được Thánh Serra khi ngài và các tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn đến California vào thế kỷ thứ mười tám.


Source:Catholic News Agency