Ngày 12-07-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ở nơi danh Chúa
Lm. Minh Anh
00:21 12/07/2021
Ở NƠI DANH CHÚA
“Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa!”.

Lần đầu tiên, Van Gogh bắt đầu thử nghiệm trường phái ấn tượng của mình trong thời kỳ ông ở Paris, khoảng 1886-1888. Năm 1887, danh hoạ người Hà Lan đã viết cho chị gái, “Tôi hầu như không vẽ gì ngoài hoa, để làm quen với các màu khác hơn màu xám, cụ thể là màu hồng mềm mại, hoặc xanh lá cây sống động, xanh lam nhạt, tím, vàng, cam, và sắc đỏ rực rỡ”. Danh ông được biết đến với kiệt tác tĩnh vật, “Vase With Flowers”, “Bình Hoa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không nói đến ‘danh của một con người’ như Van Gogh, nhưng nói đến ‘Danh Thiên Chúa’; cùng lúc Lời Chúa cho thấy, chỉ ‘ở nơi danh Chúa’ và một mình Ngài, con người mới có thể tìm được bình an đích thực. Bởi lẽ, một sự bình an giả tạo, thậm chí, sẽ là một bình an gây hại; vì thế, Thiên Chúa sẽ dùng “gươm giáo” của Ngài để tái lập một trật tự đúng đắn, ban cho con cái Ngài sự bình an đích thực, miễn là họ biết đặt Ngài trên hết, trước hết mọi sự, như Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa!”.

Bài đọc Xuất Hành cho thấy, khi con cái Israel tưởng như đang sống trong bình an, khi họ ngày càng phồn thịnh, đông đúc trên đất Ai Cập, thì điều không may xảy ra; một Pharaô mới mẻ lên ngôi, ông không biết Giuse là ai. Thế là tai hoạ ập xuống, vua nói, “Nào, chúng ta hãy khôn khéo đàn áp chúng, kẻo chúng gia tăng lên nhiều!”. Bấy giờ, lệnh truyền lao động, khổ dịch dành cho Israel được phát đi khắp xứ; hơn thế nữa, “Bất cứ con trai Do Thái nào mới sinh, thì hãy ném xuống sông, chỉ để lại những trẻ gái!”. Pharaô tân vương được ví như “gươm giáo” của Thiên Chúa, nhắc cho Israel biết rằng, chỉ ‘ở nơi danh Chúa’, họ mới có an sinh và bình an đích thực.

Cũng thế, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về một sự tự mãn, một sự bình an giả tạo có thể có. Tự mãn được định nghĩa như là “Sự tự thoả mãn đi kèm với việc không nhận thức những hiểm nguy hoặc sự thiếu hụt trong thực tế”. Đây là sự bình an gây hại, một sự bình an tự mãn ru ngủ, có thể khiến chúng ta mất đi những gì thực sự có giá trị nhất trong cuộc sống, đó là Thiên Chúa, đức tin và gia đình. Như đã xua đuổi chiên cừu ra khỏi đền thờ, Chúa Giêsu cũng sẽ sử dụng tất cả những gì có thể để làm “gươm giáo” hầu loại khỏi cuộc sống chúng ta bất cứ điều gì trái ngược với sự tốt lành của Thiên Chúa và phẩm giá của mỗi người.

‘Không có gì trước Thiên Chúa, trên Thiên Chúa’. Chúa Giêsu đưa ra tiêu chuẩn đặt Thiên Chúa lên hàng đầu, tiêu chuẩn này không loại trừ tình yêu đối với cha mẹ và anh chị em của bất cứ ai. Với cụm từ này, chúng ta hiểu rõ loại “gươm giáo” Chúa Giêsu sử dụng; Ngài cho chúng ta một tiêu chí bắt đầu từ trời xuống, bởi Ngài đang nâng chúng ta từ đất lên. Một khi yêu mến Thiên Chúa như Ngài xứng đáng, chúng ta sẽ học cách yêu người khác như những gì họ thực sự xứng đáng. Có quan hệ tự nhiên nào gần gũi hơn mối quan hệ giữa mẹ cha và con cái? Tuy nhiên, ngay cả sự ràng buộc này cũng phải phụ thuộc vào tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa. Tại sao? Bởi lẽ, không tạo vật nào, kể cả cha mẹ, có thể đưa chúng ta đến cuộc sống viên mãn và hạnh phúc vốn chỉ ‘ở nơi danh Chúa’. Thiên Chúa muốn chúng ta yêu Ngài, không phải vì Ngài cần tình yêu của chúng ta, nhưng vì chúng ta cần Ngài. Chúa Giêsu mời chúng ta điều chỉnh các tiêu chuẩn, từ những gì hoàn toàn tự nhiên sang những gì hoàn toàn siêu nhiên và vĩnh cửu.

Anh Chị em,

Tình yêu ưu tiên dành cho Thiên Chúa mang tính ‘bao gồm’, chứ không ‘loại trừ’. Việc trao một ly nước lã cho một trong những anh em hèn mọn nhất sẽ không trở nên vô nghĩa, và do đó, không phải là không đáng chú ý. Bằng cách này, Chúa Giêsu cho thấy, Ngài không kêu gọi chúng ta, trước hết, dành tình yêu cho Thiên Chúa, để rồi, loại trừ người khác. Không! Một kẻ rốt hèn còn được trân trọng đến thế, phương chi là cha mẹ hoặc anh chị em của chúng ta. Như thế, chỉ ‘ở nơi danh Chúa’, chúng ta mới có thể thiết lập một trật tự đúng đắn trong các mối quan hệ. Chúa Giêsu là mẫu mực cho chúng ta về trật tự yêu thương này, tình yêu Ngài dành cho Chúa Cha đã chi phối, đồng thời, đã thiêu đốt tình yêu Ngài dành cho tất cả những ai đến với Ngài, người lành thánh, kẻ tội nhân; không ai không gặp được lòng thương xót, sự bình an và tình yêu Thiên Chúa nơi Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy chiếm chỗ nhất trong trái tim con; nhờ đó, con được bình an và biết cách yêu thương như Chúa yêu thương. Vì chỉ ‘ở nơi danh Chúa’ và tình yêu của Ngài, tình yêu của con mới được định hướng một cách đúng đắn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 13/7: Hãy lắng nghe và tin theo Chúa. Suy niệm: Linh mục Giuse Vũ Nhật Thăng
Giáo Hội Năm Châu
06:03 12/07/2021


PHÚC ÂM: Mt 11, 20-24

“Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: “Hỡi Côrôzain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi. “Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi”.

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các chủ trương mới trong tư tưởng chính trị Công Giáo Hoa Kỳ
Vũ Văn An
04:55 12/07/2021

Tạp chí First Things, số tháng 8 năm 2021, đăng tải bài diễn văn của ký giả Ross Douthat, vốn giữ mục ý kiến của tờ New York Times, đọc tại Đại hội “Nước Mỹ, Chủ nghĩa Tự do, và Đạo Công Giáo” tổ chức tại Đại Học Dallas hồi tháng Tư, 2021. Tựa đề bài diễn văn của ông là “Các Ý niệm và Thực tại Công Giáo về Duy Dân túy, Duy Hoà nhập, Duy Biển đức và Duy Tân Cựu” (Catholic Ideas and Catholic Realities on Populists, Integralists, Benedictines, and Tradinistas). Nguyên bản có thể đọc tại đây: https://www.firstthings.com/article/2021/08/catholic-ideas-and-catholic-realities.



Trong năm mươi năm qua, kể từ Công đồng Vatican II trở đi, quả có nghĩa khi nói về một Đạo Công Giáo Hoa Kỳ đã hoàn toàn hòa hợp với nền dân chủ cấp tiến. Ở bên lề, vẫn còn một số tạp chí và người viết Công Giáo chống cấp tiến và cực đoan đáng lưu ý, nhưng chính dòng đã được xác định bởi phe đối lập giữa “Công Giáo cấp tiến” và “Công Giáo bảo thủ” lần lượt được liên kết đại khái với đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, - dù đôi khi, các giám mục và giáo hoàng lập luận cho một tổng hợp khác: một chủ nghĩa Công Giáo chính trị vượt trên các phạm trù tả và hữu hiện có ở Mỹ.

Trong chính trị đảng phái, đạo Công Giáo cấp tiến hơn tìm thấy những hiện thân nổi tiếng nhất của mình trong những nhân vật như Mario Cuomo và Joseph Biden, những người mưu toan duy trì mối liên hệ dễ dàng kiểu thời kỳ Thỏa thuận Mới giữa người Công Giáo và đảng Dân chủ trong khi hạ thấp hoặc trên thực tế, tư nhân hóa các yếu tố của giáo huấn Công Giáo— nhất là phá thai— trong đó, Đảng Dân chủ và Giáo hội ngày càng phân rẽ hơn.

Đối với đạo Công Giáo bảo thủ hoặc tân bảo thủ hơn, những nhân vật như Paul Ryan, John Boehner, và Antonin Scalia là đại diện hợp lý. Người Công Giáo bảo thủ, ủng hộ đảng Cộng hòa, thường nối kết quan điểm cứng rắn về phá thai và kết hôn với quan điểm không ổn định hơn về phúc lợi nhà nước, một quan điểm đôi khi cố gắng sửa chữa chủ nghĩa tự do hoàn toàn [libertarianism] cánh hữu, đôi khi tìm kiếm một đường lối tôn giáo để biện minh cho nó, và đôi khi cổ vũ một chủ nghĩa hiệp đoàn [corporatism] chịu ảnh hưởng của Phòng Thương mãi nhiều hơn là học thuyết xã hội của Giáo hội.

Về mặt trí thức, sự phân cực tương tự là giữa “Đạo Công Giáo của tờ Commonweal” và “Đạo Công Giáo của tờ First Things” —giữa quan điểm Công Giáo cấp tiến hơn về thần học, nhấn mạnh lý thuyết “áo không viền” của giáo huấn xã hội Công Giáo như một lý do để ủng hộ đảng Dân chủ bất chấp lập trường của đảng này về phá thai, và quan điểm bảo thủ hơn về thần học, vốn tìm được tổ ấm của mình trong Đảng Công Hòa khi đảng này trở nên ủng hộ sự sống một cách nhất quán hơn và tìm được khoảnh khắc gây ảnh hưởng chính trị tối đa trong nhiệm kỳ tổng thống của George W. Bush tin lành.

Các phe trí thức này có những khác biệt đáng lưu ý nhưng cũng có một điểm chung đáng kể: Họ cho là đương nhiên sự hài hòa giữa cách giải thích về Công Giáo sau Công đồng Vatican II và cách giải thích của họ về trật tự tự do. Họ khác nhau một cách căn bản nhất về việc, sau cuộc cách mạng tình dục và sự trỗi dậy của kinh tế học tân tự do, chủ nghĩa tự do cánh tả hay cánh hữu đã đi chệch hướng nghiêm trọng hơn.

Sự phân cực căn bản trong nội bộ Công Giáo này đã không biến mất, và các chính trị gia Công Giáo nổi tiếng nhất ở Mỹ ngày nay - từ Biden đến Nancy Pelosi đến cựu Tổng chưởng lý Bill Barr - vẫn hiện thân nó. Nhưng nơi những người Công Giáo trẻ tuổi hơn, đặc biệt là trong giới trí thức, cả hai tổng hợp này đều đã rơi vào thế căng thẳng nghiêm trọng.

Việc tiếp tục tục hóa nước Mỹ tự do đã khiến chủ trương của các đảng viên Dân chủ Công Giáo trở nên khó khăn hơn, khi chủ nghĩa duy tiến bộ của giới ưu tú ngày càng tìm cách không những bảo vệ quyền phá thai hoặc hôn nhân đồng tính mà còn sách nhiễu các định chế tôn giáo bất đồng quan điểm với các quan điểm tiến bộ. Trong khi đó, các thất bại chính trị của những người theo Đảng Cộng hòa chính dòng và sự trôi dạt chung của xã hội Hoa Kỳ thời hậu Kitô giáo, thậm chí (đặc biệt?) dưới sự cai trị bảo thủ đã đặt ra những câu hỏi cho phe hữu về tính hữu hiệu của một liên minh Công Giáo với chủ nghĩa bảo thủ tự do hoàn toàn [libertarianism] — và các nghi ngờ về cùng đích tối hậu của chính chủ nghĩa tự do.

Triều giáo hoàng của Đức Phanxicô đã làm gia trọng thêm những căng thẳng này. Đến một mực đang còn bị tranh luận, khi chia tay với chủ nghĩa tân bảo thủ của Đức Gioan Phaolô II và chủ nghĩa duy truyền thống mềm dịu của Đức Bênêđíctô XVI, triều đại giáo hoàng hiện tại đã tạo ra một bầu không khí khủng hoảng giữa những người bảo thủ thần học, ngay cả khi nó pha trộn giữa chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa phản hiện đại về các vấn đề kinh tế và sinh thái đã trẻ trung hóa cánh tả Công Giáo.

Nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump cũng gây xáo trộn, bằng cách, trong các diễn đàn kinh tế dân túy và thu hút thành công một số cử tri thiểu số, hứa hẹn một chủ nghĩa bảo thủ của Mỹ phù hợp với giáo huấn xã hội Công Giáo hơn là chủ nghĩa chính thống hoàn toàn tự do, mà, trong việc pha trộn một cách độc đáo chủ nghĩa duy sinh [nativism], lý thuyết âm mưu và việc bản thân thờ ơ tôn giáo, còn cho rằng có thể có một chủ nghĩa bảo thủ Mỹ mà về mặt chức năng có tính hậu Kitô giáo.

Tất cả những căng thẳng trên đối với mô hình hậu thập niên 1960 vẫn chưa làm thay đổi hoàn toàn tác phong chính trị của người Công Giáo Hoa Kỳ. Nơi những người Công Giáo da trắng, sự phân chia tự do-bảo thủ vẫn xác định việc bỏ phiếu toàn quốc. Sự phân chia sắc tộc giữa người Công Giáo da trắng và gốc Tây Ban Nha vẫn còn, cho dù có thu hẹp (có lẽ đáng ngạc nhiên) dưới thời Trump.

Nhưng nơi các tác giả Công Giáo, đã có sự rạn nứt, thử nghiệm, tái sắp xếp hàng ngũ và chia rẽ đáng kể. Các phạm trù cũ hơn chắc chắn vẫn tồn tại. Vẫn còn những người Công Giáo bảo thủ tin tưởng vào dự án có thể liên hiệp (fusion) chủ nghĩa bảo thủ Mỹ, cách hiểu Công Giáo về việc sáng lập nước Mỹ do John Courtney Murray đề xướng, và các đức hạnh của đảng Cộng hòa trước Trump. Trong khi đó, nhiệm kỳ tổng thống của Biden đã thúc đẩy những người Công Giáo cấp tiến tin rằng đảng Dân chủ là tổ ấm tự nhiên của họ và chủ nghĩa tự do với hai chủ trương duy cải thiện [meliorist] và nhà nước phúc lợi là cách hiển nhiên để giáo huấn xã hội Công Giáo đầu tư.

Nhưng cũng có những phạm trù mới, những phong trào và xu hướng được phục hưng và tái sáng chế, có ý nghĩa đối với cuộc tranh luận trí thức hơn những năm trước và cuối cùng có thể cũng quan trọng đối với nền chính trị Công Giáo.

Công Giáo duy dân túy

Xin cho phép tôi thử đề nghị một cách phân loại các phạm trù mới này. Đầu tiên, có những người theo chủ nghĩa dân túy, những người coi nhiều thay đổi từ thời Trump trong chính sách bảo thủ như phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, và một sự sửa chữa đáng hoan nghênh đối với những sai lầm của chủ nghĩa tự do hoàn toàn [libertarianism] mà họ liên kết với những nhân vật như Paul Ryan. Những người theo chủ nghĩa dân túy có xu hướng ủng hộ bước ngoặt duy liên hiệp [fusionist] trong kinh tế, tìm kiếm các chiến lược nhằm tái tạo mức lương gia đình qua chính sách kỹ nghệ hoặc trợ cấp gia đình hoặc một hỗn hợp nào đó của cả hai. Nhìn chung, họ ủng hộ các hạn chế nhập cư để bảo vệ người lao động trong nước và xây dựng lại tình liên đới xã hội; họ dễ dãi đối với các hành động phản độc quyền [antitrust] chống lại những công ty khổng lồ ở Silicon Valley; họ tìm một chiến lược chiến tranh văn hóa tích cực hơn, một cuộc phản công sau một cuộc rút lui lâu dài, về các vấn đề như chủ nghĩa chuyển giới và nội dung khiêu dâm trên liên mạng. Và mặc dù họ bị chia rẽ về các năng lực và đạo đức của Trump, họ chủ yếu coi sự thăng tiến của ông như có tính cứu rỗi và nhiệm kỳ tổng thống của ông ít nhất như điều ít xấu hơn và có lẽ là tốt.

Về mặt triết học, những người theo chủ nghĩa dân túy thường được mô tả như những người theo chủ nghĩa hậu tự do hoặc chống tự do, và đôi khi họ tự mô tả theo cách đó. Nhưng không rõ nhãn hiệu đó có phù hợp hay không. Chủ bút Công Giáo của tạp chí đại kết này [First Things], R. R. Reno, đã lên tiếng thay cho nhiều người theo chủ nghĩa dân túy khi ông lập luận rằng chủ nghĩa dân túy là một biện pháp sửa chữa có tính liên đới và tôn giáo trong trật tự tự do, chứ không phải là một loại biện pháp thay thế cho chủ nghĩa duy hiến [constitutionalism] của Mỹ. Người ta có thể cho rằng các chính trị gia đang cổ vũ các ý tưởng chính sách liên quan đến chủ nghĩa dân túy này – trong đó có Marco Rubio Công Giáo, Josh Thệ phản, và Mitt-Romney theo Mormon - sẽ hết lòng đồng ý.

Những người theo chủ nghĩa dân túy rõ ràng khác với những người theo chủ nghĩa tự do hoàn toàn Kitô giáo và những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển mà họ thường tranh đấu với. Nhưng họ có thể không khác biệt như thế đối với một nhân vật như (cha) Richard John Neuhaus trong các cam kết đệ nhất đẳng của họ. Giống như ngài, họ tin rằng nền dân chủ tự do đòi một nền chính trị tôn giáo mạnh mẽ và một liên minh giữa những người theo đạo Tin lành và người Công Giáo. Họ đơn thuần không còn chấp nhận viễn kiến về nền kinh tế chính trị và chính sách đối ngoại mà (cha) Neuhaus đã gắn bó với vào cuối sự nghiệp của ngài.

Công Giáo duy hòa nhập

Ý tưởng về chủ nghĩa dân túy như một biện pháp sửa chữa bên trong chủ nghĩa tự do đã tách những người theo chủ nghĩa dân túy khỏi nhóm tiếp theo, tức những người Công Giáo theo chủ nghĩa duy hòa nhập [integralists], những người đối với họ, chủ nghĩa tự do không thể sửa chữa được vì nó đã mục ruỗng ngay từ đầu. Những người duy hòa nhập là những người thừa kế của Triumph, tức tạp chí gây tranh cãi của L. Brent Bozell, và xa hơn nữa là các vị giáo hoàng của thế kỷ mười chín và các vạ tuyệt thông đầy mùi chống tự do của họ. Giống như Vua Josiah (người đã cho mượn tên của mình trên trang mạng duy hoà nhập hàng đầu) đang khôi phục cuốn sách luật bị thất lạc, họ tin rằng họ đang kêu gọi người Công Giáo quay trở lại với nền chính trị Công Giáo đích thực và duy nhất, bị che khuất một thời gian bởi những ảo tưởng yêu quí và chủ nghĩa duy Mỹ [Americanism], nhưng bây giờ, giữa cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tự do, một lần nữa hiển hiện như một biện pháp thay thế.

Những người theo chủ nghĩa duy hòa nhập đứng cùng hàng với những người theo chủ nghĩa dân túy về nền kinh tế phò gia đình và chính sách kỹ nghệ (Gladden Pappin, một biên tập viên duy hoà nhập của tạp chí American Affairs, thường xuyên viết và cho công bố về những chủ đề này), nhưng họ bị chia rẽ nhiều hơn về các khía cạnh khác của nền chính trị tân cánh hữu: hạn chế nhập cư, hoài nghi về biến đổi khí hậu và ý niệm quốc gia như một điều đáng để trung thành. Những người theo chủ nghĩa hòa nhập cuối cùng tin vào đế quốc Công Giáo, chứ không phải chủ nghĩa dân tộc Công Giáo, và họ coi một số yếu tố tả khuynh trong huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô như có tính duy hòa nhập mặc nhiên, đặc biệt là thông điệp sinh thái Laudato Si', là thông điệp mà các lời khuyến dụ và lệnh lạc không có gì nổi bật trong nền chính trị dân túy vào lúc này.

Bất chấp lời chỉ trích trên, những người theo chủ nghĩa hòa nhập có xu hướng có cái nhìn thiện cảm đối với các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc [nationalist], từ Trump đến Viktor Orban. Họ thích chủ nghĩa dân tộc phi tự do hơn chủ nghĩa quốc tế tự do, và họ tin rằng các cuộc nổi dậy theo chủ nghĩa dân tộc dân túy mang lại cơ hội cho một cuộc nổi dậy Công Giáo bên trong giới tinh hoa của phương Tây.

Bởi vì cuộc nổi dậy trên vẫn chưa hiển hiện một cách chính xác, tác động thực tế của các ý niệm của họ vẫn chưa chắc chắn. Nhưng các nhà duy hòa nhập đang dấn thân vào ít nhất hai dự án thế giới thực: thúc đẩy các viên chức Giáo hội hướng tới một khẳng định mạnh mẽ hơn các quyền hợp pháp và quyền lực pháp lý của Giáo hội đối với các tín hữu, đồng thời thúc đẩy cả những người Công Giáo theo chủ nghĩa dân túy và tân bảo thủ hướng tới một nền chính trị Công Giáo trọn vẹn hơn và sử dụng quyền lực nhà nước một cách năng nổ hơn. Trên hết, họ tin rằng các điều kiện cho một Giáo hội hồi sinh và sự phục hưng Kitô giáo ở Mỹ chỉ có thể xảy ra nếu có một cuộc cách mạng từ bên trên.

Công Giáo duy biển đức

Trong điều này, họ hoàn toàn trái ngược với nhóm thứ ba, những người duy biển đức (benedictines), không phải các tu sĩ Biển Đức, mà là những người Công Giáo chấp nhận chẩn đoán của Rod Dreher, trong The Benedict Option [giải pháp Biển Đức](2017), về việc gần như không thể tránh khỏi việc tiếp tục tục hóa và tiếp tục rút lui của Kitô giáo — những người đồng ý với kết luận của Patrick Deneen, trong Why Liberalism Failed [Tại sao chủ nghĩa tự do thất bại] (2018), rằng các thử nghiệm địa phương là chìa khóa để hồi sinh nền văn hóa từng một thời là của Kitô giáo chúng ta — và là những người đặc biệt quan tâm, với các nhà văn như Brandon McGinley và Leah Libresco Sargeant, trong việc đổi mới nội bộ như một điều kiện tiên quyết cho bất cứ hình thức chính trị Kitô giáo mới nào.

Tất nhiên, Deneen đã biểu lộ sự thiện cảm mạnh mẽ đối với các lập luận của cả chủ nghĩa dân túy lẫn chủ nghĩa hòa nhập, và McGinley gần đây đã đồng tác giả một cuốn sách có xu hướng hòa nhập với Scott Hahn - chứng minh rằng các phạm trù này không ổn định và chồng chéo lên nhau, chưa được giải quyết hoặc ấn định. Nhưng mặc dù một số người duy biển đức có thể bỏ phiếu cho các chính trị gia duy dân túy hoặc tán thành chủ nghĩa hoà nhập ở một mức độ nào đó, và những người khác có thể có những thiện cảm thiên tả hơn, nói chung, họ hoài nghi về các giải pháp chính trị quốc gia và nghi ngờ triển vọng có bất cứ loại phục hồi Kitô giáo nào từ trên đi xuống, thích dồn năng lực của họ vào việc xây dựng định chế từ bên dưới. Khẩu hiệu của họ là lời khuyên nổi tiếng của Joseph Ratzinger:

[Giáo Hội] sẽ trở nên nhỏ bé và ít nhiều sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Giáo Hội sẽ không còn có thể ngự trong nhiều dinh thự mà Giáo Hội đã xây dựng trong thời kỳ thịnh vượng... Là một xã hội nhỏ, nó sẽ yêu cầu nhiều hơn nơi các thành viên cá thể của mình phải có sáng kiến... [nó] sẽ là một Giáo hội tâm linh nhiều hơn, không lợi dụng một ủy nhiệm chính trị, ít tán tỉnh với cả Cánh tả lẫn Cánh hữu.

Điều này có nghĩa là các người duy biển đức thường có khuynh hướng đại kết nhiều hơn những người duy hòa nhập, nhiều thiện cảm với các nhân vật Thệ phản bài chính trị như Stanley Hauerwas và Wendell Berry và các cộng đồng như Bruderhof. Nó có nghĩa họ thích Alexis de Tocqueville hơn Carl Schmitt, và các chiến lược xây dựng cộng đồng và truyền bá Tin Mừng hơn các chiến lược quyền lực. Và nó có nghĩa ảnh hưởng văn hóa của họ trở nên tăng hay giảm tùy thuộc vào triển vọng biểu kiến có một nền chính trị Công Giáo ở bình diện quốc gia: Việc gạt ra bên lề những người bảo thủ tôn giáo vào cuối nhiệm kỳ Obama khiến giải pháp biển đức trở nên hấp dẫn hơn, trong khi, vào thời Trump, việc mở rộng biểu kiến các khả thể chính trị đã đẩy các ý tưởng của họ vào thế đình chỉ. Họ có thể trở lại, nếu nhiệm kỳ tổng thống của Biden mở ra một thời kỳ tự do lâu dài.

Công Giáo duy tân cựu

Khả thể đó đưa chúng ta đến nhóm thứ tư, mà tôi sẽ gọi là những người duy tân cựu [tradinistas], chữ mượn của một tuyên ngôn năm 2016 mà những người ký tên, theo cách của những người cánh tả ở mọi thời đại, đã sớm bất đồng với nhau. Bất chấp các tranh luận của họ, thuật ngữ này phù hợp với một khuynh hướng dễ nhận diện, một niềm tin cho rằng chủ nghĩa tư bản cuối thời hơn là chủ nghĩa tự do cuối thời, về căn bản, không tương thích với đức tin Kitô giáo, và sự phục hưng gần đây của chủ nghĩa xã hội có thể được tư tưởng xã hội Công Giáo thích nghi và triển khai. (“LeftCath” [Công Giáo Tả Khuynh], tên gọi của nhóm trên Twitter, truyền đạt hai điều họ hy vọng sẽ kết hợp lại với nhau).

Xu hướng tân cựu đã tìm được tổ ấm trong các tạp chí và không gian liên quan đến phe Commonweal và Cuomo thời có sự phân chia tự do-bảo thủ trước đó, nhưng nó tự phân biệt với phần lớn đạo Công Giáo tự do sau những năm 1960 bằng cách tiếp nhận một lập trường cấp tiến hơn về kinh tế, y như những người theo chủ nghĩa xã hội thiên niên kỷ thế tục thường được phân biệt với những người theo chủ nghĩa tự do của thế hệ Baby Boomer. Những người duy tân cựu cũng tỏ ra tương đối ít quan tâm đến dự án tự do của thế hệ Baby Boomer trong việc thích ứng giáo huấn Công Giáo với cuộc cách mạng tình dục, dù họ không phản đối dự án này một cách rõ ràng và nhất quán, điều mà những người bảo thủ có thể thích. Các giải pháp của họ đôi khi trùng lắp với các giải pháp của những người duy dân túy, nhưng họ coi bất cứ loại chủ nghĩa dân tộc cánh hữu nào cũng đều bị tổn hại bởi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và dễ dàng bị tư bản mua chuộc.

Herbert McCabe và Alasdair MacIntyre, hai nhà tư tưởng của trường phái Tôma thiên Mácxít khá khác nhau, là những nguồn cảm hứng cho những người duy tân cựu. Elizabeth Bruenig của tờ Atlantic có thể là quán quân nổi bật nhất của họ. “Tiếng hót Công Giáo kỳ lạ” [Weird Catholic Twitter], thường được gọi như thế, là trang chủ trực tuyến của họ. Nếu tất cả những điều này làm cho những người duy tân cựu nghe có vẻ ở ngoài lề so với các khuynh hướng khác mà tôi đang mô tả — thì, một cách nào đó, quả họ là như vậy, nhưng viễn kiến kinh tế của họ thường có Đức Thánh Cha đương kim ở một góc nào đó của họ, và điều đó hẳn phải đáng kể đối với một điều gì đó.

Ngay cả khi nó thiếu ảnh hưởng chính trị trực tiếp của những người duy dân túy hoặc các tham vọng của những người duy hoà nhập, thì những người duy tân cựu vẫn có một lý thuyết chính trị rõ ràng: Các điều kiện để đổi mới Kitô giáo phụ thuộc vào việc phá vỡ xiềng xích của chủ nghĩa tư bản, và do đó, liên minh với các nhà xã hội thế tục có thể là tìm kiếm điều tốt đẹp về lâu về dài cho Giáo hội, bất chấp khoảng cách giữa một nhân vật như Bernie Sanders và giáo huấn Giáo hội về hầu như mọi vấn đề phi kinh tế. Và trong phạm vi họ tham gia một cách nhỏ nhoi nào đó vào sự phục hưng lớn hơn của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, một tư tưởng, ngược lại, tham gia cách nào đó vào nghị trình kinh tế đầy tham vọng của tổng thống Biden, những “Người Công Giáo Tả khuynh” này có thể cho là mình ít nhất gây được một mức độ ảnh hưởng nhỏ nhoi từ xa nào đó đối với vị Tổng thống Công Giáo thứ hai của chúng ta.

Tất cả các phạm trù này, một lần nữa, không ổn định và thay đổi luôn. Người ta có thể dễ dàng chia nhỏ chúng hơn nữa và có thể di chuyển từ phe này sang phe nọ hoặc đơn giản đứng chân trong chân ngoài cả hai phe. Người ta có thể cùng một lúc là người duy hoà nhập và là người duy tân cựu nếu đối với họ, chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế chính trị của nhà nước duy hòa nhập, hoặc là người duy biển đức bị lôi cuốn theo duy dân túy vì nó hứa hẹn bảo vệ chính trị cho địa phương và cho thử nghiệm, hoặc là một người duy hoà nhập nhưng trở thành duy tân cựu chỉ vì chán ghét Donald Trump. (Tôi có thể nhận diện các nhà văn đã thực hiện các phiên bản của những động thái này chỉ trong vài năm qua).

Trong khi đó, cho phép một số chính trị gia Cộng hòa có thiện cảm trong quỹ đạo của những người duy dân túy, các khuynh hướng này, hiện nay, thuộc về giới trí thức và chỉ giới trí thức mà thôi. Giống như phần lớn giới chuyên gia Công Giáo, tất cả họ đều đặc biệt xa cách đối với dân số gốc Tây Ban Nha đang phát triển của Giáo hội Hoa Kỳ và tầng lớp lao động da trắng bất mãn. Đúng, những người duy dân túy mong muốn lên tiếng nói thay cho các cử tri thiểu số đã ủng hộ Trump, và sự thiện cảm duy tân cựu dành cho Bernie Sanders đã được nhiều đảng viên Đảng Dân chủ Latinh chia sẻ. Nhưng hầu hết những người tham gia các cuộc tranh luận này đều là những người phần nào được giáo dục quá mức cần thiết [overeducated], và chưa có những cán bộ tự ý thức mình như những người hậu tự do trong giai cấp công nhân, không có phong trào quần chúng nào tương đương với vai trò của phong trào phò sự sống trong việc xác định đạo Công Giáo bảo thủ sau thập niên 1970.

Tương tự như vậy, bên trong Giáo hội, trên Twitter, cũng có những linh mục duy hòa nhập hoặc duy tân cựu hoặc duy biển đức, nhưng những nhãn hiệu này khiến hầu hết các giám mục bối rối. Các nhà lãnh đạo của đạo Công Giáo Hoa Kỳ rõ ràng vẫn thuộc về các phe phái tự do và bảo thủ lâu đời hơn được thành lập vào những năm 1970 và 1980, và hầu hết các định chế Công Giáo cũng vậy.

Còn 1 kỳ
 
Triển vọng Đức Thánh Cha thăm Bắc Hàn
Đặng Tự Do
06:11 12/07/2021


Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ đến thăm Bình Nhưỡng. Ông nói rằng ông đang làm việc với các nhà lãnh đạo Giáo hội để điều đó trở thành hiện thực.

Ông Phác Trí Nguyên (Park Jie-won, 박지원) giám đốc cơ quan tình báo trung ương Nam Hàn, đã phát biểu như trên trong một thánh lễ ngày 5 tháng 7 kỷ niệm việc chỉ định Nhà thờ Thánh Trinh Đổng (Sanjeongdong, 정동) ở Mộc Phố (Mokpo, 목포) Nam Hàn là một tiểu vương cung thánh đường.

“Lý do đặc biệt mà tôi đến đây hôm nay là vì Đức Tổng Giám Mục Kim Hi Tông (Kim Hee-jong, 김희종) của Quang Châu (Gwangju, 광주), Sứ thần Tòa thánh tại Nam Hàn Alfred Xuereb, và tôi đang làm việc để tổ chức một chuyến thăm Bình Nhưỡng của Đức Giáo Hoàng,” Ông Phác nói.

“Xin hãy cầu nguyện để chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Bình Nhưỡng thành hiện thực và mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên của chúng ta”.

Ông Phác Trí Nguyên đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên đầu tiên vào năm 2000. Cuộc gặp gỡ của ông với Đức Tổng Giám Mục Quang Châu và Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn ủng hộ những nhận xét của Đức Cha Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik), giám mục giáo phận Đại Điền (대전시, Daejon), là người vừa được bổ nhiệm tân Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ tại Vatican.

Ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Ngài làm Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, Đức Tổng Giám Mục cho biết trong một cuộc họp báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ mong muốn đến thăm Bắc Triều Tiên.

“Đức Giáo Hoàng đã nói rằng ngài muốn đến thăm Bắc Triều Tiên,” Đức Cha Du nói hôm 12 tháng 6.

“Nếu tôi được giao một vai trò trong việc sắp xếp chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên, tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện sứ mệnh của mình”.

Khả năng Đức Giáo Hoàng thăm Bắc Triều Tiên được nêu ra lần đầu tiên vào năm 2018 khi một phát ngôn viên của chính phủ Nam Hàn nói rằng nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân,, hay còn gọi là Kim Jong-un, đã nói với Tổng thống Nam Hàn Văn Tại Dần (Moon Jae-in) rằng ông ta sẽ “rất hoan nghênh” một chuyến thăm Bình Nhưỡng của Đức Giáo Hoàng.

Đức Tổng Giám Mục Du, là người đã thay mặt cho Hội đồng Giám mục Nam Hàn đến Bắc Triều Tiên nhiều lần, đã nói tại một cuộc họp báo của Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma vào năm 2018 rằng sẽ thật “tuyệt vời” nếu có một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Hàn, nhưng “trên thực tế, có nhiều bước phải thực hiện.”

Triều Tiên liên tục bị tổ chức bác ái Open Doors xếp hạng là quốc gia tồi tệ nhất trong việc đàn áp các tín hữu Kitô. Kitô Hữu sống trong nhà nước vô thần này đã phải đối mặt với việc bắt bớ, cải tạo trong các trại lao động, hoặc, trong một số trường hợp, bị hành quyết vì đức tin của họ.

Một cuộc điều tra của Liên hợp quốc vào năm 2014 đã đưa ra một báo cáo dài 372 trang ghi lại các tội ác chống lại loài người, bao gồm hành quyết, nô dịch, tra tấn, bỏ tù, cưỡng bức phá thai và cố ý gây ra nạn đói kéo dài.

Bình Nhưỡng từng được gọi là “Jerusalem của phương Đông” và được coi là trung tâm của Kitô Giáo ở Đông Bắc Á.

Theo Hội đồng Giám mục Nam Hàn, ngay trước khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, nhiều linh mục ở Triều Tiên đã bị bắt, bị giết hoặc mất tích.

Năm 1988, “Hiệp hội Công Giáo Bắc Hàn,” do chính quyền cộng sản thành lập, đã ghi danh 800 thành viên. Hiệp hội này không được Vatican công nhận, nhưng là một trong ba giáo hội do nhà nước bảo trợ hoạt động tại Bắc Triều Tiên dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà cầm quyền cộng sản.
Source:Catholic News Agency
 
Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Bắc Triều Tiên khó lòng xảy ra, nhưng sẽ thúc đẩy hòa bình
Đặng Tự Do
06:11 12/07/2021


Đức Tổng Giám Mục Nam Hàn, người vừa được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ Vatican nói rằng một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên dường như rất khó xảy ra, nhưng đó có thể là một sự can thiệp cần thiết từ bên ngoài để vượt qua bế tắc phân chia Bán đảo Triều Tiên.

“Về mặt con người, dường như có rất ít hy vọng, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, tôi cố gắng, bằng cách cầu nguyện với Ngài, để có thể chào đón tất cả những gì có thể hữu ích để thúc đẩy hòa bình”, Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị nói với Fides, hãng tin của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Fides đã công bố bình luận của Đức Tổng Giám Mục vào ngày 6 tháng 7 cùng với các báo cáo rằng Ông Phác Trí Nguyên (Park Jie-won, 박지원) giám đốc cơ quan tình báo trung ương Nam Hàn đã có cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Kim Hi Tông (Kim Hee-jong, 김희종) của Quang Châu (Gwangju, 광주), chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn, và Sứ thần Tòa thánh tại Nam Hàn là Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb.

Fides cho biết họ đã xác nhận tuyên bố của Ông Phác Trí Nguyên với một số “nguồn tin địa phương”.

Ông Phác Trí Nguyên đã trở thành người đứng đầu Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc vào tháng 7 năm 2020. Ông từng là thư ký cho Tổng thống Kim Đại Trọng (Kim Dae-jung, 김대중) và rõ ràng là người đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức cuộc gặp gỡ của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Nhất ở Bình Nhưỡng vào năm 2000.

Linh mục Dòng Phanxicô Nguyễn Đình Anh Nhuệ, một linh mục Việt Nam và là giám đốc Fides, viết: “ Cùng với tất cả các tín hữu Hàn Quốc, chúng tôi mong muốn rằng, nếu Chúa muốn, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đến thăm Bắc Triều Tiên để bắt đầu một kỷ nguyên hòa bình mới. Chuyến viếng thăm của ngài sẽ không phải là một điểm đến nhưng là một điểm khởi đầu cho một thời kỳ hòa giải, hòa hợp, hiệp nhất, nhân danh Tin Mừng. Đó sẽ là một khoảnh khắc của ân sủng và phước lành cho toàn bộ bán đảo”.

Văn phòng báo chí Vatican ngày 8/7 cho biết chuyến tông du duy nhất của Đức Giáo Hoàng đang được chuẩn bị tích cực vào lúc này là chuyến tông du tới Hung Gia Lợi và Slovakia vào tháng 9.

Trong cuộc phỏng vấn với Fides, Đức Tổng Giám Mục Du kể lại rằng khi Tổng thống Nam Hàn Văn Tại Dần gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào tháng 10 năm 2018, Tổng thống đã chuyển lời mời đến thăm Bắc Hàn từ nhà độc tài Kim Chính Ân. Lời mời đó đã được hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin, trích lời thư ký báo chí của tổng thống Văn.

“Đức Giáo Hoàng sau đó trả lời rằng ngài có thể đến thăm Bắc Triều Tiên ngay khi nhận được lời mời chính thức từ chính quyền Bình Nhưỡng”, Đức Tổng Giám Mục Du nói. “Khi nghe tin Đức Thánh Cha sẵn sàng, tôi thực sự xúc động. Kể từ đó, tôi đã không ngừng cầu nguyện cho chuyến thăm của Giáo hoàng tới Bắc Triều Tiên được diễn ra”.

“Cuộc đối đầu tồn tại trên Bán đảo Triều Tiên là một trong những nỗi đau lớn nhất của nhân loại ngày nay”, Đức Tổng Giám Mục nói với Fides. “Đáng chú ý là khu vực được gọi là 'Khu phi quân sự' giữa hai miền Nam - Bắc, trớ trêu thay lại là khu vực quân sự nghiêm trọng nhất trên thế giới”.

Theo Đức Cha Du, một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Triều Tiên, “có thể đại diện cho một bước ngoặt, cho phép người Hàn Quốc chúng tôi đối thoại và hiểu nhau hơn, bắt đầu từ những việc nhỏ và kết thúc bằng những việc lớn, và thậm chí có thể đạt đến sự thống nhất giữa hai miền Nam Bắc”.
Source:Crux
 
Phán quyết của tòa lưu động thứ năm: Việc cấm truyền giáo tại chợ trời là vi phạm tự do ngôn luận
Đặng Tự Do
06:13 12/07/2021


Trong vụ Denton kiện Thành phố El Paso, Texas, vào ngày 6 tháng 7 năm 2021, Tòa phúc thẩm vòng 5 của Hoa Kỳ đã chuyển vụ án lên một tòa án quận liên bang Texas yêu cầu tòa án ban hành lệnh sơ bộ cấm El Paso không được ngăn cấm việc truyền giáo tại Chợ Nông sản và Nghệ thuật El Paso ngoài trời hàng tuần. Các cấm đoán này dựa trên một sắc lệnh của thành phố cấm gây quỹ, vận động chính trị và ủng hộ tôn giáo tại chợ trời. Tòa án cho rằng những loại trừ này là sai trái và kết luận rằng:

Không rõ liệu Thành phố có bị chi phối bởi một ích lợi nào của chính phủ hay không. Chúng tôi không muốn phải quyết định vấn đề này nhưng muốn nhấn mạnh rằng ngay cả khi giả định rằng Thành phố bị chi phối bởi một ích lợi nào của chính phủ, thì việc hạn chế quyền tự do ngôn luận dựa trên một quan điểm khó có thể biện minh cho các quy định ngặt nghèo hiện nay.
Source:Religon Clause
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023
Đặng Tự Do
06:13 12/07/2021


Hôm 8/7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục giáo phận Luxembourg, làm Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI, sẽ tiến hành tại Roma vào tháng Mười năm 2023, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội công nghị đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.

Đức Hồng Y Hollerich thuộc dòng Tên, năm nay 63 tuổi (1958), nguyên là thừa sai tại Nhật Bản và là Phó Viện trưởng đại học Sophia của dòng tại Tokio. Năm 2011, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 bổ nhiệm làm Tổng giám mục giáo phận Luxembourg và được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Hồng Y, hồi tháng Mười năm 2019. Hiện nay, Đức Hồng Y cũng là Chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là Comece, qui tụ 27 vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục thuộc Liên hiệp này.

Trong tư cách là Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Hồng Y Hollerich sẽ giới thiệu đề tài và các vấn đề cần bàn đến trong Công nghị, đúc kết các bài phát biểu và xác định các vấn đề cần đào sâu trong các cuộc thảo luận nhóm, để đi tới các đề nghị cụ thể của Thượng Hội đồng Giám mục.
Source:Catholic News Agency
 
Thông báo của Tòa Thánh tối thứ Hai 12/7
Đặng Tự Do
06:17 12/07/2021


Lúc 12g30 trưa ngày thứ Hai 12 tháng 7, theo giờ địa phương Rôma, tức là 5g30 chiều giờ Việt Nam, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã ra một thông báo về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha trong đó lưu ý rằng Đức Thánh Cha phải ở lại thêm trong bệnh viện ít ngày nữa.

Toàn văn thông báo như sau:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành một ngày yên tĩnh và hoàn thành tiến trình hậu phẫu thuật.

Để tối ưu hóa liệu pháp y tế và phục hồi chức năng, Đức Thánh Cha sẽ còn nằm lại tại bệnh viện trong vài ngày nữa.

Hôm qua, trước khi đọc kinh Truyền Tin, ngài đã muốn gặp một số bệnh nhân trẻ từ khu Ung bướu gần đó cùng với gia đình của họ, là những em sau đó đã cùng lên trên tầng 10 trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Cuối cùng, ngài chào các bệnh nhân nằm bệnh viện, trò chuyện ngắn gọn với các nhân viên y tế và điều dưỡng.

Vào buổi chiều, ngài cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện riêng với các nhân viên giúp ngài hàng ngày.

Khi chia sẻ niềm vui chiến thắng của các đội tuyển quốc gia Á Căn Đình và Ý với những người thân cận với ngài, Đức Giáo Hoàng đã đề cập sâu về ý nghĩa của thể thao và các giá trị của nó, và về một khả năng trong thể thao để có thể chấp nhận bất kỳ kết quả nào, kể cả thất bại. “Chỉ bằng cách này, khi đối mặt với những khó khăn của cuộc sống, chúng ta mới có thể luôn dấn thân, chiến đấu không bỏ cuộc, với hy vọng và tin tưởng”.
Source:Holy See Press Office
 
Đức Thánh Cha ngồi xe lăn thăm các bệnh nhân và các nhân viên y tế trong bệnh viện Agostino Gemelli
Đặng Tự Do
06:18 12/07/2021


Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Bài Tin Mừng chúng ta đọc trong Phụng vụ hôm nay thuật lại rằng các môn đệ của Chúa Giêsu, được Người sai đi, đã “xức dầu cho nhiều người bệnh và chữa lành họ” (Mc 6:13). “Dầu” này cũng khiến chúng ta liên tưởng đến bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, mang lại sự thoải mái cho tinh thần và thể xác. Nhưng “dầu” này còn là sự lắng nghe, gần gũi, quan tâm, dịu dàng của những người chăm sóc các bệnh nhân: nó như một cái vuốt ve làm cho người ta cảm thấy dễ chịu hơn, xoa dịu và làm giảm đi nỗi đau. Tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, dù sớm hay muộn, đều cần đến sự “xức dầu” của sự gần gũi và dịu dàng này, và tất cả chúng ta có thể trao nó cho người khác, bằng một lời thăm hỏi, một cuộc điện thoại, một bàn tay dang rộng cho những người cần giúp đỡ. Chúng ta hãy nhớ rằng, trong Matthêu chương 25 một trong các tiêu chí trong cuộc phán xét cuối cùng là liệu chúng ta có gần gũi với người bệnh hay không.

Chính ngài đã thực hiện những lời này bằng cách ngồi xe lăn thăm một số bệnh nhân trẻ từ khu Ung bướu gần đó cùng với gia đình của họ. Dù di chuyển khó khăn, ngài đã cố gắng chào các bệnh nhân nằm bệnh viện, trò chuyện ngắn gọn với các nhân viên y tế và điều dưỡng.
Source:Holy See Press Office
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện một chuyến tông du ngắn tới Scotland trong tháng 11
Thanh Quảng sdb
06:35 12/07/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện một chuyến tông du ngắn tới Scotland 'trong tháng 11

(Tin CAN)

Glasgow, Scotland, ngày 12 tháng 7 năm 2021, một phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Scotland hôm thứ Hai cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Scotland “một chuyến tông du ngắn” vào tháng 11 tới.

Đức Thánh Cha dự kiến sẽ tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tổ chức (COP26) sẽ diễn ra tại Glasgow vào ngày 1-12 tháng 11.

Người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Scotland cho biết: “Đức Thánh Cha sẽ tới Scotland một thời gian rất ngắn, để tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26).

“Mặc dù có nhiều cuộc họp mục vụ, đại kết và liên tôn cũng đang chờ đợi ĐTC, nhưng vì thời gian rất hạn hẹp, ĐTC không thể tham dự được”.

Trong chuyến viếng thăm Vatican vào tháng 5, ngoại trưởng John Kerry, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đã cho hay Đức Thánh Cha “có ý định tham dự” Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

Ngoại trưởng Kerry đã gặp riêng Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 15 tháng 5. Trong một video clip do Vatican phát hành, có thể nghe thấy ngoại trưởng Kerry nói với các nhân viên của mình rằng “việc gặp gỡ ĐTC là việc đầu tiên ông muốn thực hiệp trước khi gặp các nguyên thủ quốc gia”.

Một "hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới" dự kiến diễn ra vào ngày 1-2 tháng 11, hai ngày khai mạc của Đại hội.

Tháng trước, Vatican đã công bố kế hoạch hợp tác trước sự quy tụ của các nhà khoa học và lãnh đạo các tôn giáo trên thế giới trước Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26).

“Niềm tin và Khoa học: Hướng tới Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26)” sẽ diễn ra vào ngày 4 tháng 10 tại Vatican. Sự kiện này đang được các Đại sứ quán Anh và Ý tổ chức ở Tòa thánh.

Tại một cuộc họp báo vào ngày 17 tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Thánh bộ Ngoại giao của Tòa Thánh, cho biết “có nhiều khả năng” Đức Thánh Cha sẽ tham dự cuộc họp tháng 10, vì những cam kết của ngài về vấn đề biến đổi khí hậu.

Vatican chưa có thông báo chính thức nào về việc Đức Thánh Cha sẽ tới Glasgow vào tháng 11.

Đức Thánh Cha Phanxicô hiện đang hồi phục trong bệnh viện sau cuộc phẫu thuật đại tràng.

Người phát ngôn cho biết: “Các giám mục Scotland cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô mau hồi phục sau ca phẫu thuật.

Các ngài “đã viết thư cho Đức Thánh Cha, đảm bảo với ngài về sự chào đón nồng nhiệt, khi ngài đến tham dự Hội nghị, và các ngài trông chờ được chào đón ĐTC ở Glasgow.
 
Duterte phỉ báng mẹ của Đức Cha David. Các Giám Mục bầu ngài làm chủ tịch Hội Đồng
Đặng Tự Do
16:50 12/07/2021


Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân đã bầu Đức Cha Pablo Virgilio David của Caloocan làm chủ tịch mới vào ngày 8 tháng 7. Ngài sẽ bắt đầu nhiệm kỳ hai năm với tư cách là người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục vào ngày 1 tháng 12.

Đức Cha David, 62 tuổi, người đã giữ chức phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục trong bốn năm qua, sẽ thay thế chủ tịch sắp mãn nhiệm là Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao.

Ngài nổi tiếng là một nhà phê bình kiên quyết đối với cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp của Tổng thống Rodrigo Duterte. Vào năm 2017, ngài đã ví hàng ngàn nạn nhân như “những con cừu bị đem đi giết thịt”.

Tổng thống Duterte nói với Đức Cha David vào năm 2019: “Bạn biết nếu bạn là một linh mục và bạn muốn tấn công tôi thì nghe này, bạn chỉ là con của một con điếm, hãy ra khỏi bục giảng của bạn. Đừng lợi dụng tôn giáo. Đến đây. Trong nhà thờ, bạn tấn công tôi. Ra đây tôi sẽ đánh trả”.

Vị giám mục cũng nằm trong số các giáo sĩ bị buộc tội kích động bạo loạn sau khi các video xuất hiện trên mạng cáo buộc gia đình tổng thống Duterte có liên quan đến các hoạt động ma túy bất hợp pháp.

Giáo phận của quê hương Đức Cha David là tổng giáo phận thủ đô Manila của Phi Luật Tân, là một trong những nơi đầu tiên chúc mừng ngài.

“Thật vui mừng khi người mục tử của chúng ta đã được bầu làm tân chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân,” tổng giáo phận Manila cho biết như trên trong một bài đăng trên Facebook.

Đức Cha David theo học tại Chủng viện San Jose và Đại học Ateneo de Manila do Dòng Tên điều hành, nơi ngài là bạn cùng lớp thần học với cựu tổng giám mục Manila là Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, hiện là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Đức Cha David cũng có bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Công Giáo Louvain ở Bỉ.
Source:Crux
 
Ngôi nhà thờ lịch sử gần hồ Redberry bị cháy rụi
Đặng Tự Do
16:50 12/07/2021


Một ngôi thánh đường lịch sử của người Công Giáo Ba Lan gần Hồ Redberry đã bị thiêu rụi vào ngày chiều thứ Năm 8 tháng 7.

Địa điểm này cách Battlefords chỉ chưa đầy một giờ về phía đông.

Vụ hỏa hoạn xảy ra sau một chuỗi các vụ đốt phá các nhà thờ trên khắp đất nước, liên quan đến những phát hiện gần đây về những ngôi mộ vô danh tại các Trường Nội Trú dành cho người bản địa ở British Columbia và Saskatchewan.

Không có bình luận ngay lập tức từ cơ quan thực thi pháp luật về nguyên nhân của vụ cháy nhưng những hình ảnh ghi lại hiện trường cho thấy ngọn lửa lan rất nhanh.

Theo Lenore Swystun, người đã trông coi tòa nhà và cung cấp video cho các phương tiện truyền thông, nhà thờ này là một địa danh lịch sử của khu vực.

“Thật đáng buồn, ngọ tháp nhà thờ vút cao trên nền trời đã biến mất. Không thể tin được”.

Theo báo cáo, nhà thờ đã tồn tại ít nhất một thế kỷ và đã được sửa chữa trong những năm gần đây.

Không có tuyên bố từ cơ quan thực thi pháp luật đã được phát hành vào thời điểm này.
Source:Ckom
 
Tuyên bố của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về trò cáo gian linh mục Dòng Tên Ấn Độ
Đặng Tự Do
16:51 12/07/2021


Liz Throssell, Cao ủy trưởng Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã ra tuyên bố sau trước cái chết của linh mục Dòng Tên Ấn Độ bị vu cáo

Ngày 6 tháng 7 năm 2021

Chúng tôi vô cùng đau buồn và băn khoăn trước cái chết của linh mục 84 tuổi Stan Swamy, một nhà bảo vệ nhân quyền và linh mục Dòng Tên, ở Mumbai hôm qua, sau khi ngài bị bắt vào tháng 10 năm 2020 theo Đạo luật Phòng ngừa và Ngăn chặn Hoạt động Bất hợp pháp của Ấn Độ gọi tắt là UAPA.

Cha Stan đã bị giam giữ trước khi xét xử mà không được tại ngoại kể từ khi bị bắt, bị buộc tội liên quan đến khủng bố vì các cuộc biểu tình từ năm 2018. Ngài là một nhà hoạt động lâu năm, đặc biệt là về quyền của người bản địa và các nhóm người bị thiệt thòi khác. Khi ở trong Nhà tù Trung tâm Taloja của Mumbai, sức khỏe của ngài ngày càng xấu đi và ngài đã nhiễm COVID-19. Đơn xin tại ngoại nhiều lần của ngài đều bị từ chối. Ngài qua đời khi Tòa án Tối cao Bombay đang xem xét đơn kháng cáo về việc bác đơn xin bảo lãnh của ngài.

Cao ủy Michelle Bachelet và các chuyên gia độc lập của LHQ đã liên tục nêu ra các trường hợp của Cha Stan và 15 nhà bảo vệ nhân quyền khác có liên quan đến các sự kiện tương tự với Chính phủ Ấn Độ trong ba năm qua và kêu gọi trả tự do cho họ khỏi cảnh giam cầm trước khi xét xử. Cao ủy cũng đã nêu lên những lo ngại về việc sử dụng UAPA liên quan đến những người bảo vệ nhân quyền, một đạo luật mà Cha Stan đã thách thức trước các tòa án Ấn Độ vài ngày trước khi ngài qua đời.

Do tác động nghiêm trọng liên tục của đại dịch COVID-19, các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, càng phải trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ mà không có đủ cơ sở pháp lý, kể cả những người bị giam giữ chỉ vì bày tỏ quan điểm chỉ trích hoặc bất đồng. Điều này sẽ phù hợp với lời kêu gọi của cơ quan tư pháp Ấn Độ trong việc giảm bớt tình trạng đông người trong các nhà tù.

Chúng tôi nhấn mạnh, một lần nữa, Cao ủy kêu gọi Chính phủ Ấn Độ phải bảo đảm rằng không ai bị giam giữ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ đối với tự do ngôn luận, hội họp hòa bình và lập hội.
Source:OHCHR
 
Giáo Hội Haiti sững sờ trước vụ ám sát tổng thống
Đặng Tự Do
16:52 12/07/2021


Đức Cha Alphonse Quesnel của Fort Liberté, Haiti, cho biết Giáo Hội tại Haiti sững sờ trước vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moïse.

“Các giám mục chúng tôi không chỉ phải kêu gọi sự bình tĩnh mà còn mời gọi tất cả người Haiti ngồi lại với nhau, thay đổi cách nhìn về nhau và cùng nhau tìm kiếm con đường phía trước”, vị giám mục nói với Vatican News vài giờ sau khi tổng thống Haiti bị bắn hạ bởi những kẻ tấn công không rõ danh tính trong phòng ngủ ở tư gia vào đầu ngày 7 tháng 7. Vợ ông, bà Martine Moïse, bị thương trong vụ tấn công. Hãng tin AP cho biết bà đang trong tình trạng ổn định.

Đức Cha Quesnel nói rằng vụ ám sát nên tạo ra cơ hội cho “sự thay đổi tâm lý” và “sự hoán cải thực sự”.

Vụ ám sát tổng thống Haiti cuối cùng diễn ra vào năm 1915 và dẫn đến cuộc chiếm đóng kéo dài 19 năm của quân đội Mỹ. Nhưng vị giám mục cho biết đã có một số dấu hiệu cảnh báo rằng một thảm kịch tương tự có thể xảy ra và mô tả những tháng trước đó là những tháng “hỗn loạn” đòi hỏi sự thận trọng và suy xét cẩn thận.

Đức Cha Quesnel cho biết căng thẳng đã gia tăng ở quốc gia Caribê này trong vài tháng qua với sự gia tăng của các hoạt động bạo lực liên quan đến các băng nhóm vũ trang mà các nguồn tin của Liên Hợp Quốc cho biết đã khiến gần 15,000 người phải di tản khỏi các khu dân cư nghèo của Port-au-Prince. Các tổ chức nhân quyền cho biết các băng nhóm vũ trang này có liên hệ với các chính trị gia khác nhau, bao gồm cả các thành viên trong chính phủ đương quyền.

Các vụ bắt cóc để đòi tiền chuộc của các băng nhóm này đã tăng vọt trong những tháng gần đây, với 91 người được ghi nhận là bị bắt cóc vào tháng 4 năm 2021. Trong số đó có 7 linh mục, bao gồm 2 công dân Pháp bị bắt cóc giữa ban ngày khi họ đang lái xe trong một đoàn xe đến dự lễ tấn phong của một tân linh mục.

Các băng đảng đã tiếp quản các khu phố nghèo ở Martissant, nằm trên con đường dẫn đến miền nam Haiti, ít nhiều đã chia cắt một nửa đất nước khỏi thủ đô. Vào ngày 4 tháng 7, sáu người, trong đó có hai nhà truyền giáo Tin lành Hoa Kỳ, đã thiệt mạng khi một chiếc máy bay nhỏ gặp nạn khi đang bay từ Port-au-Prince đến thành phố đông nam Jacmel, trong một nỗ lực tránh phải đi ngang qua Martissant.

Moïse đã cầm quyền bằng cách tung ra hàng loạt các sắc lệnh kể từ tháng Giêng năm 2020, khi nhiệm kỳ của hầu hết các thượng nghị sĩ và dân biểu đã kết thúc. Trong một tuyên bố vào tháng 6, Hội Đồng Giám Mục Haiti phản đối một cuộc trưng cầu dân ý không được lòng dân do Moïse kêu gọi. Các giám mục cho biết một cuộc trưng cầu dân ý như vậy sẽ không thể xảy ra trong bối cảnh hiện tại khi mà bọn tội phạm đang làm tê liệt và gây bất ổn nghiêm trọng chính trị xã hội.

Đức Cha nhấn mạnh rằng:

“Hội Đồng Giám Mục hiện nay có một vai trò quan trọng trong việc thấm nhuần các giá trị Phúc âm, để mọi người có thể học cách nhìn đối mặt với các vấn đề, biết nhìn nhận nhau và biết hướng đến tương lai đất nước. Nếu không, chúng tôi sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong tình huống này”.

Vụ ám sát đã gây ra một làn sóng chấn động khắp cả nước.
Source:OSVNews
 
VietCatholic TV
Không tin cũng vẫn xảy ra: Nam Hàn chuẩn bị cho Đức Thánh Cha tông du Bắc Hàn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:10 12/07/2021


1. Triển vọng Đức Thánh Cha thăm Bắc Hàn

Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ đến thăm Bình Nhưỡng. Ông nói rằng ông đang làm việc với các nhà lãnh đạo Giáo hội để điều đó trở thành hiện thực.

Ông Phác Trí Nguyên (Park Jie-won, 박지원) giám đốc cơ quan tình báo trung ương Nam Hàn, đã phát biểu như trên trong một thánh lễ ngày 5 tháng 7 kỷ niệm việc chỉ định Nhà thờ Thánh Trinh Đổng (Sanjeongdong, 정동) ở Mộc Phố (Mokpo, 목포) Nam Hàn là một tiểu vương cung thánh đường.

“Lý do đặc biệt mà tôi đến đây hôm nay là vì Đức Tổng Giám Mục Kim Hi Tông (Kim Hee-jong, 김희종) của Quang Châu (Gwangju, 광주), Sứ thần Tòa thánh tại Nam Hàn Alfred Xuereb, và tôi đang làm việc để tổ chức một chuyến thăm Bình Nhưỡng của Đức Giáo Hoàng,” Ông Phác nói.

“Xin hãy cầu nguyện để chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Bình Nhưỡng thành hiện thực và mang lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên của chúng ta”.

Ông Phác Trí Nguyên đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên đầu tiên vào năm 2000. Cuộc gặp gỡ của ông với Đức Tổng Giám Mục Quang Châu và Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn ủng hộ những nhận xét của Đức Cha Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik), giám mục giáo phận Đại Điền (대전시, Daejon), là người vừa được bổ nhiệm tân Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ tại Vatican.

Ngay sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Ngài làm Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, Đức Tổng Giám Mục cho biết trong một cuộc họp báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ mong muốn đến thăm Bắc Triều Tiên.

“Đức Giáo Hoàng đã nói rằng ngài muốn đến thăm Bắc Triều Tiên,” Đức Cha Du nói hôm 12 tháng 6.

“Nếu tôi được giao một vai trò trong việc sắp xếp chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên, tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện sứ mệnh của mình”.

Khả năng Đức Giáo Hoàng thăm Bắc Triều Tiên được nêu ra lần đầu tiên vào năm 2018 khi một phát ngôn viên của chính phủ Nam Hàn nói rằng nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân,, hay còn gọi là Kim Jong-un, đã nói với Tổng thống Nam Hàn Văn Tại Dần (Moon Jae-in) rằng ông ta sẽ “rất hoan nghênh” một chuyến thăm Bình Nhưỡng của Đức Giáo Hoàng.

Đức Tổng Giám Mục Du, là người đã thay mặt cho Hội đồng Giám mục Nam Hàn đến Bắc Triều Tiên nhiều lần, đã nói tại một cuộc họp báo của Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma vào năm 2018 rằng sẽ thật “tuyệt vời” nếu có một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Hàn, nhưng “trên thực tế, có nhiều bước phải thực hiện.”

Triều Tiên liên tục bị tổ chức bác ái Open Doors xếp hạng là quốc gia tồi tệ nhất trong việc đàn áp các tín hữu Kitô. Kitô Hữu sống trong nhà nước vô thần này đã phải đối mặt với việc bắt bớ, cải tạo trong các trại lao động, hoặc, trong một số trường hợp, bị hành quyết vì đức tin của họ.

Một cuộc điều tra của Liên hợp quốc vào năm 2014 đã đưa ra một báo cáo dài 372 trang ghi lại các tội ác chống lại loài người, bao gồm hành quyết, nô dịch, tra tấn, bỏ tù, cưỡng bức phá thai và cố ý gây ra nạn đói kéo dài.

Bình Nhưỡng từng được gọi là “Jerusalem của phương Đông” và được coi là trung tâm của Kitô Giáo ở Đông Bắc Á.

Theo Hội đồng Giám mục Nam Hàn, ngay trước khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, nhiều linh mục ở Triều Tiên đã bị bắt, bị giết hoặc mất tích.

Năm 1988, “Hiệp hội Công Giáo Bắc Hàn,” do chính quyền cộng sản thành lập, đã ghi danh 800 thành viên. Hiệp hội này không được Vatican công nhận, nhưng là một trong ba giáo hội do nhà nước bảo trợ hoạt động tại Bắc Triều Tiên dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà cầm quyền cộng sản.
Source:Catholic News Agency

2. Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Bắc Triều Tiên khó lòng xảy ra, nhưng sẽ thúc đẩy hòa bình

Đức Tổng Giám Mục Nam Hàn, người vừa được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ Vatican nói rằng một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Triều Tiên dường như rất khó xảy ra, nhưng đó có thể là một sự can thiệp cần thiết từ bên ngoài để vượt qua bế tắc phân chia Bán đảo Triều Tiên.

“Về mặt con người, dường như có rất ít hy vọng, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, tôi cố gắng, bằng cách cầu nguyện với Ngài, để có thể chào đón tất cả những gì có thể hữu ích để thúc đẩy hòa bình”, Đức Tổng Giám Mục Lagiarô Du Huỳnh Trị nói với Fides, hãng tin của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Fides đã công bố bình luận của Đức Tổng Giám Mục vào ngày 6 tháng 7 cùng với các báo cáo rằng Ông Phác Trí Nguyên (Park Jie-won, 박지원) giám đốc cơ quan tình báo trung ương Nam Hàn đã có cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Kim Hi Tông (Kim Hee-jong, 김희종) của Quang Châu (Gwangju, 광주), chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn, và Sứ thần Tòa thánh tại Nam Hàn là Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb.

Fides cho biết họ đã xác nhận tuyên bố của Ông Phác Trí Nguyên với một số “nguồn tin địa phương”.

Ông Phác Trí Nguyên đã trở thành người đứng đầu Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc vào tháng 7 năm 2020. Ông từng là thư ký cho Tổng thống Kim Đại Trọng (Kim Dae-jung, 김대중) và rõ ràng là người đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức cuộc gặp gỡ của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Nhất ở Bình Nhưỡng vào năm 2000.

Linh mục Dòng Phanxicô Nguyễn Đình Anh Nhuệ, một linh mục Việt Nam và là giám đốc Fides, viết: “ Cùng với tất cả các tín hữu Hàn Quốc, chúng tôi mong muốn rằng, nếu Chúa muốn, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đến thăm Bắc Triều Tiên để bắt đầu một kỷ nguyên hòa bình mới. Chuyến viếng thăm của ngài sẽ không phải là một điểm đến nhưng là một điểm khởi đầu cho một thời kỳ hòa giải, hòa hợp, hiệp nhất, nhân danh Tin Mừng. Đó sẽ là một khoảnh khắc của ân sủng và phước lành cho toàn bộ bán đảo”.

Văn phòng báo chí Vatican ngày 8/7 cho biết chuyến tông du duy nhất của Đức Giáo Hoàng đang được chuẩn bị tích cực vào lúc này là chuyến tông du tới Hung Gia Lợi và Slovakia vào tháng 9.

Trong cuộc phỏng vấn với Fides, Đức Tổng Giám Mục Du kể lại rằng khi Tổng thống Nam Hàn Văn Tại Dần gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào tháng 10 năm 2018, Tổng thống đã chuyển lời mời đến thăm Bắc Hàn từ nhà độc tài Kim Chính Ân. Lời mời đó đã được hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin, trích lời thư ký báo chí của tổng thống Văn.

“Đức Giáo Hoàng sau đó trả lời rằng ngài có thể đến thăm Bắc Triều Tiên ngay khi nhận được lời mời chính thức từ chính quyền Bình Nhưỡng”, Đức Tổng Giám Mục Du nói. “Khi nghe tin Đức Thánh Cha sẵn sàng, tôi thực sự xúc động. Kể từ đó, tôi đã không ngừng cầu nguyện cho chuyến thăm của Giáo hoàng tới Bắc Triều Tiên được diễn ra”.

“Cuộc đối đầu tồn tại trên Bán đảo Triều Tiên là một trong những nỗi đau lớn nhất của nhân loại ngày nay”, Đức Tổng Giám Mục nói với Fides. “Đáng chú ý là khu vực được gọi là 'Khu phi quân sự' giữa hai miền Nam - Bắc, trớ trêu thay lại là khu vực quân sự nghiêm trọng nhất trên thế giới”.

Theo Đức Cha Du, một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Triều Tiên, “có thể đại diện cho một bước ngoặt, cho phép người Hàn Quốc chúng tôi đối thoại và hiểu nhau hơn, bắt đầu từ những việc nhỏ và kết thúc bằng những việc lớn, và thậm chí có thể đạt đến sự thống nhất giữa hai miền Nam Bắc”.
Source:Crux

3. Phán quyết của tòa lưu động thứ năm: Việc cấm truyền giáo tại chợ trời là vi phạm tự do ngôn luận

Trong vụ Denton kiện Thành phố El Paso, Texas, vào ngày 6 tháng 7 năm 2021, Tòa phúc thẩm vòng 5 của Hoa Kỳ đã chuyển vụ án lên một tòa án quận liên bang Texas yêu cầu tòa án ban hành lệnh sơ bộ cấm El Paso không được ngăn cấm việc truyền giáo tại Chợ Nông sản và Nghệ thuật El Paso ngoài trời hàng tuần. Các cấm đoán này dựa trên một sắc lệnh của thành phố cấm gây quỹ, vận động chính trị và ủng hộ tôn giáo tại chợ trời. Tòa án cho rằng những loại trừ này là sai trái và kết luận rằng:

Không rõ liệu Thành phố có bị chi phối bởi một ích lợi nào của chính phủ hay không. Chúng tôi không muốn phải quyết định vấn đề này nhưng muốn nhấn mạnh rằng ngay cả khi giả định rằng Thành phố bị chi phối bởi một ích lợi nào của chính phủ, thì việc hạn chế quyền tự do ngôn luận dựa trên một quan điểm khó có thể biện minh cho các quy định ngặt nghèo hiện nay.
Source:Religon Clause

4. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023

Hôm 8/7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục giáo phận Luxembourg, làm Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI, sẽ tiến hành tại Roma vào tháng Mười năm 2023, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội công nghị đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.

Đức Hồng Y Hollerich thuộc dòng Tên, năm nay 63 tuổi (1958), nguyên là thừa sai tại Nhật Bản và là Phó Viện trưởng đại học Sophia của dòng tại Tokio. Năm 2011, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 bổ nhiệm làm Tổng giám mục giáo phận Luxembourg và được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Hồng Y, hồi tháng Mười năm 2019. Hiện nay, Đức Hồng Y cũng là Chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là Comece, qui tụ 27 vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục thuộc Liên hiệp này.

Trong tư cách là Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Hồng Y Hollerich sẽ giới thiệu đề tài và các vấn đề cần bàn đến trong Công nghị, đúc kết các bài phát biểu và xác định các vấn đề cần đào sâu trong các cuộc thảo luận nhóm, để đi tới các đề nghị cụ thể của Thượng Hội đồng Giám mục.
Source:Catholic News Agency
 
Cảm động: Đức Giáo Hoàng phải ngồi xe lăn, vẫn thăm bệnh nhân. Thông báo Tòa Thánh tối thứ Hai 12/7.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:14 12/07/2021


1. Thông báo của Tòa Thánh tối thứ Hai 12/7

Lúc 12g30 trưa ngày thứ Hai 12 tháng 7, theo giờ địa phương Rôma, tức là 5g30 chiều giờ Việt Nam, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã ra một thông báo về tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha trong đó lưu ý rằng Đức Thánh Cha phải ở lại thêm trong bệnh viện ít ngày nữa.

Toàn văn thông báo như sau:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành một ngày yên tĩnh và hoàn thành tiến trình hậu phẫu thuật.

Để tối ưu hóa liệu pháp y tế và phục hồi chức năng, Đức Thánh Cha sẽ còn nằm lại tại bệnh viện trong vài ngày nữa.

Hôm qua, trước khi đọc kinh Truyền Tin, ngài đã muốn gặp một số bệnh nhân trẻ từ khu Ung bướu gần đó cùng với gia đình của họ, là những em sau đó đã cùng lên trên tầng 10 trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Cuối cùng, ngài chào các bệnh nhân nằm bệnh viện, trò chuyện ngắn gọn với các nhân viên y tế và điều dưỡng.

Vào buổi chiều, ngài cử hành Thánh lễ trong nhà nguyện riêng với các nhân viên giúp ngài hàng ngày.

Khi chia sẻ niềm vui chiến thắng của các đội tuyển quốc gia Á Căn Đình và Ý với những người thân cận với ngài, Đức Giáo Hoàng đã đề cập sâu về ý nghĩa của thể thao và các giá trị của nó, và về một khả năng trong thể thao để có thể chấp nhận bất kỳ kết quả nào, kể cả thất bại. “Chỉ bằng cách này, khi đối mặt với những khó khăn của cuộc sống, chúng ta mới có thể luôn dấn thân, chiến đấu không bỏ cuộc, với hy vọng và tin tưởng”.
Source:Holy See Press Office

2. Đức Thánh Cha ngồi xe lăn thăm các bệnh nhân và các nhân viên y tế trong bệnh viện Agostino Gemelli

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Bài Tin Mừng chúng ta đọc trong Phụng vụ hôm nay thuật lại rằng các môn đệ của Chúa Giêsu, được Người sai đi, đã “xức dầu cho nhiều người bệnh và chữa lành họ” (Mc 6:13). “Dầu” này cũng khiến chúng ta liên tưởng đến bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, mang lại sự thoải mái cho tinh thần và thể xác. Nhưng “dầu” này còn là sự lắng nghe, gần gũi, quan tâm, dịu dàng của những người chăm sóc các bệnh nhân: nó như một cái vuốt ve làm cho người ta cảm thấy dễ chịu hơn, xoa dịu và làm giảm đi nỗi đau. Tất cả chúng ta, tất cả chúng ta, dù sớm hay muộn, đều cần đến sự “xức dầu” của sự gần gũi và dịu dàng này, và tất cả chúng ta có thể trao nó cho người khác, bằng một lời thăm hỏi, một cuộc điện thoại, một bàn tay dang rộng cho những người cần giúp đỡ. Chúng ta hãy nhớ rằng, trong Matthêu chương 25 một trong các tiêu chí trong cuộc phán xét cuối cùng là liệu chúng ta có gần gũi với người bệnh hay không.

Chính ngài đã thực hiện những lời này bằng cách ngồi xe lăn thăm một số bệnh nhân trẻ từ khu Ung bướu gần đó cùng với gia đình của họ. Dù di chuyển khó khăn, ngài đã cố gắng chào các bệnh nhân nằm bệnh viện, trò chuyện ngắn gọn với các nhân viên y tế và điều dưỡng.
Source:Holy See Press Office

3. Niềm đam mê bóng đá, cúp Âu Châu trong bối cảnh Đức Thánh Cha nằm bệnh viện

Nhìn từ bên ngoài, bạn có thể nghĩ rằng điều được nhắc đến nhiều nhất ở Rôma lúc này là Đức Thánh Cha Phanxicô đang nằm trong bệnh viện Gemelli, với nhiều giả thuyết khác nhau được lan truyền rằng ngài thực sự bệnh nặng hơn những gì Vatican đang nói, hay cuộc phẫu thuật viêm đại tràng không phải đã thực sự được “lên kế hoạch” từ trước như Vatican đã tuyên bố, v.v.

Sự thật thì bạn đã nhầm.

Trước đây, người Rôma đã từng trải qua những lần sợ hãi về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng, và họ có một loại giác quan thứ sáu có thể đánh hơi được điều gì thực sự nghiêm trọng. Hiện tại, hầu hết mọi người ở đây dường như đang cho rằng đây là con đường phải trải qua của một người đàn ông bình thường, đã 84 tuổi

Mặt khác, mọi người Rôma mà bạn gặp ngay bây giờ, cho dù trong siêu thị, taxi, nhà hàng hay cửa hàng thuốc lá hay bất cứ nơi nào, họ chỉ có một câu hỏi dành cho bạn: Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra vào tối Chúa Nhật?

Điều họ muốn đề cập đến là trận chung kết lịch sử của giải bóng đá Euro 2020, trận đấu giữa Ý với Anh sau một quá trình kéo dài hàng tháng trời để chọn từ 24 đội ra hai đội. Có lẽ chưa bao giờ kể từ cuộc Cải cách Tin lành ở Anh, Ý và Anh lại đấu với nhau một cách khá kịch tính như vậy.

Cả hai đội đều đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt, từ các hiệp phụ đến các loạt sút luân lưu để quyết định các trận đấu. Đội tuyển quốc gia Anh đã không giành được một chức vô địch lớn nào trong 55 năm qua, nhưng họ có lợi thế đang chơi trên sân nhà ở Sân vận động Wembley, trong khi Ý đang chơi cho một đất nước suy thoái, sau những bất ổn về kinh tế và xã hội vì coronavirus, rất cần được nâng đỡ, và đối với bóng đá hoặc calcio, như người Ý thường gọi, phơi áo trước đối phương là một nỗi ám ảnh của quốc gia.

Trận đấu sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ tối Chúa Nhật theo giờ London, 3 giờ chiều theo giờ Đông Bộ Hoa Kỳ và sẽ được phát sóng toàn quốc trên kênh ESPN.

Hai điều về phản ứng của người Ý đặc biệt thú vị.

Đầu tiên, nhà báo kỳ cựu người Ý Beppe Severgnini đã có một chuyên mục ngày hôm qua trên tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, là tờ nhật báo có thẩm quyền nhất của Ý, trong đó ông lưu ý rằng các bàn thắng mà đội Ý ghi được trong giải đấu năm nay không chỉ mang tính chiến thuật mà còn đẹp mắt về mặt thẩm mỹ - thể thao, nghệ thuật, kịch tính.

Một phần, Severgnini cho rằng xu hướng đó là do tác động của huấn luyện viên Roberto Mancini, nhưng cũng là do tính cách dân tộc Ý.

“Những bàn thắng ngoạn mục này đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người Ý, là điều không bao giờ được đánh giá thấp. Giữa những gì tốt và những gì đẹp, chúng ta thường ưu tiên cho cái đẹp. Hãy nghĩ về xu hướng quốc gia đối với các nghĩa cử cao đẹp, và cách chúng ta đấu tranh để có hành vi tốt”.

Severgnini viết: “Vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp nghệ thuật, vẻ đẹp gắn liền với đồ vật, đồ ăn hay quần áo - không có chuyện người Ý ăn mặc xấu, chỉ có người Ý không quan tâm đến việc ăn mặc đẹp”.

Niềm khao khát đối với vẻ đẹp - bella figura, làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp, cũng đã đến được Vatican, và luôn luôn có ở đó. Nó giúp giải thích lý do tại sao Vatican có một khả năng vô tận cho các nghi lễ và các sự kiện lớn khác với sự khởi sắc tuyệt vời, và cả khả năng khơi dậy các tiềm năng bên dưới những diễn biến hào nhoáng đó.

Một khía cạnh đáng chú ý khác của mối quan tâm hiện tại của người Ý đối với số phận của đội tuyển quốc gia là vai trò của cả bóng đá và Công Giáo trong việc hình thành bản sắc ở đây.

Cho đến năm 1870, Ý vẫn chưa thống nhất như chúng ta thấy hiện nay, và câu hỏi về điều gì khiến một người nào đó trở thành “người Ý”, chứ không phải người Naples, Sicilia, Umbria, hoặc một trong những vùng khác biệt của Ý, luôn là một câu hỏi gây bức xúc. Nó phát sinh với cường độ đặc biệt dưới thời phát xít trong những năm 1920 và 30, vì việc khắc sâu sự trung thành đối với tổ quốc là một nỗi ám ảnh đối với Mussolini.

Trong cùng thời gian này, các giải vô địch bóng đá quốc tế bắt đầu hình thành, và Ý là một trong những cường quốc ban đầu. Đội tuyển quốc gia Ý đã giành chức vô địch World Cup năm 1934 và cuộc thi bóng đá tại Thế vận hội Berlin năm 1936, khơi gợi lòng nhiệt thành từ khắp nơi trên bán đảo Ý - lần đầu tiên, trên nhiều phương diện, một câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi đâu là “Ý nghĩa của việc là người Ý?”

Một cách trả lời, và một câu trả lời sẽ có ý nghĩa đối với nhiều người Ý ngay cả ngày nay: Là người Ý đối với nhiều người có nghĩa là cổ vũ cho Azzurri, hay đội tuyển quốc gia. Đội tuyển Ý được gọi là Azzurri, hay đội tuyển “màu xanh lam”, bởi vì màu xanh lam là màu của triều đại Savoy đã giúp đưa Ý đến thống nhất.

Sự thật, người Ý có vài điểm chung đáng quý. Phong cách sống, giá trị, quan điểm và kỳ vọng của một người sống ở Piedmont xa xôi phía bắc khác hẳn với những người sống trên hòn đảo Sicily xa xôi phía nam. Bên cạnh thực tế là người Ý có chung một chính phủ quốc gia - và có cùng xu hướng phàn nàn không ngừng về chính phủ đó - lực lượng duy nhất bao trùm toàn bộ bán đảo là Giáo Hội Công Giáo và niềm đam mê đối với đội tuyển bóng đá quốc gia.

Ở Ý sau khi thống nhất, Giáo Hội không thể được nhà nước hoặc xã hội thế tục cổ vũ như một cơ sở của bản sắc dân tộc, vì vậy bóng đá đã trở thành tôn giáo dân sự trên thực tế, một trụ cột thế tục của bản sắc Ý. Để cổ vũ cho Azzurri, người Ý còn làm nhiều hơn là cổ vũ cho đội bóng của họ chiến thắng - họ công bố mình là một dân tộc, bất kể các khác biệt.

Tuy nhiên, dù những người theo Đảng Cộng hòa hay Phát xít có thể muốn niềm đam mê bóng đá đừng dính líu đến bản sắc Công Giáo của Ý, nhưng cuối cùng thì cả hai đều không thể kìm hãm sự hòa vào nhau. Thứ Ba tuần trước, khi Italia đối mặt với Tây Ban Nha ở trận bán kết và phải đá luân lưu trước khi giành chiến thắng cuối cùng, người dân Italia từ trên xuống dưới đều cầu nguyện với Đức Mẹ, xoa nắn các bức tượng và các bức ảnh Đức Mẹ và các thánh, cũng như thắp nến trước những cú sút định mệnh.

Nói cách khác, rất nhiều điều khiến Ý trở thành Ý - và khiến Vatican trở thành Vatican - sẽ có mặt trên sân vào đêm Chúa Nhật, khi Azzurri một lần nữa chơi vì niềm tự hào dân tộc, và khi các tín đồ của họ thay mặt họ xông lên thiên đường với hình thức cầu nguyện riêng biệt của Công Giáo.

Đó là một hiện tượng mà Đức Giáo Hoàng hiện tại chắc chắn đang theo dõi với sự quan tâm từ phòng bệnh của mình, vì tổ tiên của ngài đến từ vùng Piedmont của Ý và tất nhiên, vì bản thân ngài cũng là một người hâm mộ bóng đá, và quê hương của ngài, Á Căn Đình, sẽ đấu với đối thủ khó chịu của họ là Brazil trong trận chung kết Copa America vào ngày thứ Bảy.
Source:Crux
 
Độc tài Duterte dùng từ hạ cấp phỉ báng mẹ một Giám Mục. Các Đức Cha bầu ngài làm chủ tịch Hội Đồng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:46 12/07/2021


1. Duterte phỉ báng mẹ của Đức Cha David. Các Giám Mục bầu ngài làm chủ tịch Hội Đồng

Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân đã bầu Đức Cha Pablo Virgilio David của Caloocan làm chủ tịch mới vào ngày 8 tháng 7. Ngài sẽ bắt đầu nhiệm kỳ hai năm với tư cách là người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục vào ngày 1 tháng 12.

Đức Cha David, 62 tuổi, người đã giữ chức phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục trong bốn năm qua, sẽ thay thế chủ tịch sắp mãn nhiệm là Đức Tổng Giám Mục Romulo Valles của Davao.

Ngài nổi tiếng là một nhà phê bình kiên quyết đối với cuộc chiến chống ma túy bất hợp pháp của Tổng thống Rodrigo Duterte. Vào năm 2017, ngài đã ví hàng ngàn nạn nhân như “những con cừu bị đem đi giết thịt”.

Tổng thống Duterte nói với Đức Cha David vào năm 2019: “Bạn biết nếu bạn là một linh mục và bạn muốn tấn công tôi thì nghe này, bạn chỉ là con của một con điếm, hãy ra khỏi bục giảng của bạn. Đừng lợi dụng tôn giáo. Đến đây. Trong nhà thờ, bạn tấn công tôi. Ra đây tôi sẽ đánh trả”.

Vị giám mục cũng nằm trong số các giáo sĩ bị buộc tội kích động bạo loạn sau khi các video xuất hiện trên mạng cáo buộc gia đình tổng thống Duterte có liên quan đến các hoạt động ma túy bất hợp pháp.

Giáo phận của quê hương Đức Cha David là tổng giáo phận thủ đô Manila của Phi Luật Tân, là một trong những nơi đầu tiên chúc mừng ngài.

“Thật vui mừng khi người mục tử của chúng ta đã được bầu làm tân chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân,” tổng giáo phận Manila cho biết như trên trong một bài đăng trên Facebook.

Đức Cha David theo học tại Chủng viện San Jose và Đại học Ateneo de Manila do Dòng Tên điều hành, nơi ngài là bạn cùng lớp thần học với cựu tổng giám mục Manila là Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, hiện là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Đức Cha David cũng có bằng tiến sĩ thần học tại Đại học Công Giáo Louvain ở Bỉ.
Source:Crux

2. Ngôi nhà thờ lịch sử bị cháy rụi gần hồ Redberry

Một ngôi thánh đường lịch sử của người Công Giáo Ba Lan gần Hồ Redberry đã bị thiêu rụi vào ngày chiều thứ Năm 8 tháng 7.

Địa điểm này cách Battlefords chỉ chưa đầy một giờ về phía đông.

Vụ hỏa hoạn xảy ra sau một chuỗi các vụ đốt phá các nhà thờ trên khắp đất nước, liên quan đến những phát hiện gần đây về những ngôi mộ vô danh tại các Trường Nội Trú dành cho người bản địa ở British Columbia và Saskatchewan.

Không có bình luận ngay lập tức từ cơ quan thực thi pháp luật về nguyên nhân của vụ cháy nhưng những hình ảnh ghi lại hiện trường cho thấy ngọn lửa lan rất nhanh.

Theo Lenore Swystun, người đã trông coi tòa nhà và cung cấp video cho các phương tiện truyền thông, nhà thờ này là một địa danh lịch sử của khu vực.

“Thật đáng buồn, ngọ tháp nhà thờ vút cao trên nền trời đã biến mất. Không thể tin được”.

Theo báo cáo, nhà thờ đã tồn tại ít nhất một thế kỷ và đã được sửa chữa trong những năm gần đây.

Không có tuyên bố từ cơ quan thực thi pháp luật đã được phát hành vào thời điểm này.
Source:Ckom

3. Tuyên bố của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về trò cáo gian linh mục Dòng Tên Ấn Độ

Liz Throssell, Cao ủy trưởng Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã ra tuyên bố sau trước cái chết của linh mục Dòng Tên Ấn Độ bị vu cáo

Ngày 6 tháng 7 năm 2021

Chúng tôi vô cùng đau buồn và băn khoăn trước cái chết của linh mục 84 tuổi Stan Swamy, một nhà bảo vệ nhân quyền và linh mục Dòng Tên, ở Mumbai hôm qua, sau khi ngài bị bắt vào tháng 10 năm 2020 theo Đạo luật Phòng ngừa và Ngăn chặn Hoạt động Bất hợp pháp của Ấn Độ gọi tắt là UAPA.

Cha Stan đã bị giam giữ trước khi xét xử mà không được tại ngoại kể từ khi bị bắt, bị buộc tội liên quan đến khủng bố vì các cuộc biểu tình từ năm 2018. Ngài là một nhà hoạt động lâu năm, đặc biệt là về quyền của người bản địa và các nhóm người bị thiệt thòi khác. Khi ở trong Nhà tù Trung tâm Taloja của Mumbai, sức khỏe của ngài ngày càng xấu đi và ngài đã nhiễm COVID-19. Đơn xin tại ngoại nhiều lần của ngài đều bị từ chối. Ngài qua đời khi Tòa án Tối cao Bombay đang xem xét đơn kháng cáo về việc bác đơn xin bảo lãnh của ngài.

Cao ủy Michelle Bachelet và các chuyên gia độc lập của LHQ đã liên tục nêu ra các trường hợp của Cha Stan và 15 nhà bảo vệ nhân quyền khác có liên quan đến các sự kiện tương tự với Chính phủ Ấn Độ trong ba năm qua và kêu gọi trả tự do cho họ khỏi cảnh giam cầm trước khi xét xử. Cao ủy cũng đã nêu lên những lo ngại về việc sử dụng UAPA liên quan đến những người bảo vệ nhân quyền, một đạo luật mà Cha Stan đã thách thức trước các tòa án Ấn Độ vài ngày trước khi ngài qua đời.

Do tác động nghiêm trọng liên tục của đại dịch COVID-19, các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ, càng phải trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ mà không có đủ cơ sở pháp lý, kể cả những người bị giam giữ chỉ vì bày tỏ quan điểm chỉ trích hoặc bất đồng. Điều này sẽ phù hợp với lời kêu gọi của cơ quan tư pháp Ấn Độ trong việc giảm bớt tình trạng đông người trong các nhà tù.

Chúng tôi nhấn mạnh, một lần nữa, Cao ủy kêu gọi Chính phủ Ấn Độ phải bảo đảm rằng không ai bị giam giữ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ đối với tự do ngôn luận, hội họp hòa bình và lập hội.
Source:OHCHR

4. Giáo Hội Haiti sững sờ trước vụ ám sát tổng thống

Đức Cha Alphonse Quesnel của Fort Liberté, Haiti, cho biết Giáo Hội tại Haiti sững sờ trước vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moïse.

“Các giám mục chúng tôi không chỉ phải kêu gọi sự bình tĩnh mà còn mời gọi tất cả người Haiti ngồi lại với nhau, thay đổi cách nhìn về nhau và cùng nhau tìm kiếm con đường phía trước”, vị giám mục nói với Vatican News vài giờ sau khi tổng thống Haiti bị bắn hạ bởi những kẻ tấn công không rõ danh tính trong phòng ngủ ở tư gia vào đầu ngày 7 tháng 7. Vợ ông, bà Martine Moïse, bị thương trong vụ tấn công. Hãng tin AP cho biết bà đang trong tình trạng ổn định.

Đức Cha Quesnel nói rằng vụ ám sát nên tạo ra cơ hội cho “sự thay đổi tâm lý” và “sự hoán cải thực sự”.

Vụ ám sát tổng thống Haiti cuối cùng diễn ra vào năm 1915 và dẫn đến cuộc chiếm đóng kéo dài 19 năm của quân đội Mỹ. Nhưng vị giám mục cho biết đã có một số dấu hiệu cảnh báo rằng một thảm kịch tương tự có thể xảy ra và mô tả những tháng trước đó là những tháng “hỗn loạn” đòi hỏi sự thận trọng và suy xét cẩn thận.

Đức Cha Quesnel cho biết căng thẳng đã gia tăng ở quốc gia Caribê này trong vài tháng qua với sự gia tăng của các hoạt động bạo lực liên quan đến các băng nhóm vũ trang mà các nguồn tin của Liên Hợp Quốc cho biết đã khiến gần 15,000 người phải di tản khỏi các khu dân cư nghèo của Port-au-Prince. Các tổ chức nhân quyền cho biết các băng nhóm vũ trang này có liên hệ với các chính trị gia khác nhau, bao gồm cả các thành viên trong chính phủ đương quyền.

Các vụ bắt cóc để đòi tiền chuộc của các băng nhóm này đã tăng vọt trong những tháng gần đây, với 91 người được ghi nhận là bị bắt cóc vào tháng 4 năm 2021. Trong số đó có 7 linh mục, bao gồm 2 công dân Pháp bị bắt cóc giữa ban ngày khi họ đang lái xe trong một đoàn xe đến dự lễ tấn phong của một tân linh mục.

Các băng đảng đã tiếp quản các khu phố nghèo ở Martissant, nằm trên con đường dẫn đến miền nam Haiti, ít nhiều đã chia cắt một nửa đất nước khỏi thủ đô. Vào ngày 4 tháng 7, sáu người, trong đó có hai nhà truyền giáo Tin lành Hoa Kỳ, đã thiệt mạng khi một chiếc máy bay nhỏ gặp nạn khi đang bay từ Port-au-Prince đến thành phố đông nam Jacmel, trong một nỗ lực tránh phải đi ngang qua Martissant.

Moïse đã cầm quyền bằng cách tung ra hàng loạt các sắc lệnh kể từ tháng Giêng năm 2020, khi nhiệm kỳ của hầu hết các thượng nghị sĩ và dân biểu đã kết thúc. Trong một tuyên bố vào tháng 6, Hội Đồng Giám Mục Haiti phản đối một cuộc trưng cầu dân ý không được lòng dân do Moïse kêu gọi. Các giám mục cho biết một cuộc trưng cầu dân ý như vậy sẽ không thể xảy ra trong bối cảnh hiện tại khi mà bọn tội phạm đang làm tê liệt và gây bất ổn nghiêm trọng chính trị xã hội.

Đức Cha nhấn mạnh rằng:

“Hội Đồng Giám Mục hiện nay có một vai trò quan trọng trong việc thấm nhuần các giá trị Phúc âm, để mọi người có thể học cách nhìn đối mặt với các vấn đề, biết nhìn nhận nhau và biết hướng đến tương lai đất nước. Nếu không, chúng tôi sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong tình huống này”.

Vụ ám sát đã gây ra một làn sóng chấn động khắp cả nước.
Source:OSVNews