Ngày 18-07-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Martha và Maria
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:45 18/07/2013
Chúa Nhật XVI THƯỜNG NIÊN, năm C
Lc 10, 38-42

MARTHA VÀ MARIA

Đọc câu chuyện của Maria và Martha ở làng Bêtania, có lẽ mỗi người chúng ta đều có nhiều suy nghĩ, nhiều cảm nghiệm khác nhau. Bởi vì, gia đình Bêtania là gia đình rất mến thương Chúa Giêsu. Đã nhiều lần Chúa Giêsu và các tông đồ qua những chuyến đi công tác, qua những lần đi rao giảng Tin Mừng, đã ghé thăm và dùng cơm tại gia đình của Maria, Martha, Lagiarô.Hôm nay Tin Mừng của thánh Luca cho chúng ta thấy hai thái độ của hai chị em Maria và Martha. Cô Martha thì lăng xăng, lo chuẩn bị, lo nấu các món ăn cho Chúa Giêsu, và các tông đồ khi tỏ ta rất hiếu khách. Còn Maria ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Chúa nói, lắng nghe Chúa dạy bảo…

Thái độ cần mẫn, tận tụy phục vụ của Martha là một điều rất tốt, rất cần thiết để đón tiếp Chúa Giêsu. Tuy nhiên, còn một điều cũng rất cần phải tiến tới trong đường tu đức,trên con đường theo chân Chúa. Tin Mừng của thánh Luca cho thấy, Martha đã thưa với Chúa Giêsu:” Thưa Thầy, Thầy không quan tâm, không lưu ý tới con sao khi em con không giúp con mà để con làm việc một mình”. Lời than vãn, kêu trách của Martha đã nói lên nhiều tâm trạng lẫn lộn : hoặc Martha cảm thấy mình bị bỏ quên nên tỏ ra bực bội, hoặc là Martha thấy Chúa Giêsu và Maria thật tâm đầu ý hợp, nên tỏ ra ghen tỵ, hoặc là Martha nhắc khéo để kể công trạng của mình.Chúa không trách công việc phục vụ của Martha, nhưng cái sai là Martha đã tự đưa mình vào thái độ tự kiêu, tự mãn.
Chúa đã nói với Martha :” Martha, Martha ơi! Con lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một điều cần thiết mà thôi.Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không sợ bị mất đi “ ( Lc 10, 41-42 ). Và phần tốt nhất là được ở bên Chúa, lắng nghe lời Chúa, nguyện cầu với Chúa. Martha đã thiếu một điều quan trọng là quên chính mình đi. Maria đã đón Chúa với hai bàn tay trắng, với tâm hồn rộng mở, để sẵng sàng đón nghe lời Chúa và như thế không sợ ai lấy mất được.
Chúa Giêsu đánh giá cao sự hy sinh, phục vụ bận rộn của Martha. Đây là biểu hiệu lòng mến cao độ của Martha.Còn qua tâm tình của Maria, Chúa đã đánh giá cao thái độ và cử chỉ của Maria. Đó là chọn chỗ nhất trong đời sống của mình, lắng nghe và chọn Chúa làm tất cả. Chúa muốn đề cao vai trò của Maria và mong muốn con người chọn Ngài làm lẽ sống, làm gia nghiệp và là trọng tâm của đời mình .

Qua hành động và thái độ của Martha và Maria, chúng ta có thể hiểu được rằng đời sống cầu nguyện, âm thầm và đời sống hoạt động tông đồ luôn luôn phải bổ túc cho nhau. Hoạt động bề ngoài xem ra rất rầm rộ, hoành tráng mà quên đi chiều sâu là phải cầu nguyện thì một cách nào đó, đời sống của người phục vụ vẫn chưa quân bình. Ở đời, có những cám dỗ chúng ta khó có thể vượt thắng. Nhiều lúc chúng ta tưởng phục vụ Chúa, nhưng thực ra chúng ta đang phục vụ chính mình.Nhìn Martha lăng xăng, bôn chôn phục vụ chúng ta nhận ra hình ảnh của chúng ta. Có thể, một cách nào đó, chúng ta làm việc này việc nọ để được khen ngợi, để phô trương, để vênh vang công đức vv…:”…Xin Thầy bảo em con giúp con một tay “. Chúng ta mời gọi kẻ khác cộng tác, cũng là để phục vụ cho những dự định của chính mình.Có những lúc chúng ta cầu nguyện nhưng muốn để Chúa ủng hộ mình để mình được vinh quang, để mình thành công. Chúng ta không chấp nhận những hạn chế của mình, không chấp nhận thất bại vv…Do đó, chúng ta tự mãn với những công việc mình đã làm được.

Xin được mượn lời của tác giả Vincent Cabanac để kết luận bài suy niệm này :” …Lắng nghe lời của Chúa là thái độ tốt nhất chúng ta cần phải có.Vì lắng nghe là cách nhanh nhất để chúng ta tìm thấy sức mạnh và lòng can đảm trong lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi và khó khăn khi cầu nguyện.Với hình ảnh của Maria và Martha, Chúa Giêsu muốn ta hãy học cách lắng nghe trước khi muốn biết mình phải làm gì. Nhưng điều đó cũng sẽ là sai lầm nếu chúng ta tin rằng sự chiêm niệm của chúng ta là đủ.Lời nhắn hủ của Chúa Giêsu giúp chúng ta biết được, đâu là điều cần thiết để có thể từ bỏ những điều làm ta ham thích cũng như làm cho ta cảm thấy hài lòng.Hạnh phúc của chúng ta chính là khi chúng ta biết cùng lúc lắng nghe tiếng Chúa và phục vụ anh em mình “.

Lạy Chúa Giêsu, xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết lắng nghe và thực lời Chúa trong đời sống của chúng con. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Thái độ của Martha ? Thái độ của Maria ?
2.Đời sống cầu nguyện và Đời sống hoạt động có cần bổ túc cho nhau không?
3.Chọn phần tốt nhất nghĩa là gì ?
4.Không có Chúa, chúng ta sẽ ra sao ?
 
Điều Cần
Lm Vũđình Tường
05:01 18/07/2013
Có những điều chúng ta muốn và có những điều chúng ta cần. Những gì cần thì quan trọng hơn là muốn bởi vì muốn có nghĩa là có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Quá quắt lắm muốn mà không được thì cãi nhau một trận, giận nhau một thời gian, rồi thôi. Nếu giận mãi, giận hoài sẽ trở thành quá khích mà quá khích thì khó chiều.

Điều cần là điều không thể thiếu. Nếu thiếu mà chấp nhận được, điều đó có thể nằm giữa cần và muốn. Điều cần là điều không thể thiếu vì nó cần thiết cho cuộc sống. Điều chúng ta muốn nếu có sẽ làm cho cuộc sống bảnh hơn trong khi điều cần mang lại sự sống cho con người vì thế điều cần là điều không thể thiếu vì nó liên quan đến sống còn.

Những điều chúng ta cần cũng thay đổi tùy hoàn cảnh cuộc sống. Hôm nay tôi cần có thời gian thinh lặng một mình, ngày mai tôi lại cần có bạn. Hôm nay tôi cần lắng nghe bạn và rất có thể ngày mai lại cần bạn lắng nghe tôi tâm sự. Hôm nay tôi cần bạn chia sẻ niềm vui ngày mai tôi cần bạn cùng tôi suy gẫm sự đời. Tình cảm con người lạ lắm. Cũng là tình cảm nhưng mỗi loại khác nhau. Niềm vui chia sẻ làm tăng niềm vui, tâm sự buồn chia sẻ làm vơi nỗi sầu. Cơn nóng giận tăng lên nếu có người châm dầu trong khi lời an ủi làm tươi làn môi.

Có điều cần liên quan đến bản thân, có điều cần liên quan đến tâm lí, có điều cần liên quan đến tâm linh con người. Những điều liên quan đến bản thân dễ nhận ra; điều cần liên quan đến tâm lí hơi khó nhận biết, đôi khi cần có người trợ giúp để nhận biết. Điều cần liên quan đến tâm linh rất khó nhận ra vì nó không gây áp lực mãnh liệt trong cuộc sống nhưng bàn bạc khi ẩn, khi hiện, khi mãnh liệt, lúc lại nhẹ nhàng. Dấu chỉ nhận biết nhu cầu tâm linh lệ thuộc vào đời sống nội tâm. Đời sống nội tâm không nhìn được chỉ cảm nhận được. Người cảm nhận mãnh liệt nhất chính là đương sự. Nếu đương sự không quan tâm để í vấn đề còn khó hơn nữa. Cảm thấy chán nản trong cuộc sống, bình an nội tâm thiếu vắng, mất í nghĩa cuộc đời, tương lai mù mờ, đời vô vị, mất nghị lực làm việc. Những dấu chỉ đó cho thấy tâm hồn đói khát tâm linh. Thân xác có thể no đủ nhưng tâm linh đói khát. Tâm linh mạnh khoẻ mang lại bình an nội tâm, hướng tâm hồn về tương lai trong tình yêu hy vọng. Không giống nhu cầu thân xác khi đói khát nó đòi hỏi rất mãnh liệt trong khi nhu cầu tâm linh đòi hỏi nhẹ nhàng, thoang quảng trong cuộc sống. Mất bình an nội tâm, cô đơn và mất hy vọng là những dấu chỉ rõ nhất. Một số tìm niềm vui nơi chốn đông hy vọng lấp khoả trống vắng tâm hồn, số khác trốn cô đơn qua rượu và thuốc. Tất cả những thứ đó làm dịu nhu cầu đang thiếu, thoả mãn nhu cầu tâm linh cách giả tạo. Tâm linh muốn những gì lâu dài, trường cửu. Vật chất trần thế có giới hạn riêng của nó, nên không thể tìm niềm vui vĩnh cửu nơi trần thế mà phải tìm niềm vui đó nơi Đức Kitô vì Người là nguồn tình yêu vô tận.

Trốn tránh cô đơn trong vật chất biến ta thành con người ích kỉ, chỉ biết đến mình, mong thoả mãn nhu cầu riêng mình, quên nhu cầu tha nhân. Kinh thánh hôm nay nhắc chúng ta một điều quan trọng. Đó là không cần phải đi tận chân trời, góc biển tìm kiếm bình an nội tâm. Tìm ngay trong gia đình, nơi người mình đang chung sống, nơi cộng đoàn mình đang sinh hoạt vì những nơi đó Lời Chúa được thể hiện, được mang ra thực hành. Điều rõ ràng là cô Martha bận rộn liên tục nhưng tâm bất an; trong khi cô Maria ngồi dưới chân Đức Kitô và cô tìm được bình an nội tâm. Những ai lắng nghe Lời Chúa sẽ tìm được bình an nội tâm. Dùng Lời Chúa biện hộ khi tranh luận là tỏ ra có kiến thức nhưng trong họ không có ơn khôn ngoan. Lời Chúa phải được thực hiện qua hành động bác ái, yêu thương, mà không dùng để nói lí lẽ.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Không thể tách rời hoạt động và chiêm niệm
Lm. Jude Siciliano, OP
16:58 18/07/2013
Chúa Nhật XVI THƯỜNG NIÊN -C-
Sáng thế 18: 1-10; Tvịnh 15; Côlôsê 1: 24-28; Luca 10: 38-42

KHÔNG THỂ TÁCH RỜI HOẠT ĐỘNG VÀ CHIÊM NIỆM

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình có chín người con. Ông ngoại tôi là một người lao động chân tay; bà ngoại tôi thì làm việc quần quật suốt cả ngày và kiêm luôn việc nhà. Còn mẹ tôi, mẹ đã nuôi nấng chúng tôi mà không hề có máy giặt, máy sấy hay máy rửa chén. Mẹ phải làm việc quần quật suốt cả ngày như thế. Tôi không nhớ là mẹ có bao giờ đi tĩnh tâm hay không. Mẹ tôi không đọc Kinh thánh nhiều lắm, nhưng một Chúa Nhật nọ, sau khi nghe câu chuyện về cô Mácta và Maria như hôm nay tại nhà thờ, thì mẹ về nhà và nói: “Nếu mẹ xé đi một trang Kinh thánh thì Maria và Mácta sẽ thế nào nhỉ !” Với lịch làm việc rất bận rộn, mẹ sẽ đứng về phía Mácta và cho rằng Maria là một đứa em gái hư hỏng.

Câu chuyện Phúc âm này chỉ có trong Tin mừng theo thánh Luca, và được dùng để so sánh đời sống hoạt động của người Kitô hữu (Mácta) với đời sống chiêm niệm (Maria). Như thế, hình thức của đời sống Kitô hữu này được đặt tương phản với hình thức kia. (Thêm nữa, dường như dùng một phụ nữ để đem ra so sánh với người khác, hoặc hai chị em tranh cãi với nhau về công việc nhà, không phải là một hình ảnh lấy làm hãnh diện về người phụ nữ trong Tin mừng). Cách hiểu vội vàng có lẽ sẽ cho rằng việc lắng nghe Lời Chúa thì có giá trị hơn là hoạt động. Tuy nhiên, trong toàn bộ Tin mừng, các môn đệ đều hội tụ cả việc lắng nghe lẫn hành động (6,47; 11,28).

Cũng như trình thuật Tin mừng này đã từng chọc giận mẹ tôi, thì nó cũng xảy ra tương tự như thế với những phụ nữ hiện đại nữa, những người coi vai trò của cô Mácta như một ví dụ điển hình về các yêu cầu đưa ra cho họ khi cố gắng để cân bằng trách nhiệm giữa công việc trong gia đình với việc bên ngoài. Có vẻ Đức Giêsu không khen ngợi những người “băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện”, vì họ muốn phải được trở thành như thế này như thế nọ.

Nguyên nhân nào dẫn đến người ta chỉ trích Đức Giêsu? Có phải là do thái độ phục vụ của cô Mácta không? Đó có phải là một lời phê bình các Kitô hữu trong cộng đoàn của thánh Luca, và xa hơn nữa, là những người đang phục vụ người khác ở bên ngoài, nhưng lại không làm việc với cả tấm lòng hay không? Hoặc chỉ đơn giản là do cô Mácta đã chuẩn bị bữa ăn với nhiều món quá thịnh soạn cầu kỳ, trong khi đó, nếu một bữa ăn đạm bạc hơn sẽ giúp cô có cơ hội cùng với em gái của mình, giống như một người môn đệ, ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe lời Người?

Một số nhà chú giải cho rằng câu chuyện về Mácta và Maria không phản ánh được thái độ của Đức Giêsu, nhưng đã có một cuộc xung đột xảy ra sau đó trong Hội thánh tiên khởi về vai trò của phụ nữ trong công tác tông đồ. Ủng hộ cho quan điểm này, chúng tôi lưu ý rằng Mácta đã gọi Đức Giêsu là “Chúa”, tước hiệu này chỉ có sau ngày Đức Giêsu phục sinh. Điều này cho thấy đây là một bối cảnh và tranh luận diễn ra sau này. Ngoài ra, hạn từ “diakonia” cũng được dùng để nói về việc phục vụ của cô Mácta và ám chỉ đến công tác tông đồ.

Trong nhiều bối cảnh Tân ước, phụ nữ đóng nhiều vai trò quan trọng như: giảng dạy, truyền giáo, và lãnh đạo. Chẳng hạn như Hội thánh ở Kenkhơrê có chị Phêrê là một “nữ trợ tá” (Rm 16,1). Nhưng trong Giáo Hội tiên khởi, không phải tất cả mọi người đều đồng ý về vai trò của phụ nữ. Trong khi đó, thánh Phaolô đã tán thành vai trò hỗ tương của người nam và người nữ trong cuộc hội họp phụng vụ (1 Cr 11,3-4), chèn vào tiếp sau đó là bản văn hướng dẫn người phụ nữ phải biết giữ thinh lặng (1 Cr 14,3-4). Dường như tình tiết trong câu chuyện về cô Mácta và Maria cho thấy một cuộc xung đột tương tự đang diễn ra trong cộng đoàn của tác giả Luca. Liệu câu chuyện về cô Mácta và Maria có phản ánh nỗ lực của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đang muốn bịt miệng phụ nữ lại hay không?

Cũng nên lưu ý: có một quan niệm khác về cô Maria và Mácta trong Tin mừng theo thánh Gioan. Khi em trai của hai cô này là Ladarô qua đời, cô Mácta đã nổi bật như một trọng tâm và đã thốt lên cùng một lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu (11,25-27) như ông Phêrô đã tuyên xưng trong ba Tin mừng nhất lãm [Mátthêu, Máccô và Luca]. Người ta cũng có thể tìm thấy luận cứ để chứng tỏ rằng những phụ nữ trong Tin mừng theo thánh Gioan thì mạnh mẽ và nổi bật hơn trong Tin mừng theo thánh Luca.

Phần mở đầu tình tiết câu chuyện hôm nay cho thấy Đức Giêsu đang đi trên hành trình. Từ (9,51), Người đã lên đường đi Giêrusalem. Thánh Luca cũng đã nói cho chúng ta những sự cố xảy ra trên đường đi; mỗi câu chuyện là một lời nhắc nhở về những đòi hỏi đối với những người trung thành bước theo Đức Giêsu. Hôm nay, chúng ta được nhắc nhở về những khó khăn phải chịu hầu giữ được cân bằng trong cuộc sống giữa hành động và sự suy tư, lắng nghe Lời Chúa và đem Lời ấy ra thực hành. Đối với người môn đệ thì sự cân bằng giữa chiêm niệm và hoạt động là điều cần thiết khi chúng ta diễn tả việc phục vụ tha nhân.

Đoạn mở đầu câu chuyện chính là kiểu mẫu cho một đời sống phát triển không ngừng của Giáo Hội. Chúng ta nghe nói rằng cô Mácta đã đón tiếp Đức Giêsu. Cô đang thực hiện một nhiệm vụ quan trọng ở vùng Trung Đông, nơi có nhiều lễ nghi; nhiều nghi thức tẩy rửa tay chân; có dầu dùng để xức trên đầu và dùng trong chế biến thực phẩm. Nhưng trổi vượt hơn phong tục ấy, cô Mácta đang “phục vụ” Chúa, đây cũng là nhiệm vụ của mỗi người Kitô hữu. “Phục vụ” là một từ ngữ thiêng liêng đối với các Kitô hữu; từ này diễn tả ơn gọi của chúng ta như những thừa tác viên của Tin mừng, chúng ta “phục vụ” Chúa qua việc phục vụ tha nhân.

Trong câu chuyện cô Mácta và Maria, chúng ta có được sự hướng dẫn để làm một người Kitô hữu. Hãy lưu ý đến bối cảnh của câu chuyện, câu chuyện không xảy ra trong Đền thờ. Đức Giêsu đến thăm và giảng dạy ngay trong một gia đình. Thật ra, hầu hết những hoạt động và việc giảng dạy của Đức Giêsu đều diễn ra ở bên ngoài Đền thờ. Đó là cuộc sống thường nhật của chúng ta, nơi đó ta tìm thấy, học hỏi và có thể phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta có xu hướng tạo ra sự phân chia rạch ròi giữa “nơi thánh thiêng” và “chốn thế tục”. Đức Giêsu giảng dạy ngay trong nhà cô Mácta và Maria, và đó cũng là nơi hai người phụ nữ này tìm thấy những nghĩa vụ của người môn đệ phải thực thi, đó là: phục vụ và lắng nghe Lời. Việc Đức Giêsu sửa lỗi cho cô Mácta không phải là một bản án, nhưng là một lời mời gọi: trong lúc phục vụ, chúng ta cần được bén rễ trong Lời của Người.

Cũng như cô Mácta, chúng ta có những mối bận tâm chính đáng thúc bách hằng ngày. Chúng ta sẽ giống như cô Mácta nếu lo tiếp đón và phục vụ Chúa trong nhà mình và những nơi khác nữa. Ta lại sẽ bắt chước như cô Maria một khi chăm chú lắng nghe và tìm kiếm sự hướng dẫn phát ra từ môi miệng Thiên Chúa.

Chính Đức Giêsu cũng bận rộn trăm bề. Bối cảnh câu chuyện hôm nay rất quan trọng. Tình tiết câu chuyện về cô Maria và Mácta diễn ra sau dụ ngôn người Samari Nhân hậu, câu chuyện nói về những việc tốt lành mà Đức Giêsu đã dạy bảo với lời kết: “Hãy đi và làm như vậy”. Tiếp sau đó là phần lắng nghe và học hỏi hôm nay. Ngay sau bối cảnh này, Đức Giêsu cầu nguyện và đáp ứng yêu cầu của các môn đệ khi dạy các ông cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha”. Hãy lưu ý tới trình tự của những câu chuyện này: trước tiên là hướng dẫn cho việc phục vụ để đáp ứng nhu cầu của người thân cận, và tiếp sau đó là việc dạy cầu nguyện. Chèn vào giữa hai câu chuyện này là câu chuyện hôm nay nhằm kết nối tầm quan trọng của việc phục vụ được nuôi dưỡng qua việc lắng nghe Lời.

Đức Giêsu cũng có thừa tác vụ hoạt động của mình, nhưng Người vẫn dành thời gian để cầu nguyện và Người hằng kỳ vọng các môn đệ cũng làm như vậy. Trong Tin mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu thường xuyên cầu nguyện để xin ơn Chúa Thánh Thần trước khi làm việc. Chúng ta không phải chỉ đơn thuần được kêu gọi để trở nên như cô Mácta không ngớt lo việc phục vụ, hay nên như cô Maria chỉ biết ở yên một chỗ để lắng nghe Lời, nhưng phải là cả hai. Chúng ta được kêu gọi lắng nghe Lời Chúa và tiếp sau đó là đem ra thực hành trong những hoạt động tích cực.

Chúng ta nhớ đến thánh Catarina Siena (1347-1380), người chị em Đaminh của chúng ta. Thánh nữ sống trong thời hỗn loạn xảy ra bệnh dịch hạch và chiến tranh do các đoàn quân đánh thuê đánh chiếm nhiều nơi. Đức Giáo Hoàng đã để lại sự hỗn loạn cho Rôma và đi đến Avignon, Pháp. Những viên giám quản triều đình thì lại bỏ mặc cho Rôma điều khiển Giáo Hội.

Thánh nữ Catarina đã dâng hiến chính mình cho Chúa Kitô và đón nhận tu phục người giáo dân Đaminh (“Dòng ba”). Thánh nhân bắt đầu sống đời chiêm niệm ngay trong nhà mình, dành ra ba năm cầu nguyện và chiêm niệm chuyên chăm trong một căn phòng nhỏ bé dưới gầm cầu thang. Sau đó, thánh nữ nghe Đức Kitô mời gọi ra khỏi căn phòng kín ấy để đi phục vụ tha nhân. Ngài dành ra một năm sau đó để phục vụ bệnh nhân, bố thí cho người nghèo, thăm viếng các tù nhân và nạn nhân của bệnh dịch hạch. Ngài cũng phục vụ trong vai trò một sứ giả hòa bình giữa các gia đình thù hằn với nhau ở Siena và các tiểu bang thành phố dọc khắp Italia. Thánh Catarina Siena đến Avignon, gặp Giáo hoàng Gregory XI đang phải sống lưu vong, và thuyết phục ngài trở về Rôma. Năm 1970, thánh Catarina Siena đã được tuyên phong tiến sĩ Hội thánh.

Mặc dù thánh nữ Catarina khởi đầu “phục vụ” Thiên Chúa qua việc dành ra ba năm sống trong cô tịch, và tiếp sau đó là hoạt động với lòng tràn đầy nhiệt huyết. Thậm chí trong những thời gian bận rộn nhất, thánh nữ vẫn cầu nguyện và tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa. Cũng giống như cả những Kitô hữu lừng danh hay bình dị, thánh Catarina đã kết hợp tài tình giữa Maria và Mácta trong cuộc sống. Chúng ta, những người Đaminh, có một phương châm kết hợp cả hai khía cạnh minh họa cho trình thuật Tin mừng hôm nay: “Chia sẻ cho tha nhân những thành quả chiêm niệm của mình.”

Chuyển ngữ : Anh em HV Đaminh Vò Vấp

SIXTEENTH SUNDAY -C-
Genesis 18: 1-10; Psalm 15: 2-5; Colossians 1: 24-28; Luke 10: 38-42


My mother was one of nine children. Her father was a laborer; her mother worked full-time–and more–at home. Mom raised us without a clothes washer, dryer or dishwasher. Her’s was a full-time job as well. I don’t remember her going on a retreat. She wasn’t much of a Bible reader, but one Sunday, after hearing today’ Martha and Mary story at church, she came home and said, "If I could rip one page out of the Bible, Mary and Martha would go!" From her very busy work schedule she would have sided with Martha and thought Mary was a spoiled younger sister.

This gospel story only appears in Luke and has been used to compare the active Christian life (Martha) with the contemplative life (Mary). It’s as if one form of Christian life is set against another. (Plus, one woman seems pitted against another – or two sisters are shown arguing over housework. Not a very flattering image of women in the gospel.) The quick interpretation seems to suggest that hearing the Word is valued more than activity. Yet, all through the gospel, discipleship is about both hearing and doing (6:47; 11:28).

Just as this paragraph used to infuriate my mother, it also puts off modern women, who see Martha’s role as an example of demands put on them as they attempt to balance household and outside job responsibilities. Jesus doesn’t seem very appreciative of those who are "anxious and worried about many things" – because they have to be.

What causes Jesus’ reproach? Was it Martha’s attitude as she served? Was it a critique of Christians in Luke’s community and beyond, who perform external service to others, but whose heart isn’t in it? Or, was Martha simply overdoing the meal, piling on dishes when a simpler meal would have allowed her an opportunity to join her sister as a disciple listening at the feet of Jesus?

Some commentators think that the Martha and Mary story doesn’t reflect Jesus’ attitude, but a later conflict in the early church about the role of women in ministry. Supporting this view we note that Martha addresses Jesus as "Lord" – a post-resurrection title suggesting a later context and controversy. Also, the word used for Martha’s service is "diakonia" and refers to ministry.

In various New Testament contexts women play significant ministerial roles – teaching, preaching and leadership. In the church in Cenchreae, for example, Phoebe was a "diakonos" (Rom 16:1). But in the early church not all agreed about the role of women. While Paul approved the mutual roles of men and women in the liturgical assembly (1 Cor 11:4-3), a later insertion was made to the text which directed women to keep silent (1Cor 14:3-4). The Martha and Mary episode seems to reveal a similar struggle in Luke’s community. Does the story of Martha and Mary reflect an early Christian community’s attempt to silence women?

As a side note: Mary and Martha appear in John’s Gospel in a different light. When their brother Lazarus dies Martha was the focus and she makes the same profession of faith in Jesus (11:25-27) Peter did in the first three Gospels. One could argue that the women in John’s Gospel are stronger and more prominent than in Luke.

The opening of today’s episode reflects that Jesus was traveling. Since 9:51, he has been journeying to Jerusalem. Luke has been telling us about incidents along the way; each story is a reminder of what is required of those who faithfully follow Jesus. Today we are reminded how hard it is for us to keep a balance in our lives between action and reflection – listening to the Word of God and doing the Word. For disciples that balance of reflection with action is essential as we render service to others.

The opening of the story models the ongoing life of the church. We are told that Martha welcomed Jesus. She was doing an important task in the Middle East, which involved much ceremony; lots of ablutions for hands and feet; oil for the head and the service of food. But more than custom, Martha was doing "service" to the Lord – which is also the responsibility of each Christian. "Service" is a hallowed word for Christians; it describes our vocation as ministers of the gospel – we "serve" the Lord by serving others.

In the Martha and Mary story, we have a guide for the Christian. Note where the story takes place – not in the Temple. Jesus visits and gives a teaching in a home. In fact, most of Jesus’ activities and teachings take place outside the Temple. It’s in our everyday life where we find, learn from and can serve the Lord. We tend to make too much a separation between the "holy places" and the "secular world." Jesus teaches in Martha and Mary’s home and that’s where the two women are found doing what disciples are supposed to do – serving and listening to the Word. Jesus’ correction to Martha isn’t a judgment, but an invitation that, while serving, we need to be rooted in his Word.

Like Martha we do have legitimate daily pressing concerns. We imitate Martha if we welcome and render service to the Lord in our homes and the rest of our lives. We imitate Mary by being attentive listeners and seeking guidance from the lips of the Lord.

Jesus himself was busy about many things. The context of today’s story is important. The Mary and Martha episode is preceded by the parable of the Good Samaritan, a story of good works, which Jesus ends by instructing us, "go and do likewise." Then comes today’s listening and learning part. Immediately after today’s text Jesus is at prayer and, responding to his disciples’ request, teaches them to pray the "Our Father." Notice the flow of these stories: an instruction on service to our needy neighbor and a teaching on prayer. Inserted between these two, is today’s story which combines the importance of service informed by listening to the Word

Jesus’ own active ministry he took times for prayer and expected his disciples to do the same. In Luke’s gospel Jesus frequently turns in prayer to the Holy Spirit before acting. We are not called to just be a Martha who serves continually, or a Mary who positions herself to hear the Word – but both. We are called to hear the Word of God and then act on it in the midst of much activity.

My Dominican sister Catherine of Siena (1347-1380) comes to mind. She lived in a chaotic time during the Black Death and warfare by wandering mercenary armies. The papacy had left chaotic Rome and moved to Avignon, France. Court administrators were left in Rome to run the church.

Catherine dedicated herself to Christ and took the habit of the Dominican laity ("the third order"). She started as a contemplative in her own home where she spent three years of serious prayer and contemplation enclosed in a tiny room under a staircase. Then she heard Christ call to leave her enclosure and serve her neighbors. She spent the next years nursing the sick, giving to the poor, visiting prisoners and victims of the plague. She also served as a peacemaker among feuding families in Siena and city states across Italy. Catherine went to Avignon, confronted Pope Gregory XI in exile and got him to return to Rome. In 1970 Catherine was declared a doctor of the Church.

Though Catherine started her "service" to the Lord with three years of solitude, and followed it in intense activity, even during the busiest times she prayed and sought the Lord’s guidance. She, as well as both renowned and every day Christians, combined the best of Mary and Martha in their lives. We Dominicans have a motto which combines both aspects exemplified in today’s gospel: "to give to others the fruits of our contemplation".
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha viếng thăm bãi đậu xe Vatican
Bùi Hữu Thư
05:12 18/07/2013


Sự lựa chọn của Đức Thánh Cha

ROME, 17 tháng 7, 2013 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm chớp nhóang bãi đậu xe Vatican ngày 12 tháng 7, để tìm hiểu các loại được xử dụng tại Vatican, theo hãng thông tấn Ý AGI.

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là một điều bất ngờ đối với mọi người và có một ý nghĩa rõ rệt: Phong cách của Tòa Thánh phải giản dị, theo lời của ông Salvatore Izzo.

Ông tiếp: có hai chiếc xe đã chiếm giải về sự giản dị: chiếc Focus mà Đức Thánh Cha đã xử dụng bấy lâu nay tại Vatican: đây cũng là chiếc xe riêng của Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, chủ tịch Hội Đồng Hành Chánh, là người cách đây hai năm đã từ chối xử dụng chiếc Mercedes và lựa chọn chiếc Fiat Panda giản dị, ngoài ra chỉ huy trưởng hiến binh là đại tướng Domenico Giani cũng dùng chiếc xe Smart, những khi ông không xử dụng chiếc xe môbilét.

Khi Đức Thánh Cha đi thăm đảo Lampédouse, ngày 8 tháng 7, ngài đã dùng một chiếc xe Focus rất tầm thường để đi đến phi trường Ciampino cũng như lúc trở về, đây là chiếc xe khiếm tốn nhất trong các xe được dùng tại bãi đậu xe.

Các xe mang bảng số SCV (Stato della Città del Vaticanao - Etat de la Cité du Vatican) thường được các hãng xe dâng cúng như Renault, Mercedes, v..v...

Đức Thánh Cha đã noi gương của thư ký của ngài là Đức Ông Alfred Xuereb khi ngài dùng xe đạp ngày 6 tháng 7 để đi gặp các chủng sinh, các tập sinh và các người trẻ đang theo đuổi ơn gọi: “Có người sẽ nói: niềm vui nẩy sinh từ những gì chúng ta sở hữu, vì chúng ta đang tìm kiếm các điện thoại cầm tay tối tân nhất, hay chiếc xe gắn máy chạy nhanh nhất … Nhưng tôi nói với các bạn, thật ra tôi đau lòng khi thấy một linh mục hay một sơ lái chiếc xe thật tối tân: Nhưng điều này không thể xẩy ra! Thưa cha, bây giờ cha muốn chúng con di chuyển bằng xe đạp? Đúng là xe đạp đó! Đức Ông Alfred di chuyển bằng xe đạp. Tôi cho rằng một xe hơi cần thiết vì phải vất vả lắm mới di chuyển được bằng xe đạp ở đó… nhưng xin hãy chọn một chiếc xe tầm thường hơn! Nếu bạn thích chiếc xe đẹp đẽ đó, thì xin hãy nghĩ đến những trẻ em đang chết đói. Niềm vui không đến từ những gì chúng ta sỡ hữu!"
 
Thánh Lễ Khai Mạc ĐHGT-2013 cấp Giáo Phận tại TGP Olinda e Recife, Brasil
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
08:14 18/07/2013
Thánh Lễ Khai Mạc ĐHGT-2013 cấp Giáo Phận tại TGP Olinda e Recife, Brasil

Hôm thứ ba, 16.7.2013 lễ kính Đức Mẹ núi Carmelô, quan thày của TGP Olinda e Recife người dân được nghỉ làm và cũng là ngày khai mạc ĐHGT-2013 thuộc cấp giáo phận, hơn 50 ngàn giáo dân đã đến Đền Thánh Đức Mẹ Carmelô tại thành phố Recife tham dự lễ hội đức tin đặc biệt này, tiếng Bồ Đào Nha gọi là "Festa da Padroeira". Thánh lễ đại trào được cử hành ngoài trời trước tiền đường Đền Thánh, đoàn người chật kín không còn chỗ chen chân. Dù trời đổ mưa nhưng mọi người vẫn đứng tại chỗ dâng thánh lễ với cả rừng dù che mưa.

Xem Hình

Ngoài Đức TGM Fernando Saburido chủ tế còn có sự hiện diện của hai giám mục Pháp và khoảng 50 linh mục đồng tế cũng như hơn 500 giới trẻ quốc tế tham dự.

Người dân Brasil có lòng sùng mộ đạo đức đặc biệt và rất đơn sơ chân thành, thích làm các cử động qua những bài hát nhịp nhàng. Điều này làm cho phái đoàn chúng tôi bị cuốn hút trong các nhịp điệu của họ. Đặc biệt màu hoa vàng là biểu tượng cho Đức Mẹ ở đây, chắc chắn đó là một trong những nền mầu quốc kỳ của Brasil.

Sau thánh lễ là cuộc rước kiệu Đức Mẹ dài đến 7 cây số rưỡi đến thủ phủ của vùng là thành phố Olinda, đoàn người cầm những cành hoa huệ vàng hoặc hoa hồng vàng đọc kinh lần chuỗi mân côi. Hiếm thấy một cuộc rước kiệu Đức Mẹ có đoạn đường xa như thế và kéo dài cho đến khuya mới kết thúc tại nhà thờ chính tòa Olinda.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
 
Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio de Janeiro
Linh Tiến Khải
10:39 18/07/2013
Phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Tòa thánh Giáo Dân

Ngày 22-7-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ lên đường đi Brasil để chủ sự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ diễn ra trong các ngày 23-28 tháng 7 năm 2013 tại Rio de Janeiro bên Brasil.

Trong các tuần qua tình hình xã hội tại Brasil đã căng thẳng, vì các vụ biểu tình chống lại cuộc sống đắt đỏ, giá cả gia tăng, cũng như các thiếu sót của chính quyền đối với các cơ cấu hạ tầng cơ sở trong lãnh vực giáo dục, y tế, nhà ở và công ăn việc làm, và nạn gian tham hối lộ trong guồng máy chính quyền.

Bà tổng thống Dilma Rousseff đã quyết định hủy bỏ lệnh tăng giá xe buýt, gia tăng ngân khoản cho các chương trình an sinh y tế giáo dục, và hứa cải tổ guồng máy chính trị. Tuy nhiên, các giao động này không ảnh hưởng gì đến chương trình chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Tòa thánh Giáo Dân, về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio de Janeiro. Đức Hồng Y đẽ tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến đi Brasil vào tuần tới này.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Rylko, đâu là bí mật của các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ này?

Đáp: Đây là câu hỏi người ta thường hay đặt trở lại. Có nhiều người kinh ngạc thắc mắc: làm sao trong thời đại tục hóa lan tràn này mà Giáo Hội còn thành công thu hút mạnh mẽ các thế hệ trẻ, và thúc đẩy đông đảo người trẻ toàn thế giới đáp trả lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha như thế. Nghĩa là tóm lại, người ta hỏi đâu là bí mật sự thành công lớn lao của các đại hội giới trẻ thế giới chung quanh Người Kế Vị Thánh Phêrô. Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lần đã nói như sau: ”Điều mà người trẻ tìm kiếm trong các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đó là chính Chúa Kitô!” Trong một thế giới hỗn độn, người trẻ tìm kiếm một vị Hướng Đạo chắc chắn, một Đá Tảng trên đó có thể xây dựng đời mình. Thế rồi giới trẻ khám phá ra trong Giáo Hội sự đồng hành của biết bao nhiêu người nâng đỡ con đường cuộc sống của họ, một gia đình đích thật có các chiều kích toàn cầu... chứ Giáo Hội không phải là một cơ cấu lạnh lùng xa vắng với con người, như các phương tiện truyền thông thường trình bầy.

Hỏi: Đâu là các yếu tố mới mẻ của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio de Janeiro thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Có nhiều điều mới mẻ đáng ghi nhận. Trước hết sau 26 năm Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lại trở về châu Mỹ Latinh. Ngoài ra, khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chọn Rio de Janeiro như nơi cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013, ngài đã hướng dẫn lộ trình chuẩn bị qua sứ điệp sâu xa của ngài. Và điều mới mẻ thứ ba là chính Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo Hoàng châu Mỹ Latinh đầu tiên, sẽ chủ sự biến cố này.

Thế rồi cũng còn phải nói thêm là tuy cấu trúc nền tảng của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ vẫn y nguyên, nhưng mỗi biến cố đều khác nhau, bởi vì bối cảnh văn hóa và tôn giáo thay đổi, tùy theo quốc gia tiếp đón các bạn trẻ. Như vậy tại Rio các vẻ đẹp thiên nhiên của thành phố, tượng đài Chúa Kitô Vua khổng lồ Corcovado chắc chắn sẽ là các yếu tố quan trọng. Thề rồi cũng phải kể đến đức tin của các dân tộc châu mỹ latinh nữa, đặc biệt là của người dân Brasil, một đức tin sôi sục, tràn đầy hăng say và tươi vui. Đây cũng là một đặc thái khác nữa của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2013.

Hỏi: Đức Thánh Cha muốn cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio mang dấu ấn nào qua đề tài ”Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ...” thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong khung cảnh của Năm Đức Tin và của Thượng Hội Đồng Các Giám Mục Thế Giới về việc truyền giáo mới, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã muốn khích lệ giới trẻ trở thành các tác nhân đích thực của việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Đối với Đức Ratzinger, nó không gì khác hơn là hoạt động tái loan báo Tin Mừng để làm nảy sinh ra một kiểu là Kitô hữu mới mẻ; được trẻ trung hóa, tràn đầy hăng say và niềm vui của đức tin. Các khích lệ của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nằm trong chiều hướng này. Ngài nói: ”Giới trẻ phải nói với thế giới này; theo Chúa Giêsu là điều tốt lành; ... ra khỏi chính mình để đem Chúa Giêsu tới các vùng ngoại ô của thế giới và của cuộc sống... ” Như vậy, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio là một Ngày Quốc Tế Giới Trẻ truyền giáo...

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, sau Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Buenos Aires năm 1987, tức ở ngay trên vùng đất của Đức Thánh Cha Phanxicô xưa kia, cái gì đã thay đổi trong 26 năm qua đối với Ngày Quốc Tế Giới Trẻ? Trong một phần tư thế kỷ qua người trẻ đã thay đổi như thế nào?

Đáp: Lịch sử gần 30 năm của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là một đài quan sát rất tốt thế giới của người trẻ. Trong các năm qua các thế hệ trẻ đã thay đổi một cách sâu rộng. Thập niên 1980 còn mang nặng dấu vết các trào lưu văn hóa của năm 1968, tức của việc tập trung chú ý có tính cách ý thức hệ cộng sản tư bản, của một sự phản kháng toàn diện và triệt để của thế giới chung quanh từ phía người trẻ, gắn liền với ảo tưởng có thể tạo dựng một thế giới khác thay cho thế giới hiện nay...

Ngày nay, trái lại, chúng ta đang chứng kiến các quang cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo hoàn toàn mới mẻ. Giới trẻ đã là những người đầu tiên cảm thấy các hậu qủa của các thay đổi đó, tích cực cũng như tiêu cực. Chúng ta có thế nói rằng giới trẻ là máy báo địa chấn văn hóa rất nhậy cảm... Các thách đố lớn nhất ngày nay là cuộc khủng hoảng liên quan tới Thiên Chúa và việc loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời cuộc sống con người, cũng như cuộc khủng hoảng liên quan tới con người, vì con người đặt vấn nạn liên quan tới chính bản chất là người của nó. Trong bối cảnh của sự lạc lõng văn hóa, luân lý và tôn giáo này các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ trở thành phòng thí nghiệm quan trọng giữa Giáo Hội và các thế hệ trẻ, nói theo kiểu của Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài nói: ”Giáo Hội có biết bao nhiêu điều để nói với người trẻ, và người trẻ cũng có biết bao nhiêu điều để nói với Giáo Hội” (Christifideles laici, 64).

Ngoài ra, các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ chứng minh cho thấy rằng trong thế giới người trẻ đang có một loại ”cách mạng thinh lặng” - như ai đó đã nói như thế - khiến cho nhiều người trẻ khám phá ra Chúa Kitô như là đường đi, chân lý và sự sống... Tóm lại, nơi mỗi người trẻ đều có cái gì đó thay đổi, và có cái gì đó không thay đổi... Chắc chắn không thay đổi là các câu hỏi liên quan tới ý nghĩa cuộc sống và nỗi khát khao Thiên Chúa ở trong con tim của mỗi người...

Hỏi: Rất thường khi người ta nghĩ rằng đối với người trẻ Ngày Quốc Tế Giới Trẻ chỉ là một biến cố lễ hội và hiệp thông mau qua. Sau khi trở về nhà, mọi sự đều kết thúc. Trực giác của Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đem lại các hoa trái nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Một trong các thách đố mục vụ chính của các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là việc xây dựng các cây cầu giữa các biến cố có vẻ đẹp ngoại thường này với sự tầm thường của cuộc sống trong các giáo phận, giáo xứ, hội đoàn và phong trào Giáo Hội; và đặc biệt là việc xây dựng một cây cầu với cuộc sống thường ngày của người trẻ. Thật vậy, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ không được hiểu một cách giản lược như là việc cử hành kéo dài 5 ngày với sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng... Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là việc gieo hạt giống Tin Mừng, cần được chuẩn bị trước và theo dõi sau đó với việc săn sóc: chỉ như thế nó mới mang lại hoa trái. Và có rất nhiều hoa trái thiêng liêng: có các cuộc hoán cải thật sự, các cuộc thay đổi triệt để kiểu sống, các ơn gọi linh mục hay cuộc sống thánh hiến hoặc hôn nhân Kitô, việc tái khám phá ra bí tích hòa giải và lời cầu nguyện nói chung... Nhờ Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã nảy sinh ra một thế hệ trẻ mới - thế hệ của các người trẻ thưa ”vâng” với Chúa Kitô và với Giáo Hội Người, nhưng cũng có một thế hệ mới của các nhân viên mục vụ trẻ, nhậy cảm hơn đối với các nhu cầu thiêng liêng của người trẻ...

Hỏi: Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần này có thể diễn tả điều gì đối với dân nước Brasil thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Ngày nay người ta nói tới Brasil như là một cường quốc kinh thế thế giới đang lên, nhưng đồng thời Brasil cũng là một quốc gia có các thách đố nghiêm trọng trên bình diện xã hội văn hóa và tôn giáo, gắn liền với sự phát triển nhanh chóng đang xảy ra. Tôi nghĩ rằng Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio là một lời mời gọi mạnh mẽ đòi hỏi tất cả mọị người phải coi giới trẻ như là ”thiện ích chung” qúy báu nhất của xã hội, và đặt để người trẻ vào trung tâm mọi dự án phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế thường xảy ra điều ngược lại và không phải chỉ ở Mỹ châu La tinh thôi, nghĩa là người trẻ phải trả giá mắc mỏ nhất vì cảnh bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, sống trong nghèo túng, thất nghiệp... Trong lúc này giới trẻ châu mỹ latinh cần có một luồng gió hy vọng, một sự hy vọng mà Ngày Quốc Tế Giới Trẻ có thể trao ban cho họ...

Cả Giáo Hội Brasil cũng nuôi các mong đợi lớn đối với Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Lòng đạo đức bình dân là một sự phong phú của châu Mỹ Latinh ngày nay đang phải đương đầu với thách đố xâm lấn hiếu chiến của các giáo phái. Như thế nó cần được tái truyền giảng Tin Mừng một cách sâu rộng. Chính trong nhãn quan này đã nảy sinh ra dự án ”truyền giáo cho đại lục châu Mỹ Latinh”, trong đó giới trẻ nắm giữ một vai trò quan trọng. Trong nghĩa này Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Rio là một món qùa thật sự quan phòng đối với Brasil và toàn châu Mỹ Latinh...

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, người trẻ Brasil có thể cống hiến chứng tá nào cho các bạn trẻ đến từ thế giới tây âu bị tục hóa nạng nề như vậy?

Đáp: Món qùa lớn mà người trẻ Brasil có thể chia sẻ với các bạn trẻ đến từ thế giới tây âu là niềm vui của đức tin, là việc lựa chọn một Kitô giáo được sống với lòng hăng say! Chúng ta hãy nhớ rằng đối với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ là ”thuốc chống lại sự mệt mỏi của đức tin”. Và đến lượt mình Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Thông điệp ”Ánh sáng đức tin” rằng: ”Tất cả chúng ta đều đã thấy trong các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, người trẻ cho thấy niềm vui đức tin, dấn thân sống một đức tin ngày càng vững vàng và quảng đại hơn”. Trong các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ người trẻ toàn thế giới làm chứng rằng cả ngày nay nữa đức tin là điều có thể; với đời sống của họ họ nói rằng là tín hữu Kitô thật là đẹp và họ mang trong tim một niềm hạnh phúc lớn lao... (SD 16-7-2013)
 
Tuần Báo Vanity Fair viết về Đức Giáo Hòang Phanxicô .
Pt Huỳnh Mai Trác
11:48 18/07/2013
Tờ Tuần báo Vanity Fair, đã để dành trang bìa số báo 28, phát hành ngày 17 tháng 7 năm 2013 viết về Đức Giáo Hòang Phanxicô . Với bức hình và tựa đề “Sự Can đảm của Giáo Hòang Phanxicô”, tờ báo như đã chọn trước ngài là “Nhân vật của Năm” . Đúng như vậy, theo như tuần báo Vanity Fair, trăm ngày đầu tiên trong chức vụ giáo hòang đã đặt ngài vào vị trí “hàng đầu của những vị lãnh đạo làm thay đổi thế giới “.

Sáu nhân vật đã được phỏng vấn và bình phẩm về Đức Giáo Hòang: đó là văn sĩ Erri De Luca, Linh mục Virginio Colmegna, chủ tịch Hội Bác Ái ở Milan, nữ văn sĩ Dacia Maraini, nhà văn vô thần Giorgio Faletti và các ca sĩ Andrea Bocelli và Elton John .

Những lời bình phẩm rất đáng được chú ý, đặc biệt các người được phỏng vấn là những người không phải là Công Giáo, họ là những người trong quá khứ đã chỉ trích Giáo Hội Công Giáo Chẳng hạn Elton John nói về Đức Giáo Hòang như sau : “Giáo Hòang Phanxicô là tin vui cho Giáo Hội Công Giáo trong mọi thời đại. Người này đã thành công trong việc đem nhiều người trở về với giáo huấn của Đức Kitô” . “Những người không Công Công Giáo như tôi cũng phải đứng dậy hoan hô sự khiêm nhường về mọi cử chỉ của ngài “ bởi vì Đức Phanxicô là một phép lạ về sự khiêm nhường trong một thời đại đầy dẩy sự cao ngạo”.

Andrea Bocelli, người bị mù lúc 12 tuổi trong một tai nạn nói: “mỗi lần tôi nghe Đức Giáo Hòang Phanxicô nói thì mắt tôi luôn đẫm lệ . “ Lời nói của ngài đi sâu vào tim của tôi, nó chiếm cỏi lòng tôi bằng sự khiêm nhường chân thật của ngài, với sự mạnh mẽ của đức tin, với những gì ngài đã có kinh nghiệm bàng bạc trong lời nói và sự êm ái trong giọng nói của ngài “ .

Erri De Luca quả quyết: “ Đức Phanxicô là Giáo Hòang của miền Nam, ngườ con của Châu Mỹ La tịnh Với ngài Giáo Hội đã đổi hướng bán địa cầu và thay đổi trung tâm của trọng lương.” Theo như Cha Virginio Colmegna thì Đức Giáo Hòang là “một sự ngạc nhiên to lớn, một cánh cửa hy vọng của Đức Chúa Thánh Thận Đức Giáo Hòang Phanxicô là một chứng nhân về một viễn ảnh mới mẽ của Giáo Hội và cùng lúc là sự trung thành về thông điệp của Tin Mừng là một Giáo Hội nghèo cho người nghèo” .

“Dân chúng mến yêu ngài,”Dacia Maraina nói thệm . Bà nhắc lại lời của một tài xế xe Taxi đã nói với bà:
“Chúng ta hãy hy vọng là chúng không ám sát ngài, ngài quả thật là rất can đảm Tôi muốn bảo vệ ngài, nhưng tôi không biết phải làm như thế nào “.

Cuối cùng là Giorgio Faletti thú nhận : “Cá nhân tôi, tôi không có đức tin, tôi không tin ở đời sau, nhưng đối với tôi ngài Jorge Mario Bergoglio là một nhà hùng biện,nhà truyền đạt tư tưởng, người mà nơi nét mặt hiện ra lòng nhân hậu đúng như là mỗi người Công Giáo cần phải có, một người có những đức tính để sửa đổi hàn gắn những tàn phá đã làm hư hại hình ảnh của Vatican mà ngài đang đại diện.”
(July 15, 2013) © Innovative Media Inc.
 
Ngày Giới trẻ Thế giới 2013: Một cuộc đồng diễn Flashmob lớn nhất thế giới đón chào Đức Giáo Hoàng
Jos. Tú Nạc, NMS
23:09 18/07/2013
Ngày Giới trẻ Thế giới muốn đem đến sự ngạc nhiên đến toàn thế giới. Vì vậy, trong số những sự kiện khác, vào Chúa Nhật 28 tháng 7 một cuộc đồng diễn Flashmob vĩ đại sẽ được tổ chức, gồm 2 triệu vũ công. Tác giả của nó thậm chí đã sản xuất một video để giải thích những bước nhảy khác nhau trong những trường hợp nhiều người muốn tham gia.

Xem Flashmob

Vũ đạo là hai chuyên gia người Brazil, Fly và Glaucia. Trong video, họ giải thích những chuyển động tuyệt nhất để tác phẩm này được sáng tác đặc biệt cho sự kiện này dưới tựa đề “Phanxicô”. Vụ điệu Flashmob này được tổ chức để trình diễn phía trước Guaratiba nơi Đức Giáo Hoàng dạo mát tại Rio.

Nếu họ tổ chức thành công, thì đây sẽ là flashmob lớn nhất trong lịch sử. Và để bảo đảm mọi việc diễn ra tốt đẹp, những cuộc diễn tập sẽ diễn ra ngày hôm trước, thứ Bảy ngày 27 tháng 7.

Những người tổ chức cho biết, ý tưởng này là một thách thức to lớn. Bởi vậy, họ xin Đức Giáo Hoàng chúc phúc lành của ngài cho họ. Nhưng họ cũng muốn thể hiện cho thế giới thấy rằng họ đặc biệt quan tâm đến ngài và sứ vụ của ngài.
 
Dự đại hội giới trẻ thế giới ĐTC Phanxicô không thay đổi lối sống khiêm cung
Nguyễn Long Thao
19:21 18/07/2013
Dự đại hội giới trẻ Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn nhất mực duy trì lối sống khiêm cung

Vatican,18/ 7/ 2013. Trong những ngày diễn ra Đại Hôi Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro, Brasil, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cư ngụ tại trung tâm Sumaré rất khiêm tốn, đi thăm một khu dân cư nghèo, không di chuyển bằng xe có gắn kính chắn đạn thường được gọi là popemobile tức xe Giáo Hoàng.

Nữ tu Irma Terezinha,quản lý Trung tâm Sumaré nơi ĐGH cư ngụ trong những ngày Ngài ở Brasil cho biết “Đức Thánh Cha không muốn mình được đối xử khác với những người khác”

Khi trả lời cuộc phỏng vấn của báo Correio do Brasil, vị nữ tu nói trên nói: “Đức Thánh Cha không thích tinh thần cá nhân chủ nghiã, Ngài muốn cái gì dành cho Ngài cũng giống như người ta, không có gì khác biệt gì cả.”

Nói thêm về vấn đề này, Đức Giám Mục phụ tá của Tổng Giáo Phận Rio de Janeiro, Roque Costa Souza, nói với nhật báo Brazil rằng đồ đạc trong phòng của Đức Thánh Cha Phanxicô giống y như đồ đạc trong 7 phòng khác của tòa nhà, gồm một chiếc bàn gỗ nhỏ, một tủ quần áo và một tủ lạnh, tương tự như đồ đạc trong các phòng khách sạn bình dân khác.

Trung tâm Sumaré, được xây dựng trong những năm 1950 và mới đây được tân trang lại để ĐGH và 37 vị Giám Mục Linh Mục và Hồng Y cư trú.

Theo chương trình dự liệu, Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm một trong những khu ổ chuột ở Varginha, đến thăm Bệnh viện Saint Francis ở Providence là nơi các tu sĩ dòng Phanxicô đang săn sóc những người nghiện rượu và ma túy.

Trước khi đến thăm Varginha, Đức Thánh Cha Francis sẽ làm phép lá cờ Thế Vận Hội Olympic và chính quyền địa phương trao cho Ngài chìa khóa thành phố như một nghi thức ngoại giao

Giám đốc báo chí Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, cho biết Đức Giáo Hoàng Francis quyết định sẽ không dùng xe popemobile có gắn kính chắn đạn để di chuyển giữa những đám đông trong ngày đại hội, thay vào đó Ngài sẽ sử dụng chiếc xe jeep mui trần, y như chiếc xe Ngài thường dùng ở quảng trường thánh Phêrô tại Vatican. Tuy nhiên, khi phải di chuyển xa ĐGH đi bằng xe đóng kín cửa .

Cha Lombardi cũng cho biết Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm tổng thống Brazil, Dilma Rousseff, thị trưởng và Thống đốc bang Rio de Janeiro.

Thánh Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào ngày thứ Tư, 24 tháng 7, nhưng Đức Giáo Hoàng sẽ không chủ tế thánh lễ này mà do Đức Tổng Giám Mục của Rio de Janeiro, Orani Tempesta, và Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng của Vatican về Giáo Dân là Đức Hồng Y Stanislaw Rylko.

Đức Giáo Hoàng chủ sự nghi lể Cung Nghinh Thánh Giá vào Thứ sáu, 26 tháng 7 và sẽ dùng bữa ăn tối với 12 người trẻ tham dự đại hội -mỗi lục địa 2 người-

Ngày thứ Bảy 27 tháng 7 ĐGH sẽ chủ sự buổi canh thức Và ngày hôm sau, Chúa Nhật, Ngài sẽ cử hành thánh lễ đại trào kết thúc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2013 và công bố quốc gia nào sẽ đăng cai Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2015.

Giới báo chí thế giới nhận xét ĐGH Phanxicô là vị Giáo Hoàng thầm nhuần linh đạo của cả thánh Phanxicô, đấng lập ra dòng anh em Hèn Mọn, lẫn linh đạo của thánh Ignaxiô là đấng sáng lập ra dòng Tên.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lớp cựu tu sinh Rú Đất hội ngộ và dâng lễ tạ ơn
Pv Thuận Nghĩa
09:40 18/07/2013
VINH - Sáng ngày 17 tháng 07 năm 2013, tại nhà thờ Giáo xứ Rú Đất, 20 anh em linh mục, đông đảo tu sỹ nam nữ và giáo dân hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa. Thánh lễ bắt đầu vào lúc 8g do Cha hạt Cầu Rầm Phanxicô Hoàng Sỹ Hướng chủ tế. Trong lời khai lễ, Ngài nói lên lý do của ngày hội ngộ hôm nay: « tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn những người Cha, người Thầy đã từng hướng dẫn dạy dỗ, cám ơn Giáo xứ Rúa Đất, những tấm lòng vàng đã cộng tác với Chúa để làm nên những con người linh mục hôm nay ».

Xem hình ảnh

Gọi là lớp Cựu Tu Sinh Rú Đất, vì các thành viên này trước khi đậu vào Đại Chủng Viện đều trải qua lớp « ôn thi Rú Đất » do Cha cố Phaolô Nguyễn Văn Khôi tổ chức. Lớp này bắt đầu trước năm 1990. Từ đó đến nay đã có khoảng 40 linh mục ra trường. Đây là lần đầu tiên lớp Cựu Tu Sinh Rú Đất hội ngộ nên đem lại nhiều niềm vui phấn khởi cho bà con trong giáo xứ, như lời ông Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ phát biểu:

« Đã bao ngày Rú Đất chúng con đợi chờ mong ngóng thì, hôm nay, ngày vui đã đến ‘Rạo rực muôn màu sắc, náo nức muôn bàn chân’. Quý Cha về, quý thầy về - mái ấm nhà vui – tiếng hát câu cười. Rộn ràng xứ đạo – Quý Cha về - Tưng bừng trước ngõ, vui đón quý Cha, quý thầy – Như đón người thân bao ngày cách xa”.

Đúng là ngày vui của Giáo xứ, vì đây là lần đầu tiên anh em Cựu Tu Sinh Rú Đất gặp nhau và dâng lễ tạ ơn tại nơi đây. Đành rằng ơn gọi linh mục do nhiều yếu tố cấu thành, nhưng Rú Đất là nơi ghi dấu ấn sâu đậm sự hình thành và phát triển ơn gọi nơi nhiều anh em. Thời gian tu học nơi đây, anh em được bà con giáo dân yêu thương đùm bọc, giúp đỡ tận tình về tinh thần và vật chất. Rú đất quả thật là “cái nôi vun trồng ơn gọi cho anh em”:

“Rú Đất chúng con không là chùm khế ngọt, không là con đường đi học rợp bướm vàng bay. Rú Đất chúng con cũng không là con diều biếc, chiếc cầu tre nhỏ - của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Nhưng rồi một ngày, Rú Đất được Đức Cha Phaolô Maria tặng cho một cái tên rất đơn sơ nhưng lại có sức gợi cảm lạ thường là ‘Cái nôi của ơn gọi’. Chúng con không ngờ một mảnh đất bé nhỏ, một ngọn đồi đất cằn cỗi nổi lên giữa cánh đồng trũng của vùng Long Thành ‘lắm nước nhiều bùn’ lại được một danh hiệu vô giá. Chúng con cũng không ngờ mấy rổ khoai dính bùn, mớ ngọn rau lang, mớ cà quả bầu đã một thời vinh dự được góp phần nuôi con Chúa. Chúng con càng không nghĩ những chiếc bàn cũ kỹ, những chiếc ghế long đinh, chiếc dường khập khễnh, thiếu ran, không chiếu, với những gian nhà ‘bốn mùa lộng gió’ ngày ấy lại được phép nghĩ đến chuyện lạ có một không hai của ngày hôm nay”. (bài phát biểu của ông CTHĐMV Giáo xứ).

Đó là những tâm tình tuy đơn sơ nhưng rất thâm thúy. Anh em Cựu Tu Sinh Rú Đất trân trọng những tình cảm cao quý đó, vì "một miếng khi đói bằng gói khi no".

Thánh lễ kết thúc trong niềm hân hoan của những lời cầu chúc. Cha xứ thay lời cho cộng đoàn tri ân sự hiện diện của quý Cha. Các em thiếu nhi thay mặt cho cộng đoàn lên tặng hoa các Cha. Các Cha cám ơn Cha xứ và cám ơn cộng đoàn hiện diện. Cử chỉ ý nghĩa và cảm động nhất là quý Cha gói gọn lòng biết ơn đối với quý Thầy đã từng dày công truyền thụ cho mình những kiến thức, những bài học quý giá nơi những món quà đơn sơ và những bó hoa tươi thắm.

Trước khi ra về, anh em cử ban liên lạc và quyết định gặp nhau ba năm một lần.
 
Cảm nghĩ của một giáo dân VN về ĐGH Phanxicô
Nicôla Nguyễn
09:46 18/07/2013
Cảm nghĩ của một giáo dân VN về ĐGH Phanxicô

Triều Giáo hoàng Phanxicô mới trải qua được 4 tháng (18/3 - 18/7) nhưng những lời nói, hành động và phong thái giản dị của Đức Thánh Cha Phanxicô đã lay động con tim nhiều người khắp nơi trong suy nghĩ và hành động.

• Ngày 12/4, một linh mục đã viết bài “Cha mới lên ngôi Giáo hoàng mấy ngày mà chúng con thấy nhột quá”, đọc đến đâu thấy thấm thía đến đó.

• Ngày 15/6, trong buổi lễ tấn phong Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernandez, ngài đã bắt chước cử chỉ cuả Đức Thánh Cha, là cúi đầu xin cộng đoàn cầu nguyện cho mình trước khi ban phép lành đầu tiên cho cộng đoàn.

• Ngày 9/7, Linh mục Hernando Fajid Alvarez Yacub, ở Santa Marta, Colombia cho biết quyết định bán chiếc xe Mercedes-Benz sang trọng mà gia đình đã tặng cho ngài.

• Và mới đây, một Tân Giám mục của Việt Nam - Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long khi chọn khẩu hiệu cho đời Giám mục đã lấy ngay một câu nói của Đức Thánh Cha trong bài giảng lễ Dầu thứ Năm Tuần Thánh : “Mang vào mình mùi chiên”. Ngài muốn bắt chước Đức Thánh Cha, tự nguyện “mang vào mình”, sống gần gũi với giáo dân để chia sẻ với họ kể cả “mùi” (thơm tho hoặc hôi thối cũng nhận) “Tôi nguyện sống gần gũi với đoàn chiên, chia sẻ đau khổ và khó khăn, nhận lấy bệnh tật của họ như là của mình’ (trích trong bài phỏng vấn đăng ngày 2/7).

Quả thật Đức Phanxicô là một món quà của Thiên Chúa ban tặng nhân loại trong thời đại hôm nay. Ngài đã mở ra một hướng đi mới, là luồng gió mát dịu trong cuộc sống làm cho bộ mặt của Giáo Hội sẽ mềm hơn, tươi trẻ hơn, dễ gần hơn... Ước mong còn được khám phá nhiều bất ngờ nữa từ món quà này.

Nicôla Nguyễn
 
Phóng viên và cộng tác viên VieCatholic dốc toàn lực tham gia Ngày Giới Trẻ Rio de Jeniero
Lm Trần Công Nghị
17:19 18/07/2013
Các cộng tác viên VietCatholic đang tiếp tục lên đường tới Rio de Janiero để tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức tại Brazil vào tuần tới.

Thường trực tại Brazil đã có Cha Lê Hồng Mạnh thừa sai tại Brazil, ngài sẽ cho biết những nét đặc thù về lễ hội dưới cái nhìn văn hóa và xã hội của người Brazil.

Hiện đang có mặt tại Brazil từ tuần vừa qua là Cha Paul Phạm Văn Tuấn, từ tận Đức quốc bay sang Rio, rồi từ đó đã lăn lộn đi chăm sóc các trẻ em nghèo và trẻ em bụi đời, tận mãi thành phố Recife với 3 triệu dân cư, cách Rio 1.900 km thuộc hướng đông bắc (đã có bài tường thuật hôm qua) và hôm nay đang ở tận miền TGP Olinda và Recife cùng các Đức Giám Mục địa phương khai mạc ĐHGT-2013 thuộc cấp giáo phận, với hơn 50 ngàn giáo dân tham dự.

Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng và Anh Giuse Vĩnh đang trên đường tới Rio để tham dự Đại Hội và sẽ tường trình tại chỗ.

Ở hậu trường chúng tôi đã sắp xếp và sẽ có những videos phóng sự trực tiếp từ hệ thống TV Vatican và nhóm chuyên viên TV từ Perth và Melbourne (Audtralia) do anh Đặng Minh An phụ trách, cũng như từ Los Angeles và San José (USA) do Lm Trần Công Nghị và anh Nguyễn Long Thao phối trí cùng Ban dịch thuật làm việc tích cực để dịch thuật ngay các bài diễn văn của Đức Thánh Cha (thường được gửi trước cho chúng tôi 1 giờ trước khi chính thức phát ra) để độc giả có những tin tức và diễn tiến cập nhật nhất.

Cha Bùi Thượng Lưu, Cha Văn Chi, Pt Huỳnh Mai Trác, anh Đặng Tự Do,anh Vũ văn An, anh Cương, ông Bùi hữu Thư, thầy Phạm xuân Khôi, chị Lan Chi, anh Trần Mạnh Trác và một số đông cộng tác viên khác cùng đang tích cực sửa soạn đặt sẵn hệ thống Skype để đễ dàng liên lạc với nhau trong thời gian Đại hội Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Rio.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tọa đàm về cha Trần Lục. Bài 4: Hội nhập văn hóa - Một chọn lựa căn bản của cha Phêrô Trần Lục
Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê
19:24 18/07/2013
HỘI NHẬP VĂN HÓA: MỘT CHỌN LỰA CĂN BẢN CỦA CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC

Dẫn nhập:

“Phát Diệm”, không chỉ là tên gọi của một vùng dân cư thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, mà còn, là tên gọi thân thương của một cộng đoàn Công Giáo địa phương: “Giáo xứ Phát Diệm”, đặc biệt, còn được đồng hóa với quần thể kiến trúc “nhà thờ Phát Diệm”, do cha Phêrô Trần Lục xây dựng từ năm 1875 – 1899.

Nói đến Phát Diệm, là nói đến “nhà thờ lớn” và dĩ nhiên, là phải nói tới Cụ Sáu, Tác giả của công trình kiến trúc độc nhất vô nhị này tại Việt Nam.

Bộ ba: Phát Diệm, nhà thờ đá, “Cụ Sáu”, đã hòa quyện trong ký ức của người Phát Diệm xưa và nay, tạo thành một dòng chảy “Ân nghĩa” không ngơi nghỉ bồi đắp nên một Phát Diệm: Đẹp về nhân cách, đẹp về địa danh. Thật vậy, “Bộ ba” ấy đã làm nên chất người Phát Diệm thế nào, thì cũng đã thấm nhập vào máu thịt Cụ Sáu như vậy: Phát Diệm và Cụ Sáu đồng hóa với nhau: “Quả thế, tên Phát Diệm và tên linh mục Trần Lục ngay từ ban đầu đã được Thiên định gắn liền với nhau, để rồi sẽ không bao giờ ly tán”, đến nỗi Lyautey, Nguyên Soái và thành viên Hàn Lâm Viện Pháp, đến thăm Phát Diệm, năm 1896, đã viết lại cảm tưởng của mình: “Phát Diệm, tức là Cha Sáu, là một linh mục Việt Nam đã cao niên, một trong những vị anh hùng khiêm tốn, một trong những con người khát khao hoạt động, có khả năng thành công trong bất cứ sự nghiệp nào, bởi vì xuất thân để đóng những vai trò quan trọng, và nếu không gặp vai trò quan trọng, thì chính những cái nhỏ bé của ngài đã là sự nghiệp vĩ đại rồi”.

Bởi đâu Cụ Sáu trở thành nhân vật thời danh và vĩ đại như thế? Câu trả lời đó là: Cụ Sáu, điểm hẹn hò giữa đức tin và văn hóa Việt Nam. Ngài đã chọn cho mình một lối đặc thù “hội nhập văn hóa” để chu toàn nhiệm vụ “thầy dạy đức tin”.

Trong “Năm Đức Tin” này, mọi thành phần dân Chúa được mời gọi đào sâu đức tin đã lãnh nhận bằng việc tuyên xưng, cử hành và loan báo. Thật cần thiết và hữu ích tổ chức một buổi tọa đàm về cha Phêrô Trần Lục – Chứng nhân đức tin tại Phát Diệm. Nói rằng cần thiết, vì không thể bỏ qua một gương chứng nhân đức tin, đã bước những bước thật dài, thật vững vàng trong tiến trình hội nhập văn hóa (rao giảng Tin Mừng theo phong cách Việt Nam); nói rằng hữu ích, vì ngài nên tấm gương và thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn nữa trong việc hội nhập văn hóa, để cộng đoàn Kitô giáo Việt Nam không còn bị coi là “một đạo” ngoại lai trong não trạng đồng bào của mình.

Trong bài tham luận: “Hội nhập văn hóa: một chọn lựa căn bản của cha Phêrô Trần Lục”, chúng ta đề cập đến mấy điểm sau Nền tảng thần học của hội nhập văn hóa (I); Cha Phêrô Trần Lục: Điểm hẹn hò của đức tin và văn hóa Việt Nam (II); Cha Phêrô Trần Lục: Công trình hội nhập văn hóa (III); Tiếp bước cha anh trong hành trình hội nhập văn hóa (IV).

• NỀN TẢNG VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA HỘI NHẬP VĂN HÓA

• Nền tảng thần học của hội nhập văn hóa

Mạc khải là sự Thiên Chúa, trong tình yêu thương chan hòa, thân hành đến gặp gỡ, ngỏ lời với loài người như với bạn hữu, chấp nhận đến sống với họ, để hướng dẫn họ đi vào cuộc sống của chính Ngài. Các động từ: đến gặp, ngỏ lời, sống với họ [...] diễn tả hoạt động nhập thể của Lời Chúa trong lịch sử và trong môi trường văn hóa của con người thời đại, mà đỉnh điểm là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.

Trong hiến chế: “Lời Thiên Chúa” (DV. 4), công đồng Vatican II trình bày một kitô học theo chiều đi xuống (christologie descendante): “Ngài (Chúa Cha) đã sai Con của Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng soi sáng mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ biết những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa”, để nhấn mạnh chiều kích nhập thể của Ngôi Lời. Từ nay, trong Đức Giêsu Nazareth, Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ con người, hoạt động theo phong cách con người. Nên biết, ngôn ngữ và hoạt động nhân sinh tạo ra văn hóa, đồng thời cũng là loại hình sinh hoạt văn hóa để làm cho kho tàng văn hóa ngày càng phong phú thêm. Bởi vậy, khi vào trần gian, Đức Giêsu đã tiếp nhận truyền thống văn hóa tổ tiên và với một thái độ kính trọng, Ngài tận dụng những nét đẹp của truyền thống để loan báo Tin Mừng Chúa Cha theo phong cách của các nhóm thính giả, khiến họ thích thú, thán phục và tin theo; nhưng đồng thời, Ngài cũng chữa trị những thương tích và bất toàn tiềm ẩn trong truyền thống văn hóa ấy: “Các thánh giáo phụ luôn quả quyết rằng, sự gì không được Chúa Kitô tiếp nhận vào Người thì không được chữa lành”.

Tuy nhiên, Đức Giêsu chẳng hoạt động một cách đơn lẻ, Ngài luôn hoạt động trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần. Kinh tin kính, trong phần tuyên xưng về Chúa Con, quả quyết: “... Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria Đồng Trinh, chịu nạn thời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng...”.

Qua những điều tín biểu vừa tuyên xưng, chúng ta kết luận: chính Chúa Thánh Thần đã làm cho Ngôi Lời nhập thể, đã đưa Thiên Chúa đến với loài người và đưa loài người hội nhập vào trong Thiên Chúa. Đức Giêsu, nhờ Thánh Thần, là người “Thứ Nhất” thực hiện việc loan báo Tin Mừng Chúa Cha bằng con đường hội nhập văn hóa một cách sâu rộng và triệt để nhất.

Chúng ta vững tin rằng: Chúa Thánh Thần đã làm cho Ngôi Lời nhập thể thế nào, thì cũng sẽ làm cho Tin Mừng hội nhập vào các nền văn hóa như vậy. Trong Tông Huấn về Giáo Hội tại Á châu, Đức Thánh Cha Gio-an Phaolô II viết: “Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của sự hội nhập văn hóa của đức tin Kitô giáo tại Á châu” và “Thánh Linh tác động trên châu Á vào thời các tổ phụ và các tiên tri, và còn tác động mạnh mẽ hơn trong thời Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội sơ khai. Hôm nay, Ngài đang hoạt động giữa các Kitô hữu Á châu, củng cố chứng từ về đức tin của họ giữa các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo tại lục địa này. Đúng như cuộc đối thoại tình yêu giữa Thiên Chúa và con người được Chúa Thánh Linh chuẩn bị và được hoàn tất trên mảnh đất Á châu trong mầu nhiệm của Đức Kitô. Như thế, cuộc đối thoại giữa Đấng Cứu độ và các dân tộc trên lục địa này hôm nay tiếp tục trong cũng một quyền năng Thánh Linh tác động trong Giáo Hội”.

Với nội dung vừa trình bày, chúng ta có thể tìm đến một định nghĩa cho việc hội nhập văn hóa, để từ đó quy chiếu những nghiên cứu, khám phá, lượng giá cho công trình hội nhập rất tinh tế và phức tạp này.

• Một định nghĩa mô tả

Trong tông huấn “Redemptoris Missio” (Sứ vụ Đấng Cứu Thế), Đức Gio-an Phaolô II diễn tả việc hội nhập văn hóa theo mô hình của Ngôi Lời nhập thể: Giáo Hội làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa khác nhau, và đồng thời Giáo Hội dẫn đưa các dân tộc cũng như các nền văn hóa riêng của họ vào trong chính cộng đoàn Giáo Hội.

Hội nghị truyền giáo năm 1979 tại Manila của liên hội đồng các giám mục Á châu (FABC) cũng đã đưa ra một định nghĩa về hội nhập văn hóa tương tự như định nghĩa trong tông huấn “Redemptoris Missio”: “Hội nhập văn hóa không chỉ là thích ứng Kitô giáo có sẵn vào một tình thế nào đó, nhưng đúng hơn là làm cho Ngôi Lời hiện thân một cách sáng tạo trong Giáo Hội địa phương”.

• Tầm quan trọng của việc hội nhập văn hóa

Tất cả mọi người, cách riêng Dân Chúa tại Việt Nam đều nhận ra cuộc hội nhập văn hóa của đức tin Kitô giáo là sứ vụ đặc thù và cũng là một dấn thân mục vụ đối với Hội Thánh tại Việt Nam.

• Về mặt tích cực

Người Á châu nói chung và người Việt nam chúng ta nói riêng có truyền thống văn hóa riêng, nên cũng muốn diễn tả đặc tính riêng của mình trong cách suy tư, cầu nguyện, cách sống, cách chia sẻ kinh nghiệm Kitô hữu của riêng mình với các anh chị em, vì nếu Kitô hữu không khám ra căn tính của riêng mình, họ sẽ đánh mất tương lai.

Liên hội đồng các giám mục Á châu nhấn mạnh chiều kích đối thoại trong việc hội nhập văn hóa: “đào sâu đối thoại tại Á châu giữa Tin Mừng và văn hóa, để đức tin được hội nhập văn hóa và văn hóa được Phúc Âm hóa”.

Chúng ta xác tín rằng: loan báo Tin Mừng bằng con đường hội nhập văn hóa chính là đang cùng với Chúa Thánh Thần thực hiện một lễ “hiện xuống mới” trong thời hiện tại hôm nay và trên chính quê hương này, để trong ngôn ngữ và gia sản văn hóa đặc thù, họ dâng lời ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa.

• Về mặt tiêu cực

Cùng với các dân tộc Á châu, chúng ta chia sẻ những thách thức và cam go giữa Giáo Hội và vấn đề thuộc địa. Giáo Hội bị coi như thành phần ngoại lai (đạo ngoại quốc...). Giáo Hội tại nhiều nơi còn bị coi là vật cản hay mối đe dọa cho cuộc hội nhập quốc gia và căn tính tôn giáo, văn hóa...

Đàng khác, Giáo Hội vẫn là ngoại quốc trong lối sống, cơ chế tổ chức, lối thờ phượng, trong cách lãnh đạo được đào luyện theo Tây phương và trong thần học của Giáo Hội. Những lễ nghi tôn giáo thường vẫn quy củ, không tự phát, cũng không mang đậm nét Á châu... (FAPA, II, 195-196).

Vấn đề sống còn của Giáo Hội tại Việt Nam, không phải là tự vệ, hộ giáo..., mà phải là việc hội nhập văn hóa, để trong sự hiện diện của mình, mọi người đều nhận thấy có mình ở trong đó “một Giáo Hội nhập thân nơi dân chúng, một Giáo Hội bản xứ và hội nhập văn hóa” (FAPA, I, 14).

Tại Việt Nam, khởi đầu công cuộc truyền giáo, các vị thừa sai đã cố gắng thực hiện công trình hội nhập văn hóa trong nhiều lãnh vực khác nhau và đã đem lại nhiều hiệu quả khả quan. Tại Phát Diệm, linh mục Phêrô Trần Lục là một điển hình. Công trình kiến trúc đồ sộ “quần thể nhà thờ Phát Diệm” được nhìn nhận như một công trình hội nhập văn hóa tại Việt Nam.

• CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC: ĐIỂM HẸN HÒ CỦA ĐỨC TIN VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Qua tác phẩm, người ta biết được khả năng của tác giả. Dường như có một tỷ lệ thuận giữa tác phẩm và tác giả: tác phẩm càng tinh xảo, càng hoàn hảo về phương diện nghệ thuật, thì chủ nhân của nó lại càng tài khéo, tinh thông và khôn ngoan gấp bội. Quần thể nhà thờ Phát Diệm tự minh chứng cách hùng hồn trí thông minh, sự uyên bác về phương diện nhân bản, văn hóa Việt Nam, cũng như kiến thức thần học, kinh thánh, phụng vụ của Cụ Sáu. Cả hai đã được kết tinh nên một cách hài hòa nơi con người đáng kính của Cụ. Ngài là điểm hẹn hò giữa đức tin và văn hóa Việt Nam.

• Cụ Sáu: mẫu mực về nhân bản và văn hóa Việt Nam

Trong phạm vi bài thuyết trình này, chúng ta không đề cập đến thân thế và sự nghiệp của cha Phêrô Trần Lục, mà chỉ chú nhắm đến phương diện nhân bản, văn hóa của ngài xuyên qua bút tích (Ca vè Cụ Sáu) và công trình kiến trúc quần thể nhà thờ Phát Diệm.

Đọc “Ca vè Cụ Sáu”, độc giả bị cuốn hút vào những lời răn dạy đầy ắp tính nhân văn: đức hiếu thảo của kẻ làm con phải có đối với cha mẹ:

“Mấy lời hiếu tự nói qua,

Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn

Làm người sống ở thế gian

Ai không đội đức cao san (sơn) nặng đầy”.

Ngài dạy dỗ một cách chi tiết, tỷ mỷ, kỹ càng, những kẻ làm con về: cung cách hành xử, trong tư tưởng, lời nói, việc làm, cho tròn chữ hiếu đối với cha mẹ.

Trong phần “Nữ tắc thường lễ”, tác giả liệt kê những đức tính phải có của người phụ nữ, đồng thời cũng phê phán các nết xấu cần phải loại trừ đối với người phụ nữ. Những lời răn dạy trong nữ tắc thường lễ là phương pháp đào tạo nhân cách người phụ nữ theo tiêu chuẩn “Tứ đức” (Công – Dung – Ngôn – Hạnh) của Nho giáo.

Còn trong “Nịch ái vong ân”, Cụ Sáu đề cập đến tư cách phải có của người đàn ông, bậc tu mi quân tử. Được xem như cột trụ trong gia đình, người đàn ông phải biết “tề gia”, nghĩa là điều khiển gia đình mình cho đúng lễ nghĩa gia phong, có sự kính trên nhường dưới, biết răn dạy những người thuộc quyền, cụ thể ở đây là “dạy vợ”. Chúng ta phải đặt mình trong bối cảnh văn hóa Việt Nam cách đây hơn 100 năm để thấy những lời răn dạy của ngài là cần thiết và hữu ích. Đối với Cụ Sáu, người đàn ông không biết “tề gia” thì không thể hy vọng thành công trên lãnh vực “trị quốc” và “bình thiên hạ” được.

“Ca vè Cụ Sáu” được giáo dân Phát Diệm xưa và nay đón nhận rất chân thành và phổ cập. Bằng chứng là tập sách này được in ấn và tái bản nhiều lần, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử Phát Diệm. Nhiều người cho tới ngày nay vẫn còn thuộc lòng “Ca vè Cụ Sáu”.

Sở dĩ tác phẩm của ngài được đón nhận trên diện rộng như vậy vì nhiều lý do, có thể do thể loại thơ văn bình dân hợp với tâm thức người Việt Nam..., nhưng có một lý do khác quan trọng hơn, đó là cung cách sống nhân bản của ngài đã có ảnh hưởng trên giáo dân, khiến họ yêu mến mà tìm đến với ca vè của Cụ để học làm người. Cụ Sáu dạy dỗ giáo dân bằng chính đời sống và gương sáng của mình: “Lời nói như gió lung lay, gương lành như tay lôi kéo” (ca dao), đúng như nhận định của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “Con người ngày nay thích nghe chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy thì trước hết những thầy dạy đó đã là chứng nhân rồi”.

Còn về phương diện kiến trúc, quần thể nhà thờ Phát Diệm là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam:

• Đặc tính phong thủy được Cụ lưu tâm cách đặc biệt: “Tiền thủy, hậu sơn” tạo nên một cảnh quan hài hòa, tôn thêm vẻ hùng vĩ cho quần thể, đồng thời cũng tạo nên một không gian trầm tĩnh dễ đưa hồn vào cầu nguyện, gẫm suy.

• Kiến trúc với những vòm cuốn, mái cong cao vút trên nền trời trong xanh tạo đường nét mềm mại, thanh cao, duyên dáng: quần thể to lớn, vĩ đại, nhưng không thô kệch. Đi sâu vào chi tiết một chút, chúng ta thấy các biểu tượng rất cao quý Việt Nam được ngài sử dụng vào những vị trí thích hợp nhằm thông truyền một sứ điệp Tin Mừng phù hợp với tâm thức Việt Nam... Tựu trung, khi đến với nhà thờ đá Phát Diệm, người Việt Nam dễ nhận thấy mình ở trong đó và cũng cảm thấy có cái gì đó là của riêng mình.

• Cụ Sáu: một đức tin được nhập thể

Trong dụ ngôn người gieo giống (Mt 13, 3 – 9), Chúa Giêsu nói đến mảnh đất tốt mà trong đó hạt giống Lời Chúa được gieo vào sẽ sinh hoa kết trái phong phú dồi dào. Mảnh đất ấy không gì khác hơn là tâm hồn con người và truyền thống văn hóa, tôn giáo của một cộng đoàn. Nơi tâm hồn con người là nét nhân văn được thể hiện qua đời sống nhân bản và văn hóa.

Cụ Sáu: mảnh đất tốt được tuyển chọn. Khẳng định đó hoàn toàn có lý vì hai lý do:

• “Ca vè Cụ Sáu” nhấn mạnh đạo đức gia đình như là yếu tố nền tảng mà trên đó mọi nhân đức nhân bản, kể cả đức tin được xây lên. Thiếu yếu tố cơ bản này, con người chỉ là mảnh đất sỏi đá, gai góc, không thích hợp để hạt giống Tin Mừng mọc lên. Cụ Sáu ý thức sâu xa mối dây liên kết bất khả phân ly giữa nhân đức nhân bản và đức tin, nên khi giáo dục đức tin cho giáo dân, ngài dạy họ các đức tính nhân bản. Đọc “Ca vè Cụ Sáu”, độc giả nhận thấy một sự liên kết hài hòa gần như đồng hóa giữa đức tính nhân bản và đức tin: Trong nhân bản có đức tin và trong đức tin có nhân bản.

• Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm là lời tuyên xưng đức tin sống động của Cụ vào Thiên Chúa và vào các chân lý cứu độ Kitô giáo. Những bức phù điêu, chạm bong trên các tường và các bàn thờ là cuốn Phúc Âm rút gọn diễn tả các “mầu nhiệm cả” trong đạo. Chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô về Cụ Sáu: “Tôi biết tôi đã tin vào ai, và xác tín rằng: Người có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho tôi, mãi cho tới ngày Ngài đến” (2Tm 1, 12 ). Đức tin của Cụ quả là sâu sắc, thế nên, không còn lời nào phù hợp hơn để diễn tả ngoài khẳng định này “Cụ Sáu: một đức tin đã được nhập thể”.

• CHA PHÊRÔ TRẦN LỤC: CÔNG TRÌNH HỘI NHẬP VĂN HÓA

Trong 34 năm làm cha xứ Phát Diệm, Cụ Sáu đã lo giáo dục nhân bản qua những ca vè, cũng như đời sống đạo đức cho giáo dân. Đặc biệt xây dựng quần thể nhà thờ Phát Diệm. Cả hai công trình này đều thể hiện sâu sắc đặc tính hội nhập văn hóa Việt Nam.

• Ca vè Cụ Sáu chứa đựng những nét hội nhập văn hóa

“Ca vè” là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian Việt Nam, rất phổ thông và thịnh hành trong giai đoạn từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Người dân thường dùng câu ca dao, dân ca, bài vè để chuyển tải ý muốn của mình, nhằm giáo dục, phê phán hiện tình con người và xã hội. Ngôn ngữ Việt Nam tự thân đã có thanh trắc, thanh bằng, âm điệu trầm bổng, nên khi nói người ta có cảm tưởng như một bài ca. Với đặc điểm về cung điệu như thế, người nghe rất dễ lọt tai với thể loại văn vần, thơ ca, vè. Loại hình văn hóa này đã ăn sâu vào ký ức của người dân Việt Nam, từ thuở còn nằm nôi nghe lời ru của mẹ, đến khi nằm yên trong “quan tài” vẫn còn được nghe những bài ca theo thể thơ ca, vè như thế.

Cụ Sáu sử dụng ca vè vào mục đích giáo dục nhân bản và cũng uyển chuyển, tinh tế nhắc nhở đời sống đức tin, bổn phận giáo dục đức tin cho con cái:

“Việc phần hồn trước dạy làm dấu,

Kêu Giêsu, Thánh mẫu quan thầy

Kinh hàng ngày sự cần phải học

Mẹ dạy con trằn trọc hôm mai”.

Đọc Hiếu tự ca, độc giả nhận thấy Cụ Sáu không dừng lại trong việc giáo dục nhân bản, nhưng trên nền tảng nhân bản, Cụ muốn gieo trồng đời sống đức tin như là cùng đích của một đời sống nhân bản phải đạt tới. Phần kết của Hiếu tự ca, Cụ Sáu nhấn mạnh đạo hiếu không chỉ là bổn phận tự nhiên, mà hơn thế, do chính Chúa truyền ban, nên khi thực hành đạo hiếu là thực thi Lời Chúa, nhờ đó kẻ thực hành sẽ được hạnh phúc đời này và đời sau:

“Hãy lắng tai nghe lời Chúa hứa,

Ai hết lòng thảo hiếu mẹ cha,

Sẽ ban phần thưởng này là

Sống lâu dưới thế để mà trả công

Về sau phúc trọng muôn phần

Chúa còn trả lại vô cùng hẹp chi

Mấy lời hiếu tự phải ghi

Chôn lòng mà giữ chớ khi nào rời. Amen”.

Do đi đúng vào căn tính người Việt, Ca vè Cụ Sáu đã được đón nhận nồng hậu nơi giáo dân Phát Diệm: người ta đọc, học, thực hành Ca vè Cụ Sáu, mãi cho tới ngày nay, nhiều cụ vẫn còn thuộc lòng. Việc đưa lời Chúa, nhắc nhở sống và thực hành đức tin vào ca vè chính là cách thức hội nhập văn hóa đúng nghĩa.

Cho tới nay, Phát Diệm vẫn còn giữ được truyền thống đạo đức, nề nếp gia phong, tinh thần đoàn kết, trọng chữ hiếu cũng là nhờ sự kiên trì giáo hóa, miệt mài gieo trồng đức tin của vị linh mục đáng kính, cha Phêrô Trần Lục.

• Quần thể nhà thờ Phát Diệm: công trình hội nhập văn hóa

Khu quần thể nhà thờ Phát Diệm là công trình hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa, tôn giáo Việt Nam, trong tổng thể, cũng như từng chi tiết. Trong khuân khổ của bài thuyết trình, chúng ta chỉ đề cập tới 3 điểm nền tảng sau đây:

• Hội nhập Tin mừng trong nghệ thuật kiến trúc xây dựng

Khi nói về kiến trúc cổ Việt Nam, nhiều người lầm tưởng là bản sao của kiến trúc Trung Hoa, nhưng thật ra, kiến trúc cổ truyền Việt Nam khác nhiều so với lối kiến trúc Trung Hoa, nhất là về phần cấu tạo mái cong. Kiến trúc phần mái của người Trung Hoa dùng phương pháp “chồng đấu, tiếp rui”, trong khi người việt dùng “tàu đao, lá mái” để cấu tạo mái cong”.

Cụ Sáu xây dựng khu quần thể theo đúng phong cách bản địa Việt Nam: mềm mại, thanh cao, trầm tĩnh, nhờ đó hồn Tin Mừng đã được thổi vào nghệ thuật kiến trúc dân tộc. Trong công trình nhà thờ Phát Diệm, Cụ đóng vai trò trung gian, “mai mối” để cho Tin Mừng và nghệ thuật kiến trúc bản địa thực hiện cuộc đối thoại “vô ngôn” sâu sắc và hiệu quả: “Đây không phải lời, cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai, nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất và lời chúng truyền rao khắp cả địa cầu” (Tv 18, 4 – 5).

Do vậy, người Việt Nam đến với Phát Diệm là nhận ra chúng mình khi cùng nhau quy tụ dưới mái của công trình kiến trúc, và hơn nữa, nhận ra nguồn cội thiêng thánh của mình khi tịnh ngôn, tịnh tâm lắng nghe “quần thể nhà thờ Phát Diệm” tâm sự về Tin Mừng cứu độ đã nhập thể trong nghệ thuật kiến trúc thuần túy Việt Nam.

• Hội nhập Tin Mừng trong văn hóa “đình làng”

Khu quần thể nhà thờ Phát Diệm, theo chiều Nam – Bắc, bắt đầu là “ao hồ”, “sân phương đình”, “phương đình”. Cấu trúc này được rập khuân theo mô hình văn hóa nông thôn Việt Nam, văn hóa làng. Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng đã đi vào văn chương và được thi vị hóa. “Đình làng” có thể được xem là địa chỉ riêng của mỗi người, đặc biệt trong những dịp hội làng, hay mỗi khi có việc làng. Bởi vậy, đình làng được xây dựng với những tiêu chí rất đặc biệt như: luật phong thủy, địa điểm, phương hướng. Lý tưởng nhất là đình có địa điểm thoáng đãng nhìn ra sông nước, nếu không có được ao hồ thiên nhiên thì dân làng phải đào ao, đào giếng để có mặt nước phía trước đình cho đúng thế “tụ thủy”, vì họ cho đó là điềm thịnh mãn cho làng. Trong đình, gian giữa, có bàn thờ, thờ vị Thành hoàng của làng, một chiếc trống cái cũng được để trong đình để đánh lên mỗi khi có việc làng, trống đánh theo “nhịp ngũ liên” mời gọi, thúc giục dân chúng về hội làng. Mọi sinh hoạt hành chính, tế tự, hội hè, rước sách, khao vọng, đón người đỗ đạt... đều diễn ra tại đình làng.

Tin Mừng được nhập thể trong văn hóa đình làng:

Trước hết trên nóc đình làng là “lưỡng long chầu nguyệt”, nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh (trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương) thì phải gọi là “lưỡng long chầu mặt trời” (vì vòng tròn có ngọn lửa bốc cháy). Hai con rồng là biểu tượng sức mạnh âm – dương trong vũ trụ. Vòng tròn ở giữa là mặt trời, tượng trưng cho thái cực viên mãn của vũ trụ. Con rồng bên trái là âm, con rồng bên phải là dương”.

Nóc phương đình Phát Diệm được đặt cây thánh giá, chầu hai bên là hoa văn họa tiết hình triện long hóa. Nếu hình tròn bốc lửa là tượng trưng cho cho thái cực viên mãn của vũ trụ, thì Chúa Giêsu chính là mặt trời công chính và việc Ngài nhập thể chính là thánh giá. Cụ Sáu không gạt bỏ “lưỡng long chầu mặt trời”, nhưng chỉ cho mọi người “mặt trời” là Chúa Kitô. Cây thánh giá trên nóc phương đình đích thực là sự nhập thể của Tin Mừng vào quan niệm về vũ trụ của người Việt Nam. Chúng ta có thể so sánh điểm hội nhập văn hóa này với câu truyện mà Thánh Phaolô đã trình bày trong bài giảng cho giới trí thức trên đồi A-rê-ô-pa-gô (cf. Cv 17, 22 – 29).

Nếu cây trống cái trong đình làng mỗi lần gióng lên triệu tập dân làng đến tế lễ trời đất, thành hoàng, lễ hội truyền thống hoặc hội họp bàn việc làng, thì trên gác cao của phương đình chuông nam ngân nga trầm bổng gởi lời tự sự tới mọi người: “Tôi ca tụng Chúa thật, tôi kêu gọi dân chúng, tôi tập hợp các giáo sĩ, tôi khóc người qua đời, tôi đẩy lui dịch tễ, tôi điểm tô ngày lễ”. Cụ Sáu đã trang trí phương đình theo kiểu cách sinh hoạt cung đình: sập đá, bàn thờ (trước đây còn cả hai ghế đá đặt hai bên bàn thờ); trong tâm trí Cụ Sáu, Đức Giêsu là vua vũ trụ và lời Người giảng dạy như Đấng có uy quyền. Tin Mừng nhập thể trong sinh hoạt “đình làng”; không thay thế, nhưng làm cho sinh hoạt ấy được thăng hoa, được thần hóa. Quả thật, Cụ Sáu đã khơi “nguồn nước hằng sống” là Chúa Giêsu cho dân làng Phát Diệm đang thường xuyên tụ họp trong đình làng của mình để tìm “nguồn nước” cho thỏa cơn khát tâm linh.

• Hội nhập Tin Mừng vào văn hóa kể chuyện: đặc điểm của văn hóa Á châu

Á châu ít dùng ngôn ngữ trừu tượng, họ thích dùng hình ảnh, câu chuyện để dạy dỗ, để chuyển tải tư tưởng. Kể chuyện là loại hình sinh hoạt văn hóa Á châu. Tông huấn “Giáo Hội tại Á châu” đề nghị “khoa sư phạm gợi nhớ” sử dụng chuyện kể, dụ ngôn và biểu trưng: “Ai cũng biết kinh nghiệm thực tế của Á châu không chủ yếu là đường thẳng hay ý niệm, nhưng là đường xoáy ốc và biểu trưng, là những gì thuộc về trực giác, hấp dẫn, gợi mở, thẩm mỹ”.

Cụ Sáu am tường cảm thức văn hóa kể chuyện của người dân Việt, nên trên các bức tường của phương đình, mặt tiền Nhà Thờ Lớn, 5 nhà nguyện nhỏ, Cụ cho chạm những bức phù điêu diễn tả những mầu nhiệm Chúa Cứu Thế: từ việc Người giáng sinh, đời thơ ấu ẩn dật, đến đời hoạt động công khai, đặc biệt là biến cố tử nạn, phục sinh và lên trời vinh hiển. Mỗi bức phù điêu là một câu chuyện kể về cuộc đời Đức Giêsu như sách Tin Mừng diễn tả. Hội nhập Tin Mừng vào văn hóa kể chuyện cho người Việt Nam sẽ truyền cho họ cảm xúc ngạc nhiên, thích thú, ấn tượng, để rồi được lôi cuốn và thuyết phục.

• TIẾP BƯỚC CHA ANH TRONG HÀNH TRÌNH HỘI NHẬP VĂN HÓA

Hội nhập văn hóa của đức tin Kitô giáo là sứ vụ đặc thù và cũng là một dấn thân mục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam, bởi vì chúng ta luôn mong muốn: “một Giáo Hội nhập thân nơi dân chúng, một Giáo Hội bản xứ và hội nhập văn hóa”.

Hội nhập đức tin vào văn hóa bản xứ sẽ chạy dài suốt dòng thời gian mãi cho tới ngày Chúa lại đến.

Tiếp bước cha anh trong hành trình hội nhập văn hóa nơi địa phương này gồm hai việc quan yếu sau đây:

• Trân trọng giữ gìn, bảo tồn nguyện vẹn di sản cha ông để lại

Do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, thiên tai và bom đạn chiến tranh, quần thể nhà thờ Phát Diệm bị hư hại nặng nề. Hai lần tu sửa đáng ghi nhớ:

Lần thứ nhất được thực hiện ngay sau trận bom ngày 15-8-1972. Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo quyết định sửa chữa ngay. “Công việc bắt đầu vào tháng Mân côi năm ấy, chúng tôi tra tay vào công việc lấp các hố bom, xẻ gỗ đóng lại 52 cánh cửa chung quanh nhà thờ, đi mua ngói ở các nơi về lợp lại. Không những giáo dân ở Phát Diệm, mà còn cả anh chị em giáo dân bên Bùi Chu, trong Thanh Hóa cũng đóng góp: cho thóc, cho gạo nuôi thợ”. Hàng mấy trăm con người làm việc miệt mài, bất chấp máy bay hàng ngày bay lượn trên đầu, mặc cho súng bắn, họ vẫn cứ làm. Công việc tấp nập như thế hàng hai ba tháng, sau đó còn phải sửa chữa những nhà thờ nhỏ và sân, hai năm trời mới xong. Có được thành quả sửa chữa mỹ mãn như vậy, là vì con cháu ý thức được công lao tổ tiên xây dựng.

Lần thứ hai đại tu toàn bộ quần thể nhà thờ Phát Diệm. Bắt đầu từ thập niên tám mươi của thế kỷ XX, dưới sự chỉ đạo của Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến, từng hạng mục được trùng tu. Nguyên tắc làm việc: “tuyệt đối trung thành với nguyên mẫu, chỉ thay những phần không thể giữ lại được, và không được phép thay những cột đã được xức dầu thánh hiến. Cuối tháng 05-2000, công việc trùng tu hoàn thành mỹ mãn”.

Bên cạnh việc bảo tồn nguyên vẹn di sản cha ông để lại, các thế hệ con cháu còn phải tích cực hơn nữa nghiên cứu công trình hội nhập đức tin vào văn hóa dân tộc của tiền nhân, để cảm nhận giá trị vĩnh hằng và tính thời sự của Tin Mừng trong công trình kiến trúc đồ sộ này. Một dấu ấn được ghi để dám “thi gan” cùng tuế nguyệt, đó là lễ cung hiến nhà thờ chính tòa Phát Diệm ngày 06 tháng 10 năm 1991. Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo, nhân danh Giáo Hội, đã “đội triều thiên” cho công trình của Cụ Sáu.

• Cam kết, dấn thân rao giảng Tin Mừng bằng việc hội nhập văn hóa

Như đã minh chứng trong bài thuyết trình: khát khao của dân Chúa tại Việt Nam là được nhìn thấy “một Giáo Hội nhập thân nơi dân chúng, một Giáo Hội bản xứ và hội nhập văn hóa”. Viễn tượng này chỉ có thể thành hiện thực khi toàn thể dân Chúa, đặc biệt, các nhà chuyên môn, cam kết, dấn thân trong lãnh vực khó khăn, phức tạp và tế nhị này. Dựa vào những chỉ dẫn của tông huấn: Giáo Hội tại Á châu đoạn 22, chúng ta tập trung vào những điểm quan yếu sau đây:

• Lãnh vực thần học:

Văn hóa thờ “Ông Trời” cũng là một cách thức bày tỏ tự thâm sâu đáy lòng con người về một thượng đế có ngôi vị, thông biết mọi sự, làm chủ muôn loài, thưởng phạt công minh. Phải chân nhận, trong văn hóa, tôn giáo thờ “Trời” rất gần với mạc khải về Thiên Chúa ngôi vị trong Kinh Thánh. Tin Mừng có thể hội nhập trong văn hóa thờ “trời”, hít thở và hấp thụ chất dinh dưỡng từ nền văn hóa ấy.

Hội nhập văn hóa trong lãnh vực kitô học trong nền văn hóa “đình làng” và trong văn hóa kể chuyện Chúa Giêsu rất được đón nhận nơi anh chị em đồng bào của mình (kể chuyện Chúa Giêsu cách sống động bằng chính cuộc đời mình).

• Lãnh vực phụng vụ

Tâm thức người Việt là say mê thờ phượng, lễ hội tôn giáo và lòng đạo đức bình dân. Tinh thần tôn giáo truyền thống Việt Nam là mảnh đất tốt để đức tin hội nhập trong nghi thức thờ phượng truyền thống vốn có. Tuy nhiên không dừng lại ở những cử chỉ, hình thức giả tạo bề ngoài, nhưng phải làm thế nào để đức tin Kitô giáo được sống trọn vẹn trong môi trường văn hóa và thực tế cuộc sống của người dân. Nhiệm vụ của hội nhập văn hóa trong lãnh vực phụng vụ là tìm kiếm những phương cách hữu hiệu để nuôi dưỡng các hình thái thích hợp biểu lộ đức tin chân chính và đẩy lui mọi hình thức mê tín dị đoan trong việc tế tự, thờ phượng và cầu nguyện.

• Lãnh vực đào tạo

Đào tạo nhân sự theo phong cách Á châu rất được quan tâm. Trong cuốn: Đào tạo linh mục, định hướng và chỉ dẫn của hội đồng giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2012, lưu tâm cách đặc biệt mô hình đào tạo các linh mục theo phong cách Á châu gồm bốn nét đặc trưng:

• Linh mục, con người trưởng thành.

• Linh mục, con người của sự thiêng thánh.

• Linh mục, con người của đối thoại.

• Linh mục, con người khiêm tốn phục vụ

“Như vậy, trong bối cảnh Á châu có nhiều tôn giáo, nhiều nền văn hóa lớn và đa số là dân nghèo, các giám mục Á châu, sau khi trình bày yếu tố nền tảng: con người trưởng thành của linh mục, đã làm đậm nét hình ảnh người linh mục Á châu trong tương quan với Chúa, với người khác, nhất là với các tôn giáo khác và với người nghèo”. Mô hình đào tạo linh mục theo phong cách Á châu sẽ góp phần tạo nên những con người của hội nhập văn hóa và từ nơi họ tiến trình hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa bản xứ sẽ có cơ may phát triển và gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.

Kết luận:

Hội nhập văn hóa là một đòi hỏi cấp bách trong sứ vụ đến với muôn dân của Giáo Hội. Sứ vụ này đã được thực hiện trước tiên nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Ngài trở nên khuân mẫu về hội nhập văn hóa cho Giáo Hội mọi nơi và mọi thời.

Nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thực hiện công trình hội nhập văn hóa theo mô hình Ngôi Lời nhập thể, nghĩa là, làm cho Tin Mừng nhập thể trong một nền văn hóa đặc thù, và giới thiệu nền văn hóa ấy vào trong đời sống Giáo Hội. Con đường hội nhập văn hóa là con đường làm cho Giáo Hội địa phương không còn xa lạ, ngoại lai trước mắt đồng bào của mình, nhất là thể hiện đặc tính Công Giáo và đặc tính “duy nhất trong đa diện” và “đa diện trong duy nhất” của Giáo Hội Chúa Kitô.

Công trình hội nhập văn hóa của Cụ Sáu tại Phát Diệm là một dấu ấn đậm nét, một thành quả lớn lao trên đời sống giáo dân và đồng bào Việt Nam. Một truyền thống đạo đức sâu sắc, bền bỉ và một Giáo Hội mang bản sắc địa phương, đó chính là nhờ công lao Cụ Sáu.

Con đường hội nhập văn hóa chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc. Tiếp bước Cụ Sáu, chúng ta cam kết dấn thân lên đường thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng theo phong cách Việt Nam: hội nhập Tin Mừng vào nền văn hóa Việt Nam. Công việc đầy dẫy thử thách, cam go, phức tạp, tế nhị, nhưng hãy cứ lên đường trong niềm vui và hy vọng vì có Chúa Thánh Thần đang cùng hoạt động.

Nhờ ơn Chúa và sự hăng say nhiệt thành tông đồ, chắc chắn Giáo Hội sẽ đáp ứng được nguyện vọng của con dân Việt Nam là sớm được thấy: “một Giáo Hội nhập thân nơi dân chúng, một Giáo Hội bản xứ và hội nhập văn hóa”. Thật mong ước lắm thay.

Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê

Giám đốc TCV. Phaolô Phát Diệm


TÀI LIỆU THAM KHẢO

• Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Ad gentes).

• Đức Gio-an Phaolô II, Thông điệp sứ vụ Đấng Cứu Độ (Redemptoris Missio, ngày 07.12.1990).

Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia, ngày 06.11.1999).

• Ca vè Cụ Sáu.

• Tòa giám mục Phát Diệm, Nhà thờ Phát Diệm, nxb. Tôn giáo, 2009.

• HĐGMVN, Đào tạo linh mục – Định hướng và chỉ dẫn, nxb. Tôn giáo, 2012.

• HĐGVN, Hiệp thông, số 76 (tháng 5 & 6 năm 2013).

• Vinh-sơn Trần Ngọc Thụ, Lịch sử giáo phận Phát Diệm (1901-2001), Paris, 2001.

• Hoàng Xuân Việt, Thắng cảnh Phát Diệm – Địa linh nhân kiệt và kỳ quan, UBĐKCG, 1991.

• Phạm Ích Khiêm, Văn hóa học và văn hóa thế kỷ XX, Viện thông tin khoa học xã hội, 2001.

• Lê Thanh Đức, Đình làng Miền Bắc, Hà Nội, 2001.

• Kiến thức ngày nay: “khoa học và đời sống”, số xuân 2012.
 
Văn Hóa
Kéo Ghe
Lm Vũđình Tường
06:03 18/07/2013
Con sông cạnh nhà ngày nào chàng cũng phải đi về. Ngày nắng cũng như mưa, ghe nhỏ cứ vun vút lao đi theo từng mái chèo. Vào mùa nước cạn giòng sông trôi thật êm đềm, hiền lành. Con sông hình như ngái ngủ, nước chảy chậm, rong rêu đóng từng bè, từng bè quanh bờ đá, rác rến làm tổ nơi gốc cây mục. Lục bình lững lờ lay động, thỉnh thoảng có con cá nhoi lên đớp nước tạo thành cái vòng nước nho nhỏ.

Giòng sông tỉnh thức vào mùa mưa. Khó ai tưởng tượng sau cơn mưa giòng sông trở nên hùng dũng lạ thường, gầm thét dậy trời, hung tợn hơn vũ bão, lanh lẹ như thần sóng. Quanh khu thác đổ bọt nước văng cao, treo vất vưởng đầu cành, kẽ lá. Cơn gió như người bạn tình tạt vào cuốn đi những bọt nước vàng nhạt bay bổng nổ tan để một mình gió bơ vơ bay mất hút.

Dưới sông nước đổ ào ào cuốn theo tất cả. Cơn mưa rừng làm giòng sông tỉnh thức, ban sức sống cho sông. Tiếng nước chảy như gào thét vang dội từ xa nghe rõ. Thỉnh thoảng chêm tiếng chát chúa do thân cây trôi vạng mạnh vào đá gẫy rắc rắc, giòn tan. Nước mềm có sức mạnh phá tan mọi chướng ngại cản đường, dù là đá cứng, đất mền, cọng rong hay bè cỏ, nước không tha bất cứ thứ gì cản đường, chắn lối. Từ sườn đồi phóng tầm mắt ra xa nhìn xuống giòng sông uốn khúc quanh co như khúc vải trắng dài loằng ngoằng sẵn sàng cuốn cổ tất cả chôn sâu trong nước. Đến gần chứng kiến những con nước xoáy làm rợn người, nổi gai ốc. Nước chảy nhanh và nguy hiểm lạ thường vì nước vừa cuốn vừa hút trước khi nuốt trửng không chừa thứ gì.

Thường nhật

Ngày nào chàng cũng chèo ngược nước trên đường về. Sáng ra chèo xuôi giòng; sau một ngày lao tác người mệt lại phải đánh vật chèo ngược nước. Gia đình sống bằng nghề đốt than. Chiều nay chàng phải mang than về đúng hẹn. Bọn con buôn lôi thôi lắm chậm trễ một chút là than, đòi bớt giá, giảm giá, hoặc ngay cả duỗi không mua nữa đi tìm mối khác. Gia đình chàng nghèo, làm ăn có uy tín, không bao giờ cân thiếu, bán toàn than ròng, chính hiệu, không pha than tạp nên khách thích mua than của gia đình. Nhờ những ưu điểm đó mà gia đình tạo được chữ tín. Khách buôn có giận, có duỗi cuối cùng cũng trở lại vì người dùng than biết than tốt, than xấu. Biết rõ chiều nay phải có mặt ở nhà đúng hẹn vì con buôn đang chờ. Chàng tính toán về sớm hơn mọi khi cho kịp giờ hẹn. Sau cơm chiều liền vội vã lên ghe. Nước chảy xiết là do kết quả mưa cuối tuần qua.

Đều tay

Hai cánh tay vung tới vung lui đều đặn đưa mái chèo đẩy ghe phóng về phía trước. Càng lúc ghe càng chậm vì bị sức nước đẩy ngược lại. Ngó xuống khoang chàng với tay tát nước, tay kia vẫn giữ mái chèo cho ghe khỏi mất thăng bằng. Trời về chiều sương nhiều hơn. Một mình trên sông. Phía trước còn xa bến bờ, phía sau toàn nước. Một mình một con sông, một ghe đầy than. Hai cánh tay đã mỏi, bụng đói meo. Chàng ao ước có gì ăn đỡ đói. Không còn gì ngoài miếng cơm dừa ngâm muối. Chàng với tay cầm miếng dừa cắn nhai. Nhai một chút sữa cơm dừa pha trộn vừa mặn, vừa ngậy, thêm chất ngọt cũng ngon miệng. Mới nhai được ba miếng đã hết. Miếng cuối chàng nuốt cả bã. Dùng tay vúc nước sông uống chàng nghĩ phải chi có cha đến giúp thì hay biết mấy. Chèo cầm chừng cho tay bớt mỏi, chờ cho người khoẻ lại sức, cho ghe không trôi ngược lại. Mấy ngày qua đâu có bao giờ chàng nghĩ đến người cha. Bây giờ mệt mỏi chàng mong cha xuất hiện. Cứ làm như cha có thể đọc được ý nghĩ thầm kín trong đầu. Hai mắt luôn ngóng về phía trước mong chờ có cứu tinh. Ước mơ thành sự thật, xa xa trên bờ rừng hình ảnh cha đang xuất hiện, lúc rõ, lúc mờ rồi biến mất sau tàng cây rồi lại xuất hiện. Hình người rõ ràng. Đúng rồi, cha đến giúp. Nhận diện xong chàng ghé sát bờ, ngừng tay chèo nghỉ lấy sức. Lên tinh thần, mắt tỉnh táo, và cánh tay có vẻ khoẻ hơn trước.

Từ trên bờ sông cha đưa đôi mắt trìu mến nhìn con nói những lời khuyến khích nhắc.

Nước chảy xiết lắm, phải cẩn thận đấy.

Nhìn trời ông nói bâng quơ

Chuyến này vất vả. Không ngờ nước chảy xiết như thế. Phải cố gắng lắm mới mong về nhà bình an.

Sau câu nói đó ông quẳng sợi giây thừng xuống nhanh tay cột chặt vào mũi ghe, cột xong sợi giây ông thảy cho chàng một nhánh khoai luộc ăn lấy sức mà chèo. Chàng tiếc rẻ, phải chi lúc trước đừng ăn hết miếng cơm dừa, để giành ăn chung với khoai luộc chất mặn của dừa pha chất ngọt của khoai thiệt là tuyệt hảo. Nghĩ đến đó nước miếng trong miệng ứa ra nhiều hơn.

Đợi con ăn xong nhánh khoai ông buông hai tiếng.

Nào, ta lên đường.

Chàng dạ đáp trả. Hai tay vừa đụng mái chèo, người cha đã bước đi. Sợi giây căng dần, căng dần và ghe bắt đầu tiến về phía trước. Trên bờ người cha lầm lũi bước. Người hơi chúi về phía trước vì sức nặng của ghe. Vai bên kia đeo một cuộn giây thừng phòng hờ để cấp cứu.

Kéo ghe ngược giòng nguy hiểm lắm. Thợ chuyên nghiệp luôn cần hai sợi giây. Một sợi cột mũi kéo ghe đi tới. Sợi còn lại dùng khi cấp cứu. Người kéo ghe luôn cầu mong đừng bao giờ phải dùng đến nó. Một khi đã phải dùng đến thì câu nói mạng sống như sợi chỉ treo mành trước gió luôn linh nghiệm. Nguy hiểm vô cùng, tàn ác vô tận. Khi ghe chìm việc đầu tiên là với vội vật gì làm phao phóng khỏi ghe nếu không vật chuyên chở hoặc ghe bị nước xoáy đảo lộn trong nước như con ghụ xoay lòng vòng đập trúng người chết tại chỗ.

Trời tối hơn, hình ảnh người cha cong lưng kéo ghe trên bờ mờ dần, mờ dần rồi không thấy chi nữa. Ghe ngược nước rất chậm. Chàng không thể nào đoán được sức nước chảy. Nếu cha trên bờ không gắng sức với sức riêng chàng chèo hết lực ghe cũng chỉ nhích được vài phân sau mỗi mái chèo. Ghe tiến tới nhờ hai sức hợp lại.

Không nhìn thấy cha, không nhìn thấy sợi giây đầu ghe vì trời tối, vì khói nước văng tứ tung, vì sương chiều phủ mặt sông chàng đâm nghi ngờ sự thành tâm, tận tụy của cha. Tự hỏi không biết cha làm gì mà ghe chậm rì rì mặc dù chàng đã chèo tận lực.

Nếu như nước cạn, giòng sông lững lờ chàng chỉ cần chèo một nửa canh giờ là về đến bến bình an. Với tốc độ hiện tại phải mất nhiều công sức lắm. Nhớ lại lời cha dặn, phải tốn nhiều công, mất nhiều sức và vất vả lắm mới thành công. Lời nói còn vương vấn bên tai; hình ảnh người cha đã phai mờ. Lòng ngờ vực người cha mỗi lúc tăng dần. Mệt mỏi, vất vả, đói khát, tối tăm, sợ chìm thuyền, sợ tối, sợ ma là những liều thuốc gây nghi ngờ về tình thương và sự thành tâm của cha.

Đôi lúc chàng tự an ủi dù không thấy nhưng tin cha đang cặm cụi kéo ghe. Rồi một thoáng nghi ngờ không lẽ sợi giây kéo đứt mà cha không biết. Một thắc mắc khác có cha kéo phụ sao ghe vẫn chậm chạp, sức của hai người, một chèo, một kéo mà ghe vẫn lì ra đó. Í nghĩ này lây sang í nghĩ kia theo chiều hướng mất tin tưởng nơi cha cuối cùng chàng tin cha bỏ rơi con. Chàng tin chắc đó là sự thật. Muốn bỏ tay lái đến mũi ghe nắm sợi giây kiểm chứng. Không dám vì buông tay lái ghe xoay vòng đảo lộn, mất hết than và luôn cả mạng. Chàng vật lộn giữa hai tư tưởng cha thương giúp và cha bỏ rơi. Đã không nghi thì thôi một khi đã nghi thì mối hoài nghi càng lúc càng lớn tăng dần với nỗi nhọc nhằn, sợ hãi. Càng lo sợ càng nghi nhiều. Càng khổ nỗi ngờ vực càng sâu thẳm.

Nghi nan

Cất tiếng réo gọi Cha. Đáp trả là tiếng nước vỗ sối xả mạn ghe. Hú vang góc rừng. Vọng lại là tiếng của chính nó.

Lòng ngờ vực dâng cao, trời tối, gió hú, tiếng vượn hót, chim đêm réo nhau nghe hãi hùng, tiếng thú gầm rợn tóc gáy, cơn đói cồn cào, tay mỏi mệt, chân rã rời, toàn thân tê dại. Tất cả những đau khổ đó đều do cha gây lên. Còn ai khác để kết án vì ngoài cha ra lệnh, sai đi lấy than, bắt đi làm, chịu cực vì vâng theo ý cha nên nhận mọi đau khổ. Chàng thầm oán trách cha vô tình, cha ác, tệ, bỏ rơi con. Cha chọn việc dễ đi trên bờ, khô ráo, sạch sẽ, để con vất vưởng, khổ sở ướt át dưới sông.

Mỏi tay lắm rồi chèo không nổi nữa, muốn buông xuôi. Mối ngờ vực cao hơn. Cha bỏ mặc con bơ vơ, con bỏ ghe cho chìm lỉm. Lúc chiều đề nghị cha ngồi chung ghe cùng chèo con đầu, cha cuối, lúc nào cũng có nhau, gần nhau. Cha không chấp nhận lời đề nghị. Cha giải thích cả hai cùng chèo không thể nào đưa ghe về bến bình an. Phải một tay chèo một tay kéo. Kinh nghiệm chèo ngược nưóc cha biết rõ. Vì thế cha không chấp nhận đề nghị của con vừa phí sức lại uổng công. Đổi con trên bờ kéo giây, cha dưới sông chèo. Cha không đồng ý nên giờ đây cha con nghìn trùng xa cách.

Lòng ngờ vực tăng cực độ, liệu cha còn kéo nữa hay cha lỏng giây thừng phó mặc cho con. Hình ảnh người cha hiền, nhân hậu biến thành người cha nham hiểu, khó hiểu. Lời cha khuyên vô dụng, mệt quá rồi, chán quá rồi. Kinh nghiệm chèo ngược giòng của cha đâu tốt hơn ai, tài hơn ai, giỏi hơn ai, mệt muốn chết, đói muốn chết. Sống chi khổ quá vậy. Đời đen như hòn than.

Ngồi mơ màng một lúc chàng cúi xuống tát nước nếu không ghe sẽ chìm, than ngấm nước sẽ nặng thêm, ướt đốt ra khói, bị giảm giá và mất uy tín. Một chân giữ mái chèo cho ghe khỏi tuông tự do, đảo lộn. Tay tát nước, những bọt nước li ti tiếp tục văng vào mặt, bắn vào mắt, quần áo có hàng triệu tấm nước nhỏ li ti. Tấm nước li ti nàh chồng chất lên tấm nước li ti khác thấm ướt áo tạo thành những giọt nước pha lẫn bụi than đen thui nhiểu giọt trên người, lăn dài xuống khạp ghe.

Ghe về bến bình an, hai cha con mệt nhoài. Miệng nhai, mắt nhắm cố nuốt xong miếng cơm đi ngủ.

Làm ngơ

Hôm sau chàng vẫn còn giận cha, không dậy sớm, nằm lì trên chõng. Mặt trời chiếu le lói khắp gian phòng. Nằm chõng nghe tiếng nước đổ ầm ì ngoài sông chàng nhớ lại buổi tối hôm qua, cơn giận đầy ắp trong lòng nhổm dậy, leo cao mãi, tận cổ, tận đầu. Chàng thầm thĩ trong bụng tệ bạc, ích kỉ, ngược đãi con cái. Chàng định tâm bỏ nhà biệt xứ giang hồ.

Mặt trời lên cao hơn, hai cánh tay mỏi nhừ vì chèo quá sức, gân cổ tay sưng đỏ, triệu chứng của sai khớp. Chàng nhẹ nhàng nắn cổ tay, gượng ngồi dậy rồi lại nằm xuống. Tủi thân, hai hàng nước mắt ứa ra, chàng để giọt nước mắt lăn dài trên chõng. Giọt nước mắt không loen nhưng tụ thành một vòng tròn. Mặt trời lên cao, nóng hơn, ngủ không được nữa chàng dậy định bụng kiếm gì ăn cho đỡ đói. Để tránh gặp mặt cha chàng luồn cửa sau ra phía vườn. Vừa bước qua lùm cây trông thấy cha mình trần ngồi khom lưng giữa sân đang lúi húi làm gì đó. Chợt thấy cha chàng bước ngoắt trở lại rồi như sợ cha nhìn thấy chàng quay lại liếc nhìn. Mắt gặp một vết tím sẫm vắt ngang lưng cha. Chậm chạp, nhẹ nhàng bước ngược lại, mặc dù lòng không muốn nhưng vết tím kia níu kéo. Đến gần hơn, gần hơn nữa nhìn cha người ốm nhom, xẹp lép như con tép khô, các đốt sương sống lồi hẳn lên, sương sườn lằn rõ dấu sau lớp da đen vì ngâm nước. Vết tím bầm vắt ngang vai kéo dài đến hông. Cạnh cánh tay trái xẻ một vệt dài, tuy không sâu nhưng vết xẻ còn mới lắm. Hình ảnh cha già xương nhiều hơn da tạo một xảm xức mạnh nơi tim khiến chàng đổi bực tức, hận thù sang thương hại. Đến gần hơn im lặng nhìn thật kĩ thấy cha đang lúi húi khêu những gai bị gẫy nơi bàn chân, một vài nơi bị xẻ rách nhờ da chân giầy không chảy máu nhưng bàn chân nát choẹt choè, cánh tay đầy vết xẻ do cành khô cứa cắt. Không cầm lòng được chàng lên tiếng.

Cha làm gì một mình sáng sớm ra ngồi đây.

Cha ngưng tay nhìn con chậm rãi đáp.

Cha nạy mấy cây dằm nơi bàn chân.

Sao nhiều dằm dữ vậy?

Tối qua đó kéo ghe. Chỗ nào cây ngăn cản không đi trên lộ được phải leo dọc bờ nước bị gai đâm cùng hết trơn.


Nghỉ một chút người cha tiếp.

Một lần chút nữa rơi xuống nước. Nhờ bám được rễ chưng bàu nếu không là hai cha con đi luôn rồi. Mà rễ gốc chưng bàu bén ghê nghe. Nắm vô là nó làm tay cha téc liền. May mà không mất nhiều máu, không trúng xương.

Nhìn thân hình tiều tụy, hai mắt vầng thâm đen và giọng nói nhỏ nhẹ của cha chàng tự cảm thấy mình có lỗi, thống hối vì đã hiểu lầm, nghi oan cho cha. Chàng nghi oan, tưởng cha chơi khôn chọn việc dễ. Chính mắt nhìn thân cha trầy trụa vì gai móc, da nát do cành cây, chân xẻ tan vì đá chẻ mới biết việc kéo ghe cực khổ trăm phần. Cha chọn công việc khó nhọc, vất vả. Cha chọn việc vừa lội bờ nước vừa kéo, vừa ghì giữ cho ghe khỏi trôi. Vết bầm trên lưng cha đủ biết sức ghì của sợi giây, một vệt tím đen thâm ngang vai tới hông. Chân rách nát, đạp trúng nhiều gai. Đêm tối không nhìn thấy cha vì cha ngâm mình trong nước lội kéo ghe. Cha không than thở, im lặng ngồi cặm cụi nậy gai nơi bàn giò. Bây giờ chàng hiểu rõ cha chọn công việc cực nhọc nhất, vất vả nhất, nguy hiểm và khó khăn nhất vì thương con vì muốn con được an toàn trên ghe than. Càng nhìn cha càng đưa lòng yêu mến, càng cảm thấy hối hận. Chàng ngồi cạnh cha năm ba lần định nói lời xin lỗi nhưng chỉ phát lên được một tiếng cha rồi im bặt. Mỗi lần như thế cha đáp hai tiếng cụt ngủn. Gì đó con? Cha vô tình, không để í vì đang chú tâm khêu gai trong bàn giò.

Người cha nhân lành, hiền hậu, hi sinh vì con đó chính là hình ảnh người cha từng mời gọi:

Hỡi nhưng ai gánh nặng vất vả hãy đến ta sẽ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang ách của ta và học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Mat 11,28-30.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Hoa Hồng Vàng: Đức Bà núi Carmêlô
P. Trần Đình Phát Tiến
07:14 18/07/2013
Hoa hồng vàng muôn ngàn hương sắc
Kính dâng Mẹ tuyệt thế đức trinh trong
Ánh pha-lê chiếu tỏa từ rạng đông
Phải phủ phục trước cung lòng Thánh Mẫu
Từ cung lòng ấy, Mẹ sinh ra Chúa cả
Là Ngôi Lời phỉ dạ Đấng Chí Tôn
Từ nguyên thủy trong huyền siêu mầu nhiệm
Chúa Ngôi Hai sẽ hóa xuống phàm trần
Chọn cung lòng cực thánh Mẹ trinh trong
Vòng nhật nguyệt uốn lòng bái phục
Bởi vì Bà tuyệt đầy ân phúc!
Đáp tiếng vâng lời từ Đấng Tối Cao
Trước Thiên Nhan , Mẹ chẳng có công nào
Ngoài tình Chúa đoái thương đến Mẹ
Phận nữ tỳ thật là nhỏ bé
Chúa đoái thương thật rất diệu kỳ
Bởi cung lòng cực thánh còn khắc ghi
Ân cứu độ muôn thì luôn ghi tạc
Mẹ Đồng Công nhờ ơn khai mạc
Cho nhân gian khúc hát ân tình
Bởi Thiên Chúa chính Đấng anh minh
Nay kính dâng Thánh Mẫu tuyệt xinh !
Lòng thành kính chút tình con mọn
Hoa hồng vàng thay tình hèn mọn
Kính dâng Bà trọn cả tấm lòng thành
Xin chúc tụng Mẹ- Nữ Đồng Trinh
Xin chuyển cầu cùng Con Thiên Chúa
Người xót thương mọi kẻ đến kêu cầu
Người chúc phúc muôn lòng thật thẳm sâu
Nhờ bởi Mẹ chuyển cầu cho nhân thế./.

16/07/2013 ( Kính Đức Bà núi Cát-Minh)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chợ Bên Sông
Nguyễn Ngọc Liên
21:16 18/07/2013
CHỢ BÊN SÔNG
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Chợ Sông Cầu một tháng sáu phiên,
Anh đi khổng đặng, gửi lời nguyền thăm em.
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12/7 -18/7/2013 - Rio De Janeiro trước giờ khai mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:08 18/07/2013
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Những điều chỉnh vào giờ chót cho chuyến tông du Brazil của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Sáng Thứ Tư 17 tháng 7, phòng báo chí Tòa Thánh đã có cuộc họp báo trình bày những thay đổi vào giờ chót trong chuyến đi quốc tế đầu tiên của Đức Giáo Hoàng đến với Ngày Giới trẻ Thế giới ở Brazil, cũng là chuyến đi đầu tiên của ngài trở lại quê hương Nam Mỹ.

Bất chấp những xáo trộn gần đây tại Brazil, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định dùng một chiếc xe jeep mui trần giống như ngài vẫn dùng hiện nay tại quảng trường Thánh Phêrô thay vì chiếc pope mobile có gắn kính chống đạn.

Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh nói:

"Giới chức Vatican luôn luôn đặt rất nhiều niềm tin vào chính quyền địa phương, đó chắc chắn là những người có thẩm quyền. Họ biết công việc của họ và họ chắc chắn sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo sự an toàn cho tất cả mọi người. "

Người phát ngôn Vatican còn tiết lộ thêm:

"Đức Giáo Hoàng sẽ di chuyển xung quanh khu ổ chuột bằng cách đi bộ. Ngài cũng sẽ đi vào bên trong một trong các căn nhà trong khu này để gặp gỡ một gia đình. Sau đó, ngài sẽ đến một sân bóng đá, nơi ngài sẽ gặp gỡ cộng đồng. "

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gặp Tổng thống Brazil Dilma Roussef nhiều lần trong thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Thêm vào đó, hôm thứ Sáu 26 Tháng Bảy, ngài sẽ gặp gỡ với các tổng thống thuộc Mỹ Châu Latin khác, là những vị khách mời của Tổng thống Roussef.

Bổ sung thêm chi tiết về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Đền Thánh Đức Mẹ Aparecida là Đền Kính Đức Mẹ lớn nhất trên thế giới, cha Federico Lombardi cho biết:

"Đức Giáo Hoàng muốn đến thăm Đền Đức Mẹ Aparecida để đọc một lời cầu nguyện đặc biệt cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ, cho tất cả các thanh niên thiếu nữ mà ngài sẽ gặp gỡ, và cho triều đại giáo hoàng của ngài. Đó là một số những ý chỉ, mà ngài phó thác cho sự cầu bầu của Đức Mẹ."

Một thay đổi nhỏ cũng sẽ được nhìn thấy trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng từ Rôma sang Rio De Janeiro. Vatican đã thông báo rằng cuộc họp báo trên chuyến bay sẽ không diễn ra. Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng sẽ đích thân gặp gỡ và chào hỏi tất cả các nhà báo, từng người một.

Liên quan đến lịch trình của chuyến tông du tại Brazil, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thực hiện một vài điều chỉnh vào giờ chót cho phù hợp với phong cách riêng của mình. Lịch trình cuối cùng của ngài đầy kín những cuộc hẹn, và sẽ có những khoảnh khắc mang tính bước ngoặt như chuyến viếng thăm đền thánh Đức Mẹ lớn nhất thế giới tại Aparecida và các cuộc gặp gỡ với người bệnh và người nghèo.

Đức Giáo Hoàng sẽ rời sân bay Fiumicino ở Rome lúc 8,45 giờ sáng ngày Thứ Hai, 22 tháng 7. Sau chuyến bay kéo dài khoảng 12 giờ, ngài sẽ đáp xuống Rio de Janeiro lúc 16h chiều cùng ngày. Các nghi thức chào đón chính thức với Tổng thống Dilma Rousseff sẽ không được tổ chức tại sân bay, nhưng ở cung điện Guanabara bên trong thành phố.

Đức Thánh Cha sẽ nghỉ ngơi tại nhà hưu dưỡng Summaré của TòaTổng Giám Mục Rio. Trong ngày đầu tiên của ngài tại Brazil sẽ không có cuộc họp nào để Đức Thánh Cha Phanxicô có thể phục hồi sau chuyến bay dài.

2. Các Thánh Bảo Trợ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Một trong những yếu tố then chốt của ngày Quốc Tế Giới Trẻ là nguồn cảm hứng. Thanh niên từ khắp nơi trên thế giới đến với nhau để củng cố đức tin của họ và gặp gỡ Đức Giáo Hoàng. Đó là một khoảng khắc để tìm nguồn cảm hứng từ các bạn trẻ khác và từ những người hành hương có kinh nghiệm về niềm vui đức tin.

Trước khi thoái vị, và trong khi việc chuẩn bị cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio vẫn đang được tiến hành, Đức Thánh Cha Bênêđictô thứ 16 đã đề nghị một danh sách 18 vị Thánh và Chân Phước như những vị mà gương sáng đời sống đức tin của các ngài có tính cách truyền cảm hứng, để cầu bầu cho những người hành hương.

Một số vị trong danh sách này đặc biệt quan trọng đối với người Công Giáo Brazil và Nam Mỹ, chẳng hạn như Đức Mẹ Aparecida, vị thánh bảo trợ của Brazil, Thánh Frey Galvão, vị thánh tiên khởi của Brazil, Thánh Rose De Lima, người Mỹ Châu đầu tiên được phong thánh và là vị thánh đầu tiên của Chilê; và vị thánh trẻ Teresa của dãy núi Andes.

Cố nhiên, một số vị thánh lừng danh trong Giáo Hội Công Giáo cũng có tên trong danh sách như Thánh Têrêxa thành Lisieux, bổn mạng các nhà truyền giáo, là người được giới trẻ hâm mộ vì sự tín thác hoàn toàn của ngài vào Thiên Chúa. Ngoài ra còn có Thánh Sebastian và Thánh Andrew Kim, cả hai đều là những nhân chứng can đảm cho Tin Mừng. Thánh Andrew Kim là người Hàn quốc đầu tiên được thụ phong linh mục và cũng là thánh bổn mạng của Giáo Hội Nam Hàn.

Trong số các vị Thánh và Chân Phước bảo trợ cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới không thể thiếu tên Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, người đã thành lập Ngày Giới Trẻ Thế giới vào năm 1985.

Cùng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị là Chân Phước Chiara Luce Badano, người qua đời ở tuổi 19 và Chân Phước tử đạo Albertina Berkenbrock, người đã bị giết vào năm 1931.

Danh sách này cũng bao gồm Pier Giorgio Frassati, người đã trở thành một trong những người bảo trợ được yêu thích nhất của Ngày Giới Trẻ Thế giới. Hài cốt của ngài đã được đưa từ quê nhà Turin, ở Ý, đến Sydney trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Australia năm 2008. Năm nay, hài cốt của ngài cũng được đưa đến Rio.

3. Các nhà thờ tại Rio De Janeiro đầy ắp người kính viếng Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Sau khi được tôn kính tại các thành phố khác của Brazil, cây Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ của ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã đến Rio De Janeiro hôm mùng 6 tháng 7.

Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ của ngày Quốc Tế Giới Trẻ đang đi một vòng quanh các giáo xứ của Rio De Janeiro trong cuộc hành hương 16 ngày trước khi bắt đầu Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Cuộc hành hương này do Ủy ban tổ chức địa phương và tổng giáo phận Rio de Janeiro tổ chức

Giáo xứ Lapa đã có vinh dự là giáo xứ đầu tiên của cuộc hành hương này. Chương trình đã kéo dài đến tận đêm khuya với hàng ngàn các bạn trẻ tụ tập xung quanh để cầu nguyện và chạm vào các biểu tượng này. Trong phần diễn nguyện có sự tham gia của ca sĩ Martín Valverde, một ngôi sao quốc tế của Costa Rica và ca sĩ Ziza Fernandes, người sẽ hát trong các sự kiện chính tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Ngày thứ hai của cuộc hành hương đã diễn ra tại một nơi có nhiều kỷ niệm với Chân Phước Giáo Hội Gioan Phaolô II. Đó là tại khu ổ chuột Tijuca ở phía bắc thành phố. Tại đây, các di tích của Đức Gioan Phaolô II đã được trưng bày lần đầu tiên. Thánh lễ chào đón Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ của ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã do Đức Tổng Giám Mục, Orani Tempesta của tổng giáo phận Rio De Janeiro chủ sự với sự hiện diện của Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, là Đức Hồng Y Stanislaw Rylko.

Nhà thờ đầy những lá cờ miêu tả phương châm Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm nay đó là " Với Đức Maria, chúng ta là môn đệ và nhà truyền giáo cho Chúa Giêsu Kitô",

Đức Hồng Y Rylko tuyên bố rằng niềm vui lớn nhất trong chuyến đi của ngài tới Brazil là gặp một cộng đồng đức tin hạnh phúc và sôi nổi.

Ngài nói:

"Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng có một trái tim trẻ là chìa khóa để có đức tin. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp bắt đầu. Chúng ta hãy xin Đức Mẹ cầu bầu cho biến cố này trổ sinh các hoa trái thiêng liêng. Chúng ta biết rằng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới không được thực hiện chỉ bởi bàn tay con người, nhưng đó là một ân sủng từ trên cao. Đức Gioan Phaolô II đã nói thanh niên phải vươn lên những tầm cao và Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng những người trẻ nên dành cuộc sống của họ để đạt đến những điều cao cả. Chúng ta hãy tin tưởng, trên tất cả, nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.”

4. Buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Castel Gandolfo

Chúa Nhật 14 tháng 7 là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Thánh Cha Francis sẽ đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tại biệt điện Castel Gandolfo.

Đức Giáo Hoàng đến thị trấn này bằng xe hơi trên con đường dài 24 km. Khi đến, ngài thăm hỏi các nhân viên Tòa Thánh làm việc tại đây và ngay sau đó chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin vào giữa trưa.

Ngài cùng ăn trưa với các linh mục Dòng Tên và cũng là những nhà khoa học làm việc tại Đài Thiên Văn Vatican.

Castel Gandolfo đã là nơi nghỉ hè của các vị Giáo Hoàng kể từ thế kỷ 17. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên không theo truyền thống này khi gần đây ngài tuyên bố sẽ nghỉ hè tại Vatican.

Castel Gandolfo là nơi mà Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã nghỉ hưu trong hai tháng sau khi ngài thoái vị. Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Đức Giáo Hoàng Danh Dự vào tháng Ba. Như thế, buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật 14 tháng 7 đánh dấu lần thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm địa điểm này.

5. Hãy là những người Samaritanô nhân hậu

Lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin tại Castel Gandolfo. Ngài được chào đón bởi 10,000 anh chị em, những người đã cổ vũ nhiệt liệt bằng cách hò reo và vẫy cờ chào ngài tại quảng trường của thị trấn.

Trình bày những suy tư trên bài trích Phúc Âm của Thánh Luca đoạn nói về người Samaritanô nhân lành, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu hãy làm chứng cho Chúa Kitô với một tấm lòng nhân hậu sẵn sàng giúp đỡ tha nhân.

Đức Thánh Cha nói: "Thánh ý của Thiên Chúa dành cho chúng ta là hãy luôn có lòng thuơng xót và đừng lên án bất cứ ai. Thiên Chúa có một trái tim nhân lành vì Ngài luôn thương xót. Ngài thấu hiểu những khổ đau của con người, những thách thức chúng ta phải đối mặt, và những tội lỗi của chúng ta. "

Là một người Samaritanô nhân lành có thể là một thách đố với nhiều người, nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đó là cách tốt nhất để bắt chước Chúa Giêsu và bước theo con đường của Ngài.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Hành vi một người Samaritano nhân hậu đang thực hiện chính là bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa khi người ấy tỏ lòng thương xót với những người cần đến."

Trước viễn tượng gần kề của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện với Đấng Bổn Mạng của Brazil, là Đức Mẹ Aparecida, xin Mẹ phù trì hàng triệu người hành hương. Khi Đức Thánh Cha đề cập đến chuyến tông du của ngài tại Rio, Brazil, anh chị em đã vỗ tay reo hò nhiệt liệt.

Đức Thánh Cha nói:

"Sẽ có rất nhiều người trẻ đến đó, nhưng tôi thấy rằng anh chị em cũng còn rất trẻ trong trái tim mình. Tốt lắm! "

Castel Gandolfo đã là nơi nghỉ hè của các vị Giáo Hoàng kể từ thế kỷ 17. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên không theo truyền thống này khi gần đây ngài tuyên bố sẽ nghỉ hè tại Vatican.

Vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha dành thời gian để chào thăm các tín hữu, đặc biệt các bệnh nhân và chúc lành cho một nhóm khách hành hương.

6. Đức Thánh Cha tu chính bộ luật hình sự Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tự sắc nới rộng quyền tài phán của các cơ quan tư pháp Quốc gia thành Vatican về vấn đề hình luật. Với tự sắc này, ngài cũng bãi bỏ án tù chung thân, thời gian tối đa bị giam giữ được rút xuống thành 35 năm. Đức Thánh Cha cũng đã ban hành những điều luật mới nhằm trừng phạt những người ăn cắp và tiết lộ thông tin tối mật, và những người dính líu vào hoạt động rửa tiền. Bộ luật mới cũng quy định các thủ tục pháp lý liên quan đến các trường hợp lạm dụng trẻ em, chẳng hạn như mại dâm và hình ảnh khiêu dâm trẻ em.

Mặc dù những tội ác này là đã bị trừng phạt, các luật mới được cập nhật làm rõ hơn nữa về thủ tục pháp lý cần phải tuân thủ trong những tình huống cụ thể.

Ông Giuseppe Dalla Torre, Chánh án, Tòa án Vatican nói:

"Như trong các trình tự khác của pháp luật, những tội ác này đã được đề cập đến, nhưng chỉ nói tổng quát. Luật lệ mới chính xác hơn. Nó bao gồm chẳng hạn như vấn đề hình ảnh khiêu dâm trẻ em, là điều rõ ràng chưa được đề cập đến trong bộ luật năm 1889. "

Luật mới sẽ được thực thi cả cho những cá nhân sinh sống tại quốc gia thành Vatican và cho những người làm việc cho Tòa Thánh, ngay cả khi họ phạm tội bên ngoài các bức tường của Vatican. Tự Sắc của Đức Thánh Cha có mục đích nới rộng việc áp dụng các hình luật này cho cả các chức sắc và nhân viên giáo triều Roma và các tổ chức gắn liền với giáo triều, ví dụ báo Quan sát viên Roma, Đài Vatican, Trung Tâm truyền hình Vatican, thư viện và văn khố Vatican, các vị đại diện Tòa Thánh, và nhân viên chính ngạch trong đoàn ngoại giao Tòa Thánh.

Ông Giuseppe Dalla Torre nói thêm:

"Vấn đề không chỉ hạn chế trong phạm vi áp dụng luật đối với các công dân Vatican hay một người có liên hệ với quốc gia Vatican. Luật mới cũng có thể hữu ích trong trường hợp cần dẫn độ một người đã phạm tội và hiện đang ở trong lãnh thổ Vatican.”

Những hình luật vừa được phê chuẩn tiếp nối công cuộc thích ứng ngành tư pháp Vatican, qua những tác động đã bắt đầu từ năm 2010 dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Trong cuộc họp báo cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong tương lai gần đây sẽ có thêm những đạo luật chống rửa tiền và tài trợ tham nhũng, theo yêu cầu của cơ quan Âu châu Moneyval đặc trách về vấn đề này. Tòa Thánh và Vatican cũng gia nhập và chấp nhận những đề nghị của tổ chức này để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

7. Cẩm nang đạo đức sinh học trong túi hành hương ngày Quốc Tế Giới Trẻ

Vấn đề đạo đức liên quan với việc duy trì mạng sống một người trong tình trạng thực vật. Cảm giác của một người khi biết họ đã được hình thành "trong ống nghiệm". Hậu quả của việc phá thai là gì? Những điều này và nhiều vấn đề khác được đề cập trong Cẩm nang đạo đức sinh học, mà hàng triệu người trẻ hành hương trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro sẽ nhận được trong túi hành hương của họ.

Cha Scott Borgman, Học viện Giáo hoàng về cuộc sống nói:

"Chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ trong những ngày này về tầm quan trọng của sự sống, về ý nghĩa của nó. Tôi nghĩ rằng cẩm nang sinh học này là một phản ứng rất tốt với một số câu hỏi. "

Cha Scott Borgman, thuộc Học viện Giáo hoàng về cuộc sống, nhấn mạnh rằng đây là một cẩm nang rất dễ hiểu, hấp dẫn và dễ đọc.

"Như bạn có thể thấy, cẩm nang này không phải rất dài, nó rất dễ hiểu. Nó bao gồm nhiều câu hỏi thường gặp, làm cho mọi người hiểu rõ hơn về đạo đức sinh học. "

Cuốn sách này được soạn thảo và biên tập bởi tổ chức Jerome Le Jeune Foundation, thuộc Hội Đồng Giám Mục Brazil và Trung tâm nghiên cứu sinh học Tây Ban Nha. Tài liệu này đề cập đến nhiều vấn đề tế nhị như là "in vitro" tức là thụ tinh trong ống nghiệm và phá thai, nhưng với một phong cách dễ hiểu.

Cha Scott Borgman nói thêm:

"Câu hỏi đặt ra là đạo đức sinh học là gì? Đạo đức y khoa là một ngành nghiên cứu về điều gì là đúng trong những thực hành nghề y, đó là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới. Nhưng khi bạn bắt đầu xem xét các khía cạnh cụ thể, chúng ta thấy nó rất có liên quan trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chẳng hạn, khi bạn xem xét những khía cạnh của tình trạng vô sinh, hay trẻ em tàn tật"

Mỗi túi hành hương của các bạn trẻ đều có một cẩm nang này. Tổng cộng, hơn 2 triệu bản đã được in ra bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

8. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ với các vì sao tại đài thiên văn Vatican

Trong chuyến thăm biệt điện Giáo hoàng tại Castel Gandolfo vào sáng Chúa Nhật 14 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm đài quan sát thiên văn của Vatican, có tên gọi là 'Specola.'

Làm việc tại Specola là một nhóm các linh mục Dòng Tên, cũng là các nhà khoa học đang thực hiện các nghiên cứu tại đây. Đức Giáo Hoàng đã được đưa đi thăm qua cơ sở này trước đây đã từng là một tu viện.

-Để con hướng dẫn Đức Thánh Cha thăm xung quanh. Nơi này đã từng là một tu viện của các nữ tu Brazil

-Thế à. Bây giờ nơi này là của anh em...

Các linh mục Dòng Tên trả lời:

-Không, không, nó là của Đức Thánh Cha!

Đài quan sát cũng có một bảo tàng nhỏ, với những cuốn sách cổ và những thiên thạch từ các hành tinh.

-Thiên thạch này là từ sao Hỏa, thưa Đức Thánh Cha.

Vì Đức Giáo Hoàng là người Á Căn Đình, nên các linh mục Dòng Tên đã đặc biệt giới thiệu với ngài một cái gì đó từ quê hương.

-Đây là một thiên thạch từ Á Căn Đình!

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc chuyến viếng thăm của ngài tại nhà nguyện của đài quan sát. Theo truyền thống được thực hiện bởi tất cả những người tiền nhiệm của ngài, bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12, Đức Thánh Cha đã ký vào sổ lưu niệm của đài quan sát.

9. Đức Thánh Cha Phanxicô có buổi gặp gỡ 'âm nhạc' với Tổng Thống Trinidad và Tobago

Sáng thứ Bảy 06/07 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống vừa đắc cử của Cộng hòa Trinidad và Tobago, ông Anthony Thomas Aquinas Carmona, cùng tháp tùng với ông có phu nhân và con ông.

Bầu khí cuộc hội kiến dường như thoải mái ngay từ đầu. Nhưng thời điểm thú vị nhất là khi vị Tổng thống tặng những món quà cho Đức Giáo Hoàng. Ông giới thiệu về những món quà của mình:

"Đây là công thức chế biến ca cao. Ca cao của chúng con được xem là tốt nhất trên thế giới. Đây là những khối ca cao!"

Sau đó, Tổng thống Carmona tặng Đức Giáo Hoàng một trong những nhạc cụ truyền thống của đất nước ông, cả Tổng thống và Đức Thánh Cha Phanxicô đều tỏ vẻ thích thú khi cả hai chơi thử nhạc cụ.

- Đúng rồi! Đức Thánh Cha chơi rất tốt!

- Cảm ơn ngài!

Cuộc hội kiến tập trung vào những đóng góp của Giáo Hội Công Giáo tại Trinidad liên quan đến giáo dục, chăm sóc y tế và giúp đỡ những người nghèo túng. Hai vị lãnh đạo cũng nói về vai trò cơ bản của gia đình trong xã hội.

10. Đức Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn lên án vụ hãm hiếp tập thể một nữ tu

Đức Hồng Y Oswald Gracias của tổng giáo phận Mumbai hay còn gọi là Bombay, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, đã lên án vụ một nhóm Ấn Giáo cực đoan đã hãm hiếp một nữ tu ở bang Orissa phía đông Ấn Độ.

"Tôi cực lực lên án vụ hãm hiếp tập thể một nữ tu trẻ. Vụ hãm hiếp này là chủ nghĩa khủng bố cả về thể lý lẫn tinh thần."

Ngài nói tiếp:

"Vụ tấn công vào một nữ tu trẻ của chúng tôi là hành động tàn ác gây đau thương cho người đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Hãm hiếp là một tội ác đáng ghê tởm và là một sự vi phạm độc ác chống lại danh dự của phụ nữ và phản ánh tình trạng thê thảm của phụ nữ trong xã hội, trong cộng đồng và đất nước chúng ta."

Người Công Giáo tại Orissa đã hết sức phẫn nộ vì một nữ tu 28 tuổi thuộc dòng Thừa Sai Phanxicô của Thánh Giuse đang theo học tại Chennai thuộc bang Orissa đã bị bắt cóc tại Kandhamal (một quận trong tỉnh Orissa) và bị hãm hiếp trong vòng một tuần lễ từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 7. Ngày 13 tháng 7 sau khi được thả, chị đã báo cáo với cảnh sát. Hai tên đã bị bắt.

Đây không phải là lần đầu tiên một nữ tu Công Giáo bị bắt cóc và bị hãm hiếp. Tháng 8 năm 2008, nữ tu Meena Barwa, 30 tuổi đã bị 22 người Ấn Giáo cực đoan hãm hiếp. Cảnh sát bắt được cả 22 tên nhưng 17 tên được tại ngoại hầu tra ngay tức khắc và đến nay, sau gần 5 năm, theo Đức Hồng Y Oswald Gracias, phiên tòa xử 22 tên này vẫn chưa xảy ra.

Đức Hồng Y nói thêm:

"Sự thờ ơ của các cơ quan chính phủ thật là kinh khủng. Có một sự chà đạp nghiêm trọng pháp luật và tình hình trật tự ở Kandhamal. Biến cố đau thương này không phải là một trường hợp vi phạm cá biệt. Cuối tháng Mười năm ngoái, hai cô gái Công Giáo mới 13 tuổi đã bị hãm hiếp tại Kandhamal."

Orissa là bang rất nghèo. Nhờ những cố gắng của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là các nữ tu, đời sống dân địa phương đã được cải thiện rất nhiều trong hai thập niên qua.

Đức Giám Mục địa phương đã yêu cầu chính phủ hành động để bảo vệ các Kitô hữu.

"Bạo lực vẫn tiếp tục nhắm vào các Kitô hữu ở Orissa," Đức Giám Mục Thomas Thiruthalil của Balasore cho biết. "Rất thường những kẻ phải chịu trách nhiệm là các nhóm Ấn giáo cực đoan, những người không muốn nhìn thấy sự hiện hữu của các Kitô hữu. Trong tư cách một Giáo Hội, chúng tôi nhấn mạnh với chính phủ là hãy đảm bảo an toàn và an ninh của các công dân theo niềm tin Kitô "

"Bạo lực luôn luôn đáng bị khiển trách. Kitô hữu là nạn nhân bởi vì họ thường bị cáo buộc là cố gắng cải đạo. Thực tế chúng tôi dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ"

11. Đức Hồng Y Amigo Vallejo: Đức Thánh Cha Phanxicô là cầu nối đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại

Từ khi được bầu chọn vào ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chứng tỏ cho thế giới thấy mối quan tâm của ngài trong việc xây dựng mối quan hệ vững mạnh giữa Giáo Hội và con người. Phần nào đó, ngài đạt được qua những bài giảng hay những phát biểu của mình. Một hội nghị ở Rôma đã công bố ba cuốn sách trong đó thu thập tất cả những bài nói chuyện của Đức Thánh Cha. Một số chủ đề tái nổi lên từ giáo huấn của ngài trong cương vị Hồng Y Bergoglio, dù vậy, chỉ trong một từ cũng có thể tổng hợp phong cách của ngài.

Đức Hồng Y Carlos Amigo Vallejo, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của tổng giáo phận Sevilla, Tây Ban Nha, nhận định: "Có thể tổng kết bằng một từ ‘pontifex’, Giáo Hoàng. Trong tiếng Latin từ pontifex, hay Giáo Hoàng này có nghĩa là ‘người xây dựng những nhịp cầu’. Trong những tháng đầu tiên, hầu như Đức Thánh Cha xây dựng chiếc cầu nối giữa bản thân ngài và thế giới, giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự tự do của con người, giữa khoảng cách do thuyết tương đối gây ra và đặc tính của một người thực sự theo Chúa Giêsu Kitô".

Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô được nhiều người xem như là nhân vật mang tính cách mạng, nhưng Đức Hồng Y Amigo Vallejo tin rằng ngài hoàn toàn nối tiếp đường hướng của các vị tiền nhiệm.

Đức Hồng Y Carlos Amigo Vallejo cho biết: "Giáo Hội luôn đồng nhất về bản chất. Những gì xảy ra như những ngọn đèn tỏa rạng phản ánh sự khác biệt về những miền khác nhau của thế giới. Chúng ta đã có một triều đại giáo hoàng tốt đẹp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, một người có những cử chỉ đơn giản và kín đáo, nhưng tràn đầy ánh sáng. Giờ đây chúng ta có một vị Giáo Hoàng muốn trở nên trung tín với Chúa Giêsu Kitô trên hết mọi sự. Ngài khiêm nhường, thanh bần, nhưng vững vàng trong việc cai quản của Giáo Hội".

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã thể hiện một phong thái độc đáo trong các cuộc hội kiến riêng của ngài. Khi ngài gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới hay các nhà ngoại giao, Đức Thánh Cha thường pha trò với họ và tạo cho họ sự thoải mái, dễ chịu. Những người đã gặp ngài thường nhắc lại những ấn tượng độc đáo thật sự về ngài.

Ông Eduardo Gutierrez Saenz De Buruaga, Đại sứ Tây Ban Nha cạnh Tòa Thánh nói: "Khi tôi có cơ hội được gặp riêng ngài trong buổi tiếp dành cho ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, tôi đã cúi đầu chào ngài và nói đôi lời. Chúng tôi nói chuyện một lúc và những lời ngài nói với tôi và đoàn tùy tùng của tôi hết sức cảm động".

Bài phát biểu và bài giảng của Đức Giáo Hoàng hiện đang được biên tập và dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau để có thể được phổ biến rộng rãi nhất tới tay độc giả. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các bài phát biểu này được phát hành bằng tiếng Tây Ban Nha, là tiếng mẹ đẻ của Đức Thánh Cha.

12. Biểu tình vẫn không ngơi tại Brazil

Hàng chục ngàn công nhân trên toàn cõi Brazil đã đình công vào hôm thứ Năm 11 tháng 7 trong một chiến dịch có quy mô toàn quốc nhằm đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn và cải thiện các dịch vụ công cộng tại quốc gia lớn nhất tại Mỹ Châu Latin này.

Các công nhân cơ khí, giao thông vận tải và công nhân xây dựng cũng như giáo viên, và nhiều công chức đã ủng hộ "Ngày đấu tranh" do các tổ chức công đoàn lớn nhất của Brazil tổ chức.

Những người đình công đã làm tê liệt một phần hoặc toàn bộ 80 xa lộ liên bang và các liên tỉnh lộ trong 18 tiểu bang.

Khoảng 2,500 người đình công đã tuần hành tại Rio de Janeiro, nơi đã xảy một số vụ đụng độ với cảnh sát, khi các nhân viên công lực dùng hơi cay và đạn cao su để đáp trả lại với một số người biểu tình ném đá vào họ. Khi màn đêm buông xuống, những người biểu tình vẫn tập trung tại khu vực trung tâm của Rio, nơi những cuộc đụng độ lẻ tẻ với cảnh sát đã xảy ra. Không có tin gì về thương vong.

Thống đốc bang Rio là ông Sergio Cabral của Rio đã lên án người biểu tình đụng độ với cảnh sát tối hôm thứ Năm, cáo buộc họ cố tình phá hoại.

Cảnh sát đã dùng hơi cay và bắt giữ 46 người trong các cuộc đụng độ diễn ra ở phía trước tòa thống đốc và các nơi khác ở trung tâm Rio de Janeiro.

Trong một tuyên bố, ông Cabral cho biết hành động phá hoại sẽ không được dung thứ.

Ông nói: "Những nhóm ra đường với một mục tiêu rõ ràng để tạo ra hoảng loạn và phá hủy tài sản công cộng và tư nhân chỉ muốn lợi dụng của các cuộc biểu tình gần đây," ông nói.

Tại thành phố Santos, công nhân cảng ngăn chặn xe tải không cho vào cảng lớn nhất của châu Mỹ Latin. Các công nhân khuân vác cũng đã chặn đường vào các hải cảng khác tại sáu tiểu bang.

Một số ngân hàng nằm trong khu vực dự kiến có thể có biểu tình đã lệnh đóng cửa. Tuy nhiên, các máy rút tiền vẫn còn hoạt động.

Tại Sao Paulo, khoảng 5,000 người tập trung tại đại lộ Avenida Paulista một trong những đường phố chính của thành phố, với các biểu ngữ đòi hỏi giảm ngày làm việc trong một tuần, cải thiện các điều kiện làm việc và bán nhà cho dân với giá phải chăng.

Giáo viên tại các trường công lập và tư nhân cũng đã đình công. Hầu hết các trường đã đóng cửa tại nhiều thành phố, trong khi một số bệnh viện đang hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, một tín hiệu lạc quan cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là công nhân trong hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt và xe điện ở Sao Paulo, Rio de Janeiro và một số thủ phủ khác đã không tham gia vào cuộc đình công. Thành ra, các dịch vụ giao thông vận tải vẫn hoạt động bình thường.

Joao Carlos Goncalves, tổng thư ký của Liên đoàn lao động toàn quốc, nói với hãng tin Agencia Estado rằng “Việc các công nhân ngành giao thông vận tải không tham gia vào ‘ngày tranh đấu’ đã làm suy yếu cuộc đấu tranh. Tuy nhiên, bất cứ gía nào chúng tôi cũng kêu gọi họ chú ý đến những yêu sách của chúng tôi”.

Những người đình công yêu cầu cải thiện hệ thống giao thông vận chuyển, y tế và giáo dục cũng như việc cải cách nông nghiệp và giảm số giờ làm việc trong một tuần.

Các chuyên gia lo sợ là gần đến Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, các cuộc biểu tình có thể sẽ bùng phát khi thế giới chú ý đặc biệt đến những gì đang diễn ra tại Rio De Janeiro.

13. Thượng phụ Công Giáo tại Iraq chúc mừng người Hồi Giáo nhân tháng chay Ramadan

Nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo Iraq đã gửi một thông điệp chúc mừng đến người Hồi giáo tại Iraq nhân tháng chay Ramadan. Ngài bày tỏ hy vọng tháng cầu nguyện và ăn chay sẽ thúc đẩy hòa bình, và hòa giải tại quốc gia này.

"Chúng ta là một cộng đồng bất chấp sự đa dạng của chúng ta," Đức Thượng Phụ Raphael Sako Đệ Nhất của Công Giáo Iraq nói.

“Tương lai của đất nước đòi hỏi một sự tận hiến cho mục tiêu sống chung hòa bình thực sự”. Ngài bày tỏ hy vọng rằng tháng Ramadan "sẽ mang lại những điều tốt đẹp và hòa bình cho đất nước Iraq và tất cả người dân Iraq."

Tháng chay Ramadan thực sự đem lại niềm vui cho người Kitô Giáo trong vùng Trung Đông. Thật vậy, trong suốt một năm, đây là thời gian an lành nhất của họ.

14. Rio tấp nập chào đón các bạn trẻ thế giới

Tiếng gầm rú liên tục của các loại máy bay chung quanh phi trường quốc tế Antonio Carlos Jobim mà dân chúng địa phương thường gọi là phi trường Galeão báo hiệu ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro đã sắp bắt đầu.

Trong vòng một tuần lễ từ thứ Ba 16 tháng 7 đến thứ Ba 23 tháng 7 là ngày khai mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, các viên chức hàng không thuộc cơ quan hàng không dân sự quốc gia Brazil, gọi tắt là Infraero, ước tính sẽ có 700,000 bạn trẻ đáp xuống bốn sân bay tại Rio và vùng lân cận.

Một đợt tuyển dụng nhân viên tại bốn sân bay này đã gia tăng trung bình 58% nhân viên phục vụ. Đông nhất là tại phi trường Antonio Carlos Jobim, là phi trường lớn nhất nước với tổng số hành khách di chuyển trong năm 2012 là 17,491,000 người.

Infraero đã có kế hoạch điều phối các chuyến bay để đáp xuống 17 sân bay khác trong trường hợp khẩn cấp.

Để tránh cảnh chờ đợi và sự chậm trễ, Infraero đã đưa ra một kế hoạch hoạt động bao gồm phân phối lại của lịch trình bay, giảm thiểu lượng khách cao điểm tại hai sân bay Galeão (Rio) và Guarulhos (São Paulo), Hải quan và các đội Cảnh sát Liên bang đã được tăng viện từ 16% đến 193%.

Các hãng hàng không cũng đồng ý với Infraero để tăng người phục vụ tại các quầy check-in cho đến ngày 4 tháng 8.

Hôm 16 tháng 7, chỉ huy các lực lượng cảnh sát tại Rio De Janeiro là ông Roberto Diaz Chavez Algeria nói với thông tấn xã AFP là biến cố ngày Quốc Tế Giới Trẻ sẽ được bảo vệ bởi ít nhất 30,000 cảnh sát và quân đội.

Một cuộc hành quân cảnh sát sẽ được thực hiện: “Đó sẽ là cuộc hành quân cảnh sát lớn nhất trong lịch sử của thành phố. An ninh sẽ cao hơn tại ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Madrid năm 2011”, ông nói.

"Bảy ngàn cảnh sát liên bang sẽ tăng cường cho 12.000 cảnh sát của thành phố, ngoài ra còn có 1.700 thành viên của các lực lượng vệ binh quốc gia”.

Hơn 1,5 triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới dự kiến sẽ đổ xô đến Rio de Janeiro. Tiếp theo sau những cuộc biểu tình lớn trên cả nước, bộ Quốc phòng đã gia tăng số quân chi viện cho cảnh sát từ 8.500 lên đến 10.266 binh sĩ thuộc các lực lượng không quân, hải quân, và bộ binh. Sự gia tăng đã được quyết định bởi vì "các cuộc biểu tình đường phố lớn trong tháng Sáu", một phát ngôn viên bộ này cho biết.

Ông Roberto Diaz Chavez Algeria nói thêm: “An ninh của ngày Quốc Tế Giới Trẻ thực sự không phải đến từ các lực lượng an ninh nhưng đến từ người dân Brazil, một dân tộc hiền hòa và hiếu khách.”

Điều ông Roberto Diaz Chavez Algeria nói có những cơ sở nhất định. Thật vậy, trong khi công nhân nhiều ngành đã đình công, giáo viên tại các trường công lập và tư nhân cũng đình công, hầu hết các trường đã đóng cửa tại nhiều thành phố, và một số bệnh viện đang hoạt động cầm chừng, công nhân trong hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt và xe điện ở Sao Paulo, Rio de Janeiro và một số thủ phủ khác đã không tham gia vào cuộc đình công. Thành ra, các dịch vụ giao thông vận tải vẫn hoạt động bình thường. Nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

Kinh Cầu cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới

Trong cuộc họp báo ngày 9 tháng 7, Tòa Ân Giải Tối Cao đã đưa ra lời mời gọi tất cả các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới cầu nguyện cho biến cố trọng đại này, sốt sắng khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Brazil, dưới tước hiệu “Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Aparecida”, và kêu cầu các vị Thánh Bổn Mạng và các vị Chuyển Cầu của Ngày Quốc Tế giới trẻ, để khích lệ các bạn trẻ củng cố đức tin và sống đời thánh thiện.

Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em Kinh Cầu cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã được linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng dịch từ bản tiếng Anh của Tòa Thánh và đã được Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Melbourne, Australia imprimatur. Mỗi khi chúng ta hướng về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp diễn ra và đọc kinh cầu này chúng ta được ơn xá bán phần có thể nhường cho các linh hồn, miễn là xưng tội, rước lễ, và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Cũng xin lưu ý thêm là trong suốt thời gian Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, nếu theo dõi các biến cố qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh và các phương tiện truyền thông mới như Internet, chúng ta nhận được ơn toàn xá miễn là xưng tội, rước lễ, và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Trong buổi đầu của triều đại Giáo Hoàng Phanxicô , giữa lúc Giáo Hội đang đối diện với nhiều khó khăn, chúng tôi xin được mạn phép kính mời quý vị và anh chị em cùng hiệp ý với chúng tôi hướng về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới trong lời cầu nguyện sau:

Lạy Cha, Cha đã sai Con Hằng Hữu của Cha đến cứu độ thế giới, và Cha đã chọn ra những người nam nữ, để nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, họ có thể loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước. Xin ban cho chúng con những ơn cần thiết, để nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, niềm vui của những người loan báo Tin Mừng, mà Giáo Hội đang rất cần tới trong Thiên Niên Kỷ Thứ Ba này, có thể tỏa sáng trên khuôn mặt của tất cả những người trẻ.

Lạy Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, hình ảnh vòng tay rộng mở của Chúa trên đỉnh đồi Corcovado, đang chào đón tất cả mọi người. Trong hy lễ vượt qua của Chúa, Chúa đã dẫn dắt chúng con, qua Chúa Thánh Thần, đến gặp Chúa Cha như những con cái của Ngài. Những người trẻ, đang được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể, những người đang lắng nghe Lời Chúa, và đang gặp gỡ Chúa như người anh cả của mình, cần đến lòng thương xót vô hạn của Chúa, để tiến bước trên khắp nẻo đường thế giới, như những môn đệ và những nhà truyền giáo của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa.

Lạy Chúa Thánh Thần, là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, với sự huy hoàng của chân lý và ngọn lửa tình yêu, xin chiếu rọi ánh sáng trên tất cả những người trẻ, để nhờ đó khi được linh hứng từ cảm nghiệm của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, họ có thể mang lại niềm tin, hy vọng và bác ái đến khắp mọi chân trời góc bể, trở thành những nhà kiến tạo lớn của một nền văn hóa sự sống và hòa bình, và là chất xúc tác của một thế giới mới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Chúa chúng con.

Amen!