Ngày 26-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chọn Lựa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải. DCCT
09:18 26/07/2008

CHỌN LỰA



Sống trong đời, dù muốn dù không, chúng ta đều có những chọn lựa. Ở một phương diện nào đó, cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa kết thành. Chọn lựa là hành động luôn được thực hiện. Không chọn lựa cũng là một cách chọn lựa. Nhưng chọn lựa đúng là chuyện không dễ dàng. Chúng ta thường có những chọn lựa sai lầm.

Có người sai lầm khi chọn hưởng thụ làm ưu tiên. Với họ, sống trước nhất là hưởng thụ. Nói như thánh Phaolô thì “Chúa của họ là cái bụng”. Họ chủ trương “Chơi xuân kẻo hết xuân đi. Cái già sống sộc nó thì đến mau”. Họ tìm cách ăn cho nhiều, yêu cho lắm. Yêu theo nghĩa xấu. Nhậu nhẹt, bia rượu, ma tuý, thuốc lắc, mãi dâm, thứ gì họ cũng biết. Họ đắm mình trong những “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm”. Nhưng rốt cục họ có hạnh phúc không? Nhạc sĩ Đức Huy đã chia sẻ rằng: “Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước đi, một mình tôi về, nhiều lần ướt mi”. Kết cục của những người chọn hưởng thụ làm ưu tiên bao giờ cũng bi đát cho mình và cho người khác.

Có người chọn địa vị, quyền lực làm ưu tiên. Họ tìm cách chiếm đọat quyền lực cách phi pháp và vô đạo đức. Họ nhẫn tâm bước qua quyền lợi và sinh mạng của người khác để đoạt lấy địa vị, chức quyền. Họ tưởng khi họ nắm quyền sẽ thi ân giáng phúc cho người khác, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nhưng thực tế khi ở vào địa vị ấy rồi, họ lại làm nhiều điều thất nhân thất đức, biến cái xã hội to nhỏ mà họ cai trị thành địa ngục trần gian, trong khi họ vẫn lầm tưởng mình là thánh nhân và xã hội họ cai trị là thiên đàng. Bản thân, họ cũng không thể sống một cuộc đời hạnh phúc như người khác. Tất cả là vì đam mê quyền lực, lạm dụng chức quyền để làm điều ác thay vì điều thiện, để bóc lột thay vì phục vụ, để đàn áp thay vì đối thoại, để chiếm đoạt thay vì tôn trọng trong yêu thương.

Có người chọn của cải, tiền bạc làm ưu tiên. Họ chủ trương rằng “có tiền mua tiên cũng được. Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý”. Cách đây mấy năm tôi hành hương đến viếng Đức Mẹ ở Bãi Dâu, Vũng Tầu. Khi leo lên đỉnh núi, nơi có trồng cây thánh giá, tôi thấy có dòng chữ đỏ viết tại chân thánh giá giá rằng: “Lạy Chúa, 3 năm con dụ dỗ không bằng một tiếng nổ nova”. Ba năm theo đuổi cô gái mà cô gái không theo. Thế mà chỉ một tiếng nổ nova, nghĩa là chỉ một cái xe máy nova thôi, tức thì cô gái kia “đổ” ngay. Thế đấy! Trọng vật chất hơn tình yêu. Hy sinh tình yêu cho vật chất. Chua chát và phũ phàng là vậy! Nhưng đó là thực tế hiện nay đối với nhiều người: Vì của cải bạc tiền mà nhiều người đang đánh mất sức khoẻ, nhân phẩm và hạnh phúc của mình.

Có người chọn sắc đẹp thể xác làm ưu tiên. Làm đẹp là chính đáng. Không biết làm đẹp là đáng trách. Vì TC dựng nên ta theo hình ảnh Chúa và TC thấy thế là tốt đẹp. Thế nhưng có người lại lấy cái đẹp làm mục đích tối hậu. Họ hy sinh tiền bạc, thời gian, sức khoẻ để làm đẹp, thậm chí hy sinh đạo đức để làm đẹp. Trên phố Hà Nội, thỉnh thoảng tôi thấy giăng khẩu hiệu cổ vũ nuôi con bằng sữa mẹ. Rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giúp trẻ đề kháng tốt nhất, làm cho trẻ thông minh nhất. Tôi ngạc nhiên! Mẹ thì nuôi con bằng sữa là lẽ tự nhiên chứ sao lại phải cổ vũ. Hoá ra không phải vậy. Hỏi ra mới biết có bà mẹ sợ rằng cho con bú thì mình mau già, mất đẹp cho nên thay vì cho con bú vú mình thì họ cho con bú vú nhựa, thay vì cho con bú sữa mình thì họ cho con bú sữa bò. Đau đớn thay! Dã man thay! Họ hy sinh đạo đức của mình và tương lai của con cho sắc đẹp chóng tàn của họ..

Trên đây là vài chọn lựa sai lầm điển hình. Chúng ta còn có thể kể ra những chọn lựa sai lầm tương tự khác nữa. Sai lầm vì những chọn lựa kiểu như vậy là đã chọn vật thay người, chọn người bỏ Trời, chỉ chọn cái hữu hạn mà quên mất cái vô hạn, chọn cái nhất thời mà quên cái vĩnh cửu, chỉ chọn đời này mà quên mất đời sau, chỉ chọn vật chất mà bỏ mất tâm linh và các phương diện khác. Những chọn lựa sai lầm ấy khiến bản thân bất hạnh, gia đình tan nát và xã hội loạn lạc.

Để cá nhân có hạnh phúc, xã hội được thịnh vượng và phát triển, Chúa muốn chúng ta có chọn lựa đúng đắn chứ không muốn chúng ta chọn lựa sai lầm như vậy. Chọn lựa đúng đắn đấy là gì? Theo như lời Chúa trong bài Tin mừng hôm nay, thì đó là chọn lựa Nước Trời. Nước Trời một cách cụ thể là Chúa và giáo huấn của Chúa. Sức khoẻ, sắc đẹp, quyền lực, tiền của, tri thức, v.v. tất cả cũng đều là những giá trị. Nhưng đấy chỉ là những giá trị tương đối, không thể sánh được với Chúa và ý Chúa. Chính vì hiểu rõ chân lý này mà thánh Phaolô nói: Tôi coi tất cả là phân bón vậy, so với mối lợi tuyệt với là được Đức Giêsu Kitô. Còn Sách Gương Phúc nói: Phù vân của mọi phù vân, tất cả là phù vân, ngoại trừ yêu Chúa và phục vụ một mình người. Các nhân vật trong bài Tin mừng hôm nay cũng nhận thức như vậy. Họ thấy chỉ có kho báu và viên ngọc mới là đáng kể. Họ chấp nhận đánh đổi tất cả để được điều quý giá nhất đối với họ là kho báu và viên ngọc.

Chúng ta nghe nói và kinh nghiệm rằng “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. Theo ý Chúa thì sống, nghịch ý Chúa thì chết. Kinh thánh cho biết, lúc mới lên ngôi, vua Salomon được ơn khôn ngoan, ông chọn Chúa và đi theo đường lối Chúa. Khi ấy nước Israel thịnh vượng và thống nhất. Cuối đời, Salomon hết khôn và hết ngoan, vì chọn dục vọng, tiền bạc, quyền lực, danh vọng. Kết cục là ông bất hạnh, nước Israel suy yếu, khủng hoảng, mở đường cho việc bị chia cắt và thôn tính.

Không chọn Chúa làm nền tảng và không lấy đường lối Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc sống, thì kết cục chỉ có thể là đổ vỡ như thế mà thôi. Ngược lại, nếu biết chọn Chúa và giáo huấn của Chúa làm ưu tiên thứ nhất, làm tất cả, thì đấy đích thật là người khôn ngoan, có cơ may sống thành công và hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta có là những người khôn ngoan thật chăng? Chúng ta có đủ can đảm bán đi mọi sự mình đang có để mua lấy kho tàng hay viên ngọc quý là Nước Trời chăng? Chúng ta có đủ can đảm để đánh đổi mọi sự mà chọn đi theo Chúa và hành động theo ý Chúa chăng? Lạy Chúa, xin Chúa trợ giúp chúng con trong chọn lựa khó khăn này. Amen./.
 
Hãy Tìm Kho Tàng đang chờ bạn
Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap
11:09 26/07/2008
Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Thứ 17 Thường Niên của Cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap

Roma, ngày 25/7/2008 (Zenit.org). –Chúa Giêsu muốn nói điều gì qua hai dụ ngôn kho tàng chôn giấu và viên ngọc quý? Nhiều hay ít là Chúa muốn nói thế này: Giờ quyết định của lịch sử đã đến. Nước Thiên Chúa đã đến trên thế gian.

Đặc biệt là Người nói về chính Mình và việc Người đến thế gian. Kho tàng được chôn giấu và viên ngọc quý không là gì khác ngoài chính Chúa Giêsu. Với những lời này dường như là Chúa Giêsu muốn nói: Ơn cứu độ đã đến cùng anh em cách nhưng không, theo sáng kiến của Thiên Chúa. Hãy quyết định, hãy lợi dụng thời cơ này, đừng để mất cơ hội. Đây là giây phút quyết định.

Điều này làm tôi nhớ đến ngày mà Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Trong một thành phố kia, du kích quân và đồng minh mở một nhà kho chứa đồ tiếp liệu mà quân đội Đức để lại khi họ rút lui. Chỉ trong chớp nhoáng, tin này lan đến các làng mạc trong xứ và tất cả mọi người đều nhanh chân chạy đến đó để lấy những đồ vật còn tốt. Có những người mang chăn về đầy nhà, người khác những giỏ đồ dự trữ.

Tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu cũng muốn tạo nên một khung cảnh như thế với hai dụ ngôn này. Người muốn bảo chúng ta: Hãy chạy đến khi bạn còn thì giờ! Có một kho tàng nhưng không đang chờ bạn, một viên ngọc quý! Đừng để mất cơ hội.

Có một điều khác biệt là trong trường hợp của Chúa Giêsu, số bạc đánh cá chắc chắn là phải nặng ký hơn nhiều. Người ta đặt xuống tất cả những gì mình có. Nước Trời là điều duy nhất có thể cứu chúng ta khỏi sự rủi ro nhất của cuộc đời mình, đó là đánh mất lý do tại sao chúng ta đang có mặt trên thế gian.

Chúng ta đang ở trong một xã hội mà người ta sống trên bảo hiểm. Người ta mua bảo hiểm cho tất cả mọi thứ. Ở một số quốc gia, điều này là một thứ điên cuồng. Người ta có cả bảo hiểm cho thời tiết xấu trong khi nghỉ hè. Trong các loại bảo hiểm ấy, bảo hiểm sinh mạng là thông thường nhất.

Tuy nhiên, hãy suy nghĩ trong giây phút. Loại bảo hiểm này để làm gì và nó bảo đảm cái gì? Bảo đảm người ta khỏi chết? Đương nhiên là không! Nó bảo đảm rằng trong trường hợp một người chết, thì người nào khác sẽ được số tiền bồi thường.

Nước Trời cũng là một loại bảo hiểm sinh mạng chống lại sự chết. Nhưng là một bảo đảm thật sự, không những chỉ cho những người còn sống, mà ngay cả người ra đi, là người chết. Chúa Giêsu đã nói: “Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống”. Như thế chúng ta cũng hiểu những điều căn bản mà “ván bài” này đòi hỏi: bán tất cả và cho đi tất cả. Nói cách khác, sẵn sàng hy sinh nếu cần.

Tuy nhiên, người ta không phải trả tiền cho kho tàng hay viên ngọc này, vì theo định nghĩa thì chúng “vô giá”, nhưng cần phải xứng đáng để sở hữu chúng.

Thực ra trong mỗi dụ ngôn có hai diễn viên: một diễn viên hiển nhiên, đó là người đi bán và mua; và một diễn viên ẩn giấu, được mọi người hiểu ngầm. Diễn viên được hiểu ngầm là người chủ cũ, là người không biết rằng có kho tàng trong ruộng mình nên đã bán rẻ nó cho người đấu giá đầu tiên. Đó là người đàn ông hay đàn bà đã có viên ngọc nhưng không biết giá trị của nó, và đã nhường nó lại cho người sưu tầm đầu tiên, có thể đây là những người trao đổi nhau những bộ sưu tầm ngọc giả.

Làm sao mà chúng ta không thấy ở đây là lời cảnh cáo dành cho chúng ta, dân của lục địa Âu Châu cổ này, là những người đang bán rẻ đức tin và gia sản Kitô giáo của mình?

Tuy nhiên, dụ ngôn không nói “một người bán tất cả những gì mình có để bắt đầu đi tìm một kho tàng được chôn giấu.” Chúng ta biết câu truyện như thế kết thúc ra sao. Người ấy mất tất cả mà không tìm được kho tàng. Nhưng người trong câu truyện này là những kẻ nằm mơ chứ không phải là thị nhân.

Không: một người đã tìm được kho tàng, và vì thế mà bán tất cả những gì mình có để mua nó. Tóm lại, cần phải tìm thấy kho tàng trước đã để có can đảm và niềm vui mà bán tất cả.

Có một điều dù dụ ngôn không nói đến là chúng ta phải tìm Chúa Giêsu trước, gặp gỡ Người cách riêng, cách mới mẻ và chắc chắn. Khám phá ra Người như một người bạn và Đấng Cứu Độ. Rồi sau đó, sẽ dễ dàng để bán tất cả. Điều này sẽ làm cho chúng ta được “đầy vui mừng” như bác nông phu mà Tin Mừng nói đến.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
 
Thiên Chúa làm tất cả mọi sự đều nhằm ích lợi cho những ai yêu mến Ngài (Rom 8:28)
Phaolô Phạm Xuân Khôi
12:23 26/07/2008
Chú giải Thư Thánh Phaolô Chúa Nhật XVII Thường Niên - Năm A (Rom 8:28-30)

Từ Chúa Nhật Thứ XIV Mùa Thường Niên đến nay, Hội Thánh đang dùng Chương 8 của Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma mà nhắc nhở chúng ta rằng, tuy đã trở thành con cái Thiên Chúa, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng thiên về tội lỗi bởi tội Ađam gây ra. Vì thế trong con người chúng ta luôn có sự giằng co giữa xác thịt và tinh thần. Nếu sống theo xác thịt thì chúng ta sẽ chết. Nếu sống theo tinh thần, tức là theo Chúa Thánh Thần, thì chúng ta sẽ trở thành con cái Thiên Chúa và được đồng thừa tự với Đức Kitô miễn là chúng ta bằng lòng chịu đau khổ với Người.

Tuần trước Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta vai trò của Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện, vì chỉ nhờ cầu nguyện mà chúng ta mới có thể đi đến cùng và đạt được niềm hy vọng đang đón chờ chúng ta. Tuần này Thánh Phaolô cho chúng ta biết niềm hy vọng mà chúng ta đang chờ đợi là gì.

Rom 8:28 - Chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh.

Câu này được dịch theo bản Latinh Vulgate cũ. Hầu hết các bản khác không có đoạn “được kêu gọi để nên thánh”. Dịch theo đúng bản văn Hy Lạp là: “Chúng ta biết rằng [Thiên Chúa làm] tất cả mọi sự đều nhằm ích lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa, là những người được mời gọi theo ý định của Ngài.” Có những dị bản không có [Thiên Chúa làm]. Có lẽ khi sao chép, người ta thêm vào cho rõ nghĩa.

Đời sống con người được quy chiếu về Tình Yêu Thiên Chúa, trước hết là tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, rồi thứ đến là tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Con người chỉ tìm thấy ý nghĩa của đời mình khi ý thức được điều này. Vì ý thức ấy mà cái nhìn của chúng ta đối với mọi sự xảy đến trong đời chúng ta sẽ hoàn toàn thay đổi. Thánh Phaolô không nói quá đáng khi ngài viết rằng “tất cả mọi sự đều nhằm ích lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa.” Mọi sự ở đây bao gồm cả sự lành, sự dữ lẫn tội lỗi. Thiên Chúa không muốn sự dữ xảy ra cho chúng ta. Ngài cũng không muốn chúng ta phạm tội. Nhưng bao lâu chúng ta còn yêu mến và đặt hy vọng nơi Ngài, thì Ngài sẽ biến sự dữ thành sự tốt lành gấp bội cho chúng ta và ngay cả tôi lỗi thành hồng phúc.

Hội Thánh dạy,

“Thiên Chúa trong sự quan phòng toàn năng có thể rút sự lành từ hậu quả của một sự dữ, cho dù là sự dữ luân lý do thụ tạo gây nên: "Giuse nói với anh em: không phải các anh đã đưa đẩy tôi đến đây nhưng là Thiên chúa,... sự dữ mà các anh đã định làm cho tôi, ý định của Thiên Chúa đã chuyển thành sự lành... để cứu sống một dân đông đảo" (St 45,8; 50,20) (x. Tb 2,12-18 vulg). Từ việc Ítraen chối bỏ và hạ sát Con Thiên Chúa là sự dữ luân lý lớn nhất chưa từng có do tội lỗi của mọi người gây nên, Thiên Chúa đã rút ra được sự lành lớn nhất do sự sung mãn của ân sủng (x. Rm 5,20): Ðức Kitô được tôn vinh và chúng ta được cứu chuộc. Tuy nhiên không vì thế mà cái xấu trở thành cái tốt được” (GLCG 312).

Chúng ta thấy biến cố 11 tháng 9, 2001 là một biến cố kinh hoàng cho nước Mỹ. Nhưng biến cố này cũng làm cho nhiều người Mỹ ăn năn trở lại. Biến cố 30 tháng tư cũng là biến cố đau thương cho nhiều người Việt Nam Quốc Gia, nhưng cũng nhờ biến cố này mà hàng triệu người Việt Nam đang thành công trên nhiều lãnh vực khắp nơi trên thế giới. Ngay cả tội lỗi cũng thế. Một người tội lỗi khi được Chúa tha sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn như trường hợp Thánh Mađalêna, Thánh Augustine và nhiều người khác.

Đối với những người yêu mến Thiên Chúa thì không có một biến cố nào trong đời sống, dù là những biến cố rất nhỏ, là tầm thường và vô nghĩa cả. Tất cả các biến cố trong đời chúng ta đều đưa đến những điều tốt đẹp hơn cho chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và đáp trả lại tình yêu ấy bằng một con tim nồng nàn và một đời sống đức tin. Từ đó chúng ta nhìn tất cả mọi biến cố trong đời mình bằng cặp mắt đức tin yêu thương này.

Sách Giáo Lý Công Giáo đưa ra những gương cụ thể:

Thánh Catarina thành Siêna nói với "những người bất bình và nổi loạn vì những gì xảy đến cho họ": "Tất cả mọi sự đều bởi tình thương mà ra, mọi sự đều được xếp đặt để con người đạt đến ơn cứu độ. Thiên Chúa không làm gì khác ngoài mục đích đó (x. Dial 4,138).

Trước khi tử đạo ít lâu, Thánh Tôma More an ủi con gái mình: "Không gì xảy ra mà không do Chúa muốn. Và tất cả những gì Người muốn, cho dù có vẻ rất xấu đối với chúng ta, vẫn là cái tốt nhất cho chúng ta" (x. Lettre).

Bà Giuliana thành Norwich nói: "Nhờ ơn Chúa, tôi đã học biết phải kiên vững trong đức tin, và tin một cách chắc chắn là tất cả mọi sự sẽ nên tốt... Và rồi bạn sẽ thấy là mọi sự sẽ nên tốt" (x. Rev 32) (GLCG 313).


Rom 8:29 - Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. .

Như người Việt Nam ta có câu "Phải số, chạy sao cho khỏi số". Cũng tin như thế, nên nhiều Kitô hữu dựa vào câu Thánh Kinh này mà giải thích rằng Thiên Chúa đã tiền định tất cả, con người không làm sao thoát khỏi vòng “định mệnh” của mình. Ông Gioan Calvin, người sáng lập ra Tin Lành Cải Cách đồng thời với Lutherô cũng cho rằng Thiên Chúa tiền định cho người nào lên Thiên Đàng thì người ấy được lên Thiên Đàng và tiền định cho ai xuống Hoả Ngục thì người đó phải xuống Hỏa Ngục như ông viết trong sách Institutes of the Christian Religion (1536).

Đạo Công Giáo khẳng định rằng Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tim 2:4). Ngài

“không tiền định cho ai xuống hỏa ngục (x.DS 397; 1567). Ai tự ý lìa bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, sẽ phải xuống hỏa ngục. Trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của tín hữu, Hội Thánh khẩn cầu Thiên Chúa từ bi, Ðấng ‘không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải’ (2 Pr 3,9)” (GLCG 1037).

Sự tiền định và quan phòng của Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà sức người không thể hiểu nổi. Sách Giáo Lý viết:

“Chúng ta tin vững vàng rằng Thiên Chúa là chủ tể thế giới và lịch sử. Nhưng thường chúng ta không biết được đường lối của Thiên Chúa quan phòng. Chỉ khi nào tới chung cuộc, lúc mà sự hiểu biết phiến diện của chúng ta kết thúc, khi chúng ta thấy Chúa "diện đối diện" (1Cr 13,12) chúng ta sẽ hiểu biết một cách trọn vẹn các đường lối này, mà Thiên Chúa đã dùng để dẫn đưa cuộc sáng tạo, dù có phải trải qua các thảm trạng của sự dữ và tội, tới sự yên nghỉ của ngày Sabat ( x. St 2,2) chung cuộc, ngày mà Thiên Chúa đã nhắm đến khi tạo dựng trời và đất” (GLCG 314).

Cho nên khi suy luận từ một vài câu riêng rẽ trong thư Thánh Phaolô để đưa đến một kết luận chắc chắn như Calvin làm là hành động điên rồ. Muốn hiểu đúng bất cứ câu Thánh Kinh nào chúng ta cũng phải hiểu theo mạch văn và theo toàn thể Thánh Kinh, đặc biệt là dưới ánh sáng của Bốn Tin Mừng mà chúng ta thường gọi là Phúc Âm. Chữ “vì chưng” ở đây được dùng để giải thích tư tưởng trong câu 28. Thiên Chúa biến mọi sự thành tốt lành cho những ai yêu mến Ngài vì Ngài tiền định hay đúng hơn là muốn cho họ trở nên hình ảnh của Đức Kitô. Nghĩa là

“Con người được tiền định để sao lại hình ảnh của Con Thiên Chúa làm người – ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’ ( Cl 1:15) hầu Chúa Ki-tô trở nên trưởng tử của muôn vàn anh chị em ( x. Ep 1:3-6; Rm 8:29)” (GLCG 381).

Thiên Chúa biết trước mỗi người như Thánh Vịnh 139 viết “Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa” (Tv 139:1-2). Thiên Chúa biết chúng ta trước khi chúng ta sinh ra như Ngài đã nói với ngôn sứ Giêrêmia, “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ” (Ger 1:5). Như thế Thiên Chúa yêu mỗi người ngay cả trước khi họ sinh ra và muốn cho tất cả được hưởng tình yêu của Ngài.

Ơn gọi của mọi người và lý do của sự hiện hữu của chúng ta trên thế gian, là tìm đến nguồn mạch và cứu cánh của đời mình là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua Chúa Con Nhập Thể, là Đức Kitô. Chúa Con là hình ảnh tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại. Yêu đến chết và chết trên Thập Giá (x. Ga 5:13; Phil 2:8). Chúng ta được Thiên Chúa Cha tiền định để yêu Thiên Chúa và thế gian như Chúa Con đã yêu. Chúa Con không cần xuống thế và chịu chết để chuộc tội thế gian. Người chỉ cần phán một lời. Nhưng Người đã xuống thế, đã chịu chết để trở thành khuôn mẫu cho chúng ta. Người mời gọi mỗi người hãy học cùng Người vì Người “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, “hãy mang lấy ách” của Người (Mt 11:29); và “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” Người (Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23).

Đức Kitô hoàn toàn trở thành con người để cho chúng ta được thông phần vào Thiên tính của Người và trở thành những đứa em của Người trong nhà Cha chúng ta.

Rom 8:30 - Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang.

Như thế chúng ta được Thiên Chúa tiền định cho trở nên giống Đức Kitô. Điều này không có nghĩa rằng Thiên Chúa bắt buộc chúng ta phải làm trái với ý muốn của chúng ta. Tuy tiền định, nhưng Ngài vẫn tôn trọng sự tự do của chúng ta. Chúng ta được hoàn toàn tự do. Đó là lý do tại sao Ngài kêu gọi thay vì bắt buộc. Nếu chúng ta nghe lời kêu gọi của Ngài, “điều chỉnh ý riêng” của mình theo Thánh Ý Ngài thì chúng ta được nên công chính trước mặt Ngài.

Lutherô dạy rằng muốn nên công chính chỉ cần tin vào Đức Kitô, chứ không cần thay đổi tâm hồn. Đức Kitô sẽ lấy sự công chính của Người mà phủ lên chúng ta, làm cho Thiên Chúa khi nhìn đến chúng ta Ngài cho rằng chúng ta công chính vì Ngài chỉ thấy sự công chính của Đức Kitô phủ ở ngoài chúng ta. Ngày nay hầu hết các giáo phái Tin Lành đều tin như thế trừ phái Methodist và một số Anh Giáo.

Còn Công Giáo dạy rằng, nhờ đức tin và phép rửa chúng ta được Thiên Chúa tha các tội đã phạm, kể cả tội Ađam, và thực sự trở nên công chính trước mặt Ngài. Sau khi chịu phép rửa Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta qua cầu nguyện và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể để chúng ta được biến đổi nên giống Đức Kitô, nghĩa là nên Thánh. Tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh. Ðể nên thánh, chúng ta phải dùng các sức lực mà Đức Kitô đã ban mà làm theo thánh ý Chúa Cha trong mọi sự. Sách Giáo Lý dạy:

"Người Kitô hữu phát triển đời sống thiêng liêng nhằm kết hiệp ngày càng mật thiết hơn với Ðức Kitô. Sự kết hiệp này được gọi là " thần bí", vì nhờ các bí tích và các mầu nhiệm thánh, người tín hữu được tham dự vào mầu nhiệm Ðức Kitô, và trong Ðức Kitô, họ còn được tham dự vào mầu nhiệm của Ba Ngôi Chí Thánh. Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta tới kết hiệp mật thiết với Người, dù Thiên Chúa chỉ ban những ân sủng đặc biệt và dấu chỉ ngoại thường về đời sống thần bí này cho một số người, để làm nổi bật những ân sủng Người ban tặng cho tất cả chúng ta" (GLCG 2014).

"Con đường tiến đến hoàn thiện phải ngang qua Thập Giá. Không thể nào đạt được sự thánh thiện, nếu không có từ bỏ và chiến đấu nội tâm. Sự tiến bộ thiêng liêng đòi phải có tu luyện và khổ chế, từng bước giúp người tín hữu sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc thật "(GLCG 2015).

"Là con cái của Mẹ Hội Thánh, chúng ta hy vọng Thiên Chúa là Cha sẽ ban ơn trợ lực giúp chúng ta bền đỗ đến cùng và ban phần thưởng cho các việc làm, mà nhờ ân sủng của Người, chúng ta đã làm trong sự kết hiệp với Ðức Giêsu. Vì cùng sống theo một quy luật, chúng ta được chia sẻ "niềm hy vọng hồng phúc" với những người mà Thiên Chúa nhân hậu đã quy tụ trong "thành thánh Giêrusalem mới từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang" (Kh 21,2)" (GLCG 2016).


Trong khi còn ở trần gian, Chúa ban cho chúng ta bí tích Thánh Thể, qua Hội Thánh, là một cách cho chúng ta được nếm trước hạnh phúc Thiên Đàng và “ngày qua ngày tạo nên sự biến đổi nơi con người, được mời gọi trở nên hình ảnh của Con Thiên Chúa (x. Rm 8,29tt). Chẳng có gì thực sự nhân loại mà không tìm thấy trong bí tích Thánh Thể khuôn mẫu thích hợp để được sống cách sung mãn, từ tư tưởng và tình cảm cho đến lời nói và việc làm” (ĐTC Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, 71)

Lạy Chúa, Chúa đã tiền định cho con nên giống hình ảnh Con Một Chúa là Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Xin ban ơn cho con biết từ bỏ ý riêng mình để Chúa Thánh Thần được tự do uốn nắn tâm hồn và đời sống con cho nó mỗi ngày một giống hình ảnh Đức Kitô hơn. Lạy Mẹ là Đấng đã sinh ra và dưỡng dục Chúa Giêsu, xin cũng dưỡng dục con như con riêng của Mẹ. Lạy Thánh Phaolô là đấng đã “mặc lấy Đức Kitô”, xin cầu bầu cho con để con cũng biết “mặc lấy Đức Kitô” trong mọi giây phút của đời con. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:09 26/07/2008
NGƯỜI PHỖNG.

N2T


Có một câu chuyện xưa của người Ấn Độ:

Một chiếc thuyền của thương nhân bị chìm trong biển, người bị trôi đến bờ biển Tích Lan. Wei-bi-sa là quái vật làm vua ở đất ấy, thương nhân bị đưa đến trước mặt nhà vua, nhà vua vừa nhìn thấy ông ta, thì sung sướng như điên nói: “A ! Nó giống thần La-ma mà ta đã tấn phong, dài giống nhau như đúc”. Tiếp theo liền sai đem áo quần và trân châu quý báu mặc trên mình ông ta, và quỳ lạy ông ta.

(Trích: Ý rộng ngoài trời)

Suy tư:

Trong cựu ước, dân Do Thái lấy vàng kim đúc tượng con bò vàng và thờ lạy nó, con bò vàng là vật vô tri vô giác được những người Do Thái đúc lên làm phỗng để thờ lạy.

Thời đại ngày nay văn minh hơn, người ta kiếm ra một con người vô tội vô vạ làm người phỗng và cho làm quan, cho hưởng bỗng lộc, cho ngồi xế hộp, cho người hầu hạ, nhưng quyền lực thì không có, bởi vì họ được chỉ định làm người phỗng, để người khác múa may điều khiển, và người phỗng này sẽ bị hạ bệ hoặc cho vô tù ở khi người khác làm sai trái...

Cũng có một vài người Ki-tô hữu muốn làm người phỗng, họ được cha sở chỉ định cho cái chức vụ trong họ đạo, thế là họ khoác trên mình bộ mặt hình sự với trẻ em đến nhà thờ đùa giỡn, họ khoác lên mình cái áo kiêu ngạo nói thừa lệnh cha sở để hống hách với giáo dân, họ khoác lên mình cái tâm chia rẻ khi rỉ tai giáo dân này chỉ chọt giáo dân kia...

Người phỗng thì hữu danh vô thực, là có tiếng mà không có miếng, là có ngoài mà không có trong, cho nên thường chỉ làm kiểng cho đẹp mà thôi. Cho nên khi chọn người cộng tác mà không kiểm tra đức hạnh của họ, thì vô tình chúng ta tiếp tay cho ma quỷ đánh phá Giáo Hội, gây chia rẻ trong giáo xứ và hoặc trong cộng đoàn của chúng ta.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:10 26/07/2008
N2T


20. Để thực hành tốt việc cầu nguyện thì không cần nói nhiều lời, chúng ta biết Thiên Chúa ở đâu -Thánh Thể trong nhà tạm- chỉ cần mở rộng con tim thì hưởng được tình thân của Ngài, đó chính là cầu nguyện tốt nhất.

(Thánh John Vianney)
 
Nâng con lên
Sa Mạc Hồng
20:12 26/07/2008
Nâng con lên

Nâng con lên Chúa ơi!
Thân con mang kiếp người
Bao lo buồn nặng trĩu
Nâng con lên Chúa ơi!
Hồn con ở giữa đời
Bao nỗi niềm mỏi cánh!

Nâng con lên cao hơn
Cả thân xác tâm hồn
Tận suối nguồn thánh đức
Với yêu thương ngập tràn
Bên Chúa lòng hân hoan
Con sống trong say đắm!

Nâng con lên, lên cao
Như sóng vỗ tuôn trào
Trong tình người tình Chúa
Con mở lòng dâng trao
Và không thấy niềm đau
Giữa nguồn vui bất tận!

Chúa ơi giữa ngàn mây!
Xác hồn con tung bay
Đôi cánh dài ân sủng
Tình đã cho lại đầy
Lên cao và dâng hiến
Thiên đường Chúa nơi đây!
 
Ao Ước Nước Trời
Tuyết Mai
20:14 26/07/2008
Ao Ước Nước Trời

Nước Trời thật cũng giống như một người nghèo hằng ao ước trong đời sẽ có được một lần đi du lịch một nơi thật xa mà mình mơ tưởng được đặt chân đến? Dù nơi ấy là nơi chôn nhau cắt rốn của mình được ao ước trở về thăm hoặc gặp lại người thân thương? Hoặc một nơi có thắng cảnh đẹp nổi tiếng mà ta có cơ hội nhìn thấy trên báo, nghe thiên hạ kể chuyện, hay được nhìn thấy tận mắt trên mạng. Trên đời tôi thiết nghĩ cũng có anh chị em hằng mơ tưởng như thế nhưng không biết được mấy ai là đến được nơi mà mình ao ước và mong muốn tới?

Trên thế giới theo tôi được biết thì có rất nhiều quốc gia có thắng cảnh thiên nhiên rất đẹp mắt mà hằng năm vào mùa hè có biết bao nhiêu người chịu để dành tiền để được đem gia đình đến nơi ấy mà hưởng mấy tuần vacation cho thoải mái, bù lại bao nhiêu tháng năm trời làm việc bù đầu vất vả và đau đầu.

Có phải muốn được đi du lịch cho vacation, anh chị em phải để dành tiền, không biết trong suốt thời gian là bao lâu? Có người làm ăn khá giả, nếu cả hai vợ chồng cùng đi làm, và cả hai cùng làm lương cao, thì tiền dành dụm cho cả một gia đình đi chơi thoải mái cho 2 tuần lễ, tôi thiết nghĩ cũng phải đến 2 năm dành dụm? Còn trong gia đình mà chỉ có một đầu lương thì tôi thiết nghĩ giấc mơ đi du lịch có phần khó khăn hơn nhiều, nhưng nếu thật sự ta Muốn thì cũng có thể được đấy! Nhưng đòi hỏi ta phải để dành tiền rất lâu thì giấc mơ may ra mới có thể thành sự thật? Nhưng không có nghĩa là không có được hay không thực hiện được? Phải không các bạn?

À thì Nước Trời cũng thế! Thắng cảnh thế gian đẹp đẽ thế mà ta còn cố gắng đến được thì hà huống gì con đường dẫn ta đến Nước Trời, theo tôi nghĩ cách thức và phương cách cũng giông giống như đi du lịch ở trần gian này vậy! Nếu ta thật sự ao ước thì giấc mơ ấy lâu ngày cũng sẽ được vậy mà thôi!

Theo tôi nghiệm thấy thì đường để dẫn đưa ta đến Nước Trời và đường để dẫn đưa ta đi du lịch đó đây nơi trần gian này có khác nhau. Sự khác nhau này nếu ta suy nghĩ ra thì thấy thật đúng y như vậy! Con đường mà dẫn đưa ta đi du lịch bất cứ nơi nào trên trần gian này, đòi hỏi ta phải dành dụm tiền bạc là để xài cho riêng mình, gia đình mình, và người thân thương của mình, trong suốt thời gian mình đã có chuẩn bị cho nó khi mình được đến đó. Nhưng con đường đưa ta đến Nước Trời thì đòi hỏi nơi ta phải dành dụm bằng cách tiền bạc của cải của mình để dành được bao nhiêu thì ta phải cho đi bấy nhiêu!? Thông thường tiền bạc thì ta cất trong nhà băng phải không các bạn? Thưa phải. Nếu bạn muốn đi du lịch ở trên trần gian thì nhà băng của bạn đương nhiên cũng phải ở trần gian vì mình đi bằng tiền của trần gian mà lị!?? Nhưng nếu bạn muốn đến Nước Trời thì bạn cũng phải gởi nhà băng của bạn ở trên Trời!??

Tiền bạc cất giữ làm sao trên trần gian này thì tôi thiết nghĩ ai ai trong anh chị em cũng biết cất gởi ra làm sao rồi! Nhưng tiền bạc mà các bạn muốn cất gởi trên Trời thì cách thức và phương thức ra làm sao? Tôi nghĩ phần đông anh chị em ai cũng biết chứ không phải là không, chỉ có cái là anh chị em trong lòng thực sự muốn đi du lịch nơi nào vậy thôi! Có thể nếu ta khôn ngoan như Vua Salomon xin với Chúa sự khôn ngoan thì chắc hẳn nơi nào ta cũng có thể đến được??

Như người giầu có nếu có tấm lòng bác ái và hiểu được rằng sự giầu có của mình không phải tự mình làm ra mà do Chúa ban phát thì vấn đề đi du lịch trần gian hay đi du lịch trên Nước Trời đều được Chúa ban cho cả hai thôi!? Chỉ vì những người giầu có thì thường có tánh ích kỷ, họ cứ khư khư ôm hết cả của cải của mình và chẳng mảy may nghĩ đến ai bần hèn đói khổ cả! Như chuyện ông nhà giầu và ông Lazaro ghẻ chốc kia. Chúa chẳng phạt ông nhà giầu vì tại ông giầu nhưng Chúa đã phạt ông vì cái tội làm ngơ trước sự khổ nghèo ghẻ chốc của ông Lazaro hằng ngày sống trước cửa nhà ông.

Thế nào cũng có một vài anh chị em sẽ hỏi đố tôi cách thức gởi tiền trên Trời bằng cách nào? Và ai sẽ là người trung gian để nhận những số tiền mà anh chị em muốn gởi?. Tôi rất vui mừng để giải thích theo sự hiểu biết của tôi nếu có khác với phương thức của anh chị em thì tôi xin được miễn trách cứ và lượng tình tha thứ cho tôi với nhé! Tiền bạc để gởi trong nhà băng và để làm thành lời thì thật có rất nhiều phương cách phải không thưa các bạn? Nhưng để biết hết thì đòi hỏi ta phải học. Càng học thì sự hiểu biết sẽ cho ta thật nhiều lợi nhuận. Cách thức và phương cách đây là học "Lời Chúa". Có phải nếu anh chị em siêng đọc Lời Chúa, Ngài sẽ ban cho ta sự hiểu biết thêm về cách thức và phương thức để tìm kiếm Nước Trời hay không? Vâng thưa anh chị em, tất cả phương thức và cách thức đều được tìm thấy rất rõ trong "Lời" của Chúa trong Phúc Âm, cũng y như khi bạn vào nhà băng thì sẽ có người hướng dẫn bạn nhiều phương cách để làm cho tiền của bạn được nhiều phân lời và chắc ăn hơn. Có phải sau khi bạn đã được gặp, nói chuyện với người hướng dẫn viên và họ sẽ cho bạn bao nhiêu cuốn sách cẩm nang để đem về nhà, mà đọc mà tìm hiểu mà nghiên cứu thêm, và các bạn có đồng ý với tôi rằng có nhiều danh từ họ dùng ta chẳng hiểu gì cả không?

Tôi chỉ có thể bảo đảm với các bạn một điều là tiền bạc của cải trần gian, các bạn tuy gởi ở nhà băng nhưng vẫn không chắc ăn đâu nhé! Vì nhà băng như các bạn biết họ chỉ bảo hiểm cho bạn từ 100,000 đô la trở xuống mà thôi! Nếu nhà băng bị vỡ nợ và phá sản thì có thể bạn sẽ mất hết nếu bạn có trên 100,000 đô la. Còn tiền của bạn gởi nhà băng trên Trời thì 100% là chắc ăn mà tiền lãi còn được Chúa nhân thêm gấp bội. Bạn có tin điều tôi nói là đúng hay không? Tùy ở bạn.

Cuộc đời của con người từ khi biết và có trách nhiệm, có phải lúc nào ta cũng đi kiếm tìm những gì cho ta hạnh phúc hoặc ít nhất cho ta niềm hy vọng, để giúp cuộc sống mỗi ngày của chúng ta trôi qua vui vẻ hơn, niềm nở hơn, cởi mở hơn, và mở tấm lòng ra với mọi người hơn!? Trên đời không biết có mấy ai được sống thoải mái thong dong mà không hề có một mối lo lắng hay suy tư? Trên đời có ai không gặp chuyện buồn xẩy đến cho mình hay cho người thân mà để yên không tìm cách giải quyết? Có nhiều chuyện buồn ta có thể bỏ qua, nhưng cũng có rất nhiều chuyện buồn mà chỉ một mình ta ôm lấy mà không thể nào chia sẻ được với bất cứ ai? Còn sống thì dìm sâu trong dạ, nếu chết thì chôn theo?

Lậy Thiên Chúa nhân từ và lòng lành vô cùng!

Ước gì tất cả anh chị em chúng con trên toàn thể địa cầu chỉ đêm ngày khao khát con đường tìm đến Nước Trời để tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa luôn dạt dào trên tất cả chúng con thì Nước Trời trong lòng mỗi anh chị em chúng con đang sống đây, cũng có được Hạnh Phúc, Tự Do, Hòa Bình, và Công Lý. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Bênêđitô khuyến khích những phương pháp mới để trình bày sự thật không thay đổi của Tin Mừng
Đặng Thế Dũng
03:06 26/07/2008
Vatican (Zenit 24 tháng 7): Sáng thứ tư 23 tháng 7, Đức Hồng Y Polycarp Pengo, TGM Dar-Es-Salaam, đã chủ tế Thánh Lễ khai mạc Đại Hội Các Giám Mục Phi Châu đặc trách mục vụ văn hoá, do Hội Đồng Toà Thánh đặc trách Văn Hoá đứng ra tổ chức, trong vòng bốn ngày, tại Bagamoyo, Tanzania, Phi Châu.

Đại Hội bàn về chủ đề: “Những viễn tượng mục vụ cho công cuộc rao giảng phúc âm mới, trong khung cảnh toàn cầu hoá và những hậu quả của nó, trên các nền văn hoá Phi Châu. Trong thánh lễ, sứ điệp của Đức Thánh Cha (ĐTC) gởi Đại Hội đã được tuyên đọc. ĐTC khuyến khích hãy tìm ra những phương cách mới và hữu hiệu để trình bày sự thật không thay đổi của Tin Mừng, đặc biệt là những giá trị của niềm vui sống. ĐTC cũng đã quả quyết rằng: rao giảng phúc âm cho nền văn hoá và hội nhập Phúc âm vào trong văn hoá là một sứ mạng cổ xưa từ lâu trong Giáo Hội, nhưng đồng thời là một sứ mạng luôn luôn mới mẻ.

TGM Gianfranco Ravasi


Sau sứ điệp của ĐTC, các tham dự viên lắng nghe tham luận của Đức Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về văn Hoá, về đề tài: “Những thách thức văn hoá của chủ nghĩa thế tục được phổ biến bởi hiện tượng toàn cầu hoá”. Trong số những thách thức, Đức TGM đã kể ra những điều sau đây: bỏ quên công ích, sống theo ảnh hưởng của kinh tế thị trường, phá vỡ những mẫu gương sống đến từ gia đình, trường học và giáo xứ, và cuối cùng đề cao cá nhân chủ nghĩa.

Theo Đức TGM, chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về Văn Hoá, thì các quốc gia nghèo thường dễ gặp những nguy hiểm của hiện tượng toàn cầu hoá hiểu một cách sai lầm. Điều này dẫn đưa đến việc phá huỷ những giá trị nơi các truyền thống văn hoá của tổ tiên, việc hạ thấp lương tâm, và sự mất gốc văn hoá của nhiều thế hệ bị cuốn hút trong vòng lẩn quẩn và cuối cùng rơi vào trong cảnh nghèo cùng.

Trong khung cảnh của hiện tượng trần tục hoá được phổ biến toàn cầu này, Giáo Hội có khả năng khám phá và phục hồi “chủ thuyết nhân triển Kitô” và tái đề nghị những giá trị luân lý cao cả, vừa làm vang lên Lời Chúa, là Lời có khả năng phong phú hoá những sa mạc của sự lãnh đạm và của nếp sống hời hợt không có chiều sâu.
 
Vui mừng và hy vọng: 120 trẻ Iraq được Rước Lễ Lần Đầu
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:21 26/07/2008
Erbil, Iraq (AsiaNews) - Sáng hôm 25/7, tại Giáo xứ Thánh Giuse ở Ankawa, miền Bắc Iraq, 12o trẻ em đã được lãnh nhận nghi thức Rước Lễ Lần Đầu. Sự kiện này được toàn thể cộng đoàn Kitô giáo hoan nghênh với “vui mừng và hy vọng”, một cộng đoàn “sống động và tiếp tục cuộc hành trình của mình”, dù phải trải qua những khó khăn hằng ngày. Trong những tuần lễ sắp tới, các giáo phận Erbil và Amadiyah cũng sẽ cử hành các nghi thức rước lễ lần đầu khác, đặt biệt là ngày Chúa Nhật 27/7 ở Nhà Thờ Thánh Elijah, Ankawa, vào ngày 1/8 ở Shaklawa, ngày 2/8 ở làng Armota và ngày 8/8 ở Koy.

Các trẻ em Iraq Rước Lễ lần đầu


Đức Cha Rabban al Qas, Giám Mục của Erbil và Amadiyah phát biểu với Tin Tức Á Châu rằng: “Những nghi thức này làm tăng thêm niềm hy vọng nơi trái tim người tín hữu”. Sáng hôm 25/7, ngài đến ban bí tích cho các trẻ nhỏ ở giáo xứ Thánh Giuse. Ngài nói thêm: “Đó là giây phút vui mừng dành cho tất cả mọi người: cho trẻ nhỏ, cha mẹ chúng, người thân chúng, bạn bè chúng; toàn thể cộng đoàn Kitô giáo cũng muốn hiện diện trong buổi lễ và biểu thị sự gần gũi của mình”. Buổi lễ đã biểu thị sự gắn bó của “các Kitô hữu đối với Giáo Hội và đối với vị chủ chăn của họ”, và vì vậy mà họ xin được “Đức Thánh Cha ban phúc lành đặc biệt”.

Buổi lễ bắt đầu lúc 6:45 và kết thúc lúc 9:30 giờ địa phương, sau đó là nghi lễ trước nhà thờ. Đức Giám Mục khẳng định: “Nghi thức Rước Lễ Lần Đầu mang ý nghĩa đặc biệt đối với hoàn cảnh của chúng tôi”, vốn thường được ghi dấu bằng xung đột và bạo lực. Qua Bí Tích Thánh Thể, chúng được canh tân để “thuộc về cộng đoàn Kitô giáo” và đây là “một dấu chỉ của niềm hy vọng”, thêm vào đó là một bằng chứng hùng hồn để “chúng tôi can dảm sống đời sống đức tin” dù rằng còn đó những đe doạ và ngược đãi.

Đức Giám Mục cũng nhắc lại lời kêu gọi của ngài gửi đến các tín hữu trên toàn thế giới “đừng bỏ rơi Iraq” vốn cần thiết “sự có mặt của Kitô giáo”. Hôm 24/7,trong cuộc hội kiến với Thủ Tướng Đức Angela Merkel, Thủ Tướng Iraq Al Maliki đã nói về hoàn cảnh của người tị nạn, nhiều người trong số họ là Kitô hữu, bị buộc phải ra đi vì bạo lực mà họ phải gánh chịu. Đức Giám Mục kết luận: “Thật cần thiết để bảo đảm cho người tín hữu quay về quê hương, vì chỉ có trên mảnh đất quê hương, họ mới có thể đóng góp cho sự phát triển, cho sự sống chung hoà bình” với những anh em Hồi giáo và tái thiết xã hội dân sự. “Trong nhiều trường hợp, người tị nạn đã bán đi mọi thứ mà họ có để trốn chạy và tìm nơi an toàn ở nước ngoài, nhưng tại nơi đây, giờ chúng ta phải tái thiết xã hội bắt đầu từ nền tảng đó, và đó là lý do tại sao chúng ta cần sự giúp đỡ của Phương Tây”.

Trong những tuần sắp tới, một cuộc họp mặt các giáo lý viên sẽ được một nhóm thần học gia đến từ Jordan tổ chức với sự tham dự của 35 người từ Bagdad. Tại làng Karamles, nơi an táng Đức Tổng Giám Mục Paulos Faraj Rahho, người đã qua đời hôm 13/3 sau 14 ngày bị giam cầm, Đức Hồng y Delly, Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Canđê sẽ cử hành lễ phong chức cho một linh mục bản xứ. Những dấu hiệu của hy vọng đang đến từ Iraq dành cho cộng đoàn Kitô giáo Iraq, được củng cố bởi sự ủng hộ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, họ muốn biểu thị “sự hiện diện của chính bản thân họ, bằng lòng can đảm và sự tin tưởng vào tương lai”
 
Hồi giáo Mindanao, Philippine phản đối lời đe doạ Giám Mục Giáo phận Basilan
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:23 26/07/2008
Manila, Phi Luật Tân (AsiaNews) - Những người đe dọa Đức Giám Mục và người Công Giáo Basilan là “những kẻ lừa đảo”, những kẻ xúc phạm Hồi giáo chân chính. Đây là những phản ứng mạnh mẽ của silsilah, một phong trào đối thoại Hồi giáo – Kitô giáo có trụ sở ở Mindanao, và các nhóm Hồi giáo khác đối với một bức thư trong đó yêu sách rằng muốn sống trong vùng đất Hồi giáo thì Đức Giám Mục Martin Jumoad phải cải đạo hoặc phải trả jizya, một loại thuế được đặt ra trong thời đế chế Ottoman nhằm đảm bảo cho phép người ngoài Hồi giáo được quyền thực thi đức tin của họ và đảm bảo được sự bảo vệ cho họ.

Bức thư mà Đức Giám Mục nhận hôm thứ Sáu tuần trước và bản sao được đưa lên báo chí Phi Luật Tân do Paruji Indama và Nur Hassan J. Kallitut ký tên, những người tuyên bố là mujahidin. Trong thư, chúng cho Đức Giám Mục 15 ngày để trả lời, hoặc là “chúng tôi sẽ xem ông là kẻ thù của chúng tôi”. Đức Giám Mục nói rằng đây không phải là lần đầu tiên ngài bị đe doạ, và điều đó cho thấy khunh hướng nguy hiểm trong khu vực là một phần của Midanao, nơi mà người Hồi giáo chiếm 70 phần trăm cư dân, nơi mà tình hình “ngoài tầm kiểm soát”.
 
Ngân Hàng Thế Giới cổ võ cho việc Phá Thai
Paul Anh
13:04 26/07/2008
Ngân Hàng Thế Giới cổ võ cho việc Phá Thai

OTTAWA (LifeSiteNews.com) - Ngân Hàng Thế Giới vốn do Hoa Kỳ lãnh đạo vào tuần qua đã đưa ra một thông cáo về việc cổ võ về nhu cầu "ngừa thai và hoạch định sinh sản" tại những nước đang phát triển.

Trong thông cáo, Joy Phumaphi, Phó Chủ Tịch đặc trách về việc Phát Triển Nhân Loại của Ngân Hàng Thế Giới nói rằng: tại các quốc gia đang phát triển đó có những vấn nạn liên quan đến "sự bùng nổ dân số" và giải pháp cho việc đó chính là cung cấp cho những người phụ nữ tại các quốc gia đang phát triển này có "cách tiếp cận tới vấn đề ngừa thai và hoạch định gia đình tân tiến."

Hành động gần đây nhất của Ngân Hàng Thế Giới chứng tỏ cho thấy mục tiêu dài hạn của Tổ Chức này chính là ồ ạt đổ vào các quốc gia đang phát triển những phương cách phá thai và ngừa thai. Và việc này đã được ghi nhận trong văn bản rằng Tổ Chức này đã yêu cầu các quốc gia này phải triển khai những biện pháp về ngừa thai và hoạch định gia đình trước đã, và xem việc đòi hỏi này như là một điều kiện tiên quyết trước khi cho các quốc gia đó vay những khoản nợ để phát triển đất nước.

Sáng kiến phò phá thai này được thúc đẩy mạnh mẽ lên dưới thời của Clinton vào những năm của thập niên 1990s khi Ngân Hàng Thế Giới đã công khai thuyết phục các quốc gia nào muốn nhận được tiền vay quỹ, thì phải xúc tiến và triển khai ra các chương trình có liên quan đến việc "kế hoạch hóa gia đình," vốn ám chỉ rằng các quốc gia đó phải cho phép vấn đề phá thai được diễn ra.

Tuy nhiên vào năm 2007, chính phủ của Tổng Thống Bush đã tìm cách thêm vào một số ngôn ngữ có liên quan đến việc cập nhật về chính sách sức khỏe, vốn khiến cho Ngân Hàng Thế Giới phải giữ một khoảng cách xa, để tránh buộc các quốc gia nhận tiền phải chấp nhận việc cho phép phá thai. Ngôn ngữ đó đòi hỏi các quốc gia phải cung cấp "cho các độ tuổi thích hợp để những người thuộc vào độ tuổi này có thể tìm được sự chăm sóc sức khỏe về mặt dục tính và chuyện sinh sản," chứ không phải loại ngôn ngữ đang được Ngân Hàng Thế Giới ngày nay đang triển khai đó là "các dịch vụ về sinh sản," cụm từ này vốn hàm ý luôn cả chuyện phá thai.

Thế nhưng, các vị lãnh đạo của Ngân Hàng Thế Giới từ Bỉ, Thụy Sĩ, Pháp, Đức và Na Uy đã thành công trong việc đòi hỏi Ngân Hàng Thế Giới phải tiếp tục các chính sách có liên quan đến việc kiềm chế dân số một cách cưỡng bức.

Quý vị có thể đọc trọn bản ghi nhớ này của Ngân Hàng Thế Giới tại địa chỉ: http://www.lifesitenews.com/ldn/2007_docs/worldbankmemo.pdf

Những nhà nghiên cứu có danh giá đã lên tiếng kết án những sáng kiến này của Ngân Hàng Thế Giới trong quá khứ vì chúng khuyến khích một cách ngu muội và bất tín trung cho thấy Tổ Chức này đã ngang nhiên coi thường những giá trị đạo đức và luân lý, cũng như những nhu cầu thật sự mà những người dân tại các quốc gia đang phát triển này cần đến.

Vào năm 2007, chuyên gia về việc kiểm tra dân số, Ông Stephen Mosher, vị sáng lập và cũng là vị giám đốc của Học Viện Nghiên Cứu về Dân Số đã ám chỉ đến việc "mười mấy quốc gia tại Mỹ Châu La Tinh" vốn có tình trạng "dân số bùng nổ và làm tổn thương đến những chương trình của Ngân Hàng Thế Giới vì rất nhiều lý do, và mặc dầu thế, Tổ Chức này vẫn cứ tiếp tục, và mạnh mẽ để vượt qua những giá trị, những truyền thống, và những gì có liên quan đến nền tảng đạo đức và luân lý của những người dân tại các quốc gia đó, để đạt được việc kiểm tra dân số của họ."

Ông Mosher nói:

"Đã đến lúc, chúng ta cần phải đứng lên thay cho những người phụ nữ tại các quốc gia đang phát triển này, để nói cho họ biết rằng chúng ta đang cần đến nước sạch để uống, cần đến Pênixilin, cần đến các thuốc kháng sinh cho các con em của chúng ta khi chúng bị các cơn bệnh hiểm nghèo tấn công, chúng ta cần đến các viên thuốc bổ. Chứ chúng ta không cần đến các chương trình về kế hoạch hóa gia đình của họ, chúng ta không cần đến cái gọi là sự chăm sóc sức khỏe về sinh sản của họ, chúng ta không cần đến những chương trình điều hòa dân số của họ."

Ông Mosher cũng giải thích cho biết thêm rằng:

"Ngân Hàng Thế Giới do Hoa Kỳ kiểm soát vì Hoa Kỳ có đóng góp lớn nhất, hơn bất kỳ quốc gia nào khác, do đó nếu chúng ta đang cổ võ cho sự dân chủ, thì làm sao mà chúng ta lại có thể để cho Ngân Hàng Thế Giới ngang nhiên chà đạp đến các giá trị dân chủ tại những quốc gia nhỏ bé này cho được?"

Để bày tỏ sự quan ngại của chúng ta, Quý Vị có thể gởi email đến cho Tổng Thống George W. Bush tại địa chỉ: pesident@whitehouse.gov; hay

Gởi email hoặc gọi điện thoại đến cho Ngân Hàng Thế Giới bằng cách liên lạc với những nhân vật sau:

World Bank:

Phil Hay (202) 473 1796

cell (202) 409 2909

phay@worldbank.org

Magda Garcia (202) 473-5875

mgarcia3@worldbank.org


T.B. Để xem thêm các tin tức về các hoạt động phò phá thai của Ngân Hàng Thế Giới, xin tham khảo thêm các bài viết sau:

(1) World Bank to Continue Promoting Abortion in Developing Nations After US Drops Opposition

http://www.lifesitenews.com/ldn/2007/may/07050205.html

(2) World's Most Successful AIDS Prevention Programme in Uganda "Sabotaged" by Western "Experts"

http://www.lifesitenews.com/ldn/2008
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới và việc đào luyện thế giới tục hóa
Vũ Văn An
21:54 26/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới và việc đào luyện thế giới tục hóa

Cha Robert Sirico, đồng sáng lập viên và là chủ tịch cơ sở nghiên cứu Acton Institute tại Hoa Kỳ cho hay không có lý do gì cần phải ở thế thủ đối với Đức Tin Công Giáo. Trước một cử toạ tại Sydney, cha cho hay hiểu biết đức tin Công Giáo và nắm vững các chân lý của nó là phương cách tốt nhất để phúc âm hóa và khắc phục tinh thần bất khoan dung.

Cha R. Sirico
Theo cha Sirico, Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một điển hình hoàn hảo cho việc trình bầy đức tin một cách tự tin và không khoan nhượng cho thế giới tục hóa. Ngài gợi ý rằng: “Ngày Giới Trẻ Thế Giới tự nó là một thành phần trong việc đào tạo liên tục, cho cả người Công Giáo lẫn thế giới thế tục. Chính khi không tự tin với chính mình, ta mới trở thành ở thế thủ, nhưng tôi không tin mình có lý do để ở trong thế thủ như thế. Ta cần mời gọi người thuộc các lối sống và niềm tin khác nhau và đề nghị chứ không áp đặt lên họ chân lý đức tin, và mời gọi trong một đối thoại trung thực về chân lý ấy”.

Ngài nói thêm: “Thấy 300,000 người trên hè phố Sydney khiến người ta có cảm thức rằng họ không đơn độc và đức tin Công Giáo có một sự hợp lý hợp lẽ mà ta có thể giới thiệu với thế giới”.

Viện Acton, một viện chuyên nghiên cứu các nền kinh tế thị trường được niềm tin tôn giáo và các chân lý tuyệt đối về luân lý soi sáng, ngày 4 tháng Bẩy này, đã cho công bố phim tài liệu của mình tựa là “Sự Hạ Sinh Của Tự Do” (The Birth of Freedom).

Khoan dung

Cha Sirico giải thích rằng tài liệu trên nhằm làm “nổ tung huyền thoại” cho rằng từ trong định nghĩa, làm người tôn giáo là làm người bất khoan dung.

Thực ra, các định chế tự do nhân bản, việc chống lại các hình thức nô dịch khác nhau, như kỳ thị phụ nữ và không chấp nhận nhau, đều đã phát sinh từ ý niệm Kitô giáo về phẩm giá cố hữu của nhân vị.

Cha Sirico nói rằng các định chế xã hội khác đều do đó mà có: các tòa án luật, quyền ký khế ước, tự do mậu dịch, tự do phát biểu và quyền tự do hành đạo. Theo cha: “Trong thế giới cổ thời, những điều trên không được ai biết đến, và người ta không còn hoài nghi gì nữa rằng chúng do Do Thái giáo và Kitô giáo Phương Tây đem lại. Điều ấy có lý do, và lý do đó, theo tôi, chính là nền nhân học của ta và cái hiểu của ta về bản chất nhân vị”

Mục Sư Martin Luther King
Cuốn phim này cho rằng phong trào đơn tu trong Công Giáo chính là định chế đầu tiên theo đuổi ‘tinh thần canh tân’. Nó cũng nhấn mạnh điều nữa: nhiều nhân vật tạo nên các thay đổi xã hội trong lịch sử Âu Châu và Hoa Kỳ đã được niềm tin vào Thiên Chúa khích động và được công khai xác nhận như thế. Trong đó có Martin Luther King và Abraham Lincoln

Theo Cha Sirico, “Chúng ta muốn các bạn hữu thế tục hiểu rõ nền tự do mà ta vốn coi như đương nhiên, và gốc rễ của nền tự do ấy là gì. Chúng ta hy vọng có thể mạnh mẽ trả lời cho thứ huyền thoại vốn cho rằng tôn giáo và cam kết tôn giáo chỉ là một hình thức bất khoan dung và ‘Thời Đại Đen Tối’. Nhưng thực ra, Thời Đại Đen Tối chỉ là một huyền thoại, như cuốn phim đã chứng tỏ. Vì một số các thành tựu nhân bản vĩ đại nhất trong lịch sử sáng chế của nhân loại đã xẩy ra trong chính thời kỳ ấy”.

Cha cho hay người ta vẫn thường quan niệm rằng “người vô thần là những ‘nhà tư tưởng tự do’ còn các tín hữu tôn giáo chỉ là ‘những tên bị xiềng xích’. Chúng tôi chỉ muốn cho nổ tung cái thứ huyền thoại coi tôn giáo là bất khoan dung hay việc tuân theo chân lý tự nó chỉ là một hành vi bất khoan dung. Chúng ta phải đả thông cái ý niệm cho rằng tuân theo chân lý là bất kính đối với con người và nền tự do của họ. Chúng ta có thể bất đồng ý kiến với người khác, nhưng nhất định không bao giờ bất kính đối với con người của họ”.

Sa mạc thời đại

Đức Bênêđíctô XVI, trong suốt bốn ngày chính thức tại WYD 2008, đã dùng chủ đề sa mạc trong khá nhiều bài diễn văn để một mặt đề cập tới tình huống tâm linh và luân lý của thế giới ngày nay, mặt khác để nói lên quan tâm của người trẻ và rất nhiều người Úc đối với việc thay đổi khí hậu hiện đang mang lại hạn hán nghiêm trọng cho nhiều khu vực trong vùng.

Đức Benedict XVI
Lên tiếng tại Barangaroo lúc khởi đầu các lần xuất hiện công khai, Đức Giáo Hoàng đã tương phản các hình ảnh ‘tuyệt diệu’ của thiên nhiên nhìn từ máy bay với các ‘vết thẹo chằng chịt trên khuôn mặt trái đất’và ngài cũng nói đến môi trường thoái hóa của xã hội. nói chung.

Đêm Thứ Bẩy, trước 235,000 khách hành hương bất chấp giá lạnh Sydney đến Randwick cùng cầu nguyện, Ngài khuyên giới trẻ đừng tự cắt đứt với Giáo Hội định chế. Theo Ngài, “chẳng may, cơn cám dỗ ‘muốn đi một mình’ cứ dai dẳng mãi khôn nguôi. Ngày nay, một số người muốn hình dung cộng đồng địa phương của họ như một thực thể tách biệt hẳn ra cái họ gọi là Giáo Hội định chế, bằng cách coi cộng đồng địa phương của họ là mềm dẻo và cởi mở với Chúa Thánh Thần, còn cái họ gọi là Giáo Hội định chế thì cứng cỏi, không có Chúa Thánh Thần trong đó”.

Còn trong Thánh Lễ bế mạc vào ngày hôm sau, Ngài nói tới thứ ‘sa mạc thiêng liêng’ song hành với sự thịnh vượng vật chất tại nhiều xã hội, một thứ sa mạc đang sản sinh ra ‘cái trống vắng nội tâm, nỗi sợ không tên, cảm thức âm thầm thất vọng’. Ngài kêu gọi giới trẻ thế giới hãy năng lực hóa Giáo Hội và trở nên ‘Căn Phòng Mới Trên Lầu’, có liên quan tới các môn đệ đầu tiên, để loan báo Chúa Phục Sinh cho thế giới. Đức Giáo Hoàng lớn tiếng đặt câu hỏi: “Bao nhiêu người thời nay đã xây nên những chiếc hồ nứt rạn, trống rỗng [ám chỉ việc từ bỏ Thiên Chúa trong Giêrêmia 2:13] trong cố gắng tuyệt vọng đi tìm ý nghĩa, ý nghĩa sau cùng mà chỉ có tình yêu mới đem lại được?”.

Sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới

Cơ quan chuyên dùng truyền thông để phúc âm hóa tại Miami Hoa Kỳ, có tên là God Squad, đã mở một trang mạng để những người hành hương WYD tại Sydney có thể liên lạc với nhau. Trang mạng có tên WYDChallenge.com này nhằm mục tiêu cung cấp diễn đàn cho các khách hành hương qua nhiều dự án phục vụ.

Randwick 20-07-08
Christopher Wills, Tổng quản trị cơ quan God Squad Communications, cho hay: “Các khách hành hương có đăng ký sẽ nhận được các thách đố phục vụ cộng đồng hàng tháng, giúp họ tham dự nhiều loại sinh hoạt khác nhau tại giáo phận sở tại của họ. Các thách đố này có thể là dành giờ cho các bệnh viện địa phương, tổ chức các buổi phân phối thực phẩm, hay dùng các tài năng của họ cho các hành động bác ái đơn giản hơn…”. Tất cả các dự án phục vụ này đều là những phương thế cụ thể giúp các khách hành hương trở thành nhân chứng cho thế giới thấy sức mạnh họ đã nhận được từ Chúa Thánh Thần.

Sau khi đã hoàn thành một dự án, khách hành hương sẽ chi sẻ hình ảnh hay video với các bạn trẻ tham dự WYD khác.

Tại WYD ở Sydney, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói rằng cho có phúc hơn nhận, nhưng God Squad đem lại cho khách hành hương ít ơn phúc thiêng liêng hơn bằng cách chúng nhận giờ phục vụ cho họ. Người nào nhiều giờ phục vụ nhất sẽ được một ‘gói’ du lịch tham dự ngày WYD sắp tới.

Ngoài ra, WYDChallenge.com cũng giúp các khách hành hương có thể liên lạc với các khách hành hương khắp nơi trên thế giới, theo nhiều tiêu chuẩn tìm kiếm khác nhau như các WYD đã tham dự, quốc gia nguyên gốc, hay tên tuổi. Khi đã liên lạc được, họ có thể tiếp tục gửi tin nhắn cho nhau trên trang mạng, để lại những nhận định, nhận xét về con người của nhau, trao đổi ý cầu nguyện, tán gẫu, và rất nhiều phương tgiện, phươn gpháp truyền thông khác hiện còn đang được khai triển.

Gợi hứng cho đại kết, giảm bớt tội ác

Ngày Đức Bênêđíctô XVI rời Sydney, cũng là ngày báo chí, truyền thanh, truyền hình đua nhau binhìluận về sự thành công của WYD.

Sau khi tiễn biệt Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y George Pell đã tổ chức một cuộc họp báo tại Trung Tâm Truyền Thông Quốc Tế WYD ở Cảng Darling. Theo Đức Hồng Y, WYD đã mang lại vị thế mới cho Giáo Hội trong lãnh vực công. Như đối với vấn đề sự sống chẳng hạn, Đức Hồng Y cho hay công chúng sẽ sẵn sàng hơn để hiểu rằng “người Công Giáo chúng tôi có điều gì đó để nói về các vấn đề ấy và họ sẽ sẵn sàng lắng nghe chúng tôi một cách kính trọng”.

Đức HY G. Pell
Đức Tổng giám mục Sydney cũng nói thêm: “WYD đã chứng minh được rằng đại đa số người dân Úc rất cởi mở đối với điều chúng tôi muốn nói”.

Ngài cũng nhận rằng "Họ rất có thể bất đồng với chúng tôi, nhưng họ nhìn nhận chúng tôi là thành phần của chính dòng sinh hoạt Úc; các xem sét tôn giáo là quan trọng; con người cần ý nghĩa và mục đích; và một cách hết sức trổi vượt, người ta đã nhìn nhận sự cần thiết phải mở lòng cho đấng siêu việt”.

Theo Đức Hồng Y, “Trong quá khứ, người Công Giáo chúng tôi đã chỉ quá chú trọng tới chính mình. Giờ đây, chúng tôi nói rất rõ rằng mình có điều gì đó muốn cung hiến cho toàn bộ những người dân khác của Úc”.

Còn vị giám mục phụ tá của ngài là đức cha Julian Porteous thì nhắc tới lòng cung kính của giới trẻ suốt trong tuần lễ WYD mà ‘cao điểm’ là các buổi giáo lý vào buổi sáng trong đó các vị giám mục và giới trẻ trao đổi cho nhau những câu hỏi thưa hết sức ý nghĩa. Đức cha cho hay: “Mọi giám mục đều ghi nhận thái độ nghiêm chỉnh đáp ứng của giới trẻ trong các buổi giáo lý trên và nhất là trong các lúc thờ kính Thánh Thể và đi Đàng Thánh Giá. Giới trẻ hết sức chăm chú và tôn kính. Chúng ta thấy nơi người trẻ đang có một chiều sâu mới về cảm nghiệm Giáo Hội. Điều ấy khiến ta đầy hy vọng đối với hoa trái thu hoạch”. Đối với đức cha, biến cố tại Sydney đã chứng minh một lần nữa rằng WYD “quả có khả năng đầy hiệu quả lôi cuốn được người trẻ trên bình diện mục vụ và thiêng liêng”.

Đức cha cũng cho hay nhiều người trẻ nói với ngài rằng bài giảng của Đức Giáo Hoàng gây ấn tượng lớn nơi họ, trái với lời bình luận của một số báo chí cho rằng bài giảng ấy quá ‘thần học’ khiến giới trẻ không hiểu. Người trẻ ấy cho đức cha hay có thể vì tờ báo ấy không đồng điệu (tuned) với Đức Giáo Hoàng, nên không hiểu Ngài mà thôi. ‘Họ nghe Ngài bằng những lỗ tai khác”.

Trên đường ra phi trường về nước, đức ông Francis Kohn, giám đốc sở tuổi trẻ tại Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân cho hay ngài biết ơn nước tổ chức WYD. “Giiớ trẻ rõ ràng hạnh phúc và hài lòng. Các biến cố hết sức khích lệ và đầy đức tin. Tôi tin rằng chúng ta đã được chứng kiến một Lễ Ngũ Tuần mới trong thời gian này, và giới trẻ xem ra sẵn sàng đáp lại lời mời làm nhân chứng của Đức Giáo Hoàng. Bởi vậy, chúng tôi hết sức tán dương và phấn chấn về các hiệu quả mà biến cố này gây ra đối với họ và nhiều hoa trái sẽ xẩy ra”

WYD 2008
Giới trẻ không chỉ gây ấn tượng cho các nhà lãnh đạo Công Giáo mà thôi. HỌ còn gây ấn tượng tốt nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội khác nữa. Ông Andrew Scipione, Tổng uỷ viên cảnh sát Bang NSW, nói rằng về phương diện thống kê, tỷ lệ tội phạm trong tuần này là tỷ lệ thấp nhất trong thời gian dài gần đây. Ông cho rằng điều ấy do sự hiện diện của khách hành hương và bầu khí linh thiêng tổng quát. Ông cho Đài Sky News hay: số lượng cảnh sát phụ trội xem ra không cần thiết, vì khách hành hương có tác phong rất đàng hoàng, tử tế.

Alex Dorcas, chủ nhân một nhà hàng ở Macquarie Street, nơi giáo hoàng xa chạy qua, cho hay: biến cố WYD đã gợi hứng cho việc hiệp nhất, một nhận định chắc chắn Đức GH sẽ rất thích nghe. “Dù là người chính thống giáo, từ thái độ lịch lãm và ánh mắt của những người trẻ đến tiệm của tôi trong mấy ngày qua, tôi cũng thấy rằng đức tin quả đang sống động và sống rất mạnh, biến cố như thế này quả đem lại cơ may cho hiệp nhất. Mong sao mỗi tháng đều có một WYD”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày dành cho Mẹ của gia đình Mến Thánh Giá Huế
Nguyễn Ngọc Giáo
11:32 26/07/2008
Huế, Việt Nam (26/7/2008) - Một bông hoa được kết bằng dây ruy băng hồng, nằm trên Logo có biểu tượng hai bàn tay Đức Mẹ ôm choàng một bé thơ vào lòng, được cài lên áo các Nữ tu trong Ngày Dành Cho Mẹ của đại gia đình Mến Thánh Giá Huế.

TGM Huế khai mạc Ngày Hội Trống
Nhằm tôn vinh những người phụ nữ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ. Chiều ngày 25/7 nhân dịp lễ thánh Anna và Gioakim song thân của Đức Mẹ. Khoảng 600 Nữ tu Mến Thánh Giá Huế và gần 100 vị khách mời, đã tập trung trước sân trụ sở của hội dòng để tham dự ngày hội gia đình.

Theo ban tổ chức của Hội dòng cho biết, đây là lễ hội lớn để tạo sự hiệp nhất trong hội dòng Mến Thánh Giá Huế. Đức Tổng giám mục Huế, Đức cha phụ tá, cùng 20 linh mục đại diện các giáo xứ, nơi có các nữ tu Mến Thánh Giá phục vụ đã về tham dự

Chợ Quê ngày hội
Nữ tu Anna Trương Thị Kim Nhung, đã giải thích ý niệm về Ngày hội gia đình dành cho Mẹ, được các Nữ tu Mến Thánh Giá Huế, chọn mỗi năm một lần vào dịp lễ bổn mạng của chị Tổng bề trên cộng đoàn Mến Thánh Giá Huế. Chị nói rằng đây là dịp để chị em chúng tôi trong đại gia đình gặp nhau vì mỗi năm chúng tôi phải đi giúp các sở và giáo xứ.

Chị Kim Nhung, một trong 4 nữ tu đang giúp Sở Nhà Chung Huế cho biết vị bề trên của chị có tên thánh Anna đang điều hành một cộng đoàn có trên 500 nữ tu.

Thánh Anna đã sinh ra Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Kinh thánh kể rằng Đấng toàn năng đã thực hiện những điều kì diệu nơi Đức Maria vì Mẹ được mang thai cách lạ lùng bởi quyền năng Chúa Thánh Thần.

Vũ khúc Mẹ trăm con
Ngày Dành Cho Mẹ được bắt đầu từ ngày 25/7 đến 26/7. Các nữ tu trẻ được phân chia làm 3 nhóm có số lượng khác nhau: nhóm lo Chợ Quê ban chiều, nhóm lo về Văn nghệ buổi tối và nhóm lo về Thánh lễ buổi sáng.

Đức Tổng giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể và Đức cha phụ tá Huế Phaxicô Xavie Lê Văn Hồng đã khai trống cho ngày hội gia đình Mến Thánh Giá Huế.

Nhiều tiết mục diễn nguyện của các nữ tu nhằm chuẩn bị cho phần nghi thức khai mạc để tôn vinh Mẹ tại Linh địa La Vang trong kỳ đại hội này, cũng được vị đứng đầu Giáo phận phê duyệt như Tiếng Trống ngày hội, tiệc cưới Ca-na, Lòng Mẹ La Vang…

Đại hội La Vang lần thứ 28 với chủ đề ‘’ Đức Maria Nhà Giáo Dục Đức tin’’, sẽ có hàng trăm nghìn người tham dự, để tôn vinh và tạ ơn Đức Mẹ trong 3 ngày dành cho Mẹ từ ngày 13/8 đến 15/8/2008.
 
Văn Hóa
Phải đấu tranh bạn ơi!
Lê Dân Việt
20:16 26/07/2008
PHẢI ĐẤU TRANH BẠN ƠI!

Đất nước tôi, có trời cao gió lộng
Có anh hùng, vì nước đã lừng danh
Đã cứu nguy, dân tộc sống an lành
Rạng tổ tiên, sáng ngời cả Châu Á

Những anh hùng, vì giang sơn tất cả
Vì tổ tiên, đã ngưỡng phục kính tôn
Đuổi ngoại xâm, xây nước Việt trường tồn
Để quê hương, muôn đời luôn tỏa rạng

Tình giống nòi, là tình yêu lai láng
Quyết xông pha, để lấy lại thanh danh
Dù khó khăn, quyết chí, mộng sẽ thành
Dân tộc ta, gần trăm triệu khối óc

Quyết giữ gìn, giang sơn như bảo ngọc
Cho dù thân, có chịu ngàn gian nan
Đất, biển tổ, phải giữ cho vẹn toàn
Sống sứng đáng, cha anh dòng tuấn kiệt

Hỡi thanh niên, giòng giống của nước Việt
Hãy làm sao, cho đất nước phồn vinh
Đừng để Nước, kẻ ác làm lênh đênh
Hãy giữ nước, ta thề cùng nhắc nhớ

Để Việt Nam, sẽ vang danh muôn thuở
Không bao giờ, để cộng phá nát tương
Hỡi dân tộc, tất cả ở muôn phương
Hãy đứng lên, đừng để quê tàn lụi

Vì tổ quốc, nguyện hy sinh cho trọn
Đem thân này, xây đắp chữ tin yêu
Trừ khử đi, những lũ người gian, điêu
Đang đẩy dân, từ từ xuống huyệt lộ

Dân oan khổ, đầy đường, khắp mọi chỗ
Phải đấu tranh, để lấy lại huy hoàng
Cho dân tộc, bừng sáng trong vinh quang
Chống quỉ vương, trong ngoài tính toán kỹ

Toàn dân Việt, đều là những dũng sĩ
Quyết đứng lên, cứu dân Việt gian nan
Để danh Việt, lừng danh khắp vũ hoàn
Phải đấu tranh, chứ không thể câm họng

Cứu đất tổ, đó là điều hệ trọng
Cứu dân oan, cho đời hết tả tơi
Xây chân lý, tất yếu phải sáng ngời
Khử gian ác, hội tụ ta tìm đến

Vì Tiên Rồng, với lửa lòng yêu mến
Ta chăm lo, dân tộc sống bình yên
Quyết xây dựng, bờ cõi được vẹn nguyên
Triệu triệu người, ta lẫm liệt trung kiên

Phải đứng lên, không ngồi đó tự tại
Phất cờ vàng, toàn dân ta tiến lên.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Đôi
Lm. Tâm Duy
00:13 26/07/2008

HOA ĐÔI



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Đong đưa một ánh mắt nhìn

Cho trời nghiêng xuống, cho mình chung đôi…

(Trích thơ của Cát Nhu)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền