Ngày 26-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:50 26/07/2019

39. Đức hạnh đẹp của chúng ta thì ở tại lương tâm chân chính, chứ không phải ở tại những lời đường mật, tự cao tự đại.

(Thánh Cyprian)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:53 26/07/2019
77. NGƯỜI NGHÈO GIẶT ÁO

Có một người rất nghèo chỉ có một cái áo để mặc, mỗi lần giặt áo thì chỉ có cách là ngủ trên giường.

Có một người khách đến thăm anh ta thì gặp lúc anh ta giặt áo và ngủ trên giường, người khách hỏi con của anh ta:

- “Bố mày đâu ?”

Đứa con trả lời:

- “Ngủ trên giường”.

Khách nói:

- “Có bệnh gì vậy ?”

Đứa con trai quở trách khách:

- “Bố tôi giặt áo ngủ giường, cũng là có bệnh sao ?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 77:

Nghèo chỉ có một cái áo thì đúng là nghèo thật, nhưng cách đây hơn hai ngàn năm có một em bé mới sinh ra không có áo để mặc, chỉ được mẹ bọc trong khăn và đặt trong máng cỏ của lừa ăn, em bé đó là Giê-su –Đấng cứu độ chúng ta. Thời nay người nghèo nhất cũng có vài ba cái áo mới để mặc trong những ngày lễ tết, họ giàu có hơn Đức Chúa Giê-su rất nhiều.

Nhưng thời nay cũng có những người giàu có nhưng nghèo đến nỗi không có một cái áo để mặc cho tâm hồn, đó là cái áo bác ái. Bởi vì thân xác họ quá no đủ, cuộc sống của họ quá dư thừa, nên họ quên sắm cho tâm hồn mình một cái để mặc cho ấm tâm hồn mình và ấm lòng người nghèo chung quanh họ...

Đến ngày phán xét người giàu có sẽ trở thành người nghèo đáng thương hại nhất, bởi vì ngay cuộc sống ở đời này họ sợ tiếc tiền mà không sắm cho mình cái áo bác ái yêu thương, trái lại những người nghèo khó nhất –trong ngày phán xét- họ sẽ trở thành người giàu có nhất, bởi vì họ đã chia sẻ thân phận nghèo khó với Đức Chúa Giê-su trong cuộc sống mà không oán trời trách người.

Thà làm người nghèo chỉ có một cái áo để mặc nhưng có cái áo bác ái che chở cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, còn hơn làm người giàu mà không có gì để bảo đảm cho sự sống đời đời.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Cầu nguyện là cầu nối tình nghĩa
Lm Nguyễn Xuân Trường
22:09 26/07/2019
Trong đời sống tôn giáo, cầu nguyện thường được hiểu là cầu xin thần thánh ban cho mình những điều tốt lành may mắn theo ước muốn của mình. Như thế, cầu nguyện rất gần với cầu lộc cầu lợi cho mình. Tuy nhiên Lời Chúa tuần này mở ra cho chúng ta thấy cầu nguyện lại như chiếc cầu nối liên hệ tình nghĩa giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau.

1.Cầu nguyện chuyển cầu. Cầu nguyện giúp ta thoát khỏi giới hạn ích kỷ của bản thân để nối kết với tha nhân. Cầu nguyện không phải là chỉ nhằm xin cho riêng mình theo kiểu: Xin Chúa ban cho nhà con ăn nên làm ra, còn hàng xóm mặc mẹ cha chúng nó!hihii. Xin như thế thì chắc Chúa phải xin đầu hàng. Cầu nguyện chuyển cầu là cầu cho người khác, là mở lòng hướng tới người khác. Bài đọc 1 kể chuyện Apraham nài nỉ như mặc cả để cầu xin Chúa tha thứ cho dân thành Xơđôm; Phúc Âm kể chuyện chủ nhà đi xin bánh cho bạn; Và Chúa dạy các môn đệ cầu xin Chúa cho tất cả “chúng con” chứ không chỉ riêng “mình con”.

2.Cầu nguyện cầu chúc. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện do chính Chúa Giêsu dạy bắt đầu bằng những lời cầu chúc: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Những lời cầu nguyện nghe cứ như là những lời cầu chúc trong những dịp mừng vui, lễ tết. Nếu cầu xin là cầu mong lợi lộc cho bản thân mình, thì cầu chúc lại lại cầu mong điều tốt đẹp cho người ta gặp gỡ. Quả thật, kinh Lạy Cha là những lời chúc tụng ngợi khen con người dâng lên Thiên Chúa, là cầu nối để con người đi vào liên hệ với Chúa trong tình nghĩa thân mật Cha-con gần gũi.

Lạy Chúa, trong tình yêu hôn nhân gia đình, người ta luôn mong ước và sung sướng bày tỏ với nhau lời yêu thương: Anh yêu em; Con yêu mẹ; Bố yêu con… tất cả là “I love you”. Vậy thì, trong đời sống đạo, xin Chúa cho chúng con cũng luôn siêng năng cầu nguyện để bày tỏ tình nghĩa liên hệ Cha-con với Chúa, và liên hệ anh-em với nhau. Amen.

Bắc Ninh
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha bổ nhiệm một nhà báo làm Phó Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh
Đặng Tự Do
00:10 26/07/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một nữ ký giả người Brazil phục vụ tại Đài phát thanh Vatican, cô Cristiane Murray, làm Phó Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh. Việc bổ nhiệm cô Cristiane Murray diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Matteo Bruni bắt đầu nhận lãnh trách vụ Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào ngày 22 tháng 7.

Sinh năm 1962 tại Rio de Janeiro, Brazil, Cristiane Murray có bằng Quản trị Kinh doanh và Tiếp thị từ Đại học Công Giáo Rio. Cô gia nhập Vatican Radio vào năm 1995 và kể từ đó trở thành thành viên của chương trình hàng ngày hướng về Brazil. Cô cũng tham gia vào việc sản xuất các nội dung bằng tiếng Bồ Đào Nha, cho trang Facebook, Twitter, Instagram và YouTube của Bộ Truyền Thông Tòa Thánh.

Nhận được quyết định bổ nhiệm, Cristiane cho biết cô vô cùng xúc động: “Đối với tất cả các nhà báo và các đồng nghiệp của tôi tại Thánh Bộ Truyền thông, bổ nhiệm này thể hiện một dấu chỉ quan trọng công nhận giá trị các công việc hàng ngày của chúng tôi trong việc đưa thông điệp Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội đến với thế giới”.

Cô cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn cô cho nhiệm vụ quan trọng này. Cô cũng vô cùng biết ơn tổng trưởng Bộ Truyền Thông Paolo Ruffini, Giám đốc biên tập Andrea Tornielli, cũng như Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục nơi cô đã làm việc trong một năm qua để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Ngoại Thường Vùng Amazon.


Source:Vatican News
 
Nan đề của các tín hữu Kitô tại Mosul và vùng đồng bằng Nineveh
Đặng Tự Do
00:53 26/07/2019
Trong công cuộc giải phóng Mosul và vùng đồng bằng Nineveh, một lữ đoàn Kitô Giáo, gọi là Lữ đoàn Babylon, đã được hình thành để giải phóng các vùng lãnh thổ lọt vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Sau khi thành phố này được giải phóng, lữ đoàn này đã được giải tán. Tuy nhiên, Lực lượng Huy động Nhân dân của người Shiite không bị giải tán và ngày càng lớn mạnh.

Sau chiến thắng Mosul, Kitô hữu lũ lượt trở về cố hương, tái xây dựng lại cuộc sống. Tuy nhiên, theo thông tấn xã AsiaNews của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, các nguồn tin Giáo Hội trong vùng cho biết trong mấy tháng gần đây mỗi tuần có hàng chục gia đình Kitô hữu đã lặng lẽ dọn đi vì không chịu nổi những sách nhiễu gây ra từ các tiểu tổ nằm vùng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn còn sót lại. Họ cũng phải chịu cả những khó khăn gây ra từ các chiến binh trong Lực lượng Huy động Nhân dân của người Shiite.

Phong trào Al-Hashd Al-Shaabi, quy tụ các chính trị gia Kitô hữu, đang có ý muốn khôi phục lại Lữ đoàn Babylon để bảo vệ các Kitô hữu trong vùng.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Louis Sako cho biết ngài không tán thành ý kiến này:

“Thay vì hình thành một lực lượng dân quân Kitô giáo, chúng tôi khuyến khích các thanh niên của chúng ta tham gia vào quân đội chính thức Iraq và các ngành cảnh sát liên bang, trong khi những người trong các khu vực Kurdistan của Iraq nên tham gia vào quân Peshmerga của người Kurd.”

“Chúng tôi tôn trọng quyết định cá nhân tham gia vào phong trào Al-Hashd Al-Shaabi hoặc các tổ chức chính trị khác, nhưng tạo thành 'lữ đoàn' Kitô hữu thì không nên vì điều đó mâu thuẫn với tinh thần Kitô giáo là kêu gọi yêu thương, bao dung, tha thứ và hòa bình.”

Tuy nhiên, nếu không có một lực lượng nào bảo vệ họ, các Kitô hữu có lẽ sẽ sớm biến mất khỏi vùng phía Bắc Iraq.


Source:Asia News
 
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 bất ngờ rời Vatican
Đặng Tự Do
08:17 26/07/2019
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã rời Vatican hôm thứ Năm 25 tháng Bẩy để thực hiện một chuyến viếng thăm bất ngờ tới Castel Gandolfo.

Chuyến viếng thăm này là lần đầu tiên trong bốn năm qua. Ngài đã đi lại trên những con đường trong vườn nơi ngài thường cầu nguyện.

Sau đó, Đức Bênêđíctô XVI đã đến thăm Đền Thánh Tufo được xây dựng từ thế kỷ thứ 15 ở Rocca di Papa để cầu nguyện trước khi đến thị trấn Frascati trên đồi Alban bên ngoài thành Rôma.

Tại Frascati, Đức Bênêđíctô đã dùng bữa tối với Đức cha Raffaello Martinelli của giáo phận Frascati tại Tòa Giám Mục. Đức Tổng Giám Mục Georg Gaenswein, Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô và cũng là chủ tịch Phủ Giáo hoàng của Đức Phanxicô đã tháp tùng ngài.

Kể từ khi thoái vị vào ngày 28 tháng Hai năm 2013, Đức Bênêđíctô đã sống một cuộc đời cầu nguyện, và thỉnh thoảng gặp gỡ với người kế vị mình. Ở tuổi 92, ngài hiện đang cư trú trong tu viện Mẹ Giáo Hội trong nội thành Vatican, nơi thỉnh thoảng cũng có những vị khách đến dùng bữa sáng hoặc ăn trưa với ngài.

Trong triều giáo hoàng của mình, Đức Bênêđíctô XVI thường nghỉ hè tại Biệt thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, được công nhận là lãnh thổ của Tòa thánh nằm ngoài nước Ý theo Hiệp ước Lateranô năm 1929.

Biệt thự này là nơi cư trú mùa hè của các vị giáo hoàng kể từ triều đại của Đức Thánh Cha Urbanô VIII vào thế kỷ 17.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phá vỡ truyền thống này sau cuộc bầu cử vào năm 2013. Ngài chọn trải qua mùa hè trong nhà trọ Santa Marta của Vatican.

Năm 2016, biệt thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo đã được mở cửa cho công chúng vào xem. Du khách có thể thấy thư viện giáo hoàng, phòng làm việc riêng, ngai vàng, phòng trưng bày và nhà nguyện riêng trong dinh thự của giáo hoàng, cũng như phòng ngủ nơi hai vị Giáo Hoàng Piô thứ XII và Phaolô Đệ Lục đã qua đời.

Biệt thự cũng có một trang trại nhỏ do Đức Giáo Hoàng Piô XI tạo ra, nơi sản xuất trứng, sữa, dầu, rau và mật ong cho nhân viên hoặc bán trong siêu thị Vatican.

Trong thời gian lưu trú tại Castel Gandolfo vào tháng 7 năm 2011, Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI đã nói: "Ở đây tôi tìm thấy mọi thứ: núi, hồ và thậm chí cả biển; một nhà thờ đẹp với mặt tiền vừa được tân trang và những người tốt lành. Vì những lý do này, tôi rất vui khi được ở đây."


Source:Catholic News Agency
 
Giáo Hội Công Giáo Cuba hoan nghênh lệnh ân xá cho 2.604 tù nhân.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
08:34 26/07/2019
Ủy ban quốc gia về mục vụ nhà tù của Hội đồng Giám mục Công Giáo Cuba, cùng với các Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, "chia sẻ hạnh phúc của các gia đình vui mừng và cảm kích chào đón 2.604 người được ân xá bởi Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Cuba". Cơ quan Agenzia Fides đã nhận được thông báo này từ Đức Cha Jorge Enrique Serpa Pérez, nguyên Giám mục của Pinar del Río, Chủ tịch Ủy ban.

Theo những hướng dẫn của Hiến pháp mới Cộng hòa Cuba ủng hộ việc tái hòa nhập những người bị giam giữ vào xã hội, Hội đồng Nhà nước đã ân xá cho 2.604 bị lên án với hình phạt tước quyền tự do. Những người hành xử tốt trong thời gian bị giam cầm sẽ được hưởng ân xá. Ngoài ra, thời gian trôi qua kể từ khi các lệnh trừng phạt, sự kiện họ bị kết án, tuổi tác và bệnh tật mà một số người mắc phải đã được xem xét. Đặc biệt bao gồm phụ nữ, người trẻ và người già. Trong mọi trường hợp, đây là những người đã chấp hành ít nhất một phần ba hình phạt do Toà án áp đặt.

"Ân xá, tự nó là một cử chỉ nhân đạo của lòng thương xót - thông báo của Ủy ban viết- cho thấy điều này, vượt trội hơn sự thù địch, ủng hộ sự tái hòa nhập vào xã hội của những người được hưởng lợi từ nó và tạo ra một xã hội cùng tồn tại tốt hơn, theo những gì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dạy chúng ta trong Năm của Lòng thương xót và trong chuyến viếng thăm không thể quên của Ngài đến đất nước của chúng ta vào tháng 9 năm 2015, với tư cách là một Người hành hương của Lòng thương xót".

Cuối cùng, thông báo nhấn mạnh rằng sự ân xá này tạo "dịp để cảm hóa các cộng đồng theo hướng xoay chiều và hỗ trợ nhiều hơn cho cam kết cụ thể về chăm sóc mục vụ nhà tù, dựa trên lời dạy của Chúa Giêsu: Tôi là tù nhân và bạn đã đến thăm tôi".

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Caritas Bangladesh di đời người dân bị ảnh hưởng bởi những cơn mưa gió mùa.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:52 26/07/2019
Những cơn mưa gió mùa tiếp tục ảnh hưởng đến hầu hết đất nước Bangladesh, đặc biệt là khu vực miền trung bắc và đông nam. Khu vực Cox’s Bazar, chỗ ở của hơn một triệu người tị nạn Rohingya, mưa hơn cả một tháng. Trung
tâm Thi hành Y tế Khẩn cấp và Phòng Kiểm soát của Tổng cục Y tế báo cáo rằng, sau hai tuần mưa gió mùa, lũ lụt nghiêm trọng đã khiến ít nhất 90 người chết, hơn 1.500.000 người phải di dời và 3,5 triệu người đã bị ảnh hưởng.

Caritas Bangladesh viện trợ cho người dân Kazipur Upazila ở Sirajganj, giáo phận Rajshahi. Ông Sukleash George Costa, giám đốc khu vực của Cartas Rajshahi, nói với Fides: "nhiều người trong vùng bị ảnh hưởng bởi trận lụt và bị thiệt hại. Cho đến nay, Mỗi gia đình đã nhận được 10 kg gạo, 2 kg đậu, 1 kg muối, 1 kg lít dầu đậu nành và tiền mặt cho 400 gia đình.

Bangladesh, có dân số là 160 triệu người và hơn 130 dòng sông, dễ bị lũ lụt do gió mùa vì dòng sông tràn và dòng nước chảy mạnh từ thượng nguồn Ấn Độ. Quốc gia vùng thấp cũng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, đang dần đẩy mực nước biển lên cao. Bangladesh là một quốc gia chịu thảm họa môi trường gây ra nhiều thiệt mạng hàng năm.

(Nguồn Agenzia Fides)
 
Đức Thánh Cha ngạc nhiên và vui mừng trước trò “Ảo Thuật Truyền Giáo” của một linh mục ảo thuật gia
Đặng Tự Do
19:15 26/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Một linh mục có tài làm ảo thuật biểu diễn cho Đức Thánh Cha Phanxicô xem cách ngài truyền bá Tin Mừng

Noi gương cha thánh Gioan Bosco, đấng sáng lập ra dòng Salêsiêng, cha Jose Luis Gonzalez Santoscoy, thuộc Tổng giáo phận Guadalajara đã học cách làm ảo thuật để thu hút người trẻ. Ngài nổi tiếng đến mức đã được Đức Thánh Cha Phanxicô mời sang Vatican biểu diễn cho ngài xem.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh tượng thú vị diễn ra tại nhà nguyện Santa Marta nơi Đức Giáo Hoàng sống.

Cha Gonzelez đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng làm theo và trả lời các câu hỏi của ngài, khi cha thực hiện trò ảo thuật có tên gọi là “Trái tim ma thuật”.

Cha Gonzalez bắt đầu trò ảo thuật với hai trái tim bằng giấy. Cha đưa cho Đức Giáo Hoàng một cái và một cái cầm trên tay mình.

Cha hỏi Đức Giáo Hoàng một số câu hỏi giúp minh họa thông điệp của trò ảo thuật này.

- Thưa Đức Thánh Cha, những gì có thể làm tan nát một trái tim con người.

- Ganh ghét, ghen tị, và tin đồn. Đức Giáo Hoàng trả lời.

Và với mỗi câu trả lời về những lý do gây ra đau khổ trong tâm hồn, băng hoại con tim, Đức Giáo Hoàng và cha Gonzalez cùng xé nát trái tim giấy thành từng mảnh.

Cuối cùng ngài hỏi Đức Thánh Cha những gì có thể chữa lành và làm mới một trái tim. Đức Thánh Cha trả lời rằng đó là lòng ăn năn thống hối, sự khiêm nhường, tinh thần phục vụ và nhất là để cho mình được Chúa Giêsu chạm đến.

Cha Frale Gonzalez gấp những trái tim rách nát thành một quả bóng nhỏ, vừa nói:

“Chúa Giêsu muốn chữa lành tâm hồn chúng ta, làm mới trái tim chúng ta qua tác động của ân sủng Ngài và lời cầu nguyện của chúng ta.”

Nói xong ngài mở quả bóng giấy ra, trước sự kinh ngạc của Đức Giáo Hoàng, hai quả tim bằng giấy rách nát giờ đây lại nguyên vẹn như trước.

Trong nhiều dịp khác nhau, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích người Công Giáo nên có óc sáng tạo, vui vẻ và hoạt bát trong các phương pháp truyền giáo.


Source:Aleteia
 
Bạo tàn: Rodrigo Duterte chửi thề và truy tố hai vị Tổng Giám Mục Phi Luật Tân
Đặng Tự Do
23:26 26/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm thứ Năm, cảnh sát Phi Luật Tân đã đệ đơn tố cáo và khiếu nại hình sự chống lại phó tổng thống, ba thượng nghị sĩ phe đối lập, hai Giám Mục Công Giáo và một số những nhà đối lập thường lên tiếng phê bình Tổng thống Rodrigo Duterte. Những vị vừa nêu bị cáo buộc gây bất ổn cho chính quyền và kích động bạo loạn.

Các vị Giám Mục Công Giáo bị khởi tố bao gồm Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas, Đức Tổng Giám Mục Pablo David. Bên cạnh đó còn có Thầy Armin Luistro, Giám Đốc Đại Học De La Salle và cũng là Tổng Thư Ký Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân.

Tổng thống Rodrigo Duterte là một tên ngông cuồng, trịch thượng, không có tư cách. Trong chương trình truyền hình hôm thứ Ba 2 tháng Tư, ông ta chửi thề và gọi Đức Tổng Giám Mục Pablo David, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, là “con trai của một con đĩ”.[1]

Cao điểm của các cuộc hành quân cảnh sát chống ma túy đã diễn ra từ 1 tháng Bẩy 2016 đến 30 tháng Tám 2018 với kết quả là 22,983 người bị giết trong các trường hợp không minh bạch. Đó là con số do chính cảnh sát Phi Luật Tân công bố [2].

Nhiều người bị giết trong đêm bởi những kẻ bịt mặt. Nhiều người bị cảnh sát đưa đi và giết chết sau khi tạo dựng các hiện trường giả vu cáo họ chống lại các lực lượng thi hành pháp luật. Hàng chục ký giả cũng bị giết.

Chính vì thế, hàng giáo phẩm Công Giáo kiên quyết chống lại đường lối chống ma túy của tổng thống Rodrigo Duterte. Các ngài tố cáo rằng thực tâm của cuộc chiến này là nhằm làm im tiếng những người đối lập hơn là chống ma túy.

Người ta cũng cảm thấy kinh ngạc khi trong danh sách những người bị tố cáo có cả Phó Tổng thống Leni Robredo.

Phó Tổng thống Leni Robredo và những người khác từ lâu đã bác bỏ các cáo buộc từ một nghi phạm từng bị giam giữ trước đây cho rằng các vị bị tố cáo đã từng hoạch định các âm mưu cùng với anh ta.

Bộ Tư pháp cho biết họ đã nhận được các khiếu nại từ Cơ quan Phát hiện và Điều tra Tội phạm của cảnh sát quốc gia Phi Luật Tân.

“Tôi sẽ triệu tập ủy ban điều tra của công tố viên chính phủ vào ngày mai,” Bộ trưởng Tư pháp Menardo Guevarra nói với tờ The Associated Press. “Họ có thể bắt đầu đưa ra các trát lệnh cho những người bị tố cáo vào tuần tới.”

“Không giống như tổng thống Duterte, phó tổng thống Robredo không có quyền miễn trừ hiến pháp,” ông Guevarra nói.

Nhóm “Liên minh các luật gia vì dân”, một nhóm chuyên chỉ trích Duterte, nói rằng trò mới này của tổng thống là một thủ đoạn “đàn áp chính trị và bắn thẳng vào mặt những người đối lập ở cự ly gần bằng cách sử dụng một lần nữa hệ thống pháp luật như một vũ khí chính trị bạo tàn thông qua pháp luật của nhà cầm quyền.”

Tại Phi Luật Tân, tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng rẽ. Phó tổng thống Robredo là người từ lâu đã chỉ trích Duterte về cuộc đàn áp đẫm máu trong chiến dịch chống ma túy bất hợp pháp. Ông là người có khả năng đắc cử tổng thống nhất nếu Duterte không được tái đắc cử vào năm 2022.

Phó Tổng thống Leni Robredo đã nhiều lần thề rằng việc đầu tiên một khi được đắc cử tổng thống là bắt giam Duterte, là người có thể bị xét xử về các tội ác chống nhân loại.


Source:Crux Now

[1] Bishop David defends mom after Duterte calls him 'son of a whore' -

[2] HumanRights Watch- Philippines Events of 2018
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng Tổng Giáo Phận Huế Tổ Chức Khóa Huấn Luyện “Tác Viên Tin Mừng”
Trương Trí
08:37 26/07/2019
Sáng ngày 24 tháng 7, tại Đại Chủng viện Xuân Bích Huế, Ủy ban Loan báo Tin Mừng đã khai mạc khóa huấn luyện “Tác viện Tin mừng” cho gần 100 học viên đến từ các giáo xứ và Hội Đoàn Công Giáo Tiến hành thuộc Giáo phận Huế.

Khóa huấn luyện diễn ra trong 3 ngày 24-25-26 tháng 7 do các giảng viên là quý thầy và quý Sơ trong Ban Giảng huấn đến từ Giáo phận Xuân Lộc, với chủ đề “Được Rửa tội và được Sai đi”.

Xem Hình

Mở đầu ngày Khai mạc, linh mục Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung, Phó ban Loan báo Tin mừng Tổng Giáo phận Huế giới thiệu linh mục Phanxico Xavie Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Loan báo Tin mừng của Giáo phận; Ban Giảng huấn gồm: Nữ tu Catarina Lê Thị Sự thuộc dòng Saint Paul, Trưởng Nhóm; Nữ tu Anna Maria Nguyễn Thị Hường thuộc dòng Đa Minh Tam Hiệp; ông Vinh Sơn Maria Vũ Đình Trung.

Thánh lễ khai mạc khóa huấn luyện do linh mục F.X. Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Loan báo Tin mừng của Giáo phận chủ tế, cùng đồng tế có quý linh mục trong Ban Loan báo Tin mừng các Giáo hạt.

Linh mục chủ tế nhấn mạnh mục đích của Thánh lễ Khai giảng là Cầu nguyện cho việc Loan báo Tin mừng của Giáo phận và xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho anh chị em Học viên tham dự khóa học.

Với việc tìm hiểu và học hỏi về vai trò và chức năng của mỗi một Tác viên Tin mừng trong môi trường sống Đức Tin và Loan báo Tin mừng.

Mặc dù chương trình học liên tục trong 3 ngày đêm, nhưng với những đề tài thu hút sự quan tâm của học viên, và nhất là sự động viên hàng ngày của quý Cha Trưởng và Phó ban Loan báo Tin mừng, các anh chị em học viên chú tâm học hỏi để có thể áp dụng vào cuộc sống, đồng thời cũng sẽ xứng đáng là những thành viên nhiệt thành của Ủy ban Loan báo Tin mừng.

Kết thúc khóa học là Thánh lễ Bế mạc vào lúc 15 giờ chiều ngày 26/7 do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế chủ tế.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục dâng lên Thiên Chúa tất cả những gì anh chị em học viên đã nhận được trong suốt 3 ngày học vừa qua, sẽ trở thành động lực và niềm hăng say trong việc Loan báo Tin mừng. Để Nước Chúa được lan rộng hơn, sâu hơn hiện nay.

Sau Thánh lễ, linh mục F.X. Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Ủy ban Loan báo Tin mừng và toàn thể học viên cảm ơn sự quan tâm lo lắng của Đức Tổng đối với công cuộc Loan báo Tin mừng, cũng như công việc học hỏi trong những ngày qua. Đức Tổng dù bề bôn công việc nhưng hôm nay đã chủ tế Thánh lễ Bế giảng và chủ sự Nghi thức Sai đi cho gần 100 học viên. Ngài cũng ngõ lời cảm ơn Ban Giảng huấn và đặc biệt cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Cha Giám đốc Hội Giáo hoàng Truyền giáo Gieronimo Nguyễn Đình Công và Cha Trưởng ban Tác viên Tin mừng Giáo phận Xuân Lộc Đaminh Trần Xuân Thảo. Cảm ơn Cha Giám đốc Đại Chủng viện và quý Cha trong ban Giám đốc đã tạo điều kiện cho việc ăn ở và học hỏi trong những ngày qua. Ngài cũng cảm ơn quý ân nhân đã giúp đỡ cho khóa huấn luyện được diễn ra tốt đẹp.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục chủ sự Nghi thức Sai đi và trao Chứng chỉ cho các học viên đã hoàn thành khóa học.

Trương Trí
 
Giáo Phận Đà Nẵng Mừng Kính Chân Phước An-rê Phú Yên và Đại Hội Giáo Lý Viên năm 2019
Tôma Trương Văn Ân
15:42 26/07/2019
Nhân kỷ niệm 375 năm Ân phúc Tử Đạo (Tuẫn Đạo) (26/7/1644 – 2019) và hướng tới mừng 20 năm, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II Tôn phong Chân Phước (5/3/2000 - 2020) An-rê Phú Yên.

Xem hình ảnh

Giáo phận Đà Nẵng đã làm tuần cửu nhật (9 ngày) “để cầu xin Chân Phước Anrê Phú Yên đồng hành và giúp mỗi người biết noi gương Chân Phước hăng say loan truyền Tin Mừng Tình Yêu và trung kiên theo Chúa Giêsu, hiến mạng sống đáp trả lại tình yêu cho đến hết hơi cho đến trọn đời” (trích tài liệu làm Tuần cửu nhât). Cùng trong sự kiện này, lúc 19 giờ ngày 25/7/2019, tại Trung tâm hành hương Đền Thánh An-rê Phước Kiều, một Chương trình Diễn nguyện - Thánh ca của giới trẻ Giáo phận với chủ đề : “Tình yêu đáp đền tình yêu”. Có 15 tiết mục ca múa, hoạt diễn…. ca từ và tâm tình là lời tạ ơn, cầu xịn các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, cách riêng Chân Phước An-rê Phú yên chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho mỗi người Tín hữu, biết noi gương Cha ông sống chứng nhân giữa đời, hăng say loan truyền Tin Mừng tình yêu, hy sinh dẫu phải chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống Đức tin.

I. Đại Hội Giáo Lý Viên Giáo phận Đà Nẵng, năm 2019.

Lúc 8 giờ ngày 26/7/2019, trong ngày mừng Lễ Chân Phước An-rê Phú Yên – Bổn mạng Giáo lý viên, có hơn 300 Giáo lý viên tham dự Đại Hội do Ban Giáo lý Đức tin Giáo phận tổ chức với Chủ đề: “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu, lấy mạng sống đáp đền mạng sống”.

Giáo lý viên đã cùng nhau học hỏi, chia sẻ đời sống Đức tin, kinh nghiệm sống Đức Tin, loan truyền Đức tin qua việc dạy Giáo lý cho anh chị em… những khó khăn trong công việc dạy Giáo lý, về nội dung và phương pháp truyền đạt. Những tác động tiêu cực từ các phương tiện công nghệ, mạng Internet, smartphone cuốn hút giới trẻ, làm cho giới trẻ xao lãng việc học Giáo lý; các xung đột tư tưởng một số vấn đề về luân lý xã hội đi ngược lại Giáo huấn của Giáo Hội như phá thai, li dị, hôn nhân đồng tính… Các Anh chị Giáo lý viên cũng kiến nghị Ban Giáo lý của Giáo phận có Chương trình Dạy Giáo lý chung theo từng độ tuổi. Nguyện vọng được thường huấn thường xuyên giúp nâng cao kiến thức Giáo lý, tâm tình và nhiệt huyết cho Giáo Lý viên kết hợp Hoạt náo viên nhằm hỗ trợ cho việc dạy Giáo lý.

Ban Giáo lý Giáo phận đã tặng sách Sư Phạm Giáo lý, sách Giáo Lý Viên – Con Người Hiệp Thông và những tài liệu quí, giúp đào tạo sâu xa về Thần học, Mục vụ cho người Giáo lý viên và giúp nhiều kiến thức bổ ích, hướng dẫn qui tắc, lộ trình dạy Giáo lý…..nhằm hỗ trợ cho các Giáo lý viên trong việc dạy và học Giáo lý.

Trong dịp này, Ban Giáo lý “ra mắt” anh chị Giáo lý viên. Trong Ban Giáo lý, Cha Trưởng Ban- Phê-rô Trần Đức Cường – Quản xứ Chính Tòa. Cha Phó Ban – Gia-cô-bê Lê Quý Đạt – Quản xứ An Hòa với sự cộng tác của 3 Nữ tu, 6 Giáo Dân. Cha Trưởng Ban cũng mời Quý Cha Linh hướng của các Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, Hùng tâm dũng chí và một số Linh mục Tu sĩ chuyên viên, làm thành viên của Ban Giáo lý Giáo phận.

Đức Giám Mục Giáo phận đã đến huấn từ và chia sẻ niềm vui gặp gỡ của anh chị Giáo lý viên, Đức Cha nói đến những hy sinh khó khăn trong việc dạy Giáo lý của Anh chị Giáo lý viên. Nhưng nhờ Ơn Chúa và sự dấn thân, Giáo lý viên vẫn luôn vững bước vượt qua thử thách, hoàn thành Sứ vụ Thiên Chúa giao phó : đem Lời Chúa đến cho anh chị em. Đức Cha có lời động viên Sự cộng tác và đồng trách nhiêm của Giáo Lý viên với hàng Giáo sỹ trong công việc loan báo Tin Mừng.

Trước lúc kết thúc Đại Hội, một Đại diện Giáo lý viên có lời cám ơn Đức Cha, Cha Trưởng và Phó Ban Giáo lý, cám ơn các thành viên của Ban Giáo lý, Quý Thầy, Quý Sơ và những người đã cùng cộng tác cho ngày Đại Hội Giáo Lý viên Giáo phận Đà Nẵng được thành công tốt đẹp trong ý Chúa.

II. Giáo Phận Đà Nẵng hành hương Đền Thánh An-rê Phứ Yên Phước Kiều:

Lúc 16 giờ ngày Lễ Kính Chân Phước An –rê Phú Yên, Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận đã chủ sự nghi thức làm phép Nhà hành hương, nhà Mục vụ và Thánh tượng An-rê Phú Yên mới cao 1,4m tại Đền Thánh. Nhà hành hương là công trình của niềm tin, của sự cộng tác từ nhiều Ân nhân, công trình của Lời cầu nguyện cộng đoàn, sự hy sinh rất nhiều của Cha Giuse Nguyễn Thanh Tùng – Quản nhiệm Đền Thánh và Giáo dân tại Giáo họ Phước Kiều. Ngôi Nhà hành hương là nơi dừng chân của các Đoàn hành hương khi đến Đền Thánh.

Tiếp đó, Đức Cha, Quý Cha, Quý Đại diện Giáo xứ trong Giáo phận, Đại diện các Đoàn thể, đại diện Giáo lý viên, quý Tu sĩ cùng tham dự nghi thức xông hương Thánh tích (gồm 3 sợi tóc), với hồi trống chào mừng, và đoàn rước trọng thể Thánh tích của Chân Phước An-rê Phú Yên từ trung tâm đón tiếp đến Lễ đài tại Đền Thánh. Cộng đoàn phụng vụ hân hoan tham dự Thánh Lễ mừng Kính Chân Phước An-rê Phú Yên.

Trong bài giảng, Đức Cha Chủ tế sơ lược Lịch sử Giáo Hội qua nhiều thời kỳ, những giai đoạn Giáo Hội bị bách hại nặng nề, với gần 300 năm, Giáo Hội có hơn 130.000 Chứng nhân đã hy sinh Tuẫn Đạo (chết vì Đao). các Vị Anh hùng Tử Đạo đã dám sống cho tình yêu, xác tín vào tình yêu Chúa Ki tô, chia sẻ niềm tin cho anh chị em, sẵn sàng hy sinh chết cho niềm tin… Các Ngài Không chống lại vua quan chính quyền đương thời, nhưng các Ngài đã sống trọn Đạo Chúa, vì Đạo Chúa hiến thân.

Sau Lời Nguyện hiệp lễ, Cha Bonaventura Mai Thái – Tổng Đại diện, Trưởng Ban tổ chức, đã có lời cám ơn Đức Cha đã Chủ sự Thánh lễ và ban Phép lành Tòa Thánh cho cộng đoàn tham dự, Cha đã cám ơn Cha Giuse- Quản nhiệm Đền Thánh, Quý Cha, Quý Giáo xứ Hòa Khánh trong vũ khúc Các Thánh Tử Đạo hào hùng đầu Thánh lễ, Ca đoàn Giáo xứ An Hòa, các Giáo xứ đã cộng tác trong phụng vụ, trật tự …. Cha đã có lời cám ơn Chính Quyền, Ban Truyền thông, Ban Âm thanh ánh sáng, các Đoàn thể Giúp trật tự. Cha Tổng đã có lời cám ơn các Giáo xứ, Ân Nhân, cá nhân và tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau đã cùng cộng tác trong Chương trình Diễn nguyện Thánh Ca đêm 25 và ngày hành hương Giáo phận 26/7/2019 được mọi sự tốt đẹp.

Trước lúc ban Phép lành Tòa Thánh trọng thể với Ơn Toàn xá, một lần nữa Đức Cha có lời cám ơn Cha Giuse Quản nhiệm, đã dành tâm huyết tôn tạo Đền Thánh ngày càng khang trang đẹp xứng tầm trung tâm hành hương của Giáo phận. cám ơn Cha Tổng Đại diện – Trưởng ban tổ chức. Tạ ơn Chúa và cám ơn nhau.

Cộng đoàn tham dự đón nhận nghi thức Sai đi, với nến sáng trên tay, Người Tín hữu được sại đi giữa dòng đời, trong đời sống, trong môi trường mình đang sống và làm việc, dùng chinh đời sống Đạo, đời sống hiền hòa yêu thương làm chứng nhân Đạo Chúa – Đạo của yêu thương cho anh chị em nơi mình đang sống và làm việc.

“Lạy Chúa, xin cho mỗi người, cách riêng các giáo lý viên và các bạn trẻ, ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù nơi bị cấm cách, hay trong xã hội tân tiến với nhiều quyến rũ, biết noi gương Chân Phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên, hăng say loan truyền Tin Mừng Tình Yêu và Hòa Giải và trung kiên theo Chúa Giêsu, hiến mạng sống đáp trả lại tình yêu của Ngài”. (Lời Nguyện Giáo Dân Thánh Lễ Tôn Phong Chân Phước Anrê Phú Yên tại Công Trường Thánh Phêrô, Vatican 5.3.2000)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Dân ta ơi !
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
22:04 26/07/2019
Trận mưa chiều nay còn lớn hơn hôm qua. Tia nắng cuối cùng còn chưa kịp chạy trốn, thì bỗng dưng tận ở đâu, mưa ào ào đến. Chẳng bao lâu mà mọi thứ nhạt nhòa, sũng nước. Từng giọt, từng giọt, tham lam nối tiếp nhau thành những vệt tưởng như dài mãi, dài mãi khó dứt.



Trận mưa chiều còn mang theo cả gió. Những cơn gió giật tung cái nón trên đầu, hàng cây bên kia đồi cỏ ngả nghiêng như sắp đổ.

Ở phía chân trời nổi lên những vệt sáng ngoằn ngoèo chạy dài giữa không trung rộng lớn. Ngay sau ánh chớp là những tiếng nổ rền, nghe mà như muốn thót tim...

Cứ ngỡ cơn mưa chiều đến đường đột và lẳng lặng, sẽ chẳng có gì lớn lao, ai ngờ nó lại mạnh mẽ thế...

Ta từng đi dưới những cơn mưa. Và ta luôn ý thức: Mưa không chỉ mang trong lòng nó những điều đáng yêu và lãng mạn... Bởi đã biết bao nhiêu lần, mưa làm lòng ta thổn thức. Mưa làm ta xót xa. Mưa trút vào hồn ta những niềm thương vô hạn...



- Ta đã từng xúc động khi đến thăm những anh chị em từ miền ngoài đến Bình Mỹ, Củ Chi trồng rau muống. Trong số họ, mới chỉ một ít gia đình có nhà cửa đàng hoàng để trú ngụ, số lớn còn lại, vẫn phải sống tạm trong những căn chòi ở giữa mảnh ruộng rau mênh mông. Trời mưa tới, nước lùa vào tứ phía...

- Ta thương lắm những người lao vào màn đêm để kiếm sống. Giữa lúc mọi người đang ngon giấc, có khi mưa, có khi sương lạnh, có khi đầy gió rét, thậm chí bị cả những quan chức giao thông trong đêm sách nhiễu và mãi lộ, họ vẫn phải lặn lội, lầm lũi để sáng hôm sau còn có chén cơm, manh áo cho gia đình, có đủ học bỗng cho con đến trường...

- Ta thương những anh chị em phải chui rúc vào những căn nhà trọ ọp ẹp trên mãnh đất Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn... Có những nơi mưa làm ngập nước từ ngoài đường vào tận chân giường ngủ...

- Đã có gia đình, vì cha mẹ mải đi làm công nhân từ sáng sớm đến chiều tối, có khi tăng ca đến khuya khoắc, đứa con bé mới năm, sáu tuổi được giao cho thằng anh mới chín, mười tuổi trông coi.

Thằng anh còn "ăn chưa no, lo chưa tới" thì làm sao có thể trông em. Vì thế đã có những rủi ro đau đến nỗi không thể nói hết: Thằng anh mải chơi, còn đứa em bị nước mưa cuốn trôi mất tự lúc nào. Đến khi nước rút, đứa em chỉ còn là cái xác cứng đờ nằm lẫn trong rác dưới con mương đầy mùi hôi...



- Ta thương những gánh hàng rong ven đường. Những lúc mưa tầm tả, ế ẩm, các chị, các mẹ, các ngoại gánh đến oằn lưng. Miệng mời những người trú mưa bên hiên một ngôi nhà vắng mua một cái bánh bò, một bịch chè nguội mà đôi mắt như chực trào những giọt tủi, giọt xót...

- Ta thương trong đám mưa bay giữa trưa, người đàn ông tật nguyền, phông phênh chiếc áo mưa mỏng dính, chiếc nón trên đầu không thể che kín mặt, lết thoăn thoắt đến góc ngã tư, chìa xấp vé số mời những người đang dừng chờ tín hiệu giao thông, dù đôi môi xám ngắt và ngón tay nhăn nheo vì thấm nước, vẫn không thiếu nụ cười, tuy nét tươi của nó có bị gió lạnh cướp đi phần nào.

- Ta thương những con người, mà trong đó không ít những em bé sớm lăn lộn với đời, phải bới móc trong những thùng, những hố rác đầy đủ mọi thứ tanh hôi, ô nhiễm, để có thể có được vài đồng còm cõi nuôi thân. Những ngày mưa, những con người xấu số kia, bị mọi thứ dơ bẩn biến thành bùn nhuộm đen khắp thân thể.



- Khi ta ghé vào khu chợ, không phải để mua hàng cho bằng lấy cớ nhìn lại nơi mà gần 30 năm về trước, người cô của ta, đã từng một thời buôn bán ở đây để cưu mang ta.

Dù cô đã vĩnh viễn ra đi, dù tất cả những người trong chợ đều lạ hoắc, ta vẫn thấy như bóng hình cô đang hiện diện ở quầy hàng kia.

Nhớ những chiều của những ngày xa xưa ấy, mỗi khi trời âm u sắp đổ mưa, cô lại giục ta về nhà, sợ thằng cháu vì thương cô mà mắc mưa, rồi ốm đau, có thể phải bỏ việc học...

Chỉ mỗi mình cô hết ngày này đến năm khác chịu thương, chịu khó lao tác cùng mưa nắng cuộc đời và mưa nắng của thời tiết...



- Những con cò trắng, dường như cũng cảm thông dáng liêu xiêu hao gầy của những chị, những mẹ trên cánh đồng gió lạnh và mưa lất phất bay, nên hết ngiêng cổ nhìn, lại cúi xuống lấy chiếc mỏ dài quắp từng con cá bơi ngang ô ruộng ngập nước chạy dọc bờ đê gầy guộc.

Còn các mẹ, các chị, dù mệt, vẫn thi gan cùng những giọt nước mong manh nối trời với đất, cố cấy cho xong những bó mạ non vừa nhổ sáng nay...



- Ta thương lắm người ăn xin quen thuộc ở góc ngã tư có chốt đèn giao thông xanh đỏ. Hình như người cảnh sát áo vàng kia cũng không nỡ đuổi, bởi cô cứ hay chồm ra mép đường chìa chiếc nón lá rách nát, làm vướng hàng hàng lớp lớp xe cộ và vướng chân anh ta đang làm việc.

Những buổi mưa, có khi nặng hạt, có khi lất phất bay, người ăn xin lại thu mình trong góc ngoài hiên của cái ki - ốt chẳng sang, nhưng cũng khá đẹp, lại chẳng đủ che cho khỏi ướt cả thân người...

Vậy đó, mưa có lúc dễ thương, Vì thế, có lúc ta yêu mưa, yêu nhiều. Mưa mang lại sức sống cho từng chồi cây, ngọn cỏ, góp phần cho cả nhân loại được sống, và sống bình yên, dịu mát...

Nhưng nhiều lần mưa trở nên tàn nhẫn, dễ ghét. Nhất là những khi mưa bỏ quên những thân phận người thống khổ, đầy lặn lội, đầy thương, đầy khó.

Vì thế, trong ta có mâu thuẫn lạ: yêu mưa và cũng ghét mưa. Dẫu vậy, ta vẫn biết, mưa mãi là mưa, ngàn năm đi qua và muôn đời vẫn thế, bất chấp mọi sự thay đổi, mưa có bao giờ đổi thay? Ghét hay thương chỉ là tình cảm con người mà thôi.

Ta ước mong, sẽ có một ngày, mọi người dân ta không còn cảnh thống khổ, bất hạnh, nhưng luôn vui tươi, an bình.

Ta ước mong trên quê hương mà ta tha thiết yêu thương và vô vàn gắn bó, sẽ không còn một người nào của dân ta phải nhuộm sương pha gió, sẽ không còn một hoàn cảnh nào phải khiến người khác xót xa, thương cảm.

Ta mong một ngày, những cơn mưa chỉ trao cho người nỗi vui, niềm thương, lòng thanh thản, sức sống mãi vươn tới, và đầy ắp hoa trái yêu thương, nghĩa nhân và tương thân, tương ái.



Ta mong bình minh mỗi sớm mai sau đêm dài, sẽ là ngọn nắng ấm rạng rỡ, đổ xuống, không phải chỉ vạn vật chung chung, nhưng là tâm hồn từng người dân, những khởi đầu của ngày: sức sống, sự sáng tạo và trí tuệ. Nhờ đó, mọi lao tác bớt nhọc nhằn, mọi giọt mồ hôi rơi xuống mang về sự thắng lợi, thành công và giàu có.

Và nếu có những chiều mưa, sẽ là những hạt ngọc rơi xuống giữa đời những niềm thương, những an lành, những xênh xang quý phái, những vồn vã của ánh sáng thanh bình cuộn tới, làm trôi đi, trôi hết mọi nhọc lao, đau khổ, gánh nặng và xót thương...

Ôi ta mong biết bao, sẽ đến một ngày sự hoàn hảo, sự ngọt ngào, sự thụ hưởng lành mạnh, sự vinh sáng không còn chối từ những mãnh đời lắm xuôi ngược, đầy lem lấm.

Ước mong mọi người dân ta sẽ tự hào ngẩng mặt, sẽ nhìn đời bằng mắt biếc chan chứa lạc quan, sẽ bước đi giữa thế gian này bằng dáng thẳng đứng tự tin, sẽ chinh phục những đỉnh cao chưa có ai từng biết đến, sẽ làm cho cả vũ trụ này chỉ còn biết khuất phục, sẽ cho vũ trụ này chỉ biết có tên tuổi dân ta...

Ôi ta mong lắm... Mong trưởng thành, mong đứng lên, mong thay đổi, mong một ngày mai tươi sáng... Dân ta ơi!...