Ngày 29-07-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 17 Mùa Quanh Năm 30/7 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:31 29/07/2023

BÀI ĐỌC 1  1V 3:5,7-12

Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.

Hồi ấy, tại Ghíp-ôn, đang đêm Đức Chúa hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” Vua Sa-lô-môn thưa: “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, đông không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó. Thiên Chúa phán với vua: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Rm 8:28-30

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  x. Mt 11:25

Alleluia. Alleluia.

Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha,

vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn.

Alleluia.

TIN MỪNG  Mt 13:44-52

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.

“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”

Đó là Lời Chúa.
 
Chọn Lựa
Lm Vũđình Tường
05:48 29/07/2023
Trong nhiều trường hợp, Đức Kitô nói về ngày cánh chung, tận thế. Việc lập đi, lập lại ngày cánh chung cho biết điều này rất quan trọng cho Kitô hữu; vì thế cần đặc biệt quan tâm đến giáo huấn này. Đức Kitô dùng nhiều dụ ngôn, với nhiều hình ảnh khác nhau diễn tả ngày cánh chung. Mục đích là giúp Kitô hữu hình dung ra ngày cánh chung sẽ xảy ra như thế nào. Đức Kitô bắt đầu ba dụ ngôn: kho báu, viên ngọc quí, và mẻ cá, có chung một câu mở đầu:

Nước trời được ví như...

Kho báu dấu trong ruộng, Viên ngọc qúi chôn dấu, và lưới cá dưới biển sâu. Tất cả, mỗi thứ được che dấu khác nhau, nhưng khi tìm kiếm được, chúng vẫn giữ nguyên giá trị. Hạt giống rơi trong ruộng, chìm trong đất, khi điều kiện thuận lợi, sẽ mọc lên. Điều này cho thấy người gieo giống không bao giờ mất hy vọng, nhưng luôn sống trong hy vọng. Kho quí dấu dưới đất. Cỏ dại và đất che khuất, nhưng khi tìm được giá trị kho báu vẫn nguyên vẹn. Viên ngọc quí cất trong tủ của chủ nhưng khi lấy ra nó vẫn tỏa hào quang sáng chói. Cả ba dụ ngôn đều mang lại niềm vui dạt dào cho người tìm được chúng. Cùng cung cách đó, Lời Chúa trở thành sức mạnh, nguồn sống, ban phát niềm vui cho tâm hồn tín hữu thành tâm đón nhận lời Chúa. Lời Chúa thánh hoá đời sống tâm linh, thanh tẩy tâm hồn, thanh bạch giao tế, trong sáng hoá tình cảm xã hội, và ban bình an nội tâm. Dụ ngôn cho biết bóng tối nào cũng có giới hạn; nếu không thì vật cất giấu sẽ chẳng bao giờ tìm thấy; đối với con người, hành động dã man, tàn ác, thiếu bác ái, nghèo tình thương, trái lương tâm dù che đậy kín mấy cũng có ngày bị phơi ra ánh sáng. Vì thế làm điều ác nhân, thất đức luôn sống trong lo âu, bất an, ngủ không yên. Bởi sợ hành động bị phanh phui. Nếu điều đó không xảy ra đời này thì cũng xảy ra đời sau khi đối diện toà Chúa chí công.

Kho báu và viên ngọc quí dù bị che đậy, dưới bùn, cỏ dại nhưng chúng không bị ảnh hưởng, chúng không mất giá trị, mà thời gian làm tăng giá trị chúng. Giá trị ngọc quí và kho báu dành riêng cho ai nhận biết giá trị của chúng, và chúng vô dụng khi người ta không biết giá trị chúng. Điều này giải thích cho người biết giá trị chúng có đủ thời gian bán những gì đang có để mua ngọc quí. Lời Chúa có giá trị tuyệt vời cho những ai tin theo, yêu mến Đức Kitô và chúng không có giá trị cho người bài bác giáo huấn Ngài.

Che đậy đóng vai bảo vệ. Đất lấp hạt giống tránh bị chim trời, chuột đồng ăn mất. Ngọc quí nhờ cỏ dại che, đất phủ nên trong trường hợp súc vật có dẵm lên nó không bị sứt mẻ, bể vỡ. Lời Chúa bảo vệ, tăng sức mạnh tâm linh cho những ai quí mến lời Chúa.

Dụ ngôn cũng cho biết, kho báu và ngọc quí không phải tìm thấy cách ngẫu nhiên, mà do ra công, bỏ sức tìm kiếm. Khi tìm được, đầu tiên là tính toán để có chúng. Bán những gì đang có để đổi lấy ngọc quý là trao đổi nhiều vật ít giá trị, đổi lấy một vật có giá trị cao hơn gấp bội. Trao đổi là điều phải xảy ra, nếu muốn có vật quí. Như thế hành động tìm kiếm, tìm được, chôn dấu, mua bán đều là những chọn lựa ta làm với mục đích đạt điều mong muốn.

Kho báu hay ngọc quí chính là Đức Kitô. Lời Ngài, giáo huấn Ngài trở thành kho báu, ngọc quí cho Kitô hữu. Lời Chúa bị cất dấu khi Kitô hữu tin Ngài mà không thực hành lời Chúa. Lời đó trở nên kho báu, ngọc quí cho những ai nhận Lời Chúa mà đem ra thực hành. Tin theo Đức Kitô cần loại bỏ thói quen thường ngày. Thay lối sống, cách suy nghĩ; đổi hành động, cách xử thế, giao tiếp. Tất cả những thay đổi này được hiểu như loại bỏ những gì ít giá trị hơn để nhận lấy điều có giá trị cao hơn. Đó là đức tin, đó là lòng mến dành cho Chúa và tha nhân. Kitô hữu đón nhận lời Chúa vào trong tâm hồn, Lời Chúa hoặc là tác động mạnh mẽ trong tâm hồn; hoặc Lời đó ngủ yên, chờ cơ hội thuận tiện để phát triển. Lời Chúa không bao giờ chết.

Dụ ngôn mời gọi ta chọn lựa. Tựa như dụ ngôn mẻ cả: lựa cá tốt cất đi, cá xấu loại ra ngoài. Nếu ta làm công việc chọn lựa đời này. Chọn lựa, vất cỏ đi chung với đau thương, nhưng đau thương có thể chấp nhận được. Nếu từ chối làm công việc loại bỏ đời này, đời sau thánh thần Chúa sẽ làm việc đó thay ta. Kẻ tốt được vào nước Chúa, kẻ xấu bị vất vào chốn tối tăm. Lúc đó đau khổ sẽ vượt ra ngoài sức tưởng.
Chúng ta xin ơn can đảm trong chọn lựa.

TiengChuong.org

Making choices

On several occasions, Jesus talks about the end time. This reiteration implies that eternal life is of utmost importance for those who follow Jesus; and that they should seriously take heed. Using different images to talk about the kingdom, Jesus helps the crowds to visualize the growth of God's kingdom. Jesus began all three short parables, the hidden treasure, the pearls and the dragnet, with the same phrase:

'The kingdom of heaven is like.....'

The treasure is hidden in a field. The great pearls are covered, and the dragnet is deep under the water. All are covered by different materials, but when found, none of them loses its value. When the seeds sow in the field. They stay under the darkness of the soil, but when the conditions are right; the seeds grow. This implies that the sower would never lose hope, but always lives in hope. The treasure is hidden in the field. It stays in the darkness of weed and clay, but when found the treasure maintains its value. The pearls are kept in the owner's cupboard; they hide their brightness. All the parables have brought great joy to those who found them. In the same way, the word of God becomes the source of great joy for those who welcome it. The word purifies their hearts, cleanses their soul, disinfect their actions, changes their behaviour that makes their life shine. The parables conclude that darkness has one single purpose, and that is concealment. Darkness itself has a time limit; otherwise, the treasure and pearls would never be found. For us, darkness associates with bad behaviour. They too have a time limit at the 'harvest time' or the day of reckoning.

The treasure and pearls would never lose their values; rather their value either remain the same; or even increases. Their value is great for those who truly know them; and has less value for those who fail to see it. This explains that those who know their true value have enough time for selling their own things and purchasing them. The word of God has utmost value for those who truly love Jesus and has no value for those who anti his way of life.

Covering takes the role of protection. Soil covers the seeds from being eaten by birds and wild animals. In case of a wild animal accidentally stepping on the pearls, the cover would protect them from being damaged or broken. The word of God protects those who love Jesus.

The parables affirm that the treasure and the pearls are not found by accident, but rather by actively searching for it. And when found; it requires sacrifice to have it. Trading for the treasure is a must. There are actions to make, namely: searching, finding, hiding, selling and purchasing. These actions tell us that sacrifices always lead to something better, greater and more valuable than the sacrifices themselves. It is the actions to make choices, discern, and discard what is more in quantity, but less in value for something less in quantity, but greater quality. Indeed, there is only one: the Treasure. Jesus is the treasure. It is himself and his word. His treasure is hidden for those who are inactive to his word, but is the treasure for those who love him, and actively follow his way.

Following him, one needs to give up one's own way of life to adopt his way of life. His way of life is summed up in one single command: Love God and love our neighbours. When we welcome his word into our hearts. The word is either active or inactive; but never dies.

The parable invites us to make choices: collect the good fish and discard the useless ones. If we do it now, there will be less painful; but if we refuse to do it now; at the end time, God's angels will separate the wicked from the just and the pain would be beyond imagination.

We pray to have the courage to make sacrifices for Jesus.
 
Nước Trời, một con người
Lm. Minh Anh
17:40 29/07/2023

NƯỚC TRỜI, MỘT CON NGƯỜI
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng”; “Như chuyện một thương gia đi tìm ngọc quý”; và “Như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá”.

Trong “The Better Part”, “Phần Tốt Hơn”, John Bartunek viết, “Những mô tả của Chúa Giêsu về Nước Trời tuôn ra từ miệng Ngài như nước tràn qua thác - tầm nhìn của Ngài về Nước Trời phong phú và sống động đến nỗi miệng Ngài, tự nó, khó có thể kìm hãm!”

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tiếp tục với ba dụ ngôn Nước Trời. Lòng Chúa Giêsu tràn đầy sốt mến vốn miệng lưỡi Ngài không thể kìm hãm. Ngài mong mỏi tất cả những ai nghe Ngài yêu mến Nước Trời; bởi lẽ, ‘Nước Trời, một con người’, Giêsu, chính Ngài!

Đôi khi chúng ta tình cờ gặp được Nước Trời như người gặp được kho tàng giữa cánh đồng. Những lần khác, chúng ta nỗ lực tìm kiếm lâu dài trước khi gặp nó như người lái buôn tìm được viên ngọc quý. Dù vô giá như kho tàng hay lấp lánh như viên ngọc quý, Nước Trời luôn khiến lòng người tràn ngập niềm vui. Có bao giờ bạn thoáng thấy Nước Trời chưa? Nó ở đó, trong sức sống mãnh liệt của hàng ngàn bạn trẻ chào đón Đức Thánh Cha tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới; nó ở đó, trong sự im lặng tôn kính của một người quỳ gối đơn độc trong một nhà chầu. Đó là sức mạnh bền bỉ của những người mẹ như thánh Beretta Molla, những người đã hy sinh mạng sống cho những đứa con chưa chào đời. Nước Trời đáng giá hơn mọi thứ và đòi hỏi mọi thứ!

Khi một người thực sự khám phá ra Chúa Giêsu và tầm nhìn của Ngài về cuộc sống, mọi thứ khác trở thành thứ yếu. Trong việc phục vụ Nước Trời, không có biện pháp nửa vời, và trong sự phục vụ đó, có một loại niềm vui giải phóng đặc biệt. Đây là trải nghiệm của Phaolô, “Tôi coi mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là biết được Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi”. Có mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu và có cùng một quan điểm sống như Ngài là điều đẹp đẽ nhất, quý giá nhất. Tất nhiên, chỉ nói điều này thôi thì chưa đủ; mỗi người chúng ta phải tự mình trải nghiệm nó như một sự thật - như nhiều người đã trải nghiệm, và thật không may, nhiều người chưa bao giờ thực sự tự mình trải nghiệm!

Vậy mà, Nước Trời cũng giống như mẻ lưới thả xuống biển. Không phải tất cả những gì bắt được đều đáng lưu giữ. Thật là một sự tương phản đột ngột với niềm vui tràn ngập trong hai hình ảnh đầu tiên! Tại sao? Sở dĩ như thế, vì Chúa Giêsu biết, chúng ta dễ dàng quên đi những sự thật quan trọng nhất: thực tế của cuộc phán xét cuối cùng, mà chúng ta nên chuẩn bị mọi lúc. Ngài biết rằng, rủi ro sẽ rất cao, và chúng ta cần được nhắc nhở về những rủi ro đó để có thể can đảm bán hết mọi thứ hầu có thể đến được Nước Trời.

Anh Chị em,

Đức Phanxicô nói, “Trong thời đại chúng ta, cuộc sống của một số người có thể kết thúc tầm thường và buồn tẻ vì có lẽ, họ không đi tìm một kho tàng đích thực. Họ bằng lòng với những thứ hấp dẫn nhưng phù du, những ánh chớp lấp lánh hão huyền; và họ nhường chỗ cho bóng tối. Trái lại, ánh sáng Nước Trời không như pháo hoa, mà là ánh sáng: pháo hoa chỉ tồn tại trong chốc lát, trong khi ánh sáng Nước Trời theo chúng ta suốt cuộc đời. Chúa Giêsu, Đấng là kho tàng ẩn giấu và là viên ngọc vô cùng giá trị, không thể không khơi dậy niềm vui, tất cả niềm vui của thế giới! Niềm vui khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời mình, niềm vui cảm thấy dấn thân vào cuộc phiêu lưu nên thánh”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin quyến ái con; cho con dám ‘bán’ tất cả để có được Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sandro Magister: Ngoại giao Tòa Thánh trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga; và quan hệ với Trung Quốc
Đặng Minh An dịch
17:04 29/07/2023


Ký giả Sandro Magister, người Ý, chuyên về Vatican, có bài nhận định nhan đề “Vatican Diplomacy Has a Rival in the House, and the Pope Is on Its Side” nghĩa là “Nền Ngoại giao của Vatican có một đối thủ ngay trong nhà, và Đức Giáo Hoàng đứng về phía đối thủ này.”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đây là những năm gầy guộc cho hoạt động ngoại giao của Vatican. Đúng là Tòa thánh duy trì quan hệ với hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ với Trung Quốc, Ả-rập Xê-út và một số quốc gia khác. Đầu năm nay đã có một cuộc trao đổi đại sứ với Oman. Và ngay cả Việt Nam mà Chủ tịch Võ Văn Thưởng đang thăm Rôma những ngày này, cũng sẽ sớm đón tiếp đại diện thường trực của Tòa thánh.

Nhưng cũng thiếu quá nhiều sứ thần Tòa Thánh, một số trong số đó quan trọng, mà việc tìm đại diện là một cuộc đấu tranh vất vả. Đó là các nước Bangladesh, Bolivia, Cameroon và Guinea Xích Đạo, Cộng hòa Dân chủ Congo, Triều Tiên và Mông Cổ, Costa Rica, Maroc, Mozambique, Nicaragua, Ba Lan, Rumani và Moldova, Nam Phi cùng các nước láng giềng Botswana, Eswatini, Lesotho và Namibia, Tanzania,Venezuela.

Tại Nicaragua, cần phải nói thêm rằng quốc gia này hiện nay không có Sứ thần Tòa Thánh vì ngài đã bị trục xuất vào ngày 1 tháng 3 năm 2022 theo lệnh của tổng thống chuyên chế Daniel Ortega, và cuộc đàn áp Giáo hội ở quốc gia đó kể từ đó đã lên đến đỉnh điểm tàn khốc, với đỉnh điểm là bản án tù khắc nghiệt 26 năm dành cho vị giám mục anh hùng Rolando Álvarez, mà Vatican đã cố gắng vô ích để giảm xuống bản án lưu đày, nhưng bản thân vị giám mục đã từ chối điều này.

Và sau đó là những tòa Sứ thần Tòa Thánh có các Tổng Giám Mục đã qua giới hạn 75 tuổi nhưng vẫn đang tại vị: ở Syria, Hoa Kỳ, Ý, Israel, Albania. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã phong tước Hồng Y cho ba vị đầu tiên.

Nhưng điều gây ảnh hưởng tiêu cực trên hết là việc giảm bớt thẩm quyền của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Đức Phaolô Đệ Lục đã giao cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh một vai trò trung tâm nhất ở Vatican, mà Đức Phanxicô đã giảm bớt rất nhiều với cuộc cải cách giáo triều của ngài.

Phiên tòa xét xử thương vụ ở Luân Đôn, trong đó Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là nhân vật chính thiếu sáng suốt, với bản án dự kiến vào cuối năm nay, đã khiến nó trở thành chủ đề bàn tán trên các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới. Nhưng quan trọng hơn là sự khiêm tốn về kết quả hoạt động quốc tế của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, điều này càng khuyến khích Đức Giáo Hoàng sử dụng các đặc sứ khác cho các “sứ mệnh” ngoại giao của ngài, các đặc sứ hoàn toàn bên ngoài và thực sự ở mức độ lớn là đối thủ cạnh tranh và đối thủ của chính Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Các khu vực quốc tế mà cuộc cạnh tranh này đang diễn ra sôi nổi nhất hiện nay là Nga-Ukraine và Trung Quốc.

Trong cả hai trường hợp, Đức Thánh Cha Phanxicô bị thu hút bởi khả năng địa chính trị do Cộng đồng Sant'Egidio thực hiện hơn là của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và vai trò của Cộng đồng Sant'Egidio

Liên quan đến sự xâm lược của Nga đối với Ukraine, khoảng cách giữa Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và của những người đại diện cho Cộng đồng Thánh Egidio rõ ràng hơn bao giờ hết kể từ khi Đức Giáo Hoàng cử Đức Hồng Y Matteo Zuppi, một thành viên lịch sử của Sant'Egidio làm “sứ giả” của mình, đầu tiên đến Kyiv, sau đó đến Mạc Tư Khoa, và cuối cùng là Washington.

Trong khi cả Hồng Y quốc vụ khanh Pietro Parolin và, nói một cách rõ ràng hơn, ngoại trưởng Tòa Thánh Paul Gallagher đã nhiều lần tán thành việc bảo vệ vũ trang của quốc gia Ukraine, việc tái vũ trang và quyền bất khả xâm phạm biên giới của nước này, thì về những điểm này, Đức Hồng Y Zuppi và các cộng sự của ngài – từ Người sáng lập cộng đồng Andrea Riccardi cho đến nhà lãnh đạo quan hệ quốc tế Mario Giro – luôn mập mờ hoặc công khai chống đối, ngay từ khi Nga bắt đầu gây hấn.

Ở Kyiv và Washington, họ nhận thức rõ điều này khi họ tiếp Đức Hồng Y Zuppi, đến nỗi những điều đạt được chỉ là những thỏa thuận hoàn toàn mang tính chất nhân đạo, như việc trao đổi tù nhân và hồi hương trẻ em Ukraine bị bắt cóc sang Nga.

Trái lại, ở Mạc Tư Khoa, Vladimir Putin đã có một ngày chứng kiến tận mắt sự phản đối nổi tiếng từ đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng đối với việc tái vũ trang ở Ukraine, cũng như với sự ác cảm rõ ràng của chính Đức Phanxicô đối với “sự hiếu chiến” của phương Tây và ngược lại, là sự đồng cảm của ngài đối với vai trò thay thế ngày càng tăng của “Nam bán cầu” ở Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu Latinh.

Hơn nữa, tại Mạc Tư Khoa, Sant'Egidio trong nhiều năm đã có đường dây liên hệ trực tiếp với tòa thượng phụ Chính thống giáo, mà - một phần nhờ vào “sứ mệnh” của Đức Hồng Y Zuppi cùng với chuyên gia của Cộng đồng về Nga và phó chủ tịch, Adriano Roccucci - đã có thể hàn gắn sự rạn nứt gây ra bởi những lời nói thái quá của Đức Giáo Hoàng, người đã công khai cáo buộc Thượng phụ Kirill là “cậu bé giúp lễ của Putin.”

Quan hệ của Tòa Thánh với Trung Quốc

Đối với quan hệ của Tòa thánh với Trung Quốc, Đức Phanxicô vẫn chưa giao cho Sant'Egidio vai trò lãnh đạo. Nhưng ngài tỏ ra rất dễ tiếp thu những lập luận được lưu hành một cách có hệ thống bởi chuyên gia của Cộng đồng về chủ đề này, Agostino Giovagnoli, giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Công Giáo Milan và là thành viên của Viện Khổng Tử ở Milan, một sáng kiến trực tiếp của chế độ Bắc Kinh.

Điểm vướng mắc giữa Tòa thánh và Trung Quốc là việc áp dụng thỏa thuận bí mật về việc bổ nhiệm giám mục được quy định giữa hai bên vào tháng 9 năm 2018, và cho đến nay đã kéo dài từ giai đoạn hai năm này sang giai đoạn hai năm khác mà không có bất kỳ sửa đổi nào.

Trong gần năm năm, chỉ có bốn cuộc bổ nhiệm mới, với hơn một phần ba giáo phận vẫn chưa đang trống tòa. Và cũng vì lý do này, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cũng là kiến trúc sư của hiệp định, đã luôn bày tỏ một cách thận trọng về chủ đề này, không có thái độ đắc thắng, ngược lại, liên tục để lộ hy vọng về sự cải thiện của chính hiệp định.

Thay vào đó, đối với Giovagnoli, sự ca ngợi của anh ta đối với sự tốt đẹp của thỏa thuận là hoàn toàn không có giới hạn. Và đối với Đức Thánh Cha Phanxicô cũng vậy, mặc dù thực tế là trong những tháng gần đây, chính quyền Trung Quốc đã bổ nhiệm hai giám mục mà không hề thông báo cho Rôma, tại hai giáo phận mà giáo phận thứ hai có tầm quan trọng tuyệt đối, đó là giáo phận Thượng Hải.

Giovagnoli đã không ngại cao rao ngay cả về sự sỉ nhục gấp đôi này. Trong một bài bình luận trên tờ báo “Avvenire” của hội đồng giám mục Ý do Đức Hồng Y Zuppi chủ trì, ông chỉ ra rằng ở Thượng Hải, vấn đề không phải là tấn phong giám mục mới, mà chỉ riêng vấn đề này sẽ thuộc về thỏa thuận bí mật cần có sự chấp thuận trước của Rôma, mà là việc thuyên chuyển đơn giản một giám mục từ nơi này sang nơi khác, được thực hiện dưới hình thức không có sự đồng thuận nhưng không phải là bất hợp pháp.

Nhưng đó có phải thực sự là cách mọi thứ nên xảy ra không? Phải chăng thỏa thuận bí mật chỉ liên quan đến việc bổ nhiệm mới chứ không liên quan đến việc thuyên chuyển một giám mục từ giáo phận này sang giáo phận khác? Tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh – nơi họ biết rõ về thỏa thuận bí mật – họ nhìn nhận vấn đề khác xa như thế.

Vào ngày 15 tháng 7, Tòa thánh cho biết rằng Đức Giáo Hoàng đã đồng ý bổ nhiệm tại Thượng Hải một giám mục đã đơn phương chuyển đến đó từ Hải Môn, tên là Giuse Thẩm Bân, thường có mặt tại các cuộc họp quốc tế của Sant'Egidio và rất thân với chế độ đến nỗi ông cũng là phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, cơ quan với hơn hai nghìn đại biểu có nhiệm vụ thông qua các quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình và ban lãnh đạo đảng.

Nhưng cùng ngày hôm đó, một tuyên bố chính thức chi tiết của Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã được đưa ra, trong năm điểm. Trong đó ngài tuyên bố rằng ngay cả việc thuyên chuyển các giám mục từ giáo phận này sang giáo phận khác được thực hiện “một cách không đồng thuận” cũng trái với “việc áp dụng đúng thỏa thuận”. Và ngài nói tiếp: “Vì vậy, điều quan trọng, thậm chí tôi có thể nói là không thể thiếu, là tất cả việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc, kể cả việc thuyên chuyển, phải được thực hiện một cách đồng thuận, như đã thỏa thuận.” Trái ngược với những gì Sant'Egidio nói.

Cạnh tranh giữa Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Cộng đồng Sant'Egidio

Sự cạnh tranh giữa Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Cộng đồng Sant'Egidio không chỉ mới diễn ra gần đây mà đã diễn ra trong nhiều năm. Và nó chưa bao giờ thân thiện, cũng như an bình.

Thỏa thuận năm 1992 tại Mozambique, trong đó linh mục trẻ lúc đó là Zuppi tham gia, liên tục được ca ngợi là người đầu tiên tiết lộ cho thế giới khả năng của Cộng đồng trong việc hành động như một người kiến tạo hòa bình.

Nhưng trong một bài viết chi tiết dài tám trang về “Mozambique sau 25 năm độc lập,” xuất hiện trên tờ “La Civiltà Cattolica” vào ngày 16 tháng 12 năm 2000 với chữ ký của tu sĩ Dòng Tên José Augusto Alves de Sousa và với sự cho phép trước của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, không có đề cập nhỏ nhất nào về vai trò kiến tạo hòa bình của Sant'Egidio tại thời điểm đó.

Sau đó, từ năm 1994 đến 1995, đến lượt cuộc nội chiến ở Algérie. Ở đây, Sant'Egidio tự đặt mình ra ngoài không chỉ với chính sách ngoại giao thận trọng của Vatican, mà còn hơn thế nữa với các giám mục địa phương, những người đã chỉ trích gay gắt khuôn khổ thỏa thuận được các bên tham chiến ký kết ở Rôma tại trụ sở của Cộng đồng, vốn không đòi hỏi họ phải ngăn chặn các vụ giết người và thảm sát, mà đúng hơn là hợp pháp hóa các nhiệm vụ của họ. “Đúng vậy, 'những người bạn' của Sant'Egidio là những người đã giết chúng tôi,” tổng giám mục Algiers, Henri Teissier tuyên bố. Và một giám mục khác, của Oran, Pierre Claverie, đã bị ám sát ngay sau đó bởi những người Hồi giáo cuồng tín.

Không chỉ có vậy. Ngay cả bộ trưởng ngoại giao Ý vào thời điểm đó, Lamberto Dini, đã công khai từ chối nền “ngoại giao song song” với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh của Cộng đồng. Và đại sứ Ý tại Algiers trong những năm đó, Franco De Courten, khi dựng lại câu chuyện trong một cuốn sách, đã làm mất uy tín vai trò thảm khốc của những thành viên Sant'Egidio. Đó là chưa kể đến những lời chỉ trích gay gắt từ phía các chiến binh dân chủ Algeria, do người Hồi giáo cấp tiến Khalida Messaoudi lãnh đạo.

Nhiều năm sau, vào năm 2013, tại Senegal, hoạt động tích cực của Sant'Egidio đã tạo ra một sự việc gây bất lợi cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Ở đó, Cộng đồng đã can thiệp để “tạo điều kiện thuận lợi” cho một thỏa thuận giữa chính phủ Dakar và các nhóm ủng hộ độc lập ở vùng Casamance. Nhưng khi nó chuyển đến Rôma, đến trụ sở chính của nó, các cuộc đàm phán giữa các sứ giả của các bên xung đột, điều này đã khiến Senegal có ấn tượng rằng Vatican là kiến trúc sư thực sự của hoạt động chống lại ý muốn của chính phủ Dakar, vốn không muốn quốc tế hóa những gì nó coi là một vấn đề trong nước.

Để khắc phục điều này, sứ thần tại Senegal vào thời điểm đó, Tổng Giám mục Luis Mariano Montemayor, đã phải đưa ra một tuyên bố tách biệt hoàn toàn Tòa thánh khỏi các sáng kiến của Sant'Egidio, được điều phối bởi Mario Giro, lúc đó là cố vấn của Andrea Riccardi, người đã là bộ trưởng hợp tác quốc tế trong chính phủ Ý.

Nói tóm lại, Cộng đồng Sant'Egidio chưa bao giờ là hàng xóm hòa bình của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và mạng lưới ngoại giao của nó. Và ngày nay Cộng đồng Sant'Egidio thậm chí còn căng thẳng hơn, khi sự gần gũi của nó đã trở thành một cuộc bao vây và Đức Giáo Hoàng để mở cổng cho Cộng Đồng.
Source:L'Espresso
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chung Tay Tái Thiết Đền Thánh Tử Đạo Hải Dương - Giáo Phận Hải Phòng
Trung tâm hành hương Đền thánh Hải Dương
23:30 29/07/2023
 
Văn Hóa
MỘT TRĂM LẺ MỘT CÂU HỎI VỀ CHÚA GIÊSU: CÂU 1-10
Vũ Văn An
19:31 29/07/2023

I. Các nguồn và việc giải thích chúng

Câu hỏi 1: Nếu các Tin Mừng là lời giải thích và chính chúng đã được giải thích qua nhiều thế kỷ, thì làm thế nào chúng ta biết mình đang tiếp xúc với Chúa Giêsu “thật”?

Cùng câu hỏi trên có thể hỏi về bất cứ mối tương quan nhân bản nào. Khi chúng ta gặp một người khác, lập tức chúng ta bước vào một diễn trình giải thích. Thoạt đầu, chúng ta tìm một số dữ kiện căn bản, như tên, hậu cảnh, các mối quan tâm v.v... Nhưng đồng thời chúng ta lựa lọc và đánh giá cả các dữ kiện lẫn con người đang thông đạt chúng cho ta. Không có một diễn trình như thế, chúng ta không thể bước vào bất cứ mối tương quan bản vị nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn tiến đến chỗ biết con người “thật” của họ, thì có một điểm trong mối tương quan khi chúng ta buộc phải di chuyển quá bên kia thông tri “sự kiện” và phó mình cho người khác trong một hành vi tự vượt quá mình (self-transcendence). Điều này có thể gọi là hành vi đức tin theo nghĩa căn bản và nền tảng nhất của chữ này, nghĩa là, tín thác.

Điều đúng với mọi tương quan nhân bản thì cũng đúng với mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với sự dè dặt này là sáng kiến làm cho sự tín thác ấy hay đức tin ấy khả hữu về phần chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa (và do đó chúng ta gọi đức tin là một trải nghiệm ân sủng). Tuy nhiên, chính lời mời gọi của Thiên Chúa kêu gọi sự đáp trả nhân bản của chúng ta. Khi chúng ta đáp trả, bất kể trong mối tương quan với những hữu thể nhân bản hay với Thiên Chúa, diễn trình giải thích phải tiếp diễn, nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ thâm hậu và phát triển được mối tương quan. Tắt một lời, mối tương quan đệ nhất đẳng của chúng ta với Thiên Chúa mà chúng ta biết ở trong Chúa Giêsu là mối tương quan của đức tin. Đó chính là Chúa Giêsu “thật”. Thế nhưng, giống như với bất cứ mối tương quan nào, trải nghiệm đức tin này cũng làm xuất hiện rất nhiều loại câu hỏi khác nhau mặc tình để người ta hỏi, như các câu hỏi có tính lịch sử, tâm lý, thần học, bản vị, v.v... (xem Dẫn nhập). Không những đây là những câu hỏi tốt và có giá trị, chúng còn cần thiết nữa nếu chúng ta muốn lớn lên và chín mùi trong đức tin của chúng ta.



Câu hỏi 2: Nhưng tại sao Thiên Chúa không làm nó dễ dàng hơn, thí dụ, tại sao Chúa Giêsu không viết Kinh Thánh thay vì các môn đệ Người?

Câu hỏi này cần được trả lời ở hai bình diện, bình diện đầu tiên liên quan tới bản chất của Kitô giáo và bình diện thứ hai liên quan tới bản chất Kinh Thánh. Không như Hồi giáo, Kitô giáo không phải là tôn giáo của “sách”. Nó là một tôn giáo xoay quanh các mối tương quan bản thân. Người ta chỉ cần đọc Tin Mừng Gioan là thấy điều đó. Điều quan trọng về Tin Mừng Gioan là nó không ngừng nhắc đến mối tương quan bản thân của Chúa Giêsu với Chúa Cha (như ở câu 1:18 nơi Chúa Giêsu được mô tả gợi hình như luôn hiện hữu trong lòng Chúa Cha) và Người mời gọi chúng ta bước vào cùng mối tương quan này qua quyền năng Chúa Thánh Thần (như ở câu 13:23, nơi môn dệ Người yêu dấu được mô tả gợi hình là tựa đầu vào lòng Chúa Giêsu). Bất kể mọi điều trong Tin Mừng Gioan có là sự kiện lịch sử hay không, chắc chắn nó nắm bắt được yếu tính của Kitô giáo: qua đức tin, chúng ta vướng vào mối tương quan bản thân với Thiên Chúa Ba Ngôi, một mối tương quan có nhiều hệ quả đời đời. Vị Thiên Chúa này sống động, tích cực, và hiện diện trong trái tim chúng ta và tại tâm điểm của mọi mối tương quan nhân bản. Đây chính là Thiên Chúa chúng ta cử hành trong con người của Chúa Giêsu.

Sách thánh, như Tin Mừng Gioan chẳng hạn, là các chứng từ bằng chữ viết hay chứng tá cho mối tương quan năng động này. Mọi sách thánh làm chứng cho một điều gì trước đó và có tính nền tảng, tức cho “Thiên Chúa của người sống” (Mc 12:27), Đấng liên tục làm chúng ta trỗi dậy bước vào sự sống mới trong các trải nghiệm cộng đoàn của ca ngợi và tôn thờ, lắng nghe và công bố, bẻ bánh và chia sẻ, cho ăn và cho mặc. Kinh Thánh được viết ra từ chính các trải nghiệm như thế, và nó trở thành hữu hiệu trong đời sống chúng ta khi chúng ta được linh hứng ra đi và làm như thế. Do đó, Thiên Chúa không thể làm nó ra dễ dàng hơn. Thiên Chúa mạc khải trong Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước vào sự sống nhưng chúng ta phải đáp trả bằng đức tin và nhận trách nhiệm qua việc biến đường của Chúa Giêsu thành đường của chính chúng ta.

Câu hỏi 3: Được, nhưng, Chúa Giêsu có nói và làm tất cả những điều các tác giả Tân Ước cho rằng Người đã nói và làm không? Và, nếu không, thì tại sao họ lại đặt lời vào miệng Người hay tạo ra các câu truyện về những việc làm vĩ đại của Người?

Câu hỏi này đem chúng ta trở lại với vấn đề Chúa Giêsu “thật”. Điều hữu ích là phân biệt ba ý nghĩa có thể có của hạn từ đó. Đầu tiên, có Chúa Giêsu, Đấng thưc sự đã nói và đã làm những điều cụ thể vào những dịp cụ thể. Chúng ta gần như không tiếp cận chi được với Chúa Giêsu này vì Người không hề viết điều gì cả và các Tin Mừng không phải là những cuốn tiểu sử theo nghĩa hiện đại là thu thập và ghi lại các tiết mục cụ thể của thông tin.

Thứ hai, có một Chúa Giêsu “lịch sử”, nghĩa là Chúa Giêsu có thể được tái dựng qua các phương pháp phê phán của nền bác học lịch sử. Việc chúng ta tiếp cận Chúa Giêsu này có giới hạn nhưng quan trọng. Nhờ phân tích có phê phán, chúng ta biết một số cách Người hành động và nói năng đặc biệt, như việc Người công bố Nước Thiên Chúa bằng dụ ngôn và việc Người cử hành sự hiện diện của Nước Thiên Chúa bằng cách ăn uống với người thu thuế và kẻ có tội. Sự tái dựng như thế hết sức tùy thuộc việc in trí nhớ của các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi. Giống như với các nhân vật vĩ đại của lịch sử, như Socrates hay Lincoln hoặc Kennedy, trí nhớ này đặt căn bản trên thực tại lịch sử nhưng có tính lọc lựa khá cao và có xu hướng tập chú vào “những khoảnh khắc đáng nhớ” do đó loại bỏ các chi tiết chuyên biệt, cụ thể hoặc vì quên hoặc xem ra không quan trọng như thời gian hay nơi chốn chính xác của một biến cố đặc thù. Phần lớn các tư liệu của các Tin Mừng chắc chắn tùy thuộc vào loại trí nhớ lọc lựa này – cộng đồng tụ tập để thờ phương nhắc lại các khoảnh khắc đáng nhớ, tác động của Người, sự sắc sảo trong lời lẽ của Người và sức mạnh áp đảo của việc Người làm – nhắc lại nhưng cũng thêm thắt và khai triển như các người kể truyện khéo thường làm để nhấn mạnh sự thật sâu xa hơn vẫn có ở nơi Người.

Sau cùng, có Chúa Giêsu của Kinh Thánh: Đấng được công bố và giải thích qua các trích dẫn từ Cựu Ước, qua suy tư thần học về ý nghĩa của Người, và trên hết, qua cảm nghiệm liên tục sự hiện diện trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Điều sau cùng quan trọng nhất để hiểu điều các tác giả Tân Ước làm. Đã có các tiên tri được Thần Trí Thiên Chúa trong Cựu Ước linh hứng dám nói: “Chúa đã nói như vậy...” thế nào, thì cũng có các tiên tri trong các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi dám đứng lên giữa cộng đoàn và công bố lời lẽ của Chúa Giêsu phục sinh. Linh hứng trước nhất liên hệ với một cộng đồng tụ tập trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Bản văn viết tùy thuộc vào và phản ảnh cảm nghiệm tiếng nói sống động của Chúa Giêsu phục sinh có tính nền tảng hơn này.

Câu hỏi 4: Nhưng tại sao tôi nên tin một điều gì đó chân thật nếu nó không thực sự xẩy ra?

Câu hỏi của bạn nêu ra điều đối với phần lớn người hiện đại là trở ngại lớn nhất để hiểu sách thánh. Phần lớn chúng ta, con cái của phong trào ánh sáng, một phong trào khởi đầu trong thế kỷ mười tám như một phong trào để giải phóng lý trí con người khỏi tua vòi của lối suy nghĩ giáo điều, chỉ biết chấp nhận những câu như “nếu nó không xẩy ra, nó không có thật”. Não trạng thực nghiệm, việc đòi phải có “bằng chứng” khoa học hay lịch sử như thử nghiệm qùy [litmus-test] của thực tại, là một phần của trí thức và óc thông minh chúng ta đến nỗi ít khi chúng ta ý thức được. Thế nhưng, những điều “có thật nhất” trong đời thường là những điều chưa bao giờ xẩy ra hay tùy thuộc xác minh thực nghiệm. Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết, nó có thật cho dù không có điều gì trong cuốn tiểu thuyết từng xẩy ra như diễn tả. Nó có thật vì nó đụng tới các bình diện biểu tượng sâu xa nhất của cảm nghiệm nhân bản; nó có thật vì nó soi sáng trí khôn và xúc động lòng ta, vì nó rung rinh với những gì sâu xa nhất và tốt đẹp nhất trong ta và kêu gọi một đáp trả thường quá sâu xa đến không thể nào diễn tả thỏa đáng được.

Đó là loại tác động mà Chúa Giêsu đã tạo ra nơi những người cùng thời với Người và nơi các thế hệ kế tiếp cho tới tận ngày nay. Thí dụ, điều chân thật về việc Chúa Giêsu làm yên sóng bão (Mc 4:35-41) và đi trên nước (Mc 6: 54-52) không hẳn là sự kiện thực nghiệm kỳ lạ của việc Người hành động ngược với các định luật tự nhiên nhưng sự kiện quan trọng hơn là Chúa Giêsu, cả lúc đó lẫn lúc này, kêu gọi chúng ta tin tưởng ngay giữa sóng gió cuộc đời và đem bình an vào tâm hồn chúng ta. Điều ấy vẫn mãi chân thật bất kể Chúa Giêsu có bao giờ đi trên nước hay không. Như thế, khi đọc sách thánh, ta phải học cách suy nghĩ một cách biểu tượng, chứ không nên luôn luôn chỉ bận tâm tới các sự kiện. Chân lý quan trọng đến không thể bị giản lược vào thứ tâm trí chỉ biết nghĩa chiểu tự.

Câu hỏi 5: Nếu các Tin Mừng chủ yếu là các tài liệu đức tin nhằm thông truyền các sự thật có tính biểu tượng, tại sao chúng ta còn cần Chúa Giêsu lịch sử? Há chúng ta không thể chỉ ở lại với Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan hay sao?

Quả thực chúng ta có thể và nên ở lại với bốn Tin Mừng. Chúng vẫn còn là nguồn đệ nhất đẳng cho những gì chúng ta nói hay nghĩ về Chúa Giêsu. Người ta có thể dành cả đời để khai thác sự phong phú của bất cứ cuốn nào trong số này. Nhưng câu hỏi của bạn đụng tới một vấn đề làm bối rối nhiều người ngày nay: liệu Chúa Giêsu có liên quan gì hay có tầm quan trọng nào đối với đức tin Kitô giáo.

Vấn đề này thực sự có hai mặt. Trước hết, là mặt phương pháp. Vì các hạn chế của phương pháp lịch sử như được hiểu ngày nay, ta có thể biết được bất cứ điều gì về Chúa Giêsu lịch sử hay không? Ở đây, không đi vào chi tiết về các cuộc tranh luận về phương pháp, tôi chỉ đề nghị với bạn rằng chúng ta có đủ thông tin lịch sử khá thỏa đáng về Chúa Giêsu như về bất cứ nhân vật lịch sử nào thời xa xưa.

Mặt thứ hai của vấn đề nêu lên câu hỏi về sự cần thiết. Nhận thức về Chúa Giêsu lịch sử có cần thiết cho đức tin Kitô giáo không? Câu trả lời có thể thay đổi tùy thuộc việc nó tương ứng với bình diện bác học hay bình diện bình dân. Trên bình diện bình dân, người ta có thể sống một đời sống Kitô hữu phong phú và thiêng liêng sâu xa với loại hình ảnh đức tin truyền thống về Chúa Giêsu như đã phác tả trong phần Dẫn Nhập. Nhưng nếu người ta bắt đầu hỏi loại câu hỏi lịch sử về các nguồn và các giải thích mà chúng ta mưu cầu ở đây, thì không tránh khỏi việc người ta phải được dẫn vào các quan điểm và cách tiếp cận của nền bác học hiện đại.

Theo quan điểm của tôi, nhận thức về Chúa Giêsu lịch sử hành động một cách phụ thuộc nhưng không thể thiếu trong tương quan với nhận thức chúng ta có về Chúa Giêsu trong đức tin. Nó phụ thuộc vì mối tương quan đệ nhất đẳng của ta với Chúa Giêsu là mối tương quan đức tin. Đức tin này được thông truyền cho ta qua các cộng đồng như các cộng đồng đã được diễn tả trong Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan cũng như các cộng đồng Kitô giáo của hai thiên niên kỷ vừa qua. Đó là đức tin đã đích thân chiếm hữu bởi mỗi người chúng ta trong bối cảnh cảm nghiệm bản thân và cộng đoàn của chúng ta. Nhận thức về Chúa Giêsu lịch sử là điều không thể thiếu vì lý do đơn giả là: đức tin Kitô giáo luôn luôn đặt cơ sở vào tính đặc thù lịch sử của con người Giêsu thành Nadarét. Điều chúng ta biết về Người về phương diện lịch sử giúp chúng ta thực hiện hình ảnh đức tin của chúng ta cụ thể hơn về Người. Hình ảnh của chúng ta về Chúa Giêsu sẽ ra sao nếu chúng ta chỉ có các thư của Thánh Phaolô chứ không có bốn Tin Mừng? Nhưng, có lẽ còn quan trọng hơn, nhận thức lịch sử hành động một cách tiêu cực để giới hạn hay kiểm soát điều chúng ta có thể nói về Người. Nguy hiểm của các giải thích tiếp theo luôn luôn là tái tạo Chúa Giêsu theo hình ảnh của riêng mình, thí dụ, như chúa tể đế quốc, nhà cách mạng phe tả, nhà tư tưởng tự do cấp tiến v.v... Câu trả lời duy nhất và kiểm soát các hình ảnh như thế là nại đến điều chúng ta biết về Người về phương diện lịch sử.

Câu hỏi 6: Há các học giả đã không biến Chúa Giêsu thành bất khả tiếp cận đó sao? Làm thế nào một người bình thường tiến đến chỗ biết và hiểu mọi khai triển mới nhất trong khoa phê bình Kinh Thánh?

Chúng ta không bao giờ nên quên rằng đức tin của chúng ta là đức tin cộng đoàn. Không bao giờ được coi đức tin Kitô giáo như bao gồm một nhóm các cá nhân cô lập thực hiện các việc riêng của họ. Mỗi người chúng ta là thành viên của một cộng đồng tin. Mỗi người chúng ta được nuôi dưỡng bởi cộng đồng để lớn lên trong đức tin và mỗi người chúng ta được mong đợi đóng góp đức tin và tài năng của riêng mình vào việc lớn lên và phát triển liên tục của cộng đồng. Thánh Phaolô gọi cộng đồng Kitô giáo là một cơ thể có nhiều chi thể, tất cả đều quan trọng đối với phúc lợi của toàn thể. “Mắt không có thể bảo tay : ‘Tao không cần đến mày’; đầu cũng không thể bảo hai chân : ‘Tao không cần chúng mày’”(1Cr 12:21; hãy xem cả chương 12 cũng như Rm 12:3-8). Trọn trọng điểm của “các cộng đồng căn bản Kitô giáo” ở Châu Mỹ Latinh (và nay đã lan truyền khắp thế giới) là giúp cho mọi người trong cộng đồng tìm được tiếng nói của riêng mình, nghĩa là, diễn đạt kinh nghiệm đức tin riêng của mình trong tương tác cụ thể giữa thực tại đương thời và việc đọc sách thánh. Sẽ là một thảm kịch nếu người ta để việc đọc sách thánh cho một mình các học giả.

Thế nhưng các học giả cũng là thành viên của cộng đồng và có những đóng góp phải làm. Tranh chấp chỉ xẩy ra nếu các học giả tự đặt mình đối nghịch với cộng đồng. Ngay lúc ấy, chúng ta vẫn có thể học hỏi được nhiều từ những tiếng nói phê phán, nhất là về sự trung thực của chính chúng ta trong việc tìm kiếm sự thật. Trong bất cứ biến cố nào, chúng ta cũng không nên chờ các khai triển mới nhất trong việc tìm tòi bác học trước khi tiếp nhận chứng tá của Giáo Hội trong các sách thánh và dìm mình trong chúng. Mặt khác, khi chúng ta đọc, nhất quyết các câu hỏi sẽ xuất hiện. Các học giả có thể giúp chúng ta rất nhiều trong nhiệm vụ liên tục của chúng ta phải giải thích và quả thực họ rất cần thiết cho việc cộng đồng tự hiểu về chính mình. Giống vị hoạn quan Êtiôpia, chúng ta không luôn luôn hiểu điều chúng ta đang đọc và cần một ai đó để giải thích (Cv 8:26-39).

Câu 7: Tại sao ngày nay có nhiều quan điểm khác nhau đến thế về Chúa Giêsu?

Câu hỏi này đụng tới vấn đề tính đa nguyên. Chúng ta hiện sống trong một nền văn hóa ý thức sâu xa các quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, các dị biệt về sắc tộc, văn hóa, truyền thống, lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo v.v... Càng ngày chúng ta càng sống trong một nền văn hóa cũng ý thức một cách nhậy cảm rằng các dị biệt này đều tốt và hợp pháp. Hình ảnh “nồi nấu chẩy” đang được thay thế bằng cầu vồng nhiều mầu. Xu hướng của nền văn hóa đương thịnh thiên về tính độc dạng đang bị thách thức. Luôn nên có sự căng thẳng lành mạnh giữa tính hợp nhất và tính đa nguyên, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Sự cực đoan của độc dạng dẫn tới chủ nghĩa toàn trị; sự cực đoan của phân rẽ và chia rẽ dẫn tới chủ nghĩa cuồng tín. Cả hai đều bắt nguồn từ ý muốn thống trị và nỗi sợ sự thật sẽ giải phóng chúng ta (Ga 8:32).

Dù chúng ta có thể ý thức sắc nét hơn về thực tại và sự chính đáng của tính đa nguyên hiện nay, ta cũng nên thừa nhận rằng tính đa nguyên chính đáng vẫn hiện diện xưa nay trong Giáo Hội. Thí dụ, ngược với các cố gắng của quá khứ nhằm “hòa hợp” bốn sách Tin Mừng thành một “tiểu sử” của Chúa Giêsu, mà thực ra sẽ tạo ra một Tin Mừng thứ năm không hề tương ứng với bất cứ Tin Mừng nguyên thủy nào, hiện nay, chúng ta thừa nhận rõ ràng hơn rằng các Tin Mừng Máccô, Mátthêu, Luca và Gioan đem đến cho chúng ta một hình ảnh đặc biệt về Chúa Giêsu phát sinh từ cảm nghiệm đức tin của từng cộng đồng liên hệ. Và quả thực, nên như thế vì mầu nhiệm Chúa Giêsu không thể bị giản lược vào hay gói gọn trong bất cứ một cảm nghiệm đức tin duy nhất nào, bất kể có tính cộng đoàn hay cá nhân. Mầu nhiệm con người của Người luôn vượt quá các cố gắng của ta, ngay cả các cố gắng Kinh Thánh hay tín điều, nhằm diễn tả Người bằng ngôn ngữ nhân bản. Như thế, chúng ta có thể trông đợi các khác biệt chứ không phải các mâu thuẫn. Bốn Tin Mừng đem đến cho chúng ta những tầm nhìn khác nhau về Chúa Giêsu, nhưng chúng không mâu thuẫn nhau. Như viên kim cương đặt trước ánh sáng, Chúa Giêsu phản ảnh và mạc khải vinh quang Thiên Chúa nhiều cách và là những cách khác nhau.



Câu 8: Tại sao Chúa Giêsu được mô tả trong rất nhiều bức tranh và bức tượng như một người da trắng với mớ tóc nâu và đôi mắt xanh nước biển khi Người thực sự là người Do Thái?

Có hai chiều kích của Chúa Giêsu mà chúng ta không bao giờ nên quên. Trước nhất, trên bình diện lịch sử, Người là người Do Thái Palestine thế kỷ thứ nhất. Tính Do Thái của Người cực kỳ quan trọng đối với đức tin Kitô giáo. Chúa Giêsu là người của dân và thời Người. Người nối kết chúng ta với truyền thống phong phú và kỳ diệu bắt đầu với đức tin của cha chung chúng ta là Ápraham. Thành kiến chống Do Thái, và những cuộc tàn sát người Do Thái, từng quá thường xuyên xẩy ra một cách bi thảm trong lịch sử Kitô giáo, là chống Chúa Giêsu. Nếu chúng ta tin Chúa Giêsu, chúng ta chấp nhận di sản làm người Do Thái như là di sản của chúng ta, và chúng ta tôn kính di sản này như diễn tả ý Thiên Chúa cho chúng ta.

Thế nhưng, thứ hai, Chúa Giêsu người của thời Người cũng là người của mọi thời. Trên bình diện thần học, Người đã trở thành Ađam thứ hai (1Cr 15:20-22, 45-49; Rm 5:14tt), hữu thể nhân bản mới, hiện thân và ôm lấy toàn thể nhân loại. Điều này có nghĩa Người không những là người da trắng với mớ tóc nâu và đôi mắt mầu xanh nước biển (như thường được diễn tả trong nghệ thuật Tây phương) nhưng, trong tư cách sống lại, Người cũng là người Hy lạp cũng như người Do Thái, người tự do cũng như người nô lệ, đàn ông cũng như đàn bà (Gl 3:28). Người là người Phi châu, Á châu, Latinh cũng như Â châu và Bắc Mỹ. Người là “Chúa Kitô người Apache” cũng như “Chúa Kitô vũ trụ”. Như Thi sĩ Gerard Manley Hopkins đã viết:

“...Chúa Kitô chơi ở nhiều nơi,
Một cách đáng yêu trong chân tay, và một cách đáng yêu trong đôi mắt không phải của Người,
Cho Chúa Cha qua các nét của các khuôn mặt con người”


Câu hỏi 9: Tại sao cần lâu như thế mới tiến tới chỗ nghiên cứu và đánh giá cao nhân tính của Chúa Giêsu?

Đúng là hình ảnh truyền thống về Chúa Giêsu có xu hướng nhấn mạnh nhiều hơn tới thiên tính của Người. Vì chúng ta tin Người là Thiên Chúa, nên nhân tính của Người luôn là một điều có vấn đề. Ngay trong cộng đồng đã cho ta Tin Mừng Gioan, với việc nhấn mạnh nhiều tới mối tương quan đời đời của Chúa Giêsu với Chúa Cha, chúng ta đã thấy vấn đề này xuất hiện rồi. Tác giả của thư Gioan thứ nhất đã phải nhấn mạnh rằng “Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm” (4:2). Thư này lên án những ai không chấp nhận nhân tính bằng xương thịt và máu huyết của Chúa Giêsu. Các giáo phụ và công đồng tiên khởi, chịu ảnh hưởng nặng nề của Tin Mừng Gioan, đã vật lộn khá nhiều với cùng vấn đề này. Các ngài nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu trọn vẹn là con người nhân bản vì Người không thể cứu rỗi chúng ta nếu Người không mang lấy trọn bản tính con người, nghĩa là thân xác và linh hồn con người. Vấn đề duy nhất với điều này là nhân tính của Người quá thường xuyên xem ra chỉ là “nguyên lý hiện hữu” trừu tượng sở dĩ cần được khẳng định vì ơn cứu rỗi của chúng ta mà thôi. Còn hữu thể nhân bản sống động, sôi động, bằng xương bằng thịt với máu huyết giống như chúng ta trong mọi sự (Dt 4:15) thì không phải là tập chú trong quan tâm thần học của các ngài.

Điều được gọi là “việc tìm kiếm Chúa Giêsu lịch sử” (bắt đầu khoảng năm 1778 và tiếp tục cho đến nay) đem lại cho chúng ta là một Chúa Giêsu với bộ mặt nhân bản nhiều hơn. Với việc phát triển ý thức lịch sử hiện đại của chúng ta, chúng ta trở nên nhậy cảm hơn đối với tầm quan trọng trung tâm của khía cạnh lịch sử và nhân bản trong đời sống Chúa Giêsu cũng như trong chính đời sống chúng ta. Chúng ta bị lôi cuốn nhiều hơn vào một ai đó vật lộn, lớn lên, và học hỏi như chúng ta; vào một ai đó cảm nhận như chúng ta cảm nhận, đau điều chúng ta đau; vào một ai đó tự thâm tâm biết các niềm vui và hy vọng, sầu buồn và xao xuyến của thân phận làm người chung, nhất là những người nghèo hay khổ sở cách nào đó (xem lời mở đầu của Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thời Hiện đại của Vatican II). Ngược với thời trước đây, ngày nay, chúng ta nhấn mạnh nhiều hơn tới nhân tính hơn là thiên tính của Người. Một tầm nhìn cân bằng sẽ luôn khẳng định với Công đồng Canxêđoan sự trọn vẹn của cả nhân tính lẫn thiên tính.

Câu hỏi 10: Chúng ta có biết nhiều về Chúa Giêsu hơn Người biết chính Người không?

Theo một nghĩa nào đó, câu trả lời cho câu hỏi này phải là cả có lẫn không. Có nhiều điều chúng ta không biết về Chúa Giêsu. Chúng ta không biết Người trông ra sao, bản thân Người thích và không thích những gì, đời sống Người phát triển ra sao trong thứ tự thời gian của các biến cố hay việc lớn lên về tâm lý. Có nhiều nét đặc thù lịch sử như thế chúng ta rất muốn được biết, nhưng chúng mất hút trong màn sương mù thời gian. Thế nhưng, mặt khác, chúng ta biết nhiều về Người hơn là có lẽ Người biết về chính Người vì các giới hạn của đời sống nhân bản, lịch sử. Vì chúng ta nhìn Người từ ánh sáng mạc khải của phục sinh và các giải thích đã khai triển của cộng đồng đức tin dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cả trong Kinh Thánh lẫn trong các tín điều. Kinh Tin Kính Nixêa mà chúng ta đọc mỗi Chúa nhật ở nhà thờ là biểu thức của một đức tin trưởng thành có điểm lợi của điều tôi xin gọi là “trọn” cảm nghiệm về Chúa Giêsu nghĩa là đời sống nhân bản và thần linh của Người, cái chết của Người trên thập giá, sự phục sinh của Người, và việc suy gẫm của Giáo Hội về và chiếm hữu thâm hậu hóa mầu nhiệm Chúa Giêsu. Thế nhưng, giống sách thánh, Kinh Tin kính Nixêa là biểu thức có giới hạn bằng ngôn ngữ con người một mầu nhiệm vốn vượt quá các khả năng của chúng ta. Thành thử, dù chúng ta có thể nói có, chúng ta biết về Chúa Giêsu nhiều hơn chính Người biết Người, chúng ta có thể xoay ngược câu hỏi và thưa rằng như Chúa phục sinh, Chúa Giêsu, trong vòng tay đời đời của Chúa Cha, biết về chính Người cũng như về chúng ta nhiều hơn chúng ta có thể tưởng nghĩ.
 
VietCatholic TV
Táo bạo: Ukraine lại tấn công Moscow. Nhà máy lọc dầu Nga trúng hỏa tiễn cháy, nổ cả ngày chưa dứt
VietCatholic Media
02:40 29/07/2023


1. Nhà máy lọc dầu của Nga bên bờ Hắc Hải trúng hỏa tiễn cháy cả ngày chưa dứt

Ký giả Taryn Pedler của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “RUSSIA ROCKED ‘Missile’ blasts Russian resort Taganrog and ‘sabotage bomb hits oil plant’ as Putin reels from Ukraine counter-attack,” nghĩa là “Nước Nga rúng động. Hỏa tiễn làm nổ tung khu nghỉ dưỡng Taganrog của Nga và 'bom phá hoại đánh trúng nhà máy dầu' khi Putin quay cuồng trước cuộc phản công của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một vụ nổ KHỔNG LỒ đã làm rung chuyển một thành phố của Nga hôm nay và khiến 15 người bị thương trong một đòn giáng mạnh vào Putin.

Vụ nổ ở Taganrog, gần biên giới Ukraine, xảy ra trong bối cảnh có báo cáo về một quả bom phá hoại nhằm vào một nhà máy dầu ở một vùng khác của Nga.

Taganrog là một thành phố cảng trên Hắc Hải - cách Rostov-on-Don, một trong những thành phố lớn nhất của Nga, khoảng 30 dặm.

Bộ Quốc phòng Nga đổ lỗi cho Ukraine về vụ nổ.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov. cho biết: “Chế độ Kiev /ki-ép/ đã thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng hỏa tiễn phòng không của hệ thống phòng không S-200 được chuyển đổi thành phiên bản tấn công vào cơ sở hạ tầng dân cư của thành phố Taganrog, Vùng Rostov.” Người Nga gọi Thủ đô của Ukraine là Kiev /ki-ép/ thay vì Kyiv.

“Các hệ thống phòng không của Nga đã phát hiện một hỏa tiễn Ukraine và đánh chặn nó trên không”.

Ông cho biết “các mảnh vỡ” của hỏa tiễn Ukraine rơi ở Taganrog.

“Do hậu quả của cuộc tấn công khủng bố do chế độ Kiev thực hiện, một số tòa nhà đã bị hư hại và cũng có những nạn nhân là dân thường,” Konashenkov nói.

Thống đốc vùng Rostov Vasily Golubev cho biết vụ nổ làm 15 người bị thương.

Ông cho biết tâm vụ nổ rơi vào bảo tàng nghệ thuật.

“Bức tường của bảo tàng, mái nhà, nhà để xe và các tòa nhà phụ đã bị phá hủy. Các khung cửa sổ và ban công của tòa nhà chung cư 3 tầng bên cạnh đã bị sập hoàn toàn,” ông ta nói.

Nhà lãnh đạo khu vực cho biết chín người đã được đưa đến bệnh viện.

“Chín người đã được chuyển đến các cơ sở y tế, tình trạng của họ được các bác sĩ đánh giá là trung bình và nhẹ,” Golubev nói.

Một nhân chứng cho biết: “Chúng tôi nghe thấy một tiếng vỗ tay, nhưng mạnh, rất mạnh. Kính ở quán cà phê gần đó bay ra ngoài.”

Một người khác nói: “Đây là địa điểm mà thứ gì đó đã tấn công từ trên không hoặc chúng tôi không biết. Một miệng núi lửa khổng lồ, và mọi thứ xung quanh bị phá hủy, thật khủng khiếp, mọi thứ đều bị phá hủy, một chiếc xe hơi nằm dưới đống đổ nát.

“Một cái gì đó khủng khiếp đã xảy ra.”

Phó chủ tịch Duma Quốc gia Alexander Khinshtein cho biết trên kênh Telegram của mình, một vụ nổ thứ hai xảy ra trên lãnh thổ của nhà máy lọc dầu Kuibyshev ở Samara.

Ông cho biết không có thương vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng nhưng vụ hỏa hoạn ở nhà máy dầu vẫn chưa được dập tắt.

Nhà máy lọc dầu Kuibyshev là một trong những doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhất ở Vùng Samara, hoạt động từ năm 1945.

Nó diễn ra sau khi Ukraine đập tan tiền tuyến của Nga trong một cuộc tấn công bằng xe tăng khổng lồ khi Tổng thống Zelenskiy nói rằng “các chàng trai của ông đã có kết quả rất tốt”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận giao tranh đã gia tăng đáng kể.

Các quan chức Nga kinh hoàng ở Zaporizhzhia bị tạm chiếm ở phía nam tuyên bố hàng ngàn binh sĩ Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng vào hôm thứ Tư với 100 xe tăng Leopard của Đức và Xe chiến đấu Bradley của Hoa Kỳ.

2. Nga cho biết Ukraine đã phát động cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào khu vực Mạc Tư Khoa trong đêm

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu cho biết họ đã phá hủy một máy bay không người lái mà Ukraine đã phóng trong đêm để tấn công khu vực Mạc Tư Khoa.

Một nỗ lực của Kyiv “để thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái vào các cơ sở ở khu vực Mạc Tư Khoa đã bị phá vỡ. Máy bay không người lái đã bị phá hủy bởi các phương tiện phòng không”, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết.

Không có thương vong hoặc thiệt hại, ông ta nói thêm.

Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin cũng xác nhận vụ tấn công.

Một số bối cảnh: Đầu tuần, một quan chức từ Tình báo Quốc phòng Ukraine nói với CNN rằng họ chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tấn công Mạc Tư Khoa hôm thứ Hai. Máy bay không người lái đã tấn công hai tòa nhà phi dân cư ở thủ đô Nga – trong đó có một tòa nhà gần trụ sở Bộ Quốc phòng.

Nga mô tả các cuộc tấn công là một “cuộc tấn công khủng bố của chế độ Kiev /ki-ép/”. Nga gọi thủ đô của Ukraine là Kiev thay vì Kyiv.

3. Tư Lệnh Lục Quân Ukraine cho biết các cuộc tấn công của Nga đã bị đẩy lùi về phía Kupiansk và Lyman

Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, cho biết lực lượng Nga đang liên tục tấn công theo hướng Kupiansk và Lyman ở Donetsk nhưng tuyến phòng thủ của Ukraine đang giữ vững.

Oleksandr Syrskyi cho biết nhiệm vụ chính của quân đội Ukraine vào lúc này là tiêu diệt pháo binh của đối phương nếu có thể, và ông tuyên bố sẽ có những bước tiến về hướng Bakhmut.

Đối phương liên tục tấn công theo hướng Kupiansk và Lyman bằng cách sử dụng các đơn vị chuyên nghiệp nhất của nó. Mỗi ngày chúng tôi đẩy lùi nhiều cuộc tấn công ở những khu vực này. Không có vị trí nào của chúng ta đã bị mất.

Tình hình ở hướng Bakhmut rất căng thẳng nhưng chúng tôi đang dần tiến lên và giải phóng vùng đất của mình. Địch bám từng tấc đất, tiến hành các đợt tấn công bằng pháo và súng cối dữ dội.

Trong những điều kiện đó, điều rất quan trọng là phải đưa ra các quyết định quản lý kịp thời dựa trên tình hình hiện tại và thực hiện các biện pháp điều động lực lượng và phương tiện, bố trí lại các đơn vị từ phân khu đến các khu vực phòng thủ những nơi đã đạt được thành công hoặc rút họ ra khỏi làn đạn của đối phương.

Chiến đấu phản công hiện đang đi đầu trong các hành động của chúng tôi.

4. Chỉ huy Ukraine ở mặt trận phía nam báo cáo một số thành công trong cuộc phản công

Chỉ huy hàng đầu của Ukraine ở mặt trận phía nam cho biết các lực lượng của ông đang đạt được một số tiến bộ trong việc đẩy lùi quân đội Nga, khi cuộc phản công của Kyiv dường như đang bước vào một giai đoạn mới quyết liệt hơn.

Tướng Oleksandr Tarnavskyi cho biết: “Các lực lượng phòng thủ đang đẩy lùi đối phương một cách có hệ thống và đang đạt được một số thành công.

“Đặc biệt, quân đội Ukraine đã giải phóng Staromaiorske ở khu vực Donetsk và đang củng cố các vị trí của họ,” ông nói thêm, ám chỉ đến một ngôi làng ở đông nam Ukraine mà quân đội Kyiv đã tuyên bố chủ quyền hôm thứ Năm.

Vị tướng này mô tả cuộc giao tranh khốc liệt, đang diễn ra trong khu vực mà ông chỉ huy, bao gồm các phần phía nam của Donetsk và khu vực Zaporizhzhia.

Theo Tarnavskyi, Nga đã tiến hành ít nhất 17 cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraine ở đó trong ngày qua và bắn vào lực lượng của Kyiv hàng trăm lần nữa. Trong khi đó, các đơn vị pháo binh của Ukraine đang tiến hành cuộc tấn công, thực hiện hơn 1.500 nhiệm vụ khai hỏa trong cùng thời gian đó.

Tarnavskyi tuyên bố hàng trăm thiết bị quân sự của Nga đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh gần đây nhất, bao gồm cả xe tăng và xe bọc thép chở quân.

Kyiv dường như đang tăng cường phản công sau nhiều tháng tiến triển chậm chạp. Các quan chức Hoa Kỳ nói với CNN vào đầu tuần này rằng nhiều binh sĩ đã được đưa tới mặt trận phía nam, nơi Tarnavskyi đang dẫn đầu nỗ lực tái chiếm lãnh thổ.

Hôm thứ Năm, video xuất hiện hình ảnh quân đội Ukraine rõ ràng đang đứng ở Staromaiorske, ngôi làng được đề cập trong báo cáo của Tarnavskyi.

Sau đó, vào thứ Sáu, một video khác lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, lần đầu tiên, các lực lượng Ukraine đã tiếp cận một trong những tuyến phòng thủ “răng rồng” trải dài của Nga. Các công sự chống tăng bằng bê tông là một ví dụ về hệ thống phòng thủ nhiều lớp mà Nga đã phát triển để làm chậm mọi nỗ lực giành lại lãnh thổ ở miền nam Ukraine.

5. Lính Chechnya tấn công đồng đội bằng súng chống tăng trong khoảng khắc Rambo sai lầm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Chechen Soldier Hits Comrade with RPG in 'Rambo' Moment Gone Wrong”, nghĩa là “Lính Chechnya tấn công đồng đội bằng súng chống tăng trong khoảng khắc Rambo sai lầm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một người lính Chechnya đang chiến đấu ở Ukraine dường như đã đánh trúng đồng đội của mình khi cố gắng sử dụng lựu đạn phóng hỏa tiễn vác vai, gọi tắt là RPG, theo một đoạn clip lan truyền trên mạng.

Người ta có thể nghe thấy một chiến binh Chechnya hét lên át tiếng súng nặng nề trước khi một người lính khác, cầm một khẩu RPG, khai hỏa. Sau đó, máy quay nhanh chóng chuyển sang cảnh người lính đứng đằng sau hệ thống hỏa tiễn vác vai bị trúng đạn ngược và gục xuống đất sau khi RPG được khai hỏa. Anh ta cố gắng lết đến chiến hào nơi đồng đội của anh ta đang chiến đấu. Người lính Chechnya được tin là đã quýnh quáng, quay ngược mũi súng về phía sau, hướng về đồng đội của mình, và khai hỏa.

Newsweek không thể xác minh độc lập đoạn phim này được quay khi nào và ở đâu, hoặc những chiến binh xuất hiện trong đoạn clip có phải là những người lính Chechnya thân Nga hay không. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Các chiến binh Chechnya thân Nga đã chiến đấu cho Mạc Tư Khoa ở Ukraine kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột. Ramzan Kadyrov, lãnh đạo của nước cộng hòa Chechnya miền nam nước Nga, được coi là một trong những đồng minh trung thành nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin và thường xuyên lên tiếng ủng hộ cuộc chiến của Điện Cẩm Linh ở Ukraine.

Các chuyên gia cho rằng các chiến binh Chechnya hoạt động như một lực lượng thanh trừng hoặc quân cảnh, phần nào bị loại khỏi tiền tuyến, trước khi Kadyrov cho biết họ sẽ được triển khai đến các địa điểm như thành phố Bakhmut đang tranh chấp khốc liệt để thay thế các chiến binh đánh thuê Wagner đang rút lui.

Một số chiến binh Chechnya, hoặc tình nguyện viên gốc Chechnya, cũng đã gia nhập hàng ngũ của Ukraine chống lại quân đội Nga. Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Ukraine đã đăng đoạn phim mà họ cho là cho thấy quân Chechnya thân Kyiv phục kích một chiếc xe tải của Nga ở Ukraine.

Mikhail Alexseev, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bang San Diego, trước đây đã nói với Newsweek rằng nhiều tình nguyện viên Chechnya đã đến tiền tuyến của Ukraine với “sự bất bình lâu dài” chống lại Nga và chế độ tàn bạo của Kadyrov. Chechnya bị chiến tranh nhấn chìm sau khi Liên Xô sụp đổ, cố gắng giành độc lập khỏi Mạc Tư Khoa trước khi được đưa trở lại dưới sự kiểm soát của Mạc Tư Khoa.

Alexseev nói: “Một số tình nguyện viên ủng hộ Ukraine coi việc bảo vệ Ukraine là góp phần vào mục tiêu lâu dài của họ trong nỗ lực giành độc lập cho Chechnya”.

Các chiến binh Chechnya thân Nga đôi khi được gọi một cách miệt thị là “đội quân TikTok” vì họ có xu hướng đăng các cảnh quay của mình lên mạng TikTok.

Kadyrov đã nói rằng các lực lượng đặc biệt của Chechnya đã chiến đấu trong và xung quanh Bakhmut cùng với lính dù của Nga. Vào ngày 21 tháng 7, Kadyrov cho biết như trên rằng các đơn vị Chechnya Akhmat đang hoạt động gần Klishchiivka, không xa thành phố Bakhmut đã bị tàn phá. Kadyrov lần đầu tiên tuyên bố rằng các chiến binh Chechnya đã được triển khai gần Klishchiivka vào ngày 9 tháng 7, viện nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW. có trụ sở tại Washington cho biết trong một đánh giá vào ngày 16 tháng 7.

“Tuy nhiên, nhiều khả năng Kadyrov đã triển khai lực lượng Chechnya xung quanh Bakhmut để tuyên truyền,” tổ chức tư vấn cho biết hồi đầu tháng này.

6. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng Lukashenko sử dụng Tập đoàn Wagner để ép Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Lukashenko Using Wagner Group to Squeeze Putin—ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng Lukashenko sử dụng Tập đoàn Wagner để ép Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Alexander Lukashenko đã sử dụng nỗi sợ hãi của Vladimir Putin về Tập đoàn Wagner làm đòn bẩy trong cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Belarus và Nga trong tuần này.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Mỹ cho biết điều này cho thấy sự lo lắng của ông Putin về số phận của nhóm lính đánh thuê do Yevgeny Prigozhin cầm đầu. Wagner đã tổ chức một cuộc binh biến vào ngày 24 tháng 6, trong đó lính đánh thuê chiếm giữ các cơ sở quân sự ở thành phố Rostov-on-Don, miền nam nước Nga và hành quân đến Mạc Tư Khoa.

Chuyến đi một ngày của Lukashenko đến St. Petersburg bắt đầu vào hôm Chúa Nhật nhưng đã được kéo dài thành ba ngày. Putin nói với nhà lãnh đạo Belarus rằng ông sẵn sàng điều chỉnh lịch trình để nói chuyện chi tiết hơn, theo Ban tiếng Nga của BBC.

Tuy nhiên, một chuyên gia nói với Newsweek rằng cuộc họp chỉ là “một màn biểu diễn đơn thuần nhằm gây sợ hãi và khiêu khích phương Tây. “

Kênh tin tức Telegram của Nga Brief cho biết Tập đoàn Wagner là chủ đề quan trọng nhất của cuộc họp. Lukashenko cũng yêu cầu Putin hỗ trợ kinh tế nhiều hơn thông qua thỏa thuận hội nhập và quốc phòng của Nhà nước Liên minh giữa các quốc gia. Kênh này nói thêm rằng Putin muốn Minsk tham gia nhiều hơn vào cuộc xâm lược Ukraine của ông.

Hanna Liubakova, một nhà báo đến từ thủ đô Minsk của Belarus, đồng thời là thành viên không thường trú của tổ chức tư vấn Hoa Kỳ Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng Lukashenko đang tìm cách củng cố vị thế của mình với tư cách là một người chơi trong khu vực.

Cô nói với Newsweek: “Putin có chung mục tiêu với Lukashenko là muốn thể hiện sức mạnh và khả năng kiểm soát, đặc biệt là để đáp trả cuộc binh biến của Prigozhin.

Cô ấy tin rằng hành động của Lukashenko cũng có thể được hiểu là anh ta đang tìm kiếm sự hỗ trợ đáng kể hơn từ Putin cho vai trò hòa giải của mình.

“Bằng cách đề cập đến mong muốn tiến về phía tây của lính đánh thuê Wagner và áp lực mà anh ta cảm thấy, Lukashenko có thể đang cố gắng nhấn mạnh tầm quan trọng của vị trí của anh ta và những tác động tiềm tàng nếu anh ta mất kiểm soát tình hình.”

Điều này có nghĩa là nhà lãnh đạo độc tài Belarus “có thể sử dụng sự hiện diện của lính đánh thuê Wagner làm đòn bẩy để yêu cầu sự hậu thuẫn hữu hình hơn từ Putin. Điều này có thể liên quan đến các nguồn lực bổ sung và hỗ trợ kinh tế.”

Cô nói thêm: “Âm mưu do Lukashenko và Putin dàn dựng ở St. Petersburg dường như chỉ là một màn trình diễn nhằm gây sợ hãi và khiêu khích phương Tây một lần nữa”.

Cho đến nay, Lukashenko không đóng vai trò trực tiếp trong cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù, với tư cách là đồng minh thân cận nhất của Putin, ông đã cho phép sử dụng lãnh thổ Belarus làm điểm xuất phát các cuộc tấn công.

Vũ khí hạt nhân cũng đã được chuyển từ Nga sang Belarus. Các chuyên gia đã nói rằng việc người dân Belarus không ưa chuộng cuộc xâm lược của Putin có thể khiến Lukashenko dễ bị tổn thương nếu ông can dự nhiều hơn vào Ukraine. Newsweek đã liên hệ với bộ ngoại giao Nga và Belarus qua email để xin bình luận.

“Quyết định kéo dài cuộc gặp gỡ với Lukashenko của Putin có thể cho thấy Putin tiếp tục lo ngại về Wagner, là điều mà có vẻ như Lukashenko cũng chưa nguôi ngoai,” ISW cho biết hôm thứ Ba.

“Lukashenko có khả năng tìm cách tận dụng quyền lực của mình đối với Tập đoàn Wagner để nhận được sự nhượng bộ từ Putin,” ISW cho biết thêm. Những điều này sẽ bao gồm các điều kiện thuận lợi trong quan hệ Belarus-Nga và làm chệch hướng các yêu cầu của Putin về việc hỗ trợ nhiều hơn cho cuộc chiến của ông ta.

Thỏa thuận mà Prigozhin đạt được để chấm dứt cuộc binh biến vào tháng trước, được cho là do Lukashenko làm trung gian, bao gồm việc đồng ý lưu đày ông và quân đội của ông tới Belarus. Có khả năng có tới 4.000 chiến binh Wagner ở Belarus, theo phe đối lập lưu vong, như Newsweek đã đưa tin trước đó.

Brief nói rằng các trại được xây dựng để chứa quân đội Wagner được Bộ Quốc phòng Belarus và các cơ quan an ninh KGB canh gác và kiểm soát.

Tờ báo nói thêm rằng Lukashenko chưa sẵn sàng mở rộng các quyền tự do của Prigozhin ở Belarus vì sợ rằng Tập đoàn Wagner có thể nắm quyền.

7. Tổng thống Pháp Macron lên án 'chủ nghĩa đế quốc mới' ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ký giả CLEA CAULCUTT của tờ Politico có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “Macron condemns ‘new imperialism’ in the Indo-Pacific amid growing Chinese influence”, nghĩa là “Macron lên án 'chủ nghĩa đế quốc mới' ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm đã lên án “chủ nghĩa đế quốc mới” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi ông cam kết Pháp sẽ tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực để bảo vệ chủ quyền của các quốc gia nhỏ hơn.

“Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và đặc biệt là ở Châu Đại Dương, một chủ nghĩa đế quốc mới đang xuất hiện và một logic quyền lực đang đe dọa chủ quyền của một số quốc gia, nhỏ nhất, thường là mong manh nhất,” Macron nói trong một bài phát biểu tại Vanuatu. Tổng thống Pháp đang có chuyến thăm 5 ngày tới Nam Thái Bình Dương, dừng chân tại lãnh thổ New Caledonia của Pháp, Papua New Guinea và quần đảo Vanuatu.

Tuy nhiên, Macron đã không nêu tên các quốc gia mà ông cáo buộc là “chủ nghĩa đế quốc mới” trong khu vực mà Trung Quốc đang dẫn đầu một chính sách đối ngoại ngày càng tấn công và Mỹ cũng đang tăng cường sự hiện diện của họ.

Tổng thống Pháp tố cáo “việc đánh bắt cá bất hợp pháp” ở các vùng biển, việc khai thác khoáng sản quý hiếm và các khoản vay cắt cổ dành cho các quốc gia nhỏ hơn.

Macron đang đi trên dây ở Thái Bình Dương giữa liên minh lịch sử của Pháp với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, và mong muốn của ông đóng vai trò là “một cường quốc cân bằng” trong khu vực. Đó là một lập trường đã bị chỉ trích trong quá khứ, đáng chú ý là khi ông nói với POLITICO rằng Âu Châu không nên là “những người đi theo Mỹ” và “làm theo gợi ý” của Mỹ về vấn đề Đài Loan.

Chuyến thăm, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Pháp kể từ khi Charles de Gaulle công du khu vực vào năm 1966, nhằm đánh dấu sự “tái can dự” của Pháp vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn đã bị thất vọng trước việc Pháp bị loại khỏi liên minh AUKUS vào năm 2021. Pháp có tham vọng “kề vai sát cánh” với các quốc gia ở Thái Bình Dương để hỗ trợ “độc lập và chủ quyền của họ,” Macron nói.

Ông nói: “Trật tự toàn cầu hoàn toàn bị xáo trộn bởi sự sẵn sàng của các cường quốc thế giới mới gây nguy hiểm cho trật tự thế giới và xâm lược các nước khác, như Nga xâm lược Ukraine.

“Các cường quốc lớn khác trong khu vực đang thử thách các bạn, thử thách chúng tôi về chủ quyền hàng hải của chúng tôi,” ông nói thêm. Pháp có một số vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương, bao gồm New Caledonia, Polynesia thuộc Pháp và các đảo Wallis và Futuna.

Macron cho biết ông cảm thấy việc đưa ra những cảnh báo như vậy là hợp pháp do mối quan hệ thuộc địa của Pháp với khu vực. Ông nói: “Chúng ta là những người thừa kế của quá khứ này. Vanuatu là một “chung cư” Pháp-Anh được gọi là New Hebrides cho đến khi giành được độc lập vào năm 1980. Tổng thống Pháp cũng có bài phát biểu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, hai ngôn ngữ chính thức của quốc gia.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương, đáng chú ý là việc ký kết hiệp định phòng thủ với quần đảo Solomon vào năm ngoái. Hoa Kỳ cũng đã đáp lại bằng sự hỗ trợ mới cho khu vực và việc ký kết các hiệp ước quốc phòng, bao gồm cả với Papua New Guinea.

Macron đã công bố các khoản đầu tư phát triển mới, mở văn phòng cho cơ quan phát triển của Pháp và tăng cường hợp tác về giám sát hàng hải. Theo Le Monde, các khoản đầu tư của Pháp vào khu vực này bị lấn át bởi Úc, quốc gia đã chi 74 triệu euro cho Vanuatu vào năm ngoái, so với 8 triệu euro của Pháp.

8. Các tân binh của Wagner phải đồng ý chiến đấu bên trong các quốc gia NATO

Ký giả Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “New Wagner recruits are now being told they must agree to fight inside NATO countries Poland and Lithuania when they sign up, Ukraine claims”, nghĩa là “Ukraine tuyên bố: Các tân binh của Wagner hiện đang được thông báo rằng họ phải đồng ý chiến đấu bên trong các quốc gia NATO là Ba Lan và Lithuania khi họ ghi danh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine cho biết, những tân binh đánh thuê của Wagner được thông báo rằng họ phải đồng ý chiến đấu bên trong các quốc gia Nato là Ba Lan và Lithuania khi họ ký hợp đồng.

Nhóm lính đánh thuê này đang trong quá trình quay trở lại Belarus sau khi thủ lĩnh của nhóm này là Yevgeny Prigozhin hủy bỏ một cuộc binh biến có chủ đích nhằm vào Bộ Quốc phòng Nga vào tháng trước.

Kể từ khi đến đất nước, những người lính đánh thuê Wagner đã được ở trong các trại dã chiến và đang huấn luyện cho các lực lượng Belarus.

Nhưng Ukraine tuyên bố Wagner đang tuyển mộ các chiến binh mới ở Belarus nhằm nâng cao hàng ngũ của mình để chuẩn bị cho chiến tranh trong tương lai, có khả năng xảy ra trên lãnh thổ của NATO.

Theo trung tâm, những người lính đánh thuê mới được tuyển dụng phải đồng ý 'tham gia vào các hoạt động chiến sự trên lãnh thổ của các quốc gia láng giềng Belarus, đặc biệt là Ba Lan và Lithuania'.

Một cuộc tấn công có liên quan đến Wagner vào lãnh thổ của NATO sẽ tạo cơ sở cho liên minh an ninh này tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang.

Ít nhất 5.000 quân Wagner đã chuyển đến Belarus, nơi họ được cho là huấn luyện quân đội của nhà độc tài Alexander Lukashenko.

Lithuania đã tuyên bố Wagner là một tổ chức khủng bố và Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak tuyên bố vào ngày 18 tháng 7 sẽ củng cố biên giới của mình với hai lữ đoàn quân sự bổ sung vì sự hiện diện của Tập đoàn Wagner.

Biên giới giữa Ba Lan và Lithuania được gọi là 'mắt xích yếu nhất' của Nato.

Hành lang Suwalki là một dải đất dài 60 dặm có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với NATO và Liên Hiệp Âu Châu - cũng như Nga.

Đối với phương Tây, đây là tuyến đường bộ duy nhất nối với ba nước cộng hòa vùng Baltic thuộc Liên Xô cũ - Lithuania, Latvia và Estonia - và được coi là dễ bị tổn thương trước Putin nếu căng thẳng đông-tây hiện nay trở nên tồi tệ hơn.

Đối với Nga, việc kiểm soát hành lang này sẽ tạo ra một liên kết trên đất liền giữa vùng Kaliningrad thuộc vùng Baltic, căn cứ chính của Hạm đội Baltic của Putin, và đồng minh chắc chắn của Cẩm Linh là Belarus.

Thượng Tướng Andrey Kartapolov, cũng là một nghị sĩ và chủ tịch ủy ban quốc phòng của quốc hội Nga, cho biết hồi đầu tháng rằng lực lượng Wagner có thể được triển khai ở đây.

'Có một nơi gọi là Hành lang Suwalki.

'Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta rất cần Hành lang Suwalki này.

'Một lực lượng tấn công, là lực lượng Wagner ở Belarus đã sẵn sàng để chiếm hành lang này trong vài giờ nữa.'

Kế hoạch chiếm đất bằng 'nắm đấm gây sốc' của ông ta sẽ đánh vào vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt vốn được NATO coi là 'gót chân Achilles' hay 'phần dưới mềm yếu'.

Bởi vì nó có thể là điểm tiếp xúc đầu tiên trong Chiến tranh thế giới thứ ba, hành lang đã được coi là 'nơi nguy hiểm nhất trên Trái đất'.

Một động thái của Nga ở đây với Wagner được nhà nước hậu thuẫn có thể sẽ kích hoạt điều khoản 5 của NATO, thiết lập Liên minh chống lại Nga.

Tuy nhiên, Ba Lan đang nhanh chóng tái vũ trang do mối đe dọa từ Mạc Tư Khoa và Đức sẽ triển khai 4.000 quân thường trực ở Lithuania khi NATO tăng cường sự hiện diện của mình ở các quốc gia vùng Baltic.

Nó xảy ra khi chỉ huy của Wagner, Prigozhin, được tường trình đã xuất hiện một cách có chủ ý ở St. Petersburg hôm nay tại hội nghị thượng đỉnh của Nga dành cho các nhà lãnh đạo Phi Châu.

Prigozhin, 62 tuổi, được nhìn thấy đi cùng một người đàn ông được cho là thành viên của phái đoàn Cộng hòa Trung Phi tới hội nghị thượng đỉnh, nơi một loạt các nhà lãnh đạo Phi Châu đang gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sự hiện diện của Prigozhin tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Phi Châu ở Nga và cuộc gặp của ông với một đại biểu Cộng Hòa Trung Phi chắc chắn sẽ có ý nghĩa, do phạm vi hoạt động rộng lớn của nhóm Wagner ở nhiều quốc gia Phi Châu bao gồm Cộng Hòa Trung Phi, Libya, Mali, Sudan, Mozambique và Burkina Faso.

Họ cũng được hiểu là hoạt động ở Niger, nơi một cuộc đảo chính được thực hiện vào thứ Tư bởi lực lượng bảo vệ tổng thống của đất nước.

Mục tiêu của nó khác nhau ở mỗi khu vực, nhưng các hoạt động của Wagner hầu như luôn liên quan đến việc củng cố lực lượng quân sự của các chế độ ưa thích của Điện Cẩm Linh ở Phi Châu bằng cách cung cấp vũ khí và huấn luyện, đồng thời cung cấp các dịch vụ an ninh bổ sung.

Đổi lại, Nga được tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ hội đầu tư và ảnh hưởng địa chính trị.
 
ĐTGM Ukraine: 13 năm trước Kirill thánh hiến thánh đường, nay ông ta chúc lành lô hỏa tiễn nổ sập nó
VietCatholic Media
04:46 29/07/2023


1. 65.000 người trẻ Ý tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ Lisbon

Trong những ngày này, 65.000 bạn trẻ người Ý, thuộc hơn 180 giáo phận, do 106 giám mục và hàng chục linh mục, tu sĩ nam nữ hướng dẫn, chuẩn bị lần lượt lên đường, bằng nhiều cách, để tới Bồ Đào Nha tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ Lần thứ 37.

Hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi hôm 24 tháng Bảy vừa qua, cho biết các bạn trẻ nước Ý, cùng với Tây Ban Nha, sẽ là nhóm đông đảo nhất. Nhiều người trong số họ sẽ tham dự những ngày tại các giáo phận Bồ Đào Nha, từ 26 đến 31 tháng Bảy, trước khi về thủ đô Lisbon tham dự chương trình chính thức, từ mùng 01 đến mùng 06 tháng Tám. Các giáo phận miền Lombardia và Triveneto, ở miền bắc Ý, kết nghĩa với giáo phận Porto ở Bồ Đào Nha, các giáo phận miền Umbria kết nghĩa với giáo phận Coimbra, trong khi các giáo phận miền Campania và Sicilia sẽ đến Fatima, là giáo phận kết nghĩa của họ.

Nhiều bạn trẻ thuộc các giáo phận khác ở Ý sẽ dừng lại Pháp và Tây Ban Nha, trước khi tới Bồ Đào Nha. Họ sẽ trọ trong các gia đình, giáo xứ, các cơ sở công cộng, như trường học, và trụ sở của các hiệp hội. Đây cũng là dịp để họ làm quen với các bạn trẻ thuộc các nước Âu châu khác, Phi, Á và Úc châu.

Tại thủ đô Lisbon, các bạn trẻ Ý sẽ có một “Nhà Italia”, là nơi đón tiếp và gặp gỡ dành cho họ. Tại đây, họ có thể trọ tại trường của các nữ tu Dòng thánh Dorotea, không xa nơi sẽ diễn ra các sinh hoạt của Đại hội Giới trẻ Quốc tế.

Đại hội tại Lisbon là Ngày Quốc tế Giới trẻ đầu tiên thời hậu Covid-19. Cha Michele Falabretti, Giám đốc toàn quốc Ý về mục vụ giới trẻ, nhận định rằng: “Bao nhiêu vết thương đại dịch đã để lại, thời kỳ mà các thanh thiếu niên đã cảm nghiệm những khó khăn lớn nhất: họ buộc lòng phải sống cô lập giữa lứa tuổi bình thường; họ được kêu gọi gặp gỡ và ở cùng nhau hơn cả. Từ đó có xác tín rằng một biến cố như Ngày Quốc tế Giới trẻ, với đề nghị du hành, ra khỏi cuộc sống thường nhật, xa rời mọi tiện nghi, có thể mang lại lợi điểm giúp cảm nghiệm về bản thân và tha nhân một cách mới mẻ. Chính trong kinh nghiệm chia sẻ, cụ thể, mà người ta có thể nói với người trẻ về sự khác biệt, và cả về Thiên Chúa”.

2. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nhận định rằng thật là “Một thảm họa khi có một vị Thượng Phụ đầu tiên thánh hiến nhà thờ và sau đó chúc lành cho hỏa tiễn phá hủy nó”

Trong cuộc gặp gỡ với những người trẻ tuổi ở Lviv nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập phong trào Thanh niên vì Chúa Kitô Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, đã trả lời các câu hỏi về vụ pháo kích vào trung tâm Odesa của Nga bằng hỏa tiễn vào đêm 23 tháng 7. Vụ pháo kích đã phá hủy nhà thờ chính tòa Chúa Biến hình, nơi mà Thượng phụ Kirill Gundyaev ở Mạc Tư Khoa đã thánh hiến vào năm 2010.

“Một thảm họa khi có một Thượng Phụ đầu tiên thánh hiến ngôi nhà thờ và sau đó chúc lành cho hỏa tiễn phá hủy nó”, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết như trên

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã kêu gọi lòng trắc ẩn, đặc biệt là đối với các tín hữu của nhà thờ chính tòa Chúa Hiển Dung.

“Tôi nghĩ những người từng đến nhà thờ đó để cầu nguyện hôm nay đang khóc. Và chúng ta cần thông cảm với họ. Bởi vì hôm nay hỏa tiễn của Nga không chỉ đánh trúng vào cung thánh của nhà thờ họ. Nó đánh vào tim họ. Thử nghĩ mà xem: có một vị Thượng Phụ đầu tiên đã thánh hiến nhà thờ và sau đó chúc lành cho quả hỏa tiễn đã phá hủy cung thánh ngôi thánh đường! Ý tôi là, đó là một thảm họa, và chúng ta có thể thực sự đồng cảm với những người đó từ tận đáy lòng. Tôi không biết liệu tên tội phạm người Nga đã nhấn nút có nhận ra hỏa tiễn này sẽ đánh vào Nhà thờ Chúa Biến hình chứ không phải cảng Odesa hay không. Chúa là Thiên Chúa muốn truyền đạt điều gì với thảm kịch này? Tôi không biết Ngài muốn nói gì—với những nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, với những tên tội phạm Nga, và những tín hữu Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa—vì hành động của những tên tội phạm này không tuân theo logic của Chúa, mà là logic của ma quỷ.. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một sự kiện quan trọng đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nói.

Vào đêm 23 tháng 7, người Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn vào trung tâm lịch sử của Odesa. Theo báo cáo sơ bộ, một người thiệt mạng và 22 người bị thương. Nhà thờ Chúa Biến hình đã bị phá hủy hoàn toàn — hỏa tiễn đã đánh trúng ngay cung thánh. Ngôi nhà của các nhà khoa học và sáu tòa nhà dân cư cũng bị hư hại nghiêm trọng.

Nhà thờ Spaso-Preobrazhenskyi hay Nhà thờ Chúa Biến hình là nhà thờ Chính thống lớn nhất ở Odesa và thuộc về Giáo Hội Chính thống Ukraine của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Tòa nhà lịch sử của nhà thờ đã bị phá hủy dưới thời Stalin vào năm 1936, và trong 10 năm từ 1996 đến 2006, nhà thờ đã được xây dựng lại. Năm 2010, nó được thánh hiến bởi Thượng phụ Kirill Gundyaev của Giáo Hội Chính thống Nga.


Source:UGCC

3. Thư của Đức Tổng Giám Mục Viktor of Artsyz gửi Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa

Gửi Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa

và tất cả các thành viên của Thượng hội đồng của Giáo hội Chính thống Nga,


Xin lưu ý rằng tại Hội đồng của Giáo Hội Chính thống Ukraine vào ngày 27 tháng 5 năm 2022, một quyết định đã được đưa ra rằng chúng tôi, do Giám mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine lãnh đạo, hoàn toàn rời khỏi sự phụ thuộc vào ngài. Đã hơn một lần, trong các bài giảng của mình, ngài nói về sự thống nhất của “Nước Nga Thánh Thiện”, là điều mà ngài đã phá hủy hoàn toàn bằng phước lành và hành động của mình. Tôi cũng yêu cầu ngài chú ý đến thực tế là với sự chúc lành của cá nhân ngài, ngày nay quân đội Nga đang tàn phá và mở rộng chiến tranh trên lãnh thổ có chủ quyền của Nhà nước Ukraine. Theo tôi, ngài đã quên rằng, cũng như ở Nga, Ukraine cũng từng có những con cái của ngài, những người mà bạn cho là như vậy, và bạn đã ban phước cho những kẻ đang giết chúng ngày nay. Trước sự thất vọng lớn lao của tôi, tại cuộc họp của các Giám mục vừa qua ở Mạc Tư Khoa, ngài đã không nói một lời nào về sự cần thiết phải chấm dứt cuộc chiến Cain này. Hãy ngăn chặn những vụ giết người và phá hủy các thành phố và làng mạc yên bình! Dừng đổ máu! Các giám mục và linh mục của ngài thánh hóa và chúc lành cho xe tăng và hỏa tiễn ném bom các thành phố hòa bình của chúng tôi.

Hôm nay đến Nhà thờ Hiển dung Odesa sau giờ giới nghiêm, tôi thấy quả hỏa tiễn “được chúc lành” từ Nga đã bay thẳng vào bàn thờ của đền thờ, vào Nơi Chí Thánh. Tôi nhận ra rằng không còn gì chung giữa sự hiểu biết của Giáo hội Chính thống Ukraine và của ngài. Vì tham vọng cá nhân, bạn đã đánh mất Giáo hội Chính thống Ukraine và các Giáo hội khác ở các quốc gia “Nước Nga Thánh Thiện”! Những từ “Chúa và Cha vĩ đại” không xuất hiện trong lưỡi tôi khi nói với ngài, vì ngài là một người cha đã hy sinh những đứa con của mình cho sự hủy diệt và giết chóc! Chúng tôi có người cha và Abba yêu thương của chúng tôi, và do đó chúng tôi yêu cầu: xin đừng phớt lờ Vị linh trưởng của chúng tôi, Ngài là Đức Giám Mục Onufry của Kyiv và Toàn Ukraine, người đã được bầu bởi Hội đồng của Giáo hội Chính thống Ukraine và chúng tôi yêu cầu ngài không làm mất uy tín của cộng đoàn Giáo Hội chúng tôi và không phá hủy nó bằng phước lành của riêng ngài. Kể từ hôm nay, cả ngài và đại diện của ngài, chẳng hạn như Tổng Giám Mục Leonid hay linh mục trưởng Andrey Novikov, là người đã trốn khỏi tổng giáo phận Odesa, và được cho là bị SBU bức hại, đang làm mọi thứ chống lại chúng tôi với tư cách là anh em của ngài trong các bài đăng trên internet của họ. Hành động của họ chỉ làm hoen ố danh tiếng của Giáo Hội mà không thể hiện bất kỳ sự tôn trọng nào đối với Giáo Hội Ukraine của chúng tôi.

Làm sao chúng tôi, những đứa con trung thành của Giáo hội Chính thống Ukraine, và trung thành với quyết định của Hội đồng Chính Thống Giáo Ukraine, lại bị gọi là những đối tượng “đi trên con đường ly giáo?” Hôm nay, ngài và tất cả những người theo ngài đang làm mọi cách để tiêu diệt UOC bên trong Ukraine. Hôm nay, chúng tôi, thay mặt cho nhiều tầng lớp của UOC lên án hành động xâm lược vô nghĩa này của Nga đối với đất nước Độc lập của chúng tôi. Chúng tôi lên án các vụ bắt giữ dã man các giáo phái chính thống của chúng tôi ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Chúng tôi lên án các cuộc đàn áp và bắt bớ do chính quyền của ngài thực hiện tại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine! Chúng tôi có con đường riêng của mình, được chọn bởi Hội đồng của Giáo Hội Chính thống Ukraine. Tôi yêu cầu ngài dừng lại. Mọi hỏa tiễn đến lãnh thổ Ukraine đều được người dân coi là “phước lành” của bạn cho con cái của bạn.

Đầy tớ ngoan ngoãn trung thành của Giáo trưởng Giáo Hội Chính thống Ukraine,

Đức Tổng Giám Mục Viktor của Artsyz


Source:Sismo Grafo
 
Vũ khí nguy hiểm nhất của Nga 6,5 tỷ vừa bị phá hủy. Moscow thề báo thù. Ukraine vây chặt Urozhaine
VietCatholic Media
16:00 29/07/2023


1. Ukraine phá hủy hệ thống hỏa tiễn 'nguy hiểm nhất' 6,5 triệu USD của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Watch Ukraine Destroy Russia's 'Most Dangerous' $6.5 Million Rocket System”, nghĩa là “Ukraine phá hủy hệ thống hỏa tiễn 'nguy hiểm nhất' 6,5 triệu USD của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đoạn phim được chia sẻ trên mạng xã hội hôm thứ Năm cho thấy quân đội Ukraine phá hủy một hệ thống hỏa tiễn chết người của Nga có khả năng phóng hỏa tiễn nhiệt áp.

Mykhailo Fedorov, người giữ chức phó thủ tướng phụ trách đổi mới, giáo dục, khoa học và công nghệ của Ukraine, đã đăng video về một đơn vị lực lượng đặc biệt từ Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SSU, sử dụng máy bay không người lái để tấn công Hệ thống hỏa tiễn TOS 1A của Nga có tên gọi “Solntsepek” hay “Mặt trời chói lọi”.

Một hệ thống hỏa tiễn Solntsepek được cho là có giá hơn 6,5 triệu USD. Hệ thống này có thể phóng từ 24 đến 30 hỏa tiễn nhiệt áp. Bộ Quốc phòng Nga mô tả Solntsepek là “súng phun lửa hạng nặng”.

“Hệ thống này là một trong những hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt nguy hiểm nhất, có khả năng sử dụng đầu đạn nhiệt áp,” Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, viết trong một bài đăng chia sẻ clip của Fedorov. “Sự phá hủy này chắc chắn đã cứu nhiều sinh mạng, thiết bị và cơ sở hạ tầng của Ukraine”.

Fedorov cho biết máy bay không người lái FPV đã biến Solntsepek “thành một đống phế liệu kim loại. Hệ thống súng phun lửa hạng nặng này sẽ không còn giết người Ukraine nữa”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

Vào tháng 3 năm 2022, Bộ Quốc phòng Anh cho biết hỏa tiễn nhiệt áp TOS-1A gây ra các “hiệu ứng cháy và nổ” do nó thu hút một lượng oxy rất lớn để tạo ra vụ nổ. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Nga đưa tin về tầm bắn đa dạng của Solntsepek, cho biết nó có khả năng bắn ở khoảng cách gần đồng thời tấn công mục tiêu ở khoảng cách 5,6 dặm.

Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Nga đã báo cáo về việc sử dụng Solntsepeks ở Ukraine, cho biết các lực lượng Nga đã tấn công các vị trí của Ukraine bằng đạn 220 ly do một trong các hệ thống hỏa tiễn phóng đi, “đốt cháy nơi trú ẩn, trạm quan sát, kho đạn và vị trí pháo binh của đối phương”

Chuyên gia công nghệ quốc phòng và quân sự David Hambling trước đây đã nói với Newsweek rằng Solntsepeks gây ra một “sóng xung kích cực mạnh có thể phá hủy các tòa nhà”. Điều này có thể giúp xác định khi nó được sử dụng.

Trong một báo cáo trực tuyến, Trung tâm Quân sự Ukraine đã cung cấp thêm chi tiết về cuộc tấn công được ghi lại bởi đoạn video mà Fedorov đăng tải. Nó cho biết Solntsepek đã bị phá hủy tại ngôi làng bị tạm chiếm Zaitseve, gần thành phố Bakhmut.

Trung tâm cũng cho biết máy bay không người lái FPV được sử dụng là một chiếc quadCopticr Pegasus, một loại phương tiện bay không người lái được sản xuất từ “các bộ phận rẻ tiền của nước ngoài và được trang bị các thiết bị nổ”.

Liên quan đến đoạn phim do Fedorov đăng tải, Trung tâm Quân sự Ukraine cho biết “đoạn video được phát hành cho thấy cách một máy bay không người lái rẻ tiền có thể phá hủy các hệ thống như vậy nếu nó bắn trúng bệ phóng bằng đạn dược”.

2. Mạc Tư Khoa thề sẽ trả đũa vụ tấn công vào thành phố của Nga khiến hơn chục người bị thương

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mạc Tư Khoa bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp cứng rắn để đáp trả vụ tấn công hỏa tiễn làm hơn chục người bị thương ở khu vực biên giới Rostov của Nga hôm thứ Sáu.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova, cho biết cuộc tấn công vào thành phố Taganrog phía tây nam nước Nga là “nhằm chống lại dân thường và cơ sở hạ tầng hòa bình. Những nơi đó rõ ràng không có ý nghĩa quân sự.”

Zakharova kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án vụ tấn công. Bà nói: “Phía Nga bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp trả đũa cứng rắn.”

Những gì chúng ta biết về cuộc tấn công: Trước đó vào hôm thứ Sáu, lực lượng phòng không đã bắn hạ một hỏa tiễn trên không phận Taganrog. Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàn dư của quả hỏa tiễn rơi xuống trung tâm thành phố, khiến 14 người bị thương.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết các hệ thống phòng không cũng đã đánh chặn một hỏa tiễn thứ hai ở khu vực Rostov hôm thứ Sáu, nhưng nó “rơi ở một khu vực hoang vắng.” Thống Đốc Rostov xác nhận vụ tấn công thứ hai.

Cuộc tấn công hôm thứ Sáu vào Taganrog được cho là lần đầu tiên xảy ra ở thành phố này - cách biên giới với Ukraine khoảng 40 km.

Ukraine chưa bình luận ngay lập tức về các báo cáo của Nga về vụ tấn công.

3. Ukraine cho biết họ củng cố lợi ích dọc theo mặt trận phía nam, đẩy lùi các cuộc tấn công ở phía đông

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Bẩy 29 tháng Bẩy, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết các lực lượng Ukraine đã củng cố các lợi ích dọc theo mặt trận phía nam sau khi chiếm thành công ngôi làng Staromaiorske ở vùng Donetsk và đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga ở phía đông.

“Hôm thứ Năm, bất chấp hỏa lực dữ dội từ máy bay và pháo binh của đối phương, các binh sĩ Ukraine đã giải phóng khu định cư Staromaiorske ở vùng Donetsk và đang củng cố các phòng tuyến đã đạt được”

Cô nói: “Đồng thời, đối phương đã nỗ lực không thành công để giành lại các vùng đất đã mất ở các khu vực Rivnopil và Makarivka ở vùng Donetsk,” nhưng nói thêm rằng “quân xâm lược Nga tiếp tục kháng cự mạnh mẽ”.

Các lực lượng Ukraine dự kiến sẽ chuyển sự chú ý sang ngôi làng lân cận Urozhaine, ngay bên kia sông Mokri Yaly, về phía đông. Các quan chức Nga và các blogger quân sự ủng hộ Mạc Tư Khoa có mối quan hệ tốt với lực lượng Nga lo ngại vị trí của họ trong làng giờ đây sẽ rất khó duy trì.

Các báo cáo về việc Ukraine củng cố những thành tựu của mình được đưa ra một ngày sau khi hai quan chức Mỹ nói với CNN rằng Ukraine đã triển khai thêm lực lượng tới phía đông nam của đất nước - một dấu hiệu cho thấy Kyiv đã xác định được những điểm yếu tiềm ẩn trong các tuyến phòng thủ của Nga và đang tăng cường phản công..

Lợi ích ở phía đông: “Ukraine đã tiến công Staromaiorske một cách có phương pháp trong vài ngày, đánh bật quân Nga ra khỏi nơi trú ẩn của họ và biến những nơi trú ẩn đó thành đống gạch vỡ… Mất một khu vực đông dân cư sau một cuộc phòng thủ ngoan cố chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào thể diện của người Nga.”

Một blogger quân sự Nga cho biết: “Quân Ukraine tiếp tục tấn công, bám vào vùng ngoại ô của Staromaiorske và dần dần dồn ép chúng ta, đồng thời tạo ra mối đe dọa bên sườn đối với các vị trí ở Urozhaine.”

“Việc chiếm được Staromaiorske cho phép tiếp cận Urozhaine từ phía tây và phía bắc,” một blogger thân Nga, Semyon Pegov, nói thêm. “Kế hoạch của đối phương trong trường hợp này là rõ ràng: Lực lượng Vũ trang Ukraine có ý định kìm kẹp Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga,” một nhà báo thân Mạc Tư Khoa khác, Rybar, viết.

Cách vài dặm về phía tây, cũng dọc theo chiến tuyến phía nam, lực lượng Ukraine lần đầu tiên tiếp cận công sự “răng rồng” của Nga, là một phần trong tuyến phòng thủ chính của Nga.

Hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy Nga đã lắp đặt các đường “răng rồng” – nghĩa là các kim tự tháp bằng bê tông và cốt thép được thiết kế để chặn bước tiến của các phương tiện bọc thép – trên khắp lãnh thổ mà họ kiểm soát ở Ukraine. CNN đã định vị địa lý video đến một khu vực ngay phía đông của các ngôi làng nhỏ Nove và Kharkove, gần Robotyno, dọc theo trục Melitopol, thuộc vùng Zaporizhzhia của Ukraine.

Ukraine không bình luận về bất kỳ bước tiến nào gần Robotyno hoặc hướng tới Urozhaine. Bộ Tổng tham mưu chỉ nói rằng “Lực lượng Phòng vệ Ukraine tiếp tục tiến hành chiến dịch tấn công trên trục Melitopol và Berdiansk, củng cố vị trí của chúng ta”.

4. Ukraine nói Nga đe dọa tàu dân sự ở Hắc Hải

Ký giả Claudia CHIAPPA của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Russia threatening civilian vessels in the Black Sea, Ukraine says”, nghĩa là “Ukraine nói Nga đe dọa tàu dân sự ở Hắc Hải”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Mạc Tư Khoa đã cảnh báo rằng tất cả các tàu đi qua Hắc Hải đến các cảng của Ukraine sẽ được coi là 'tiềm năng vận chuyển hàng hóa quân sự'.

Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine cho biết Nga đang đe dọa các tàu dân sự ở Hắc Hải, hơn một tuần sau khi Điện Cẩm Linh từ bỏ thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn cho phép Kyiv xuất khẩu ngũ cốc qua Hắc Hải.

Andriy Yermak, nhà lãnh đạo văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy, cho biết trên Telegram hôm thứ Sáu: “Các tàu chiến Nga đang đe dọa dân thường ở vùng biển Hắc Hải, vi phạm tất cả các quy tắc của luật hàng hải quốc tế.

Yermak nói thêm rằng đây là “phương pháp của những kẻ khủng bố” và yêu cầu cộng đồng quốc tế lên án hành động của người Nga.

Trước đó, lực lượng bảo vệ biên giới nhà nước của Ukraine cho biết họ đã chặn được cảnh báo từ một tàu chiến Nga tới một tàu dân sự đi qua gần một cảng của Ukraine.

Lực lượng biên phòng cho biết: “Các tàu chiến Nga tiếp tục hành động hung hăng và thách thức ở vùng biển Hắc Hải, vi phạm tất cả các quy tắc của luật hàng hải quốc tế.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc và bắt đầu một loạt cuộc không kích vào các cảng của Ukraine, Nga cảnh báo rằng “tất cả các tàu đi qua Hắc Hải đến các cảng của Ukraine sẽ được coi là tàu chở hàng tiềm năng cho mục đích quân sự” - nghĩa là chúng có thể bị trừng phạt bằng các cuộc tấn công.

Để đối phó với mối đe dọa, Ukraine đã cảnh báo rằng tất cả các tàu đi đến các cảng Hắc Hải do Nga kiểm soát đều có thể trở thành mục tiêu tấn công.

5. Putin cảm ơn Triều Tiên vì đã hỗ trợ Ukraine

“Sự ủng hộ vững chắc” của Triều Tiên đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine càng củng cố quyết tâm của hai nước trong việc đối phó với các nhóm phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một bài phát biểu trước các quan chức Triều Tiên hôm thứ Năm, theo một báo cáo trên cơ quan truyền thông nhà nước Triều Tiên, KCNA.

Putin không đi vào chi tiết bản chất của sự hỗ trợ của Bình Nhưỡng trong cái mà ông gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga, nhưng các quan chức Mỹ năm ngoái cho biết Triều Tiên đã bán hàng triệu hỏa tiễn và đạn pháo cho Nga để sử dụng trên chiến trường ở Ukraine.

“ Sự đoàn kết với Nga trong các vấn đề quốc tế quan trọng làm nổi bật lợi ích chung của chúng ta,” Putin nói trong bài phát biểu, theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên.

Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga là để gửi lời chúc mừng tới Triều Tiên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên, được gọi là Ngày Chiến thắng ở miền Bắc.

Ông Putin đặc biệt trích dẫn các phi công Liên Xô, những người mà ông tuyên bố “đã thực hiện hàng chục nghìn chuyến bay chiến đấu” vì đã góp phần “tiêu diệt đối phương”, KCNA cho biết.

“Trải nghiệm lịch sử về tình hữu nghị chiến đấu có những giá trị cao quý, và đang là nền tảng đáng tin cậy để phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và an toàn,” ông Putin nói. Người ta không biết bài phát biểu của Putin được gửi qua băng ghi hình hay bằng văn bản gửi cho các quan chức Triều Tiên.

Theo KCNA, ông Putin cũng chúc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân sức khỏe và đạt nhiều thành tựu trong công việc vì sự thịnh vượng của người dân.

6. Sự thật về những đóng góp của Nga cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc được phơi bày

Phó giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là WFP, Carl Skau nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng Nga đã không cung cấp bất kỳ loại ngũ cốc miễn phí nào cho Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc.

Skau nói: “Cho đến nay, chúng tôi chưa hân hạnh có bất kỳ thảo luận với Nga về bất kỳ loại ngũ cốc miễn phí nào. Chúng tôi đã không được tiếp cận cho bất kỳ cuộc thảo luận như vậy.”

Bình luận của ông được đưa ra gần hai tuần sau khi Mạc Tư Khoa từ bỏ thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua Hắc Hải, vốn là nguồn viện trợ lương thực chính của Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm nói với các nhà lãnh đạo Phi Châu tại một hội nghị thượng đỉnh ở St Petersburg rằng Mạc Tư Khoa có thể thay thế xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang Phi Châu và ông sẽ tặng hàng chục nghìn tấn ngũ cốc cho sáu quốc gia trong vòng vài tháng.

Ukraine, cùng với Nga, là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới và bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể đẩy giá lương thực trên toàn cầu lên cao.

Đáp lại đề nghị của Putin, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Năm cảnh báo rằng “một số khoản đóng góp bằng nắm tay” sẽ không khắc phục được tác động mạnh mẽ của việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải. Carl Skau nhấn mạnh rằng tuyên bố của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc có thể cho người ta cảm giác là Nga có đóng góp, thực ra, người Nga chưa hề đóng góp chút nào cho WFP.

Theo hiệp định xuất khẩu Hắc Hải, WFP đã mua và vận chuyển 725.000 tấn ngũ cốc tới Afghanistan, Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan và Yemen trong năm qua. Hiệp ước đã cho phép WFP mua 80% lượng lúa mì mua trong năm nay từ Ukraine, tăng từ mức 50% vào năm 2021 và 2022.

Nhìn chung, gần 33 triệu tấn ngũ cốc đã được Ukraine xuất khẩu theo thỏa thuận, nhằm chống lại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn do cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022 của Nga.

Skau cho biết: “Đối với các hoạt động của chúng tôi, tác động sẽ là chúng tôi phải tìm kiếm ở nơi khác, điều này có khả năng tốn kém hơn và chắc chắn sẽ có những chặng đường dài hơn. “Một trong những lý do tại sao Ukraine là một nguồn quan trọng như vậy đối với chúng tôi là vì sự gần gũi với nhiều hoạt động của chúng tôi.”

7. Kim Chính Ân trang trí tường bằng những bức chân dung khổng lồ của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kim Jong Un Decorates Walls With Huge Portraits of Putin”, nghĩa là “Kim Chính Ân trang trí tường bằng những bức chân dung khổng lồ của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Những hình ảnh được truyền thông nhà nước Triều Tiên đăng tải hôm thứ Sáu cho thấy nhà lãnh đạo nước này, Kim Chính Ân, đã treo những bức chân dung lớn của Tổng thống Nga Vladimir Putin khắp một tòa nhà chính phủ.

Có thể thấy những bức chân dung này trong các bức ảnh chụp ông Kim với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, người đang thăm Bình Nhưỡng vào tuần này để kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, được gọi là “Ngày Chiến thắng” ở Triều Tiên.

Max Seddon, trưởng văn phòng tại Mạc Tư Khoa của Financial Times, ghi nhận sự hiện diện của các bức chân dung—có thể nhìn thấy trong nhiều phòng của tòa nhà.

Mặc dù Putin không tháp tùng Shoigu tới Bình Nhưỡng, nhưng ông đã gửi một lá thư cho Kim được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên, gọi tắt là KCNA, công bố hôm thứ Sáu.

Trong thư, Putin ca ngợi sự ủng hộ vững chắc của chính phủ Triều Tiên dành cho Nga trong cuộc chiến mà ông phát động chống lại Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Ông cũng cho biết “sự đoàn kết của quốc gia này với Nga trong các vấn đề quốc tế quan trọng nêu bật lợi ích chung của chúng ta…”

Mặc dù thông điệp của Putin không đưa ra chi tiết cụ thể về ý nghĩa của ông liên quan đến việc Kim ủng hộ cuộc chiến, Hoa Kỳ năm ngoái đã cáo buộc Triều Tiên bán đạn pháo và hỏa tiễn cho Nga. Trong một tuyên bố gửi KCNA, Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi những tuyên bố rằng họ cung cấp vũ khí cho Nga là vô căn cứ.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Triều Tiên qua email để xin bình luận.

Trước khi Shoigu đến Bình Nhưỡng, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng chuyến đi của ông sẽ giúp tăng cường quan hệ quân sự Nga-Triều Tiên. Chuyến thăm đã thu hút sự chú ý của quốc tế, bao gồm cả việc Kim cho ông xem một cuộc triển lãm quốc phòng được cho là bao gồm các hỏa tiễn đạn đạo bị cấm.

Reuters hôm thứ Năm đưa tin rằng Shoigu đã nhìn thấy các hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng như thứ dường như là một máy bay không người lái mới. Newsweek đã không thể xác minh độc lập báo cáo.

NK News, một hãng tin độc lập bằng tiếng Anh đưa tin về Triều Tiên, đưa tin rằng triển lãm quốc phòng trưng bày các hỏa tiễn hạt nhân lớn nhất của Triều Tiên như hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa, gọi tắt là ICBM, Hwasong-17 và ICBM nhiên liệu rắn Hwasong-18.

Ankit Panda, một thành viên cao cấp trong Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie có trụ sở tại Hoa Kỳ, trước đây đã nói với Newsweek rằng vào một thời điểm khác, Nga đã ủng hộ việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

“Điều đó dường như đã nhường chỗ cho việc lôi kéo Bình Nhưỡng trở thành một đối tác chiến lược,” ông nói. “Sự ủng hộ của Kim Chính Ân đối với Nga trong cuộc chiến bất hợp pháp với Ukraine dường như đã được đền đáp.”

8. Thông điệp Phi Châu gửi cho Putin: Hãy chấm dứt chiến tranh!

Ký giả Laura Hülsemann của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Africa to Putin: End the war!”, nghĩa là “Thông điệp Phi Châu gửi cho Putin: Hãy chấm dứt chiến tranh!”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Bích Ngọc.

Các nhà lãnh đạo Phi Châu hôm thứ Sáu đã trực tiếp kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt cuộc chiến chống lại Ukraine.

“Cuộc chiến này phải kết thúc. Và nó chỉ có thể kết thúc trên cơ sở công lý và lý trí,” Moussa Faki Mahamat – ngoại trưởng Chad và hiện là Chủ tịch Ủy ban Liên minh Phi Châu – nói với Putin vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi Châu ở St. Petersburg.

Tổng thống Congo Denis Sassou Nguesso cho biết kế hoạch hòa bình Phi Châu “đáng được chú ý, không thể bị đánh giá thấp Một lần nữa chúng tôi khẩn thiết kêu gọi khôi phục hòa bình ở Âu Châu.” Tổng thống Senegal Macky Sall cũng kêu gọi “giảm leo thang để giúp tạo ra sự bình tĩnh,” trong khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết ông hy vọng rằng “sự tham gia và đàm phán mang tính xây dựng” có thể chấm dứt xung đột.

Đáp lại những yêu cầu mạnh mẽ của người Phi Châu, ông Putin nói: “Chúng tôi tôn trọng các sáng kiến của các bạn và chúng tôi đang xem xét chúng một cách cẩn thận”.

Vào giữa tháng 6, Ramaphosa đã trình bày với Putin sáng kiến hòa bình Phi Châu, trong đó có kế hoạch 10 điểm để chấm dứt chiến tranh. Putin cho đến nay tỏ ra ít quan tâm đến bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn sự xâm lược của ông ta ở Ukraine.

Faki Mahamat cũng yêu cầu Putin gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải - mà ông đã hủy bỏ vào giữa tháng 7 - khi các nhà lãnh đạo Phi Châu lo lắng về giá lương thực tăng cao. “Việc gián đoạn cung cấp năng lượng và ngũ cốc phải chấm dứt ngay lập tức. Ông nói: “Thỏa thuận ngũ cốc phải được mở rộng vì lợi ích của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là người Phi Châu.

Hôm thứ Năm, Putin đã bác bỏ khả năng gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, nhưng vẫn hứa sẽ vận chuyển một lượng nhỏ ngũ cốc miễn phí tới sáu quốc gia Phi Châu - Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea - khi ông cố gắng lấy lòng Nam bán cầu sau khi bị cô lập bởi hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây.

9. Chủ tịch Liên minh Phi Châu, Azali Assoumani, nói rằng các đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin cung cấp ngũ cốc cho Phi Châu là không đủ và cần phải ngừng bắn ở Ukraine.

Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi Châu ở St Petersburg, ông cũng cho biết Putin đã hứa sẵn sàng đàm phán với Ukraine và rằng “phía bên kia” giờ đây cần được thuyết phục.

Putin đã nói với các nhà lãnh đạo Phi Châu rằng Nga sẵn sàng cung cấp ngũ cốc cho Phi Châu, một số là miễn phí, sau khi tuần trước từ chối gia hạn sáng kiến ngũ cốc Hắc Hải, vốn đã cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn từ các cảng biển của mình bất chấp chiến tranh.

Điều đó, cùng với việc Nga ném bom các cơ sở xuất khẩu ngũ cốc và kho bãi của Ukraine sau đó, đã khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng vọt.

Assoumani nói:

Tổng thống Nga đã hứa rằng ông sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi trong lĩnh vực cung cấp ngũ cốc. Vâng, điều này là quan trọng, nhưng nó có thể không đủ. Chúng ta cần phải đạt được một lệnh ngừng bắn.

10. Tổng thống Ai Cập kêu gọi Putin quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải

Nhà lãnh đạo Ai Cập, Abdel Fatah al-Sisi, đã thúc giục Vladimir Putin quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải trong hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi Châu được đánh dấu bằng những lo ngại về sự sụp đổ kinh tế toàn cầu do cuộc xâm lược Ukraine của Điện Cẩm Linh gây ra.

Trong một bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của các phái đoàn Phi Châu có sự tham dự của tổng thống Nga, ông al-Sisi nói rằng “điều cần thiết là phải đạt được thỏa thuận” về việc khôi phục thỏa thuận cho phép 33 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine tiếp cận thị trường, tập trung ở các nước đang phát triển, đặc biệt là Phi Châu.

Mạc Tư Khoa cho biết họ từ bỏ thỏa thuận vì xuất khẩu nông sản của chính họ vẫn đang bị chặn. Tuy nhiên, một số quốc gia Phi Châu, trong đó có Kenya và Ai Cập, nhà nhập khẩu ngũ cốc chính của Ukraine đang phải chịu một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, đã giận dữ tấn công Nga khi Điện Cẩm Linh tìm kiếm họ như những đồng minh trong cuộc đối đầu với phương Tây.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Kenya đã gọi việc Nga rút khỏi thỏa thuận là một “cú đâm sau lưng”.

11. Zelenskiy nói: Hỏa tiễn tấn công tòa nhà dịch vụ an ninh Ukraine ở trung tâm thành phố Dnipro

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy xác nhận rằng một trong những tòa nhà bị tấn công bằng hỏa tiễn vào trung tâm Dnipro hôm thứ Sáu là của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU.

“Dnipro. Tối thứ Sáu. Một tòa nhà cao tầng và tòa nhà Dịch vụ An ninh của Ukraine đã bị tấn công. Khủng bố Nga lại một lần nữa phóng hỏa tiễn”, ông nói trong bài phát biểu gởi quốc dân đồng bào.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông đã nói chuyện với SBU, Bộ Nội vụ, Cơ quan Khẩn cấp Nhà nước và nhà lãnh đạo chính quyền quân sự của các khu vực.

“Chúng tôi sẽ làm mọi cách để trừng phạt hoàn toàn Nga vì hành vi xâm lược và khủng bố đối với người dân của chúng tôi. Những tên khốn này sẽ phải trả lời,”

Maksym Buzhansky, một thành viên quốc hội ở Dnipro, nói rằng các vụ nổ “rất lớn” và ông vẫn chưa được thông báo về bất kỳ thương tích hay tử vong nào. Ông cho biết các dịch vụ khẩn cấp đã có mặt tại hiện trường.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko cho biết cho đến nay đã có 3 người yêu cầu hỗ trợ y tế. Ông cho biết lực lượng cấp cứu đang đi từng phòng trong tòa nhà.

Video từ hiện trường cho thấy một số tầng của tòa nhà bị hư hại.

12. Người gian mắc nạn: Quân Nga kéo đến vũ khí tàn bạo nhất của họ, bị nổ tung vì những vũ khí ấy.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “When Russian Troops Got Stuck In a Minefield Near Vuhledar, They Deployed A ‘Flamethrower’ Rocket Launcher. The Ukrainians Blew It Up.”, nghĩa là “Khi quân đội Nga mắc kẹt trong một bãi mìn gần Vuhledar, họ đã triển khai một bệ phóng hỏa tiễn 'Súng phun lửa'. Người Ukraine đã thổi bay nó.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Với mong muốn chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine xung quanh Vuhledar, một cứ điểm chính ở vùng Donbas, miền đông Ukraine, quân đội Nga đã triển khai ít nhất một trong những bệ phóng hỏa tiễn nhiệt áp TOS-1A quý giá của mình.

Người Ukraine đã cho nổ tung nó. Đáng kể. TOS-1A là một tổ hợp gồm 24 quả hỏa tiễn “phun lửa” 220 ly được gắn trên khung gầm xe tăng. Đánh trúng TOS-1A, nó có khả năng phát nổ thành một quả cầu lửa cuồn cuộn và phân tán ngọn lửa và các bộ phận hỏa tiễn theo mọi hướng.

Đó chính xác là những gì đã xảy ra khi Lữ đoàn cơ giới số 72 của quân đội Ukraine tấn công một TOS-1A bên ngoài Vuhledar. Các camera của Ukraine ghi lại từ trên trời và từ mặt đất, bệ phóng của Nga nổ tung như một quả pháo hoa khổng lồ.

Việc Lữ đoàn cơ giới hóa 72 phá hủy TOS-1A có thể đã cản trở một cuộc tấn công khác của Nga vào Vuhledar, một thị trấn có dân số trước chiến tranh chỉ 14.000 người, nằm cách Pavlivka do Nga kiểm soát vài dặm về phía bắc, cách Donetsk 25 dặm về phía tây nam, trong vùng Donbas.

Cùng với Bakhmut và các thị trấn gần Kreminna bị Nga tạm chiếm, Vuhledar là một trong những mục tiêu chính của cuộc tấn công mùa đông đang diễn ra của Nga. Không có cuộc tấn công nào đạt được nhiều tiến bộ, nhưng cuộc tấn công vào Vuhledar có thể là thảm họa nhất đối với người Nga.

Chỉ trong một ngày hỗn loạn, đẫm máu hai tuần trước, người Nga đã mất ít nhất 31 xe tăng và xe bọc thép xung quanh Vuhledar. Tổn thất của họ chỉ sâu sắc hơn trong những ngày tiếp theo. Người Nga đã triển khai ít nhất ba lữ đoàn xung quanh Vuhledar, và có vẻ như hai trong số đó—Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 40 và 155—đang trên bờ vực chiến đấu không hiệu quả. Các bloggers quân sự Nga đi xa tới mức cho rằng Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 155 đã ngừng tồn tại sau khi Bộ Tư Lệnh bị quân Ukraine bắt sống.

Mìn Ukraine - được chôn dọc theo các lối tiếp cận chính tới Vuhledar và cũng được rải từ trên cao bởi các loại đạn pháo đặc biệt do Mỹ sản xuất - đã gây ra nhiều thương vong.

Nhưng đối với người Nga, chỉ băng qua bãi mìn thôi là chưa đủ. Ở phía xa của bãi mìn này, người Ukraine đã đào công sự và xây dựng boong-ke. Nếu người Nga đang hành động hợp lý, thì đó là những công sự mà TOS-1A đã tấn công vào hoặc trước Ngày lễ tình nhân.

Đạn nhiệt áp như hỏa lực TOS-1A có sức tàn phá đặc biệt. Chúng lao vào mục tiêu và phát tán hơi nhiên liệu trước khi phát nổ. Vụ nổ đốt cháy nhiên liệu và tạo ra sóng áp suất mạnh gấp đôi so với đạn pháo thông thường.

Lester Grau và Timothy Smith giải thích trong một bài báo năm 2000 trên Công báo Thủy quân lục chiến: “Một chất nổ nhiên liệu-không khí có thể có tác dụng như một vũ khí hạt nhân chiến thuật mà không có bức xạ dư chấn”.

Bom Nhiệt Áp đặc biệt phù hợp để phá vỡ các công sự. Grau và Smith cho biết thêm: “Vì hỗn hợp nhiên liệu-không khí dễ dàng chảy vào bất kỳ lỗ hổng nào, nên các đặc điểm địa hình tự nhiên cũng như các công sự tại hiện trường không được hàn kín (các vị trí, rãnh có mái che, boongke) đều không bảo vệ được tác động của chất nổ nhiên liệu-không khí”.

“Nếu một luồng không khí-nhiên liệu được bắn vào bên trong một tòa nhà hoặc boong-ke, thì đám mây sẽ được tích tụ lại và điều này sẽ khuếch đại sự phá hủy các bộ phận chịu tải của cấu trúc.”

Người Nga đã triển khai TOS-1—là tiền thân của TOS-1A hiện tại với 30 hỏa tiễn thay vì 24—trong trận chiến ở Thung lũng Panjshir đầy thách thức của Afghanistan vào những năm 1980 và được báo cáo một lần nữa ở Chechnya vào năm 2000, cả hai lần đều tàn phá nặng nề.

Sau đó, quân đội Nga, Syria và Iraq đã sử dụng TOS-1A để chống lại phiến quân và các chiến binh ISIS. Azerbaijan rõ ràng đã triển khai TOS-1A trong chiến dịch đẫm máu ngắn ngủi chống lại Armenia vào năm 2020.

Đối với cuộc chiến hiện tại, người Nga dường như đã triển khai tới Ukraine phần lớn trong số khoảng 50 chiếc TOS-1A của họ. Người Ukraine đã phá hủy ít nhất một trong số các bệ phóng 45 tấn này và bắt tại mặt trận 4 bệ phóng khác.

Không rõ chính xác có bao nhiêu TOS-1A mà người Nga còn lại. Bất chấp điều đó, họ sẵn sàng mạo hiểm ít nhất một trong những phương tiện quý giá để leo thang tấn công Vuhledar. TOS-1A có thể tốn tới 7 triệu đô la để chế tạo.

Sau khi mất rất nhiều xe tăng và phương tiện chiến đấu và có khả năng hàng trăm binh sĩ đang cố gắng vượt qua bãi mìn đó và phá vỡ tuyến phòng thủ của Ukraine xung quanh Vuhledar, người Nga rõ ràng đang trở nên tuyệt vọng. Và có thể hơi cẩu thả.

TOS-1A là một vũ khí mạnh mẽ, nhưng lại dễ bị tấn công. Hỏa tiễn cồng kềnh của nó có tầm bắn chỉ hai dặm, có nghĩa là bệ phóng phải ở gần tầm bắn của súng xe tăng địch trước khi nó có thể khai hỏa. Đó là một thiết kế nguy hiểm cho tổ lái ba người của bệ phóng.

Theo học thuyết của Liên Xô, TOS-1 triển khai với xe tăng hộ tống. “Về mặt học thuyết, TOS-1 được hình dung sẽ hủy diệt một khu vực rộng lớn, bằng cách lao về phía trước, dưới sự bảo vệ của xe tăng, phóng hỏa tiễn liên tiếp nhanh chóng, tất cả 24 hoặc 30 hỏa tiễn trong 7,5 giây, rồi quay trở lại vị trí ban đầu. Grau và Charles Bartles đã giải thích trong tác phẩm mới nhất của họ có nhan đề “Con đường chiến tranh của Nga”.

Không rõ người Nga có tuân theo học thuyết đó không. Có vẻ như không có xe tăng hộ tống nào xuất hiện khi quân Ukraine cho nổ TOS-1A bên ngoài Vuhledar. Tất nhiên, đó có thể là một lý do tại sao người Ukraine có thể bắn trúng bệ phóng nhiệt áp.