PHÚC ÂM: Mt 9, 35 – 10, 1
“Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.
Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Đó là lời Chúa.
Lương Thực Ði Ðường
Những ngày qua, từng đoàn người hối hả rời những thành phố tâm dịch covid để về quê, cuộc hồi hương vào “Mùa hè đỏ dịch”. Nhìn những bức ảnh "tháo chạy về quê", thật xót cho thân phận người dân nghèo lao động. Ly hương ra thành phố với hy vọng đổi đời, nay thành phố đại dịch, họ không tiền bạc, tứ cố vô thân, phải tháo chạy. Quê hương, hai chữ sao vừa ấm áp lại vừa đắng cay. Sài Gòn “miền đất hứa”, bao dung và cưu mang biết bao thế hệ, biết bao cuộc đời. Sài Gòn ôm cả tình người mênh mông, nơi gặp gỡ những dòng người từ mọi miền đất nước...! Nhưng những ngày qua, bao tang thương, bao mất mát đã làm cho Sài Gòn như tê liệt quỵ ngã, và không ai nghĩ rằng Sài Gòn sẽ có một cuộc tháo chạy như những ngày này!
May mắn thay, trên đường hồi hương, họ được đồng bào tiếp tế lương thực trên mọi nẻo đường “hành trình vạn dặm” như cơm, bánh mì, trái cây, nước, xăng, tiền bạc đến vá bơm sửa xe... Dân thương dân, dân đùm bọc lấy dân qua cơn khốn khó. Khi nhiều người an lành trốn dịch trong nhà, hãy nhớ ngoài kia còn biết bao mảnh đời bất hạnh, còn biết bao số phận không may, còn biết bao người đang thiếu ăn và khổ đau vì đại dịch. Và thật đẹp, nghĩa đồng bào, ứa nước mắt vì tình cảm đồng bào giúp nhau, tự trái tim, tự tình yêu, dọc suốt chặng đường hàng trăm, hàng ngàn cây số, ở đâu cũng có những tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ người về. Như “manna” từ trời rơi xuống trong sa mạc nuôi dân Do thái, nay “lương thực đi đường” từ những người hảo tâm đã tiếp thêm sức lực và yêu thương cho bà con trên đường trở về quê nhà.
Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cuộc hành trình của ngôn sứ Êlia trong sa mạc tiến đến núi Khôrép. Êlia chạy trốn trước sự trả thù bách hại của hoàng hậu Ideven, người đỡ đầu tà giáo trong nước. Trên đường đi, Êlia đói lã và chán nản thất vọng. Sứ thần Chúa mang đến cho ông bánh nước và thúc dục: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa”. “Ông dậy ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực bổ dưỡng ấy, ông đi suốt 40 ngày, 40 đêm tới Khôrép là núi của Thiên Chúa”. Tại Khôrep, ông được gặp Đức Giavê. Ông lấy lại được niềm tin và tiếp tục sứ mệnh tái lập một Israel đích thực.
1. Bánh nuôi ngôn sứ Êlia lên núi Khôrep
Sau khi vua Salomon băng hà, đất nước Israel chia đôi: vương quốc Israel, phương Bắc, vương quốc Giuđa phương nam (1V 12). Tại Israel, vua Omri (885-874 tcn) đã lập một dòng vua mới và đặt kinh đô tại Samari. Con của Omri là vua Akháp (875 – 853 tcn) xây cất thành lũy và cung điện. Israel dưới thời Akháp khá thịnh vượng. Công việc thương mại tạo nên những tương quan thuận lợi với các nước lân bang, nhưng đồng thời cũng gây nên một tiêm nhiễm văn hóa và tôn giáo ngoại lai. Điển hình của việc suy đồi tôn giáo là cuộc hôn nhân của vua Akháp với Ideven, con gái vua Xiđôn (1V 16,29-34). Ideven du nhập đạo ngoại vào Israel, xây dựng đền thờ thần Baan tại Samari, tổ chức cộng đồng các Ngôn sứ thần Baan. Đạo Giavê bị bách hại. Chính trong hoàn cảnh đó, sách các Vua nói đến hoạt động của hai Ngôn sứ Êlia và Êlisê (1V17; 2V 13).
Ngay từ khi Israel đặt chân lên Canaan, tôn giáo Canaan và việc thờ thần Baan đã là mối ưu tư và nguy hiểm cho niềm tin vào Giavê. Mối nguy hiểm cũng như sự tiêm nhiễm đạo ngoại lai ấy ngày càng gia tăng qua sự phát triển kinh tế, tương quan thương mại với các dân tộc lân bang và đạt tới cao điểm vào thời Akháp. Đây không phải là việc từ bỏ đức tin truyền thống của cha ông vào Thiên Chúa Giavê, nhưng đúng hơn là sự pha trộn đạo Giavê với tôn giáo Canaan. Baan là vị thần của mưa gió, của sức mạnh thiên nhiên, của phú túc. Đối với dân, đây quả là vị thần lý tưởng cho cuộc sống chủ yếu là nông nghiệp thời bấy giờ. Êlia xuất hiện như vị anh hùng bảo vệ đạo Giavê, chống lại mọi pha trộn, mọi thỏa hiệp. Ông quả là người hùng của Thiên Chúa duy nhất và chân thật của Israel. Cuộc so tài trên núi Carmen giữa Êlia và các ngôn sứ thần Baan được hoàng hậu Ideven bảo trợ, có mục đích cho dân nhận định rõ ai là Chúa thật tại Israel: Giavê hay Baan. Các ngôn sứ Baan làm mọi cách: kêu cầu, nhảy múa, rạch mình, nhưng không có hiệu quả. Êlia kêu cầu Thiên Chúa. Giavê trả lời bằng một phép lạ chứng tỏ Ngài là Chúa các năng lực thiên nhiên. Người chính là Thiên Chúa của toàn thể vũ trụ (1V 18,17 - 40).
Êlia chưa kịp vui hưởng thành quả thì đã phải tất tưởi ra đi, hướng thẳng về sa mạc để tránh sự trả thù của hoàng hậu Ideven. Êlia đi mãi cho đến khi mỏi gối chùn chân. Gặp được một bóng cây ở giữa sa mạc hoang vu, ông nằm vật xuống, chán nản ê chề. Sống làm gì nữa, ông nghĩ vậy? Và ông xin Chúa cất lấy linh hồn ông, để ông chết đi cho rồi. Êlia thất vọng, chán nản, mệt nhọc, Ông muốn đầu hàng trước tử thần. Nhưng một thần sứ đến lay Êlia dậy: "Ăn đi để còn lên đường". Và nhờ thức ăn bồi dưỡng này, Êlia đã đi trọn 40 đêm ngày và tới Núi Thánh của Thiên Chúa.
Tác giả Kinh Thánh dùng con số 40 để ám chỉ cuộc hành trình của dân Chúa nơi sa mạc từ khi ra khỏi Aicập tới ngày vào Hứa địa là 40 năm. Nó đã trở thành biểu tượng của thời gian con người hành trình ở trần gian này. Và đối với chúng ta, nó nói lên thời gian sống ơn gọi làm con cái Chúa ở trần gian, từ ngày rửa tội tới khi về thiên đàng. Các Giáo phụ nhìn 40 ngày hành trình của Êlia như gợi lại cuộc hành trình của Israel trong hoang địa tiến về đất hứa,40 ngày chay tịnh của Môisê (Xh 34,28), tiên trưng việc Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày trươc khi thi hành sứ vụ công khai. Các Giáo phụ cũng nhìn thấy nơi những chiếc bánh mà sứ thần trao cho Êlia là hình ảnh tiên báo phép Thánh Thể nuôi dưỡng tín hữu trên đường dương thế tiến về quê trời. Lương thực nuôi dưỡng Êlia trở thành biểu tượng cho của ăn đi đường cho Kitô hữu trong suốt cuộc hành trình trần gian. Các thế hệ Kitô hữu đã xem Êlia như võ sĩ vô địch về đức tin. Các đan viện, các dòng tu nhìn Êlia như vị tiền phong của mọi nỗ lực từ bỏ nếp sống trần tục để đi vào trong thinh lặng và nội tâm, tìm kiếm Thiên Chúa. Ðó là con đường đầy thử thách, nhưng chắc chắn sẽ gặp thần lương đi đường cho những ai có thiện chí.
2. Bánh Hằng Sống nuôi tín hữu lữ hành về quê trời.
Chúa Giêsu Kitô là Bánh Hằng Sống, Bánh bởi Trời, Bánh ban sự sống cho cả nhân loại. Nhưng làm sao mà con người có thể lãnh hội được ngay mạc khải quan trọng ấy. Vì thế, đã có tiếng xầm xì to nhỏ: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?”. Người Do thái có đủ lý do để nghi ngờ những lời nói của Chúa Giêsu: Ngài đang sống ở giữa họ như một người giữa mọi người vậy mà Ngài bất ngờ tuyên bố mình từ trời xuống. Chúa Giêsu đòi hỏi họ hãy tin vì Ngài là Đấng ban sự sống và Ngài từ Chúa Cha mà đến. Ngài là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa Cha. Gặp gỡ Ngài là gặp gỡ Thiên Chúa Hằng Sống. Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Bánh Hằng Sống. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, ai ăn thì khỏi phải chết”. Chúa Giêsu tuyên bố: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Thánh Thể được mạc khải một cách minh nhiên ngay từ bây giờ với điểm nhấn trên hy tế cứu độ trong mầu nhiệm thập giá. Sự sống vĩnh cửu hàm chứa trong mầu nhiệm Thánh Thể.
Cho tới Bữa Tiệc Ly và Hy Tế Thập Giá, khi Chúa Kitô tự nguyện nộp mình, như hạt lúa bị nghiền nát để trở nên tấm bánh cứu độ cho tất cả nhân loại, người ta mới hiểu và tin vào lời mạc khải về Bánh Hằng Sống.
Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép; nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại.
Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy là chính Người trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.
Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí Tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.
Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu thế bị giết chết trên thập giá.
Thánh Thể, Tấm Bánh Chúa Kitô bẻ ra cho sự sống thế giới; Thánh Thể Mình Máu Chúa Kitô trao ban cho cả nhân loại; Thánh Thể tình yêu đã trở nên thực phẩm vun bồi sự sống cho hôm nay trên đường dương thế và cho mai sau trong hạnh phúc Nước Trời.
Trong cuộc hành trình tiến tới sự sống viên mãn với Thiên Chúa là Cha, chính Chúa Giêsu là lương thực bổ dưỡng cho con người.
3. Bánh Hằng Sống chính là bí tích Thánh Thể
Câu nói “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” của Chúa Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. “Thịt và máu” ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất. “Của ăn và của uống” ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Những từ đó phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Chúa Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử Nạn Thập Giá và Phục Sinh.
Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu Thế bị giết chết trên thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại. Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục Sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống.Thần khí mới làm cho sống,chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6,63). Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.
Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều gói trọn trong Bí tích Thánh thể. Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang. Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha nên mới ban Bí tích Thánh thể làm lương thực thần thiêng cho chúng ta được kết hợp với Người. Bí tích Thánh thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Người mà không hội tụ trong Bí Tích Thánh Thể. Từ Thập giá-Phục sinh đến Thánh Thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh giá đến tình yêu Thánh Thể. Hiểu như thế để khi dâng thánh lễ hay chầu Mình Thánh Chúa, chúng ta hãy tham dự tích cực linh động với tất cả trí lòng tin yêu.
Chúng ta đang lữ hành tiến về vĩnh cửu nên cũng có “lương thực đi đường”, không phải là manna từ trời rơi xuống và nước chảy ra từ tảng đá, hay chiếc bánh lùi và bình nước của thiên thần, nhưng là thần lương cao quý: Mình Máu Chúa Kitô trong Thánh Thể.
Để được ăn bánh Chúa ban, mỗi người phải chấp nhận sự thay đổi hoàn toàn: từ con người cũ thành con người mới; từ suy nghĩ, hành động cũ trở thành con người mới với suy nghĩ và hành động mới theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 đã gợi ý cụ thể: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần, đừng bao giờ chua cay, gắt gỏng, hờn giận, la lối, chửi rủa, gian ác, nhưng phải đối xử tốt với nhau và có lòng thương xót, biết tha thứ cho nhau. Hãy theo gương Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình vì chúng ta”.
“Muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng “mầu nhiệm Đức Tin,” và ban sức mạnh đức tin cho con.” (Đường Hy Vọng, số 373).
Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã cho con hàng ngày có “lương thực đi đường” là được ăn một miếng Bánh đơn sơ, nhỏ bé để con được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Vô Cùng. Xin cho cho tâm hồn con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen.
1 V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51
THÁNH THỂ LÀ MAN-NA MỚI TRÊN ĐƯỜNG VỀ QUÊ TRỜI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 6,41-51.
(41) Người Do Thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là Bánh từ trời xuống”. (42) Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả. Sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?” (43) Đức Giê-su bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! (44) Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy. Và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. (45) Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. (46) Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. (47) Thậ̣t, tôi bảo thật các ông: Ai tin thì được sự sống đời đời. (48) Tôi là Bánh Trường Sinh. (49) Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. (50) Còn Bánh này là Bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. (51) Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
2. Ý CHÍNH:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã khẳng định Người từ trời mà đến. Điều này làm cho dân chúng xầm xì phản đối vì họ nghĩ rằng họ đã biết rõ về gia thế của Người. Nhưng dù vậy, Đức Giê-su vẫn quả quyết: Người từ nơi Chúa Cha mà đến, và sẽ ban Thịt Máu mình làm lương thực đi dường, để ai lãnh nhận bí tích này sẽ được kết hiệp mật thiết với Người, được sống nhờ Người và sẽ về Nước Trời với Người sau này.
3. CHÚ THÍCH:
- C 41-42: + Người Do Thái xầm xì phản đối bởi vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là Bánh từ trời xuống”: Người Do Thái đây ám chỉ dân chúng đi theo Đức Giê-su từ hoang địa về thành Ca-phác-na-um. Họ xầm xì bàn tán khi nghe Người tuyên bố Người là Bánh từ trời mà đến. + Ông này chẳng phải là Giê-su, con của ông Giu-se đó sao?....: Dân Do thái nghĩ rằng họ đã biết rõ về thân thế và cha mẹ của Người.
- C 43-44: + Các ông đừng có xầm xì với nhau: Đức Giê-su biết đám đông đang bàn tán để phản đối lời Người vừa nói, vì họ chỉ nghĩ về phạm vi nhân tính của Người. + Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha không lôi kéo...: Người cho họ biết đức tin là một hồng ân do Thiên Chúa ban cho. + Và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết: Ai tin vào Đức Giê-su thì sẽ được Người cho sống lại vào ngày tận thế và sẽ được sống mãi mãi.
- C 45-46: + “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”: Câu này lược tóm lời tuyên sấm của I-sai-a: “Con cái ngươi, Đức Chúa đều dạy dỗ” (x. Is 54,13), và lời sấm của Giê-rê-mi-a: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: Hãy học cho biết Đức Chúa. Vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta” (Gr 31,33-34). +Phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi: Tuy mọi người đều được Thiên Chúa kêu gọi và dạy bảo, nhưng chỉ ai nghe và đón nhận lởi giáo huấn của Chúa Cha thì mới có thể tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. + Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha: “Thiên Chúa là Thần Khí”, là Đấng thiêng liêng vô cùng (x. Ga 4,24). “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Thời Xuất hành, dù được thường xuyên đàm đạo với Đức Chúa, nhưng ông Mô-sê cũng chỉ thấy được phía sau lưng của Đức Chúa chứ không được nhìn thấy tôn nhan Ngài (x. Xh 33,23). Nhưng Đức Giê-su, Đấng từ nơi Chúa Cha mà đến, đã xem thấy Chúa Cha và có thể mặc khải về Ngài cho chúng ta.
- C 47-51: + “Ai tin thì được sự sống đời đời”: Ai tin vào Đức Giê-su thì sẽ không phải chết trong tội nữa, nhưng sẽ được Người ban sự sống đời đời, như lời thánh Phao-lô: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã (là A-đam), mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất (là Đức Giê-su), đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18). + “Tôi là Bánh Trường Sinh”: Đức Giê-su tự ví mình là “Bánh Trường Sinh” hay “Bánh Hằng Sống”, ám chỉ bí tích Thánh thể mà Người sẽ thiết lập sau này. “Hằng sống” là một đặc tính của Thiên Chúa (x. Mt 16,16), và của Chúa Ki-tô Phục Sinh (x. Rm 6,9). + Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết: Man-na là lương thực Đức Chúa ban cho dân Ít-ra-en trong thời kỳ Xuất Hành, là thứ đồ ăn dễ bị hư nát (x. Xh 16,19-21). Dù dân Ít-ra-en đã ăn man-na, nhưng họ vẫn phải chết do tội đã phạm (x. Tv 78,29-31) và không được sống đời đời (x. Ga 6,58). + Còn Bánh này là Bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết: Đức Giê-su mới là Bánh từ trời thực sự, và ai ăn Bánh này sẽ “không phải chết” (x. Ga 6,50), nhưng “được sống muôn đời” (x Ga 6,51.54), “được ở trong Người” (x Ga 6,56), “được sống nhờ Chúa Cha” (x. Ga 6,57), “được sống và được sống dồi dào” (x. Ga 10,10). + “Bánh Tôi sẽ ban tặng chính là Thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”: Nói câu này, Đức Giê-su đã liên kết 5 chiếc bánh trong phép lạ nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,9) và bánh không men trong bữa tiệc Chiên Vượt Qua, với Thịt Mình của Người trong Bí tích Thánh thể (x. Mt 26,26). Từ của ăn nuôi sống thể xác, được Đức Giê-su biến thành Bánh Hằng Sống đem lại sự sống đời đời (x. Ga 6,48), thành Thân Mình chịu khổ nạn và được Phục sinh của Người (x. Ga 6,51), và thành của ăn thần thiêng nuôi dưỡng đức tin (x. Ga 6,51.63), giúp các tín hữu tiến về Nước Trời để được sống muôn đời (x. Ga 6,58).
HỎI:
1) Dân Do thái xầm xì phản đối Đức Giê-su về câu nói nào của Người? Tại sao?
2) Đức Giê-su dạy đức tin có được là do đâu?
3) Ai tin vào Đức Giê-su thì sẽ nhận được gì?
4) Câu “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” tóm lược lời tuyên sấm của hai vị ngôn sứ nào và
2 lời đó như thế nào? 5)Thiên Chúa thiêng liêng được mệnh danh là gì? Ai mới được nhìn thấy Thiên Chúa và mặc khải Ngài cho chúng ta?
6) Ai tin vào Đức Giê-su sẽ được hưởng ơn gì? Thánh Phao-lô đã so sánh giữa A-đam cũ với Đức Giê-su ra sao?
7) Khi ví mình là Bánh Trường Sinh, Đức Giê-su muốn ám chỉ về bí tích nào Người sẽ thiết lập sau này? 8) Man-na là lương thực được Đức Chúa ban cho dân Ít-ra-en khi nào và có đem lại sự sống đời đời không? 9) Đức Giê-su là Bánh Hằng Sống từ đâu mà đến và ai ăn Bánh này sẽ nhận được ơn gì? 10) Đức Giê-su hứa sẽ thiết lập bí tích Thánh Thể thế nào và để làm gì?
II.SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời”(Ga 6,51).
2.CÂU CHUYỆN:
1) GIẤC MỘNG TRƯỜNG SINH BẤT TỬ CỦA TẦN THỦY HOÀNG:
Tần Thủy Hoàng là hoàng đế Trung Hoa, sống khoảng 200 năm trước Công Nguyên. Ông chính là người đã xây Vạn Lý Trường Thành dài hơn 2.000 dặm, là một kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà các phi hành gia có thể quan sát được từ ngoài không gian. Theo tạp chí National Geographic, Tần Thủy Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên đã tìm đủ cách để có thể cải lão hoàn đồng. Một ngày kia, các chiêm tinh gia đã kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đấy đã khám phá ra bí quyết sống trường sinh bất lão, nên ai cũng sống lâu. Tần thủy Hoàng liền phái một số tàu thuyền chất đầy ngọc ngà châu báu lên đường, hy vọng có thể đổi những đồ quý giá lấy bí quyết trường sinh mang về. Nhưng dân chúng tại đây đã nhất quyết không chịu đổi bí quyết trường sinh của họ lấy bất cứ thứ gì.
Không lấy được thuốc trường sinh, nên khi già yếu, Tần thủy Hoàng đã ra lệnh cấp tốc xây một nhà mồ cho mình như một cung điện nguy nga tráng lệ, rồi ông cho trang trí nhà mồ bằng các đồ trân châu quý giá, lát tường nhà bằng vàng bạc và truyền sẽ chôn sống hàng trăm cung nữ với ông sau khi ông chết, hy vọng kiếp sau sẽ được sống an nhàn sung sướng như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham hưởng thụ ấy đã chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên năm mươi tuổi thì chết.
Bí quyết để sống vĩnh hằng đã được Đức Giê-su mặc khải trong Tin Mừng hôm nay: "Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga.6,47). Ngày nay thánh lễ chính là bàn tiệc gồm hai của ăn là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, là lương thực thiêng liêng ban sự sống đời đời cho ai lãnh nhận. Vậy chúng ta cần làm gì để được sống đời đời ngay từ hôm nay?
2) GIÁ TRỊ VÔ HIỆU CỦA VIÊN THUỐC TRƯỜNG SINH:
Thời Chiến quốc, có người đem dâng vua nước Sở một viên thuốc bất tử. Người ấy đang bưng thuốc vào triều, viên quan canh cửa liền hỏi:
- Đây là cái gì?
- Là viên thuốc trường sinh bất tử tôi đem đến dâng tiến cho đức vua.
- Viên thuốc này có ăn được không?
Người ấy đáp:
- Ăn được.
Lập tức, viên quan liền cầm lấy viên thuốc mà ăn. Câu chuyện đến tai nhà vua. Vua liền truyền bắt viên quan đến định xử tội khi quân và sẽ bị chém đầu. Viên quan nghe án liền kêu oan:
- Thần đã hỏi người dâng thuốc và được ông ta nói đó là viên thuốc trường sinh bất tử, nghĩa là ai ăn sẽ không bị chết nữa. Thần có hỏi người ấy “ăn được không”, và người ấy đáp: ”Ăn được”, nên thần mới ăn. Thế là thần vô tội mà lỗi tại người dâng thuốc. Hơn nữa, người dâng thuốc lại nói đó là viên thuốc “trường sinh bất tử”, nghĩa là ai ăn vào sẽ không bị chết nữa. Thế mà thần mới ăn, đã sắp phải chết. Vậy đó là “thuốc tử”, chớ sao gọi là “thuốc bất tử” được? Nếu bệ hạ giết thần, là bệ hạ đã kết án oan cho người vô tội, và chứng tỏ bệ hạ là người dễ bị kẻ khác mê hoặc lừa gạt.
Vua nghe viên quan đó nói có lý, nên đã tha không giết nữa. (Nguồn: Cổ học tinh hoa)
Trong Tin mừng hôm nay Đức Giê-su nói: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Qua đó, Đức Giê-su đã mặc khải: ngoài cuộc sống đời này, còn một cuộc sống vĩnh hằng đời sau, dành cho những ai tin vào Đức Giê-su, thể hiện qua việc lắng nghe Lời Người và siêng năng ăn bánh Thánh Thể được Người ban cho.
3) QUYẾT TÂM CẢI GIÁO NHỜ TIN LỜI CHÚA VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ:
Hồng y NIU-MÂN (Newman) trước kia đã từng giữ chức vụ Tổng Giám Mục Anh Giáo với bổng lộc hằng năm khá lớn. Dù thuộc tầng lớp quí tộc và là chức sắc cao cấp của Anh Giáo như vậy, nhưng ngài luôn bị lương tâm dày vò về các mầu nhiệm đức tin trong Tin Mừng không sao lý giải được. Rồi đến một ngày, sau khi đã suy nghĩ kỹ về sự khác biệt đức tin giữa Anh Giáo và Công Giáo, cuối cùng ngài đã quyết định từ bỏ các chức vụ cao cấp và các đặc quyền đặc lợi đang thụ hưởng của Anh giáo, để cải giáo theo đạo Công Giáo. Biết được ý định của Niu-mân, bạn bè thân thích đã đến can ngăn để yêu cầu ngài nghĩ lại. Họ nói: “Trước khi quyết định, xin ngài hãy cân nhắc cẩn thận. Vì nếu ngài cải giáo thì không những bị mất tất cả các chức danh và địa vị tinh thần, mà ngay cả lương bổng vật chất hằng năm cũng không được hưởng nữa !” Nhưng Niu-mân đã thẳng thắn trả lời: “Tiếc thì tôi cũng tiếc thật. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Chức vụ, quyền hành và bổng lộc vật chất tuy đáng quí, nhưng có đáng là gì so với những điều tôi nhận được khi trở nên thành viên của Hội Thánh Công Giáo và Tông Truyền. Tôi sẽ lãnh nhận được ơn Thánh Thần và được chịu các phép bí tích, nhất là được ăn tiệc Thánh Thể. Đó mới thực là Bánh đem lại phúc trường sinh”.
Sở dĩ Niu-mân có được suy nghĩ và quyết định sáng suốt như vậy, là do ngài đã nghe theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Thực vậy, nếu không có ơn Thánh Thần, thì người ta sẽ khó lòng hiểu được Lời Chúa Giê-su và sẽ không tin vào bí tích Thánh Thể, như đám đông dân Do Thái và phần đông các môn đệ đã không tin Lời Chúa. Họ đã chán nản bỏ đi và không muốn đi theo Đức Giê-su, vì họ không thể chấp nhận được mầu nhiệm Thánh Thể này. Chỉ Nhóm Mười Hai là vẫn trung thành đi theo Thầy, vì dù họ không hiểu Lời Thầy bằng lý trí, nhưng vẫn tin vào lời dạy của Thầy, như ông Phê-rô đã đại diện anh em thưa: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết: chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Ga 6,68-69).
4) PHÉP LẠ VỀ CON LỪA QUÌ LẠY THÁNH THỂ CHÚA:
Thánh AN-TÔN PA-DO-VA (1195-1231) là tu sĩ dòng Phan-xi-cô khó nghèo. Ngài sinh tại Bồ-đào-nha nhưng sau này lại sống tại nước Ý. Ngài có tài hùng biện với một lòng đạo đức sâu xa, nên luôn được mời đi giảng thuyết ở nhiều nơi. Linh Mục An-tôn có biệt tài chống lại lý luân của các lạc giáo, nhất là nhóm An-bi-gien-sê tại vùng Tây Nam nước Pháp. Ngài rất có lòng sùng kính bí tích Thánh Thể. Một ngày nọ, An-tôn có mặt tại Tu-lu để bác bỏ lạc thuyết của nhóm An-bi-gien-sê về bí tích Thánh Thể. Cuộc tranh cãi rất sôi nổi. Với lý luận sắc bén, An-tôn đã làm cho nhóm lạc giáo cứng miệng. Tuy thua về lý thuyết nhưng họ vẫn không đầu hàng. Ông trưởng lạc giáo nói: “Bây giờ chúng ta hãy dẹp bỏ mớ lý luận kia để đi vào thực tế. Nếu ông có thể chứng minh có Chúa Giê-su hiện diện thực sự trong Bánh Thánh Thể, trước sự chứng kiến của mọi người, thì tôi sẽ từ bỏ lạc giáo để quay về đức tin Công Giáo. Đầy tin tưởng vào quyền năng của Chúa Thánh Thể, linh mục An-tôn trả lời: “Tôi chấp thuận đề nghị của anh”.
Ông trưởng lạc giáo An-bi-gien-sê nói tiếp: “Ở nhà tôi có một con lừa cái. Tôi sẽ nhốt nó vào chuồng và bắt nó nhịn đói 3 ngày. Đến ngày thứ ba, tôi sẽ dẫn nó đến đây trước mặt mọi người, và dọn ra cho nó một thùng lúa mạch thơm ngon. Còn ông, ông cũng đưa ra trước mặt con lừa ”cái” mà ông gọi là Mình Thánh Chúa. Nếu con lừa đang đói mà không ăn thóc lúa, nhưng lại quỳ lạy Thánh Thể, thì tôi sẽ tin vào giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo.
Đúng ngày hẹn, toàn dân thành Tu-lu đứng chen chúc nhau tại quảng trường chính, nơi sắp diễn ra cuộc thách thức, đang lúc linh mục An-tôn sốt sắng dâng lễ trong một nhà nguyện gần đó. Đến giờ hẹn, ông trưởng phe lạc giáo liền dắt con lừa cái của nhà ông đến quảng trường và không quên mang theo thùng thức ăn thích hợp với nó. Nhóm lạc giáo hiện diện rất đông với nét mặt hân hoan như cầm chắc phần thắng trong tay. Bấy giờ Linh mục An-tôn từ trong thánh đường gần đó bước ra, tay giơ cao Bánh Thánh Thể mới được truyền phép trong thánh lễ. Linh mục An-tôn lớn tiếng nói với con lừa rằng: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, là Đấng đã dựng nên ngươi. Tuy ta bất xứng, nhưng ta đang giữ Người trên tay, ta truyền cho ngươi, hỡi con vật đáng thương, hãy mau đến quỳ gối thờ lạy Người. Cùng lúc ấy, người ta cũng đưa thùng lúa kiều mạch đến trước mặt con vật. Lạ lùng thay, con lừa không đoái hoài đến thức ăn hợp khẩu vị, mà đã vâng lời linh mục An-tôn. Nó chạy đến gập hai chân trước quì xuống và cúi đầu thờ lạy Mình Thánh Chúa Giê-su.
Trước cảnh tượng ấy, các tín hữu Công Giáo vui mừng vỗ tay reo hò để tạ ơn Chúa, đang khi nhóm lạc giáo kia ngơ ngác không biết ứng phó thế nào. Cuối cùng ông trưởng nhóm lạc giáo đã chịu thua. Ông đã giữ lời hứa là từ bỏ lạc giáo và khiêm tốn quay về tin theo giáo huấn chân thật của Hội Thánh Công Giáo.
5) ĐỐI THOẠI VỀ MẦU NHIỆM THÁNH THỂ:
Pa-let-ti-na là một vùng đất hiện vẫn còn rất đông người theo đạo Hồi. Một hôm, một vị thầy lãnh đạo một cộng đoàn Hồi giáo mời một linh mục Công Giáo đến để công khai tranh luận về bí tích Thánh Thể trước sự hiện diện của các tín hữu đôi bên. Vị thầy hỏi:
– Làm sao một miếng bánh nhỏ lại có thể trở thành Đức Ki-tô được?
Vị linh mục trả lời:
– Được chứ sao lại không? Tôi xin minh chứng cho thầy biết bằng một thí dụ đơn sơ. Nếu thầy ăn cơm, thầy có thể biến cơm thành máu thịt của thầy, có thật như thế không nào? Vậy tại sao Chúa lại không thể biến tấm bánh nhỏ trở thành máu thịt Chúa được?
Bậc thầy đó lại hỏi tiếp:
– Làm sao Đức Ki-tô to lớn như thế lại có thể ở trong miếng bánh nhỏ xíu?
Vị linh mục trả lời:
– Thầy hãy nhìn trời, nhìn núi và các thôn làng. Bầu trời thì mênh mông. Ngọn núi thì cao lớn hùng vĩ, còn thôn làng thì rộng rãi bao la, thế mà con mắt nhỏ xíu của thầy có thể chứa được tất cả. Nếu con mắt của Thầy làm được chuyện đó thì tại sao Thiên Chúa lại không thể làm cho miếng bánh nhỏ xíu chứa đựng được Đức Ki-tô.
Bậc thầy không chịu thua lại hỏi thêm:
– Làm sao có thể cử hành nhiều thánh lễ cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới, mà mỗi thánh lễ lại đều có Mình và Máu của Đức Ki-tô được?
Vị linh mục đáp:
– Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.
Rồi để chứng minh cho câu trả lời này, vị linh mục lấy một tấm gương soi ném xuống đất, khiến nó bể tan thành nhiều mảnh nhỏ. Tiếp đến, vị linh mục giơ tay chỉ cho bậc thầy đang ngạc nhiên và nói:
– Trước đây trong tấm gương này, thầy trông thấy gương mặt mình có phải không nào? Và bây giờ thầy cũng trông thấy gương mặt mình trong từng mảnh nhỏ. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại không thể hiện diện tại nhiều nơi trong cùng một lúc được.
Cuộc tranh luận trên giúp chúng ta hiểu được phần nào mầu nhiệm Mình Máu Thánh Đức Giê-su mà Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Vậy chúng ta phải có thái độ nào khi đi tham dự Thánh lễ?
3. THẢO LUẬN:
1) Bạn sẽ tham dự thánh lễ thế nào để đón nhận được sự sống đời đời do Chúa hứa ban?
2) Sau thánh lễ, bạn cần làm gì để giới thiệu Chúa cho tha nhân, nhất là cho những người nghèo hèn, bệnh tật và bị bỏ rơi… để họ cũng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ và được tham phần vào sự sống đời đời?
4. SUY NIỆM:
1) Man-na: lương thực bổ sức cho dân Ít-ra-en trên đường về Đất hứa:
Dân Ít-ra-en dưới sự lãnh đạo của Mô-sê đã từ Ai Cập tiến về miền đất Ca-na-an do Đức Chúa đã hứa ban cho Ap-ra-ham và con cháu ông (x. St 12,5-7).
Trong suốt thời gian lưu lạc trong sa mạc, dân Ít-ra-en tuy không còn bánh ăn nước uống vật chất như khi ở trong nước Ai Cập, nhưng họ lại được Đức Chúa ban man-na từ trời rơi xuống (x Xh 16,15) và nước suối phát xuất từ tảng đá (x Xh 17). Nhờ đó họ đã đủ sức vượt qua sa mạc hoang vu trong suốt thời gian 40 năm, để sau cùng về tới miền Đất được Đức Chúa hứa ban cho tổ phụ A-bra-ham và con cháu. Đó là xứ Ca-na-an, mà nay là xứ Pa-lét-tin.
2) Bánh và nước: bổ sức cho ngôn sứ Ê-li-a về tới núi của Chúa:
Sau khi tiêu diệt 450 sãi bụt Ba-an trên núi Các-men (x. 1 V 18,20-40), ngôn sứ Ê-li-a đã bị hoàng hậu I-de-ven sai quân truy bắt, nên ông đã phải chạy đến Núi Khô-rép để được Đức Chúa bảo vệ.
Trong cuộc trốn chạy, có lúc ông bị đói khát mệt mỏi và tuyệt vọng, chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng khi đang thiếp ngủ dưới một gốc cây, ông đã được thiên sứ đến đánh thức và mang cho ông bánh ăn nước uống. Nhờ được ăn bánh uống nước của Đức Chúa mà Ê-li-a đã được hồi phục sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình tiến về Núi Thánh của Đức Chúa (x. 1 V 19,1-8).
3) Man-na Mới: bổ sức cho các tín hữu trên đường về Nước Trời:
Man-na xưa là hình ảnh của Bí Tích Thánh Thể do Đức Giê-su thiết lập trong thời Tân Ước. Người đã tự hiến mình làm lương thực thiêng liêng ban sự sống đời đời cho thế gian khi tuyên bố: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống… Bánh tôi sẽ ban chính là Thịt tôi để cho thế gian được sống” (Ga 6,48.51).
Lương thực nói trên còn là Lời của Thiên Chúa như Đức Giê-su đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3; Mt 4,4). Chính Lời của Thiên Chúa đã nhập thể làm người và ở cùng chúng ta, trở thành Đức Giê-su (x Ga 1,14).
Từ đây ai muốn lên trời phải ăn được hai của ăn do Chúa Giê-su ban cho là bánh Lời Chúa và bánh Thánh Thể. Nhưng chúng ta phải ăn Bánh thánh của Chúa thế nào?
4) Bánh Thánh Thể hôm nay - mầm sống lại của cuộc sống mai sau:
Trong những cơn khủng hoảng kinh tế của thập niên 1930, hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, và hàng triệu người bị đói. Ở một số thành phố, những nhóm tu sĩ tổ chức phát chẩn cho những người bị đói, một trong những nhóm đó là tu viện Thánh Phanxicô ở tỉnh Cincinnati, tiểu bang Chio.
Mỗi ngày bánh mì kẹp thịt được phân phát cho hàng trăm người đói, đàn ông, đàn bà đứng xếp hàng đợi đến 5 giờ chiều để được phát bánh. Cả ngày, hai thầy dòng Phanxicô và năm, bảy người giáo dân trợ giúp, làm bánh mì kẹp thịt và gói lại.
Một tu sĩ sau khi chứng kiến thái độ của những người nói trên đã chia sẻ như sau:
“Nhìn những người sa cơ lỡ vận ấy nhận bữa ăn tạm, tôi thấy nhiều người sau khi nhận gói bánh đã mỉm cười và cám ơn; Có người thì mắc cở, giật lấy gói bánh rồi lẩn mất; Có người mở gói bánh ra và ăn liền rồi vội vàng bỏ đi; Có người cầm lấy gói bánh đi vào một ngõ hẻm. Tuy nhiên cũng có một vài người mở gói bánh ra, ăn thịt và ném bánh đi. Một vài người ăn một phần và bỏ phần còn lại. Nhiều người bỏ gói bánh vào thùng rác, nhưng một số khác lại xả bừa bãi trên đường. Một vài người làm dấu thánh giá”.
Cách thức những người bất hạnh nói trên đến xin ăn, phần nào giống như cách đám đông nghe lời Chúa Giê-su giảng về bí tích Thánh Thể trong Tin Mừng hôm nay: Họ lầu bầu phản đối và bỏ đi. Còn các tín hữu chúng ta cần có thái độ thế nào khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể?
5) Thái độ phải có khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể:
Mỗi lần tham dự thánh lễ và rước lễ là chúng ta sẽ cảm nếm được hương vị hạnh phúc thiên đàng, sẽ được nghỉ ngơi trong an bình như lời Chúa Giê-su hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng." (Mt 11,28-30). Hơn nữa, người ăn Bánh Thánh Thể hôm nay còn nhận được mầm sống để sẽ được sống lại trong ngày tận thế sau này.
Sau khi lãnh nhận Bánh Thánh Thể, chúng ta có bổn phận chia sẻ Chúa cho tha nhân để giới thiệu Chúa là Tình Thương, và khiêm tốn phục vụ Chúa hiện thân nơi người nghèo đói bệnh tật và đau khổ, hầu chia sẻ niềm vui ơn cứu độ của Chúa cho họ.
5. NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Mỗi lần dự lễ là chúng con được tham dự bữa tiệc Thánh với hai của ăn là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Khi rước lễ là chúng con được đón nhận cả nhân tính và thần tính của Chúa. Xin giúp chúng con siêng năng dự lễ mỗi ngày để được Lời Chúa giáo huấn và được Mình Chúa dưỡng nuôi. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận mọi người đang sống chung cùng một mái nhà, đang ở chung cùng một khu xóm, đang học chung cùng một mái trường, đang làm việc chung trong một cơ quan hay nhà máy... Xin cho chúng con mở lòng đón nhận những người đối xử tốt với chúng con và cả những kẻ thù ghét làm hại chúng con. Xin giúp chúng con ngày một biến đổi nên con thảo của Chúa Cha, nên môn đệ đích thực của Chúa, và nên anh chị em của mọi người trong đại gia đình Hội Thánh.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. –Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
“Giải tán họ xong, Ngài lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Ngài vẫn ở đó một mình!”.
“Một là tự tử, hai là về thành phố, ba là ôm chặt Thiên Chúa!”. Đó là chia sẻ của cha René Voillaume khi ngài nói đến ‘thời gian nhà tập’ của một số tập sinh Tiểu Đệ Chúa Giêsu tại sa mạc Sahara, nơi nhiệt độ thông thường có thể nóng đến 58°C và lạnh dưới - 45°C và còn hơn thế nữa!
Kính thưa Anh Chị em,
Không cần phải đợi đến khi vào sa mạc Sahara, Chúa Giêsu mới chọn điều thứ ba; nhưng trong suốt cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã luôn luôn khôn ngoan ôm chặt Thiên Chúa. Thật thú vị, qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta học bài học của sự cô đơn; đúng hơn, sự ‘kỳ diệu của cô đơn!’.
Khi chúng ta coi việc ở một mình là cô đơn, Chúa Giêsu lại coi đó là cô tịch; chúng ta coi cô tịch là lãnh địa của cô đơn, Chúa Giêsu coi đó là lãnh địa của gặp gỡ; chúng ta chạy trốn cô tịch, Chúa Giêsu đi tìm nó! Vậy mà, khi kiên trì ôm chặt Thiên Chúa như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy sự ‘kỳ diệu của cô đơn!’; đó là thiên đàng của những cuộc gặp gỡ. Tuy nhiên, điều làm cô đơn nên kỳ diệu ở đây là một cô đơn có Chúa, ‘ôm lấy Chúa và được Chúa ôm lấy’ chứ không phải cô độc.
Tin Mừng hôm nay cho biết, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu lên núi một mình để cầu nguyện. Ngài sẵn sàng rời bỏ sự vồ vập của đám đông để lên núi, ở một mình với Chúa Cha; ở với Chúa Cha, một điều gì đó mà Chúa Giêsu khao khát mỗi ngày. Khác với Chúa Giêsu, việc im lặng có thể nhanh chóng dẫn chúng ta đến một cô đơn nhất định và trống rỗng nội tâm; những lúc ấy, chúng ta cảm thấy bị thôi thúc muốn tìm một ai đó, hay bất cứ thứ gì, có thể giúp gây mê, hầu tránh được cảm giác đau đớn khi ở một mình. Nếu đúng vậy, chúng ta hãy học biết ôm chặt Thiên Chúa như Chúa Giêsu, ở lại với Ngài, học cách tận hưởng sự hiện diện của Ngài trong lặng lẽ. Bấy giờ, ‘kỳ diệu của cô đơn’ sẽ tỏ mình, nỗi đau từ im lặng có thể biến thành niềm vui và bình an.
Tận hưởng sự im ắng của việc ở một mình, chúng ta hướng lòng lên Chúa, quay lưng lại với chính mình; vậy mà, chính lúc đó, chúng ta vẫn không quay lưng lại với người khác hoặc với thế giới. Như Chúa Giêsu, chúng ta đang mở lòng mình với Thiên Chúa để có thể liên đới cảm thông với người khác. Tin Mừng tiết lộ, ở một mình trên núi “cho đến chiều tối”, Chúa Giêsu đã không loại bỏ những người khác khỏi lời cầu nguyện của Ngài; Ngài ý thức việc các môn đệ đang vật lộn trước gió giật và sóng lớn. Như vậy, dẫu đến gần Chúa Cha, ở trong Chúa Cha, Chúa Giêsu vẫn gần gũi các môn đệ; từ đó, Ngài đã kịp có mặt với họ trong cuộc chiến trên sóng dữ, kêu gọi họ can đảm; để cuối cùng, bước lên thuyền, giúp họ vượt qua bão tố và đưa họ vào bờ. Cũng thế, việc ở một mình trong cầu nguyện cũng sẽ đưa chúng ta đến gần những người khác trong tình yêu thương; và đó chính là sự ‘kỳ diệu của cô đơn’ khi tạo ra một cơ hội để chúng ta trở nên một phương tiện, mà qua đó, Thiên Chúa có thể đến với những người khác.
Bài đọc Dân Số hôm nay cũng nói đến một trải nghiệm ‘kỳ diệu của cô đơn’. “Lều Hội Ngộ” còn gọi là “Nhà Xếp Giao Ước”, được coi như điểm hẹn, một nơi cô tịch mà con người gặp gỡ Thiên Chúa và tìm lại chính mình. Thiên Chúa đã đòi vợ chồng Aaron và Miriam ra đó, vì hai người này có lỗi với Môisen, “Cả ba hãy đi ra Lều Hội Ngộ!”. Ở đó, Ngài đã tỏ mình, nói cho họ sự sai trái. Và cũng từ nơi cô tịch đó, con người nhận ra lỗi lầm của mình, để sau đó, mở miệng xin Thiên Chúa xót thương, “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài!”; đó cũng là tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay.
Anh Chị em,
Tin Mừng cho biết, càng gần Thiên Chúa, Chúa Giêsu càng gần con người. Ngài dạy chúng ta ôm chặt Thiên Chúa để có thể gần gũi tha nhân như Ngài. Như vậy, cô đơn không thể mài mòn chúng ta; trái lại, giúp chúng ta trở nên nhạy bén với Thiên Chúa, với tha nhân, nhận ra sự yếu hèn của mình; và sau cùng, trở nên khí cụ bình an của Chúa. Đó là sự ‘kỳ diệu của cô đơn!’. Trong những ngày hôm nay, khi phải ở một mình nhiều hơn, chớ gì chúng ta biết tận dụng những hoàn cảnh đun đẩy như một ‘lợi thế’ sẵn có; qua đó, ở lại với Thiên Chúa, ở lại với những những thân yêu và thấy rõ con người của mình nhiều hơn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con đi vào vực sâu của việc cầu nguyện cả khi con sợ hãi phải ở một mình; xin giúp con ôm chặt lấy Chúa; nhờ đó, con luôn thấy được sự ‘kỳ diệu của cô đơn!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
10. Đắc tội với Đức Chúa Giê-su nhất, làm thương tổn thánh tâm Ngài nhất, chính là khi con người ta không nương cậy vào Ngài.
(Thánh nữ Terese of Lisieux)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Một hôm, Lâm Phụng Ngô đến thăm Kỷ Văn Đạt, Kỷ hỏi:
- “Ông lấy tên Phụng Ngô là có lý do gì?”
Lâm trả lời:
- “Khi mẹ tôi sinh tôi thì nằm mộng thấy một con phụng hoàng đỗ (đậu) trên cây ngô đồng, cho nên mới đặt tên ấy”.
Kỷ Văn Đạt thở dài nói:
- “Giấc mộng của mẹ ông có thể nói là tuyệt vời! Giả như không may mẹ ông nằm mộng thấy dĩa thịt gà treo giữa trái chuối, thì tên của ông chắc là khó nghe lắm?”
Lâm Phụng Ngô vừa cười vừa nói:
- “Ngài thật khéo đùa dai”.
(Tiếu Tiếu lục)
Suy tư 17:
Có những cái tên khiến người khác thất vọng không muốn nhắc đến hoặc nói đến, đó là những cái tên giết người không ghê tay, đó là những cái tên đại gian ác làm hại nhiều người, đó là những tên khát máu diệt chủng.v.v…
Có những cái tên mà những người có tâm hồn thù hận ghét ghen, kiêu căng, những người được gọi là con cái của ma quỷ rất sợ, rất ghét, đó là tên Đức Chúa Giê-su, tên Đức Mẹ Ma-ri-a và tên của các thánh…
Có một cái tên mà thế lực của tội ác rất ghét, cái tên này phản kháng tất cả những bất công, những tội ác xảy ra trên thế giới, đó là tên Ki-tô hữu. Chính cái danh từ mà thánh Phao-lô tông đồ đã sử dụng nầy đã làm cho các vua quan thế gian lo sợ, vì họ chống lại những cách sống vô luân và những quyết định có hại cho đời sống tâm linh và luân lý của con người…
Người Ki-tô hữu rất hãnh diện vì được mang tên này, bởi vì khi mang tên là người Ki-tô hữu, thì chính cuộc sống của họ cũng đã phản ảnh lại đời sống của Đức Chúa Giê-su là yêu thương và tha thứ, khiêm tốn nhưng can đảm trước những phong trào bài xích Giáo Hội Công Giáo, khủng bố bắt bớ người người Ki-tô hữu của những kẻ quá khích…
Chúng ta luôn cầu nguyện cho họ và lấy đời sống yêu thương phục vụ của mình để cảm hóa họ…
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Không thiếu tác giả gọi các khuynh hướng phụng vụ khác nhau, nhất là các quan điểm trái ngược nhau về phụng vụ là cuộc chiến phụng vụ (liturgy war). Một trong những tác giả này là Paul Baumann, người, ngày 27 tháng 7 vừa qua, trên tạp chí Công Giáo cấp tiến Commonweal, viết bài The Liturgy Wars, Why They Won’t Go Away? (Các Cuộc Chiến Tranh Phụng Vụ, Tại Sao Chúng Không Biến Mất?)
Tác giả này thú nhận ngay ở đầu bài báo là ông có đến hai tâm tư về tông thư Traditionis Custodes của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một tông thư tái áp đặt các hạn chế đối với việc sử dụng thánh lễ cổ truyền bằng tiếng Latinh mà trước đây Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã loại bỏ. Vì một đàng, ông tin rằng tính đa nguyên phụng vụ thường là một điều tốt lành. Thực vậy, Giáo Hội Công Giáo từ lâu vốn thừa nhận tính hợp pháp của các nghi lễ Đông phương như Melkite, Maronite, Công Giáo Hylạp, và nhiều Giáo Hội khác hiệp thông với Rôma.
Và ông đặt câu hỏi: “Há lại không nên xét đoán thánh lễ cổ truyền bằng tiếng Latinh chỉ dưới khía cạnh liệu nó có xây dựng Giáo Hội không hay sao?”
Ông không trả lời câu hỏi đó ngay, nhưng trình bầy tâm tư thứ hai: “Mặt khác, tôi hiểu rằng việc có sự chia rẽ sắc nét trong nghi thức phụng vụ chính trong Giáo Hội Công Giáo đặt ra nhiều âu lo nghiêm trọng đối với việc hợp nhất Giáo Hội. Chắc chắn, một số, nếu không phần lớn, những người sùng mộ Thánh Lễ theo Công Đồng Trent có xu hướng tự coi họ như một giáo hội trong Giáo Hội, thậm chí có lẽ còn như số sót thánh thiện (holy remnant) nữa.
Mối quan tâm chính của Đức Giáo Hoàng là mối đe dọa mất hợp nhất gây ra bởi những vùng lọt vào giữa (enclaves) như vậy, ngày càng được dìu dắt bởi các linh mục trẻ hơn, tự cho mình là 'chính thống', những người, giống như nhiều giáo dân của họ, nghi vấn các cải cách của Công đồng Vatican II. Trong lá thư của mình, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng những người tham dự các các buổi phụng vụ theo nghi thức của Công Đồng Trent phải tuyên bố rõ ràng ‘tính hợp lệ và hợp pháp’ của các cải cách của Công đồng Vatican II. Ngài cũng cấm các nhóm sử dụng các giáo xứ khi cử hành nghi thức của Công Đồng Trent, đây rõ ràng là một nỗ lực nhằm ngăn cản sự hấp dẫn và tăng trưởng của các cộng đồng cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh”.
Nói thế rồi Baumann cho rằng phản ứng dữ dội của những người sùng mộ Thánh Lễ bằng tiếng Latinh càng làm tăng độ chính xác trong lo âu của Đức Phanxicô rằng những người này là nguyên nhân tạo chia rẽ trong Giáo Hội. Lo âu này thực ra không phải của riêng Đức Phanxicô mà của rộng rãi Giám Mục hoàn cầu được ngài tham khảo.
Sau đó, tác giả cho biết trong thập niên 1990, ông có tham dự một Thánh lễ theo hình thức ngoại thường, một thánh lễ có đủ mùi hương và tiếng chuông “nhưng tôi không bao giờ cảm thấy được bay bổng lên thực tại siêu việt. Dĩ nhiên, điều ấy có thể là một thất bại về phần tôi. Một thập niên hay hơn sau đó, tôi tham dự một phiên họp của những người sùng mộ thánh lễ Latinh với ý định sẽ viết về phiên họp này. Phiên họp bắt đầu và kết thúc với việc đọc kinh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, một lời kêu gọi gây chiến vũ trụ. Giữa những việc này, có khá nhiều phát biểu kiểu đạo giáo (cult) về Armageddon (chiến tranh tận diệt) và khá nhiều kết án Công đồng Vatican II. Tôi không bao giờ viết bài báo đó”.
Tóm lại, tác giả không ưa thánh lễ theo hình thức ngoại thường. Điều này do hồi còn học thần học, tác giả được học với nhà phụng vụ học nổi tiếng Aidan Kavanagh, OSB.
Ông kể: “Năm 1988, 25 năm sau khi du nhập các cải cách phụng vụ của Vatican II, Kavanagh đã viết một bài bình luận về một nghiên cứu gần đó về cách các cải cách đã được thực hiện và tiếp nhận ra sao. Phải nói ngay, ngài là một người ủng hộ mạnh mẽ các hành động của Công đồng. Như ngài cho biết trong bài báo của ngài, việc ngài nghiên cứu khi còn là nghiên cứu sinh ở Đức đã đóng một vai trò nho nhỏ trong việc thuyết phục các giám mục của Công đồng rằng phụng vụ cần được cải tổ.
“Kavanagh không có ảo tưởng về bất cứ nỗ lực nào để hồi sinh Thánh lễ Công Đồng Trent, một nỗ lực mà ngài coi như một ‘sai lầm lớn, thường có ý tốt nhưng vẫn lầm lẫn’. Ngài biết rõ việc thờ phượng là như thế nào trong 'thời kỳ vàng son' trước công đồng mà những người duy truyền thống luôn mong mỏi thiết tha. Ngài viết: ‘Đó là những ngày mà qui tắc phụng vụ chính là tính tối giản (minimalism), lòng đạo đức là một điều gì khác thế, và phụng vụ không có gì là thần học về nó ngoại trừ mô thức và chất thể cần thiết cho việc pha chế hợp lệ các bí tích. Đến thế kỷ 20, phụng vụ Công Đồng Trent là một phụng vụ chứa đầy những thứ phi luận lý (non sequitur). Nó hiếm khi được thực hiện tốt, nhưng chứa đủ các yếu tố cuối thời trung cổ và baroque … để gây tò mò cho những người có xu hướng tối tăm’”.
Baumann cho rằng hầu hết những người Công Giáo trung thực đối với Giáo Hội trước Công đồng Vatican II phải xác nhận lượng định của Kavanagh.
Theo ông, vì chúng ta biết nhiều hơn về Giáo hội sơ khai và việc thờ phượng của nó hơn Công đồng Trent, nên theo quan điểm của Kavanagh, nghi thức cải cách “phong phú hơn một cách không thể nào so sánh được”, Công Giáo hơn và thậm chí còn truyền thống hơn nghi thức Trent.
Nhưng điều nghịch lý, theo Baumann, là Kavanagh cũng “không có ảo tưởng nào về việc cải cách đã được thực hiện ra sao. Ngài lập luận rằng những cải cách này là những điều chưa từng có cả về phạm vi và tốc độ chúng được chấp hành. Ấy thế nhưng, các tác phong nghi lễ không đơn giản dễ thao túng như thế. Ngài không nghi vấn về động cơ hay đức tin của các giáo sĩ và giáo dân thực hiện các cải cách, nhưng ngài nghi vấn về phán đoán và kiến thức của họ về điều gì làm cho các thực hành nghi lễ có hiệu quả. Ngài viết: ‘Không hẳn phải chịu quá ít thay đổi, phụng vụ Rôma hiện nay, nếu có, phải chịu tính dị thường của quá nhiều thay đổi được thực hiện quá nhanh. Nếu duy trì quá lâu như thế, sự hồ đồ sẽ dẫn đến mất tinh thần, thiếu tự tin và cuối cùng là nhẫn nhục, một trống rỗng. Đủ mọi thứ dồn dập kéo đến để lấp đầy khoảng trống này’”.
Nói tóm lại, theo Kavanagh, hình thức ngoại thường không phục vụ phần rỗi từ bản chất, còn hình thức bình thường cũng không phục vụ phần rỗi vì bị thực thi sai.
Thành thử đối với Baumann, “điều đó dường như là một mô tả thích đáng về cuộc khủng hoảng phụng vụ đang diễn ra, một cuộc khủng hoảng đã chứng kiến những người Công Giáo bỏ Thánh lễ Chúa nhật hàng loạt và tất cả đều làm ngơ những Ngày Lễ Buộc. Kavanagh tin rằng quá nhiều kỳ vọng của tầng lớp trung lưu đương thời đã đổ xô tới để lấp đầy khoảng trống mới, buộc các chiều kích ‘hàng dọc’ của phụng vụ phải tùng phục ‘hàng ngang’. Quá nhiều thánh lễ đã trở thành một cử hành cộng đồng và hội chúng, và không đủ việc tôn thờ Thiên Chúa của Ápraham, Isaác, Giacóp và Chúa Giêsu Kitô. Ngài viết ‘Tôi thấy rất ít điều phản văn hóa trong các buổi phụng vụ của giáo xứ được báo cáo trong cuộc nghiên cứu’. Một lý do dường như là việc giảm nhấn mạnh tới sự thánh thiện siêu việt của Thiên Chúa, và do đó là sự thiếu phẩm chất này nơi những người thờ phượng’".
Theo Baumann, Kavanagh lập luận rằng Giáo hội tự hiểu mình “như một đối trọng (counterpoise) đặc biệt đối với thế giới,” và phụng vụ phải nuôi dưỡng “một tinh thần thờ phượng trong việc hướng đời sống về phía Thiên Chúa”. Nếu không, người Công Giáo sẽ bắt đầu tìm kiếm một thay thế cho tinh thần đó ở nơi khác. Theo quan điểm của Kavanagh, những niềm phấn khích và sự sùng kính hời hợt đang thấm nhiễm nền văn hóa đại chúng là chỗ nhiều người đang hướng đến.
Theo Baumann, phải thừa nhận rằng Kavanagh có xu hướng vẽ những nét tổng quát, nhưng việc suy giảm nhanh chóng trong niềm tin vào Sự hiện diện Thực sự và vào tư cách thành viên của Giáo hội kể từ năm 1988 dường như xác nhận nhiều nỗi sợ hãi của ngài. Ngài biết chủ nghĩa tồn cổ tối tăm của Thánh lễ Latinh không phải là câu trả lời. Nhưng khẳng định “tính hợp lệ và hợp pháp của cuộc cải cách phụng vụ” mà thôi cũng không đủ. Thánh lễ không nên chỉ để an ủi các tín hữu; như Kavanagh đã viết, nó phải làm chúng ta khó chịu trong khi nó an ủi chúng ta. Những người bảo vệ cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng không nên tự mãn về những vấn đề trong việc thực hiện nó. Bao lâu những vấn đề đó còn kéo dài, thì sự cám dỗ muốn tìm kiếm nơi khác cũng sẽ kéo dài như vậy.
Quả hiếm thấy một tác giả cấp tiến lại có quan điểm trung thực và quân bình như trên về cuộc chiến phụng vụ. Thiển nghĩ, Kavanagh suy tư không khác gì Đức Phanxicô trong Traditionis Custodes và nhất là trong thư gửi các Giám Mục hoàn cầu.
Tiếc rằng người của ngài tại Washington D.C. là Hồng Y Gregory dường như lại không nghĩ như thế. Mà chỉ biết nhắm vào một phía: phía Thánh lễ ngoại thường. Nên Cha De Souza, trong bài “Pope Francis’ Motu Proprio Places New Burden on Bishops, Particularly on Cardinal Gregory” mong rằng người của Đức Phanxicô ở thủ đô Hoa Kỳ khi tuân hành chỉ thị của xếp lớn ở Rôma ngăn cấm Thánh Lễ Ngoại Thường dự trù cử hành tại Vương cung Thánh đường Đền thánh Quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm vào ngày 14 tháng 8 này, do Đức Tổng Giám Mục Thomas Gullickson, cựu sứ thần Toà thánh, thì cũng có can đảm tuân hành chỉ thị của xếp lớn ở Rôma mà làm vế kia của phương trình nghĩa là “mỗi lần ngài nâng búa lên bắt chấp hành Traditionis Custodes, thì tín hữu của ngài tự hỏi liệu búa có tương tự được giáng xuống các lạm dụng phụng vụ trong ‘hình thức bình thường’ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng kết án trong Traditionis Custodes” hay không.
Nếu không, theo Cha de Souza, “chính tinh thần chia rẽ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô than thở sẽ gia tăng tại Washington”.
AFP (Cerith Gardiner - 02/08/21)
Tinh thần của hai vận động viên Mutaz Essa Barshim của Qatar và Gianmarco Tamberi của Ý đã truyền cảm hứng vượt nên trên cả tài khiếu thể thao thật ấn tượng của họ.
Để trở thành một vận động viên Thê Vận Hội Olympic đòi hỏi một sự tập luyện liên nỉ, quyết tâm và tinh thần cạnh tranh. Thêm vào đó, việc đại diện cho quốc gia thật là một áp lực kinh khủng... Tuy nhiên, hai vận động viên mới đây đã cho thế giới thấy một ưu phẩm khác đáng được trân trọng nể phục khi họ cùng chung chia giải vô địch.
Mutaz Essa Barshim của Qatar và Gianmarco Tamberi của Ý đã cùng nhau thi đấu môn nhảy cao vào Chủ nhật vừa qua thì họ gặp một bế tắc. Cả hai đã cố gắng vượt qua độ cao 2,37 mét một cách đáng kinh ngạc mà không gặp một lỗi nào cả! Tuy nhiên, sau ba lần cố gắng không một ai đạt được mức độ tiếp theo là 2,39 mét.
Một viên chức Olympic đã đề nghị một cuộc thi tự do giữa hai người để xác định ai sẽ giành được huy chương vàng cao quí này. Nhưng Barshim có một ý nghĩ khác để tưởng thưởng cho những nỗ lực của mình, “Tôi nhìn anh ấy [Tamberi], anh ấy nhìn tôi, và chúng tôi biết đoán biết điều gì... Chúng tôi nhìn nhau và đi tới kết luận. Họ phát biểu: “không cần thiết…” họ chia sẻ với các phương tiện truyền thông thế giới, như USA Today đưa tin.
Một trong hai vận động viên hỏi nhân viên Thế Vận Hội: "Chúng ta có thể có hai chỉ vàng không?"
Vị quan chức nói có và hai vận động viên nhảy lên vì vui mừng, họ ôm lấy nhau trong niềm hân hoan và trong tình bạn. Đây là lần đầu tiên huy chương vàng được chia sẻ kể từ năm 1912.
“Anh ấy là một trong những người bạn tốt nhất của tôi, không chỉ trên đường đua, mà cả bên ngoài... Chúng tôi cùng nhau làm việc... Đây là một giấc mơ trở thành sự thật. Đó là tinh thần thực sự, tinh thần thể thao, và chúng tôi đang ở đây để truyền tải thông điệp này” Barshim, người giành huy chương vàng chung đã chia sẻ như thế.
Quyết định chia sẻ huy chương đặc biệt có ý nghĩa đối với Tamberi, vận động viên người Ý, vì anh đã bị chấn thương mắt cá khiến anh không thể thi đấu tại Thế vận hội Rio năm 2016, và tưởng như chấm dứt sự nghiệp của anh. Vì vậy, năm nay anh mang trọn tâm tư của mình đến Thế vận hội này với chủ đề “Con đường tới Tokyo 2021” cho anh cảm hứng trải dài suốt chặng đường qua.
Đối với Barshim, huy chương vàng này là tuyệt đỉnh giúp anh nổi tiếng, anh đã nhận được huy chương đồng và bạc lần lượt vào các năm 2012 và 2016.
Ngoài cái vinh quang mang lại cho đất nước của các động vận viên, thành tích này còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Hai động vận viên này, đã cố gắng hết sức để mang lại vinh quang cho đất nước của họ, đã nêu cao một tấm gương tuyệt vời cho các động vận viên khác. Họ đã nói nên ý nghĩa đích thực của việc tham gia Thế vận hội với tinh thần hào phóng và nhân ái.
Theo lời một bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Ý nơi thủ thuật này diễn ra, Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã trải qua cuộc phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot vào đầu tháng này.
Ca phẫu thuật tiết niệu được thực hiện với sự hỗ trợ của robot da Vinci, một công nghệ được sử dụng từ năm 2016 tại Bệnh viện Great Metropolitan, gọi tắt là GOM, ở Reggio Calabria, một thành phố ở cực nam của bán đảo Ý.
Giám đốc bệnh viện GOM và một bác sĩ phẫu thuật hàng đầu đã xác nhận với CNA ngày 29 tháng 7 rằng Đức Hồng Y Sarah đã được phẫu thuật và ngài đã được xuất viện vào ngày 27 tháng 7, sau khoảng 15 ngày được họ chăm sóc.
Salvatore Costarella cho biết thủ thuật này nhằm khắc phục một vấn đề với tuyến tiền liệt.
Việc Đức Hồng Y Sarah lựa chọn bệnh viện Reggio Calabria “có ý nghĩa rất lớn bởi vì chúng tôi có một bệnh viện tuyệt vời”, Costarella nói và nói thêm rằng “đối với chúng tôi, đó là lý do đặc biệt tự hào khi có một người xuất sắc như vậy trong bệnh viện của chúng tôi”.
Các bác sĩ cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng cuộc phẫu thuật đã thành công và nhờ công nghệ robot, có thể được thực hiện theo cách hạn chế tối đa vùng phẫu thuật.
Source:Catholic News Agency
Theo truyền thống, Thánh giá NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI tiếp tục cuộc thánh du trên các lục địa khác nhau trước khi trở về thủ đô Lisbon, địa điểm sẽ tổ chức NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI tiếp theo. Ban đầu NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI dự kiến vào năm 2022, đã bị hoãn lại một năm do đại dịch. Ban tổ chức NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI công bố: Thánh giá của người hành hương và bức ảnh Đức Maria “Phần rỗi của dân thành Rôma” sẽ thánh du đến Angola từ ngày 8 tháng 7 đến ngày 15 tháng 8 năm 2021, và đến Tây Ban Nha từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2021, cũng như ở Ba Lan
Tại Tây Ban Nha, khoảng năm mươi thành phố sẽ tổ chức cuộc thánh du này, nhằm khuyến khích những người trẻ tuổi tích cực tham gia vào NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI ở Bồ Đào Nha.
Thánh Giá Thánh Du này, cao 3,80 mét, được thực hiện vào Năm Thánh năm 1983, và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ủy thác cho giới trẻ thế giới vào Chúa Nhật Lễ Lá năm 1984. Thánh Giá Thánh Du này đã được nhiều người hành hương trên năm châu lục cung nghinh, ở gần 90 quốc gia. Kể từ năm 2000, Thánh Giá đã được cung nghinh kèm với bức ảnh Đức Mẹ "Salus Populi Romani", Đức Maria “Phần rỗi của dân thành Rôma” tượng trưng cho Đức Mẹ Đồng Trinh mang Chúa Hài Đồng, họa ảnh gốc được đặt tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Roma.
Source:Vatican News
Ý / EU: "Sự thờ ơ không thể chấp nhận được"
Đa số thuyền nhân di cư là nam giới, nhưng cũng có hàng chục người, gồm một số phụ nữ mang thai, thanh thiếu niên và nhiều trẻ em trên tàu. Trong một chuyến ra khơi giải cứu kéo dài vài giờ vào đêm Chủ nhật, thủy thủ đoàn của tàu "Ocean Viking" cùng với các thủy thủ của "Sea-Watch 3" và thuyền buồm "Nadir" của tổ chức phi chính phủ Đức ResQship đã cứu vớt khoảng 400 người di cư khỏi một chiếc thuyền gỗ đang bị đắm chìm trên biển cả. Chừng 250 thuyền nhân tỵ nạn hiện đang tạm trú trên "Ocean Viking", những người còn lại ở trên tầu "Sea-Watch 3". Tổ chức “SOS Mediterranee” đã thông báo cho biết hiện chưa vớt được người chết hoặc bị thương nào, nhưng không thể loại trừ rằng không có thuyền nhân nào bị chết…
Tìm một nơi trú ẩn an toàn
Trước đó, tàu "Ocean Viking" đã ra khơi 4 lần gần ven biển vào thứ Bảy và đã giải cứu được khoảng 200 thuyền nhân, một số người trong số họ tầu bị hết nhiên liệu. Tàu "Sea-Watch 3" cũng đã ra khơi vào cuối tuần và đã cứu vớt hàng chục người di cư, trong số đó có rất nhiều người trẻ em bị thương. Hiện các tàu cứu hộ đang chờ được cấp phép để cập cảng châu Âu.
Gần 1.000 người chết đuối và mất tích từ đầu năm đến nay
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), 930 người di cư đã chết đuối hoặc mất tích ở lòng biển Địa Trung Hải kể từ đầu năm, gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. IOM cũng đưa ra tổng số thuyền nhân tìm kế vượt biển kể từ tháng 1 năm nay vào khoảng 78.700. Do hậu quả của cơn đại dịch Covid-19 vào năm ngoại nên con số các vụ vượt biển hiểm nguy qua Địa Trung Hải đã giảm xuống đáng kể, nay con số này đang vọt tăng trở lại nhiều hơn trong năm nay.
Từ tháng 8 Hội Hồng Thập Tự cùng tham gia cứu vớt trên biển
Trong tháng này, Hội Hồng Thập Tự và Hiệp hội Mặt Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) - tổ chức tự xưng là tổ chức nhân đạo lớn nhất trên thế giới - đã tham gia cứu hộ trên biển. IFRC là tổ chức bảo trợ của hơn 190 Hiệp hội Hồng Thập Tự và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm cả Hội Hồng Thập Tự Đức (DRK). Một nhóm IFRC trên tàu cứu hộ "Ocean Viking" sẽ hỗ trợ công việc của SOS Mediterranee từ giữa tháng 8 trong khoảng một năm. Nhóm này cũng cung cấp hỗ trợ tài chính cho hoạt động cứu hộ trên biển. (kna - sst)
Source:Vatican News
Hôm thứ Hai 2 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một thông điệp gửi tới Lễ hội Thanh niên Medjugorje hay còn gọi là Mễ Du, nơi chúng tôi mời gọi anh chị em hiệp thông để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam chúng ta, cách riêng là cho thành phố Sàigòn. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói với những người trẻ Công Giáo rằng ánh mắt yêu thương của Chúa Kitô có thể giải thoát họ khỏi sự hấp dẫn đối với các ngẫu tượng.
“Hãy can đảm để sống tuổi trẻ của các con bằng cách giao phó bản thân mình cho Chúa và bắt đầu một cuộc hành trình với Người,” Đức Thánh Cha nói hôm 2 tháng 8.
“Hãy để bản thân bị chinh phục bởi ánh mắt yêu thương của Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự quyến rũ của ngẫu tượng, khỏi sự giàu có giả tạo hứa hẹn cuộc sống nhưng lại gây ra cái chết. Đừng sợ để chào đón Lời của Chúa Kitô và chấp nhận lời mời gọi của Ngài.”
Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô được gửi vào ngày thứ hai trong Lễ hội Giới trẻ Medjugorje lần thứ 32 đang diễn ra tại Bosnia và Herzegovina từ mùng 1 đến mùng 8 tháng Tám.
Trong bài suy tư của mình, Đức Thánh Cha đã nói về người thanh niên giàu có được tường thuật trong Phúc Âm. Anh ta đã lên đường đến gặp Chúa với lòng nhiệt thành và ước muốn biết được phương thế để có thể đạt được sự sống vĩnh cửu.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng “Phúc Âm không cho chúng ta biết tên của người thanh niên đó, và điều này cho thấy rằng anh ta có thể đại diện cho mỗi người trong chúng ta”.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng Chúa Giêsu hướng người thanh niên đến các điều răn, như là bước đầu tiên phải làm để hưởng sự sống đời đời.
Khi người thanh niên nói rằng anh ta đã hành động với lòng bác ái đối với những người lân cận, Chúa Giêsu nói với anh ta: “Nếu anh muốn trở nên hoàn hảo, hãy đi, bán những gì anh có, cho người nghèo và anh sẽ có một kho tàng trên trời.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Những gì Chúa Giêsu đề xuất không phải là một sự tước đoạt mọi thứ của một con người tự do và có quan hệ rộng rãi. Nếu lòng ta chỉ nghĩ đến tiền của, Chúa và người lân cận bị giản lược thành các vật thể trong số những thứ khác. Việc chúng ta có quá nhiều và mong muốn quá nhiều sẽ bóp nghẹt trái tim của chúng ta và khiến chúng ta không hạnh phúc và không thể yêu thương được nữa”.
Đức Giáo Hoàng cho biết bước thứ ba mà Chúa Giêsu đề nghị với người thanh niên là “hãy đến, hãy theo tôi”.
Trích dẫn thông điệp Veritatis Splendor của Đức Bênêđictô 16, Đức Phanxicô nói “việc đi theo Chúa Kitô không phải là một sự bắt chước bên ngoài, bởi vì nó chạm đến con người trong thẳm sâu nội tâm của người ấy. Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là trở nên đồng hình với Ngài”.
“Đổi lại, chúng ta sẽ nhận được một cuộc sống phong phú và hạnh phúc, đầy đủ khuôn mặt của biết bao anh chị em, cha mẹ và con cái… (x. Mt 19:29). Theo Chúa Kitô không phải là mất mát, mà là được lợi khôn lường, và việc từ bỏ là nhằm vượt qua những trở ngại ngăn cản cuộc hành trình.”
“Đừng nản lòng như người thanh niên giàu có của Phúc Âm; thay vào đó, hãy chăm chú nhìn vào Đức Maria, gương mẫu tuyệt vời trong việc noi gương Chúa Kitô, và hãy phó thác bản thân cho Đức Mẹ, Đấng đã đáp lại lời kêu gọi của Chúa một cách kiên quyết. Chúng ta nhìn lên Đức Maria để tìm thấy sức mạnh và nhận được ân sủng cho phép chúng ta nói với Chúa rằng: ‘Lạy Chúa con đây’”.
Lễ hội Giới trẻ Medjugorje tập trung vào việc cầu nguyện, với Thánh lễ, chầu Thánh Thể, Kinh Mân Côi và một cuộc rước Đức Mẹ. Lễ hội giới trẻ kéo dài một tuần cũng bao gồm các bài học giáo lý, chứng tá và một buổi biểu diễn âm nhạc.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Sự kiện này - như kinh nghiệm của rất nhiều người đã nói - có sức mạnh để đưa chúng ta đi trên con đường hướng tới Chúa”.
Bài giảng của Đức Hồng Y Robert Sarah trong Thánh lễ khai mạc lễ hội thanh niên Mễ Du
Đức Hồng Y Robert Sarah, nguyên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Vatican đã cử hành Thánh lễ khai mạc lễ hội thanh thiếu niên vào ngày 1 tháng 8. Đầu tháng này, Đức Hồng Y Sarah đã trải qua một cuộc phẫu thuật tuyến tiền liệt có sự hỗ trợ của robot ở miền nam nước Ý.
Trong bài giảng ngày 1 tháng 8, Đức Hồng Y Sarah nói “chúng ta đến đây, đến Medjugorje này, để đổi mới đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, nghĩa là, để thiết lập một mối quan hệ đích thực và quan trọng với Ngài, Chúa của chúng ta và Thiên Chúa của chúng ta, để trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể trả lời câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để tìm thấy Chúa Giêsu và làm thế nào để ứng xử trong sự Hiện diện thâm nhập và tối cao của Ngài trong chúng ta?”
“Nhiều người cùng thời với chúng ta, tôi thậm chí có thể nói rằng vô số người rất gần gũi với chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong số bạn bè của chúng ta, nơi chúng ta học tập và làm việc, dường như vô cảm, thờ ơ, thậm chí phản đối và thù địch với câu hỏi về sự tồn tại của Chúa. Họ thậm chí còn dám tuyên bố rằng họ không còn nghĩ đến đức tin nữa và coi đó như là dấu hiệu cho thấy họ được tự do”
Đức Hồng Y khuyến khích những người trẻ nhớ đến phép Rửa Tội của họ và như Thánh Phaolô nói trong Ê-phê-sô 4:24, chúng ta “phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện..”
“Hôm nay Chúa Kitô, Chúa chúng ta kêu gọi chúng ta nhìn lên; điều thực sự quan trọng là phải nhắc nhở con người tiêu dùng hiện đại là ăn để sống chứ không phải sống để ăn.”
Đức Hồng Y Sarah nói “Chúa Giêsu, Đấng thấu hiểu trái tim con người, muốn đáp lại những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta, những khát vọng thiết yếu nhất của chúng ta, cho cơn đói Tình yêu và cơn khát Tuyệt đối đang hành hạ chúng ta.”
Ngài nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể là “một phương thuốc cho phép chúng ta rời bến bờ của sự thoải mái và sự an toàn giả tạo của chúng ta, vốn được đánh dấu bằng thuyết tương đối, để có thể đến bến bờ của Tin Mừng Chân lý và Ơn Cứu độ cho linh hồn chúng ta.”
Source:Catholic News Agency
Đức Hồng Y Luis Villalba Tổng Giám mục Hiệu tòa của Tucumán đã xét nghiệm dương tính với coronavirus, em gái ngài Clelia Villalba cũng nhiễm bệnh.
Tổng giáo phận Tucumán cho biết Đức Hồng Y có sức khỏe tổng quát tốt, phản ứng thuận lợi với các phương pháp điều trị và cách ly tại nhà mà không cần hỗ trợ oxy.
Tổng giáo phận dâng lời cầu nguyện lên Chúa và Đức Maria là Sức Khỏe của các bệnh nhân để cầu nguyện cho sự bình phục của ngài và tất cả những người bệnh, cũng như cho những người chăm sóc họ.
Đức Hồng Y Villalba sinh tại Buenos Aires ngày 11 tháng 10 năm 1934 và là tổng giám mục thứ năm của Tucumán phục vụ từ ngày 17 tháng 9 năm 1999 đến ngày 10 tháng 6 năm 2011.
Toàn văn thông báo của Tòa Giám Mục Tucumán như sau:
“Anh chị em thân mến,
Sau khi các thử nghiệm được tiến hành, Đức Hồng Y Luis Villalba đã được phát hiện dương tính với covid, và em gái ngài, Clelia, cũng vậy. Tình trạng chung của ngài khá tốt, đang điều trị và cách ly tại nhà mà không cần thở oxy. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa và Đức Maria là Sức khỏe của các bệnh nhân cho sự bình phục của ngài và của tất cả những người bệnh và cầu nguyện cho những người chăm sóc họ. Cầu xin Đức Trinh Nữ của Lòng Thương Xót che chở cho Đức Hồng Y và các bệnh nhân với sự dịu dàng từ mẫu”.
Source:Tucucma Noticas
Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu đang yêu cầu các mạng xã hội tăng cường nỗ lực chống lại tin giả về coronavirus. Cho đến nay, Bộ luật Liên minh Âu Châu về thông tin sai lệch chỉ được Facebook, Twitter, TikTok, Microsoft và Google tuân thủ. Brussels cũng đang yêu cầu các mạng xã hội khác tuân theo.
“Chương trình giám sát thông tin sai lệch về Covid-19 cho phép chúng tôi theo dõi các hành động chính mà các nền tảng trực tuyến đã cam kết - Phó chủ tịch Ủy ban Minh bạch Châu Âu, Vera Jourova - cho biết như trên. Với sự lây lan của các biến thể mới của vi rút và chương trình tiêm chủng đang diễn ra sôi nổi, điều cần thiết là những lời hứa được thực hiện”
Vào tháng 6, theo báo cáo của Ủy ban EU, “chiến dịch ủng hộ tiêm chủng do TikTok cùng với chính phủ Ái Nhĩ Lan thúc đẩy đã có hơn một triệu lượt xem và hơn 20 nghìn likes”. Google đã hợp tác với các cơ quan y tế công cộng để “hiển thị thông tin về các trung tâm tiêm chủng thông qua Google Search và Google Map, ở Pháp, Ba Lan, Ý, Ái Nhĩ Lan và Thụy Sĩ. Các vi phạm liên quan đến thông tin sai lệch về Covid-19 có thể được báo cáo trên Twitter. Microsoft đã mở rộng quan hệ đối tác với NewsGuard, một phần mở rộng của Edge nhằm cảnh báo về các trang web lan truyền tin tức giả mạo. Cuối cùng, Facebook đã hợp tác với các cơ quan y tế công cộng quốc tế để nâng cao nhận thức về tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin, bằng cách hợp tác chặt chẽ với các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan để tìm ra những kẻ thao túng truyền thông.
Source:SIR
Sau phiên xử ngày 27 tháng 7, Hồng Y Becciu cho biết trong một tuyên bố rằng ngài sẽ kiện Đức Ông Alberto Perlasca và Francesca Immacolata Chaouqui “vì tội vu khống khi đưa ra những lời khai rất nghiêm trọng và hoàn toàn sai sự thật trong quá trình điều tra của Chưởng Lý Vatican”.
Đức Ông Alberto Perlasca, nguyên phó chánh văn phòng của Hồng Y Becciu, khi bị Hiến Binh Vatican mời làm việc đã “thành khẩn khai báo” mọi chuyện liên quan đến vụ mua bất động sản ở London.
Các công tố viên Vatican xác định rằng lời khai của Đức Ông Perlasca, được cung cấp trong một số cuộc phỏng vấn, là quan trọng để tái tạo lại “một số khoảnh khắc trung tâm” trong vụ việc này.
Nhưng tại phiên điều trần hôm thứ Ba, một luật sư bào chữa cho rằng lời khai của Đức Ông Perlasca trong năm cuộc phỏng vấn là “không thể chấp nhận được” vì các cuộc phỏng vấn ấy diễn ra mà không mặt của luật sư.
Một công tố viên của Vatican lập luận rằng những lời khai này là hoàn toàn hợp pháp vì chúng được quay video và Đức Ông Alberto Perlasca “tự nguyện” khai báo.
Việc Hồng Y Becciu kiện Đức Ông Alberto Perlasca là điều dễ hiểu. Tại sao vị Hồng Y này cũng kiện cả Chaouqui, một người hầu như không có liên quan gì đến vụ này.
Elise Ann Allen, phóng viên thường trú tại Rôma của tờ Crux có bài giải thích về chuyện này nhan đề “Infamous femme fatale of Vatileaks back in the spotlight for Becciu trial”, nghĩa là “Nhân vật nữ khét tiếng chủ chốt trong vụ Vatileaks trở thành tiêu điểm trong phiên tòa Becciu.”
Tuy nhiên, một gương mặt đáng ngạc nhiên lại xuất hiện bên lề.
Đối với những người theo dõi câu chuyện “Vatileaks 2” trong hai năm 2015 và 2016, mà đỉnh cao là bốn người bị buộc tội vì làm rò rỉ các tài liệu tài chính bí mật của Vatican, cái tên Francesca Immaculata Chaouqui nghe có vẻ quen thuộc.
Nữ quái Chaouqui, một viên chức quan hệ công chúng người Ý từng là cố vấn cho ủy ban giáo hoàng nghiên cứu cải cách Vatican, đã bị buộc tội làm rò rỉ các tài liệu mật cho các nhà báo cùng với một Đức Ông Tây Ban Nha, là người lãnh đạo nhóm.
Vào tháng 7 năm 2016, cô ta bị kết án 10 tháng tù treo.
Khi phiên tòa năm 2016 diễn ra, Chaouqui nổi lên như một trong những nhân vật chính của bộ phim. Cô ấy là một phụ nữ trẻ táo bạo, hấp dẫn, và giới báo chí cảm thấy chưa khai thác hết.
Tại phiê tòa tháng 7, 2016, Đức Ông Vallejo Balda, nguyên là thư ký của Ủy Ban Cải Tổ Kinh Tế Tòa Thánh, đã thú nhận lấy cắp các tài liệu bí mật của Vatican để trao cho các phóng viên, nhưng biện minh rằng mình làm thế dưới áp lực của tình nhân là Francesca Chaouqui. Chaouqui đứng bật dậy xỉa xói Đức Ông là vu cáo cho y thị: “Ông nhìn ông đi, ông xấu như thế, ai mà làm tình nhân với ông?”.
Cuối cùng, Đức Ông đã bị tòa án Vatican kết án mười tám tháng tù giam. Tháng 12 năm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô ân xá cho Đức Ông và cho trở về quê hương Tây Ban Nha.
Bất chấp các tai tiếng của mình, cô ấy đã xuất hiện trở lại hiện trường của cái gọi là “phiên tòa thế kỷ” của Vatican, và bây giờ sắp thấy mình phải đối mặt với hành động pháp lý tiếp theo.
Phiên tòa lớn mở đầu tuần này với phiên điều trần ngày 27 tháng 7 bao gồm các cáo buộc gian lận và tham ô đối với Hồng Y người Ý Angelo Becciu và 9 cá nhân khác, đánh dấu lần đầu tiên một người đội mũ đỏ bị tòa án Vatican truy tố.
Được dời lại cho đến ngày 5 tháng 10, phiên tòa này có thể sẽ là một tiến trình kéo dài, gần hết mùa thu, nếu không muốn nói là xa hơn.
Kể từ khi các cáo buộc và ngày bắt đầu phiên tòa lớn này được công bố, Chaouqui, dù không liên quan một chút xíu nào đến vụ án, đã thấy đây là cơ hội ngàn vàng để tái xuất trên ánh đèn sân khấu chính trị Rôma. Cô ta đã xuất hiện tại hiện trường, đưa ra nhiều nhận xét công khai cả trên blog cá nhân và trong các cuộc phỏng vấn truyền thông, buộc tội Hồng Y Becciu bằng nhiều hình thức khác nhau về các hành vi sai trái.
Tháng trước, Hồng Y Becciu đe dọa các cáo buộc pháp lý đối với một bài đăng trên blog của Chaouqui ngày 18 tháng 6. Bài này đã nhanh chóng biến mất.
Trong một tuyên bố vào thời điểm đó, luật sư của Hồng Y Becciu, là ông Fabio Viglione, cho biết sẽ kiện Chaouqui về bài này, và lập luận rằng, “Ngay cả quyền tự do ngôn luận đầy đủ nhất cũng có những giới hạn nhất định không thể vượt qua để bảo vệ sự thật và sự liêm chính của người khác. Đức Hồng Y Becciu, với sức mạnh từ sự đúng đắn hoàn toàn trong công việc của mình, không thể cho phép những sự bóp méo và làm sai lệch thực tế, gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của ngài. Vì lý do này, một lần nữa, ngài buộc phải bảo vệ mình tại các cơ quan tư pháp có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, mối đe dọa đó dường như không có tác dụng gì, vì Chaouqui, mặc dù đã gỡ bài đăng trên blog xuống, đã đưa ra một số cuộc phỏng vấn ám chỉ Becciu là một kẻ bẩn thỉu, thường nhân danh Đức Giáo Hoàng làm hết chuyện này đến chuyện khác mà không được sự chấp thuận của ngài, đồng thời sử dụng mối quan hệ của mình với các nhà báo để làm mất uy tín những kẻ thù của ông.
Cuộc phỏng vấn nổi bật nhất đã được dành cho tạp chí hàng tuần Panorama của Ý, được xuất bản ngày 14 tháng 7.
Trong cuộc phỏng vấn này, Chaouqui khẳng định Becciu là “một người rất thông minh, nhanh nhẹn và thực tế, có khả năng làm việc 15 giờ liên tục và khiến bản thân được đồng nghiệp yêu mến”.
“Phẩm chất này đã được đánh giá cao bởi Đức Giáo Hoàng. Ngài đã tạo ra mối quan hệ hoàn toàn tin tưởng với ông ta”, cô nói tắc lưỡi nhận định: “Thật tiếc khi Becciu đã sử dụng tình cảm đó để phục vụ cho tham vọng của chính mình”.
Chaouqui cho biết cô chưa bao giờ gặp ai khéo léo như Becciu trong việc tạo ra các mạng lưới quan hệ, nhưng cô cho rằng vị Hồng Y đã sử dụng những kỹ năng này để tạo ra ấn tượng sai lầm rằng ngài gần gũi với Đức Giáo Hoàng hơn với Hồng Y Pietro Parolin, là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và là xếp của Tổng Giám Mục Becciu.
Cô cho biết Becciu sẵn sàng làm những việc nhỏ để tạo được lòng tin và cải thiện hình ảnh của mình, chẳng hạn như tổ chức bữa trưa cho Đức Giáo Hoàng tại căn hộ cá nhân ở Vatican mỗi khi Đức Giáo Hoàng trở về sau chuyến công du nước ngoài.
Chaouqui nói thêm: Mỗi lần như thế lại có “một nhóm người được kết nạp” cho những bữa ăn trưa, bao gồm các chính trị gia, các nhà báo, doanh nhân, và quan tòa. “Tham vọng của nhiều người là được vào vòng thân cận ấy”.
Chaouqui cho biết Hồng Y Becciu cũng đã thực hiện một số hành động nhân danh Đức Giáo Hoàng, nhưng có thể Đức Giáo Hoàng không hề hay biết, chẳng hạn như cho phép đầu tư vào cuốn phim tiểu sử của Elton John.
Chaouqui cũng nói về một phụ nữ bị buộc tội trong vụ Hồng Y Becciu, là cô Cecilia Marogna, người Ý.
Marogna được Vatican thuê vào năm 2016 với tư cách là cố vấn an ninh bên ngoài. Được báo chí đặt cho cái tên “Bà đầm” của Becciu, các công tố viên cáo buộc cô đã ăn cắp 575,000 euro, tức là 683,000 Mỹ Kim, trong quỹ Vatican mà Becciu đã dành cho cô để trả tiền chuộc mạng một số con tin Công Giáo ở Trung Đông và Phi Châu. Tuy nhiên, hồ sơ ngân hàng cho thấy việc chuyển tiền của Vatican được sử dụng để thanh toán hóa đơn tại các cửa hàng, khách sạn cao cấp và mua hàng hóa xa xỉ.
Chaouqui nói rằng mặc dù Hồng Y Becciu khăng khăng rằng Đức Giáo Hoàng biết về sự hiện diện của Marogna tại Vatican, cô không tin điều đó, và cáo buộc Hồng Y Becciu đã cố gắng thiết lập một mạng lưới “tình báo song song” trong Vatican dưới vỏ bọc của chương trình giải cứu con tin, trong đó Hồng Y Becciu là người chỉ huy.
Tuy nhiên, Chaouqui tỏ ra đồng cảm với Marogna, khi cho rằng Hồng Y Becciu “tin chắc rằng ngài đã tìm thấy Mata Hari của riêng mình, một người phụ nữ có thể là tai mắt của ngài trong các môi trường khác nhau và trong trang phục dân sự, và mặt khác, Marogna bị mê mẫn trước một con đường đã biến đổi cô ta từ một nhân viên bán hàng qua điện thoại ở Sardinia thành một nhà ngoại giao dưới vỏ bọc của Vatican”.
Chaouqui nói rằng cô ta không tin bất cứ điều gì sai trái đã xảy ra giữa hai người, như báo chí Ý đã ngụ ý: “Tôi biết làm một người phụ nữ trong một thế giới của những người đàn ông là khổ như thế, và những tin đồn như thế cứ xảy ra”.
Cô ta cũng cáo buộc Hồng Y Becciu đã sử dụng các nhà báo để bôi nhọ những người mà ngài cảm nhận là kẻ thù, và để xóa bỏ những lời buộc tội chống lại ngài.
Sau khi cô được bổ nhiệm là thành viên của COSEA, ủy ban đánh giá việc cải cách tài chính của Vatican, Chaouqui cho biết một bài báo đã xuất hiện trên một tờ báo có tiêu đề “Một quả bom gợi cảm làm xấu hổ Vatican”, và sử dụng hình ảnh từ hồ sơ mạng xã hội của cô để miêu tả cô “là một người lẳng lơ với một người không phải chồng của tôi”.
Chaouqui nói cô ta “chắc chắn” rằng Hồng Y Becciu đứng sau bài báo này và nhiều bài báo phỉ báng khác nhắm vào các nhân vật của Vatican trong những năm qua, nhưng đã được bảo vệ vì “mọi nhà báo đều bảo vệ nguồn tin của họ và Becciu là nguồn tin cho nhiều người”.
Chaouqui cho biết cô lo sợ cho bản thân và gia đình ngay sau khi Hồng Y Becciu buộc phải tứ chức “Một người bị hủy hoại bởi nỗi đau như vị Hồng Y trong thời điểm đó không còn minh mẫn. Ông ta quy những trách nhiệm cho tôi mà tôi không đáng phải gánh”.
“Hôm nay tôi không chỉ tha thứ cho ông ta, mà về mặt nhân bản, tôi cảm thương ông ấy. Nếu ông ấy không mắc phải những sai lầm mà ông ấy đã gây ra, tôi có thể bảo đảm với bạn rằng ông ấy sẽ là giáo hoàng tiếp theo”.
Hồng Y Becciu, vẫn khăng khăng là mình trong sạch ngay từ đầu, nói với các nhà báo vào cuối phiên điều trần hôm thứ Ba rằng ngài tin rằng mình sẽ được chứng minh là vô tội và ngài đã quyết định kiện Chaouqui vì tội phỉ báng không chỉ vì những bình luận của cô trên các phương tiện truyền thông, nhưng những nhận xét mà cô ta đưa ra dường như đã tạo ra một phần trong cuộc điều tra ngài.
“Tôi bình tĩnh, tôi cảm thấy bình tĩnh trong lương tâm, tôi tin tưởng rằng các thẩm phán sẽ có thể nhìn thấy rõ sự việc và hy vọng lớn của tôi là chắc chắn rằng họ sẽ công nhận sự vô tội của tôi”. Ngài nói thêm rằng với “nỗi buồn rất lớn” ngài đã quyết định kiện Chaouqui và Đức ông Alberto Perlasca, một trong những phụ tá cũ của ngài, “về tội vu khống, đưa ra những sai lệch nghiêm trọng khi họ nói về tôi và điều đó đã xuất hiện trong các tài liệu xét xử”.
Tất cả những điều này sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn phải chờ xem, nhưng nếu có một điều chắc chắn, thì đó là chúng ta sẽ còn nghe dài dài về Chaouqui.
Source:Crux
Các Kinh nguyện do Thánh Tôma Aquinô soạn
Kinh đọc trước Ảnh Chúa Kitô
Lạy Thiên Chúa giầu lòng thương xót, xin Chúa cho con nhiệt tình ước ao điều đẹp lòng Chúa, khôn ngoan tìm kiếm, thực sự học tập, và trung thành chu toàn mọi sự để ca ngợi và tôn vinh danh Chúa. Xin Chúa sắp xếp ngày sống của con để con biết Chúa muốn con làm điều gì và vì để tốt cho linh hồn con, xin giúp con làm điều đó. Xin đừng để con hãnh diện vì thành công cũng đừng thất vọng vì thất bại, đừng vênh váo vì thành công cũng đừng ngã lòng vì thất bại. Con muốn chỉ vui trong điều làm con gần Chúa hơn, chỉ buồn vì điều làm phật lòng Chúa. Con muốn không làm vui lòng hay sợ làm mất lòng bất cứ ai ngoại trừ Chúa. Vì lòng yêu mến cõi đời đời, con sẵn sàng từ bỏ những điều tạm bợ. Xin cho những niềm vui Chúa không dự phần vào làm con chán ngán. Việc làm cho Chúa là niềm vui thích, thư giãn bên ngoài Chúa là tẻ buồn. Xin dạy con năng biết hướng suy nghĩ về Chúa và cảm thấy ăn năn với quyết tâm sửa đổi khi con không làm như thế. Xin làm cho con vâng lời không cãi bướng, nghèo khó không than phiền, trong sạch không trụy lạc, kiên nhẫn không lẩm bẩm, khiêm nhường không kiêu căng, vui tươi không phóng đãng, buồn sầu không chán nản, nghiêm trang không nghi thức, vui vẻ không nhẹ dạ, trọng sự thật không gian dối. Xin làm con kính sợ Chúa nhưng không mất hy vọng, làm điều thiện mà không cao ngạo, sửa trị người lân cận mà không ngạo mạn, xây dựng họ bằng lời và hành động mà không giả hình.
Lạy Chúa, xin ban cho con một cõi lòng tỉnh thức kẻo các tư tưởng viển vông làm con xa Chúa, một cõi lòng cao thượng để không một cảm tình bất xứng nào làm nó đê tiện, một cõi lòng ngay thẳng để không một ý định xấu xa nào có thể làm nó thoái hóa. Xin ban cho con sức mạnh để con đứng vững bất cứ thử thách nào, một tinh thần tự do để không một đam mê vũ bão nào có thể vượt thắng nó.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Xin ban cho con một trí khôn để con nhận biết Chúa, một trái tim để con yêu mến Chúa, một đức khôn ngoan để biết tìm ra Chúa, một tác phong biết làm vui lòng Chúa, một dạ trung thành bền bỉ biết chờ đợi Chúa, và một lòng hy vọng cuối cùng được ôm lấy Chúa.
Giờ đây, con chấp nhận gian nan thử thách như đền tội, ơn huệ của Chúa như ơn thánh chỉ đường, niềm vui của Chúa đặc biệt như bảo đảm vinh quang trên trời.
Kinh trước khi rước lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu, con sắp lãnh nhận bí tích Con một Chúa là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Con đến đây như người mắc bệnh, tìm thuốc ban sự sống; như người dơ dáy tìm suối nước thương xót, như người mù lòa, tìm ánh sáng vĩnh cửu; như hành khất thiếu thốn tìm chúa cả trời đất.
Con nài xin Chúa vì lòng nhân từ dư tràn chữa bệnh tật cho con, rửa sạch mọi ô uế của con, soi sáng cảnh mù lòa của con, làm giầu cảnh nghèo nàn của con, mặc áo cảnh trần truồng của con. Xin cho con được gặp vua các vua và chúa các chúa một cách hết sức tôn kính và khiêm nhường, ăn năn và sùng mộ, trong trắng và tin kính và ý hướng đúng đắn được ơn cứu rỗi.
Con nài xin Chúa ban ơn để con lãnh nhận không phải chỉ dấu hiệu mà còn là thực tại và quyền lực của bí tích. Ôi lạy Thiên Chúa rất nhân từ, xin cho con lãnh nhận mình Con một Chúa, là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, mình mà Người lãnh nhận từ Đức Trinh Nữ Maria một cách khiến con được tháp nhập vào nhiệm thể Người và được kể là chi thể của Người. Lạy Cha rất kính yêu, xin Cha ban ơn để Con yêu dấu của Cha, Đấng giờ đây con lãnh nhận cách mầu nhiệm, một ngày kia, con được diện kiến mãi mãi, Đấng hằng sống hằng trị cùng Cha và Chúa Thánh Thần. Amen (1)
Kinh sau khi rước lễ
Lạy Cha toàn năng, Lạy Thiên Chúa hằng hữu, con cảm tạ Cha đã cho phép con, một kẻ tội lỗi và là đứa con bất xứng, được lãnh nhận mình và máu qúy giá của Con Cha, là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, và ơn này hoàn toàn do lòng thương xót của Cha, chứ không do công phúc của con. Con nài xin Cha cho việc rước lễ này không mang án phạt sự tồi tệ của con mà là lời khẩn cầu xin ơn tha thứ. Xin cho nó trở thành áo giáp đức tin, thuẫn đỡ thiện chí; xin cho nó dập tắt thói hư, vứt bỏ mọi thèm muốn và tư dục xấu xa, gia tăng đức ái, đức nhẫn nại, đức vâng lời, và các nhân đức khác. Xin cho nó bảo vệ chắc chắn chống lại kẻ thù, hữu hình và vô hình. Xin cho nó khuất phục các xu hướng xác thịt và tinh thần, kết hợp con mât thiết với Cha, Thiên Chúa chân thật và duy nhất, và đến cuối đời con, xin Cha đem con vào hưởng hạnh phúc đời đời. Con nài xin Cha dẫn con vào bàn tiệc bất tận đó nơi cùng với Con Cha, Chúa Thánh Thần, và mọi các thánh, Cha là ánh sáng thật, là thỏa mãn hoàn toàn, là niềm vui cao cả, là vui khoái trọn vẹn, và là hạnh phúc viên mãn (2).
Kinh cầu cùng Trinh Nữ Diễm Phúc Maria
Lạy nữ trinh rất thánh và rất dịu dàng, lạy mẹ Thiên Chúa, nữ tử vua uy quyền, nữ vương các thiên thần, mẹ Đấng hóa Công, con phó thác cho lòng từ bi của mẹ, ngày này và mọi ngày trong đời con, linh hồn và thân xác con, tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều ước muốn, và đời sống con cũng như lúc nó kết thúc, để nhờ lời cầu bầu của mẹ mọi sự được sắp xếp theo ý muốn con yêu dấu của mẹ, là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Lạy mẹ rất thánh, xin mẹ là sự giúp đỡ cho con, là đấng an ủi chống lại mọi cạm bẫy và lừa đảo của ma qủi và mọi thù địch của con. Xin mẹ cầu xin với con yêu dấu của mẹ để con được ơn chống trả các cơn cám dỗ của thế gian, xác thịt, và ma qủi, để quyết tâm không phạm tội nữa nhưng kiên tâm phụng sự con thần thánh của mẹ.
Lạy Đức Bà rất thánh, con cũng nài xin mẹ giúp con có được đức vâng lời hoàn toàn và đức khiêm nhường trong lòng để con thực sự biết mình là kẻ tội lỗi khốn cùng, tự mình không thể làm bất cứ điều tốt lành nào hay chống trả được cơn cám dỗ nào nếu không có ơn thánh và ơn trợ giúp của Đấng Tạo ra con và lời cầu nguyện thánh thiện của mẹ.
Lạy Đức Bà rất qúy yêu, xin cũng giúp con có được sự trong trắng hoàn toàn trong linh hồn và ngoài thể xác để con phụng sự con yêu dấu của mẹ và mẹ bằng một thân xác khiết tịnh và một tâm hồn trong trắng. Xin mẹ nhận từ nơi Người cho con ơn biết tự ý chấp nhận sự nghèo khó với một tâm trí kiên nhẫn và bình thản để con chịu đựng được các lao khổ của dòng này, cố gắng vì ơn cứu rỗi của chính con cũng như của người lân cận.
Lạy Đức Bà, con van xin mẹ giúp con có được đức ái chân thực, để, bằng trọn trái tim, con có thể yêu mến con rất thánh của mẹ, là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con và sau Người là mẹ trên hết mọi sự. Xin ban ơn để con biết yêu người lân cận vì chính họ để con vui mừng vì những điều tốt lành và đau buồn vì những điều xấu xa ở nơi họ, nhưng không bao giờ kết án hay vội vàng phán đoán, cũng như trong thâm tâm thích mình con hơn bất cứ ai. Xin cho con luôn biết kính sợ và yêu mến Con của mẹ, luôn biết ơn các ân huệ Người ban vì lòng tốt của Người chứ không vì công phúc của con. Xin cho con biết xưng thú mọi tội lỗi của con, thực lòng làm việc đền tội, và đáng được hưởng lòng thương xót và ơn tha thứ của Người. Lạy cửa thiên đàng và nơi trú ẩn của người tội lỗi, xin mẹ lo liệu để vào lúc lâm chung, con không đi chệch khỏi đức tin Công Giáo. Vì lòng nhân từ và hay thương xót của mẹ, xin mẹ cứu giúp con khỏi mọi tinh thần xấu xa và nhờ công nghiệp cuộc khổ nạn vinh quang của Người và niềm trông cậy của con vào sự cầu bầu của mẹ, xin mẹ nhận được cho con ơn Người tha thứ mọi tội lỗi của con để mẹ dẫn dắt con tới ơn cứu rỗi, khi lâm chung trong tình yêu của Người và của mẹ. Amen.
Kinh xin ơn tha tội
Lạy Thiên Chúa, suối nguồn xót thương, con, một kẻ tội lỗi, đến gần Chúa. Xin tẩy rửa con, lạy mặt trời công lý, xin chiếu rọi cảnh mù quáng của con. Lạy thầy thuốc đời đời, xin chữa lành các vết thương của con. Lạy vua trên hết các vua, xin phục hồi các mất mát của con. Lạy Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, xin giảng hòa con. Lạy đấng chăn chiên lành, xin dẫn con chiên lạc này trở về. Ôi lạy Thiên Chúa, xin tỏ lòng thương xót cho kẻ xấu xa, lòng khoan dung cho kẻ tội lỗi. Xin ban sự sống cho kẻ đã chết, phuc hồi kẻ làm điều sai quấy. Xin làm mềm lòng trái tim khép kín với ơn thánh. Ôi lạy Thiên Chúa rất mực hay thương xót, xin Chúa gọi con về khi con trốn chạy khỏi Chúa, lôi kéo con khi con chống trả Chúa. Xin nâng con lên và đỡ con khi con trỗi dậy. Xin hướng dẫn bước con đi. Xin đừng quên con kẻ đã quên Chúa, cũng đừng bỏ rơi con kẻ đã bỏ rơi Chúa, cũng đừng khinh chê kẻ tội lỗi.
Khi phạm tội, con đã xúc phạm Chúa, gây thương tích cho người lân cận và gây hại cho chính con. Vì yếu đuối, con đã phạm tội chống lại Chúa, lạy Cha toàn năng; vì dốt nát, con đã chống lại Chúa, Lạy Chúa Con toàn trí; vì ác tâm, con đã chống lại Chúa, lạy Chúa Thánh Thần. Và vì vậy, con đã xúc phạm đến Chúa Ba Ngôi cực thánh. Con là kẻ xấu xa biết bao! Con thường phạm tội và phạm tội nhiều xiết bao! Con đã phạm những việc xấu xa biết dường nào! Bị lôi cuốn bởi điều xấu, con đã quay lưng lại với Chúa. Làm như thế, con đã chọn để mất Chúa thay vì mất những điều con yêu thích; xúc phạm đến Chúa thay vì quay lưng khỏi những điều con nên biết sợ. Con thường phạm tội xiết bao, âm thầm, công khai, và trơ trẽn, bằng lời và bằng việc làm! Cho nên, trong sự khốn cùng của con, con khẩn nài Chúa đừng trông đến tội lỗi của con nhưng trông đến lòng tốt vô biên của Chúa. Xin khoan nhân tha thứ mọi điều con làm. Ban cho con lòng ăn năn quá khứ và khôn ngoan tỉnh trí đối với tương lai. Amen.
Kinh trước khi viết hay giảng giải
Lạy Đấng Tạo Dựng khôn dò, Đấng đã khôn ngoan chỉ định chín phẩm thiên thần, đặ họ trên trời trong một trật tự tuyệt vời, Đấng đã diệu kỳ thiết lập nên mọi phần vũ trụ, Đấng là nguồn ánh sáng và khôn ngoan, Nguyên Nhân Đệ Nhất, đã chiếu rọi trên sự tối tăm của tâm trí con ánh sáng tình yêu của Chúa và lấy khỏi con hai bóng tối của tội lỗi và dốt nát trong đó con vốn sinh ra. Chúa, Đấng làm miệng lưỡi bé thơ trở thành hùng biện, xin dạy miệng lưỡi con, đổ tràn ơn thánh phúc lành của Chúa trên môi miệng con. Ban cho con sự sắc bén trong hiểu biết, duy trì lâu dài trí nhớ, dễ dàng giảng thuyết và giải thích các thực tại cao siêu, và cả nhiều từ vựng phong phú nữa. Xin linh hứng lúc khởi đầu, hướng dẫn diễn tiến, đem mọi sự đến kết thúc, Chúa là Thiên Chúa và là người thật, Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
Kinh chiêm niệm
Lạy Thiên Chúa hay an ủi, Đấng thấy không có gì nơi chúng con mà lại không do Chúa ban, con nài xin Chúa lúc lâm chung, ban cho con nhận biết chân lý quan trọng nhất, vui hưởng sự tốt lành cao quí nhất. Lạy Đấng ban ơn rộng lượng nhất, xin Chúa vui lòng ban cho cả thân xác con vẻ đẹp rạng rỡ, sự lanh lợi, tinh tế và không dễ bị tổn thương. Xin ban thêm vào các điều tốt lành dư tràn này lượng dồi dào vui sướng, hội tụ mọi điều tốt lành để con được vui sướng hơn cả trong ơn an ủi của Chúa, bên dưới con trong cảnh dễ chịu của nơi chốn, bên trong con qua việc vinh danh thân xác và linh hồn, và chung quanh con qua cộng đồng gần gũi các thiên thần và người ta.
Lạy Cha rất mực thương xót, gần Cha, xin cho con biết ca ngợi năng lực của lý trí, ánh sáng của khôn ngoan, sự thỏa mãn mọi ước muốn, với các cảm xúc thấp hơn được dẹp yên. Vì trước nhan Chúa, không hề có sợ hãi nguy hiểm, mà chỉ có sự an toàn hồng phúc, hòa hợp ý chí, nét đáng yêu mùa xuân, nét tươi sáng mùa hè, nét phong phú mùa thu và cảnh an nghỉ mùa đông.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin ban cho con sự sống không chết chóc, niềm vui không buồn bã, vì với Chúa luôn có tự do lớn lao nhất, an toàn thơ thới, bình an bền vững, hạnh phúc hân hoan, vĩnh viễn hạnh phúc, thị kiến chân lý, và ngợi khen. Amen.
Kỳ tới: Các thánh thi
______________________________________________________________________
(1) Chúng tôi xin trích dẫn 2 bản kinh dường như dịch từ Kinh trước khi rước lễ của Thánh Tôma:
1. Bản thứ nhất tìm thấy tại địa chỉ (http://www.giadinhconggiao.com/2020/12/oc-kinh-kinh-don-minh-chiu-le.html) nhưng không cho biết xuất xứ:
Con lạy ơn Đức Chúa Trời có phép vô cùng hằng có vậy, con bây giờ đến chịu phép Rất Thánh này là Đức Chúa Giêsu Con thật Đức Chúa Trời: con như kẻ liệt đến tìm thầy thuốc cho sống, con là kẻ dơ dáy tìm đến mạch nước cả, con là kẻ tối tăm đến cùng hằng sáng, con là kẻ khó khăn thiếu mọi sự mà đến cùng Chúa trời đất.
Vì vậy con cầu cùng Chúa rộng rãi vô cùng chữa đã mọi tật linh hồn con, rửa sạch mọi tội lỗi con, soi sáng kẻo tối, thêm phúc kẻo khó trước mặt Đức Chúa Trời.
Lại xin cho được lòng kính mến, cùng ở khiêm nhường ăn năn tội lỗi, và giữ lòng sạch sẽ, cùng tin thật cho được chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu là Vua cả trên hết các vua, Chúa trọng trên hết các Chúa.
Con lại xin Đức Chúa Cha, cho được chịu phép Rất Thánh này, chẳng những bề ngoài cùng được ích trong linh hồn nữa.
Lại xin Đức Chúa Trời có lòng lành cô cùng, khi con chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu, xưa bởi lòng Thánh Maria Đồng-trinh mà ra, thì kể con vào làm một cùng Đức Chúa Giêsu là Con một Đức Chúa Cha yêu lắm.
Mà con bây giờ chịu cách nhiệm được xem thấy tỏ Đức Chúa Giê Su hàng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.
2. Bản thứ hai tìm thấy trong Thiên Chúa Thánh Giáo Nhựt Khóa, của Nhà In Tân Định, các tr.286-289, dài hơn và nhiều chỗ không thấy có trong bản văn của Thánh Tôma như Nữ tu Clark trích dẫn:
Con lạy ơn Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng, là Đấng hằng có đời đời, rầy con đến mà rước phép rất trọng, là Mình thánh cùng Máu thánh Đức Chúa Giêsu là Con một Đức Chúa Trời. Con là kẻ đau đớn tật nguyền, đi tìm thầy thuốc cho đặng lành. Con là kẽ dơ dáy xấu xa, tìm đến mạch nước cả cho đặng sạch. Con là kẻ tối tăm, tìm đến Chúa là Đấng hằng sáng láng vô cùng. Con là kẻ khó khăn thiếu mọi sự, tìm đến Chúa cả trời đất. Vậy con dám nguyện cùng xin Chúa, là Đấng phép tắc vô cùng, lòng lành vô cùng, rộng rãi vô lượng vô biên. Xin Chúa chữa mọi tật trong linh hồn con, xin rửa những sự chẳng sạch của linh hồn con, xin Chúa soi sáng linh hồn con, kẻo phải sự mê muội tối tăm, xin Chúa thêm phước lành cho con, vì con là kẻ khó khăn chẳng có công gì trước mặt Chúa, lại con dám xin Chúa cho con đặng ăn năn tội cho nên và trông cậy kính mến Chúa trên hết mọi sự cùng xin cho đặng lòng khiêm nhượng và vẹn sạch các giống tội lỗi; vì con khát khao mơ ước cho đặng rước Đức Chúa Giêsu ngự vào lòng con, linh hồn con bức tức ngóng trông cho đặng xem thấy mặt Chúa. Xin Chúa làm thầy dạy dỗ con, cho con biết phép mầu nhiệm cực trọng này, cùng xin Chúa dạy vẽ cách dọn mình nên, hầu cho con đặng chịu ơn rất trọng này, chẳng những là bề ngoài mà thôi, mà lại cho đặng chịu bề trong nữa.
Ớ Chúa con, lòng con kính mến trên hết mọi sự, xin hãy đến mà nuôi linh hồn con! Ớ Chúa là hết mọi sự lòng con, xin Chúa hãy đến cho chóng! Ớ Chúa con là mạch mọi sự lành, xin Chúa an ủi linh hồn con, thì linh hồn con sẽ đặng mọi sự ngon ngọt tiêu sái! Lạy Đức Chúa Giêsu rất yêu mến, xin Chúa ngự vào linh hồn con; dầu mà con là kẻ phàm hèn, chẳng đáng ơn cực trọng ấy, xin Chúa hãy phán một lời, thì linh hồn con liền thanh bạch hơn tuyết. Lòng con dọn mình đã sẵn mà nếu chưa dọn mình nên dám xin Chúa ghé mắt lại, thì con sẽ đặng vẹn sạch mà chớ. Hôm nay, con xin Đức Chúa Cha nhân từ vô cùng cho con đặng rước Mình thánh Đức Chúa Giêsu là Con một Đức Chúa Cha rất yêu dấu lắm. Con xin hiệp một ý cùng Hội thánh và ước ao cho đặng lòng sốt sắng, kính mến Chúa thiết tha, như các thánh trên trời, hầu khi ở đời tạm này, đã chịu phép Thánh thể như của cầm, thì đặng cả lòng trông cậy ngày sau sẽ thấy Chúa con tỏ tường, sẽ ngồi một bàn cùng các Thánh Thiên đàng, hưởng một phước cảm tạ khong khen một Chúa Ba Ngôi đời đời chẳng cùng. Amen
(2) Chúng tôi cũng tìm thấy 2 bản kinh dường như dịch từ bản kinh của Thánh Tôma sau khi rước lễ:
1.Bản tìm thấy ở Website ĐỌCKINH.COM:
Con cám ơn Chúa rất thánh/ là Cha có phép vô cùng hằng có vậy/ vì con là kẻ có tội chẳng có công gì cho đáng chịu ơn cực trọng Mình cùng Máu Thánh con Đức Chúa Cha,/ là Đức Chúa Giêsu/ Con xin Mình Thánh này chớ để cho con phải phạt/ lại được ích về phần linh hồn/ cùng xin gìn giữ kẻo phải chước ma quỉ cám dỗ được con/ cùng cất hết nết xấu/ và cho con bỏ lòng mê sự thế gian/ Lại xin cho được lòng kính mến Đức Chúa Trời cùng yêu người/ và thêm sức chịu khó bằng lòng ở khiêm nhường chịu lụy/ cùng xuống mọi phúc đức/ Xin Mình Thánh này giữ con/ kẻo phải chước những kẻ thù con thấy và xem chẳng thấy/ cùng sửa sang mọi tính trong ngoài con cho bình tĩnh/ cậy một Đức Chúa Trời cho vững/ cùng xin đem con đến tiệc cực trọng nói ra chẳng hết/ ấy là thấy Đức Chúa Cha,/ cùng Đức Chúa Con/ và Đức Chúa Thánh Thần,/ cho các thánh sáng thật no đầy mừng rỡ chẳng cùng vui vẻ trọn thanh nhàn liên./ Bấy nhiêu sự con xin/ vì Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con./ Amen.
2. Bản tìm thấy trong Thiên Chúa Thánh Giáo Nhựt Khóa của nhà in Tân Định các tr 293-294, cũng có nhiều chỗ không có trong bản dịch của Nữ tu Clark:
Con cám ơn Đức Chúa Cha là Đấng rất thánh phép tắc vô cùng hằng có đời đời, con xưng thật con là kẻ có tội, chẳng có công gì mà đáng chịu ơn cực trọng là chịu Mình thánh cùng Máu thánh Con Một Chúa con là Đức Chúa Giêsu. Con xin Chúa chớ để cho con phải khốn, xin gìn giữ linh hồn con kẻo phải chước ma quỉ cám dỗ đặng tội, cùng xin Chúa cất hết mọi nết xấu con kẻo còn mê những sự hèn mọn thế gian; lại xin phù hộ cho con bền lòng kính mến Chúa trên hết mọi sự, và thương yêu mọi người như mình con vậy. Xin Chúa con thêm sức cho con bằng lòng chịu khó ở khiêm nhường vưng lời chịu lụy, cùng xin cứu lấy con cho khỏi kẻ thù, lại ban ơn sửa sang mọi việc trong ngoài con, và trông cậy, kính mến Chúa con cho vững; cùng xin đem con đến ăn tiệc cực trọng, là hiệp làm một cùng các thánh trên trời, mà xem thấy cùng ngợi khen Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh Thần, cho con đặng sáng thật, mừng rỡ, thanh nhàn, vui vẻ chẳng hay cùng. Con xin bấy nhiêu sự ấy vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu là Chúa cứu con. Amen
1. Bác sĩ phẫu thuật cung cấp thông tin chi tiết về ca phẫu thuật của Đức Hồng Y Sarah
Theo lời một bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Ý nơi thủ thuật này diễn ra, Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã trải qua cuộc phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot vào đầu tháng này.
Ca phẫu thuật tiết niệu được thực hiện với sự hỗ trợ của robot da Vinci, một công nghệ được sử dụng từ năm 2016 tại Bệnh viện Great Metropolitan, gọi tắt là GOM, ở Reggio Calabria, một thành phố ở cực nam của bán đảo Ý.
Giám đốc bệnh viện GOM và một bác sĩ phẫu thuật hàng đầu đã xác nhận với CNA ngày 29 tháng 7 rằng Đức Hồng Y Sarah đã được phẫu thuật và ngài đã được xuất viện vào ngày 27 tháng 7, sau khoảng 15 ngày được họ chăm sóc.
Salvatore Costarella cho biết thủ thuật này nhằm khắc phục một vấn đề với tuyến tiền liệt.
Việc Đức Hồng Y Sarah lựa chọn bệnh viện Reggio Calabria “có ý nghĩa rất lớn bởi vì chúng tôi có một bệnh viện tuyệt vời”, Costarella nói và nói thêm rằng “đối với chúng tôi, đó là lý do đặc biệt tự hào khi có một người xuất sắc như vậy trong bệnh viện của chúng tôi”.
Các bác sĩ cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng cuộc phẫu thuật đã thành công và nhờ công nghệ robot, có thể được thực hiện theo cách hạn chế tối đa vùng phẫu thuật.
Source:Catholic News Agency
2. Chân Phước Solanus Casey trên đường tuyên thánh
Chân Phước Solanus Casey là một người phu khuân vác khiêm tốn, là người đã tiếp vô số du khách trong đời ngài và chăm chú lắng nghe nhu cầu và mong muốn của họ. Nhiều phép lạ là kết quả của sự chuyển cầu mạnh mẽ của ngài và những phép lạ này vẫn tiếp tục xảy ra cho đến ngày nay.
Các linh mục thuộc Tu Hội Solanus, có trụ sở tại nhà thờ Thánh Bônaventura thuộc tổng giáo phận Detroit lưu giữ hồ sơ về tất cả những điều kỳ diệu xảy ra nhờ sự cầu thay nguyện giúp của ngài. Một số phép lạ được đăng trên trang web của các ngài. Trong thời gian đại dịch coronavirus, nhiều người được ơn chữa lành.
Hôm 30 tháng 7, tờ Aleteia, nghĩa là “Chân Lý Tỏ Tường”, đã đăng lời nguyện sau cho những ai muốn xin Chân Phước Solanus Casey cầu bầu:
Lạy Chúa, con tán tụng Chúa. Con trao phó con cho Chúa.
Xin cho con trở thành người mà Chúa muốn con trở thành,
và cầu mong thánh ý Chúa được thể hiện trong cuộc sống của con ngày hôm nay.
Con cảm ơn Chúa vì những ân sủng Ngài đã ban cho Chân Phước Solanus.
Nếu đó là thánh ý Chúa, hãy ban phước cho chúng con qua sự phong thánh của Chân Phước Solanus để những người khác có thể bắt chước và tiếp tục yêu thương tất cả những người nghèo khổ của thế giới chúng con.
Như khi xưa Chân Phước Solanus vui vẻ đón nhận các kế hoạch thiêng liêng của Chúa, Con cũng cầu xin Chúa, nếu hợp với thánh ý Chúa, xin cho con được …. (ý định của mình)
Nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Source:Aleteia
3. Ai đứng sau The Pillar, hãng tin đang làm nhiều người run sợ?
Hôm 19 tháng 7, hãng tin The Pillar đã trao cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gọi tắt là USCCB, hồ sơ cho thấy Đức Ông Jeffrey Burrill, tổng thư ký của USCCB, thường xuyên lui tới các quán bar và nhà riêng dành cho người đồng tính trong khi sử dụng một ứng dụng “hookup” phổ biến trên thiết bị di động của mình.
Đức Ông Jeffrey Burrill đã bị buộc phải từ chức ngay tức khắc.
Nhiều người trong giới truyền thông, công nghệ và tôn giáo thế giới muốn biết họ đã làm như thế nào, và liệu nó có đạo đức hay không. Nhưng một câu hỏi khác, không kém phần phổ biến là: Ai đứng sau The Pillar?
Câu trả lời ngắn gọn: The Pillar là một ấn phẩm Công Giáo được thành lập vào đầu năm nay trên nền tảng Substack, một dịch vụ nhận bản tin đã thu hút một loạt các nhà văn nổi tiếng, và một loạt các nhà phê bình.
Nhưng khi xem xét kỹ hơn, The Pillar phức tạp hơn một chút. Tờ báo thể hiện một kỷ nguyên mới của báo chí.
Những người sáng lập của The Pillar - JD Flynn và Ed Condon - là cựu thành viên của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. Flynn từng là tổng biên tập của CNA. Đó cũng là một vai trò mà anh ấy hiện đang đảm nhiệm tại The Pillar, trong khi Condon làm biên tập viên CNA tại Washington.
Các phương tiện truyền thông thế tục ráo riết tấn công The Pillar vì lập trường phò sinh và chống Biden của tờ báo. Họ nói hành vi theo dõi, săn lùng người đồng tính, và trao hồ sơ mật cho USCCB của The Pillar là vô đạo đức. Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo tán thưởng phương thức thanh tẩy Giáo Hội của The Pillar.
Cả Flynn và Condon cũng đều là luật sư giáo luật – nghĩa là chuyên gia về luật của Giáo Hội Công Giáo. Flynn trước đây đã làm việc tại Tổng giáo phận Denver và Giáo phận Lincoln, trong khi Condon đã dành gần mười năm làm việc trong lĩnh vực chính trị chuyên nghiệp ở Vương quốc Anh.
Source:Religion News
4. Lucia Mantione, cô gái Sicilia bị sát hại cuối cùng cũng có được tang lễ sau 66 năm
Trong lịch sử, chưa bao giờ có nhiều người đến dự đám tang như vậy tại Montedoro, một ngôi làng lơ lửng giữa những cánh đồng lúa mì và những mỏ lưu huỳnh bị bỏ hoang ở trung tâm Sicily.
1,500 cư dân của ngôi làng đã chờ đợi khoảnh khắc này trong hơn nửa thế kỷ, và hôm thứ Tư đã tụ tập hàng trăm người để cầu nguyện trang trọng trong nhà thờ làng quanh một chiếc quan tài nhỏ màu trắng.
Bên trong là hài cốt của Lucia Mantione, một cô gái 13 tuổi bị cưỡng hiếp và sát hại vào năm 1955. Đó là một buổi chiều lạnh giá ngày 6 tháng Giêng năm 1955 khi Lucia, biệt danh Luciedda, rời nhà để mua một hộp diêm. Không thấy con về, mẹ cô tìm kiếm hàng tiếng đồng hồ, kêu cứu khắp các nẻo đường trong vùng quê.
Lucia không bao giờ trở lại. Thi thể của cô được tìm thấy vào ngày 9 tháng Giêng trong một trang trại cách Montedoro 1km. Khám nghiệm tử thi xác nhận cô đã bị siết cổ trong khi chống trả kẻ tấn công mình. Tối hôm đó, cha cô, một thợ khai thác lưu huỳnh, đến gõ cửa nhà Cha Vito Alfano, là cha xứ Montedoro, để sắp xếp tang lễ cho Lucia; nhưng ngài không dám.
Cha Francesco Stabile, giáo sư thần học và lịch sử Giáo Hội tại Đại học Palermo nhận định:
“Có một nguyên tắc cũ đã được áp dụng chủ yếu cho những người tự tử. Tuy nhiên, một số linh mục đã tự ý mở rộng nguyên tắc này cho những người bị giết một cách thô bạo. Có một số ví dụ về ứng dụng này vào thế kỷ 19.”
Tuy nhiên, cũng có những giả thuyết cho rằng Cha Vito Alfano không dám cử hành thánh lễ an táng chỉ vì áp lực của Mafia. Trong một số tuần, cảnh sát đã điều tra về vụ án này, phỏng vấn dân làng và cố gắng tái tạo lại những giờ phút cuối cùng của Lucia, nhưng nhiều người sợ hãi không dám nói. Ban đầu, cuộc điều tra tập trung vào một cư dân lớn tuổi có tiền án, nhưng hướng điều tra này nhanh chóng bị loại.
Lucia được chôn cất sơ sài mà không có tang lễ trong một khu đất nhỏ trong nghĩa trang của Montedoro.
Bước ngoặt xảy ra gần đây khi các công tố viên ở Caltanissetta mở lại vụ án, khai quật thi thể của Lucia và cố gắng trích xuất DNA. Kẻ giết Lucia là một quý tộc giàu có được Mafia bảo vệ.
Tang lễ trọng thể cho cô đã diễn ra vào hôm thứ Tư 28 tháng Tư, sau 66 năm thiệt mạng.
Source:The Guardian
1. Đức Thánh Cha Phanxicô gởi sứ điệp đến lễ hội giới trẻ Mễ Du: Chúa Kitô giải phóng chúng ta 'khỏi sự quyến rũ của các thần tượng'
Hôm thứ Hai 2 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một thông điệp gửi tới Lễ hội Thanh niên Medjugorje hay còn gọi là Mễ Du, nơi chúng tôi mời gọi anh chị em hiệp thông để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam chúng ta, cách riêng là cho thành phố Sàigòn. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói với những người trẻ Công Giáo rằng ánh mắt yêu thương của Chúa Kitô có thể giải thoát họ khỏi sự hấp dẫn đối với các ngẫu tượng.
“Hãy can đảm để sống tuổi trẻ của các con bằng cách giao phó bản thân mình cho Chúa và bắt đầu một cuộc hành trình với Người,” Đức Thánh Cha nói hôm 2 tháng 8.
“Hãy để bản thân bị chinh phục bởi ánh mắt yêu thương của Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự quyến rũ của ngẫu tượng, khỏi sự giàu có giả tạo hứa hẹn cuộc sống nhưng lại gây ra cái chết. Đừng sợ để chào đón Lời của Chúa Kitô và chấp nhận lời mời gọi của Ngài.”
Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô được gửi vào ngày thứ hai trong Lễ hội Giới trẻ Medjugorje lần thứ 32 đang diễn ra tại Bosnia và Herzegovina từ mùng 1 đến mùng 8 tháng Tám.
Trong bài suy tư của mình, Đức Thánh Cha đã nói về người thanh niên giàu có được tường thuật trong Phúc Âm. Anh ta đã lên đường đến gặp Chúa với lòng nhiệt thành và ước muốn biết được phương thế để có thể đạt được sự sống vĩnh cửu.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng “Phúc Âm không cho chúng ta biết tên của người thanh niên đó, và điều này cho thấy rằng anh ta có thể đại diện cho mỗi người trong chúng ta”.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng Chúa Giêsu hướng người thanh niên đến các điều răn, như là bước đầu tiên phải làm để hưởng sự sống đời đời.
Khi người thanh niên nói rằng anh ta đã hành động với lòng bác ái đối với những người lân cận, Chúa Giêsu nói với anh ta: “Nếu anh muốn trở nên hoàn hảo, hãy đi, bán những gì anh có, cho người nghèo và anh sẽ có một kho tàng trên trời.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Những gì Chúa Giêsu đề xuất không phải là một sự tước đoạt mọi thứ của một con người tự do và có quan hệ rộng rãi. Nếu lòng ta chỉ nghĩ đến tiền của, Chúa và người lân cận bị giản lược thành các vật thể trong số những thứ khác. Việc chúng ta có quá nhiều và mong muốn quá nhiều sẽ bóp nghẹt trái tim của chúng ta và khiến chúng ta không hạnh phúc và không thể yêu thương được nữa”.
Đức Giáo Hoàng cho biết bước thứ ba mà Chúa Giêsu đề nghị với người thanh niên là “hãy đến, hãy theo tôi”.
Trích dẫn thông điệp Veritatis Splendor của Đức Bênêđictô 16, Đức Phanxicô nói “việc đi theo Chúa Kitô không phải là một sự bắt chước bên ngoài, bởi vì nó chạm đến con người trong thẳm sâu nội tâm của người ấy. Trở thành môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là trở nên đồng hình với Ngài”.
“Đổi lại, chúng ta sẽ nhận được một cuộc sống phong phú và hạnh phúc, đầy đủ khuôn mặt của biết bao anh chị em, cha mẹ và con cái… (x. Mt 19:29). Theo Chúa Kitô không phải là mất mát, mà là được lợi khôn lường, và việc từ bỏ là nhằm vượt qua những trở ngại ngăn cản cuộc hành trình.”
“Đừng nản lòng như người thanh niên giàu có của Phúc Âm; thay vào đó, hãy chăm chú nhìn vào Đức Maria, gương mẫu tuyệt vời trong việc noi gương Chúa Kitô, và hãy phó thác bản thân cho Đức Mẹ, Đấng đã đáp lại lời kêu gọi của Chúa một cách kiên quyết. Chúng ta nhìn lên Đức Maria để tìm thấy sức mạnh và nhận được ân sủng cho phép chúng ta nói với Chúa rằng: ‘Lạy Chúa con đây’”.
Lễ hội Giới trẻ Medjugorje tập trung vào việc cầu nguyện, với Thánh lễ, chầu Thánh Thể, Kinh Mân Côi và một cuộc rước Đức Mẹ. Lễ hội giới trẻ kéo dài một tuần cũng bao gồm các bài học giáo lý, chứng tá và một buổi biểu diễn âm nhạc.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Sự kiện này - như kinh nghiệm của rất nhiều người đã nói - có sức mạnh để đưa chúng ta đi trên con đường hướng tới Chúa”.
Source:Catholic News Agency
2. Bài giảng của Đức Hồng Y Robert Sarah trong Thánh lễ khai mạc lễ hội thanh niên Mễ Du
Đức Hồng Y Robert Sarah, nguyên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích của Vatican đã cử hành Thánh lễ khai mạc lễ hội thanh thiếu niên vào ngày 1 tháng 8. Đầu tháng này, Đức Hồng Y Sarah đã trải qua một cuộc phẫu thuật tuyến tiền liệt có sự hỗ trợ của robot ở miền nam nước Ý.
Trong bài giảng ngày 1 tháng 8, Đức Hồng Y Sarah nói “chúng ta đến đây, đến Medjugorje này, để đổi mới đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, nghĩa là, để thiết lập một mối quan hệ đích thực và quan trọng với Ngài, Chúa của chúng ta và Thiên Chúa của chúng ta, để trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể trả lời câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để tìm thấy Chúa Giêsu và làm thế nào để ứng xử trong sự Hiện diện thâm nhập và tối cao của Ngài trong chúng ta?”
“Nhiều người cùng thời với chúng ta, tôi thậm chí có thể nói rằng vô số người rất gần gũi với chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong số bạn bè của chúng ta, nơi chúng ta học tập và làm việc, dường như vô cảm, thờ ơ, thậm chí phản đối và thù địch với câu hỏi về sự tồn tại của Chúa. Họ thậm chí còn dám tuyên bố rằng họ không còn nghĩ đến đức tin nữa và coi đó như là dấu hiệu cho thấy họ được tự do”
Đức Hồng Y khuyến khích những người trẻ nhớ đến phép Rửa Tội của họ và như Thánh Phaolô nói trong Ê-phê-sô 4:24, chúng ta “phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện..”
“Hôm nay Chúa Kitô, Chúa chúng ta kêu gọi chúng ta nhìn lên; điều thực sự quan trọng là phải nhắc nhở con người tiêu dùng hiện đại là ăn để sống chứ không phải sống để ăn.”
Đức Hồng Y Sarah nói “Chúa Giêsu, Đấng thấu hiểu trái tim con người, muốn đáp lại những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta, những khát vọng thiết yếu nhất của chúng ta, cho cơn đói Tình yêu và cơn khát Tuyệt đối đang hành hạ chúng ta.”
Ngài nhấn mạnh rằng Bí tích Thánh Thể là “một phương thuốc cho phép chúng ta rời bến bờ của sự thoải mái và sự an toàn giả tạo của chúng ta, vốn được đánh dấu bằng thuyết tương đối, để có thể đến bến bờ của Tin Mừng Chân lý và Ơn Cứu độ cho linh hồn chúng ta.”
Source:Catholic News Agency
3. Ký sự của một nữ tu trên tuyến đầu
Thế là đã gần một tuần lễ trôi qua kể từ khi tôi bước chân lên đường trở thành một tình nguyện viên phục vụ các bệnh nhân trong đại dịch Covid đang diễn ra hết sức nghiêm trọng nơi bệnh viện dã chiến. Với tôi, ngày đầu thời gian dài lê thê. Tôi thật sự sốc nặng khi được chứng kiến cận cảnh những con người đang phải một mình quằn quại đấu tranh cho sự sống bên cạnh chiếc máy thở, không một người thân, không gì hết… một sự rùng mình và thoáng trong suy nghĩ của tôi: sự sống thật mỏng manh và chính mình cũng đang phải đối diện với cái chết, sự mạo hiểm rằng mình cũng có thể bị lây nhiễm thì sẽ như thế nào đây?
Đã có lúc tôi tự hỏi “Phải chăng đầu tôi đang có vấn đề, khi tôi lựa chọn một công việc mà ở thời điểm hiện tại cực kỳ nguy hiểm, bỡi lẽ trong khi hàng ngàn người đang tìm cách rời khỏi những khu vực dịch bệnh nguy hiểm, thì tôi lại tìm đến những nơi nguy hiểm nhất…”
Một ngày, hai ngày… và rồi tôi nhận ra rằng: tình yêu của Chúa là sức mạnh, là nghị lực cho tôi lăn xả phục vụ. Lúc này tôi không còn sợ hãi và không còn một chút e ngại nào. Thay vào đó tôi đã học và hiểu được một thứ ngôn ngữ hơn cả thứ ngôn ngữ bằng lời, đó là thứ ngôn ngữ của tình yêu: giọt nước mắt của bệnh nhân.
Tưởng chừng trong bệnh viện, ai cũng giống ai: một bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, là tu sĩ hay là ai đi chăng nữa thiết tưởng, chẳng có ai nhận ra. Thế nhưng, thứ ngôn ngữ không lời trong tình yêu của người phục vụ vẫn đủ để người ta nhận ra người của Chúa. Vẫn chỉ là những cử chỉ lau lọt, nâng lên hạ xuống, những thìa cháo mang chút hơi ấm,… hết sức bình thường mà giờ đây nó trở thành một thứ ngôn ngữ không lời và truyền tải tình yêu đến người khác. Và đã là thứ ngôn ngữ của tình yêu thì chỉ có thể đáp trả lại bằng tình yêu: giọt nước mắt. Đã có một cuộc đối thoại ngắn gọn nhưng cũng đủ để cả hai hiểu rằng cuộc đời này thật đẹp, thật đáng sống:
- Cô là người có tâm, nếu còn sống tôi nhất định sẽ đáp ơn Cô!
- Không Bác ơi! Công xá chi. Con tình nguyện phục vụ mà, con là người đi tu đạo Chúa…
Và rồi những giọt nước mắt…. trong sự nghẹn ngào:
- Cô… nói… Chúa… cho tôi.
Tôi như bị khựng lại một lúc vì tự nhiên lúc đó bao nhiêu thứ thần học đã được học, những hiểu biết về Chúa đi đâu hết mà chỉ còn lại sự im lặng và sự im lặng. Im lặng trong sự hạnh phúc trào dâng khi một người họ muốn biết về Chúa. Bất giác tôi trả lời:
- Bác ơi! Bác cứ nghỉ ngơi đi ạ. Chúa của con nói Chúa yêu bác nhiều lắm nên mới gửi con đến chăm bác…
Một cuộc đối thoại ngắn nhưng nó đã trở thành động lực lớn để tôi tiếp tục phục vụ. Tôi biết rằng tình yêu của Chúa vẫn đong đầy cuộc sống của tôi. Chúa không ở đâu xa xôi, nhưng ở ngay trong thực tại mà có những lúc ta đã lãng quên.
Nếu chúng ta còn có cơ may được sống cùng với những người thân bên cạnh dù đau yếu hay khỏe mạnh, chúng ta hãy tận dụng để trao tặng nhau thứ ngôn ngữ của tình yêu: một nụ cười, một ánh mắt quan tâm, một lời khích lệ… Tôi thiết tưởng những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của họ vì sự hạnh phúc mà họ đã nhận được là biểu hiện của tình yêu và lòng biết ơn.
Cảm tạ Chúa đã cho chúng con một cuộc đời để sống, để yêu ngay cả trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, mỗi chúng con đều cảm nghiệm được hạnh phúc, dù thiếu thốn vật chất, nguy hiểm cho tính mạng hay mất phương hướng cho tương lai…, chúng con vẫn còn có khả năng để yêu thương và đón nhận sự quan tâm của người khác.
1. Đức Hồng Y Luis Villalba xét nghiệm dương tính với coronavirus
Đức Hồng Y Luis Villalba Tổng Giám mục Hiệu tòa của Tucumán đã xét nghiệm dương tính với coronavirus, em gái ngài Clelia Villalba cũng nhiễm bệnh.
Tổng giáo phận Tucumán cho biết Đức Hồng Y có sức khỏe tổng quát tốt, phản ứng thuận lợi với các phương pháp điều trị và cách ly tại nhà mà không cần hỗ trợ oxy.
Tổng giáo phận dâng lời cầu nguyện lên Chúa và Đức Maria là Sức Khỏe của các bệnh nhân để cầu nguyện cho sự bình phục của ngài và tất cả những người bệnh, cũng như cho những người chăm sóc họ.
Đức Hồng Y Villalba sinh tại Buenos Aires ngày 11 tháng 10 năm 1934 và là tổng giám mục thứ năm của Tucumán phục vụ từ ngày 17 tháng 9 năm 1999 đến ngày 10 tháng 6 năm 2011.
Toàn văn thông báo của Tòa Giám Mục Tucumán như sau:
“Anh chị em thân mến,
Sau khi các thử nghiệm được tiến hành, Đức Hồng Y Luis Villalba đã được phát hiện dương tính với covid, và em gái ngài, Clelia, cũng vậy. Tình trạng chung của ngài khá tốt, đang điều trị và cách ly tại nhà mà không cần thở oxy. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa và Đức Maria là Sức khỏe của các bệnh nhân cho sự bình phục của ngài và của tất cả những người bệnh và cầu nguyện cho những người chăm sóc họ. Cầu xin Đức Trinh Nữ của Lòng Thương Xót che chở cho Đức Hồng Y và các bệnh nhân với sự dịu dàng từ mẫu”.
Source:Tucucma Noticas
2. Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi các mạng xã hội chống lại tin giả
Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu đang yêu cầu các mạng xã hội tăng cường nỗ lực chống lại tin giả về coronavirus. Cho đến nay, Bộ luật Liên minh Âu Châu về thông tin sai lệch chỉ được Facebook, Twitter, TikTok, Microsoft và Google tuân thủ. Brussels cũng đang yêu cầu các mạng xã hội khác tuân theo.
“Chương trình giám sát thông tin sai lệch về Covid-19 cho phép chúng tôi theo dõi các hành động chính mà các nền tảng trực tuyến đã cam kết - Phó chủ tịch Ủy ban Minh bạch Châu Âu, Vera Jourova - cho biết như trên. Với sự lây lan của các biến thể mới của vi rút và chương trình tiêm chủng đang diễn ra sôi nổi, điều cần thiết là những lời hứa được thực hiện”
Vào tháng 6, theo báo cáo của Ủy ban EU, “chiến dịch ủng hộ tiêm chủng do TikTok cùng với chính phủ Ái Nhĩ Lan thúc đẩy đã có hơn một triệu lượt xem và hơn 20 nghìn likes”. Google đã hợp tác với các cơ quan y tế công cộng để “hiển thị thông tin về các trung tâm tiêm chủng thông qua Google Search và Google Map, ở Pháp, Ba Lan, Ý, Ái Nhĩ Lan và Thụy Sĩ. Các vi phạm liên quan đến thông tin sai lệch về Covid-19 có thể được báo cáo trên Twitter. Microsoft đã mở rộng quan hệ đối tác với NewsGuard, một phần mở rộng của Edge nhằm cảnh báo về các trang web lan truyền tin tức giả mạo. Cuối cùng, Facebook đã hợp tác với các cơ quan y tế công cộng quốc tế để nâng cao nhận thức về tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin, bằng cách hợp tác chặt chẽ với các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan để tìm ra những kẻ thao túng truyền thông.
Source:SIR
3. Đàn bà dễ có mấy tay - Hồng Y Becciu đâm đơn kiện nữ quái Chaouqui
Sau phiên xử ngày 27 tháng 7, Hồng Y Becciu cho biết trong một tuyên bố rằng ngài sẽ kiện Đức Ông Alberto Perlasca và Francesca Immacolata Chaouqui “vì tội vu khống khi đưa ra những lời khai rất nghiêm trọng và hoàn toàn sai sự thật trong quá trình điều tra của Chưởng Lý Vatican”.
Đức Ông Alberto Perlasca, nguyên phó chánh văn phòng của Hồng Y Becciu, khi bị Hiến Binh Vatican mời làm việc đã “thành khẩn khai báo” mọi chuyện liên quan đến vụ mua bất động sản ở London.
Các công tố viên Vatican xác định rằng lời khai của Đức Ông Perlasca, được cung cấp trong một số cuộc phỏng vấn, là quan trọng để tái tạo lại “một số khoảnh khắc trung tâm” trong vụ việc này.
Nhưng tại phiên điều trần hôm thứ Ba, một luật sư bào chữa cho rằng lời khai của Đức Ông Perlasca trong năm cuộc phỏng vấn là “không thể chấp nhận được” vì các cuộc phỏng vấn ấy diễn ra mà không mặt của luật sư.
Một công tố viên của Vatican lập luận rằng những lời khai này là hoàn toàn hợp pháp vì chúng được quay video và Đức Ông Alberto Perlasca “tự nguyện” khai báo.
Việc Hồng Y Becciu kiện Đức Ông Alberto Perlasca là điều dễ hiểu. Tại sao vị Hồng Y này cũng kiện cả Chaouqui, một người hầu như không có liên quan gì đến vụ này.
Elise Ann Allen, phóng viên thường trú tại Rôma của tờ Crux có bài giải thích về chuyện này nhan đề “Infamous femme fatale of Vatileaks back in the spotlight for Becciu trial”, nghĩa là “Nhân vật nữ khét tiếng chủ chốt trong vụ Vatileaks trở thành tiêu điểm trong phiên tòa Becciu.”
Tuy nhiên, một gương mặt đáng ngạc nhiên lại xuất hiện bên lề.
Đối với những người theo dõi câu chuyện “Vatileaks 2” trong hai năm 2015 và 2016, mà đỉnh cao là bốn người bị buộc tội vì làm rò rỉ các tài liệu tài chính bí mật của Vatican, cái tên Francesca Immaculata Chaouqui nghe có vẻ quen thuộc.
Nữ quái Chaouqui, một viên chức quan hệ công chúng người Ý từng là cố vấn cho ủy ban giáo hoàng nghiên cứu cải cách Vatican, đã bị buộc tội làm rò rỉ các tài liệu mật cho các nhà báo cùng với một Đức Ông Tây Ban Nha, là người lãnh đạo nhóm.
Vào tháng 7 năm 2016, cô ta bị kết án 10 tháng tù treo.
Khi phiên tòa năm 2016 diễn ra, Chaouqui nổi lên như một trong những nhân vật chính của bộ phim. Cô ấy là một phụ nữ trẻ táo bạo, hấp dẫn, và giới báo chí cảm thấy chưa khai thác hết.
Tại phiê tòa tháng 7, 2016, Đức Ông Vallejo Balda, nguyên là thư ký của Ủy Ban Cải Tổ Kinh Tế Tòa Thánh, đã thú nhận lấy cắp các tài liệu bí mật của Vatican để trao cho các phóng viên, nhưng biện minh rằng mình làm thế dưới áp lực của tình nhân là Francesca Chaouqui. Chaouqui đứng bật dậy xỉa xói Đức Ông là vu cáo cho y thị: “Ông nhìn ông đi, ông xấu như thế, ai mà làm tình nhân với ông?”.
Cuối cùng, Đức Ông đã bị tòa án Vatican kết án mười tám tháng tù giam. Tháng 12 năm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô ân xá cho Đức Ông và cho trở về quê hương Tây Ban Nha.
Bất chấp các tai tiếng của mình, cô ấy đã xuất hiện trở lại hiện trường của cái gọi là “phiên tòa thế kỷ” của Vatican, và bây giờ sắp thấy mình phải đối mặt với hành động pháp lý tiếp theo.
Phiên tòa lớn mở đầu tuần này với phiên điều trần ngày 27 tháng 7 bao gồm các cáo buộc gian lận và tham ô đối với Hồng Y người Ý Angelo Becciu và 9 cá nhân khác, đánh dấu lần đầu tiên một người đội mũ đỏ bị tòa án Vatican truy tố.
Được dời lại cho đến ngày 5 tháng 10, phiên tòa này có thể sẽ là một tiến trình kéo dài, gần hết mùa thu, nếu không muốn nói là xa hơn.
Kể từ khi các cáo buộc và ngày bắt đầu phiên tòa lớn này được công bố, Chaouqui, dù không liên quan một chút xíu nào đến vụ án, đã thấy đây là cơ hội ngàn vàng để tái xuất trên ánh đèn sân khấu chính trị Rôma. Cô ta đã xuất hiện tại hiện trường, đưa ra nhiều nhận xét công khai cả trên blog cá nhân và trong các cuộc phỏng vấn truyền thông, buộc tội Hồng Y Becciu bằng nhiều hình thức khác nhau về các hành vi sai trái.
Tháng trước, Hồng Y Becciu đe dọa các cáo buộc pháp lý đối với một bài đăng trên blog của Chaouqui ngày 18 tháng 6. Bài này đã nhanh chóng biến mất.
Trong một tuyên bố vào thời điểm đó, luật sư của Hồng Y Becciu, là ông Fabio Viglione, cho biết sẽ kiện Chaouqui về bài này, và lập luận rằng, “Ngay cả quyền tự do ngôn luận đầy đủ nhất cũng có những giới hạn nhất định không thể vượt qua để bảo vệ sự thật và sự liêm chính của người khác. Đức Hồng Y Becciu, với sức mạnh từ sự đúng đắn hoàn toàn trong công việc của mình, không thể cho phép những sự bóp méo và làm sai lệch thực tế, gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của ngài. Vì lý do này, một lần nữa, ngài buộc phải bảo vệ mình tại các cơ quan tư pháp có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, mối đe dọa đó dường như không có tác dụng gì, vì Chaouqui, mặc dù đã gỡ bài đăng trên blog xuống, đã đưa ra một số cuộc phỏng vấn ám chỉ Becciu là một kẻ bẩn thỉu, thường nhân danh Đức Giáo Hoàng làm hết chuyện này đến chuyện khác mà không được sự chấp thuận của ngài, đồng thời sử dụng mối quan hệ của mình với các nhà báo để làm mất uy tín những kẻ thù của ông.
Cuộc phỏng vấn nổi bật nhất đã được dành cho tạp chí hàng tuần Panorama của Ý, được xuất bản ngày 14 tháng 7.
Trong cuộc phỏng vấn này, Chaouqui khẳng định Becciu là “một người rất thông minh, nhanh nhẹn và thực tế, có khả năng làm việc 15 giờ liên tục và khiến bản thân được đồng nghiệp yêu mến”.
“Phẩm chất này đã được đánh giá cao bởi Đức Giáo Hoàng. Ngài đã tạo ra mối quan hệ hoàn toàn tin tưởng với ông ta”, cô nói tắc lưỡi nhận định: “Thật tiếc khi Becciu đã sử dụng tình cảm đó để phục vụ cho tham vọng của chính mình”.
Chaouqui cho biết cô chưa bao giờ gặp ai khéo léo như Becciu trong việc tạo ra các mạng lưới quan hệ, nhưng cô cho rằng vị Hồng Y đã sử dụng những kỹ năng này để tạo ra ấn tượng sai lầm rằng ngài gần gũi với Đức Giáo Hoàng hơn với Hồng Y Pietro Parolin, là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và là xếp của Tổng Giám Mục Becciu.
Cô cho biết Becciu sẵn sàng làm những việc nhỏ để tạo được lòng tin và cải thiện hình ảnh của mình, chẳng hạn như tổ chức bữa trưa cho Đức Giáo Hoàng tại căn hộ cá nhân ở Vatican mỗi khi Đức Giáo Hoàng trở về sau chuyến công du nước ngoài.
Chaouqui nói thêm: Mỗi lần như thế lại có “một nhóm người được kết nạp” cho những bữa ăn trưa, bao gồm các chính trị gia, các nhà báo, doanh nhân, và quan tòa. “Tham vọng của nhiều người là được vào vòng thân cận ấy”.
Chaouqui cho biết Hồng Y Becciu cũng đã thực hiện một số hành động nhân danh Đức Giáo Hoàng, nhưng có thể Đức Giáo Hoàng không hề hay biết, chẳng hạn như cho phép đầu tư vào cuốn phim tiểu sử của Elton John.
Chaouqui cũng nói về một phụ nữ bị buộc tội trong vụ Hồng Y Becciu, là cô Cecilia Marogna, người Ý.
Marogna được Vatican thuê vào năm 2016 với tư cách là cố vấn an ninh bên ngoài. Được báo chí đặt cho cái tên “Bà đầm” của Becciu, các công tố viên cáo buộc cô đã ăn cắp 575,000 euro, tức là 683,000 Mỹ Kim, trong quỹ Vatican mà Becciu đã dành cho cô để trả tiền chuộc mạng một số con tin Công Giáo ở Trung Đông và Phi Châu. Tuy nhiên, hồ sơ ngân hàng cho thấy việc chuyển tiền của Vatican được sử dụng để thanh toán hóa đơn tại các cửa hàng, khách sạn cao cấp và mua hàng hóa xa xỉ.
Chaouqui nói rằng mặc dù Hồng Y Becciu khăng khăng rằng Đức Giáo Hoàng biết về sự hiện diện của Marogna tại Vatican, cô không tin điều đó, và cáo buộc Hồng Y Becciu đã cố gắng thiết lập một mạng lưới “tình báo song song” trong Vatican dưới vỏ bọc của chương trình giải cứu con tin, trong đó Hồng Y Becciu là người chỉ huy.
Tuy nhiên, Chaouqui tỏ ra đồng cảm với Marogna, khi cho rằng Hồng Y Becciu “tin chắc rằng ngài đã tìm thấy Mata Hari của riêng mình, một người phụ nữ có thể là tai mắt của ngài trong các môi trường khác nhau và trong trang phục dân sự, và mặt khác, Marogna bị mê mẫn trước một con đường đã biến đổi cô ta từ một nhân viên bán hàng qua điện thoại ở Sardinia thành một nhà ngoại giao dưới vỏ bọc của Vatican”.
Chaouqui nói rằng cô ta không tin bất cứ điều gì sai trái đã xảy ra giữa hai người, như báo chí Ý đã ngụ ý: “Tôi biết làm một người phụ nữ trong một thế giới của những người đàn ông là khổ như thế, và những tin đồn như thế cứ xảy ra”.
Cô ta cũng cáo buộc Hồng Y Becciu đã sử dụng các nhà báo để bôi nhọ những người mà ngài cảm nhận là kẻ thù, và để xóa bỏ những lời buộc tội chống lại ngài.
Sau khi cô được bổ nhiệm là thành viên của COSEA, ủy ban đánh giá việc cải cách tài chính của Vatican, Chaouqui cho biết một bài báo đã xuất hiện trên một tờ báo có tiêu đề “Một quả bom gợi cảm làm xấu hổ Vatican”, và sử dụng hình ảnh từ hồ sơ mạng xã hội của cô để miêu tả cô “là một người lẳng lơ với một người không phải chồng của tôi”.
Chaouqui nói cô ta “chắc chắn” rằng Hồng Y Becciu đứng sau bài báo này và nhiều bài báo phỉ báng khác nhắm vào các nhân vật của Vatican trong những năm qua, nhưng đã được bảo vệ vì “mọi nhà báo đều bảo vệ nguồn tin của họ và Becciu là nguồn tin cho nhiều người”.
Chaouqui cho biết cô lo sợ cho bản thân và gia đình ngay sau khi Hồng Y Becciu buộc phải tứ chức “Một người bị hủy hoại bởi nỗi đau như vị Hồng Y trong thời điểm đó không còn minh mẫn. Ông ta quy những trách nhiệm cho tôi mà tôi không đáng phải gánh”.
“Hôm nay tôi không chỉ tha thứ cho ông ta, mà về mặt nhân bản, tôi cảm thương ông ấy. Nếu ông ấy không mắc phải những sai lầm mà ông ấy đã gây ra, tôi có thể bảo đảm với bạn rằng ông ấy sẽ là giáo hoàng tiếp theo”.
Hồng Y Becciu, vẫn khăng khăng là mình trong sạch ngay từ đầu, nói với các nhà báo vào cuối phiên điều trần hôm thứ Ba rằng ngài tin rằng mình sẽ được chứng minh là vô tội và ngài đã quyết định kiện Chaouqui vì tội phỉ báng không chỉ vì những bình luận của cô trên các phương tiện truyền thông, nhưng những nhận xét mà cô ta đưa ra dường như đã tạo ra một phần trong cuộc điều tra ngài.
“Tôi bình tĩnh, tôi cảm thấy bình tĩnh trong lương tâm, tôi tin tưởng rằng các thẩm phán sẽ có thể nhìn thấy rõ sự việc và hy vọng lớn của tôi là chắc chắn rằng họ sẽ công nhận sự vô tội của tôi”. Ngài nói thêm rằng với “nỗi buồn rất lớn” ngài đã quyết định kiện Chaouqui và Đức ông Alberto Perlasca, một trong những phụ tá cũ của ngài, “về tội vu khống, đưa ra những sai lệch nghiêm trọng khi họ nói về tôi và điều đó đã xuất hiện trong các tài liệu xét xử”.
Tất cả những điều này sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn phải chờ xem, nhưng nếu có một điều chắc chắn, thì đó là chúng ta sẽ còn nghe dài dài về Chaouqui.
Source:Crux