Ngày 20-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Không Vô Tích Sự
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:31 20/09/2021
Không Vô Tích Sự

Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu gọi ông Matthêu (Lêvi) khi ông đang còn làm việc ở trạm thu thuế (x.Mt 9,9-13; Mc 2,13-17; Lc 5,27-32). Lúc bấy giờ ông mới đi theo Chúa Giêsu như nhiều môn đệ khác. Sau đó Chúa Giêsu mới chọn trong số các môn đệ lấy 12 vị đặt làm Tông Đồ, trong đó có Matthêu (x.Mt 10,1-4; Mc 3,13-19; Lc 6,12-16).

Chúa Giêsu đến nhà ông Matthêu dùng bữa và khi có nhiều người phái Pharisêu càm ràm thì Người đã nói rằng Người đến không để kêu gọi người công chính nhưng để kêu gọi người tội lỗi và rồi Người biểu họ hãy đi và học cho biết ý nghĩa câu Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần tế lễ”. Như thế chúng ta có thể khẳng định rằng không một ai, kể cả các môn đệ và các tông đồ thực là người công chính đúng nghĩa.

Ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa gìn giữ thì mọi người thảy đều “sinh ra trong tội” nghĩa là chịu ảnh hưởng bởi “nguyên tội” theo chiều kích xã hội. Tuy nhiên tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa vượt quá “tình trạng tội lỗi của con người” nên giáo hội không ngần ngại cất lên lời ca trong đêm Vọng Phục Sinh: “Ôi tội hồng phúc”. Và sự kiện Chúa Giêsu kêu gọi một người mà theo nhãn quan của dân Do Thái thời bấy giờ là tội lỗi gấp đôi người thường khiến chúng ta thêm xác tín chân lý này.

Tuy nhiên khi chọn Matthêu vào hàng ngủ Tông đồ chúng ta lại nhận biết thêm một chân lý này đó là ân sủng và tình thương của Thiên Chúa không loại bỏ các điều kiện tự nhiên phần phía con người. Chúa muốn mỗi người chúng góp phần của mình để tình yêu của Người được hiển lộ cho chúng ta và cho tha nhân.

Trong tập thể nhóm Mười Hai thì hầu hết là thất học, không biết đọc, không biết viết. Dĩ nhiên Matthêu là trường hợp ngoại lệ. Với cái nghề thu thuế thì chắc chắn ngài phải biết đọc biết viết. Những trang Tin Mừng ngài để lại còn cho chúng ta biết cách nào đó tính cách của ngài. Xem ra ngài là người tính khí khá kỹ lưỡng vì viết có trước có sau, có tích có tuồng (trích dẫn Cựu Ước). Văn phong, cú pháp của ngài cũng cân đối nhịp nhàng, chẳng hạn như “tám mối phúc thật”... Như thế có thể phỏng đoán rằng Chúa Giêsu cũng cần một người biết chữ và cẩn thận để lo quản lý việc chung bằng giấy tờ. Ngày nay chúng ta có thể xem đó như là “ngành kế toán – tài chính”. Sự phỏng đoán thì có thể có phần trăm thiếu chính xác nhưng điều chắc chắn là Chúa Giêsu đã không để ngài giữ việc quản lý, giữ tiền bạc, vì đó là việc đã giao cho ông Giuđa Iscariô.

Mừng lễ kính thánh tông đồ Matthêu, Kitô hữu chúng ta vốn thường đề cao lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc Chúa Giêsu đã chọn gọi người tội lỗi gấp đôi người thường để đi rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên xin đừng quên rằng Thiên Chúa còn muốn mỗi người chúng ta góp phần riêng của mình. Không một ai là người vô tích sự. Ước gì chúng ta nhận biết nén bạc Chúa trao cho mình là gì qua các khả năng để rồi sử dụng nó cho hữu hiệu vào công trình cứu độ của Thiên Chúa hầu làm vinh Danh Chúa và mưu ích cho hạnh phúc vĩnh cửu của con người.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:55 20/09/2021

16. Trước hết hãy để lòng con rời xa loài thụ tạo, sau đó thì đi tìm kiếm Thiên Chúa, nhất định con sẽ gặp Ngài.

(Thánh nữ Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:58 20/09/2021
64. NHẬN LỖI THAY NGƯỜI

Huyện quan vừa nhậm chức, liền sai tên sai dịch đi bắt ông thợ hớt tóc ở ngoài cổng phía bắc, và hạ lệnh đánh bốn mươi hèo thật mạnh, ông thợ hớt tóc không biết chuyện gì cả, bèn chịu đau hỏi:

- “Tôi phạm tội gì?”

Huyện quan nói:

- “Hừ, mấy năm trước ta có hớt tóc ở tiệm của ngươi, mày coi thường ta quá lắm”.

Ông thợ hớt tóc liên tục kêu oan:

- “Lão gia, ngài chưa bao giờ kêu tôi hớt tóc cho ngài mà !”

Huyện quan suy nghĩ chút xíu rồi nói:

- “Sai rồi, sai rồi !”

Té ra trước đây ông ta thường ra tiệm hớt tóc ở cửa bắc tại quê mình, và đã bị ông thợ ấy coi thường.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 64:

Có những người thường giận lâu giận dai, tức là đem cái giận dồn xuống trong bụng không để nó tan đi theo thời gian, cho nên khi có cơ hội là trả thù, người ta gọi đó là thù vặt...

Nguyên do để thù vặt là vì mình có tính nhỏ nhen, tị hiềm, tâm hồn không phóng khoáng và kiêu căng.

Đức Chúa Giê-su dạy cho chúng ta một phương pháp để trị thói thù vặt người khác nơi mình, phương pháp đó là: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” , bởi vì không một ai muốn người khác chửi mình, đánh mình, nói xấu mình, thù vặt mình, phê bình mình, nhưng chỉ muốn người khác yêu thương mình mà thôi...

Người Ki-tô hữu thì biết quá rõ câu Lời Chúa dạy trên đây phải không nào, do đó mà họ không thù vặt, không chấp xét những lỗi lầm của tha nhân...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khoảnh khắc diệu vợi
Lm. Minh Anh
22:23 20/09/2021
KHOẢNH KHẮC DIỆU VỢI
“Hãy theo Tôi!”; “Ông ấy đứng dậy đi theo Ngài”.

Ngày kia, cánh cổng đan viện Saint-Bernard khép lại, một thanh niên 22 tuổi buồn bã xuống núi; nơi khác, mẹ Bề trên dòng nữ Hôtel-Dieu cũng từ chối một thiếu nữ. Hai người ấy gặp nhau, tình yêu giữa họ chớm nở. Và một sáng mùa hạ, tại nhà thờ Đức Bà Alençon, Louis Martin thành hôn với Zélie Guérin, ‘khoảnh khắc diệu vợi’ đã đến, hai người được Chúa chọn để làm một người cha thánh, một người mẹ thánh của một gia đình thánh; trong đó, có Têrêxa Hài Đồng Giêsu!

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, kính nhớ thánh Matthêu, Tin Mừng cũng thuật lại một ‘khoảnh khắc diệu vợi!’. Khi cảm thấy một điều gì đó giá trị hơn, cao quý hơn, người ta dễ dàng rời bỏ công việc cũ; chẳng hạn, dễ thăng tiến hơn, lương cao hơn, đường đi làm ngắn hơn. Cũng thế, Matthêu rời bỏ công việc của mình để tìm một Ông Chủ tốt hơn; có thể nói, Matthêu, một người ‘mê tiền’, nay ‘mê Chúa’. ‘Khoảnh khắc diệu vợi’ được ghi lại, “Ngài bảo, “Hãy theo Tôi!”; “Ông ấy đứng dậy đi theo Ngài””.

Chỉ là một ngày bình thường như mọi ngày, tại Capharnaum, một thị trấn nhộn nhịp, và tại sở thuế, Matthêu đang chuẩn bị công việc của mình; gần đó, một người có tên Giêsu, cũng đang làm những việc thường ngày của mình, chữa một người liệt. Đó là một ngày bình thường với cả hai người. Nhưng sau đó, Giêsu xuống phố, nhìn thấy Matthêu, và… ngày bình thường kết thúc! Giêsu nói với Matthêu, khá đơn giản nhưng trực tiếp và mạnh mẽ, “Hãy theo Tôi!”. Và ‘khoảnh khắc diệu vợi’ đã xảy ra! Matthêu đi theo con người ấy. Những đồng xu La Mã có thể đã rơi ra từ nắm tay anh; hoặc có thể, anh đã nuốt một ngụm nước bọt vào họng, nhanh chóng chỉnh lại chiếc áo, rồi loạng choạng bước đi trong đám bụi mờ bởi đôi dép của con người ấy đập xuống mặt đất khô khốc! Từ đó, cuộc đời Matthêu đổi thay mãi mãi. Anh trở thành một người bạn, một môn đệ, một tông đồ… của một ‘Người Đàn Ông Quan Trọng Nhất’ trong lịch sử thế giới, Chúa Giêsu Kitô!

Chúa Kitô đi qua mọi cuộc đời. Mọi người đều có cơ hội nói ‘có’ hoặc ‘không’, ‘ở lại hoặc đi theo’, ‘thay đổi hay giữ nguyên trạng’; khoảnh khắc ấy có thể chỉ đến một lần và không bao giờ trở lại! Một cuộc sống dường như chỉ có thể vẽ lên hoặc vẽ xuống ‘một đường thẳng’ trên biểu đồ, hơn là tạo ra một góc vuông sắc nét của một đường ngang, một đường dọc với ‘mũi tên chỉ rõ hai hướng!’. Cuộc đời Matthêu đã biến đổi khi quỹ đạo của anh giao nhau với quỹ đạo của Chúa Giêsu. Khoảnh khắc ấy được hoạ sĩ Caravaggio ghi lại như một thước phim quay chậm. Một trục ánh sáng xuyên qua căn phòng trên đầu Chúa Giêsu; ngón tay xương xẩu của Ngài chỉ vào một ‘quý ông’ bảnh trai đang ‘với tay trên đống tiền’. Khung cảnh diễn ra không phải trên con phố nhưng trong một phòng tối. Ánh sáng và bóng tối nô đùa; tội lỗi và đức hạnh ẩu đả; quá khứ, hiện tại và tương lai bỡn nhả, rồi sẽ ra sao! Chúa Giêsu dường như đang nói, ‘Bạn sẽ cầm và ăn, đi và bán, sẽ đến và theo Tôi?’. ‘Một thách đố, một phép thử!’. Nhưng quan thuế ấy đã đáp lại, ngặt nghèo nhưng hào hiệp, và chúng ta nhớ đến Matthêu hôm nay, chỉ vì ‘khoảnh khắc diệu vợi’ ấy!

Giữ lại ký ức hồng ân ‘lần gọi’ đó, Matthêu đã “Ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi đã lãnh nhận”, “Trở nên con người trưởng thành, đạt đến tầm vóc của Đức Kitô viên mãn” như lời thánh Phaolô qua thư Êphêsô hôm nay. Nhờ quyết định đúng vào một thời điểm thích hợp, Matthêu đã thay đổi cuộc sống; từ đó, Matthêu miệt mài suy gẫm, chiêm ngắm và ghi ghi, chép chép về vị Thầy lạ lùng của mình, một Giêsu ‘rất người và rất Chúa’. Và cùng rao giảng Tin Mừng với các tông đồ, Matthêu đã cống hiến cuốn Phúc Âm tự tay mình viết ra, để hàng triệu người mọi thời, mọi nơi biết Chúa Giêsu, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.

Anh Chị em,

Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối trung thành, rất mực kiên nhẫn và hết lòng yêu thương. Ngài luôn đi tìm từng con người và bao nhiêu lần, đã có sự giao nhau rất thật giữa chúng ta với Ngài. Những khoảnh khắc ấy không chỉ xảy ra một lần, nhưng có thể từng ngày, từng giờ, trong từng biến cố buồn vui. Dầu muốn hay không, ‘khoảnh khắc diệu vợi’ ấy cũng sẽ xảy ra, hoặc đã xảy ra; chỉ có điều, chúng ta không nhận ra! Nhưng với trái tim của người Thầy; đúng hơn, của một người yêu, Chúa Giêsu vẫn đang đợi chờ, khát khao giây phút ấy xảy đến càng sớm càng tốt, hầu chúng ta không còn loạng choạng nhưng có thể mạnh mẽ bước đi, với hành trang duy nhất là chính Ngài; tiếp tục công việc của Matthêu, làm cho Tin Mừng vang dội khắp hoàn cầu. Tại sao không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì ngày sống của con được đan kết bởi những ‘khoảnh khắc diệu vợi’, khi con dám đứng lên, quay lưng với tội lỗi, để đi tới một ‘chân trời’ mà Matthêu đã gieo mình vào”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Virus Tầu độc điạ: 14 Hồng Y bị nhiễm coronavirus, một vị không qua khỏi
Đặng Tự Do
05:13 20/09/2021


Hiện tại Hồng Y Đoàn có 219 Hồng Y trong đó có 122 Hồng Y cử tri và 97 vị đã trên 80 và do đó không còn quyền bầu Giáo Hoàng. Dưới đây là dữ liệu về tác động của coronavirus trong số các thành viên của Hồng Y Đoàn.

Tính đến hôm Chúa Nhật 19 tháng 9, đã có ít nhất 14 vị Hồng Y bị nhiễm coronavirus, trong đang có một vị đã chết là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid, người Brazil. Mười ba vị Hồng Y đã vượt qua cơn bạo bệnh, mặc dù trong một số trường hợp, tình huống lâm sàng rất nghiêm trọng đã xảy ra. Vị Hồng Y mới nhất bị nhiễm bệnh, là Đức Hồng Y Jose Advincula, Tổng Giám Mục Manila, Phi Luật Tân.

1) Đức Hồng Y Jose Advincula - Tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân - hiện đang nằm bệnh viện.

2) Đức Hồng Y Jorge Urosa - Tổng giám mục hiệu tòa của Caracas, Venezuela - hiện đang nằm viện vì covid 19

3) Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti - Tổng Giám Mục Perugia, Ý - nằm bệnh viện vài tuần, nay đã khỏi bệnh.

4) Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng Giám Mục Managua, Nicaragua - nhập viện, chữa khỏi, xuất viện nhưng hiện đang bị cách ly.

5) Đức Hồng Y Raymond L. Burke - nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng, đã khỏi bệnh. Hiện đang nghỉ dưỡng sức.

6) Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid - Tổng giám mục hiệu tòa của Rio de Janeiro, Brazil - Qua đời ngày 19 tháng Giêng năm 2021.

7) Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Bologna, xét nghiệm dương tính với Covid, bị buộc phải cô lập tại nhà hồi tháng 12 năm 2020. Nay đã khỏi.

8) Đức Hồng Y Luis Tagle, Tổng Giám mục hiệu tòa của Manila, Phi Luật Tân, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Xét nghiệm dương tính, và nhập viện ở Manila. Đã chữa lành tháng 9 năm 2020.

9) Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục Luxembourg và Chủ tịch Comece, Xét nghiệm dương tính vào tháng Giêng năm 2021. Hiện nay đã khỏi.

10) Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng giám mục hiệu tòa của Naples, Ý. Đã bị nhiễm và được chữa lành tháng Giêng năm 2021.

11) Đức Hồng Y Francesco Montenegro, Tổng giám mục hiệu tòa của Agrigento, Ý. Bị lây nhiễm. Đã lành bệnh hồi tháng 10 năm 2020.

12) Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, nhập viện vào ngày 21 tháng 12 năm 2020 tại Gemelli. Nay đã khỏi.

13) Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, Chủ tịch danh dự của Ủy ban Giáo hoàng về Quốc gia Thành phố Vatican và Thống đốc danh dự của Chính quyền Quốc gia Thành phố Vatican. Đã lây nhiễm và được chữa lành tháng 12 năm 2020.

14) Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Rôma, sốt cao, xét nghiệm dương tính với coronavirus, được đưa vào bệnh viện Gemeli ngày 30 tháng 3, 2020. Ngài được xuất viện ngày 10 tháng Tư.
 
HĐGM Mỹ: Hành động ngay bây giờ để ngăn chặn dự luật phá thai cực đoan nhất từ trước đến nay
Đặng Tự Do
05:14 20/09/2021


Hôm thứ Bẩy 18 tháng 9, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã ra một thông báo toàn văn như sau:

Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu cho dự luật phá thai cực đoan nhất từ trước đến nay.

Cái gọi là “ Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ “ (HR 3755 / S. 1975) sẽ áp đặt phá thai theo yêu cầu, ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Nó sẽ được áp dụng trên toàn quốc — ngay cả ở những tiểu bang không muốn điều đó.

Ngay cả những luật lệ ủng hộ cuộc sống khiêm tốn và phổ biến ở mọi cấp chính quyền — cấp liên bang, tiểu bang và địa phương — cũng sẽ bị hạn chế. Điều này bao gồm cả việc không cần sự đồng ý của cha mẹ trong trường hợp phá thai của các trẻ em gái vị thành niên, các biện pháp bảo vệ sức khỏe hoặc an toàn tại các cơ sở phá thai.

Nó sẽ buộc người Mỹ phải trả tiền cho việc phá thai ở đây và ở nước ngoài bằng tiền thuế của họ.

Nó cũng có thể sẽ buộc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe như bác sĩ và y tá phải thực hiện, hỗ trợ hay giới thiệu việc phá thai trái với niềm tin sâu sắc của họ. Người sử dụng lao động và công ty bảo hiểm sẽ bị buộc phải đài thọ hoặc trả tiền cho việc phá thai.

Chúng ta cần phải nói với Hạ Viện NGAY BÂY GIỜ rằng dự luật khủng khiếp này không thể được ban hành.

Hãy tham gia cùng Đức Tổng Giám Mục Naumann trong việc yêu cầu Hạ viện phản đối HR 3755/S.1975.
Source:USCCB
 
Các giám mục Hoa Kỳ cảnh báo chống lại việc tài trợ phá thai trong dự luật ngân sách
Đặng Tự Do
05:15 20/09/2021


Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ hôm thứ Sáu đã cảnh báo chống lại việc tài trợ cho hoạt động phá thai trong một dự luật chi tiêu khổng lồ đang được Quốc hội xem xét.

“Quốc hội có thể, và phải, quay lại, không được tài trợ cho phá thai bằng tiền thuế dân, qua đạo luật Build Back Better”, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City thuộc tiểu bang Kansas, chủ tịch của Ủy ban phò sinh của các Giám Mục Hoa Kỳ, và Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của thành phố Oklahoma, chủ tịch ủy ban công lý quốc nội và phát triển nhân văn của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên của Quốc hội và chính quyền hãy làm việc với thiện chí để thúc đẩy các quy định chăm sóc sức khỏe quan trọng và cứu các mạng sống, chứ không phải là buộc người Mỹ phải trả tiền cho việc phá hủy đời sống thai nhi trong bụng mẹ”

Tuần này, các ủy ban Hạ viện đã nâng cao các gói chi tiêu liên bang mà cuối cùng có thể đạt tổng cộng 3.5 nghìn tỷ đô la. Bao gồm trong các phần chăm sóc sức khỏe là một số đề xuất được hỗ trợ bởi USCCB. Chúng bao gồm mở rộng phạm vi bảo hiểm Medicaid, bảo hiểm sau sinh cho các bà mẹ, và tài trợ của Chương trình Bảo hiểm Y tế Trẻ em.

“Các giám mục Công Giáo là những người ủng hộ mạnh mẽ cho các đề xuất ở cả cấp liên bang và tiểu bang nhằm bảo đảm tất cả mọi người sẽ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng,” hai vị Tổng Giám Mục Naumann và Coakley cho biết hôm thứ Sáu.

“Tuy nhiên, văn bản lập pháp do hai ủy ban Hạ viện đưa ra cũng tài trợ cho việc phá thai, việc cố ý hủy hoại những trẻ em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta - những người còn trong bụng mẹ. Điều này là không thể được.”

Một số thành viên, chẳng hạn như Dân biểu Cathy McMorris-Rodgers, của Đảng Cộng Hòa đơn vị Washington, và Dân biểu Debbie Lesko, của Đảng Cộng Hòa, đơn vị Arizona, đã cố gắng bổ sung các sửa đổi để cấm tài trợ phá thai; những nỗ lực đó đã bị chặn trong tuần này, trong các cuộc điều trần tại Hạ viện.
Source:Catholic News Agency
 
Thống đốc Kevin Stitt của Oklahoma ký một lúc chín luật mới về phò sinh
Đặng Tự Do
05:15 20/09/2021


Hôm thứ Năm 16 tháng 9, Thống đốc Kevin Stitt của Oklahoma ký một lúc chín luật mới về phò sinh. Ông cho biết: “Tôi đã hứa với người dân Oklahoma rằng tôi sẽ ký mọi văn bản luật ủng hộ sự sống trên bàn làm việc của tôi và tôi tự hào giữ lời hứa đó. Với tư cách là một người cha của 6 đứa con, thật vinh dự khi được trở thành thống đốc phò sinh nhất đất nước và tôi sẽ luôn nỗ lực để bảo vệ cuộc sống của những đứa trẻ chưa chào đời”.

Marjorie Dannenfelser, Chủ tịch Susan B. Anthony List, được mời tham dự buổi lễ ký kết nói:

“Thống đốc Stitt đã giữ lời hứa của mình là sẽ ký vào mọi văn bản của đạo luật ủng hộ mạng sống được gửi đến bàn làm việc của ông ấy. Ông là người đi đầu trong nỗ lực toàn quốc nhằm thách thức hiện trạng và các nỗ lực hiện đại hóa luật phá thai cực đoan của chúng ta. Trên toàn quốc, các thống đốc ủng hộ sự sống đang thực hiện những hành động táo bạo để bảo đảm rằng luật pháp của tiểu bang phản ánh ý chí của các thành viên của họ và tính khoa học rõ ràng thể hiện tính nhân văn của những đứa trẻ chưa sinh. Khi các đảng viên Đảng Dân chủ cấp tiến ở Washington thúc đẩy phá thai theo yêu cầu do người nộp thuế trả tiền và tìm cách mở rộng các loại thuốc phá thai nguy hiểm, các nhà lãnh đạo ủng hộ sự sống mạnh mẽ ở các tiểu bang là cực kỳ quan trọng - và họ đang đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Cuộc sống đang chiến thắng ở Oklahoma và khắp nước Mỹ. Tôi tự hào được sát cánh cùng Thống đốc Stitt vào thời điểm lịch sử này và thay mặt những người Mỹ ủng hộ sự sống cảm ơn ông ấy vì sự lãnh đạo của ông ấy.”


Source:Oklahoma Government
 
Các tín hữu Kitô Afghanistan hoàn toàn bị phớt lờ trong nghị quyết của Nghị viện Âu Châu
Đặng Tự Do
16:15 20/09/2021


Một thành viên của Nghị viện Âu Châu cho biết hôm thứ Năm rằng cơ quan xây dựng luật của Liên Minh Âu Châu đã “hoàn toàn phớt lờ” hoàn cảnh của thiểu số Kitô Hữu ở Afghanistan trong một nghị quyết gần đây.

Carlo Fidanza, đồng chủ tịch Liên nhóm về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng của quốc hội, nói rằng nghị quyết được thông qua vào ngày 16 tháng 9 cho thấy sự thờ ơ chung của châu Âu đối với các Kitô hữu.

Ông nói: “Nghị quyết này một lần nữa thể hiện sự vô tâm đầy tội lỗi của Âu Châu, không chỉ đối với Kitô hữu Afghanistan - những người hoàn toàn bị văn bản phớt lờ - mà còn đối với Kitô hữu nói chung”.

Chính trị gia người Ý kể lại rằng vào tháng 6, Nghị viện Âu Châu đã bác bỏ đề xuất tổ chức cử hành các sự kiện hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về tự do tôn giáo.

Ông nói: “Như tôi đã nói về việc họ bác bỏ việc thành lập Ngày Tự do Tôn giáo ở Âu Châu, điều đáng lo ngại là hiện nay việc im lặng được coi là bình thường đối với thảm kịch mà các Kitô Hữu bị đàn áp phải đối mặt”, ông nói.

Nghị quyết, được thông qua tại Strasbourg, Pháp, nói rằng Nghị viện Âu Châu đã “kinh hoàng” trước các báo cáo về các hành động của Taliban chống lại “phụ nữ và trẻ em gái, những người bảo vệ nhân quyền, người LGBTI +, người có tôn giáo và các dân tộc thiểu số, nhà báo, nhà văn, học giả và nghệ sĩ”.

Nghị quyết đề cập đến người Shiite Hazara như một ví dụ về thiểu số bị đàn áp, nhưng nó không đề cập cụ thể đến Kitô hữu của đất nước này.

Vị trí đặc phái viên về tự do tôn giáo của Âu Châu hiện đang bị bỏ trống sau khi người đương nhiệm, Christos Stylianides, từ chức chỉ sau vài tháng đảm nhiệm vai trò này. Vị trí này trước đó vẫn từng bị bỏ trống trong suốt hai năm.

ADF International ước tính rằng 10,000 Kitô Hữu đang sống trong tình trạng nguy hiểm sau khi Taliban tiếp quản đất nước có 38 triệu dân nằm ở ngã tư Trung và Nam Á. Hầu hết họ là những người đã cải đạo từ Hồi giáo sang Kitô Giáo, một hành vi bị trừng phạt bằng cái chết theo Luật Sharia.

Nhóm pháp lý cho biết đã có những báo cáo đáng tin cậy rằng lực lượng Taliban đang giết những người theo Kitô Giáo bị phát hiện sử dụng phương tiện giao thông công cộng và hành quyết những người được tìm thấy có Kinh thánh trên điện thoại di động của họ.


Source:Catholic News Agency
 
Tổng giám mục Praha nói rằng Armenia bị bao vây bởi kẻ thù, sự tồn tại của Armenia ngay cả bây giờ vẫn còn là một vấn đề
Đặng Tự Do
16:16 20/09/2021


Một cây thánh giá bằng đá theo kiến trúc Armenia đã được lắp đặt hôm thứ Tư tại công viên trung tâm của Kralupy nad Vltavou, Cộng hòa Tiệp.

Người đứng sau việc lắp đặt cây thánh giá bằng đá này là Telman Nersisjan. Trong phát biểu của mình tại sự kiện, ông đã nhấn mạnh rằng cây thánh giá bằng đá này được dành để tưởng nhớ 1.5 triệu nạn nhân của cuộc diệt chủng Armenia năm 1915.

Đức Hồng Y Dominik Duka, lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Công Giáo Tiệp và là Tổng Giám mục Praha, đã làm phép cây thánh giá. Ngài không chỉ phản ánh về những đau khổ và bất công mà người dân Armenia phải gánh chịu và ký ức của hàng triệu nạn nhân trong cuộc diệt chủng nói trên, mà còn đề cập đến hoàn cảnh của những người Armenia sống ở Armenia ngày nay. Ngài đặc biệt lưu ý rằng Armenia bị bao vây bởi những kẻ thù và sự tồn tại của Armenia ngay cả bây giờ vẫn còn là một vấn đề.
Source:Armernia News
 
Cuộc Phỏng vấn về Quân dội Taliban đã giết cha mẹ của một người Afghanistan theo đạo Công Giáo
Thanh Quảng sdb
17:04 20/09/2021


Cuộc Phỏng vấn về Quân dội Taliban đã giết cha mẹ của một người Afghanistan theo đạo Công Giáo



(Aleteia - Wandel | Shutterstock)

Ngày 19/09/21, Tổ chức này nâng đỡ các Giáo hội hầm trú cho hay trong cuộc phỏng vấn Ali Ehsani, người đã trốn chạy khỏi Afghanistan sau khi cha mẹ của anh bị giết vì đức tin...

Ali Ehsani năm nay đã 38 tuổi và là một luật sư, kể lại cuộc hành trình dài và đầy căm go mà anh đã trải qua để tới được Ý lúc 13 tuổi. Anh đã trốn khỏi Afghanistan sau khi cha mẹ bị giết, vì theo đạo Công Giáo. Người anh trai duy nhất của anh cũng bị chết trên đường vượt thoát. Ở Afghanistan, anh đã sống niềm tin của mình một cách bí mật tuyệt đối.

Khi còn nhỏ, anh thấy mình “bình thường”, không khác gì những bạn đồng trang lứa, tất cả đều lớn lên trong bầu khí Hồi giáo. Dù anh không nhận thức được, nhưng Ali là một người theo đạo Thiên chúa. Cha mẹ anh không bao giờ chia sẻ công khai về tôn giáo của họ vì sợ các con mình vô tình sẽ tiết lộ!... Anh nhớ mẹ anh luôn dành một chỗ trong bàn ăn để phòng trường hợp có ai đó đến xin ăn.

Raquel Martín của Tổ chức Nâng dỡ các giáo hội hầm trú nói với Thông tấn xã (ACN) về cuộc phỏng vấn người Afghanistan theo đạo Công Giáo, cả cuộc đời của họ khát vọng theo Chúa dù có bị bắt bớ vì điều đó.

Làm thế nào bạn phát hiện ra rằng gia đình của bạn theo đạo Công Giáo?

Khi tôi 8 tuổi, tôi đến trường và các bạn cùng lớp hỏi tôi tại sao bố mày không cầu nguyện ở đền thờ Hồi giáo! Tôi về nhà và hỏi cha tôi và ông ấy nói, "Ai đã hỏi con vậy?" Cha tôi không trả lời nhưng dặn tôi không được nói với ai rằng chúng tôi là người Công Giáo. Cha tôi cho hay những người theo đạo thì đến nhà thờ… Và cha tôi không nói thêm gì nữa, sợ tôi nói với bạn bè...

Điều gì đã xảy ra sau đó?

Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng bị phát hiện là Công Giáo. Một ngày nọ, tôi đi học về và thấy Taliban đã phá hủy ngôi nhà của chúng tôi và giết chết cha mẹ tôi. Anh trai tôi và tôi buộc phải trốn chạy khỏi Afghanistan.

Anh tôi lúc ấy 16 tuổi và tôi 8 tuổi. Cuộc hành trình kéo dài 5 năm. Tôi đã viết lại cuộc phiêu lưu của chúng tôi trong cuốn sách “Tối nay chúng ta cùng ngắm sao”. Đó là một chuyến đi đầy khó khăn đưa chúng tôi vượt qua Afghanistan, Pakistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để đến Ý. Anh tôi đã chết trên đường vượt thoát!..

Cùng với anh, hai anh em cùng xuống thuyền từ bờ biển Hy Lạp. Người anh đã tử nạn vì tầu đắm còn Ali may mắn sống sót nhờ bám vào một can dầu. Trong lúc đó, anh ấy nói với CAN rằng "Nếu Chúa Giêsu hiện diện, Ngài sẽ cứu anh khỏi chết!..." Lúc đó anh mới 11 tuổi mà đã hoàn toàn mồ côi... Khi đến được Ý, anh biết mình muốn học gì, anh tự nhủ: “mình phải học luật để có thể bênh vực những người cô thân yếu thế và giúp đỡ những người đau khổ như anh ấy.

Anh ấy chưa bao giờ quên nguồn gốc Afghanistan của mình. Anh đã từng liên lạc với các gia đình Công Giáo, sống bí mật tại quê hương và nâng đỡ đức tin của họ.

Những người ở Afghanistan sống niềm tin trong bí mật như thế nào?

Tôi biết một gia đình Công Giáo qua một người bạn và chúng tôi thường trao đổi với nhau. Tôi đã gửi cho họ những đoạn video Thánh Lễ qua điện thoại di động. Điều này rất phức tạp và nguy hiểm vì họ chưa bao giờ tham dự Thánh lễ, tuy nhiên, khi xem đoạn phim, họ vô cùng xúc động đến bật khóc… dù họ không hiểu gì, vì ngôn ngữ khác biệt…

Họ đã bị Taliban phát hiện…

Trong khi xem Thánh Lễ, họ đã bật tivi để cả gia đình có thể nghe và thấy, một người hàng xóm đã phát hiện ra họ là Công Giáo và đã tố giác họ.

Chuyện gì đã xảy ra?

Người bố trong gia đình đã bị bắt và đó là lần cuối cùng gia đình thấy ông! Vì thế gia đình họ buộc phải chạy trốn và ẩn náu trong các khu vực sa mạc hoang vắng... May mắn họ liên lạc được với chính quyền Ý và Vatican, và được can thiệp đưa ra khỏi nước và hiện đang sống ở Ý.

Gia đình đó đã làm gì trong những ngày đầu tiên được sống tự do?

Lần đầu tiên được tham dự thánh lễ, tất cả họ chỉ khóc. Khóc vì xúc động, khóc vì họ được tự do công khai sống đức tin. Họ chia sẻ: "Sau khi sống nhiều năm trong nô lệ kìm kẹp… nay chúng tôi dừng như được tái sinh."

Khi gia đình chạy trốn, họ không mang theo được gì cả. Một trong hai người con trai mặc chiếc áo sơ mi được thiết kế theo phong cách đặc trưng của người Afghanistan cho đến ngày được vào Ý. Chiếc áo này anh đã tặng cho ĐTC Phanxicô như một món quà mà một nhà báo đã giúp anh bay đến Hungary và Slovakia để dâng tặng ĐTC.

Anh Ali rất vui và mỉm cười… không rõ cha mẹ anh đã rửa tội cho anh ở quê nhà chưa, nên anh quyết định xin được nhận Bí tích Thanh Tẩy và các Bí tích khai tâm tại Vương cung thánh đường Thánh John Lateran ở Rôma. Vào cuối cuộc phỏng vấn, anh xin các đọc giả của ACN hãy cầu nguyện cho hòa bình thế giới.

Để biết thêm thông tin về tình hình của những người Công Giáo ở Afghanistan, hãy xem các Báo cáo Tự do Tôn giáo: https://acninternational.org/reliosystemfreedomreport/reports/af/

Để tìm hiểu thêm về sự giúp đỡ Giáo hội đau khổ, bạn có thể truy cập www.churchinneed.org (từ Hoa Kỳ) và www.acninternational.org (bên ngoài Hoa Kỳ).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tọa Đàm Về Văn Học Công Giáo Tại Quy Nhơn
Lm Trăng Thập Tự
08:36 20/09/2021
Nhân dịp họp mặt các tác giả văn chương Công Giáo lần thứ 10, sáng Chúa nhật 19/92021, Ban Văn hóa giáo phận Quy Nhơn tổ chức tọa đàm văn học với chủ đề: “Văn học Công Giáo đương đại”. Ngày họp mặt này bắt đầu từ dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, 21-22/9/2012 đến nay. Mỗi năm Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đều tổ chức gặp gỡ các tác giả Công Giáo tại Chủng viện Qui Nhơn. Năm nay do hoàn cảnh đại dịch Covid, buổi gặp gỡ được tổ chức trực tuyến.

Tuy thiếu cảnh trực tiếp tay bắt mặt mừng, nhưng bù lại, số tham dự viên vượt hẳn các năm trước. Tọa đàm được vinh dự đón tiếp Đức cha Matthêô, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn kiêm Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật thánh, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học và Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Văn học và gần một trăm tham dự viên là các tác giả Công Giáo đến từ khắp các miền đất nước cùng hai vị hải ngoại

Sau hát kinh Chúa Thánh Thần, Đức cha Matthêô nhắc tới lai lịch ngày họp mặt và tuyên bố khai mạc. Trong phần chia sẻ, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn ghi nhận rằng từ xa xưa, đã có sự hội nhập văn học Việt Nam với phương Tây qua văn học Công Giáo, và ngày nay giới nghiên cứu ngày càng quan tâm tới Văn học Công Giáo. Nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh từ Canada bày tỏ sự vui mừng khi tham dự tọa đàm về văn học Công Giáo. Ông nói rằng thế hệ nghiên cứu lớp trước giờ đã “lão hóa”, và mừng rằng, qua tọa đàm đã thấy thế hệ trẻ đang tiếp bước.

Tám diễn giả đã trình bày tám chuyên đề từ nguồn gốc văn học Công Giáo, Hán Nôm Công Giáo đến văn học Công Giáo từ 1975 đến nay.

Cuối buổi tọa đàm, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, có bài tổng kết.

Trước hết ngài lượng giá buổi tọa đàm qua cụm đề tài về lịch sử, với các bài:

- Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam (Lm. Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Gp. Qui Nhơn).

- Hán Nôm Công Giáo (Ts. Maria Lê Thị Hà, viện Hán Nôm).

- Bước dò dẫm của các cây bút nữ (Nữ tu Anna Nguyễn Thị Bích Hạt, Dòng MTG Thủ Đức).

- Vài nét về văn học Công Giáo trong nước từ 1975 tới nay (Nhà văn Maria Nguyễn Thị Khánh Liên, Gp. Nha Trang).

Rồi cụm đề tài về văn học địa phương, với các bài:

- Văn học Công Giáo Tây nguyên (Nhà nghiên cứu Lê Phêrô Minh Sơn, Gp. Kontum).

- Du lịch văn học tại Bình Định? (Ts. Lê Nhật Ký, Đại học Quy Nhơn).

Thứ ba là cụm đề tài hướng đến tương lai, với các bài:

- Khích lệ các tác giả văn Công Giáo (Nhà văn Phêrô Nguyễn Văn Học, Gp. Hà Nội).

- Hướng tới một giải văn học Công Giáo toàn quốc (Lm. Gioan Phêrô Trăng Thập Tự, Gp. Qui Nhơn).

Từ hai đề tài cuối này, Đức Cha Giuse đã cho câu trả lời về một điều được nhiều lần nhắc lại qua các bài thuyết trình là ước vọng về một Giải Văn chương Công Giáo toàn quốc. Ngài cho biết đề xuất xin Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam ủy quyền cho một Ban Văn hóa Giáo phận có thực lực và kinh nghiệm là khả thi. Ngài nói: “Chắc chắn ngay hôm nay chúng ta chưa thể đưa ra MỘT QUYẾT ĐỊNH CHÍNH THỨC, vì cần phải có một sự đồng thuận cao từ chính chúng ta, của nhiều phía, để UBVH sẽ có đề nghị chính thức tới các Bản quyền Giáo phận, và Ban VH của các GP liên quan để mong được sẽ có một quyết định chính thức vấn đề này.” (Mời xem toàn văn bài phát biểu tổng kết đính kèm).

Phát biểu ấy của Đức Cha Chủ tịch đã làm nức lòng cử tọa. Mọi người chia tay trong niềm hân hoan đợi chờ sớm được thấy quyết định chính thức ấy.

Thư ký của Tọa đàm
 
Bài Phát Biểu Của ĐGM Chủ Tịch Uỷ Ban Văn Hóa: Tọa Đàm Về Văn Học Công Giáo Và Giải Văn Chương Công Giáo Toàn Quốc
+ GM Giuse Đặng Đức Ngân
08:42 20/09/2021
Bài Phát Biểu Của ĐGM Chủ Tịch Uỷ Ban Văn Hóa: Tọa Đàm Về Văn Học Công Giáo Và Giải Văn Chương Công Giáo Toàn Quốc

Bài phát biểu đúc kết của Đức cha Chủ tịch Ủy ban Văn hóa

trong tọa đàm về văn học Công Giáo 19-9-2021

Trọng kính Đức cha Matthêô, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn

Kính thưa quý Cha và quý tham dự viên cuộc tọa đàm hôm nay

Xin cho tôi được bày tỏ niềm vui khi được mời tham dự và có vài tâm tình trong cuộc tọa đàm với chủ đề: “Văn học Công Giáo đương đại”. Tôi đã cảm nhận hai niềm vui xuất phát từ chính cuộc “quy tụ” đặc biệt này: (1) Trước hết, là niềm vui được gặp gỡ cả thanh lẫn hình trong hoàn cảnh dịch bệnh tưởng như không thể quy tụ và gặp gỡ; đặc biệt được gặp nhau trong bầu khí huynh đệ từ giáo phận mẹ của Giáo phận Đà Nẵng chúng tôi là Giáo phận Qui Nhơn để cùng chia sẻ những chủ đề liên quan đến “văn hóa-nghệ thuật” mà Đức Cha Matthêu và tôi được vinh dự phân nhiệm trong Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN). (2) Thứ đến, cách tổ chức cuộc tọa đàm này cũng rất đặc biệt vì là “trực tuyến” thích hợp với hoàn cảnh và cũng là xu thế hiện nay của thế giới và ngay tại Việt Nam chúng ta, đặc biệt là trong cách hoạt động của chính quyền dân sự và xã hội, ngay cả trong việc giáo dục đào tạo, kể cả các lớp rất nhỏ! Nói theo ngôn ngữ xã hội hiện nay thì hình thức trực tuyến (online hoặc livestream) đang là “xu thế thời đại” và “tất yếu” trong hoàn cảnh khó khăn cho việc tập trung và di chuyển trong giai đoạn dịch bệnh covid-19 đang hoành hành. Giáo hội hoàn vũ nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đang sử dụng phương tiện này cho các hoạt động tông đồ, mục vụ và phụng vụ của mình. Có một kiểu nói đặc biệt cho việc ứng dụng các phương tiện truyền thông xã hội trong thời đại internet này là “ngôn ngữ mới và văn hóa mới” (new language, new media culture). Tôi xin có bày tỏ sự ấn tượng với lời khen và rất biết ơn ban tổ chức của Ban văn hóa giáo phận Quy Nhơn đã can đảm tổ chức trực tuyến Buổi tọa đàm về Văn học Công Giáo đương đại. Ban Tổ chức có đề nghị tôi phát biểu vài ý kiến về 2 nội dung:

1/ Tóm tắt lại các đề tài đã trong buổi tọa đàm chúng ta vừa nghe:

Có 8 đề tài được trình bày theo 3 nhóm chủ đề mà tôi phân ra như sau:

a/ 4 đề tài chuyên biệt về văn học Công Giáo:

Đề tài 1: Tìm kiếm và bảo tồn vănhọc Hán Nôm Công Giáo do Chị Maria Lê Hà thuyết trình.

Đề tài 2: Bước dò dẫm của các nữ tác giả văn học Công Giáo do Nữ tu Anna Nguyễn Bích Hạt thuyết trình.

Đề tài 4: Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam, do diễn giả là Cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Gp Qui Nhơn.

Đề tài 5: Văn học Công Giáo từ năm 1975 đến nay do chị Nguyễn thị Khánh Liên trình bày.

b/ 2 đề tài liên quan tới văn học Công Giáo địa phương:

Đề tài 3: Đôi nét văn học Công Giáo Tây Nguyên do diễn giả Ông Phêrô Lê Minh Sơn trình bày.

Đề tài 7: Khai thác văn học Công Giáo với việc phát triển du lịch tại Bình Định do Tiến sĩ Lê Nhật Ký trình bày.

c/ 2 đề tài liên quan đến việc đề xuất cho hướng phát triển nền văn học Công Giáo tương lai:

Đề tài 6: Khích lệ cho việc phát triển nền văn xuôi Công Giáo do Anh Nguyễn Văn Học trình bày.

Đề tài 8: Hướng tới một giải văn chương Công Giáo toàn quốc do Lm. Võ Tá Khánh trình bày.

Trước hết, cám ơn Ông Bùi Công Thuấn là người hướng dẫn chương trình rất tri thức, dí dỏm và nhẹ nhàng giúp tọa đàm tốt đẹp. Ngoài 8 đề tài, còn có sự hiện diện và bày tỏ ý kiến của Phó Gs-Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn-Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam. Ông nhận định Văn học Công Giáo đã đóng góp ngay từ ngày đầu cùng với Văn học dân tộc Việt Nam tiếp cận với nền văn học Phương Tây để cùng phát triển nền Văn học đương đại trên thế giới và Việt Nam.

Có thể nói rằng tất cả 8 đề tài đều được các diễn giả nghiên cứu công phu và trình bày rất tâm huyết trong chương trình Tọa đàm hôm nay. Tôi rất mừng khi nhận thấy các nội dung chủ đề được trình bày với định hướng là bảo tồn và phát triển hướng về Loan báo Tin mừng; trong đó có thêm những đề xuất mang tính nhằm vào khả năng phát triển lâu dài mang tính phổ quát, cộng đồng và Công Giáo. Với những đề tài mang tính nghiên cứu, tôi rất mong chúng ta nên có thêm những tìm tòi chuyên sâu hơn, đặc biệt đối với các nguồn tư liệu liên quan đến Hán-Nôm, Quốc ngữ thời sơ khai và tìm cách bảo tồn cũng như phổ biến cho các thế hệ trẻ có thể tham khảo và thưởng thức. Điều đặc biệt trong chương trình có ba đề tài do ba người nữ (trong đó có một nữ tu) muốn nói tới sự trân trọng và vai trò của người nữ trong văn học Công Giáo. Ngoài ra, tôi cũng lưu ý đặc biệt đến việc tìm cách mở rộng và khuyến khích nỗ lực tìm tòi và nghiên cứu khoa học để lưu giữ và phổ biến các tư liệu và sự phong phú của nền văn học Công Giáo tại các giáo phận. Đối với các đề xuất mang tính thực hành để có thể lưu giữ và phát triển phục vụ cho các hoạt động tông đồ mục vụ (đa dạng) và loan báo Tin Mừng cần được kiên trì để có thể hiện thực trước khi quá muộn. Những điều này cần sự chung lòng và hợp sức của nhiều thành phần dân Chúa; cách riêng những vị có trách nhiệm và thẩm quyền cần có “tâm” và có “tầm” hơn trong lãnh vực khá riêng biệt này. Đây cũng là một trong những ưu tư và nỗ lực của Ủy ban Văn hóa (UBVH) trực thuộc HĐGMVN mà chúng tôi luôn trăn trở để có thể thực hiện cho Giáo hội Việt Nam chúng ta.

(2) Xin Đức cha cho biết đường hướng hoạt động văn hóa, văn học của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong giai đoạn tới. Như chúng ta cũng biết, tháng 04/2017, sau khi ĐC Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch UBVH qua đời, quý Đức Giám Mục trong cuộc họp thường niên kỳ I tại Tgm Nha Trang đã bầu tôi là Chủ tịch UBVH trực thuộc HĐGMVN. Tôi bắt tay hoàn thiện cơ cấu, và tiếp tục đặt Cha Giuse Nguyễn Tín Ý làm Thư ký của UBVH (trước được gọi là Tổng thư ký). Từ đó đã có buổi Hội thảo về Chữ quốc ngữ tại Trung tâm Mục vụ Tgp Tp Hồ Chí Minh. Đã chuẩn bị xong lần hội thảo II tại Tgp Huế, thì Covid.19 đã khiến phải hoãn lại. Sau đề nghị của UBVH, HĐGMVN đã trao cho UBVH lập Thư viện của HĐGMVN, hiện đang thực hiện tại Trụ sở HĐGMVN, 72/12 Trần Quốc Toản, Q.3. Tp Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng biết, mỗi UB của HĐGM mỗi năm chỉ có một kinh phí rất nhỏ bé do HĐGM trao, còn tất cả mọi chi phí cho hoạt động, phát triển, hội thảo, in sách… đều tự thu xếp. Ngay việc thành lập Thư viện của HĐGM như mua sắm máy móc, trang bị thư viện, mua và photo, scan sách cũng là sự “vận động” xin các ân nhân.

Chính vì vậy, tôi đã rất quan tâm khi nhận được đề nghị của Cha Trăng Thập Tự, Ban Văn hóa gp Qui Nhơn với những thao thức: Trước hết là thẩm quyền tổ chức giải; thứ hai là chuyện kinh phí, thứ ba là tìm đâu ra những người đủ trình độ và có cùng cái nhìn mục vụ để mời làm giám khảo, và thứ tư là nhân sự tổ chức. Ngài tâm sự: Cả giải Đất Mới tại Xuân Lộc và giải Viết Văn Đường Trường tại Qui Nhơn đều có những kết quả khả quan, thế nhưng khi càng làm, càng thấy cần phải có một Giải thưởng toàn quốc, bằng không mọi chuyện dù kết quả tới đâu cũng không có tương lai. Chắc chắn, chúng ta sẽ phải tìm giải pháp để đưa ra một quyết định như mong ước và đề nghị của Cha Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự), đó là nâng tầm giải Đất Mới thành giải văn chương Công Giáo toàn quốc. Nếu đề xuất trên thực hiện thì nên chăng đề nghị Giáo phận Xuân Lộc đứng ra tổ chức, một Giáo phận có nhiều điều kiện về nhân sự và khả năng kinh phí, hoặc ngay chính GP Qui Nhơn với giải Viết văn đường trường và những Vị khả năng văn hóa cũng là một khả thi.

Ngày hôm qua, Vatican News đã trích lời của ĐTC Phanxicô như sau: “Niềm hy vọng sẽ giúp chúng ta nhận ra: luôn có một lối thoát; chúng ta luôn có thể tái định hướng các bước đi của mình; và chúng ta luôn có thể làm điều gì đó để giải quyết vấn đề của mình”. Như vậy, từ tâm tình của ĐTC Phanxicô, chúng ta đều có quyền hy vọng, và cùng tìm ra giải pháp nào thích hợp nhất cho chương trình và mong ước của chúng ta. Chắc chắn ngay hôm nay chúng ta chưa thể đưa ra MỘT QUYẾT ĐỊNH CHÍNH THỨC, vì cần phải có một sự đồng thuận cao từ chính chúng ta, của nhiều phía, để UBVH sẽ có đề nghị chính thức tới các Bản quyền Giáo phận, và Ban VH của các GP liên quan để mong được sẽ có một quyết định chính thức vấn đề này.

Một lần nữa xin chân thành cám ơn Đức cha Matthêô, quý Cha trong Ban Văn hóa Gp Qui Nhơn, quý Cha và quý Vị trong Ban tổ chức, quý thuyết trình viên, và quý ông bà anh chị em tham dự viên; chắc chắn mỗi cố gắng của chúng ta: là người chuẩn bị, người nói bài, hay người nghe đều đón nhận nơi Chúa là Ân ban, và đón nhận tri thức, khả năng của nhau để cùng xây dựng và phát triển nền Văn hóa Công Giáo đương đại phù hợp với Tin Mừng và Hội nhập với Văn hóa Dân tộc Việt Nam. Xin kính chúc Đức Cha, quý Cha và toàn thể quý Vi luôn tràn đầy Thánh ân, với sức khỏe, nghị lực, niềm vui và an bình. Xin chân thành cám ơn quý Đức Cha, quý Cha và quý Vị.

Đà Nẵng, Chúa Nhật ngày 19/09/2021

+Giuse Đặng Đức Ngân

Giám mục GP Đà Nẵng

Chủ tịch UBVN/HĐGMVN
 
Ngày Văn Học Công Giáo Lần Thứ 10: Lời chào khai mạc của Đức Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn
+ GM Mattheô Nguyễn Văn Khôi
08:46 20/09/2021
Ngày Văn Học Công Giáo Lần Thứ 10: Lời chào khai mạc của Đức Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn trong Tọa đàm trực tuyến về văn học Công Giáo, ngày 19-9-2021

Xin kính chào Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa của HĐGM Việt Nam, Cha Tổng Đại diện Giáo phận Qui Nhơn, quý Cha và anh chị em tham dự hội thảo hôm nay,

Cách đây vừa tròn một thập kỷ, trong hai ngày 21-22/9/2012, nhân phát hành bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi sĩ Hàn Mạc Tử, hơn 60 tác giả Công Giáo từ khắp các miền đất nước đã cùng nhau về tham dự cuộc họp mặt Văn thơ Công Giáo tại Chủng viện Qui Nhơn, do Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn tổ chức.

Dịp ấy, theo sáng kiến của Cha Gioan Phêrô Võ Tá Khánh, bút hiệu Trăng Thập Tự, Trưởng ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn, tôi đã công bố mở Giải thưởng truyện ngắn Viết Văn Đường Trường kéo dài sáu năm liền để chào mừng 400 năm loan báo Tin mừng tại giáo điểm Nước Mặn thuộc Giáo phận Qui Nhơn và sẽ trao giải thưởng hằng năm vào hai ngày 21-22/9, vì ngày 21 là lễ kính Thánh Matthêô Tông đồ, bổn mạng của giới cầm bút, và ngày 22 là sinh nhật của Hàn Mạc Tử, một nhà thơ lớn Công Giáo. Từ đó, ngày 21-22/9 đã trở thành ngày hẹn, ngày họp mặt hàng năm của tất cả chúng ta.

Những chữ "ngày hẹn", "ngày họp mặt" gợi lên nơi mỗi người chúng ta một sự háo hức với khung cảnh thân thương tay bắt mặt mừng, lòng phấn khởi tưng bừng. Tuy nhiên, năm nay vì hoàn cảnh đại dịch đang hoành hành khắp nơi, cuộc họp mặt lần thứ 10 của chúng ta chỉ có thể diễn ra qua màn hình trực tuyến, một kinh nghiệm truyền thông hiện đại có khả năng nối kết bất chấp mọi trở ngại. Chủ đề của cuộc họp mặt hôm nay là Dòng Văn Học Công Giáo Đương Đại.

Xin kính chúc tất cả quý vị, các bạn và gia đình được bình an và hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi

Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
 
Món Quà Trung Thu Đến Với Những Em Khuyết Tật Và Bại Não Trong Đại Dịch Covid
Minh Phương
18:39 20/09/2021
Món Quà Trung Thu Đến Với Những Em Khuyết Tật Và Bại Não Trong Đại Dịch Covid

Sáng ngày 20 tháng 9 năm 2021, nhằm ngày 14 tháng 6 Âm lịch Rằm Trung thu, Linh mục Giuse Phan Tấn Hồ cùng quý Tu sĩ và anh chị em thiện nguyện đã đi trao 100 phần quà gồm gạo-mì tôm-nước mắm-dầu ăn-đường và bánh kẹo cho những em khuyết tật và bại não nhân dịp Tết Trung thu tại thị xã Hương Trà và thị trấn Sịa huyện Quảng Điền.

Xem Hình

Đây là những món quà hết sức quý giá mà quý ân nhân đã trao gửi cho các em qua Linh mục Giuse Phan Tấn Hồ thuộc Dòng Thánh Tâm Huế. Quý giá bởi đang trong cơn đại dịch Cocid 19 đang hoành hành trên cả nước, nhất là tại Sài Gòn, nơi mà những người hảo tâm thường xuyên giúp đỡ cũng đang phải gồng mình chống đỡ những khó khăn do nạn dịch mang lại.

Tiếp xúc với những gia đình có con em là khuyết tật mới cảm nhận được những vất vả của họ khi phải nuôi dưỡng các em. Có những người cha người mẹ già nua nhưng phải bồng ẵm các em để dỗ dành khi các em lên cơn mà xót xa cho họ. Những món quà tuy không lớn lao những cũng phần nào giúp cho gia đình các em vượt qua những ngày khó khăn của đại dịch.

Minh Phương
 
Văn Hóa
Edith Stein và cuộc tranh cãi quanh phúc tử đạo của ngài
Vũ Văn An
19:11 20/09/2021

Theo Từ điển mở Wikipedia, Edith Stein gia nhập Đan viện Cátminh Không đi giầy St. Maria vom Frieden (Đức Bà Hòa Bình) ở Cologne-Lindenthal tháng 10 năm 1933 và lấy tên dòng là Teresia Benedicta a Cruce (Teresa Benedicta Thánh Giá). Tại đây, ngài viết cuốn siêu hình học Endliches und ewiges Sein (Hữu thể Hữu hạn và Vô hạn) nhằm phối hợp các nền triết học của Thánh Tôma Aquinô, của Duns Scotus và của Husserl.

Và trong thời gian ở Echt, Hòa Lan, bà viết cuốn Studie über Joannes a Cruce: Kreuzeswissenschaft (Nghiên cứu về Thánh Gioan Thánh Giá: Khoa học Thập giá). Trong di chúc của bà ngày 9 tháng 6 năm 1939, bà viết:

“Tôi nài xin Chúa chấp nhận đời tôi và cái chết của tôi... vì mọi âu lo của trái tim rất thánh Chúa Giêsu và Đức Maria và Hội thánh, nhất là vì sự duy trì dòng tu thánh thiện của chúng tôi, nhất là các đan viện Cátminh của Cologne và Echt, như việc xá tội cho tội bất tín của Dân Do Thái và để Chúa được chính dân riêng của Người chấp nhận và Nước Người đến trong vinh quang, vì sự cứu rỗi nước Đức và hòa bình thế giới, sau cùng vì các người thân yêu của tôi, còn sống hay đã qua đời, và vì mọi người Thiên Chúa đã ban cho tôi: xin đừng ai trong số họ bị xa lạc”.

Việc Edith chuyển tới Ech càng làm cho ngài đạo đức hơn và giữ luật dòng nhiều hơn. Sau khi bị rút giấy phép dạy học do việc thực thi Luật Phục hồi Công vụ Chuyên nghiệp, Edith quay trở lại với việc giảng dạy Latinh và triết học ngay trong đan viện cho các nữ tu và sinh viên khác trong cộng đồng.

Ngay trước cuộc chiếm đóng Hòa Lan của Quốc xã, Edith vẫn đã tin rằng ngài sẽ không sống thoát chiến tranh, đến nỗi đã viết cho Mẹ Bề Trên để yêu cầu được Mẹ cho phép ngài “hiến mình cho trái tim Chúa Giêsu như của lễ xá tội cho nền hòa bình đích thực” và ngài đã viết di chúc. Các chị em trong Đan viện sau này thuật lại Edith, sau khi Quốc Xã xâm chiếm Hòa Lan tháng 5 năm 1940, đã bắt đầu “âm thầm tự huấn luyện mình sống đời sống trong trại tập trung, bằng cách chịu lạnh và đói ra sao”.

Quả tình, ngài không được yên ổn trên đất Hòa Lan. Ngày 20 tháng 7 năm 1942, Hội đồng Giám mục Hòa Lan cho đọc tại các nhà thờ toàn quốc thư luân lưu lên án chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của Quốc Xã. Để trả đũa, ngày 26 tháng 7 năm 1942, Reichskommissar của Hòa Lan, Arthur Seyss-Inquart, ra lệnh bắt giam mọi tân tòng gốc Do Thái, trước đây vốn được dung thứ. Cùng với 243 người Do thái đã chịu phép rửa đang sinh sống tại Hòa Lan, Edith bị SS bắt vào ngày 2 tháng 8 năm 1942. Edith cùng chị Rosa bị giam ở các trại tập trung Amersfoort và Westerbork trước khi được chở tới Auschwitz. Một viên chức Hòa Lan tại trại Westerbork xúc động trước đức tin và sự thanh thản của ngài, đã hiến kế để ngài đào thoát, nhưng ngài bác bỏ, nói rằng “Nếu ai đó can thiệp vào thời điểm này và lấy mất của ngài cơ may chia sẻ số phận với anh chị em của ngài, thì đó là một cuộc hủy diệt hoàn toàn”.

Ngày 7 tháng 8, 1942, vào sáng sớm, 987 người Do Thái bị chở tới trại tập trung Auschwitz. Ngày 9 tháng 8, Edith và chị Rosa cùng nhiều người Do Thái khác đã bị giết tập thể bằng hơi ngạt.

Giáo Hội Công Giáo coi ngài chết vì Đạo và đã phong thánh cho ngài dưới chính nghĩa này. Nhưng việc này bị nhiều giới Do Thái phản đối. Họ lập luận rằng ngài bị giết vì đã sinh ra là người Do Thái, chứ không phải vì đức tin Công Giáo. Đàng khác, như giáo sĩ Daniel Polish phát biểu, việc phong thánh cho ngài xem ra “mang theo sứ điệp ngầm nhằm khuyến khích các hoạt động cải đạo” vì “cuộc thảo luận chính thức của án phong thánh xem ra đã phối hợp đức tin Công Giáo của Stein với cái chết cùng với ‘đồng bào Do Thái’ ở Auschwitz”. Lập trường của Giáo Hội Công Giáo là Thánh Teresa Benedicta cũng chết do việc các Giám mục Hòa lan kết án chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của Quốc Xã năm 1942.



Lập trường đó được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II long trọng tuyên bố trong nghi thức Phong Chân phúc cho bà. Thực vậy, như phần trên đã nói, ngày 1 tháng 5, 1987, dịp đó, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng:

“Chúng ta cúi đầu trước chứng từ cuộc đời và cái chết của Edith Stein, người con gái xuất chúng của Israel và đồng thời là người con gái của Dòng Cátminh, Nữ tu Teresa Benedicta Thánh giá, một nhân cách từng kết hợp trong cuộc sống phong phú của mình một tổng hợp đầy bi hùng của thế kỷ ta. Đó là một tổng hợp lịch sử đầy các vết thương sâu hoắm vẫn còn đang làm chúng ta đau đớn... và cũng là một tổng hợp của sự thật trọn vẹn về con người. Tất cả những điều này kết hợp với nhau trong trái tim đơn nhất mãi thổn thức và không thoả mãn cho tới khi tìm được nghỉ ngơi trong Thiên Chúa”.

Và ngày 11 tháng 10 năm 1998, trong nghi thức phong hiển thánh cho ngài tại Vatican, Thánh Gioan Phaolô II cũng nói lại lập trường ấy một lần nữa. Ngài nói: “Ngày 1 tháng 5 năm 1987, khi viếng thăm mục vụ Nước Đức, tôi đã được niềm vui phong chân phước cho chứng tá đức tin đầy quảng đại này ở thành phố Cologne. Hôm nay, 11 năm sau, tại Rôma, tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, tôi lại có thể long trọng trình diện người con gái ưu tú của Israel và người con gái tín trung của Giáo hội như một vị thánh với toàn thể thế giới”.

Xa hơn chút nữa, ngài nói “Từ nay trở đi, khi chúng ta cử hành việc tưởng niệm vị thánh mới này từ năm này qua năm nọ, chúng ta cũng phải nhớ biến cố Diệt chủng (the Shoah), cái kế hoạch tàn ác nhằm tận diệt một dân tộc, một kế hoạch theo đó hàng triệu anh chị em Do Thái của chúng ta trở thành nạn nhận. Xin Chúa cho nhan thánh Người chiếu soi họ và ban cho họ bình an”. Nhân dịp này, ngài kêu gọi chấm dứt các việc làm tàn ác như thế đối với bất cứ nhóm sắc tộc hay chủng tộc nào.

Nói thế rồi, đức Gioan Phaolô II ngầm cho thấy kể từ lúc tìm ra sự thật và sự thật ấy có tên là Giêsu Kitô, thì Ngôi Lời Nhập Thể là Đấng Duy Nhất và Là Tất Cả đối với Edith Stein. Nguyên khía cạnh này, ngài đã xứng đáng được phong thánh trong Giáo Hội Công Giáo rồi.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, người cháu ruột của ngài là Suzanne Batzdorff, người đã trốn thoát Quốc Xã và di cư qua Hoa Kỳ năm 1939, đã tham dự cả hai buổi lễ phong chân phúc và phong thánh cho ngài, mặc dù, theo New York Times, (https://archive.nytimes.com/www.nytimes.com/library/world/europe/101198canonization.html), bà này từng đặt câu hỏi: “nếu Quốc Xã bách hại Giáo Hội Công Giáo, tại sao chúng không bắt giam hàng giáo sĩ đã viết lá thư ấy. Thay vào đó, chúng lại lùng bắt các tân tòng Do Thái?”.

Theo Los Angeles Times (https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1987-05-01-mn-1922-story.html), sau khi tham dự nghi thức phong chân phúc ở Cologne, Suzanne nói rằng cô của bà bị giết vì là người Do Thái: “Bà chết vì bà là một người Do Thái và bà chết vì bà tin vào đức tin Công Giáo của bà, nhưng nếu bà không có hậu cảnh Do Thái, có thể bà không bị giết. Đó vẫn là niềm tin của tôi. Tôi tin bà là một vị tử đạo của Do Thái, một trong 6 triệu người”.

Mười một năm sau, được mời tham dự nghi thức phong thánh cho người cô tại Rôma, cũng do Đức Gioan Phaolô II chủ tế, Suzanne tự hỏi có nên tham dự không và bà đã tham dự cùng với 96 thành viên khác trong đại gia đình Stein, nhiều hơn số 21 người tham dự nghi lễ phong chân phúc, chắc hẳn có cả người em trai của bà, người mà theo bà đã từ khước không tham dự nghi lễ phong chân phúc.

Suzanne không giải thích lý do của sự tham dự đông đảo ấy và trong bài viết cho Tạp chí America hồi năm 1999 (https://www.americamagazine.org/faith/1999/02/13/edith-steins-niece-what-her-canonization-means-catholic-jewish-dialogue), bà cũng không trả lời rõ rệt các câu hỏi người ta đặt ra cho bà trong dịp này như: “Bà có thay đổi tâm trí gì không?”; “Bà có cảm thấy Giáo hội có tiến bộ gì không từ hồi ấy?”; “Bà cảm thấy vinh dự, hân hoan, giận dữ?”

Riêng câu hỏi cuối cùng, Suzanne cho rằng “được mời tham dự lễ phong thánh cho Edith Stein trong tư cách một trong những người thân thiết nhất của bà hiển nhiên là một vinh dự, nhưng nó cũng gợi lên nhiều hoài niệm đau lòng của quá khứ”.

Một trong những hoài niệm ấy là lúc còn học tiểu học tại một trường Kitô giáo: mặc dù được miễn làm dấu thánh giá và đọc kinh và cả học giáo lý như các học sinh khác, nhưng bà vẫn được nghe các học sinh khác cho bà hay: người Do Thái giết Chúa Giêsu. Hoài niệm đau lòng thứ hai là việc Đức Piô XI từ chối cho cô của bà yết kiến và dường như đã không thèm đọc lá thư cô của bà viết cho ngài, khẩn khoản xin ngài lên tiếng kết án Quốc Xã. Suzanne bác bỏ ý kiến cho rằng Thông điệp Mit Brennender Sorge, công bố 1937, kết án chủ nghĩa Bài Do Thái, là câu trả lời của Đức Piô XI cho lá thư của Edith Stein. Vì thông điệp này chỉ được ban hành 4 năm sau lá thư và không hề nhắc đến người Do Thái.

Theo bà, Đức Piô XI có trao cho linh mục John LaFarge, Dòng Tên và 2 linh mục Dòng Tên khác soạn một thông diệp về chủ đề được Edith Stein đề cập tới năm 1933, nhưng thông điệp này không bao giờ được ban hành cả và việc soạn thảo nó chỉ được biết đến năm 1997. Vả lại, bản dự thảo vẫn không vứt bỏ các thiên kiến của quá khứ đến nỗi Jan H. Nota, một linh mục Dòng Tên, người Hòa Lan, từng nghiên cứu bản văn của dự thảo thông điệp dưới tên Humani Generis Unitas (“Tính Đơn nhất của Nhân loại”),thấy một nền thần học lỗi thời đến độ “tạ ơn Chúa khi dự thảo này vẫn chỉ là một dự thảo”.

Suzanne cho rằng chính những khiếp đảm của biến cố Diệt Chủng đã đem lại các thay đổi sâu rộng bắt đầu với quyết định triệu tập Vatican II của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Vatican II đã mở ra mối liên hệ mới với người Do Thái qua “Tuyên Ngôn về Mối Liên hệ của Giáo Hội với Các Tôn giáo không phải Kitô giáo”.

Vị giáo hoàng được Suzanne ca ngợi chính là Đức Gioan Phaolô II, người “đã cố gắng bắc các cây cầu nơi mà từ trước đến nay có những hố phân cách xem ra không thể nào bắc cầu qua được”. Bà kể lại các hành động của vị giáo hoàng này: năm 1986 viếng thăm đại hội đường Do Thái tại Rôma, nơi ngài ngỏ lời với người Do Thái là “các anh trưởng của chúng tôi”; lắng nghe quan tâm của người Do Thái; du hành nơi nào cũng tìm gặp đại diện cộng đồng Do Thái địa phương; năm 1993, thiết lập liên hệ ngoại giao với Israel; năm 1994, bảo trợ buổi hòa nhạc tưởng niệm Biến Cố Diệt Chủng.

Riêng văn kiện “Chúng ta Tưởng niệm: Một Suy tư về Nạn Diệt Chủng” của Tòa Thánh công bố ngày 16 tháng 3 năm 1998, 1 văn kiện cần đến 11 năm để soạn thảo, dù cho rằng phản ứng khởi đầu của phía Do Thái là lẫn lộn, vì vẫn chỉ nhận lỗi về phía cá nhân người Công Giáo, chưa đụng tới Giáo hội như một định chế, nhưng Suzanne xem ra có cảm tình và cho rằng những ai nghiêm túc nghiên cứu mối liên hệ Do Thái và Công Giáo sẽ thấy văn kiện này “dù bất toàn, vẫn đại diện cho một bước quan trọng trên con đường dẫn tới cởi mở lớn lao hơn”.

Và đó cũng là mục tiêu của Suzanne vì bà cho rằng “trong 11 năm từ ngày phong chân phước, tôi đã phiên dịch các bản văn của và nói về Edith Stein, và chính tôi cũng đã viết và nói chuyện về đời sống và việc làm của bà. Tôi cũng cố gắng tạo ra việc hiểu biết lẫn nhau tốt hơn giữa các cộng đồng Do Thái và Công Giáo”.

Nhận định sau cùng của Suzanne là “Một cách nhỏ bé, gia đình của Edith Stein phản chiếu toàn bộ gia đình nhân loại. Giống như các thành viên của gia đình Stein có thể cùng nhau đến dự lễ phong thánh bất chấp các hậu cảnh và niềm tin khác nhau của họ thế nào, thì người Do Thái và các Kitô hữu cũng có thể đến với nhau trong một bầu không khí hòa bình và thiện chí như vậy...

“Các Kitô hữu và người Do Thái đã đi được một bước thật dài để gần gũi nhau và hiểu nhau hơn, nhưng công việc của chúng ta chưa kết thúc. Chúng ta cần học hỏi về các niềm tin và cả ý thức hệ của nhau bằng một tâm trí cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, nhìn nhận nơi người khác quyền được khác nhau, được thờ phượng khác nhau”.

Thực ra, ý nguyện của Edith Stein vẫn là dân tộc bà nhìn nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Nhưng đường dẫn đến đó chắc chắn không phải là cố gắng cải đạo (proselytizing) mà là tựa vào lòng nhân hậu và ơn thánh của Thiên Chúa và “sự hy sinh” của ta. Suzanne không hẳn không nghĩ như thế khi bà quả quyết rằng “Dân tộc Do Thái không thể tha thứ cho những kẻ phạm tội Diệt Chủng hay những người im lặng đứng nhìn... Tuy nhiên, chúng tôi có thể lắng nghe các mea culpa [lỗi tại tôi] của những người thực sự thống hối và để sự tha thứ lại cho Thiên Chúa. Nếu chúng ta xét quá khứ và trung thực nhìn nhận lỗi lầm của mình, chúng ta có thể vững tin tiến về phía trước và cùng nhau đạt các mục tiêu chung. Và với phúc lành của Thiên Chúa, chúng ta có thể lo chu toàn trách vụ tikkun olam— hàn gắn thế giới”.

Trên đây, Wikipedia có trích dẫn lời giáo sĩ Daniel Polish phát biểu về việc ông lo âu trước viễn ảnh Công Giáo dùng việc phong thánh cho Edith Stein như một mưu toan cải đạo. Nhưng theo Suzanne, Đức Hồng Y William Keeler của Baltimore, năm 1987, quả quyết rằng không phải thế, “Trái lại, nó thúc giục chúng tôi cân nhắc ý nghĩa tôn giáo liên tục của các truyền thống Do Thái mà với chúng, chúng tôi có nhiều điều chung, và tiếp cận người Do Thái không như các ‘đối tượng’tiềm ẩn để cải đạo mà đúng hơn như những người làm chứng cách độc đáo cho Danh Thiên Chúa Duy Nhất, Thiên Chúa của Israel”.

Suzanne cũng cho rằng Đức Hồng Y Keeler còn trích dẫn nhận định của Giáo sĩ Daniel Polish trong tuyển tập Never Forget: Christian and Jewish Perspectives on Edith Stein: “Dù chúng ta không thể ủng hộ ý niệm coi Edithh Stein như cầu nối [giữa người Do Thái và người Công Giáo], nhưng chúng ta có thể coi dịp phong thánh cho bà như mở cửa cho một cuộc đối thoại có ý nghĩa”. Phần còn lại dĩ nhiên là của Thiên Chúa.

Theo New York Times, đơn chính thức xin phong thánh cho Edith Stein đã có từ năm 1962 khi án phong thánh cho bà được mở tại tòa án giáo hội ở Cologne. Thoạt đầu, các giáo sĩ dựa án phong thánh trên cơ sở “nhân đức anh hùng”, một điều đòi không những cuộc sống gương mẫu mà còn cần phép lạ nữa.

Cũng theo tờ New York Times, án phong thánh của bà là một trong những án đầu tiên được hưởng lợi ích từ cuộc cải tổ năm 1983 về việc phong thánh. Trong số những cải tổ này, có điều khoản không đòi một phép lạ cho trường hợp tử đạo để được phong chân phúc. Chính vì thế, cũng năm 1983, hàng giám mục Đức và Ba Lan thỉnh cầu Tòa Thánh coi Edith Stein như một vị tử đạo. Thế là chỉ trong vòng 4 năm sau đó, tức năm 1987, bà được phong chân phúc.

Còn phép lạ, vẫn cần để được phong hiển thánh cho bà, diễn ra cũng trong năm 1987. Người được hưởng phép lạ là Benedicta McCarthy. Em bé này, vốn được đặt tên theo Nữ Tu Teresia Benedicta, lúc lên hai tuổi rưỡi, vô tình nuốt một lượng lớn paracetamol (acetaminophen), gây ra chứng hoại tử gan (hepatic necrosis). Người cha em bé, Emmanuel Charles McCarthy, một linh mục theo nghi lễ Melkite Công Giáo Hy Lạp, lập tức kêu gọi thân nhân cùng nhau xin Nữ Tu Teresia cầu bầu. Chỉ ít lâu sau đó, các y tá ở khu chăm sóc tận tình (icu) thấy cô bé ngồi dậy và khỏe mạnh, như người bình thường. Ronald Kleinman, bác sĩ chuyên nhi khoa của Bệnh Viện Tổng Quát Massachusetts ở Boston, người chữa trị cho em bé, làm chứng trước tòa án Giáo Hội rằng “Tôi sẵn lòng nói rằng đây là một phép lạ”.

Kỳ sau: Triết học của Edith Stein
 
VietCatholic TV
Vi rút độc địa: 14 Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo nhiễm bệnh. Một vị đã qua đời. Hai vị vẫn nguy kịch
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:09 20/09/2021


1. Danh sách 14 Hồng Y bị nhiễm coronavirus

Hiện tại Hồng Y Đoàn có 219 Hồng Y trong đó có 122 Hồng Y cử tri và 97 vị đã trên 80 và do đó không còn quyền bầu Giáo Hoàng. Dưới đây là dữ liệu về tác động của coronavirus trong số các thành viên của Hồng Y Đoàn.

Tính đến hôm Chúa Nhật 19 tháng 9, đã có ít nhất 14 vị Hồng Y bị nhiễm coronavirus, trong đang có một vị đã chết là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid, người Brazil. Mười ba vị Hồng Y đã vượt qua cơn bạo bệnh, mặc dù trong một số trường hợp, tình huống lâm sàng rất nghiêm trọng đã xảy ra. Vị Hồng Y mới nhất bị nhiễm bệnh, là Đức Hồng Y Jose Advincula, Tổng Giám Mục Manila, Phi Luật Tân.

1) Đức Hồng Y Jose Advincula - Tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân - hiện đang nằm bệnh viện.

2) Đức Hồng Y Jorge Urosa - Tổng giám mục hiệu tòa của Caracas, Venezuela - hiện đang nằm viện vì covid 19

3) Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti - Tổng Giám Mục Perugia, Ý - nằm bệnh viện vài tuần, nay đã khỏi bệnh.

4) Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng Giám Mục Managua, Nicaragua - nhập viện, chữa khỏi, xuất viện nhưng hiện đang bị cách ly.

5) Đức Hồng Y Raymond L. Burke - nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng, đã khỏi bệnh. Hiện đang nghỉ dưỡng sức.

6) Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid - Tổng giám mục hiệu tòa của Rio de Janeiro, Brazil - Qua đời ngày 19 tháng Giêng năm 2021.

7) Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Bologna, xét nghiệm dương tính với Covid, bị buộc phải cô lập tại nhà hồi tháng 12 năm 2020. Nay đã khỏi.

8) Đức Hồng Y Luis Tagle, Tổng Giám mục hiệu tòa của Manila, Phi Luật Tân, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc. Xét nghiệm dương tính, và nhập viện ở Manila. Đã chữa lành tháng 9 năm 2020.

9) Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục Luxembourg và Chủ tịch Comece, Xét nghiệm dương tính vào tháng Giêng năm 2021. Hiện nay đã khỏi.

10) Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng giám mục hiệu tòa của Naples, Ý. Đã bị nhiễm và được chữa lành tháng Giêng năm 2021.

11) Đức Hồng Y Francesco Montenegro, Tổng giám mục hiệu tòa của Agrigento, Ý. Bị lây nhiễm. Đã lành bệnh hồi tháng 10 năm 2020.

12) Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, nhập viện vào ngày 21 tháng 12 năm 2020 tại Gemelli. Nay đã khỏi.

13) Đức Hồng Y Giuseppe Bertello, Chủ tịch danh dự của Ủy ban Giáo hoàng về Quốc gia Thành phố Vatican và Thống đốc danh dự của Chính quyền Quốc gia Thành phố Vatican. Đã lây nhiễm và được chữa lành tháng 12 năm 2020.

14) Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Rôma, sốt cao, xét nghiệm dương tính với coronavirus, được đưa vào bệnh viện Gemeli ngày 30 tháng 3, 2020. Ngài được xuất viện ngày 10 tháng Tư.

Hầu hết tất cả các Hồng Y bị nhiễm bệnh đều đã được tiêm phòng hoặc đã được tiêm liều đầu tiên. Không ai chống lại vắc-xin. Cũng không có Hồng Y nào đã từng phủ nhận dịch bệnh hoặc kêu gọi từ chối các loại vắc-xin có sẵn.

2. HĐGM Mỹ: Hành động ngay bây giờ để ngăn chặn dự luật phá thai cực đoan nhất từ trước đến nay

Hôm thứ Bẩy 18 tháng 9, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã ra một thông báo toàn văn như sau:

Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu cho dự luật phá thai cực đoan nhất từ trước đến nay.

Cái gọi là “ Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ “ (HR 3755 / S. 1975) sẽ áp đặt phá thai theo yêu cầu, ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Nó sẽ được áp dụng trên toàn quốc — ngay cả ở những tiểu bang không muốn điều đó.

Ngay cả những luật lệ ủng hộ cuộc sống khiêm tốn và phổ biến ở mọi cấp chính quyền — cấp liên bang, tiểu bang và địa phương — cũng sẽ bị hạn chế. Điều này bao gồm cả việc không cần sự đồng ý của cha mẹ trong trường hợp phá thai của các trẻ em gái vị thành niên, các biện pháp bảo vệ sức khỏe hoặc an toàn tại các cơ sở phá thai.

Nó sẽ buộc người Mỹ phải trả tiền cho việc phá thai ở đây và ở nước ngoài bằng tiền thuế của họ.

Nó cũng có thể sẽ buộc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe như bác sĩ và y tá phải thực hiện, hỗ trợ hay giới thiệu việc phá thai trái với niềm tin sâu sắc của họ. Người sử dụng lao động và công ty bảo hiểm sẽ bị buộc phải đài thọ hoặc trả tiền cho việc phá thai.

Chúng ta cần phải nói với Hạ Viện NGAY BÂY GIỜ rằng dự luật khủng khiếp này không thể được ban hành.

Hãy tham gia cùng Đức Tổng Giám Mục Naumann trong việc yêu cầu Hạ viện phản đối HR 3755/S.1975.
Source:USCCB

3. Các giám mục Hoa Kỳ cảnh báo chống lại việc tài trợ phá thai trong dự luật ngân sách

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ hôm thứ Sáu đã cảnh báo chống lại việc tài trợ cho hoạt động phá thai trong một dự luật chi tiêu khổng lồ đang được Quốc hội xem xét.

“Quốc hội có thể, và phải, quay lại, không được tài trợ cho phá thai bằng tiền thuế dân, qua đạo luật Build Back Better”, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City thuộc tiểu bang Kansas, chủ tịch của Ủy ban phò sinh của các Giám Mục Hoa Kỳ, và Đức Tổng Giám Mục Paul Coakley của thành phố Oklahoma, chủ tịch ủy ban công lý quốc nội và phát triển nhân văn của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên của Quốc hội và chính quyền hãy làm việc với thiện chí để thúc đẩy các quy định chăm sóc sức khỏe quan trọng và cứu các mạng sống, chứ không phải là buộc người Mỹ phải trả tiền cho việc phá hủy đời sống thai nhi trong bụng mẹ”

Tuần này, các ủy ban Hạ viện đã nâng cao các gói chi tiêu liên bang mà cuối cùng có thể đạt tổng cộng 3.5 nghìn tỷ đô la. Bao gồm trong các phần chăm sóc sức khỏe là một số đề xuất được hỗ trợ bởi USCCB. Chúng bao gồm mở rộng phạm vi bảo hiểm Medicaid, bảo hiểm sau sinh cho các bà mẹ, và tài trợ của Chương trình Bảo hiểm Y tế Trẻ em.

“Các giám mục Công Giáo là những người ủng hộ mạnh mẽ cho các đề xuất ở cả cấp liên bang và tiểu bang nhằm bảo đảm tất cả mọi người sẽ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng,” hai vị Tổng Giám Mục Naumann và Coakley cho biết hôm thứ Sáu.

“Tuy nhiên, văn bản lập pháp do hai ủy ban Hạ viện đưa ra cũng tài trợ cho việc phá thai, việc cố ý hủy hoại những trẻ em dễ bị tổn thương nhất của chúng ta - những người còn trong bụng mẹ. Điều này là không thể được.”

Một số thành viên, chẳng hạn như Dân biểu Cathy McMorris-Rodgers, của Đảng Cộng Hòa đơn vị Washington, và Dân biểu Debbie Lesko, của Đảng Cộng Hòa, đơn vị Arizona, đã cố gắng bổ sung các sửa đổi để cấm tài trợ phá thai; những nỗ lực đó đã bị chặn trong tuần này, trong các cuộc điều trần tại Hạ viện.
Source:Catholic News Agency

4. Thống đốc Kevin Stitt của Oklahoma ký một lúc chín luật mới về phò sinh

Hôm thứ Năm 16 tháng 9, Thống đốc Kevin Stitt của Oklahoma ký một lúc chín luật mới về phò sinh. Ông cho biết: “Tôi đã hứa với người dân Oklahoma rằng tôi sẽ ký mọi văn bản luật ủng hộ sự sống trên bàn làm việc của tôi và tôi tự hào giữ lời hứa đó. Với tư cách là một người cha của 6 đứa con, thật vinh dự khi được trở thành thống đốc phò sinh nhất đất nước và tôi sẽ luôn nỗ lực để bảo vệ cuộc sống của những đứa trẻ chưa chào đời”.

Marjorie Dannenfelser, Chủ tịch Susan B. Anthony List, được mời tham dự buổi lễ ký kết nói:

“Thống đốc Stitt đã giữ lời hứa của mình là sẽ ký vào mọi văn bản của đạo luật ủng hộ mạng sống được gửi đến bàn làm việc của ông ấy. Ông là người đi đầu trong nỗ lực toàn quốc nhằm thách thức hiện trạng và các nỗ lực hiện đại hóa luật phá thai cực đoan của chúng ta. Trên toàn quốc, các thống đốc ủng hộ sự sống đang thực hiện những hành động táo bạo để bảo đảm rằng luật pháp của tiểu bang phản ánh ý chí của các thành viên của họ và tính khoa học rõ ràng thể hiện tính nhân văn của những đứa trẻ chưa sinh. Khi các đảng viên Đảng Dân chủ cấp tiến ở Washington thúc đẩy phá thai theo yêu cầu do người nộp thuế trả tiền và tìm cách mở rộng các loại thuốc phá thai nguy hiểm, các nhà lãnh đạo ủng hộ sự sống mạnh mẽ ở các tiểu bang là cực kỳ quan trọng - và họ đang đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Cuộc sống đang chiến thắng ở Oklahoma và khắp nước Mỹ. Tôi tự hào được sát cánh cùng Thống đốc Stitt vào thời điểm lịch sử này và thay mặt những người Mỹ ủng hộ sự sống cảm ơn ông ấy vì sự lãnh đạo của ông ấy.”


Source:Oklahoma Government
 
Hình ảnh Chúa Giêsu xuất hiện phía trên khu tưởng niệm cuộc tấn công khủng bố 11/ 9 ở New York
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:12 20/09/2021


1. Hình ảnh Chúa Giêsu xuất hiện phía trên khu tưởng niệm cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 ở New York

Ngày 11 tháng 9 năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 20 năm vụ tấn công Tòa tháp đôi ở thành phố New York khiến 2,996 người thiệt mạng. Trong suốt ngày hôm đó, hàng triệu người đã nhớ đến bi kịch khủng khiếp cùng những hình ảnh và câu chuyện bi thảm của nó đã làm xúc động - và tiếp tục làm xúc động thế giới.

Năm 2016, New York tưởng niệm các cuộc tấn công với chủ đề “Tribute in Light”, nghĩa là “Tưởng nhớ bằng ánh sáng”. Trong sự kiện này, nhiếp ảnh gia Richard McCormack đã chụp được một bức ảnh đáng kinh ngạc. Anh ta đã chia sẻ lại bức ảnh vào ngày kỷ niệm năm nay. Bức ảnh đã lan tràn rất nhanh trên các mạng xã hội.

McCormick viết: “Đừng bao giờ quên cái ngày tàn khốc ấy. Những người đã chết, những người đã phải chịu đựng, [và] những người đang tiếp tục đau khổ. Tôi thật may mắn khi chụp được bức ảnh tuyệt vời này đã lan truyền nhanh chóng. Bức ảnh mang lại nhiều niềm vui trong cuộc sống của tôi. Tôi thích chia sẻ nó”.

Bài đăng ban đầu của McCormick có nội dung, “Phóng to vào đỉnh của chùm tia. Bạn có thấy gì đó không? Tôi đã chụp bức hình này. Không có Photoshop, không có mánh lới quảng cáo. Tôi đã chụp nhiều tấm nhưng chỉ có một tấm này cho thấy hình ảnh này”.

Một số người dùng các mạng xã hội cho biết họ tin rằng hình ảnh là Chúa Giêsu hoặc có tính chất siêu nhiên.


Source:Church POP

2. Các tín hữu Kitô Afghanistan 'hoàn toàn bị phớt lờ' trong nghị quyết của Nghị viện Âu Châu

Một thành viên của Nghị viện Âu Châu cho biết hôm thứ Năm rằng cơ quan xây dựng luật của Liên Minh Âu Châu đã “hoàn toàn phớt lờ” hoàn cảnh của thiểu số Kitô Hữu ở Afghanistan trong một nghị quyết gần đây.

Carlo Fidanza, đồng chủ tịch Liên nhóm về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng của quốc hội, nói rằng nghị quyết được thông qua vào ngày 16 tháng 9 cho thấy sự thờ ơ chung của châu Âu đối với các Kitô hữu.

Ông nói: “Nghị quyết này một lần nữa thể hiện sự vô tâm đầy tội lỗi của Âu Châu, không chỉ đối với Kitô hữu Afghanistan - những người hoàn toàn bị văn bản phớt lờ - mà còn đối với Kitô hữu nói chung”.

Chính trị gia người Ý kể lại rằng vào tháng 6, Nghị viện Âu Châu đã bác bỏ đề xuất tổ chức cử hành các sự kiện hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về tự do tôn giáo.

Ông nói: “Như tôi đã nói về việc họ bác bỏ việc thành lập Ngày Tự do Tôn giáo ở Âu Châu, điều đáng lo ngại là hiện nay việc im lặng được coi là bình thường đối với thảm kịch mà các Kitô Hữu bị đàn áp phải đối mặt”, ông nói.

Nghị quyết, được thông qua tại Strasbourg, Pháp, nói rằng Nghị viện Âu Châu đã “kinh hoàng” trước các báo cáo về các hành động của Taliban chống lại “phụ nữ và trẻ em gái, những người bảo vệ nhân quyền, người LGBTI +, người có tôn giáo và các dân tộc thiểu số, nhà báo, nhà văn, học giả và nghệ sĩ”.

Nghị quyết đề cập đến người Shiite Hazara như một ví dụ về thiểu số bị đàn áp, nhưng nó không đề cập cụ thể đến Kitô hữu của đất nước này.

Vị trí đặc phái viên về tự do tôn giáo của Âu Châu hiện đang bị bỏ trống sau khi người đương nhiệm, Christos Stylianides, từ chức chỉ sau vài tháng đảm nhiệm vai trò này. Vị trí này trước đó vẫn từng bị bỏ trống trong suốt hai năm.

ADF International ước tính rằng 10,000 Kitô Hữu đang sống trong tình trạng nguy hiểm sau khi Taliban tiếp quản đất nước có 38 triệu dân nằm ở ngã tư Trung và Nam Á. Hầu hết họ là những người đã cải đạo từ Hồi giáo sang Kitô Giáo, một hành vi bị trừng phạt bằng cái chết theo Luật Sharia.

Nhóm pháp lý cho biết đã có những báo cáo đáng tin cậy rằng lực lượng Taliban đang giết những người theo Kitô Giáo bị phát hiện sử dụng phương tiện giao thông công cộng và hành quyết những người được tìm thấy có Kinh thánh trên điện thoại di động của họ.


Source:Catholic News Agency

3. Tổng giám mục Praha nói rằng Armenia bị bao vây bởi kẻ thù, sự tồn tại của Armenia ngay cả bây giờ vẫn còn là một vấn đề

Một cây thánh giá bằng đá theo kiến trúc Armenia đã được lắp đặt hôm thứ Tư tại công viên trung tâm của Kralupy nad Vltavou, Cộng hòa Tiệp.

Người đứng sau việc lắp đặt cây thánh giá bằng đá này là Telman Nersisjan. Trong phát biểu của mình tại sự kiện, ông đã nhấn mạnh rằng cây thánh giá bằng đá này được dành để tưởng nhớ 1.5 triệu nạn nhân của cuộc diệt chủng Armenia năm 1915.

Đức Hồng Y Dominik Duka, lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Công Giáo Tiệp và là Tổng Giám mục Praha, đã làm phép cây thánh giá. Ngài không chỉ phản ánh về những đau khổ và bất công mà người dân Armenia phải gánh chịu và ký ức của hàng triệu nạn nhân trong cuộc diệt chủng nói trên, mà còn đề cập đến hoàn cảnh của những người Armenia sống ở Armenia ngày nay. Ngài đặc biệt lưu ý rằng Armenia bị bao vây bởi những kẻ thù và sự tồn tại của Armenia ngay cả bây giờ vẫn còn là một vấn đề.
Source:Armernia News