Ngày 25-09-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Thần, người mở cửa hướng về trời cao
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:52 25/09/2010
Thiên Thần, người mở cửa hướng về trời cao

Trong đời sống có những lúc con người cảm thấy có niềm vui phấn khởi vươn lên. Và trái lại, cũng có những lúc từ trong tinh thần cùng làn da thớ thịt của thể xác toát ra tín hiệu mệt mỏi uể oải. Phải, có khi lo lắng sợ hãi nữa!

Đó là con đường đời sống của con người.

Đọc trong Kinh Thánh nơi sách Sáng Thế (28,12-15), Ông Giacóp sợ hãi người anh Esau trả thù, vì Ông đã chiếm mất quyền trưởng nam của anh mình, và dành được cha gìa Isaak chúc phúc ( St 27,1…).

Ông chạy trốn anh mình cho thật xa vào trong sa mạc. Ở nơi đó ban đêm Ông lấy một hòn đá kê làm chiếc gối đầu. Trong giấc ngủ ông mơ nhìn thấy một chiếc thang bắc dựng từ dưới đất lên tới trời cao.Trên những bậc thang có các Thiên Thần lên xuống. Và ở trên đầu chiếc thang Thiên Chúa hiện ra nói với Ông: „Ta ở với con, Ta che chở gìn giữ con bất cứ con đi tới đâu. Ta sẽ đưa con về quê hương đất nước. Ta không bỏ rơi con. Ta giữ lời đoan hứa đã nói với con.“ ( St 28,15).

Hình ảnh chiếc thang cùng hòn đá gối đầu trong đoạn tường thuật này nói gì về đời sống đức tin?

Hình ảnh các Thiên Thần lên xuống trên chiếc thang diễn tả trời và đất được nối liền với nhau. Các Thiên Thần mở cửa trời hướng lên cao về đàng trước cho Ông Giacóp, đang khi Ông trong tâm trạng hòan cảnh lo lắng sợ hãi, bơ vơ chạy trốn trong hoang vắng. Qua đó, tầm nhìn của Giacóp được rộng mở, và Ông có tự tin: đời sống của mình sẽ có thành công; Thiên Chúa hằng đồng hành bên cạnh mình, và lời đoan hứa của Thiên Chúa là bảo đảm cho tinh thần đời sống Ông.

Đọc trong Kinh Thánh cũng có nhiều cảnh chạy trốn. Và trong cuộc đời con người xưa nay cũng hằng có những cảnh chạy trốn không chỉ về nơi chốn địa lý, mà còn cả về tinh thần tâm lý nữa.

Dù là cảnh chạy trốn về nơi chốn địa lý hay tinh thần tâm lý cũng đều mang đến cho người chạy trốn tâm trạng hoang mang nghi hoặc.

Hình ảnh hòn đá Giacóp lấy làm chiếc gối đầu ngủ giữa sa mạc trong đêm tối có thể là hình ảnh những hòn đá vướng trở chắn ngang lối, mà con người vấp gặp phải, có khi ngã nữa, trên đường đời sống. Thiên Thần đã biến hòn đá của Giacóp thành chiếc thang nối liền trời và đất lại với nhau.

Như thế trong đời sống, khi chúng ta gặp hoàn cảnh vướng trở như hòn đá chắn ngang lối đi, và nghĩ tưởng rằng hết lối rồi, lại là lúc Thiên Thần Chúa đến mở lối hướng lên trời cao về lối đàng trước. Và qua đó nhìn nhận ra đích điểm của đời sống.

Con đường tâm linh, mà Thiên Thần mở dẫn giúp ta nhận ra trong hoàn cảnh cùng quẫn bí lối một chiều, không phải chỉ là con đường vượt qua khủng hoảng khó khăn tạm thời, hay là một lối đi vòng quanh. Không, đó là con đường tốt nhất tiếp tục đi về phía trước, tiếp tục vươn lên. Và con đường tâm linh dẫn ra khỏi khủng hoảng khó khăn đó giúp ta nhận ra chính mình rõ hơn.

Đức giáo Hoàng Benedicto thứ 16, trong cuộc thăm viếng nước Anh vừa qua từ ngày 16. -19.09.2010 cũng đã gặp phải những hòn đá vướng trở chắn ngang lối đi. Nhưng Thiên Thần Chúa đã đến biến đổi thành chiếc cầu thang có nhiều bậc nối kết con người lại với nhau, nhất là nối con người lại hướng lên trời cao, như những nhận xét bình luận sau đây:

„Trước chuyến công du của ĐGH Benedict, hệ thống truyền thông Anh Quốc đã có một mùa (2 tháng) đua nhau săn tin dữ và phê bình gay gắt bản thân ĐGH Benedict. Những nhà báo vô thần đã không ngớt lời xỉ vả, và ngay cả những hãng uy tín như BBC cũng trình chiếu một chương trình bất lợi cho Giáo Hội Công Giáo ngay trước cuộc công du.

Tưởng rằng ĐGH sẽ như một con chiên hiền xa vào bầy sói dữ.

Nhìn vào lịch sử bách hại Công Giáo của Anh quốc, cộng với thái độ "thẳng ruột ngựa" của ĐGH và của những cộng sự viên thân cận, thì ít có người hy vọng sẽ có một cuộc công du thỏai mái.

Nhưng ngài đã đến, đã thấy và đã chinh phục (Veni, Vidi, Vici).

………

Bà Catherine Pepinster, biên tập viên của tờ báo Tablet, viết: "Thành công to lớn nhất mà chuyến viếng thăm mang lại là sự thống nhất những người Công giáo và nhân bản hóa (humanise) hình ảnh một giáo hoàng thường được coi là lạnh lùng, xa lạ và độc đoán,"

"Hình ảnh một con chó dữ 'Rottweiler' đã tan biến để lộ ra một con người rụt rè, ấm áp và 83 tuổi yếu ớt lúc nào cũng tìm dịp né tránh những chi tiết an ninh để chào đón mọi người, đặc biệt là giới trẻ và những bậc lão gia cùng tuổi."

Báo Times Daily thì víêt: "Trước lần thăm viếng đầu tiên tới nước Anh này, giáo hoàng Benedict đã được xem như là một "Hiệp Sĩ Teutonic hung tợn. Nhưng ông đã xuất hiện dưới một ánh sáng hoàn toàn khác và đã đưa ra những phát biểu nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Anh giáo và Công giáo, chẳng hạn như về truyền thống và văn hóa chung. Những phát biểu này đóng góp một phần rất lớn trong sự thay đổi thái độ."(Trần mạnh Trác, Chuyến Công Du chinh phục Anh Quốc của ĐGH, VietCatholic News, 20 Sept. 2010.)

Người mẹ, người cha gia đình nuôi dậy giáo dục đào tạo con mình, dù con còn thơ bé hay đã khôn lớn, rất nhiều khi gặp vướng phải những hòn đá chắn ngang lối cuộc đời. Rất nhiều khi bực dọc than vãn thất vọng, tưởng chừng như cùng tận rồi. Nhưng dẫu vậy họ đã vượt qua cách lạ lùng mà không ngờ tới bao giờ. Và qua đó họ có thêm kinh nghiệm sống vững chãi cùng có lòng tin tưởng hơn.

Nhiều người khi còn thời tuổi trẻ đã trải qua đời sống có nhiều phiến đá sỏi vướng mắc chắn ngang trên đường đời. Nhưng họ đã không vì thế mà ngã qụy nằm chìm xuống. Họ được Thiên Thần Chúa nâng đỡ vượt qua, giúp tìm nhận ra con đường đời sống vươn lên xây dựng tương lai cuộc đời tốt đẹp thành công.

Như tường thuật trong Kinh Thánh về ông Giacóp, Thiên Thần Chúa đã đến biến đổi hòn đá khô cứng đời Ông thành chiếc thang nối liền hướng lên trời cao, hướng về lối đàng trước cho đời sống Ông.

Cũng vậy, đời sống con người có nhiều biến chuyển tích cực lạ lùng mà mình không ngờ tới. Những phiến đá hay hòn đá sỏi chắn ngang lối như làm bị vấp ngã trên đường đời sống không hẳn luôn luôn là tiêu cực. Nhưng lại là lúc Thiên Chúa can thiệp gửi Thiên Thần đến mở lối hướng về trời cao. Và từ nơi đó chúc lành của Người ban đổ xuống cho đời sống con người.

Thiên Thần Chúa, họ là sứ gỉa của Thiên Chúa, hằng đồng hành che chở gìn giữ con người trong đời sống, và mở cửa hướng về trời cao phía đàng trước ngay trong hoàn cảnh khó khăn bối rối.
 
Đời vui hơn khi đã vẹn thề
Lm. Jos. Trương Đình Hiền
08:56 25/09/2010
Đời vui hơn khi đã vẹn thề

BÀI GIẢNG LỄ KỶ NIỆM 52 NĂM HÔN PHỐI ÔNG BÀ GIACÔBÊ NGUYỄN VĂN HOÀNH VÀ ANNA ĐỖ THỊ ĐÀO

1958 –2010

Chia sẻ Lời Chúa:

Kính thưa Quí Cha
Kính thưa gia tộc của 2 bác GIACÔBÊ NGUYỄN VĂN HOÀNH VÀ ANNA ĐỖ THỊ ĐÀO,
Kính thưa toàn thể ông bà anh chị em,

Ở giữa chúng ta giờ phút nầy, và cũng là ở giữa lòng Hội Thánh hôm nay, có một chứng tá tuyệt vời về Bí Tích Hôn Phối, về ơn gọi đời sống hôn nhân-gia đình, về trách nhiệm sinh dưỡng, giáo dục con cái và về vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội. Một lời chứng bằng xương bằng thịt là chính Đôi Bạn Già đang hiện diện ở giữa chúng ta đây; Ông GIACÔBÊ NGUYỄN VĂN HOÀNH VÀ BÀ ANNA ĐỖ THỊ ĐÀO. Cả hai hôm nay được toàn thể gia tộc cùng gia đình giáo xứ long trọng mừng kỷ niệm 52 năm ngày Thành hôn, mà theo ngôn ngữ của lễ hội, thời điểm nầy có thể được gọi là “mừng Kim Khánh Hôn Phối’. (Chúng ta cho một tràng pháo tay chia sẻ niềm vui cùng ông bà Giacôbê và Anna…)

1. Lời chứng về Hôn nhân và Bí tích Hôn phối:

Có 2 câu thơ người ta thường đọc lên để biện minh cho cái nhìn tiêu cực về tình yêu hôn nhân gia đình:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề.


Phải chăng Hôn nhân-Bí tích Hôn Phối chỉ là một trói buộc tàn nhẫn làm mất đi cái tươi đẹp, hạnh phúc và tự do của con người ? Không: Hôn nhân của “hai anh chị Hoành-Đào” đã 52 năm “vẹn câu thề” rồi mà hôm nay vẫn tươi vui, vẫn đẹp đẽ, vẫn thắm nồng.

Nếu ai đó cho rằng: hôn nhân chỉ là một lời cam kết giả tạo trên giấy tờ mà người ta có thể xé bỏ bất cứ lúc nào. Đây không phải là một nhận định suông mà đang trở nên một vấn đề thời sự nhức buốt khi mỗi ngày trên khắp đất nước Việt Nam nầy và trên toàn thế giới, không biết bao nhiêu đôi vợ chồng đem nhau ra trước tòa án dân sự và cả Giáo Hội để xin tiêu hôn. Thì đây, lời cam kết chung thủy của 2 vợ chồng Bác Hoành vẫn còn mới mẻ tinh khôi, vẫn chân thành trung thực như ngày nào cách đây 52 năm. Làm sao một lời cam kết giả tạo lại có thể gắn kết hai cuộc đời, hai ngôi vị, hai số phận keo sơn đến thế, chung thủy đến thế, sắt son đến thế !

Qua lời chứng sống động của cuộc sống vợ chồng nơi hai bác Hoành Đào, chúng ta một lần nữa xác tín rằng: Bí tích Hôn Phối do Đức Kitô thiết lập là một phương thế tối hảo để thăng tiển và bảo vệ hạnh phúc lứa đôi; ân sủng của Bí Tích Hôn Nhân đã theo suốt cuộc đời truân chuyên khổ ải của biết bao đôi vợ chông kitô hữu như hai bác Hoành Đào đây và đã làm cho tình yêu hôn nhân-gia đình của họ sinh hoa kết trái dồi dào, phong phú. Quả thật, nếu không có ơn Chúa qua bí tích hôn nhân thì làm sao có thể sống hạnh phúc bên nhau suốt 52 năm trường, sinh hạ và nuôi dưỡng giáo dục thành công 13 mặt con và cho đến hôm nay, vẫn còn hân hoan hạnh phúc quì bên nhau trước cộng đoàn và trước mặt Chúa, trước gia tộc và trước cháu con để kỷ niệm 52 năm kết ước hẹn thề trong Bí tích Hôn Phối.

Quả thật, vợ chồng của hai bác Hoành-Đào hôm nay ở giữa chúng ta là một “Lời chứng” sống động và hiện thực về đời sống hôn nhân gia đình và Bí tích Hôn phối. Và nếu đặt ngày kỷ niệm Hôn phối hôm nay trong ý nghĩa của sứ điệp Tin Mừng vừa được công bố, thì quả thật, vợ chồng nầy là những người đã thể hiện rõ nét những lời sau đây của thầy chí Thánh: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy…”. 52 năm trong đời sông hôn nhân gia đình phải chăng là 52 năm trung thành tuân giữ Lời Chúa và ở trong tình yêu của Người.

2. Tâm tình con cháu:

Kính thưa hai Bác, thánh lễ tạ ơn 52 năm Hôn Phối hôm nay không chỉ dành riêng cho hai vợ chồng bác đâu, mà còn cho chúng tôi, cho các gia đình giáo dân trong giáo xứ, cho mọi con cháu của hai bác đang hiện diện sum vầy bao quanh hai bác hôm nay. Vì như lời sách Huấn ca trong BĐ 1 công bố hôm nay:

“Ai thờ Cha thì bù đắp lỗi lầm,
Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ
Ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng…
Vì lòng hiếu nghĩa đối với Cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con”


Vâng, chúng tôi tin rằng; qua cuộc đời thầm lặng hy sinh của một gia đình kitô hữu, qua cuộc sống trung tín thủy chung của vợ chồng, qua lòng nhiệt thành quảng đại xây dựng Hội thánh, qua lời chứng sống động về việc thực thi Lời Chúa và sống trọn vẹn Bí tích hôn Phối…Hai Bác xứng đáng được Chúa thưởng công ngay ở đời nầy, được muôn thế hệ con cháu kính yêu và chắc chắn sẽ được vinh phúc trên quê trời mai hậu.

Giáo xứ Tuy Hòa chúng ta vừa mừng kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ. Cuộc sống hôn nhân gia đình của hai bác nói được là “đã đi cùng năm tháng” với lịch sử 50 năm của giáo xứ. Chắc chắn, trong công trình nhà thờ nầy, đã thấm bao nhiêu giọt mồ hôi xây dựng của bác trai, đã âm vang bao nhiêu lời kinh nguyện của bác gái… Lễ Kim Khánh Hôn Phối của hai bác lại nhằm trong những ngày Hội Thánh Việt Nam đón mừng Năm Thánh. Phải chăng cũng là dịp để Hai Bác và toàn thể thế hệ cháu con biết nhận ra hồng ân của đoạn đường 52 năm hồng phúc, của thời điểm ân thánh và lại tiếp tục một cuộc hành trình mới tiến về quê trời.

Trong ngày kỷ niệm đặc biệt nầy, xin được kính chúc Hai Bác luôn được 3 điều mà người Á Đông vẫn thường ao ước: Phúc-Lộc-Thọ.

Phúc đời nầy khi làm tròn sứ mệnh Chúa trao để được hưởng phúc thiên đàng mai hậu

Lộc tự nhiên khi được nhìn thấy con cái trưởng thành, ngoan đạo, sung túc, hiếu để và lộc thiêng liêng khi gia tài đức tin luôn được tiếp nối giữ gìn và phát triển.

Thọ trên trần thế sức khỏe dồi dào, trí lòng minh mẩn và thọ trong đời sống đức tin luôn kiên trung từng ngày trong Tin, Cậy, Mến.

Và như thế chúng ta có thể sửa lại hai câu thơ tiêu cực như đã nêu ban đầu bằng hai câu thơ tích cực hơn:

Tình chỉ đẹp khi còn trong Chúa.
Đời vui hơn khi đã vẹn thề.










 
Qua cơn mê
Maria Nguyễn Thanh Tâm
10:37 25/09/2010
Tôi sinh ra trong một gia đình theo "đạo Ông Bà". Nói đúng ra Mẹ tôi là người Công Giáo nhưng kết hôn với Cha tôi là người ngoại giáo. Tôi được học Giáo lý và rửa tội vào năm 14 tuổi, tính đến nay đã hơn 30 năm. Nguyên nhân dẫn đến việc Mẹ tôi dốc lòng cho các con rửa tội là vì trong một cơn bệnh nặng, Mẹ tôi đã kêu cầu Chúa và hứa với Ngài là khi Mẹ tôi hết bệnh thì sẽ cho các con trở lại đạo! (Tạ ơn Chúa ! Cũng may là lúc ấy Mẹ tôi được lành bệnh).

Sau vài tháng ngắn ngủi học Giáo lý, tất cả anh chị em chúng tôi trở thành những "người Công giáo chính danh", với kiến thức giáo lý hạn hẹp và niếm tin yếu ớt. Tôi coi Chúa như là "bưu điện" hay nói đúng hơn là một nơi để tôi đến nhận hàng “free”. Chúa ở trên đó... Chúa cứ ở đó. Con ở đây... con cứ ở đây. Khi nào cần thì con gửi “order” lên và Chúa gửi quà xuống. Thế thôi... Sau đó thì... đường ai nấy đi... Tôi biết về Chúa "giỏi" đến độ là trong Sách Giáo Lý dạy "một năm xưng tội ít nhất là 1 lần". Nhưng tôi lại nhớ là" một năm đi lể ít là 1 lần ". Vậy là bạn có thể tính được số lần đi lể trong năm của tôi rồi đó.

Rồi thời gian cứ thế trôi qua, cho đến 10 năm sau. Tôi rời Việt Nam trên một chuyến tàu với những người không quen biết. Chúng tôi ra đi trong tình trạng thiếu lương thực và nước uống. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, mọi người đều mệt mỏi vì đói và khát. Lúc đó tôi rất thèm những ly sữa đá mà Mẹ tôi cho uống mỗi khi tôi bị sốt. Lòng tin trong tôi bổng trỗi dậy! Tôi cầu xin với Mẹ Maria: "Con khát lắm ! Ước gì Mẹ cho con một ly sữa đá". Lời cầu xin vừa dứt thì bổng có tiếng súng từ một chiếc ghe khác không biết từ đâu chạy đến. Đuổi theo và bắn vào chúng tôi. Bắt buộc ghe của chúng tôi phải ngừng lại. Tôi không biết họ là ai. Họ chỉa 3 họng súng dài vào ghe và ra lệnh ai có tiền bạc tư trang phải đưa hết cho họ. Sau khi thỏa mãn điều kiện họ đưa ra, chúng tôi miễn cưỡng xin họ cho nước uống với rất ít hy vọng sẽ được sống.

Điều ngạc nhiên là họ đã cho nước uống và thêm nước đá nữa trước khi bỏ đi. Trên ghe có người đem theo sữa hộp. Thế là trong nháy mắt mọi người đều được uống sữa đá.

Có một điều đáng buồn là khi chiếc ghe cướp rượt theo họ đã bắn thẳng vào ghe chúng tôi. Không may cho một em nhỏ khoảng 10 tuổi đã trúng đạn và em đã ra đi ngay tối đêm đó.

Trong lúc bối rối với tình cảnh cướp bóc. Tôi quên hẳn đi lời cầu nguyện của mình. Đến khi cầm ly sữa đá trên tay tôi không thể nào tin được. Tôi tự hỏi đây có phải là phép lạ ? Và tôi đã thầm thì dâng lời tạ ơn Đức Mẹ.

Đến đây chắc các bạn nghĩ rằng niềm tin của tôi sau đó chắc là vững mạnh lắm. Thưa không! Vì không phải tôi đã nói là lúc nào tôi cũng coi các Ngài như một nơi để tôi gửi order và nhận hàng đó sao ?

Sau đó tôi định cư ở Mỹ. Lập gia đình và sanh con. Chồng tôi là người ngoại giáo. Vì muốn được vợ nên anh ấy chấp nhận theo đạo. Và tôi muốn mặc áo trắng cô dâu vô nhà thờ "chụp hình mới đẹp", chứ tôi hoàn toàn không ý thức được đó là một trong những bí tích quan trọng trong cuộc đời của người Kitô hữu. Con của tôi cũng được rửa tội, học Giáo lý và xưng tội rước lể. Sau đó thì cả nhà giử đạo theo kiểu "một năm đi lể ít là một lần". Hôm nào cảm thấy vui thi đi, không vui thì ở nhà. Chúa Nhật nào chúng tôi định đi lễ, nhưng nếu có một cuộc vui chơi nào hấp dẫn hơn thì thà bỏ lễ, chứ nhất định không bỏ cuộc chơi.

Đời sống cứ thế trôi qua và niềm tin Thiên Chúa nơi tôi ngày thêm nguội lạnh. Cho đến một hôm. Một biến cố không may xảy ra trong gia đình chúng tôi đã làm đảo lộn tất cả!

Chính lúc đau khổ, tuyệt vọng và chán chường đó. Tôi đã chạy đến Chúa cầu xin Ngài chỉ đường dẫn lối cho tôi biết phải làm sao. Tôi hoàn toàn bế tắc ! Tôi đã không ngừng cầu nguyện kêu xin bằng tất cả lòng thành kính và phó thác chưa từng có. Từng ngày, từng bước. Chính nhờ những lời cầu nguyện mà tôi đã có thể đứng lên và tiếp tục cuộc sống. Tôi nhận ra rằng khi sống được với tâm tình phó thác là tôi chấp nhận cho Chúa làm chủ đời mình. Khi Chúa là "chủ" của tôi rồi thì tôi không còn đưa "order" cho Chúa nữa thì lạ lùng thay, Chúa lại gửi đến cho tôi những "món quà" mà tôi không bao giờ nghĩ là tôi sẽ có được trong đời.

Phải thật lòng nói rằng trong tất cả các ơn tôi nhận được từ Chúa thì "ơn đau khổ" là giá trị nhất. Vì nếu không có biến cố đau thương đó xảy ra, tôi sẽ không bao giờ nhận ra được con người giới hạn của mình. Và nhất là sẽ không bao giờ nhận ra lòng thương xót bao la của Chúa. Để tỏ lòng ăn năn thật sự. Tôi quyết định đi tìm Linh mục để xưng tội. Lần đầu sau hơn 20 năm tôi đến tòa giải tội. Tôi rất hồi hộp. Tôi nghe rõ từng nhịp đập dồn dập trong trái tim mình. Tôi biết thưa với Linh Mục sao đây ? 20 năm xa Chúa, biết bao nhiêu là tội lỗi. Tội trọng, tội nhẹ. Tội nào làm... lướt lướt. Tội nào làm...liền liền... biết bắt đầu từ đâu ?

Tôi thu hết can đảm: "Thưa Cha cho con xưng tội cách đây hon 20 năm... " tôi chỉ nói được bấy nhiêu thì nghẹn lời và bật khóc... Tôi cố gắng ngưng khóc mà sao nước mắt cứ tuôn trào... Tôi không dám chắc là vị Linh Mục đó đã nghe được hết những gì tôi nói...

Sau khi xưng tội xong, tôi chờ đợi một lời quở trách hay ít nhất là một câu hỏi từ Linh Mục là tại sao để quá lâu mới quay về với Chúa. Nhưng không, hoàn toàn không, một lời trách nhẹ cũng không, một tiếng thở dài cũng không.

Sau vài giây im lặng như chờ cho cơn xúc động trong tôi hoàn toàn lắng xuống. Linh Mục đã cho tôi vài lời khuyên ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Sau đó Ngài ban phép giải tội và chúc tôi đi bình an. Và từ đó tôi đã tìm được bình an thật sự. Bước chân vào tòa giải tội nặng nề và hồi hộp bao nhieu thì khi bước ra tôi cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản bấy nhiêu.

Tôi rất cám ơn vị Linh Mục này, vì qua những lời nói của Ngài tôi đã tìm thấy được sự đồng cảm của phận người mỏng dòn yếu đuối. (Đồng cảm chứ không phải đồng tình hay đồng loã). Sự đồng cảm trong lời khuyên dạy của Ngài đã nâng đỡ tôi rất nhiều. Tôi không còn e ngại mỗi khi bước chân vào tòa giải tội trong những lần sau này nữa. Bằng giọng nói nhẹ nhàng Ngài đã cho tôi thấy lòng thương xót va khoan dung của Chúa như thế nào đối với những người con tội lỗi.

Lúc trước nhìn những vị tu sĩ tôi thường thắc mắc là cuộc sống đời thường có nhiều đam mê và lạc thú như vậy mà sao lại có những người bằng lòng bỏ tất cả để hiến dâng cuộc đời mình cho môt đấng vô hình không nhìn thấy được. Chúa phải có một "cái gì" lôi cuốn mãnh liệt lắm? Và đó cũng là một trong những nguyên do khiến tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời của Chúa.

Lúc trước nếu có ai cho tiền và bảo tôi đọc Kinh Thánh thì chắc chắn là tôi không đọc đâu. Nhưng từ khi nhận ra tình thuơng xót của Chúa, tìm hiểu về cuộc đời của Ngài thì chính tôi khám phá ra thật nhiều điều kỳ diệu và hấp dẫn ở con người mang tên là Giêsu đó.

Tôi như một người vừa thức dậy “sau một cơn mê dài” nhiều năm. Tôi tỉnh lại nhờ “mũi thuốc” cực mạnh Chúa đã tiêm vào. Mũi thuốc đó không dể chịu chút nào. Tôi đã đau đớn vật vã một thời gian, nhưng sau đó thì được lành bệnh.

Có phải bạn đang "sống" trong cơn mê ? Bạn có nhận ra được những “mũi thuốc” Chúa tiêm vào để giúp bạn tỉnh lại mà nhận ra tình thương xót của Ngài ? Vậy thì bạn còn chần chờ gì nữa mà không mạnh dạn đứng lên, quay về làm hòa với Cha nhân từ, phó thác tất cả trong tay Ngài, để tìm được sự bình an cho chính tâm hồn mình. CHẮC CHẮN NHƯ VẬY!! Chúc bạn mau chóng bình phục.
 
Tài liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2010 - Bài 2 - “Hôn Nhân: Một Dấu Chỉ Cụ Thể về Tình Yêu của Đức Kitô”
Phaolô Phạm Xuân Khôi
14:17 25/09/2010
Bài 2 - “Hôn Nhân: Một Dấu Chỉ Cụ Thể về Tình Yêu của Đức Kitô”

Trong bài trước chúng ta đã bàn về hôn nhân Kitô giáo là một Mầu Nhiệm Cao Cả: Tình yêu vợ chồng phản ảnh tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho Hội Thánh. Nếu chúng ta muốn biết những dấu đặc thù của hôn nhân Kitô giáo, chúng ta chỉ cần chiêm ngắm những dấu đặc thù của tình yêu mà Đức Kitô mặc khải trong Tin Mừng. Cũng vậy, nếu muốn biết thí dụ điển hình về tình yêu của Đức Kitô thì chỉ cần nhìn xem tình yêu ấy phản ảnh thế nào trong đời sống hôn nhân của các Kitô hữu. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu những dấu đặc thù của hôn nhân Kitô giáo là gì.

Cũng trong bài “Hôn Nhân: Bí Tích Tình Yêu Kiên Vững”, Đức Cha Daniel Flores gọi hôn nhân là “Một Dấu Chỉ Cụ Thể” của Tình Yêu mà Đức Kitô dành cho Hội Thánh Người, là chúng ta. Đó là một sự kết hợp mật thiết trong một tình yêu quảng đại, chung thủy và sinh hoa kết quả.

Hôn Nhân: Một Tình Yêu Quảng Đại

Một cặp vợ chồng sống Bí Tích Hôn Phối làm chứng một cách cụ thể cho tình yêu Kitô giáo. Ân sủng của Thiên Chúa không hoạt động ở đời sau, nhưng hoạt động ngay trong đời sống thường nhật của hai vợ chồng. Đời sống là một cuộc hành trình có nhiều vật lộn với những khó khăn hằng ngày. Tình Yêu của Đức Kitô đồng hành với chúng ta trên đường đời và giúp chúng ta trong cuộc vật lộn này. Đức Kitô ban cho chúng ta một sức mạnh mới để gặp được niềm vui mà Ngài đã mang đến khi tự hiến cho thế gian. Chúa nói “Thầy đã nói với các con những điều ấy, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được nên trọn. Ðây là giới răn của Thầy, là các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu các con” (Ga 15:11-12).

Muốn yêu như Chúa yêu, mỗi người phải quên mình dấn thân cách quảng đại vì ích lợi của người bạn đời và của con cái mình. Lòng quảng đại này là cách diễn tả tình yêu và sự kết hợp mật thiết giữa hai người, được chứng tỏ bằng những hy sinh thường nhật. Trên hết, tình yêu quảng đại này được bày tỏ qua khả năng tha thứ cho nhau. Người bạn đời mà chúng ta đang chung sống không phải là một vị thánh, nhưng là một con người với tất cả những yếu đuối và khuyết điểm của con người do Tội Nguyên Tổ truyền lại như chúng ta. Không ai cố tình muốn làm khổ người mình yêu. Phần lớn những xích mích xảy ra trong gia đình là do tính bất toàn của con người, sự hiểu lầm, thiếu cảm thông và thiếu đối thoại. Nếu chúng ta không biết đại lượng tha thứ cho nhau một cách vô điều kiện thì gia đình không bao giờ có hạnh phúc. Mà tha thứ cho nhau không phải dễ, vì tha thứ là một cuộc vật lộn với tính ích kỷ và tự ái của mỗi người.

Mỗi khi đau khổ vì bạn đời mình, chúng ta nên nhìn lên Thánh Giá của Đức Kitô. Chúa yêu chúng ta đến nỗi chết cho chúng ta, sự hy sinh chịu đựng của chúng ta vì yêu có thể so sánh được với sự hy sinh của Chúa không? Không có gì giúp chúng ta dễ dàng hy sinh và tha thứ bằng dâng mọi đau khổ cho Chúa và kết hợp với hy sinh của Chúa để cầu nguyện cho những người làm khổ chúng ta, như Chúa đã cầu nguyện với Chúa Cha “Xin Cha tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết việc chúng làm” (Lc 23:34). Đó là một cách tạo cho hai vợ chồng một con đường nên thánh, vì nên thánh bao gồm việc chung phần vào tình yêu đại lượng của Đức Chúa Giêsu Kitô.

Hôn Nhân: Một Tình Yêu Chung Thủy

Quyết tâm trong hôn nhân là một quyết tâm kiên vững. Tình yêu được đóng ấn bằng sự chung thủy mời gọi chúng ta từ bỏ tính ích kỷ. Chung thủy là một trong những bình diện của hôn nhân Công Giáo mà thế giới ngày nay khó mà hiểu nổi, nhưng lại là một bình diện quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Một thế giới mất niềm tin cùng khả năng trung tín và chung thủy trong tình yêu cần phải được hướng dẫn bằng những dấu chỉ sống động về thực tại này. Đây là một sứ vụ mà Thiên Chúa đặc biệt trao phó cho các vợ chồng Công Giáo. Niềm hạnh phúc sống trong một sự dấn thân trong hôn nhân cách chung thủy và hoàn toàn đại lượng mời gọi tất cả chúng ta nhớ lại những khát vọng tốt đẹp hơn của chúng ta; nó mời gọi những ai đang chán chường đến một hy vọng mới. Theo nghĩa này, Bí Tích Hôn Nhân chứa đựng trong chính nó một sứ vụ truyền giáo.

Hôn Nhân: Một Tình Yêu Sinh Hoa Kết Trái

Tình yêu hôn nhân là tình yêu sinh hoa kết trái. Như Thánh Augustinô đã thường nói. Đức Chúa Kitô Giêsu, qua việc tự hiến của Người, nghĩa là việc đổ máu của Người, đã phát sinh một sự sống mới trên thế gian. Sự hy sinh của Đức Kitô trên Thánh Giá đã phát sinh ra đời sống của Hội Thánh. Chúng ta là hoa trái của tình yêu đại lương này. Cũng thế, tình yêu chung thủy giữa một người nam và một người nữ được tiền định để phát sinh ra đời sống mới. Đời sống mới này chính là con cái của chúng ta. Đây là một mầu nhiệm của cuộc sống đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa một người nam và người nữ với ý định quan phòng của Thiên Chúa. Sự hiện diện của một đứa con trong gia đình là một phúc lành cả thể, mời gọi đôi vợ chồng đi đến một kinh nghiệm mới về đại lương và trung tín được diễn đạt qua việc chăm sóc hàng ngày mà họ dành cho con cái họ.

Thiên Chúa là Chúa của Sự Sống, và chúng ta ao ước luôn sống với một lòng sẵn sàng đón nhận hồng ân này. Tuy nhiên, đôi khi vì lý do thể lý một số hôn nhân không nhận được hồng ân có con này. Nhưng tất cả mọi cặp hôn nhân đều được tiền định để sống một cuộc đời đại lượng và sinh hoa kết quả tinh thần. Các vợ chồng không phải chỉ sống cho mình mà còn sống vì hạnh phúc người khác. Chúng ta nghe những lời này trong một trong những lời chúc lành của Thánh Lễ Hôn Phối: “Chúc anh chị trở thành nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa giữa thế gian: luôn rộng lòng đón tiếp người khổ đau nghèo đói, để ngày sau chính họ sẽ đền ơn và mời đón anh chị vào nhà Cha trên trời.” (Nghi thức Hôn Phối, số 125).

Kết Luận: Một Lời Mời Gọi

Chúa mời gọi tất cả chúng ta, dù là ở bậc gia đình hay không, chiêm ngắm tình yêu đại lượng, chung thủy và sinh hoa trái của Thiên Chúa được trở nên hữu hình trong đời sống hôn nhân Công Giáo, ngõ hầu chúng ta có thể nhận thức được tình yêu của Thiên Chúa như thế nào qua dấu chỉ ấy. Và nhờ hồng phúc được nhìn thấy này, chúng ta được mạnh sức để can đảm hơn mà theo đuổi ơn gọi cao quý của mình, một ơn gọi siêu phàm là yêu thương trong chân lý, được mặc khải cho chúng ta qua con người của Đức Chúa Giêsu Kitô.

Viết theo Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2010 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
 
Thiên Chúa thay đổi con người
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
15:53 25/09/2010
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 17, 5-10

Sự thánh thiện luôn đòi hỏi ở đức khiêm nhượng. Một người thực hành được nhiều nhân đức, chu toàn việc đạo đức, làm nhiều việc lành phúc đức, sống bác ái phục vụ nhưng chỉ để khoe khoang, tự mãn, kể công với Chúa, với mọi người thì quả thực ngay lúc đó họ không còn sự thánh thiện nữa.

Khiêm nhượng là nền tảng của mọi nhân đức, do đó, hôm nay trong đoạn Tin Mừng Lc 17, 10, Chúa Giêsu dạy các môn đệ ” Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi “. Vâng, người tín hữu là đầy tớ của Chúa, nên chỉ làm theo lời giáo huấn của Ngài. Habacuc đã kiên nhẫn, khiêm tốn cầu nguyện và khẩn cầu Thiên Chúa, Xin Thiên Chúa ban thêm đức tin bởi vì Habacuc đã tin rằng Thiên Chúa là Người duy nhất có thể thay đổi lòng dạ con người. Ngôn sứ Habacuc là một người có đức tin mạnh mẽ. Con người thực sự có là gì tất cả đều do Thiên Chúa. Con người chỉ là đầy tớ vô dụng. Con người chỉ là tạo vật của Thiên Chúa. Vì là đầy tớ, con người phải vâng lệnh chủ, phải làm những gì chủ sai, cần đến con người làm mà không được kể công, không được bắt ông chủ nhớ đền công trạng của mình. Đây là chuyện hết sức bình thường và là chuyện bổn phận của con người. Tất cả đều là ân sủng. Tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa. Con người nhờ lời cầu nguyện, nhờ lòng khiêm tốn sẽ được Chúa chúc phúc và ban ơn lành. Đức tin dẫn đưa con người đến bình an, ban sự can đảm như thánh Phaolo đã đảm bảo với Timotheo: ” Thánh Thần của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta không phải là một sự hèn nhát nhưng đúng hơn đã làm cho chúng ta sức mạnh, yêu thương và khôn ngoan “. Sự yêu thương và khôn ngoan sẽ không làm cho con người tự kiêu, tự mãn nhưng họ nhận ra tất cả đều do hồng ân của Chúa, tất cả nhờ ơn Thiên Chúa ban cho. Người khiêm nhượng hoàn toàn khác với kẻ kiêu ngạo, tự mãn vì người tự cao sẽ không cảm thấy bao giờ cần Chúa, họ tự cho mọi thành quả là do sức họ làm nên. Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy các Kinh sư, nhóm Phariseu là những người thật kiêu ngạo, họ coi họ là công chính, là thánh thiện hơn mọi người, họ tự cao tự đại, đi đâu cũng muốn ăn trên ngồi trước, tua áo kéo dài, ăn mặc xúng xính trong các bộ quần áo sang trọng vv…Hãy coi người Phariseu cầu nguyện trong đền thờ vv…Hãy đọc lại câu chuyện người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang và bị điệu tới trước mặt Chúa Giesu. Kiêu ngạo cũng là cám dỗ thường xuyên của mỗi người chúng ta.

Khiêm tốn là đức tính căn bản, đặc biệt được Chúa đoái thương. Trong những trang đầu tiên của Sách Khải Nguyên chúng ta đã đọc thấy vì kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa, nên con người đã mắc lừa ma quỷ là con rắn, nên ăn trái cấm. Chính vì thế, tội đã ngập tràn và sự chết đã đổ vào trần gian.Vì ghen tương, vì tự mãn, Cain đã giết chính em của mình là Abel. Người khiêm tốn là người luôn thấy mình là yếu hèn, luôn nhận ra những khiếm khuyết của mình. Do đó, khi nào họ cũng tin tưởng, cũng cậy trông vào Thiên Chúa. Thành công không kiêu ngạo và thất bại càng cậy trông vào Thiên Chúa. Khi thành công ở đời người khiêm tốn luôn vui mừng tạ ơn Chúa vì chính Chúa tặng ban cho họ. Mẹ Maria luôn sống đơn sơ, nhỏ bé. Mẹ đã luôn ca tụng Chúa vì Chúa đã nâng những người phận nhỏ và hạ những ai lòng trí kiêu căng. Mẹ đã ca tụng Chúa vì Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ những điều lạ lùng, kỳ diệu, danh Ngài thật chí thánh chí tôn.

Chính Đức Thánh Cha cũng cho mình là đầy tớ của các tôi tớ. Con người chỉ là đầy tớ vô dụng. Khiêm nhượng bao nhiêu cũng không đủ nhưng kiêu căng một chút đã quá nhiều. Con người chỉ là bình sành dễ vỡ. Chỉ có Chúa mới làm thay đổi lòng con người. Và chỉ có những tấm lòng đơn sơ, trong trắng, thánh thiện mới chứa nổi Đấng vô cùng thánh thiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin sai Thánh Thần Chúa đến để Ngài đổi mới mặt địa cầu, đổi mới tâm hồn con người. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nói với các em học sinh: Giêsu là người bạn lớn nhất
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
10:44 25/09/2010
ROMA, (Zenit.org) - « Ngày đó cách đây đã 77 năm, ngày mà Cha đã bắt đầu đến trường », Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã kể lại cho các em học sinh Trường Giáo Hoàng Phaolô VI. Trước mặt các trẻ em được dẫn dắt bởi các thầy cô giáo và các bậc cha cha mẹ, Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng Đức Giêsu là người bạn lớn nhất trong số những người bạn.

Ngay tại sân của dinh thự Castel Gandolfo, hôm thứ Năm ngày 23 tháng Chín, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nhớ lại những năm tháng đến trường của mình tại một ngôi làng nhỏ bé với khoảng 300 tín hữu: « Chúng tôi đã học điều căn bản », có nghĩa là học đọc và viết, ngài khẳng định. « Cha nghĩ rằng đây là một điều hết sức to lớn khi có thể đọc và viết, bởi vì với cách thức này, chúng ta có thể học được tư tưởng của người khác, đọc báo chí và sách vở ».

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến một điều « phi thường »: « Thiên Chúa đã viết nên một cuốn sách, có nghĩa là Ngài đã nói với chúng ta, những con người ». Đến nỗi mà ngày hôm nay, « chúng ta có thể đọc cái mà Thiên Chúa nói với chúng ta », trong Kinh Thánh.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã gợi lại cho các em học sinh rằng không có một tình bạn nào đẹp cho bằng tình bạn mà chúng ta có được với Đức Giêsu. Nếu như điều quan trọng là học ở trường « tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống », thì cũng cần phải « học biết Thiên Chúa ».

« Chắc chắn ở trường học các con có nhiều bạn và điều đó thật đẹp. Tuy nhiên trong số những người bạn lớn nhất, người đầu tiên mà chúng ta nhận thấy và quen biết, đó phải là Giêsu, Ngài là bạn của tất cả mọi người và thực sự ban cho chúng ta con đường sống », Đức Thánh Cha kết luận.
 
Thử nhìn lại chuyến thăm viếng của ĐGH Bênêđictô ở Vương Quốc Anh
LM Nguyễn Hồng Giáo
12:20 25/09/2010
Các chuyến thăm của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI tại châu Âu gần đây thường được ngành truyền thông dự đoán trước là sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng vẫn được đánh giá là thành công. Cuộc thăm viếng Vương quốc Anh trong bốn ngày từ 16 đến 19 tháng 9 năm 2010 vừa qua cũng vậy. Trên chuyến bay ngày thứ năm 16.9 đến Scốt-len, chặng đầu của chuyến công du, khi các nhà báo nhận xét với ngài rằng chuyến đi dường như sẽ khó khăn vì ở Anh quốc có những lực lượng bài công giáo rất mạnh, Đức Bênêđitô đã nhắc lại: khi ngài thăm viếng nước Pháp, người ta cũng nói Pháp có những lập trường bài giáo sĩ quyết liệt nhất châu Âu, hay khi ngài qua Cộng Hoà Séc, báo chí lại bảo rằng Séc có những lập trường phi tôn giáo mạnh nhất châu Âu. Ngài nhận xét: các nước châu Âu đều có hiện tượng bài giáo sĩ, không nhiều thì ít, nhưng đồng thời cũng chứng tỏ một sự hiện diện mạnh mẽ của đức tin. Ở Pháp cũng như ở Cộng Hoà Séc, ngài nói ngài đã nhận được một sự đón tiếp nồng nhiệt từ cộng đồng người công giáo, nhưng những người “bất khả tri” (thường đồng nghĩa với vô thần trong thực tế) cũng tỏ ra quan tâm tới cuộc thăm viếng bởi vì họ cũng đang tìm kiếm những giá trị làm cho nhân loại tiến tới, còn những người không phải là công giáo thì bày tỏ sự bao dung. “Nước Anh- ngài lưu ý các nhà báo- có một lịch sử lớn về lòng bao dung”, và ngài bước vào cuộc công du này một cách “can đảm và vui tươi”.

Từ trước tới nay, có lẽ chưa cuộc công du nào của ĐGH Bênêđitô XVI đến một nước được dư luận coi là ít thuận lợi như nước Anh. Các phương tiện truyền thông trong nước hầu như đồng loạt phản đối. Ở đây không chỉ có hiện tượng duy thế tục mà còn là thứ duy thế tục “hùng hổ”, “khiêu khích”, thích “gây hấn” nữa. Mọi dự đoán đều tỏ ra bi quan. Đài BBC cho rằng cuộc thăm viếng sẽ rất có thể thất bại ê chề, và số người muốn được nhìn thấy Đức Giáo Hoàng sẽ rất ít. Trước những dự đoán như thế, có người nghĩ Đức Bênêđitô phải can đảm lắm mới dám đến đây. Thế nhưng rồi -theo tin tức tổng hợp- mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp hơn mong chờ rất nhiều, -tốt đẹp một cách đáng ngạc nhiên. Chính giới truyền thông trước đó “cực kỳ thù nghịch … nay cũng nhìn nhận rằng cuộc thăm viếng đã không thể diễn ra tốt hơn cho Giáo Hội”. Hoá ra không phải chỉ có nội bộ Công giáo mà cả Giáo Hội Anh giáo, không phải chỉ giới cầm quyền -(nên biết Đức Giáo Hoàng đến Vương quốc Anh theo lời mời của Nữ Hoàng và của Chính phủ Anh), mà cả quần chúng nói chung đều tỏ ra cởi mở, quan tâm tới những hoạt động của Đức Bênêđitô, và lắng nghe sứ điệp mà ngài muốn chia sẻ với họ trong mấy ngày này. Có vài cuộc tập họp và diễu hành của những người chống đối nhưng không hại gì tới bầu khí tích cực bao trùm cuộc thăm viếng. Có lẽ những nhà vô thần quá khích đã bị bất ngờ và lại trở thành tò mò muốn biết vị Giáo Hoàng này có gì để nói với nhân dân Anh.

Những đề tài ngài đề cập không mới mẻ đối với những ai quen theo dõi đời sống Giáo Hội công giáo và hoạt động của Đức Thánh Cha; chẳng hạn ngài nói về sự thánh thiện, về mối liên hệ giữa đức tin và lý trí có thể và phải đi đôi với nhau, về vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội, về sự tôn trọng con người và sự sống con người, về bổn phận người Kitô hữu phải mạnh dạn biểu lộ lòng tin của mình trong xã hội, về luân lý đạo đức không thể thiếu trong đời sống chính trị và kinh tế, về nền tảng Kitô giáo của các nền văn hoá châu Âu, v.v. Cái mới mẻ có lẽ là những điều ấy được nói lên trực tiếp và thẳng thắn ngay trong một môi trường bị thế tục hoá nặng nề và trước những con người coi chủ nghĩa duy trần tục như là “tôn giáo” của mình. Họ không phải là tất cả mọi người Anh, nhưng xem ra họ chiếm lãnh “diễn đàn công cọng” bằng những tiếng nói ồn ào nhất. Một nhà báo Anh không giấu được lòng thán phục khi viết rằng Đức Giáo Hoàng đã dám đương đầu với thế giới tục hoá và với nước Anh thế tục hiện đại, bằng những giá trị muôn thuở của Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng.

Trong diễn văn đọc trước Quốc Hội Anh, ngài thẳng thắn nói với các với các nhà chính trị đừng “khoá miệng” tôn giáo và tìm cách ngăn cản việc cử hành công cộng các ngày lễ quan trọng nhất của tôn giáo. Tại Hội trường Westminster, lên tiếng trước các nhà chức trách dân sự, một lần nữa ngài trở lại đề tài này: Xin các ngài đừng gạt Kitô giáo ra bền lề! Nên bảo đảm cho tôn giáo có một vị trí trong đời sống quốc gia! Điều đó không chỉ có lợi cho tôn giáo mà cả cho xã hội, đất nước nữa. Người ta đã không nghe Đức Thánh Cha nói những lời mạnh mẽ và cụ thể như thế trong những cuộc tông du trước. Trong đà thế tục hoá chung, ở một số nước Tây phương một số người đang muốn xoá bỏ dần những biểu hiện và ngay cả dấu vết Kitô giáo trong văn hoá và xã hội; đối với những ngày lễ nghỉ tôn giáo truyền thống, họ đề nghị coi đó chỉ là những ngày nghỉ theo mùa trong năm, chẳng hạn Noel là dịp nghỉ mùa đông, Phục sinh là ngày nghỉ mùa xuân, đơn giản như thế thôi! Nhưng riêng ở Anh, do tác động của một thứ duy thế tục “hùng hổ” (aggressive), xu hướng trên dường như đã tiến xa hơn, và nguy cơ xoá sổ lễ Giáng Sinh và Phục Sinh là rất lớn.

Một trọng điểm và cao điểm của chuyến công du, chắc chắc là việc phong chân phước cho Hồng y John Newman ngay trên quê hương của ngài, vào sáng chúa nhật 19/9 tại công viên Cofton, Birmingham. Đây là một ngoại lệ bởi vì theo quy định, thì các Đức Thánh Cha chỉ làm lễ phong hiển thánh mà thôi. Hồng y Newman là một linh mục Anh giáo đã rất nổi tiếng trước khi gia nhập Giáo Hội Công giáo và trở thành một khuôn mặt lớn của Giáo Hội thế kỷ XIX. Ngài đã đóng góp rất nhiều cho Giáo Hội Anh giáo và Giáo Hội Công giáo. Đây là dịp Đức Thánh Cha bày tỏ lòng mộ mến riêng của ngài đối với nhà thần học lớn này mà ngài muốn coi như một Tiến sĩ Hội Thánh.

Sau chuyến tông du, Đức Thánh Cha giải thích rõ: Lễ phong chân phước là mục tiêu của cuộc thăm viếng này. “Hồng y Newman –ngài nói- là một trong những người Anh vĩ đại nhất thời gần đây, một nhà thần học và một nhà tôn giáo xuất sắc… Chủ đề của cuộc tông du của tôi lấy cảm hứng từ huy hiệu hồng y của Chân phước Newman: Trái Tim Nói Với Trái Tim”.

Trong diễn văn từ biệt Đức Giáo Hoàng, Thủ tướng Anh David Cameron đã đánh giá chuyến thăm viếng là “mang tính lịch sử” và “gây xúc động lạ thường”; ông nhìn nhận rằng sứ điệp của Đức Thánh Cha không chỉ dành riêng cho người công giáo nhưng còn là “cho mỗi người chúng tôi, dù thuộc tín ngưỡng nào, và cả cho người vô tín ngưỡng nữa”. Ngược lại với mối lo lắng của vị Thượng khách về các hình thức duy thế tục “gây hấn” đang đe doạ xã hội Anh, ông Thủ tướng quả quyết: “đức tin là phần trọng yếu (vital) của cuộc bàn luận (conversation) của dân tộc chúng tôi”.

Theo nhận định của giới truyền thông, thì có nhiều lý do cho thành công của chuyến thăm viếng, nhưng tôi chú ý tới hai lý do sau đây. Một là Đức Thánh Cha đã “chạm” được vào tâm tư sâu thẳm của đa số người Anh. Trong sâu thẳm của tâm hồn, họ vẫn là một dân thấm đậm Kitô giáo, họ vẫn sống bởi di sản Kitô giáo, họ vẫn nuôi dưỡng những niềm khao khát và hy vọng mà nền văn hoá duy vật chất và hời hợt hiện đại không thoả mãn được; có lẽ nhờ những gợi ý của vị khách đến từ Vatican mà họ nhận ra rằng những lời lẽ của giới “tạo” dư luận, của các thứ “ý thức hệ” cũng như của các nhóm duy thế tục xưa nay thường mang tính đả phá hơn là đề nghị cho họ những giá trị sống đích thự. Trong lúc đó, Đức Giáo Hoàng luôn trình bày sứ điệp Tin Mừng như cái gì tích cực: một sứ điệp cứu độ và hạnh phúc cho con người.

Lý do thứ hai là dân chúng đã được nhìn thấy và được nghe chính vị khách mà xưa nay dư luận đã nói bao nhiêu điều tiêu cực về ngài. Ngài xuất hiện khắp nơi suốt chuyến thăm viếng này như một con người đơn sơ, khiêm tốn, chân tình; và điều đó, họ nhận ra được trong khuôn mặt, trong các cử chỉ và trong cách thức ngài nói. Hình ảnh ấy rất khác với những gì mà giới truyền thông và những nhóm quá khích nào đó đã cố tạo ra do thành kiến hoặc do ác cảm hay thù ghét. Và có thể là diều đó càng làm tăng thêm lòng cảm phục của họ đối với Đức Thánh Cha.

Cuộc công du này đã lật ngược một cách ngoạn mục mọi dự đoán bi quan: theo báo Osservatore Romano ngày 21.9.2010, đó là một “thành công trọn vẹn”. (22.9.2010)
 
Báo chí xấu lại là cơ hội quý giá cho hoạt động truyền thông Công giáo
Phụng Nghi
13:36 25/09/2010
Phỏng vấn nhà lãnh đạo Nhóm người Anh được huấn luyện để đối phó với giới truyền thông



LONDON (Zenit.org).- Benedict XVI chắc chắn là đề tài được nói đến trong các bản tin ở Anh quốc, trước, trong và sau cuộc du hành của ngài tới đây tuần trước. Mặc dầu báo giới có khuynh hướng chú tâm vào những vấn đề gây tranh cãi, nhưng một chuyên viên về truyền thông phát biểu rằng nên coi đó là những cơ hội quý như vàng.

Đó là ý kiến của người lãnh đạo “Catholic Voices (Tiếng nói Công giáo)” là một nhóm giáo dân thiện nguyện, đã chuẩn bị nhiều tháng trước cuộc tông du của Đức giáo hoàng để giải đáp cho giới truyền thông tất cả mọi thứ câu hỏi giới này đặt ra liên quan đến Giáo hội Công giáo.

Điều hợp sáng kiến này là một người Tây ban nha, ông Jack Valero, giám đốc truyền thông của tổ chức Opus Dei tại Anh quốc. Ông còn là một chuyên gia đã tích tụ được nhiều kinh nghiệm nhờ ở Dan Brown và cuốn tiểu thuyết “Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci)” của ông này. Ngoài ra, Valero còn là trưởng ban báo chí về cuộc tuyên phong chân phước cho Hồng y Newman.

Trong cuộc trò chuyện với thông tấn xã ZENIT, Valero nói rằng điều cần thiết là “phải có cái nhìn tích cực về giới truyền thông”, vì lẽ họ “có quyền được đặt ra những câu hỏi khó trả lời.” Kinh nghiệm của ông cho thấy chúng ta có thể truyền đạt được sứ điệp Kitô giáo trong thế giới ngày nay như thế nào.

ZENIT: Ý kiến thành lập Tiếng nói Công giáo phát sinh như thế nào, để chuẩn bị cho giáo dân có khả năng nói được với giới truyền thông?

Valero: Hồi tháng 11 năm 2009 đã có một cuộc tranh biện nổi tiếng tại Luân đôn về Giáo hội Công giáo, nhưng là một thất bại lớn. Lý do đó làm cho người Công giáo phải suy tư về khả năng truyền thông của mình, đặc biệt là vào dịp viếng thăm của Đức giáo hoàng năm tới.

Tôi nói chuyện đó với một người bạn là ông Austen Ivereigh. Năm 2006, tôi và ông này đã thành lập Nhóm Đáp ứng với Mật mã Da Vinci, đây là một nhóm người Công giáo đã xuất hiện trong giới truyền thông để nói về Đức Giêsu Kitô, về Giáo hội, về tổ chức Opus Dei, v.v…

Ý tưởng đầu tiên là qui tụ lại những người đã hoạt động trong nhóm đó 4 năm trước đây, nhưng rồi chúng tôi nghĩ tốt hơn là nên huấn luyện một nhóm hoàn toàn mới, có khoảng chừng 20 người tình nguyện, có khả năng làm được công việc này nhiều tháng trước và trong thời gian Đức giáo hoàng thăm viếng Anh quốc.

Khi chúng tôi tuyên bố ý định, trong vòng 10 ngày đã có tới 90 người ghi danh, do đó chúng tôi khóa sổ không nhận thêm nữa. Cuối cùng, chúng tôi phỏng vấn 45 người và chọn được 24. Trong số này 21 người tiếp tục hoạt động trong nhóm.

ZENIT: Trong nhiều tháng chuẩn bị cho cuộc tông du, khi có quá nhiều những điều gây tranh cãi trong giới truyền thông nước Anh, thì đâu là khó khăn lớn lao nhất đối với ông, về phương diện truyền thông?

Valero: Tôi thiết tưởng những điều gây tranh cãi đã giúp đề cao vai trò của Giáo hội Công giáo và cuộc tông du của giáo hoàng, và nó đã làm cho mọi ngành truyền thông dành cho chúng tôi có cơ hội để giải thích quan điểm của chúng tôi. Vụ tại tiếng về ấu dâm trong các nước ở châu Âu nổ ra vào hồi tháng 4 đã là một điều tiêu cực, dĩ nhiên là thế, nhưng mặt khác, nó bắt buộc người Công giáo phải rất am tường về những gì đã xảy ra.

Vì lý do chúng tôi thấy những điều gây tranh cãi này là cơ hội để nói với giới truyền thông, nên tôi không thấy điểm nào đặc biệt gây ra khó khăn về phương diện giao tiếp cả.

ZENIT: Về phía các nhà báo, họ không biết nhiều hay họ có ác ý?

Valero: Trong nhóm Tiếng nói Công giáo, chúng tôi có một cái nhìn tích cực đối với giới truyền thông. Chúng tôi nghĩ họ có quyền đặt ra những câu hỏi khó, phản ảnh những vấn nạn của người ngoài phố, và nhiệm vụ của họ là yêu cầu lời giải thích từ những người, những tổ chức liên hệ.

Tại vương quốc Anh, vì Giáo hội Công giáo là một thiểu số, giới truyền thông có thể yêu cầu lời giải thích nếu có tin tức tiêu cực xuất hiện. Tôi nghĩ chuyện như thế là lành mạnh.

Trong bối cảnh đó, tôi thiết tưởng là ở đây trong giới các ký giả có nhiều điều họ không biết không hay về các chuyện tôn giáo, nhưng họ có nhiều cởi mở muốn lắng nghe những lời giải thích. Tại quốc gia này sự tự do phát biểu là điều có giá trị cao. Nếu được giải thích tốt, người ta lắng nghe; còn giải thích kém cỏi, không ai nghe cả.

ZENIT: Có phải “chủ nghĩa bài Công giáo” của giới truyền thông nước Anh làm cho việc tường trình về cuộc tông du thêm đặc biệt phức tạp chăng? Phá vỡ các huyền thoại và những điều cấm kỵ về đức tin Công giáo có khó khăn không?

Valero: Tôi không tin có “chủ nghĩa bài Công giáo” của giới truyền thông. Như tôi đã nói, là tình trạng có nhiều vô minh về tôn giáo, nhiều lãnh đạm thờ ơ.

Một mặt khác, giới truyền thông lại thích nói đến những truyện có kịch tính, những điều gây tranh cãi, mà không thích nói đến những chuyện hạnh phúc: cách hoạt động của họ là như thế. Đó là lý do tại sao đa số các tin tức tôn giáo xuất hiện đều có nội dung tiêu cực – như các vụ tai tiếng về tính dục hay tiền bạc, giả hình, v.v…

Trong nhóm Tiếng nói Công giáo, chúng tôi đã nghiên cứu cách thức “dựng lại” tin tức, nhằm nói về một đề tài bằng những từ ngữ tích cực và do đó thông truyền sứ điệp của Giáo hội Công giáo tốt đẹp hơn, nhưng không lẩn tránh câu hỏi đặt ra.

Do đó, thí dụ như, với tin tức về vụ lạm dụng trẻ vị thành niên, ta phải nhận khuyết điểm – như Đức giáo hoàng đã làm –là đã không đối phó đúng cách với vấn đề đó trong quá khứ, nhưng ta cũng còn nói về những quy lệ Giáo hội đặt ra ở đây để bảo vệ các em, những quy lệ này được coi là tốt hơn bất cứ tổ chức nào tại Anh quốc, và cũng là điều được chính quyền công nhận.

Một thí dụ khác: nói về bệnh AIDS tại châu Phi, điều tốt là ta giải thích rằng Giáo hội đã có rất nhiều quan tâm giải quyết khó khăn này, vì hiện đang chăm sóc cho hơn 25% các nạn nhân bị AIDS tại châu Phi, và Giáo hội là tổ chức hoạt động nhiều nhất về lãnh vực y tế công cộng trên châu lục này.

ZENIT: Xin cho chúng tôi biết cách thức nhóm đã hành động ra sao.

Valero: Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện, nhóm chúng tôi đã tiếp xúc với giới truyền thông – truyền hình và phát thanh – hơn 100 lần, trong số này có 70 lần vào dịp 4 ngày thăm viếng của Đức giáo hoàng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tham dự nhiều cuộc tranh luận về Giáo hội, về Đức giáo hoàng, về cuộc tông du Anh quốc, v.v…

Một trường hợp đặc biệt thích thú xảy ra, đó là khi liên minh các nhóm phản kháng hôm 12 tháng 8 có tổ chức một cuộc họp để hoạch định các cuộc biểu tình và phản kháng. Mấy ngày trước đó, họ viết cho Giáo hội, liệt kê ra một loạt những câu hỏi, và dành cơ hội để cho có người được đến bảo vệ lập trường Công giáo trước 60 cá nhân tụ họp tại đó.

Cuối cùng, một thành viên trong nhóm chúng tôi đi tới, đó là giáo sư Neil D’Aguiar. Sau suốt một giờ đồng hồ lắng nghe những người lãnh đạo nhiều nhóm khác nhau lên tiếng phản đối cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng bằng những diễn từ tiêu cực, ông được họ mời lên giải đáp.

Neil chỉ nói có 15 phút và công nhận họ quả đã có những vấn đề thực đáng quan tâm mà ông muốn cùng họ giải quyết, tuy nhiên – ông nói – có nhiều điều họ không biết tường tận.

Khi nhận ra rằng ông không tấn công họ, họ đã im lặng lắng nghe ông nói. Rồi họ hỏi ông nhiều điều, và trao đổi các địa chỉ điện thư để còn tiếp tục liên lạc. Ngày hôm sau, một trong các nhóm hiện diện đã quyết định hủy bỏ kế hoạch phản kháng của họ.

Tôi nghĩ đây là một trong số ít lần những nhóm như thế ngồi lại với người Công giáo để nói về những đề tài gây tranh cãi và lắng nghe tiếng nói của nhau.

ZENIT: Ông cũng là người phát ngôn cuộc tuyên phong chân phước cho Hồng y Newman. Ngài là người được thán phục nhưng cũng là một nhân vật gây tranh biện. Khó khăn lớn nhất của ông trong lãnh vực này là gì?

Valero: Thay vì nói về những khó khăn, tôi thích nói về những cơ hội hơn. Cho mãi tới năm ngoái đây, khi tin về việc tuyên phong chân phước của ngài được tuyên bố, Newman trong thực tế không được người ta biết đến tại xứ sở này, chỉ trừ những người Công giáo và người trong môi trường trí thức.

Thế rồi có nhiều điều gây tranh cãi xuất hiện, khiến cho giới truyền thông quan tâm. Tại những nới khác tôi đã có dịp nói về 5 điều gây tranh cãi nơi Newman: Ngài có phải là người luyến ái đồng giới không, là cấp tiến hay bảo thủ, có thực sự là vị thánh không, phép lạ khiến cho ngài được phong chân phước có thực là một phép lạ không, và việc tuyên phong chân phước này có là lý do gây ra hiệp nhất hay gây chia rẽ với người theo Anh giáo.

Những điều gây tranh biện này đã cho người ta có cơ hội viết các bài báo, hoặc xuất hiện trong giới truyền thông để nói về Newman và làm cho ngài được nhiều người biết tới. Đặc biệt là, tôi đã có cơ hội được đề cập đến vấn nạn thứ nhất nói trên trong một bài báo viết về tình bạn và tình trạng độc thân của hàng linh mục, đăng trên tờ The Guardian là một tờ báo rất có ảnh hưởng tại đây. Nếu không có điều gây ra tranh cãi đó, chẳng ai đã chịu in một bài báo như thế, nói chi đến tờ The Guardian.

ZENIT: Về cuộc tông du của Đức giáo hoàng, người ta có thể nói về thành công bất ngờ đối với giới truyền thông tại nước này không? Đức giáo hoàng đã đi từ tình trạng là một “người Quốc xã Đức” đến chỗ trở thành một “người ông nội ông ngoại đáng yêu” theo như lối nói của một tờ báo Ái nhĩ lan. Vậy đâu là lý do chính yếu, nhờ nhân cách của Benedict XVI? Nhờ thông điệp của ngài? Hay nhờ cả hai?

Valero: Như đã xảy ra ở nhiều nơi khác – tại Hoa kỳ, Úc, Malta – các chống đối càng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn khi gần đến ngày ngài đến, nhưng liền ngay khi máy bay chở ngài hạ cánh, người ta thấy ngài, và trực tiếp nghe ngài nói, ý kiến dân chúng đã hoàn toàn thay đổi.

Trong trường hợp tại Anh, nhân cách của Đức giáo hoàng – rụt rè, tôn trọng, v.v…-- rất phù hợp với tính khí của người Anh, và những thông điệp ngài đưa ra trong các diễn từ, các bài giảng thánh lễ đều đặc biệt tốt đẹp. Tôi thiết tưởng đây sẽ là chuyến tông du quan trọng nhất của triều giáo hoàng này.

ZENIT: Ai làm cho công luận nước Anh ngạc nhiên nhất, Đức giáo hoàng hay chính người Công giáo Anh quốc?

Valero: Đức giáo hoàng đã làm ngạc nhiên công luận, cũng như ngài đã làm được ở những nơi khác.

ZENIT: Theo quan điểm chuyên môn của ông, ông cho đâu là khó khăn lớn nhất về tin tức tôn giáo trong truyền thông Tây phương? Có phải vì thiếu những người tạo ra ý kiến, hoặc khắc nghiệt hơn, là vì sự hiểu biết về các vấn đề tôn giáo?

Valero: Mọi chuyện đều có một chút góp phần. Tuy nhiên, điều chúng tôi đã học hỏi được trong nhóm Tiếng nói Công giáo, là giáo dân có thể thông truyền tốt hơn các sứ điệp Công giáo trong giới truyền thông. Giáo dân là những người sinh sống và làm việc với mọi người, những người phải trả nợ vay tiền mua nhà, phải đêm hôm săn sóc con cái bệnh hoạn. Khi họ nói gì trên truyền hình, trên đài phát thanh, họ dễ dàng nối kết được với quần chúng, và họ có được thứ từ vựng thích hợp để giải thích sự việc cho tốt đẹp.

Tôi thiết tưởng trong tương lai, Giáo hội có thể truyền đạt được sứ điệp của mình đi xa hơn nữa nếu mở được các khóa huấn luyện cho giáo dân có khả năng về truyền thông. Có thể nói được rằng chúng ta phải khám phá ra ơn gọi về truyền thông trong Giáo hội.

ZENIT: Nhiều cá nhân ký giả báo chí bị tách ra khỏi tôn giáo, về phương diện trí thức, chuyên môn và cảm tính. Ông có nghĩ là cần có một “thừa tác vụ” dành riêng cho các ký giả?

Valero: Thông tin cho ký giả biết thật rõ về các đề tài tôn giáo là một ý kiến hay. Đa số họ không biết nhiều về Giáo hội hay về tôn giáo. Nếu họ được cung cấp tin tức tốt và kịp thời, họ có thể thực hiện công việc tốt hơn, và đó là điều họ rất mực cảm kích.
 
Các phân tích gia về Điện Vatican đoán chắc sẽ có Mật Nghị Hồng Y vào tháng 11 năm 2010 này.
Dominic David Trần
19:22 25/09/2010
Rôma, Ý ngày 05/09/2010 theo bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã Công giáo toàn cầu (CNA/EWTN News) cho biết là Marco Tosatti, người được gọi là chuyên gia thạo tin và phân tích gia về Vatican đã tuyên bố rằng không những Mật Nghị Hồng Y sẽ là điều hiển nhiên xảy ra mà còn đoán thêm rằng; Thông báo triệu tập Mật Nghị Hồng Y sẽ được thông báo vào tháng tới, nghĩa là vào tháng Mười 2010.

Tường thuật cho Nhật Báo Ý - La Stampa, vị phân tích gia này cũng nêu ra danh tính của 19 ứng viên có thể sẽ được vinh thăng lên tước vị Hồng Y tại cuộc bầu chọn trong Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập vào tháng 11/2010 sắp đến.

Giả thuyết về Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập đã trở nên có gía trị hơn khi mà tổng số các vị Hồng Y có quyền bầu cử, tức là số vị Hồng Y có tuổi đời dưới 80 tuổi; và đương nhiên hợp pháp trong Mật Nghị Hồng Y để bầu chọn Đức Giáo Hoàng tương lai; hiện nay đang ở mức 100 vị. Theo như con số truyền thống đã định phải có thì tổng số các vị Hồng Y là thành viên hợp pháp và trong độ tuổi bầu cử của Hồng Y Đoàn sẽ phải là 120 vị dưới 80 tuổi. Vậy là, rõ ràng có gần 20 vị trí Hồng Y Đoàn phải điền khuyết thay cho các Đức Hồng Y sẽ vượt qua ngưỡng tuổi đời 80 trong năm nay và các tháng đầu năm 2011.

Nhiều người đã bạo gan phỏng đoán gần đây rằng họ biết thời điểm khi nào thì Mật Nghị Hồng Y sẽ phải được triệu tập. Thế nhưng, Tosatti, vị được xem như "người trong cuộc" thạo tin đã đi xa hơn nữa khi chỉ rõ ngày ra thông báo của Đức Thánh Cha. Vào thứ Bảy tuần rồi, Tosatti viết rằng Đức Thánh Cha Benedicto XVI "sẽ loan báo" một Mật Nghị Hồng Y trong suốt Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Trung Đông và Tosatti còn nói thêm rằng điều đó " đã có thể sẽ xảy ra" trong buổi Đại Hội Đồng vào ngày 20 tháng Mười năm 2010. Đại Hội Đặc Biệt này sẽ diễn ra tại Rôma từ ngày 10 đến 24 tháng Mười năm 2010.

Tosatti nói tiếp; việc loan báo thường được Đức Thánh Cha tuyên bố ngay sau khi xướng Kinh Truyền Tin hay trong ngày Đại Hội chính thức, và cứ theo như truyền thống đã định trước thì Hồng Y Đoàn sẽ được triệu tập cho việc bầu cử vào 01 tháng sau ngày đó.

Mật Nghị Hồng Y gần đây nhất đã được công bố vào ngày 17 tháng Mười năm 2007 và đã diễn ra vào ngày 24 tháng Mười Một cùng năm 2007 đó. Đức Thánh Cha đã công bố danh tính của các vị cuối cùng cũng được tuyển chọn vào Hồng Y Đoàn trong thông báo ban đầu vào tháng Mười 2007.

Giải thích rằng sẽ có " ít nhất " là 19 vị Hồng Y sẽ được tuyển chọn bổ sung để đáp ứng đúng giới hạn 120 thành viên có quyền bầu cử trong Hồng Y Đoàn vào tháng Giêng năm 2011 sắp đến - vì thế nhà báo Tosatti của Nhật Báo La Stampa đã tiếp tục nêu ra danh tính của một vài ứng viên trong tổng số các Đấng có nhiều khả năng được nhận "Mũ Đỏ".

Tosatti nói với sự đoan chắc rằng 04 vị đứng đầu các Thánh Bộ của Giáo Triều Rôma sẽ được tuyển chọn bao gồm có;

- Đức TGM Angelo Amato, Thánh Bộ Tuyên Thánh

- Đức TGM Raymond Leo Burke, Tối Cao Pháp Viện Giáo Triều (Apostolic Signatura)

- Đức TGM Kurt Koch, Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hiệp Nhất Các KiTô Hữu và Đặc trách các Quan hệ Đại Kết

- Đức TGM Gianfranco Ravasi, Hội Đồng Giáo Hoàng Đặc trách về Văn Hóa.

Nhà báo Tosatti cũng nói thêm rằng, các vị Kinh Sĩ Trưởng của Đại Vương Cung Thánh Đường Thánh PhaoLô Ngoại Thành Rôma; vị Giám Chức đứng đầu Tu Hội Hiệp Sĩ Đoàn Malta (Malta Sovereign Military Order of Malta); và 02 vị Tổng Giám Mục đương nhiệm của Giáo Hội Ý cũng có thể sẽ được tuyển chọn.

Đối với khu vực Bắc Mỹ, Tosatti tiên đoán rằng lần này sẽ có sự đề cử các Đức Tổng Giám Mục Donald Wuerl của Tổng Giáo Phận Thủ Đô Washington D.C., nước Mỹ và.. . Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins của Tổng Giáo Phận Toronto, Canada.

Được biết Đức TGM Wuerl cũng đã được tiên đoán là thuộc về các ứng viên sẽ được tuyển chọn vào Hồng Y Đoàn trong Mật Nghị năm 2007.

Đối với khu vực Châu Âu, Tosatti tiên đoán là các Đức Tổng Giám Mục của các Tổng Giáo Phận Munich (Đức); Toledo; Warsaw (BaLan); Westminster (Anh); Utrecht; và Mechelin-Brussels (Bỉ) cũng sẽ được tiến cử vào danh sách ứng viên được tuyển chọn.

Đối với khu vực Châu Á thì nhà báo Tosatti cũng nêu thêm rằng sẽ có 03 vị sẽ được tuyển chọn tức là mỗi vị cho các Giáo Hội Công Giáo tại Tích Lan (Sri Lanka); Trung Quốc; và Nhật Bản.

Với Châu Phi thì Tosatti nêu thêm sẽ có 03 vị đến từ các Giáo Hội Côngô; Cameroon và Uganda.

Với Châu Mỹ Latinh thì Tosatti tiên đoán là sẽ có ít nhất 02 vị thuộc về các Giáo Hội Uruguay và Ba Tây (Brazil).
 
Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Thái-Miên kiêm nhiệm Đại Diện Tông Tòa tại Miến-Lào.
Dominic David Trần
20:33 25/09/2010
Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Thái-Miên kiêm nhiệm Đại Diện Tông Tòa tại Miến-Lào.

TGM Giovanni d' Aniello
ĐIỆN VATICAN ngày 22/09/2010 theo bản tin Thông Tấn Xã Công Giáo toàn cầu (Zenit.org) - Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Giovanni d'Aniello, hiện đang là Sứ Thần Tòa Thánh tại nước Cộng Hòa Dân Chủ Côngô trở thành Đại Diện của Đức Thánh Cha tại 04 quốc gia khác.

Đức Tổng Giám Mục Giovanni d'Aniello, 55 tuổi, nay được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại 02 Vương Quốc Thái Lan và Cao Miên; và đồng thời kiêm nhiệm làm Đại Diện Tông Tòa tại Miến Điện (tên mới là Myanmar) và nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào (tức Vương Quốc Lào trước kia); một bản thông cáo báo chí của Điện Vatican ngày 22/09/2010 đã xác nhận việc bổ nhiệm nói trên.

Đức TGM Giovanni d'Aniello sẽ kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio, vị tiền nhiệm này đã được Đức Thánh Cha Benedicto XVI bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Ấn Độ trong tháng Năm 2010 vừa qua.

Được biết Đức TGM d' Aniello đã phục vụ trong nhiệm vụ Sứ Thần của Toà Thánh tại nước Cộng Hòa Dân Chủ Côngo từ năm 2001. Ngài được tấn phong lên Tổng Giám Mục ngay sau khi được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh. Đức TGM Giovanni d'Aniello, sinh quán tại nước Ý và được thụ phong Linh Mục vào năm 1978 tại Giáo Phận Aversa, Ý.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thư chia sẻ của ban tổ chức cuộc thi viết Nhánh Huệ Nước Trời
Lm. Trăng Thập Tự
11:25 25/09/2010
THƯ CHIA SẺ CỦA BAN TỔ CHỨC CUỘC THI VIẾT NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI

Kính gởi quý vị phụ trách đào tạo trong các Chủng Viện và Dòng Tu

Kính gởi quý vị phụ trách mục vụ Giới Trẻ

Kính gởi quý vị phụ trách các lớp Giáo lý Hôn Nhân

Năm học 2009-2010, hòa nhịp với bước khởi động Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam, hai trang mạng Mạng Lưới Dũng Lạc ( www.dunglac.org ) và Hướng Về Đại Hội Dân Chúa ( www.huongvedaihoidanchua.net ) đã liên kết tổ chức cuộc thi viết tôn vinh Mẹ Maria và cổ võ Đoan Hứa Khiết Tịnh. Năm học 2010-2011, cùng chung tâm tình hoàn tất và triển khai hoa quả của Năm Thánh, được sự bảo trợ của Ủy Ban Văn Hóa Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chúng tôi tổ chức cuộc thi thứ hai với chủ đề tôn vinh Thánh Cả Giuse và cổ võ Đoan Hứa Khiết Tịnh. Chúng tôi xin chia sẻ đôi điều để việc chăm lo cho lớp trẻ của chúng ta đạt kết quả hơn.

Các bạn trẻ của chúng ta hiện gặp nhiều khó khăn về luân lý, trong đó có những vấn đề liên quan đến đức Khiết Tịnh. Một số bạn trẻ tâm huyết đã mạnh dạn nêu vấn đề trên trang Hướng Về Đại Hội Dân Chúa và mời gọi nhau công khai đoan hứa sống khiết tịnh ( Xin xem http://huongvedaihoidanchua.net/doanhuakhiettinh/3180.html )

Cùng lúc, đâu đâu những người phụ trách đào tạo các ơn gọi trẻ cũng đều phải đối đầu với khả năng viết tiếng Việt quá kém của nhiều ứng sinh. Lắm em đã tốt nghiệp Đại Học mà viết văn vẫn đầy lỗi chính tả, đặt câu sai, không biết diễn ý, không biết xây dựng dàn bài.

Chính sáng kiến Đoan Hứa Khiết Tịnh trên đây đã gợi hứng cho chúng tôi tổ chức cuộc thi viết trên mạng. Việc tham gia sẽ giúp bạn trẻ quan tâm luyện tập môn văn. Chủ đề cuộc thi sẽ giúp họ ý thức hơn về giá trị của đức Khiết Tịnh.

Cuộc thi thứ nhất đã được hưởng ứng nồng nhiệt với trên 500 bài tham gia, đã được đúc kết trong một tuyển tập 340 trang với 13 bài văn xuôi và gần 200 bài thơ đường luật của 85 tác giả, có cả Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Chủng Sinh và Giáo Dân. Quý vị có thể xem hình thức và nội dung quyển sách trên mạng Dũng Lạc, tại địa chỉ http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=575. Chúng tôi ước mong thông điệp của quyển sách đến được với tất cả các bạn trẻ Việt Nam. Chúng tôi tha thiết xin Quý Vị giúp giới thiệu rộng rãi cho mọi nhóm bạn trẻ. Quý vị cần mua, xin liên lạc về: nguoi_phucvu@yahoo.com.vn. Giá bìa: 39.500 VNĐ/quyển, nếu mua từ 5 quyển trở lên sẽ được tính giá phát hành: 25.000 VNĐ/quyển. Bạn đọc ở nước ngoài có thể đặt mua sách trên mạng tại www.FatimaCompany.com.

Tiếp đến, chúng tôi ước mong Quý Vị đừng ngần ngại cổ võ các ứng sinh trực thuộc Quý Vị hưởng ứng cuộc thi viết mới, mang tên “Nhánh Huệ Nước Trời”. Suy tư sáng tác về đề tài này, họ sẽ khám phá và có xác tín cá nhân về đức khiết tịnh. Việc trau dồi văn thơ sẽ giúp họ thêm hiếu học, luyện tập nhiều đức tính nhân bản, thăng tiến trong ơn suy niệm cũnh như chiêm niệm, gia tăng tinh thần truyền giáo và tự trang bị khả năng phục vụ trong nhiều lãnh vực về sau.

Cũng xin Quý Vị tiếp tay phổ biến rộng rãi bản thể lệ cuộc thi và động viên các nhóm bạn trẻ Quý Vị quen biết tham gia cuộc thi. Chúng tôi tin rằng cuộc thi sẽ có tác dụng thấm chậm, giúp các bạn trẻ ý thức hơn, quả cảm hơn trong việc sống triệt để các giá trị Tin Mừng và trở nên tông đồ cho những giá trị này.

Xin chân thành cám ơn Quý Vị và nguyện chúc Quý Vị luôn an vui hạnh phúc trong Chúa.

Qui Nhơn, ngày 23-9-2010

TM. Ban Tổ Chức,
 
Bài xướng cuộc thi viết Nhánh Huệ Nước Trời
Lm. Trăng Thập Tự
11:30 25/09/2010
BÀI XƯỚNG CUỘC THI VIẾT NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI

Cùng quý độc giả và quý tác giả tham gia cuộc thi viết Nhánh Huệ Nước Trời

Bản thể lệ cuộc thi viết Nhánh Huệ Nước Trời được Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa HĐGMVN ký ngày 11-9-2010 nhưng mãi hôm nay mới được công bố vì còn phải chờ chọn bài xướng cho phần xướng họa thơ Đường trong cuộc thi. Việc này không giản dị.

Đến phút chót, có 59 bài của hơn 30 tác giả gởi về. Ngoài những bài lỗi niêm luật, không sát với chủ đề hoặc không có gì đặc sắc, chúng tôi giữ lại 29 bài gởi đến 20 vị được mời bình chọn. Mỗi vị được mời chọn hai bài hay nhất, A và B. Có 17 vị trả lời: Đức ông Xuân Ly Băng, nữ tu Ngọc Lan fmm, các linh mục văn thi hữu Nguyễn Thiên Cung, Phan Minh Anh, Nguyễn Hữu An, Mai Văn Khôi và Trương Đình Hiền, giáo sư Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, các văn thi hữu Lê Đình Bảng, Đoàn Xuân Dũng, Bùi Công Thuấn, Trần Vạn Giã, Lê Hữu Phước, Lê Quý Long, Lê Hồng Bảo, Nguyễn Văn Tường và Dương Thành Thiêng.

Căn cứ vào số phiếu bình chọn của 17 vị, nay đã có kết quả bài xướng cho cuộc thi xướng họa. Ban Tổ Chức xin công bố bài xướng của cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời là bài Huệ Trắng của tác giả Dzuy Sơn Tuyền:

HUỆ TRẮNG

Giuse gương sáng bậc làm cha,

Huệ trắng thơm hương khắp mọi nhà.

Nghèo khó thanh bần, nơi cõi thế,

Trinh trong khiết tịnh, chốn phong ba.

Dưỡng nuôi Con Thảo, tròn Thiên ý,

Chăm sóc Bạn Hiền, đẹp Thánh gia.

Luôn giữ tinh tuyền, con nguyện hứa

Dâng về Cha Thánh, khúc hoan ca.


Dzuy Sơn Tuyền



Xin chúc mừng và cám ơn tác giả Dzuy Sơn Tuyền đã đóng góp một bài xướng rất đẹp và ý nghĩa cho cuộc thi lần này.

Chúng tôi cũng xin chia sẻ thêm rằng, trong nhóm tham gia bình chọn, nhiều vị cho biết rất khó chọn vì đa số các bài đều hay ngang ngửa với nhau, không có những bài nổi bật hẳn. Vì lý do này, ngoài bài được bình chọn làm bài xướng cho cuộc thi, chúng tôi sẽ giới thiệu lên mạng một tập khoảng 50 bài, gồm 29 bài nói trên cùng với một số bài khá hay chúng tôi nhận được sau khi đã chuyển các bài sơ tuyển cho nhóm bình chọn, cộng thêm một số bài đóng góp nhằm cổ võ cuộc thi. Dưới mỗi bài sẽ có ghi cả tên và email của tác giả để tạo nhịp cầu giao lưu xướng họa giữa các tác giả với nhau. Những bài này không thuộc hồ sơ dự thi nhưng cũng sẽ được giới thiệu lên mạng thành một sinh hoạt song hành với cuộc thi và hỗ trợ cho cuộc vận động tôn vinh Thánh Cả Giuse và cổ võ đoan hứa khiết tịnh.

Chúng tôi ước mong nhận được thêm những ý kiến đóng góp cho các sinh hoạt này.

Quy Nhơn, ngày 23-9-2010

TM. Ban Tổ Chức,
 
Cuộc thi viết tôn vinh thánh Giuse và cổ võ đức khiết tịnh
Lm. Trăng Thập Tự
11:36 25/09/2010
CUỘC THI VIẾT TÔN VINH THÁNH GIUSE VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Vừa qua, nhân lễ trao giải cuộc xướng họa Sen Giữa Lầy, các tác giả hiện diện trong buổi giao lưu tại Trung tâm Mục vụ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn chiều 29-7-2010 đã nhất trí, để đóng góp thêm vào các thành quả của Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam, sẽ mở cuộc thi viết trên mạng mang tên CUỘC THI VIẾT TÔN VINH THÁNH GIUSE VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH.

Cuộc thi được đặt dưới sự bảo trợ của Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Chủ đề và thể lệ cuộc thi được ấn định như sau.

I. CHỦ ĐỀ

+ Cuộc thi viết mang tên “NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI”, với nội dung TÔN VINH THÁNH GIUSE VÀ CỔ VÕ ĐỨC KHIẾT TỊNH.

+ Cuộc thi viết lần trước đã nhìn lên gương khiết tịnh của Mẹ Maria, lần này sẽ nhìn lên gương Thánh Giuse. Nghệ thuật thường diễn tả sự chín muồi tâm linh của thánh nhân bằng những nét của người cao tuổi nhưng thật ra Thánh Giuse là một người trẻ giữa những người trẻ ở tuổi lập gia đình, xưa cũng như nay.

+ Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, còn Thánh Cả Giuse cũng vướng mắc tội tổ tông truyền như chúng ta. Như thế Ngài rất gần gũi chúng ta trong thân phận tội lụy và cuộc chiến đấu của Ngài cũng gần gũi với cuộc chiến đấu của chúng ta hơn.

+ Lần trước, biểu tượng đức khiết tịnh được lấy theo kinh nghiệm Việt Nam: hoa sen. Lần này cuộc thi dùng biểu tượng truyền thống của Giáo hội Công giáo là hoa huệ.

“Làm chủ được bản năng và chiến thắng được đam mê, bạn trẻ sẽ thành người giàu nghị lực, sớm thành đạt. Điều ấy bạn trẻ đã biết, thế nhưng truyền thông, quảng cáo, phim ảnh đang liên kết thành một đạo quân có vẻ bách chiến bách thắng, nội lực của bạn trẻ thật mong manh yếu ớt, làm sao đứng vững được trước những tấn công dồn dập đến thế? Hơn nữa, trong thực tế, có thể những tấn công ấy đã đã khiến ta bị vấy bùn và bị tổn thương trầm trọng. Lắm khi nó gây ấn tượng mãnh liệt khiến ta có cảm tưởng sẽ phải chào thua cả đời, không sao thắng vượt được. Chính ở đây ta cần đến sự khôn ngoan của hoa huệ: Ngoi lên khỏi bùn, nó vươn cao thật cao. Nơi hoa huệ ngoài đồng, dù ếch nhái có nhảy xuống bùn, bùn cũng không bắn lên cao tới bông hoa được. Trong cuộc chiến tâm linh, cái vươn cao của hoa huệ là vươn đến Chân Thiện Mỹ Tuyệt Đối tức là Thiên Chúa. Ta không dựa vào sức riêng nhưng dựa vào ơn Chúa. Người môn đệ của Chúa Giêsu quyết vươn cao nhờ đức tin, đức cậy và đức mến. Chính tình yêu của Ngài cuốn hút ta vượt lên không ngừng, thoát khỏi mọi vấn vương tục luỵ.” (Trăng Thập Tự, lời dẫn vào tuyển tập Sen Giữa Lầy)

Tóm lại, cuộc thi nhằm hỗ trợ chương trình cổ võ đoan hứa khiết tịnh theo gương Thánh Cả Giuse trong cuộc sống độc thân, cuộc sống tiền hôn nhân cũng như cuộc sống gia đình – với hình ảnh hoa huệ.

II. THỂ LỆ

1. Cuộc thi sẽ có bốn bộ môn: truyện rất ngắn, kịch bản, thơ mới và xướng họa thơ Đường luật.

- Truyện rất ngắn: dài không quá 800 từ (tối đa là 1 trang A4 và ¼ - trừ lề như định sẵn trong máy vi tính), chữ Times New Roman 12 hoặc VNI-Times 11.

- Kịch bản: dài không quá 4 trang A4, chữ Times New Roman 12 hoặc VNI-Times 11.

- Thơ mới: Không quá 24 câu.

- Thơ Đường: Cuộc xướng hoạ sẽ được chấm theo các chuẩn mực của thơ Đường nhưng ở đây không nhắm so tài mà chỉ nhắm giao lưu giữa các tác giả, tôn vinh Thánh Giuse và cổ võ Đức Khiết Tịnh. Bài dự thi tối thiểu phải họa đủ 5 vần, đúng luật bằng trắc và có hai cặp đối.

2. Bài xướng thơ Đường sẽ được giới thiệu sau, trong một văn bản bổ sung.

3. Mỗi bộ môn sẽ có 16 giải:

- một giải nhất: 10.000.000 $VN

- hai giải nhì, mỗi giải 6.000.000 $VN

- ba giải ba, mỗi giải 4.000.000 $VN

- 10 giải triển vọng, mỗi giải 1.000.000 $VN

4. Mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt niềm tin, tuổi tác, nam nữ.

5. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng. doc (word), không nhận bài gởi qua đường bưu điện.

6. Email dự thi xin ghi rõ: Dự thi Nhánh Huệ Nước Trời. Mỗi bài dự thi gởi một email riêng. Những email có hai bài trở lên là bất hợp lệ. Để tiện liên lạc khi trao giải, cuối mỗi bài dự thi xin ghi rõ: tên thật, bút danh, địa chỉ nhà và số điện thoại. Dù đã gởi nhiều email dự thi, cuối mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được dự thi.

7. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gởi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.

8. Địa chỉ nhận bài, xin gởi cùng lúc về 3 điện chỉ email: gopnhattho@yahoo.com, vuonoliu@gmail.com và dongxanhtho@gmail.com

9. Thời gian nhận bài: Từ nay đến hết ngày kết thúc năm thánh 06-01-2011.

10. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố cuối tháng 2-2011.

11. Lễ trao giải sẽ được tổ chức ngày Lễ Thánh Giuse, 19-3-2011, tại ba địa điểm thuộc ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn – giờ giấc và địa điểm cụ thể sẽ được thông báo sau.

12. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên www.dunglac.org, trang www.huongvedaihoidanchua.net và những trang mạng ủng hộ chương trình này.

11. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.

Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc cho cuộc thi xin gởi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo.com – Điện thoại: 0935-424-449.

Chúng tôi cũng ước mong có thêm quà tặng đặc biệt bằng sách gởi đến những người đạt giải (64), các vị giám khảo (24) và những người phục vụ khác trong cuộc thi (6). Những vị nào có nhã ý tặng sách, xin gưởi 94 bản, có đề tặng và chữ ký của tác giả. Sách xin gởi về: Bà Võ Thị Hiếu 355 Hòa Hảo, F. 5, Q. 10, TPHCM. Chân thành cám ơn.

Qui Nhơn, ngày 8-9-2010

TM Ban Tổ Chức

Lm Trăng Thập Tự

Chuẩn thuận:

Phan Thiết, ngày 11- 9-2010

+ Giuse Vũ Duy Thống

Giám Mục Phan Thiết

Chủ Tịch UBVH-HĐGMVN

(ấn ký)
 
Thánh tích của Don Bosco đến tỉnh dòng Đông Hoa Kỳ và Canada
Danh Trần, SDB
21:20 25/09/2010
Thánh tích của Don Bosco đến tỉnh dòng Đông Hoa Kỳ và Canada

Miền Đông Hoa Kỳ

Miami, FL: ngày 25 đến 27 tháng 9
Tại trường Immaculate La Salle High School và giáo xứ thánh Gioan Bosco (St. John Bosco parish)

Chúa Nhật 26 tháng 9, lúc 7:00 giờ tối,
Chương trình Sunday Night Live của đài truyền hình Công Giáo EWTN’s
sẽ phát một chương trình đặc biệt về thánh tích của Thánh Gioan Bosco với sự tham dự của một số anh em SDB

Washington, D.C.: ngày 28 tháng 9
Tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm

Vùng thành phố New York: ngày 29 tháng 9 đến 2 tháng 10
Tại Đền Đức Mẹ (Marian Shrine) Stony Point, NY: 29 – 30 tháng 9

Tại nhà thờ chính tòa thánh Patrick, New York City: 1 – 2 tháng 10
Đặc biệt, tối thứ sáu 1 tháng 10,

7 giờ tối: thánh lễ đại trào với Đức Tổng GM Timothy Dolan
9 giờ tối: giờ kinh nguyện tiếng Việt
cho giới trẻ và cộng đoàn Công Giáo người Việt.

Chicago, IL: ngày 2 đến 4 tháng 10
Tại giáo xứ thánh Gioan Bosco (St. John Bosco Parish)

Canada

Toronto, ON: ngày 5 tháng 10
Tại giáo xứ thánh Benedict

Montreal, QC: ngày 6 đến 7 tháng 10
Tại nhà thở Đức Mẹ Phù Hộ (Maria Ausiliatrice)

Surrey, BC: ngày 9 tháng 10
Tại Our Lady of Good Counsel Church

Xin xem them chương trình chi tiết, tin tức, video, hình ảnh… trên các trang web:
www.donboscoamongus.org
http://donboscoamongus.blogspot.com
 
Thiếu nhi giáo xứ Chính Tòa Giáo phận Lạng Sơn vui hội trăng rằm
Giuse Trần Ngọc Huấn
21:22 25/09/2010
Trong không khí tưng bừng của ngày Tết Trung Thu, từ khắp quê hương xóm làng, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng cười nói vui tươi, những khuôn mặt rạng rỡ của tuổi thơ, hòa điệu cùng những tiếng trống ếch dòn dã... Trung Thu đã thực sự trở thành ngày tết mang đậm dấu ấn của trẻ thơ. Hòa vào ngày hội đó, các em thiếu nhi thuộc giáo xứ Chính Tòa của giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, đã được tham dự nhiều chương trình đầy bổ ích, lý thú do giáo xứ tổ chức.

Xem hình ảnh

Giữa tiết trời se lạnh, phảng phất mưa bay của những ngày cuối thu nơi xứ Lạng, hàng trăm em thiếu nhi trong giáo xứ đã quy tụ về Nhà thờ Chính Tòa để cùng vui hội trăng rằm. Cha xứ Giuse Nguyễn Ngọc Thể cho biết: Trung Thu năm nay, giáo xứ đã chuẩn bị 100 phần quà cho các em thiếu nhi, và cũng sẽ có nhiều hoạt động để con em trong giáo xứ có được một ngày Tết mang nhiều ý nghĩa, đây không chỉ đơn thuần là việc vui chơi nhưng còn là dịp các em gặp gỡ, xây dựng tình liên đới và gắn bó trong giáo xứ.

Thánh lễ được cử hành vào lúc 19h00 ngày 22 tháng 9 (tức 15 tháng 8 Âm lịch) do cha Giuse Trần Bình Trọng (SDB) chủ sự tại Nhà Thờ Chính Tòa. Thánh lễ này được dành riêng để cầu nguyện cho các em thiếu nhi nhân dịp ngày Trung Thu, dù vậy, không chỉ các em tham dự mà còn có quý ông bà Cố, quý phụ huynh và mọi người trong giáo xứ cũng hiện diện, hiệp thông một cách sốt sắng, tạo nên bầu khí gia đình giáo xứ thật ấm cúng và trang trọng.

Sau Thánh lễ, các em thiếu nhi và mọi người cùng hòa vào một bầu không khí sôi động, rộn ràng và đầy vui tươi. Khuôn viên thánh đường tràn ngập ánh sáng, không chỉ của đèn điện, nhưng còn rực lên bởi rất nhiều những ánh nến của đèn ông sao, đèn cá chép trên tay các em thiếu nhi. Đội múa lân của giáo xứ đã đem đến cho các em nhiều màn biểu diễn ấn tượng. Đặc biệt, hơn 100 phần quà và Cỗ Trung Thu đã được dành tặng cho các em. Đội lân và các em thiếu nhi còn đến thăm một số gia đình trong giáo xứ.

Một buổi tối Trung Thu dù khép lại, nhưng đã để lại trong các em thiếu nhi và mọi người nhiều niềm vui, sự ấn tượng và nhất là tình liên đới trong gia đình giáo xứ ngày càng tốt đẹp, thăng tiến hơn.
 
LM Nguyễn Văn Lý là một trong 9 người được đề cử giải nhân quyền Sakharov năm 2010
European Parliamnet
22:44 25/09/2010
LM Nguyễn Văn Lý, 64 tuổi,.đang chữa bệnh ở nhà chung Huế được một tổ chức ở Quốc Hội Âu Châu đề cử giải thưởng nhân quyền Sakharov năm 2010. Ðây là giải thưởng nhân quyền hàng năm của Quốc Hội Âu Châu đặt tên vinh danh nhà khoa học Nga Andrei Sakharov, có từ năm 1988 đến nay. Tiến Sĩ Sakharov là người đấu tranh chống độc tài cộng sản Liên Xô.

Linh mục Lý là 1 trong 9 người đượ đề cử cho giải thưởng nói trên. Ngoài cha Lý, còn có luật sư nhân quyền người Syria là Haytham Al-Maleh, bác sĩ người Cuba là Guillermo Farinas, bà Aminatou Haidar, người vận động nhân quyền cho nên độc lập của một quốc gia “Tây Sahara,” bà Birtukan Mideksa, chính trị gia nước Ethiopia và một số tổ chức vận động nhân quyền, cũng được đề cử.

Tất cả những người được đề cử đều có thành tích đấu tranh bất chấp tù tội, mạng sống, cho quyền làm người ở các quốc gia của họ.

Vào ngày 5 tháng 10, 2010 tới đây, những đơn đề cử sẽ được đệ trình ở ủy ban hỗn hợp của Ủy Ban Ðối Ngoại và Phát Triển và Tiểu Ban Nhân Quyền. Sau đó, một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 18 tháng 10 để quyết định chọn 3 người vào vòng chung kết. Người cuối cùng được lựa chọn trúng giải Sakharov 2010 sẽ được Hội Ðồng Chủ Tịch Quốc Hội Liên Âu quyết định vào ngày 21 tháng 10, 2010 trong phiên họp ở Strasbourg. Người trúng giải sẽ được mời đến dự lễ trao giảo sẽ được tổ chức ở Strasbourg vào ngày 15 tháng 12, 2010.

LM Nguyễn Văn Lý là một người vận động nhân quyền, tự do tôn giáo không ngừng nghỉ từ khi cộng sản nhuộm đỏ cả nước năm 1975. Ngài đã ở tù và bị quản chế gần hết thời gian kể từ đó đến nay. Riêng 3 lần ở tù đã hơn 17 năm.

(Nguồn: http://www.europarl.europa.eu/news/expert/infopress_page/015-83453-266-09-39-902-20100923IPR83450-23-09-2010-2010-false/default_en.htm)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tội ác là chuyện bình thường
Gioan Lê Quang Vinh, VRNs
00:13 25/09/2010
Một cô bạn cũ gửi cho tôi tin Internet về một cháu bé bị hành hạ ở một miền quê Việt nam. Chuyện thật đau lòng nhưng không hiếm ở xã hội Việt nam ngày nay.

Có điều rất lạ là cô bạn ấy tỏ ra ngạc nhiên dường như vì cho rằng sao chuyện ấy có thể xảy ra ở xã hội này. Rồi cũng chính cô sau đó lại bảo rằng những chuyện như thế là bình thường trong các xã hội Tây phương.

Nếu theo dõi tin tức nhiều năm qua, người ta thấy con người ngày càng bị đối xử tệ hại hơn, người ta không những hành hạ con, mà còn giết con (phá thai), và chuyện giết người, hay hành hung, cư xử thô bạo vẫn xảy ra thường xuyên. Vậy mà vẫn có những người không biết, cứ nghĩ xã hội này là xã hội của hoà bình và công lý.

Cái nguy hiểm là người ta chịu ảnh hưởng từ báo chí Việt nam, “đừng nghĩ nhiều về tội ác, xã hội Tây phương còn có nhiều tội ác hơn”. Truyền thông gần đây đã phát triển đa dạng và nhiều người Việt hiểu hơn rằng xã hội tự do Tây phương không dung túng tội ác như ta vẫn bị nhồi.

Điều kiện đầu tiên để loại trừ tội ác là phải ghê sợ tội ác, và khi ghê sợ tội ác, người ta không nên gieo vào đầu óc người dân rằng ở các thể chế tự do, tội ác và bạo loạn ngày càng nhiều. Tuyên truyền như thế có hai cái hại. Thứ nhất, thông tin bây giờ dễ dàng tiếp cận hơn, cho nên nhiều người biết rằng luật pháp các nước văn minh không dung túng cho bất cứ sự vi phạm luật nào. Ngay cả một hành vi dằn mặt nhỏ đối với một ca sĩ hạng xoàng, không ra gì, từ Việt nam qua Mỹ hát, cũng được pháp luật hỏi đến, huống chi là tội ác. Thứ hai, tuyên truyền về tội ác ở nơi khác chính là cổ vũ tội ác nơi quê hương mình, vì sự bắt chước và sự đua đòi dường như ngày càng mạnh mẽ hơn.

Điều kiện thứ hai là không được bênh vực tội ác dưới bất cứ hình thức nào. Khi chúng ta bảo rằng tội ác là bình thường, chúng ta đang bênh vực tội ác. Khi một con người, dù là người của Giáo Hội, nói thay tiếng của thế gian điêu ngoa, để kêu gọi người khác ngưng chiến đấu chống tội ác, thì họ đang dung dưỡng cho tội ác lớn lên.

Khi thấy tôi biết nhiều về các vấn đề xã hội, cô bạn ấy còn khuyên tôi đọc… Kinh Thánh thay vì đọc tin chính trị xã hội. Tôi biết bạn ấy chịu ảnh hưởng bởi một ai đó muốn che giấu bộ mặt của một thế gian vốn quá nhiều điêu ngoa. Bây giờ vẫn còn nhiều người không hiểu rằng Chúa cứu độ con người là cả phần hồn phần xác, chứ không phải lo chỉ chuyện nhà thờ mà quên một đền thờ khác Chúa vẫn ngự trị, ấy là nơi tha nhân, những con người cơ cực và đang chịu muôn cay đắng. Đọc Kinh Thánh để hiểu và sống cuộc đời này cho đúng ý Chúa, chứ không nên đọc Kinh Thánh để quên đi cuộc sống này.

Ngày nào người Việt còn nói “tội ác là chuyện bình thường”, ngày ấy phận người vẫn còn nhiều đắng cay. Nhưng khổ một nỗi là ai lên tiếng chống cái ác, chống sự chèn ép và bất công, thì xã hội coi họ là cực đoan. Nhưng tôi, bắt chước những người công chính, thà mang tiếng là cực đoan còn hơn là đứng về phía tội ác. Bây giờ ai thoả hiệp thì dễ được coi là thức thời, là hoà hợp, là đối thoại. Nhưng cái hoà hợp và đối thoại ấy cũng giống như viên đường ngọt ngào bỏ vào chén acid. Chính người cho đường vào sẽ phải uống chén ấy trước. Và rồi đến dân mình phải uống.

Tội ác là acid, đối thoại với điều ác là cho đường vào chén ấy. Người đưa chén acid ra là ác, người cho đường vào thì chắc cũng chẳng nhân từ. Và cả hai đều phải trả lẽ trước Đấng Chí Công. Nếu người ta yêu công lý và hoà bình thật sự, người ta phải cầm nến cháy mà la lớn lên cho người khác hiểu rằng phải đứng ở đâu và phải hành động thế nào.

May thay, giữa xã hội mà hiền ác lẫn lộn, vẫn còn nhiều con người thao thức muốn thắp nên những ngọn nến và muốn giơ cao cành thiên tuế. Lớp truyền thông online của Dòng Chúa Cứu Thế mở ra đã qui tụ nhiều con người thiện chí như thế. Họ từ nhiều nơi và ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng có chung một thao thức: chọn truyền thông không như viên đường, mà làm chất xúc tác để hoá giải độc tố. Quí vị có thể ghé thăm lớp truyền thông online để cùng chia sẻ những khao khát và thao thức đó. www.vrmi.wordpress.com

Nhưng không phải đó là nhóm duy nhất trong Giáo Hội đang tìm con đường đi về Chân Thiện Mỹ. Tầng tầng lớp lớp những con người thuộc mọi lứa tuổi, ở khắp mọi nơi và qua nhiều thời đại, vẫn không ngừng tiếp nối nỗi day dứt khắc khoải của Thánh Augustinô, mãi cho đến ngày được “nghỉ ngơi bình an trong Chúa”. Và Giáo Hội cổ vũ việc đi tìm chân lý trong những nhóm, những cộng đoàn, vì chính nơi đó Chúa hiện diện, và cộng đoàn biểu lộ sự hiệp thông. (x.Tóm Lược HTXHCG, 549)

Cầu mong sự ác sẽ ngày càng bị đẩy lui nhờ nỗ lực của nhiều người thiện chí, và trên hết là nhờ lời cầu nguyện dâng lên Đấng có toàn quyền trên muôn loài muôn vật.
 
Văn Hóa
Dâng Mẹ Chuỗi Hạt Đời Con !
Chủng sinh J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
10:26 25/09/2010
Dâng Mẹ chuỗi hạt đời con !

Là niềm vui sống tình thương nhiệm mầu

Vườn hồn kết cánh khổ đau

Tiến dâng ngàn đóa tươi màu hy sinh

Như xưa Mẹ đã dâng mình

Vâng theo tiếng Chúa trung trinh ước nguyền

Hạt lòng con kính dâng lên !

Tháng ngày theo tiếng Mẹ hiền ra khơi

Làm con thuyền nhỏ giữa đời

Chở yêu thương đến với người truân chuyên

Cho lòng Mẹ bớt ưu phiền

Vì thương nhân thế đắm chìm gieo neo

Dâng Mẹ chuỗi hạt tin yêu !

Của đời con mỗi sớm chiều cậy trông

Nơi tình Thánh giá vô cùng

Với Mẹ đi tới ngày hồng Phục sinh.
 
Hoài thương
Jos. Tú Nạc, NMS
10:50 25/09/2010
Vẫn những dấu chân nẻo đời vạn hướng.

Bóng đơn côi nghiêng đổ nắng tinh tuyền.

Ta lặng lẽ hong hồn trong suy tưởng,

Người hoài thương tình ấp ủ vô biên.

Ta biết Người luôn vòng tay mở rộng,

Ôm ấp kiếp người trống vắng cô đơn,

Dìu dắt ta trong u tối chập chờn,

Bao vấp ngã cuộc đời Người nâng đỡ.

Kiếp nhân sinh phù du và ảo ảnh,

Chỉ có Người vô ảnh hóa hữu hình.

Ta bên Người âu yếm những lời kinh,

Người chẳng bỏ bơ vơ dù khoảnh khắc.

Chuỗi Mân Côi hằng đêm ta thầm gọi,

MARIA – ta thánh ái tôn vinh.

Người đưa ta vào giấc ngủ yên bình,

Ta trong đó cả tình nồng cứu rỗi.

Ta say sưa trong ánh mắt dịu hiền,

Ta mông mị bờ môi thắm triền miên.

MARIA – tên Người là tất cả,

Ta thương Người và Người mãi thương ta.

(Cùng cầu cho nhau)