Ngày 30-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 26 Mùa Quanh Năm 01/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:18 30/09/2023


BÀI ĐỌC 1 Ed 18:25-28

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.

Có lời Đức Chúa phán như sau: “Các ngươi nói: ‘Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.’ Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết.”

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Pl 2:1-11

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

Thưa anh em, nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.

Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người

và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa.”

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Ga 10:27

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Alleluia.

TIN MỪNG Mt 21:28-32

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng:

“Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.’ Nó đáp: ‘Con không muốn!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: ‘Thưa ngài, con đây!’ nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Đó là lời Chúa.
 
Tất cả con là của Mẹ
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
04:28 30/09/2023

MỪNG LỄ Đức Mẹ MÂN CÔI 2023
TẤT CẢ CON LÀ CỦA MẸ

Tháng 10.2002, nhân dịp về thăm quê hương Balan, trước khối lượng khổng lồ những người đồng hương, thánh Gioan Phaolô II đã cầu nguyện cùng Đức Mẹ: “Lạy Mẹ rất thánh, con tin cậy Mẹ và con tuyên bố với Mẹ: Tất cả con là của Mẹ! Tất cả con là của Mẹ! Amen”.

Mỗi khi lần chuỗi, chúng ta cũng hãy đặt hết tình con thảo của mình, cuộc đời mình, sự sống và mạng sống mình vào tay Đức Mẹ để có thể thốt lên trong niềm xác tín kết hợp với chính sự xác tín của vị thánh nổi tiếng yêu mến Đức Mẹ, rằng: Tất cả con là của Mẹ! Tất cả con là của Mẹ!

Chuỗi Mân Côi giúp chúng ta chiêm ngắm và học tập các nhân đức của Đức Mẹ như: khiêm nhường, yêu thương, suy tư, vâng phục, sống nội tâm, bác ái, chấp nhận nghịch cảnh, tin tưởng, phó thác…

Đó là những nhân đức mà Đức Mẹ thể hiện qua từng giai đoạn của cuộc đời Chúa Cứu Thế mà các mầu nhiệm: Vui, Sáng, Thương, Mừng gợi lên trong ta khi suy niệm.

Chuỗi Mân Côi còn là con đường dẫn ta đến cái nhìn nội tâm chiêm ngưỡng Chúa Giêsu nhờ kết hợp cùng Đức Maria. Cùng Mẹ, ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời trần thế của Chúa. Bởi đã không ai chiêm ngưỡng Chúa cách say sưa như Mẹ. Mẹ là gương mẫu lớn lao về việc trung thành chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Giêsu.

Mẹ hướng về Chúa ngay từ lúc truyền tin, khi cưu mang Chúa nhờ Chúa Thánh Thần, hạ sinh Chúa tại Bêlem, hoang mang khi tìm Chúa thất lạc suốt ba ngày liền.

Mẹ như xuyên thấu tâm tư của Chúa Giêsu khi cầu nguyện tại tiệc cưới Cana. Trong đau khổ đến quay quắt và quặn thắt nỗi lòng, Mẹ chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết tang thương của Chúa trên thánh giá. Mẹ cũng đã tỏ rạng niềm vui phục sinh khi Chúa từ cõi chết sống lại.

Sự chiêm ngưỡng ấy càng trở nên rực cháy vì được tràn đầy Thánh Thần trong ngày lễ Hiện Xuống. Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành cùng Hội Thánh để làm cho Chúa lớn lên trong lòng thế giới. Học lấy cái nhìn chiêm ngắm của Mẹ nơi các mầu nhiệm Mân Côi, ta sẽ thêm lòng yêu mến Chúa Giêsu và yêu Chúa như Mẹ.

Vì được diễm phúc sống cùng Chúa Con, sinh dưỡng, bồng bế, dõi theo Chúa Con suốt cả đời, chỉ có Mẹ mới là người hiểu Chúa hơn ai hết.

Giờ đây, qua chuỗi Mân Côi, ta đến với Mẹ, nhờ Mẹ đưa ta đến cùng Người Con Một yêu quý ấy là điều quý giá và khôn ngoan. Chắc chắn đó cũng là cách làm đẹp lòng Chúa, vì Chúa rất mực yêu quý Mẹ.

Hơn thế, Chúa đã ban tặng Mẹ của Người cho ta, đặt Mẹ trên địa vị cao trọng là vì ta, nhằm mang lại lợi ích cho ta. Ta hãy gởi gắm mọi nỗi sướng vui, buồn phiền, cả vận mạng đời đời của mình cho Mẹ qua việc sống kinh Mân Côi.

Giữa một thế giới còn loạn lạc, bệnh tật, khổ đau. Đây đó còn khủng bố, chiến tranh, chém giết, dịch tễ lan tràn, triệu triệu người chết oan ức…, người tín hữu càng được mời gọi dấn thân hơn nữa trong đời sống cầu nguyện.

Và lời kinh Mân Côi vẫn là lời kinh thích hợp để người tín hữu kêu cầu Mẹ nhân từ của mình, Đức Nữ Vương ban sự bình an, tuôn đổ ơn hòa bình cho thế giới, giúp nhân loại sống trong trật tự mới của lòng yêu thương và xóa bỏ hận thù.

Xin Mẹ nâng đỡ trong hoàn cảnh đầy thương tâm của bệnh tật và chết chóc. Xin Mẹ ra tay cứu chữa để nhân loại an vui hạnh phúc, người người thụ hưởng nền bình an của đời sống dương thế và bình an trong cõi phúc đời đời bên Thiên Chúa.

Từ lời kinh Mân Côi, chúng ta xin Mẹ ban hòa bình trong lòng mỗi cá nhân, giúp mỗi người thoát khỏi đe dọa của nỗi sợ hãi vì nhiều nơi, nhiều tâm hồn con người còn vắng bóng tình yêu.

Chính lòng yêu thương vắng bóng mà tình trạng bóc lột, tham lam, ham hố danh vọng, đè đầu cưỡi cổ người khác, mạnh được yếu thua, thói giả tâm, thói tìm hưởng thụ cho bản thân... nhan nhản khắp nơi.

Và từ chính sự vắng bóng yêu thương mà đói rách, bất công, khoảng cách giữa người nghèo và người giàu ngày càng lớn, nhiều hình thức nô lệ mới, sự bất ổn trong cuộc sống, chia rẻ và ly tán trong gia đình, ngoài xã hội không ngừng diễn ra...

Vì thế, mỗi Kitô hữu hãy nhờ đến kinh Mân Côi mà trút bớt gánh nặng và bao nhiêu nỗi khốn khó của riêng mình, cũng như của nhân loại.
Hãy tìm về ơn bình an nơi lời kinh Mân Côi, vì lời kinh ấy chất chứa niềm an ủi vô biên, sâu lắng cả một tình yêu vời vợi mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao ban.

Hãy nhớ, Dù được thưởng trên trời cao, Đức Mẹ không nhận lấy hạnh phúc cũng như không sống cho riêng mình, nhưng lưu chuyển nguồn bình an từ Thiên Chúa đến trên đoàn con trần thế của mình!

Vậy một lần nữa, chúng ta cầm lấy chuỗi Mân Côi, sốt sắng lần chuỗi và thưa với Mẹ rằng: Tất cả con là của Mẹ! Tất cả con là của Mẹ!
 
Hoàn hảo và duyên dáng
Lm. Minh Anh
15:12 30/09/2023

HOÀN HẢO VÀ DUYÊN DÁNG
“Hôm nay, con hãy đi làm vườn nho!”.

Cố vấn J. K. Galbraith, trong cuốn tự truyện của mình, đã minh hoạ sự tận tâm của Emily, quản gia, “Đó là một ngày mệt mỏi, và tôi yêu cầu Emily từ chối các cuộc điện thoại. Tôi muốn chợp mắt một lát. Không lâu sau, điện thoại reo. “Cho tôi gặp Galbraith, Lyndon Johnson”; “Ông ấy đang ngủ, thưa tổng thống! Ông ấy dặn tôi không được làm phiền”. “Được rồi, thức ông ấy dậy đi. Tôi muốn nói chuyện!”; “Không, thưa ngài. Tôi làm việc cho ông ấy, không phải cho ngài!”. Khi tôi gọi lại, tổng thống gần như không thể kiềm chế được niềm vui, “Nói với người phụ nữ ấy rằng, tôi muốn có cô ấy trong Toà Bạch Ốc!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện của học giả Galbraith đưa chúng ta về dụ ngôn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay! Qua đó, Chúa Giêsu cho thấy, vâng phục cách ‘hoàn hảo và duyên dáng’ là tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa; nó mang lại ân phúc hơn là sự vâng phục miễn cưỡng!

Chúa Giêsu kể chuyện một chủ vườn với hai con trai. Cả hai được cha yêu cầu đi làm vườn nho. Người thứ nhất nói “Không”; sau đó đổi ý định và đi làm. Người thứ hai nói “Vâng” nhưng không đi. Dụ ngôn nhấn mạnh sự cần thiết của việc mỗi người đáp lại “xin vâng” liên tục trước hành động lớn nhỏ ‘mang tính cứu độ’ của Thiên Chúa. Dụ ngôn cho biết, lời hứa không bao giờ có thể thay thế được việc thực hành, cũng như những lời nói tử tế không bao giờ thay thế được những việc làm tốt đẹp. Giáo huấn Kitô giáo được tuân theo bằng cách thực hiện nó chứ không chỉ bằng những lời hứa; và dấu hiệu của một người con ‘hoàn hảo và duyên dáng’ là sự vâng phục, ân cần, kịp thời và nhã nhặn.

Bạn không được phép nói “Có” với Chúa các ngày Chúa nhật và nói “Không” với Ngài các ngày trong tuần! Chúa không cần những lời lịch sự nhưng giả dối, vì đó không phải là vâng lời. Ngài khoan dung cho sự cố ý, thậm chí báng bổ, miễn là sau đó mỗi người biết ăn năn. Ngài thành tín, sẵn sàng đón nhận những tội nhân sám hối; không bao giờ bỏ rơi bạn ngay cả khi bạn bỏ rơi Ngài. Ngài muốn chúng ta một là từ bỏ con đường tội lỗi; hai là vâng lời làm theo những gì Ngài dạy. Trong cả hai điều ấy, điểm nhấn mạnh là phản ứng ‘hoàn hảo và duyên dáng’ của một người vâng phục tuyệt đối vào Ngài.

Anh Chị em,

“Hôm nay, con hãy đi làm vườn nho!”. “Vâng” hoặc “Không”. Hãy coi chừng, “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông!”. Chúa Giêsu không coi những người thu thuế và gái mại dâm là mẫu mực, mà là những người “được ban ân sủng”. Hoán cải luôn là một ân sủng! Ân sủng cho bất cứ ai mở lòng hoán cải. Thật vậy, những người này khi nghe Chúa Giêsu đã ăn năn và thay đổi. Người gây ấn tượng là anh cả, không phải vì anh đã nói “Không”, nhưng vì đã chuyển “Không” thành “Có”, anh ăn năn! Thiên Chúa kiên nhẫn, Ngài không mệt mỏi, không từ bỏ lời “Không” của bất cứ ai; Ngài để chúng ta tự do, thậm chí rời xa Ngài và phạm sai lầm. Sự kiên nhẫn của Chúa thật tuyệt vời! Ngài luôn chờ đợi và tôn trọng tự do của mỗi người. Ngài nóng lòng nghe tiếng “xin vâng” ‘hoàn hảo và duyên dáng’ để chào đón bạn và tôi một lần nữa trong vòng tay hiền phụ và đổ đầy trên chúng ta lòng thương xót vô biên.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để Chúa có thể nói, “Ta muốn có con trong Ngai Toà Thiên Đàng!”, chớ gì ngày sống của con là một chuỗi những lời “xin vâng” ‘hoàn hảo và duyên dáng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
CN 26A : Quan trọng là phần cuối
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
16:35 30/09/2023
CN 26A :

Quan trọng là phần cuối

(dụ ngôn hai người con đi làm vườn nho)


Trong kho tàng khôn ngoan La tinh, có một câu ngạn ngữ như sau: "Nọc độc ở phía đuôi" (venenum in cauda). Câu này nếu hiểu sát nghĩa đen, thì chỉ trúng cho một số con vật, như bọ cạp, như con ong: nọc ở phía đuôi. Con rắn nọc độc không ở đuôi. Thằn lằn cụt đuôi vẫn sống và mọc đuôi khác. Vì thế "nọc ở phía đuôi", không thể chỉ hiểu theo nghĩa đen mà phải hiểu theo nghĩa bóng mới đúng. Nọc : là phần chính yếu, là sự sống …là mạch máu – "nằm ở đuôi" là "phần cuối, phần kết".

Trong nghệ thuật kể chuyện đặc biệt chuyện vui, câu kết luôn là câu quan trọng, nhờ nó mà ta nắm bắt được những tình tiết trong lúc kể chuyện.

Nhiều khi xem một vở kịch, một cuốn phim… ta nóng lòng muốn xem: để coi kết thúc ra sao. Chính cái kết thúc = phần cuối, cái đuôi : giúp ta hiểu được tại sao lại có cảnh này, người kia xuất hiện…Ta xem kịch, xem phim, không biết tại sao ông khách lạ kia lại quí mến người con gái của bà góa nọ như thế. Cuối phim, thì ra ông là bố ruột của cô.

Bài Phúc âm hôm nay nói về dụ ngôn người cha có 2 người con. Xét về mặt tâm lý, cả hai người con đều là người hay thay đổi. Trước lời mời gọi của người cha : “hôm nay, con hãy đi làm vườn nho cho cha”

- Người thứ nhất nói : con không đi – sau đó đổi ý – đi

- Người thứ hai nói : con đi – sau đó đổi ý – không đi.

Cả hai người đều thay đổi, nhưng quan trọng là phần cuối của đổi thay.

Người thứ nhất được khen vì kết bằng "đi". Từ không đi –đến đi

Người thứ hai bị chê vì kết bằng "không đi". Từ đi –đến không đi.

Vậy chủ điểm mà chúng ta đang tìm hiểu đó là : quan trọng là phần cuối. Đặc biệt là cuối cuộc đời. Nọc nằm ở phía đuôi (cuối ngày, cuối giờ, cuối năm, cuối đời…).

Cách đây khoảng hơn ba chục năm, khi việc phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam đang hồi gay go căng thẳng, lúc đó ở Hà Nội, Nhà Nước đã chuẩn bị sẵn một hồ sơ về một số vị tử đạo có tì vết. Tì vết về đời sống luân lý, hoặc tì vết về đời sống chính trị: như tham gia vào loạn quân, như đi với Pháp… Hay như thánh Gẫm có hai bà vợ… Có một vị chức sắc cao cấp trong Giáo hội Việt Nam đọc được những tài liệu đó, cảm thấy e ngại, nên muốn đề nghị Hội đồng Giám mục hoãn ngày phong thánh để duyệt xét lại …

ĐGM Nha trang (ĐGM Hòa) lúc đó đang ở Hà Nội cũng được thông báo cho biết có những hồ sơ như vậy, với một thách thức ngầm của Chính Quyền : coi chừng, lộn xộn, chúng tôi cho công bố hồ sơ bê bối đó. (Ở đây chúng ta không xét mức độ thật hư của các hồ sơ đó như thế nào, nó đúng hay sai, đúng bao nhiêu, sai bao lăm). Cái hay mà chúng ta muốn nhắc lại đây là câu trả lời của ĐGM Nguyễn văn Hòa : "Các ông cứ cho công bố : Càng công bố càng làm nổi hơn cái chết vì Đạo của vị thánh. Họ như vậy đó mà họ vẫn chọn cái chết như thế đó. Chúng tôi căn cứ vào cái chết để phong thánh cho họ. Ngày chết là ngày sinh trên trời của của mỗi vị thánh."

Một quá khứ đen tối không luôn luôn làm giảm giá cuộc đời của một vĩ nhân. Abraham Lincohn, tổng thống 16 của Hoa Kỳ có một quá khứ thật ảm đạm, cùng cực, nghèo túng, nhưng đã vươn lên thành người có công thống nhất Nam Bắc nước Mỹ. Có người từng đi chăn bò, chăn trâu, ở đợ, nhưng sau làm giám đốc, chủ tịch… Nhưng, ngược lại thì không được: đã từng làm giám đốc, chủ tịch, nay đi chăn bò, chăn trâu…! Cái quan yếu là ở phần cuối, ở vế sau. “Nọc ở phía đuôi”.

Cũng cách đây trên ba bốn chục năm, khi đi ra chợ Nha Trang, một linh mục được một người bán hàng ở chợ Đầm mách bảo : "Ở Nha trang đang cho chiếu một bộ phim bài bác đạo ghê lắm !" Chúng tôi đi xem, coi nó bài bác đến mức nào. Thật ra, nếu ai hiểu cốt truyện thì bộ phim không bài bác Đạo đâu, mà có khi trái lại nữa. Vì đạo diễn là Risac Be, người Ba Lan, Công Giáo. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết của Anatole France. Tiểu thuyết lại dựa trên một câu chuyện có lẽ có thực, xảy ra vào thế kỷ 4-5. Bộ phim mang tựa đề : Thais.

Thais là một vũ nữ sống ở Ai Cập, nổi tiếng phóng đãng, xa hoa. Và vì là phim ảnh, nên cảnh ăn chơi sa đọa trụy lạc của lớp quí tộc thời Ai Cập cổ được phóng đại và trình diễn lên màn hình trong những căn phòng có bóng cây thánh giá. Đó là điều mà người bình dân nói là bôi bác đạo. Thật ra không phải thế. Nhà ẩn tu Papnuc (Pathnutius) khi nghe tin về người vũ nữ tên Thais thì đã cầu xin Chúa soi sáng, giúp sức, quyết định đến tìm Thais để đưa nàng ra khỏi nơi ăn chơi sa đoạ và trở về với Chúa. Sau khi cải trang, vị ẩn tu đến nhà nàng và xin được gặp riêng nàng ở nơi kín đáo. Nhưng bởi vị ẩn tu luôn nói rằng nơi này chưa kín đáo đủ, nên bực mình, Thais nói : "Chắc chắn không ai có thể nhìn thấy chúng ta nơi đây, nhưng nếu ông muốn tránh cái nhìn của Thiên Chúa, thì dù ông trốn bất cứ nơi nào kín đáo nhất, ông cũng không tránh được".

Khi nghe vậy, vị ẩn tu vội nói: “Cô cũng biết có vị Chúa ư?”

- Có lẽ thế, và tôi cũng biết có một thiên đàng dành cho người tốt và một địa ngục cho ác nhân.

- Vậy sao cô có thể sống cuộc đời tội lỗi như thế trước một vị Chúa luôn trông thấy cô?

Những lời này xoáy vào lòng Thais, nàng sấp mình xuống chân người của Thiên Chúa. Sau đó nàng đi theo ẩn sĩ Papnuc để tìm nơi tu trì nhiệm nhặt và rồi cuối cùng chết như một vị thánh.

Còn ẩn tu Papnuc, một tu sĩ khổ hạnh, qua việc đi cảm hoá người, hiểu được phần nào hương vị cay đắng ngọt ngào của tình yêu và cuối cùng, kết thúc của bộ phim : ẩn sĩ Papnuc trở thành kẻ phản đạo, không còn tin Chúa.

Qua bộ phim và qua tiểu thuyết, ta thấy thật dịu ngọt và cay đắng. Dịu ngọt vì khúc cuối, phần kết của một vũ nữ trước kia xa hoa phóng đãng nay được chết lành khi miệng luôn kêu tên Chúa lúc lìa đời. Còn cay đắng, vì vị ẩn tu suốt đời khổ hạnh, tìm cách cứu người – thì lại có phần cuối được bộ phim diễn tả bằng cảnh "hoá thành con quỉ dơi đi xơi máu người".

Câu nói của Chúa Giêsu hôm nay với các trưởng lão Biệt phái thật thấm thía : “Thật, tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông” vì họ đã tin, vì phần đuôi, phần cuối của họ : họ hối cải. Còn vị ẩn tu kia khởi đầu và phần thân là đẹp nhưng kết thúc là bi thương, trở thành con quỉ dơi hút máu. Vị tông đồ Dân ngoại Phaolô đã có lần thốt lên : “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr 9:27).

Vậy thì ta có thể cùng với đức cha Bùi Tuần thưa lên với Chúa lời nguyện này:

Lạy Chúa, vì con không biết – và thực ra Chúa cũng không muốn cho con biết – đâu là phần cuối của cuộc sống con. Nó có thể tới bất cứ lúc nào, nên con phải ở trong tư thế luôn nói tiếng “Có” với Chúa, luôn đi làm vườn nho của Ngài. Lạy Chúa, xin cho con, xin cho chúng con, đừng xét đoán ai trước thời buổi, vì nào ai biết được phần cuối trước khi Chúa đến. Xin cho con, xin cho chúng con khi Chúa đến, con vẫn còn tình trạng nói tiếng “Có”. Có đây tức là tin. Con tin Chúa. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi Canh Thức Đại Kết cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính đồng nghị
Vũ Văn An
14:21 30/09/2023

Như đã loan tin, tối ngày 30 tháng 9 năm 2023, một buổi canh thức đại kết cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính đồng nghị đã diễn ra tại quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô dưới sự chủ tọa của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trong buổi canh thức này, ngài đã giảng bài giảng sau đây:



"Cùng nhau". Giống như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi vào Ngày Lễ Ngũ Tuần. Như một đàn chiên được yêu thương và quy tụ bởi một Mục Tử là Chúa Giêsu. Giống như đám đông trong Sách Khải Huyền, chúng ta đang ở đây, anh chị em “từ mọi quốc gia, từ mọi bộ tộc, mọi dân tộc và ngôn ngữ” (Kh 7:9), từ các cộng đồng và quốc gia khác nhau, con cái và con trai của cùng một Cha, được linh hứng bởi Thánh Thần đã lãnh nhận trong phép rửa, và được mời gọi có cùng một niềm hy vọng (x. Eph 4:4-5).

Xin cảm ơn sự hiện diện của anh chị em. Cảm ơn Cộng đồng Taizé vì sáng kiến này. Với tình cảm sâu sắc, tôi xin chào các vị đứng đầu các Giáo hội, các vị lãnh đạo và các phái đoàn của các truyền thống Kitô giáo khác nhau và tất cả anhh chị em, đặc biệt là các bạn trẻ: cám ơn anh chị em đã đến cầu nguyện cho chúng tôi và với chúng tôi, tại Rôma, trước Phiên họp Toàn thể thường lệ của Thượng Hội đồng Giám mục, và vào đêm trước cuộc tĩnh tâm diễn ra trước đó. “Syn-odos”: chúng ta hãy cùng nhau bước đi, không chỉ những người Công Giáo, mà còn tất cả các Kitô hữu, tất cả những người đã được rửa tội, toàn thể dân Chúa, bởi vì “chỉ có toàn thể mới có thể là sự hiệp nhất của tất cả mọi người” (x. J.A. MÖHLER, Chủ nghĩa tượng trưng).

Giống như đám đông trong Sách Khải Huyền, chúng ta cầu nguyện trong im lặng, lắng nghe một “sự im lặng lớn lao” (x. Kh 8:1). Thật vậy, sự im lặng rất quan trọng và mạnh mẽ: nó có thể diễn tả nỗi buồn không tả xiết khi đối mặt với bất hạnh, nhưng cũng trong những giây phút vui mừng, một niềm vui không thể diễn tả bằng lời. Đó là lý do tại sao tôi muốn suy tư ngắn gọn với anh chị em về tầm quan trọng của nó trong đời sống người tín hữu, trong đời sống của Giáo hội và trong hành trình hiệp nhất Kitô giáo. Tầm quan trọng của sự im lặng.

Trước hết, sự thinh lặng là điều thiết yếu trong đời sống của người tín hữu. Thật vậy, nó nằm ở khởi đầu và kết thúc cuộc hiện hữu trần thế của Chúa Kitô. Ngôi Lời, Lời của Chúa Cha, đã trở nên “im lặng” trong máng cỏ và trên thập giá, trong đêm Giáng Sinh và trong đêm Khổ Nạn của Người. Chiều nay, các Kitô hữu chúng ta đã thinh lặng trước Thánh Damiano, như những môn đệ lắng nghe trước thánh giá, trước ngai của Thầy. Giây phút của chúng ta không phải là một sự im lặng trống rỗng, mà là một khoảnh khắc tràn đầy niềm tin, sự mong đợi và sự sẵn sàng. Trong một thế giới đầy ồn ào, chúng ta không còn quen với sự im lặng; thực sự đôi khi chúng ta phải đấu tranh với nó, bởi vì sự im lặng buộc chúng ta phải đối mặt với Thiên Chúa và chính mình. Tuy nhiên, nó nằm ở nền tảng của lời nói và của cuộc sống. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể “được giữ bí mật từ lâu đời” (Rm 16:25), dạy chúng ta rằng sự im lặng bảo vệ mầu nhiệm, như Ápraham bảo vệ Giao Ước, như Đức Maria giữ cuộc sống của Con ngài trong lòng ngài và suy gẫm trong lòng ngài (x. Lc 1:31; 2:19.51). Hơn nữa, sự thật không cần phải kêu to mới đánh động lòng người. Thiên Chúa không thích những lời tuyên bố và la hét, tán gẫu và ồn ào: đúng hơn, như đã làm với ông Êlia, Người thích nói bằng “giọng êm dịu nhỏ nhẹ” (1 Các Vua 19:12), trong một “xuyên suốt im lặng vang dội”. Vì thế, chúng ta cũng như Ápraham, như Êlia, như Đức Maria, cần phải thoát khỏi quá nhiều ồn ào để có thể nghe được tiếng nói của Người. Vì chỉ trong sự im lặng của chúng ta lời của Người mới vang lên.

Thứ hai, sự im lặng là điều cần thiết trong đời sống của Giáo hội. Sách Công vụ Tông đồ nói rằng sau bài diễn văn của Thánh Phêrô trước Công đồng Giêrusalem, “cả hội chúng giữ im lặng” (Cv 15:12), chuẩn bị đón nhận lời chứng của Phaolô và Barnaba về những điều lạ lùng Thiên Chúa đã thực hiện giữa các dân tộc. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng sự im lặng, trong cộng đồng giáo hội, làm cho việc truyền thông huynh đệ trở nên khả thi, nơi Chúa Thánh Thần tập hợp các quan điểm lại với nhau, bởi vì Người là sự hòa hợp. Trở thành đồng nghị là chào đón nhau như thế này, với ý thức rằng tất cả chúng ta đều có điều gì đó để chia sẻ và học hỏi, tụ tập lại với nhau để lắng nghe “Thần Khí sự thật” (Ga 14:17) để biết Chúa “đang nói gì với các hội thánh” (Kh 2:7). Hơn nữa, sự im lặng giúp cho sự phân định thực sự, qua việc chăm chú lắng nghe “những tiếng thở dài không thể diễn tả bằng lời” của Thánh Thần (Rm 8:26), vốn thường vang vọng, thường ẩn giấu, trong dân Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn lắng nghe cho những người tham gia Thượng Hội đồng: “lắng nghe Thiên Chúa, để cùng Người chúng ta có thể nghe được tiếng kêu than của dân chúng; lắng nghe người dân cho đến khi hít thở được ý muốn mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta” (Diễn văn tại Đêm canh thức cầu nguyện chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về Gia đình, ngày 4 tháng 10 năm 2014).

Cuối cùng, yếu tố thứ ba: sự im lặng là điều cần thiết cho hành trình hiệp nhất Kitô giáo. Thật vậy, đó là nền tảng của việc cầu nguyện, và đại kết bắt đầu bằng việc cầu nguyện và sẽ vô ích nếu không có cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện để các môn đệ của Người “được nên một” (Ga 17:21). Sự im lặng là lời cầu nguyện cho phép chúng ta đón nhận hồng ân hiệp nhất “như Chúa Kitô muốn… bằng phương tiện Người chọn” (x. ABBÉ COUTURIER, Cầu nguyện cho sự hiệp nhất), chứ không phải như thành quả của những nỗ lực của chúng ta và theo những tiêu chuẩn thuần túy của con người. Càng cùng nhau hướng về Chúa trong lời cầu nguyện, chúng ta càng cảm thấy chính Người là Đấng thanh tẩy và hiệp nhất chúng ta quá các khác biệt của chúng ta. Sự hiệp nhất Kitô giáo lớn lên trong im lặng trước thập giá, giống như những hạt giống chúng ta sẽ nhận được, đại diện cho những hồng ân khác nhau mà Chúa Thánh Thần ban cho các truyền thống khác nhau: chúng ta có trách nhiệm gieo chúng, trong sự chắc chắn rằng chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện được sự tăng trưởng (x 1Cr 3:6). Chúng sẽ là dấu chỉ cho chúng ta, những người được kêu gọi lặng lẽ làm chết tính ích kỷ để, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, lớn lên trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và trong tình huynh đệ giữa chúng ta.

Đó là lý do tại sao, thưa anh chị em, trong lời cầu nguyện chung, chúng ta xin học lại cách im lặng: lắng nghe tiếng Chúa Cha, tiếng gọi của Chúa Giêsu và tiếng rên rỉ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cầu xin để Thượng Hội đồng trở thành một kairós [thời vàng son] của tình huynh đệ, một nơi Chúa Thánh Thần sẽ thanh tẩy Giáo hội khỏi những chuyện tán gẫu, những ý thức hệ và sự phân cực. Vì chúng ta đang tới gần lễ kỷ niệm quan trọng của Đại Công đồng Nixêa, chúng ta hãy cầu xin để chúng ta có thể biết cách, giống như các đạo sĩ, thờ phượng trong sự hiệp nhất và trong thinh lặng mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, chắc chắn rằng chúng ta càng gần gũi với Chúa Kitô thì chúng ta sẽ càng đoàn kết hơn với nhau. Và như các nhà thông thái từ phương Đông đã được một ngôi sao dẫn đến Bêlem, cũng xin ánh sáng thiên đàng hướng dẫn chúng ta đến với Chúa duy nhất của chúng ta và đến với sự hiệp nhất mà Ngài đã cầu nguyện. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau lên đường, háo hức gặp gỡ Người, thờ phượng Người và loan báo Người, “để thế gian tin” (Ga 17:21).
 
Các giám mục Đức trong cuộc chiến về việc chúc lành cho các cặp đồng giới
Đặng Tự Do
18:23 30/09/2023


Hội đồng Giám mục Đức hôm nay triệu tập phiên họp toàn thể, tạo tiền đề cho cuộc họp hứa hẹn sẽ là cuộc họp quan trọng giữa thời kỳ căng thẳng chưa từng có trong Giáo hội ở Đức – và với Giáo Hội Công Giáo rộng lớn hơn.

Chương trình nghị sự chính thức của cuộc họp mặt từ ngày 25 đến 28 tháng 9 tại thị trấn Wiesbaden bao gồm các chủ đề từ việc giải quyết vấn đề lạm dụng tinh thần đến việc chuẩn bị cho Thượng hội đồng sắp tới ở Rôma.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đang bị lu mờ là những vấn đề gây chia rẽ sâu sắc được đưa ra bởi Tiến Trình Công Nghị gây tranh cãi của Đức, đặc biệt là việc chúc lành cho các kết hợp đồng giới - một vấn đề đã chứng kiến những hành động thách thức công khai trên khắp nước Đức chống lại những lời giải thích rõ ràng từ Vatican.

Trung tâm của vòng xoáy này là Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, tổng giám mục của Köln /cơn/, người phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ nhiều mặt trận, bao gồm cả phương tiện truyền thông địa phương – và một số giáo sĩ. Để thách thức ngài một cách công khai, một số linh mục đã tiến hành một sự kiện chúc lành cho các cặp đồng giới bên ngoài nhà thờ chính tòa biểu tượng của tổng giáo phận Köln vào ngày 21 tháng 9

Theo AP, buổi lễ được kết thúc bằng việc mọi người hát bài “All You Need Is Love” của Beatles trong khi vẫy cờ cầu vồng.

Những pha nguy hiểm như vậy được giới truyền thông đưa tin rộng rãi là một thách thức đối với Đức Hồng Y Woelki. Vị Tổng giám mục Köln đã khiển trách một linh mục về việc chúc lành cho các cặp đồng giới, nhấn mạnh rằng những sự kiện như vậy là không thể xảy ra, như Vatican đã giải thích.

Lời cảnh cáo này đã thu hút sự chỉ trích gay gắt từ Birgit Mock, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức (ZdK), người đã cho rằng hành động của Đức Hồng Y Woelki là “không thể hiểu nổi”. Mock, người cũng đứng đầu nhóm làm việc về tình dục của Tiến Trình Công Nghị, là người ủng hộ trung thành cho việc chúc lành cho các cặp đồng giới, khiến bà mâu thuẫn với Đức Hồng Y Woelki và lập trường chính thức của Vatican.

CNA Deutsch đưa tin, đổ thêm dầu vào lửa, Đức Giám Mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, vào ngày 14 tháng 9 đã chỉ trích Đức Hồng Y Woelki vì đã “mất sự chấp nhận” của mọi người.

Phát biểu trước những lời chỉ trích của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với Đường lối Thượng hội đồng của Đức, trong đó Đức Giáo Hoàng nói rằng nước Đức không cần hai nhà thờ Tin lành, Bätzing nói rằng về nguyên tắc, ông có thể tha thứ cho những nhận xét của Đức Giáo Hoàng. Nhưng “tôi thấy có sự tôn trọng với người Tin Lành; Tôi không đồng ý. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cáo buộc chúng tôi là những người theo chủ nghĩa tinh hoa, ý ngài muốn nói đến những nhà thần học. Tuy nhiên, chúng tôi thấy các nhà thần học người Đức không được tôn trọng trong Giáo hội hoàn vũ. “

Một số nhà thần học người Đức đã công khai quay lưng lại với Tiến Trình Công Nghị.

Lời chỉ trích công khai gần đây của Bätzing đối với Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra sau cuộc họp vào tháng 7 tại Rôma nhằm cố gắng thu hẹp những mối quan ngại sâu sắc và sự chia rẽ ngày càng tăng giữa người Đức và Rôma.

Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã ban hành một tuyên bố chính thức vào ngày 15 tháng 3 năm 2022, tuyên bố rõ ràng rằng Giáo hội không có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng giới.

Sự thách thức công khai liên tục đối với việc chúc lành cho các kết hợp đồng giới - được hỗ trợ bởi các vị Giám Mục nổi tiếng như Hồng Y Reinhard Marx - là một triệu chứng cho thấy những nỗ lực khó khăn như thế nào để kết hợp Tiến Trình Công Nghị Đức với Thượng hội đồng về Tính đồng nghị.

Với áp lực tài chính, xã hội và thần học đang gia tăng trên khắp các giáo phận của Đức, các quyết định được đưa ra trong tuần này tại Wiesbaden có thể có những tác động sâu rộng, không chỉ đối với Đức Hồng Y Woelki và các giám mục anh em của ngài mà còn đối với cộng đồng Công Giáo toàn cầu khi chuẩn bị cho cuộc họp thượng hội đồng của mình ở Rôma.

Giáo hội ở Đức đang phải đối mặt với một cuộc di cư có quy mô lịch sử. Hơn nửa triệu người Công Giáo đã được rửa tội đã rời bỏ Giáo hội vào năm 2022, con số ra đi cao nhất từng được ghi nhận. Những cuộc ra đi hàng loạt này đã khiến một số giám mục Đức chỉ trích Tiến Trình Công Nghị, bao gồm cả Giám mục Stefan Oster của Passau và Giám mục Bertram Meier của Augsburg, và thừa nhận nhu cầu của Giáo hội phải lấy lại niềm tin bằng “sự kiên nhẫn và đáng tin cậy”.

Cuộc họp ở Wiesbaden là ngã ba đường để xem liệu có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về việc tìm ra hướng đi đúng đắn phía trước hay không - hoặc liệu những lo ngại về một cuộc ly giáo khác từ vùng đất của Luther có chính đáng hay không.

Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, cũng là một người Đức phê bình nhóm các Giám Mục cấp tiến của Đức là “hàng ngày quấy rối Giáo hội của Chúa Kitô bằng hết điều những vô nghĩa này đến điều những vô nghĩa khác.”


Source:Catholicworldreport.com
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong công nghị tấn phong các tân Hồng Y
J.B. Đặng Minh An dịch
22:04 30/09/2023

Lúc 10 giờ, sáng thứ Bảy, 30 tháng Chín, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tọa Công nghị Hồng Y lần thứ 9 tại Quảng trường thánh Phêrô, để phong 21 Hồng Y mới, trong đó có 18 Hồng Y cử tri và 3 Hồng Y trên 80 tuổi. Trong buổi cử hành này ngài đã có một bài giảng.



Nghĩ đến lễ kỷ niệm này và đặc biệt là nghĩ đến anh em, những người sẽ trở thành Hồng Y, tôi chợt nghĩ đến một đoạn văn trong sách Công vụ Tông đồ (x. 2:1-11). Đó là một bản văn nền tảng: câu chuyện về Lễ Hiện Xuống, lễ rửa tội của Giáo Hội… Nhưng suy nghĩ của tôi thực sự tập trung vào một chi tiết: đó là cách diễn đạt được nói bởi những người Do Thái “ở Giêrusalem” (c. 5). Họ nói: Chúng tôi là “người Parthia, người Medes và người Elamites” (c. 9), v.v. Danh sách dài các dân tộc này khiến tôi nghĩ đến các Hồng Y, tạ ơn Chúa, đến từ khắp nơi trên thế giới, từ các quốc gia đa dạng nhất. Đó là lý do tôi chọn đoạn Kinh Thánh này.

Suy ngẫm về điều này, tôi nhận ra một loại “bất ngờ” ẩn giấu trong mối liên kết ý tưởng này, một sự ngạc nhiên mà trong đó, với niềm vui, tôi dường như nhận ra sự hài hước của Chúa Thánh Thần, có thể nói như vậy. Xin thứ lỗi cho thành ngữ đó.

“Bất ngờ” này là gì? Thưa: Nó hệ tại ở chỗ thông thường chúng ta là mục tử, khi đọc trình thuật Lễ Hiện Xuống, chúng ta đồng hóa mình với các Tông Đồ. Đó là điều tự nhiên khi làm như vậy. Thay vào đó, những “người Parthia, Medes, Elamites” v.v., trong tâm trí tôi liên tưởng đến các Hồng Y, không thuộc nhóm các môn đệ. Họ ở bên ngoài Phòng Tiệc Ly; họ là một phần của “đám đông” đã “tụ tập” khi nghe thấy tiếng gió thổi ào ào (x. câu 6). Các Tông đồ tất cả đều là “người Galilê” (x. câu 7), trong khi những người quy tụ lại “đến từ mọi quốc gia dưới gầm trời” (c. 5), giống như các Giám mục và Hồng Y của thời đại chúng ta.

Kiểu đảo ngược vai trò này khiến chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ và khi nhìn kỹ, nó tiết lộ một góc nhìn thú vị mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em. Đó là vấn đề áp dụng cho chính chúng ta – tôi sẽ đặt bản thân mình lên hàng đầu – đó là kinh nghiệm của những người Do Thái, những người nhờ hồng ân của Thiên Chúa đã thấy mình là nhân vật chính của biến cố Lễ Hiện Xuống, đó là “phép rửa” bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã sinh ra Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Tôi muốn tóm tắt viễn cảnh này theo cách này: hãy tái khám phá một cách ngạc nhiên hồng ân được đón nhận Tin Mừng “bằng tiếng của chúng ta” (câu 11), như người Do Thái đã nói. Hãy nghĩ lại với lòng biết ơn về hồng ân được Phúc âm hóa và được thu hút từ nhiều dân tộc khác nhau, những người, mỗi người vào thời điểm riêng của họ đã nhận được Kerygma, hay lời loan báo mầu nhiệm cứu độ, và khi chào đón mầu nhiệm đó, họ đã được rửa tội trong Chúa Thánh Thần và đã trở thành một phần của Giáo Hội. Mẹ Giáo Hội, nói tất cả các ngôn ngữ, là duy nhất và là Công Giáo.

Lời này trong Sách Công vụ Tông đồ làm cho chúng ta suy ngẫm rằng, trước khi là “tông đồ”, trước khi là linh mục, Giám mục, Hồng Y, chúng ta là “người Parthia, Medes, Elamites”, vân vân, và vân vân. Và điều này sẽ đánh thức sự kính phục và biết ơn trong chúng ta vì đã nhận được ân sủng của Tin Mừng nơi các dân tộc nguyên thủy của chúng ta. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng và không thể quên được. Bởi vì ở đó, trong lịch sử dân tộc chúng ta, tôi có thể nói trong “xác thịt” của dân tộc chúng ta, Chúa Thánh Thần đã thực hiện điều kỳ diệu là truyền đạt mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại. Và điều này đến với chúng ta “bằng ngôn ngữ của chúng ta”, từ đôi môi và cử chỉ của ông bà và cha mẹ chúng ta, của các giáo lý viên, linh mục và tu sĩ… Mỗi người chúng ta đều có thể nhớ những giọng nói và khuôn mặt cụ thể. Đức tin được truyền đạt “bằng phương ngữ”. Đừng quên điều này: đức tin được truyền đạt bằng phương ngữ, bởi các bà mẹ.

Thật vậy, chúng ta là những nhà truyền giáo đến mức chúng ta trân trọng trong lòng với sự ngạc nhiên và biết ơn vì đã được truyền giáo, hay đúng hơn là đang được truyền giáo, bởi vì đây thực sự là một ân sủng luôn hiện diện, phải được đổi mới liên tục trong ký ức và trong đức tin của chúng ta. Những người rao giảng Tin Mừng chứ không phải những công chức.

Thưa các Hồng Y thân mến, Lễ Hiện Xuống – giống như Lễ Rửa Tội của mỗi người chúng ta – không phải là chuyện của quá khứ; đó là một hành động sáng tạo được Thiên Chúa liên tục đổi mới. Giáo hội – và mỗi thành viên của Giáo hội – sống mầu nhiệm luôn hiện hữu này. Giáo Hội không sống “hữu danh vô thực”, càng không sống nhờ một di sản khảo cổ học dù quý giá và cao quý đến đâu. Giáo hội và mọi thành viên đã được rửa tội, sống ngày hôm nay của Thiên Chúa, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Ngay cả hành động chúng ta đang thực hiện bây giờ cũng có ý nghĩa nếu chúng ta sống nó từ quan điểm đức tin này. Và hôm nay, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta có thể nắm bắt được thực tế này: các tân Hồng Y đến từ nhiều nơi trên thế giới, và cùng một Thánh Thần đã làm cho việc truyền giáo cho các dân tộc của anh em trở nên hiệu quả giờ đây đang đổi mới nơi anh em ơn gọi và sứ mạng của anh em trong và ngoài nước cho Giáo Hội.

Từ suy tư này, rút ra từ một “sự ngạc nhiên” hiệu quả, tôi chỉ muốn rút ra một hệ quả cho anh em, thưa các huynh đệ Hồng Y, và cho Hồng Y Đoàn của anh em. Tôi muốn diễn tả điều này bằng một hình ảnh, hình ảnh của dàn nhạc: Hồng Y đoàn được kêu gọi giống như một dàn nhạc giao hưởng, đại diện cho sự hòa hợp và tính đồng nghị của Giáo hội. Tôi cũng nói “tính đồng nghị”, không chỉ bởi vì chúng ta đang chuẩn bị diễn ra Thượng hội đồng đầu tiên có chủ đề chính xác này, mà còn bởi vì đối với tôi, dường như ẩn dụ về dàn nhạc có thể làm sáng tỏ đặc tính đồng nghị của Giáo hội.

Một bản giao hưởng phát triển nhờ sự kết hợp khéo léo các âm sắc của các nhạc cụ khác nhau: mỗi nhạc cụ đều góp phần, đôi khi một mình, đôi khi hợp nhất với người khác, đôi khi với cả dàn nhạc. Sự đa dạng là cần thiết; nó là không thể thiếu. Tuy nhiên, mỗi âm thanh đều phải đóng góp vào thiết kế chung. Đây là lý do tại sao việc lắng nghe lẫn nhau là điều cần thiết: mỗi nhạc sĩ phải lắng nghe người khác. Nếu một người chỉ lắng nghe chính mình, thì âm thanh của anh ta dù có thể cao siêu đến đâu, cũng sẽ không có lợi cho bản giao hưởng; và điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu một phần của dàn nhạc không lắng nghe những phần khác mà chơi như thể nó đơn độc, như thể nó là toàn bộ. Ngoài ra, người chỉ huy dàn nhạc còn phục vụ cho điều kỳ diệu này, đó là mỗi lần biểu diễn một bản giao hưởng. Anh ta phải lắng nghe hơn ai hết, đồng thời công việc của anh ta là giúp mỗi người và cả dàn nhạc phát triển sự trung thực sáng tạo lớn nhất: đó là trung thành với tác phẩm đang được trình diễn nhưng cũng phải sáng tạo, có khả năng thổi hồn vào bản nhạc, để tạo ra tiếng vang ở đây và bây giờ theo một cách độc đáo.

Anh chị em thân mến, thật tốt cho chúng ta khi suy ngẫm về chính mình như hình ảnh của dàn nhạc, để học cách trở thành một Giáo hội giao hưởng và đồng nghị hơn bao giờ hết. Tôi đặc biệt đề nghị điều này với anh em, các thành viên Hồng Y đoàn, với niềm tin tưởng an ủi rằng chúng ta có Chúa Thánh Thần – Ngài là nhân vật chính – là Thầy của chúng ta: Thầy nội tâm của mỗi người chúng ta và là Thầy của việc cùng nhau bước đi. Ngài tạo ra sự đa dạng và thống nhất; Bản thân Chúa Thánh Thần là sự hòa hợp. Thánh Basilô đang tìm kiếm một sự tổng hợp khi ngài nói: “Ipse harmonia est”, chính Chúa Thánh Thần là sự hòa hợp. Chúng ta hãy phó thác mình cho sự hướng dẫn nhẹ nhàng và mạnh mẽ của Ngài cũng như cho sự chăm sóc ân cần của Đức Trinh Nữ Maria.
 
Tâm tình của Bề trên cả, Angle Artime mà nay là một Tân Hồng Y gửi cho gia đình Salesian
Thanh Quảng sdb
23:15 30/09/2023
Tâm tình của Bề trên cả, Angle Artime mà nay là một Tân Hồng Y gửi cho gia đình Salesian: Cha mong muốn tiếp tục phục vụ mọi người - trong một cách thế khác.
Bề trên cả, Angle Artime mà nay là một Tân Hồng Y

Như Don Bosco đã chia sẻ vào năm 1884: “Cha thấy ngày càng rõ một tương lai huy hoàng đã được chuẩn bị cho Tu Hội chúng ta, sẽ lớn rộng như thế nào và sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp ra sao.”

Các bạn thân mến, cha xin gửi đến từng người lời chào chân thành, huynh đệ và trìu mến.

Bản tin Salêdiêng đã “gợi ý” cho cha rằng cha chuẩn bị lời chào này không như những lần cha đã từng làm, để chia sẻ cho chúng con về một điều gì sửng sốt mà cha đã trải qua. Cha xác tín cha cũng trải nghiệm điều mà khi học hỏi về con người của Don Bosco, cha khám phá ra đó chính là một “Nét đặc sủng của Don Bosco”

Sau tin bất ngờ là Đức Thánh Cha Phanxicô công bố tên cha, trong số 21 người mà ngài đã chọn để “lên” hàng Hồng Y cho Giáo hội vào ngày 30 tháng 9, hàng ngàn người đã hỏi cha, đặc biệt là các Salêdiêng Don Bosco và các thành viên của Gia đình Salêdiêng trên khắp thế giới: “Điều gì sẽ xảy ra bây giờ? Ai sẽ đồng hành với Tu hội trong thời gian sắp tới? Những bước đường nào đang chờ đợi chúng ta?” Chúng con biết cha cũng đã tự hỏi mình những câu hỏi này, trong khi cha tạ ơn Chúa trong đức tin vì món quà mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban cho chúng ta với tư cách là Tu hội Salêdiêng và Gia đình Don Bosco.

Chúng ta đón nhận với đức tin để khám phá ra những việc vĩ đại mà Thiên Chúa đã làm và những gì chúng ta biết qua Lời Ngài, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa yêu thích những điều ngạc nhiên. Kinh Thánh thường nói: “Hãy đi! Con đường sẽ được vén mở cho con.” Một điều quan trọng mà Don Bosco đã dạy chúng ta là: “Đừng để điều gì làm con khó chịu, hãy đặt niềm tin vào Chúa Quan Phòng”.

Cha muốn chia sẻ điều mà Đấng sáng lập thánh thiện của chúng ta đã tuyên bố vào năm 1884: “Cha ngày càng thấy rõ một tương lai huy hoàng đã được chuẩn bị cho Tu Hội chúng ta như thế nào, nó sẽ lan rộng như thế nào và nó có thể mang lại những điều tốt đẹp nào...”

Cha đã trao đổi riêng với Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi ngài đọc Kinh Truyền Tin, bảo đảm với ngài về sự sẵn sàng của cha, rằng ngài có thể trông cậy vào cha để phục vụ dưới bất kỳ hình thức nào. Cha đã trả lời như Don Bosco đã làm khi được yêu cầu xây dựng Nhà thờ Thánh Tâm ở Rôma - trong lúc Don Bosco đã già yếu và bệnh tật, người cũng nhận thức được gánh nặng và trách nhiệm đối với một Tu hội con non trẻ; nhưng Don Bosco đã trả lời: “Nếu đây là ý muốn của Đức Thánh Cha, con xin tuân hành!”

Với tâm tình đơn thành, cha cũng đã trả lời với Đức Thánh Cha rằng người Salêdiêng chúng con đã học được từ Don Bosco là luôn sẵn sàng vì lợi ích của Giáo hội, và đặc biệt làm bất cứ điều gì Đức Thánh Cha yêu cầu. Vì vậy, trong khi con tạ ơn Chúa vì món quà dành cho toàn thể Tu hội và Gia đình Salêdiêng, con xin hết lòng cám ơn Đức Thánh Cha và xác quyết với ĐTC rằng tất cả các thành viên trong Đại gia đình của chúng con sẽ cầu nguyện cho ĐTC liên nỉ và mãnh liệt hơn. Như cha đã nói, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ luôn đi kèm với tình cảm chân thành và sâu sắc.

Chuyện gì xảy ra bây giờ?
Gioan Bosco và giấc mơ lúc 9 tuổi

Cha phải chia sẻ với các bạn rằng cha vô cùng cảm động trước sự nhạy bén của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với vấn đề chúng ta đang quan ngại về sứ vụ phục vụ của cha với tư cách là Bề trên Cả không nên thay đổi ngay lập tức. Vì lý do đó, sau khoảng nửa giờ sau khi ĐTC công bố đề cử cha sau giờ Kinh Truyền Tin vào Chúa nhật ngày 9 tháng 7, Đức Thánh Cha đã gửi cho cha một lá thư trong đó ngài nói về thời gian cần thiết để cha chuẩn bị cho tổng hội của Tu hội chúng ta trước đó. Cha nhận lấy bất cứ điều gì mà ĐTC định giao phó cho cha. Như mọi khi, Đức Thánh Cha đã cho thấy ngài rất quan tâm, thân thiện, đặc biệt yêu thích và đánh giá cao ơn đoàn sủng của Don Bosco. Cha đã đáp lại những tình cảm này nhân danh Cha và nhân danh toàn thể Gia đình Salêdiêng.

Cha muốn chia sẻ với các bạn những sắp xếp mà Đức Thánh Cha đã truyền đạt cho cha.

Đức Thánh Cha đã quyết định vì lợi ích của Tu hội chúng ta, sau công nghị ngày 30 tháng 9 năm 2023, Cha vẫn tiếp tục phục vụ với tư cách là Bề Trên Cả cho đến ngày 31 tháng 7 năm 2024. Sau ngày đó, cha sẽ nộp đơn từ chức Bề Trên Cả, như Hiến pháp và Quy luật của chúng ta quy định, để phó thác thời giờ và sức lực của cha thực hiện công việc phục vụ mà ĐTC sẽ giao phó cho cha.

Đây là những gì Đức Thánh Cha đã truyền đạt cho cha. Chúng ta có thể nhóm họp Tổng Tu nghị lần thứ 29 trong một năm, tức là vào tháng 2 năm 2025. Cha phó Tổng quyền, Cha Stefano Martoglio, sẽ tạm thời nắm quyền điều hành Tu hội, như Hiến pháp quy định cho đến khi Tổng hội GC29 được nhóm họp. Cuối cùng, cha vẫn chờ đợi để trả lời một câu hỏi khác mà nhiều người thắc mắc: Đức Thánh Cha sẽ giao cho cha nhiệm vụ gì? Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn chưa nói cho cha. Hơn nữa, cha nghĩ đây là thời gian chuẩn bị để thực hiện những việc cần làm một cách thích hợp nhất.

Trong mọi trường hợp, cha xin anh chị em, các hội viên thân mến và các thành viên của các nhóm trong Gia đình Salêdiêng của chúng ta, hãy tiếp tục cầu nguyện và hiệp ý với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cuối cùng, cha cũng xin anh em cầu nguyện cho cha, khi cha đứng trước viễn cảnh phục vụ mới trong Giáo hội, mà với tư cách là người con của Don Bosco, cha chấp nhận với lòng vâng phục thảo kính, mà không cần tìm kiếm nó bởi vì cha thực sự tin rằng trong Giáo hội, công việc phục vụ của chúng tôi không thể và không bao giờ làm vì cá nhân. Những gì thuộc về “thế gian” không phù hợp với chúng ta, những tôi tớ nhân danh Chúa Giêsu. Chúng ta đừng dựa gì trên tiêu chuẩn của thế gian! Tất cả những điều này Cha Don Bosco dấu yêu của chúng ta đã thực hiện trong Chúa Giêsu.

Cha cảm ơn chúng con, vì tình bạn đã bày tỏ cho cha trong những tuần này qua các điện thư, thông tin chúc mừng gửi đến với cha từ khắp nơi trên thế giới.

Cha cảm thấy được nói lên những lời giống như Đức Mẹ đã nói với Don Bosco trong giấc mơ lúc ngài lên chín tuổi – giấc mơ ấy được kỷ niệm hai trăm năm vào năm tới: “Đến lúc nào đó con sẽ hiểu mọi chuyện.” Và chúng ta biết rằng đối với người Cha thân yêu của chúng ta, vào những ngày cuối đời, tại bàn thờ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu trong Vương cung thánh đường Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã được thánh hiến một ngày trước đó, vào ngày 16 tháng 5 năm 1887. Từ Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, cha xin gửi đến từng người trong các con lời chào trìu mến và biết ơn, phó thác mọi sự và mọi người cho Mẹ, Mẹ của chúng ta, Đấng sẽ tiếp tục đồng hành và nâng đỡ chúng ta.
 
Văn Hóa
Nụ Cười trong đời thường
Pt Phạm Bá Nha
15:23 30/09/2023

NỤ CƯỜI TRONG ĐỜI THƯỜNG

Nước nào cũng có ‘nết tốt, thói xấu, tật dở hay điều quấy’. Riêng VN chúng ta thì nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (1832- 1936) viết trong, tạp chí Đông Dương (1919) bài ‘An Nam Gì Cũng Cười’. Qua bài viết Ông Vĩnh cho cười thuộc ‘thói’ xấu. Tục ngữ VN có câu: Vô duyên chưa nói đã cười. Có duyên tức khi cười mọi người vui vẻ đồng ý. Ngược lại là vô duyên. VN thực tế như Thằng Bờm đại diện đứng về đông dân, trả lời : Phú Ông xin đổi nắm xôi Bờm cười

Trong bài khảo luận này chúng tôi chỉ viết theo dữ kiện tài liệu thâu thập được Nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) nhận xét :
An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi.

Ví dù được y như vậy, thì ra nước An Nam ta cả dân là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo mà nhủ người nhếch mép bỏ tính tự nhiên mà làm bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi.

Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cái láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà gièm trước ý tưởng người ta; không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.

Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế...

Ừ, mà gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi, tê môi, để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng thì khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì hì, thì ai không phải phát tức.

Ta phải biết rằng, khi người ta nói với ta, là để hỏi tình ý ta thế nào. Ai nói với mình thì mình phải đáp. Tuỳ ý mình muốn tỏ tình ý cho người ta biết thì nói thực; không hiểu thì hỏi lại; mà không muốn nói tình ý cho người ta biết, thì khéo lấy lời lịch sự mà tỏ cho người ta hiểu rằng câu hỏi khi phạm đến một điều kín của mình. Hoặc là có khôn thì lựa lời mà tỏ cho người ta biết những điều mình muốn cho biết mà thôi, và khiến câu chuyện cho người ta không khỏi căn vặn được mình nữa. Nhưng phàm người ta hỏi, mình đã lắng tai nghe, là mình nợ người ta câu đáp. (‘Xét Tật Mình’(1913) XVII. Đông Dương tạp chí, số 22. VNTVHP tr. 185)

Truyện Cười trong văn học dân gian. Nội dung cảm xúc VN đa dạng qua ca dao, hò bằng tiếng cười phản chiếu bức tranh dân gian khắp nơi. Được gọi bằng danh từ khác nhau: Truyện Tiếu Lâm (tục), Khôi Hài (giải trí), Trào Phúng (đả kích, phê phán, vạch trần), Hài Hước (vui, cười). Tiếng Cười trong dân gian VN vô cùng phong phú có nhiều kiểu như. Cười mỉm, hiền, buồn, chế nhạo, hả hê, giễu cợt, châm biếm, hóm hỉnh, khúc khích, trừ, gượng, gằn, vô duyên, lả lướt, lãng nhách, hớn hở, bẽn lẽn, toe toét, mím chi, tình, lạt, đẩy đưa, ẩn ý, có nghĩa, dòn, tươi, chúm chím, ranh mãnh,.… Dưới đây xin mạn sắp xếp nội dung các tiếng cười, kèm theo câu ca dao chứng minh:

Trữ tình, tình cảm: Nụ cười “đưa tình’ say đắm, ngây ngất lòng người thật lạ lùng, khó tả.

Mình về, mình nhớ ta chăng
Ta về, ta nhớ hàm răng mình cười
Năm qua mua lấy nụ cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng xinh…
-Bới tóc cánh tiên, bỏ vòng lá liễu
Thấy miệng em cười, trời bảo anh thương
-Bông cúc nở trước sân, con bướm vàng nhận nhụy
Thấy miệng em cười hữu ý anh thương
-Tóc em dài em cài hoa thiên lý
Thấy miệng em cười hiền, anh để ý anh thương
-Thầy em có cục duyên ngầm
Miệng cười có nghĩa, anh quên mần bỏ ăn.
-Ngó lên đầu tóc em tròn
Hàm răng em trắng, miệng cười dòn anh mê

Hài hước

-Phòng trong sớm tối gài
Anh cười khúc khích, để phòng ngoài ngoài ngẩn ngơ
-Con quạ nó núp vườn chuối
Anh thấy em cười lỏn lẻn với ai
-Thôi thôi tình đã buông lơi
Chưa chi em vội cười toe toét
-Bắp non xao xác trở cờ
Thương nhau xin chớ nhởn nhờ cười trừ.

Giải trí, mua vui: Đang buồn hóa vui. Mua vui thiên hạ do nụ cười. Thật đúng khi nói “Nụ cười bằng mấy thang thuốc bổ”. Cười cho vui cửa vui nhà, cho đời đẹp tươi, khỏi phải khóc…Chẳng thế mà người ta bỏ tiền ra mua vé xem xiệc. Vì trong đó từ đầu đến cuối chỉ thấy cười là cười. Các trò ảo thuật mua vui, tạo tiếng cười cho đời.

-Cười nụ hay cười tình
Cười trăng cười gió hay mình cười ta
-Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ơi
Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi vui lòng

Phê bình giáo dục: Quan trọng của nụ cười là “phê bình và giáo dục”, không đâu tìm ra, bài học hay và hiệu quả ở ngay nụ cười. Đang giận hay nóng tính, cọc cằn, thô nỗ, buồn tủi…có nụ cười làm hòa tan ngay.

-Chiều chiều ra đứng vườn cà
Thấy anh cười lạt, em vô nhà em hốt muối em ăn
-Ra đường lắm chuyện bực mình
Về nhà gặp vợ cười tình cũng no
-Đêm năm canh, ngày sáu khắc chàng ơi
Chàng cười nửa miệng, thiếp tôi vui lòng.
-Con kiến vàng bò ngang đám bí
Thấy miệng em cười ẩn ý, anh đỡ lo.
-Cười nụ hay là cười tình
Cười trăng hay cười gió, hay mình cười ta.
-Phất phơ ngọn cỏ gió lùa
Thấy em cười gượng, anh chua xót lòng
-Cây tre nhặt mắt, gió quặt cây tre quằn
Nghe em cất tiếng cười gằn, anh trở thối lui.

Khoa trương phóng đại ngay trong việc cưới hỏi trước mặt họ hàng dân làng không sợ hổ ngươi. Làm hại những ai cả tin. Những câu ca dao sau ngầm ý cảnh nghèo ngay khi chưa cưới nhau. Một trong tục lệ cần bỏ : thách cưới

-Chàng dẫn thế em lấy làm sang
Nỡ nào em lại phá ngang như là
Người ta thách lợn thách gà
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
-Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.
-Ở đâu mà chẳng biết ta
Ta con ông Sấm, cháu bà Thiên Lôi
Xưa kia ta ở trên trời
Đứt dây rơi xuống làm người trần gian.

Bói toán : Lợi dụng dễ tin dân gian, nói ‘dựa hơi’, đôi khi lường gạt, phĩng phờ
-Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn
-Từ nay tôi kịch đến già
Tôi chẳng dám cấy ruộng bà nữa đâu
Ruộng bà vừa xấu vừa sâu
Vừa bé hạt thóc, vừa lâu đồng tiền.

Lạc quan và cần mẫn : Hai yếu tố thành công của làm việc và gây dựng tương lai. Là sức mạnh của người bình dân. Thái độ ứng xử cần có hướng tới hạnh phúc tốt đẹp hơn.

-Thôi thôi tình đã buông lơi
Chưa chi em đã vội cười toét toe
-Thà rằng chịu cảnh gông xiềng
Còn hơn có vợ, cười vô duyên tối ngày
-Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì.

Động viên và tin tưởng: Nhắc bảo nhau, để ngày mai tốt đẹp hơn. Con người cần có niềm tin, hướng thượng, vươn lên, sống hiếu hòa.

-Đứng xa kêu bớ em mười
Thương hay không thương, xin nói thiệt chớ cười đẩy đưa
-Tưởng dâu bến đã có thuyền
Thấy em cười lãnh nhách, anh liền lui ghe

Thực tế và sinh sống, như bài “Thằng Bờm” được xếp loại ca dao trào phúng, hóm hỉnh, chống phong kiến, mang ý nghĩa ngụ ngôn. Cấu trúc là đối thoại giữa người giầu có (Phú Ông) và người nghèo (Thằng Bờm). Cuối bài đổi chác mới ngã ngũ, đâu cần “3 bò, 9 trâu, xâu cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi”, thực tế trước mắt là “nắm xôi” no bụng, rất VN. VN thường hay nói: “Tiếng cười cao hơn mâm cỗ” cùng mang một ý nghĩa.

Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi một xâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.


Văn chương VN có nhiều nhà văn dùng tài châm biếm ‘cười’ nhìn thiên hạ.

Nguyễn Du (1786-1820) trong truyện Kiều, so sánh ‘trận cười’ đổi với ‘nghìn vàng’, và Ôn Như Hầu, có tư tưởng như nhau, (trong Cung Oán Ngâm Khúc) :

-Thúc Sinh quen thói bốc đồng
Nghìn vàng đổi một trận cười như không (c.1304-1305)
-Đã nên quốc sắc thiên hương
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa
Theo tác giả phải cười đúng lúc, hợp lý
- Vân rằng :Chị cũng nực cười
Ai dư nước mắt khóc người đời xưa ( c. 105-106)
- Bên ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao (Kiều, c.1815-1816)
- Hương trời sá động trần ai
Dẫu vàng nghìn lượng, dễ cười một khi (Cung Oán Ngâm Khúc)

Tác giả truyện nôm Lục Vân Tiên là Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

Ghét đời ư, Lệ đa đoan
Cười trong nước mắt thấy ai mà cười

Nhà văn Khái Hưng Trần Khánh Giư (1896-1947) trong tryện dài‘Nửa Chừng Xuân’ (1934) diễn tả nụ cười hồn nhiên dân quê.
Song tính vui cười hồn nhiên vẫn là tính căn bản của hạng người làm việc chân tay. Những sự phiền muộn chốc lát, họ quên ngay. Rồi người này nói đùa một lời, người kia pha trò một câu. Họ lại thi nhau cười khanh khách… (Nửa Chừng Xuân, nxb Tp HCM 1999, tr 224)

Thi sỹ Thế Lữ (1907-1989) mỉa mai nhìn và cười

Bấy lâu nay, xuôi ngược trên đường đời
Anh thấy chăng, tôi chỉ hát, chỉ cười
Như vui sống mãi trong vòng sung sướng
Là vì tôi muốn để cho lòng tôi tưởng

Nhà văn Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) bi quan viết trong bài ‘Bức Dư Đồ Rách’

Nọ bức dư đồ thử đứng coi
Sông sông núi khéo bia cười
Biết bao công mới công vờn vẽ
Sao đến bây giờ rách tả tơi

Rồi trong bài ‘Muốn Làm Thằng Cuội’ lại ghi:

Rồi cứ mỗi đêm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Hai nhà văn hiện đại ‘cười xây dựng’ những thói hư tật xấu trong xã hội, mong lành mạnh hóa trong đời sống quần chúng.

Tiểu thuyết “Số Đỏ” (hay Xuân Tóc Đỏ) của Vũ Trọng Phụng (Hà Nội, 1912-1939) là một tiểu thuyết văn học ‘cười, trào phúng’ đăng từ số 40 ngày 7.10.1936 và được in thành sách lần đầu vào 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường và tác phẩm đã được dựng thành kịch, phim. Nhân vật chính của Số Đỏ là Xuân - biệt danh là Xuân Tóc Đỏ, từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư bản Hà Nội khi đó. Thành công của Số Đỏ gây tiếng cười, chuỗi cười dài giòn giã, hả hê từ đầu đến cuối tác phẩm. Tác giả vạch ra hàng loạt cách nhìn chính xác sâu sắc linh động, độc đáo.

Trong chuyện ngắn ‘Vang Bóng Một Thời’(xb,1940) của Nguyễn Tuân (Hà Nội, 1910-1987). Tác giả khéo vẽ bức tranh xã hội đương thời. Khiến độc giả không thể che dấu nụ cười ‘than thân’ cho thời cuộc đảo điên.

Nhà thơ trào phúng Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1835-1909) là đại thụ nền văn học dân tộc thuật lại cảnh gia đình nghèo, không dấu được ‘nụ cười’ khi giao tiếp, gặp gỡ có nhau.

VN quí nhất là có khách đến thăm gia đình, xưa đâu có phone mà gọi trước, nhớ nhau là tới. Nhưng nhà nghèo, cơm nước thì không, vườn rộng ao sâu, chẳng có gì để tiếp khách, dù lấy miếng trầu cũng không. Rõ thật buồn cười, thiếu xót. Đành lấy câu chào đón ‘xuông’ vậy, biết sao !

Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta
(Bạn đến chơi nhà)

‘Anh giả điếc’ là bài thơ tự trào diễn tả thực trạng xã hội đương thời có nhiều thói hư nết xấu, đành ‘giả điếc’ làm ngơ coi như cái gì cũng đẹp

Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây
Chẳng ai ngờ ‘sáng tai họ, điếc tai cày’
Lối điếc ấy sau này em không học
Tọa trung đàm tiếu nhân như mộc…
Hỏi anh, anh cứ ẫm à
(Anh giả điếc)


Thi sỹ Tú Xương hay Trần Tế Xương (Nam Định, 1870-1907), nhà thơ mang nhiều tâm sự kín đáo, sâu sắc đến ‘cười’ chua chát, dệt lên chân dung hiện thực gia đình và xã hội

Bên ngoài là vợ nghèo buôn bán kiếm sống, bên trong hậu thuẫn là chồng (làm thơ) con nheo nhóc (chăm chú học hành). Thi sỹ Tú Xương vẫn giữ bản lãnh nhân cách cho đẹp ‘duyên nợ’.
Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quán vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên, hai nợ âu đành phận
Năm nắng,, mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc :
Có chồng hờ hững cũng như không !
(Thương vợ)

Tết VN phải sung túc giàu sang, có ăn có mặc, trả xong nợ lần, mà chỉ vì nghèo gia đình phải che dấu. Thật là cười ra nước mắt. Châm biếm hết nỗi. Nhưng quan trọng là sống ‘sao cho ra cái giống người’
Năm mới chúc nhau
… Bắt chước ai chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao cho ra cái giống người
(Năm mới chúc nhau)
Tóm lại về hai thi sỹ vui nhộn châm biếm bậc nhất để lại tiếng cười vang muôn thế hệ
Yên Đổ khóc dẫu cười không thế giới
Tú Xương nói nhẹ mảnh có thương tình

Văn sỹ Nga đánh giá cao và khuyến kích ‘giữ lấy Nụ Cười’

Nụ cười đáng là bao, lợi ích đáng giá vô vàn
Giầu sang cho ai cả đón nhận
Nghèo đi với người không biết cười
Cười trong chốc lát
Mà giữ lại kỷ niệm lâu dài
Bất cứ nghèo hèn hay có nghề nghiệp
Dễ dàng rộng mở vươn lên cười tươi.

Cười xây đắp tổ ấm, bảo vệ công ăn việc làm
Là biểu hiện an nhàn thư thái, gây tình thân thiện
Tăng niềm hy vọng đuổi tan mây mù mờ ám
Không cần mua bán, vay mượn, dễ bị đánh cắp
Ngay lúc này hãy cho đi
Gặp bất cứ ai hãy vui cười
Cởi mở rộng trao tặng cho nhau
Đang cần nụ cười của bạn
Cười đi, đừng hẹp hòi do dự đắn đo.

Thérèse Phạm Thị Thu (+, 1914)
Phỏng theo Soloviev, Thi sỹ Nga. 1960

Nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ

Giáo sư William F Fry (Ohio,1924-2014), giáo sư đại học Stanford Hoa Kỳ, chuyên về khôi hài và cười thì cho rằng trong một ngày bạn cười được 100 lần, bạn đã dùng sức tưởng tượng với việc chèo thuyền trong 10 phút. Kinh Thánh khuyên : ‘Phúc cho anh em đang khóc, vì anh em sẽ vui cười’ (Lc 6, 21)

Nhà thơ Cung Chi Lm Đinh Đồng Thượng Sách ca tụng một tu sỹ viết thành thơ qua bài “Nụ Cười”. Đó là thày Dòng Tiểu Đệ gốc Bỉ :

Anh Thạch ơi ! Anh Bảy ơi
Đời anh như thế còn đời nào hơn
Người người cảm kích tri ân
Tấm gương anh để còn hơn bạc vàng
Mà anh đâu có bạc vàng
Nhưng anh lại có lòng vàng tinh khôi
Anh yêu Chúa, anh thương người
Cách riêng anh thương mến con người Việt
Anh thương Xóm Chiếu nghèo nàn
Bạn bè lối xóm, công nhân bến tầu
Anh đọc kinh Việt làu làu
Thạo thông tiếng nói, giọng ngầu miền
Nơi anh ở : Nhà Huynh Đoàn
Hẻm Tôn Thất Thuyết bến an bờ lành
Ai ai ghé đến thăm anh
Cũng đều trải nghiệm chân tình cảm thương
Bao nhiêu phiền muộn buồn thương
Đếm được cho xuể dễ dàng đỡ nâng
Đẹp thay cuộc đời hiến dâng thân tình
Bỏ cha bỏ mẹ, quê hương
Sống tròn hai chữ hy sinh
Theo chân chính Chúa hy sinh cứu đời
Gặp anh là gặp nụ cười
Anh đi để lại nụ cười tươi nguyên…

(Paris, sau khi đọc bài của tác gỉa Liễu Trương
viết về tu sỹ ‘Tiểu Đệ’ gốc Bỉ
Tên là Pierre Rollier, tên Việt Nguyễn Văn Thạch
sống chết tại VN, 1957-2020)
(trên mạng GX VN 31.7.2020)

Linh mục thi sỹ còn ghi lợi ích diễm phúc được Đức Mẹ âu yếm mỉm cười’ : hiền từ, nhân hậu, châu báu, tươi mát, tha thiết và thương yêu.
Con rất yêu hình ảnh
Hình ảnh một nụ cười
Như sao trời lóng lánh
Như hoa nở đẹp tươi
Mẹ là hình ảnh ấy
Trên từng chặng đời con
Con vui mừng biết mấy
Khi Mẹ cười nhìn con
Một nụ cười hiền từ
Với người con bao hao hư
Một nụ cười nhân hậu
Đi sâu vào tâm tư
Đi đâu con cũng thấy
Trong đáy thẳm hồn con
Nụ cười châu báu ấy
Còn tươi mát nào hơn
Con chỉ mong một điều
Tha thiết biết bao nhiêu
Phút cuối đời được thấy
Mẹ đến cười thương yêu.
(Nụ Cười 2. TNT III tr. 156)

Bác sỹ thi sỹ Phương Du Nguyễn Bá Hậu (Hà Đông, 1924-2017) để lại bài ‘Nụ Cười’
Nụ cười tươi đẹp dễ ưa
Là hoa tâm nở làm vừa lòng nhau
Kẻ bần cũng giống kẻ giàu
Ai ai cũng có, khỏi cầu, khỏi xin
Nụ cười sưởi ấm con tim
Cười trong giây phút mà tình trăm năm
Dặm trường rừng núi khó khăn
Nụ cười cổ súy vui băng non ngàn
Bên bờ thất bại bi quan
Nụ cười khuyến khích trấn an tâm hồn
Trăm năm trong cõi hồng trần
Muôn ngàn nghịch cảnh, muôn ngàn khổ đau
Cố đừng nhăn mặt, mày chau
Gắng tìm cơ hội cho nhau nụ cười.
(Hoa Tâm, 2008, tr. 79)

Cuốn sách ‘Cái Cười Của Thánh Nhân’ của Thu Giang Nguyễn Duy Cần (Mỹ Tho,1907-1998) xuất bản 1972. Mục đích của sách có ghi ngay ngoài bìa sách: Sức mạnh ẩn chứa trong tiếng cười có thể phá tan những giá trị sai lầm của mọi thời đại’. Và tác giả nhận xét như một nhà văn tây phương từng nói : Tình yêu là vị thuốc bất tử. U mặc là lợi khí.Cười là sự bổ ích. Không có 3 cái đó, không dễ nói đến văn hóa toàn diện.

Sách gồm 69 chương. Kể lại những nụ cười của hiền nhân lấy trong kinh điển Trung Hoa làm gương. Cười quả là bổ ích, u mặc là lợi khí căng thẳng, ngột ngạt, khó khăn của như những chủ thuyết một chiều, máy móc của văn minh cơ khí. ‘Cái Cười của Thánh Nhân’ không chỉ là biên khảo văn chương mà còn hàm chứa những giá trị nhân văn. Những chuyện trong cuộc đời dưới lăng kính hài, thú vị, sâu sắc hơn. Sách không chỉ mua vui mà khiến suy nghĩ. Ở đây, Cái Cười làm thoát vòng tục lụy, cười vang tự do, khắp cõi trời, tung tăng, đùa chơi với đời. Tác giả mượn chuyện xưa để cười chuyện thời nay. Mỗi chương kể 1 có khi 2, 3 chuyện kèm lời bạt suy nghĩ.

Nụ Cười thánh thiện

Dưới đây xin góp nhặt những Nụ Cười thánh thiện trong nếp sống tu trì của ba thánh.

- Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (Pháp, 1879-1877) tìm thấy nụ cười trong bài tự thuật ‘Nước Trời của tôi’,7.8.1896, với trích đoạn :
‘Để có thể chịu đựng cảnh lưu đầy trong thung lũng nước mắt. Tôi cần có tia nhìn của Đấng Cứu Thế Thần Linh. Cái tia nhìn đầy trìu mến, để lộ cho thấy vẻ kiều diễm. Để cho tôi linh cảm được hạnh phúc Trên Cao. Đức Kitô của tôi mỉn cười với tôi. Khi tôi khao khát được gần Ngài. Rồi tôi không còn cảm thấy thử thách đức tin. Tia nhìn của Chúa, nụ cười xinh đẹp của Ngài… Đó là Nước Trời của tôi’ (Têrêsa, vị Thánh lớn nhất của thời đại mới. Tr. 62).
Năm 1897, chị còn ghi trong bài ‘Niềm vui của tôi’ :
‘Khi cõi Trời xanh trở nên u ám, và hầu như bỏ rơi tôi…Ôi sự đau khổ qúa đẹp. Khi người ta phủ nó dưới những đóa hoa. Tôi rất muốn đau khổ mà không một lời than. Để cho Đức Kitô được an ủi. Niềm vui của tôi khi thấy Ngài mỉm cười. (Sđd tr. 65)
Năm Têrêsa lên 10 tuổi, 25. 3.1883, lễ Phục Sinh, bố mẹ, cả nhà đi vắng, ở nhà một mình ngã bệnh nặng. Đến 13.5.1833, Chúa Nhật Hiện Xuống. ‘Đức Mẹ tiến lại phía con đã nở nụ cười khả ái’… ‘Thấy con đăm đăm nhìn tượng Đức Mẹ, chị (Marie) thì thầm nói : Têrêsa khỏi rồi’. (Thủ Bản Tự Thuật. xb Hương Việt,1997, lần thứ ba. Tr. 66 và 292)
Têrêsa còn viết trong hồi ký ‘Một Tâm Hồn’(Histoire d’une âme): Con thấy dược liệu thế gian hết thuốc chữa. Con thấy bệnh trong mình vẫn đau đớn như hầu phải chết. Con lại cố gượng quay nhìn lên tượng Đức Mẹ Đồng Trinh. Hết lòng tha thiết cầu xin Đức Mẹ thương con trong lúc vật vờ nguy hiểm ấy. Bỗng dưng Đức Mẹ linh động như người sống. Đức Mẹ hóa nên xinh đẹp lạ lùng quá trí khôn lường. Một điều xúc động tâm hồn con một các khôn lạ, là sự Đức Mẹ mỉm cười rất xinh. Với nụ cười xinh xắn ấy, bao nhiêu nỗi u sầu đau đớn trong mình con như biến hết! Hai hàng nước mắt ứa lên và từ từ chảy… (Kim Thiếu dịch (Lm Vũ Đức Khâm, Bùi Chu) Q1, in lần thứ 2, 1960, tr: 69)

-Hai Thánh giáo dục Gioan Don Bosco (Ý, 1815-1888) và Gioan Baotixita de Salle (Pháp 1651-1719) luôn vui cười với học trò. Nhờ vậy mà hai thánh đã đem chúng về với Chúa. Trong các nhà nguyện dòng Don Bosco chỉ có tượng Chúa Phục Sinh (Alleluia) thay vì tượng Chịu Nạn. Vì học trò Don Bosco thích Chúa ‘vui tươi’ hơn ‘đau đớn’.

- Thánh Phanxico d’Assisie (Ý, 1181-1226) nổi tiếng với ‘Kinh hòa bình’. Ngài vui cười và đã chinh phục được cả đàn chim không ồn ào để cho người ta ‘nghe’ ngài giảng

- Thánh Padre Pio (Ý, 1887-1968) được Chúa cho ơn là biết qúa khứ một người, trong các huấn dụ, bài giảng. Cha có tài thu hút do ‘Năm Dấu Thánh Chúa in’ mà còn biệt tài dùng nụ cười lôi kéo người đến vào tòa giải tội. Một hôm Cha đang giảng lễ, cha quay về một anh 51 tuổi và hỏi : Đã bao năm anh chưa xưng tội? Anh thưa, từ ngày mẹ dạy Rước Lễ Lần Đầu. Sau lễ anh xếp hàng xưng tội.

- Thánh Thomas More (Anh, 1478-1535) làm cho những ai chung quanh máy chém cười khi can đảm tuyên bố : Thưa trung úy, xin giúp tôi leo lên, còn chuyện đi xuống, tôi sẽ lo liệu. Ngài xin đám đông cầu nguyện cho ngài, rồi qùi xuống đọc kinh Miserere (Thương Xót). Ngài tự cột mắt, vạch râu khỏi tấm ván và nói những lời sau cùng: Qủa là tội nghiệp bị chặt đầu mà chẳng hề phạm tội. Trước khi bị hành quyết, thánh đã yêu cầu người ta trả cho lý hình một đồng tiền vàng để thưởng công phục vụ tốt, xứng đáng.

-Thánh Mẹ Têrêsa Calcutta (Albanie 1910-1997) và các chị Dòng Bác Ái luôn vui tươi cười đón nhận, cứu vớt những người hấp hối, gìa yếu, tàn tật, trẻ em bị bỏ rơi. Các sơ đã nhận ra Chúa Giêsu nơi những người bất hạnh.

Đấng Đáng Kính (2017) GH Gioan Phaolô I (Ý, 1912-1979) người ta gọi Ngài là ‘‘Giáo Hoàng Nụ Cười” (Il Papa del Sorriso) hay ‘Cười Của Chúa’ (Il Sorriso di Dio). Nhưng tiếc là Ngài chỉ làm Giáo Hoàng có 33 ngày mà đã chinh phục cả thế giới, bằng nụ cười.
-Ngày 7.6.2021, tại nhà thờ St Louis Roma, ĐGH Phanxicô gặp nhóm linh mục đang du học ở Roma. Ngài kêu gọi ‘ người chăn chiên phải nhuốm mùi chiên’. Biết vui cười và khóc với họ. (Vatican News 7.6.21)

Nụ Cười trong nghệ thuật và hội họa

Ai có viếng nhà thờ chính tòa Reims, đi vào cửa nhỏ bên hông trái, ngước lên sẽ thấy nhóm Thiên Thần trong vòm cửa bằng simăng, ở giữa có ‘Thiên Thần Mỉm Cười’

Bức họa nổi tiếng nụ cười Mona Lisa (hay La Gioconda hay La Joconde) của họa sỹ Leonardo da Vinci người Ý vẽ (từ 1495 tới 1498) chân dung Lisa Gherardini, vợ của nhà buôn Francesco del Giocondo, người Ý, sống ở Florene. Bức Mona Lisa là phụ nữ bí ẩn với nụ cười mang nhiều ẩn số. Dù vậy, cho tới nay, người ta vẫn tìm ra một số thông tin xung quanh kiệt tác này. Bức họa này là đại diện cho canh tân trong hội họa bấy giờ. Đây là họa phẩm chân dung đầu tiên tập trung cao độ vào nhân vật. Trước thế kỷ 20, bức Mona Lisa, ít ai biết. Nhưng vào 1911, bị đánh cắp, lưu lạc 2 năm. Dần dần nổi tiếng trong hội họa. Hiện giờ, bức họa này thuộc chủ quyền Pháp và đặt tại Musé Louvre.

Mua vui thiên hạ. Vua Hề thế giới Charlie Chapin (Londres 1889- 1977), thường gọi hề Charlot) đã đoạt giải Oscar danh dự 1972, sau 12 phim hài hước. Phim ‘Ánh Sáng Đô Thị’ (Limelight, 1952) hay nhất: mô tả ông và cô gái mù, sau một thời gian gặp nhau nhờ giọng nói và nụ cười. Ông đã dâng hiến cả đời mua vui thiên hạ. Nhìn ông xuất hiện nơi công chúng với mũ, cây gậy, đôi giầy mõm dài, quần rộng, chân đi hai hàng…Ai cũng cười. Ngôi mộ của ông tại nghĩa trang miền nam Pháp ghi : Charlot (photo, Charlie Chapin)
Tiếng cười Cá tháng Tư, phát sinh tại Pháp, 1582, thời vua Charles IX, và lan rộng khắp nơi. Ngày ấy, ai cũng có thể ‘nói dối’ và ‘vui, cười’ vì mình bị lừa vô tội vạ.

Kết luận bằng thông điệp văn hóa của Nụ Cười : Nụ Cười là ngôn ngữ phi văn tự con người có. Nó có sức hấp dẫn trong cuộc sống thường ngày. Cũng là sức mạnh truyền đạt tâm tình dù mới gặp hay quen, thườn gặp, lâu dài. Ai giữ được nụ cười trên môi, chứng tỏ trong lòng tràn đầy hy vọng và đầy sức sống. Những người mặt ủ mày chau, hẳn còn nhiều u uẩn tâm tư ! Nụ Cười thân thiện niềm nở khi giao tiếp, chuyển đạt thông tin thay cho lời chào. Cũng dùng khi từ chối khéo một đề nghị, thay vì nói không. Chân thành là Nụ Cười mong muốn nhất. Hãy chọn cho mình Nụ Cười trong mọi hoàn cảnh. Vì Nụ Cười là chìa khóa giao tiếp. Nụ cười được mọi người hưởng ứng tức có thiện cảm, là Nụ Cười luôn tươi vui, vươn lên.
Xin hãy nhớ :
Thứ nhất là đạo làm người.
Dù no dù đói cho tươi mặt mày.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

-DƯƠNG QUẢNG HÀM. VN Thi Văn Hợp Tuyển. Sudasie, 75005 Paris.
- KIM THIẾU (Histoire d’une âme) dịch, Một Tâm Hồn,
(Lm Vũ Đức Khâm, Bùi Chu) Q1, in lần thứ 2)
 
Một trăm lẻ một Câu hỏi về Chúa Giêsu: câu 75-79
Vũ Văn An
19:50 30/09/2023

V.Người công bố như Người được công bố: khai triển truyền thống trong Giáo Hội



Câu hỏi 75: Bao nhiêu điều trong những điều chúng ta biết về Chúa Giêsu tùy thuộc vào việc phục sinh?

Tôi dám nói mọi điều chúng ta nói về Chúa Giêsu đều tùy thuộc việc phục sinh. Nhưng không được hiểu phục sinh như một biến cố cô lập, không liên hệ gì tới thập giá cho bằng nói rõ đó là sự phục sinh của đấng chịu đóng đinh (xem câu hỏi 67). Thêm vào thập giá-phục sinh như một biến cố duy nhất không thể tách biệt, chúng ta phải liên kết biến cố này với đời sống nhân bản và lịch sử của Chúa Giêsu trước đó và với đời sống liên tục đầy Thần Khí của Giáo Hội tiếp theo đó. Toàn bộ phức thể này tạo nên “biến cố Kitô” nghĩa là toàn bộ câu truyện của Chúa Giêsu.

Điều khiến Giáo Hội sơ khai có thể di chuyển từ việc Chúa Giêsu tuyên bố về nước Thiên Chúa qua việc công bố Chúa Giêsu như Đấng Kitô và Chúa là trải nghiệm phục sinh đầy tính mạc khải. Điều trải nghiệm này mạc khải không những chỉ là các môn đệ nay biết Người một cách họ chưa biết Người trước đây, nghĩa là, nhận thức của họ về Người đã thay đổi. Điều trải nghiệm này mạc khải, trong căn bản, là nhiều điều hơn việc Chúa Giêsu nay ra khác, là Người đã thay đổi, đã biến thành hữu thể nhân bản mới, Con Người. Chúa Giêsu vốn công bố rằng Thiên Chúa sẽ minh oan cho thừa tác vụ của Người bằng cách sử dụng hình ảnh khải huyền về “Ngày của Con Người”. Sự thất bại và bị bác bỏ của Người đã được đảo ngược và vượt qua nhờ “biến cố” khải huyền thập giá-phục sinh. Kết luận tất yếu phát sinh từ cùng một Thần Khí, Đấng đã xức dầu và linh hứng Chúa Giêsu trong thừa tác vụ của Người và biến đổi Người trong vòng ôm yêu thương thần linh là Chúa Giêsu nay là Con Người. Đây có lẽ là khẳng định minh nhiên sớm sủa nhất về căn tính của Người, sử dụng danh hiệu Kitô học mà chúng ta có.

Khẳng định trên rất nhanh chóng dẫn tới tầm nhìn thông sáng cho rằng nếu Người được đồng nhất hóa với hành vi cuối cùng và có tính quyết định của tính sáng tạo Thiên Chúa trong việc phục sinh, thì Người được đồng nhất hóa với toàn bộ sinh hoạt sáng tạo của Thiên Chúa.Như thế, Người được coi như Con Người, Đấng chẳng bao lâu nữa sẽ trở lại trong quyền năng và vinh quang vĩ đại (Mc 13:24-27); như Con Người được hiển dương bên tay hữu Thiên Chúa (Mc 14:62); như Con Người có thẩm quyền trên trái đất để tha tội và thách thức quyền lực thời Người (Mc 2:10.28); như Con Người từng phải chịu bị bác bỏ và sát hại (Mc 8:31; 9:31; 10:33). Chẳng bao lâu sau, các tước hiệu khác đã xuất hiện giúp Giáo Hội nới rộng và phát triển cái hiểu Kitô học của mình, nhưng tất cả những phát triển này đều bắt nguồn và đặt cơ sở trên trải nghiệm phục sinh có tính trung tâm và dứt khoát. Chất xúc tác không thể thiếu là ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt Giáo Hội sơ khai vào toàn bộ sự thật về Chúa Giêsu (Ga 16:12-15).

Câu hỏi 76: Có phải cha muốn nói Chúa Giêsu trở nên một điều Người không là trước đó không?

Không. Không khi nào có lúc Chúa Giêsu không là Con Người và là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô và là Chúa. Có những bản văn Kinh Thánh, nếu xét một cách cô lập, dường như có thể nói ngược lại. Thí dụ, diễn từ của Thánh Phêrô trong Lễ Ngũ Tuần, nhằm mục đích công bố việc phục sinh, hiển dương Chúa Giêsu và tuôn đổ Thần Khí, đã kết luận: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2:36). Câu này nghe như thể Chúa Giêsu lần đầu tiên được thiết lập như vậy lúc phục sinh, thế nhưng cũng cùng tác giả này (Luca), trong trình thuật tuổi thơ, từng đã trình bầy Chúa Giêsu như Con Thiên Chúa, Đấng sẽ chiếm ngai Đavít (Lc 1:32). Hai nhận xét, vì thế, là điều cần thiết:

Thứ nhất, các bản văn cá thể có thể bị cô lập khỏi đồng văn của chúng trong các trước tác Tân Ước và được phân tích vì các vị trí và ý nghĩa khả hữu của chúng bên trong tính năng động đang diễn ra và có tính đa diện của nền Kitô học đang diễn biến của Giáo Hội sơ khai. Điều này là một đảm nhiệm hữu ích và cần thiết đối với các chuyên gia tìm cách hiểu một cách rõ ràng hơn việc nền Kitô học của Giáo Hội phát triển ra sao. Nhưng ngay các chuyên gia cuối cùng cũng phải tái lồng các bản văn vào đồng văn của chúng và coi chúng như một phần của nền thần học tổng thể của tác giả. Hơn nữa, dù tôn trọng tính đa dạng và tính cá thể của một số trước tác Tân Ước, mục đích tối hậu của một phân tích như thế là tìm sự nhất quán nằm ở bên dưới nhằm biện minh cho việc khai triển Kitô học thậm chí trong tính đa dạng của nó. Tôi tìm thấy nó trong việc công bố Thiên Chúa đã làm Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Tất cả các khẳng định Kitô học sau này đều là một cố gắng giải thích ý nghĩa của Chúa Giêsu phục sinh trong các hoàn cảnh khác nhau.

Thứ hai, khi chúng ta gọi Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Kitô, là Con Người và là Con Thiên Chúa, chúng ta tìm cách diễn tả ý nghĩa đời sống Người nói chung dưới ánh sáng đức tin phục sinh. Nói rằng Chúa Giêsu phục sinh nay là Con Thiên Chúa là nói rằng Người luôn luôn là Con Thiên Chúa bất kể chúng ta đẩy nguồn gốc của Người trở lại lúc Người chịu phép rửa, lúc Người được tượng thai, hay lúc khởi đầu sáng thế (xem câu hỏi 14). Nhưng mặt khác, chúng ta nói rằng Người là Con Thiên Chúa bằng cách sống loại sự sống nhân bản Người sống thực sự với đủ mọi chiến đấu và cám dỗ, vui mừng và sầu khổ mà Người đích thân trải nghiệm. Các khẳng định Kitô học sau này của Giáo Hội không nhằm mục đích bác bỏ tính thực tại trọn vẹn của đời sống và kinh nghiệm nhân bản của Người; chúng nhằm để khẳng định nó. Sự sống nhân bản này là chính sự sống nhân bản của Thiên Chúa! Nhưng đây là một sự sống nhân bản trong đó, Người lớn lên trong khôn ngoan, tuổi đời và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và ngườ ta (Lc 2:40.52).

Câu hỏi 77: Kitô học xem ra rất mơ hồ. Tại sao chúng ta không thể coi Chúa Giêsu như một con người tốt lành, một tiên tri hay một vị thánh, người muốn đem người khác đến việc trọn vẹn tin vào quyền năng của Thiên Chúa?

Dù mọi người không cần bước vào mọi điểm tinh tế của việc triển khai Kitô học, điều quan trọng vẫn là hiểu ra rằng nguồn gốc của nó nằm cụ thể ở kinh nghiệm sống cụ thể của các cộng đồng tiên khởi. “Đức Giêsu là Chúa!” không phải là một tuyên bố lý thuyết. Nó là một trong các tuyên bố tuyên tín sớm nhất. Chính trải nghiệm việc Thần Khí Chúa Giêsu hoạt động giữa cộng đồng thờ phượng đã phát sinh ra tuyên xưng đức tin căn bản này. Bất cứ các cố gắng nào sau đó của chúng ta để thủ đắc cái hiểu lý thuyết về đức tin của mình, chúng ta đều phải trở về trải nghiệm nguyên khởi trong thờ phượng này. Nếu linh hứng của Chúa Thánh Thần không được coi như gốc rễ và cơ sở của Kitô học, thì dĩ nhiên nó chỉ là trò chơi chữ mà thôi. Một Kitô học chân chính phát sinh từ và quay trở lại cộng đồng tụ họp với nhau và được lên sức mạnh nhờ Thần Khí của Chúa Giêsu.

Nhiều người ngày nay, kể cả các Kitô hữu, giản lược Chúa Giêsu vào điều chúng ta biết về Người theo phương diện lịch sử. Chắc chắn, Người là một con người tốt lành, một con người thánh thiện, một tiên tri, nhưng Người cũng hơn một tiên tri (Mt 12:38-42 song hành). Đó là lý do tại sao điều quan trọng là coi các sách thánh của chúng ta không những chỉ viết theo viễn ảnh quan tâm lịch sử mà còn theo viễn ảnh đức tin phục sinh. Đức tin này là đáp ứng đối với sáng kiến sáng tạo của một vị Thiên Chúa muốn ơn cứu rỗi của mọi người. Theo tôi, Kitô học luôn luôn nên được nhìn như một biểu thức sâu xa nhất của cứu thế học nghĩa là ý của Thiên Chúa muốn mang chúng ta tới sự viên mãn của ơn giải thoát con người. Ở tận gốc gác của nó, Kitô học nói lên việc Thiên Chúa tự can dự đích thân vào diễn trình cứu rỗi đầy sáng tạo của lịch sử thế giới. Việc tự can dự này tiến diễn tiệm tiến và mỗi ngày một sâu sắc thêm từ sáng thế tới nhập thể. Điều chúng ta tin về Chúa Giêsu là: Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta như chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi. Chúa Giêsu là “bộ mặt nhân bản của Thiên Chúa” (J.A.T. Robinson), “bí tích cuộc gặp gỡ Thiên Chúa” (E. Schllebeeckx), “lời ban sự sống” mà chúng ta nghe được, thấy được bằng chính đôi mắt mình, mà chúng ta nhìn và rờ bằng tay, Đấng ở với Chúa Cha và được mạc khải cho chúng ta (1Ga 1:1-2). Nhập thể không những chủ yếu đối với đức tin Kitô giáo; nó còn là điều đem lại cho đức tin ấy đặc tính khác biệt và căn để của nó.



Câu hỏi 78: Tại sao có lúc chúng ta gọi Chúa Giêsu là “Thiên Chúa”, có lúc lại gọi Người là “Con Thiên Chúa”?

Thực sự, danh hiệu thích đáng dành cho Chúa Giêsu, và là danh hiệu cuối cùng trổi vượt trong việc phát triển Kitô học Tân Ước là “Con Thiên Chúa”. “Thiên Chúa” (ho theos) trong Tân Ước dành gần như tuyệt đối cho Chúa Cha. Ngay Thánh Gioan, người cho chúng ta khẳng định rõ ràng nhất về địa vị thần linh của Chúa Giêsu, cũng đã dị biệt hóa trong Tự Ngôn (1:1) giữa liên hệ của Ngôi Lời với “Thiên Chúa” (ho theos) và Ngôi Lời như đấng thần linh (theos). Lần duy nhất Chúa Giêsu được trực tiếp nhắc đến như ho theos diễn ra lúc Tôma quỳ thờ lạy Chúa Giêsu phục sinh: “lạy Chúa và là Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Khi chúng ta sử dụng hạn từ “Thiên Chúa” cho Chúa Giêsu, chúng ta phản ảnh việc khai triển đức tin Ba Ngôi vốn gồm Cha, Con và Thánh Thần bên trong xác tín của chúng ta, dẫn khởi từ chủ nghĩa độc thần Do Thái, rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Một trong các căng thẳng cổ điển của đức tin Kitô giáo là duy trì chủ nghĩa độc thần, rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, thế nhưng lại khẳng định tính ba (threeness) trong tính một (oneness) đó.

Thánh Phaolô cho chúng ta một bản văn khá sớm và đáng lưu ý, có lẽ trưng dẫn một kinh tin kính rất tiên khởi, bên trong ngữ cảnh cuộc tranh luận về việc thờ ngẫu tượng: “... nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cr 8:6). Thánh Phaolô ám chỉ lời tuyên xưng đức tin chính của Israel: “Hỡi Israel, hãy nghe, Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, Chúa duy nhất” (Đnl 6:4). Nhưng ngài chia tuyên xưng ấy để “Chúa” chỉ Chúa Giêsu, còn “Thiên Chúa” chỉ Chúa Cha. Thiên Chúa, Chúa Cha, là nguồn gốc và mục đích của muôn loài, nhất là của hiện hữu chúng ta, nhưng được trung gian qua Chúa Giêsu như Chúa. Thế nhưng, cả hai vị đều được gọi là “duy nhất” – một Thiên Chúa và một Chúa. Chúa Giêsu luôn ở trong lòng Chúa Cha (Ga 1:18) và bất cứ chúng ta nói gì về Người như đấng thần linh chỉ có thể được nói như Con duy nhất của Chúa Cha (Ga 1:14). Một bài thánh ca tiên khởi khác phát biểu cùng một ý tưởng: “...và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:11).

Câu hỏi 79: Cha có thể nói ít điều hơn nữa về Chúa Ba Ngôi được không? Làm thế nào Thiên Chúa vừa là một vừa là ba?

“Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Sẽ dễ dàng hơn khi nói về Chúa Ba Ngôi trong các lần tỏ hiện lịch sử hơn là suy đoán về đời sống thần linh ở bên trong. Như một tác giả đã viết, bất cứ ai nói về Ba Ngôi cũng nói về thập giá Chúa Kitô chứ không nói về những khó hiểu ở trên trời (J. Moltmann). Chính Chúa Giêsu trong cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Người đã mạc khải thực tại Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực tại Ba Ngôi này đặt cơ sở trên sự kiện Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần xức dầu và được Chúa Cha sai đi lúc Người chịu phép rửa (Mc 1:9-11). Trọn đời sống nhân bản của Người là một đời sống đáp ứng một cách đầy vâng lời đối với thánh ý Chúa Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Mối liên hệ này lên tuyệt đỉnh khi Người phó Thần Khí Người cho Chúa Cha trên thập giá và khi Chúa Cha ôm lấy Người, nâng Người lên và biến đổi Người, trong cùng một Thần Khí ấy. Gioan đã thấy rõ ràng rằng việc tự hiến hỗ tương này đã phá vỡ mọi giới hạn nhân bản và biểu thị mối liên hệ yêu thương đời đời. Do đó, Chúa Giêsu nói: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:4-5).

Các kinh tin kính và công đồng sau đó chỉ tìm cách khẳng nhận lời quả quyết của Kinh Thánh này về mối liên hệ đời đời với Chúa Cha trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần. Chúng khẳng định rằng mạc khải ban cho trong Chúa Giêsu thông truyền sự thật về thực tại Thiên Chúa. Chúng không cố gắng giải thích điều đó là thế ra sao, mặc dù nhiều nhà thần học, như Thánh Augustinô trong De Trinitate (Về Chúa Ba Ngôi), đã tìm cách thăm dò những cách trong đó một mầu nhiệm như thế có thể khả niệm đối với chúng ta. Đối với tôi, cái nhìn thông sáng quan trọng và nền tảng nhất là đây: ở ngay tâm điểm thực tại, ở ngay tâm điểm của hiện hữu, nghĩa là, trong thực tại sống của Thiên Chúa hằng sống, Đấng dựng nên mọi loài, có mối liên hệ. Thiên Chúa không sống trong sự cô lập huy hoàng, một đấng chuyển động bất di bất dịch lôi kéo mọi sự về mình nhưng không cho lại bất cứ điều gì, một hữu thể dửng dưng và vô cảm, cách xa và không để các đau khổ của chúng ta đụng tới. Đúng hơn, Thiên Chúa có tính bản vị, Đấng trong tư cách Cha, thông truyền toàn bộ sự sống thần linh cho Chúa Con và vẫn mãi là Chúa Cha. Ngược lại, Chúa Con là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1:15), Đấng đời đời phản ảnh vinh quang của Chúa Cha và làm Người được chúng ta biết đến (Ga 1:14.18). Vị gắn kết mối liên hệ từ Chúa Cha tới Chúa Con này, Chúa Cha như nguồn và gốc khởi diễn mối liên hệ và Chúa Con như đáp trả và hình ảnh phản ảnh vinh quang Chúa Cha, là Chúa Thánh Thần. Đây là chỗ chúng ta tham dự vào. Ở đây, há chúng ta không nhìn thấy ý nghĩa các tình yêu của chúng ta hay sao, bất kể tình yêu của chúng ta là tình yêu sáng tạo của cha mẹ (eros), tình yêu lên sức mạnh cho nhau của bạn bè (philia) hay tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu (agape: xem Ga 15:12-17)?)

 
VietCatholic TV
Bi hài: Lính Dù Nga bỏ chạy, Su-35 đến cứu, bị phòng không hốt hoảng của Putin bắn như mưa, nổ tung
VietCatholic Media
02:40 30/09/2023


1. Quá hoảng loạn trước nguy cơ bị quân Ukraine tấn công, phòng không Nga bắn rớt máy bay Nga trị giá 43 triệu Mỹ Kim

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Su-35 Fighter Jet Downed by Own Air Defense, Video Appears to Show”, nghĩa là “Video xem ra cho thấy chiến đấu cơ Su-35 của Nga bị phòng không của chính mình bắn rơi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Lực lượng phòng không Nga gần tiền tuyến ở khu vực Zaporizhzhia phía nam Ukraine đã bắn hạ một trong những chiến đấu cơ tiên tiến của Mạc Tư Khoa, đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy điều đó.

Các hệ thống phòng không của Nga đã hạ gục một chiến đấu cơ đa chức năng Su-35 của Nga, trị giá 43 triệu Mỹ Kim, xung quanh thành phố Tokmak của Ukraine bị tạm chiếm, các blogger quân sự Nga và Ukraine cũng như các tài khoản tình báo nguồn mở đưa tin hôm thứ Sáu.

Chính quyền Nga chưa xác nhận vụ việc được báo cáo. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Vào cuối tháng 8, dữ liệu do Newsweek tổng hợp và phân tích tiết lộ rằng hơn 20% số tổn thất về máy bay có người lái và trực thăng của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine không phải do hành động của đối phương mà do chính Nga bắn rớt trong lúc hoảng loạn.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng lực lượng không quân Nga có tỷ lệ tự gây ra thiệt hại cho chính mình cao một cách bất thường, do các yếu tố như thời gian huấn luyện hạn chế, ít phi công có kinh nghiệm và áp lực chiến đấu liên tục.

Theo thông tấn xã tình báo nguồn mở Oryx của Hà Lan, Nga đã mất 4 máy bay phản lực Su-35 kể từ khi quân đội của họ tiến vào lãnh thổ Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Nga thường xuyên sử dụng chiến đấu cơ Sukhoi Su-35, được coi là máy bay thế hệ thứ tư với công nghệ thế hệ thứ năm, cho nỗ lực chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine.

Theo United Aircraft Corporation,, gọi tắt là UAC, một tập đoàn Không Quân và quốc phòng phần lớn thuộc sở hữu của chính phủ Nga, Su-35 là phiên bản hiện đại hóa của chiến đấu cơ Su-27, được thiết kế để “tăng đáng kể hiệu quả tham gia chống lại các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển”. Theo UAC, Su-35 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 2 năm 2008.

Cựu sĩ quan quân đội Anh Frank Ledwidge trước đó đã nói với Newsweek rằng nó “được thiết kế đặc biệt” để chống lại các máy bay của phương Tây như F-16 do Lockheed Martin sản xuất.

Khu vực xung quanh Tokmak, nơi bị lực lượng Nga chiếm giữ trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến toàn diện, nằm trên đường Ukraine tới thành phố Melitopol bị tạm chiếm. Cuộc phản công của Kyiv, bắt đầu vào đầu tháng 6, sẽ hy vọng vượt qua được hệ thống phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng của Nga trên đường tới Tokmak, và sau đó tới Melitopol trước khi đến Biển Azov.

Nga có thể đã triển khai các đơn vị từ Trung đoàn súng trường cơ giới số 70 và 71 giữa tiền tuyến hiện tại ở Zaporizhzhia và Tokmak, Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ cho biết hôm thứ Ba.

Nhưng Ukraine sẽ bảo đảm một bước đột phá lớn nếu các chiến binh của họ có thể chiếm được Tokmak, Tướng Oleksandr Tarnavsky của Ukraine, nhà lãnh đạo nhóm lực lượng tác chiến Tavria của Ukraine, nói với CNN vào tuần trước.

2. Lính Nga tiết lộ rằng đất nước của anh ta đứng sau vụ nổ đập Kakhovka vào tháng 6

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldier Reveals Putin's Major Lie”, nghĩa là “Lính Nga tiết lộ lời nói dối lớn của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tình báo quân đội Ukraine gần đây đã công bố đoạn ghi âm về một cuộc điện thoại được cho là đã bị chặn, trong đó một người lính Nga tiết lộ rằng đất nước của anh ta đứng sau vụ nổ đập Kakhovka vào tháng 6.

Trên kênh Telegram hôm thứ Tư, Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine đã đăng đoạn ghi âm mà họ cho là cuộc điện thoại giữa một người lính đang nói chuyện từ tiền tuyến ở Ukraine và một người không rõ danh tính. Newsweek không thể xác minh độc lập âm thanh hoặc tuyên bố của phát ngôn nhân.

Người lính kể chi tiết về vụ nổ lớn tại đập của nhà máy thủy điện Kakhovka ở vùng Kherson phía nam Ukraine vào ngày 6 tháng 6. Hậu quả là sự tàn phá khiến ít nhất 150 tấn dầu máy tràn ra sông Dnieper và gây lũ lụt ở nhiều khu định cư, khiến nhiều khu định cư phải chịu thiệt hại nặng nề. di tản.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức khác của Điện Cẩm Linh đã phủ nhận trách nhiệm về vụ việc ở con đập và đổ lỗi cho Kyiv và các đồng minh. Ukraine cho rằng Nga đứng đằng sau thảm họa này.

Người lính phát biểu trong cuộc gọi do Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine công bố đã mâu thuẫn với tuyên bố của Putin, nói rằng đơn vị của anh ta bị ảnh hưởng bởi nước sau khi Nga cho nổ đập.

Theo bản dịch của Kyiv Post, người lính này nói: “Chúng tôi đã bị cuốn vào làn sóng chết tiệt khi chúng tôi thổi bay con đập chết tiệt”, tiếp theo là một tràng những tiếng chửi thề.

Người lính sau đó chỉ ra rằng chính quyền quân sự Nga đã cố gắng hạ thấp số lượng nhân sự mà họ mất trong vụ việc bằng cách nói rằng chỉ có 7 người thiệt mạng.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Ở một đoạn khác trong cuộc gọi, người lính này cho biết đơn vị của anh gần đây đã được chuyển đến Zaporizhia, một khu vực của Ukraine, nơi giao tranh đã gia tăng kể từ khi Kyiv phát động cuộc phản công đang diễn ra vào tháng 6.

Người quân nhân này cho biết nhóm quân Nga đã chiến đấu ở Zaporizhia trước khi anh ta đến đã không đạt được thành công. Anh nói thêm rằng đơn vị của anh đã “làm được rất ít” để chống lại quân đội Ukraine.

Anh cũng cho biết anh dự đoán cuộc chiến ở Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài “ít nhất hai năm” do quân đội Kyiv “cắn trả rất mạnh”.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine thường xuyên đăng tải đoạn ghi âm về những gì họ cho là các thông tin liên lạc bị chặn liên quan đến lực lượng Nga. Các cuộc gọi thường được coi là ví dụ về tinh thần xuống thấp trong lực lượng của Putin ở Ukraine.

Tháng trước, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã chia sẻ đoạn ghi âm trong đó một người lính Nga mô tả toàn bộ đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Nga bị quân đội Ukraine “tàn sát” cũng như cuộc gọi của một người lính thảo luận về kế hoạch mà anh ta nghe nói về việc Kyiv sẽ sớm thực hiện một nỗ lực lớn nhằm đòi lại Crimea.

3. Cuộc chiến tại Ukraine khiến Đài Loan phải cấp tốc đóng 8 chiếc tàu ngầm để đối phó với Trung Quốc.

Trong khi Mỹ và phương Tây đang phải chi những số tiền khổng lồ vào cuộc chiến tại Ukraine, Trung Quốc đang ngày càng giầu lên, và giầu lên rất nhanh. Đài Loan nhận thức được rằng họ phải cấp tốc đóng những chiếc tàu ngầm để đối phó với Trung Quốc.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Submarines Are Taiwan’s Best Defense Against A Chinese Invasion. The Island Democracy Is Building Eight New Ones.”, nghĩa là “Tàu ngầm là phương tiện phòng thủ tốt nhất của Đài Loan trước cuộc xâm lược của Trung Quốc. Nền dân chủ trên đảo quốc này đang xây dựng tám chiếc mới tinh.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đài Loan đã đặt tên cho tàu ngầm tự chế đầu tiên vào hôm thứ Năm. Đó là đỉnh điểm của một nỗ lực khổng lồ bắt đầu vào năm 2014, có thể tiêu tốn hàng tỷ đô la và được cho là có liên quan đến viện trợ nước ngoài sâu rộng và phần lớn là bí mật. Chiếc thuyền tiếp theo trong lớp nàycó thể hạ thủy sau khoảng bốn năm nữa.

Hải Côn (Hai Kun, 海鯤) nặng 2.600 tấn – được đặt tên theo một con cá khổng lồ trong thần thoại – cho đến nay là vũ khí mới quan trọng nhất trong kho vũ khí của Đài Loan.

Hơn cả chiến đấu cơ F-16, xe tăng M-1 hay hỏa tiễn phòng không Patriot, Hải Côn và bảy chiếc chị em dự định của nó có thể ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc. Và chiến đấu bên cạnh các tàu ngầm của Hoa Kỳ và Nhật Bản – họ thậm chí có thể đánh bại cuộc xâm lược.

Đó là bởi vì sau khi bắn hàng trăm hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn hành trình vào hệ thống phòng thủ của Đài Loan và cắt đứt đường tiếp tế và viễn thông của quốc đảo này, hải quân Trung Quốc và các lực lượng dân sự phụ trợ của họ vẫn phải vượt qua eo biển Đài Loan rộng 100 dặm để đổ quân và phương tiện lên bãi biển phía Tây Đài Loan—hoặc đi thuyền hàng trăm dặm quanh đảo để cập bến bờ biển phía đông của đảo.

Khi ở trên mặt nước, lực lượng xâm lược cực kỳ dễ bị tổn thương. Và ngay cả khi có thể đổ bộ được một số quân, nó vẫn dễ bị tổn thương. Trong những tuần quan trọng đầu tiên của chiến dịch trên bộ của Trung Quốc tại Đài Loan, các lữ đoàn của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào tàu để tiếp tế.

Nếu đánh chìm được một số tàu đổ bộ hoặc tàu tiếp tế, thì cuộc xâm lược sẽ sụp đổ — tại bãi biển hoặc xa hơn trong đất liền khi lực lượng đổ bộ chết đói. Trong khi các tàu mặt nước và F-16 của Đài Loan với hỏa tiễn chống hạm Harpoon gây ra một số mối đe dọa cho hạm đội Trung Quốc, thì các tàu ngầm bắn ngư lôi Mark 48 nặng 3.700 pound còn nguy hiểm hơn nhiều.

Hồi Tháng Giêng, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã vạch ra kế hoạch xâm lược Đài Loan của Trung Quốc bằng một loạt mô phỏng thực tế. Kết quả phụ thuộc rất nhiều vào mức độ bất ngờ mà Trung Quốc đạt được và việc Hoa Kỳ phân tán lực lượng ở Tây Thái Bình Dương cẩn thận như thế nào trước các đợt tấn công hỏa tiễn ban đầu của Trung Quốc.

Nhưng trong hầu hết 24 kịch bản, người Đài Loan và các đồng minh của họ cuối cùng sẽ chiếm ưu thế – mặc dù phải trả cái giá rất lớn về con người và thiết bị. Và họ chiếm ưu thế là nhờ 2 loại vũ khí chủ chốt: tàu ngầm và máy bay ném bom.

Trong phần lớn các mô phỏng, “tàu ngầm có thể đi vào khu vực phòng thủ của Trung Quốc và tàn phá hạm đội Trung Quốc”, các nhà phân tích Mark Cancian, Matthew Cancian và Eric Heginbotham của CSIS kết luận.

Các tàu ngầm tấn công gồm 40 hoặc 50 tàu ngầm tấn công của hạm đội Mỹ sẽ tổ chức thành các hạm đội gồm 4 chiếc mỗi hạm đội và triển khai đến các căn cứ của Mỹ ở Guam, đảo Wake và ở Yokosuka, Nhật Bản. Một hạm đội sẽ đóng quân ở eo biển Đài Loan hẹp khi những quả hỏa tiễn đầu tiên của Trung Quốc rơi xuống và tầu Trung Quốc xâm lược bắt đầu ra khơi.

Trong trò chơi chiến tranh của CSIS, bốn chiếc thuyền này đã đánh chìm hết tàu Trung Quốc này đến tàu Trung Quốc khác cho đến khi hết ngư lôi và hỏa tiễn hoặc bị lực lượng Trung Quốc truy lùng. Trong khi đó, chín hoặc 10 hạm đội phụ khác đã được đồng bộ hóa thành cái mà Cancians và Heginbotham mô tả là “băng tải” dưới đáy biển.

Các nhà phân tích giải thích: “Họ đi săn, quay trở lại cảng, nạp đạn, sau đó lại tiến về phía trước và săn lùng”. Cancians và Heginbotham viết: “Mỗi tàu ngầm sẽ đánh chìm hai tàu đổ bộ lớn (cùng số lượng mồi nhử và tàu hộ tống tương đương) trong vòng 3 đến 5 ngày”.

Trong hai tuần chiến đấu mô phỏng căng thẳng, các tàu ngầm đã đánh chìm tới 64 tàu Trung Quốc, bao gồm nhiều tàu đổ bộ lớn nhất và tàu chiến mặt nước của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân – và có thể cả một số Hàng Không Mẫu Hạm của Hải Quân Trung Quốc.

Tất nhiên, các tàu Trung Quốc có thành công trong việc tránh tàu ngầm Mỹ đi nữa cũng không an toàn. Cuộc tập trận của CSIS phát hiện ra rằng các máy bay ném bom của Không quân Hoa Kỳ bắn hỏa tiễn hành trình tàng hình thậm chí còn gây ra mối nguy hiểm lớn hơn cho các tàu Trung Quốc so với các tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ.

Trong kịch bản mà người Đài Loan và các đồng minh của họ giành chiến thắng quyết định nhất, hạm đội đổ bộ và vận tải của Trung Quốc đã mất 90% số tàu - và không thể tiếp tế cho một số tiểu đoàn Trung Quốc mà hạm đội đã đổ bộ lên Đài Loan. Không có đường tiếp tế hậu cần trên biển, quân Trung Quốc trên đảo nhanh chóng cạn kiệt nhiên liệu và đạn dược.

Điều đáng nói là trò chơi chiến tranh của CSIS không có sự tham gia của lực lượng tàu ngầm đáng kể của Đài Loan. Hải quân Trung Hoa Dân Quốc sở hữu hai tàu ngầm tiên tiến có niên đại trước Hải Côn và các tàu chị em dự định của nó. Nhưng hai chiếc tàu nặng 2.700 tấn này – được Hà Lan đóng cho Đài Loan vào những năm 1980 – nhìn chung được coi là lỗi thời.

Việc bổ sung 8 chiếc Hải Côn vào chiến dịch dưới biển do Mỹ dẫn đầu quanh Đài Loan sẽ tăng thêm 1/5 số lượng tàu thuyền và ngư lôi mà liên minh phòng thủ có thể triển khai chống lại hạm đội Trung Quốc. Thêm vào đó một số trong số 22 tàu ngầm của Nhật Bản và lực lượng dưới biển càng trở nên hùng mạnh hơn.

Tất nhiên, chiến thắng có thể phải trả giá đắt cho các tàu ngầm Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan. Trong các cuộc tập trận của CSIS, các tàu hộ tống, máy bay và tàu ngầm của Trung Quốc thường đánh chìm khoảng 1/5 số tàu ngầm được triển khai cứ sau ba hoặc bốn ngày trong suốt cuộc chiến kéo dài hàng tuần. Cuối cùng, có lẽ hàng chục tàu ngầm hoặc hơn bị đắm dưới đáy Thái Bình Dương, là ngôi mộ của hàng nghìn thủy thủ tàu ngầm.

Đài Loan có thể mất một số tàu ngầm mới trước cuộc xâm lược của Trung Quốc Nhưng đó chỉ là một cái giá nhỏ phải trả để cứu nền dân chủ của hòn đảo.

4. Những tướng tá cao cấp nhất của Putin lần lượt bị loại khỏi vòng chiến

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Strikes Are Wiping Out Putin's Top Brass”, nghĩa là “Các cuộc tấn công ở Ukraine đang tiêu diệt những tướng tá cao cấp nhất của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các cuộc tấn công của Ukraine trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin được tường trình đã loại bỏ những nhân vật chủ chốt trong số những nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh. Theo Kyiv, Mạc Tư Khoa đã mất đi một số lượng lớn tướng lĩnh và chỉ huy hàng đầu trong cuộc xung đột, trong đó có thể bao gồm cả nhà lãnh đạo Hạm đội Hắc Hải của Nga.

Lực lượng đặc biệt của Kyiv hôm thứ Hai cho biết Đô đốc Viktor Sokolov, chỉ huy Hạm đội Hắc Hải và là đô đốc hàng đầu của Nga tại Crimea bị sáp nhập, cùng nhiều cấp dưới của ông đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn ngày 22/9 nhằm vào trụ sở của hạm đội ở cảng Sevastopol.

Điện Cẩm Linh vẫn chưa xác nhận hay phủ nhận thông tin về vụ sát hại Sokolov, nhưng nếu được xác nhận, đây sẽ là một trong những cái chết gây chú ý nhất trong quân đội Nga trong cuộc chiến kéo dài 19 tháng.

Hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video qua phương tiện truyền thông nhà nước về cuộc gặp của các quan chức cao cấp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Sokolov dường như có mặt qua liên kết video trong cuộc họp đó. Không rõ đoạn phim được quay khi nào.

Cựu Tư lệnh NATO James Stavridis cho biết trong một bài đăng trên X, trước đây là Twitter, rằng cuộc tấn công vào trụ sở chính là một “thành tựu đáng chú ý” khi Ukraine “loại bỏ một nhà lãnh đạo quân sự rất quan trọng của Nga và nhiều cấp dưới của ông ta”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận. Mạc Tư Khoa hiếm khi xác nhận các báo cáo về cái chết của các chỉ huy hàng đầu của nước này.

Theo Federico Borsari, thành viên Leonardo của Chương trình Quốc phòng và An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Âu Châu, bằng cách loại bỏ các chỉ huy quân sự cao cấp của Nga, những người thường đưa ra mục đích, động lực và chỉ đạo, Ukraine đang tìm cách làm suy yếu năng lực của quân đội Nga trong việc tiếp tục chiến tranh một cách hiệu quả.

Borsari nói với Newsweek: “Đây là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm phá vỡ mạng lưới chỉ huy và kiểm soát của đối phương, với mục tiêu cuối cùng là làm suy giảm đáng kể khả năng lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động phối hợp của lực lượng Nga”.

Viktor Kovalenko, một cựu quân nhân và nhà báo Ukraine, nói với Newsweek rằng đối với quân đội Nga, mỗi sự mất mát của một sĩ quan quân sự hàng đầu sẽ tạo ra một “sự hỗn loạn cục bộ tạm thời” vì các đơn vị của họ “không được huấn luyện và thậm chí không được phép tự chủ một cách cơ động”.

Theo Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Âu Châu, các cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào các chỉ huy quân sự hàng đầu đang cản trở đáng kể hoạt động của quân đội Nga trong cuộc chiến đang diễn ra.

Hodges nói với Newsweek: “Bất cứ khi nào bạn loại bỏ một nhà lãnh đạo cao cấp, bạn có thể sẽ loại bỏ cả rất nhiều người xung quanh anh ta, ít nhất là trong môi trường này, điều đó có tác động tích lũy đáng kể”. “Nó làm chậm khả năng phản ứng và dự đoán của người Nga. Nó làm gián đoạn kế hoạch của họ, bởi vì bây giờ họ phải xây dựng lại, họ phải xây dựng lại hoặc tìm một địa điểm mới.”

Thương vong của hàng lãnh đạo quân sự cao cấp

Một nạn nhân nổi tiếng khác gần đây được báo cáo trong cuộc phản công khốc liệt của Kyiv bao gồm Đại tá Andrey Kondrashkin, chỉ huy một Lữ Đoàn Dù tinh nhuệ của Nga. Kondrashkin, nhà lãnh đạo Lữ đoàn Bão tố Dù số 31, được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc vây hãm Mariupol của Nga vào năm 2022.

Alexander Khodakovsky, chỉ huy tiểu đoàn “Vostok” liên kết với Nga chiến đấu trên mặt trận Donetsk, cho biết như trên ngày 17/9 rằng Kondrashkin đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Ukraine gần thành phố Bakhmut ở khu vực phía đông Donetsk.

Nhà báo Ukraine Yurii Butusov cho biết vẫn chưa biết chính xác tình huống Kondrashkin thiệt mạng trong trận chiến như thế nào, “nhưng việc loại bỏ chỉ huy của một trong những đơn vị tấn công của Nga là một thành tựu quan trọng.”

Vài ngày trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Hoa Kỳ đánh giá rằng Vasily Popov, chỉ huy Trung đoàn Dù cận vệ 247, đã thiệt mạng trong trận chiến tại một địa điểm không xác định ở Ukraine.

Chỉ huy trước đây của đơn vị, Đại tá Konstantin Zizevsky, đã bị giết ở miền nam Ukraine vào mùa xuân năm 2022.

Trong khi đó vào tháng 7, đại tá lực lượng vũ trang Ukraine, Anatoly Shtefan, báo cáo rằng chỉ huy Lữ đoàn “Ma” của Nga, Artur Bogachenko, đã bị giết ở Ukraine. Kênh Telegram của Nga “Phóng viên quân sự mùa xuân Nga” cũng đưa tin Bogachenko đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ gần Bakhmut.

Ông được cho là chỉ huy Lữ đoàn Prizrak (có nghĩa là “Lữ đoàn ma”) của Lực lượng vũ trang Nga. Lữ đoàn ma là lực lượng dân quân ly khai thân Nga hoạt động ở khu vực Donbas của Ukraine. Nó được hình thành ở khu vực Luhansk vào năm 2014 khi các lực lượng Nga xâm chiếm Ukraine và sáp nhập trái phép bán đảo Crimea ở Hắc Hải.

Các báo cáo về cái chết của Bogachenko được đưa ra ngay sau khi chỉ huy Nga Yevgeny Pisarenko, nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang Chechnya được gọi là Akhmat, được cho là đã thiệt mạng trong trận chiến ở vùng Donbas.

Tỷ lệ thương vong cao trong nhiều tuần xung đột

Chỉ vài tuần sau cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine, một số tướng lĩnh đã được cho là đã thiệt mạng trong cuộc xung đột.

Alexander Beglov, Thống đốc St. Petersburg, xác nhận cái chết của Vladimir Frolov, phó tư lệnh Quân đoàn vũ trang kết hợp Cận vệ số 8 của Nga, vào ngày 16/4/2022.

Kyiv cho biết Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, tư lệnh Sư đoàn dù cận vệ số 7 của Nga và là phó tư lệnh Quân đoàn vũ trang tổng hợp số 41, đã thiệt mạng vào ngày 28 tháng 2 năm 2022, và Thiếu tướng Andrei Kolesnikov, một quân nhân chỉ huy Quân đoàn vũ trang tổng hợp số 29 Quân đội, bị giết vào ngày 11 tháng 3 năm 2022.

Ukraine cũng cho biết Trung tướng Ykov Rezantsev, chỉ huy Tập đoàn quân vũ trang tổng hợp số 49, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công gần thành phố Kherson ở phía nam.

Ước tính thương vong quân sự trong cuộc xung đột rất khác nhau, với số liệu do Ukraine cung cấp thường vượt xa số liệu do các đồng minh phương Tây đưa ra. Nga hiếm khi công bố số liệu về tổn thất quân đội của mình, nhưng khi công bố, ước tính của họ thấp hơn nhiều so với Ukraine.

Vào tháng 6, BBC Russian Service và hãng tin độc lập của Nga MediaZona đưa tin rằng trong tháng đầu tiên của cuộc phản công của Ukraine, từ ngày 4 tháng 6 đến ngày 7 tháng 7, một tướng Nga, hai đại tá và ba trung tá đã thiệt mạng trong trận chiến.

Hoạt động 'tinh vi'

Việc Ukraine tấn công vào các chỉ huy quân sự cao cấp và cuộc tấn công vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải ở Crimea là một phần của “chiến dịch đa lĩnh vực, rất phức tạp, lớn hơn”, đang gây áp lực lên Bộ Tổng tham mưu Nga, giới lãnh đạo Nga và các cơ quan quân sự Nga.” Tướng Hodges nói.

“Nếu một loạt chỉ huy cấp dưới và nhân viên cao cấp bị tiêu diệt, điều đó sẽ có tác dụng. Đó là một phần lớn về chỉ huy và kiểm soát, lập kế hoạch, khả năng phối hợp của Hạm đội Hắc Hải vốn đang chịu áp lực. Và bây giờ họ vừa mất đi một loạt người có kinh nghiệm,” Hodges nói thêm.

Hodges trước đây đã thúc giục Mỹ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tầm xa để hỗ trợ nỗ lực chiếm lại Crimea, nơi đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014.

5. Ukraine được bầu vào Hội đồng Quản Trị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế

Ukraine đã được bầu vào Hội đồng Quản Trị của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA. Cơ quan giám sát hạt nhân này của Liên Hiệp Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm.

Theo tuyên bố của IAEA, “11 quốc gia mới được bầu để phục vụ trong Hội đồng Quản trị IAEA gồm 35 thành viên trong giai đoạn 2023–2024” và Ukraine là một trong số đó.

Tuyên bố cho biết các thành viên Hội đồng mới được bầu là Algeria, Armenia, Bangladesh, Burkina Faso, Ecuador, Indonesia, Hàn Quốc, Hà Lan, Paraguay, Tây Ban Nha và Ukraine.

Tuyên bố nêu rõ: “Hội đồng Quản Trị là một trong hai cơ quan hoạch định chính sách của IAEA, cùng với Đại hội đồng thường niên của các Quốc gia Thành viên IAEA”.

Ukraine đã được bầu vào hội đồng quản trị bốn lần trước đây. Theo Energoatom, công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Ukraine, lần cuối cùng họ là thành viên cơ quan điều hành của cơ quan này là vào nhiệm kỳ 2009-2011.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vị trí này sẽ mang lại cho Kyiv “cơ hội thực sự” để tác động đến các quyết định “ràng buộc đối với tất cả các thành viên IAEA và toàn bộ cộng đồng quốc tế”.

Ông cho biết Ukraine sẽ nỗ lực thực hiện điểm đầu tiên trong công thức hòa bình 10 điểm, đó là “an ninh hạt nhân và bức xạ”, đồng thời Kyiv tập trung vào việc bảo đảm “giải phóng hoàn toàn” nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia khỏi lực lượng Nga.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng ca ngợi quyết định này. Kuleba nói: “Thông điệp của nó rất rõ ràng: Nga phải rút quân đội và các nhân viên trái phép khác khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và ngay lập tức trả lại cho Ukraine toàn quyền kiểm soát”.

6. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đề cập đến khả năng của tập đoàn Wagner sau khi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay được dàn dựng. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Trong những tuần gần đây, có tới hàng trăm chiến binh trước đây thuộc công ty quân sự tư nhân Tập đoàn Wagner có thể đã bắt đầu được tái triển khai tới Ukraine với tư cách cá nhân và nhóm nhỏ, chiến đấu cho nhiều đơn vị thân Nga.

Wagner rút khỏi các hoạt động chiến đấu ở Ukraine vào đầu tháng 6 năm 2023, trước cuộc binh biến thất bại vào ngày 24 tháng 6 năm 2023 và cái chết sau đó của chủ sở hữu Wagner Yevgeny Prigozhin và các lãnh đạo cao cấp khác trong một vụ tai nạn máy bay vào ngày 23 tháng 8 năm 2023.

Tình trạng chính xác của việc tái triển khai nhân sự vẫn chưa rõ ràng, nhưng có khả năng các cá nhân đã chuyển sang các bộ phận của lực lượng chính thức của Bộ Quốc phòng Nga và các công ty quân sự tư nhân khác.

Một số báo cáo cho thấy sự tập trung của các cựu binh Wagner xung quanh Bakhmut: kinh nghiệm của họ có thể sẽ đặc biệt được yêu cầu trong lĩnh vực này. Nhiều người sẽ quen thuộc với tiền tuyến hiện tại và các chiến thuật địa phương của Ukraine sau khi đã chiến đấu trên cùng địa hình vào mùa đông năm ngoái.

7. Liên Hiệp Âu Châu đã gia hạn quyền cho người tị nạn từ Ukraine ở lại Liên Hiệp Âu Châu thêm một năm cho đến tháng 3 năm 2025

AFP đưa tin, Liên Hiệp Âu Châu đã gia hạn quyền cho người tị nạn từ Ukraine ở lại khối thêm một năm cho đến tháng 3 năm 2025, khi cuộc chiến của Nga chống lại đất nước họ vẫn tiếp diễn.

Liên Hiệp Âu Châu đã kích hoạt chỉ thị bảo vệ tạm thời vài ngày sau cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022 của Mạc Tư Khoa để cho phép hàng triệu người chạy trốn khỏi Ukraine được ở lại.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, Fernando Grande-Marlaska, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu, cho biết:

Liên Hiệp Âu Châu sẽ hỗ trợ người dân Ukraine chừng nào còn cần thiết.

Việc kéo dài tình trạng bảo vệ mang lại sự chắc chắn cho hơn 4 triệu người tị nạn đã tìm được nơi trú ẩn an toàn ở Liên Hiệp Âu Châu.

Cuộc chiến của Nga với nước láng giềng đã tiếp tục không có dấu hiệu giảm bớt trong 19 tháng, trong khi Mạc Tư Khoa vẫn tiến hành các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự trên khắp Ukraine.

Biện pháp bảo vệ ban đầu có hiệu lực đến tháng 3 năm 2024. Biện pháp này giúp người Ukraine ở Liên Hiệp Âu Châu tiếp cận thị trường việc làm, chăm sóc y tế và giáo dục.

Sự di dời đột ngột của hàng triệu người Ukraine vào năm ngoái là đại diện cho cuộc khủng hoảng tị nạn gia tăng nhanh nhất mà Âu Châu phải đối mặt kể từ Thế chiến thứ hai.

8. Tổng thống Kazakhstan tuyên bố sẽ không giúp Nga lách các lệnh trừng phạt

Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho biết nước ông sẽ không giúp Nga lách các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt vì Nga xâm lược Ukraine. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh có nghi ngờ rằng Mạc Tư Khoa vẫn đang nhận hàng hóa quan trọng qua các quốc gia Trung Á.

Sau cuộc hội đàm tại Berlin với thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cho biết:

“Kazakhstan đã tuyên bố rõ ràng rằng chúng tôi sẽ tuân theo chế độ trừng phạt.

Chúng tôi liên hệ với các tổ chức liên quan để tuân thủ chế độ trừng phạt và tôi nghĩ phía Đức sẽ không có bất kỳ lo ngại nào về các hành động có thể xảy ra nhằm lách chế độ trừng phạt.”

Việc Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine đã gây lo lắng ở các quốc gia Trung Á, bao gồm cả Kazakhstan, quốc gia đang tìm cách tránh xa cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa. Astana chưa công nhận các khu vực phía đông và phía nam Ukraine bị Mạc Tư Khoa xâm lược là một phần của Nga.

Tuy nhiên, đồng minh kinh tế và quân sự thân cận của Nga, có chung đường biên giới dài 7.500km, đã nhiều lần bị cáo buộc giúp đỡ nước láng giềng lớn hơn của mình có được hàng hóa vi phạm lệnh trừng phạt.

Trong gói trừng phạt thứ 11, Liên Hiệp Âu Châu đã tìm cách ngăn chặn việc tái xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm của các nước thứ ba sang Nga bằng việc hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu sang các quốc gia không hợp tác.

Đồng thời, các quốc gia phương Tây ngày càng tìm kiếm một vai trò lớn hơn ở Trung Á vào thời điểm một số nước trong khu vực đang đặt câu hỏi về mối quan hệ lâu dài của họ với Nga.

Ngoài Tokayev, Scholz cũng sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo Kyrgyzstan, Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan để hội đàm chung vào thứ Sáu.

Cuộc gặp với năm nhà lãnh đạo Trung Á sẽ là cuộc họp chung đầu tiên thuộc loại này với một quốc gia Liên Hiệp Âu Châu.

Đức cũng quan tâm đến khu vực giàu năng lượng vì Berlin đang tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế sau khi nguồn cung từ Nga cạn kiệt.
 
Dồn dập thất bại chiến trường, Putin cầu cứu Wagner. Kazakhstan quay lưng với Nga. Hung làm khó Kyiv
VietCatholic Media
15:22 30/09/2023


1. Quyết tâm duy trì cuộc chiến để tránh bị bắt, Putin liên tục thay đổi quan điểm về việc sử dụng lính đánh thuê

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Keeps Changing His Mind on Russia Using Mercenaries”, nghĩa là “Putin liên tục thay đổi quan điểm về việc Nga sử dụng lính đánh thuê.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Điện Cẩm Linh hôm thứ Sáu không thể giải thích việc Tổng thống Vladimir Putin quay ngoắt 180 độ trong việc sử dụng lính đánh thuê trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Ngay sau khi Điện Cẩm Linh thông báo rằng ông Putin đã gặp Andrey Troshev, cựu chỉ huy của Tập đoàn Wagner, để thảo luận về việc thành lập các “đơn vị tình nguyện” có thể “thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau” ở Ukraine, các phóng viên đã đặt câu hỏi liệu nhóm lính đánh thuê khét tiếng này có tham gia nữa hay không trong cuộc chiến giằng dai với Ukraine.

Điều này xảy ra sau khi ông Putin hồi tháng 7 tuyên bố rằng Tập đoàn Wagner “không tồn tại” theo luật pháp Nga và tập đoàn này sẽ được sáp nhập vào Bộ Quốc phòng Nga sau một cuộc nổi dậy và tuần hành ở Mạc Tư Khoa do cố lãnh đạo của nhóm, Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo vào ngày 23 tháng 6.

Nhóm Wagner đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đang diễn ra của Nga nhằm giành thành phố Bakhmut ở vùng Donetsk phía đông Ukraine.

Trước khi Tập đoàn Wagner tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, Điện Cẩm Linh đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của nhóm này, khẳng định không hề biết gì về tổ chức lính đánh thuê khét tiếng thế giới. Kể từ khi Tập Đoàn Wagner được thành lập vào năm 2014, Nga đã phủ nhận mọi liên kết với nhà nước, tiến hành các chiến dịch thông tin sai lệch nhằm làm xáo trộn kiến thức của phương Tây về mạng lưới này.

Điện Cẩm Linh khẳng định lính đánh thuê là bất hợp pháp theo luật pháp Nga và các công ty an ninh quân sự tư nhân cũng sẽ không được phép cung cấp dịch vụ bên ngoài nước Nga theo luật pháp của nước này.

Nhưng Putin đã thay đổi hướng đi vài ngày sau cuộc binh biến của Prigozhin và thừa nhận đã tài trợ toàn bộ cho Tập đoàn Wagner và các hoạt động của nó.

“Tôi muốn chỉ ra và muốn mọi người biết về điều đó: Việc bảo trì toàn bộ Tập đoàn Wagner được nhà nước cung cấp đầy đủ”, ông Putin nói. “Từ Bộ Quốc phòng, từ ngân sách nhà nước, chúng tôi đã tài trợ toàn bộ cho nhóm này.”

Theo nhật báo Nga Kommersant, Tổng thống Nga dường như đã thay đổi quyết định chỉ vài tuần sau đó. Khi được hỏi liệu Tập đoàn Wagner có tiếp tục là một đơn vị chiến đấu hay không, ông Putin có vẻ trở nên kích động.

“Tập đoàn Wagner không tồn tại!” Putin nói với tờ Kommersant. Nhà lãnh đạo Nga cho biết ở Nga không có luật nào liên quan đến các công ty quân sự tư nhân.

Các phóng viên đã tra vấn thư ký báo chí Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov hôm thứ Sáu về việc Putin ra lệnh cho Troshev thành lập “các đơn vị tình nguyện”. Troshev được coi là “người kế nhiệm” Prigozhin, và nhà lãnh đạo Nga ngày 29/6 cho biết các binh sĩ Wagner ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng sẽ làm việc dưới sự lãnh đạo của Troshev.

Peskov được hỏi liệu cuộc gặp hôm thứ Năm giữa Troshev và Putin có nghĩa là Tập đoàn Wagner sẽ lại tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine hay không.

Peskov trả lời: “Chỉ Bộ Quốc phòng mới có thể trả lời câu hỏi này…do đó, tôi khuyên bạn nên đề cập đến câu hỏi này ở đó”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Theo tình báo Anh, trong những tuần gần đây, có tới hàng trăm chiến binh trước đây liên kết với Tập đoàn Wagner có thể đã bắt đầu tái triển khai tới Ukraine với tư cách cá nhân và nhóm nhỏ, chiến đấu cho nhiều đơn vị thân Nga.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm thứ Sáu rằng mặc dù tình trạng chính xác của các binh sĩ Wagner được tái bố trí vẫn chưa rõ ràng nhưng có khả năng các cá nhân đã chuyển đến các bộ phận của lực lượng chính thức của Bộ Quốc phòng Nga và các công ty quân sự tư nhân khác.

2. Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết ông tin tưởng rằng cả Ba Lan và Slovakia sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga sau cuộc bầu cử sắp diễn ra, bất chấp những lời lẽ gay gắt gần đây đối với Kyiv.

Ba Lan, quốc gia bầu quốc hội mới vào ngày 15 tháng 10, tuần trước cho biết họ sẽ không còn đồng ý giao vũ khí mới cho Ukraine mà thay vào đó tập trung vào việc xây dựng lại kho dự trữ của mình.

Ba Lan, một thành viên NATO, cho đến gần đây vẫn được coi là một trong những đồng minh trung thành nhất của Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Nhưng quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi sau quyết định của Ba Lan gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.

“Tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng Ukraine và Ba Lan sẽ tìm ra cách giải quyết những vấn đề đó mà không ảnh hưởng tiêu cực đến việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine”, ông Stoltenberg nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn ở Copenhagen sau khi ông vừa thăm Kyiv.

3. Hung Gia Lợi cản trở Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu

Thủ tướng Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungari, Viktor Orbán cho biết hôm thứ Sáu rằng “những câu hỏi rất khó” sẽ cần được trả lời trước khi Liên Hiệp Âu Châu có thể bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine.

Các nước Liên Hiệp Âu Châu sẽ quyết định vào tháng 12 về việc có cho phép Ukraine bắt đầu đàm phán gia nhập hay không, điều này đòi hỏi sự ủng hộ đồng thanh của tất cả 27 thành viên. Các nhà ngoại giao cho rằng Hung Gia Lợi có thể là một trở ngại rất khó vượt qua.

Orbán nói với đài phát thanh nhà nước: “Chúng ta không thể né tránh khỏi câu hỏi – khi vào mùa thu này, chúng ta sẽ tổ chức các cuộc đàm phán ở Brussels về tương lai của Ukraine – liệu chúng ta có thể thực sự nghiêm túc xem xét tư cách thành viên cho một quốc gia đang có chiến tranh hay không”.

Trong những bình luận có thể khiến Kyiv tức giận, Orbán nói: “Chúng ta không biết lãnh thổ của đất nước này rộng lớn đến mức nào, vì chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, chúng tôi không biết. Chúng ta không biết dân số của nó lớn đến mức nào khi họ đang chạy trốn. Kết nạp một quốc gia vào Liên Hiệp Âu Châu mà không biết các giới hạn của nước đó là điều chưa từng có.”

Ông nói: “Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta cần trả lời những câu hỏi rất dài và rất khó cho đến khi chúng ta thực sự quyết định về việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập”.

Orbán nói với quốc hội hôm thứ Hai rằng Hung Gia Lợi sẽ không hỗ trợ Ukraine trong bất kỳ vấn đề quốc tế nào cho đến khi quyền ngôn ngữ của người dân tộc Hung Gia Lợi ở đó được khôi phục. Là thành viên NATO, Hung Gia Lợi cũng là một trong hai quốc gia vẫn ngăn cản Thụy Điển gia nhập liên minh.

Hung Gia Lợi, Tiệp và Slovakia đều đã bị Liên Xô đàn áp rất dã man. Nhưng tình hình ngày nay ở Hung Gia Lợi rất khác với Tiệp và Slovakia.

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, Tiệp và Slovakia đã trở thành các quốc gia dẫn đầu trong việc hỗ trợ quân sự táo bạo cho Ukraine. Trong khi có một sự dè dặt của NATO trong việc gởi cho Ukraine các khí tài chiến tranh hạng nặng như máy bay, xe tăng và các loại hỏa tiễn phòng không, vì lo ngại có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga; Tiệp và Slovakia đã không ngần ngại cung cấp cho Ukraine xe tăng T-72 và các hệ thống phòng không S-300.

Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Tiệp và Slovakia đang muốn nhân dịp này trả thù cho biến cố Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1968. Các chính trị gia ở hai quốc gia này hiểu rất rõ ràng rằng nếu Nga chiến thắng tại Ukraine, họ sẽ phải đối diện với sự phẫn nộ rất lớn của quần chúng Tiệp và Slovakia.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Mùa xuân Praha là một thời kỳ tự do hóa chính trị và phản đối quần chúng ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Nó bắt đầu vào ngày 5 tháng Giêng năm 1968, khi nhà cải cách Alexander Dubček được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Thời kỳ này kéo dài cho đến ngày 21 tháng 8 năm 1968, khi Liên Xô và các thành viên Hiệp ước Warsaw khác xâm lược đất nước để đàn áp các cải cách.

Cải cách Mùa xuân Praha là một nỗ lực mạnh mẽ của Dubček nhằm trao thêm quyền cho công dân Tiệp Khắc trong một hành động phân cấp một phần nền kinh tế và dân chủ hóa. Các quyền tự do được cấp bao gồm việc nới lỏng các hạn chế đối với phương tiện truyền thông, cho tự do ngôn luận và đi lại. Sau khi đi xa đến mức chia đất nước thành một liên bang của ba nước cộng hòa, Bohemia, Moravia-Silesia và Slovakia, Dubček quyết định tách thành Tiệp Khắc thành hai nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Slovakia.

Các cải cách dân chủ, đặc biệt là phân cấp quyền hành chính, không được Liên Xô đón nhận, và đã gửi nửa triệu quân và xe tăng của Khối Hiệp ước Warsaw đến xâm lược đất nước. New York Times trích dẫn các báo cáo có đến 650,000 quân trang bị vũ khí hiện đại và tinh vi nhất của Liên Xô lúc bấy giờ đã nhào vào Tiệp Khắc. Một làn sóng di cư khổng lồ đã diễn ra. Các cuộc kháng chiến đã bùng lên khắp cả nước, đập tan các trụ sở của đảng cộng sản, săn lùng và giết chết các đảng viên cộng sản, bất chấp lệnh giới nghiêm. Quân đội Liên Xô dự đoán rằng chỉ cần mất bốn ngày để khuất phục đất nước này, nhưng cuộc kháng chiến đã diễn ra trong tám tháng. Nó đã trở thành một ví dụ điển hình về quốc phòng dựa vào toàn dân. Có cả một số cuộc biểu tình phản đối bằng cách tự thiêu, nổi tiếng nhất là của Jan Palach.

Sau cuộc xâm lược, Tiệp Khắc bước vào thời kỳ được gọi là bình thường hóa, trong đó các nhà lãnh đạo mới cố gắng khôi phục các giá trị chính trị và kinh tế đã chiếm ưu thế trước khi Dubček lên nắm quyền. Gustáv Husák, người thay thế Dubček làm Bí thư thứ nhất và cũng trở thành Tổng thống, đã đảo ngược gần như tất cả các cải cách.

Dù thất bại, Mùa xuân Praha đã truyền cảm hứng cho âm nhạc và văn học bao gồm tác phẩm của Václav Havel, Karel Husa, Karel Kryl và cuốn tiểu thuyết lừng danh “Ánh sáng không thể chịu đựng được” của Milan Kundera.

Tiệp Khắc vẫn do Liên Xô kiểm soát cho đến năm 1989, khi Cách mạng Nhung kết thúc một cách hòa bình chế độ cộng sản; những người lính Liên Xô cuối cùng đã rời khỏi đất nước vào năm 1991.

Cuộc đàn áp dã man của Liên Xô ở Hung Gia Lợi

Tháng 10, năm 1956, một nhóm sinh viên đưa ra một loạt yêu cầu, bao gồm việc rút quân đội Liên Xô, dân chủ hóa, một chính phủ độc lập hơn khỏi sự kiểm soát của Liên Xô và thay thế Tổng bí thư Ernő Gerő bằng cựu thủ tướng Imre Nagy, một người ôn hòa hơn. Vào ngày 23 tháng 10, họ tổ chức một cuộc tuần hành phản đối lớn. Tổng bí thư Gerő xác định rằng các cuộc biểu tình đã vượt khỏi tầm kiểm soát, và cáo buộc rằng hàng ngàn đảng viên cộng sản bị dân chúng đánh đập, trùm bao bố đạp xuống sông, các trụ sở đảng cộng sản bị đốt phá khắp nơi. Ông ta đã ra lệnh cho quân đội dập tắt các cuộc biểu tình.

Những người lính Hung Gia Lợi đã chống lại việc đàn áp đồng bào của họ, và khi phong trào quần chúng lan rộng, Đảng Cộng sản Hung Gia Lợi đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để trao lại quyền lực cho Nagy nhằm xoa dịu những người biểu tình. Nhưng họ không thực tâm cải cách. Gerő bí mật yêu cầu sự trợ giúp của Liên Xô và quân đội Liên Xô đã đến ngay lập tức vào ngày 24 tháng 10. Bất chấp sự xuất hiện của lực lượng Liên Xô, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra vào ngày hôm sau, khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương nặng. Cuối cùng, Gerő bị loại bỏ hoàn toàn, và Nagy bắt đầu nhiệm vụ tự do hóa sự cai trị của chính phủ trong nước.

Khi đã nắm quyền, Nagy đã kêu gọi bầu cử tự do, độc lập nhiều hơn khỏi sự kiểm soát của Liên Xô và rút quân đội Liên Xô. Liên Xô đáp trả bằng cách gửi quân tiếp viện nên ngày 1 tháng 11, Nagy tuyên bố Hung Gia Lợi rút khỏi Hiệp ước Warsaw. Ngày hôm sau, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp để thảo luận về tình hình ở Hung Gia Lợi, và Đại diện Hoa Kỳ, Đại sứ Henry Cabot Lodge, đưa ra dự thảo nghị quyết kêu gọi Liên Xô kiềm chế can thiệp vào công việc nội bộ của Hung Gia Lợi. Liên Xô đáp trả bằng cách cáo buộc Nagy kích động phản cách mạng, và vào đêm ngày 3 tháng 11, hơn 60.000 quân Liên Xô hùng hổ tiến vào Hung Gia Lợi và bao vây thủ đô. Trong một phiên họp qua đêm, Lodge kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết của mình. Chín người đã làm vậy, nhưng Liên Xô thực hiện quyền phủ quyết của mình. Tuy nhiên, vào cuối ngày hôm đó, một nghị quyết tương tự cũng do Hoa Kỳ đưa ra đã được Đại hội đồng thông qua.

Sáng ngày 4 tháng 11, quân đội Liên Xô tiến vào Budapest với lực lượng lớn và đè bẹp phần còn lại của cuộc nổi dậy. Trong vài ngày tiếp theo, hàng ngàn người Hung Gia Lợi đã bị quân Liên Xô giết chết. Hàng trăm ngàn người khác chạy sang phương Tây để xin tị nạn. Ngày 22 tháng 11, chính quyền Liên Xô bắt giữ Nagy. Ông đã bị thay thế bởi một chính phủ bù nhìn sẵn sàng tuân thủ đường lối của Liên Xô hơn. Hàng chục ngàn người Hung Gia Lợi bị bắt đày sang Tây Bá Lợi Á và chết rũ tù ở đó.

4. Một người hàng xóm khác quay lưng lại với Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Another Neighbor Turns Back on Russia”, nghĩa là “Một người hàng xóm khác quay lưng lại với Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một đồng minh khác dường như quay lưng lại với Mạc Tư Khoa hôm thứ Năm khi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nói rằng đất nước của ông sẽ không giúp Nga lách các lệnh trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt lên cuộc chiến của Vladimir Putin ở Ukraine.

Mối quan hệ giữa Kazakhstan và Nga đã xấu đi kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Kazakhstan, quốc gia có chung đường biên giới dài 7.500 km với Nga, là một quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á và là đồng minh trên danh nghĩa của Mạc Tư Khoa trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, gọi tắt là CSTO, do Nga đứng đầu.

“Kazakhstan đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ tuân theo chế độ trừng phạt,” Tokayev nói sau cuộc hội đàm trong chuyến thăm chính thức tới Berlin để gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Ông nói: “Chúng tôi có liên hệ với các tổ chức liên quan để tuân thủ chế độ trừng phạt và tôi nghĩ phía Đức không nên lo ngại về các hành động có thể xảy ra nhằm lách chế độ trừng phạt”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Timothy Ash, một nhà kinh tế và cộng tác viên trong chương trình Nga và Á-Âu tại tổ chức tư vấn Chatham House của Anh, cho biết tuyên bố này rất có ý nghĩa và cho thấy Mạc Tư Khoa đang mất đi ảnh hưởng.

“Chà, một bước chuyển lớn. Nó cho thấy sự kiểm soát đang suy yếu trên khắp khu vực từng chịu ảnh hưởng của Nga vì cuộc xâm lược ngu ngốc của Putin vào Ukraine. Hắn ta đã mất Armenia trong những tuần gần đây vì Nga không có khả năng giúp đỡ ở Nagorno-Karabakh,” Timothy Ash nói trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter.

Tổng thống Tokayev cũng nhắc lại lời kêu gọi của Kazakhstan về việc đàm phán giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv để chấm dứt chiến tranh.

Tokayev nói: “Tôi có thể nói, đã đến lúc phải có một nền ngoại giao hợp lý, khôn ngoan”. “Đã đến lúc chấm dứt những lời buộc tội lẫn nhau và bắt đầu đàm phán kinh doanh để tìm ra cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình mà cả hai bên có thể chấp nhận được”.

Vào tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, người được coi là thân cận với Putin, dường như cũng đã quay lưng lại với Tổng thống Nga khi ông rút lại sự phản đối của Ankara đối với việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO.

Căng thẳng cũng gia tăng giữa Armenia và Nga, vốn từ lâu đã là đồng minh thân thiết. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong tháng này cho biết Putin đã không hỗ trợ đất nước của mình trong bối cảnh xung đột với nước láng giềng Azerbaijan.

Nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh Margarita Simonyan, tổng biên tập tổ chức truyền thông Russia Today do nhà nước Nga kiểm soát, thừa nhận trên truyền hình nhà nước hồi đầu tháng rằng Nga không có đồng minh trong cuộc chiến do Putin phát động.

Simonyan cho biết Nga đang tiến hành “cuộc chiến khó khăn nhất…khó khăn nhất và nói chung là chưa từng có trong lịch sử của chúng ta”.

Simonyan nói: “Đây là điều khó khăn và gay go nhất vì đây là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử của chúng ta mà chúng ta không có đồng minh nào cả”.

Sau đó, cô ấy nói rằng thực ra Nga có “một đồng minh trong cuộc chiến này, đó là Belarus”.

Nhưng, ngay lập tức, Simonyan nói: “Nhưng thật khó để gọi đó là đồng minh, bởi vì Belarus là của chúng ta.”

5. Nga có thể bị đuổi khỏi Liên Hiệp Quốc - Chuyên gia pháp lý Lithuania giải thích cơ chế để điều đó có thể xảy ra

Sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, trên thực tế, Nga có thể bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc bằng cách từ chối công nhận vị thế của các đại diện Nga tại diễn đàn này.

Giáo sư Dainius Zalimas, nguyên chánh án Tòa án Hiến pháp Lithuania, từ năm 2014 đến năm 2021, và hiện là khoa trưởng Luật khoa Đại học Vytautas Magnus, và là thành viên của Ủy ban Venice, đã cho Ukrinform biết như trên.

“Nga nên chính thức bị loại khỏi Hội đồng Bảo an. Hơn thế nữa, họ đáng bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc nói chung. Lý do cho điều này là hành vi gây hấn, là sự vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Nhưng điều này là không thể vì việc loại trừ được 2/3 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua sau khuyến nghị của Hội đồng Bảo an. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng Nga sẽ không đồng ý với khuyến nghị như vậy và áp đặt quyền phủ quyết”, ông nói.

“Nhưng trên thực tế, có một cơ chế để loại Nga khỏi Liên Hiệp Quốc. Đây là sự từ chối công nhận quyền lực của các đại diện Nga thông qua đa số phiếu trong Đại hội đồng, cũng như trong Hội đồng Bảo an. Đây là vấn đề thủ tục, và đã là thủ tục thì không có chuyện phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Cơ sở cho điều này là chính sách của chính phủ Nga không mang tính hòa bình và đi ngược lại các mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc được quy định trong Điều lệ của tổ chức. Đã từng có tiền lệ như vậy liên quan đến Cộng hòa Nam Phi, khi các đại diện của nước này không được công nhận do chính sách phân biệt chủng tộc”, Giáo sư Zalimas nói thêm.

Nói về Liên Hiệp Quốc với tư cách là tổ chức có trách nhiệm duy trì hòa bình, an ninh trên thế giới, ông lưu ý: “Giống như bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác, Liên Hiệp Quốc chỉ là tập hợp của các quốc gia thành viên. Nếu họ không thể đồng ý về một phản ứng hiệu quả đối với hành vi gây hấn thì Liên Hiệp Quốc không thể làm gì hơn thế.”

Theo Zalimas, ngay cả khi tổ chức quốc tế này được cải tổ, bản chất của Liên Hiệp Quốc sẽ không thay đổi vì nó vẫn cần có ý chí tập thể của các quốc gia thành viên để có thể hành động hiệu quả.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc tước bỏ quyền lực của Liên bang Nga trong Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an vì Nga là một quốc gia khủng bố trên thực tế, và thông qua những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân một cách hoàn toàn vô trách nhiệm.

6. Quan chức Nga cho biết máy bay không người lái Ukraine tấn công lưới điện ở khu vực Kursk

Một quan chức khu vực cho biết, 5 khu định cư và một bệnh viện ở khu vực Kursk phía tây nam nước Nga đã bị mất điện hôm thứ Sáu sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.

Thống đốc Kursk Roman Starovoit cho biết khu vực giáp biên giới Ukraine đã bị máy bay không người lái của Ukraine “tấn công hàng loạt”.

Ông cho biết một máy bay không người lái đã thả chất nổ xuống một trạm biến áp điện ở quận Belovsky khiến một máy biến áp bốc cháy.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu cho biết lực lượng phòng không của nước này đã tiêu diệt 10 máy bay không người lái của Ukraine trên bầu trời Kursk và một chiếc trên vùng Kaluga phía tây nam Mạc Tư Khoa.

Không có thương vong nào được báo cáo.

7. Ukraine xác nhận vụ tấn công vào lưới điện ở vùng Kursk của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 30 tháng Chín, Cơ quan An ninh Ukraine đã xác nhận rằng họ đứng đằng sau vụ tấn công vào một trạm biến áp điện ở khu vực Kursk của Nga hôm thứ Sáu.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết trạm biến áp bị tấn công vì nó cung cấp điện cho các cơ sở quân sự quan trọng của Nga.

Ông cũng ngụ ý rằng nếu Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine thì lực lượng của Kyiv sẽ đáp trả tương tự.

Trước đó, thống đốc Kursk cho biết 5 khu định cư và một bệnh viện đã bị mất điện ở khu vực phía Tây Nam giáp Ukraine sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố hôm thứ Sáu trước đó rằng hệ thống phòng không của họ đã tiêu diệt 10 máy bay không người lái của Ukraine trên bầu trời Kursk và một chiếc trên vùng Kaluga phía tây nam Mạc Tư Khoa.

Không có thương vong nào được báo cáo.

8. Căng thẳng giữa Đại Sứ Nga tại Anh và Ngoại trưởng Anh James Cleverly

Đại sứ quán Nga ở Luân Đôn, nơi thường sử dụng một tài khoản mạng xã hội sôi nổi, đã chỉ trích Ngoại trưởng Anh James Cleverly.

Đầu ngày hôm nay, Ngoại trưởng Cleverly cho biết:

“Donetsk và Luhansk là Ukraine. Kherson và Zaporizhzhia là Ukraine. Crimea là Ukraine. Hôm nay, chúng tôi đã trừng phạt những người chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc bầu cử giả mạo trên đất Ukraine. Chúng tôi không thể chấp nhận cuộc tấn công này vào chủ quyền của Ukraine.”

Ông cho biết như trên trong bối cảnh chính phủ Anh đang công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với những người mà họ cho là chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc bầu cử giả mạo của Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Đại sứ quán Nga tại Anh lập tức đáp trả bằng cách trích dẫn lời của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

“Ngoại trưởng Sergei Lavrov: Sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đã bị phá hủy bởi những người thực hiện và ủng hộ cuộc đảo chính năm 2014, những người mà các nhà lãnh đạo của họ đã tuyên chiến với chính người dân của họ ở Donbass và bắt đầu ném bom họ.”

Nga tuyên bố rằng họ đã sáp nhập Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kheron vào tháng 9 năm 2022. Putin ký thành luật Nga vào ngày 4 tháng 10 năm 2022. Crimea đã bị Liên bang Nga đơn phương sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

9. Nga tuyên bố bắt được một người cung cấp thông tin cho Ukraine tấn công cầu Kerch

Tass đưa tin cơ quan an ninh Nga tuyên bố đã bắt giữ một người đàn ông ở Kerch bị cáo buộc chuyển thông tin cho chính quyền Ukraine.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, tuyên bố rằng “Vì bị tình nghi phạm tội phản quốc, một cư dân 45 tuổi ở Kerch đã bị giam giữ. Người ta xác định rằng cư dân Crimea này, thông qua một ứng dụng nhắn tin trên internet, đã chủ động thiết lập liên lạc với một nhân viên của cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine. Anh ta được hướng dẫn thực hiện các bức ảnh và video ghi lại sự di chuyển của thiết bị quân sự cho các hoạt động quân sự đặc biệt và truyền thông tin cụ thể thông qua các kênh liên lạc kín.”

“Hoạt động quân sự đặc biệt” là thuật ngữ ưa thích mà chính quyền Nga sử dụng cho cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine được phát động vào tháng 2 năm 2022.

10. Bảy nước đặt mua đạn dược theo kế hoạch của Liên Hiệp Âu Châu viện trợ Ukraine

Theo cơ quan phụ trách của Liên Hiệp Âu Châu, bảy quốc gia Liên Hiệp Âu Châu đã đặt mua đạn dược theo kế hoạch mua sắm mang tính bước ngoặt của Liên Hiệp Âu Châu để chuyển đạn pháo cần thiết khẩn cấp sang Ukraine và bổ sung cho kho dự trữ đang cạn kiệt của phương Tây.

Các đơn đặt hàng – được đặt theo hợp đồng do Cơ quan Phòng vệ Âu Châu đàm phán – dành cho đạn pháo 155ly, một trong những loại đạn quan trọng nhất trong cuộc chiến tiêu hao giữa Ukraine và Nga.

Reuters đưa tin, kế hoạch này được thiết lập như một phần của kế hoạch trị giá ít nhất 2 tỷ euro, được triển khai vào tháng 3 với mục tiêu đưa một triệu quả đạn pháo và hỏa tiễn tới Ukraine trong vòng một năm.

Một số quan chức và nhà ngoại giao bày tỏ sự hoài nghi về khả năng đạt được mục tiêu nhưng sáng kiến này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong vai trò ngày càng tăng của Liên Hiệp Âu Châu trong các vấn đề quốc phòng và quân sự, được thúc đẩy bởi cuộc chiến ở Ukraine.

11. Tướng hàng đầu của Mỹ Mark Milley vừa bàn giao quyền lực sau 4 năm

Reuters đưa tin Tướng hàng đầu của Mỹ Mark Milley đã nghỉ hưu vào thứ Sáu sau 4 năm đảm nhiệm vị trí này.

Milley đã bàn giao chức Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Hoa Kỳ cho Tư lệnh Không quân, Tướng Charles Brown, người sẽ là sĩ quan da đen thứ hai trở thành Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, sau Colin Powell hai thập kỷ trước.

Là người ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ Ukraine trước các lực lượng Nga, Milley đã ủng hộ việc gửi hàng tỷ đô la vũ khí tới Kyiv.

Trước đây, ông đã chỉ trích Mạc Tư Khoa đang thực hiện “chiến dịch khủng bố” chống lại dân thường ở Ukraine, bao gồm cả việc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự như một phần trong chiến lược chiến tranh của nước này.

12. Putin ký sắc lệnh về nghĩa vụ quân sự mùa thu

Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh đề ra chiến dịch nhập ngũ thường lệ vào mùa thu, kêu gọi 130.000 công dân đi nghĩa vụ quân sự theo luật định, một tài liệu đăng trên trang web của chính phủ cho thấy hôm thứ Sáu.

Reuters đưa tin rằng tất cả nam giới ở Nga đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài một năm trong độ tuổi từ 18 đến 27 hoặc được đào tạo tương đương khi đang học đại học.

Động thái của Putin diễn ra trong bối cảnh các lực lượng vũ trang Nga đang tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ 20.

Putin đã ký lệnh vào tháng 3 kêu gọi 147.000 người tham gia chiến dịch mùa xuân, cho biết trong tháng này ông ta đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine.

Vào tháng 7, Hạ viện Nga đã bỏ phiếu nâng độ tuổi tối đa mà nam giới buộc phải thi hành quân dịch từ 27 lên 30. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Giêng năm 2024.

Năm ngoái, Nga đã công bố kế hoạch tăng hơn 30% lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp và lính nghĩa vụ lên 1,5 triệu người, một nhiệm vụ đầy tham vọng trở nên khó khăn hơn do thương vong nặng nề nhưng chính quyền Nga không tiết lộ ở Ukraine.
 
Kitô Hữu Armenia chạy giặc gặp tai nạn thương tâm. Cuộc chiến chúc lành cho tội lỗi ở Đức
VietCatholic Media
18:21 30/09/2023


1. Vụ nổ giết chết 68 người tị nạn Armenia khi hàng ngàn người chạy trốn Nagorno-Karabakh

Khi hàng nghìn người dân tộc Armenia chạy trốn khỏi khu vực Nagorno-Karabakh sau khi bị Azerbaijan tiếp quản bằng bạo lực, một kho nhiên liệu đã phát nổ vào đêm thứ Hai, khiến ít nhất 68 người tị nạn thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Các quan chức đại diện cho người dân Nagorno-Karabakh đã xác nhận số người thương vong trong một tuyên bố trên Facebook, đồng thời nói thêm rằng số phận của 105 người tị nạn Nagorno-Karabakh vẫn chưa rõ.

Vụ nổ xảy ra ngay gần đường cao tốc dẫn ra khỏi Stepanakert, nơi hàng chục nghìn người dân tộc Armenia đã lên đường để chạy trốn sang đất nước Armenia.

Nguồn tin địa phương Nagorno Karabakh Observer đưa tin vụ nổ đã làm nổ tung một thùng nhiên liệu nặng 50 tấn dưới lòng đất.

Sau một cuộc tấn công quân sự ngắn nhưng dữ dội của Azerbaijan vào ngày 19 tháng 9, những người dân tộc Armenia, những người cho đến tuần trước đã tuyên bố chủ quyền dưới sự bảo trợ của Cộng hòa Artsakh, đang hoảng sợ thoát khỏi sự cai trị của Azeri.

Cuộc tấn công của người Azeri, mà họ gọi là “các biện pháp chống khủng bố”, xảy ra sau 9 tháng phong tỏa nhằm cắt đứt tất cả thực phẩm, thuốc men và vật dụng bên ngoài cho Nagorno-Karabakh.

Mặc dù tổng thống Azeri Ilham Aliyev cho biết ông mong muốn hòa nhập người dân tộc Armenia, nhưng các chuyên gia nhân quyền đã cảnh báo rằng ông có ý định thanh lọc sắc tộc trong khu vực. Một số người ủng hộ Armenia, chẳng hạn như Eric Hacopian, người đã có mặt tại Nagorno-Karabakh, cáo buộc người Azeris theo đuổi “nạn diệt chủng” đối với người dân Armenia ở Nagorno-Karabakh.

Kể từ tuần trước, một cuộc di cư hàng loạt của người dân tộc Armenia chạy trốn khỏi quê hương tổ tiên của họ ở Nagorno-Karabakh đã bắt đầu.

Hacopian cho biết ông dự kiến “95% đến 99%” trong số 120.000 người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh sẽ chạy trốn khỏi khu vực.

Chính phủ Armenia hôm thứ Ba báo cáo rằng đã có 28.120 “người bị buộc phải di dời” từ Nagorno-Karabakh đã vượt biên sang Armenia.

Đoạn phim do Nagorno Karabakh Observer công bố hôm thứ Ba cho thấy dường như một dòng xe hơi dài hàng dặm đang cố gắng trốn khỏi khu vực để đến Armenia.

Tờ Nagorno Karabakh Observer đưa tin hôm thứ Ba: “Thời gian di chuyển bình thường là hai giờ hiện mất 20 giờ trở lên”, đồng thời nói thêm rằng “trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có ít thức ăn sau nhiều tháng bị phong tỏa”.

Theo Nagorno Karabakh Observer, “các xe hơi thực sự bị dừng lại vì các phương tiện [được] kiểm tra từng chiếc một bởi các quan chức Azeri.”

Adrienne Watson, phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, đã phản ứng về vụ nổ trong một tuyên bố hôm thứ Ba.

Watson nói: “Chúng tôi rất đau buồn trước tin ít nhất 68 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong vụ nổ tại kho nhiên liệu ở Nagorno-Karabakh và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đến người dân Nagorno-Karabakh cũng như tất cả những người đau khổ”.. “Chúng tôi kêu gọi tiếp tục tiếp cận nhân đạo tới Nagorno-Karabakh cho tất cả những người có nhu cầu.”

Watson chỉ ra rằng Samantha Power, giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USAID, hiện đang có mặt tại Armenia và thông báo Hoa Kỳ sẽ gửi “hỗ trợ nhân đạo bổ sung”, bao gồm bộ dụng cụ vệ sinh, chăn và quần áo, “ để giải quyết nhu cầu của những người bị ảnh hưởng hoặc phải di dời do bạo lực ở Nagorno-Karabakh.”

Watson tiếp tục: “Kể từ năm 2020, chúng tôi đã hỗ trợ cung cấp thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế khẩn cấp, di tản cũng như đoàn tụ gia đình cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Nagorno-Karabakh và khu vực”. “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra khi 28.000 người đã vượt biên sang Armenia từ Nagorno-Karabakh.”

Cả hai lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, Armenia và Azerbaijan đã tranh giành Nagorno-Karabakh trong nhiều thập kỷ. Với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan khẳng định ưu thế quân sự của mình trước Armenia trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai kết thúc vào tháng 11 năm 2020.

Mặc dù Nagorno-Karabakh, còn được gọi là Artsakh, được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng khu vực này gần như hoàn toàn bao gồm những người dân tộc Armenia theo Kitô Giáo.

2. Đức Thánh Cha khuyến khích các tổ chức dấn thân bài trừ nạn lạm dụng trẻ em

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các tổ chức khác trong xã hội dấn thân bài trừ nạn lạm dụng trẻ em, giống như Giáo Hội Công Giáo đã và đang tiếp tục thực hiện.

Ngỏ lời trong dịp này, Đức Thánh Cha liên kết những thảm trạng các trẻ em phải chịu với những đau khổ của chính Chúa Giêsu và ngài nói: “Thế giới này sẽ thay đổi dường nào nếu chúng ta xác tín rằng mỗi trẻ em mà chúng ta gặp đều là một phản ánh khuôn mặt của Thiên Chúa! Ước gì chúng ta thấy nơi đau khổ của mỗi trẻ em, của mỗi người dễ bị tổn thương, một nét được in trên tấm khăn của bà thánh Veronica được dùng để lau mặt Chúa Kitô! Chúng ta không được quên rằng những lạm dụng xảy ra cho Giáo hội chỉ là một phản ánh mờ nhạt của một thực tại đau buồn đang bao trùm toàn thể nhân loại, mà người ta ít quan tâm tới. Tôi tin là có thể nói rằng Giáo hội đã thực hiện đủ những tiến bộ trên con đường này và sẽ không ngừng thực hiện. Phần lớn công trạng này có thể nói là do những cố gắng, như anh chị em đang thực hiện. Nhưng điều cần thiết là cũng có một công việc ý nghĩa đối với xã hội, làm sao để những bước tiến và chinh phục của Giáo hội trong hành trình này có thể là một khích lệ để các tổ chức khác cũng thăng tiến nền văn hóa chăm sóc này”.

3. Các giám mục Đức trong cuộc chiến về việc chúc lành cho các cặp đồng giới

Hội đồng Giám mục Đức hôm nay triệu tập phiên họp toàn thể, tạo tiền đề cho cuộc họp hứa hẹn sẽ là cuộc họp quan trọng giữa thời kỳ căng thẳng chưa từng có trong Giáo hội ở Đức – và với Giáo Hội Công Giáo rộng lớn hơn.

Chương trình nghị sự chính thức của cuộc họp mặt từ ngày 25 đến 28 tháng 9 tại thị trấn Wiesbaden bao gồm các chủ đề từ việc giải quyết vấn đề lạm dụng tinh thần đến việc chuẩn bị cho Thượng hội đồng sắp tới ở Rôma.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đang bị lu mờ là những vấn đề gây chia rẽ sâu sắc được đưa ra bởi Tiến Trình Công Nghị gây tranh cãi của Đức, đặc biệt là việc chúc lành cho các kết hợp đồng giới - một vấn đề đã chứng kiến những hành động thách thức công khai trên khắp nước Đức chống lại những lời giải thích rõ ràng từ Vatican.

Trung tâm của vòng xoáy này là Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, tổng giám mục của Köln /cơn/, người phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ nhiều mặt trận, bao gồm cả phương tiện truyền thông địa phương – và một số giáo sĩ. Để thách thức ngài một cách công khai, một số linh mục đã tiến hành một sự kiện chúc lành cho các cặp đồng giới bên ngoài nhà thờ chính tòa biểu tượng của tổng giáo phận Köln vào ngày 21 tháng 9

Theo AP, buổi lễ được kết thúc bằng việc mọi người hát bài “All You Need Is Love” của Beatles trong khi vẫy cờ cầu vồng.

Những pha nguy hiểm như vậy được giới truyền thông đưa tin rộng rãi là một thách thức đối với Đức Hồng Y Woelki. Vị Tổng giám mục Köln đã khiển trách một linh mục về việc chúc lành cho các cặp đồng giới, nhấn mạnh rằng những sự kiện như vậy là không thể xảy ra, như Vatican đã giải thích.

Lời cảnh cáo này đã thu hút sự chỉ trích gay gắt từ Birgit Mock, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức (ZdK), người đã cho rằng hành động của Đức Hồng Y Woelki là “không thể hiểu nổi”. Mock, người cũng đứng đầu nhóm làm việc về tình dục của Tiến Trình Công Nghị, là người ủng hộ trung thành cho việc chúc lành cho các cặp đồng giới, khiến bà mâu thuẫn với Đức Hồng Y Woelki và lập trường chính thức của Vatican.

CNA Deutsch đưa tin, đổ thêm dầu vào lửa, Đức Giám Mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, vào ngày 14 tháng 9 đã chỉ trích Đức Hồng Y Woelki vì đã “mất sự chấp nhận” của mọi người.

Phát biểu trước những lời chỉ trích của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với Đường lối Thượng hội đồng của Đức, trong đó Đức Giáo Hoàng nói rằng nước Đức không cần hai nhà thờ Tin lành, Bätzing nói rằng về nguyên tắc, ông có thể tha thứ cho những nhận xét của Đức Giáo Hoàng. Nhưng “tôi thấy có sự tôn trọng với người Tin Lành; Tôi không đồng ý. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cáo buộc chúng tôi là những người theo chủ nghĩa tinh hoa, ý ngài muốn nói đến những nhà thần học. Tuy nhiên, chúng tôi thấy các nhà thần học người Đức không được tôn trọng trong Giáo hội hoàn vũ. “

Một số nhà thần học người Đức đã công khai quay lưng lại với Tiến Trình Công Nghị.

Lời chỉ trích công khai gần đây của Bätzing đối với Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra sau cuộc họp vào tháng 7 tại Rôma nhằm cố gắng thu hẹp những mối quan ngại sâu sắc và sự chia rẽ ngày càng tăng giữa người Đức và Rôma.

Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã ban hành một tuyên bố chính thức vào ngày 15 tháng 3 năm 2022, tuyên bố rõ ràng rằng Giáo hội không có quyền chúc lành cho các kết hiệp đồng giới.

Sự thách thức công khai liên tục đối với việc chúc lành cho các kết hợp đồng giới - được hỗ trợ bởi các vị Giám Mục nổi tiếng như Hồng Y Reinhard Marx - là một triệu chứng cho thấy những nỗ lực khó khăn như thế nào để kết hợp Tiến Trình Công Nghị Đức với Thượng hội đồng về Tính đồng nghị.

Với áp lực tài chính, xã hội và thần học đang gia tăng trên khắp các giáo phận của Đức, các quyết định được đưa ra trong tuần này tại Wiesbaden có thể có những tác động sâu rộng, không chỉ đối với Đức Hồng Y Woelki và các giám mục anh em của ngài mà còn đối với cộng đồng Công Giáo toàn cầu khi chuẩn bị cho cuộc họp thượng hội đồng của mình ở Rôma.

Giáo hội ở Đức đang phải đối mặt với một cuộc di cư có quy mô lịch sử. Hơn nửa triệu người Công Giáo đã được rửa tội đã rời bỏ Giáo hội vào năm 2022, con số ra đi cao nhất từng được ghi nhận. Những cuộc ra đi hàng loạt này đã khiến một số giám mục Đức chỉ trích Tiến Trình Công Nghị, bao gồm cả Giám mục Stefan Oster của Passau và Giám mục Bertram Meier của Augsburg, và thừa nhận nhu cầu của Giáo hội phải lấy lại niềm tin bằng “sự kiên nhẫn và đáng tin cậy”.

Cuộc họp ở Wiesbaden là ngã ba đường để xem liệu có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về việc tìm ra hướng đi đúng đắn phía trước hay không - hoặc liệu những lo ngại về một cuộc ly giáo khác từ vùng đất của Luther có chính đáng hay không.

Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, cũng là một người Đức phê bình nhóm các Giám Mục cấp tiến của Đức là “hàng ngày quấy rối Giáo hội của Chúa Kitô bằng hết điều những vô nghĩa này đến điều những vô nghĩa khác.”


Source:Catholicworldreport.com