Ngày 02-10-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:40 02/10/2015
34. MUỐI SAO MÀ NHẠT.
N2T

Có người nấu một nồi canh, trước hết múc ra một muỗng nếm nếm, cảm thấy nhạt, bèn đi về phía nồi canh thêm chút muối.
Sau đó cầm muỗng canh đã múc ra trước nếm lại, vẫn cảm thấy nhạt, nói: “Muối ít !” rồi lại đi về phía nồi canh thêm chút muối.
Cứ như thế, nếm một chút nơi muỗng canh, rồi lại đi về phía nồi canh bỏ thêm chút muối, cộng lại trước sau là hơn một lít muối, vậy mà vẫn còn cảm thấy nhạt. Người ấy cảm thấy rất là kỳ quái !
(Tiếu lâm)

Suy tư 34:
Có những người dứt khoát không coi phim loại A nữa, vì coi xong là phạm tội, dù đã dứt khoát không coi, nhưng họ vẫn luôn phạm tội điều răn thứ sáu.
Lý do dễ hiểu là vì những người ấy kết thân với những bạn nhậu xấu tính, nhậu xong hơi ngà ngà thì bạn bè rủ đi hát kara-oke và coi phim A có mấy “em” hầu hạ phục dịch. Chưa say xỉn cũng chịu không nỗi với những quyến rũ của mấy “em”, chứ đừng nói là say ngà ngà.
Thì cũng giống như người nấu nồi canh vậy, nếm nơi muỗng mà bỏ muối nơi nồi canh thì làm sao mà mặn cho được. Dứt khoát không coi phim để khỏi phạm tội nhưng lại không chịu xa lánh bạn xấu và chừa tật uống rượu, thì dù bỏ cả bể muối vẫn cứ thấy không mặn; dù cho dứt khoát thề thốt độc địa quyết không phạm tội thì vẫn cứ phạm, mà càng phạm nhiều hơn nữa.
Phạm tội là do những thói quen xấu không chịu từ bỏ hoặc kiềm chế khắc phục, nhất là rượu, bởi vì rượu thường là con dao hai lưỡi và là cái cớ để biện minh cho hành vi phạm tội của mình: say rồi không biết gì, rượu vào thì lời ra, thế gian vẫn luôn là như thế, thế là mắc bẫy của ma quỷ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:42 02/10/2015
N2T

19. Ơn gọi là một đại ân đối với bản thân mình, phải ghi ơn và không được quên.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Nạn nhân
Lm Vũđình Tường
05:09 02/10/2015
Nạn nhân gia đình thường chính là thành viên lớn trong gia đình gây ra cho các thành viên nhỏ. Kẻ đau khổ nhất chính là con cái, dù ngây thơ vô tội nhưng là nạn nhân chính của các gia đình đổ vỡ. Dấu hiệu báo trước tai hoạ sắp xảy đến nếu không thay đổi cách sống, cách cư xử với nhau sẽ không tránh khỏi đại hoạ. Dấu hiệu rõ ràng nhất là thiếu đối thoại cởi mở và nhạt nhẽo tình cảm dành cho nhau. Lơ là, biếng nhác, bỏ bê chăm sóc cho gia đình và dửng dưng khi gặp mặt. Trước đây mong về nhà, nhà là tổ ấm, là tình thương, nay nhà biến thành nhà trọ, chỗ ngủ qua đêm, nơi nghỉ mệt. Cùng chung sống dưới mái nhà nhưng tâm tình, ước mơ riêng biệt. Những dấu hiệu đó cho biết đại hoạ đang chờ trước ngõ nếu không tạo nên rào cản kịp thời, tai hoạ sẽ ập vào thân, vào gia đình. Có nhiều nguyên nhân gây nên đổ vỡ gia đình nhưng nguyên nhân chính là coi thường hy sinh dâng hiến.

Khi hy sinh dâng hiến cho gia đình bị coi thường, coi như là trách nhiệm phải làm, là cửa ngõ mở rộng cho khổ đau và bất bình tiến vào. Vào là chúng quậy phá. Bắt đầu bằng con đường tạo quan hệ tình cảm xấu bằng cách gây nên ngờ vực, tư tưởng vụng trộm tình yêu xuất hiện, so sánh, đè nén tình cảm từ đó phát sinh tư tưởng thiếu coi trọng, thiếu yêu thương và thiếu công bằng khi đối xử hàng ngày.

Thiếu tôn trọng, đối xử bất công dẫn đến cảm tưởng là đầy tớ cho nhau, không còn phải là phục vụ vì yêu thương mà là bắt buộc phải làm, phải chu toàn bổn phận một cách cưỡng bách. Trước đây làm vì yêu, vì thích và làm trong tinh thần tự nguyện. Nay những tình cảm đó biến mất thay vào là bực dọc, mệt mỏi, cưỡng bách, bó buộc, nô lệ cho gia đình. Một khi tình yêu dâng hiến yếu nhược rất khó làm cho nó sống lại. Khi tình yêu chân thành dâng hiến không còn nữa, tình yêu ích kỉ lên ngôi, nghĩ đến chính mình, tủi thân coi như bị phí cuộc đời hy sinh một cách sai lầm, lãng phí tuổi xuân. Suy nghĩ này làm thay đổi cách sống, cách đối xử với nhau và tìm cách thoát thân bằng cửa li dị. Li dị là con đường tránh được đau khổ này nhưng lại mở ra đại lộ đau thương khác, tác hại của nó lâu dài và kẻ thiệt thòi nhất là con cái phải hứng chịu hậu quả do cha mẹ tạo ra. Trước đây hai người yêu hương nhau giờ trở thành thù địch, tìm cách thoái li.

Đức Kitô tái xác định điều Thiên Chúa tạo dựng từ nguyên thủy. Hôn nhân là trường cửu, bất biến không thể tháo gỡ. Cả vợ lẫn chồng đều có trách nhiệm bảo vệ hôn nhân gia đình và làm cho tình yêu triển nở ngày tốt đẹp hơn. Mối giây đó nhằm mục đích giúp cho đôi hôn nhân sống hạnh phúc và huởng niềm vui hôn nhân mang lại. Mối giây đó bảo vệ gia đình và giúp cho con cái được sống trong yêu thương, trong bầu khí gia đình đầm ấm.

Gia đình từ chối Thiên Chúa là đón rước cuộc sống không có Chúa. Từ chối Đức Kitô vì ‘lòng họ ra chai đá, không dậy được’ Mc10,5. Bởi thiếu tình yêu Chúa trong tâm hồn, trong gia đình nên gia đình thiếu tình yêu bền vững. Thiếu sức mạnh có khả năng giữ cho tình yêu bền vững. Khi tình yêu dâng hiến bị yếu đi thì tình yêu ích kỉ chỗi dậy làm chủ. Một khi bị tình yêu ích kỉ làm chủ thì chỉ nghĩ đến mình, coi trọng mình và coi thường người bạn đường và như thế là đang cắt đứt nguồn hạnh phúc gia đình. Thứ hai là tinh thần thoát li, người ta từ chối tinh thần trẻ thơ trong Chúa ban cho ta nhưng tự nhận mình có đủ khôn ngoan, tự quyết định lấy cuộc sống riêng do mình, tự chọn và đặt Chúa ra ngoài cuộc sống. Chính tư tưởng này dẫn đến việc tự làm chủ đời mình, để muốn làm gì thì làm. Lối sống trên không tin vào sức mạnh cầu nguyện, từ chối các bí tích và lơ là cuộc sống tâm linh. Thay vì đặt trọn niềm tin vào Chúa, tìm nguồn an ủi và sức mạnh nội tâm nơi Chúa, người ta tự tin vào khả năng riêng mình và dựa vào tình yêu ích kỉ làm căn bản cho cuộc sống. Ai chỉ muốn sống cho riêng mình thì không thể sống chung với người khác.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Lời kinh hoà bình và lời kinh của gia đình
Lm. Anthony Trung Thành
09:10 02/10/2015
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Lời kinh hoà bình và lời kinh của gia đình

Trong phần kết thúc Tông Thư về Kinh mân côi năm 2003, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi mọi thành phần trong Giáo Hội như sau : “Tôi hướng về tất cả anh chị em, thuộc mọi bậc sống, hướng tới tất cả anh chị em trong các gia đình Kitô hữu, đến anh chị em là những người đau yếu và cao niên, đến các con là những người trẻ : Xin tất cả một lần nữa hãy cầm lại Chuỗi mân côi với lòng tin tưởng. Hãy khám phá lại Kinh mân côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà của Phụng Vụ, và trong bối cảnh hằng ngày của anh chị em”.

Tại sao Đức Giáo Hoàng tha thiết kêu mời chúng ta đọc Kinh cân côi như vậy ? Có nhiều lý do, nhân ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, tôi xin nêu lên hai lý do quan trọng sau đây :

1. Kinh mân côi là lời kinh hoà bình

Ngày 13 tháng 05 năm 1917, Đức Mẹ nói với ba trẻ ở Fatima rằng: « Hãy ăn năn đền tội, cải thiện đời sống. Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày để đem hòa bình cho nhân loại và để chấm dứt chiến tranh (…). Nếu các con thi hành các điều Ta phán dạy thì rất nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình. (…) Nếu các điều Mẹ mong ước được thực thi, nước Nga sẽ trở lại, và sẽ có Hòa Bình. Nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc các tà thuyết trên khắp thế giới, chiến tranh sẽ xảy ra, Giáo Hội sẽ bị bách hại, người lành sẽ bị tử đạo…” (x. Tiếp tục thực hiện sứ điệp Fatima cho Hòa bình và Công lý của UBCL và HB). Sau đó, nhờ cha ông chúng ta vâng nghe lời Mẹ dạy, chăm chỉ đọc Kinh mân côi mà nước Nga và toàn bộ Khối Đông Âu đã trở lại.

Thật vậy, Kinh mân côi chính là lời kinh hoà bình. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói “Tự bản chất, Kinh mân côi là lời kinh cầu cho hoà bình”. Ngài giải thích : Thứ nhất, vì nó hệ tại ở việc chiêm ngưỡng Đức Kitô, Hoàng tử Hoà bình, là sự bình an của chúng ta(x. Ep 2,14). Bất cứ ai đồng hoá với mầu nhiệm Đức Kitô và rõ ràng đó là mục tiêu của Kinh mân côi thì sẽ học được bí quyết của hoà bình và biến nó thành dự phóng của đời sống mình. Thứ hai, nhờ tính chất suy niệm của nó, với sự tiếp nối thanh thản các Kinh kính mừng, Kinh mân côi đem lại sự an bình nơi người cầu nguyện, tạo điều kiện cho họ đón nhận và cảm nghiệm tận đáy lòng, và gieo vãi ra chung quanh, hoà bình đích thật vốn là quà tặng đặc biệt của Chúa Phục Sinh (x. Ga 14,27; 20,21). Thứ ba, vì những hoa trái bác ái mà nó sản sinh. Khi được thực hiện tốt theo một thể thức suy ngắm đích thực, Kinh mân côi dẫn ta đến gặp gỡ Đức Kitô trong các Mầu nhiệm của Người, và vì thế, ta không thể không quan tâm tới dung nhan Đức Kitô nơi những người khác, nhất là nơi những người đau khổ nhất. Và Ngài kết luận: Kinh mân côi cho phép chúng ta hy vọng rằng, cả ngày hôm nay nữa, trận chiến cam go vì hoà bình có thể dành thắng lợi. (x. Tông thư Rosarium Virginis Mariae về Kinh mân côi).

Như vậy, muốn có hoà bình thực sự trong tâm hồn, trong gia đình, trong tổ quốc và trên thế giới, chúng ta hãy lẫn hạt mân côi.

2. Kinh mân côi là lời kinh của gia đình

Kinh Mân côi không những là lời kinh cầu cho hoà bình mà còn là lời kinh của gia đình và cho gia đình. Các gia đình truyền thống Việt Nam thường lần chuỗi chung với nhau trong gia đình vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi vừa mới thức dậy. Nhiều giáo dân có thói quen lần chuỗi trên đường đến nhà thờ, trên đường đến nơi làm việc, khi rảnh rỗi...Đó là những thói quen tốt. Nhờ thế, Đức Mẹ đã gìn giữ họ được bình an, nhiều gia đình đã vượt qua được những sóng gió trong cuộc đời. Cho nên, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhắc nhở những người làm công tác mục vụ các gia đình phải có trách nhiệm khuyên nhủ họ duy trì thói quen đọc Mân côi trong gia đình. Ngài nói : “Kinh mân côi cũng là và vẫn luôn luôn là lời kinh của gia đình và cho gia đình”.

Ngài đưa ra một số các lợi ích khi các gia đình đọc Kinh mân côi: Làm cho các gia đình gần gũi nhau hơn. Lôi kéo các gia đình xích lại gần nhau. Thông hiệp với nhau. Tỏ tình liên đới. Tha thứ cho nhau, và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong thần khí của Thiên Chúa.

Đặc biệt, trước những thách đố của xã hội, các gia đình lại cần trở về với Kinh mân côi hơn. Đức Thánh Giáo Hoàng nói tiếp: “Nhiều vấn đề đang thách thức các gia đình hiện nay, đặc biệt trong xã hội có nền kinh tế phát triển, xuất phát từ việc càng ngày người ta càng khó hiệp thông với nhau. Các gia đình ít khi thu xếp để gặp gỡ nhau, và những cơ hội hiếm hoi để gặp gỡ được nhau lại bị những hình ảnh truyền hình xen vào phá hỏng. Trở về với việc đọc kinh Mân côi trong gia đình có nghĩa là lấp đầy cuộc sống hằng ngày những hình ảnh hoàn toàn khác, những hình ảnh trình bày Mầu nhiệm cứu độ : hình ảnh Đấng Cứu chuộc, hình ảnh Mẹ Rất Thánh của Người. Gia đình cùng đọc Kinh mân côi là làm sống lại phần nào bầu khí của gia đình Nagiarét : các thành viên gia đình đặt Đức Giêsu ở trung tâm để họ chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, đặt những nhu cầu và dự tính của họ trong tay Người, kín múc từ Người niềm hy vọng và sức mạnh để tiến bước”.

Khi nói về con cái, Đức Thánh Giáo Hoàng cũng mời gọi các bậc cha mẹ hãy cầu nguyện bằng Kinh mân côi với con cái và cho con cái, vì đó là một trợ lực thiêng liêng mà chúng ta không thể coi thường. Ngài nói: “Việc cầu nguyện bằng Kinh mân côi cho con cái mình, khi và hơn nữa, với con cái mình, dạy dỗ chúng ngay từ những năm đầu đời, biết ngừng lại mỗi ngày để cầu nguyện với gia đình, phải thú nhận rằng đó không phải là một giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng đó là một trợ giúp thiêng liêng mà ta không thể coi thường”. (x. Tông thư Rosarium Virginis Mariae về Kinh mân côi).

Để thêm lòng tin tưởng vào Kinh mân côi, chúng ta hãy nghe câu chuyện sau đây:

Cha Patrick Joseph Gillard-Peyton là vị Linh Mục tông đồ của Tràng Chuỗi Mân Côi. Cha chào đời ngày 9-1-1909 tại County Mayo trong gia đình Công Giáo nghèo bên nước Ái-nhĩ-lan. Năm 18 tuổi, Patrick cùng với bào huynh Tom sang Hoa Kỳ tìm kế sinh nhai. Nhưng rồi Chúa gọi, Patrick từ giã anh, gia nhập chủng viện.

Lúc gần chịu chức Linh mục, thầy Patrick bỗng lâm bệnh lao phổi trầm trọng. Các bác sĩ cho biết vô phương cứu chữa! Giấc mơ Linh mục trong phút chốc tan thành mây khói .. Thầy Patrick chán nản buông tay bỏ cuộc. Một vị Linh Mục lão thành bất ngờ đến thăm và nói với Thầy: Hãy kêu xin Đức Mẹ MARIA chữa lành bệnh. Đức Mẹ là nguồn sự sống. Hãy tin tưởng nơi Đức Mẹ và yêu mến Đức Mẹ như Người Mẹ thật. Hãy kiên trì van nài và tin chắc chắn Đức Mẹ sẽ chữa lành. Đức Mẹ sẽ tỏ ra vô cùng nhân hậu với Thầy. Chính vì chúng ta tin tưởng quá ít nơi Đức Mẹ nên Đức Mẹ không ban cho chúng ta nhiều ơn!

Nghe vị Linh mục lão thành nói thế, Thầy Patrick bỗng nhớ lại chuỗi ngày niên thiếu nơi quê hương Ái-nhĩ-lan thân yêu. Thầy cũng nhớ đến “liều thuốc thần” hiền mẫu Thầy vẫn dùng trong cơn gian nan khốn khó. Đó là Tràng Chuỗi Mân Côi. Cứ chiều đến, cả gia đình tụ họp và cùng nhau sốt sắng lần hạt Mân Côi.

Giờ đây, vì hết hy vọng nơi các phương thuốc chữa trị trần gian, Thầy Patrick hướng về Trời Cao và kêu van Hiền Mẫu MARIA Thiên Quốc qua Kinh mân côi. Và Thầy được lành bệnh thật.

Năm 1941 - 32 tuổi - Thầy Patrick Peyton hân hoan lãnh thiên chức Linh mục trong dòng Thánh Giá. Từ đó Cha xác tín rằng: Thế giới cầu nguyện là thế giới hòa bình. Gia đình cầu nguyện là gia đình hiệp nhất. Nếu mỗi người, mỗi gia đình dành ít thời gian trong ngày để đọc Kinh mân côi thì các tổ ấm sẽ trở thành vườn địa đàng. (x. Phép lạ của Tràng chuỗi Mân Côi, Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt)

Vì những lý do trên đây, mỗi người chúng ta hãy quyết tâm siêng năng đọc Kinh mân côi theo lời Mẹ dạy, để cầu cho bản thân, gia đình và cầu cho hoà bình thế giới. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
 
Lần Chuỗi Mân Côi – một việc đạo đức đang bị giới trẻ “xếp xó”
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
11:29 02/10/2015
Lễ Mân Côi

Lần Chuỗi Mân Côi – một việc đạo đức đang bị giới trẻ “xếp xó”

Trong đời sống của Giáo Hội, có hai việc tôn thờ Thiên Chúa: thứ nhất là Phụng Vụ, thứ hai là các việc đạo đức bình dân. Việc Phụng Vụ là việc thờ phượng Thiên Chúa một cách chính thức của Giáo Hội, gồm Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể và Giờ Kinh Thần Vụ. Còn các việc đạo đức bình dân gồm có viếng Thánh Thể, lần hạt Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá, rước kiệu… Gọi là “bình dân” vì ai cũng có thể làm được, và có thể làm được mọi nơi mọi lúc.

Trong các việc đạo đức bình dân, thiết nghĩ lần chuỗi Mân Côi là việc có giá trị nhất. Vì sao? Vì khi lần chuỗi Mân Côi là ta lặp đi lặp lại những lời kinh trọng nhất, đẹp nhất trong đạo. Bắt đầu là Kinh Lạy Cha, lời kinh do chính Chúa Giêsu dạy, lời kinh trọng nhất. Và tiếp đến là 10 kinh Kính Mừng, vốn là lời kinh cũng có nguồn gốc từ Tin Mừng. Đi kèm là việc luân phiên suy gẫm 20 mầu nhiệm Tin Mừng gắn liền với công trình nhập thể và cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, trong đó Đức Mẹ luôn luôn góp phần một cách trực tiếp.

Đó là lý do tại sao Mẹ Maria rất yêu thích chuỗi Mân Côi. Và đó cũng là lý do tại sao, ta thấy rằng, mỗi lần hiện ra nơi này nơi nọ, Mẹ Maria đều cầm tràng chuỗi Mân Côi trên tay, và luôn nhắc nhở con cái của Mẹ lần chuỗi Mân Côi: ở Fatima, ở Lộ Đức, hay ở La Vang đều như thế!

Tuy nhiên, thực tế ngày hôm nay giới trẻ và cả giới trung niên rất lười lần Chuỗi Mân Côi, đặc biệt nam giới. Tất cả đều có chung một “họ” là họ “lười”. Nguyên nhân tại sao? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng thiết tưởng có ba nguyên nhân chính.

- Thứ nhất là do não trạng chung, người ta vốn xem thường các việc đạo đức bình dân.

Vì là bình dân, nên nhiều người cho là bình thường, thậm chí là tầm thường, là việc của mấy bà già. Cơm bình dân thì giới bình dân ăn; việc đạo đức bình dân thì người bình dân làm. Đọc kinh, viếng Chúa, đi Đàng Thánh Giá đã mệt, lại còn mất công, tốn thời gian. Lần hạt thì toàn lặp đi lặp lại những kinh nhàm chán và buồn ngủ; trong khi đó cuộc sống hôm nay có những thứ khác hấp dẫn hơn, lý thú hơn nhiều. Rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ vẫn thường suy nghĩ như thế!

- Thứ hai là do cuộc sống ngày hôm nay vốn nhiều bận bịu lo toan, nhất là việc học hành, làm ăn.

Người lớn thì căng thẳng vì chuyện cơm áo gạo tiền, hay vì chuyện công ăn việc làm, có khi phải tăng ca tăng kíp, có khi làm ngày không đủ phải tranh thủ làm đêm. Người trẻ thì bù đầu vào chuyện học hành: học chính khóa, học thêm, học tăng cường, học phụ đạo, học nâng cao… Tất cả những thứ đó đã khiến cho nhiều người cảm thấy mệt mỏi sau một ngày làm việc, hay học hành; vì thế mà họ không còn hứng thú, hay sốt sắng để làm các việc đạo đức nữa.

- Thứ ba là do các thú vui giải trí từ ngành công nghệ truyền thông.

Đây là lý do chính. Rảnh rang được giờ nào là xem Tivi, chat chit, lướt web, hay chơi game. Tivi thì nhiều chương trình, nhiều kênh đài phong phú và hấp dẫn, phát sóng 24/24. Đặc biệt những chương trình nóng, “hot” lại rơi vào những giờ vàng, giờ Kinh Lễ, khiến cho người ta không sao rời khỏi cái màn hình Tivi - con quái vật một mắt. Nếu rời được cái Tivi thì quay sang ôm cái điện thoại, là thứ mà lúc nào cũng kè kè bên mình: hết gọi điện lại nhắn tin, hết nhắn tin lại chơi game, hết chơi game lại nghe nhạc, hết nghe nhạc lại selfie. Chưa hết, dứt được cái điện thoại, lại chụp ngay cái máy vi tính: lướt web, chat chit, xem phim, chơi game thỏa thích, v.v…

Ngày hôm nay không ai phủ nhận những tiện ích lớn lao từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin mà Apple, Microsoft… mang lại cho con người. Thế nhưng, có thể nói Apple, Microsoft đang là những “nhà vô địch” trong việc “đánh cắp” các linh hồn. Dĩ nhiên, chính những người sử dụng các phương tiện, cũng có phần trách nhiệm vì đã “thỏa hiệp” với những “kẻ đánh cắp” ấy.

Viện cớ cuộc sống có nhiều áp lực và căng thẳng, nên cần giải trí, cần thứ giãn, và dần dà người ta sa đà và bị cuốn vào những thứ giải trí thường vô bổ. Hậu quả là gì? Hậu quả là các thứ này sẽ lấy hết những khoảng thời gian rảnh rỗi ít oi, và cũng xâm chiếm hết tâm trí của con người, khiến cho người ta không còn trí lòng nào, khoảng trống nào cho Chúa Mẹ và cho các việc đạo đức. Cầm điện thoại thích thú hơn cầm sách Lời Chúa, lướt web lý thú hơn lần hạt, chat chit chí thú hơn đọc kinh, v.v… Đây là một thực tế đối với nhiều bạn trẻ ngày nay.

Có thể nói chính vì những nguyên nhân trên mà lớp trẻ ngày nay đang bắt đầu rơi vào một cuộc “đại khủng hoảng” về các việc đạo đức, xa hơn sẽ là một “thảm họa” về đời sống thiêng liêng. Cứ thử xem trong giáo xứ có bao nhiêu bạn trẻ còn lần chuỗi Mân Côi mỗi tối, bao nhiêu thanh thiếu niên còn viếng Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày thì sẽ thấy thảm họa về đời sống thiêng liêng là không còn xa. Ai phải chịu trách nhiệm?

Người đầu tiên phải chịu trách nhiệm chính là các bậc làm cha mẹ. Vậy cần chấn hưng thế nào đây?

- Trước hết, các bậc cha mẹ hãy quản lý con cái của mình, quản lý cái Tivi và cái máy vi tính. Đừng cho con cái mua sắm những cái điện thoại đắt tiền, nhiều chức năng…. Chúng sẽ tiêu tốn hết thời gian rảnh rỗi của nó vào những chuyện vô bổ, tả pí lù. Bởi vì chúng chưa biết làm chủ bản thân, chưa biết sử dụng đúng đắn. Thay vì những phương tiện đó đem lại những cái hay cái được, thì lại đem đến những cái dở cái mất: mất giờ, mất tiền, mất sức và mất nết.

- Sau nữa, chính cha mẹ hãy nêu gương sáng cho con cái mình. Đây là điều quan trọng nhất. Mai sau ra trước tòa phán xét, Chúa sẽ hỏi các bậc cha mẹ về trách nhiệm này, trách nhiệm răn dạy và làm gương sáng cho con cái của mình. Cha mẹ mà không có lòng yêu mến Chúa, không đọc kinh lần chuỗi thì khó mà mong con cái có được lòng yêu mến Chúa và yêu mến Chuỗi kinh Mân Côi.

Vậy nếu ta chưa có thói quen làm các việc đạo đức bình dân, hoặc đã đánh mất thói quen tốt lành là lần chuỗi Mân Côi, do lười biếng, hay do xem nhẹ, thì tháng Mân Côi là dịp rất thuận tiện để bắt đầu tập thói quen, hoặc bắt đầu lại thói quen tốt lành ấy.

Xin Chúa giúp chúng ta có quyết tâm cụ thể trong tháng Mân Côi này và nỗ lực để thực hành, hầu kéo ơn Chúa, ơn Mẹ xuống trên gia đình và gia tộc mình; đồng thời giúp con cái mình tìm lại nguồn sức sống thiêng liêng.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tiễn Đức Thánh Cha về lại Rôma
Đặng Tự Do
23:40 02/10/2015
Sau hai ngày bận rộn nhưng rất vui ở Philadelphia, đã có một sự im lặng nặng nề ngắt quãng bởi những giọt nước mắt lặng lẽ khi Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy tay chào đám đông dân chúng tiễn ngài tại phi trường quốc tế Philadelphia để đáp chuyến bay trở về Rôma.

Trong bài phát biểu ngắn gọn bên trong một nhà chứa máy bay của hãng hàng không Atlantic, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết chuyến thăm của ngài tới Hoa Kỳ là “những ngày đầy ân sủng lớn lao”.

Hai biến cố gây tiếng vang mạnh nhất trong giới chính trị tại Hoa Kỳ là bài phát biểu của Đức Thánh Cha tại Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ và bài phát biểu của ngài tại Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, cả hai biến cố này đã không được Đức Thánh Cha đề cập đến. Trái lại, Đức Thánh Cha đã nói về cảm xúc mạnh của ngài, lần đầu tiên trong đời được đặt chân lên đất Mỹ, vì đã có thể “chứng kiến đức tin của dân Chúa ở đất nước này, được biểu hiện trong những khoảnh khắc chúng ta cầu nguyện chung với nhau và được minh chứng trong cơ man những công việc của các tổ chức từ thiện”.

Đức Thánh Cha cho biết ngài “đặc biệt xúc động khi tuyên thánh cho Chân Phước Junipero Serra, là người đã nhắc nhở tất cả chúng ta về ơn gọi của mình như những môn đệ truyền giáo”, và ngài cũng rất xúc động “khi đứng cùng với anh chị em của các tôn giáo khác tại Ground Zero, là nơi mạnh mẽ nói lên những bí ẩn của sự ác.”

Đức Thánh Cha khẳng định mạnh mẽ rằng “cái ác không bao giờ có tiếng nói cuối cùng, và rằng, trong kế hoạch từ bi của Thiên Chúa, tình yêu và hòa bình sẽ khải hoàn trên tất cả.”

Đề cập đến biến cố gần nhất là cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình lần thứ 8 với hơn một triệu người tham dự thánh lễ bế mạc, Đức Thánh Cha “cảm ơn các gia đình đã chia sẻ chứng từ của họ trong cuộc gặp gỡ. Thật không phải là dễ dàng để nói một cách cởi mở về hành trình trong đời của mình! Nhưng sự trung thực và khiêm nhường trước mặt Chúa và trước mỗi người chúng ta đã cho thấy vẻ đẹp của cuộc sống gia đình trong tất cả sự phong phú và đa dạng của nó.”

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc diễn từ ngắn nhất của ngài trên đất Mỹ bằng cách yêu cầu những người có mặt cầu nguyện cho ngài. Những lời cuối cùng của ngài là: "Xin vui lòng cũng cầu nguyện cho tôi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả các bạn. Xin Chúa phù hộ nước Mỹ!”

Phó Tổng thống Biden đã dẫn đầu một phái đoàn đến chào từ biệt Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong số những người ra tiễn ngài còn có Đức Tổng Giám mục Joseph E. Kurtz của Louisville và là Chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ; Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput của Philadelphia; và Đức Hồng Y Daniel N. Di Nardo Galveston-Houston, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Các vị này sẽ sớm gặp lại Đức Thánh Cha trong tuần tới khi các ngài tham dự Thượng Hội Đồng về Gia Đình

Về phía chính quyền dân sự ngoài phó tổng thống Joe Bindin và phu nhân, còn có thống đốc Wolf và phu nhân Frances; và thị trưởng thành phố Philadelphia là Nutter và phu nhân là Lisa.

Máy bay phản lực chở Đức Thánh Cha đã cất cánh lúc 07:47.
 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 tại Krakow, Balan
Phạm Đình Ngọc, S.J
10:09 02/10/2015
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 31 tại Krakow, Balan

“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5, 7)

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta đã bước vào chặng cuối cùng của cuộc hành hương tới Krakow là nơi chúng ta sẽ cử hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (WYD) lần thứ 31 vào tháng 7 năm 2016. Trên hành trình dài ngày và thách đố này, chúng ta được Lời Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi hướng dẫn chúng ta. Chúng ta đã bắt đầu hành trình này từ năm 2014 bằng cách cùng nhau suy niệm Mối Phúc đầu tiên: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5, 3). Chủ đề năm 2015 là: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5, 8). Trong năm tới, chúng ta hãy lấy nguồn hứng từ những lời này: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7).

1.Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót

Với chủ đề này, WYD 2016 tại Krakow trở nên một phần của Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót và như vậy thành Năm Thánh Giới Trẻ ở tầm mức toàn cầu. Đây không phải là lần đầu tiên một cuộc họp mặt những người trẻ trên thế giới trùng hợp với Năm Thánh. Thực vậy, chính trong Năm Thánh Ơn Cứu Chuộc (1983-1984), thánh Gioan Phaolô II lần đầu tiên mời gọi người trẻ từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau hội tụ về trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Sau đó, trong Đại Năm Thánh 2000, trên 2 triệu bạn trẻ đến từ 165 quốc gia tụ họp về Roma trong lần WYD thứ 15. Cha chắc rằng Năm Thánh Giới Trẻ tại Krakow (Balan), như hai lần trước, sẽ là một trong những cao điểm của Năm Thánh này!

Có lẽ có người trong chúng con hỏi rằng: Năm Thánh đang cử hành trong Giáo Hội là gì? Bản văn trong sách Lêvi chương 5 có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của “năm thánh” đối với dân Israel. Cứ mỗi 50 năm, họ nghe tiếng kèn loa mời gọi họ cử hành một năm thánh như là thời gian để giao hòa với mọi người. Trong suốt năm đó, họ phải làm mới lại tương quan tốt lành của họ với Đức Chúa, với tha nhân và với thọ tạo, tất cả trong tinh thần vô vị lợi. Điều này đã cổ vũ, giữa những việc khác, việc xóa nợ, giúp đỡ đặc biệt cho nhưng người lâm cảnh nghèo túng, sự cải thiện tương quan liên vị và việc phóng thích nô lệ.

Chúa Giêsu Kitô đến rao giảng và mang lại thời gian ân sủng vĩnh viễn của Thiên Chúa. Ngài đem Tin Mừng cho người nghèo, cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức (xem Lc 4, 18-19). Trong Chúa Giêsu, và đặc biệt trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người, ý nghĩa sâu xa hơn về năm thánh được thực hiện một cách tròn đầy. Khi Giáo Hội công bố năm thánh nhân danh Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi để cảm nghiệm một thời gian ân sủng tuyệt vời. Giáo Hội phải đưa ra những dấu chỉ phong phú về sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa, và tái thức tỉnh trong lòng con người khả năng lưu tâm đến những điều căn cốt. Đặc biệt, Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót này là “thời gian để Giáo Hội tái khám phá ý nghĩa của sứ mệnh được Chúa giao phó cho mình trong ngày Chúa Phục sinh: là trở nên dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót của Chúa Cha.” (Bài giảng tại Kinh Chiều I của ngày Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, 11-4-2015).

2. Thương xót như Thiên Chúa Cha

Phương châm cho Năm thánh Ngoại thường này là “Thương Xót như Thiên Chúa Cha” (xem Dung Nhan Lòng Thương Xót, 13). Điều này phù hợp với chủ đề WYD năm tới, vì thế chúng ta hãy nỗ lực hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Lòng Chúa Thương Xót.

Cựu Ước sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau khi nói về lòng thương xót. Trong số đó những thuật ngữ ý nghĩa nhất là “hesed” và “rahamim”. Thuật ngữ thứ nhất, “hesed”, khi áp dụng cho Thiên Chúa, diễn tả lòng trung thành son sắt của Thiên Chúa trong Giao Ước với dân mà Ngài hằng yêu thương và tha thứ. Thuẫt ngữ thứ hai, “rahamim”, có ý nghĩa đen là “lòng” có thể dịch là “lòng thương xót chân thành”. Điều này đặc biệt gợi nhớ đến lòng của người mẹ và giúp chúng ta hiểu về tình yêu của Thiên Chúa với dân Ngài như người mẹ với con thơ của mình. Đó là cách mà tiên tri Isaia đề cập đến: “có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15). Tình yêu theo mẫu này bao hàm việc tạo khoảng trống cho người khác trong chính chúng ta và có thể thông cảm, chia vui sẻ buồn với người lân cận của chúng ta.

Khái niệm kinh thánh về lòng thương xót cũng bao hàm sự hiện diện hữu hình của tình yêu, nghĩa là trung thành, cho không và có thể thứ tha. Trong đoạn sách Hôsê sau đây, chúng ta có một ví dụ thật đẹp về tình yêu của Thiên Chúa, vốn được tiên tri Hôsê ví như tình yêu người cha dành cho đứa con của mình: “Thuở Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó,và từ Ai-cập, Ta đã gọi con Ta về. Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng lìa xa Ta... Chính Ta, Ta đã tập đi cho Ephraim. Ta bồng bế chúng trên cánh tay Ta. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má… Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn" (Hs 11, 1-4). Mặc dù thái độ sai trái của người con xứng đáng bị trừng phạt, nhưng tình yêu của người cha lại luôn tín thành. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một “ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, nhờ đó, Ngài mạc khải Tình Yêu của Ngài như là Tình Yêu của một người cha và của một người mẹ, xúc động tận đáy lòng vì yêu con mình.. . Tình Yêu ấy tất nhiên trào ra từ nơi thẳm sâu nhất, đầy âu yếm và cảm thông, khoan dung và thương xót (Dung Nhan Lòng Thương Xót, 6).

Tân Ước nói với chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa (eleos) như một sự tổng hợp các công trình mà Chúa Giêsu đến để thực hiện trong trần gian này nhân danh Chúa Cha (xem Mt 9, 13). Lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta đặc biệt có thể thấy được khi Ngài cúi xuống trên nỗi khốn khổ của con người và bày tỏ lòng từ bi của Ngài cho những ai cần đến sự cảm thông, chữa lành và tha thứ. Mọi sự nơi Chúa Giêsu đều nói lên lòng thương xót. Thật vậy, chính Ngài là lòng thương xót.

Trong chương 15 của Tin Mừng thánh Luca, chúng ta gặp thấy ba dụ ngôn về lòng thương xót: con chiên bị mất, đồng bạc bị mất, và dụ ngôn về người con hoang đàng. Trong ba dụ ngôn này, chúng ta được niềm vui của Thiên Chúa đánh động, niềm vui mà Thiên Chúa cảm nhận được khi Ngài tìm được và tha thứ cho một tội nhân. Vâng, thứ tha là niềm vui của Thiên Chúa! Điều này tóm gọn toàn bộ Tin Mừng. "Mỗi chúng ta, mỗi người trong chúng ta là con chiên lạc, là đồng tiền thất lạc; mỗi người trong chúng ta là người con đã phung phí tự do của mình nơi những thần tượng giả tạo, những ảo tưởng về hạnh phúc, và đánh mất tất cả. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta. Chúa Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài là một người Cha nhẫn nại luôn chờ đợi chúng ta. Ngài tôn trọng tự do của chúng ta, nhưng Ngài vẫn mãi mãi trung thành. Và khi chúng ta trở về với Ngài, Ngài luôn đón chúng ta vào nhà của Ngài như những đứa con, vì Ngài không bao giờ ngừng một giây phút nào mà không chờ mong chúng ta với tất cả tình yêu. Và lòng Ngài vui mừng vì mỗi đứa con trở về. Ngài mở hội mừng vì Ngài là niềm vui. Thiên Chúa có niềm vui này khi một trong chúng ta là tội nhân biết đến với Ngài và xin Ngài tha thứ.” (Kinh Truyền Tin, ngày 15-9-2013).

Lòng thương xót của Thiên Chúa rất thực tế và chúng ta được gọi mời đích thân trải nghiệm. Khi cha mười bảy tuổi, lòng thương xót Chúa đã xảy ra vào một ngày khi cha đi ra ngoài với vài người bạn, cha quyết định dừng lại để vào nhà thờ trước đã. Cha gặp một linh mục, người đã gợi cho cha niềm tin tưởng lớn lao, và cha thấy ước mong mở lòng mình trong bí tích Hòa Giải. Lần gặp gỡ đó đã thay đổi đời cha! Cha khám phá ra rằng khi chúng ta mở lòng mình với lòng khiêm tốn và trong sáng, chúng ta có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Chúa trong một cách thức rất cụ thể. Cha chắc chắn rằng trong con người của vị linh mục đó, Thiên Chúa đã sẵn sàng chờ đợi cha từ trước khi cha bước vào nhà thờ đó. Chúng ta tiếp tục kiếm tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn ở đó trước chúng ta, Ngài luôn đi tìm chúng ta, và Ngài thấy chúng ta trước. Có lẽ một trong chúng con cảm thấy điều gì đó nặng nề nơi cõi lòng của chúng con. Chúng con đang nghĩ: Tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều kia....Đừng sợ! Thiên Chúa đang chờ đợi chúng con! Thiên Chúa là Cha, và Ngài luôn chờ đợi chúng ta! Thật tuyệt vời biết bao khi cảm nhận được cái ôm đầy lòng thương xót của người Cha trong bí tích Hòa Giải, để khám phá ra rằng tòa giải tội là nơi của lòng thương xót, và để cho chính chúng ta được chạm đến bởi tình yêu xót thương của Thiên Chúa, là Đấng hằng tha thứ cho chúng ta!

Hỡi chúng con là những người trẻ, nam cũng như nữ, đã có lần nào chúng con cảm thấy ánh mắt tình yêu vĩnh cửu đặt trên chúng con, một ánh mắt nhìn vượt trên tội lỗi, trên những giới hạn và thiếu xót của chúng con, và tiếp tục tin ở chúng con và nhìn cuộc đời chúng con với niềm hy vọng chưa? Chúng con có nhận ra chúng con thật quý giá biết bao đối với Thiên Chúa, Đấng trao ban cho chúng con tất cả vì tình yêu? Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta thế này, đó là ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, Đức Kitô đã chết cho chúng ta.” (Rm 5, 8). Chúng ta có thực sự hiểu được sức mạnh của những lời này không?

Cha biết cây thập giá WYD có ý nghĩa thật lớn lao với tất cả chúng con. Đó là món quà của thánh Gioan Phaolô II đã hiện diện với chúng con trong những WYD từ năm 1984. Có biết bao nhiêu đổi thay và hoán cải đã xảy ra trong cuộc sống của những người trẻ đã gặp cây thập giá thô mộc đơn sơ này! Có lẽ chúng con tự hỏi mình rằng: đâu là nguồn gốc sức mạnh phi thường của cây thập giá? Đây là câu trả lời: thập giá là dấu chỉ hùng hồn nhất của lòng Chúa thương xót! Nó nói cho chúng ta rằng thước đo của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại là yêu không so đo! Qua thập giá chúng ta có thể đụng chạm được lòng Chúa thương xót và lòng thương xót ấy chạm được đến chúng ta! Ở đây cha muốn nhắc chúng con nhớ đến chuyện hai tên trộm bị đóng đinh bên Chúa Giêsu. Một trong hai người ngạo mạn và không chịu nhận mình là một tội nhân. Hắn chế diễu Chúa. Còn anh kia nhận ra mình đã làm điều sai trái; anh quay sang và nói với Chúa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Chúa Giêsu nhìn anh ta với lòng thương xót vô bờ rồi nói: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”(xem Lc 23, 32 và 39-43). Chúng ta tự nhận ra mình giống ai trong hai người ấy? Giống người kiêu ngạo không nhìn nhận lầm lỗi của chính mình? Hoặc giống người kia, là người nhận rằng mình đang cần đến lòng Chúa thương xót và hết lòng van xin lòng thương xót? Chính nơi Chúa, Đấng đã thí mạng sống mình trên thập giá vì chúng ta, chúng ta sẽ luôn tìm được tình yêu vô điều kiện, để thấy đời sống của chúng ta là một điều gì đó thật tốt lành và luôn mang đến cho chúng ta cơ may để bắt đầu lại.

3. Niềm vui tuyệt vời khi trở nên khí cụ của lòng Chúa thương xót

Lời Chúa dạy chúng ta rằng "cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35). Đó là lý do tại sao Mối Phúc thứ 5 nói rằng người xót thương được chúc phúc. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Nhưng chúng ta chỉ thực sự có phúc và sung sướng khi chúng ta đi vào được cái “lô-gích” của Thiên Chúa là cho đi và yêu mến nhưng không, khi chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa yêu chúng ta vô cùng để làm cho chúng ta có khả năng yêu thương như Ngài, không giới hạn. Thánh Gioan nói: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu... Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” (1 Ga 4, 7-11).

Sau khi tóm tắt rất ngắn gọn về cách thức Thiên Chúa trao ban lòng thương xót của Ngài cho chúng ta, cha muốn đưa cho chúng con vài đề nghị để làm thế nào chúng ta có thể nên những khí cụ của lòng thương xót này cho người khác.

Cha nghĩ đến mẫu gương của Chân phước Pier Giorgio Frassati. Anh ấy nói, "Chúa Giêsu đến thăm tôi vào mỗi buổi sáng trong bí tích Thánh Thể, và tôi đáp lại sự thăm viếng ấy bằng cách thế đơn sơ mà tôi biết, thăm viếng người nghèo.” Pier Giorgio là một người trẻ hiểu được có lòng thương xót để đáp lại những người đang cần đến nhất nghĩa là gì. Anh trao cho họ nhiều hơn là những của vật chất. Anh đã cho đi chính mình bằng cách cho đi thời gian, lời nói và khả năng lắng nghe của mình. Anh phục vụ người nghèo rất lặng lẽ và khiêm tốn. Anh thực sự thi hành điều Tin mừng nói với chúng ta: “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo.” (Mt 6,3-4). Hãy tưởng tượng xem, một ngày trước khi qua đời, khi anh đã bệnh nặng, anh vẫn đưa ra những hướng dẫn để làm thế nào giúp đỡ bạn bè của mình đang túng thiếu. Trong tang lễ của Pier Giorgio, gia đình và bạn bè đã sửng sốt vì sự hiện diện của rất nhiều người nghèo mà họ không hề biết. Họ đã được chàng thanh niên Pier Giorgio làm bạn và giúp đỡ.

Cha luôn thích liên kết các Mối phúc với Tin Mừng thánh Mát-thêu chương 25, nơi Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta các việc thực hành của lòng thương xót và nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ bị phán xét trên những việc đó. Theo đó, cha đề nghị với chúng con tái khám phá những việc làm thương xót phần xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc và chôn xác kẻ chết. Chúng ta cũng không nên bỏ qua những việc làm thương xót thiêng liêng: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta và cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Như chúng ta có thể thấy, lòng thương xót không chỉ hàm ý một “người tốt” cũng không chỉ là tình cảm. Nó là thước đo tính chân chính của chúng ta như những môn đệ của Chúa Giêsu, và mức độ đáng tin cậy của chúng ta như là những Kitô hữu trong thế giới ngày nay.

Nếu chúng con muốn cha nói thật cụ thể thì cha đề nghị rằng trong bảy tháng đầu năm 2016, chúng con chọn một việc thương xót phần xác và một việc thương xót thiêng liêng để thực hành mỗi tháng. Hãy tìm nguồn cảm hứng trong lời cầu nguyện của Thánh Faustina là một tông đồ khiêm tốn của Lòng Chúa Thương Xót trong thời đại chúng ta:

“Lạy Chúa, xin hãy giúp con để mắt con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ ngờ vực hay phán đoán theo bề ngoài, nhưng biết nhìn thấy những gì là mỹ miều nơi tâm hồn của tha nhân và giúp đỡ họ. Xin hãy giúp con để tai con biết xót thương, nhờ đó, con lắng nghe các nhu cầu của tha nhân, và không dửng dưng trước những đớn đau và than van của họ. Lạy Chúa, xin hãy giúp con, để lưỡi con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ nói tiêu cực về người khác, nhưng biết có lời ủi an và tha thứ cho mọi người. Lạy Chúa, xin hãy giúp con để tay con biết xót thương và đầy những việc thiện; xin cho chân con biết xót thương, nhờ đó, con mau mắn giúp đỡ tha nhân, bất kể sự mệt nhọc và chán chường của bản thân. Xin hãy giúp con, để tim con biết xót thương, nhờ đó, chính con có thể chung chia mọi khổ đau của tha nhân. (Nhật Ký, 163).

Thông điệp Lòng Chúa thương xót là một kế hoạch sống rất cụ thể vì nó bao gồm hành động. Một trong những công việc rõ nhất của lòng thương xót, và có lẽ khó khăn nhất để đưa vào thực hành là tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta, những người đã làm chúng ta tổn thương hoặc những người khiến chúng ta xem họ như kẻ thù. “Đôi khi tha thứ thật khó khăn biết chừng nào! Thế nhưng, sự tha thứ lại là một khí cụ được đặt vào trong đôi tay yếu đuối của chúng ta để chúng ta tìm thấy được sự bình an của tâm hồn. Việc để lại đàng sau chúng ta sự oán hận, cơn tức giận và sự báo thù là điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc.” (Dung Nhan Lòng Thương Xót, 9).

Cha gặp rất nhiều bạn trẻ nói rằng họ mệt mỏi với thế giới đầy chia rẽ này, với những cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ phe phái khác nhau và gây ra nhiều cuộc chiến tranh, trong đó một số viện lý do tôn giáo để biện minh cho bạo lực. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để thương xót những ai gây tổn thương cho chúng ta. Chúa Giêsu trên thánh giá cầu nguyện cho những người đã đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34). Lòng thương xót là cách duy nhất để vượt thắng sự dữ. Công bằng là cần thiết, rất cần, nhưng tự nó lại không đủ. Công bằng và lòng thương xót phải song hành với nhau. Cha ước mong sao chúng ta có thể cùng nhau tham dự vào đoàn hợp xướng để cầu nguyện, từ sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta, để xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót chúng ta và toàn thế giới!

4. Krakow đang mong chờ chúng ta!

Chỉ một vài tháng nữa là chúng ta gặp nhau ở Ba Lan. Krakow là thành phố mà thánh Gioan Phaolô II và thánh Faustina Kowalska đang chờ đợi chúng ta với vòng tay và trái tim rộng mở. Cha tin rằng Thiên Chúa Quan Phòng dẫn dắt chúng ta đến quyết định cử hành Năm Thánh Giới Trẻ trong thành phố đó vốn là nhà của hai vị đại tông đồ của lòng thương xót trong thời đại chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II nhận ra rằng đây là thời đại của lòng thương xót. Vào đầu triều đại giáo hoàng của mình, Thánh nhân đã viết thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót”. Trong Năm Thánh 2000, Ngài đã phong thánh cho Chị Faustina và thiết lập ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, mà bây giờ diễn ra vào ngày Chúa Nhật II Phục Sinh. Trong năm 2002, đích thân Ngài đã cung hiến đền thờ kính Lòng Chúa Thương xót tại Krakow và ủy thác cả thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa, với ao ước rằng thông điệp này sẽ lan tỏa đến mọi dân tộc trên trần gian và lấp đầy tâm hồn của họ với niềm hy vọng: “Tia sáng này cần phải thắp lên bởi ân sủng của Thiên Chúa. Ngọn lửa tình thương này cần phải được chuyền đi cho thế giới. Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc!” (Bài giảng trong ngày lễ cung hiến đền thờ kính Lòng Chúa Thương xót tại Krakow,17-8-2002).

Các bạn trẻ thân mến, tại đền thờ ở Krakow dâng kính lòng thương xót của Chúa Giêsu, nơi Ngài được phác họa trong hình ảnh được dân Chúa tôn kính, Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng con. Ngài tin tưởng chúng con và đang tin cậy vào chúng con! Ngài có rất nhiều điều để nói với mỗi người chúng con…Đừng sợ nhìn vào ánh mắt đầy tình thương vô bờ của Ngài dành cho chúng con. Hãy mở lòng chúng con ra với ánh mắt từ nhân của ngài, vì Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi của chúng con. Một ánh mắt của Ngài có thể thay đổi cuộc sống và chữa lành vết thương trong tâm hồn của chúng con. Đôi mắt Ngài có thể làm dịu đi cơn khát ở thẳm sâu trong tâm hồn trẻ trung của chúng con, một cơn khát tình yêu, khát hòa bình, khát niềm vui và khát hạnh phúc đích thực. Hãy đến với Ngài và đừng sợ hãi! Hãy đến với Ngài và nói từ trong sâu thẳm lòng mình: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.” Hãy để cho lòng thương xót vô biên của Ngài chạm đến chúng con, để rồi đến lượt chúng con có thể trở thành những tông đồ của lòng thương xót bằng hành động, lời nói và cầu nguyện của chúng con trong thế giới của chúng con, vốn bị thương tích do lòng ích kỷ, hận thù và rất nhiều thất vọng.

Hãy mang theo chúng con ngọn lửa tình yêu thương xót của Chúa Kitô, như thánh Gioan Phaolô II nói, đi vào mọi môi trường sống hàng ngày của chúng con và cho đến tận cùng trái đất. Trong sứ mạng này, cha luôn ở với chúng con bằng lời động viên và lời cầu nguyện của cha. Cha phó thác tất cả chúng con cho Đức Maria là Mẹ của Lòng Thương Xót, để trong chặng hành trình cuối cùng này nhằm chuẩn bị tinh thần cho WYD sắp tới tại Krakow. Từ đáy lòng cha, cha chúc lành cho tất cả chúng con.

Vatican, ngày 15 tháng Tám năm 2015

Lễ Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Giáo Hoàng Phanxicô

Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Bản Anh ngữ: http://www.romereports.com/2015/09/28/full-pope-francis-message-for-world-youth-day-krakow
 
Thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và bà Kim Davis
Đặng Tự Do
06:47 02/10/2015
Sáng 02 tháng 10, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã ra một thông báo về cuộc họp ngắn giữa bà Kim Davis và Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du của ngài tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Toàn văn thông báo như sau:

Cuộc họp ngắn giữa bà Kim Davis và Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã và đang tiếp tục gợi lên những lời bình luận và tranh cãi. Để góp phần vào sự hiểu biết khách quan về những gì đã được biết đến, tôi có thể làm rõ những điểm sau đây:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ với vài chục người được Tòa Sứ Thần mời để chào đón ngài khi ngài chuẩn bị rời Hoa Thịnh Đốn để đến thành phố New York. Những cuộc chào hỏi ngắn gọn như vậy xảy ra trong tất cả các chuyến tông du của giáo hoàng theo lòng nhân lành đặc trưng của Đức Giáo Hoàng và thời gian ngài có thể dành ra được. Cuộc triều yết duy nhất thực sự do Đức Giáo Hoàng chỉ định tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh là với một sinh viên cũ của ngài và gia đình.

Đức Giáo Hoàng đã không đi sâu vào các chi tiết về tình trạng của bà Davis và cuộc họp của ngài với bà ấy không nên được coi là một hình thức hỗ trợ quan điểm của bà trong tất cả các khía cạnh cụ thể và phức tạp của nó.
 
Phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay Philadelphia – Rôma
VietCatholic Network
07:07 02/10/2015
Như chúng tôi đã đưa tin, chiều thứ Chúa Nhật 27 tháng 9, vào lúc 7:47 tối, Đức Thánh Cha đã rời Philadelphia để quay về Rôma. Trên chuyến bay, Đức Thánh Cha đã trả lời các câu hỏi của 11 ký giả.

Dưới đây là nội dung các câu hỏi của các nhà báo và những câu trả lời của Đức Thánh Cha.

Mở đầu cuộc họp báo Đức Thánh Cha nói:

Đức Phanxicô: Chào buổi tối tất cả các bạn và cám ơn các bạn vì đã đi khắp nơi này tới nơi nọ, tôi thì ngồi xe còn các bạn thì… xin cám ơn các bạn nhiều lắm.

Elizabeth Dias, Tạp Chí Time: Thưa Đức Thánh Cha, con xin cám ơn Đức Thánh Cha, con là Elizabeth Dias của tạp chí TIME. Tất cả chúng con đều rất tò mò… Đây là chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của Đức Thánh Cha. Điều gì làm Đức Thánh Cha ngạc nhiện về Hoa Kỳ và nó khác ra sao so với những gì Đức Thánh Cha có thể đã nghĩ tưởng?

Đức Phanxicô: Đây quả là chuyến thăm đầu tiên của tôi. Trước đây, tôi chưa đến đó bao giờ. Điều làm tôi ngạc nhiên là sự nồng hậu, sự nồng hậu của dân chúng, đáng yêu xiết bao. Thật là một điều đẹp đẽ và cũng dị biệt nữa: ở Washington việc nghinh đón nồng hậu nhưng hơi trịnh trọng hơn; New York thì có đôi chút hoa mỹ. Philadelphia thì hết sức diễn cảm. Ba loại nghinh đón khác nhau. Tôi rất cảm kích bởi sự tốt bụng và nghinh đón này nhưng cũng bởi các buổi lễ tôn giáo và lòng đạo đức nữa, tinh thần tôn giáo của dân chúng… các bạn có thể thấy người người ta cầu nguyện và điều này gây nhiều ấn tượng đối với tôi. Thật là đẹp.

Elizabeth Dias, Tạp chí Time: Có loại thách đố nào mà Đức Thánh Cha không nghĩ sẽ gặp ở Hoa Kỳ không?

Đức Phanxicô: Không, cám ơn Chúa, không… mọi sự đều tốt. Không có thách đố nào cả. Không có khiêu khích nào cả. Mọi người đều lịch thiệp. Không nhục mạ và không có gì tệ cả.

Elizabeth Dias, Tạp chí Time: Vậy, đâu là thách đố?

Đức Phanxicô: Chúng ta phải tiếp tục làm việc với các tín hữu, như chúng ta vốn làm xưa nay, cho tới nay. Đồng hành với người ta trong sự tăng trưởng của họ, trong những lúc thuận lợi lẫn trong những lúc khó khăn, đồng hành với ngườì ta trong niềm vui của họ và trong những thời khắc xấu của họ, trong những khó khăn của họ lúc không có việc làm, sức khỏe kém. Thách đố của Giáo Hội, thì nay tôi hiểu: thách đố của Giáo Hội là gần gũi người ta. Gần Hiệp Chúng Quốc… chứ không phải một Giáo Hội tách xa dân chúng, mà phải gần gũi họ, gần gũi, gần gũi, đây là điều mà Giáo Hội ở Hoa Kỳ đã hiểu và đã hiểu rõ.

David O’Reilly, Báo Philadelphia Inquirer: Thưa Đức Thánh Cha, như Đức Thánh Cha biết, Philadelphia đã có lúc gặp thời rất khó khăn vì nạn lạm dụng tình dục. Nó vẫn còn là vết thương mở toang tại đó. Nên con biết nhiều người tại Philadelphia ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha khuyến khích và an ủi các vị giám mục và con nghĩ nhiều người tại đó muốn hỏi tại sao Đức Thánh Cha lại cảm thấy cần phải tỏ cảm thương với các vị giám mục?

Đức Phanxicô: Ở Washington, tôi nói chuyện với mọi giám mục Hoa Kỳ… không phải các vị ở cả đó hay sao? Tôi cảm thấy cần bày tỏ cảm thương vì một điều thực sự đáng sợ đã xẩy ra. Và nhiều vị phải chịu mà không biết. Tôi đã dùng lời lẽ từ Thánh Kinh, Sách Khải Huyền: Các hiền huynh đến từ cuộc thống khổ lớn lao. Điều xẩy ra quả là một thống khổ lớn lao. Nhưng cũng là sự đau khổ (về xúc cảm). Điều hôm nay tôi đã nói với các nạn nhân bị lạm dụng. Tôi không nói tới một cuộc phong thần (apotheosis) mà là một cuộc phạm thánh. Ta biết lạm dụng diễn ra khắp nơi: trong gia đình, trong khu xóm, tại học đường, phòng thể dục. Nhưng khi một linh mục lạm dụng, thì đây là một lạm dụng hết sức trầm trọng vì ơn gọi của linh mục là làm cho bé trai ấy, bé gái ấy tăng trưởng hướng về tình yêu Thiên Chúa, hướng về sự trưởng thành, và hướng về điều thiện. Thay vào đó, sự tăng trưởng này bị nghiền nát, thì điều này gần như một tội phạm thánh vì vị linh mục này đã phản bội ơn gọi của mình, phản bội ơn gọi của Chúa. Vì thế, Giáo Hội rất mạnh về vấn đề này và không ai được che đậy những tội này. Những ai che đậy chúng đều có tội. Ngay một số giám mục cũng đã che đậy, đây là một điều đáng sợ và lời lẽ khuyến khích không phải là nói: “Khỏi lo, điều này chẳng có sao… không, không, không phải thế, nhưng nó xấu đến độ tôi tưởng các hiền huynh phải gào to chứ”… đó là ý hướng tôi muốn nói và hôm nay tôi nói một cách mạnh mẽ.

Maria Antonieta Collins, Univision: Đức Thánh Cha từng nói nhiều về sự tha thứ, rằng Thiên Chúa tha thứ cho ta và ta thường xin Người tha thứ. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha, sau khi Đức Thánh Cha ở chủng viện hôm nay. Có nhiều linh mục phạm tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên nhưng chưa hề xin các nạn nhân tha thứ cho mình. Đức Thánh Cha có tha thứ cho các vị này không? Và đàng khác, Đức Thánh Cha có hiểu: các nạn nhân hoặc thân nhân của họ không thể va nhất định không muốn tha thứ không?

Đức Phanxicô: Nếu một người làm sai, ý thức được điều mình làm mà lại không xin lỗi, thì tôi xin Thiên Chúa tính sổ họ. Tôi thì tôi tha thứ cho họ, nhưng họ không nhận được sự tha thứ, vì họ tự đóng cửa trước sự tha thứ này. Còn nhận được sự tha thứ hay không lại là chuyện khác. Nếu một linh mục tự đóng cửa trước tha thứ, thì ngài sẽ không nhận được nó, vì ngài đã đóng cửa từ bên trong. Điều còn lại là cầu xin Chúa mở cánh cửa đó. Muốn tha thứ, chị phải sẵn lòng. Nhưng không phải ai cũng nhận được hay biết cách nhận được nó, hay đơn thuần không sẵn lòng tiếp nhận nó. Điều tôi nói khá khó. Cho nên chị đã giải thích việc có những người đến cuối đời vẫn cứng lòng, một cách rất tệ, không nhận được sự dịu hiền của Thiên Chúa.

Maria Antonieta Collins, Univision: Về các nạn nhân hoặc thân nhân không tha thứ, Đức Thánh Cha có hiểu họ không?

Đức Phanxicô: Có, tôi hiểu họ. Và tôi không phê phán họ. Có một lần, trong các cuộc gặp gỡ này, tôi gặp một số người và tôi gặp một phụ nữ nói với tôi: “khi má con khám phá ra con bị lạm dụng, má con trở nên phạm thượng, mất luôn đức tin và chết như một người vô thần”. Tôi hiểu người phụ nữ ấy. Tôi hiểu ở đây. Và Thiên Chúa, Đấng tốt hơn tôi nhiều, hiểu bà ấy. Và tôi tin chắc người phụ nữ ấy đã được Thiên Chúa tiếp nhận. Vì điều bị lạm dụng, điều bị hủy hoại chính là huyết nhục của chính bà, huyết nhục con gái bà. Tôi hiểu bà ấy. Tôi không phán đoán người không thể tha thứ. Tôi chỉ biết cầu xin và tôi cầu xin Thiên Chúa… Thiên Chúa là vô địch trong việc tìm ra cách giải quyết. Tôi xin Người điều chỉnh việc ấy.

Andres Beltramo, Notimex: Cám ơn Đức Thánh Cha, trước nhất vì giây phút này. Tất cả chúng con đã được nghe Đức Thánh Cha nói nhiều về diễn trình hòa bình ở Colombia giữa FARC và chính phủ. Nay, đang có một thỏa hiệp lịch sử. Đức Thánh Cha có cảm thấy muốn can dự vào thỏa hiệp này hay không vì Đức Thánh Cha có lần cho hay Đức Thánh Cha muốn đi Colombia khi thỏa hiệp này được đưa ra, có đúng không ạ? Hiện nay, có nhiều người Colombia đang chờ Đức Thánh Cha .

Đức Phanxicô: Khi tôi nghe tin rằng vào tháng Ba thỏa hiệp sẽ được ký kết, tôi thưa với Chúa, “Lạy Chúa, xin giúp chúng con mau tới tháng Ba”. Sự sẵn lòng đã có đó giữa đôi bên. Nó đã có đó, dù trong một nhóm nhỏ, mọi người đã thỏa hiệp. Chúng ta phải tiến tới tháng Ba, để ký thoả hiệp dứt khoát, vốn là trọng điểm của công lý quốc tế. Tôi rất sung sướng và cảm thấy như mình là một thành phần của thỏa hiệp vì tôi luôn muốn có nó. Tôi đã nói với Tổng Thống Santos hai lần về vấn đề này. Không phải chỉ một mình tôi mà cả Tòa Thánh. Tòa Thánh luôn sẵn lòng giúp đỡ và làm những gì có thể.

Thomas Jansen, CIC: Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi một điều về cuộc khủng hoảng tỵ nạn tại Âu Châu. Nhiều nước đã dựng rào cản bằng kẽm gai. Đức Thánh Cha nghĩ gì về việc khai triển như thế?

Đức Phanxicô: Anh dùng chữ khủng hoảng. Nó trở thành khủng hoảng sau một diễn trình lâu dài. Trong nhiều năm, diễn trình này đã nổ tung vì các cuộc chiến tranh khiến những người này ra đi và trốn chạy là những cuộc chiến tranh đã diễn ra trong nhiều năm. Đói. Đói nhiều năm rồi. Khi tôi nghĩ tới Phi Châu… thì đây là quan điểm quá đơn sơ. Nhưng tôi coi nó như một điển hình. Tôi nghĩ tới Phi Châu, “lục địa bị bóc lột”. Họ tới đó lượm nô lệ, rồi các tài nguyên vĩ đại của nó. Nó là lục địa bị bóc lột. Và nay, chiến tranh, chiến tranh bộ lạc hay không bộ lạc. Nhưng họ có quyền lợi kinh tế ở phía sau các cuộc chiến tranh này. Và tôi nghĩ rằng thay vì bóc lột một lục địa hay một quốc gia, hãy đầu tư ở đó để người ta có thể làm việc, thì cuộc khủng hoảng này sẽ tránh được. Quả thực, như tôi đã nói trước Quốc Hội (Hoa Kỳ), đây là cuộc khủng hoảng tỵ nạn chưa từng thấy kể từ Thế Chiến Hai. Nó là cuộc khủng hoảng lớn nhất. Anh hỏi tôi về các rào cản. Anh biết điều gì xẩy ra cho mọi bức tường. Mọi bức. Mọi bức tường đều sụp đổ. Nay, mai hay trong một trăm năm nữa, chúng sẽ sụp đổ. Đó không phải là giải pháp. Tường không phải là một giải pháp. Vào lúc này đây, Âu Châu đang gặp khó khăn, đúng thế. Chúng ta phải thông minh. Chúng ta phải tìm ra các giải pháp. Chúng ta phải khuyến khích đối thoại giữa các quốc gia khác nhau, để tìm ra các giải pháp. Các bức tường không bao giờ là giải pháp cả. Nhưng các cầu thì luôn luôn, luôn là giải pháp.Tôi không biết. Điều tôi nghĩ là các bức tường có thể kéo dài trong một thời gian ngắn hay trong một thời gian dài. Vấn đề còn đó và hận thù thì vẫn nhiều hơn. Đó là điều tôi suy nghĩ.

Jean Marie Guenois, Báo Le Figaro: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha hiển nhiên không thể dự ứng cuộc thảo luận của các nghị phụ thượng hội đồng, chúng con biết rõ điều đó. Nhưng chúng con muốn biết ngay trước thượng hội đồng này, trong trái tim mục tử của Đức Thánh Cha, liệu Đức Thánh Cha có thực sự muốn một giải pháp cho người ly dị và tái hôn không. Chúng con cũng muốn biết liệu “tự sắc” của Đức Thánh Cha về việc làm nhanh diễn trình tuyên bố vô hiệu có đã đóng được cuộc thảo luận này chưa. Cuối cùng, Đức Thánh Cha trả lời ra sao cho những người sợ rằng việc cải tổ này, thực tế, đã tạo ra điều vốn được gọi là “ly dị kiểu Công Giáo”. Xin cám ơn Đức Thánh Cha.

Đức Phanxicô: Tôi xin bắt đầu với vấn đề cuối cùng. Trong việc cải tổ thủ tục và cách tôi đóng cửa đối với đường lối có tính hành chánh, là đường lối qua đó việc ly dị có thể được dẫn khởi. Các bạn có thể cho rằng những ai nghĩ đây là “ly dị theo kiểu Công Giáo” là sai, vì văn kiện mới nhất đã đóng cửa đối với việc ly dị. Vì với phương thức hành chánh, rất dễ ly dị. Sẽ luôn luôn có phương thức pháp lý. Tiếp đến câu hỏi thứ ba: văn kiện… tôi không nhớ câu hỏi thứ ba nhưng bạn có thể sửa sai.

Jean Marie Guenois, Báo Le Figaro: Câu hỏi là về ý niệm ly dị theo kiểu Công Giáo, liệu tự sắc có đã đóng cửa cuộc tranh luận trước khi có thượng hội đồng về chủ đề này chưa.

Đức Phanxicô: Điều này đã được đa số nghị phụ của thượng hội đồng năm ngoái yêu cầu: giản dị hóa thủ tục vì có những vụ kéo dài cả mươi, mười lăm năm, không đúng sao? Phán quyết thứ nhất rồi lại phán quyết thứ hai, và sau đó, còn kháng án nữa, hết kháng án này tới kháng án nọ. Không bao giờ chấm dứt. Phán quyết kép, khi việc kháng án có giá trị, đã được ấn định bởi Đức Thánh Cha Lambertini, tức Đức Bênêđíctô XIV, vì ở miền trung Âu Châu, tôi sẽ không nói nước nào, có nhiều lạm dụng, và để chấm dứt các lạm dụng này, ngài đã đưa ra thể thức này nhưng nó không phải là điều chủ yếu đối với diễn trình. Thủ tục thay đổi, pháp chế thay đổi, trở nên tốt hơn. Vào thời đó, cần thiết phải làm như thế, rồi Đức Piô X muốn hợp lý hóa và đưa ra một số thay đổi nhưng ngài không có thì giờ hay khả năng làm điều này. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng yêu cầu việc hợp lý hóa này, tức làm nhanh chóng diễn trình tuyên bố vô hiệu. Và tôi dừng ở đó. Văn kiện này, “tự sắc” này làm dễ diễn trình và vấn đề thì giờ, nhưng đây không phải là ly dị vì hôn nhân là bất khả tiêu nếu là bí tích. Và điều này Giáo Hội không thể thay đổi. Đây là tín lý. Đây là bí tích bất khả tiêu. Xử theo luật là chứng minh rằng điều xem ra là bí tích thực ra không phải là bí tích, vì thiếu tự do chẳng hạn, hay thiếu chín chắn, hoặc mắc bệnh tâm thần. Có thật nhiều lý do để tuyên bố vô hiệu, sau khi đã nghiên cứu, điều tra. Rằng đó không hề là bí tích. Thí dụ, người ta không được tự do. Một thí dụ khác: bây giờ thì không thông thường lắm nhưng trong một số khu vực của xã hội bình thường, ít nhất tại Buenos Aires, có những đám cưới lúc người đàn bà có thai: “mày phải được cưới hỏi”. Ở Buenos Aires, tôi đã khuyến cáo các linh mục, một cách mạnh mẽ, gần như ngăn cấm họ cử hành các đám cưới trong những điều kiện như thế. Chúng ta gọi những đám cưới này là “đám cưới cấp tốc”, phải không? Để che đậy mặt mũi. Rồi các trẻ thơ sinh ra đời, một số vụ xong xuôi nhưng không hề có tự do và rồi sự việc dần dần ra tồi tệ khiến họ chia tay mà nói “tôi bị bó buộc phải kết hôn vì chúng tôi phải che đậy tình huống này nọ” và đây là một lý do để tuyên bố vô hiệu. Rất nhiều lý do như thế. Các vụ vô hiệu, các bạn có, các bạn có thể tìm thấy các lý do này trên liên mạng, nhiều lắm, đúng không? Rồi vấn đề các đám cưới lần thứ hai, của những người ly dị, tạo ra một cuộc kết hợp mới. Các bạn đọc gì, các bạn có “Tài Liệu Làm Việc”, điều được đưa vào cuộc tranh luận, đối với tôi, xem ra hơi quá đơn giản hóa khi nói rằng Thượng Hội Đồng là giải pháp cho những người này và những người này có thể được rước lễ. Đây không phải là giải pháp duy nhất. Không, điều được “Tài Liệu Làm Việc” đề nghị nhiều hơn thế nhiều, và vấn đề kết hợp mới của các người ly dị cũng không phải là vấn đề duy nhất. Trong “Tài Liệu Làm Việc” còn nhiều vấn đề hơn nữa. Thí dụ, giới trẻ không chịu kết hôn chẳng hạn. Họ không muốn kết hôn. Đây là một vấn đề mục vụ đối với Giáo Hội. Một vấn đề khác: tính chín chắn về xúc cảm để kết hôn. Một vấn đề khác nữa: đức tin. “con có tin rằng cuộc hôn nhân này vĩnh viễn không? Có, có, có, con tin”. "Nhưng con có tin điều này không?" tức việc chuẩn bị hôn nhân: tôi thường hay nghĩ rằng để trở thành một linh mục, người ta cần chuẩn bị tới 8 năm, ấy thế nhưng đâu có gì là nhất định, Giáo Hội vẫn có thể cất cái bậc giáo sĩ khỏi bạn. Nhưng đối với 1 điều kéo dài suốt đời, họ làm tới 4 khóa! Bốn lần… Hẳn có điều gì không đúng ơ đây. Đó là điều Thượng Hội Đồng phải đối phó: phải chuẩn bị hôn nhân như thế nào. Đây là một trong những điều hết sức khó khăn.

Có nhiều vấn đề, tất cả đều đã được liệt kê trong “Tài Liệu Làm Việc”. Nhưng, tôi thích bạn hỏi về chuyện “ly dị theo kiểu Công Giáo”. Thứ đó không hề có. Đây cũng không phải là hôn nhân, đây là tính vô hiệu, nó không hề hiện hữu. Mà nếu hôn nhân đã hiện hữu, thì nó bất khả tiêu. Điều này rõ ràng. Cám ơn bạn.

Terry Moran, Hãng Tin ABC News: Thưa Đức Thánh Cha, xin cám ơn Đức Thánh Cha, xin cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều và xin cám ơn cả các nhân viên Tòa Thánh nữa. Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có đến thăm Các Dì Dòng Tiểu Muội Người Nghèo và chúng con được nghe rằng Đức Thánh Cha muốn chứng tỏ sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha đối với họ và đối với vụ kiện của họ trước tòa. Và, thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có hỗ trợ cả các cá nhân nào, kể luôn các viên chức chính phủ, nói rằng trong lương tâm tốt lành của họ, lương tâm bản thân của họ, họ không thể tuân hành một số luật lệ hay thi hành các bổn phận của họ trong tư cách viên chức chính phủ, như trong việc cấp chứng chỉ hôn thú cho các cặp đồng tính chẳng hạn. Đức Thánh Cha có hỗ trợ các loại chủ trương tự do tôn giáo này không?

Đức Phanxicô: Tôi không thể lưu ý được mọi trường hợp hiện có về phản đối lương tâm. Nhưng, có, tôi có thể nói phản đối lương tâm là một quyền, một phần của mọi nhân quyền. Nó là một quyền. Và nếu một người không để người khác phản đối lương tâm, họ đã bác bỏ một quyền. Việc phản đối lương tâm phải được đưa vào mọi cơ cấu pháp lý vì nó là một quyền, một nhân quyền. Nếu không, kết cục chúng ta sẽ rơi vào tình huống mình có thể quyết đoán điều gì là quyền (điều gì không) bằng cách nói “quyền này đáng, quyền này không”. Nó là một nhân quyền. Tôi luôn luôn xúc động mỗi lần đọc, và tôi đọc nhiều lần lắm, mỗi lần đọc “Bài Ca Roland” (“Chanson de Roland”) trong đó mọi người đang ở trên chiến tuyến và trước mặt họ là giếng rửa tội và họ buộc phải chọn giữa giếng rửa tội và thanh gươm. Họ buộc phải chọn. Họ không được quyền phản đối lương tâm. Nó là một quyền và nếu ta muốn có hòa bình, ta phải tôn trọng mọi thứ quyền.

Terry Moran, Hãng tin ABC News: Điều đó có bao gồm cả các viên chức chính phủ nữa không?

Đức Phanxicô: Nó là một nhân quyền và nếu viên chức chính phủ nào là con người nhân bản, thì họ đều có quyền này cả. Nó là một nhân quyền.

Stefano Maria Paci, Hãng tin Sky News: Thưa Đức Thánh Cha, tại Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha đã sử dụng các lời lẽ rất mạnh để tố cáo sự im lặng của thế giới đối với việc bách hại các Kitô hữu, là những người đang bị tước đoạt nhà cửa, bị tống xuất, bị tước đoạt tài sản, bị bắt làm nô lệ và bị sát hại dã man kiểu cầm thú. Hôm qua, Tổng Thống Hollande công bố việc khởi đầu chiến dịch Pháp oanh kích các căn cứ của ISIS tại Syria. Đức Thánh Cha nghĩ gì về hành động quân sự này? Thị trưởng Rôma, thành phố của Năm Thánh (thương xót), cũng tuyên bố rằng ông đến Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới vì Đức Thánh Cha mời ông. Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết đôi điều về việc này không?

Đức Phanxicô: Tôi sẽ bắt đầu với câu hỏi thứ hai của anh. Tôi không mời Thị Trưởng Marino. Điều này rõ chứ? Tôi không mời và tôi có hỏi các người tổ chức và họ cũng không mời. Ông ấy đến. Ông ấy tuyên bố ông là người Công Giáo và ông ấy đến một cách tự phát. Đó là việc đầu tiên. Nhưng điều này rõ chứ hả? Và bây giờ về chuyện oanh kích. Quả thực, tôi có nghe tin tức vào hôm kia, nhưng chưa đọc về tin này. Tôi không biết nhiều về tình hình. Tôi được nghe: Nga đã đưa ra lập trường và chưa rõ về Hiệp Chúng Quốc. Tôi thực không biết phải nói gì vì tôi không hiểu trọn vẹn tình hình. Nhưng khi nghe chữ ném bom, chết chóc, máu xương… tôi nhắc lại những điều đã nói tại Quốc Hội Hoa Kỳ và tại Liên Hiệp Quốc, để tránh các điều này. Nhưng tôi không biết, tôi không thể phán đoán tình hình chính trị vì tôi không biết đủ về nó.

Miriam Schmidt, Thông Tấn Đức DPA: Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi một câu về mối liên hệ của Tòa Thánh với Trung Hoa và tình hình tại nước này cũng rất khó khăn cho Giáo Hội Công Giáo. Đức Thánh Cha nghĩ gì về việc này?

Đức Phanxicô: Trung Hoa là một nước lớn cung hiến cho thế giới một nền văn hóa vĩ đại, rất nhiều điều tốt đẹp. Có lần tôi đã nói trên chuyến máy bay bay qua Trung Hoa lúc từ Đại Hàn trở về rằng tôi rất muốn tới Trung Hoa. Tôi yêu mến dân tộc Trung Hoa và tôi hy vọng có thể có những liên hệ tốt đẹp, những liên hệ thật tốt đẹp. Chúng tôi đang liên lạc với nhau, đang nói chuyện với nhau, đang tiến lên với nhau nhưng đối với tôi, có một người bạn từ một đất nước như Trung Hoa, một nước có rất nhiều văn hóa và có rất nhiều cơ hội để làm việc tốt, quả là một niềm vui.

Maria Sagrarios Ruiz de Apodaca, RNE: Xin cám ơn Đức Thánh Cha. Xin kính chào Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha vừa thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên, trước đây, Đức Thánh Cha chưa bao giờ ở đó. Đức Thánh Cha đã nói chuyện trước Quốc Hội, Đức Thánh Cha đã nói chuyện trước Liên Hiệp Quốc. Đức Thánh Cha lôi cuốn nhiều đám đông. Đức Thánh Cha có cảm thấy mình mạnh hơn không? Và một câu hỏi nữa, chúng con nghe Đức Thánh Cha đã kéo sự chú ý của người ta tới vai trò của các nữ tu, của phụ nữ nói chung trong Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Liệu một ngày kia chúng con có được thấy linh mục phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo như một vài nhóm ở Hoa Kỳ đòi hỏi, và như một số Giáo Hội Kitô Giáo đã có không?

Đức Phanxicô: Ngài (có ý chỉ cha Federico Lombardi) bảo tôi đừng trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha. Các nữ tu tại Hoa Kỳ đã thực hiện những kỳ công trong lãnh vực giáo dục, trong lãnh vực y tế. Dân chúng Hoa Kỳ yêu mến các dì. Tôi không rõ họ yêu mến các linh mục đến đâu (cười) nhưng họ yêu mến các nữ tu, yêu mến lắm. Các dì vĩ đại, các dì là các phụ nữ vĩ đại, vĩ đại, thật vĩ đại. Rồi, ai cũng phải theo cộng đoàn của mình, theo luật dòng của mình, nên mới có dị biệt. Nhưng hết thẩy đều vĩ đại. Và vì lý do đó, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải cám ơn các bạn vì những gì các nữ tu đã thực hiện. Một vị quan trọng trong chính phủ Hoa Kỳ nói với tôi mấy hôm trước rằng: “nền giáo dục con có được con mang ơn các nữ tu hơn hết”. Các chị làm việc với người nghèo và trong các bệnh viện. Đó là việc đầu tiên. Còn việc thứ hai? Tôi nhớ việc thứ nhất, còn việc thứ hai?

Maria Sagrarios Ruiz de Apodaca, RNE: Đức Thánh Cha có cảm thấy mạnh hơn sau khi đã ở Hoa Kỳ với một thời khóa biểu như thế và đã thành công như thế?

Đức Phanxicô: Tôi không biết tôi có thành công hay không, không. Nhưng tôi sợ chính tôi. Sao tôi lại sợ mình? Không biết nữa, nhưng tôi luôn cảm thấy mình yếu đuối theo nghĩa không có sức mạnh và sức mạnh chỉ là điều thoáng qua, ở đây hôm nay, ngày mai mất dạng. Bạn có dùng sức mạnh để làm điều tốt hay không mới là điều quan trọng. Và Chúa Giêsu đã định nghĩa sức mạnh, sức mạnh thật sự là để phục vụ, là để phụng sự, là để thực hiện các phục dịch khiêm tốn nhất, và tôi vẫn còn đang tiến bộ trên nẻo đường phục vụ này vì tôi cảm thấy tôi chưa làm được hết những gì tôi nên làm. Đó là cảm thức của tôi về sức mạnh.

Thứ ba, về linh mục phụ nữ, điều này không thể thực hiện được. Sau nhiều cuộc thảo luận lâu dài, lâu dài và thấu đáo, sau nhiều suy nghĩ rất lung, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói rõ như thế. Không phải vì phụ nữ không có khả năng. Các bạn coi mà xem, trong Giáo Hội, phụ nữ quan trọng hơn nam giới, vì Giáo Hội là một phụ nữ. (Trong tiếng Ý) Người ta gọi “La chiesa” chứ không “il Chiesa”. Giáo Hội là nàng dâu của Chúa Giêsu Kitô. Và Đức Mẹ thì quan trọng hơn các giáo hoàng, các giám mục và các linh mục nhiều lắm. Tôi phải nhìn nhận rằng chúng ta hơi chậm trễ trong việc khai triển nền thần học về phụ nữ. Chúng ta phải thúc đẩy cho nền thần học này tiến tới. Vâng, điều này đúng.

Mathilde Imberty, Đài Phát Thanh Radio France: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã trở thành một vì sao ở Hoa Kỳ. Có tốt cho Giáo Hội hay không khi Đức Giáo Hoàng là một vì sao?

Đức Phanxicô: Đức Giáo Hoàng phải… Chị có biết tước hiệu Giáo Hoàng nào nên được sử dụng không? Đầy Tớ của các đầy tớ Thiên Chúa. Tước hiệu này có khác đôi chút với các vì sao. Các vì sao rất đẹp để ngắm. Tôi thích ngắm chúng vào mùa hè khi bầu trời thanh quang. Nhưng vị Giáo Hoàng thì phải, thì phải là đầy tớ các đầy tớ của Thiên Chúa. Vâng, trong các phương tiện truyền thông, điều này đang xẩy ra nhưng cũng có một sự thật khác. Biết bao vì sao được ta chứng kiến đã tắt ngúm và rơi rụng. Một điều thoáng qua. Mặt khác, làm đầy tớ các đầy tớ của Thiên Chúa thì là một điều không thoáng qua chút nào.
 
Nhịp cầu lòng nhân đạo
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:13 02/10/2015
Nhịp cầu lòng nhân đạo

Từ khi chiến tranh nội chiến năm 2011 bên vùng Trung Đông, cụ thể ở bên nước Syria, Libya bùng nổ ngày càng khốc liệt, và những người Hồi giáo cực đoan tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo ISS thẳng tay xua đuổi, đàn áp chém giết dã man những người Kito giáo, những người tín hữu Jesiden, những người Kurden, đã đẩy người dân những nơi đó tìm cách chạy trốn bằng mọi phương tiện đi tìm nơi tỵ nạn an toàn trú ẩn ngày càng nhiều cùng bi thảm.

Làn sóng người tỵ nạn từ vùng Trung Đông trước hết bằng đường bộ vượt qua vùng sa mạc, đồi núi, rồi bằng tầu thuyền vượt biển ngang qua biển Địa trung hải cực kỳ nguy hiểm sang bên Âu châu ngày càng nhiều, ngày càng thảm khốc. Như tấm hình cậu bé Aylan Kurdi ba tuổi bị đắm tầu chết đuối trên đường vượt biển trôi dạt vào bờ biển Thổ nhĩ Kỳ đã làm rúng động lương tâm mọi người trên thế giới.

Những người tỵ nạn để được lên tầu thuyền vượt biển, họ bị lợi dụng làm tiền, bị chèn ép bóc lột hành hạ. Rồi bị dồn vào khoang thuyền chật hẹp thả cho ra khơi giữa lòng đại dương sóng gío mênh mông. Những hình ảnh bi thảm thương tâm cảnh người vượt biên bằng tầu thuyền này được các hệ thống thông tin hằng ngày đưa tin trình chiếu trên các hệ thống truyền hình truyền thanh khắp nơi thế giới.

Làn sóng người tỵ nạn này đã đang trở thành thảm họa về lòng nhân đạo cho thế giới. Những con người bơ vơ trong bước đường cùng khốn khổ cần hơn khi nào hết được cứu giúp đón nhận cho đời sống có an ninh bảo đảm và niềm hy vọng.

Thấy người lại nhớ đến thân mình. Chúng ta những người Việt Nam đang sinh sống bên các xã hội đất nước Âu châu cũng đã trải qua bước đường tỵ nạn, cùng đã được các quốc gia nơi đây đón nhận cho vào định cư sinh sống xây dựng lại đời sống từ hơn kém 30 năm qua.

Chúng ta cám ơn Thiên Chúa, cám ơn Thượng Đế đã cho chúng ta tìm được nơi chốn bình an về đời sống tinh thần lẫn cả thể xác, và cám ơn dân tộc đất nước đã tiếp nhận cho chúng ta cơ hội rất tốt xây dựng lại đời sống.

Chúng ta hướng lòng về những người đang trên bước đi tỵ nạn với lòng thương cảm tình liên đới, cùng cầu xin cho họ sớm tìm được nhịp cầu lòng nhân đạo đến sinh sống nơi những quốc gia đất nước có an ninh bảo đảm cho đời sống.

Bỏ đi những khác hiệt về văn hóa, về tôn giáo, về chính trị kinh tế, nhiều nước bên Âu châu đã giang rộng vòng tay đón nhận họ, như nước Ý, nước Hylạp, nước Đức, nước Áo… Nhưng cũng có nhiều nước ở Âu châu do dự giới hạn, hay không muốn nhận họ.

Bà Thủ tướng nước Đức Angela Merkel đã quyết định nhận hàng trăm ngàn người tỵ nạn đó vào sống trong xã hội nước Đức, cho dù bị phê bình chỉ trích cùng bị phản đối… Khi được hỏi sẽ thu nhận bao nhiêu người tỵ nạn, Bà thẳng thắn trả lời: Lòng nhân đạo cho người tỵ nạn không có giới hạn vào con số!

Phương thức mở rộng cánh cửa đón nhận người tỵ nạn và câu trả lời của Bà Thủ Tướng Merkel thể hiện cụ thể rõ ràng đức bác ái của nếp sống Kitô giáo cùng rất nhân bản của một dân tộc vừa giầu có vật chất, vừa giầu cả tinh thần. Xin ngả mũ cúi đầu với lòng kính phục.

Trong Kinh Thánh nơi sách Xuất hành, Thiên Chúa nói với dân Do Thái: „ Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập.“ Xh 23,9.

Nhịp cầu lòng nhân đạo là luật lệ cho đời sống.

Đức Giáo Hoàng Phanxico hằng kêu gọi mọi người, nhất là người Công Giáo phải thực thi lòng nhân đạo bác ái với những người tỵ nạn

“Anh chị em thân mến, người ta nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua các việc làm của chúng ta, như cuộc sống của chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta mà chúng ta tưởng niệm ngày qua đời hôm 5 tháng 9 này.

Đứng trước thảm trạng hàng chục ngàn người tị nạn trốn chạy cái chết vì chiến tranh và đói và họ đang hành trình tiến về cuộc sống hy vọng, Tin Mừng kêu gọi chúng ta, yêu cầu chúng ta hãy trở thành ”những người thân cận của những ngừơi bé nhỏ nhất và bị bỏ rơi, mang lại cho họ một niềm hy vọng cụ thể.

Nếu chỉ nói ‘Can đảm lên, hãy kiên nhẫn!..’ mà thôi thì chưa đủ. Niềm hy vọng Kitô có sức phấn đấu, với sự kiên trì của người đang tiến về một mục tiêu chắc chắn. Vì thế, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến gần, tôi kêu gọi các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và Đền thánh ở toàn Âu Châu hãy biểu lộ sự cụ thể của Tin Mừng và đón tiếp một gia đình tị nạn. Đó là một cử chỉ cụ thể để chuẩn bị cho Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi đan viện, mỗi đền thánh ở Âu Châu hãy tiếp nhận một gia đình, bắt đầu từ giáo phận Rôma của tôi.

Tôi ngỏ lời với các anh em Giám Mục Âu Châu của tôi, là những chủ chăn đích thực, để các vị hỗ trợ lời kêu gọi này của tôi trong các giáo phận của các vị, nhớ rằng Lòng Thương Xót là danh xưng thứ hai của Tình Yêu: ‘Tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy’ (Mt 25,40).

Cả hai giáo xứ ở Vatican cũng sẽ đón nhận 2 gia đình tị nạn trong những ngày này. (Kinh truyền tin ngày 6.9.2015).

Và trước đó năm 2013 khi Đức Thánh Cha đến thăm “Centro Astalli” là Trung tâm tị nạn ở Rôma do các linh mục dòng Tên điều hành, ngài mạnh mẽ kêu gọi:
“Chúa đã kêu gọi chúng ta sống với lòng can đảm và lòng hiếu khách quảng đại hơn trong các cộng đoàn, trong các nhà và trong các tu viện không dùng đến. Anh chị em nam nữ tu sĩ thân mến, các tu viện không dùng đến của anh chị em không có ích gì cho Giáo Hội nếu chúng được biến thành khách sạn để kiếm tiền.

Các tu viện không dùng đến không thuộc về anh chị em, nhưng là xác thịt của Chúa Kitô cho những người tị nạn. Chúa mời gọi chúng ta sống với lòng can đảm và rộng lượng lớn hơn, để đón nhận những người tị nạn trong cộng đoàn, nhà ở và các tu viện bỏ hoang.

Điều này tất nhiên không phải là một điều gì đó đơn giản; nó đòi hỏi một tiêu chuẩn và trách nhiệm, nhưng cả lòng can đảm nữa. Chúng ta làm rất nhiều, nhưng có lẽ chúng ta được kêu gọi để làm nhiều hơn nữa, chấp nhận và chia sẻ với những người mà Chúa Quan Phòng đã gởi đến cho chúng ta phục vụ cụ thể”. (Ngày 10 tháng 9 2013)

Nhịp cầu lòng đạo đức con người bắc nối liền con người lại với nhau

Dân tộc xã hội nước Đức đón nhận những người tỵ nạn vào cùng sinh sống theo chiều kích lòng nhân đạo bác ái và văn hóa. Nên họ đã chào đón người tỵ nạn với khẩu hiệu“ Willkommenskultur“.

Thật là một nhịp cầu đầy lòng nhân đạo bác aí, và khởi sắc nét văn hóa cho hôm nay cùng ngày mai.

Chúng ta tất cả được kêu mời để cùng chung bắc nhịp cầu này, và cùng đi trên nhịp cầu đó.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Bài giảng tại Santa Marta: Hãy kính mến và lắng nghe Thiên Thần Hộ Thủ
Đặng Tự Do
16:40 02/10/2015
Thiên Chúa ban cho tất cả mỗi người chúng ta một Thiên Thần Hộ Thủ để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế để khuyên nhủ và bảo vệ chúng ta. Chúng ta nên lắng nghe với sự nhu mì và kính trọng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 02 tháng Mười, lễ Thiên Thần Hộ Thủ, tại nhà nguyện Santa Marta.
Bài giảng của Đức Thánh Cha trình bày những suy niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, và mô tả các thiên thần là đại sứ của Thiên Chúa, là Đấng đồng hành với mỗi người chúng ta. Đức Thánh Cha đã chứng minh điều này khi nhắc lại những gì xảy ra khi Chúa đuổi ông A dong ra khỏi vườn địa đàng: Ngài không để ông A dong bơ vơ một mình cũng chẳng nói với ông: “Hãy tự lo cho bản thân ngươi đi”, nhưng Chúa ban cho tất cả mọi người một Thiên Thần Hộ Thủ của Thiên Chúa, là Đấng đang ở bên cạnh chúng ta.

Đại sứ của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta

“Vị ấy luôn ở với chúng ta! Và đây là một thực tế. Giống như có đại sứ của Thiên Chúa ở với chúng ta. Và Chúa khuyên chúng ta: ‘Hãy tôn trọng sự hiện diện của ngài!’ Chẳng hạn, khi chúng ta phạm một tội lỗi, chúng ta tin rằng chúng ta chỉ có một mình, không ai biết, chẳng ai hay. Không, ngài đang ở đó. Hãy tôn trọng sự hiện diện của ngài. Hãy lắng nghe tiếng nói của ngài vì ngài cho chúng ta lời khuyên. Khi chúng ta nghe những lời dụ dỗ: ‘Nhưng hãy cứ làm điều này đi... điều này là tốt hơn. ..’ chúng ta đừng làm điều đó nhưng hãy lắng nghe tiếng nói của Thiên Thần Hộ Thủ! Đừng chống lại ngài.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói các Thiên Thần Hộ Thủ luôn luôn bảo vệ chúng ta, đặc biệt khỏi các tội lỗi. Ngài lưu ý rằng “Đôi khi, chúng ta tin rằng chúng ta có thể che dấu rất nhiều điều xấu xa nhưng cuối cùng những điều như thế vẫn bị đưa ra trước ánh sáng. Thiên Thần hiện diện mọi nơi để nhủ bảo chúng ta và che chở cho chúng ta như một người bạn thân thiết. Một người bạn chúng ta không nhìn thấy nhưng chúng ta có thể nghe được tiếng nói của ngài vang lên trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta, một người bạn một ngày kia sẽ ở cùng chúng ta trong niềm vui vĩnh cửu của Thiên Đàng.”

Tôn trọng và lắng nghe ngài

“Tất cả điều ngài đòi hỏi nơi chúng ta là lắng nghe và tôn trọng ngài. Tất cả chỉ tóm gọn trong sự tôn trọng và lắng nghe ngài. Sự tôn trọng và lắng nghe người bạn đồng hành này trong cuộc hành trình của chúng ta được gọi là sự nhu mì. Các Kitô hữu phải nhu mì trước Chúa Thánh Thần. Nhu mì hướng về Chúa Thánh Thần bắt đầu với sự tuân phục những lời khuyên của ngài trong cuộc hành trình của chúng ta”

Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng để nhu mì, chúng ta cần phải trở nên như trẻ thơ và Thiên Thần Hộ Thủ của chúng ta là một người bạn đồng hành dạy ta sự khiêm nhường này và cũng giống như các trẻ thơ chúng ta vâng nghe lời ngài.

“Xin cho chúng ta biết cầu xin cùng Chúa cho ân sủng của sự nhu mì này, để lắng nghe tiếng nói của người bạn đồng hành này, tiếng nói của vị đại sứ của Thiên Chúa, là Đấng đồng hành với chúng ta nhân danh Ngài và xin cho chúng ta có thể được nâng đỡ bởi sự trợ giúp của Thiên Thần Hộ Thủ. Chúng ta phải tiến tới trong cuộc hành trình. Và trong Thánh Lễ này, nơi chúng ta ca ngợi Chúa, chúng ta hãy nhớ Thiên Chúa tốt lành dường bao, ngay sau khi chúng ta đánh mất tình bạn với Ngài, Thiên Chúa không để chúng ta bơ vơ lạc lõng. Ngài không bỏ rơi chúng ta.”
 
Đức Tổng Giám Mục Jacques Behnan Hindo: Người Mỹ nên để yên cho người Nga giúp Syria!
Đặng Tự Do
22:49 02/10/2015
Trong một phản ứng tiêu biểu cho sự ngao ngán và thất vọng của người dân Syria trước đường lối chiến tranh của Mỹ tại Syria, Đức Tổng Giám Mục Jacques Behnan Hindo của tổng giáo phận Hassaké, Syria cho rằng người Mỹ chỉ muốn kéo dài nỗi thống khổ của người dân Syria.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm 2 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục của Công Giáo nghi lễ Syria nói:

“Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain phản đối người Nga, nói rằng người Nga không ném bom vào các vị trí của quân khủng bố Hồi Giáo IS, mà chỉ nhắm vào quân nổi dậy chống Assad được đào tạo bởi CIA. Tôi thấy những lời này thật đáng sợ. Chúng tiêu biểu cho một sự thừa nhận trắng trợn rằng đằng sau cuộc chiến chống lại Assad lại là CIA”.

Đức Tổng Giám mục Jacques Behnan Hindo đã nói với thông tấn xã Fides như trên khi được hỏi về nhận định của ngài liên quan đến diễn biến gần đây trong cuộc xung đột Syria, đánh dấu bằng sự can thiệp trực tiếp của các lực lượng quân sự Nga, cụ thể là cuộc không kích bắt đầu từ hôm thứ Tư 30 tháng 9 và vẫn đang tiếp diễn.
Truyền thông phương Tây kết tội Nga thả bom bừa bãi vào thường dân vô tội
Đức Cha nhận định tiếp rằng: “Tuyên truyền của phương Tây cứ nói về một thứ phiến quân ôn hòa. Đó là những người không hề hiện hữu. Tôi thấy có một điều thật sự đáng lo ngại. Tại sao một siêu cường đã từng bị al-Qaeda tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 lại đi phản đối người Nga vì họ tấn công các lực lượng dân quân của al-Qaeda ở Syria. Thế có nghĩa là gì? Al-Qaeda lại là một đồng minh của Mỹ, chỉ vì tại Syria này nó có một cái tên khác chăng? Hay họ thực sự đang coi thường trí thông minh của chúng tôi và bộ nhớ của chúng tôi?”

Trong cuộc phỏng vấn với Fides, Đức Tổng Giám mục Hindo lặp đi lặp lại rằng “Syria sẽ quyết định nếu và khi nào Assad phải ra đi, chứ không phải là Daesh hay phương Tây. Và chắc chắn rằng nếu Assad ra đi ngay bây giờ, Syria sẽ trở nên giống hệt như Libya”.

Daesh là từ viết tắt của tiếng Ả rập chỉ quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Đức Tổng Giám Mục cảnh báo: “Chúng tôi đã nhận được những tin tức khủng khiếp từ thành phố Deir al Zor, bị bao vây bởi Daesh trong một thời gian dài. Bây giờ, họ không có nhiều thức ăn, và dân chúng sắp chết đói. Chúng ta cần phải làm một cái gì đó ngay lập tức, trước khi quá muộn”

Nhiều người dân tại thủ đô Damascus bày tỏ hy vọng tràn trề nơi người Nga. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát bày tỏ quan ngại rằng Nga can thiệp quân sự vào Syria với nhiều ý đồ chính trị trong đó có việc mặc cả với Tây phương về số phận của Ukraine.
 
Giao tranh dữ dội bùng lên tại Cộng Hòa Trung Phi nơi Đức Thánh Cha sẽ tông du vào tháng 11
Đặng Tự Do
20:12 02/10/2015
Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết các giáo xứ Công Giáo và các tổ chức khác đang chăm sóc cho ít nhất 5,000 người phải chạy nạn do chiến sự mới bùng lên trở lại tại Cộng hòa Trung Phi.

Theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Kenya, Uganda, và Cộng hòa Trung Phi trong tháng Mười Một.
Tình cảnh bi đát của dân chúng chạy giặc Hồi Giáo Séneka
Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga của thủ đô Bangui, nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu tại quốc gia này bày tỏ âu lo là chuyến tông du của Đức Thánh Cha có nhiều khả năng phải hủy bỏ. Ám chỉ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong vùng, Đức Cha nói:

“Cộng đồng quốc tế hoạt động ở đây có vẻ thụ động hoặc không có khả năng gìn giữ hòa bình.”

Một lịch trình đầy đủ về chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại vùng này sẽ được công bố trong vài ngày tới đây. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Charles Daniel Balvo, sứ thần tại Kenya, nói với Đài phát thanh Vatican rằng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng sẽ bắt đầu tại Nairobi, thủ đô của Kenya. Từ Nairobi, ngài sẽ sang Kampala, thủ đô của Uganda; và kết thúc chuyến đi tại Bangui, thủ đô của Cộng hòa Trung Phi.
 
Hậu Tông Du Hoa Kỳ
Vũ Văn An
22:20 02/10/2015
Đức Phanxicô đã trở về Rôma và tái tục các sinh hoạt thường lệ của ngài, nhưng chuyến tông du của ngài tại Cuba và Hoa Kỳ tiếp tục được nhận định, thường là tích cực.

Thay đổi lối nhìn của người ta

Hãng tin Zenit tường trình nhận định của ba nhà báo từng tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến tông du trên, đó là Valentina Alazraki, người Mễ Tây Cơ, và hai ký giả Mỹ Frank Rocca và Alan Holdren.

Alazraki cho rằng chuyến tông du của Đức Phanxicô đã thay đổi cách người ta vẫn nghĩ về ngài. Trước chuyến tông du, người Hoa Kỳ coi ngài như một vị giáo hoàng thích kết án chủ nghĩa tư bản và hệ thống Hoa Kỳ, còn người Cuba thì coi ngài như người hỗ trợ họ trong quan điểm duy bình đẳng về xã hội.

Sau chuyến tông du, mọi sự đã thay đổi vì Đức Phanxicô tập chú vào các vấn đề khác. “Ngài kêu gọi tự do tôn giáo tại Cuba và tạo hứng khởi rất lớn tại Hoa Kỳ… Ngài nhấn mạnh tới việc nhận diện những gì kết hợp chúng ta chứ không phải những gì chia rẽ chúng ta”.

Tuy nhiên, theo cô, tác động của Đức Phanxicô không phải là chính trị mà là tinh thần. Giống Đức Gioan Phaolô II, người, dù không ngăn cản được quyết định chiến tranh của Bush, vẫn đã tạo được một phản ứng tinh thần khắp thế giới.

Alan Holdren thì cho rằng Đức Phanxicô không nói bất cứ điều gì ngoài những điều Giáo Hội vẫn luôn luôn nói. Ngài chỉ đề cập chúng cách khác thôi. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha có nói chuyện với các Nữ Tu Bệnh Xá từng ủng hộ việc phản đối lương tâm chống các chính sách y tế phò ngừa thai của chính phủ Obama và trên chuyến bay trở về Rôma, ngài đã nhắc lại việc phản đối này.

Ký giả Frank Rocca nhận định rằng nhiều người nghĩ tại Cuba và Hoa Kỳ, Đức Phanxicô sẽ nói như Đức Gioan Phaolô II đã nói ở Ba Lan, nhưng thực ra ngài đã không nói như thế. Tuy nhiên, ở Cuba, ngài có nói tới tự do tôn giáo, còn ở Hoa Kỳ, ngài nói với các nữ tu phản đối các chính sách của chính phủ về ngừa thai.

Rocca cho rằng Đức Phanxicô rất khéo léo, trong việc đề cập tới nhiều chủ đề mà “gần như không đụng gì tới chúng”. Nếu ai đó không muốn nghe, ngài không cần phải nói, vì “ngài khuyến khích mà không cần phải lớn tiếng”.

Wall Street và Đức Phanxicô

Hãng tin Zenit cũng có dịp phỏng vấn một số thành viên của thế giới Wall Street về chuyến tông du của Đức Phanxicô. Joshua, một nhà tài chánh Do Thái, phát biểu: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả là tuyệt diệu. Ngài quả là tuyệt vời… Ông không thể bắt lỗi một người làm việc cho bình đẳng được’. Theo anh, các dị biệt giữa những người được ưu đãi và những người cực nghèo khó cần phải được xem xét.

Terrence làm việc trong ngành tiếp thị tại Broad Street. Anh bảo, lời lẽ của Đức Phanxicô “thực sự được ngỏ với chính tôi… Sự việc có thế nào, ngài nói như vậy và tôi thích như thế". Anh nhận định: Đức Phanxicô cởi mở đối với mọi người và sự lưu tâm của ngài đối với người nghèo đáng để ta mô phỏng.

Một phụ nữ Ấn Độ làm việc trong lãnh vực tài chánh cho Deutsche Bank phát biểu: Đức Giáo Hoàng Phanxicô “khuấy động một cách thích đáng não trạng của các nhà chuyên nghiệp kinh doanh”. Bà bảo: “điều rõ ràng đối với chúng tôi là ngài phê phán việc người ta bóc lột người khác hay dùng quyền hành một cách tiêu cực. Với những người thuộc thế giới kinh doanh, là những người làm công việc của mình và cố gắng hết sức mình, chúng tôi không cảm thấy bị xúc phạm. Trong tư cách giáo hoàng, ngài là một nhà lãnh đạo tinh thần và ngài cần phải kêu gọi mọi người làm điều đúng và giúp đỡ người nghèo”.

ZENIT gặp một người đang bước đi vội vã. Marty là một luật sư làm việc tại văn phòng bộ Tư Pháp. Khi được hỏi về Đức Phanxicô, anh mỉm cười: “tôi là người ái mộ lớn”. Thì ra anh đang vội tới nhà thờ chính tòa St Patrick để thấy ngài, như anh từng làm khi Đức Gioan Phaolô II thăm Hoa Kỳ trước đây.

Elsie, một phụ nữ Công Giáo Nam Dương, đang làm việc tại Broad Street, không xa Thị Trường Chứng Khoán New York, thì lưu ý đến lời Đức Phanxicô nói tới di dân, “vì tôi là một di dân. Ngài làm tôi cảm thấy được chào đón và yêu thương. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự đụng tới trái tim người ta”.

Debbie, làm việc cho chính phủ, cho hay: “tôi quê ở Quận Columbia và tôi có thể nói ngài đã làm nơi ấy bốc lửa. Sau khi nói chuyện với một số đồng nghiệp của tôi sau bài diễn văn của ngài với Quốc Hội, họ bảo tôi: người ta mong được phong phú hóa cuộc sống của họ và sống tốt hơn xiết bao”. Cô cho hay cô có mặt tại khu tài chánh dự buổi họp về kinh doanh, nhưng cô cảm thấy cùng một phản ứng đối với Đức Giáo Hoàng này ở khắp thành phố. Cô nói: “người ta không ngừng nói về ngài. Đức Phanxicô làm ta tươi mát và rất đúng khi kêu gọi những người vô đạo đức hay những người lạm dụng hệ thống dừng tay lại. Tôi không phải là người Công Giáo, nhưng quả ngài là một vĩ nhân”.

Quốc Hội Hoa Kỳ và Đức Phanxicô

Theo bản tin Zenit ngày 1 tháng Mười, Đức TGM Thomas Wenski và Đức Cha Oscar Cantú lên tiếng hoan nghinh các sáng kiến mới của Quốc Hội Hoa Kỳ nhằm đáp ứng lời kêu gọi của Đức Phanxicô trong chuyến viếng thăm tại đây của ngài đối với việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất, “và để tránh các hậu quả hết sức trầm trọng của nạn suy thoái môi trường do sinh hoạt của con người tạo ra”.

Các sáng kiến trên bao gồm: nghị quyết của Quốc Hội do dân biểu Chris Gibson và một số dân biểu Cộng Hòa khác đệ trình nhằm cổ vũ việc quản lý môi trường và các cố gắng để giải quyết việc thay đổi khí hậu; Đạo Luật Cải Tiến Năng Luợng Hoa Kỳ năm 2015 do các thượng nghị sĩ Maria Cantwell cùng với một số thượng nghị sĩ Dân Chủ đệ trình; cũng như các cố gắng của cả hai đảng tại Thượng Viện và tại Hạ Viện trong đó có Đạo Luật Các Yếu Tố Siêu Ô Nhiễm năm 2015 do các thượng nghị sĩ Chris Murphy và Susan Collins đệ trình, và Đạo Luật Hiệu Năng Năng Lượng Không Vụ Lợi do các dân biểu Matt Cartwright và Robert Dold thuộc Hạ Viện và các thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và John Hoeven thuộc thượng viện đệ trình.

Đức TGM Wenski cho rằng “Các giám mục Hoa Kỳ hợp nhất với Đức Thánh Cha trong lời kêu gọi bao vệ sáng thế củaThiên Chúa”. Đức Tổng Giám Mục cũng nhắc tới lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về việc cần có cuộc đối thoại trung thực về vấn đề này: “Chúng ta cần một cuộc đối thoại có sự tham dự của mọi người vì thách đố môi trường… ảnh hưởng tới mọi người chúng ta”.

Một ngàn gia đình đi truyền giáo

Tin Zenit ngày 2 tháng Mười vui hơn nữa, cho hay: một ngàn gia đình đã xung phong lên đường đi truyền giáo.

Thực vậy, 40,000 hội viên khắp thế giới của Phong Trào Neocatechumenal Way đã tụ về Philadelphia dự cuộc gặp gỡ ơn gọi trong đó, hàng ngàn người trẻ nam nữ và các gia đình đã tình nguyện lên đường đi truyền giáo sau khi đã cùng Đức Phanxicô tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ tám tại đây.

Cuộc tụ tập trên được sự chủ tọa của Đức Cha Charles Chaput, Tổng Giám Mục Philadelphia, và có sự hiện diện của các Đức Hồng Y Sean O’Malley(Boston), Stanislaw Rylko (Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân), Theodore McCarrick (TGM hưu trí của Washington D.C.), Jean-Pierre Kutwa (Abidjan, Ivory Coast), và Andrew Soo-Yung (Seoul), cũng như của hơn 30 giám mục khác.

Sau khi công bố Tin Mừng, người khởi xướng Phong Trào là Kiko Argüello kêu gọi mọi người đáp lại ơn gọi truyền giáo cho những vùng bị phi Kitô Giáo hơn hết. Đáp lại lời kêu gọi này, 230 thanh niên xin đi tu làm linh mục, 400 thiếu nữ xin đi tu làm nữ tu, và hơn 1 ngàn gia đình có con tình nguyện đi khắp nơi trên thế giới. Tất cả những người nam nữ này đang khởi đầu thời kỳ biện phân ơn gọi của họ.

Can dự vào chính trị nhiều nhất nhưng thận trọng trong cách thể hiện

Dù muốn dù không, với việc xuất hiện tại Dinh Cách Mạng Cuba, tại Bạch Ốc, Đồi Capitol Hoa Kỳ và trụ sở Liên Hiệp Quốc, chuyến đi của Đức Phanxicô không thể không mang mầu sắc chính trị. Thành công trong lãnh vực này là điều khó có thể lượng giá ngay lúc này vì chính trị luôn muôn mặt.

Tuy nhiên, Victor Gaetan của www.foreignaffairs.com hoàn toàn đúng khi nhận định rằng: “Phong thái ngoại giao của Đức Phanxicô, trong cốt lõi của nó, (là) cổ vũ hoà giải mà không xúc phạm tới bất cứ bên liên hệ nào. Thúc đẩy các bên kình chống nhau gặp gỡ trong khi tránh đối đầu với các nhà lãnh đạo chính trị. Thí dụ, tuần rồi ở Cuba, dù kêu gọi 'cuộc cách mạng của tình âu yếm', Đức Phanxicô vẫn cưỡng lại áp lực muốn ngài gặp mặt các nhà bất đồng chính kiến của Cuba…

“Là một nhà lãnh đạo tôn giáo, Đức Phanxicô có nhiệm vụ duy trì các giá trị vượt lên trên chính trị, đây là lý do tại sao ngài cố gắng không chơi trò chơi chính trị. Tuy nhiên, cùng một lúc, phẩm giá con người khó có thể triển nở trong các điều kiện thiếu thốn hay huỷ diệt, chính vì thế, ngài và nhóm ngoại giao rất kín tiếng của ngài đã không sợ cổ vũ công lý, hòa bình, lòng thương xót nơi những người nắm quyền hành. Với đường lối này, ngài là người tích cực can dự vào chính trị hơn các vị giáo hoàng tiền nhiệm, nhưng cũng thận trọng hơn trong cung cách thể hiện”.

Gaetan đi xa hơn và cho rằng Đức Phanxicô là “một tu sĩ Dòng Tên gan dạ dám lao vào các giao thông hào xã hội và thoải mái với tranh chấp. Cuối cùng, những thứ này đã làm việc rất tốt trong việc tạo ra một ngả thông đạt mới để ta sử dụng khi cuộc thương thảo chính trị bị ngưng trệ”.

Gaetan cho rằng ngả thông đạt trên đã giúp Hoa Kỳ và Iran bắt tay nhau trong thỏa hiệp gần đây về vấn đề năng lượng hạch nhân. Iran biết ơn Đức Phanxicô đến độ đã tự ý xin được tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ tám tại Philadelphia. Cũng một ngả thông đạt ấy đã giúp Hoa Kỳ và Cuba mở lại các tòa đại sứ từng bị đóng cửa hơn 50 năm qua.

Ký giả này cũng cho rằng ngôn ngữ ngoại giao của Đức Phanxicô đã đi vào ngôn ngữ ngoại giao của Hoa Kỳ. Thực vậy, Vatican xưa nay vẫn không hài lòng với chính sách của Hoa Kỳ đối với Syria. Tuy nhiên, mấy lúc gần đây, nhiều nguồn tin tại Rôma cho hay Đức Phanxicô coi là một dấu hiệu tích cực khi ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả các cuộc thương lượng hòa bình cho Syria như là một “diễn trình”. Ông Kerry tuyên bố: “chúng ta cần thương lượng. Đó là điều chúng ta đang tìm kiếm, và chúng ta hy vọng Nga và Iran, và bất cứ quốc gia nào khác có ảnh hưởng, sẽ giúp một tay”.

Ông nói tiếp: “trong hơn một năm rưỡi nay, chúng ta vốn nói Assad phải ra đi, nhưng bao lâu nữa và dưới mô thức nào… hiện đang có một diễn trình qua đó, mọi phe đều phải đến với nhau và đạt được cái hiểu phải làm thế nào để thực hiện việc này”.

“Diễn trình” vốn là hạn từ chủ yếu của Đức Phanxicô. Trong cuộc phỏng vấn dài của Tạp Chí Civilta Cattolica năm 2013, ngài nói: “chúng ta không nên chú tâm vào việc chiếm hữu không gian để thi hành quyền lực, mà đúng hơn nên khởi đầu các diễn trình lịch sử lâu dài. Ta phải khởi diễn các diễn trình hơn là chiếm hữu các không gian. Thiên Chúa đã tự mạc khải trong thời gian và hiện diện trong các diễn trính của lịch sử. Diễn trình này dành ưu tiên cho các hành động nào biết phát sinh ra các năng động tính lịch sử mới mẻ. Diễn trình này cũng đòi hỏi kiên nhẫn, chờ đợi”.

Nhận định sau cùng của Gaetan là: Đức Phanxicô là người có nhiều tham vọng. Ngài đang dẫn Giáo Hội đi vào thế giới. Không vị giáo hoàng nào đã dám viết một văn kiện chỉ nói riêng về môi trường. Có lẽ vì việc này cùng một lúc đòi hỏi phải can dự vào chính trị quốc tế và địa phương, vào chính sách công, vào khoa học và giáo dục. Việc ngài không sợ hãi trái lại hăng hái đi vào lãnh vực này khiến ngài được rất nhiều người khâm phục. Nhưng việc nổi tiếng hoàn cầu cũng có mặt trái của nó: ngoài việc nêu ra các hoài mong thiếu thực tiễn, còn có nguy cơ là việc nhân thừa các mục tiêu liều mình làm lu mờ trọng tâm thiêng liêng của sứ vụ. Liệu một vị giáo hoàng có thể trở thành một người cho mọi người được không? Ai biết được. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang muốn thử, và thế giới hình như muốn để ngài làm thế.

Ơn chức vụ

Không ai nhìn Đức Phanxicô chính xác bằng người Công Giáo bình thường. Họ là người được nhiều người ngoại cuộc coi là điên dại trong cái cuồng nhiệt đón tiếp ngài khắp mọi nơi. Nhưng họ nhìn đúng con người của ngài. Một trong những người này chính là Jenny Uebbing, người đàn bà trẻ, còn rất trẻ, đã “điên dại” mang đứa con 6 tuần lễ tới Philadelphia với hy vọng được thoáng thấy vị giáo hoàng của mình.

Bất chấp viễn ảnh chính chị đã nghĩ tới: “có thể bạn sẽ phải đóng đô 7 tiếng đồng hồ trên nền ximăng cùng với một người chồng mạnh mẽ và không hề than vãn gì trong cái nắng mùa thu, một đứa con mới sinh toát mồ hôi và đôi lúc tè bậy ra người đang được cột trước ngực, nhưng bạn vẫn chờ đợi trong hân hoan, nhẩy mừng hy vọng được thoáng thấy ngài.

“Thấy Phêrô. Thấy Vị Đại Diện Chúa Kitô trên trái đất, chứng tá rờ mó được của tình yêu phụ tử Thiên Chúa.

“Nếu bạn đã từng xa xôi gần gũi với vị giáo hoàng, bất cứ vị giáo hoàng nào, hẳn bạn cũng thấy thế. Bạn biết tôi nói tới điều gì; tôi muốn nói tới ơn chức vụ. Quả thực đây là hành động biến đổi không thể nào chối cãi được của Chúa Thánh Thần trên một con người khiêm hạ, bình thường, một người tội lỗi như tất cả mọi người chúng ta và là một 'người con trai của Giáo Hội' như chính lời ngài nói.

Cảm nhận ấy phát sinh sau khi đứa con 6 tuần của chị được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ôm hôn tại Philadelphia trong bối cảnh Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, giây phút được chị mô tả là “vô giá, vì tôi khóc và rung động cả châu thân…” Nhất là vì “ngài nhìn thẳng vào tôi… Quả là một hồng phúc”.

Chị kết luận: “Xin cám ơn Ba Phanxicô. Vì Ba đã đến xứ sở chúng con, đã nói với con tim chúng con, và đã hôn bé thơ của con. Ba hãy rà tên Luke Uebbing trên danh sách luân phiên tại NAC trong 22 năm tới. Con có cảm giác cuộc gặp gỡ này sẽ để dấu ấn lên cả cháu nữa”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngành Nữ Tông Đồ LMTT mừng bổn mạng và tuyên hứa cho tân đoàn viên
Trần Văn Minh
06:36 02/10/2015
Ngành Nữ Tông Đồ LMTT mừng bổn mạng và tuyên hứa cho tân đoàn viên
Melbourne, Vào lúc 6 giờ 30 chiều Thứ Sáu, Ngày 2 Tháng Mười 2015. Tại Nguyện Đường Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, Ngành Nữ Tông Đồ Đoàn Liên Minh Thánh Tâm đã hân hoan cùng cộng đoàn dâng Thánh lễ mừng bổn Mạng Thánh Margagita Maria và cử hành nghi thức tuyên hứa cho 16 tân đoàn viên nam nữ.

Mời coi hình

Đây là ngày Thứ Sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa, cũng là lễ Thiên Thần Hộ Thủ. Từ lúc 3 giờ chiều, cộng đoàn đã có giờ chầu Lòng Chúa Thương Xót và giờ chầu Thánh Tâm Chúa trước khi Thánh lễ mừng bổn mạng được cử hành do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân, quản nhiệm kiêm tuyên úy Đoàn Liên Minh Thánh Tâm chủ tế.

Tiểu sử Thánh Nữ đã được chị Hà đại diện đoàn đọc. Các tân đoàn viên trong trang phục đặc biệt, nam thắt Caravat mầu mận chín, các chị nữ khăn cùng màu thắt thành nơ rất đẹp rước Linh mục chủ tế lên bàn Thánh. Trong lời ca bài ca Hiệp lễ của Ban Thánh Tâm Ca.

Sau bài chia sẻ Lời Chúa, Linh mục chủ tế đã chủ trì nghi thức tuyên hứa của các tân đoàn viên. Sau khi các đoàn viên đọc lời tuyên hứa Linh mục chủ tế đã hỏi lại những điều mà các đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm phải giữ. Các tân Đoàn viên đã nâng tay phải lên tuyên hứa trước Linh mục tuyên úy, cờ đoàn, các vị đại diện ban lãnh đạo đoàn, các toán và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa hiện diện. Các tân đoàn viên được trao huy hiệu đoàn và nhận bằng chứng nhận chính thức là Đoàn viên Đoàn Liên Minh Thánh Tâm.

Chị Vũ Thị Mây đại diện cho Ngành Nữ tông đồ Liên Minh Thánh Tâm cám ơn linh mục Quản nhiêm và Tuyên Úy Đoàn LMTT, cùng toàn thể cộng đoàn, sau Thánh lễ, mời mọi người cùng ở lại để chung vui cùng đoàn mừng bổn mạng qua bữa ăn nhẹ, trong niềm vui hân hoan trong những ngày đầu Xuân ấm áp.
 
Giáo họ Khê Than hân hoan đón Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ về thăm mục vụ
Giáo họ Khê Than
08:48 02/10/2015
Giáo họ Khê Than hân hoan đón Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ về thăm mục vụ

Chiều Thứ Tư (30.9.2015), Đức Cha Phêrô Nguyện Văn Đệ - Giám mục Giáo Phận Thái Bình - đã về thăm mục vụ và cử hành thánh lễ tại Giáo họ Khê Than thuộc Giáo xứ Hạ Lễ, Giáo hạt Đông Hưng Yên.

Sau khi vượt qua khoảng 75 cây số lộ trình, hồi 16g30, Đức Cha có mặt tại Giáo họ Khê Than. Vui mừng vì sự hiện diện của vị chủ chăn giáo phận, hầu như tất cả giáo dân của Giáo họ, từ phụ lão đến ấu nhi đều hân hoan đón rước vị Cha chung. Trong hàng danh dự chào đón Đức Cha, có cả cha xứ Giuse Đinh Xuân Ngọc.

Xem Hình

Trước khi cử hành thánh lễ cầu nguyện cho cộng đoàn, Đức Cha dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo họ. Mở đầu, Đức Cha Phêrô có đôi lời tâm tình cùng cộng đoàn giáo hữu: “Kính thưa cộng đoàn! Tôi rất vui mừng và xúc động về thịnh tình mà cộng đoàn đã dành cho tôi trong cuộc đón tiếp rất nồng hậu và thân tình. Trước Thánh Thể Chúa, tôi đã cầu xin Ngài đoái thương, ban bình an và nhiều ơn phúc trên toàn thể cộng đoàn Dân Chúa và những tất cả những người dân trong khu vực này.Giáo họ chúng ta đã có bề dầy lịch sử hình thành và phát triển, biết bao nhiêu tiền nhân đã hi sinh xương máu của mình để truyền lại cho chúng ta là con cháu của các ngài gia sản đức tin. Gia sản thiêng liêng đó đã phải trả bằng mồ hôi, công sức và cả máu đào. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn khắc ghi công lao của các bậc tổ tiên. Cách riêng trong ngày lễ hôm nay, chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện, xin Chúa trả công bội hậu cho các ngài.”

Đồng thời, chia sẻ cùng cộng đoàn, Đức Cha nhắn nhủ các bậc cha mẹ hãy quan tâm đến việc giáo dục con cái, không chỉ về đức tin mà còn cả tri thức. Ngài mong muốn quý phụ huynh quan tâm chăm lo đến việc học hành của con cái, vì tương lai của xã hội, của Giáo Hội lệ thuộc vào giới trẻ. Giờ gặp gỡ chia sẻ được kết thúc bằng những vũ điệu do các em Thiếu nhi và Giới trẻ thể hiện để chúc mừng và cám ơn vị Chủ chăn Giáo phận.

Đỉnh cao của chuyến thăm viếng mục vụ là thánh lễ cầu nguyện cho cộng đoàn được cử hành lúc 17g30. Mở đầu thánh lễ, Đức Cha tiếp tục mời gọi cộng đoàn hiệp ý với ngài để cầu nguyện cách đặc biệt cho các bậc Tiền nhân và các vị ân nhân đã có công xây dựng giáo họ.

Trong bài giảng, Đức Cha nhấn mạnh đến việc xây dựng hạnh phúc các gia đình, là khởi đầu của Giáo Hội Chúa Kitiô tại gia. Đồng thời, ngài cũng cổ võ tinh thần cộng tác của mọi thành phần trong việc đầu tư giáo dục thế hệ trẻ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, vị đại diện bày tỏ tâm tình tri ân Đức Cha đã thương quan tâm đến cộng đoàn giáo họ vùng sâu, vùng xa. Cùng với tâm tình đó, Giáo xứ Hạ lễ và Giáo họ Khê Than Dâng lên Đức Cha những lẵng hoa tươi thắm. Nhân chuyến công tác mục vụ của Đức Cha tại vùng này, đại diện các cấp chính quyền địa phương cũng có lẵng hoa chúc mừng ngài.

Thánh lễ kết thúc, Đức Cha tiếp tục trao những phần quà bánh kẹo cho các em thiếu nhi, và ngài cũng trao những cỗ tràng hạt cho cộng đoàn.

Những tấm hình lưu niệm cùng với bữa cơm thân mật cùng với cộng đoàn đã khép lại chuyến thăm mục vụ tại Giáo họ Khê Than.

Đôi nét lịch sử về sự hình thành và phát triển của Giáo họ Khê Than:

Giữa thế kỷ XIX, khoảng 35 tín hữu từ xa tới định cư và hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Khê Than phù sa màu mỡ.

Giáo họ chính thức được thành lập năm 1886, nhận thánh Đaminh làm Bổn mạng. Cũng chính năm đó, các tín hữu cùng nhau xây dựng được một ngôi nhà thờ cổ bằng gỗ lim, sơn son thiếp vàng với tổng chiều dài 32.7m, rộng 13.4m, cao 7m và tháp chuông cao 37m, vẫn còn vững bền cho đến ngày nay.

Số giáo dân hiện nay của Giáo họ là 310 nhân danh, được đặt dưới sự coi sóc của cha xứ Giuse Đinh Xuân Ngọc.
 
Thánh lễ tạ ơn thành lập Giáo xứ Kon H’ring Banmêthuột và bổ nhiệm Linh mục quản xứ
Vũ Đình Bình
08:58 02/10/2015
Thánh lễ tạ ơn thành lập Giáo xứ Kon H’ring Banmêthuột và bổ nhiệm Linh mục quản xứ

Ngày 30.9.2015, Giáo dân Kon H’ring hân hoan chào đón Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận về dâng Thánh lễ tạ ơn và chủ sự nghi thức thành lập Giáo xứ Kon H’ring, đồng thời bổ nhiệm Cha Anrê Trần Thế Minh làm Linh mục quản xứ.

Kon H’ring là một Giáo họ người Sê-đăng thuộc Giáo xứ Quảng Nhiêu, Giáo phận Banmêthuột. Kon H’ring có nguồn gốc từ làng Kon Hring (Đak Tô, Tân Cảnh) tỉnh Kontum; Ở đây họ đã được đón nhận ánh sáng Tin Mừng vào năm 1891 do Đức Cha Jean Bonnal (Cha Bổn). Kon H’ring là một cộng đoàn kitô hữu có truyền thống sống đạo và giữ đạo kiên trung. Năm 1972, chiến sự ác liệt xảy ra tại Đak Tô, Tân Cảnh, nhà thờ, làng mạc bị bom đạn phá hủy thành bình địa. Người dân tản mác khắp nơi; một số ít chạy về Hòa Đông, Buôn Ma Thuột. Năm 1973, chuyển đến sống tại Buôn Hằng, Krông Păk, Đăk Lăk. Đến năm 1988, mới về định cư tại miền đất này lập thành Giáo họ Kon H’ring.

Xem Hình

Thời gian ấy, trải qua bao gian khổ, đường sá đi lại khó khăn, phương tiện không có, nhà nguyện không có, thiếu vắng chủ chăn nhưng hạt giống đức tin nơi đây vẫn âm thầm sinh sôi nẩy nở. Hiện nay, Kon H’ring có 354 gia đình Công Giáo với 2020 giáo dân, (50 gia đình người Kinh, 198 nhân danh). Ngày 19.6.2013, Cha Quản xứ Gioan Nguyễn Sơn và giáo dân cùng bắt tay khởi công xây dựng nhà thờ, mặc dù kinh phí ít ỏi nhưng nhờ ơn Chúa, công trình đã hoàn thành tốt đẹp vào cuối năm 2014.

Như vậy, hôm nay quả là hồng ân to lớn mà Thiên Chúa ban cho cộng đoàn Kon H’ring: mừng Nhà thờ mới, mừng Giáo xứ mới, mừng Cha quản xứ mới.

Đúng 8g30, Đoàn xe đón Đức Giám Mục, và Cha Tân Quản xứ đã về đến đầu làng. Cha Quản xứ Quảng Nhiêu, GB Nguyễn Đình Lượng và giáo dân Kon H’ring nồng nhiệt chào mừng phái đoàn ngay từ ngoài cổng Buôn. Đức Cha xuống xe ban phép lành trên mảnh đất đã nuôi sống người dân Kon H’ring bao năm nay. Thánh giá nến cao, Đội cồng chiêng, Đội múa, hai hàng môtô long trọng rước Đức Cha vào tiền sảnh Nhà thờ trong tiếng chuông ngân thánh thoát, tiếng cồng chiêng râm ran, tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân đứng dọc hai bên đường.

Tại tiền sảnh Nhà thờ, Đức Giám Mục giới thiệu với cộng đoàn về quý Cha nguyên quản xứ Quảng Nhiêu, những người đã có thời gian từng đồng hành, chăm sóc và gắn bó với cộng đoàn Kon H’ring. Đồng thời, ngài giới thiệu Cha Anrê Trần Thế Minh, được ngài bổ nhiệm làm linh mục quản xứ tiên khởi của Giáo xứ Kon H’ring, là chủ chăn chăm lo đời sống đức tin của giáo dân trước mặt Thiên Chúa và trước mặt Giám mục Giáo phận. Đức Cha trao chìa khóa Nhà thờ cho Cha tân quản xứ tiến đến mở cửa nhà thờ đón đoàn rước vào viếng Thánh Thể.

Thánh lễ kính thánh Barnaba, bổn mạng Giáo xứ, do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ tế bắt đầu vào lúc 9g30. Đồng tế với ngài, có Đức Ông Đa Minh, Cha Chưởng ấn, Cha Quản lý, Quý Cha Quản hạt, Quý Cha quản xứ, phó xứ Giáo xứ Quảng Nhiêu, Giáo xứ Châu Sơn, Quý Cha trong và ngoài Giáo phận. Về tham dự Thánh lễ và chia sẻ niềm vui với Tân Giáo xứ Kon H’ring, có Quý Tu sĩ nam nữ, Quý chức HĐGX Quảng Nhiêu, Quý chức HĐGX Châu Sơn, Quý vị đại diện chính quyền các cấp, Quý Ân nhân, Quý Thân nhân và Quý Khách.

Trước Thánh lễ, ông Chủ tịch HĐGX Quảng Nhiêu đọc diễn văn chào mừng. Sau đó, Đức Giám Mục chủ sự nghi thức Thành lập Giáo xứ. Ngài ban huấn từ và trao sắc lệnh Thành lập Giáo xứ Kon H’ring cho Cha quản xứ Quảng Nhiêu công bố trước cộng đoàn, nhận Thánh Barnaba Tông Đồ làm bổn mạng. Cộng đoàn vỗ tay vui mừng, tiếng cồng chiêng vang vọng biểu lộ niềm hân hoan, Ông chủ tịch HĐGX Kon H’ring dâng lời cảm tạ Đức Giám Mục.

Tiếp đến, Đức Giám Mục trao văn thư bổ nhiệm Cha Anrê Trần Thế Minh làm linh mục quản xứ Giáo xứ Kon H’ring cho Cha Chưởng ấn FX Nguyễn Kim Long công bố trước cộng đoàn. Cha Anrê Trần Thế Minh quỳ trước Bàn thờ, tuyên xưng Đức tin, lập lại Lời hứa khi chịu chức Linh mục trước mặt Đức Giám Mục và cộng đoàn.

Sau khi Đức Giám Mục trao hôn bình an, Cha Chưởng ấn thay mặt Đức Giám Mục hướng dẫn linh mục tân quản xứ ngồi vào ghế chủ tọa, nhận nhiệm vụ dẫn dắt cộng đoàn Giáo xứ.

Cha Chưởng ấn trao chìa khóa Nhà Tạm cho linh mục tân quản xứ, Cha quản xứ mở cửa Nhà Tạm, quỳ gối cung kính xông hương Mình Thánh Chúa để tỏ lòng tôn thờ và quy phục Đức Kitô.

Cha Chưởng ấn hướng dẫn linh mục tân quản xứ ngồi vào Tòa giải tội như là hiện thân của Lòng thương xót Chúa, thực hiện sứ mạng hòa giải hối nhân với Thiên Chúa.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Vinh Sơn diễn giải rõ hơn về thánh Barnaba tông đồ, bổn mạng của Giáo xứ Kon H’ring:

Thánh Barnaba tông đồ là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp vào thời khởi đầu của đạo Kitô, Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Vì lòng nhiệt tình và sự thành công trong công việc rao giảng Tin Mừng, nên thánh nhân được các thánh tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi”.

Thánh Barnaba và thánh Phaolô đã cùng sát cánh bên nhau trên cánh đồng truyền giáo cho dân ngoại tại Antiokia và vùng Tiểu Á. Các ngài đã tranh đấu và cuối cùng đã tìm được giải pháp trong Công nghị đầu tiên tại Giêrusalem xoay quanh về việc dân ngoại sau khi trở thành Kitô hữu có phải chịu phép cắt bì và tuân theo lề luật Do Thái hay không.

Thánh Barnaba Tông đồ là người được mến chuộng nhất trong thế hệ Kitô đầu tiên. Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, thánh sử Luca gọi ngài là một con người tốt, đầy tràn Chúa Thánh Thần và là người có một trái tim nhân hậu và đại lượng.

Qua đó, Đức Cha nhắn nhủ cộng đoàn Giáo xứ Kon H’ring hiệp nhất với nhau, giữa người Sê-đăng với người Kinh, giữa người trong xã Ea Đinh với người ở xã Ea Tar trong tình yêu Thiên Chúa cùng với Cha quản xứ xây dựng đời sống đức tin Giáo xứ ngày một thăng tiến. (Mời nghe BÀI GIẢNG).

Sau bài ca hiệp lễ, Đức Giám Mục xướng kinh Te Deum bằng tiếng Latin: “Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Ðức Chúa”.

Kết thúc kinh Te Deum, ông Chủ tịch HĐGX Kon H’ring đọc diễn văn cám ơn. Sau đó, Cha Tân Quản xứ bày tỏ tâm tình kính yêu, vâng phục Đức Cha, tạ ơn Đức Cha, Đức Ông, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ và Quý Khách.

Đức Giám Mục ban huấn từ và phép lành kết lễ.

Cầu mong Giáo xứ Kon H’ring sẽ phát triển mạnh mẽ và trở thành Trung tâm Loan báo Tin Mừng cho anh em sắc tộc trên cánh đồng truyền giáo bao la của Giáo phận Banmêthuột.

Vũ Đình Bình
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tính chính danh trong điều 4 HP/ Việt cộng
Bảo Giang
09:28 02/10/2015
Tính chính danh trong điều 4 HP/ Việt cộng

Không phải chờ đến năm 2013 nhà nước CHXHCN/VC mới ghi điều 4 trên giấy để chiếm độc quyền lãnh đạo đất nước và xã hội. Trái lại, trong những bản văn họ gọi là Hiến Pháp viết vào những năm 1946, 1959, tuy không có điều khoản nào tương tự với điều 4/2013, họ đã hành sử như là lẽ đương nhiên có mà không cần phải viết ra. Sau này, họ thấy không thể làm liều mãi như thế nên điều 4 mới được ghi trên giấy trắng mực đen vào năm 1980.

Sở dĩ có chuyện phải viết ra trên giấy là vì, sau ngày 30-4-1975, những đôi mắt chão chuộc từ bắc vào, từ bưng biền ra đã ngơ ngác trước cảnh sống thực của miền nam. Nơi mà nhà cầm quyền miền bắc ra rả tuyên truyền lừa bịp người dân và đoàn quân sinh bắc tử nam trong suốt hơn hai mươi năm qua là, “ ở miền nam đồng bào ta bị Mỹ- Ngụy kìm kẹp, khổ cực đến nỗi không có mảnh vải để che kín “ bác Hồ ”, khi ăn thì cái bát mẻ cũng không có, phải lấy miếng vỏ dừa mà đựng cơm”, nay đến nơi, hỡi ơi, như thiên đàng trong mộng. Kẻ bật khóc bảo rằng “ man rợ thắng văn minh” ( DTH). Nên sau ngày dẫn vài con heo về cột ở trước những tòa nhà cao, cơ quan, sân tòa Đô Chánh, Tòa án và thả cá vào bồn vệ sinh để nuôi, lớp người mới đến ngỡ ngàng nhìn lại thân thể mình, thấy miếng ăn, tiếng nói của cả đoàn như người tiền sử đến và làm dơ bẩn lây cho miền nam. Vì chưa được giáo hóa, họ không dừng lại trong chiêm ngưỡng, trân trọng. Trái lại, tất cả đều lăn tay áo lên, khởi đầu cho một chương mới của cách mạng Việt cộng. Chương tháo gỡ!

Khởi đầu, kẻ len lén đưa nhau ra chợ trời kiếm vài bộ quần áo cũ, hay cái đài mà người miền nam đã vất vào góc nhà từ lâu, nay lôi ra lau chùi, đem ra chợ giời ngả gía với các nhà cách mạng mới vào phố lần đầu. Kẻ dáo dác, sững sờ nhìn xem cái đồng hồ không người lái có một, hay hai cửa sổ. Cao cấp hơn kiếm cái xe đạp, cái máy chém… gió (quạt điện), cái máy rét (tủ lạnh)! Cứ thế, cũ người mới ta! Kẻ nào có trong tay 4 bảo vật điện, đài, đổng, đạp là tự nhiên thấy ngang bằng giời, thiên hạ đều là dưới mắt! Trong lúc đó, lãnh đạo lặng lẽ đi tháo gỡ, khuân vác đồ dùng ở các cơ quan, chất lên xe. Miếng tôn, con ốc, cái cánh cửa của trường học, của các gia đình đã di tản, không trừ một thứ gì đều có thể trở thành của riêng. Họ tháo gỡ nhanh nhẹn, tự nhiên lắm. Chuyện cũ ấy, không biết “ kẻ thắng cuộc” có còn nhớ hay đã quên?

Riêng người miền nam từ đây trắng mắt ra vì sự nghiệp cách mạng tháo gỡ của Việt cộng. Sau màn vơ vét đồ đạc của cải là sự xuất hiện điều 4 trong bản văn gọi là “hiến pháp thống nhất” 1980: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam được vũ trang bằng học thuyết Mác Lênin là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”.

Đến năm 1992, bản văn này được đem ra cạo sửa. Điều số 4 được lập lại gần như nguyên bản. Cách đây 2 năm, nó lại ồn ào theo những cái loa ở đầu đường. Vui hơn, nhà nước mở tuồng diễn hài, hỏi ý kiến nhân dân xem cạo sửa thế nào cho tiện. Kết qủa, về phía dân chúng, một em học sinh 19 tuổi, sinh ra sau cái ngày VC cạo sửa HP lần thứ 4 (1992) đã công khai tuyên bố trước tòa án, là cơ sở bảo vệ cho cái bản văn ấy là “ đảng cộng sản đi chết đi”. Đanh thép qúa. Mọi người đã nghe rõ ràng nhá. Lời công bố trước tòa án của em cho thấy sự tồn tại của đảng CS trên đất Việt là không chính đáng, là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nó như loài ký sinh phải bị khai trừ, phải bị triệt tiêu để người dân được sống.

Nghe thế, phía đảng cộng cũng không kém, cử chủ tịch nước ra tuyên bố “ bỏ điều số 4 là tự sát”. Nghĩa là nếu không giữ được cái điều số 4 này là đảng ta kéo nhau Xuống Hố Cả Nút đấy. Cũng dứt khoát, quyết liệt lắm. Nhưng bám vúi vào đâu mà CS tự “ cho phép”, tự “thừa hưởng”, hay là tự cướp đoạt công quyền của người dân?

a. “Không thể bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (VOV, 27/5/13) cơ quan tuyên truyền chính thức của nhà nước VC phát đi lời bảo vệ điều 4 như sau: “ Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn của đất nước, nhân dân ta vẫn kiên trì đi theo sự lãnh đạo của đảng …. việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng…”

b. Trang mạng của Nguyễn tấn Dũng ngày 07/03/2013 có bài viết: “Tìm hiểu về điều 4 trong hiến pháp Việt Nam” như sau: “Hiến pháp “thừa nhận” Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không phải “cho phép” Đảng được lãnh đạo Nhà nước và xã hội… lịch sử đã chúng minh Đảng Cộng Sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất đáp ứng các yêu cầu bức thiết của nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng. Nhiều Đảng vì không thể đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà tự nguyện giải tán (Đảng dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam đã tự tuyên bố giải thể năm 1988)... Như vậy “Giấy phép” cho Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo chính là lòng “tin yêu” của dân. Bởi lẻ, từ khi Đảng ra đời đến nay do ý Đảng hợp lòng dân…” Viết rông rài mà không biết có hiểu chữ lịch sử là gì hay không?

c. Báo Công an TP/HCM, đại diện chính thức cho những kẻ chuyên nghề vác búa, có bài viết: “Suy nghĩ về điều 4 HP”ngày 14/10/12: “Về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có ý kiến cho rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng được thực hiện là từ Đảng có chủ trương đúng, ý Đảng hợp lòng dân. Hiểu điều 4 của Hiến pháp như là “giấy phép” cho Đảng là không đúng. “Giấy phép” cho Đảng có vai trò lãnh đạo chính là lòng tin yêu của dân. Từ khi Đảng ra đời đến nay do ý Đảng hợp lòng dân…” Bài báo nêu rõ gốc của lý luận này là:“ các đại biểu đều nhất trí, tán thành việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này khẳng định tính lịch sử…”

Tưởng cũng nên nhắc lại là tất cả các đại biểu trong quốc hội Chuột mà bài báo nhắc đến đều là các đảng viên thuộc diện ủy viên trung ương đảng CS. Chẳng có Lê thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài, Lê Công Định, em học sinh Phương Uyên…. hay người dân nào khác. Lý do, đại biểu là những học viên đã qua học tập, đã xác định lập trường trung thành với giai cấp vô sản, là những người đã kinh qua kiểm thảo và đã công khai tuyên bố: “ căm thù và đoạn tuyệt với bố mẹ” như Trần Đĩnh đã viết trong Đèn Cù. Họ như thế nên mới thành đại biểu, mới đủ khả năng để viết “ Ý đảng hợp lòng dân”, ngoài ra là không có ai.

Trở lại với những trích dẫn trên, chúng ta có thể nhìn ra sự “chính đáng” hay “quyền lãnh đạo” chính trị và xã hội của cộng sản do các đảng viên Việt Cộng tự sướng, tự diễn dựa trên những điểm sau:

1. Tính lịch sử: có công đánh đuổi thực dân Pháp, và công lao “Ta đánh Mỹ, chiếm miền Nam là đánh cho Trung Quốc” (Lê Duẩn), nên ta có quyền lãnh đạo.

2. Chỉ có đảng cộng sản mới đủ khả năng lãnh đạo, các đảng phái khác đã thất bại, phải tự giải tán rồi.

3. Nhân dân vẫn kiên trì đi theo sự lãnh đạo của đảng, vì ” Ý đảng hợp lòng dân”. Sự thật thế nào?

1. Về tính lịch sử:

Phải công bằng nhận định rằng, dù tội ác của CS gây ra cho dân tộc Việt Nam có chất cao hơn núi, thì họ cũng có đôi ba phần công cán trong việc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến 1945. Sau đó, phải khẳng định rằng, công cán của CS đã không có, nên không thể nói đến chuyện bù lấp cho những tội ác mà chúng đã gây ra cho đất nước từ 1945-1954. Từ sau ngày 20-7-1954 đến nay thì chẳng còn một tý gì để gọi là công cán ngoài những tội ác cao tày non của chúng. Bằng chứng:

a. Cuộc chiến chống thực dân Pháp.1946-1954

Đọc sử ai cũng thấy cuộc chiến do cộng sản chủ động tạo ra với chiêu bài giành độc lập từ 1946-1954 làm tiêu hao hàng triệu sinh mệnh Việt Nam với đoạn kết ở Điện biên phủ là câu chuyện phù phiếm, vô lý, không đáng có. Bởi lẽ,

• Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Tranh thủ việc Nhật ủng hộ, vào ngày 11/3/1945, vua Bảo Đại ký đạo dụ "Tuyên cáo Việt Nam Độc Lập", tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 cùng các hiệp ước nhận bảo hộ và từ bỏ chủ quyền khác, khôi phục nền Độc Lập của đất nước, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Từ Tuyên Ngôn này, chính phủ của Việt Nam Thống Nhất do Thủ Tướng Trần Trọng Kim đã được thành lập vào ngày 17/4/1945

• Về phía Pháp, Tổng Thống Vincent Auriol, nhân danh Tổng Thống Cộng Hòa Pháp và nhân danh Chủ Tịch Liên Hiệp Pháp, đã ký với Quốc Trưởng Bảo Đại Hiệp Định Elysée công nhận Việt Nam Thống Nhất Và Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp. ngà y 8-3-2949. Quy chế Liên Bang Đông Dương đã bị bãi bỏ.

• Do Quyết Nghị ngày 23-4-1949 Quốc Hội Nam Kỳ đã giải tán chế độ Nam Kỳ tự trị và sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Quốc Gia Việt Nam Độc Lập và Thống Nhất.

Như thế, theo lịch sử, Việt Nam đã Độc Lập và Thống Nhất từ ngày 11/3/1945. Chính phủ của Việt Nam Độc Lập Thống Nhất do thủ tướng Trần trọng Kim lãnh đạo đã ra mắt Quốc Dân vào ngày 17-4-1945 là hợp pháp. Tuy nhiên, Hồ chí Minh vì muốn tiếm quyền nên từ ngày 19/8/1945 đã tiến hành đánh phá, cướp chính quyền tại nhiều địa phương. Rồi nhân cuộc bãi thị tuần hành của công chức, học sinh do chính phủ tổ chức tại Hà Nội. Việt Minh đã cướp chính quyền và buộc Quốc Trưởng Bảo Đại thoái vị. Đến ngày 6-3-1946, HCM ký thỏa ước Sơ bộ với Pháp, gồm 2 điều chính: Thứ nhất, Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương và nằm trong Liên Hiệp Pháp. Kế đến, Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa để giải giáp quân đội Nhật. Nhưng sau đó, chính y lại tạo ra cuộc chiến Việt Pháp từ 1946- 1954 với chiêu bài Độc Lập. Nhìn chung, cuộc chiến này là phản bội, hoàn toàn vô ý nghĩa, phi lý. Nó vớ vẩn và không đáng có.

Tệ hơn, nó “đã làm thương vong cho 172,708 người về phía Pháp trong số đó 31,716 là binh sĩ thuộc ba nước Đông Dương, số thương vong về phía quân đội cộng sản không được biết rõ, nhưng được phỏng định ít nhất là nửa triệu, số thường dân bị thiệt mạng trong cuộc chiến vào khoảng 250,000 người… sự thiệt hại về tài sản của nhân dân và về những nguồn lợi kinh tế của Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh và cả những năm sau chiến tranh, cộng với sự thiệt hại về nhân mạng, đã cho thấy cái giá của chiến thắng quả thật là quá đắt” ( Lê xuân Khoa). Qúa đắt, phản phúc, phi lý vì thực tế Việt Nam đã có Độc Lập và Thống nhất trước khi cuộc chiến nổ ra. Nó thêm bất hạnh vì sau cuộc chiến, Việt Nam bị chia làm ra làm hai theo hiệp định Geneve 20-7-1954

b. Cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, với hơn 3 triệu mạng người phải chết oan.

Đây là cuộc chiến còn tồi tệ, phi lý hơn cuộc chiến Việt Pháp 1946-1954 do CS chủ trương. Nó đã đẩy cả hai miền nam bắc vào cuộc chiến đẫm máu và nước mắt trong chia lìa. Máu chảy thành sông, xương chất cao như núi và gây ra cuộc thù hận vẫn còn kéo dài đến hôm nay, dù cuộc chiến đã chấm dứt từ 40 năm qua. Tại sao lại có thảm cảnh này?

Trước hết về ý nghĩa. Cuộc chiến do tập đoàn CS HCM chủ xướng với sự trợ giúp của Nga- Tàu để đưa Việt Nam vào vòng nô lệ cho chủ nghĩa cộng sản đã thành tựu đúng hướng đi do HCM chủ trương, và Lê Duẫn, kẻ cầm đầu chiến tranh đã công bố chính nghĩa của cuộc chiến là : “Ta đánh là đánh cho Trung Quốc Liên sô…. Tất cả việc chúng tôi làm là vì Mao chủ tịch”. Nó chẳng có một tý hơi hướng, ý nghĩa nào để gọi là chống Mỹ cứu nước. Đã thế, từ sau ngày hết chiến tranh đến nay, cán lớn như chủ tịch nước, thủ tướng, bí thư đảng, không kể đến hàng ghế dưới, đều thay nhau tìm cách đến Mỹ để ăn mày, cúi xin “ Nó” cấp cho cái giấy tỵ nạn (cho mình và cho con cho cháu). Xem ra, không có một cán cộng nào, từ nhớn đến nhỏ, mồm thì chống Mỹ, nhưng bụng dạ thì đều có chung một mơ ước đến được đế quốc Mỹ xin tỵ nạn!

Riêng việc thống nhất đất nước, nhắc đến càng tủi nhục. Một đất nước Độc Lập, Thống Nhất từ 14-3-1945, vì HCM tạo phản, cướp chính quyền, tạo ra chiến tranh và phải chia ra làm hai. Nay sau hai mươi năm gây chiến với núi tang thương, tuy nước hết chia hai, nhưng nhiều phần đất, biển của Việt Nam có từ trước khi CS gây chiến tranh như Hoàng sa, Trường Sa nay ở đâu? CS đã bán đi, hay cống nạp cho Tàu để làm lễ ra mắt trong ngày xin làm nô lệ cho Trung cộng? Không những Hoàng Sa Trường Sa đã mất, mà cả Nam Quan, Bản Giốc, Tục Lãm, Lão Sơn, đến nhiều vùng biển, đất rừng đầu nguồn cũng không còn. Như thế là thống nhất ư? Ấy là chưa kể đến nỗi hận thù chất chứa trong lòng dân Việt đối với tập đoàn cộng sản từ trong thời chiến đến nay, đã 40 năm rồi, hận thù không hề vơi cạn, lại còn chồng chất thêm.

Riêng phần chủ quyền của đất nước, nền Độc Lập của dân tộc thì đã nằm trong tay Trung cộng toàn quyền vo tròn hay bóp méo. Tập đoàn đảng cộng sản hôm nay không hơn một đám nô lệ thay nhau kéo cày để kiếm sống.! Cái công lao của việc gây ra chiến tranh theo chiêu bài đánh Mỹ cứu nước, thống nhất tổ quốc của CS được tóm gọn trong bốn dòng chữ ngắn theo chủ trương của HCM như sau:

Trung cộng lãnh đạo.

Quan chức lãnh tiền.

Cán cộng lãnh lương,

Nhân dân lãnh nợ.

Như thế, nếu Cộng sản tựa vào việc gọi là “lịch sử tính” trong công cuộc đánh Pháp, đánh Mỹ để tự cho mình quyền lãnh đạo viết trong điều 4/ 2013 thi chỉ có một chữ duy nhất trong tự điển Việt Nam có khả năng diễn đạt toàn bộ ý nghĩa của hành động này: Cướp!

2. Chỉ có đảng cộng sản mới đủ khả năng lãnh đạo?

Đây có thể là chuyện khôi hài thứ hai. Bởi vì, cho đến hôm nay tại Việt Nam Không có một đảng phải nào được phép hoạt động, dù là trong bóng tối, nói chi đến công khai để mà thách đố quyền lãnh đạo với cộng sản để họ tự nói:“ chỉ có đảng cộng sản mới dủ khả năng lãnh đạo”. Hỏi xem, tập đoàn CS này có dám nhận lời em Vũ Thạch Tường Minh, chưa đầy 14 tuổi thách đố tài năng để lãnh đạo ngành giáo dục thay tập đoàn của Phạm vũ Luận theo cung cách rất tự tin là: “Qúy vị không làm được thì xuống đi, để cho em làm” hay không? Tôi cho rằng lời thách đố này là bản lãnh của sự hiểu biết. Tôi ủng hộ cuộc thách đấu này.

Kế đến, chuyện Huỳnh ngọc Sơn mang quân hàm thượng tướng, đóng vai phó chủ tịch quốc hội Chuột tuyên bố. “Nhiều lần ta cũng nghĩ tới việc lấy lại nhưng trong lúc này chưa thể lấy lại được. Để đời con đời cháu chúng ta lấy lại. "Ta như thế này thì bà con thấy ta ăn thua với họ được không? Ai tài giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng không? Nếu họ dám nói lời thách đố như thế thì hãy bảo nhau từ chức đi, trả quyền chính trị lại cho dân, giao nhiệm vụ cho những người khác không phải là CS, xem thế nào. Tôi dám cá bằng sinh mệnh của tôi là Trung cộng không dám nghênh ngang như thế. Tôi tin rằng, người Việt Nam còn chút liêm sỹ vì tổ quốc không hèn hạ vơ vét của công, của tư, sau đó đẩy việc cho người khác như kiểu Vũ đức Đam, Huỳnh ngọc Sơn…đã nói, đã làm. Trái lại, hãy nhìn một Ngụy văn Thà, một Nguyễn Khoa Nam, Lê văn Hưng, Lê đăng Vỹ, Trần văn Hai, Hồ ngọc Cẩn, Trung Tá Long … và những chiến thuyền ra Trường Sa thì biết. Hoặc gỉa, đến hỏi em Nguyễn Phương Uyên cũng có câu trả lời thích đáng.

Theo đó, chỉ có những kẻ “ khốn nạn hoặc tâm thần” ( NBC) mới đưa ra lời khẳng định “chỉ có đảng cộng sản mới đủ khả năng lãnh đạo đất nước và xã hội”. Bởi vì ủy viên bộ chính trị, kiêm Chủ tich nhà nước là Nguyễn minh Triết đã khẳng định “Bỏ điều 4 là tự sát” đã cho thấy khả năng lãnh đạo của đảng CS ra sao? Như thế, nó chỉ nhờ vào chữ cướp, cái búa trong điều số 4 mà sống còn. Hoặc gỉa, phải nhờ chủ tịch nước ra ngoài mời chào khách với ngôn từ như một tên ma cô đứng đường “ vào đi các ông ở Việt Nam có nhiều gái” để cho đảng tồn tại. Ngoài ra là không còn cách nào khác. Nếu CS phải nhờ những “ bảo vật” ấy để cho thấy tài lãnh đạo của mình thì tôi cũng nói thật, các đảng khác phải chịu thua, thua không một lời nói năng!

3. Ý đảng hợp lòng dân! Họ kiên trì đi theo đảng?

Dân là ai? Là trên 90 triệu người Việt Nam đang sống trong nước.

Đảng là ai? Là tập đoàn có khoảng 4-5 triệu cá thể (tính cả về hưu), có thẻ đoàn đảng viên cộng sản, là những học viên đã kinh qua học tập và kiểm thảo thề trung thành với giai cấp vô sản.( Đèn Cù)

Làm sao để chứng minh 90 triệu người dân Việt Nam ủng hộ Việt cộng và kiên trì đi theo đảng như những đoạn trích ở trên? Có phải:

- CS đã trưng cầu dân ý, đã tổ chức bầu cử, ứng cử trong tự do? Không, không bao giờ.

-CS đưa giấy đến tận nhà để thỉnh ý kiến của chủ nhân? Không, không bao giờ.

- CS đem búa đến tận nhà buộc dân phải ký giấy “ dâng” ruộng đất cho nhà nước trong mùa đấu tố và sau này là các quy hoạch? Đó là chuyện thường tình. Không có một ngày nào trong hơn sáu mươi năm qua mà không có trường hợp này xảy ra. Nó là cơm bữa. Không búa người này thì cũng bổ nhà khác.

- Cộng đảng viết, Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc, dân có hạnh phúc không? Có đấy. Từ ngày có chuyện thằng cuội và cây đa Tân Trào, mọi người, kể cá các đoàn đảng viên, chưa có một đêm nào tròn giấc ngủ, chưa có một bữa cơm nào không lo âu. Phía thì lo trộm cướp, bên thì lo mất nhà, mất mạng. Tóm lại, lòng dân Việt và ý đảng cộng được “ quy hoạch” như sau:

a. Lòng dân Việt:

Đảng cộng sản đi chết đi, Tàu khựa cút khỏi biển đông, No U. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tự Do, Nhân Quyền, Công Lý cho Việt Nam. Trả đất cho dân Oan. Trả các cơ sở của Tôn Gíao lại cho tôn giáo. Triệt căn nền văn hóa vô đạo của cộng sản. Chấm dứt việc xây các tượng đài, dùng ngân qũy này để miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên…

b. Ý đảng cộng.

“Ta dánh chiếm miền nam là đánh cho Trung Quốc( Lê Duẫn). Bỏ điều 4 là tự sát ( Triết). Ta đã viết công hàm giao Hoàng Sa Trường Sa cho “ nước lạ” từ 1958 rồi (Đồng), để đời con cháu chúng ta đòi lại cũng chưa muộn (Đam, Sơn…)”. Tổng luận: Đây là lúc đảng ta kiên quyết thực hiện chủ trương của đảng: Trung quốc lãnh đạo, quan chức lãnh lương, cán bộ lãnh tiền, nhân dân lãnh nợ. Nước có thể mất song chân lý ấy đời đời không thay đổi…

Để kết, tôi xin trích thuật lại một câu chuyện xảy ra ở Hà Nội vào ngày 20-9-2008. Câu chuyện khả dĩ là tiêu biểu cho cái tính chính danh, chính đáng của điều 4 trong HP/VC. Trong cuộc họp để tháo gỡ những bế tắc về tài sản, đất đai của Tòa Giám Mục Hà Nội với UNNDTP/HN do UBTP tổ chức tại Văn phòng của Ủy ban ngày 20-9- 2008. Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt (phía bị buộc dâng đất) đã công khai nói lên sự hiện hiện của nhà nước CS trên phần đất Việt Nam hôm nay là: “bây giờ kẻ cướp vào nhà chúng tôi rồi ngang nhiên ở đó, rồi không có giấy tờ gì hết, và họ mạnh chúng tôi không đuổi ra được thì đương nhiên họ chiếm ( làm chủ) hay sao?!

Kết qủa, nhà nước đã không tìm ra được câu trả lời thỏa đáng, Phần bản thân người nói lên tiếng nói của Sự Thật thì bị tập thể CS mở cuộc đấu tố, vùi dập! Như thế, từ cướp trong tự điển, cuộc đấu tố và cái búa luôn đồng nghĩa với tính “chính danh”, sự “chính đáng” của điều 4 trong HP của nhà nước CS vậy.

Bảo Giang

9-2015
 
Văn Hóa
Thành Athens của Hy Lạp với những kiến trúc cổ điển và kiểu mẫu ngàn đời
Lm Trần Công Nghị
10:04 02/10/2015
HY LẠP - Hôm 30.9.2015, chúng tôi đến thăm thành Athens mà Việt nam có thời gọi là Nhã điển của Hy Lạp. Mỗi lần trở lại Athens là mỗi lần nhớ lại những trang thần thoại của Hy lạp, nền triết học và văn minh về thể chế chính trị mà văn minh cổ đại Hy Lạp dâng hiến cho toàn thế giới. Chúng tôi không có nhiều giờ trình bầy về thành này, chúng tôi hẹn sẽ trở lại với qúi vị trong một bài kế kiếp để chia sẻ kinh nghiệm khi viếng thăm thành Athens rất danh tiếng và nghệ thuật này.



Hình ảnh

Athens (Hy Lạp hiện đại là Αθήνα, Athina) là thủ đô và thành phố lớn nhất của Hy Lạp. Athens thống trị khu vực Attica và là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới, với lịch sử ghi nhận của nó bao trùm khoảng 3.400 năm, và sự hiện diện của con người sớm nhất khoảng cả 10 ngàn năm trước Công nguyên.

Athens là một thành phố quốc gia mạnh mẽ lớn mạnh cùng với sự phát triển biển của cảng Piraeus. Athens từng là trung tâm nghệ thuật, học tập và triết học, Trường dậy Academy của Plato và trường Lyceum của Aristotle.

Athens cổ điển được biết đến rộng rãi đến như là cái nôi của nền văn minh Tây phương và nơi sinh ra nền dân chủ, chủ yếu là do tác động văn hóa và chính trị của thành Athens ảnh hưởng trên lục địa Châu Âu và đặc biệt là những người La Mã.

Trong thời hiện đại, Athens là một thành phố quốc tế lớn và tập trung vào đời sống kinh tế, tài chính, công nghiệp, hàng hải, chính trị và văn hóa ở Hy Lạp. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Athens gặp khó khăn vì kinh tế trì trệ và phải nợ nần nhiều, nên đang gặp rất nhiều khó khăn về chính trị cũng như kinh tế.

Athens được công nhận là một thành phố toàn cầu vì vị trí địa chiến lược và tầm quan trọng của nó trong việc vận chuyển, thương mại, truyền thông, giải trí, nghệ thuật, thương mại quốc tế, văn hóa, giáo dục và du lịch.

Các di sản của thời đại cổ điển vẫn còn hiển nhiên trong thành phố, có nhiều các tượng đài và tác phẩm nghệ thuật cổ đại, nổi tiếng nhất của tất cả là Parthenon, được coi là một bước ngoặt quan trọng của nền văn minh phương Tây. Thành phố này cũng giữ lại di tích văn minh La Mã và ảnh hưởng Byzantine, cũng như một số lượng nhỏ ảnh hưởng của thồi Ottoman thống trị.

 
Thăm Nhà Đức Mẹ, Mộ Thánh Gioan, và Đền Artemis là một kỳ quan thế giới cổ đại
Lm Trần Công Nghị
10:03 02/10/2015
Ephesus đóng vai trò quan trọng trong buổi đầu của Kitô giáo. Thánh Gioan Tông đồ đã đưa Đức Trinh Nữ Maria đến cư ngụ tại Ephesus trong khoảng năm 42 sau công nguyên. Truyền thuyết tại đây nói Đức Trinh Nữ Maria đã định cư tại vùng núi Bulbul, nằm gần thành Êphêsô, và ngày nay có ngôi nhà tương truyền là nhà của Đức trinh Nữ Maria ở đó, nơi mà mỗi ngày có rất đông du khách tới thăm viếng, ngay cả những người Hồi giáo nữa.


Hình ảnh

Gần thành Êphêsô cổ có một ngọn đồi, trên đó có đại giáo đường thánh Gioan Tông đồ hình chữ thập, trong cung thánh nhà thờ có một chôn thánh nhân. Nhà thờ nay đã đổ nát, nhưng nhiều phòng, tường vách và các cột vẫn còn đó. đây là điểm kính viếng quan trọng cho khách hành hương quốc tế.

Thánh Phaolô Tông đồ cũng đã đến Ephesus rao giảng về chúa Giêsu. Với sự kiên trì có cố gắng không mệt mỏi của Thánh Phaolô, Kitô giáo đã được chấp nhận bởi hầu hết người dân xung quanh thành Ephesus. Thánh Phaolô cũng đã gửi một thư nổi tiếng nhất của ngài cho cộng đoàn tín hữu Êphêsô.

Vài nét về Nhà của Đức Trinh Nữ Maria

Trên đỉnh của ngọn núi "Bulbul" cách Ephesus 9 km, ngôi nhà của Đức Trinh Nữ Maria tọa lạc trong bầu không khí tuyệt vời, ẩn dật một rừng cây xanh mướt quanh năm. Ngôi nhà của Đức Trinh Nữ Maria là một ví dụ điển hình của kiến trúc La Mã, hoàn toàn làm bằng đá. Trong thế kỷ thứ 4, một nhà thờ nhỏ đã được xây dựng. Ngày nay, chỉ có một phần phòng bên phải của bàn thờ mở cửa cho du khách.

Bước xuống một ít bậc thang, du khách sẽ thấy có nguồn "Nước của Đức Maria", một nguồn ngước được tìm thấy tại lối ra thuộc khu vực nhà thờ. Nhiều người tin rằng nước này có đặc tính chữa bệnh, nên rất đông người
đến lấy nước tại đây đưa về nhà. Nhìn trên tường dài ở đó có rất nhiều dây rao các thư và bản viết giấy cám ơn vì được chữa lành.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm nơi này trong năm 1960. Sau đó Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II vào năm 1980 cũng đã thăm nơi này và đã tuyên bố đền của Đức Trinh Nữ Maria là trung tâm hành hương cho các Kitô hữu. Hằng năm vào lễ kính Đức Mẹ lên trời, 15.8 dân Công Giáo trong toàn vùng đến tham dự thánh lại đại triều tại đây tôn kính Đức Maria.

Những người Hồi giáo cũng công nhận Đức Maria là mẹ của một trong các nhà tiên tri của họ và họ cũng rất sùng một khi kính viếng nhà Đức Mẹ.

Vương cung Thánh đường Thánh Gioan

Người ta tin rằng các thánh Gioan Tông Đồ đã trải qua những năm cuối cùng của ngài trong khu vực xung quanh thành Ephesus và khi qua đời được chôn cất tại sườn phía nam của đồi Ayosolug. Ba trăm năm sau cái chết của Thánh Gioan, một nhà nguyện nhỏ được xây dựng trên ngôi mộ trong thế kỷ thứ 4. Vương cung thánh đường Thánh Gioan đã được xây dựng trên thánh đường cũ dưới thời Hoàng đế Justinianô (527 -565 AD).

Hình ảnh

Thánh Tông đồ Gioan là tác giả của Tin Mừng thứ tư và sách Khải Huyền. Phúc Âm nói Gioan là con trai của Giêbêđê cùng với anh trai Giacôbê được Chúa Giêsu gọi đi theo ngài khi hai ông đang bắt cá ở hồ Galilee. Gioan là một trong những môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu. Dưới chân Thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho Gioan nói với Mẹ rằng: "Mẹ, đây là con của mẹ '. Và nói với môn đệ yêu dấu rằng: "Đạh là mẹ của con" (Gioan 19,26-27).

Theo truyền thuyết thánh Gioan đã đưa Đức Maria về sống ở Ephesus. Tại đây ngài đã viết sách Phúc Âm của ngài, và tại đảo Patmos của Hy Lạp ngài đã viết sách Khải Huyền khoảng năm 96.

Vương cung thánh đường Thánh Gioan rất hoành tráng được xây thành hình dạng của cây thập tự và được bao phủ với sáu mái vòm. Tất cả được xây bằng đá và gạch, là một kiến trúc hiếm thấy trong số các kiến trúc của thời gian đó. Giữa vương cung thánh đường là ngôi mộ của thánh Gioan được xây bằng đá cẩm thạch dưới mái vòm trung với bốn cột ở các góc hiện hãy còn đứng vững.

Các cột trong sân cho thấy các còn các chữ viết dấu tích chỉ Hoàng đế Justinianô và bà vợ Theodora.

Có giếng Rửa tội ở phía bắc của gian giữa, với hình dạng như lỗ của chiếc chìa khóa được xây dựng vào thế kỷ thứ 5.

Chung quang vương cung thánh đường có các tường lũy đã được xây dựng để bảo vệ các cuộc công phá từ phía quân Ả Rậpvào hai thế kỷ 7 và 8.

Các bích họa (fresco) thánh Gioan, Chúa Giêsu và các Thánh trang trí trên tường nhà nguyệnrất ấn tượng được thực hiện vào thế kỷ thứ 10.

Khi người Thổ Nhĩ Kỳ xâym chiếm nơi này, họ đã biến nhà nguyện thành một nhà thờ Hồi giáo trong thế kỷ 14.

Hiện nay Vương Cung thánh đường thánh Gioan không còn sử dụng được vì qua nhièu cuộc động đất đã bị tàn phá nghiêm trọng, nên chỉ còn lại một ít tường vách và cột.

Đền thờ thần Artemis là một trong bảy kỳ quan thế giới xưa

Đền thờ Artemis được biết đến là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Đền được xây dựng ở Ephesus trên một khu vực bằng phẳng, nhưng ngày nay đền này chỉ còn trơ lại một chiếc cột giữa cảnh hoang tàn và trong khu vực chung quanh nghèo nàn!

Thời xưa đền thờ này là tiêu biểu công trình xây dựng tuyệt vời của thời Hy Lạp cổ đại, hoàn toàn làm bằng đá cẩm thạch và các bệ và cột được điêu khắc tinh vi và nghệ thuật. Những dấu tích và nghệ thuật về ngôi đền này nay đang được trưng bày ở Bảo tàng Anh ở London.

Những di vật còn lại là của Đền thờ xây vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Đền này được bao quanh bởi 36 cột rất lớn là công trình do vua Kreisos của Lydia xây cất lên. Hầu hết các công trình còn lại được trình bầy tại Bảo tàng Anh ở London thuộc về thời kỳ này.

Đền Artemis mới đã được xây dựng lại vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Nằm trên chính vị trí ngôi đền cũ với kích thước to lớn: 127 cột, mỗi cây cao 17,5 mét. Thật không may đền này cũng đã bị phá hủy do cháy, rồi được xây dựng lại và một lần nữa cũng bị phá hủy do động đất. Lần cuối cùng xây dựng lại thì đền cũng bị cướp phá bởi quân Goths.

Các bức tượng nữ thần Artemis thường có nhiều vú là biểu tượng của sự sống phong phú. Thần Artemis cũng biểu tượng cho săn bắn và sống hoang dã. Bức tượng chính của thần Artemis không bị cháy, hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Selcuk. Nhiều bản sao của bức tượng này được tìm thấy trong các cuộc khai quật mới nhất ngày trở lại từ thời kỳ La Mã.

Thần Artemis còn có tên khác là Cynthia, sinh ra ở núi Cynthus thuộc miền Delos. Thần là chị em sinh đôi của Apollo, con gái của thần Zeus và Leto. Thần Artemis là một trong ba nữ thần của Olympus, đó là: nữ thần tinh khiết Vesta, nữ thần Athena của chiến tranh và nghệ thuật, và nữ thần Artemis của săn bắn, núi rừng và thiên nhiên. Tượng thần Artemis cũng thường thấy biểu tượng với con vật yêu thích là con hươu với cung và mũi tên bạc.

Thành Ephêsô cổ

Thành cổ Ephesus được phát hiện ở làng Selcuk, Izmir, ở miền tây Thổ Nhĩ Kỳ. Ephêsô cách thành phố cảng Kusadasi là 20 km. Ephesus đã được xây dựng trên sông uốn cong, gần núi sông Cayster, trên bờ biển phía tây của Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại). Cùng đồng bằng ven biển giữa Smyrna ở phía bắc và Miletus về phía nam, Địa điểm hiện tại cách biển Aegean 5 km.

Hình ảnh

Thành phố chuyển dời trong năm vị trí khác nhau theo thời gian như sau:
Ephesus I: ở đồi AyaSuluk (hiện tại có basilica thánh Gioan đổ nát);
Ephesus II: khu vục quanh Artemission;
Ephesus III: Khu cảng có tên thánh Phaolô, dưới chân núi Koressos (là khu Ephesô hiện tai nhiều di tích và khác thăm viếng);
Ephesus IV: vùng phía bắc làng AyaSuluk;
Ephesus V: khu làng Selcuk hiện tại.

Trong bài này khi nhắc tới Ephesus chúng tôi muốn tới tới thành cổ Ephêsô hiện tại được các học giả đặt tên là Ephêsô III. Thánh Phaolô Tông Đồ và Thánh Gioan Tông Đồ đã từng đến sinh sống và quen thuộc với thành phố này.

Một số học giả ước tính số lượng người sống tại thành Ephesus đã vượt quá 250.000 người tại Ephesus III, và thời ấy có lẽ là thành lớn thứ tư sau Rome, Alexandria và Antioch.

Ephesus được cai trị bởi vua Lydian là Kreisos khoảng năm 6 trước Công nguyên. Thành phố đạt tới thời thịnh đạt gọi là "Golden Age -Thời Vàng" và đã trở thành một mô hình gương mẫu cho thế giới cổ điển về văn hóa và nghệ thuật.

Sau đó, Ephesus đã được thống trị bởi người Ba Tư. và vì dân Ephêsô không tham gia "vào cuộc nổi loạn Ionian" chống lại người Ba Tư, nên thành phố đã được cứu khỏi bị hủy diệt.

Tuy nhiên cuối cùng cuộc nổi dậy dẫn đến sự bại trận của Ba Tư vào tay Alexander Đại đế và các thuộc vùng Ionian giành được sự độc lập vào năm 334. Trong suốt thời gian dưới quyền cai trị của Alexander Đại đế, Ephesus được thịnh vượng tuyệt vời.

Tại Ephêsô có đền thờ thần Artemis rất thời danh được coi là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới thời đó. Đền này bị cháy và bị hủy diệt bởi những người ủng hộ chính thể lạc hậu đương thời vào năm 356 trước Công nguyên. Nhưng người ta tin rằng có một người điên tên là Herostratus đã nổi lửa đốt đền thờ vì muốn làm cho tên của mình bất tử, đêm đó cũng là vào chính đêm mà Alexander Đại đế sinh ra. Alexander đại đế đề nghị sửa chữa đền thờ Artemis, nhưng dân thành Ephesô tế nhị từ chối.

Nhưng rồi thành Arsinoeina một lần nữa được thay đổi thành "Ephesus" và tên cũ bị lãng quên mãi mãi.

Ephesus Lịch sử II được kiểm soát bởi người La Mã vào năm 190 BC. Tiếp theo thành này được trao cho các vua Bergamia cai trị trong nhiều năm. Khi vua Attalos III, vua cuối cùng dòng Bergamia chết vào năm 133BC, thành phố đã được tái cai trị bởi người La Mã.

Ephesus nổi tiếng là thành giàu có và sang trọng vào những năm 1-4 AD, đặc biệt là trong triều đại của vua La mã Augustus.. Trong thời kỳ này, dân số của thành Ephesus tăng đến 225 000, và thành phố trở thành thủ đô của khu vực châu Á mới. Thành phố xây dựng thêm những dinh thự đồ sộ, đặc biệt là "Thư viện Celsus" một kỳ công nghệ thuật tinh tế có thể nói toàn thiện với những đường nét chi tiết công trình.

Năm 1090, Ephesus dưới quyền cai trị của người Hồi giáo Seljukian. Rồi tiếp đến dưới đế chế của Byzantine. Nhưng vào năm 1307 người Seljukian chiếm lại và kiểm soát thành phố.

Nhưng những năm sau đó, sông Caystros đầy phù sa, nước đưa bùn vào sâu trong thành phố làm ngập lụt vì thế Ephesus mất ảnh hưởng và cũng vì hai cảng Izmir và Kusadasi bắt đầu phát triển thành các cảng thương mại thông thương quốc tế.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Giây Phút Tịnh Yên
Nguyễn Đức Cung
22:09 02/10/2015
GIÂY PHÚT TỊNH YÊN
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Một mình ngồi với tịnh yên
Trút đi lo lắng, bỏ quên muộn phiền.
(nđc)