Ngày 05-10-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:52 05/10/2015
36. THEO ĐUÔI PHỤ HỌA.
N2T

Thời Hán tư đồ (tức thừa tướng) Thôi Liệt cho triệu Thượng Đảng Bào Kiên lại, Bào Kiên lo lắng vì chưa thấy qua cảnh tượng to lớn đồ sộ như thế bao giờ, liền đi hỏi mọi người, người ta nói với anh ta:
- “Chỉ cần phụ họa theo đuôi người phụ trách nghi lễ là được”.
Đến ngày ấy, người phụ trách nghi lễ bảo Bào Kiên:
- “Có thể quỳ bái”.
Bào Kiên cũng nói theo:
- “Có thể quỳ bái”.
Một lúc sau, người phụ trách nghi lễ lại nói:
- “Có thể ngồi xuống”.
Bào Kiên cũng nói lại như thế.
Trong lúc luống cuống thì mang luôn cả giày ngồi trên chiếu mà cũng không biết, đợi lúc rời khỏi chỗ ngồi để đến chỗ để giày tìm cũng không thấy giày đâu cả, người phụ trách nghi lễ nói với anh ta:
- “Giày mang nơi chân”.
Bào Kiên cũng vội vàng nói lại:
- “Giày mang nơi chân”.
(Tiếu lâm)

Suy tư 36:
Các bạn trẻ thời nay thường hay học theo “mốt” của người khác, mà người dân quê chúng ta gọi là bắt chước. Thường thì cái gì dở không tốt thì bắt chước rất nhanh, còn việc gì tốt đẹp đạo đức thì lại bắt chước rất chậm, có khi không thèm bắt chước.
Thấy các bạn đồng trang lứa phì phà hút thuốc thì cũng học đòi bắt chước phì phà điếu thuốc trên môi, lâu ngày thành thói quen, ghiện, đến khi không có tiền mua thuốc hút, thì đi ăn cắp của người ta để có tiền hút.
Thấy bạn bè mặc áo quần mốt này mốt nọ cũng bắt chước đua đòi cho kịp chúng bạn, không tiền may sắm thì đi làm cho có tiền, mà có tiền nhanh nhất chính là đi bán bar, bán cà phê ôm và cuối cùng là bán đi cả thân xác mình.
Tôi có quen biết một số cô gái đi làm... gái, hỏi nguyên nhân tại sao các cô đi làm nghề này thì nguyên nhân chính là bắt chước mẹ và các chị trong nhà, làm gái là có tiền để có tiền mua sắm áo quần, son phấn nhanh nhất...
Thánh Phao-lô Tông Đồ đã khuyên bảo chúng ta: “Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta...” . Ngài khuyên chúng ta hãy bắt chước Chúa chứ đừng bắt chước người đời, mà Thiên Chúa thì là công chính, là lương thiện, là chân thật...
Bắt chước mô đen này mô đen nọ thì cũng không làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, bình an hơn – Nhưng bắt chước sống cuộc đời chân thật, bác ái, yêu thương thì không những làm cho chúng ta được hạnh phúc, bằng an trong tâm hồn, mà còn dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:54 05/10/2015
N2T

21. Nếu anh muốn mua nước thiên đàng thì phải đem bản thân mình dâng hiến cho Thiên Chúa, không dùng giá trị này thì không thể mua được thiên đàng.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Về Gia Đình
VietCatholic Network
01:58 05/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 10h sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng về Gia Đình. Dưới đây là toàn văn bài giảng của ngài.

“Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.”(1 Gioan 4:12).

Các bài sách Thánh trong Chúa Nhật này dường như đã được lựa chọn chính xác cho thời điểm ân phúc mà Giáo Hội đang trải qua là Thượng Hội Đồng về Gia Đình, bắt đầu với buổi cử hành Thánh Thể này. Trung tâm của các bài đọc là ba chủ đề: sự cô đơn, tình yêu giữa người nam và người nữ, và gia đình.

Sự cô đơn

Adong, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, được sống trong Vườn Địa Đàng. Ông đặt tên cho tất cả các sinh vật khác như là một dấu chỉ về sự thống trị của mình, về quyền lực rõ ràng và không thể tranh cãi của mình, trên tất cả mọi loài. Tuy nhiên, ông cảm thấy cô đơn, bởi vì “chẳng tìm được một trợ tá cho ông” (St 2:20). Ông cô độc một mình.

Thảm trạng cô đơn là kinh nghiệm của vô số những người nam nữ trong thời đại chúng ta. Tôi nghĩ đến những người cao niên, bị bỏ rơi bởi chính những người thân yêu và con cái mình; những góa phụ và những người goá vợ; đến cơ man những người nam nữ bị người phối ngẫu của mình bỏ rơi; đến tất cả những người cảm thấy cô đơn, bị hiểu lầm và chẳng được lắng nghe; đến những người di cư và tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh và bách hại; đến những người già và đông đảo những người trẻ là nạn nhân của nền văn hóa tiêu dùng, văn hóa hoang phí và loại bỏ.

Ngày nay chúng ta cảm nhận được các nghịch lý của một thế giới toàn cầu hóa đầy những biệt thự sang trọng và các tòa nhà chọc trời, nhưng cùng với chúng là sự giảm thiểu cái ấm áp của mái ấm gia đình; cơ man những kế hoạch và các dự án đầy tham vọng, nhưng người ta càng ngày càng có ít thời gian để hưởng thụ chúng; nhiều phương tiện tinh vi của giải trí, nhưng lại có một sự trống rỗng nội tâm sâu sắc và lớn dần; nhiều thú vui, nhưng rất ít tình thương; nhiều thứ quyền, nhưng lại rất ít tự do. .. Số lượng những người cảm thấy cô đơn không ngừng tăng lên, cũng như số lượng những người đang bị cuốn hút vào thói ích kỷ, tâm trạng chán chường, bạo lực phá hoại và chế độ nô lệ cho khoái lạc và tiền bạc.

Kinh nghiệm ngày nay của chúng ta, một cách nào đó, cũng giống như của Adong với quá nhiều quyền lực nhưng đồng thời lại rất cô đơn và dễ bị tổn thương. Đây là hình ảnh của gia đình. Người ta càng ngày càng thiếu nghiêm túc trong việc xây dựng một mối quan hệ yêu thương vững chắc và sinh hoa kết quả: khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu. Tình yêu lâu dài, trung tín, tận tâm, ổn định và sinh hoa kết quả ngày càng bị đánh giá thấp, xem như là một di tích cổ kính thời xa xưa. Có vẻ như người ta cho rằng xã hội tiên tiến nhất chính là xã hội có sinh suất thấp nhất và có tỷ lệ phá thai, ly dị, tự tử, và ô nhiễm môi trường cao nhất.

Tình yêu giữa người nam và người nữ

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta cũng nghe thấy Thiên Chúa đã đau khổ vì sự cô đơn của Adong. Ngài nói: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 2: 18). Những lời này cho thấy rằng không có gì làm cho trái tim con người hạnh phúc bằng một trái tim như của chính mình, một trái tim yêu mến anh ta và làm mất đi cảm giác trơ trọi một mình. Những lời này cũng cho thấy Thiên Chúa không tạo nên chúng ta để phải sống trong nỗi buồn hay trong cô đơn. Người đã tạo ra có nam có nữ để được hạnh phúc, để chia sẻ cuộc hành trình của họ với người bổ túc cho mình, để sống kinh nghiệm kỳ diệu của tình yêu: để yêu và được yêu, để được nhìn thấy tình yêu sinh hoa kết trái nơi con cái, như được nêu trong Thánh Vịnh ngày hôm nay (x. Thánh Vịnh 128).

Đây là giấc mơ của Thiên Chúa cho kỳ công sáng tạo yêu quý của mình: đó là thấy nó thành toàn trong sự kết hiệp yêu thương giữa một người nam và một người nữ, khi họ vui mừng trong cuộc hành trình được chia sẻ với nhau, sinh hoa kết quả trong món quà trao tặng cho nhau là chính mình. Đó cũng là kế hoạch Chúa Giêsu trình bày trong Tin Mừng hôm nay: “Từ lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mc 10: 6-8; x. St 1:27; 2:24).

Trước một câu hỏi chơi chữ - có lẽ hỏi như một cái bẫy để làm cho Ngài không còn được đám đông ưa chuộng nữa, trong đó nêu ra chuyện ly dị như là một thực tế đã được thiết định và bất khả xâm phạm - Chúa Giêsu phản ứng lại một cách thẳng thừng và bất ngờ. Ngài đã mang tất cả mọi thứ trở lại thời kỳ đầu của sáng tạo, mà dạy cho chúng ta rằng Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu con người, và chính Ngài đã kết hiệp trái tim của hai người yêu nhau lại với nhau. Ngài kết hiệp chúng trong sự hiệp nhất và bất khả phân ly. Điều này cho chúng ta thấy rằng mục tiêu của cuộc sống tri giao vợ chồng không đơn giản là để sống với nhau trọn đời, nhưng là để yêu thương nhau trọn cuộc sống! Bằng cách này, Chúa Giêsu tái lập trật tự đã có ngay từ đầu.

Gia đình

“Như thế, điều gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân ly” (Mc 10: 9). Đây là một lời khích lệ các tín hữu đang vượt qua mọi hình thái của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa duy luật trong đó che giấu một sự tập trung hẹp hòi vào cái tôi của mình và nỗi sợ hãi phải chấp nhận ý nghĩa đích thực của đời sống lứa đôi và tính dục của con người theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Thật vậy, chỉ trong ánh sáng của sự điên rồ trong tình yêu nhưng không nơi mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu thì sự điên rồ trong tình yêu độc quyền trao cho nhau cách nhưng không suốt đời của vợ chồng mới có ý nghĩa. Đối với Thiên Chúa, hôn nhân không phải là một điều không tưởng vị thành niên, nhưng là một giấc mơ mà không có giấc mơ ấy thì mọi sinh vật của Ngài sẽ phải cam chịu cảnh cô đơn! Thật vậy, nỗi sợ phải chấp nhận kế hoạch này làm tê liệt trái tim con người.

Nghịch lý thay, con người ngày nay - những người thường xuyên chế nhạo kế hoạch này - tiếp tục bị cuốn hút và say mê bởi mọi tình yêu đích thực, mọi tình yêu bền vững, mọi tình yêu sinh hoa kết quả, mọi tình yêu trung tín và lâu dài. Chúng ta nhìn thấy bao người đuổi theo những tình yêu thoáng qua trong khi mơ về tình yêu đích thực; họ đuổi theo những thú vui xác thịt nhưng ao ước sự tự hiến hoàn toàn.

“Giờ đây, sau khi chúng ta đã nếm trải đầy đủ những lời hứa về thứ tự do không giới hạn, chúng ta lại một lần nữa bắt đầu đánh giá cao cái cụm từ cũ là ‘Thế giới mệt mỏi’. Những thú vui bị cấm mất hết sức hấp dẫn của chúng ngay tại thời điểm chúng hết bị cấm. Ngay cả khi chúng bị đẩy đến tận cùng và không ngừng được đổi mới, chúng tỏ ra vô vị, vì chúng chỉ là những thực tại hữu hạn trong khi chúng ta khao khát sự vô hạn”(Joseph Ratzinger, Auf Christus schauen. Einübung trong Glaube, Hoffnung, Liebe, Freiburg, 1989, p.73).

Trong bối cảnh xã hội và hôn nhân vô cùng khó khăn này, Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong sự trung tín, trong sự thật và tình yêu. Để thực hiện sứ mệnh trong sự trung tín với Thầy mình, Giáo Hội phải trở thành một tiếng kêu trong sa mạc trong việc bảo vệ tình yêu trung tín và khuyến khích nhiều gia đình sống cuộc sống hôn nhân như một kinh nghiệm chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa; trong việc bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống, của mọi sự sống; trong việc bảo vệ sự thống nhất và bất khả phân ly của mối liên hệ hôn nhân như là một dấu chỉ ân sủng của Thiên Chúa và của khả năng con người có thể yêu thương nghiêm túc.

Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong sự thật, không đổi thay theo thị hiếu chóng qua hay theo những ý kiến được ưa chuộng. Đó là sự thật bảo vệ mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại khỏi cám dỗ tự quy hướng về mình như là trung tâm, cũng như cám dỗ biến tình yêu sinh hoa kết quả thành thói ích kỷ vô sinh, và biến sự kết hiệp trung tín thành một hình thái kết hợp tạm thời. “Nếu không có sự thật, lòng bác ái thoái hoá thành mối cảm thương. Tình yêu trở thành một cái vỏ rỗng, được chất chứa một cách tùy tiện. Trong một nền văn hóa không sự thật, tình yêu đối mặt với một nguy cơ trầm trọng” (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Caritas in Veritate, 3).

Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh của mình trong tình bác ái, không chỉ trỏ kết án người khác, nhưng – trung thành với bản chất của một người mẹ - ý thức về nhiệm vụ của mình là tìm kiếm và chăm sóc cho các cặp vợ chồng với dầu chấp nhận và thương xót; trở thành là một “bệnh viện dã chiến” với cửa rộng mở cho bất cứ ai đến gõ để tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ; để vươn ra với những người khác với một tình yêu đích thật, để đồng hành với những người nam nữ đồng loại là những người đang đau khổ, để bao gồm họ và dẫn họ đến suối nguồn của ơn cứu rỗi.

Giáo Hội dạy và bênh vực những giá trị cơ bản, trong khi không quên rằng “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2:27); và Chúa Giêsu cũng đã nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2:17). Một Giáo Hội dạy bảo tình yêu đích thực, có khả năng làm mất đi sự cô đơn, không bỏ qua nhiệm vụ của mình là trở thành một người Samaritano nhân lành cho một nhân loại bị thương.

Tôi nhớ Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị từng nói: “Tội lỗi và cái ác luôn luôn phải bị lên án và phản đối; nhưng người sa ngã hay sai lầm phải được thấu hiểu và yêu thương. .. chúng ta phải yêu thời đại chúng ta và giúp con người của thời đại chúng ta “(Gioan Phaolô Đệ Nhị, Diễn văn gửi các thành viên của Công Giáo Tiến Hành Italia, 30 Tháng 12 năm 1978). Giáo Hội phải tìm ra những người ấy, chào đón và đồng hành cùng với họ, vì một Giáo Hội với cánh cửa đóng kín phản bội lại chính mình và sứ mệnh của mình, và, thay vì là một cây cầu thì trở thành một rào cản: “Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em” (Dt 2:11).

Trong tinh thần này, chúng ta cầu xin Chúa đồng hành cùng chúng ta trong suốt Thượng Hội Đồng này và hướng dẫn Giáo Hội của Ngài nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, người phối ngẫu khiết tịnh nhất của Mẹ.
 
Đức Thánh Cha lưu ý đoàn hiến binh Vatican về những cám dỗ và những bẫy rập của Satan
Đặng Tự Do
08:00 05/10/2015
Hôm thứ Bẩy ngày 03 tháng 10, Đức Thánh Cha đã dâng lễ cho đoàn hiến binh của thành Vatican tại nhà nguyện phủ thống đốc quốc gia thành Vatican.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cuộc chiến chống lại Satan của các thiên thần trên trời, dẫn đầu bởi Tổng Lãnh Thiên Thần Miace. Cuộc chiến tranh này, ngài nói, cũng đang diễn ra trong trái tim con người mỗi ngày.

Tổng Lãnh Thiên Thần Miace là bổn mạng của đoàn hiến binh thành Vatican.

Đức Thánh Cha nói với các thành viên của lực lượng cảnh sát Vatican rằng Satan cài bẫy và quyến rũ. “Ba bước trong phương pháp của con rắn” được thể hiện nơi những chước cám dỗ nó đã từng tung ra với Chúa Giêsu sau 40 ngày chay tịnh trong hoang địa. Đó là của cải vật chất, phù hoa, và quyền lực.

“Hãy cầu nguyện nhiều cùng Chúa, qua lời cầu bầu của Tổng Lãnh Thiên Thần Miace, để anh em khỏi sa chước cám dỗ, khỏi mọi cám dỗ và băng hoại thông qua tiền của, giàu sang, phù hoa, và kiêu ngạo”,
 
Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình 05/10/2015
VietCatholic Network
09:26 05/10/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng thứ Hai, 5 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc phiên khoáng đại đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 14 về “ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Phiên họp bắt đầu với kinh giờ ba trước sự hiện diện của 258 nghị phụ. Trên bàn chủ tọa, ngồi quanh Đức Thánh Cha còn có 4 vị Hồng Y Chủ tịch thừa ủy, Đức Hồng Y Tổng thư ký, Đức Hồng Y Tổng tường trình viên, và Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký đặc biệt.

Thay mặt Đức Thánh Cha điều hành phiên họp là Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris bên Pháp.

Trong lời khai mạc phiên họp, Đức Thánh Cha nói: “Như chúng ta biết, Thượng Hội Đồng Giám Mục là một sự đồng hành trong tinh thần đoàn thể và công nghị, can đảm chấp nhận sự biểu lộ chân lý trong tự do, lòng nhiệt thành mục vụ và đạo lý, sự khôn ngoan, thẳng thắn, luôn nghĩ đến thiện ích của Giáo Hội, của các gia đình, và qui luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn.”

“Tôi muốn nhắc nhở rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một hội nghị, một diễn đàn thảo luận, hay là một quốc hội, một nghị viện, nơi mà người ta thỏa thuận với nhau. Trái lại, Thượng Hội Đồng Giám Mục là một diễn đạt về Giáo Hội, nói lên rằng Giáo Hội đồng hành để đọc thực tại với con mắt đức tin, và với con tim của Thiên Chúa; Thượng Hội Đồng Giám Mục là dịp để Giáo Hội tự hỏi mình về sự trung thành với kho tàng đức tin, kho tàng này, đối với Giáo Hội, không phải là một bảo tàng viện để thăm viếng và càng không phải là một bảo tàng viện cần bảo tồn, nhưng là một nguồn mạch sinh động nơi mà Giáo Hội giải khát, và soi sáng kho tàng sự sống.”

“Thượng Hội Đồng Giám Mục nhất thiết phải được tiến hành trong lòng Giáo Hội và trong dân thánh của Thiên Chúa, mà chúng ta là thành phần, trong tư cách là mục tử, tức là người phục vụ. Ngoài ra Thượng Hội Đồng Giám Mục là một không gian được bảo vệ, trong đó Giáo Hội cảm nghiệm hoạt động của Chúa Thánh Linh. Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục, Chúa Thánh Linh nói qua ngôn ngữ của tất cả những ai để mình được hướng dẫn bởi Thiên Chúa, là Đấng luôn gây ngạc nhiên, là vị Thiên Chúa tỏ mình ra cho những người bé mọn những điều mà Ngài giấu kín đối với những kẻ khôn ngoan và trí thức; là vị Thiên Chúa đã lập nên luật lệ và ngày thứ Bẩy vì con người chứ không ngược lại; Người bỏ 99 con chiên để tìm con chiên lạc; con người luôn luôn lớn hơn những tiêu chuẩn luận lý và những tính toán của chúng ta”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Nhưng chúng ta cũng hãy nhớ rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục chỉ có thể là một không gian hoạt động của Chúa Thánh Linh nếu chúng ta những tham dự viên có lòng can đảm tông đồ, lòng khiêm tốn theo tinh thần Tin Mừng và cầu nguyện tín thác: lòng can đảm tông đồ không để cho mình sợ hãi đứng trước những cám dỗ của thế giới, không dập tắt nơi tâm hồn con người ánh sáng chân lý, thay thế nó bằng những tia sáng bé nhỏ và nhất thời, và càng không sợ hãi đứng trước con tim chai đá của một số người, tuy có thiện ý, nhưng làm cho người người xa lìa Thiên Chúa; lòng can đảm tông đồ mang lại sự sống và không biến cuộc sống Kitô của chúng ta thành một bảo tàng viện những kỷ niệm; lòng khiêm tốn theo tinh thần Tin Mừng biết từ bỏ những hiệp ước riêng và những thành kiến, để lắng nghe các anh em giám mục và làm cho mình được đầy tràn Thiên Chúa, lòng khiêm tốn đưa tới sự giơ tay ra không phải để chống người khác, hay để xét đoán họ, nhưng để giơ tay ra với họ, nâng họ trỗi dây và không bao giờ cảm thấy mình ở trên họ”.

“Sự cầu nguyện tín thác là hoạt động của tâm hồn khi ta cởi mở đối với Thiên Chúa, khi ta làm cho tất cả những tiếng ồn ào của chúng ta im bặt để lắng nghe tiếng nói dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng nói trong thinh lặng. Nếu không lắng nghe Thiên Chúa, thì những lời của chúng ta chỉ là những lời không làm mãn nguyện và vô ích. Nếu không để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn, thì tất cả những quyết định của chúng ta chỉ là những đồ trang trí thay vì tuyên dương Tin Mừng thì lại che đậy và giấu kín Tin Mừng.”

Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh em thân mến, như tôi đã nói, Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một nghị viện nơi mà để đạt tới sự đồng thuận hoặc thỏa hiệp chung, người ta thương thuyết với nhau, kết ước với nhau hoặc nhượng bộ nhau, nhưng phương pháp duy nhất của Thượng Hội Đồng Giám Mục là cởi mở đối với Chúa Thánh Linh với lòng can đảm tông đồ, với lòng khiêm tốn theo tinh thần Phúc Âm, và với lời cầu nguyện tín thác, để chính Chúa hướng dẫn chúng ta, soi sáng và đặt trước mắt chúng ta, không phải những ý kiến cá nhân, nhưng là niềm tin nơi Thiên Chúa, lòng trung thành với Huấn quyền Hội Thánh, thiện ích của Giáo Hội và phần rỗi các linh hồn.”

Đức Thánh Cha không quên cám ơn Đức Hồng Y Tổng thư ký và tất cả các chức sắc, các cộng tác viên của Thượng Hội Đồng Giám Mục, các nghị phụ, các đại biểu anh em, và mọi thành phần khác.

Sau cùng ngài đặc biệt cám ơn các ký giả hiện diện cũng như các ký giả theo dõi từ xa vì sự tham gia và quan tâm của họ.

Đức Thánh Cha nói:

Tôi muốn gởi một lời cảm ơn đặc biệt đến các nhà báo có mặt tại đây và những người đang theo dõi chúng tôi từ xa. Cảm ơn các bạn vì nhiệt tình tham gia của các bạn và sự chú ý đáng ngưỡng mộ của các bạn.

Chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình này với lời cầu khẩn sự phù trợ của Chúa Thánh Thần và sự cầu bầu của Thánh Gia: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse.
 
Bên lề cuộc Tông Du Hoa Kỳ cuả ĐTC Phanxicô: phép lạ hay chỉ là sự trùng hợp?
Trần Mạnh Trác
11:37 05/10/2015

Đối với em Julia Bruzzese, 12 tuổi, cư ngụ ở phố Bensonhurst, học sinh lớp 7 trường Công Giáo St. Bernadette ở Dyker Heights thì đúng là một phép lạ tỏ tường.

"Em tới đây để mong được gặp ĐTC, và em tin sẽ được phép lạ," theo lời em nói với các phóng viên tại phi trường Kennedy, nơi ĐGH đáp xuống New York City trong chặng thứ 2 cuả cuộc Tông Du Hoa Kỳ.

Từ tháng 5 vừa qua, em bắt đầu cảm thấy đôi chân cuả mình bị tê dại, và đến tháng 6 thì phải ngồi xe lăn.

Những triệu chứng bên ngoài cho thấy em có thể bị mắc bệnh Lyme desease, một chứng bệnh nguy hiểm lan truyền qua bọ chét nhưng có thể chữa được nếu phát hiện ra sớm, nhưng những thí nghiệm trên máu cuả em liên tiếp đem lại kết quả âm, và vì thế các bác sĩ không dám quyết định phương pháp trị liệu cho em.

Trong cuộc tiếp đón bận rộn và ồn ào tại phi trường, bà mẹ cuả Julia đã kêu lên tới ĐGH qua 5 hàng rào dầy cộm cuả những người đang vây buả quanh Ngài là các quan chức chánh quyền, hàng giáo phẩm, đoàn tuỳ tòng, nhân viên an ninh, hàng rào trật tự.

Không biết tại sao, lời kêu xin cuả bà đã thấu được tới tai cuả ĐGH, Ngài nhìn lại.

"Tôi biết ngay là một sự đặc biệt sẽ xảy ra," Bà noí.

ĐGH tiến tới, em Julia lúc đó nước mắt trào ra vì sung sướng, đã hôn nhẫn cuả Ngài và ĐTC đã xoa trán và ban phép lành.

"Đối với em thì Ngài sẽ mang lại một phép lạ, để em có thể đi lại được như xưa," Julia nói với các phóng viên. "Em biết chắc chắn em sẽ đi trở lại được nhờ ở Ngài."

"Đó là giây phút đẹp nhất cuả đời em," Julia nói.

ĐTC cũng đã không quên đến bà mẹ đang u sầu, "Ngài nhìn thẳng vào mắt tôi; tôi đã được hôn nhẫn cuà Ngài, và khi Ngài đi rồi, tôi bỗng có linh tính rằng 'con bé sẽ được OK'," bà Josephine Bruzzese, mẹ cuả Julia nói.

Nếu em được OK trở lại, em sẽ có thể thao dợt các bộ môn ném bóng mềm (softball) và túc cầu (soccer) với chúng bạn cùng lứa tuổi.

Em cũng có thể đi hát trở lại với ca đoàn và nhất là em sẽ vẫn tiếp tục được làm một cô bé giúp lễ trên bàn thờ.

...

Nhưng trước khi em có thể thực hiện được các ước mơ kỳ diệu đó, em phải được chữa lành đã.

Cuộc gặp gỡ với ĐGH và lòng tin tưởng mãnh liệt cuả Julia đã không chữa bệnh cho em một cách lập tức như những phép lạ trình diễn trên TV. Em Julia đã trở về nhà để tiếp tục đối diện với thực tế tàn nhẫn cuả chiếc xe lăn và sự mất dần các cảm giác cuả cơ thể...

Cho tới 5 ngày sau đó, em bỗng có một lý do để hy vọng.

"Em đã đi khám bác sĩ và bác sĩ cho biết đây là lần đầu tiên người ta tìm thấy triệu chứng Lyme disease ở máu cuả em." Julia cho báo chí biết như vậy.

Một cách nào đó, máy móc cuả các phòng thí nghiệm bỗng dưng hoạt động tốt hơn bình thường!

"Điều này chứng tỏ phép lạ có thể xảy ra nếu mình tin tưởng, như em đã tin," em nói.

"Dù những sự việc xảy ra không trôi chảy từ lúc ban đầu. Nhưng kinh nghiệm này giúp em trở nên khôn ngoan hơn, làm cho em nhìn vào cuộc đời với một cái nhìn khác. Sự sống quả là quí báu."

"Nếu các bạn tin và cầu nguyện thì mọi sự có thể xảy ra," Julia kết luận.

Tình cảnh cuả Julia cũng làm cho cả trường đoàn kết lại với nhau, các bạn đã cổ võ cho em bằng cách rủ nhau đeo trên tay một cái vòng cao su có hàng chữ 'hãy cầu nguyện cho Julia'.

Và một vị bác sĩ chuyên khoa, sau khi nghe được câu chuyện, đã tình nguyện chữa bệnh cho em miễn phí.
 
Các người đồng tính Công Giáo yêu cầu Thượng Hội Đồng cổ vũ đức trong sạch
Vũ Văn An
16:37 05/10/2015
Một trong các phê phán mạnh mẽ nhất đối với đề xuất của Đức Hồng Y Kasper là ngài coi đức trong sạch như gánh nặng mà người ly dị tái hôn không thể nào gánh nổi, hoàn toàn thiếu thực tiễn, do đó, chỉ còn một phương thức tỏ lòng thương xót đối với họ là phải tìm cách nào đó “chúc lành” cho cuộc hôn nhân thứ hai của họ trong khi cuộc hôn nhân đầu không được tuyên bố là vô hiệu.

Nói như thế là bác bỏ giáo huấn của hai vị giáo hoàng gần đây nhất là Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Cả hai vị đều khuyên họ, vì một lý do nào đó, mà không thể kết thúc cuộc hôn nhân thứ hai, thì họ nên sống với nhau như anh trai em gái, nghĩa là giữ đức trong sạch, để được xưng tội rước lễ.

Dù đề xuất của ngài không được Thượng Hội Đồng năm 2014 thông qua, cho tới nay, Đức Hồng Y Kasper vẫn tin rằng đề xuất ấy trước sau sẽ được nhìn nhận. Tuy ngài không quảng diễn đề xuất của ngài đến độ áp dụng cả vào địa hạt đồng tính, nhưng, người đồng tính và những người ủng hộ họ vẫn cho rằng trong sạch đối với những người này là gánh nặng vô lý, phản tự nhiên, phản công lý và do đó không thể áp dụng được.

Tuy nhiên, ngay tại một đất nước vừa hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính dựa trên cơ sở sai lầm trên, trong Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia, Ron Balgau đã lớn tiếng quả quyết bằng chính kinh nghiệm của anh rằng sống trong sạch là điều người đồng tính có thể làm được và đã làm được.

Và việc sống trong sạch đó đã được rất nhiều người đồng tính Công Giáo thực hiện trong đời sống họ. Để đánh phá các áp lực nặng nề đang đè nặng lên Thượng Hội Đồng của truyền thông thế giới cũng như các thế lực kim tiền đứng đàng sau các tổ chức phò đồng tính với mục đích phá hoại tận gốc nền tảng hôn nhân nhân bản và hôn nhân Kitô Giáo, những người Công Giáo này đã họp nhau tại Rôma để yêu cầu Thượng Hội Đồng bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội về đức trong sạch, không phải của riêng họ mà là của mọi người, kể cả những người ly dị và tái hôn.

Rilene Simpson, một thành viên và là phát ngôn viên của tổ chức Courage, một tổ chức tông đồ chuyên lo hỗ trợ mục vụ cho các người đồng tính nam nữ thế giới, cho hay: “tôi sợ rằng đức trong sạch không đủ tiếng nói tại Thượng Hội Đồng. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của Giáo Hội”.

Cô nói tiếp: “Chúng tôi nói tới đức trong sạch của mọi người. Chúng tôi nói tới đức trong sạch của những người bị lôi cuốn đồng tính. Chúng tôi nói tới đức trong sạch của những người đang kết hôn. Chúng tôi nói tới đức trong sạch của những người ly dị và tái hôn.

“Nó là một nhân đức tươi đẹp, rất tươi đẹp, một ơn thánh của Thiên Chúa, một phương cách để gần gũi Người hơn, và chúng tôi cần được nghe nói nhiều hơn về đức trong sạch”.

Rilene, mà truyện kể về cô được nhắc tới trong cuốn phim tài liệu năm 2014 do Courage sản xuất tựa là Thèm Những Ngọn Đồi Vĩnh Cửu (Desire for the Everlasting Hills), là một trong các diễn giả chính của một hội nghị được tổ chức tại Rôma hôm thứ Sáu vừa rồi nhằm trình bầy các nguồn tài nguyên mục vụ của Giáo Hội dành cho những người bị lôi cuốn đồng tính.

Đây là một hội nghị quốc tế với chủ đề “Những Con Đường Tình Yêu Chân Thực – Các Phương Thức Mục Vụ Để Chào Đón và Đồng Hành Với Những Người Có Khuynh Hướng Đồng Tính”, được tổ chức tại Giáo Hoàng Đại Học Thánh Tôma Aquinô, cũng có tên là Angelicum.

Hội nghị trên do Courage, nhà xuất bản Ignatius Press, và Viện Napa tổ chức cố ý cận kề ngày khai mạc Thượng Hội Đồng về gia đình. David Prosen, một nhà trị liệu Công Giáo thuộc Đại Học Thánh Phanxicô tại Steubenville và cũng là người chia sẻ chứng từ của mình tại hội nghị này nói rằng “Điều tôi hy vọng nơi các nghị phụ Thượng Hội Đồng… là các ngài nhìn thấy sự thực và không bị dẫn vào gian dối”.

Chính anh cũng đã sống lối sống đồng tính trước khi tuân theo giáo huấn của Giáo Hội về đức trong sạch, David cho hay có lần anh được nghe một vị linh mục nói với anh “anh được sống trong mối liên hệ thân mật với 1 người đàn ông khác, miễn là anh yêu anh ta”. Nhưng anh bảo: “nói thế rất tai hại.Thành thử, tôi hy vọng rằng các nghị phụ Thượng Hội Đồng thực sự nhìn vào sự thật này: chúng ta hết thẩy, cả đàn ông lẫn đàn bà, đều có những hồng phúc do Thiên Chúa ban cho vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh và họa ảnh của Người và vì chúng ta đều là con trai con gái của Người, chứ không phải vì người lôi cuốn tôi”.

David cho hay nhờ Courage, anh đã học cách thiết lập được nhiều tình bạn rất thỏa đáng và trong sạch với những người đàn ông khác. “Quả là một niềm vui và một sự bình an sâu xa được sống cuộc sống trong sạch”.

Theo các nhà tổ chức, hội nghị hôm thứ Sáu vừa qua một phần là để đáp ứng Thượng Hội Đồng đặc biệt năm 2014 trong đó, các người có khuynh hướng đồng tính đã không có một tiếng nói thỏa đáng nào.

Ít nhất đã có 2 nghị phụ của Thượng Hội Đồng tham dự hội nghị này: đó là Đức HY Robert Sarah của Ghana, bộ trưởng Thánh Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Đức HY George Pell của Úc, trưởng Văn Phòng Thư Ký về Kinh Tế của Tòa Thánh.

Trong một nhận định gửi cho các ký giả tham dự hội nghị, Đức HY Pell viết rằng từ lâu, Giáo Hội vốn hỗ trợ những người có khuynh hướng đồng tính. “Sự trợ giúp này đã đang diễn ra rồi… tại nhiều nơi… Không một định chế phi chính phủ nào đã cung hiến nhiều ngả chăm sóc các đối tượng, như người mắc HIV chẳng hạn, trong các giáo xứ, các cộng đoàn, các nhóm như Courage, các gia đình Kitô hữu… cho bằng. Chúng tôi có nghĩa vụ làm việc này. Vì chúng tôi là Kitô hữu”.

Một vị khác trong các diễn giả của hội nghị là Đức Ông Livio Melina, Viện Trưởng Học Viện Gioan Phaolô II về Hôn Nhân và Gia Đình tại Rôma; ngài trình bầy cái hiểu nhân học Kitô Giáo về đồng tính luyến ái.

Các nhà chuyên môn khác bao gồm Tiến Sĩ Paul McHugh của Đại Học Johns Hopkins; Tiến Sĩ Timothy Lock, tâm lý gia lâm sàng; và Tiến Sĩ Jennifer Morse của Ruth Institute.
 
Đức Phanxicô nói chuyện với phiên khoáng đại đầu tiên của Thượng Hội Đồng
Vũ Văn An
18:58 05/10/2015
Sáng thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với phiên khoáng đại đầy đủ đầu tiên của Thượng Hội Đồng. Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài dựa vào bản Tiếng Anh của Vatican Radio:


Kính thưa các thượng phụ, các Hồng Y, các hiền huynh giám mục, và anh chị em

Hôm nay, một lần nữa, Giáo Hội lại tiếp diễn cuộc đối thoại đã khởi đầu với việc công bố Thượng Hội Đồng đặc biệt về gia đình, và chắc chắn còn trước cả đó nữa, để lượng giá và suy nghĩ về bản văn của Tài Liệu Làm Việc, từng được khai triển dựa trên phúc trình sau hết [của Thượng Hội Đồng đặc biệt] và các câu trả lời của các Hội Đồng Giám Mục và của nhiều tổ chức có quyền đóng góp khác.

Như chúng ta biết, Thượng Hội Đồng là một cuộc hành trình cùng nhau lên đường trong tinh thần hợp đoàn và công đồng, trong đó, các tham dự viên can đảm chấp nhận parrhesia, tức lòng nhiệt thành mục vụ và đức khôn ngoan, thành thực tín lý và luôn đặt trước mắt ta thiện ích của Giáo Hội, thiện ích của các gia đình và qui luật tối cao là phần rỗi các linh hồn.

Cho phép tôi được nhắc tới điều này Thượng Hội Đồng không phải là một hội nghị, một chỗ để nói, cũng không phải là một nghị viện hay một thượng nghị viện, nơi người ta đưa ra các mối lái trao đổi để rồi đạt tới các thỏa hiệp. Đúng hơn, Thượng Hội Đồng là một phát biểu của Giáo Hội, tức là: Giáo Hội đang cùng nhau sánh bước mong đọc được thực tại bằng con mắt đức tin và bằng trái tim Thiên Chúa; đây là một Giáo Hội biệt tự tra vấn chính mình về lòng trung thành của mình đối với kho tàng đức tin; kho tàng này, đối với Giáo Hội, không phải là một viện bảo tàng để xem, cũng không phải là một điều gì đó chỉ để giữ gìn, mà là một nguồn suối sống động để Giáo Hội múc uống, để thỏa mãn cơn thèm khát kho sự sống và soi sáng kho sự sống này.

Thượng Hội Đồng nhất thiết phải sinh hoạt trong lòng Giáo Hội và trong lòng dân thánh Thiên Chúa, mà chúng ta vốn thuộc về trong tư cách mục tử, nghĩa là trong tứ cách đầy tớ. Thượng Hội Đồng cũng là nơi được bảo vệ trong đó, Giáo Hội cảm nghiệm được hành động của Chúa Thánh Thần. Tại Thượng Hội Đồng, Chúa Thánh Thần nói bằng miệng lưỡi mọi người; những người tự để mình được Thiên Chúa hướng dẫn, Đấng luôn làm ta ngạc nhiên, Đấng Thiên Chúa luôn tự mạc khải cho những người bé nhỏ, và dấu mặt đối với những người hiểu biết và thông minh: Đấng Thiên Chúa tạo ra luật lệ và ngày Sabát cho con người chứ không ngược lại; Đấng Thiên Chúa bỏ 99 con chiên ở lại để đi tìm một con chiên lạc; Đấng Thiên Chúa luôn lớn hơn các luận lý và các tính toán của ta.

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ điều này: Thượng Hội Đồng sẽ chỉ là nơi để Chúa Thánh Thần hành động nếu các tham dự viên chúng ta chịu mặc lấy đức can đảm cuả các tông đồ, đức khiêm nhường của tin mừng và tinh thần tín thác cầu nguyện. Can đảm tông truyền là khước từ khiếp đảm trước các cám dỗ của thế gian, những cám dỗ có khuynh hướng giập tắt ánh sáng sự thật trong trái tim con người, thay thế vào đó bằng những thứ ánh sáng mờ nhạt và tạm bợ thoáng qua; cũng không khiếp đảm trước sự cứng như đá của một số tâm hồn, dù có ý tốt, nhung đang lùa người ta ra xa Thiên Chúa; can đảm tông truyền để đem lại sự sống chứ không biến cuộc sống Kitô hữu của chúng ta thành một viện bảo tàng hoài niệm; đức khiêm nhường của tin mừng là biết cách dốc hết các ước lệ và thiên kiến đi để lắng nghe các hiền huynh giám mục của mình và để đổ đầy Thiên Chúa vào, một đức khiêm nhường không dẫn ta tới chỗ chỉ tay cũng như phê phán người khác, nhưng chìa rộng bàn tay ta để giúp đỡ người khác mà không hề cảm thấy mình hay hơn họ.

Tín thác cầu nguyện, biết tin tưởng nơi Thiên Chúa, là hành động của một trái tim biết mở ra đón nhận Thiên Chúa, biết dẹp bỏ các ý thích của ta để lắng nghe giọng nói êm nhẹ của Thiên Chúa, một giọng chuyên nói trong im lặng. Không lắng nghe Thiên Chúa, mọi lời ta nói chỉ là những lời không thỏa mãn được nhu cầu nào và không phục vụ bất cứ mục tiêu nào. Không để ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mọi quyết định của ta sẽ chỉ là những đồ trang trí, thay vì tuyên dương Tin Mừng, đã chỉ che phủ và che khuất nó mà thôi.

Các hiền huynh thân mến, như tôi đã nói, Thượng Hội Đồng không phải là một nghị viện trong đó, để đạt được đồng thuận hay thỏa hiệp chung, người ta phải dùng tới thương lượng, tới đổi chác chạy chọt, hay nhượng bộ; thực vậy, phương pháp duy nhất của Thượng Hội Đồng là mở lòng ra đón Chúa Chúa Thánh Thần với đức can đảm của tông đồ, với đức khiêm nhường của Tin Mừng và với tinh thần tín thác cầu nguyện, để Người hướng dẫn ta, soi sáng ta và làm ta luôn để trước mắt thiện ích của Giáo Hội và sự cứu rỗi của các linh hồn, không những bằng các ý kiến bản thân của ta mà còn bằng đức tin vào Thiên Chúa, lòng trung thành với Huấn Quyền nữa.

Sau cùng, tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng; Đức Tổng Giám Mục Fabio Fabene, Phó Tổng Thư Ký; và cùng với các ngài, tôi xin cám ơn vị Tổng Tường Trình, Đức Hồng Y Peter Erdő và vị Thư Ký Đặc Biệt, Đức Tổng Giám Bruno Forte; các vị chủ tịch đại biểu, các vị soạn thảo, các vị tham vấn, các vị thông dịch và tất cả những ai làm việc một cách trung thành và hoàn toàn tận tụy cho Giáo Hội. Xin cám ơn các vị rất nhiều!

Tôi cũng xin cám ơn tất cả qúi vị, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, các đại biểu anh em, các dự thính viên và các lượng giá viên vì sự tham gia tích cực và mang nhiều hoa trái của qúi vị.

Tôi muốn tỏ lời cám ơn đặc biệt tới các ký giả hiện diện vào lúc này và những ai đang theo chúng tôi từ xa. Xin cám ơn qúi vị vì sự tham dự hào hứng và sự lưu tâm đáng khâm phục của qúi vị.

Chúng ta khởi đầu cuộc hành trình của chúng ta bằng cách khẩn cầu sự hộ giúp của Chúa Thánh Thần và sự bầu cử của Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Xin cám ơn qúi vị.
 
Đức Hồng Y André Vingt-Trois: Những ai nghĩ Thượng Hội Đồng sẽ đưa ra những thay đổi về tín lý sẽ thất vọng
Đặng Tự Do
19:09 05/10/2015
Trong khi nhìn nhận rằng Hội Thánh cần phải tháp tùng cùng các gia đình đang gặp khó khăn về mục vụ, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, cho biết nếu người ta tin rằng điều này có nghĩa là Giáo Hội sẽ từ bỏ hoặc đưa ra những thay đổi tín lý tại Thượng Hội Đồng, họ đang nhầm lẫn.

Chiều thứ Hai ngày 5 tháng 10, tại phòng báo chí Vatican, Cha Federico Lombardi, Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte, Đức Hồng Y Péter Erdő, và Đức Hồng Y Đức Hồng Y André Vingt-Trois đã trình bày những suy nghĩ đầu tiên của các ngài trong ngày đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình kỳ thứ 14.


Cha Lombardi đã giải thích trình tự các phiên làm việc vào ban sáng bắt đầu với một lời cầu nguyện và các nghị phụ hát bài Veni Creator Spiritus – Cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký của thượng hội đồng, đã chào đón tất cả mọi người trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu khai mạc. Sau đó, Đức Hồng Y Péter Erdo đã trình bày những suy tư của ngài về “Ơn gọi của các gia đình trong Giáo Hội và thế giới đương đại”

Đức Hồng Y Vingt-Trois nói ấn tượng đầu tiên của ngài về Thượng Hội Đồng là “một sự đa dạng rộng khắp về mặt địa lý của các thành viên tham gia, trong đó bao gồm các thành viên của cả các Giáo Hội Latinh và Đông Phương; nhưng tất cả đều tề tựu chung quanh Đức Giáo Hoàng.” Đức Hồng Y cho biết Đức Thánh Cha đã nhắc lại những gì ngài đã nói trước đây; đó là ngài muốn giải quyết các vấn đề một cách cởi mở qua lời cầu nguyện, suy tư và đối thoại.

Ngài nói thêm là ở Paris, nhiều người đã được mời tham gia vào những “nhóm công nghị”. Nhiều nhóm có những ý kiến khác biệt với nhau nhưng điều quan trọng là họ “có thể bày tỏ ý kiến mình mà không phá vỡ tình hiệp thông”

Đức Hồng Y Erdo giải thích bài phát biểu mở đầu của ngài dựa theo cấu trúc của Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris). Ngài nói: “Tôi đã cố gắng hệ thống hóa tất cả các dữ liệu nhận được từ các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới, bao gồm cả các gia đình và những cá nhân đã viết cho chúng tôi, theo những chủ đề trong Tài Liệu Làm Việc”

Đức Tổng Giám mục Forte cho biết mục tiêu của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình không chỉ là “đề nghị tin mừng của gia đình” mà còn để làm “vang vọng những hy vọng và nỗi đau của các gia đình trên toàn thế giới ngày nay.” Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải “mở rộng cửa cho Chúa Thánh Thần, cho lời cầu nguyện và sự khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa”.

Khi được hỏi liệu các nghị phụ có cảm thấy chịu những áp lực từ giới truyền thông hay không, Đức Tổng Giám mục Forte trả lời rằng năm ngoái một số phương tiện truyền thông đã đưa ra một “giải thích hai phe phân cực” về những gì đang diễn ra tại Thượng Hội Đồng nhưng bên trong Thượng Hội Đồng Giám Mục các nghị phụ không cảm thấy như vậy. “Chúng tôi ở đây để lắng nghe các vấn đề của người dân, chúng tôi đoàn kết hơn những gì các phương tiện truyền thông giả định. Có nhiều quan điểm khác nhau, điều đó là bình thường, nhưng như vậy không có nghĩa là chia rẽ. Tôi cảm thấy chúng tôi đang ở trên một con đường tâm linh diệu với Thiên Chúa.”

Các diễn giả trong cuộc họp báo đặc biệt nhấn mạnh rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình là một công nghị về mục vụ. Đức Tổng Giám Mục Forte nói: “Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình này sẽ không dẫn đến những thay đổi về tín lý, bởi vì chú ý của chúng tôi là về những chăm sóc mục vụ.”

Đức Hồng Y Vingt-Trois, nói bằng tiếng Pháp, nhấn mạnh rằng Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong đêm Canh Thức hôm thứ Bẩy và Thánh Lễ sáng Chúa Nhật là một lời dẫn nhập tuyệt vời vào Thượng Hội Đồng. “Đức Thánh Cha nhắc chúng ta rằng chúng ta phải mở lòng mình ra với Lời Chúa, với nhau, và với thực tại của các gia đình. Xã hội chúng ta đang trải qua một sự biến đổi sâu sắc và sứ vụ của Giáo Hội là đồng hành cùng những thay đổi này.”

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Vingt-Trois tái khẳng định: “Nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ tìm thấy một sự thay đổi căn bản trong tín lý của Giáo Hội, bạn sẽ thất vọng.”

Đức Hồng Y Erdo nói thêm rằng hiện nay đang có một quan tâm rất lớn đến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình vì những vấn đề đã được nêu ra hồi năm ngoái. Ngài nói rằng các nghị phụ Thượng Hội Đồng hy vọng phát triển sự hiểu biết của Giáo Hội về gia đình bằng cách lắng nghe nhau nhưng đặc biệt phải chú ý đến truyền thống của Giáo Hội. “Phát triển không thể là vô giới hạn; chúng ta phải nhìn vào truyền thống,” ngài nói.
 
Lời cảnh báo của Đức Giáo Hoàng Phanxico: Đừng chính trị hóa Thượng Hội Đồng.
Giuse Thẩm Nguyễn
20:24 05/10/2015
Lời cảnh báo của Đức Giáo Hoàng Phanxico: Đừng chính trị hóa Thượng Hội Đồng.

Đức Giáo Hoàng Phanxico đã khai mạc Thượng Hội Đồng về gia đình với sự nhắc nhở rằng đây không phải là một diễn đàn trong đó các nghị phụ đi đến một thỏa thuận , nhưng là một cuộc hành trình với Chúa Thánh Thần và " sứ mạng tông đồ" chống lại những cám dỗ của thế gian nhằm xô đẩy loài người xa rời sự thật .

"Thượng Hội Đồng không phải là một cuộc họp hay một phòng khách chính trị, cũng không phải là một quốc hội hay một thượng nghị viện , nơi chúng ta đi đến một thỏa thuận, " Đức Giáo Hoàng nói . “Thay vào đó, Giáo Hội cùng một hành trình “đi tìm sự thật với con mắt đức tin và trái tim của Thiên Chúa. "

Trong ngày đầu tiên của hội nghị kéo dài ba tuần, Đức Thánh Cha nói với các nghị phụ rằng “ Hãy tin tưởng, tín thác trong cầu nguyện “ để Chúa Thánh Thần hoạt động, thực thi ý định của Chúa.”

“Sứ mạng tông đồ không thể bị đe dọa bởi những cám dỗ của thế gian nhằm dập tắt ánh sáng chân lý nơi tâm hồn con người,” dẫn đến việc con người xa dần Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng tiếp tục nhấn mạnh rằng nếu các Giám Mục không mở lòng mình để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì những quyết định của các ngài sẽ chỉ là những món trang trí, dẫn đến kết quả là Tin Mừng của Chúa bị che lấp thay vì được tôn vinh.

Thượng Hội Đồng năm nay về gia đình , kéo dài từ ngày 04 đến ngày 25 tháng 10 , là hội nghị lần thứ hai, lớn hơn lần trước, trong hai hội nghị đã được tổ chức trong năm nay. Giống như hội nghị năm 2014, trọng tâm của hội nghị năm 2015 của Hội Đồng Giám Mục sẽ là gia đình, lần này với chủ đề : "Ơn gọi và sứ vụ của các gia đình trong Giáo Hội và thế giới hiện đại. "

Ngày 5 tháng 10 tại hội trường Thánh Phaolo VI, Đức Thánh Cha kêu gọi các nghị phụ tham dự hội nghị hãy tiếp tục diễn tả vai trò của Thượng Hội Đồng là Giáo Hội hãy xét hỏi lòng trung thành của chính mình đối với kho tàng đức tin.

Bằng cách này, Ngài nói tiếp, chứng tỏ rằng Giáo Hội không chỉ đơn thuần là một “ viện bảo tàng” để được xem xét, mà còn là một nguồn sống nơi đó Giáo Hội uống cho “thỏa cơn khát” và “làm bừng sáng lên kho tàng vô giá của đời sống.”

Qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, Chúa Thánh Thần sẽ nói qua các nghị phụ và “được hướng dẫn bởi Thiên Chúa, Đấng luôn gây ngạc nhiên,” Đức Giáo Hoàng nói như vậy.

Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi các nghị phụ một tinh thần khiêm nhường của Tin Mừng, theo đó các ngài phải tự mình trút bỏ “ mọi quy ước và mọi định kiến riêng”, để lắng nghe nhau mà không xét đoán, không chỉ mặt, và không cho mình là ưu việt.

Đức Giáo Hoàng kết thúc bằng cách nhắc lại rằng nhiệm vụ của Thượng Hội Đồng không phải là đi đến một sự đồng thuận, cũng không phải là nơi để đàm phán, thỏa thuận hay thỏa hiệp.

Ngài tin tưởng rằng qua sứ mạng tông đồ, sự khiêm nhường của Tin Mừng, và sự cầu nguyện trong tinh thần tín thác, xin Chúa Thánh Thần " hướng dẫn chúng ta , soi sáng chúng ta, và khiến cho chúng ta nhìn thấy quan điểm cá nhân của chúng ta , đức tin vào Thiên Chúa , sự ích của Giáo Hội , và phần rỗi các linh hồn. "

EWTN , By Ann Schneible

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Cha mẹ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được phong thánh
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
21:58 05/10/2015
Cha mẹ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được phong thánh (18-10-2015)

(VATICAN CITY, 1-10). Chân phước Martin và Zélie sẽ là đôi vợ chồng đầu tiên đồng thời được phong thánh. Thánh lễ sẽ diễn ra vào ngày 18 tháng 10 năm 2015 tại Vatican. Sự kiện này diễn ra trễ hơn ba tuần so với ngày lễ thánh mừng con gái của hai ngài là thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tiến sĩ Hội Thánh (ngày 01 tháng 10).

Đức Thánh Cha đã phê chuẩn các sắc lệnh cho phép việc phong thánh của ông bà Martin trong kỳ hội đồng giám mục tại Điện Tông Tòa ngày 27 tháng 6.

Ngày 18 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã công nhận một phép lạ của hai ngài.

Sau ba tháng quen nhau, ông Louis Martin và bà Zélie Guérin đã thành hôn (13-7-1858). Họ sống độc thân gần một năm, nhưng cả hai nhận ra ý Thiên Chúa muốn họ sống nghĩa vợ chồng và họ có chín người con. Bốn người chết ngay trong thời thơ ấu, trong khi năm cô con gái còn lại lần lượt vào Dòng Kín và Dòng Thăm Viếng.

Zélie qua đời vì căn bệnh ung thư vào năm 1877 để lại năm cô con gái nhỏ cho Louis chăm sóc: Marie, Pauline, Leonie, Celine, và Têrêsa khi ấy mới lên bốn tuổi. Louis qua đời năm 1894 sau cơn đau đớn vì hai lần đột vào năm 1889, và suốt 5 năm đau bệnh trầm trọng kéo dài.

Cả Louis và Zélie được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phong chân phước ngày 19 tháng 10 năm 2008.

Việc phong thánh của cặp vợ chồng này sẽ trùng với Thượng Hội Đồng về gia đình được tổ chức vào ngày 4 tới ngày 25 tháng10. Lần gặp gỡ của các giám mục trong ba tuần này sẽ là lần gặp thứ hai và lớn hơn so với hai lần họp như vậy sẽ diễn ra trong suốt năm nay. Như năm 2014, trọng tâm của Hội Đồng Giám Mục năm 2015 là gia đình, với chủ đề: “Ơn gọi và sứ mạng của các gia đình trong Giáo Hội và thế giới hiện đại “

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn kính thánh tích Chân Phước Louis và Zélie trước Thượng Hội Đồng 2014 về gia đình, cùng với cặp vợ chồng khác: Chân phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi.

Công bố tại Tòa án phong thánh hôm thứ bảy rằng Chân phước Louis và Zélie được phong thánh cùng với hai người khác: Chân phước Vincenzo Grossi, một linh mục người Ý là đấng sáng lập hội chị em Tiểu muội và chân phước Mary of the Immaculate Conception (Maria Isabel Salvat Romero), người Tây Ban Nha bề trên tổng quyền của Dòng Các Sơ Thánh Giá.

Chúng ta hãy cầu xin với hai thánh nhân cùng với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu ban cho mỗi gia đình chúng ta thật nhiều phúc lành của Chúa!

Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
 
Thượng Hội Đồng: ngày đầy đủ đầu tiên, thứ Hai, 5 tháng Mười, 2015
Vũ Văn An
23:04 05/10/2015
“Thượng Hội Đồng là Giáo Hội đồng hành với nhau để nhìn ra thực tại bằng con mắt đức tin” (Đức Phanxicô, bài nói chuyện trực tiếp lần đầu với Thượng Hội Đồng ).

Theo tin của Văn Phòng Thông Tin Tòa Thánh, lúc 9 giờ sáng thứ Hai, 5 tháng Mười, Kỳ Họp Khoáng Đại Thường Lệ Lần Thứ Mười Bốn của Thượng Hội Đồng về “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay” đã khởi sự tại Vatican. Trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị lên tiếng đầu tiên là Đức Hồng Y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga (Honduras); ngài trình bầy với các nghị phụ Thượng Hội Đồng một bài suy niệm ngắn tóm tắt các ý hướng và tinh thần của Khóa Họp.

Đức Hồng Y nói rằng: “Thưa các hiền huynh, những người đến từ bốn phương trên thế giới do Phêrô triệu tập, được tình yêu Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội thúc đẩy. Thánh Phaolô quả đang mời gọi ta tiến tới niềm vui. Niềm Vui Tin Mừng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô không mệt mỏi công bố khắp thế giới. Nhưng, như ngài từng nói với ta, mối nguy lớn nhất trong thế giới ngày nay, với đặc tính tiêu hao đa dạng và áp đảo của nó, là nỗi buồn rầu cá nhân chủ nghĩa phát sinh từ một tâm hồn ưa thoải mái và ham hố, yếu đuối đi tìm những khoái lạc phiến diện, một ý thức cô lập. Đôi lúc nó làm ta buồn rầu khi nghe biết thế giới xưa nay vốn tập chú vào Thượng Hội Đồng như thể chúng ta đến với nhau từ hai phe đối lập để bảo vệ các quan điểm có tính cố thủ….

“Nhưng chúng ta hãy can đảm lên. Chúng ta không phải là một Giáo Hội đang gặp nguy cơ bị tận diệt… Mà gia đình cũng thế, dù nó đang bị đe dọa và chống đối. Và chúng ta cũng không đến đây để khóc than hay thở than về các khó khăn. Thánh Vịnh 26 dạy ta: ‘Hãy can đảm lên, hãy mạnh dạn lên. Hãy hy vọng nơi Chúa’. Tất cả chúng ta hãy một tâm một trí: tất cả chúng ta hãy tìm sự nhất trí nhờ đối thoại, chứ không phải các ý tưởng được bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Thánh Phaolô nhắc nhở ta phải có cùng các tâm tư như Chúa Kitô. Hãy sống hòa bình: như Niềm Vui Tin Mừng dạy ta, đối thoại góp phần tạo hòa bình, vì Giáo Hội công bố ‘Tin Mừng hòa bình’. Để công bố Chúa Giêsu Kitô, Đấng vốn là hiện thân của hòa bình, Mẹ Giáo Hội khuyến khích ta trở thành khí cụ của hòa bình và chứng nhân đáng tin cậy của một đời hòa giải. Đã đến lúc phải đặt kế hoạch cho một nền văn hóa biết cổ vũ đối thoại và mưu cầu đồng thuận và các thỏa thuận làm hình thức gặp gỡ. Chúng ta không cần một dự án của thiểu số và dành cho một thiểu số hay một nhóm có hiểu biết hay thiểu số chỉ nhằm lấy cảm thức tập thể làm của riêng”.

Ngài kết luận “Do đó, chúng ta muốn khởi đầu Thượng Hội Đồng trong hòa bình. Không phải là hòa bình của thế gian, tạo bằng các nhượng bộ hay cam kết thường không được chu toàn. Mà là hòa bình của Chúa Kitô, hòa bình với chính chúng ta. Và câu kết luận đã rõ: ‘Thiên Chúa của tình yêu và của hòa bình ở cùng anh em’. Nên chúng ta có thể thưa ‘Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con’, không phải vì ngày sắp tàn mà đúng hơn ngày đang bắt đầu. Một ngày mới cho các gia đình thế giới, bất kể có đức tin hay không, các gia đình đang mỏi mệt vì bất trắc và nghi ngại do nhiều ý thức gieo rắc, như các ý thức hệ hủy diệt, mâu thuẫn văn hóa và xã hội, mỏng dòn và cô đơn. Lạy Chúa, xin ở với chúng con, để Thượng Hội Đồng này ấn định được con đường hân hoan và hy vọng cho mọi gia đình”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã giới thiệu việc làm của ngày thứ nhất, khi giải thích rằng “Thượng Hội Đồng không phải là một hội nghị, một chỗ để nói, cũng không phải là một nghị viện hay một thượng nghị viện, nơi người ta đưa ra các mối lái trao đổi để rồi đạt tới các thỏa hiệp. Đúng hơn, Thượng Hội Đồng là một phát biểu của Giáo Hội, tức là: Giáo Hội đang cùng nhau sánh bước mong đọc được thực tại bằng con mắt đức tin và bằng trái tim Thiên Chúa; đây là một Giáo Hội biệt tự tra vấn chính mình về lòng trung thành của mình đối với kho tàng đức tin; kho tàng này, đối với Giáo Hội, không phải là một viện bảo tàng để xem, cũng không phải là một điều gì đó chỉ để giữ gìn, mà là một nguồn suối sống động để Giáo Hội múc uống, để thỏa mãn cơn thèm khát kho sự sống và soi sáng kho sự sống này”.

Mặt khác, Thượng Hội Đồng là “nơi được bảo vệ trong đó, Giáo Hội cảm nghiệm được hành động của Chúa Thánh Thần. Tại Thượng Hội Đồng, Chúa Thánh Thần nói bằng miệng lưỡi mọi người; những người tự để mình được Thiên Chúa hướng dẫn, Đấng luôn làm ta ngạc nhiên, Đấng Thiên Chúa luôn tự mạc khải cho những người bé nhỏ, và dấu mặt đối với những người hiểu biết và thông minh: Đấng Thiên Chúa tạo ra luật lệ và ngày Sabát cho con người chứ không ngược lại; Đấng Thiên Chúa bỏ 99 con chiên ở lại để đi tìm một con chiên lạc; Đấng Thiên Chúa luôn lớn hơn các luận lý và các tính toán của ta.Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ điều này: Thượng Hội Đồng sẽ chỉ là nơi để Chúa Thánh Thần hành động nếu các tham dự viên chúng ta chịu mặc lấy đức can đảm của các tông đồ, đức khiêm nhường của tin mừng và tinh thần tín thác cầu nguyện”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng “Can đảm tông truyền để khước từ khiếp đảm trước các cám dỗ của thế gian, những cám dỗ có khuynh hướng giập tắt ánh sáng sự thật trong trái tim con người, thay thế vào đó bằng những thứ ánh sáng mờ nhạt và tạm bợ thoáng qua; cũng không khiếp đảm trước sự cứng như đá của một số tâm hồn, dù có ý tốt, nhưng đang lùa người ta ra xa Thiên Chúa”.

“Đức khiêm nhường của tin mừng là biết cách dốc hết các ước lệ và thiên kiến đi để lắng nghe các hiền huynh giám mục của mình và để đổ đầy Thiên Chúa vào, một đức khiêm nhường không dẫn ta tới chỗ chỉ tay cũng như phê phán người khác, nhưng chìa rộng bàn tay ta để giúp đỡ người khác mà không hề cảm thấy mình hay hơn họ”.

“Tín thác cầu nguyện, biết tin tưởng nơi Thiên Chúa, là hành động của một trái tim biết mở ra đón nhận Thiên Chúa, biết dẹp bỏ các ý thích của ta để lắng nghe giọng nói êm nhẹ của Thiên Chúa, một giọng chuyên nói trong im lặng. Không lắng nghe Thiên Chúa, mọi lời ta nói chỉ là những lời không thỏa mãn được nhu cầu nào và không phục vụ bất cứ mục tiêu nào. Không để ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mọi quyết định của ta sẽ chỉ là những đồ trang trí, thay vì tuyên dương Tin Mừng, đã chỉ che phủ và che khuất nó mà thôi”.

Đức Giáo Hoàng kết luận: “Các hiền huynh thân mến, như tôi đã nói, Thượng Hội Đồng không phải là một nghị viện trong đó, để đạt được đồng thuận hay thỏa hiệp chung, người ta phải dùng tới thương lượng, tới đổi chác chạy chọt, hay nhượng bộ; thực vậy, phương pháp duy nhất của Thượng Hội Đồng là mở lòng ra đón Chúa Chúa Thánh Thần với đức can đảm của tông đồ, với đức khiêm nhường của Tin Mừng và với tinh thần tín thác cầu nguyện, để Người hướng dẫn ta, soi sáng ta và làm ta luôn để trước mắt thiện ích của Giáo Hội và sự cứu rỗi của các linh hồn, không những bằng các ý kiến bản thân của ta mà còn bằng đức tin vào Thiên Chúa, lòng trung thành với Huấn Quyền nữa”.

Vị chủ tịch đại biểu, tức Đức Hồng Y Andre Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, sau đó đã nhận định rằng quyết định triệu tập hai khóa họp của Thượng Hội Đồng giám mục về sứ mệnh gia đình trong thế giới ngày nay đã đang sinh hoa trái và hàng giám mục đã làm chứng cho việc này. Các Giáo Hội đặc thù đã thực hiện nhiều cố gắng góp phần vào công trình bằng cách trả lời bản câu hỏi vốn hướng dẫn cho Tài Liệu Làm Việc. “Thượng Hội Đồng của chúng ta đã được toàn thể Giáo Hội dẫn dắt”. Đức Hồng Y cũng nhắc tới tự sắc Mitis Iudex Dominus Iesus, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dùng để cải tổ các thủ tục giáo luật liên quan tới việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu, cũng là tự sắc đem lại sự hướng dẫn giá trị cho hướng đi của giai đoạn này của Thượng Hội Đồng. “Không hề gây nghi ngại đối với truyền thống bí tích của Giáo Hội chúng ta, cũng như tín lý của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân, Đức Thánh Cha đã mời gọi chúng con chia sẻ kinh nghiệm mục vụ và mở ra con đường thương xót mà Chúa vốn dùng kêu gọi tất cả những ai muốn và có khả năng bước vào không gian hoán cải để được tha thứ”.

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng, giải thích phương pháp làm việc của Thượng Hội Đồng trong khóa họp này, kể cả thời gian cho các nghị phụ lên tiếng góp ý sau khi dành ưu tiên cho Các Nhóm Nhỏ (Circuli Minori) nhằm cổ vũ một cuộc tranh luận thâm sâu hơn. Thượng Hội Đồng cũng đánh giá cao các đóng góp của các cặp vợ chồng cũng như mối liên hệ giữa Thượng Hội Đồng và các phương tiện truyền thông.

Cuối cùng, vị tổng trường trình, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Ezstergom-Budapest, Peter Erdo, đã minh giải phần thứ nhất của Tài Liệu Làm Việc, tức phần nói tới việc lắng nghe các thách đố đới với gia đình, đặt chúng vào ngữ cảnh văn hóa xã hội đương thời, và sự thay đổi nhân học của nó, mà đặc điểm là “trốn chạy các định chế” dẫn tới sự bất ổn của các định chế và sự thắng thế của chủ nghĩa duy cá nhân và chủ nghĩa duy chủ quan. Rồi ngài nói tới việc biện phân ơn gọi của gia đình, khoa sư phạm của Thiên Chúa đối với gia đình và tính bất khả tiêu như một hồng phúc và một nghĩa vụ, nói tới gia đình trong Huấn Quyền Giáo Hội và chiều kích truyền giáo của nó, cũng như các gia diình “bị thương tích”, đặt họ vào ngữ cảnh lòng thương xót và sự thật. Đức Hồng Y cũng đề cập tới chủ đề phúc âm hóa của gia đình và việc Giáo Hội đồng hành với các đơn vị gia đình cũng như vấn đề trách nhiệm sinh sản và các thách đố giáo dục.

Ngài bảo: “Lắng nghe Lời Thiên Chúa, đáp ứng của ta phải biểu lộ sự chú tâm thành thực và đầy tình huynh đệ đối với các nhu cầu của người thời ta, phải chuyển tải tới họ sự thật giải thoát và phải là chứng nhân cho lòng thương xót vĩ đại nhất của ta. Muốn đương đầu với các thách đố thời nay đối với gia đình, Giáo Hội phải trở về và trở nên sống động hơn, có tính bản thân hơn, và dựa vào cộng đoàn hơn, cả ở bình diện giáo xứ lẫn cộng đoàn nhỏ. Tại nhiều khu vực, xem ra việc thức tỉnh cộng đoàn đã đang diễn ra. Để nó được phổ quát và sâu sắc hơn, chúng ta xin ánh sáng Chúa Thánh Thần chỉ cho ta thấy cả các bước cụ thể ta cần phải tiếp nhận. Nhờ cách này, ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay, vốn là chủ đề của Thượng Hội Đồng này, sẽ xuất hiện trong một ánh sáng thanh thản và cụ thể giúp ta lớn lên trong niềm hy vọng và tín thách vào lòng thương xót của Chúa; mà vì lòng thương xót này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã muốn dành một năm thánh đặc biệt. Chúng ta hãy cám ơn Đức Thánh Cha vì quyết định đầy hy vọng này và phó thác việc làm của chúng ta cho Thánh Gia Nadarét”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ và Việt Nam
Lm Peter Võ Sơn
07:31 05/10/2015
Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ và Việt Nam

Philadelphia, Pennsylvania: vào lúc 11:00 giờ sáng Thứ Hai, ngày 28 tháng 9 năm 2015, tại Giáo Xứ Thánh Helena, Tổng Giáo Phận Philadelphia, cuộc họp giữa hai vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ và Việt Nam: Đức Tổng Joseph Kurtz (Tổng Giám Mục Louisville, Kentucky), Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc (Tổng Giám Mục Sài Gòn), Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Xem Hình

Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ: Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch, và Linh mục Peter Võ Sơn, Tổng Thư Ký, đã chuẩn bị cuộc họp này từ tháng 4, 2014 khi đến thăm Đức Tổng Kurtz tại Louisville và thăm Đức Tổng Phaolô tháng 6, 2014 tại Sài Gòn.

Hiện diện buổi họp gồm có: Đức Cha Đominicô Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Orange, thành viên HĐGMHK, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Đà Nẵng, Chủ Tịch Ủy Ban Gia Đình trực thuộc HĐGM Việt Nam; quý Cha trong Ban Thường Vụ Liên Đoàn: Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Cố Vấn Quốc Gia Ủy Ban Á Châu Thái Bình Dương của HĐGM Hoa Kỳ, Lm Anthony Ngô Đình Chính, Lm Peter Nguyễn Xuân Quýnh, Lm Peter Võ Sơn, ủy viên lâm thời về Mục Vụ Đa Văn Hoá-Á Châu Thái Bình Dương, trực thuộc HĐGM Hoa Kỳ, và Lm Joachim Lê Quang Hiền, Cựu Chủ Tịch Liên Đoàn.

Đức Tổng Kurtz và Đức Tổng Phoalô đã chia sẽ các công việc mục vụ, sự hiệp thông của hai Giáo Hội Hoa Kỳ và Việt Nam. Đức Tổng Phaolô đã tặng 1 tượng Đức Mẹ ẳm Chúa Giêsu làm bằng gạo tại Việt Nam cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Lm Peter Võ Sơn
 
Đại lễ Đức Mẹ Mân Côi quan thầy giáo xứ Gia Canh GP. Xuân Lộc
Giuse Khổng Hữu Nguồn
07:50 05/10/2015
ĐẠI LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI QUAN THẦY GIÁO XỨ GIA CANH

Chúa Nhật 04/10/2015.- Trong tâm tình chuẩn bị tâm hồn mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi, Quan thầy Giáo xứ Gia Canh, hạt Túc Trưng, Giáo phận Xuân Lộc. Giáo xứ tổ chức Tuần Tam Nhật Chầu Tĩnh Tâm vào các buổi tối lúc 7 giờ tại Nhà nguyện của ba Giáo họ trong Giáo xứ:

Xem Hình

(Thứ Tư: Nhà nguyện Giáo họ Micae, Thứ Năm: Nhà nguyện Giáo họ Phaolô, Thứ Sáu: Nhà nguyện Giáo họ Antôn, Sau Lễ Chiều Thứ Bảy: Nhà thờ Giáo xứ).

Việc tổ chức như thế nhằm tạo điều kiện cho bà con giáo dân dễ dàng tham dự vì địa bàn Giáo xứ Gia Canh rất rộng (170 cây số vuông).

Quả thật, giờ Chầu Tĩnh tâm tại các giáo họ quy tụ rất đông người. Sau khi lần hạt 50 kinh kính Đức Mẹ, Cha Giuse Phạm Hoài Vũ, Chánh xứ Gia Canh giảng tĩnh tâm cho bà con trong Giáo họ. Cha giải thích tại sao lại gọi Kinh Kính Mừng là Kinh Mân Côi, Kinh Hoa Hồng. Một thầy tu khi đọc Kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình. Do vậy, tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu nên được gọi là Tràng Mân Côi hay Chuỗi Mân Côi. Giờ Tĩnh tâm kết thúc bằng Giờ Chầu Thánh Thể thật sốt sắng.

Nhân dịp mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi, Quan thầy Giáo xứ Gia Canh, Giáo xứ vinh dự được Chầu Thánh Thể thay cho Giáo phận - Chúa Nhật 04.10.2015.

Ngay sau Lễ II ban sáng, lễ của Thiếu nhi, Cha Chánh xứ đặt Mình Thánh Chúa để Cộng đoàn Giáo xứ Chầu Thánh Thể suốt ngày thay cho Giáo phận. Các đoàn thể các giới trong giáo xứ phụ trách một giờ Chầu Chúa, bắt đầu là: Giáo Lý Viên – Thiếu Nhi – Giới Trẻ, Quý vị Cựu Chức, Giáo họ Thánh Micae, Giáo họ Thánh Anton, Giáo họ Thánh Phaolo, Huynh Đoàn Đaminh – Giới Cao Niên, Legio Mariae – Hội Chăm sóc Bệnh nhân, Nhóm Lòng Chúa Thương Xót, Nhóm Tác Viên Tin Mừng – Ban Giáo Lý, Giới Gia Trưởng, Giới Hiền Mẫu và Toàn xứ Chầu kết thúc vào lúc 18 giờ chiều.

Trong các giờ chầu, mọi người lần hạt 50 kinh. Trước mỗi một chục kinh, cộng đoàn cùng nhau đọc Tin Mừng, suy niệm và cầu nguyện theo 5 mầu nhiệm của Mùa Vui.

Sau đó là lời nguyện chung cầu cho Giáo xứ, cho Giáo phận, cho thương HĐGM thế giới về Gia đình tại Roma, cho các gia đình và cho từng người. Giờ chầu kết thúc bằng bài hát kính Đức Mẹ Mân Côi quan thầy.

Được biết: kể từ khi khai mạc Năm Thánh mừng Kim Khánh thành lập Giáo phận, cứ vào ngày Thứ Sáu đầu tháng, Giáo xứ Gia Canh đều chầu lượt từ lúc 15 giờ đến 19 giờ. Sau đó là cuộc cung nghinh Thánh Thể chung quanh thánh đường và chầu trọng thể kết thúc tại sân nhà thờ.

Sau khi Giáo xứ chầu phiên kết thúc Tuần Chầu thay Giáo Phận, các họ, các giới, các hội đoàn và mọi người hân hoan cầm cờ, mang bức trướng của đơn vị mình để cung nghinh Thánh Thể và rước kiệu Đức Mẹ Mân Côi chung quanh thánh đường.

Đoàn rước kết thúc tại Lễ Đài 13 (sân Nhà thờ). Lúc này, mọi người cung kính quỳ gối thờ lạy Thánh Thể và cầu nguyện theo gợi ý của Cha Chánh xứ. Rồi ngài ban phép lành Mình Thánh Chúa cho Cộng đoàn.

Tiếp đến là Đại lễ Đức Mẹ Mân Côi, Quan thầy Giáo xứ tại Lễ Đài 13.

Sân nhà thờ chật ních người tham dự, ai cũng vui mừng phấn khởi tạ ơn Chúa và Đức Mẹ Mân Côi đã ban cho Giáo xứ Gia Canh và mọi thành phần trong Giáo xứ muôn ơn lành hồn xác.

Đặc biệt trong dịp này, Giáo xứ cũng phó thác việc tu sửa Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi Gia Canh cho sự bảo trợ của Mẹ Mân Côi quan thầy. Ước mong sao nhờ lòng thương xót của Chúa, nhờ sự phù hộ của Đức Mẹ Mân Côi và nhờ tấm lòng hảo tâm của mọi người, ngôi nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi của Giáo xứ sớm được hoàn tất tốt đẹp trong bình an và ân sủng của Thiên Chúa.

Trong bài giảng lễ, Cha Chánh xứ đã chia sẻ với Cộng đoàn về Lịch sử việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi trong lòng Giáo Hội, đồng thời mời gọi mọi người, mọi gia đình trong Giáo xứ hãy siêng năng suy ngẫm và lần hạt Mân Côi, không những trong tháng 10 này mà còn trong suốt cả cuộc đời của mình, vì Kính Mân Côi là một kính rất dễ thuộc, dễ đọc và đơn sơ nhưng lại rất hiệu nghiệm, kéo muôn ơn Chúa xuống cho thế giới, cho Giáo Hội, cho Giáo phận, cho Giáo xứ, cho Gia đình và cho từng người chúng ta “khi nay và trong giờ lâm tử”.

Thánh lễ ngoài trời, giữa núi rừng mênh mông bát ngát, không gian mát mẻ dễ chịu, mọi người sốt sắng tham dự thánh lễ, ai ai cũng cung kính rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng mình.

Ca đoàn giáo xứ Gia Canh hát rất hay, giúp cộng đoàn tham dự thánh lễ cách sốt mến. Sau khi nhận phép lành với ơn toàn xá, cộng đoàn hướng về Đức Mẹ ca vang bài ca Tôn vinh Mẹ, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho Giáo xứ Gia Canh chúng con xứng đáng trở nên một Cộng Đoàn Đức Tin Hiệp Nhất Yêu Thương.

Màn đêm buông xuống, trên mọi nẻo đường nơi thôn dã núi đồi hoang vu, mọi người vui sướng ra về với gia đình bé nhỏ của mình, Tạ ơn Chúa, Tạ ơn Mẹ Mân Côi, Quan thầy.

Quá trình hình thành và phát triển giáo xứ Gia Canh

Sau 1975, một số gia đình Công Giáo từ miền Bắc di cư vào Giáo xứ Định Quán lập nghiệp. Vì số giáo dân đến đây ngày càng đông, nên một thời gian sau Cha Antôn Nguyễn Tuế, chánh xứ Định Quán, đã lập thêm Giáo họ mới, gọi là Giáo họ Mân Côi.

Năm 1986, cha Antôn cùng với cộng đoàn Mân Côi dựng nhà nguyện nhỏ bằng gỗ, mái ngói tại Giáo họ để cử hành thánh lễ vào mỗi dịp lễ trọng.

Bảy năm sau, Cha Philipphê Lê Văn Năng quản nhiệm Giáo họ Mân Côi và đổi tên Giáo họ Mân Côi thành Gia Canh.

Năm 1996, Cha Philipphê và cộng đoàn xây nhà nguyện mới (37m x 16,5m) bằng vật liệu kiên cố. Với sự giúp đỡ của quý Cha quản nhiệm, các sinh hoạt mục vụ dần đi vào nề nếp.

Năm 2003, Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Hoàng, phó xứ Định Quán, đặc trách Giáo họ Gia Canh. Hai năm sau, Giáo họ Gia Canh được chính thức nâng lên thành Giáo xứ và Cha Phêrô được bổ nhiệm làm Cha xứ tiên khởi.

Vì nhu cầu mục vụ ngày càng cao và nhà thờ dần xuống cấp, Cha Phêrô và cộng đoàn Gia Canh tu sửa thánh đường cùng với khuôn viên nhà thờ.

Hiện nay, dưới sự hướng dẫn của Cha Giuse Phạm Hoài Vũ, các sinh hoạt trong xứ đã đi vào ổn định và đời sống đức tin của cộng đoàn ngày càng thăng tiến.

Giáo xứ Gia Canh có khoảng gần 1000 gia đình Công Giáo với khoảng gần 5000 nhân danh, cùng sinh sống với gần 25 ngàn anh chị các tôn giáo bạn trong cùng địa bàn rộng gần 200 cây số vuông.

Giuse Khổng Hữu Nguồn
 
Giáo họ Nam Am, Hố Nai mừng lễ Quan Thầy
Giuse Khổng Hữu Nguồn
08:02 05/10/2015
GIÁO HỌ NAM AM MỪNG MẸ MÂN CÔI QUAN THẦY

Cùng với Hội Thánh, chiều Chúa Nhật 04.10.2015, Giáo họ Nam Am, Giáo xứ Bắc Hải hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc đã long trọng tổ chức lễ mừng Mẹ Mân Côi, Quan thầy.

Trước lễ là kiệu rước tượng Mẹ Mân Côi đi một vòng chung quanh thánh đường, đoàn rước vừa đi vừa hát thánh vịnh tôn vinh Mẹ.

Xem Hình

Tiếng trống ầm ầm nhịp nhàng theo điệu, hòa chung niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt của mọi người trong Cộng đoàn Giáo họ Nam Am.

Trước ngày lễ, tối thứ Tư 30 tháng 9, cộng đoàn đã làm giờ chầu Thánh Thể một cách sốt sắng và đông đủ.

Mở đầu thánh lễ, Cha Đaminh Bùi Văn Án, Chánh xứ Bắc Hải ngỏ lời chúc mừng Quan thầy Giáo họ Nam Am và mời gọi mọi người tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho quý ân nhân, cho quý chức tân cựu, cho tất cả mọi người, mọi gia đình trong giáo họ.

Đồng thời ngài cũng mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện cho Giáo xứ, cho Giáo phận, cho thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về Gia đình tại Roma, cho các gia đình và cho từng người trong giáo xứ.

Trong bài giảng lễ, Cha xứ chia sẻ bài Tin Mừng Lc 1,26-38. Ngài nói về Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi, Mẹ dậy mọi người đi với ba mầu nhiệm: Nhập thể, Ðau khổ và Phục sinh của Con Mẹ là Chúa Giêsu Kitô giữa mọi biến cố lịch sử cứu độ.

Con cái của Mẹ theo sau Mẹ đi từng chặng đường của Con Mẹ đã đi qua: Vui, Thương, Mừng, Sáng mà nhân loại muốn đi vào nước trời không thể nào không bước qua những chặng đường ấy. Và ngài khuyên mọi người mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay hãy cố gắng thay đổi con người mới, kết hiệp với Mẹ, sống theo lời khuyên của Mẹ: Sám hối, Cầu nguyện và năng Lần hạt Mân Côi. Chuỗi Mân Côi là phương thế dễ dàng và hữu hiệu nhất để giúp mọi người sống trung thành với Chúa.

Tiếp đến là phần phụng vụ thánh thể, mọi người nghiêm trang sốt mến tham dự thánh lễ và rước lễ.

Kết lễ, mọi người lãnh nhận ơn toàn xá, và cùng Cha xứ hướng về Mẹ Maria đồng thanh hát vang lời ca “Mẹ ơi! Ðời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Mẹ ơi! Ðường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây dó. Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Xin vâng. Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm qua hôm nay và ngày mai xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm nay tương lai và suốt đời…”

Sau tiệc thánh thể, giáo họ tổ chức tiệc mừng, có sự hiện diện của Cha xứ, Cha phó, Quý dì Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, Quý chức ban hành giáo và đại diện cho các gia đình trong giáo họ, tiệc ăn ai cũng khen ngon, văn nghệ cây nhà lá vườn hát cho nhau nghe thật vui.

Giuse Khổng Hữu Nguồn
 
Xứ Tân Việt Sàigòn mừng lễ thánh Têrêsa
Giuse Văn Thanh
10:06 05/10/2015
GX TÂN VIỆT MỪNG LỄ QUAN THẦY

THÁNH NỮ TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

Hòa cùng niềm vui với Giáo Hội, hôm nay lúc 17 giờ 30 ngày 30/09/2015, GX Tân Việt long trọng mừng lễ bổn mạnh Thánh nữ TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU trinh nữ tiến sĩ Hội Thánh. Đặc biệt năm nay kỷ niệm 90 năm, ngày Thánh Nữ được phong Hiển Thánh.

Xem Hình

Trước thánh lễ cộng đoàn được nghe về tiểu sử của Thánh Nữ, tiếp theo là cuộc rước, cung nghinh (tượng) Thánh Nữ Têrêsa chung quanh sân thánh đường, sau đó vào trong nhà thờ. Cuộc rước gồm có: tất cả các đoàn thể trong GX, tất cả các giáo họ, quí chức đương-cựu, quí vị trong HĐMV, quí Cha, giáo dân. Thánh lễ hôm nay do Cha Đaminh Vũ Ngọc Thủ chủ sự, cùng đồng tế với ngài là Cha phụ tá Giuse Đỗ Đức Hạnh, Cha Đa Minh Vũ Duy Cường đã giúp GX tĩnh tâm 2 ngày trước, Cha Giuse Nguyễn Văn Huân Cha dòng Phanxicô phụ trách gia đình Phan Sinh Tại Thế Miền Tân Sơn Nhì.

Dẫn vào lễ Cha Đaminh hướng cộng đoàn về thánh nữ Têrêsa, đặc biệt năm nay kỷ niệm 90 năm ngày Thánh Nữ được phong hiển Thánh. Mừng bổn mạng GX, Cha mời cộng đoàn hãy bắt trước Thánh Nữ Têrêsa để thánh hóa bản thân và đặc biệt là công việc truyền giáo.

Sau bài tin mừng, Cha Đaminh chia sẽ: Thánh Têrêsa mừng kính hôm nay, sinh năm 1873 tại Pháp, mất năm 1897 hưởng dương 24 tuổi. 28 năm sau Đức Giáo Hoàng Piô thứ 11 đã tôn Ngài lên bậc Hiển Thánh và đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Đến năm 1997, 100 năm sau ngày mất, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Thánh Nữ lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu đối với Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Ngài đã được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo, GX Tân Việt chúng ta cũng đã được Cha cố Đaminh Vũ Đức Triêm nhận Thánh Nữ làm bổn mạng.

Từ khi còn bé Thánh Nữ đã mơ ước được nên Thánh, Ngài đã sống một cuộc sống tụ trì ở dòng kín, thánh nhân đã chọn con đường “Đức Ái”. Ngài có một trái tim hướng trọn vẹn vào Chúa, một trái tim yêu mến các linh hồn và mong ước có nhiều người đi rao giảng tin mừng, một tâm hồn đơn sơ, nhỏ bé, khiêm nhường, chu toàn trong đời sống tu trì.

Ai trong cộng đoàn chúng ta cũng có con đường nên Thánh, nên Thánh trong chu toàn bổn phận. Trước hết là đời sống tôn thờ Thiên Chúa, đời sống cầu nguyện với Chúa, đời sống trong gia đình bổn phận làm cha, làm mẹ, làm con. Nếu chúng ta làm với một trái tim yêu thương, là chúng ta đang nên Thánh trong bổn phận của mình. Ước mong hôm nay Thánh Nữ làm “mưa” hoa hồng trên GX chúng ta, hoa hồng của tình yêu, biết tha thứ cho nhau, biết tín thác hoàn toàn vào Chúa, như Thánh Nữ Têrêsa.

Sau bài chia sẽ, cha chánh xứ Đaminh trao ủy nhiệm thư. Đầu tiên là quí vị trong ban thường vụ HĐMVGX, ông Gioan Baotixita Nguyễn Thiện Thành chủ tịch HĐMVGX, ông Phêrô Dương Mạnh Hùng – phó nội, ông Giuse Nguyễn Minh Truyền – phó ngoại, bà Maria Đỗ Thị Thanh Thủy – thư ký, bà Rosa Dương Thị Ban – thủ quỹ nhận nhiệm kỳ 2015 ® 2019.

Tiếp theo quý vị các giáo họ: Lộ Đức, Mông Triệu, Đaminh lên nhận ủy nhiệm thư nhiệm kỳ 2015 ® 2019. Kế tiếp là 10 vị trong GX và một sơ đại diện dòng Mến Thánh Giá Tân Việt lên nhận quyết định của tòa tổng, sau khi được Cha Chánh xứ trình lên Đức Cha và được chấp thuận làm tác vụ Thừa Tác Viên ngoại lệ cho rước lễ.

Thành lễ được tiếp tục với lời nguyện tín hữu và lễ dâng lên Thiên Chúa.

Trước khi kết thúc thánh lễ Cha Chánh xức chúc mừng bổn mạng đến Cộng đoàn GX, các bà, các chị, sơ tổng phụ trách dòng Mến Thánh Giá, gia đình Phan Sinh tại thế, gia đình Thiếu nhi Thánh Thể mang tên thánh Têrêsa. Cha cũng không quên cảm ơn quí Cha cùng đồng tế với ngài hôm nay.

Xin tạ ơn Chúa và xin Chúa đổ tràn hồng ân xuống cho tất cả cộng đoàn với ước mong mỗi người sẽ là một đóa hoa hồng, đóa hồng đó là nụ cười trao nhau, là lời cầu nguyện, là tình yêu thương chia sẽ cho nhau. Một tràng pháo tay vang lên chúc mừng ngày lễ quan thầy như tiếng mưa hoa hồng đang đổ xuống trên giáo xứ Tân Việt thân thương.
 
Thăm Mái ấm Thiện Tâm Faustina của Hội Teresa Nghi Lộc
BTT Giáo xứ Nghi Lộc
20:34 05/10/2015
Chuyến đi từ thiện tại Mái ấm Thiện Tâm Faustina của Hội Teresa Nghi Lộc

Chiều ngày 03.10.2015 là một buổi chiều nhiều niềm vui đối với những anh chị em ở Mái ấm Thiện Tâm Faustina. Họ vui vì có đông đảo thành viên Hội Teresa giáo xứ Nghi Lộc đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên và tặng quà…

Xem Hình

Tất cả mọi người nơi đây đã cùng ca hát, một số người nhảy múa các điệu vũ với các bạn trẻ. Trên khuôn mặt các bạn khuyết tật toát lên nét bừng sáng, rạng ngời với những nụ cười tươi vui đầy trìu mến. Những khuôn mặt dường như có thể giấu kín những niềm đau chất chứa trong lòng mà ít ai có thể thấu cảm ngoại trừ chính họ…

Họ đến đây từ nhiều vùng đất khác nhau, với nhiều khác biệt văn hóa. Họ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau và mang trong mình những niềm đau riêng. Dù họ, những người già cả neo đơn, những người không cha không mẹ, người bị bệnh tâm thần, trẻ dị tật, và có cả những cô gái mang thai ngoài ý muốn… nhưng tất cả đều sống chung trong một mái nhà mang tên Mái ấm Thiện Tâm Faustina.

Được thành lập vào năm 2013, Mái ấm Thiện Tâm Faustina nằm trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An hiện đang cưu mang hơn 80 người có những hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Một số thành viên Hội Teresa giáo xứ Nghi Lộc đã không thể ngăn được dòng lệ tuôn trào khi tận mắt chứng kiến những cảnh đời bơ vơ, những phận người có thể bị xem như “ngoài lề xã hội”. Không ngậm ngùi, không thổn thức sao được, vì trong số họ, có người phải ngồi xe lăn, có người chỉ có thể nằm một chỗ, có người lại phải ở cách ly trong phòng riêng vì họ la hét, quậy phá liên tục.

Đến với Mái ấm Thiện Tâm Faustina, các bạn đã thăm hỏi, động viên quý Soeur, những người hữu trách tại trung tâm và hơn hết là trò chuyện, giao lưu với những mảnh đời cơ nhỡ, các em khuyết tật của Mái ấm. Đây là một trong những hoạt động tông đồ mà Hội Teresa đã và đang thực hiện cách hữu hiệu và tích cực. Bởi lẽ, nó phù hợp với tôn chỉ hoạt động của Hội, cách riêng trong dịp này, chuyến đi là một khởi đầu cho việc hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 31: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Đại hội Giới trẻ Thế giới (WYD) lần thứ 31 sẽ diễn ra tại Krakow, Ba Lan, vào năm 2016. Đại hội này được xem như một phần của Năm Thánh Lòng Chúa thương xót và là Năm Thánh Giới trẻ ở tầm mức toàn cầu.

Chuyến đi từ thiện để lại trong lòng các thành viên Hội Teresa giáo xứ Nghi Lộc nhiều thao thức, nhiều cảm xúc. Ngang qua đó, các bạn nhận ra rằng mình còn may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Để từ đây, các bạn sẽ quan tâm hơn tới những hoàn cảnh bất hạnh xung quanh mình.

Ước mong các bạn tìm thấy Chúa trong những người bất hạnh, những người mồ côi, những người nghèo khó… mỗi khi các bạn tìm cách “lau khô những giọt nước mắt, xoa dịu những niềm đau trong lòng những cảnh đời bất hạnh bằng tình thương và lòng nhân ái của con người”.

BTT Giáo xứ Nghi Lộc
 
Hoa Mân Côi họ Na Rì, GP Bắc Ninh
Mai Ân
21:44 05/10/2015
HOA MÂN CÔI HỌ NA RÌ

Bước vào tháng Mười, Miền bắc chớm thu, không gian như giãn ra bầu trời cao vút xanh thẳm, lòng người như lắng lại, một chút suy tư, một chút khắc khoải, phải chăng đó là chuyển mình của không gian, đem tâm hồn con người hướng đến một mục đích thiêng liêng.

Xem Hình

Lòng sùng kính của người Việt Nam đối với Đức Trinh Nữ Maria qua việc đọc kinh lần chuỗi Mân Côi, còn được tỏ bày qua việc dâng hoa kinh Đức Mẹ với lời ca tiếng hát qua các vần điệu thơ ca. Đặc biệt Giáo phận Bắc Ninh vẫn giữ truyền thống dâng hoa Mân Côi kính Đức Mẹ vào tháng mười, với lời vãn cổ da diết, êm dịu và sâu lắng, đó như một nét đẹp của người kinh bắc vừa giữ gìn nét sắc văn hoá, đồng thời nói lên tâm tình người con với Mẹ rất Việt Nam.

Sau giờ dâng hoa Mân Côi, công đoàn Dân Chúa quy tụ quanh tượng đài Đức Mẹ cùng với cha chủ tế làm phép tượng Đức Mẹ. Đây là mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của Giáo họ Na Rì và cũng là ước nguyện muốn có sự hiện diện của Mẹ với đoàn con nơi miền sơn cước.

Na Rì một giáo họ nằm ẩn dật xa xôi nép mình sau những cánh rừng xanh ngút ngàn, bên con sông Bắc Giang uốn lượn đục màu phù sa, thu sang đông tới luôn chìm ngập trong biển mây mù, nơi đây tồn tại một xóm đạo. Tiền nhân của họ là những người tha phương cầu thực gieo Tin Mừng lên mảnh đất này. Trải qua biết bao thời kỳ thăng trầm, họ đã giữ đạo bằng Kinh Mân Côi. Trải qua biết bao thử thách, có lúc tưởng chừng như không còn giữ được đức tin; chính việc lần hạt Mân Côi, lòng tin của họ vẫn sắt son đẹp như mùa thu Hy Vọng.

Lòng tin đã giúp họ xây dựng lại ngôi thánh đường nhỏ bé đơn sơ, nhưng đủ ấm áp với lòng thiện tâm, khơi nguồn sức sống thiêng liêng, dưới sự hướng dẫn của cha Giuse Nguyễn Văn Tĩnh chính xứ Bắc Kạn, ngài cổ vũ lòng sùng kính Đức Mẹ một cách nhiệt thành, đánh dấu mốc quan trọng thành lập hội Mân Côi, như món quà mà Mẹ Maria ban tặng, toát lên niềm vui khôn tả của mỗi chị em hằng ao ước.

Chiều nay ngôi thánh đường vang lên lời vãn cổ, dâng lên Mẹ nỗi lòng khao khát mong chờ như tâm tình người con lâu ngày gặp Mẹ, bộ đồng phục áo dài chị em lựa chọn kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước nói lên niềm vui tìm được trong Đức Ki Tô, nối dài chuỗi Mân Côi đến muôn nơi kết nối yêu thương đến mọi miền, giữa núi rừng những cánh áo dài bay trong gió chiều đẹp thay lúc thu sang đã đưa những tâm hồn mong gặp Mẹ cất tiếng hoan ca: “Một tràng hoa Mân Côi, hương thơm ngào ngạt thắm ân tình…”.

Mai Ân
 
Văn Hóa
Thăm thành Rhodes có tượng đồng Colossus là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại
Lm Trần Công Nghị
07:01 05/10/2015
Thành Rhodes được liệt vào danh sách di sản thế giới và ngày là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất ở châu Âu. Chúng tôi đến đảo Rhodes hôm 3 tháng 10 năm 2015 và đã đi tham quan lâu pháo đài và đài Acroplis Lindos do các Hiệp Sĩ thánh Gioan xây dựng tại tỉnh Lindos. Thăm thành cổ Rhodes, và cung điện Đại Hiệp Sĩ Grand Master, và các nhà máy quạt thuở xa xưa còn đề lại. Du khách thực sự thán phục và ngỡ ngàng vì sự đồ sộ và huy hoàng của thành lũy xưa... Tuy nhiên nếu đọc lịch sử thì sẽ không lạ lùng gì vì Rhodes qua các giai đoạn lịch sử của mình đã là nơi xẩy ra các cuộc chiến tranh chiếm đoạt của các thế lực hùng mạnh trước đây.



Hình ảnh thành Rhodes

Homer diễn tả trong thiên hùng ca của mình rằng dân chúng thành Rhodes tham gia trong cuộc chiến tranh Trojan dưới sự lãnh đạo của Tlepolemus.

Trong thơ ca ngợi của Pindar, hòn đảo được cho là sinh ra từ sự kết hợp của thần mặt trời Helios và nàng tiên Rhodes, và đặt tên thành phố là Rhode.

Trong lịch sử, Rhodes đã nổi tiếng khắp thế giới với tượng đồng có tên là Colossus of Rhodes, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Tượng này cao chừng 35 mét và có cầm đưốc cao thêm 15 mét nữa. Đây là tượng thờ thần Helios mặt trời. Tượng được hoàn thành năm 280 trước Công nguyên và bị phá hủy trong một trận động đất vào năm 224 BC. Sau đó thì có nhiều truyền thuyết về tượng này.

Trong thế kỷ 1, Hoàng đế Tiberius đã đến cư ngụ một thời gian ở đảo Rhodes. Thánh Phaolô tông đồ cũng đã đến truyền giáo trên đảo này.

Thành Rhodes thời Trung cổ do các Hiệp sĩ Thánh Gioan thành Giêrusalem lxây dựng nên hiện hãy còn đó và có danh xưng "Medieval Old Town". Đoàn Hiệp Sĩ Thánh Gioan là đội quân đã cai trị đảo này trong nhiều năm, và có nhiều điểm đáng đề cập tới, nhưng tiếc rằng chúng tôi không có thì giờ ghi lại lần này. Xin hẹn qúi vị độc giả trong một dịp khác.

Vịnh Thánh Phaolô ở Lindos
Di tích lịch sử trên đảo Rhodes bao gồm Acropolis ở núi Lindos, Acropolis ở thành phố Rhodes và Đền thờ Pythian Apollo có nhà hát và sân vận động cổ xưa, cung điện của Đại Hiệp Sĩ và Thành Trung Cổ, Bảo tàng Khảo cổ, những tàn tích của lâu đài ỏ Monolithos, lâu đài Kritinia, và nhà thương thánh St. Catherine.

Hình ảnh Acroplis ở Lindos

Rhodes (tiếng Hy Lạp là Ρόδος, Rodos) là đảo lớn nhất trong quần đảo Dodecanese. Và thông thương tại Hy Lạp thành phố lớn nhất của đảo cũng trùng tên đảo. Thành phố Rhodes là thành phố cảng biển với dân số chừng trên 50.000 người. Nó nằm phía đông bắc của đảo Crete, phía đông nam của Athens và chỉ cách xa bờ biển Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ vài chục cây số. Đảo Rhodes còn có tên là 'là Hòn đảo của các Hiệp sĩ" vì Dòng Knights of Saint John của Jerusalem đã từng chinh phục và cai trị đão này trong 200 năm vào đầu thế kỷ thứ 14.

Acropolis ở Lindos
Bên ngoài thành phố Rhodes, hòn đảo rải rác với những ngôi làng nhỏ và khu nghỉ dưỡng spa, trong đó Faliraki, Lindos, Kremasti, Haraki, Pefkos, Archangelos, Afantou, Ixia, Koskinou, Embona (Attavyros), Paradisi, và Triánta (Ialysos). Rhodes có nhiều nguồn nước khoáng sản, suói nước nóng được sử dụng để cho các phòng tắm thuốc và các khu nghỉ dưỡng spa điều trị sức khỏe, còn được gọi là balneotherapy.

 
Lá thư Canada : Tìm hạnh phúc
Trà Lũ
19:58 05/10/2015
Lá thư Canada: TÌM HẠNH PHÚC

Trà Lũ

Canada đang bước vào Thu. Các chậu hoa cúc rực rỡ bày bán trên đường đã loan tin như thế. Tiếng trống múa lân ‘ tùng là cà rùng tùng xoèng’ đã loan tin như thế. Thực ra tiếng trống múa lân không phải chỉ loan tin mà là mời gọi. Năm nay tại Toronto, Hội Người Việt cộng tác với nhiều hội đoàn quốc gia đã tổ chức một lễ Tết Trung Thu thật lớn, rất mực hoành tráng. Cả làng An Lạc chúng tôi đã tới dự. Mấy chục năm xưa thì dắt con, năm nay thì dân làng không còn dắt con mà là dắt cháu dắt chắt. Vui và thích qúa sức. Tiếng trống múa lân tùng cheng tùng cheng, tùng xoèng tùng xoèng đã gợi lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm thân yêu thời VC chưa về phá làng phá xóm. Ôi những ngày xưa thân ái ấy làm sao mà quên được.

Tới nơi hành lễ, các cháu các chắt của chúng tôi đã lanh lẹ nhập vào nhiều đoàn thiếu nhi, tay cầm đèn Trung Thu, tay cầm quả bóng xanh đỏ, miệng hát bài ‘Tết Trung Thu rước đèn đi chơi…’ Ôi bầy trẻ VN đẹp như các thiên thần, đáng yêu làm sao ! Bầy trẻ đã múa hát với con lân, từ đầu chương trình cho tới cuối chương trình, rất say mê. Nhiều em bé lúc bố mẹ dẫn ra về còn khóc thét, các bông hoa VN này còn muốn ở lại chơi nữa với ông địa với con lân, với bạn bè mới quen.

Cụ Chánh thấy những em bé còn đòi ở lại chơi thì cười hà hà rồi bảo cả làng: Thế này là điềm vui điềm lành rồi đây vì chất văn hóa truyền thống VN đang bắt đầu ngấm vào lòng lớp trẻ. Cụ B.95 thì thích lắm, cụ cứ bảo ngoài Bắc ngày xưa của tôi thì gọi là ‘múa sư tử’. Ông ODP trả lời ngay: Đúng vậy. Ngày xưa cha ông ta cho rằng con lân xuất hiện là một điềm lành, nên dịp Tết Trung Thu cho con lân nhảy múa là thế. Vì đầu con lân chỉ có một sừng, trông xa như con sư tử. Người Tàu không múa lân mà múa rồng. Rồng VN khác với rồng Tàu: Rồng của Tàu có 4 chân cao và thân ngắn, còn rồng VN 4 chân thấp, thân dài và uốn khúc. Múa rồng VN là đúng vì mình rồng dài, chứ anh Tàu múa rồng là sai vì mình rồng của Tàu ngắn thì múa lượn sao được.

Tan tiệc Trung Thu của cộng đồng, chúng tôi kéo về nhà Anh John Chị Ba Biên Hòa làm tiệc thứ hai. Lần họp này, ngoài dân làng còn có thêm nhiều con nhiều cháu, lại có thêm vài đứa chắt của Cụ B.95 và Cụ Chánh nữa, nên buổi họp biến thành một đại hội gia đình và một đại tiệc. Vui qúa là vui. Bầy con nít vừa ăn bánh trung thu vừa ăn chả giò, vừa uống coke vừa xem các phim hoạt họa, lại còn nhảy múa, còn hát và hò hét. Rất đỗi sống động. Cụ Chánh thì gật gù sung sướng: Đây là dịp rất tốt để chúng làm quen với nhau, nhận họ nhận hàng với nhau, chứ quanh năm cắp sách đến trường nào chúng có dịp gặp nhau đâu. Chị Ba Biên Hòa nói thêm: Cầu mong chúng biết nhau, quen nhau, rồi sau này lớn lên yêu nhau và lấy nhau thì còn gì tốt đẹp bằng.

Riêng các vĩ nhân và các nhà quân từ chúng tôi thì ăn phở. Chị Ba Biên Hòa là dân Nam Kỳ mà nấu phở Bắc Kỳ ngon cách gì. Chị Ba nhiều tài quá. Chuyện này dài, xin nói về sau. Bây giờ xin kể các chuyện nóng mà làng tôi đã trao đổi với nhau.

Thứ nhất là chuyện thời sự về chuyến công du của Đức Giáo Hoàng Francis, 3 ngày ở Cuba, 6 ngày ở Mỹ. Ai cũng cho đây là một phép lạ. Tôi nói phép lạ là vì nhớ lời Ông Fidel Castro nói năm 1973. Hồi đó, Ông Castro dựa thế Nga Xô và chống Mỹ quyết liệt. Ông hét ra lửa. Ông nói như tuyên chiến với Mỹ và Vatican. Ông bảo ông không thèm nói chuyện với 2 tên này. Chừng nào Mỹ có một tổng thống da đen, chừng nào Vatican có một giáo hoàng gốc Nam Mỹ thỉ chừng đó ông mới thèm nói. Hơn 40 năm sau, phép lạ đã xảy ra, ông đã và đang nói chuyện với Ông Obama gốc da đen và đã tiếp Giáo Hoàng Francis gốc Nam Mỹ. Cuba và Mỹ sẽ sống hòa bình, Raul Castro, người kế vị ông anh Fidel, sau khi ôm hôn Đức Francis đã tuyên bố sẽ không chống Roma nữa và sẽ nhập đạo Công Giáo. Cái gì ? Nhập đạo nha.

Con lân xuất hiện là dấu hiệu hòa bình ló rạng. Chắc con lân VN do các đoàn múa lân dịp Tết Trung Thu vừa qua ở Hoa Kỳ và Canada đã mang dấu hiệu hòa bình tới, các cụ ạ. Chứng cớ ư ? Thì tháng Chín vừa qua, đất Hoa Kỳ là nơi xuất hiện, là điểm đến của nhiều lãnh tụ lớn, phải không nào. Đức Francis là một, Đức Đạt Lai Lạt Ma là hai, vua Tập Cận Bình là ba, vua Trương Tấn Sang là bốn. Đúc Francis đã xin với Vua Obama, Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ và Đại Hội Đồng LHQ quan tâm đặc biệt tới môi trường thế giới, và thương xót những người di dân đang chạy tới. Lời xin của Ngài đã được lắng nghe.

Đáp lời kêu gọi này, Canada đã hứa sẽ nhận 10 ngàn người tỵ nạn Syria. Hiện nay Giáo Hội Công Giáo Canada đang xin giáo dân bảo trợ các người Syria này như 40 năm trước đây đã mở lòng đón tiếp các thuyền nhân VN. Làng tôi cũng đang bàn tới chuyện bảo trợ. Cha Paolo tuần qua đã nói một câu rất hay: Chúng ta thường cho người khác những cái mà chúng ta có dư, chứ không cho những cái mà chúng ta đang cần dùng. Cho thứ này mới qúy, đúng như Mẹ Teresa Calcutta nói: Chúng ta phải rộng tay cho tới khi nào tay ta đau.

Viết đến đây thì tôi chợt nhớ tới Cô Kiều Chinh, người nữ tài từ điện ảnh số 1 của Việt Nam. Cô cũng tới Toronto này vào tháng 9 vừa qua để tham dự một sinh hoạt lớn của cộng đồng ghi dấu 40 năm biệt xứ và ngày 30/4 được mang tên là ‘Hành Trình tới bến Tự Do’. Trong một bữa ăn có tôi ngồi chung bàn, Cô kể chuyện về chính Cô. Cô là người tỵ nạn VN đầu tiên đến Canada vào 6 giờ chiều ngày 30 tháng Tư 1975. Cô tới Canada với hai bàn tay trắng vì cô đâu có ngờ mất nước nhanh thế, cô đang đi đóng phim mà. Cô liên lạc với những nơi quen biết nhưng chỗ nào cũng trả lời lạnh lùng và hững hờ. Cô nói một câu nghe rất chí l‎ý‎ và thấm thía: Những lúc ngặt nghèo khổ sở mới biết rõ ai là người bạn tốt. Cái việc đầu tiên mà cô xin được là đi quét dọn chuồng gà cho một trại gà lớn. Cô chỉ làm được có 3 ngày rồi ngã bệnh. Chất độc của phân gà đã đánh gục cô. Hết bệnh thì cô phải tiếp tục đi xin việc khác. Nơi nào cũng lắc đầu. Nơi cuối cùng mà cô gọi nhưng không mấy hy vọng gì trong lòng, là một nữ tài tử ở Hollywood, cô quen tài tử này cách đây đã lâu, trên 10 năm. Cô Kiều Chinh khóc khi nói chuyện và cô tài tử Hollywood nghe cô kể chuyện cũng khóc theo. Chỉ 3 ngày sau Cô Kiều Chinh đã nhận được giấy bảo lãnh, vé máy bay và một việc làm với hãng phim. Người bạn ngoại quốc xa cách đã 10 năm mà hóa ra lại là người tốt nhất !

Xin nói tiếp về Đức Giáo Hoàng Francis. Trong buổi lễ bế mạc Đại Hội Gia Đình Thế Giới 2015 ở Philadelphia mà Ngài làm chủ tế có hai bạn trẻ VN bận quốc phục VN lên dâng của lễ. Tôi thấy Ngài vừa nhận lễ vật vừa nói thì thào gì đó với hai em VN này. Cụ Chánh thấy cảnh này thì chảy nước mắt. Cụ bảo đại hội có bao nhiêu đại biểu các nước thế mà đại biểu VN được chọn, vinh dự lắm chứ. Ngài nói gì với hai em này vậy ? Không chừng Ngài hứa sẽ sang thăm VN nay mai.

Cụ B.95 bữa nay được sống lại những kỷ niệm ngày xưa, nào tiếng trống múa sư tử tùng cheng tùng xoèng, nào bánh xem trăng, nào bạn bè ôn lại chuyện cũ, nào được xem những hình ảnh tông du của Đức Giáo Hoàng, nào được ăn phở đúng hương vị ngày xưa, cụ tỏ ra sung sướng vô cùng. Anh John nói với cụ: Cháu thấy hôm nay bác vui vẻ khác thường, như vậy đã đủ chưa, hay bác còn muốn nghe thêm mấy chuyện cười như thông lệ mọi khi nữa không? Nghe tới chuyện cười thì không chỉ cụ già Bắc Kỳ này mà tất cả phe liền bà đều gật đầu. Cô Tôn Nữ nói ngay: Hôm nay vui, toàn chuyện vui, toàn chuyện về Đức Giáo Hoàng, chúng ta chỉ mới vỗ tay chứ chưa cười. Nào, phe các ông có gì cho chúng tôi cười không ?

Ông ODP liền giơ tay xin nói. Rằng hiện nay thế giới đang chia rẽ về việc cho phép hay không cho phép, lên án hay không lên án việc hôn nhân đồng tính, nam lấy nam, nữ lấy nữ. Hiến Pháp Hoa Kỳ đã cho phép họ lấy nhau. Ông đại sứ Canada ở Hà Nội hiện nay cũng là một ông đồng tính. Chả biết ở VN hiện nay ông có bị chê không chứ ngày xưa các cụ ta chê là cái chắc. Tôi thấy lời ca dao nói rất rõ việc này:

Đàn ông nằm với đàn ông

Như gốc như gác như chông như chà,

Đàn ông nằm với đàn bà

Như lụa như lãnh như hoa trên cành…

Giáo Hội Công Giáo xưa nay vẫn chống. Đức Giáo Hoàng Francis thì xin mọi người hãy thương những người này vì khi sinh ra họ đã là người bất bình thường rồi.

Nghe đến đây thì phe các bà lên tiếng: Mấy tin mà các ông vừa kể khô quá, chả có tiếng cười gì cả. Ông H.O. liền giơ tay nói: xin có tiếng cười ngay đây:

Rằng bữa đó có 4 bà bạn học cùng lớp ngày xưa gặp nhau. Họ sung sướng kể cho nhau bao nhiêu chuyện về gia đình mình. Đến mục nói về con cái thì bà nào cũng có vẻ hãnh diện kể tốt về con mình. Bà thứ nhất khoe: Tôi có cậu con trai đi tu và làm linh mục. Ai gặp con tôi cũng đều chào: Lạy Cha ạ ! Bà thứ hai kể: Tôi cũng vậy, có con đi tu, không những làm cha mà còn làm tới giám mục, ai gặp cũng đều cung kính chào: Lạy Đức Cha ạ. Bà thứ ba nghe xong liền nói: các chị chưa tốt phước bằng tôi. Cậu con tôi đi tu và làm tới chức Hồng Y lận, ai gặp cũng chào rất mực tôn kính: Lạy Đức Hồng Y ạ. Ba bà đều nghĩ rằng bà bạn thứ bốn này hết mức rồi, trong đạo Công Giáo thì chức Hồng Y là tột đỉnh rồi, không còn ai cao hơn được nữa. Thế nhưng bà thứ bốn đã vui vẻ kể về con mình. Rằng tôi không có con trai để đi tu, tôi chỉ có một con gái. Cháu năm nay vừa tuổi trăng tròn, trời cho nó khỏe mạnh và nhan sắc. Cháu thường ăn mặc rất phong phanh và hở hang, nên ai gặp cháu cũng đều nói lớn: Lạy Chúa tôi !

Nghe đến đây thì cả làng vỗ tay khen hay. Ông H.O. được làng vỗ tay khen nên ông cao hứng kể nữa. Bữa nay làng ta mở đầu đã nói tới Đức Giáo Hoàng nên tôi không dám kể chuyện tục chuyện mặn, tôi xin kể tiếp chuyện liên hệ tới đạo. Rằng theo Thánh Kinh Cựu Ước thì thủy tổ của loài người là Ông Adam và Bà Eva. Chúa dựng nên ông bà trực tiếp. Về mặt cơ thể, Ông bà Adam Eva thiếu một thứ mà tất cả chúng ta đều có. Xin đố các bạn ông Adam và bà Eva thiếu cái gì ? Phe các bà phản ứng ngay: Chúng ta là con cháu mà có đầy đủ, tại sao ông bà nguyên tổ lại thiếu ? Nghe vô l‎‎ý quá. Ông H.O. quả quyết: Thế mới lạ chứ, nhưng đây là chuyện có thực, làng cứ nghĩ kỹ coi. Mãi mà nghĩ không ra, cuối cùng cả làng chịu. Ông H.O. cười hề hề: Thưa đó là cái rốn ! Phe liền ông thì cười ha hả vì hiểu liền, còn phe các bà thì còn ú ớ. Ông H.O. phải đi một đường diễn nghĩa: tất cả chúng ta đều do mẹ đẻ từ trong bụng ra, người đỡ đẻ phải cắt nhau. Chỗ cuống nhau bị cắt là cái rốn. Chúa sinh ra Adam và Eva đâu có theo lối mẹ đẻ con nên làm gì hai cụ tổ có rốn ! Nghe kỳ qúa nhưng lại đúng quá, phải không cơ?

Và ông H.O. còn xin đố làng một câu cuối cùng: Trên thế gian này, ai là người chồng sung sướng nhất ? Anh John là người giơ tay xin trả lời ngay: Thưa, đó là ông Adam. Tại sao ông sung sướng nhất ư, thưa vì ông không có mẹ vợ. Thấy mọi người còn ngạc nhiên, nhà thông thái John giảng nghĩa: Tại vì vợ ông là bà Eva do Chúa tạo dựng trực tiếp, nên bà Eva không có mẹ, và vì thế ông Adam là người chồng duy nhất không hề có mẹ vợ. Theo truyền thống Canada, anh chồng nào không có mẹ vợ thì là người chồng sung sướng nhất.

Thấy cụ B.95 chưa hiểu rõ, ông H.O. xin cắt nghĩa thêm: Người VN mình thường đem chuyện mẹ chồng ra diễu, mẹ chồng nàng dâu thường là đề tài chuyện cười ở VN, còn người Canada thì lại đem mẹ vợ ra diễu. Câu đố trên đây mang màu sắc chuyện cười của Canada, xứ hay châm chọc các bà mẹ vợ là thế. Rồi ông chỉ vào tôi: Hình như Bác Trà Lũ hay lấy cái ‎đề tài này khi viết các sách chuyện cười. Chẳng hạn có chuyện này: Hai cô thư k‎‎‎ý nói chuyện với nhau trong giờ ăn trưa. Một cô người Canada, một cô gốc người Việt. Cô Canada mới hỏi cô gốc VN rằng: Nếu mày giận chồng mày thì mày đe chồng mày như thế nào? Cô Canada gốc VN trả lời: Tao sẽ đe chồng tao thế này: Anh mà còn lộn xộn nữa thì tôi sẽ ôm quần áo về sống với mẹ tôi ngay tức thì. Nghe xong, cô Canada nói ngay: Mày ngu ! Nói như vậy là mày thua rồi. Tao mà giận chồng thì tao đe thế này: Anh mà còn lộn xộn nữa thì tôi mời mẹ tôi đến đây sống với tôi ngay bây giờ!

Cụ B.95 lên tiếng xin thôi kể chuyện các bà mẹ vợ mà xin nghe tiếp chuyện thời sự. Đây là phận sự của Anh John. Anh lên tiếng ngay. Bâygiờ đang là mùa vận động bầu cử liên bang. Báo chí và các cơ quan truyền thông đều chú trọng vào 3 lãnh tụ của 3 đảng lớn hiện nay. Ở Canada, sự thắng cử phần lớn là do tài các lãnh tụ. Dân chúng nghe các lãnh tụ này nói, và các câu trả lời báo chí rồi quyết định sẽ bầu cho đảng nào. Đa số cử tri đi bầu là nghĩ tới đảng hơn là cá nhân ứng cử viên. Ngày bầu cử là ngày 19 tháng 10. Hiện nay thì Đảng Bảo Thủ Conservatives đang dẫn đầu.Tôi sẽ trình kết quả bầu cử vào cuối tháng sau.

Một tin thời sự cũng khá nóng bỏng là tin phái nữ Canada đang dòi quyền được cởi trần đi ngoài đường. Các bà các cô phen bì: Bây giờ là thời đại tự do dân chủ, nam nữ bình quyền, tại sao liền ông được toàn quyền cởi trần chạy nhông nhông ngoài đường mà liền bà chúng tôi thì lại không được? Một vài nơi họ đã dựng những tấm bảng lớn cổ võ việc này: ‘Go Topless ! Topless Equality’. Giới cảnh sát cho biết: Phái nữ cởi trần đi trong công viên thì được, chứ phái nữ ngực trần mà tung tăng trên dường phố thì không được vì sẽ gây ra rất nhiều tai nạn. Việc này quốc hội phải làm thành luật. Hình như phái nữ Canada cũng đang đòi quyền tự do cởi trần ngoài bờ biển. Tôi thấy nhà văn Tu Dinh bên Hoa Kỳ bình luận rất hay. Rằng con mắt của chúng ta bây giờ thua xa con mắt của người Hy Lạp ngày xưa. Thuở xưa người Hy Lạp đã nhìn ra vẻ đẹp tuyệt vời của bộ ngực phụ nữ nên bao nhiêu pho tượng nổi tiếng và các bức tranh nổi tiếng đều đề cao các bộ ngực trần. Nhìn các pho tượng và họa phẩm này, lòng dục của họ không nổi lên mà lòng ái mộ thẩm mỹ nổi lên rất cao. Còn chúng ta bây giờ thì sao cơ, thưa các cụ ?

Một tin thời sự khác về môi trường cũng gây sự chú ‎‎ý là đầu tháng 9 người ta bắt được 3 con cá chép gốc Á Châu, Asian Grass carp, ở hồ Toronto. Chúng nặng hơn 20 cân. Giới thẩm quyền về Ngũ Đại Hồ, 5 hồ lớn giữa Canada và Hoa Kỳ, rất lo ngại về loại cá Á Châu này, vì chúng sẽ phá hủy môi sinh và tàn sát các loại thủy sản khác. Năm 2012 lần đầu tiên khi bắt được những con cá này thì có con nặng tới 40 k‎ý‎ lô và dài tới 1 mét. Cụ B.95 nghe tin này đều lè lưỡi: cá chép ở quê mình đâu có to và nặng như vậy. Chắc vì đất nước Canada này cái gì cũng tốt nên con cá mới phát triển kinh khủng như thế. Cụ Chánh đáp ngay: Còn chắc với lép gì nữa, đó là sự thực. Chả riêng gì con cá chép, về con người cũng y chang. Tôi biết có gia đình tỵ nạn VN gốc ngư dân đói rách ở miền Trung, sang bên này, ba đứa con đi học đều dỗ tiến sĩ về tin học và đang phục vụ trong ngành không gian Canada. VN mình là giống tốt, giống tốt gặp đất tốt thì bung lên. Đúng không nào?

Báo chí Toronto cũng vừa nhắc tới một nhân vật lịch sử, đó là nữ hoàng Elizabeth dệ Nhị, vua bên Anh cũng là vua bên Canada. Ai tuyên thệ nhập tịch cũng đều phải giơ tay thề trung thành với Nữ Hoàng này. Bà năm nay 89 tuổi, ngồi trên ngai vàng dã 63 năm. Bà đã vượt qua bà cố tằng tổ là Nữ Hoàng Victoria về thời gian làm vua, bà đã đi vào sách kỷ lục. Chỉ tội cho ông con trai Charles, ông đã nhắm ngai vua bao nhiêu năm, bây giờ đã già mà vẫn chưa được làm vua. Dân Canada gốc Anh rất đông nên ở đây tôi thấy họ nhắc tới tên Nữ hoàng rất cung kính. Hình ảnh của bà khắp nơi. Chỉ riêng ngành bưu điện, hình của bà đã được in trên bao nhiêu loại tem. Con người ta quả là có số. Ngày xưa còn bé bà đâu có nghĩ mình sẽ lên làm vua. Năm 1952, bà và chồng đang đi chơi thì được gọi về triều lên ngôi mà.

Tháng vừa qua tôi được dịp nói chuyện với GS Nguyễn Tiến Hưng, tác giả cuốn sách lịch sử nổi tiếng ‘ Khi Đồng Minh Tháo Chạy’. Ông cựu tổng trưởng này đang viết cuốn thứ hai‘ Khi Đồng Minh Nhảy Vào’, cuốn này đáng lẽ phải ra mắt trước cuốn đầu, ghi dấu lịch sử VN từ 1954 tới 1975. Ông cho biết vì bây giờ nhiều hồ sơ đã được giải mật nên ông tìm được rất nhiều tài liệu qu‎ý chưa từng có ai biết đến. Tôi xin ông một sự kiện. Ông bảo chẳng hạn trong chương trình hội nghị Geneve 1954 có ghi sẽ bàn đến việc biến miền Phát Diệm, khu an toàn của Đức Cha Lê Hữu Từ, thành một khu trung lập như Berlin bên Đông Đức. Tiếc rằng cái ông thủ tướng Pháp Pierre Mendes France vì đã trót hứa với dân Pháp là sẽ giải quyết vấn đề chiến tranh VN trước cuối tháng 7, 1954, nên ông ta đã nhắm mắt xin kết thúc sớm hội nghị Geneve ngày 20 tháng Bảy 1954. Xin các cụ chuẩn bị đọc cuốn sách đầy sử liệu hiếm qu‎ý về VN này nha.

Anh John nói đến đây thì hết hơi, anh phải xin ông bồ chữ ODP tiếp sức. Ông ODP vui vẻ nhận lời ngay. Ông rút trong túi ra một tờ giấy rồi nói với cả làng: Tôi xin đọc một mẩu tin về Lạng Sơn một tỉnh cực bắc của VN. Không phải tin xây tượng đài Hồ Chí Minh 147 tỷ đâu. Tin xây đài là một tin về sự tham nhũng của bọn người vô lương tâm. Tin của tôi là một tin về sự đói nghèo cùng cực của người dân ở đây. Tôi vừa được người bạn kể chuyện về VN và thăm viếng Lạng Sơn. Thành phố này vẫn còn nghèo khổ cùng cực, vẫn còn dấu vết cuộc chiến với Trung Cộng năm 1979. Bức thư ông bạn kể rằng: Buổi sáng hôm đó tôi chỉ kiếm được vài củ khoai lang luộc và một ấm nước chè tươi. Đang lúc ăn khoai thì tôi được tin sẽ có phiên tòa xử một tù nhân can tội giết người nhưng vô cùng ngoan cố. Tôi liền đi xem. Tòa xử công khai, cho mọi người vào coi và nghe. Tù nhân bị truy tố tội danh: “ Cố tình đầu độc người em ruột cũng vừa là hàng xóm, đã bị giam hơn một năm, tội đã rành rành, bị đánh mãi mà không chịu khai.” Nhìn mặt nghi can thì tôi lại thấy anh ta có vẻ rất hiền lành, nhẫn nhục, trên mặt và thân thể còn nguyên dấu vết bị công an tra tấn. Quan tòa phán: “Tội giết người của anh rõ ràng như ban ngày, tại sao anh không chịu nhận mà lại còn giả vờ tìm cách tự tử ?” Tù nhân bấy giờ mới mở miệng, đây là lần đầu tiên anh nói sau một năm im lặng trong tù:

- Thưa quan tòa, tôi sống với 1 đứa con trai 3 tuổi, mẹ nó chết vì đói và bệnh

sau khi sinh nó. Vì đói khổ quá không có gì cho con ăn nên tôi không muốn sống nữa, cho nên tôi đã đánh cắp con gà duy nhất của em tôi để nấu một nồi cháo rồi trộn với thuốc độc, dự định sáng dậy hai bố con sẽ ăn để được chết theo mẹ nó, nhưng không may tôi đã ngủ quên, em tôi ở nhà bên đã sang trộm nồi cháo mang về ăn nên mới ra nông nỗi chết hết cả nhà, chứ tôi giết chúng nó làm gì! Đúng ra thì chúng đã ăn cắp cái chết của hai bố con tôi ! Được bà mẹ và láng giềng bênh vực nên anh đã được tha bổng, và tù nhân được nói lời cuối cùng trước khi được phóng thích. Anh nói:

- Xin tòa cho tôi được ở lại luôn trong tù vì dầu sao cũng còn chút khoai sắn để ăn, chứ bây giờ ra ngoài, tôi cũng sẽ tự tử nữa, rồi ai chôn tôi đây.

Ông ODP tuyên bố hết chuyện, xếp bức thư bỏ vào túi rồi nói: Cầu mong câu chuyện bi thảm này đến tai các quan lớn ở Hà Nội và Lạng Sơn.

Ông ODP còn cho biết người bạn về VN này cũng đã gặp một đảng viên CS cao cấp là bạn học cũ ngày xưa, anh này đã mở mắt nhưng ở cái thế cỡi cọp, đang hưởng mọi đặc quyền đặc lợi, nay nhảy xuống là chết liền, do vậy anh ta ngậm miệng. Vì tôi là bạn thân ngày xưa nên anh ta thì thầm vào tai tôi:

-Chúng nó k‎ý‎ bán nước trong đại hội Thành Đô từ tháng 9, 1990 lâu rồi.

Năm 2020 sắp tới, chúng sẽ giả vờ trưng cầu dân ‎ý nên theo Tàu hay theo Mỹ. Dân bỏ phiếu xong thì chúng sẽ vất hết phiếu vào sọt rác rồi tuyên bố 99% dân đồng ‎‎ý theo Tàu. Bản chất CS là gian dối mà. Chúng sẽ ra lệnh quốc hội soạn thảo văn thư gửi Trung Quốc xin làm một tỉnh. Tàu sẽ đóng kịch từ chối. Chúng lại viết một văn thư năn nỉ, và lần này Tàu tuyên bố mình miễn cưỡng nhận vì tình môi hở răng lạnh. Chúng sẽ làm như vậy để lịch sử không bắt tội vì chúng bảo chúng làm theo ‎‎ý dân mà thôi. Gần đây chúng ta thấy đôi lúc CSVN lên tiếng chống Tàu. Chúng không dám chống thật đâu, chúng chỉ đóng kịch, màn kịch đã được Tàu cho phép diễn. Bọn chúng gian dối mà !

Đầu bữa ăn, chuyện múa lân tết Trung Thu, chuyện Đức Giao Hoàng Francis đi Cuba và Hoa Kỳ, chuyện Chị Ba nấu phở, chuyện ông Adam bà Eva không có rốn… làm cả làng vui nhộn, nay nghe chuyện bi thảm ở Lạng Sơn, cả làng yên lặng như tờ. Ông ODP thấy mình có lỗi về sự làm cho làng mất vui này, ông bèn chuyển đề:

Anh bạn kể cho tôi nghe các chuyện VN thấy mặt tôi buồn đã vỗ vai tôi rồi nói: Hãy vui lên vì chúng ta hiện ở Canada, đất nước hạnh phúc như thiên đàng.

Cụ Chánh đang nhấp ly trà, nghe tới câu Canada là đất hạnh phúc như thiên đàng thì gật đầu rồi nói ngay: Chí l‎‎ý ! Câu nói thật chí l‎‎ý. Cả làng lòng ai cũng như đang chùng xuống vì những chuyện CSVN gian dối và tàn ác, dân nghèo đói xác xơ, bây giờ nghe cụ nói tới chuyện hạnh phúc thì ai cũng như bừng tỉnh. Chị Ba Biên Hòa lên tiếng xin cụ nói thêm về hạnh phúc.

Cụ trả lời ngay. Rằng lão đọc sách báo cũng như nghe các bài giảng trong nhà thờ và các bài thuyết pháp trong chùa, thì chỗ nào hầu như cũng nói tới 5 điều cần có để được hạnh phúc, đó là: không giận hờn, không lo lắng, sống đơn giản, cho nhiều và mong đợi ít. Có 3 người làm gương cho lão về 5 điều này là Đức Giáo Hoàng Francis, Đức Đạ Lai Lạt Ma và cụ già tỷ phú Warren Buffet. Lão biết không nhiều về vị giáo hoàng Francis và Đức Lạt Ma, nhưng lão biết nhiều về cụ già tỷ phú Warren 85 tuổi nhờ các giới truyền thông. Chuyện kể tỷ phú Bill Gates tới thăm cụ Warren, ban đầu ông chỉ tính thăm nửa giờ, nhưng lối sống và quan điểm đặc biệt phi thường của cụ Warren đã làm cho cuộc thăm kéo dài hơn 10 giờ. Sau đó ít lâu cụ tặng cho quỹ bác ái của ông Gates 31 tỷ đô la. Cụ vẫn còn sống trong căn nhà 3 phòng ngủ ở Omaha, Nebraska. Căn nhà này cụ mua sau khi cưới vợ, cách đây 50 năm. Cụ bảo cụ có hết mọi thứ cần thiết trong căn nhà này. Cụ tự lái xe, cụ không có tài xế, không có vệ sĩ. Cụ không bao giờ đi du lịch bằng máy bay riêng tuy cụ có một công ty hàng không lớn. Cụ không giao dịch với giới chức quyền và giàu sang. Cụ không có cell phone hay computer trên bàn. Trong giờ rảnh rỗi, ông tự làm lấy món bắp rang mà cụ ưa thích. Báo chí hay phong vấn và xin cụ lời khuyên. Cụ khuyên giới trẻ như thế này:

- Hãy nhớ người làm ra tiền chứ không phải tiền làm ra người

- Hãy tránh xa các loại thẻ tín dụng

- Hãy sống cuộc đời đơn giản

- Đừng làm cái mà người khác bảo. Hãy lắng nghe họ nói nhưng hãy làm cái mà chính bạn cho là tốt

- - Đừng ăn mặc theo hàng hiệu. Hãy mặc loại quần áo nào mà bạn thấy thoải mái

- Đừng tốn tiền mua sắm những cái không cần, chỉ nên mua những thứ bạn thật cần

- Nói tóm lại, đây là đời của bạn thì tại sao bạn lại để người khác chỉ huy?

Nét mặt cụ già tỷ phú đứng hàng thứ hai trên thế giới này luôn luôn có nụ cười. Nụ cười là biểu hiệu của sự hạnh phúc. Có nhiều của, nhiều lòng bác ái, sống đơn giản với nhiều nụ cười, cụ Warren Buffet còn thiếu gì không, thưa các bạn?

LTS: Tác giả Trà Lũ biết tiếng cười là biểu hiệu của hạnh phúc nên ông đã viết bộ chuyện 4 cuốn gồm 1800 tiếng cười mang tên ‘Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập’. Đây là món quà qu‎ý, ai cũng nên có cho mình và mua tặng cho người thân trong các dịp lễ tết. Giá 85 Mỹkim hay Giakim. Tiền thu được để giúp người bệnh phong cùi tại Kontum Xin liên lạc trực tiếp với tác giả: petertralu@gmail.com

TRÀ LŨ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tranh Thu
Nguyễn Ngọc Liên
21:10 05/10/2015
TRANH THU
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Thế giới cần vẻ đẹp chân chính
và các nghệ sĩ có nhiệm vụ đem vẻ
mỹ lệ cho con người
qua con đường nghệ thuật.
(Đức Giáo Hoàng Benedict)