Ngày 17-10-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Không biết mình xin gì
Lm. Minh Anh
00:08 17/10/2021

KHÔNG BIẾT MÌNH XIN GÌ
“Các con không biết các con xin gì!”.

Ở những đất nước mà “trí tuệ” luôn đứng sau “hậu duệ” và “tiền tệ”, thì “quan hệ” đóng một vai trò quan trọng đối với những người chạy chức, chạy quyền và cả chạy việc! Ở Tàu, người ta thường nói đến “guanxi”; đọc trại một chút ra tiếng Việt, “quan hệ”, đúng với ngữ nghĩa của nó!

Kính thưa Anh Chị em,

Thật bất ngờ! Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tiết lộ việc hai tông đồ nòng cốt của Giáo Hội, Giacôbê và Gioan, đang tận dụng “guanxi” để cầu cạnh Thầy mình; và bất ngờ hơn, câu trả lời của Chúa Giêsu, “Các con không biết các con xin gì!”. ‘Không biết mình xin gì’, chủ đề chúng ta sẽ suy nghĩ!

Đến với Chúa Giêsu, Giacôbê và Gioan bất chợt ngỏ nhỏ với Thầy, “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy!”. Sở dĩ, hai người mạnh dạn đến thế, vì lẽ, họ đã nghe Chúa Giêsu nói về sự đau khổ, cái chết và sự sống mới của Ngài; và ít nhiều, họ đã công nhận Ngài là Đấng Messia, Vua Israel và thi thoảng, nghe Ngài nói đến Vương Quốc của Ngài. Tuy nhiên, thỉnh cầu của họ cho thấy họ không hiểu gì về bối cảnh ‘lên Giêrusalem’ và những gì Thầy của họ đã nói; và xem ra họ cũng không thật sự ở với Ngài bấy lâu, vì lòng trí họ để đâu đâu. Chúa Giêsu thật tỉnh táo, Ngài không dễ mắc lừa. Ngài nói, “Các con ‘không biết mình xin gì’”; đoạn Ngài trả lời cho họ bằng một câu hỏi khác, “Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Họ lấp lửng, “Thưa được!”.

Rõ ràng, Giacôbê và Gioan không hề hiểu chiến thuật mà Vua Giêsu của họ sẽ toàn thắng. Ngài sẽ trút bỏ bản thân đến tột độ, một cấp độ thấp nhất của loài người; và chỉ sau đó, Ngài mới tiến vào Vương Quốc của Cha. Đây là điều Isaia nói đến trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Thiên Chúa sẽ để cho Tôi Tớ Đau Khổ của Ngài bị nghiền nát tột cùng hầu “Có được một dòng dõi trường tồn”; “Nhờ những đau khổ đó, Ngài sẽ công chính hoá nhiều người”. Đó là con đường Giacôbê và Gioan sẽ đi, chén đắng họ sẽ uống, và phép rửa họ sẽ chịu. Tắt một lời, họ sẽ chìm đắm trong sự tự hiến hoàn toàn của Thầy mình; và lạ lùng thay, đó là những gì họ đã làm thực sự! Giacôbê sẽ là một trong những vị tử đạo sớm nhất của Giáo Hội; họ sẽ đồng hiển trị vinh quang với Thầy, nhưng sẽ cùng Thầy đi trên con đường thập giá chứ không bằng bất kỳ ‘guanxi’ hay cửa sau nào!

Tin Mừng cho biết, nghe vậy, mười môn đệ kia tỏ ra tức giận với hai anh em. Điều này cũng dễ hiểu! Đó không phải là vì họ không đồng ý nhưng vì họ cảm thấy bị lừa dối; hai người này đã lẻn đi tắt và qua mặt họ. Thái độ giận dữ của họ lại tiết lộ sự hiểu biết của họ về Chúa Giêsu cũng không tốt hơn chút nào! Vì thế, Chúa Giêsu mới tập hợp họ, nói cho họ biết quan điểm của Ngài về sự cao cả và thành công. Chỉ có một con đường dẫn đến sự vĩ đại, con đường Ngài đã đi; đường phục vụ, đường cúi xuống, đường thập giá. Nó không bao gồm việc ngồi trên ngai, được cung phụng, “Tôi đến để phục vụ chứ không để được phục vụ”. Sự vĩ đại không là những gì tôi có, hay những gì tôi nhận được từ người khác nhưng là tất cả những gì tôi có thể cho đi! Thật thâm trầm với thư Do Thái hôm nay. Trong Chúa Giêsu, chúng ta có một “Thượng Tế cao cả”. Ngài cao cả khi nào? Khi ở trong thánh điện cẩm thạch huyền hoặc, với phẩm phục dát vàng long lanh và được mọi người bái lạy? Không, Ngài là Thượng Tế vĩ đại chỉ khi trở nên linh mục và là nạn nhân trần truồng trên bàn thờ thập giá, lúc đám đông bên dưới chế nhạo và rủa nộp Ngài!

Anh Chị em,

Đừng trở thành những người ‘không biết mình xin gì!’. Hôm nay, ngày Giáo Hội Việt Nam xin ơn chữa lành mùa đại dịch. Xin Chúa cho đại dịch mau kết thúc, xin Ngài nhớ đến các linh hồn đã qua đời và những ai đang đau khổ; xin Chúa trả công cho anh chị em đã phục vụ tha nhân cách này cách khác. Xin cho con cái Chúa học được những bài học quý nhất qua trải nghiệm dịch bệnh. Chúng ta cũng cầu xin cho chính mình và cho các vị lãnh đạo đạo và đời, bớt vô tâm, để đặt mình vào hoàn cảnh người nghèo, hầu xoa dịu và chữa lành ngần nào có thể bao vết thương lòng của hàng triệu người, như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con chạy theo áo mão, chức quyền mà đánh mất chính mình. Cho con giống Chúa qua con đường thập giá, phục vụ; dám uống chén đắng Chúa trao mỗi ngày”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 18/10: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Lễ Thánh Luca. Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
05:21 17/10/2021


PHÚC ÂM: Lc 10, 1-9

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.

Đó là lời Chúa.
 
CN 29B : Về Ba Tuyến Nhân Vật
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:53 17/10/2021
CN 29B : Về Ba Tuyến Nhân Vật

Đây là câu chuyện vạch rõ cho chúng ta thấy được nhiều điều hay, về 3 tuyến nhân vật : (1) về Matcô, người thuật chuyện; (2) về hai anh em kia, nhân vật phản diện; và (3) về Chúa Giêsu, nhân vật chính diện

1. Câu chuyện cho chúng ta biết đôi điều về Maccô

Matthêu cũng kể câu chuyện này (Mt 20, 20-23) nhưng lời yêu cầu không do Giacôbê và Gioan đích thân nêu ra, nhưng do mẹ của hai ông là bà Salômê. Có lẽ Matthêu cảm thấy rằng một lời yêu cầu như thế là không xứng đáng cho một tông đồ, nên nhằm cứu vãn tiếng tăm cho Giacôbê và Gioan, ông đã gán lời yêu cầu đó cho tham vọng tự nhiên của bà mẹ. Còn Matco nói rõ : chính 2 ông đến xin. Câu chuyện này cho chúng ta thấy sự thành thực của Maccô.

Người ta kể rằng có một họa sĩ trong triều đình vẽ chân dung cho Oliver Cromwell là người đầy mụn cóc. Nghĩ là để làm vui lòng Oliver, họa sĩ không vẽ những mụn cóc đó trong bức họa. Khi Cromwell thấy như vậy ông nói "dẹp bức chân dung này đi, vẽ cho ta một bức đầy đủ các mụn cóc".

Mục đích của Maccô là muốn chúng ta thấy đầy đủ mụn cóc của các tông đồ. Khi mười người môn đệ kia nghe biết thì đâm ra tức tối với hai ông. Không phải vì họ khiêm tốn nhưng vì họ cũng muốn những điều tương tự như hai ông. Và Maccô đã có lý, vì mười hai tông đồ vốn không phải là tập thể các vị thánh. Họ chỉ là những con người bình thường, đầy mụn cóc.

Chúa Giêsu đã dùng những con người tầm thường thế đó để thay đổi thế giới. Điều này đã thành hiện thực.

2. Câu chuyện cho chúng ta biết vài điều về Giacôbê và Gioan.

- Hai ông vốn có nhiều tham vọng. Họ nhắm những chức vụ cao nhất trong vương quốc của Chúa Giêsu khi cuộc chiến đã thắng và sự khải hoàn đã trọn vẹn. Có thể tham vọng đó đã manh nha, vì nhiều lần Chúa Giêsu từng biệt riêng họ ra trong số ba người chọn lọc tin cẩn. Hiển dung, chữa lành em bé chết sống lại, Lc 8, 51, vườn cây dầu. Có thể họ đã có một chỗ đứng khá hơn những tông đồ khác, dám xin lửa từ trời xuống thiêu đốt làng không cho thầy trò đi qua.

Thân phụ họ vốn khá giả đủ để thuê người giúp việc nên họ tưởng rằng ưu thế và địa vị xã hội có thể giúp họ chiếm được địa vị hàng đầu. Họ lại quen thượng tế : đâu phải dễ. “Môn đệ kia vì quen thượng tế, nên cùng với Chúa Giêsu vào sân trong tư dinh thượng tế” (Ga 18,15). Cho nên với câu chuyện xin xỏ nầy, để lộ cho thấy họ là những con người từ nơi sâu kín của lòng, có tham vọng chiếm giữ vị trí hàng đầu trong vương quốc trần gian.

- Nó cho chúng ta thấy hai ông hoàn toàn không hiểu Chúa Giêsu. Điều lạ lùng đối với chúng ta không phải là sự kiện ấy đã xảy ra, nhưng là thời gian mà sự việc ấy đã xảy ra. Lời yêu cầu này khiến chúng ta phải bàng hoàng vì nó được đưa ra hầu như trùng hợp với lúc Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát và báo trước chi tiết về cái chết của Ngài. Chứng tỏ họ đã hiểu quá ít ỏi những gì Chúa Giêsu nói. Lời lẽ của Ngài đã không gột rửa được ý niệm về Đấng Messia với quyền thế và vinh hiển thế gian, vốn ăn sâu trong tâm trí hai ông. [Chỉ có thập giá mới làm nổi việc ấy mà thôi.]

- Nhưng sau khi đã nói tất cả những gì có thể nói chống lại Giacôbê và Gioan thì câu chuyện này cho chúng ta thấy một điểm sáng chói về hai ông là : dù họ đang bàng hoàng, bối rối, họ vẫn tin vào Chúa Giêsu.

Điều đáng ngạc nhiên là họ vẫn còn gắn liền vinh quang với một người thợ mộc dân Galilê, người đã bị các cấp lãnh đạo chính thống giáo thù ghét, chống đối kịch liệt và rõ ràng đang tiến đến chỗ nhận lấy thập giá. Đây là một lòng tin cậy tập trung đáng cho chúng ta phải kinh ngạc. Họ vẫn đánh cuộc, vẫn “bắt” Giêsu (như trong cá cược bóng đá, biết một đội đủ mặt yếu, mà vẫn nhìn thấy được tương lai, tin mãnh liệt, để “bắt” đội đó thắng !). Dù Giacôbê và Gioan đã phạm sai lầm, tấm lòng của họ vẫn nằm đúng vị trí đáng phải có. Họ chẳng hề hoài nghi gì về chiến thắng khải hoàn tối hậu của Chúa Giêsu.

3. Câu chuyện cho chúng ta biết đôi điều về tiêu chuẩn vĩ đại của Chúa Giêsu.

Chúa nói : ai muốn làm lớn (vĩ đại), phải trở nên người nhỏ nhất. Ai muốn làm đầu, phải hầu thiên hạ.

Câu nói xem ra nghịch lý nhưng sự đời lại thường như vậy, kiểu như câu nói cán bộ lớn đi xe con, cán bộ nhỏ đi xe lớn.

Nhà chiến lược kinh doanh Bruce Barton chỉ cho thấy rằng căn bản là một hãng ôtô dựa vào để lưu tâm của khách hàng là họ sẵn sàng chui xuống gầm xe bạn thường hơn, chịu dơ bẩn bất cứ lúc nào. Nói cách khác, họ sẵn sàng phục vụ nhiều hơn, thì hãng xe của họ lớn mạnh hơn.

Barton cũng chỉ cho thấy rằng trong khi người thư ký bình thường có thể đi về nhà từ 5 giờ 30 chiều, thì ánh đèn trong văn phòng giám đốc điều hành vẫn còn sáng đến tối. Vì sẵn sàng phục vụ thêm giờ mà người ấy đứng đầu xí nghiệp.

Mẹ Têrêxa Calcutta phục vụ những người hèn mọn nhất, những người hấp hối không một chút tiện nghi tối thiểu, những trẻ em bị bỏ rơi, mà rồi trở nên vĩ đại, đến nỗi khi chết, Ấn Độ, một nước Ấn giáo là quốc giáo, cử quốc tang với 21 phát súng tiễn mẹ.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy gương sáng và tình yêu thương là bằng chứng cho người ta nhận ra Thiên Chúa. Có nhiều người không bao giờ thấy chúng ta cầu nguyện sốt sắng ở nhà thờ, vì họ có đạo đâu mà đến nhà thờ, nhưng họ thấy cách chúng ta biểu lộ tình thương với họ hay với những người chung quanh mà họ nhận ra Thiên Chúa của tình yêu. Nếu chúng ta sống thực sự yêu thương thì không ai đánh giá sai lầm về đạo Chúa. Khi chúng ta chứng minh tình yêu bằng đời sống tốt thì chúng ta thực sự trở nên những người bạn tốt của nhau.

Việc xin ngồi bên hữu bên tả của Thầy rút ra bài học hay này : Chúng ta không giữ đạo để đòi một chỗ thật cao, nhưng mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa. Bên phải bên trái là sát bên Thầy. Mà Chúa đồng hóa mình với người tôi tớ, người bé nhỏ, người hèn mọn, cho nên càng là người tôi tớ, càng phục vụ, càng được ở gần Thầy.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(theo gợi ý của cha Ngọc Hàm)
 
Một Tiến Trình Hướng Lòng Xuống
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:55 17/10/2021
Một Tiến Trình Hướng Lòng Xuống

(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Lc 12,39-48)

Sau khi nghe Chúa Giêsu căn dặn là phải tỉnh thức sẵn sàng qua câu chuyện dụ ngôn những người đầy tớ đợi chờ chủ về, thánh Phêrô đã hỏi rằng Thầy nói dụ ngôn đó cho riêng nhóm Mười Hai chúng con hay là cho mọi người. Để trả lời, Chúa Giêsu đã kể tiếp một chuyện dụ ngôn khác cũng về một đầy tớ nhưng lại được đặt lên làm quản gia. Chúa Giêsu qua câu chuyện kể không chỉ minh nhiên nói đến các tông đồ mà còn mặc nhiên nói đến tất cả những ai đang có trách vụ nào đó lớn bé ngoài xã hội hay trong Giáo hội. Câu chuyện dụ ngôn còn minh họa cho chúng ta thấy thế nào là động thái tỉnh thức sẵn sàng theo thánh ý Thiên Chúa.

Người đầy tớ được đặt làm quản lý thì phải ý thức bổn phận của mình là trông nom, chăm sóc những người thuộc quyền cách có trách nhiệm. Chúa Giêsu nói rõ điều này qua chi tiết: “phân phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc cho kẻ ăn người ở”. Để có thể vuông tròn bổn phận chủ giao phó người quản gia cần phải biết làm chủ và tiết chế các sở thích, thị hiếu riêng của mình và cả quyền lực được trao ban: “Không đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa”.

Động thái tỉnh thức sẵn sàng không phải chỉ trong một vài lần mà là một tiến trình hướng xuống những người phận dưới. Người quản gia phải chu toàn bổn phận trong một tiến trình lâu dài, vì ngày giờ chủ trở về không thể lường trước. Sự thường chúng ta dễ tỉnh thức và sẵn sàng trước mệnh lệnh và cả nhu cầu của những người phận cao, bậc trên chúng ta. Thế nhưng điều Thiên Chúa đòi hỏi hơn cả đó là tiến trình chúng ta vuông tròn bổn phận với những người phận dưới, những người thuộc quyền của mình. Xét mình cách nghiêm túc, xin thành thật thú nhận rằng bản thân thường nhanh nhạy với lệnh hay cuộc hẹn của giám mục giáo phận dù chỉ là qua cú điện thoại, thế nhưng có vẻ chưa thực nhanh trước nhu cầu của đoàn tín hữu trong trách vụ của mình.

Để có thể sống tỉnh thức sẵn sàng đúng và đẹp ý Thiên Chúa, xin hãy tự hỏi những ai là người thuộc quyền mà Thiên Chúa trao cho tôi chăm sóc đây? Đó là đoàn con Chúa ban cho chúng ta, là nhóm học sinh chúng ta đang giảng dạy, là các thành viên trong tập thể chúng ta đang đảm nhận trách nhiệm…Tuy nhiên xin đừng quên các anh chị em bé mọn, những người đang cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa qua chúng ta, họ chính là những người mà chúng ta có trách nhiệm làm người anh em của họ như lời Chúa Giêsu nói trong câu chuyện dụ ngôn “người Samaritanô nhân hậu” (x.Lc 10,25-37).

Như hệ luận tất yếu, Chúa Giêsu đã kết thúc lời dạy của mình: “Hễ ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi nhiều hơn”. Thánh Giám mục Âugustinô xác tín điều này: “Cho anh em, tôi là Giám mục và với anh em, tôi là tín hữu. Như thế tôi nặng gánh hơn anh em và sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa nhiều hơn anh em.” Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót, nhưng Người cũng là Đấng công minh, công bình vô cùng. Chắc chắn đến ngày ra trước tòa phán xét, chúng ta sẽ được chất vấn về “cách sống” của mình đối với những người phận dưới hơn là với những người bậc trên (x.Mt 25,31-47).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Video bài giảng Chúa Nhật 29 Thuờng Nìên B
Lm. Jacobê Nguyễn Quốc Thái
09:01 17/10/2021
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:07 17/10/2021

37. Người nghe theo những quy tắc của thế tục thì chỉ có đau khổ, còn đối với hạnh phúc vĩnh hằng trong tương lai và sắp đến thì thật là hư vọng.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 17/10/2021
85. CÂU NÓI KỲ DIỆU CỦA KHÂU SINH

Ở tại Thường châu có ông hòa thượng giàu có chết để ở trong chùa Thiên Ninh, những ai đến viếng tang đều được tặng quà đem về, nên gọi là “quà tiễn”.

Có thân sĩ Trọng trong nhà có người chết, cũng phỏng theo cách làm của chùa Thiên Ninh.

Có một thư sinh tên Khâu vóc dáng lùn, người ta gọi là “đốc Khâu”, anh ta và thân sĩ Trọng không quen biết nhau, nhưng vì tham quà tặng của thân sĩ Trọng mà đi viếng tang, chỉ mấy ngày mà đến bốn lần lãnh bốn phần quà tặng.

Chủ nhân kinh ngạc hỏi:

- “Khi tiên nhân còn sống, chúng ta chưa hề quen biết nhau mà?”

Đốc Khâu” nói:

- “Trong bụng của người chết thì biết tôi mà !”

Ai cũng ôm bụng cười lăn.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 85:

Đi viếng tang là việc làm của tình người, là biểu lộ niềm tin của mình vào sự sống đời sau, là chia sẻ sự mất mát to lớn của tang gia.

Người chết thì không còn tranh chấp gia tài với anh em trong gia đình, không còn ghen tương với bạn bè, không còn hỉ nộ sân si với người sống, nhưng linh hồn bất tử của họ vẫn nhìn thấy những hỉ nộ sân si của người sống...

Người Ki-tô hữu biết rằng chết không phải là kết thúc nhưng là bắt đầu sự sống mới, cho nên việc đi viếng tang là một cuộc hẹn hò gặp nhau ở trên thiên đàng, là sự gởi gắm cho nhau lời cầu nguyện giữa người sống và người chết, đó chính là sự hiệp thông của tín điều Các Thánh Thông Công mà Giáo Hội công giáo đã dạy.

Hạnh phúc cho người sống và người chết, vì Đức Chúa Giê-su Ki-tô chính là nguồn hạnh phúc của họ ở đời này và đời sau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 19/10: Đợi Tình. Suy Niệm của Thầy Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
22:59 17/10/2021


Trích Tin Mừng Theo Thánh Luca. 12: 35-38

35“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em : Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Con xin mời quý ông bà anh chị em cùng con suy niệm đoạn tin Mừng theo thánh Lu-ca mà chúng ta vừa nghe với những suy tư đơn sơ trong sự hiểu biết hạn hẹp và kinh nghiệm sống còn rất ít ỏi của con.

Thường thì đoạn Tin mừng mà chúng ta vừa nghe vẫn được giảng là bài học mà Đức Giê-su muốn dạy cho các môn đệ về mối phúc của sự Tỉnh thức và Trung tín đối với Thiên Chúa. Đức Giê-su đề cập đến ngày cánh chung riêng của mỗi người chúng ta khi được Chúa gọi về. Không ai biết được ngày nào giờ nào nhưng mỗi người chúng ta đều phải sống trong sự tỉnh thức như là người đợi chủ đi ăn cưới về để khi chủ về tới và gõ cửa là mở ngay. Hình ảnh “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” muốn nói đến cách thức sẵn sàng của tâm hồn chúng ta. Đèn thắp sáng là hình ảnh đức tin, thắt lưng cho gọn là hình ảnh của đức mến, và việc ngay lập tức mở cửa là hình ảnh của niềm hy vọng, sự mong chờ Chúa đến, chính là đức cậy. Nếu chúng ta lưu ý, chúng ta sẽ thấy là ngay khi chủ về và thấy người đầy tớ trung tín tỉnh thức thì ngay lập tức vị trí giữa chủ và người đầy tớ được thay đổi, người chủ thắt lưng, đưa người đầy tớ vào bàn ăn, và đến bên từng người đầy tớ mà phục vụ. Đó không phải là phần thưởng của chủ cho đầy tớ mà thực sự nói lên được rằng mối tương quan giữa người đầy tớ và người chủ đã thay đổi. Những người đầy tớ trung thành trong tỉnh thức đã trở nên những người khách quý, những ngươi bạn thân của chính người chủ.

Việc đọc đoạn Tin mừng trên dưới tương quan tình yêu giữa người tín hữu với Thiên Chúa sẽ giúp cho chúng ta thấy được Tỉnh thức và Trung tín không phải là bổn phận trên dưới nặng nề mà chính là sự đợi chờ trong yêu thương. Như người vợ chuẩn bị cơm nước sẵn sàng đợi chồng đi làm về để dùng bữa trưa. Nhưng rồi người chồng vì bận việc mà về muộn. Đẩy cửa bước vào thì anh thấy giữa nhà kê chiếc chiếu ăn cơm và kế bên mâm cơm còn nguyên như mới dọn dù đã nguội lạnh được đậy điệm cẩn thận, người vợ nằm thiếp đi. Chính vì yêu thương, tin tưởng và hy vọng người chồng sẽ trở về để dùng cơm với mình như mọi bữa, người vợ kiên định đợi chờ rồi ngủ thiếp đi. Dù là ngủ, nhưng rõ ràng người vợ ấy đã tỉnh thức trong yêu thương và trung tín với sự quan tâm, chăm sóc chu đáo dành cho người chồng mà mình đã kết tóc, xe tơ. Ngày nay, khi mà gần như ai ai cũng có điện thoại di động, hình ảnh người vợ đợi chồng về dùng bữa lâu quá rồi vì mệt mà thiếp đi có lẽ không còn nữa nhưng ý nghĩa sâu xa của tình yêu trọn vẹn trong hy vọng, tin tưởng vẫn ẩn mình trong những hình thức mới. Thiên Chúa như người chồng đi làm xa, không biết khi nào trở về nhưng chắc chắn sẽ trở về. Còn hình ảnh của người vợ đợi chồng trở về chính là những người tín hữu chúng ta. Chẳng ai biết được ngày giờ mà Chúa sẽ gọi mình về. Bài học cho chúng ta là chúng ta phải luôn giữ cho đức tin, đức cậy, đức mến đối với Đức Giê-su Ki-tô phục sinh được vững vàng dù là có phải đối diện với khó khăn, thử thách nguy hiểm đến tính mạng đi nữa. Giữa lúc đại dịch hoành hành khắp nơi, kinh tế đi xuống, người người lo thủ thân âu cũng là điều có thể hiểu, nên làm. Tuy nhiên, lời Chúa nhắc nhở chúng ta phải thắt lưng cho gọn để yêu thương, giúp đỡ anh chị em chúng ta chứ không phải chỉ khư khư lo cho bản thân. Bởi lẽ hết những ai tin vào Đức Giê-su và giữ đèn đức tin cháy sáng bằng dầu cầu nguyện đều sẽ phải giữ lấy điều răn trọng nhất mà ngài dạy là “Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người thân cận như chính mình.” Đó mới chính là sự chuẩn bị thích đáng nhất, là đợi chờ tình yêu trọn vẹn trong phúc trường sinh. Đó mới chính là hình ảnh của người vợ thực sự đợi chờ người chồng trở về để dùng bữa dù là phải đói và thiếp đi. Nếu như chúng ta không thực hiện điều người truyền dạy là “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em” thì đâu sẽ là dấu chỉ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Ki-tô, Đấng đã yêu thương đến cả những kẻ kết án và đóng đinh Ngài? Ước chi mỗi người chúng ta luôn luông sống Điều Răn Quan Trọng Nhất là Mến Chúa – Yêu Người mọi lúc mọi nơi, nhất là giữa đại dịch này để bất cứ khi nào giờ của chúng ta đến, chính Thiên Chúa sẽ phục vụ bàn tiệc của chúng ta trong Nước Trời vì chính chúng ta đã luôn sống yêu thương, phục vụ giữa anh chị em mình với đức tin, đức cậy, đức mến dành cho Ngài.

Cầu Nguyện: Lạy Chúa, giữa lúc đại dịch đang hoành hành, chúng con chẳng được đến nhà thờ tham dự Bàn Tiệc Chúa. Xin Chúa giúp cho chúng con luôn giữ cháy sáng ngọn đèn đức tin bằng dầu cầu nguyện cá nhân và gia đình. Xin Chúa giúp chúng con luôn thắt đai yêu thương để phục vụ và giúp đỡ hết những ai trong lối xóm, trong công sở, trong khả năng của chúng con. Để rồi khi giờ đến, xin cho chúng con biết lập tức mở cửa đón Chúa trong hy vọng về phúc Trường Sinh mà Người đã hứa ban. Amen.
 
Tận cùng thế giới
Lm. Minh Anh
23:30 17/10/2021

TẬN CÙNG THẾ GIỚI
“Chúa Giêsu chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật đáng kinh ngạc, thánh Luca hôm nay Giáo Hội mừng kính, tuy chỉ là một tân tòng trở lại; nhưng với ơn Chúa, Luca đã trở nên một nhà truyền giáo lớn, một sử gia và là tác giả của hơn một phần tư sách Tân Ước. Như một công cụ của Thiên Chúa, Luca mang thông điệp cứu độ của Ngài, tác động thay đổi cuộc sống nhiều người, mọi giới, mọi thời, cho đến ‘tận cùng thế giới’.

Là một thầy thuốc Hy Lạp ngoại giáo, Luca say mê thánh Phaolô. Tại Troa, khi Phaolô đang giảng, Luca xin trở lại và làm môn đệ ngài. Trong thư Timôtê hôm nay, Luca được Phaolô nhắc đến như một đồ đệ trung tín, “Chỉ một mình Luca ở với cha”. Là môn đồ thuộc thế hệ thứ nhất, Luca đã cống hiến hai công trình nền tảng là Tin Mừng thứ ba và sách Công Vụ Tông Đồ, “nhật ký” của Giáo Hội sơ khai. Tin Mừng Luca không thể hiện một sự hiểu biết đầy đủ về niềm tin và phong tục Do Thái; tuy nhiên, Luca lại chú tâm vào những gì cần thiết cho các anh em ngoại giáo; đó là một Thiên Chúa xót thương, chữa lành. Trong Tin Mừng hôm nay, Luca cho biết, “Chúa Giêsu chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi”. Chỉ Luca đề cập đến việc sai đi quy mô với con số 72; các Tin Mừng khác chỉ nói đến nhóm Mười Hai. Mặc dù nhiều người trong số 72 này đã đến các lãnh thổ Do Thái, nhưng chắc chắn, một số đã đến những lãnh địa không phải là Do Thái; vì thế, ‘nhóm 72’ đông đảo này là biểu tượng cho sự chuẩn bị tất cả mọi anh em lương dân ‘tận cùng thế giới’ đón nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Với chỉ một mình Luca, chúng ta nợ ngài về những kiến thức của mầu nhiệm Nhập Thể; đặc biệt với những khoản nợ rõ ràng như kinh Magnificat, Benedictus và Nunc dimittis mà Giáo Hội đọc mỗi ngày. Với biến cố Truyền Tin, cứ như thể Luca lấp ló sau khuê phòng của một Maria trẻ trung xinh đẹp, nơi Tổng lãnh thiên thần Gabriel báo cho biết, cô sẽ là Mẹ Chúa Giêsu; bối cảnh này cũng là nền tảng của kinh “Kính Mừng”. Và cũng chỉ với Luca, chúng ta nợ ngài về những gì đã xảy ra ở Lễ Ngũ Tuần và các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong buổi phôi thai của Hội Thánh.

Qua Công Vụ Tông Đồ, Luca được cho là một người quan sát rất chính xác, khéo liên kết các sự kiện thiêng liêng với lịch sử thế tục. Nhiều chi tiết của Luca đã được khoa khảo cổ học xác nhận; các học giả nổi tiếng của thế giới đánh giá cao Luca. Nhà khảo cổ Sir William Ramsay nhận xét, “Luca là một nhà sử học hạng nhất; những tuyên bố thực tế của ông đáng tin cậy... Luca đáng được xếp với những nhà sử học vĩ đại nhất!”; E. M. Blaiklock, giáo sư kinh điển Đại học Auckland nói, “Luca là một nhà sử học xuất sắc, được xếp ngang hàng với các nhà văn vĩ đại của Hy Lạp!”; tiến sĩ Norman L. Geisler cho biết, “Nói chung, Luca đã kể tên ba mươi hai miền, năm mươi bốn thành phố và chín hòn đảo mà không có một sai sót thực tế hoặc lịch sử nào!”. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, trong sự nghiệp cầm bút của mình, Luca không viết với tư cách một nhà sử học mà là một nhà truyền giáo; Luca công bố sứ điệp của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài cho đến ‘tận cùng thế giới’. Có truyền thống cho rằng, Luca còn là một hoạ sĩ; một tác phẩm nổi tiếng về Đức Maria đã được gán cho Luca, nhưng ít khẳng định về tính chính xác lịch sử; dẫu sao, chi tiết này cũng cho biết lý do tại sao Luca được gọi là người bảo trợ các nghệ sĩ và các bác sĩ.

Anh Chị em,

Nhân ngày kính thánh Luca, chúng ta đọc lại trình thuật ‘nhóm 72’ được sai đi, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng, tất cả chúng ta đều được sai đi, đến với những người cùng chung đức tin và cả những người chưa biết Chúa. Hãy đặc biệt cầu nguyện cho một ai đó, cho một số người nào đó và đừng ngần ngại trở thành một nhà truyền giáo cho họ như thánh Luca với những phương tiện tuyệt vời ngày nay. Khi làm vậy, chúng ta vẫn có thể tạo ra một sự khác biệt vĩnh viễn trong cuộc sống của một ai đó, một nhóm nào đó; và như Luca, mỗi người chúng ta sẽ tiếp tục ra đi loan Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa, lòng thương xót của Ngài, cho đến ‘tận cùng thế giới’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con lơi lỏng, dù chỉ một ngày, trong việc chuyển trao Lời Chúa đến ‘tận cùng thế giới’ cho anh chị em con. Lạy thánh Luca, quan thầy của các nghệ sĩ, xin truyền cảm hứng cho con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chủ tịch Ủy ban Phò Sinh Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ kêu gọi Biden hành động như một người Công Giáo sùng đạo mà ông thường rêu rao
Đặng Tự Do
05:18 17/10/2021


Chủ tịch Ủy ban Phò Sinh Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ bày tỏ sự thất vọng với Tổng thống Biden khi chính quyền của ông đảo ngược các quy tắc phò sinh đã được thiết lập dưới thời tổng thống Trump nhằm hạn chế việc tài trợ cho các hoạt động phá thai.

“Thực sự rất buồn”, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City, người đứng đầu Ủy ban Phò Sinh của USCCB, nói với EWTN News Nightly hôm 8 tháng 10. Đức Tổng Giám Mục nhận xét cay đắng rằng chính quyền Biden đang nằm “trong sự kiểm soát của những kẻ cực đoan phá thai “.

Đức Tổng Giám Mục đã phản ứng với việc chính quyền Biden đảo ngược Quy tắc “Bảo vệ sự sống” của tổng thống Trump, trong đó cấm không được dùng nhận được từ Title X để cung cấp hoặc quảng bá phá thai và yêu cầu các phòng khám Title X phải tách biệt về mặt vật lý với các phòng khám phá thai.

Đức Tổng Giám Mục đã thách thức Tổng thống Biden - vị tổng thống Công Giáo thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ - hãy bảo vệ và trân trọng mạng sống con người.

“Ông ta thích tự gọi mình là một người Công Giáo sùng đạo. Tôi thúc giục ông ta hãy bắt đầu hành động như một người như vậy, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến cuộc sống”, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann nói. “Ông ta cũng nên để niềm tin của mình thực sự thông báo cho lương tâm của mình và cho các quyết định mà ông ta đang thực hiện, chứ không phải hành xử theo mệnh lệnh của đảng phái.”

Tổng thống Biden đã nhiều lần thể hiện sự ủng hộ đối với việc phá thai. Sau nhiều thập kỷ ủng hộ Tu chính án Hyde, vốn cấm người đóng thuế tài trợ cho việc phá thai, ông đã thay đổi quan điểm của mình trong khi tranh cử tổng thống. Gần đây hơn, sau khi có luật phá thai mới của Texas, ông xác nhận rằng chính quyền của ông “cam kết sâu sắc” đối với việc phá thai như một quyền hiến định. Theo Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki, tổng thống “tin rằng phụ nữ phải có quyền đưa ra những quyết định đó và đưa ra những quyết định như thế với bác sĩ của mình”.

Hiện giờ, Đức Tổng Giám Mục cho biết, chính quyền Biden đang “tìm mọi cơ hội để mở rộng hoạt động phá thai,” và điều này “chỉ gây thêm thương vong”.

Trong một tuyên bố ngày 7 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Naumann nhấn mạnh rằng Title X được “dự định và ủy quyền để trở thành một chương trình hoàn toàn tách biệt với phá thai”. Ngài kết luận rằng phá thai không phải là kế hoạch hóa gia đình. Thay vào đó, nó làm tổn thương phụ nữ và “cướp đi sinh mạng của một đứa trẻ đã được thụ thai và đang lớn lên.”
Source:Catholic News Agency
 
Tuyên bố của Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort, Tổng Giám Mục Pháp
Đặng Tự Do
05:19 17/10/2021


Hôm thứ Ba 12 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp đã có cuộc gặp gỡ tại Bộ Nội Vụ Pháp để giải thích về tuyên bố của ngài cho rằng các linh mục không nên đến gặp cảnh sát sau khi nghe tin về một vụ lạm dụng tình dục trẻ em trong tòa giải tội.

Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort đưa ra nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn dành cho France Info, sau khi một cuộc điều tra do Giáo Hội uỷ nhiệm báo cáo rằng các linh mục đã lạm dụng tính dục khoảng 216,000 trẻ em trong hơn 70 năm bị lạm dụng, và tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ được che đậy một cách có hệ thống bằng “bức màn bí mật”.

Ủy ban đã đề xuất một loạt các biện pháp để bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi các giáo sĩ săn mồi, bao gồm đề nghị các linh mục thông báo cho các công tố viên về bất kỳ hành vi lạm dụng trẻ em nào mà các ngài nghe được trong tòa giải tội, bất kể đó là một bí tích theo truyền thống bị ràng buộc bởi bí mật nghiêm ngặt.

“Chúng tôi cần tìm một cách khác để làm điều này”, Đức Tổng Giám Mục Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, nói với đài France Info hôm thứ Tư.

Ấn tín bí tích hòa giải “nằm trên luật pháp của nước Cộng hòa. Nó tạo ra một không gian tự do để nói trước Chúa”, Đức Tổng Giám Mục nói.

Những lời của ngài phù hợp với hướng dẫn mới của Vatican, được ban hành vào năm ngoái về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng trẻ em của giáo sĩ, trong đó tuyên bố rằng bất kỳ tội phạm nào được nêu ra trong tòa giải tội đều phải tuân theo sự ràng buộc chặt chẽ nhất của ấn tín bí tích hòa giải”.

Nhưng ở Pháp, những người ủng hộ các nạn nhân đã phản ứng dữ dội với nhận xét của Đức Tổng Giám Mục, nói rằng mặc dù luật pháp Pháp công nhận bí mật nghề nghiệp cho các linh mục, nhưng nó không áp dụng trong các trường hợp bạo lực hoặc tấn công tình dục đối với trẻ vị thành niên.

Sau cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Nội Vụ Pháp, Hội Đồng Giám Mục đã ra tuyên bố sau:

Paris, ngày 12 tháng 10 năm 2021

Tuyên bố của Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort,

Tổng giám mục Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp.

“Tôi xin lỗi các nạn nhân và tất cả những ai có thể đã bị đau buồn hoặc bị sốc bởi cuộc tranh luận được khơi dậy từ những lời nói của tôi, trên France Info, về chủ đề của bí tích hòa giải, mà nhiều người coi là được chúng tôi ưu tiên hơn việc tiếp nhận nội dung của báo cáo CIASE và chú ý đến các nạn nhân. “

+ Éric de Moulins-Beaufort

Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, đã gặp ông Gérald Darmanin, Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào hôm Thứ Ba tuần này, theo lời mời của Bộ trưởng. Hai vị đã thảo luận về quá trình xác minh sự thật mà Giáo Hội Công Giáo ở Pháp đã trải qua liên quan đến bạo lực và tấn công tình dục được thực hiện trong các tổ chức Giáo Hội kể từ năm 1950. Việc công bố báo cáo của CIASE, tức là Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục ở Pháp, tạo thành một giai đoạn thiết yếu trong quá trình xác minh này, và công việc do ông Jean-Marc Sauvé và nhóm của ông thực hiện được công nhận là đáng chú ý. Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, và Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, gọi tắt là CORREF, đã đề nghị Đức Giáo Hoàng tiếp kiến ông Jean-Marc Sauvé và các thành viên của CIASE.

Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort đã có thể thảo luận với ông Gérald Darmanin về sự vụng về trong câu trả lời của ngài trên France Info vào sáng thứ Tư tuần trước. Nhiệm vụ của nhà nước là tổ chức đời sống xã hội và điều chỉnh trật tự công cộng. Đối với những người Kitô hữu chúng ta, đức tin lôi cuốn lương tâm của mỗi người, nó kêu gọi liên tục tìm kiếm điều tốt đẹp, là điều không thể được thực hiện nếu không tôn trọng luật pháp của đất nước mình.

Quy mô của bạo lực và tấn công tình dục đối với trẻ vị thành niên được tiết lộ bởi báo cáo của CIASE đòi hỏi Giáo hội phải đọc lại các hoạt động của mình theo thực tế này. Do đó, công việc là cần thiết để dung hòa giữa bản chất bí tích hòa giải và nhu cầu bảo vệ trẻ em. Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort nhắc lại quyết tâm của tất cả các giám mục và cùng với họ, tất cả những người Công Giáo. Đó là ưu tiên tuyệt đối việc bảo vệ trẻ em, với sự cộng tác chặt chẽ với các nhà chức trách Pháp. Đây là ý nghĩa của các giao thức đã liên kết 17 giáo phận ở Pháp với cơ quan công tố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng tốc độ giải quyết các khiếu nại về bất kỳ sự việc nào bị tố cáo. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng vừa khuyến khích triển khai giao thức này.

Các giám mục Pháp họp toàn thể, từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 11 năm 2021, sẽ làm việc cùng nhau, dựa trên báo cáo của CIASE và 45 khuyến nghị của tổ chức này, về các biện pháp và cải cách sẽ được theo đuổi và thực hiện, trong sự hiệp thông chặt chẽ với Giáo hội phổ quát.

Cùng với các giám mục Pháp, Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort mời gọi các giáo xứ, phong trào và cộng đồng đọc bản báo cáo này, chia sẻ và làm việc trên đó, hoan nghênh những lời khai của các nạn nhân và rút ra những hệ quả cần thiết.

Thực trạng bạo lực và tấn công tình dục đối với trẻ vị thành niên trong Giáo hội và trong xã hội mời gọi mọi người có thiện chí, dù là tín hữu hay không, cùng làm việc để bảo vệ những trẻ em nhỏ nhất, chào đón và hỗ trợ các nạn nhân. Trước những thực tế đó, Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort nhắc lại sự xấu hổ, mất tinh thần, nhưng cũng quyết tâm thực hiện những cải cách cần thiết để Giáo hội, ở Pháp, xứng đáng với sự tin tưởng của tất cả mọi người.
Source:Eglise Catholique
 
10,688 bông hồng đã được gởi đến cho bà Nancy Pelosi, theo sáng kiến của Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone
Đặng Tự Do
05:20 17/10/2021


Viện Benedict 16 thông báo hôm thứ Ba rằng hơn 10,000 người đã cam kết lần chuỗi Mân Côi và ăn chay vào các ngày thứ Sáu để hoán cải tư tưởng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về chủ đề phá thai.

Maggie Gallagher, giám đốc điều hành của Viện Benedict 16, cho biết: “Tính đến thứ Bảy, ngày 9 tháng 10, chúng tôi có 10,688 người Công Giáo đã cam kết cầu nguyện một chuỗi Mân Côi mỗi tuần và ăn chay vào các ngày thứ Sáu cho đến hết tháng Mười.” Maggie Gallagher là giám đốc điều hành của Viện Benedict XVI, là học viện đang điều hành chiến dịch “Bông hồng và Chuỗi Mân Côi cho Nancy” với sự hỗ trợ của Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone, giám mục của bà Pelosi ở San Francisco.

Cô Gallagher nói: “Chúng tôi hy vọng Đức Mẹ sẽ chạm đến trái tim mẫu tử của bà ấy, như Đức Tổng Giám Mục đã diễn tả rất đẹp, và mở rộng lòng trắc ẩn cũng như sự tôn trọng phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người đối với những đứa trẻ còn trong bụng mẹ.”

Đầu tháng Mân Côi, Đức Cha Cordileone mời những người Công Giáo và tất cả mọi người có thiện chí đăng ký chiến dịch “Bông hồng và Chuỗi Mân Côi cho Nancy” tại trang web của Viện Đức Bênêđíctô XVI. Một bông hồng sẽ được gửi đến cho bà ấy “như một biểu tượng cho lời cầu nguyện và chay tịnh của anh chị em dành cho bà ấy”.

Đức Tổng Giám Mục đã than thở về việc Hạ viện thông qua HR 3755, mà ngài nói sẽ “áp dụng phá thai theo yêu cầu trên toàn quốc ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.” Dự luật được thông qua vào ngày 24 tháng 9 trong một cuộc bỏ phiếu chủ yếu theo đường lối của đảng với kết quả 218 phiếu thuận và 211 phiếu chống. Tất cả các Dân biểu Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống. Một đảng viên Dân chủ, là Dân biểu Henry Cuellar của Texas, cũng đã bỏ phiếu chống lại dự luật này.

Đây là một phần trong phản ứng điên cuồng của Nancy Pelosi đối với dự luật phá thai dựa trên nhịp tim của Texas, mà Tòa án Tối cao cho phép có hiệu lực.

Phản ứng đối với việc thông qua dự luật này, Đức Cha Cordileone nói, điều đó cho thấy “đất nước của chúng ta và nhiều nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta, cần một cách tuyệt vọng như thế nào một sự hoán cải trái tim để hướng chúng ta khỏi con đường dẫn đến cái chết và đòi lại một nền văn hóa của sự sống.”
Source:Catholic News Agency
 
Vinh quang chân thực là tình yêu trở thành sự phục vụ, chứ không phải là quyền lực tìm cách thống trị
J.B. Đặng Minh An dịch
07:23 17/10/2021


Chúa Nhật 17 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 29 Mùa Quanh Năm, bài Tin Mừng tường thuật với chúng ta về chủ đề “Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”. Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Mc 10:35-45) thuật lại rằng hai môn đệ là Giacôbê và Gioan xin Chúa cho một ngày nào đó được ngồi bên cạnh Người trong vinh quang, như thể họ là “tể tướng”, hay đại loại như thế. Nhưng các môn đệ khác nghe thấy điều đó và trở nên phẫn nộ. Vào lúc đó, Chúa Giêsu kiên nhẫn đưa ra cho họ một giáo huấn tuyệt vời. Đó là điều này: vinh quang thực sự không thể có được bằng cách vượt lên trên người khác, nhưng bằng cách trải nghiệm cùng một phép rửa mà chính Chúa Giêsu sẽ lãnh nhận chỉ một ít lâu sau đó tại Giêrusalem, tức là thập tự giá. Điều đó có nghĩa là gì? Từ “battesimo”, hay “rửa tội”, có nghĩa là “dìm mình”: qua cuộc Khổ nạn của mình, Chúa Giêsu đã dìm mình vào cõi chết, hiến mạng sống để cứu chúng ta. Vì vậy, vinh quang của Người, vinh quang của Thiên Chúa, là tình yêu trở thành sự phục vụ, chứ không phải là quyền lực tìm cách thống trị. Không phải quyền lực tìm cách thống trị, không! Nhưng là tình yêu trở thành sự phục vụ. Vì vậy, Chúa Giêsu kết thúc bài giảng của Ngài với các môn đệ và cả chúng ta với câu này: “Ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em” (câu 43). Để trở nên vĩ đại, anh chị em nên đi theo con đường phục vụ, phục vụ tha nhân.

Chúng ta đứng trước hai loại logic khác nhau: các môn đệ muốn vươn lên và Chúa Giêsu muốn dìm chính Ngài xuống. Chúng ta hãy dành một chút thời gian cho hai động từ này. Đầu tiên là vươn lên. Nó thể hiện tâm lý trần tục mà chúng ta luôn bị cám dỗ: đó là muốn có được mọi thứ, kể cả các mối quan hệ, để nuôi tham vọng, để leo lên những nấc thang thành công, vươn tới những vị trí quan trọng. Việc tìm kiếm uy tín cá nhân có thể trở thành một căn bệnh tinh thần, tự giả mạo bản thân ngay cả sau những mục đích tốt đẹp: ví dụ, như trong trường hợp đằng sau những điều tốt lành chúng ta làm và rao giảng, chúng ta thực sự chỉ tìm kiếm bản thân và sự khẳng định cho chính chúng ta, chúng ta muốn vượt lên và vươn lên. Chúng ta thấy điều đó ngay cả trong Giáo Hội. Đã bao lần, những Kitô Hữu chúng ta - những người đáng lẽ phải là đầy tớ - lại cố gắng leo lên, lại cố vượt lên phía trước. Do đó, chúng ta luôn cần đánh giá ý định thực sự của trái tim mình, phải tự hỏi: “Tại sao tôi lại thực hiện công việc này, trách nhiệm này? Để cung cấp sự phục vụ hay đúng hơn là để được công nhận, khen ngợi và nhận được những lời khen?” Chúa Giêsu đối lập luận lý thế gian này với lôgic của Ngài: thay vì tự đề cao mình hơn người khác, hãy rời khỏi bệ đỡ của anh chị em để phục vụ họ; thay vì vượt lên trên người khác, hãy hòa mình vào cuộc sống của người khác. Tôi đang xem chương trình A Sua Immagine, một dịch vụ do Caritas thực hiện để không ai có thể thiếu ăn: quan tâm đến cái đói của người khác, quan tâm đến nhu cầu của người khác. Có rất nhiều người thiếu thốn, và sau đại dịch này, còn rất nhiều người khác nữa. Hãy tìm cách đắm mình trong sự phục vụ hơn là leo lên vì vinh quang của chính mình.

Đây là động từ thứ hai: hạ mình. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta tự hạ mình xuống. Và chúng ta nên dìm mình xuống như thế nào? Thưa: Hãy từ bi trong cuộc sống của những người chúng ta gặp. Chúng ta đang cân nhắc về nạn đói: nhưng chúng ta có từ bi nghĩ về cái đói của rất nhiều người không? Khi chúng ta có một bữa ăn trước mắt, đó là ân huệ Chúa ban cho chúng ta được ăn, nhưng có những người cả tháng không có đủ ăn. Hãy suy nghĩ về điều đó. Và hạ mình một cách từ bi, hạ mình để có lòng từ bi, họ không phải là một con số thống kê trong một bách khoa toàn thư… Không! Họ là những con người. Tôi có lòng trắc ẩn với mọi người không? Lòng trắc ẩn đối với cuộc sống của những người chúng ta gặp gỡ, giống như Chúa Giêsu đã làm với tôi, với anh chị em, với tất cả chúng ta, Người đã đến gần với lòng trắc ẩn. Chúng ta hãy nhìn vào Chúa bị đóng đinh, Đấng hoàn toàn hạ mình trong lịch sử đầy thương tích của chúng ta, và chúng ta sẽ khám phá ra cách làm việc của Chúa. Chúng ta thấy rằng Ngài không ở trên trời cao để nhìn xuống chúng ta từ trên cao ấy, nhưng Ngài đã hạ mình xuống để rửa chân cho chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu khiêm nhường, tình yêu ấy không tự tôn cao mình, nhưng hạ xuống như mưa rơi xuống đất và mang lại sự sống. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể áp dụng cùng một hướng đi như Chúa Giêsu, đi từ chỗ nâng cao bản thân đến chỗ hạ mình, từ tâm lý háo danh, thích uy tín thế gian, đến tâm lý phục vụ, sự phục vụ Kitô Hữu? Thưa: Sự tận tụy là cần thiết, nhưng điều đó là chưa đủ. Hạ mình là điều khó khăn, nhưng không phải là không thể, vì chúng ta có một sức mạnh bên trong giúp chúng ta. Đó là sức mạnh của Bí tích Rửa tội, của sự đắm mình trong Chúa Giêsu mà tất cả chúng ta đã nhận được nhờ ân sủng hướng dẫn chúng ta, thúc đẩy chúng ta theo Người thay vì tìm kiếm lợi ích của mình, nhưng đặt mình phục vụ người khác. Đó là một ân sủng, một ngọn lửa mà Thánh Linh đã nhen nhóm trong chúng ta cần được nuôi dưỡng. Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần làm mới lại ân sủng của Bí tích Rửa tội trong chúng ta, đó là việc hòa mình vào Chúa Giêsu, theo lối sống của Người, trở nên giống tôi tớ hơn, trở thành những người phục vụ như Người đã là với chúng ta.

Và chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ: mặc dù Mẹ là người vĩ đại nhất - đã không tìm cách vươn lên, nhưng là tôi tớ khiêm nhường của Chúa, và hoàn toàn đắm mình trong sự phục vụ chúng ta để giúp chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã chọn là ngày cho các giáo xứ, trường học và gia đình thực hiện sáng kiến ”Vì sự hiệp nhất và hòa bình, một triệu trẻ em đọc kinh Mân Côi”. Tôi khuyến khích chiến dịch cầu nguyện này đã được giao phó cho sự chuyển cầu của Thánh Giuse cách đặc biệt trong năm nay. Cảm ơn tất cả các chàng trai và cô gái tham gia! Cảm ơn nhiều.

Hôm qua, tại Cordoba, Tây Ban Nha, linh mục Juan Elías Medina và 126 bạn tử đạo gồm các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân - đã bị giết vì lòng thù hận đức tin trong cuộc đàn áp tôn giáo bạo lực những năm 1930 ở Tây Ban Nha. Cầu xin lòng trung thành của các ngài ban cho tất cả chúng ta sức mạnh, đặc biệt là cho các Kitô hữu bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, sức mạnh để can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Một tràng pháo tay cho các Chân phước mới!

Tuần trước, nhiều vụ tấn công khác nhau đã diễn ra ở Na Uy, Afghanistan, và Anh, khiến nhiều người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với gia đình của các nạn nhân. Tôi cầu xin mọi người hãy từ bỏ con đường bạo lực, vì đó luôn là một nguyên nhân dẫn đến mất mát và là sự thất bại của tất cả mọi người. Chúng ta hãy nhớ rằng rằng bạo lực sinh ra bạo lực.

Tôi chào tất cả anh chị em, người dân Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào mừng các Nữ tu “Medee” đang tổ chức Tổng Tu Nghị, Liên đoàn Thánh Bernard thành Clairvaux – Các Hiệp sĩ khó nghèo của Chúa Kitô, các doanh nhân Phi Châu tụ họp cho cuộc họp quốc tế của họ, anh chị em giáo dân đến từ Este, Cavallino và Ca 'Vio thuộc Venice, và lớp Thêm sức Galzignano.

Tôi chào và chúc phúc cho “Cuộc hành hương đại kết vì công lý sinh thái”, bao gồm nhiều chứng tá của Kitô Hữu, những người đã khởi hành từ Ba Lan và sẽ đến Tô Cách Lan để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, COP26.

Và với tất cả anh chị em, tôi chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin anh chị em nhớ đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Holy See Press Office
 
Giám Mục Trung Quốc từng bị công an đánh bể đầu, vào tù ra khám, đã qua đời
Đặng Tự Do
17:29 17/10/2021


Lúc 8 giờ tối hôm thứ Tư 13 tháng 10, đúng ngày lễ Đức Mẹ Fatima, Đức Cha Stêphanô Dương Hướng Hải (Yang Xiangtai, 杨向海), Giám Mục hiệu tòa của Hàm Đan đã qua đời. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại đã cho biết như trên hôm thứ Năm. Ngài qua đời tại bệnh viện Ngụy Huyện (Weixian, 魏县) nằm trong lãnh thổ giáo phận của mình, thọ 99 tuổi.

Đó là một mất mát đau thương không chỉ đối với Giáo hội ở Trung Quốc, mà còn đối với Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, gọi tắt là PIME, bởi vì Đức Cha Dương lớn lên, được đào tạo linh mục và làm việc cùng với các cha PIME ở Khai Phong và Vĩ Huy (Weihui, 伟辉), nay là An Dương, thuộc tỉnh Hà Nam. Ngài luôn nhớ về các cha PIME một cách nồng nhiệt.

Đức Cha Dương sinh ngày 3 tháng Giêng năm 1923, tức là 17 tháng 11 năm 1922 theo âm lịch, tại làng Cao Xuân (Gaocun, 高春) trong một gia đình Công Giáo, đã làm lễ rửa tội cho ngài ngay sau khi chào đời. Vào thời điểm đó, ngôi làng là một phần của giáo phận Vĩ Huy (nay thuộc giáo phận Hàm Đan), dưới sự chăm sóc của các nhà truyền giáo PIME.

Sau khi theo học trường mầm non Công Giáo ở làng của mình, Đức Cha Dương học tại trường tiểu học Công Giáo ở Vũ An (Wu'an, 武安) từ năm 1933; ngài vào tiểu chủng viện của giáo phận Vĩ Huy. Năm 1940, ngài bắt đầu học triết học và thần học tại chủng viện Khai Phong. Ngày 27 tháng 8 năm 1949, ngài được Đức Tổng Giám Mục Gaetano Pollio, một nhà truyền giáo PIME, là Giám Mục bản quyền truyền chức linh mục. Sau đó, ngài làm Cha Phó tại Nhà thờ Na Loan (Nanguan, 南关) ở Khai Phong.

Vào cuối năm 1950, Đức Cha Mario Civelli, giám mục của Vĩ Huy, một nhà truyền giáo khác của PIME, đã bổ nhiệm ngài làm cha sở ở Vũ An. Mùa xuân năm 1954, công an Trung Quốc bắt giữ Cha Dương, đưa ra xét xử, nhưng sau đó ngài đã có thể tiếp tục công việc của mình khi lén lút, khi công khai. Tháng 7 năm 1966, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ngài lại bị bắt và bị công an đánh đập tàn bạo và giam cầm không xét xử cho đến tháng 10 năm 1970, khi ngài bị kết án 15 năm tù. Đầu tiên, ngài bị giam trong các trại lao động ở Cù Châu (Quzhou, 衢州); sau đó bị đưa đến nhà máy gạch Hàm Đan và cuối cùng là nhà máy muối Đường Sơn.

Cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình phát động cải cách và mở cửa, Đức Cha Dương được phục hồi và được trả tự do vào ngày 15 tháng 3 năm 1980, được xử trắng án về mọi tội danh. Ngài đã làm việc tại các quận Hàm Đan, Tư Hiền (Cixian, 慈贤), Xã Tiên (Shexian, 社仙) và Vũ An, là những khu vực hành chính mới được chuyển thành tỉnh Hà Bắc và thuộc giáo phận Hàm Đan. Năm 1988, ngài trở thành hiệu trưởng của chủng viện giáo phận và là tuyên úy của Dòng Chúa Thánh Thần An Ủi. Đức Cha Trần Bạch Lộ (Chen Bailu, 陈白露) đã bổ nhiệm ngài làm tổng đại diện giáo phận.

Vào ngày 30 tháng 11 năm 1996, Đức Cha Trần Bạch Lộ đã tấn phong Cha Dương làm Giám Mục Phụ Tá cho ngài tại nhà thờ Tào Trang (Caozhuang, 枣庄), Quận Vĩnh Niên (Yongnian, 永年). Vào ngày 17 tháng 9 năm 1999, khi Đức Cha Trần nghỉ hưu, Đức Cha Dương trở thành giám mục chính tòa của Giáo phận Hàm Đan.

Vào ngày 21 tháng 6 năm 2011, tại Nhà thờ Phi Tường (Feixiang, 飞翔) ngài đã tấn phong bí mật cho Cha Giuse Tôn Kế Căn (Sun Jigen, 孙继根) làm Giám Mục Phụ Tá của mình. Khi Đức Cha Tôn Kế Căn bị công an Trung Quốc bắt cóc, Đức Cha Dương đã bị đột quỵ vì quá lo buồn. Mãi 6 năm sau, vào năm 2017, Trung Quốc mới công nhận Đức Cha Tôn Kế Căn.

Hôm thứ Ba, 12 tháng 10, một thông báo xin cầu nguyện của giáo phận Hàm Đan được đăng trên mạng Duy Thân (Weixin, 维信) của Trung Quốc, nhưng đã bị lấy xuống ngay.

Giáo phận Hàm Đan đã thông báo công khai về cái chết của ngài trên Asia News như sau: “Đức Cha Dương đã thể hiện lòng trung thành mãnh liệt với Chúa, và nhân từ với tất cả mọi người, sống giản dị và không ngừng cống hiến cho đàn chiên của mình, và điều này đã được chứng thực sau 72 năm tư tế của ngài. Giờ đây ngài đã hoàn thành cuộc lữ hành trần thế của mình, chúng tôi mời các giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và các tín hữu cầu nguyện cho linh hồn ngài được yên nghỉ và xin Đức Mẹ cầu bầu cho ngài sớm được nhanh chóng vào nơi an nghỉ vĩnh hằng”.
Source:Asia News
 
Nhà thờ Ý ở Los Angeles bị phá hoại với những bức vẽ bậy bạ
Đặng Tự Do
17:30 17/10/2021


Nhà thờ Công Giáo Thánh Phêrô của cộng đoàn người Ý ở China Town, Los Angeles đã bị vẽ bậy với các khẩu hiệu chống thực dân vào hôm thứ Hai trong một hành động phá hoại mà cảnh sát đang điều tra như một tội ác vì thù hận.

Vào buổi trưa, một đám đông nhỏ đã tụ tập tại nhà thờ ở bên cạnh Khu Phố Tàu, nơi các thám tử cho biết vụ phá hoại dường như có liên quan đến các ngày lễ trong ngày, bao gồm Ngày của người bản địa, mà trước đây gọi là Ngày Kha Luân Bố.

Một biểu ngữ đặt trên bậc thềm trước cửa nhà thờ có nội dung “ngưng ngay việc chiếm đất của chúng tôi”, trong khi hình vẽ bậy trên vỉa hè viết những cụm từ bao gồm “Land Back”, “USA” và “Stolen Land”.

Những mảng sơn đỏ được tung rải rác trên các bậc thang và mặt tiền. Cả một bức tranh khảm lấm tấm vàng tinh xảo phía trên cửa ra vào cũng bị tạt sơn.

Nhà thờ ở North Broadway được thành lập vào năm 1904 và cử hành các thánh lễ bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Thám tử Suzanne Reed thuộc bộ phận tội phạm nghiêm trọng của Sở Cảnh sát Los Angeles cho biết vụ việc đang được điều tra như một tội ác thù hận.

Arturo Martinez cho biết lần đầu tiên anh phát hiện ra sơn màu đỏ vào khoảng 8:15 sáng trên đường đến cửa hàng quần áo của con gái mình gần đó. Anh ta tin rằng nó xảy ra vào khoảng sau 6 giờ sáng vì một người hàng xóm không thấy dấu hiệu của sự phá hoại trước đó.

“Tôi nghĩ tất cả đều liên quan đến Ngày Kha Luân Bố,” Martinez nói, và lưu ý rằng nhà thờ St. Peter là một nhà thờ Ý. “Chúng tôi biết lịch sử của Kha Luân Bố, vì thế chúng tôi tin rằng họ đã đánh trực tiếp vào Ý và những gì Kha Luân Bố đại diện.”

Christopher Columbus, tiếng Việt gọi là Kha Luân Bố, là người Ý, nhưng những chuyến hải hành nổi tiếng của ông đã được Tây Ban Nha tài trợ.

Hội đồng Thành phố Los Angeles và Hội đồng Giám sát Hạt LA vào năm 2017 đã bỏ phiếu thay thế Ngày Kha Luân Bố bằng Ngày Người bản địa để ghi nhận những tổn hại và bất công mà người bản địa Châu Mỹ phải gánh chịu trong thời thuộc địa.


Source:Los Angeles Times
 
Sau Nancy Pelosi, Joe Biden sẽ được Đức Thánh Cha tiếp
Đặng Tự Do
17:30 17/10/2021


Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, 75 tuổi, Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, cho biết khi ngài triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican ngày 6 tháng 9, Đức Phanxicô đã yêu cầu ngài tiếp tục giữ chức vụ của mình thay vì nghỉ hưu.

“Ngài yêu cầu tôi ở lại, vì vậy tôi sẽ ở lại bao lâu ngài muốn. Và tôi rất vui khi làm như vậy,” vị Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh nói với Catholic News Service.

Đứng đầu danh sách việc cần làm của Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ là giúp Tòa thánh chuẩn bị cho chuyến thăm của Joe Biden tới Vatican, trong khi tổng thống đang ở Rôma để tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 30 đến 31 tháng 10 với các quốc gia phát triển và giàu có.

Vị tổng giám mục xác nhận cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Biden một cách gián tiếp. Ngài nói: “Sẽ là bất thường nếu ông ấy không gặp Đức Giáo Hoàng khi ở Rôma,” đặc biệt vì Biden là tổng thống Công Giáo đầu tiên sau 58 năm.

Bất chấp “tình hình căng thẳng vì chương trình nghị sự của Đảng Dân chủ về vấn đề phá thai,” Đức Tổng Giám Mục Pierre cho biết ngài tin rằng đây sẽ là một cuộc họp tốt.

Các trên tờ quan sát viên phải nghĩ xa hơn các thể chế và hướng đến chính các nhân vật: “Đây là hai nhân vật với những trách nhiệm to lớn đang cố gắng đáp ứng nhau. Họ không phải là những nhân vật bằng gỗ. Và đằng sau họ là một cỗ máy lớn - và cả thế giới. Vì vậy, trong số các vấn đề sẽ có các vấn đề không thể được giải quyết nhanh chóng,” nhà ngoại giao của Vatican nói.


Source:Catholic Philly
 
Ấn tín tòa giải tội là gì? Hỏi đáp với Đức Hồng Y Mauro Piacenza
J.B. Đặng Minh An dịch
18:11 17/10/2021


Đầu tháng này, việc công bố báo cáo về tội lỗi lạm dụng tình dục trong Giáo Hội ở Pháp đã làm dấy lên một cuộc tranh luận khác về việc giữ gìn bí mật tòa giải tội.

Giáo Hội Công Giáo tuyên bố rằng mọi linh mục khi nghe lời xưng tội có nghĩa vụ giữ bí mật tuyệt đối liên quan đến mọi điều đã biết được trong bối cảnh của tòa giải tội, vi phạm điều này sẽ dẫn đến các hình phạt pháp lý nghiêm khắc nhất.

Luật của Cộng Hòa Pháp từ lâu đã công nhận các quy tắc nghiêm ngặt của Giáo hội về tính bảo mật của Bí tích Hòa giải, nhưng chính phủ đang dự tính sửa đổi luật dành cho các cha giải tội, như họ đã làm với các luật sư và các chuyên gia thế tục khác, là những người đã bị buộc phải báo cáo các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em nếu họ biết được điều đó.

Trong các bình luận với tờ National Catholic Register hôm thứ Tư, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp, Karine Dalle, nói rõ rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo của quốc gia này không có ý định thỏa hiệp với các yêu sách của nhà nước đối với giáo huấn của Giáo hội, vốn dạy rằng ấn tín tòa giải tội là bất khả xâm phạm.

Để tìm hiểu thêm về ấn tín Bí tích Hòa giải, ACI Stampa, cơ quan đối tác của CNA tại Ý, đã nói chuyện với Đức Hồng Y Mauro Piacenza, chánh tòa Ân Giải Tối Cáo của Vatican.

ACI Stampa: Thưa Đức Hồng Y, tại sao ấn tín tòa giải tội lại quan trọng như vậy? Điều này có nghĩa là gì và luật về ấn tín tòa giải tội bắt nguồn từ đâu?

Đức Hồng Y Mauro Piacenza: Bản chất của Bí tích Hòa giải bao gồm cuộc gặp gỡ cá vị giữa hối nhân với Cha nhân từ. Mục tiêu của bí tích này là sự tha thứ tội lỗi, hòa giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội, và phục hồi phẩm giá con thảo của hối nhân nhờ giá cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô thực hiện.

Giáo huấn của Giáo hội về Bí tích Hòa giải được trình bày ngắn gọn trong đoạn 1422 của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, đúc kết các giáo huấn trong Tông Hiến Lumen Gentium của Công đồng Vatican II và điều 959 của Bộ Giáo luật.

Cần phải nhấn mạnh rằng Bí tích Hòa giải, là một hành động thờ phượng, không thể và không được nhầm lẫn với một buổi nói chuyện về tâm lý hay một hình thức tư vấn. Là một hành động bí tích, bí tích này phải được bảo vệ nhân danh tự do tôn giáo và bất kỳ sự can thiệp nào đều phải được coi là bất hợp pháp và có hại cho các quyền lương tâm.

ACI Stampa: Thưa Đức Hồng Y, như thế, vị linh mục nghe xưng tội phải giữ ấn tín tòa giải tội, nhưng đồng thời, chẳng nhẽ ngài không nên giúp báo cáo tội ác với chính quyền giáo hội và dân sự? Làm thế nào ngài có thể làm điều đó?

Đức Hồng Y Mauro Piacenza: Tất cả những gì được nói trong tòa giải tội từ thời điểm mà hành động thờ phượng này bắt đầu bằng dấu thánh giá cho đến lúc nó kết thúc, với sự tha thứ hoặc với sự từ chối xá tội, đều được đóng dấu tuyệt đối bất khả xâm phạm. Tất cả các thông tin được đề cập đến trong việc xưng tội đều được “niêm phong” vì chỉ được trao cho một mình Thiên Chúa, nên linh mục giải tội không thể sử dụng được (xem các điều luật 983-984 Giáo Luật của Giáo Hội Latinh; 733-734 Giáo Luật của Giáo Hội Đông phương).

Lấy một trường hợp cụ thể, chẳng hạn, trong khi thú tội, một trẻ vị thành niên tiết lộ rằng mình đã bị lạm dụng, cuộc trao đổi này, về bản chất, luôn luôn và trong mọi tình huống, phải được giữ kín. Điều này không ngăn cản cha giải tội khuyến khích bản thân đứa trẻ vị thành niên đó báo cáo hành vi lạm dụng với cha mẹ, nhà giáo dục và cảnh sát.

Trong trường hợp hối nhân thú nhận đã phạm tội lạm dụng, nếu cha giải tội không nghi ngờ gì về việc hối cải của hối nhân thì ngài không thể từ chối hoặc hoãn lại việc xá tội (xem giáo luật 980). Chắc chắn hối nhân có bổn phận phải sửa đổi sự bất công đã gây ra và thành tâm cam kết ngăn chặn việc lạm dụng tái diễn, nếu cần thì nhờ đến sự trợ giúp của người có khả năng, nhưng những bổn phận nghiêm trọng này liên quan đến con đường hoán cải, không có liên quan đến việc tự tố cáo. Trong mọi trường hợp, cha giải tội phải mời hối nhân suy ngẫm sâu hơn và đánh giá hậu quả của hành động của mình, đặc biệt khi có người khác bị nghi ngờ hoặc bị kết án oan.

ACI Stampa: Thưa Đức Hồng Y, chúng ta nên phản ứng ra sao đối với các giám mục bị cám dỗ nhượng bộ một phần nghĩa vụ giữ bí mật tòa giải tội, ngay cả vì một lý do chính đáng? Ấn tín tòa giải tội khác với bí mật nghề nghiệp hay các cơ mật như thế nào?

Đức Hồng Y Mauro Piacenza: Phải tuyệt đối tránh so sánh ấn tín bí tích với bí mật nghề nghiệp mà bác sĩ, dược sĩ, luật sư, v.v... bắt buộc phải giữ.

Khác với bí mật nghề nghiệp, ấn tín Bí tích Hòa giải không thể bị tiết lộ cho dù luật pháp hay một vị thẩm phán, hay các quy tắc đạo đức quy định ngược lại. Ngay cả khi bên có liên quan cho phép tiết lộ, cũng không được tiết lộ.

Mặt khác, bí mật giải tội không phải là một nghĩa vụ áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một yêu cầu nội tại của bí tích, và như vậy không thể bị miễn trừ ngay cả bởi chính hối nhân (xem giáo luật 1550, triệt 2, điều 2 Giáo luật cho các Giáo Hội Latinh; và 1231, triệt 2, điều 2 Giáo luật cho các Giáo Hội Đông phương).

Hối nhân không nói chuyện với con người của cha giải tội, nhưng nói với Thiên Chúa, như thế chiếm hữu những gì thuộc về Thiên Chúa sẽ là tội báng bổ. Chúng ta phải bảo vệ bí tích, được Chúa Kitô thiết lập để trở thành nơi nương tựa chắc chắn của ơn cứu rỗi cho mọi người tội lỗi.

Nếu các tín hữu mất lòng tin vào ấn tín tòa giải tội, thì việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải có thể bị sa sút, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho các linh hồn và cho toàn bộ công việc rao giảng Tin Mừng.
Source:Catholic News Agency
 
Sơ truyền giáo Colombia được thả tự do sau hơn 4 năm bị các phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan giam giữ
Thanh Quảng sdb
20:48 17/10/2021
Sơ truyền giáo Colombia được thả tự do sau hơn 4 năm bị các phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan giam giữ

Sơ Gloria Cecilia, một nhà truyền giáo ở Mali, đã sẵn sàng tư nguyện làm con tin thay cho một nữ tu trẻ.

Sau hơn bốn năm rưỡi bị cầm giữ dưới bàn tay tàn bạo của thánh chiến quân Hồi giáo Malian, Sơ Gloria Cecilia Narváez Argoti, một nhà truyền giáo từ Colombia, đã được trả tự do.

Hãng TTX AFP ngày 9 tháng 10 cho hay Sơ Gloria được trả tự do, dù chi tiết về việc trao trả tự do vẫn chưa được công bố, nhưng trong những bình luận ngắn gọn của đài truyền hình Malian, sơ bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà nước Mali vì đã giải cứu sơ, cũng như Giáo hội địa phương và Hoàn vũ đã không ngừng cầu nguyện cho sơ trong suốt thời gian sơ bị giam giữ.

Trong một thông điệp được gửi tới cho Tổ chức “Giáo Hội hầm trú” (ACN), Giám mục Jonas Dembele, chủ tịch Hội đồng Giám mục Malian cho hay “đây là một ngày tuyệt vời cho Giáo hội Mali và Giáo hội hoàn vũ, những người đã và đang cầu nguyện cho sơ. Bất chấp những khó khăn, Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân Ngài, Ngài ban phước lành và nhận lời cầu nguyện của Giáo hội khấn xin cho sơ Gloria. Chúng tôi đoan chắc sơ đã trải qua những khó khăn và trước mắt nhân loại hầu như hoàn cảnh không thể cứu vãn, nhưng với Chúa thì không có gì là không có thể”.

Đức cha Dembele cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức thánh lễ tạ ơn tại các giáo xứ và giáo phận, tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho người dân Mali và hòa bình cho đất nước Mali.”

Trong một tin ngắn được gửi đi từ Colombia cho ACN, tin từ Édgar, người anh trai của sơ Gloria, nói về phản ứng trước tin vui này tại đất nước Colombia quê quán của sơ. Anh Edgar viết: “Tôi đã được cảnh sát loan báo, họ nhận được những bức hình của sơ Gloria. Tòa giám mục ở Mali đã vận động và sơ được thả tự do. Xin cám ơn tất cả các ký giả và mọi người trên toàn thế giới đã cầu nguyện cho việc phóng thích người em gái của chúng tôi. Toàn đất nước Colombia đều vui mừng cảm tạ…”

Tương tự thế, Giám mục Mario Álvarez Gomez, người đứng đầu Ủy ban Truyền giáo của Hội Đồng Giám mục Colombia cũng bày tỏ: “Chúng tôi cám ơn và cùng với Giáo hội hoàn vũ, chúng tôi đặc biệt cảm ơn Tòa thánh, Sứ thần Tòa thánh tại Colombia và Hội đồng Giám mục để tạ ơn Chúa về hồng ân này.”

Thomas Heine-Geldern, chủ tịch điều hành ACN, cũng bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những ai, trong những năm qua, đã không ngừng cầu nguyện cho sơ. “Tại ACN, chúng tôi hằng cầu nguyện đặc biệt cho những người bị bắt, bị giam cầm cách bất công. Nữ tu Gloria luôn ở trong tâm trí và trái tim của rất nhiều ân nhân và thành viên của chúng tôi trong những năm qua, nhưng đặc biệt là năm vừa qua, trong Mùa Chay, và cả trong Tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu bị đàn áp cũng như bị bắt bớ giam cầm. Việc sơ Gloria được thả, sau hơn bốn năm kiên tâm và bền bỉ chịu đựng, khiến chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho tất cả những người bị bắt bớ vì niềm tin yêu hy vọng vào Tin Mừng Chúa”.

Giám mục Dembele nói với ACN rằng: “Sự giải thoát của Sơ Gloria rơi vào thời điểm chúng ta đang cầu nguyện cho hòa bình thế giới, khiến chúng ta vui mừng và không ngừng cầu nguyện cho những ai đang bị giam giữ như sơ, cho sự an nguy của họ, và chúng ta muốn nói cho mọi người, mọi phe phái rằng chúng ta mong muốn hòa bình, không gì khác hơn là hòa bình và phát triển.”

Và Đức cha kết luận: “Có rất nhiều khó khăn trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở vùng Sahel và chúng tôi biết rằng mùa mưa sắp đến, sẽ mang lại nhiều phiền lụy cho tất cả mọi người và chúng tôi sằn sàng hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau”.

Nữ tu Gloria Cecilia đã bị bắt cóc vào ngày 7 tháng 2 năm 2017, khi sơ đang gặp gỡ ba sơ khác cùng dòng với sơ, các Nữ tu dòng Phanxicô của Mẹ Maria Vô nhiễm… thì một nhóm khủng bố Hồi giáo bao vây họ và muốn bắt đi một sơ trẻ nhất trong số các sơ làm con tin. Trước hoàn cảnh đó, sơ Gloria, người Colombia, người lớn tuổi nhất, đã xin được thay thế!... Sau một thời gian, người ta nghĩ là sơ đã bị giết, nhưng đột nhiên một đoạn video được phát sóng vào năm 2019 nói lên sơ Gloria vẫn còn sống.

Các báo cáo về Tự do Tôn giáo của ACN năm 2021 cho biết "vụ bắt cóc nữ tu, cùng với một số cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự, nói lên bản chất của các nhóm khủng bố Hồi giáo quốc tế ở Sahel ngày càng hung hãn..."

Mali là một quốc gia có đông người Hồi giáo, với số người theo đạo Thiên chúa chưa đến 3% dân số. Mali đã rơi vào các cuộc xung đột trong nhiều năm qua. Các cuộc khủng bố ngày càn trở nên trầm trọng hơn do những căng thẳng giữa các sắc tộc trên toàn quốc, nhưng đặc biệt gay gắt nhất giữa miền bắc và miền nam.

Nguồn: ACN có thể truy cập tại: www.churchinneed.org
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Video tĩnh tâm tại San Jose, California : Đức Maria - Mẹ Của Lòng Thương Xót
Thái Phạm
16:24 17/10/2021
 
Văn Hóa
Tiểu luận III của Edith Stein về Phụ nữ: Linh đạo Phụ nữ Kitô giáo, hết
Vũ Văn An
18:10 17/10/2021

IV. Đời sống Phụ nữ Trong Ánh sáng Vĩnh cửu

Vận mệnh của người phụ nữ bắt nguồn từ sự vĩnh cửu. Họ phải lưu ý đến cõi vĩnh cửu để xác định ơn gọi của mình trong thế giới này. Chịu tuân theo ơn gọi của mình, họ sẽ hoàn tất số phận mình trong cuộc sống vĩnh cửu.

“Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Người; nam và nữ, Người đã dựng nên họ”. Khi Người đặt loài người vào thế giới, không phải là một hình thái [species] đơn nhất mà là một hình thái kép, phải có một ý nghĩa khác nhau về sự sống cho mỗi hình thái cũng như một ý nghĩa hỗ tương. Cả hai đều được hình thành theo hình ảnh của Thiên Chúa. Mỗi tạo vật hữu hạn chỉ có thể phản ảnh một phần nhỏ của bản chất thần linh; do đó, trong sự đa dạng của các tạo vật của Người, sự hợp nhất và duy nhất vô hạn của Thiên Chúa dường như bị phá vỡ thành một luồng sáng gồm nhiều tia đa dạng. Chính vì vậy, các hình thái nam và nữ mô phỏng nguyên mẫu thần linh theo những cách khác nhau.



Thánh Augustinô (6) và Thánh Tôma (7) và những người theo truyền thống của các ngài tìm thấy sự giống như Chúa Ba Ngôi trong tinh thần con người. Mặc dù được tri nhận theo nhiều cách, nhưng hầu hết mọi người đều chấp nhận rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được lần lượt mô tả như hữu thể, nhận thức và tình yêu. Sự khôn ngoan thần linh được nhập thể như Ngôi vị trong Chúa Con; tình yêu xuất hiện như Ngôi vị trong Chúa Thánh Thần. Trí hiểu chủ yếu ở bản chất nam tính; mặt khác, trong bản chất của phụ nữ, đó là các cảm xúc. Do đó, chúng ta có thể hiểu tại sao giữa bản chất phụ nữ và Chúa Thánh Thần, một liên tưởng đặc thù đã được tạo ra.

Bao lâu Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, chúng ta đều thấy điều này một lần nữa trong số phận của người phụ nữ như là “Mẹ của Sự Sống”. Chúa Thánh Thần ra khỏi chính mình và đi vào tạo vật như là sự phong phú sinh thành và hoàn thiện của Thiên Chúa; người phụ nữ cũng như vậy, họ sinh ra sự sống mới từ sự sống của họ và giúp đứa trẻ tiến tới chỗ phát triển hoàn hảo nhất khi nó đạt được cuộc sống tự chủ. Cũng vậy, chúng ta cũng thấy nơi Chúa Thánh Thần, mọi công việc của tình yêu và lòng cảm thương của phụ nữ, bao lâu Chúa Thánh Thần là Cha của người nghèo, người an ủi và trợ giúp, chữa lành người bị thương, sưởi ấm người tê liệt, giải khát người khát nước, và ban phát mọi ơn phúc tốt lành. Trong sự thuần khiết và dịu dàng của người phụ nữ, chúng ta thấy có sự phản chiếu tinh thần biết tẩy rửa người ô uế và làm cho người mềm yếu không bị khuất phục; điều này có rất nhiều không những nơi những người có thể đã thuần khiết và dịu dàng mà còn cả nơi những người phụ nữ muốn truyền bá sự thuần khiết và dịu dàng về chính họ. “Tinh thần nhân từ” này không muốn điều gì khác hơn là được là ánh sáng thần linh tỏa chiếu như một tình yêu phục vụ; không có gì trái ngược với nó hơn là sự phù phiếm chỉ tìm kiếm cho chính nó, và ý muốn chỉ thích thu tích cho chính nó. Đó là lý do tại sao tội đứng đầu là kiêu ngạo, trong đó sự phù phiếm và ham muốn hội tụ với nhau, là sự sa ngã xa rời tinh thần yêu thương và sự đào thoát khỏi bản chất nữ giới.

Tuy nhiên, “Quod Heva tristis Abstulit, tu reddis almo germine” (điều Evà bất hạnh đánh mất, Mẹ đã khôi phục nhờ Con thánh thiện) (8). Hình ảnh thuần khiết của bản chất nữ giới xuất hiện trước mắt chúng ta trong Đấng Immaculata [Vô Nhiễm], Đức Trinh Nữ. Ngài là đền thờ hoàn hảo, trong đó Chúa Thánh Thần cư ngụ và ký thác ơn thánh viên mãn như hồng ân của Người. Ngài không muốn gì khác hơn là trở thành tớ gái của Chúa, cánh cổng qua đó Người có thể bước vào nhân tính; vì không phải qua ngài mà qua “hậu duệ ơn phúc” của ngài mà ngài đã khôi phục cho chúng ta ơn cứu rỗi đã mất của chúng ta.

Là Mẹ Thiên Chúa và là mẹ của mọi con cái Thiên Chúa, ngài được nâng lên tòa vinh quang trên tất cả các tạo vật; chức phận làm mẹ cũng được hiển vinh nhờ ngài. Là Trinh nữ, ngài biểu lộ một vẻ đẹp không thể so sánh được, làm hài lòng Thiên Chúa, cùng với sự phong phú của đức trong trắng khiết trinh. Là Nữ vương, ngài làm chứng cho sức mạnh chinh phục của tình yêu phục vụ và sự trong sạch tinh tuyền. Mọi phụ nữ muốn hoàn thành số phận mình đều phải tìm đến Mẹ Maria như một lý tưởng.

Trinh nữ trong trắng nhất chỉ có thể là người được bảo vệ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Ngoài ngài ra, không ai hiện thân bản chất nữ giới trong sự trong trắng ban đầu của nó. Mỗi người phụ nữ khác đều có một điều gì đó trong bản thân thừa hưởng từ Evà, và họ phải tìm kiếm con đường từ Evà tới Đức Maria. Có một chút bất cần nào đó trong mỗi người phụ nữ không muốn hạ mình dưới bất cứ chủ quyền nào. Trong mỗi người đàn bà, đều có một điều gì đó thôi thúc họ ăn trái cấm. Và họ gặp trở ngại bởi cả hai khuynh hướng này trong những gì chúng ta nhận rõ là công việc của người phụ nữ.

Cô gái phải học từ tuổi trẻ, qua việc dưỡng dục căn bản hoặc các điều kiện của cuộc sống, để thích nghi, từ chối bản thân và hy sinh; nếu không, cô sẽ bước vào cuộc hôn nhân với những hoài mong được may mắn không bị xáo trộn và thực hiện được mọi ước muốn của mình. Thoạt đầu, cô sẽ không học được một cách chính xác cách tự kiềm chế nếu cô gặp người bạn đời luôn chiều theo ý muốn của cô; cô sẽ thử nghiệm xem khả năng kiểm soát của cô đi đến đâu, và khi cô đụng đến giới hạn của nó, xung đột sẽ phát sinh. Điều này dẫn đến sự rạn nứt hoặc làm cho nhau kiệt sức nếu sự nhạy cảm và cấu trúc bên trong của cô không được đảo ngược. Một người phụ nữ như vậy cũng sẽ không tìm được mối quan hệ đúng đắn với con cái của mình, nghĩa là, nếu ngay từ đầu cô không cúi mình gánh lấy các gánh nặng của thiên chức làm mẹ. Thật vậy, cô có thể tự hỏi liệu có nên bận bịu với con cái hay không, tùy thuộc tâm trạng của cô. Cô dễ nuông chiều chúng hoặc đối xử nghiêm khắc với chúng không đúng lúc và đưa ra những yêu cầu ích kỷ đối với chúng. Tóm lại, thay vì dọn đường và khuyến khích chúng, cô có khả năng khơi dậy sự phản kháng và kìm hãm sự phát triển của chúng.

Nhưng các lực lượng tự nhiên có thể làm mất tác dụng các bổn phận của người mẹ ngay cả khi họ chứng tỏ rõ ràng ý hướng thực sự muốn có một cuộc sống gia đình tốt đẹp, một tinh thần tự hy sinh bản thân và trưởng thành nội tâm: nếu tính cách và lối sống của chồng khiến cuộc sống chung hòa bình thành bất khả; nếu con cái của họ bộc lộ những khuynh hướng nguy hiểm không chịu giáo dục đến nơi đến chốn; nếu cả nhu cầu kinh tế cũng dự phần vào bức tranh. Rồi, gần như ngay lập tức, sức mạnh của cơ thể và thần kinh của họ bị tiêu hao và linh hồn họ không còn phát triển dưới gánh nặng của nó nếu sức mạnh mới từ một nguồn vô tận không được điều hướng về nó.

Nguồn sức mạnh vô tận này là ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ cần biết đường và đi tới nguồn này hết lần này đến lần nọ. Luôn luôn có một con đường mở ra cho mỗi tín hữu: con đường cầu nguyện. Bất cứ ai chân thành tin vào lời nói "Hãy xin thì sẽ được", đều được an ủi và can đảm để kiên trì trong mọi nhu cầu. Ngay cả khi không có sự giúp đỡ tức khắc theo mức độ người ta quan niệm và mong muốn, sự giúp đỡ nhất định đến.

Đối với mỗi người Công Giáo, có sẵn một kho tàng vô lượng: sự gần gũi của Chúa trong hy tế thánh và trong bí tích cực thánh trên bàn thờ. Bất cứ ai được thấm nhiễm một đức tin sống động vào Chúa Giêsu hiện diện trong nhà tạm, bất cứ ai biết rằng một người bạn đang liên tục chờ đợi ở đấy— luôn dành thời gian, kiên nhẫn và thiện cảm để lắng nghe những lời ta thán, các thỉnh cầu và vấn đề, với lời khuyên và sự giúp đỡ về mọi sự— tất không mãi buồn phiền và cảm thấy bị bỏ rơi dù trĩu nặng những khó khăn lớn lao nhất. Họ luôn có một nơi nương náu, nơi đó họ tìm lại được sự yên tĩnh và bình an.

Và bất cứ ai hiểu thấu ý nghĩa của hy tế Thánh Lễ, thì như thể họ được lớn lên trong hành động cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô. Những hiến dâng lớn nhỏ hằng ngày không còn là các gánh nặng bắt buộc, giáng họa và đè bẹp nữa. Đúng hơn, chúng trở thành của lễ thực sự, được dâng hiến một cách tự do và vui vẻ, nhờ đó họ được dự phần vào công cuộc cứu chuộc với tư cách là thành viên đồng cam cộng khổ của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Các ý nghĩ về sức mạnh của hành động cứu chuộc, vì nó hoạt động một cách vô hình và mầu nhiệm, luôn có thể đổi mới người biết dâng lên mọi nỗi đau đớn và đau khổ, ngay cả những điểm yếu và sự bất lực của bản thân: khi sức mạnh tự nhiên của một người đối với các nhiệm vụ của họ bị suy sụp; khi sức mạnh cơ thể và thần kinh của một người không còn xứng hợp với công việc; khi bất chấp các ý định tốt nhất, người ta vẫn bị hàng xóm của họ hiểu lầm; khi lời nói và gương sáng tỏ ra bất lực trong việc đưa một linh hồn quý giá thoát khỏi con đường bất tín và tội lỗi.

Trong mọi trường hợp trong đó tội lỗi phạm phải do lỗi của chính mình và có nguy cơ bị cắt đứt khỏi dòng ân sủng, người ta vẫn có khả thể phục hồi nội tâm qua bí tích sám hối: họ luôn có thể được giải thoát khỏi gánh nặng của quá khứ, và, như một trẻ sơ sinh, đối diện với tương lai. Hơn nữa, đức tin được củng cố qua sự hiệp thông với những người vẫn duy trì được một tầm nhìn đúng đắn hướng về sao bắc cực vĩnh cửu, những người còn sống, và những người đã bước vào vinh quang, có quyền giúp đỡ; có lẽ đây là một sức mạnh đặc thù cho một nhu cầu thực sự bởi vì những người này đã trải qua thử thách trong những khó khăn tương tự.

Đó là tất cả các phương tiện mỗi người Công Giáo đều có thể sử dụng. Có thêm một nguồn ân sủng cho người vợ và người mẹ: Bí tích Hôn phối. Sự kết hợp mà họ đã bước vào được thánh hiến và được thánh hóa. Họ nên một với người đàn ông được đặt ở bên cạnh họ như Giáo hội là một với Chúa Kitô, là đầu mầu nhiệm của Giáoo hội. Hình ảnh này của Thánh Tông đồ (9) có ý nghĩa nhiều hơn một hình ảnh. Khi cô dâu ưng thuận trong lễ cưới trước vị linh mục làm chứng, họ sẽ trở thành một bộ phận đặc biệt trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Giáo hội tồn hữu nhờ sự sống ân sủng tuôn chảy từ Chúa Kitô, đầu của Giáo hội, sự sống ân sủng mà Giáo hội thông truyền cho các chi thể luôn luôn mới trong tính sinh hoa kết trái vĩnh viễn. Người phụ nữ cũng vậy - như một biểu tượng hữu hình của Giáo hội - được kêu gọi để gia tăng số lượng con cái của Thiên Chúa bằng cách truyền đạt sự sống tự nhiên và sự sống ân sủng. Do đó, họ là một bộ phận chủ yếu của việc sinh hoa trái của Giáo hội. Họ được ơn thánh củng cố cho ơn gọi của mình, miễn là họ cố gắng hết sức để mãi là một thành viên sống động của Giáo Hội và sống một cuộc sống hôn nhân theo nghĩa của Giáo Hội. Và ngay cả với một người bạn đời không xứng đáng khiến cuộc sống của họ trở thành thử thách, ngay trong một lý tưởng hôn nhân bị bóp méo khủng khiếp này, người phụ nữ vẫn có thể kiên trì trong dây hôn phối nếu họ vẫn tôn kính ẩn dụ của cuộc sống huyền nhiệm. Họ sẽ đứng vững trước linh hồn con cái họ, bảo vệ sự sống ân sủng bắt đầu trong chúng nhờ phép rửa thánh thiện.

Đối với nữ tu, thay vì bí tích hôn phối, phụng vụ thánh hiến trinh nữ được ban như một phương tiện ân sủng đặc thù để củng cố ơn gọi của họ; ít nhất, đó là lời khấn long trọng mà với nó họ kết hôn với Chúa mãi mãi. Bằng cách tham gia vào nghi lễ này, họ nhận được phước lành để sống như người phối ngẫu của Chúa Kitô: tự do từ bỏ mọi sự trong đó người thế gian vẫn nhìn thấy hạnh phúc của họ — của cải vật chất, chồng con và tự do tổ chức cuộc sống của họ theo ý họ. Nếu người phụ nữ đã kết hôn có nghĩa vụ phải phục tùng chồng mình như Chúa, thì người nữ tu cũng có nghĩa vụ phải tôn kính vị bề trên hợp pháp của mình với tư cách là người ủy nhiệm của Chúa Kitô và chấp nhận chỉ thị của ngài như được ban hành bởi thánh ý Thiên Chúa.

Theo những cách nào đó, Chúa cũng ban cho họ tình yêu và sự chăm sóc của Người một cách hữu hình và can thiệp bằng những phương tiện thế gian: trong tình phụ tử, tình mẫu tử và tình chị em mà họ tìm thấy trong dòng như gia đình; đến lượt họ, họ phải đáp lại bằng cách chia sẻ mọi tài sản, sự nghiệp và số phận của cộng đồng. Tuy nhiên, tất cả những trợ cụ hữu hình này phải luôn được nhìn dưới ánh sáng của những điều vô hình. Chính Chúa là Đấng mà họ thuộc về và ở bên cạnh Người, họ được tôn vinh: những ân sủng mà họ có được là kho báu vô tận của công đức mà Người phối ngẫu thần linh đã hào phóng ban cho họ— cho bản thân họ và những người mà họ cầu bầu cho. Những nỗ lực và số phận giờ đây trở thành của riêng họ là cơ hội dành cho vương quốc của Thiên Chúa : những ngày lễ của Giáo hội và những công việc thương người về phần hồn là niềm vui của họ, nhờ đó họ được động viên sử dụng sức mạnh của mình; sự chống đối vương quyền của Chúa Kitô và quyền lực của tội lỗi là các nỗi buồn của họ, được họ dùng vũ khí chống lại.

Nếu họ sống trong một đan viện kín cổng cao tường nghiêm ngặt, nếu nhiệm vụ của họ là ca ngợi Thiên Chúa một cách long trọng, thì họ được dứt khoát rời khỏi cuộc sống thế gian mà bước vào cộng đồng các thiên thần và các thánh để hát bài Thánh Thánh Thánh vĩnh cửu. Hoặc, được nhận diện bởi bộ áo dòng thánh thiện như là một người đầy tớ của Chúa, họ cùng thiên thần hộ mệnh ở bên cạnh, mang tình yêu Thiên Chúa đi phục vụ một cách đầy cảm thương những người thiếu thốn và đau khổ. Có lẽ, che khuất khỏi mọi ánh mắt của con người, họ cầu bầu cho những linh hồn đang bị đe dọa bằng lời cầu nguyện đền tội và những công việc đền thay để đền tạ Thiên Chúa. Tất nhiên, điều này không bao gồm mọi thành viên trong dòng, nhưng bất cứ ai đã lên đến tầm cao này đều đã được ban cho ơn nếm trước Thánh nhan Thiên Chúa [visio beatifica]. Nhưng chính nhờ các sức mạnh siêu nhiên của tâm trí và linh hồn mà họ mới có thể tách mình ra khỏi những vấn đề trần tục để sống một cách siêu việt; đây là một sức mạnh chỉ được ban tặng nhờ ân sủng, một sức mạnh phải được đổi mới không ngừng bởi sự khổ hạnh bất tận.

Chúng ta đã nêu lên câu hỏi liên quan đến các khác biệt chính giữa nữ tu và linh mục, giữa sự dâng mình của phụ nữ như là người phối ngẫu của Chúa Kitô và của đàn ông như là đại diện của Chúa Kitô. Tôi tin rằng tình yêu phu thê nơi người nam hay người nữ là nền tảng của việc phó mình cho Chúa ở bất cứ nơi nào nó được tuân giữ một cách tinh tuyền và tự do. Và người nào trong dòng không tham gia chức linh mục như ơn gọi của mình (tức là tu huynh), thì nếu người này càng nhìn thái độ này cách tinh ròng hơn, họ sẽ càng thăng tiến sâu hơn trong đời sống nội tâm. Nhưng nghĩa vụ này cũng thực sự hiện diện đối với linh mục: ngài phải giảng dạy, phán xử và chiến đấu cho Chúa thay cho Người; ngài phải bảo đảm đi bảo đảm lại rằng ngài đang từ bỏ chính mình để hiệp thông mật thiết với Người. Và nếu quan điểm phu thê có giảm đi, về phương diện con người, có thể quan niệm được rằng nó vẫn buộc phải được duy trì nếu sự cầu bầu với Chúa thực sự diễn ra trong tinh thần ngài.

Điều này, có lẽ, có thể dẫn chúng ta đến sự kiện mầu nhiệm này là Thiên Chúa đã không gọi phụ nữ vào chức linh mục. Một mặt, điều này có thể được hiểu như là sự trừng phạt vì chính người phụ nữ là người đầu tiên chống lại thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, mặt khác, đây có thể được coi là một đặc ân đặc biệt của ân sủng: Chúa sẽ không bao giờ để cho nàng dâu thánh hiến của Người lạc xa khỏi Người; mọi quyền lực trong vương quốc của Người là do nàng, không phải qua một thẩm quyền được ủy nhiệm mà là qua sự kết hợp yêu thương với Người. Đây là biểu tượng của cộng đồng tình yêu mật thiết nhất mà Người đã đi vào với một hữu thể nhân bản, kết hợp với Mẹ của Người.

Chúng ta đã trở nên quen thuộc với những giúp đỡ đặc biệt để được ân sủng mà với chúng Giáo hội có thể cung cấp cho người phụ nữ đã lập gia đình và nữ tu để thể hiện các ơn gọi của họ. Bây giờ chúng ta phải đối diện với câu hỏi đặc biệt quan trọng đối với thời đại của chúng ta: Làm thế nào để người phụ nữ không kết hôn có thể hoàn thành số phận của họ ngoài cuộc sống trong tu viện? Không nghi ngờ gì nữa, bậc sống của họ đặc biệt khó khăn. Một mặt, họ có thể phải từ bỏ hôn nhân và thiên chức làm mẹ, không phải do ý chí tự do của mình mà là do hoàn cảnh thúc ép, mặc dù trong họ vẫn còn hiện hữu niềm khao khát sống động tự nhiên muốn có hạnh phúc gia đình. Phải khó khăn lắm, họ mới có thể hoàn toàn để tâm tới nghề nghiệp mà họ đã chọn, ngay cả khi nó phù hợp với thiên bẩm và tài năng của họ; điều này càng đúng hơn bao giờ hết nếu công việc được đảm nhận, có lẽ cả một cách miễn cưỡng, chỉ để kiếm sống. Hoặc, mặt khác, họ đã được lôi cuốn vào cuộc sống trinh khiết từ khi còn trẻ; và, mô hình của dòng tu có vẻ phù hợp nhất với lôi cuốn này, nhưng hoàn cảnh hiện tại đã ngăn cản họ thực hiện được mong muốn ấy.



Trong cả hai trường hợp, mối nguy hiểm là ở chỗ họ coi cuộc sống của mình như một thất bại, linh hồn họ trở nên còi cọc và cay đắng, không cung cấp sức mạnh để họ hoạt động hữu hiệu như một người phụ nữ. Hơn nữa, có vẻ như họ thiếu sự trợ giúp để đạt ân sủng vốn được các chức nghiệp nữ giới khác cung cấp. Hoạt động đơn thuần bằng sức mạnh tự nhiên dưới một lối sống xung đột với bản chất riêng của một người thì khó có thể thành đạt mà không gây tổn thương cho cả bản nhiên lẫn linh hồn. Cùng lắm, điều này chỉ có thể chịu đựng được nhờ sự cam chịu đầy mệt mỏi; nhưng thông thường, nó được xử lý một cách cay đắng và nổi loạn chống lại “số phận” của mình hoặc bằng cách trốn chạy vào thế giới ảo tưởng. Những điều mình không đích thân chọn lựa và biến thành của riêng mình, một cách tự do và vui vẻ, chỉ có thể hoàn thành bởi người phụ nữ nào biết nhìn ra thánh ý Thiên Chúa hoạt động trong lực đẩy của các hoàn cảnh bắt buộc và không nhằm mục đích gì khác hơn là hòa hợp ý muốn của mình với thánh ý thần linh. Nhưng bất cứ ai làm cho ý chí mình lệ thuộc Thiên Chúa cách này, đều biết chắc mình được một sự hướng dẫn đặc biệt trong ân sủng.

Có thể coi là dấu hiệu trực tiếp của một lời kêu gọi đặc biệt khi một ai đó được kéo ra khỏi con đường dường như do sinh hạ và dưỡng dục dành cho, hoặc một con đường họ đích thân hy vọng và phấn đấu cho, và sau đó bị ném vào một con đường hoàn toàn khác hẳn. Lời kêu gọi này nhằm một sứ mệnh bản thân không được vạch ra trước một cách chắc chắn, với dấu vết của nó được vạch sẵn và rõ ràng; đúng hơn, nó được tiết lộ từng bước. Và ở đây, có thể là sự củng cố duy nhất cần thiết cho các bổn phận của một đời sống như vậy được tìm thấy bởi người phụ nữ biết đi theo con đường riêng của mình hơn là trong đời sống cộng đồng của phụng vụ thánh hiến. Điều đặc biệt quan trọng trong vấn đề này là phải quan sát cẩn thận các dấu chỉ đường đi của mình. Hơn hết, điều này đòi hỏi phải thực hiện mọi điều trong khả năng của mình để luôn ở lại trong nhan Thiên Chúa, nghĩa là phải sử dụng mọi phương tiện ân sủng có sẵn cho mọi Kitô hữu.

Điều quan trọng hơn cả là Thánh Thể phải trở thành tâm điểm của đời sống: Chúa Cứu Thế Thánh Thể phải là trung tâm của cuộc hiện sinh; mọi ngày phải được tiếp nhận từ bàn tay Người và đặt trở lại trong bàn tay Người; các diễn biến trong ngày phải được bàn bạc với Người. Nhờ cách này, ta dành cho Thiên Chúa cơ hội tốt nhất để được lắng nghe trong trái tim ta, để Người đào tạo linh hồn ta, và làm cho các khả năng của nó biết nhìn rõ ràng và cảnh giác đối với những điều siêu nhiên. Sau đó, dĩ nhiên người ta sẽ nhìn các vấn đề trong cuộc sống của mình bằng đôi mắt của Thiên Chúa và học cách giải quyết chúng trong Thánh thần của Người. Muốn vậy, cần phải xem xét một cách bình thản và rõ ràng các sự kiện và biến cố bên ngoài. Bất cứ ai sống trong niềm tin mạnh mẽ rằng không có điều gì xảy ra nếu không có sự hiểu biết và ý muốn của Thiên Chúa sẽ không dễ bị bối rối bởi những biến cố đáng kinh ngạc hoặc khó chịu bởi những tai họa nặng nề nhất. Họ sẽ giữ im lặng và đối đầu với các sự kiện một các rõ ràng; họ sẽ khám phá ra những hướng dẫn đúng đắn cho tác phong thực tế của mình trong tình huống tổng thể.

Hơn nữa, cuộc sống với Đấng Cứu Rỗi Thánh Thể khiến linh hồn được nâng ra khỏi sự chật hẹp của quỹ đạo cá nhân, riêng tư của nó. Mối quan tâm của Chúa và vương quốc của Người trở thành mối quan tâm của linh hồn, chính là đối với những người được thánh hiến cho Người trong một dòng tu; và, đến mức độ tương tự, các nhu cầu nhỏ và lớn của cuộc hiện sinh cá nhân mất đi tầm quan trọng của nó. Những ai biết cách tạo ra cuộc sống luôn luôn đổi mới từ cội nguồn vĩnh cửu đều trải nghiệm được tự do và niềm vui: những biến cố trọng đại của bi kịch vũ trụ liên quan đến sự sa ngã của con người và sự cứu chuộc được đổi mới lặp đi lặp lại trong đời sống của Giáo hội và trong linh hồn mỗi con người. Và điều này sẽ được phép xảy ra lặp đi lặp lại trong cuộc đấu tranh của ánh sáng chống mọi bóng tối.

Những người đạt được tự do ở những tầm cao và tầm nhìn mở rộng này đã phát triển quá những gì thường được gọi là “hạnh phúc” và “bất hạnh”. Họ có thể phải chiến đấu vất vả cho sự hiện hữu trên thế gian, có thể thiếu sự hỗ trợ của một cuộc sống gia đình êm ấm hoặc tương ứng như thế, của một cộng đồng con người luôn nâng đỡ và hỗ trợ — nhưng nhất định họ không còn cô đơn và thiếu niềm vui nữa. Những ai sống với Giáo Hội và phụng vụ của Giáo Hội, tức là những người Công Giáo đích thực, không bao giờ có thể bị cô đơn: họ thấy mình được hòa nhập vào cộng đồng nhân loại vĩ đại; ở khắp nơi, tất cả đều hợp nhất như anh chị em trong tận trái tim. Và bởi vì những suối nước sống động luôn tuôn chảy từ tất cả những ai sống trong bàn tay Thiên Chúa, họ như phát ra một sức hút nam châm mầu nhiệm đối với những linh hồn khao khát. Dù không hoài bão điều đó, họ hẳn trở thành người hướng dẫn cho những người khác đang phấn đấu vươn tới ánh sáng; họ hẳn thực hành chức làm mẹ thiêng liêng, sinh hạ và lôi kéo con trai con gái đến gần vương quốc của Thiên Chúa.

Lịch sử của Giáo Hội cho thấy rằng nhiều người, đàn ông và đàn bà, đã đi theo con đường này “trong thế giới”. Và, rõ ràng, họ đặc biệt cần đến trong kỷ nguyên hiện đại của chúng ta. Người ngoại giáo hiện đại thường thấy bộ áo tu trì đáng nghi ngại và không muốn nghe bất cứ giáo huấn đức tin nào. Người này hiếm khi tiếp cận cuộc sống siêu nhiên ngoại trừ qua những người họ coi là bình đẳng về phương diện thế gian với họ: những người có lẽ thực hành cùng một ngành nghề, có cùng những sở thích chung mạnh mẽ với mọi người thuộc thế giới này, nhưng lại sở hữu một sức mạnh mầu nhiệm phát xuất từ một nơi khác.

Một yếu tố chưa được đề cập là trong cuộc sống của những người đã đi theo con đường phi thường như vậy, chúng ta vẫn tìm thấy một phương pháp tổng quát: đó là phương pháp nắm chắc thánh ý Thiên Chúa. Điều này xuất phát từ sự vâng phục thể hiện đối với người ủy nhiệm hữu hình của Thiên Chúa — một vị linh mục linh hướng. Theo tất cả những gì chúng ta học được từ kinh nghiệm bản thân và lịch sử cứu rỗi, phương pháp của Chúa là đào tạo con người qua những con người khác. Đứa trẻ được giao phó cho sự chăm sóc và nuôi dưỡng của người lớn để phát triển tự nhiên thế nào, thì sự sống ân sủng cũng được truyền qua trung gian của con người như vậy. Con người được sử dụng như công cụ để đánh thức và nuôi dưỡng tia lửa thần linh. Do đó, các nhân tố tự nhiên và siêu nhiên cho thấy rằng cả trong cuộc sống ân sủng, “con người ở một mình là điều không tốt”.

Tuy nhiên, cùng một lúc, có nguy cơ tự lừa dối bản thân: tầm nhìn rõ ràng của tinh thần bị lu mờ bởi ước muốn của trái tim; thành thử, người ta thường nhầm lẫn khi coi những gì hợp với xu hướng của mình là ý muốn của Thiên Chúa. Để bảo vệ bản thân khỏi mối nguy hiểm này, điều tốt là nên đưa ra quyết định bằng cách quy phục sự phán đoán bình thản, không thiên vị hơn là chỉ nghe theo thúc giục bên trong của chính mình. Một sự kiện khác cần được suy xét là phán đoán của ta về các sự việc của chính mình có xu hướng kém chắc chắn và kém tin cậy hơn so với các phán đoán ta dành cho những người khác.

Cùng với những hoàn cảnh tự nhiên này, có những mối liên hệ với một trật tự khác chắc chắn có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Mỗi cá nhân quen thuộc với đời sống nội tâm đều biết rằng chính những người được Thiên Chúa kêu gọi để đạt được điều phi thường cũng phải trải qua những thử thách phi thường. Đây không chỉ là những khó khăn và nhu cầu trần tục mà còn là những đau khổ và cám dỗ thiêng liêng thậm chí khó chịu đựng hơn - mà thần học huyền nhiệm gọi là “đêm tối của linh hồn”. Dù sự trong sáng của ý chí không bị hoen ố, nhưng linh hồn rơi vào cơn lo âu và bối rối tột cùng: mất hết hương vị đối với các thực hành đạo đức; bị cám dỗ bởi lòng hoài nghi và thù nghịch đối với các chỉ thị của Giáo hội; có nguy cơ coi con đường của nó là sai lầm; lo sợ nó có thể bị sa ngã không thể nào phục hồi.

Kinh nghiệm trước đây dạy rằng, để không bị lạc đường ngay giữa những nguy hiểm thiêng liêng như vậy, không có cách bảo vệ nào tốt hơn là vâng lời một vị linh hướng sáng suốt. Một sự kiện mầu nhiệm là việc vâng lời rất hữu hiệu trong việc chống lại quyền lực của bóng tối — cũng như lòng thương xót độc đáo của Thiên Chúa khi đặt một người hướng dẫn như vậy ở bên cạnh một linh hồn đau khổ — nhưng đó là một sự kiện. Thiên Chúa không bị ràng buộc đối với cách thức trung gian này, nhưng, vì những lý do không thể dò thấu, Người đã cam kết như vậy đối với chúng ta; tương tự như vậy, Người cũng đã cung cấp những cách thức đặc biệt của ân sủng cầu bầu, mặc dù các khả thể của Người trong việc thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta là vô tận. Hướng dẫn bên trong và bên ngoài phải luôn song hành với nhau trong cuộc hành trình của người ta; vì lý do này, bất cứ ai tìm được vị linh hướng thích hợp sẽ để mình, vì lợi ích của mình, được dẫn dắt bởi sự hướng dẫn của Thiên Chúa thay vì sự võ đoán của mình. Điều này có thể mang lại những chức năng nào cho những con người cá thể, thì chỉ có cuộc sống mới có thể chứng minh được.

Một vài khả thể điển hình đã được phác họa trong các phát biểu của tôi liên quan đến việc làm của phụ nữ. Cuộc tìm hiểu được hướng dẫn xuyên suốt có thể được tóm tắt như sau: chỉ bằng cách rút tỉa từ nguồn sức mạnh vĩnh cửu, người phụ nữ mới có thể thực hiện được những chức năng mà do bản chất và định mệnh, họ được kêu gọi thực hiện. Mặt khác, mỗi người phụ nữ sống dưới ánh sáng vĩnh cửu đều có thể chu toàn ơn gọi của mình, bất kể đó là trong hôn nhân, trong một dòng tu, hay trong một nghề nghiệp trần tục.

Ghi chú

(1) Có hai trích dẫn của Goethe: “reine Menschlichkeit,”tức là “nhân tính thuần túy” và “Ewig-Weibliches,” tức là “nữ giới vĩnh cửu” (Ghi chú của dịch giả tiếng Anh)

(2) Ý niệm của trường phái Tôma này (mô thức bên trong [inner form]) chỉ yếu tính của hữu thể (Ghi chú của dịch giả tiếng Anh).

(3) Ở đây, bản chép tay có nhắc tới tiểu luận “Các Chức nghiệp Riêng biệt của Đàn ông và của Đàn bà Theo Bản chất và Ơn thanh” các trang 59-85. Thêm vào việc nhắc tới đó bằng thủ bút của chinh Edith Stein, chúng tôi cũng nhắc đến các trình bầy khác có liên quan trong các tiểu luận “Các Nguyên tắc về Các Chuyên nghề của Phụ nữ” (các trang 43-47) và “Linh đạo Phụ nữ Kitô giáo” Tiết III (Ghi chú của các hiệu đính viên).

(4) Câu này ám chỉ cuộc khủng hoảng kinh tế và các qui định khẩn trương thập niên 1930, vốn có tầm quan trọng có tính quyết định đối với toàn bộ hệ thống giáo dục Đức. Xin xem “Notzeit und Bildung,” tiểu luận viết về khẩn trương và giáo dục ở trang 73-80 trong cuốn XII của bộ Edith Steins Werke (Ghi chú của các hiệu đính viên).

(5) Trường tiểu học (Chú thích của người dịch tiếng Anh).

(6) Thánh Augustinô thành Hippo (A.D. 354-430) (Chú thích của người dịch tiếng Anh).

(7) Thánh Tôma Aquinô, triết gia và thần học gia (1225-1274).— (Chú thích của người dịch tiếng Anh).

(8) “Điều Bà Evà đáng buồn lấy đi, Mẹ đã phục hồi với người con đáng yêu”, đây là một giòng của bài thánh ca “O Gloriosa Virginum,” một thánh ca kính Trinh nữ Diễm phúc Maria. Xin cám ơn Cha Pierre Conway, O.P., về ghi chú này (Ghi chú của người dịch tiếng Anh).

(9) Êph 5:23. Muốn có trọn hình ảnh, xem trọn đoạn văn Êph 5:22-33. (Ghi chú của người dịch tiếng Anh).
 
VietCatholic TV
Dũng khí Tổng Giám Mục Mỹ: Thưa tổng thống, ngài chỉ là bù nhìn, tay sai của bọn tư bản phá thai
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:16 17/10/2021


1. Chủ tịch Ủy ban Phò Sinh Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ kêu gọi Biden hành động như một 'người Công Giáo sùng đạo' mà ông thường rêu rao

Chủ tịch Ủy ban Phò Sinh Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ bày tỏ sự thất vọng với Tổng thống Biden khi chính quyền của ông đảo ngược các quy tắc phò sinh đã được thiết lập dưới thời tổng thống Trump nhằm hạn chế việc tài trợ cho các hoạt động phá thai.

“Thực sự rất buồn”, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của Kansas City, người đứng đầu Ủy ban Phò Sinh của USCCB, nói với EWTN News Nightly hôm 8 tháng 10. Đức Tổng Giám Mục nhận xét cay đắng rằng chính quyền Biden đang nằm “trong sự kiểm soát của những kẻ cực đoan phá thai “.

Đức Tổng Giám Mục đã phản ứng với việc chính quyền Biden đảo ngược Quy tắc “Bảo vệ sự sống” của tổng thống Trump, trong đó cấm không được dùng nhận được từ Title X để cung cấp hoặc quảng bá phá thai và yêu cầu các phòng khám Title X phải tách biệt về mặt vật lý với các phòng khám phá thai.

Đức Tổng Giám Mục đã thách thức Tổng thống Biden - vị tổng thống Công Giáo thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ - hãy bảo vệ và trân trọng mạng sống con người.

“Ông ta thích tự gọi mình là một người Công Giáo sùng đạo. Tôi thúc giục ông ta hãy bắt đầu hành động như một người như vậy, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến cuộc sống”, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann nói. “Ông ta cũng nên để niềm tin của mình thực sự thông báo cho lương tâm của mình và cho các quyết định mà ông ta đang thực hiện, chứ không phải hành xử theo mệnh lệnh của đảng phái.”

Tổng thống Biden đã nhiều lần thể hiện sự ủng hộ đối với việc phá thai. Sau nhiều thập kỷ ủng hộ Tu chính án Hyde, vốn cấm người đóng thuế tài trợ cho việc phá thai, ông đã thay đổi quan điểm của mình trong khi tranh cử tổng thống. Gần đây hơn, sau khi có luật phá thai mới của Texas, ông xác nhận rằng chính quyền của ông “cam kết sâu sắc” đối với việc phá thai như một quyền hiến định. Theo Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki, tổng thống “tin rằng phụ nữ phải có quyền đưa ra những quyết định đó và đưa ra những quyết định như thế với bác sĩ của mình”.

Hiện giờ, Đức Tổng Giám Mục cho biết, chính quyền Biden đang “tìm mọi cơ hội để mở rộng hoạt động phá thai,” và điều này “chỉ gây thêm thương vong”.

Trong một tuyên bố ngày 7 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Naumann nhấn mạnh rằng Title X được “dự định và ủy quyền để trở thành một chương trình hoàn toàn tách biệt với phá thai”. Ngài kết luận rằng phá thai không phải là kế hoạch hóa gia đình. Thay vào đó, nó làm tổn thương phụ nữ và “cướp đi sinh mạng của một đứa trẻ đã được thụ thai và đang lớn lên.”
Source:Catholic News Agency

2. Tuyên bố của Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort, Tổng Giám Mục Pháp

Hôm thứ Ba 12 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp đã có cuộc gặp gỡ tại Bộ Nội Vụ Pháp để giải thích về tuyên bố của ngài cho rằng các linh mục không nên đến gặp cảnh sát sau khi nghe tin về một vụ lạm dụng tình dục trẻ em trong tòa giải tội.

Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort đưa ra nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn dành cho France Info, sau khi một cuộc điều tra do Giáo Hội uỷ nhiệm báo cáo rằng các linh mục đã lạm dụng tính dục khoảng 216,000 trẻ em trong hơn 70 năm bị lạm dụng, và tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ được che đậy một cách có hệ thống bằng “bức màn bí mật”.

Ủy ban đã đề xuất một loạt các biện pháp để bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi các giáo sĩ săn mồi, bao gồm đề nghị các linh mục thông báo cho các công tố viên về bất kỳ hành vi lạm dụng trẻ em nào mà các ngài nghe được trong tòa giải tội, bất kể đó là một bí tích theo truyền thống bị ràng buộc bởi bí mật nghiêm ngặt.

“Chúng tôi cần tìm một cách khác để làm điều này”, Đức Tổng Giám Mục Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, nói với đài France Info hôm thứ Tư.

Ấn tín bí tích hòa giải “nằm trên luật pháp của nước Cộng hòa. Nó tạo ra một không gian tự do để nói trước Chúa”, Đức Tổng Giám Mục nói.

Những lời của ngài phù hợp với hướng dẫn mới của Vatican, được ban hành vào năm ngoái về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng trẻ em của giáo sĩ, trong đó tuyên bố rằng bất kỳ tội phạm nào được nêu ra trong tòa giải tội đều phải tuân theo sự ràng buộc chặt chẽ nhất của ấn tín bí tích hòa giải”.

Nhưng ở Pháp, những người ủng hộ các nạn nhân đã phản ứng dữ dội với nhận xét của Đức Tổng Giám Mục, nói rằng mặc dù luật pháp Pháp công nhận bí mật nghề nghiệp cho các linh mục, nhưng nó không áp dụng trong các trường hợp bạo lực hoặc tấn công tình dục đối với trẻ vị thành niên.

Sau cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Nội Vụ Pháp, Hội Đồng Giám Mục đã ra tuyên bố sau:

Paris, ngày 12 tháng 10 năm 2021

Tuyên bố của Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort,

Tổng giám mục Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp.

“Tôi xin lỗi các nạn nhân và tất cả những ai có thể đã bị đau buồn hoặc bị sốc bởi cuộc tranh luận được khơi dậy từ những lời nói của tôi, trên France Info, về chủ đề của bí tích hòa giải, mà nhiều người coi là được chúng tôi ưu tiên hơn việc tiếp nhận nội dung của báo cáo CIASE và chú ý đến các nạn nhân. “

+ Éric de Moulins-Beaufort

Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, đã gặp ông Gérald Darmanin, Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào hôm Thứ Ba tuần này, theo lời mời của Bộ trưởng. Hai vị đã thảo luận về quá trình xác minh sự thật mà Giáo Hội Công Giáo ở Pháp đã trải qua liên quan đến bạo lực và tấn công tình dục được thực hiện trong các tổ chức Giáo Hội kể từ năm 1950. Việc công bố báo cáo của CIASE, tức là Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục ở Pháp, tạo thành một giai đoạn thiết yếu trong quá trình xác minh này, và công việc do ông Jean-Marc Sauvé và nhóm của ông thực hiện được công nhận là đáng chú ý. Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, và Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, gọi tắt là CORREF, đã đề nghị Đức Giáo Hoàng tiếp kiến ông Jean-Marc Sauvé và các thành viên của CIASE.

Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort đã có thể thảo luận với ông Gérald Darmanin về sự vụng về trong câu trả lời của ngài trên France Info vào sáng thứ Tư tuần trước. Nhiệm vụ của nhà nước là tổ chức đời sống xã hội và điều chỉnh trật tự công cộng. Đối với những người Kitô hữu chúng ta, đức tin lôi cuốn lương tâm của mỗi người, nó kêu gọi liên tục tìm kiếm điều tốt đẹp, là điều không thể được thực hiện nếu không tôn trọng luật pháp của đất nước mình.

Quy mô của bạo lực và tấn công tình dục đối với trẻ vị thành niên được tiết lộ bởi báo cáo của CIASE đòi hỏi Giáo hội phải đọc lại các hoạt động của mình theo thực tế này. Do đó, công việc là cần thiết để dung hòa giữa bản chất bí tích hòa giải và nhu cầu bảo vệ trẻ em. Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort nhắc lại quyết tâm của tất cả các giám mục và cùng với họ, tất cả những người Công Giáo. Đó là ưu tiên tuyệt đối việc bảo vệ trẻ em, với sự cộng tác chặt chẽ với các nhà chức trách Pháp. Đây là ý nghĩa của các giao thức đã liên kết 17 giáo phận ở Pháp với cơ quan công tố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng tốc độ giải quyết các khiếu nại về bất kỳ sự việc nào bị tố cáo. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng vừa khuyến khích triển khai giao thức này.

Các giám mục Pháp họp toàn thể, từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 11 năm 2021, sẽ làm việc cùng nhau, dựa trên báo cáo của CIASE và 45 khuyến nghị của tổ chức này, về các biện pháp và cải cách sẽ được theo đuổi và thực hiện, trong sự hiệp thông chặt chẽ với Giáo hội phổ quát.

Cùng với các giám mục Pháp, Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort mời gọi các giáo xứ, phong trào và cộng đồng đọc bản báo cáo này, chia sẻ và làm việc trên đó, hoan nghênh những lời khai của các nạn nhân và rút ra những hệ quả cần thiết.

Thực trạng bạo lực và tấn công tình dục đối với trẻ vị thành niên trong Giáo hội và trong xã hội mời gọi mọi người có thiện chí, dù là tín hữu hay không, cùng làm việc để bảo vệ những trẻ em nhỏ nhất, chào đón và hỗ trợ các nạn nhân. Trước những thực tế đó, Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort nhắc lại sự xấu hổ, mất tinh thần, nhưng cũng quyết tâm thực hiện những cải cách cần thiết để Giáo hội, ở Pháp, xứng đáng với sự tin tưởng của tất cả mọi người.
Source:Eglise Catholique

3. 10,688 bông hồng đã được gởi đến cho bà Nancy Pelosi, theo sáng kiến của Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone

Viện Benedict 16 thông báo hôm thứ Ba rằng hơn 10,000 người đã cam kết lần chuỗi Mân Côi và ăn chay vào các ngày thứ Sáu để hoán cải tư tưởng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về chủ đề phá thai.

Maggie Gallagher, giám đốc điều hành của Viện Benedict 16, cho biết: “Tính đến thứ Bảy, ngày 9 tháng 10, chúng tôi có 10,688 người Công Giáo đã cam kết cầu nguyện một chuỗi Mân Côi mỗi tuần và ăn chay vào các ngày thứ Sáu cho đến hết tháng Mười.” Maggie Gallagher là giám đốc điều hành của Viện Benedict XVI, là học viện đang điều hành chiến dịch “Bông hồng và Chuỗi Mân Côi cho Nancy” với sự hỗ trợ của Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone, giám mục của bà Pelosi ở San Francisco.

Cô Gallagher nói: “Chúng tôi hy vọng Đức Mẹ sẽ chạm đến trái tim mẫu tử của bà ấy, như Đức Tổng Giám Mục đã diễn tả rất đẹp, và mở rộng lòng trắc ẩn cũng như sự tôn trọng phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người đối với những đứa trẻ còn trong bụng mẹ.”

Đầu tháng Mân Côi, Đức Cha Cordileone mời những người Công Giáo và tất cả mọi người có thiện chí đăng ký chiến dịch “Bông hồng và Chuỗi Mân Côi cho Nancy” tại trang web của Viện Đức Bênêđíctô XVI. Một bông hồng sẽ được gửi đến cho bà ấy “như một biểu tượng cho lời cầu nguyện và chay tịnh của anh chị em dành cho bà ấy”.

Đức Tổng Giám Mục đã than thở về việc Hạ viện thông qua HR 3755, mà ngài nói sẽ “áp dụng phá thai theo yêu cầu trên toàn quốc ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.” Dự luật được thông qua vào ngày 24 tháng 9 trong một cuộc bỏ phiếu chủ yếu theo đường lối của đảng với kết quả 218 phiếu thuận và 211 phiếu chống. Tất cả các Dân biểu Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu chống. Một đảng viên Dân chủ, là Dân biểu Henry Cuellar của Texas, cũng đã bỏ phiếu chống lại dự luật này.

Đây là một phần trong phản ứng điên cuồng của Nancy Pelosi đối với dự luật phá thai dựa trên nhịp tim của Texas, mà Tòa án Tối cao cho phép có hiệu lực.

Phản ứng đối với việc thông qua dự luật này, Đức Cha Cordileone nói, điều đó cho thấy “đất nước của chúng ta và nhiều nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta, cần một cách tuyệt vọng như thế nào một sự hoán cải trái tim để hướng chúng ta khỏi con đường dẫn đến cái chết và đòi lại một nền văn hóa của sự sống.”
Source:Catholic News Agency
 
Cuộc hành hương quốc tế mừng kính 104 năm Đức Mẹ Fatima với Phép Lạ Mặt Trời Quay
Giáo Hội Năm Châu
05:23 17/10/2021
 
Khí phách anh hùng: Giám Mục Trung Quốc từng bị công an đánh tàn bạo, vào tù ra khám, đã qua đời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:28 17/10/2021


1. Giám Mục Trung Quốc từng bị công an đánh bể đầu, vào tù ra khám, đã qua đời

Lúc 8 giờ tối hôm thứ Tư 13 tháng 10, đúng ngày lễ Đức Mẹ Fatima, Đức Cha Stêphanô Dương Hướng Hải (Yang Xiangtai, 杨向海), Giám Mục hiệu tòa của Hàm Đan đã qua đời. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại đã cho biết như trên hôm thứ Năm. Ngài qua đời tại bệnh viện Ngụy Huyện (Weixian, 魏县) nằm trong lãnh thổ giáo phận của mình, thọ 99 tuổi.

Đó là một mất mát đau thương không chỉ đối với Giáo hội ở Trung Quốc, mà còn đối với Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, gọi tắt là PIME, bởi vì Đức Cha Dương lớn lên, được đào tạo linh mục và làm việc cùng với các cha PIME ở Khai Phong và Vĩ Huy (Weihui, 伟辉), nay là An Dương, thuộc tỉnh Hà Nam. Ngài luôn nhớ về các cha PIME một cách nồng nhiệt.

Đức Cha Dương sinh ngày 3 tháng Giêng năm 1923, tức là 17 tháng 11 năm 1922 theo âm lịch, tại làng Cao Xuân (Gaocun, 高春) trong một gia đình Công Giáo, đã làm lễ rửa tội cho ngài ngay sau khi chào đời. Vào thời điểm đó, ngôi làng là một phần của giáo phận Vĩ Huy (nay thuộc giáo phận Hàm Đan), dưới sự chăm sóc của các nhà truyền giáo PIME.

Sau khi theo học trường mầm non Công Giáo ở làng của mình, Đức Cha Dương học tại trường tiểu học Công Giáo ở Vũ An (Wu'an, 武安) từ năm 1933; ngài vào tiểu chủng viện của giáo phận Vĩ Huy. Năm 1940, ngài bắt đầu học triết học và thần học tại chủng viện Khai Phong. Ngày 27 tháng 8 năm 1949, ngài được Đức Tổng Giám Mục Gaetano Pollio, một nhà truyền giáo PIME, là Giám Mục bản quyền truyền chức linh mục. Sau đó, ngài làm Cha Phó tại Nhà thờ Na Loan (Nanguan, 南关) ở Khai Phong.

Vào cuối năm 1950, Đức Cha Mario Civelli, giám mục của Vĩ Huy, một nhà truyền giáo khác của PIME, đã bổ nhiệm ngài làm cha sở ở Vũ An. Mùa xuân năm 1954, công an Trung Quốc bắt giữ Cha Dương, đưa ra xét xử, nhưng sau đó ngài đã có thể tiếp tục công việc của mình khi lén lút, khi công khai. Tháng 7 năm 1966, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ngài lại bị bắt và bị công an đánh đập tàn bạo và giam cầm không xét xử cho đến tháng 10 năm 1970, khi ngài bị kết án 15 năm tù. Đầu tiên, ngài bị giam trong các trại lao động ở Cù Châu (Quzhou, 衢州); sau đó bị đưa đến nhà máy gạch Hàm Đan và cuối cùng là nhà máy muối Đường Sơn.

Cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình phát động cải cách và mở cửa, Đức Cha Dương được phục hồi và được trả tự do vào ngày 15 tháng 3 năm 1980, được xử trắng án về mọi tội danh. Ngài đã làm việc tại các quận Hàm Đan, Tư Hiền (Cixian, 慈贤), Xã Tiên (Shexian, 社仙) và Vũ An, là những khu vực hành chính mới được chuyển thành tỉnh Hà Bắc và thuộc giáo phận Hàm Đan. Năm 1988, ngài trở thành hiệu trưởng của chủng viện giáo phận và là tuyên úy của Dòng Chúa Thánh Thần An Ủi. Đức Cha Trần Bạch Lộ (Chen Bailu, 陈白露) đã bổ nhiệm ngài làm tổng đại diện giáo phận.

Vào ngày 30 tháng 11 năm 1996, Đức Cha Trần Bạch Lộ đã tấn phong Cha Dương làm Giám Mục Phụ Tá cho ngài tại nhà thờ Tào Trang (Caozhuang, 枣庄), Quận Vĩnh Niên (Yongnian, 永年). Vào ngày 17 tháng 9 năm 1999, khi Đức Cha Trần nghỉ hưu, Đức Cha Dương trở thành giám mục chính tòa của Giáo phận Hàm Đan.

Vào ngày 21 tháng 6 năm 2011, tại Nhà thờ Phi Tường (Feixiang, 飞翔) ngài đã tấn phong bí mật cho Cha Giuse Tôn Kế Căn (Sun Jigen, 孙继根) làm Giám Mục Phụ Tá của mình. Khi Đức Cha Tôn Kế Căn bị công an Trung Quốc bắt cóc, Đức Cha Dương đã bị đột quỵ vì quá lo buồn. Mãi 6 năm sau, vào năm 2017, Trung Quốc mới công nhận Đức Cha Tôn Kế Căn.

Hôm thứ Ba, 12 tháng 10, một thông báo xin cầu nguyện của giáo phận Hàm Đan được đăng trên mạng Duy Thân (Weixin, 维信) của Trung Quốc, nhưng đã bị lấy xuống ngay.

Giáo phận Hàm Đan đã thông báo công khai về cái chết của ngài trên Asia News như sau: “Đức Cha Dương đã thể hiện lòng trung thành mãnh liệt với Chúa, và nhân từ với tất cả mọi người, sống giản dị và không ngừng cống hiến cho đàn chiên của mình, và điều này đã được chứng thực sau 72 năm tư tế của ngài. Giờ đây ngài đã hoàn thành cuộc lữ hành trần thế của mình, chúng tôi mời các giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và các tín hữu cầu nguyện cho linh hồn ngài được yên nghỉ và xin Đức Mẹ cầu bầu cho ngài sớm được nhanh chóng vào nơi an nghỉ vĩnh hằng”.
Source:Asia News

2. Nhà thờ Ý ở Los Angeles bị phá hoại với những bức vẽ bậy bạ

Nhà thờ Công Giáo Thánh Phêrô của cộng đoàn người Ý ở China Town, Los Angeles đã bị vẽ bậy với các khẩu hiệu chống thực dân vào hôm thứ Hai trong một hành động phá hoại mà cảnh sát đang điều tra như một tội ác vì thù hận.

Vào buổi trưa, một đám đông nhỏ đã tụ tập tại nhà thờ ở bên cạnh Khu Phố Tàu, nơi các thám tử cho biết vụ phá hoại dường như có liên quan đến các ngày lễ trong ngày, bao gồm Ngày của người bản địa, mà trước đây gọi là Ngày Kha Luân Bố.

Một biểu ngữ đặt trên bậc thềm trước cửa nhà thờ có nội dung “ngưng ngay việc chiếm đất của chúng tôi”, trong khi hình vẽ bậy trên vỉa hè viết những cụm từ bao gồm “Land Back”, “USA” và “Stolen Land”.

Những mảng sơn đỏ được tung rải rác trên các bậc thang và mặt tiền. Cả một bức tranh khảm lấm tấm vàng tinh xảo phía trên cửa ra vào cũng bị tạt sơn.

Nhà thờ ở North Broadway được thành lập vào năm 1904 và cử hành các thánh lễ bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Thám tử Suzanne Reed thuộc bộ phận tội phạm nghiêm trọng của Sở Cảnh sát Los Angeles cho biết vụ việc đang được điều tra như một tội ác thù hận.

Arturo Martinez cho biết lần đầu tiên anh phát hiện ra sơn màu đỏ vào khoảng 8:15 sáng trên đường đến cửa hàng quần áo của con gái mình gần đó. Anh ta tin rằng nó xảy ra vào khoảng sau 6 giờ sáng vì một người hàng xóm không thấy dấu hiệu của sự phá hoại trước đó.

“Tôi nghĩ tất cả đều liên quan đến Ngày Kha Luân Bố,” Martinez nói, và lưu ý rằng nhà thờ St. Peter là một nhà thờ Ý. “Chúng tôi biết lịch sử của Kha Luân Bố, vì thế chúng tôi tin rằng họ đã đánh trực tiếp vào Ý và những gì Kha Luân Bố đại diện.”

Christopher Columbus, tiếng Việt gọi là Kha Luân Bố, là người Ý, nhưng những chuyến hải hành nổi tiếng của ông đã được Tây Ban Nha tài trợ.

Hội đồng Thành phố Los Angeles và Hội đồng Giám sát Hạt LA vào năm 2017 đã bỏ phiếu thay thế Ngày Kha Luân Bố bằng Ngày Người bản địa để ghi nhận những tổn hại và bất công mà người bản địa Châu Mỹ phải gánh chịu trong thời thuộc địa.


Source:Los Angeles Times

3. Tất cả những gì chúng ta thấy ở Tòa Bạch Ốc ngày nay này là 'yếu kém và thất bại' và điều đó nguy hiểm cho thế giới

Peggy Grande, Executive Assistant, tức là Trợ lý Thường Vụ của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, cho rằng chính quyền Biden đang chìm trong “sự yếu kém và thất bại”.

Cô Grande nói với người dẫn chương trình Sky News Alan Jones.

“Hiến pháp của chúng tôi thấm nhuần ý tưởng Hoa Kỳ là một ngoại lệ của Mỹ, và nước Mỹ trước hết không có nghĩa là chỉ có nước Mỹ - nhưng nó có nghĩa là một nước Mỹ hùng mạnh có thể giúp ích cho thế giới”.

“Ronald Reagan nói về hòa bình thông qua sức mạnh, Donald Trump nói về việc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, còn vị tổng thống Biden này nhìn thấy gì đối với nước Mỹ và thế giới dưới sự lãnh đạo của ông?”

“Tổng thống này - không chỉ không được lòng dân mà các chính sách của ông ta cũng chẳng được lòng dân.”

Peggy Grande, hiện đang cư ngụ tại Los Angeles, bày tỏ âu lo rằng “sự yếu kém và thất bại” của Hoa Kỳ hiện nay sẽ gây bất ổn cho thế giới trong đó Trung Quốc ngày càng ở thế thượng phong trong mọi lãnh vực.


Source:Sky News Australia

4. Sau Nancy Pelosi, Joe Biden sẽ được Đức Thánh Cha tiếp

Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, 75 tuổi, Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, cho biết khi ngài triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican ngày 6 tháng 9, Đức Phanxicô đã yêu cầu ngài tiếp tục giữ chức vụ của mình thay vì nghỉ hưu.

“Ngài yêu cầu tôi ở lại, vì vậy tôi sẽ ở lại bao lâu ngài muốn. Và tôi rất vui khi làm như vậy,” vị Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh nói với Catholic News Service.

Đứng đầu danh sách việc cần làm của Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ là giúp Tòa thánh chuẩn bị cho chuyến thăm của Joe Biden tới Vatican, trong khi tổng thống đang ở Rôma để tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 30 đến 31 tháng 10 với các quốc gia phát triển và giàu có.

Vị tổng giám mục xác nhận cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Biden một cách gián tiếp. Ngài nói: “Sẽ là bất thường nếu ông ấy không gặp Đức Giáo Hoàng khi ở Rôma,” đặc biệt vì Biden là tổng thống Công Giáo đầu tiên sau 58 năm.

Bất chấp “tình hình căng thẳng vì chương trình nghị sự của Đảng Dân chủ về vấn đề phá thai,” Đức Tổng Giám Mục Pierre cho biết ngài tin rằng đây sẽ là một cuộc họp tốt.

Các trên tờ quan sát viên phải nghĩ xa hơn các thể chế và hướng đến chính các nhân vật: “Đây là hai nhân vật với những trách nhiệm to lớn đang cố gắng đáp ứng nhau. Họ không phải là những nhân vật bằng gỗ. Và đằng sau họ là một cỗ máy lớn - và cả thế giới. Vì vậy, trong số các vấn đề sẽ có các vấn đề không thể được giải quyết nhanh chóng,” nhà ngoại giao của Vatican nói.


Source:Catholic Philly
 
Lạ lùng: Tượng Đức Mẹ Fatima liên tục khóc ra dầu và mật ong ở Brazil. Ấn tín tòa giải tội là gì?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:10 17/10/2021


1. Tượng Đức Mẹ được báo cáo đang khóc ra dầu và mật ong ở Brazil

Hôm 14 tháng 10, Mạng ChurchPOP tường thuật câu chuyện thật lạ lùng nhan đề “Our Lady Statue Allegedly Weeping Oil & Honey in Brazil, Priest Captures Incredible Video”, nghĩa là “Tượng Đức Mẹ được tường thuật là đang khóc ra dầu và mật ong ở Brazil, Linh mục ghi lại trong video đáng kinh ngạc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trong ba thập kỷ qua, bức tượng được gọi là Đức Mẹ Mật Ong đã khóc ra muối, dầu và mật ong.

Tuy nhiên, vài tuần trước, Đức ông Edmilson José Zanin đã ghi lại một đoạn video đáng kinh ngạc, mô tả chi tiết những giọt nước mắt được cho là của Đức Mẹ.

Hình ảnh của Đức Mẹ Mật ong đã được đưa đến Nhà thờ San José và Santa Teresita ở Aguas de Santa Bárbara, nơi Đức Ông Edmilson José Zanin đã quay được video.

Chương trình truyền hình Brazil Padre em Missão của kênh TV Evangelizar lần đầu tiên kể câu chuyện ấn tượng vào năm 1993.

Chủ nhân bức tượng Lilian Aparecida có lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima và siêng năng lần chuỗi Mân Côi, đặc biệt là vào ngày 13 hàng tháng. Cô có một bức tượng nhỏ mà cô cầu nguyện trước bức tượng, nhưng một ngày, bức tượng bị vỡ.

Một người hàng xóm sau đó đã đi du lịch đến Bồ Đào Nha. Biết được lòng sùng kính của cô, người bạn đã mang đến cho Lilian một bức tượng gốc từ thành phố Fátima, Bồ Đào Nha vào ngày 20 tháng 10 năm 1991.

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1993, Lilian nhận thấy bức tượng mới của mình bị ướt và đang khóc. Cô lập tức lau đi nhưng nước mắt vẫn không ngừng rơi. Khi những người bạn lần hạt của cô đến, họ cũng chứng kiến sự kiện này.

Ngay sau đó, bức tượng được chuyển đến nhà thờ thành phố, và bức tượng đột nhiên bắt đầu khóc. Vào ngày 22 tháng 5 năm 1993, muối biến thành mật ong. Kể từ đó, bức tượng được gọi là Đức Mẹ Mật Ong.

Cha Reginaldo Manzotti đã phỏng vấn Cha Oscar Donizete Clemente của giáo phận São José do Rio Preto, là người nói rằng các nhà khoa học đã phân tích các nguyên tố nhiều lần và tìm thấy nước, muối, dầu và mật ong.

Kể từ đó, bức tượng Đức Mẹ Mật Ong (mặc dù chưa được Giáo Hội chính thức tuyên bố nhìn nhận) đã đến thăm các giáo xứ khác nhau trên khắp Brazil.
Source:Church POP

2. Ấn tín tòa giải tội là gì? Hỏi đáp với Đức Hồng Y Mauro Piacenza

Đầu tháng này, việc công bố báo cáo về tội lỗi lạm dụng tình dục trong Giáo Hội ở Pháp đã làm dấy lên một cuộc tranh luận khác về việc giữ gìn bí mật tòa giải tội.

Giáo Hội Công Giáo tuyên bố rằng mọi linh mục khi nghe lời xưng tội có nghĩa vụ giữ bí mật tuyệt đối liên quan đến mọi điều đã biết được trong bối cảnh của tòa giải tội, vi phạm điều này sẽ dẫn đến các hình phạt pháp lý nghiêm khắc nhất.

Luật của Cộng Hòa Pháp từ lâu đã công nhận các quy tắc nghiêm ngặt của Giáo hội về tính bảo mật của Bí tích Hòa giải, nhưng chính phủ đang dự tính sửa đổi luật dành cho các cha giải tội, như họ đã làm với các luật sư và các chuyên gia thế tục khác, là những người đã bị buộc phải báo cáo các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em nếu họ biết được điều đó.

Trong các bình luận với tờ National Catholic Register hôm thứ Tư, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp, Karine Dalle, nói rõ rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo của quốc gia này không có ý định thỏa hiệp với các yêu sách của nhà nước đối với giáo huấn của Giáo hội, vốn dạy rằng ấn tín tòa giải tội là bất khả xâm phạm.

Để tìm hiểu thêm về ấn tín Bí tích Hòa giải, ACI Stampa, cơ quan đối tác của CNA tại Ý, đã nói chuyện với Đức Hồng Y Mauro Piacenza, chánh tòa Ân Giải Tối Cáo của Vatican.

ACI Stampa: Thưa Đức Hồng Y, tại sao ấn tín tòa giải tội lại quan trọng như vậy? Điều này có nghĩa là gì và luật về ấn tín tòa giải tội bắt nguồn từ đâu?

Đức Hồng Y Mauro Piacenza: Bản chất của Bí tích Hòa giải bao gồm cuộc gặp gỡ cá vị giữa hối nhân với Cha nhân từ. Mục tiêu của bí tích này là sự tha thứ tội lỗi, hòa giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội, và phục hồi phẩm giá con thảo của hối nhân nhờ giá cứu chuộc do Chúa Giêsu Kitô thực hiện.

Giáo huấn của Giáo hội về Bí tích Hòa giải được trình bày ngắn gọn trong đoạn 1422 của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, đúc kết các giáo huấn trong Tông Hiến Lumen Gentium của Công đồng Vatican II và điều 959 của Bộ Giáo luật.

Cần phải nhấn mạnh rằng Bí tích Hòa giải, là một hành động thờ phượng, không thể và không được nhầm lẫn với một buổi nói chuyện về tâm lý hay một hình thức tư vấn. Là một hành động bí tích, bí tích này phải được bảo vệ nhân danh tự do tôn giáo và bất kỳ sự can thiệp nào đều phải được coi là bất hợp pháp và có hại cho các quyền lương tâm.

ACI Stampa: Thưa Đức Hồng Y, như thế, vị linh mục nghe xưng tội phải giữ ấn tín tòa giải tội, nhưng đồng thời, chẳng nhẽ ngài không nên giúp báo cáo tội ác với chính quyền giáo hội và dân sự? Làm thế nào ngài có thể làm điều đó?

Đức Hồng Y Mauro Piacenza: Tất cả những gì được nói trong tòa giải tội từ thời điểm mà hành động thờ phượng này bắt đầu bằng dấu thánh giá cho đến lúc nó kết thúc, với sự tha thứ hoặc với sự từ chối xá tội, đều được đóng dấu tuyệt đối bất khả xâm phạm. Tất cả các thông tin được đề cập đến trong việc xưng tội đều được “niêm phong” vì chỉ được trao cho một mình Thiên Chúa, nên linh mục giải tội không thể sử dụng được (xem các điều luật 983-984 Giáo Luật của Giáo Hội Latinh; 733-734 Giáo Luật của Giáo Hội Đông phương).

Lấy một trường hợp cụ thể, chẳng hạn, trong khi thú tội, một trẻ vị thành niên tiết lộ rằng mình đã bị lạm dụng, cuộc trao đổi này, về bản chất, luôn luôn và trong mọi tình huống, phải được giữ kín. Điều này không ngăn cản cha giải tội khuyến khích bản thân đứa trẻ vị thành niên đó báo cáo hành vi lạm dụng với cha mẹ, nhà giáo dục và cảnh sát.

Trong trường hợp hối nhân thú nhận đã phạm tội lạm dụng, nếu cha giải tội không nghi ngờ gì về việc hối cải của hối nhân thì ngài không thể từ chối hoặc hoãn lại việc xá tội (xem giáo luật 980). Chắc chắn hối nhân có bổn phận phải sửa đổi sự bất công đã gây ra và thành tâm cam kết ngăn chặn việc lạm dụng tái diễn, nếu cần thì nhờ đến sự trợ giúp của người có khả năng, nhưng những bổn phận nghiêm trọng này liên quan đến con đường hoán cải, không có liên quan đến việc tự tố cáo. Trong mọi trường hợp, cha giải tội phải mời hối nhân suy ngẫm sâu hơn và đánh giá hậu quả của hành động của mình, đặc biệt khi có người khác bị nghi ngờ hoặc bị kết án oan.

ACI Stampa: Thưa Đức Hồng Y, chúng ta nên phản ứng ra sao đối với các giám mục bị cám dỗ nhượng bộ một phần nghĩa vụ giữ bí mật tòa giải tội, ngay cả vì một lý do chính đáng? Ấn tín tòa giải tội khác với bí mật nghề nghiệp hay các cơ mật như thế nào?

Đức Hồng Y Mauro Piacenza: Phải tuyệt đối tránh so sánh ấn tín bí tích với bí mật nghề nghiệp mà bác sĩ, dược sĩ, luật sư, v.v... bắt buộc phải giữ.

Khác với bí mật nghề nghiệp, ấn tín Bí tích Hòa giải không thể bị tiết lộ cho dù luật pháp hay một vị thẩm phán, hay các quy tắc đạo đức quy định ngược lại. Ngay cả khi bên có liên quan cho phép tiết lộ, cũng không được tiết lộ.

Mặt khác, bí mật giải tội không phải là một nghĩa vụ áp đặt từ bên ngoài, nhưng là một yêu cầu nội tại của bí tích, và như vậy không thể bị miễn trừ ngay cả bởi chính hối nhân (xem giáo luật 1550, triệt 2, điều 2 Giáo luật cho các Giáo Hội Latinh; và 1231, triệt 2, điều 2 Giáo luật cho các Giáo Hội Đông phương).

Hối nhân không nói chuyện với con người của cha giải tội, nhưng nói với Thiên Chúa, như thế chiếm hữu những gì thuộc về Thiên Chúa sẽ là tội báng bổ. Chúng ta phải bảo vệ bí tích, được Chúa Kitô thiết lập để trở thành nơi nương tựa chắc chắn của ơn cứu rỗi cho mọi người tội lỗi.

Nếu các tín hữu mất lòng tin vào ấn tín tòa giải tội, thì việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải có thể bị sa sút, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho các linh hồn và cho toàn bộ công việc rao giảng Tin Mừng.
Source:Catholic News Agency