Ngày 26-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sự tưởng lầm
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
15:06 26/10/2019
Cn 30 TN C : 2 Người Lên Đền Thờ Cầu Nguyện Lc 18.9-14

Trong đời thường, con người vẫn dễ tưởng lầm. Có những cái lầm bé, nhưng cũng có những “bé cái lầm,” tức là những cái lầm lớn, lầm không ngờ. Nên ngạn ngữ La-tinh mới có câu “errare est humanum”: lầm lẫn là bản tính của con người. Nếu trong cuộc sống đời tạm ta hay lầm lẫn thì với cuộc sống đời đời, tức cuộc sống trong tương giao với Chúa, chúng ta vẫn có thể không thoát khỏi tưởng lầm. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện : một người biệt phái, một người sở thuế, ta đã nghe nhiều. Và ta cũng đã được rút ra nhiều bài học từ dụ ngôn này, như bài học về cầu nguyện, khiêm nhường, tư thế cầu nguyện. Hôm nay tôi xin rút ra một bài học khác: bài học “tưởng lầm”.

Người biệt phái đã tưởng lầm thế nào về mình trong tương giao với Chúa ? Và người biệt phái đã tưởng lầm thế nào về người khác cũng trong tương giao người đó với Chúa ?

1. Tưởng lầm về mình.

Đây là tưởng lầm về mình trong tương giao với Chúa tức là tưởng lầm về cuộc sống đời đời. Nghĩa là mình tưởng cứ xử sự như vậy với Chúa là mình sẽ được công chính hoá, được Nước Trời. Ta hãy nghe lời cầu nguyện 4 không 2 có của người biệt phái. 4 không : không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, và không như tên thu thuế kia (cái không cuối cùng này là cái không tai hại, mà ta sẽ nói sau). Và 2 cái có: có ăn chay và có nộp huê lợi một phần mười (1/10).

Hai cái có này đều vượt điều mà luật Môsê đòi hỏi: Luật buộc mỗi năm ăn chay một lần trong ngày xá tội Kippur, thì ông biệt phái ăn chay gấp 100 lần: mỗi tuần 2 lần. Luật buộc nộp 1/10 hoa lợi, tức là những gì mình làm ra như rau cỏ, lúa má, bạc hà, vân hương (x. Mt 23,23; Lc 11,42) thì ông biệt phái này chứng tỏ mình không trùm sò với Chúa, mình nộp 1/10 cả những gì mình sắm được. Thay vì chỉ nộp thuế sản xuất thì nộp cho đền thờ cả thuế tiêu thụ luôn. Cái tưởng lầm của người biệt phái nằm ở chỗ tưởng Chúa thích lễ vật, quà cáp hay nói theo kiểu thời sự có thể hối lộ cho Thiên Chúa. Hối lộ là làm hơn điều cần làm. Thủ tục thì đòi như vậy, ta làm hơn thủ tục yêu cầu (tức là có cả thủ tục “đầu tiên”). Vậy là thế nào cũng được nhận lời, thế nào cũng được việc. Và cái tưởng lầm của người biệt phái còn nằm ở chỗ tưởng rằng chỉ cần chu toàn bổn phận với Chúa là đủ, mà không cần biết gì đến người khác. Hay nếu biết đến, chỉ là biết để khinh chê, “con tạ ơn Chúa vì con không như bao người khác” – nhất là không như tên thu thuế kia. 3 cái không còn lại: không tham lam, không bất chính, không ngoại tình… là khá tốt, nhưng chỉ mới dừng ở phạm vi tiêu cực, phạm vi không : không đụng tới ai, không làm hại ai, không phiền ai kể cả không cần tới ai nữa.

Hai cái có : không nhắc gì tới việc bác ái: ăn chay hai lần/tuần. Nếu ăn chay để có ý dành tiền làm việc bác ái, quỹ truyền giáo hay cứu lũ lụt.. thì hay biết mấy, còn ở đây ăn chay nhiều lần để thêm con số vào thành tích, cũng như nộp thuế cả những cái không phải nộp là nhằm có tên có tuổi trong danh sách những ân nhân của đền thờ.

2. Tưởng lầm về người khác :

Đây cũng là tưởng lầm về người khác trong tương giao người đó với Chúa. Người biệt phái tưởng lầm rằng chỉ có mình được công chính, còn người thu thuế tội lỗi kia thì không thể nào xớ rớ tới được ngưỡng cửa công chính, ngạch cổng Nước Trời. Và Chúa Giêsu đã nói cho ông biệt phái biết ông đã lầm : “Tôi nói cho các ông biết: người thu thuế đi về nhà đã được công chính, còn người kia (biệt phái) thì không.”

Người ta kể có một người sau thời gian dài ở luyện ngục mà vẫn chưa thanh luyện đủ, nhưng ngày kia được phép đi tham quan thiên đàng. Cảnh đẹp lạ lùng khiến ông ngất ngây. Nhưng trong khi đi ông chợt thấy một người quen quen (tức là người này đang ở trên thiên đàng). Lục lọi trí nhớ mãi, ông mới nghĩ ra đó là kẻ làm công cho ông ngày xưa mà có lần đã can phạm tội giết người. Sao anh ta lại được ở đây ? Ông vội đi tìm thánh Phêrô để phân bua : “Xin ngài hãy nhìn đến con, suốt đời con sống thật ngay thẳng, con không dám nói con thánh thiện, nhưng ít nhất con đã chẳng bao giờ nhờ vả ai, con luôn như vậy. Con chỉ đòi sự công bằng. Nếu con muốn có tiền, con đi làm. Con nhờ ai, con trả công. Con chỉ đòi quyền lợi phần con. Con chẳng thương ai mà cũng chẳng cần ai thương xót.”

Nghe thế, Phê-rô liền chặn lời: Vậy thì bây giờ là lúc con hiểu: “Có lúc con cần sự thương xót của Chúa !”

Người biệt phái tưởng lầm về Chúa, nên cũng lầm luôn về lòng thương xót của Ngài. Đối với những kẻ nài đến lòng thương xót của Chúa thì Chúa sẽ luôn xót thương. Lời cầu nguyện của người biệt phái không nài van gì đến lòng thương xót của Chúa, nên không được nhận lời. Còn lời cầu nguyện của người thu thuế thì “Lạy Chúa xin thương xót con, vì con tội lỗi”. Tức khắc được công chính.

Khi cuộc đời đã về chiều, sau bao bôn ba phục vụ Tin Mừng, thánh Phaolô càng nghiệm thấy rõ hơn: Được nên công chính, không phải do giữ luật, do công lao sự nghiệp, mà là do lòng thương xót của Chúa. Chị thánh Têrêxa Hài đồng thì dùng hình ảnh mà ta có thể coi như một cung âm của Tin Mừng. Chị thấy đường lên tới Chúa cao xa, nhiều bậc, chị nhắm đi không nổi, nên chị xin Chúa đưa chị lên bằng thang máy, nghĩa là Chúa cúi xuống bồng ngay chị vào lòng thương của Người.

Có một lời dạy của một vị thầy (Đạo sĩ) làm người nghe vừa bối rối vừa thích thú : “Thiên Chúa ở gần kẻ tội lỗi hơn người thánh thiện.” Và thầy giải thích : “Thiên Chúa ở trên trời giữ mỗi người chúng ta bằng một sợi dây. Khi phạm tội, ta cắt đứt sợi dây ấy. Thiên Chúa nối lại làm thành một cái gút, như thế sợi dây ngắn hơn và ta gần Thiên Chúa hơn.”. Cứ thế, bao lần phạm tội là bấy lần cắt dây, rồi Thiên Chúa nối lại thành nút, sợi dây càng ngắn thêm và người tội lỗi hối cải lại gần Thiên Chúa hơn.

Xin Chúa cho chúng ta đừng tưởng lầm rằng mình thánh thiện, tưởng lầm rằng công lao mình lập được có thể hối lộ được Chúa, và cũng đừng tưởng lầm rằng kẻ tội lỗi làm sao mà hưởng được lòng xót thương của Chúa !

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Nước Mắt Và Công Đức
Lm Giuse Trương Đình Hiền
15:11 26/10/2019
Bài gợi ý suy niệm sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 30 TN C 2019

Gần như để tiếp nối và khai triển chủ đề về lòng khoan dung và yêu thương của Thiên Chúa dành cho những tâm hồn khiêm hạ, khó nghèo (như “mười người phung cùi được chữa lành” trong CN XXVIII, “Bà góa nghèo được minh oan” trong CN XXIX), sứ điệp Phụng vụ hôm nay muốn nhấn mạnh tới thái độ của loài người chúng ta trước tình yêu Thiên Chúa: đó chính là tấm lòng khiêm hạ, sám hối và tin cậy vào lòng xót thương của Thiên Chúa.

Thái độ đó, tấm lòng đó chính là chủ đề xuyên suốt của toàn bộ Thánh Kinh và cũng là lời giáo huấn căn bản của Thiên Chúa, khi Ngài không ngừng dạy cho con người hiểu và xác tín chân lý nền tảng nầy: Thiên Chúa, “Đấng xét xử công minh”, Ngài luôn bênh đỡ những tâm hồn khiêm nhu bé nhỏ thật thà và chân tình sám hối ăn năn, như chứng từ của sách Huấn Ca được phụng vụ chọn công bố trong Bài đọc 1:

“Vì Đức Chúa là Đấng xét xử,

Người chẳng thiên vị ai.

Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn,

nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.

Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi,

hay tiếng than van của người goá bụa…”.

Chắc chắn, các thế hệ nối tiếp trong “dân Chúa chọn” thời Cựu ước đã thấm nhuần chân lý nầy và đã bộc lộ qua những lời kinh nguyện hằng ngày mà Thánh vịnh 33 – chúng ta vừa hát lên qua Đáp vịnh ca - đã nói lên tất cả:

“Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ,

Cứu những tâm thần thất vọng ê chề.

Chúa cứu mạng những người tôi tớ,

Ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ…”

Khi Đức Kitô xuất hiện loan báo Tin Mừng, thì chân lý trên không còn là những dòng chữ để đọc và để nghe, mà đã trở thành những “hiện thực sống động”, như chính Ngài đã long trọng tuyên bố nơi hội đường Na-da-rét:

“Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,17-21).

Đặc biệt, qua trích đoạn Tin mừng Lu-ca vừa được công bố: Đức Ki-tô trình bày dụ ngôn về “người thu thuế và người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện”, không chỉ để nói riêng với những người biệt phái, luật sĩ, những kẻ hay “cậy mình công chính” và khinh thường những thấp cổ bé miệng, cần phải hoán cải thực thi khiêm nhường, mà còn để dạy muôn thế hệ Kitô hữu luôn biết cầu nguyện với Thiên Chúa trong thái độ khiêm tốn và đầy lòng ăn năn sám hối. Đó chính là con đường của đức tin chân thật; và con đường nầy sẽ mang lại hoa trái thiêng liêng đích thực là ơn tha thứ, ơn cứu độ cho chúng ta.

Chúng ta cũng đừng quên: không phải chỉ những người thuộc “giao ước cũ” hay những kẻ mang danh Kitô hữu mới được dạy dỗ chân lý về “khiêm nhường thống hối” nầy; cả những anh em Hồi Giáo cũng đã truyền cho nhau câu chuyện ngụ ngôn sau đây, diễn tả cũng những nội dung mà sách Huấn Ca hay Tin Mừng Luca vừa đề cập tới:

Ngày kia Đức Allah truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời. Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Allah. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy. Ngài bảo: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”

Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Allah mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói: “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”

Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp 4 phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt. Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích: “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”. Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Allah chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói: “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu.” (Trích ”Món quà giáng sinh”).

Khi bình thường, không có chuyện gì xảy ra, người ta có thể dễ dàng chọn thái độ khiêm nhường và nói lên tâm tình thống hối. Tuy nhiên, khi bị “đày đoạ” xuống tận cùng khổ nhục, khi đối diện với những thảm kịch…mà vẫn vững vàng “ngước mắt lên” và xác tín và lòng thương xót của Thiên Chúa, đó mới thật là anh hùng, là đức tin, là người con đích thực của Thiên Chúa.

Lòng khiêm nhu và tin cậy phó thác của Thánh Tông Đồ Phaolô trong những ngày đang ở giữa cảnh ngục tù tăm tối (như trong trích đoạn thư gởi cho đồ đệ Timôthê trong Bài đọc 2), mãi mãi là chứng từ rõ nét, là mẫu gương sống động dành cho tất cả những ai theo vết chân người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng:

“Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4,6-8).

Và nhắc đến Phaolô trong “ngữ cảnh” của sứ điệp “khiêm nhường hoán cải” của Chúa Nhật hôm nay, thì chúng ta đừng quên rằng: chính vị đại Tông Đồ lừng danh nầy, sau khi trở lại, đã tự nhận mình là một “tông đồ mạt hạng”:

“Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.” (1 Cr 15,9-10).

Vâng, đối với Thiên Chúa, những giọt nước mắt của con tim khiêm nhường thống hối sẽ có giá trị hơn muôn nghìn công đức của cái tôi ngạo mạn khoe khoang!

LM Giuse Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 26/10/2019

67. Con người ta nếu không nghĩ mình ở dưới mọi người, thì đừng hòng tiến bộ trên đàng nhân đức.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:16 26/10/2019
47. THOẢI MÁI NỬA NGÀY

Có tên quan sứ đi chơi ở trên chùa, hòa thượng làm tiệc thết đãi ông ta. Tên quan sau khi ăn uống no say, tràn trề hứng thú, lập tức ngâm lên hai câu thơ của người nhà Đường:

- Nhân đi qua trúc viện gặp lời của tăng, lại được phù sinh thoải mái nửa ngày”.

Hòa thượng nghe xong thì cười khổ hai tiếng, quan sứ hỏi tại sao lại cười, hòa thượng nói:

- “Ngài là quan sứ già được nửa ngày thoải mái, tôi lão hòa thượng phải bận bịu ba ngày đấy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 47:

Tên quan được thoải mái nửa ngày thì hòa thượng phải khổ ba ngày, bởi vì lo lắng làm tiệc mời quan, bởi vì lo hầu hạ quan lớn…

Thánh Phao-lô tông đồ khi đi rao giảng Tin Mừng thì ngài không muốn làm phiền ai, ngài đã nói với giáo dân ở giáo đoàn Ê-phê-sô rằng: “Vàng bạc hay quần áo bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế…” (Cv 21, 33-35)

Thời xưa cũng như thời nay, giáo dân rất kính trọng các linh mục và các tu sĩ nam nữ bởi vì họ là những người đã suốt đời tận tụy hy sinh cho Tin Mừng, bởi vì họ đã sống một đời anh hùng trong thế gian…

Thời xưa cũng như thời nay, cũng có một vài linh mục cũng như các tu sĩ mỗi lần được giáo dân mời ăn cơm thì hết chê món này không ngon, món kia nấu không hạp khẩu vị, bởi vì các ngài không thấy được tâm hồn kính trọng chủ chăn của giáo dân, mà các ngài chỉ thấy cái chức tước của mình to hơn tấm lòng của họ, các ngài không thấy mồ hôi của họ nhỏ giọt vì lửa bếp, vì lo lắng cho bữa cơm có các ngài ăn…

Khi được mời ăn cơm (dù ở nhà hay ở nhà hàng) thì đừng thấy đồ ăn ngon dở, nhưng hãy thấy tấm lòng tốt đẹp của người mời mình ăn cơm, đó là người có tinh thần tu đức vậy…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon đã kết thúc, Đức Giáo Hoàng kêu gọi mọi người can dự
Vũ Văn An
18:20 26/10/2019
Theo Vatican News, hôm nay, 26 tháng 10, Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chính thức kết thúc mọi phiên làm việc. Bản tin của họ như sau:

Với sự chấp thuận tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng cho vùng Amazon, Đức Thánh Cha Phanxicô, vào ngày 26 tháng 10 năm 2019, đã kết thúc việc làm của cuộc hội nghị.

Đức Giáo Hoàng nói với các tham dự viên, “Tất cả chúng ta đều là những người chiến thắng khi chúng ta cùng nhau thực hiện công việc mục vụ của Giáo Hội”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ngỏ lời với các nghị phụ và các tham dự viên Thượng hội đồng bằng cách tóm tắt bốn khía cạnh được thảo luận tại Thượng hội đồng: văn hóa, sinh thái, xã hội và mục vụ.



Chiều kích văn hóa

Bắt đầu với chiều kích văn hóa, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài đặc biệt hài lòng với các cuộc thảo luận liên quan đến việc hội nhập văn hóa, đánh giá và tôn trọng các nền văn hóa. Ngài nói, Hội nhập văn hóa là một truyền thống của Giáo hội, nhắc lại rằng vấn đề đã được đề cập tại Hội nghị Puebla 40 năm trước đây.

Chiều kích sinh thái

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau đó đã đề cập đến chiều kích sinh thái của các cuộc nghị bàn của Thượng Hội Đồng. Ngài bày tỏ lòng kính trọng đối với Thượng phụ Đại kết Bartholomew của Constantinople; Đức Giáo Hoàng nói rằng Đức Thượng Phụ là một trong những người đầu tiên kích thích ý thức về vấn đề này. Đức Giáo Hoàng nói, sau đó là cảm hứng để viết thông điệp Laudato Si’, và bây giờ ý thức về sinh thái đang được tiến hành.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Amazon, gọi đây là một biểu tượng. Đức Giáo Hoàng nói, tương lai đang bị đe dọa ở đó. Ngài nói, “Chúng ta đã thấy biết bao người trẻ đang biểu lộ sự ủng hộ của họ đối với vùng Amazon”. Những người trẻ ý thức được các nguy cơ sinh thái ở phía trước, không chỉ ở Amazon mà cả ở Congo và nhiều nơi khác, như chính quê hương ngài ở Argentina.

Chiều kích xã hội

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau đó đã đề cập đến chiều kích xã hội được khảo sát tại Thượng hội đồng Giám mục. Ngài nhận định rằng việc khai thác “không những gây hại cho sáng thế mà còn cho cả con người nữa”. Ngài nói, người dân Amazon phải đối đầu với sự bóc lột tàn bạo ở mọi bình diện, cũng như “việc phá hủy bản sắc văn hóa của họ”. Điều này bao gồm việc buôn bán người. Khi ngài ở Puerto Maldonado, thuộc Peru, ngài thấy một bảng hiệu tại sân bay cảnh cáo người ta chống lại nạn buôn người, một dấu chỉ cho thấy thực tại này tràn lan như thế nào.

Chiều kích mục vụ

Chuyển sang chiều kích mục vụ, Đức Giáo Hoàng xác nhận rằng việc loan báo Tin Mừng là điều cần thiết và cấp bách. Ngài nói rằng chiều kích này là chiều kích quan trọng nhất trong bốn chiều kích. Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng Tin Mừng cần “được hiểu, tiếp thu và đồng hóa bởi các nền văn hóa này”. Đức Giáo Hoàng nói, các linh mục, giáo dân, nam nữ tu sĩ, và các phó tế vĩnh viễn, tất cả đều có thể góp phần củng cố việc loan báo Tin Mừng.

Ngài nói tiếp, óc sáng tạo nhiều hơn cần được áp dụng vào các thừa tác vụ mới. Điều này bao gồm việc nghiên cứu vai trò và chức phó tế vĩnh viễn phụ nữ trong Giáo hội sơ khai. Đức Giáo Hoàng cho biết ngài dự định theo đuổi việc thành lập một ủy ban mới cùng với Bộ Truyền giảng Tin mừng cho Các Dân tộc, Propaganda Fide, vì mục đích này.



Các cải tổ

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhận định rằng, trong Thượng hội đồng, một số điều xuất hiện cần được cải tổ. Ngài nói “Giáo hội luôn luôn cần được cải tổ”. Bắt đầu với việc đào tạo linh mục, Đức Giáo Hoàng xác nhận đây là trách nhiệm của các hội đồng giám mục và kêu gọi nhiều nhiệt tình hơn nơi giới tu sĩ trẻ. Ơn gọi của họ hiện vững chắc, nhưng họ cần được đào tạo về lòng nhiệt thành tông đồ để có thể đi ra các vùng ngoại vi.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng sẽ là một ý tưởng tốt cho các nhà ngoại giao đang được huấn luyện của Vatican sống một hoặc hai năm ở một khu vực đầy thách thức trên thế giới, để phục vụ một giám mục trong lãnh thổ truyền giáo. Theo ngài, một cải tổ tốt đẹp khác, sẽ là việc tái phân phối các linh mục bên trong một quốc gia.

Người ta thường nói có rất nhiều linh mục xuất thân từ Amazon đang phục vụ ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Nhiều người khác đi đâu đó để học rồi cuối cùng ở lại đó. Một giám mục Ý nói với ngài rằng có những linh mục sẽ không đến các ngôi làng miền núi trừ khi được trả tiền. Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi đây là một tai tiếng và nói rằng chúng ta cần phải nhiệt tình trong việc mang lại cải tổ ở các quốc gia này.

Phụ nữ

Đức Giáo Hoàng sau đó đã nói về phần trong tài liệu liên quan đến vai trò của phụ nữ. Ngài nói phần này hơi ngắn. “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh điều này: chúng ta vẫn chưa nhận ra người phụ nữ có nghĩa gì trong Giáo hội”. Đức Giáo Hoàng nói, chúng ta chỉ nghĩ về điều đó từ quan điểm chức năng. Ngài nói , vai trò của phụ nữ trong Giáo hội vượt xa tính chức năng nhiều”.

Tổ chức lại

Phần cuối của tài liệu đề cập đến vấn đề tổ chức lại. Nó đề cập đến các cơ cấu phục vụ như REPAM. Đức Giáo Hoàng nhắc đến sự hiện diện của các hội đồng giám mục, các bán hội đồng giám mục (semi-episcopal conferences) và các hội đồng vùng ở các nơi khác trên thế giới, và hỏi tại sao không thể áp dụng khái niệm hội đồng giám mục nhỏ hơn cho Amazon.

Các nghi lễ

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Thượng hội đồng cũng đã thảo luận về các nghi lễ và các nền phụng vụ. Ngài nói, “Những điều này thuộc trách nhiệm của Bộ Thờ phượng Thiên Chúa”. Bộ này sẽ xem xét các đề nghị nhằm mục đích hội nhập văn hóa. Nói về các Nghi lễ hiện có trong Giáo hội, Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng chúng bắt đầu từ nhỏ rồi phát triển lên. Chúng ta không nên sợ những thực thể có bản chất đặc biệt bên trong Giáo Hội Mẹ. Đức Giáo Hoàng nói, Bà là “Mẹ của tất cả những ai ủng hộ chúng ta trên nẻo đường này”.

Liên quan đến một cơ quan trong Giáo triều Rôma, Đức Giáo Hoàng cho biết đây là việc cần phải làm và Ngài sẽ nói chuyện với Đức Hồng Y Turkson để mở “một bộ phận Amazon” trong Bộ Cổ vũ Việc Phát triển Toàn diện Con người.

Cảm ơn

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã cảm ơn tất cả những ai từng “làm việc bên ngoài căn phòng này”, bao gồm các thư ký, các phương tiện truyền thông, đội phát tuyến, những người chuẩn bị các cuộc họp, tất cả những người đã đóng góp cho những gì xảy ra “sau bức màn”, làm cho mọi việc hoạt động.

Sau khi cảm ơn các Chủ tịch và Tổng thư ký của Thượng hội đồng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài muốn bày tỏ lòng biết ơn của ngài một cách đặc biệt đến các phương tiện truyền thông vì đã truyền bá tin tức về Thượng hội đồng.

Ngài yêu cầu rằng, khi truyền đạt Tài liệu cuối cùng, các phương tiện truyền thông nên tập trung vào việc chẩn đoán đã được trình bày liên quan đến các chiều kích văn hóa, xã hội, mục vụ và sinh thái. Ngài nói, xã hội cần tiếp thu điều này làm của riêng mình. Có sự nguy hiểm khi coi trọng một số nhóm chuyên biệt, trong khi thế giới cần hiểu cả bốn lĩnh vực đã được phân tích này. Đức Giáo Hoàng nói, luôn có những người muốn tập chú vào một phần nhỏ của tài liệu: các lĩnh vực kỷ luật hoặc nội bộ giáo hội. Họ muốn xem ai thắng và ai không thắng. Giáo hoàng Phanxicô nói, “Tất cả chúng ta đều là những người chiến thắng khi chúng ta cùng nhau thực hiện công việc mục vụ của chúng ta”.

Giới Công Giáo ưu tú

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đề cập đến điều ngài gọi là “những người ưu tú”, người Công Giáo hay Kitô giáo chỉ tập chú vào các kỹ thuật mà quên đi bức tranh rộng lớn hơn. Ngài đọc một dòng từ cuốn “Ghi chú chung về Descartes và Triết học Cartesian” (1914) của Charles Péguy.

“Vì họ thiếu can đảm để đảm nhận công việc trần thế, nên họ tin rằng họ đang chiếm lấy công việc của Thiên Chúa. Bởi vì họ sợ là một phần của nhân loại, nên họ nghĩ họ là một phần của Thiên Chúa. Bởi vì họ không yêu ai, nên họ tự gây ảo tưởng rằng họ yêu Thiên Chúa”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng chúng ta không thể là "tù nhân của nhóm ưu tuyển này", một nhóm chỉ biết theo đuổi các mục đích riêng của họ trong lãnh vực này của Thượng hội đồng mà "quên phần chính của Thượng hội đồng và việc chẩn đoán mà chúng ta đã đưa ra".

Hãng tin Zenit có phổ biến nguyên văn Tài Liệu của Thượng hội đồng Amazo bằng nguyên ngữ Tây Ban Nha (https://zenit.org/wp-content/uploads/2019/10/B0821-XX.01.pdf) và họ hứa sẽ công bố bản dịch sang tiếng Anh của họ nay mai
 
Cuộc họp báo cuối cùng tại Thượng Hội Đồng Amazon: niềm hy vọng phát xuất từ việc lắng nghe, suy tư và cầu nguyện
Vũ Văn An
21:36 26/10/2019
Theo Vatican News, sau việc thông qua Tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon, các nhà báo đã được nghe Đức Hồng Y Michael Czerny, Dòng Tên, và Đức Cha David De Aguirre Guinea, Dòng Đa Minh, nói chuyện tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh.





Các chi tiết của tài liệu cuối cùng đã nổi bật trong cuộc họp báo cuối cùng của Thượng Hội Đồng tại Phòng Báo chí Tòa Thánh vào tối thứ Bảy. Hai vị khách trên bàn chủ tọa đã trả lời các câu hỏi của các nhà báo và chia sẻ những hiểu biết của riêng các ngài về các chủ đề chính đã xuất hiện.

Đức Giám Mục David Martìnez De Aguirre Guinea, Dòng Đa Minh

Đức Giám Mục David Martìnez De Aguirre Guinea là Giám mục Đại diện Tông tòa của Puerto Maldonado ở Peru. Ngài cho biết một trong các chủ đề mạnh mẽ nhất được Thượng hội đồng đề nghị là hội nhập văn hóa, làm thế nào làm cho các nền văn hóa địa phương hài hòa với Giáo Hội. Ngài cũng nói, điều quan trọng là để người bản địa dành quyền làm người chủ đạo của họ. Ngài nói, tài liệu cuối cùng phản ảnh các quan tâm của các Giám Mục địa phương đối với lãnh thổ của họ, nhưng Giáo Hội vốn liên minh với nhân dân Vùng Amazon trong việc bảo vệ đất đai và cuộc sống của họ.

Đức Giám Mục mô tả một trong cách hình ảnh mạnh mẽ nhất của Thượng Hội Đồng là hình ảnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô đích thân tương tác với những người bản địa có mặt. Ngài nói ngài trở về Amazon lòng đầy hy vọng và được khích lệ.

Đức Hồng Y Michael Czerny, Dòng Tên

Đức Hồng Y Michael Czerny, Dòng Tên, là Phó Tổng thư ký của Bộ Cổ vũ Sự Phát triển Con người Toàn diện. Ngài bắt đầu bằng cách lặp lại lời lẽ của Đức Giáo Hoàng khi cảm ơn các phương tiện truyền thông đã giúp Thượng hội đồng tiếp cận với người ta. Đức Hồng Y Czerny cảm ơn các nhà báo vì “năng lực, sự quan tâm và cố gắng” của họ trong việc giúp Thượng hội đồng lên tiếng và được lắng nghe.

Đề cập đến tài liệu cuối cùng, Đức Hồng Y tập chú vào hạn từ “hoán cải”; ngài nói rằng nó tương ứng với tiêu đề của chính Thượng hội đồng: “Những nẻo đường mới cho Giáo hội và nền Sinh thái toàn diện”. Đức Hồng Y Czerny nói, không có hoán cải, không có các nẻo đường mới. Chúng ta chỉ lặp lại những gì chúng ta đã làm trước đây, “nhưng không có thay đổi thực sự”.

Ngài nói, khi thế giới chứng kiến Amazon bùng cháy, mọi người nhận ra chúng ta phải thay đổi. Ngài nói thêm, những nẻo đường mới diễn ra khi có những đường lối mới để đối đầu với các vấn đề cũ, qua thay đổi và “hoán cải”.

Bốn “hoán cải”

Hoán cải đầu tiên là hoán cải mục vụ: nghĩa là cách Giáo hội hành động với người ta. Đức Hồng Y Czerny nói, Giáo hội luôn cố gắng làm tốt hơn, nhưng các điều kiện đang thay đổi nên chúng ta không thể tiếp tục làm sự việc theo cách chúng ta từng làm trước đây.

Hoán cải thứ hai là hoán cải văn hóa. Đức Hồng Y nói, “các khác biệt cần được chấp nhận và tôn trọng”, và Giáo hội phải học cách tôn trọng một cách liên văn hóa. Ngài nói, sự chia rẽ và căng thẳng đang trở nên tồi tệ hơn.

Thứ ba là hoán cải sinh thái. Đức Hồng Y Czerny nói, “sinh thái” có thể có tính thời trang, nhưng chúng ta chưa nắm vững tính nghiêm trọng của tình hình. Ngài nói, cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay quá sâu xa, “nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ không giành được nó”.

Đức Hồng Y Czerny đã mô tả sự hoán cải thứ tư trong hạn từ "đồng nghị [Synodal]": một điều giúp chúng ta học cách làm Giáo hội tốt hơn, làm thế nào để cùng nhau tiến lên và làm thế nào để lôi kéo mọi người vào phong trào đó. Ngài nói các hình thức dân chủ đã làm chúng ta thất bại trong việc tìm cách tiến lên. Thay vào đó, Thượng Hội Đồng đặt căn bản trên việc “lắng nghe, suy tư và cầu nguyện”. Giáo hội hy vọng mô hình này cũng có thể hỗ trợ các mô hình khác.

Các câu hỏi

Các câu hỏi của các nhà báo bao trùm nhiều chủ đề liên quan đến tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng, từ các nữ phó tế, đến các tội lỗi sinh thái và câu hỏi điều gì đang xảy ra lúc này. Liên quan đến điều sau cùng vừa nói, Đức cha David Guinea nhấn mạnh công việc quan trọng đã được thực hiện lúc chuẩn bị Thượng hội đồng. Ngài gọi nó là “một diễn trình không thể bị chặn lại”, nhưng nói rằng điều quan trọng là phải xây dựng các mạng lưới để cùng nhau đối đầu với các vấn đề của Vùng Amazon.



Phụ nữ trong Giáo Hội

Vai trò của phụ nữ và vấn đề nữ phó tế đã được nêu ra nhiều lần. Đức Hồng Y Czerny đã trả lời với một suy tư về điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trước đó trong bài phát biểu kết thúc của ngài: tức là, người ta có xu hướng nghĩ về phụ nữ trong Giáo hội theo “các chức năng”, những gì họ có thể hoặc không thể làm. Đức Hồng Y nói, chúng ta không được giản lược ơn gọi và sự đóng góp của phụ nữ trong Giáo Hội vào các chức năng mà thôi.

Các nữ phó tế

Khi nói đến vấn đề các nữ phó tế, Đức Hồng Y Czerny minh xác Giáo hội vốn tôn trọng “các bình diện khác nhau về thẩm quyền”: có những vấn đề được quyết định ở bình diện giáo xứ, những vấn đề khác ở bình diện giáo phận, một số khác với hội đồng giám mục. Đức Hồng Y nói, vấn đề nữ phó tế “không nằm trong phạm vi của Thượng hội đồng Amazon”. Nó phải được suy nghĩ ở một bình diện khác.

Các tội lỗi sinh thái

Câu hỏi về “các tội lỗi sinh thái” được đề cập trong Đoạn # 82 của tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng. Đức Giám Mục David Guinea nhấn mạnh nghĩa vụ của chúng ta đối với “việc lắng nghe tiếng kêu của trái đất”. Ngài nói về việc các nhà truyền giáo ở Vùng Amazon phải đối đầu với các tác động của việc khai thác, ô nhiễm độc hại và gây nhiễm.

Đức Hồng Y Czerny nói thêm, đề nghị thành lập vọng quan sát xã hội môi trường sẽ giúp người dân trong khu vực hiểu rõ hơn các hiện tượng này và có thể đáp ứng trên cơ sở khu vực.

Đóng góp của khoa học

Cuối cùng, Đức Hồng Y Czerny đã trả lời một câu hỏi về sự đóng góp của các nhà khoa học và chuyên gia tại Thượng hội đồng. Ngài nói “Họ đã diễn dịch nỗi đau khổ mà chúng ta đang trải nghiệm và chứng kiến, thành các dữ liệu, giả thuyết và đề nghị”. Ngài nói thêm, “các nhà khoa học đã nói về nhu cầu cấp thiết phải giải quyết sự đau khổ của hành tinh chúng ta và giúp chúng ta cảm nhận sự việc đang diễn ra một cách tồi tệ như thế nào”. Họ cũng giúp diễn dịch các mối quan tâm của chúng ta thành niềm hy vọng vì có những giải pháp thiết thực và hợp lý trong tầm tay. Đức Hồng Y nói, đây không phải là chuyện phải kỹ thuật nhiều hơn. Ngài nói, Amazon sẽ phát triển thịnh vượng “nếu cây cứ đứng đó và nước cứ liên tục chảy” và điều này sẽ có nghĩa là hy vọng cho Amazon và cho tất cả chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo khu Martino thuộc Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm, Melbourne mừng bổn mạng
Trần Văn Minh
05:14 26/10/2019
Melbourne, vào lúc 3 giờ chiều Thứ Bảy Ngày 26/10/2019, tại Nhà thờ Thánh Phao – Lô (Saint Paul) vùng Sunshine. Giáo khu Martino thuộc Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đã hân hoan tổ chức mừng lễ kính Thánh Martino là bổn mạng của giáo khu thật trọng thể.
Chuẩn bị rước kiệu Thánh Martino


Xem hình

Trong một ngày thời tiết thất thường, lúc mưa, lúc nắng với những cơn gió mạnh mang theo những cơn lạnh trái mùa, đã gây trở ngại cho cuộc rước truyền thống hằng năm của giáo khu, mặc dù mọi sự đều đã được giáo khu chuẩn bị sẵn sàng, đội trống trắc đã khởi động rộn ràng chuẩn bị cho cuộc rước kiệu. Cuối cùng, cuộc rước đã phải rút ngắn lộ trình, kiệu Đức Mẹ và kiệu Thánh Martino được đặt trên kiệu sơn son thiếp vàng đã được các chị và các anh thanh niên cung nghinh, rước kiệu vào thánh đường để dâng thánh lễ mừng kính.

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Giuse Trần Ngọc Tân Quản nhiệm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm chủ tế, cùng với Linh mục Antôn Võ Tùng phó xứ Saint Paul và Linh mục Gioan Đinh Văn Bổn đồng tế. Ca đoàn Belem đã phụ trách phần thánh ca phụng vụ thánh lễ giúp cho thánh lễ mừng bổn mạng thêm long trọng và sốt sắng.

Trong bài chia sẻ về tin mừng. Linh mục chủ tế đã nói nhiều về gương Thánh Martino. Một vị Thánh với đức khiêm nhường tuyệt vời, sống theo tình yêu của Thiên Chúa vì biết mình là con người hèn mọn bị đời rẻ khinh và ngay cả người cha của Thánh nhân cũng từ bỏ Ngài. Nhưng không vì thế mà Ngài không phấn đấu vươn lên trong đời sống đức tin vững vàng và lòng yêu mến và giúp đỡ con người, nhất là những người nghèo khó.

Sau Thánh lễ, cùng với lòng hiếu khách, giáo khu Martino đã mở tiệc ăn mừng bổn mạng thật linh đình, với những món ăn ngon do các đầu bếp của giáo khu phục vụ, và nhờ vào vùng địa linh nhân kiệt, giáo khu đã có rất nhiều nhân tài, nhất là về phần văn nghệ, buổi trình diễn giúp vui đã được anh chị em cống hiến rất nhiều tài năng trong đủ các môn ca vũ nhạc, vừa tân thời và cả những điệu vũ dân tộc thật xuất sắc.

Giáo khu Martino là một giáo khu lớn và lâu đời trong Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Một giáo khu sinh hoạt mạnh mẽ và đoàn kết, ngoài những buổi tôn vương hằng tuần, những đóng góp trong việc xây dựng cộng đoàn, còn là một giáo khu có nhiều những sinh hoạt nổi bật trong các dịp lễ lớn với đội trống, trắc, tạo không khí rộn ràng và mang sắc thái của một xứ đạo nơi vùng quê Việt Nam, đã đóng góp vào xứ đạo địa phương, nơi được gọi là quê hương thứ hai của người Công Giáo Việt Nam.



 
Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị Fairfield – Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
08:43 26/10/2019
Chiều thứ Bảy 26/10/2019 các Hội Đoàn và các Giáo Đoàn bạn đã đến nhà thờ St. Therese Fairfield Heights tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị, Quan Thầy của Giáo Đoàn. Kiệu tượng Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị đặt trong khuôn viên nhà thờ, Cha Tuyên Trưởng Bùi Sơn Lâm xông hương kiệu tượng Thánh Lê Đăng Thị và sau đó cung nghinh kiệu Thánh Lê Đăng Thị, dẫn đầu là Cờ Úc Việt và Cờ Hội Thánh, kế tiếp là các Hội Đoàn Đoàn Thể, Quan Khách và Giáo Dân, cuộc kiệu rất trang nghiêm và sốt sắng.

Xem Hình

Khi kiệu Thánh Lê Đăng Thị rước vào trong nhà thờ an vị trên cung thánh, Cha Jarek Zan Chính xứ Fairfield vì bận việc Giáo xứ nên Cha ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn và Cha cũng cám ơn Giáo Đoàn đã đóng góp giúp ích cho Giáo Xứ kế tiếp đại diện Ban Mục Vụ Giáo Đoàn đọc sơ lược về tiểu sử của Thánh Giuse Lê Đăng Thị. Ngài luôn phó thác và đặt hết niềm tin vào Chúa cho dù là cái chết Ngài cũng không sợ, vì Ngài xác tín là sẽ có Chúa ở vớí Ngài, sau đó Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết Đặc trách Giáo đoàn Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thị Fairfield ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn đồng thời giới thiệu qúy Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Đặng Đình Nên, Cha Trần Bạch Hổ, Cha Nguyễn Hoàng Việt và Cha Phan Quốc Trực cùng hiện diện trong Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha FX. Nguyễn Văn Tuyết nóí hôm nay chúng ta mừng bổn mạng Thánh Giuse Lê Đăng Thị, cuộc đời của Thánh nhân được phản chiếu với những cảm nghiệm về Chúa, xác tín về tình thương của Chúa, sự toàn năng và toàn tri của Thiên Chúa. Ngài hiểu Ngài là ai và ai là Chúa Giêsu. Mừng lễ Thánh bổn mạng cũng là một lần cho Giáo đoàn chúng ta luôn biết đặt niềm xác tín vào Chúa, sống mật thiết với Chúa để có cảm nghiệm về Thiên Chúa tình yêu….

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Tuyên úy Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn và anh Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Sydney thay mặt cho Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục Vụ cũng ngỏ lời chúc mừng Quan Thầy của Giáo Thánh Tử Đạo Lê Thị Fairfield.

Sau cùng ông Trần Thái Toản Trưởng Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Fairfield ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và mọi người đã đến tham dự Thánh lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn Fairfield. Đặc biệt cám ơn Cha Phêrô Đặng Đình Nên Cựu Tuyên úy Đặc trách Giáo đoàn, quý ân nhân đã đóng góp công của để giúp cho Giáo Đoàn tổ chức Lễ Bổn Mạng được tốt đẹp và cũng cám ơn Ca đoàn Fairfield đã tích cực đóng góp giúp cho Giáo đoàn được thêm phần sốt sắng trong những Thánh lễ hàng tuần.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại tham dự tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn Fairfield Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị.

Diệp Hải Dung
 
Thảm cảnh dân Việt: những nạn nhân bị chết ngạt trong xe tải ở bên Anh là người Việt Nam?
Trần Mạnh Trác
13:22 26/10/2019
Tin tổng hợp) Vào thứ Bảy vừa qua, nhiều gia đình ở Nghệ An Việt Nam đã đeo khăn tang tham dự lễ cầu hồn cho những người thân bị mất tích trong vụ vượt biên bất hợp pháp vào Vương Quốc Anh.

Một gia đình cho biết rằng người thân cuả họ là cô Bùi Thị Nhung, 19 tuổi, có thể là một nạn nhân trong 36 nạn nhân đã bị chết ngạt trong một chiếc xe tải mà cảnh sát nước Anh đang tạm giữ để điều tra tại Sussex ở Anh Quốc.

Gia đình đã trả cho một đường dây nhập cảnh lậu một số tiền là 10 ngàn đô la để đưa cô Nhung sang Anh làm thợ móng tay. Mục tiêu chính của cô là có thể làm việc và gửi tiền về cho gia đình xây nhà.

Những năm gần đây nhiều gia đình trong xóm cũng đã trở nên giàu có nhờ tiền con cái đi làm ở nước ngoài gửi về.

Bà mẹ cuả cô nay đã quẫn trí và đang nằm liệt giường.

Theo một người bạn kể lại thì hai ngày trước khi có tin chiếc xe tải bị phát hiện, cô Nhung vẫn còn lên mạng Facebook và trả lời cho một người bạn hỏi thăm về chuyến đi, cô viết:

"Không tốt," cô trả lời. "Gần như mùa xuân," cô viết tiếp như thế, nói lóng ra là cô đã gần đến đích.

Những ảnh khác đăng trên tài khoản cho thấy cô đang tham quan Brussels vào ngày 18/10.

"Thật là một ngày đẹp trời," Cô Nhung đã viết, là đó lần sau cùng người ta còn nghe thấy cô.

Người bạn cuả cô nói "Chúng tôi chờ đợi và hy vọng cô ấy không phải là một trong số các nạn nhân, nhưng rất có thể. Chúng tôi cầu nguyện cho cô ấy mỗi ngày. Có hai người trong làng tôi cũng đi trong nhóm đó".

Có khoảng 200 người đã tham dự buổi lễ tại nhà thờ Đỗ Thành do linh mục Nguyễn Đức Vinh tổ chức để cầu nguyện cho ba nạn nhân trong làng.

Trong khi cô Nhung là người Công Giáo, hai người kia thì không, nhưng Cha Vinh nói: "Chúng tôi cầu nguyện cho mọi người bất kể tôn giáo của họ là gì".



Tin tức từ bên Anh cho biết Cảnh sát Anh đã đưa tất cả 39 xác nạn nhân đã ra khỏi xe tải vào trong một nhà xác để chờ khám nghiệm tử thi. Nhưng họ nói rằng các nạn nhân chưa được xác định và rất ít tài liệu được tìm thấy cùng với các thi thể.

Cũng trong ngày thứ Bảy, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh điều tra về những cáo buộc buôn ngườ. Ông ra lệnh cho đại sứ quán của Việt Nam tại London hợp tác chặt chẽ với chính quyền Anh để xác định có ai là nạn nhân từ Việt Nam hay không.

Đại diện của VietHome, một tổ chức có trụ sở tại Anh hỗ trợ cộng đồng người Việt địa phương, cho biết nhóm đã gửi ảnh của gần 20 người được báo cáo mất tích cho cảnh sát Anh.

Cảnh sát Anh ban đầu cho biết họ tin rằng các nạn nhân được tìm thấy trong chiếc xe container là người Trung Quốc, nhưng sau đó lại cải chính rằng đó là một "bức tranh đang phát triển".

Trung Quốc cho biết họ chưa thể xác nhận quốc tịch hoặc danh tính của nạn nhân. Có những suy đoán đang được lưu hành tại Việt Nam thì có thể có đến 20 người Việt có thể đã đi du lịch trên hộ chiếu giả của Trung Quốc.
 
VietCatholic TV
Các Nữ tu mục vụ Thầm lặng giữa núi rừng Tây Bắc
MTG Hưng Hóa
10:08 26/10/2019
Hành trình đến với người H'mong của các Nữ tu dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa: "Thầm lặng giữa núi rừng Tây Bắc"
 
Bước ngoặt mới - Đức Giáo Hoàng xin lỗi về vụ các bức tượng bản địa bị ném xuống sông Tiber
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:31 26/10/2019
Khi khai mạc phiên họp vào chiều thứ Sáu 25 tháng Mười, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vụ đánh cắp các bức tượng vào ngày 21 tháng Mười. Ngài cho biết các bức tượng này đã được cảnh sát Ý vớt lên và có thể được trưng bày trong thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

John Allen, ký giả kỳ cựu về Vatican của tờ Crux, có bài nhận định về biến cố này. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Pope apologizes for theft of Pachamama, says she could be back Sunday
John Allen

Đức Giáo Hoàng xin lỗi về vụ đánh cắp tượng Pachamama và nói rằng tượng ấy có thể quay lại vào hôm Chúa Nhật


Bi kịch xoay quanh vụ Pachamama – tức là vụ các bức tượng phụ nữ mang thai khỏa thân của người bản địa bị đánh cắp từ một nhà thờ ở Rôma và bị ném xuống sông Tiber – đã trở thành cốt truyện mang tính biểu tượng cho Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon năm 2019, và hôm thứ Sáu, bi kịch này lại có một khúc quanh khác nữa với một lời xin lỗi bất ngờ từ Đức Giáo Hoàng.

Khi khai mạc phiên họp vào chiều thứ Sáu 25 tháng Mười, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vụ đánh cắp các bức tượng vào ngày 21 tháng Mười.

Với tư cách là Giám mục của thành Rôma, nghĩa là người đứng đầu Giáo Hội địa phương ở Thành phố vĩnh cửu, Đức Phanxicô đã gởi lời xin lỗi đến bất kỳ ai cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi trộm cắp các bức tượng và ném chúng xuống sông.

Trong một đoạn video được nhanh chóng loan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, Đức Phanxicô cho biết những bức tượng đã được trưng bày không có ý thờ ngẫu tượng trong Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina, nằm ở giữa đường Đại Lộ Hòa Giải dẫn đến quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Phanxicô cũng nói thêm rằng các quan chức thực thi pháp luật tại Rôma đã thu hồi những bức tượng bị vứt xuống sống và đang giữ chúng tại một đồn cảnh sát.

Lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng vào hôm Thứ Sáu là diễn biến mới nhất trong một bộ phim dài gần cả tháng xung quanh các bức tượng này. Lần đầu tiên chúng xuất hiện trong một buổi cầu nguyện của người bản địa vào ngày 4 tháng Mười được tổ chức trong khu vườn của Vatican trước sự chứng kiến của Đức Giáo Hoàng.

Các nhà phê bình truyền thống và bảo thủ ngay lập tức phản đối những gì họ cho rằng một thần tượng ngoại giáo đang được tôn kính ngay trên sân Vatican, trong khi một số người bảo vệ Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng hình ảnh này thực sự là một mô tả của người bản địa về Đức Mẹ đi thăm bà Thánh Elizabeth, người chị họ của Mẹ, đang mang thai Thánh Gioan Tẩy Giả.

Cuối cùng, các phát ngôn viên của Vatican đã bác bỏ cả hai lời giải thích đó, nói rằng những hình ảnh chỉ cao khoảng một mét rưỡi này, chỉ đơn giản thể hiện sự tôn kính của người bản địa đối với cuộc sống và không có ý nghĩa tôn giáo hay tâm linh cụ thể nào.

Ông Paolo Ruffini, một giáo dân người Ý, là quan chức truyền thông hàng đầu của Vatican nói:

“Chúng ta biết rằng một số điều trong lịch sử có thể có nhiều cách giải thích, và ngay cả trong Giáo hội, bạn cũng có thể tìm thấy những điều như thế trong quá khứ, nhưng bức tượng chỉ đơn giản là đại diện cho sự sống, chấm hết, trong khi đó các cố gắng lùng kiếm các biểu tượng ngoại giáo là đang nhìn thấy điều ác nơi nó không có ở đó”.

Tuy nhiên, cách giải thích của ông không làm nguôi cuộc tranh cãi, và ý kiến của cả hai phía trong cuộc tranh luận gay gắt này đã bùng phát cả trên cả các phương tiện truyền thông xã hội và trên các hãng thông tấn Công Giáo.

Trong khi đó, những hình tượng này tiếp tục được cung nghinh trong cuộc rước hôm 6 tháng Mười từ Đền Thờ Thánh Phêrô đến Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục của Vatican, và được trưng bày trong nhà thờ Santa Maria ở Traspontina, nơi một số giám mục tham gia Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon thường đến cử hành các thánh lễ sau khi kết thúc công việc hàng ngày của Thượng Hội Đồng.

Hôm thứ Ba, một người Ý đã công khai nhìn nhận hành vi trộm cắp và ném các ảnh tượng này xuống sông Tiber: Anh ta tên Davide Fabbri, 53 tuổi, người có biệt danh “Padre Davide”, và thường tự xưng mình là một “phó tế trừ tà”, nhưng các phương tiện truyền thông Ý nói rằng anh ta thực sự chưa được Giáo Hội Công Giáo phong chức này.

Fabbri đã đưa ra một tin nhắn video trên Youtube nói rằng anh ta là người đã lấy các bức tượng này, và tuyên bố rằng các bức tượng ấy đại diện cho giáo phái Satan.

Fabbri là một nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị cực hữu ở Ý. Anh ta đã từng bị kết án tù treo và phạt tiền vì công khai biện minh cho chủ nghĩa phát xít, và như thế là vi phạm luật ngôn luận thù hận của Ý. Anh ta còn tuyên bố, mà không có gì xác nhận, rằng mình là họ hàng xa của Benito Mussolini. Người ta cũng thấy Fabbri mặc trang phục giáo sĩ trong các cuộc mít tinh chính trị được tổ chức bởi Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Lega cực hữu của Ý. Ông Matteo Salvini là người nổi tiếng với lập trường chống người nhập cư cứng rắn và là cựu Phó Thủ tướng Ý.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các thành viên của Thượng hội đồng vào chiều thứ Sáu rằng chỉ huy hiến binh Ý ở Rôma, là người đang giữ các bức tượng, cho biết các tượng này có thể được trưng bày trong Thánh lễ bế mạc vào ngày Chúa Nhật, và ngài yêu cầu Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trả lời.


Source:Crux