Ngày 30-10-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ai loan báo Tin Mừng cần phải sống Lời Chúa
Đặng Thế Nhân
09:43 30/10/2011
Quý vị thính giả thân mến,

Rô-ma đã vào thu, trời thật đẹp, trong không khi se lạnh của buổi sáng Chúa nhật, quảng trường thánh Phê-rô lại tiếp đón khách hành hương lúc 12 giờ trưa để cùng đọc Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha. Trong bài huấn dụ ngắn, như thường lệ, Đức Thánh Cha gợi ý một vài điểm chính yếu trong phụng vụ Lời Chúa và chủ đề của ngày hôm qua là thái độ sống Lời Chúa và mời gọi hành xử theo gương của Chúa Giê-su,

Anh chị em thân mến,

Từ các bài đọc của phụng vụ Lời Chúa, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta lắng nghe Tin Mừng "không phải như lời của người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa" (1Tx 2,13). Trong thế giới hôm nay, chúng ta có thể đón nhận trong đức tin những cảnh báo của Chúa Giê-su gợi lên trong tâm cảm để hành xử như Ngài. Trình thuật Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giê-su khiển trách các luật sĩ và người Pha-ri-sêu, là những người có vai trò giáo huấn trong cộng đoàn, rằng họ đã sống hoàn toàn trái ngược với những gì họ giảng dạy. Chúa Giê-su nhấn mạnh đó là những người "nói mà không làm (Mt 23,3); thậm chí "họ bó những gánh nặng mà đặt lên vai người ta nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào (Mt 23,4). Giáo huấn đã được đón nhận nhưng có nguy cơ bị phủ nhận bởi một lối sống đi ngược lại giáo huấn ấy. Vì vậy Chúa Giê-su nói: "Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì đừng có làm theo" (Mt 23,3). Thái độ sống của Chúa Giê-su thì hoàn toàn trái ngược với thái độ sống của các kinh sư và người Pha-ri-sêu: trước tiên Ngài đã sống giới răn yêu thương rồi mới dạy người ta sống như vậy. Ngài có thể nói ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng chính là bởi Ngài giúp chúng ta và cùng chúng ta mang lấy ách của mình (x. Mt 11,29-30).

Về gánh nặng của quyền lực, thánh Bonaventura chỉ ra ai là người Thầy đích thực khi ngài khẳng định: "Không ai có thể giảng dạy, hành động, hay đạt tới sự thật nếu không phải là Con Thiên Chúa" (Sermo I de Tempore, Dom. XXII post Pentecosten, Opera omnia, IX, Quaracchi, 1901, 442). "Chúa Giê-su ngự trên "toà" như ông Mô-sê người đã loan truyền Giao Ước cho các dân tộc" (Gesù di Nazaret, Milano 2007, 89). Và chỉ có Chúa Giê-su là vị Thầy duy nhất đích thực của chúng ta! Chúng ta vì thế được mời gọi bước đi theo Con Thiên Chúa, Ngôi lời nhập thể. Người đã bày tỏ chân lý trong lời dạy của mình ngang qua lòng trung thành với thánh ý Chúa Cha, ngang qua chính quà tặng là bản thân Người. Chúa Giê-su cũng lên án kẻ ham danh vọng và hành xử "cốt để cho thiên hạ thấy" (Mt 23,5); như thế họ chỉ nhắm đến sự chú ý của người ta và đặt để công việc của mình trên những giá trị phù du.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giê-su đã đến thế gian như người tôi tớ, đã hạ mình xuống và hiến mình trọn vẹn trên thập giá, đó là bài học hùng hồn về khiêm tốn và yêu thương. Từ mẫu gương của Người, vọt lên lời mời gọi của sự sống: "Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em" (Mt 23,11). Với sự chuyển cầu của Mẹ Rất Thánh Maria, chúng ta cùng cầu xin, cách đặc biệt cho các cộng đoàn tín hữu được mời gọi để thi hành sứ vụ giáo huấn, để họ luôn luôn làm chứng bằng hành động chân lý mà họ loan báo.

Sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha bày tỏ sự liên đới đặc biệt tới người dân Thái Lan ở những vùng bị ngập lụt, đồng thời tại một số vùng ở Italia, người dân cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Đức Thánh Cha không quên họ trong lời cầu nguyện của ngài.

Với khách hành hương nói tiếng Pháp, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hướng về Mẹ Maria với lòng tin tưởng và nơi Mẹ chúng ta học biết Chúa Giê-su, Con của Mẹ để bước theo sát gót bước của Người. Đức Thánh Cha nguyện chúc từng người, đặc biệt những ai đang phải chịu đau khổ và thử thách, cảm nghiệm được tình mẫu tử dịu dàng và sự che chở của Mẹ Thiên Chúa .

Với khách hành hương nói tiếng Anh, Đức Thánh Cha nêu lên sự cấp bách trong Tin Mừng về việc kết hợp giữa sự khiêm tốn và phục vụ bác ái đối với anh chị em đồng loại trong thế giới hôm nay. Quả vậy, ngài mời gọi tín hữu luôn bắt chương mẫu gương phục vụ của Chúa Giê-su và coi đó như khuôn mẫu hoàn hảo nhất.

Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc lành và gởi lời chào thăm đến mọi người với tất cả lòng yêu mến.
 
Rước Trộm Vào Nhà
Giuse Việt, O.Carm.
10:05 30/10/2011
Rước Trộm Vào Nhà

Sáng sớm. Tiếng đồng hồ báo thức đổ dồn. Anh với tay tắt nó. Một ngày mới bắt đầu. Đưa tay lên làm dấu Thánh Giá, anh nguyện dâng hết mọi sự trong tay Thượng Đế quyền năng và nhân lành. Mỉm một nụ cười. Anh nhẹ nhàng bước xuống khỏi giường. Vươn vai tập thể dục. Anh quyết định sẽ sống ngày hôm nay vui vẻ hơn hôm qua vì anh chợt nhận ra cuộc đời này quá ngắn và sẽ thật lãng phí nếu cứ mang tâm trạng thụ động, căng thẳng, buồn chán….

Ly cà phê nóng tỏa hương thơm nồng. Bữa sáng nay tuy đơn giản nhưng sảng khoái lạ lùng. Ánh dương tỏa xuống từ trên cao lung linh rực rỡ. Cuộc đời bỗng chốc trở nên nhẹ nhàng khi anh thay đổi cách nhìn về nó.

Đến giờ đi làm. Anh khoan thai dọn dẹp ly tách chén đĩa gọn gàng. Đóng cửa. Ấy quên, anh chưa lấy chìa khóa xe. Vẫn trong tâm trạng lạc quan, anh trở vào nhà tìm chìa khóa. Ủa, chiếc chìa khóa đâu rồi nhỉ? Anh tìm trong ngăn kéo. Không thấy. Anh lục trong phòng ngủ. Không thấy. Anh chạy vào phòng khách. Cũng không thấy. Anh kiểm tra túi áo khoác mặc hôm qua. Không thấy luôn. Kì vậy ta? Đã gần trễ giờ làm. Chiếc chìa khoá chết tiệt đâu rồi. Trời ơi, … Bực mình quá!

Một lần nữa, sự bình an lại vuột ra khỏi tầm tay anh, vì chiếc chìa khóa.

Cuối cùng, anh ra ngoài đón xe buýt đến chỗ làm việc. Mọi người chung quanh ai làm việc nấy. Bình thường. Còn anh, anh chẳng thấy những câu nói hài hước của bạn bè có gì là vui cả. Anh cảm thấy không ai hiểu mình. Anh lạc lõng giữa chốn đông người. Anh như dây đàn căng. Tất cả cũng chỉ vì….chiếc chìa khóa, dẫu rằng mặt trời vẫn chiếu sáng, chim vẫn hát ca, dẫu rằng anh vẫn còn nhà cửa, ly cà phê buổi sáng vẫn nóng hổi thơm phức, dẫu rằng ngày mai anh vẫn có thể vui vẻ đón xe buýt đi làm như mọi người và nếu anh cần thì bạn bè sẵn sàng giúp đỡ, dẫu rằng anh còn bao nhiêu thứ tốt đẹp trên đời….

Chiều đến, tan sở, anh trở về nhà. Mở cửa ra, dù rất mệt, việc đầu tiên của anh là đi tìm chiếc chìa khóa, chiếc chìa khóa của cái xe chứ không phải chiếc chìa khóa của hạnh phúc. Lại lục tung mọi thứ lên, vẫn không thấy. Anh muốn hét lên thật to cho vỡ òa cái bực dọc trong người.

Mệt lả. Buông xuôi. Anh thả mình xuống ghế cái phịch. Leng keng. Tiếng gì như tiếng chìa khóa. Anh bừng tỉnh. Ở đâu thế nhỉ? À, thì ra hôm qua lúc về nhà, anh bỏ chìa khóa xe trong túi quần. Nó rớt ra, lọt vào khe của cái ghế.

Cả một ngày mất an vui chỉ vì cái chuyện cỏn còn con. Tên trộm vặt vào nhà tâm hồn của anh cướp đi kho tàng hạnh phúc. Tên trộm ấy do chính anh rước về.

+++++

Thầy ơi, đã bao lần con tự đánh mất niềm an vui mà Thầy đã ban cho con và mong mỏi con luôn giữ lấy để đời con chìm trong hạnh phúc. Một câu nói gió thoảng mây trôi đủ làm con khó chịu. Một cái nhìn không thân thiện khiến con bỗng bực tức. Một trái ý đủ làm con nổi giận. Một dự tính không thành đủ gây cho con nản lòng. Một yếu đuối con người đủ giam hãm con trong ngục tù tự ti. Một vấp ngã lỗi tội đủ làm con nghi ngờ chính tình yêu bao la của Thầy dành cho con. Một biến cố bình thường xảy ra theo quy luật cuộc sống đủ làm con hoảng loạn mất thăng bằng…. Thầy ơi, còn nhiều tên trộm vặt như thế vẫn đang lảng vảng rình rập xung quanh con. Thầy ơi, sự bình an Thầy ban cho con quý giá lắm. Xin giúp con khôn ngoan giữ thật chặt trong lòng mình.

“Thầy để lại bình an cho anh em.

Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.

…Can đảm lên. Thầy đã thắng thế gian.” (Gioan 14:27; 16:33)

Cảm ơn Thầy!

Giuse Việt, O.Carm.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:09 30/10/2011
KHÔNG SỢ VỢ
N2T

Có nhiều ông chồng sợ vợ đang ngồi lại với nhau, và bàn luận với nhau làm thế nào để trở thành một ông chồng uy phong.
Đột nhiên có người hớt hãi chạy đến, nói:
- “Mấy bà ngồi kia nghe được mấy ông nói gì rồi, nên đã cùng nhau đem gậy gộc đến đánh đó !”
Các ông chồng kinh hãi nhất thời chạy tứ tán, duy chỉ có một ông chồng vẫn cứ ngồi tại đó không chạy, mọi người đều đoán là chỉ có ông ta là người không sợ vợ. Qua một lúc sau mọi người từ từ đến gần nhìn xem: té ra là ông ta vì sợ vợ mà chết rồi.

Suy tư:
Có người chết vì yếu tim, có người chết vì đường huyết cao, có người chết vì huyết áp cao, có người chết vì tai nạn, có người chết vì bệnh.v.v...chứ chưa có ai chết vì sợ vợ bao giờ.
Có những người Ki-tô hữu tuyên bố là không sợ tội mà chỉ sợ Chúa mà thôi, cho nên họ thường sống trong tội mà không cảm thấy áy náy, bởi vì đã không sợ tội thì làm gì mà sợ Chúa phạt chứ !
Thiên Chúa là Cha của chúng ta có gì mà phải sợ, nhưng phải sợ tội lỗi, vì tội lỗi làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa là Cha nhân từ, tội lỗi làm cho chúng ta mất hết ơn nghĩa với Chúa, và tội lỗi làm cho hình dạng tâm hồn chúng ta trở thành xấu xí, lương tâm bất an.
Vợ của mình thì không gì phải sợ cả, có sợ chăng là sợ những thói xấu của mình làm cho vợ con buồn và làm mất hạnh phúc gia đình, những thói xấu phải sợ là: phải sợ rượu bia, sợ cờ bạc, sợ cà phê ôm, sợ đi nhà hàng máy lạnh hát ka-ra-ô-kê, bởi vì tất cả những điều đó đáng sợ hơn là...sợ vợ.
----------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Lễ Các Thánh Nam Nữ
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:11 30/10/2011
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
(Ngày 1.11)


Tin mừng : Mt 5, 1-12.
“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.


Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng lễ kính các thánh nam nữ trên thiên đàng, qua thánh lễ này chúng ta càng thấu hiểu hơn nữa về mầu nhiệm các thánh thông công của Giáo Hội, và khi suy niệm đến mầu nhiệm thông công này, chúng ta càng đặt niềm tin tưởng của mình vào Thiên Chúa và Hội Thánh hơn.

Các thánh là những con người như chúng ta, không ai có thể nên thánh nếu không đi qua cuộc sống làm người với những khổ đau hy sinh, không đi qua đau khổ hy sinh thì không thể trở thành một thánh nhân, bởi vì chính Đấng cứu chuộc nhân loại là Chúa Giê-su Ki-tô đã bị đánh đòn, bị đóng đinh vào thập giá, và cuối cùng chết trên thập giá, hy sinh để chuộc tội cho nhân loại.

Các thánh nam nữ là những con người như chúng ta, khi còn sống ở thế gian các ngài cũng có tham sân si, cũng có kiêu căng, có giận hờn, có ghét ghen, có tham lam, có những tội lỗi mà chúng ta đã phạm hôm nay, nhưng các ngài biết cậy vào ơn Thiên Chúa và biết quyết tâm đứng lên cố gắng làm lại cuộc đời mình, biết chiến đấu với những cám dỗ, để rồi hôm nay các ngài được hưởng phúc với Thiên Chúa, với Đức Mẹ Maria và các thiên thần trên thiên đàng.

Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, có vị đã từng làm vua, có vị đã từng làm quan, làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm thấy giáo, làm nô lệ, có vị làm giáo hoàng, có vị làm giám mục, làm linh mục, phó tế, có các vị là nam nữ tu sĩ.v.v... nghĩa là các ngài có đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội, có những đời sống và hoàn cảnh khác nhau, nhưng các ngài đã có một mục đích để sống, đó chính là phải trở nên thánh, phải trở thành những bạn hữu của Thiên Chúa trong chính bổn phận hằng ngày của mình.

Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, nhưng các ngài đã biết thực hiện “hiến chương Nước Trời” tức là “Tám Mối Phúc” ngay tại trần gian này :
Các ngài giàu có nhưng đã sống tinh thần khó nghèo vì Nước Trời.
Các ngài bị người khác vu oan giá họa nhưng vẫn hiền lành với họ.
Các ngài đã chia vui với người vui và buồn với người buồn, nên được Thiên Chúa an ủi ngay khi còn ở đời này.
Các ngài mong muốn được trở nên người công chính giữa một xã hội đầy mưu mô xảo trá, nên được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Các ngài biết thương xót người, tức là biết động lòng trước cảnh thương tâm của người khác, nên được Thiên Chúa xót thương.
Các ngài sống trong danh vọng, sống giữa bụi trần với những đam mê của nó nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sạch, nên các ngài được nhìn thấy Thiên Chúa.
Các ngài đi đến đâu là đem bình an của Thiên Chúa đến nơi đó, các ngài được gọi là những người biết kiến tạo hoà bình, nên các ngài được gọi là con Thiên Chúa.
Các ngài bị bắt bớ, bị đánh đập, bị tra tấn, bị tù đày vì các ngài sống và tin vào Chúa Giê-su, Đấng sẽ ban Nước Trời cho những kẻ tin vào Ngài, nên các ngài đã được Nước Trời làm của mình sau khi từ giã cõi đời tạm này...


Anh chị em thân mến,
Các thánh nam nữ đều là những con người như chúng ta, các ngài đã trở nên những người thánh, thì chúng ta cũng có thể trở nên thánh như các ngài, bởi vì nên thánh là đòi hỏi của Phúc Âm và là mục đích sống ở đời của chúng ta –những người Ki-tô hữu.

Xin Đức Mẹ Maria và các thánh nam nữ trên thiên đàng cầu bàu cho chúng ta, là những người đang trên đường đi về quê trời, được noi gương của các ngài biết quyết tâm đổi mới cuộc sống của mình, biết đứng dậy khi ngã xuống trong tội, và biết phục vụ và tha thứ cho nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:13 30/10/2011
N2T

5. Cùng kết hợp với Chúa Giê-su thì đó chính là thiên đàng vậy.

(Thánh Bernard)
 
Chiều rộng của ơn cứu độ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:03 30/10/2011
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Năm phụng vụ có năm mùa nhưng tựu trung chỉ mừng một mầu nhiệm duy nhất,mầu nhiệm cứu độ : Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta.

Năm mùa phụng vụ đều quy về chính Chúa Kitô là Đấng Cứu độ.Ngài là Con Thiên Chúa nhập thể,đã sinh ra,đã chết,đã sống lại,lên trời ngự bên hữu Chúa Cha,và gởi Thánh Thần đến với Giáo hội.

Các ngày lễ về các Thánh nói lên thành quả của ơn cứu độ.Mỗi vị Thánh được tôn phong hàng ngày là một bằng chứng sống động về sự thành công của ơn cứu độ.Các ngày lễ này có hai cao điểm :

- Lễ Đức Maria hồn xác lên trời là chiều cao và chiều sâu của ơn cứu độ.Thiên Chúa cứu độ là cứu cả hồn xác,toàn diện con người “Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tớ nữ…Người đã làm những điều cao cả”.

- Lễ các Thánh Nam Nữ là chiều rộng của ơn cứu độ “Lòng thương xót của Chúa trải rộng từ đời nọ đến đời kia”.

Chúng ta mững lễ các Thánh Nam Nữ là mừng Nhà Cha rộng lớn như lòng Thiên Chúa,đủ chổ cho mọi chi tộc trong Israel.Bài đọc 2 trong sách Khải huyền, Thánh Gioan viết : “đã nghe nói số những kẻ được niêm ấn là 144 ngàn thuộc mọi chi tộc con cái Israel”. 144 ngàn không phải là nhiều.Giáo phận Phan thiết có 166 ngàn giáo dân. Nhưng 144 ngàn trong Khải huyền là một con số tượng trưng, một con số tràn đầy ( 12 x 12 = 144).Số kẻ được niêm ấn là tròn đầy.Và điều tuyệt diệu là trong thị kiến Khải huyền chi tộc nào cũng có số người được niêm ấn như nhau: 12 ngàn thuộc chi tộc Giuđa,12 ngàn thuộc chi tộc Ruben,12 ngàn thuộc chi tộc Gad…không tên họ nào lấn lướt,không tên họ bị loại trừ.Các chi tộc đều được Thiên Chúa kêu mời đầy đủ.

Không chỉ Israel được thương mời mà “Sau đó tôi còn mãi nhìn,thì này một đoàn lũ không biết cơ man nào mà kể,thuộc mọi nòi giống,dòng họ ,dân tộc,tiếng nói”. Quả là đang trở thành hiện thực nơi Lời Chúa Giêsu đã thốt lên khi gặp được lòng tin của viên bách quản: “Ta bảo thật các ngươi,nhiều kẻ tự phương đông,phương đoài mà đến và được dự tiệc cùng Abraham,Isaac và Giacop trong nước trời”.

Trong ngày lễ Các Thánh, Giáo hội nhìn lên trời có thể vui ca như cô gái Sion “Vui ca lên nào thiếu nữ Sion… Hãy đưa mắt tư bề, muôn dân đông tây đang tập trung tới ngươi.Con cháu người đang từ đàng xa đổ về”. Các Thánh đông đảo trong Nhà Cha.Vì vậy, mừng lễ Các Thánh, người Kitô hữu vui tươi trong một nhãn giới lạc quan căn bản là có thể tin rằng Thiên đàng có nhiều chỗ hơn Hoả ngục. Niềm tin tưởng lạc quan của chúng ta lại có vẻ nghịch thường: con đường đi tới phải là con đường hẹp nhưng cửa nước trời lại được Thiên Chúa mở rộng thênh thang.

Ngày lễ hôm nay là lễ tưởng nhớ,vui mừng hiệp thông với các bậc tổ tiên, ông bà,cha mẹ,anh em,bạn bè,tất cả những người thân của chúng ta đã ra đi trước chúng ta mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ ( Kinh Tạ Ơn IV) khi chúng ta có thể hy vọng họ được gia nhập vào hàng ngũ Các Thánh trên trời. Giáo hội vẫn mừng lễ các Thánh trước lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời,các linh hồn đang ở luyện ngục. Luyện ngục dẫu sao chỉ là một thời gian tạm trú. Không ai có hộ khẩu thường trú ở đó cả. Nói cách khác, luyện ngục chỉ là một chuyến đò ngang.Thiên đàng mới là bờ bến.Giáo hội dành tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn,dâng thánh lễ,làm việc lành chuyển cầu cho các linh hồn, nói lên mối hiệp thông huyền nhiệm giữa người sống và kẻ chết trong lòng tin.Giáo hội thâm tín rằng: Thiên Chúa giàu lòng thương xót.Ơn tha thứ của Chúa cũng là ơn thành hoá,thăng hoa con cái Chúa trở về Nhà Cha,không chỉ được ơn tha thứ mà còn dự tiệc muôn đời.

Thiên Chúa đã dựng nên muôn loài.Trong muôn loài,có loài hoa,trong loài hoa Thiên Chúa đã tạo ra muôn loại,muôn giống khác nhau.Có thể nói,mỗi vị Thánh là một loài hoa khoe sắc trong vườn hoa thiêng liêng.Có nhiều vị thánh rao giảng tin mừng.Có thánh tử đạo,có thánh lo bác ái từ thiện,có thánh lo dạy học,có thánh chuyên sống đời cầu nguyện chay tịnh…Nhưng có một điểm chung nơi Các Thánh, đó là các Ngài đã bắt chước Chúa Kitô, sống cho hạnh phúc của người khác, it khi tìm hạnh phúc hay thú vui cho riêng mình.

Các Thánh không phải là những con người hoàn hảo,thánh thiện,tinh tuyền,không vướng mắc lỗi lầm thiếu sót hay tật xấu nào. Không ai bẩm sinh đã là Thánh.Các Thánh cũng không phải là những siêu nhân,những con người phi thường vượt trên đám đông nhân loại.Các Thánh càng không phải là những người bất thường kỳ dị.Các Thánh là những con người bình thường như mọi người, nhưng các Ngài đã “sống những điều tầm thường một cách phi thường”.Nhờ Ơn Chúa trợ lực,các Ngài đã cố gắng tiến tới mẫu mực của mình là Chúa Kitô. Bí quyết nên thánh của các Ngài là sống tám mối phúc thật,là đón nhận ân sủng của Chúa vô điều kiện,hợp tác với ân sủng đó,vâng theo ý Chúa,chọn điều thiện, luyện tập nhân đức.

Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị thánh không có tên trong lịch, nhưng vẫn được gần Chúa. Có những vị thánh nông dân chân lấm tay bùn, vất vả nuôi con. Có những vị thánh nội trợ âm thầm, quét nhà nấu bếp mà lòng lúc nào cũng vui. Có những vị thánh là những người con ngoan trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương quảng đại đối với anh chị em. Có những vị thánh là nữ tu, là tu sĩ, là linh mục, là giám mục. Có những vị thánh là những con người đam mê chân lý, như những nhà khoa học, những triết gia. Có những vị thánh là những nghệ sĩ làm đẹp cuộc đời bằng nhiều cách khác nhau, mang lại niềm vui cho mọi người.

Mừng lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng ta hân hoan chúc tụng Các Thánh là những người bạn của chúng ta và xin các Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, để chúng ta nhận ra mình cũng được Chúa mời gọi nên thánh như các Ngài, và cố gắng vươn lên giống như các Ngài .

Nguyện xin các Thánh Nam Nữ giúp chúng con tập sống mỗi ngày,thăng tiến trên con đường trọn lành như lời mời gọi của Chúa Giêsu : các con hãy nên Thánh như Cha trên trời là Đấng Thánh.

Xin cho chúng con luôn ghi nhớ lời Thánh Augustinô: Ông nọ bà kia nên Thánh được,còn tôi, tại sao lại không?
 
Ơn gọi nên thánh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:04 30/10/2011
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Hôm nay cùng với Giáo hội, chúng ta long trọng cử hành Thánh lễ mừng kính Các Thánh Nam Nữ.

Theo lời Sách Khải Huyền, Các Thánh trên trời là “một đoàn người đông đúc, không sao đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước, mọi ngôn ngữ”. Họ đang chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai và Con Chiên, là Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu độ chúng ta.

1. Các Thánh Nam Nữ là ai?

Các Thánh Nam Nữ là những phúc nhân (chữ của Đức Cha Bùi Văn Đọc), những người đang hưởng hạnh phúc đời đời bên cạnh Thiên Chúa. Các Ngài là tất cả những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa, đang thuộc trọn về Chúa. Các Ngài sung sướng, vui mừng vì thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, được thấy Thiên Chúa đẹp đẽ.

Các Thánh Nam Nữ đông vô kể “Tôi lại thấy một Thiên Thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên… Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn” (Kh 7,2-4). Con số “một trăm bốn mươn bốn ngàn” chỉ là một cách nói để bày tỏ sự viên mãn và hoàn hảo của dân Thiên Chúa, dân mới được Thiên Chúa cứu chuộc, thuộc về Thiên Chúa, chứ không thể hiểu theo nghĩa số học, số lượng. “Một trăm bốn mươn bốn ngàn” trong Khải huyền là một con số tượng trưng, một con số tròn đầy ( 12 x 12 = 144). Số kẻ được niêm ấn là tròn đầy.Và điều tuyệt diệu là trong thị kiến Khải huyền chi tộc nào cũng có số người được niêm ấn như nhau: 12 ngàn thuộc chi tộc Giuđa,12 ngàn thuộc chi tộc Ruben,12 ngàn thuộc chi tộc Gad…không tên họ nào lấn lướt, không tên họ bị loại trừ. Các chi tộc đều được Thiên Chúa kêu mời đầy đủ. Bởi ngay sau đó, thánh Gioan viết tiếp: “tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nỗi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành thiên tuế” (Kh 7,4).

Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi. Đó là cộng đoàn các Thánh Nam Nữ. Quả là đang trở thành hiện thực nơi Lời Chúa Giêsu đã thốt lên khi gặp được lòng tin của viên bách quản “Ta bảo thật các ngươi,nhiều kẻ tự phương đông,phương đoài mà đến và được dự tiệc cùng Abraham,Isaac và Giacop trong nước trời”. Chính vì thế, ngoài những vị thánh mà Giáo Hội đã xác định được và đã kính nhớ các Ngài vào các ngày lễ trong năm, Giáo Hội còn dành ra một ngày lễ đặc biệt để long trọng kính nhớ hằng hà sa số các vị thánh mà Giáo Hội chưa hoặc không thể xác định được, gọi chung là Các Thánh Nam Nữ. Chúng ta mững lễ các Thánh Nam Nữ là mừng Nhà Cha rộng lớn như lòng Thiên Chúa, đủ chổ cho mọi dân tộc.

2. Con đường nên thánh

Thánh Gioan viết: “Một trong các kỳ mục lên tiếng hỏi tôi: những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu tới? Tôi trả lời: thưa Ngài, Ngài biết đó. Vị ấy bảo tôi: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh7,13).Thánh Tông đồ đã nhìn thấy họ trên Thiên đàng, tràn đầy hân hoan, ca hát chúc tụng Thiên Chúa : “Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Quả thực, việc thanh tẩy tội lỗi chỉ thành tựu nhờ máu Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, các Thánh đã phải trải qua cuộc gian truân lớn. Vì tình yêu Đức Kitô, tất cả đã phải giao chiến với quyền lực của sự dữ, với muôn nghìn đau khổ và khó nhọc. Nhưng thánh Gioan cũng giới thiệu phần thưởng lớn lao của các Ngài : “Họ đêm ngày thờ phượng trong đền thờ của Thiên Chúa… Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,15-17).

Các Thánh “đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”. Như thế, họ không phải là những con người hoàn hảo, thánh thiện,tinh tuyền,không vướng mắc lỗi lầm thiếu sót hay tật xấu nào. Không ai bẩm sinh đã là Thánh. Các Thánh cũng không phải là những siêu nhân, không là những con người phi thường vượt trên đám đông nhân loại.Các Thánh càng không phải là những người bất thường kỳ dị. Các Thánh là những con người bình thường như mọi người,nhưng các Ngài đã sống những điều tầm thường một cách phi thường. Nhờ Ơn Chúa trợ lực, các Ngài đã cố gắng tiến tới mẫu mực của mình là Chúa Kitô. Bí quyết nên thánh của các Ngài là sống Tám Mối Phúc Thật,là đón nhận ân sủng của Chúa vô điều kiện,hợp tác với ân sủng đó,vâng theo ý Chúa,chọn điều thiện,luyện tập nhân đức.

Có rất nhiều vị thánh bởi vì có rất nhiều cách để nên thánh, nhiều con đường nên thánh. Trong bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã trình bày tám con đường nên thánh, tám con đường để được hạnh phúc đích thực. Có người nên thánh, vì sống khó nghèo, không ham mê của cải trần gian, chỉ ham mê một điều là thích được Chúa yêu và đáp trả lại tình yêu của Chúa. Có người nên thánh, vì sống hiền lành, tử tế với mọi người, nhịn nhục, yêu thương mọi người không trừ một ai. Có người nên thánh, vì đã phải chịu đau khổ nhiều mà không ngã lòng thất vọng, còn biết dùng những đau khổ của mình, kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, dâng lên cho Thiên Chúa làm của lễ. Có người nên thánh, vì có lòng nhân từ quảng đại và hay tha thứ, có lòng xót thương xót đối với những người đau khổ tinh thần hay thể xác. Có người nên thánh, vì khao khát Chúa, muốn sống công chính đẹp lòng Chúa. Có người nên thánh vì tâm hồn trong sạch, không vương vấn tội lỗi trần gian, không bị các thứ đam mê xác thịt làm chủ. Có người nên thánh vì hiếu hòa, không gây hấn với ai, mà còn dấn thân hoà giải những người khác, đem lại bình an cho mọi người. Có người nên thánh, vì sống tốt, sống ngay thẳng, trung thành với Chúa và giáo huấn của Người, dù phải bách hại khổ sở, có khi còn bị giết chết nữa. Mọi cuộc đời, mọi con người đều có thể nên thánh. Có những vị thánh không có tên trong lịch, nhưng vẫn được gần Chúa. Có những vị thánh nông dân chân lấm tay bùn, vất vả nuôi con. Có những vị thánh nội trợ âm thầm, quét nhà nấu bếp mà lòng lúc nào cũng vui. Có những vị thánh là những người con ngoan trong gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương quảng đại đối với anh chị em. Có những vị thánh là nữ tu, là chủng sinh, là linh mục, là giám mục. Có những vị thánh là những con người đam mê chân lý, như những nhà khoa học, những triết gia. Có những vị thánh là những nghệ sĩ làm đẹp cuộc đời bằng nhiều cách khác nhau, mang lại niềm vui cho mọi người.(ĐGM Bùi Văn Đọc).

Tuy có nhiều cách thức nên thánh, có vị nên thánh trong bậc tu trì, có vị lại nên thánh trong đời sống gia đình, có vị nên thánh bằng các hoạt động tông đồ năng nổ, có vị nên thánh trong một đời sống âm thầm, lặng lẽ, có vị nên thánh nơi pháp trường đẫm máu, có vị nên thánh chốn sa mạc cô liêu… Nhưng tựu trung, tất cả các thánh đã gặp nhau trên một con đường. Đó là con đường hẹp, con đường thập giá, Chúa Giêsu đã đi “qua đau khổ đến vinh quang”.

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”.


Chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng Thánh, còn con người được mời gọi trở nên thánh khi tham dự vào sự thánh thiện duy nhất của Thiên Chúa. Các Thánh được tuyên phong lên bậc hiển thánh bởi vì cuộc đời các ngài là một tấm gương phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ai giống Đức Kitô, người ấy trở nên thánh thiện. Ai thực hiện những giá trị Tin mừng, người ấy trở nên thánh thiện. Một sự thánh thiện như thế rất có thể được thực hiện trong một đời sống rất bình thường. Giáo hội hướng tới một sự thánh thiện tỏa rộng, một hình thức thánh thiện vừa bình dân, vừa gần gũi lại vừa có thể được thực hiện cho hết mọi người, thay vì một hình thức thánh thiện chọn lọc, dành riêng cho một thiểu số. Đó là thành quả Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô. Giáo Hội không phong thánh cốt để mà thờ, nhưng để tôn vinh Thiên Chúa, để khuyến khích chúng ta noi theo và bắt chước.

Con đường nên thánh được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay là con đường Tám Mối Phúc Thật.

Sống các Mối Phúc Thật, chúng ta lớn lên trên đường thiêng liêng và trở nên cao lớn trước mặt Chúa. Năm Phụng vụ, Giáo hội tôn kính nhiều vị Thánh có tên tuổi. Ngày lễ các Thánh Nam Nữ, Dân Chúa tham dự thánh lễ để tôn kính tất cả, trong đó có ông bà cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta và đã trở nên thánh nhân, mặc dù chưa được Giáo hội tuyên phong.

Trở nên giống Chúa Giêsu, trở nên trọn lành như Chúa Cha ở trên trời, trở nên thánh, đó là ơn gọi của mọi người Kitô hữu chúng ta và đó cũng là sứ điệp Chúa Giêsu và Giáo Hội muốn nhắn gửi qua ngày lễ kính Các Thánh Nam Nữ.
 
Thánh nhân là ai?
Vũ Văn An
23:26 30/10/2011
Thánh nhân không phải là ngoại lệ, mà là mẫu mực hành xử có tính tiêu chuẩn cho những con người nhân bản. Vì như Charles Péguy từng nói: “Nói cho cùng, đời chỉ có một thảm kịch đó là việc đã không là một thánh nhân”. Thực vậy, theo nghĩa Thánh Kinh, mọi tín hữu đều là thánh nhân. Thánh chỉ có nghĩa là thánh thiện (holiness). Mọi người đàn ông lẫn đàn bà, trẻ em lẫn người lớn, người đã sinh lẫn người chưa sinh, người đẹp lẫn người xấu, người thẳng lẫn người cong (gay), đều là thánh, vì họ đều mang hình ảnh Thiên Chúa.

Thánh nhân không đối nghịch với tội nhân. Trên đời này, không hề có người đối nghịch với tội nhân. Chỉ có các tội nhân được cứu rỗi và các tội nhân không được cứu rỗi. Như thế, người thánh thiện không có nghĩa là “người vô tội” mà chỉ là người “được để riêng ra”, được mời gọi bước ra khỏi thế gian hướng về đích điểm ngất ngây với Thiên Chúa.

Thánh nhân là ai? Trước nhất, đó là người biết rằng mình là kẻ có tội. Thánh nhân là người biết đủ thứ tin, cả tin xấu của tội lỗi lẫn tin vui của cứu chuộc. Thánh nhân là khoa học gia đích thực, là triết gia chân chính: Thánh nhân biết sự thật. Thánh nhân là người biết nhìn, thấy được điều gì ở đàng kia. Thánh nhân là người duy thực (realist).

Nhưng thánh nhân cũng là người duy lý tưởng (idealist). Thánh nhân ôm lấy đau thương anh hùng bằng tình yêu anh hùng. Thánh nhân cũng ôm lấy niềm vui anh hùng. Một trong các tiêu chuẩn để được phong hiển thánh là phải vui tươi.

Thánh nhân là đầy tớ của Chúa Kitô. Thánh nhân cũng là người chiến thắng vĩ đại hơn Alexăng Đại Đế, người vốn chỉ chiến thắng thế gian. Thánh nhân chiến thắng cả chính mình. Con người nào được ích chi nếu chỉ chiến thắng thế gian mà không chiến thắng được chính mình?

Thánh nhân cởi mở đến có thể nói như Thánh Phaolô “Tôi học được cách biết tự cho mình đầy đủ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi biết cách sống trong những hoàn cảnh khiêm tốn; tôi cũng biết cách sống trong cảnh sung túc” (Phil. 4:11-12). Thánh nhân kết hôn với Thiên Chúa “lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc mạnh khỏe cũng như lúc bệnh hoạn, cho đến chết. Thánh nhân cũng có quyết tâm, cũng kiên quyết đến có thể chết chứ không chịu làm hại chân lý, sẵn sàng dùng máu mình viết niềm tin trên cát khi chết. Một vị thánh thực sự đã làm việc này.

Thánh nhân là kẻ thù có tuyên thệ của thế gian, của xác thịt và của ma quỉ. Thánh nhân tự giam mình vào cuộc chiến đấu quyết tử chống lại các vương đế và cường quyền. Thánh nhân cũng là bạn và là người yêu của thế giới. Thánh nhân ôm hôn thế giới đang bị ung thư vì tội lỗi này bằng nụ hôn dịu dàng của Thiên Chúa trong Gioan 3:16. Thánh nhân tuyên cuộc chiến của Thiên Chúa với thế gian này, sẵn sàng chọc thánh giá như lưỡi gươm vào thẳng kẻ thù đang chiếm đóng trái đất… Đồng thời, thánh nhân cũng giang rộng đôi cánh tay trên cùng thánh giá ấy như muốn nói: “Thấy không, tình yêu của tôi dành cho các bạn cũng rộng như cây thánh giá này!”

Thánh nhân là nàng dâu của Chúa Kitô, hoàn toàn gắn bó, trung trinh và tùng phục. Thánh nhân cũng hoàn toàn độc lập, xa lánh mọi ngẫu tượng và bất cứ người chồng nào khác. Thánh nhân làm việc giữa tiền tài, quyền lực, khoái lạc, như người đàn bà có chồng làm việc cạnh những người đàn ông khác, nhưng nhất định không kết hôn với họ, cũng không ve vãn họ.

Thánh nhân cao hơn bất cứ ai trên thế giới. Thánh nhân là người leo núi đích thực. Nhưng thánh nhân cũng thấp hơn bất cứ ai khác trên thế giới. Giống như nước, thánh nhân chẩy xuống những chỗ thấp nhất, như Calcutta chẳng hạn. Trái tim thánh nhân tan nát vì mọi sầu buồn và tội lỗi nhỏ nhất. Trái tim thánh nhân cũng mạnh đến độ ngay cái chết cũng không bẻ gẫy được nó. Nó bất khả tiêu diệt vì không ai bẻ gẫy được nó.

Thánh nhân rút tay ra khỏi tay lái cuộc đời và để mặc tình Thiên Chúa lèo lái. Điều này quả là khiếp đảm, vì Thiên Chúa vốn vô hình. Thánh nhân cũng có đôi tay di chuyển được thế giới. Ngài có đôi chân rảo khắp thế giới bằng những bước đi chắc nịch.

Thánh nhân không để người khác chơi trò chơi Thiên Chúa đối với mình. Ngài nhận lệnh từ vị Đại Tướng, chứ không từ quân đội. Thánh nhân cũng không chơi trò chơi Thiên Chúa đối với người khác.

Thánh nhân là một Chúa Kitô bé nhỏ. Không những ta thấy Chúa Kitô qua các thánh nhân của Người, như thấy ánh sáng quả cửa sổ kính mầu, ta còn chỉ hiểu được các ngài qua Chúa Kitô, như ta hiểu trái trứng qua con gà vậy

Thánh nhân là gia đình ta. Ta là một Thân Thể. Các ngài là chân tay ta và ta là chân tay các ngài. Bởi thế lễ của các ngài là lễ của ta. Như Pascal từng nói: “Điển hình do cái chết cao thượng của những người Spartan và nhiều người khác tạo ra ít có ảnh hưởng tới ta… nhưng gương sáng do cái chết của các vị tử đạo tạo ra ảnh hưởng tới ta, vì họ là chi thể của ta… ta không nên giầu có nhờ thấy người xa lạ giầu có, mà nhờ thấy người cha hay người chồng giầu có”.

Ta trở thành thánh nhân không nhờ nghĩ về việc đó và nhất là không nhờ viết về việc đó, mà chỉ nhờ làm việc đó. Sẽ đến lúc câu hỏi “thế nào?” phải chấm dứt và ta chỉ làm nó mà thôi. Nếu ai đó được ta yêu thương đến gõ cửa xin vào, liệu ta có thắc mắc về việc khóa cửa vận hành ra sao, và làm thế nào ta vận dụng được bắp thịt để mở nó ra hay không?

Thánh Phanxicô thành Assisi có lần nói với các đan sĩ của mình rằng nếu họ đang được Hưởng Nhan Thánh Chúa và một kẻ lang thang đến gõ cửa xin một ly nước lạnh, thì quay mặt khỏi ngắm Nhan Thánh để giúp người lang thang mới thật là thiên đàng, chứ quay mặt làm ngơ người lang thang để tiếp tục hưởng Nhan Thánh thực ra là quay mặt khỏi chính Thiên Chúa vậy.

Thánh nhân là người nhìn ra người lang thang là ai: là chính Chúa Giêsu.

Theo Kreeft, Peter. “What is a Saint?” National Catholic Register. (October 1987). Peter Kreeft dạy tại Cao Đẳng Boston, ở Boston, Massachusetts và có chân trong Hội Đồng Cố Vấn của Trung Tâm Tài Nguyên Giáo Dục Công Giáo.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Dân Biểu North Carolina đòi rút quân khỏi Afghanistan
Bùi Hữu Thư
16:42 30/10/2011
Dân Biểu Walter B. Jones Tiểu Bang North Carolina


Hoa Thịnh Đốn (CNS) -- Khi Tổng Thống Barack Obama tuyên bố ngày 21 tháng 10 kế hoạch rút 44.000 binh sĩ Mỹ ra khỏi Iraq trước cuối năm nay, có lẽ không có ai tại Quốc Hội Hoa Kỳ vui mừng hơn là Dân Biểu Walter B. Jones.

Dân biểu Cộng Hoà bảo thủ từ Farmville, North Carolina đã hối thúc chính phủ Obama chấm dứt việc chiếm đóng Iraq ngay từ khi tổng thống Obama nhậm chức năm 2009. Ông cũng đã áp lực tổng thống George W. Bush cũng làm như vậy trong gần 5 năm trời.

Chắc chắn đây là một lập trường can đảm của một người có các cử tri trong vùng là nơi có doanh trại Camp Lejeune. Đây là Căn Cứ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ lớn nhất trong nước, cũng như là nơi có hàng chục ngàn cựu chiến binh đã về hưu.

Ông Jones, sanh trưởng là một tín hữu Baptist đã trở thành người Công Giáo năm 1977, ông nói với Catholic News Service tại văn phòng của ông tại tòa nhà Quốc Hội Rayburn House Office Building là ông chống đối cuộc chiến tại Iraq vì các giá trị Kitô giáo của ông.

Ông nói, ngay sau khi cuộc tấn công ngày 19 tháng 3, 2003 do Hoa Kỳ chủ xướng để lật đổ Saddam Hussein vì lý do tên độc tài trị vì lâu năm này đã có những vũ khí có thể tiêu diệt rất nhiều sinh mạng một lúc, và đang chuẩn bị dùng các vũ khí này để tấn công các đồng minh của Hoa Kỳ.

Nhưng cho tới lúc đó, ông Jones đã chấp thuận, ít ra cũng về phương diện chính trị. Ông là một người trong đại đa số các nghị sĩ và dân biểu trong Quốc Hội đã bỏ phiếu chấp thuận vào tháng 10 năm 2002 để sử dụng vũ lực tại Iraq.

Tuy nhiên, bây giờ, ông cam quyết là cuộc xâm chiến Iraq đã được thực hiện dưới danh nghĩa phỉnh lừa, được cung cấp những tin tức sai nhầm, và đã có sự bôi bác các tin tức tình báo bởi giới lãnh đạo chính trong chính phủ Bush. Ông cũng cho là không cần phải duy trì binh sĩ tại Afghanistan vì Osama bin Laden lãnh tụ al-Qaida's đã bị giết vào tháng 5.

 
Đức Thánh Cha kêu gọi bài trừ nạn phù thủy ở Angola
LM. Trần Đức Anh OP
07:49 30/10/2011
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các GM Angola và São Tomé dành ưu tiên cho việc mục vụ gia đình, bài trừ nạn phù thủy và óc phe phái bộ tộc.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 29-10-2011, dành cho 26 GM thuộc HĐGM Angola và Sao Tomé nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc đến và đề cao kế hoạch mục vụ các GM Angola đề ra từ 3 năm nay, đứng trước tình trạng con số các hôn phối đạo tại nước này trở nên hiếm hoi, nhiều cặp nam nữ ”làm bạn” với nhau mà không hết hôn, trái ngược với kế hoạch của Thiên Chúa về sự sinh sản và gia đình nhân loại. ĐTC cầu chúc cho kế hoạch của các GM mang lại nhiều thành quả. Ngài nói: ”Anh em hãy giúp các đôi vợ chồng được trưởng thành đầy đủ về nhân bản và tinh thần, để họ lãnh nhận sứ vụ làm vợ chồng và cha mẹ trong tinh thần trách nhiệm, nhắc nhở cho họ rằng tình yêu vợ chồng phải có đặc tính một vợ một chồng và bất khả phân ly như giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Cần phải bảo tồn kho tàng quí giá này với bất kỳ giá nào”.

ĐTC cũng nhắc đến sự kiện nhiều tín hữu Công Giáo tại Angola tuy là Kitô hữu mà vẫn thực hành những thói tục không thể dung hợp với việc theo Chúa Kitô, với hậu quả là họ sát hại cả các trẻ em và người già bị những phù thủy kết án. Ngài nói: ”Anh em GM thân mến, ý thức về tính chất thánh thiêng của sự sống con người trong mọi giai đoạn và hoàn cảnh, anh em hãy lên tiếng bênh vực các nạn nhân. Ngoài ra, vì đây là một vấn đề trong toàn miền, hãy liên kết nỗ lực của các cộng đoàn Giáo Hội bị thương tổn vì tai ương này, cố gắng xác định ý nghĩa sâu xa của các thói tục đó, vạch rõ những nguy hiểm về mặt mục vụ và xã hội của các tệ nạn ấy, để đi tới một phương pháp hoàn toàn loại trừ chúng, với sự cộng tác của chính quyền và xã hội dân sự”.

Sau cùng, ĐTC nói đến óc bộ tộc phe phái khiến cho các cộng đoàn có xu hướng khép kín, không muốn chấp nhận những người thuộc bộ tộc khác. Ngài cám ơn và đề cao những GM, LM và tu sĩ chấp nhận làm việc mục vụ bên ngoài biên giới ngôn ngữ và bộ tộc của mình. ĐTC nói: ”Trong Giáo Hội, như một gia đình mới của những người tin nơi Chúa Kitô, không có chỗ cho bất kỳ sự chia rẽ nào (Xc Mc 3,31-35). Biến Giáo Hội thành căn nhà và trường dạy sự hiệp thông, đó chính là thách đố lớn mà chúng ta phải đương đầu vào đầu Ngàn Năm mới này, nếu chúng ta trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa và đáp lại những mong đợi sâu xa nhất của thế giới” (Gioan Phaolô 2, Tông thư Bắt Đầu Ngàn Năm Mới, 43). Quanh bàn thờ, có những người nam nữ thuộc các bộ lạc, ngôn ngữ và chủng tộc khác nhau, họ chia sẻ cùng Mình và Máu Chúa Giêsu trong Thánh Thể, trở nên anh chị em đích thực với nhau (Xc Rm 8,29). Mỗi giây huynh đệ này mạnh mẽ hơn những liên hệ của các gia đình trần thế và của các bộ lạc anh em” (SD 29-10-2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Chầu lượt tại giáo xứ Trì Chính, Phát Diệm
Teresa Avila Thùy Chi
07:56 30/10/2011
PHÁT DIỆM – Sáng hôm nay, Chúa nhật XXXI mùa Thường Niên ngày 29.10.2011, vào lúc 6 giờ tại Nhà thờ Giáo xứ Trì Chính, Giáo phận Phát Diệm, thuộc xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đã khai mạc lễ Chầu lượt của giáo xứ thay mặt giáo phận. Cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc quản hạt Phát Diệm chủ tế thánh lễ.
Xem hình ảnh

Thánh lễ đồng tế được bắt đầu lúc 10 giờ 30 phút. Đến tham dự thánh lễ Chầu lượt hôm nay có các linh mục trong ngoài giáo hạt và có sơ Elizabeth Bùi thị Nghĩa đang sống, làm việc tại Hoa Kỳ về thăm giáo phận quê hương. Cùng hiện diện trong thánh lễ Chầu lượt hôm nay còn có các tu sĩ nam nữ, các chị tu hội Thánh Tâm và khoảng hơn 1000 giáo dân của giáo xứ, giáo họ.

Mở đầu thánh lễ, cha quản hạt chia sẻ niềm vui với cộng đoàn nhân dịp Giáo xứ Trì Chính Chầu Thánh Thể thay mặt giáo phận. Ngài mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cách riêng cho giáo xứ và cha xứ. Ngài hướng cộng đoàn cùng tạ ơn Thiên Chúa trong thánh lễ đặc biệt hôm nay, ngày Chúa nhật trước ngày Lễ Các Thánh và tháng cầu nguyện cho Các Linh Hồn.

Tính đến Lễ Chầu lượt của giáo xứ Trì Chính hôm nay, giáo xứ đã có 103 năm thành lập trên mảnh đất Phát Diệm. Số nhân danh từ 1700 người lúc thành lập năm 1908 xuống còn 800 người khi có biến cố di cư của năm 1954, đến nay số nhân danh là 1435 người. Hiện tại giáo xứ Trì Chính đã có các cơ sơ vật chất như nhà xứ; Trường thử Trì Chính đã được thu hồi, tái tạo và đã đưa vào hoạt động trở lại; tuy vậy thì ngôi nhà thờ nhỏ ngày một cũ theo thời gian và thực sự là chật so với cộng đoàn dân Chúa của giáo xứ đang tiếp tục phát triển trong đức tin và tình hiệp nhất.

Sau thánh lễ, ông Trưởng Ban hành giáo xứ đã đại diện cộng đoàn nói lời cảm ơn cha xứ, các linh mục đồng tế, quí sơ và cộng đoàn đã tham dự ngày Chầu Thánh Thể thay mặt giáo phận.
 
Hội Samaritano Thanh Hóa mừng lễ bổn mạng và hội thảo lần thứ 30
Maria Én Trần
09:50 30/10/2011
Hội Samaritano Thanh Hóa mừng lễ bổn mạng và hội thảo lần thứ 30

Hội Samaritano giáo phận Thanh Hóa được thành lập với mục đích tạo điều kiện cho giới Y Bác sĩ sống đạo trong nghành nghề chuyên môn của mình. Ngoài ra, với tư cách đoàn thể của Giáo phận, họ có sứ mệnh cứu giúp bệnh nhân và người đau khổ, khuyết tật như một cánh tay nhân ái của Mục tử Giáo phận. Ý tưởng đặt tên Hội là Samaritanô được rút ra từ Tin Mừng Luca 10,19-27. Xuyên qua đó, thành viên của Hội đựơc mời gọi hun đúc con tim biết trắc ẩn như người Samari nhân lành trong câu chuyện. Một cách cụ thể, hoạt động của Hội sẽ là khám, chữa bệnh cho người nghèo trong điều kiện cho phép…

Xem hình

Một ngày đặc biệt …

Vì công việc chung của giáo phận và những hoàn cảnh riêng về điều kiện công tác của giới y, bác sĩ Thanh Hóa, cuộc gặp gỡ và mừng lễ thánh Luca bổn mạng Hội Samaritano đã phải lùi lại vài ngày. Tuy vậy, nhưng không khí của ngày lễ thì vẫn còn đó, gương sáng của Thánh Luca vẫn còn đó và tình thương yêu con người không biên giới của người Samari thì vẫn còn đó, như ngọn đèn soi sáng cho mọi thành viên của hội.

Đúng 9 giờ ngày 22/10/2011, các thành viên của Hội đã có mặt tại hội trường giáo xứ Chính Tòa chào đón Đức Cha, quí cha đến tham dự Hội thảo với chủ đề : “Y, Bác sĩ trong sứ mạng bảo vệ sự sống và yêu thương bệnh nhân nghèo”.

Cha Tôma Lê Xuân Khấn – linh mục đồng hành của hội đã thay mặt các thành viên Hội Samaritano bày tỏ niềm vui khi được sự quan tâm ưu ái của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám Mục giáo phận. Dù bận nhiều công việc, Đức cha vẫn dành thời gian đến dự và chia sẻ những ưu tư, trăn trở củangài với các thành viên. Bên cạnh đó, Hội cũng rất vinh dự vì sự có mặt của cha Antôn Trịnh Đình Thiệu - Chủ tịch Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội, cũng là cha Tân thường vụ giáo xứ Chính Tòa; cha Antôn Vũ Mạnh Hà – tân phó bề trên Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh, cha Phêrô Vũ Văn Thăng – tân phó xứ Chính Tòa.

Đây là lần gặp gỡ thứ 30 của Hội kể từ khi được Đức Cha khai sinh ngày 07.05.2008. 30 lần gặp gỡ là 30 lần Hội được nghe và lãnh nhận huấn từ của Đức Cha. Vẫn biết rằng mỗi người một công việc, và dù có Hội hay không thì những y, bác sĩ đang hiện diện đây ngày hôm nay vẫn chuyên tâm với công việc chăm sóc sức khỏe cho con người. Nhưng là người Công giáo và làm việc theo tinh thần Kitô giáo không phải là điều dễ dàng cho giới y, bác sĩ. Trong thành phần của Hội Samaritano hôm nay có cả những người không cùng tôn giáo, nhưng vì tình thương, vì ước mơ chia sẻ với người nghèo mà họ có mặt ở đây. Đó là điều vô cùng đáng quí. Thêm một điều đặc biệt cho lần gặp gỡ thứ 30 này có lẽ chính là những những gương mặt trẻ và tràn đầy nhựa sống của các bạn sinh viên trường Y. Trên những gương mặt đó còn nguyên sức sống, nguyên khát vọng và nhiệt huyết tuổi trẻ muốn dấn thân, muốn tình nguyện, muốn thay đổi cuộc sống này.

Tất cả đã được nghe Đức Cha chia sẻ những trăn trở cũng như những ý kiến của ngài xung quanh hai vấn đề then chốt của hội thảo: bảo vệ sự sống và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Đức cha cũng cảnh tỉnh mọi người bằng những con số đáng sợ về tỉ lệ phá thai trong xã hội nói chung và trong những người Kitô giáo nói riêng. Đau lòng hơn là cứ ba người đi phá thai thì có một người là mang đức tin Kitô giáo. Tại sao lại như vậy? Rồi những người nghèo thì phải làm sao để họ có thể khám chữa bệnh trong khi các loại tiền viện phí vào bệnh viện là quá sức với họ… Thiên Chúa đã ban cho con người sự sống – đó là một huyền nhiệm thiêng liêng. Ngài đã yêu thương con người hơn hết mọi loài trên trái đất. Nhưng con người chúng ta lại thờ ơ với giáo lý của người. Phá thai là một điều cấm kỵ đối với người tin vào Thiên Chúa. Hành động đó chính là giết người, giết chính máu mủ của chúng ta, và giết cả quyền sống mà Chúa đã ban cho. Vậy các y, bác sĩ phải làm gì để hạn chế điều đó? Đây mới là điều quan trọng nhất mà tất cả mọi thành viên trong Hội phải ngồi lại bàn bạc với nhau ngày hôm nay.

Sau huấn từ của Đức Cha là thánh lễ tạ ơn. Với 50 người tham dự, con số tuy ít, nhưng bầu khí diễn ra uy nghiêm và sốt sắng. Thêm một lần nữa, trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức cha nói với tất cả những người hiện diện : …Không cần biết chúng ta có cùng tôn giáo hay không, tuổi đã già hay vẫn còn trẻ, chỉ cần có tình yêu và sự nhiệt tình, chúng ta đoàn kết với nhau để đưa đời sống con người lên một mức mới. Câu chuyện về người Samari, tấm gương thánh Luca bổn mạng là một ví dụ điển hình... Đức Cha kêu gọi mọi người hãy sống và làm việc theo những tấm gương đó.

Những lời chia sẻ của Đức Cha thật sự ý nghĩa. Trong số thành viên của Hội có những người không cùng tôn giáo là một lẽ, có người cùng tôn giáo nhưng phải ba bốn năm không tham dự thánh lễ. Vì vậy họ có những bỡ ngỡ với thánh đường, nhưng có lẽ sau thánh lễ hôm nay họ đã vỡ lẽ ra rất nhiều điều. Và một trong số đó chính là tình yêu bao la của Chúa trải khắp nhân gian này.

Sau thánh lễ mọi người có cơ hội được quây quần bên mâm cơm ấm cúng với Đức Cha và quí cha. Không còn khoảng cách linh mục và đoàn chiên, chỉ có tình liên đới của những tấm lòng luôn nghĩ suy cho người khác…

Một cái tạm kết ý nghĩa…

Với chủ đề : “Bảo vệ sự sống và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo”. Buổi hội thảo đã diễn ra trong bầu thân tình và vui vẻ, nhiều ý kiến được đưa ra. Và rất nhiều trong số đó có khả năng ứng dụng rất lớn.

Về vấn đề bảo vệ sự sống…

Hầu như tất cả đều đưa ra những biện pháp chung đó là phòng và chống – nói theo từ ngữ của ngành y tế. Phòng là biện pháp bảo vệ tận gốc như phương pháp Billings, phương pháp tuyên truyền lối sống lành mạnh, phương pháp dạy học về sức khỏe giới tính cho trẻ vị thành niên…

Phương pháp chống mà mọi người gọi là bảo vệ trên ngọn đó là ý tưởng xây dựng những ngôi nhà cơ nhỡ để cưu mang những cô gái lỡ làng, không chồng mà có con; xây dựng những nghĩa trang để chôn những bào thai đã bị phá…

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người nghèo…

Đây có lẽ là vấn đề dù có bàn mãi cũng không thể hết được, vì người nghèo trên giáo phận chúng ta còn nhiều quá. Ngoài những biện pháp kêu gọi sự ủng hộ, kêu gọi tấm lòng từ thiện và tinh thần tự nguyện của những người có điều kiện, của những y, bác sĩ… các thành viên đã đưa ra thêm nhiều ý kiến mới. Điều đáng mừng hơn là những ý kiến đó xuất phát từ các bạn trẻ. Muốn bảo vệ sức khỏe người nghèo thì cách tốt nhất là giúp họ thoát nghèo. Đó có lẽ là chân lý, nhưng là chân lý chung chung. Vì muốn thoát nghèo cần bàn tay của không chỉ xã hội, Giáo hội mà còn từ chính những người nghèo đó. Thứ hai, muốn bảo vệ sức khỏe người nghèo cũng phải nâng cao trình độ dân trí. Làm thế nào để mọi người hiểu được sự cần thiết phải chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân. Điều này cũng quan trọng không kém. Và thêm một ý kiến nữa là các y, bác sĩ hãy vì người nghèo mà có thái độ tốt hơn với bệnh nhân. Đôi khi chỉ một nụ cười, một chút quan tâm có thể thay thế những liều thuốc bổ, thuốc an thần…

Biết bao nhiêu ý kiến hay và đã sẵn sàng đi vào thực tế. Hi vọng rằng nó sẽ không nằm trên giấy hay trong đầu con người quá lâu mà bằng những hoạt động cụ thể, nó đi sâu vào đời sống con người. Để “những thiên thần áo trắng” không chỉ in dấu chân trên Ngọc Lẫm, Chính Tòa, Kẻ Láng, Yên Khánh, Bằng Phú, Phong Ý, Trung Vực…mà là mọi nẻo đường của xứ Thanh thân yêu…

Maria Én Trần
 
Cộng đoàn Thánh Phêrô Sunshine dâng hoa kết thúc Tháng Mân Côi
Trần Văn Minh
16:59 30/10/2011
Melbourne - Thánh lễ 12 giờ 30 Chuá nhật Ngày 30 tháng 10 năm 2011, cũng là Chuá nhật 31 thường niên, cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Phêrô vùng Sunshine Melbourne, đã dâng tiến hoa lên Đức Mẹ để kết thúc tháng Mân Côi.

Xem hình ảnh

Mở đầu buổi lễ, đoàn dâng hoa đã kiệu tượng Đức Mẹ Maria lên trước bàn thờ. Tại ngai toà Đức Mẹ được trang trí như những bàn tay cuả đoàn chiên Mẹ, đang giơ cao tay xin Mẹ đón nhận với cả tấm lòng Tin, Cậy, Mến vào Mẹ.

Sau phần lời Chuá, Linh mục Peter Hoàng đã mời cộng đoàn cùng hợp lòng, hợp ý cùng với các chị, các cháu trong đội dâng tiến hoa để cùng dâng những đoá hoa cuả lòng mình và những tràng hoa Mân Côi không phải hôm nay mà hằng ngày và mãi mãi như lời Mẹ phán dậy.

Tiếng nhạc và lời ca: “Ave Maria con dâng lời chào Mẹ” trỗi lên đội hoa bắt đầu tiến lên bàn thờ theo đội hình hàng một, bốn em nhỏ trong đồng phục áo đầm trắng, tay cầm bông trắng lá xanh và thắt nơ trắng. Nhịp nhàng theo sau là các chị trong đồng phục áo dài xanh cũng bông trắng, trịnh trọng bằng hai bàn tay cung kính nâng cao bước lên trước bàn thờ Đức Mẹ.

Khi đến gần bàn thờ, mọi người lại chuyển đội hình toả ra hai bên, thành hàng ngang cung kính nâng cao hoa kính chào Mẹ và vẫn nhịp điệu, nhẹ nhàng, uyển chuyển chuyển sang đội hình hàng hai, lần lượt dâng tiến hoa đặt chung quanh bàn thờ. Khi mọi người cứ từng cặp dâng xong hoa, các chị chuyển sang đội hình tròn, quỳ gối như đoàn con thảo vây quanh ngai toà Đức Mẹ.

Nhạc chuyển qua bài: Một tràng hoa “Mân Côi” đội dâng tiến hoa gỡ tràng hạt từ cổ, hai tay cũng cung kính dâng lên Mẹ vẫn nhịp nhàng theo lời nhạc chuyển thành hai vòng như những cách hoa xanh mang nhuỵ trắng tinh tuyền, tay óng ánh những tràng hạt Mân Côi sáng tựa ánh tinh cầu, như cùng hái muôn tinh tú trên trời kết tụ dâng kính Mẹ hiền là Đức nữ trinh Maria rất thánh.

Cuối cùng để thay mặt mọi người trong cộng đoàn, đội lại chuyễn sang đội hình hàng dọc, quỳ gối cầu khẩn xin Mẹ đoái thương ban muôn hồng ân, an bình cho xứ đạo và dâng những chuỗi Mân Côi lên Đức Mẹ, kết thúc Tháng Mười, Tháng Mân Côi, với những ước hẹn sẽ dâng lên Mẹ những vòng hoa Mân Côi mỗi ngày.

Buổi dâng hoa thật đẹp, chứng tỏ vì lòng sốt mến, cậy trông mà đội dâng hoa đã bỏ nhiều thời gian để tập luyện, để thay cho cộng đoàn dâng những đoá hoa thật nhiều ý nghiã trong Tháng Mân Côi dâng lên Đức Mẹ.
 
Lễ làm phép nguyện đường Đức Mẹ La Vang tại Trung tâm Thánh Mẫu TGP Melbourne
Trần Văn Minh
21:12 30/10/2011
Melbourne - Vào lúc 11 giờ 30 sáng thứ Bảy, ngày 29 tháng 10 năm 2011. Tại Trung tâm hành hương Thánh Mẫu Tổng Giáo phận Melbourne cuả các sắc dân vùng Bacchus Marsh. Một buổi lễ tạ ơn và làm phép nguyện đường Đức Mẹ La Vang cuả Cộng đồng Công giáo Việt Nam TGP Melbourne, do Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long chủ tế cùng với Linh mục Peter Hoàng Kim Huy SDB và các Linh mục Úc cùng đồng tế.

Xem hình ảnh
Bacchus Marsh là một vùng cách trung tâm Thành phố Melbourne hơn 50 km về hướng Tây, Tây Bắc. Trời cuối tuần theo dự báo thời tiết cho biết thời tiết sẽ xấu hơn, cơn mưa từ chiều hôm trước và rỉ rả suốt đêm, tưởng chừng như buổi lễ sẽ diễn ra trong mưa.

Nhưng qua sự thương mến đoàn con thảo hiếu, Đức Mẹ đã ban cho trời cứ tốt dần, tốt dần rồi nắng đẹp rực rỡ trong niềm vui cuả mọi tín hữu và ban tổ chức. Từ xa trên xa lộ M 80 trên đầu dốc nhìn qua hướng phải, trên ngọn đồi đối diện, cờ xí đã tung bay trong gió lộng bên cây Thánh giá cao, xe nọ nối đuôi xe kia tập trung nơi nguyện đường chính cuả trung tâm nằm trên khu vực cao nhất và cũng được trang trí trang trọng nhất.

Bên cạnh bàn thánh, Kiệu Đức Mẹ La Vang được trang trí thật đẹp với hoa và vải mầu xanh da trời như mầu áo Đức Mẹ. Ngôi nhà nguyện chính với sức chưá chừng vài trăm người cứ dần dần chật hẳn, người ta lại phải kê thêm ghế, thêm ghế, nhưng khi đoàn xe bus chở giáo dân từ các nơi xa nưã đến thì coi như mọi người đến sau đều phải đứng phiá ngoài.

Trời không mưa nhưng gió, nhất là nơi trung tâm này nằm trên đỉnh đồi cao, do đó, nguyện đường chỉ mở cưả được một hướng kém gió.

Mở đầu, vị đại diện đã hân hoan chào mừng mọi người Công giáo Việt Nam hôm nay hiện diện nơi đây, chúng ta không đại diện cho cộng đoàn riêng rẽ nào, không đại diện riêng cho giáo xứ nào, mà chúng ta đến đây từ khắp nơi trong Tổng giáo phận Melbourne. Chúng ta đến vì lòng sùng kính và biết ơn người Mẹ chung cuả nhân loại, chúng ta đến để cùng dâng kính ngôi nhà nguyện nhỏ bé trên vùng đất linh thiêng này dâng lên Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Việt Nam.

Tiếp theo là Linh mục Peter Hoàng Kim Huy SDB, linh mục linh hướng đã trình bày về sự có mặt cuả công đồng chúng ta nơi vùng đất linh thiêng này. Khởi sự do một giáo dân Việt Nam, chị Dung, với lòng sốt mến chị đã xin xây dựng nhà nguyện để tò lòng kính mến cách riêng dâng kính Đức Mẹ La Vang. Nhưng khi khởi sự đã gặp những khó khăn về thủ tục hành chính, xây dựng theo quy hoạch chung cuả trung tâm hành hương Thánh Mẫu. Nay chúng ta đến đây hành hương và dâng thánh lễ cảm tạ, sau nưã là để chúng ta chung tay, góp sức xây dựng hoàn thành ngôi nguyện đường dâng kính Đức Mẹ La Vang là Mẹ chúng ta.

Đúng 11 giờ 30 Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long cùng đoàn đồng tế tiến lên bàn thánh dâng lễ, lời kinh vang vang cùng tiếng hát cuả ca đoàn Cung chiều cuả Cộng đoàn Collingwood, tất cả đều bằng Việt ngữ vang vọng giưã đất trời nơi vùng đất thánh thiêng nơi xứ người và Tượng Đức Mẹ Lavang sẽ mãi lưu truyền nơi đây làm chứng tá cho con cháu chúng ta và muôn muôn thế hệ.

Sau Thánh lễ, mọi người xếp hàng theo kiệu Đức Mẹ và Đức cha cùng đoàn đồng tế xuống nhà nguyện để làm phép khánh thành ngôi nhà cuả Mẹ làm nơi hành hương cho Cộng đoàn Giáo hữu Việt Nam.

Bài Ave Maria theo đoàn rước đông đảo dài gần 200 mét, trong một buổi trưa nắng vàng rực rỡ và gió lộng thật uy nghiêm tiến về nhà Mẹ, các chị mặc áo dài màu thiên thanh phụ trách cung nghinh kiệu với hoa trong tiếng hát tung hô Mẹ đến nhà nguyện và Đức cha Nguyễn Văn Long đã làm phép nhà nguyện và mở bảng ghi nhớ ngày chính thức khánh thành nhà nguyện Đức Mẹ La Vang tại Trung tâm Hành hương Thánh Mẫu Our Lady Ta Pinu Shrine.

Mọi người chia tay trong niềm vui mừng vì đã có ngôi nhà nguyện đại diện cho Người Việt Nam tại Melbourne. Được biết, tại trung tâm hành hương Thánh Mẫu đã có khoảng 9 ngôi nhà nguyện cuả các sắc dân, cùng với trung tâm, các đài Thánh giá đã được xây dựng làm nơi cho mọi người hành hương kính viếng.
 
Thánh lễ Tạ ơn của hai Tân Linh Mục tại giáo xứ St. Bernadette
Mai Thi
07:46 30/10/2011
CONNECTICUT - Randolph – Vào lúc 6 giờ chiều thứ 7 ngày 29 tháng 10 năm 2011, hai tân linh mục Maurô Nguyễn Văn Biết và Giuse Đinh Văn Ba thuộc dòng Xitô Phước Vĩnh Việt Nam tới nhà thờ St. Benadette - Randolph dâng thánh lễ tạ ơn, bởi giữa họ và giáo xứ có mối tương giao rất thân tình. Hai tân linh mục hiện đang du học tại chủng viện Các thánh Tông Đồ thuộc tiểu bang Connecticut, miền đông bắc Hoa Kỳ.

Xem hình ảnh

Trong thánh lễ tạ ơn tại giáo xứ St. Benadette, có sự hiện diện của Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, giám mục phụ tá tổng giáo phận Toronto, Canađa. Chính ngài đã trao ban tác vụ Linh Mục cho hai cha chiều hôm trước trong nhà nguyện của chủng viện Các Thánh Tông Đồ ở Connecticut. Đồng tế với hai tân linh mục còn có cha viện trưởng dòng Xitô Phước Vĩnh Vianney Nguyễn Văn Ngọc đang công tác tại Hoa Kỳ, qúi cha thuộc hội dòng Xitô Thánh Gia đang công tác và học tập tại Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có sự tham dự của vài tu sĩ nam nữ người Việt Nam, số ít ân nhân và thân nhân và khoảng 400 giáo dân trong giáo xứ tới dự lễ cầu nguyện và chia vui với các tân linh mục.

Trong bài giảng thánh lễ tạ ơn với cộng đoàn hiện diện, cha viện trưởng Vianney đề cập đến căn tính của hội dòng Xitô và hành trình ơn gọi của hai tân linh mục: từ “cu” Biết “cu” Ba thành “cụ” Biết “cụ” Ba. Khi được mời có đôi lời huấn dụ với mọi người hiện diện, Đức Cha Vincent xin mọi người cầu nguyện cho các tân linh mục; đồng thời kêu gọi các bạn trẻ quảng đại dấn thân theo đuổi ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Lời cám ơn dành cho đức Cha Vincent, các tân linh mục cảm ơn sự đồng hành của ngài với họ trong những thánh lễ tạ ơn tại một số cộng đoàn Việt Nam miền đông bắc Hoa Kỳ. Hai tân linh mục coi ngài như người cha, người anh, và người “bạn” trong hành trình ơn gọi tu trì.

Đối với cha chính xứ và giáo xứ St. Benadette, các cha nói vắn tắt nhưng đầy xúc động vì suốt ba tháng hè vừa qua hai tân linh mục được cha và giáo xứ cưu mang để sống và thực tập mục vụ tại đây. Hai tân linh mục cảm nghiệm được bầu khí thân thương của mọi người dành cho họ. Hai cha vẫn ghi nhớ những kỷ niệm đẹp vì đã được học thêm nhiều kinh nghiệm trong những tháng hè vừa qua tại cộng đoàn có sự giao thoa giữa các nền văn hoá: Việt, Pháp, Mỹ…

Ngỏ lời với các tu sĩ, thân nhân và ân nhân, các tân linh mục cảm ơn vì đã đến hiệp lời tạ ơn Thiên Chúa và chung chia niềm vui với họ trong ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên này. Hai Cha cũng nói lời cảm ơn tới từng người trong cộng đoàn đã hy sinh vất vả nhiều để tổ chức thánh lễ tạ ơn ấm cúng và rất thân thiện. Sự hiện diện của quí khách nói lên tình yêu thương và liên đới trong ơn gọi của họ. Các tân linh mục cảm thấy được khích lệ rất nhiều trên hành trình theo Chúa và hiến thân phục vụ tha nhân từ giáo xứ thân thương này.

Hai Cha kính xin quí cộng đoàn hiện diện tiếp tục đỡ nâng và đồng hành trên bước đường phục vụ trong sứ mạng linh mục trong những năm tháng sắp tới và cầu chúc mọi người nhiều sức khoẻ, niềm vui, tình yêu và hạnh phúc.

Đáp lời hai tân linh mục, một vị đại diện HĐMV thay lời cho cộng đoàn tham dự có đôi lời chúc mừng hai tân chức và cảm ơn Đức Cha, quí cha đã ghé thăm và hiệp dâng thánh lễ tạ ơn cầu nguyện cho giáo xứ.

Sau thánh lễ, tất cả mọi người tham dự cùng chung chia niềm vui với hai tân chức trong bữa tiệc buffet tối được tổ chức tại hội trường giáo xứ.

Được biết giáo xứ St. Benadette năm tới sẽ mừng 75 năm thành lập, là cộng đoàn đức tin đa văn hoá trong tổng giáo phận Boston. Giáo xứ có khoảng 4.700 giáo dân, trong đó người Việt Nam chiếm 25%. Giáo xứ đa văn hoá này đang được dẫn dắt bởi cha xứ Giuse Nguyễn Tiến Linh – một trong 2 linh mục trẻ nhất, đồng thời cũng là người Việt Nam đầu tiên làm chánh xứ của tổng giáo phận Boston. Cùng với ngài, các ban nghành trong giáo xứ hoạt động rất tích cực, đoàn kết và yêu thương. Nhờ đó giáo xứ đang lớn mạnh về nhiều phương diện và mở ra một tương lai tươi sáng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Đường Đà Lạt
Nguyễn Ngọc Liên
21:35 30/10/2011
THÁNH ĐƯỜNG ĐÀ LẠT
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Chuông giáo đường ngân vang kinh cầu nguyện
Anh cùng nàng cầu xin Chúa, bên nhau..
(Trích thơ của Bảo Cường)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền