Ngày 10-11-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Như các Trinh nữ đi đón Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:18 10/11/2023

CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN
Kn 6,12-16; 1 Tx 4,13-18; Mt 25,1-13
NHƯ CÁC TRINH NỮ ĐI ĐÓN CHÚA

Trong những Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về những diễn từ cánh chung được trình bày trong Tin Mừng Mátthêu (chương 24-25). Đây là năm diễn từ cuối cùng về cánh chung. Mỗi Chúa Nhật là một dụ ngôn: Chúa Nhật hôm nay bắt đầu dụ ngôn mười trinh nữ, Chúa Nhật tới là dụ ngôn những nén bạc, Chúa Nhật cuối cùng là phán xét chung.

Để chú giải dụ ngôn “mười cô trinh nữ đi đón chàng rể,” chúng ta cần chú ý đến điểm giống nhau và khác nhau của những cô trinh nữ. Hai yếu tố này làm nên sự hấp dẫn và ý nghĩa của dụ ngôn.

1. Những điểm giống nhau giữa các trinh nữ

Quả thế, trong dụ ngôn các trinh nữ có những điểm tương đồng đó là: Họ đều đi đón chàng rể, họ đều mang đèn đi (x. Mt 25, 1-5). Điều này cho phép chúng ta suy tư về một khía cạnh chính yếu của đời sống Kitô hữu – đó là chiều kích cánh chung, nghĩa là cuộc sống Kitô hữu là một hành trình đón chờ Chúa và chúng ta hy vọng sẽ gặp Người. Điều này giúp chúng ta trả lời cho câu hỏi muôn thủa: Chúng ta là ai và chúng ta sẽ đi về đâu?

Kinh Thánh nói rằng chúng ta chỉ là những người lữ hành khi sống trên trần gian này. Thánh Phêrô trong thư I nhắc nhở chúng ta rằng: “Anh em là khách lạ và lữ hành” (x. 1 Pr 2,11), khi “sống cuộc đời lữ hành này” (x. 1 Pr 1,17). Quả thế, trần gian là quán trọ, là chốn lưu đày, là đò qua sông, hay là nơi tạm trú như được diễn tả:
“Con chim ở trọ cành tre,
con cá ở trọ trong khe suối nguồn.
Tôi nay ở trọ trần gian,
trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” (Trịnh Công Sơn).

Đời sống của người Kitô hữu trên trần gian là một cuộc đời lữ hành tiến về nhà Cha trên trời. Chúng ta không có một nơi nào cố định ở trần gian, nhưng là hướng về tương lai vĩnh cửu là Nước Trời (x. Hr 13,14). Vì thế, các Kitô hữu ở “trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian” (x. Ga 17,11.16). Quê hương đích thực và vĩnh cửu của con người là ở trên trời, chúng ta chờ đợi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ sẽ đến (x. Pl 3,20).

Theo lịch sử cho biết các Kitô hữu đầu tiên nghĩ rằng Chúa Giêsu sắp trở lại với họ lần thứ hai, nên họ chỉ tập trung vào việc đón chờ Chúa đến. Từ thế kỷ II, cùng với quan niệm rằng: “Tự bản chất, con người là một lữ khách trên trần gian” (thư gửi cho Diogenes), người ta còn quan niệm thế gian là thế giới của tội lỗi, và vì thế, họ không đòi hỏi phải dấn thân xây dựng thế giới này qua các bổn phận trần thế như trong hôn nhân gia đình, trong công việc làm ăn, trong đất nước họ sống. Vì họ cho rằng những điều đó không có gì thuộc về Kitô giáo. Thời đó, người tín hữu quan niệm rằng: “Kết hôn như mọi người chỉ để sinh con cái, chứ chúng không có ích lợi gì cả.” Cách hiểu về “thân phận lữ hành” mang ý nghĩa cánh chung, chứ không theo ý nghĩa hữu thể học. Nghĩa là người Kitô hữu nhận mình là kẻ lữ hành từ ơn gọi, chứ không phải từ bản tính. Dầu họ được tiền định để sống cho một thế giới khác và thế giới đó là nơi họ xuất phát. Ý thức Kitô giáo về kiếp lữ hành dựa trên nền tảng sự phục sinh của Chúa Kitô:
“Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).

Đó là lý do tại sao người Kitô hữu không bác bỏ sự sáng tạo trong sự thiện hảo nền tảng của nó.

Thời gian sau này, việc tái khám phá vai trò và sự dấn thân của người Kitô hữu trong thế giới đã giảm nhẹ ý nghĩa cánh chung, và dường như người ta lại im lặng không nói nhiều về những sự sau: đó là chết, phán xét, hỏa ngục và thiên đàng. Tuy nhiên, sự chờ đợi Chúa trở lại đượm chất Tin Mừng hơn. Theo đó, khi hướng về thiên đàng không cho phép sao nhãng bổn phận dấn thân cho tha nhân, hơn thế, còn thánh hóa bổn phận này. Các Kitô hữu được dạy rằng phải “biết phán xét với sự khôn ngoan những điều tốt lành ở trần gian, khi chúng ta hướng về những điều tốt lành trên trời.” Thánh Phaolô, sau khi nhắc nhở các tín hữu rằng “thời giờ vắn vỏi,” kết luận:
“Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,10).

2. Những điểm khác biệt giữa các trinh nữ

Với tiến trình nhận thức trên, giờ đây, chúng ta chuyển sang những điểm khác biệt giữa các cô trinh nữ trong dụ ngôn: Quả thế, năm cô được gọi là khôn ngoan, thì đem đèn và đem dầu theo, khi chàng rể đến muộn, họ tỉnh dậy và sẵn sàng để ra đón chàng rể. Còn năm cô được gọi là khờ dại, vì họ mang đèn mà không mang dầu theo, khi chàng rể đến, họ phải đi mua dầu, khi trở về, thì không thể vào dự tiệc cưới. Dầu là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa họ (x. Mt 25,1-13).

Thánh Augustinô giải thích: những cô khờ dại là biểu tượng con người tự nhiên, chưa được ân sủng biến đổi. Còn những cô khôn ngoan biểu tượng của con người đã được ân sủng biến đổi. Chi tiết dụ ngôn về năm cô khôn ngoan không chia sẻ dầu hay giúp đỡ gì cho những cô khờ dại xem ra họ là người ích kỷ và không muốn giúp người khác. Điều này không cho phép chúng ta hiểu như thế. Ở đây, dụ ngôn chỉ muốn diễn tả rằng vào lúc giờ sau hết, người khác không thể thay thế chúng ta lo phần rỗi mình được, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho chính mình, nếu không sẽ bị loại ra ngoài. Đây là những bổn phận không thể thay thế. Không có cơ hội để thay thế. Nên phải luôn sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ.

Hình ảnh đèn là biểu tượng của đức tin, còn dầu là biểu tượng của đức ái. Còn tỉnh thức là đức cậy. Nếu đức tin không có đức ái thì như đèn không có dầu và không thể thắp sáng lên được. Nếu có đức tin, đức ái thôi thì chưa đủ mà còn phải có đức cậy nữa. Cũng như các trinh nữ, để đi đón chàng rể, họ phải có đèn, dầu và lòng khao khát gặp gỡ, cũng thế, để đi đón Chúa và để gặp Chúa, người Kitô hữu phải có đức tin, đức cậy và đức mến. Đức tin giúp chúng ta tin vào Chúa, nhận biết Chúa là Đấng Cứu Độ của chúng ta. Đức cậy là niềm hy vọng, sự khát khao trông chờ của chúng ta trong cuộc gặp gỡ đó. Và đức ái giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.

Nếu sống cuộc đời lữ hành này mà không có ba nhân đức đối thần, chúng ta giống như những cô trinh nữ khờ dại, đưa đèn đi đón chàng rể mà không mang dầu. Nhưng nếu có ba nhân đức này, chúng ta giống như những cô khôn ngoan, sẽ được gặp Chúa trong ngày sau hết và sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng với Chúa trên thiên đàng.

Như thế, chờ đợi Chúa trở lại không có nghĩa là chúng ta mong cho được chết sớm, nhưng là tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nghĩa là hướng toàn bộ đời sống của chúng ta vào trong cuộc gặp gỡ Chúa Kitô và biến cuộc gặp gỡ này thành trụ cột của mọi sự chú ý và là biển chỉ đường cho cuộc sống. Khi đó, lúc nào Chúa đến không còn quan trọng nữa, bởi lẽ chúng ta đã luôn sẵn sàng và tỉnh thức để gặp gỡ Chúa rồi. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Sống sao chết vậy
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:23 10/11/2023

CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN
Kn 6,12-16; 1 Tx 4,13-18; Mt 25,1-13
SỐNG SAO CHẾT VẬY!

Chúng ta đang bước vào những tuần cuối cùng của năm phụng vụ. Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng nhìn về phía trước, tới những thực tại cuối cùng. Trong bài đọc II, thánh Phaolô giải thích cho các tín hữu Thêxalônica phải có thái độ nào khi đối diện với cái chết, và trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải sống như thế nào khi chờ Chúa đến:
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13).

Rõ ràng trọng tâm của dụ ngôn mười cô trinh nữ không phải là chết, nhưng là sự trở lại của Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế, đây là hai điều trùng hợp xảy ra đối với mỗi người tín hữu. Vì thế, chúng ta suy tư về chủ đề chết là chủ đề được suy nghĩ nhiều trong tháng 11 hằng năm.
Để an ủi các tín hữu đang đau buồn vì sự ra đi của những người thân, thánh Tông Đồ viết:
“Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu… Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau” (1 Tx 4,13-14.18).

1. Chết, sự thật khó chấp nhận

Vậy đức tin Kitô giáo nói gì về chết? Đó là điều đơn giản nhưng rất lớn lao: rằng chết là sự thật rất hiển nhiên, ai cũng phải chết, đơn giản như thế, nhưng chết là khó khăn lớn nhất trong những vấn nạn của con người, nhưng Chúa Kitô đã chiến thắng cái chết! Nhờ đó cái chết của con người không còn như trước nữa, một điều gì đó đã quyết định và đã thay đổi. Chết đã bị đánh mất nọc độc của nó, như con rắn bị lấy đi nọc độc thì nó chỉ còn khả năng làm cho nạn nhân mê đi một lúc, chứ không có thể giết chết nạn nhân được. Kinh Thánh nói:
“Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi (1 Cr 15,55)?

Nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết như thế nào? Người đã không chạy trốn cái chết, nhưng Người đã chiến thắng sự chết như một kẻ thù bị đẩy lùi. Người đã chiến thắng bằng việc chấp nhận chịu chết. Người đã niếm trải tất cả mọi sự cay đắng của cái chết nơi mình. Người đã chiến thắng sự chết từ bên trong, chứ không phải từ bên ngoài.

“Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Hr 5,7).

Thật vậy, chúng ta có một thượng tế đã biết cảm thương về nỗi sợ chết của chúng ta. Người biết rất rõ chết là gì! Ba lần trong Tin Mừng chúng ta đọc: Chúa Giêsu đã khóc và hai lần Người khóc trước nỗi đau đối với người chết. Trong vườn Dầu, Chúa Giêsu đã sống cho đến tận cùng kinh nghiệm nhân loại trước cái chết. “Người bắt đầu lo sợ và bồn chồn,” Tin Mừng kể.

Chúa Giêsu đã không đi vào cái chết như người hùng khi biết rằng sự phục sinh sẽ đưa Người ra khỏi cái chết vào đúng lúc. Tiếng kêu trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46; Mc 15,34) cho thấy rằng Chúa Giêsu đã chết như chúng ta, như một người đi qua một ngưỡng cửa tới nơi tối tăm và không còn thấy điều gì nữa để chờ đợi. Người chỉ còn dựa vào niềm trông cậy vững vàng vào Chúa Cha mà Người đã kêu lên:
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

2. Chết để sống

Nhưng điều gì xảy ra, khi bước đi qua ngưỡng cửa tối tăm đó? Con người đó mang trong mình Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể chết. Cái chết không còn nọc độc nữa. Nó không thể “nghiền nát” Đức Kitô và Thiên Chúa phải đưa Người tới sự sống, như cá voi đã làm cho Giôna khi ở trên biển (x. Mt 12,40). Cái chết không còn là một bức tường mà khi nó xuất hiện, mọi sự đều bị phá hủy; chết là cửa ngõ, nghĩa là một cuộc Vượt Qua. Nó như chiếc cầu dẫn người ta vào sự sống đích thực, nơi đó sẽ không có chết nữa. Ở đây, cái chết của Chúa Giêsu là lời loan báo lớn nhất của Kitô giáo – Người không còn chết cho mình, hay ban cho chúng ta mẫu gương anh hùng như cái chết của Socrate. Người đã làm rất khác:
“Một người đã chết thay cho mọi người… Đức Kitô đã chết thay cho mọi người” (x. 2 Cr 5,14-15).
“Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa” (Hr 2,9).

Vì thế, từ nay chúng ta thuộc về Đức Kitô hơn là thuộc về chính mình (x. 1 Cr 6,19tt). Chúng ta có thể đảo lại: Những gì thuộc về Đức Kitô thì thuộc về chúng ta hơn cả những gì của chúng ta. Sự chết của Người thuộc về chúng ta hơn cả cái chết chúng ta.

“Dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23).

Cái chết của Người là của chúng ta hơn cả cái chết của chúng ta. Trong Chúa Kitô, chúng ta đã chiến thắng sự chết.

Khi nói về cái chết, điều quan trọng nhất trong Kitô giáo không phải là cách thức chúng ta chết, nhưng là cách thức Chúa Kitô chết. Kitô giáo mang lại cho chúng ta sự can đảm để đón nhận cái chết trước nỗi sợ hãi kinh hoàng về cái chết, nhờ niềm tin vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã đến để giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi khiếp khủng của cái chết. Con Thiên Chúa đã cùng mang lấy huyết nhục như chúng ta, “nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Hr 2,14-15).

Trước cái chết, có lẽ không có gì làm chúng ta sợ hãi hơn là sự cô đơn mà chúng ta phải đối diện. Không ai có thể chết thay cho người khác, nhưng mỗi người phải vật lộn một mình với cái chết. Nhưng không có gì ý nghĩa hơn:
“Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11).
Như thế, ta có thể chết trong Chúa!

3. Chuẩn bị chết thế nào?

Ở đây, chúng ta khám phá một điều thực sự rất nghiêm trọng trong việc an tử (eutanasia), từ quan điểm Kitô giáo. An tử loại bỏ khỏi sự chết của con người tương quan với cái chết của Chúa Kitô, đặc tính vượt qua ngưỡng cửa của cái chết, và trở về với tình trạng của cái chết trước đó. An tử phá đi ý nghĩa chết trong Chúa và chết theo Chúa. Một cách văn chương, đó là một sự “phạm thánh,” nghĩa là đặc tính thánh thiêng của sự sống bị xóa bỏ. Khi tranh luận người ta thường chú trọng đến vấn đề được phép hay không từ quan điểm đạo đức. Người tín hữu không thể chấp nhận giải pháp này vì nó thuộc phạm vi mạc khải và ân sủng. Cảm thức Kitô giáo nhìn nhận chết là một tiến trình tự nhiên, do quyền năng Thiên Chúa định đoạt, đó là quyền bất khả xâm phạm, nên con người không có quyền can thiệp để rút ngắn sự sống dưới bất kỳ hình thức nào. Nhân loại đã thử nghiệm biết bao nhiêu bài thuốc khác nhau để chiến thắng sự chết. Nhưng chỉ có một phương thuốc duy nhất và đích thực là tham dự vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết.

Để khỏi phải chết đời đời, không có gì khác hơn ngoài việc chúng ta phải gắn bó với Người. Hãy bám chặt vào Chúa Kitô qua đức tin, như con tàu cắm neo vào lòng biển, để có thể đứng vững trong khi giông tố ập tới. Người ta dùng nhiều cách để chuẩn bị cho cái chết của mình. Chẳng hạn như thường xuyên suy niệm về cái chết, trình bày một cách kinh hoàng về cái chết, hoặc là để cái đầu lâu, hoặc chiếc tiểu trong phòng của mình như các thánh xưa vốn làm. Nhưng điều quan trọng không phải là đặt trước mắt cái chết chúng ta, nhưng là cái chết của Chúa Giêsu; không phải là cái đầu lâu con người, nhưng là cây thập giá Chúa Kitô. Nếu chúng ta càng hiệp nhất với Người thì chúng ta càng có sự an toàn trước cái chết.

Thánh Phanxicô Assisi đã thực hiện cách hoàn hảo mức độ hiệp thông với Chúa Kitô, khi gần chết, ngài thêm vào trong Bài Ca Tạo Vật đoạn thơ này:
“Lạy Chúa, con xin ngợi khen Chúa vì Chị Chết thân xác, mà không ai có thể thoát được.”
Và khi người ta loan báo rằng ngài sắp chết, ngài thốt lên:
“Hỡi Chị Chết, xin hãy đến!”

Bộ mặt cái chết đã được thay đổi, trở thành một “người chị.” Với niềm tin vào Chúa Kitô, chúng ta không còn sợ chết nữa, vì đức tin mang lại cho ta sự chắc chắn đẹp đẽ này:
“Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống lại với Người” (x. 2 Tm 2,11).

Tuy nhiên, chúng ta không được ảo tưởng: điều này không có xảy ra tình cờ. Cần sống thánh thiện để được chết thánh thiện, để khi chết chúng ta không bị cái chết chôn vùi. Danh ngôn nói rằng: “Cây nghiêng về đâu, sẽ ngã về hướng đó.” Con người cũng vậy. Vì thế, đây là lúc để nhớ đến lời dạy của dụ ngôn mười cô trinh nữ. Cần phải luôn sống tỉnh thức và sẵn sàng như năm cô khôn ngoan luôn mang đèn và dầu đi đón chàng rể. Đèn và dầu của chúng ta là đức tin, đức cậy và đức mến phải luôn được chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng, để khi chàng rể đến, khi giờ sau hết xuất hiện, chúng ta thắp lên để đón Chúa, cùng với Người vào dự tiệc cưới Nước Trời. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tham gia đưa ta vào hưởng phúc
Lm. Nguyễn Xuân Trường
14:25 10/11/2023

THAM GIA ĐƯA TA VÀO HƯỞNG PHÚC

Dụ ngôn 10 trinh nữ hiệp hành đi đón chú rể cho thấy: tất cả các cô đều cầm đèn, và khi chú rể đến muộn thì 10 cô đều ngủ cả. Họ cùng đi, cùng làm, cùng ngủ, cùng thức, xem ra hiệp hành khá tốt. Ấy vậy mà hành trình lại rẽ lối đường đời đôi ngả khác nhau hoàn toàn: 5 cô khôn ngoan hân hoan cùng chú rể vào dự tiệc cưới, 5 cô khờ dại lại không được vào. Tại sao?

1. Tham gia qua loa. Cùng hiệp hành đi đón chú rể, nhưng “5 cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.” Họ ngại mang dầu sẽ thêm nặng, lỉnh kỉnh, bẩn thỉu. Thế nên họ tham gia qua loa, gọi là cho có. Đây cũng là chuyện của không ít môn đệ Chúa. Cũng rửa tội theo đạo, tin Chúa đấy, nhưng cầu nguyện qua loa, dự lễ qua loa, tham gia sinh hoạt đoàn hội qua loa, nói chung là sống đạo qua loa. Họ ngại hy sinh dấn thân.

2. Tham gia lo xa. Trên đường hiệp hành đi đón chú rể, 5 cô khôn ngoan đã đem đèn lại còn đem theo chai dầu nữa. Họ không ngại vất vả. Họ biết lo xa. Họ khôn ngoan vì đã nhìn xa trông rộng không chỉ lo cho đời này, mà lo xa cả Nước Trời mai sau bằng những hành động cụ thể.

Tưởng cũng nên biết: Cùng 1 chương Phúc Âm liền sau dụ ngôn 10 trinh nữ là dụ ngôn những yến bạc và Cuộc Phán Xét chung. Cả 3 dụ ngôn đều nhấn mạnh đến điều kiện để được hưởng niềm vui Nước Trời là tích cực tham gia làm việc: mang đầy dầu yêu mến, làm sinh lợi những nén bạc Chúa trao, làm ơn làm phúc cho người có hoàn cảnh khó khăn. Cả 3 dụ ngôn cũng đều khẳng định việc lười không làm, không tham gia thì sẽ bị loại ra ngoài tối tăm đau đớn vì mang đèn không có dầu, đem nén bạc đi chôn, không làm việc giúp đỡ người khác. Trong Hội Thánh hiệp hành, thì dầu ở đây chính là sự tham gia. Dầu tham gia sẽ làm cho Giáo hội và cuộc sống này bừng sáng lên. Amen.
 
CN 32A - Cái gì không thể cho mượn. Cái gì không thể đi vay?
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
15:19 10/11/2023
CN 32A (5 cô khôn, 5 cô dại) - Cái gì không thể cho mượn. Cái gì không thể đi vay?

Đề tài "khôn ngoan" : thế nào là khôn thế nào là dại; đề tài "tỉnh thức": sẵn sàng dầu đèn, chờ chàng rể đến… có lẽ đã là những đề tài cứ 3 năm một lần, cụ thể là đến chu kì năm A, ta lại nghe đọc và nghe giảng.

Hôm nay, tôi muốn lấy một chi tiết trong dụ ngôn để xây dựng đề tài suy niệm. Chi tiết này chắc đã có lần ta đặt dấu hỏi. Năm cô khôn có phải chỉ khôn theo nghĩa vẫn thường được Kinh Thánh ca tụng, hay là còn khôn và "ranh" nữa. Rõ rệt hơn, ranh mãnh và ích kỷ. Xá gì một chút dầu, sao lại không cho mượn hay xẻ chia với bạn đồng nghiệp phù dâu, mà lại bắt bí họ đi mua ngoài tiệm, để rồi xôi hỏng bỏng không, họ bị muôn kiếp ở ngoài Phòng Tiệc. Đề tài rút ra từ chi tiết này, là: "cái gì không cho mượn được, cái gì không thể đi vay được".

Trong dụ ngôn là "Dầu" thắp đèn. Nhưng

1. Dầu chắc không phải là


-Lời cầu nguyện. Chắc chắn dầu không phải là lời cầu nguyện như có thánh giáo phụ đã suy đoán. Bởi nếu dầu là lời cầu nguyện, thì ta vẫn thường trao mua đổi chác lời cầu cho nhau. Ta cầu cho người này, người này cầu cho người kia. Xin chị một lời kinh, xin cha một lời cầu… Kể cả dùng tiền để xin cầu nguyện, để mua lời cầu. Vì thế dầu chắc chắn không phải là lời cầu, nếu không, nó đã có thể cho mượn, cho vay, kể cả cho không. Đàng này, các cô khôn không thể cho mượn

-Việc lành phúc đức. Dầu cũng không phải là việc lành phúc đức. Nếu là việc lành phúc đức, càng có thể cho mượn cho vay hay là làm ơn không đòi lại. Ta thường làm ơn làm phúc cho nhau. Nếu dầu chỉ là ơn phúc, thì chắc chắn ta cho nhau mượn được, vay được, cho không biếu không được.

2. Dầu là gì mà không thể đi vay được?

Cái không thể vay được, mượn được, xẻ bớt, chia phần, mua đi bán lại, đó chính là linh hồn. Gọi có vẻ thần học hơn: đó là phần rỗi. Người ta chỉ có thể khuyên can, răn bảo, chứ không thể giữ giùm phần rỗi của người khác, không thể giữ được linh hồn của người khác. Hồn ai, người ấy phải lo giữ. Khôn ngoan là như vậy.

Có người định nghĩa khôn ngoan là biết trước, tiên liệu những gì sẽ xảy ra. 5 cô khôn ngoan biết trước khi chàng rể đã đến, gặp người nào không giữ chính hồn của mình, lại đi mua, đi mượn hồn của kẻ khác, thì sẽ nghe lời : “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả.” Matthêu đã có những lời khá cay nghiệt như thế ! Tại sao? Vì Chúa không chấp nhận Hồn Trương Ba da Hàng Thịt, hoặc ngược lại, da Trương Ba, Hồn hàng Thịt.

Một chỗ khác, Chúa Giêsu đã nói: được lời lãi cả thế gian, mà mất linh hồn nào được ích gì. Linh hồn đâu có dùng tiền bạc mà mua được, đâu có nhờ ai giữ được, đâu có mượn tạm của ai được, nếu không phải là chính mình giữ lấy hồn của mình. Thánh Phaolo, vị tông đồ Dân ngoại đã từng có lần thốt lên : “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1Cr 9:27).

Một ví von ta nghe rất quen về một phú gia kia cưới đến 4 bà vợ.

-Ông ta rất thương bà vợ thứ nhất, mỗi khi kiếm được tiền là ông liền mua sắm cho bà đủ thứ áo quần sang trọng, dẫn bà đi ăn tại các nhà hàng trứ danh. Không những thế, ông còn tung tiền mua sắm cho bà đủ thứ hột xoàn, trân châu. Bà muốn gì ông cũng chiều chuộng. Ông cưng bà như cưng trứng, hứng bà như hứng hoa!

-Còn mỗi lần đi họp, hay đi kinh doanh, ông đều sung sướng và hãnh diện mang theo bà vợ thứ hai. Ông luôn khoe bà với bà con lối xóm, với đồng nghiệp, khách hàng. Bà là niềm hãnh diện của ông !

-Mỗi khi gặp khó khăn, cho dù lớn hay nhỏ, ông đều thủ thỉ, tâm sự với bà vợ thứ ba. Ông tin tưởng bà lắm, vì bà luôn là người cố vấn cho ông, một người cố vấn khôn ngoan, trung tín và đầy yêu thương. Bà thật là người bạn đời tri kỷ có một không hai trên đời !

-Còn bà vợ thứ tư lại rất thương ông, thương ông tha thiết, thương ông nồng nàn, thương ông chứa chan. Nàng dành hết cả cuộc đời mình để lo cho cuộc sống của ông, sự nghiệp của ông. Nàng không từ chối một hy sinh nào cho chồng cả. Ngay cả những khi ông lầm lỗi, bà cũng can đảm thầm nhắc nhở, khuyên lơn, và rộng lòng tha thứ. Thế nhưng! Ông lại chẳng mấy khi để ý đến nàng.

Rồi một ngày kia, ông phát bệnh. Bệnh ung thư của ông đã đến thời cuối cùng, các bác sĩ đều bó tay. Biết mình chẳng còn sống được bao lâu, ông bèn cho mời các bà vợ đến để nói lời cuối cùng.

Bà thứ nhất mặc xiêm y lộng lẫy, nữ trang óng ánh, nước hoa lan tỏa khắp phòng, đến bên chồng đang hấp hối. Chồng nói :

- Em, anh sắp chết rồi. Em là người anh yêu mến nhất, chăm sóc cho em từng li từng tí. Em có muốn theo anh về bên kia thế giới để chung sống, để lo lại cho anh không?

- Không! Nàng lạnh lùng đáp, Anh đi đường anh, em đi đường em. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

Nói xong, nàng ngoảnh mặt, vội vã bước ra khỏi phòng. Lời bà như một nhát dao đâm thấu tim ông!

Người phú gia vừa cố gắng nắm tay bà vợ thứ hai, vừa run run hỏi:

-Em, suốt đời anh, em là niềm hạnh phúc, là niềm kiêu hãnh của anh. Giờ đây anh sắp chết, em có muốn theo anh về bên kia, như hào quang chói sáng cho anh, như người tiến cử anh vào cuộc sống huy hoàng không?

- Không! Anh chết rồi, tôi sẽ cưới người khác. Tôi phải thuộc về người khác chứ! Ai lại theo kẻ chết xuống mồ bao giờ.

Nói xong, nàng trở gót bỏ đi. Mỗi tiếng gót giày nàng nện xuống thềm nhà, là một nhát búa đóng đinh xuyên qua tim chàng.

Đau buốt, nát tim, người phú gia quay nhìn bà vợ thứ ba và ân cần hỏi:

-Em, trong suốt cuộc đời, em là người luôn sát cánh cùng anh. Không có chuyện gì mà anh không chia sẻ cùng em. Em luôn bên cạnh anh, lúc vui cũng như lúc buồn. Giờ đây, anh sắp chết, em có chịu theo anh không?

-Anh yêu, em biết anh yêu em lắm, và em cũng yêu anh. Nhưng cùng lắm, em chỉ có thể theo anh ra nghĩa trang, nhìn anh đi vào lòng đất lạnh, rồi thắp cho anh những nén hương lòng. Em sẽ nhớ anh thật nhiều, nhưng theo anh, em không thể nào làm được.

Nói xong, nước mắt nàng tuôn trào.

Bỗng đâu, một giọng nói yếu ớt vang lên:

-Em sẽ theo anh về bên kia thế giới. Anh yêu, cho em theo anh. Đừng bỏ em !

Chàng phú gia lấy hết sức tàn ngồi chổm dậy, nhìn về phía phát xuất ra giọng nói. Và kià! Người vợ thứ tư của chàng đang ôm mặt khóc nức nở. Thân hình nàng qúa mảnh khảnh tựa hồ dễ bị cuốn theo chiều gió. Một người vợ yêu chàng tha thiết, nhưng đã bị chàng bỏ bê cả cuộc đời.

Trước cái chết, chàng phú gia mới chân nhận ra giá trị tình yêu. và nhận ra bốn bà vợ của đời mình.

-Mình đã quá yêu bà vợ thứ nhất -thân xác mình. Cho dù mình có mặc cho nó đủ thứ lụa là gấm vóc, nuôi dưỡng bằng cao lương mỹ vị, mình cũng chẳng đem theo được về bên kia thế giới.

-Mình đã hãnh diện với chức tước, địa vị -bà vợ thứ hai- nhưng chức tước ấy sẽ thuộc về người khác khi mình giã từ cõi thế.

-Họ hàng, gia đình mình -bà vợ thư ba, sẽ theo mình ra tận nghĩa trang, sẽ hằng năm kỵ giỗ cho mình, nhưng nào ai theo mình xuống huyệt.

-Còn cái linh hồn của mình -bà vợ thứ tư- mà mình đã vì quá chăm lo thể xác, chạy theo tiền tài danh vọng, bon chen chức tước quyền cao, ít khi mình buồn nghĩ đến thì sẽ theo mình đi vào thiên thu.

Hãy giữ hồn mình, chăm sóc hồn mình, nuôi hồn bằng những việc lành phúc đức. Hồn không thể vay mượn hay mua bán đổi chác được đâu, cho dẫu có trăm người cầu cho mình thì mình vẫn phải giữ. Được lời lãi cả thế gian, mà mất linh hồn, nào được ích lợi chi.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Thói đất, thói trời
Lm. Minh Anh
18:16 10/11/2023

THÓI ĐẤT, THÓI TRỜI
“Thiên Chúa thấu biết lòng các ông!”.

Winston Churchill, một chính khách thường bị chỉ trích. Nhưng theo ông, sẽ không là vấn đề nếu chỉ trích phát triển theo hướng tích cực. Ông đóng trên tường những lời này, “Tôi làm hết sức những gì có thể, và tôi luôn như vậy. Nếu kết thúc của nó tốt đẹp, khiến tôi ổn, những lời chống đối sẽ không là gì cả. Nếu tôi sai, thì dẫu mười thiên thần cho rằng, “Tôi đúng”, điều đó vẫn không tạo nên một sự khác biệt. Chúa biết mọi sự!” - A. Lincoln.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa biết mọi sự!”, xác tín của Abraham Lincoln được gặp lại qua Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói với các biệt phái, “Thiên Chúa thấu biết lòng các ông!”, những người sống theo ‘thói đất’ khi cố tạo một hình ảnh sai lạc về bản thân; họ quên rằng, “Chúa biết mọi sự!”. Ngài muốn con người chân thực như Ngài, Ngài muốn họ sống theo ‘thói trời!’.

Trong cuộc sống, có những sai lầm khi chúng ta nghĩ về một số người. Ngược lại, biết bao điều không đúng khi một số người nghĩ về chúng ta! Kết luận của Chúa Giêsu nhắm vào khuynh hướng ‘tô hồng bản thân’ nơi những con người luôn cố tạo một hình ảnh đẹp đẽ về mình trước người khác, đang khi họ ít quan tâm sự thật bên trong chính mình.

Thiên Chúa biết lòng dạ các biệt phái, Ngài cũng biết lòng dạ bạn và tôi! Chúng ta thường quá đề cao chính mình; từ đó, tạo nên một hình ảnh lệch lạc về bản thân. Hầu hết những đổ vỡ trong gia đình, cộng đoàn, trong các mối tương quan bắt nguồn từ đây. Vì thế, mấu chốt trong việc đào tạo lương tâm của một con người, trước hết, là giúp người đó nhận thức đúng đắn về mình. Đâu là nhận thức đúng đắn? Đó là không cần quan tâm đến những gì Thiên Chúa không quan tâm! Hãy quan tâm đến những gì trong tâm trí Ngài. Ngài nghĩ gì về tôi, Ngài nghĩ gì về linh hồn tôi, cuộc sống tôi?

Qua thư Rôma hôm nay, Phaolô nhận thức sự yếu hèn của bản thân trước các giáo đoàn. Ngài khiêm tốn nhìn nhận, họ là những người đã dành cho ngài sự nâng đỡ trên bước đường rao giảng, “Họ đã liều mất đầu để cứu mạng tôi. Không chỉ mình tôi, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại”. Nhờ những con người này, Danh Thiên Chúa được nhận biết. Thánh Vịnh đáp ca diễn tả niềm hân hoan nội tâm của vị tông đồ, “Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời!”.

Anh Chị em,
“Chúa biết mọi sự!”. Ngài biết chúng ta ‘từ đất’ mà ra, thuộc về đất và lòng luôn ‘dính đất’. Vì thế, với tiêu chuẩn ‘ngang đất’, chúng ta luôn tìm cho mình những gì là ‘cao sang’ theo ‘thói đất’. Không được như thế, chúng ta chắp vá, vay mượn… hầu có thể có một giá trị nào đó trước mặt người đời. Vì vậy, chúng ta dễ dàng mặc lấy một cái nhìn sai lạc về chính mình; đang khi về phía Thiên Chúa, Ngài luôn mơ về chúng ta là mỗi ngày, mỗi người được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng chỉ cho chúng ta cách sống với tư cách con trai, con gái của Trời, sống theo ‘thói trời’. Chớ gì, nhờ ân sủng Chúa, bạn và tôi ngày càng nên giống Chúa Giêsu hơn. Chỉ cần nên giống Ngài, không cần phải nguỵ tạo, tô hồng chính mình. Hãy sống theo ‘thói trời’, ‘phần còn lại, Ngài lo!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con thơm mùi đất khi con sống theo ‘thói đất’. Cho con vương hương trời, đúng như phẩm tính con trai con gái của Trời!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 32 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:45 10/11/2023
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 25, 1-13.

“Chú rể kia rồi, ra đón đi !”


Bạn thân mến,

Khôn ngoan là báu vật mà Thiên Chúa ban cho con người, nói cách khác, Ngài ban cho những ai thành tâm tìm kiếm điều thiện hảo với lòng khiêm tốn.

Mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón tân lang là một ví dụ điển hình mà Đức Chúa Giê-su đã kể cho chúng ta nghe trong bài tin mừng hôm nay, Ngài dạy chúng ta phải chuẩn bị đợi chờ ngày Ngài lại đến trong vinh quang, đợi chờ cách khôn ngoan như năm cô khôn ngoan, tức là đem đèn và đem luôn cả dầu, nghĩa là các cô đã chờ đợi trong sự khôn ngoan của mình.

Khôn ngoan của người đời là biết lo liệu, biết dự tính và biết “thấy” trước tình huống sẽ xảy ra để có kế hoạch đối phó, nhưng sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu là để chờ đợi ngày đến bất thình lình của Thiên Chúa, trong khi vẫn cứ chu toàn bổn phận hằng ngày của mình cách trọn vẹn.

Khôn ngoan của người Ki-tô hữu là thực hành đức tin ngay trong cuộc sống của mình, vì đức tin chính là ngọn đèn được đốt lên trong cuộc đời của người Ki-tô hữu, ngọn đèn đức tin này cần phải đổ đầy dầu tức là bằng dầu đức ái, bằng việc lành phúc đức, bằng không thì nó sẽ tàn lụi và cuối cùng thì tắt ngúm và trở nên lạnh lẽo.

Khôn ngoan của người Ki-tô hữu là sự tỉnh thức và cầu nguyện khi người khác mãi ngủ trong đam mê tội lỗi, bởi vì họ không muốn Con Người đến khi họ đang sống trong tình trạng tội lỗi mà chưa được chuẩn bị đầy đủ.

Bạn thân mến,

Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở thành người khôn ngoan thông minh để lời nói mình được đám đông nể mặt, để người khác phải bái phục khi những kế hoạch mình đưa ra đều thành công vang dội.v.v…nhưng, sự khôn ngoan ấy chỉ là khôn ngoan tạm bợ của người đời mà thôi, bởi vì có rất nhiều người khôn ngoan như thế, thông minh như thế, nhưng không giành được Nước Trời.

Chúng ta được Đức Chúa Giê-su mời gọi hãy tỉnh thức luôn, mà người biết tỉnh thức cũng có nghĩa là người khôn ngoan biết đợi chờ ngày đến bất chợt như kẻ trộm của Chúa, đó mới chính là sự khôn ngoan mà chúng ta phải tìm kiếm trong cuộc sống ở trần gian này vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đong đầy dầu yêu thương
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
18:53 10/11/2023
Được mời làm phù dâu là một vinh dự lớn đối với các cô gái đương xuân. Đây là một cơ hội tốt để giao lưu, gặp gỡ, làm quen với nhiều người bạn khác cùng trang lứa… Và biết đâu, nhân dịp nầy, các cô có thể tìm thấy bạn trai ý hợp tâm đầu rồi sau đó kết ước chuyện trăm năm thì còn gì hạnh phúc bằng!

Vì thế, ngay khi được mời làm phù dâu, các cô nô nức sửa soạn cho ngày quan trọng nầy thật chu đáo. Phải trang điểm chi li từ lọn tóc trên đầu cho đến cái móng chân!

Thế rồi, thời điểm chờ đợi đã đến. Các cô tung tăng hớn hở cùng nhau tiến về nhà cô dâu để chuẩn bị nghênh đón chàng rể và để gặp gỡ những người bạn trong mơ.

Thế nhưng, điều đáng tiếc là vì mải lo sửa soạn áo xống, lo trang điểm bên ngoài thật tươm tất chu đáo thì năm trong số mười cô phù dâu xinh đẹp lại quên mất điều quan trọng nhất là chêm thêm dầu vào đèn của mình.

Thế rồi, khi chàng rể đến bất thần giữa đêm đen, các cô chỗi dậy sửa soạn đèn đóm, không ngờ đèn đã cạn dầu từ lúc nào không hay, mà vì không có đèn sáng trên tay, các cô không được vào phòng tiệc cưới.

Các cô giận tức giận cành hông khi nhìn 5 cô bạn phù dâu có đèn sáng trên tay được mời vào phòng tiệc cưới, được tung tăng bên cạnh cô dâu chú rễ, được tươi cười ca hát với các vị khách mời, được làm quen, kết bạn với những chàng phù rễ hào hoa … còn mình thì bị đuổi ra ngoài đêm tối, lầm lũi lê gót về nhà trong buồn tủi và cô đơn.

Như thế, mang đèn mà chẳng mang dầu theo là hành động dại khờ không thể chấp nhận được.

Khi ta không có dầu

Xét lại hoàn cảnh mình, chúng ta cũng là những phù dâu, phù rể đang chờ đợi chàng Rể khác là Chúa Giê-su sẽ đến bất cứ lúc nào.

Chúa Giê-su sẽ đến vào giờ không hẹn trước. Vậy chúng ta đừng mải mê đầu tư tất cả cho thân xác mà không mảy may đầu tư cho đời sống mai sau. Cần phải có dầu đầy bình ngay hôm nay, để rồi khỏi hối tiếc như năm cô phù dâu khờ dại.

Chỉ có dầu yêu thương mới có thể làm cho đèn của chúng ta sáng lên, nhờ đó mới được đón nhận vào phòng tiệc đời đời.

Dựa vào lời dạy của Chúa Giê-su trong dụ ngôn “Phán xét cuối cùng”, ta biết rằng:

Nếu đèn của ta có đầy dầu yêu thương, thì trong giờ Chúa đến, Ngài sẽ nói với ta: “Nào! con là người được Cha Ta chúc phúc, mời con vào hưởng hạnh phúc đời đời với Ta, vì con đã yêu thương chăm sóc phục vụ những người bất hạnh quanh con…”

Và nếu đèn của chúng ta thiếu dầu yêu thương, Chúa Giê-su sẽ nói với ta rằng: “Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi khuất mắt ta mà vào trong hỏa ngục, vì đã không tỏ lòng yêu thương phục vụ những người bất hạnh quanh mình…” (xem Mt 25, 31-46).

Như thế, có đầy dầu yêu thương sẽ mang lại dư đầy ơn phúc, còn thiếu dầu yêu thương sẽ đem lại hậu quả bi đát khôn lường!

Lạy Chúa Giê-su,

Thật là dại khờ khi mang đèn mà chẳng mang dầu theo. Và thật điên rồ khi không tích lũy nhiều dầu yêu thương cho đèn tâm hồn được cháy sáng.

Xin cho chúng con hôm nay biết đổ đầy dầu yêu thương vào đèn của mình bằng cách siêng năng làm việc thiện, chăm lo phục vụ những người thiếu thốn… Chính những thứ dầu nầy mới làm cho tâm hồn chúng con trở nên đèn sáng. Nhờ đó, bất cứ lúc nào Chúa đến, chúng con cũng được mời vào dự tiệc vui muôn đời. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Ngày 11/11: Chọn Chúa hay chọn Thần Tài – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
03:15 10/11/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con.

"Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được". Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: "Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa".

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:55 10/11/2023

8. Người thật thanh bẩn thì nhất định phải có 2 điều kiện: (1) Bên ngoài hoàn toàn từ bỏ tiền tài thế gian, đây là phương pháp. (2) Trong lòng không yêu thích tài vật, đó mới là hướng cuối cùng phải nhắm đến.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:00 10/11/2023
97. LÔNG CHIM QUÁ NHIỀU

Đời nhà Đường, Linh Xương uý Lương Sĩ Hội lấy danh nghĩa quan phủ ra lệnh trưng dụng lông chim.

Có tên Lý Chính không đưa lông chim đến, Lương Sĩ Hội bèn triệu Lý Chính đến công đường phán hỏi:

- “Quan phủ trưng dụng lông chim, tại sao mày không đưa lông chim đến hử?”

Tả sứ nhìn thấy trong mấy chữ ngắn ngắn đó có hai chữ “lông chim” bèn nói nhỏ với Lương Sĩ Hội:

- “Ngài phán quyết rất hay, nhưng chỉ có “lông chim” là quá nhiều chút ít mà thôi”.

Lương Học Sĩ cũng tiếp thu ý kiến đó, bèn đổi phán quyết, nói:

- “Quan trưng thu lông chim, tại sao mày không đem lông nhạn đến?”

Trong công đường vang tiếng cười to.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 97:

Lông chim, thì dù chim nhạn hay chim sẻ, chim hoàng oanh hay chim phượng hoàng thì cũng là lông chim mà thôi, có điều người hiểu biết chữ nghĩa như quan mà cũng nghe lời tên ít học để sửa lại câu đã phán quyết của mình, thì quả là ông quan cũng như tên vô học ấy mà thôi…

Thời nay cũng có những ông thẩm ông phán chữ nghĩa đầy mình, cầm cân nẩy mực công lý, nhưng bị những đồng tiền vô tri và thế lực vô giác điều khiển góp ý sửa tội nặng thành vô tội, đổi vô tội thành có tội, làm cho người người oán than và xã hội đã loạn lại càng loạn thêm.

Nghe lời góp ý của người khác để xây dựng cộng đoàn ngày càng tốt hơn, đó là cái sáng của lãnh đạo, nhưng nghe lời người khác để luôn thay đổi quyết định của mình mà không nhìn thấy hậu quả của việc làm ấy, đó là cái tối của lãnh đạo, bởi ý kiến thì ai cũng có, nhưng đa phần là ý kiến bàn lui vì ích kỷ của cá nhân hoặc của phe nhóm đảng phái mà thôi.

Hàng ngày chúng ta nghe rất nhiều ý kiến, nhưng rất ít có ý kiến giúp người nghèo, và có rất ít ý kiến giúp chúng ta sống lành thánh trước mặt mọi người…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sống khôn để chết thiêng
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
04:08 10/11/2023

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM A
SỐNG KHÔN ĐỂ CHẾT THIÊNG

Tin Mừng theo thánh Matthêô nhiều lần cho thấy, thánh nhân sử dụng phương pháp đối kháng trong cách viết của mình để gây chú ý. Chẳng hạn: lúa tốt - cỏ lùng; chiên - dê; nhà xây trên đá - nhà xây trên cát…

Dụ ngôn hôm nay, thánh nhân cũng cho thấy sự đối kháng ấy trong lời dạy của Chúa Giêsu: khôn ngoan - thiếu khôn ngoan; người biết chuẩn bị - người không lo chuẩn bị; người được dự tiệc cưới - người bị khước từ dự tiệc.

Bằng lối so sánh, thánh nhân muốn làm nổi bật hai chiều kích trái nghịch nhau, mâu thuẫn nhau: Người khôn ngoan luôn biết chuẩn bị sẵn sàng cho đời mình để vào hưởng phúc của Chúa - Ngược lại, sự thiếu khôn ngoan của những ai không biết chuẩn bị, sẽ nên vô phúc, sẽ bị khước từ tham dự hạnh phúc ấy.

Hạnh phúc Nước Trời là được sống chính sự sống đời đời của Thiên Chúa. Chuẩn bị đầy đủ để vào Nước Trời (biểu trưng là tiệc cưới của chàng rể) là biết sống công chính, giữ luật Chúa, yêu Chúa, trung thành với lòng mến mà bản thân dành cho Chúa, yêu anh chị em, sẵn sàng tha thứ, bác ái, tương trợ, quan tâm lẫn nhau... Tất cả những điều ấy là con đường của khôn ngoan, của hạnh phúc sẽ dẫn tới sự sống trong Chúa.

Ngoại trừ những ai sống bê tha, không biết lo cho linh hồn mình, không biết chuẩn bị cho ngày giờ Chúa gọi. Còn tất cả mọi Kitô hữu khôn ngoan đều hiểu rằng: Cuộc đời mỗi Kitô hữu dù đang nơi dương thế, vẫn hướng về và chờ đợi ngày về cùng Thiên Chúa, khác nào cuộc nghinh đón chàng rể.

Chàng rể mà mỗi Kitô hữu đang trông đợi chính là Chúa Kitô. Người cũng là thẩm phán xét xử từng con người, sau khi họ được Người đến và mang đi.

Tin Mừng cho biết chàng rể sẽ “đến chậm”, nghĩa là Chúa sẽ đến vào lúc không ai ngờ. Đó là giờ chết của mỗi chúng ta.

Sau khi chàng rể đến, cửa sẽ đóng lại. Cuộc đời trên dương thế của mỗi người cũng đóng lại trong ngày Chúa gọi rời bỏ sự sống hiện tại này.

Ý nghĩa thiêng liêng của hình ảnh "chàng rể đến và cửa sẽ đóng", đó là: người ta chỉ chết một lần, không có cơ hội làm lại cuộc đời nếu đã không có sự chuẩn bị. Vậy hãy như năm cô trinh nữ khôn ngoan, mỗi người cần chuẩn bị hành trang cho ngày giờ Chúa đến gọi đích danh mình.

Nếu ngay bây giờ, ta biết để cho sứ điệp của dụ ngôn lắng sâu vào hồn mình, thấm vào trí nhớ mình, chắc chắn ta sẽ gặp gỡ Chúa, sống cùng Chúa, ở kề bên Chúa trong từng phút giây, từng hoạt động, từng công tác, từng suy tư của ta...

Đã có Chúa sống trong ta luôn luôn, thì nếu có chết, cái chết chỉ là sự nối dài của cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa, hay chỉ là cuộc gặp gỡ Chúa ở dạng thức khác mà thôi.

Hãy nhớ, người không ngừng gặp gỡ Chúa là người tỉnh thức và khôn ngoan. Họ đang sống chính lời mà Chúa dạy hôm nay: "Các ngươi hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào, giờ nào".

Ai khôn ngoan và tỉnh thức, dù các chết ập đến bất cứ lúc nào, vẫn không là chết bất ngờ. Ai để cho mình có cuộc gặp gỡ dành cho Chúa luôn luôn, sẽ là người luôn nắm giữ bình an trong giây phút hiện tại, sẽ không sợ hãi trong giờ chết, và trong giờ trình diện trước tòa Chúa.

Còn sống ngày nào trên dương thế, là vẫn còn thời gian để tỉnh thức, để chuẩn bị, để sống “khôn”. Hãy chuẩn bị cho thật đầy đủ dầu đèn là mọi thứ cố gắng nhằm thanh tẩy mình, ăn năn thú tội, xưng tội, lãnh nhận các bí tích khác và quyết tâm chừa tội, quyết tâm thực thi đức bác ái, thực thi lòng từ tâm với mọi anh chị em...

Chỉ có sống khôn, mới có cái chết thiêng mà thôi...
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tượng Đức Mẹ Guadalupe không bị ảnh hưởng bởi sức tàn phá của Bão Otis ở Mễ Tây Cơ
Đặng Tự Do
19:50 10/11/2023


Một bức tượng Đức Mẹ Guadalupe, bao gồm cả một tấm áo choàng bằng vải, vẫn còn nguyên vẹn giữa sự tàn phá do cơn bão Otis gây ra, đổ bộ vào thành phố ven biển Acapulco và các khu vực khác thuộc bang Guerrero của Mễ Tây Cơ vào tuần trước với những cơn gió giật lên tới 200 dặm trên giờ.

Cơn bão cấp 5 đổ bộ vào gần Acapulco lúc 12:25 sáng giờ địa phương ngày 25/10, khiến ít nhất 46 người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khách sạn, nhà cửa và cơ sở kinh doanh trên toàn bang.

La Quebrada là một vách đá cao 148 foot trên bờ Thái Bình Dương ở Acapulco. Kể từ năm 1934, các thợ lặn trẻ tuổi đã nhảy từ độ cao xuống một con kênh rộng 23 feet và sâu 13 feet, một cảnh tượng rất được du khách yêu thích. Trước mỗi lần nhảy, các thợ lặn làm dấu thánh giá và ngợi khen Đức Trinh Nữ Guadalupe, hình ảnh được lắp đặt tại địa điểm.

Năm 2022, Cha Eduardo Chávez, một trong những chuyên gia giỏi nhất về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ Guadalupe, đã làm phép cho bức ảnh được đặt trên vách đá.

Phóng viên Edgar Galicia của Azteca Noticias gần đây đã đi thăm khu vực và phát hiện ra rằng bức tượng nhỏ đặt trong hang động không hề bị hư hại gì khi cơn bão Otis đi qua. Thiệt hại duy nhất quan sát được từ cơn bão, với sức gió vượt quá 185 dặm một giờ, là một số đèn trang trí cho bức ảnh.

“Thật là một điều tuyệt vời,” Galicia nói trong một video đăng ngày 1 tháng 11 trên X, “khi biết rằng Đức Trinh Nữ, đấng trong nhiều năm đã ‘làm dấu thánh giá’ trên nhiều thợ lặn ở đây, đang rất tốt, bởi vì chính từ đây họ đã ném mình xuống biển.”

Trước sự việc đáng ngạc nhiên này, Cha Rafael Valencia, tổng đại diện và phát ngôn viên của Tổng Giáo phận Acapulco, đã nói chuyện với ACI Prensa, đối tác tin tức bằng tiếng Tây Ban Nha của CNA, về tầm quan trọng của Đức Trinh Nữ Maria như nguồn an ủi trong những lúc nghịch cảnh.

“Đức Trinh Nữ Maria là mẹ của niềm hy vọng. Trong thời điểm khó khăn này, Mẹ khuyến khích chúng ta giữ vững niềm hy vọng xuất phát từ đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để cảm thấy được đồng hành cùng Mẹ và con trai Mẹ, Chúa Giêsu của Mẹ,” Cha Valencia nói.

Vị linh mục cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của thánh Maria, “với tư cách là mẹ”, giúp chúng ta trải nghiệm “sự an ủi và gần gũi của Thiên Chúa, Đấng an ủi và giúp đỡ chúng ta.


Source:Catholic News Agency
 
Các nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp ký thỉnh nguyện kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Jimmy Lai
Đặng Tự Do
19:51 10/11/2023


Các nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp từ khắp nơi trên thế giới đã ký một bản kiến nghị kêu gọi Chính quyền Đặc khu Hành chính Hương Cảng “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho người ủng hộ dân chủ, Jimmy Lai.

Jimmy Lai, 75 tuổi, là một người ủng hộ cho phong trào ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng, một nhà văn, nhà xuất bản và chủ sở hữu của Apple Daily, từng là tờ báo tiếng Hoa độc lập nổi tiếng nhất ở Hương Cảng, hiện bị chính quyền buộc phải đóng cửa. Kể từ năm 1990, khi ông thành lập công ty truyền thông của mình với trọng tâm ủng hộ dân chủ và chống tham nhũng, Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Đặc khu hành chính Hương Cảng đã nhiều lần nhắm vào ông. Việc tấn công đó đã tăng cường kể từ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong hai năm 2019 và 2020.

Ông Lai đã ở tù liên tục kể từ tháng 12 năm 2020, sau khi bị bắt vào tháng 8 năm 2020. Ban đầu, ông bị tạm giam trước khi xét xử, sau đó bị kết án hết lần này sang lần khác vì tham gia các cuộc hội họp ôn hòa ủng hộ dân chủ và một buổi cầu nguyện đánh dấu ngày kỷ niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông hiện đang thụ án liên quan đến tội lừa đảo, vốn đã bị lên án rộng rãi là lạm dụng luật pháp để bịt miệng những người bất đồng chính kiến và quyền tự do ngôn luận. Hoa Kỳ đã lên án bản án và mô tả bản án là một “kết quả hoàn toàn bất công” mà “bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào cũng đều cho thấy không công bằng và những lạm dụng tư pháp”.

Ông Lai hiện đang chờ xét xử vì tội xúi giục nổi loạn và sẽ bị buộc tội theo Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi. Phiên tòa xét xử ông hiện dự kiến bắt đầu vào ngày 18 tháng 12 năm 2023, sau nhiều lần trì hoãn. Nếu bị kết án, ông có thể phải đối mặt với bản án chung thân vì chiến dịch vận động dân chủ ôn hòa và công việc của mình tại Apple Daily. Luật An ninh Quốc gia đã bị nhiều chính phủ, cơ quan quốc tế và tổ chức xã hội dân sự chỉ trích nặng nề. Văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về Luật An ninh Quốc gia, cho rằng luật có từ ngữ rộng rãi có thể dẫn đến “việc giải thích và thực thi mang tính phân biệt đối xử hoặc tùy tiện, có thể làm suy yếu việc bảo vệ nhân quyền”. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã gọi Luật An ninh Quốc gia là “mơ hồ và rộng rãi một cách nguy hiểm” với định nghĩa rộng rãi là “các tội phạm chung chung được sử dụng trong các vụ truy tố có động cơ chính trị với các hình phạt có thể nặng nề”.


Source:doughtystreet.co.uk
 
Vạ tuyệt thông xưa và nay
Vũ Văn An
22:38 10/11/2023

Trên VietCatholic mấy ngày qua, Cha Nguyễn Văn Nghĩa của Giáo phận Ban Mê Thuột có bài viết về vạ tuyệt thông, phần lớn là các nhận định tiêu cực về nó với ước nguyện bãi bỏ nó vì những nhận định tiêu cực này.

Tuyệt thông Martin Luther


Theo Cha, vạ tuyệt thông là “cái giá phải trả cho sự thiếu khoan dung, đúng hơn là các hành vi ‘dứt sữa nhau’”. Dứt sữa được cha hiểu là “triệt đường sống của một ai đó”.

Sau đó, Cha dựa vào lịch sử để quả quyết chính vạ tuyệt thông mới “thực sự cắt đứt mối hiệp thông giữa hai Hội Thánh”, Chính Thống và Công Giáo năm 1054; cũng chính vạ tuyệt thông năm 1521 “mới chính là lưỡi dao làm đoạn tuyệt các mối liên lạc giữa Hội Thánh Công Giáo với anh em Tin lành”; năm 1533, vạ tuyệt thông được ban hành cho Vua Henry VIII, với hậu quả là ông vua này “tổ chức một Giáo Hội Quốc Gia”. Kết luận là “Đọc những dòng trên đây, chắc hẳn chúng ta nhận ra sự tác hại của lưỡi dao ‘dứt phép thông công’”. Vì, “Án hình ‘dứt phép thông công’ chính là một sự triệt đường sống về tâm linh, về tinh thần”.

Các nhận định của Cha Nghĩa có thể không sai, chỉ có điều, các trường hợp được Cha Nghĩa trưng dẫn đều đã diễn ra cách nay ít nhất cũng đã 5, 6 thế kỷ rồi, trong lúc ấy, cái hiểu về vạ tuyệt thông đã có nhiều thay đổi và là những thay đổi khá triệt để, ít nhất không còn là “dứt sữa nhau” như kiểu nói của Cha Nghĩa nữa. Rất tiếc, trong bài viết của ngài, Cha Nghĩa đã không trình bầy những thay đổi này, khiến độc giả có thể có sự hiểu lầm về việc, như Cha viết: “Ngày nay, Hội Thánh Công Giáo chúng ta đã mạnh mẽ lên án việc chấm dứt sự sống của kẻ khác bằng án tử hình. Nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình. Quốc Hội nước Việt Nam chúng ta cũng đã từng xem xét việc bãi bỏ án hình này. Thế thì tại sao chúng ta không bỏ hẳn thứ án hình ‘dứt phép thông công’, một án hình không khác gì tiêu diệt sự sống tâm linh của người bị án”.

Chúng tôi xin dựa vào một số tác giả để trình bầy cái hiểu hiện nay trong Giáo Hội Công Giáo về vạ tuyệt thông.

Jimmy Akin trên trang mạng https://www.catholic.com/magazine/online-edition/excommunication-its-not-what-you-think ngày 14 tháng 7 năm 2023 có bài viết The Truth About Excommunication. Theo ông, một trong các hiểu lầm thông thường là với vạ tuyệt thông, người phạm tội “bị đá ra khỏi Giáo Hội. Nó đã có nghĩa này, nhưng hiện nay không còn nghĩa đó nữa”.

Muốn hình dung vạ tuyệt thông là gì ta phải nhìn vào giáo luật, một luật đã thay đổi đáng kể trong các thế kỷ qua. Trong phần lớn thế kỷ 20, giáo luật được hiện thân trong Bộ Giáo Luật năm 1917, nhưng Bộ Luật này đã được thay thế bằng bộ luật mới năm 1983. Năm 2021, Đức Phanxicô đã thay thế Cuốn VI của Bộ Luật năm 1983 về các Chế Tài Hình Sự Trong Giáo Hội, trong đó, có vạ tuyệt thông.

Theo Bộ Luật 1917, với vạ tuyệt thông, người phạm tội quả bị đá ra khỏi Giáo Hội. Nó dự liệu rằng “vạ tuyệt thông là hình phạt qua đó, người ta bị loại trừ khỏi hiệp thông tín hữu” (điều 2257 §1). Tuy nhiên, điều này đã không còn được nhắc lại trong Bộ Luật năm 1983, và do đó, nó mất hiệu lực (Bộ Giáo Luật 1983, 6 §1). Như thế, ngày nay, bị vạ tuyệt thông không có nghĩa người phạm tội không còn ở trong Giáo Hội nữa, họ vẫn là Kitô hữu và nếu là linh mục thì họ vẫn là linh mục và Giáo Hội không bao giờ dám đụng đến mối liên hệ trực tiếp giữa họ và Thiên Chúa.

Điều đáng tiếc là trên trang mạng của Giáo phận Vĩnh Long, trong bài “Vạ Tuyệt Thông Là Gì?” năm 2014, tác giả đã định nghĩa vạ tuyệt thông theo bộ Giáo luật 1917: “Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội và ngoan cố không chịu sửa đổi hay sám hối. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người đó bị tách rời ra khỏi sự ‘hiệp thông’ với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội”.

Định nghĩa như thế dường như đã chỉ tham khảo các tài liệu có trước năm 1983, tức trước khi Bộ Giáo Luật 1917 chính thức bị khai trừ bởi bộ giáo luật mới năm 1983. Thực vậy, Từ điển “Modern Catholic Dictionary” của Cha John A. Hardon, S.J. định nghĩa “Vạ tuyệt thông. Một hình phạt của Giáo Hội qua đó, một người bị ít hay nhiều loại trừ khỏi hiệp thông tín hữu”. Từ điển này được Imprimatur năm 1979 và Ấn bản bỏ túi của nó đã được chuyển dịch sang tiếng Việt và xuất bản năm 2008 bởi Linh mục Đặng Xuân Thành và Nhóm Chánh Hưng, lẽ dĩ giữ nguyên định nghĩa này.

Một cuốn từ điển khác bằng tiếng Pháp “Dictionnaire de la foi Chrétienne” của các tác giả Olivier de la Brosse, Antonin-Marie Henry và Philippe Rouillard, được dịch sang tiếng Viêt với tựa đề “Từ điển Đức tin Kitô giáo” không rõ tên dịch giả và năm xuất bản, cũng định nghĩa vạ tuyệt thông tương tự như Cha Haldon: “Vạ tuyệt thông. Hình phạt trị liệu, hoặc sự khiển trách khiến cho một Kitô hữu phạm pháp và cố chấp bị loại trừ ra khỏi sự hiệp thông của các tín hữu”. Điều này dễ hiểu vì cuốn nguyên ngữ được xuất bản năm 1968.

Điều đáng lưu ý là Bộ Bách Khoa Từ Điển Công Giáo bằng tiếng Anh, xuất bản đầu thế kỷ 20, trùng hợp với Bộ Giáo Luật 1917, đã có cái nhìn khá nhẹ nhàng về vạ tuyệt thông. Nó định nghĩa như sau: “vạ tuyệt thông (tiếng Latinh ex, ra khỏi,và communio hay communicatio, hiệp thông - loại trừ khỏi sự hiệp thông), sự khiển trách chính yếu và nghiêm khắc nhất, là một hình phạt về mặt thiêng liêng, có tính chữa lành (medicinal), tước quyền tham dự vào các ơn phúc chung của xã hội giáo hội. Là một hình phạt, nó giả thiết việc có tội; và là hình phạt nghiêm trọng nhất mà Giáo hội có thể áp dụng, đương nhiên nó giả thiết phải có một hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Nó cũng là một liều thuốc chữa lành chứ không phải là một hình phạt mang tính báo thù, nhằm mục đích, không hẳn để trừng phạt thủ phạm cho bằng sửa sai họ và đưa họ trở lại con đường lẽ phải. Do đó, nó nhất thiết phải tính đến tương lai để ngăn chặn việc tái diễn một số hành vi phạm tội gây hậu quả nặng nề bên ngoài, hoặc đặc biệt hơn là thúc giục người phạm tội thực hiện các nghĩa vụ do hành vi phạm tội của mình gây ra. Mục đích và tác dụng của nó là mất đi sự hiệp thông, tức là mất đi những ơn phúc thiêng liêng vốn được chia sẻ bởi tất cả các thành viên của xã hội Kitô giáo; do đó, nó chỉ có thể ảnh hưởng đến những người nhờ phép rửa được gia nhập vào xã hội đó. Chắc chắn có thể và thực sự tồn tại những biện pháp hình sự khác dẫn đến việc mất đi một số quyền cố định; trong số đó có những lời chỉ trích khác, ví dụ: đình chỉ giáo sĩ, cấm đoán giáo sĩ và giáo dân, phạm tội bất hợp pháp, v.v. Tuy nhiên, vạ tuyệt thông được phân biệt rõ ràng với những hình phạt này ở chỗ nó tước bỏ mọi quyền lợi xuất phát từ tư thế xã hội của người Kitô hữu. Quả thật, người bị vạ tuyệt thông không ngừng là một Kitô hữu, vì phép rửa của họ không bao giờ có thể bị xóa bỏ; tuy nhiên, họ có thể bị coi là một kẻ bị lưu đày khỏi xã hội Kitô giáo và không hiện hữu, ít nhất trong một thời gian, dưới con mắt của thẩm quyền giáo hội. Nhưng sự lưu đày như vậy có thể chấm dứt (và Giáo hội mong muốn điều đó), ngay khi người phạm tội đã có được sự đền tội thích đáng. Trong khi đó, tư thế của họ trước mặt Giáo hội là một người xa lạ. Họ không được tham gia vào việc thờ phượng công cộng cũng như không nhận Mình Thánh Chúa Kitô hoặc bất cứ bí tích nào. Hơn nữa, nếu là giáo sĩ, họ không được phép thực hiện một nghi lễ thánh thiêng hoặc thực hiện một hành vi thẩm quyền thiêng liêng nào”.

Như thế, Bách khoa Từ điển Công Giáo này, tuy vẫn theo từ nguyên mà định nghĩa tuyệt thông là bị trục xuất khỏi hiệp thông tín hữu, nhưng hiểu là các phúc lợi chung của xã hội Kitô giáo, chứ không hẳn bị đẩy ra ngoài Giáo Hội. Hơn nữa định nghĩa này nhấn mạnh tới khía cạnh chữa lành (medicinal) hơn là trừng phạt (vindictive). Dù sao, tư duy Công Giáo đầu thế kỷ 20, được phản ảnh trong bộ Giáo luật 1917, chưa thoát ra ngoài não trạng nếu chưa hẳn là báo thù thì ít nhất cũng trừng phạt tối đa để bảo vệ công lý.

Thực ra, bảo vệ công lý, cho tới tận nay, năm 2023, vẫn là mục tiêu của các án hình trong Giáo Hội. Thực vậy, với Tông hiến “Pascite Gregem Dei” (Hãy chăm sóc Đoàn chiên Thiên Chúa) ngày 23/5/2021, tức tông hiến sửa đổi Cuốn VI của Bộ Giáo luật 1983 liên quan đến các án hình trong Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô yêu cầu các đấng bản quyền: “quan tâm đến ba mục đích làm cho nó [án hình] cần thiết trong cộng đoàn Giáo hội, tức là tái lập các đòi hỏi của công lý, sửa sai tội nhân và sửa chữa các tai tiếng”.

Vốn là vị Giáo Hoàng của lòng thương xót, Đức Phanxicô lưu ý đặc biệt đến đức ái trong việc áp dụng án hình. Nhưng đức ái được ngài nói đến là đức ái buộc “ một người Cha cũng dấn thân sửa lại những gì đôi khi bị sai lệch”.

Về khía cạnh này, Đức Phanxicô viết: “Trong suốt cuộc lữ hành trần thế, từ thời các Tông đồ, Giáo hội đã thiết lập các quy luật lệ và qui định ứng xử mà, suốt nhiều thế kỷ, đã lên khuôn một bộ các chuẩn mực bó buộc chặt chẽ nhằm bảo toàn sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa. Các Giám mục có trách nhiệm bảo đảm sao cho chúng được tuân giữ, vì chúng phản ảnh đức tin mà tất cả chúng ta đều tuyên xưng, và từ đó chúng rút ra sức mạnh bó buộc của chúng; được xây dựng trên đức tin, chúng biểu lộ lòng thương xót từ mẫu của Giáo hội, vốn biết rằng mục đích của nó luôn là sự cứu rỗi các linh hồn”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh đến trách nhiệm của các chủ chăn: “Trách nhiệm áp dụng đúng đắn án hình cách cụ thể thuộc về các chủ chăn và các bề trên của mỗi cộng đoàn. Đó là một nhiệm vụ không thể được tách rời với nhiệm vụ mục vụ được giao phó cho họ, và phải được thực thi như một đòi hỏi đức ái cụ thể và bất khả lẩn tránh không chỉ đối với Giáo hội, với cộng đoàn Kitô hữu và với các nạn nhân có thể có, nhưng còn đối với người đã phạm tội, đang cần đến cả lòng thương xót và sự sửa chữa của Giáo hội”.

Ngài viết thêm: “Trong quá khứ, sự thiệt hại lớn lao đã diễn ra do việc không đánh giá được mối tương quan mật thiết hiện hữu trong Giáo hội giữa việc thực thi đức ái và việc nại đến – khi hoàn cảnh và công lý đòi hỏi – các chế tài kỷ luật. Cách suy nghĩ này, như kinh nghiệm đã dạy, có nguy cơ dẫn đến việc khoan thứ tác phong vô luân, mà với nó, chỉ những lời khuyến cáo hay những gợi ý mà thôi thì không phải là một phương dược đầy đủ được. Hoàn cảnh này thường bao hàm mối nguy hiểm với thời gian, tác phong như thế trở thành cố thủ, khiến việc sửa sai càng khó khăn hơn và, trong nhiều trường hợp, tạo ra tai tiếng và hoang mang nơi các tín hữu. Chính vì thế, đối với các chủ chăn và bề trên, việc áp dụng các hình phạt trở nên cần thiết. Sự chểnh mảng của một chủ chăn trong việc nại đến hệ thống hình sự cho thấy rõ rằng họ không chu toàn cách đúng đắn và trung thành chức năng của mình, như tôi đã minh nhiên khẳng định như thế trong các văn kiện gần đây, trong số đó là các Tông thư dưới hình thức “Tự sắc” (“Như một người mẹ yêu thương”, ngày 4/6/2016 và “Các con là ánh sáng cho trần gian”, ngày 7/5/2019)”.

Trong ba mục đích của án hình nói chung, khía cạnh sửa sai phạm nhân nổi bật nơi các chế tài hình sự gọi là dược hình [medicinal] như cách dịch của Cha Giuse Đỗ Đức Dũng, SDB (http://vietcatholic.com/Media/RevisedBook6Canonlaw.pdf). Thực vậy, theo Đức Cha Markus Graulich, phó thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp, trong cuộc phỏng vấn của Edward Pentin thuộc National Catholic Register (nhân dịp ban hành tông hiến Pascite Gregem Dei (https://vietcatholic.net/News/Home/Search?searchText= Tông hiến của Đức Phanxicô thay thế Quyển Sáu Bộ Giáo Luật 1983 theo giải thích của Tòa Thánh), trong Giáo hội, “sự cứu rỗi các linh hồn… luôn phải là luật tối cao (điều 1752). Theo nghĩa này, luật hình sự phục vụ cho việc cứu rỗi các linh hồn. Điều đó rất rõ ràng trong điều gọi là hình phạt chữa trị (tuyệt thông, ngưng chức và cấm chế [interdict]). Tất cả đều như một lời mời gọi rút chân ra khỏi hành vi sai lạc. Các hình phạt khác được gọi là hình phạt đền tội [thục hình, Đỗ Dũng] vì chúng cố gắng khôi phục công lý và cải tạo người phạm tội”.

Như thế, vạ tuyệt thông không nhằm mục đích nào khác ngoài việc chữa trị, mong người sai phạm trở về. Nếu họ không trở về thì theo ý kiến của Edward Peters, một giáo luật gia kỳ cựu, giáo sư luật tại Đại Chủng Viện Sacred Heart của Tổng giáo phận Detroit, là do họ muốn như thế, chứ không phải do chức sắc của Giáo Hội muốn báo thù (https://www.simplycatholic.com/excommunication/) hay triệt đường sống, “dứt sữa nhau”.

Thực ra, như trên đã nói, trong Giáo Hội quả đã có thời người ta có não trạng đó, coi vạ tuyệt thông như chuyện “dứt sữa nhau”. Xin trích dẫn Bách Khoa Từ Điển Công Giáo cũ: “ Trong những thế kỷ Kitô giáo đầu tiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt giữa vạ tuyệt thông và việc loại trừ để đền tội; để dị biệt hóa chúng một cách thỏa đáng, chúng ta phải chờ sự suy giảm của định chế đền tội công khai và sự tách biệt rõ ràng giữa những điều thuộc tòa trong, hoặc tòa án lương tâm và tòa ngoài, hoặc tòa án công khai của giáo hội; tuy nhiên, việc nhận cho một tội nhân thực hiện việc đền tội công khai là hậu quả của việc bị vạ tuyệt thông thực sự trước đó. Mặt khác, việc chính thức bị loại khỏi việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và các bí tích khác chỉ là một vạ tuyệt thông giảm nhẹ và giống hệt với vạ tuyệt thông nhẹ. Dù sao đi nữa, trong những thế kỷ đầu tiên, vạ tuyệt thông không được coi là một biện pháp đơn giản bên ngoài; nó đụng tới linh hồn và lương tâm. Nó không những cắt đứt mối ràng buộc bên ngoài đã duy trì cá nhân ở vị trí của mình trong Giáo hội; nó còn cắt đứt mối liên kết nội bộ, và án phạt ở dưới đất được trên trời chuẩn nhận. Đó là lưỡi gươm thiêng liêng, hình phạt nặng nề nhất mà Giáo hội có thể giáng xuống (xem các văn bản giáo phụ được trích dẫn trong Sắc lệnh Gratian, cc. xxxi, xxxii, xxxiii, C. xi, q. iii). Do đó, trong sắc chỉ “Exsurge Domine” (16 tháng 5 năm 1520) Đức Leo X đã lên án một cách chính đáng đề xuất thứ 23 của Luther, theo đó “vạ tuyệt thông chỉ là những hình phạt bên ngoài, chúng không tước đoạt những lời cầu nguyện thiêng liêng chung của Giáo hội khỏi người ta”. Đức Piô VI cũng lên án (Auctorem Fidei, 28 tháng 8, 1794) đề nghị thứ 46 của Thượng hội đồng giả Pistoia, một đề nghị khẳng định rằng hiệu lực của vạ tuyệt thông chỉ mang tính bên ngoài vì từ bản chất của nó, nó chỉ loại trừ khỏi sự hiệp thông bên ngoài với Giáo hội, như thể, theo Đức Giáo Hoàng, vạ tuyệt thông không phải là một hình phạt tinh thần ràng buộc trên thiên đàng và ảnh hưởng đến các linh hồn. Do đó, mệnh đề nói trên đã bị lên án là sai lầm, nguy hiểm, đã bị lên án trong mệnh đề thứ hai mươi ba của Luther, và ít nhất có thể nói là sai lầm”.

Chuyện tất nhiên xẩy ra là đã có rất nhiều lạm dụng trong việc áp dụng não trạng này. Cũng theo Bách Khoa Từ Điển Công Giáo cũ, nó đã được áp dụng bừa bãi, cả cho những tội phạm chẳng có chi là trầm trọng, khiến lòng dân khinh bỉ án hình này. Thành thử Công đồng Trent buộc phải khuyến cáo mọi Giám Mục và giáo phẩm phải chừng mực hơn trong việc sử dụng nó (Sess. XXV, c. iii, De ref.). Công đồng phán quyết: “mặc dù lưỡi gươm tuyệt thông là chính gân cốt của kỷ luật Giáo Hội, và rất có tính bổ ích trong việc giữ cho người ta tuân hành bổn phận của họ, nhưng nó phải được sử dụng cách điều độ và hết sức thận trọng; kinh nghiệm dạy rằng nếu nó được thi hành một cách bừa bãi hoặc vì những lý do không nghiêm trọng, nó sẽ bị khinh bỉ thay vì sợ hãi, và tạo nhiều điều xấu hơn điều tốt”.

Chính vì thế mà Tông hiến Pascite Gregem Dei của Đức Phanxicô có phụ đề là “tránh các điều xấu nghiêm trọng hơn”. Tuy nhiên, ý hướng của Đức Phanxicô vẫn không hẳn là làm nhẹ các điều khoản liên quan đến vạ tuyệt thông như đã được qui định trong Bộ Luật năm 1983, không những thế còn tăng cường chúng.

Thật vậy, trong cuộc phỏng vấn của Edward Pentin, Đức Cha Markus Graulich, phó thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp, nhận định rằng “luật hình sự ban đầu của Bộ luật năm 1983 khá yếu và thường không đủ mạnh mẽ. Ông thường tìm thấy những cụm từ như ‘có thể bị trừng phạt’ và toàn bộ việc thi hành bản văn chứa trong Quyển VI không khuyến khích việc áp dụng các hình phạt. Nhiều điều được để mặc cho quyết định của các giám mục và các bề trên khác trong Giáo hội, và không phải lúc nào các ngài cũng có thể (và đôi khi có lẽ không sẵn lòng) áp dụng luật hình sự vào thực tế. Ông nên nhớ rằng toàn bộ việc duyệt xét Bộ Giáo luật diễn ra sau Công đồng Vatican II khi nhiều nhà thần học và mục tử đặt câu hỏi liệu có cần phải có luật trong Giáo hội hay không, chứ chưa nói đến luật hình sự. Trong những năm gần đây, nhất là trong hai thập niên gần đây, mọi sự đã thay đổi. Có một ý thức mới tin rằng Giáo hội không chỉ cần bất cứ luật lệ nào mà cần một thứ luật lệ tốt. Cuộc khủng hoảng xung quanh việc lạm dụng các vị thành niên cũng đã dẫn đến một đánh giá mới về luật hình sự trong Giáo hội. Đã có một sự nhấn mạnh mới về hình phạt đối với những người lạm dụng các vị thành niên và Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI, và Đức Phanxicô đã ban hành các luật lệ chuyên biệt trong lĩnh vực này. Vì những luật này không phải là một phần của Bộ luật chung, một trong những mục đích của cuộc cải cách là tích nhập luật lệ mới này vào Bộ luật chung. Thời thế đã thay đổi và luật lệ cần phải được cập nhật”.

Đúng như nhận định của nhà giáo luật học Eaward Peters khi ông viết: “Phần lớn người Công Giáo biết rằng vạ tuyệt thông đóng một vai trò quan trọng trong đời sống Giáo Hội kể từ thời xa xưa. Nhiều người cho rằng thủ tục gây tranh cãi này bị xếp vào loại sách lịch sử sau Công Đồng Vatican II. Cho như thế là sai. Vạ tuyệt thông vẫn còn là phần quan trọng của bộ giáo luật. Thực vậy, có những dấu hiệu cho thấy trong những năm tới nó sẽ còn đóng một vai trò trong đời sống Giáo Hội lớn hơn điều chúng ta quen thấy”.

Sở dĩ như thế, vì theo Đức Cha Markus Graulich, “Giờ đây, chúng ta đang phải đối phó với các vi phạm hoặc trọng tội chống lại đức tin và sự hợp nhất của Giáo hội, chống lại thẩm quyền Giáo hội và việc thi hành nhiệm vụ, chống lại các bí tích, chống lại danh tiếng và tội giả dối, chống lại các nghĩa vụ đặc biệt và sự sống, phẩm giá và tự do của con người.

"Bây giờ cũng có một điều luật khá dài, điều 1336, với một danh sách các hình phạt có thể có. Trước đây, đối với các giám mục và bề trên, không phải lúc nào cũng dễ dàng nói ‘một hình phạt chính đáng’ sẽ là như thế nào. Bây giờ các ngài có nhiều thí dụ sẵn đấy, bao gồm 14 mệnh lệnh, lệnh cấm và tước quyền bao gồm việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ”.

Ngài cũng cho là “Cách dùng lời của bộ luật cũ thường không khuyến khích việc áp dụng luật hình sự. Điều này, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh trong Tông Hiến về việc ban hành Bộ luật mới, thường gây ra thiệt hại lớn hơn và dẫn đến những tình huống trong đó một số hành vi lệch lạc trở nên cố thủ và không dễ sửa chữa. Tôi sẽ đưa ra một số thí dụ, cố gắng không quá kỹ thuật: Điều luật đầu tiên của Quyển VI, tức điều 1311, có đoạn thứ hai mới thiết lập giọng điệu cho những điều tiếp theo. Đoạn này quả quyết rằng một phần của việc lãnh đạo mục vụ trong Giáo hội cũng là việc hướng dẫn cộng đồng ‘qua việc áp đặt hoặc tuyên bố các hình phạt, phù hợp với các quy định của luật, luôn phải được áp dụng một cách công bằng theo giáo luật và lưu ý đến việc phục hồi công lý, cải tạo phạm nhân, và sửa chữa tai tiếng’. Ở đây, chúng ta cũng tìm thấy mục tiêu của các chế tài hình sự trong Giáo hội: khôi phục công lý, cải tạo người phạm tội và sửa chữa tai tiếng. Điều đó cũng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong Tông hiến của ngài”.

Ngài nói thêm: “Rồi điều luật 1341 trong phiên bản cũ xác định rằng, ‘Vị bản quyền phải thận trọng chỉ khởi xướng một diễn trình tư pháp hoặc hành chính để áp đặt hoặc tuyên bố các hình phạt sau khi đã xác định chắc chắn rằng việc sửa chữa hoặc quở trách theo tình huynh đệ hoặc các biện pháp mục vụ khác không thể sửa chữa đầy đủ việc tai tiếng, khôi phục lại công lý, cải tạo người phạm tội’. Bộ giáo luật sửa đổi nêu rõ: ‘Vị bản quyền phải bắt đầu một thủ tục tư pháp hoặc hành chính để áp đặt hoặc tuyên bố các hình phạt khi ngài nhận thấy mọi phương pháp chăm sóc mục vụ, đặc biệt là việc sửa chữa theo tình huynh đệ, lẫn việc cảnh cáo hoặc sửa sai, cũng không khôi phục được công lý, cải tạo được phạm nhân, sửa chữa được tai tiếng’. Điều này có vẻ như không phải là một thay đổi lớn, nhưng nó vẫn quan trọng, vì quan điểm đã thay đổi và hy vọng cả việc thực hành cũng vậy.

“Trong một số điều luật của Quyển VI hiện nay, chúng ta thấy, đối với một số hành vi trọng tội nào đó, một người ‘có thể bị trừng phạt’. Cụm từ này hiện đã không còn. Nếu ai đó mắc một vi phạm hoặc một trọng tội được liệt kê trong luật hình sự, người đó phải bị trừng phạt. Điều này lấy đi việc biện phân của các Giám mục và Bề trên, vì các ngài không còn có thể quyết định liệu có nên áp dụng hình phạt hay không, mà phải bảo đảm để luật lệ được áp dụng”.

Áp dụng luật trong ý hướng cứu rỗi các linh hồn, chứ không phải để “dứt sữa nhau”. Vì ngoài việc không tước bỏ tư cách Kitô hữu kể cả tư cách giáo sĩ (điều 1338 §2), Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những đứa con ương ngạnh trở về và sẵn lòng mở cửa dẫn vào ơn thánh cho họ. Thực vậy, điều 1352 §1: “ Nếu một hình phạt cấm lãnh nhận các bí tích hay á bí tích, vạ cấm cũng bị đình chỉ bao lâu phạm nhân còn ở trong tình trạng nguy tử”. Một điều khoản khác, điều 1335§2, nói đến việc một linh mục bị vạ tuyệt thông có thể thi hành thừa tác vụ của mình trong trường hợp “ Nếu một vạ cấm cử hành các bí tích hay á bí tích hoặc cấm thi hành các hành vi lãnh đạo, thì lệnh cấm ấy bị đình chỉ, mỗi khi điều đó cần thiết để giúp các tín hữu lâm cơn nguy tử”.

Đúng như nhận định của Tân Bách Khoa Từ Điển Bách Khoa Công Giáo, dù soạn thảo trước năm 1983, nên vẫn định nghĩa vạ tuyệt thông theo lối cũ, nhưng cho rằng “Giáo Hội không hề là số sót thánh thiện vô tâm trừ khử những kẻ tội lỗi (xem Mt 13:28-30); đúng hơn nó mãi mở rộng cửa chờ kẻ có tội ăn năn trở về, để sự phân rẽ của kẻ có tội ương ngạnh có một tầm nhìn hy vọng (xem 2Tx 3:15; 2Cr 2:5-11).
 
Church Documents
Thủy -News 10 Nov 2023
VietCatholic Media
02:52 10/11/2023
1. Mới sáng sớm, Putin đã mất 400 triệu Mỹ Kim

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Sáu mùng 10 tháng 11, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tiêu diệt hai hệ thống tác chiến điện tử đa chức năng Borisoglebsk-2 của Nga ở phía bắc vào sáng thứ Sáu.

“Đối phương đã có một ngày tồi tệ. Rạng sáng, quân Nga đã mất hệ thống tác chiến điện tử Borisoglebsk-2 RB-301B. Ngay sau đó, các phi công điều khiển máy bay không người lái của Lữ đoàn cơ giới số 58 đã tiến hành một cuộc tấn công trừng phạt từ trên không, phá hủy thêm một hệ thống khác thuộc loại đó”.

Borisoglebsk-2 được thiết kế để phục vụ hoạt động tình báo điện tử và ngăn chặn các tần số sóng ngắn và sóng siêu ngắn của thông tin liên lạc vô tuyến trên mặt đất và trên không, các thiết bị đầu cuối liên lạc di động và đường internet liên quan đến các yếu tố chiến thuật và tác chiến của chỉ huy và kiểm soát.

Hệ thống này bao gồm ba trạm gây nhiễu và một trạm điều khiển gắn trên xe thiết giáp MT-Lbu. Borisoglebsk-2 kết hợp các giải pháp kỹ thuật mới để chống lại các phương tiện tình báo vô tuyến và hệ thống điều khiển tự động.

Phạm vi tần số được trinh sát và triệt tiêu đã tăng hơn gấp đôi so với các trạm gây nhiễu được cung cấp mà Nga dùng trước đó trong khi tốc độ phát hiện tần số đã tăng hơn 100 lần.

Chi phí của nó là khoảng 200 triệu Mỹ Kim.

2. Cuộc vượt sông Dnipro táo bạo của Thủy Quân Lục Chiến Ukraine

10 giờ sáng Thứ Năm, 9 Tháng Mười Một, Ukraine phóng HIMARS loại khỏi vòng chiến 5 sĩ quan cấp tá của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, vừa mới đến nhậm chức trong khu vực Kherson. Cũng trong khu vực này, vài ngày trước đó, một cú ATACMS cũng đã thanh lý 3 Đại Tá Dù. Họ cũng vừa đến Kherson chỉ vài giờ trước đó. Sự trùng hợp ly kì như thế đã khiến Ủy ban Điều Tra đặc biệt của Nga tuyên bố mở cuộc điều tra. Chụp cơ hội quân Nga đang hoang mang và lúng túng trước các tổn thất nhân sự to lớn này, xe tăng và xe thiết giáp Ukraine đã vượt sông Dnipro.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Under The Cover Of Drones And Helicopters, The Ukrainian Marine Corps Is Advancing—And Expanding Its Dnipro Bridgehead”, nghĩa là “Dưới sự che chở của máy bay không người lái và trực thăng, Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đang tiến lên và mở rộng đầu cầu Dnipro.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong khi nhiều chuyên gia và chính trị gia ở phương Tây tuyên bố cuộc chiến ở Ukraine là “bế tắc” và yêu cầu người Ukraine đàm phán với chính những người Nga đã bắt cóc trẻ em Ukraine, bắn phá các thành phố Ukraine và sát hại thường dân Ukraine, thì Thủy Quân Lục Chiến Ukraine lại tiếp tục tấn công.

Ba tuần trước, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến đã vượt sông Dnipro rộng lớn ở khu vực Kherson, miền nam Ukraine và bảo vệ một đầu cầu tại khu định cư Krynky ở tả ngạn do Nga thống trị.

Từ Krynky, Thủy Quân Lục Chiến đã tiến về phía nam – mở rộng cuộc phản công kéo dài 5 tháng của Kyiv và thách thức các nhà quan sát nước ngoài, những người có vẻ mong muốn xoa dịu chế độ của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Điều gì xảy ra tiếp theo thì ai cũng đoán được. Nhưng những gì đã xảy ra trước đây khiến việc vượt qua Krynky ngày càng trở nên rõ ràng. Quân đội Ukraine đã cô lập các lực lượng Nga ở Kherson về mặt điện tử và hậu cần, tái bố trí lực lượng tốt nhất của họ cho một cuộc tấn công ven sông, sau đó tấn công dọc theo một số trục dưới sự yểm trợ của một số phi đội trực thăng táo bạo.

Chiến dịch Krynky thực sự đã bắt đầu vào mùa hè này, vài tháng trước khi lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đầu tiên vượt sông Dnipro trên những chiếc thuyền nhỏ. Ngay từ tháng 6, đã có báo cáo rằng người Ukraine đã bố trí các thiết bị gây nhiễu vô tuyến mạnh mẽ ở bờ trái của Dnipro để tạo ra một khu vực sâu 12 dặm nơi các máy bay không người lái trực quan, gọi tắt là FPV, của Nga không thể hoạt động một cách đáng tin cậy, nhưng máy bay không người lái của Ukraine có thể hoạt động..

Trent Telenko, cựu kiểm toán viên của Hợp đồng Quốc phòng Hoa Kỳ, cho biết: “Ukraine đã triển khai một số thiết bị gây nhiễu không người lái di động trên sông mạnh mẽ, đồng thời triển khai các máy bay không người lái FPV lớn hơn một chút với các tần số hoạt động vô tuyến khác nhau mà các thiết bị gây nhiễu không bao phủ được”.

Đồng thời, máy bay không người lái và chiến binh có người lái của Ukraine bắt đầu săn lùng các thiết bị gây nhiễu của Nga ở miền nam Ukraine, ngăn chặn hiệu quả việc Nga ngăn chặn máy bay không người lái Ukraine bay qua Dnipro. Có rất nhiều bằng chứng về các cuộc tấn công chính xác của Ukraine vào thiết bị gây nhiễu của Nga, thậm chí cả thiết bị gây nhiễu di động được trang bị cho xe tải.

Chiến dịch phản công điện tử này leo thang song song với những nỗ lực của Ukraine nhằm ngăn chặn các đường tiếp tế của Nga đi vào miền nam Kherson qua Melitopol và Tokmak.

Những bước tiến tốn kém trong mùa hè của quân đội và lực lượng không kích Ukraine thông qua Robotyne về phía Tokmak, ở tỉnh Zaporizhzhia, ngay phía đông Kherson, đã đưa hậu cần của Nga nằm trong tầm bắn của vũ khí tầm xa của Ukraine.

Jan Kallberg, một thành viên cao cấp không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu ở Washington, DC, giải thích: “Hành lang hậu cần này ngày càng trở nên thu hẹp trên từng tấc đất mà người Ukraine giải phóng”.

Kallberg dự đoán: “Khi mùa đông đến gần, tình hình hậu cần ở phía tây Melitopol có thể ngày càng trở nên tồi tệ hơn”. Nhưng rõ ràng tình hình đã đủ tệ đến mức Điện Cẩm Linh đang phải vật lộn để cung cấp nhiên liệu cho lực lượng của mình ở tả ngạn Dnipro.

Có một khoảng thời gian, ngay sau khi Thủy Quân Lục Chiến Ukraine từ các Lữ đoàn 35, 36 và 38 tái triển khai từ tỉnh Donetsk và đổ bộ vào và xung quanh Krynky bắt đầu từ ngày 19 tháng 10, khi các trung đoàn súng trường cơ giới của Nga ở bờ trái có thể đã phản công và buộc Thủy Quân Lục Chiến quay trở lại sông.

Nhưng các phương tiện của Nga tiến về phía Krynky – trong đó có ít nhất một xe tăng T-72 – đã bị máy bay không người lái tấn công. Mỗi ngày trôi qua mà không có một cuộc phản công thành công nào của Nga lại là cơ hội để quân Ukraine đưa lực lượng ngày càng nặng hơn qua sông trên những chiếc thuyền nhỏ, tầu đổ bộ và có thể cả cầu phao.

Các lực lượng hoạt động qua sông cực kỳ dễ bị tấn công bằng đường không, nhưng mọi chuyện nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng người Ukraine, chứ không phải người Nga, đang kiểm soát không phận trên Dnipro ở Kherson. Quân đội Ukraine thậm chí còn triển khai trực thăng tấn công Mil Mi-24 cho các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm thấp. Một nhà quan sát Nga gọi cuộc không kích của Mi-24 là “chiến thuật táo bạo”.

Khi cuộc phản công của Ukraine ở Kherson bước sang tháng thứ hai, nó đang mở rộng và tăng tốc. Tuần này, các nguồn tin của Nga cho biết Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đã vượt sông tại hai địa điểm mới ở phía tây Krynky: Poima và Pidstepne.

Mùa đông đang tới. Và cùng với nó là bùn mùa đông. Các trận chiến cơ giới mang tính chất tận thế đang hoành hành ở miền đông Ukraine – xung quanh Bakhmut, Kreminna và Avdiivka – có thể lắng xuống khi xe cộ bị sa lầy.

Nhưng Thủy Quân Lục Chiến ở Krynky có thể không bận tâm nhiều đến bùn. Tiến lên chủ yếu bằng đường bộ, trong các đội tấn công từ 10 đến 15 người, họ có thể duy trì cuộc phản công ngay cả khi thời tiết xấu đi.

Tướng Oleksandr Tarnavsky của Ukraine nói với CNN: “Thời tiết có thể là trở ngại nghiêm trọng trong quá trình tiến quân”. “Nhưng xem xét cách chúng tôi tiến về phía trước và chúng tôi chủ yếu tiến lên mà không sử dụng phương tiện, tôi không nghĩ nó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến giai đoạn phản công đó.”

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến vụ Nga tấn công vào tầu chở hàng dân sự Liberia. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Vào ngày 8 tháng 11 năm 2023, một tàu chở hàng dân sự mang cờ Liberia, có thể là Kmax Ruler, đã bị trúng hỏa tiễn chống radar của Nga tại cảng Pivdennyi, Odesa, của Ukraine. Các quan chức Ukraine nhận định đây có thể là hỏa tiễn phóng từ trên không KH-31 hay còn gọi là AS-17 KRYPTON.

Một hoa tiêu của bến cảng thiệt mạng, ba thành viên thủy thủ đoàn và một công nhân cảng bị thương. Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết con tàu đang chở quặng sắt chở hàng cho đồng minh chiến lược của Nga là Trung Quốc.

AS-17 có thể được sử dụng để tấn công vào các radar quân sự của Ukraine trong khu vực. Có khả năng thực tế là hỏa tiễn AS-17 được phóng từ trên không trong trường hợp không có tín hiệu radar quân sự trực tiếp, bị khóa trên radar của tàu dân sự.

Nếu vậy, điều này sẽ thể hiện chiến thuật sử dụng vũ khí kém cỏi của phi công Nga.

4. Đồng minh của Putin tuyên bố đáng sợ rằng Nga và phương Tây không thể cùng tồn tại

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Says Russia and the West Can't Mutually Coexist”, nghĩa là “Đồng minh của Putin nói Nga và phương Tây không thể cùng tồn tại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Vladimir Solovyov, nhà tuyên truyền nổi tiếng của Nga và là đồng minh trung thành của Putin, nói rằng “không thể có sự chung sống hài hòa” giữa Nga và các quốc gia phương Tây.

Solovyov là người dẫn chương trình chính trị trên đài phát thanh và truyền hình do Điện Cẩm Linh kiểm soát. Ông cũng nổi tiếng với việc đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi, chẳng hạn như gợi ý trong một chương trình truyền hình phát sóng gần đây rằng nước Đức cuối cùng sẽ tồn tại “dưới lá cờ Nga”. Tháng trước, Solovyov cũng gây chú ý khi cảnh báo về một cuộc chiến tranh thế giới mới sẽ chứng kiến phương Tây đọ sức với người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã đăng một đoạn clip đã được dịch lên X, trước đây là Twitter, trong đó Solovyov gần đây thảo luận về những gì ông mô tả là cuộc xung đột kéo dài của Nga với phương Tây trên chương trình phát thanh của mình.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Tòa Bạch Ốc qua email để yêu cầu bình luận vào tối thứ Năm.

“Chúng ta cần thừa nhận phương Tây là đối phương của chúng ta – có tính hệ thống, hàng thế kỷ, hàng thiên niên kỷ, và hiện tại. Không thể có sự chung sống hài hòa”, Solovyov nói, theo bản dịch của Gerashchenko.

“Chúng ta có thể mạnh đến mức họ phải cắn chặt cái lưỡi bẩn thỉu của mình, hoặc ngay khi chúng ta yếu đi, họ sẽ tìm cách tiêu diệt chúng ta, như họ đã làm hàng thế kỷ. Bất kỳ trận đấu nào chúng cũng đều muốn làm chúng ta yếu đi”, ông ta nói.

Solovyov nói tiếp: “Chúng ta chỉ nên hành động vì lợi ích. Không cần thiết phải thay đổi suy nghĩ của họ hoặc làm hài lòng họ. Chúng ta chỉ cần nhận ra rằng họ là đối phương. Có hệ thống, được đào tạo bài bản, có động lực, thuyết phục. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải đấu tranh cho tâm trí. Không phải của họ, mà là của chúng ta.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trình bày chi tiết những nỗ lực của Solovyov nhằm truyền bá thông tin sai lệch từ Điện Cẩm Linh. Trong danh sách xác định những nhân vật nổi tiếng liên quan đến hoạt động tuyên truyền của Nga được công bố trên trang web của mình vào năm 2022, Bộ Ngoại giao đã mô tả Solovyov có lẽ là “nhà tuyên truyền tích cực nhất của Điện Cẩm Linh hiện nay”.

Trong cuộc chiến giữa Nga với Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ 21, Solovyov đã nhiều lần vận động Mạc Tư Khoa sử dụng khả năng hạt nhân của mình để chống lại các quốc gia ủng hộ Ukraine.

Ông cũng nói rằng Điện Cẩm Linh nên tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào bất kỳ quốc gia nào cố gắng giam giữ Putin theo lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành hồi tháng 3 vì cáo buộc tội ác chiến tranh.
 
Trinh - News 10 Nov2023
VietCatholic Media
05:43 10/11/2023
1. Lực lượng đặc biệt của Ukraine phá hủy 2 tầu đổ bộ của Nga ở bán đảo Crimea

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu mùng 10 tháng 11, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết rạng sáng thứ Sáu, lực lượng đặc biệt của Ukraine phối hợp với Hải Quân Ukraine đã phá hủy 2 tầu đổ bộ của Nga ở bán đảo Crimea.

Không có bình luận ngay lập tức của Nga, nước đã chiếm giữ và sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và hạm đội Hắc Hải của nước này có trụ sở chính tại thành phố Sevastopol của Crimea.

Yusov nói: “Kết quả của một hoạt động ban đêm trên lãnh thổ Crimea tạm thời bị chiếm đóng, các tàu đổ bộ của Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị tấn công”.

Tuyên bố cho biết các tàu này có thủy thủ đoàn và chở đầy xe thiết giáp. Mức độ thiệt hại chưa rõ ràng ngay lập tức.

Ukraine cho biết một số tàu hải quân Nga đã di dời khỏi Sevastopol sau các cuộc tấn công gần đây.

Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Ukraine phát động phản công ở phía nam và phía đông vào đầu tháng 6, nhưng đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ lực lượng chiếm đóng của Nga.

Trong các báo cáo giao tranh mới nhất, hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ hai máy bay không người lái của Ukraine trên bầu trời Crimea và một chiếc trên khu vực Tula phía nam Mạc Tư Khoa vào sáng sớm thứ Sáu. Kyiv chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.
 
Cẩm Hạnh - News 11 November, 2023
VietCatholic Media
18:00 10/11/2023
1. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ lo ngại trước các động thái liên quan đến vũ khí hạt nhân của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Nuclear Weapons Move Sparks NATO Fears”, nghĩa là “Động thái liên quan đến vũ khí hạt nhân của Nga gây quan ngại cho NATO.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Putin đã khiến “thế giới trở nên nguy hiểm hơn” khi quyết định rút khỏi các thỏa thuận hạt nhân quốc tế.

Stoltenberg đưa ra nhận xét này trong cuộc họp báo ở Berlin được tổ chức sau khi ông gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Khi chỉ trích Nga, nhà lãnh đạo NATO đã trích dẫn động thái của Putin hồi đầu năm nay nhằm chấm dứt việc Nga tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, gọi tắt là START; và nhấn mạnh rằng đây là thỏa thuận vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga.

Ông cũng đổ lỗi cho Nga vì đã chấm dứt Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, gọi tắt là INF, giữa Washington và Mạc Tư Khoa vào năm 2019 do vi phạm các điều khoản của hiệp ước. Stoltenberg sau đó đã đề cập đến một ví dụ gần đây hơn về một thỏa thuận bị bỏ rơi: đó là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở Âu châu, gọi tắt là CFE, mà Nga đã rút khỏi trong tuần này.

Ông Stoltenberg nói: “Nga tiếp tục làm suy yếu an ninh ở Âu Châu” bằng những quyết định như vậy.

Về quyết định rút khỏi hiệp ước CFE, ông Stoltenberg nói: “Nga đã thu hồi và từ bỏ mọi hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng”.

Một diễn biến không được Ông Stoltenberg đề cập đến là việc Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hôm thứ Năm đã ký lệnh loại bỏ thỏa thuận giữa nước ông với Nhật Bản nhằm mục đích giảm thiểu và kiềm chế các kho dự trữ hạt nhân.

Thỏa thuận đó giữa Mạc Tư Khoa và Tokyo được ký kết vào năm 1993 sau khi Bắc Hàn tuyên bố sẽ không đàm phán với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, nữa.

Vào tháng 10, Hạ viện Nga cũng đồng thanh bỏ phiếu hủy bỏ việc Mạc Tư Khoa phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, gọi tắt là CTBT, trong đó cấm “bất kỳ vụ nổ thử vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào khác” ở bất kỳ đâu trên thế giới.

CTBT được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1996 và được Nga phê chuẩn. Mỹ đã ký hiệp ước này vào năm 1996 nhưng chưa phê chuẩn.

Trong những bình luận của mình tại Berlin, ông Stoltenberg nói: “NATO vẫn hoàn toàn cam kết kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Và chúng tôi kêu gọi Nga đóng vai trò có trách nhiệm”.

Sau đó, ông chuyển sang nói về cuộc xâm lược Ukraine của Nga mà Putin đã phát động vào tháng 2 năm 2022.

Sau khi ca ngợi Đức ủng hộ Ukraine, Ông Stoltenberg kêu gọi các thành viên NATO duy trì viện trợ quân sự cho Kyiv.

“Nga tiếp tục cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine”, ông Stoltenberg nói. “Chúng ta phải tiếp tục cung cấp cho người Ukraine những vũ khí mà họ cần để duy trì sức mạnh trên chiến trường ngày hôm nay, để họ có thể mạnh mẽ trên bàn đàm phán vào ngày mai.”

2. Bộ Quốc phòng Anh cho biết họ hiện đã đào tạo 30.000 tân binh Ukraine trong Chiến dịch Interflex.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết hoạt động này là chương trình huấn luyện quân sự lớn nhất thuộc loại này trên đất Anh kể từ Thế chiến thứ hai.

Khóa huấn luyện được thiết lập sau khi Chiến dịch Orbital, chương trình huấn luyện dài hạn của Quân đội Anh tại Ukraine, bị tạm dừng khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022. Chiến dịch Interflex được triển khai vào tháng 6 năm 2022 với mục tiêu huấn luyện 30.000 quân vào cuối năm 2023.

Được triển khai tại các địa điểm trên khắp Vương quốc Anh, chương trình tuyển dụng những tân binh tình nguyện đã gia nhập lực lượng vũ trang Ukraine mà có ít hoặc không có kinh nghiệm quân sự trước đó và dạy họ những kỹ năng cần thiết để sinh tồn và hiệu quả trong chiến đấu ở tiền tuyến.

Bộ Quốc phòng cho biết cuộc huấn luyện này cho phép lực lượng Ukraine tăng tốc triển khai, xây dựng lại lực lượng và tăng cường khả năng chống lại cuộc xâm lược của Nga.

3. Hội nghị sản xuất vũ khí chung giữa Ukraine và Mỹ

Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, cho biết ông hy vọng một hội nghị về sản xuất vũ khí chung giữa Ukraine và Mỹ sẽ được tổ chức vào tháng 12, Reuters đưa tin.

Mỹ là nhà cung cấp viện trợ quân sự quan trọng nhất cho Kyiv.

Yermak nói: “Đã có một thỏa thuận rất quan trọng giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Joe Biden. “Tháng tới, tôi hy vọng, một hội nghị sẽ được tổ chức tại Hoa Kỳ dành riêng cho việc sản xuất vũ khí chung giữa Ukraine và Hoa Kỳ.”

Ukraine đang ưu tiên năng lực sản xuất quốc phòng của mình trong bối cảnh lo ngại nguồn cung từ phương Tây có thể sụt giảm. Họ cũng hy vọng rằng các liên doanh với các nhà sản xuất vũ khí quốc tế có thể giúp hồi sinh ngành công nghiệp trong nước vốn bị cản trở bởi sự kém hiệu quả và thiếu minh bạch trong nhiều năm trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm ngoái.

4. Các quan chức trong khối cho biết, Liên minh Âu Châu sẽ có thể giải quyết bất kỳ quyền phủ quyết nào của Hung Gia Lợi để viện trợ cho Ukraine 50 tỷ euro.

Reuters đưa tin ban điều hành khối đã đề xuất mở rộng hỗ trợ ngân sách để giúp Ukraine đáp ứng các chi phí chiến tranh khi cuộc xung đột tiếp tục kéo dài sau 21 tháng giao tranh. 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu sẽ bỏ phiếu về gói này tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 14 và 15 tháng 12.

Một số người lo ngại viện trợ có thể bị chặn bởi thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, người đã ca ngợi mối quan hệ của mình với Mạc Tư Khoa và trong quá khứ đã phản đối sự hỗ trợ tương tự. Hôm qua Hung Gia Lợi cho biết họ không muốn Liên Hiệp Âu Châu bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine.

Khoản thanh toán được đề xuất từ ngân sách chung của Liên Hiệp Âu Châu sẽ cần sự ủng hộ đồng thanh từ tất cả các quốc gia thành viên.

5. Putin thảo luận với Bộ Quốc Phòng Nga trước các diễn biến bất lợi

Hôm thứ Sáu, Vladimir Putin đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine với các quan chức cao cấp trong quân đội của ông, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng.

Reuters đưa tin những bức ảnh do Điện Cẩm Linh công bố cho thấy ông Putin đang gặp Shoigu, Gerasimov. Diễn biến này xảy ra sau khi có các báo cáo cho thấy quân Ukraine đã vượt sông Dnipro để mở một mặt trận mới ở miền Nam Ukraine.

Điện Cẩm Linh cho biết: “Tổng tư lệnh tối cao đã được cho xem các mẫu thiết bị quân sự mới”. “Nhà lãnh đạo nhà nước đã nghe báo cáo về tiến độ của hoạt động quân sự đặc biệt.”

Tháng trước, ông Putin đã đến thăm trụ sở quân sự ở Rostov, nơi chỉ huy lính đánh thuê của Wagner, Yevgeny Prigozhin, bắt đầu cuộc binh biến thất bại vào tháng 6.
 
VietCatholic TV
Vị linh mục cho vũ nữ nhảy múa trên bàn thờ lên tiếng. Lời kêu gọi của Dòng Phanxicô tại Thánh Địa
VietCatholic Media
05:00 10/11/2023


1. Cha sở Brooklyn lên tiếng xin lỗi vì video ca nhạc khiêu dâm được quay trong nhà thờ trong khi vũ nữ nhảy múa trên bàn thờ

Một cha sở ở Brooklyn bị kỷ luật sau khi cho phép một vũ nữ và là một ngôi sao nhạc pop quay một video ca nhạc dâm dục trong nhà thờ của ngài đã viết một lá thư gửi giáo xứ của những vào ngày 4 tháng 11, nhận “hoàn toàn chịu trách nhiệm” về vấn đề này đồng thời nói thêm rằng ông “không biết” rằng “một cảnh như vậy” sẽ được quay trong nhà thờ.

Đức ông Jamie Gigantiello, cha sở của Nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmelô và nhà thờ Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria tại Giáo phận Brooklyn, cho biết trong thư rằng số tiền 5.000 Mỹ Kim trả cho nhà thờ để quay video sẽ được quyên góp cho Bridge to Life, một tổ chức trung tâm ủng hộ việc mang thai vì sự sống ở College Point, New York, “để từ sự kiện tiêu cực này có thể mang lại sự thăng tiến cho sự sống”.

Video “Feather” ngày 31 tháng 10, đã thu hút hơn 5 triệu lượt xem trên YouTube, cho thấy ngôi sao nhạc pop Sabrina Carpenter nhảy múa đầy khiêu dâm trên bàn thờ của Nhà thờ Truyền tin lịch sử thế kỷ 19 của Nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria.

Đoạn video bao gồm các cảnh quay cả bên trong và bên ngoài nhà thờ. Sabrina Carpenter xuất hiện tại một thời điểm trong video mà không mặc quần trong khi những đồ trang trí tục tĩu nằm trên và xung quanh bàn thờ.

Đoạn video mô tả một số người đàn ông tranh giành nữ ca sĩ và cuối cùng giết nhau vì cô ấy; Quan tài tang lễ của họ dường như được đưa đến nhà thờ Công Giáo trong video.

Trong lá thư của mình, Đức Ông Gigantiello cho biết ngài đã đưa ra “lời xin lỗi chân thành tới các giáo dân vì sự kiện đáng xấu hổ này, là điều mà tôi hết lòng từ bỏ”.

CNA đã liên hệ với Đức Ông Gigantiello để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức.

Lời xin lỗi của Gigantiello được đưa ra cùng ngày khi Giám mục Robert Brennan của Brooklyn cử hành Thánh lễ đền tạ tại nhà thờ và loại bỏ mọi quyền giám sát hành chính đối với giáo xứ khỏi tay Đức Ông Gigantiello.

Brennan bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Witold Mroziewski làm cha sở tạm thời của giáo xứ trong khi chờ xem xét các kỷ luật hành chính và cách chức Đức Ông Gigantiello khỏi vai trò đại diện phát triển giáo phận, một chức vụ mà ngài đã giữ trong 15 năm.

Bức thư của Đức Ông Gigantiello, được phóng viên Mark Irons của “EWTN News In Depth” đăng trên X, thừa nhận rằng “nhiều người đang buồn về những gì đã xảy ra, bản thân tôi cũng không hơn gì”.

Ngài gọi video là “khiêu dâm” và yêu cầu rằng “theo gương về sự tha thứ của Chúa Kitô, anh chị em hãy tha thứ cho sự sơ suất của tôi trong vấn đề đáng tiếc này”.

Đức Ông Gigantiello cho biết trong thư rằng một “đoàn làm phim ở địa phương” đã tiếp cận giáo xứ yêu cầu sử dụng nhà thờ “cho những gì được giới thiệu là 'sản phẩm có Sabrina Carpenter'“.

“Trong nỗ lực tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các nghệ sĩ sáng tạo trẻ, những người chiếm phần lớn trong cộng đồng của chúng tôi và giáo xứ, tôi đã đồng ý quay phim sau khi tìm hiểu chung các nghệ sĩ có liên quan mà họ không tiết lộ bất kỳ điều gì đáng nghi vấn”, ngài viết.

Nhiều video và hình ảnh gần đây được đăng lên mạng xã hội của Carpenter cho thấy hình ảnh cô gái 24 tuổi, một vũ nữ chuyên nghiệp, trong trang phục gợi cảm, với các điệu vũ gợi dục hoặc tạo dáng khiêu khích.

Đức Ông Gigantiello nói rằng ngài không có mặt trong các buổi quay phim nhưng nói thêm rằng ngài đã mang Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ trước khi quay.

“Nhân viên giáo xứ và tôi không biết rằng có bất cứ điều gì khiêu khích đang xảy ra trong nhà thờ cũng như chúng tôi không biết rằng quan tài giả và các vật dụng tang lễ khác sẽ được đặt trong cung thánh. Hầu hết video được cho là được quay bên ngoài, gần nhà thờ” ngài nói.

“Mặc dù tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định sai lầm khi cho phép quay phim, nhưng tôi muốn bảo đảm với anh chị em rằng tôi không hề biết rằng một cảnh như vậy sẽ được quay trong nhà thờ của chúng ta, nơi chúng ta đã làm việc rất chăm chỉ để khôi phục lại vẻ đẹp thiêng liêng hiện tại của nó,” vị linh mục viết.

“Tôi khẳng định thêm rằng sự sai sót trong phán đoán như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa vì tôi hoàn toàn cống hiến mọi hành động của mình để giữ gìn sự thánh thiện của giáo xứ và cộng đồng đức tin mà tôi được giao phó như tôi đã làm trong bảy năm làm cha sở ở đây, tại nhà thờ Truyền Tin và nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmelô”

Mặc dù Cha Gigantiello không còn quyền giám sát hành chính của giáo xứ nhưng Đức Cha Brennan vẫn cho phép ngài tiếp tục công việc mục vụ.

“Nhiều người đã bày tỏ với tôi rằng họ cảm thấy những hậu quả này và mức độ thiếu siêng năng của tôi, nhưng tôi phó mặc mình cho lòng thương xót của Chúa. Tất cả những gì tôi yêu cầu anh chị em là sự tha thứ và những lời cầu nguyện của anh chị em và anh chị em hãy ở bên cạnh tôi, như tôi đã ở bên anh chị em trong 29 năm qua trong chức linh mục của tôi”

Ngài viết: “Sau nhiều lời cầu nguyện và suy ngẫm trong vài ngày qua, tôi nhận ra rằng đây có thể là cách Chúa kêu gọi tôi suy ngẫm về vô số trách nhiệm của mình để nhận ra ý muốn của Ngài”.

Theo tờ The Tablet, cơ quan thông tấn của giáo phận, Lễ Truyền Tin của Nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria đã trải qua một cuộc trùng tu trị giá hàng triệu đô la và hoàn thành vào năm 2019.

Trong hơn 100 năm, nhà thờ này đã là ngôi nhà của người Công Giáo Lithuania, tờ báo này đưa tin.

Vấn đề căng thẳng hiện nay là rất ít người tin rằng lá thư của Cha Gigantiello là đúng sự thật. Đoàn làm phim đã cho biết rằng họ đã trao cho ngài chi tiết các cảnh quay trong nhà thờ. Hơn thế nữa, chỉ cần google trong một phút Cha Gigantiello sẽ biết vũ nữ Sabrina Carpenter là ai.


Source:Catholic News Agency

2. Cha Bề trên Phanxicô tại Thánh địa: Các cường quốc hãy nghe lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Cha Francesco Patton, Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, cầu mong lương tâm của những người cầm quyền, hãy lắng nghe lời kêu gọi tha thiết của Đức Thánh Cha: Hãy ngừng chiến và tuyệt đối đừng làm cho cuộc chiến tại Trung Đông lan rộng!

Lời kêu gọi như van nài của Đức Thánh Cha được ngài đưa ra trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 05 tháng Mười Một vừa qua, trước sự tham dự của gần 20.000 tín hữu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, cha Patton nói: “Những lời của Đức Thánh Cha làm cho tôi nghĩ đến trước tiên biến cố đang diễn ra ở Giêrusalem này. Các trẻ em cầu nguyện cho hòa bình, cùng nhau, các em người Israel, Palestine, Kitô và Hồi giáo. “Tôi rất cảm động vì lời cầu nguyện của một bé gái 5 tuổi, cầu nguyện, lo lắng cho ba em. Sự lo âu này không những đánh dấu tuổi thơ của em, nhưng có lẽ trọn cuộc sống của em. “Sự đồng cảm của các trẻ em có lẽ mạnh hơn người lớn, các trẻ nhận thức được đau khổ là của tất cả mọi người”.

Cha Patton cũng nhận xét rằng “bầu không khí ở Giêrusalem vẫn còn siêu thực, có một sự lo sợ hiện rõ và có những tâm tình căm ghét và tức giận, trộn lẫn với sự bất lực và đau khổ”. Điều này càng làm nổi bật sự cần thiết phải cầu nguyện từ phía chúng ta và cần có những giải pháp ôn hòa, giúp bảo vệ các thường dân và đặc biệt là các trẻ em”.

Cha Bề trên Patton cũng nhắc lại biến cố ngày 07 tháng Mười vừa rồi, cuộc thảm sát các thường dân Israel sống quanh Gaza, làm cho hàng ngàn người chết và 250 người bị bắt cóc, giờ đây tại Gaza số người chết lên tới hơn 10.000 người, trong đó gần một nửa là các trẻ em. Thảm kịch này phải đánh động lương lâm mỗi người, nhất là những người hùng mạnh của thế giới này, những người nam nữ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ trên các quyết định tức thời và tương lai”.

Cha Patton cũng nhắc đến những người già đang sống thảm trạng chiến tranh và lo lắng cho các con cháu. Họ không nghĩ đến tương lai của họ, nhưng tương lai của những người thân yêu của họ. “Điều này không những tôi thấy ở Gaza, nhưng cả tại Israel này. Nhiều người, nay đã già, không nhìn thấy tương lai sáng sủa cho con cháu và mời chúng hãy rời đất nước này để tìm cách kiến tạo cuộc sống ở nơi khác. Đây thực là một thảm trạng, thêm một yếu tố đè nặng trên cộng đoàn Kitô, nghĩa là làm cho sự hiện diện của họ tại Trung Đông ngày càng thưa thớt”.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô bị cảm nhưng vẫn tiếp tục các buổi tiếp kiến

Trong cuộc gặp gỡ với các Rabbi Âu Châu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không đọc bài phát biểu mà ngài đã chuẩn bị vì bị cảm lạnh. Tuy nhiên, buổi tiếp kiến của ngài đã tiếp tục như bình thường.

Trong buổi tiếp kiến với phái đoàn từ Hội nghị các Giáo sĩ Do Thái Âu Châu vào ngày 6 tháng 11 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài “cảm thấy không khỏe” và do đó sẽ không đọc bài phát biểu mà ngài đã chuẩn bị cho dịp này. Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, cho biết Đức Giáo Hoàng “hơi bị cảm” và muốn “chào riêng các giáo sĩ Do Thái Âu Châu”. Những buổi tiếp kiến khác trong chương trình nghị sự của Đức Thánh Cha sẽ tiếp tục như bình thường.

Đức Giáo Hoàng nói bằng giọng khàn khàn: “Cám ơn các bạn vì chuyến thăm này, điều mà tôi rất thích, nhưng tình cờ là tôi cảm thấy không khỏe nên không muốn đọc bài phát biểu mà đưa nó cho các bạn và để các bạn nhận lấy”. Giọng nói khàn khàn của ngài có thể nghe được từ đoạn ghi âm được phát trực tiếp tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha, sẽ tròn 87 tuổi vào ngày 17 tháng 12, đã chào đón các vị khách và bày tỏ sự vui mừng trước chuyến viếng thăm của họ.

Ông Matteo Bruni giải thích trong một tuyên bố với các nhà báo: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô hơi bị cảm lạnh và có một ngày tiếp kiến dài. Đức Thánh Cha muốn “chào riêng từng giáo sĩ Do Thái Âu Châu và do đó đã gửi bài phát biểu bằng văn bản. Các hoạt động của Đức Giáo Hoàng vẫn tiếp tục như bình thường”, ông nói thêm.

Trước cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Catalonia, Pere Aragonès i Garcia. Phái đoàn Tây Ban Nha cho biết cuộc họp kéo dài khoảng 40 phút và một trong những chủ đề được thảo luận là cuộc xung đột ở Thánh địa.

Sau cuộc gặp gỡ với các giáo sĩ Do Thái, Đức Thánh Cha đã gặp hiệp hội Những Ngôi nhà Thương xót Nhỏ của Ý ở Gela, nơi ngài đã đọc bài phát biểu của mình và bổ sung thêm một số nhận xét ngẫu hứng.

Buổi chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 7.000 trẻ em từ khắp nơi trên thế giới tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải vào bệnh viện hai lần trong năm nay, vào tháng 3 vì bệnh viêm phổi và vào tháng 6 để phẫu thuật vùng bụng. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ý Rai1, phát sóng ngày 1 tháng 11, Đức Thánh Cha đã trấn an về sức khỏe của mình. “Bây giờ tôi rất khỏe; Tôi có thể ăn bất cứ thứ gì,” ngài nói, ám chỉ việc đang hồi phục sau ca phẫu thuật ruột kết.


Source:Aleteia
 
Biến cố lớn: 2 tầu đầy lính Nga và thiết giáp nổ tung giữa biển. TQLC Kyiv lũ lượt vượt sông Dnipro
VietCatholic Media
16:21 10/11/2023


1. Lực lượng đặc biệt của Ukraine phá hủy 2 tầu đổ bộ của Nga ở bán đảo Crimea

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu mùng 10 tháng 11, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết rạng sáng thứ Sáu, lực lượng đặc biệt của Ukraine phối hợp với Hải Quân Ukraine đã phá hủy 2 tầu đổ bộ của Nga ở bán đảo Crimea.

Không có bình luận ngay lập tức của Nga, nước đã chiếm giữ và sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và hạm đội Hắc Hải của nước này có trụ sở chính tại thành phố Sevastopol của Crimea.

Yusov nói: “Kết quả của một hoạt động ban đêm trên lãnh thổ Crimea tạm thời bị chiếm đóng, các tàu đổ bộ của Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị tấn công”.

Tuyên bố cho biết các tàu này có thủy thủ đoàn và chở đầy xe thiết giáp. Mức độ thiệt hại chưa rõ ràng ngay lập tức.

Ukraine cho biết một số tàu hải quân Nga đã di dời khỏi Sevastopol sau các cuộc tấn công gần đây.

Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Ukraine phát động phản công ở phía nam và phía đông vào đầu tháng 6, nhưng đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ lực lượng chiếm đóng của Nga.

Trong các báo cáo giao tranh mới nhất, hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ hai máy bay không người lái của Ukraine trên bầu trời Crimea và một chiếc trên khu vực Tula phía nam Mạc Tư Khoa vào sáng sớm thứ Sáu. Kyiv chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

2. Cuộc vượt sông Dnipro táo bạo của Thủy Quân Lục Chiến Ukraine

10 giờ sáng Thứ Năm, 9 Tháng Mười Một, Ukraine phóng HIMARS loại khỏi vòng chiến 5 sĩ quan cấp tá của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, vừa mới đến nhậm chức trong khu vực Kherson. Cũng trong khu vực này, vài ngày trước đó, một cú ATACMS cũng đã thanh lý 3 Đại Tá Dù. Họ cũng vừa đến Kherson chỉ vài giờ trước đó. Sự trùng hợp ly kì như thế đã khiến Ủy ban Điều Tra đặc biệt của Nga tuyên bố mở cuộc điều tra. Chụp cơ hội quân Nga đang hoang mang và lúng túng trước các tổn thất nhân sự to lớn này, xe tăng và xe thiết giáp Ukraine đã vượt sông Dnipro.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Under The Cover Of Drones And HeliCopticrs, The Ukrainian Marine Corps Is Advancing—And Expanding Its Dnipro Bridgehead”, nghĩa là “Dưới sự che chở của máy bay không người lái và trực thăng, Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đang tiến lên và mở rộng đầu cầu Dnipro.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trong khi nhiều chuyên gia và chính trị gia ở phương Tây tuyên bố cuộc chiến ở Ukraine là “bế tắc” và yêu cầu người Ukraine đàm phán với chính những người Nga đã bắt cóc trẻ em Ukraine, bắn phá các thành phố Ukraine và sát hại thường dân Ukraine, thì Thủy Quân Lục Chiến Ukraine lại tiếp tục tấn công.

Ba tuần trước, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến đã vượt sông Dnipro rộng lớn ở khu vực Kherson, miền nam Ukraine và bảo vệ một đầu cầu tại khu định cư Krynky ở tả ngạn do Nga thống trị.

Từ Krynky, Thủy Quân Lục Chiến đã tiến về phía nam – mở rộng cuộc phản công kéo dài 5 tháng của Kyiv và thách thức các nhà quan sát nước ngoài, những người có vẻ mong muốn xoa dịu chế độ của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Điều gì xảy ra tiếp theo thì ai cũng đoán được. Nhưng những gì đã xảy ra trước đây khiến việc vượt qua Krynky ngày càng trở nên rõ ràng. Quân đội Ukraine đã cô lập các lực lượng Nga ở Kherson về mặt điện tử và hậu cần, tái bố trí lực lượng tốt nhất của họ cho một cuộc tấn công ven sông, sau đó tấn công dọc theo một số trục dưới sự yểm trợ của một số phi đội trực thăng táo bạo.

Chiến dịch Krynky thực sự đã bắt đầu vào mùa hè này, vài tháng trước khi lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đầu tiên vượt sông Dnipro trên những chiếc thuyền nhỏ. Ngay từ tháng 6, đã có báo cáo rằng người Ukraine đã bố trí các thiết bị gây nhiễu vô tuyến mạnh mẽ ở bờ trái của Dnipro để tạo ra một khu vực sâu 12 dặm nơi các máy bay không người lái trực quan, gọi tắt là FPV, của Nga không thể hoạt động một cách đáng tin cậy, nhưng máy bay không người lái của Ukraine có thể hoạt động..

Trent Telenko, cựu kiểm toán viên của Hợp đồng Quốc phòng Hoa Kỳ, cho biết: “Ukraine đã triển khai một số thiết bị gây nhiễu không người lái di động trên sông mạnh mẽ, đồng thời triển khai các máy bay không người lái FPV lớn hơn một chút với các tần số hoạt động vô tuyến khác nhau mà các thiết bị gây nhiễu không bao phủ được”.

Đồng thời, máy bay không người lái và chiến binh có người lái của Ukraine bắt đầu săn lùng các thiết bị gây nhiễu của Nga ở miền nam Ukraine, ngăn chặn hiệu quả việc Nga ngăn chặn máy bay không người lái Ukraine bay qua Dnipro. Có rất nhiều bằng chứng về các cuộc tấn công chính xác của Ukraine vào thiết bị gây nhiễu của Nga, thậm chí cả thiết bị gây nhiễu di động được trang bị cho xe tải.

Chiến dịch phản công điện tử này leo thang song song với những nỗ lực của Ukraine nhằm ngăn chặn các đường tiếp tế của Nga đi vào miền nam Kherson qua Melitopol và Tokmak.

Những bước tiến tốn kém trong mùa hè của quân đội và lực lượng không kích Ukraine thông qua Robotyne về phía Tokmak, ở tỉnh Zaporizhzhia, ngay phía đông Kherson, đã đưa hậu cần của Nga nằm trong tầm bắn của vũ khí tầm xa của Ukraine.

Jan Kallberg, một thành viên cao cấp không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu ở Washington, DC, giải thích: “Hành lang hậu cần này ngày càng trở nên thu hẹp trên từng tấc đất mà người Ukraine giải phóng”.

Kallberg dự đoán: “Khi mùa đông đến gần, tình hình hậu cần ở phía tây Melitopol có thể ngày càng trở nên tồi tệ hơn”. Nhưng rõ ràng tình hình đã đủ tệ đến mức Điện Cẩm Linh đang phải vật lộn để cung cấp nhiên liệu cho lực lượng của mình ở tả ngạn Dnipro.

Có một khoảng thời gian, ngay sau khi Thủy Quân Lục Chiến Ukraine từ các Lữ đoàn 35, 36 và 38 tái triển khai từ tỉnh Donetsk và đổ bộ vào và xung quanh Krynky bắt đầu từ ngày 19 tháng 10, khi các trung đoàn súng trường cơ giới của Nga ở bờ trái có thể đã phản công và buộc Thủy Quân Lục Chiến quay trở lại sông.

Nhưng các phương tiện của Nga tiến về phía Krynky – trong đó có ít nhất một xe tăng T-72 – đã bị máy bay không người lái tấn công. Mỗi ngày trôi qua mà không có một cuộc phản công thành công nào của Nga lại là cơ hội để quân Ukraine đưa lực lượng ngày càng nặng hơn qua sông trên những chiếc thuyền nhỏ, tầu đổ bộ và có thể cả cầu phao.

Các lực lượng hoạt động qua sông cực kỳ dễ bị tấn công bằng đường không, nhưng mọi chuyện nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng người Ukraine, chứ không phải người Nga, đang kiểm soát không phận trên Dnipro ở Kherson. Quân đội Ukraine thậm chí còn triển khai trực thăng tấn công Mil Mi-24 cho các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tầm thấp. Một nhà quan sát Nga gọi cuộc không kích của Mi-24 là “chiến thuật táo bạo”.

Khi cuộc phản công của Ukraine ở Kherson bước sang tháng thứ hai, nó đang mở rộng và tăng tốc. Tuần này, các nguồn tin của Nga cho biết Thủy Quân Lục Chiến Ukraine đã vượt sông tại hai địa điểm mới ở phía tây Krynky: Poima và Pidstepne.

Mùa đông đang tới. Và cùng với nó là bùn mùa đông. Các trận chiến cơ giới mang tính chất tận thế đang hoành hành ở miền đông Ukraine – xung quanh Bakhmut, Kreminna và Avdiivka – có thể lắng xuống khi xe cộ bị sa lầy.

Nhưng Thủy Quân Lục Chiến ở Krynky có thể không bận tâm nhiều đến bùn. Tiến lên chủ yếu bằng đường bộ, trong các đội tấn công từ 10 đến 15 người, họ có thể duy trì cuộc phản công ngay cả khi thời tiết xấu đi.

Tướng Oleksandr Tarnavsky của Ukraine nói với CNN: “Thời tiết có thể là trở ngại nghiêm trọng trong quá trình tiến quân”. “Nhưng xem xét cách chúng tôi tiến về phía trước và chúng tôi chủ yếu tiến lên mà không sử dụng phương tiện, tôi không nghĩ nó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến giai đoạn phản công đó.”

3. Khuôn mặt của Putin trong video cuộc hội đàm ở Kazakhstan làm dấy lên nhiều câu hỏi

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Face in Viral Video Raises Questions”, nghĩa là “Khuôn mặt của Putin trong một video đang lan truyền rất nhanh đặt ra nhiều câu hỏi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Những đối thủ của Vladimir Putin cho rằng nhà lãnh đạo Nga không muốn cho thấy má bên kia, mà người dùng mạng xã hội cho rằng trông có vẻ sưng tấy trong một video được lan truyền rộng rãi.

Putin đã được chào đón tại phi trường ở Astana hôm thứ Năm bởi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev. Mặc dù có khả năng là Putin sử dụng những chất làm đầy đắp lên mặt khi các nhà lãnh đạo hội đàm, nhưng vẫn có suy đoán rằng có thể có những nguyên nhân khác gây ra tình trạng hiện tại trên diện mạo của Tổng thống Nga.

“Có chuyện gì với má của Putin vậy?” cố vấn nội vụ Ukraine, Anton Gerashchenko, đặt câu hỏi bên cạnh đoạn clip nhà lãnh đạo Nga phát biểu trước khán giả khi đang ngồi.

Đoạn video tính đến thứ Năm đã nhận được gần 1 triệu lượt xem, chỉ kéo dài trong bốn giây và mặc dù nó logo của Điện Cẩm Linh ở góc trên bên phải nhưng không rõ nó được quay khi nào.

Trong một bài đăng tiếp theo, Gerashchenko đã chia sẻ một đoạn video khác quay cảnh Putin phát biểu trong một cuộc họp trong chuyến thăm Kazakhstan, trong đó ông “gặp khó khăn khi phát âm tên tổng thống”.

Gerashchenko nói: “Đây không phải là lần đầu tiên ông ấy nói sai tên một nguyên thủ quốc gia, sự thiếu tôn trọng hay đôi má mới của ông ấy ảnh hưởng đến phát ngôn của Putin?

Video đầu tiên của Gerashchenko đã tạo ra một chủ đề trong đó một người dùng nói, “nhìn vào vết bầm trên má thì đây là chất làm đầy mới. Tôi tự hỏi anh ta thực sự trông như thế nào khi không được cải tiến về mặt thẩm mỹ?”

Một người khác cho biết đã có “một mũi tiêm để nâng và lấp đầy chúng, như một diễn viên.”

Điều đó ám chỉ tin đồn rằng sự xuất hiện của Putin là bằng chứng cho thấy ông đang sử dụng người đóng thế. Một người dùng khác đã so sánh các hình ảnh tĩnh từ video lan truyền với các hình ảnh khác của Putin, mô tả sự khác biệt như thế nào “về hình dạng đầu, đường nét và hình dạng của tai, độ dốc ở mũi”.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, nói với Radio NV hôm 5/11 rằng họ có “thông tin đáng tin cậy” rằng Putin đã sử dụng người đóng thế, bất chấp sự phủ nhận mạnh mẽ từ phát ngôn nhân của tổng thống là Dmitry Peskov.

Theo tờ New Voice of Ukraine, Yusov cho biết: “Khi phát ngôn nhân chính thức của Điện Cẩm Linh liên tục phủ nhận sự tồn tại của những kẻ đóng thế Putin, kết luận ngược lại sẽ trở nên hợp lý hơn”.

Nó xuất hiện trong bối cảnh có nhiều câu hỏi về sức khỏe của Putin kể từ khi ông bắt đầu xâm lược Ukraine. Trả lời các thông tin trên mạng xã hội rằng nhà lãnh đạo Nga đã qua đời sau một cơn ngừng tim, Peskov nói rằng “mọi thứ với ông ấy đều ổn”.

4. Mới sáng sớm, Putin đã mất 400 triệu Mỹ Kim

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Sáu mùng 10 tháng 11, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tiêu diệt hai hệ thống tác chiến điện tử đa chức năng Borisoglebsk-2 của Nga ở phía bắc vào sáng thứ Sáu.

“Đối phương đã có một ngày tồi tệ. Rạng sáng, quân Nga đã mất hệ thống tác chiến điện tử Borisoglebsk-2 RB-301B. Ngay sau đó, các phi công điều khiển máy bay không người lái của Lữ đoàn cơ giới số 58 đã tiến hành một cuộc tấn công trừng phạt từ trên không, phá hủy thêm một hệ thống khác thuộc loại đó”.

Borisoglebsk-2 được thiết kế để phục vụ hoạt động tình báo điện tử và ngăn chặn các tần số sóng ngắn và sóng siêu ngắn của thông tin liên lạc vô tuyến trên mặt đất và trên không, các thiết bị đầu cuối liên lạc di động và đường internet liên quan đến các yếu tố chiến thuật và tác chiến của chỉ huy và kiểm soát.

Hệ thống này bao gồm ba trạm gây nhiễu và một trạm điều khiển gắn trên xe thiết giáp MT-Lbu. Borisoglebsk-2 kết hợp các giải pháp kỹ thuật mới để chống lại các phương tiện tình báo vô tuyến và hệ thống điều khiển tự động.

Phạm vi tần số được trinh sát và triệt tiêu đã tăng hơn gấp đôi so với các trạm gây nhiễu được cung cấp mà Nga dùng trước đó trong khi tốc độ phát hiện tần số đã tăng hơn 100 lần.

Chi phí của nó là khoảng 200 triệu Mỹ Kim.

5. Blinken bày tỏ 'mối quan ngại sâu sắc' về hợp tác quân sự Nga-Triều

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ Năm cho biết ông và Ngoại trưởng Nam Hàn Phác Chấn chia sẻ những lo ngại “sâu sắc” về sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Bắc Hàn và Nga.

Hai vị Bộ Trưởng Blinken và Phác cũng cho biết họ đã thảo luận về việc hợp tác cùng nhau để thực hiện cái gọi là chiến lược răn đe mở rộng nhằm chống lại các mối đe dọa từ Bắc Hàn và tăng cường hợp tác chiến lược với Nhật Bản.

“Ba nước chúng ta đang thực hiện các bước để cải thiện phản ứng chung thông qua việc chia sẻ dữ liệu cảnh báo hỏa tiễn của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên theo thời gian thực, các cuộc tập trận phòng thủ ba bên và nỗ lực chống lại các hoạt động mạng độc hại của Bắc Hàn.”

DPRK, hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, là tên chính thức của Bắc Hàn.

Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản đã lên án điều mà họ cho là dòng vũ khí và thiết bị quân sự từ Bắc Hàn sang Nga, nói rằng việc vận chuyển hàng hóa từ Bắc Hàn sang Nga là bằng chứng.

Bắc Hàn và Nga đã phủ nhận bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào mặc dù các nhà lãnh đạo của họ đã cam kết hợp tác quân sự chặt chẽ hơn khi họ gặp nhau vào tháng 9 ở vùng viễn đông của Nga.

Bộ Trưởng Phác cũng cho biết sau cuộc gặp với ông Blinken, hai bộ trưởng ngoại giao kêu gọi Bắc Hàn hủy bỏ kế hoạch phóng vệ tinh do thám.

Bắc Hàn đang chuẩn bị phóng một vệ tinh do thám sau hai lần thất bại trong việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo trong năm nay. Nam Hàn tuần trước cho biết Bắc Hàn đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho vụ phóng sau khi nhận được sự trợ giúp kỹ thuật từ Nga.

Quân đội Nam Hàn hôm thứ Hai cho biết họ đang trong tình trạng báo động sau khi Bắc Hàn chọn ngày 18/11 là “ngày công nghiệp hỏa tiễn” để đánh dấu vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa vào năm ngoái.

Chuyến thăm hai ngày của Ông Blinken tới Nam Hàn là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Hoa Kỳ sau hai năm rưỡi và là một phần trong chuyến đi Á Châu rộng lớn hơn sẽ bao gồm điểm dừng ở Ấn Độ. Ông Blinken đã ở Trung Đông trước Nhật Bản.

6. Nga có thể đã bắt kịp Ukraine về phương diện máy bay không người lái

Reuters đưa tin một số phi công điều khiển máy bay không người lái của Ukraine lo ngại lợi thế ban đầu của họ so với Nga trong việc sử dụng máy bay không người lái tấn công cỡ nhỏ đã bị mất.

Việc sử dụng máy bay không người lái trực quan,, gọi tắt là FPV, nhanh nhẹn trong trận chiến là một trong những chiến lược chi phí thấp thành công nhất mà Ukraine đã sử dụng để tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga.

Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa cũng dần dần nhân rộng và tăng cường sử dụng những máy bay không người lái này, vốn ban đầu được chế tạo để đua nhưng được sửa đổi để mang theo chất nổ.

Reuters đã nói chuyện với các phi công máy bay không người lái từ Lữ đoàn Dù số 80 đang chiến đấu gần Bakhmut, những người cho biết Nga đang chiếm thế thượng phong nhờ nguồn cung cấp có tổ chức hơn và chi tiêu lớn hơn.

“Máy bay không người lái của họ luôn ở trên không, cả ngày lẫn đêm. Chúng ta có thể thấy họ đã triển khai sản xuất hàng loạt máy bay không người lái để trinh sát, giám sát và tấn công”, một chỉ huy trung đội máy bay không người lái 34 tuổi, người tự giới thiệu mình với biệt danh “Komrad”, cho biết như trên.

Reuters đưa tin Nga đã tăng cường sản xuất máy bay không người lái FPV trong năm nay. Một doanh nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Nga đã công bố vào tháng 5 này rằng họ có kế hoạch bắt đầu sản xuất tới 3.000 thiết bị mỗi tháng.

Bộ trưởng kỹ thuật số Ukraine, Mykhailo Fedorov, nói với Reuters vào tháng 9 rằng Ukraine đã tăng tổng sản lượng máy bay không người lái lên hơn 100 lần vào năm 2023. Một bộ trưởng khác cho biết vào tháng 10 rằng Ukraine đã bắt đầu sản xuất “hàng chục nghìn” máy bay không người lái mỗi tháng từ cuối tháng 10 năm nay.

7. Avdiivka đóng vai trò quan trọng đối với quân phòng thủ Ukraine vì đây là cửa ngõ để tái chiếm lãnh thổ ở phía đông. Thị trấn lớn Donetsk do Nga nắm giữ cách đó 20 km.

Avdiivka bị chiếm giữ trong thời gian ngắn vào năm 2014 khi phe ly khai được Nga hậu thuẫn chiếm được nhiều vùng ở miền đông Ukraine, nhưng quân đội Ukraine đã chiếm lại khu vực này và xây dựng công sự.

Các quan chức địa phương cho biết người Nga đang trì hoãn “đợt tấn công thứ ba” sau một tuần mưa lớn. Vitaliy Barabash, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự của thị trấn, nói với đài truyền hình quốc gia: “Đợt thứ ba chưa bắt đầu nhưng họ đang chuẩn bị cho nó”. “Hôm nay đã là ngày thứ hai thời tiết thuận lợi cho việc này.”

Các nhà phân tích Ukraine cho rằng Nga chẳng thu được gì nhiều trong nỗ lực kéo dài vốn đã chịu tổn thất nặng nề. Nhà phân tích quân sự Denys Popovych nói với Đài phát thanh NV: “Nhiệm vụ này hiện mang tính chất chính trị hơn, do quân đội Nga đã phải gánh chịu những tổn thất ở đây”. “Thật không may, nhiệm vụ này sẽ tiếp tục. Sẽ có đợt tấn công thứ ba. Và thứ tư.”

8. Ukraine cho biết 'Hội nghị thượng đỉnh hòa bình' toàn cầu có thể diễn ra vào năm tới

Theo một quan chức hàng đầu của Kyiv, một “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” toàn cầu dành cho Ukraine có thể diễn ra vào tháng 2 năm 2024.

Cố vấn ngoại giao hàng đầu của tổng thống Ukraine, nói với Reuters rằng nước này sẽ sắp xếp cuộc họp lần thứ tư của các cố vấn an ninh quốc gia vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 “và hội nghị thượng đỉnh toàn cầu có thể diễn ra vào tháng 2 năm 2024”

“Hội nghị thượng đỉnh chắc chắn sẽ diễn ra, vì nó sẽ đánh dấu sự khởi đầu mang tính biểu tượng của việc thực hiện thực tế 'công thức hòa bình' của Ukraine và tóm tắt tất cả những kết quả đã đạt được trên con đường này.”

Công thức hòa bình là một kế hoạch gồm 10 điểm kêu gọi khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút quân Nga, bảo vệ nguồn cung cấp lương thực và năng lượng, an toàn hạt nhân và thả tất cả tù nhân.

Tin tức về hội nghị thượng đỉnh được đưa ra khi phương Tây ngày càng lo ngại rằng cuộc chiến ở Gaza đang khiến việc giành được sự ủng hộ ngoại giao cho kế hoạch hòa bình của Kyiv trở nên khó khăn hơn.

Các cuộc đàm phán về công thức hòa bình sẽ không có sự tham gia của Nga. Nga đã bác bỏ kế hoạch này và cho rằng kế hoạch này không thể thực hiện được.

9. Rostov kết án người lính Ukraine bảo vệ Mariupol 19 năm tù

Một tòa án quân sự Nga ở Rostov-on-Don đã kết án tù nhân chiến tranh người Ukraine Anton Cherednyk, bị bắt ở Mariupol vào mùa xuân năm 2022, đến 19 năm tù trong một khu giam giữ có an ninh tối đa.

Văn phòng công tố đã đề xuất 17 năm tù. Tuy nhiên, Tòa án đã kết án cựu quân nhân Ukraine mức án dài hơn mức công tố viên đề nghị, sau khi Cherednyk nói trước tòa rằng anh ta chẳng có tội gì cả. Chiến đấu bảo vệ quê hương không thể là một tội.

Trước khi bị bắt, bàn về quyết định của các tòa án Nga mang các tù binh Ukraine ra xét xử, Igor Girkin cho rằng “Trong tư cách là một quân nhân, tôi cho rằng việc xét xử các tù binh của tòa án là một điều nhảm nhí. Nghĩa vụ của quân nhân là bảo vệ tổ quốc. Họ chỉ thực hiện nghĩa vụ mà họ phải làm. Tôi không biết, nhưng có lẽ nước ta là nước duy nhất có các tòa án khôi hài như thế.”

Quyết định của tòa án vẫn chưa có hiệu lực và người bào chữa có ý định kháng cáo.

Anton Cherednyk vẫn bị giam giữ ở Rostov-on-Don, các luật sư độc lập không được tiếp cận anh ta, và quyền lợi của tù nhân Ukraine được đại diện bởi một luật sư do Nga chỉ định.

Theo truyền thông Ukraine, Cherednyk từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến Ukraine và bị bắt làm tù binh trong trận chiến giành Mariupol.

Tòa án quân sự quận phía Nam ở Rostov-on-Don cũng đang xem xét vụ án chống lại 24 cựu thành viên được cho là của đơn vị Azov. Vụ án liên quan đến cả những người tham gia bảo vệ Azovstal ở Mariupol và những người đã phục vụ trong đơn vị vài năm trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

10. Đức đã ban hành hướng dẫn chính sách quốc phòng mới lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.

Tài liệu dài 19 trang mang tên Zeitenwende, hay Bước Ngoặt, cho thấy sự thay đổi chính sách lớn mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của quân đội Đức, hay Bundeswehr.

Là bước đầu tiên nhằm đưa quân đội trở lại trạng thái ban đầu sau nhiều thập kỷ tiêu hao sau chiến tranh lạnh, Đức đã thành lập quỹ 100 tỷ euro vào năm ngoái để mua vũ khí hiện đại và cam kết đạt được mục tiêu chi tiêu ít nhất 2% GDP quốc gia của Nato về chi tiêu quốc phòng từ năm 2024.

“Với Zeitenwende, Đức trở thành một quốc gia trưởng thành về mặt chính sách an ninh,” Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết khi trình bày tài liệu. Đây là tài liệu đầu tiên về chính sách quốc phòng kể từ khi Berlin đình chỉ thi hành quân dịch vào năm 2011.

Ông gọi tài liệu này là phản ứng của Berlin trước một thực tế mới khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào năm 2022 đã gây chiến tranh trở lại Âu Châu và nâng cao mức độ đe dọa, từ đó thay đổi căn bản vai trò của Đức và Bundeswehr.

11. Điện Cẩm Linh đang tiến hành thu nạp các cựu binh sĩ Wagner vào các cơ cấu quân sự của Nga

Hơn hai tháng sau cái chết của Yevgeny Prigozhin, người sáng lập nhóm lính đánh thuê, Nga đang tìm cách tuyển mộ các chiến binh Wagner đã trải qua chiến đấu ở Ukraine

Putin đã coi nhà lãnh đạo Wagner là kẻ phản bội nhưng lại có giọng điệu nhẹ nhàng hơn nhiều với binh lính Wagner thông thường, thúc giục họ ký hợp đồng với quân đội và tuyên thệ trung thành với Nga.

Vài tuần sau cái chết của Prigozhin, Putin đã gặp Andrei Troshev, cựu chỉ huy cao cấp của Wagner, để thảo luận về cách sử dụng lực lượng chiến đấu của nước này ở Ukraine. Sau cuộc gặp, Điện Cẩm Linh cho biết Troshev đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng.

Quân đội chính quy chỉ là một trong nhiều con đường mở ra cho các cựu binh Wagner, trong đó lực lượng vệ binh quốc gia Nga, được gọi là Rosgvardia, và một số nhóm quân sự tư nhân liên kết với nhà nước cũng đang săn lùng các cựu binh Wagner.

12. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến vụ Nga tấn công vào tầu chở hàng dân sự Liberia. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Vào ngày 8 tháng 11 năm 2023, một tàu chở hàng dân sự mang cờ Liberia, có thể là Kmax Ruler, đã bị trúng hỏa tiễn chống radar của Nga tại cảng Pivdennyi, Odesa, của Ukraine. Các quan chức Ukraine nhận định đây có thể là hỏa tiễn phóng từ trên không KH-31 hay còn gọi là AS-17 KRYPTON.

Một hoa tiêu của bến cảng thiệt mạng, ba thành viên thủy thủ đoàn và một công nhân cảng bị thương. Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết con tàu đang chở quặng sắt chở hàng cho đồng minh chiến lược của Nga là Trung Quốc.

AS-17 có thể được sử dụng để tấn công vào các radar quân sự của Ukraine trong khu vực. Có khả năng thực tế là hỏa tiễn AS-17 được phóng từ trên không trong trường hợp không có tín hiệu radar quân sự trực tiếp, bị khóa trên radar của tàu dân sự.

Nếu vậy, điều này sẽ thể hiện chiến thuật sử dụng vũ khí kém cỏi của phi công Nga.
 
Lạ lùng: Bão Otis kinh hoàng như thế mà tượng Đức Mẹ không hề hấn. Jimmy Lai, ngục tù và Tin Mừng
VietCatholic Media
19:48 10/11/2023


1. Tượng Đức Mẹ Guadalupe không bị ảnh hưởng bởi sức tàn phá của Bão Otis ở Mễ Tây Cơ

Một bức tượng Đức Mẹ Guadalupe, bao gồm cả một tấm áo choàng bằng vải, vẫn còn nguyên vẹn giữa sự tàn phá do cơn bão Otis gây ra, đổ bộ vào thành phố ven biển Acapulco và các khu vực khác thuộc bang Guerrero của Mễ Tây Cơ vào tuần trước với những cơn gió giật lên tới 200 dặm trên giờ.

Cơn bão cấp 5 đổ bộ vào gần Acapulco lúc 12:25 sáng giờ địa phương ngày 25/10, khiến ít nhất 46 người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khách sạn, nhà cửa và cơ sở kinh doanh trên toàn bang.

La Quebrada là một vách đá cao 148 foot trên bờ Thái Bình Dương ở Acapulco. Kể từ năm 1934, các thợ lặn trẻ tuổi đã nhảy từ độ cao xuống một con kênh rộng 23 feet và sâu 13 feet, một cảnh tượng rất được du khách yêu thích. Trước mỗi lần nhảy, các thợ lặn làm dấu thánh giá và ngợi khen Đức Trinh Nữ Guadalupe, hình ảnh được lắp đặt tại địa điểm.

Năm 2022, Cha Eduardo Chávez, một trong những chuyên gia giỏi nhất về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ Guadalupe, đã làm phép cho bức ảnh được đặt trên vách đá.

Phóng viên Edgar Galicia của Azteca Noticias gần đây đã đi thăm khu vực và phát hiện ra rằng bức tượng nhỏ đặt trong hang động không hề bị hư hại gì khi cơn bão Otis đi qua. Thiệt hại duy nhất quan sát được từ cơn bão, với sức gió vượt quá 185 dặm một giờ, là một số đèn trang trí cho bức ảnh.

“Thật là một điều tuyệt vời,” Galicia nói trong một video đăng ngày 1 tháng 11 trên X, “khi biết rằng Đức Trinh Nữ, đấng trong nhiều năm đã ‘làm dấu thánh giá’ trên nhiều thợ lặn ở đây, đang rất tốt, bởi vì chính từ đây họ đã ném mình xuống biển.”

Trước sự việc đáng ngạc nhiên này, Cha Rafael Valencia, tổng đại diện và phát ngôn viên của Tổng Giáo phận Acapulco, đã nói chuyện với ACI Prensa, đối tác tin tức bằng tiếng Tây Ban Nha của CNA, về tầm quan trọng của Đức Trinh Nữ Maria như nguồn an ủi trong những lúc nghịch cảnh.

“Đức Trinh Nữ Maria là mẹ của niềm hy vọng. Trong thời điểm khó khăn này, Mẹ khuyến khích chúng ta giữ vững niềm hy vọng xuất phát từ đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để cảm thấy được đồng hành cùng Mẹ và con trai Mẹ, Chúa Giêsu của Mẹ,” Cha Valencia nói.

Vị linh mục cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của thánh Maria, “với tư cách là mẹ”, giúp chúng ta trải nghiệm “sự an ủi và gần gũi của Thiên Chúa, Đấng an ủi và giúp đỡ chúng ta.


Source:Catholic News Agency

2. Các nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp ký thỉnh nguyện kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Jimmy Lai

Các nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp từ khắp nơi trên thế giới đã ký một bản kiến nghị kêu gọi Chính quyền Đặc khu Hành chính Hương Cảng “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho người ủng hộ dân chủ, Jimmy Lai.

Jimmy Lai, 75 tuổi, là một người ủng hộ cho phong trào ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng, một nhà văn, nhà xuất bản và chủ sở hữu của Apple Daily, từng là tờ báo tiếng Hoa độc lập nổi tiếng nhất ở Hương Cảng, hiện bị chính quyền buộc phải đóng cửa. Kể từ năm 1990, khi ông thành lập công ty truyền thông của mình với trọng tâm ủng hộ dân chủ và chống tham nhũng, Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền Đặc khu hành chính Hương Cảng đã nhiều lần nhắm vào ông. Việc tấn công đó đã tăng cường kể từ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong hai năm 2019 và 2020.

Ông Lai đã ở tù liên tục kể từ tháng 12 năm 2020, sau khi bị bắt vào tháng 8 năm 2020. Ban đầu, ông bị tạm giam trước khi xét xử, sau đó bị kết án hết lần này sang lần khác vì tham gia các cuộc hội họp ôn hòa ủng hộ dân chủ và một buổi cầu nguyện đánh dấu ngày kỷ niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ông hiện đang thụ án liên quan đến tội lừa đảo, vốn đã bị lên án rộng rãi là lạm dụng luật pháp để bịt miệng những người bất đồng chính kiến và quyền tự do ngôn luận. Hoa Kỳ đã lên án bản án và mô tả bản án là một “kết quả hoàn toàn bất công” mà “bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào cũng đều cho thấy không công bằng và những lạm dụng tư pháp”.

Ông Lai hiện đang chờ xét xử vì tội xúi giục nổi loạn và sẽ bị buộc tội theo Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi. Phiên tòa xét xử ông hiện dự kiến bắt đầu vào ngày 18 tháng 12 năm 2023, sau nhiều lần trì hoãn. Nếu bị kết án, ông có thể phải đối mặt với bản án chung thân vì chiến dịch vận động dân chủ ôn hòa và công việc của mình tại Apple Daily. Luật An ninh Quốc gia đã bị nhiều chính phủ, cơ quan quốc tế và tổ chức xã hội dân sự chỉ trích nặng nề. Văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về Luật An ninh Quốc gia, cho rằng luật có từ ngữ rộng rãi có thể dẫn đến “việc giải thích và thực thi mang tính phân biệt đối xử hoặc tùy tiện, có thể làm suy yếu việc bảo vệ nhân quyền”. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã gọi Luật An ninh Quốc gia là “mơ hồ và rộng rãi một cách nguy hiểm” với định nghĩa rộng rãi là “các tội phạm chung chung được sử dụng trong các vụ truy tố có động cơ chính trị với các hình phạt có thể nặng nề”.


Source:doughtystreet.co.uk
 
Putin tê tái: Một cú HIMARS, 5 Trung Tá và Đại Tá FSB Nga tử trận. Trung tâm huấn luyện nổ long trời
VietCatholic Media
03:20 10/11/2023


1. Một cú HIMARS, 5 sĩ quan cấp tá của Nga ở Skadovsk bị tử trận

Lúc 10 giờ sáng ngày Thứ Năm, 9 Tháng Mười Một, theo giờ địa phương hay 2 giờ chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam, quân Ukraine đã phóng HIMARS san bằng tầng hai của một khách sạn ở thành phố Skadovsk, nơi đặt trụ sở tạm thời của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, sau khi một nhóm các sĩ quan cấp tá đến nhận nhiệm sở.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “HIMARS Strike Kills 'High Ranking' Russian Officers in Occupied Skadovsk”, nghĩa là “Cuộc tấn công bằng HIMARS giết chết các sĩ quan Nga 'cao cấp' ở Skadovsk bị tạm chiếm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các báo cáo, các sĩ quan cao cấp của Nga đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, của Ukraine nhằm vào Skadovsk ở khu vực phía nam Kherson bị Nga tạm chiếm.

Bộ Tình trạng khẩn cấp của khu vực cho biết ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương do cuộc tấn công hỏa tiễn của Ukraine. Đài Radio Liberty do Mỹ tài trợ, trích dẫn các nguồn tin của Nga và Ukraine, đưa tin rằng một số người thương vong là các sĩ quan cao cấp của Nga và cuộc tấn công HIMARS của Kyiv đã phá hủy tầng hai của một tòa nhà.

HIMARS do Mỹ cung cấp đã cho phép Ukraine phá hủy các hệ thống hỏa tiễn phòng không tiên tiến nhất của Nga. Tháng trước, một đoạn phim đã chiếu cảnh tang thương như hậu quả của cuộc tấn công HIMARS vào một tiểu đoàn Nga.

Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine cho biết “theo thông tin chưa được xác minh, cuộc tấn công đã đánh trúng một điểm triển khai tạm thời” của cơ quan an ninh FSB của Nga.

Volodymyr Saldo, tên phản bội, được Điện Cẩm Linh bổ nhiệm lãnh đạo khu vực Kherson phía nam Ukraine sau khi khu vực này bị chiếm giữ trong cuộc chiến của Putin, cho biết Ukraine đã phóng hai hỏa tiễn vào khoảng 10 giờ sáng giờ địa phương và một hỏa tiễn bị các hệ thống phòng không bắn hạ. Nhưng một hỏa tiễn đã đánh trúng mục tiêu.

Ủy ban Điều tra Nga hôm thứ Năm cho biết họ đã mở một cuộc điều tra hình sự về vụ tấn công.

“Theo điều tra, ngày 9/11, lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào thành phố Skadovsk, vùng Kherson, khiến một các cơ sở hạ tầng dân sự bị hư hại. Có người chết và những người bị thương đang được chăm sóc y tế cần thiết”, ủy ban cho biết.

“Cuộc điều tra đang xác định tất cả các tình tiết của vụ việc và những người trong lực lượng vũ trang Ukraine có liên quan đến việc tổ chức và thực hiện tội ác này.”

Theo các blogger quân sự Nga, lý do Ủy ban Điều tra Nga nhanh chóng mở cuộc điều tra là vì cuộc tấn công diễn ra gần như tức thời khi các sĩ quan cao cấp của FSB vừa mới đến nhận nhiệm sở. Trọng tâm của cuộc điều tra là nội bộ của Nga, cụ thể là ai đã cung cấp thông tin cho phía Ukraine.

Vụ tấn công được báo cáo xảy ra chỉ vài ngày sau khi ba đại tá Nga được tường trình đã thiệt mạng khi lực lượng Ukraine bắn một hỏa tiễn vào trụ sở của nhóm quân sự Dnipro của Nga ở vùng Kherson.

Kênh Telegram VChK-OGPU của Nga, được cho là có thông tin nội bộ từ lực lượng an ninh Nga, và Public Reserve Stugna, một tổ chức được thành lập để hỗ trợ tiểu đoàn lực lượng đặc biệt Stugna của Ukraine, cho biết ba Đại Tá Dù đã thiệt mạng do một cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, do Hoa Kỳ cung cấp.

ATACMS có khả năng tiếp cận mục tiêu cách xa 100 dặm hoặc thậm chí xa hơn.

Cuộc tấn công của Ukraine vào trụ sở của Nhóm Lực lượng Dnipro cũng được Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, báo cáo vào tuần trước.

2. Những tiếng nổ long trời tại trung tâm đào tạo phi công máy bay không người lái của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Explosions Seen As Russian Drone Pilot Training Hub Targeted by Ukraine”, nghĩa là “Những vụ nổ được nhìn thấy khi Ukraine tấn công trung tâm đào tạo phi công máy bay không người lái của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hậu quả của một cuộc tấn công hỏa tiễn vào khu vực phía đông Donetsk của Ukraine bị Nga tạm chiếm một phần, nơi được cho là một trung tâm huấn luyện điều khiển máy bay không người lái của Nga.

Denis Pushilin, quyền lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk bù nhìn của Mạc Tư Khoa, cho biết trên một cuộc tấn công bằng Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, của Ukraine xảy ra vào hôm thứ Ba đã giết chết 6 người và làm bị thương thêm 11 người.

HIMARS do Mỹ cung cấp đã cho phép Ukraine phá hủy các hệ thống hỏa tiễn phòng không tiên tiến nhất của Nga. Tháng trước, một đoạn phim cho thấy hậu quả của cuộc tấn công HIMARS vào một tiểu đoàn Nga.

Pushilin cho biết 4 “cơ sở hạ tầng dân sự” đã bị hư hại. Ông ta nói: “Có một cú đánh trực tiếp vào tòa nhà của Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội”.

“Tất cả nạn nhân đều được hỗ trợ y tế. Một người đàn ông bị thương trong vụ pháo kích vào quận Budennovsky. Chín tòa nhà chung cư và một cơ sở y tế bị hư hại.”

Ukraine chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Bộ Quốc phòng Ukraine để bình luận qua email.

Hãng tin độc lập của Nga The Insider đưa tin rằng kênh Telegram War Gonzo của Nga đã đăng một đoạn video quay gần tòa nhà này, trong đó mái và trần được cho là đã sụp đổ. Đoạn clip được cho là đã nhanh chóng bị kênh này xóa đi.

Cơ quan truyền thông cho biết tòa nhà này “giống về mặt hình ảnh” với tòa nhà có “Trung tâm máy bay không người lái Vladimir Zhoga”, nơi mà các cơ quan Nga cho biết là nơi đào tạo những người điều khiển máy bay không người lái kamikaze và máy bay không người lái giám sát.

Vladimir Zhoga là một nhà lãnh đạo quân sự ly khai bị giết vào đầu năm 2022 trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Địa chỉ của họ cũng giống nhau, The Insider đưa tin, trích dẫn dữ liệu có sẵn.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cũng đưa tin rằng một cuộc tấn công hỏa tiễn do Kyiv phát động đã phá hủy trung tâm huấn luyện máy bay không người lái, trích dẫn nhiều video nhân chứng và truyền thông Nga.

Họ nói rằng các nhà tuyên truyền Nga đã cố gắng phủ nhận rằng có một cơ sở quân sự tại địa chỉ này, nhưng các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một tấm bảng tưởng niệm mang tên Zhoga.

Tấm bảng được công bố vào tháng 3 năm 2023, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết thêm rằng khoảng 10.000 người được tường trình đã hoàn thành chương trình huấn luyện tại trung tâm huấn luyện máy bay không người lái.

Một đại diện của Ủy ban Điều tra Nga nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công hỏa tiễn có chủ đích vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Donetsk.

Yan Gagin, cố vấn của nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, cho biết các hoạt động đào bới đang diễn ra, vì có thể có những người còn nằm dưới đống gạch vụn.

3. Tình Báo Bộ Quốc Phòng xác nhận đã ám sát nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk

Ký giả Veronika Melkozerova của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Yeah, we did it: Ukraine admits car-bomb killing of pro-Russia politician”, nghĩa là “Vâng, chúng tôi đã làm điều đó: Ukraine thừa nhận vụ đánh bom xe giết chết chính trị gia thân Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Truyền thông Nga đưa tin Mikhail Filiponenko, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk, và là một nhà lập pháp thân Nga bước tới một chiếc xe hơi bên ngoài nhà ông vào sáng thứ Tư… và ngay lập tức bị nổ tung thành từng mảnh, truyền thông Nga đưa tin.

Tình báo quân sự Ukraine ngay lập tức nhận trách nhiệm về vụ ám sát.

“Đúng vậy, đó là hoạt động của chúng tôi,” Andriy Cherniak, đại diện Tổng cục Tình báo Quân sự Ukraine, còn được gọi là GUR, nói với POLITICO trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại về vụ đánh bom xe.

Tình báo quân sự đã làm việc cùng với các du kích địa phương của Ukraine để chuẩn bị ám sát Filiponenko, GUR cho biết trong một tuyên bố chính thức.

Filiponenko sinh ra ở Luhansk và học ở Kyiv. Tuy nhiên, vào năm 2014, ông đã gia nhập lực lượng lính đánh thuê được Nga hậu thuẫn để giúp Vladimir Putin và Điện Cẩm Linh thiết lập quyền cai trị đối với các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm ở Luhansk và Donetsk, ở miền đông Ukraine.

“Anh ta đã tham gia vào việc tổ chức các trại tra tấn ở các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của vùng Luhansk, nơi các tù nhân chiến tranh và con tin dân sự phải chịu sự tra tấn vô nhân đạo. Chính tay Filiponenko này đã tra tấn người dân một cách dã man, và tự tay giết chết nhiều ng người Ukraine”, tình báo quân sự Kyiv cho biết.

GUR tiết lộ địa chỉ chính xác nơi Filiponenko sống ở Luhansk và nói thêm rằng các điệp viên Ukraine biết rõ nơi các cộng tác viên cao cấp khác đang sống trong các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm.

GUR nói: “Tất cả tội phạm chiến tranh sẽ bị trừng phạt”.

Filiponenko là người Nga nhưng sinh tại Luhansk, Ukraine vào ngày 20 tháng 6 năm 1975. Ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và Xây dựng Quốc gia Kyiv và là một doanh nhân tư nhân trong ngành xây dựng. Từ năm 2014 đến năm 2022, ông tham gia vào cái gọi là quân đội của Cộng hòa Nhân Dân Luhansk, gọi tắt là LPR, và leo đến chức Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội LPR.

Sau khi dẫn toàn quân bỏ chạy trong trận Lyman hồi đầu tháng 10, 2022, Filiponenko bị cách chức và giải ngũ. Vào thời điểm bị nổ bom chết, Filiponenko là phó chủ tịch Quốc Hội LPR.

Filiponenko có hai người con. Đứa con trai ông ta, 13 tuổi nói với Trung tâm Thông tin Luhansk, một hãng thông tấn do các quan chức do Mạc Tư Khoa điều hành trong khu vực, là một thiết bị nổ phát nổ ngay trong xe của Mikhail Filiponenko.

Truyền thông Nga đăng tải những bức ảnh cho thấy một chiếc xe bị phá hủy đậu dọc bên đường, máu vương vãi khắp ghế lái, mà họ nói là hậu quả của vụ tấn công.

Ủy ban Điều tra Nga, cơ quan điều tra các tội ác lớn, sau đó thông báo rằng họ đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ đánh bom xe.

Một số nhân vật cao cấp ủng hộ cho cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa, cũng như các quan chức được Điện Cẩm Linh hậu thuẫn tại các vùng lãnh thổ bị lực lượng Nga chiếm giữ đã bị tấn công và ám sát.

Tháng trước, một tay súng ở Crimea đã bắn bị thương Oleg Tsaryov, một cựu nghị sĩ Ukraine, người từng được cho là Tổng thống lâm thời của Ukraine nếu Putin chiếm được Kyiv.

Mạc Tư Khoa đã tuyên bố rằng các cơ quan mật vụ Ukraine đứng đằng sau vụ này và một số vụ tấn công khác, bao gồm vụ đánh bom xe vào người theo chủ nghĩa dân tộc Darya Dugina bên ngoài Mạc Tư Khoa năm ngoái và vụ đánh bom blogger quân sự Vladlen Tatarsky tại một quán cà phê ở St. Petersburg vào tháng Tư.

4. Quân dự bị Nga thiếu kinh nghiệm chiến đấu, chưa đánh trận nào đã mất hàng ngàn quân trong một ngày.

Điều duy nhất mà quân xâm lược Nga đạt được trong các trận chiến giành Avdiivka, ở vùng Donetsk, là tổn thất hàng nghìn nhân lực và hàng trăm trang thiết bị.

Oleksandr Tarnavsky, chỉ huy nhóm quân chiến lược và tác chiến Tavria, cho biết điều này trên Telegram.

“Avdiivka. Giao tranh tích cực đã diễn ra được một tháng nay. Hàng trăm xe thiết giáp bị đốt cháy và hàng nghìn xác của quân Nga là tất cả những gì đối phương đạt được. Và chúng tôi vẫn đang đứng vững. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đứng vững. Bởi vì Avdiivka không chỉ là một vùng lãnh thổ trên bản đồ mà là một phần của Ukraine, một phần linh hồn của người Ukraine và Donbas của Ukraine”, ông nói.

Tarnavsky nhấn mạnh rằng Lực lượng Phòng vệ sẽ tiếp tục chiến đấu để giành lấy “mọi tòa nhà, ruộng bậc thang hoặc hồ nước”.

“Chúng ta sẽ trả thù cho mọi người đã chết, cho mọi trẻ em bị người Nga giết hại và đánh cắp, cho mọi phụ nữ bị hãm hiếp. Chúng tôi sẽ chiến đấu vì Bucha, vì Borodyanka, vì Chernihiv, Kharkiv, Kramatorsk, vì Marinka, Popasna, Bakhmut và Avdiivka.”

Trong ngày Thứ Năm, 9 Tháng Mười Một, không có một trận đánh lớn nào ở thị trấn Avdiivka, ngoài các cuộc giao tranh lẻ tẻ. Tuy nhiên, hàng trăm lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến.

Nga đã kéo đến thị trấn Avdiivka hơn 40.000 quân, trong đó chủ yếu là quân dự bị, không có kinh nghiệm chiến đấu. Lữ Đoàn 55 pháo binh Ukraine cho biết họ đã trút một số lớn đạn pháo vào các điểm tập trung quân của Nga.

Kết quả là trong 24 giờ qua, 1.080 quân Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 15 xe tăng, 18 xe thiết giáp, 36 hệ thống pháo, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 5 hệ thống phòng không, và 39 xe chuyển quân và nhiên liệu.

5. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến việc triển khai các hỏa tiễn đất đối không tầm xa của Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Sau những tổn thất được báo cáo vào tuần trước về một số hệ thống hỏa tiễn đất đối không, gọi tắt là SAM, tầm xa SA-21 của Nga, phân tích mới cho thấy rằng để duy trì phạm vi bao phủ trên Ukraine, Nga có thể sẽ cần phải phân bổ lại các SAM thường xuyên bảo vệ các khu vực xa xôi của Nga.

Các hỏa tiễn SAM tầm xa hàng đầu của Nga như SA-21 có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 400 km.

Nằm ở những vị trí chiến lược quan trọng cũng như dọc biên giới Nga, việc loại bỏ các hệ thống gần như chắc chắn sẽ làm suy yếu thế trận phòng không của Nga ở các vùng ngoại vi.

Việc tái phân bổ các tài sản phòng không chiến lược sẽ chứng minh thêm rằng cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục làm căng thẳng quá mức quân đội Nga và làm suy yếu khả năng duy trì các biện pháp phòng thủ cơ bản trên khu vực rộng lớn của nước này.

6. Bộ Ngoại Giao Nga kháo rằng đã biết cách vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ

Hôm Thứ Năm, 9 Tháng Mười Một, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, cho biết Nga sẽ không từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, gọi tắt là LNG, lên 100 triệu tấn mỗi năm vì các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong gói trừng phạt mới được công bố trong tháng này, Mỹ nhắm vào một thực thể lớn của Nga liên quan đến việc phát triển, vận hành và sở hữu một dự án lớn ở Siberia có tên Arctic-2 LNG.

Zakharova phát biểu trong một cuộc họp báo rằng các công ty Nga đã học được cách vượt qua những trở ngại như vậy.

7. Ukraine đã nói với các đồng minh phương Tây hôm thứ Năm rằng việc trả cho họ tiền lãi tích lũy từ các tài sản bị đóng băng của Nga sẽ không đủ để bù đắp cho thiệt hại do chiến tranh gây ra và họ hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn.

Kyiv ước tính sẽ cần 400 tỷ Mỹ Kim để xây dựng lại đất nước bị tàn phá bởi cuộc xâm lược của Nga, số tiền mà họ tin rằng có thể tăng gấp đôi nếu tính cả khoản bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, cho biết vào tháng trước rằng giá trị tài sản có chủ quyền của Nga bị phong tỏa là khoảng 211 tỷ euro.

Thứ trưởng Tư pháp Ukraine, Iryna Mudra, nói với Reuters rằng các đối tác của Kyiv đang xem xét áp dụng thuế đánh vào thu nhập hoặc đầu tư vào tài sản bị đóng băng của Nga, một ý tưởng mà cô cho rằng Kyiv hoan nghênh nhưng thấy là chưa đủ.

Cô nói rằng không có giải pháp thay thế nào cho giải pháp tịch thu toàn bộ tài sản và giao cho Ukraine.

“Đúng, một quyết định như vậy đòi hỏi ý chí chính trị, và do đó sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu các sáng kiến bổ sung được coi là giải pháp thành công cho mọi vấn đề.”

Vấn đề tìm nguồn vốn để tái thiết nền kinh tế và chống chiến tranh với Nga trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, khi Kyiv lo ngại viện trợ phương Tây cắt giảm và nền kinh tế Ukraine không thể tạo ra đủ vốn.

8. Theo phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, Nga không tin những lời hứa của Liên minh Âu Châu về việc cho Ukraine gia nhập là “có thật”.

“Rất có thể chúng ta đang nói về một củ cà rốt được buộc trước xe đẩy,” Peskov nói trong bình luận với các phóng viên.

Ủy ban Âu Châu đã khuyến nghị mời Ukraine bắt đầu đàm phán để gia nhập khối ngay khi nước này đáp ứng được các điều kiện cuối cùng, ngay cả khi nước này tiếp tục chiến đấu để đẩy lùi lực lượng Nga.

Để các cuộc đàm phán bắt đầu, tất cả 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu phải chấp thuận. Đầu ngày hôm nay, Hung Gia Lợi cho biết Liên Hiệp Âu Châu không nên bắt đầu các cuộc đàm phán, thay vào đó ủng hộ hình thức “quan hệ đối tác đặc quyền” giữa Ukraine với Liên Hiệp Âu Châu.

9. Hung Gia Lợi nói Liên Hiệp Âu Châu không nên bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine

Reuters đưa tin Hung Gia Lợi không muốn Liên minh Âu Châu bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine.

Thay vào đó, họ nên đưa ra một số hình thức “quan hệ đối tác đặc quyền” cho đất nước, chánh văn phòng của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán phát biểu trong một cuộc họp ngắn hôm thứ Năm.

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu dự kiến sẽ quyết định vào tháng tới liệu có chấp nhận khuyến nghị của Ủy ban Âu Châu về việc mời Kyiv bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên ngay khi nước này đáp ứng các điều kiện cuối cùng hay không, bao gồm cả việc tăng cường các biện pháp bảo vệ cho người thiểu số.

Khuyến nghị của ủy ban là một cột mốc quan trọng trên con đường hội nhập phương Tây của Kyiv, nhưng bất kỳ quyết định nào như vậy đều đòi hỏi sự đồng thanh của 27 thành viên trong khối, trong đó Hung Gia Lợi được coi là trở ngại chính.

Budapest cho biết họ sẽ không ủng hộ việc Ukraine hội nhập Âu Châu trừ khi Kyiv thay đổi luật về các nhóm thiểu số, đặc biệt là về giáo dục. Hung Gia Lợi đã xung đột với Kyiv về điều mà nước này cho là hạn chế quyền của khoảng 150.000 người dân tộc Hung Gia Lợi được sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ.

Trong một cuộc họp báo ở Kyiv, Olga Stefanishyna, Bộ trưởng giám sát quá trình hội nhập Âu Châu của Ukraine, cho biết cộng đồng thiểu số Hung Gia Lợi ở Ukraine đã được bảo vệ đầy đủ và các quan chức Ukraine và Hung Gia Lợi đang hợp tác với nhau về những thay đổi lập pháp do Brussels đề xuất.

Orbán cho biết vào tháng trước rằng chiến lược của Liên Hiệp Âu Châu về cuộc chiến đã thất bại và ông thấy không có lý do gì để Hung Gia Lợi gửi tiền đóng thuế của mình để hỗ trợ Ukraine.

10. Ukraine sẽ có thể vượt qua sự phản đối chính trị của Hung Gia Lợi trong việc bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên Liên Hiệp Âu Châu

Hội đồng Âu Châu sẽ quyết định vào tháng tới có nên bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine hay không, điều này đòi hỏi sự ủng hộ đồng thanh của tất cả 27 quốc gia. Hung Gia Lợi hôm thứ Năm cho biết Liên Hiệp Âu Châu không nên bắt đầu đàm phán mà thay vào đó hãy cung cấp cho nước này một số hình thức “quan hệ đối tác đặc quyền”.

Stefanishyna nói: “Hôm nay Hung Gia Lợi đã đưa ra tuyên bố như vậy. Chúng tôi hiểu rằng có một tuyên bố như vậy, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng đang có một cuộc đối thoại với Budapest.”

Cô nói việc đưa Hung Gia Lợi ngăn cản tiến trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu trong tháng tới sẽ là một thách thức, nhưng cô tin tưởng Ukraine sẽ thành công.