Ngày 15-11-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vì sao Tử đạo?
Lm Nguyễn Xuân Trường
07:01 15/11/2019


Con người ai chẳng muốn sống khỏe sống lâu. Khát vọng sống là khát vọng mãnh liệt nhất của con người. Vậy tại sao Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhà mình lại sẵn sàng chịu chết? Thưa vì tin yêu và hy vọng vào Chúa.

1. Tin yêu. Tin yêu thật sự luôn khiến người ta sẵn lòng hy sinh để chứng tỏ tình yêu, để tình yêu lớn lên. Khi tin yêu đến độ dám hy sinh cả thân mình thì tình yêu trở thành vĩ đại như chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình của người thí mạng vì bạn hữu.” Các Thánh Tử Đạo đã đem mạng sống để chứng tỏ lòng tin yêu Chúa. Các ngài dạy chúng ta một bài học khắc cốt ghi tâm, đó là: Hội Thánh Chúa phát triển là nhờ những TÍN HỮU DÁM SỐNG CHẾT CHO NIỀM TIN YÊU của mình.

2. Hy vọng. Niềm hy vọng sẽ có tương lai tốt đẹp giúp người ta dám sống chết cho lý tưởng, cho sự nghiệp, cho quê hương đất nước. Các Thánh Tử Đạo như người gieo giống đã gieo chính hạt giống đời mình chịu chết vì Chúa, và dạt dào niềm hy vọng hạt giống ấy sẽ hóa thành một mùa lúa vàng trĩu hạt như lời Thánh Vịnh đáp ca: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.”

Và thật kỳ diệu, nhờ tin yêu và hy vọng vào Chúa mà Các Thánh Tử Đạo đã không vật vã, nhưng vui vẻ đón nhận cái chết. Chính cái chết thân xác ấy lại làm cho các ngài trở thành những anh hùng bất tử trong sự sống đời đời.

Nhờ máu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà Giáo Hội quê hương mới có ngày hôm nay. Với tất cả lòng hiếu kính và biết ơn, chúng ta là con cháu hãy sống sao để không uổng phí xương máu các ngài. Amen.
 
Cành sống chỉ có thể nhờ cây
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
07:04 15/11/2019

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Có thể khát vọng, có thể niềm tin bị chao đảo bởi lý do này lý do khác của cuộc đời. Nhưng sẽ không có bất cứ lý do nào làm chao đảo nếu chúng ta tìm thấy chỗ nương tựa vững vàng. Nơi nương tựa bất biến, có một không hai ấy chính là gắn chặt đời mình trong Chúa.

Đừng tưởng khi cố gắng gắn chặt đời mình trong Chúa thì chỉ có nỗ lực của ta. Ngược lại, sự liên kết không gì có thể tách rời giữa Chúa và chúng ta, trước khi là nỗ lực của chúng ta, nó đã là mơ ước, là nỗ lực không ngơi của chính Chúa.

Lời Kinh Thánh: "Thầy là cây nho, chúng con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, chúng con chẳng làm được gì” (Ga 15,5), trước khi là lời dạy, là đòi buộc Chúa dành cho mỗi người, đã là lời cho thấy một cách lớn lao, một cách mãnh liệt nỗi lòng của Chúa.

Ý thức tình mình trong Chúa và tình Chúa trong mình, dù đứng trước chọn lựa hoặc thoái thác đức tin để được sống, hoặc mất mạng sống để bảo toàn đức tin, các thánh Tử Đạo Việt Nam đã chấp nhận bước đến đỉnh cao cuối cùng của đức tin, không còn gì lớn bằng, không còn gì đẹp bằng: Hiến dâng đời mình thành hy tế tình yêu cho Đấng mà các ngài trung thành tôn thờ.

Ý thức luôn có tình yêu Chúa hiện diện nơi bản thân và luôn được Chúa phủ đầy trong cả một thế giới tình yêu bền chặt, xiết chặt mà Chúa dành cho mình, các thánh Tử Đạo Việt Nam, dù vượt qua trăm ngàn thách thức từ thể xác đến tinh thần, vẫn kiên trung, vẫn vững chí, không chút nao núng, hiên ngang bước lên đoạn đầu đài tử nạn để tế lễ đời mình.

Bằng một xác tín cách hết sức mạnh mẽ: Chỉ một tình yêu duy nhất từ Chúa mới làm cho kẻ tin được sống như dòng nhựa lưu chuyển từ thân nho đến cành nho, các thánh Tử Đạo Việt Nam, dù trước sau gì vẫn chỉ là những kẻ mang phận người yếu đuối, vững tin rằng, chỉ một mình Chúa mới chính là Đấng Giải thoát đích thực.

Mỗi người đều có khát vọng sống. Khát vọng sống không bao giờ là sai. Nhưng đứng trước đức tin vào sự sống mà Chúa Kitô, Đấng Hằng sống luôn mời gọi tiến về, thì khi cần dủ bỏ mọi sự, dẫu phải dủ bỏ cả một đời trần thế, các thánh Tử Đạo Việt Nam chấp nhận để cho khát vọng sống hôm nay nhường bước cho khát vọng sống đích thực trong Chúa đời dời.

Quyết chiến đấu đến cùng trong một lòng tin bất khuất là chọn lựa duy nhất, không có bất kỳ điều gì khác có thể khiến các ngài nghĩ lại. Đồng thời, biết mình chỉ là cành, sẽ không thể sống mà không gắn vào cây, các ngài quyết định: dù thân xác có phải đớn đau đến đâu, thì tâm hồn vẫn chỉ gắn chặt vào Chúa đi đến cùng con đường của tình yêu dâng hiến.

Biết rằng sức người chỉ là sợi chỉ mong manh, chỉ là ngọn bấc trước gió, các thánh Tử Đạo Việt Nam không ngần ngại để Chúa hướng dẫn, tác động trong từng hành vi, từng nếp nghĩ, nếp sống của mình.

Chắc chắn, qua tất cả những chịu đựng và chấp nhận mọi hình khổ, hơn ai hết, các thánh Tử Đạo Việt Nam đã thấu hiểu sâu xa lời Chúa Giêsu: “Không có Thầy, chúng con chẳng làm được gì”.

Bởi nếu không có ơn Chúa, chỉ cần nghe đến hai tiếng ngục tù, bất cứ ai, dù can đảm cách mấy, vẫn rùng mình khiếp sợ, đừng nói chi đến việc đối diện với lòng độc ác không thể tưởng tượng của những kẻ nhân danh quyền lực cai trị và hành hạ mình bằng không biết bao nhiêu chiếc nanh của thú dữ chứ không phải của bàn tay con người.

Chỉ ơn Chúa, chỉ nhờ Chúa Kitô hiện diện nơi mình, nhờ gắn chặt mình vào Chúa Kitô như cành nho với cây nho, trước sau như một, lòng trung kiên của các thánh Tử ĐạoViệt Nam không hề lay chuyển. Đó là lòng trung kiên của những con người vượt quá sức người.

Cùng các thánh Tử đạo Việt Nam, ta xác tín mạnh mẽ: Có Chúa trong ta, và ta biết để mình tháp nhập vào Chúa, sẽ không sức mạnh nào nơi trần thế, dù bạo tàn đến mấy, dù mất tính người hay lang sói đến cấp độ nào, sẽ không có cách thắng được ta.

Ta sẽ làm nên mọi sự trong Chúa như các thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm, đã sống, đã chết, đã vinh quang và vinh quang đến đời đời.

Chúng ta biết ơn các thánh Tử Đạo Việt Nam. Bởi không chỉ trao dòng máu Việt để ta hãnh diện trong chức bậc con cháu, các ngài còn trao cho ta cả một gia sản đức tin quý giá trả bằng máu của các ngài.

Chúng ta yêu mến các thánh Tử Đạo Việt Nam, vì không chỉ là bậc cha ông mình, các ngài còn là bài học sống giúp ta học lấy, noi theo để sống như các ngài. Nhờ đó, ta hoàn toàn sống trong Chúa và Chúa sống trong ta, để mãi mãi ta là cành nho, tháp nhập bền chặt nơi thân nho là chính Chúa.

Mừng lễ các thánh tử đạo, một lần nữa, chúng ta được củng cố lòng tin vào Thiên Chúa: Có thể vì Tin Mừng, vì Chúa Giêsu mà ở đời này ta thua thiệt hay bị chà đạp. Nhưng ta tin, Chúa không để ta chiến đấu một mình, đồng thời Người ban cho ta gia nghiệp đời sau, ta sẽ can đảm và hạnh phúc đi tới cùng đỉnh cao thánh giá.

Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của các bậc cha ông Việt Nam yêu kính, ban cho từng người đức tin mạnh mẽ, kiên trung, bền chặt, để ngày qua ngày, chúng ta bước đi trong lòng mến Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất của cuộc đời chúng ta, cách cương quyết, dứt khoát, và bạo dạn, bất chấp mọi thách thức của đời này.

 
Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam: Tuyên xưng, Sống và Làm chứng cho Đức tin
+ ĐTGM Giuse Nguyễn Năng
09:40 15/11/2019
TUYÊN XƯNG, SỐNG VÀ LÀM CHỨNG CHO ĐỨC TIN

1- Không một tôn giáo nào có một lịch sử kỳ lạ như Kitô giáo. Quả vậy, không một tôn giáo nào bị bách hại nhiều, lâu dài và đau thương như Kitô giáo; và cho dù bị bách hại nhiều, lâu dài và đau thương, Kitô giáo không hề bị tiêu diệt, trái lại vẫn không ngừng tăng trưởng cả về phẩm chất lẫn số lượng. Đó là những bí ẩn của lịch sử không thể lý giải bằng lý lẽ tự nhiên, nhưng chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng của niềm tin.

Quả vậy, ngay từ những năm tháng đầu tiên loan báo Tin Mừng, Hội Thánh đã trải qua 300 năm bị bách hại dưới thời các hoàng đế Roma. Rồi từ đó, Phúc Âm được rao giảng ở đâu, thì ở đó không sớm thì muộn, các Kitô hữu cũng bị bắt bớ và giết chết, Hội Thánh bị bách hại và loại trừ. Lịch sử Hội Thánh là một lịch sử đầy những cuộc tử đạo, ở khắp mọi miền trên thế giới, vào hết mọi thời kỳ trong lịch sử.

Ngay trong thời đại chúng ta, trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này, nếu tính tổng cộng tất cả các Kitô hữu, gồm Công Giáo, Chính thống, Anh giáo và Tin lành, thì hằng năm có khoảng 170.000 người tử đạo, 200.000.000 người chịu bách hại vì đức tin Kitô giáo.

Trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, 117 vị thánh đã được phúc tử đạo trong một giai đoạn bách hại kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi vào năm 1745 đến vị cuối cùng vào năm 1862, qua các triều đại vua Lê chúa Trịnh, Tây Sơn và các triều nhà Nguyễn. Đó là chưa kể chân phước Anrê Phú Yên tử đạo vào năm 1644, và hằng trăm ngàn tín hữu chết vì đức tin nhưng chưa được phong thánh.

Bức tranh trên đây là một thực tế, và đó cũng là một điều bí ẩn của lịch sử Hội Thánh. Các Kitô hữu bị ghét, vì trước hết, chính Chúa Giêsu đã bị ghét và đã chịu tử hình trên thánh giá. Chúa Giêsu chính là vị tử đạo đầu tiên vì Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Ngài là con đường dẫn đến sự sống đích thực, nhưng thế gian lại yêu sự tối tăm hơn ánh sáng.

Chúa nói: “Vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em… Họ chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15, 19-21). Đơn giản chỉ là thế. Sâu xa là như vậy.

Tuy nhiên, Chúa đã hứa ở cùng Hội Thánh mọi ngày cho đến tận thế, và Chúa đã tuyên bố không quyền năng nào có thể tiêu diệt Hội Thánh. “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).

2- Ngày lễ các thánh tử đạo tại Việt Nam hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại đời sống đức tin của các thánh tử đạo Việt Nam để xem các ngài đã tuyên xưng, đã sống và làm chứng cho đức tin thế nào.

Tại sao các Kitô hữu bị ghét bỏ, bị bắt bớ và giết chết? Các thánh tử đạo đã làm gì?

Các thánh tử đạo bị giết chỉ vì tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu. Lòng tin ấy biểu lộ qua việc tôn thờ thánh giá Chúa. Thánh Anrê Kim Thông nói với quan tỉnh: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được!” Thánh Têôphan Ven nói: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”

Chắc chắn không phải vì các ngài đã theo đạo Tây mà phản bội tổ quốc và dân tộc. Các ngài tôn trọng vua quan và hết lòng vì quê hương. Thánh linh mục Tự đối đáp với quan tòa: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được”.

Nhiều vị thánh đã ở trong hàng ngũ quân đội bảo vệ đất nước. Thánh Trần Văn Trung là một binh sĩ, đã bị giết vì khẳng khái tuyên bố: “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng đi đánh kẻ thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ”. Thánh linh mục Khuông từng tuyên bố: “Đạo Giatô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương an ninh thịnh vượng”.

Yêu nước không có nghĩa là phải thù ghét loại trừ các Kitô hữu và chống lại Kitô giáo.

3- Lời tuyên xưng của các thánh tử đạo không chỉ là lời tuyên bố trong một khoảnh khắc nhất thời trước khi chết, nhưng đó là hoa trái kết tinh từ một đời sống thấm nhuần Lời Chúa. Các ngài đã sống đức tin, đã thể hiện Tin Mừng yêu thương trong chính đời sống của mình.

Trước hết, đời sống đức tin của các thánh tử đạo được biểu lộ ngay trong bổn phận hằng ngày của đời sống gia đình.

Dù thời đó, chế độ đa thê vẫn đang thịnh hành trong xã hội Việt Nam, nhưng các thánh tử đạo đã trung thành với giáo huấn một vợ một chồng của Phúc Âm. Dĩ nhiên có những vị lúc đầu đã không trung thành với lời cam kết hôn nhân, như các thánh Gẫm, binh sĩ Huy, Cai Thìn, quan Hồ Đình Hy… đã có thời gian sa ngã, thế nhưng sau đó tất cả đều biết trở về để vun đắp lại mái ấm gia đình của mình.

Các thánh chu toàn bổn phận nuôi dạy con cái theo tinh thần đức tin. Thánh Thọ căn dặn các con vào thăm trong tù: “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.

Về phần thánh Anê Lê Thị Thành, vị thánh nữ duy nhất trong số các vị tử đạo, người con gái thứ haicủa ngài làcô Anna Năm xác nhận:”Bố mẹ chúng tôi chỉ gả các con gái cho những người thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, mẹ tôi thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần mẹ dạy tôi: “Tuân theo Ý Chúa, con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận thánh giá Chúa gửi cho”.Người cũng thường khuyên vợ chồng tôi: “Hai con hãy sống hoà hợp, vui vẻ, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ”.”

Kế đến, sống đức tin là sống Tin Mừng yêu thương.

Thánh y sĩ Phan Đắc Hòa rộng tay giúp người nghèo khổ, riêng bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa. Thánh Martinô Thọ nói: “Công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện”, nên ngài trồng thêm vườn dâu kiếm tiền giúp người thiếu thốn. Người cùng tử đạo với ngài là Gioan Cỏn từng mạnh dạn đấu tranh cho người nghèo chống lại chính sách đòi sưu cao thuế nặng. Thánh Năm Thuông là ân nhân của viện cô nhi trong vùng. Còn thánh Trùm Đích thường xuyên thăm viếng trại cùi và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà mình.

Điều quan trọng trong đời sống đức tin của các thánh tử đạo là lòng tha thứ.

Nếu lòng anh dũng giúp các vị tử đạo bình thản đón nhận cái chết không run sợ, không quỵ lụy khóc than, thì chính lòng bao dung thứ tha mới là đặc tính phân biệt vị tử đạo với những vị anh hùng vì lý do khác.

Các tín hữu chỉ thực sự chết vì đạo nếu biểu lộ được tình yêu, lòng nhân ái, sự bao dung của Tin Mừng. Các vị chắc chắn không đồng ý với bản án bất công của triều đình, nhưng như Đức Giêsu trên thánh giá vẫn cầu nguyện cho quân lính giết hại mình, các chứng nhân tử đạo vẫn tiếp tục yêu thương vua quan và những người hành xử mình.

Khi viên quan nói: “Tôi phải theo lệnh vua, đừng giận tôi nhé”, linh mục Théophane Ven đáp: “Tôi chẳngghét gì ai cả, tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho quan”. Thánh Hoàng Lương Cảnh làm cho quan quân phá lên cười khi ngài đọc: “Cầu Chúa Giêsu, xin cho các quantrị nước cho yên càng ngày càng thịnh”.

4- Lời tuyên xưng và đời sống đức tin của các thánh tử đạo đã làm trổ sinh hoa trái phong phú trên quê hương Việt Nam thân yêu này.

Chính đời sống của các thánh tử đạo đã cảm hóa và chiếm được tình cảm của bà con hàng xóm. Dù triều đình nhà Nguyễn ra chiếu chỉ bách hại, bà con hàng xóm vẫn tỏ dấu hiệu thân ái với người Công Giáo.

Thánh linh mục Vũ Bá Loan là niên trưởng 84 tuổi, được mọi người kính trọng gọi bằng “cụ”, ngài không bị đánh đòn; và trong ngày xử, mười lý hình chạy trốn, đến người thứ mười một, đã lịch sự xin phép: “Việc vua truyền cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ nhớ đến cháu nhé”.

Trong vụ án thánh linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cổ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí cụ.”

Hơn nữa, ngay trong lúc bị giam tù, các ngài đã đưa hằng trăm người đến với Chúa. Và từ đó đến nay, hạt giống Tin Mừng không ngừng lớn lên trong đất nước này. Tin Mừng như men đang thấm vào mọi sinh hoạt xã hội để đưa thế gian đi theo con đường của chân lý Phúc Âm.

Là con cháu các thánh tử đạo, chúng ta hãy phát huy gia sản đức tin mà cha ông đã để lại cho chúng ta. Đức tin ấy đã lớn lên trong máu và nước mắt, trong hy sinh và gian khổ. Bao nhiêu thế hệ đã nằm xuống để chúng ta được trung kiên với đức tin tông truyền.

Ngày nay, tuy không còn phải chịu những đau thương dữ dằn như trong quá khứ, nhưng chúng ta đang phải đối diện với một cuộc tấn công khác có thể còn nguy hiểm gấp bội, đó là sức mạnh của tiền bạc, địa vị, khoái lạc, tự do buông thả. Những sức mạnh này đã làm cho bao nhiêu tín hữu gục ngã, đã lôi kéo bao nhiêu Kitô hữu rời xa Hội Thánh, đã làm cho biết bao người quên Thiên Chúa.

Chúng ta hãy bắt chước các thánh tử đạo tuyên xưng đức tin một cách xác tín, ý thức. Chúng ta có thể nói như thánh Phaolô không: “Tôi biết tôi đã tin vào ai?” (2 Tm 1,12). Hãy để cho lòng tin vào Chúa thấm nhuần và biến đổi cuộc sống chúng ta, để tất cả mọi hành vi, ứng xử, chọn lựa, thái độ, của chúng ta luôn tỏa chiếu sức mạnh của Tin Mừng và tạo nên một sức hấp dẫn đối với những người chung quanh để đưa họ đến với Chúa Giêsu Cứu Thế.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:44 15/11/2019

83. Trong khiêm tốn có một vài điều kỳ diệu có thể thăng hoa lòng người.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:49 15/11/2019
63. ÔNG BA PHẢI

Đông Hán tư mã Huy từ trước đến nay chưa bao giờ nói về chỗ kém của người nhà và đồng nghiệp, bất cứ việc gì cũng đều nói “tốt”.

Có người hỏi ông ta có bình an không, ông ta trả lời:

- “Tốt”.

Có người báo với ông ta đứa con trai của họ bị bệnh mà chết, ông ta nói:

- “Tốt lắm”.

Vợ trách ông ta:

- “Người ta cho rằng ông là người quân tử có đạo đức, nên đem việc riêng nói với ông, tại sao ông nghe con trai họ chết mà lại nói tốt lắm hử ?”

Ông ta trả lời:

- “Lời của bà nói cũng rất tốt”.

Bây giờ người ta hay nói “ông ba phải” cũng là do câu chuyện trên đây của ông tư mã Huy mà ra.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 63:

Vợ sẽ khổ và mệt trí vì có ông chồng “ba phải”, bởi vì người có tính “ba phải” thì không có lập trường chắc chắn và cũng không có một quyết định kịp thời, do đó mà khó bảo vệ được hạnh phúc gia đình cũng như trong việc dạy dỗ con cái…

Một giáo dân “ba phải” thì người ta không thấy được tinh thần của Phúc Âm, một tu sĩ “ba phải” thì người ta không thấy Đức Chúa Giê-su, một linh mục “ba phải” thì người ta sẽ không thấy tinh thần Phúc Âm cũng như không thấy Đức Chúa Giê-su ở nơi con người của các đấng bậc…

Có một việc duy nhất nên “ba phải” là: khi người ta chửi mắng, ghét ghen và vu khống mình thì nên “ba phải” nói: “Tốt, tốt lắm”.

Đó chính là cái “ba phải” dễ thương và có sức mạnh, khiến cho người khác nhìn thấy tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su nơi chúng ta vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 33 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:51 15/11/2019
Chúa Nhật 33 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 21, 5-19.

“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”


Bạn thân mến,

Lời của Đức Chúa Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay đã ứng nghiệm và đang xảy ra trên thế giới, trong những năm gần đây thiên tai đã xảy ra nhiều nơi trên địa cầu này như động đất, chiến tranh, ôn dịch và thù hận, dân chúng lầm than khổ sở, nhiều tai ương ập đến cho con người mà không báo trước, nhưng thật ra hơn hai ngàn năm trước, nhân loại đã được Đức Chúa Giê-su báo trước những tai nạn bởi thiên nhiên và bởi con người mà ra...

Đức tin mở mắt tâm hồn làm cho chúng ta thấy được ý muốn của Thiên Chúa qua mọi hoàn cảnh. Khi động đất xảy ra, đức tin mở mắt tâm hồn để chúng ta biết giờ Thiên Chúa sắp đến để mà hối cải, khi ôn dịch đã xảy ra, đức tin mở mắt tâm hồn để chúng ta biết được ngày giờ của Thiên Chúa sắp đến; khi chiến tranh liên tục dồn dập xảy đến nơi này nơi nọ, đức tin dạy chúng ta biết Thiên Chúa đang tính từng ngày từng giờ sự tồn tại của thế gian này và của mỗi người chúng ta.

Và những gì ngoài ý muốn xảy đến cho chúng ta trong cuộc sống, thì đức tin đã dạy chúng ta biết nhìn ra thánh ý của Thiên Chúa đối với mỗi một người.

Có những lúc đức tin của chúng ta nhận ra được ý của Thiên Chúa và lương tâm đánh động chúng ta, nhưng vì mãi mê trong những đam mê trần thế mà chúng ta phớt lờ ý của Ngài; có những lúc ý Thiên Chúa rất rõ ràng và tiếng lương tâm thúc giục chúng ta thực hành ý Thiên Chúa, từ bỏ những gì không phải là của Ngài để trở nên người con thảo của Ngài, nhưng vì danh lợi, vì những lợi ích cá nhân mà chúng ta bịt tai bịt mắt không nghe không thấy ý của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Bạn thân mến,

Năm phụng vụ của Giáo Hội sắp kết thúc, cũng có nghĩa là cuộc sống của chúng ta bị rút ngắn lại, sự tồn tại của thế gian cũng ngắn lại từng ngày, và ngày quang lâm vinh quang của Đức Chúa Giê-su sắp đến, Giáo Hội mời gọi chúng ta tin tưởng vào Lời Chúa giữ vững đức tin của mình cách kiên trì, cho dù có rất nhiều cám dỗ xảy đến cho chúng ta, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã hứa: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21, 19).

Gợi ý:

1. Năm phụng vụ sắp kết thúc, tôi đã sửa được một khuyết điểm nào chưa ?

2. Có lúc nào tôi nghĩ đến ngày cuối cùng của mình để sám hối chưa ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 33 Mùa Thường Niên 17/11/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
23:29 15/11/2019
Bài Ðọc I: Ml 4, 1-2a

"Các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho".

Trích sách Tiên tri Malakhi.

"Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 5-6. 7-8. 9

Ðáp: Chúa ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực (x. c. 9).

Xướng: Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua.

Xướng: Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót.

Xướng: Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực.

Bài Ðọc II: 2 Tx 3, 7-12

"Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thế nào, bởi vì chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: "Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn". Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Ðối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 24, 42a và 44

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 5-19

"Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời giờ đã gần đến'. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha gửi tin nhắn video đến Thái Lan trước chuyến tông du.
Thanh Quảng sdb
19:10 15/11/2019
Đức Thánh Cha gửi tin nhắn video đến Thái Lan trước chuyến tông du.

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chào thăm đến mọi người dân Thái trước chuyến viếng thăm của ngài tới đất nước này từ ngày 20 đến 23 tháng 11.

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng trên thế giới có quá nhiều bất chia rẽ, nhưng Thái Lan luôn thể hiện được những cam kết làm việc liên nỉ để xây dựng sự hòa hợp và kiến tạo một sự chung sống hòa bình.
ĐTC nói, cam kết này là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người trên thế giới đang nỗ lực hoạt động xây dựng sự phát triển không ngừng cho gia đình nhân loại chúng ta trong tình đoàn kết, công lý và chung sống hòa bình.
Những lời này được ghi trong một đoạn video gửi cho người dân Thái. Đất nước đang chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du thứ 32 của ngài, trước khi ngài đến Nhật Bản.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay trong chuyến tông du này, ngài sẽ có cơ hội gặp gỡ và khích lệ cộng đồng Công Giáo Thái Lan làm thăng tiến đức tin và hăng say đóng góp công sức mình cho xã hội.

ĐTC cũng hy vọng sự hiện diện của ngài sẽ củng cố mối quan hệ hữu nghị của Giáo hội với anh chị em Phật tử mà đại đa số 93% dân Thái theo đạo Phật.

Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng chuyến thăm của ngài sẽ giúp làm nổi bật tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn, giúp hiểu biết lẫn nhau và hợp tác huynh đệ.

Đặc biệt, ngài mong tiếp tục nỗ lực phục vụ cho những người nghèo và xây dựng hòa bình. Ở vào một thời điểm mà ĐTC cho biết chúng ta cần phải làm việc nhiều hơn cho hòa bình.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cám ơn nhân dân Thái về tất cả những chuẩn bị đang diễn ra cho chuyến viếng thăm của ngài và ngài đoan hứa nhớ tới họ trong tâm tình cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho nhân dân tộc Thái Lan.
 
Anh cảnh sát trẻ tuổi thoát chết nhờ phép màu là cuốn Kinh Thánh.
Trầm Hương Thơ
21:37 15/11/2019
Anh cảnh sát trẻ tuổi thoát chết nhờ "phép màu" là cuốn Kinh Thánh.

Một anh sĩ quan cảnh sát trẻ sống sót sau cuộc tấn công bằng súng có thể đã chết nếu không nhờ có cuốn kinh thánh nhỏ trong túi áo ở ngực trái thì có lẽ viên đạn đã xuyên thủng tim anh. Vâng, viên đạn định mệnh đó đã bị mắc kẹt và cuối cùng nằm gọn trong một cuốn Kinh Thánh nhỏ nơi ngực áo anh.

Truyền thông địa phương hôm qua (thứ năm) đã loan tin rằng: Một quan chức cảnh sát trẻ và các đồng nghiệp của ông đã cố gắng "lập lại trật tự" tại thành phố Yapacani (vùng Santa Cruz) sau cuộc khủng hoảng chính phủ đang diễn ra tại Bolivia.

Tiếng súng nổ vang trong từ một đám đông đã bắn ra, truyền thông tường thuật rằng: những người ủng hộ Tổng thống Evo Morales người đã từ chức và chạy trốn sang Mexico. Một viên đạn dài 9 milimet đã xuyên qua áo và kẹt lại nơi cuốn kinh thánh nhỏ trong túi ngực trái của anh ta mặc. Chính anh ta cũng bàng hoàng và nói đây là một "phép lạ". Theo nhà chức trách cho biết có 30 người đã bị bắt trong khi cảnh sát cố giữ ổn định trật tự cho hôm đó.

Morales tặng ĐGH cây Thánh Giá lấy hình Búa Liềm của cộng sản
Ông Morales đã từ chức Tổng thống Bolivia và bỏ trốn sang Mexico sau các cuộc biểu tình về việc bê bối đầy tranh cãi trong cuộc bầu cử hôm 20.10 được cho là gian lận vừa qua. Các cuộc biểu tình ngày càng trở nên mạnh mẽ và có nguy cơ bùng nổ bạo lực đảo chánh khi người chỉ huy quân đội tuyên bố không ủng hộ ông Morales nữa.

Vào tối thứ Hai ông thấy tình hình không ổn nên lên máy bay tới Mexico lánh nạn. Ông nói lời tạm biệt với đồng bào của mình và thông báo rằng ông sẽ trở lại. Từ nơi lưu vong ông đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô giúp đở để hòa giải trong cuộc xung đột chính trị ở Bolivia. Ngoài Giáo Hội Công Giáo ra qua Twitter vào thứ năm (giờ địa phương) ông cũng còn gọi đến Liên Hiệp Quốc và các nước Âu Châu để xin đồng hành cùng giúp đỡ để đối thoại cho một cuộc bình ổn của Bolivia.

(Xin được nhắc thêm: Morales 60 tuổi bỏ trốn sang Mexico chính là kẻ đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cây Thánh Giá quái đản mang hình dáng búa liềm cộng sản.)


Nguồn: https://www.katholisch.de/artikel/23598-bibel-faengt-kugel-ab-polizist-ueberlebt?
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bài Phỏng Vấn Đức Tổng Giám Mục Tân Cử Tổng Giáo Phận Sàigòn
Trương Trí
08:30 15/11/2019
Bài Phỏng Vấn Đức Tổng Giám Mục Tân Cử Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh

Ngay sau khi vừa nhận được tin Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Giuse Nguyễn Năng-Giám mục Giáo phận Phát Diệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Phóng viên Vietcatholic lập tức liên hệ với ngài để phỏng vấn. Tuy nhiên do hết sức bề bộn công việc nên ngài hưa sẽ trả lời, và đến hôm nay dù muộn nhưng ngài đã dành thời gian để trả lời phỏng vấn cho Thông tấn xã Công Giáo Vietcatholic. Chúng con xin trân trọng cảm ơn Đức Cha.

Vietcatholic: Xin Đức Tổng chia sẻ cảm nhận của Đức Tổng khi đón nhận tin vui này?

Đức Tân Tổng Giám mục Giuse: Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được Đức Thánh Cha trao cho một sứ vụ quan trọng như thế này. Khi Toà Thánh hỏi ý kiến, tôi đã trả lời : là giám mục, tôi không có chọn lựa nào khác ngoài sự vâng phục Đức Thánh Cha. Khi được Thiên Chúa mời gọi làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ chỉ biết xin vâng và hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa. Cũng vậy, tôi xin vâng thánh ý nhiệm mầu của Chúa và giao phó đường đời cho Chúa dẫn dắt. Về phần mình, chỉ xin được ngoan ngoãn vâng theo Chúa Thánh Thần.

Vietcatholic: Khẩu hiệu của Đức Tổng là “Hiệp thông và Phục vụ”. Đường hướng mục vụ của Đức Tổng khi nhậm chức vụ mới?

ĐTGM: “Hiệp thông và phục vụ” không phải chỉ là sự chọn lựa của cá nhân, hay chỉ giới hạn cho môi trường Phát Diệm, mà chính là đường hướng đã được Công đồng Vaticanô II đề ra cho toàn thể Hội Thánh. Vì thế, tôi ao ước dân Chúa tại Sài Gòn sống hiệp thông sâu xa với Chúa Ba Ngôi nhờ đời sống cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, lắng nghe Lời Chúa để từng ngày nên thánh, đồng thời kiến tạo sự hiệp thông giữa các chi thể đa dạng trong Thân Thể của Đức Kitô, rồi từ đó trổ sinh hoa trái qua sự phục vụ con người và xã hội. Không có sự hiệp thông, việc phục vụ sẽ tạo ra nhiều vấn đề phức tạp, và ngược lại, hiệp thông không phục vụ là một cuộc sống ích kỷ, cằn cỗi và khô héo dần.

Vietcatholic: Đức Tổng đã 10 năm làm Giám mục Giáo phận Phát Diệm, nay với cương vị Tổng Giám mục một Tổng Giáo phận lớn, Đức Tổng có trăn trở gì?

ĐTGM: Cần có thời gian để hiểu được thực tế và nhu cầu mục vụ của Tổng giáo phận. 10 năm làm Giám mục là một kinh nghiệm rất quí, nhưng môi trường của Sài Gòn rất khác Phát Diệm. Trước mắt, ai cũng thấy Tổng giáo phận có nguồn lực nhân sự phong phú và đa dạng, làm sao có thể phát huy tiềm năng lớn lao này để phục vụ Hội Thánh và công cuộc Phúc m hoá. Cuộc sống tại thành phố lớn với sự phát triển kinh tế và với những tiện nghi của văn minh hiện đại đang tác động rất mạnh và lôi kéo nhiều người vào lối sống hưởng thụ, chạy theo vật chất mà coi nhẹ các giá trị tinh thần, lương tâm đạo đức, công bằng xã hội. Rồi hiện tượng di dân, -khoảng 5 triệu người từ các miền đất nước đến làm việc và học tập-, vừa góp phần tích cực cho sự phát triển của xã hội và Hội Thánh, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều hệ luỵ đau thương cho các cá nhân, gia đình và xã hội. Bên cạnh những người giàu có, rất giàu có, còn biết bao người nghèo khổ và bị loại trừ. Đó là những vấn đề lớn đặt ra cho sứ vụ của Hội Thánh.

Vietcatholic: Người đời thường nói: “Càng cao danh vọng càng đầy gian nan”. Đối với xã hội thì chức vụ càng cao danh vọng càng nhiều. Nhưng đối với Giáo hội thì thật sự chức vụ càng cao thì không phải danh vọng càng nhiều mà gánh nặng càng nhiều. Đức Tổng chắc chắn cũng đã cảm nhận được gian nan phía trước?

ĐTGM: Đối với người môn đệ của Đức Kitô, nhận lãnh một trách nhiệm quan trọng không phải là đi lên, mà chính là đi xuống làm người phục vụ. Chúa không hứa vinh quang sung sướng, trái lại, Chúa báo trước những thánh giá. Tuy nhiên chúng ta trông cậy vào Chúa Thánh Thần, chúng ta tin vào sự tốt lành của dân Chúa. Ở đâu chả có niềm vui và gánh nặng. Người ta tạo nên gánh nặng cho nhau khi không đi theo lối sống Phúc m mà chỉ hành động theo ý riêng. Nhưng dù cuộc đời có chua như chanh, ta hãy bỏ vào đó chút đường của tình yêu thương để làm nên ly chanh đường hấp dẫn.

Vietcatholic: Xin Đức Tổng chia sẻ đôi nét về Phúc Nhạc, quê hương của Đức Tổng và cũng là quê hương của Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành?

ĐTGM: Phúc Nhạc là giáo xứ được thành lập thứ hai của giáo phận Phát Diệm, năm 1790. Ngay từ 1846, số tín hữu trong miền đã lên tới hơn 10.000, sau đó được tách ra thành nhiều giáo xứ khác. Nơi đây có Tiểu chủng viện thánh Phaolô được thành lập từ năm 1867, là nơi đào tạo biết bao thế hệ linh mục cho giáo phận. Nhiều linh mục đang làm việc ở nước ngoài hoặc miền Nam đã xuất thân từ mái trường Tiểu chủng viện thân thương này. Đặc biệt nơi đây được in dấu cuộc đời của hai Thánh Tử đạo : Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, là linh mục chính xứ Phúc Nhạc từ năm 1831 và được phúc tử đạo năm 1840 ; đồng thời với ngài có vị Thánh Nữ Tử đạo duy nhất của Việt Nam là Anê Lê Thị Thành, người gốc Thanh Hóa nhưng lập gia đình và sống tại Phúc Nhạc, tử đạo năm 1841. Sau cuộc di cư năm 1954, nhiều tín hữu đến định cư tại miền Gia Kiệm, Đồng Nai, và thành lập giáo xứ mới với tên gọi gốc của mình là Phúc Nhạc. Chính trong môi trường đạo đức của giáo xứ, các tín hữu được nuôi dưỡng trong đức tin, và cũng đã có rất nhiều linh mục tu sĩ xuất thân từ đây.

Vietcatholic: Xin Đức Tổng chia sẻ đôi lời với Ban Biên tập và độc giả Thông tấn xã Công Giáo Vietcatholic.

ĐTGM: Xin cám ơn Vietcatholic đã cung cấp thông tin phong phú để giúp các Kitô hữu hiệp thông với Hội Thánh toàn cầu. Nhờ nhịp cầu thông tin, các tín hữu có thể sống Phúc m và thực thi sứ mạng phù hợp với bối cảnh thế giới hôm nay. Trong thời đại của kỹ thuật số và nối mạng toàn cầu, người tín hữu cần nhận định sáng suốt để lắng nghe tiếng nói của sự thật và đừng để mình bị chi phối bởi các fake news tràn ngập đang tấn công dồn dập lương tâm con người.

Xin trân trọng cảm ơn Đức Tổng và kính chúc Đức Tổng luôn đầy tràn sức khỏe và ân sủng Chúa Thánh thần để hoàn thành sứ vụ mới.

Trương Trí thực hiện
 
Đêm gây quỹ hổ trợ Giáo Phận Ban Mê Thuột tại Melbourne
Trần Văn Minh
15:14 15/11/2019
Với một buổi chiều trời đẹp, vào lúc 18 giờ 30 Thứ Sáu 15/11/2019. Tại Happy Receptions vùng Tottenham, Melbourne. Ban Mục Vụ Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Melbourne đã tổ chức buổi gây quỹ để hổ trợ Giáo Phận Ban Mê Thuột trong mục đích truyền giáo. Mang chủ đề: Vòng Tay Nhân Ái.
Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản và ban tổ chức

Xem hình

Trong phần khai mạc đêm gây quỹ hổ trợ Giáo Phận Ban Mê Thuột chủ đề đêm Vòng Tay Nhân Ái của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Melbourne. Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản đã nói lý do Ngài có mặt trong đêm nay và tại bữa tiệc này, là do chương trình Vòng Tay Nhân Ái của Úc Châu tại ba thành phố Sydney, Melbourne và Perth đã tuyển chọn Giáo Phận Ban Mê Thuột để hổ trợ giúp đỡ cho công cuộc truyền giáo. Theo phương châm: Mục Vụ Truyền Giáo- Giáo dục & Bác ái cho người Dân Tộc Thiểu Số. Dịp này, giáo phận cũng có một món quà nhỏ để tặng cho khách tham dự là khoen đeo chìa khóa với trái bầu nhỏ có khắc GP Ban Mê Thuột Thanks You.

Đứng trong sảnh đường, Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Bản trong bộ áo giám mục mang sắc thái Tây Nguyên Việt Nam, đã vui vẻ đón chào mọi người đến tham dự đêm tiệc gây quỹ và chụp hình kỷ niệm, trước khi vào bàn tiệc. Sau đó, Ngài đã đi đến từng bàn để chào hỏi thăm mọi người thật thân tình. Những bức ảnh là tặng vật sau khi có người thỉnh xong, Đức Cha cũng tự tay ghi và ký tên trao cho người được nhận.

Với mục đích thật tốt đẹp, trong nhà hàng rộng lớn, thực khách đã ngồi kín các bàn, được sự hưởng ứng của quý cha tuyên úy, quý cha, quý tu sỹ nam nữ Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne về dự. Sau lời chào mừng của ông Trần Ngọc Cẩn trưởng ban mục vụ cộng đồng, trong phần văn nghệ, đặc biệt, Đức Cha cũng đã góp tiếng hát của mình vào cho chương trình văn nghệ bằng chính tác phẩm của Đức Cha viết về mẹ mình. Tiếp theo là những tiếng hát của các ca đoàn Don Bosco và Phanxico, các nhóm vũ của Cộng đoàn Monica, Nổi bật là Nhóm múa Thiên Nga với phần phụ diễn của hai bác Các trong y phục Tây Nguyên thật đặc sắc với hai bài Chiều lên bản Thượng và Cô Giáo bản em. Riêng hai bác trong y phục Tây nguyên đã biểu diễn sáo Mèo và đàn T’rưng

Qua lời giới thiệu của Đức Cha Giáo phận Ban Mê Thuột. Giáo phận theo thống kê Năm 2017:
Có diện tích: 24.474,85 Km2
Dân số: 2.954.111 người
Công Giáo: 434.722 người
Giáo xứ: 100
Ban tổ chức cũng cho trình chiếu một số phim tài liệu nói về lịch sử giáo phận từ thời sơ khai, khi các nhà truyền giáo đặt chân lên vùng đất này để có những giáo phận Đàng Trong, Đàng Ngoài trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam.

Đây là giáo phân nghèo, thiếu thốn về cơ sở vật chất, cả về nơi thờ phượng và giáo dục, cần sự giúp đỡ trong cả hai vấn đề truyền giáo và bác ái. Rất cần sự hổ trợ của mọi người có lòng quảng đại. Đức Cha cũng nói: Ngài coi mọi người đang sống tại nước ngoài là một hậu phương lớn và vững chắc, để những nơi khó khăn khắp nơi được hổ trợ, vì họ như những chiến sỹ ngoài tiền tuyến trong lãnh vực hoạt động truyền giáo.

Qua cuộc đấu giá tặng vật rất thành công, kết thúc bằng cuộc xổ số trúng thưởng. Theo ban tổ chức công bố, kết quả chưa trừ các chi phí tổ chức và ăn uống. Số tiền tổng thu chưa trừ chi phí là AUD 101, 325.00. Số tiền tuy không lớn với một giáo phận nghèo, với rất nhiều việc phải làm, nhưng đã nói lên tình tương thân, tương ái, để cùng nhau đưa tay nối “Vòng tay nhận ái” mỗi ngày một rộng thêm, lớn hơn, như tên gọi của chủ đề đêm gây quỹ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sống can đảm kiên trì
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:52 15/11/2019
Sống can đảm kiên trì

Ngày nay khi sang hành hương bên đất thánh, các đòan khách hành hương thường dừng chân ở khu sườn núi Cây Dầu rồi đưa hướng tầm nhìn vượt qua thung lũng Kidron thẳng sang núi Đền thờ, sang khu thành cổ Jerusalem. Toàn cảnh đền thờ Jerusalem hiện rõ ra trước mắt với vòm đền thờ vàng chói sáng nổi rõ lên nguy nga rất đẹp.

Chính tại nơi đây ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm Chúa Giêsu Kitô đã cùng các Tông Đồ trò truyện nhìn sang khu ̣ền thờ tráng lệ và Người nói tiên tri về cảnh sự sụp đổ của đền thờ Jerusalem cùng những điềm báo trước về những tai họa ngày sau cùng sẽ xẩy đến. ( Phúc âm Luca 21, 5-19.)

Năm 1881 các Tu sĩ Dòng Phanxico đã đến nơi này thiết lập con đường rước lá tiến về thành Jerusalem vượt qua thung lũng Kidron cho tới Đền thờ mộ Chúa chết và sống lại, để kỷ niệm nhớ lại biến cố ngày xưa Chúa Giesu đã cỡi con lừa còn non trẻ tiến vào thành Jerusalem, mà bây giờ Giáo Hội Công Giáo cử hành vào ngày Chúa Nhật lễ Lá hằng năm.

Năm 1955 các Tu sĩ Dòng Phanxico đã xây dựng một ngôi đền thờ ngay nơi núi Cây Dầu này có tên Dominus Flevit - Đền thờ Chúa khóc - để nhớ lại ngày xưa Chúa Giesu ngày xưa đã đứng nơi đây nhìn sang đền thờ Jerusalem và khóc thương thành thánh ( Luca 19,41-44)). Vì Ngài thấy đền thờ tuy nguy nga bề thế vững chắc, nhưng sẽ bị phá hủy. Vì thế đền thờ Dominus flevit bây giờ được xây dựng thiết kế theo hình vòm tròn vươn lên trời cao có hình dạng như một gịot nước mắt chẩy nhỏ xuống.

Hình ảnh ngày xưa Chúa Giêsu nói báo trước cảnh tượng hoang tàn đổ nát của đền thờ Jerusalem bị phá hủy có ngụ ý nói về đời sống con người. Đời sống con người càng thêm tuổi năm tháng, càng gìa yếu đi. Không có gì sẽ còn tồn tại nơi đời sống con người chúng ta, như đã là. Suốt dọc đời sống con là một chuỗi dài những thay đổi. Không phải luôn luôn đời sống chúng ta đều diễn ra vuông tròn suông sẻ.

Có những giai đoạn lúc khoẻ mạnh, giai đoạn yếu đau bệnh nạn, hay có những người qua đời sớm lúc còn trẻ, còn đang tuổi thanh xuân. Có những giai đoạn tâm trí tỉnh táo, phân biệt rõ ràng, trí nhớ minh mẫn nhưng cũng có giai đoạn sống trong hoang mang hồ nghi hay quên và không còn có thể phân biệt được….

Niềm hy vọng vào những mơ ước bung nổ tung bay như những chiếc bong bóng bọt xàphòng tan bay trong không khí. Con người có những suy nghĩ dự phóng hoạch định đề ra chương trình. Nhưng nó lại xảy đến hoàn toàn khác. Chúng ta phải rút ra từ đó bài học nhìn nhận ra rằng, đời sống con người có giới hạn giòn mỏng dễ bị tan vỡ. Điều này thuộc về đời sống con người.

Chúa Giêsu biết đời sống con người như thế, và Ngài cũng biết con người chúng ta khi vướng gặp hoàn cảnh như vậy dễ bị ảnh hưởng làm mất can đảm kiên trì, cùng dễ rơi vào cảnh hồ nghi mất niềm tin. Nên Ngài khơi dậy niềm hy vọng giúp con người cn đảm tiếp tục sống: Anh em đừng vì những dấu chỉ thiên tai kinh thiên động dù nhỏ hay to xảy ra mà mất bình tĩnh lâm vào hoảng sợ bối rối. Anh em hãy sống giữ bình tĩnh và đừng cố chấp, khi có những điều không xảy ra như anh em mong muốn dự định. Đừng hoảng sợ!

Anh em hãy biết rằng : „ dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng sẽ chẳng hư mất. Có kiên trì, Anh em mới giữ được mạng sống mình.“ ( Lc 21,18-19).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vàng Thu Trên Ngàn
Nguyễn Đức Cung
23:24 15/11/2019
VÀNG THU TRÊN NGÀN

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Thu về rực rỡ trên ngàn

Nắng êm se lạnh lá vàng như hoa

(nđc)